Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 (Phần 2)

PHẦN HAI

SỰ KHỦNG HOẢNG QUYỀN HÀNH (1891-1917)

1

Tác giả Orlando Figes

Trần Quang Nghĩa dịch

5 Vụ Đổ Máu Đầu Tiên

 

i Những Người Ái Quốc và Những Người Giải Phóng

Sau một năm tai ương về thời tiết các nông dân vùng Volga bỗng thấy mình đối mặt với nạn đói vào mùa hè 1891. Khi xem xét mùa màng thất bát, họ có thể đã được tha thứ khi tin rằng Chúa Trời đã tách riêng họ ra để trừng phạt. Hạt giống họ gieo mùa thu trước chưa kịp nẩy mầm thì sương giá đã ập đến. Đã có chút ít tuyết quí giá che chở những cây non trong mùa đông, khi nhiệt độ trung bình là âm 30. Mùa xuân đến cùng với những cơn gió đầy bụi thổi bay lớp đất mặt và rồi, chỉ mới tháng 4, mùa hè hanh khô dài bắt đầu. Ở Tsaritsyn trời không mưa suốt 96 ngày liền, ở Saratov 88 ngày, và ở Orenburg không mưa hơn 100 ngày. Giếng và ao hồ khô cạn, đất khô nứt nẻ, rừng cây trở sang màu nâu sớm, và gia súc nằm chết bên vệ đường. Nông dân chỉ còn hi vọng vào vụ thu hoạch. Nhưng vụ mùa sống sót hóa ra thất bát và bị mặt trời thiêu đốt. Ở Voroneh năng suất thu hoạch lúa mạch đen thấp hơn 0.1 pud (1.6 kg) mỗi đầu người, trong khi bình quân thông thường là 15 pud. ‘Ở đây chúng tôi chuẩn bị thiếu đói,’ Bá tước Vorontsov-Dashkov viết cho Sa Hoàng từ tỉnh Tambov vào ngày 3 tháng 7. ‘Vụ đông của nông dân đã mất trắng và tình hình cần cứu đói khẩn cấp.’

Đến thu thì khu vực bị nạn đói đe doạ đã lan đến 17 tỉnh, từ vùng núi Ural đến Biển Đen, một diện tích gấp đôi nước Pháp với dân số 36 triệu người. Du khách trong vùng vẽ nên một bức tranh càng lúc càng ảm đạm, khi nông dân dần kiệt quệ và nằm rúc trong lều. Ai còn đủ hơi sức mang theo hành trang còm cõi và thoát đi đến bất cứ nơi nào có thể, xe ngựa của họ gây ách tắc đường xá. Ai ở lại sống nhờ vào ‘bánh mì cứu đói’ làm bằng vỏ lúa mạch đen trộn với cỏ chân ngỗng, rong rêu và vỏ cây, khiến bánh mì trở vàng và đăng đắng. Nông dân lột tranh rạ của mái lều để cho ngựa ăn: người có thể nhịn đói một thời gian dài nhưng ngựa không được cho ăn chỉ có nước chết, và nếu điều này xảy ra sẽ không có thu hoạch năm sau. Và rồi, gần như không thể tránh khỏi, dịch tiêu chảy và sốt phát ban bùng phát, giết nửa triệu người vào cuối năm 1892.

Chính quyền ra sức giải quyết cơn khủng hoảng tốt nhất như có thể. Nhưng bộ máy hành chính quá chậm chạp và vụng về, phần hệ thống giao thông không hiệu quả. Về mặt chính trị, việc xử lý khủng hoảng thật thảm hại, khiến dân chúng có cảm tưởng là chính quyền thờ ơ và chai đá. Chẳng hạn, có tin đồn rộng rãi là cơ quan cố chấp  giữ lại thực phẩm cứu trợ đợi chờ đến khi nhận được ‘đủ chứng cứ thống kê bảo đảm những người nhận được cứu trợ thực sự là không có phương tiện sinh nhai nào khác; đến lúc đó có khi đã muộn. Rồi có chuyện chính quyền lên kế hoạch mướn những nông dân quẫn bách vào làm việc công cho nhà nước: thường đến khi có tên trong danh sách thì nông dân đang nằm chờ chết. Có những báo cáo về việc các nạn nhân dịch tả bị cưỡng bách ra khỏi nhà để đến các trung tâm kiểm dịch chật cứng người cách xa làng quê nhiều dặm đường, khiến cho nông dân nổi điên khi thấy nhân viên y tế xuất hiện. Bạo loạn bùng nổ và quân đội được phái đến dẹp yên. Nhưng đến lúc này thì cơn thịnh nộ của dân chúng bùng phát dữ dội nhất khi hay tin nhà nước hoãn lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc đã dự định trước  đến giữa tháng tám, lúc khủng hoảng đã xảy ra vài tuần. Lệnh cấm đã cảnh báo trước cả tháng, thành ra các nhà buôn ngũ cốc vội vã hoàn tất hợp đồng giao hàng cho nước ngoài, và thực phẩm lẽ ra có thể được dành để cứu đói đã bay hết ra nước ngoài. Người chống lại lệnh cấm là Vyshnegradsky, Bô trưởng Tài chính, mà chính sách kinh tế của ông (chủ yếu là tăng thuế lên hàng hóa tiêu thụ khiến nông dân phải bán đi nhiều nông sản hơn) được công luận cho là nguyên nhân chính gây ra nạn đói. Đúng như khẩu hiệu của nhà nước đã tuyên bố: ‘Cho dù chúng ta chết đói chúng ta cũng phải xuất khẩu gạo.’

            Thái độ hoài nghi hình như được biện minh. Lúc nào chính quyền cũng không chịu nhìn nhận là có ‘nạn đói’ (golod), mà thích sử dụng mỹ từ là ‘thất thu’ (neurozhai). Tờ nhật báo phản động Tin tức Moscow thậm chí còn cảnh cáo rằng sử dụng ‘từ ngữ gây hoang mang’ chính là hành động bất trung, vì nó có thể gây ra ‘náo loạn nguy hiểm’ chỉ có lợi cho bọn làm cách mạng. Các báo bị cấm đăng những phóng sự về nạn đói, mặc dù nhiều tờ đã làm như thế nhưng lách đi cái tên. Điều này cũng đủ cho công luận cấp tiến tin rằng nhà nước cố tình che giấu sự thật. Tin đồn giờ đây bắt đầu tô vẽ tình hình bằng những từ ngữ đen tối nhất. Alexandra Bogdanovich, chủ nhân sa lông St Petersburg, ghi trong nhật ký của bà ngày 3 tháng 12:

Hiện giờ dân chúng đang loan tin là Durnobo (Bộ trưởng Nội vụ) đã biết về nạn đói vào tháng 5 và đáng lẽ đã bắt buộc Vyhnegradsky cấm xuất khẩu ngay khi đó. Verkhovsky nói rằng xuất khẩu lúa mì chỉ bị cấm khi Abaza (Chủ tịch Phòng Kinh tế Nhà nước) đã có thể bán lúa mì của y với giá tốt hơn. Họ nói rằng ở tỉnh Simbirsk tất cả trẻ em đều đã chết vì đói; người ta gởi quần áo trẻ em đến đó nhưng đều bị trả về vì không còn ai mặc. Nỗi bất nhẫn dâng lên khắp các khu vực.

Ngay cả Tướng Kutaisov, một Thượng nghị sĩ và Cố vấn Nhà nước, cũng nghe nói là đã phàn nàn  rằng ‘đáng lẽ không xảy ra đói kém, nếu chính quyền không làm rối tung cả lên’.

Không thể đương đầu với cuộc khủng hoảng, chính quyền buộc phải cúi đầu trước điều không thể tránh khỏi và, vào ngày 17 tháng 11, ban hành chiếu chỉ kêu gọi công chúng tổ chức những đội cứu trợ tình nguyện. Về mặt chính trị, điều này  chứng tỏ đây là một thời khắc lịch sử, vì nó mở cánh cửa cho phép một làn sóng hoạt động mới và tranh luận công khai mà chính quyền không thể kiểm soát và công tác từ thiện sẽ mau chóng biến thành hoạt chính trị. Sự ‘náo loạn nguy hiểm’ mà tờ Tin tức Moscow e sợ đang càng lúc càng ầm ĩ hơn.

Đáp ứng của công chúng đối với nạn đói thật sôi nổi. ‘Dân chúng thuộc mọi thành phần đều lao vào tham gia làm việc nghĩa,’ Vasilii Maklatov nhớ lại. ‘Nhiều người bỏ công ăn việc làm đi dựng lên những căng tin và phụ giúp bác sĩ trong việc ngăn dịch. Trong công tác này không ít người hi sinh cả chức vụ và sức khỏe.’ Những zemstvo là bộ phận đầu tiên ghi điểm, đã dựng lên những mạng lưới phân phát thực phẩm và thuốc men. Hoàng thân Llov, lúc đó là chủ tịch zemstvo tỉnh Tula, lao mình vào chiến dịch cứu trợ như thế đó là công việc sống chết của mình. Đó là dấu ấn của tình yêu ông dành cho  nông dân, những người mà ông đã sống và làm việc với họ trong mười năm qua. Và lãng mạn xiết bao, chính trong khoảng thời gian này, khi làm việc trong bếp nấu súp ở tỉnh Tambov, ông đã gặp và yêu người vợ tương lai của mình. Những tình cảm cao cả như thế về lòng trắc ẩn đối với nông dân không phải là hiếm trong số những điền chủ tiến bộ như ông. Hàng trăm ủy ban được các nhà quí tộc và người của công chúng thành lập nhằm quyên tiền giúp các nạn nhân đói kém. Các bác sĩ tình nguyện gia nhập các đội y tế tình nguyện. Hàng ngàn công dân có lòng vội vã tham gia các chiến dịch cứu trợ do Hội Kinh tế Tự do và các bộ phận khác tổ chức. Những bài diễn văn đầy nhiệt huyết được phát biểu trong các cuộc mít tinh công cộng. Báo chí in lời kêu gọi bằng những tít lớn trên trang nhất. Và sinh viên tình nguyện làm công tác cứu trợ trong một phong trào ‘Đi Đến Nhân Dân’ mới

Trong số những người tình nguyện này có Anton Chekhov, vốn cũng là một bác sĩ cũng như kịch tác gia. Ông tạm ngừng viết lách để làm việc cho zemstvo huyện ông gần Moscow. Vào tháng 8 1892 ông viết cho một người bạn:

 Mình được chỉ định làm bác sĩ dịch tả, và khu vực mình bao gồm 25 ngôi làng, bốn nhà máy và một tu viện. Mình tổ chức mọi thứ, dựng lên các dãy kệ và vân vân, và mình cô độc, vì mọi thứ liên quan đến dịch tả đều lạ lẫm với mình, còn công việc, bắt buộc phải di chuyển thường xuyên, phải nói nhiều, lúc nào cũng cập ra cập rập, khiến mình phờ rạc cả người. Không có thời gian viết, mình bỏ văn chương lâu rồi, và mình nghèo, không một xu vì mình muốn thể, muốn tự túc không nhận tiền thù lao mà bác sĩ dịch tả nhận được. . . Nông dân thì thô lỗ, kém vệ sinh và luôn ngờ vực, nhưng cứ nghĩ công sức mình  làm là không vô ích khiến mình không chấp những chuyện ấy.

Tolstoy cũng ngưng viết và tham gia chiến dịch cứu trợ. Cùng với hai cô con gái lớn  ông tổ chức hàng trăm căng tin trong vùng đói kém, trong khi Sonya, vợ ông, vận động quyên góp tiền từ nước ngoài. ‘Anh không thế mô tả bằng lời tình trạng cùng khổ và quẫn bách mà dân chúng ở đây chịu đựng,’ ông viết cho vợ vào cuối năm 1891. Theo nông dân Sergei Semenov, người tháp tùng để tiếp sức ông trong chiến dịch cứu trợ, văn hào quá sức chịu đựng trải nghiệm của mình trước nỗi đau của nông dân đến nỗi râu ông xám đi, tóc rụng thưa hẳn  và xuống cân rất nhiều. Ngài Bá tước nặng chĩu mặc cảm tội lỗi đổ cho trật tự xã hội, Giáo hội Chính thống * và chính quyền tội  gây ra cuộc khủng hoảng nạn đói,. ‘Tai hoạ đã xảy ra vì tội lỗi của chúng ta,’ ông viết cho một người bạn vào tháng chạp. ‘Chúng ta đã bỏ rơi những người anh em của chúng ta, và giờ chỉ còn một cách chữa lỗi – là bằng sự sám hối, bằng cách sửa lại cách sống, và bằng cách  đập vỡ bức tường giữa chúng ta và nhân dân.’ Tolstoy mở rộng lời kết án nỗi bất công xã hội trong tiểu luận của ông ‘Vương quốc của Chúa Trời’ (1892) và những bài viết đăng trên báo. Thông điệp của ông đánh lên một hợp âm sâu xa vào lương tri của quần chúng cấp tiến, dằn vặt vì mặc cảm có tội đã hưởng được quá nhiều đặc quyền và xa rời giới nông dân. Semenov nắm bắt được ý thức hỗ thẹn này khi viết về chiến dịch cứu trợ:

 Nhu cầu và nỗi khổ của nông dân tăng lên từng ngày. Những cảnh tượng chết đói thật vô cùng não lòng, càng não lòng hơn khi chứng kiến giữa tất cả những cảnh tượng đau khổ và chết chóc này  còn có những điền trang to lớn mênh mông, các thái ấp lộng lẫy và sang trọng, và các quí ông vẫn đi săn và tổ chức dạ vũ vui vẻ, vẫn ăn uống linh đình và nghe hòa nhạc, như không có gì xảy ra.

*    Giáo hội Chính thống, mà mới đây đã rút phép thông công Tolstoy, ngăn cấm các nông dân đang chết đói nhận lương thực cứu trợ.

 

Đối với tầng lớp cấp tiến mặc cảm có tội, phục vụ ‘nhân dân’ là một phương tiện trả lại ‘món nợ’ cho họ. Và giờ đây họ hướng về Tolstoy như một lãnh tụ đạo lý và người chiến sĩ chống lại những tội lỗi của chế độ cũ. Việc ông kết tội chính quyền đã biển ông thành người hùng của công chúng, một con người chính trực mà lời lẽ có thể tin cậy được, dám lột trần điều mà chế độ đã hết sức chế giấu.

Cơn khủng hoảng đói kém đã kích hoạt và chính trị hoá xã hội Nga. Lương tâm xã hội của nó đã bị châm chích và bộ máy quan liêu lỗi thời đã bị mang tiếng. Sự mất lòng tin của công chúng vào chính quyền không hề giảm cho dù khủng hoảng đã qua, mà còn được củng cố khi các đại biểu của xã hội dân sự tiếp tục gây sức ép nhằm có được vai trò lớn hơn trong việc điều hành những vấn đề quốc gia. Nạn đói, họ nói, đã chứng tỏ chế độ cũ là có tội và bất lực, và mọi người đang mong đợi nhiều thành phần xã hội hơn sẽ được lôi kéo vào hoạt động của nhà nước để một thảm họa khác sẽ không xảy ra. Các zemstvo, mà trong suốt thập niên qua đã không ngừng đấu tranh để mở rộng hoạt động của mình trước sự chống đối trắng trợn của bộ máy nhà nước, giờ đây được củng cố vì nhận được sự ủng hộ rộng khắp của công chúng cấp tiến trong việc làm của họ cho nông nghiệp, sức khỏe cộng đồng và giáo dục. Các thương gia và kỹ nghệ gia cấp tiến Moscow, đã tập hợp cho chiến dịch cứu trợ, giờ bắt đầu cật vấn các chính sách kỹ nghệ hoá của chính quyền hình như quá bất lợi cho giới nông dân, thành phần tiêu thụ chính các sản phẩm của họ. Từ giữa thập niên 1890 họ cũng ủng hộ các dự án khác nhau của các zemstvo và các bộ phận thành thị để hồi sinh nền kinh tế nông thôn. Các y sĩ, nhà giáo và kỹ sư, đã từng buộc phải tự tổ chức trong thời gian tham gia chiến dịch cứu trợ, giờ đây bắt đầu yêu sách nhiều quyền tự trị và ảnh hưởng chuyên môn hơn đối với chính sách công; và khi không đạt được tiến bộ họ bắt đầu mở các chiến dịch cải cách chính trị. Trên báo chí, trong các tập san khó nuốt, ở đại học, và trong các hội từ thiện và trí thức, những cuộc tranh luận về nguyên nhân của nạn đói – và về những cải cách cần kíp để ngăn ngừa thảm họa xảy ra lần nữa – tiếp tục gào thét trong suốt thập niên 1890, rất lâu sau khi khủng hoảng đã qua.

Sự chống đối xã hội, phần lớn ngủ yên trong những năm 1880, giờ choàng dậy với một sức sống mới như là kết quả của những tranh luận này. Phong trào Dân túy cũng sống lại (sau này được đặt tên mới Tân-Dân túy), và đặt đến cao điểm vào năm 1901 với sự thành lập Đảng Cách Mạng Xã Hội. Dưới sự lãnh đạo của Viktor Chernov (1873-1952), một người tốt nghiệp ngành luật Đại học Moscow đã từng bị tù ở Pháo đài Peter và Paul vì vai trò của ông trong phong trào sinh viên, nó ôm trọn xã hội học Mác mới trong khi vẫn còn bám vào niềm tin Dân túy rằng tất cả công nhân và nông dân – thành phần được gọi là lực lượng lao động – đều đoàn kết bởi cái nghèo và tình đối kháng với chế độ. Thế thì, nói tóm lại, ngay sau nạn đói, các nhà Mác-xit và Tân-Dân túy càng ngày càng đoán kết khi họ bỏ qua những khác biệt về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản (mà những người SR Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa giờ nhìn nhận là đúng) để tập trung vào cuộc đấu tranh dân chủ. Lydia Dan,từ phía Mác-xit, nhớ lại giai đoạn đó quả là một ‘thời kỳ mới . . . khi đó cuộc tranh đấu cho chủ nghĩa xã hội đủ quan trọng đối với chúng tôi vẫn không bằng tranh đấu chính trị. . . giờ có thể và cần phải lan rộng đến toàn quốc’.

Chủ nghĩa Mác như một môn khoa học xã hội nhanh chóng trở thành niềm tin quốc gia: chỉ có nó hình như mới giải thích được những nguyên nhân gây ra nạn đói kém. Các trường đại học và hội trí thức bị thổi bay bởi trào lưu trí thức mới mẻ này. Thậm chí những học viện tiếng tăm lâu đời như Hội Kinh tế Tự do cũng rơi dưới sức ảnh hưởng của những người Mác-xit, những người đã tạo ra cả thư viện tài liệu thống kê xã hội, ngụy trang để nghiên cứu nguyên nhân gây ra nạn đói khủng khiếp, nhằm chứng tỏ tính chân lý của các định luật kinh tế của Marx. Các nhà Xã hội Chủ nghĩa trước đây đã từng dao động trong chủ nghĩa Mác của mình giờ hoàn toàn đổi ngược tiếp sau cuộc khủng hoảng, khi mà hình như đối với họ, không còn trông cậy gì nữa vào niềm tin của phe Dân túy dành cho giới nông dân. Petr Struve (1870-1944), người trước đây cho mình là một người cấp tiến về chính trị, nhận ra rằng cuộc khủng hoảng đã khuấy động nhiệt tình của mình đối với chủ nghĩa Mác: nó khiến tôi trở thành một người Mác-xit nhiều hơn cả khi đọc Tư Bản Luận’. Martov cũng nhớ lại cuộc khủng hoảng đã biến mình thành một người Mác-xit ra sao: ‘Cho đến lúc đó tôi mới vỡ lẽ ra toàn bộ vốn cách mạng của mình hời hợt và lỏng lẻo biết bao, tính lãng mạn chính trị chủ quan của tôi đã bị thui chột ra sao trước đỉnh cao xã hội học và triết lý của chủ nghĩa Mác.’ Thậm chí chàng thanh niên Lênin cũng chỉ quay về dòng chính thống của chủ nghĩa Mác sau cuộc khủng hoảng.

Tóm lại, toàn thể xã hội đã bị chính trị hoá và cực đoan hóa nhuot kết quả của cuộc khủng hoảng nạn đói. Cuộc xung đột giữa nhân dân và chế độ đã bắt đầu khởi động + và không có đường quay về. Theo lời của Lydia Dan, nạn đói đã là một dấu ấn sống còn trong lịch sử cách mạng vì nó đã chứng tỏ với thế hệ trẻ của bà ‘rằng quân chủ Nga đã hoàn toàn phá sản. Nó rơi xuống như thế nó đang ở trên bờ vực nào đó.

* * *

Sự thức tỉnh chính trị này của quần chúng là một phần của những thay đổi xã hội rộng lớn hơn nằm ở cội nguồn của cách mạng. Từ những năm 1890 có thể coi là mốc thời gian xuất hiện một xã hội dân sự, một phạm vi quần chúng và một nền đạo đức, tất cả đều chống đối với nhà nước sa hoàng. Thời gian khi mà, theo lời của Miliukov, nền chuyên chế từng là ‘lực lượng có tổ chức duy nhất’ ở Nga và có thể trấn áp một xã hội chia rẽ và yếu ớt, đã qua rồi. Giờ thì mối liên hệ đó đã bị đảo ngược. Các định chế xã hội đang càng ngày càng trở nên độc lập và có tổ chức hơn, trong khi nhà nước sa hoàng từng bước suy yếu, không thể xiết chặt quyền kiểm soát như trước. Khủng hoảng nạn đói là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình này, là thời điểm khi xã hội Nga lần đầu tiên trở nên có ý thức chính trị về bản thân mình, về nghĩa vụ đối với ‘nhân dân’, và về tiềm năng tự trị. Theo một nghĩa nào đó, đây là thời điểm mà nước Nga trở thành một ‘quốc gia’.

Những biến đổi sâu sắc đang lôi kéo nền văn hóa quần chúng này vào vũ đài chính trị. Thứ bậc cỗ lỗ của giai tầng xã hội, mà chế độ đã tạo ra để tổ chức xã hội chung quanh nhu cầu của riêng nó đang tan rã và một hệ thống xã hội mới cơ động hơn đáng bắt đầu thành hình. Những con người sinh ra là nông dân, thậm chí nông nô, đứng lên để tự khẳng định mình là nhà buôn và điền chủ, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà xuất bản và người bảo trợ nghệ thuật. Con trai và con gái của những quí tộc bước vào nghề nghiệp tự do. Nhà buôn trở thành quí tộc. Hôn nhân giữa các giai tầng đã thành bình thường. Hơn hết, người ta không còn muốn hoặc không thể khẳng định mình theo những chuẩn mực cũ kỹ và cứng nhắc.

Xã hội dân sự mới này quá phức tạp để có thể mô tả bằng những chuẩn mực thô sơ của ‘giai cấp’. Chỉ xét một chuẩn mực, nó được xác định bằng địa vị ít hơn nhiều so với bằng chính trị và văn hóa. Thế giới quan của người trí thức – dựa trên khái niệm phục vụ công chúng và giá trị cấp tiến của phương Tây – xác định diện mạo của họ.  Giới trí thức đã luôn được tạo ra từ những con người xuất thân từ nhiều bối cảnh xã hội khác nhau, và cùng tuyên bố đại diện ‘quốc gia’ như một tổng thể. Và truyền thống phố quát này định hình nền đạo đức và tiếng nói của giới quần chúng mới sinh ra. Các nhà cấp tiến có học nói về việc phục vụ ‘lợi ích quằn chúng’, thể hiện dưới dạng ‘xã hội’ hay ‘quốc gia’, đối nghịch với đạo đức quí tộc cổ lỗ phục vụ cho chế độ sa hoàng. Họ gọi những chính trị gia của mình là ‘người của quần chúng’. Và thật ra đó là một phần quan trọng về tiến trình tu từ học toàn diện nhằm xác định ‘quốc gia’ chính trị’ này – có nghĩa là đặt nó tách khỏi nhà nước sa hoàng ‘xa lạ’ – mà các lãnh tụ của nó nên được vinh danh bằng một tên chung khiến họ thành nhà ái quốc của chính nghĩa nhân dân. Một nền văn hóa chính trị quốc gia dựa trên những ý tưởng và định chế của giới trí thức đang được hình thành ở Nga. Một công chúng tích cực đang xuất hiện chống đối với chế độ cũ và yêu sách những quyền công dân độc lập. Sự mở rộng của một nền giáo dục cao cấp hơn, của công luận và hoạt động quần chúng, đã định hình nền văn hóa quần chúng mới nổi lên này.

Giữa năm 1860 và 1914 số sinh viên đại học ở Nga tăng từ 5,000 đến 60,000 (45 phần trăm là phụ nữ); số nhật báo tăng từ 13 đến đến 856; và số bộ phận quần chúng từ 250 đến hơn hơn 16,000.

Đây là những dấu hiệu của một tầng lớp trung lưu mới nằm giữa quí tộc và giai cấp công nông. Nhưng nó quá mong manh theo chuẩn mực xã hội để xứng với tên gọi nặng kí là ‘giai cấp trung lưu’. Tầng lớp ‘tiểu tư sản’ công nghiệp, mà ở phương Tây đã dẫn đầu trong việc đúc rèn một diện mạo trung lưu, con quá yếu và lệ thuộc vào nhà nước, quá manh mún vì chia rẽ về sắc tộc và vùng miền, và quá tách biệt với nhóm ưu tú về học vấn, để có thể đóng cùng một vai trò trong nước Nga sa hoàng. Thật ra một y thức về sự mong manh và tách biệt của họ là một phạm trù quan trọng trong việc tự nhận diện của ‘census society’ non trẻ này. Khi công chúng cấp tiến và có học thức trở nên ý thức hơn về bản thân và về vai trò cầm đầu của mình trong chính trị, họ cũng trở nên ý thức hơn về vực thẳm đáng sợ và to lớn – một vực thẳm do nạn đói phát hiện ra – chia cắt họ với đám đông đói kém. Như ở Nam Phi dưới chế độ apartheid, luôn có quả bom hẹn giờ của bạo lực cách mạng đang tíc tắc trong ngăn tủ chính trị cấp tiến.

Hai nhóm chính đứng ở hàng đầu của chiến dịch quần chúng này trong thập niên dẫn đến Cách Mạng 1905: ‘những người zemstvo’ cấp tiến và sinh viên.

Những ‘người Zemstvo’ là những người tiên phong không hứa hẹn của cách mạng. Hầu hết họ đều là các chủ đất quí tộc, những người tiến bộ và thực tiễn như Hoàng thân Lvov, những người chỉ đơn giản muốn nhà nước chuyên chế đóng một vai trò tích cực trong việc cải thiện cuộc sống của thần dân nó. Họ chỉ nhắm tới việc gia tăng ảnh hưởng của các zemstvo trong khuôn khổ pháp luật chính quyền, nhưng khái niệm về việc lãnh đạo một phong trào chống đối rộng khắp là điều họ không ưa. Cố vấn của Hoàng thân Lvov, D. N. Shipov, người tổ chức các zemstvo ở tầm mức quốc gia, chính là người hết lòng theo chế độ quân chủ và chống đối thẳng thừng yêu sách hiến pháp của phe cấp tiến. Mục tiêu toàn bộ của việc ông làm là củng cố vương quyền bằng cách đem Sa Hoàng đến gần thần dân của người hơn, được tổ chức thông qua các zemstvo và một nghị viện tham vấn. Tự thâm tâm ông tin vào sự hòa hợp cổ xưa giữa Sa Hoàng và thần dân, một sự hợp nhất mà, theo quan điểm của ông, đã bị sự chuyên quyền của bộ máy quan liêu bẻ gãy.

Thế thì có nhiều cơ sở cho chính quyền chuyên chế độ đến hòa giải với người zemstvo. Nhưng, như thường xảy ra trong sự sụp đổ không tránh khỏi, chế độ cũ chọn đường lối áp bức thay vì hòa giải và do đó tạo ra thù địch chính trị với nhóm zemstvo. Kiến trúc sư trưởng của chính sách tự sát này là Bộ Nội vụ lộng quyền, vốn coi các zemstvo như là những nơi trú ẩn nguy hiểm cho bọn cách mạng và bắt họ phải chịu một chiến dịch ngược đãi không thương xót. Trang bị đạo luật năm 1890, các thống đốc tỉnh xén bớt ngân sách các zemstvo, kiểm duyệt ấn bản của họ và bắt bớ những thành viên được bầu ra trong nạn chấp hành.

Khủng hoảng nạn đói khiến cho mối xung đột này tạm lắng xuống, bởi vì nhà nước trông cậy vào các zemstvo như là các cơ quan cứu trợ thực phẩm và thuốc men. Nhưng, do việc mở rộng các hoạt động của mình, cơn khủng hoảng cũng khuyến khích các zemstvo tái khẳng định các yêu sách riêng của mình về tự trị và cải cách. Cầm đầu là những chuyên viên – các nhà giáo, bác sĩ, nhà thống kê và nông học được gọi chung là Yếu tổ Thứ ba – mà ảnh hướng cực đoan của họ về hội đồng zemstvo tăng lên nhờ đã tham gia trực tiếp vào các chiến dịch cứu trợ. Họ được các  chủ đất tiếp ứng, vốn đổ tội cho nhà nước đã thất bại trong việc bảo vệ trại chủ nên mới sinh ra thảm họa  và lo lắng các nông dân cùng quẫn sẽ chiếm điền sản của họ. Họ bây giờ tập hợp đằng sau các zemstvo để bảo vệ lợi ích nông nghiệp của tỉnh lỵ chống lại bộ máy hành chính đang bị kỹ nghệ hoá của St Petersburg. Các quí tộc cấp tiến hơn, như Hoàng thân Lvov, tiếp tục yêu cầu thành lập các zemstvo nhiều giai tầng ở cấp huyện (mà họ tin sẽ giúp tích hợp nông dân vào chính quyền địa phương) và triệu tập một hội đồng quốc gia. Đây là cảm hứng sau  Diễn Văn Tver  do các lãnh đạo zemstvo tiến bộ nhất của xứ sở trình bày lên Nicholas II nhân dịp ông lên ngôi,. Trong một bài diễn văn khiến công luận nổi cơn thịnh nộ  vị sa hoàng mới lên án ‘những ước mơ vô lý’ như thế và nhấn mạnh đến ‘sự theo đuổi vững chắc không lay chuyển’ của ông vào ‘,nguyên tắc chuyên chính’. Trong những ngày sau đó, Bộ Nội vụ tiếp tục lại hành động ngược đãi các zemstvo. Tổ chức Toàn-Zemstvo của Shipo bị cấm hoạt động ngay sau khi ra đời vào năm 1896, buộc nhà cách mạng miễn cưỡng bước vào vòng tay của những người ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến cực đoan hơn. Họ cùng nhau thành lập ra Beseda (Hội nghị Chuyên đề) vào năm 1899, một hội kín luận đàm bí mật giữa các ‘người zemstvo’ cấp tiến, trong đó có một số tên tuổi lừng lẫy nhất của giới quí tộc Nga, cũng như Hoàng thân Lvov. Họ gặp nhau trong cung điện của các hoàng thân Dolgprukov ở Moscow. Thoạt đầu, Beseda chỉ giới hạn bàn luận về các vấn đề thuộc zemstvo. Nhưng vào năm 1900, một lần nữa chính quyền leo thang chiến dịch truy bức, ra lệnh loại hàng trăm thanh viên cấp tiến khỏi các ban chấp hành đã được bầu ra ở các zemstvo, và điều này đã buộc các cuộc luận đàm vốn ôn hòa trở thành đối đầu chính trị. Trong hai năm sau đó nó sẽ trở thành một lực lượng dẫn đầu trong phong trào yêu sách hiến pháp, khi một thành phần sâu rộng những người của quần chúng, từ những nhà lãnh đạo dân sự đến các thủ lĩnh kỹ nghệ, tập kết đằng sau lời kêu gọi cải cách của nó.

Đại học đã từng là trung tâm chống đối có tổ chức chế độ sa hoàng kể từ thập niên 1860. Trong tiếng Nga từ ‘sinh viên’ với từ ‘có tính cách mạng’ gần như là đồng nghĩa

 Như mọi người khác, sinh viên đã bị chính trị hoá chỉ bởi tầm cỡ của nỗi thống khổ mà nạn đói phơi bày. Giảng đường trở thành nơi gieo mầm cho các kích động xã hội và một tâm trạng mới muốn nổi loạn chống giới thẩm quyền đại học, mà từ năm 1884 đã bị cảnh sát khống chế. Alexander Kerensky (1881-1970) nhớ lại tình đồng chí trong các ký túc xá ở Đại học Petersburg: ‘Sinh viên sống chung với nhau trong không khí đoàn kết mật thiết, thân hữu, những người được họ yêu thích được chọn cầm đầu trong những vấn đề về quan hệ cộng đồng. . .Nếu có sự kiện gì đó xảy ra trong xứ chạm đến và làm tổn thương cảm xúc đạo lý của tuổi trẻ, nếu có chức sắc nào đó trong giới thẩm quyền giáo dục chạm đến lòng kiêu hãnh tập thể của họ, thế thì mọi người đồng đứng lên như một.

Cuộc sống thời trẻ của Kerensky có nhiều điểm tương đồng với cuộc sống Lênin, người sẽ trở thành đối thủ chính của ông vào năm 1917. Ông cũng ra đời tại thị trấn Simbirsk 11 năm sau Lênin. Cha ông là hiệu trưởng ngôi trường Lênin theo học và trong chỗ  quen biết với cha của Lenin, lúc đó là Chánh Thanh tra Giáo dục ở Simbirsk. Vào năm 1889 cha của Kerensky được thăng đến chức vụ đó ở Tashkent, tại đó chàng thanh niên Kerensky đi học. Cùng giống như Lênin, ở tuổi thiếu niên không có gì báo trước tương lai sự nghiệp của Kerensky là một bộ trưởng cách mạng, một ông thầy của ông nhớ lại, ‘Cậu ta vui vẻ khép mình vào kỷ luật nghiêm nhặt của trường hoc, đi lễ nhà thờ siêng năng,* và thậm chí hát trong dàn hợp xướng của nhà thờ.’ Ở tuổi 14 trái tim của Kerensky đã dành cho nghề diễn kịch. Thậm chí ông còn ký tên dưới một bức thư gởi về cha mẹ: ‘Kịch sĩ tương lai của Nhà Hát Hoàng Gia. A. Kerensky’. Niềm tin của ông vào vận số của mình – điều mà sẽ lèo lái hành động của ông trong năm 1917 – rõ ràng đã bắt rễ ngay từ thời còn trẻ. Kerensky không hề tạo sự nghiệp trong ngành sân khấu, mặc dù như một kịch sĩ trên sân khấu cách mạng ông phải diễn vỡ bi kịch của chinh mình như bất kỳ tên kích sĩ tỉnh lẻ nào. Năm 1899 ông đi lên Đại học St Petersburg để đọc lịch sử và ngôn ngữ học, những môn học mà cha ông đã theo học ở đây. Nhưng sang năm thứ hai ông chuyển qua luật. Việc này cũng ấn định kiểu dáng cho tương lai: thay đổi từ lịch sử sang luật tất nhiên là bước đi của một người muốn tạo sự nghiệp.

*  Và thói quen đó theo ông đến suốt đời.

 

Vào năm Kerensky trúng tuyển vào đại học các sinh viên ở St Petersburg đã vướng vào một loạt những cuộc biểu tình trong khuôn viên đại học. Vào ngày 8 tháng 2 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập trường sinh viên thường tổ chức lễ hội ăn mừng tại trung tâm thành phố. Nhưng vào năm 1899 tâm trạng chính quyền không được thoải nên cấm sinh viên tổ chức lễ hôi trên đường phố. Khi một số sinh viên thách thức lệnh cấm bằng cách tuần hành vào thành phố họ bị cảnh sát phong tỏa và đánh roi. Bị khích động dữ dội, sinh viên  bắt đầu bãi học chống đối. Các đại học khác hưởng ứng. Nỗi bất bình của họ vẫn chưa mang tính chính trị; họ chỉ cần một lời xin lỗi chính thức về thói hung bạo của cảnh sát và phục hồi lại quyền tự do của sinh viên đã bị dỡ bỏ vào năm 1884. Thay vào đó chính quyền cho bắt giữ các lãnh đạo sinh viên và hăm dọa lần tới sẽ cho các sinh viên biểu tình vào lính.

Sinh viên nổi giận và, được các người kích động xã hội cổ vũ, bắt đầu lên án rễ lẫn nhánh của hệ thống chính trị. Ngay cả Kerensky, cho đến thời điểm đó vẫn mê sân khẩu hơn là chính trị, cũng tham gia biểu tình trên khuôn viên đại học. ‘Hành động sĩ nhục năm ngoái vẫn chưa được quên và không thể quên,’ ông viết cho cha mẹ vào tháng 2 1900. ‘Sự áp bức rất dã man, đó là điều khiến tụi con  bứt rứt, và những ai ra lệnh đó không đáng được tôn trọng!’ Thêm một lần nữa, các biện pháp nặng tay của chính quyền đã biến một sự kiện chống đối nhỏ thành một phong trào chống đối rộng khắp.

Tháng 11 sau đó sinh viên biểu tình ở Kiev và các đại học khác. Bogolepov, Bộ trưởng Giáo dục, đáp trả vào tháng giêng 1901  bằng cách tống hơn 200 lãnh đạo sinh viên vào lính. Một tháng sau một sinh viên tên Karpovich bắn Bogolepov vào cổ, giết chết y trong đợt sóng đầu tiên của hành động khủng bố mới. Công luận nói chung không mấy rúng động trước vụ sát nhân (Còn Kerensky và các bạn thậm chí xem Karpovich là một ông thánh); họ nổi giận vì những hành động áp bức của Bogolepov. ‘Tôi cảm thấy chắc anh biết rằng,’ Gorky viết cho Bryusov, ‘đẩy sinh viên vào lính là một hành động ghê tởm, một tội ác trắng trợn chống lại quyền tự do cá nhân, một biện pháp ngu xuẩn  của những tên vô lại lộng quyền.’ Vào ngày 4 tháng 3, hai ngày sau cái chết của Bogolepov, Gorki tham gia một cuộc biểu tình khống lồ ở St Petersburg. Thủ đô chết lặng khi 3,000 sinh viên tiến về phía trước Thánh đường Kazan. Cờ đỏ được mở bung ra, bài hát Marseillaise [bài hát trong thời Cách Mạng 1789 của Pháp, sau đó trở thành quốc ca: ND], và Gorky đọc bài diễn văn lên án hành động của chính quyền. Trong đám đông có một số lớn các tư sản cấp tiến có cảm tình với sinh viên và nhiều tên tuổi hiện tại và tương lai của phong trào cách mạng.Thình lình, một phân đội kỵ sĩ Cô-giắc xuất hiện từ phía sau thánh đường rồi tấn công đám đông, đánh đập túi bụi bằng gậy. Struve là một trong số người bị đánh trúng. Khi đám đông chạy tán ra trốn tránh, một số chạy vào thánh đường, nơi một thánh lễ đang diễn ra. 13 người bị giết chết, hàng trăm người chạy đi với gương mặt đầm đìa máu và, trên hết, khoảng 1,500 sinh viên bị tống giam, nhiều người vào Pháo đài Peter và Paul. Đó là lần đầu tiên một số lớn như thế các công dân trưởng giả đáng kính bị giam giữa những bức tường tù ngục tiếng tăm. Cha mẹ và bạn bè của sinh viên đến thăm họ hàng ngày mang theo thức ăn phủ phê. Một nhà máy thuốc lá nổi tiếng, có con bị nhốt, gởi đến 10,000 bao thuốc lá cao cấp và tiếp tục gởi đều đặn. Hàng ngàn quyển sách được mang đến, cho phép sinh viên bắt kịp các bài học dở dang, mặc dù, theo lời một sinh viên, phần đông tiêu pha thời gian vào việc đánh cờ và hòa nhạc. Anh ta mô tả trải nghiệm của mình như một hình thức dã ngoại kiểu sinh viên.

 

Đối với nhiều người đây là lần đương đầu choáng váng đầu tiên của họ với sức mạnh áp chế của nhà nước. Hàng ngàn người sau đó gia nhập Đảng SR, mà Tổ chức Chiến đấu của nó cầm đầu trong chiến dịch khủng bố, sớm lấy đi mạng sống của D. S. Sipiagin, Bộ trưởng Nội vụ. Những người khác gia nhập Dân chủ Xã hội. Nhưng ngôi nhà thực sự của các sinh viên dân chủ là Liên minh  Giải phóng được thành lập vào năm 1903. Đó là sản phẩm của Struve, một người thuộc nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm những kẻ ly khai cấp tiến của phong trào Mác-xit vào đầu thế kỷ. Ông lập luận rằng một cách mạng xã hội dữ dội sẽ là tai họa cho nước Nga. Điều nó cần là một thời kỳ tiến hoá về mặt chính trị và xã hội theo hướng Âu châu, trong đó công nhân mở những chiến dịch nhằm đòi hỏi quyền lợi của họ trong hệ thống tư bản và toàn bộ những người dân chủ đoàn kết lại trong một phong trào lập hiến. Đây là thông điệp của báo Giải phóng của Struve in ở Đức, gây cảm hứng cho việc thành lập Liên minh.

Bị các chiến dịch cảnh sát, giờ do Plehve, Bộ trưởng Nội vụ mới thay thế Sipiagin tổ chức, quấy nhiễu, Liên minh dần dần chuyển sang cánh tả và vào năm 1904, đi theo chương trình lập hiến dựa vào phổ thông đầu phiếu, quyền tự quyết cho các dân tộc, và cải cách xã hội sâu rộng.

* * *

Ngay lúc này Nga gây chiến với Nhật. Người ta cho rằng chính Plehve đã lên kế hoạch cho việc này biến nó thành ‘một thắng lợi nhỏ để chặn đứng cách mạng’. Nhưng nguồn gốc của nó phức tạp hơn – và hậu quả thì ngược lại. Sự xâm nhập kinh tế của Nga vào vùng Viễn Đông, giờ khả thi nhờ việc xây dựng tuyến đường sắt Xuyên Siberia trong thập niên 1890, chuẩn bị đem tới sự xung đột với Nhật, vốn cũng có tham vọng ở Đại Hàn và Mãn Châu. Nhưng cuộc chiến có thể đã tránh được nếu chính sách đối ngoại của Nga ở trong tay những người có năng lực. Thay vào đó nó ở trong tay bọn bè phái triệu đình hẹp hòi, do Alexander Bezobrazov cầm đầu, một tay đầu cơ có mối liên hệ rộng và có quyền lợi về gỗ ở Đại Hàn, và nhóm lốp bi này thuyết phục Sa Hoàng bác bỏ đề nghị hòa giải của Nhật Bản, do đó khiến chiến tranh không sao tránh được. Việc Nicholas quyết định xem vấn đề này là mối  quan tâm cá nhân càng làm mọi chuyện thêm tệ hơn; khổ thay chính sách đối ngoại là lãnh vực duy nhất của chính quyền mà Sa Hoàng cảm thấy mình có khả năng dẫn đầu. Bởi vì ông đã từng làm một chuyến thân hành qua vùng Viễn Đông thời còn trẻ, nên ông tưởng rằng mình giỏi không kém một chuyên gia về vùng đó.

 

 Tướng Kuropatkin, Bộ trưởng Chiến tranh, tin rằng Nicholas muốn mở rộng Đế chế băng qua toàn châu Á, chinh phuc không những Mãn Châu và Đại Hàn mà còn Tây Tạng, Afghanistan và Ba Tư. Phần đông các bộ trưởng của ông đều cổ vũ những tham vọng đó, như là một cách tâng bốc ông – người mà suy cho cùng không có tài năng gì hết. Anh em họ của Nicholas, Kaiser Wilhelm [Wilhelm II là vị Hoàng đế cuối cùng của Đức. Ông  trị vì từ 15/6/1888 đến khi thoái vị vào ngày 9/11/1918 ngắn ngủi trước khi Đức bại trận trong Thế Chiến I: ND), cũng đùa cợt với điều hoang tưởng đế chế của ông, vì ông ta muốn lôi Nga ra khỏi vùng Balkan. Có một dạo ông ta đánh điện cho Sa Hoàng từ du thuyền của mình: ‘Đô đốc Đại Tây Dương gởi lời chào Đô đốc Thái Bình Dương.’

            Khi chiến tranh bắt đầu, vào tháng giêng 1904, với việc Nhật tấn công hạm đội Nga tại Cảng Arthur ở Mãn Châu, Sa Hoàng và các cố vấn tưởng rằng thắng lợi đã trong tầm tay. Kuropatkin tuyên bố chỉ cần hai lính Nga địch với mỗi ba lính Nhật. Các áp phích của chính quyền minh họa những người Nhật là những con khỉ loắt choắt, mắt hí và da vàng, chạy hốt hoảng để tránh nắm đấm trắng to khủng của một người lính Nga to xác. Một áp phích khác vẽ một đàn lính Nhật như nhện, gương mặt co rúm vì sợ hãi, giành nhau chạy thoát thân bên dưới một chiếc mũ Cô-giắc to lớn chụp xuống. Tâm trạng ái quốc này, pha giọng điệu kỳ thị chủng tộc, quét qua tập thể những người cấp tiến. Hoàng thân S. N. Trubetskoi, Giáo sư Triết nổi tiếng tại Đại học Moscow và là một sáng lập viên của Beseda, cho rằng Nga đang bảo vệ toàn bộ nền văn minh Âu châu chống lại ‘hoạ da vàng’, những bầy đàn Mông Cổ mới được trang bị công nghệ hiện đại’. Các lãnh đạo hàn lâm của Đại học Kiev mô tả cuộc chiến như một thập tự chinh Cơ đốc giáo chống lại,’bọn Mông Cổ xấc láo’. Thậm chí ngài Struve, người Mác-xit hợp pháp, cũng cảm thấy buộc phải cúi đầu trước tâm thế ái quốc, thúc giục người theo ông tập kết sau lưng quốc gia và các lực lượng vũ trang trong khi vẫn tiếp tục chống đối nền chuyên chế. * Các zemstvo tỉnh còn đi xa hơn trong các nỗ lực yêu nước  của họ. Để giúp đỡ Hội Chữ Thập Đỏ trên Mặt trận Mãn Châu, 13 zemstvo đã lập ra một lữ đoàn y tế phối hợp gồm 360 bác sĩ và y tá do Hoàng thân Lvov cầm đầu.

Đây là lần đầu tiên các zemstvo được cho phép tự tổ chức ở cấp độ quốc gia. Hoàng thân khẩn khoản với Sa Hoàng xin cho lữ đoàn lên đường và tình cảm yêu nước của ông ta khiến Sa Hoàng  xúc động đến nỗi ôm hôn ông ta và chúc đoàn thượng lộ bình an. Sứ mạng nhận được lời khen tặng trong giới lãnh đạo quân đội, biến Lvov thành anh hùng quốc gia và khiến các zemstvo có thể quấn quanh người mình với  lá quốc kỳ.

Nếu đánh thắng cuộc chiến, chế độ ắt hẳn có thể tạo ra một vốn chính trị từ đợt bộc phát của lòng yêu nước này. Mối ràng buộc cổ xưa giữa nhà nước sa hoàng với chủ nghĩa dân tộc Nga có thể được sử dụng để tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ khi kẻ thù đến từ phương Đông ngoại đạo. Cuộc xâm lăng của Mông Cổ, mà nhà nước Muskovite đã được thành lập để đẩy lùi, đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ lên tâm thức Nga. Nó được biểu thị trong nỗi âu lo sâu xa về nguồn cội Eurasian pha trộn giữa các dân tộc và văn hóa của họ, điều khiến một con người cấp tiến có học như Trubetskoi dễ dàng tự thuyết phục mình là trận chiến này không gì khác hơn là việc bảo vệ diện mạo Âu châu chống lại bầy đàn Á châu. Và chỉ còn một bước ngắn ngủi từ quan điểm này đến quan điểm cho rằng nhà nước Sa Hoàng Cơ đốc là tay cự phách của diện mạo ấy.

Nhưng thắng trận là điều khó khăn hơn các nhà cai trị Nga tưởng. Quân đội hoá ra trang bị nghèo nàn những vũ khí hiện đại, và còn vấn đề hậu cần để điều hành một cuộc chiến cách 6,000 dặm đường. Vấn đề lớn nhất đơn giản chỉ là sự bất tài vô tướng của Bộ Tư lệnh, vốn chỉ biết khư khư ôm lấy  những học thuyết quân sự của thế kỷ 19 và làm tiêu phí hàng ngàn mạng sống Nga bằng cách ra lệnh cho lưỡi lê tấn công vô vọng các  vị trí pháo đặt trong chiến hào. Chính Tổng Tư lệnh, Đô đốc Alexeev, không hiểu gì nghệ thuật chiến tranh. Là người sợ ngựa, ông phải chịu nỗi hổ thẹn phải đi bộ khi duyệt đoàn kỵ binh.

Việc Alexeev thăng tiến phần lớn là nhờ sự bảo trợ của Đại Công tước Alexis, người có lần được Alexeev giải cứu khỏi cảnh sát Pháp Liên quan đến một vụ ẩu đả khi say xỉn trong một nhà thổ ở Marseille. Alexeev tự nộp mình cho cảnh sát, khai rằng bà chủ nhà thổ đã lẫn lộn tên ông với tên của Đại Công tước.

Khi cuộc chiến đi từ tệ đến tệ hơn, cuộc chống đối của người cấp tiến sống lại, kết án chính quyền bất lực trong việc điều hành chiến dịch. Có đầy chứng cứ hổ trợ cho lời buộc tội này, trong đó có việc phái đi vô tích sự Hạm đội Baltic trên một chuyến hải trình dài 7 tháng vòng quanh thế giới để giải cứu Cảng Arthur. Phát đạn duy nhất mà đoàn tàu khai hỏa lại bắn lầm vào các tàu cá Anh ở Bắc Hải, vì chỉ huy tưởng nhận lầm là thuyền ngư lôi Nhật. Sự kiện phải ra trước trọng tài quốc tế (Điều tra của Ngân hàng Dogger) và Nga buộc phải bồi thường 65,000 bảng Anh. Ngay cả những nhà kinh doanh hàng đầu trong xứ, trong quá khứ từng trông cậy vào sự bảo vệ của  nhà nước, thì giờ gia nhập dàn đồng ca chỉ trích khi họ bị thiệt hại nặng về kinh tế do chiến tranh. A. I. Gụchkov (1862-1936), một kỹ nghệ gia giàu có ở Moscow đã từng giúp người Boer chống lại người Anh và điều hành một bệnh viện dã chiến ở Mãn Châu, đặc biệt phê phán vương triều vì không trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội. Nhà lãnh đạo tương lai của Đảng Octobrist được nhắc đến nhiều trên các mặt bao, đổ tội cho hệ thống hành chính quan liêu đã làm quân đội Nga xuống dốc. Lời ngồi lê đôi mách trong các sa lông thật là ác độc. Khi nghe tin Sa Hoàng đã gởi những tượng thánh cho binh sĩ để nâng cao tính thần họ. Tướng Dragomirov châm biếm: ‘Bọn Nhật đến chúng ta bằng súng máy nhưng đừng lo, ta sẽ dện chúng bằng tượng thánh.’

Chính quyền càng ngày càng mất lòng tin của nhân dân đến nỗi vào tháng 7 1904, khi Plehve, Bộ trưởng Nội vụ, bị tan xác vì một quả bom do Tổ chức Chiến đấu SR gài sau vài lần thất bại), công  chúng không một lời tỏ ra thương tiếc.*  Ở Warsaw, vụ sát hại Plehve được đám đông ăn mừng trên đường phố. ‘Điều nổi bật nhất trong tình hình hiện nay’, Bá tước Aeremthal, Đại sứ Áo-Hung ở St Petersburg, ghi nhận:

Là sự lạnh nhạt hoàn toàn của xã hội đối với một sự kiện giáng một đòn chí tử vào các nguyên tắc của chính quyền. Người ta khó lòng trông đợi tình cảm dành cho một vị bộ trưởng mà sự lộng quyền của ông gây ra nhiều kẻ thù. Nhưng một mức độ của lòng trắc ẩn nào đó, hay ít ra mối quan tâm lo lắng đối với tương lai gần, sẽ là điều tự nhiên.  . . Nhưng tuyệt đối không tìm thấy một dấu vết nào của điều này. . . Tôi chỉ tìm thấy những con người hoàn toàn dửng dưng hoặc những con người cay độc cho rằng hậu quả ắt hẳn phải là như vậy. Người ta sẵn sàng nói rằng những thảm hoạ tiếp theo tương tự vụ sát hại Plehve sẽ là cần thiết để người có quyền hành cao nhất phải thay đổi đầu óc. Các công dân Nga đang đòi máu của kẻ cai trị họ.

*  Vụ ám sát  được tổ chức bởi Boris Savinkov (1879-1925), người sau này trở thành một bộ trưởng trong Chính quyền Lâm thời.

 

Lực lượng chống đối giờ tập kết sau lưng cuộc đấu tranh vì một hội đồng zemstvo quốc gia. ‘Người zemstvo’ cấp tiến đã kêu gọi điều này từ 1902, nhưng Plehve luôn cản đường. Giờ đã có những tín hiệu hi vọng. Vụ sát hại Plehve đã làm Sa Hoàng choáng váng và, mặc dù ông nghiêng về việc chọn một người cứng rắn khác thay thế, tin tức chiến trường quá tệ và  lực lượng chống đối trong nước quá mạnh khiến ông phải chọn ra một người có thể được xã hội tín cậy. Tân Bộ trưởng Nội vụ, Hoàng thân Sviatopolk-Mirsky được bổ nhiệm vào vai trò này. Cấp tiến, tốt bụng và tử tế, ông là sản phẩm điển hình của bộ máy hành chính khai sáng noi theo những lý tưởng của Rechtsstaag [Nghị viện Đức]. Ông nói về nhu cầu củng cố nền pháp trị, chấm dứt sự độc tài của cảnh sát, và phá vỡ hàng rào ngờ vực giữa chính quyền và xã hội. Ông tự gọi mình là một ‘người zemstvo’ – theo nghĩa là một viên chức nhà nước phải thấy mình có nghĩa vụ chính yếu là phục vụ công chúng hơn là Sa Hoàng – và hướng đến việc hòa giải với những người cấp tiến trong zemstvo.

Họ chấp nhận sự bổ nhiệm của ông, vào ngày 25 tháng 8, xem đấy là tín hiệu làm sống lại chiến dịch cho một hội đồng quốc gia. Những kỳ vọng như thế đẩy Mirsky vào một tình thế nan giải. ‘Tôi sợ rằng,’ vợ ông viết trong nhật ký ngày 22 tháng 9, ‘người ta kỳ vọng ở Pepka (Mirsky) nhiều quá nhưng không thể làm được gì nhiều; điều duy nhất anh ấy có thể làm là hành động theo lương tâm mình, có Trời chứng giám.’ Bộ trưởng bị kẹt giữa những yêu sách của phe cấp tiến và tính cố chấp bướng bỉnh của Sa Hoàng muốn ôm lấy nguyên tắc chuyên chế. Ông không phải là người duy nhất bị kẹt trong tình cảnh này. Nếu có một chủ đề duy nhất, được lặp đi lặp lại trong lịch sử nước Nga trong 20 năm cuối cùng của chế độ cũ, đó là chủ đề của yêu sách cải cách và sự thất bại của những chính quyền liên tiếp trong việc thỏa mãn chúng trước sự chống đối đối thẳng thừng của Sa Hoàng. Không cần phải là một cuộc cải cách sâu rộng: hầu hết người cấp tiến sẽ mãn nguyện với những thay đổi ôn hòa như là triệu tập hội đồng tham vấn, mở rộng quyền tự trị địa phương và quyền dân sự, không nhất thiết làm sụp đổ vương quyền chuyên chế. Nhưng Nicholas chống đối với bất kỳ ý tưởng nào giới hạn quyền lực cai trị của ông. Có lẽ hơi ngây thơ, Mirsky vẫn tiếp tục thuyết phục từ tốn để cố mang Sa Hoàng về với biện pháp cải cách. Nhưng Nicholas vẫn một mực vô lý, khiến Bộ trưởng càng ngày càng nản lòng. Có lần, khi Mirsky giải thích rằng toàn thế đất nước đang kêu gọi một hội đồng zemstvo quốc gia, Sa Hoàng trả lời: Vâng, được đấy, như vậy họ có thể xem xét vấn đề thú y.’ Khi Mirsky giải thích rằng vấn đề là quyền của các  đại biểu dân cử được tham gia vào hoạt động của nhà nước, và cảnh báo rằng, nếu không thương lượng được, sẽ sớm bùng phát cách mạng, Sa Hoàng vẫn im lặng. ‘Ông ta cứ để mọi sự không vừa ý trôi tuột đi,’ ngài Bộ trưởng bức xúc phàn nàn sau đó với vợ.

Mirsky thoạt đầu nghĩ rằng mình tán thành chính thức hội đồng zemstvo ngầm hiểu rằng nó chỉ giới hạn vào những vấn đề địa phương. Nhưng khi thông qua chương trình nghị sự nó bao gồm cả việc thảo luận về một nghị viện lập pháp, ông cố gắng đình hoãn phiên họp, hoặc chuyển địa điểm về các tỉnh, nơi ít gây chú ý hơn. Nhưng các ‘người zemstvo’ nhất định không lùi bước và ngài Mirsky ôn hòa đành nhượng bộ, cho phép hội đồng họp tại những khu vực tư ở thủ đô – ‘để uống trà’, theo cách nói của ông. Vào ngày 6 – 9 tháng 11 1904, 103 đại biểu zemstvo họp nhau tại những nơi cư trú khác nhau, trong đó có căn hộ của Vladimir Nabokov, ông thân sinh của tiểu thuyết gia tương lai (Vladimir Vladimirovich Nabokov, tác giả cuốn Lolita lừng danh: ND). Shipov được bầu làm chủ tịch, Hoàng thân Lvov và Petrunkevich phó chủ tịch. Đây đúng là hội đồng quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Nga. Có người so sánh nó với Etats Generaux của Pháp năm 1789, và, mặc dù cấm công khai nó, hơn 5,000 bức điện chúc mừng gởi đến từ khắp nơi trong xứ. Các bộ phận và hiệp hội dân sự nhóm họp để ủng hộ các nghị quyết của hội đồng, nhằm lên án tình hình hiện nay và kêu gọi, chỉ trừ đích danh, một hiến pháp. Thậm chí các ông Thống soái của Hội đồng Quí tộc Tỉnh lỵ , bình thường là những người bảo thủ nhất, cũng nhóm họp để ủng hộ ý tưởng của một hội đồng quốc gia. Các tổ chức nghề nghiệp tổ chức những buổi tiệc công chúng, bắt chước các buổi tiệc chiến dịch ở Paris trước Cách Mạng 1848, nơi các diễn giả kêu gọi cải cách chính trị và cụng ly cho một hiến pháp tương lai. Gorky có mặt tai buổi tiệc lớn nhất tổ chức ở St Petersburg vào ngày 20 tháng 11, và sáng hôm sau ông viết cho vợ ở Yalta:

Anh vừa trở về từ buổi họp mặt ở Khán Phòng Pavlova. Có hơn 600 thực khách – nhà văn, luật sư, ‘người zemstvo’, nói chung, giới trí thức.  . .  Những bài diễn văn thẳng thắn được phát biểu và mọi người đồng bắt nhịp hô vang ‘Đả đảo chuyên chế!’, và ‘Vạn tuế Hội đồng Lập hiến!’, và ‘Cho chúng tôi hiến pháp!’. . . Một nghị quyết được nhất trí thông qua kêu gọi một Hội đồng Lập hiến được bầu ra qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Không khí rất sôi nổi và rất dân chủ. . . Lần đầu tiên có một phụ nữ đứng lên phát biểu. Bà ta nói phổ thông đầu phiếu sẽ cho phép các cảnh sát được đi bầu, nhưng không nghe ai đề cập đến phụ nữ. Trong suốt thời gian qua họ đã sát cánh cùng các ông – vậy mà giờ đây người ta đã bỏ xó họ. Xấu hổ! Bài diễn văn của bà thật hay.

Mirsky trình lên Sa Hoàng nghị quyết của hội đồng zemstvo với lời lẽ được tỉa tót thận trọng, hi vọng sẽ được ông ta chấp nhận một chương trình cải cách ôn hòa. Lời đề nghị gây tranh cãi nhất là về việc các đại biểu zemstvo được bầu ra sẽ ngồi vào Hội đồng Nhà nước. Nhưng nó cũng tuyên bố bằng những từ ngữ có thể xúc phạm đến Quyền Chuyên chế Tối cao, rằng ‘trật tự gia trưởng xưa cũ’ với ‘những khái niệm cai trị cá nhân’ đã chết từ thập niên 1860. Nga không còn là ‘tài sản cá nhân và thái ấp của người cai trị’, mà là ‘một nhà nước không của riêng ai với thể chế chính trị của riêng nó, quyền lợi chung và ý kiến chung, khiến nó tách biệt khỏi người cai trị’. Không nghi ngờ gì nữa, trước  thách thức này, cộng với áp lực từ phía Hoàng hậu và các cố vấn, ông bác bỏ những phần tiến bộ nhất trong bản nháp  sắc lệnh của Mirsky. ‘Trẫm không bao giờ công nhận tính cách đại biểu của chính quyền’, Nicholas tuyên bố, ‘vì trẫm xét thấy như thế là có hại cho nhân dân mà Chúa Trời đã tin cậy giao phó cho trẫm.’ Sắc lệnh cuối cùng được thông qua vào ngày 12 tháng 12, hứa hẹn sẽ củng cố pháp trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí và mở rộng quyền của các zemstvo. Nhưng nó không đề cập gì đến vấn đề quan trọng nhất là bộ phận nghị viện, mà việc nhượng bộ nó là điều cốt lõi nếu muốn tránh một cuộc cách mạng. Nghe thấy nội dung của nó, Mirsky hoàn toàn tuyệt vọng. ‘Mọi thứ đã hỏng bét,’ ông nói với một cộng sự một cách chán nản. ‘Thôi chúng ta hãy xây thêm nhà tù.’

 

ii ‘Không có Sa Hoàng”

Tuyết đã rơi trong đêm và St Petersburg thức giấc trong sự tỉnh lặng kỳ lạ vào chủ nhật đó, ngày 9 tháng 1 1905. Ngay sau bình minh các công nhân và gia đình của họ tập trung tại nhà  thờ để cầu nguyện cho một ngày được kết thúc  an lành. Sau đó, 150,000 người họ sẽ tuần hành theo hàng ngũ từ những khu vực khác nhau trong thành phố và tập trung phía trước Cung điện Mùa Đông. Tại đó giáo sĩ lãnh tụ của họ, Cha Gapon, sẽ trình lên Sa Hoàng một bức tâm thư khẩn cầu ông cải thiện điều kiện sống của công nhân. Vừa đi vừa hát thánh ca và mang tượng thánh, họ trông có vẻ một đám rước tôn giáo hơn là một cuộc biểu tình của công nhân. Những người đi đường dỡ mũ chào và làm dấu thánh khi đoàn người đi qua. Họ không biết chắc chắn là mạng sống của người đi tuần hành đang gặp nguy hiểm. Trong đêm qua 12,000 binh lính đã lập các chốt trong thành phố để ngăn cản họ đến cung điện. Nhiều người tuần hành đã thức suốt đêm sẵn sàng chết. Một trong số đó là Ivan Vasilev, để lại một bức thư cho vợ mình khi anh rời nhà vào đầu giờ sáng lúc chị còn ngủ cùng với cậu con trai:

Niusha,

Nếu anh không về nhà và bị giết, Niusha, em đừng khóc. Rồi em cũng sẽ vượt qua được, và kiểm được việc làm trong một nhà máy. Hãy nuôi nấng Vaniura và bảo với nó rằng cha nó chết như một thánh tử đạo vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Nếu có chết, thì anh cũng chết cho hạnh phúc của chúng ta. . .

Người chồng và cha yêu thương của mẹ con, Vania

Tái bút,: Niusha, nếu anh chết, em sẽ biết tin từ một đồng chí của anh; nếu không, anh sẽ viết thư cho em hoặc về thăm em. Anh hôn em, tạm biệt. Cho anh gởi lời thăm cha, các anh em và tất cả dòng họ. Tạm biệt, Vania của anh.

 Anh không bao giờ trở về.

Thật mỉa mai mà cũng phần nào thích hợp là Cách Mạng 1905 lại được khởi phát bởi một tổ chức do chính chế độ sa hoàng bày ra. Không ai tin tưởng hơn Cha Gapon về môi dây liên hệ giữa Sa Hoàng và dân chúng. Khi còn là sinh viên của Học viện Thần học St Petersburg ông đã tạo được tiếng tăm là một thầy giảng trong khu công nhân của thành phố. Ông bảo các dân nghèo thành thị chen chúc đến nhà thờ ông rằng Sa Hoàng, người cha hộ mệnh của họ, có nghĩa vụ thiêng liêng là chăm sóc họ, những thần dân hèn kém của người. Tiếng tăm của Gapon gây sự chú ý cho S. V. Zubatov, Trưởng Phòng Mật vụ Moscow (Moscow Okhrana), người mà từ năm 1900 đã tổ chức các nghiệp đoàn do cảnh sát tài trợ bởi sự cho phép của Đại Công tước Sergei, Thống đốc Moscow. Zubatov bắt đầu sự nghiệp đáng nể của mình như một tên khủng bố học sinh trong tổ chức Dân túy ngầm, nhưng sớm vỡ mộng với phong trào cách mạng nên trở thành người đưa tin cho cảnh sát. Trong suốt phần đời còn lại y cống hiến hết mình cho Okhrana và chiến dịch chống những người cách mạng.

 Zubatov nhận thấy rằng các công nhân có nỗi khổ thực sự hợp pháp, và điều này có thể khiến họ trở thành một mối đe doạ cách mạng.  Nếu để họ sống nhờ vào lòng thương xót của các ông chủ nhà máy, các công nhân gần như chắc chắn chịu ảnh hưởng của những người thuộc đảng xã hội. Nhưng nếu, y lập luận, chính quyền lập ra những tổ chức công nhân riêng, thế chủ động sẽ về phía các công bộc trung thành của Sa Hoàng. Nghiệp đoàn của Zubatov nhằm mục đích thỏa mãn những yêu cầu của công nhân về giáo dục, tổ chức và hỗ trợ, trong khi vẫn phục vụ như một kênh tuyên truyền cho vương triều. Đối với các bề trên của y ở triều đình, họ cho thấy một viễn cảnh về một nền chuyên chế được người dân yêu mến, nơi Sa Hoàng có thể hiển hiện như một người cha hộ mạng, che chở họ tránh khỏi sự tham lam của giới chủ và khỏi bị lây nhiễm với bọn cách mạng. Đây là chiến lược cũ kỹ chia để trị: người công nhân được sử dụng để làm yếu đi mối đe doạ chính đối với vương quyền – tư sản thành thị và trí thức xã hội chủ nghĩa.

