Tác giả Orlando Figes
Trần Quang Nghĩa dịch
PHẦN MỘT
NƯỚC NGA DƯỚI CHẾ ĐỘ CỔ XƯA
I . Vương triều
Chương 1. Sa Hoàng và thần dân của người
Vào một buổi sáng lộng gió và ẩm ướt trong tháng hai 1913 St Petersburg tưng bừng kỷ niệm 300 năm triều đại Romanov trị vì nước Nga. Hàng tuần liền dân chúng không ngớt bàn tán về sự kiện trọng đại này, và mọi người đều nhất trí là trong đời sẽ không còn chứng kiến một dịp nào hoành tráng như vậy nữa. Quyền lực tuyệt đỉnh của Vương triều sẽ được biểu dương, như chưa từng có, trong lễ hội xa hoa lộng lẫy. Khi lễ hội đến gần, các chức sắc từ các vùng đất hẻo lánh của Để chế Nga tràn về các khách sạn sang trọng của thủ đô: các ông hoàng từ Ba lan và vùng Baltic; các trưởng giáo từ Georgia và Armenia; các học giả Hồi giáo và các tù trưởng từ Trung Á; Tiểu vương xứ Bukhara và Đại hãn xứ Khiva. Thành phố nhộn nhịp du khách từ các tỉnh đổ về, và bọn nhàn du quen thuộc ăn vận bảnh bao quanh Cung điện Mùa đông bổng thấy mình bị áp đảo trước số đông luộm thuộm – nông dân và công nhân trong áo khoác và mũ lưỡi trai, các bà nhếch nhác trùm khăn lên đầu. Phố Nevsky Prospekt chứng kiến những cảnh kẹt xe tồi tệ nhất trong lịch sử của nó khi xe điện và xe ngựa, ô tô và xe trượt tuyết, hội tụ về đó. Các đường phố chính giăng đầy cờ tam sắc trắng, xanh và đỏ của đế chế; các pho tượng được phủ hoa và ruy băng; và chân dung các Sa Hoàng, trở về trước đến tận Mikhail, người sáng lập triều đại, được treo trên mặt tiền các ngân hàng và cửa hiệu. Bên trên các tuyến xe điện giăng lủng lẳng các lưới đèn điện màu, về đêm sáng rực dòng chữ ‘Chúa Phù Hộ Sa Hoàng’ hoặc hình chim đại bàng hai đầu Romanov và niên lịch 1613- 1913. Bọn dân quê, nhiều người trong số chưa từng thấy đèn điện, ngước nhìn và gãi gãi đầu ngỡ ngàng. Nào các cột, các vòm cung nào các tượng đài ánh sáng. Phía trước Thánh đường Kazan một lều rạp trắng được dựng lên chứa đầy hương trầm, dứa và cọ, run rẩy trong mùa đông nước Nga.
Nghi lễ bắt đầu bằng buổi lễ tạ ơn trang trọng trong Thánh đường Kazan do Giáo trưởng Antioch, từ Hi Lạp đến hành lễ, và ba Tổng Giám mục Nga và 50 giáo sĩ từ St Petersburg. Gia đình hoàng gia ra khỏi Cung điện Mùa Đông trên những xe ngựa mui trần, tháp tùng là hai đội kỵ binh Ngự Lâm và Cô giắc trong quân phục caftan đen và mũ Caucas đỏ. Đó là lần đầu tiên kể từ Cách mạng 1905 mà Sa Hoàng xuất hiện trước công chúng, và cảnh sát không thể lơ là. Hai bên đường là hàng dài Vệ bình Hoàng gia sặc sỡ trong quân phục tím và mũ sa cô gắn lông vũ. Đội quân nhạc đang thùng thùng bài quốc ca và binh lính thì hô vang dội ‘Oarah!’ khi đoàn xe đi ngang qua. Bên ngoài thánh đường từng đoàn thể tôn giáo từ các giáo phận khác nhau trong thành phố đã tề tựu về đây từ sáng sớm. Đám đông ngút mắt với rừng thập giá, biểu tượng và cờ phướng, quì xuống đồng loạt khi đoàn xe ngựa tiến gần. Bên trong thánh đường là giai cấp thống trị của nước Nga đang đứng đợi: các quận công, hoàng thân, các thành viên triều đình, nghị viên, bộ trưởng, cố vấn nhà nước, viện sĩ Duma, Công bộc cao cấp, các tướng lĩnh và đô đốc, các thống đốc tỉnh lị, các thủ lĩnh zemstvo, và các nhà quí tộc. Hiếm thấy lồng ngực nào không khoe một hàng huy chương lắp lánh hay một ngôi sao kim cương. Hiếm có một cặp chân nào không lủng lẳng một thanh gươm. Mọi thứ đều lấp lánh dưới ánh nến – bình phong biểu tượng bằng bạc, mũ tế các giáo sĩ có đính nữ trang, và thập giá pha lê. Giữa buổi lễ bổng hai chim bồ câu sà xuống từ góc tối của mái vòm và lơ lửng một lúc trên đầu Sa Hoàng và cậu con trai. Bị mê hoặc bởi đắm đuối tôn giáo Nicholas coi đó là biểu tượng Chúa Trời ban phép lành cho dòng dõi Romanov.
Trong khi đó, trong khu công nhân các nhà xưởng đóng cửa để nghỉ lễ. Dân nghèo xếp hàng nối đuôi bên ngoài các căn tin công cộng, tại đó các bữa ăn miễn phí được phát không đánh dấu ngày lễ hội. Các tiệm cầm đồ bị các đám đông bao vây sau khi nghe tin đồn là nhân dịp lễ hội nhà nước cho phép dân chúng được chuộc đồ mà không phải trả lãi; khi tin đồn này hóa ra là thất thiệt, đám đông nổi giận và một số tiệm cầm đồ bị đập vỡ cửa kính. Các bà chầu chực bên ngoài nhà lao thành phố hi vọng người thân của mình sẽ có mặt trong số 2000 tù nhân được ân xá trong dịp lễ 300 năm.
Vào chiều tối dân chúng lũ lượt tiến vào trung tâm thành phố để xem màn biểu diễn âm thanh và ánh sáng đã mong đợi từ lâu. Các gian hàng dọc theo đường phố bán bia và bánh ngọt, cờ và đồ kỷ niệm Romanov. Trong công viên là các hội chợ và trình diễn hoà nhạc. Khi bóng đêm buông xuống, phố Nevsky Prospekt thành một khối người ken chặt. Mọi gương mặt đều ngước nhìn khi bầu trời sáng rực pháo hoa đầy màu sắc và các chùm tia sáng quét ngang dọc bầu trời, lướt qua các mái nhà rồi dừng lại có tính toán trên các tượng đài lịch sử. Mái chóp vàng của bộ Hải quân cháy sáng rực như một ngọn đuốc nổi bật trên màn trời đen, và Cung điện Mùa Đông sáng rực với ba chân dung to sầm của Nicholas II, Peter Đại Đế và Mikhail Romanov.
Gia đình hoàng gia lưu lại thủ đô một tuần nữa để nhận những chúc mừng nghi thức. Những buổi tiếp tân trọng thể được tổ chức tại Cung điện Mùa Đông nơi từng hàng dài các chức sắc khúm núm lần lượt đi qua các phòng tiếp kiến để trình diện với Nicholas và Alexandra trong sảnh hoà nhạc. Tại Hội đồng Quí tộc buổi khiêu vũ xa hoa có sự tham dự của vợ chồng Hoàng đế và cô con gái lớn nhất của họ, Olga, một trong những lần tiếp xúc xã hội đầu tiên của mình. Cô nhảy điệu polonaise với Hoàng thân Saltykov, gây ra những tiếng xầm xì vì Hoàng thân quên dỡ mũ.
Tại Hí viên Marinsky có buổi trình diễn hội hè vở opera đậm chất ái quốc của Glinka, Cứu Sống Sa Hoàng, kể lại truyền thuyết về nông dân Susanin, đã cứu sống vị Sa Hoàng Đệ nhất của Vương triều Romanov. Các lô trên khắp các tầng nhà hát ‘sáng rực đồ trang sức và mũ tiara’, theo Meriel Buchanan, con gái của Đại sứ Anh, còn chỗ ngồi trước sân khấu đầy ắp các đồng phục màu tím của các viên chức triều đình, lắc lư đồng loạt như cánh đồng anh túc khi họ đứng dậy chào đón Sa Hoàng đến. Mathilde Kshesinskaya, người tình trước đây của Nicholas, ra khỏi nơi ẩn dật để nhảy điệu mazurka trong hồi thứ hai. Nhưng đỉnh cảm xúc của buổi tối là khi giọng nam cao, Leonid Sobinov, xuất hiện lặng lẽ. Anh đóng vai Shaliapin, bước qua sân khấu đi đầu một đám rước tôn giáo ăn vận như Mikhail Romanov. Đây là lần đầu tiên (và là lần cuối cùng) trong lịch sử nhà hát hoàng gia mà nhân vật Sa Hoàng Romanov được thể hiện trên sân khấu.
Ba tháng sau, trong tháng 5 thường nóng bức, gia đình hoàng gia đi hành hương về nguồn qua các thị trấn của Muscovy cổ liên quan đến quá trình thành lập vương triều. Họ đi theo lộ trình mà Mikhail Romanov, vị Sa Hoàng Romanov đầu tiên, từ ngôi nhà của ông ở Kostroma trên sông Volga đến Moscow sau khi được bầu vào ngai vàng Nga vào năm 1613. Đoàn hành hương hoàng gia đến Kostroma bằng đội tàu hơi nước. Hai bên bờ sông đen kịch các thị dân và nông dân, các ông thì mặc áo khoác và đôi mũ lưỡi trai, các bà thì trong trang phục màu xanh nhạt truyền thống và vấn khăn trùm đầu trắng của Kostroma. Hàng trăm người hiếu kỳ bước xuống sông đến thắt lưng để nhìn cho rõ quan khách hoàng gia. Nicholas đến thăm tu viện Ipatiev, nơi Mikhail ẩn trốn bọn xâm lược Ba lan và tránh các cuộc nội chiến đã tàn phá khắp vùng Muscovy trước ngày ông lên ngôi. Ông tiếp kiến một phái đoàn nông dân của phần đất thuộc về tu viện và chụp một tấm ảnh với hậu duệ của các boyar [ thành viên của tầng lớp quí tộc Nga vào thời Trung Cổ, nằm trong ban lãnh đạo cấp cao, chuyên cố vấn cho vua về vấn đề trị nước: ND] vào năm 1613 đã đi từ Moscow đến để dâng ngôi vua cho dòng họ Romanov.
Từ Kostroma phái đoàn đi tiếp đến Vladimir, Nizhnyi Novgorod và Yaroslavl. Họ đi tàu hoả hoàng gia thiết kế tuyệt đẹp, với phòng ốp gỗ dái ngựa, ghế sofa bọc nhung mềm, bàn viết và đàn dương cầm bệ vệ. Phòng tắm thậm chí có gắn bộ phận đặc biệt ngăn cho nước trong bồn khỏi đổ khi tàu lắc lư. Giữa Vladimir và thị trấn tu viện Suzdai không có tuyến đường sắt nên đoàn phải vượt các con đường thôn quê bụi bặm trên các ô tô Renault không mui của Pháp. Khi đoàn xe băng qua làng mạc các nông dân nam phụ lão ấu đều quì mọp chào. Trước các túp lều bằng gỗ tồi tàn của họ, hiếm có quan khách nào chú ý đến các bàn lễ mà họ bày biện với hoa, bánh mì và muối, những lễ vật truyền thống Nga dùng tiếp đón khách lạ đến nhà.
Đoàn hành hương kết thúc tốt đẹp chuyến đi khi huy hoàng tiến vào Moscow, kinh đô cũ của Nga, nơi vị Sa Hoàng Romanov đầu tiên đã được đăng quang, tiếp sau đó là một loạt các nghị lễ và chè chén lĩnh đình. Buổi dạ vũ ở Hội đồng Quí tộc Moscow đặc biệt xa hoa, vượt xa các mơ ước hoang cuồng nhất của Hollywood. Một thang máy được đặc biệt thiết kế để các khách nhảy không phải cất công leo lên vũ phòng ở tầng 2. Đoàn khách hoàng gia đến Moscow bằng tàu hoả và được một phái đoàn chức sắc tiếp đón tai nhà ga Alexandrovsky. Sa Hoàng một mình cởi bạch mã, đi trước đội cận vệ Cô giắc và phần còn lại của đám tùy tùng, qua các đám đông hoan hô về đến Kremlin. Phố Tverskaya trang hoàng lộng lẫy rực rỡ trong ánh nắng, thậm chí còn hoành tráng hơn ở St Petersburg. Các băng rôn nhung nâu in biểu tượng của Romanov giăng ngang đại lộ. Các dinh thự phủ đầy những lá cờ tổ nhỏ đầy màu sắc và những lưới đèn điện đến đêm còn sáng rực những biểu tượng thậm chí còn sáng tạo hơn cả những biểu tượng phố Nevsky Prospekt.
Các pho tượng phủ đầy hoa của các Sa Hoàng đứng trong các tủ kính cửa hiệu và trên các ban công của tư gia. Dân chúng rắc hoa giấy lên đám rước. Sa Hoàng xuống ngựa tại Quảng trường Đỏ, ở đó những đoàn thể tôn giáo từ khắp nơi trong thành phố đã tề tựu đón tiếp ngài, rồi đi bộ qua từng hàng giáo sĩ hát thánh ca để bước vào Thánh đường Uspensky cầu nguyện. Hoàng đế và Tsarevich Alexis phải bách bộ thêm vài trăm thước cuối cùng. Nhưng Alexis đã quị xuống lần nữa vì chứng haemophilia [rối loạn đông máu] và phải được một cận vệ Cô giắc mang đi.
Khi đám rước dừng lại. Bá tước Kokovtsov, Thủ tướng, nghe thấy tiếng kêu đau xót của dân chúng trước cảnh thằng bé yếu đuối tội nghiệp, người sẽ thừa kế ngôi báu của dòng họ Romanov.
* * *
Vương triều Romanov trình diện trước thế giới một hình ảnh của quyền lực chuyên chế và sự giàu có trong tam bách niên của nó. Đây không chỉ là một buổi trình diễn tuyên truyền đơn giản. Các nghị thức tán tụng và vinh danh lịch sử của nó, một cách chắc chắn, là nhằm khơi gợi lòng tôn kính và ủng hộ của dân chúng đối với nguyên tắc quân chủ. Nhưng mục đích của họ cũng là nhằm tô vẽ lại quá khứ, kể lại thiên anh hùng ca của một ‘Sa Hoàng của nhân dân’, nhằm củng cố vương quyền bằng tính hợp pháp lịch sử mang vẻ huyền thoại và một hình ảnh về một sự trường cửu tại một thời điểm bất an khi mà quyền cai trị đang bị thử thách bởi những phong trào dân chủ đang nổi lên ở Nga. Nhà Romanov đang rút về quá khứ, hi vọng sẽ cứu họ khỏi tương lai.
Học thuyết Muscovy thế kỷ 17 là chìa khóa cho việc tái tạo này, và là nét chủ đạo của lễ hội. Ba nguyên tắc định hình của vương triều Muscovite đặc biệt hấp dẫn nhà Romanov trong những năm cuối cùng của nó. Thứ nhất là khái niệm về chủ nghĩa tộc trưởng theo đó Sa Hoàng được sở hữu toàn bộ nước Nga như là thái ấp của riêng mình (yotchina) theo kiểu lãnh chúa thời Trung cổ. Theo điều tra dân số đầu tiên vào năm 1897 Sa Hoàng tự coi mình là ông chủ đất. Cho đến nửa cuối thế kỷ 18 tư tưởng này đã tách nước Nga ra khỏi phương Tây, nơi đó giai cấp chủ nông độc lập nổi lên như thành phần đối trọng với vương quyền.
Nguyên tắc thứ hai từ Muscovy là quan niệm về quyền cai trị cá nhân: là hiện thân của Chúa Trời trên cõi trần, ý chí của Sa Hoàng không nên bị trói buộc bởi luật lệ hoặc bộ máy nhà nước và ông ta nên được tự do cai trị xứ sở dựa trên ý thức nghĩa vụ và quyền lợi. Điều này cũng phân biệt chế độ độc tài theo truyền thống Byzantine với nhà nước chuyên chính phương Tây. Các nhà bảo thủ, như Konstantin Pobedonostsev, thầy dạy và nhà ý thức hệ hàng đầu cho cả Nicholas lẫn Alexander, hai Sa Hoàng cuối cùng, lập luận rằng sự chuyên chế có tính tôn giáo này duy nhất thích hợp với tính thần quốc gia Nga, rằng một ông vua như thần thánh là cần thiết để kềm chế bản năng nổi loạn của nhân dân Nga. Cuối cùng, tồn tại ý niệm về mối hợp nhất thần bí giữa Sa Hoàng và người theo chính thống giáo, vốn tôn kính và tuân phục ông ta như một vị cha và ông thánh. Đó là điều thiêng liêng của việc cai trị có tính gia trưởng, của một thời kỳ vàng son của chế độ chuyên chế được yêu kính, không vướng những phiền toái của một nhà nước hiện đại.
Hai vị Sa Hoàng cuối cùng có các động lực hiển nhiên để bám chặt vào cái ảo tưởng này. Thật ra, theo như họ tin tưởng là quyền lực và uy tín của mình đang bị lung lay bởi những thế lực ‘hiện đại’ dưới mọi hình thức – như những tín điều xa lạ, ý thức hệ có tính hiến pháp Tây phương và các tầng lớp thị dân mới – thì điều hợp lý duy nhất đối với họ là chỉ việc tìm cách quay ngược kim đồng hồ trở về một thời điểm vàng son xa xôi nào đó. Chính vào thời điểm của thế kỷ 18 dưới nền trị vì của Peter Đại Đế – ‘Peter của các khanh’ như Nicholas hay gọi như vậy khi nói với các viên chức – mà sự thối nát, theo quan điểm của họ, đang bắt đầu hình thành. Ở nước Nga tồn tại hai mô hình chuyên chế đối nghịch nhau: Petrine và Muscovite. Bắt chước chủ nghĩa tuyệt đối Tây phương, mô hình Petrine hướng đến hệ thống hóa quyền lực của vương quyền thông qua luật pháp và định chế hành chính. Điều này được xem là đã hạn chế quyền hành nhà vua theo đó ông ta cũng phải tuân thủ luật pháp của mình. Sa Hoàng nào không làm theo là ông vua độc tài. Truyền thống Petrine cũng nhắm đến việc chuyển dời trung tâm quyền lực từ con người thần thánh của Sa Hoàng sang khái niệm trừu tượng về một nhà nước quân chủ. Trước tiên, Nicholas không ưa điều này. Giống như cha mình, Alexander III, ngài đã được dạy phải giữ vững các nguyên tắc cai trị cá nhân, giữ quyền lực cho triều đình, và không tin cậy vào bộ máy hành chính chỉ là bức tường thành ngăn chận mối dây liên hệ tự nhiên giữa Sa Hoàng và thần dân của mình. Sự thiếu tin cậy này có thể giải thích do trong thế kỷ 19 bộ máy hành chính bắt đầu nổi lên như một lực lượng cách tân và hiện đại hoá. Nó càng ngày càng độc lập với triều đình và gần hơn với công luận, mà, theo quan điểm của phe bảo thủ, sẽ chuẩn bị dẫn đến những yêu sách có tính cách mạng về hiến pháp.
Việc Alexander II bị ám sát vào năm 1881 (sau hai thập kỷ cải cách thận trọng) hình như khẳng định quan điểm của họ cho rằng thời gian ngăn chặn sự thối nát đã đến. Alexander III (người đã từng tuyên bố là mình ‘khinh bỉ bộ máy quan liêu và uống xâm banh ăn mừng khi xoá sổ nó’) thiết lập trở lại các định chế cai trị độc đoán, cả trong chính quyền trung ương lẫn địa phương.
Và người cha dẫn đi đâu thì người con chỉ việc nối gót.
Mô hình chuyên chính của Nicholas gần như hoàn toàn theo Muscovite. Vị Sa Hoàng được yêu chuộng của ông là Alexei Mikhailovich (1645-76), mà ông lấy tên đặt cho Tsarevich (Thế tử), con trai của mình. Ông noi theo tính mộ đạo trầm lặng của cụ, được cho là nhờ đó cụ được tính quyết đoán để cai trị nước Nga thông qua lương tri tôn giáo của mình. Nicholas thường thích biện hộ cho những chính sách của mình dựa trên cơ sở là ý tưởng đã ‘nảy ra trong trí ông từ Chúa Trời’. Theo Bá tước Witte, một trong những bộ trưởng khai sáng nhất của ngài, Nicholas tin rằng ‘nhân dân không ảnh hưởng đến biến cố, rằng Chúa sắp xếp mọi việc, và rằng Sa Hoàng, với tư cách được Chúa chỉ định, không nên nghe theo lời khuyên của ai mà chỉ đi theo niềm tin thiêng liêng của mình. Bởi thế Nicholas ngưỡng mộ tập tục bán Á châu của thời Trung cổ mà ngài ra sức đưa vào triều đình mình. Ngài ra lệnh giữ lại những hình thức viết Slavonic cổ xưa trong các văn bản và ấn bản chính thức rất lâu sau khi chúng đã được viết lại bằng phong cách văn chương Nga. Ngài nói về Rus, từ Muscovite xưa để chỉ vùng đất gốc của Nga, thay vì từ Rossia, một thuật ngữ dành cho Đế chế đã được công nhận từ Peter Đai Để. Ngài không ưa tước hiệu Gosudar Imperator (Hoàng đế Tối cao), cũng do Peter giới thiệu, vì nó ám chỉ nhà vua không hơn một công bộc hạng nhất của một nhà nước trừu tượng (gosudarstvo), và thích danh xưng Tsar (Sa Hoàng) cổ xưa hơn (xuất phát từ chữ Hi Lạp kaiser), đi trở ngược về thời Byzantine và chứa hàm ý tôn giáo về quyền cai trị gia trưởng. Ngài thậm chí đùa cợt với ý tưởng bắt mọi triều thần ăn mặc những bộ caftan dài, giống như các boyar Muscovite thuở nào (chỉ có điều giá đắt khiến ngài thối chí). Bộ trường Nội vu, D. S Sipiagin, người đưa ra sáng kiến ấy, đã trang hoàng các văn phòng của mình theo phong cách Muscovite. Có lần ông tiếp đón Sa Hoàng, đến ăn vận như Alexei, với tất cả nghi thức của triều đình thế kỷ 17, đủ cả yến tiệc Nga truyền thống và một ban nhạc du mục. Nicholas khuyến khích thời trang triều đình Nga – khởi đầu ngay từ thời vua cha trị vì – cho các buổi dạ vũ hoá trang thế kỷ 17. Vào năm 1903 chính ngài đã tổ chức một buổi dạ vũ hoang phí nhất. Quan khách xuất hiện trong những bộ trang phục triều đình từ thời Alexei và nhảy những điệu Nga thời Trung cổ.
