Tháng đầu năm trong lịch Tàu

Hình 1. vẽ lại theo Liu1

Đỗ Ngọc Giao

18-Apr-2024

Bài này trình bày cái cách người Tàu thời xưa đặt tháng đầu năm trong lịch của họ, nhằm giúp độc giả biết thêm đôi điều hữu ích.

1.     Giới thiệu

1.1        Luật

Yuk-Tung Liu, ở University of Illinois,[1] cho biết lịch Tàu thời nay tuân theo những điều luật như sau:

  1. Lấy kinh tuyến 120oE, múi giờ UTC+8, để tính lúc nào xảy ra các hiện tượng thiên văn [nêu ở luật 3 và 4].

Luật này áp dụng từ năm 1929, trước đó người ta tính thời gian theo kinh tuyến 116°25’E ở Bắc Kinh.

  1. Ngày bắt đầu từ nửa đêm này tới nửa đêm kế.

‘Ngày’ ở đây, nói cho trúng, là một ‘ngày-và-đêm’ (nychthemeron).

  1. Ngày đầu một tháng là ngày mà [một lúc nào đó trong ngày] mặt trăng ở ngay giữa trái đất với mặt trời trên cùng mặt phẳng.

Tức là ngày ‘sóc’, mà đêm đó hoặc đêm trước đó trời ‘tối thui như đêm ba mươi’.

  1. Đông Chí luôn luôn ở trong tháng 11.

Đông Chí là một cái ‘trung khí’ sẽ nói rõ hơn bên dưới.

  1. Nếu một năm [giữa hai ngày Đông Chí] có 13 tháng, thì một tháng là nhuần, đó là tháng đầu tiên mà không có trung khí.

Đây là một luật xưa, sửa lại năm 1645. ‘Năm’ giữa hai ngày Đông Chí gọi là tuế 歲 và ‘năm’ giữa hai ngày 01-giêng gọi là niên 年.

  1. Tháng thứ hai (không tính tháng nhuận) sau tháng 11 là tháng đầu một năm.
  2. Năm đếm từ Giáp Tý tới Quý Hợi trong một ‘vòng’ 60 năm rồi bắt đầu vòng kế.
  3. Tháng đếm từ 1 tới 12; tháng nào nhuần thì bỏ qua không đếm, coi như tháng trước.
  4. Ngày đếm từ 1 tới 29 hoặc 30. Ngày cũng có thể gọi tên theo can-chi.

Cách gọi ngày theo can-chi đã có từ thời trào Thang (1600–1046 BCE) hoặc trước đó. Năm 1991 ở Anyang người ta đào được chừng 500 miếng ‘giáp-cốt’ trong đó có một miếng ‘giáp’ (mai rùa) ghi 甲辰歲祖甲一牢子祝 nghĩa là ‘ngày Giáp Thìn, cúng tổ Giáp một con bò, người con khấn’.[2]

Trừ ra hai điều 1 và 5, những điều khác đều là luật xưa truyền lại.

1.2        ‘Trung khí’ và ‘Kiến’

Hình 1 cho thấy 12 vị trí của trái đất đối với mặt trời, ứng với 12 ‘trung khí’ (major solar term) Z1, Z2,…, Z12. Xen giữa 12 trung khí là 12 ‘tiết khí’ (minor solar term) mà ở đây bỏ qua cho đỡ rối.

Hình 1. vẽ lại theo Liu1

Thời xưa, người ta đo bề dài một năm [theo bóng mặt trời] là 365.2422 ngày, và tính khoảng cách trung bình giữa hai trung khí là 365.2422 / 12 = 30.44 ngày. Trong khi đó một tháng [theo trăng] có 29.53 ngày. Như vậy, mỗi tháng có tối đa một trung khí và lâu lâu sẽ có một tháng không kịp có trung khí, tháng này coi như ‘tháng nhuần’, bỏ qua không đếm. Cách tính này gọi là ‘bình khí’ 平氣.

