Việt gian bán nước trong Lịch Sử (bài 9)

Cụ Hoàng Văn Hoan có đủ tiêu chuẩn nhận danh hiệu Việt Gian Bán Nước?

Ông Hoàng Văn Hoan là phó Chủ tịch UB Thường vụ Quốc hội từ khóa I tới khóa V.

Nguyễn Ngọc Lanh

Đã là Việt gian, đều có tội, nhưng cần chia ra nhiều loại. Loạt bài “Việt Gian” – đăng ở Nghiencuulichsu.com – không đề cập tới các cỡ Việt gian “tầm tầm” mà phải là cỡ “bán nước”, được Lịch Sử chính thức thừa nhận.

      – Đó là những vị nắm quyền lực tối cao, muốn bán nước chẳng khó gì nhiều. Ví dụ: vua Gia Long, hoặc tổng thống Ngô Đình Diệm. Năm 1942, cụ Hồ đã nêu rõ (trong một bài thơ về Lịch Sử): Gia Long bán nước. Theo Cụ, cái ông vua khai nghiệp triều Nguyễn này đã bán nước cho thực dân Pháp. Uy tín tuyệt đối của cụ Hồ khiến cả nước tin, tới mức điều này ĐÃ được đóng đinh vào sách giáo khoa Lịch Sử. Mọi  người tin, vì nghĩ rằng ở địa vị Gia Long, chuyện bán nước không khó. Còn người đề nghị cụ Hoàng Văn Hoan là Việt gian, là cụ Lê Duẩn, tổng bí thư 26 năm, cũng uy tín tuyệt đối. 

      – Ngoài ra, Việt gian bán nước còn là những nhân vật được giặc ngoại xâm gặp gỡ, mặc cả chuyện “mua nước”, vì chúng cho rằng xác suất hiện thực sẽ rất cao. Ví dụ: Ngô Nhật Khánh, Trần Ích Tắc – dù họ chưa từng làm vua.

Việt gian được xếp vào cỡ “bán nước” rất hiếm. Suốt ngàn năm, Lịch Sử nước ta chỉ thừa nhận 6 vị đạt danh hiệu này. Rất gần đây, do sự đề nghị của cụ Lê Duẩn, giữ chức tổng bí thư liên tục 26 năm (1960-1986), quyền hơn vua, nước ta có thêm vị Việt gian thứ 7 đang cần được xét xử. Bài này muốn đánh giá: Liệu vị thứ 7 này có xứng đáng với hai chữ “bán nước”?.

Phân loại 6 vị Việt gian bán nước

Đã có các bài viết chi tiết về tội trạng của từng vị Việt gian, đăng ở trang nghiencuulichsu.com. Việc phân loại các vị này – dựa vào mốc thời gian – đã đưa đến kết quả rất ấn tượng. Cụ thể, vị đầu tiên là Kiều Công Tiễn chính thức làm Việt Gian năm 937 (ngay năm sau đã bị trừng trị). Từ đó tới năm 1945 (khoảng cách là trên ngàn năm) chỉ thêm 2 Việt gian nữa. Cộng là 3. Vậy mà, từ năm 1945 tới năm 1965 (vẻn vẹn 20 năm) nước ta có thêm tới 3 Việt gian mới toanh. Chỉ từ 1965 tới 1979, lại một vị nữa được để cử. Bài 10 sắp tới sẽ cho thấy cách phân loại lấy năm 1945 làm mốc, là rất có cơ sở. Và sẽ phải lý giải: Vì sao chuyện “bán nước” từ sau 1945 lại rầm rộ quá vậy?.

– Các nhân vật Việt gian trước 1945, trải ngàn năm – chỉ gồm 3 vị:

     – Kiều Công Tiễn

     – Ngô Nhật Khánh

     – Trần Ích Tắc

– Sau 1945, chỉ trải 15 năm mà cũng có tới 3 vị:

     – Lê Chiêu Thống

     – Nguyễn Ánh (Gia Long)

–  Ngô Đình Diệm.

Nếu gần đây có tới 3-4 Việt gian cỡ “đại”, có lẽ cỡ “trung”, cỡ “tiểu” phải là hàng đống, hàng mớ. Liệu có thể kiểm tra nhận định này (đúng/sai), bằng cách  dùng các từ khóa, như: thế lực thù địch, phản động, chống phá Việt Nam, v.v… để nhờ google tra cứu? Bạn đọc nào thấy hứng thú, xin cứ thử.