Vào năm 1903, khi Gapon bắt đầu tổ chức các câu lạc bộ công nhân riêng của mình dưới sự bảo trợ của cảnh sát, ngôi sao Zubatov đã xuống. Năm ngoái y đã tổ chức một cuộc tuần hành 50,000 công nhân để kỷ niệm ngày Giải phóng nông nô. Mặc dù cuộc tuần hành là hoà bình và hoàn toàn mang chủ ý trung thành, nhưng trước qui mô chưa từng có và khả năng khó kềm chế được nó, khiến chính quyền lưu ý quan tâm. Mối ngờ vực ấy được khẳng định vào tháng 7 1903, khi một trong các nghiệp đoàn của Zubatov có dính líu đến một cuộc đình công ở Odessa. Zubatov bị sa thải và thực nghiệm của y kết thúc đột ngột. Nhưng những kẻ ủng hộ y bây giờ quay sang gia nhập tổ chức của Gapon, cũng nhằm thành lập những nghiệp đoàn tương tự dưới sự bảo trợ của Giáo hội. Thêm một lần nữa phong trào được cực đoan hóa từ bên dưới, khi số công nhân gia nhập tăng dần, và vận động những nội dung cải cách của riêng họ. Bắt đầu là một sứ mạng văn hóa với việc uống trà cho những công nhân ‘đáng kính’. Có những buổi khiêu vũ, hòa nhạc và thuyết trình về những kỹ thuật tự sơ cứu khác nhau. Những buổi họp mặt bắt đầu bằng bài kinh cầu Chúa Trời và kết thúc bằng quốc ca. Nhưng dần dà phong trào biến thành một nghiệp đoàn lao động độc lập, Hội đồng các Công nhân Nhà máy Nga, bề mặt thì trung thành, nhưng yêu sách những cải cách cực đoan, kể cả việc thành lập một chính quyền có trách nhiệm với nhân dân, một chính sách thuế lợi tức tiến bộ, các quyền nghiệp đoàn, và ngày làm tám tiếng.

Chương trình cải cách sẽ cần tái thiết lại toàn bộ nhà nước, vậy mà không nói gì về cách thức phải thực hiện. Chính Gapon cũng hoàn toàn mù tịt về chính trị: ông thậm chí không đánh vần đúng từ ‘chủ nghĩa lập hiến’. Ông tự cho mình là người của số mệnh do Chúa Trời phái đến để cứu nguy các công nhân. Bị thôi thúc bởi lòng tự phụ và tham vọng không hề sút giảm, ông không bao giờ dừng lại để tự vấn rằng có thể minh đã kỳ vọng quá cao. Ông bảo những người theo mình bằng những lời lẽ giản dị, lý lẽ rút ra từ Kinh Thánh, rằng Sa Hoàng có nghĩa vụ trước Chúa Trời phải thỏa mãn các yêu cầu của họ nếu ‘nhân dân’ đi trực tiếp đến người. Ông trưng ra một cách có ý thức về truyền thuyết Sa Hoàng nhân từ – ‘Sa Hoàng muốn công lý nhưng các boyar chống đối lại’. Từ ngày 3 đến 8 tháng giêng 1905, khi 120,000 công nhân đình công ở St Petersburg và bắt đầu bàn đến việc đi gặp Sa Hoàng đế ‘tìm ra sự thật và công lý’, Gapon đảm đương lý tưởng của họ. Được Phong trào Giải phóng cổ vũ, ông soạn ra một danh sách các yêu sách để trình lên Sa Hoàng trong một cuộc biểu tình dự định vào chủ nhật sau. Khẩn cầu trong  tình cảm, thư thỉnh nguyện khiến nhiều công nhân rơi nước mắt. Nó bắt đầu như sau:

Thưa Ngài,

Chúng tôi, các công nhân và cư dân ở St Petersburg, thuộc giai tầng khác nhau, vợ con chúng tôi, và cha mẹ già bất hạnh của chúng tôi, đến trước ngài, xin ngài ban cho công lý và sự chở che. Chúng tôi bị bần cùng hóa, chúng tôi bị áp bức, bị bắt buộc quần quật quá sức, chúng tôi bị sỉ nhục . . . Chúng tôi chết ngạt trong sự độc đoán và vô pháp. Thưa ngài, chúng tôi không còn đủ sức, và sức chịu đựng đã cạn kiệt. Chúng tôi đã đi tới thời điểm đáng sợ khi cái chết còn tốt hơn là kéo dài nỗi thống khổ không sao chịu được của chúng tôi. . .

Vào ngày 7 tháng giêng chính quyền ra lệnh cho Gapon hủy bỏ cuộc tuần hành và cho dán yết thị ở trung tâm thành phố cảnh báo về ‘những biện pháp kiên quyết’ chống lại bất cứ sự tụ tập nào trên phố. Biết bi kịch đang đến gần, Gorky cầm đầu một phái đoàn trí thức đến văn phòng của Witte và Mirsky trong một nỗ lực khuyên họ thương thảo với đoàn biểu tình. Nhưng chính quyền, muốn tiếp tục tận hưởng cái ảo tưởng là mình có thể kiểm soát Gapon, cho là sẽ không cần đến lực lượng. Nicholas nghĩ quá ít về mối nguy hiểm đến nỗi ông ta vẫn rời thủ đô đến cung điện của mình ở Tsarskoe Selo và trải qua kỳ nghỉ cuối tuần yên tĩnh, tản bộ ở vùng quê và chơi đô-mi-nô. Nhưng công nhân quá quyết tâm nên nào có chịu nghe lời hoãn lại chỉ vì những lệnh cấm đơn giản. Tại một loạt những điểm tập họp Gapon kích động quần chúng theo kiểu nhiệt tình tôn giáo, sử dụng tất cả mẹo hùng biện của một thầy giảng:

Gapon: Cảnh sát và binh lính có dám ngăn chúng ta đi qua không, các đồng chí?

Hàng trăm tiếng hô đồng thành: chúng không dám.

Gapon: Các đồng chí, chúng ta thà chết còn hơn sống như đã sống cho đến bây giờ.

Các tiếng nói: Chúng ta sẽ chết.

Gapon: Có dám thề chết không?

Các tiếng nói: Chúng tôi xin thề!

Gapon: Ai dám thề hãy giơ tay lên.

Và hàng trăm người giơ cao cánh tay và những ngón tay làm dấu thánh

.

Mặc dù sợ sệt, các công nhân đặt lòng tin vào Sa Hoàng sẽ tiếp kiến họ: họ coi ông là sứ giả của Chúa Trời, và biết rằng lý tưởng của mình là công chính. Binh lính chắc chắn sẽ không bắn vào những người biểu tình hoà bình. Để nâng cao tinh thần người tuần hành người ta phao tin rằng những món giải khát đã được chuẩn bị cho họ trong Cung điện Mùa Đông và cuộc tuần hành sẽ được tổ chức để chào mừng sự kiện lớn lao.

Chuông nhà thờ ngân vang và những mái vòm vàng của nó lấp lánh trong ánh mặt trời vào buổi sáng chủ nhật đó khi từng đoàn người bước qua băng giá tiến về trung tâm thành phố. Đi ở hàng đầu là các phụ nữ và trẻ con, mặc bộ đồ chủ nhật đẹp nhất hi vọng bình lính không dám nổ súng. Đi đầu trong đoàn người đông nhất là Cha Gapon râu ria trong bộ áo choàng trắng dài, tay mang một thập giá. Phía sau ông là chân dung của Sa Hoàng và một băng rôn lớn màu trắng in dòng chữ ‘Binh sĩ không được bắn nhân dân!’. Các lá cờ đỏ đã bị cấm.

Khi đoàn người tiến gần Cổng Narva thình lình một đội kỵ binh tiến đến tấn công. Một số người tản ra nhưng số khác tiếp tục tiến tới về phía hàng bộ binh đang chĩa mũi súng trường thẳng vào họ. Hai loạt đạn bắn chỉ thiên cảnh cáo, và rồi ở cự ly gần loạt đạn thứ ba nhắm vào đám đông không vũ trang. Dân chúng la hét, ngã xuống đất, nhưng binh linh, cũng đâm ra cuống cuồng, tiếp tục nhả đạn không ngớt vào đám đông. Bốn mươi người chết và hàng trăm người bị thương khi họ cố tháo chạy. Gapon bị xô ngã trong cơn hoảng loạn. Nhưng ông đứng dậy và, nhìn chằm chằm vào máu thịt chung quanh, không tin vào mắt mình. Có người nghe ông kêu lên hết lần này đến lần khác: ‘Không còn Chúa nữa. Không còn Sa Hoàng.’

Tại những nơi khác trong thành phố, cũng có những vụ tàn sát tương tự. Tại cầu Troisky, gần Pháo đài Peter và Paul, đoàn tuần hành bị súng máy và kiếm của kỵ binh càn quét như rạ. Gorky, có mặt trong đám đông, nhớ lại cái chết của một công nhân:

Tên kỵ binh bao vây lấy y và hét lên như một mụ đàn bà, vung lưỡi kiếm lên không . . . Từ lưng ngựa đang  xoay y chém xuống, cắt toát gương mặt anh công nhân từ mắt đến cằm. Tôi còn nhớ đôi mắt mở to kỳ lạ của người công nhân và gương mặt của tên sát nhân, đỏ rần vì giá rét và phấn khích, hàm răng nghiến lại cười và râu ria dựng đứng trên mép môi trề ra. Vung bao gươm bằng thép xỉn màu y hét thêm một tiếng và, với một tiếng tằng hắng, nhổ bẹt nước bọt vào anh qua hàm răng cắn chặt.

Choáng váng và hỗn loạn, những người sống sót tìm đường về phố Nevsky Prospekt trong một cố gắng tuyệt vọng cuối cùng đến cho được Quảng trường Cung điện. Ánh nắng mặt trời đã lôi kéo nhiều hơn thường ngày số người ra dạo chơi vào buổi chiều chủ nhật, và nhiều người trong số đó đã chứng kiến những sự kiện gây sốc tiếp theo. Một phân đội kỵ binh đông đảo và vài khẩu đại bác đã án ngữ phía trước cung điện để ngăn cản người biểu tình tràn về quảng trường. Nhưng đám đông, 60,000 người tất cả, tiếp tục dồn đống, phồng to thêm do sinh viên và người đứng xem. Khi tin tức về vụ tàn sát đến tai họ, họ bắt đầu xô đẩy về phía trước, chế giễu bọn lính. Một số Vệ bình của Trung đoàn Preobrazhenski được lệnh giải tán đám đông quanh Vườn Alexandrovsky, sử dụng roi da và bề mặt kiếm. Nhưng khi việc này không có tác dụng, họ liền vào tư thế tác xạ. Thấy các mũi súng nhắm vào mình, những người biểu tình liền quì xuống, dỡ mũ ra và làm dấu thánh trong điệu bộ cầu khẩn.Thinh lình, một hồi kèn vang lên và bình lính khai hỏa vào đám đông. Một thiếu nữ, leo lên rào sắt để nhìn cho rõ, bị một tràng đạn ghim chặt. Một bé trai, đã leo lên bức tượng Hoàng thân Przewalski cởi ngựa, bị thổi bay lên không bởi một loạt pháo. Những đứa trẻ khác bị trúng đạn và ngã từ trên cây xuống đất.

Khi cuộc bắn giết cuối cùng kết thúc và những người còn sống nhìn quanh quất vào những thi thể hoặc người bị thương, một khoảnh khắc trọng đại, một bước ngoặt của cuộc cách mạng toàn diện mở ra, cùng với tâm trạng thình lình biến đổi từ không tin đến cuồng nộ. ‘Tôi quan sát thấy những gương mặt chung quanh tôi’, một người Bôn-se-vich trong đám đông nhớ lại,’ và tôi phát hiện không phải nỗi sợ hãi hoặc hoảng loạn. Không, những biểu cảm đầy nét tôn kính và gần như là cầu nguyện được thay thế bằng sự thù địch và thậm chí căm hờn. Tôi nhìn thấy những ánh mắt căm hờn và khao khát trả thù gần như trên mỗi gương mặt – già trẻ, nam nữ. Cách mạng đã thực sự ra đời, và nó đã ra đời ngay trong lòng, trong gan ruột của nhân dân.’ Tại thời khắc thiêng liêng đó huyền thoại nhân dân của một Sa Hoàng Nhân từ vốn giữ vững chế độ qua nhiều thế kỷ bổng thình lính bị phá hủy. Chỉ ít phút sau khi trận tàn sát đã im tiếng một ông lão quay sang một cậu trai 14 tuổi và nói với cậu, giọng căm hờn: ‘Nhớ lấy, con trai, nhớ và thề đòi nợ Sa Hoàng. Con đã trông thấy ông ta đã làm đổ biết bao nhiêu máu, con thấy chứ. Vậy hãy thề đi con trai. Hãy thề đi.

Sau đó, khi những người đi dạo đã quay về nhà trong tâm trạng sững sờ, các công nhân nổi xung thiên chạy qua các đường phố sang trọng quanh Cung điện Mùa Đông. Họ đập vỡ cửa sổ, vần nhừ tử các cảnh sát, ném đá vào binh lính, và xâm nhập các cơ ngơi của bọn nhà giàu. Khi đêm xuống, đám đông bắt đầu xây các chướng ngại vật phía trước Thánh đường Kazan sử dụng ghế dài, cột điện thoại và bàn ghế tủ trong các dinh thự. Nhiều chướng ngại vật hơn được dựng trong các khu công nhân. Từng đám người lùng xục các tiệm  rượu và cửa hàng súng. Đường phố tạm thời nằm trong tay đám đông và những lá cờ đỏ đầu tiên xuất hiện. Nhưng những tay cách mạng này như rắn không đầu và đến nửa đêm phần đông đều đi về nhà.

Trong lúc đó, Gapon đã lẫn trốn trong căn hộ của Gorky. Râu cắt phăng, tóc hớt ngắn và gương mặt được một người bạn của Gorky làm nghề hóa trang sân khấu chỉnh đổi. Tối đó Gorky dẫn giáo sĩ cách mạng đến một buổi họp của Hội Kinh tế Tự do để đánh tan tin đồn đang lan rộng là ông đã chế. Toàn bộ giới trí thức ở St Petersburg đều chen cứng trong biệt thự nhỏ trên đại lộ Zabalkansky. Họ nổi giận trước tin hàng ngàn người bị tàn sát (số liệu thực sự chắc chắn trong vòng 200 người bị giết và 800 người bị thương). ‘Những biện pháp hoà bình đã thất bại,’ nhân vật cải trang (Gapon) la lên. ‘Giờ chúng ta phải chuyển qua các phương thức khác.’ Ông kêu gọi quyên tiền để cứu giúp ‘đảng công nhân’ trong trận ‘đấu tranh cho tự do’. Bất ngờ, hỗn loạn bùng phát trong sảnh khi người ta phát hiện ra Gapon. Nhưng giáo sĩ xoay sở tẩu thoát được qua một cửa hậu và quay về căn hộ của Gorky. Tại đó ông viết một tuyên ngôn đến các ‘, đồng chí công nhân’ của minh trong đó ông xúi giục họ xé nát tất cả chân dung của tên sa hoàng khát máu. Sau đó vài giờ ông cải trang một lần nữa, chạy đến Phần Lan, và sau đó ra nước ngoài.*

* Cuối tháng giêng Gapon xuất hiện ở Geneva, ở đó ông đứng vào hàng ngũ những người cách mạng lưu vong. Những tranh cãi học thuyết của họ vượt quá tầm hiểu biết của ông và, muốn được quốc tế biết tiếng, ông đi qua London để viết tiểu sử của chính mình. Đã tạo được tiếng tăm cho mình, Gapon không còn được sử dụng cho phong trào cách mạng. Vào tháng 12 ông trở lại Nga, tại đó ông ủng hộ chính quyền Witte và thậm chí hợp tác với mật vụ chống lại những người xã hội. Tháng ba 1906, vì những nguyên do không rõ ràng, ông bị sát hại một cách dã man bởi các đặc vụ của cảnh sát mật, trong đó có cả đồng nghiệp thân nhất của ông, người mà vào ngày 9 tháng giêng đã cứu ông thoát khỏi vụ tàn sát trước Cổng Narva.

 

Đêm đó Gorky viết thư cho người vợ ở xa của ông, Ekaterina, tại Nizhnyi Novgorod: Và thế là, bạn ơi, Cách Mạng Nga đã bắt đầu: Anh gởi đến em lời chúc mừng thành thật. Có người đã chết – nhưng đừng để điều đó làm em lo lắng – chỉ có máu mới có thể thay đổi sắc màu của lịch sử.

Hai ngày sau ông bị bắt, cùng với những thành viên khác của phái đoàn đã đến Witte và Mirsky vào ngày 8/1 (họ đã điên rồ khi để lại danh thiếp của mình). Họ bị kết án (hoàn toàn khôi hài, nhưng cũng cho thấy mức độ e sợ của chế độ) vì tội có chân trong một hội đồng cách mạng âm mưu cướp chính quyền và thành lập chính quyền lâm thời. Họ bị giam trong Pháo đài Peter và Paul.

* * *

Các sự kiện của ‘Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu’, như ngày 8/1 được gọi, đem Gorky đến gần hơn với người Bôn-se-vich. Gorky lần đầu gặp Lênin vào năm 1902 và nhanh chóng sa vào mối quan hệ yêu-hận với ông ta. Từ lâu ông đã tích cực quyên tiền cho các đảng viên dân chủ xã hội từ tay những kỹ nghệ gia giàu có. Mối quan hệ của Gorky với người Bôn-se-vich không hề dễ dàng hoặc thẳng thắn. Như với nhiều nhà trí thức, sự dâng hiến cúa ông cho cách mạng có tính lãng mạn và lý tưởng. Ông nhìn thấy ở đó một cuộc chiến đấu rộng lớn của tinh thần con người cho tự do, tình huynh đệ và cải tạo tâm linh. Quan điểm của ông thuần túy nhân bản, một quan điểm đặt cá nhân ngay tại trái tim mình, và ông không bao giờ có thể tự dâng mình chấp nhận thứ kỷ luật sắt hoặc tính giáo điều hẹp hòi của người Bôn-se-vich. ‘Tôi không thuộc về đảng nào trong các đảng của chúng tôi’, ông có lần viết cho hoạ sĩ Repin, ‘và tôi vui sướng vì điều ấy. Vì như thế là tự do, và con người rất cần điều đó.’ Những người gíp-si, những tay cờ bạc, những kẻ ăn xin và những tên lừa đảo nhan nhản trên các trang sách của ông, tất cả đều đang tranh đấu theo cách riêng của mình vì tự do cá nhân  và phẩm giá, họ không là đại biểu của giới ‘vô sản’ có tổ chức. Con người tranh đấu, giai cấp không tranh đấu , đó là quan điểm của Gorky. Gorky, theo lời lẽ của ông, ‘có thể khâm phục nhưng không thích’ những kẻ giáo điều cứng nhắc như Lênin, lúc nào cũng cố ép sự đa dạng của cuộc sống vào trong học thuyết trừu tượng của mình. Là con người đầy đặn, theo quan điểm của ông, là yêu một cách nồng nàn và đau khổ sự sống, tội lỗi, và – xin lỗi – người Nga đáng thương’. Đó gần như là một quan điểm Cơ đốc về sự cứu rỗi con người thông qua cách mạng (và Gorky tán tỉnh với Cơ đốc giáo). Những ý tưởng như thế rất thường thấy trong giới trí thức cực đoan. Trong và sau năm 1917 sự xung khắc giữa đảng và cứu cánh nhân tính của cách mạng sẽ đưa Gorky vào tình huống xung đột với người Bôn-se-vich. Nhưng trong lúc này, năm 1905, họ xích lại gần nhau nhờ có quan điểm chung là phong trào công nhân cần phải được cực đoan hóa. Đó là lý do tai sao Gorky, trong bức thư viết cho Ekaterina, đã thấy được điều gì đó  tốt đẹp trong Chủ nhật Đẫm máu; hệ lụy của vụ tàn sát sẽ cực đoan hóa tâm trạng trên đường phố. Các công nhân cần điều gì đó như sự kiện này để kéo họ ra khỏi niềm tin ngây ngô về sự tồn tại của một Sa hoàng Nhân từ. Chỉ có máu mới có thể thay đổi sắc màu của lịch sử. Giờ là lúc tổ chức công nhân và dịch chuyển họ khỏi mọi ràng buộc với phe cấp tiến và về với các mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Trong tuần lễ sau ngày Chủ nhật Đẫm máu nổ ra một làn sóng lớn các vụ đình công. Chỉ trong tháng giêng, hơn 400,000 công nhân buông xuống công cụ trên khắp xứ. Đó là sự chống đối của lực lượng lao động lớn nhất từng thấy trong lịch sử nước Nga. Nhưng các cuộc đình công không được tổ chức đúng nghĩa, chúng không hơn những cơn thịnh nộ bùng lên  tự phát; và rất thường các yêu sách của công nhân vẫn chưa được đúc kết sau khi cuộc đình công đã bắt đầu.

Các đảng xã hội vẫn còn quá yếu để đóng một vai trò lãnh đạo. Các lãnh tụ chính của họ – Lênin, Martov, Trotsky, Plekhanov và Chernob – đều đang bị lưu đày, và mặc dù họ chắc hẳn rất phấn chấn bởi sự kiện mà tất cả đều đồng ý là bước khởi đầu của cách mạng đã chờ đợi từ lâu, nhưng rất ít người chịu từ bỏ vội vã  môi trường dễ chịu của các quán cà phê ở Geneva hay Paris để về Nga vì sợ nguy hiểm đang tính rập. Chỉ sau đó cũng trong năm 1905 họ mới bắt đầu trở về và các công nhân tập kết đằng sau các đảng thuộc cánh tả khi họ càng lúc càng trở nên ý thức về chính trị. *

*   Người Bôn-se-vich và Men-se-vich ắt hẳn làm được điều gì đó trong một khu vực có 10,000 đảng viên mỗi nhóm vào cuối năm 1905, mặc dù ở vào thời điểm sớm sủa này tư cách đảng viên chưa được xác định rõ ràng. Không có con số đáng tin về số đảng viên SR vào năm 1905. Nhưng vào tháng 11 1906 có 50,000 đảng viên, so với 40,000 đảng viên cho hai đảng Mác-xit.

 

Trong lúc này cuộc tranh đấu của phe dân chủ và cấp tiến vẫn tiếp tục được tiến hành. Giới có học rất tức giận vì vụ tàn sát ngày Chủ nhật Đẫm máu. Sinh viên Kerensky, vốn đã chứng kiến vụ bắn giết trên phố Nevsky Prospekt, tối đó về nhà và viết một bức thư phản kháng mạnh mẽ cho các bạn học của anh trong Vệ bình. Hai tuần sau anh viết một bức thư về cho cha mẹ ở Tashkent:

 Con rất tiếc là không viết cho ba mẹ sớm hơn, nhưng tụi con đang sống ở đây trong một tâm trạng rất bức xúc đến nỗi không sao viết được. Ôi, những ngày đáng sợ ở Peter này sẽ mãi mãi ở lại trong ký ức của mọi người đã sống qua những ngày tháng đó. Giờ chỉ còn im lặng, nhưng là sự im lặng đi trước cơn bão. Cả hai bên đang chuẩn bị và xem xét lại lực lượng của mình. Chỉ có một bên thắng. Hoặc là những yêu sách của xã hội được thỏa mãn (tức cơ quan lập pháp gồm những đại biểu được bầu cử tự do) hoặc là một cuộc xung đột khủng khiếp và đổ máu, và không nghi ngờ gì là sẽ kết thúc trong thắng lợi của phe phản động.

 Alexander Pasternak, một học sinh 12 tuổi và anh của nhà thơ tương lai (tức Boris Paternak, giải Nobel Văn chương, được biết nhiều nhất qua tác phẩm Bác Sĩ Zhivago: ND), quá hoang mang với vụ tàn sát đến nỗi tuyên bố mình là ‘người cách mạng toàn tâm toàn ý’ và tuần hành cùng các bạn qua vùng lân cận St Petersburg hoa lệ, vừa đi vừa hô to, ‘Chúng tôi là người Dân chủ Xã hội?’ Các sinh viên trên khắp xứ bãi học và biến khuôn viên đại học thành trung tâm vận động chính trị. Tại Đại học Moscow 3,000 sinh viên tập kết, tại đó họ đốt một chân dung của Sa Hoàng và treo cờ đỏ trên mặt tiền đại học. Đến cuối tháng hai chính quyền bắt buộc phải đóng gần hết các học viện cao cấp cho đến hết niên học. Thậm chí các học viện thần học cũng bị ảnh hưởng bởi những hỗn loạn do sinh viên gây ra.

Trong khi đó, các nhà chủ trương lập hiến trong các zemstvo làm sống lại chiến dịch của họ và tại Hội nghị Quốc gia Lần Hai vào tháng 4 kêu gọi triệu tập Hội đồng Lập hiến. Các nghiệp đoàn chuyên môn  tự tổ chức ở tầm vóc quốc gia thành Liên minh các Nghiệp đoàn để tập kết các thành viên của mình cho lý tưởng cấp tiến. Nghiệp đoàn Nhà Văn, Luật sư, Giáo sư và Kỹ sư là những nghiệp đoàn đầu tiên như thế được thành lập. Sau đó họ được Liên minh Quyền Bình đẳng Phụ nữ xin gia nhập (mặc dù có sự chống đối của vài ông trong giới lãnh đạo Liên minh các Nghiệp đoàn). Những nhóm bán chuyên nghiệp như Phụ tá Dược khoa, Thư ký và Kế toán, và Công nhân và  Nhân viên Đường sắt, cũng thành lập những nghiệp đoàn liên kết. Việc họ gia nhập vào Liên minh các Nghiệp đoàn tạo cho giới trí thức sự liên kết trực tiếp với quần chúng. Hàng trăm các zemstvo, hội đồng thành phố và các bộ phận tình nguyện gởi đơn thỉnh nguyện đến chính quyền yêu cầu cải cách chính trị. Báo chí loan tin công khai và làm nổi bật những lời ta thán khác nhau theo một cách thức biến cơn thịnh nộ của nhân dân thành một tiếng nói quốc gia duy nhất. ‘Chúng ta không thể sống như thế này thêm nữa,’ một tờ nhật báo cấp tiến hàng đầu giật tít trong số 21/5, và ngay sau đó mọi người lặp lại khẩu hiệu đó.

Giới trí thức văn học cũng muốn lãnh vai trò cầm đầu. ‘Chúng ta phải phục vụ nhân dân,’ Gorky khiển trách một bạn văn đã quay lưng lại với chính trị. ‘Máu của nhân dân đã đổ, máu của công nhân, ở khắp nơi chế độ đang tàn sát những con người tốt nhất – những thanh niên Nga – còn anh thì chỉ viết về mình. Như phần đông các trí thức Nga, Gorky lao mình vào chính trị và báo chí. Ông đã được phóng thích khỏi Pháo đài Peter và Paul nhờ một chiến dịch phản kháng trên khắp châu Âu, có sự tham gia của Auguste Rodin, Anatole France và Marie Curie, góp thêm sức mạnh của công luận Tây phương vào chính nghĩa dân chủ chống lại nền chuyên chế. Không lâu sau khi ra tù, vào ngày 5/3, ông viết cho Tolstoy phê phán ông ta không tham gia nhiều hơn cho chính trị:

Trong thời buổi đen tối này khi mà máu đang chảy trên mặt đất, và  khi hàng trăm và hàng ngàn người lương thiện, tử tế đã ngã xuống đòi quyền sống như những con người, thay vì như xúc vật, ngài là người mà lời nói được cả thế giới lắng nghe, lại  chỉ lặp lại lần nữa cái ý tưởng đằng sau triết lý của ngài: ‘Sự hoàn thiện đạo đức của bản thân – đây là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống cho tất cả mọi người’. Nhưng thử nghĩ xem, Lev Nikolaevich, có thể nào người ta lo chuyện hoàn thiện nhân cách về mặt đạo đức khi mà đàn ông đàn bà bị bắn gục trên đường phố.

Sự dấn thân vào xã hội của nhà văn, và vào thời khắc đói kém đã biến Tolstoy thành biểu tượng của lương tri đất nước, thì giờ đây trở thành hơi khó khăn đối với một số người, như Tolstoy, để duy trì hoạt động. Bởi vì giờ đây  ủng hộ cách mạng có thể làm đổ máu nhân dân. Sau này nghĩ lại Gorky cũng tỏ ra thông cảm với sự nghi ngại của Tolstoy; nhưng hiện giờ thì mọi nghi ngại bị dập tắt trong cơn nguy cấp của thời khắc cách mạng.

            Tình trạng nổi loạn chẳng mấy chốc lan ra đến vùng quê. Thấy chính quyền yếu đi, nông dân cướp lấy cơ hội và tổ chức các cuộc đình công có tổ chức để yêu cầu chủ đất tăng lương cho người làm thuê. Họ xâm nhập các khu đất của điền chủ, đốn cây và cắt cỏ. Đến đầu hè, khi thấy rõ là mùa màng sẽ thất bát, họ bắt đầu mở các trận tấn công qui mô lớn vào các điền trang, cướp bóc của cải và đốt rụi thái ấp, khiến các địa chủ phải trốn chạy. Nhân chứng kể về những bầu trời đêm sáng rực ngọn lửa thiêu cháy thái ấp và từng hàng xe ngựa chất đống của cải cướp bóc lăn bánh trên đường quê. Những gì thuộc văn hóa mà họ cho là phù phiếm đều bị hủy hoại. Họ đốt thư viện, đập nát đồ cổ và phóng uế lên các tấm thảm đông phương. Một số dân làng thậm chí lấy đi các bức tranh và tượng mỹ thuật, đồ thủy tinh Bohemian và đồ sứ Anh, quần áo sa tanh và các bộ tóc giả, rồi chia nhau cùng với gia súc, ngũ cốc và công cụ. Trong một ngôi làng các nông dân đập vỡ một chiếc dương cầm lớn, mà họ đã kéo khỏi thái ấp, và chia nhau các phím đàn bằng ngà. Gần 3,000 thái áp bị tàn phá (15 phần trăm trong tổng số) trong năm 1905-06. Phần lớn bạo lực tập trung trong vùng nông nghiệp trung tâm, nơi đời sống nông dân cay nghiệt nhất và có những điền trang to lớn nhất. Một khi các địa chủ địa phương đã bị ‘xông khói chạy mất’, các nông dân rút lui về thế giới công xã của họ. Các viên chức địa phương được nông dân thay thế, các giáo sĩ bảo thủ bị tống khứ, và luật pháp cùng thuế má của  chính quyền bị phớt lờ.

Cuộc đấu tranh giành đất đai không chỉ là hình thức duy nhất của cuộc cách mạng nông dân trong 1905-6, mặc dù do sự hoảng sợ của các quí tộc điền chủ nên sự kiện này là mối quan tâm chính trong các báo cáo chính thức. Cùng với bạo lực trên vùng đất nổi lên hàng loạt các nghiệp đoàn, hiệp hội nông nghiệp và hợp tác xã. Chúng thường ôn hòa hơn và tinh tế trong mục đích và phương pháp hơn phần lớn các hội đồng làng xã truyền thống, và lôi kéo được các nông dân trẻ ‘giác ngộ’ xuất thân từ các trường lớp nông thôn. Nhiều hiệp hội nông dân, đặc biệt, có mối liên kết mật thiết với các giáo viên địa phương và trí thức nông thôn. Vì những lý do này, chúng có khuynh hướng phát triển trong các làng lớn nhất, nơi có nhiều định chế văn hóa hơn như trường học và phòng đọc sách, và là nơi mà giới nông dân thường tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Một số tổ chức này trở nên nổi tiếng trên khắp nước Nga vì thiết lập được tổ chức thật ra là những cộng hòa nông dân độc lập (chẳng hạn, Cộng Hòa Sinh ở tỉnh Kharkov). Họ tiếp thu những lý tưởng của cải cách xã hội, của hiến pháp và nghị viện, và của một nền giáo dục tốt hơn cho nông dân, ngoài việc cải cách điền địa. Mục tiêu của họ là chấm dứt sự lạc hậu và tối tăm của làng xã, mang đến cho họ những lợi ích của thế giới hiện đại và chấm dứt sự cô lập của họ bằng cách gắn kết họ vào nền chính trị quốc gia.

Sergei Sememov, nông dân, nhà văn thôn quê và chịu ảnh hưởng của Tolstoy từ làng Andreevskoe, là một trong những người sáng lập Cộng Hòa Markobo, một trong những mô hình ấn tượng và nổi tiếng nhất của nền chính trị nông dân tiến bộ trong Cách Mạng 1905. Trong gần một năm, trong khi nhà nước sa hoàng gần như bị tê liệt, ‘Cộng Hòa’ thiết lập một hệ thống ‘nông dân trị,’ tinh tế trong vài volost (xã) của huyện Volokolamsk. Nó gồm một nhóm các giáo viên, nhà hoạt động, nông dân (trong đó có Semenov) từ Markovo và những làng kế cận. Họ thường gặp nhau từ năm 1901 trong các câu lạc bộ đọc sách hoặc phòng trà trong vùng để bình luận về báo chí Moscow. Họ tổ chức Liên minh Nông Dân, nhằm cung cấp cấu trúc chính trị của Cộng Hòa Markovo. Vào tháng 10 1905 một buổi họp toàn thể nông dân thông qua một nghị quyết kêu gọi một sự xem xét toàn bộ triệt để hệ thống chính trị toàn diện. Những yêu sách của nó bao gồm triệu tập nghị viện quốc gia, phố thông đầu phiếu kín, quyền lợi dân sự và bình đẳng của nông dân, thuế khóa tiến bộ, đất cho người không có đất, giáo dục phổ thông và tự do, tự do di chuyển và ân xá chính trị. Các nông dân tuyên bố mình sẽ không tuân thủ chính quyền hiện hành, không nộp thuế, không đi lính, cho đến khi những yêu sách của họ được thoả mãn. Họ bầu ra một ‘Chính phủ Cộng Hòa’, đứng đầu là ‘Chủ tịch’ (một trong các bô lão của công xã địa phương), và tuyên bố trung thành với Liên minh Nông Dân. Những chi nhánh địa phương của liên minh được thành lập – Semenov lập nên một ở Andreevskoe – là bộ phận điều hành làng xã. Giá thuê được kiểm soát. Các biện pháp nông nghiệp được giới thiệu. Thẩm quyền xã được dân chủ hoá và trường dòng bị ‘quốc hữu hoá’. Chế độ sa hoàng bất lực – không có thanh tra điền địa và chỉ có một trung sĩ cảnh sát trong xã – và chỉ có thể đưa mắt nhìn bực bội trước ‘lãnh địa tự do’ nơi nông dân tự trị này, cách Moscow không đến 80 dặm, tiếp tục lan tỏa và gây tiếng vang. Một giáo sư ở Chicago, đã biết Cộng Hòa này qua báo chí Mỹ, đến Markovo để góp sức ủng hộ. Trong vài tháng chính quyền địa phương ra sức đánh sập Cộng Hòa bằng phương thức chính trị nhưng không thành công. Nó bãi nhiệm vị bô lão xã  được bầu, một trong những lãnh đạo của Cộng Hòa, tên là Ryzhkov. Nhưng các nông dân phản ứng lại bằng cách không đi bầu người kế vị, trong khi Ryzhkov tuyên bố rằng thật đáng tiếc ông không thể buông bỏ quyền hành của mình, vì không có ai để ông trao lại quyền hành. Chỉ đến tháng 7 1906, sáu tháng sau khi cách mạng đã bị dẹp trong các thành phố, cộng hòa nông dân này cuối cùng mới bị hủy bỏ. Ryzhkov bị loại bỏ sau một cú lừa của cảnh sát. Tất cả làng xã bị bố ráp và các người cầm đầu, trong đó có Semenov, bị hốt trọn và tống giam ở Moscow. Trong tám tháng lãnh đạo Liên minh Nông Dân ở Andreevskoe, Semenov đã xây dựng một trường làng mới, một hội nông nghiệp, hai hợp tác xã, một câu lạc bộ đọc sách, và,  đáng kế hơn cả, một nhà hát nông dân.

Các quí tộc địa chủ kêu cứu chống lại nông dân, và chính quyền phái binh lính đến. Từ tháng giêng đến tháng 10 quân đội được sử dụng không ít hơn 2700 lần để dẹp các cuộc nổi dậy của nông dân, khiến uy tín quân đội giảm sút thêm kể từ khi được phái đến Mãn Châu, rồi thất trận nhục nhã ở Eo Đối Mã vào tháng 5 1905 trước hạm đội Nhật khiến Sa Hoàng phải chấp nhận đàm phán. Thật không dễ điều hành cuộc chiến với ngoại bang khi trong nhà có cách mạng xã hội. Đa số binh sĩ là nông dân, nên họ bất mãn khi bị bắt đi dẹp các cuộc nổi loạn của nông dân. Có nhiều đơn vị từ chối nghe theo lệnh và những vụ nổi dậy lan khắp các hàng ngũ, thậm chí trong đám kỵ binh Cô-giắc. Và rồi, vào ngày 14/6, sự bất ổn lan đến Hạm đội Biển Đen.

Mọi chuyện bắt đầu với một miếng thịt có giòi, mà bác sĩ trên tàu Potemkin tuyên bố là ăn được. Khi các thủy thủ phàn nàn với thuyền trưởng, ông ta ra lệnh bắn người đại diện phát ngôn Vakulenchuk.  Thủy thủ đoàn nổi loạn, giết chết 7 sĩ quan và thượng lên cờ đỏ. Một nhóm nhỏ các người cách mạng tích cực cầm đầu cuộc nổi dậy, hi vọng nó sẽ lan ra đến các tàu khác của hạm đội. Suốt đêm họ đi về Odessa, nơi đó trong hai tuần qua các công nhân đình công gần như trong tình trạng chiến tranh với chính quyền thành phố. Tại đó họ đặt thi thể Vakulenchuk dưới chân một cầu thang bằng đá, dẫn từ cảng đến thành phố, chung quanh có đội lính danh dự canh gác (sau này cuốn phim Chiến Hạm Potemkin của Eisensteinđược làm cho nó bất tử). Ngay hôm sau hàng ngàn người tụ tập ở cảng, đặt vòng hoa quanh người cách mạng hi sinh và phân phát lương thực cho các thủy thủ. Khi đêm xuống bình lính được gởi đến để giải tán đám đông. Di chuyến xuống các bậc đá họ bắn loạn xạ vào dân chúng đang chen chúc phía dưới. Hàng trăm người phải nhảy xuống biển. Khi rạng đông, trận tàn sát cuối cùng kết thúc, 2,000 người bị giết và 3,000 người bị thương. Chiến hạm Potemkin rời Odessa nhưng, không có sự ủng hộ của các tàu khác trong hạm đội, nó cuối cùng phải đầu hàng. Vào ngày 25/6 các thủy thủ neo đậu tai Constanza ở Romania và đánh đổi Potemkin lấy sự tị nạn an toàn. Nói riêng, cuộc nổi dậy chỉ là mối đe doạ nhỏ bé. Nhưng nó làm chế độ bối rối, vì nó cho thế giới thấy cách mạng đã lan đến trung tâm của bộ máy quân sự của nó.

Các dân tộc thần dân của Đế chế cũng nhanh chóng nắm lấy cơ hội khi chế độ tạm thời yếu đuối. Những cuộc đình công và biểu tình tiếp sau ngày Chủ nhật Đẫm máu ở St Petersburg đặc biệt dữ dội trong vùng biên giới không-Nga – đặc biệt là Latvia và Ba Lan – nơi sự căng thẳng chính trị và xã hội càng trầm trọng thêm bởi hận thù ách cai trị của người Nga. Ở Riga có tới 15,000 công nhân tuần hành qua thành phố vào ngày 13/1 để phản kháng chế độ sa hoàng và sự hà khắc của Thống đốc A. N. Meller-Zakomelsky. Như để khẳng định lời kết tội này, y ra lệnh cho binh lính bắn vào đám đông. 70 người bị giết chết và 200 người bị thương. Meller-Zakomelsky tự phụ về cách thuộc hạ minh xử lý tình huống bèn viết thư cho Sa Hoàng đề nghị rằng nếu có nhiều chính quyền địa phương dám hành động quyết đoán như thế thì sẽ không có rắc rối nào xảy ra. Trong 10 tỉnh Ba Lan có nhiều cuộc đình công trong mùa xuân và hè 1905 hơn phần còn lại của Đế chế hợp lại. Thành phố dệt may Lodz đặc biệt xáo trộn: vào giữa tháng 6, nhiều tuần trước khi có bất cứ thứ gì như thế xảy ra ở Nga, các chướng ngại vật mọc lên, và 5 ngày liền công nhân quần nhau với cảnh sát trên đường phố. Warsaw còn dữ dội hơn nữa: đến 100,000 công nhân tham gia biểu tình sau vụ Chủ nhật Đẫm máu. Binh lính Nga bắn vào đám đông, giết chết 93 người, và tuyên bố thiết quân luật. Sau đó trong mùa hè tin tức về vụ Nga bại trận  trước Nhật Bản càng làm nổ ra những cuộc biểu tình ở thủ đô Ba Lan với các khẩu hiệu như ‘Đã đảo chế độ sa hoàng!’, ‘Ba Lan Xã hội Chủ nghĩa Độc lập Muôn năm!’ và ‘Nhật Bản Vạn Tuế!’. Khắp nơi những người dân tộc chủ nghĩa chào mừng sự thất trận của Nga với niềm tin rằng nó sẽ hạ bệ Sa Hoàng và dọn đường cho sự tự trị của họ. Pilsudski, lãnh đạo những người xã hội Ba Lan, thậm chí đến Nhật để thảo luận về hành động của Ba Lan chống lại nỗ lực chiến tranh của Nga.

Trong nhiều vùng không-Nga này thực sự là toàn thể dân chúng đều dính líu vào phong trào giải phóng dân tộc. Ở Phần Lan, chẳng hạn, nơi việc cai trị áp đặt của Nga  đã phá hủy nền tự trị của Đại Công quốc [Công quốc Phần Lan là quốc gia tiền thân của nhà nước Phần Lan hiện đại. Nó tồn tại từ năm 1809 đến năm 1917 như một phần tự trị của Đế quốc Nga và nằm dưới sự cai trị của Sa hoàng với tư cách của một Đại công tước: ND], giới trí thức dân tộc chủ nghĩa cầm đầu một chiến dịch quần chúng đối kháng thụ động. Gần như mọi người đều tham gia, kể cả người Thụy Điển thuộc Phần Lan, vốn được hưởng nhiều đặc quyền dưới sự thống trị của Nga mà ắt hẳn đã mất nếu ở dưới sự cai trị của Phần Lan. Thống đốc Nga, một tên thái thú tên Bobrikov, bị ám sát vào năm 1904, năm sau Phần Lan mở trận chiến qui mô lớn phản kháng thụ động chống St Petersburg. Ở Georgia người Men-se-vich lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc này. Đây là cuộc phong trào giải phóng dân tộc Mác-xit đầu tiên trong lịch sử có sự ủng hộ của nông dân: giữa những năm 1904 và 1906 nó thực sự thay thế nhà nước sa hoàng ở miền tây Georgia.

* * *

Với Đế chế Nga đang loạng choạng về bờ vực sụp đổ, chế độ sa hoàng phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng sự bất lực và ngoan cố thường lệ. Witte gọi tình trạng này là ‘pha trộn giữa sự hèn yếu, mù quáng và ngu xuẩn’. Vấn đề cốt lõi là Nicholas hoàn toàn mù tịt về mức độ nguy cấp của tình hình. Giữa lúc đất nước càng ngày càng chìm sâu vào hỗn loạn thì trong nhật ký ông vẫn tẩn mẩn ghi chép đầy những chuyện vặt vãnh về thời tiết, bạn uống trà và số chim bắn được trong buổi đi săn ngày hôm đó. Các cố vấn của ông báo tin các đặc vụ ngoại quốc có liên can trong vụ biểu tình ngày Chủ nhật Đẫm máu và ông chỉ biết lấp đầy nhà tù thêm những nghi can chính trị phù hợp. Một phái đoàn gồm những công nhân ‘đáng tin cậy’ được tuyển chọn kỹ lưỡng được triệu tập đến Tsarskoe Selo, tại đó họ được xếp hàng như các đứa trẻ để nghe Sa Hoàng huấn thị. Ông đổ lỗi cho các công nhân đã nghe lời dối lừa của các ‘tên cách mạng nước ngoài’ nhưng hứa sẽ ‘tha tội cho họ’ vì ông tin tưởng vào ‘lòng tận trung không gì lay chuyển được’ của họ. Trong khi đó, ngài Bộ trưởng Nội vụ cấp tiến Mirsky bị thay thế bởi A. G. Bulygin tử tế nhưng dễ bảo, thường nhận lệnh từ người phó của ông và cảnh sát trưởng, D. F. Trepov, một người có kỷ luật xuất thân từ lực lượng Kỵ Vệ bình mà Nicholas ưa thích vì tính thẳng thắn và kỷ cương, và cho phép ông có tiếng nói lấn áp trước triều đình. Khi Bulygin đề nghị rằng những nhượng bộ chính trị là cần thiết để xoa dịu tình hình. Nicholas giật mình bảo Bộ trưởng: ‘Nghe khanh nói người ta sẽ cho rằng khanh sợ một cuộc cách mạng sẽ bùng phát.’ ‘Thưa Hoàng thượng,’ Bulygin trả lời, ‘cách mạng đã bắt đầu rồi ạ.’

Câu nhận xét ắt hẳn đã khiến Nicholas cảm thấy không dễ chịu một chút, vì ngày sau đó ông hứa sẽ cải cách chính trị. Vào ngày 18/2 ông ban hành Tuyên cáo và Chiếu chỉ, trong đó, dù vẫn lên án những vụ gây rối, ông nhìn nhận những bất cập của bộ máy hành chính và triệu tập ‘những người có thiện chí thuộc mọi giai tầng’ để đoàn kết sau lưng ngai vàng và trình lên những ý tưởng nhằm ‘cải cách tổ chức nhà nước’. Bulygin được giao soạn thảo những đề xuất cho một hội đồng quốc gia. Tuyên cáo là một thủ đoạn chiến thuật, mục đích duy nhất là để câu giờ, không có dấu hiệu của sự thành tâm. Những tầng lớp có học nói chung vẫn tỏ ra hoài nghi. ‘Muc dịch chính của Tuyên cáo này’, Kerensky viết cho cha mẹ vào ngày 18/2, ‘là để xoa dịu và làm im tiếng các phong trào cách mạng vừa mới bắt đầu để tất cả lực lượng chính quyền có thời gian củng cố cho một mục đích duy nhất trước mắt: ngăn cản bất cứ lời hứa hẹn nào của nó được đưa ra.’

Đúng là trong những tuần sau đó hàng vạn thỉnh nguyện cải cách được gởi đến Sa Hoàng từ các hội đồng làng xã, đơn vị quân đội, thị trấn và nhà máy. Nhưng những yêu cầu của họ quá sức triệt để đối với Nicholas. Phần đông kêu gọi một nghị viện quốc gia với quyền lập pháp tối cao. Nhưng kiểu hội đồng mà Sa Hoàng vẽ ra trong trí – và Bulygin cuối cùng đã trình lên cho ông ký vào ngày 6/8 – chỉ thuần túy là một hội đồng cố vấn được bầu ra trong một  cuộc đầu phiếu có giới hạn để bảo đảm sự thống trị của giới quí tộc. Đây là nghị viện của một ông vua. Mục đích chính của nó, theo ý của Nicholas, là để thông báo cho ông biết về những nhu cầu của thần dân để ông có thể cai trị theo ý họ mà không cần qua trung gian của một bộ máy tự phình to ra.

 Duma Bulygin là một minh họa khác của việc quá ít quá muộn. Nếu là sáu tháng trước thì nó sẽ được chào đón, và có thể khiến chính quyền lấy lại thế chủ động. Nhưng bây giờ thì tất cả trừ những người cải cách ôn hòa nhất đều cho thế là không hoàn toàn thỏa mãn. Các nhật báo cấp tiến, đã cẩn thận soi mói những điều khoản phức tạp của luật bầu cử mới, tuyên bố rằng không đến một phần trăm cư dân trưởng thành của  St Petersburg đủ điều kiện đi bầu, còn ở nhiều thành phố tỉnh lỵ tỉ lệ còn bé hơn nữa. Mặc dù chỉ trích, những người cấp tiến không tẩy chai cuộc bầu cử Duma. Nhưng những người Dân chủ Xã hội và cực đoan trong Liên minh các Nghiệp đoàn giờ thì quyết tâm hơn bao giờ sẽ sử dụng sự bất tuân dân sự của quần chúng để gây thêm sức ép lên chính quyền đòi nhượng bộ hơn nữa. Cao điểm của nỗ lực đó là cuộc tổng đình công tháng 9 và 10, cuộc tổng đình công đầu tiên trong lịch sử.

Trong năm 1905 các cuộc đình công và đối kháng của công nhân có sự gia tăng đáng kể về mức độ tổ chức và tình chiến đấu. Đây một phần là kết quả việc các nhà xã hội chủ nghĩa gánh vác phong trào lao động. Nhưng nó cũng – và chắc hẳn nhiều hơn thế – là kết quả của việc chính người công nhân đã trở nên có ý thức giai cấp hơn và dữ dội hơn khi sự đụng độ của họ với giới chủ và cảnh sát càng ngày càng quyết liệt và cây đắng. Gorky nhận ra sự quá khích tăng lên của công nhân sau khi mục kích một cuộc đụng độ trên Quảng trường Znamenskaya ở St Petersburg vào đầu tháng 9. Một sĩ quan đánh một binh sĩ ngay trên đường phố, và một đám đông công nhân nổi nóng bao quanh bênh vực người lính. Họ xé cầu vai trên bộ quân phục của viên sĩ quan, và Gorky tính là họ có thể đã giết chết y nếu không có sự can thiệp kịp thời của cảnh sát và lính Cô-giắc. ‘Đám đông hành xử một cách giản đi và cởi mở,’ Gorky viết cho Ekaterina, ‘họ nói và hô khẩu hiệu họ muốn ngay ở đó trước mặt cảnh sát và nói chung biểu lộ một sức mạnh tinh thần mạnh mẽ và thậm chí tế nhị. Cả một trời khác biệt giữa đám đông này với quần chúng khẩn cầu của ngày 9/1.

Không phải mọi bạo lực trong các thành phố là kết quả của tính quá khích của phong trào lao động. Mỗi hình thức bạo lực có dấu hiệu gia tăng, từ cướp giật đến giết người đến say xỉn nổi loạn rồi phá phách, khi luật pháp và trật tự bị phá vỡ. Đúng ra, khi cảnh sát rút đi khỏi hiện trường, dân chúng góp thêm vào bạo lực bằng cách lập ra những nhóm canh phòng và treo cổ những tội phạm trên đường phố. Mỗi ngày báo chí loan đi hàng chục ca ‘luật đường phố’, cùng với cướp bóc và sát nhân. Từng đoàn băng nhóm đủ loại người quần khắp phố đánh đập sinh viên và người đi đường ăn mặc sang trọng. Rồi những vụ hành hung người Do Thái. Nói tóm lại, hình như toàn bộ xứ sở cuốn vào một cơn lốc xoáy của bạo lực và vô chính phủ. Hãy nghe một lãnh sự Mỹ ở Batumi báo cáo:

 Nước Nga ngập chìm trong bạo loạn và bốc mùi cách mạng, hận thù chủng tộc và chiến tranh, sát nhân, phóng hỏa, cướp bóc, trộm đạo và tội ác đủ mọi loại. . . Theo như tôi có thể nhìn thấy, chúng tôi đang trên con đường đến tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn xã hội  hoàn toàn. . . Một trong những dấu hiệu tồi tệ nhất là dưới sự cai trị lâu dài của bạo loạn và tội ác dân chúng đã trở nên chai lỳ và họ đón nhận tin tức về việc bạn bè hay người quen bị sát hại một cách dửng dưng, trong khi những vụ cướp bóc được coi là hoàn toàn bình thường như không có chuyện gì xảy ra.

Vì các sử gia chỉ bận tâm đến phong trào lao động có tổ chức – và sự quyến rũ của huyền thoại Xô Viết về các công nhân có vũ trang tại các chướng ngại vật – mà vai trò của loại bạo lực hình sự thường nhật này trong quần chúng cách mạng đã bị phớt lờ hoặc, thậm chí có tính đánh lạc hướng, lầm lẫn với bạo lực của cuộc chiến kỹ nghệ. Vậy mà càng nhìn kỹ hơn vào các đám đông trên đường phố, người ta càng khó phân biệt rõ ràng những hình thức đối kháng khác nhau. – đám công nhân tuần hành với cờ và hò hát  – và những hành động cướp bóc và bạo loạn phi pháp. Cái này có thể – và thường thường – phân hóa thành cái kia. Đó không phải chỉ là vấn đề bọn  ‘du côn’ hoặc tội phạm len lỏi vào trong hàng ngũ lao động chống đối hoặc lợi dụng sự hỗn loạn họ tạo ra để hôi của, tấn công và cướp bóc. Những hành vi như thế hình như là một yếu tố gắn liền với tính quá khích của người lao động, một hình thức để thể hiện quyền lực của đám đông bình dân bằng cách cướp bóc và hủy hoại những biểu tượng của sự giàu có và đặc quyền. Những gì mà các tầng lớp trung lưu thường gán là ‘thói côn đồ’ có thể  thuộc loại ‘hành động cách mạng’. Và cũng có một phần đúng: bạo lực cách mạng những năm 1905-17 được thể hiện chính xác những hành động loại này. Nó được thúc đẩy bởi  hận thù đối với người giàu và người có quyền hành của người nghèo và người yếu thế để tự khẳng định mình và làm chủ đường phố. Từ nhãn quan của những người có của có rất ít chi tiết để phân biệt giữa hành vi lỗ mãng của bọn côn đồ với hành vi của quần chúng cách mạng. Thậm chí những cuộc đối kháng có tổ chức nhất của người lao động, nếu bị khiêu khích dù là nhỏ nhất, cũng biến thành bạo lực và cuớp bóc. Nó sẽ trở thành một vấn đề chính yếu cho các đảng phái cách mạng, đặc biệt Bôn-se-vich, luôn tìm cách sử dụng bạo lực của đám đông cho cứu cánh chính trị của chính họ. Loại bạo lực như thế là con dao hai lưỡi và có thể đưa đến tình trạng vô chính phủ hơn là một lực lượng cách mạng có kiểm soát. Đây là bài học má người Bôn-se-vich sẽ học được trong những Ngày tháng 7 và 10 năm 1917 – những bùng phát bạo lực rất khác xa với hình ảnh Xô-Viết về sức mạnh vô sản anh hùng.

Tuy nhiên, nếu có một cảm hứng chân thật nào đó đối với huyền thoại Xô-Viết về công nhân nhà máy, súng trong tay, chiến đấu cho cách mạng tại các chướng ngại vật, thì đó là cuộc tổng đình công 1905. Bởi vì đó là ví dụ điển hình của một cuộc nổi dậy tự phát nhưng có kỷ luật của giai cấp công nhân. Nó bắt đầu vào ngày 20/9 bằng cuộc lãng công của thợ in Moscow – tập thể công nhân có học thức nhất – để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Những người đình công liên lạc với sinh viên và tổ chức một cuộc biểu tình ngoài phố. Cảnh sát tấn công. Các công nhân ném gạch đá, đập vỡ cửa kính, lật đổ băng ghế và đốn ngã cây cối để làm chướng ngại vật. Vào đầu tháng 10 các thợ in ở St Petersburg và một vài thành phố khác đã ra đường tỏ tình đoàn kết với các đồng chí của mình. Rồi đến các công nhân đường sắt cũng xuống đường đình công. Nghiệp đoàn Nhân viên và Công nhân Đường sắt liên kết với Liên minh Nghiệp đoàn, vốn đã thảo luận về phương án tổng đình công nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh cải cách xã hội từ mùa hè. Vào ngày 10/10 gần như toàn bộ mạng lưới đường sắt ngừng hoạt động. Hàng triệu các công nhân khác – xưởng máy, công nhân các cửa hàng và vận tải, nhân viên ngân hàng và văn phòng, nhân viên y tế, sinh viên, giảng viên, ngay cả kịch sĩ Nhà hát Hoàng gia ở St Petersburg – cũng xuống đường ủng hộ cuộc tổng đình công chống lại nhà nước chuyên chế. Các thành phố đều tê liệt. Mọi giao thông đều ngừng hẳn. Ban đêm đèn đóm tắt ngấm. Điện thoại và điện tín đều ngừng hoạt động. Các cửa hàng đều đóng cửa và cửa sổ đều được đóng ván. Thực phẩm trở nên khan hiếm. Trộm cướp bùng phát ngoài tầm kiểm soát. Các quí tộc và tư sản khiếp sợ trước sự bất lực của luật pháp và tình trạng hỗn loạn. Khi hệ thống cấp nước của Moscow bất đầu xuống cấp dân chúng hốt hoảng; tin đồn lan truyền là những người đình công đã cố tình gây nhiễm độc nước uống. Công nhân, sinh viên và chuyên viên bắt tay nhau biểu tình chống chính quyền. Nhiều vụ biểu tình biến thành việc xây dựng gấp rút các chướng ngại vật và những trận đụng độ dữ dội với cảnh sát và vệ binh Cô-giắc. Các yêu sách chính trị của người biểu tình đều giống nhau – triệu tập hội đồng lập hiến sau một cuộc phổ thông đầu phiếu, một dấu hiệu của vai trò phối hợp do Liên minh Nghiệp đoàn đóng vai cũng như tính kỷ luật và tổ chức của công nhân tăng lên.

Điều cuối cùng này có liên hệ nhiều với Xô-Viết Petersburg. Từ ‘Xô-Viết’ có nghĩa là ‘hội đồng’ trong tiếng Nga và Xô-Viết Petersburg thức sự không hơn một hội đồng công nhân đặc biệt được thành lập để chỉ đạo cuộc tổng đình công. Nguồn gốc phát sinh một phần là từ Liên minh Nghiệp đoàn, người đầu tiên khởi lên y tưởng đó, và một phần do người Men-se-vich, vốn giữ vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức công nhân ở cấp độ nhà máy. Vào ngày 17/10 562 đại biểu các nhà máy, phần đông là công nhân cơ khí, họp tại trụ sở của Hội Kinh tế Tự do và bầu một ban điều hành gồm 50 thành viên, trong đó có 7 đại biểu từ mỗi trong ba đảng xã hội chính (Men-se-vich, Bôn-se-vich và SR). Ngay từ đầu nó nắm lấy vị thế và hình thức  – và nó nắm lấy một lần nữa vào năm 1917 – của một chính quyền của công nhân và một cơ sở quyền lực thay thế cho quyền hành sa hoàng. Nó tổ chức các cuộc đình công, in ấn tờ báo của riêng mình, Izvestiia, mà các công nhân chuyền tay đọc, thành lập dân quân, xem xét sự phân phối thực phẩm, và cổ vũ các công nhân trong  50 tỉnh thành khác theo gương mình thành lập các Xô-Viết của họ. Người Men-se-vich áp đảo Xô-Viết Petersburg. Họ xem nó như là hiện thân của ý thức hệ của mình. Người Bôn-se-vich, trái lại, không tin cậy vào sáng kiến của các công nhân độc lập và không ưa cái ý tưởng về Xô-Viết như một hội đồng của các công nhân độc lập, mặc dù không nghi ngờ gì điều này có liên quan đến việc họ có rất ít ảnh hưởng đối với nó. Ngay cả Lênin, vừa trở về từ nơi lưu đày vào đầu tháng 10, cũng không được mời nói trước Xô-Viết, dù còn có một bàn viết trong trụ sở tổ chức mang tấm bảng đồng cho biết ông ta đã làm như thế.

Chủ tịch trên danh nghĩa của Ban Điều hành Xô-Viết là luật sư (và đảng viên Men-se-vich tương lai) G. S. Khrustalev-Nosar. Nhưng Leon Trotstky mới là quyền lực thực sự đằng sau nó. Ông soạn khung sườn cho các nghị quyết  và viết bài xã luận cho tờ Izvestiia. Sau khi Khrustalev-Nosar bị bắt vào ngày 27/11, ông trở thành chủ tịch của nó. Trotsky đã là người đầu tiên trong số các lãnh tụ xã hội chủ nghĩa chủ chốt trở về từ chốn lưu đày sau Chủ nhật Đẫm máu. Ông sống dưới những vỏ bọc khác nhau, có khi là một bệnh nhân trong một bệnh viện mắt, nơi ông đã  viết những tuyên cáo cách mạng trên giường trong khi y tá ngâm chân cho ông. Trong cuộc tổng đình công ông đã xuất hiện ở Xô-Viết dưới tên Yanovskg, tên ngôi làng nơi ông ra đời. Việc ông ủng hộ sự nổi dậy của giai cấp lao động và những bài báo xuất sắc tấn công vào phe cấp tiến chắc hẳn đã mang ông lại gần hơn với cánh Bôn-se-vich của Dân chủ Xã hội kể từ khi có sự rạn nứt lớn trong đảng vào năm 1903. Vây mà về bản chất ông vẫn là người Men-se-vich cách mạng và, như George Denike sau đó nhớ lại, chính ông hơn ai khác ‘là người tiêu biểu cho chủ nghĩa Men-se-vich’ ở thời điểm này.

* * *

Các cố vấn của Sa Hoàng giờ trông cậy vào Witte để cứu lấy xứ sở khỏi thảm họa. Vậy mà chính Nicholas vẫn bình chân như vại. Mùa thu đó ông bỏ nhiều thời gian để săn bắn. ‘Khía cạnh bi thảm của tình hình’, một quan triều nhận xét trong nhật ký của mình vào ngày 1/10, ‘là việc Sa Hoàng đang sống trong cõi thiên đường của một người điên hoàn toàn, nghĩ rằng Ngài vẫn còn mạnh và toàn quyền như trước đây.’ Vào ngày 9/10 Witte cuối cùng được vào yết kiến ở Cung điện Mùa Đông. Với sự thẳng thắn phũ phàng ông báo Nicolas rằng đất nước đang trên bờ vực cách mạng kinh thiên động địa, sẽ quét đi một ngàn năm lịch sử’. Sa Hoàng chỉ còn một trong hai lựa chọn: hoặc chỉ định một nhà độc tài quân sự hoặc đưa ra những cải cách sâu rộng. Witte phác họa những cải cách cần kíp trong một bản ghi nhớ sẽ đưa ra trong một Tuyên cáo, mà ông mang theo bên mình: chấp nhận quyền tự do dân sự; một trật tự lập hiến; chính quyền nội các; và một viện Duma lập pháp bầu lên trong một cuộc đầu phiếu dân chủ. Nó chính là cương lĩnh chính trị của Phong trào Giải phóng. Mục đích rõ ràng là để cô lập cánh Tả bằng cách làm hòa với phe cấp tiến. Ông nhấn mạnh sự đàn áp chỉ có thể là biện pháp tạm thời, và liều lĩnh, vì lòng trung thành của các bộ phận vũ trang cũng đáng  nghi ngờ và nếu họ được sử dụng để dẹp cuộc tổng đình công họ có thể đồng loạt tan rã. Phần đông các cố vấn quân sự cao cấp đều nhất trí với Witte, như Trepov, Thống đốc St Petersburg, mà ảnh hưởng của ông ở triều đình giờ rất lớn. Nicholas vẫn giữ thái độ không đồng ý và nhờ chú mình, Đại Công tước Nikolai, nắm giữ vai trò nhà độc tài. Nhưng vị Đại Công tước, một con người trực tính và dễ bị kích động, rút ra một khẩu súng lục và hăm sẽ tự tử ngay tại chỗ nếu Sa Hoàng từ chối tán thành bản ghi nhớ của Witte. Hoàng hậu từ đây về sau sẽ luôn đổ lỗi cho Đại Công tước về ‘hiến pháp’ của Nga. Cú diễn của ông chắc chắn là nhân tố quyết định làm chồng bà đối ý, vì Đại Công tước là người duy nhất có khả năng đóng vai nhà độc tài và khi ông ta đứng về phe cải cách thì cuối cùng Sa Hoàng nhận ra rằng sự đàn áp không còn là một sự chọn lựa nữa và ông đồng ý ký vào Tuyên cáo.

Ngay từ đầu, Sa Hoàng vô cùng miễn cưỡng khi đóng vai một vị vua lập hiến. Hình ảnh một Nicholas như một ‘Sa Hoàng được khai sáng’ người đã ‘đưa dân chủ cho nước Nga’ không thể nào xa với sự thật hơn, mặc dù đó là hình ảnh mà những người bảo hoàng cũng như bọn ngồi lê đôi mách về chuyện xưa trong thời nước Nga hậu- Xô Viết muốn chúng ta chấp nhận. Đối với một kẻ chuyên chế như Nicholas, người luôn xem mình là kẻ cai trị từ ngai vàng theo truyền thống Byzantine xưa tốt đẹp, chắc không có điều nào nhục nhã hơn là việc để cho một viên chức như Witte (người chỉ là một tên làm ăn và, hơn nữa, một thư ký hỏa xa trước đây) bắt buộc mình trao quyền công dân cho các thần dân của mình. Ngay cả hành động thoái vị cuối cùng vào năm 1917 – mà ông nói mình chịu ký để không bị bắt phải từ bỏ lời tuyên thệ lúc đăng quang là sẽ giữ vững các nguyên tắc của chuyên chính –  một viên thuốc đắng biết bao đối với ông, cũng không nhục nhã bằng. Witte sau đó tuyên bố rằng triều đình rắp tâm sử dụng Tuyên cáo của ông như một nhượng bộ tạm thời và rằng họ sẽ quay trở lại cung cách chuyên chế cũ một khi nguy cấp đã qua. Ông gần như hoàn toàn đúng. Vào mùa xuân 1906 Sa Hoàng đã đi ngược lại lời hứa vào tháng 10 năm trước, khi tuyên bố rằng Tuyên cáo đúng ra không ấn định giới hạn nào cho quyền lực chuyên chế của ông, mà chỉ cho bộ máy hành chính.

