Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10b)

Ba vị Việt gian bán nước sau 1945 (Thật sự, tội và “công” của họ đến đâu)

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật – Pháp. Ảnh : dangcongsan.vn

Nguyễn Ngọc Lanh

 Tại sao lấy mốc 1945 để chia các vị này thành 2 nhóm?

Có lý do. Bài trước đã nói qua, nay cần nói rõ hơn:

     – Năm 1945, bên Trung Quốc từ “Hán Gian“ lại rộ lên để gọi (một cách khinh ghét) những người cộng tác với phát xít Nhật khi chúng xâm lược Trung Quốc. Cũng lúc này, Việt Minh (yêu nước) lập ra Ban Trừ Gian, khuân từ này về, đổi thành Việt gian, để gọi những người bị Ban này giết. Nạn nhân không phải bọn “gian” (côn đồ, cướp bóc)… mà là những đối thủ chính trị, cũng yêu nước.

Ban đầu, Việt Minh sử dụng từ này, nhưng về sau các đối thủ cũng sử dụng.

Chú thích. Ví dụ về những nhân vật bị giết, bị phe đối lập gọi là “Việt gian”.

Cách Tra cứu: Nhấn nút Control (bàn phím) + trỏ chuột vào tên nhân vật (ở dưới).

Trần Đình Long

Trương Tử Anh

Lý Đông A

Bùi Quang Chiêu

Sau đó không lâu, từ này quen dùng tới mức chính thức nhảy vào các Từ Điển và được sử dụng cả trong những văn bản chính quy, cho tới tận hôm nay.

     – Do vậy, ngay trong năm 1945, cái từ “Việt Gian” đã rất đắc dụng để các Đảng, các Hội, các đoàn thể (đều yêu nước) dùng… mắng nhiếc lẫn nhau. Ví dụ, ba đoàn thể Việt Quốc, Việt Cách Việt Minh… đều chủ trương chống Nhật, chống Pháp, giành độc lập cho đất nước (nghĩa là đều yêu nước) nhưng vẫn xỉ vả nhau là “Việt gian”.

Chú thích. Nguyên nhân gọi nhau là Việt gian thì rất nhiều, chủ yếu là về chính trị và học thuyết. Nhưng nguyên nhân gốcthái độ đối với quyền tư hữu. Một bên bác bỏ quyền này; con bên kia lại tôn trọng nó. Đến nay, sau 80 năm, vẫn chưa biết bên nào Đúng, bên nào Sai. Do vậy, cho tới nay, sau 80 năm, vẫn chưa thể phân định bên nào thực sự là “Việt ngay”, bên nào đích xác là “Việt gian”… Thôi! Chúng ta đành để các cụ tiếp tục cãi nhau dưới cõi âm, rồi báo mộng kết quả cho trần thế.

     – Cũng từ năm 1945, các cá nhân mắc tội từ đời nảo, đời nào… kể cả từ khi quốc hiệu nước ta chưa có “Việt”, nhưng vẫn bị gọi là “Việt” gian.

     – Cuối cùng, từ năm 1945, số Việt gian tăng quá nhanh, đánh dấu một giai đoạn mới. Chỉ trong vòng vài chục năm mà Việt Gian cỡ “bán nước” đã nhiều bằng số này trong cả ngàn năm trước. Đã vậy, từ khi quốc hiệu nước ta thêm tính từ XHCN, thì… lại suýt có thêm một vị nữa. Thế là “phúc” hay “họa”?

1- Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống)

Chưa có danh hiệu Việt gian, ông này đã bị mọi phe, mọi phía chê bai

      a- Bị chê “hèn yếu, bất tài”. Khi Duy Kỳ được dự định lên ngôi, chúa Trịnh đã lấn át vua Lê đến mức tột đỉnh, chỉ còn cướp ngôi mà thôi. Ví dụ, Trịnh Sâm dám giết thái tử Duy Vĩ và bỏ tù cả gia đình ông, mà vua Lê không bênh nổi. Họ Trịnh ngày càng lộng hành, không cần che dấu dã tâm. Do vậy, khi Nguyễn Huệ ra Bắc (lần 1) với danh nghĩa “phù Lê, diệt Trịnh” rất được lòng dân.