Sau năm 1645, người ta tính lại khoảng cách giữa hai trung khí là từ 29.44 tới 31.44 ngày, vì  trái đất xoay quanh mặt trời không đều. Như vậy, một tháng có thể có hai trung khí và trong một ‘tuế’ có thể xảy ra hơn một tháng không kịp có trung khí; trường hợp này, tháng đầu tiên không có trung khí mới coi là ‘tháng nhuần’ (luật 5). Cách tính này gọi là ‘định khí’ 定氣.

Dù sao, tính theo cách nào thì một trung khí cũng gần như luôn luôn ở yên trong một tháng dành riêng cho nó chớ không chạy lung tung, thí dụ Vũ Thủy Z1 gần như luôn luôn ở trong tháng 1, Xuân Phân Z2 gần như luôn luôn ở trong tháng 2,… và ta có luật 4: Đông Chí Z11 luôn luôn ở trong tháng 11. Điều đó làm cho lịch Tàu hơn 2000 năm qua gần như luôn luôn ăn khớp với những hiện tượng thiên nhiên ở vùng sông Hoàng Hà bên Tàu.

(Còn ở bên ta thì 24 trung/tiết khí chẳng có ý nghĩa gì hết, quanh năm suốt tháng trời nắng chang chang!)

Tiếp theo, kiến là gì?

Liu1 cắt nghĩa kiến 建 là cái ‘cán’ của ‘chòm sao’ (asterism) Big Dipper mà dân ta gọi là ‘sao Bánh Lái’. Nói đại khái, trong tháng Đông Chí, buổi chiều, người Tàu thời xưa, trước thế kỷ 7, ở vùng sông Hoàng Hà, gần vỹ tuyến 35oN, sẽ thấy cái cán của chòm sao đó chỉ hướng Bắc (nơi của ‘Tý’) trên đường chưn trời, bởi vậy tháng có Đông Chí gọi là tháng ‘kiến Tý’. (Thời nay, muốn thấy rõ cái cán của chòm sao đó thì phải lên vỹ tuyến 41°N.)

Hình 2 cho thấy chòm sao Big Dipper xoay theo mùa, bên trời Tây.

Hình 2. Perkic.[3]

Tóm lại, ta có bảng dưới.

kiến trung khí tháng (lịch Tàu) tháng (lịch Gregorian)
Đông Chí Z11 11 22-Dec
Sửu Đại Hàn Z12 12 20-Jan
Dần Vũ Thủy Z1 1 19-Feb
Mẹo Xuân Phân Z2 2 21-Mar
Thìn Cốc Vũ Z3 3 20-Apr
Tỵ Tiểu Mãn Z4 4 21-May
Ngọ Hạ Chí Z5 5 22-Jun
Mùi Đại Thử Z6 6 23-Jul
Thân Xử Thử Z7 7 23-Aug
Dậu Thu Phân Z8 8 23-Sep
Tuất Sương Giáng Z9 9 23-Oct
Hợi Tiểu Tuyết Z10 10 22-Nov

2.     Các bộ lịch xưa

Trước kia có giả thiết ‘3 giêng’ 三正 cho rằng tháng giêng ở lịch trào Hạ (2000–1600 BCE) là tháng Dần, tháng giêng ở lịch trào Ân (1600–1046 BCE) là tháng Sửu, và tháng giêng ở lịch trào Châu (1046–249 BCE) là tháng Tý.

Nay người ta cho rằng đó là 3 thứ lịch trong 6 thứ lịch thời Chiến Quốc (480–222 BCE), kêu bằng Châu, Lỗ, Huỳnh Đế, Ân, Hạ, Chuyên Húc, mà chẳng dính líu chi tới mấy trào Hạ, Ân, Châu trước đó hết.

Dựa theo bộ luật nêu ở 1.1 và các tài liệu khác, Liu1 có thể tái lập lịch Tàu trong mọi thời kỳ từ năm 722 BCE tới nay và cũng có thể dự tính lịch Tàu từ nay tới năm 2200. Dưới đây ta coi qua một số mẫu lịch Tàu xưa, mỗi mẫu gồm 3 năm của một thời kỳ.