Nguyên tắc “suy đoán vô tội”

Bài này thử đánh giá vị ứng cử viên số 7, do cụ Lê Duẩn đề bạt, coi có xứng đáng là đại việt gian (?).

Bị cáo nếu thật có tội, sẽ bị “muôn năm nguyền rủa”, do vậy không được phép gây oan sai.

Muốn vây, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Đó là, nếu  thiếu chứng cứ xác đáng, mà chỉ dùng cách suy đoán (nhiều chiều) để luận tội, thì phải chọn cách suy đoán theo hướng có lợi cho bị cáo. Thời nay, các nền tư pháp tiên tiến đều áp dụng nguyên tắc này. Tuy cách làm này có thể bỏ lọt tội phạm, nhưng chắc chắn tránh được tối đa sự oan sai, nhất là đối với những bị cáo đã chết, nay không thể tự biện hộ nữa. Thực tế, ở nước ta, đã từng có những vị từ xưa vẫn được coi là “Việt ngay”, chết yên lành… bỗng dưng được đào mộ, dựng đậy, để được phong là “Việt gian”, mà phong ở cấp tối cao. Đã chết rồi, thử hỏi, còn miệng đâu để mà cãi?!

Bản án có từ nửa thế kỷ trước. Nay mới được xử lại

Người đưa ra bản án, cách nay trên nửa thế kỷ, là cụ Lê Duẩn, tổng bí thư suốt 26 năm – đã nói ở trên. Do vậy, sinh thời cụ Lê Duẩn, không ai dám cãi lại ý kiến của cụ. Nay, cụ đã mất, cái học thuyết “làm chủ tập thể” mà cụ định “để đời” vẫn cứ bị các bậc kế tục quên hẳn, do vậy, nhân tiện chúng ta mạnh dạn bàn lại bản án này, may ra sẽ đem lại hiệu quả nào đó nếu nguyên tắc suy đoán vô tội được phép áp dụng.

Người bị coi là Việt gian bán nước là cụ Hoàng Văn Hoan, sinh 1905, mất 1991, ủy viên Bộ chính trị ĐCS VN, đã tự ý đào thoát sang Trung Quốc, ngay sau khi giặc Tàu đem 600 ngàn quân xâm lược nước ta (1979). Uy tín bị sứt mẻ, cụ Lê Duẩn là người bực tức nhất.

Thật ra, bài này muốn chứng minh ngược lại. Đó là chứng minh Cụ Hoan chưa đủ tiêu chuẩn là “việt gian bán nước”. Nếu chứng minh thành công, vẫn có vài câu hỏi tiếp theo: Nếu không thuộc cỡ “đại”, cụ Hoan sẽ là Việt gian cỡ nào, hoặc có xứng là Việt gian hay không… Những câu hỏi loại này khá thú vị, nhưng tiếc rằng: chúng không phải là chủ đề của bài này. Do vậy, nếu con số 6 vẫn được ấn định (như cũ), bài tiếp theo sẽ là bài kết thúc đề tài. Té ra, bài cuối sẽ cho thấy: Nhiều vị – tuy đã chính thức có tên trong danh sách Việt gian – không những vô tội, mà còn có công.

*   *   *

 

I Truyền thống quê hương của cụ Hoàng Văn Hoan

Đó là làng Quỳnh Đôi, thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là làng có truyền thống chống Pháp, làng văn hóa, khoa cử và khoa học. Làng này còn là một làng nghề: Nghề dệt lụa, nghề làm hương (thắp) và “nghề” học hành. Đền thờ họ Hoàng là một trong những công trình văn hóa của làng này được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Muốn hiểu đầy đủ về làng này, chúng ta có rất nhiều tư liệu tham khảo, chỉ cần dùng hai từ khóa: “Quỳnh Đôi”, “truyền thống” để tra google. Kết quả tuôn ra khó mà đọc cho xuể.

Ở đây chỉ xin trích vài thông tin cần thiết cho bài này.

– Ông tổ họ Hoàng (tổ tiên cụ Hoàng Văn Hoan) là một trong số 4 vị  đầu tiên có công tạo lập một làng cổ, nổi tiếng cả nước: Làng khoa bảng – không kém gì làng Hành Thiện ở tỉnh Nam Định.