Các bức ảnh chụp tất cả quan khách, mỗi người được nhận diện bằng thứ bậc triều đình từ những thế kỷ 17 và 20, được in thành hai bộ ảnh sắc sảo. Nicholas xuất hiện trong bản sao lễ phục do Alexei mặc, còn Alexandra trong áo dài và mũ do Tsarina (Hoàng Hậu) Natalia của ngài mặc.
Nicholas không che dấu việc ngài yêu quí Moscow hơn St Petersburg nhiều. ‘Thành phố thần thánh’ cổ xưa, với hàng ngàn mái vòm củ hành, đại diện cho các truyền thống Byzantine và Đông phương nằm ngay trái tim của thế giới quan Muscovite của ông. Không hề chịu tác động của phương Tây, Moscow vẫn còn giữ lại ‘phong cách quốc gia’ mà hai Sa Hoàng quá đỗi ưa chuộng. Cả hai đều xem Petersburg, với lối kiến trúc cổ điển, các cửa hiệu Tây phương và thói trưởng giả của nó xa lạ với nước Nga. Họ ra sức Muskovite hoá nó bằng cách xây dựng các nhà thờ theo phong cách Byzantine – một phong cách bất đầu dưới thời Nicholas I – và thêm các đặc điểm kiến trúc cổ vào cảnh quan thành phố. Alexander III, chẳng hạn, ra lệnh xây dựng Đền Chúa Phục Sinh theo phong cách Moscow cổ để thánh hoá địa điểm trên Kênh Catherine nơi cha mình bị ám sát vào năm 1881. Với các mái vòm củ hành, các tranh khảm đầy màu sắc và các hình trang trí hoa mỹ, nó tương phản một cách kỳ cục với các đại thánh đường khác của thành phố, Thánh đường Kazan và St Issac, cả hai được xây dựng theo phong cách cổ điển. Nicholas làm mới lại các dịnh thự theo phong cách tân Byzantine. Nhiều tòa nhà được xây mới theo lối Nga xưa đánh dấu lễ hội Romanov. Thánh đường Tam Bách Niên, gần Nhà ga Moscow, chẳng hạn, được cất rõ ràng theo phong cách nhà thờ Rostov thế kỷ 17. Làng Fedorov, được Nicholas xây dựng tại Tsarskoe Selo, ngay bên ngoài thủ đô, tái tạo một cách công phu một Kremlin và Thánh đường thế kỷ 17.
Nicholas và cha ông Alexander thường thăm viếng Moskow và sử dụng nó càng nhiều cho những dịp lễ lạc tỏ lòng tôn kính đối với vương triều. Lễ đăng quang của Sa Hoàng, theo truyền thống tổ chức ở Moscow, trở thành một sự kiện biểu tượng quan trọng – nhiều hơn cả trong quá khứ. Nicholas tạo ra thói quen thăm Moskow trong lễ Phục Sinh – một việc mà không vị Sa Hoàng nào đã làm trong hơn 50 năm. Ông tự thuyết phục mình là chỉ ở Moscow và các tỉnh lỵ ông mới tìm thấy mối giao cảm tâm linh với dân thường Nga. ‘Hợp nhất với nhân dân trẫm trong lời cầu nguyện’, ông viết cho Thống đốc Moscow vào năm 1900, ngày sau khi ông thăm kính đô cũ vào dịp Phục Sinh, ‘Trẫm như tiếp được sức mạnh mới để phục vụ nước Nga, vì hạnh phúc và vinh quang cua nó’. Sau năm 1906, khi St Petersburg trở thành nơi đặt Viện Duma. Nicholas thậm chí trông cậy nhiều hơn vào Moscow và các tỉnh lỵ như một căn cứ xây dựng ‘vương quyền của nhân dân’ để tranh sức với nghị viện. Với sự ủng hộ của dân thường Nga – mà đại diện là Grigori Rasputin – ông sẽ khẳng định lại sức mạnh của ngôi báu, mà từ lâu đã bị buộc phải rút lui trước bộ máy hành chính và xã hội.
Lễ hội 300 năm đánh dấu đỉnh cao của di sản Muscovite này. Nó là một lễ mừng vương triều, tập trung vào những biểu tượng của Sa Hoàng, còn những thứ thuộc nhà nước bị đẩy vào hậu cảnh. Vụ cãi cọ giữa Rasputin, tên sùng đạo nông dân nhiều tai tiếng này mà ảnh hưởng của y gần như khống chê cả triều đình, và Mikhail Rodzianko, Chủ tịch Viện Duma, trong việc xếp chỗ trong Thánh đường Kazan là tượng trưng cho khía cạnh này. Rodzianko đã công kích vì các thành viên Viện Duma bị xếp chỗ ở hàng ghế sau, rất xa phía sau các chỗ ngồi dành cho các cố vấn nhà nước và nghị viên. Điều này, ông phàn nàn với ban tổ chức, là ‘không phù hợp với phẩm chất’ của nghị viện. ‘Nếu lễ hội được dự tính là ngày vui thực sự của quốc gia, thì đừng quên rằng vào năm 1613 chính hội đồng nhân dân chứ không phải một nhóm các viên chức đã cử Mikhail Romanov làm Sa Hoàng của nước Nga.’
Quan điểm của Rodzianko được chấp nhận và chỗ ngồi của Duma được hoàn đổi với chỗ ngồi của các nghị viên. Nhưng khi ông ta đến chỗ của mình thì thấy ghế đã bị một tên râu rậm da ngâm đen trong y phục nông dân chiếm lấy. Ông lập tức nhận ra ngay đó là Rasputin. Hai người đối mặt nhau tranh cãi sôi máu, người thì nhấn mạnh đến tính bất khả xâm phạm của mình với tư cách là Chủ tịch của một nghị viện được dân bầu lên, người kia vênh váo mình được sự ủng hộ của chính Sa Hoàng, cho đến khi cảnh vệ được gọi tới để lập lại trật tự. Sau một tiếng gầm, y lủi đi ra cửa, nơi y được choàng áo khoác và dẫn đến một cỗ xe ngựa đang đợi.
Thủ tướng cũng nổi giận trước thái độ khi dễ của triều đình đối với chính quyền trong các nghi lễ. Các bộ trưởng buộc phải tự lo phương tiện đi lại và ăn ở khi cùng tháp tùng đoàn hoàng gia trong chuyến hành hương qua các tỉnh lỵ. ‘Thái độ thông thường’, Bá tước Kokovtsov nhớ lại:
hình như ám chỉ chính quyền là rào cản giữa nhân dân và Sa Hoàng của họ, mà họ sùng kính một cách mù quáng vì cho rằng ông ta được Chúa Trời chỉ đinh. . . Các bạn bè thân thiết nhất với Sa Hoàng tại triều đình đâm ra tin rằng ngài có thể làm được mọi việc chỉ bằng cách nhờ hoàn toàn vào tình yêu và lòng trung thành vô hạn của nhân dân. Các bộ trưởng trong chính quyền, ngược lại, không mặn mà với loại chuyên quyền này; viện Duma cũng vậy. Cả hai đều cho rằng nhà vua nên nhận ra rằng thời thế đã thay đổi kể từ ngày dòng họ Romanov trở thành các Sa Hoàng của Moscow và lãnh chúa của Nga.
Thủ tướng cố gắng vô ích khi khuyên Sa Hoàng là ngài không thể cứu được ngôi báu bằng cách cố bám vào ‘hào quang của “Sa Hoàng Muscovite” cai trị Nga như cha ông mình’.
Mối giao cảm giữa Sa Hoàng và thần dân của ngài là chủ đề trung tâm của lễ hội. Việc sùng bái anh nông dân Ivan Susanin là nhằm củng cố thông điệp là dân đen yêu kính Sa Hoàng. Susanin đã sống trên điền trang của nhà Romanov ở Kostroma. Truyền thuyết kể rằng, y liều mình để cứu nhà Romanov bằng cách đánh lạc hướng bọn Ba Lan đến giết ông trước ngày ông lên ngôi. Từ thế kỷ 19 y chính thức được phong làm anh hùng quốc gia và được ca tụng trong các bài thơ và opera như vở Cứu Sống Sa Hoàng của Glinka. Trong dịp chào mừng 300 năm vở opera này được trình diễn khắp xứ bởi các đoàn vũ nhạc nghiệp dư, trường học và binh lính. Báo và tạp chí lá cãi kể đi kể lại truyền thuyết này đến phát ngán. Nó nhằm biểu hiện lòng trung thành và tận tụy của nhân dân đối với Sa Hoàng. Một tờ báo quân đội bảo với độc giả của mình rằng Susanin dạy cho mỗi người lính làm thế nào để hoàn thành lời thề của mình đối với Sa Hoàng. Hình ảnh người nông dân thể kỷ 17 được in ra khắp nơi trong dịp lễ, nhất là dưới chân đài kỷ niệm Romanov ở Kostroma, nơi một tượng phụ nữ tượng trưng cho nước Nga ban phép lành cho chàng nông dân đang quì xuống.
Trong chuyến đi của mình đến Kostroma Nicholas thậm chí được giới thiệu với một phái đoàn Potemkin – các nông dân được cho là hậu duệ của Susanin.
Theo tuyên truyền của bạn lễ hội, cuộc tuyển cử 1613 là một thời điểm quyết định làm thức tỉnh quốc gia, hành động thực sự đầu tiên của nhà nước Nga. ‘Toàn lãnh thổ’ được cho là đã tham gia vào cuộc tuyển cử, do đó tạo nên một mệnh lệnh có tính quần chúng cho vương triều, mặc dù đa số sử gia thế kỷ 19 đều công nhận là cuộc tuyển cử phần lớn là do sự vận động của một vài boyar có thế lực hơn là quần chúng. Qua sự tuyển cử của họ, người ta tuyên bố, dòng họ Romanov đã đến như là nhân cách hoá cho ý chí quốc gia. ‘Tinh thần Nga hiện thân trong Sa Hoàng,’ một nhà tuyên truyền nói. ‘Sa Hoàng đại diện cho nhân dân như là ý niệm cao cả nhất của họ về vận mệnh và lý tưởng của quốc gia.’ Nước Nga, tóm lại, là Romanov. ‘Trong mỗi tâm hồn đều có chút gì đó thuộc Romanov,’ tờ báo Novoevremia tuyên bố. ‘Một điều gì đó từ tâm hồn và tinh thần của dòng dõi đã trị vì 300 năm.
Nicholas Romanov, hiện thân Nga: đó là sự sùng bái được lễ hội xiễn dương. Nó nhằm củng cố vị thế tôn giáo của Sa Hoàng trong tâm thức nhân dân. Nga có cả một truyền thống lâu đời các ông hoàng thánh thiện – các nhà cai trị được phong thánh vì dâng hiến mạng sống của mình pro patria et flies (từ La tinh trong nguyên bản, nghĩa là cho tổ quốc và các con ruồi) – kéo dài ngược về thế kỷ thứ 10. Trong tâm thức người dân đen Sa Hoàng không chỉ là ông vua cai trị mà còn là một vị thánh trên thế gian. Họ coi ông là đấng từ phụ, người biết rõ từng người nông dân bằng tên, thấu hiểu mọi vấn đề của họ trong từng chi tiết nhỏ nhất, và, nếu không tại bọn boyar xấu xa, bọn quí tộc bao quanh ngai, hẳn ngài đã thỏa mãn yêu sách của họ đề ra trong Bản Tuyên Ngôn Vàng giao cho họ đất đai. Từ đó nông dân có truyền thống gởi trực tiếp các thỉnh nguyện của mình lên Sa Hoàng – một truyền thống kéo dài đến tận thời Xô viết khi những thỉnh nguyện tương tự được gởi đến Lênin và Stalin. Huyền thoại ‘ngây thơ’ của nông dân về Sa Hoàng Nhân Từ đôi khi có thể được sử dụng để hợp pháp hóa những cuộc nổi dậy của nông dân, nhất là khi một cải cách của chính quyền được trông đợi quá lâu không thỏa mãn sự kỳ vọng của dân chúng. Pugachev, lãnh tụ nổi dậy Cô giắc vào thập niên 1770, tuyên bố mình là Sa Hoàng Peter III; trong khi những cuộc nổi dậy của nông dân sau 1861 cũng đứng lên dưới danh nghĩa một Sa Hoàng thực sự khi cuộc giải phóng nông nô năm đó không làm thỏa mãn nỗi bất bình của giai cấp nông dân. Nhưng thường thường huyền thoại Sa Hoàng Nhân Từ có hiệu quả hữu ích cho nhà vua, và khi cuộc khủng hoảng cách mạng càng sâu sắc các nhà tuyên truyền càng trông cậy vào điều này.
Việc tuyên truyền cho lễ hội là dịp đánh bóng cuối cùng cho huyền thoại này. Nó mô tả Nicholas như một người cha đỡ đầu của thần dân minh, thân thuộc với mọi người và chu toàn mọi nhu cầu của họ. Ông được ca tụng có lối sống giản dị và ăn uống đạm bạc, dễ gần gũi với thường dân, nhân từ và sáng suốt. Một bộ tiểu sử Nicholas được ủy thác viết ra đặc biệt cho dịp lễ, quyển sách đầu tiên từng được xuất bản về một Sa Hoàng còn tại vị. Nó mô tả ông như ‘người cha của thần dân mình, canh chừng từng nhu cầu của họ với lòng trắc ẩn và sốt sắng’. Ông được kể là hết lòng ‘chăm sóc và quan tâm đặc biệt tới hạnh phúc và tiến bộ đạo đức của nông dân mình. Ngài thường năng lui tới túp lều của họ ‘để xem họ sinh sống ra sao và uống sữa và ăn bánh mì đen của họ’. Tại những buổi làm việc chính thức ngài ‘chuyện trò vui vẻ’ với nông dân, và họ làm dấu thánh giá và cảm thấy sung sướng hơn đến tận cuối đời’. Ngài chia sẻ những thói quen và sở thích giản dị của nhân dân, ăn mặc như nông dân và ăn cả những món ăn thanh đạm của họ như borscht và blinies. Trong thời gian lễ hội Sa Hoàng chụp những bức ảnh trong các hoạt động tượng trưng sự quan tâm đối với dân chúng, như quan sát một loại cày mới hoặc nếm thử khẩu phần của bình sĩ. Những bức ảnh được tính toán nhằm củng cố huyền thoại phổ biến là không có gì, dù nhỏ nhặt đến đâu, trong cuộc sống thường nhật của nhân dân thoát khỏi tầm mắt của Sa Hoàng và rằng ảnh hưởng của ngài có mặt ở mọi nơi. ‘Hàng ngàn sợi dây vô hình phát xuất từ trái tim của Sa Hoàng,’ nhà viết tiểu sử hoàng gia viết, ‘và những sợi dây này vươn dài đến tận căn lều của người nghèo khó và lâu đài của bọn nhà giàu . Và đó là lý do tại sao người dân Nga luôn chào đón Sa Hoàng của mình một cách nồng nhiệt, cho dù ở St Petersburg hay ở Hí viện Marinsky. . . hoặc trên đường hành hương qua các thij trấn và làng mạc.
* * *
‘Giờ thì em có thể tự mình nhìn thấy bọn bộ trưởng nhà nước là lũ hèn nhát cỡ nào,’ Hoàng hậu Alexandra bảo với một người hầu ngay sau lễ hội. ‘Họ lúc nào cũng làm Hoàng thượng lo sợ với những lời đe dọa là có cách mạng nổ ra đây đó và giờ đây – em mở mắt xem đó – chỉ cần chúng ta xuất hiện là trái tim họ là thuộc về chúng ta’. Nếu chủ đích của các nghi thức lễ hội là nhằm tạo ra một ảo tưởng về một nền chuyên chính vững chắc và hùng mạnh thì nó chỉ thuyết phục một số ít người trừ chính các triều thần. Nhà Romanov trở thành nạn nhân của chính lời tuyên truyền của họ.
Nicholas, đặc biệt, sau chuyến hành hương các tỉnh trở về tự dối mình khi khẳng định rằng ‘Thần dân của trẫm yêu quí trẫm.’ Nó xúi giục ông muốn đi nữa vào tận bên trong nước Nga. Ông nói về một chuyến đi bằng tàu theo sông Volga, một chuyến thăm vùng Caucasus và Siberia. Táo tợn hơn vì tin dân chúng yêu quí mình, ông bắt đầu tìm cách tiến thêm một bước gần hơn tới hệ thống cai trị chuyên chính mà ông hằng ngưỡng mộ dưới thời Muscovy xưa. Được các bộ trưởng có đầu óc phản động hơn của mình xúi giục, ông thậm chí nghĩ đến việc giải tán viện Duma hoặc biến nó thành một bộ phận thuần túy tư vấn như Hội đồng Điền Địa thời thế kỷ 16 và 17.
Các quan sát nước ngoài thân hữu với chế độ cũng dễ dàng bị cuốn theo lối tu từ màu hồng. ‘Hình như không có niềm hi vọng nào quá chắc chắn và xán lạn như thế,’ tờ London Times nói về tương lai của triều đại Romanov trong một ấn bản đặc biệt nhân dịp lễ hội. Tin rằng dân chúng trung thành với Sa Hoàng, bài viết kể chuyện một loạt tem bưu chính in chân dung của các Sa Hoàng Romanov đã được phát hành nhân lễ kỷ niệm 300 năm nhưng đã được thu hồi vì một số viên chức bưu điện bảo hoàng không chịu đóng dấu vào mặt tem có các chân dung thần thánh này. ‘Những đắn đo đáng kính và trung thành này’, tờ báo kết luận, ‘là điển hình trong tâm thức đại đa số nhân dân Nga.’ Những tình cảm như thế được vang dội lại trong tờ British Foreign Office. ‘Không gì vượt qua tình cảm và lòng tận tụy dành cho bản thân Hoàng đế mà nhân dân biểu lộ bất cứ nơi nào ngài xuất hiện. Không nghi ngờ gì chính trong sự gắn kết mạnh mẽ của quần chúng . . . với bản thân Hoàng đế đã tạo nên sức mạnh vô song nền quân chủ Nga.’
Thật ra lễ hội diễn ra giữa sự khủng hoảng chính trị và xã hội sâu sắc – thậm chí một số còn nói là một cuộc cách mạng. Những lễ lạc được dựng lên trên phông của vài thập kỷ bạo lực, nhân dân đau khổ và bị áp bức gia tăng, đã khiến thần dân của Sa Hoàng nổi lên chống lại chế độ ngài. Chưa có vết thương nào của Cách mạng 1905 được chữa lành; và một số đã bưng mủ và trở nên tệ hơn. Vấn đề lớn về nông dân vẫn chưa giải được, dù cho những nỗ lực cải cách ruộng đất trễ tràng; và thật ra, nếu có, chỉ là bọn địa chủ nhỏ trở nên chống đối hơn với chủ trương nhượng đất cho nông dân kể từ Cách mạng 1905, khi đám đông đã tấn công dinh cơ của họ. Những cuộc bãi công nhà máy cũng đã sống lai, rầm rộ hơn đầu thập niên 1900, với Bôn-se-vich không ngừng thắng thế trước đối thủ Men-se-vich ôn hoà hơn trong các tổ chức lao động. Và về phần nguyện vọng của phe cấp tiến, vào năm 1905 hình như gần đạt được, thì giờ đây trở nên xa vời hơn khi triều đình và phe ủng hộ phong tỏa mọi cải tổ tự do trong Duma và dẫm đạp lên lý tưởng mong manh về quyền dân sự của họ. Tóm lại, có một vực thẳm ngờ vực đang lớn dần không chỉ giữa triều đình và xã hội – một vực thẳm được tinh gọn bởi vụ tai tiếng Rasputin – mà cũng giữa triều đình và nhiều người ủng hộ nó theo truyền thống trong bộ phận Công Vụ, Nhà Thờ và quân đội, khi Sa Hoàng chống lại các yêu sách cải cách của họ. Ngay lúc nhà Romanov đang tự vinh danh và tâng bốc mình bằng niềm tin ảo tưởng là mình có thể cai trị thêm 300 năm nữa, bên ngoài phạm vi triều đình chật hẹp của họ người ta càng lúc càng cảm nhận được một khủng hoảng và thảm họa đang lơ lửng. Cảm nhận tuyệt vọng này được vang lên chính xác nhất bởi các nhà thơ thuộc cái gọi là Thời đại Hoàng Kim của văn học Nga – trên hết là Blok và Belyi ,- những người đã mô tả nước Nga như đang đứng trên một ngọn núi lửa. Theo lời của Blok:
Tôi nhìn thấy trên khắp nước Nga
Một đám lửa đang lặng lẽ lan xa
Thiêu rụi tất cả
Chúng ta giải thích sự sụp đổ của triều đại như thế nào đây? Sụp đổ chắc chắn là từ chính xác để sử dụng. Vì chế độ Romanov đổ xuống dưới sức nặng của những xung đột nội bộ của riêng nó. Nó không bị lật đổ. Như trong mọi cuộc cách mạng hiện dai, những rạn nứt đầu tiên xuất hiện từ trên chóp. Cách mạng không khởi phát từ phong trào lao động – tạm biệt thiên kiến của các sử gia cánh tả Tây phương. Nó cũng không bắt đầu với việc tan rã của các phong trào dân tộc bên lề: như đối với sự sụp đổ của Để chế Xô viết vốn được xây dựng trên tàn tích của triều đại Romanov, cuộc nổi dậy dân tộc là một kết quả của cuộc khủng hoảng ở trung tâm hơn là nguyên nhân của nó.
Một trường hợp thuyết phục hơn có thể cho rằng tất cả bắt đầu bằng cuộc cách mạng nông dân về đất đai, mà ở một số nơi khởi lên ngay từ 1902, ba năm trước Cách mạng 1905, và thật ra việc phải như thế nếu xét Nga là một xã hội nông nghiệp bao trùm. Nhưng trong khi vấn đề nông dân, giống như vấn đề công nhân và dân tộc đã đem lại những điểm yếu về cấu trúc nền tảng vào hệ thống xã hội của chế độ cũ, nó không xác định chính trị của nó; và chính là cùng với chính trị mà vấn đề nảy sinh. Không có lý do để giả định là chế độ Sa Hoàng tất phải sụp đổ theo cách mà những người theo thuyết tất định Mác xít đã có lần tuyên bố dựa trên qui chiếu hẹp hòi của họ về ‘các mối xung đột xã hội’. Nó có thể giải cứu bằng cải cách. Nhưng việc này gặp phải sự cản trở vì hai Sa Hoàng cuối cùng của Nga thiếu quyết tâm cải cách thực sự. Thật ra, vào năm 1905, khi Sa Hoàng gần như bị lật đổ khỏi ngôi vị, ông bắt buộc miễn cưỡng nhượng bộ cải cách; nhưng một khi mối đe dọa đã qua; ông lại về cùng phe với bọn ủng hộ phản động. Đây là điểm yếu chết người theo lập luận của các sử gia hữu khuynh đã vẽ một bức tranh màu hồng cho Đế chế Nga trước Thế chiến I. Họ tuyên bố là hệ thống để chế đang được cải cách, hoặc ‘hiện đại hoá’, theo đường lối tự do kiểu phương Tây. Nhưng hai Sa Hoàng cuối cùng và bọn ủng hộ phản động hơn trong thành phần địa chủ, Nhà Thờ và các nhóm chính trị hữu khuynh tốt nhất chỉ là lập lờ về ý tưởng ‘hiện đại hoá’. Họ hiểu, chẳng hạn, là họ cần một nền kinh tế công nghiệp hiện đại để cạnh tranh với các cường quốc Tây phương; nhưng đồng thời họ thù ghét sâu sắc những yêu sách chính trị và cải cách xã hội trong trật tự công nghiệp thành thị. Thay vì ôm trọn việc cải cách họ ngoan cố bám chặt vào tầm nhìn cỗ lỗ của mình về chuyên chế.