2.1        Xuân Thu (770–481 BCE)

Dưới đây là lịch nước Lỗ. Tháng đầu năm là Sửu.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Kỷ Mùi

722 BCE

01-01

16-Jan

Đại Hàn Z12 12-01

27-Jan

Sửu -12
Canh Thân

721 BCE

01-01

05-Jan

Đại Hàn Z12 23-01

27-Jan

Sửu -12
Tân Dậu

720 BCE

01-01

23-Jan

Đại Hàn Z12 04-01

26-Jan

Sửu -12

Dân nước Lỗ ắt là ghét vua nước Lỗ lắm khi ổng đặt ngày mồng 1 Tết vô ngay trong cái tháng lạnh nhứt trong năm (Đại Hàn).

2.2        Chiến Quốc (480–222 BCE)

Thời này, như nói trên, có 6 thứ lịch, làm theo cùng một ‘thuật toán’ (algorithm) nhưng khác tháng đầu năm.

2.2.1        Lịch ‘Châu’

Tháng đầu năm là Tý.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Nhâm Tuất

479 BCE

01-01

30-Nov-480 BCE

Đông Chí Z11 27-01

26-Dec-480 BCE

Tý -11
Quý Hợi

478 BCE

01-01

19-Dec-479 BCE

Đông Chí Z11 08-01

26-Dec-479 BCE

Tý -11
Giáp Tý

477 BCE

01-01

8-Dec-478 BCE

Đông Chí Z11 20-01

27-Dec-478 BCE

Tý -11

Ắn Tết trong tháng Tý thì ắt chẳng lạnh nhưng ngặt nỗi ngày ngắn hơn đêm (Đông Chí).

2.2.2        Lịch nước Lỗ

Tháng đầu năm là Tý.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Nhâm Tuất

479 BCE

01-01

01-Dec-480 BCE

Đông Chí Z11 26-01

26-Dec-480 BCE

Tý -11
Quý Hợi

478 BCE

01-01

20-Dec-479 BCE

Đông Chí Z11 07-01

26-Dec-479 BCE

Tý -11
Giáp Tý

477 BCE

01-01

09-Dec-478 BCE

Đông Chí Z11 19-01

27-Dec-478 BCE

Tý -11

2.2.3        Lịch ‘Huỳnh Đế’

Tháng đầu năm là Tý.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Nhâm Tuất

479 BCE

01-01

30-Nov-480 BCE

Đông Chí Z11 27-01

26-Dec-480 BCE

Tý -11
Quý Hợi

478 BCE

01-01

19-Dec-479 BCE

Đông Chí Z11 08-01

26-Dec-479 BCE

Tý -11
Giáp Tý

477 BCE

01-01

08-Dec-478 BCE

Đông Chí Z11 20-01

27-Dec-478 BCE

Tý -11

Dữ liệu cho thấy ngày mồng 1 Tết trong ba thứ lịch nêu trên (Châu, Lỗ, Huỳnh Đế) thì lệch nhau có một ngày mà thôi.

2.2.4        Lịch ‘Ân’

Tháng đầu năm là Sửu, lạnh ngắt.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Quý Hợi

478 BCE

01-01

18-Jan

Đại Hàn Z12 08-01

25-Jan

Sửu -12
Giáp Tý

477 BCE

01-01

07-Jan

Đại Hàn Z12 19-01

25-Jan

Sửu -12
Ất Sửu

476 BCE

01-01

25-Jan

Đại Hàn Z12 01-01

25-Jan

Sửu -12

2.2.5        Lịch ‘Hạ’

Tháng đầu năm là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Quý Hợi

478 BCE

01-01

16-Feb

Vũ Thủy Z1 09-01

24-Feb

Dần -1
Giáp Tý

477 BCE

01-01

06-Mar

Xuân Phân Z2 21-01

26-Mar

Mẹo -2
Ất Sửu

476 BCE

01-01

23-Feb

Vũ Thủy Z1 02-01

24-Feb

Dần -1

2.2.6        Lịch ‘Chuyên Húc’

Tháng đầu năm là Hợi, nhưng vẫn gọi là tháng 10, tiếp theo là tháng 11, tháng 12,… cho tới tháng 9.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Nhâm Tuất

