Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 24

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

 CHƯƠNG 24  : TRẬN ĐÁNH LỚN NHẤT

1 Lê Duẩn Đẩy Nhanh Bước Tiến

Nhiều bộ sử về chiến tranh Việt Nam nhìn mọi sự kiện xảy ra sau Tết 1968 là một hậu quả,  vì ngay từ lúc lệnh rút quân Mỹ được ban hành, thì số phận Miền Nam đã an bày. Giả định sau có thể đúng, nhưng thực tế sừng sững vẫn kéo dài: năm 1972 chứng kiến các trận đánh lớn nhất trong toàn cuộc chiến  – tất cả lực lượng xung đột trên một quy mô và độ khốc liệt vượt xa những trận đánh 1968, với số thương vong khủng khiếp cho cả đôi bên.  Trong khi cũng năm đó, các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới tiến hành các hội nghị thượng đỉnh; các cuộc đàm phán ở Paris hấp hối,  rồi bắt đầu cù cưa hành hạ sao cho ra kết quả; Richard Nixon tái đắc cử tổng thống. Lê Duẩn ráo riết bày mưu tính kế tại khu nghỉ dưỡng Đồ Sơn hoặc tại Nhà Khách Quảng Bá Hà Nội.  Vào mùa thu 1971 ông lưu trú tại cả hai nơi đó, trước khi đưa ra một quyết định trọng đại: quân Miền Bắc sẽ phát động một cuộc tấn công quy ước, để phơi bày trước thế giới thất bại của chương trình Việt Nam hóa. Ông bỏ ngoài tại các chống đối của một số đồng chí, vốn tin rằng sức mạnh của không lực Mỹ sẽ tiễn đưa tham vọng này đến chỗ chết. Không lay chuyển như bao giờ,  ông ta hình dung đất nước mình đang giao đấu một trận chiến của ý chí với Hoa Kỳ,  trong đó phơi bày sự bạc nhược của chế độ Sài Gòn sẽ khiến Hà Nội thêm thanh thế, có lẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của Thiệu. Ông lãnh đạm với viễn ảnh có thêm hàng vạn người dân của ông phải chịu thiệt mạng, tại một thời điểm mà việc rút quân của Mỹ đã chắc chắn. Nếu giới lãnh đạo quân sự Mỹ thường phô trương tính phi nhân của họ, thì giới lãnh đạo Miền Bắc sánh ngang với họ về mặt tàn bạo đối với tàn bạo.

Bởi vì việc chuẩn bị cho cuộc công kích 10 sư đoàn như cộng quân dự định không thể nào che giấu được – trong đó lực lượng phía bắc có mật dành Nguyễn Huệ để vinh danh vị anh hùng Việt Nam thế kỷ 18 đã đánh bại quân Mãn Thanh – vì vậy người Mỹ nhận được tin tức tình báo rõ ràng một cách bất thường. Tiếp theo buổi họp vào ngày 22 tháng 12 1971, Creighton Abrams suy ngẫm chắc chắn quân địch ‘đang mưu tính điều gì đó.  Tất cả dấu hiệu đều hiện ra ở đấy… Tôi chỉ không thích cái mùi của nó.’ Ông tóm tắt tại một buổi họp khác 10 ngày sau đó: ‘Chúng ta không biết khi nào và tại đâu … Điều duy nhất chúng ta biết là địch đã quyết định  … rằng tại một thời điểm thích hợp  … họ sẽ tung ra toàn bộ thứ chết tiệt đó’ – Ý ông muốn nói tất cả trừ hai đội hình chính quy ở Miền Bắc.  Vào ngày 20 tháng giêng 1972 một báo cáo viên MACV bảo với các chỉ huy: ‘Không còn nghi ngờ gì nữa đây phải là một chiến dịch lớn. Mũi tiến công chủ lực được kỳ vọng là ở Cao nguyên Trung phần và phía bắc tỉnh Quảng Trị.’ Hai ngày sau ông nói thêm: ‘Lần đầu tiên kể từ năm 1965 chúng ta đối mặt với một tình hình trong đó một cuộc công kích lớn phải bị đánh bại chủ yếu bởi QĐVNCH.’ Ông kết luận: ‘Không ai có được mọi thuận lợi mình muốn.’ Câu nói khiến một tràng cười rộ lên, vừa mỉa mai vừa lo sợ. 

Vào ngày 2 tháng 2 Abrams nói, ‘Xô diễn bắt đầu! Màn đã  kéo lên, và chúng ta có vai trong đó.’ Tại một buổi phúc trình cho một phái đoàn Hàn Quốc đến viếng thăm,  ông như biết trước cho rằng mục tiêu của cộng sản sẽ là ‘nhắm đến chỗ yếu nhất trong tổng thể bố trí, ý chí của nhân dân Mỹ … Nếu họ có thể đánh chiếm căn cứ Bến Hét hoặc Thành phố Kontum, trong một tuần lễ … rồi đe dọa Quảng Trị,  báo chí sẽ nói Việt Nam hóa Chiến tranh đã thất bại. Và một ít thành viên cuối cùng còn lại của Quốc Hội vốn chủ trương tiếp tục  hậu thuẫn hỗ trợ kinh tế,  cũng sẽ đánh mất niềm tin của mình.’ Tài liệu trên khiến người ta thêm kinh ngạc tại sao khi quân Miền Bắc ra đòn, họ chiếm được lợi thế bất ngờ. Đó một phần vìi Abrams kỳ vọng họ chuyển quân vào dịp Tết; rồi sau khi họ không làm thế, giới truyền thông chế giễu ông là ‘chim sợ cành cây cong’. Hơn nữa,  không ai ở Washington muốn nghe các lời cảnh báo. Vị cố vấn an ninh quốc gia, đặc biệt, dường như tin tưởng rằng mình đang kiềm chế thành công những người cộng sản ở Paris,  và đang bận bịu với các vấn đề địa chiến lược khác. 

Vào ngày 21 tháng 2 tổng thống bắt đầu chuyến công du lịch sử đến Trung Quốc,  cho thấy là một thắng lợi cho cả ông và người đồng hành: Kissinger xuất hiện trên trang bìa tạp chí Time, mặc dù cảm hứng đưa ra sáng kiến là của Nixon. Hai bên trao đổi thẳng thắn và cởi mở, đồng ý giữ quan điểm khác nhau về vấn đề Đài Loan. Tổng thống nói rõ quyết tâm ra khỏi Miền Nam  và không quan tâm đến những gì xảy ra sau đó, chừng nào mà trước khi cộng sản Miền Bắc đánh chiếm phải có một ‘khoảng cách hợp lý’, ‘khoảng cách vừa đủ’, ‘khoảng cách thời gian’ – tất cả các cụm từ được Kissinger sử dụng với Chu Ân Lai tại các thời điểm khác nhau. Phia Trung Quốc xác nhận một mong mỏi, cho thấy là thành thật, muốn kết thúc tình trạng cô lập của mình, một mối quan hệ mới tích cực  với Hoa Kỳ vì điều đó họ sẵn sàng hy sinh về mặt chính trị. Tuy nhiên, họ sẽ không cắt đứt viện trợ cho Hà Nội,  trái với vọng tưởng ngây thơ của  hai người Mỹ. Trong khi chuyến viếng thăm của Nixon chiếm các tít lớn hoành tráng cho ông,  thì mối hy vọng khi bay đến Trung Quốc là tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam thì ông lại thất bại. 

Dù sao, ông trở về nước tin tưởng rằng giờ đây mình có thể gần như làm được mọi việc mong muốn đối với Miền Bắc, với bóng ma ám ảnh kéo dài hàng thập niên là sự can thiệp của Trung Cộng giờ đã bị loại trừ. Chính sách Đông Dương của ông từ đây về sau sẽ bị hạn chế bởi nhân dân Mỹ, biểu thị là Quốc Hội,  hơn là bởi Trung Quốc – hoặc Liên Xô. Lê Duẩn và các đồng chí của mình nắm được ý nghĩa chuyển đổi này trong cán cân chiến lược, và phẫn nộ trước điều mà họ nhận thức là hành động phản bội của Mao,  người mà chỉ với vài lời cảnh cáo hẳn có thể đã tránh được cho họ một trận mưa bom mới. Một cán bộ cao cấp gay gắt ví việc chủ tịch Mao chịu  tiếp đón Nixon chẳng khác ‘ném một chiếc bè cứu sinh cho một tên cướp biển sắp chết chìm’. Cảm nhận khổ sở của Hà Nội không giảm đi khi Trung Quốc gửi đến một lượng khổng lồ hàng viện trợ mới. Từ năm 1968, những đàm phán hình thức rỗng tuếch giữa Miền Bắc và Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ở Paris, lần lượt cầm đầu bởi Averell Harriman, Henry Cabot Lodge và David Bruce. Fred Weyand, người đảm đương phần việc làm cố vấn quân sự cho phái đoàn Mỹ, nhớ lại với vẻ chán ngấy: ‘Phe cộng sản đúng là các địch thủ ương bướng. Không chịu nhượng bộ cái gì cả.  Khi cái bà Nguyễn Thị Bình ngồi vào bàn đó,  bạn biết ngay đó là một người lòng chứa đầy căm thù.’ Tuy nhiên,  những buổi họp duy nhất quan trọng  là những phiên họp kín lâu lâu một lần, diễn ra trong một biệt thự trát vữa xtuco trắng thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Pháp, giữa Kissinger và Lê Đức Thọ của Miền Bắc. Những buổi họp này cũng sa lầy vì Hà Nội cứ khăng khăng đòi gạt bỏ Tổng thống Thiệu, sánh ngang với yêu sách của người Mỹ đòi quân Miền Bắc rút khỏi Miền Nam – mặc dù từ mùa hè 1971 trở đi người Mỹ hiểu rằng, cùng lắm, họ sẽ đạt được cử chỉ thiện chí về hướng cứu cánh này. Trong năm có chiến dịch tái ứng cử tổng thống của Nixon, ông quyết tâm không để dân chúng nhìn thấy ông đầu hàng, cứ xác nhận đi xác nhận lại ‘Chúng ta không thể để thua trong cuộc chiến này.’ Nhưng từ đầu ông đã dự định đem mọi lực lượng vũ trang về nước trước ngày dân Mỹ đi bầu. Nhưng Kissinger đã can ngăn, nhấn mạnh rằng phải để một số lực lượng ở nán lại thậm chí qua ngày bầu cử. 

Thú vị thay, trong suốt nhiều cuộc đối thoại giữa Nixon-Kissinger  được thu âm trên băng từ Nhà Trắng,  vị cố vấn an ninh quốc gia nhấn mạnh đến tính trung tâm của của cuộc bầu cử tổng thống 1972 còn tha thiết hơn cả chính ứng cử viên, trong khi hùa theo tính tự phụ của chủ nhân mình theo phong cách mà Vua Louis XIV cũng có thể cho là quá đáng. ‘Tôi chắc chắn là người mạnh bạo nhất ở cương vị này  – chắc chắn kể từ thời Theodore Roosevelt,’ vị tổng thống khẳng định.  Kissinger nhất trí: ‘Còn phải hỏi.’

Nixon xem vụ oanh tạc như là một phương tiện tác động sức ép lên Miền Bắc sao cho cử tri Mỹ – như được phản ánh trong các cuộc thăm dò mà ông nghiên cứu rất kỹ – cho là chấp nhận được và kể cả đáng khen ngợi một cách lạ kỳ, trong khi bộ binh thì không. Vào cuối năm 1972, vấn đề trở thành điểm có thể tranh luận là đến mức nào sự leo thang đội bom của tổng thống được tác động bởi mệnh lệnh ngoại giao, và đến mức nào bởi một quyết tâm cá nhân điên rồ, khía cạnh nào lấn lướt hơn. Các học giả tiếp tục sôi nổi tranh luận những sắc thái và khoảng thời gian của  những lần dịch chuyển vị thế của Hoa Kỳ trong tiến trình hoà bình Việt Nam.  Dường như không cần thiết để chọn lựa giữa các quan điểm đối lập.  Những thực tế chủ chốt quá rõ ràng, chỉ có điều việc nhìn nhận chúng là bị đình hoãn: nhân dân Mỹ cương quyết thoát ra khỏi Việt Nam; giờ họ gần như quan tâm độc nhất đến số phận người thân họ đang nằm trong tay cộng sản, đề tài được quá nhiều lời bàn tán – một cách vu vơ,  vì Hà Nội sẽ tất nhiên sẽ thả các tù nhân một khi các lực lượng Mỹ cuối cùng đi về nước.  Xạ thủ B-52 Jack Cortel viết: ‘Đem tù binh chúng ta về là điều duy nhất cho chúng ta một ý thức về mục đích.’

Trong khi đó ý chí chiến đấu của người Miền Nam,  và nhiệt tình của binh sĩ họ dành cho chế độ Sài Gòn,  giờ vẫn yếu ớt. Thiếu tá QĐVNCH Nguyễn Công Luận bình luận về 100 lẻ vị tướng của xứ sở anh với các sĩ quan bạn bè. Họ kết luận rằng khoảng 20 tướng là có năng lực và liêm khiết,  trong khi 10 tướng vừa tham nhũng quá mức vừa bất tài không có thuốc chữa. Giữa cuộc thảo luận với người Mỹ làm thế nào nâng cao tinh thần binh sĩ, Tướng Ngô Dzu đóng góp ý kiến là bắt chước hệ thống quân đội Pháp là đưa vào nhà thổ dã chiến lưu động phục vụ cho binh sĩ. Một sĩ quan trẻ Miền Nam viết cho một thông tín viên Anh bày tỏ nỗi vui sướng khi anh và người bạn thân nhất được ở trong ngành phi tác chiến của quân đội Sài Gòn: ‘Nhờ thế chúng tôi không phải giết ai cả  – điều này khiến chúng tôi vui mừng khôn xiết.’

Một khi người Mỹ đã ra đi rõ ràng không chắc là Miền Nam có thể sống còn, cả Nixon lẫn Kissinger không thể tự lừa đối mình khác được. Họ chỉ quan tâm duy trì chính quyền Miền Nam qua một khoảng thời gian từ 18 tháng đến hai năm coi như là làm tròn lời cam kết cho tương lai của xứ sở đó.

Kissinger, đặc biệt,  tử tế với Trung Quốc và Nga, những kẻ thù của Mỹ, nhiều hơn nhiều với bạn bè của mình.  Phe biện hộ cho hai người này lập luận rằng họ mang nặng trách nhiệm phải rút nước Mỹ ra khỏi một cuộc chiến không do họ gây ra, và đã chơi một tay bài đang thua một cách khéo léo như có thể.  Ít nhất lý lẽ đầu của hai mệnh đề này là có giá trị. Thay vào đó,  lịch sử kết tội họ đã chủ trì những năm qua máu đổ thịt rơi vô cớ, chỉ để che giấu cử tri Mỹ, vì các mục đích đảng phái của họ, việc không thể tránh khỏi bị bẽ mặt ở Đông Dương. 

