Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10c)

Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long

Chân dung phác họa vua Gia Long qua nét vẽ của một họa sĩ người Pháp. (Nguồn tài liệu thư viện Pháp)

Nguyễn Ngọc Lanh

1- Số bài sỉ nhục ông này

Số bài sỉ nhục vua Chiêu Thống đã nhiều, nhưng số bài kết án vua Gia Long còn nhiều gấp chục, hoặc trăm. Xin hỏi Google – là trọng tài đủ công bằng.

Tại sao?

– Tại vì vua Chiêu Thống chỉ bị đả kích từ lập trường dân tộc, yêu nước. Chiêu Thống xuất thân phong kiến, mắc tội rước phong kiến Tàu vào nước ta. Chung quy vẫn chỉ là phong kiến. Tội chỉ đến vậy.

– Trái lại, vua Gia Long, ngoài lập trường yêu nước, còn bị phê phán cả bằng lập trường đấu tranh giai cấp, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê. Đối ngoại, vị vua này rước chủ nghĩa tư bản (Pháp) về; còn đối nội, “tên phản động” này dám chống cả vị vua “cách mạng” Quang Trung… Thử hỏi: Tội để đâu cho hết?

Dưới quan điểm đấu tranh giai cấp thì… vua Quang Trung cách mạng ngần nào, vua Gia Long cũng phản động ngần ấy.

Các nhà sử học Mác-xít nước ta coi việc mạt sát Gia Long và tâng bốc Quang Trung là võ đài để thi thố tài năng vận dụng lập trường giai cấp. Đây là nguyên nhân số 1 khiến số bài về Gia Long nhiều gấp bội số bài về Chiêu Thống.

2- Gia Long bị đích thân cụ Hồ kết tội, hết cựa quậy

Trong bài thơ Lịch Sử nước ta (1942), đoạn nói về Gia Long, cụ Hồ viết:

Gia Long lại dấy can qua,
Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.
Tự mình đã chẳng có tài,
Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.
Nay ta mất nước thế này,
Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,
Khác gì cõng rắn cắn gà,
Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si.

Nhờ đọc câu đầu ờ đoạn trên (Gia Long lại dấy can qua), mới thấy chính Gia Long đích thực là thủ phạm gây nội chiến. Gây chiến từ lúc mới 14 tuổi đầu, kinh chưa? Còn Tây Sơn không gây nội chiến, mà chỉ “gây khởi nghĩa” và “gây phong trào” – như sách giáo khoa viết cho các cháu học sinh cấp II mà thôi. Mời quý vị thử hỏi google bằng 3 từ khóa “phong trào Tây Sơn”, “khởi nghĩa Tây Sơn” và “lật đổ nhà Nguyễn”, coi thử được trả lời ra sao. Thú vị ra phết đấy ạ.

Dẫu sao, đoạn thơ trên khiến Gia Long sẽ bị kết tội rất nặng, nặng nhất trong số sáu vị Việt gian của nước ta. Vừa “cõng rắn”, lại vừa “rước voi”. Nếu phong trào “học bác Hồ” sống mãi, bài thơ cũng sống mãi, bản án Gia Long bán nước cũng tồn tại mãi mãi.

3- Chỉ là tài vặt?

Bài thơ trên khẳng định Gia Long (khi còn là chúa Nguyễn, chưa có ngôi vua) là bất tài. Đó là câu “tự mình đã chẳng có tài”. Thật ra, ông này vẫn có chút “tài vặt”, thể hiện bằng 20 năm chinh chiến, cuối cùng đã tiêu diệt Tây Sơn. Mà đây là khi Tây Sơn đã vững mạnh, đã chính thức có triều đình, có vua, có quân đội chính quy, có quyền huy động các nguồn lực của (phần lớn) đất nước và có quan hệ ngoại giao hữu hảo với Tàu. Do vậy, tên gọi chính thức trong lịch sử là nhà Tây Sơn, thậm chí triều đại Tây Sơn – dẫu chỉ kéo dài cả thảy có 14 năm.

Diệt xong nhà Tây Sơn (1802), chúa Nguyễn Ánh mới chính thức lên ngôi vua. Đó là vua Gia Long.