Thảm kịch của họ là ngay khi Nga đang bước vào thế kỷ 20 họ lại cố kéo nó trở lại thế kỷ 17. Đây, đó, là những cội rễ của cách mạng, trong mối xung đột lớn dần giữa một xã hội đang nhanh chóng trở nên hiểu biết hơn, thành thị hơn và phức tạp hơn, và một nền chuyên chế hóa thạch không chịu nhượng bộ những yêu sách chính trị. Mối xung đột đó trước hết trở nên sâu sắc hơn (đúng ra có tính cách mạng) theo sau trận đói kém năm 1891, khi chính quyền ngập chìm trong cơn khủng hoảng và xã hội tự do trở nên chính trị hóa khi nó phát động chiến dịch cứu trợ; và chính ở đó câu chuyện Phần II sẽ bắt đầu. Nhưng trước đó chúng ta phải nhìn kỹ hơn vào những vai chính của mối xung đột, bắt đầu là Sa Hoàng.
Chương 2. Nhà Tiểu Hoạ
Bốn năm trước lễ hội 300 năm nhà điêu khắc lừng danh, Hoàng thân P.N. Trubetskoi, đã hoàn thành một pho tượng kỵ mã của Sa Hoàng Alexander III đứng ở Quảng trường Znamenskaya đối diện Nhà Ga Nikolaevsky tại Petersburg. Thật là một pho tượng người diễn tả được sự chuyên chế khéo léo và kinh khủng đến nỗi sau cách mạng người Bôn-se-vich quyết định vẫn giữ pho tượng ở chỗ cũ để nhắc nhớ lại chế độ cũ đáng sợ; và nó vẫn ở lại đó mãi đến những năm 1930.* Tượng đồng khổng lồ của Alexander ngồi chễm chệ trên lưng một con ngựa nặng nề với tỷ lệ cấu trúc đồ sộ, bốn chân chắc nịch của nó như các cột chống đất. Người ngựa đã được tạc để trông bề thế và vững chắc đến nỗi hình như chúng không thể xê dịch được. Nhiều người coi đây là một biểu tượng của bản chất ù lì của chế độ chuyên chế, và có thể đó là một ngụ ý mỉa mai có chủ ý của nghệ sĩ. Các công nhân nhanh chóng nhận ra khía cạnh buồn cười của pho tượng.Họ ban cho nó cái tên thánh là ‘Hà mã’ và nhại những câu dí dỏm:
Tại đây dựng lên một tủ đứng nhiều ngăn kéo,
Trên tủ có con hà mã béo
Và trên con hà mã ngồi một thằng ngu
* Sau hơn 50 năm cất giữ bức tượng được trả về đường phố vào năm 1994. Mỉa mai thay, con ngựa giờ đứng trước Bảo tàng Lênin trước đây, nơi nó thế chỗ chiếc xe thiết giáp, mà vào tháng 4 năm 1917, chở Lênin từ Nhà Ga Finland.
Ngay cả Đại Công tước Vladimir Alexandrovich, Giám đốc Học viện Nghệ thuật và em của Sa Hoàng quá cố, cũng vạch mặt bức tượng là trò châm biếm. Chắc chắn nó là cú ngoặt tàn ác của số phận khi Trubetskoi đã chọn tư thế cởi ngựa để xây dựng tượng đài, vì Alexander III là người sợ ngựa. Nhất là những năm cuối đời ông điều khiển khó khăn vì lên cân. Gần như không thể tìm được con ngựa nào mà ông muốn cởi.
Nicholas cũng thấy rõ trò châm chọc này. Đối với ông, tượng Trubetskoi biểu tượng cho quyền lực và sự vững mạnh của chế độ trong thời trị vì của vua cha. Ông ra lệnh xây dựng một pho tượng còn lớn hơn của Alexander ở Moskow, thủ đô thân thương của ông, nhân dịp lễ hội. Phải mất hai năm mới hoàn thành tượng đài bề thế đó, do chính Nicholas khánh thành trong một nghi lễ trọng thể trong khi lễ hội đang diễn ra. Không như bức tượng anh em ở Petersburg, vốn được thể hiện khá tốt chi tiết kết hợp với tính biểu tượng mạnh mẽ, bức tượng mới không có chút giá trị nghệ thuật nào. Thân hình đồ sộ của Sa Hoàng không khác một ma nơ canh vô hồn, một hiện thân bằng đá của quyền lực chuyên chế. Nó ngồi thẳng lưng trên ngai, bàn tay đặt lên đầu gối, vướng víu với các biểu tượng của vương quyền- vương miện, thiền trượng và quả cầu, long bào và quân phục tươm tất – nhìn chăm chăm về phía Kremlin, lưng quay về hướng thánh đường, trong dáng dấp của một pha-ra-ong không phải suy nghĩ gì ngoài nguồn gốc của quyền uy vô hạn của mình.
Từ khi Alexander mất vào năm 1894, Nicholas đã nuôi dưỡng một lòng tôn kính gần như thần bí đối với ký ức về vua cha. Ngài nghĩ về vua cha như là một quân vương thực thụ. Alexander đã cai trị nước Nga như một lãnh chúa trung cổ trên lãnh địa của riêng mình. Ông ta đã thâu tóm quyền hành vào tay mình và ra lệnh cho các bộ trưởng như một ông tướng thời chiến. Ngay cả dáng vẻ ông cũng có các đặc điểm mà một ông vua chuyên quyền cần phải có – một tạng người đồ sộ, cao 6 bộ 3 in-xơ, gương mặt nghiêm nghị viền bộ râu đen oai vệ. Đó là con người thích đùa cợt với bạn nhậu bằng cách đâm sầm vào cánh cửa khóa chặt và bẻ cong những đồng bạc giữa các ngón tay cứng như gọng kềm của vua. Ngoài tầm nghe trong một góc của cung điện ông chơi kèn trumpet cũng ồn ào không kém. Chuyện kể rằng ông thậm chí cứu cả gia quyến khỏi tai nạn bằng cách lấy bờ vai vạm vỡ đỡ lấy mái nhà bằng thép của toa phòng ăn trong tàu hoả, vốn bị bọn phản động phá trật đường ray trên chuyến đi đến Crimea. Hình như điểm yếu duy nhất của ông là mê rượu. Khi ông vướng phải bệnh thận Hoàng hậu cấm ông uống rượu. Ông luồn lách bằng cách cho đóng một đôi giày đặc biệt có chứa một ngăn kín đáo đủ rộng để chứa được một chai cô nhắc nhỏ. Tướng P.A. Cheverin, bạn tâm đầu ý hợp của ông, nhớ lại, ‘Khi Hoàng hậu ngồi bên cạnh, chúng tôi ngồi im và xử sự như những đứa trẻ ngoan. Nhưng bkhi bà đi khỏi một lát, chúng tôi liền nháy mắt ra hiệu. Và rồi – một hai ba! Mỗi người liền rút ra chai rượu của minh, nốc một ngụm và tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Alexander rất khoái trò đùa này. Chúng tôi đặt tên nó là “Nhu cầu là mẹ phát minh.” “Một, hai, ba. Nhu cầu, Cheverin?” – “Phát minh, Hoàng thượng.” “Một, hai, ba” – nào chúng ta vô.’
Nicholas lớn lên dưới bóng mát của người khổng lồ say sưa này, nhận thức sâu sắc mặc cảm thấp kém của minh. Vốn bản tính nhút nhát và dáng dấp non trẻ, cha mẹ lại đối xử với ông như một đứa trẻ (Ở nhà ông được gọi là ‘Nicky’) rất lâu sau khi ông đã qua tuổi thiếu niên. Nicholas vẫn giữ lại những sở thích và ham mê trẻ con. Nhật ký ông viết trong những năm đầu qua tuổi 20 chứa đầy những ghi chép vụn vặt ngớ ngẩn về các trò chơi khăm. Vào năm 1894, ở tuổi 26, chẳng hạn, không đến một tháng trước ngày đăng quang, ông ghi lại trận đánh hạt dẻ với Hoàng thân George của Hi Lạp trong công viên hoàng gia: ‘Chúng tôi bắt đầu trước nhà và kết thúc trên mái nhà’. Một ít ngày sau đó ông viết về một trận đánh khác, lần này bằng nón thông. Alexander, vốn không hiểu gì về phức hợp thế chất và tình cảm, xem con mình là một người nhu nhược, và chút gì đó thiểu năng. Ông gọi con là ‘ẻo lả’ và cho rằng không mấy ích lợi khi chuẩn bị cho con công việc điều hành quốc gia. Khi Bá tước Witte, Bộ trưởng Tài chính, đề nghị rằng đã đến lúc phải huấn luyện cho thế tử những vấn đề của nhà nước, Alexander có vẻ ngạc nhiên. ‘Hãy cho tôi biết, ông hỏi Bộ trưởng, ‘anh có nói chuyện với Đại Công tước Thế tử bao giờ chưa?’ Witte nhận rằng có. ‘Thế thì đừng nói với tôi anh chưa hề nhận xét Đại Công tước là một thằng đần nghe.’
Trong việc học tập của mình Nicholas sở hữu mọi tài năng và sự lịch lãm của một học sinh Anh. Anh khiêu vũ duyên dáng, cởi ngựa dáng đep, một tay thiện xạ và vượt trội trong vài môn thể thao khác. Anh nói tiếng Anh như một giáo sư Oxford, nói tiếng Pháp và Đức cũng giỏi.Cung cách của anh, không cần phải nói, thì khỏi chê. Anh em họ và là bạn thời trẻ của anh, Đại Công tước Alexander, cho rằng anh là ‘người nhã nhặn nhất châu Âu’. Nhưng về các kiến thức thực tiễn cần thiết để trị vì một đất nước rộng lớn như nước Nga – và hơn nữa một đất nước ở giai đoạn tiền cách mạng – thì Nicholas gần như mù tịt. Thầy dạy chính của anh, một quí ông người Anh có tên là Ngài Heath, vẽ tranh màu nước rất giỏi, và rất thích cuộc sống ngoài trời. Nhưng ông ta không qua đại học nên không biết vì gì về nước Nga trừ vài tiếng Nga lõm bõm. Qua V. O. Kliuchevsky, sử gia tiếng tăm, Nicholas học được chút ít về lịch sử xứ sở minh, nhưng về những vấn đề đương đại thì không. Khi Pobedonostsev cố huấn luyện anh về cách điều hành một quốc gia, anh lại bắt đầu say sưa ngoáy mũi. Chính trị làm anh ngán ngẫm. Nicholas cảm thấy gần gũi khi ở giữa các sĩ quan và các phụ nữ ngoài xã hội hơn là giữa các bộ trưởng và chính trị gia.
Không mấy trông mong con trai mình có thể lãnh hội nghệ thuật làm vua từ sách vở, Alexander ghi tên anh vào biên chế sĩ quan của Vệ bình với hi vọng quân đội sẽ làm anh thêm mạnh mẽ và dạy anh điều gì đó thực tiễn. Nicholas yêu thích quân ngũ. Tình thần đồng đội của nhóm sĩ quan, giống một câu lạc bộ của quí ông hơn là trại lính, vẫn theo anh đến cuối đời như một ký ức thân thương của những ngày trước khi bị đè bẹp dưới gánh nặng của trách vụ. Chính vào thời gian đó anh yêu nghệ sĩ ba lê Mathilde Kshesinskaya. Anh được vua cha phong chức Đại tá trong Vệ binh Preobrazhenski, và anh cảm thấy vô cùng tự hào. Anh từ chối nhận cấp bậc cao hơn, ngay cả trong Thế chiến I khi anh giữ vị trí Tư lệnh Tối cao. Điều này làm uy tín của anh trong quân đội bị sút giảm, khi anh được biết dưới tên ‘Đại tá Romanov’.
Năm 1890 Alexander phái con thực hiện một chuyến đi lớn đến Siberia, Nhật, Đông dương, Ai cập và Hi Lạp. Chuyến đi có mục đích mở rộng kiến thức chính trị của người thừa kế ngài vàng. Nhưng bản chất của đoàn tùy tùng (gồm những sĩ quan ngu dốt và ăn chơi trong lực lượng Vệ binh) đã cản trở điều này. Trong chuyến đi anh ghi chép đầy nhật ký của mình toàn những chuyện vụn vặt và tầm phào như lúc ở nhà: ghi chép ngắn gọn về thời tiết, khoảng đường đi được mỗi ngày, những lần lên bờ và khởi hành, bạn ngồi ăn chung vân vân. Hình như không có gì trong chuyến đi làm anh hăng hái mở rộng tầm mắt và óc quan sát về thế giới. Chỉ trừ tại Otsu ở Nhật anh thoát chết trong gang tấc bởi một tên khủng bố loạn trí. Trải nghiệm này để lại trong anh mối thù ghét ăn sâu đối với người Nhật, và người ta cho rằng điều này khiến anh dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của những người trong triều đình ủng hộ cuộc chiến thảm khốc với Nhật Bản vào 1904-05.
Nếu Alexander sống đến 70 thì vận mệnh nước Nga có thể đã rất khác. Nhưng số phận đã an bài, ông mất vì bệnh thận vào năm 1894 ở tuổi chỉ 49. Khi đám đông người thân, bác sĩ và người hầu bao quanh giường bệnh của vị vua chuyên chế đang hấp hối, Nicholas bật khóc và kêu lên sầu thảm với anh em họ Alexander của mình, ‘Điều gì đang xảy ra với mình và dân Nga vậy? Mình chưa sẵn sàng để làm Sa Hoàng. Mình chưa hề muốn làm Sa Hoàng. Mình không biết cai trị ra làm sao. Thậm chí minh không biết phải nói chuyện với các bộ trưởng thế nào’. Vua Louis XVI, người có nhiều điểm chung với Nicholas cũng đã thốt lên câu than thở tương tự khi vào năm 1775 lần đầu biết rằng mình sắp lên làm vua nước Pháp
Việc trị vì của Sa Hoàng cuối cùng của Nga bắt đầu một cách thảm hại. Một vài ngày sau lễ đăng quang, vào tháng năm 1896, một hội chợ ăn mừng được tổ chức ở Sân Khodynka, một bãi tập của quân đội ngay phía ngoài Moscow
Ngay từ sáng sớm đã có non nửa triệu người chen chúc, hi vọng nhận được quà kỷ niệm của vị Sa Hoàng mới gồm cốc uống bia và bánh ngọt có in dòng chữ lưu niệm. Một số lượng lớn bia và xúc xích được phát không. Khi số người tràn vào càng đông, có tin đồn là sẽ khó có đủ quà cho những người đến sau. Thế là đám đông rùng rùng xô đẩy về phía trước. Nhiều người vấp ngã xuống các giao thông hào, rồi sau đó bị người sau đè bẹp và chết vì ngạt thở. Trong vòng vài phút hơn 1400 người thiệt mạng và 600 người bị thương. Vậy mà Sa Hoàng vẫn nghe lời cho tiếp tục lễ hội. Vào chiều tối, trong khi các thi thế được mang đi, ông thậm chí còn tham dự buổi khiêu vũ do Đại sứ Pháp khoản đãi. Những ngày sau đó tiết mục còn lại trong chương trình lễ hội – yến tiệc, dạ vũ và hòa nhạc – vẫn tiếp tục như thể như không có gì xảy ra. Công luận căm phẫn. Nicholas cố chuộc lỗi bằng cách chỉ định một cựu Bộ trưởng Tư pháp điều tra nguyên nhân của thảm kịch. Nhưng khi vị Bộ trưởng tìm ra Công tước Sergius, Thống đốc Moscow và chồng của em gái Hoàng hậu là người phải chịu trách nhiệm, các Đại Công tước khác chống đối quyết liệt. Họ viện cớ rằng nếu công khai lỗi của một thành viên hoàng tộc thì vị thế của vương quyền sẽ bị ảnh hưởng. Thế là vụ việc khép lại. Nhưng điều đó được coi là điềm xấu cho triều đại mới và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ lớn dần giữa triều đình và xã hội. Nicholas, càng lúc càng tin là mình bất hạnh, sau này sẽ phải nhìn lại sự kiện này như là khởi đầu của tất cả rắc rối.
Trong suốt thời trị vì của mình Nicholas cho ta cảm nghĩ là ông không thể đương đầu với trọng trách cai trị một Đế chế rộng lớn trong gọng kềm của cơn khủng hoảng cách mạng đang sâu sắc dần. Đúng là chỉ có thiên tài mới có thể giải quyết tình hình. Và Nicholas không phải là thiên tài.*
* Người Xô viết thường nói đùa là Xô viết Tối cao đã quyết định truy tặng Nicholas Huy chương Cờ đỏ ‘vì công trạng của ông cho cách mạng’. Thành quả của vị Sa Hoàng cuối cùng, họ nói, là đã mang lại tình hình thuận lợi cho cách mạng.
Nếu tình hình và chủ kiến của ông khác đi, có thể ông đã giải cứu được vương triều bằng cách chuyển từ chế độ chuyên chế sang quân chủ lập hiến trong thập niên đầu của thời trị vì, khi mà vẫn còn hi vọng vỗ về những người cấp tiến và cô lập được phong trào cách mạng. Nicholas có nhiều phẩm cách cá nhân cần thiết để là một quân vương lập hiến tốt. Ở nước Anh, người ta chỉ cần là một ‘người tốt’ là làm được một ông vua tốt, ông sẽ là một ông vua tuyệt vời. Ông chắc chắn không tệ hơn ông anh họ George V (vua nước Anh) trông rất giống ông, vốn là hình mẫu của một quân vương lập pháp. Nicholas là người khả ái, có trí nhớ tốt và xử sự rất đúng mực, tất cả những điều này khiến ông là một người lý tưởng tiềm năng cho trách vụ nghi thức của một ông vua lập hiến. Nhưng Nicholas không sinh ra dưới vai trò đó. Ông là Hoàng đế và Nhà Cai trị Toàn Nga.
Truyền thống gia tộc cùng áp lực từ các đồng minh truyền thống của vương quốc bắt buộc ông không chỉ trị vi, mà còn cai trị. Không thể thống gì đối với một Romanov khi đóng vai một ông vua nghi thức, giao chuyện quốc gia đại sự cho bọn công chức. Cũng không ra thể thống gì khi phải rút lui trước các yêu sách của phe cấp tiến. Đường lối Romanov, khi đối mặt với xung đột chính trị, là khẳng định quyền uy thần thánh của chuyên chính tuyệt đối, là tin cậy vào mối dây ràng buộc lịch sử giữa Sa Hoàng và thần dân, và cai trị bằng sức mạnh và kiên quyết. Còn về phần Hoàng hậu, vốn xuất thân Anh-Đức, bà công nhận quyết liệt tất cả truyền thống trung cổ của chế độ độc tài và không ngừng đốc thúc ông chồng ôn hòa của mình phải bắt chước Ivan Khủng khiếp và Peter Đại đế. Sự tôn kính mà Nicholas dành cho vua cha và tham vọng cai trị theo kiểu tiên vương Muscovite đang lớn dần khiến ông đành phải nỗ lực đóng vai trò của một nhà chuyên chế. Không lâu sau khi đăng quang, ông cảnh báo các nhà quí tộc theo phe cấp tiến của Tver rằng ông thấy mình có trách vụ trước Chúa là ‘duy trì nguyên tắc chuyên chế cũng vững vàng và không lay chuyển như phụ hoàng quá cố không quên được của trẫm’.
Nhưng Nicholas không được trời ban cho cá tính mạnh mẽ và sự thông minh của thân phụ. Và đó là bị kịch của ông. Với khả năng hạn chế của mình, ông chỉ có thể đóng một phần vai trò của nhà chuyên chế, xen vào (và, trong quá trình, phá vỡ) hoạt động của chính quyền mà không thực hiện sự lãnh đạo nào. Ông quá nhu mì và rụt rè để có thể ra lệnh cho các thuộc hạ. Chỉ cao 5 bộ và 7 in-xơ và dáng dấp thì ẻo lả, ông không có vẻ gì là một nhà chuyên chế. Những nhân vật áp chế, như mẹ ông, Hoàng hậu Maria Fedorovna, các ông cậu, bốn Đại Công tước, thầy giáo cũ của ông, Konstantin Pobedonostsev, cao vượt trong những năm trị vì đầu tiên. Về sau vợ ông cũng , muốn đòi ‘đứng ra làm chủ’, như có lần bà viết trong một lá thư gởi ông.
Nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng, như nhiều sử gia đã làm, Nicholas thất bại là do ông ‘thiếu ý chí’. Ý kiến được nhiều người chấp nhận là Nicholas là một nạn nhân thụ động của lịch sử, càng lúc càng trở nên khó hiểu và lãnh đạm với số phận của mình khi ông nhận ra sự bất lực của mình trước cách mạng. Cách giải thích này dựa vào sự phán xét của kẻ thù cách mạng của ông, vốn khống chế thông tin ban đầu biết về ông. Viktor Chernob, chẳng hạn, lập luận rằng Nicholas đã đương đầu với nghịch cảnh bằng ‘một sự ù lì ngoan cố, như thể ông muốn rút lui khỏi cuộc sống. . . Ông hình như không phải là một con người, mà chỉ là một bản sao của một con người’. Tương tự Trotsky mô tả vị Sa Hoàng cuối cùng là kháng cự với sự thờ ơ ngu ngốc trước cơn lũ của cách mạng đang tiến đến trước cổng cung điện của mình. Tất nhiên có một phần sự thật trong tất cả điều này. Vỡ mộng vì không thể thực hiện được tham vọng cai trị như một nhà chuyên chế thực sự, Nicholas càng lúc càng rút lui về thể giới riêng tư và gia đình vốn cũng đang bị hủy hoại của mình. Bên dưới bề ngoài dễ sai khiến Nicholas có một ý thức mạnh mẽ về nghĩa vụ phải giữ vững những nguyên tắc của chuyên chế. Khi ông tự tin hơn sau một thời gian trị vì ông dần khao khát mãnh liệt được cai trị như các tiên vương Muscovite, trên cơ sở lương tri tôn giáo của mình. Ông ương ngạnh bảo vệ các đặc quyền chuyên chế chống lại những xâm phạm của các bộ trưởng đầy tham vọng và ngay cả Hoàng hậu, mà những yêu sách nhì nhằng của họ (thường là nhân danh Rasputin) ông hết sức chống lại hoặc phớt lờ. Không phải ‘sự thiếu ý chí’ làm nên sự bại hoại của vị Sa Hoàng cuối cùng , mà, trái lại, là sự quyết tâm chủ ý muốn cai trị từ ngôi báu, mặc dù rõ ràng là ông thiếu phẩm chất cần thiết để làm được việc đó.