479 BCE

01-10

01-Nov-480 BCE

Tiểu Tuyết Z10 27-10

27-Nov-480 BCE

Hợi -10
Quý Hợi

478 BCE

01-10

20-Nov-479 BCE

Tiểu Tuyết Z10 08-10

27-Nov-479 BCE

Hợi -10
Giáp Tý

477 BCE

01-10

09-Nov-478 BCE

Tiểu Tuyết Z10 19-10

27-Nov-478 BCE

Hợi -10

Dữ liệu cho thấy 6 thứ lịch thời Chiến Quốc đặt tháng đầu năm theo thứ tự nhiều-ít như sau:

  • kiến Tý: 3/6,
  • kiến Sửu: 1/6, kiến Dần: 1/6, kiến Hợi: 1/6.

2.3        Tần (221–206 BCE)

Trào Tần cũng dùng lịch Chuyên Húc như nêu trên.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Tân Tỵ

220 BCE

01-10

18-Nov-221 BCE

Tiểu Tuyết Z10 08-10

25-Nov-221 BCE

Hợi -10
Nhâm Ngọ

219 BCE

01-10

08-Nov-220 BCE

Tiểu Tuyết Z10 18-10

25-Nov-220 BCE

Hợi -10
Quý Mùi

218 BCE

01-10

28-Oct-219 BCE

Tiểu Tuyết Z10 29-10

25-Nov-219 BCE

Hợi -10

2.4        Hán (206 BCE – 220 CE)

Đầu trào Hán vẫn xài lịch Tần như nêu trên. Năm 104 BCE Hán Võ Đế (156–87 BCE) ra lịnh đổi lại tháng đầu năm là Dần và tháng nào không có trung khí là tháng nhuận; bởi vậy lịch năm 104 BCE có tới 15 tháng.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Tân Tỵ

100 BCE

01-01

08-Feb

Vũ Thủy Z1 14-01

21-Feb

Dần -1
Nhâm Ngọ

99 BCE

01-01

28-Jan

Vũ Thủy Z1 25-01

21-Feb

Dần -1
Quý Mùi

98 BCE

01-01

16-Feb

Vũ Thủy Z1 06-01

21-Feb

Dần -1

Tới khi Vương Mãng (45 BCE – 23 CE) lập trào Tân (09–23 CE) thì ông ta ra lịnh đổi tháng đầu năm về Sửu.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thìn

20 CE

01-01

14-Jan

Đại Hàn Z12 09-01

22-Jan

Sửu -12
Tân Tỵ

21 CE

01-01

03-Jan

Đại Hàn Z12 19-01

21-Jan

Sửu -12
Nhâm Ngọ

22 CE

01-01

22-Jan

Đại Hàn Z12 03-01*

24-Jan

Sửu -12

* đây là tính theo ‘bình khí’, chớ tính theo ‘định khí’ thì Z12 xảy ra ngày 30-12 của năm Tân Tỵ trước đó.

Hết trào Vương Mãng, tháng đầu năm trở lại Dần.

2.5        Tấn (266–420)

Tháng đầu năm là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thân

300

01-01

07-Feb

Vũ Thủy Z1 13-01

19-Feb

Dần -1
Tân Dậu

301

01-01

26-Jan

Vũ Thủy Z1 24-01

18-Feb

Dần -1
Nhâm Tuất

302

01-01

14-Feb

Vũ Thủy Z1 05-01

18-Feb

Dần -1

2.6        Nam Bắc trào (420–589)

Tháng đầu năm là Dần.

2.6.1        Lưu Tống (420–479)

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thân

420

01-01

31-Jan

Vũ Thủy Z1 19-01

18-Feb

Dần -1
Tân Dậu

421

01-01

18-Feb

Vũ Thủy Z1 04-01*

21-Feb

Dần -1
Nhâm Tuất

422

01-01

07-Feb

Vũ Thủy Z1 11-01

17-Feb

Dần -1

* đây là tính theo ‘bình khí’, chớ tính theo ‘định khí’ thì Z1 xảy ra ngày 29-12 của năm Canh Thân trước đó.

