Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10a)

Ba vị Việt gian bán nước trước 1945 (Thật sự, tội của họ đến đâu) 

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật – Pháp. Ảnh : dangcongsan.vn

Nguyễn Ngọc Lanh

Như đã phân loại ở các bài trước, 6 vị Việt gian thuộc cỡ “bán nước” được chia thành hai nhóm: Nhóm trước năm 1945 gồm 3 vị: Kiều Công Tiễn, Ngô Nhật Khánh và Trần Ích Tắc; nhóm sau năm 1945 cũng gồm 3 vị: Lê Duy Kỳ (vua Chiêu Thống), Nguyễn Ánh (vua Gia Long) và Ngô Đình Diệm (tổng thống).

Tại sao lấy mốc 1945 để chia các vị này thành 2 nhóm?

Có lý do. Vì:

– Năm 1945, bên Trung Quốc rộ lên từ “Hán Gian“. Ở Việt Nam, đoàn thể Việt Minh lập ra Ban Trừ Gian (ám sát) và bê từ này về, đổi thành Việt gian, để gọi những người bị Ban này giết. Nạn nhân không phải bọn côn đồ, cướp bóc… mà là những đối thủ chính trị.

     – Do vậy, ngay trong năm 1945, 1946, từ “Việt Gian” đã trở thành đắc dụng để các Đảng, các Hội, các đoàn thể – tuy đều yêu nước – dùng mắng nhiếc lẫn nhau. Ví dụ, giữa ba đoàn thể Việt Quốc, Việt CáchViệt Minh

– Cũng từ năm 1945, các vi mắc tội từ đời nảo, đời nào… kể cả từ khi quốc hiệu nước ta chưa có chữ “Việt”, nhưng vẫn bị gọi là “Việt” gian.

– Cuối cùng, từ năm 1945, số Việt gian tăng lên quá nhanh, do vậy, năm 1945 trở thành cái mốc đánh dấu một giai đoạn mới để phân loại.

1- Kiều Công Tiễn

Khi ông này phạm tội, nước ta chưa có tên Việt Nam, nhưng năm 1945 ông vẫn được gọi là “Việt Gian”. Tội trang của vị này đã được nêu ở rất nhiều tư liệu lịch sử, không khó để tra cứu, nếu muốn. Thời xưa hay thời nay, xử ông tội chết là xứng đáng. Mọi người hả hê. Nhưng tới nay (do được phong danh hiệu mới) vẫn cần phân tích tâm trạng và hoàn cảnh phạm tội của nhân vật để rút ra những bài học cần thiết. Ví dụ, cách viết Lịch Sử sao cho khách quan, công bằng, khoa học… khỏi rơi vào cái tội “chính trị hóa” môn Lịch Sử.

Bài số 2 đã nói về tội của Kiều Công Tiễn. Còn bài này (số 10) xin bổ sung một số ý, sau khi áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Thời Kiều Công Tiễn, cái vùng đất mà dân ta cư trú đã bị mất vào tay phong kiến Tàu từ 400 năm trước. Nó bị sáp nhập vào Trung Quốc, được Trung Quốc đặt tên mới là Tĩnh Hải Quân, chia thành 12 đơn vị hành chính, gọi là “châu”. Về quan chức cai trị (hành chính và quân sự), người đứng đầu Tĩnh Hải Quân được gọi là Tiết Độ Sứ, còn đứng đầu 12 châu là các thứ sử, đều do triều đình bên Tàu bổ nhiệm và cử sang ta, suốt 400 năm chưa bao giờ các vị trí này được dành cho người bản xứ (khi đó, chưa gọi là người Việt).

May, năm 907, nhân bên Tàu có “loạn”, không thể cử người sang cai trị Tĩnh Hải Quân, nhờ vậy một vị hào trưởng người bản xứ đã tự động thay thế. Đó là Khúc Thừa Dụ. Dưới đây xin nói vắn tắt, lược bỏ một số chi tiết. Họ Khúc đã làm Tiết Độ Sứ tới ba đời, mà người Tàu đành chấp nhận do chưa thể can thiệp. Các vị họ Khúc này tất nhiên cũng phong cho người bản xứ làm thứ sử các châu. Chính nhờ vậy, tinh thần dân tộc được nhen nhóm. Tuy nhiên, tâm lý chung của các vị quan cai trị (dẫu đã là người bản xứ) vẫn chỉ mong mỏi một điều: Vua Tàu chính thức công nhận và bổ nhiệm họ, để họ có chính danh.