Thời Nho Học, làng này có 531 tú tài, 203 cử nhân, 4 phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa và 1 bảng nhãn. Thời nay, làng có hàng ngàn người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học, trong đó có 52 Thạc sỹ, 55 Tiến sỹ, có 16 Phó Giáo sư, 5 Giáo sư, 3 Viện sỹ. Làng có 5 Ủy viên Trung Ương trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị. Về văn nghệ, có nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhiều vị khác.

– Nhà thờ họ Hoàng (nói trên) có diện tích 2.660 m², thờ cụ Hoàng Khánh (có công “khai cơ, lập xã”) được vua phong là Thần Hoàng Lập Cơ.

II Bản thân cụ Hoàng Văn Hoan

– Về tiểu sử, về các cương vị và những hoạt động chủ yếu của cụ Hoàng Văn Hoan, chỉ cần xem ở wikipedia tiếng Việt là đủ cho mục tiêu của bài viết này.

Tên khai sinh của cụ là Hoàng Ngọc Ân, sinh 1905, ngay từ năm 19 tuổi đã chính thức tham gia hoạt động chống thực dân Pháp. Thời gian này, cụ đổi tên là Hoàng Văn Hoan và dùng tên này suốt đời.

Thời đó, trong số các đoàn thể (hội, đảng) chống Pháp, giành độc lập, cụ Hoan tham gia Hội thanh niên cách mạng, rồi vào đảng Cộng Sản. Ngay từ Hội nghị toàn đảng lần I, cụ đã được bầu vào ban chấp hành trung ương. Cụ chính thức được xếp vào nhóm sáng lập đảng.

1- Giai đoạn 1924 – 1954

Suốt 30 năm đầu, cụ Hoan tham gia chống Pháp, mưu độc lập.

     – từ 1925 tới 1945, cụ hoạt động bí mật dưới sự khủng bố, bắt bớ, của thực dân Pháp (có thời gian phiêu bạt sang Xiêm), trải 20 năm gian nan.

     – từ 1945 tới cuối 1954: cụ tham gia cuộc kháng chiến, chống xâm lược (lần thứ 2) của Pháp, trải gần 10 năm chiến tranh gian khổ.

Phải thừa nhận

lòng yêu nước của đương sự trong 30 năm này.

2- Giai đoạn 1955 – 1975

Đây là thời gian diễn ra cuộc chiến tranh giữa 2 miền (Bắc – Nam), dài tới 20 năm, nhưng được goi bằng những tên khác nhau – tùy theo mỗi quan điểm. Tuy nhiên, không nhiều thì ít, mỗi tên gọi đều có phần đúng. Do vậy, mỗi tên cần vài dòng giải thích. Dưới đây là một số tên gọi cuộc cuộc chiến này, đưa ra để chúng ta lựa chọn sao cho cụ Hoan nhẹ tội nhất; nếu cụ có công, cũng cần nói rõ. Đó là cách áp dụng nguyên tắc duy đoán vô tội.

Tên gọi cuộc chiến từng được các phía đề nghị sử dụng

        – Chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam. Hơi dài dòng, nhưng đây là tên gọi chính thức trong sách Lịch Sử nước ta, Tên gọi này nói lên miền Bắc chủ động mang quân gây chiến, nhân danh chính nghĩa, thực hiện sứ mệnh “giải phóng đồng bào miền Nam”. Phía chống lại, là Mỹ và bọn… không thích được giải phóng, mà thích theo chế độ của đế quốc Mỹ.

Kết quả: Mỹ thua, gần 60 ngàn tên xâm lược bị giết. Tuy nhiên, do chiến tranh diễn ra dưới hình thức 2 phe, nên số đồng bào Việt thuộc hai phe cũng tử vong tới 3 – 4 triệu (tức là gấp 60 lần số ngoại nhân bị giết). Tuyệt đa số còn rất trẻ.

        – Chiến tranh ý thức hệ. Trên toàn cầu, đây là cuộc chiến tranh “lạnh” – giữa phe XHCN (đặc trưng bằng “xóa bỏ tư hữu”) với phe TBCN (đặc trưng bằng “tôn trọng tư hữu”). Nhưng tại Việt Nam, đây là cuộc chiến tranh “nóng”, hết sức tàn khốc.

