‘Những cỗ quan tài đã được đưa về’: Hậu quả của lệnh tổng động viên hỗn loạn tại Nga

 Cù Tuấn dịch từ New York Times.

Các tân binh mới được huy động đã ngay lập tức được gửi ra mặt trận ở Ukraine, với hàng loạt báo cáo cho biết, họ chiến đấu và chết chỉ sau vài ngày huấn luyện.

Nửa tá binh sĩ Nga nói về việc được điều động đến một khu vực đang giao tranh dữ dội ở miền đông Ukraine chỉ 11 ngày sau khi được gọi nhập ngũ. Khi được hỏi về việc luyện tập bắn súng của mình, một tân binh có râu nói, “Một lần. Ba băng đạn.”

Tại một thị trấn gần Yekaterinburg, miền trung nước Nga, những người đàn ông mới được huy động diễu hành tại chỗ trong trang phục đường phố. Một quan sát viên giấu tên nói: “Không có súng máy, không có gì khác, không có quân phục, không có giày. Một nửa trong số họ đang say, già yếu, đang gặp rủi ro sức khỏe – xe cấp cứu nên túc trực.”

Ở những nơi khác, hàng loạt người thân của các binh sĩ Nga mới nhập ngũ tập trung bên ngoài một trung tâm huấn luyện, chuyển các vật dụng qua hàng rào cho tân binh người thân của họ – ủng, mũ nồi, áo chống đạn, ba lô, túi ngủ, thảm cắm trại, thuốc, băng y tế và thức ăn.

“Đây không phải là tổng động viên”, một phụ nữ tên Elena nói với hãng tin Samara Online. “Chúng tôi phải mua sắm mọi thứ.”

Bất chấp luật pháp hà khắc chống lại việc chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, mạng xã hội Nga tràn ngập những cảnh như trên được ghi lại trong các video được phổ biến rộng rãi. Những video như vậy cho thấy Bộ Quốc phòng Nga đang phải hành động đúng như dự đoán của các chuyên gia quân sự phương Tây: đưa hàng nghìn binh sĩ mới được nhập ngũ, chưa qua đào tạo, trang bị kém đến Ukraine, trong nỗ lực bịt các lỗ hổng trong tuyến phòng thủ của họ và biến những người này thành các đơn vị gắn kết. .

William Alberque, một chuyên gia trong lực lượng vũ trang Nga và là giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, nói: “Trong trường hợp tốt nhất thì những tân binh có được những vật dụng cơ bản, và trong trường hợp tệ nhất là không có gì. Quân đội sau đó ném họ vào trận chiến, điều đó cho thấy rằng những tân binh này chỉ là bia thịt, theo đúng nghĩa đen.”

Một dấu hiệu cực đoan của sự hỗn loạn này đã xảy ra vào thứ Bảy 15/10, khi hai người đàn ông từ một quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã nổ súng trong một trại huấn luyện của Nga. Họ đã giết chết 11 lính tình nguyện và làm 15 người bị thương trước khi bị bắn chết, các cơ quan truyền thông của Nga đưa tin.

Các nhà phân tích quân sự cho biết, quân đội Nga đang phải vật lộn để cân bằng hai mục tiêu: triển khai đủ quân số để ngăn chặn những bước tiến gần đây của Ukraine trong khi tái thiết các lực lượng bộ binh đã suy kiệt trong tám tháng chiến tranh.

Không thể tránh khỏi, một số tân binh đã bị giết hoặc bị bắt, gây ra những lời chỉ trích gay gắt hơn bao giờ hết về nỗ lực tổng động viên được công bố vào ngày 21 tháng 9, vốn được coi là hành vi gây xáo trộn ngay từ đầu.

Về lý thuyết, tổng động viên dành cho nam giới trong lực lượng dự bị với các kỹ năng quân sự, nhưng trên thực tế, lệnh này áp dụng hầu như cho bất kỳ ai, các nhà phê bình nói.

Anastasia Kashevarova, một blogger quân sự ủng hộ chiến tranh, đã viết trong một bài đăng với trạng thái tức giận: “Kết quả của việc tổng động viên là những người chưa qua huấn luyện bị ném ra tiền tuyến.”

“Chelyabinsk, Yekaterinburg, Matxcơva – những cỗ quan tài bằng kẽm đã được trả về,” cô nói thêm. “Bạn đã nói với chúng tôi rằng sẽ có huấn luyện, rằng họ sẽ không bị đưa ra tiền tuyến trong vòng một tuần. Lại nói dối à?”