Đầu năm 1972 Thiếu tá Walt Boomer đang phục vụ tại Căn cứ Hỏa lực Sarge trong tỉnh Quảng Trị với vai trò cố vấn cho một tiểu đoàn TQLC Miền Nam. Trở lại Bethesda, Maryland, bà xã ông nói trong nỗi bối rối buồn rầu trước khí ông lên đường, ‘Em không thể hiểu được tại sao anh lại làm việc này.’ Boomer trả lời, ‘Đó là việc anh phải làm. Đó là vì anh là quân nhân.’ Tuy nhiên khi đến Đà Nẵng,  anh bị sốc trước cảnh tượng tiêu điều của nó, với quá nhiều người Mỹ đã ra đi; các cơ sở tan hoác đang rệu rã.  Ông nhận thấy người tiền nhiệm đã làm binh sĩ Việt căm ghét vì thói hống hách của y,  và anh phải mất chút thời gian để tạo dựng sự cảm thông. Boomer gặp rắc rối trước hố ngăn cách giữa sĩ quan và binh sĩ: ‘Viên thiếu tá chỉ biết phát ra kỷ luật bằng cây gậy to. Tôi cảm nhận rằng nếu chúng tôi bước vào một thế giới rắc rối,  điều này có thể là một vấn đề.  Tôi cô độc  – đọc ngấu nghiến, làm việc ngoài trời nhiều,  . Tôi không thoải mái khi ở bên họ. Họ không tìm kiếm việc giao tranh, họ có vẻ như kiệt sức.’ Trong những ngày trước cuộc công kích của Miền Bắc,  anh hối thúc họ tuần tra nghiêm ngặt hơn, nhưng sau khi trong một lần tuần tra họ đụng độ với địch,  viên thiếu tá từ khước gửi binh sĩ ra ngoài nữa. Boomer nói, ‘Chúng ta phải bẻ gãy việc họ xây dựng lực lượng.’ Người sĩ quan Miền Nam nhún vai: ‘Chúng tôi không đủ sức.’ Người cố vấn Mỹ không cho họ là hèn nhát, ‘nhưng họ đang ở trong tâm trạng không muốn xông vào chốn hiểm nguy nếu không cần phải.’ Tuy nhiên,  hàng triệu người Miền Nam mang vũ khí bỗng thấy mình đương đầu với mối nguy có thực, hiện diện trần trụi và không sao tránh được.

2 BÃO NỔI LÊN RỒI

Trung tá Gerry Turley, trên một chuyến thăm kết thân với bộ chỉ huy Sư đoàn 3 ở Quảng Trị,  dự định bay về Sài Gòn vào ngày 29 tháng 3 1972, nhưng trực thăng ông bị hoãn lại. Đến trưa ngày hôm sau ‘thế giới bỗng tan nát’. Cộng quân chiếm được yếu tố bất ngờ khi giẫm đạp những mảnh rách tơi tả còn lại của Hiệp định Geneva 1954, cho xe tăng ồ ạt tiến về nam vượt qua Vùng Phi Quân sự, đồng thời tấn công từ phía tây. Kẻ thù đã điều chỉnh pháo hướng về các căn cứ hỏa lực phía bắc chẳng bao lâu sẽ bị hủy diệt. Khi cuộc công kích phát triển,  tham mưu trưởng Miền Bắc Văn Tiến Dũng cũng phát động những cuộc tấn công chủ yếu vào Cao nguyên Trung phần và về phía thị trấn chủ chốt An Lộc,  cách Sài Gòn chỉ 60 dặm, trong khi VC và bộ đội tăng cường sự phá hoại trong vùng Cửu Long. Người Mỹ và Miền Nam không chỉ bị sốc vì quy mô của sức tấn công,  mà còn vì các vũ khí mới của Xô viết và Trung Quốc mà địch mới nhận được: 600 xe tăng nặng và nhẹ; tên lửa đối không vác vai SA-7 Strela hiện đại nhất; tên lửa chống tăng kể cả tên lửa chống tăng AT-3 Sagger điều khiển bằng dây, mà hàng ngàn bộ đội được huấn luyện sử dụng ở hải ngoại,  phần đông ở Đông Âu.

Ở phía bắc,  một mùa thảm họa mở ra. Hoàng Xuân Lãm tệ hại,  người chỉ huy Quân đoàn I, từ chối thừa nhận sức mạnh của mũi thọc sâu của địch. ‘Lãm không hề báo cáo tin xấu,’ Tướng Viên nói tại Tân Sơn Nhất. Đại sứ Ellsworth Bunker đã rời Việt Nam nghỉ lễ Phục sinh,  giống như Creighton Abrams. Vị xếp MACV này đang ở Bangkok với bà xã,  trong tiến trình cải sang đạo Thiên Chúa, vì thế Fred Weyand, người phó của ông, tạm thời chỉ huy.

Weyand ra sức ngăn chặn các trao đổi gây hoảng loạn,  nhưng ‘trong tình huống này, dù bạn mô tả thế nào,  nó vẫn cứ là một cuộc tấn công biển người,  bởi vì đúng là rất nhiều quân địch ồ ạt tràn đến xông vào hang ổ kẽm gai của bạn.’ Quân đội địch đã canh đúng thời điểm công kích vào mùa gió mùa ở Quảng Trị; nhất là trong những ngày đầu,  mây thấp làm nản lòng trầm trọng sự đáp ứng của không quân Mỹ. Vào buổi sáng ngày 2 tháng 4, Chủ nhật Phục sinh,  xe tăng cộng sản được phát hiện tiến về hướng cầu Đông Hà bắc qua Sông Cửa Việt.  Lúc 09:15 một Gerry Turley dạn dày chinh chiến bỗng thấy mình được cử làm trưởng cố vấn của Sư đoàn 3 đang suy sụp,  sau khi sĩ quan Mỹ cấp trên của ông đã chuồn cùng với tư lệnh sư đoàn Miền Nam.  Turley mô tả cảnh tượng: ‘Các sĩ quan tham mưu QĐVNCH và binh sĩ đơn giản bật dậy,  chụp lấy đồ dùng cá nhân của mình, rồi chạy ra khỏi boongke. Các sĩ quan cao cấp nhất ra trước. Các máy truyền tin để lại và mặc nhiên bị bỏ đi; bản đồ và tài liệu đã phân loại vẫn nằm tại nơi chúng được sử dụng lần cuối cùng. Trật tự tan chảy thành hỗn loạn khi những con người sợ hãi, vốn đã không còn là chiến sĩ, chạy nhanh đến các xe cộ gần nhất.  Những binh sĩ Mỹ hoảng sợ mang đài và thiết bị âm thanh nổi phóng đến bãi đáp gương mặt lộ vẻ tuyệt vọng.  Thật là một ngày tối tăm và bi thảm.’

Turley bị bắt buộc phải ra lệnh cho một sĩ quan Mỹ định chạy trốn phải ở lại – và sau đó phải lặp lại lệnh hai lần nữa.  Chính ông cũng phải suy nghĩ: thời tiết xấu đang chống lại chúng tôi; bộ binh Sài Gòn đang biến mất; pháo của họ không bắn lại; xe tăng đang tiến thẳng đến chỗ chúng tôi. Ông quá kinh ngạc ngạc trước chỉ thị phải nắm quyền chỉ huy đến nỗi, để xác thực, ông hỏi số bảo hiểm xã hội của vị đại tá ban hành chỉ thị ấy – một sự thận trọng may mắn, bởi vì khi Abrams trở lại Sài Gòn để nhận được các báo cáo tồi tệ từ phía bắc,  ông giật mình không thể tin được. Vị tướng được cho biết: ‘Một trung tá cố vấn TQLC ở căn cứ tác chiến Quảng Trị cho biết tình hình ở đó đang nguy kịch ‘ – đây chính là Turley.  Tuy nhiên,  cấp trên của Turley,  Thiếu tướng Fred Kroesen tại Đà Nẵng, tuyên bố rằng người trên địa điểm đã sai, và đã lâm vào tình trạng hoảng loạn. 

Abrams thịnh nộ nói: ‘Cảm nhận của tôi là đang có tình trạng chết tiệt là nhiều người đang chơi cần sa… Tôi không biết hết mọi động thái phải làm để ngăn chặn rác rưởi này,  nhưng… Tôi muốn cái thứ ‘chết tiệt’ này dừng lại!’ Tuy nhiên,  trách nhiệm cho thứ ‘chết tiệt’ này nằm trong tay người Miền Bắc,  và chỉ vừa mới bắt đầu. Giới lãnh đạo QĐVNCH ở các tỉnh phía bắc suy sụp.  Turley nói: ‘Vấn đề cốt lõi luôn là: Ai nắm quyền chỉ huy? Sau 6 năm,  chúng tôi vẫn còn chưa giải quyết được chuyện đó. Không có sự thống nhất trong quyền chỉ huy.  Ở phía bắc, sau khi chúng ta rút đi 70,000 lính Mỹ, người Miền Nam còn chưa thể lấp đầy các khoảng trống.’

Giữa các sĩ quan trên bộ và Không lực Mỹ diễn ra sự tranh cãi gay gắt khi máy phát tín hiệu cứu cấp phát ra tiếng bíp bên trong Vùng Phi Quân Sự sau khi chiếc EB-66 của anh bị bắn rơi. Trong khi một nỗ lực lớn lao được tiến hành nhằm giải cứu anh, không lực áp đặt lệnh cấm pháo kích vượt quá 15 dặm quanh vị trí được báo cáo của phi công rơi xuống  – bao gồm cả hành lang qua đó các cột quân Miền Bắc đang đổ về nam. Cố vấn Yểm trợ Không lực Thiếu tá David Brookbank chua chát viết trong một báo cáo hậu hành động: ‘Điều này ban cho địch một cơ hội có một không hai trong niên giám chiến tranh là được tiến quân theo ý mình muốn.’ Viên phi công thất lạc cuối cùng được toán SEAL Miền Nam và cố vấn Hải quân của họ giải cứu vào ngày12 tháng 4,  sau khi hai máy bay tìm kiếm cánh cố định và một trực thăng Jolly Green Giant bị mất dưới tên lửa địch. Mặc dù 70,000 người Mỹ còn ở lại Việt Nam,  chỉ có 6,000 là binh sĩ tác chiến; các trận đánh giờ diễn ra sẽ do binh sĩ Miền Nam và các cố vấn họ quyết định – và trên hết bởi  không lực. 

Người ta thường cho rằng phi hành đoàn trực thăng cấu thành một bộ phận duy nhất của Lục quân Mỹ và Quân đoàn TQLC tại Việt Nam mà lòng quả cảm và xả thân không hề giảm sút. Trong số những người hùng đi đầu trong các trận đánh 1972 là các phi công Mỹ xông vào chốn hiểm nguy để giải cứu các cố vấn trong vòng vây đạn lửa. Một chiếc Huey bay với đội hộ tống gồm 2 chiếc Cobras nhằm giải cứu một đội quan sát tiền tiêu 5 người khỏi boongke Alpha 2, ngay phía dưới Vùng Phi Quân Sự. Nó đáp xuống dưới hỏa lực pháo và Trung uý Joel Eisenstein phóng 30 ya đến boongke, tại đó anh tìm thấy Trung uý Dave Bruggeman bị thương trầm trọng bởi các mảnh pháo bắn vào đầu  – chàng trai trẻ đã trao chiếc mũ sắt cho một người lính TQLC Miền Nam đã bị mất nón sắt của mình. Eisenstein lôi vị sĩ quan đến trực thăng, và kéo lên trực thăng một số thương binh khác, rồi cất cánh. Nhưng một binh sĩ Việt, giận dữ vì họ không thể chở thêm mình, nhắm súng phóng lựu M-79 ‘Thumper’ vào họ. ‘Một ý nghĩ vụt qua đầu tôi: tên chết tiệt này sắp sửa bắn tan xác chúng tôi trên bầu trời.  Nếu hắn không được đi, hắn không muốn ai cũng được đi.’ Nhưng người lính Việt kiềm chế, còn Bruggeman chết giừ không trung,  trong vòng tay Eisenstein. Sau đó, khi họ di tản nhiều người Mỹ hơn khỏi căn cứ lớn Ái Tử, sĩ quan Sài Gòn chóp bù của căn cứ xô vẹt đường để leo lên trực thăng trước. 

Tại trung tâm hành quân ở Quảng Trị, viên kiểm soát không lưu chiến thuật thuộc Không lực Việt Nam đã biến mất, cùng với nhiều người khác. Turley bảo Đà Nẵng cầu Đông Hà phía nam phải được giật sập trước khí đoàn xe tăng địch đến,  nhưng ý này bị các sĩ quan cao cấp Mỹ phủ quyết: nó cần giữ nguyên cho trận phản công. Rồi người sĩ quan TQLC thúc giục người Việt củng cố lực lượng phòng thủ cầu, nhanh. Tư lệnh sư đoàn từ chối.  Thay vào đó Turley khẩn khoản với chỉ huy lữ đoàn hãy hành động theo sáng kiến của mình. Sau một lúc nghĩ ngợi ngây người kéo dài, viên chỉ huy người Việt nhìn vào bản đồ, rồi quay nhìn Turley,  nhấp nháy mắt nói  – không thể nếu không được sự tán thành của chỉ huy ông ở Sài Gòn.  Người Mỹ tuyệt vọng van nài khẩn thiết với người Việt,  cuối cùng y nói bằng thứ tiếng Anh tuyệt nhất “Tôi sẽ ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng cố thủ Đông Hà.”‘ Turley hét lên, ‘Ôi trời, vậy là cuối cùng có cơ may rồi!’

Lực lượng Miền Nam triển khai ba đội chống bọc thép bằng vũ khí chống tăng nhẹ 66mm vác vai tại đầu cầu phía nam. Họ nhìn bọn xâm lược đang kéo cờ trên một rầm cầu thép, ngay cả khi người tị nạn và kẻ lang thang vẫn còn lũ lượt chạy qua cầu. Chống lệnh,  Turley chỉ thị Đại uý John Ripley, một cố vấn bộ binh: ‘Dù sao cũng phải phá hủy cầu Đông Hà’.

Một ít ngày trước, Ripley tìm cách bớt đi nỗi chán chường mãn tính bằng việc lắp ráp  trò ghép hình King Kong  1000 mảnh. Giờ anh đi nhờ một xe tăng M-48 về phía đông qua thành phố Đông Hà,  con đường đã vương vãi đống đổ nát và xe cộ bị phá hủy vì đạn pháo của cộng quân. Trên bờ bắc sông, nơi bốn năm trước Đại uý Jim Livingston và đại đội TQLC của anh đã triển khai trước trận đánh Đại Đô, một đoàn 20 xe tăng hiện ra. Một số binh sĩ Việt bỏ trốn lũ lượt lùi về tuyến sau chiếm đoạt các xe jeep có máy liên lạc của cố vấn Mỹ. Biên bản của bộ chỉ huy ghi nhận: ‘Trung đoàn 57 đã tan vỡ và hoàn toàn tháo chạy.’ Một thiếu tá TQLC Việt từ xe tăng nhảy xuống, nắm lấy một binh sĩ đang chạy trốn, quát lên, ‘Mầy tính đi đâu?’ Người lính kêu lên, ‘Vô ích, vô ích thôi.’ Viên sĩ quan rút súng lục và bắn chết ngay đồng đội,  nhưng thật nản lòng việc hành hình là vô ích: hàng trăm người và rồi hàng ngàn binh lính Sài Gòn chẳng bao lâu tháo chạy. 