Thiếu khả năng hoàn toàn để điều hành và ra lệnh cho thuộc hạ là một khiếm khuyết hiến nhiên. Trong suốt cuộc đời Nicholas lúc nào cũng mang gánh nặng của ý thức lịch thiệp. Ông che giấu cảm xúc mình đằng sau chiếc mặt nạ của tính dè dặt thụ động, tạo ấn tượng lãnh đạm đối với ai, như Chernov và Trotsky, quan sát ông từ xa. Ông luôn tế nhị đồng ý với mọi người tiếp chuyện hơn là phải bối rối nếu bác bỏ họ. Điều này làm nảy sinh một câu châm biếm dí dỏm được loan truyền khắp các nơi họp mặt ở St Petersburg, cho rằng người có thế lực nhất ở nước Nga chính là người cuối cùng tiếp kiến Sa Hoàng. Nicholas quá lịch sự để có thể đổi diện các vị bộ trưởng bằng những lời trách cứ về công việc của họ, vì thế ông giao người khác thông báo mỗi khi phải cách chức họ. Bá tước Witte nhớ lại dịp ông bị cách chức Thủ tướng Hội đồng Bộ trưởng: ‘Chúng tôi (Nicholas và Witte) nói chuyện hai giờ liền. Rồi ông bắt tay tôi. Ông ôm lấy tôi. Ông chức tôi mọi điều tốt đẹp. Tôi quay về nhà lòng tràn ngập hạnh phúc rồi nhìn thấy trên bàn viết mình lệnh cách chức viết tay’. Witte cho rằng Sa Hoàng tìm thấy sự khoái trá kỳ cục khi hành hạ các bộ trưởng kiểu này. ‘Sa Hoàng của chúng ta’, ông viết trong nhật ký, ‘là một người Đông phương, người Byzantine trăm phần trăm.’ Cách cư xử khó đoán của ông khiến những người chung quanh luôn bất an. Những tin đồn thất thiệt bắt đầu loan truyền cho rằng Sa Hoàng có dính líu vào các âm mưu triều dinh, hoặc thậm chí tệ hơn, ngài không biết việc mình làm và vô tình trở thành công cụ của các thế lực đen tối giấu mặt. Việc Nicholas trông cậy vào nội các nhà bếp gồm những cố vấn phản động (bao gồm Pobedonostsev, Tổng Đại diện của Hội đồng Tôn giáo Thần thánh, biên tập viên báo chí tai tiếng, Hoàng thân Prince Mesh-chersky, mà các tình nhân đồng tính của y đều được đề bạt những vị trí nổi cộm tại triều đình) chỉ đổ thêm dầu vào lý thuyết âm mưu này – như Rasputin sẽ làm những năm sắp tới.
Những gì Nicholas thiếu trong khả năng lãnh đạo ông bù lại bằng tính cần cù. Ông là nhà vua chăm chỉ và tận tụy, nhất là trong nửa thời trị vì đầu tiên của mình, cặm cụi ngồi tại bàn việc cho đến khi hoàn tất những trách vụ hành chính mỗi ngày. Tất cả những việc này ông thực hiện theo kiểu một thư ký hành chính- ‘Tổng Thư ký của Để chế – dành hết sức lực của mình cho những công việc vặt vãnh thường nhật mà không hề dừng lại để xem xét những biện pháp chính sách bao quát hơn. Trong khi vua cha chỉ yêu cầu được thông tin về những đúc kết trọng yếu và giao hết những chức năng điều hành nhỏ nhoi cho thuộc hạ thì Nicholas cho thấy mình hoàn toàn không có năng lực giải quyết việc gì ngoài những vấn đề nhỏ nhặt. Bản thân ông chỉ chăm chăm vào những việc như ngân sách bảo trì của một trường dạy nghề, hoặc chỉ định những bà mụ ở tỉnh lẻ. Rõ ràng là ông tìm thấy niềm an ủi trong những công việc hành chính nhỏ nhặt này: chúng tạo cho ông ảo tưởng về một chính quyền đang hoạt động trơn tru và cho ông cảm giác sống có mục đích. Mỗi ngày ông tẩn mẩn ghi chép trong nhật ký thời gian dành cho các buổi họp với bộ trưởng và các hoạt động chính thức khác, cùng những tóm tắt về thời tiết, thời khắc dùng cà phê sáng và bạn cùng ngồi uống trà. . . Những việc hàng ngày này trở thành một loại nghi thức: giờ nào việc nấy, răm rắp đến nỗi các viên chức của ông thường nói đùa là có thể nhìn ông là có thể canh lại đồng hồ của mình. Đối với Nicholas có đầu óc thiển cận, hình như vai trò của một ông vua chuyên chế trong việc cai trị đế chế rộng lớn của mình là quan tâm đến việc hành chính vụn vặt nhất. Chẳng hạn ông bỏ ra hàng giờ liền để đọc những thỉnh nguyện thư gởi đến chính phủ: mỗi tháng có đến hàng trăm, nhiều thư của các nông dân ký tên thô lỗ (chẳng hạn những biệt danh ‘chồn hôi’, ‘mặt thẹo’ mà họ chính thức hóa như là họ của mình). Nicholas cho thấy mình không thể vượt lên những công việc nhỏ nhặt này . Ông càng ngày càng đố kỵ chức năng hành chính của các bộ trưởng, mà ông lầm chúng là phương tiện thể hiện quyền lực, và ông không chịu giao phó cho họ quyền hành vì sợ quyền lực chuyên chế của mình bị lật đổ. Quá chăm chút những mệnh lệnh hành chính nhỏ nhặt đến nỗi ông không chịu cắt đặt một thư ký riêng. Thậm chí những sai vặt như triệu tập một viên chức hay chuẩn bị điều xe đi ông cũng đều viết ra giấy, tự tay bỏ vào phong bì. Ông không hề nghĩ một ông vua chuyên chế sẽ hữu ích hơn khi giải quyết những vấn đề nhà nước trọng đại hơn . Đầu óc ông là của một nhà tiểu hoạ, rất phù hợp với những chi tiết nhỏ nhặt nhất của nền hành chính nhưng hoàn toàn không có khả năng tổng hợp chúng thành những nguyên tắc bao quát của chính quyền. Như Pobedonostsev có lần nói, ‘Ông ta chỉ biết ý nghĩa của những sự kiện lẻ tẻ, không biết kết nối với những phần còn lại, không biết đánh giá các mối liên quan nội tại giữa các dữ kiện, sự kiện, trào lưu, biến cố. Ông thấy cần làm bọn viên chức mình yếu đi và mất đoàn kết. Một bộ trưởng càng vững mạnh, Nicholas càng đố kỵ quyền lực của y. Các thủ tướng có năng lực, như Bá tước Witte và Petr Stolypin, người một mình đã có thể giải cứu được chế độ Sa Hoàng lại bị tống khứ trong đám sa mù ngờ vực. Chỉ có bọn tầm thường lõi đời, như ‘bố già’ Ivan Goremykin thọ rất lâu trong chiếc ghế cao nhất của mình. Goremykin thành công, được cả Sa Hoàng và Hoàng hậu chấp nhận, theo ý kiến của nhà phê bình Anh Benard Pares, là do ông cúc cung phục vụ như một quản gia, trao lại những chỉ thị cho những công bộc khác. Thật ra, cai trị nước Nga giống như một lãnh chúa trung cổ, Nicholas coi các bộ trưởng của mình như là tôi tớ trong nhà hơn là những viên chức của nhà nước. Nhưng ông mong đợi lòng tận tụy vô điều kiện từ họ và đặt lòng trung thành lên trên năng lực trong việc đánh giá các bộ trưởng của mình. Ngay cả Bá tước Witte, người không bao giờ khúm núm, cũng thấy mình đứng nghiêm trước mặt Sa Hoàng, hai ngón tay cái để đọc theo đường ráp nối của ống quần như thể mình là người giúp việc nhà của ông.
Nicholas lợi dụng sự tranh chấp và chia rẽ của các bộ trưởng. Ông sẽ cân bằng quan điểm của người này chống người kia để được thế thượng phong. Điều này khiến chính quyền thiếu mạch lạc, nhưng ông không màng miễn là nó củng cố vị thế của ông. Trừ một thời gian ngắn vào năm 1901, ông lúc nào cũng từ chối điều hợp công việc của các bộ trưởng khác nhau bằng cách chủ tọa Hội đồng Bộ trưởng: hình như ông sợ rằng một số bè cánh mạnh mẽ có thể được nhen nhúm ở đó và áp lực ông phải chấp nhận những chính sách ông không vừa ý. Ông thích trao đổi tay đôi với các bộ trưởng, có tác dụng chia rẽ họ nhưng lại là nhiên liệu cho hỗn loạn và rối rắm.
Những buổi tiếp kiến này có thể khiến các bộ trưởng cực kỳ thất vọng vì trong khi Nicholas lúc nào cũng cho cảm tưởng là mình đồng thuận với các đề xuất của bộ trưởng, họ không tin là ông ủng hộ chúng chống lại các đề xuất của các bộ trưởng khác. Những tranh luận kéo dài và bao quát về chính sách trong tập thể hiếm khi xảy ra. Nếu các bộ trưởng huyên thuyên quá lâu về chính trị, Sa Hoàng sẽ biểu lộ là mình buồn chán và đối sáng đề tài thời tiết hoặc đề tài nào đó hấp dẫn hơn. Biết rằng Sa Hoàng không thích nghe báo cáo, các bộ trưởng cố tình nói ngắn gọn. Thậm chí một số bỏ đọc và thay bằng những giai thoại và chuyện phiếm.
Kết quả của tất cả những điều này là chính quyền bị tước đoạt hết sự lãnh đạo hoặc điều hành hiệu quả trong những năm cuối cùng của chế độ sa hoàng. Nicholas là nguồn gốc của mọi vấn đề. Nếu có một khoảng trống quuyền lực ngay trung tâm hệ thống cai trị, thì ông chính là khoảng trống đó. Theo một nghĩa nào đó, nước Nga nhận được từ ông điều tệ hại nhất của hai giới: một Sa Hoàng quyết tâm cai trị từ ngôi báu mà lại không có năng lực sử dụng quyền lực. Đây là ‘chuyên chế mà không có vua’. Có lẽ không ai có thể làm tròn vai trò mà Nicholas tự đặt cho mình: việc điều hành chính quyền đã trở nên quá rộng lớn và phức tạp đối với một người duy nhất; chính nền chuyên chế cũng đã lỗi thời. Nhưng Nicholas đã sai lầm ngay từ đầu. Thay vì trao lại quyền hành ông lại lao vào ảo tưởng của quyền lực tuyệt đối. Bo bo giữ lấy quyền hành đến nỗi ông ra sức qua mặt các định chế nhà nước để tập trung quyền lực vào triều đình. Nhưng mà không có quan triều đình dễ thương nhưng ngu dốt của ông biết chút xíu gi để tư vấn cho ông cách trị nước, khi họ chỉ xuất thân từ một nhóm sĩ quan quí tộc mà kiến thức về nước Nga không vượt quá đường phố đô hội ở St Petersburg. Hầu hết bọn họ đều khinh rẻ nước Nga, chỉ nói tiếng Pháp mà không nói tiếng Nga và bỏ thời gian cho Nice hoặc Biarritz hơn cho bất động sản của họ ở tỉnh lỵ. Dưới sự thống trị ngày càng tăng của triều đình, chính quyền Nicholas không thể tạo ra các chính sách mạch lạc để giải quyết những vấn đề mới nổi lên của xã hội đang đưa đất nước lao nhanh đến cách mạng mà không sao cưỡng lại được. Trong những năm cuối cùng, nhất là sau khi Stolypin bị hạ bệ vào năm 1911, chính quyền trôi giạt một cách nguy hiểm khi hết tên nịnh thần này đến tên nịnh thần khác được Sa Hoàng chỉ định làm Thủ tướng. Còn chính Nicholas càng ngày càng bỏ bê việc triều chính. Chính quyền có lúc phải đình trệ vì ông đi săn bắn, chơi du thuyền, nghỉ ngơi cùng gia đình tận Crimea cả tuần liền. Nhưng trong nơi trú ngụ ngỡ là an toàn của gia đình một bi kịch khác đang manh nha.
Chương 3. Người thừa kế
Hoàng hậu Alexandra thấy căng thẳng khi phải dự các lễ hội kỷ niệm 300 năm. Bà lết thết một cách khó khăn đến mọi buổi lễ công cộng, nhưng thường về sớm với những dấu hiệu mệt mỏi. Tại buổi dạ vũ hoành tráng được phe quí tộc Moscow tổ chức bà thấy đuối sức đến nỗi khó đứng vững. Hoàng đế đến dìu bà đi đúng lúc giúp bà khỏi ngất xỉu trước công chúng. Trong buổi biểu diễn gala ở Hí viện Marinsky bà trông xanh xao và ủ rũ. Ngồi trong lô kế cận, Meriel Buchanan, con gái Đại sứ Anh, quan sát thấy chiếc quạt run run trong tay bà và nghe bà thở rất nặng nhọc, khiến những viên kim cương phủ đầy vạt trên của chiếc áo choàng phập phồng, loé ra hàng ngàn tia sáng lóa mắt. Rồi, nói thì thầm ít lời vào tai Hoàng đế bà đứng lên và rút lui ra phía sau lô, và biệt tăm suốt buổi tối đó. Một đợt sóng bất mãn lướt qua nhà hát.
Sự thật là Hoàng hậu đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn một tá dịp trong suốt thập niên vừa qua. Kể từ khi sinh ra đứa con trai mắc bịnh rối loạn đông máu, thể tử Alexis, vào năm 1904, bà sống ẩn dật tại Cung điện Alexander ở Tsarskoe Selo và những nơi cư ngụ khác ở xa thủ đô. Người ta hi vọng nhân dịp lễ 300 năm bà sẽ có cơ hội cải thiện hình ảnh của mình trước công chúng. Đã quay lưng khỏi xã hội, bà đã đến nước bị xem là lạnh lùng và ngạo mạn, trong lúc sự phụ thuộc của bà vào ‘ông thánh’ Rasputin từ lâu đã là mối bận tâm chính trị của triều đình. Không lâu trước lễ hội bệnh tình của con trai trở nặng, và điều này đè nặng lên tâm trí bà suốt thời gian lễ hội. Để làm tình hình tồi tệ hơn, Tatyana, đứa con gái thứ hai, đã mắc bệnh thương hàn sau khi uống nước nhiễm độc ở thủ đô. Alexandra cố hết sức để che giấu nỗi lo lắng của mình trước công chúng. Nhưng bà không có tâm trạng để ra ngoài và lấy lòng thần dân.
Alexandra là một người xa lạ đối với nước Nga khi bà trở thành Hoàng hậu Nga. Kể từ thế kỷ 18, kết hôn với các công chúa nước ngoài đã trở thành tập tục cho các hoàng đế Romanov. Vào cuối thế kỷ 19, hôn nhân quốc tế đã khiến Romanov là một thành phần tích hợp của gia đình các vua chúa Âu châu. Phần đông các chính khách chia sẻ quan điểm rằng cán cân quyền lực ở châu Âu sẽ được giữ vững bởi những ràng buộc vương triều này. Vì thế có lý do để chào mừng lễ hứa hôn vào tháng 4 1894 của Thế tử Nicholas với Công chúa Alexandra, con gái của Đại Công tước xứ Hesse-Darmstadt và Công chúa Alice của Anh. Người ta tưởng rằng Công chúa sẽ còn nhiều thời gian để học làm Hoàng hậu. Nhưng Alexander III mẩt chỉ sâu tháng sau đó, và người phụ nữ 22 tuổi bỗng thấy mình ngồi trên ngai vàng nước Nga.
Mặc dù trong những năm sau này bà bị rủa là ‘con mụ Đức’, Alexandra thật ra trong nhiều phương diện là phụ nữ Anh thuần túy. Sau cái chết của mẹ, vào năm 1878, bà đã được nuôi dưỡng ở Anh bởi bà ngoại, Nữ Hoàng Victoria, nhờ đó bà hấp thụ được luân lý, tư cách và khiếu thẩm mỹ nghiêm ngặt, chưa kể tính kiên trì quả quyết. Alexandra nói và viết tiếng Anh với Nicholas. Tiếng Nga bà nói dở đặc sệt giọng Anh, chỉ với người hầu, các viên chức và giới tăng lữ. Nội thất Cung Alexander được thiết kế theo phong cách Victoria khắc khổ. Đồ đạc mua tận Maples, cửa hàng bách hóa dành cho giới trung lưu ở Anh, được ưa thích hơn các đồ đạc vua chúa sang trọng phù hợp hơn với phong cách hoàng gia cổ điển của Cung Alexander. Bốn con gái của bà chia sẻ một phòng, ngủ trên các giường xép hẹp; chính Hoàng hậu được cho là tự tay thay ra giường. Mỗi ngày phải tắm bằng nước lạnh. Trong nhiều phương diện Nicholas và Alexandra chỉ muốn sống theo phong cách tầng lớp trung lưu Anh. Họ trao đổi ngôn ngữ bình dân gần gũi của giới tiểu tư sản thời Victoria: xưng với nhau bằng ‘Hubby’ và ‘Wifey’ (từ âu yếm của Husband và Wife tức Chồng và Vợ).
Nhưng Hoàng hậu sai lầm khi cho rằng, dựa theo kiến thức của bà về triều đình Anh, phong cách sống như thế, nếu ở Anh là kết quả của sự rút lui của vương triều khỏi lãnh vực chuyên chính, sẽ được vị vua chuyên chế Nga thích thú.
Ngay từ đầu, Alexandra cho người ta cảm tưởng là bà không thích vai trò ngoài xã hội mà vị trí của bà bắt buộc. Bà xuất hiện hiếm hoi ở triều đình hay trong các hoạt động xã hội và, vốn người rụt rè, ở những lần ra mắt đầu tiên bà tỏ ra dè dặt, khiến bà trông vụng về và thiếu cảm tình. Bà mang tai tiếng là lạnh lùng và cao ngạo, hai thói xấu không phải của người Nga chút nào. ‘Không ai ưa Hoàng hậu,’ nhà văn nữ Zinaida Gippius viết. ‘Gương mặt sắc cạnh, đẹp nhưng xấu tính và rầu rĩ, đôi môi mỏng mím chặt, không làm vui lòng; chiều cao xương xẩu không làm vui lòng’. Biết được cháu mình không được lòng dân chúng, Nữ Hoàng Victoria viết thư khuyên bà:
Không có nghề nào cực khổ hơn nghề cai trị của chúng ta. Bà đã cai trị hơn 50 năm đất nước mình, đất nước mà bà hiểu rõ ngay từ bé, và, thể mà, mỗi ngày bà vẫn phải suy nghĩ xem phải làm thế nào để duy trì và củng cố tình yêu của thần dân mình. Hoàn cảnh của con khó khăn hơn biết bao. Con đang ở trong một đất nước xa lạ, một đất nước mà con không hiểu biết gì hết, tại đó các tập quán, cách suy nghĩ và chính dân chúng hoàn toàn xa lạ với con, và dù sao thì nhiệm vụ đầu tiên của con là phải tranh thủ tình yêu và lòng tôn kính của họ.
Alexandra trả lời với vẻ tự mãn ý nói tiếng tăm của mình là đã xứng đáng rồi:
Ngoại sai rồi, ngoại thân yêu ạ. Nga không phải là nước Anh. Ở đây chúng ta không cần tranh thủ tình yêu của dân chúng. Nhân dân Nga tôn sùng Sa Hoàng của mình như thần thánh, từ đó xuất phát mọi sự nhân từ và của cải. Nếu chỉ xét xã hội St Petersburg, thì đó là điều mà ta có thể hoàn toàn bỏ qua. Ý kiến của những người tạo nên xa hội này và sự chế giễu của họ không có ý nghĩa gì hết.
Nội dung của cuộc trao đổi này chẳng bao lâu bị tiết lộ ra ngoài, gây ra sự sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ giữa các giới lãnh đạo thượng lưu ở St Petersburg với Hoàng hậu. Bà liền giảm bớt số lần xuất hiện trước công chúng và chỉ làm bạn với những ai mà bà thấy có thể trông mong sự phục tung quị lụy của họ. Đây là nguồn gốc của chứng hoang tưởng khi bà cứ khăng khăng chia triều đình và xã hội thành hai nhóm ‘bạn’ và ‘thù’, điều mà sẽ đưa vương quốc đến bờ vực thảm hoạ.
Việc Hoàng hậu không được lòng dân sẽ không là vấn đề gì quá lớn nếu bà không muốn đóng một vai trò chính trị tích cực. Qua bức thư viết cho Nữ Hoàng Victoria có thể thấy rõ là sự hấp dẫn thần bí của nền độc tài Byzantine đã mê hoặc bà. Thậm chí nhiều hơn ông chồng khả ái của mình, Alexandra tin rằng có thể còn cai trị được nước Nga- và thật ra phải cai trị nó ,- như các Sa Hoàng trung cổ. Bà coi đất nước như là điền sản của hoàng gia: nước Nga tồn tại vì lợi ích của vương triều chứ không phải ngược lại.
Các bộ trưởng trong chính quyền là tôi tớ của Sa Hoàng, chứ không phải là công bộc của nhà nước. Theo kiểu bà chủ bà bắt tay vào việc tổ chức nhà nước như thể nó là một phần chuyện nhà bà. Bà không ngừng thúc ép chồng cứng rắn hơn trong việc khẳng định ý chí của chuyên chế. ‘Hảy chuyên chế hơn Peter Đại Đế,’ bà thường bảo chồng, ,’và cứng rắn hơn Ivan Khủng khiếp’ Bà muốn ông cai trị, như các Sa Hoàng trung cổ, dựa trên cơ sở các nhận thức tôn giáo của mình và bắt chấp luật lệ. ‘Ông và nước Nga là một và như nhau,’ bà vừa bảo vừa xô đẩy ông theo hướng này hướng kia tùy theo các tham vọng, kiêu ngạo, sợ hãi và đố kỵ của mình. Chính Hoàng hậu và Rasputin mới – ít nhất công luận nghĩ thế – trở thành người cai trị thực sự nước Nga trong những năm tháng thảm họa.
Alexandra thích so sánh mình với Catherine Đại Đế. Nhưng thật ra vai tuồng của bà khiến ta nhớ đến Marie Antoinette, hoàng hậu cuối cùng của nền quân chủ Pháp, nhiều hơn. Chân dung của bà ấy được treo bên trên bàn viết của bà ở Cung Alexander.
Alexandra coi việc cho vương triều Romanov một đứa con trai thừa kế khỏe mạnh là sứ mệnh của mình. Nhưng bà cho ra đời đến bốn cô gái liên tiếp. Tuyệt vọng, bà nhờ đến bác sĩ Philippe, người hành nghề ‘thiên y’, đã được giới thiệu với gia đình hoàng gia vào năm 1901 trong dịp họ đến thăm Pháp. Ông thuyết phục là bà đang có bầu một đứa con trai, rồi bụng bà sau đó lớn dần cho đến khi thăm khám cho thấy đó chỉ là mang bầu tâm lý. Philippe là một tên lang băm (y đã từng bị xử phạt ba lần ở Pháp vì hành nghề lường gat) và phải rời Nga một cách nhục nhã. Nhưng sự kiện này cho thấy Hoàng hậu dễ bị lôi kéo bởi những trò ma quỷ thần bí. Việc này có thể dự đoán được khi bà muốn cải sang Chính thống giáo. Sau thế giới tâm linh khắc khổ và lạnh lẽo của Tin Lành miền Bắc Đức, bà mê mẩn các nghị thức trang trọng, các bài kinh cầu và thành ca đầy xúc động của Nhà Thờ Nga. Với tất cả nhiệt tình của người mới cải đạo, bà đâm ra tin vào quyền lực của cầu nguyện và các phép lạ thiêng liêng. Và khi, vào năm 1904, cuối cùng bà cho ra đời một đứa con trai, bà tin rằng đó là nhờ sự hộ niệm của Thánh Seraphin, một nông dân già Nga mộ đạo, được Sa Hoàng yêu cầu phong thánh một cách hơi bất thường.