Chú thích. Thật ra, bài thơ Lịch Sử của cụ Hồ (1942) nhằm khơi dậy lòng yêu nước của người dân, khi cách mạng nước ta cần đánh Pháp, đuổi Nhật trước hết. Thơ được làm ở thể lục-bát rất thích hợp với trình độ dân ta thời trước (đa số còn mù chữ) vì dễ nhớ, dễ thuộc, dễ biểu diễn văn nghệ và dễ lan truyền. Điều Việt Minh muốn thực hiện lúc này là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, do vậy bài thơ rất có tác dụng. Đó là giá trị thật của bài thơ

4- Lần đầu tiên, được phép “đánh giá lại”

Năm 2008, lần đầu tiên kể từ sau 1945 (cách 60 năm), có một cuộc hội thảo khoa học về Lịch Sử, tại Thanh Hóa (lý do: đây quê gốc của tổ tiên nhà Nguyễn, nên được chính quyền địa phương hoan nghênh), nhan đề Đánh giá lại Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. Nội dung hội nghị là sự tích tụ kết quả nghiên cứu lẻ tẻ, trong 20 năm, về vương triều Nguyễn. Có được Hội Nghị này, là nhờ vai trò rất lớn của GS Phan Huy Lê và những người cộng tác.

Tại hội nghị, có nhiều báo cáo chứng minh rằng triều Nguyễn không phải là “rặt những tội, là tội”. Thậm chí, có báo cáo cho thấy Gia Long có công thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vị GS lão thành Văn Tạo (nguyên viện trưởng viện Sử Học, cao tuối nhất, uy danh nhất) đã “chốt” kết quả Hội Nghị này bằng 2 ý:

    – Tuy Gia Long cũng có công thống nhất đất nước (cùng Tây Sơn), nhưng…

    – Công Gia Long là nhờ “cắt đất cho Pháp” (!?) do vậy sẽ là mầm chia rẽ lâu dài. Còn công thống nhất của Tây Sơn là trên cơ sở diệt cả Trịnh, cả Nguyễn, khiến sự thống nhất bền vững.

Có lẽ, cần khắc vào bia đá những ý trên để hậu thế chiêm nghiệm những lời vàng ngọc, đậm tính lập trường.

Dẫu sao, kết quả lớn nhất, chung nhất của Hội Nghị này, là từ nay được phép nghiên cứu “đánh giá lại” triều Nguyễn.

Bài này xin lấy thời điểm Hội Nghị khoa học nói trên (2008) làm cái mốc. Có lý do. Xin nêu 2 ví dụ.

    Ví dụ 1, ngay sau Hội Nghị trên kết thúc, đã kịp thời xuất hiện một văn bản – có giá trị như một Tuyên Ngôn – cho thấy quan điểm chính thống về Gia Long và vương triều Nguyễn vẫn… kiên định. (Mong Admin đăng văn bản này để bạn đọc tham khảo, đặng hiểu hơn vì sao Gia Long chưa thể thôi kiếp Việt Gian.)

    Ví dụ 2, các bài nghiên cứu nghiêm túc xuất hiện sau năm 2008 ngày càng nhiều, càng vững, đầy ắp chứng cứ, khiến Lịch Sử triều Nguyễn thêm sáng tỏ. Gia Long chưa hề cắt đất cho Pháp. Câu “Từ Nam Quan tới Cà Mau” xuất hiện đời Gia Long”. Quốc hiệu VIỆT NAM cũng có từ thời đó tới nay. Khi Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược, Gia Long đã mất từ 40 năm trước… Khi Pháp chính thức xâm lược, triều đình Tự Đức không “chủ hòa”, mà “chủ chiến”, đã cắt cử những danh tướng xung trận. Thời đó, không riêng Việt Nam, mà mọi nước châu Á (trừ Nhật) đều thua chủ nghĩa tư bản…

5- Dù đã lên ngôi, Gia Long vẫn “nhỏ nhen”, “tàn bạo”?

Đây cũng là một cách lên án Gia Long. Sau năm 2008, xuất hiện một số bài loại này, Gia Long vẫn tiếp tục bị tố cáo, chủ yếu nhằm vào tư cách cá nhân. Đó là sự trả thù rất tàn nhẫn nhà Tây Sơn, cụ thể là gia đình vua Cảnh Thịnh (kế nghiệp vua Quang Trung). Thậm chí còn xâm phạm mồ mả các vị đã khuất, như Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc… Các tướng và những nhân vật phục vụ nhà Tây Sơn đều bị xử lý rất tàn khốc.