Nhưng có một số ở lại – và chiến đấu ngoan cường.  Tại cầu Đông Hà một hạ sĩ tên Lượm bắn khẩu chống tăng vác vai vào chiếc xe tăng địch dẫn đầu  – nhưng trật. Phát thứ hai nổ dưới tháp pháo, khiến xe tăng lật nhào; Lượm tử trận một ít tuần sau đó. Bộ binh địch chuyển sang dùng cầu đường sắt cũ thời Pháp gần đó,  mà một nhịp của nó đã gãy đổ vào năm 1967, nhưng đống sắt đổ bộ đội vẫn đi bộ qua được. John Ripley gọi pháo của hải quân Mỹ chặn đứng bộ đội, và sau đó phá hủy 4 xe tăng địch.  Xe tăng Sài Gòn trên bờ nam bắt đầu nã pháo vào lực lượng bọc thép địch bên kia sông.

Rồi Ripley và Thiếu tá lục quân Jim Smock bắt đầu phá hủy cầu xa lộ, tại đó họ tìm thấy 5 kỹ sư công binh QĐVNCH buồn rầu nhìn chồng hộp thuốc nổ plastic. Ripley sau này nói: ‘Họ dường như tự hỏi liệu có phải chúng tôi được cử tới để giết họ hoặc liệu họ có nên tự tử để chúng tôi khỏi lo liệu. Không con người nào  … từng trông có vẻ tuyệt vọng và bất lực đến như vậy.’ Trong khi những người Mỹ đi tìm một cách vô vọng các kíp nổ, nhóm kỹ sư công binh biến mất. Giữa cây cầu và đống thuốc nổ là một hàng rào lớn. Ripley băng qua,  rồi tới Smock nhấc 25 thùng, từng thùng một,  cả hai cánh tay bị kẽm gai cào nát. Ripley leo lên rầm cầu và bắt đầu đặt thuốc nổ, bị quân địch theo dõi từ đầu cầu phía bắc. Họ bắt đầu khai hỏa vào Smock, nhưng lạ thay để yên Ripley,  nhưng rồi một xe tăng T-54 cũng lốp một vài quả về phía anh. Sau ba giờ lao động đau nhừ, kiệt sức,  căng thẳng thần kinh  trong khi đó người con chiên sùng đạo luôn miệng lẩm bẩm với mình, ‘Jesus, Mary, xin giúp con,’ cây cầu đã đặt xong.  Họ tìm thấy hộp kíp nổ điện, liền chạy dây trở lại đến chiến tuyến của QĐVNCH, lấy một bình điện từ một xe jeep đã bị phá hủy, rồi bấm chốt nổ.’ Không có gì xảy ra.  Tuyệt vọng,  họ bấm nút lần nữa  rồi lần nữa,  cho đến khi thình lình một tiếng nổ lớn phát ra và nhịp cầu phía nam sụp đổ rơi xuống sông. Ripley điện đài cho Gerry Turley: ‘Cầu Đông Hà đã sập. Tôi nói lần nữa cầu đã sập. Hết.’ Turley ghi nhận thông điệp lúc 16:30. Walt Boomer, đối diện với các rắc rối của mình xa hơn ở phía tây, sau này nói với lòng biết ơn sâu xa: ‘Ripley đã cứu vớt mạng sống chúng tôi.’ Tại Sài Gòn một phúc trình viên báo cáo với Abrams TQLC đã đánh sập cầu ‘trong khi đợi giải tỏa’, gây nên một tràng cười nhẹ nhõm trong nhóm chỉ huy. Ripley sau đó nhận được huy  chương Thập tự Hải quân: kỳ tích của anh đóng một vai trò quyết định trong việc làm chậm lại đà tiến của địch về phía nam.

Xa hơn về phía tây tại Trại Carroll, chỉ huy trung đoàn Miền Nam Đại tá Phạm Văn Định, người đã cầm đầu một tiểu đoàn tại Huế 1968, cho biết đã nhận được một thông điệp trần trụi của đối thủ đồng cấp Miền Bắc tại khu vực: ‘Đầu hàng hay là chết.’ Ông đề nghị ngừng bắn để thảo luận yêu cầu này với sĩ quan của mình,  cả thảy 13 người họp trong phòng hành quân lúc 15:00 ngày 2 tháng 4. Ông bảo họ: ‘Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu,  nhiều người sẽ thiệt mạng. Cho dù nếu chúng ta chết hoặc bị thương  hoặc đánh thắng, cũng không ai ngó ngàng tới chúng ta. Giờ đây, chúng ta phải tự chăm sóc bản thân mình.’ Chỉ một thiếu tá duy nhất giục cứ chiến đấu,  trong khi những người còn lại vẫn câm lặng. Định đạt được phiếu bầu cho giải pháp đầu hàng,  đoạn ông tiến đến các cố vấn Mỹ, Trung tá William Camper và Thiếu tá Joe Brown. Camper đã coi trung đoàn,  vốn chứa nhiều người đào ngũ trước đây,  như ‘một tai họa đang tìm một nơi để xảy ra’. Ông đã gặp Định 7 năm trước, và thậm chí trước khi thảm trạng hiện giờ xảy ra ông đã bị sốc trước sự thay đổi trong con người ông ta – vị sĩ quan Việt dường như ‘mũm mĩm và thờ ơ’.

Chính Định sau này nhìn nhận ‘có một số vấn đề trong đầu tôi’. Binh lính ông không thèm chiến đấu nữa,  ông bảo với các cố vấn,  và đề nghị họ có thể vui lòng tự xử ‘để tránh bối rối cho chúng tôi’. Camper nói, ‘Đó không phải việc người Mỹ thường làm,’ và tạm thời hãy xem xét việc bắn quân địch. Rồi ông điện cho Turley và nói một cách bí ẩn rằng mình đang rời bỏ vị trí ‘vì những lý do không thể giải thích được ‘. Turley không biết chuyện gì xảy ra, nói: ‘Không,  Trung tá, hãy cứ ở yên đó và làm công việc chết tiệt của mình!’ Nhưng khi người Mỹ nói rõ tình huống tuyệt vọng của mình,  một trực thăng nhào xuống qua một hành lang hỏa lực địch, gây hư hại ống thủy lực. Được 5 chiếc Cobra yểm trợ nó giải cứu được các cố vấn, cuối cùng về đến Quảng Trị.  Tại Carroll, 1800 tù bình và 5 dàn pháo rơi vào tay cộng quân.  Định được thưởng cho một chức vụ trong quân đội Miền Bắc. 

Khi Turley báo cáo các diễn tiến này đến MACV,  ông nhận được một câu trả lời phẫn nộ: ‘Đại tá, ông điên rồi. Tham mưu Quân đoàn Miền Nam không hề hay biết gì về vụ đầu hàng đó. Trại Carroll có 20 khẩu pháo, 2,000 binh sĩ  … Ông lầm lẫn rồi.’ Không lâu sau đó Turley nhận lệnh ngay lập tức rời vị trí, bay đến Sài Gòn để đích thân tường trình cho Abrams. Ông bị quở trách thậm tệ, nhờ có thể trưng ra các lệnh viết tay của mình mới thoát khỏi hình thức kỷ luật.  Tại một thời điểm khi mọi nơi từ Nhà Trắng trở xuống cuộc săn lùng dê tế thần đã bắt đầu, do xui xẻo người sĩ quan TQLC phải chịu tin dữ đầu tiên. 

Cuộc tấn công của địch vào căn cứ yểm trợ hỏa lực Sarge, phía tây Carrol, bắt đầu với một trận bão lửa rốc kết. Ngọn đồi gần đó nhanh chóng bị đánh chiếm,  và lực lượng phòng thủ tan tác. Walt Boomer, vô cùng cô độc, không hi vọng nhìn lại người bạn cố vấn của mình Ray Smith  – và cả ít hi vọng được đi về nhà. Việc pháo kích Sarge thêm dữ đội, thương vong tăng vọt, trong đó có hai chuyên viên nghe lén điện tử trẻ tuổi người Mỹ bị thiệt mạng.  Sau khi boongke của người TQLC bị trúng pháo trực tiếp, rõ ràng là vị trí này không thể giữ vững được, và ông thúc giục chỉ huy Việt rút quân. Cuối cùng viên thiếu tá đồng ý: ‘Giờ chúng ta đi.’ Họ khởi hành lúc đêm xuống, đồng hành với thương binh còn đi được, và trải hai ngày tiếp theo trong rừng,  không nhìn thấy địch nhưng thường nghe họ nói. Rồi, khi họ ra đến vùng trống trải, quân địch trông thấy, và tỏa ra.  Các binh sĩ đồng hành với Boomer chạy túa khắp mọi hướng. Người Mỹ hét lớn bằng tiếng Anh đối với họ là vô nghĩa: ‘Đứng lại! Đừng chạy! Đừng bỏ lại người bị thương!’ Ông phải kiềm chế lắm mới không bắn anh lính truyền tin khi y đã ném đi bộ máy của mình – vật cứu sinh của Boomer. Về phần các binh sĩ chạy trốn khác, Boomer nói: ‘Tôi còn nhớ như in ánh mắt khiếp đảm của họ khi họ.lướt qua tôi … Lúc đó mạnh ai lo thân nấy.’ Nhóm nhỏ của họ tiếp tục đi  – đứng ra là loạng choạng ở bên lề giới hạn của kiệt quệ thể chất và tinh thần  – cho đến khi đến được một căn cứ hỏa lực bạn. Trước sự kinh ngạc của Boomer, Ray Smith cũng xuất hiện, anh đã cõng một sĩ quan Việt bị thương với sự giúp đỡ của một binh sĩ Việt.  Tiểu đoàn của anh chỉ còn sống sót 68 người.  Họ biết rằng họ phải tiếp tục di chuyển trước làn sóng cộng quân, nhưng Boomer cảm thấy quá kiệt sức để có thể đi thêm nổi một dặm đường.  Smith liền buộc một sợi thừng quanh cổ tay người đồng đội và thắt nút vào thắt lưng của ông,  cả hai dính liền nhau lững thững bước qua bóng đêm. Đến bình minh họ tiến gần đến Quảng Trị,  Smith, vẫn còn máy phát vô tuyến, liên lạc với người Mỹ, sửng sốt vì tưởng họ đã chết. Máy bay Huey được phái đến nơi. Tuy nhiên,  phân nửa tiểu đoàn họ đã chết hoặc bị thương.  Và quân địch chỉ mới bắt đầu. 

Vào ngày 3 tháng 4 quân Miền Bắc bắt đầu tiến vào Cao nguyên Trung phần,  đánh chiếm căn cứ yểm trợ hỏa lực Delta. Trong các tuần lễ sau đó, nhân vật chủ chốt trong việc phòng thủ khu vực là John Paul Vann –  người đã chủ trì thảm họa ở Ấp Bắc vào tháng giêng 1963. Trong những năm xen giữa một biến đổi đã xâm chiếm con người ông mà ít người ngưỡng mộ ông trước đây cho là tốt lành.  Từ một người hoài nghi sắc sảo, người chống quyền hành khinh suất, ông đã trở thành một chiến binh bị ám ảnh. David Elliott nói: ‘Vann đã thành một con người khác. Trong những năm cuối cùng của anh anh phát biểu những điều mà anh chàng Vann trước kia hoàn toàn chối bỏ.’ Bằng cách kết thân với tư lệnh Quân đoàn II, Tướng Ngô Dzu nặng nề,  chậm chạp,  Vann được bổ nhiệm làm.một nhân vật cao cấp, một viên chức ngang cấp hai sao, hoạt động như một bộ phận của tư lệnh địa phương. Dù Abrams không ưa gì Vann, sự xả thân cứu tinh của người đàn ông nhỏ con  đã chinh phục được sự ngưỡng mộ của Richard Nixon, Fred Weyand –  và các sĩ quan Miền Nam, đặt ông biệt danh ‘Ngài B-52’, vì khả năng phi thường gọi tới như làm phép các cuộc không kích trong các tình thế tưởng như tuyệt vọng.

Tại Cao nguyên Trung phần trong hai tháng cuối cùng trong cuộc đời hoang dã của Vann, ông triển khai mọi phân khối năng lượng và cơn thịnh nộ của mình để đẩy lùi quân Miền Bắc.  Ông bay các chuyến tiếp tế,  chỉ đạo yểm trợ hỏa lực và bay qua đạn lửa theo một phong cách cuối cùng bẻ gãy thần kinh của chàng phi công ưa thích gắn bó từ lâu với ông, Bob Richards, đến nỗi dù tọng bao nhiêu rượu cũng không còn thuyết phục được chàng phi công đóng vai tài xế cho một con người thờ ơ với đạn pháo. Vann xử sự như thể Việt Nam là tài sản của chính mình, thành ra nhiều người Mỹ thấy không thế nào nghĩ đến Vann mà không nghĩ đến chiến tranh. Lòng quả cảm của ông là lòng quả cảm của một con người gần như điên dại,  nhưng đủ thông minh để biết, bằng trái tim mình, rằng mình đang nỗ lực thách thức số mệnh.

Một tình trạng mệt mỏi – kéo dài hàng năm  chứ không chỉ ngày hay tuần  – đè nặng lên nhiều binh lính Miền Nam khi họ dàn quân trên Cao nguyên. Sĩ quan Hành quân Dù Đại uý Đoàn Phương Hải nhớ lại khi đơn vị anh tiến lên Đường 14 về hướng Kontum mình đã bị thương trong một trận đánh cũng trên con đường ấy vào năm 1967, sau đó được Cha Joe,một giáo sĩ Pháp được dân chúng yêu mến, cứu chữa trong một nhà thờ Công giáo địa phương.

Giờ đây, Hải nhìn thấy tháp chuông nhà thờ đã sụp đổ; nhà thờ chỉ còn là đống gạch vụn. Tiểu đoàn Dù 11 được triển khai để chống giữ Căn cứ Hỏa lực Charlie, cách Tân Cảnh 6 dặm về phía tây-nam. Chỉ huy căn cứ, Trung tá Nguyễn Đình Bảo, được anh em binh sĩ gọi là ‘Anh Năm’, vô cùng khổ sở về mệnh lệnh mình đưa ra, thường là yêu cầu đơn vị phải giữ vững một vị trí cố định, nhường quyền tấn công cho quân địch. Các đội tuần tra sớm phát hiện các lực lượng địch hùng mạnh,  đào boongke và đặt ụ pháo trong tầm bắn dễ dàng.