Thế tử Alexis lớn lên thành một bé trai ham vui đùa. Nhưng chẳng bao lâu người ta phát hiện ra cháu bị bệnh khó đông máu, tại thời điểm đó không chữa được và đa phần nguy hiểm đến tánh mạng. Bệnh có tính di truyền trong dòng họ Hesse (một người chú, một ông anh và ba người cháu của bà đã chết vì cơn bệnh này) và không nghi ngờ chính Hoáng hậu đã truyền nó. Nếu dòng họ Romanov thận trọng hơn thì đã không cho Nicholas kết hôn với bà; nhưng thời ấy bệnh khó đông máu quá phổ biến trong các hoàng gia Âu châu đến nỗi nó được coi như một loại rủi ro nghề nghiệp.
Alexandra xem cơn bệnh là một sự trừng phạt của Chúa Trời và, để chuộc tội, bà dâng hiến mình cho tôn giáo và bổn phận làm mẹ. Nếu chuyện bệnh tật của con trai không được giữ kín, ắt hẳn bà sẽ được lòng của dân chúng với tư cách một người mẹ, điều mà bà không làm được trong tư cách một hoàng hậu. Alexandra lúc nào cũng trông chừng thằng bé sợ cậu bị té ngã có thể đưa đến chứng nội xuất huyết chết người mà các bệnh nhân chứng khó đông máu thường mắc phải. Cậu không thể nào sống một cuộc sống bình thường như các đứa trẻ khác, vì một tai nạn nhỏ nhất có thể làm xuất huyết. Một lính thủy có tên là Derevenko, được cắt đặt đi theo cậu mọi lúc mọi nơi và ẳm cậu lên mỗi khi cậu không đi được. Alexandra mời nhiều bác sĩ, nhưng cách điều trị vượt khả năng của khoa học. Bà trở nên tin rằng chỉ có phép lạ mới có thể cứu con mình, và nỗ lực để tỏ ra xứng đáng với ân sủng của Chúa Trời bằng cách cúng tiền cho nhà thờ, làm từ thiện và bỏ vô số giờ vào việc cầu nguyện. ‘Mỗi lần thấy má con hồng hào, hoặc nghe tiếng con cười vui vẻ, hoặc nhìn con đùa giỡn,’ Pierre Gilliard, thầy giáo của thế tử, nhớ lại ,’lòng bà đầy ắp hi vong, và bà sẽ kêu lên: “Chúa Trời đã nghe tôi. Cuối cùng Ngài đã thương hại cho nổi khổ của tôi.” Rồi cơn bệnh thình lình ập xuống cậu, kéo căng cậu trên giường vì đau đớn và mang cậu đến cổng của tử thần.
Chính trong cơn tuyệt vọng tìm cách chữa bệnh bằng phép lạ đã mang Rasputin vào cuộc sống của bà và của nước Nga. Grigori Rasputin sinh ra trong một gia đình nông dân tương đối giàu có ở làng Pokroskoe miền tây Siberia. Mãi đến gần đây người ta vẫn cho rằng ông sinh vào những năm đầu của thập niên 1860; nhưng giờ đây ta biết rằng ông trẻ hơn ta tưởng – thật ra ông sinh vào năm 1869. Những năm đầu của y ít được biết đến. Một ủy ban do Chính quuyền Lâm thời lập ra vào năm 1917 phỏng vấn một số dân cùng làng với y, nhớ y là một thằng bé ngỗ nghịch và bẩn thỉu. Sau này y được biết đến như một tên bợm nhậu, dâm đãng và ăn trộm ngựa, chắc chắn từ đó y mới có tên tục có nguồn gốc từ chữ rasputnyi, nghĩa là ‘phóng đãng’. *
* Các dân làng thường xưng hộ với nhau bằng tên tục mô tả tính chất của họ: Lém, Lùn, Sói, Heo, Móm . . .
Đến một lúc y sám hối và gia nhập một nhóm hành hương trên đường đi đến tu viện gần đó ở Verkhoturye, tại đó y dừng lại ba tháng trước khi trở về Pokroskoe, hoàn toàn đối khác. Y bỏ rượu và thịt, học đọc và viết chút ít, và trở nên mộ đạo và ẩn dật. Nguyên nhân chính khiến y biến chuyển hình như là ‘thánh sống’ Makaril, một thầy tu ở Tu viện Verkhoturyemaf mà các quyền năng tâm linh của ông đã lôi kép được nhiều tin đồ từ khắp nơi trong vùng. Makaril đã được Sa Hoàng và Hoàng Hậu tiếp kiến vì họ đang tìm kiếm những sứ giả của Chúa Trời trong số những con người giản dị, và chính Rasputin sau này tuyên bố là Makaril đã gây cho y cảm hứng. Không có vấn đề Rasputin từng là đệ tử của Makaril: y chưa hề nhận được sự giáo huấn chính thức cần thiết để trở thành một thầy tu, và thật ra y hoàn toàn không có năng lực về việc này. Khi vị trí của giáo sĩ nghe Sa Hoàng xưng tội bị khuyết vào năm 1910, Alexandra khăng khăng đòi cho được Rasputin đến để được huấn luyện cấp tốc nhằm được thụ phong vào vị trí đó. Nhưng sớm lộ ra việc y không thể đọc được gì ngoài những phần cơ bản nhất của Kinh Thánh. Khả năng học thuộc lòng, điều thiết yếu đối với giáo sĩ, hoàn toàn vượt quá khả năng y (Thật ra ký tính của Rasputin quả nghèo nàn đến nỗi y không thể nhớ được tên các bạn hữu, thành ra y gọi họ bằng tục danh, như ‘Người Đep’, ‘Thống Đốc”, dễ nhớ hơn). Trong mọi trường hợp, tin điều Chính thống giáo chính xác không phải là điều mà Rasputin mang từ vùng hoang dã Siberia về St Petersburg. Giáo điều kỳ lạ của y pha trộn giữa chủ nghĩa thần bí và tính dục, giống nhiều hơn với những phép thực hành Khlysty, một giáo phái ngoài vòng pháp luật mà y chắc chắn đã gặp ở Verkhoturye, cho dù lời kết án y là một thành viên của giáo phái chưa hề được chứng minh rổt ráo. Giáo phải Khlysty tin rằng tội lỗi là bước đầu tiên tiến đến sự cứu chuộc. Tai những buổi họp đêm, họ nhảy nhót trần truồng để đạt tới trạng thái mê cuồng và tham gia khổ dâm và giao cấu tập thể. Thật ra có nhiều điểm chung giữa quan điểm của Khlysty và các tín điều bán tà giáo của giới nông dân Nga, mà chủ nghĩa thần bí của Rasputin phản ánh. Nông dân Nga tin rằng kẻ tội lỗi có thể thân thiết với Chúa Trời không kém người sùng tín; và thậm chí có thể thân thiết hơn.
Lúc tuổi 28, như sau này Rasputin tuyên bố, y nhìn thấy Thánh Mẫu hiện ra và lên đường đi hành hương đến Jerusalem. Không có ghi chép lại về chuyện đi này, và chắc chắn là y chỉ gia nhập nhóm nông dân lang thang, các nhà hiền triết và các tiên tri, mà trong nhiều thế kỷ đã đi dọc ngang nước Nga, sống nhờ vào vật cúng dường của dân làng. Y toát ra một quyền uy tính thần và một năng khiếu rao giảng chẳng mấy chốc thu hút được một số tăng lữ hàng đầu của Nga. Vào năm 1903 y xuất hiện lần đầu tiên ở St Petersburg dưới sự bảo trợ của Archimandrite Theophan, giáo sĩ nghe xưng tội của Alexandra, Giám mục Hermogen ở Saratov, và Cha John ở Kronstadt tiếng tăm, cũng là bạn thiết của hoàng gia. Giáo hội Chính thống đang tim kiếm các thành sống, như Rasputin, xuất thân từ thường dân, để nhằm làm sống lại ảnh hưởng đang xuống của họ trong đám thị dân và làm gia tăng uy tín của họ tại triều đình Nicholas.
Đây cũng là lúc mà triều đình và các nhóm xã hội ở St Petersburg mê mải chạy theo các kiểu giáo phái khác nhau. Trong các phòng khách của giới quí tộc và tầng lớp trung lưu, người ta đang sôi nổi bàn về mọi hình thức tâm linh và thần bí, sự huyền bí và siêu nhiên. Trò lên đồng và cầu cơ tràn lan khắp nơi. Một phần, việc này phản ánh sự chạy theo các trò vui và trải nghiệm kiểu mới thuộc tín ngưỡng. Mặt khác nó cũng nói lên sự sa sút về đạo lý được phản ánh trong tác phẩm của các nhà văn như Blok và Belyi và là triệu chứng của cơn bệnh văn hóa ở cháu Âu trong thập niên trước 1914. Các thánh sống và nhà tâm linh đã ăn nên làm ra trong các lâu đài của nước Nga rất lâu trước khi Rasputin bước vào sân khấu. Thành công của họ dọn đường cho y. Y được giới thiệu tại các buổi tiệc và dạ hội. Như một sứ giả của Chúa Trời, một kẻ tội đồ biết sám hối, đã được ban ân sủng có được các quyền năng phi thường về thấu thị và chữa lành. Hình dáng kinh tởm của y chỉ làm tăng thêm vị cay nồng cho những nét lôi cuốn tình thần của y
Ăn vận áo khoác nông dân và quần dài nhiều túi, mái tóc đen láng mượt thả dài xuống vai, râu ria còn bám dính những mẫu thức ăn cũ, còn tay chân và thân thể không hề được rửa ráy. Người y nặng mùi, mà nhiều người cho là mùi dê. Nhưng chính đôi mắt y mới gây sự chú ý với người đối diện. Cái nhìn sáng rực và xuyên thấu và năng lực thôi miên gây ra một ấn tượng lâu dài. Một số người còn cho rằng y có thể làm đồng tử mình to ra và nhỏ lại theo y muốn.
Lần đầu Rasputin được giới thiệu với Sa Hoàng và Hoàng Hậu vào tháng 11 năm 1905 như một người có thể chữa lành bệnh cho con trai họ. Ngay từ đầu, y hình như sở hữu một sức mạnh bí ẩn nào đó có thể kiểm soát sự xuất huyết nội. Y tiên tri là Alexis sẽ không chết, và bệnh sẽ biến mất khi cậu đến 13 tuổi. Alexandra tin rằng Chúa Trời đã gởi Rasputin đến đáp lại những lời cầu nguyện của bà, và y đến cung điện ngày càng thường hơn khi bà càng ngày càng tin cậy y hơn. Nó khẳng định thành kiến của cả Alexandra lẫn Nicholas cho rằng một nông dân Nga giản dị ở sát bên Chúa Trời có thể làm tốt hơn các bác sĩ.
Trong nhiều sách về đề tài này không thấy có kết luận về tính bí ẩn trong tài chữa lành của Rasputin. Có nhiều chứng cứ cho thấy sự hiện diện của y có tác dụng xoa dịu đáng kể cho cả trẻ con lẫn thú vật, và điều này hẳn đã giúp ngăn xuất huyết cho Alexis. Người ta cũng biết rằng y đã từng được huấn luyện về thôi miên, có thể vì vậy mà y có khả năng gây ra một thay đổi vật lý như sự cố thắt mạch máu.
Rasputin có lần thổ lộ với thư ký của minh, Aron Shimanovich, là mình thỉnh thoảng có sử dụng các phương thuốc Tây Tạng hoặc bất cứ thứ gì có sẵn, hoặc đôi khi y chỉ giả vờ dùng thuốc và lẩm bẩm những lời vô nghĩa trong khi cầu nguyện. Điều này làm nhớ lại lối chữa bệnh bằng đức tin và có thể kỳ công chữa bệnh của y là vinh danh phương pháp này.
Vào tháng 10 1012, Thế tử bị một đợt xuất huyết đặc biệt tồi tệ sau khi đồng hành cùng mẹ trên chuyến xe ngựa gần Spala, khu săn bắn hoàng gia ở miền đông Ba Lan. Các bác sĩ không thể làm gì để chặn một bướu to và đau đớn thành hình trong bụng dưới của cậu, và họ thông báo với gia đình chuẩn bị cho tin xấu nhất. Phần đông đều cho rằng chỉ một phép lạ, khiến cục bướu tiêu tan, mới có thể cứu sống cậu bé. Tình hình được coi là rất nghiêm trọng đến nỗi một tập san y khoa bàn về căn bệnh này được in ra lần đầu tiên trong công báo nhà nước, mặc dù lý lịchh của bệnh nhân không được đề cập đến. Vào tháng 11 1912 các buổi cầu nguyện cho Thế tử được tổ chức trong các nhà thờ trên khắp xứ và Alexis được rửa tội lần cuối cùng, trong lúc cậu nằm oằn oại vì đau đớn. Trong cơn tuyệt vọng, Alexandra đánh điện cho Rasputin đang ở tại nhà mình tận Pokroskoe. Theo chứng nhân là con gái y, y cầu nguyện một lúc rồi đến bưu điện địa phương, đánh điện trả lời Hoàng hậu: ‘Chúa Trời đã chứng kiến được những giọt lệ của bà và nghe được những lời cầu nguyện của thần. Hãy thôi ưu sầu. Cậu bé sẽ không sao đâu’. Trong vài giờ, bệnh nhân đã trải qua một sự hồi phục bắt ngờ: xuất huyết đã ngưng, nhiệt độ hạ xuống và trong nỗi sững sờ các bác sĩ khẳng định cơn nguy kịch đã qua.
Những người hoài nghi về năng lực của sự cầu nguyện có thể chữa lành qua phương tiện liên lạc bằng điện tín có thể xếp chuyện này vào loại trùng hợp ngẫu nhiên cực kỳ hiếm. Nhưng Alexandra thì hoàn toàn tin tưởng, và sau ‘phép lạ ở Spala’ vị thế của Rasputin ở triều đình bà càng không thể đã phá được.”
Vị thế của Rasputin tại triều đình đem đến cho y nhiều quyền lực và uy thế. Y trở thành maitre de requires (tiếng Pháp, có nghĩa là cố vấn nhà nước), nhận tiền hối lộ, quà biểu và dâng hiến tình dục từ những người đến với y để cầu cạnh nhờ y giúp đỡ. Trong Thế chiến I, khi ảnh hưởng chính trị của y lên cao nhất, y khai thác một hệ thống trục lợi bằng cách sắp xếp người vào chính quyền, Giáo hội và Công vụ, những bộ máy này, y huyênh hoang, đều nằm trong tay y. Đối với hàng trăm con người thấp hèn hơn nối đuôi trước căn hộ y mỗi ngày – các bà xin xỏ cho chồng con được miễn dịch, người tìm kiếm một nơi nào đó để sống – y chỉ việc lấy ra một mảnh giấy, làm dấu thánh giá lên đó rồi nguệch ngoạc vài chữ gởi một viên chức nào đó: Bạn thân mến và trân trọng của tôi. Hãy giúp tôi việc này, Grigori.’ Một tờ nhắn như thế được một cô gái trẻ xinh đẹp, rõ ràng Rasputin rẩt thích, mang đến cho thư ký trưởng triều đình. ‘Giải quyết cho cô ta. Cô ta được lắm, Grigori.’ Khi viên chức hỏi cô ta muốn gì, cô gái trả lời mình muốn trở thành một prima donna (vai nữ chính trong nhạc kịch opera) trong Đoàn Opera Hoàng gia.
Người ta thường cho rằng vì chịu nhận hối lộ nên tất cả chuyện Rasputin làm là vì tiền. Điều này không hoàn toàn đúng. Y không tha thiết đến việc tích trữ của cải, bởi y tiêu xài và cho đi nhanh chóng như y kiếm được. Điều y phấn khích là quyền lực. Rasputin là người duy ngã bậc nhất. Y luôn luôn phải là cái rốn của vũ trụ. Y khoái bí bô về mối liên hệ của mình ở triều đình. ‘Tôi có thể làm bất cứ việc gì,’ y thường khoe, và do đó người ta đồn thổi về quyền lực chính trị vô song của y. Các quà biểu mà y nhận được từ những nhân vật quyền quí quan trọng đối với y không vì chúng quí giá mà vì chúng khẳng định tầm ảnh hưởng cá nhân y. ‘Nhìn này, tấm thảm này tri giá 400 rúp,’ y có lần khoe với một người bạn, ‘một bà Đại Công tước gởi tặng cho tôi vì ban phước cho hôn nhân của bà. Này bạn thấy không, mình có một thánh giá bằng vàng ròng nè. Sa Hoàng tặng mình đó.’ Trên hết, Rasputin thích vị thế có được và cũng thích quyền lực mà nó đem lại, không hơn một nông dân, trước các ông các bà thuộc tầng lớp cao hơn. Y khoái trá khi được cư xử thô lỗ với các mệnh phụ ngồi dưới chân y. Y sẽ nhúng ngón tay bẩn thỉu của mình vào đĩa mứt, quay sang một bà rồi nói, ‘Hãy khiêm cung, liếm sạch xem nào!’ Lần đầu tiên y được Varvara Uexkull, một mệnh phụ giàu có tiếp tại nhà, y công kích khiếu thẩm mỹ của bà ta: ‘Cái gì thế này hả bà, các bức tranh đầy trên tường như trong một bảo tàng thực sự? Tôi cá là bà có thể nuôi sống năm làng khỏi hjkjchết đói bằng các bức tranh treo trên một bức tường duy nhất.’ Khi Uexkull giới thiệu y với quan khách, y nhìn chằm chằm từng bà, nắm tay và hỏi các câu hỏi như: ‘Bà có gia đình chưa?’, ‘Chồng bà đâu?’, ‘Tại sao bà đi một mình?’, ‘Nếu có hai người ở đây, tôi có thể xem qua ông bà, xem ông bà ăn uống và sống ra sao.’ Theo y thái độ xấc xược có tính toán như thê càng hấp dẫn bọn quí tộc có mặc cảm tội lỗi bảo trợ y. Các mệnh phụ giàu có nhưng bất mãn đặc biệt bị tên nông dân hấp dẫn này lôi cuốn. Nhiều người đạt được khoái cảm nhục dục kỳ lạ khi bị y chiếm đoạt. Việc trấn áp tâm lý gây cho y khoái lạc nhục cảm nhiều như khoái lạc xác thịt. Y bảo các bà là họ có thể được cứu rỗi qua sự dẹp bỏ lòng tự trọng của mình, rồi từ đó họ sẵn sàng dâng hiển cho y. Một bà thú nhận rằng lần đầu làm tình với y bà đạt đến cực khoái dữ dội đến nỗi ngất xỉu. Có thể năng lực làm tình của y cũng giải thích được bằng thể chất. Tên sát nhân đồng thời được cho là tình nhân đồng tính của Rasputin, Felix Yusupov, tuyên bố rằng sở dĩ y có nghề là nhờ y có được một cục sần to ngay tại vị trí chiến lược trên dương vật có kích cỡ khủng của mình. Ngược lại, có chứng cứ cho thấy là y thật ra bất lực và mặc dù y nằm trần truồng với nhiều phụ nữ, y làm tình chỉ với một số ít. Tóm lại, y là một tên dâm đãng hạng nặng nhưng không phải là người tình ngon lành. Sau khi bị đâm trọng cuộc mưu sát thất bại vào năm 1914, Rasputin được khám nghiệm y khoa, người ta thấy bô phận sinh dục của y quá nhỏ và nhăn nhúm đến nỗi bác sĩ ngờ không biết y có khả năng hoạt động tình dục hay không. Rasputin từng khoác lác với giáo sĩ Iliodor rằng y có thể nằm với phụ nữ mà không cảm hứng gì bởi ‘dương vật của y không làm việc được.’
Quyền lực Rasputin càng cao thì lời đồn về tội lỗi và hành động phi pháp của by càng tăng. Lưu truyền những câu chuyện về việc y quấy rối tình dục, thậm chí hiếp dâm. Ngay cả em gái của Sa Hoàng, Olga Alexandrovsky, đồn là cũng bị y sờ mó. Có những cuộc trác táng say sưa, ban ngày trong các nhà tắm với gái mãi dâm, và ban đêm chè chéni trong khách sạn và nhà thổ. Vụ tai tiếng nổi danh nhất xảy ra ở Ya, một khách sạn gipxi nổi tiếng, vào tháng 3 1915. Rasputin đi đến đó với hai nhà báo và ba ả điếm. Y uống đến say khướt, rồi chạy theo túm các cô gái gipxi, và bắt đầu huênh hoang ồn ào về những gian díu với Hoàng hậu. ‘Thấy thắt lưng này không?’ y rống lên. ‘Hoàng hậu may cho đấy, tao có thể bắt bà ấy làm mọi thứ. Vâng, Grishka Rasputin này có thể khiến cô gái già đó nhảy nhót thể này theo ý tao’ – rồi y lắc lư một động tác làm tình. Lúc này, mọi người đều nhìn vào Rasputin và một số người tự hỏi có thực sự y là vị thánh sống tiếng tăm hay không. Rasputin tụt quần và lắc lư dương vật trước mắt quan khách. Đặc vụ Anh, Bruce Lockhart, đang ở tầng trệt khách sạn, nghe ‘tiếng lak hét của các phụ nữ, tiếng cửa kính vỡ và tiếng cửa đóng sầm.’ Các bồi phòng chạy tán loạn, cảnh sát được gọi tới, nhưng không ai dám đuổi y ra. Điện thoại gọi tới tấp đến các cấp cao hon, và cuối cùng đến Cảnh sát trưởng. Ông này ra lệnh bắt Rasputin. Y bị dẫn đi và tổng vào tù đêm đó. Nhưng sáng hôm sau có lệnh từ Sa Hoàng phóng thích y.
Điều khiến cho tin đồn này quá tác hại về mặt chính trị là công chúng tin, và chính Rasputin cũng cổ vũ điều đó, rằng y là người tình của Hoàng hậu. Thậm chí có tin đồn là Hoàng hậu và Rasputin tham gia các cuộc trác táng điên dại cùng với Sa Hoàng và Anna Vyrubova, người hầu của bà, được cho là người đồng tính. Những câu chuyện tục tĩu về Marie Antoinette và ‘vua Louis bất lực’ cũng loan truyền những ngày trước Cách mạng Pháp. Không có chứng cứ về những tin đồn này. Đúng là có một bức thư ô nhục của Hoàng hậu gởi cho Rasputin đã bị tiết lộ cho báo chí vào năm 1912, trong đó bà viết: ‘Em hôn bàn tay anh và ngã đầu vào bờ vai ân phước của anh. Thế là em cũng đã vô cùng vui sướng. Và lúc đó em chỉ muốn ngủ, ngủ mãi mãi trên vai anh, trong vòng tay anh.’ Nhưng, căn cứ vào mọi việc ta biết về Hoàng hậu, đọc bức thư này như một lá thư tình là một trò đùa. Bà là một người vợ và người mẹ trung thành và tận tụy đã hướng về Rasputin trong cơn tuyệt vọng. Trong bất kỳ trường hợp nào, bà chắc chắn là loại người quá thiển cận để có một tình nhân.