Xin đưa 2 bài làm ví dụ cách tố cáo mới:

    1 – Chuyện vua Gia Long trả thù nhà Tây Sơn qua lời kể giáo sĩ Pháp,

    2- Án xưa: Nguyễn Ánh và vụ trả thù tàn khốc

Lại còn có cả bài được viết như tiểu thuyết, rất giàu tưởng tượng:

Sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn

Những bài loại này cũng rất nên được tập trung vào một chuyên đề, trong nghiencuulichsu.com để bạn đọc có cái nhìn đa chiều và toàn diện về một thời kỳ lịch sử của đất nước.

Một bài trong loạt  Việt gian bán nước trong lịch sử (bài 6: tiếp) đã có những giải thích cơ bản: Xuất phát từ quan niệm nào mà có về sự trả thù khốc liệt này.

– Trước hết, thời xưa chuyện trả thù cả một dòng họ đã từng diễn ra nhiều lần. Không thể đem quan điểm thời nay phê phán thời xưa.  

– Còn trường hợp Gia Long trả thù, xin tóm tắt bài 6 nói trên (nếu bạn đọc không muốn đọc nguyên bản):

Các vị chúa Nguyễn sau khi mở mang đất nước, chết đi, đều được dân kính trọng, biết ơn, được yên nghỉ dưới lăng mộ. Họ không gây thù oán gì với bản thân Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cũng như với tất cả các thành viên trong gia tộc hai vị này. Nhưng đích thân Nguyễn Huệ sau khi chiếm được Phú Xuân (kinh đô) đã khai quật và đem hài cốt toàn bộ các chúa Nguyễn đổ xuống song cho mất tăm tích. Còn những vị chúa Nguyễn đang còn sống, đều bị Nguyễn Huệ giết hại, chỉ còn một vị (duy nhất) sống sót – sau bao phen chết hụt. Tóm lại, anh hùng Nguyễn Huệ đã diệt trừ quá khứ (xóa lăng mộ người đã chết) diệt trừ hiện tại (tận diệt các vị đang sống) và cố gằng tột độ để diệt nốt tương lai dòng dõi chúa Nguyễn. Nhưng người này sống sót. Đó chính là Nguyễn Ánh.

Chúng ta cứ dài dòng kể công “mở cõi” của vị chúa khởi thủy Nguyễn Hoàng, chứ nếu anh hùng Nguyễn Huệ tìm được mồ mả vị chúa này, ắt cũng khai quật tanh bành và tung hê di cốt cho hả lòng, hả dạ.

Mời xem hình dưới.

Chú thích

1- Có tư liệu nói chúa Nguyễn Hoàng cũng bị khai quật mồ mả. Nếu đúng vậy, Tây Sơn mắc tội “Trời không dung”. Vị chúa khởi đầu sự nghiệp Mở Nước được đánh giá công lao như sự nghiệp Dựng Nước của các vua Hùng. Xin hãy tưởng tượng: Một đám đông hè nhau đào mộ các vua Hùng, nhân danh “cách mạng”, “khởi nghĩa” (!)

2- Nguyễn Nhạc khi mới nổi dậy, lòng dân đang oán thán Trương Phúc Loan, do vậy vị này tôn phò Nguyễn Phúc Dương (số 10, hình trên) gả cả con gái cho. Khi thanh thế đã vững, Tây Sơn giết Phúc Dương.

*

*     *

Nếu bạn đọc cần tìm hiểu thật đầy đủ, ngọn ngành, sự trả thù tàn khốc của vua Gia Long ra sao (và vì sao) xin mời đọc bài dưới đây:

Vì sao vua Gia Long trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn?

6- Vua Gia Long làm Việt gian để tôn vinh vua Quang Trung

Đây là tên một bài đã được nghiencuulichsu đăng lên. Nhắc lại ở đây để cắt nghĩa vì sao số bài mạt sát Gia Long nhiều tới vậy. Cách vùi dập một bên để đề cao bên kia là cách làm đầy rẫy trong vô số trường hợp, rất cũ rích.

Dẫu sao, vùi dập hoặc đề cao vẫn cần có giới hạn, để người đọc khỏi nhận ra sự khiên cưỡng, vô lý. Nên coi người đọc là đã trưởng thành, không còn là học sinh cấp 2 nữa. Đi quá giới hạn sẽ thành lố bịch, kệch cỡm.