Kết quả: Chủ nghĩa xã hội (miền Bắc) thắng ròn rã. Nhờ vậy, trên cả nước, việc xóa bỏ tư hữu được thực hiện thành công rất nhanh, trên diện rộng: a) Giới tư sản miền Nam bị tước đoạt tư hữu (vốn liếng, công xưởng, xí nghiệp, hãng buôn…); b) Hàng chục triệu nông dân sớm được đưa vào hợp tác xã; nhờ vậy, quyền tư hữu đất đai cũng nhanh chóng được xóa bỏ. Con đường đi lên CNXH được dọn sạch. Nước ta tuy đang là nước nông nghiệp lạc hậu, vẫn đường đường mang danh nước XHCN.   

         – Chiến tranh ủy nhiệm. Phe XHCN và phe TBCN đóng góp vật chất, vũ khí và ủy nhiệm cho hai phe ở Việt Nam đóng góp xương máu, gây chiến với nhau.

Kết quả: Phe nhận sự ủy nhiệm của Liên Xô, Trung Quốc đã đại thắng vẻ vang. Chỉ tiếc rằng trên toàn cầu, phe XHCN sụp đổ thảm hại. Thật khó hiểu.

        – Nội chiến: Đây là cái tên nhậy cảm, không sử dụng trong Lịch Sử hiện đại ở Việt Nam. Có lẽ, sở dĩ có tên gọi này vì dựa trên cơ sở “đồng bào hai phe tử vong quá nhiều” (so với số lính ngoại quốc). Bài này không thảo luận về tên gọi này đúng hay sai, vì “nội chiến” đã có định nghĩa trong các từ điển. Tuy nhiên, có một số yếu tố để có thể so sánh với các cuộc chiến từng xảy ra trong lịch sử nước ta. Ví dụ, chiến tranh dẹp loạn 12 sứ quân, chiến tranh Lê-Mạc, chiến tranh Trịnh-Nguyễn, chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn.

        – Chiến tranh thống nhất đất nước. Lịch sử nước ta từng có 3 cuộc chiến tranh như vậy. Đó là: a) Cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, cả nước thống nhất, nhờ vậy nhà Tống hết dòm ngó nước ta; b) Cuộc chiến Lê-Mạc với kết quả tốt đẹp “đưa giang sơn về một mối”; c) Cuộc chiến tiêu diệt nhà Tây Sơn, đưa tới thành ngữ đầy tự hào: “đất nước liền một dải – từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau”.

Và cuộc chiến gần đây nhất 1955-1975: Cũng được gọi tên như vậy.

Phe chiến thắng tất nhiên có quyền viết Lịch Sử để tự ca ngợi mình, mức độ tùy thích. Tuy nhiên, cần thấy rằng một dân tộc nhược tiểu nếu bị chia rẽ (tới mức nội chiến) sẽ tự mình tạo ra nguy cơ bị kẻ xâm lược nhòm ngó. Do vậy, nhân vật thống nhất đất nước sẽ được coi là có công trạng lớn, nếu sau chiến tranh:

     – Vị này có đường lối đúng; nhờ vậy, tăng nội lực, giảm nguy cơ bị xâm lược;

     – Vị này có cách hòa giải, hòa hợp, để hai phe xử sự với nhau đúng nghĩa hai chữ “đồng bào”. Khái niệm “phản động”, “thế lực thù địch” sẽ vô nghĩa trong nội bộ dân tộc.

Vua Đinh Tiên Hoàng liệu có được coi là có công trạng nếu đánh giá theo các tiêu chuẩn (đối ngoại và đối nội) kể trên?

3- Vai trò cụ Hoàng Văn Hoan trong cuộc chiến 20 năm

Từ năm 1955 tới 1975, cụ Hoàng Văn Hoan đã tham gia cuộc chiến với các tên gọi khác nhau – như đã nêu ở trên. Và cụ tham gia với cương vị rất cao (phó chủ tịch quốc hội và ủy viên bộ chính trị). Nếu đó là “công”, hoặc đó là “tội”: Đều là công/tội rất lớn.

Nay cụ Hoan bị đưa ra xét xử, coi thử có đáng nhận danh hiệu Việt gian bán nước hay không… do vậy, cần chọn tên cuộc chiến nào khiến tội cụ nhẹ nhất.

Vậy thì… bài này xin chọn cái tên Chiến tranh thống nhất đất nước. Cách chọn này, khiến cụ không những vô tội, mà có thể còn có công.