Tuyên cáo được công bố trước sự hân hoan của dân chúng. Dù đang mùa mưa, từng đoàn người đông đảo đổ xô về Cung điện Mùa Đông với cờ đỏ mang dòng chữ ‘Tự do Hội họp’. Ắt hẳn họ đã biết cuối cùng họ đã xoay sở làm được những gì mà đồng bào của họ không làm được vào ngày 9/1. Rốt cục, Chủ nhật Đẫm máu đã không vô ích. Ở Moscow 50,000 tụ họp trước Nhà hát Bolshoi. Sĩ quan và các mệnh phụ mang những băng tay đỏ và đồng ca bài Marseillaise để tỏ lòng đoàn kết với công nhân và sinh viên. Cuộc tổng đình công kết thúc, ân xá chính trị từng phần được ban bố. Mọi người nhẹ nhõm khi giờ đây nước Nga đang bước vào một kỷ nguyên mới theo chủ nghĩa lập hiến của phương Tây. Toàn đất nước, theo lời của một người cấp tiến,  ‘kêu vo vo như một ngôi vườn khổng lồ đầy ong trong một ngày mùa hè nóng bức’. Báo chí đăng đầy ắp những bài xã luận táo bạo và những tranh biếm họa vẽ các nhà cai trị của đất nước khi luật kiểm duyệt cũ thôi hoạt động. Thình lình nở rộ truyện khiêu dâm, như để kiểm nghiệm giới hạn của luật mới. Ở Kiev, Warsaw và những thủ phủ khác của Đế chế, một làn sóng xuất bản sách viết theo ngôn ngữ bản địa ra đời  khi chính sách Nga hóa bị đình hoãn. Các buổi họp mặt chính trị tổ chức ngay trên phố, giữa quảng trường và trong công viên, tại khắp nơi công cộng, khi dân chúng không còn sợ bị bắt bớ. Phố Nevsky Prospekt trở thành một loại Góc Diễn Đàn, một nghị viện đường phố của nhân dân, nơi các nhà hùng biện đứng trên các thùng gỗ, hoặc dán mình trên cột điện, và đám đông ngay lập tức bu quanh lắng nghe và chụp lấy những tờ truyền đơn họ phát ra. Các lãnh tụ xã hội trở lại từ chốn lưu đày. Những đảng chính trị mới được thành lập. Nhân dân nói về một nước Nga mới được ra đời. Đây là những ngày đầu tiên say sưa của tự do.

 

iii Đường Ai Nấy Đi

Vào tháng 10 1905 Hoàng thân Lvov, người zemstvo cấp tiến, làm đơn gia nhập Đảng Kadet. Đây là quyết định không dễ dàng đối với một người bản tính  không thích bè phái như Lvov. Quan điểm chính trị của ông thuần túy thực tiễn – đó là điều mà ông đã tiếp thu khi làm ở zemstvo – và ông không dễ dàng bó buộc trong học thuyết chính trị của bất kỳ đảng phái nào. Kiến thức ông về chính trị đảng phái gần như bằng không. Ông thường lẫn lộn giữa đảng SD và SR và, theo bạn bè, ông thậm chí không hiểu những điểm chính trong cương lĩnh Kadet. ‘Trong những năm quen biết với Hoàng thân Lvov ‘, V. A. Obolensky nhớ lại, ‘tôi chưa hề nghe ông bàn luận gì về một điểm lý thuyết trừu tượng.’ Hoàng thân là một ‘đảng viên Kadet hoài nghi’, như có lần Miliukov đã nói. Ông ta luôn ở ngoài lề các diễn đàn và hiếm khi tham gia tranh luận. Vậy mà các ý kiến của ông luôn được các lãnh đạo đảng Kadet trân trọng và ông thường được nhờ làm vai trò trung gian giữa họ.

Trong tất cả đảng chính trị rộ lên sau Tuyên cáo Tháng 10, đảng Dân chủ Lập hiến, hoặc nói tắt là Kadet, là đảng thích hợp cho Lvov gia nhập. Đảng có nhiều người zemstvo cấp tiến, như ông, đã đến với đảng qua Phong trào Giải phóng. Chương trình nghị sự của phong trào đứng hàng đầu trong cương lĩnh Đảng Kadet được thông qua trong đại hội thành lập vào tháng 10/1905. Tuyên ngôn gần như tập trung chủ yếu vào những cải cách chính trị – một nghị viện lập pháp được bầu qua phố thông đầu phiếu, bảo đảm các quyền dân sự, dân chủ hóa chính quyền địa phương, và nhiều quyền tự trị hơn cho Phần Lan và Ba Lan — không hẳn bởi vì cánh tả và hữu của đảng quá chia rẽ về các vấn đề xã hội, nhất là vấn đề ruộng đất. Nhưng có lẽ sự tập trung này là điều có thể chờ đợi ở một đảng mà thành phần lấn át là giáo sư, viện sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo, giáo viên, bác sĩ, viên chức và người zemstvo cấp tiến

 Trong số khoảng 100,000 đảng viên, các quí tộc chiếm 60 phần trăm. Ủy ban Trung ương thực sự là một ban bệ học giả: 21 trong số 47 thành viên là giáo sư đại học, trong đó chủ tịch là Pavel Miliukov (1859-1943), một sử gia lỗi lạc đương thời.

 Đây là ‘những người của thập niên 1880’ – tất cả giờ đã trên 40. Họ có ý thức mạnh mẽ về nghĩa vụ xã hội và các giá trị cấp tiến Tây phương, nhưng có ít ý tưởng về chính trị quần chúng. Theo truyền thống thực sự của giới trí thức thế kỷ 19 họ thích xem mình là những người lãnh đạo ‘nhân dân’, đứng trên tính đảng phái hẹp hòi hoặc quyền lợi giai cấp, vậy mà họ rất ít nỗ lực để chiếm được cảm tình của quần chúng cho lý tưởng của mình. Bởi vì trong tâm khảm họ, cũng như trong các buổi chuyện trò bên bàn ăn, họ vừa e sợ vừa coi thường quần chúng.

Trong số những đảng cấp tiến xuất hiện vào thời điểm này, đảng quan trọng nhất là đảng Octobrist (Tháng 10). Họ lấy tên này từ Tuyên Cáo Tháng 10 1905, mà họ xem là cơ sở cho một thời kỳ hoà giải và hợp tác giữa chính quyền và các lực lượng quần chúng và việc lập ra một trật tự luật pháp mới. Đảng lôi kéo được khoảng 20,000 thành viên, phần đông là chủ đất, doanh nghiệp và các viên chức thuộc ngành này hay ngành khác, những người ưa chuộng cải cách chính trị ôn hòa nhưng chống đối phổ thông đầu phiếu vì cho là thách thức vương quyền, không nói đến việc họ giữ những chức vụ riêng trong chính quyền địa phương và trung ương. Nếu đảng Kadet là những người cực đoan cấp tiến, theo nghĩa họ giữ ít nhất một chân trong việc chống đối vì dân chủ, thì đảng Octobrist là những người cấp tiến bảo thủ, theo nghĩa họ sẵn sàng hoạt động cho cải cách chỉ trong trật tự hiện hành và chỉ để củng cố nó.

Chính Lvov có thể đã muốn gia nhập Octobrist, vì D. N. Shipov, thầy và bạn chính trị cũ của ông từ phong trào zemstvo quốc gia, là một trong những người sáng lập chính của đảng, trong khi Alexander Guchkov, một bạn chiến đấu của ông từ chiến dịch cứu trợ ở Mãn Châu, trở thành lãnh đạo đảng. Nhưng cuộc đấu tranh cải cách cay đắng của mười năm trước đã dạy ông không nên tin tưởng mù quáng vào thiện ý của Sa Hoàng sẽ thực hiện lời hứa trong Tuyên Cáo. Hoàng thân thích ở lại với Kadet trong tâm thế hoài nghi và nửa chống đối với chính quyền, hơn là gia nhập Octobrist trong những tuyên bố ủng hộ trung thành.

Thật sự đây là vấn nạn chủ yếu mà người cấp tiến phải đương đầu sau Tuyên Cáo Tháng 10 – hoặc ủng hộ hoặc chống đối chính quyền. Đến giờ cách mạng đã là một cuộc tổng tấn công của toàn quốc gia đoàn kết chống lại chuyên chế. Nhưng giờ đây Tuyên Cáo đã đưa ra một triển vọng của một trật tự lập hiến mới trong đó cả vương quyền và xã hội có thể – chỉ có thể thôi – phát triển theo đường hướng Âu châu. Tình hình được cân bằng một cách tinh tế. Luôn có nguy cơ là Sa Hoàng có thể phớt lờ lời hứa về lập hiến, và quần chúng có thể mất kiên nhẫn với tiến trình cải cách chậm chạp và quay sang đầu quân cho cách mạng xã hội bạo lực. Nhiều chuyện phụ thuộc vào vai trò của người cấp tiến, những người mà từ trước đến giờ đã dẫn dắt phong trào chống đối và giờ đây đang bị đặt vào một vị trí chiến lược giữa người cai trị và người bị trị. Nhiệm vụ của họ sẽ rất khó khăn vì họ phải vừa có vẻ ôn hòa (để không đánh động người cai trị) và vừa có vẻ cực đoan (để không xa cách với người bị trị)

Witte, người được giao nhiệm vụ thành lập nội các đầu tiên vào tháng 10, giao vài chức vụ cho phe cấp tiến. Shipov được mời làm Bộ trưởng Nông nghiệp, Guchov Bộ trưởng Thương mại và Kỹ nghệ, A. F. Koni Bộ trưởng Tư pháp, và E. N. Trubetskoi Bộ trưởng Giáo dục. Hoàng thân Urusov, mà chúng ta đã gặp với chức vụ Thống đốc Bessarabia, và là người có cảm tình với đảng Kadet, được xem xét đề bạt cho chức vụ quan trọng nhất là Bộ trưởng Nội vụ (nhưng rồi sau đó bị bác trên cơ sở là, cho dù ‘đàng hoàng ‘ và ngay cả ‘khá thông minh’, ông ta ‘không có tính cách chỉ huy’. Hai đảng viên Kadet khác, Miliukov và Lvov, cũng được giao chức vụ bộ trưởng. Nhưng không người nào đồng ý tham gia chính phủ của Witte, vốn cuối cùng chỉ gồm những viên chức của bộ máy sa hoàng hoặc không được sự tin cậy của quần chúng.

 

CUỘC SỐNG THƯỜNG NHẬT DƯỚI THỜI SA HOÀNG

1

23456789101112131415

Thật là bình thường khi cho rằng việc họ từ chối tham gia nội các Witte các người cấp tiến đã ném đi cơ hội tốt nhất của họ để lèo lái chế độ sa hoàng về hướng cải cách lập hiến. Nhưng nói thế là không công bình. Lý do ngoài mặt là phe cấp tiến không chịu làm việc với P. N. Durnovo, một người có quan điểm hữu khuynh và có một quả khứ tai tiếng,* và giờ đây lại được giao giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sau khi đã dự tính bổ nhiệm Urusov thuộc đảng Kadet. Lý do chính là Kadet cũng nghi ngờ là Witte không thể thực hiện những lời hứa ghi trong Tuyên Cáo khi mà Sa Hoàng dị ứng với cải cách. Họ sợ bị tổn thương nếu gia nhập một chính quyền có thể bất lực khi chống lại chuyên chế. Bản thân luôn hoài nghi chính quyền và thắng lợi tháng 10 càng khẳng định việc họ đi theo chính sách vận động quần chúng từ bên dưới là đúng đắn.

*  Năm 1893, khi y đang công tác tại Nha Cảnh Sát, Durnovo đã ra lệnh cho các đặc vụ của mình lấy cắp thư từ của Đại sứ Tây Ban Nha qua sự tiếp tay của một gái làng chơi, bồ của Durnovo. Viên Đại sứ phàn nàn với Sa Hoàng Alexander III và y liền bị cách chức ngay lập tức. Nhưng sau khi Alexander mất, không biết làm cách nào y lại tiếp tục đi lên trong sự nghiệp.

 

Trong bất cứ trường hợp nào, đã thấy rõ khoảnh khắc tự do rất ngắn ngủi. Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố Tuyên Cáo tháng 10 trên đường phố các trận đụng độ lại tiếp diễn khi đất nước phân cực giữa Tả và Hữu. Nó cho thấy sự chia rẽ xã hội quá sâu sắc không thể hàn gắn chỉ bằng một giải pháp cấp tiến. Vào ngày 18/10, ngày Tuyên Cáo được tuyên bố, một đám người Moscow hớn hở quyết định tuần hành đến nhà tù chính của thành phố, nhà tù Butyrka, để biểu tình đòi thả tất cả tù nhân chính trị. Cuộc đối kháng giải quyết một cách êm đẹp với 140 tù nhân được phóng thích. Nhưng trên đường trở về trung tâm thành phố người biểu tình bị một đám đông có vũ trang mang quốc kỳ và chân dung của Sa Hoàng. Cũng có đụng độ tương tự bên ngoài nhà tù Taganka, nơi một trong số những tù nhân được phóng thích, nhà hoạt động Bôn-se-vich N. E. Bauman, bị đánh đập đến tử vong. 

Đối với người cực Hữu đây sẽ là khởi đầu của cuộc chiến đường phố chống lại người cách mạng. Một vài nhóm cánh Hữu đã được thành lập từ đầu năm 1905. Đó là đảng Quân Chủ Nga, thành lập vào tháng 2 bởi V. A. Grinvmut, chủ biên phản động của tờ Tin Tức Moscow, nhằm kêu gọi phục hồi một nền chuyên chế mạnh, thiết quân luật, độc tài, đàn áp người Do Thái, được cho là những thành phần  kích động chính tạo ra sự rối loạn. Rồi là Hội đồng Nga, do Hoàng thân Golitsyn cầm đầu, gồm phần lớn những Công Bộc cánh hữu và sĩ quan ở St Petersburg, chủ trương chống đối việc áp dụng các định chế nghị viện kiểu Tây phương, và chủ trương công thức cũ là Chuyên chế, Chính thống giáo và Dân tộc.

Nhưng quan trọng nhất là Liên minh Nhân dân Nga, được thành lập vào tháng 10 bởi hai viên chức  cấp thấp trong chính quyền, A. I. Dubrovin và V. M. Purishkevich, như một phong trào nhằm động viên quần chúng chống lại các lực lượng cánh Tả. Đó là một phiên bản sớm của Nga cho một phong trào Phát xít. Chống cấp tiến, chống xã hội chủ nghĩa và trên hết chống Do Thái, nó chủ trương phục hồi một chế độ chuyên chế được yêu mến mà nó tin là đã tồn tại trước khi Nga bị chuyển cho người Do Thái và bọn trí thức. Sa Hoàng tài trợ cho Liên minh, cũng như một số lãnh đạo Giáo hội, trong đó có Cha John ở Kronstadt, một bạn thân của gia đình hoàng gia, Giám mục Hermogen và thầy tu Iliodor. Chính Nicholas vốn mang huy hiệu của Liên minh và các lãnh đạo của nó ‘thành công hoàn toàn’ trong nỗ lực thống nhất các ‘người Nga trung thành,’ sau lưng chuyên chính. Hành động theo chỉ thị của Sa Hoàng, Bộ trưởng Nội vụ tài trợ cho các tờ báo của nó và bí mật tuồn vũ khí cho họ, để họ thành lập lực lượng bán quân sự nhằm đương đầu với người cách mạng trên đường phố.

Nhóm Black Hundreds (Hàng trăm tên đen),* như cách gọi của người dân chủ, tuần hành với biểu ngữ ái quốc, tượng thánh, thánh giá và chân dung Sa Hoàng, dao, quả đấm sắt trong túi. Vào cuối năm 1906 có 1,000 chân rết của Liên minh với tổng cộng hơn 300,000 thành viên. Cũng như với các phong trào Phát xít ở châu Âu giữa các hai thế chiến, hầu hết những người ủng hộ họ là bọn lưu manh bực tức hoặc đã đánh mất hoặc sợ mất vị thế nhỏ bé của mình trong thứ bậc xã hội nếu cải cách và hiện đại hoá thành công: các nông dân bị bứng khỏi làng quê buộc lòng vào thành phố làm lao động lôm côm; những chủ tiệm buôn bán nhỏ và thợ thủ công bị bóp nghẹt bởi các hãng lớn cạnh tranh; những sĩ quan và cảnh sát cấp thấp thấy quyền lực mình bị đe doạ bởi các định chế dân chủ mới và bọn ái quốc ái quần đủ mọi loại, tức khí trước cảnh ‘lên đời’ của công nhân, sinh viên và bọn Do Thái dám thách thức quyền lực trời ban của Sa Hoàng. Đánh nhau với bọn cách mạng trên đường phố là cách chúng trả thù, là một biện pháp quay ngược kim đồng hồ và phục hưng thứ bậc chủng tộc và xã hộ. Bè lũ chúng cũng được lũ tội phạm gia nhập – hàng ngàn tên này đã được thả ra theo lệnh ân xá tháng 10 – giờ thấy Liên minh quả là hang ổ cho chúng dỡ trò cướp bóc và bạo lực. Thường được cảnh sát cổ vũ, Black Hundreds tuần hành qua đường phố đánh đập bất kỳ ai chúng nghĩ là cảm tình viên dân chủ. Thỉnh thoảng họ  bắt nạn nhân quì phục trước chân dung Sa Hoàng, hoặc lôi họ vào nhà thờ và bắt họ hôn lá cờ hoàng gia.

* Tên nhại lại từ ‘White Hundreds’ được sử dụng trong thời trung cổ Nga, chỉ tầng lớp quí tộc và thương gia giàu có có đặc quyền.

 

Bạo lực tồi tệ nhất dành cho người Do Thái. Trong hai tuần sau khi tuyên bố Tuyên Cáo có 690 vụ bức hại người Do Thái được ghi nhận – với hơn 3,000 vụ sát nhân được báo cáo. Nhóm cánh Hữu đóng một vai trò quan trọng trong những vụ này. Vụ tồi tệ nhất xảy ra ở Odessa, tại đó có 800 người Do Thái bị tàn sát, 5,000 người bị thương và hơn 100,000 người không nơi nương tựa. Một cuộc điều tra chính thức do Witte ra lệnh phát hiện rằng cảnh sát không chỉ tổ chức, vũ trang và cung cấp rượu vodka cho bọn  thủ phạm, mà còn giúp lôi người Do Thái ra khỏi chỗ ẩn nấp và tham gia giết chóc. Các trụ sở cảnh sát ở St Petersburg thậm chí còn có máy in bí mật, tung ra hàng ngàn truyền đơn kết án người Do Thái ra sức hủy hoại nước Nga và kêu gọi nhân dân đứng lên ‘xé chúng ra từng mảnh và giết chúng’. Trepov, tên độc tài thực sự của xứ sở, đã chính tay biên tập những tài liệu này. Durnovo, Bộ trưởng Nội vụ phụ cấp cho chúng với  số tiền lên đến 70,000 rúp. Nhưng khi Witte ra lệnh xử tên cảnh sát trưởng chịu trách nhiệm, Sa Hoàng can thiệp che chở y. Nicholas rõ ràng hài lòng với những trận bức hại. Ông đồng ý với bọn bài Do Thái cho rằng cách mạng là do người Do Thái châm ngòi, và ngây thơ xem việc bức hại Do Thái là do thần dân trung thành với ông trả thù  cho mình một cách thích đáng.

Ông nói rõ điều này trong một bức thư gởi cho mẹ ông vào ngày 27/10:

Mẹ thân yêu nhất của con,

Trước hết con xin thông báo với mẹ rằng tình hình đã tốt hơn cách đây một tuần .. . Trong những ngày đầu công bố Tuyên Cáo các phần tử lật đổ ngẩng cao đầu, nhưng một phản ứng mạnh mẽ đã nổi lên nhanh chóng và toàn thể quần chúng trung thành bất ngờ biểu dương sức mạnh của họ. Kết quả là hiển nhiên như mọi người trong xứ kỳ vọng. Sự xấc xược của bọn xã hội chủ nghĩa và  cách mạng đã gây phẫn nộ cho dân chúng thêm một lần nữa; và bởi vì đến chín phần mười bọn gây rối là Do Thái, toàn bộ cơn thịnh nộ của nhân dân đều trút xuống đầu chúng. Và thế là những bức hại xảy ra. Đáng kinh ngạc là chúng xảy ra gần như cùng một lúc trong tất cả thị trấn Nga và Siberia. . .Có những trường hợp xa tận Tomsk, Simferopol, Tver và Odessa, cho thấy rõ ràng một đám đông phần nộ có thể làm gì: họ bao vây nhà cửa nơi bọn cách mạng trú ngụ, phóng hỏa và giết chết hết những người muốn tẩu thoát.

 

Những gì xuất hiện là khởi đầu của một cuộc phản cách mạng mà cao điểm là nội chiến. Từ thời điểm này trở đi chủ nghĩa bài Do Thái trở thành một trong những vũ khí chủ chốt được triều đình và những kẻ ủng hộ sử dụng để tập họp ‘thần dân trung thành’ sau lưng họ trong cuộc chiến chống cách mạng và lực lượng cấp tiến mới nổi lên.

Đối với những người cách mạng cái chết của Bauman nhắc nhở mạnh mẽ  cho họ thói quen nhuộm máu của chế độ. Qua một đêm đảng Bôn-se-vic trở thành thánh tử đạo của cách mạng. Sau này, dưới chế độ Xô-Viết, tên tuổi của y sẽ được đặt cho đường phố, trường học, nhà máy, và thậm chí nguyên một quận của Moscow. Nhưng thật ra Bauman hoàn toàn không xứng đáng với vinh dự được thổi phồng quá mức như thế. Y thích những trò đùa ác ý, và có một lần y thật quái ác đối với một nữ đồng chí nhạy cảm khi vẽ biếm họa cô ta trông như Đức Mẹ Maria mang một hài nhi trong bụng và một dấu chấm hỏi xem hài nhi trông giống ai, khiến cô xấu hổ treo cổ tự tử. Nhiều người dân chủ xã hội, trong đó có Martov, muốn trục xuất Bauman ra khỏi đảng. Nhưng Lênin không đồng ý trên cơ sở y là một người hoạt động tốt cho đảng và đó mới là vấn đề rốt ráo. Tai tiếng tiếp tục chia rẽ đảng – đó là một trong nhiều va chạm cá nhân giúp phân biệt được những khác biệt đạo lý giữa người Bôn-se-vich và Men-se-vich sau năm 1903 – cho đến khi Bauman bị bắt và bị giam ở nhà tù Taganka. Cái chết đã rửa sạch mọi tội lỗi của y. Qua cái chết của y người Bôn-se-vich có thể, lần đầu tiên, chơi trò sân khấu cho khán giả quần chúng.

Nếu có một việc mà  người Bôn-se-vich thực sự là bậc thầy, thì đó là nghệ thuật an táng người chết. Sáu đồng chí mặc quần áo da lực lưỡng  khiêng quan tài của Bauman, phủ vải tím, đi qua các đường phố Moscow. Đi đầu là một đảng viên Bôn-se-vich mặc áo choàng đen trông như một giáo sĩ Jesuit, tay cầm nhành cọ bắt nhịp với nhạc và bước đi. Các lãnh đạo đảng đi sau quan tài với vòng hoa, cờ đỏ và băng rôn nặng nề với các khẩu hiệu tranh đấu thếp vàng. Tuần hành hai bên là dân quân vũ trang gồm sinh viên và công nhân. Và sau cùng hàng tiếp hàng người đưa tiễn, khoảng 100,000 người tất cả, đi theo hàng mười người,  sát cánh chen vai như quân đội. Đám rước không khác tôn giáo này tiếp tục suốt ngày, dừng lại một số tụ điểm trên thành phố để bổ sung thêm lực lượng. Khi họ đi ngang qua trường Cao đẳng Âm nhạc một dàn nhạc sinh viên trường gia nhập, và chơi hết lần này đến lần khác bài hát truy điệu của cách mạng: ‘Anh Nằm Xuống Vì Cuộc Đấu Tranh Định Mệnh’. Nhịp bước nặng nề của người tuần hành, âm nhạc buồn thảm và cách tổ chức nghiêm trang như quân đội lấp đầy phố xá một không khí đe đọa đen tối. Khi đêm xuống, hàng ngàn ngọn đuốc được thắp lên, khiến màu cờ đỏ sáng rực. Những bài điếu văn đầy xúc động, thách thức và khơi dậy.  Bà góa phụ Bauman kêu gọi đám đông hãy trả thù cho cái chết của chồng mình và, khi họ lên đường trở về trung tâm thành phố, nhiều vụ đụng độ lẻ tẻ bùng phát với bọn Black Hundreds.

Vào giai đoạn này người Bôn-se-vich đã lên kế hoạch nổi dậy vũ trang. Quyết tâm của họ càng tăng lên đúng dịp Lênin từ Geneva trở về vào đầu tháng 11, vì ông luôn hô hào cần phải phát động một cuộc nổi dậy. Từ Chủ nhật Đẫm máu rất nhiều thư từ của ông từ Hà Lan phần lớn đều chỉ dẫn chi tiết cách xây dựng các chướng ngại vật và cách đánh nhau với bọn Cô-giắc sử dụng bom và súng lục. Xô-Viết Petersburg cũng đang chuẩn bị ngữa tay bài với chính quyền. Trong tháng 11  nó hậu thuẫn một loạt đình công nổi bật bởi tính quá khich. Dưới sự lãnh đạo của Trotsky và ảnh hưởng của quần chúng đường phố, ít ra tại St Petersburg đang bắt đầu cho thấy những tín hiệu sẵn sàng cho một cuộc cách mạng xã hội, nhiều người Men-se-vich ra khỏi liên minh rộng lớn của họ với phe cấp tiến và nắm lấy ý tưởng về một cuộc nổi dậy vũ trang để khẳng định tính bá quyền của giai cấp lao động.

Triển vọng thành công thì không nhiều, nhưng điều này bị cảm xúc lấn lướt. Một số người Dân chủ Xã hội bị lối tu từ đầy thách thức của họ cuốn đi – suy cho cùng, họ đã được các công nhân thịnh nộ p yêu mến – phần nào lời nói đã biến thành chương trình hành động. Nhưng người khác thấy rằng xuống đường chiến đấu còn tốt hơn là không cố gắng và chiếm lấy quyền lực gì hết. Theo lời của một người Men-se-vich, ‘tự thâm tâm chúng tôi biết là thảm bại là không thể tránh khỏi. Nhưng tất cả chúng tôi đều còn trẻ và đầy nhiệt tình cách mạng, cho nên đối với chúng tôi thà chết trong chiến đấu còn hơn là tê liệt vì không dám dấn thân. Danh dự của cách mạng đang lâm nguy’. Thật ra đối với Lênin (một Jacobin)  cuộc nổi dậy thành công hay không không thành vấn đề . ‘Thắng lợi ư? ‘ có người nghe ông nói vào giữa tháng 11. ‘Chuyện đó đối với chúng ta không quan trọng gì hết! . . . Chúng ta đừng kẹt vào bất kỳ ảo tưởng nào, chúng ta là người thực tế, nên đừng tưởng tượng chúng ta phải thắng. Chúng ta còn quá yếu để thắng lợi. Điều quan trọng không phải là thắng lợi mà là làm chế độ lung lay và kéo quần chúng về với phong trào. Đó mới là toàn bộ vấn đề. Và nếu nói rằng vì chúng ta không thể thắng chúng ta không nên mở ra một cuộc nổi dậy  – đó là cách nói của những kẻ hèn nhát. Chúng ta không liên quan gì đến bọn hèn nhát.

Điểm ngoặt đến vào ngày 3/12 khi chính quyền bắt các lãnh tụ của  Xô-Viết Petersburg. Dù không được chuẩn bị kỹ càng và không có dấu hiệu có sự ủng hộ của quần chúng, những người Dân chủ Xã hội Moscow tuyên bố một cuộc tổng đình công và bắt đầu phân phát vũ khí cho các công nhân. Gorky tiếp tay vào việc chuẩn bị. Ông biến căn hộ của mình ở Moscow thành nơi chỉ huy của cuộc nổi dậy. Ăn mặc áo da, chân mang giày bốt ngang đầu gối như quân nhân, ông giám sát hoạt động như một ủy viên Bôn-se-vich. Bom được chế tạo trong phòng làm việc của ông và lương thực được chuẩn bị và được mang từ nhà bếp đến các công nhân và sinh viên ở chướng ngại vật. Toàn thể Moscow biến thành bãi chiến trường,’ ông viết cho nhà xuất bản của mình vào ngày 10/12. ‘Cửa sổ đã mất hết kính. Việc gì xảy ra ở ngoại ô và các nhà máy thì tôi không biết, nhưng từ khắp mọi hướng đều nghe có tiếng súng. Không nghi ngờ gì chính quyền sẽ chiến thắng, nhưng thắng lợi của họ sẽ trả giá đắt và và nó sẽ dạy cho quần chúng một bài học tuyệt vời. Rất đáng giá. Hôm nay chúng tôi thấy có 300 sĩ quan bị thương đi qua cửa sổ nhà chúng tôi. Một người trong bọn đã chết.

Mỉa may thay, chỉ cần thêm một chút chiến lược cho kế hoạch, người nổi dậy có thể đã chiếm được Moscow, mặc dù cuối cùng, thiếu hậu thuẫn quốc gia và những cuộc nổi dậy của quân đội đã sụp đổ, chính quyền sẽ chắc chắn toàn thắng. Vào 12/12 dân quân khởi nghĩa đã chiếm được quyền kiểm soát tất cả ga tàu hoả và vài quận trong thành phố. Các chướng ngại vật được dựng lên trong các phố chính. Sinh viên và các công dân ăn mặc bảnh bao, nóng máu khi thấy dàn pháo bố trí chống lại các công nhân và đám đông không vũ trang, bèn nhào vô xây dựng chướng ngại vật bằng các cột điện thoại, hàng rào gãy, cửa sắt, xe điện lật đổ, cột đèn, kệ hàng, cửa cái giật ra từ nhà, và bất cứ thứ gì có trong tay. Những gì thoạt đầu là một cuộc đình công của tầng lớp lao động giờ đã biến thành một trận chiến đường phố toàn diện. Cảnh sát và binh lính đã tháo dỡ các chướng ngại vật vào ban đêm, thì sáng hôm sau đã thấy chúng được xây dựng lại. Vòng ngoài cùng của các đại lộ bao quanh trung tâm Moscow đã trở thành một bãi chiến trường rộng lớn, với binh lính và pháo tập trung ở những quảng trường chính và quân nổi dậy kiểm soát hầu hết các con phố còn lại. Ngay lúc này, nếu họ đánh vào Kremlin, lực lượng khởi nghĩa có thể đã thắng lợi. Nhưng kế hoạch của họ phần lớn bị chi phối bởi những mục tiêu của chính các công nhân, chỉ muốn tập trung vào việc phòng thủ các cứ điểm của người nổi dậy. Tại quận Presnia, chẳng hạn, trung tâm kỹ nghệ dệt may và khu vực của những công nhân hiếu chiến nhất, không ai nghĩ đến việc tiến vào trung tâm. Thay vào đó, quân khởi nghĩa chỉ biến Presnia thành cộng hoà công nhân, với cảnh sát riêng và hội đồng cách mạng riêng, mà về nhiều phương diện như báo trước một hệ thống tương lai của các Xô-Viết.

Vào ngày 15/12 sóng đã đổi chiều chống lại lực lượng khởi nghĩa. Quân tiếp viện chính phủ cuối cùng từ St Petersburg đã đến, Trung đoàn Semenovsky, và bắt đầu pháo kích các quận ở Presnia, nã pháo vô tội vạ vào các tòa nhà. Xưởng dệt Prokhorov và nhà máy Schmidt, nhờ chủ nhân là người cánh Tả, đã được biến thành pháo đài của quân nổi dậy ở Presnia, bị pháo kích hai ngày đêm, cho dù Schmidt đã sẵn sàng thương lượng đầu hàng. Hầu hết khu vực Presnia bị tàn phá. Lửa thiêu rụi nhà cửa không đàn áp được. Sau khi cuộc nổi dậy đã bị dập tắt, hơn 1,000 người đã bị giết chết, hầu hết là dân thường bị lạc giữa hai làn đạn hoặc bị thiêu sống trong các tòa nhà bốc cháy.Trong những tuần sau đó chính quyền phát động một cuộc lùng sục với việc bắt bớ hàng loạt và hành quyết không xét xử. Các con cái của công nhân bị gom lại tại các chướng ngại vật và bị cảnh sát đánh đập để ‘dạy cho chúng một bài học’. Nhà giam đầy ắp người, các công nhân tham gia bị đuổi việc, và các đảng xã hội bắt buộc phải hoạt động chui. Dần dần, qua cơn khủng bố, trật tự được phục hồi.

Cuộc khởi nghĩa Moscow thất bại trong việc giơ cao ngọn cờ cách mạng xã hội, nhưng nó có tác dụng như một tấm vải đỏ nhử con bò mộng phản-cách mạng. Witte bảo với Polovtsov vào tháng 4 1906 rằng sau vụ dập tắt thành công cuộc nổi dậy Moscow ông ta mất hét ảnh hưởng đối với Sa Hoàng và, mặc dù trước sự phản kháng của ông, Durnovo được cho phép  ‘tiến hành một loạt các biện pháp truy bức tàn bạo quá mức , và hoàn toàn không được biện minh.’ Trên khắp xứ các người xã hội chủ nghĩa bị bố ráp và tống vào tù, hoặc bị cho đi lưu đày hoặc buộc phải lui về vòng bi mật. Semen Kanatchikov, người đóng vai trò cầm đầu trong các tổ chức cách mạng Bôn-se-vich ở Moscow và Petrograd trong năm 1905, bị bắt và tống giam không ít hơn ba lần giữa 1906 và 1910, và bị kêu án lưu đày chung thân ở Siberia.

Tự do mà các đảng xã hội chủ nghĩa vừa giành được giờ bị đánh mất khi chế độ cảnh sát được tái lập. Giữa 1906 và 1909 hơn 5,000 ‘người làm chính trị’ bị kết án tử, và 38,000 người nữa hoặc bị tù hoặc bị phạt khổ sai. Trong miền Baltic các đơn vị quân đội trừng giới đi khắp các thị trấn và làng mạc. Trong chiến dịch 6 tháng khủng bố bắt đầu vào tháng 12, họ hành quyết 1,200 người, phá hủy hàng vạn ngôi nhà, và phạt roi hàng ngàn công nhân và nông dân. Sa Hoàng hớn hở trước thành công của chiến dịch và khen ngợi các sĩ quan chỉ huy vì ‘hành động tuyệt vời’. Trong những vùng có nông dân nổi dậy toàn bộ làng mạc đều bị quân đội tàn phá và hàng ngàn nông dân bị cầm tù. Khi nhà giam ở quê không còn đủ chỗ, lệnh được ban ra bắn bỏ hết các nông dân có tội để khỏi giam giữ. ‘Chỉ bắt bớ sẽ không giải quyết được mục tiêu của chúng ta,’ Durnovo viết cho các thống đốc tỉnh vào tháng 12. ‘Không thể xét xử hàng trăm ngàn người. Tôi đề nghị bắn bọn nổi loạn và trong trường hợp chúng kháng cự hãy đốt nhà chúng.’ Chế độ muốn đập nát tinh thần của nông dân bằng cách lăng nhục và đánh đập chúng cho đến khi khuất phục. Toàn bộ cộng đồng bị bắt phải lột mũ khăn và nằm sấp như những  nông nô trước mặt bọn Cô-giắc. Sĩ quan tra khảo sau đó cởi ngựa qua làng, quất roi lên lưng họ bất cứ khi nào họ trả lời không vừa ý chúng, cho đến họ khai ra người cầm đầu cuộc nổi dậy để hành quyết ngay tại chỗ không cần xét xử. Nốc vodka không dứt, bọn Cô-giắc phạm những hành vi tàn bạo khủng khiếp chống lão nông dân. Đàn bà và con gái bị hiếp dâm trước mặt người thân. Hàng trăm nông dân bị treo cổ mà không cần chứng cứ xét xử. Xét chung người ta ước tính chế độ sa hoàng hành quyết  đến 15,000 người, giết chết hoặc gây thương tích cho ít nhất 20,000 người và biệt xứ hoặc lưu đày 45,000 người từ giữa tháng 10 đến thời điểm mở ra Duma Quốc gia đầu tiên vào tháng 4 1906. Nó khó lòng là bước khởi đầu hứa hẹn cho trật tự nghị viện mới.

Trong thời gian trấn áp cuộc khởi nghĩa Moscow căn hộ của Gorky bị bọn Black Hundreds bố ráp và ông buộc phải trốn trong vòng bí mật ở Phần Lan. ‘Tôi ở gần một thác nước, sâu trong rừng trên bờ hồ Saimaa,’ ông viết cho người vợ cách ly của mình Ekaterina vào ngày 6/1. ‘Ở đây rất đẹp, như chốn thần tiên.’ Chính quyền làm đủ mọi cách để bôi nhọ tên tuổi ông. Thậm chí Witte chi tiền cho một thông tín viên viết bài báo trên tờ London Daily Telegraph vu khống ông là một người bài Do Thái. Không có gì sai sự thật hơn. Gorky khinh bỉ chủ nghĩa bài Do Thái phố biến, coi đó là một triệu chứng căn bệnh lạc hậu của nước Nga.

Vào mùa xuân 1906 Gorky lên đường sang Mỹ với người vợ không chính thức của mình, kịch sĩ Marya Andreeva. Lúc đầu ông được đón tiếp niềm nở trên miền đất tự do như một người hùng của cuộc đấu tranh chống vương quyền độc tài. Đối với người Mỹ, cũng như với người Pháp, Gorky xuất hiện như một phiên bản hiện đại của các anh hùng cộng hòa của họ. Đám đông chào đón ông khi tàu cập bến ở New York và Mark Twain đọc diễn văn trong một buổi chiêu đãi ông. Nhưng cánh tay của cảnh sát Sa Hoàng vươn ra rất dài, và khi báo chí Mỹ được thông tin là người phụ nữ tháp tùng ông không phải là vợ ông công luận rất phẫn nộ. Báo chí kết án Gorky truyền bá sự dâm ô vào Vùng đất của người Chính trực. Twain từ chối tiếp tục đồng hành cùng ông, và nhóm chống đối giận dữ ngăn không cho ông phát biểu nữa. Trở về khách sạn, Gorky và Andreeva phát giác là hành lý của mình đã được mang xuống sảnh chờ . Người quản lý cho biết khách sạn không thể hủy hoại tiếng tăm mà mình đã có nếu cho phép ông ở lại dù chỉ một đêm nữa. Không có khách sạn nào khác ở Manhattan chịu nhận cặp đôi vô luân và họ buộc phải trú ngụ trong nhà gia đình Martin, một cặp vợ chồng phóng khoáng ở Đảo System.

* * *

 Bài học của 1905 là gì? Mặc dù chế độ sa hoàng đã lung lay, nó vẫn chưa sụp đổ. Nguyên nhân là khá rõ ràng. Thứ nhất, những phong trào chống đối khác nhau  – dân chúng thành thị và công nhân, cuộc  cách mạng nông dân và các vụ nổi dậy trong các đơn vị quân đội, và các phong trào độc lập dân tộc – tất cả đều theo nhịp điệu rời rạc của riêng mình và thất bại trong việc phối hợp chính trị. Điều này sẽ khác vào tháng 2 1917. Thứ hai, các lực lượng quân đội vẫn còn trung thành, chỉ có một bộ phận nhỏ nổi loạn. Thứ ba, tiếp sau thắng lợi tháng 10 có một sự chia rẽ không tránh được giữa một bên  là những người cấp tiến và dân chủ vốn chủ yếu quan tâm đến cải cách chính trị, còn người xã hội thì muốn thúc đẩy cách mạng xã hội. Bằng cách ban hành Tuyên Cáo tháng 10 chế độ sa hoàng đã chặn một cái nêm giữa người cấp tiến và người xã hội chủ nghĩa. Không bao giờ quần chúng Nga sẽ hậu thuẫn phong trào dân chủ lập hiến thêm một lần nào nữa như trong 1905.

‘Bọn phản động thắng lợi – nhưng thắng lợi ấy không thể kéo dài,’ Gorly viết cho một người bạn trước khi khởi hành đi New York. Mặc dù chế độ thành công trong việc tái lập trật tự, nó khó lòng hi vọng quay ngược kim đồng hồ. 1905 thay đổi xã hội mãi mãi. Nó là một trải nghiệm trưởng thành đối với bất cứ ai trải nghiệm nó. Nhiều đồng chí trẻ của 1905 là người trưởng thành của 1917. Họ cảm hứng vì những ký ức và khôn ra từ những bài học của nó. Nhà văn Boris Paternak (1890-1960) tóm lược sự trọng đại của thời đại mình trong bài thơ ‘1905’:

 

Đêm nay súng đạn,

Đưa ta vào giấc ngủ

Sau một cuộc đình công.

Đêm nay –

Là tuổi thơ của chúng ta

Và là tuổi trẻ của người thầy chúng ta.

 

Nhân dân Nga – và nhiều dân tộc không-Nga – giành được những quyền tự do chính trị mới trong năm 1905 và chúng không thể đương nhiên bị rút lại khi chế độ đã nắm lại quyền lực. Sự nở rộ của báo chí và tập san, sự triệu tập viện Duma, việc thành lập các đảng phái chính trị và sự phát triển của các định chế quần chúng  – tất cả những điều này bảo đảm rằng chính trị không còn là độc quyền của nhà nước mà phải được bàn luận công khai cho dù nếu đòn bẩy thực sự của quyền lực vẫn còn nằm vững chắc trong tay của Sa Hoàng.

Một khi họ đã nếm được mùi vị mới mẻ này của tự do, quần chúng nhân dân không thể đặt lòng tin vào Sa Hoàng lần nữa. Chỉ còn một mình nỗi sợ hãi là giữ được họ ở yên.

Không chỉ  sự thay đổi của tâm trạng dân chúng đã loại trừ được sự trở lại của trật tự trước cách mạng. Rất nhiều định chế của chế độ không còn muốn phô trương quyền lực nữa. Ngay cả nhà tù, biện pháp cuối cùng của chế độ, giờ cũng bị lây nhiễm tinh thần cấp tiến mới. Vào mùa thu  1905, khi Miliukov, lãnh tụ đảng Kadet, bị tống giam vào ngục Kresty, ông thấy rằng ngay cả giám đốc nhà tù còn ‘biểu lộ những thái độ rất cấp tiến. Y cho tôi làm quen với hệ thống khám đường và bàn bạc với tôi cách thức tổ chức lao động cho tù nhân, giải trí và điều hành thư viện nhà tù.’ Trotsky thấy chế độ lao tù ở Pháo đài Peter và Paul cũng khoan dung không kém:

Ban ngày xà lim không khóa cửa, và chúng tôi có thể đi dạo cùng nhau. Mỗi lần hàng giờ liền chúng tôi có thể khoái trá chơi trò nhảy cóc. Bà xã đến thăm tôi mỗi tuần hai lần. Các giám thị nháy mắt khi chúng tôi trao đối thư từ và bản thảo. Một người trong nhóm trạc  trung niên, đặc biệt lịch sự với chúng tôi. Theo lời yêu cầu của y tôi tặng y một bản sách với hình của tôi và lời đề tặng. ‘Các con gái của tôi đều là sinh viên đại học,’ y thì thầm một cách vui vẻ, khi y nháy mắt bí ẩn với tôi. Sau này tôi gặp lại y dưới chế độ Xô-Viết, và giúp y được gì có thể trong những năm đói kém đó.

 Những cai tù của ông trong nhà tù an ninh bậc nhất này cho phép ông nhận những luận văn mới nhất về xã hội, cùng một chồng tiểu thuyết Pháp và Đức, mà ông thưởng thức  với ‘cùng nỗi vui thú thể xác mà một người sành điệu thưởng thức hương vị rượu vang hảo hạng hay hít sâu một hơi xì gà thơm ngon’.  Ông thậm chí xoay sở  viết được cuốn lịch sử Xô-Viết Petersburg và vài tập sách tuyên truyền cách mạng trong thời gian ở tù. ‘Tôi thấy thật tuyệt,’ ông thường đùa với bạn viếng thăm. ‘Tôi ngồi làm việc và cảm thấy hoàn toàn yên tâm không sợ bị bắt.’ Ông rời Pháo đài’, ông sau đó nhớ lại, ‘với một chút hối tiếc’. Có một tấm ảnh chụp Trotsky trong xà lim. Mặc áo vét đen, sơ mi trắng cổ cứng và mang giày bóng lưỡng, trông nó như, theo lời của Isaac Deutschet, ‘một trí thức Tây phương cuối thế kỷ, sắp sửa đi dự một buổi tiếp chính thức nào đó, hơn là . . . nhà cách mạng đang đợi bị xét xử trong Pháo đài Peter và Paul. Chỉ có bức tường ảm đạm trơ trọi và cái lỗ nhắm trên cửa mới gợi ý đến tình cảnh thực tế của bức ảnh.’

Với tính cách hay khoa trương cố hữu Trotsky biến phiên tòa xử 51 nhà lãnh tụ Xô-Viết thành một buổi biểu diễn tuyên truyền xuất sắc chống lại chế độ sa hoàng. Phiên tòa bắt đầu vào tháng 10 1906. Mỗi ngày tòa án đều bị bao vây bởi những đơn thỉnh nguyện, thư từ, hộp thực phẩm và hoa do những fan của bị can gởi đến. Phòng xử bắt đầu giống một cửa hàng bán hoa. Bị can và những người ủng hộ trong phòng xử gài hoa trên áo khiến phòng xử rực rỡ hẳn lên. Quan tòa không có can đảm dời đi các vòng hoa còn các nhân viên tòa án bối rối trước sự trở ngại gây ra do các vòng hoa giao đến. Tại một thời điểm các bị cáo đứng lên im lặng mặc niệm cho một đồng chí vừa bị hành quyết. Thậm chí các thầy kiện cũng buộc lòng phải đứng yên một phút.

Trotsky được gọi lên để nói lời biện hộ. Ông biến vành móng ngựa thành diễn đàn cách mạng, giảng cho tòa về tính công lý của cuộc khởi nghĩa công nhân và thỉnh thoảng chỉ ngón tay kết án về phía quan tòa ngồi đàng sau ông. Bài nói chuyện của ông đã quay ngược vụ kiện: các lãnh tụ Xô-Viết không dẫn các công nhân đi sai đường đến cuộc khởi nghĩa mà chính họ đi theo công nhân khởi nghĩa; nếu họ có tội phản quốc thì hàng ngàn người công nhân cũng có tội và phải được đem ra xét xử. Trật tự chính trị mà họ đứng lên chống lại không phải là một ‘hình thức chính quyền’, Trotsky lập luận, nhưng là một ‘bộ máy giết người tập thể . . . Và nếu các ông bảo với tôi rằng những vụ bức hại người Do Thái, những vụ phóng hỏa và bạo lực . . .là đại diện cho hình thức của Đế chế Nga, thế thì, vâng tôi nhìn nhận, cùng với bên nguyên cáo, là vào tháng 10 và 11 chúng tôi đã tự vũ trang chống lại hình thức chính quyền đó của Đế chế Nga.’ Khi ông bước xuống vành móng ngựa cảm xúc vỡ oà. Các luật sư bào chữa chen chúc quanh ông muốn bắt tay với ông.* Họ đã đạt được một thắng lợi đạo lý. Vào ngày 2/11 ban bồi thẩm đưa ra lời tuyên án: tất cả trừ 15 người lãnh tụ Xô-Viết được trắng án. Nhưng Trotsky và 14 người khác bị lưu đày đến Vòng Bắc cực.

* Trong số họ, mỉa mai thay, là A. A. Zarudng, người mà vào năm 1917, với chức Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Kerenky, sẽ bỏ tù Trotsky vì tội phản quốc.

 

Đối với công nông những tự do chính trị mới mẻ này không có nhiều  lợi ích thiết thực. Không có yêu sách riêng nào về cải cách xã hội  của họ được thoả mãn. Kinh nghiệm 1905 dạy  họ nhìn đến cách mạng xã hội chứ không đi theo sau sự dẫn dắt chính trị của bọn người cấp tiến. Sự vỡ mộng của họ càng sâu sắc hơn với những thất bại của những năm Duma. Có một rạn nứt lớn dần, được bày lộ ra do sự phân cực của phong trào chống đối sau Tuyên Cáo Tháng 10, giữa những lý tưởng lập hiến của tầng lớp có tài sản  cấp tiến và sự bất bình kinh-xã của quần chúng công nông : một sự tách ra tổng quát về đường lối  giữa cách mạng xã hội và cách mạng chính trị.

Công nhân trở lại nhà máy của họ để thấy rằng chế độ lao động cũ vẫn còn đó. Đã cho các ông chủ chạy dài trong một thời gian ngắn, nhưng điều kiện làm việc ắt hẳn còn tàn nhẫn hơn trước. Giờ phong trào xã hội bị dẹp bỏ các tổ chức của giai cấp lao động bị bao vây và cô lập. Tuy vậy số các công nhân được chính trị hoá sẵn sàng và ước muốn gia nhập tăng lên mỗi tháng.

Về phần mình, các nông dân bị thất vọng chứ không bị đánh bại trong cuộc đấu tranh giành đất của điền chủ. Khi các quí tộc trở lại điền trang của mình, họ nhận ra sự thay đổi trong tâm trạng của nông dân. Sự tôn trọng khi xưa đã nhường chỗ cho sự thô lỗ sống sượng trong cách cư xử đối với chủ của mình. Trong ánh mắt của họ ẩn giấu mối thù hận được kìm nén. Một chủ đất nhận xét khi trở về cơ ngơi ở Tula vào năm 1908:

Bên ngoài mọi sự hình như trở lại  bình thường. Nhưng một cái gì đó tính túy, một cái gì đó không thể sửa chữa lại được đã xảy ra bên trong con người họ. Một cảm giác mơ hồ của nỗi sợ hãi đã phá vỡ mọi sự tin cậy. Sau một đời người sống trong an toàn – không ai khóa cửa vào chiều tối – các nhà quí tộc đã bắt đầu trang bị súng đạn và bản thân đã nổ vài loạt đạn để kiểm tra.

Nhiều người quí tộc phàn nàn về sự gia tăng hình tội của nông dân, hành động đập phá và thói côn đồ. Họ  tìm thấy các nông trang và máy nông cụ của mình đã bị đập nát, và phải giải quyết tình trạng các cô con gái bất hạnh bị  dân làng quấy nhiễu. Sự khẳng định mang tính hung hăng và sự bất tuân đối với giới quí tộc được phản ánh trong các bài hát ở quê như bài hát này trong năm 1912:

Ban đêm tôi khệnh khạng đi phượt

Đố bọn giàu có dám ngán đường

Đứa nào thử bướng

Tao sẽ ra tay vặn họng luôn.

 Cách mạng phơi bày trắng trợn mối hận thù sâu đậm đối với giới quí tộc địa chủ. Họ bất mãn phải trả lại đất mà họ đã chiếm được ngắn ngủi trong ‘những ngày tự do’. Qua những ánh mắt căm hờn và hành động phá hoại nhỏ nhặt  họ muốn cho các quí tộc hiểu rằng đất đai là của họ và ngay khi chế độ yếu đi một lần nữa họ sẽ chiếm một lần nữa.

Các quí tộc điền chủ tỉnh lỵ, nhiều người trong số đó hậu thuẫn phong trào cải cách cấp tiến trong năm 1904-5, giờ phần đông trở nên người ủng hộ thụ động hoặc kiên quyết bọn phản động. Nhiều người sợ bạo lực của nông dân nên bán điền trang để chuyển về thành phố sống: giữa 1906 và 1914 giới địa chủ bán một phần năm điền sản ; và trong những vùng nổi dậy nhiều nhất trong 1905-6 tỉ lệ lên đến một phần ba. Nhưng đa số những người ở lại giữ đất đều tỏ ra kiên quyết bảo vệ tài sản của mình. Họ ồn ào  kêu gọi phục hồi luật pháp và trật tự. Một số điền chủ địa phương thuê mướn quân đội riêng để bảo vệ tài sản khỏi bị cướp phá hoặc phóng hỏa. Nhiều người gia nhập các tổ chức của địa chủ  được thành lập sau 1905. Phản ứng của các quí tộc địa phương phản ánh trong bản chất thay đổi của các zemstvo, đang biến chuyển từ các định chế cấp tiến sang thành các cột trụ của chủ nghĩa bảo thủ. Trước đây các zemstvo nhắm đến việc nâng cao cuộc sống cho nông dân, giờ đây sau 1905 họ càng ngày càng tập trung vào mối quan tâm hạn hẹp nhất của giới điền chủ. Thậm chí Hoàng thân Lvov có đầu óc cấp tiến cũng bị thất cử vào ban điều hành cấp tỉnh của zemstvo Tula trong mùa đông 1905-6, và phải dừng chân lần nữa ở đại biểu thành phố.

Các quí tộc không phải là các quí ông duy nhất e sợ giai cấp thấp hơn. Tầng lớp có tài sản nói chung đã bắt buộc phải đương đầu với thực tế đáng sợ của một cuộc cách mạng dữ dội, và viễn cảnh nó sẽ bùng nổ lần nữa – chắc chắn còn dữ dội hơn nữa – khiến họ đâm ra hoảng hốt. Cuộc cách mạng lần sau, ắt đã rõ, không thể là một cuộc ăn mừng không máu me của Tự do, Huynh đệ và Bình đẳng. Nó sẽ đến như một cơn bão táp khủng khiếp, một cơn bùng nổ dữ dội của lòng căm phẫn và hận thù bị đè nén từ những thân phận bần cùng, sẽ quét đi nền văn minh xưa cũ.

Đây là cái nhìn đáng sợ của các thi sĩ như Blok và Belyi, những người mô tả nước Nga sau 1905 như một hoả diệm sơn không ổn định và còn hoạt động.

Những mối sợ hãi như thế phản ánh trong tâm trạng đen tối của tầng lớp tư sản đối với quần chúng sau 1905. Thay vì quan điểm tử tế trước kia về dân nghèo đô thị xứng đáng nhận được lòng trắc ẩn, giờ là nổi e sợ tăng dần của ‘bầy đàn hàng ngàn người’ như cách nói của Belyi. Báo chí và tập san thượng lưu này đăng đầy tình trạng hoảng loạn đạo lý trong giới tư sản và những bài xã luận về tính trạng xuống cấp của trật tự xã hội, tình trạng phạm tội và hư hỏng trong trẻ vị thành niên, hành vi bạo lực đối với người giàu có, bất tuân luật pháp, và thậm chí tình trạng phóng đãng trong giai cấp lao động. Giờ trong tâm trí của các tầng lớp đáng kính  không còn có thể phân biệt rõ ràng giữa thói côn đồ bạo lực với sự chống đối quyết liệt nhưng biện minh được. Cách mạng 1905 giờ đây bị kết án là một hình thức ‘điên cuồng’, một ‘dịch bệnh tâm thần’, nói theo lời của một nhà tâm lý học, chỉ khuấy động những ‘bản năng thấp hèn’ của đám đông. Việc giảm sút lòng trắc ẩn của giới tư sản đối với dân nghèo phản ánh trong sự sụt giảm tiền đóng góp từ thiện của họ .

Như E. N. Trubetskoi cảnh báo trong tháng 11:

Làn sóng vô chính phủ đang tiến đến từ mọi phía, và rằng ngày lúc này đang đe doạ chính quyền hợp pháp, sẽ nhanh chóng quét đi bắt kỳ chính quyền cách mạng nào: các đám đông cay đắng rồi sẽ quay ra chống lại những thủ phạm thực sự hoặc bị gán cho ; họ sẽ tìm cách hủy diệt toàn bộ tầng lớp trí thức; họ sẽ tàn sát vô tội vạ những ai ăn mặc y phục Đức (tức bảnh bao).

Hầu hết thành viên Kadet, vốn là những tư sản, giờ đi đến kết luận là mình không muốn cách mạng nào nữa. Họ đủ thông minh để nhận ra rằng chính họ sẽ là nạn nhân tiếp theo. Tại đại hội lần hai vào tháng hai 1906 Đảng Kadet kết án những cuộc đình công, cuộc khởi nghĩa ở Moscow và những vụ cướp đất vào mùa thu trước. Rồi nó thở phào nhẹ nhõm: cuộc hôn nhân vô luân với cách mạng cuối cùng đã đi đến  kết thúc.

Việc quay đi khỏi đám đông quần chúng không ở đâu rõ ràng hơn trong giới trí thức. Nhiều người đã vỡ mộng và ly khai chính trị để lo vun đắp sự nghiệp trong ngành luật hoặc doanh nghiệp. Họ khấm khá ra và lên cân, mãn nguyện, và nhìn lại những ngày còn là sinh viên cánh tả với chút bối rối. Những người khác từ bỏ việc luận bàn chính trị để theo đuổi nghệ thuật, lối sống Bô-hê-miên, thảo luận về ngôn ngữ và tình dục, hoặc triết học thần bí, bí truyền. Thậm chí Gorky, người chiến sĩ tự phong bảo vệ dân chúng, cũng diễn tả mối quan ngại một cách bức xúc. ‘Bạn đúng 666 lần,’ ông viết cho một bạn văn vào tháng 7 1905, ‘cách mạng đang khai sinh những tên man rợ’ thứ thiệt, giống như bọn man rợ đã tàn phá La Mã.’ Từ lúc này trở đi, Gorky dằn vặt bởi nỗi sợ hãi – và sau năm 1917 bởi sự nhận biết khủng khiếp – rằng ‘cách mạng của nhân dân’, lý tưởng mà ông tranh đấu suốt đời sẽ phá hủy văn minh nước Nga.

Trong một bài tiểu luận Struve lên án giới trí thức đã không nhận ra nhu cầu hợp tác với nhà nước để  xây dựng một trật tự hợp pháp sau Tuyên Cáo tháng 10. Cho đến khi giới trí thức từ bỏ thói quen chống đối có tính cách mạng và thay vào đó dạy cho quần chúng tính tôn trọng luật pháp, thì nhà nước sa hoàng mới duy trì được chức năng là người bảo vệ thực sự duy nhất chống lại mối đe đọa của tình trạng vô chính phủ. B. A. Kistiakovsky lên án khuynh hướng của người trí thức cực đoan là từ bỏ tính ‘hình thức’ của luật pháp xem nó thấp kém so với công lý nội tại của ‘nhân dân’. Luật pháp, ông lập luận, là một giá trị tuyệt đối, cái bảo đảm thực sự duy nhất của tự do, và bất cứ toan tính nào hạ thấp nó dưới những lợi ích của cách mạng đều phải kết thúc bằng sự độc tài. Một nhà tiểu luận khác, A. S. Izgoev, chế giễu chủ nghĩa cánh Tả ấu trĩ của sinh viên, luôn đổ lỗi cho chính quyền mọi thứ độc ác, và chấp nhận những quan điểm cực đoan nhất để ra vẻ ‘cao quí’ hơn. Cuối cùng, M. O. Gershenzon đúc kết lại những nghĩa vụ mà giới trí thức đang gặp nguy hiểm giờ phải đảm đương:

Trí thức nên thôi mơ mộng giải phóng nhân dân – chúng ta nên khiếp sợ nhân dân nhiều hơn tất cả những vụ hành hình do chính quyền thi hành, và đón chào chính quyền này, vốn chỉ mình nó, với lưỡi lê và nhà tù, mới còn có thể bảo vệ chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của đám đông. 

* * *

Cuối cùng thì người Bôn-se-vich là kẻ thắng lợi thực sự trong Cách Mạng 1905. Không phải là qua đó họ trở nên mạnh hơn, mà trên nhiều phương diện họ tổn thất nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh chính của họ trong thời kỳ áp bức sau 1905; và nếu không nhờ sự hậu thuẫn tài chính từ những mạnh thường quân giàu có như Gorky họ có thể không sống nổi 12 năm tiếp theo. Một ít cởi mở còn lại cho báo chí xã hội và nghiệp đoàn được người Men-se-vich khai thác. Bộ phận hữu khuynh thống trị của nó (cái gọi là Người Thanh Toán) ngừng mọi hoạt động ngầm để tập trung vào việc phát triển các tổ chức hợp pháp. Vào năm 1910 không có một tờ báo bí mật nào còn được in ấn ở Nga. Trong số 10,000 đảng viên Dân chủ Xã hội còn ở trong xứ, không đến 10 phần trăm là người Bôn-se-vich. Những vụ bắt bớ hàng loạt, các lãnh tụ bị đày và sự giám sát thường xuyên của cảnh sát khiến số Bôn-se-vich chỉ còn là một bộ phận nhỏ sống chui rúc trong vòng bí mật. Sự xâm nhập của Okhrana (Cơ quan Mật vụ) vào đảng của họ quá sâu đến nỗi một vài đảng viên tin cậy nhất của Lênin hóa ra là những đặc vụ cảnh sát, trong đó có cả hai bí thư của Đảng bộ Petersburg và người đứng đầu bộ phận Bôn-se-vich trong Duma thứ Tư, Roman Malinovdky.

Bôn-se-vich cũng không tránh khỏi nạn chia rẽ nội bộ làm tê liệt tất cả đảng xã hội sau 1905, mặc dù có huyền thoại Xô-Viết (và chống Xô-Viết) về một đảng thống nhất dưới sự lãnh đạo của Lênin. Cũng như với phe Men-se-vich và SR, sự tranh cãi sôi nổi nhất trong số những người Bôn-se-vich liên quan đến việc sử dụng những phương thức hợp pháp và bất hợp pháp. Tất cả người Bôn-se-vich đều nhất trí ưu tiên cho hoạt động bí mật. Nhưng một số, như Lenin, cũng muốn tận dụng những kênh hợp pháp có sẵn, như viện Duma và các nghiệp đoàn, như một ‘tiền tuyến’ cho sự vận động quần chúng của họ; trong khi những người khác, như Bogdamov, người đồng sáng lập Bôn-se-vich với Lênin, lập luận rằng việc này chỉ khuyến khích công nhân tin vào ‘ảo tưởng lập hiến’. Sự xung đột còn liên quan đến hai vấn đề khác: sử dụng ‘việc xung công’ gây tranh cãi của Bôn-se-vich (nói cách khác cướp nhà băng) để tài trợ cho các hoạt động của họ; và mong mỏi của nhiều người Bôn-se-vich, nhất là trong số hàng ngũ cấp thấp, hai phe Dân chủ Xã hội sẽ san bằng những khác biệt và đoàn kết lại.

Vậy mà những hệ lụy của 1905 còn chia rẽ Men-se-vich và Bôn-se-vich thậm chí còn gay gắt hơn Đại hội Đảng năm 1903. Chỉ sau 1905 hai cánh cạnh tranh của phong trào Dân chủ Xã hội mới tách ra hẳn làm hai đảng riêng biệt, mỗi đảng với văn hóa chính trị riêng, hệ đạo lý riêng, triết lý và phương pháp riêng. Sự chuyển dịch chiến thuật của Lênin đã tạo ra sự khác biệt. Học thuyết cơ bản của triết lý chính trị Bôn-se-vich đã được hình thành vào năm 1903, những chỉ sau 1905, khi Lênin tiêu hoá những bài học thực tiễn của cuộc cách mạng thất bại, các đặc điểm chiến lược độc đáo của nó bắt đầu xuất hiện.

Như Lênin sau này nhìn nhận, ba điều đã được làm rõ vào năm 1905: sự phá sản của ‘giai cấp tư sản’ và các đảng cấp tiến như một lực lượng cách mạng; tiềm năng cách mạng to lớn của giới nông dân; và năng lực của các phong trào dân tộc ở vùng biên giới để làm yếu đi Để chế một cách chết người. Ông lập luận về một cách thoát ly khỏi giả định Mác-xit chính thống mà hầu hết những người Men-se-vich đều một lòng tin tưởng, rằng một quốc gia lạc hậu như Nga sẽ phải kinh qua một ‘cuộc cách mạng tư sản-dân chủ’, tiếp theo là vài thập niên phát triển tư bản chủ nghĩa, trước khi giai cấp lao động của nó đủ tiến bộ để nắm lấy quyền lực và thiết lập một hệ thống xã hội chủ nghĩa. Lênin tuyên bố không đúng là các công nhân phải đi theo sự dẫn dắt của ‘tư sản’ cấp tiến trong việc lật đổ chế độ Sa Hoàng, vì họ có thể thành lập một chính quyền cách mạng của chính họ trong liên minh với nông dân và các dân tộc thiểu số. Quan niệm tự trị này của giai cấp lao động sẽ trở thành một vũ khí đầy sức mạnh trong tay người Bôn-se-vich. Khi các công nhân làm mới lại các cuộc đình công và đối kháng của mình sau năm 1912 họ quay về càng lúc càng nhiều dưới sự lãnh đạo của người Bôn-sê-vich, mà chủ trương hậu thuẫn cho hành động chiến đấu chống bọn tư sản của đảng ăn khớp với ý thức ngày càng nâng cao của họ về tình đoàn kết giai cấp lao động kể từ sau 1905.

Trotsky tiến lên với một ý tưởng giống như thế trong học thuyết của ông về ‘cách mạng thường trực’ mà ông đã rút ra từ lý thuyết gia Mác-xit Parvus và phát triển từ bài phân tích của ông ta về Cách Mạng 1905, Kết quả và Triển vọng.

Mặc dù còn là một Men-se-vich (tính tự cao ngăn ông không gia nhập đảng của Lênin), học thuyết của Trotsky phù hợp với chủ trương Bôn-se-vich về cách mạng mà ông sẽ kết vào năm 1917 hơn là với dòng chính thống của Men-se-vich, như Plekhanov và Axelrod lên tiếng, nhấn mạnh rằng cách mạng tư sản là tiền đề của chủ nghĩa xã hội thực sự.* Tư sản Nga, Trotsky nói, đã cho thấy là mình không có năng lực lãnh đạo cách mạng dân chủ. Vậy mà chính sự yếu kém này của các tác nhân  chủ nghĩa tư bản sẽ khiến giai cấp lao động có thể tiến hành cách mạng sớm hơn các nước phát triển  phương Tây. Đây là nghịch lý lịch sử  được nâng lên mức độ chiến lược. Trước tiên, cách mạng Nga phải tranh thủ sự hậu thuẫn của nông dân, vốn chiếm đại đa số dân số, bằng cách cho phép họ chiếm lấy các điền trang của quí tộc địa chủ. Nhưng khi cách mạng tiến về hướng chủ nghĩa xã hội, và sự đối kháng của giới nông dân ‘tiểu-tư sản’ tăng lên, sự phát triển tiếp theo sẽ tùy thuộc vào mức độ lan rộng cách mạng đến với các nước kỹ nghệ Tây phương mà nếu không có sự hậu thuẫn của họ trật tự xã hội chủ nghĩa sẽ không thể bền vững. ‘Công nhân Thế giới Đoàn kết lại!’