7- Cách đề cao Quang Trung và nhà Tây Sơn

Lá thư cầu phong của vua Quang Trung gửi vua Càn Long xin được phong làm An Nam Quốc Vương, lời lẽ tuyệt đối cung kính (theo nguyên văn). Không hiểu nền giáo dục của ta dạy học sinh ra sao, mà nhiều cháu nói năng rất hùng hổ, cứ như phen này vua Quang Trung của Việt Nam sẽ thôn tính Lưỡng Quảng có diện tích và số dân lớn hơn nước ta. Vị vua này mất sớm, các cháu tiếc ngẩn, tiếc ngơ – thể hiện rất rõ khi được phép comments ở cuối các bài liên quan.

Xin bỏ qua, khỏi đọc, những cách đề cao rất lố bịch, dường như muốn đầu độc nhiều thế hệ, dưới cái nhãn “tự hào”. Vun đắp lòng yêu nước (!)

Nay xin nói về những cách đề cao khác, rất mới mẻ, sản phẩm của ý thức hệ.

– Vua Quang Trung thắng 20 ngàn quân Xiêm chưa phải chiến công lừng lẫy. Từ xưa, Xiêm chỉ bắt nạt được Miên, nhưng từ khi chúa Nguyễn nắm được Miên, lập tức Xiêm nhượng bộ. Không cần gọi “nống” lên rằng “Xiêm xâm lược Việt” bị Quang Trung đánh tan.

– Nhưng vua Quang Trung thắng 200 ngàn quân Tàu (một nước rất mạnh) mới thật là chiến công hiển hách, chống xâm lược, lưu truyền đời đời. Sử sách chữ Hán dưới triều Nguyễn (dù thù địch với Tây Sơn) cũng như chữ quốc ngữ thời thuộc Pháp, vẫn công nhận. Tưởng thế là đủ? Nhưng mà không!

– Tới năm 1945, việc ca ngợi Tây Sơn chuyển sang giai đoạn mới. Đang là một phe (trong 3 phe) tham gia nội chiến, phe Tây Sơn được các nhà sử học Macxit xếp vào khái niệm “khởi nghĩa”, thậm chí “cách mạng”. Đó là phe bị trị, chống lại phe thống trị (!).

Cuốn sách có tên Cách Mạng Tây Sơn là một ví dụ, điển hình cả về nội dung và văn phong.

Cách mạng Tây Sơn – Văn Tân on July 09, 2016

Một ví dụ khác. Thời điểm đức vua Quang Trung đạt mức tột đỉnh vinh quang là năm 1789 (chiến thắng quân Thanh). Lúc đó, cụ Karl Marx chưa sinh ra, lại càng chưa có Tuyên Ngôn Cộng Sản. Do vậy chớ gán cho vua Quang Trung những phẩm chất “cách mạng”.

Thực tế, dưới thời vua Quang Trung nông dân cực khổ vì đủ thứ nghĩa vụ, mà một công trình nghiên cứu của người nước ngoài (đã dịch sang tiếng Việt) đã cho thấy. Chưa đủ, tác giả George Dutton – Giáo sư sử học người Mỹ – còn viết cả một quyển sách, nhan đề Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, trong đó các “cuộc nổi dậy” này được tác giả gọi nhất quán và đúng tên, là “nội chiến”. Dưới đây là vài dòng điểm (review) cuốn sách này.

Review sách: Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn   

https://websach.com/rv/ 78351786-sach-cuoc-noi-day-cua-nha-tay-son/

Sách “CUỘC NỔI DẬY CỦA NHÀ TÂY SƠN” – Là cái nhìn khác về cách mạng Tây Sơn, từ quan điểm của George Dutton – Giáo sư sử học người Mỹ.

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân.

Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ. Gần đây, cuộc nội chiến kéo dài 30 năm từ đầu thập niên 1770 đến đầu thập niên 1800 được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu, dựa vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ ràng, dứt khoát hơn.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này là The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton. Dutton đã dành phần lớn tác phẩm này để bàn về mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội phức tạp lúc bấy giờ, gồm có giới nông dân, người châu Âu tại Đại Việt, các sắc tộc thiểu số như người Hoa, người Chăm, người Khmer, đồng bào Thượng trên cao nguyên và cả những thành phần cư dân mà tác giả gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”.

Ông viết: “Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn” . Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của tác giả, song sự gợi mở của ông tạo nên sức sống mới cho sinh hoạt học thuật về thời kỳ này đã từ lâu đi theo những lối mòn.

8- Thành tựu của triều đại Tây Sơn

Gọi là triều đại, nhưng chỉ 14 năm, trong đó đức vua Quang Trung ở ngôi 3 năm thì năm đầu vẫn phải lo dẹp các thế lực chống đối. Kinh đô mới chưa xây xong, dân trải qua chiến tranh liên miên, khổ cực trăm điều. Còn vua Cảnh Thịnh đóng ở Bắc Hà, lòng dân chưa phục, chỉ lo tự vệ và… bỏ chạy, để tồn tại – mà vẫn không thoát.

