Tiến sĩ Đinh Nho Điển(1846-1884)

Đền Gôi Vị (còn được gọi là Đền bà Tiết Nghĩa) Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được lập từ năm Đinh Dậu (1717), đời vua Lê Dụ Tông. Ngôi đền thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho: Tiến sĩ Đinh Nho Công, tiến sĩ Đinh Nho Hoàn,  Đinh Nho Côn, bà tiết phụ Phan Thị Viên, vợ thứ của tiến sĩ Đinh Nho Hoàn và đây còn là nơi lưu giữ một số hiện vật độc đáo. Ảnh imternet

 Đinh Tú Anh,

hậu duệ đời thứ 17, dòng họ Đinh Nho

Tiến sĩ Đinh Nho Điển sinh ngày 17 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1846), niên hiệu Thiệu Trị thứ 6. Ông thuộc đời thứ 14 dòng dõi họ Đinh Nho. Họ Đinh Nho là một dòng tộc danh gia cự phách ở làng An Ấp khi xưa, tức là xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Ông mất ngày mồng 5 tháng tư năm Giáp Thân (1884), niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (ngày tháng sinh và mất là ngày tháng theo âm lịch).

An Ấp là một làng quê trù phú nằm kề bên tả ngạn dòng sông Ngàn Phố hiền hòa quanh năm nước trong văn vắt. Nơi đây khởi phát nhiều dòng họ nổi tiếng hiếu học và thành đạt làm vẻ vang cho cả một vùng địa linh, nhân kiệt từ cổ chí kim. Điển hình như các dòng họ Nguyễn Khắc, Tống Trần, Nguyễn Xuân, Nguyễn Đình, Hà Học…

Tiến sĩ Đinh Nho Điển được sinh ra trong một gia đình nho học có ba người con, hai trai, một gái. Cha ông là Thái bộc tự khanh Đinh Nho Tĩnh. Thái bộc tự khanh là chức quan đứng đầu của cơ quan phụ trách các trách nhiệm trông coi, nuôi cấp ngựa, giữ gìn những cỗ xe ngựa của hoàng tộc (vua và các hoàng tử); và, điều hành các mục súc (đồng cỏ để nuôi ngựa) trên toàn quốc. Chức quan Thái bộc tự khanh thuộc phẩm trật Tòng tam phẩm, phẩm hàm thứ 3 trong hệ thống quan chế thời xưa.

Anh trai ông là cử nhân Đinh Nho Quang, làm quan đến chức Tuần phủ. Em gái ông là bà Đinh Thị Hoan.

Đinh Nho Điển đỗ cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), niên hiệu Tự Đức thứ 20 lúc mới 22 tuổi. Sau đó 7 năm, năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Tức đỗ thứ 3 trong 11 người thi đỗ đại khoa năm đó. Tên ông hiện còn lưu tại Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Hội năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức năm thứ 28 (1875) tại Văn miếu Huế.

Đinh Nho Điển làm quan trải qua bốn triều vua nhà Nguyễn. Gồm, Tự Đức (1847-1883), Dục Đức (1883), Hiệp Hòa (1883) và Kiến Phúc (1883-1884). Từ Tri huyện Nghĩa Hưng đến Trung Thuận Đại phu, Hồng Lô tự khanh, Biện lý sự vụ bộ Hình kiêm đứng đầu Thông chính sứ ty ấn triện, rồi được chuyển sang làm Biên tu Quốc sử quán triều Nguyễn, tham gia khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quang Lộc tự thiếu khanh, Hàn lâm viện thị độc.

Giải nghĩa một số chức quan của ông như sau:

-Tri huyện Nghĩa Hưng tức là chức quan đứng đầu huyện Nghĩa Hưng. Có lẽ là huyện Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Định ngày nay.

