Xã thôn có âm Nôm được đổi sang âm Hán Việt ở trấn Phú Yên vào năm 1824

img294nn

Tờ đầu của tập tấu về việc đổi tên các tổng,xã, thôn có âm Nôm sang âm Hán Việt trên cả nước vào năm 1824

Nguyễn Văn Nghệ

Trong tác phẩm “Phú Yên miền đất ước vọng” tác giả Trần Huiền Ân viết:  “Từ năm 1832 đến 1899 tên tổng đặt theo phủ, huyện, duy trì đến năm 1945…Các tên làng tiếng Nôm được thay đổi, như Quán Mới đổi thành Phú Tân, Đồng Bạc đổi thành Ngân Điền, Đá Bạc đổi thành Cẩm Thạch. Những tên dài dòng đặt gọn lại như Đại An Thọ Toàn đổi thành Trường Xuân, Kỳ Tấu Hà Lãng đổi thành Thạnh Hội…Tất cả đều dùng chữ Hán”(1)

   Không phải đợi đến năm 1832 mới có lệnh đổi tên xã thôn có âm Nôm thành âm Hán –Việt. Vào năm Minh Mạng thứ 5 (1824) đã có lệnh thay đổi rồi: “Lại sai bộ Hộ xét danh hiệu các tổng, xã, thôn, phường ở các địa phương những tên Nôm và mặt chữ không nhã thì bàn định đổi đi”(2)

    Tôi được một người thân tặng cho xấp tờ tấu bằng chữ Hán đề: “ Minh Mạng ngũ niên, nhị nguyệt, sơ ngũ nhật” ( ngày mùng 5 tháng 2, năm Minh Mạng thứ 5 [1824]) về việc đổi tên Nôm của các tổng, xã, thôn, phường trong cả nước. Tập tấu gồm có 51 trang chữ Hán. Riêng trấn Phú Yên chiếm gần 2 trang.

    Danh sách các xã, thôn, phường ở trấn Phú Yên được thay đổi tên vào năm 1824:

   Đồng Xuân huyện: Sơn Cước Đá Bạc xã phụng nghị cải vi Cẩm Thạch xã; Đồng Bạc xã phụng nghị cải vi Ngân Điền xã; Đồng Bạc Tân Lập Thiết Trường xã phụng nghị cải vi Thiết Trường xã; Đồng Răm xã phụng nghị cải vi Mậu Lâm xã; Sơn Cước Kỳ Tấu Thanh Lãng An Hội thôn phụng nghị cải vi An Hội thôn; Bạc Má xã phụng nghị cải vi Ngân xã (3); Mạn Trụ Thượng Hạ nhị ấp phụng nghị cải vi Mỹ Tài Thượng Hạ nhị ấp; Suối Cầu xã phụng nghị cải vi Hương Tuyền xã; Suối Rì thôn phụng nghị cải vi Lệ Tuyền thôn(4).

    Tuy Hòa huyện: Phú Lương Bến Sữa thôn phụng nghị cải vi Phú Lương thôn; Sông Nhiễu phường phụng nghị cải vi Nhiễu Giang phường; Sông Hương phường phụng nghị cải vi Hương Giang phường(5); Roi Củi thôn phụng nghị cải vi Tiên Sài thôn(6).

     Hà Bạc thuộc (7): Gành Bà thôn phụng nghị cải vi Từ Nham thôn; Vũng Trích lạch phụng nghị cải vi Vịnh Hòa thôn; Mạn Đò thôn phụng nghị cải vi Tiên Châu thôn; Mái Nhà thôn phụng nghị cải vi Phú Ốc thôn.

    Sau tháng 11 năm Tân Dậu (1861), các xã, thôn, phường có chữ “An” phải đổi tên(8) . Do đó các xã, thôn, phường có chữ ‘An” ở tỉnh Phú Yên cũng không ngoài ngoại lệ. Đơn cử một vài xã, thôn như: thôn Trung An đổi thành Trung Trinh; thôn An Thạnh đổi thành Chí Thạnh; thôn An Thuận đổi thành Phú Điềm;  thôn An Thạnh đổi thành Phú Thường; thôn Bình An Thượng đổi thành Chí Thản;  xã An Toàn đổi thành Năng Tĩnh;  thôn An Sơn Cảnh An đổi thành Cảnh Tịnh;  thôn Đại An đổi thành Phú Lạc…(9)

img018s

Tờ ghi tên các xã, thôn ở trấn Phú Yên có âm Nôm đổi sang âm Hán Việt

img020bs

Tờ tiếp theo ghi tên các xã, thôn ở trấn Phú Yên có âm Nôm đổi sang âm Hán Việt

img296nnn

Tờ cuối của tập tấu


  Chú thích:

1-Trần Huiền Ân, Phú Yên miền đất ước vọng, Nxb Trẻ, tr. 17

 2-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 332

 3- Trong bản tấu chỉ thấy ghi “Ngân xã”. Bạc Má là tên cũ của xã Ngân Sơn huyện Tuy An.

  4- Năm 1841 những địa danh có chữ  “Tuyền”; “Hoa” phải đổi sang chữ khác. Đại Nam thực lục tập 6,Nxb Giáo dục,tr. 75

5-Đại Nam nhất thống chí Quyển 10 (bản Duy Tân), Nxb Nha Văn hóa- Bộ Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1964, tr. 39 ghi đường lên huyện Sơn Hòa: “Một con đường nhỏ từ thôn Củng Sơn, lên phía tây 3 dặm, đến thôn Chí Thản, lại 2 dặm đến phường Nhiễu Giang, 5 dặm nữa đến phường Hương Giang”.

  6- Thôn Roi Củi, ông Nguyễn Đình Đầu phiên âm là thôn Lôi Cối( xem Trần Huyền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa- Văn nghệ, tr. 26). Hai chữ này có hai cách phát âm: Phát âm theo âm Hán Việt là “Lôi Cối”; Phát âm theo âm Nôm là “Roi Củi”. Vì là “Roi Củi” âm Nôm nên mới đổi thành âm Hán Việt là “Tiên Sài”. Ở Khánh Hòa có Phường Củi phường đổi thành Phương Sài phường.

  7-  Thuộc là một đơn vị hành chính xưa. Tháng 4 năm Bính Ngọ (1726) “ Sai Ký lục Chính Dinh là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập. Buổi quốc sơ mở mang bờ cõi, dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập làm thuộc, phủ Thăng hoa 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Qui Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại ( nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng; man nghĩa là lan man ra, phàm những chỗ nhà ở liền nhau thì gọi là man) nhưng chưa có lệ đặt chức dịch. Đến bây giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người cai thuộc, một người ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt một ký thuộc, 100 người thì đặt một tướng thần” (Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr.140-141).

  Đến tháng 5 năm Đinh Hợi (1827) “ Đổi các thuộc từ Thừa Thiên trở vào Nam đến Bình Hòa làm tổng, cho thuộc các huyện sở hạt. Trước đây thuộc vẫn là thuộc, không lệ thuộc vào huyện, đến bây giờ mới sai xét theo địa thế nơi nào gần tiện thì đổi lệ vào” ( Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 618)

  8- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 740

  9- Trần Huiền Ân, Phú Yên đất và người, Nxb Văn hóa- Văn nghệ,  tr. 28-34

 

 

 

 

 

 

 

One thought on “Xã thôn có âm Nôm được đổi sang âm Hán Việt ở trấn Phú Yên vào năm 1824

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s