Hai bên bắt đầu trao đổi hỏa lực.  Vào ngày 6 tháng 4 quân Miền Bắc phát động một cuộc tấn công chủ lực vào Căn cứ Yểm trợ Hỏa lực Delta, phía nam Charlie,  kéo dài đến suốt đêm. Quân địch xuyên thủng vành đai Delta và đánh chiếm phân nửa các cứ điểm của nó. Vào hừng sáng  họ đã bị đẩy lùi với tổn thất nặng nề, nhưng binh sĩ Tiểu đoàn 11 biết rằng sẽ đến lượt họ. Bảo, người được nhiều binh sĩ yêu quý,  bảo với hai phụ tá tin cậy nhất của mình,  Thiếu tá Lê Văn Mễ và Đại uý Hải, hãy chiếm các boongke cách ông một khoảng,  để nếu ông có chết một trong hai sẽ nắm quyền chỉ huy. Ông kêu gọi tiết kiệm đạn dược, cài hết mìn Claymore có được, nới rộng ra xa các trạm nghe ngóng. Hải viết: ‘Tiểu đoàn sẵn sàng đón nhận những thời khắc khủng khiếp.’

Ban đêm khi quân địch tiếp tục xây dựng lực lượng, họ theo dõi từng đoàn quân xa Moltova vận chuyển tự do xuống Đường Mòn Hồ Chí Minh đèn xe chiếu sáng rực. ‘Pháo chúng tôi không vươn tới họ được. Chúng tôi gọi không kích,  nhưng không được đáp ứng.  Chúng tôi nhờ cố vấn đơn vị Thiếu tá John Duffy gọi B-52, nhưng không có gì xảy ra.’ Bảo đã từng tham dự khóa học chiến tranh rừng rậm ở Mã Lai, tại đó ông tìm được một áo khoác bằng vải dù để ngụy trang mà ông luôn mặc trên người.  Tuy nhiên,  các đồng đội mê tín của ông xem chiếc áo này là điềm gỡ: họ xin ông cởi nó ra, nhưng ông nhất định không nghe.

Trong những ngày tiếp theo một trận bão hỏa lực pháo rơi ập xuống Charlie,  sau đó vào ngày 9 tháng 4 là cuộc tấn công đầu tiên của bộ đội.  Địch bị đẩy lui với tổn thất nặng nề,  nhưng pháo 105mm của địch cũng gây đòn trừng phạt khủng khiếp cho lực lượng phòng thủ. Vào ngày 10, sau một trận pháo kích hủy diệt khác, Sư đoàn 320 của quân địch tiến hành một chuỗi tấn công liên tiếp.  Khuya đêm đó các sĩ quan của Anh Năm lại lần nữa van xin anh liệng bỏ chiếc áo khoác. Anh chịu thua nói: ‘Được rồi, tôi sẽ nghĩ lại vào sáng mai  – tức là còn khoảng 30 phút nữa. Các cậu chỉ muốn làm khó tôi, hay là muốn cuỗm cái áo choàng xịn của tôi đó. Quần áo đâu có dính líu con mẹ gì đến may rủi đâu!’

Rồi B-52 đến, do John Duffy gọi. Hải viết: ‘Thình lình mặt đất rung chuyển và lửa sôi sùng sục tận trời xanh … không sao thở được. Tôi đứng ép chặt vào tường hào liên lạc,  hai bàn tay che lấp lỗ tai còn miệng há ra để chống lại chấn động, nhưng tôi vẫn còn cảm thấy máu huyết như chực vỡ tung lồng ngực  … Đất cát, đá, cành cây quật vào mũ tôi. Ngày hôm sau địch không tấn công chỉ bắn những loạt pháo cầm chừng’ Nhưng hỏa lực phòng không còn khá rát không thể đáp trực thăng tải thương – một chiếc cố đáp xuống thì bị trúng đạn, bốc khói, phải lảo đảo bay đi.

Anh Năm hội ý với các sĩ quan, họ xin ông rời bỏ vị trí.  Sương mù sáng sớm và bóng tối buông xuống lúc 16:00 cản trở nghiêm ngặt việc yểm trợ không lực, cho dù có sẵn máy bay.  Hải nói, ‘Nếu chúng ta chỉ biết ngồi đây đợi bị búa, thì chúng ta sẽ chết hết.’ Chỉ huy đáp, ‘Tôi đã bảo với sở chỉ huy điều đó,  nhưng không ai chịu lắng nghe.  Tôi cũng chán ngấy như cậu cái giọng điệu “Hãy bám giữ đến người cuối cùng “‘

Tinh thần binh sĩ sa sút, càng sa sút thêm trước tiếng rên rỉ và kêu khóc của các thương binh, mà trang bị y tế gần như cạn kiệt. Trong những giờ đầu ngày 12 tháng 4, Hải lần nữa xin Anh Năm thay áo choàng. Vị trung tá buồn rầu đồng ý: ‘Các cậu chỉ giỏi đọc các sách bói toán nhảm nhí và nảy ra đủ loại ý tưởng điên rồ.  Tôi trở lại boongke đây để viết một bức thư  – gọi tôi nếu có điều gì xảy ra.’ Anh ra lệnh chia nhau thu nhặt vũ khí và đạn dược của binh lính tử trận, vì họ sẽ không nhận được đồ tiếp tế. Rồi quân địch tiếp tục  pháo kích và bắn rốc kết xuống ngay đỉnh đồi. John Duffy nói sau này: ‘Lực lượng tiền tiêu của địch phía trên Charlie rất nghề. Họ phá hủy 3 trong 4 boongke chỉ huy trong 10 phút.’ Trung tá trúng trực tiếp một lượt pháo, và các tham mưu kéo thi thể ông ra khỏi boongke  – vẫn còn mặc trên  người chiếc áo choàng vải dù Anh.

Đến chiều, pháo đã giết hoặc làm bị thương nặng 30 người, và 100 người khác bị thương nhẹ. Vị trí phủ một màn khói bụi khi tiếng pháo đột ngột ngừng lại và quân Miền Nam trông thấy hết hàng này đến hàng khác bộ binh địch bật dậy tiến lên Charlie,  mũ cối và áo khoác của họ vắt đầy lá ngụy trang.  Pháo và bom napan thả từ máy bay cày những vạt lửa trong hàng ngủ địch  – tổng cộng,  trong trận đánh kéo dài 2 tuần Duffy chỉ đạo 188 lượt đánh phá bởi Cobra và máy bay có cánh cố định  – nhưng có 2 phi cơ bị trúng đạn và một rơi xuống. Cuối cùng những bộ đội sống sót rút lui,  để lại đằng sau mùi da thịt cháy khét.

Nhưng với đạn dược teo tóp và số quân đồn trú giảm nhiều, chỉ huy Việt và Duffy quyết định căn cứ không còn cầm cự được nữa. B-52 tiếp tục đánh phá cho lực lượng sống sót có thời giờ rút lui khi đêm xuống vào ngày 14 tháng tư, loạng choạng xếp hàng bước xuống đồi tổng cộng 167 người đã kiệt sức vì thương tích và đói ăn – các khẩu phần đã hết cạn hai ngày trước. Sáng hôm sau khi họ đang đợi trực thăng di tản thì lại bị pháo kích: quân địch đang ép sát phía sau. Hai Cobra quành xuống, bắn đạn và rốc kết, đánh đuổi quân địch thậm chí khi một chiếc Huey bốc đi một nhóm lính Dù. Ba nhóm nữa thoát được bình yên,  cho đến khi chỉ còn một nhúm người Việt ở lại với Duffy.  Thêm 2 Cobra nhào xuống,  đẩy lui địch một lần nữa.  Rồi một chiếc Huey đáp xuống đất.  Những con người mệt lã leo lên, tỏ lòng biết ơn, khi kẻ thù còn bắn theo, xé toạc chiếc vỏ mỏng của trực thăng, làm bị thương viên phi công phụ. Khi họ bay lên không Duffy còn đứng trên thanh chống, Hải bị trúng đạn AK-47 hai lần vào chân, và nghiêng người qua một bên. Nhưng viên cố vấn đã nhanh tay nắm lấy áo lưới  của vị đại uý và kéo anh trở vào. Chiếc Huey phành phạch bay về chốn an toàn trong khi Duffy chăm sóc cho phi hành trưởng bị trúng đạn ngay ngực; người Mỹ chết một ít phút sau đó; một ngày trước khi anh hết hạn được phép rời khỏi Việt Nam

Chỉ có 37 người trong số 471 binh sĩ đồn trú tại Charlie thoát được. Căn cứ yểm trợ hỏa lực Delta và Metro thất thủ cùng với Charlie,  và vào ngày 24 tháng 4 Tân Cảnh thất thủ.

Duffy, một sĩ quan lực lượng đặc nhiệm, sau này nhận được huy chương Thập tự Chiến cộng Xuất sắc. Quá nhiều đã được viết về những căng thẳng trong mối quan hệ giữa binh sĩ Mỹ và Việt thành ra kỳ tích của Tiểu đoàn Dù 11, và vai trò của viên cố vấn của họ, xứng đáng được ghi nhận. Việc phòng thủ Charlie vẫn mãi còn là ký ức đầy tự hào của người cựu bình Sài Gòn,  để làm nổi bật so với các hình ảnh ô nhục như việc đầu hàng của Carrol.

Trong khi đó, ở bắc Quảng Trị có màn chạm trán dữ dội giữa lực lượng xe tăng hai phe đối địch.  Khi các tăng M-48 bắn lật chiếc tăng dẫn đầu của cột xe tăng cộng sản T-54, các binh sĩ Miền Nam nhảy lên vỗ tay reo hò: ‘Giống như trong phim! Vậy là xong!’ Tất nhiên là chưa xong.

Một sĩ quan viết: ‘Một góc chân trời mịt mờ khói lửa,  mùi cay hăng của da thịt cháy hòa lẫn với mùi thuốc súng.’ Kho quân nhu của Ái Tử bắt lửa,  và pháo binh cộng sản bắt đầu bắn phá thành phố Quảng Trị.  Abrams nói: ‘Điều mà Giáp làm ở đây trong bóng rỗ người ta nói là ép sân toàn diện.  Ông ta tung vào mọi thứ chết tiệt mình có!’

Và Hà Nội đã làm việc này ngược với ý muốn cụ thể của người Nga. Vào ngày 20 tháng 4 ở Moscow, ngay cả khi trận đánh đang gầm thét ở Đông Dương,  Kissinger gặp nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev, người mà ông hăng hái dàn xếp một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Nixon. Một chủ đề lấn át của năm đó là, trong khi người Xô viết tiếp tục om sòm tố cáo hành vi của Mỹ ở Việt Nam,  và chế tạo những vũ khí lợi hại gửi đến Miền Bắc, bên trong họ làm rõ thái độ lãnh đạm của mình: như người Trung Quốc,  ưu tiên trước hết của họ là hoà hoãn – giải quyết những vấn đề như hạn chế vũ khí chiến lược. Cũng giống như chính quyền Mỹ duy trì sự hậu thuẫn cho Sài Gòn vì các lý do chính trị nội bộ bao trùm, Trung Quốc và Liên Xô cũng làm như vậy với Hà Nội,  để xoa dịu tình cảm các đồng minh ý thức hệ của họ.

John Vann đã hứa rằng CCYTHL Delta và thị trấn Tân Cảnh có thể được giữ vững trước sự tấn công của hai sư đoàn Bắc Việt,  và trong một thời gian ông đã giữ lời. Tuy nhiên, tiếp sau sự thất thủ của Delta, Sư đoàn 22 trấn giữ Tân Cảnh suy sụp một cách nhục nhã.  Binh sĩ phòng thủ bị sốc khi thấy xe tăng của họ bị hủy diệt bởi tên lửa Sagger, một trong số bắn trúng boongke chỉ huy. Vann đóng một vai trò nổi bật trong việc sơ tán các cố vấn Mỹ còn sống, thấy chính mình đang gần như bắn trực diện vào quân địch đang xông tới, ngay cả khi họ nhảy lên trực thăng.  Có nhiều hành động dũng cảm,  nhưng không thiếu các hành vi  ươn hèn: trong khi các trực thăng cứu thương Mỹ gan dạ liều mình để sơ tán thương binh, một số các đối tác Không lực Việt Nam lại bán chỗ ngồi trên chiếc Huey cho những tên trốn chạy lành lặn. Nhiều Địa phương quân và Nghĩa quân bỏ hàng ngũ tháo chạy. Tướng Dzu suy sụp tinh thần,  đâm ra chán ghét Vann, tìm cách thuyết phục với Tổng thống Thiệu bỏ rơi toàn bộ Cao nguyên Trung phần. Vùng này, và nhất là thủ phủ tỉnh Kontum, một thị trấn có 25,000 người trên Đường 14, được cứu vì quân địch dừng lại để tái tập kết trong ba tuần vô giá sau khi chiếm được Tân Cảnh,  tạo cơ hội cho Miền Nam củng cố, và người Mỹ triển khai hai trực thăng tác chiến gắn các tên lửa TOW chống tăng, chứng tỏ là vũ khí vô giá chống T-54. Một số tướng lĩnh Sài Gòn có cách cổ vũ thuộc hạ thật vô duyên. Một tư lệnh quân đoàn cổ vũ người được giao nhiệm vụ phòng thủ Kontum: ‘Bá, cậu hãy làm tốt nhất và ráng đừng bỏ chạy!’ Đại tá Lý Tòng Bá là sĩ quan Miền Nam mà gần một thập niên trước đây đã bị John Vann khinh thường tại trận Ấp Bắc.  Tuy nhiên,  giờ đây hai người gắn kết một hợp tác rất thành công trên chiến trường. 

Trong số các bộ đội chiến đấu ở phía bắc Quảng Trị có xa thủ 17 tuổi Phạm Thân Hưng, trải nghiệm trận đánh đầu tiên của mình.  Ngay từ lúc một viên đạn bắn sướt qua mũ anh, Hưng cảm nhận số mệnh mình nên trở thành một thi sĩ hơn là một anh hùng: ‘Tôi kinh hoàng, mồ hôi chảy ướt đẫm lưng.’ Cậu là một người bất thường trong quân đội, dám suy nghĩ theo ý mình. Cha Hưng đã tranh đấu lâu dài để con mình không phải ra trận, và tưởng đã thành công nếu không có cuộc khủng hoảng nhân lực ở Miền Bắc.  Vào cuối năm thứ nhất tại Đại học Hà Nội của chàng thiếu niên, các sinh viên bất ngờ được thông báo rằng,  dù họ không được gọi nghĩa vụ, họ phải ‘tình nguyện’ phục vụ quân đội. Đêm trước ngày khám sức khỏe của họ Hưng và một người bạn ngồi hàng giờ trên mái ký túc xá,  tìm cách làm sao có thể thoát được viễn cảnh đáng ghét bằng cách nốc cà phê tẩm thuốc lá, mà có người nói sẽ làm huyết áp tăng vọt. Nhưng họ không bao giờ thử theo cách này, một phần bởi vì không thể nhanh chóng tìm ra thuốc lá; hơn nữa, mãi tán gẫu nên đâm ra buồn ngủ, và khi tỉnh dậy thì mặt trời đã mọc cao  và hội đồng khám sức khỏe đã làm việc.  Một ít tuần sau toàn bộ sinh viên cùng khóa tập hợp trong sảnh đại học,  để nghe hiệu trưởng đọc diễn văn. Ngay giữa buổi diễn văn, bục nói ông đang đứng bỗng sụp đổ. Khán giả giải tán mà lòng không an, vì cho đây là điềm gỡ: ‘Chúng tôi thực sự tin rằng điều này có nghĩa tất cả chúng tôi đều sẽ tiêu đời.’