Cho đến nay, Điện Kremlin đã dung thứ cho những lời chỉ trích về cách thức tiến hành cuộc chiến, đồng thời bỏ tù hoặc phạt tiền những người đặt câu hỏi về việc tại sao lại phải có việc xâm lược. Tuy nhiên, tuần trước cũng có nhiều ý kiến ​​cho rằng Nga cũng nên diệt nốt các nhà phê bình quân sự.

Hôm 14/10, Tổng thống Vladimir V. Putin xác nhận tại một cuộc họp báo rằng 16.000 tân binh đã được triển khai đến các đơn vị chiến đấu, một số chỉ được trải qua 5 đến 10 ngày huấn luyện. Ông nói thêm rằng các tân binh là rất cần thiết, vì mặt trận ở Ukraine trải dài gần 700 dặm, ông nói thêm rằng việc đào tạo tân binh sẽ được tiếp tục ở đó.

Bằng chứng về việc thiếu đào tạo chỉ là tin đồn, nhưng số lượng video quá nhiều từ khắp nước Nga, cùng với những lời đe dọa rải rác từ những tân binh vì điều kiện tại các trại huấn luyện quá tối tệ, và các bản tin và bài bình luận khác đã nhấn mạnh mức độ sâu sắc của vấn đề.

Trong một đoạn video được lan truyền rộng rãi, một tân binh từ Matxcơva được chuyển tới Trung đoàn xe tăng số 1 – một đơn vị đã bị tấn công nặng nề ngay từ đầu cuộc xâm lược – nói rằng chỉ huy trung đoàn đã thông báo rằng sẽ không có thực hành bắn súng hay thậm chí là huấn luyện lý thuyết trước khi những người này được triển khai ra tiền tuyến.

Một đoạn video khác cho thấy một nhóm khoảng 500 người đàn ông mặc quân phục, hầu hết khuôn mặt của họ được che kín, đang đứng trên một chuyến tàu ở vùng Belgorod, gần biên giới với Ukraine. Người kể chuyện nói rằng họ đã không được chỉ định vào các đơn vị cụ thể, và họ đã sống trong “điều kiện vô nhân đạo” trong một tuần, phải tự mua thức ăn và đạn dược thì thiếu thốn.

Chính quyền Belgorod thông báo rằng hầu hết những tân binh này sẽ được đưa trở lại miền trung nước Nga để huấn luyện thêm. Ngay cả thống đốc Roman Starovoit của vùng Kursk gần đó, cũng chỉ trích các điều kiện huấn luyện tân binh. Ông kể về các tòa nhà căng tin đổ nát, phòng tắm rỉ sét hoặc hỏng hóc, trại huấn luyện thiếu giường và đồng phục. “Ở một số nơi thì không sao, và ở một số nơi thì thật là khủng khiếp”, ông chia sẻ trên mạng xã hội.

Hôm 13/10, một lãnh đạo chính quyền khác, của vùng Chelyabinsk, là một trong những người đầu tiên chính thức thông báo về cái chết của các binh sĩ chưa qua đào tạo, với 5 người thiệt mạng ở miền đông Ukraine. Thông báo không nêu chi tiết hoàn cảnh, nhưng đài BBC tiếng Nga dẫn lời bạn bè và người thân của những tân binh này nói rằng họ được triển khai “như các bia thịt” mà không được huấn luyện chiến đấu chút nào.

Tương tự, một trưởng phòng Aleksei Martynov 28 tuổi thuộc chính quyền thành phố Matxcơva, một người thiếu kinh nghiệm chiến đấu, đã thiệt mạng ở Ukraine chỉ vài ngày sau khi được gọi nhập ngũ, theo Natalya Loseva, một nhà báo của kênh truyền hình nhà nước RT, đưa tin trên Telegram. Báo cáo của Loseva không thể được xác nhận một cách độc lập.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết: “Ban lãnh đạo quân đội Nga đang tiếp tục thỏa hiệp với việc tái thiết lực lượng trong tương lai bằng cách ưu tiên huy động ngay lập tức càng nhiều xác chết càng tốt cho các cuộc giao tranh đang diễn ra ở Ukraine”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết trong một đánh giá gần đây. Một báo cáo từ Bộ Quốc phòng Anh tán thành đánh giá đó, nêu rõ “Việc các binh lính Nga không kịp phá hủy các thiết bị trước khi rút lui hoặc đầu hàng cho thấy tình trạng huấn luyện kém và kỷ luật chiến đấu thấp của họ.”

Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Nga đang tìm cách tạo ra một động thái tích cực cho lệnh tổng động viên. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei K. Shoigu, thông báo rằng 200.000 tân binh đang được đào tạo tại khoảng 80 khu huấn luyện và 6 trung tâm huấn luyện lớn. Ông Putin kêu gọi tạm dừng cuộc tổng động viên, nói rằng 220.000 lính nghĩa vụ là đủ rồi, thay vì mục tiêu ban đầu được công bố là 300.000 người.

Số lượng quân Nga ở Ukraine vẫn là không rõ ràng. Ước tính có khoảng 200.000 binh sĩ đã được triển khai cho cuộc xâm lược, nhưng các cơ quan tình báo phương Tây nói rằng từ một phần ba đến một nửa số quân này đã bị giết hoặc bị thương.

Bộ Quốc phòng Nga đã tung ra một loạt video cho thấy những “mobik”, từ lóng chỉ các tân binh trong tiếng Nga, đang vui vẻ học bắn, tấn công xe tăng, thắt dây garo, cài đặt mìn và các nhiệm vụ quân sự khác.

“Nhìn chung, các binh sĩ đều được trang bị đầy đủ, sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu và háo hức tham gia vào hàng ngũ các đơn vị chiến đấu và tiêu diệt kẻ thù,” một người lính chỉ được nêu tên là Magomed, cho biết trong một video của Bộ Quốc phòng quay tại một sân tập ở đâu đó trong hoặc gần miền đông Ukraine.

Việc đưa hàng trăm nghìn quân đến chiến tuyến có thể ngăn cản những bước tiến của quân Ukraine trong ngắn hạn, nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng Nga sẽ phải vật lộn để đảo ngược vị thế của mình trong những tháng tới. Johan Norberg, một nhà phân tích tình hình Nga tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển cho biết: “Người Nga sẽ phải đưa ra lựa chọn – huấn luyện một đơn vị theo đúng kế hoạch và sau đó có nguy cơ thua cuộc trong chiến tranh, hoặc sử dụng đơn vị đó ngay bây giờ vì chiến tranh đòi hỏi điều đó, nhưng đơn vị trên sẽ chỉ đạt mức sẵn sàng 50%”.

Các phòng tuyến của Nga ở miền đông Ukraine đã liên tục sụp đổ dưới sự tấn công dữ dội của những người lính Ukraine được đào tạo tốt hơn, và có động lực chiến đấu tốt hơn. Các nhà phân tích cho rằng quân đội Nga đang thiếu các đơn vị gắn kết rõ ràng, nơi bộ binh, pháo binh và không quân được huấn luyện để phối hợp cùng nhau.

Andrei Gurulev, một thứ trưởng cứng rắn trong Quốc hội liên bang Nga và là một quan chức cấp cao trong lực lượng dự bị, viết trên Telegram rằng: sẽ mất ít nhất một hoặc hai tháng trước khi Nga có thể triển khai các đơn vị được huấn luyện. Những người khác cho rằng việc này sẽ kéo dài đến tận mùa đông. Bộ tổng tham mưu Ukraine cho biết một số học viên quân đội Nga đang được cho ra trường sớm để trở thành sĩ quan dự bị.

Liên Xô duy trì cơ sở hạ tầng huấn luyện quân sự lâu dài, các cơ sở hạ tầng này đã bị dỡ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Khi bắt đầu chiến tranh, các huấn luyện viên quân sự đã được chuyển đến Ukraine, khiến các đơn vị Nga phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống này với các cựu chiến binh hoặc giáo viên lấy từ các học viện quân sự.

“Họ đã mất rất nhiều chuyên gia quân sự,” Gleb Irisov, một cựu quân nhân thuộc Lực lượng Không quân Nga và là cựu nhà phân tích của hãng thông tấn nhà nước TASS cho biết. “Không có ai để đào tạo những tân binh này.”

Ngay cả trước chiến tranh, ông Irisov và những người khác cũng lưu ý rằng, Nga đã phải vật lộn để đào tạo hai lớp lính nghĩa vụ khoảng 100.000 người vào mỗi mùa xuân và mùa thu, với những báo cáo về các vấn đề như quân lính không được cho ăn đầy đủ.

Ông Irisov nói: “Hệ thống huấn luyện quân sự rất yếu và đã diễn ra theo cách đó trong một thời gian dài. Phần lớn các khóa huấn luyện chỉ có trên giấy. Họ đã không thể làm được điều này trong thời bình, vì vậy trong thời chiến điều đó càng khó khăn hơn”.