Trong cuộc chiến này, tất nhiên mỗi bên đều rất cần tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước cùng phe. Cụ Hoan có đóng góp lớn cho miền Bắc trong việc tranh thủ viện trợ của Trung Quốc. Đó là loại viện trợ có giá trị lớn và thuận tiện nhất, vì Trung Quốc vừa lớn, lại vừa có chung biên giới với nước ta.

Cụ Hoan nhờ có thời gian hoạt động cách mạng ở Trung Quốc (từ 1936), do vậy tạo được sự thiện cảm và tin tưởng với giới lãnh đạo lão thành của ĐCS nước này. Tình cảm càng phát huy thêm, khi cụ Hoan ở cương vị đại sứ, từ 1950 tới 1957. Sau đó, khi bước vào cuộc chiến 20 năm, đích thân cụ Hồ nhiều lần hội đàm ở cấp tối cao với TQ (để tranh thủ sự ủng hộ), Cụ thường đưa cả cụ Hoan cùng tham gia. 

Sau chiến thắng 1975, cụ Hoan sống tiếp 4 năm trong nước, rồi mới trốn sang Trung Quốc. Vấn đề là trong 4 năm đó, cụ Hoan đã làm gì để thực hiện 2 điều (như đã nói ở trên):

  1. a) Đối ngoại, cụ đã làm gì để giảm (hoặc triệt tiêu) nguy cơ ngoại bang đe dọa nền độc lập của nước ta – cụ thể là sự đe dọa của Trung Quốc.
  2. b) Đối nội, đã làm gì để xóa bỏ hận thù, thúc đẩy đoàn kết… để tăng nội lực.

Nếu cụ Hoan chẳng đóng góp gì vào hai mục tiêu nói trên, việc tham gia của cụ vào “cuộc chiến thống nhất đất nước” sẽ là không có công, mà có tội.

Chú thích. Điều nổi bật là sau 1975, khi chiến tranh thống nhất đất nước đã thành công, Trung Quốc bắt đầu lộ mặt “không tốt đẹp gì” với Việt Nam, khiến cụ Lê Duẩn (lãnh tụ tối cao khi đó) thi hành một đối pháp rất quyết liệt với Trung Quốc. Ví dụ điển hình là cụ bắt ghi vào Hiến Pháp những câu tố cáo Trung Quốc. Cách làm này được coi là “có 1, không 2”. Cụ ngả hẳn vào Liên Xô. Về đối nội, cụ Duẩn đã đàn áp nặng nề về kinh tế và chính trị với hàng triệu Hoa Kiều ở miền Nam, và kỳ thị gay gắt với gần nửa triệu đồng bào gốc Hoa ở miền Bắc. Ngay trong đảng, ai có quan hệ gần gũi với người Hoa cũng bị phân biệt đối xử (khoảng 300.000 người), kể cả đưa ra khỏi đảng. Cụ Hoan cũng ở trong số này. Cụ thể, năm 1976 cụ không còn có tên trong danh sách tái ứng cử vào ban chấp hành trung ương. Cụ chê rằng đó là cách ứng phó sai lầm, tạo ra sự căng thẳng quá mức cần thiết trong cả đối ngoại và đối nội.  

Trong tình cảnh bị kỳ thị, cảnh giác, cộng thêm bệnh tật khó bề qua khỏi (ung thư phổi giai doạn đã muộn), cụ Hoàng Văn Hoan đã quyết định đào thoát sang Trung Quốc.

Để rộng đường dư luận, bạn đọc có thể đưa ý kiến cá nhân về ba câu hỏi:

     – Nếu cụ Hoan quyết định “cứ ở lại Việt Nam”, số phận cụ sẽ ra sao?

     – Cụ Hoan chọn Trung Quốc (nơi hoạt động cách mạng cũ) là đúng hay sai?

     – Cụ Hoan có dự kiến và có coi trọng làn sóng từ quốc nội sẽ lên án mình?

Xin nhớ: Cách trả lời nào vẫn chỉ là ý kiến riêng, mà không liên quan tới chủ đề bài này.

Ngoài ra, mời bạn đọc tham khảo bài đăng ngày 21 – 2 – 2017 của hãng BBC, nhan đề: Vì sao ông Hoàng Văn Hoan chạy sang Trung Quốc và Cuộc chiến 1979? (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39032605).

Để khỏi lạc đề, chúng ta không bàn tới nội dung bài trên BBC (đúng/sai đến đâu) vẫn vì bài này không liên quan tới câu hỏi cần giải đáp là: Cụ Hoan có xứng đáng là Việt gian, cỡ “bán nước”?