Duy Kỳ lên ngôi (niên hiệu là Chiêu Thống), được chính Nguyễn Huệ tán thành, nhưng vua mới không có chút thực quyền nào, triều đình lèo tèo, công khố cạn kiệt, không biết dựa đâu. Cái vai trò “bù nhìn” là từ ông, cha truyền lại. Nhưng Chiêu Tống không chịu. Trong 2 năm làm vua, Chiêu Thống đã tìm mọi cách tái lập cơ đồ, nhưng liên tiếp thất bại. Mở kỳ thi, chọn nhân tài, nhưng không có tiền trả lương. Nhà vua hoàn toàn không có lực lượng quân sự. Chỉ riêng điều này đã bị đương thời và hậu thế chê là hèn yếu, bất tài…

      b- Bị chính quyền Quang Trung chê “thối nát”. Lần thứ hai, khi Nguyễn Huệ ra Bắc, nhưng lần này tự xưng Hoàng Đế; do vậy, kẻ “ngu” đến đâu cũng thấy trước nguy cơ triều Lê sẽ bị tiêu diệt tận gốc (nhưng nhiều người “khôn” thời nay lại không thấy). Kịp chạy trốn đã là giỏi và may. Gia đình Chiêu Thống bị truy đuổi tận cùng, thoát chết là nhờ qua được biên giới. Bản thân Chiêu Thống lưu lạc trong dân, chỉ lo Tây Sơn lùng bắt được.

Chiêu Thống thoát chết là thất bại của Quang Trung, Nay chỉ còn cáchNgười đầu tiên mạt sát Chiêu Thống và triều đình nhà Lê là “thối nát”, cần thay thế.

Nếu Quang Trung mạt sát Chiêu Thống “một” thì (sau 1 – 2 trăm năm) các công trinh nghiên cứu về ”Phong trào Tây Sơn”, “Cách mạng Tây Sơn” sẽ chửi bới Chiêu Thống gấp “mười, hoặc trăm”.

      c- Sử sách triều Nguyễn cũng chê. Các chúa Nguyễn suốt 200 năm vẫn tha thiết tự nhận mình là bề tôi trung thành của triều Lê. Nếu đây là lòng thành, thì khi Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn, lẽ ra phải tìm họ Lê để tôn vua chứ? Không đời nào! Do vậy, Sử triều Nguyễn cũng phải chê bai Chiêu Thống để cắt nghĩa: Nguyễn Ánh mới thật đáng ngôi thiên tử. Do vậy, tham khảo Lịch Sử viết dưới thời Nguyễn (ví dụ Cương Mục) cần lưu ý.

      d- Gia tộc họ Ngô. Sỹ phu Bắc Hà nói chung không cộng tác với Quang Trung, trừ cụ Ngô Thì Nhậm và vài người khác. Dẫu vậy, khi Chiêu Thống về lại kinh đô chỉ “xử” rất nhẹ với cụ Nhậm và những người khác. Nhưng dòng họ Ngô đã viết tiểu thuyết, nhiều chỗ xuyên tạc, để tự thanh minh. Mời bạn đọc tham khảo tác giả Nguyễn Duy Chính (dưới) để thấy những gì viết chưa đúng trong cuốn tiểu thuyết này. Sai lầm lớn nhất là nghiên cứu Lịch Sử (khoa học) lại dựa vào tiểu thuyết. Nhiều cuốn Sử (chữ quốc ngữ) đã mắc lỗi này.

      e- Tàu cũng chê. Tàu giúp Chiêu Thống nhưng không thành công, cũng tìm cách chê Chiêu Thống bất tài, hơn là tự nhận chính mình bất tài.