Thật bất ngờ khi một số cuộc huấn luyện chuyên sâu nhất đang diễn ra ở Donbas, khu vực miền đông Ukraine vốn đã bị bùng phát do chiến tranh kể từ khi Nga kích động phong trào ly khai ở đó vào năm 2014.

Mùa xuân năm ngoái, những người đàn ông ở Donbas đã bị bắt trên đường phố và được điều động trực tiếp ra tiền tuyến. Kirill Mikhailov, một nhà nghiên cứu tại Đội tình báo xung đột, một tổ chức được thành lập ở Nga, cho biết trong bối cảnh chiến sự, thái độ đã thay đổi. Ông nói, các quan chức trong khu vực này nhận ra rằng họ đã “phung phí nhân lực của mình mà chỉ thu được ít lợi ích”, và vì vậy họ biết rằng họ sẽ cần phải tạo ra những người lính chất lượng tốt hơn trong số những tân binh được Nga tuyển dụng.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, với hàng nghìn tân binh đổ vào mặt trận Ukraine, có vẻ như Điện Kremlin đang chú trọng số lượng hơn chất lượng. Hoặc, như ông Norberg đã nói, trích dẫn một cách diễn đạt của người Nga, “Không dùng kỹ năng, mà bằng ưu thế số lượng.”


https://www.nytimes.com/…/europe/russia-draft-ukraine.html

4 thoughts on “‘Những cỗ quan tài đã được đưa về’: Hậu quả của lệnh tổng động viên hỗn loạn tại Nga

  1. Thực ra cách Nga đang làm tại Ukraine không có gì mới lạ, trong chiến tranh Việt Nam, miền bắc VN đã từng huấn luyện chiến sĩ nghĩa vụ mới bằng tư duy quân sự “Chiến trường là thao trường”, nghĩa là kinh
    nghiệm chiến đấu người lính sẽ tự có trên chiến địa, ngược lại, miền nam VN chú trọng huấn luyện, đào tạo, trang bị kiến thức quân sự tùy đặc thù quân, binh chủng (Biệt Động Quân có khóa hành quân biệt động, rừng núi sình lầy, Nhảy Dù có bảy sô dù …), tùy cấp binh lính, trường hạ sĩ quan, sĩ quan, dù nhu cầu chiến trường có đang đòi hỏi cấp bách, “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” tại các trung tâm huấn luyện quân sự là yếu tố số một. Bởi lính mới không qua huấn luyện, huấn nhục hay huấn luyện kém sẽ là gánh nặng cho cấp chỉ huy hoặc đồng đội, vị nào đã từng tác chiến thời chiến tranh Việt Nam, dù bên nào cũng hiểu rõ điều này, riêng với Nga, việc thắng bại chưa thể kết luận, nhưng động viên, ngay lập tức ném vào chiến trường, hành động phi quy ước đó gọi là nướng quân và nếu cần đánh đổi một mục tiêu bằng chiến thuật áp đảo quân số (điều này đúng với Nga khi động viên nhân sự mới) gọi là thí quân.
    Vậy cũng không gì ngạc nhiên khi tân binh Nga ra trận, có khi chưa được bắn phát súng nào, hoặc chưa đến được nơi cần đến đã tử trận, nhẹ hơn thì hủy hoại thân thể tránh chiến đấu, đào ngũ, đầu hàng, vô kỷ luật, chưa nói đến hội chứng sợ hãi đến điên loạn.
    Một câu nói có thể dùng cho lính Nga trên chiến trường lân bang hiện tại là, “Ukraine đi dễ khó về, khi đi bọc thép khi về bọc thây”, câu này có vẻ phù hợp với hoàn cảnh lính Nga Putin mới (kể cả cũ).