2.6.2        Nam Tề (479–502) và Bắc Ngụy (386–535)

Hai nước này xài lịch giống nhau.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thìn

500

01-01

15-Feb

Vũ Thủy Z1 03-01

17-Feb

Dần -1
Tân Tỵ

501

01-01

04-Feb

Vũ Thủy Z1 13-01

16-Feb

Dần -1
Nhâm Ngọ

502

01-01

24-Jan

Vũ Thủy Z1 25-01

17-Feb

Dần -1

2.7        Tùy (581–618)

Tháng đầu năm là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thân

600

01-01

21-Jan

Vũ Thủy Z1 28-01

17-Feb

Dần -1*
Tân Dậu

601

01-01

08-Feb

Vũ Thủy Z1 09-01

16-Feb

Dần -1
Nhâm Tuất

602

01-01

29-Jan

Vũ Thủy Z1 19-01

16-Feb

Dần -1

* tháng 1 có nhuần.

2.8        Đường (618–907)

Đầu trào Đường vẫn xài lịch Tùy như nêu trên. Song le, tới tháng 12 năm 689, thái hậu Võ Tắc Thiên (624–705) ra lịnh lấy ngay tháng đó làm tháng đầu năm, tức là tháng Tý, nhưng vẫn gọi là tháng 11, tiếp theo là tháng 12, tháng 1,… cho tới tháng 10.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Dần

690

01-11

18-Dec-689

Đông Chí Z11 01-11

18-Dec

Tý -11
Tân Mẹo

691

01-11

06-Dec-690

Đông Chí Z11 13-11

18-Dec

Tý -11
Nhâm Thìn

692

01-11

26-Nov-691

Đông Chí Z11 24-11

19-Dec

Tý -11

Từ năm 701, tháng đầu năm đổi lại là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thân

900

01-01

04-Feb

Vũ Thủy Z1 11-01

14-Feb

Dần -1
Tân Dậu

901

01-01

23-Jan

Vũ Thủy Z1 23-01

14-Feb

Dần -1
Nhâm Tuất

902

01-01

11-Feb

Vũ Thủy Z1 04-01

14-Feb

Dần -1

2.9        Tống (960–1279)

Tháng đầu năm là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Thìn

1100

01-01

12-Feb

Vũ Thủy Z1 02-01

13-Feb

Dần -1
Tân Tỵ

1101

01-01

31-Jan

Vũ Thủy Z1 13-01

12-Feb

Dần -1
Nhâm Ngọ

1102

01-01

21-Jan

Vũ Thủy Z1 23-01

12-Feb

Dần -1

2.10     Nguyên (1271–1368)

Tháng đầu năm là Dần.

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Tý

1300

01-01

23-Jan

Vũ Thủy Z1 20-01

11-Feb

Dần -1
Tân Sửu

1301

01-01

10-Feb

Vũ Thủy Z1 02-01

11-Feb

Dần -1
Nhâm Dần

1302

01-01

30-Jan

Vũ Thủy Z1 13-01

11-Feb

Dần -1

2.11     Minh (1368–1644)

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Tý

1600

01-01

15-Feb

Vũ Thủy Z1 05-01

19-Feb

Dần -1
Tân Sửu

1601

01-01

03-Feb

Vũ Thủy Z1 16-01

18-Feb

Dần -1
Nhâm Dần

1602

01-01

23-Jan

Vũ Thủy Z1 28-01

19-Feb

Dần -1

2.12     Thanh (1644–1911)

niên ngày đầu năm trung khí xảy ra ngày… tháng đầu năm
Canh Tý

1900

01-01

31-Jan

Vũ Thủy Z1 20-01

19-Feb

Dần -1
Tân Sửu

1901

01-01

19-Feb

Vũ Thủy Z1 01-01

19-Feb

Dần -1
Nhâm Dần

1902

01-01

08-Feb

Vũ Thủy Z1 12-01

19-Feb

Dần -1

Dữ liệu cho thấy, từ thời trào Hán về sau, vua chúa ít đổi tháng đầu năm mà vẫn để ở Dần, trừ ra hai trường hợp khác thường dưới trào Vương Mãng và Võ Hậu.