Năm 2022, học sinh cấp II vẫn được đọc bài mạt sát Chiêu Thống

Ví dụ bài Lê Chiêu Thống rước voi giày mả tổ, chết nhục nhã nơi xứ người 

https://danviet.vn/le-chieu-thong-ruoc-voi-giay-ma-to-chet-nhuc-nha-noi-xu-nguoi-20220729165335844.htm

Thứ sáu, ngày 29/07/2022 18:31 PM (GMT+7)

Tác giả: Nguyễn Thanh Điệp

 

Và dưới đây là câu hỏi (đưa lên mạng) để giúp các cháu ôn thi môn Lịch Sử

– Câu hỏi: Vua tôi Lê Chiêu Thống đã có hành động gì khi nghe tin quân Tây Sơn tiến đến nơi? Đánh giá về bọn vua tôi bán nước Lê Chiêu Thống?

https://baivan.net/content/vua-toi-le-chieu-thong-da-co-hanh-dong-gi-khi-nghe-tin-quan-tay-son-tien-den-noi-danh-gia-ve

– Câu trả lời:

– Khi có biến, Lê Chiêu Thống vội vã “chạy bán sống bán chết”, cướp cả thuyền dân để qua sông, luôn mấy ngày không ăn, may có người thương tình đón về cho ăn và chỉ đường cho chạy trốn.

– Đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, vua tôi chỉ còn biết nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt

– Sang Trung Quốc, vua phải cạo đầu, tết tóc, ăn mặc giống người Mãn Thanh và cuối cùng gửi gắm xương tàn nơi đất khách

Đó là số phận tất yếu cho một người đứng đầu đất nước nhưng lại bán nước hại dân.

Vì sao Chiêu Thống được phong “Việt gian” và giữ danh hiệu lâu dài?

Trước 1945, các sách Lịch Sử (cả chữ Hán, và chữ Quốc Ngữ) chưa kết tội Lê Chiêu Thống. Cái từ “Việt gian” khi đó còn quá xa lạ. Đánh giá vị vua này, cả sách, cả dư luận, đều công bằng: Thương hại, thông cảm. Câu trả lời của Lê Quýnh được Lịch Sử thời xưa ghi lại trang trọng, nói lên khí tiết, còn truyền tới nay. Còn bài học Lịch Sử rút ra: hãy cảnh giác với Tàu.

Chỉ từ 1945 về sau, mới có phong trào chửi bới Chiêu Thống.

Nhắc lại: Năm 1945, Việt Minh có công đưa từ “Hán gian” nhập nội và đổi thành “Việt gian” để gọi những tổ chức cách mạng, yêu nước (từ bên Tàu về), nhưng không cùng ý thức hệ. Dần dần, các tổ chức đối kháng cũng đáp lại tương xứng. Họ gọi cả cụ Hồ là “bán nước” khi Cụ ký Hiệp Định ngày 6-3 (Six Mars) với Pháp – được Trần Văn Giàu khen là “hiệp định Mác-Xít” – nhưng chính cụ Hồ vẫn phải tự thanh minh.

Rốt cuộc, Việt Minh thắng, nhờ có tiếng tăm của cụ Nguyễn Ái Quốc, nhất là nhờ có gốc rễ sâu rộng trong dân. Các tổ chức đối kháng đành quay lại Tàu để tránh bị tiêu diệt. Rất kịp thời, việc “bỏ chạy” này lập tức được ví như hành động “bỏ chạy” của Lê Chiêu Thống. Thế là Chiêu Thống được lôi ra từ quá khứ, được phong và giữ vững danh hiệu rất lâu. Thời ấy, Trần Ích Tắc cũng được phong, nhưng hình ảnh vị này đã lùi quá xa vào quá khứ, còn hành vi và thân phận của Trần Ích Tắc cũng không phù hợp để được sử dụng mắng mỏ đám Việt Quốc, Việt Cách. 