Trong khía cạnh này của học thuyết ông – và chỉ trong một mình khía cạnh này – Trotsky vẫn còn là một Men-se-vich. Bởi vì điều duy nhất đoàn kết tất cả những khuynh hướng khác nhau của cương lĩnh Men-se-vich sau năm 1905 là niềm tin rằng thiếu vắng cách mạng xã hội chủ nghĩa Tây phương cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp lao động Nga sẽ phải thất bại nếu không có sự hậu thuẫn, hoặc ít nhất sự trung lập, của giới tư sản. Điều này, theo quan điểm của Men-se-vich, đòi hỏi một cách tiếp cận mềm dẻo đối với các đảng cấp tiến sau 1905; chính trong lợi ích chung này để mở chiến dịch dỡ bỏ nhà nước độc tài và thành lập nền uylldân chủ. Những năm trong đó Duma hoạt động sẽ có tác dụng như một phép thử cuối cùng cho cuộc thử nghiệm này trong cải cách xã hội.

* F. I. Dan và  E. I. Martynov cũng đã ly khai với quan điểm cũ này của Men-se-vich (có nguồn gốc từ thập niên 1880). Học thuyết của họ về ‘cách mạng không đứt đoạn’, mà họ phát triển trong tờ báo Nachalo trong mùa thu 1905, khác chút ít với học thuyết ‘cách mạng thường trực’.

 

6 NHỮNG HI VỌNG CUỐI CÙNG

i Nghị Viện và Nông Dân

Viện Duma Quốc gia cuối cùng khai mạc vào ngày 27/4/1906. Đó là một ngày nóng đầy nắng, bất thường trong mùa xuân nước Nga, và với đôi chút khó chịu Vladimir Obolensky, đại biểu được bầu chọn khu vực Yalta, ép mình vào chiếc áo đuôi tôm cũ và khởi hành bằng xe ngựa trực chỉ Cung điện Mùa Đông, nơi những nghị viên mới được tiếp đón trong Sảnh Đăng Quang. Sa Hoàng và các đại biểu Duma nhìn nhau với vẻ ngờ vực không che đậy, hai bên đều phải miễn cưỡng chia sẻ quyền lực của mình cho đối phương. Vì tất cả nét hoa lệ và nghi thức, cử chỉ cúi đầu và quì gối, đều thực ra là những thủ thuật thực sự tinh tế để ngụy trang.

Nicholas đã ghi điểm thắng đầu tiên khi bắt các đại biểu đến yết kiến ông, chứ không phải ông đến Duma, để làm lễ khai mạc. Thật ra chỉ đến tháng hai 1916, giữa cơn khủng hoảng chính trị trầm trọng, Sa Hoàng mới cuối cùng hạ cố đến xuất hiện ở Điện Tauride, nơi họp của Duma. Và như thể để nhấn mạnh ưu thế của mình, Sảnh Đăng Quang trong Cung điện Mùa Đông được trang hoàng lộng lẫy để đón tiếp các đại biểu nghị viện. Ngai vàng được phủ bằng bộ da chồn với vương miện, thiền trượng, ấn tín và quả cầu cắm thánh giá được đặt dưới chân trên bốn ghế xếp nhỏ. Tượng Christ huyền nhiệm được đặt trước ngai vàng, như một vật bảo hộ thiêng liêng, và được long trọng bảo vệ bởi một đoàn tùy tùng các giáo sĩ chức sắc. Giọng trầm vang của dàn hợp xướng, trong trang phục áo choàng màu đỏ tía và vàng, cất tiếng hát đi hát lại câu ‘Chúa Phù Hộ Sa Hoàng’, như thể có mục đích giữ cho quan khách tiếp tục đứng, cho đến khi, ở cao điểm của hồi kèn giục giã, đoàn hoàng gia bước vào.

Một bên khán phòng là nơi đứng của giới quí tộc chuyên chế Nga: các cố vấn nhà nước, thượng nghị sĩ, bộ trưởng, đô đốc, tướng quân và các thành viên triều đình, tất cả đều xuất hiện trong các bộ lễ phục lộng lẫy trĩu nặng huy chương và nếp vàng. Đối diện họ ở phía kia sảnh là các lãnh tụ nghị viện của nước Nga dân chủ mới, một tập hợp tạp sắc những nông dân trong sơ mi và quần vải bông, những chuyên viên trong bộ thường phục, các thầy tu và giáo sĩ trong áo choàng đen, đại biểu các dân tộc Ukraine, Ba Lan, Tatar và những dân tộc khác trong những trang phục dân tộc truyền thống đầy màu sắc của mình, và một số nhỏ các quí tộc trong lễ phục. ‘Hai bên đối thủ đứng đối điện nhau’, Obolensky nhớ lại. ‘Các viên chức triều đình già khú trong bộ đồ xám, người giữ gìn nghi thức và truyền thống, nhìn qua bên kia với dáng điệu hách dịch, mặc dù không ít e dè và bối rối, những ‘đám người của đường phố’, mà cách mạng đã quét vào tận cung điện, và lặng lẽ thì thầm vào tai nhau. Người bên kia thì nhìn qua đây cũng không kém khinh nhờn.’ Một đại biểu xã hội, một người cao to trong bộ bờ lu công nhân, săm soi ngai vàng và các triều thần bu quanh nó với vẻ ghê tởm thấy rõ. Khi Sa Hoàng và đoàn tùy tùng bước vào sảnh đường, ông lắc lư đi tới và nhìn họ chằm chằm với một biểu cảm ngao ngán hiềm khích. Trong một thoáng người ta có cảm giác ông sắp sửa ném một quả bom.

Phía sảnh bọn triều thần đang đứng cất lên tiếng hoan hô vang dội khi Sa Hoàng tiến gần đến ngai vàng. Nhưng bên các đại biểu Duma vẫn im lặng như tờ. ‘Đó là,’ Obolensky nhớ lại, ‘một biểu lộ tự nhiên của chúng tôi đối với vương quyền, người mà trong 12 năm cai trị đã hủy hoại toàn bộ uy danh mà các tiên vương gầy dựng được. ‘ Cảm xúc này đều có ở hai bên: Không một lần Sa Hoàng đưa mắt nhìn về phía bên Duma trong sảnh. Ngồi chễm chệ trên ngai ông phát biểu ngắn gọn và chiếu lệ, hứa sẽ giữ vững các nguyên tắc của chuyên chế ‘với quyết tâm không lay chuyển’ và, với một giọng điệu giả tạo, chào đón các đại biểu Duma như là ‘những con người tài giỏi nhất’ của Đế chế ông.’ Nói xong, ông đứng dậy và rời khán phòng. Thời kỳ nghị viện đã bắt đầu. Khi đám rước hoàng gia đã lũ lượt ra khỏi sảnh, có thể thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt của Mẫu hậu. Thật là một ‘nghi lễ khủng khiếp’, bà sau đó thổ lộ với Bộ trưởng Tài chính. Suốt nhiều ngày bà không thể bình tâm trở lại sau cú sốc khi chứng kiến quá nhiều dân thường bên trong cung điện. ‘Họ nhìn chúng ta như thể nhìn kẻ thù của họ’.

Việc đổi đầu có tính nghi thức này báo trước một trận chiến sẽ đến. Toàn bộ thời kỳ của lịch sử chính trị Nga giữa hai cuộc cách mạng 1905 và 2/1917 có thể được biểu trưng như một trận đánh giữa lực lượng hoàng tộc và nghị viện. Thoạt đầu, khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc khủng hoảng cách mạng, triều đình buộc phải nhượng chỗ cho Duma. Nhưng khi ký ức về 1905 đã qua đi, nó ra sức lấy lại quyền lực và phục hồi chuyên chế cũ.

Các cải cách lập hiến của 1905-6 khá mơ hồ để hai bên có cơ sở để hi vọng. Nicholas đã chưa hề chấp nhận Tuyên Cáo tháng 10 như một hạn chế cần thiết đối với quyền chuyên chế của  ông. Ông đã miễn cưỡng chấp nhận Tuyên Cáo dưới sức ép của Witte để cứu lấy ngôi vua. Nhưng không có lúc nào ông tuyên thệ sẽ thực thi  nó như một ‘hiến pháp’ (cái từ cốt lõi này không được đề cập ở đâu cả) và do đó, ít ra trong trí ông, lời tuyên thệ lúc đăng quang sẽ giữ vững các nguyên tắc chuyên chế vẫn có hiệu lực. Nền quân chủ của Sa Hoàng theo quan điểm của ông vẫn còn được Chúa Trời giao tận tay ông. Cơ sở thần quyền của quyền lực Sa Hoàng – vốn vượt qua mọi thử thách – vẫn  còn nguyên vẹn. Không có mục nào trong Điều Luật Nền Tảng (được thông qua vào tháng tư 1906) qui định từ giờ trở đi quyền hành của Sa Hoàng được xem như là thoát thai từ nhân dân, như trong các lý thuyết lập hiến của phương Tây.

Trong ý nghĩa này, Miliukov đúng khi nhấn mạnh rằng nước Nga sẽ không có một hiến pháp thực sự cho đến khi Sa Hoàng đã đặc biệt công nhận một hiến pháp dưới hình thức một lời tuyên thệ mới nguyện tuân thủ. Bởi vì chỉ đến khi đó Nicholas mới thấy có nghĩa vụ giữ vững các nguyên tắc lập hiến trong Tuyên Cáo của mình, và không có gì Duma có thể làm để ngăn cản ông quay trở lại các đường lối chuyên chế cũ một khi khủng hoảng cách mạng đã qua. Thật ra Điều Luật Nền Tảng được kết cấu có tính toán để thực thi những lời hứa của Tuyên Cáo mà vẫn giữ lại những đặc quyền của Sa Hoàng. Chúng bắt các quyền tự do theo hiến pháp vào trong khuôn khổ của luật pháp chuyên chế cũ. Thậm chí Sa Hoàng còn giữ lại danh hiệu ‘Chuyên Chế’, chỉ trừ tiền tố ‘Vô Hạn’ trước đây được thay bằng :Tối Cao’. Nicholas coi đó là chuyện ‘vũ như cẫn’. Theo ông thấy, Điều Luật Nền Tảng áp đặt các giới hạn cho bộ máy quản trị của ông, chứ không cho các quyền hạn cai trị không bị ràng buộc của ông. Thật ra, nếu ông luôn coi bộ máy hành chính là bức tường ngăn cách mình với nhân dân, thì cải cách càng làm ông thấy thoải mái hơn vì quyền hạn cá nhân càng được củng cố.

Và Sa Hoàng nắm giữ hầu hết lá bài tẩy trong hệ thống hậu 1905. Ông là tư lệnh tối cao của lực lượng vũ trang và giữ độc quyền tuyên chiến và ký kết hòa bình. Ông có thể giải tán Duma, và đã làm việc này hai lần khi nó không làm ông hài lòng. Theo mục 87 của Điều Luật Nền Tảng ông có thể làm luật bằng sắc lệnh khẩn cấp mỗi khi Duma không trong thời gian họp, và chính quyền của ông lợi dụng kẽ hở này để qua mặt sự chống đối của viện. Luật bầu cử Duma thiết lập một thể chế đầu phiếu gián tiếp bởi những tầng lớp nghiêng về các đồng minh truyền thống của hoàng đế, giới quí tộc và nông dân (còn được coi một cách lầm lạc là những người hậu thuẫn trung thành). Chính quyền (Hội đồng các Bộ trưởng) được Sa Hoàng toàn quyền chỉ định, trong khi Duma có quyền phủ quyết các dự luật của nó. Nhưng Duma không có quyền chế tài hiệu quả chống lại những lạm quyền của hành pháp, vốn vẫn phụ thuộc vào vua (như trong thể chế Đức) hơn là vào nghị viện (như trong thể chế Anh). Không có điều gì Duma có thể làm, chẳng hạn, để ngăn cản chính quyền tài trợ cho các tờ báo và tổ chức cánh Hữu, vốn chủ trương bức hại người Do Thái và thậm chí âm mưu ám sát các lãnh đạo Duma cấp tiến nổi tiếng. Bộ Nội vụ và cảnh sát , cả hai đều liên hệ mật thiết với triều đình, hoàn toàn vượt qua tầm kiểm sát của Duma. Do những quyền hạn bao trùm và tùy tiện của chúng, các quyền dân sự ghi trong Tuyên Cáo tháng 10 không khác những lời hứa hão. Thật ra không có gì phản ánh chính xác về vị thế của Duma hơn sự kiện là mỗi lần Duma nhóm họp tại điện Tauride là có thể nhìn thấy một nhóm công an chìm  lởn vởn trên vỉa hè bên ngoài, đợi các đại biểu ra về là phân công bám theo và giảm sát.

Duma là một nghị viện lập pháp. Vậy mà nó không thể ban hành luật mình ra. Các đề xuất lập pháp của nó không thể thành luật nếu không nhận được sự chuẩn y của Sa Hoàng lẫn Hội đồng Nhà nước, một hội đồng cố vấn cũ xưa gồm hầu hết các quí tộc phản động, phân nửa số do các zemstvo tiến cử, phân nửa do Sa Hoàng bổ nhiệm, được biến thành thượng viện, có quyền lập pháp ngang với Duma, theo một đạo luật vào tháng 2 1906. Hội đồng Nhà nước họp trong sảnh đường sang trọng của điện Marinsky. Các thành viên già khú của nó, phần đông là các quan chức và tướng quân về hưu, ngồi (hoặc ngái ngủ) trong các ghế bành nhung tiện nghi trong khi các người hầu oai vệ y phục trắng tinh tươm lặng lẽ di chuyến tới lui phục vụ trà và cà phê. Hội đồng Nhà nước trông giống một câu lạc bộ quí ông ở Anh hơn là phòng họp nghị viện (vì nó bắt chước Thượng viện đây có thể là một điểm son cho sự thành công của nó). Những cuộc tranh luận  không thể nói là sôi nổi vì phần đông các cố vấn đều có cùng quan điểm vương quyền, trong khi một số vị bát thập – không phải là ít – rõ ràng đã mất hết năng lực tư duy. Chẳng hạn, vào cuối cuộc thảo luận, một tướng quân Stiirler nào đó loan báo là mình bầu cho người có đa số phiếu. Nhưng khi được giải thích chưa thể có đa số vì chưa bầu xong, ông ta quát lớn: ‘Tôi vẫn nhắc lại là tôi bầu cho bên chiếm đa số!’ Dù sao thì sẽ là sai lầm khi cho rằng Hội đồng Nhà nước là khôi hài hoặc là nhân từ. Sự áp đảo của Liên minh Quí tộc – chiếm một phần ba số cố vấn – bảo đảm nó sẽ hoạt động như một lực lượng phản động, và nó phủ quyết mọi dự luật cấp tiến của Duma. Không phải vô cớ khi Hội đồng Nhà nước được biết dưới biệt hiệu là ‘mồ chôn hi vọng của Duma’.

Nhưng trong ngày đầu tiên được  yên vị trong Điện Tauride, các đại biểu Duma chỉ phơi phới một niềm hi vọng. Ngồi trên ghế dành cho Đảng Kadet, Obolensky thấy mình yên vị sát bên Hoàng thân Lvov. Hoàng thân lòng đầy lạc quan về một thời kỳ nghị viện mới. ‘Đừng nghe người ta đồn là chính quyền sẽ đóng cửa vào mặt chúng ta,’ Lvov bảo ông một cách tin tưởng. ‘Anh sẽ thấy mọi việc sẽ tốt đẹp cho coi. Tôi biết từ các nguồn tin đáng tin cậy là chính quyền sẽ sẵn sàng nhượng bộ.’ Phần đông các thành viên Duma đều chia sẻ niềm tin ngây thơ này là nước Nga cuối cùng đã có Hạ viện và giờ đây sẽ tiến tới việc gia nhập câu lạc bộ các nhà nước nghị viện cấp tiến Tây phương

Thời buổi của các nhà độc tài đã cáo chung. Ngày mai thuộc về nhân dân. Đây là ‘Duma của Niềm Hi Vọng Quốc Gia’.

Không ai tin rằng Sa Hoàng dám giải tán Duma và liều lĩnh hứng chịu một trận bão chỉ trích trong nước lẫn nước ngoài. Người ta tin rằng sự lệ thuộc của Nga vào tài chính Tây phương, vừa làm mới lại trong 1906 với số tiền vay lớn nhất trong lịch sử của nó, sẽ buộc nó gìn giữ cấu trúc cấp tiến của nhà nước. Việc Nicholas khinh thường ‘công luận’ và không có nghĩa vụ hợp pháp để tôn trọng nó, người ta đã quên. Người ta cũng quên là Witte, kiến trúc sư của trật tự nghị viện mới, đã vừa được thay thế bởi Ivan Goremykin, một tên phản động lỗi thời và kẻ sủng ái của triều đình vốn xem Duma như một vật ngán đường  cho chính quyền của mình. Những nghị viên trẻ ngây thơ tin rằng, chừng nào họ còn có ‘nhân dân’ đứng sau lưng mình, họ có thể ép buộc Sa Hoàng nhượng bộ một nghị viện có quyền hành đầy đủ. Nga sẽ theo bước chân của Pháp sau 1789, từ Estates-General đến Hội đồng Lập hiến.

Điện Tauride là nơi khai sinh, là thành trì và nghĩa địa của nền dân chủ Nga. Cho đến tháng 2/1917 nó là chỗ ngồi của Duma. Trong những tuần lễ đầu tiên của cách mạng nó chứa cả Chính quyền Lâm thời (đến ngày 7/3 dời về Điện Marinsky) và Xô-Viết Petrograd (dời về Viện Smolny vào tháng 7). Rồi, trong một ngày, 6/1/1918, nó đón tiếp nghị viện hoàn toàn dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước Nga – Hội đồng Lập hiến – cho đến khi nó bị hạ bệ bởi Bôn-se-vich. Không tòa nhà nào khác trên đất Nga đã chứng kiến một bi kịch chính trị bão tố như vậy. Nhưng cung điện thì trông duyên dáng và quang đãng làm sao. Nó được xây dựng vào năm 1783 bởi Nữ Hoàng Catherine the Great để tặng cho một người bà sủng ái, Grigori Potemkin, mang tước Hoàng thân Tauride sau khi ông ta chính phục Crimea. Được thiết kế theo phong cách của đền pantheon, trang trí bằng các cột trụ kiểu Doric và các bức tượng cổ điển, được bao bọc bởi các công viên và hồ nước,  nó là nơi trú ẩn ngoại ô yên bình xa lánh cảnh náo nhiệt ồn ào ở thủ đô. Sảnh Catherine, nơi các đại biểu nhóm họp, có những hàng ghế ngồi hình bán nguyệt và một bục ở một đầu có treo một chân dung của Nicholas II do Repin hoạ. Phía sau bục là ba cửa sổ rộng nhìn ra một cảnh tượng tuyệt đẹp tưởng như một bức tranh phong cảnh do Watteau vẽ.

Các đại biểu Duma nông dân mang đến cung điện diễm lệ này văn hóa chính trị của làng quê. Hàng trăm nông dân thỉnh cầu đến Điện Tauride từ mọi miền đất nước: một số khiếu nại về bản án ở tòa án địa phương; một số phàn nàn về tiền thuế của họ; những người khác chỉ đến để kiểm tra các đại biểu minh bầu làm ăn ra sao. Mùi ẩm mốc của loại thuốc lá rẻ tiền mà nông dân hút và y phục đồng ruộng mà họ mặc nồng nặc cả các hành lang dài trong điện. Nền gạch đầy ngập vỏ hạt hướng dương đỏ họ nhai rồi nhổ ra bất chấp các yết thị treo trên tường mà họ không biết đọc.

Một phần vì yếu tố quê mùa này mà cách tiến hành hội họp của Duma mang không khí thiếu nghiêm túc. Một đại biểu có thể bắt đầu phát biểu từ chỗ ngồi rồi tiếp tục vừa nói vừa bước lên diễn đàn. Y có khi ngưng giữa chừng để nói gì đó với chủ tịch hoặc đưa ra lời giải thích ngắn về một chi tiết nào đó. Đôi khi các đại biểu ở bên dưới tụm nhau nói chuyện riêng, và khi vị chủ tịch yêu cầu trật tự họ liền bỏ ra hành lang. Như thể chính trị đường phố hay đúng hơn là đồng ruộng, đã được mang vào trụ sở nghị viện. Có lẽ Duma phải vô tổ chức thế thôi, vì dù sao đây cũng là trải nghiệm nghị viện đầu tiên của nước Nga; và nó không phải là ngoại lệ, như Hội đồng Quốc gia 1789 của Pháp và Nghị viện Frankfurt 1848 của Đức, cũng lùm xùm vậy thôi.  Và hình như cũng bởi bản tánh người Nga đặc biệt không chuẩn bị trước cho kỷ cương của hoạt động nghị viện. Thậm chí ngày nay, trong Duma hậu-Cộng sản, không khí náo nhiệt tương tự vẫn còn thấy xuất hiện. Nền dân chủ Nga có thể hơi giống người Nga: lộn xộn và thiếu tổ chức.

Phần đông đại biểu nông dân, khoảng 100 tất cả, ngồi với nhóm Trudovik (Lao động), một đảng nông thôn lỏng lẻo, mà cương lĩnh là nhu cầu cho một giải pháp căn cơ về vấn đề đất đai qua việc xung công cưỡng bách tất cả tài sản của quí tộc điền chủ. Điều này khiến nó trở thành sự lựa chọn hiển nhiên của nông dân sau khi các đảng họ thường chọn, SR, đã quyết định cùng với SD, tẩy chai cuộc bầu cử vào Duma. Kadet là đảng lớn nhất trong Duma, với 179 đại biểu (trong đó có Obolensky và Lvov) trong tổng số 478. Thật ra Kadet không đủ uy tín đạt được sự ủng hộ lớn như thế, mà họ nhờ số phiếu đáng ra bỏ cho SD và SR.

Ngay từ phiên khai mạc, Duma đã biến thành một diễn đàn cách mạng, một mũi húc vào cổng thành trì của chuyên chế. Trong ngày đầu tiên đó các đại biểu đã đến Điện Tauride trong một tâm trạng hiếu chiến và ngay lập tức bắt đầu lên án bạo lực áp bức của chính quyền (không lên án khủng bố do cánh tả gieo rắc). Họ đã đến bằng tàu hơi nước xuôi dòng Neva từ Cung điện Mùa Đông và khi đi ngang nhà tù Kresty họ trông thấy các tù nhân vẫy tay chào qua song sắt cửa sổ. Các đại biểu vẫy mũ chào lại, và khi nghĩ đến  nhờ hi sinh của những ‘người làm chính trị’ này mới có ngày lịch sử hôm nay  nhiều người không cầm được nước mắt. Khi họ đã an toạ trong Sảnh Catherine, lãnh đạo đảng Kadet, Petrunkevich kêu gọi các đại biểu ”hãy dâng tặng cái ý nghĩ đầu tiên của chúng ta và lời nói tự do đầu tiên của chúng ta đến những người đã hi sinh tự do của mình cho công cuộc giải phóng nước Nga thân yêu của chúng ta. Ngục tù đang đầy ắp người và nước Nga Tự do yêu cầu phóng thích tất cả tù nhân chính trị.’ Những lời lẽ của ông đánh lên một hợp âm đầy xúc động trong lòng đại biểu. Và tất cả như một họ đồng loạt đứng dậy và, quay về phía các bộ trưởng đáng đến dự phiên khai mạc, đồng thanh la lên, ‘Ân xá! Ân xá!’

Theo Điều Luật Nền Tảng, việc ân xá tù chính trị thuộc đặc quyền của Sa Hoàng. Nhưng mục đích của các đại biểu là áp lực cho nhà vua nhượng bộ các quyền hành pháp cho Duma và,  hình như đây là nơi thích hợp để bắt đầu, họ bao gồm điều ấy luôn trong danh sách các yêu sách. Những điều này họ trình lên như một Trình Thư cho Sa Hoàng, trong đó cũng bao gồm việc bổ nhiệm bộ máy nhà nước với Duma, bãi bỏ Hội đồng Nhà nước, cải cách ruộng đất căn cơ và phố thông đầu phiếu dành cho nam giới. Trong hai tuần chỉ có im hơi lặng tiếng, khi nhà vua xem xét phải trả lời thế nào đối với những yêu sách quá đáng này. Có những toan tính khác nhau nhằm trung tính hóa các người cấp tiến bằng cách thu nhận các lãnh đạo của họ vào làm trong chính quyền. Nhưng, tin tưởng rằng mình có thể đứng vững trên bờ vực của một cuộc cách mạng lần hai và có tính quyết định, họ không đúng yên không làm gì. Rồi vào ngày 14/5 cuối cùng chính quyền đưa xuống hai cái hoá đơn cho Duma phê chuẩn: một cho một máy giặt mới, và một cho một nhà kính ở Đại học Dorpat. Đây rõ ràng là một lời tuyên chiến với cơ quan lập pháp. Chính quyền hiển nhiên không muốn hợp tác với những yêu sách của Duma. 

Từ điểm này trở đi chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Duma bị giải tán. Một trận chiến cân não tiếp sau khi các nghị viên tiếp tục bày tỏ sự thách thức của mình trong một loạt các bài diễn văn quyết liệt từ điển đàn của Điện Tauride. Sự căng thẳng dâng cao khiến nhiều đại biểu sau đó cho biết mình đã xuống cân, mặc dù thời tiết nóng nực của tháng 6 cũng góp một phần tác hại.

Từ quan điểm của chính quyền, tình trạng cách mạng trong xứ vẫn còn là mối đe doạ – cuộc chiến nông dân đánh vào thái ấp đã sống lại  vào mùa xuân với mức ác liệt không kém của mùa thu trước, trong khi chiến dịch khủng bố của SR vẫn chưa bị dập tắt – và tư thế chiến đấu của Duma đã cổ vũ nó.

Cốt lõi của vấn đề là quyết tâm của Duma xoa dịu nông dân bằng cải cách ruộng đất căn cơ. Cả Kadet lẫn Trudovik đều lớn tiếng bênh vực việc xung công cưỡng bách tất cả đất đai dư thừa của quí tộc địa chủ (đảng trước thì cho đền bù còn đảng sau thì không). Nếu bây giờ là thời kỳ nông dân nổi dậy 1905 thì bọn địa chủ ắt sẽ đồng ý, nhưng bây giờ nổi khiếp sợ đã qua, bọn chủ đất không dễ gì buông tay. Và Sa Hoàng đã lên tiếng dùm họ khi ông nói: Cái gì thuộc về chủ đất là thuộc về chủ đất.’ Các zemstvo tỉnh lỵ, đã có lần là cứ điểm của cuộc đối kháng cấp tiến, giờ đã trở thành pháo đài của luật pháp và trật tự. Liên minh Quí tộc, vốn được thành lập để bảo vệ quyền tài sản, tranh thủ được những hậu thuẫn vững mạnh trong triều đình, Hội đồng Nhà nước và Công vụ. Nó cầm đầu chiến dịch chống lại các đề nghị cải cách của Duma với luận cứ rằng cho nông dân thêm đất không giải quyết được vấn đề của họ, vì những vấn đề này là do sự vô hiệu quả của hệ thống công xã gây ra chứ không phải do thiếu đất đai. Lập luận càng được tô đậm màu sắc bằng trải nghiệm gần đây: đã luôn coi công xã như một bức tường thành  của trật tự nông thôn cũ, những nhà bảo thủ đã học được rằng trong 1905 nó có thể dễ dàng biến thành bộ máy có tổ chức của cách mạng nông dân. ‘Ở các xứ khác có ít đất trên mỗi đầu người hơn ở Nga,’ Hoàng thân A. Ở. Urusov tuyên bố trong một cuộc gặp gỡ các chủ đất vào tháng 5 1906, ‘vậy mà người ta không nói về việc thiếu hụt đất vì khái niệm tài sản  đã rõ ràng trong đầu óc của dân chúng. Nhưng chúng ta có công xã – và phải nói rằng nó đã giết chết khái niệm này. Kết quả là không ở đâu khác chúng ta thấy có sự hủy hoại tài sản không khách khí như  ở Nga.’ Giờ đây giới quí tộc điền chủ chủ trương thủ tiêu công xã và tạo ra một giai cấp  chủ đất nông dân như phương thức thay thế cải cách đất đai căn cơ của Duma. 

Vào ngày 8/7 Duma cuối cùng bị giải tán sau khi triệu tập được 72 ngày. Cuộc bầu cử mới bầu ra một Duma thứ hai sẽ được tổ chức vào tháng hai tới. Thủ tướng Goremykin được thay bởi Stolypin, một người tiếng tăm chủ trương bãi bỏ công xã và người thực thi có nghề những biện pháp áp bức nhằm tái lập trật tự trong vùng nông thôn. Phe cấp tiến tỏ ra nổi giận trước việc giải tán Duma. Hoàng thân Lvov, người đã quá tin tưởng điều này sẽ không xảy ra, giờ chấp bút viết về ‘cơn thịnh nộ của mình trước cuộc công kích trắng trợn vào nguyên tắc nghị viện’. Việc giải tán biến Lvov từ một người cấp tiến ôn hòa thành quá khich. Ông là một trong số những đảng viên Kadet, mà để biểu lộ sự chống đối, chạy đến thị trấn nghỉ mát Cyborg ở Phần Lan, tại đó họ ký một tuyên ngôn kêu gọi ‘nhân dân’ đứng lên chống chính quyền bằng cách không đóng thuế hoặc đi lính. * Tuyên ngôn Cyborg là một mình chứng điển hình về tư thế chiến đấu của Kadet kể từ khi khai mạc Duma. Về phần ‘nhân dân’, họ rõ ràng không lắng nghe những người cấp tiến này, vì Tuyên ngôn của họ được đón nhận trong sự lạnh nhạt. Và vì thế chính quyền giờ đây có thể bình tâm sử dụng những biện pháp áp bức buộc các người cấp tiến quả cảm nhưng ngây thơ phải im miệng. Hơn 100 đảng viên Kadet cầm đầu được đưa ra xét xử và đình chỉ khỏi Duma vì góp phần trong Tuyên Ngôn Vyborg. Những đảng viên Kadet được bầu vào Duma thứ hai và ba nói chung đều kém cực đoan hơn – và kém tài năng hơn – những người đi trước. Sống dưới bóng đen của mặc cảm Vyborg, họ theo đuổi một phương hướng bảo thủ hơn, hoạt động trong giới hạn của luật pháp sa hoàng trong việc bảo vệ Duma. Không bao giờ Kadet đặt niềm tin của mình vào hậu thuẫn của ‘nhân dân’ một lần nữa. Họ cũng không nào giờ tuyên bố đại diện cho ‘nhân dân’. Từ giờ trở đi, họ sẽ trở về những gì họ thực sự đã là từ lâu: đảng tự nhiên của tư sản. Chủ nghĩa cấp tiến và nhân dân đi theo hai con đường riêng biệt.

* Lvov đã mắc bệnh khi trên đường đi Vyborg và phải trở về St Petersburg. Vì thế ông không có mặt để ký tên vào Tuyên ngôn Vyborg, cho dù ông cảm tình với nó.

 

ii Chính Khách

Ít có nhân vật nào trong lịch sử nước Nga gây nhiều tranh cãi như Petr Arkadev-ich Stolypin (1862-1911), Thủ tướng Nga từ 1906 đến khi bị ám sát chết năm năm sau đó. Các nhà xã hội chủ nghĩa kết án ông là một trong những kẻ bảo vệ tàn bạo cuối cùng của chế độ sa hoàng. Người ta lấy tên ông đặt cho thòng lọng treo cổ (‘cà vạt Stolypin’) được toà án binh dã chiến sử dụng để dập tắt cuộc cách mạng nông dân ngay trên hiện trường. Các toa tàu hỏa dùng để chở các tù chính trị đến Siberia được gọi là ‘toa Stolypin’ ( sau này còn gọi cho những chuyến đến Gulag). Sau 1917 những người theo Sa Hoàng dạn dày nhất tố cáo Stolypin là một quan chức mới phất mà những chính sách cải cách nguy hiểm của ông đã góp phần làm băng hoại nền móng thiêng liêng của chuyên chế. Nhưng đối với những ai ngưỡng mộ ông – và có nhiều người như thế trong thời hậu-Xô Viết – Stolypin là chính khách Nga vĩ đại nhất mà nước Nga từng có, một con người duy nhất có thể đã cứu được đất nước khỏi cách mạng và nội chiến. Những cải cách của ông – họ lập luận – nếu cho đủ thời gian, sẽ biến nước Nga thành một xã hội tư bản tự do, nhưng tiếc thay nó bị đứt đoạn vì cái chết của ông và chiến tranh. Một câu chuyện kể rằng khi Sa Hoàng ký tên thoái vị ông nói rằng nếu Stolypin còn sống, việc này sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng đây tất nhiên là một chữ ‘nếu’ to tướng. Ai có thể cứu được Sa Hoàng? Sự thật là chính Nicholas đã có cảm tình với các đối thủ của Stolypin bên cánh Phải; và, bị phá hỏng bởi sự phản động của nhà vua, những cải cách đã phá sản lâu trước khi ông chết.

Trong dáng vẻ và bối cảnh Stolypin là điển hình của giới quí tộc thống trị bộ máy hành chính sa hoàng. Cao, để râu và nổi bật, ông có nét duyên dáng đáng kể. Người Anh Bernard Pares so sánh ông với một chú gấu to lớn thân thiện hiền lành’. Stolypin xuất thân từ một dòng dõi quí tộc cổ xưa đã phục vụ các sa hoàng tử thế kỷ 16 và, như được tưởng thưởng cho  công lao của mình, họ đã tích lũy  những tài sản lớn trong một vài tỉnh lỵ. Cha mẹ của ông là bạn của Gogol và Tolstoy. Trong thời niên thiếu ông cùng gia đình đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Âu, và ông thạo tiếng Pháp, Đức, và Anh vào thời gian ông ghi tên học Khoa Toán-Lý tại Đại học St Petersburg năm 1881.

Ở một khía cạnh quan trọng, tuy nhiên, Stolypin khác với phần còn lại của tầng lớp thống trị: ông không leo lên bậc thang quan chức St Petersburg nhưng đã  được bổ nhiệm cầm đầu chính quyền trực tiếp từ các tỉnh lỵ. Điều này trở nên một nguồn gốc nguy hiểm của những xung đột với các đối thủ. Nhãn quan chính trị của Stolypin được định hình trực tiếp từ những trải nghiệm của ông ở tỉnh. Thậm chí khi là Thủ tướng về bản chất ông còn một nhà quí tộc tỉnh lẻ, mà mối quan tâm chủ yếu là việc quản trị nông thôn và địa phương. Mười ba năm đầu tiên của ông trong chức vụ (1889-1902) là giữ chức Thống soái của Hội đồng Quí tộc Kovno, một tỉnh Ba Lan-Lithhuania nơi vợ ông, O. B. Neidgardt, sở hữu một điền trang. Chính tại nơi đây mà Stolypin đầu tiên bận bịu với những vấn đề của nghề làm nông. Vùng Kovno, như hầu hết miền đất phía Tây của Đế chế Nga, chưa bao giờ kinh qua hệ thống công xã. Các nông dân sở hữu mảnh ruộng tư hữu của mình và những kỹ thuật canh tác của họ, như người láng giềng Phổ, nhiều năng suất hơn những nông dân ở vùng trung tâm Nga nơi phố biển chế độ cộng xã. Sự tương phản càng gay gắt cho ông vào năm 1903, khi ông trở thành Thống đốc Saratov, một tỉnh nhiều đất đai với hệ thống công xã. Các nông dân ở đây thuộc loại nghèo khổ nhất và hay nổi loạn nhất trên khắp xứ. Trong 1905-6 tài sản của giới quí tộc địa chủ bị phá hoại ở Saratov nhiều hơn ở bất cứ tỉnh nào khác của Đế chế. Con gái của Stolypin nhớ lại cảnh tượng ‘đồng cỏ sáng rực suốt đêm do các nhà cửa trong thái ấp bị phóng hỏa’ và từng hàng dài xe ngựa di chuyển dọc  theo chân trời đỏ rực như ‘một đạo quân nông dân trở lại từ chiến trường với chiến lợi phẩm của chúng’. Tất cả những điều này càng khẳng định quyết tâm cua Stolypin – mà ông mang theo với mình đến St Petersburg và biến nó thành nền tảng cho công cuộc cải cách nông nghiệp của mình – rằng vấn đề đất đai sẽ không thể giải quyết và mối đe doạ cách mạng không thể tránh được nếu không thủ tiêu hệ thống công xã và tạo ra tầng lớp nông dân sở hữu đất đai vững chắc, có vị thứ bình đẳng với các quí tộc điền chủ.

Phần lớn nhờ kết quả sử dụng các biện pháp kiên quyết lập lại trật tự ở Saratov, Stolypin được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ vào tháng 4 1906. Tháng 6 sau đó ông trở thành Thủ tướng, hoặc Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng. Sa Hoàng muốn có ‘một con người mạnh mẽ’ để giải quyết khủng hoảng và những câu chuyện về tính can trường của Stolypin lưu truyền khắp thủ đô. Không như các thống đốc tỉnh lỵ khác, cố thủ trong các dinh cơ được che chắn hoặc khiếp đảm trốn chạy khỏi nhiệm sở trong các vụ nổi dậy gần đây, Stolypin đi thăm những ngôi làng nổi loạn có tiếng ở Saratov và, trong việc đương đầu với các phần tử khích động, ông sử dụng hiệu quả điều mà con gái ông gọi là ‘kho kiến thức của quí ông nhà quê về kỹ thuật trấn áp nông dân’. Tại một ngôi làng ông thuyết phục một tên sát nhân tiềm năng bỏ súng xuống bằng cách vạch áo trước mặt y và thách thức y nổ súng trước sự chứng kiến của đám đông. Một lần khác, trong khi đang nói chuyện với dân làng, ông nhận thấy một nông dân đứng cạnh ông có vẻ khả nghi là tên kích động  với những toan tính nguy hiểm. Stolypin ngưng nói giữa chừng và, quay sang tên kích động, bảo y đưa cho ông áo khoác của mình. Gã nông dân vâng lời nhận chiếc áo khoác từ tay người hầu của ông và trao cho thống đốc. Với một cử chỉ ngạo nghễ Stolypin đã xoay sở để khẳng định vị thế làm chủ của mình – quyền làm chủ của một quí tộc – đối với đối thủ nông dân. Nét chấm phá này đã nói lên nhiều điều về bản chất quyền lực ở Nga.

Đây không phải là những minh họa đơn lẻ về tính gan dạ của Stolypin. Trong thời kỳ làm thủ tướng có nhiều vụ mưu sát ông, trong đó có vụ cho nổ bom tại nhà ông giết chết vài gia nhân và làm bị thương một cô con gái. Ông không nao núng. Ông mặc áo vét chống đạn và bao quanh là các nhân viên an ninh – nhưng hình như ông có linh cảm là mình sẽ gặp một cái chết dữ dội. Hàng chữ đầu tiên trong di chúc ông lập không lâu sau khi nhận chức thủ tướng, viết : ‘Hãy chôn tôi tại nơi bị ám sát.’

‘Tôi đang chiến đấu trên hai chiến tuyến,’ ông bảo với Bernard Pares vào năm 1906. ‘Tôi đang chiến đấu chống lại cách mạng, và chiến đấu cho cải cách. Bạn có thể cho rằng một vị trí như thế là quá sức chịu đựng của con người và bạn có thể đúng.’ Trong phát biểu này, như trong mọi phát biểu công khai khác, có một chút gì đó như có tính  kịch tính hóa bản thân. Stolypin không có khuyết điểm gì ngoài tính tự phụ. Ông thích coi mình là người của số phận, chiến đấu nhân danh sự tiến bộ chống lại điều ác. Sự xuất hiện của ông ở Duma luôn chứa một yếu tố kịch tính. Ông thích chiều theo thị hiếu, lợi dụng hơi thở ngắn và giọng nói co giật (sau một cuộc giải phẫu không thành công) để tranh thủ tình cảm của đại biểu. Ông thường khoe là mình từng bị thương trong một trận đấu kiếm.

Thật tình, nhiệm vụ mà ông tự đặt ra cho mình đòi hỏi một nỗ lực phi thường. Mục tiêu ban đầu của ông là lập lại trật tự. Việc này ông hoàn thành bằng những biện pháp gây cho ông nhiều tai tiếng từ người cấp tiến. Hàng trăm tờ báo và nghiệp đoàn cực đoan bị đóng cửa, trong lúc gần 60,000 tù chính trị bị hành hình, bị lao động khổ sai, bị đày biệt xứ không qua xét xử trong ba năm đầu làm thủ tướng. Hàng ngàn nông dân bị xử trong các toà án binh dã chiến. Chỉ đàn áp thôi, như Stolypin dư biết, là không đủ để củng cố trật tự đã được thiết lập và vì thế ông phác hoạ đồng thời một chương trình cải cách toàn diện để hòa giải với phe chống đối và nắm thế chủ động cho nhà nước. Ông đưa ra những cải cách nhằm dỡ bỏ công xã và mang cho nông dân quyền sở hữu tài sản và đầy đủ quyền bình đẳng dân sự; để cách tân chính quyền địa phương trên cơ sở tính công dân và tài sản hơn là thành viên của một tầng lớp; để cải thiện tòa án địa phương và chính qui hóa cảnh sát; để bảo vệ quyền tự do dân sự và chấm dứt phân biệt đối với người Do Thái; để cung cấp nền giáo dục phổ quát và cưỡng bách bậc tiểu học; và, trong số nhiều việc khác, để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân trong các nhà máy. Trong mỗi công việc này đều có một động lực chính trị rõ ràng: củng cố chính quyền. Có lẽ trong ý nghĩa này, như người hùng Bismarck (Thủ tướng Đức 1862- 1873) của mình, Stolypin nên được mô tả một ‘nhà cấp tiến bảo thủ’. Vì toàn bộ mục đích của công cuộc cải cách của ông không phải nhằm tạo ra trật tự dân chủ, mà để củng cố thể chế sa hoàng.

Thái độ của ông đối với Duma, do đó, không có gì ngạc nhiên. Ông coi Duma chỉ là một bộ phận phụ thuộc của nhà nước, một bộ phận quần chúng nhằm hậu thuẫn cho các chính sách chính quyền, không phải để kiểm sát hoặc dẫn đạo việc quản trị. Mô hình hiến pháp của ông có tính Phổ hơn là Anh.

Quyền tối cao phải ở lại với nhà vua và bộ máy hành chính của ông, và không bao giờ được nhượng bộ cho nghị viện. Duma thứ hai họp vào tháng hai 1907, được dung nạp bởi Stolypin chừng nào mà nó làm những gì ông muốn. Bộ máy hành chính của ông đã làm hết sức để tác động đến tiến trình bầu cử và tranh thủ cho các đồng minh của mình trở lại, như đảng Octobrist, đã tuyên bố mình là ‘đảng của trật tự nhà nước’. Nhưng 54 đảng viên Octobrist được bầu, cho dù có sự hậu thuẫn của 98 Kadet và 60 đại biểu Trung tâm và cánh Hữu, khó lòng đủ cho chính quyền một đa số thuận lợi chống lại khối đông đảo 222 người xã hội chủ nghĩa (65 SD, 37 SR, 16 Xã hội Chủ nghĩa Nhân dân và 104 Trudovik) khi mà giờ đây tất cả đảng cánh Tả đã chấm dứt tẩy chay Duma. Người Men-se-vich dân tộc Georgia 25 tuổi, Irakli Tsereteli, người sẽ lãnh đạo Xô-Viết vào năm 1917, ngay lập tức trở thành người hùng của cái gọi là ‘Duma của cơn Thịnh nộ Quốc gia’ qua những bài phát biểu quá khich và bốc lửa của ông lên án những chính sách của chính quyền. Stolypin cũng không thể trông cậy vào nông dân chịu làm người hèn mọn của mình như xưa. Một đại biểu nông dân, từ tỉnh Saratov của Stolypin, gây ra một cơn náo động trong một trận tranh luận về cải cách ruộng đất khi ông ta nói với một đại biểu thuộc quí tộc: ‘Chúng tôi biết về tài sản của ngài, vì chúng tôi từng là tài sản của ngài. Chú tôi đã được trao đổi lấy một con chó săn.’

Không có triển vọng tìm được hậu thuẫn cho công cuộc cải cách của mình, Stolypin không lấy gì bức rức khi giải tán Duma và thay đổi luật bầu cử để khi Duma tiếp theo nhóm họp nó sẽ bị khống chế bởi các phần tử bảo thủ. Số lượng đại biểu nông dân, công nhân và thiểu số dân tộc giảm sút thê thảm, trong khi bộ phận đại diện của giới quí tộc địa chủ thậm chí được phóng đại. Khi Duma Thứ Ba nhóm họp vào tháng 11 1907 những đảng theo phe chính quyền (Octobrist, cánh Hữu và Dân tộc) kiểm soát 287 trong số 443 ghế. Kadet và phe xã hội chủ nghĩa giảm chỉ còn là những thiểu số nhỏ và manh mún. Thậm chí Hoàng thân Lvov, người cấp tiến ôn hòa nhất, không thể tìm được một ghế. Cuối cùng, đây là Duma mà Stolypin có thể thao túng. Ông tin tưởng đó là một nghị viện được khống chế bởi những người ‘có trách nhiệm’ và ‘có vẻ chính khách’, có thể nhìn thấy nhu cầu cho một hợp tác mới và xây dựng giữa nhà nước và quốc gia với mục đích cải cách dần dần. Các người cực đoan gọi nó là ‘Duma của Chủ và Tớ’.

Vậy mà  ngay cả ‘nghị viện của vua’ này cũng cho thấy là quá khó để Stolypin có thể quản lý, bởi vì ông thấy lúc nào cũng chịu sức ép lớn dần từ cả hai cánh Tả và Hữu. Sắc luật bầu cử ngày 3/6 về kỹ thuật là vì phạm Điều Luật Nền Tảng và người cấp tiến nhanh chóng tố cáo nó là một cuộc đảo chính. Ngay cả Octobrist, những người được lợi nhiều nhất từ luật mới, cũng cảm thấy áy náy và mong chuộc lỗi ‘thu lợi bất chính’ bằng cách ra sức bảo vệ và mở rộng quyền hạn của Duma.

Alexander Guchkov, lãnh đạo của nó, có những tham vọng đặc biệt cho Duma trong lãnh vực quân sự. Là một kỹ nghệ gia đã từng phục vụ với vai trò nhân viên Chữ Thập Đỏ trong chiến tranh Nga-Nhật, ông có thể nhìn thấy đồng thời nhu cầu quân sự và lợi ích kinh tế của một chương trình tái vũ trang qui mô. Nhóm Octobrist không ngừng nhắm tới một chính sách bành trướng đế chế, nhưng theo quan điểm của họ việc này chỉ có thể hoàn thành nếu trách nhiệm quân sự được chuyển từ triều đình sang các định chế của nhà nước. Không có lý gì khi tiêu tốn nhiều tiền hơn cho quân đội mà không cùng lúc cải cách giới chỉ huy của nó, vốn bị khống chế bởi giới quí tộc cai trị và những học thuyết quân sự của thế kỷ 18. Nga cần pháo hạng nặng, chứ không phải kỵ binh kiểng. Trong quyết đoán này, Guchkov được sự hậu thuẫn của những ‘nhà quân sự chuyên nghiệp’, như Tướng Brusilov và Phụ tá Bộ trưởng Chiến tranh của Stolypin, A.A. Polivanov. Guchkov là Trưởng ban Quốc phòng Duma, có quyền phủ quyết về ngân sách quân sự, và ông sử dụng vị trí này để phát động tấn công vào tổng tư lệnh của triều đình. Vào năm 1909 Duma đe doạ bác bỏ tín dụng hải quân trừ khi cục kế hoạch chiến lược của nó, Tổng Tham mưu Hải quân, nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ hơn là triều đình. Nicholas nổi giận. Ông thấy trong tối hậu thư này một toan tính ngang ngược của Duma muốn giật khỏi tay mình quyền tư lệnh quân đội và sử dụng quyền phủ quyết của mình để phong tỏa Dự luật Tổng Tham mưu Hải quân. Việc Stolypin và Hội đồng các Bộ trưởng ủng hộ dự luật khiến vấn đề tồi tệ hơn, vì bây giờ có một mối xung đột lợi ích nền tảng, một bên chính quyền có quan điểm rằng nó nên kiểm soát các lực lượng vũ trang còn triều đình và phe nhóm đồng minh lại đề cao đây là quyền độc nhất của Sa Hoàng. Stolypin đệ đơn từ chức, và Nicholas bị áp lực của các quần thần phản động hơn muốn ông chấp nhận sự từ chức của Stolypin. Nhưng ngay lúc đó, đã ổn định được trật tự trong nước đến một mức độ, Stolypin đang được cần đến và hoàng gia phải bằng lòng  với thắng lợi kém hơn là buộc ông tái khẳng định độc quyền của Sa Hoàng trong lãnh vực quân sự.

Bên dưới khủng hoảng về tham mưu hải quân là vấn đề nền tảng sẽ phá hỏng những nỗ lực của Stolypin muốn cứu lấy thể chế sa hoàng bằng cách cải cách nó. Đối với Sa Hoàng, cương lĩnh chính trị của Stolypin đe đọa di dời cán cân  quyền lực từ triều đình sang các định chế nhà nước. Dự luật Tổng Tham mưu Hải quân là một tín hiệu rõ ràng của chủ định này. Stolypin đứng kiên định theo truyền thống Petrine về sự hiện đại hoá bộ máy hành chính mà Sa Hoàng vốn thù ghét. Mọi thứ trong cách điều hành ở chức vụ Thủ tướng đều được chủ định để phá vỡ thể chế gia trưởng cổ xưa. Trong khi những thủ tướng trước đây chỉ nhỉnh hơn tôi tớ một chút, Stolypin lại cố tình tránh xa bọn triều đình và thích nghỉ ngơi cuối tuần ở nhà với người thân, như một thủ tướng Tây phương , hơn là đi săn với Sa Hoàng và bọn nịnh thần. Stolypin xem nhà nước như một tác nhân phổ quát và trung tính cho việc cải cách và hiện đại hoá, sẽ bảo vệ quyền lợi vương triều Nga. Theo quan điểm này, nhà nước đứng trên lợi ích của quí tộc – thậm chí cao hơn chính vương triều, đương nhiên phủ định hoá khái niệm về một trật tự xã hội dựa vào thứ bậc giai tầng xưa cũ. Mọi người, từ nông dân đến hoàng thân, đều là công dân (miễn là họ có tài sản). Quan điểm thuần túy Tây phương về nhà nước là một thách thức trực tiếp đối với ý thức hệ Muscovite mà Sa Hoàng và triều đình tôn quí. Nếu cải cách của Stolypin được phép thực hiện thành công thì quyền cai trị của Sa Hoàng sẽ bị lấn lướt bởi các định chế nhà nước và trật tự xã hội truyền thống sẽ bị phá vỡ.

Những thế lực phản động hoảng sợ tập họp lại, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ trong triều đình, Hội đồng Nhà nước, Liên minh Quí tộc, Giáo hội Chính thống, Liên minh Dân tộc Nga, cảnh sát và một số bộ ngành  và, mặc dù qua những kênh không chính thức, vẫn đủ mạnh để đánh sập mọi đổi mới chính trị của Stolypin.

Các đề nghị mở rộng hệ thống giáo dục tiểu học nhà nước bị bọn phản động trong Giáo hội đánh sập vì họ có lợi ích trong hệ thống trường dòng của riêng họ. Số phận tương tự đang đợi dự luật làm giảm bớt cách đối xử phân biệt với các thiếu số tôn giáo, Tín đồ Cũ và đặc biệt người Do Thái. Những nỗ lực của ông nhằm uốn nắn hành vi phạm pháp của viên chức và cảnh sát bị phá sản, vì ông không có đầy đủ quyền kiểm soát họ. Các thống đốc tỉnh, có mối quan hệ họ hàng với triều đình, không ngừng phá hoại những cải cách của họ, trong khi những quan chức cao cấp ở St Petersburg âm mưu chống lại ông. Về phần kiểm sát thực sự lực lượng cảnh sát, Stolypin đúng ra là bất lực. Ứng viên riêng của Hoàng hậu, Tướng P. G. Kurlov, được bổ nhiệm chỉ huy mật vụ trước sự chống đối của Stolypin. Kurlov sử dụng chức vụ của mình để tuồn một số tiền lớn của chính quyền cho các nhóm và tờ báo cánh Hữu quá khích nhất. Y cho người giảm sát Stolypin, chận thư từ của ông, và đưa tin cho Hoàng hậu về các dự tính của ông, nhất là những dự tính có liên quan đến Rasputin được sủng ái. Khi Stolypin cuối cùng bị ám sát vào tháng 8 1911, các tin đồn lập tức loan truyền rằng chính Kurlov đã chỉ thị việc sát hại. Cho đến bây giờ, các tin đồn vẫn chưa được kiểm chứng. Nhưng chúng nói cho chúng ta biết nhiều về nhận thức của công luận về mối quan hệ giữa Stolypin và kẻ thù của ông bên cánh Hữu.

Liên minh Quí tộc đến giờ là nhóm om sòm nhất trong số này. Nó được thành lập sau Cách Mạng 1905 để bảo vệ quyền tài sản của quí tộc điền chủ và thống trị chính trị nông thôn. Các cải cách chính quyền địa phương của Stolypin đe doạ giới quí tộc khi cho nông dân, là người chủ đất, quyền đại biểu trong zemstvo bằng với  các quí tộc. Chúng cũng đề xuất việc bãi bỏ các toà án nông dân, đưa nông dân hoàn toàn vào hệ thống dân luật. Stolypin nhìn thấy những cải cách này là cấp thiết  cho thành tựu của chương trình cải cách ruộng đất của mình. Giai cấp mới gồm các chủ đất nông dân bảo thủ mà ông hi vọng tạo ra được sẽ không hậu thuẫn trật tự hiện hành trừ khi họ được phong làm công dân với các quyền hạn luật pháp và chính trị bình đẳng với các giai tầng khác. ‘Trên hết,’ Stolypin nói, ‘chúng ta phải tạo ra một công dân, một chủ đất nhỏ, và rồi thì vấn đề nông dân sẽ được giải quyết.

Giới quí tộc tỉnh lẻ, tuy nhiên, xem thái độ bao biện này là mối đe doạ cho vị thế đặc quyền của họ trong trật tự chính trị và xã hội nông thôn.

Stolypin đang đề nghị thiết lập một tầng lớp đại diện zemstvo mới ở cấp độ volost (xã), trong đó quyền bầu cử sẽ được căn cứ trên tài sản hơn là dòng dõi. Ông cũng dự tính gia tăng các quyền hành của các zemstvo và bãi bỏ các thanh tra điền địa, mà trước đây làm vương làm tướng ở vùng nông thôn. Hậu quả của những việc này, như các quí ông đã vạch ra, sẽ kết liễu việc thống trị xưa cũ của họ trong chính quyền nông thôn. Các zemstvo địa phương sẽ biến từ các cơ quan của quí tộc sang cơ quan của nông dân, vì ứng với mỗi quí ông ở cấp độ volost có đến vài trăm ông chủ nhỏ nông dân có quyền bầu cử.  Các quí tộc kết án Stolypin ra sức phá vỡ ‘xã hội tỉnh lỵ’ qua sự tập trung hành chính trung ương, và trên cơ sở này họ tập hợp lực lượng chống đối ông trong Duma, Hội đồng Nhà nước, Liên minh Quí tộc và các đồng minh khác tại triều đình. Quá tự phụ để chịu đựng thất bại, Stolypin buông bỏ trận chiến. Hệ thống quản trị nông thôn, đến giờ phút này là mắc xích yếu nhất trong nhà nước sa hoàng, nằm trong tay của 20,000 quí tộc, một nhóm xã hội nhỏ lỗi thời, nhưng nhờ có người hậu thuẫn chức vụ cao, nên có thể đánh bạt mọi cải cách làm hại chúng. Nếu Stolypin thành công trong việc mở rộng cơ sở xã hội của chính quyền địa phương ở nông thôn, thế thì có lẽ vào năm 1917 nó sẽ không sụp đổ quá thảm hại và quyền lực Xô-Viết có thể không lấp đầy được khoảng trống chính trị sau đó như nó đã làm được.

Cùng sự va chạm lợi ích nằm đằng sau khủng hoảng zemstvo phía tây nổi tiếng năm 1911, đánh dấu cái chết cuối cùng của Stolypin. Với sự suy thoái của Octobrist, như là kết quả cuộc khủng hoảng tham mưu hải quân và sự dịch chuyển về phía phải của các quí ông địa chủ, Stolypin buộc phải cần đo lại cho phù hợp với  đảng thân chính quyền chủ yếu trong Duma, đảng Dân tộc, được thành lập 1909 được sự ủng hộ mạnh mẽ của các điền chủ Nga trong chín tỉnh Ba Lan. Đảng này, theo lời của sử gia, Robert Edelman, ‘không phải là đảng của chủ nghĩa dân tộc mà là đảng của dân tộc Nga thống trị trong một Đế chế đa dân tộc’. Các zemstvo không hề được thành lập trong các tỉnh miền tây này, vì hầu hết các trại chủ là người Ba Lan và cuộc Nổi dậy Ba Lan 1863 vẫn còn tươi rói trong ký ức của Alexander II. Nhưng Đảng Dân tộc mở chiến dịch cho một dự luật zemstvo miền tây, lập luận rằng các lợi ích đế chế trong vùng biên giới trọng yếu này có thể được bảo đảm bởi một thủ tục bầu cử phức tạp dựa trên dân tộc cũng như tài sản. Stolypin biết rõ miền tây này từ những ngày ông làm việc ở Kovno.  Những chủ đất nhỏ gốc nông dân, vốn phần lớn là người Nga, người Ukraine và Belorussia, nằm trong số những người tiến bộ nhất và ông kỳ vọng họ nhanh chóng phát đạt thành những tiểu chủ dưới những cải cách nông nghiệp của ông. Nếu họ được cho phần phiếu bầu  lớn nhất trong các zemstvo, như được lên kế hoạch bởi quyền đầu phiếu dành cho người ít tài sản trong Dự luật Zemstvo miền Tây của ông, họ có thể trở thành những công dân – tiểu chủ kiểu mẫu của nhà nước đế chế Nga. Một vùng trước kia khống chế bởi các địa chủ Ba Lan sẽ được người Nga cai trị,* cho dù có nguồn gốc nông dân.

 

* Như tất cả người theo chủ nghĩa dân tộc Đại Nga, Stolypin coi người Ukraine và Belorussia là người mang ý tưởng dân tộc Nga.

 

Dự luật được Duma thông qua nhưng bị đánh bại trong Hội đồng Nhà nước, nơi những người chính thống trong giới quí tộc địa chủ không muốn nhìn thấy các đặc quyền của tầng lớp quí tộc  (cho dù các phần tử Ba Lan cua nó) bị hi sinh để bảo đảm cho sự lấn áp của các lợi ích Nga; sự kiện người Ba Lan là quí tộc trong quan điểm họ nên được ưu tiên hơn sự kiện các nông dân là người Nga. Sự chống đối của họ được Trepov và Durnovo khuyến khích. Vốn là con cưng của triều đình, họ chờ đợi cơ hội này để hạ bệ đối thủ của họ. Họ bảo đảm cho dự luật thất bại bằng cách thuyết phục Sa Hoàng núp sau lưng Stolypin và đưa ra chỉ thị khuyến khích các đại biểu bầu như ‘lương tâm mình’ mách bảo (nói cách khác ám chỉ họ nên bầu chống chính quyền). Nhưng vẫn còn một tia sáng hi vọng. Nicholas nghĩ lại về vai trò của mình trong âm mưu và hứa với Stolypin nếu dự luật được trình lại, ông sẽ hậu thuẫn cho nó được thông qua ở viện trên. Tuy nhiên, Stolypin không phải là con người thích thương lượng. Ông không quen bị chống đối và không có kỹ năng của một chính trị gia hiện đại, những kỹ năng có thể giúp ông thỏa thuận được. Thay vì đợi phiên họp thứ hai của dự luật ông chọn cách đứng vững trên phiên trình thứ nhất, nhận ra trong bất kỳ tình huống nào sự nghiệp của ông chắc chắn chấm dứt. Ông đe đọa từ chức trừ khi Sa Hoàng cho tạm dừng kỳ họp của Duma và Hội đồng Nhà nước và thông qua dự luật bằng sắc luật khẩn cấp thuộc Mục 87 của Điều Luật Nền Tảng. Ông cũng yêu cầu trục xuất Durnovo và Trepov khỏi thủ đô. Sau bốn ngày suy nghĩ Nicholas cuối cùng đồng ý các yêu sách của Stolypin. Vào ngày 14/3, với hai viện đóng cửa, ông công bố Dự luật Zemstvo miền Tây và ra lệnh cho Durnovo và Trepov rồi St Petersburg cho đến cuối năm. Phải mất vài giờ thuyết phục mẫu hậu nổi tiếng là nhạy cảm,  cho phép ông đi ngược với lời khuyên của hoàng hậu (người ở trung tâm âm mưu chống Stolypin). Khi ông tiếp Stolypin ở Điện Gatchina gương mặt ông ‘đỏ vì vừa khóc’.

Stolypin đã thắng thế chỉ bởi cá tính mạnh mẽ. Nhưng chiến thuật cao tay của ông trong cuộc khủng hoảng zemstvo miền tây đã khiến mọi người căm ghét và vận hội chính trị của ông giờ sút giảm nhanh chóng. Sa Hoàng đã bị Thủ tướng của mình làm cho mất mặt quá mức, và giờ đây, dưới sự xúi giục của các nịnh thần, ông tìm cách trả thù. Phe cấp tiến nổi giận  vì cách đối xử khinh miệt của Stolypin đối với Duma. Guchkov từ chức chủ tịch và phe Octobrist chuyển sang phe chống đối; phe Dân tộc là đảng duy nhất ủng hộ Stolypin trong một đề nghị khiển trách. Bị cô lập và thúc ép, Stolypin không còn tự tin như trước, mất ngủ và trở nên trầm ngâm. Ông có linh cảm là cuộc đời mình đang được đếm từng ngày.

Vào cuối tháng 8 1911 Stolypin đến Kiev làm lễ khánh thành tượng đài Alexander II. Đã từ lâu ông đã chuẩn bị cho cái chết đột ngột của mình và trước khi rời St Petersburg ông đã giao tận tay một người phụ tá cao cấp một hộp thư tín bí mật mà ông ra lệnh tiêu hủy nếu mình không trở về. Ông phớt lờ lời cảnh báo của cảnh sát về một âm mưu ám sát ông và đi đến Kiev mà không mang theo vệ sĩ. Ông thậm chí không thèm mặc áo chống đạn. Vào ngày 1/9 Nhà hát Kiev trình diễn vở opera Huyền Thoại Sa Hoàng Sultan của Rimsky-Korsakov. Nicholas và bốn công chúa chiếm lô hoàng gia gần ban nhạc, trong khi Stolypin ngồi ở hàng trước của khán phòng. Trong thời gian giải lao thứ hai, trong khi ông đứng nói chuyện với Bá tước Frederics ngay trước ban nhạc, một thanh niên trong lễ phục tiến đến và, rút một khẩu súng lục từ dưới tờ chương trình, bắn hai phát vào Stolypin. Một viên đạn ghim trúng cánh tay trái, viên kia ghim vào ngực, tại đó một tấm huy chương làm viên đạn đi lệch vào gan ông. Chầm chậm như không biết chuyện gì đã xảy ra, Stolypin cởi găng tay, cẩn thận đặt nó lên hàng rào chắn, cởi nút áo vét, và nhận ra áo trong đẫm đầy máu, liền ngồi xuống chiếc ghế gần đấy. Với giọng nói chỉ những người chung quanh nghe được, ông lẩm bẩm, ‘Tôi sung sướng được chết vì Sa Hoàng,’ và, khi nhìn thấy ông ta trong lô hoàng gia trên cao, ông giơ bàn tay ra hiệu ông ta lui vào cho an toàn. Nicholas vẫn đứng đó và Stolypin, trong một điệu bộ như đang đóng kịch, làm dấu thánh bạn phước  cho ông ta. Trong bốn ngày sau đó bệnh tình Thủ tướng vẫn ổn định. Sa Hoàng tiếp tục chương trình lễ hội ở Kiev và đến thăm ông ở bệnh viện. Nhưng vào ngày 5/9, Stolypin bắt đầu lịm đi. Ông mất vào tối hôm đó. Sa Hoàng đến vào sáng hôm sau và cầu nguyện bên giường . Ông cứ lặp đi lặp lại cụm từ ‘Tha lỗi cho tôi.’

* * *

Người bắn Stolypin là D. G. Bogrov, một sinh viên cách mạng quay sang làm người chỉ điểm cho cảnh sát do nhu cầu tài chính. Không ai tìm ra bên nào đã ra lệnh cho Bogrov – cánh Tả hay cánh Hữu – vì Stolypin có nhiều kẻ thù ở cả hai bên. Lâu trước khi viên đạn của Bogrov giết chết ông ông đã chết về mặt chính trị.

Cái chết chính trị của Stolypin phải được giải thích bởi sự thất bại của ông như một nhà chính trị. Nếu ông giỏi giang hơn về ‘nghệ thuật của những điều có thể’, có thể ông đã được nhiều thời gian hơn cho mình và công cuộc cải cách. Stolypin đã nói mình cần 20 năm để biến đổi nước Nga. Nhưng một phần vì lỗi của mình nên ông chỉ có năm năm. Ông bám quá cứng nhắc  vào mục tiêu và nguyên tắc đến nỗi không thấy ra nhu cầu thương thảo và thỏa hiệp với đối thủ của mình. Ông gây thù chuốc oán với các lão gia chính trị bằng cách giẩm đập lên các đặc quyền truyền thống của họ và đánh mất sự hậu thuẫn của phe cấp tiến bằng cách đàn áp Duma bất cứ khi nào nó ngáng đường ông. Sự thiếu mềm dẻo chính trị này là do nhãn quan hành chính hẹp hòi của ông.

Ông hành động như thể mọi sự phải lệ thuộc vào lợi ích của nhà nước, vì những lợi ích này được xác định bằng những cải cách của ông, ông tin rằng điều này đặt ông đứng trên nhu cầu phải dính líu vào công việc bẩn thỉu của những thủ đoạn bè phái. Ông nghĩ mình có thể thực hiện được cải cách bằng biện pháp quản trị mà không cần ra khỏi bộ máy quan liêu để vận động một nền tảng hậu thuẫn rộng lớn hơn. Mặc dù ông biết được rằng chìa khóa cho chương trình của mình là tạo ra được một tầng lớp chủ đất nông dân, ông không hề nghĩ đến việc tài trợ cho việc thành lập một đảng của những tiểu chủ. Có Stolypin nhưng không có người theo Stolypin. Và vì thế khi Stolypin chết đi những cái cách của ông cũng chết theo ông.