Sinh viên biểu thị cho giới trí thức ưu tú của Miền Bắc. Nhưng họ quá ngây thơ trước bản chất của trải nghiệm đang chờ đợi mình đến nổi khi trình diện lên đường họ còn đem theo cả đàn guitar và sách vở. Các bạn gái đồng khóa căn dặn họ nhớ sống  trở về với cấp bậc đại tá. Các anh chàng thì nói đùa với nhau: ‘Xanh cỏ hoặc đỏ ngực.’

 Tại tỉnh Quảng Trị, đơn vị Hưng đóng trại tại khu vực vừa mới được quân Miền Bắc chiếm đóng: vài đêm liên tiếp họ bị bắn, mặc dù không thấy đơn vị địch trong vòng vài dặm. Sát thủ hóa ra là một bà cụ địa phương 70 tuổi tìm cách trả thù cho cái chết của hai con trai là binh sĩ Miền Nam. Bà lập tức bị đem ra hành hình,  khiến tâm trí Hưng hoang mang. Cậu nghĩ,  đúng là bà ấy giúp cho phía bên kia, nhưng theo cách của mình, há chẳng phải bà cũng là một nữ anh hùng dân tộc? Đây quả là thứ suy ngẫm nguy hiểm cho một bộ đội Hà Nội, nhưng không phải chỉ mình cậu mới có. Cậu và các đồng chí trong pháo binh phòng không 37mm đều chán ghét các sĩ quan ‘cứ muốn mình làm anh hùng’. Họ nhận bằng khen vì được cho là đã bắn rơi 6 máy bay địch, nhưng chàng xạ thủ nói,  ‘Toàn là tuyên truyền. Tôi không nhớ chúng tôi bắn rơi cái nào.’

Vào ngày 21 tháng 4 một trận không kích hủy diệt đánh trúng ụ pháo,  giết một phần ba xạ thủ,  làm bị thương một phần ba khác, phá hủy pháo của họ. Binh sĩ hỏi nhau một cách chua chát: ‘Tại sao bọn sĩ quan cứ muốn chọc gậy vào tổ ong bằng cách khai hỏa?’ Sau thảm họa tinh thần binh sĩ chùn xuống. Một số người sống sót báo cáo có bệnh.  Một tiểu đội trưởng tự bắn vào chân: khi Hưng dìu anh đến trạm xá, y khẩn khoản xin chàng thiếu niên hợp tác khai với bác sĩ y bị trúng đạn địch, nhưng rồi y bị bắt và xử tội. Giữa những đổ nát của đơn vị mình Hưng ghê tởm khi thấy từng đống xác chết các đồng chí mình bị các bộ đội đi qua lục soát đồ dùng cá nhân; chủ nhân của chúng không còn cần đến chúng, các tên cướp cạn nói, ‘còn chúng mình cần.’ Chuyển đến dàn pháo 130mm,  Hưng phát hiện phần đông binh sĩ ở đây từng là người đào ngũ  chấp nhận công việc này thay vì ở tù. Rồi họ cũng hứng một cuộc không kích hủy diệt làm thiệt mạng một số người và tạm thời chôn Hưng dưới một đường hào. Cậu được lệnh xách xô  đi thu nhặt các mảnh thi thể tung tóe: ‘Tôi quá khiếp đảm đến nỗi tôi quyết định mình không chỉ không thích hợp làm một người hùng, mà còn không nghĩ mình có thể trở thành một thi sĩ.’

 

Tinh thần trong câu chuyện của Hưng không phải nói lên các đồng đội của cậu là hèn nhát,  mà đúng hơn họ đại diện cùng một pha trộn của nhân tính như trong hàng ngũ của mọi quân đội. Bảo Ninh nói: ‘Trong tận cùng tâm khảm không ai muốn có mật ở đó … Nhưng chúng tôi phải làm nhiệm vụ.’ Giới lãnh đạo, tinh thần kỷ luật và chất lượng huấn luyện của họ, nói chung, vượt trội hơn phía QĐVNCH. Chỉ đạo cấp cao của quân đội Miền Bắc trong chiến dịch 1972 ấn tượng hơn một chút so với vụ công kích Tết 1968; nó chỉ tốt hơn một chút so với quân đội Miền Nam. 

Hai căn cứ hỏa lực tây bắc, Bastogne và Checkmate, thất thủ trước cộng quân chỉ sau một trận phòng thủ kéo dài,  nhưng trong những ngày cuối cùng của tháng 4 ‘tuyến Đông Hà’ bị bẽ cong – rồi, tan vỡ. Mặc dù phe tấn công bị không kích dữ dội,  nhưng cuộc không kích này kém hiệu quả hơn ở phía nam nhiều, vì tại tỉnh Quảng Trị người Mỹ đã giao trách nhiệm quan sát tiền tiêu trên không cho phía Miền Nam.  Hơn nữa, bên dưới Vùng Phi Quân Sự quân địch có dàn phòng thủ tên lửa mạnh mẽ nhất: ước tính có cả ngàn SAM-2 được khai hỏa chống phi cơ Mỹ và Không lực Việt Nam trong chiến dịch. 

Khi các đạo quân Miền Bắc lũ lượt tiến về nam qua cầu Cam Lộ, rõ ràng là Quảng Trị không còn có thể phòng thủ được. Cuối cùng Quân Miền Nam và các cố vấn Mỹ rút đi vào ngày 1 tháng 5, và ngày hôm sau cộng quân chiếm thành phố. Những cảnh tượng đầy kinh ngạc xảy ra khi một số binh sĩ Miền Nam tháo chạy gần như trần truồng vì đã trút bỏ bộ quân phục.  Tư lệnh Quân đoàn I Lãm bị cách chức quá muộn màng,  thay thế bằng Trung tướng Ngô Quang Trưởng, người mà Abrams gọi.là ‘sĩ quan có chất lượng  chuyên nghiệp nhất mà QĐVNCH từng có’. Vị sư đoàn trưởng bất hạnh ở Quảng Trị bị chỉ định làm dê tế thần chính thức cho thảm bại xảy ra,  và với sự bất công quá mức ông bị kêu án 5 năm tù vì ‘tội đào ngũ khi đối mặt với quân địch’.

Vào ngày 1 tháng 5 ở Paris,  Kissinger gặp gỡ Lê Đức Thọ lần nữa. Người cộng sản bắt vị cố vấn an ninh quốc gia phải nghe một cuộc độc thoại tuyên truyền. Đã thấy rõ là điều tốt nhất Hoa Kỳ có thể hy vọng rút ra từ một hiệp ước hoà bình là một cuộc ngừng bắn tại chỗ,  mặc dù Kissinger tiếp tục yêu sách lực lượng Miền Bắc đang tham gia giao tranh phải rút về nước. Các chỉ huy mặt trận của cộng sản bực mình khi Lê Đức Thọ thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp từ Paris đến chiến trường Miền Nam, né tránh Sân Rồng,  thỉnh thoảng đích thân phát lệnh – lúc nào cũng yêu cầu tấn công hơn nữa.  ‘Không thể tin được!’ một sĩ quan sau này nói. ‘Tham mưu không đồng ý với cách làm việc này,  nhưng chúng tôi không biết phải phản đối với ai.’ Vào giai đoạn cuối của trận công kích 1972, các cuộc tấn công của địch được phát động không nhằm mong chiếm lãnh thổ, mà chỉ tranh thủ được các tít lớn trên toàn thế giới,  để lay động công luận Mỹ, và để duy trì sức ép lên Kissinger ở Paris. Trong việc theo đuổi các mục tiêu chính trị này, Lê Đức Thọ quả là thành công. 

Vào chiều ngày 2 tháng 5, bên dưới Sông Mỹ Chánh phía nam Quảng Trị, binh sĩ Miền Nam và các cố vấn của họ chứng kiến sự tan vỡ của một sư đoàn bộ binh, bốn nhóm Biệt động, một lữ đoàn thiết giáp,  hai đội xe bọc thép  và một lữ đoàn TQLC,  cùng với các lính Địa phương quân, Nghĩa quân và binh sĩ yểm trợ. Ít sĩ quan hoặc binh sĩ nổi bật, nhưng những người sống sót đặc biệt trân trọng câu chuyện của Đinh Thị Thạch, vợ một thượng sĩ: sau khi ngôi làng của bà gần Quảng Trị bị địch đánh chiếm, suốt nhiều tuần không sợ hiểm nguy đến tính mạng,  bà che giấu một tá binh sĩ Miền Nam bỏ trốn trong hầm trú ẩn của bà,  và sau đó dẫn dắt họ đến nơi an toàn tại phòng tuyến của họ.

Cuộc rút quân trở nên hỗn loạn hơn. Một sĩ quan xe tăng viết: ‘Trời, làm sao có thể mô tả thảm kịch đổ ập lên đầu chúng tôi khi đến Quốc lộ 1. Binh sĩ không trật tự,  con đường trước mặt thì địch án ngữ,  mà phía sau chúng cũng đông đảo và rót pháo lên đầu chúng tôi.’ Một số tài xế tuyệt vọng  đạp ga tăng tốc, đánh chìm các tăng M-48 xuống sông Thạch Hãn. Số khác bỏ lựu đạn pháo sáng xuống cửa sập rồi nhìn xe tăng của mình bốc cháy trước khi gia nhập vào dòng lũ người tị nạn lội suối băng đồng lũ lượt vè thành phố Huế. 

Tại Sài Gòn, Abrams nổi cơn thịnh nộ khi các tướng lĩnh Miền Nam phàn nàn họ thiếu vũ khí và trang thiết bị: ‘QĐVNCH không mất xe tăng vì xe tăng địch phá hủy. QĐVNCH mất xe tăng vì, mẹ kiếp, họ bỏ chúng. Và, mẹ nó, cho dù có xe tăng Josef Stalin 3, nó cũng không ích lợi gì.’ Ông cũng hằn học với Tổng thống Thiệu và Viên, tham mưu trưởng Sài Gòn: ‘Trang thiết bị không phải là điều các ông cần.Các ông cần người dám chiến đấu. Và các ông cần sĩ quan và chỉ huy binh sĩ dám chiến đấu,. .. Các ông đã nhận được mọi trang thiết bị mình cần … Các ông đã đánh mất gần hết pháo vì chúng bị bỏ đi.’ Phần đông giới truyền thông phương Tây dự đoán rằng các  thảm bại chiến trường gần đây nhất sẽ khép lại tấm màn nhung của vở diễn Miền Nam. 

300 bệnh binh cuối cùng tại quân y viện Quảng Trị được chở đi trên đoàn xe bị kẹt lại trên phía  nam Quốc lộ 1 giữa rừng người tị nạn và xe cộ đổ nát.  Hỏa lực pháo quân địch dội xuống xe cứu thương thành đống sắt vụn. Bác sĩ Phạm Viết Tứ, một bác sĩ quân y Dù, viết về số phận của thường dân: ‘Có hàng trăm ôtô,  xe tải, xe đạp, xe gắn máy  lỗ chỗ vết đạn và mảnh pháo địch, một số cháy thành tro.  Những bộ xương người nằm rải rác trên mặt đường  … Hình ảnh dấy lên niềm thương xót làm đau nhói tim tôi là hình ảnh bộ xương một đứa trẻ khoảng 2 tuổi nằm bên trong một chậu tắm bằng nhôm. Một đội dép xăng đan cao su nhỏ xíu nằm kế bên xương thịt còn lại của mẹ em.’

Abrams và quân Miền Nam ngạc nhiên sao cộng quân không thẳng tiến xuống nam sau khi lấy Quảng Trị để đánh chiếm Huế, đang mở toác cửa cho quân địch. Một sĩ quan Sài Gòn viết: ‘Huế dường như là một thành phố vô pháp; số it cảnh sát và quân cảnh không thể kham nổi đám đông dân tị nạn và binh sĩ.  Nạn trộm cướp, đoạt xe xảy ra. Bên đường, nhiều trẻ lạc loài từ mới đi chập chững đến thiếu nhi gào khóc và đưa mắt nhìn đoàn người lũ lượt đi qua.  Tôi thấy một đứa bé khoảng 12 tuổi ôm lấy em trai khoảng 3 tuổi của mình dựa vào một gốc cây bên đường.  Đứa anh bấu lấy một mảnh giấy cỡ lá thư trên đó viết nguệch ngoạc: ‘Chúng em là con của ông Xuân ở Quảng Trị. Không tìm được cha mẹ. Làm ơn giúp đỡ chúng em.”‘

Hàng trăm các tin nhắn viết nguệch ngoạc trên tường bằng vôi hoặc than,  hoặc bằng bút chì trên giấy rồi dán vào thân cây bằng nhúm cơm: ‘Gửi Hạ sĩ Nguyễn Văn Ba, Tiểu đoàn 1/57th. Các con và em đang chuyển xuống nhà Dì ở Đà Nẵng, ‘ hoặc  ‘Hạ sĩ Bảy Bộ bình 3/2 nhắn vợ: Anh còn sống và đang chiến đấu. Trời Phật sẽ phù hộ cho em và các con chúng ta.’ Một tin đọc thấy: ‘Vợ Hoa nhắn chồng Trung sĩ Trương ĐPQ – Quảng Trị.  Pháo VC đã giết chết con gái nhỏ của chúng ta hôm qua. Con trai vẫn bình yên với em. Đừng lo lắng và đừng đi nếu không có phép.’ Bà Bông, người nội trợ Huế đã trải qua những trải nghiệm khủng khiếp trong cuộc công kích Tết 1968, giờ viết thư cho một người bạn: ‘Con trai còn sống duy nhất của tôi đã rời nhà.  Hiện tôi một mình với con gái và đứa cháu nhỏ. Thật quá cô độc. Nếu con trai yêu dấu của tôi có mệnh hệ nào,  tôi không biết phải làm gì. Chiến tranh khủng khiếp này chắc sẽ không bao giờ chấm dứt … Tội nghiệp cho các con cháu của tôi.’

Thiếu tá Nguyễn Công Luận gặp một đại uý trẻ tuổi đang dẫn tiểu đoàn dường như đang mất nhuệ khí của mình tiến về phía trước chiến đấu. Khi chàng thanh niên than phiền rằng người Mỹ giờ đây chỉ hoàn thành không đến phân nửa yêu cầu yểm trợ không kích của mình, Luận nói rằng nhân tố quyết định để khiến người Mỹ đáp ứng là quân đội Miền Nam phải thể hiện quyết tâm chiến đấu.  Trong tổng số tổn thất vật chất của năm 1972 gồm 200 xe tăng, 275 xe bọc thép chở quân, 634 quân xa và 300 pháo, phân nửa bị bỏ lại hoặc phá hủy ở phía bắc. May mắn cho chế độ Sài Gòn là đà tiến công của quân địch vào phía bắc và Cao nguyên Trung phần mất xung lượng sau khi lấy được Quảng Trị và Tân Cảnh. Quân xâm lược đã tổn thất thương vong to lớn, phần đông do không kích,  và thiếu yểm trợ hậu cần để có thể tiến lên. Trong suốt tháng 5, quân Miền Nam lập thành một phòng tuyến,  và chặn đứng đà tiến chao đảo của địch. Sau đó trong mùa hè một cuộc phản công chậm chạp,  kéo dài  bắt đầu tái chiếm Quảng Trị. 