3.     Thảo luận

Tóm lại, tháng giêng đầu năm trong lịch Tàu xưa thường bị những đấng con Trời, vì lý do nào đó, đặt vô những tháng khác nhau theo thứ tự nhiều-ít như sau:

  • tháng 1, kiến Dần, trung khí Vũ Thủy Z1,
  • tháng 11, kiến Tý, trung khí Đông Chí Z11,
  • tháng 12, kiến Sửu, trung khí Đại Hàn Z12,
  • tháng 10, kiến Hợi, trung khí Tiểu Tuyết Z10,

và từ năm 701 tới nay thì tháng giêng nằm yên trong tháng 1 kiến Dần, hết chạy lung tung.

(Nói cách khác, ‘kiến’ gì thì ‘kiến’, cũng là lịch Tàu mà thôi, chớ chẳng có ‘lịch Kiến Tý’, ‘lịch Kiến Sửu’,… gì hết.)

Tới đây, cần giải thích một điều đang bị hiểu lầm.

Như giới thiệu bên trên, lịch Tàu đếm tháng từ 1 tới 12, tháng nào nhuần thì bỏ qua không đếm (luật 8). Lịch ta xưa nay lấy theo lịch Tàu, nên lịch ta tức nhiên cũng đếm từ tháng một tới tháng mười mộttháng mười hai, riêng tháng một còn gọi ‘tháng giêng’ và tháng mười hai còn gọi ‘tháng chạp’ (giêngchạp cũng là tiếng Tàu 正 và 臘).

Ngoài ra, ở miền bắc, tháng mười một cũng gọi ‘tháng một’ (hình 3, trên) trong khi ở miền nam vẫn gọi ‘tháng mười một’ từ xưa tới giờ (hình 3, dưới).

Hình 3.

Dù sao, gọi tháng mười một là ‘tháng một’ thì cũng chẳng phải là lý do để cho rằng người Việt xưa đã từng xài version ‘kiến Tý’ của lịch Tàu, với tháng ‘một’ (đầu năm) đặt ở tháng 11.

Thực ra, người Việt xưa đã biết xài lịch từ hồi nào? Những thuật ngữ ‘sóc’ 朔 (không trăng), ‘huyền’ 弦 (trăng non), ‘vọng’ 望 (trăng rằm), mà tiếng Phước Kiến đọc lần lượt là sok, hiân, bāng, cho thấy dường như người Việt xưa biết lịch sớm lắm là từ thời trào Đường, qua nhóm cư dân gốc Tàu ở An Nam.

Mà thời trào Đường, không kể 10 năm thời Võ Hậu (624–705), thì xài version ‘kiến Dần’ (mục 2.8).

Vậy, version sớm nhứt của lịch Tàu mà người Việt xưa được biết và xài thì có lẽ là kiến Dần, chớ chẳng phải ‘kiến Tý’. Vả chăng, ta cũng chưa nghe nói vua chúa người Việt đã từng có ai đổi tháng đầu năm trong lịch ta từ tháng Dần sang tháng Tý, hay bất cứ tháng nào khác, bao giờ.


[1] Yuk Tung Liu (2018–2024) Rules for the Chinese calendar. https://ytliu0.github.io/ChineseCalendar/

[2] Adam Smith. The Chinese sexagenary cycle and the ritual foundations of the calendar. Calendars and Years II: Astronomy and Time in the Ancient and Medieval World, ed John M. Steele (2010).

[3] Anthony Perkic. Using the Big Dipper as a sign post. https://orionbearastronomy.com/2018/10/11/using-the-big-dipper-as-a-sign-post/ (13-Apr-24)

1 thoughts on “Tháng đầu năm trong lịch Tàu

Bình luận về bài viết này