Dù sao thì các tin đồn tồn tại, chứ không phải là sự thật, đã gây xáo động cho các người ủng hộ Sa Hoàng. Họ ra sức thuyết phục ông về tác hại xấu xa của Rasputin và khuyên trục xuất y ra khỏi triều đình. Nhưng, dù Nicholas biết rõ về hành vi phạm pháp của y, ông cũng không dám loại bỏ Rasputin chừng nào mà Hoàng hậu vẫn còn tiếp tục tin là y, và chỉ y, mới có thể giúp đỡ con trai bệnh hoạn của mình.
Tác dụng xoa dịu của Rasputin đối với Hoàng hậu được ông chồng sợ vợ quá trân trọng đến nỗi có lần ông lỡ lời nói hớ: ‘Một Rasputin còn tốt hơn 10 cơn điên cuồng mỗi ngày.’ Archimandrite Theophan, người đã giúp đưa Rasputin đến St Petersburg, bổng thấy mình bị trục xuất khỏi thủ đô vào năm 1910 sau khi ông cố báo cho Hoàng hậu biết về bản chất đầy tai tiếng của ông thánh sống. Thầy tu Iliodor và Giám mục Hermogen bị giam giữ trong các tu viện hẻo lánh vào năm 1911 sau khi trưng ra trước mặt Rasputin một báo cáo dài các hành vi phi pháp của y và yêu cầu y sám hối. Và chính là Iliodor, để trả thù, đã bật mí cho báo chí biết về các bức thư của Hoàng hậu gởi cho Rasputin.
Sa Hoàng cho đình chỉ in các bài báo viết về Rasputin, dù ông đã cam kết ngay sau Cách mạng 1905 là bãi bỏ chế độ kiểm duyệt. Kết quả là Giáo hội phải im tiếng, ngay sau khi Vladimir Sabler, một đồng minh thân cận của Rasputin được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện của Hội đồng Tôn giáo Thần thánh..
Các chính trị gia cũng chả thành công trong việc hạ bệ Rasputin. Dù họ có trưng ra những bằng chứng để tố cáo tội lỗi của y cho Sa Hoàng nhưng một lần nữa Nicholas không chịu hành động. Tại sao ông quá bao dung đối với Rasputin như vậy? Câu trả lời có lẽ nằm trong niềm tin là Rasputin là một nông dân giản dị, xuất thân từ quần chúng, được Chúa Trời phái đến để giải cứu vương triều Romanov. Rasputin củng cố các định kiến của ông và tâng bốc một vương quyền được nhân dân yêu quí. Y là biểu tượng của niềm tin vào ba ngôi – Chúa Trời, Sa Hoàng và Nhân dân – mà ông nghĩ sẽ giúp ông phục hồi lại khuôn mẫu của chế độ Muscovy thế kỷ 17. ‘Ông ta chỉ là một người Nga tốt, giản dị, sùng đạo,’ Nicholas có lần nói với một quan triều. ‘Khi trẫm gặp rắc rối hoặc hoang mang, trẫm thường nói chuyện với y và lúc nào cũng cảm thấy an dạ sau đó.’
Rasputin chủ ý đóng vai hoang tưởng này bằng cách xưng hô với chủ nhân hoàng gia của mình theo ngôn ngữ bình dân là Cha-Sa Hoàng và Me- Hoàng hậu thay vì xưng là Hoàng thượng và Hoàng Hậu. Nicholas tin rằng chỉ những con người giản dị – những người không bị ô nhiễm bởi mối quan hê với phe chính trị ở St Petersburg – mới có thể nói với ông sự thật và đưa ra những lời khuyên vô vụ lợi. Trong gần 20 năm ông đã nhận được những báo cáo trực tiếp từ Anatoly Kropov, một thư ký ở bộ Tài chính. Rasputin khớp với cùng một hạng người. Là một hiện thân của lý tưởng về một người Nga trung thành, y không thể làm gì sai quấy. Nicholas đã phá các tin đồn về y viện cớ là bất kỳ ai được hưởng ân sủng như thế tại triều, nhất là một nông dân hèn mọn như Rasputin, cũng dễ bị kích bác đố kỵ. Hơn nữa, rõ ràng ông coi Rasputin là vấn đề gia đình nên xem lời kích bác này là vi phạm quyền riêng tư của mình. Khi Thủ tướng Stolypin, chẳng hạn, nộp ông một xấp tài liệu báo cáo của mật vụ về các hành vi sai phạm của Rasputin, Sa Hoàng nói rõ là ông coi lời cảnh báo không được yêu cầu này là một hành vi bất lịch sự nghiêm trọng: ‘Trẫm biết, Petre Arkadevich, là khanh thành thật lo lắng cho trẫm. Có lẽ mọi điều khanh nói đều đúng. Nhưng trẫm yêu cầu khanh đừng bao giờ nói lại với trẫm về Rasputin. Nói thật Trẫm không thể làm gì cả. Chủ tịch viện Duma cũng không làm được hơn khi ông đưa ra một tài liệu còn tác tệ hơn nữa dựa vào hồ sơ của Iliodor và Hội đồng Tôn giáo. Nicholas, mặc dù rõ ràng chao đảo bởi chứng cứ, bảo Rodzianko: ‘ Rasputin là một nông dân giản dị có thể dùng quyền năng kỳ lạ để làm con trẫm giảm đau đớn. Việc Hoàng hậu tin cậy ông ta là việc của gia đình, và trẫm không cho phép ai quấy rối chuyện nhà trẫm.’ Hình như Sa Hoàng, trong việc khư khư bám víu các nguyên tắc của chuyên chế, đều xem bất kỳ xét nét gì về phán đoán của mình đều là một hành vi bất trung
Và như thế vấn đề Rasputin vẫn bị cho qua. Càng ngày nó càng đầu độc các mối quan hệ của vương triều với xã hội và các cột trụ truyền thống của nó trong triều đình, Giáo hội và quân đội. Câu chuyện thường được so sánh với Vụ Xâu Chuỗi Kim Cương, một tai tiếng tương tự đã hủy hoại danh tiếng của Marie Antoinette trước Cách mạng Pháp. Vào lúc Rasputin cuối cùng bị ám sát vào tháng 12 1916, vương triều Romanov đã trên bờ vực sụp đổ.
II . CÁC CỘT TRỤ LUNG LAY
Chương 1 Thư lại và áo ngủ
Vào sáng đầu năm 1883 các độc giả của tờ Công báo khi mở báo đã đọc được tin A.A. Polovtsov đã được bố nhiệm làm Bộ trưởng Hoàng gia. Tin này khó làm cho người ta mắc nghẹn khi ăn sáng. Ở tuổi 51, Polovtsov có tất cả năng lực vào chức vị Công vụ cao nhất này.
Con của một chủ đất quí tộc, ông đã kết hôn với một người thừa kế ngân hàng, tốt nghiệp trường luật tiếng tăm, và không ngừng thăng tiến trên bậc thang viên chức cua vương triều. Ông là một người, xét về mọi phương diện, tinh tế, có văn hóa, và lịch thiệp. Polovtsov tự tin và hoàn toàn thoải mái trong giới quí tộc ở St Petersburg, có đến vài đại công tước trong số bạn bè thân. Thậm chí ông là thành viên của Câu lạc bộ Thuyền buồm Hoàng gia, trụ sở vui chơi của giới cai trị nước Nga, nơi mà vào năm mới ông nghe tin mình được đề bạt. Nói tóm lại, Alexander Alexandrovich là một đại diện mẫu mực của nhóm nhỏ có đặc quyền điều hành những vấn đề của nhà nước chuyên chính.
Bô máy quan lại triều đình Nga là một giải tầng ưu tú nằm bên trên phần còn lại của xã hội. Trong ý nghĩa này nó không giống với bộ máy điều hành của nhà nước Cộng sản sẽ tiếp bước nó. Hệ thống Sa Hoàng dựa trên một thứ bậc xã hội nghiêm nhặt. Trên chợt vót là triều đình, dưới đó, các cột trụ nâng đỡ trong công vụ và quân đội, và Giáo hội, đó là các thành viên của hai đẳng cấp thứ nhất; và dưới đáy của thứ bậc xã hội, giới nông dân. Có mối liên hệ mật thiết giữa nhà chuyên chính với hình tháp cứng nhắc các đẳng cấp xã hội này (quí tộc, tăng lữ, thương gia, và nông dân), được xếp thứ bậc tùy theo mức độ phục vụ nhà nước của họ. Đó là một hệ thống thứ bậc cố định với mỗi đẳng cấp được phân ranh bởi quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp đặc biệt. Nicholas so sánh việc này với nền nếp gia trưởng. ‘Tôi coi nước Nga như một bất động sản,’ ông tuyên bố vào năm 1902, ‘mà Sa Hoàng là sở hữu chủ, giới quí tộc là người điều hành, và nông dân là người lao động.’ Ông không thể chọn một lối ẩn dụ nào cỗ lỗ hơn cho xã hội vào đầu thế kỷ 20.
Mặc dù có những tiến bộ về kỹ nghệ và thương mại vào những thập niên cuối của thế kỷ 19, thành phần cai trị nước Nga phần lớn xuất thân từ các quí tộc có điền sản. Giới quí tộc chiếm đến 71 phần trăm bốn thứ bậc cao nhất trong Công vụ (nói cách khác có thứ bậc cao hơn hội viên hội đồng dân vụ) trong cuộc kiểm tra dân số 1897. Đúng là các cánh cửa vào Công vụ mở cho con cái của những thường dân, miễn là họ có bằng đại học hoặc trung học hạng danh dự. Cũng không sai là lỗ hổng đang lớn dần, cả theo chuẩn mực bối cảnh xã hội và đặc điểm, giữa những người quí tộc quan lại và giới nông nghiệp. Nhiều quí tộc quan lại đã bán điền trang và chuyển hẳn về thành phố, hoặc đúng ra họ chưa hề sở hữu đất đai, và đã được quí tộc hoá nhờ làm quan nhà nước. Nói cách khác, Công vụ đang trở thành con đường vào hàng quí tộc cũng như quí tộc là con đường vào Công vụ. Nó cũng có giá trị ưu tú của riêng nó, mà chỉ người Mác xít thô thiển mới tìm cách mô tả như đồng nghĩa với ‘quyền lợi giai cấp’ của giới quí tộc có điền sản. Dù thế nào, lối ẩn dụ của nhà văn Iurii Samarin cho rằng ‘bọn quan chức đúng là một tên quí tộc mặc đồng phục, còn tên quí tộc chính là một quan chức mặc áo ngủ’, nói chung vẫn còn đúng vào năm 1900
Nước Nga vẫn còn là một vương quốc nông nghiệp lạc hậu và giai cấp thống trị vẫn còn bị áp đảo bởi các dòng họ địa chủ giàu nhất. Đó là các dòng họ Stroganov, Dolgprukov, Sheremetev. Obolensky, Volkonsky, vân vân, vốn là những vương triều hùng mạnh đã vươn cao tận đỉnh của nhà nước Muscovite trong thời bành trướng đất đai vĩ đại giữa thế kỷ 15 và 18 và được tưởng thưởng bằng việc phong tặng hào phóng những vùng đất phì nhiêu, chủ yếu ở miền nam nước Nga và Ukraine.
Lợi dụng nhà nước để tích trữ của cải, và thật ra cho hầu hết chuyện làm ăn của họ, đã ngăn trở giới quí tộc Nga phát triển thành một giai cấp điền chủ độc lập tạo thế đối lập với nhà vua theo cách mà họ đã làm trong phần lớn châu Âu trong thế kỷ 16.
Như độc giả của Gogol hẳn biết, Công Vụ hoàng gia bị thứ bậc ám ảnh. Một bộ điều khoản công phu, trải dài trên 869 đoạn của Quyển I trong Bộ Luật, phân biệt giữa 14 thứ bậc Công Vụ khác nhau, mỗi thứ bậc có đồng phục riêng và tước hiệu riêng (tất cả đều bắt chước từ nước Đức). Polovtsov, chẳng hạn, được bố nhiệm làm Bộ trưởng Hoàng triều, nhận ruy băng xanh thẳm và ngôi sao bạc Huy chương Đại bàng Trắng. Như mọi Công Bộc ở hai thứ bậc cao nhất, ông được xưng là ‘Your High Exellency’; những người ở bậc thứ 3, 4 được xưng bằng ‘Your Exellency’, và cứ thế xuống dần, đến những người bậc dưới cùng (9 đến 14) chỉ đơn giản được xưng là ‘Your Honour’. Các Công Bộc biết rõ những biểu tượng vị thứ này. Việc tiến lên từ quần trắng đến quần đen, từ ruy băng đỏ đến xanh, hoặc đơn giản chỉ được thêm một vạch, cũng là một nghi thức có ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống có thứ bậc của viên chức. Sự đề bạt được quyết định bằng Bảng Thứ Bậc được Peter Đại đế thiết lập vào năm 1722. Một viên chức chỉ có thể nắm chức vụ nào ngang với hoặc thấp hơn thứ bậc của cá nhân y. Vào năm 1856 các khoảng thời gian tiêu chuẩn được ấn định cho sự đề bạt: một bậc mỗi ba năm từ bậc 14 đến 8; và một bậc mỗi bốn năm từ bậc 8 đến 5. Bốn thứ bậc cao nhất, mà tước vị được thừa kế, được trực tiếp bổ nhiệm bởi Sa Hoàng. Việc này có nghĩa là, nếu không phạm tội tày trời, thậm chí một quan chức trung bình nhất có thể hi vọng thăng tiến tự động theo thời gian phục vụ, trở thành, một thành viên hội đồng dân sự chẳng hạn, vào tuổi 65. Hệ thống thứ bậc khuyến khích loại viên chức tầm thường làm việc lâu năm mà các nhà văn như Gogol mô tả như là tinh túy của bộ máy quan liêu nước Nga thể kỷ 19. Vào cuối thế kỷ, tuy nhiên, hệ thống lên chức tự động không còn được sử dụng vi năng lực được coi trọng hơn tuổi tác.
Nhưng những chức vụ cao nhất ở St Petersburg vẫn còn trong tay các nhóm nhỏ ưu tú của các gia đình quí tộc. Đây là một giới chính trị nhỏ bé mà mọi người đều quen biết nhau. Tất cả đều sống trên các khu dân cư sang trọng quanh Nevsky và Liteiny Prospekt. Họ có quan hệ mật thiết qua hôn nhân và tình bạn. Hầu hết đều bảo trợ chung những trường tiếng tăm (Học viện Quân sự, trường Sĩ quan và Kỵ Mã Vệ binh, trường Alexander và Trường Luật) và các con họ gia nhập những đoàn thể ưu tú như nhau (Hiệp sĩ Vệ bình, Vệ bình Kỵ mã, Trung đoàn Ngự lâm Hussar và Preobrazhensky), từ do họ có thể có được bệ phóng nhanh nhất vào các chức vụ cao nhất trong triều hoặc trong quân đội. Mối quan hệ xã hội là điều tối cần trong giới này, như nhật ký của Polovtsov tiết lộ, vì đa phần các vấn đề chính trị thực sự được giải quyết trong các buổi dạ vũ hoặc yến tiệc, trong các phòng khách tư gia, trong khách sạn Evropeiskaya và các quán ba của Câu lạc bộ Thuyền buồm Hoàng gia. Đó là một thế giới đặc quyền nhưng không ngột ngạt. Giới quí tộc St Petersburg giao hảo quá rộng rãi để có thể hợm hĩnh trưởng giả. ‘Petersburg không như Vienna,’ như Dominic Lieven nhắc nhở chúng ta trong nghiên cứu đầy uy tín của ông về giới cai trị Nga, và luôn có một chỗ trong giới quí tộc dành cho những người mê hoặc hoặc lập dị. Chẳng hạn, lấy ví dụ Hoàng thân Alexei Lobanov-Rostovsky, một trong những cựu bộ trưởng tốt hơn của Nicholas II, một lãnh chúa 80 tuổi, người sưu tập sách Hebrew và nhân tình Pháp, người ‘lấp lánh trong các salon’ và ‘mặc áo khoác trong nhà đi nhà thờ’ : hoặc như Hoàng thân M.I. Khilov, thuộc ‘dòng dõi của một trong những gia đình quí tộc xưa nhất’, đã làm tài xế máy kéo một số năm ở Nam Phi và thợ đóng tàu ở Liverpool trước khi trở thành Bộ trưởng Giao thông của Nga.
Mặc dù có tài năng, bộ máy quan lại không bao giờ thực sự trở thành một công cụ hiệu quả trong tay giới quí tộc. Có ba lý do chính cho điều này. Thứ nhất, sự phụ thuộc của nó vào giới quí tộc trở thành một điểm yếu vì tài sản của họ sút giảm trong cuối thế kỷ 19. Có sự thâm hụt về chuyên môn (nhất là trong lãnh vực công nghiệp) để đáp ứng được yêu cầu của một nhà nước hiện đại. Khoảng hở có thể đã được bắt cầu nếu chiêu mộ được các Công bộc từ giai cấp trung lưu kỹ nghệ mới. Nhưng nhóm cai trị quá khư khư nắm lấy tầm nhìn cỗ lỗ về một trật tự chế độ, trong đó họ tự hào vê địa vị, và sợ mối đe dọa của trào lưu dân chủ mà các tầng lớp này đem lại. Thứ hai, bô máy không có đủ tài chính (thật khó lòng mà thu được đủ thuế trong một xứ sở quá rộng lớn và nông nghiệp nghèo nàn) thành ra các bộ, và hơn nữa chính quyền địa phương, không khí nào thực sự có đủ tài chính để kiếm soát và cải cách xã hội. Cuối cùng, có quá nhiều quyền hạn chồng chéo nhau và sự phân chia giữa các bộ ngành. Đây là kết quả của đường lối mà nhà nước đã phát triển, với mỗi bộ lớn lên như một phần nối dài riêng rẽ, và gần như là sắp đặt trước, của quyền lực nhà vua. Các phân cục của chính quyền không hề được hê thống hóa một cách thích đáng, các hoạt động của chúng cũng không được phối hợp đồng bộ vi đó là do chủ ý của Sa Hoàng muốn làm chúng yếu đi và lệ thuộc vào ông. Mỗi Sa Hoàng sẽ bảo trợ một bộ khác nhau các phân cục trong một lãnh vực chính sách định trước, thường chỉ là vượt qua những cái mà các vua trước đã lập ra. Kết quả là sự hỗn loạn và rối rắm của bộ máy. Mỗi bộ được tự do phát triển theo ý mình mà không có một bộ phận giống như nội các để phối hợp hoạt động giữa chúng. Hai bộ chính (Tài chính và Nội vụ) tuyển mộ người quen biết của họ trong các gia đình quyền thế và trường học tiếng tăm. Họ cạnh tranh tài nguyên với nhau, để kiểm soát chính sách và để đạt ảnh hưởng lớn hơn các bộ lép vế khác và chính quyền địa phương. Không có phân biệt rõ ràng giữa các chức năng của các phân cục khác nhau, cũng không giữa các ưu tiên của những luật khác nhau – nakaz, ukaz, ustav, zakon, polozhenie, ulozhenie, gramota và manifest, chỉ liệt kê một số ít – thành ra bản thân Sa Hoàng phải liên tục được mời đến để gỡ những nút thắt của những quyền hạn và luật lệ chống đối nhau. Từ quan điểm cá nhân, hiệu quả của những rối rắm này làm cho chế độ có vẻ tùy tiện: không bao giờ rạch ròi là quyền thực sự nằm ở đâu, hoặc là luật này sẽ bị những qui định đặc biệt của Sa Hoàng vô hiệu hoá, hoặc không biết cảnh sát có tôn trọng hay không. Một số triết gia dễ dãi lập luận rằng trên cơ sở này thật ra không có chuyên chế thực sự. ‘Có chuyên chế của cảnh sát và các cán bộ điền địa, của các thống đốc, trưởng phòng, và các bộ trưởng,’ Hoàng thân Sergei Trubetskoi viết vào năm 1900. ‘Nhưng một quyền lực sa hoàng thống nhất, theo đúng ý nghĩa của từ này, không có và không thể tồn tại.’ Đối với những người yếu thế chính việc tùy tiện này đã làm cho quyền lực của chế độ trở nên quá áp bức. Không có nguyên tắc hoặc qui định rõ ràng cho phép cá nhân cật vấn quyền hành của nhà nước
Thật ra, đây là một bộ máy không thể phát huy thành một lực lượng chính trị, không như bộ máy cai trị của Phố mà Max Weber đã phân tích, có khả năng phục vụ như một công cụ cải cách và hiện đại hoá. Thay vì một hệ thống cai trị ‘hợp lý’ được điều chế bởi kiểu mẫu lý tưởng của Weber – một hệ thống dựa trên các quan hệ có tính định chế, các chức năng được phân chia rạch rời, các thủ tục quí cũ, các nguyên tắc hợp pháp – Nga có một bộ máy hỗ lốn phối hợp các yếu tố hệ thống Phổ với một trật tự gia trưởng cổ lỗ để bộ máy Dân Vụ chịu sự bảo trợ và can thiệp của triều đình và đó đó ngăn trở sự xuất hiện hoàn toàn của một bộ máy cai trị chuyên nghiệp.
Đáng ra không phải như vậy. Có một thời điểm, vào giữa thể kỷ 19, khi bộ máy cai trị quân chủ có thể đã hoàn thành tiềm năng của nó như là một lực lượng hiện đại hoá và sáng tạo. Sau hết, những lý tưởng của một ‘bộ máy cai trị được khai sáng’, mà W Bruce Lincoln gọi tên một cách phù hợp, tạo hình cho Đại Cải Cách của thập niên 1860. Đây là một tầng lớp Công bộc chuyên nghiệp mới, hầu hết là con cái của những qui tộc không điền sản kết hôn với thường dân đã bước vào nghiệp vụ qua các kênh giáo dục cao cấp trong thập niên 1830 và 1840. Họ là những người chính trực và nghiêm túc, như Karenin trong tác phẩm Anna Karenina của Tolstoy, đã nói một cách say sưa, nếu không muốn nói là hơi lên lớp, về ‘sự tiến bộ’ và môn thống kê; khi dễ bọn quí tộc nghiệp dư đang ngồi trên các ghế cao chót vót, như Hoàng thân Vronsky, người tình của Anna, xâm phạm vào lãnh vực chuyên môn của họ; và tin vào sứ mạng của bộ máy hành chính để đổi mới và hiện đại hoá nước Nga theo đường hướng Tây phương. Phần đông họ chỉ dừng lại trên những yêu sách tự do cho một nhà nước dựa trên luật lệ với các quyền tự do dân sự và một nghị viện; mức hiểu biết của họ về Rechstaad (nghị viện Đức) thực sự không hơn một nhà nước hoạt động trên cơ sở các thủ tục hợp pháp và luật lệ phổ quát. Nhưng họ kêu gọi tính công khai rộng mở hơn trong hoạt động của chính quyền, điều mà họ gọi là Gladnost (tiếng Nga nghĩa là công khai) như là cách kiểm tra của quần chúng chống lại sự lạm dụng quyền lực và là một phương tiện cho phép các chuyên gia trong xã hội tham gia tranh luận về cải cách.