Khi nước Tàu yên ổn trở lại, liền đưa quân sang Tĩnh Hải Quân, chẳng công nhận ai, mà còn bắt vị Tiết Độ Sứ (Khúc Thừa Mỹ), mang về Tàu và thực hiện chế độ chiếm đóng như cũ. Nhưng chỉ ít lâu sau, lại có hào trưởng, thứ sử (cũ) Dương Đình Nghệ, với sự phò tá đắc lực của hào trưởng, thứ sử (cũ) KIều Công Tiễn, đã nổi dậy đuổi quân Tàu. Nhưng lần này, Dương Đình Nghệ vẫn chỉ dám xưng là… Tiết Độ Sứ. Không dám xưng Vương – như sau này Ngô Quyền đã làm. Còn vùng đất này, vẫn có tên là… Tĩnh Hải Quân như xưa. Nói khác, tới khi đó, dân ta vẫn chưa chính thức lấy lại được nước.

Khi họ Khúc trở thành Tiết Độ Sứ, đã phong Kiều Công Tiễn làm thứ sử. Ơn này rất sâu đậm. Họ Kiều đã nhiều đời là hào trưởng (thế lực mạnh, uy tín cao, tiếng tăm rộng) ở châu Phong (trong số 12 châu). Do vậy, khi Kiều Công Tiễn giết chủ tướng Dương Đình Nghệ, đã giải thích rằng: Lẽ ra, Dương Đình Nghệ có thể cứu họ Khúc nhưng cố ý chậm trễ không cứu, chính là nhằm tạo thời cơ đoạt chức Tiết Độ Sứ. Tuy nhiên, không có chứng cứ nào khẳng định hoặc bác bỏ điều này. Do dư luận chung vẫn kết Công Tiễn vào tội “giết chủ tướng, để cướp chức”. Vị này sợ hãi, liền “nhân danh Tiết Độ Sứ” để kêu cứu với Tàu. Kết quả, như đã biết: Ngô Quyền kịp giết Công Tiễn và phá tan quân Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng “vương” và ban cho những người có công lớn tước cao nhất. Đó là tước “công”. Xin phân biệt chức và tước.

Năm 1945, Kiều Công Tiễn được thêm danh hiệu “Việt gian” “bán nước”. Đây là danh hiệu rất không ổn. Từ thời xưa, vùng đất này chưa khi nào có tên “Việt”; vậy bới đâu ra người làm “Việt gian”? Và “nước” đã mất từ nhiều thế kỷ trước, lấy gì để Kiều Công Tiễn có thể “bán”?

Cứ kết tội như cũ, Kiều Công Tiễn vẫn xứng đáng với tội chết. Đó là tội giết chủ tướng và tội nội phản. Thế là đủ.

Dường như, từ 1945 về sau, khi xét xử (trong dịp viết lại Lịch Sử) người thời nay thích áp dụng cái nguyên tắc suy đoán “có tội” trong Tư Pháp?. Nghĩa là cố, và quyết tăng thêm tội cho bị cáo. Nếu vậy, rất có thể sẽ có cả cái “tội ngôn luận”?

2- Ngô Nhật Khánh

Bài 3 đã nêu tội trạng của ông này: Rất đáng khép tội “chết”, không oan. Trên thực tế, ông chết do Trời xử, càng không oan. Dẫu vậy, về phẩm chất cá nhân, đây là con người đảng khen ngợi.

Điều đáng nói ở đây là hoàn cảnh và số phận của ông này cho chúng ta thấy một điều xuyên suốt: Sách Lịch Sử của ta nhiều khi viết rất định kiến, một chiều. Chưa cần nói đến cuốn tiểu thuyết lịch sử (tức là được phép hư cấu) rất nổi tiếng (Hoàng Lê Nhất Thống Chí) thì lại hư cấu tới mức xuyên tạc nhiều sự kiện, nhằm để vu tội “bán nước” cho Lê Chiêu Thống. Mà ngay sách Lịch Sử (khoa học) hẳn hoi, khi viết về “loạn 12 sứ quân” cũng mắc cái lỗi “đổ mọi tội lên dầu kẻ chiến bại”, trong đó, có một mục đích là làm tăng mức độ vinh quang cho người chiến thắng. Cực đoan hơn nữa, sách Lịch Sử thời nay đã bắt vị vua chiến thắng là Gia Long phải là Việt gian để làm nối bật thành tích “cách mạng vô sản” của vua Quang Trung. Thật là nhảm nhí.

Xin nhớ, chế độ phong kiến thuộc nền văn minh nông nghiệp, chưa thể có giai cấp công nhân, làm sao dám gán tính chất “cách mạng” cho các cuộc nổi dậy? Nói chung, các cuộc khởi nghĩa của nông dân rất hiếm khi thành công. Nếu thành công, chỉ có thể lập ra một triều đình phong kiến mới. Nếu thất bại, tàn dư của cuộc khởi nghĩa sẽ thành… giặc, quấy nhiễu dân và gây oán với dân.

