Về địa điểm phong đại tướng cho Võ Nguyên Giáp với “Di Tích đồi Pụ Đồn”

Một di tích giả mạo – “Di tích đồi Pụ Đồn – Nơi ghi dấu sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, báo Pháp luật Việt Nam ngày 25/08/2021

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Bài “Di tích đồi Pụ Đồn – Nơi ghi dấu sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” đăng trên báo Pháp luật Việt Nam ngày 25/8/2021 viết: “Ngày 28/5/1948 tại Nà Lọm, xã Phú Đình, An toàn khu (ATK) ở Định Hóa, Thái Nguyên – nay là khu di tích đồi Pụ Đồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam.” Kèm theo bài là ảnh “Nhà bia Di tích đồi Pụ Đồn ở xã Phú Đình (Định Hóa).” Địa điểm này thuộc đị phận tỉnh Thái Nguyên.

Bài báo còn chi tiết hóa sự kiện: “Tại đây, 73 năm trước, Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp được diễn đó là chiếc nhà sàn đơn sơ trên ngọn đồi con “Tỉn Keo” ở xóm Nà Lọm gần chân đèo De thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Bác từ đồi Tỉn Keo vượt suối Nà Lọm sang chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.”

Trong bài “Đoàn công tác Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên” đăng ngày 20/12/2023, báo Quân đội nhân dân cho biết “đoàn thành kính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh QĐND Việt Nam tại Di tích lịch sử Đồi Pụ Đồn (Đồi Phong Tướng) ở xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, (Định Hóa, Thái Nguyên). Tại đây, ngày 28-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ.”

Mới đây, bài “Thái Nguyên: Trên 42 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đồi Pụ Đồn” đăng trên Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) ngày 19/02/2024 viết:

“Ngày 19/2, tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Quân Khu 1 phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức khởi công tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn…Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, do Quân Khu 1 làm chủ đầu tư”

Bài báo cũng khẳng định:

“Di tích lịch sử địa điểm đồi Pụ Đồn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam; phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái vào ngày 28/5/1948. Di tích lịch sử đồi Pụ Đồn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2009.”

Cần nhắc lại rằng khi “Đồi Pụ Đồn” được công nhận là “di tích lịch sử cấp quốc gia” thì bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên là Nguyễn Bắc Son, bị kết án tử hình sau giảm xuống tù chung thân do nhận hội lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, em ruột Phạm Nhật Vượng ông chủ Vingroup và Vinfast, trong vụ AVG có liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Còn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi đó là Hoàng Tuấn Anh.

Thế nhưng “Di tích Đồi Pụ Đồn” là một di tích lịch sử giả mạo!

Trước hết, thông tin mà báo Pháp luật Việt Nam lấy từ “Di tích Đồi Pụ Đồn” tự nó đã cho thấy điều này.

Này nhé: câu “Lễ thụ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp được diễn đó là chiếc nhà sàn đơn sơ trên ngọn đồi con “Tỉn Keo” ở xóm Nà Lọm gần chân đèo De thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên” tự nó sổ toẹt câu “Bác từ đồi Tỉn Keo vượt suối Nà Lọm sang chủ trì lễ thụ phong chức Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp”

Thực vậy, họa có điên mới tin được rằng Bác Hồ từ đồi Tỉn Keo vượt suối sang chủ trì lễ phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp vẫn trên trên đổi Tỉn Keo!

Tiếp theo, hồi ức của chính những “người trong cuộc” đã thẳng thừng bóc trần sự giả mạo này.

Trong sách ” Chiến đấu trong vòng vây” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2001, trang 184), Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi ức về Lễ phong Tướng cho ông và một số chỉ huy cao cấp của Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam:

“Ngày 28 tháng 5 (1948), vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể. Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, Thống nhất độc lập nhất định thành công. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng Ban thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh, gọi tôi lên…Sau đó các thành viên Chính phủ chụp chung một bức ảnh kỷ niệm.”