    Thích

  2. Lee san có sự so sánh khập khiễng giữa Nga và bộ đội Bắc Việt ngày xưa. Những người lính động viên của Nga cầm giấy triệu hồi thì chỉ sau một tuần đã có mặt ngay tại nơi đang giao tranh khốc liệt. Còn những người lính Bắc Việt sau khi có lệnh tổng động viên thì họ hành quân chủ yếu bằng đôi chân. Sau vài tháng trời mới vượt Trường Sơn để có mặt ở những chiến trường Miền Nam. Trong vài tháng hành quân ấy cũng chính là thời gian nhập cuộc, thay đổi môi trường sống và tích lũy kĩ năng …

    Thích

  3. Cả hai anh nói cũng có những hợp lý riêng nhưng thực tế chiến trường hiện nay tại Ucraina khác nhiều so với thời chiến tranh Việt nam(1955-1975). Nếu xét về tương quan lực lượng và phối hợp tác chiến Liên quân Mỹ Việt dưới sự yểm trợ tối đa hỏa lực của Mỹ thì Quân đội Bắc Việt sẽ bị thua ngay trận đầu. Nhưng thực ra thắng thua của cuộc chiến nó không chỉ phụ thuộc vào một yếu tố ” sự tinh nhuệ của quân nhân” ( như Lee san nói về sự huấn luyện kỹ trước khi ra trận). Phía Quân giải phóng nói chung( cả Bắc + Nam) thì tinh thần chiến đấu của bộ đội, chủ động chiến lược trong từng thời kỳ để điều khiển nhịp độ chiến tranh, bảo đảm hậu cần, hoàn cảnh quốc tế,, đã được khéo léo lợi dụng kết hợp thành THẾ, từ THẾ tạo ra LỰC. Đích cuối cùng của một cuộc chiến là” đánh gục ý chí chiến tranh của đối phương chứ không phải là tận diệt lực lượng của đối phương”. Năm 1974 là thời điểm mà mỹ muốn bỏ Đông dương và Ông Thiệu cũng quá mỏi mệt nên không còn niềm tin để tiếp tục chiến tranh nữa. Khi cấp chóp bu đã ngã lòng thì người lính có giỏi đến mấy cũng sẽ phải buông súng thôi.

    Thích

  4. Xin cám ơn Trâm Oanh và trân trọng quan điểm của bạn, đương nhiên điều bạn nêu lên sẽ không phải bàn cãi vì nó đã xảy ra, tuy nhiên ở đây là câu chuyện “Lệnh động viên” của Nga ở góc độ huấn luyện quân sự, trước hết, nói về Ukraine, tại sao họ không động viên cùng thời điểm khi Nga muốn tăng quân số, rõ ràng hộ không muốn động viên và tổ chức các trung tâm huấn luyện quân sự trong lãnh thổ để trở thành mục tiêu cố định, rõ ràng đó là bất lợi, vậy họ làm cách nào, trước hết, trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, những người tình nguyện hoặc đến độ tuổi quân dịch bắt buộc sẽ được chuyển đến Lực Lượng Bảo Vệ Lãnh Thổ, hiểu nôm na là lực lượng bán quân sự, kế đó, tùy theo năng lực, thể chất, họ sẽ được chuyển qua nước thứ hai, thứ ba để huấn luyện và đào tạo kỹ năng quân sự, hãy nghe và đọc các bản tin như, Ba Lan cung cấp điều kiện đào tạo quân sự cho tân binh Ukraine, Pháp nhận huấn luyện 5000 quân Ukraine, Đức cung cấp phương tiện huấn luyện 10.000 lính Ukraine, Anh cam kết huấn luyện 10.000 quân Ukraine vv…, dĩ nhiên thời gian huấn luyện dù ở nước nào cũng kéo dài trên 3 tháng, đến đây đã rõ, yếu tố huấn luyện và đào tạo kỹ năng quân sự quan trọng thế nào, dĩ nhiên, yếu tố then chốt trong cuộc chiến Ukraine – Nga, hay bất kỳ cuộc chiến nào vẫn là tinh thần và sự phối hợp đồng lòng giữa quân sự và chính trị, đó là đoàn kết, bây giờ hãy đặt một giả sử, nếu quân đội Ukraine không được huấn luyện và cải cách theo hệ thống quân sự NATO từ 2014 đến nay, họ có trụ được bảy ngày trước quân đội Nga hay không, tiếp theo, với những người lính Ukraine trở về sau khi được đào tạo quân sự tại các nước như kể trên họ có thể giữ vững trận địa và chiến thắng đám quân rệu rã, ô hợp của nước Nga Putin hay không.
    Một chút tâm tình cùng Trâm Oanh, giá mà cái khéo léo đó, sức mạnh kết hợp đó nhanh hơn một chút, ít thời gian hơn một nửa, chỉ khoảng mười năm thôi, thì nước Việt ta đâu có cảnh Mậu Thân, Kỷ Dậu, Quảng Trị, Huế, hay tại thời điểm đó quân đội miền nam còn đang mạnh. Trân trọng cảm ơn bạn.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s