Cần biết hiện tượng trên, để khi đọc lại Lịch Sử, sẽ tự mình đặt ra những câu hỏi, nếu thấy những chỗ còn nghi ngại cần tìm hiểu thêm. Và rất có thể sẽ rút ra được những điều cần thiết hoặc những sự thật, mới mẻ. Hy vọng, đây là một trong nhiều cách giúp khắc phục tình trạng học sinh không thích môn Sử, như chúng ta đang thấy hiện nay.

Ví dụ, một bài viết rất công phu, tham khảo nhiều tài liệu nhưng không lưu ý đủ mức tới khái niệm “sứ quân” thời xa xưa ở nước ta.

Có thể nói sứ quân là những người chiếm giữ cả một vùng (địa phương), vốn dĩ từ trước vẫn tuân phục triều đình (trung ương), nhưng từ khi vị này hết tuân phục, thậm chí còn sử dụng bạo lực để mở rộng lãnh địa, chống triều đình… kể từ đó, trở thành “sứ quân”.

Nếu vậy, thì Đỗ Cảnh Thạc không thể là “sứ quân”. Vị tướng này theo giúp Ngô Quyền ngay từ đầu, có công lớn, được phong chức thái úy (đứng đầu các quan võ) trong triều, Ông được cử đóng quân rất gần Cố Loa để bảo vệ kinh đô. Sau khi Ngô Vương mất, ông giúp thái tử, hoàng tử giữ ngôi và tử trận vì chống lại sứ quân muốn chiếm ngôi vua… Vậy mà ông bị đưa vào danh sách “sứ quân”. Bậy đến vậy?.

Xếp Ngô Nhật Khánh là sứ quân còn bậy hơn.

Nhưng xếp Ngô Xương Xí vào danh sách sứ quân, mới là “bậy” nhất. Ông này thuộc dòng trực hệ của họ Ngô, là thái tử, lẽ ra phải đương nhiên nối ngôi ông-cha, thế mà lại bị “Lịch Sử đời sau” xếp thành “sứ quân”, và cũng “Lịch Sử đời sau” giao cho ông nhiệm vụ… chống triều đình của chính ông (!).

Có lẽ, xứng đáng là sứ quân nhất, chỉ có Đinh Bộ Lĩnh. Đúng vậy! Khi nhà Ngô lấy lại được ngôi, đã nhận ra đây mới là mầm mống gây “loạn”, liền lập tức mang quân đi đánh Đinh Bộ Lĩnh. Nhưng Lịch Sử đời sau lại đặt vị này (người chiến thắng) ra ngoài danh sach sứ quân, để giao cho vị này sứ mệnh dẹp “loạn” 12 sứ quân. 

Hành động của Ngô Nhật Khánh. Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt hầu hết đối thủ, nhưng Ngô Nhật Khanh thuộc nhóm được Đinh Bộ Lĩnh áp dụng chính sách “chiêu hồi”. Và còn được tranh thủ hết mức để người dân nhìn vào tấm gương quy phục của vị tôn thất này, mà quy phục triều đình nhà Đinh. Mẹ ông (góa) được vua Đinh lập làm hoàng hậu, sinh ra Đinh Hạng Lang, được vua coi là thái tử (sẽ nối ngôi). Bản thân ông, được vua Đinh gả con gái (công chúa). Em gái ông trở thành vợ Đinh Liễn…

Vậy mà 12 năm sau, thà chết, ông vẫn chống lại triều Đinh. Tại sao? Mặc cho đời sau viết Lịch Sử ra sao (ông không thèm biết), ông cứ hành động như ông đã nhận thức được sự thật đương thời. Hơn ai hết, Ngô Nhật Khánh thấy rõ: Họ Đinh cướp ngôi của họ Ngô. Xin đọc bài 3, Bài này nêu rõ: Tuy nhiên, công lao vua Đinh vẫn rất lớn, tội trạng của Ngô Nhật Khánh vẫn không nhỏ

3- Trần Ích Tắc

Vị này phạm tội trước 1945. Thời xưa, ông bị quy tội “đầu hàng”, chỉ có vậy. Từ năm 1945 ông bị thêm tội “bán nước”. Đầu hàng và bán nước là hai khái niệm liên quan về nhân – quả, nhưng vẫn là hai khái niệm riêng. Đầu hàng, có thể chỉ do nhút nhát, đầu hàng là mong sống. Còn bán nước là hành động chủ ý, phạm tội (rất nặng), trong đó đầu hàng là để bán nước.