III. Hoạt động trong thời gian bị gọi là Việt gian (1979 – 1991)

1- Mãn nguyện?

Trong 12 năm cuối đời, sống ở Trung Quốc, cụ Hoàng Văn Hoan được lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình đối xử đầy tôn trọng và thân thiết. Do vậy, mọi cấp dưới của Đặng Tiểu Bình, từ tổng bí thư, chủ tịch, thủ tương… cũng theo đó mà ứng xử. Cụ Hoan không phật lòng về bất cứ điều gì, bất cứ mặt nào… trong thời gian sống ở Trung Quốc. Cụ đủ thời gian thực hiện mọi điều mà cụ dự định và quan tâm nhất. Chung quy, có hai việc lớn, cụ đều thực hiện đầy mãn nguyện:

     1) Tiếp tục tố cáo đường lối sai lầm của ĐCSVN, mà cụ cho rằng đi ngược với đường lối của cụ Hồ (cần hòa hiếu, nhất là với một nước láng giếng lớn, nhiều tham vọng). Đối tượng bị chĩa mũi nhọn là cụ Lê Duẩn. Về sau, khi Liên Xô tan rã, ĐCSVN đành quay lại làm thân với Trung Quốc, dư luận càng nghĩ rằng cụ Lê Duẩn đã sai lầm.

     2) Viết hồi ký, nói lên đầy đủ suy nghĩ và quá trình hoạt động cách mạng của mình. Chúng ta có thể đọc toàn bộ cuốn hồi ký có tên Giọt nước trong biển cả, và mỗi người cứ đánh giá nó theo ý riêng. Ví dụ, có bài ca ngợi hết lời “tác phẩm để đời” này của cụ Hoan, nhưng cũng có những bài chê.

2- Cơ hội vàng có lợi cho Trung Quốc

Có thể coi cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979 là món quà của Trung Quốc tặng Mỹ để cảm ơn sự bang giao Mỹ-Trung vừa mới được thiết lập. Mỹ chính thức thua Việt Nam, cho tới lúc đó vẫn chưa nguôi mối hận, cho nên món quà này có thể được Mỹ rất hài lòng. Tuy nhiên, lúc này Liên Xô vẫn còn vững, phe XHCN vẫn còn mạnh và phong trào không liên kết (của thế giới thứ 3) vẫn phát triển đầy hào hứng trước chiến thắng vang dội của Việt Nam; khiến Trung Quốc không thể coi thường sự chê trách của dư luận quốc tế. Do vậy, cuộc đào thoát của cụ Hoàng Văn Hoan là cơ hội vàng của Trung Quốc. Cụ Hoan tố cáo mạnh mẽ cụ Lê Duẩn về cái “tội” chống Trung Quốc, trái với đường lối của cụ Hồ. Đây, tuy là ý thật của riêng cụ Hoan, nhưng lại rất phù hợp để Trung Quốc cắt nghĩa về cuộc xâm lược của mình (dưới chiêu bài “dạy bài học cho Việt Nam”). Nó giúp Trung Quốc giải thích với thế giới “vì sao Trung Quốc buộc phải hành động như vậy.

3- Phản ứng từ trong nước

Cái danh hiệu Việt Gian tặng cho cụ Hoàng Văn Hoan là từ trong nước, dưới thời lãnh tu tối cao của cụ tổng bí thư Lê Duẩn. Quà tặng này nhất thiết phải được cụ Lê Duẩn cân nhắc, cho phép và theo dõi. Kèm theo danh hiệu, là chuyện cử tri (Thanh Hóa?) bỏ phiếu để phế truất cương vị “đại biểu quốc hội” của cụ Hoan. Cuối cùng, là công bố bản án tử hình vắng mặt. Vở diễn này đã được nhiều người đoán trước và đoán đúng – kể cả chuyện con cháu cụ Hoan sẽ bị khốn đốn suốt đời.

Báo chí rộ lên một thời, rất ồn ào… cứ tưởng sẽ kéo dài như những lần phát động nhân dân mắng nhiếc Việt gian trước đây (Gia Long, Ngô Đình Diệm). Nhưng lần này, điều mới và lạ… là sự sỉ vả cứ lắng dần. Dường như, có chủ trương muốn ngừng lại, hơn là muốn nuôi dưỡng dư luận chửi bới lâu dài. Tới khi cụ Lê Duẩn mất (đột ngột) thì dư luận trong nước quên hẳn chuyện nước ta có vị Việt gian “ngang tầm Lê Chiêu Thống” tên là Hoàng Văn Hoan.