-Hồng Lô tự khanh là chức quan thuộc phẩm trật Tòng tứ phẩm, là phẩm hàm thứ 4 trong hệ thống quan chế, là người đứng đầu Hồng Lô tự. Hồng Lô tự là cơ quan phụ trách việc đón tiếp và thể thức lễ nghi với những sứ đoàn từ các triều hoặc các nước khác đến. Ngoài ra, Hồng Lô tự còn phụ trách việc xướng danh các vị tân khoa tiến sĩ.

-Biện lý sự vụ bộ Hình kiêm đứng đầu Thông chính sứ ty ấn triện. Biện lý sự vụ bộ Hình là chức quan thay mặt bộ Hình để điều tra, truy tố, buộc tội can phạm. Đứng đầu Thông chính sứ ty ấn triện là người đứng đầu cơ quan chuyên phụ trách việc tấu chương trong ngoài, chuyển đạt giấy tờ của triều đình xuống và nhận đơn tâu lên vua. Với chức quan này, ông thuộc phẩm trật Chánh tam phẩm, là phẩm hàm thứ 3 trong hệ thống quan chế.

-Biên tu Quốc sử quán triều Nguyễn là người thuộc cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất của triều đình. Cơ quan này đồng thời cũng tham gia biên soạn sách vở, tài liệu liên quan đến các các chủ đề về văn hóa, địa lý, con người của Việt Nam.

-Quang Lộc tự thiếu khanh là người đứng thứ nhì trong Quang Lộc tự. Đây là cơ quan phụ trách việc cung cấp và nấu rượu lễ, đồ lễ, đồ ăn trong các bữa tế tự, triều hội, yến tiệc cung đình, yến tiệc ân vinh các tiến sĩ. Quang Lộc tự thiếu khanh thuộc phẩm trật Tòng tứ phẩm, là phẩm hàm thứ 4 trong hệ thống quan chế.

-Hàn lâm viện thị độc là người đứng thứ ba trong Hàn Lâm viện, là chức quan trông coi việc đọc sách cho vua nghe.

Ngày 25/5/1883, triều đình Huế và thực dân Pháp ký Hòa ước Hắc Măng Quý Mùi, ngày 06/6/1884 ký Hòa ước Giáp Thân, xác lập quyền bảo hộ lâu dài của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam, chia đất nước thành ba kỳ. Trong đó, Bắc Kỳ, Trung Kỳ thành chế độ bảo hộ, còn Nam Kỳ, thành chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Trước hoàn cảnh nước mất, nhà tan, là bậc sĩ phu trung quân, ái quốc ông tỏ rõ thái độ bất hợp tác, không chịu đựng được nỗi nhục mất nước, nhưng bất lực, ông đã tuyệt thực, uất ức mà lâm bệnh rồi chết, hưởng dương 39 tuổi. Ông mất, Phạm Thận Duật, một danh thần cùng thời từng làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Quốc tử giám đã làm đôi câu đối khóc Biện lý bộ Hình Đinh Nho Điển rằng (bản dịch của Nguyễn Văn Huyền):

“Với đời, ông há lãng quên! Đương lúc gian nan vội vàng chín suối;

Còn tôi, người đồn đã chết! Mầy lần thăm hỏi hoảng hốt giấc mòng”.

Mùa thu năm Kỷ Hợi (1899), niên hiệu Thành Thái thứ 11, sau khi ông mất được 15 năm, nhớ tới công ơn của bậc trung thần, mẫn cán, có nhiều công tích, nhà vua thương tiếc ban sắc phong giao cho nhân dân xóm Bãi Bè, làng Mân Xứ, xã Dương Trai, tổng Đậu Xá, huyện Hương Sơn (nay thuộc xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) xây dựng đền thờ Đinh Nho Điển, còn gọi là đền Cụ Hường (Cụ Hường là gọi chệch từ chức quan Hồng Lô tự khanh của ông, Hồng-Hường) để ngày đêm hương khói. Hiện nay, trong thượng điện của đền vẫn còn treo bức hoành phi ghi bốn chữ Hán lớn 敕賜立祠,phiên âm là sắc tứ lập từ, nghĩa là (vua) sắc phong cho lập đền thờ.