Các nghiên cứu về Tây Sơn liên quan Lê Chiêu Thống

Có nhiều bài nghiên cứu khoa học về đề tài này. Danh tiếng của tác giả phụ thuộc vào sự phát hiện cái mới và tính khách quan của công trình. Tác giả cố tránh vụ lợi bằng chính trị hóa đề tài. Do vậy, trước hết đó là những công trình thực hiện ở các cơ quan khoa học uy tín, đăng ở các tạp chí khoa học nổi tiếng về học thuật – hầu hết ở nước ngoài. Nhiều bài đã được giới thiệu ở nghiencuulichsu. Mặt khác, nhiều tác giả nghiên cứu trong nước cũng là những nhà khoa học, cũng cố gắng để có những công trích khách quan và khoa học. Nhiều người gửi bài cho nghiencuulichsu.com. Ví dụ, bài của tác giả Nguyễn Duy Chính (sẽ nói ở dưới).

Tiện đây, xin nêu một hiện tượng thú vị.

Bạn đọc, sau khi đọc xong một bài, nếu thấy cần, có thể viết bàn luận ở cuối bài. Rất dễ chia họ làm hai loại, dựa vào thái độ thể hiện ở cách viết:

   – Loại muốn tìm hiểu vấn đề: Đã đọc kỹ bài, dù tán thành hay phản đối đều phân tích rõ ràng, thái độ khách quan, cầu thị.

   – Loại thấm nhuần sách giáo khoa: Không thể công nhận bất cứ điều gì trong bài, nếu trái với sách mà họ đã tiếp thu (có lẽ, từ thuở quàng khăn đỏ). Nếu tính ra, nay có những vị U80 nhưng nhận thức vẫn rất trẻ trung. Lẽ ra, các vị này nên có sân chơi riêng.

 

Nghiên cứu sâu về Lê Chiêu Thống

Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính có lợi thế mà các nhà sử học trước đó chưa thể có được. Đó là tiếp cận nguyên bản các tư liệu từ thời nhà Thanh, liên quan tới đề tài Tây Sơn, được lưu trữ lại. Tất cả, đều viết bằng chữ hán (tất nhiên). Muốn có chúng, phải tốn công thu thập, sưu tầm. Hàng loạt sách về Tây Sơn đã được tác giá xuất bản. Riêng một bài dài, rất chuyên đề, về Lê Chiêu Thống, đầy ắp tư liệu, bổ sung nhiều sự kiện và cải chính nhiều sự kiện khác… được tác giả gửi đăng ở nghiencuulichsu đã nói lên sự tín nhiệm trang này.

Bài dài, rất nhiều tư liệu tham khảo, bạn đọc có thể truy cập. Những tư liệu chữ Hán được đưa nguyên bản, phiên âm cách đọc và dịch nghĩa.

Bạn đọc nào thật sự cần thiết, xin mời đọc lại:

Lê Chiêu Thống đáng thương hay đáng trách?

https://nghiencuulichsu.com/2013/06/11/le-chieu-thong-dang-thuong-hay-dang-trach/

“Công” của Lê Chiêu Thống”

Đây là đề tài để bạn đọc bàn tán mua vui.

Nếu ông vua này không có công với dân, với nước, thì vẫn có “công” với Việt Minh (yêu nước). Việt Minh sử dụng tên tuổi và hình ảnh ông để mắng mỏ những người thuộc đoàn thể khác, không cùng ý thức hệ (nhưng cũng yêu nước). Tới hôm nay (2020) nếu Việt Quốc và Việt Cách đã lùi rất sâu vào quá khứ, tức là ông vua này đã hết vai trò, cũng nên miễn nhiệm cho ông.

Đáng lẽ, nên làm đúng lúc, nay đã quá muộn.

Khốn nỗi, những người trực tiếp phong vua Lê Chiêu thống là Việt Gian nay đã không còn ai. Còn những vị có quyền làm việc này, thì lại học Lịch Sử quá kỹ, từ cái thuở còn là thiếu nhi khăn đỏ. 


Bài tiếp theo:

Việt gian bán nước trong Lịch Sử – Bài 10c

2 thoughts on “Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10b)

  1. Pingback: Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10c) | Nghiên Cứu Lịch Sử

  2. Pingback: Cần giải nhiệm sứ mệnh lịch sử cho 3 vị Việt gian gần đây nhất | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s