Theo một vài sử gia, niềm hi vọng thực sự cuối cùng của chế độ sa hoàng bị quét tan bởi những viên đạn của tên sát nhân. Những cải cách của Stolypin, họ lập luận, là cơ hội thực sự duy nhất để cải cách theo đường hướng Tây phương. Chỉ cần được cho nhiều thời gian hơn, thay vì bị đứt đoạn bởi Thế Chiến I, thế thì có lẽ Cách Mạng 1917 sẽ không xảy ra. Quan điểm lạc quan này dựa vào hai giả định: rằng các cải cách của Stolypin đang thành công trong mục tiêu của chúng; và rằng chúng có khả năng làm ổn định hệ thống xã hội Nga sau cuộc khủng hoảng 1905. Cả hai giả định này rõ ràng đều sai.

Thứ nhất, những cải cách tạo được tương đối ít tiến bộ trong việc đưa nước Nga tiến đến một trật tự nghị viện lập hiến. Thật ra một số phương pháp riêng của ông- như cú đảo chính vào tháng 6 1907 và chiến thuật của ông qua Dự luật Zemstvo miền Tây – là sự lạm dụng  trắng trợn các lý tưởng của hệ thống đó.

Đúng, có một số thành tựu trong các quyền tự do dân sự, trong tự do báo chí, và trong sự kiện là chính Duma vẫn tiếp tục tồn tại, dù chỉ như một biểu tượng và một trường học cho nền văn hóa mới của chủ nghĩa lập hiến, giữa 1906 và 1914.* Nhưng điều này khó có nghĩa là nước Nga sa hoàng nhất thiết phải tiến đến một hình thức nào đó của chuẩn mực cấp tiến Tây phương. Bản chất của chế độ sa hoàng là vật bảo đảm lớn nhất và duy nhất cho tính không thể cải cách chính trị của nó. Ý thức hệ Muscovite về quyền chuyên chế gia trưởng mà Nicholas và triều đình không ngừng tôn quí có tình thù nghịch đối với nhãn quan hiến pháp Tây phương được kế thừa trong chương trình cải cách của Stolypin; và những quyền hành được cố thủ của triều đình, cùng với những lợi ích được ban cho của Giáo hội và các quí tộc tỉnh lỵ, hoàn toàn đủ mạnh để ngăn không cho chương trình được thực hiện. Một khi mà khủng hoảng cách mạng 1905-7 đã qua, vương triều không còn cần sự bảo vệ của Stolypin, và càng ngày càng tách ra khỏi chính phủ của ông, làm tê liệt chương trình của nó, và bắt đầu theo đuổi chương trình nghị sự của riêng mình, sau năm 1912 càng lúc càng dựa vào việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc Nga để tập hợp ‘những con dân trung thành’ sau lưng ngai vàng.

* Lãnh vực văn hóa cuối cùng này là một lãnh vực trọng yếu – và chính nó là  dấu hiệu của một ngọn núi phải vượt qua – cho việc đưa một trật tự hiến pháp vào một đất nước như Nga vào lúc đó (cũng như hôm nay) thực sự không có truyền thống hiến pháp. Trong khi ở các nước Tây phương hiến pháp chỉ phải bảo đảm các quyền lợi của một xã hội và văn hóa dân sự tồn tại sẵn, ở Nga nó phải tạo ra những điều này. Nó phải giáo dục xã hội – và chính nhà nước – học những giá trị và ý tưởng về một chủ nghĩa hiến pháp cấp tiến.

Thứ hai, vào năm 1912, nếu không muốn nói là trước nữa, đã rõ ràng là không có gói cải cách chính trị nào có thể giải quyết khủng hoảng chính trị sâu sắc đã gây ra rạn nứt đầu tiên trong hệ thống trong 1905. Đúng là, trong một lúc, phần lớn là do sự đàn áp của chính quyền mà phong trào lao động giảm hẳn và cho thấy những dấu hiệu ôn hòa hơn, đủ làm cơ sở cho người Men-se-vich hi vọng nó có thể tiến hóa theo đường hướng Tây phương. Nhưng trong hai năm sau 1912 lại có sự gia tăng kịch tính cả trong số lượng và tính hiếu chiến của các vụ đình công kỹ nghệ, mà đỉnh cao là vụ tổng đình công vào tháng 7 1914 ở St Petersburg, tại đó ngay giữa chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp xảy ra một vụ đánh nhau trên đường phố với chướng ngại vật. Công nhân các thành phố thủ phủ, theo công trình khảo cứu cách đây 30 năm của Leo Haimson, đang nhanh chóng quay lưng với tất cả đảng dân chủ – kể cả đảng Men-se-vich – vốn chủ trương chấp nhận những phương sách lập hiến và cải cách dần dần, và chuyển sang Bôn-se-vich, vốn chủ trương cổ vũ công nhân đấu tranh trực tiếp và vũ lực chống chế độ. Dù những nỗ lực cải cách chính trị, Nga trước Thế Chiến I bổng thấy mình đứng trên bờ vực của một cuộc cách mạng mới và có tiềm năng ác liệt hơn ‘cuộc diễn tập sau chót’ của thời 1905.

iii Đánh Cược Vào Kẻ Mạnh

Người nông dân lưu đày trở về làng vào một sáng tháng 4 lạnh giá năm 1908. Ông phải mất ba ngày tàu hỏa, xe ngựa và ngựa để đi một quãng đường 100 dặm từ Moskow, và khi ông về đến gần nơi chôn nhau cắt rún niềm hi vọng bắt gặp một vài sự tiến bộ trong hai năm ông vắng mặt tăng dần. Nhưng ngôi làng Andreevskoe chưa hề bao giờ là một nơi năng động. Dòng chảy văn minh hiện đại hình như đã bỏ qua nó, và giờ đây khi ông trở về với nó, trong đầu óc còn tươi rói hình ảnh của nước Anh và Pháp, Sergei Semenov chỉ thấy những dấu hiệu quen thuộc của sự lạc hậu và phân hủy. Những dải đất ruộng đen hình như hẹp hơn và manh mún hơn bao giờ, những bụi cỏ trong cánh đồng giờ đã cao bằng kích cỡ một bụi cây nhỏ, rừng cây đã bị đốn sạch, gia súc được phép chạy rong tự do trong vườn nhà, và cỏ hoang mọc ngay trên những con đường làng chính. Bạn láng giềng của ông, từng là một nông dân cần mẫn, đã thành bợm rượu, trong khi tám đứa con của y không có giày để đi. Nhưng điều làm Semenov chán chường nhất là khi biết rằng những bô lão trong làng vẫn là những ‘già làng’ từng ở đây khi ông ra đi. Và giờ đây họ càng có nhiều lý do hơn để xem những chương trình cải cách của ông với vẻ thù ghét và ngờ vực.

Xếp đám bô lão là Grigorii Maliutin, một lão già 70 sâu rượu, vạm vỡ, gương mặt bự đỏ rộp và chòm râu trắng, đã từng là người thống trị từ thời nào không ai còn nhớ. Maliutin là nông dân giàu nhất ở Andreevskoe, sống một phần nhờ lợi tức từ xưởng làm xã phòng của con trai gần Movie, và đối với độ tuổi của mình ông vẫn còn khỏe chán. Tự phụ và bo bo với quyền lực, ông là một con người nghiêm khắc và kỷ luật, một tên độc tài trong làng thuộc trường phái cổ, vẫn còn vũ phu với bà vợ già và, là một trường lão, phạt roi bất cứ nông dân nào phạm tội. Hầu hết dân làng đều ngán ông. Đồng minh chính của Maliutin là một phế phẩm khác từ thời nông nô, Yeim Stepanov, người nhiều năm liền đã giàu lên nhờ chắt chịu, gom góp như một tên hà tiện. Y luôn mặc cùng một bộ đồ cũ bẩn thỉu, cho lũ gia súc ăn vừa đủ sống, và chưa hề bố thí cho người ăn xin nào ở nhà thờ. Cả hai đều là Tin đồ Cũ dốt nát, và đoàn kết lại vì sợ thay đổi. Sở dĩ chúng mạnh là vì giữ cho làng kín như bưng, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Maliutin có thói quen lúc nào cũng bác bỏ những sáng kiến mới từ cái ấm trà samovar đến máy gieo mạ, cho là phung phí sạt nghiệp. Thậm chí chỉ nghĩ đến chúng là ông đau nhói. .

Thế thì có gì tệ hơn cho chúng khi trông thấy đối thủ  Semenov sừng sỏ của mình trở về. Semenov sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Andreevskoe vào năm 1868. Như Kanatchikov, mà ngôi làng Gurgo của ông cũng ở trong cùng huyện Volokolamsk, ông bị đẩy ra đời sớm để kiểm sống ở Moscow. Cha ông, như cha Kanatchikov, là bợm rượu và mẹ ông cáng đáng hết mọi việc đồng áng, không đủ gạo để nuôi sống ông. Trong độ tuổi từ 10 đến 18 Semenov lang thang từ nhà máy này đến nhà máy khác, thoạt đầu ở Moscow và rồi lên St Petersburg, Poltava và Ekaterinoslav, gởi tiền về phụ giúp gia đình và trở về làng trong mùa gặt. Ông tự học đọc  và ở tuổi 18 bắt đầu viết chuyện về cuộc sống làng quê. Một hôm ông tình cờ đặt chân lên bậc thềm nhà Tolstoy ở Yasnaya Polyana. Tolstoy ngưỡng mộ truyện viết của Semenov – đây là người lý tưởng của ông về một ‘nhà văn nông thôn’- và hai người trở thành đôi bạn đời. Semenov là một người trầm tính và nhịn nhường. ‘Nhỏ nhắn, hao gầy với chòm râu dê đỏ, một gương mặt đượm buồn thông minh, đa cảm và bẻn lẻn như trẻ thơ, ông luôn luôn ăn mặc theo lối nông dân, trông giống một thư lại làng hơn là nhà văn.

Không giống Kanatchikov, ông không hề khao khát ánh đèn thành phố. Ở tuổi 20, ông trở về Andreevskoe, cưới một cô gái làng, và nhận việc điều hành nông trại của cha mình. Thời tuổi trẻ cay đắng đã biến ông thành một người tin tưởng vững chắc vào việc cải cách, ‘Tôi luôn bị thúc đẩy bởi một ước mơ cháy bỏng sẽ cải thiện cuộc sống làng quê tôi, chấm dứt những cảnh đời lạc hậu và tối tăm của nó,’ ông viết sau đó. Niềm tin vào sự tiến bộ này thúc đẩy ông tham gia cách mạng và – vào sự tự rèn luyện bản thân. Ông bỏ rượu và dành dụm tiền để mua sách về nông học. Huyện Volokolamsk nhanh chóng trở thành một trung tâm chính về canh tác sợi lanh – có lẽ là hình thức thâm canh quan trọng nhất trên trang trại nông dân Nga – và lợi tức ngon lành có thể kiếm ra từ đó. Semenov là người tiên phong trong phong trào này. Ông muốn thêm đất từ các quí tộc điền chủ gần đấy và trồng không chỉ lanh mà còn đủ loại hoa màu cho thị trường với những phương thức canh tác mới mẻ nhất. Ông bắt đầu mở chiến dịch cải cách ruộng đất cho làng Andreevskoe, và thế là đụng chạm với Maliutin.

Mỗi hiềm khích giữa họ khởi phát từ một bộ xương. Con gái của Maliutin, Vera, sinh ra một đứa con ngoài giá thú. Vì xấu hổ ả đã giết con rồi chôn thi thể trong rừng cây. Cách nào đó chính quyền phát hiện ra và cảnh sát tìm đến làng để điều tra. Maliutin đút lót cho qua chuyện, và vấn đề được ém nhẹm. Nhưng một thời gian dài y kết tội Semenov đã mách tin cho chính quyền. Với sự giúp sức của đồng bọn y mở chiến dịch hù doạ để đuổi Semenov ra khỏi làng. Họ đốt chuồng trại, giết gia súc, cướp đi nông cụ và tố cáo ông là phù thủy. Giáo hội địa phương cũng góp thêm tiếng nói vào lời buộc tội này. Semenov là người vô thần. Ông từ chối đón tiếp giáo sĩ tại nhà, và vào những ngày chủ nhật hoặc lễ thánh ông là người nông dân duy nhất làm việc ngoài đồng. Nhưng thậm chí còn tệ hơn, ông lại là người theo Tolstoy, vốn đã bị rút phép thông công. Năm 1902 Semenov cuối cùng bị kết tội là phù thủy trong tòa án giáo hội và bị tống giam sáu tháng.

Khi được thả, ông trở về làng, và lần này gia nhập cuộc đấu tranh cách mạng nông dân. Ông thuộc nhóm nổi bật gồm những nông dân, giáo viên và những nhà nông học địa phưong, thành lập câu lạc bộ đọc sách, hợp tác xã và hiệp hội nông dân ở huyện Volokolamsk, mà đỉnh cao là thành Cộng Hòa Markovo 1905-6.

Điều này cho Maliutin một cơ hội để giáng một đòn thứ hai cho đối thủ của mình. Y báo cho cảnh sát là làng đang chứa chấp một phần tử cách mạng nguy hiểm.

Semenov bị bắt vào tháng 7 1906, cũng với những người cầm đầu Markovo, và bị giam hai tháng ở Moscow trước khi bị lưu đày ở nước ngoài. Với sự giúp đỡ tài chính của Tolstoy, Semenov trải qua 18 tháng sau đó du ngoạn miền quê nước Anh và Pháp. Chứng kiến những phương pháp canh tác ở phương Tây càng củng cố niềm tin của ông về nhu cầu cần kíp phải lật đổ hoàn toàn hệ thống công xã ở Nga. Nó là gánh nặng cho nông dân Nga vì không sử dụng hiệu quả đất đai và bóp nghẹt sáng kiến của họ với tư cách những trại chủ. Dưới hệ thống công xã, nông dân giữ hàng chục mảnh đất nhỏ manh mún rải rác trong đất làng. Phần đất 10 desyatiny (27 mẫu) của Semenov gồm tất cả hơn 50 dải đất khác nhau nằm ở một tá địa điểm khác nhau. Dải đất thì quá hẹp – một số rộng không tới ba bộ (khoảng một mét) – để có thể cày bừa bằng máy, và mất quá nhiều thì giờ đi tới lui. Sự phân phối lại theo chu kỳ khiến nông dân không thiết đến việc cải tạo đất. Có ít triển vọng  khi giới thiệu kỹ thuật luân canh tiên tiến vi trong hệ thống canh tác mở mọi người phải bắt buộc áp dụng cùng kiểu canh tác để cho phép gia súc ăn rơm rạ đồng thời, và, nếu bằng sức mạnh của số đông, người ta sẽ chây lười. ‘Tôi mơ ước’, Semenov có lần viết, ‘tạo lập một nông trại của riêng mình có rào bao quanh trên đó tôi luân canh 7 ruộng và không còn có những dải đất nhỏ manh mún nữa.

Đã ra khỏi làng là một người cách mạng, giờ ông trở lại là một kẻ tiên phong trong chính sách của chính quyền. Giấc mơ của ông cũng trở thành giấc mơ của Stolypin: dỡ bỏ công xã. Nhưng không giống Semenov, chỉ thấy điều này trong phạm vi nông nghiệp, Stolypin lại kết nối nó với sự tạo ra một giai cấp mới là tiểu chủ nông dân, người mà bằng cách sở hữu của cải và giàu có lên , sẽ học được cách tôn trọng quyền của các quí ông địa chủ và từ bỏ khát vọng cách mạng của mình. ‘Chính quyền’, Stolypin bảo với Duma vào năm 1908, ‘đã đặt cược, không phải vào bọn thiếu thốn và bợm rượu , mà vào người vạm vỡ và mạnh mẽ.’ Những nông dân giỏi làm ăn như Semenov giờ được khuyến khích tách ra khỏi công xã và tạo dựng cơ ngơi của riêng mình. Theo Luật 9 tháng 11 1906 họ được phép biến những dải đất công xã thành tài sản tư nhân trên những nông trại có rào chắn ở bên ngoài làng (khutora) hoặc những mảnh ruộng hợp nhất bên trong làng (otruna). Toàn làng có thể biến đổi theo cách trên nếu có đa số hai phần ba số hộ đồng ý. Những sắc luật tiếp theo sẽ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu đất đai và giúp những người tách riêng tạo thêm đất đai từ các chủ đất quí tộc và nhà nước với tín dụng lãi suất thấp từ Ngân hàng Điền địa Nông dân. Không mấy ai hoài nghi về tính ưu tiên cao mà chính quyền dành cho dự án này. Đây là lần đầu tiên chính quyền thực sự nỗ lực thay đổi căn cơ cuộc sống của nông dân và những bộ trưởng và viên chức thông minh hơn hiểu rằng, trừ khi một cải tổ gây ấn tượng được xúc tiến, nó cũng chắc chắn là cuộc cải tổ cuối cùng.

Ý thức về sự bất lực lịch sử của mình trong vùng quê, chính quyền loại bỏ tất cả rào chắn pháp lý để việc khoanh vùng đất đai được tiến hành thuận lợi. Bốn bộ, hàng trăm các ủy viên điền địa huyện và tỉnh và hàng ngàn trắc địa viên, chuyên viên nông học, chuyên viên thống kê và kỹ sư được sử dụng trong công trình này. Các thanh tra điền địa và các viên chức địa phương khác bị dội bom bằng các chỉ thị từ trung ương yêu cầu thúc giục nông dân tách ra riêng, và hàng chục triệu rúp được đánh dấu để giúp đỡ họ. Như thể chế độ biết rằng sự sống còn chính trị của mình phụ thuộc vào ‘việc đánh cược trên kẻ mạnh’ này.

Stolypin không thể muốn có một người tiên phong lý tưởng hơn Sergei Semenov. Ông là hiện thân của tinh thần nông dân tự học và tháo vát mà chương trình cải cách của Stolypin cần đến. Như Stolypin, ông có cái nhìn u ám về cách sống của những người láng giềng mình – sự khinh rẻ của cải, sợ sách vở và khoa học, hay say sưa và đánh nhau – mà ông đổ lỗi cho các ‘thói quen như nông nô của công xã và những Maliutin của thế giới này.

Đối với những Maliutin ở Andreevskoe, những người không thấy lợi ích trong việc thay đổi hệ thống công xã cổ xưa, Semenov chỉ là tên gây rối. Chúng tiếp tục lên án ông là đồ vô thần và tên cướp cạn (cách mạng) vì ông tấn công Giáo hội và Sa Hoàng. Chúng ra sức ngăn ông không đến dự hội đồng làng xã viện cớ rằng người cha nghiện rượu và già khú, đang được ông nuôi dưỡng, vẫn còn là chủ hộ hợp pháp.

Maliutin lập luận rằng để đầu tư thời gian và tiền bạc vào việc cải cách sẽ rất lãng phí. ‘Ông cha chúng ta đã làm sao, chúng ta cứ theo đó làm vậy.’

Các lý luận của Maliutin có vẻ nghe lọt tai giới nông dân, vốn bản tánh rất ngại cải cách. Có những nguyên do văn hóa sâu xa khiến nông dân kích bác sự dỡ bỏ công xã, vốn là tiêu điểm đời sống của họ hàng bao thế kỷ. Cái lo lắng cơ bản của họ là nếu cho một nông dân nào đó một phần đất của công xã làm của riêng và vĩnh viễn, nhất là nếu đó là đất tốt, thế thì họ không thể sử dụng phần đất ấy trong tương lai để sinh nhai. Nỗi sợ này mạnh nhất trong số những thành viên nhỏ tuổi của gia đình, nhất là phụ nữ, bởi vì một khi một hộ đã gom đất làm của riêng, tính sở hữu chung của gia đình hết tác dụng và đất đai trở thành tài sản hợp pháp của gia trưởng. Y có thể tặng cho một hoặc nhiều con trai mình, hoặc bán hết, do đó tước đoạt những thành viên khác quyền thừa kế. ‘Người nông dân’, một viên chức tuyên bố, ‘rất thù ghét Luật 9/11,’ vì ‘họ sợ rằng các gia trưởng nông dân sẽ bán sạch ruộng nương và con cháu họ sẽ mạt rệp. Họ nói không ai sẽ bán đất – nhưng để họ trao đổi đất với những gì họ khoái trừ đất.’ Nhiều nông dân sợ rằng cho phép đất công xã thành đất tư sẽ tạo phương tiện cho người giàu nhất mua hết đất đai. Cũng có mối e sợ đang lan truyền rằng những trắc địa viên chính quyền, vốn được chỉ thị khuyến khích sự gom đất, sẽ thưởng cho những người chịu ra riêng phần đất nhiều hơn và tốt nhất.

Và thật ra người nông dân có lý do chính đáng để thắc mắc làm cách nào những mảnh đất vá víu lẫn lộn trong công xã có thể được tách ra rồi nhập lại để chia chát công bằng. Trên tiêu chuẩn nào một miếng đất tốt tại nơi này có thể được trao đổi với một miếng đất xấu ở nơi khác? Làm sao phân chia đồng cỏ, rừng cây và dòng sông trước đây là của chung? Và nếu trong phần đất tách riêng cần phải xây dựng đường xá riêng của mình, liệu những đường này có cắt qua những đường biên có sẵn và các quyền đi lại riêng tư không? Nông dân gắn liền với đất đai theo một ý nghĩa rất đặc biệt. Phần đông đều cày cấy cũng một mảnh đất nhiều năm rồi, nên hiểu rõ từng đặc điểm và sẽ không dễ dàng chịu từ bỏ nó. Không có ai dạy họ cách tính diện tích đất bằng cách nhân chiều dài với chiều rộng, vì thế họ không có cách thức đáng tin cậy để tin rằng hai miếng đất có thực sự cùng kích cỡ hay không. Ruộng của họ được đo ‘bằng mắt’ hoặc bằng cách đếm bước đo chiều rộng và điều chỉnh nhắm chừng khi chiều dài hoặc chất lượng đất không bằng nhau. Họ tin chắc phương pháp đo cha ông truyền lại chính xác hơn nhiều so với phương pháp khoa học phức tạp của các trắc địa viên với túi đồ nghề, thước, compa, chân ba càng và ống nhắm. Có một điều, viên trắc địa không thể nào cho vào dữ liệu độ biến thiên chi tiết của chất lượng đất của mỗi dải đất, thế nên các nông dân cứ cãi cọ không ngừng trong khi đo đất. Họ cũng không thể xét đến những yếu tố xã hội khác nhau không tránh khỏi ảnh hưởng đến vị trí của những dải đất của nông dân: bởi vì giao đất tốt nhất cho những gia đình quyền thế nhất đã trở nên một phương tiện quan trọng để gìn giữ thứ bậc nông dân truyền thống. Chính những trại chủ lớn nhất, đánh mất nhiều nhất trong việc dẹp bỏ công xã, thường là cầm đầu phong trào chống cải cách ruộng đất. Và không khó để họ gây hoang mang cho nông dân về cải cách, bởi vì cách phân phối hiện hành đã trở thành một phần của cuộc sống thường nhật của họ, số phận của gia đình họ và cấu trúc xã hội của thôn làng.

Tất cả những yếu tố này đều có vai trò của chúng trong cuộc tranh đấu tách ra khỏi công xã của Semenov. Thoạt đầu ông và những người hậu thuẫn, phần đông là những nông dân trẻ hơn và có học vấn hơn, ra sức thuyết phục phần còn lại của dân làng nên gom tất cả đất của họ với nhau, hoặc ít nhất phân phối lại đất công xã để giảm bớt số dải đất quá manh mún. Nhưng Maliutin và đồng bọn cực lực chống đối đủ mọi hình thức, và những dân làng còn lại, hoặc quá sợ chúng, hoặc quá sợ cải cách, để có thể cho phe Semenov đủ hai phần ba số phiếu cần thiết để tiến hành cải cách. Vì thế phe Semenov bắt đầu lên kế hoạch sử dụng quyền gom các lô đất của mình lập thành otruna. Nhưng một lần nữa họ gặp chống đối thù hận từ phía bọn Maliutin. Dân lần chia thành hai phe kình địch nhau – phe muốn ra khỏi công xã và phe cố ngăn cản – trong khi đa số nông dân không biết tình sao trừ việc ngoan ngoãn nghe theo bên nào mạnh hơn. Để làm Semenov sợ, các lão nông ngăn cản không cho con cái ông đi học và cấm ông sử dụng đồng cỏ và rừng cây của công xã. Những tay chân của Maliutin đánh đập vợ ông, giết gia súc và đốt nhà các nông dân về phe ông. Họ thậm chí hăm dọa giết chết các trắc địa viên khi họ đến làng làm việc; và suốt 18 tháng không trắc địa viên nào dám bén mảng tới.

Những trò hù dọa như thế không phải là hiếm (trong nhiều làng binh lính phải được phái đến và đặt trong tình trạng thiết quân luật để chấm dứt bạo động). Nó chắc chắn có hiệu quả trong việc kềm chân những nông dân tiên phong tiềm năng. Trong số 6 triệu đơn xin gom đất được nhận trước 1915, hơn một phần ba sau đó được đường sự rút ra, phần lớn trước sức ép của hàng xóm. Trong số những đơn được duyệt xong (khoảng một triệu tất cả), hai phần ba có sự giúp đỡ tích cực của chính quyền. Cũng thế, Semenov rồi sẽ biết, cho dù có chính quyền đứng về phe mình, phải cần sự quyết tâm đáng nể để những người xin ra riêng đi trót lọt đến cuối đường.

Với tính quan liêu hành chính, số phận của công cuộc cải cách Stolypin nằm trong tay các thanh tra điền địa địa phương. Họ được giao nhiệm vụ giải thích cho nông dân những thuận lợi của việc canh tác kiểu mới và xét tán thành các thỉnh nguyện của họ để trình lên ủy ban điền địa, Ngân hàng Điền địa Nông dân, và những nguồn tài chính khác. Thanh tra điền địa của Semenov, Makarov, là một quí tộc có học thức và cấp tiến vì phá sản và tình duyên lận đận nên mới tấp vào giữ chức vụ tương đối khiêm tốn này. Như ngài thống đốc tỉnh, ông hoàn toàn có thiện cảm với phong trào ‘ra riêng’. Điều này là hơi lạ. Đa số các đồng nghiệp của ông trong bộ máy hành chính tỉnh lỵ đều chống lại cải cách, nên ra sức ngăn cản việc thi hành bằng thái độ chây lười và rùa bò. Trong nhiều khu vực thanh tra điền địa đã đóng vai trò chủ chốt trong việc đàn áp những rối loạn nông thôn những năm 1905-7 và sự mất tín nhiệm đối với thanh tra điền địa, cũng như với mọi viên chức nhà nước, còn rất cao. Cho nên sự có mặt của thanh tra điền địa trong chương trình cải cách này hóa ra lợi bất cập hại.

Vẫn chưa hết, Thống soái của Hội đồng Quí tộc và những thanh tra điền địa khác trong Volokolamsk chống đối kịch liệt cải cách, và Makarov, dù có muốn giúp đỡ Sememov, cũng không thể và không dám làm gì được vì sợ mất chức và mất mạng. Và thế là các địch thủ của Semenov nắm thế thượng phong, và đẩy mạnh tấn công. Do Maliutin cầm đầu, chúng oanh tạc chính quyền địa phương bằng những lời khiếu nại vụn vặt chống Sememov. Những khiếu nại này được mưu tính khôn khéo nhằm cho chính quyền cái cớ để đình hoãn vô thời hạn cải cách ruộng đất. Chúng tố cáo Semenov với cảnh sát huyện vì tội làm ô uế một chân dung của Sa Hoàng, thế là một cuộc điều tra được mở ra để xem Semenov có đủ tư cách sở hữu một lô đất riêng hay không. Họ đưa vấn đề Semenov hay cha ông ai là người có quyền tại hội đồng làng xã ra trước tòa án xã, và, khi toà không ra  được quyết định, chúng đưa đến tòa án huyện. Tất cả việc này ngốn mất gần hai năm. Maliutin cũng lôi kéo ông qua các tòa án đòi quyền sở hữu ma đối với các lô đất của ông, để trong thời gian đợi cứu xét, ông không được gom lại phần đất chưa hợp nthức hóa rõ ràng của mình.

Quyết tâm của Semenov để vượt qua tất cả các trở ngại này thật phi thường. Ít ai có được nghị lực sắt đá như vậy. Tỉ lệ gom đất, sau bước đầu bùng phát, sút giảm thật mạnh sau 1909-10. Hầu hết sự tách đất xảy ra ở miền tây, miền nam và đông-nam của nước Nga, nơi thị trường phát triển nhiều nhất. Những nông dân ra riêng thường hoặc là những nông dân có định hướng thị trường hoặc, ngược lại, những nông dân nghèo nhất, muốn nhanh chóng bán đất để chuyển lên thành phố mưu sinh. Khối nông dân trong vùng trung tâm nước Nga – chính là những người sẽ cầm đầu cuộc cách mạng nông thôn 1917 – không bi5 ảnh hưởng. Cải cách của Stolypin đã thất bại trong việc thay đổi lối sống công xã của họ.

Cuối cùng, sau hơn hai năm giằng có, các trắc địa viên đến Andreevskoe với vệ sĩ có vũ khí và những thủ tục cuối cùng về việc tách đất được hoàn tất. Trong số 45 họ trước đây nộp đơn xin gom đất cùng với Sememov, chỉ còn tám người ở lại. Để xoa dịu địch thủ họ buộc phải nhận phần đất đầy cỏ rậm ở ven làng. Vì nó không có đồng cỏ thích hợp, họ vẫn phải lệ thuộc vào phép công xã để thả gia súc mình trên đồng cỏ của công xã. Những hoà giải kiểu này là thực tế cuộc sống. Phần đông nông dân ra riêng kiểu otruna chân trong chân ngoài hơn là kiểu khutora hoàn toàn độc lập với công xã. Đại đa số hộ ra riêng của Stolypin đều thuộc hình thức otruna; trong khi chính quyền thích khutora hơn nhưng đành chịu.

Mặc dù có sự chống đối tiếp tục của các nông dân công xã, thỉnh thoảng phá hoại tài sản của họ, phe Semenov dần dần biến phần đất cỏ rậm của mình thành nông trại tư nhân kiểu mẫu. Họ qui hoạch những cánh đồng hình vuông rộng lớn, canh tác theo lối luân canh tiên tiến, phân loại hạt giống, phân bón hóa học và máy công cụ. Ngũ cốc và cây lanh của họ tăng năng suất gần phân nửa. Họ cất những chuồng trú đông cho bò, nhập khẩu các giống bò tốt hơn từ châu Âu, xuất khẩu sữa đến Moskow và thành lập hiệp hội chăn nuôi bò sữa. Họ cũng trồng cây ăn trái và rau củ, chở bằng tàu hỏa đến bán ở Moskow mỗi thứ bảy. ‘Kinh nghiệm trong ba năm qua của tôi’, Semenov viết vào năm 1913, ‘đã thuyết phục tôi rằng một tương lai xán lạn đang nằm phía trước người nông dân.’ Và những nông dân ra riêng mới này là những người tiên phong của cuộc cách mạng nông thôn ngắn ngủi ở Nga trước Thế Chiến I. Đến một mức độ rộng lớn chính họ là tác nhân khiến mức sống nông dân tăng lên mà các sử gia gần đây ghi nhận được. Những nông dân ra riêng kiểu khutor, thường là người mạnh nhất trong số những người mạnh , có ba hoặc bốn ngựa và có thể một tá bò, so với một ngựa cho mỗi hộ nông dân trong công xã. Họ mướn lao động, mua thêm đất đai từ các địa chủ và bắt đầu làm ăn. Đây là những người đánh thắng trong trò ‘cá cược vào kẻ mạnh.’

Nhưng có những người khác, nhất là trong số nông dân kiểu otruna, thất bại khi ra riêng. Nhiều otruna của họ thực sự nhỏ hơn lô đất lãnh của công xã trước kia, chứng tỏ họ thuộc hộ nông dân thấp kém hơn. Tất nhiên một số họ đã dự tính sẽ bán rồi chuyển vào thành phố sinh sống: hơn một triệu nông dân đã làm như vậy giữa 1908 và 1915. Nhưng những nông dân ra riêng khác muốn canh tác trên đất riêng gom chung, và tin tưởng mình có thể thành công. Tất nhiên, sự thật là canh tác độc lập tốn nhiều chi phí và rủi ro hơn nông dân trong công xã. Người ra riêng phải trả tiền lãi ngân hàng và đầu tư đường xá, làm hàng rào và dẫn nước. Hơn cũng phải sắm các phương tiện vận tải, công cụ, gỗ, đồng cỏ và hạt giống và ngũ cốc riêng, mà một số việc này trước đây họ chia sẻ với người láng giềng trong công xã. Một loạt những dịch vụ cộng đồng hình thành trung tâm của cuộc sống nông thôn – nhà thờ, trường học, của tiệm và nghề buôn bán nhỏ, cũng như mạng lưới cá nhân giữa lối xóm  – giờ khép lại đối với họ, ít nhất một phần. Vào 1917, nhiều nông dân ra riêng đã rơi vào cảnh nghèo túng và sẵn sàng thanh toán nông trại của mình để quay về với công xã  và được chia phần chiến lợi phẩm khi nó bắt đầu mở lại cuộc chiến chống giới quí tộc điền chủ.

Đa số sử gia Tây phương có khuynh hướng cho rằng – thường dựa nhiều hơn vào cơ sở những thành kiến ý thức hệ của riêng họ – cuộc cải cách ruộng đất của Stolypin ‘ắt hẳn đã’ thành công. Họ lập luận rằng nếu không có Thế Chiến I, khiến cho việc ra riêng bị đình đốn, công cuộc cải cách hẳn đã ngăn ngừa được cuộc cách mạng nông thôn bằng cách biến các nông dân thành các tiểu chủ. Điều này hợp với quan điểm của các sử gia nhấn mạnh rằng nước Nga sa hoàng sau 1905 đang trở nên ổn định và vững mạnh như kết quả của sự tiến hóa của nó đến một xã hội hiện đại và rằng, nếu không phải vì chiến tranh, cách mạng sẽ không hề xảy ra. Những ngày chuyên chính cũ tồi tệ đang lùi dần, một trật tự nghị viện đang hình thành, và nước Nga, lập luận tiếp tục, nhanh chóng trở thành một cường quốc kỹ nghệ thực sự trong đó giới nông dân không chỉ đủ ăn mà, nhờ các cải cách của Stolypin, có khả năng xuất khẩu lương thực nữa.

Thật ra, trước 1914 rất lâu, cuộc cải cách ruộng đất của Stolypin đã có dấu hiệu dừng lại. Stolypin đã tuyên bố mình cần ít nhất 20 năm để biến đổi nước Nga nông nghiệp. Nhưng cho dù nếu chúng tiếp tục với cùng tốc độ như đã tiến hành trước Thế Chiến I, nó cũng sẽ mất non một thế kỷ chế độ mới tạo ra được giai cấp tư sản nông thôn đủ mạnh trên đó nó rõ ràng đã quyết định đánh cược tương lai. Phong trào chia đất ra riêng, như mọi cải cách khác của chế độ sa hoàng, đã bắt đầu quá trễ.

Một  phần là do cấu trúc hành chính không đủ nhân lực để thi hành các cải cách, nên chúng bị đình đốn liên miên. Chính quyền muốn thử biến cải lối sống nông thôn mà không có đòn bẩy chính trị thực sự ở nông thôn. Hầu hết các quí tộc địa chủ, từ các thống đốc tỉnh lỵ xuống tới các thanh tra điền địa đều chống đối với cải cách và làm hết sức để ngăn chặn chúng. Trong khi đó, ở cấp độ làng không có quản lý của nhà nước gì hết, mặc dù Stolypin, nói công minh, đã cố gắng tạo ra zemstvo làng được khống chế bởi các chủ đất nông dân mới và chỉ có sự chống đối chính trị của quí tộc địa chủ mới chôn sống các đề xuất của ông. Những người tiên phong, như Semenov, do đó không có quyền hành chính trị của riêng mình để giúp họ trong cuộc tranh đấu lội ngược dòng để ra khỏi công xã và trừ khi, như ông, có lòng kiên quyết vô bờ họ rất ít hi vọng thành công. Không có thể chế dân chủ hóa của chính quyền địa phương các cải cách của Stolypin báo trước thất bại.

Có lẽ trên tất cả những cải cách gặp số phận là vì những tham vọng của chúng. Hóa ra áp đặt phương hướng tư bản nước ngoài lên nông thôn Nga lạc hậu là điều khó khăn hơn các quan chức cao cấp, ngồi trong văn phòng ở St Petersburg tưởng rất nhiều. Công xã làng là một định chế cổ, theo nhiều mặt hoàn toàn đã tàn rụi, những ở mặt khác còn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của nông dân, sống như họ sống bên ranh giới của đói nghèo, sợ đánh liều, ngờ vực sự thay đổi và hận thù với người ngoài. Stolypin cho rằng nông dân nghèo vì họ có công xã: bằng cách kêu gọi họ ra riêng ông có thể cải thiện cuộc sống của họ. Những điều ngược lại gần với sự thật hơn: công xã tồn tại vì các nông dân nghèo, nó có vai trò phân phối gánh nặng của sự bần cùng, và chừng nào họ còn nghèo họ còn có ít động lực để rời bỏ nó. Dù tệ hơn hay tốt hơn, các tập quán có tính quân bình của công xã đã là hiện thân cho những khái niệm cơ bản về công bằng xã hội của nông dân và, như các sự kiện 1917 sẽ chứng tỏ, đây là những lý tưởng mà vì chúng họ sẽ chiến đấu lâu dài và gian khổ.

iv Vì Chúa Trời, Sa Hoàng  và Tổ Quốc

Trong những ngọn đồi nhìn qua các quận phía tây ở thành phố Kiev có một số hang động nơi trước cách mạng trẻ  em thường chơi đùa và, vào những ngày chủ nhật đẹp trời của mùa hè, các gia đình thường đến chơi dã ngoại. Một hôm vào mùa xuân 1911 một vài đứa trẻ tìm thấy xác một nam sinh trong một hang động. Có tất cả 47 nhát dao  đâm vào đầu, cổ và ngực, quần áo nạn nhân khô cứng máu đã đông. Gần đó là chiếc mũ lưỡi trai và vài quyển vở, nhận diện ra nạn nhân là Andrei Yustshinsky, một học sinh 13 tuổi của trường dòng Sofis.

Kiev nổi giận vì vụ sát nhân. Tin này tràn ngập mặt báo. Vì có số lớn vết thương trên thi thể nạn nhân một số nhóm Black Hundreds cho rằng nó phải là lễ hiến tế của người Do Thái.

Tại lễ tang họ phát truyền đơn cho khách viếng trong đó loan báo rằng ‘mỗi năm trước lễ Vượt Qua người Do Thái hành hạ đến chết vài tá trẻ em Cơ đốc để lấy máu pha với bánh lễ’. Chúng kêu gọi ‘Tín đồ Cơ đốc hãy giết tất cả người Do Thái cho đến không còn một mống Do Thái nào ở Nga’.

Lý thuyết về hiến tế nhận được sự ủng hộ giả mạo từ cái gọi là Nghị định thư của các Giáo trưởng Zion, một tài liệu giả mạo đầu tiên được  cảnh sát sa hoàng in ấn ở St Petersburg vào 1902, và rất lâu trước khi nó gặt hái thành tựu to lớn ở châu Âu thời Hitler, đã tạo một cơ sở phổ biến ở Nga cho huyền thoại rằng người Do Thái lập ra một âm mưu trên toàn thế giới nhằm  băng hoại và nô dịch hóa các quốc gia Cơ đốc. Nhưng chỉ sau 1917, khi nhiều người Nga đổ lỗi những thảm trạng của chiến tranh và cách mạng lên người Do Thái, thì Nghị định thư mới được nhiều người đọc. Một bản của nó được tìm thấy trong số di vật của Nicholas II sau khi ông bị mưu sát vào tháng 8 1918. Nhưng chúng được in trong vài lần xuất bản giữa 1905 và vụ mưu sát Andrei, vì thế việc nhóm Black Hundreds tố cáo em bị giết cho nghị lễ hiến tế của người Do Thái nghe quen thuộc và khá thuyết phục đối với hàng vạn công dân. Hơn nữa, vào những năm này, nổi lên khuynh hướng văn chương ‘khoa học’ về đề tài lễ hiến tế của người Do Thái, ma cà rồng và nô lệ da trắng, khiến lời buộc tội của Black Hundreds mang một tính chứng thực nào đó. Tóm lại, như Witte đã nói, chủ nghĩa bài Do Thái được ‘xem là đúng mốt’ trong giai tầng ưu tú.

Trong những tuần lễ theo sau đám tang của Andrei nhiều tin đồn lan truyền khắp Kiev về một chiến dịch giết người hiến tế của dân Do Thái. Báo chí cánh Hữu lập lại lời buộc tội và sử dụng nó để lập luận chống lại việc ban phát quyền dân sự và tôn giáo cho người Do Thái. ‘Người Do Thái’, tờ Russian Banner tuyên bố,  đã bị tôn giáo của họ biến cải thành ‘một chủng loại sát nhân tội phạm, những tên tra tấn tế lễ, và bọn uống máu người Cơ đốc’. 37 đại biểu Duma cánh hữu, trong đó có 11 giáo sĩ Chính thống, ký một thỉnh nguyện thư yêu cầu chính quyền mang ‘bọn tôi phạm Do Thái ra trước  công lý’. Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ cả hai đều tin về vụ hiến tế, như phần đông chính phủ và triều đình, và bây giờ được lệnh của Sa Hoàng họ bắt đầu truy tìm tung tích nghi can Do Thái.

Người đàn ông cuối cùng họ chọn ra là Mendel Beiliss, một thư ký trung niên trong một xưởng của người Do Thái tính cờ có mặt ở gần hang động nơi tìm thấy thi thể của Andrei. Không có gì bất thường về người đàn ông của gia đình trầm lặng này, có chiều cao trung bình, chòm râu đen và mang kính. Ông thậm chí không sùng đạo và hiếm đi nhà thờ Do Thái. Vậy mà trong hai năm sau đó , khi ông ngồi tù đợi xét xử, chân dung khủng khiếp nhất của ông được cảnh sát tô vẽ lên.

Các nhân chứng được trả tiền để làm chứng đã thấy ông bắt cóc bạo lực Andrei, hoặc đã nghe ông thú tội sát nhân hoặc nghe ông nói có tham gia vào hội kín Do Thái. Hai bác sĩ có nhiệm vụ giải phẫu pháp y bị buộc phải thay đổi báo cáo cho khớp với thuyết sát nhân hiến tế. Một nhà tâm lý học lừng danh, Giáo sư Sikorsky, thậm chí được đẩy xe lăn tới để khẳng định rằng, dựa trên ‘chứng cứ nhân chủng học’ hợp lý nhất, cải chết của Andrei là ‘điển hình’ của việc giết người hiến tế được thực hiện thường xuyên bởi người Do Thái. Báo chí có một ngày chuyên đề với những câu chuyện giật gân về ‘Mendel Beiliss, kẻ uống máu Cơ đốc’ và những mục được các ‘chuyên gia’ khác nhau bàn về bối cảnh khoa học và lịch sử của vụ án.

Trong khi đó, nguyên nhân thực sự của vụ án đã được hai cảnh sát trẻ phát hiện. Andrei là bạn học của Yevgeny Cheberiak, mà mẹ của em, Vera, là thành viên của một băng nhóm tội phạm gần đây đã thực hiện một loạt trộm cắp ở Kiev. Đồ ăn cắp được cất giấu trong nhà ả trước khi được vận chuyển đến các thành phố khác để bán. Có một dịp Andrei tình cờ phát hiện được nơi cất giấu bí mật của họ. Trong một lần cãi cọ với bạn mình Andrei hăm dọa sẽ báo cảnh sát. Khi Yevgeny về mách với mẹ, bọn trộm sợ hãi, giết chết Andrei, và ném thi thể em vào hang động. Tất cả việc này đã bị Biện lý Quận, người có nhiệm vụ điều tra vụ án,  ém nhẹm. Đó là một tên cuồng tín bài Do Thái, có tên Challinsky, năng nổ muốn lập công với Bộ trưởng Tư pháp Shcheglovitov bằng cái đầu của Beiliss. Hai cảnh sát trẻ bị bãi chức và những người khác có nghi vấn về vụ án buộc phải im lặng. Challinsky thậm chí dấu giếm việc Vera, người sẽ khai trước tòa là mình đã chứng kiến việc Beiliss bắt cóc Andrei, đã dã tâm đầu độc con ruột của mình vì sợ em có thể phát giác ra vai trò của ả trong vụ án. Yevgeny, sau hết, là chứng nhân duy nhất có thể phá hỏng vụ kiện.

Vào năm 1917, khi toàn bộ sự việc được phanh phui, người ta mới biết rằng Bộ trưởng Tư pháp và chính Sa Hoàng đều biết trước là Beiliss vô tội rất lâu trước khi ra tòa, nhưng họ vẫn tiếp tục xét xử vì tin rằng việc ông bị kêu án sẽ được biện minh rằng vụ sát nhân hiến tế của người Do Thái là có thật. Vào lúc phiên tòa được mở, tháng 9 1913, nhân diện của các tên sát nhân thực sự đã được tiết lộ trên báo chí cấp tiến dựa trên thông tin mà hai cảnh sát bị Chaplinsky đuổi việc cung cấp. Những vụ biểu tình lớn nổ ra phản đối vụ xét xử. Hàng chục luật sư, trong đó có Kerensky, tổ chức một cuộc phản đối tại tòa án Petersburg, và bị đình chỉ chức vụ. Gorky, hiện đang sống ở Cali, viết một lời kêu gọi thống thiết chống lại việc ‘săn phù thủy Do Thái’, được các nhà văn tiếng tăm Thomas Mann, Anatole France, H. G. Wells, Thomas Hardy, những người cầm đầu trong tất cả đại học Oxbridge và hàng chục các chính trị gia trên khắp châu Âu ký tên ủng hộ. Ở Hoa Kỳ các lốp-bi Do Thái mở chiến dịch đình chỉ cấp tín dụng tài chính cho Nga. Nhưng chính quyền sa hoàng vẫn không nao núng trước tai tiếng quốc tế và thậm chí còn đẩy mạnh áp lực để buộc Beiliss phải thụ án. Trước ngày xử một số nhân chứng bên bị bị bắt giam và đẩy đi lưu đày bí mật. Thẩm phán được Sa Hoàng tiếp kiến, tặng một đồng hồ vàng và hứa thăng chức nếu y mang lại ‘thắng lợi cho chính quyền’. Trong phiên tòa y cứ liên tiếp ngừng tiến trình xét xử để hướng dẫn bồi thẩm đoàn, gồm những nông dân từ những khu vực có tiếng về những hành động bức hại người Do Thái, hãy chấp nhận những gì công tố vừa bảo họ là ‘sự thật đã được thành lập’. Vậy mà những điều này vẫn không đủ để cấu thành tội trạng. Các nhân chứng bên công tố – bọn du thủ du thực, bọn tội phạm có tiền án và đĩ điểm – tất cả đều tự khai toạt ra mình đều đã khai man vì được cảnh sát đứt lót. Trong năm tuần xử án  tên của bi can hiếm khi được đề cập đến, vì công tố chỉ trông cậy hoàn toàn vào việc bôi nhọ tôn giáo của ông. ‘Làm sao chúng tôi có thể kết tội Beiliss’, một bồi thẩm hỏi, rõ ràng biết rằng đây là việc mà người ta muốn mình làm, ‘ nếu không thấy ai nói gì về ông ta?’

Cuối cùng, giữa sự vui mừng trong nước lẫn nước ngoài, Beiliss được xử trắng án. Sáu tháng sau ông di cư sang Palestine và từ đó qua Hoa Kỳ, và mất ở đấy vào năm 1934. Băng đảng tội phạm không hề được đem ra xét xử tội giết Andrei, trong đó có Vera. Ả vẫn tiếp tục sống ở Kiev cho đến 1918 thì bị Bôn-se-vich bắt và xử bắn trong vụ Khủng bố Đỏ (một trong số ít các nạn nhân có thể được biện minh, có thể nói như thế). Về phần chính quyền sa hoàng, nó tiếp tục hành động như thế không có gì xảy ra, tưởng thưởng chức tước, thăng chức, và tặng quà cáp có giá trị tiền bạc cho những người đã theo về ‘bên nó’ trong vụ án. Chaplinsky được đề bạt lên chức vụ cao cấp trong Thương viện, trong khi quan toà của vụ án được bổ nhiệm làm Chánh Án Tòa Thượng Thẩm. Trong mắt thế giới Tây phương, Vụ Beiliss trở thành biểu tượng cuộc đấu tranh giữa chế độ độc tài của nước Nga trung cổ và xã hội theo phong cách Âu châu dựa trên những quyền tự do dân sự của thời kỳ Duma. Chế độ sa hoàng, bằng cách về phe với nước Nga trung cổ, đã tự tử về mặt đạo lý trong đôi mắt thế giới văn minh.

Tại sao vương triều đã sẵn sàng đi quá xa trong vụ án Beiliss? Câu trả lời chắc chắn nằm trong tình hình chính trị tổng quát. Vào 1911 hệ thống Duma đã suy sụp. Hai đảng chính muốn hợp tác với chính quyền, đảng Octobrist và Dân tộc, cả hai đều chia rẽ sâu sắc và, trong ký tuyển cử 1912 vào Duma thứ Tư, sự chia phiếu của họ sụp đổ. Đa số trung tâm-cánh hữu cũ đã phân hóa và Duma yếu đi khi nó trôi giạt qua một loạt các liên minh mong manh, không thể tìm được sự đồng thuận hiệu quả. *

* Các đảng cánh Hữu (Dân tộc và Cánh Hữu) có 154 đại biểu trong Duma 4, các đảng Trung tâm (Octobrist và Nhóm Trung tâm) 126, và đảng cánh Tả (Kadet, Tiến bộ và Xã hội) 152.

Chính quyền Kokovtsov (1911-14) phớt lờ Duma, gởi đến nó những dự luật vụn vặt, mì sợi. Điện Tauride dần dần trống trải khi ảnh hưởng nghị viện suy thoái. Trong lúc đó các phong trào công nhân, vốn đã ngủ yên từ 1906, đã sống lại bằng sự trả thù vào tháng 4,1912, tiếp theo sau vụ thảm sát 500 công nhân mỏ biểu tình trên sông Lena thuộc vùng hoang vu phía bắc Siberia. Trong hai năm sau ba triệu công nhân tham gia 9,000 cuộc đình công , và một tỉ lệ tăng dần của những cuộc đình công được tổ chức dưới các khẩu hiệu chiến đấu của Bôn-se-vich nhiều hơn là dưới sự lãnh đạo thận trọng của đối thủ Men-se-vich. Người Bôn-se-vich thắng sáu trong chín ghế lao động trong cuộc bầu cử Duma 1912 và vào 1914 đã kiểm soát được tất cả nghiệp đoàn lớn nhất ở Moscow và St Petersburg. Tờ báo của họ, Pravda, ra đời vào năm 1912 với sự tài trợ của Gorky trong số nhiều người khác, có số lượng phát hành lớn nhất trong số các tờ báo xã hội, với khoảng 40,000 bản bán ra (và số độc giả còn nhiều hơn) cho công nhân mỗi ngày.

Đối với Sa Hoàng và phe ông trong triều, Giáo hội và nhóm hữu khuynh, thì đây hình như vừa là cơ hội thuận lợi (khi mà Duma yếu đi) vừa là một cơ hội cấp bách (với sự đi lên của cánh Tả quá khích) để quay về thành quả của thời kỳ hiến pháp và động viên quần chúng thành thị sau lưng chuyên chế. Hai vị bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp, Maklakov và Shcheglovitov, hai người hậu thuẫn chính của chính quyền trong vụ Beiliss, đã từ lâu thúc ép Sa Hoàng đóng cửa hẳn Duma, hoặc ít nhất hạ bệ nó xuống vị thứ của một cơ quan tư vấn. Chỉ vì áp lực của phương Tây và e sợ phản ứng của nhân dân mà Sa Hoàng chưa ra tay. Đặc biệt đối với hai bộ trưởng này, và chắc chắn cũng với Sa Hoàng nữa, Vụ Beiliss hẳn phải là một cơ hội chủ yếu (và có lẽ là cuối cùng) để khai thác tính bài ngoại cho mục đích của vương quyền. Ất họ đã hi vọng động viên được nhân dân Nga trung thành đằng sau lưng Sa Hoàng và bảo vệ trật tự xã hội truyền thống chống lại điều ác xấu của sự hiện đại hoá – sự trụy lạc của cuộc sống đô thị, ảnh hưởng gớm ghiếc của giới trí thức và tính quá khich của cánh Tả – mà nhiều người Nga đầu óc đơn giản sẳn sàng liên hệ với người Do Thái. Như những vụ bức hại Do Thái 1905-6 đã cho thấy, khuynh hướng bài Do Thái của dân chúng là vũ khí sống còn của bọn phản cách mạng. Liên minh Dân tộc Nga (URP), vốn là thành tố cầm đầu của nó, đã có mặt trong những nhóm Black Hundreds đầu tiên tuyên bố tội hiến tế, và nó cung cấp bọn theo đuôi chống Do Thái cho việc tố tụng trong suốt vụ xử án Beiliss. Sa Hoàng bảo trợ URP (và chính quyền bí mật tài trợ nó) trong hi vọng có ngày nó sẽ trở thành đảng vương triều được yêu mến có thể lấy đi sự hậu thuẫn khỏi phe xã hội. Tuyên ngôn của nó thể hiện sự hoài nghi tập thể đối với tất cả đảng chính trị, giới trí thức và bộ máy hành chính, mà nó tuyên bố là những vật ngáng trở cho việc ‘hoà hợp trực tiếp giữa  Sa Hoàng và nhân dân’.

Đảng URP không có gì khác hơn là một phong trào dân tộc Đại Nga. Mục tiêu được tuyên bố đầu tiên là ‘một Đại Nga, Thống nhất và Bất Khả Phân’. Nhưng lá bài dân tộc là một lá bài nguy hiểm mà Sa Hoàng phải chơi. Hệ lụy của nó thật là khó đoán. Khái niệm về dân tộc đóng một vai trò chủ chốt trong nền chính trị những năm 1905-17. Cả vương triều và các đảng trong Duma đều sử dụng nó không dứt trong các bài phát biểu khi họ tranh thủ sự hậu thuẫn rộng lớn. Ý tưởng về ‘nước Nga’ được sử dụng như một điểm căn cứ trọng yếu trong thời kỳ chuyển tiếp này khi những tín điều chỉnh trị cũ hình như đang bị phá vỡ trong khi những cái mới chưa được hình thành. Nó có tác dụng như hướng bắc trên la bàn mà người Nga dùng để lèo lái qua nền chính trị mới – nhiều không kém như thời Nga hậu-Cộng sản. Mỗi đặc điểm của xu hướng chính trị đều mang tính dân tộc khác nhau của riêng nó. Trong trường hợp URP nó dựa vào chủng tộc và sự bài ngoại. Sự thượng đẳng của Đại Nga phải được bảo vệ trong Đế chế. Đối với các người đứng đầu hữu khuynh trong Giáo hội tương tự nó dựa vào sự thượng đẳng của Chính thống giáo. Những chủ nghĩa xô vanh Đại Nga như thế không chỉ giới hạn trong phe Hữu. Tất cả những đảng trung tâm-cánh hữu của Duma sau năm 1917 đều chia sẻ xác tín rằng lợi ích tốt nhất của Nga, như một đế chế trong cuộc cạnh tranh ráo riết với các cường quốc phương Tây, phụ thuộc vào việc cổ vũ tình cảm dân tộc (nếu không làm sao tạo dựng một quân đội hùng mạnh) và vào việc duy trì sự thống trị các vùng biên giới không-Nga. Chính quyền Stolypin buộc phải điều chỉnh chương trình để đáp ứng những yêu cầu có tính dân tộc này, nhất là sau 1909 khi sự ủng hộ của Octobrist suy giảm và chính quyền buộc phải quay sang Đảng Dân tộc để được đa số trong Duma. Việc Kholm tách ra khỏi Ba Lan (1909), việc áp đặt lại quyền cai trị của Nga lên Phần Lan trong hầu hết vấn đề (1910), và những biện pháp nhằm bảo đảm quyền thống trị của thiểu số Nga lên đa số Ba Lan trong Dự luật Zemstvo miền Tây (1911), tất cả đều là dấu hiệu của đường hướng chính thức mới trong chủ nghĩa dân tộc Đại Nga. Nhiều sự nhượng bộ mà các khu vực không-Nga thắng được trong  Cách Mạng 1905 bị lấy lại lần nữa trong những năm này. Stolypin biện minh cho các chính sách của ông dựa trên sự phòng thủ đế chế, chẳng hạn biên giới Phần Lan chỉ cách St Petersburg 20 dặm.

* * *

Mối đe đọa về một cuộc chiến ở châu Âu đang tăng lên. Hai đế chế lớn ở vùng Balkan, Ottoman và Áo – Hung, cả hai đều tan rã dưới sức ép từ các phong trào dân tộc. Đức và Nga đang gờm nhau giành chiến lợi phẩm, vì mỗi bên đều nhắm có thêm lợi ích trong vùng. Sự chiếm đóng Constantinople và việc kiểm soát được Dardanelles, qua đó phân nửa lượng ngoại thương của nó đi qua, đã từng là tham vọng đế chế chính yếu của Nga kể từ Peter Đại Đế. Nhưng nó cũng neo đậu những hi vọng rộng lớn hơn về Đế Chế tộc Slave riêng của  nó ở vùng Balkan, mối hi vọng tăng cao nhờ các phong trào dân tộc ở Serbia, Bulgaria và Bosnia-Herzogvina.

Trong một thời gian dài những giấc mơ Đại Slav như thế được nhìn thấy như những chất liệu thi ca, không phải là chính trị thực tiễn. Sự yếu kém về kinh tế và quân sự của đất nước đòi hỏi một chính sách đối ngoại thận trọng. Như Polovtsov đã nói vào năm 1885, ‘Nước Nga cần trường học và đường xá, không phải là những chiến thắng hoặc vinh dự, nếu không chúng ta sẽ trở thành một Lapland khác.’ Nó để lại cho các nhà ngoại giao việc bảo vệ lợi ích nước Nga ở châu Âu.lll, và việc này, phần nhiều, có nghĩa là hoà giải hai láng giềng mạnh của nó ở Berlin và Vienna. Triều đình Romanov đã từ lâu ưu ái chính sách thân Đức này, một phần bởi vì các mối dây hoàng tộc mạnh mẽ giữa các gia đình trị vì  và một phần bởi vì cùng đều chống đối chủ nghĩa cấp tiến Âu châu. Có tin đồn về sự sống lại của Liên minh Tam Đế.

Sau năm 1905, tuy nhiên, chính sách đối ngoại không  thể nào không kể đến công luận. Duma và báo chí đều có mối quan tâm tich cực về các vấn đề đế chế và không ngừng kêu gọi một chính sách cũng rắn hơn để bảo vệ lợi ích của Balkan thuộc Nga. Octobrist dẫn đầu, tìm cách dừng sự suy giảm vận hội chính trị của mình bằng cách tài trợ chiến dịch  dân tộc. Guchkov, lãnh đạo đảng, lên án quyết định không tham chiến của các nhà chính trị vào năm 1908 khi Áo xáp nhập Bosnia-Herzogvina, là phản bội sứ mạng lịch sử của Nga nhằm bảo vệ người Slav vùng Balkan. Nhân dân Nga, ông tuyên bố, trái với ‘sự ù lì mềm yếu của ‘nước Nga quan chức’, sẵn sàng cho một ‘cuộc chiến không thể tránh được với giòng giống Đức’, và chính tình cảm yêu nước của họ mà ‘các nhà ngoại giao nước ngoài và đúng ra của chúng ta phải tính đến’. Không để lời khoác lác đó qua mặt, các Kadet hữu khuynh thiết kế phiên bản cấp tiến của riêng mình về chủ nghĩa đế chế Slav. Struve lên án vấn đề Bosnia là một ‘sỉ nhục quốc thể’. Vận mệnh của nước Nga, ông lập luận trong một tiểu luận được chào đón trong năm đó, là mở rộng nền văn minh của mình ‘ra toàn vùng châu thổ Biển Đen’. Việc này có thể hoàn thành (cho dù nó hình như nghịch lý) bởi sự phối hợp của sức mạnh đế chế và sự kết hợp tự do của mọi dân tộc gốc Slav – mà theo quan điểm của ông sẽ xem Nga như là một bến cảng lập hiến khỏi sự áp bức của tộc Teuton (Đức). Cũng rạo rực không kém giương cao ngọn cờ ái quốc là nhóm doanh nhân ưu tú cấp tiến ở Moscow, do Alexander và nhóm Riabushinsky cầm đầu, người mà vào năm 1912 đã thành lập Đảng Tiến bộ của riêng họ, dựa trên cơ sở là thời cơ đã đến cho giới tư sản nhận lãnh quyền lãnh đạo quốc gia. Việc Nga kiểm soát Biển Đen và đường vận chuyển qua các eo biển là tầm nhắm chủ yếu trong tham vọng buôn bán của họ.

Phần nhiều lòng yêu nước tư sản này được kích động từ thông tin cho rằng châu Âu đang tiến đến không tránh khỏi một cuộc va chạm dữ dội không thể tránh được giữa tộc Teuton và Slav. Chủ nghĩa Đại Slav và Đại Đức là hai cương lĩnh tự biện minh lẫn nhau: cái này không thể tồn tại nếu không có cái kia. Vì sợ Nga nên các người yêu nước Đức đoàn kết lại, trong khi vì sợ Đức nên người Nga cũng làm tương tự. Tinh thần sợ Đức ăn sâu trong xã hội Nga. Cách Mạng cũng một phần dựa vào đó – đồng thời như một phản ứng chống chiến tranh và như một sự loại bỏ triều đình Romanov đổ Đức lấn áp. Tâm trạng sợ Đức bắt nguồn một phần tư sự bất an văn hóa của người Nga – cảm giác rằng mình đang sống trên bờ biên của một xã hội bán Á châu, lạc hậu và rằng mọi thứ hiện đại và tiến bộ đều đến từ phương Tây. Tồn tại, như Dominic Lieven đã phát biểu, ‘một ý thức thuộc bản năng rằng sự xấc xược của người Đức đối với người Slav đưa đến việc người Nga tự thân khước từ phẩm chất vốn có và sự bình đẳng đối với các chủng tộc hàng đầu ở châu Âu’. Sự giàu có của người Đức ở Nga, sự nổi bật của họ trong Công vụ, và sự thống trị lớn dần của hàng xuất khẩu Đức vào thị trường truyền thống Nga chỉ nhấn mạnh thêm ý thức về mối đe doạ chủng tộc này. ‘Trong hai mươi năm qua’, một bài xã luận trong tờ Novoevremia 1914 tuyên bố, ‘người láng giềng Tây phương của chúng ta đã cắn chặt nguồn gốc trọng yếu của phúc lợi chúng ta và như một ma cà rồng đã hút máu nông dân Nga.’ Nhiều người sợ rằng Drang nach Osten là một phần của một kế hoạch Đức rộng lớn hơn nhằm tiêu diệt nền văn minh tộc Slave và kết luận rằng trừ khi bây giờ nó đứng vững cùng các đồng minh của nó ở vùng Balkan, Nga sẽ phải trải qua một thời kỳ dài suy thoái và khuất phục trước người Đức. Tinh cảm Đại Slav này càng lớn khi dân chúng trở nên bất mãn trước thái độ hòa giải của chính quyền đối với ‘bọn hung hăng Đức’. Tờ Novoevremia cầm đầu, lên án quyết định của chính quyền, do sức ép từ Berlin, công nhận việc xáp nhập Bosnia là một ‘trận Đối Mà về mặt ngoại giao’.* Tờ báo kêu gọi chính quyền phản công trước ảnh hưởng lớn dần của Đức trong vùng Balkan bằng một chiến dịch của riêng người Slav. Nhiều hiệp hội Slav mọc lên sau 1908. Một Đại hội Slav thậm chí được triệu tập tai Prague, nơi người Nga ra sức thuyết phục ‘người anh em’ hay nghi ngờ từ vùng Czech rằng họ sẽ sống tốt hơn dưới chế độ Sa Hoàng. Với cuộc chiến vùng Balkan 1912-13 tình cảm thân-Slav này đã đoàn kết nhiều phần tử trong xã hội Nga. Hàng trăm tổ chức quần chúng tuyên bố ủng hộ người Slav, những thủ phủ chứng kiến những vụ tuần hành khổng lồ, và tại một loạt các buổi họp mặt  chính trị những nhân vật của công chúng kêu gọi sự khẳng định mạnh mẽ hơn về quyền lực đế chế Nga. ‘Các eo biến phải thuộc về chúng ta,’ Mikhail Rodzianko, Chủ tịch Duma, bảo với Sa Hoàng vào tháng Ba 1913. Một cuộc chiến tranh sẽ được hân hoan chào đón và sẽ tăng thêm uy tín cho chính quyền.’

* Tsushima (Eo biến Đối Mã) là nơi hạm đội Nga bị hạm đội Nhật đánh tan tành trong cuộc chiến Nga-Nhật.

 

Không nghi ngờ gì sức ép của công luận đóng một phần quan trọng trong một chuỗi những sự kiện phức tạp đưa tới sự can thiệp của Nga vào Thế Chiến I. Ngay từ đầu năm 1914 tâm trạng tham chiến có tính cách thân-Slav đã lan đến triều đình, bộ phận sĩ quan và phần đông nhà nước. Hoàng thân G. N. Trubetskoi, được gíao nhiệm vụ về các khu vực thuộc Ottoman và vùng Balkan của Bộ Ngoại giao trong mùa hè 1912, là một người Đại Slav nổi tiếng với quyết tâm sẽ lấy được quyền kiểm soát Constantinople và vùng nội địa Balkan. Những quan điểm tương tự cũng được Đại Công tước Nikolai Nikolaevich, một nhà quân sự có ảnh hưởng lớn với Sa Hoàng, người mà vào tháng 8 1914 được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh. Cha ông đã chiến đấu ở những chiến dịch Balkan 1877-8 và vợ ông, một người yêu Slav nồng nàn, là con gái của Vua nước Montenegro. Nhiều vị tướng chia sẻ những tình cảm thân Slav của Đại Công tước. Brusilov là một trường hợp nổi bật. Quan tâm đến việc Nga thiếu chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến sắp đến, ông nhìn thấy ở chủ nghĩa dân tộc Đại-Slav là một phương tiện đoàn kết nhân dân đằng sau quân đội. ‘Nếu Sa Hoàng đã kêu gọi tất cả thần dân của ngài’, ông viết sau đó, ‘tập họp để cứu lấy đất nước khỏi sự nguy khốn hiện giờ và giải phóng tất cả anh em người Slav khỏi ách đô hộ của bọn Đức, nhiệt tình quần chúng sẽ là vô hạn, và lòng yêu kính nhân dân dành cho ông sẽ không gì lay chuyển nổi.’