Trần Ích Tắc là em vua, học vấn rất sâu rộng, rất nổi tiếng vì từng nâng đỡ và giới thiệu nhiều nhân tài cho triều đình. Sau khi đầu hàng, ông vẫn chứng minh được thực tài của mình. Ông cũng sớm nhận ra thế mạnh vô địch của quân Nguyên, do sợ chết, ông đã đem cả gia quyến đầu hàng khi quân Nguyên tiến như vũ bão vào nước ta. Giặc Nguyên nhận ra đây là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn – hơn hẳn Trần Di Ái – do vậy đem cương vị An Nam Quốc Vương ra lung lạc ông. Ông đã nhận. Một chứng cứ vững chắc: Việc đầu hàng của ông là tự nguyện và chủ động, đã được ghi trong cuốn Lịch Sử của Lê Trắc – là người cùng đầu hàng và cùng làm quan với Trần Ích Tắc dưới triều Nguyên, bên Tàu.

Trần Ích Tắc không chỉ là “quân bài” trong tay giặc Nguyên, nếu không còn lợi dụng được nữa thì vứt bỏ. Trái lại, sau khi thất bại trong cuộc xâm lược nước ta, vua nhà Nguyên vẫn trọng dụng và trọng đãi ông, suốt đời và nhiều đời tiếp theo.

Sau chiến thắng, nhà Trần bình công, luận tội, không hiểu vì sao ông bị kết tội rất nhẹ. Nhẹ nhất, ông chỉ bị coi như… đàn bà – vì nhút nhát (điều này có ghi trong bản án). Nhẹ nữa, ông vẫn được coi là tôn thất (không bị đổi họ). Chính do vậy, có giả thuyết coi ông đã nhận vai trá hàng, để có điều kiện thông báo những tin tức về chủ trương và thái độ của nhà Nguyên trong quá trình xâm lược, cũng như khi hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, chưa bao giờ giả thuyết này được chứng minh, nghĩa là,,, cũng chưa ai bác bỏ. Mời đọc thêm bài 4.

Sau năm 1945, Trần Ích Tắc được gia phong hai chữ “bán nước”, nhưng vai trò bị lu mờ thấy rõ. Ông không được giao nhiệm vụ hứng nhận mọi lời xỉ vả của dư luận, vì đã có Lê Chiêu Thống đắc lực hơn nhiều.

 Một so sánh nhỏ giữa hai vị này. Trần Ích Tắc sống phây phây ở xứ lạ, vì ông sẵn sàng coi đó là quê hương. Trong khi Lê Chiêu Thống, đến chết vẫn cứ khổ não, vì mong cho nắm xương tàn được trở về quê xưa.

Lẽ ra, dư luận phải miệt thị Trần Ích Tắc nhiều hơn mới phù hợp với thái độ “chọn quê mới” của ông. Thực tế, dư luận đã làm ngược lại. Cho đến tận 2022, Ích Tắc dường như bị quên, nhưng Chiêu Thống vẫn được… chửi. Chứng cư? Xin mời đọc một minh chứng. Nếu dùng tên bài này làm keyword để hỏi google, chúng ta sẽ thu được “vô thiên lủng” kết quả, chứng tỏ việc thóa mạ Lê Chiêu Thống vẫn rất cao trào. Xin đọc tiếp bài 10b, về Lê Chiêu Thống


(bài 10 còn tiếp)

5 thoughts on “Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10a)

  1. CẢM ƠN TÁC GIẢ MỘT SERIE LUỘN VỀ VIỆT GIAN BÁN NƯỚC NÀY HAY LẮM! TÔI CHỢT BẬT CƯỜI VỚI Ý NGHĨ: BIẾT ĐÂU SAU NÀY HẬU THẾ ĐỌC ĐƯỢC SERIE BÀI NÀY LẠI CHẲNG MỞ TIẾP MỘT PHIÊN TÒA BÁO NỮA VỀ VIỆT GIAN BÁN ĐẤT NƯỚC, LÚC ĐÓ HAY À NHA!

    Thích

  2. Tôi đã dùng keyword “thế lực thù địch” và “chống phá Việt Nam” (như tác giả hướng dẫn) và hỏi google, coi thử việt gian cỡ nhỏ đông đảo mức nào…
    Sợ quá. Chúng nhiều như quân Nguyên.

    Thích

  3. Loạt bài này hay, nhưng sẽ chẳng đi đến đâu.
    Vì mỗi năm có hàng triệu học sinh (đầu óc như tờ giấy trắng) vẫn học Chiêu Thống bán nước, Gia Long bán nước.
    Xem các nội dung comments, thấy ngay. Họ đông không kém quân Nguyên

    Thích

  4. Pingback: Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10c) | Nghiên Cứu Lịch Sử

  5. Pingback: Cần giải nhiệm sứ mệnh lịch sử cho 3 vị Việt gian gần đây nhất | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s