   

3- Cho phép gia đình sang Bắc Kinh thăm hỏi

Cụ Lê Duẩn – mất 1986 – vẫn giữ niềm tin tuyệt đối vào sự vững mạnh và trường tồn của Liên Xô và phe XHCN. Nhưng chỉ 3-4 năm sau (1989-1990) các nước  XHCN ở Đông Âu tan rã dây chuyền. Chưa cần đợi Liên Xô sụp đổ (1991), Việt Nam quay 180 độ, mong tái lập thật sớm quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, trước nguy cơ tồn vong đang hiển hiện của mấy nước XHCN còn lại.

Do vậy, ngay từ năm 1990 trở đi (Liên Xô chưa đổ, cụ Hoan chưa mất), đã có nhưng sự việc liên quan đến vụ Hoàng Văn Hoan:

     – Thàng 4 năm 1990, gia đình của cụ Hoàng Văn Hoan, gồm phu nhân và con, cháu, đã được phép sang Bắc Kinh thăm cụ. Bốn tháng, tha hồ hàn huyên.

     – Ngay sau đó, con trưởng cụ Hoan – ông Hoàng Nhật Tân – được giao một công việc, tuy rất nhỏ, nhưng có ý nghĩa mở đầu chuyện tái lập quan hệ “hữu nghị Việt – Trung”, mà kết quả cuối cùng dẫn tới Hội Nghị Thành Đô (còn có tên là Mật ước Thành Đô). Đó là “cầm thư tay của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tới  Đại Sứ quán Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu, trao cho Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền là Trương Đức Duy”.

    – Khi cụ Hoan mất (18-5-1991), Trung Quốc làm lễ tang cấp quốc gia. Các nhân vật cao nhất của Trung Quốc đều tới viếng, ghi sổ tang.

    – Di chúc của cụ Hoan cũng được thực hiện, có chi tiết liên quan tới Việt Nam, mà không bị cản trở: Đó là đem 1/3 tro cốt của cụ về quê an táng, lập mộ rất bề thế.

    – Gia đình cụ Hoan thử xin bản sao (copy) “Bản án tử hình vắng mặt” mà một thời rùm beng trên báo chí… Té ra, các cơ quan nhà nước chưa bao giờ tìm thấy văn bản này. Chả lẽ, nó được báo chí tự ý bịa ra?

4- Giữa Trung Quốc và Hoàng Văn Hoan có âm mưu “mua nước” và “bán nước”?

Từ đầu chí cuối, chẳng có bất cứ chứng cứ nào chứng minh cho nhận định trên. Toàn là những suy đoán, và đều là những “suy đoán có tội”. Hơn nữa, đó không phải của các nhà sử học, mà là của bạn đọc phát biểu ở cuối những bài trên báo.

Mặt khác, cụ Hoàng Văn Hoan chỉ được xếp thứ 8 trong bộ Chính Trị, thử hỏi, làm sao cụ đủ tầm cỡ và quyền hạn để có thể “bán nước”? Báo chí trong nước khi hăng tiết lên, cứ so cụ với vua Lê Chiêu Thống (!). Làm sao cụ Hoan có thể ngang tầm ông vua này?

5- Cách xóa bỏ dư luận hiệu quả nhất

Trong khi đó, ngay từ khi Liên Xô chưa sụp đổ, phái đoàn tối cao của nước ta – toàn là những vị kế tiếp cụ Lê Duẩn (cụ Nguyễn Văn Linh – tổng bí thư, cụ Đỗ Mười – thủ tướng và cụ Phạm Văn Đồng – cố vấn) đã chủ động sang Trung Quốc nối lại quan hệ hữu nghị (bị gián đoạn dưới thời cụ Lê Duẩn).

Ý nghĩa của việc làm. Hành động của phái đoàn ta có ý nghĩa phế bỏ đề nghị của cụ Lê Duẩn muốn phong danh hiệu “bán nước” cho cụ Hoan. Chỉ cần thế, bài này chẳng cần giải oan cho cụ Hoan nữa. Tất cả những gì viết trong bài, dù dài dằng dặc, làm sao có thể so với việc phái đoàn tối cao của ta sang Trung Quốc?