Sa Hoàng từ từ bước vào phe phái Đại-Slav. Vào đầu năm 1914 ông cho rằng đã đến lúc vào thế cứng rắn chống lại Áo, nếu không chống lại một đồng minh hùng mạnh của nó ở Berlin. ‘Chúng ta sẽ không để mình bị giẫm đạp lên,’ ông bảo với Delcasse vào tháng giêng. Các đại sứ nước ngoài giải thích quyết tâm mới này là do sức ép của công luận. Nhưng tại thời điểm này Nicholas ủng hộ cách tiếp cận thận trọng của Ngoại trưởng S. D. Sazonov. Nhận thấy chiến tranh với Các Cường Quốc Trung Tâm (gồm các nước Đức, Áo-Hung, Bun-ga-ria, Đế chế Ottaman chống với các cường quốc đồng minh là Nga, Pháp, ANH, Serbia, Mỹ . . . : ND) là không thể tránh được, họ nhắm đến việc đình hoãn nó bằng biện pháp ngoại giao. Quân đội Nga, theo các chuyên gia quân sự, không sẵn sàng chiến đấu cho đến 1917. Nền tảng ngoại giao cũng chưa đầy đủ: vì trong khi sự hậu thuẫn của Pháp là bảo đảm, của Anh thì không chắc. Nhưng cho đến lúc này mối quan tâm thúc ép nhất là đe dọa của cách mạng nếu Nga sa lầy trong một chiến dịch kiệt quệ kéo dài. Ký ức 1904-5 vẫn còn tươi mới, và hiện giờ các lãnh tụ cách mạng không mong mỏi gì hơn là một cuộc chiến tranh. Một cuộc chiến giữa Nga và Áo sẽ rất có ích cho cách mạng,’ Lênin đã bảo với Gorky vào 1913, ‘nhưng cơ may mà Franz Joseph và Nicky (Hoàng đế Áo và Hoàng đế Nga) chiêu đãi chúng ta cũng nhỏ’.

Tất cả các điều này củng cố lập luận về bè cánh thân-Đức tại triều đình chống lại việc lao đầu vào chiến tranh. Trong một bản ghi nhớ có tính tiên tri vào tháng 2 1914 Durnovo cảnh báo Sa Hoàng là Nga quá yếu để chịu đựng được cuộc chiến tiêu hao lâu dài mà trận tranh phong Anh-Đức chắc hẳn sẽ sinh ra. Một cuộc cách mạng xã hội dữ dội sẽ nổ ra ở Nga, vì giới trí thức cấp tiến thiếu tin cậy quần chúng và không có khả năng cầm quyền lâu dài trong một cuộc cách mạng thuần túy chính trị. Durnovo phác họa tiến trình của cuộc cách mạng này bằng những lời lẽ có tính dự báo:

Sự rắc rối sẽ khởi đầu bằng sự đổ lỗi cho Chính quyền gây ra tất cả thảm họa. Trong các định chế lập pháp một chiến dịch cay đắng chống chính quyền sẽ bắt đầu, tiếp theo là những kích động cách mạng bùng lên khắp xứ, với các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa, có khả năng xúi giục và tập hợp quần chúng, bắt đầu bằng việc phân chia ruộng đất và sau đó là phân chia tất cả tài sản và đồ đạc giá trị. Quân đội bại trận, đã mất hết những con người có thể trông cậy được và bị cuốn theo làn sóng nông dân thuở hồng hoang khao khát đất đai, sẽ thấy mình mất hết tinh thần phục vụ làm thành trì của luật pháp và trị an. Các định chế lập pháp và các đảng phái chống đối của giới trí thức, không có uy quyền thực sự trong mắt nhân dân, sẽ không thể chặn đứng làn sóng dân chúng, và  nước Nga sẽ bị ném vào một tình trạng vô chính phủ đầy tuyệt vọng, hậu quả của nó không sao lường trước được.

Sự thận trọng là từ khóa trong bè cánh thân-Đức tại triều đình. Nhưng từ quan điểm của Đức, nếu phải đánh nhau với Nga, thì nên đánh càng sớm càng tốt. ‘Nga lớn mạnh và lớn mạnh, và đè nặng lên chúng ta như một cơn ác mộng,’ Thủ tướng Đức Beryann Hollweg tuyên bố. Khi Thái tử Ferdinand bị một người theo chủ nghĩa dân tộc’ Serbia ám sát, thì việc  kềm chế đồng minh Áo của mình không cho nó gây chiến với Serbia, đồng minh Balkan cuối cùng của Nga, không nằm trong lợi ích của Đức. Điều này khiến cho sự cân bằng chính trị tinh tế của chính sách đối ngoại của Nga rơi vào xáo trộn. Báo chí Nga lên tiếng kêu gọi tham chiến để bảo vệ Serbia và nhiều cuộc biểu tình rầm rộ bên ngoài Sứ quán Áo ở St Petersburg. Vào ngày 24/7/1914 Hội đồng Bộ trưởng đề nghị chuẩn bị quân đội. Nếu không, Bộ trưởng Canh nông A. V. Krivoshein lập luận, ‘công luận sẽ không thể hiểu tại sao, ngay tại thời điểm nguy cấp có liên quan đến lợi ích Nga, mà Chính quyền Đế chế vẫn chưa hành động táo bạo.’ Điều quan trọng là ‘tin tưởng  vào nhân dân Nga và tình yêu bất tử của họ dành cho tổ quốc hơn là vào chuyện sẵn sàng hay chưa sẵn sàng cho chiến tranh.’

Việc này đặt Nicholas vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu ông ta tham chiến, ông ta đánh liều bị thua trận và cách mạng xã hội ập tới; nhưng nếu không, cũng có thể thình lình bùng phát tình cảm yêu nước chống lại ông ta và cũng có thể đưa đến mất kiểm soát chính trị hoàn toàn. Có rất ít thì giờ để suy nghĩ trước khi quyết định, vì  Nga cần phải động viên lực lượng của mình để đánh phủ đầu kẻ thù, vốn có thể động viên lực lượng nhanh hơn nhiều. Vào ngày 28/7 Áo cuối cùng tuyên chiến với Serbia. Nicholas ra lệnh động viên từng phần và kêu gọi Kaiser (tức Wilhelm, Hoàng đế Đức. Ông và Nicholas đều là cháu nội của Nữ hoàng Victoria Anh: ND) lần cuối cùng chặn đứng cuộc tấn công của Áo vào Belgrade. ‘Tôi dự đoán’, ông cảnh báo, ‘rằng sẽ rất sớm thôi tôi sẽ bị ngập đầu trước áp lực buộc tôi phải sử dụng đến các biện pháp cùng cực sẽ đưa đến chiến tranh.’ Hai ngày sau Kaiser trả lời, bác bỏ sự trung lập của Đức về vấn đề Serbia. Sazonov đề xuất một cuộc tổng động viên, biết rằng việc Đức tuyên chiến với Nga đang đến gần (nó đến vào ngày 1/8). Ông cảnh báo Sa Hoàng là ‘trừ khi ông ta nhượng bộ yêu cầu của nhân dân và tuốt kiếm ra vì Serbia, ông sẽ gặp rủi ro đương đầu với cách mạng và có thể mất cả ngôi vua.’ Nicholas tái mặt.’Chỉ nghĩ về trách nhiệm ngài khuyên tôi phải đảm nhiệm!’ ông nói với Sazonov. Nhưng lập luận của ngài Bộ trưởng quá mạnh mẽ, không thể bàn cãi gì được, và, một cách miễn cưỡng, Sa Hoàng ra lệnh tổng động viên vào ngày 31/7.

Brusilov sau đó tuyên bố rằng Sa Hoàng đã bị buộc phải tham chiến vì sức mạnh của lòng yêu nước nhiệt thành của nhân dân mình. ‘Nếu ông không làm thế, sự bất mãn của quần chúng sẽ quay mũi dùi  sang ông dữ dội đến nỗi ông phải ngả đỗ khỏi ngai vàng, và Cách Mạng, với sự ủng hộ của toàn giới trí thức, sẽ xảy ra trong 1914 thay vì 1917.’ Đây chắc hẳn là điều hơi phóng đại tình hình. Các nhà ái quốc trung lưu tụ tập trước Cung điện Mùa Đông để đón chào lời tuyên chiến của Sa Hoàng vào ngày chủ nhật 2/8 – thư kỷ, viên chức, học sinh trung học và các bà nội trợ – khó lòng có thể là những người khởi phát cách mạng. Nhiều người trong số họ, theo các quan sát viên nước ngoài, đã được các ông chủ hoặc xếp bảo ra xuất hiện. Nhưng vào buổi chiều đầy nắng đó, khi Nicholas đứng trên ban-công của Cung điện Mùa Đông và quan sát quảng trường bên dưới mình những đám đông vẫy cờ và hoan hô, và rồi muôn người như một, tất cả quì xuống và cùng hát vang bài quốc ca, có thể một ý nghĩ đã thoáng qua đầu ông rằng chiến tranh cuối cùng đã đoàn kết thần dân cùng với ông và có lẽ, sau mọi chuyện, cũng  còn có lý do để hi vọng. ‘Khanh coi,’ ông xúc động bảo với thầy dạy các con mình, ‘sẽ có một phong trào quốc gia ở Nga như phong trào từng xảy ra trong cuộc chiến tranh vĩ đại 1812 (cuộc chiến tranh vệ quốc đánh bật quân xâm lăng Pháp dưới sự lãnh đạo của Napoleon Đại Đế ra khỏi nước Nga: ND).’

Và cũng đúng khi trong những tuần đầu tiên say sưa đó của tháng 8 khắp nơi đều có dấu hiệu tưng bừng của tình đoàn kết quốc gia. Những cuộc đình công của  công nhân đều ngừng hẳn. Các đảng xã hội đoàn kết trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, trong khi những nhóm chủ hoà, chủ bại và chủ nghĩa quốc tế bị buộc phải lưu đày. Các người biểu tình yêu nước tần công các cửa hàng và văn phòng Đức. Họ cướp phá Sứ quán Đức ở Quảng trường Marinskaya, đập nát cửa kính và ném các đồ đạc, các bức tranh và thậm chí cả bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng vào đống lửa ngoài phố. Rồi trong tiếng hoan hô của đám đông, họ kéo hai tượng ngựa bằng đồng từ nóc sứ quán xuống. Trong cơn sóng chống Đức này thậm chí có người đổi tên nghe giống Đức của mình thành tên giống Nga hơn: chẳng hạn, Wilhelm Wilhelmovich Struve thành Vasilii Vasilievich Struve. Cúi đầu trước sức mạnh mê cuồng của lòng ái quốc, chính quyền cũng đổi cái tên nghe như Đức St Petersburg thành Petrograd. Nicholas chào mừng sự thay đổi. Ông chưa bao giờ thích St Petersburg, hoặc truyền thống Tây phương của nó, và từ lâu đã ra sức Nga hoá dáng vẻ của nó bằng cách thêm vào các mô típ kiểu Muscovite cho các tòa nhà cổ.

‘Ai cũng mất trí hết rồi,’ Zinaida Gippius, nhà thơ, triết gia và nữ chủ nhân ở St Petersburg, than thở. ‘Tại sao, khi mà chiến tranh nói chung là xấu, vậy mà chỉ có cuộc chiến này lại tốt, là sao?’ Phần đông những nhà văn hàng đầu trong nước ủng hộ cuộc chiến , và không ít người tình nguyện ra mặt trận. Có một nhận định chung trong giới trí thức, vốn luôn tìm một ý nghĩa của sự thuộc về, rằng cuộc chiến sẽ gột rửa tinh thần Nga bằng cách buộc mỗi cá nhân phải hi sinh chính mình cho lợi ích của đất nước. Ý nghĩa của chiến tranh, một Giáo sư Triết Moscow thuyết giảng, nằm ‘trong việc tái tạo cuộc sống thông qua việc chấp nhận cái chết cho xứ sở mình’. Chiến tranh nên được xem như một dạng ‘Phán xét Cuối cùng’. Ít có nhà trí thức nào chia sẻ bản án u ám của Gorky , vừa trở về gần đây sau chuyến biệt xứ.: ‘Một điều quá rõ ràng: chúng ta đang bước vào màn 1 của bi kịch diễn ra trên toàn thế giới.’

Báo chí tha hồ ca cẩm về sự đoàn kết mới được tìm thấy của nhân dân Nga. Utrowr Rodin, tờ báo tiến bộ, phát biểu rằng ‘giờ thì không có Tả cũng như Hữu, không có chính quyền lẫn xã hội, mà chỉ Một Nước Nga Hợp Nhất’. Cuối cùng, như để hoàn thành sự hợp nhất thiêng liêng này, Duma tự giải tán trong một phiên họp duy nhất long trọng phô trương lòng ái quốc vào ngày 8/8 để, như nghị quyết đã tuyên bố, không làm gánh nặng cho nhà nước vì những vấn đề chính trị không cần thiết, cho nhà nước rảnh tay lo đại cục.

Nhưng những tuyên bố như thế về lòng trung thành đều là lừa bịp. Quần chúng nhân dân vẫn chưa chạm đến chiến tranh, và hàng triệu nông dân và công nhân khởi hành ra tiền tuyến cảm nhận rất ít về lòng ái quốc của giới trung lưu đã khiến cho Sa Hoàng thêm hi vọng. Không có quân nhạc hoặc cờ xí tiễn đưa họ ở nhà ga và, theo các quan sát viên nước ngoài, gương mặt của hầu hết binh lính đều u buồn và câm nín. Chính trải nghiệm chiến tranh của họ sẽ đốt cháy bùng ngọn lửa cách mạng. Ván bài tuyệt vọng của Sa Hoàng sẽ đi đến sự tận diệt của chế độ ông.

 

7 Cuộc Chiến Trên Ba Mặt Trận

i Sắt Thép Chống Con Người

Tướng A.A. Brusilov ngày 10/8/1914:

Nadyushenka, Vợ Bé Nhỏ Vô Giá của Anh,

Thật là khó khăn khi phải rời xa em, Mặt trời yêu dấu của anh. Nhưng nhiệm vụ với đất nước và Sa Hoàng, trách nhiệm lớn lao đè nặng lên vai và tình yêu đối với quân đội, điều mà anh theo đuổi suốt đời mình, đã bắt anh không được yếu lòng và phải sẵn sàng với nỗ lực gấp ba trước thử thách đẫm máu đang đối đầu.

Nhưng nhờ Trời, mọi việc đều trôi chảy. Sáng nay anh đi bằng ô tô để thị sát Lữ đoàn Súng Trường Số 4 dũng cảm. Cảnh tượng thật tuyệt vời, các sĩ quan ưu tú với các chỉ huy trung đoàn  và lữ đoàn trưởng. Một đạo quân rất đáng tin cậy.

Tinh thần binh sĩ thật tuyệt vời. Tất cả họ đều tin tưởng vững chắc vào đạo lý và danh dự của lý tưởng mình và vì thế tuyệt đối không có lý do để lo âu hoặc sợ hãi. Thật vô cùng khoan khoái.

Anh lúc nào cũng cầu nguyện Đức Jesuit Christ sẽ ban cho chúng ta, con chiên Cơ độc Chính thống của Ngài, đánh thắng kẻ thù. Tinh thần anh vẫn tốt. Đừng lo lắng, em yêu, can đảm lên, và hãy tin tưởng và cầu nguyện cho anh. . .

Hôn em thắm thiết,

Alexis,

 

Đối với những người cầm đầu nước Nga tham chiến hình như có lý do để lạc quan vào mùa thu 1914. Ký ức của cuộc thảm bại nhục nhã trước Nhật đã bị nhận chìm trong những đợt chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây. Vào năm 1914, Nga chi tiêu cho quân sự nhiều hơn Đức: hơn một phần ba tổng chi tiêu nhà nước. Không đúng, như giới sử gia sau này nhận định, là quân đội Nga chưa chuẩn bị cho chiến tranh. Về nhân lực và khí tài ít nhất nó cũng sánh ngang với quân đội Đức, và, nhờ vào việc cải thiện gần đây của tuyến tàu hỏa miền tây, chỉ mất nhiều hơn kẻ thù ba ngày để hoàn tất việc động viên. Kế hoạch Schlieffen của Đức – đã dự trù Nga mất ba tuần lâu hơn để các lực lượng Đức có thể hạ gục Pháp trước khi Nga tấn công – do đó bị phá sản và quân Đức bị sa lầy khi phải đồng thời chiến đấu trên hai mặt trận. Nhưng việc này cũng chứng kiến niềm kỳ vọng nhiều người mong chờ là cuộc chiến này sẽ ngắn ngủi – Tất cả sẽ qua hết vào Giáng Sinh’, như lời rêu rao – và chính lúc này điểm yếu thực sự của Nga lộ ra. Bởi vì trong lúc Nga có thể đã chuẩn bị cho một chiến dich ngắn hạn khoảng sáu tháng, nó lại không có những kế hoạch dự phòng cho một cuộc chiến tiêu hao dài ngày.

Ít người mong đợi một thử thách như thế. Nhưng trong khi những  cường quốc châu Âu khác xoay sở để đáp ứng và ứng biến, chế độ sa hoàng lại quá cứng nhắc, quan liêu và không hiêu quả trong viêc đáp ứng với tình thế khi nó thay đổi.

Thế Chiến I là một phép thử đồ sộ cho các nhà nước châu Âu – và nó là một phép thử mà Sa Hoàng thất bai một cách thảm hại và bất thường. Ít người đoán ra điều này trong những ngày đầu của cuộc chiến, Chỉ khi sang thu, khi các chiến dich mở ra đã kết thúc trong thế kẹt đẫm máu và cả hai bên đối địch đều đào công sự phòng ngự, thì các dấu hiệu yếu kém của bên Nga mới bắt đầu hiện rõ.          

Brusilov được giao chỉ huy Quân đoàn Thứ 8 ở Mặt Trận Tây-Nam. với gương mặt cáo và hàm râu mép kiểu kỵ binh, cử chỉ hòa nhã và nói năng ngắn gọn, về nhiều mặt ông có dáng vẻ của một tướng lãnh quí tộc, Nhưng ông cũng là quân nhân nhà nghề và rất thông thạo kỹ thuật chiến tranh hiện đại. Thoạt đầu, tên ông ít được ai trong quân đội biết tới. Ông đã trải qua phần lớn sự nghiệp trong Trường Sĩ quan Kỵ Binh ưu tú. Nhưng ông chẳng bao lâu lấy được lòng tin của binh sĩ qua tài chỉ huy xuất sắc và những nỗ lực không mệt mỏi nhân danh họ; và vào mùa thu 1916 tên tuổi ông được biết đến không chỉ ở Nga mà cả đồng minh. Là một tư lệnh, Brusilov là một người kỷ luật nghiêm ngặt. Ông tin tưởng rằng điều bảo đảm duy nhất cho thắng lợi quân sự là sự đoàn kết một lòng của quân đội. Về mặt này ông yêu cầu rất cao binh lính dưới quyền. Uống rượu, chẳng hạn, bị nghiêm cấm nghiêm ngặt, cho dù là sĩ quan. Mặt khác ông làm việc đêm ngày để lo cho binh sĩ được ăn no, mặc ấm và trang bị đủ, và ông không hề do dự trừng phạt sĩ quan nào ăn chặn hoặc phân phát dè sẻn quân nhu. Ông trao đổi với binh sĩ một cách thân tình, một tài năng không phải vị tướng nào cũng có, và biết cách vực dậy sĩ khí binh sĩ trước trận đánh. Một số quan sát viên cho rằng chính lòng tin tôn giáo sâu sắc của ông đã truyền đến binh sĩ của mình.

Kế hoạch ban đầu của tự lệnh Nga là mở một cuộc tấn công trên Mặt trận Tây-Nam chống lại các lực lượng Áo yếu thế hơn, trong khi phòng thủ ở Mặt trận Tây-Bắc cầm chân quân Đức hùng mạnh hơn. Nhưng dưới sức ép từ Pháp kế hoạch này thay đổi là tấn công trên cả hai mặt trận để bắt buộc quân Đức chuyển bớt quân khỏi chiến trường phía tây và do đó quân Pháp được nhẹ gánh. Các tư lệnh Nga sung sướng khi nhượng bộ yêu cầu của người Pháp. Vẫn đắm mình trong học thuyết quân sự của thế kỷ 19, họ tưởng rằng một cuộc xung phong liều lĩnh của kỵ binh ào ào lao tới và kỹ thuật sử dụng lưỡi lê sẽ phản ánh tốt nhất tinh thần dũng cảm của tính chất Nga. Họ không biết rằng lối tấn công đó trước dàn pháo hiện đại và súng máy sẽ gây ra thương vong rất lớn.

Trên Mặt trận Tây-Nam tình hình tương đối tốt. Vào giữa tháng 8 quân Nga chọc thủng vào Galicia, buộc quân Áo phải rút lui. Tiếng tăm của Brusilov như là một tư lệnh chiến trường xuất sắc đã được nổi lên ở đây. Quân đoàn 8 của ông tiến sâu 220 verst (130 dặm) trong thời gian nửa tháng, chiếm được Lvov sau một trận đánh ác liệt (210,000 lính Nga và 300,000 lính Áo thương vong). Brusilov viết thư cho vợ từ Mặt trận ở Grodek;

 Toàn bộ chiến trường, với một khoảng cách gần 100 vest, chất chồng xác chết, và không đủ người hoặc cáng để mang xác đi. . . Thậm chí việc cho thương binh ăn uống còn không làm được. Đây là mặt trái đau lòng của chiến tranh. . . Nhưng chúng ta phải tiếp tục nhiệm vụ khó khăn và khủng khiếp vì vinh quang của Tổ quốc, và anh chỉ còn biết cầu nguyện Ơn Trên ban cho anh sức mạnh tinh thần và trí óc để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Khi anh ngồi đây viết thư cho em anh có thể nghe được tiếng súng và đại bác gầm rú, đuổi theo kẻ thù. Máu chảy như suối, nhưng không có cách nào khác. Máu càng chảy nhiều, kết quả càng tốt hơn và chiến tranh sẽ sớm chấm dứt. Như em thấy đấy, đó quả là một nhiệm vụ gian khổ và đắng cay nhưng cần thiết để chiến thắng. Nhưng nó đè nặng, một cách khủng khiếp, lên trái tim anh.

Trên Mặt trận Tây-Bắc, ngược lại, cuộc tiến đánh của Nga sớm kết thúc trong thảm họa. Một kế hoạch đầy tham vọng nhưng sắp đặt vội vàng của Quân đoàn 1 dưới sự chỉ huy của Tướng von Rennenkampf xâm chiếm vùng trung tâm Junker của Đông Phổ, trong khi Quân đoàn 2 của Tướng Samsonov tiến từ hướng đông nam để gặp nó gần Hồ Masurian, nơi đó họ sẽ hợp quần tiến thẳng về Berlin. Kế hoạch đòi hỏi tính táo bạo, sự chính xác về chiến thuật và tình báo để nắm vững cách chuyển quân của địch. Ba yêu cầu này không có yêu cầu nào bảo đảm. Vào ngày thứ 15 sau động viên, 408 tiểu đoàn bộ binh và 235 đội kỵ binh di chuyển nhanh về phía tây, đẩy lùi Quân đoàn 8 của Đức, nhờ họ có quân số áp đảo 2 chọi 1. Tướng Prittwitz, tư lệnh Đức, hốt hoảng phải rút lui về bờ tây của Vistula, bỏ Đông Phổ cho người Nga. Nếu bây giờ quân Nga tiếp tục dấn tới thì họ có thể đã buộc Đức lui về. Nhưng các tư lệnh Nga lại dừng quân và phân tán những đạo quân và pháo binh trọng yếu để bảo vệ những điểm hóa ra là những pháo đài vô dụng ở bên sườn họ và sau lưng họ.

Trong khi đó, Tướng Prittwitz được thay thế bởi Hindenburg và Ludendorff, người mà nhờ chiến thuật và tình báo hơn hẳn đối phương đã tổ chức phục kích và đánh cho những lực lượng Nga lớn hơn phải tháo chạy. Nhờ bắt được sóng vô tuyến bất cẩn không mã hóa mà quân Nga gọi nhau, Đức biết được rằng quân của Rennenkampf đã dùng lại để chờ hàng tiếp tế. Đặt cược là nó sẽ không tiến xa hơn nữa, chỉ để lại một đạo quân nhỏ để nghi binh, quân Đức chuyển tất cả lực lượng còn lại bằng tàu hỏa về nam để đón đoàn quân của Samsonov đang tiến tới. Nếu Rennenkampf biết được chuyện gì xảy ra và tấn công, ông ta có thể đánh thắng một trận quyết định chống lại bọn Đức ở lại và có thể đã kết thúc chiến tranh. Nhưng Nga chỉ có một hệ thống tính báo thô sơ nên không ai biết gì về việc Đức chuyển quân. Không chuẩn bị cho việc bị một lực lượng đông đảo phục kích trong những cánh rừng gần Tannenberg, quân đoàn của Samsonov bị bao vây và tiêu diệt trong bốn ngày đẫm máu nhất mà thế giới từng biết cho đến thời điểm đó. Vào cuối trận đánh, người Đức đã giết hoặc làm bị thương 70,000 binh lính Nga và bắt được 100,000 tù binh trong khi chỉ mất 15,000 người. Họ đặt tên trận này là Trận Tannenberg như một hành động trả thù cho việc các Hiệp sĩ Teutonic thảm bại dưới tay người Slav 500 năm về trước. Không chịu được nhục nhã, Samsonov tự tử bằng súng lục.

Chuyển quân trở lại bắc bằng đường tàu, và với lực lượng tăng viện mới từ Mặt trận Miền Tây, Hindenburg và Ludendorff một lần nữa lừa được quân Nga trong trận đánh Hồ Masurian. Sợ một trận Tannenberg thứ hai, Rennenkampf giờ ra lệnh rút quân trong hoảng loạn. Quân Đức nói đùa ông ta nên đối tên là ‘Rennen von Kampf (có nghĩa là ‘tháo chạy khỏi trận đánh’) thay vì ‘von Rennenkampf’. Giá của sự bất tài và tính hèn nhát của ông làm 60,000 quân Nga thiệt mạng

Một trong những đặc điểm nổi bật của trận thư hùng này là phản ứng chai đá của các tư lệnh Nga trước số tổn thất sinh mạng lớn lao của binh sĩ. Như thể việc tỏ ra hơi tiếc về sự mất mát không cần thiết của một phần tư triệu con người được xem là dấu hiệu của sự yếu đuối trong giới quí tộc cao cấp tại Tư lệnh Tối cao. Khi đại diện Pháp ở đó chia buồn với Đại Công tước Nikolai về sự thiệt hại này, viên Tổng Tư lệnh tỉnh bơ trả lời: ”Nous sommes heureux de faire de tels sacrifices pour nos alliees.’ (tiếng Pháp trong nguyên bản có nghĩa: Chúng tôi sung sướng chịu những hi sinh như thế cho đồng minh của mình: ND). Bằng cách ép quân Đức phải rút lực lượng từ chiến trường phía Tây, cuộc tiến công của người  Nga quả đã thực sự chặn đứng được Kế hoạch Schlieffen và nhờ đó Pháp mở cuộc phản công ở Lane. Nhưng với một giá trả đắt biết bao!

Từ mùa thu Mặt trận Miền Động bất đầu ổn định khi cuộc chiến cơ động nhường chỗ cho cuộc chiến phòng thủ. Không bên nào đủ mạnh để đẩy lùi được bên kia và thế là thế trận giằng co. Những trận tấn công ào ạt như trong tháng trước đã gác lại khi các quân đoàn nhận ra sự lợi thế của chiến tranh phòng ngự và đào công sự. Một cây súng máy đặt dưới giao thông hào có thể đẩy lui một trăm bộ binh, và tàu hoả có thể chở đến lực lượng phòng ngự nhanh hơn địch quân tiến lên lấp đầy số thương vong ở các tuyến trước.

Chính lúc này điểm yếu của quân đội Nga bắt đầu bộc lộ ra. Nó không chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao. Tài sản lớn nhất và duy nhất mà nước Nga có, quân số nông dân  hình như bất tận, không phải là lợi thế như các đồng minh của nó thường nói dưới hình tượng ‘xe lu Nga’ hì hục lăn bánh không ngừng về hướng Berlin. Đúng là Nga có dân số lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia tham chiến nào, nhưng nó cũng là nước đầu tiên chịu thiếu hụt nhân lực. Vì có sinh suất cao dân số Nga có  tỉ lệ người trẻ chưa tới tuổi nghĩa vụ cao hơn. Toàn bộ dân số có thể động viên được chỉ là 27 triệu, và 48 phần trăm trong số này được miễn trừ vì là con một của người lao động duy nhất trong gia đình, hoặc vì lý do sắc tộc. (Người Hồi giáo được miễn, chẳng hạn). Trong khi 12 phần trăm dân số của Đức và 16 phần trăm của Pháp được gọi vào quân đội, thì Nga chỉ có 5 phần trăm.

Nghiêm trọng hơn còn là trình độ yếu kém của quân dự bị. Nga bắt chước cách lập đội quân dự bị của Đức. Sau ba năm hoạt động nghĩa vụ từ tuổi 21, họ trở về xung vào Quân Dự bị 1 trong 7 năm, sau đó là qua 8 năm trong Quân Dự bị 2 và cuối cùng 5 năm trong Dân quân. Để tiết kiệm quân đội ít khi huấn luyện đúng mức cho Quân Dự bị 1. Vậy mà số thương vong của 1914 cao hơn dự trù quá nhiều (1.8 triệu) đến nỗi quân đội phải sớm gọi bình sĩ chưa được huấn luyện của Quân Dự bị 2. Trận Przemysl vào tháng 10 là trận cuối cùng mà Brusilov có thể chiến đấu với một ‘quân đội được rèn luyện bài bản trước khi ra trận’:

Sau gần ba tháng lâm chiến phần lớn các sĩ quan chuyên nghiệp  và binh lính có nghề đã biến mất, chỉ còn lại những lực lượng khung phải được nhanh chóng lấp đầy bằng những binh lính được huấn luyện tồi được gởi thẳng từ trạm tuyển quân.  . . Từ giờ trở đi tính chất chuyên nghiệp của lực lượng chúng ta đã mất, và quân đội càng ngày càng giống dân quân . . . Binh lính được gởi đến để thay thế số thương vong thường không biết gì ngoài việc đi một hai . . . nhiều người thậm chí không biết lắp đạn súng trường của họ, nói gì đến chuyện nhắm bắn. . . Binh lính như thế đúng ra không đáng được coi là lính.

 Bình sĩ trong quân đội Nga, phần đông, đều là kẻ xa lạ đối với tình cảm yêu nước. Có lẽ, đến một mức độ nào đó, anh ta có thể cho chiến tranh là bảo vệ Sa Hoàng hoặc tôn giáo mình, nhưng bảo vệ nước Nga, nhất là nếu anh ta không phải dân tộc Nga, không mang ý nghĩa gì nhiều. Anh ta là một nông dân ít có hiểu biết về thế giới bên ngoài làng xã, và ý thức mình là ‘người Nga’ chỉ được thể hiện rất mờ nhạt. Anh ta chỉ nghĩ đến mình như là dân của khu vực mình đang sinh sống, và chừng nào quân thù không đe doạ xâm chiếm khu vực đó , thì không có lý do gì phải đánh nhau với họ. ‘Chúng tôi là dân Tambov,’ các lính mới động viên bất đắc dĩ phân bua. ‘Quân Đức sẽ không thể tiến xa đến thế.’ Một nông dân từ Smolensk, phục vụ trong lực lượng đồn trú hậu quân, nghe những  lời phê bình như thế trong những tuần đầu của cuộc chiến.

‘Thằng quỉ sứ nào đã mang chiến tranh đến chúng ta? Chúng ta lại đâm đầu vào chuyện của người khác.’

Chúng tôi bàn bạc chuyện này chán chê rồi; nếu bọn Đức muốn tiền, tốt hơn trả 10 rúp một đầu người thay vì giết nhau.

‘Bộ không phải sống dưới chế độ Sa Hoàng nào cũng như nhau sao? Sa Hoàng Đức cũng không thể tệ hơn mà.

‘Cứ để chúng đi và đánh lẫn nhau. Khoan đợi đã, chúng tôi sẽ giải quyết tài khoản với bạn.

Những thái độ loại này càng ngày càng thường thấy hơn trong hàng ngũ binh sĩ khi chiến tranh tiếp tục, và Brusilov có lý do để phân nàn:

 Những lính tuyển mộ từ nội địa Nga không có khái niệm nào hết về mục đích của cuộc chiến. Hết lần này đến lần khác tôi hỏi binh sĩ tôi trong chiến hào tại sao chúng ta lâm chiến, câu trả lời vô nghĩa không thể khác được là vợ chồng Thái tử nào đó đã bị ám sát và kết quả là người Áo đã ra sức làm nhục người Serbia. Thực tế là không ai biết người Serbia này là ai ; họ cũng mơ hồ về người Slav là ai. Tại sao Đức lại muốn gây chiến với chúng ta vì những người Serbia này, không ai biết . . . Họ không hề nghe nói về những tham vọng của người Đức; họ cũng không biết có nước gọi là Đức tồn tại.

             Tất cả những điều này khó lòng báo trước điềm lành cho đoàn quân mà các chỉ huy của nó dự trù tiến vào Berlin, nói chỉ đến nhiệm vụ chiếm Constantinople. Người nông dân Nga không lấy gì làm tự hào trong thắng lợi của quân đội hoàng gia, vì họ bản thân là người hiếu hoà.

Bộ máy chỉ huy thiếu tính minh bạch là một trong những khuyết điểm lớn nhất của quân đội. Quyền hành quân sự được chia nhau giữa Bộ Chiến tranh, Bộ Tư lệnh Tối cao (Stavka) và các tư lệnh chiến trường. Mỗi bên theo đuổi mục tiêu cuối cùng của mình, thành ra không có kế hoạch rõ ràng nào được đưa ra. ‘Ngay từ đầu,’ Brusilov phàn nàn, ‘tôi không thể nào tìm ra kế hoạch chiến dịch toàn diện mặt mũi ra sao.’ Như có lần Tướng Bezobrazov chơi chữ, ‘tất cả chỉ là mệnh lệnh, phản lệnh, và lộn xộn (order, counter-order, and disorder)’. Những xung đột gay gắt giữa hai tư lệnh Mặt trận Tây- Bắc và Tây-Nam, đặc biệt gây tác hại. Sự từ khước ngoan cố của Mặt trận Tây- Bắc gởi quân tiếp viện Mặt trận Tây-Nam là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của mũi tấn công vào Núi Carpathian trong mùa đông 1914-15.

Sự phân chia giữa nhóm quí tộc ưu tú trong Kỵ Vệ binh và các nhà quân sự chuyên nghiệp mới – Brusilov đứng mỗi chân trong một trường phái – là một yếu tố chính trong những xung đột này. Các tư lệnh cao cấp được lấy ra từ một nhóm sĩ quan kỵ binh và quan triều có chút kỹ năng quân sự. Chính Tư lệnh Tối cao, Đại Công tước Nikolai, chưa bao giờ tham gia một trận đánh nào đúng nghĩa, và có mặt ở Stavka chẳng khác bù nhìn. Ông khoái tiếp khách nước ngoài, ký quân lệnh được trình ra trước mặt, được các tùy viên vây quanh, trong đó có người em, mà ông gọi là ‘viên thuốc ngủ’ của mình. Nhưng trong vấn đề chiến lược ông chả biết chỉ huy. Tại một buổi họp giữa các tư lệnh chiến trường vào tháng 9 ông ở miết trong phòng riêng ‘để khỏi làm phiền các vị tướng’. Tướng Yanushkevich, Tham mưu trưởng của ông, không biết giới thiệu ông ra sao ngoại trừ là tâm phúc của Sa Hoàng, người đã phát hiện ông khi ông là  Vệ sĩ ở cung điện. Ông chưa hề chỉ huy một tiểu đoàn. Đại tá Knox, tùy viên quân sự Anh ở Stavka, cảm nhận ông là một quan triều hơn là một quân nhân. Toàn bộ khung cảnh ở Stavka, đóng ở thị trấn hoả xa Belorussia tên Baranovichi, không có vẻ gì là một bộ chỉ huy thời chiến.  ‘Chúng tôi ở giữa một rừng thông duyên dáng và mọi việc đều yên ắng và yên bình,’ Knox nhớ lại. Các sĩ quan cao cấp có nhiều thời gian để tán gẫu, hút xì gà và tản bộ trong rừng sau bữa ăn trưa. Nhiều người trong số còn có thời gian để viết những cuốn nhật ký dày cộm hoặc, như Brusilov, viết những bức thư dài cho vợ nhà.

Cùng những kiểu cách phong lưu như thế được hầu hết các tư lệnh cao cấp chia sẻ. Từ 1909, khi Tướng Sukhomlinov (một kiểu mẫu hoàn hảo của một quan triều quân sự) trở thành Bộ trưởng Chiến tranh, đã từng có một chính sách đã được tính toán nhằm đề bạt những sĩ quan cao cấp dựa trên mức độ trung thành với Sa Hoàng. Những kỵ binh Quí tộc nhưng bất tài của trường Suvorov xưa được ưu ái hơn các sĩ quan chuyên nghiệp, dù cho người sau này có vốn hiểu biết tốt hơn về kỹ thuật chiến tranh hiện đại. Những can thiệp của Sa Hoàng vào việc cắt nhắc các sĩ quan cao cấp, đôi khi dưới áp lực của Hoàng hậu, luôn dựa ưu tiên vào mối quan hệ và lòng trung thành với ông hơn là năng lực quân sự. Thậm chí trong chiến tranh Nicholas cũng muốn khẳng định sự chuyên chế của mình.

Vào mùa xuân 1915 Nicholas đến thăm viếng quân đoàn của Brusilov ở Galicia và bổ nhiệm ông làm một trong các Phụ tá Trưởng của mình. Brusilov ngờ vinh dự này là để tuyên dương những đóng góp của ông trên chiến trường, nhưng ông được đích thân Sa Hoàng cho biết thật ra lý do của sự tưởng thưởng không gì khác hơn là ‘vì ông ta đã viếng thăm tổng hành dinh của tôi  và đã ăn trưa với tôi’. Tin tức về việc ban thưởng bị giấu nhẹm vì triều đình không hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thành của Brusilov (ông đã phê phán sự lãnh đạo của quân đội). Polivanov, Thứ trưởng Bộ Chiến tranh, sau này thú nhận với vợ của Brusilov là trong suốt cuộc chiến ‘những dàn xếp bí mật’ đã được thực hiện để ‘bưng bít’ tên tuổi của chồng bà vì sợ những thành tích quân sự của ông sẽ khiến công luận so sánh ông với các chỉ huy quân đội bất tài của triều đình. Chi tiết đau lòng này nói lên một cách xúc tích đường lối tiến hành chiến tranh của nhóm ưu tú thống trị Nga.

Chừng nào mà quyền chỉ huy được chọn lựa dựa vào lòng trung thành hơn là khả năng thi có ít triển vọng cho một cuộc tiến hành chiến tranh hiệu quả. Các tướng quí tộc phạm vô số sai lầm (thậm chí có một vị tướng nổi danh vì ra lệnh cho pháo rót vào chiến hào của bộ binh mình). Họ tiến hành cuộc chiến theo kiểu chiến dịch thế kỷ 19, ra lệnh cho binh sĩ tấn công biển người vào các vị trí pháo của kẻ thù bất kể số thương vong; phung phí tài nguyên cho những đơn vị kỵ binh vô dụng và mắc mỏ; phòng thủ những pháo đài vô dụng ở phía sau; và phớt lờ những nhu cầu công nghệ của chiến tranh pháo hiện đại. Họ khinh khi kỹ thuật xây dựng chiến hào, vì họ coi chiến tranh phòng thủ là thấp kém. Chất lượng sơ khai của chiến hào Nga, thật sự không hơn những nấm mồ, đã gây tổn thất sinh mạng to lớn khi cuộc chiến đã đến giai đoạn giằng co với những trận pháo kích ác liệt. Brusilov, một trong số ít các chỉ huy nhận ra được tầm quan trọng quyết định của chiến tranh chiến hào, lấy làm sửng sốt trước sự thờ ơ của sĩ quan :

Tôi ra lệnh bình sĩ đào hào để xây dựng một hệ thống gồm ít nhất ba đường với nhiều giao thông hào. Tôi nhận được nhiều báo cáo cho biết không thể thực hiện những chỉ thị này. Tôi bèn lặp lại lệnh rõ ràng hơn, và được báo cáo là lệnh đã được tuân theo. Nhưng khi ra thị sát công trình thì thực tế không có gì đã làm xong, và những gì đã làm hoàn toàn bị tuyết phủ kín đến nỗi khó mà biết chiến hào đào ở đâu.

‘Làm sao các anh chui xuống các đường hào này, giả sử quân thù đang tấn công?’ Tôi hỏi.

‘Ồ,’ họ trả lời, ‘chúng tôi sẽ rửa sạch tuyết ra khi chuyện đó xảy ra,’ . . .

Tại một Quân đoàn có trường hợp cả Tư lệnh Quân đoàn, Chỉ huy Sư đoàn, Lữ đoàn trưởng, cả Đại tá Trung đoàn, cả sĩ quan chỉ huy Quân đoàn Công binh, không ai có thể cho tôi biết chiến hào đã đào ở đâu.’

 Một trong những lý do sụp đổ ở Đông Phổ là tính thiếu cơ động của quân đội Nga. Knox so sánh nó với một ‘võ sĩ hạng nặng, vai u thịt bắp, nhưng vì to con nên chậm chạp, thiếu linh hoạt , và do đó dễ bị đánh hạ trước một đối thủ nhẹ ký nhưng nhanh nhẹn và mưu trí hơn’. Sự lạc hậu của hệ thống hỏa xa Nga khiến nó không thể theo gương Đức; họ chuyển quân nhanh chóng bằng tàu hỏa từ vị trí này của Mặt trận đến một vị trí khác tùy yêu cầu luôn biến đổi của cuộc chiến. Tàu hỏa quân sự của Nga không thể vượt hơn 200 dặm một ngày và, lần nào cũng vậy, hầu hết các toa dùng để chở ngựa và cỏ khô vì các chỉ huy còn sử dụng kỵ binh. Vận chuyển bằng xe cơ giới còn tệ hơn nữa. Năm 1914 cả quân đội chỉ có không hơn 679 ô tô (và hai xe cứu thương!). Trang bị quân sự, sĩ quan cao cấp và thương binh mỗi khi xuống tàu hỏa phải đi bằng xe ngựa nông dân trên những con đường làng lầy lội. Nhưng chính tình trạng lạc hậu của hệ thống liên lạc mới thực sự là nguyên nhân thất trận của họ. Quân đoàn 2 của Samsonov chỉ có 25 điện thoại, một vài máy mã hóa, một loại máy telex cổ lỗ gọi là máy Hughes, một máy in telex có khả năng in 1,200 chữ một giờ nhưng thường trục trặc giữa chừng, và kết quả là chỉ huy phải đi thị sát trên lưng ngựa để nắm tình hình. Liên lạc điện đài liên tục bị gián đoạn giữa Stavka,  tư lệnh Mặt trận và quân đội, thành ra lệnh phải được chuyển đi bằng tàu hỏa hoặc xe máy, thường phải mất nhiều ngày. Trước Trận Tannenberg tư lệnh Mặt trận Tây-Bắc liên lạc với Samsonov bằng cách gởi một điện tín đến Bưu điện Trung tâm Warsaw, tại đó một phụ tá nhận được mỗi ngày một lần và mang bằng ô tô đến bộ chỉ huy Quân đoàn 2 cách đó hơn 60 dặm. Nhiều gián đoạn liên lạc xảy ra do lỗi lầm của binh sĩ huấn luyện tồi. Rất nhiều điện thoại viên không biết cách nối lại đường dây bị đứt, quá nhiều tài xế không đọc được bản đồ. Nhiều khi đường điện thoại ngừng hoạt động và khi đi thanh tra đường dây mới phát hiện một số binh sĩ đốn cột điện thoại lấy gỗ đun nước uống trà với nhau.

Khi cuộc chiến lê lết qua mùa đông quân đội mới bắt đầu trải nghiệm sự thiếu hụt khốn khổ vật liệu. Một phần trách nhiệm thuộc hệ thống cung ứng ở hậu cứ bị sụp đổ. Mạng lưới vận chuyển không thể cáng đáng số lượng khổng lồ quân nhu phải giao, thực phẩm, quần áo và thuốc men ra chiến trường. Nhưng trách nhiệm cũng thuộc về kế hoạch trước chiến tranh không được tính toán kỹ. Đinh ninh là chiến dịch chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, Bộ Chiến tranh không có kế hoạch sản xuất quân nhu thời chiến, nghĩ rằng số tồn kho đã đủ dùng cho chiến dịch. Hóa ra, lượng tồn kho chỉ đủ cho vài tuần đầu của cuộc chiến.

            Súng đạn thiếu hụt nghiêm trọng phải nhập về từ nước ngoài nên không tránh khỏi sự chậm trễ. Vào cuối cuộc chiến, binh lính Nga sử dụng 10 loại súng trường nhập khác nhau, mỗii thứ bắn một thứ đạn khác nhau. Một phần vấn đề là do binh sĩ thiếu ý thức; họ dùng súng trường để chống mái che chiến hào; chặt bá súng để làm củi đốt; thường là quăng bỏ chúng cùng với những trang bị cồng kềnh khi bị thương hoặc thình lình được lệnh rút lui. Nhưng tình trạng khủng hoảng sẽ không đến nỗi tồi tệ nếu Bộ trưởng Chiến tranh đáp ứng nhanh nhạy với lời báo động của các tướng lãnh, thay vì phớt lờ chúng. Vào giữa tháng 10, khi Tướng Karavaev, Trưởng Phòng Pháo binh, cảnh báo Bộ trưởng Chiến tranh là Nga sẽ phải thương lượng hòa bình sớm vì thiếu quân nhu. Sukhomlinov bảo ông ‘quỉ tha ma bắt ông đi. Bình tâm lên.’ Vậy mà đến mùa xuân sau sự thiếu hụt trầm trọng đến mức toàn tiểu đoàn phải tập luyện mà không có súng, trong khi nhiều lính tuyến hai ở Mặt trận phải trông cậy vào súng nhặt được của đồng đội  bị bắn ngã ở tuyến trước. Binh sĩ được căn dặn hạn chế chỉ mười phát một ngày và trong nhiều trường hợp, khi pháo hạng nặng của Đức pháo kích vào chiến hào của họ, các pháo thủ được lệnh không được bắn trả. ‘Căn cứ của tụi con rất bết,’ một người lính viết cho cha mình, ‘và tất cả cũng vì tụi con không có đạn dược. Tại các bộ trưởng chiến tranh của tụi con, mà tụi con không có vũ khí phải đưa mặt cho pháo của kẻ thù mặc tình khai hỏa. Bọn họ đã làm thế đấy!’

Quân đoàn của Brusilov, đã tiến đánh đến đỉnh những mõm núi Carpathian, bổng thấy mình bị kẹt ở đó gần hết mùa đông mà không có đủ quân nhu để tiến xuống đồng bằng Hungary. ‘Tôi thật nản lòng khi biết rằng,’ ông sau đó viết, ‘Bộ Chỉ huy Chiến trường không hứa trước được bất kỳ cải thiện nào trước mùa thu 1915, và thậm chí những lời hứa này tôi không mấy tin tưởng. Do đó tôi không còn nhắm đến bất kỳ thắng lợi mới nào trên mặt trận này, mà chỉ cố gắng phòng thủ vị trí với ít tổn thất như có thể.’ Nhưng trải qua mùa đông trong vùng núi là một phần thưởng tàn nhẫn cho binh sĩ của ông, không có áo ấm và giày ống và lương thực đủ dùng  qua mùa đông sương giá. Brusilov trải qua tháng mười hai gởi điện tới tấp đến Bộ trưởng Chiến tranh yêu cầu tiếp tế vật dụng mùa đông, nhưng những  lời kêu gọi của ông chỉ là một phần trong bản hợp xướng đông đảo từ tất cả bộ phận trong quân đội và sự thật đau buồn là, đã ngỡ cuộc chiến sẽ qua vào Giáng sinh, Bộ không dự trù số lượng yêu cầu khổng lồ giờ đang kêu gào. Ngay cả kế hoạch sản xuất giày ống hàng loạt cũng không có, và khi Bộ cuối cùng ngó ngàng đến nhu cầu này thì mới vỡ lẽ toàn Đế chế Nga chỉ có một nhà máy có khả năng sản xuất ra chiết xuất tanning, và trước 1914 gần như toàn bộ tanning trong xứ được nhập từ Đức. Giày mới phải đặt hàng từ Hoa Kỳ, trong khi chờ đợi hàng ngàn binh sĩ phải chiến đấu với đôi chân trần. ‘Họ còn không phát áo choàng,’ một binh sĩ đông cứng viết thư cho mẹ. ‘Tụi con chạy lung tung trong bộ quân phục mỏng tanh. . . Không có gì nhiều để ăn và tụi con chỉ nhận được đồ bỏ đi. Có khi chết còn tốt hơn!’ Một người lính khác viết thư về nhà sau chuyến thăm của Sa Hoàng đến đơn vị anh: ‘trước khi Sa Hoàng đến thị sát họ chuẩn bị sẵn một đại đội và gom tất cả quân phục tốt nhất từ các trung đoàn khác cho binh sĩ đại đội đó thay, để những người còn lại trong chiến hào không giày ống, ba lô, dây đeo súng, quần dài, quân phục, mũ, và mọi thứ.’           

Không lâu sau đó binh sĩ  bị mắc bệnh. Tiêu chảy, sốt phát ban, thương hàn, bệnh scobat và dịch tiêu chảy giết chết nhiều binh lính. Tỉ số thương vong cao không ngờ tới đặt các dịch vụ y khoa dưới áp lực khủng khiếp. Brusilov viết thư cho vợ sau chuyến đi thăm một bệnh viện dã chiến ở hậu cứ:

 Thay vì 200 bệnh nhân, qui mô xây dựng của bệnh viện, giờ nó phải chứa đến 3,000 thương bệnh binh. Làm sao bác sỉ có thể làm gì được cho thương bệnh binh? Họ làm ngày và đêm, ăn trong khi đứng, mà còn không thể băng bó hết được. . . Anh đi qua vài phòng bệnh, phòng của những ngôi nhà bỏ hoang, nơi bệnh binh nằm la liệt trên sàn nhà, trên rơm, được băng bó,  đắp thuốc, không được tắm rửa và mình mẫy đầy máu. Anh cám ơn họ vì phục vụ cho Sa Hoàng và Tổ quốc, và phát họ tiền và huy chương  thập tự St George, nhưng anh không thể làm gì hơn. Anh chỉ biết hết sức di tản họ nhanh chóng về hậu cứ.

 Di tản, tuy nhiên, chưa chắc bảo đảm họ được chữa chạy tốt hơn. Tại ga tàu Rodxianko người ta tìm thấy 17,000 thương binh nằm đó không ai đoái hoài tới ‘trong mưa lạnh và bùn lầy không có đến một lớp đệm rơm sưởi ấm’. Chủ tịch Duma giận dữ phàn nàn với phòng y tế địa phương  chỉ để tìm ra rằng ‘sự dửng dưng vô cảm của họ đối với số phận những con người khốn khổ này’ được củng cố bởi một loạt những qui định quan liêu.  

Khi điều kiện của chiến trường tồi tệ hơn và mức độ chết chóc gia tăng, tinh thần và kỷ luật quân đội bắt đầu rệu rã. Chiến tranh trong nghĩa này là kiến trúc sư xã hội của 1917 khi quân đội dần dần biến thành một khối cách mạng rộng lớn. Một phần của vấn đề là sĩ quan thiếu khả năng siết chặt kỷ cương. Quân đội phình to quá nhanh khiến sĩ quan không thể duy trì quyền kiểm soát (9 triệu người được gọi vào lính trong 12 tháng đầu của cuộc chiến). Trong khi đó số thương vong của sĩ quan (60,000) cao bất thường, không nghi ngờ gì có liên quan đến việc họ mặc quân phục sặc sỡ và thói quen lỗi thời lúc nào cũng đi đầu hàng quân xung phong. Lực lượng sĩ quan lớn tuổi dưới cấp bậc đại úy gần như bị quét sạch hoàn toàn, trong khi một thế hệ mới các sĩ quan cấp thấp hơn (mà phương Tây gọi là NCO:hạ sĩ quan) được huấn luyện vội vã để thay thế họ. Số các NCO thì không bao giờ đủ – các tầng lớp thợ thủ công thường chiếm đa số thứ bậc này của quân đội thì thường yếu ở Nga – và điều bất thường sau năm đầu cuộc chiến khi một trung đoàn tiền tuyến với 3,000 người chỉ có hơn một tá sĩ quan. Hơn nữa, 60 phần trăm các NCO xuất thân từ nông dân, rất ít người có hơn 4 năm học vấn và gần như tất cả đều trên dưới 20. Chiến tranh đúng là một bộ máy dân chủ hóa vĩ đại, mở ra những kênh thăng tiến cho hàng triệu con cái nông dân. Tình cảm của họ dành hết cho binh sĩ dưới quyền, và bất kỳ hi vọng nào họ mong bắt được nhịp cầu giữa các sĩ quan quí tộc và bình sĩ bần nông đều coi như đặt nhầm chỗ. Đây là đội quân cực đoan – có học vấn, muốn vươn lên, mất phương hướng về mặt xã hội và chiến tranh làm cho tàn nhẫn – những con người sẽ dẫn đầu cuộc vùng dậy tháng hai, những ủy viên của binh sĩ cách mạng, và cuối cùng sức đẩy đưa đến quyền lực Xô-Viết trong năm 1917. Nhiều tư lệnh tài ba nhất của Hồng quân (như Chapter, Zhukov và Rokossovsky) từng là các NCO trong chế độ sa hoàng. Các trung sĩ của Thế Chiến I sẽ trở thành các nguyên soái trong Thế Chiến II.

Dmitry Oskin (1892-1934), mà chuyện của ông được kể trong suốt quyển sách này, là một ví dụ điển hình về tầng lớp sĩ quan do chiến tranh tạo ra. Đối với một thằng con trai nông dân như ông – có học và sáng dạ mặc dù dáng dấp quê mùa – quân đội đã trao một phương tiện để thoát khỏi cảnh nghèo khó ở quê làng. Vào mùa hè 1913 ông tình nguyện gia nhập trung đoàn bộ binh trong thị trấn quê hương ở Tula và chẳng bao lâu được cử đi học khoá huấn luyện NCO. Khi chiến tranh bùng nổ ông được phong trung đội trưởng. Oskin là một quân nhân tận tụy và dũng cảm, hoàn toàn xứng đáng với bốn huân chương Thập tự St George mà ông sẽ được thưởng trong quá trình chiến đấu. Một phần cá tính của ông, tính kỷ luật tự giác hoặc tham vọng, thúc đẩy ông thi hành mệnh lệnh của các sĩ quan cấp trên, mặc dù trong lòng luôn ấp ủ mối hiềm thù nông dân đối với bất kỳ người có quyền hành nào. Ông biết rằng trừ khi thiết lập được kỷ luật quân đội trong hàng ngũ binh lính dưới quyền ông mới có thể tránh cho họ bị tàn sát trên chiến trường. Đương nhiên, khi cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng các sĩ quan, gánh nặng giữ vững kỷ cương sẽ đè lên vai các NCO như ông.

Các chỉ huy cấp trên của Oskin là đồ con lợn. Trong một vài trường hợp các mệnh lệnh bất cẩn của họ đưa binh lính của ông đến bờ vực thảm họa nhưng chỉ nhờ sáng kiến ứng biến của mình mà họ mới xoay sở khỏi chết. Đại úy Tsit-seron, một tay cờ bạc, một tên hèn nhát mắc bệnh giang mai và trơ trẽn, luôn kẹt trong một tình thế khó xử trên trận địa. Có lần, khi đối mặt với dàn pháo của quân Áo trong một chiến hào trên một ngọn đồi, y ra lệnh cho binh sĩ của Oskin cắt một lối đi qua các hàng rào kẽm gai ngay trước mũi súng địch. Bò về phía trước, họ gặp ngay một hoả lực ác liệt và khi ngước nhìn lên Oskin trông thấy vô số xác chết lính Nga vắt qua hàng rào kẽm gai. Chuỡi thề Tsit-seron, ông ra lệnh rút lui về nơi an toàn. Đại úy Samfarov, một chỉ huy khác của Oskin, một tay háu ăn kem, béo ú đến nỗi mặc quân phục không vừa, mỗi khi pháo địch dập tới là chui vào hố cá nhân mà nấp. Y thích bắt binh lính luôn lên ruột bằng cách ra lệnh tấn công đêm, cho dù chưa chuẩn bị kỹ càng kế hoạch đánh đêm. Có lần, khi một trận tấn công như thế gây tổn thất gần như trọn một tiểu đoàn và binh sĩ của Oskin trở về vào sáng hôm sau trong một tình trạng khủng khiếp, Samfarov lại bắt binh sĩ xếp hàng và quát nạt họ gần nửa tiếng chỉ vì họ không đánh bóng giày.

Không phải mọi sĩ quan đều bất tài và nhẫn tâm như thế. Nhưng cảm nghĩ chung của binh sĩ là  máu sẽ không đổ ra quá nhiều một cách vô ích, nếu sĩ quan nghĩ cho mình ít hơn và nghĩ đến an toàn của người lính nhiều hơn.

Sự kiện là phần đông binh lính là nông dân và nhiều sĩ quan là các chủ đất quí tộc (thường ở cùng một vùng với lính của họ), càng làm trầm trọng thêm mối xung đột xã hội; và điều này càng gia tăng bởi tập quán ‘phong kiến’ giữa các cấp bậc (như bổn phận lính tráng xưng hô đúng cách  với cấp trên, phải đánh giày, chạy sai vặt . . . ). ‘Hãy nhìn cách các sĩ quan cao cấp của chúng ta sống, đúng là những điền chủ mà chúng ta từng phục vụ,’ một người lính nông dân viết cho một tờ báo địa phương ở quê nhà. ‘Họ được ăn ngon, gia đình họ được cung cấp mọi thứ cần đến, và cho dù họ có sống ở Mặt trận, họ không sống dưới chiến hào cùng với chúng tôi mà ở cách đó  4 hoặc 5 verst’ Đối với những nông dân có học vấn và biết suy nghĩ như Oskin, đây là cội nguồn mạnh mẽ của sự cực đoan hóa chính trị, sự nhận thức rằng chiến tranh được tiến hành theo hai cách rất khác nhau bởi hai nước  Nga khác nhau: nước Nga của người giàu và các sĩ quan cao cấp, và nước Nga của những nông dân, mà mạng sống của họ bị phung phí. Nhật ký của Os’kin, tháng 4 1915:

 Chúng ta đang làm gì trong cuộc chiến này? Vài trăm người đã đi qua trung đội tôi và ít nhất phân nửa họ đã kết thúc trên chiến trường bằng cái chết hoặc thương tật. Họ sẽ nhận được gì khi chiến tranh chấm dứt?  . .  . Một năm rưỡi phục vụ trong quân ngũ, với gần một năm tại Mặt trận, đã bắt tôi phải ngừng suy nghĩ về điều này, vì nhiệm vụ của một trung đội trưởng là phải yêu cầu kỷ luật gắt và điều đó có nghĩa, trên mọi thứ, không để cho binh sĩ nghĩ ngợi lung tung. Nhưng đây chính là những điều mà chúng ta phải suy nghĩ.

Những người khác không có khả năng rút ra được những bài học chính trị thì đơn giản bỏ phiếu bằng bàn chân mình. Kỷ luật suy sụp khi binh sĩ không nghe lệnh giữ vững vị trí, cắt đứt ngón tay để được giải ngũ, đầu hàng địch hoặc đào ngũ về hậu phương. Tại những trạm tuyển quân bùng phát những vụ nổi loạn và cướp bóc trong men rượu khi những quân dự bị lớn tuổi hơn vốn là nồi cơm của gia đình bị gọi động viên. Việc phái họ ra Mặt trận chỉ làm tăng tốc men say nổi dậy, vì họ mang đến những tin xấu từ quê nhà và thỉnh thoảng những tuyên truyền cách mạng nữa. Sĩ quan thường phản ứng bằng cách sử dụng nhiều bạo lực hơn. Những binh sĩ ương ngạnh bị phạt roi hoặc đẩy ra chiến trường với mũi súng dí sau lưng. Cuộc chiến nội bộ giữa sĩ quan và binh sĩ dần lấn át cuộc chiến thực sự. ‘Các sĩ quan đang cố bẻ gãy tinh thần của chúng tôi bằng cách khủng bố chúng tôi,’ một người lính viết về cho vợ vào mùa xuân 1915. ‘Họ muốn biến chúng tôi thành những hình nhân vô hồn.’ Một người khác viết rằng một nhóm sĩ quan đã ‘phạt roi 5 người trước mặt 28,000 lính vì họ đã bỏ doanh trại không phép để đi mua bánh mì’.

Vào lúc này, sau một mùa đông dài mất tinh thần, quân đội đối mặt với một cuộc tấn công dữ dội nhất của Đức trong cuộc chiến. Với Mặt trận Miền Tây đang sa lầy, quân Đức đang dồn hết hi vọng vào cuộc đột phá có tính quyết định vào phía đông. Nó bắt đầu vào đêm 2/5/1915 với trận pháo kích khủng khiếp trong bốn giờ liền vào Quân đoàn 3 chưa chuẩn bị gần Golitsyn. Một ngàn viên đạn pháo mỗi phút biến chiến hào Nga thành rác rưởi. Khi bộ binh Đức cuối cùng ồ ạt tiến vào sáng hôm sau họ chỉ thấy một nhúm các bình sĩ sống sót còn choáng váng vì đạn pháo. Tất cả những binh sĩ khác đều bỏ chạy hết. Bọn Nga ‘chồm lên và chạy đi mà không mang vũ khi’, một quân nhân Đức nhớ lại. ‘Với chiếc mũ lông thú xám và chiếc áo choàng rộng không gài nút bay phấp phới trông họ như một đàn cừu trong cơn hoảng loạn điên cuồng.’ Không có chiến lược phòng thủ (Dmitriev, tư lệnh Quân đoàn 3, đã rời bộ chỉ huy để tham dự lễ mừng Hiệp sĩ Cứu tế Thánh George tổ chức hàng năm), quân Nga buộc phải đâm đầu tháo chạy. Tướng Denikin mô tả việc này như là ‘một bi kịch rộng lớn của quân đội Nga. Không một phát đạn, không một phát pháo. Đánh nhau đẫm máu và hành quân khó nhọc ngày này qua ngày khác.’ Trong vòng 10 ngày tàn quân tơi tả của Quân đoàn 3 – chỉ còn lại 40,000 trong quân số 200,000 người – đã giạt trở lại về Sông San, rào chắn thiên nhiên giữa người Đức và Przemysl. Họ chuẩn bị tạo tuyến phòng thủ trên bờ sông, mới hay các sĩ quan biến chất đã bán tất cả xuỗng đào, dây kẽm gai và gỗ dùng để xây dựng chiến hào. Không có pháo, hàng quân nhu, họ cầm cự hết sức như có thể, chịu những tổn thất nặng nề. Nhiều binh sĩ không có gì ngoài lưỡi lê cắm trên mũi súng không đạn. Nhưng vào cuối tháng 5 họ buộc lòng phải bỏ Przemysl. Lvov (Lemberg) chẳng bao lâu cũng thất thủ, khi quân Đức tiến gần đến biên giới nước Nga. Nó đã là, theo cách nói của Knox, một hàng rào phòng thủ của ‘sắt thép chống lại con người’.

Mũi đột phá của Đức làm lộ ra sườn phía bắc của quân đoàn Brusilov trong vùng núi Carpathian. Để tránh bị cắt đứt và bao vây, nó buộc phải rút lui và bỏ lại những vùng cao đã đánh chiếm được một cách gian khổ và đã trải qua mùa đông phòng thủ một cách tuyệt vọng. ‘Nadiushenka thương yêu,’ Brusilov viết vào ngày 11/6:

 Bọn anh phải bỏ Przemysl và Lvov. Em không thể tưởng tượng điều đó đau đớn cỡ nào đâu. . . Anh cố gắng để ra vẻ là việc không thực sự quá tệ như thế, nhưng bên trong thật đau lòng, trái tim anh ưu phiền, và tinh thần anh suy sụp. Anh tự trấn an là rồi tụi anh sẽ chiếm lại vùng đất đã để mất và cuối cùng sẽ thắng cuộc chiến, đó chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nỗi đau vẫn không hề thuyên giảm. Chính vào những thời điểm như thế này người ta cần chứng tỏ sức mạnh của ý chí, không chỉ khi mọi việc đều trôi chảy, việc đó thì dễ, nhưng khi tình hình rất tồi tệ, việc đó mới vực dậy được những người mất tinh thần và những người trên bờ vực mất hết nhuệ khí.

Trong khi đó,vào giữa tháng 7, quân Đức cũng mở cuộc tấn công ở Đông Phổ. Họ càn về phía bắc hướng Riga, phía đông hướng Vilnius và phía tây để phối hợp với những lực lượng Đức khác tiến ngang qua Ba Lan. Những pháo đài ‘bất khả xâm phạm’ ở Kovno, Grodno, Osowiec, Novogeorgievsk và Ivangorod mà người Nga đã đặt ở trung tâm của chiến lược phòng thủ của họ, chứa đầy những hàng tiếp tế quân nhu quí giá lần lượt bị bỏ lại khi quân Đức tiến đánh với trọng pháo. Những pháo đài bằng đá trở thành những bảo tàng viện vô dụng, những bẩy bê tông cho người và đồ tiếp tế, và Hindenburg cùng Ludendorff, người đã tạo nên tên tuổi trong Mặt trận Miền Tây, không gặp nhiều khó khăn khi lặp lại thắng lợi của mình ở phía đông. Các đồn lũy ở Kovno quá nghèo nàn đến nỗi Đại Công tước Nikolai nói rằng pháo đài nên được đổi tên là ‘Govno’ (tiếng Nga nghĩa là ‘cứt’. Chỉ huy già khú của nó, để làm tình hình tệ hơn, đã bí mật đào thoát khỏi pháo đài trước khi nó bị đánh chiếm. Ông ta cuối cùng bị lần ra đang ở một quầy rượu trong Khách sạn Bristol ở Wilno (Vilnius) và bị kết án 15 năm khổ sai.