Ấy thế mà các nhà sử học Marxist đã thi nhau vận dụng lý luận để triều đại này có vô số thành tựu. Tốt nhất, chúng ta trực tiếp đọc những gì đã được các vị viết ra. Và chớ quên tên tác giả.

Dưới đây là vài danh sách tham khảo.

   – Trước hết, hãy dùng cụm từ Thành tựu nhà Tây Sơn để tra google, chúng ta sẽ có kết quả không ai dám đoán trước. Kinh quá!

   – Té ra, chỉ có 14 năm (lo giữ ngôi không xong) mà triều đại này có những thành tựu vĩ đại, toàn diện, được tô vẽ rất công phu. Xin mời đọc.

Văn học đời tây sơn

https://zaidap.com/van-hoc-doi-tay-son-d282863.htm

Di sản văn học thời Tây Sơn

https://vov.gov.vn/di-san-van-hoc-thoi-tay-son-dtnew-371331?keyDevice=true

Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn

https://baobinhdinh.vn/643/2004/8/13848/

Mỹ thuật thời Tây Sơn

https://tailieu.vn/doc/my-thuat-thoi-tay-son-1246317.html

Kinh tế Đại Việt thời Tây Sơn

https://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_tế_Đại_Việt_thời_Tây_Sơn

Rồng thời Tây Sơn

https://123docz.net//document/3917919-dac-trung-motip-rong-thoi-tay-son-va-viec-giam-dinh-motip-rong-o-lang-ba-vanh.htm

9- Ý nghĩa phong trào Tây Sơn

Các bài nghiên cứu hoặc chính luận về Tây Sơn không thiếu. Bài nào cũng nêu ý nghĩa. Nếu muốn vắn tắt hơn, đỡ tốn thời gian hơn, xin tìm đọc sách giáo khoa về lịch sử Tây Sơn – viết cho các cháu lớp 7 (12 tuổi). Nhưng muốn đơn giản hơn nữa, có thể đọc các bài trong những trang giúp các cháu ôn thi (dạng Hỏi-Đáp). Các câu HỎI thể hiện nội dung cốt lõi của chương trình. Các câu ĐÁP có đầy đủ “ý nghĩa”.

Xin nêu một ví dụ. Một ý nghĩa của phong trào Tây Sơn – mà các cháu lớp 7 phải nhập tâm – là “Quân Tây Sơn đã lật đổ mọi chính quyền phong kiến đương thời (gồm Nguyễn, Trịnh và Lê). Chỉ cần suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy: Đây là thứ “ý nghĩa” vừa thiêng liêng, vừa khôi hài.

Đúng vậy. Lật đổ chế độ phong kiến là sứ mệnh của cuộc cách mạng tư sản, rất thiêng liêng. Một chế độ mới sẽ ra đời. Nền văn minh nông nghiệp sẽ được thay thế bằng nền văn minh công nghiệp. Nhưng ở nước ta, nó khôi hài ở chỗ: Tây Sơn bị gán cho sứ mạng lật đổ chế độ phong kiến, khi thành công, lại sinh ra cái gọi là “triều đại Tây Sơn” – nghĩa là vẫn đặc sệt phong kiến.

  1. Xin kết thúc bài này

– Trước hết, vì bài đã đủ dài

– Thứ hai, bài này nói về Việt gian Nguyễn Ánh – Gia Long, nhưng kể lể khá nhiều về anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung. Sự liên quan ở chỗ: Sử sách nước nhà đề cao Tây Sơn theo cách mới toanh (dùng lý luận đấu tranh giai cấp để chia 3 tập đoàn phong kiến trong cuộc nội chiến thành “giai cấp bị trị” chống lại “giai cấp thống trị”. Do vậy, đức vua Quang Trung như được công kênh lên trời xanh, giúp cho vua Gia Long tự động (bỗng dưng) tụt xuống đất đỏ.


Bài tiếp: 10d

Nói nốt về cụ Việt gian Ngô Đình Diệm, nhận danh hiệu khi còn đang sống

Loạt bài “Việt gian” :

One thought on “Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10c)

  1. Pingback: Cần giải nhiệm sứ mệnh lịch sử cho 3 vị Việt gian gần đây nhất | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s