Cũng may mắn cho những quý vị nào trước đây – do hưởng ứng – nhưng vẫn chưa xỉ vả quá thậm tệ nhân vật Hoàng Văn Hoan. Đến nay, làm sao họ dám cãi lại phái đoàn cao cấp của ta chủ động sang Trung để tiếp tục công việc mà cụ Hoan đã và đang làm? Phải chăng, khi Việt – Trung trở lại hữu nghị, cụ Hoan có thể yên tâm nhắm mắt? Cụ mất 1991.

Thật nực cười, té ra việc đào tẩu của cụ Hoàng Văn Hoan vô tình trở thành sợi dây nối khiến cho “tình hữu nghị Việt-Trung” chưa đến nỗi bị đứt đoạn hẳn. Nghĩa là vẫn có cơ hàn gắn.

Xin được kết thúc ở đây.

Các hình của bài

Hai cụ trên đều là ủy viên Bộ Chính Trị.

Cụ trái (sinh 1907) gọi cụ phải (sinh 1905) là Việt gian bán nước

Sinh thời Mộ phần ở Trung Quốc

Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình và cụ Hoàng Văn Hoan

Hội đàm cấp tối cao: cụ Hồ, cụ Mao (giữa), cụ Hoan

Hình trên: Kết quả bầu cử “thành công rực rỡ.

Loạt bài “Việt gian” :

5 thoughts on “Việt gian bán nước trong Lịch Sử (bài 9)

  1. Thưa cụ Nguyễn Ngọc Lanh: Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần các bài viết của cụ về chuyên đề này, nên, tôi xin phép cụ có ý kiến sau:
    1. Cụ chưa xếp loại các hạng người (cho dù là Quân vương hay là Nho sĩ) xây dựng một xã hội lấy Trung Nguyên làm hình mẫu, tức là, muốn xây dựng một quốc gia chư hầu của Tầu, và vì thế, nước Việt trong con mắt đương thời tuy VIỆT đấy mà KHÔNG PHẢI LÀ VIỆT mà chỉ là NHỮNG THỨ TẦU NHÁI.
    Bọn này có phải là VIỆT GIAN BÁN NƯỚC hay không, thưa cụ!?
    2. Cụ quên mất rằng nếu không có anh em Ngô Đình Diệm thì Chợ Lớn và một vài vùng khác sẽ trở thành một thứ Singapore trong lòng nước Việt đấy!
    3. Rất khẩn thiết xin cụ hãy xem lại các bài viết của mình!!!

    Thích

  2. Bổ sung: Tôi có đề nghị cực kỳ nghiêm túc đối với chủ trang nghiencuulichsu.com: hãy phục hồi lại ý kiến của tôi trong phản hồi đối với cụ Nguyễn Ngọc Lanh!

    Thích

  3. Pingback: Việt gian bán nước trong Lịch Sử (Bài 10c) | Nghiên Cứu Lịch Sử

  4. Pingback: Cần giải nhiệm sứ mệnh lịch sử cho 3 vị Việt gian gần đây nhất | Nghiên Cứu Lịch Sử

  5. Tại Bắc Kinh, ông dự họp báo ủng hộ cuộc tấn công của Trung Quốc, tuyên bố chính quyền Việt Nam đã đối xử với người Việt gốc Hoa còn “tệ hơn cả cách Hitler đối xử với người Do Thái”. Sau sự kiện bỏ trốn, ông bị Việt Nam kết án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội, đài báo Việt Nam so sánh ông với Lê Chiêu Thống.

    Cá nhân tôi thấy không có lửa thì làm sao có khói, Lê Duẩn được cho là từng khá thân thiện với Trung Quốc, ông có vợ là người gốc Hoa và họ chung sống khá hòa thuận đến cuối đời. Chỉ là thế sự đổi thay quan hệ Trung Quốc và Mỹ trở nên thân thiết, mâu thuẫn Việt Trung cũng không thể cứu vãn nếu họ cứ liên tục leo thang căng thẳng, tương tự năm 2014 Việt Nam như con nhím chỉ có thể phản ứng lại mà thôi.
    Hiện tại cũng vậy, nếu vì campuchia và trung quốc uy hiếp mà Việt Nam thân thiện hơn với TQ là vô lý. Rõ ràng Việt Nam phải cân bằng quan hệ với Mỹ, và dù như vậy không thể cáo buộc DCS ngả sang Mỹ nên xích mích với TQ được.

    Thích

Bình luận về bài viết này