Với tất cả quân đoàn bị đẩy lùi trước sức mạnh của sắt thép Đức, chỉ huy Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh rút lui toàn diện. Không có kế hoạch thực tế nào được bày ra. Có những khái niệm mơ hồ và lãng mạn về việc lặp lại chiến thuật vườn không nhà trống của Tướng Kutuzov, người đã gài bẫy đoàn quân của Napoleon quá xuất sắc trong những vùng hoang dã mùa đông của nước Nga. ‘Cuộc rút quân sẽ tiếp tục xa và lâu như cần thiết,’ Sa Hoàng bảo Maurice Paleologue vào cuối tháng 7. ‘Nhân dân Nga sẽ đồng lòng trong ý chí chinh phục như vào năm 1812.’ Nhưng về các mặt khác – chuỗi di tản, việc chọn lựa vật nào phải tiêu hủy và lên kế hoạch xác định những vị trí chiến lược phải làm cứ điểm – chỉ có những rối rắm và hoảng loạn. Binh lính phá hủy trụ sở, cầu cống, gia súc và hoa màu theo một cung cách hoàn toàn tùy hứng. Việc này thường biến thành cướp bóc, nhất là những tài sản của người Do Thái. Hàng trăm ngàn người tị nạn, nhà cửa và nông trại của họ bị tàn phá, lầm lũi tiến về đông dọc theo đường tàu với mớ hành trang ít ỏi chất trên xe ngựa, trong lúc đoàn tàu lướt qua chở theo các sĩ quan cao cấp, các cô bồ của họ, và, theo lời một sĩ quan, ‘đủ loại đồ vô dụng, như lồng chim bạch yến’. Không có đồ dự phòng nhằm cứu tế người tị nạn, phần đông họ phải sống lây lất trên các ga tàu và đường phố các thành phố Nga. ‘Bệnh tật, lầm than và đói khổ đang lan ra khắp nước Nga,’ Krivoshein, Bộ trưởng Nông nghiệp, cảnh báo với Hội đồng Bộ trưởng vào tháng 8. ‘Những đám đông  đói khát và rách rưới đang gieo kinh hoàng khắp nơi. Chắc chắn không có xứ sở nào tự cứu mình bằng cách hủy diệt mình.’

Những tháng mùa hè rút lui không ngừng nghỉ giáng thêm một đòn choáng váng vào tinh thần của quân sĩ. Thật khó cho họ khi chứng kiến những phần đất mình đã chiến đấu và hi sinh mạng sống để giành lấy giờ rơi vào tay địch. Việc phải phá hủy những kho quân nhu ở hậu cứ, chứa đầy quần áo và lương thực mà họ cần đến khẩn thiết, đặc biệt không sao chịu đựng được. ‘Mỗi ngày,’ Oskin viết, ‘chúng tôi lại bắt gặp một kho hàng thực phẩm và quân nhu trong một ngôi làng nào đó. Chúng mặc tình để đó để bị tiêu hủy.’ Đây là chứng cứ khốn nạn cuối cùng về sự bất tài của các lãnh đạo quân sự. ‘Họ đã phá hỏng mọi thứ,’ Brusilov thoáng nghe một binh lính của ông lẩm bẩm, ‘và chúng ta bị xúc đến đây để dọn rác rến.’

Việc mất tinh thần ở hậu phương càng ngày càng trầm trọng. Nadezhda Brusilova viết cho chồng:

Các anh quá ngây thơ, nếu vẫn còn tin vào thắng lợi. Chúng em ở hậu phương có suy nghĩ đúng hơn về những gì đang xảy ra và chúng em giờ tin rằng người Đức sẽ thắng trận. Họ sẽ đến Moscow vào năm 1916. Đây là tai họa và sự sụp đổ của nước Nga.

 Ở hậu phương có tin đồn lan truyền về một sự phản bội ở cấp cao, chẳng bao lâu lan đến Mặt trận. Dòng dõi gốc Đức của Hoàng hậu và những nhân vật khác trong chính quyền, và việc hành hình vào tháng 3/1915 Đại tá Miasoyedov, một trong những người được Sukhomlinov đỡ đầu, vì tội làm gián điệp cho Đức hình như củng cố thuyết âm mưu này. Một người lính theo Bôn-se-vich kể về những nỗ lực của một NCO, chẳng hạn, giải thích cho lính của mình lý do phải rút lui: ‘Có nhiều bọn phản bội và gián điệp trong số quan chức cấp cao, như Bộ trưởng Chiến tranh Sukhomlinov, mà lỗi lầm của ông là việc chúng ta không có đạn, và Misaoyedov, người dâng pháo đài cho địch.’ Khi y kết thúc một anh nuôi kết luận: ‘Cá bắt đầu thúi từ cái đầu. Sa Hoàng gì mà toàn những bọn trộm cắp và lừa đảo vây quanh? Vậy là rõ như ban ngày là chúng ta sẽ thua trận.’

Đối với nhiều quân nhân đây là thời khắc tâm lý quan trọng của cách mạng – thời khắc khi mà lòng trung thành với vương triều cuối cùng gãy đổ. Một chính quyền lội kéo họ vào cuộc chiến mà họ không hi vọng đánh thắng, không cung cấp cho họ đủ vũ khí và quân nhu, và giờ còn liên kết với kẻ thù chắc chắn là không đáng để họ hi sinh thêm nữa. Một triệu người đầu hàng Đức và Áo trong cuộc Đại Thoái binh, hầu hết đều muốn trải qua những ngày còn lại của cuộc chiến trong trại tù binh hơn là ra sức chiến đấu vô ích với kẻ thù hùng mạnh hơn. Một số không biết bao nhiêu, nhưng chắc chắn hàng vạn người, đào ngũ về hậu phương, nơi có nhiều người sử dụng súng vì mục đích khác  và sống bằng nghề ăn cướp. Thậm chí Trung sĩ Oskin, bị thương ở đầu gối và sau đó (sau khi bắt buộc phải đi bằng chân gỗ) di tản về một bệnh viện ở Moscow, cảm thấy quá tủi hổ trước cuộc Đại Thoái Binh đến nỗi, sau khi chân ông bị cắt cụt, ông đào thoát khỏi trung đoàn mình rồi đến nông trại của một người bạn ở Siberia. Nhưng  bọn Cô-giắc đốt sạch nông trại, xung công gia súc cho chính quyền và hiếp dâm vợ và mẹ của anh. Đây là giọt nước làm tràn ly, thế là Oskin gia nhập Đảng SR hoạt động ngầm ở Siberia và theo dõi với mối quan tâm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn biến như là kết quả của vụ Đại Thoái Binh. Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm nâng cao sĩ khí binh lính, Tổng Tham mưu Trưởng Yanushkevich thúc giục Sa Hoàng hứa ban phần thưởng trong trường hợp Nga chiến thắng mỗi quân nhân trung thành sẽ nhận được 16 desyatiny (43 mẫu) đất. Nhưng biện pháp như thế đã quá trễ và thậm chí chính Yanushkevich gọi đó là ‘hái sao trên trời’. Quân đội đang tan rã. Đến tháng 9, khi cuộc tiến quân của Đức cuối cùng đã sa vào đám bùn lầy Nga, lực lượng tiên phong của nó giảm còn bằng một phần ba sức mạnh lúc bắt đầu cuộc chiến.

* * *

‘Không thể tiếp tục như thế này được,’ Nicholas viết trong nhật ký của mình khi nghe tin về việc Warsaw thất thủ. Ba tuần sau đó ông ra một quyết định mà nhiều người lúc đó cho rằng đó là một quyết định mệnh hệ nhất trong toàn bộ thời trị vì của mình. Vào ngày 22/8 ông cách chức Đại Công tước Nikolai và nắm quyền tư lệnh tối cao của quân đội. Stavka chuyển 200 dặm về phía đông  đến  Mogilev, một thị trấn tỉnh lỵ thê lương, bẩn thỉu, mà tên của nó rút ra từ chữ trong tiếng Nga có nghĩa là ‘nấm mồ’.

Hình như có hai lý do (cả hai đều có thiếu sót) cho quyết định của Nicholas – và đó là quyết định của ông – về việc nắm quyền chỉ huy quân đội. Trước nhất, rằng ở giờ phút nguy cấp này nhà cai trị tối cao nên đứng ở hàng đầu các lực lượng vũ trang. Có một chút lô-gic về điều này. Từ khi cuộc chiến bắt đầu hệ quả là hệ thống có hai quyền lực – một do Đại Công tước cầm đầu và cái kia do Sa Hoàng – không có phối hợp thực sự nào giữa họ. Tuy nhiên khi di chuyển ra Mặt trận, Nicholas làm phương hại đến quyền hành của ông ở hậu phương, nơi các đại biểu Duma, các zemstvo và các ngành kỹ nghệ chiến tranh bất hòa nhau. Thứ hai, Sa Hoàng đã hi vọng rằng bằng cách tự đặt mình vào vị trí người đứng đầu quân đội, ông có thể phục hồi tinh thần của nó: nếu bình sĩ không chiến đấu vì nước Nga, thế thì có lẽ họ sẽ chiến đấu vì ông. Nhưng Nicholas không có kinh nghiệm chỉ huy quân sự và, mặc dù những quyết định quan trọng đều do Tham mưu trưởng mới của ông, Tướng M. V. Alexeev, một nhà chiến lược tài năng, đưa ra, sự hiện diện của Sa Hoàng tạo một ảnh hưởng không tốt đối với tinh thần binh sĩ. Bởi vì, theo lời Brusilov, ‘Mọi người đều biết Nicholas dốt đặc về những vấn đề quân sự và, mặc dù từ ‘Sa Hoàng’ vẫn còn có mảnh lực bí ẩn nào đó đối với binh sĩ, ông hoàn toàn thiếu uy tín để khiến bí ẩn đó có sức sống. Đối mặt với một nhóm binh lính, ông bối rối và không biết nói gì.’

Hội đồng Bộ trưởng, trong một hành động  phán xét trung thành duy nhất, van nài Sa Hoàng thay đổi ý định. ‘Quyết định của ngài sẽ đe dọa nước Nga, Ngài và Triều đại của Ngài với những hậu quả nghiêm trọng nhất.’ Nhưng Nicholas không dễ bị thuyết phục. Không nghi ngờ gì chính ảnh hưởng của vợ ông, người đặt ông vào thế cờ này, đã củng cố quyết tâm của ông. Có thể ông thấy nước đi này là cơ hội cuối cùng nhằm làm im tiếng sự phê phán của công luận đang rùm beng về cuộc chiến, và nhận thức nguy cấp là ngai vua của mình bị đe doạ đã khiến ông đưa ra một quyết định liều lĩnh. Trùng khớp với quyết định ông cho dẹp Duma, đã họp lại từ tháng 7, nó báo hiệu một quyết tâm mới nhằm khẳng định lại quyền cai trị cá nhân của mình. Có lẽ ông còn đeo đuổi áo tưởng rằng ‘sự hợp nhất thần bí’ với ‘nhân dân’ sẽ cứu đất nước khỏi tai họa. Krivodhein, một trong nhiều người, nghĩ rằng quyết định của Sa Hoàng ‘hoàn toàn ăn khớp với khung tinh thần của tâm trí ông và sự nhận thức thần bí về tiếng gọi đế chế của ông’. Sự hậu thuẫn ông nhận được từ Hoàng hậu và Rasputin, vốn luôn cổ vũ những giấc mơ của ông về quyền cai trị chuyên chế, đều song hành với điều này, mặc dù mối quan tâm thực sự của họ không nghi ngờ gì một phần là muốn ông không cản trở họ. Với Sa Hoàng vắng mặt vì ra Mặt trận, quyền lực ở thủ đô sẽ chuyển vào tay họ.

ii Người Tài Xế Điên

Chiến tranh đưa Hoàng thân Lvov lên cầm đầu Liên minh Zemstvo. Như trong cuộc chiến chống Nhật, nhu cầu của Mặt trận đã đốt bùng lên phong trào yêu nước của tổ chức quần chúng. Các ủy ban dân sự và các hội đoàn tình nguyện giúp đóng gói đồ tiếp tế gồm đồ vải lanh, thực phẩm và thuốc men sau giờ làm việc, trong khi hàng trăm thiếu nữ đăng ký làm y tá và cáng đáng tốt như có thể với đội quân những thương binh và liệt sĩ. Hoàng hậu biến Cung điện Mùa Đông thành một nhà máy làm băng y tế, và những mệnh phụ ùn ùn xắn lấy tay áo để lao vào phụ giúp. Vợ của Brusilov, Nadezhda, tình nguyện phục vụ cho Chữ Thập Đỏ ở Ukraine. ‘Em làm việc ngày đêm’, bà viết cho ông vào tháng 8 1914, ‘và nhờ Trời vì việc đó  giúp em khỏi nghĩ ngợi và khiến em cảm thấy mình không phải đồ vô dụng. Vợ của Kerenky, Olga, làm việc trong một bệnh viện Belgian, nhớ về việc này như là ‘thời gian hạnh phúc nhất của đời tôi’:

Khi tôi cúi xuống rửa chân dơ cho lính, hoặc rửa sạch và băng bó những vết thương nhầy nhụa và bốc mùi, tôi trải nghiệm một cảm giác hoan lạc gần như tôn giáo. Tôi cúi mình trước tất cả những quân nhân này, những người đã hi sinh cuộc sống mình cho nước Nga. Tôi chưa hề cảm nhận được nỗi hoan lạc như thế.

 Cuối cùng thì đây, đối với những những phụ nữ tư sản rảnh rỗi này, là một cơ hội để ‘phục vụ nhân dân’ và từ đó cứu chuộc tội lỗi của mình.

Liên minh Zemstvo của Lvov, được thành lập cùng với tổ chức chị em của nó Liên minh các Thị trấn trong những tuần lễ đầu của cuộc chiến, dẫn đầu trong hầu hết các hoạt động này. Nó thực sự điều hành chiến dịch tiếp tế quân sự trong sự thiếu vắng hoạt động hiệu quả của hậu cần. Nỗ lực chiến tranh của Nga, nếu không có những nỗ lực của Lvov, sẽ nhanh chóng sụp đổ. Lúc đầu Liên minh được yểm trợ bởi tiền bạc và vật dụng từ quần chúng đổ về. Một điền chủ trao tặng toàn bộ điền sản của mình, một vùng đất mênh mông phì nhiêu rộng 10,000 mẫu. Nông dân chở tặng từng xe cải bắp, khoai tây và vải lanh nhà dệt đến các kho quân đội ở hậu phương. Càng ngày những tình nguyện viên của nó càng dẫn đầu trong việc lập ra các căng tin dã chiến và đơn vị y tế tại Mặt trận, di tản những thương binh và chăm sóc y tế cho họ, mua quân nhu, chiến đấu với bệnh tật, giúp đỡ người tị nạn và giúp đỡ gia đình các quân nhân nghèo kiết. Vào 1916 nó đã trở thành cơ sở hạ tầng quốc gia khổng lồ, một nhà nước bên trong một nhà nước, với 8,000 cơ sở liên kết, vài trăm ngàn nhân công và một ngân sách hai tỉ rúp. Lvov, đứng đầu chính phủ không chính thức này, làm việc không mệt mỏi từ 8 giờ sáng đến 2 hay 3 giờ khuya. Hàng dài nối đuôi bên ngoài văn phòng kéo dài tận những đường phố Moscow. Đúng như một bộ trưởng bực mình nhận xét vào mùa thu 1915, Lvov ‘thực sự trở thành chủ tịch của một chính quyền đặc biệt. Tại Mặt trận họ chỉ nói về ông và cho rằng ông đã cứu đất nước. Ông tiếp tế quân đội, nuôi ăn người đói, chữa bệnh người đau và lập ra những tiệm cắt tóc cho lính- nói tóm lại, ông là cửa hàng bách hóa khổng lồ có mặt mọi lúc mọi nơi. Tất cả chuyện này phải kết thúc hoặc trao quyền cho ông ta cho rồi.’

Nhận xét này quả có tính tiên tri. Vì Lvov sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước Nga dân chủ vào tháng 3 1917. Kinh nghiệm của ông ở Liên minh Zemstvo, vốn đòi hỏi sự táo bạo về quản trị và khả năng ứng phó, trang bị cho ông vai trò đó hơn bất kỳ thứ gì khác. Tinh thần dân sự của Cách Mạng Tháng Hai bắt rễ trong các hoạt động thời chiến của tổ chức tình nguyện. Từ những nơi này phần đông các nhà lãnh đạo  cách mạng dân chủ, trong đó tất cả trừ ba  bộ trưởng của Chính quyền Lâm thời Đầu tiên xuất hiện. Tuy vậy Lvov vẫn luôn là một người cách mạng bất đắc dĩ. Nếu Sa Hoàng cấp tiến hóa chế độ của mình và bổ nhiệm một chính quyền được lòng tin của quần chúng, thì Lvov hẳn đã không theo phe chống đối. Chính trị không làm ông quan tâm hơn là thấy được kết quả trực tiếp của việc mình làm cho đời sống nhân dân.

Sự lãnh đạo Liên minh Zemstvo của Lvov bắt đầu với cùng những mục tiêu thuần túy thực tiễn (lợi ích của quốc gia) như ông đã theo đuổi ở zemstvo Tula (lợi ích của nhân dân). Ở ngay trái tim của con người chính trị của Lvov là cái mà một người quen mô tả là ‘một lòng yêu nước thực tiễn ‘. Nó bắt rễ trong tình yêu ông dành cho nông dân và niềm tin của ông vào sức mạnh sáng tạo của họ làm nên sức mạnh nền tảng Nga. Lòng yêu nước tương tự nằm ở tấm lòng tận tụy của ông đối với Liên minh Zemstvo. Nhiệm vụ của nó, như ông quan niệm trong 1914, là hoà giải nhân dân với chính quyền bằng cách đoàn kết cả hai sau lưng nỗ lực cho cuộc chiến. Những buổi họp điều hành kết thúc với giọng trầm hùng của ông cất lên bài quốc ca.

Đến mùa thu sau, tuy nhiên, ngay cả Lvov không còn có thể đứng tách ra khỏi khối chống đối chính trị đang lớn mạnh nhắm vào chính quyền và tư lệnh quân đội, vì quản lý tồi dẫn đến những thất bại nặng nề gần đây. Đôi khi tổ chức của ông phải đấu tranh chống lại thói quan liêu của bộ máy nhà nước không ngừng cản trở việc làm của ông và giờ đây ông đã chịu đựng hết nỗi. Maklakov, Bộ trưởng Nội vụ phản động nổi tiếng trong vụ án Beiliss, xem Liên minh không hơn một con ngựa thành Troy có ý đồ lật đổ những chức năng của chính quyền, và đã ra sức hạn chế sức mạnh độc lập của nó. Y thậm chí phản đối đạo quân lao động của tổ chức, khoảng 80,000 người mạnh khỏe, giúp đào chiến hào và mộ phần ở hậu phương, viện cớ rằng một tổ chức quần chúng không được phép có ‘quân đội’ riêng. Mặc dù đã nói rõ là họ chỉ trang bị toàn là rìu và xuỗng, Maklakov vẫn không lay chuyển và ra lệnh cho Lvov giải tán đạo quân lao động. Vào tháng 9, khi Duma tạm nghỉ họp, vì hoàng thân hoà nhã đã sẳn sàng để tham gia cuộc xung đột. ‘Chúng ta không còn có thể duy trì tư thế thụ động bị cai trị,’ ông nói trước Đại hội Liên minh Zemstvo. Nhân dân Nga, ông tiếp tục, đang phát huy một ‘sức mạnh giống như nhà nước’ và qua việc phục vụ cho quốc gia của mình họ có quyền đòi hỏi chính quyền một thể chế lập hiến sau khi cuộc chiến kết thúc. Công việc của các tổ chức quần chúng không còn là một phương tiện để đoàn kết nhân dân sau lưng Sa Hoàng, mà là một phương tiện chuyển giao  quyền tự trị của nhân dân.’

Sự tiến bộ thời chiến của Hoàng thân theo lộ trình cực đoan hóa về mặt chính trị là điều thông thường trong các tầng lớp cấp tiến giàu có. Union sacreé (tiếng Pháp có nghĩa sự hợp nhất thiêng liêng) vào tháng 8 1914, khi Duma tự giải tán trong một hành động biểu tượng cho tình đoàn kết ái quốc với chính quyền, đã không kéo dài quá mùa đông. Cuộc khủng hoảng đạn được và xì căng đan Miasoyedov có liên quan đến điều đó. Thật ra việc đã không tệ như quần chúng nghĩ – việc Miasoyedov làm gián điệp cho Đức cũng như tình trạng thiếu đạn dược chỉ là cái cớ để đổ tội cho sự suy sụp của quân đội- vậy mà theo một ý nghĩa đó đúng là tâm điểm. Vì cả sự thiếu hụt đạn dược lẫn tai tiếng dấy bẩn của Miasoyedov đều trở thành những biểu tượng gây xúc động của cách điều hành cuộc chiến bất tài và phản trắc của chính quyền. ‘Nước Nga Tôn Kính’ giờ đây đang tập kết đằng sau yêu sách quyết liệt nhằm đòi tái triệu tập Duma và một nội các được sự tin cậy của quần chúng. Các đảng viên Kadet chuẩn bị sắp xếp một phiên họp ba ngày của Duma vào cuối tháng giêng để phê chuẩn ngân sách quốc phòng. Nhưng nhóm cực đoan do Kerensky cầm đầu, tiếp tục chiến dịch công kích chính quyền. Vào ngày 11/6 người đỡ đầu của Miasoyedov, Sukhomlinov, cuối cùng bị bãi nhiệm. Ngài Bộ trưởng Chiến tranh đáng hổ thẹn cuối cùng bị bắt và mang ra trước Ban Điều tra Cao cấp, và bị kết án phản quốc và bị tống giam vào Pháo đài Peter và Paul. Sau đó lần lượt Maklakov (Nội vụ), Shcheglovitov (Tư pháp) và Sabler (Hội đồng Tôn giáo Thần thánh đều bị cách chức, khi Nicholas cố gắng xoa dịu sự chống đối của quần chúng.

Nhưng đây chỉ là bước đầu của một mùa hè tháo lui chính trị  của Sa Hoàng. Những lời kêu gọi cải cách của Duma và các tổ chức quần chúng được cộng đồng doanh nghiệp cấp tiến góp sức. Cuộc khủng hoảng đạn dược và những thất bại quân sự trong mùa xuân buộc chính quyền phải lập ra một Hội đồng Đặc biệt vào tháng 6 để cải thiện việc tiếp tế đạn pháo. Hội đồng gồm ba đảng viên Octobrist từ Duma và các chủ nhân của hãng sản xuất vũ khí lớn nhất của Petrograd, cũng như các sĩ quan từ Bộ Chiến tranh. Đối với những  doanh nhân cấp tiến hàng đầu ở Moscow đây quả là cái tát vào mặt. Từ 1908 họ đã vận động quyết liệt để gia tăng vai trò của họ trong đời sống kinh tế và chính trị của xứ sở. Họ đã tài trợ cho tờ báo của họ (Ultron Rossii), thành lập đảng chính trị của họ (Những Người Tiến Bộ) và tiêu tiền rộng rãi cho nghệ thuật. Hội đồng Đặc biệt này, theo quan điểm của họ, chỉ là một phe nhóm nhỏ của những đại tư bản kỹ nghệ ở Petrograd và các người đỡ đầu trong chính quyền (mà sau này sẽ xuất hiện dưới danh hiệu phức hợp quân sự-kỹ nghệ) được thiết kế để loại trừ những doanh nghiệp nhỏ hơn trong các tỉnh lỵ nhờ các hợp đồng béo bở trong việc sản xuất hàng quân sự. Có nhiều toan tính khuất tất biện minh cho sự bất mãn của giới kỹ nghệ gia Moscow. Có quá nhiều đơn đặt hàng giao cho các hãng xưởng cơ khí lớn ở Petrograd thân thiện với chính quyền, trong khi những cơ sở nhỏ hơn ở tỉnh lẻ không được sử dụng thích đáng. Nhà máy Putilov, chẳng hạn, nhận đơn hàng đạn dược  trị giá 113 triệu rúp- vượt hơn số lượng nó có thể sản xuất đúng hạn – với giá cao gấp 6 lần giá trung bình ở thị trường. Putilov dùng tiền mặt để trợ cấp cho các công ty nhỏ thua lỗ của ông, kể cả lối sống đế vương của ông, cuối cùng công ty ông vỡ nợ đến phá sản và phải bị nhà nước thanh lý vào năm 1916. 

Những nhà sản xuất cỡ trung bình lúc này đã dẹp tiệm vì, không có đơn hàng của nhà nước, họ không thể mua xăng dầu và nguyên liệu thô. Bộ máy hành chính của Petrograd thờ ơ với số phận của họ.

Để phá vỡ thế độc quyền của những nhà sản xuất quân nhu lớn các lãnh đạo doanh nghiệp Moscow tổ chức Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh. Qua văn phòng trung tâm của họ, được thành lập vào tháng 7 1915, họ thành công kiếm được một phần chia khiêm nhượng nhưng có tính cách sống còn các đơn hàng quân sự của chính quyền cho các hãng xưởng ở tỉnh của họ. Nhưng ý nghĩa thực sự của ủy ban có tính chính trị nhiều hơn kinh tế. Những nhà lãnh đạo của Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh đều là những người phê phán cấp tiến đối với chính quyền chuyên chế. Phân nửa số bộ trưởng trong Chính quyền Lâm thời Đầu tiên 1917 đều xuất thân từ đội ngũ của họ. Họ nhắm tới một tiếng nói lớn hơn cho những qui định kỹ nghệ của thời chiến, và cho các đồng minh của mình ở Duma và các tổ chức quần chúng khác trong cơ cấu chính quyền. Có mối liên hệ mật thiết giữa những bộ phận khác nhau này. Lvov, chẳng hạn, đứng đầu Liên minh Zemstvo, một cựu đại biểu Duma và là thành viên của Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh. Qua những sáng kiến phối hợp của họ, những bộ phận quần chúng này có thể tạo thành một lực lượng chính trị hiệu quả. Họ nhận được sự hậu thuẫn của một vài vị bộ trưởng có đầu óc cấp tiến, giờ đã nhận ra được nhu cầu thay đổi chính trị, cũng như một số tướng lãnh, trong đó có Brusilov. Nắm tay nhau họ lên đường tranh đấu cho quyền lực.

Dưới sức ép liên tục, Sa Hoàng cuối cùng chấp nhận cho triệu tập lại Duma vào ngày 19/7/1915. Sự chống đối cấp tiến giờ đã có một nền tảng để làm mới lại yêu sách cho một chính quyền được lòng tin của quốc gia. Hai phần ba thành viên Duma, từ Hữu khuynh ôn hòa đến Tả khuynh ôn hòa cùng với những thành viên có đầu óc của Hội đồng Nhà nước, hợp thành một Khối Tiến Bộ để củng cố chiến dịch này. Đó là một liên minh ‘tam sắc’, như một thành viên của nó nhận xét, được thiết kế để bọc những cải cách chính trị trong lá cờ đế chế. Mục tiêu của Khối là ngăn không cho đất nước sa đà vào cách mạng (mà những thành viên giàu có của nó e sợ nhiều như ai khác) bằng cách thuyết phục Sa Hoàng bổ nhiệm một chính quyền mới được nhân dân ủng hộ. Chỉ có như vậy, họ lập luận, mới có thể đưa xứ sở đến thắng lợi. Sau bốn tháng u ám triền miên, với những báo cáo từng ngày về những vụ thất trận ở chiến trường, các cuộc đình công nhà máy và rối loạn xã hội, các lãnh đạo Khối thấy cương lĩnh của mình là cơ hội thực sự cho chế độ tìm một giải pháp chính trị vượt qua khủng hoảng. Họ bước lui để các đề xuất của mình có thể chấp nhận được đối với Sa Hoàng. Những lời kêu gọi của các phần tử cực đoan hơn  – nhóm Kadet cánh tả, những Trudovid của Kerensky và người xã hội chủ nghĩa – vì một chính quyền nghị viện có trách nhiệm đối với Duma bị chống đối thẳng thừng bởi Miliukov, nhà lãnh đạo Kadet và kiến trúc sư chính của Khối, dù làm thế ông có thể gặp nguy cơ chia tách đảng mình ra làm hai. Lvov thậm chí cam kết rằng trong chiến tranh Khối sẽ không đi xa hơn ‘trên lộ trình tranh đấu nghị viện’ một khi chính quyền của lòng tin đã được bổ nhiệm

Bên trong nội bộ của Hội đồng Bộ trưởng đa số đều đồng ý với thỏa hiệp của Khối Tiến bộ. Krivoshein và Poliakov, người thay thế Sukhomlinov, dẫn đường. Chẳng bao lâu những người khác theo sau, nhất là sau khi Sa Hoàng đã ra quyết định sẽ nắm quyền tư lệnh, và thế là để chính quyền nằm dưới quyền sinh sát của Hoàng hậu và Rasputin. Ngày 28/8 ‘cuộc  vùng lên của các bộ trưởng’ lên cao điểm với lời kêu gọi trực tiếp lên Sa Hoàng yêu cầu bổ nhiệm một chính quyền mới được tín nhiệm của Duma. Chỉ có ‘lão già’ Goremykin, vị Thủ tướng tai tiếng, không chịu tham gia, mù quáng trung thành đến cùng bổn phận tuyệt đối của mình là tuân phục Sa Hoàng. Ngày hôm sau y vội vàng chạy về Mogilev và thúc giục Nicholas đóng cửa Duma và tống cổ các bộ trưởng cứng đầu để tái lập các quyền chuyên chế của mình. Hoàng hậu, vốn lúc nào cũng tin vào sứ mạng cai trị như ‘Ivan Kẻ Khủng Khiếp’ của chồng mình, góp thêm tiếng nói, lên án các bộ trưởng nổi loạn là ‘bọn quỷ sứ tệ hơn cả Duma, cần phải bị đánh đòn’.

Vào thời điểm này, không khó để thuyết phục Sa Hoàng rằng ông ta cần phải tái khẳng định quyền lực chuyên chế. Sau hết, đó cũng chính là mục tiêu chủ yếu khi ông nắm quyền tư lệnh tối cao. Theo cái nhìn của ông, không có sự nhượng bộ nào của ông với phe chống đối cấp tiến chặn đứng được những kích bác của quần chúng vào chính quyền, mà đúng ra còn làm tăng thêm, và đây là thời khắc để chấm dứt sự xói mòn thêm nữa của uy quyền. Ông cho rằng thật không tha thứ được ngay lúc Đế Chế đang lâm nguy, cần hơn bao giờ bàn tay cứng rắn của chuyên chế, mà các bộ trưởng lại cho là thích hợp để yêu cầu ông từ bỏ quyền cai trị. Vào ngày 2/9 ông ra lệnh giải tán Duma và tái xác nhận sự tin cậy của mình vào chính quyền của người công bộc già trung thành Goremykin. Khi Thủ tướng quay về Petrograd và loan báo quyết định này cho Hội đồng Bộ trưởng người ta nghe có tiếng Sazonov, ngài Ngoại trưởng la lên, ‘Il est fou, ce veillard (tiếng Pháp: Lão già này điên rồi: ND),’

Tiếp sau đó là hai ngày tổng đình công ở Petrograd phản đối việc đóng cửa Duma. Nhưng cuộc hưởng ứng theo hành động chống đối bị dập tắt. Lvov được bầu dẫn đầu một phái đoàn thuộc tổ chức quần chúng để khẩn cầu Sa Hoàng hãy ‘đặt gánh nặng của quyền lực lên vai của những người được nhân dân tin tưởng’. Nhưng Nicholas không chịu tiếp họ. Thay vào đó họ được triệu đến Bộ Nội vụ tại đó họ được lên lớp ‘xen vào việc chính trị của nhà nước’ là phạm thượng.

Vào ngày 16/9 các bộ trưởng được triệu tập đến Mogilev để nghe lời lên lớp cuối cùng. ‘Đưa nắm đấm ra,’ Hoàng hậu nói  khích ông chồng yếu đuối của mình. ‘Anh là vị vua chuyên chính và chúng không được  quên điều đó.’ Bà thậm chí khẩn khoản xin ông chải đầu bằng cây lược của Rasputin  để tăng thêm nghị lực. Ma thuật ắt hẳn đã có tác dụng. Bởi vì các bộ trưởng, vốn đã quyết tâm đến đây trình bày luận cứ để đòi cải cách, bổng nhiên mất hết nhuệ khí khi đối mặt với Sa Hoàng. ‘Cuộc vùng lên của các bộ trưởng’  đã kết thúc và cơ hội cuối cùng của vương triều để tự cứu mình bằng những biện pháp chính trị đã bị vứt bỏ.

Việc giải tán Duma đã làm nổi bật sự bất lực của phe cấp tiến. Quyền lực nằm vững chắc với triều đình Romanov và, cho dù có đến 10 quan chức cao cấp nhất của chính quyền, không có gì, trừ cách mạng, mà phe cấp trên có thể làm được để ngăn cản Sa Hoàng buông bỏ quyền bính trong tay mình. Chính trị  gia đảng Kadet, V. A. Maklatov, tóm lược vấn nạn của phe cấp tiến trong một bài báo được trích dẫn rộng rãi trong tháng chín. Ông so sánh nước Nga với một chiếc ô tô đang lao xuống sườn đồi dốc nguy hiểm với một tốc độ khủng khiếp do một tài xế điên cầm lái (Nicholas). Trong số các hành khách có một người mẹ (nước Nga) và một số tài xế có năng lực, nhận ra rằng mình đang bị đẩy đến một số phận không sao tránh được. Nhưng không ai dám giành lấy tay lái vì sợ sẽ gây ra tai nạn thảm khốc. Tên tài xế hiểu điều này và chế giễu sự bất lực và hoảng hốt của hành khách: ‘Các người không dám sờ đến ta,’ y bảo họ. Và, thật ra, trong những tình huống khủng khiếp này, Maklakov kết luận:

 bạn không dám sờ y, bởi vì dù cho bạn có dám liều mình, nhưng vì đang đi với mẹ, nên bạn không dám gây nguy hiểm cho sinh mạng mình vì sợ bà cũng sẽ mất mạng. Vì thế bạn đành phải để yên bánh lái trong tay của tài xế. Hơn nữa, bạn sẽ không dám ngăn trở y – thậm chí còn giúp đỡ y bằng cách cố vấn, cảnh báo và hỗ trợ. Và bạn đã hành động đúng, vì đây là điều phải làm.

 Sự tê liệt của phe chống đối được xác định, trên hết, bởi họ sợ sẽ làm bùng phát bạo loạn trên đường phố. Họ bị bắt dính giữa con quỷ chuyên chế và biển đỏ sâu thẳm của cách mạng xã hội chắc chắn sẽ nhận chìm họ. Miliukov sợ rằng nếu Duma bước vào trận xung đột công khai với chế độ và cổ vũ quần chúng đứng lên, như một số người bên cánh tả của đảng ông chủ trương, nó sẽ dẫn đến một ‘cuộc truy hoan của đám đông’. Cơn ác mộng của Puskin về một ‘cuộc bạo loạn, vô nghĩa và nhẫn tâm’ sẽ cuối cùng xảy đến. Thay vì liều lĩnh làm việc này, phe cấp tiến đi nước cờ chờ đợi: nếu họ có thể cầm cự cho đến khi Đồng minh thắng trận, những kênh mới hậu thuẫn việc cải cách sẽ mở ra. Đây không phải là tư thế đường hoàng nhất (‘một cuộc vùng lên trên đầu gối’ như cách nói của Stalin) nhưng, chỉ thiếu có việc tiến ra hàng rào chướng ngại vật, họ không thể làm gì khác hơn.

Về bản chất, nó đánh dấu sự trở lại tình trạng của năm 1906, khi Tuyên ngôn Vyborg thất bại trong việc tập kết quần chúng bảo vệ Duma, khiến phe cấp tiến bơ vơ và bắt lực, không có gì để bám víu hơn ngoài hi vọng thuyết phục chế độ tự cấp tiến hóa mình. Mười năm sau với bài học Vyborg sau lưng, họ thậm chí còn e dè quần chúng hơn, vì giờ đây khi đang ở đỉnh cao cuộc chiến đầy thống khổ họ khó có thể chịu tự hạn chế trong kiểu cách mạng chính trị hẹp hòi mà phe cấp tiến nhắm đến.

Được cám dỗ trước sự biểu dương quyền lực thành công, Nicholas dấn tới bằng một loạt các biện pháp xã hội để đẩy lùi các thách thức của phe cấp tiến đối với nền chuyên chính của ông. Phiên họp của Duma được hứa mở lại vào tháng 11, được cho phép để xoa dịu những kích bác về việc hoãn họp trong tháng 9, bị đình chỉ vô hạn định. Vị thế của Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh dần dần giảm xuống khi chính quyền trở lại với đồng minh cũ của mình là các công ty lớn ở Petrograd. Và, từng người một, các bộ trưởng nổi loạn bị cách chức. Samarin, người Đại diện mới của Hội đồng Tôn giáo Thần thánh và là người kích bác Rapustin dữ dội nhất, là nhân vật đầu tiên bị tống khứ, gây phẫn nộ cho Giáo hội và dư luận bảo thủ. Krivoshein, Bộ trưởng Nông nghiệp, là người tiếp theo. Sau đó đến lượt Shcherbatov, Bộ trưởng Nội vụ, được thay thế bởi Khvostov, đồng minh của Rapustin, nổi tiếng vì có bụng quá bự, lập tức cam kết sẽ dập tắt mọi chi trích công khai đối với chính quyền. Y đẩy mạnh việc giám sát các chính trị gia Duma, bãi bộ các buổi mít tinh của các tổ chức quần chúng, xiết chặt kiểm duyệt và phung phí tiền bạc nhà nước cho bọn Black Hundreds.

Trong tất cả thay đổi nhân sự này đều có bàn tay của Hoàng hậu. Với Sa Hoàng đang ở Mặt trận, giờ bà trở thành nhà chuyên chế thực sự ở Petrograd. ‘Anh yêu,’bà viết cho chồng, ’em là bức tường thành của anh ở hậu phương. Em ở đây, đừng cười người vợ già ngu ngốc này, nhưng cô ta có “quần dài nam” đấy, dù không nhìn thấy.’ Điện thoại chính trong Cung điện Mùa Đông đặt trong phòng khách của bà, nơi bà ngồi tại bàn viết trước chân dung của Marie Antoinette. Bà thích ba hoa mình là người phụ nữ đầu tiên ở Nga tiếp kiến các bộ trưởng kể từ Catherine Đại đế, và trong những ảo tưởng này bà được Rapustin tiếp tay, người muốn sử dụng bà như phát ngôn viên cho những ham hố quyền lực của y. Thư bà viết cho Nicholas chứa đầy những lời khuyên của ‘Bạn chúng ta’, theo cách bà thích ám chỉ ‘người nông dân thánh thiện’. ‘Không phải do em khôn ngoan’, bà viết, ‘mà do linh cảm được Chúa mách bảo để giúp đỡ anh.’ Hoặc: ‘Chúng ta, vốn được dạy phải nhìn mọi việc từ nhiều phía, thấy rằng cuộc đấu tranh này thực sự là gì và có ý nghĩa gì – anh chứng tỏ quyền làm chủ của mình, chứng tỏ mình là vị Vua Chuyên chính không có anh nước Nga sẽ không thể tồn tại.’ Hình như không có chuyện nhà nước nào mà Raspustin không thông thạo. Bà viết cho Sa Hoàng những khuyến cáo của y về việc tiếp tế lương thực, vận tải, tài chính và cải cách ruộng đất, mặc dù bà thú nhận là những việc ấy làm bà váng cả đầu. Bà thậm chí cố thuyết phục chồng đưa ra chiến lược quân sự của mình căn cứ vào những gì Rasputin đã ‘nhìn thấy trong đêm’, mặc dù chuyện này Nicholas mạnh dạn không nghe theo.

Hầu hết bút mực Hoàng hậu sử dụng đều là để giới thiệu những người bà bố nhiệm. Bà nhìn thế giới chỉ theo phạm trù bạn và thù đối với  ‘chính nghĩa lập liếm’ do Rapustin và bà chủ trương. Các bộ trưởng, tư lệnh các lực lượng vũ trang và thành viên triều đình tất cả thăng hay trầm đều do bà quyết định tùy theo họ đứng ở đâu đối với ‘chính nghĩa’. Sự đỡ đầu của Raspustin là cách nhanh nhất để leo lên cột mỡ – và kích bác y là cách nhanh nhất để tuột xuống. Trong 17 tháng cai trị của Hoàng hậu, từ tháng 9/1915 đến tháng 2/1017, nước Nga có bốn Thủ tướng, năm Bộ trưởng Nội vụ, ba Ngoại trưởng, ba Bộ trưởng Chiến tranh, ba Bộ trưởng Giao thông và bốn Bộ trưởng Nông nghiệp. Việc ‘nhảy cóc chính quyền’ này không chỉ loại trừ những người có tài ra khỏi quyền lực, mà còn làm rối loạn hoạt động của chính quyền vì không ai tại vị đủ lâu để chu toàn trách vụ.

Tình trạng vô chính phủ trong bộ máy nhà nước phát tác với hàng loạt vụ tranh giành quyền bính: một số bộ trưởng chiều theo Hoàng hậu và Rasputin, trong khi số khác vẫn trung thành với Sa Hoàng, hoặc ít nhất với những gì họ nghĩ Sa Hoàng là, mặc dù  khi đến nước cùng ông ta hình như không hề biết mình đại diện cho cái gì và trong bất kỳ tình huống nào cũng không hề dám chống lại vợ mình. Bios Sturmer, Thủ tướng tại vị lâu nhất trong thời cai trị của Hoàng hậu, người thay thế Goremykin vào tháng giêng 1916, được biết đến nhiều nhất như một thống đốc tỉnh từng bị kết tội tham ô và như một Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã bị buộc tội bất tài. Theo đoạn văn đáng nhớ của Sazonov, y là ‘một người luôn để lại sau lưng một ký ức xấu xa ở bất kỳ chức vụ nào y chiếm giữ’. Những vấn đề của nhà nước hoàn toàn quá sức y. Y chạy đến Hoàng hậu và Rasputin rất thường để xin chỉ giáo.

* * *

 Có lẽ sự thay đổi nhân sự gây tác hại nhiều nhất là việc cách chức Polivanov vào tháng 3 1916. Hơn bất kỳ ai khác ông là người có trách nhiệm tái dựng quân đội Nga sau những tổn thất khủng khiếp của cuộc Đại Thoái Binh. Thiếu tướng Knox, tùy viên quân sự Anh ở Nga, nghĩ rằng ‘không nghi ngờ gì nữa ông là nhà tổ chức quân sự tài ba nhất ở Nga: và gọi sự sa thải ông là một thảm họa’. Tội lỗi của Polivanov, trong mắt của Hoàng hậu, là ông sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quần chúng để tăng cường đồ tiếp tế cho quân đội. ‘Ồi, em muốn anh loại Polivanov cho em làm sao,’ bà viết cho chồng vào tháng giêng. ‘Y chỉ là một tên cách mạng.’ Tình bạn của ông với Guchkov, đứng đầu Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh, bị triều đình xem là đáng báo động đặc biệt, vì vào tháng 11 nhà lãnh đạo Octobrist đã mời các đại biểu của công nhân được bầu ra đến ngồi cùng ông trong ban quản trị trung ương của Ủy ban. ‘Em ước gì anh có thể bắt cái ủy ban kỹ nghệ chiến tranh thối tha đó câm miệng’, Hoàng hậu van nài với chồng vào tháng ba, ‘khi chúng chuẩn bị những câu hỏi chống-vương triều trong các cuộc mít tinh của chúng.’ Còn về phần Guchkov, bà hỏi, ‘Bộ không thể treo cổ hắn sao?:

Việc bổ nhiệm Shuvaev, người kế tục Polivanov, chứng tỏ vượt qua mọi nghi ngờ rằng sự tuân phục ngoan ngoãn giờ được coi là một tiêu chuẩn quan trọng đối với một Bộ trưởng Chiến tranh nhiều hơn là khả năng quân sự. Chính Shuvaev có lần đã bảo Knox là nếu Sa Hoàng có bảo y nhảy xuống từ cửa sổ y cũng sẽ vui lòng tuân theo. Và khi việc điều hành tồi tệ cuộc chiến dẫn đến việc quần chúng đua nhau lên án ‘có sự phản bội ở cấp cao’, tất cả điều y có thể nói để biện hộ là, ‘tôi có thể là một thằng ngu, những không phải là tên phản quốc.’

Với sự giúp đỡ tận tình của các tổ chức quần chúng Polivanov đã cải thiện được việc tiếp tế và tinh thần binh sĩ. Không ở đâu điều này rõ ràng hơn ở Mặt trận Tây-Nam, nơi Brusilov đã được bổ nhiệm tư lệnh Mặt trận vào tháng ba. Ông mang đến một phong cách mới có tính chuyên nghiệp quân sự cho bộ chỉ huy Mặt trận, đề bạt những sĩ quan có tài như Klembovsky và Velichko (những người sau này cùng với Brusilov và Polivanov sẽ tiêm tính chuyên nghiệp tương tự vào Hồng quân). Brusilov nhanh chóng thiết lập mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với các tổ chức quần chúng, và  tác dụng của những việc này chẳng bao lâu có thể được cảm nhận trên Mặt trận của ông. ‘Từng chút một’, ông nhớ lại:

 trang bị kỹ thuật của chúng tôi được cải thiện; súng trường được đưa tới, dù cũng nhiều loại khác nhau, nhưng có đủ đạn dược; trong khi quân nhu cho pháo binh, nhất là pháo hạng nhẹ, nhiều đến thừa thãi.  . . Chúng tôi có mọi lý do tính toán để có thể đánh bại quân địch và đẩy lùi chúng trở qua biên giới.

Tính lạc quan của Brusilov làm ông nổi bật tại Hội đồng Chiến tranh vào ngày 15/4, khi các tư lệnh mặt trận Nga họp với Sa Hoàng tai Stavka để phác họa kế hoạch hành quân mùa hè. Tướng Kuropatkin và Evert, tư lệnh Mặt trận Tây-Bắc và Mặt trận phía Tây theo thứ tự, đều bi quan trước triển vọng tấn công. Nhưng Brusilov hứa sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho họ bằng cách phát động một trận công kích quân Áo trên Mặt trận Tây-Nam của ông, mặc dù được cảnh báo là không có thêm binh lính và đồ tiếp tế nào được chi viện từ phía bắc. Những tư lệnh khác đều sốc trước sự táo bạo của ông. ‘Anh chỉ vừa được bổ nhiệm tư lệnh Mặt trận,’ một tư lệnh bảo ông khi họ ngồi xuống dùng cơm chiều, ‘và anh khá may mắn không được chọn để làm mũi tấn công, và vì thế đừng dính vào chúng có thể hủy hoại tiếng tăm của anh. Tưởng tượng xem xông vào chốn nguy hiểm khủng khiếp như vậy!’ Nhưng thái độ tự mãn này, quá điển hình đối với các tướng lĩnh sủng ái của Sa Hoàng, lại xa lạ với quyết tâm của Brusilov và, có lẽ tính lạc quan ngây thơ của ông. Ông tin chắc rằng Chúa Trời đang dẫn dắt nước Nga đến thắng lợi, một lòng tin phản ánh trong suốt cuộc chiến qua những lá thư gởi cho vợ. ‘Anh vẫn không ngừng tin tưởng’, ông viết cho bà ở đỉnh cao của cuộc Đại Thoái Binh, ‘rằng cách nào đó sự việc sẽ thay đổi và chúng ta sẽ đánh thắng cuộc chiến.’

Sự khinh thị của các đồng sự của Brusilo cũng không khiến họ xét đến sự linh hoạt trong chiến thuật tấn công của ông, theo lời của Norman Stone, sử gia chính của Mặt trận Miền Đông, ‘thắng lợi xuất sắc nhất của cuộc chiến’. Điều phân biệt được thiên tài quân sự của Brusilov là sự khao khát học tập từ những bài học chiến thuật của 1914-15. Kể từ khi các Mặt trận đã trở nên cố định và cuộc chiến cơ động đã nhường chỗ cho cuộc chiến phòng thủ, các tướng lĩnh châu Âu đã cố thọc qua phòng tuyến địch bằng cách tập trung quân vào một điểm duy nhất của Mặt trận. Sự chọc thủng của quân Đức  ở Gorlice là một minh họa cổ điển của phương thức ‘pha-lăng’ (lối tấn công trong đó binh sĩ dàn đội hình chữ nhật, đứng sát vào nhau, với khiên chế chắn, giáo mác tua tủa  tạo thành khối bê tông, được quân đội Hi Lạp hay dùng) mà các tướng Nga sau đó bắt chước vô tội vạ. Brusilov nghĩ khác. Ông lập luận rằng người Nga, với hệ thống đường sắt lạc hậu, không thể hi vọng tập trung lực lượng vào một chỗ mà quân thù không biết nên họ có thể có đủ thời gian để gọi quân dự bị phòng thủ. Thay vào đó ông đề xuất tấn công đồng thời tại vài điểm dọc theo Mặt trận, khiến kẻ địch, cho dù có tình báo về những vị trí tấn kích, cũng khó đoán đâu là mũi tấn công chính.

Việc chuẩn bị ráo riết cho trận công kích được tiến hành. Chìa khóa cho kế hoạch của Brusilov là yếu tố bất ngờ, vì thế mọi việc được tiến hành trong vòng bí mật (thậm chí Hoàng hậu cũng không thể biết ở đâu và khi nào cuộc tấn công bắt đầu). Các chiến hào được đào sâu hơn bình thường và ngụy trang bằng một thiết bị mới phun màu lên mặt đất. Các đường hầm tấn công được đào bên dưới hàng rào kẽm gai của quân Úc  cách phòng tuyến của chúng trong vòng 100 mét, để khi trận tấn công được phát động làn sóng tấn công đầu tiên có thể chạy đến chiến hào của địch trong một đợt xông tới. Các vị trí của địch chụp qua không ảnh được tỉ mỉ nghiên cứu. Nhờ vậy Brusilov có thể tạo ra những mô hình bằng kích cỡ với chiến hào của quân Áo, huấn luyện cho binh sĩ tập dượt tấn công trên đó. Những vị trí ụ pháo cũng được biết rõ, và trong một vài chỗ, cả vị trí súng máy cá nhân cũng được định vị. Dù số lượng ít hơn, pháo binh Nga có lợi thế quyết định là biết rõ mục tiêu của mình, và đây là bảo đảm thành công bước đầu của cuộc tấn công.

Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 4/6, theo lời của Brusilov, ‘với một hàng rào pháo như sấm dậy suốt dọc Mặt trận Tây-Nam’. ‘Toàn bộ vùng tác chiến bao phủ bởi một đám mù dày đặc khổng lồ của khói và bụi ,’ một sĩ quan Áo viết, ‘cho phép quân Nga vượt qua hàng rào chắn đã sụp đổ từng làn sóng người dày đặc và nhảy vào chiến hào chúng tôi.’ Trong vòng 48 giờ quân Nga đã xuyên thủng hàng phòng ngự của Áo dọc theo chiến tuyến dài 50 dặm, bắt sống hơn 40,000 tù binh. Đến ngày 9 con số lên đến 200,000 người, hơn phân nửa lực lượng Habsburg Mặt trận Miền Đông, và Conrad, Thạm mưu Trưởng Áo, bắt đầu nghĩ đến việc nghị hòa.

Nếu Evert và Kuropatkin đã giữ lời hứa tiến quân đồng bộ với Brusilov, mở cuộc tấn công ở Mặt trận Miền Tây và Tây-Bắc, kẻ địch có thể đã bị đẩy lùi và tiến trình chiến tranh đã đổi chiều hoàn toàn. Hindenburg sau đó thú nhận rằng nếu có cuộc tấn công thứ hai,  ‘Chúng tôi ắt hẳn đã đối diện với một sự sụp đổ hoàn toàn.’ Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, Mặt trận của Brusilov chỉ là phụ so với hai mặt trận của Evert và Kuroptakin. Vậy mà hai người không người nào chịu tấn công. Công bình mà nói, nhiệm vụ của họ khó khăn hơn của Brusilov nhiều. Vì họ phải đánh với quân Đức vốn tinh nhuệ hơn quân Áo nhiều. Nhưng chính tính tự cao tự đại của họ cũng là một yếu tố: họ sợ thất bại sẽ làm ô uế danh tiếng quí giá của mình. Có lẽ lỗi lầm thực sự là ở Stavka. Tham mưu trưởng Alexeev đã phục vụ dưới trướng của Kuropatkin và Evert trong Chiến tranh Nga-Nhật và vẫn còn quá sợ họ nên không dám bắt họ tấn công. Sa Hoàng cũng nuông chiều các tướng lĩnh hèn nhát – họ là con cưng của triều đình – và phớt lờ những yêu cầu mỗi ngày của Brusilov hãy ra lệnh tấn công. Hoàng hậu cũng nhúng tay vào việc này. Bà liên tiếp gởi thư cho ông chồng thiếu kiên quyết với những lời cố vấn của ‘chuyên gia’ Raspustin không nên tấn công ở phía bắc ‘bởi vì’, theo lời y, ‘nếu ta tiếp tục thu được thắng lợi ở phía nam, thì ở phía bắc quân Đức sẽ tự động lui quân.’

Thay vì bắt đầu một cuộc tấn kích thứ hai Stavka chuyển quân từ  bắc đến Mặt trận của Brusilov. Chúng không đủ để duy trì đà tấn công của ông, tuy nhiên, vì quân Đức, biết chắc việc phòng thủ đã tạm yên vì Evert và Kuropatkin không động binh, có thể chuyển quân tiếp viện về phía nam. Ý thức được sự thuận lợi của mình đang giảm dần,  Brusilov quay trở về chiến thuật truyền thống, tiến quân về Kovel nhưng chiến đấu, theo chính lời của Brusilov, ‘với áp lực thấp hơn để tiết kiệm sinh mạng nhiều như có thể’. Chầm chậm nhưng chắc chắn, quân Nga dừng cuộc tiến quân. Trong tám tuần chiến đấu binh sĩ Brusilov đã bắt được 425,000 người và một phần lớn Galicia; kẻ địch đã bị buộc phải rút quân tử Mặt trận Miền Tây, do đó làm giảm sức ép lên quân Ý và quân Pháp ở Berlin; trong khi Romania cuối cùng cũng nghe lời tham gia chiến cuộc về phe của Nga. Ludendorff gọi đây là ‘cuộc khủng hoảng phía Đông.’ Năm 1918 ông sẽ gởi lời khen tặng tối hậu đến Brusilov bằng cách sử dụng lại những chiến thuật của ông trên Mặt trận phía Tây.

Sau một năm ròng thảm bại ở phía đông, và bế tắc đẩm máu ở phía tây, giờ đây cuộc tấn công của Brusilov biến ông qua một đêm trở thành người hùng không chỉ ở Nga  mà còn khắp các nước Đồng minh. Giliarovsky viết một tuyển tập tán tụng thi ‘Với Brusilov’ bán được hàng vạn bản. Những nhà soạn nhạc của Pháp và Ý viết  những khúc tụng ca, quân hành và bài hát cho người hùng chiến trường. Và trên khắp châu Âu người ta đổ xô đi xem bộ phim Brusilov. Vị Tướng sau đó viết:

 Tôi nhận được hàng trăm điện chúc mừng và chúc phúc cho tôi từ mọi giai tầng trong xã hội Nga. Mỗi người có cách nói riêng; nông dân, thợ cơ khí, nhà quí tộc, giáo sĩ, trí thức, và các em học sinh, tất cả đều muốn tôi biết rằng trái tim vĩ đại của xứ sở đang đập theo nhịp điệu tình cảm với những quân nhân yêu quí trong quân đoàn chiến thắng của tôi.

Brusilov đã chứng tỏ rằng dưới sự chỉ huy đúng đắn quân đội đế chế còn có khả năng thắng trận. Nếu không bị Stavka phá hỏng, cuộc tấn công của ông có thể là bệ phóng để phục hồi sĩ khí của binh sĩ – để có thể một ngày đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng cho dù như thế, chưa chắc đã cứu được chế độ, khi mà sự khủng hoảng chính trị trong xứ đã lên đến mức không kiểm soát được. Trong bất kỳ trường hợp nào, với sự thất bại của cuộc tấn công giờ đây rõ ràng hơn bao giờ, thậm chí đối với một người bảo hoàng như Brusilov, rằng, theo chính lời ông, ‘Nước Nga không thể thắng cuộc chiến với thể chế chính quyền hiện thời.’ Thắng lợi không dừng được cách mạng; mà chỉ có cách mạng mới có thể giúp mang đến chiến thắng.

Đối với Brusilov chứng cứ kết án cuối cùng về sự bất tài của chế độ đã đến vào ngày đầu tháng 7, khi Alexeev chuyển Đội Vệ binh Hoàng gia ưu tú ra Mặt trận của ông trong một ván bài cuối cùng để cứu vớt cuộc tấn công. Những chàng trai trâm anh thế phiệt này được Knox mô tả như là ‘những con thú người có thể chất đẹp nhất châu Âu’. Trong bộ quân phục diễu hành xanh lá cây đậm, tô điểm bằng những tết bạc, mỗi vệ binh đều đứng cao hơn sáu bộ. Nhưng họ đến với một chỉ huy ngu xuẩn, Tướng Bezobrazov, một tên sủng ái khác của triều đình, không thèm vâng lệnh Brusilov, cứ lùa họ tấn công qua một đầm lộ thiên. Khi các chiến binh lội ngang ngực qua bãi sình lầy, các máy bay Đức lượn trên đầu, bắn quét họ bằng súng máy. Knox nhìn trong kinh hoàng khi máy bay đâm bổ xuống bắn ghim từng mục tiêu và ‘người trúng đạn từ từ chìm xuống đầm lầy’. Chỉ trong một hành động ngu ngốc hạt nhân của lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất của đất nước đã bị tiêu diệt.

* * *

 Sự kiên nhẫn của Brusilov, cùng với toàn xã hội, đối với chính quyền đã cạn khi năm 1916, năm thứ ba của cuộc chiến, lê lết tới. Các quí tộc yêu nước như Brusilov và Lvov đã hi vọng rằng một cuộc chiến thắng lợi sẽ mang chính quyền và xã hội đến gần nhau và nhờ đó chận trước được nhu cầu cho một cuộc cải cách cực đoan. Giờ họ biết rằng điều ngược lại mới đúng: các cải cách cực đoan là điều kiện tiên quyết cần kíp cho một thắng lợi quân sự. Sự thiếu hụt ngày càng tăng của lương thực, nhiên liệu và những nhu yếu phẩm gia đình, giá cả tăng vọt do lạm phát, gíao thông suy sụp, sự tham ô lan tràn trong chính quyền và bộ phận hậu cần quân đội, và tỉ lệ tội phạm và bạo loạn xã hội  tăng vọt – tất cả những điều này cộng với nỗi chết chóc không ngừng của chiến tranh tạo một mầm mống đang lớn dần của tình trạng hoảng loạn và điên cuồng trong dân chúng. ‘Càng nhiều và nhiều hơn’, Gorky viết thư cho một người bạn vào tháng 11 năm 1915, ‘người ta đang xử sự như những con thú và những thằng điên. Họ loan truyền tin đồn ngu ngốc và tạo ra tâm lý lo sợ bao trùm đầu độc ngay cả những người khôn ngoan.’ Trong giới có tiền của cảm nhận chung là nước Nga đang ở trên bờ vực của một tai họa khủng khiếp, một cơn địa chấn xã hội, mà chính quyền hoàn toàn chưa chuẩn bị để bảo vệ họ. Người ta nói về Sa Hoàng và chính quyền của ông ta với giọng khinh miệt công khai. Từ ‘cách mạng’ nằm trên đầu môi của mọi người. ‘Một trận đại hồng thủy đang đến gần’, Guchkov viết cho Alexeev vào tháng 8 1916, ‘ và một Chính quyền xập xệ, khốn khổ và đáng thương đang chuẩn bị đối mặt với cơn địa chấn đó bằng những biện pháp chỉ đủ để bảo vệ nó trong trận mưa rào. Nó mang giày đi mưa và bung ra một chiếc ô!’

Cảm nhận tai họa đang đến, bọn nhà giàu và quyền quí tự đánh mất mình trong cơn trụy lạc tuyệt vọng. Họ nốc hết số xâm banh dự trữ, bỏ ra những món tiền lớn để thưởng thức trứng cá muối, cá tầm trên thị trường đen, và những món cao lương mỹ vị khác, tiệc tùng xa xỉ, lừa dối vợ và chồng họ và bài bạc xả láng trong các casino. Những người nước ngoài bị sốc trước lối sống xa hoa của họ và, thậm chí hơn thế nữa, trước thái độ bất cần đời khi họ vênh váo với những trò vui thấp hèn của mình. ‘Sự giàu sụ và tiêu xài phung phí tài sản làm tôi choáng váng sau khi trải qua những điều kiện khắc khổ của cuộc sống thời chiến ở Anh,’ Sir Samuel Hoare, sĩ quan tình báo Anh ở Petrograd, viết. Chủ nghĩa khoái lạc điên cuồng này được thể hiện tốt nhất trong những vần thơ châm biếm nặc danh sau loan truyền vào đầu năm 1916:

Chúng tôi không để tâm đến việc thua trận,

Và chiến thắng cũng chẳng vui sướng gì

Chỉ một điều làm chúng tôi vướng bận:

Không biết đêm nay có vodka nhâm nhi.

 

Chúng tôi cóc cần những thắng lợi chiến trận,

Không! Mà chỉ cần bình yên và tỉnh lặng,

Cho những mưu toan, tai tiếng đi đêm,

Với lũ đàn bà và rượu say mèm.

 

Chúng tôi muốn biết, vào ngày hôm sau,

Tên bộ trưởng nào, chường cái mặt thịt,

Ở quán Cuba, ai ngồi bên nhau.

Hay ai dẫn ai đi xem hát kịch,

 

 Không biết Rasputin có còn là ông trùm

Hay ta cần thêm một gã thánh khùng

Và Kshesinskaya có được thoải mái

Bữa tiệc ở Shubin có được trôi chảy.

 

Nếu Đại Công tước mang Dina về nhà,

Hẳn MacDiddie gặp nhiều may mắn nha

Ôi, ước gì có chiếc Zeppelin đến.

Đánh sập Petrograd thành bài rác rến.

Phần nhiều cơn phẫn nộ điên cuồng của quần chúng chĩa vào triều đình, nơi một phe thân Đức bao quanh Hoàng hậu được nhiều người tin là rắp tâm làm cho Nga thất trận. Ý tưởng phản quốc ở cấp cao, khởi đầu với vụ Miasoyedov và cuộc Đại Thoái Binh, thêm trọng lượng vào năm 1916 khi những tin đồn lan truyền về một ‘Khối Đen’ trong triều đang mưu tính một nền hòa bình riêng lẻ với Berlin. Quyền lực thống trị không ngừng tăng lên của Hoàng hậu (‘con mẹ Đức’), những tình cảm phản chiến của Raspustin, một số lớn các nhân vật có tên Đức tại triều, và sự đề bạt Sturmer đến một vị thế của một ‘nhà độc tài’ thực sự ( vào tháng 6 y nắm quyền Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ, kiêm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng) tất cả đều giúp  cho sự ức đoán bùng phát. Người ta đồn rằng Tsarina và Raspustin đang hoạt động cho Đức; rằng họ có đường dây liên lạc trực tiếp đến Berlin; và rằng Nicholas đều đặn cảnh báo với ông anh họ  của mình, Kaiser Wilhelm, về những cuộc chuyển quân của mình. Những tin đồn ấy khi lan đến Mặt trận đã bị bóp méo khá nhiều. Căn cứ vào thư nhà gởi đến, các binh sĩ mất tinh thần sẵn sàng để tin rằng Sturmer đã bị Đức mua chuộc nhằm bỏ đói nông dân đến chết; và rằng Bá tước Fredericks, Bộ trưởng Triều đình Đế chế, đã đồng ý bán phân nửa phía Tây nước Nga cho địch.

Tương tự dân chúng cũng tin vào những tin đồn về những dan díu tình dục của Tsarina. ‘Sự hư đốn tình dục’ của Alexandra trở thành một loại ẩn dụ về tình trạng bệnh hoạn của chế độ sa hoàng. Bà cũng được đồn là một người hư đốn, nhân tình của Raspustin và là người đồng tính với nhân tình là người hầu Vyrubova, ngủ chung với Rasputin và Sa Hoàng trên một giường. Thật ra không có tin đồn nào là có cơ sở. Vyrubova là một cô gái già khờ khệch, bị mê hoặc trước năng lực bí ẩn của Raspustin và lối sống xa hoa vương giả. Năm 1917 bà được khám nghiệm y khoa do một ủy ban đặc biệt của Hội đồng Lâm thời tiến hành để xem xét cáo trạng chống lại bà, kết luận bà là một trinh nữ. Còn về phần Tsarina, bà quá câu nệ để có thể say mê chuyện tình dục nếu chuyện ấy không cần thiết cho việc sinh con nối dõi triều đại. Cũng không có cơ sở buộc bà tội phản quốc, mặc dù có thể bọn mật vụ Đức nhặt được thông tin từ những cuộc trò chuyện huyênh hoang và ồn ào của Raspustin. Y thường ăn tối tại nhà của một chủ ngân hàng ở Petrograd mà Đại sứ Pháp tin là đặc vụ đầu não Đức ở Nga.

Vấn đề của những tin đồn này không phải là tính xác thực hay không xác thực của chúng, mà là sức mạnh động viên một công luận phẫn nộ của chúng. Trong một khủng hoảng chính trị chính nhận thức và tin tưởng mới là điều quan trọng hơn cả sự xác thực. Việc biến triều đình Romanov thành những con quỷ khiến các đối thủ của nó có thể chỉ ngón tay tố cáo những thủ phạm lồ lộ gây ra những cùng khổ của nhân dân. Kết án triều đình là Đức là một cách khẳng định và hợp thức hóa cơn thịnh nộ cách mạng này, là thái độ yêu nước của dân tộc, như thể toàn bộ vấn đề của đất nước là do ảnh hưởng độc ác của một vài ngoại nhân cao cấp và có thể được giải quyết bằng cách loại trừ chúng. Cách Mạng Tháng Hai 1917 được nhận diện như một cuộc cách mạng của lòng ái quốc. Những thái độ chống Đức và chống vương triều quyện chặt vào nhau trong ý thức dân chủ mới mà những nhà lãnh đạo nhắm đến để nuôi trồng làm cơ sở cho cách tân quốc gia. Trong ý nghĩa này những cuộc bạo loạn chống Đức vào tháng 6 1915, tại đỉnh cao của cuộc Đại Thoái Binh, là dấu hiệu đầu tiên của sự vùng lên trong tâm thức cách mạng quần chúng.