 Ngày 28/1/1947, tại Lục Rã, chân đèo Re (De), Sơn Dương, Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Sau Lê phong Tướng, Hội đồng Chính phủ đã chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Từ trái qua phải: Bộ trưởng Canh nông Nghiêm Xuân Yêm, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Thương binh Cựu binh Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Võ Nguyên giáp, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ Cù Huy Cận, Bộ trưởng Giao thông Trần Đăng Khoa, Hồ Chủ tịch, Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trý, Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Không bộ Bồ Xuân Luật, Bộ trưởng Công thương Phan Anh , Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Duy Hưng, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, Thứ trưởng Tư pháp Trần Công Tường, Thứ trưởng Thủ tướng phủ Phan Mỹ).

Bức ảnh các thành viên Hội đồng Chính phủ tại Lễ phong Tướng được in ngay trong cuốn hồi ức này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi đăng bức ảnh này, Báo Quân đội nhân dân ngày 25/8/2022 trong bài “Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” chú thích: “Tháng 5-1948, tại Lục Rã, chân đèo Re (phía Tuyên Quang), Hội đồng Chính phủ dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao quân hàm Đại tướng cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.”

Với tư cách Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cha tôi Huy Cận đã dự buổi lễ phong tướng này. Trong Hồi ký Song Đôi (NXB Hội nhà văn, 2002), ông đã kể lại sự kiện này (đăng ngày 20/4/2024 trên Facebook Cù Huy Hà Vũ), trong đó có đoạn:

“Hội đồng Chính phủ hôm đó họp ở chân đèo, bên cạnh một dòng suối rộng mươi thước, nước chảy trông thấy rất rõ mồn một từng viên sỏi trắng, vàng. Nhà họp của Hội đồng Chính phủ vách bằng liếp nứa mới đan còn thơm mùi tươi, được trang trí đơn sơ, đặt một bàn thờ Tổ quốc, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi.”

Lẽ dĩ nhiên, “trên ngọn đồi” và “bên cạnh một con suối” là khác nhau “một trời một vực”.

Cuối cùng, việc xác định Chính phủ đóng tại đâu vào ngày 28/5/1948 cũng sẽ góp phần quyết định trong việc xác định địa điểm tổ chức Lễ phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp.

Cần phải khẳng định ngay rằng đèo Re (De) là ranh giới giữa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Bài “An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) trong kháng chiến chống thực dân Pháp” đăng trên trang Bảo tàng lịch sử quốc gia ngày 18/02/2022 cho biết:

“Từ cuối năm 1947 đến cuối năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh các cơ quan của Trung ương Đảng, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu … thường đóng tại Định Hoá (Thái Nguyên). Các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).”

Như vậy, do Chính phủ đóng ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang từ cuối năm 1947 đến cuối năm 1953 nên nơi phong Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp chắc chắn là ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang..

“Mọi con đường đều dẫn tới La Mã”, từ hồi ức của những “người trong cuộc” là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Cha tôi Huy Cận cho đến các tư liệu lịch sử bằng văn và ảnh, tất cả cho thấy Lễ phong Tướng cho Võ Nguyên Giáp và các chỉ huy quân đội khác của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tại Lục Rã, chân đèo Re (De), huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Do đó, “Di tích đồi Pụ Đồn” ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnhThái Nguyên dứt khoát là một sự giả mạo!

Hơn thế nữa, đó là một sự giả mạo động trời không chỉ vì liên quan đến Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn vì trong đời tôi chỉ nghe nói đến “giả mạo tài liệu” chứ chưa bao giờ nghe nói đến “giả mạo địa điểm”!

Vấn đề đặt ra là dộng cơ nào dẫn đến sự giả mạo lịch sử động trời này?


CÙ HUY HÀ VŨ

21/4/2024

Garden Grove, California, Hoa Kỳ

4 thoughts on “Về địa điểm phong đại tướng cho Võ Nguyên Giáp với “Di Tích đồi Pụ Đồn”

Bình luận về bài viết này