Một số trận đánh ác liệt nhất trong tháng 5 tập trung vào Kontum,  một thủ phủ tỉnh lỵ nằm trong thung lũng tại phía bắc Cao nguyên Trung phần, ba phía có sông bao bọc. Một nơi tương đối phồn thịnh có đến 9 nhà thờ Công giáo,  nó được bảo vệ bởi Sư đoàn 23, có một số tăng,  pháo binh và Nghĩa quân yểm trợ. Cộng quân cắt đứt Đường 14 phía nam thành phố trước khi tung các phần tử thuộc ba sư đoàn cho cuộc tấn công từ phía bắc và tây bắc bắt đầu vào ngày 13 tháng 5.

Lữ đoàn trưởng Bá sau này viết: ‘Đó là địa ngục trần gian- mỗi ngày đều tệ như ngày hôm qua,  pháo ròng rã 40 ngày.’ John Vann ở khắp mọi nơi  – ném xuống quân nhu, chỉ đạo 300 lượt đánh phá B-52 trong 3 tuần, cổ vũ các chỉ huy xuống tinh thần.

Khi boongke của Bá trúng pháo trực tiếp, quân y phải lọc bệnh để cứu chữa và băng bó thương binh, chuyển đi người chết,  ngay cả khi chung quanh họ các sĩ quan tham mưu đang tiếp tục điều hành trận đánh. Đêm 18 tháng 5 là đêm tồi tệ nhất, khi bộ đội tràn ngập phân nửa thành phố Kontum trước khí bị đẩy lui. Nhiều đợt không đánh vào xe tăng Miền Bắc giữa khu vực trống trải. Nổ ra các trận đánh ác liệt trong ba nghĩa trang bên rìa thành phố.  Vào lúc 09:00 sáng ngày 26 tháng 5, một sĩ quan cộng sản nhìn nhận rằng trận công kích đã xì hơi. Hai xe tăng còn lại của anh cán phải mìn QĐVNCH,  và hai chiếc cuối cùng bị trực thăng phá hủy.  Chiến sử Hà Nội nhìn nhận: ‘Các cuộc tấn công của chúng ta chậm lại  và càng ngày càng ít hiệu quả hơn… Trong khi đó địch đã được tăng viện, củng cố phòng thủ và tăng cường phản công.  Vào đêm 5-6 tháng 6 bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh rút quân khỏi Kontum,  và khép lại chiến dịch Bắc Cao nguyên Trung phần.’ Mỹ và Việt sau đó nhất trí rằng,  nếu không có John Vann, Kontum hẳn đã thất thủ.  Ông sống sót qua vô số va chạm với thảm họa,  có lần dùng bá súng đánh đuổi binh sĩ Miền Nam trốn chạy leo lên chiếc Jet Ranger của ông khi nó cất cánh.  Bá viết một cách cảm xúc: ‘Thắng lợi không thuộc về ai khác hơn con người này mà mục tiêu duy nhất của ông là giúp QĐVNCH đánh bại sự gây hấn của cộng sản. Tôi thường tự hỏi mình: “Tại sao một người Mỹ lại xả thân cho cuộc tranh đấu này? Tại sao ông chấp nhận hiểm nguy ở Ấp Bắc,  và giờ hiểm nguy ở Cao nguyên Trung phần”‘ Bá mô tả Vann như một thánh tử đạo xứng đáng được mọi người Miền Nam tri ân.

Chính ông ta cũng ngỡ mình là vô địch, nhưng điều đó là sai, như các nhân vật ngông cuồng luôn là vậy. Vào ngày 9 tháng 6, bay cùng với một phi công thiếu kinh nghiệm trong ánh sáng nhạt nhoà,  Vann tử nạn khi chiếc trực thăng của ông rơi xuống. Lúc đó ông mới 47 tuổi,  bỏ lại đằng sau các bà vợ, tình nhân, con cái không ai chăm sóc, cả Mỹ lẫn Việt. Neil Sheehan, tác giả cuốn tiểu sử về Vann Lời Nói Dối Tỏa Sáng, một trong những tác phẩm vĩ đại về Việt Nam, nhận xét rằng trong khi Vann giải cứu Kontum,  ông làm như thế theo một cách phủ định mục đích của riêng  mình.  Ông cho thấy không có những người Mỹ như ông ấy, sử dụng không lực, Miền Nam không thể giữ vững được. Vì vậy, tất cả chiến đấu và hy sinh chỉ trì hoãn một kết cục giờ đây đã được an bày.

Abrams nói vào giữa chiến dịch 1972: ‘Mức độ bạo lực, và mức độ tàn bạo  … trên một bình diện chưa từng đạt tới.’ Thậm chí khi các trận đánh Quảng Trị và Kontum đang tiếp diễn,  ba sư đoàn cộng sản tận phía nam tiến ra khỏi Cao Miên,  tràn chiếm Lộc Ninh trước khi tiến đến An Lộc, thủ phủ của tỉnh Bình Long. Đây là thị trấn đồn trú của 10,000 người, tọa lạc giữa hai sông  trong vùng cao nguyên cách Sài Gòn 60 dặm về hướng bắc. Vào tối ngày 5 tháng 4 đặc công địch đánh chiếm sân bay gần đó. Binh lính bảo vệ sân bay vừa thoáng thấy xe tăng địch liền bỏ chạy. Kẻ xâm lược cũng cắt đứt con đường xa hơn về phía nam, thành ra An Lộc hoàn toàn lệ thuộc vào tiếp tế hàng không.

Qua máy bộ đàm khi Nhóm Biệt động 3 được không vận vào thị trấn vào ngày 7 tháng 4, chỉ huy của nó Thiếu tá Nguyễn Văn Biệt – Anh Hai- cảnh báo rằng sân bay đang bị pháo kích.  Khi trực thăng chạm đất và binh sĩ túa ra, họ thấy ban tham mưu chỉ huy của nhóm đã chịu thương vong nặng nề.  Tư lệnh sư đoàn 5 Miền Nam Đại tá Lê Văn Hưng bảo với Thiếu tá Biệt, ‘Bọn cậu đã đến đúng lúc. ‘ Binh sĩ của ông đang dao động,  một trung đoàn đã tràn qua. 

Tiếp theo một giai đoạn tạm ngưng ngắn ngủi trước khi cộng quân mở cuộc tấn công, trong khi đó một sĩ quan Biệt động nhìn dân chúng thị trấn tiếp tục công việc thường nhật của mình khi các quân xa phóng thanh của chính quyền đi khắp thành phố, thúc giục họ bình tĩnh,  trấn an viện binh đang tới, bảo họ trình báo ngay lập tức nếu thấy địch xâm nhập.

Khi quân địch mở trận pháo kích không có vẻ gì là họ tôn trọng cuộc sống dân thường  – rốc kết 122mm và pháo 155mm từ các khẩu pháo đã chiếm được tại Lộc Ninh rơi như mưa xuống mỗi khu vực trong thành phố.  Một sĩ quan Miền Nam viết: ‘Tiếng la thét thống khổ, các thi thể và tứ chi tung tóe khắp mọi nơi và thậm chí vắt trên cành cây và mái nhà. Nhiều dân chúng núp vào hầm trú ẩn boongke của quân đội.’ Hơn 2,000 đạn pháo và súng cối rơi xuống An Lộc mỗi ngày.

Một buổi tối Biệt động quân chới với khi, không giải thích,  các cố vấn Mỹ phóng đến một chiếc trực thăng bay mất hút vào chân trời phía đông.  Chuyện này là sao? Quân đồn trú bị Mỹ bỏ rơi ư? Bí ẩn chỉ được giải quyết vào bình minh hôm sau khi một đội cố vấn mới đến. Viên chỉ huy xin lỗi sự thay đổi,  không thông báo trước vì lý do an ninh.  Ông hứa An Lộc sẽ nhận được đầy đủ sức mạnh yểm trợ của không lực Mỹ: tinh thần phấn chấn trở lại khi lời cam kết này được thực thi. 

Lúc 02:30 ngày 13 tháng 4 cộng quân phát động trận tấn công lớn đầu tiên. Các xe tăng xung kích thoạt đầu gieo khiếp đảm: ‘Binh sĩ chúng tôi hoảng kinh,’ một lính phòng thủ viết. Nhưng rồi một đơn vị Địa phương quân sử dụng một vũ khí chống tăng vác vai bắn rốc kết phá hủy một chiếc. Lực lượng đồn trú bắt đầu nhận ra các con quái vật bị theo dõi này rất dễ bị tổn thương trên đường phố, và họ phá hủy hết xe tăng này đến xe tăng khác, với sự tiếp tay của phi cơ Mỹ. Binh sĩ xe tăng Miền Bắc biểu lộ trình độ yếu kém đáng thương hại: trong nhấp nhem rạng sáng một chiếc T-54 lao xuống một hố bom. Binh lính xe tăng phạm sai lầm chiến thuật thảm hại,  một mình tăng tốc vào thành phố,  tại đó chúng bị phá hủy từng chiếc một bởi rốc kết chống tăng vác vai và không kich. Lúc 08:30, với 7 xe tăng bị mất, những chiếc sống sót quay trở lại.

Đại uý Cố vấn Hal Moffett sau này nói: ‘Nhờ trời, người cộng sản không sử dụng xe tăng đúng cách. Nếu họ phối hợp tốt  ất họ đã càn lướt qua tất cả,  nhưng họ hoàn toàn vô tổ chức và cho đến hôm nay tôi vẫn không hiểu họ định làm gì với xe tăng,  khi mà mỗi lần họ chỉ tung ra từng 4 hay 5 chiếc.’ Binh sĩ Miền Nam giờ được nhận tiền thưởng cho mỗi chiếc xe tăng phá hủy được: những binh sĩ nghèo khó cho thấy họ sẵn sàng liều mạng vì tiền hơn là vì đất nước mình.  Một số bộ binh mang súng chống tăng, Moffett nói, ‘để cho xe tăng địch đến cách minh trong vòng 10, 30 ya mới chịu khai hỏa.’ Tại chiếc cầu chủ chốt từ hướng đông , ‘Các anh chàng này ngồi đó và đợi cho đến khi xe tăng địch ra đến giữa cầu rồi mới hạ gục nó.’ Phần còn lại của đoàn xe tăng cộng sản quay đầu và cố lội qua suối, chỉ để làm mồi cho Không lực Mỹ.

Trận giao tranh trên bộ tiếp tục ác liệt và đẫm máu, lực lượng phòng thủ mất dần đất,  một tiểu đoàn Biệt động bị quét tan. Tin phát trên sóng thường bị cắt ngang bởi các tiếng kêu gọi của địch răn đe, ‘Đầu hàng thì sống, chống cự thì chết!’ Quân Miền Bắc giành được quyền kiểm soát một số quận lỵ mặt đông bắc,  và bị đẩy lui chỉ khi, ngay giữa cơn mưa bão, một trực thăng tác chiến Spooky Mỹ bay trên đầu khai hỏa lực tự động với độ chính xác phi thường. Một sĩ quan Miền Nam hớn hở gọi trên máy: ‘Đáng đồng tiền bát gạo! Tiếp tục đi!’ Khi boongke địch sụp đổ,  cũng y báo cáo: ‘Một số binh lính địch khiếp sợ chạy ra ngoài, thở dốc và trông như thế ngợp nước mưa.’

Lúc 04:30 ngày 15 phe vây hãm phát động một trận bắn phá khác, bắt đầu từ các khu dân cư. Nửa giờ sau, một cuộc tấn công chủ lực thứ hai bắt đầu trong bóng đêm. Một xe tăng Miền Bắc vứt bỏ một bánh xích và một xe tăng khác bị chết máy do hết nhiên liệu,  thành ra chỉ còn 7 chiếc tiến lên cùng với bộ đội. Đến bình minh cộng quân chiếm giữ được các vùng bên ngoài, chỉ để lặp lại lỗi lầm họ đã phạm hai ngày trước  – phái đi các xe tăng về phía trước mà không có bộ binh yểm trợ. Binh sĩ Miền Nam với súng chống tăng vác vai bắn hạ thêm nhiều T-54; cuộc tấn công khựng lại, quân địch lùi về. Hai tiểu đoàn Dù và một nhóm Biệt động khác đến cứu viện thị trấn. Qua tuần tiếp theo một số vị trí nằm ngoài bị mất,  nhưng cộng quân không thể xâm nhập khu trung tâm An Lộc.

Nếu phe tấn công tổ chức yếu kém  – đưa đến việc một tư lệnh sư đoàn Miền Bắc bị cách chức – thì việc phòng thủ cũng không phải là tuyệt phẩm của nghệ thuật chiến tranh. Đại tá William Miller, cố vấn cao cấp, chán nản báo cáo rằng Hưng, tư lệnh Sư đoàn 5, là người mệt mỏi-không vững vàng-không biết lí lẽ-dễ nổi giận-không cố vấn được – và không dễ gần’. Giữa ngày 22 tháng 4 và 10 tháng 5, phe vây hãm và phe bị vây hãm đánh nhữ nhau một cách không dễ dàng. Ban đêm bầu trời rực sáng do pháo sáng thả từ máy bay C-47. Không kích đánh phá ác liệt các phòng tuyến cộng quân. Lực lượng đồn trú giờ đông đến 6,200 với 25 cố vấn Mỹ, tiến hành các cuộc phản công đẩy lùi quân Miền Bắc, và các nhà sử học cộng sản nhìn nhận rằng tinh thần chiến đấu của họ suy sụp. Vào ngày 10 tháng 5 tại Sài Gòn, Tổng thống Thiệu tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông tự hào lưu ý rằng đứng trước nguy cơ,  có hơn 53 ngàn người Miền Nam tình nguyện phục vụ quân đội: viễn cảnh thắng lợi của cộng sản đang đến gần dần cô đọng trong tâm trí một số người. Cũng cần lưu ý một nhận xét có tính lịch sử là trong khi hàng vạn binh sĩ Sài Gòn đào ngũ khỏi quân đội của Thiệu,  hiếm có người nào làm thế để về với hàng ngũ địch; họ chỉ mong được về nhà với gia đình.