Các viên chức tiến bộ gia nhập vào các nhóm trí thức cấp tiến ở thủ đô và được gán tên ‘Đảng Tiến Bộ St Petersburg.’ Người ta thấy họ năng lui tới nhà Đại Công tước Elena Pavlovna, và nhận được sự bảo trợ của Đại Công tước Konstantin, người mà, với chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, góp công nhiều để thăng tiến các viên chức cải cách trong thành phần chính quyền của Alexander II. Họ cũng có những mối dây thân thiết với các cơ quan công, như Hội Địa Lý Hoàng gia, từ đó họ ủy thác những khảo sát thống kê để chuẩn bị cho các văn bản luật cải cách lớn cho thập niên 1860.
Cuộc Đại Cải cách là dấu ấn ngắn ngủi của việc khai sáng bộ máy cai trị. Chúng được coi như là tiến trình hiện đại hoá, ở Nga có nghĩa là theo bước phương Tây – với mục đích củng cố nhà nước sau khi bại trận ở Chiến tranh Crimea. Những tự do và cải cách có giới hạn được ban phảt với hi vọng sẽ kích hoạt xã hội và tạo ra một nền kinh tế năng động mà không làm thay đổi cấu trúc chính trị cơ bản của xã hội. Trong ý nghĩa này, chúng giống khái niệm perestroika (đổi mới) của Mikhail Gorbachev sau một thế kỷ. Vào năm 1861 giới nông nô được giải phóng theo pháp định (nếu không nói là thực tế ) khỏi ách độc tài của chủ điền và được ban cho một số quyền lợi công dân. Họ vẫn còn bị trói buộc bởi hội đồng làng xã vốn áp đặt trật tự gia trưởng xưa cũ, bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai cá nhân, và về mặt luật pháp vẫn còn thấp kém hơn bọn quí tộc và đẳng cấp khác. Nhưng ít nhất nền tảng đã được đặt ra cho sự phát triển nông nghiệp. Một cải cách chủ yếu thứ hai vào năm 1864 chứng kiến sự thành lập các hội đồng địa phương tự trị, gọi là zemstvos, trong hầu hết tỉnh thành ở Nga. Nhằm bảo tồn sự thống trị của các quí tộc có điền sản, chúng chỉ được dựng lên ở tỉnh và quận; dưới đó, ở cấp volost (huyện) và làng xã, cộng đồng nông dân vẫn được để tự trị với sự giám sát tối thiểu của các quí tộc địa phương. Các cải cách luật pháp trong cùng năm đó lập ra một hệ thống luật pháp độc lập trong đó các vụ án được xử bởi bồi thẩm nhân dân cho mọi đẳng cấp trừ nông dân (vẫn theo tập quán của lệ làng,) Cũng có thêm những luật mới nới lỏng sự kiểm duyệt (1865) , dành cho đại học quyền tự trị nhiều hơn (1863), cải cách bậc tiểu học (1864) và hiện đại hoá quân đội (1863-75). Boris Chicherin đúc kết lý tưởng của họ như sau:
Để thiết kế lại hoàn toàn nhà nước, được giao phó vào tay Alexander, để bãi bỏ một trật tự lỗi thời cổ lỗ dựa trên chế độ nô lệ, để thay thế nó bằng dân quyền và tự do, để thiết lập công lý trong một đất nước chưa hề biết đến ý nghĩa luật pháp, để thiết kế lại toàn diện bộ máy hành chính, để giới thiệu quyền tự do báo chí trong khuôn khổ quyền hành không được dẫm đạp, để kêu gọi những lực lượng mới sống lại trên từng khúc quanh và đặt chúng trên nền tảng vững chắc hợp pháp, để nâng một xã hội bị áp bức và sĩ nhục đứng dậy và trao cho nó cơ hội co giãn gân cốt.
Nếu tinh thần tự do của thập niên 1860 tiếp tục xâm nhập hoạt động của chính quyền, Nga có thể đã trở thành một xã hội kiểu phương Tây dựa trên tài trí cá nhân và tự đó được luật pháp bảo vệ. Cách mạng không cần phải xảy ra. Chắc chắn, nó sẽ còn là một sự phát triển chậm chạp và đau đớn. Giới nông dân, đặc biệt, sẽ vẫn là mối đe dọa cách mạng chừng nào mà họ còn bị loại trừ khỏi quyền tài sản và dân sự. Hệ thống gia trưởng cổ lỗ ở thôn quê, mà thậm chí sau Giải phóng, vẫn duy trì tình bá quyền của giới quí tộc, kêu gọi một sự thay thế bằng một hệ thống hiện đại trong đó nông dân có vai vế lớn hơn. Nhưng ít nhất, trong giới cai trị, một ý thức về những gì cần và những gì phải trả giá cho cuộc biến đổi xã hội này thành công, đang lớn dần. Vấn đề là, tuy nhiên, nhóm ưu tú không ngừng chia rẽ về vấn đề có nên cải cách hay không. Và kết quả của mối chia rẽ là một chiến lược mạch lạc nhằm giải quyết những thách thức của hiện đại hoá không thực hiện được.
Một bên là nhóm cải cách, ‘Nhân vật của năm 1864’ như Polovtsov, người chấp thuận rộng rãi cho nhu cầu về một trật tự xã hội tư sản ( cho dù phải hi sinh giới quí tộc), nhu cầu cho sự nhượng bộ tự do chính trị (nhất là ở chính quyền địa phương), và nhu cầu cho một Rechstaat (nhà nước pháp trị) mà càng ngày họ hiểu nó có nghĩa không chỉ là một nhà nước dựa vào các luật lệ phổ quát mà còn dựa vào sự thi hành luật). Vào cuối thập niên 1870 tầm nhìn cải cách này đã phát triển thành những yêu sách cho một hiến pháp. Các chính khách được khai sáng lập luận công khai rằng nhiệm vụ của chính quyền trong thời đại hiện nay đã trở nên quá phức tạp để Sa Hoàng và bộ máy cai trị của ông có thể điều hành được một mình, và rằng quần chúng có giáo dục và trung thành cũng phải được vào hoạt động trong chính quyền. Vào tháng 1 19881 Alexander II chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ, Bá tước Loris-Melikov, vạch ra kế hoạch cho một hiến pháp giới hạn, sẽ cho những nhân vật được mời giữ vai trò cố vấn về luật pháp. ‘Nhà vua’, Bộ trưởng Tài chính A. A Abaza, trong cuộc tranh cãi về đề nghị này, lập luận, ‘không thể giữ độc quyền trên một triệu lưỡi lê và một đoàn quân các viên chức.’ Những tình cảm cải cách như thế thường thấy trong số các viên chức của Bộ Tài chính. Có trách nhiệm công nghiệp hóa, họ là những người đầu tiên thấy nhu cầu phải quét sạch những trở ngại cho các tư sản nhiều sáng kiến dám nghĩ dám làm. Witte, Bộ trưởng Tài chính có tính thần cải cách lớn của thập niên 1890, đã từng làm việc trong ngành quản lý đường sắt trong 20 năm (đi lên từ người bán vé thấp hèn) trước khi bước vào công vụ, lập luận rằng hệ thống Sa Hoàng có thể tránh được một cuộc cách mạng chỉ bằng cách biến đổi nước Nga thành một xã hội công nghiệp hiện đại nơi mà ‘các sáng kiến chung và riêng được khuyến khích bởi một nhà nước có luật lệ bảo đảm quyền tự do dân sự.
Phía bên kia là phe ủng hộ trật tự sa hoàng truyền thống. Không phải tình cờ mà cơ sở mạnh nhất của họ là Bộ Tài chính, vì các viên chức của nó được chọn ra gần như độc quyền từ ‘ nước Nga cũ’, các sĩ quan quí tộc và các chủ đất, những người tin một cách cứng nhắc nhất vào Polizeiistaat (Nhà nước Cảnh sát). Cách duy nhất, họ lập luận, để ngăn ngừa một cuộc cách mạng là cai trị nước Nga bằng bàn tay sắt. Điều này có nghĩa phòng thủ nguyên tắc chuyên chế (cả trong chính quyền trung ương và địa phương), các quyền lực không bị kiểm tra của cảnh sát, tính bá quyền của giới quí tộc và sức khống chế đạo lý của Giáo hội, chống lại các thách thức cấp tiến và xa lạ của trật tự công nghiệp-thành thị. Nhượng bộ hiến pháp và các quyền chính trị chỉ làm yếu đi nhà nước, P. N. Durnobo và Viacheslav von Plehve, hai Bộ trưởng Nội vụ nổi tiếng trong thời Witte giữ chức Bộ trưởng Tài chính lập luận, bởi vì các tầng lớp trung lưu cấp tiến dù kết quả có nắm được quyền lực cũng không có quyền hành đối với quần chúng và thậm chí bị quần chúng khi dễ. Chỉ khi nào sự tiến bộ kinh tế đã loại bỏ hiểm họa cách mạng xã hội sẽ là thời điểm chín mùi cho các cải cách chính trị. Sự chậm tiến của nước Nga bắt buộc phải sử dụng chiến lược như thế (tự do kinh tế cộng thêm chuyên chế). Vì như Durnovo lập luận (không phải là không có lý): ‘Người ta không thể trong thời gian một ít tuần giới thiệu hệ thống Bắc Mỹ hoặc Anh vào nước Nga.’ Đó phải là một bài học của 1917.
Các lập luận của phe phản động càng được củng cố bằng vụ ám sát bi thảm Alexander II vào tháng Ba 1881. Vị Sa Hoàng mới được thầy giáo và cố vấn, Tổng Đại diện Hội đồng Tôn giáo Thần thánh, Konstantin Pobedonostsev, thuyết phục là tiếp tục các cải cách tự do chỉ làm sản sinh thêm bọn cách mạng như bọn đã ám sát vua cha. Alexander III ngay sau đó bỏ rơi dự án hiến pháp, tuyên bố rằng mình không muốn một chính quyền gồm ‘những tên cãi vã và luật sự hay gây rối’; cưỡng bách các bộ trưởng cải cách của ông từ chức (Abaza khỏi Tài chính, Loris-Melikov khỏi Nội vụ, và Dmitry Miliutin khỏi Chiến tranh); và ban bố Tuyên ngôn xác định lại các nguyên tắc của chuyên chế. Đây là dấu hiệu cho một chuỗi hành động phản-cải cách trong thời trị vì của Alexander III. Mục tiêu của họ là tập trung quyền kiểm soát và quay trở về quyền lực của chính quyền địa phương, để xác định lại việc cai trị cá nhân của Sa Hoàng thông qua cảnh sát và các đặc vụ trực tiếp của ông, và áp đặt trật tự gia trưởng – đứng đầu là giới quí tộc – ở nông thôn. Không có hành động nào đưa đến cách mạng chắc chắn hơn. Vì cùng một lúc các tầng lớp cấp tiến của xã hội tỉnh lỵ dần ý thức rằng để bảo vệ được các lợi ích chung và nhân thân của mình họ bắt buộc phải bảo vệ các quyền của chính quyền địa phương chống lại sự tập quyền của bộ máy cai trị trên đó Sa Hoàng mới đặt cược quá nhiều.
Chương 2. Lớp Vecni Mỏng của nền Văn Minh
Khi Hoàng thân Sergei Urusov được bổ nhiệm làm Thống đốc Bessarabia vào tháng năm 1903 việc đầu tiên ông làm là mua một cẩm nang địa dư chí của vùng đất Tỉnh tây nam này của đế chế, kẹp giữa Biển Đen và Romania, hoàn toàn mù tịt đối với người trước đây tốt nghiệp Đại học Moscow, ba lần được bầu làm Marshal of the Kaluga Nobility. ‘Tôi biết về Bessarabia,’ ông thú nhận sau đó, ‘ít hơn cả New Zealand.
Ba tuần sau, sau khi dừng chân ở thủ đô nghe dặn dò của Sa Hoàng, ông khởi hành từ Mosvow đến Kishinev bằng tàu hỏa, thủ phủ của Bessaria, đường dài 900 dặm. Chuyến đi kéo dài hai đêm ba ngày, con tàu lắc lư càng ì ạch khi càng tiến sâu vào vùng quê Ukraine. Một mình trong gian phòng đặc biệt, Urusov dùng thời gian nghiên cứu cẩm nang để chuẩn bị cho sự trao đổi với các viên chức nhà nước mà ông hi vọng sẽ gặp khi đến nơi. Ông đã viết thư cho Phó Thống đốc, dặn y hãy tiếp đón đơn giản ít người. Nhưng khi còn tàu chạy vào sân ga ở Bendery, thị trấn lớn đầu tiên của tỉnh, ông nhìn thấy qua cửa sổ toa một thềm ga chen chúc người và hình như có cả ban trống kèn trịnh trọng. Ở tâm điểm, bao quanh bởi vòng vây cảnh sát, là ngài Phó Thống đốc ăn mặc đỉnh đạc và ngài thị trưởng thành phố cùng một hàng nhân viên cầm đĩa muối và bánh mì. Đây là cách thức mà Bessarabia đón tiếp tân Thống đốc của mình và Urusov cũng không ngoại lệ. Ở Kishinev, một giờ rưỡi sau, ngài Thống đốc được rước qua thành phố trên một chiếc xe sáu ngựa trắng mui trần. ‘Các ông, các bà và trẻ con đông đúc đứng xếp hàng hai bên đường,’ Urusov nhớ lại. ‘Họ cúi chào, vẫy khăn tay, và một số thậm chí quì gối. Tôi hoàn toàn choáng váng trước cảnh tượng phủ phục, vì không quen trước hình ảnh ấy.’ Sau khi dừng chân ngắn ngủi ở nhà thờ, nơi Chúa Trời ban phép cho công việc trước mặt, Urusov được chở tới dinh Thống đốc, một lâu đài tân cổ điển bề thế ngay trung tâm thành phố tại đó ông sẽ cai trị như vị phó vương của Sa Hoàng trên xó xỉnh xa xôi của đế chế Nga.
Với dân số 120,000 người, Kishinev là một thành phố tình lỵ điển hình. Trung tâm hành chính, toạ lạc trên một ngọn đồi, là ‘khu thượng’ gồm một mạng lưới các đường trải nhựa rộng rãi và thẳng băng hai bên là cây liễu và acacia. Đại lộ chính, Alexandrov, đặc biệt xinh đẹp, vỉa hè đủ rộng cho các xe trạm do ngựa kéo chạy dọc theo bờ. Ngoài dinh Thống đốc, còn có những dinh thự bằng đá rộng lớn, các công sở và nhà thờ, mà theo nhận xét của Urusov ‘không kém ấn tượng ngay cả đối với vác đường phố ở St Petersburg’. Vậy mà không xa hơn một tầm ném đá từ mặt tiền tân cổ điển diễm lệ này, trong ‘khu hạ’ lạc loài dưới chân đồi , là một thế giới hoàn toàn khác- một thế giới của những đường phố quanh co, không vỉa hè, chật hẹp, mùa xuân thì lầy lội, mùa hè thì bụi mù, của những căn nhà lụp xụp và các túp lều tồi tàn chen chúc, dùng làm nơi ở và hàng quán của công nhân Nga, Do thái và Moldavia; một thế giới của heo và bò sục sạo trong các ngõ hẹp; một thế giới của cống rãnh và rác thải trên quảng trường công cộng; một thế giới nơi dịch tiêu chảy hoành hành mỗi ba năm một lần. Đây là hai mặt của mỗi thành phố Nga; một của quyền lực đế chế và văn minh Âu châu, và mặt kia của khốn khó và lầm than của châu Á.
Người ta khó có thể đổ tội cho Urusov xem việc bổ nhiệm của mình giống như hình thức lưu đày. Nhiều thống đốc có cảm nghĩ tương tự. Quen với nếp sống giao lưu rộn rịp tại các thành phố thủ đô, họ sẽ sớm thấy xã hội tỉnh lỵ buồn chán và tù túng. Văn hóa tỉnh lỵ Nga, thậm chí ở cuối thế kỷ 19, vẫn còn trong giai đoạn đầu của phát triển so với xã hội phương Tây. Hầu hết các thành phố Nga tiến hóa một cách lịch sử như là các tiền đồn hành chính hoặc quân sự của đế chế hơn là các trung tâm văn hóa và thương mại đúng nghĩa. Điển hình, họ gồm một nhóm quí tộc nhỏ, hầu hết làm việc trong Công Vụ địa phương, và một số lớn các nhà buôn lôm côm, thợ thủ công và người lao động. Nhưng không có ‘tư sản’ hoặc ‘tầng lớp trung lưu’ theo nghĩa Tây phương. Các tư sản ở Tây Âu, tầng lớp đã thúc đẩy nền văn minh ngay từ thời Phục hưng, thiếu hụt nhiều trong nước Nga nông nghiệp. Cho đến các thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 các ngành nghề vẫn còn quá yếu kém và lệ thuộc vào nhà nước để khẳng định quyền tự trị của mình. Các thợ thủ công và nhà buôn quá chia rẽ lẫn nhau (về lịch sử và luật pháp họ là hai đẳng cấp riêng biệt) và quá cách biệt với tầng lớp có học để có thể cung ứng cho các thành phố Nga số tư sản khiếm khuyết. Tóm lại Nga hình như chịu đựng lời phán xét của Pêtr Strive: ‘Ở châu Âu càng đi xa về hướng Đông, giới tư sản càng yếu kém về chính trị, càng nhút nhát hơn, thấp hèn hơn’.
Như bất cứ ai quen thuộc với các vở kịch của Chekhov đều biết, đời sống văn hóa thị trấn tỉnh lẻ trung bình cực kỳ buồn chán và nghèo nàn. Ít nhất đó là cách mà giới trí thức – ngụp lặn trong văn hóa Tây Âu – nhìn nhận (với chút ghê tởm) cuộc sống lạc hậu của các tỉnh lỵ Nga. Hãy lắng nghe anh của Ba Chị Em mô tả nơi họ sinh sống:
Thị trấn này đã tồn tại 200 năm; một trăm ngàn dân sống trong đó, nhưng không có người nào khác người nào! Không hề có đến một học giả hoặc một nghệ sĩ hoặc một thánh nhân ở nơi này, không có đến một người đủ nổi bật khiến bạn phấn khích và muốn bắt chước. Con người ở đây không làm gì trừ ăn, uống, và ngủ thôi. Rồi họ chết và một ai đó thế vào vị trí của họ, và lại ăn, uống rồi ngủ như trước. Và để thêm vào một chút gia vị trong cuộc sống, để tránh hoàn toàn lú lẫn vì buồn chán, họ lao vào nói xấu, rượu chè, cờ bạc và kiện cáo.
Kishinev về phương diện này là một thị trấn rất tiêu biểu. Nó có 12 trường, 2 nhà hát và một sảnh hòa nhạc ngoài trời, nhưng không có thư viện và phòng triển lãm. Trung tâm xã hội của thị trấn là Câu lạc bộ Quí tộc. Theo Urusov, chính tại nơi đây mà ‘đặc tính phổ quát nhất của xã hội Kishinev được phản ánh rõ ràng nhất. Các hội viên chen chúc quanh các sòng bài ngay từ 2 giờ chiều, không rời đi cho đến 3 hay 4 giờ sáng vào mùa đông; và mùa hè thì tận 6 hay 7 giờ sáng.’ Ở Kishinev, như trong hầu hết các thị trấn ở tỉnh, tập quán xã hội của giới quí tộc có nhiều điểm chung với tập quán của các thương gia địa phương hơn là các quí tộc ở St Petersburg. Con gái của Stolypin, chẳng hạn, nhớ lại ở Saratov, nơi cha cô có lần làm Thống đốc, bà vợ các quí tộc ăn mặc lôi thôi khi dự các tiệc mời đến nỗi cần phải ghi rõ y phục phải mặc trên thiệp mời. Vậy mà họ thỉnh thoảng xuất hiện trong bộ áo khoác ở nhà tại những buổi dạ vũ.’
Trong một xã hội như thế này Thống đốc tỉnh lỵ không thể tránh khỏi phải đóng vai trò của một người tiếng tăm bậc nhất. Cao điểm của bất kỳ sự kiện xã hội nào cũng là lúc Ngài Thống đốc bước vào để làm long trọng cho buổi tiệc bằng sự hiện diện của mình. Để nhận được lời mời dự dạ vũ hàng năm tại dinh Thống đốc phải là người lên đến chót vót trong xã hội tỉnh lẻ. Hoàng thân Urusov, thuộc loại người khiêm tốn, ngỡ ngàng khi các cư dân đối xử với mình như thần thánh: ‘Theo qui chế Kishinev, tôi phải ra ngoài bằng xe ngựa, có cận vệ kỵ mã hộ tống, với Cảnh sát trưởng đi theo đoàn. Đi tản bộ hoặc đi mua sắm về phần tôi là một hành vi vô cùng bất lịch sự.’ Nhưng các thống đốc khác, thiếu khiêm tốn hơn ông, lợi dụng vị thế cao tột của mình để xử sự như một ông vua nhỏ. Một thống đốc, chẳng hạn, ra lệnh cho cảnh sát dừng tất cả xe cộ bất cứ khi nào ông ta đi qua thị trấn. Một thống đốc khác thì không cho phép vở kịch bắt đầu trước khi y đến nhà hát khu vực. Đối với người yêu tự do Thống đốc tỉnh chính là hiện thân của áp bức và độc tài chuyên chế. Gorky không thể tim được cách nào tốt để kết án thói độc đoán của Tolstoy hơn là so sánh nó với một thống đốc.
Văn phòng mà Urusov đảm nhiệm đi ngược về thời trung cổ, mặc dù hình dạng chính xác của nó đã được thay đổi nhiều lần. Trong một xứ sở rộng lớn và khó cai trị như nước Nga nhiệm vụ thu thuế và giữ gìn luật pháp và trật tự rõ ràng vượt quá khả năng của nhà nước trung cổ nhỏ bé. Vì thế chúng được giao cho các thống đốc, đặc mệnh toàn quyền của Sa Hoàng, và để trả công phục vụ nhà nước họ được cho phép ‘nuôi sống’ mình với chi phí của khu vực họ cai trị (thường thường với nhiều bạo lực và tham nhũng). Sự bất lực của nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống hành chính tỉnh lỵ hiệu quả khiến các thống đốc này dễ chuyên quyền. Thậm chí ở thế kỷ 20, khi bộ máy cai trị mở rộng những phân cục đến tận các tỉnh, các thống đốc vẫn chưa hề được tích hợp hoàn toàn vào bộ máy trung ương.