Những đám đông Moscow nỗi giận phóng hỏa và cướp bóc các cửa hàng và văn phòng Đức. Các tiệm bán dương cầm bị tấn công và các Bechstein và Bluthner (các danh hiệu đàn dương cầm: ND) bị ném ra ngoài cửa sổ. Bất kỳ ai bị tình nghi là người Đức (thường chỉ vì ăn mặc bảnh bao) bị trấn lột. Ở Quảng trường Đỏ những đám đông la ó sỉ nhục các ‘phụ nữ Đức’ và kêu gọi nhốt họ trong các tu viện. Cũng có những lời kêu gọi Sa Hoàng thoái vị để nhường ngôi cho Đại Công tước Nikolai. Quần chúng điên cuồng thấy ở đâu cũng có bàn tay phá hoại của người Đức, từ việc thiếu đạn dược đến sự biến chất của các viên chức nhỏ, và bằng cách cất tiếng kêu chiến đấu ‘sự phản quốc ở cấp cao’ những người đòi hỏi quyền lực  mới trở thành người hùng dân tộc được yêu mến.

Đúng là khó cho phe cấp tiến, mặc dù e sợ quần chúng, cưỡng lại được cơ hội thuận lợi chính trị này. Bằng cách nói cho ‘quốc gia’ chống lại vương triều họ có thể tự đặt mình thêm một lần nữa vào vị thế đứng đầu của phong trào chống đối. Điều này hình như càng ngày càng thêm quan trọng khi mà giờ đây những phản kháng chống chiến tranh và lụn bại của kinh tế đang khoác một hình thức cực đoan hơn, với các cuộc đình công và biểu tình đông đảo, thường dẫn đầu bởi những đảng viên xã hội. ‘Tôi sợ’, một lãnh đạo Kadet nói với các đồng sự mình vào mùa thu 1916, ‘rằng chính sách của chính quyền sẽ dẫn đến một tình thế trong đó Duma sẽ trở nên không có quyền hành gì để xoa dịu quần chúng.’  Các báo cáo của cảnh sát mật cho thấy rõ là ‘khối lượng lớn nhân dân”  đang càng ngày càng thù nghịch với Duma và đang kết tội nó ‘cố tình từ chối giúp đỡ quần chúng; những lời kết án chua chát nhất không chỉ nhằm vào đảng Octobrist, mà cũng vào Kadet.’

Nếu Duma muốn không bị bỏ xó và vô hiệu hoá, nó phải tiến gần hơn đến tâm trạng của đường phố và góp thêm tiếng nói cho phong trào cách mạng. Đó là quan điểm của Kadet cánh tả, của những Trudovid của Kerensky, và của một số đang lớn lên các nhân vật quần chúng , trong đó có Hoàng thân Lvov, người phát biểu trong một buổi họp của Khối Tiến bộ rằng hi vọng duy nhất để cứu vớt nước Nga là cách mạng. ‘Hãy buông bỏ tất cả nỗ lực hợp tác xây dựng với chính quyền hiện thời,’ ông viết vào tháng 12; ‘chúng sẽ chắc chắn thất bại và chỉ làm chướng ngại cho mục tiêu của chúng ta. Đừng ôm ấp ảo tưởng; hãy quay đi khỏi các bóng ma. Không còn có chính quyền nào mà chúng ta có thể nhìn nhận.’

Những lập luận như thế được củng cố thêm bởi sự ương ngạnh của chế độ. Việc bổ nhiệm trong tháng 9 A. D. Protopopov là quyền Bộ trưởng Nội vụ đã dấy lên hi vọng cho những người cấp tiến ôn hòa, những người như Miliukov, những người vẫn nhắm giành việc cải cách từ chính quyền qua việc điều đình. Protopopov là một điền chủ Octobrist và nhà sản xuất hàng dệt may, một thành viên của Khối Tiến bộ, Phó Chủ tịch Duma. Việc bổ nhiệm ông được nhiều người xem là một sự đầu hàng của chính quyền trước phong trào chống đối – một sự đầu hàng sớm được tiếp sau  việc  bổ nhiệm một nội các Duma. Nhưng thật ra đó chỉ là một thủ đoạn chính trị khôn khéo của triều đình. Duma dự định sẽ hợp vào ngày 1/11 và Protopopov, với tư cách một thành viên Duma, được xem như là người tốt nhất để điều khiển nó. ‘Làm ơn chọn Protopopov làm Bộ trưởng Nội vụ,’ Tsarina đã thúc chồng mình. ‘Vì ông ta là một Duma nó sẽ  có tác dụng lớn và làm chúng câm miệng.’

Protopopov là tên thần bí cuồng tín (y đã từng bảo Kerensky là y cai trị nhờ sự giúp sức của Jesus Christ) và, phe cấp tiến không biết, là một người được Raspustin đỡ đầu (người, mà y có lần bảo Brusilov, ‘đang cứu nước Nga thoát khỏi cuộc cách mạng’). Y đầy tham vọng và tự phụ một cách khôi hài – y rõ ràng choáng ngợp bởi các vịnh dự mà Sa Hoàng ưu ái ban cho – và do đó không chắc chịu đánh liều mất vị thế của mình bằng cách theo phe chống đối. Khi bản chất thực sự của y được phơi bày – y sớm mặc bộ đồng phục của lực lượng Sen đầm Hoàng gia, một biểu tượng cổ của sự áp bức chuyên chế – một đồng liêu Duma cũ van xin y từ chức. Protopopov trả lời: ‘Sao anh có thể yêu cầu tôi từ chức? Suốt đời tôi chỉ ao ước được làm đến chức Phó Thống đốc, còn bây giờ tôi đã làm đến Bộ trưởng.’

Ảo tưởng với tên bộ trưởng mới nhanh chóng tan vỡ. Hi vọng nhường chỗ cho hận thù trong phe nhóm Duma. Sự luồn cúi của Protopopov đối với cặp đôi hoàng gia thật đáng nôn mửa. Thay vì cung cấp một nhịp cầu giữa chính quyền với phe chống đối y quay ra trở thành một tên bợ đỡ triều đình và nhanh chóng bị kết án là kẻ phản bội lý tưởng nghị viện. Theo yêu cầu của Raspustin, y ra lệnh thả Sukhomlinov khỏi nhà giam – trong khi mới người đều muốn treo cổ hắn vì tội phản quốc – và cấm các tổ chức quần chúng họp hành nếu không có cảnh sát tham dự.

Khi mà Duma nhóm họp lại vào ngày 1/11, ngay cả Miliukov cũng cuối cùng nhận ra rằng thời gian hợp tác với chính quyền đã nhanh chóng trôi qua. Với các đảng viên cực đoan trong Kadet kêu gọi vùng lên, ông giờ đây quyết định nắm quyền chủ động bằng cách lên án chính quyền trong bài diễn văn khai mạc Duma. Ông liệt kê những lạm quyền của nó, lên án từng tội một và sau mỗi lượt kết thúc bằng câu hỏi: việc này là điên rồ hay phản quốc?’ Tác dụng của bài diễn văn, như sau này Miliukov nhớ lại, là ‘như thể một mụt nhọt đang ung mũ bổng vỡ ra và cái ác nền tảng, mọi người đều hay biết, nhưng chỉ đợi phơi bày công khai, giờ bị chỉ ngay đích.’ Ông thành công trong việc biến Điện Tauride thành Diễn Đàn của Cách Mạng thêm một lần nữa. Còn có những bài diễn văn nảy lửa khác trong Duma ngày hôm đó – từ Kerensky chẳng hạn – nhưng sự kiện một chính khách vốn cẩn trọng như Miliukov, và hơn nữa là một chính khách có mối quan hệ thân cận với các nhà ngoại giao Đồng minh, đã sử dụng công khai từ ‘phản quốc’ đủ để công luận kết luận là đã có phản quốc. Đây không phải là mục tiêu của Miliukov. Đối với câu hỏi tu từ của mình chính ông chỉ có ý trả lời là ‘điên rồ’. Vậy mà quần chúng quá bức xúc đến nỗi khi đọc diễn văn của ông gần như đồng loạt trả lời ‘phản quốc’. Đã đốt nóng bằng lối tu từ nhằm giúp các đồng sự Duma xì xú bắp, Miliukov đã thành công trong việc đốt lò của con tàu đối kháng cực đoan trong đất nước trên diện rộng.

Điều mà Miliukov không đánh giá được là cách mạng giờ đã đến mức không thể dừng lại được, và thậm chí được mong mỏi, không chỉ bởi những người cực đoan mà cả những kẻ bảo thủ. Một vị tướng ở Stavka nhận xét, nhiều người ‘đoan chắc rằng phải có điều gì đó bị đập vỡ và hủy diệt, một đoan chắc giày vò nhân dân và không để họ yên’. Thậm chí các người thân kề cận của Sa Hoàng cũng đứng về phe chống đối cấp tiến. Vào ngày 7/11 Đại Công tước Nikolai thúc giục ông để Duma bổ nhiệm một chính quyền. Các chi tộc Moscow và Petrograd trong Liên minh Quí tộc, kể từ 1905 là những cột trụ vững chắc nhất của chuyên chế, đưa ra lời khuyên tương tự. Nói tóm lại, thực tế là không có ai ngoài nhóm cai trị tại triều đình không nhìn thấy cần phải thay đổi căn cơ cấu trúc của chính quyền.

Vậy mà lần nữa Nicholas lại ra sức luồn lách bằng các nhượng bộ nửa vời. Vào ngày 8/11 Sturmer bị cách chức trước sự vui mừng của Duma, và A. F. Trepov trở thành Thủ tướng mới. Đây là cơ hội cuối cùng cho phe cấp tiến làm hoà với chính quyền. Đối với Trepov, tự coi mình là một Stolypin màn hai, quyết tâm giành được sự hậu thuẫn của các phần tử ôn hòa trong Duma bằng những nhượng bộ. Miliukov sẵn sàng đón nhận cành ô liu của mình (chắc chắn một ghế trong nội các). Nhưng các đại biểu quá khich và xã hội, bị khích động bởi các bài diễn văn nảy lửa của Kerensky và đảng viên Men-se-vich Nikolai Chkheifze, quyết tâm giật đổ chính quyền và kêu gọi liên minh với quần chúng để chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa nhân dân.

Đây chính là cách thức Duma vẫn chia rẽ qua suốt những tuần tiếp theo với những thủ đoạn chính trị phức tạp giữa tháng 11 và Cách Mạng Tháng Hai. Các đảng viên Kadet của Miliukov, theo lời của cảnh sát mật, nhìn vào triển vọng của một cuộc cách mạng ‘với cảm giác khủng khiếp và hoảng loạn’, và ‘nếu chính quyền đưa ra một nhượng bộ dù nhỏ nhặt sẽ chạy đến đón nhận mừng rỡ’. Vậy mà hi vọng có được nhượng bộ phai nhạt dần. Vì Tsarina chống đối thẳng thừng với Trepov (bà muốn ông bị treo cổ như Guchkov). Điều này tạo cho Kerensky và những người cực đoan khác ở vào thế chủ động, sẽ mở cánh cửa của Điện Tauride trực tiếp cho quần chúng trên đường phố. Ngôn ngữ trong các diễn văn của họ càng ngày càng dữ dội vì họ nắm bắt được tâm trạng trên đường phố. Họ công khai kêu gọi nhân dân lật đổ chế độ và chế giễu lời kêu gọi của phe ôn hòa hãy bình tĩnh như là cái cớ, theo ngôn từ của Kerensky, để được ngồi yên trong ‘ghế bành ấm áp của họ’. Nhưng họ cũng có lý do để lo lắng là tâm trạng quần chúng đang biến chuyển, rằng đám đông sẽ trở nên khinh thường Duma và quay tìm người cầm đầu ở nơi khác. Bởi vì, như Vasilii Shulgin, lãnh đạo đảng Dân tộc, nói, ‘không ai còn tin tưởng vào lời nói nữa.’

Từ lúc này trở đi vấn đề là cách mạng sẽ khởi phát từ bên dưới hay bên trên. Ý tưởng về một ‘cuộc đảo chính cung điện’ đã được trao đổi một thời gian. Guchkov là trung tâm của một âm mưu như thế. Mục tiêu là chiếm lấy toa tàu hoàng gia trên đường từ Stavka về Tsarskoe Selo và bắt Sa Hoàng thoái vị nhường ngôi cho con trai mình, với sự nhiếp chính của Đại Công tước Mikhail, em trai của Nicholas. Bằng cách này, những người âm mưu hi vọng sẽ chặn đứng cuộc cách mạng xã hội bằng cách chỉ định một chính quyền mới được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ với sự hậu thuẫn của một nhóm nhỏ quân đội, phe cấp tiến và gia đình hoàng gia, họ hoãn lại cú đảo chính cho đến tháng ba 1917- lúc đó thì đã quá muộn. Một âm mưu thứ hai trong thời gian này đang được Hoàng thân Lvov ấp ủ với sự giúp đỡ của Tham mưu trưởng, Tướng Alexeev. Họ lên kế hoạch bắt giữ Tsarina và ép buộc Nicholas giao quyền hành lại cho Đại Công tước Nicolai. Lvov sẽ được chỉ định làm Thủ tướng của một chính quyền mới hợp lòng dân. Vài nhà chính trị và tướng lĩnh cấp tiến ủng hộ kế hoạch, kể cả Brusilov, bảo với Đại Công tước: ‘Nếu tôi phải chọn giữa Hoàng đế và nước Nga, thế thì tôi sẽ hành quân vì nước Nga.’ Nhưng mưu toan này cũng tàn héo – vì Đại Công tước chỉ miễn cưỡng dính líu. Cũng có những âm mưu khác, một số xuất phát từ thân nhân xa của Sa Hoàng, cưỡng ép thoái vị nhường quyền cho một dòng dõi Romanov có khả năng xoa dịu Duma. Các sử gia có y kiến khác nhau về những âm mưu này, một số họ cho đây là những màn mở đầu của Cách Mạng Tháng Hai, những người khác nói chả là gì khác hơn là những chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu. Không có cái nào đúng hẳn. Bởi vì cho dù bọn âm mưu nghiêm túc trong ý định của mình, và đã thực hiện thành công, họ khó có thể kỳ vọng sẽ nắm quyền được lâu dài trước khi bị cuộc cách mạng đường phố  quét sang bên lề.

Âm mưu duy nhất thành công là việc sát hại Raspustin. Một vài nỗ lực đã được thực hiện để loại trừ y trước đây. Khvostov đã tính giết người đỡ đầu trước đây của mình sau khi bị cách chức Bộ trưởng Nội vụ vào tháng giêng 1916. Trepov đã đã giao y 200,000 rúp tiền mặt để quay về Siberia và tránh xa chính trị. Nhưng Tsarina đã phá hỏng cả hai kế hoạch và, kết quả là uy thế của Raspustin chỉ càng tăng lên. Chính điều này cuối cùng đã thuyết phục một nhóm âm mưu có trọng lượng ở bên lề triều đình quyết tâm mưu sát Raspustin. Nhân vật trung tâm trong mưu toan này là Hoàng thân Felix Yusupov, một người tốt nghiệp Ford 29 tuổi, con trai của người đàn bà giàu nhất nước Nga, và mặc dù là người đồng tính, gần đây đã kết hôn với Đại Công nương Irina Alexandrovna, con gái của cô em ưa thích của Sa Hoàng. Hai người đồng tính khác trong triều đình Romanov – Đại Công tước Dmitry Pavlovich, một người cháu ưa thích của Sa Hoàng, và Đại Công tước Nikolai Mikhailovich – cũng liên can. Raspustin càng ngày càng khắn khít với nhóm đồng tính quí tộc cấp cao. Y thích ‘ăn nằm’ với bọn đàn ông cũng như đàn bà. Yusupov đã tiếp cận y sau lễ cưới của mình hi vọng có thể ‘chữa trị ‘ y hết ‘căn bệnh tình dục’. Nhưng thay vào đó Raspustin cũng muốn quyến rũ anh. Yusupov quay sang chống y một cách quyết liệt và, cùng với các  Đại Công tước Dmitry và Nikolai, lên kế hoạch hạ bệ y. Cùng với ý muốn trả mối thù đồng tính của riêng họ (và có thể để dấu nhẹm chuyện đó) họ có những quan tâm chính trị nghiêm trọng mà họ lên tiếng với nhà cầm đầu Duma cánh hữu và là người phê phán công khai Raspustin, V. M. Purishkevich. Ông này cũng tham gia vào âm mưu của họ. Họ cam kết sẽ trừ khử Raspustin và giam Tsarina vào nhà thương điên, ngây thơ tin rằng một khi Sa Hoàng đã thoát khỏi ảnh hưởng của chúng, ông sẽ nhìn ra vấn đề và trở thành một vị vua lập hiến.

Ba người âm mưu lên kế hoạch lừa Raspustin đến lâu đài bên bờ sông của Yusupov lấy cớ gặp gỡ người vợ xinh đẹp của anh, Đại Công nương Irina. Tại đó họ sẽ đầu độc y và nhận chìm xác y xuống đáy sông Neva để y được coi như mất tích. Nhóm âm mưu chuẩn bị mọi thứ trừ sự thận trọng: gần phân nửa số nhà báo của Petrograd hình như biết hết mọi chi tiết về ngày mưu sát trước khi nó xảy ra. Đúng là một phép lạ, dù nhóm âm mưu không thuộc diện điều tra của cảnh sát, không ai làm gì để ngăn cản họ.

Vào ngày định mệnh, 16/12, Rasputin được cảnh báo thẳng thừng là không nên đi đến lâu đài Yusupov. Y hình như linh cảm được số mệnh của mình, bởi vì suốt ngày hôm đó y hủy hết thư tín, gởi tiền vào tài khoản của con gái và cầu nguyện. Nhưng nét hấp dẫn nhục thể của Đại Công nương Irina quá lớn đến nỗi y không thể kháng cự được. Ngay sau nửa đêm y đến bằng ôtô của Yusupov xực nức mùi xà phòng rẻ tiền, tóc tai láng mượt và vận trang phục quyến rũ nhất của mình: quần nhung đen, giày ống da kêu cót két và một sơ mi lụa trắng, với dải băng nịt bụng bằng satin vàng mà Hoàng hậu ban tặng. Yusupov đưa vị khách quí đến phòng khách ở tầng hầm, bảo là bà xã còn đang bận chiêu đãi khách trong phòng khách chính của lâu đài và sẽ đến ngay. Raspustin uống vài ly rượu Madeira ưa thích của ông có tẩm độc và tự thưởng thức vài bánh ngọt có tẩm xya-nua. Nhưng hơn một giờ đã trôi qua mà không thấy có tác dụng gì. Yusupov, đã hết kiên nhẫn, quay sang sử dụng biện pháp mạnh. Lấy khẩu Browning trong phòng riêng trên lầu, ông trở xuống tầng hầm, mời Rasputin xem xét một cây thánh giá thủy tinh đặt trên tủ đứng. Và khi ‘thánh nhân’ cúi mình để nhìn cho kỹ, anh bèn bắn y một phát ngay sườn. Hét lên thất thanh, Raspustin ngã xuống nền nhà. Nhóm âm mưu tưởng y đã chết và đi ra để phi tang chiếc áo khoác ngoài của y. Nhưng ngày lúc đó y tỉnh lại và lao ra cửa bên dẫn vào một vuông sân dẫn đến cầu tàu ở bờ sông. Purishkevich tìm thấy y trong sân, đang loạng choạng qua lớp tuyết về phía cổng ngoài. Y hét lên, ‘Felix, Felix, tao sẽ mách cho Tsarina mọi sự!’. Purishkevich bắn và hụt hai lần. Nhưng hai phát sau làm nạn nhân của mình nằm một đống, và để chắc y đã chết, ông đá y vào thái dương. Bị buộc bằng xích sắt, thi thể Raspustin được chở đến một địa điểm vắng vẻ trong thành phố và bị quăng xuống sông Neva, tại đó nó cuối cùng được vớt lên vào ngày 18/12. Trong vài ngày sau đó, đám đông đàn bà tụ họp tại địa điểm trên để múc ‘nước thiêng’ từ con sông đã được xác thịt của Raspustin làm cho thiêng liêng.

Tin tức về vụ mưu sát Raspustin được giới quí tộc hân hoan đón nhận. Đại Công tước Dmitry được ban tặng một tràng pháo tay khi ông xuất hiện trong Nhà hát Mikhailovsky vào tối ngày 17/12. Chị của Tsarina, Đại Công nương Elisaveta, viết cho mẹ của Yusupov gởi lời tri ân vì ‘hành động yêu nước của con trai yêu quí’ của bà. Bà và 15 thành viên khác của gia đình hoàng tộc van nài Sa Hoàng đừng trừng phạt Dmitry. Nhưng Nicholas bác bỏ lời kêu xin của họ, trả lời rằng ‘Không ai có quyền nhúng tay vào việc mưu sát.’ Dmitry bị đày đi Ba Tư. Theo lệnh Sa Hoàng không ai được phép đưa tiễn ông ở nhà ga, và Đại Công nương Maria Pavlovna bị quản thúc tại gia chờ ngày xét xử.

Trái với dự tính của nhóm âm mưu, cái chết của Raspustin mang Nicholas đến gần bà vợ thảm sầu hơn. Giờ thì ông quyết tâm hơn bao giờ chống lại mọi cải cách. Thậm chí ông loại khỏi Petrograd bốn Đại Công tước bất đồng chính kiến. Khi cách mạng đến gần hơn, ông càng ngày càng rút sâu vào cuộc sống yên ắng của gia đình ở Tsarskoe Selo, cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài và thậm chí triều đình. Không có trao đổi quà cáp quen thuộc giữa hai vợ chồng hoàng gia và thân nhân dòng họ Romanov vào ngày Giáng sinh 1916 cuối cùng của triều đại.

Thi hài được ướp của Raspustin cuối cùng được chôn cất bên ngoài lâu đài ở Tsarskoe Selo vào một ngày tháng giêng băng giá năm 1917. Sau Cách Mạng Tháng Hai một nhóm binh lính đào mồ, nhét thi thể vào một hộp đàn dương cầm và mang nó đến một chỗ trống trải trong Rừng Pargolovo, tại đó họ đổ dầu lên thi thể và hỏa thiêu nó trên một dàn hoả. Tro cốt của y phát tán trong gió.

  

NHÂN VẬT

123456789

iii Từ Chiến Hào Đến Chướng Ngại Vật

Con tàu chở Trotsky cập cảng New York vào một buổi tối chủ nhật mưa dầm lạnh lẽo vào tháng giêng 1917. Đó là một hành trình khủng khiếp, 17 ngày bão tố trên một con tàu hơi nước nhỏ khởi hành từ Tây Ban Nha, và nhà lãnh đạo cách mạng trông hốc hác và mệt mỏi khi ông bước xuống bờ kè trước một đám đông các đồng chí và nhà báo đang chờ đón. Tâm trạng ông rất buồn phiền. Bị trục xuất với tư cách là một nhà tuyên truyền phản chiến ra khỏi nước Pháp, nơi nương náu của ông từ 1914, ông cảm thấy rằng cánh cửa châu Âu đã hoàn toàn đóng kín và rằng, như các hành khách đồng hành với ông trên tàu Montserrat, một nhóm tạp sắc những kẻ đào ngũ, phiêu lưu và bắt buộc sống lưu vong, ông sẽ không bao giờ trở lại. ‘Đây là lần cuối cùng’, ông viết vào chiều cuối năm khi tàu ngang qua Gilbraltar, ‘mà tôi ném cho tên tiện dân Âu châu đó một cái nhìn.’ Đó là dấu hiệu thất bại của đảng khi ba trong số người Dân chủ Xã hội cầm đầu – Trotsky, Bukharin và Kollontai – lại thấy mình hội ngộ nhau ở New York, cách Nga 5,000 dặm, vào những ngày trước Cách Mạng 1917. Nikolai Bukharin đã đến từ Oslo vào mùa thu trước và đảm nhiệm phần biên tập cho tờ Novyi mi (Thế Giới Mới), nhật báo xã hội chủ nghĩa hàng đầu của cộng đồng di dân Nga. Ở tuổi 29, ông đã trở thành một lý thuyết gia Bôn-se-vich hàng đầu và đấu khấu với Lênin về những điểm tinh tế của ý thức hệ đảng, trước khi rời châu Âu với lời tuyên bố rằng ‘Lênin không thể tha thứ bất cứ ai có đầu óc.’ Thấp bé và nhỏ con với gương mặt non choẹt, tình cảm và một bộ râu thưa đỏ, ông đợi Trotsky trên bến tàu. Không như ngài Lênin giáo điều, luôn vu khống đảng Men-se-vich tả khuynh, ông tha thiết kéo Trotsky vào trong chiến dịch xã hội rộng lớn chống chiến tranh. Ông quen biết gia đình Trotsky chút ít ở Vienna và chia sẻ tình yêu văn hóa Âu châu. Ông ôm choàng lấy họ và ngay sau đó liền kể cho họ, như vợ của Trotsky nhớ lại, ‘về một thư viện công mở đến tận khuya và đề nghị dẫn họ đến đó ngay lập tức’. Mặc dù đã muộn và gia đình Trotsky rất mệt, họ bị dẫn qua thành phố ‘để khâm phục phát hiện lớn của ông’. Từ đó khởi đầu tình bạn khắn khít nhưng kết cục bi thảm giữa Trotsky và Bukharin.

Trotsky ít gặp Alexandra Kollontai. Bà bỏ nhiều thời gian ở thị trấn New Jersey của Paterson, nơi con trai bà định cư để tránh nghĩa vụ quân sự. Đây là chuyến đi thứ hai của bà đến Mỹ. Năm ngoái bà đã đi khắp nước Mỹ để truyền bá các quan điểm của Lênin về chiến tranh. Một người phụ nữ sôi nổi và tình cảm, dễ yêu những thanh niên trẻ và những ý tưởng về Utopia, bà đã dâng hiến mình cho lý tưởng Bôn-se- vích với tất cả sự say mê của người mới cải đạo. ‘Đối với bà không có gì gọi là đủ cho cách mạng, Trotsky nhớ lại, vẫn còn cay đắng khi 14 năm sau bà tố cáo ông trong một bức thư gởi Lênin, là một kẻ dao động với chiến tranh. Trotsky gần gũi với Bôn-se-vich hơn là Kollontai đánh giá, và các động lực trong việc ông tiến dần về cánh tả từ Men-se-vich tương tự như bà.

Như nhiều nhà cách mạng bị lưu đày, Trotsky và Kollontai đều hướng hoạt động của mình về chủ nghĩa xã hội quốc tế. Thành thạo vài ngôn ngữ châu Âu và thấm nhuần văn hóa cổ điển, họ tự thấy mình ít là người Nga – Kollontai nửa Phần Lan, nửa Ukraine, trong khi Trotsky là người Do Thái – hơn là những đồng chí có lý tưởng quốc tế. Họ thấy thân thiết khi ở trong Bảo tàng Anh, trong Thư viện Quốc gia ở Paris, hoặc trong các tiệm cà phê ở Vienna, Zurich và Berlin, không kém như ở trong các căn phòng nhỏ cách mạng ngầm ở St Petersburg. Cách mạng Nga đối với họ chỉ là một bộ phận của cuộc đấu tranh quốc tế chống chủ nghĩa tư bản. Đức, quê hương của Marx và Engels, là trung tâm tri thức thế giới của họ. ‘Đối với chúng tôi’, Trotsky nhớ lại, ‘Đảng Dân chủ Xã hội Đức là mẹ, là thầy và tấm gương sống. Chúng tôi lý tưởng hóa nó từ xa. Những tên Bebel và Kautsky (các triết gia Mác-xit hàng đầu) được phát âm với sự tôn kính.

Nhưng thần tượng Đức bổng sụp đổ vào tháng 8 1914. Đảng Dân chủ Xã hội tập kết sau lưng Kaiser để ủng hộ cuộc vận động chiến tranh. Đối với các nhà lãnh đạo Cách mạng Nga, những người nghĩ mình là môn đệ của truyền thống Mác-xit Âu châu, ‘sự phản bội của Đức’ là, như Bukharin nói, ‘thảm kịch lớn nhất trong cuộc đời chúng tôi’. Lênin, lúc đó đang ở Hà Lan, rất tin tưởng vào sự cam kết của các đồng chí Đức vào lý tưởng quốc tế đến nỗi thoạt đầu ông đã gạt bỏ các thông báo của báo chí nói về sự ủng hộ chiến tranh của họ coi như một phần trong âm mưu của Đức nhằm đánh lừa các người xã hội ở nước ngoài. Trotsky, người đã nghe tin tức khi đang trên đường tới Zurich, bị sốc bởi tin đó ‘thậm chí còn hơn nghe tin tuyên chiến’. Về phần Kollontai, bà đang có mặt tại Reichstag (Nghị viện Đức) để chứng kiến những người hùng của mình tán thành ngân sách quân sự Đức. Bà đã nhìn mà không tin vào mắt mình khi họ xếp hàng từng người một, một số thậm chí còn mặc quân phục, để tuyên bố lòng trung thành của mình với Tổ quốc. ‘Tôi không thể tin tưởng việc ấy,’ bà viết trong nhật ký tối hôm đó, ‘tôi cho rằng hoặc tất cả bọn họ đều hóa điên hoặc tôi đã mất trí.’ Sau khi cuộc bầu cử định mệnh đã được tiến hành bà đau đớn chạy ra ngoài hành lang – chỉ để bị một đại biểu xã hội kềm sát và giận dữ hỏi bà  người Nga có chuyện gì mà vào trụ sở Reichstag. Thình lình bà nhận ra rằng tình đoàn kết quốc tế xưa cũ đã bị chôn vùi trong chủ nghĩa xô vanh, và ‘hình như với tôi’, bà viết trong nhật ký, ‘tất cả giờ đã mất’.

Không phải chỉ có các đồng chí Âu châu của họ mới bỏ rơi lý tưởng quốc tế. Phần đông các người xã hội chủ nghĩa Nga cũng tập kết sau theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đảng Men-se-vich, quê hương và trường học của cả Trotsky lẫn Kollontai, bị chia rẽ với đa số theo chủ nghĩa Phòng Vệ, do ông già Plekhanov dẫn đầu, người ủng hộ những nỗ lực lâm chiến của Sa Hoàng trên cơ sở là Nga có quyền phòng  vệ chống lại giặc ngoại xâm, và một thiếu số theo chủ nghĩa quốc tế, do Martov dẫn đầu, thiên về một chủ trương hoà bình dân chủ. Đảng SR cũng chia rẽ tương tự, với phe Phòng Vệ đặt thắng lợi của Đồng minh lên trên cách mạng, và phe Quốc tế chủ trương cách mạng như một cách duy nhất để chấm dứt cái mà họ coi là một chiến tranh đế quốc trong đó tất cả bọn hiếu chiến đều có lợi. Những chia rẽ này đã làm què quặt cả hai đảng trong những cuộc đấu tranh sống còn giành quyền lực trong năm 1917. Tại trung tâm của chúng là sự khác biệt nền tảng giữa một bên là  những người nhận thức tính hợp pháp của các quốc gia và sự không tránh khỏi những xung đột giữa chúng, bên kia là những người đặt quyền lợi giai cấp lên trên quyền lợi quốc gia. Cảm nhận về điều này có khi thật quyết liệt. Gorky, chẳng hạn, luôn coi mình là một người theo chủ nghĩa quốc tế nhiệt thành, cắt đứt mọi liên hệ với người con nuôi, Zinovy Peshkov, khi anh chàng tình nguyện vào đoàn quân Lê dương Pháp. Thậm chí ông không viết thư cho anh khi bàn tay anh bị bắn đứt lìa lúc dẫn đầu cuộc xung phong vào vị trí của Đức trong trận đánh đầu tiên. * Đối với những người yêu nước, sự chống đối chiến tranh của người theo chủ nghĩa quốc tế gần như là tiếp tay cho địch. Đối với người theo chủ nghĩa Quốc tế, lời kêu gọi vũ trang của người yêu nước gần như là chấp nhận khẩu hiệu ‘Công Nhân Toàn Thể Giới, Hãy Siết Cổ Nhau!’

* Zinovy Peshkov (1884-1966) là anh của Yakov Sverdlov, nhà lãnh đạo Bôn-se-vich và Chủ tịch Xô Viết đầu tiên. Sau khi lành vết thương, ông xin vào ngành tình báo quân đội Pháp. Ông ủng hộ phong trào của Kornilov chống Chính quyền Lâm thời. Năm 1918 ông gia nhập quân đoàn chống Bôn-se-vich của Semenov ở Viễn Đông và Chính quyền Bạch vệ của Kolchak ở Omsk. Năm 1920 ông được phái đi Crimea làm đặc vụ quân sự Pháp trong chính quyền Wrangel và rời nước Nga với quân đoàn Wrangel. Sau này ông trở thành một người bạn thân thiết với Charles de Gaulle và là một chính trị gia Pháp tiếng tăm. Điều kỳ lạ là cho đến 1933 Peshkov vẫn liên lạc với Gorky ở Nga và Gorky biết việc ông hoạt động tình báo.

 

Bôn-se-vich là đảng xã hội chủ nghĩa duy nhất vẫn đoàn kết rộng rãi trong việc chống chiến tranh, mặc dù cũng có một số chủ chiến trong những ngày đầu trước khi Lênin áp đặt quan điểm của mình. Chủ trương chống đối chiến tranh của ông là không thể thỏa hiệp. Không giống những người chủ nghĩa quốc tế  trong Men-se-vich và SR, nhắm đến việc kết thúc chiến tranh qua những cuộc biểu tình và thương thảo ôn hoà, Lênin kêu gọi các công nhân cầm vũ khí của họ chống chính quyền của mình để chấm dứt chiến tranh bằng cách biến nó thành một loạt những cuộc nội chiến, hay cách mạng, trên khắp châu Âu. Đây là một ‘cuộc chiến chống lại một cuộc chiến’

Đối với Trotsky và Kollontai, những người vốn xem cách mạng Nga chỉ là một bộ phận của cuộc đấu tranh khắp châu Âu chống lại chủ nghĩa đế quốc, có một lô-gic sắt thép ngay trung tâm  khẩu hiệu của Lênin không ngừng mê hoặc người quốc tế Men-se-vich cánh tả. Thoạt đầu, trong năm đầu cuộc chiến, cả hai đều có những mối ngờ vực giống nhau về nhà lãnh đạo Bôn-se-vich. Trong khi Lênin lý luận rằng việc Nga thua trận sẽ ít nguy cơ hơn sự thất trận của một nước Đức tiên tiến hơn, họ chống đối toàn bộ ý tưởng về kẻ thắng người thua. Cuộc tranh cãi, dù bản chất nhỏ nhặt, lại liên hệ đến một sự khác biệt rộng lớn hơn về ý kiến. Gần đây Lênin hay nhấn mạnh đến tiềm năng cách mạng của những phong trào dân tộc bên trong các hệ thống thuộc địa, và ông lập luận rằng sự thất trận của Nga sẽ giúp mang lại sự sụp đổ của Đế Chế Sa Hoàng. Nhưng Trotsky và Kollontai tin tưởng rằng nhà nước – dân tộc sẽ sớm trở thành một cổ vật và do đó không chấp nhận nó là một lực lượng cách mạng. Họ cũng không sẵn lòng để ôm lấy lời kêu gọi về ‘một cuộc chiến chống một cuộc chiến’ của Lênin. Họ thích những khẩu hiệu chủ hòa của những người bạn và đồng minh cũ trong nhóm người theo chủ nghĩa quốc tế Men-se-vich. Cả Trotsky và Kollontai chưa sẵn sàng cắt đứt khỏi những người Men-se-vich, mà những ngờ vực của họ về  tính giáo điều cứng nhắc của Lênin về tổ chức đảng hai người còn chia sẻ. Và trong lúc đúng là họ đang tiến gần đến Bôn-se-vich, họ vẫn còn đặt hi vọng vào sự nối lại hai cánh cửa Đảng SD qua một chiến dịch rộng lớn cho hoà, bình.

Trotsky đã gặp lại Martov ở Paris vào tháng 11 1914 và hợp tác với ông cho  Nashe slovo (Lời Lẽ Chúng Tôi), không nghi ngờ gì là cơ quan chủ hòa xuất sắc nhất châu Âu. Ông trình bày các quan điểm của nó tại Hội thảo Zimmerwald vào tháng 9 1915, một cuộc tụ họp bí mật chừng 38 người theo chủ nghĩa quốc tế từ những nước khác nhau trong một làng ở vùng núi bên ngoài Berne. Tuyên ngôn thúc giục  chống chiến tranh, được thông qua trong lập trường chống cách giải quyết nội chiến của Lênin, được chính Trotsky thảo ra:

Hội các lao động nam và nữ!

Hội các bà mẹ và ông bố! Các mẹ goá và con côi! Hỡi các thương binh và phế binh! Hỡi tất cả những ai đang chịu đựng chiến tranh hoặc hệ lụy của chiến tranh, chúng ta hãy kêu gào lên, qua các đường biên giới, qua các chiến trường bốc khói, qua những thành phố và làng mạc tan hoang: ‘CÔNG NHÂN TOÀN THỂ GIỚI ĐOÀN KẾT LẠI!’

            Trong lúc này, Kollontai đã buộc số phận mình với Lênin. Cuộc tình của bà với Alexander Shliapnikov, một công nhân đẹp trai, đảng viên Bôn-se-vich và kém hơn bà 12 tuổi, ắt hẳn có gì đó liên quan với sự kiện này. Anh ta đã đến với bà ở Stockholm trong mùa thu 1914 và trải qua những năm còn lại của cuộc chiến làm những việc sai vặt cho Lenin.

Ảnh hưởng đè nặng của chiến tranh có mặt khắp mọi nơi. Nó hình như đẩy văn minh đến bờ vực. ‘Máu đã đổ nhiều, mỗi ngày, mỗi giờ đều có tội ác xảy ra,’ bà viết trong nhật ký vào Giáng Sinh 1915:

 Và chiến tranh – nó xoá bỏ tất cả. Không thấy được, những nó quyết định số phận của mỗi một người chúng ta. Trước mặt nó ý chí cá nhân là vô vọng. Chính cái cảm nhận bất lực này khi đối diện với chiến tranh, cái cảm nhận chiến tranh như một sức mạnh không gì ngăn cản được, đã xâm chiếm lấy tôi ngay từ những ngày đầu, khi tôi còn ở Berlin.

 Đối với Kollontai, hình như chỉ có lời kêu gọi vùng lên vũ trang của Lênin mới có khả năng đưa chiến tranh đến chỗ kết thúc. Chỉ mình nó đưa ra triển vọng phục hồi sức mạnh của ý chí con người và hành động vượt qua những lực lượng khách quan. ‘Đây không chỉ là “phân tích”‘, bà viết về Luận đề chiến tranh của Lênin trong nhật ký của mình. ‘Đây là hành động. Đây là cương lĩnh chính trị. Hãy để các chướng ngại vật trả lời cho chiến tranh.’

Đối với Trotsky, cũng vậy, quyền lực của ý chí và hành động vô sản mà Lênin đề cao dần dần mang ông đến gần với những người Bôn-se-vich hơn. Dần dần ông nhận ra là người bạn già và người thầy của mình Martov và những người Men-se-vich quốc tế khác đã hóa ra bị mắc kẹt trong chính cách phân tích của mình về những điều kiện khách quan – mà ở vào thời điểm này tất cả đều hành động chống lại cách mạng – và do đó họ đã bỏ qua khả năng nuôi dưỡng ý chí cách mạng (khía cạnh chủ quan của cách mạng) để vượt qua những điều này. Qua nghiên cứu ráo riết, người Men-se-vich đã tự biến mình thành những tù nhân của chính thuyết tất định xã hội của mình. Những khẩu hiệu cách mạng của họ không khéo trở thành những cụm từ suôn. Những gì kêu gọi là hành động, một ‘cuộc cách mạng vô sản’ trên khắp châu Âu để mang chiến tranh đến chỗ kết thúc. Thoạt đầu Martov đã thuận theo việc này, khiến Trotsky nâng cao hi vọng về chiến dịch phản chiến rộng lớn để đoàn kết Men-se-vich với Bôn-se-vich. Vậy mà vào mùa thu 1915, khi những người Phòng vệ trong đảng Men-se-vich tham gia chiến dịch chủ chiến, Martov đã rút lui khỏi lời kêu gọi vũ trang và nhìn nhận những quan điểm chủ hòa và thụ động hơn cùng với những người còn lại của đảng ông. Giờ thì Trotsky không có nơi nào để đi trừ đi về phía tả. Đó không phải là sự chuyển tiếp thẳng một mạch như sau đó ông nhìn nhận. Ông còn dính mắc trong mối ngờ vực  điển hình Men-se-vich về tính cực đoan và coi mình là trung tâm của Lenin. Chỉ đến tháng 7 1917 ông mới cuối cùng gia nhập Đảng Bôn-se-vich, và chỉ khi đó, theo lời ông, vì người Bôn-se-vich đang ‘trở nên ít chất Bôn-se-vich hơn. Vậy là ông chầm chậm tiến về phía Bôn-se-vich và bao quanh ông là những nhà lãnh đạo Bôn-se-vich tương lai. Tất cả những người gầy dựng cho Nashe shvo, trừ Martov, sẽ xếp hàng cùng với Lênin vào năm 1917. Một số trở thành ủy viên trong chính quyền Xô-Viết đầu tiên, như Kollontai (Phúc lợi Xã hội), Anatoli Lunacharsky (Khai sáng), Vladimir Antonov-Ovseenko (Quân vụ) và chính Trotsky  (Ngoại vụ).

Vì lý do này, chuyến đi New York vào năm 1917 và việc cộng tác với Bukharin và Kollontai là một nhiệm vụ  quan trọng thể hiện việc Trotsky giạt về phía tả. Ông thuê một căn hộ ba phòng trong phố Bronx, mặc dù rẻ tiền theo tiêu chuẩn Mỹ, cũng cho ông những thứ xa xỉ chưa nếm trải như đèn điện, bàn cầu trượt bỏ rác và một điện thoại. Sau này có thuyết cho rằng ở New York  ông kiếm sống bằng việc rửa chén, may đồ, và ngay cả diễn kịch. Nhưng thật ra ông chật vật kiếm sống bằng cách viết báo cho đám di dân và diễn thuyết (bằng tiếng Anh và Đức) cho những khán phòng gần như trống trơn về nhu cầu của cách mạng thế giới. Ông ăn trong các cửa hàng ăn của người Do Thái và làm nhiều người bồi bàn không ưa vì không cho tiền bo vì cho như thế là xúc phạm nhân phẩm của họ. Ông mua đồ đạc bằng chương trình trả góp, và còn nợ 200 đô khi gia đình trở về Nga vào mùa xuân. Vào thời điểm công ty tín dụng liên lạc được với ông thì ông đã trở thành Ngoại trưởng của một xứ sở rộng lớn nhất thế giới.

.* * *

Có sự chia rẽ nền tảng bên trong nội bộ giới lãnh đạo Bôn-se-vich, một sự kiện hiếm được các sử gia chú ý, giữa những người trải qua những năm chiến tranh sống ở nước ngoài và những người sống tại Nga. Nhưng người tha hương (như Trotsky, Lunacharsky, Bukharin và Kollontai) có khuynh hướng quốc tế và quan điểm toàn cầu. Thấm đẫm văn hóa Âu châu, tất cả họ đều ý thức về sự lạc hậu tương đối của nước Nga. Nhiều người trong số họ đã từng là người Men-se-vich, vì thế họ hiểu rõ những vấn đề thuộc học thuyết khi cố đưa chủ nghĩa xã hội vào nước Nga mà không có một cuộc cách mạng đồng thời trong những quốc gia tiên tiến hơn ở phương Tây. Những người Bôn-se-vich, trái lại, đã trải qua những năm chiến tranh ở Nga (như Stalin và Dzerzhinsky) có quan điểm hẹp hòi hơn. Nhiều người họ xuất thân từ tầng lớp không trí thức và ít người hiểu biết về châu Âu, văn hóa cũng như ngôn ngữ. Đã trải qua chiến tranh trong những tổ chức bí mật, trong tù, hoặc trong chốn lưu đày Siberia, họ có khuynh hướng bước ra với một tâm thế luôn thấy kẻ thù, luôn phòng ngự đối với đảng, xứ sở và những mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Nhiều người trong số họ nuôi dưỡng những thái độ bài ngoại – nhất là đối với những tri thức Do Thái trong đảng (đặc biệt Trotsky). Sau tháng hai 1917 nhiều người trong số họ nói bóng gió trong các bài diễn văn của mình rằng những người Bôn-se-vich hồi hương (rõ ràng không ám chỉ Lênin)  trong chiến tranh đã không thể hiện tình yêu nước đúng mức. Đây là cội rễ xã hội trong cuộc tranh đấu ý thức hệ trong đảng  những năm 1920 giữa ‘Chủ nghĩa xã hội trong một nước’ và ‘Cách mạng thế giới’. Không phải là ngẫu nhiên khi tất cả đồng bọn chính  của Stalin trong thời ông lên nắm quyền (Molotov, Voroshilov, Kaganovich, Kalinin, Kirov, Kuibyshev và Ordzhonikidze) đã trải qua những năm chiến tranh ở Nga; và phần đông những đồng chí nạn nhân của ông ta (Trotsky, Bukharin, Zinoviev, AntonovOvseenko) đã sống ở hải ngoại trong thời gian đó.

Trong khi những nhà cách mạng lưu vong tranh luận nhau về ý thức hệ, thì những đồng chí bị bao vây của họ ở nhà đối mặt với những vấn đề thực tiễn hơn. Bắt bớ, trục xuất và lưu đày đã làm tê liệt Đảng Bôn-se-vich ở Nga ( cũng như các tổ chức ngầm của Men-se-vich và SR). Mồ côi các lãnh đạo, tờ Pravda bị đình bản, các tổ chức Bôn-se-vich không có gì nhiều để hướng dẫn họ. Shliapnikov duy trì một đường dây liên lạc mỏng manh cuối cùng với Lênin, tuồn truyền đơn vào Nga nhét dưới đế giày. Giống như trở về thời kỳ trước 1905. Số người Bôn-se-vich ở Petrograd ít hơn 500, sau cuộc bố ráp và bắt giữ qui mô mùa thu 1914. Các mạng lưới tỉnh lỵ chỉ có vỏn vẹn một nhúm người. Điểm yếu nhất của đảng là thiếu năng lực tri thức: theo lời Shliapnikov, không có ai trong thủ đô biết viết cho dù một truyền đơn. Nhưng còn có nỗi lo lắng về sự hậu thuẫn của công nhân giảm sút, vừa trong tinh thần lẫn tài chính, phần lớn là do cảnh sát theo dõi và quấy nhiễu. Các nghiệp đoàn và hiệp hội giáo dục bị đặt ngoài vòng pháp luật và các công nhân quá khich bị bắt vào quân ngũ. Việc bắt giữ năm đại biểu Duma thuộc Bôn-se-vich vào tháng 11 1914 và đưa ra xét xử vì tội bạo loạn tháng hai năm sau đó chỉ dấy lên sự phản kháng yếu ớt của công nhân. Một số chắc chắn vì lòng yêu nước khống chế nên phải buông xuôi. Nhưng đa phần vì sợ sa thải hoặc bỏ tù, nếu họ dám tham gia với 2,000 người đình công bước ra ủng hộ các đại biểu. Sau cùng, đây là thời gian cho bọn Black Hundreds được cảnh sát cổ vũ đi quần quanh các khu lao động hát vang bài ‘Chúa Trời Phù Hộ Sa Hoàng’ và đánh hội đồng bắt kỳ ai không chịu dỡ mũ.

Vâng, khi cuộc chiến lê lết đi tới, khủng hoảng kinh tế thêm nặng nề, do đó đa số công nhân quay ngoắt lại với cánh Tả quá khích, tiếp tục lại kiểu đối kháng lao động đã bắt đầu những năm 1912-14. Chiến tranh chứng kiến một sự bùng nổ công nghiệp, chủ yếu để thoả mãn nhu cầu của chiến tranh. Số công nhân đường sắt tăng vọt lên nửa triệu người, kỹ nghệ xây dựng tăng lên một phần ba và một triệu nông dân nghèo nhất, phần đông là đàn bà và trẻ em, đổ xô vào các xí nghiệp, nơi họ được thuê đứng bên dây chuyền sản xuất cơ khí hóa với giá rẻ hơn và làm nhiều giờ hơn các công nhân lớn tuổi lành nghề. Để đáp ứng yêu cầu chiến tranh khổng lồ chính quyền in thêm đồng rúp: số tiền lưu hành tăng gấp tám lần trong khoảng 1914 và 1917. Sự bùng nổ nhu cầu hàng tiêu thụ vượt xa lượng cung ứng teo tóp, khi các hãng xưởng quay sang sản xuất hàng chiến tranh. Công nhân đầy nhóc tiền trong túi nhưng không có đủ để tiêu xài, vì thế giá cả tăng vọt. Việc cấm bán vodka – ngành sản xuất độc quyền của nhà nước ngốn gần 10% lợi tức công nhân trước 1914 – chỉ làm tệ hơn tình hình thả nổi tiền tệ này (mà ta gọi là lạm phát). Thói quen say sưa này của người Nga dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội của việc lạm dụng chất thay thế rượu, như uống nước thơm Cologne dùng để gọi đầu, rượu hoá học, nhựa thơm, véc-ni, rượu lậu chợ đen và thứ rượu gớm ghiếc gọi là khanja được công nhân Trung quốc chế  bán, giết chết hàng trăm người. Việc cấm vodka trở thành nguyên nhân chính của lời ta thán rộng khắp chống chính quyền và bất mãn đối với người giàu có, vì rượu vang và rượu mạnh đắt tiền không bị ngăn cấm. Xét chung, cái lợi nhỏ của tình trạng tỉnh táo so với sự tổn thất lớn lao về thu nhập, kiểm soát lạm phát, sức khỏe cộng đồng và uy quyền chính trị, việc cấm rượu chẳng khác nào một thảm họa, đóng góp không ít vào sự sụp đổ của chế độ.

Nhưng vấn đề cơ bản là việc công nhân không thể biến tiền lương của mình thành thực phẩm. Điều nghịch lý gây sốc là trong khi trước chiến tranh Nga đã xuất khẩu gạo mà vẫn còn có thể nuôi ăn dân số thành thị, mà trong chiến tranh, khi tất cả lượng xuất khẩu bị đình hoãn, nó lại không thể lúc nào cũng làm được việc này. Nó không hoàn toàn là do vấn đề sản xuất nông nghiệp mà còn do vấn đề phân phối và trao đổi. Một phần là do sự gián đoạn kinh niên của vận tải. Trong khi đường sắt được lên lịch chạy từ đông sang tây để tiếp tế quân đội, thì thực phẩm cho các trung tâm kỹ nghệ chính lại đi từ nam lên bắc, và vì quân đội luôn ưu tiên, nên thường thối rữa trong các đường tàu tránh vì phải đợi động cơ kéo chúng về Moscow hay Petrograd. Phần khác của vấn đề liên quan đến sự chuyển đổi từ trang trại thương mại sang trang trại nông dân. Các điền trang và nông trại thương mại cỡ lớn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Việc động viên bình sĩ khiến họ thiếu hụt lao động thuê mướn, trong khi công nghiệp chuyển sang sản xuất quân nhu khiến họ thiếu hụt công cụ và máy nông nghiệp. Trên hết, sản xuất nông nghiệp không suy giảm nhưng một số lượng lớn đất điền trang cho các nông dân giàu có thuê hết, thành phần này ít chịu ảnh hưởng nạn thiếu hụt lao động (quân đội nói chung chỉ lấy đi số lao động dư thừa) và thường sử dụng nông cụ thô sơ tự chế. Do đó, chẳng hạn, các điền trang tư nhân trong vùng nông nghiệp trung tâm giảm diện tích canh tác từ 21 xuống chỉ còn 7 triệu desyatini giữa 1913 và 1916, trong khi các nông trại nông dân trong vùng tăng từ 47 lên 64 triệu desyatini. Trong vài năm trước cách mạng nông nghiệp 1917-18 việc quá vãng của các điền trang quí tộc để nhường chỗ cho các nông trại nông dân đã bắt đầu.

Việc chuyển dịch này về phía bộ phận tiểu chủ dẫn đến sự suy thoái tỉ số toàn bộ thóc bán trên thị trường, vì hầu hết nông dân sản xuất cho nhu cầu của chính gia đình họ và thường bán ra chỉ một lượng nhỏ thủ hoạch của mình. Sự thiếu hụt tăng dần của hàng hóa tiêu thụ – và giá cả lạm phát của chúng  – trong vùng quê càng khuyến khích cho khuynh hướng tự túc này. Từ 1913 đến 1915 số thóc gạo nông dân bán ra thị trường giảm từ 16 đến 9 phần trăm. Với ngày càng ít hàng hóa có thể mua bằng tiền của mình, nông dân không ngừng chuyển từ vụ mùa để bán (lựa mì, lựa mạch và củ cải đường) sang vụ mùa để sinh tồn (gạo, yến mạch và khoai tây). Họ ăn nhiều hơn, nuôi ăn gia súc đầy đủ hơn, dự trữ trong kho, và chế biến thóc gạo thành vodka hơn là đem bán ra thị trường không có lãi bằng. Một số tiểu chủ điều chỉnh việc sản xuất của họ về hướng thủ công mỹ nghệ gia đình (len, da thuộc và vải bông), nhờ đó khiến họ tự cung tự cấp được. Đối với nhiều nông dân, cuộc sống không bao giờ quá tốt như vào cao điểm của cuộc chiến. Thậm chí lũ bò của họ cũng no đủ hơn nhiều công nhân thành thị.

Vào tháng 8 1915, chính quyền, quan tâm đến tình trạng cung ứng lương thực trong thành phố, nên thành lập một Hội đồng Đặc biệt với quyền hành sâu rộng để thu mua thóc với giá cố định qua các người được ủy quyền ở địa phương. Nhưng những nỗ lực nhằm kiểm soát thị trường chỉ càng làm nông dân không muốn bán thóc lúa của họ hơn: giá không được điều chỉnh của hàng hóa giờ tăng nhanh hơn giá thu mua lương thực cố định. Đây là cái gọi là ‘ khủng hoảng của cây kéo’. Tại thị trường Moscow, chẳng hạn, giá của gạo tăng lên 47 phần trăm trong hai năm đầu của cuộc chiến, trong khi giá một đôi giày ống tăng gấp 334 phần trăm và giá một hộp diêm tăng 500 phần trăm. Một cuộc chiến  kinh tế phát triển khi nông dân rút lương thực khỏi thị trường và chính quyền phải nhờ đến các biện pháp cưỡng bách ngày càng quyết liệt để thu lương thực từ họ. Vào tháng11 1916, khi mức tiếp tế lương thực cho quân đội và các thành phố lớn đến mức báo động, chính quyền bắt buộc đưa ra một hệ thống trưng thu cưỡng bách mới giống như của Chính phủ Lâm thời sau này. Và thiếu điều chỉ còn thiết lập một tình trạng khủng bố tập thể, như người Bôn-se-vich  đã làm bằng ‘Chế độ Chuyên chính Lương thực’, thực tế cho thấy là không thể cưỡng đoạt thóc gạo từ tay nông dân. Chỉ có con buôn chợ đen và các binh lính là có thể xoay sở thuyết phục được nông dân mở cửa kho thóc của mình.

Từ mùa thu năm 1915 các thành phố miền bắc bắt đầu lâm vào cảnh thiếu thốn lương thực. Từng hàng dài người xếp hàng trước các tiệm bánh mì và thịt. Sau ca làm việc 10 giờ trong nhà xưởng các phụ nữ lại phải bắc ghế ngồi vào hàng để đợi mua được một lượng bánh mì hay đường ít ỏi đến đáng thương. Mùa thu năm sau họ thậm chí mang giường ra ngủ bên ngoài cửa hàng thực phẩm, thường bởi vì có quá nhiều cửa hàng ở địa phương đóng cửa do thiếu hàng bán, họ không có thì giờ để đi bộ xuyên qua thị trấn rồi trở về nhà trong một buổi tối. Ngay trước ngày Cách Mạng 1917, một lao động nữ trung bình ở Petrograd chắc chắn phải bỏ ra khoảng 40 giờ mỗi tuần để xếp hàng mua lương thực. Chính trong những hàng dài này mà đường phố đã tự tổ chức cho cuộc cách mạng sắp đến. Cách Mạng 1917 sinh ra trong những hàng dài đợi mua bánh mì. Nó bắt đầu khi một nhóm nữ công nhân dệt ở phía Vyborg của Petrograd đã mất kiên nhẫn phải xếp hàng đợi bèn đi ra kêu gọi những nam công nhân trong các xưởng máy gần đó đi tuần hành phản kháng đến trung tâm thành phố.

Khủng hoảng kinh tế có tác dụng tồi tệ nhất đối với người có đồng lương thấp. Những công nhân cơ khí có tay nghề, có nhu cầu cao tại các nhà máy quân nhu, có lương tăng trung bình 30 phần trăm cho đến năm 1916. Nhưng những công nhân không chuyên và các viên chức  thấp có đồng lương cố định, như giáo viên, giáo sĩ, thủ ký và cảnh sát bỗng thấy lương Minh càng ngày càng xuống thấp khi giá cả lương thực và nhà ở  càng lúc càng tăng lên. Giữa những năm 1914 và 1916 lượng calo hấp thu của các công nhân không chuyên giảm đi một phần tư; tử suất trẻ em tăng gấp đôi; tỉ lệ tội phạm tăng gấp ba, và tỉ lệ gái mại dâm tăng gấp bốn năm lần. Từ Petrograd, nơi ông sống từ khi cuộc chiến bắt đầu, Gorky viết cho Ekaterina vào tháng 11 1915:

 Chúng ta chết đói đến nơi. Anh khuyên em mua 10 cân bánh mì và đem giấu đi. Ở ngoại ô Petrograd em có thể trông thấy những phụ nữ ăn mặc sang trọng đang ăn xin trên đường phố. Trời rất lạnh. Dân chúng không có gì để đốt trong lò sưởi . Đây đó, ban đêm, họ phá sập hàng rào gỗ để lấy củi. Cái gì đã xảy với Thế kỷ 20 vậy!  Điều gì xảy ra với Văn Minh! Số trẻ em mại dâm gây sốc. Trên đường về khuya em có thể trông thấy chúng lê bước trên vỉa hè, giống như gián, mặt xanh vì tê cóng và đói. Thứ ba rồi anh có  nói chuyện với một cháu. Anh dí một món tiền vào tay cháu và vội vàng quay đi trong nước mắt, lòng nặng trĩu nỗi buồn chỉ muốn đập đầu vào tường. Ôi, quỷ thần ơi, sống bây giờ khó khăn làm sao.

Sau một năm yên bình trong các nhà máy cuộc chiến giữa lực lượng lao động và tư bản tiếp diễn trong mùa hè 1915 với một loạt vụ đình công. Thoạt đầu là những vụ ngưng làm nhỏ về lương lậu và điều kiện làm việc, nhưng dần dần lớn hơn thành những cuộc đình công chính trị khi công nhân nhận thức được rằng cách duy nhất để chấm dứt tai ương kinh tế là chấm dứt chiến tranh và thay đổi chính quyền. Những ngày lễ kỷ niệm chính trong lịch cách mạng – Chủ nhật Đẫm máu 9/1, ngày Quốc tế Phụ nữ 23/2 và Ngày Lao động 18/4 (⅕) – được ấn định làm ngày đình công và biểu tình trên khắp xứ. Chúng thường bắt đầu bằng lời kêu gọi bánh mì, rồi tiếp theo là yêu sách ngày làm 8 tiếng, và kết thúc chiến tranh và lật đổ Sa Hoàng.

Những đảng cách mạng chỉ đóng vai phụ trong những cuộc đình công này. Thực ra, một số cuộc đình công lớn nhất và quá khich nhất của năm 1916, ở xưởng New Leaner vào mùa xuân chẳng hạn, phần lớn nhờ vào tài lãnh đạo của Đảng Bôn-se-vich, mà tổ chức của nó càng ngày càng gia tăng sức mạnh. Shliapnikov, trở lại Nga vào mùa thu 1916, ước tính đảng có đến 10,000 đảng viên vào đầu năm 1917, với 3,000 ở Petrograd. Căn hộ của Gorky trên phố Kronversky Propeckt là ‘trung tâm điểm độc nhất’ của tổ chức cách mạng ngầm và Shliapnikov đến đó mỗi ngày để nhận tin tức mới nhất. Các nhà lãnh đạo cuộc đình công thực sự, tuy nhiên, là những công nhân có học và có tay nghề, những thanh niên gan dạ trên dưới 20, 30, như Kanatchikov, mặc dù phần đông không thuộc đảng phái chính trị nào. Mặc dù lương bổng của mình có tăng lên trong chiến tranh, nhưng họ bất mãn lợi tức kết sù của các ông chủ nhỏ chiến tranh,* và sự kiện này càng ngày càng định hình ý thức đoàn kết giai cấp với các công nhân không chuyên, nhiều người mới từ quê ra, cũng tham gia đàn anh trong cuộc đấu tranh nghề nghiệp. Đây là những nhà lãnh đạo vô danh của quần chúng trong những Ngày Tháng Hai ở Petrograd.

   *  Những nhà máy kim loại lớn ở Petrograd, chỉ kể minh họa cực kỳ nhất, có lợi tức tăng gấp năm lần trước chiến tranh.

 

Vào ngày 17/10 các công nhân của hãng New Lessner và Renault Nga ở phía Vyborg của Petrograd buông bỏ dụng cụ và xuống đường hát vang những bài ca cách mạng. Khi họ tiến gần các chướng ngại vật gần đó của Trung đoàn Bộ binh, cảnh sát tấn công họ bằng gươm và roi da. Các binh sĩ, tự nảy giờ theo dõi và hoan hô đám người biểu tình đi qua các hàng rào chắn của họ, bước ra để bảo vệ những người biểu tình, ném đá và gạch vào cảnh sát, và chỉ sau khi một phân đội kỵ binh Cô-giác xuất hiện  trật tự mới được vãn hồi. Các chức sắc quân đội bắt giữ 130 binh sĩ và chuyển trung đoàn làm loạn ra khỏi thủ đô. Nhưng ngày hôm sau có nhiều công nhân hơn xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh và vào ngày 19/10 có đến 75,000 công nhân từ 63 nhà máy trên khắp khu vực trong thành phố đã tham gia cuộc đình công chính trị.

Đối với chế độ sa hoàng đó là điềm báo sự chần chừ của quân đội trong việc kềm chế cơn bạo loạn đang nổi lên trên đường phố. Lực lượng đồn trú Petrograd, ở gần các lò tuyên truyền cách mạng nhất, tỏ ra khó bảo nhất. Lực lượng này phần nhiều là những quân nhân dự bị lớn tuổi, phần đông có vợ con, và những thương binh từ Mặt trận, có lẽ là hai nhóm phản chiến nhất trong toàn quân, thành ra việc trung đoàn quyết định chỉ hoàn toàn trông cậy vào họ một khi có sự kiện cách mạng là một việc làm thiếu suy xét. Các chức sắc quân đội rõ ràng không theo sát cảm xúc của binh lính. Thiếu tướng Khabalov, tư lệnh Quân Khu Petrograd, trấn an Protopopov rằng binh sĩ đồn trú của ông sẽ thi hành mọi mệnh lệnh khi ông bị cật vấn về độ tin cậy của họ ngay trước Cách Mạng Tháng Hai. Ông thậm chí còn bác bỏ đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ là nên chuyển một số đơn vị không đáng tin cậy ra khỏi thủ đô. Vậy mà Đại tá Engelhardt, một thành viên Octobrist của Duma, người sẽ sớm thay thế Khabalov với chức Quân Ủy của Chính phủ Lâm thời, mô tả những quân nhân dự bị của lực lượng đồn trú Petrograd không khác gì ‘những quần chúng vũ trang’. Họ giống ‘chất gây cháy hơn là cột trụ của chế độ’. Vụ Raspustin, theo ý kiến của một số người, cuối cùng đã đập vỡ lòng trung thành của binh sĩ đối với Sa Hoàng.

Quân đồn trú Petrograd không phải là bộ phận không đáng tin cậy duy nhất của quân đội. Nhiều đơn vị trên Mặt trận Miền Tây và Bắc, và thậm chí nhiều hơn trong các lực lượng đồn trú ở hậu phương, kỷ luật của binh sĩ nhanh chóng suy sụp. Quân nhân càng ngày càng không nghe lệnh vào vị trí tiến công, kết bạn với kẻ địch, không nghe lệnh sĩ quan, những người mà giờ đây những người lính nông dân này nhìn họ rõ hơn bao giờ hết chính là kẻ thù giai cấp cũ, những điền chủ mặc quân phục. Chỉ trên Mặt trận Tây Nam, cách thủ đô cách mạng 1,000 dặm, là có toàn bộ đơn vị quân đội mà chế độ sa hoàng có thể sẵn sàng tin cậy. Nhưng thậm chí ở đó Brusilov, tư lệnh Mặt trận, đều đặn nhận những bức thư nặc danh từ binh sĩ của ông cảnh báo ông ‘rằng họ không muốn chiến đấu nữa, và nếu hòa bình không sớm đến, tôi để bị giết,’.

Khi họ bước vào mùa đông thứ ba và đến lúc này là mùa đông lạnh lẽo nhất của cuộc chiến, tinh thần của binh lính thình lình tồi tệ hơn. Nó không còn là khủng hoảng đồ tiếp tế: nếu không muốn nói tiếp tế quần áo và quân nhu đã cải thiện từ năm trước, nhờ tăng sản lượng trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài, mặc dù tình hình lương thực vẫn còn u ám như bao giờ. Giờ đây là cuộc khủng hoảng của quyền hành, của nỗi tuyệt vọng và của sức cùng lực kiệt: binh sĩ không thể nhìn ra đoạn cuối của trận tàn sát trong khi chế độ hiện thời vẫn duy trì ách cai trị. Như một người lính viết cho vợ mình vào tháng 11 1916: 

Mọi người đều vờ tin rằng cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt, rằng nền hòa bình từ lâu mong đợi sẽ đến, nhưng đó chỉ để giữ vững tinh thần của họ mà thôi. Con người quá kiệt quệ và hoại diệt, họ đã chịu đựng quá nhiều, rằng đó là tất cả những gì họ có thể làm để ngăn không cho tan nát trái tim  và đánh mất  đầu óc.  . . Có thể anh, có thể anh không hiểu rõ tâm trạng của người khác và hình như chỉ có anh ra nông nỗi này bởi vì anh đã kiệt sức và đã nhận ra trong mấy ngày mới đây là mình có thể đâm ra mất trí trong tất cả cảnh hỗn loạn này. . . Liulya, anh đã viết những dòng thư này gởi đến em mong em có thể hiểu được con người mà em yêu.


One thought on “Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 (Phần 2)

  1. Pingback: Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s