Nhưng ở An Lộc giới lãnh đạo cộng sản vẫn không lay chuyển: đã dấn mình tới,  họ không chấp nhận thất bại.  Vào ngày 11 tháng 5, được tiếp viện 35 xe tăng mới, họ phát động một cuộc tấn công mới với 5 trung đoàn,  tiến lên theo bốn trục.  Trong boongke chỉ huy quân Miền Nam có thể nghe được động cơ xe tăng địch,  khói và bụi luồn vào các lỗ đặt súng. Một cố vấn Mỹ dặn anh thông dịch Việt: ‘Nói cho cậu biết  – có thể chúng ta không giữ được, vì thế nếu cậu muốn giữ mạng mình,  hãy đi sát tôi, và sẵn sàng rút.’ Tại An Lộc cũng như tại nơi khác lực lượng quyết định,  như Hal Moffett đã chứng kiến,  chính là không lực vốn đập tan hết trận tấn công này đến trận tấn công khác: ‘bom CBU [bom bự] ngăn chận cả một tiểu đoàn.  Các chỉ huy hét với đơn vị cộng quân hãy đứng lên và tấn công. Xung phong. Quát tháo với họ. Chúng tôi có thể nghe được họ. Nhưng bộ đội vẫn không xung phong.  Chúng tôi tiêu diệt bọn xâm nhập đông bắc trên đó. Tôi trông thấy họ bỏ chạy.  Chúng tôi có thể đã thắng ngày đó, chúng tôi khiến bộ đội bỏ chạy. Nhưng mọi thứ đều dừng lại trong ba giờ.’

Số thương vong Miền Bắc đã trở nên cao ngất, và cộng quân dường như đã hết thuốc. Moffett thuật lại một cách sống động sau đó. Một số binh sĩ Miền Nam,  ông nói, chiến đấu như cọp: ‘Binh lính Dù đúng là xông xáo tuyệt vời …’ Cũng có người không: một nhóm Biệt kích ‘bị hoàn toàn đẩy bật khỏi vành đai bởi chỉ xấp xỉ 6 quân địch.  Họ không bắn trả mà chỉ ném lựu đạn rồi rút lui.  Họ nói bắn ra sẽ bại lộ vị trí của mình … Tôi gặp một đại tá đi tới tôi khóc lóc  … ý tôi là khóc như một đứa trẻ,  nước mắt chảy xuống má, y muốn biết tại sao họ không nhận được sự yểm trợ không lực.’

Moffett nổi giận trước tính thụ động của quân phòng thủ – cho phép quân địch đặt súng cối nhởn nhơ trước tầm nhìn của mình. Họ hứng chịu một trong những trận pháo kích khủng khiếp nhất của cuộc chiến,  trong đó phức hợp bệnh viện An Lộc bị tàn phá: ‘Tôi ước tính họ giết chết từ 3 đến 5 trăm người  – đàn bà,  trẻ em, con nít, binh sĩ, toàn bộ công trình. Họ chỉ biết pháo kích ồ ạt.’ Trong khi đó các Cobra buộc phải bắn từ độ cao 5,000 bộ để tránh các tên lửa đất-đối-không cải tiến. Phi cơ tiêm kích phải tấn công từ phía sau các vị trí QĐVNCH thay vì ngang qua chúng, để giảm thiểu bị lộ ra trước hỏa lực địch. 

Thậm chí khi xung đột diễn ra ác liệt trên đường phố, một sư đoàn Miền Nam dấn tới về phía bắc đến Đường 13 trong một nỗ lực bẻ gãy cuộc vây hãm. Dù nó không hề hoàn thành việc này,  ít nhất mũi thọc sâu đã chiếm trọn sự chú ý của đội hình cộng sản đang phong tỏa đường tiến của nó. Người Mỹ tung ra một nỗ lực phi vụ phi thường để tiếp tế cho quân đồn trú bị bao vây: 2,693 tấn quân nhu và khẩu phần được thả dù. Vào ngày 11 tháng 5, các B-52 ném bom hủy diệt gần như hàng ngày suốt 24 giờ, cùng với trung bình gần 300 lượt không kích chiến thuật mỗi ngày. Cố vấn cao cấp Thiếu tướng James Hollingsworth bảo với MACV: ‘Nếu không có các cố vấn các ông đã đón cộng sản  … vào Sài Gòn rồi, tôi tin là như thế.’ Đúng là như thế, không bởi vì ‘việc cố vấn’ mà người Mỹ đưa ra, mà nhờ họ đóng vai trò các kiểm soát không phận tiền tiêu. Trong những tiếng hoan hô cuối cùng dành cho Lục quân và Quân đoàn TQLC Mỹ ở Việt Nam, sau quá nhiều trở ngại và thất bại, nhiều sĩ quan và hạ sĩ quan kỳ cựu trong đội cố vấn thể hiện lòng quả cảm, xả thân và kỹ năng chuyên nghiệp, có tính quyết định trong việc ngăn chặn cuộc công kích của cộng sản. Moffett và nhóm của mình trải qua 53 ngày ở An Lộc: ‘Khi chúng tôi rút đi chúng tôi phải lôi kéo người Việt xuống trực thăng, chúng tôi không muốn chở theo thương binh nào bởi vì nếu bạn chở một bạn phải chở hết tất cả … Chính tay tôi kéo xuống 4 binh sĩ Việt,  thiếu điều ném họ xuống mới leo lên được.’ Thông dịch viên Trần Văn Đệ nhìn nhận: ‘Nhiều người tìm cách đào ngũ,  hoặc lấy cớ bị thương để được  ra khỏi trận địa.’

Mặc dù cộng quân giữ vững cuộc vây hãm An Lộc cho đến 8 tháng 6, vào giữa tháng 5 mối đe dọa thoái trào. Lịch sử của Tổng tham mưu Quân đội Miền Bắc bình luận ‘Chúng ta đã không chiến đấu tốt.’ Miền Nam tổn thất 12,500 thương vong để giữ vững thành phố.  Thiệt hại của phe tấn công chắc chắn gần 25,000 cùng với 36 xe tăng quý giá. 

Trong khi quân đội của Thiệu chiến đấu ở Miền Nam,  Tổng thống Nixon tháo xiềng cho một cuộc oanh tạc dữ dội nhất trong cuộc chiến xuống Miền Bắc, để trừng phạt cho thái độ hống hách của họ.

Giữa ngày 1 tháng 5 và 30 tháng 6 Không lực Mỹ và Hải quân Mỹ tiến hành 18,000 lượt xuất kích, mất 29 phi cơ.  Vào ngày 8 tháng 5 trong một buổi truyền hình quốc gia, Nixon bảo với nhân dân Mỹ rằng ông đang thực hiện ‘một hành động quyết định nhằm kết thúc chiến tranh’: một cuộc tấn công vào hệ thống hậu cần và giao thông Miền Bắc, mật danh Linebacker, với 330 lượt xuất kích mỗi ngày và đặt mìn đầu tiên các đường tiếp cận đến cảng Hải Phòng. Hơn nữa,  tại đỉnh cao trận chiến năm 1972,  5 nhóm tàu sân bay Hải quân Mỹ, 3 tuần dương pháo hạm và 38 khu trục hạm cung cấp sự yểm trợ hải quân cho quân Miền Nam. Với đòn phản kích ấn tượng trả đũa việc lăng nhục nước Mỹ bởi cuộc công kích của cộng quân Nixon tranh thủ được nhiệt tình ủng hộ đáng kinh ngạc của dân chúng: Người Mỹ hoan hô việc đánh trả địch từ trên không, vì họ không bao giờ bằng lòng giao tranh với địch trong đầm lầy và rừng rậm của họ. Trong tháng 4 và 5, lực lượng tiếp viện không lực khổng lồ được gửi đến trận địa, cuối cùng có đến 210 B-52 hoạt động từ Guam và Thái Lan,  cùng với 374 F-4. Mục tiêu chính là đường giao thông,  bao gồm bãi tàu hỏa Yên Viên và cầu Paul Doumer ở Hà Nội,  bị đánh sập bởi 29 quả bom điều khiển bằng laser và quang điện. Giữa tháng 4 và 10, 155,548 tấn bom đạn rơi xuống Miền Bắc.  Lượng nhập khẩu trên đất liền từ 160,000 tấn một tháng giảm xuống còn 30,000; lượng nhập khẩu từ đường biển từ 250.000 tấn đến 0. Người Trung Quốc ngưng các chuyến tàu và đóng cửa đường sắt của họ.

Linebacker phá hủy gần như toàn bộ kho dự trữ dầu Miền Bắc và 70 phần trăm năng lượng điện.  Từ quan điểm của người Mỹ, chiến dịch không phải là ít tốn phí: nhiều phi hành đoàn hiện giờ tương đối ít kinh nghiệm,  và điều này phản ánh trong tháng 6, khi các MiG của địch bắn hạ 7 chiến đấu cơ mà chỉ mất hai chiếc. Tổng thể,  Linebacker thiệt hại 44 phi cơ.  Trong khi đó, mặc dù sức mạnh không kích chiến thuật gây ra một tác động hủy diệt và gần như là quyết định đối với các trận đánh ở Miền Nam, thì ở Miền Bắc hạ tầng cơ sở quá mỏng và thấp kém thành ra hiệu quả việc đánh bom đối với nỗ lực chiến tranh của địch chỉ rất thấp.

Chiến dịch Linebacker, 1972

Tuy nhiên, Nixon không thừa nhận điều này. Sự kiên nhẫn của ông đối với Creighton Abrams cuối cùng hết hạn khi người quân nhân này chống đối Linebacker, lẽ ra thay vào đó nên tập trung tài nguyên không lực cho Miền Nam. Kissinger nói, với bản năng quen thuộc tấn công vào yết hầu của đối thủ: ‘Ông ta đã muốn thế! Nhìn xem, ông ta phốp pháp,  ông ta uống nhiều,  ông ta không thể đảm đương công việc.’ Vào tháng 6 Abrams về nước,  để được Fred Weyand thay thế trong những tháng cuối cùng của MACV.  Abrams không bị cách chức, nhưng bị loại ra để đi lên, kế vị Westmoreland làm tham mưu trưởng lục quân.  Ông là một sĩ quan có năng lực, tốt bụng, thích hợp với kiểu chiến tranh quy ước ở châu Âu. Sự sa sút ngày càng tăng của ông sau những năm nhậm chức ở Sài Gòn, nhất là trong những tháng cuối cùng,  có thể là do phải đối mặt với các áp lực chính trị và quân sự có thể quật ngã bất kì vị tư lệnh nào. Một đồng nghiệp khi nói rằng Abrams được yêu cầu ‘phải điều hành một cuộc chiến trên nền tảng bằng chất thạch’ thật không nói quá.

Vào ngày 22 tháng 5, Nixon trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến viếng thăm Moscow,  bắt đầu một tuần lễ đàm phán thượng đỉnh với lãnh tụ Xô viết Leonid Brezhnev. Mỗi bên đều khó chịu trước khó khăn khi thảo luận về các vấn đề hạt nhân sống còn liên quan thiết thân đến họ nhất, trong khi bóng ma chiến tranh vẫn lơ lửng trên bàn đàm phán. 

Thông dịch viên viết sau đó: ‘Nếu Việt Nam được đề cập lúc này lúc khác, mục đích duy nhất là đánh dấu để sau này có thể báo cáo với người Việt và các đồng minh về vị thế mạnh mẽ và không lay chuyển quyền lãnh đạo của Liên bang Xô viết.’ Thủ tướng Xô viết Alexei Kosygin cảnh báo rằng bất kì sự leo thang lần nữa nào của Mỹ sẽ buộc Hà Nội tìm kiếm sự hỗ trợ từ các lực lượng Trung Quốc. ‘Nixon lắng nghe hàm răng nghiến chặt.  Rồi ông bình tĩnh nhưng kiên quyết bác bỏ những gì ông coi là những vu cáo không bằng cớ,  nhấn mạnh ý định muốn kết thúc cuộc đổ máu.  Ông đổ lỗi sự thiếu tiến bộ trong đàm phán là do Miền Bắc ngoan cố, và kêu gọi chúng tôi gây ảnh hưởng đến bè bạn và đồng minh của chúng tôi.’ Mặc dù người Nga sử dụng lời nói mạnh mẽ đáp lại,  giọng điệu của họ thật là ôn hòa.

Họ sợ Nixon, và lo âu sâu sắc muốn ngăn cản Việt Nam làm phương hại đến tiến trình thỏa hiệp với ông ta. Vài lần trong đối thoại thượng đỉnh,  người Nga trả lời với thúc giục của người Mỹ rằng họ sẽ thuyết phục Việt Nam đàm phán nghiêm túc bằng cách cáo buộc Hoa Kỳ không chịu kiềm chế các hành động quá đáng của Israel đối với người Palestine. Trái bóng này cứ bay qua bay lại lưới. Người Mỹ nói: Israel là một nhà nước độc lập chúng tôi có quan hệ thân thiết,  nhưng chúng tôi không thể ép buộc họ thay đổi chính sách. Người Nga phản đòn: điều đó cũng đúng với chúng tôi và Bắc Việt.  Đàm phán thượng đỉnh Moscow kết thúc với các hiệp ước ABM và SALT I,mà theo quan điểm của cả hai bên, có tầm quan trọng lớn lao hơn Đông Dương nhiều. 

3 Một Thắng Lợi Rỗng Tuếch

Tại Miền Nam,  từ tháng 6 qua mùa thu phi cơ Mỹ đánh phá các lực lượng Miền Bắc khiến họ rút lui,  nhờ đó binh sĩ Miền Nam có thể dần dần chiếm lĩnh một số lãnh thổ đã mất. Tổn thất của cộng quân tăng vọt đến mức độ mà không lãnh tụ quốc gia nào kém nhẫn tâm hơn Lê Duẩn có thể chịu đựng. Sư trưởng sư đoàn 308 gửi một tín hiệu cá nhân cho Giáp, hối thúc ông nên hủy bỏ cuộc công kích. Ông phàn nàn rằng các sĩ quan chính trị chụp mũ bất cứ ai thúc giục rút lui là kẻ hèn nhát, ‘nhưng đây là điều tôi đề xuất. Với vị thế bây giờ của chúng tôi,  chúng tôi sẽ phấn đấu giao tranh với một tiểu đội địch đơn lẻ. ‘

Bên ngoài Quảng Trị vào tháng 6, với sức lao động vô hạn các kỹ sư cộng sản chuyển đi 42 thuyền phao bắc qua một con sông – chỉ để nhìn thấy chúng bị phá hủy bởi một cuộc không kích trong đó đơn vị phòng không bảo vệ cầu phao bị quét sạch. Một lữ đoàn pháo bị đánh tan tác trước khi đặt chân đến chiến trường. Tuy vậy các cuộc tấn công bộ binh làm mới vẫn được tiến hành, nhưng theo lời của Tướng Phi Long: ‘sau một tuần tác chiến tài nguyên chúng tôi đã cạn kiệt. Mỗi tiểu đoàn giảm còn 30 hoặc 40 người.’ Một vài sĩ quan cao cấp được thay thế sau khi ngã bệnh vì kiệt sức do nhiều lý do khác nhau. Người Miền Bắc học được một bài học tàn nhẫn rằng,  dù sức mạnh không quân có hạn chế thế nào khi chống các du kích quân và đường tiếp tế trong rừng,  thì nó vẫn phát huy sức tàn phá khủng khiếp lên các lực lượng quy ước, và nhất là lên xe bọc thép bắt được khi di chuyển. Nhếch nhác trong công tác hậu cần, đi ngược với lời khuyên của Giáp, mà vai trò của nó trong chiến dịch có vẻ mang tính hành chính và danh hiệu hơn là chức năng, gây nhiều khó khăn vô cớ.