Đinh Nho Điển có bốn người con: hai trai, hai gái. Con trai đầu là Đinh Nho Cẩn thi Hương đỗ Tú tài. Một con gái lấy chồng là tú tài Trần Như Hài ở xã Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An (nay là xã Thanh Liêm, Thanh Chương, Nghệ An). Người con gái khác lấy chồng là Cử nhân Đặng Thái Giai, làm tri huyện cũng quê ở xã Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An. Ông Đặng Thái Giai, con là Đặng Nguyên Cẩn đỗ Phó bảng (cháu ngoại Đinh Nho Điển) là thân sinh ra Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.

Theo lời kể của chắt nội Tiến sĩ Đinh Nho Điển là nhà giáo Đinh Nho Hoan ở Yên Thành, Nghệ An thì bố ông Đinh Nho Hoan, tức cháu nội Tiến sĩ Đinh Nho Điển là Tiến sĩ Đinh Nho Hân, vị  tiến sĩ hóa học đầu tiên của toàn cõi Đông Dương. Không may Tiến sĩ Đinh Nho Hân mất sớm khi nhà giáo Đinh Nho Hoan mới vừa 4 tuổi.

Được biết hiện nay, đền thờ Tiến sĩ Đinh Nho Điển đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.


Ghi chú: Bài viết dựa theo Gia phả dòng họ Đinh Nho, các tài liệu khả tín được thu thập trên mạng và Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh của tác giả Nguyễn Thị Thương Hiền.

One thought on “Tiến sĩ Đinh Nho Điển(1846-1884)

  1. Đính chính:
    Do nguồn tài liệu có được có đôi chút thiếu chính xác nên sau khi bài viết “Tiến sĩ Đinh Nho Điển” được lên trang, tôi nhận được cuộc liên lạc từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Toán học Đinh Nho Chương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội để cung cấp thông tin. Ông Chương là cháu gọi Cử nhân Đinh Nho Quang, anh của Tiến sĩ Đinh Nho Điển đã nói ở trên là cụ nội. Tức bố ông Đinh Nho Chương là cháu nội của Cử nhân Đinh Nho Quang. Sau đây là thông tin do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Nho Chương cung cấp:
    -Tiến sĩ Đinh Nho Điển có 2 người vợ và 4 người con, hai trai, hai gái. Con bà cả là Tú tài Đinh Nho Cẩn và một người con gái mất lúc còn nhỏ. Con bà thứ là Đinh Nho Nhượng và một người con gái lấy chồng người Kẻ Trúa, Sơn Tiến, Hương Sơn, Hà Tĩnh (các chi tiết này ghi rõ trong các trang gia phả chép tay do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Nho Chương cung cấp).
    -Tiến sĩ Đinh Nho Điển có 1 người anh là Cử nhân Đinh Nho Quang và hai người em gái chứ không phải chỉ có 1 em gái. Một người em gái (chứ không phải con gái) lấy chồng là Tú tài Trần Như Huề (Trần Như Hài?) ở xã Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An (nay là xã Thanh Liêm, Thanh Chương, Nghệ An). Một người em gái khác, tức là bà Đinh Thị Hoan đã nói ở trên, lấy chồng là Cử nhân Đặng Thái Giai, con là Đặng Nguyên Cẩn đỗ Phó bảng. Có nghĩa Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, thân sinh ra Giáo sư Đặng Thai Mai là người gọi Tiến sĩ Đinh Nho Điển bằng cậu ruột (anh của mẹ, người Nghệ Tĩnh gọi bằng cậu, người miền Bắc gọi bằng bác). Chi tiết thân sinh Giáo sư Đặng Thai Mai là cháu ngoại Tiến sĩ Đinh Nho Điển là sai. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Nho Chương đã gặp Giáo sư Đặng Thai Mai nên khẳng định thông tin cung cấp trên là hoàn toàn chính xác.
    Đinh Tú Anh tôi thành thật xin lỗi bạn đọc!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s