Vào ngày 11 tháng 7 một cuộc tấn công trực thăng vận Miền Nam đánh dấu bước đầu tiên trong cuộc chiến đấu dài nhằm lấy lại Quảng Trị. Khi cộng quân hậm hực lùi lại, Đại tá An kỳ cựu được phái đến tham gia trận đánh để giữ lại thành phố.  Đến nơi trong cơn mưa trút nước để thấy hầu hết đại đội bộ binh chỉ còn lại 20 phần trăm quân số, bộ đội sống sót sức khoẻ yếu kém và tinh thần sa sút,  ông viết: ‘Quân địch đang nện và áp đảo chúng tôi.’ An cũng tán thành hủy bỏ chiến dịch,  như một sĩ quan cao cấp khác đã nói: ‘Rõ ràng kẻ địch đã nắm được thế thượng phong… Tôi biết các cán bộ khác trong sư đoàn cũng nhất trí, nhưng không ai dám thổ lộ ra ngoài. ‘

An viết: ‘Có lẽ vì cụm từ “Cách mạng chỉ biết có tiến công” đã quá hằn sâu trong tâm thức chúng ta, nên ai dám đề xuất một lập trường phòng thủ đều chắc chắn bị kết tội “có tư tưởng ý thức hệ tiêu cực ” … Mùa mưa gây ra vô vàn khó khăn. Hào lúc nào cũng ngập đầy nước và bùn. Cho dù chúng tôi đã tát cạn các boongke, chỉ trong một vài giờ chúng lại úng đầy nước …Dù cho các bộ phận vận tải có cật lực làm việc đến đâu,  thì hàng tiếp tế vẫn thiếu thốn.  Bộ đội chúng ta…đói, lạnh, bẩn thỉu và đau ốm.’

Phạm Hưng của Sư đoàn 308 kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của mình vào ngày 26 tháng 8, tại Quảng Trị dưới một trận pháo kích của quân Miền Nam. Cậu quyết định tổ chức một buổi sinh nhật nhỏ , cho nên cậu dự tính bắt một số cá từ cái ao gần đó, sử dụng cách thức  quen thuộc của binh sĩ: trong khoảng thời gian ngừng bắn anh nhảy ra khỏi hố cá nhân,  chạy đến ao gần đó và trút hết băng đạn AK-47 vào hệ sinh vật trú ngụ trong ao.  Thu nhặt các con cá trúng đạn nổi lên, cậu chạy trở lại nơi ẩn nấp khá chậm để thoát khỏi cơn mưa bom của Mỹ. Một tiếng nổ ném cậu bất tỉnh xuống đất, tại đó cậu nằm suy nghĩ vẩn vơ: ‘Mình sắp chết, một cách không có gì là vinh quang.  Thay vì là một người hùng, tôi đang bấu chặt trong tay một nắm cá chết. Tôi chưa hề làm tình với một cô gái.’

Cậu rất khổ sở, nhưng sau một thời gian biết mình chưa chết, mặc dù ra rất nhiều máu. Cậu cố kêu cầu cứu,  nhưng không nghe âm thanh nào phát ra. Quân y tá đã thiệt mạng,  nhưng cậu thành công trong việc gây chú ý cho người thay thế, một sinh viên thú y, băng bó vết thương ở cánh tay và đầu cậu. Hai người được giao nhiệm vụ mang cậu đến trạm quân y,  nhưng rồi một đợt bom dội xuống, họ đột ngột buông cậu giữa khoảng trống để chạy ẩn nấp.  Khi tiếng bom ngừng hẳn  họ mới trở lại và cậu nói: ‘Thôi để tớ bò. Như thế đỡ đau hơn bị ném xuống đất.’ Khi về đến trạm xá, đồng đội cậu khen ngợi cậu quá may mắn: mình còn sống và được về nhà,  còn họ phải tiếp tục chịu đựng. Hưng cho rằng lời nhận xét của họ kỳ lạ, nhất là khi cậu máu me thế kia.  Một tuần sau tai nạn, cậu theo chân đoàn thương binh lội bộ trở lại Đường Mòn trên hành trình chậm chạp,  đau đớn: ‘Chúng tôi trông như một đoàn quân bại trận,  một cảnh tượng khủng khiếp.  Chúng tôi vừa đi vừa hát, nhưng đó là những bài hát rất buồn. Ngay lúc đó chúng tôi cảm nhận chiến tranh ắt hẳn sẽ tiếp diễn mãi mãi, và chúng tôi không thể thắng trận.  Chúng tôi gặp nhiều tân binh đi theo chiều ngược lại,  và cảm thấy hối tiếc cho họ. Chúng tôi nói với nhau: ‘Nếu mấy thằng nhóc này biết mình đang đi đến điều gì, ắt hẳn chúng sẽ quay lại và trốn về nhà. “‘

Nhưng đến khi về tới Miền Bắc, thật ngạc nhiên khi tinh thần lại lên cao trong những con người tơi tả đó. Tiến gần đến sông Kiên Giang, một người la to, ‘Ngay bờ bên kia là nơi chôn nhau cắt rún của Tướng Giáp!’ Hưng nói: ‘Chúng tôi suy nghĩ,  “Bao lâu Tướng Giáp còn ở bên chúng ta,  chúng ta có thể đánh thắng.” Chúng tôi như thể một cây đang sắp chết khô vừa được tưới nước. Thình lình tôi, cũng vậy,  cảm thấy chúng tôi có thể chiếm ưu thế,  rằng tôi phải trở lại và chiến đấu tiếp.’ Trong sự cố,  vết thương cậu quá  nặng, nhưng cậu vẫn ráng ở lại phục vụ quân đội thêm hai năm nữa,  để em trai mình khỏi đi nghĩa vụ thế. Khi cậu cuối cùng được giải ngũ vào tháng 5 1974, cậu cảm thấy chua chát khi công lao đóng góp của mình không được công nhận: cậu rời quân đội với thương tật ở tai và tâm trí phải mất nhiều năm mới dứt hẳn,  vậy mà cậu bị buộc phải bồi thường cho vài món trang bị đánh mất, và buộc phải lội bộ 9 dặm mới bắt được xe khách về nhà.

Ở Miền Nam vào mùa thu 1972, một chỉ huy trung đoàn pháo binh Miền Bắc nhìn nhận: ‘Binh sĩ chúng ta không thể chịu đựng hơn được nữa.’ Bảo Ninh nói rằng tinh thần suy sụp: ‘Tổn thất tệ hơn hồi 1968.’ Tại một ngôi nhà ở Hà Nội, cô giáo Đỗ Thị Thu khóc nức nở khi nghe tin ba học trò trước đây của mình đã tử trận tại Quảng Trị. 

Theo đợt sóng đổi chiều, tinh thần Miền Nam lên cao tuy ngắn ngủi. Tại một ngôi nhà ở Sài Gòn của Đại tá Dù Lý Văn Quang, suốt đêm ông và bè bạn đồng đội ngồi nhậu rượu đế và trao đổi kinh nghiệm chiến trường. Họ cười hả hê khi bàn tán các trò điên rồ của các chỉ huy xe tăng địch ở An Lộc. Theo lời của một nhân chứng gia đình, ‘Họ quá đỗi tự hào: đây là lần đầu tiên QĐVNCH đã làm được điều thực sự quan trọng của riêng mình.’

Cán bộ cộng sản cao cấp Trương Như Tảng nhìn nhận rằng người Miền Nam và các nhà tài trợ Mỹ của họ đã thêm một lần thắng thế, ‘như họ đã làm được trong dịp Tết, ở Cao Miên, và trong nhiều trận đánh đỉnh cao trong đó họ đối đầu với VC và lực lượng chính quy Miền Bắc. Tổn thất của chúng tôi đã rất to lớn.’ Dù sao đi nữa,  ‘Sự nghịch lý là dù có điều này, cuộc công kích mùa xuân là một thắng lợi quyết định cho chúng tôi … Mỹ và Miền Nam đã thua cuộc chiến – và, phải chỉ chúng tôi biết được, VC cũng thua cuộc.’ Tảng ý nói người Miền Bắc sẽ cuối cùng áp đặt sự áp bức  mới lên mọi dân Miền Nam, không cần biết quá khứ họ trung thành với ai.

Kissinger căn dặn Tổng thống Thiệu là ông cần chiếm lại nhiều lãnh thổ như có thể trước khi một hiệp ước hoà bình được ký kết,  bởi vì bất kì vùng nào cộng sản giữ được lúc đó, họ sẽ chiếm luôn.  Mặc dù TQLC Miền Nam tuyên bố một thắng lợi uy tín có ý nghĩa khi chiếm lại được thành cổ Quảng Trị vào ngày 16 tháng 9 sau một cuộc chiến đấu ác liệt và 5,000 thương vong, sau đó họ quá kiệt sức nên không thể tiến thêm được nữa để lấy lại các căn cứ hỏa lực đã mất dọc theo Đường 9 và phần phía nam Vùng Phi Quân sự.  Đông Hà,  từng là một căn cứ Mỹ chủ chốt trở thành cảng trong ba năm cuối cùng của cuộc chiến qua đó  cộng quân chở đồ tiếp tế tận đến Sông Cửa Việt từ biển vào. Phân nửa lãnh thổ của bốn tỉnh phía bắc Miền Nam  – một phần mười toàn thể đất nước – vẫn vĩnh viễn nằm trong sự thống trị của cộng sản, cũng như vùng đất phía tây giáp với Lào và Cao Miên.

Thậm chí trong khi binh sĩ Thiệu chiến đấu ác liệt,  trong 6 tháng đầu năm 1972, 135,000 lính và nhân viên Mỹ đi về nước,  bỏ lại phía sau chỉ 49,000 người. Một sĩ quan Miền Nam mô tả cảnh tượng thê lương khi lái xe đi qua những doanh trại và căn cứ bỏ hoang tại Phú Bài, Đồng Tâm, Qui Nhơn, ngắm nhìn những thị trấn lụp xụp gần đó đã từng một thời đông đúc các quán ba, hộp đêm, nhà thổ, giờ trở nên hoang vắng và xiêu vẹo. Trong vùng đồng bằng Cửu Long, nơi đó trước đây trong cuộc chiến quân Miền Bắc chưa hề liều lĩnh đặt chân đến, Hà Nội giờ triển khai 8,000 bộ đội chính quy. Một cố vấn Mỹ ở Mỹ Tho chán chường ghi lại: ‘Chúng ta bị quân Miền Bắc tràn ngập đến tận cổ.’ Một cố vấn khác, ở thị trấn đồng bằng Vĩnh Kim báo cáo rằng 500 cộng quân vừa vào cướp bóc phức hợp Mỹ: ‘Họ đang đứng và chiến đấu. Chúng tôi gọi B-52 nhưng họ vẫn còn ở đó. Những con người này không bao giờ thoái lùi. Đây thực sự là trận đấu bóng khác với những gì chúng ta quen thấy trong những bộ phận này.’ Giữa sự xuất huyết của binh sĩ Miền Nam trong các trận đánh lớn phía bắc, chính quyền rút quân từ các căn cứ địa phương, để lại cho cộng quân đánh chiếm toàn bộ các quận lỵ. Hơn nữa cộng quân tỏ ra có bản lĩnh hơn hẳn binh sĩ Sài Gòn trong việc xử lý quan hệ với dân chúng địa phương, sớm tiếp tế cho họ thực phẩm. Lực lượng VC nổi dậy lao vào một chiến dịch ám sát mới những người phục vụ cho chế độ Sài Gòn. 

Kết cục của các trận đánh lớn năm 1972 là một thắng lợi chiến thuật cho Miền Nam,  đạt thắng lợi với giá 11,000 người chết, có lẽ tổng cộng có 50,000 thương vong. Phần đông số 300 người Mỹ ngã xuống năm đó thiệt mạng trong công kích mùa xuân. Thương vong của Miền Bắc ắt hẳn vượt hơn 100,000. Họ mất hơn phân nửa lực lượng bọc thép tung ra – ít nhất 250 xe tăng – và hầu hết pháo hạng nặng của họ. Khoảng 25,000 dân thường thiệt mạng,  ‘thiệt hại ngoài dự kiến ‘ rất bi đát dù đối với tiêu chuẩn Việt Nam. 

Người Trung Quốc chỉ trích chua chát Hà Nội đã đi quá sức mình. ‘Quân nhân chúng ta nói họ đã đánh mất Quảng Trị  vì Lê Duẩn ra lệnh chiếm Huế,’ một cán bộ cao cấp nói. 

Về phía người Mỹ, một ít người lạc quan chuyên nghiệp như Creighton Abrams hoan hô thắng lợi mà Miền Nam đạt được, nói: ‘Với tất cả sự rối ben đã xảy ra, và với tất cả những thực thi tồi tệ đã xảy ra … chúng ta sẽ không  ở  được vị trí chúng ta đang ở … nếu không có ai đó quyết định đứng lên và chiến đấu, ‘ sau đó nói thêm, ‘Nhờ trời,  người Miền Nam có thể xoay sở được!’ Một số ít người khác cũng đồng ý. Merle Pribbenow của CIA, lúc đó đang ở Sài Gòn, nói, ‘Rõ ràng nếu không có yểm trợ không lực đồ sộ của Mỹ , xứ sở này đã sụp đổ.’ Hầu hết các đồng bào nắm được thông tin của ông  đều nhất trí với nhận xét này,  vậy mà nhiều thành viên Quốc Hội liên tục  khích động để xiết hầu bao tiền tài trợ cho các hoạt động không lực.

Bộ Chính trị Miền Bắc hoàn toàn hài lòng với kết quả chiến dịch của mình.  Các lực lượng vũ trang Sài Gòn đã thực hiện được thế đứng hệ trọng cuối cùng của nó: từ đó về sau, tinh thần sa sút, phần đông chứng tỏ chỉ có khả năng đùa cợt với cuộc chiến. Thiếu tá David Johnson là một trong số nhiều cố vấn Mỹ trở nên tuyệt vọng sau các trải nghiệm 1972 của mình: ‘Tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trái tim tôi không ở trong đó.’ Khi có nhiều người Mỹ hơn ra đi lê chân lên máy bay ở các căn cứ không quân, nhiều phần đất của xứ sở họ bỏ lại phía sau trông giống một bãi phế liệu các hàng hoá tiêu thụ và trang thiết bị đổ vỡ hoặc hư mòn. Mọi đồng đô la, mọi trận đánh, đã không thể trao lại cho các nhà cai trị Miền Nam và những người hậu thuẫn họ ba yếu tố sống còn: phẩm cách, lòng tự trọng và tình cảm con người đủ lớn để biết yêu thương và hy sinh cho nhân dân mình. Thiếu vắng các điều này, thắng lợi trong các trận đánh không có gì đáng kể.

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s