Các thống đốc tỉnh quản lý cảnh sát địa phương, và chịu trách nhiệm với Bộ Nội vụ về họ trên lý thuyết. Họ cũng hoạt động với tư cách chủ tịch hội đồng tỉnh mà công việc rơi vào lãnh vực của các bộ khác, như Tư pháp, Tài chính và Giao thông
Sự phân mảnh quyền hành pháp này khiến các thống đốc không ngừng thương lượng, thuyết phục, đàm phán – trong phần sau của thế kỷ 19. Dù sao đi nữa, vì mối liên hệ chặt chẽ với triều đình, họ còn có thể làm ngơ trước những yêu sách của các bộ ở St Petersburg – và thật ra họ thường làm như thế khi họ cho rằng những điều này đụng chạm tới quyền lợi của đẳng cấp quí tộc, từ đó mọi thống đốc tỉnh đều xuất thân. Các cải cách chính quyền địa phương của Stolypin, chẳng hạn, mà ông ra sức đưa vào sau năm 1906, bị các thống đốc chống đối một cách hiệu quả vì họ thấy đó là một thách thức đối với sự thống trị của giới quí tộc . A. A. Khvostov, một trong những người kế tiếp Stolypin tại Bộ Nội vụ, phàn nàn rằng đúng là không thể ngăn cản các thống đốc phá hoại công việc của bộ mình vì họ có người chống lưng cao chót vót ở triều đình: ‘một người có bà dì thân thiết với Hoàng hậu, người kia có bà con với một quan chức khủng trong triều, và người thứ ba có anh họ là một Đại Công tước. Quyền lực phi thường của một vị thống đốc xuất phát từ việc họ là kinh lược riêng của Sa Hoàng: họ hiện thân nguyên tắc chuyên chính trong tỉnh. Hai vị sa hoàng cuối cùng của Nga đặc biệt cực lực chống lại ý tưởng lắp ghép các thống đốc vào bộ máy hành chính bởi vì họ coi các thống đốc như là người ủng hộ trung thành nhất của mình và bởi vì, nói theo lời của Richard Robbins, ‘như là đại diện cá nhân của Hoàng đế, các thống đốc giúp giữ cho các hoàng đế khỏi trở nên phụ thuộc vào các bộ trưởng và cho họ mối dây trực tiếp với các tỉnh lỵ và nhân dân’. Hai phản cải cách của Alexander III, vào năm 1890 và 1892, làm gia tăng rất nhiều quyền lực của thống đốc đối với zemtvos và các bộ phận phường xã. Như con minh, Alexandet thấy đây là một cách để tiến sát hơn đến điều hoang tưởng là cai trị trực tiếp nước Nga từ ngai vàng. Nhưng kết quả là sự hỗn loạn trong hành chính tỉnh lỵ: các thống đốc, các phân cục của các bộ trung ương và các bộ phận bầu cử ở địa phương tất cả đều đấu đá nhau.
Quyền lực của chính quyền trung ương dừng hẳn lại ở 89 thủ phủ của các tỉnh lỵ nơi đặt văn phòng của thống đốc. Bên dưới đó không có chính quyền nhà nước thực sự nào cả. Không có uezd hoặc thị trấn hoặc huyện hoặc volost hoặc làng xã nào có các viên chức chính quyền hoạt động. Chỉ có một chuỗi các quan tòa thỉnh thoảng xuất hiện khi có sứ mệnh đặc biệt, thường là để thu thuế hoặc giải quyết xung đột địa phương, rồi sau đó biến mất lần nữa. Các vấn đề của nông thôn Nga nơi 85 phần trăm dân chúng sinh sống, các quan chức thành phố hoàn toàn không hề biết tới. ‘Chúng tôi biết về vùng quê Tula,’ Hoàng thân Lvov, chủ tịch của zemstvo Tula vào thập niên 1890, thổ lộ, ‘không nhiều hơn Trung Phi.’
Sự yếu kém cốt lõi của hệ thống sa hoàng là chính quyền địa phương. Sự kiện sống còn này thường bị che mờ bởi hình ảnh hoang đường về chế độ cũ toàn trị mà người cách mạng vẽ ra. Không có gì vượt xa sự thật hơn. Với mỗi 1,000 cư dân của Đế chế Nga chỉ có 4 viên chức nhà nước vào đầu thế kỷ, so sánh với 7.3 ở Anh và xử Wales, 12.6 ở Đức và 17.6 ở Pháp
Cảnh sát chính qui, ngược với nhu cầu chính trị, vô cùng nhỏ so với chuẩn Âu châu. Kinh phí của Nga dành cho cảnh sát tính theo đầu người không bằng phân nửa của Ý hoặc Pháp và không đến một phần tư của Phố.
Với số dân thôn quê 100 triệu người, Nga vào năm 1900 không có hơn 1852 hạ sĩ cảnh sát và 6,874 công an. Mỗi công an trung bình chịu trách nhiệm cho 50,000 dân trong hàng tá khu dân cư trải dài qua gần 2,000 dặm vuông. Nhiều người thậm chí không có ngựa hoặc xe ngựa. Đúng ra, từ năm 1903 có bổ sung lực lượng công an nông dân, khoảng 40,000 trong số đó được bổ nhiệm. Nhưng những người này không đáng tin cậy và, trong nhiều trường hợp, không làm gì nhiều để giảm bớt gánh nặng lớn dần của cảnh sát.
Không có các cơ quan hiệu quả của riêng mình trong vùng quê, chính quyền trung ương càng giao nhiều nhiệm vụ cho cảnh sát địa phương: không chỉ giữ gìn trật tự và duy trì luật pháp mà còn thu thuế, thi hành luật và sắc lệnh quân sự, áp đặt các quí định về sức khỏe và an toàn, thanh tra đường xá và dinh cơ, thu thập thống kê, và theo dõi tổng quát về ‘văn hóa công cộng’ (chẳng hạn bắt các nông dân rửa râu ria sạch sẽ). Tóm lại, cảnh sát được sử dụng như một công cụ hành pháp đa nhiệm. Họ thường là các đặc vụ duy nhất của nhà nước mà qua đó các nông dân tiếp xúc với nó.
Sự chậm tiến toàn diện của Nga – cơ bản thuế má nhỏ và giao thông nghèo nàn – phần lớn giải thích cho sự yếu kém của chính quyền cấp dưới này. Di sản chế độ nông nô cũng đóng góp một phần. Cho đến năm 1861 nông nô vẫn nằm dưới quyền tài phán của ông chủ quí tộc của họ và, miễn là họ trả đủ thuế, nhà nước không can thiệp vào mối quan hệ của họ. Chỉ sau khi Giải phóng – và rồi rất chậm chạp – chính quyền sa hoàng mới nghĩ đến việc mở rộng ảnh hưởng của nó đến các ‘công dân’ mới trong làng mạc và tìm cách định hình một chính sách để giúp đỡ nông nghiệp phát triển.
Lúc đầu, vào thập niên 1860, chế độ đặt các vấn đề của khu vực nông thôn vào tay các quí tộc địa phương. Họ áp đảo các hội đồng zemstvo và chiếm gần ba phần tư ủy ban Zemstvo tỉnh. Các hội đồng quí tộc và các chủ tịch được bầu được giao các quyền hành quản trị rộng rãi, nhất là ở cấp độ huyện (uezd) nơi họ thực sự là những đặc vụ duy nhất mà chế độ sa hoàng trông cậy. Hơn nữa, các quan tòa mới được cho quyền tài phán rộng rãi, không giống như các người tiền nhiệm dưới chế độ nông nô, kế cả quyền phạt roi các nông dân phạm những khinh tội và hành vi bất chính.
Đối với chế độ, điều hợp lý là tìm cách đặt cơ sở quyền lực của nó trong các tỉnh lỵ vào giới quí tộc, đồng minh thân cận nhất của nó. Nhưng đây là một chiến lược nguy hiểm, và nguy hiểm càng lớn theo thời gian. Giới quí tộc có điền sản đang trong thời kỳ sa sút kinh tế trầm trọng trong những năm suy thoái về nông nghiệp vào cuối thế kỷ 19, và đang quay về zemstvos để bảo vệ lợi ích nông nghiệp địa phương chống lại bộ máy công nghiệp hóa và tập trung hóa của St Petersburg. Trong những năm tiến tới 1905 sự phán kháng này được biểu thị trong những điều khoản chủ yếu cấp tiến: nó được coi như để bảo vệ ‘xã hội tỉnh lỵ’, một thuật ngữ giờ mới được sử dụng lần đầu tiên và mở rộng một cách có ý thức để bao gồm lợi ích của giới nông dân. Phong trào zemstvo cấp tiến này lên đến tột đỉnh bằng yêu sách chính trị về quyền tự trị nhiều hơn cho chính quyền địa phương, cho một nghị viện quốc gia và một hiến pháp. Đây là khởi điểm của cách mạng: không phải trong phong trào xã hội chủ nghĩa hoặc lao động mà – như ở Pháp vào thập niên 1780 – trong khát vọng của đồng mình lâu đời nhất của chế độ, giới quí tộc tỉnh lẻ.
Luật Giải phóng đến như một cú sốc bất ngờ không chỉ cho kinh tế mà cũng cho toàn bộ nền văn minh tỉnh lỵ của tầng lớp quí tộc nhỏ. Bị tước đoạt hết nông nô của mình, hầu hết các quí tộc địa chủ lâm vào khánh kiệt. Rất ít người có thể đáp ứng với thách thức mới trong lãnh vực thương mại trong đó như các nhà nông – và hiếm hơn như các kỹ nghệ gia hoặc thương gia – từ đây họ bắt buộc phải sống còn. Toàn bộ thời kỳ trong khoảng 1861 và 1917 có thể được mô tả như là cái chết chậm của giới ưu tú nông thôn cũ mà hệ thống sa hoàng luôn luôn trông cậy.
Từ Gogol đến Chekhov, nhân vật địa chủ quí tộc mạt vận là hình ảnh nhan nhản của văn chương Nga thể kỷ 19. Ông ta là một ám ảnh về văn hóa. Vở kịch của Chekhov Vườn Sê-ri (1903) vang vọng một cách đặc biệt và tinh tế chủ đề quen thuộc về một giới quí tộc tỉnh lẻ đang lụi tàn: điền trang diễm lệ nhưng thua lỗ phải bán tháo cho một doanh nhân mới phát, lại là con trai của một người nông nô trên điền trang đó. Y liền đốn sạch vườn cây để cất nhà.
Hầu hết quí ông, như nhà Ranevsky trong vở kịch của Chekhov, cho thấy họ không có khả năng biến đổi điền trang của mình thành các nông trại sinh lợi một khi Luật Giải phóng đã tước đoạt của họ lao động nông nô không trả công và bắt buộc họ vào thế giới tư bản. Họ không đi theo bước của các Junker (Quí tộc) Phố. Kinh tế nông nô nước Nga cũ phần lớn không bao giờ được điều hành với chủ định sinh lợi. Các quí tộc thu được uy tín (và đôi khi chức vụ cao) từ số nông nô họ sở hữu – từ do có chuyện Chichikov trong truyện ngắn Dead Soul của Gogol (1842), đã đi khắp các điền trang Nga mua hết danh sách các nông nô quá cố mà cái chết của họ chưa được xử lý. – và từ sự khoa trương các thái ấp của mình hơn là sự thành công của trang trại. Ruộng đất của địa chủ hầu hết được canh tác bởi các nông nô với cùng công cụ và kỹ thuật canh tác cổ lỗ như họ sử dụng trên lô đất của riêng họ. Nhiều quí ông phung phí lợi tức nhỏ nhoi từ ruộng đất của mình vào những món xa xỉ đắt tiền nhập từ châu Âu thay vì đầu tư vào trang trại. Ít người chịu hiểu ra rằng thu nhập không phải là lợi tức.
Vào giữa thể kỷ 19 nhiều quí ông đã rơi vào cảnh nợ nần một cách tuyệt vọng. Vào năm 1859, một phần ba điền sản và hai phần ba nông nô mà các quí tộc sở hữu đã được cầm cố cho nhà nước và ngân hàng quí tộc. Việc này, hơn mọi thứ, giúp chính quyền cưỡng chế được luật Giải phóng chống lại việc phản kháng đáng kể từ giới quí tộc nhỏ. Không phải các điều khoản về việc giải phóng không thuận lợi cho giới điền chủ: họ nhận được tiền đền bù cho đất đai (thường là xấu) mà họ chọn để chuyển nhượng cho nông dân. *
* Theo điều khoản của luật Giải phóng nông nô bắt buộc phải trả cho đất mới được cấp qua sự dàn xếp cầm cố với nhà nước, còn nhà nước thì trả cho điền chủ đầy đủ và trực tiếp. Do đó, trong thực tế, các nông nô mua tự do của mình bằng cách trả hết nợ cho địa chủ.
Nhưng giờ đây các quí ông phải tự lập, bị tước đoạt công lao động và các công cụ và gia súc của nông nô. Họ không còn có thể sống một cuộc sống dễ dàng: sự sống còn của họ phụ thuộc vào thị trường. Họ phải trả tiền công cụ và lao động và học sự khác nhau giữa lợi tức và thua lỗ. Vậy mà hầu như họ không được chuẩn bị gì cho thách thức của chủ nghĩa tư bản. Phần đông họ đều như hề không biết gì về nghề nông hoặc kế toán và tiếp tục hoang phí như cũ, sắm sang các trang viên theo phong cách Đế chế Pháp và gởi các con trai mình đến các trường cao cấp đắt tiền nhất. Một lần nữa nợ nần chồng chất, bắt buộc họ phải cho thuê hoặc bán đứt trước tiên một hoặc hai lô đất, rồi sau đó nhiều lô hơn. Giữa các năm 1861 và 1900 hơn 40 phần trăm điền sản của giới quí tộc tỉnh lẻ đã được bán cho nông dân, mà cơn đói đất tăng vọt của họ, do sự bùng nổ dân số, dẫn đến giá đất tăng gấp 7 lần. Giá thuê đất cũng tăng tương tự, và vào năm 1900, hai phần ba đất trồng trọt của quí tộc nhỏ đã được cho nông dân thuê. Điều mỉa mai là sự mất giá nông sản trong thập niên 1880 và 1890, bắt buộc nông dân phải gia tăng diện tích canh tác, cũng làm quí ông có lợi khi bán hoặc cho thuê đất hơn là canh tác. Vậy mà dù có những món lợi cơ hội này, vào đầu thế kỷ 20 hầu hết quí ông đều thấy mình không thể sống theo cách họ đã quen thuộc. Các trang viên tân-cổ điển của họ, với các bức họa Ý và thư viện, phòng dạ vũ và những khu vườn đúng chuẩn, dần dần xuống cấp.
Không phải quí ông nào cũng muốn bị dồn đến chân tường. Nhiều người bắt đầu biến điền trang của mình thành những cơ sở làm ăn, và chính từ nhóm người này mà các con người zemstvo cấp tiến ra đời để thách thức chuyên chính trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ.
Hoàng thân G. E. Lvov (1861-1925) – người đã trở thành thủ tướng của nước Nga dân chủ vào năm 1917 – là kiểu mẫu loại người này. Dòng họ Llov là một trong những dòng họ lâu đời nhất của quí tộc Nga. Trở về nguồn cội của 31 thể hệ trước chính là dòng họ Rurik, người sáng lập ‘nhà nước’ Nga. Popovka , nhà tổ của dòng họ Llov, ở tỉnh Tula, cách Moskow không đến 120 dậm – nhưng với đường xá cổ xưa của Nga ít nhất phải đi mất hai ngày bằng xe ngựa. Điền trang Tolstoy ở Yasnaya Polyana chỉ cách đó một vài dặm, và nhà Lvov coi nhà văn như một trong số các bạn thân nhất. Trang viên ở Popovka khá hoành tráng khi, với chỉ 1,000 mẫu, ở nước Nga được coi là nhỏ. Đó là một tòa nhà hai tầng, xây theo kiểu Đế chế thập niên 1820, với hơn 20 phòng, trần cao, cửa đúp, nhìn sáng một khu vườn đúng chuẩn trồng hoa hồng và các pho tượng cổ điển ở mặt trước. Phía sau nhà có công viên với một nhà nguyện bằng đá trắng rộng, một hồ nhân tạo, một vườn cam, một con đường trồng cây bu lô và một vườn cây ăn quả. Việc điều hành nhà cửa khá chuẩn đối với một quí tộc tỉnh lẻ thể kỷ 19. Có một quản gia người Anh tên ‘Cô Jenny’s (Anh ngữ là ngôn ngữ đầu tiên mà Lvov học đọc). Cha Lvov là một người cấp tiến-cải cách, một người của 1864 và tiêu hết tiền bạc vào việc giáo dục con cái. Năm người con trai – trừ người con gái duy nhất – được gởi đi học tại những trường tốt nhất ở Moscow. Sự xa hoa ở mức tối thiểu theo tiêu chuẩn hoang phí của tầng lớp quí tộc Nga: bàn ghế bằng gỗ dái ngựa theo kiểu Đế chế Thứ nhất, một hay hai cảnh trí kiểu Flemish thế kỷ 18; một vài con chó cho mùa săn vào thu; và một xe ngựa kiểu Anh với các con ngựa nòi; nhưng rất ít cái gây ấn tượng cho nhà Tolstoy bề thế hơn.
Vậy mà, thậm chí như thế, vào cuối thập niên 1870, nhà Lvov đã xoay sở để thanh toán hết món nợ hơn 150,000 rúp. ‘Khi chế độ nông nô bị bãi bỏ ,’ Lvov nhớ lại,’ngay lập tức chúng tôi lâm vào cảnh một địa chủ không có phương tiện sinh nhai theo kiểu quá quen thuộc trước đây.’ Gia đình phải bán hết hai điền trang khác một ở Chernigov được 30,000 rúp, một điền trang khác ở Kostroma được ít hơn một chút, cũng như một hãng bia ở Briansk và căn hộ ở Moscow. Nhưng chúng tôi vẫn còn nợ nần ngập đầu. Giờ chúng tôi phải chọn giữa việc bán Popovka hoặc làm nó sinh lời như một nông trại. Dù thiếu kinh nghiệm, và gặp phải tình trạng suy thoái nông nghiệp trầm trọng nhất trong hơn một thế kỷ, nhà Lvov dứt khoát chọn con đường thứ hai. ‘Ý tưởng phải bán ngôi nhà của tổ tiên là điều không thể nghĩ bàn,’ Lvov viết lại sau đó. Trang viên Popovka đã xuống cấp thảm hại sau hàng thập kỷ bỏ bê khi nhà Lvov đầu tiên trở lại đó để hoạt động đến nỗi ngay cả các nông dân làng lân cận cũng lắc đầu ngao ngán thương hại. Họ chung tay giúp đỡ họ sửa sang nhà cửa và phát hoang cỏ dại đã tràn ngập cánh đồng. Bốn người con trai lớn nhất điều hành trang trại – người cha đã quá già và bệnh hoạn không thể làm việc được – trong lúc Georgii đang học luật ở Đại học Moscow và chỉ trở về Popovka trong dịp lễ. Gia đình cho tất cả người làm nghỉ việc, giao tát cả việc nhà cho em của Georgii, và sinh hoạt như một nông dân thực thụ, ăn bánh mì cứng và súp bắp cải. Sau này khi nhớ lại thời gian này Lvov thấy nó như một cuộc giải phóng của chính mình – cuộc cách mạng bản thân – khỏi nền văn hóa của người địa chủ theo trật tự sa hoàng. ‘Nó lột khỏi con người chúng tôi lớp vỏ cứng ngoài cùng và biến chúng tôi thành người dân chủ. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ở giữa các quí tộc và lúc nào cũng gần gũi hơn với người nông dân.’ Dần dần, do quần quật chăm chỉ ngoài đồng ruộng, nhà Lvov phục hồi được điền trang . Họ học nghề nông từ những nông dân láng giềng và từ những tài liệu nông nghiệp do Georgii mua tận Moscow. Đất hóa ra thích hợp để trồng cỏ ba lá, và bằng cách chuyển từ trồng lúa, họ thậm chí bắt đầu tạo ra lợi nhuận ấn tượng. Vào cuối thập niên 1880 Popovka được cứu, tất cả nợ nần đã trả hết, và chàng Georgii vừa mới tốt nghiệp trở về để biến nó thành một trang trại thương mại. Ông thậm chí trồng một vườn cây ăn quả và xây dựng một xưởng đóng hộp gần trang trại để làm mứt táo cho thị trường Nga. Có gì thích hợp hơn để phản bác tầm nhìn của Chekhov về giới quí tộc nhỏ đang xuống dốc.
Hoàng thân Lvov trở thành một thành viên dẫn đầu của zemstvo Tula trong đầu thập niên 1890. Các lý tưởng và hạn chế mà ông chia sẻ với các ‘con người zemstvo’ sẽ để lại dấu ấn của chúng trong chính quyền mà ông cầm đầu giữa tháng ba và tháng 7 1917. Hoàng thân Lvov không phải là loại người mà ta hi vọng tìm thấy cầm đầu chính quyền cách mạng. Khi còn là một đứa trẻ ông đã mơ ước trở thành ‘một cán bộ lâm nghiệp và sống tự lập ở trong rừng.’ Khía cạnh bí ẩn của cá tính này của ông – một loại tự nhiên chủ nghĩa kiểu Tolstoy – không hề tắt ngấm.
Ekaterina Kuskova nói rằng ‘trong một cuộc trao đổi ông có thể nói say sưa về chủ nghĩa thần bí và rồi sau đó liền quay về giá cả khoai tây’. Về khí chất ông thích hợp với các nhà hoạt động zemstvo hơn là thế giới cắt cổ của chính trị đảng phái hiện đại. Hoàng thân nhút nhát và khiêm nhường, hoà nhã và dè dặt, và hoàn toàn không có khả năng sai khiến người ta bằng thứ gì khác hơn là uy quyền đạo đức thuần túy. Trong số này không có gì là đức tính trong mắt của chính trị gia nhiều tham vọng hơn, luôn coi ông là thụ động, xám và lạnh. Gương mặt quí phái và buồn bã của Lvov, hiếm khi biểu lộ tình cảm hoặc phấn khich, càng khiến ông có vẻ xa cách hơn. Giới ưu tú ngạo nghễ xem Lvov là dân tỉnh lẻ, vô danh – lãnh tụ cấp tiến, chẳng hạn, gọi ông là ‘người có đầu óc đơn giản – và điều này làm sứt mẻ tiếng tăm của ông, khiến ông không được biết tới trong sử sách. Nhưng như vậy vừa là hiểu lầm vừa đánh giá thấp Lvov. Ông có đầu óc chính trị thực tiễn – nhào nắn bởi những năm tháng làm việc ở zemstvo toàn tâm cho việc cải thiện điều kiện nông thôn – và không phải là một lý thuyết gia như Miliukov. Nhà cấp tiến V. A
Obolensky, người biết Lvov rất rõ, tuyên bố rằng ông không bao giờ nghe ông ta đưa ra một nhận xét gì có tính lý thuyết. Ý thức hệ của giới trí thức hoàn toàn xa lạ với ông. Vậy mà tính thực tiễn này – điều mà Obolensky gọi là ‘óc sáng suốt bẩm sinh’ của ông – không nhất thiết khiến ông là một nhà chính trị tồi. Ông nắm chắc những vấn đề kỹ thuật, một túi lương tri và một khả năng xét đoán người hiếm có – đều là phẩm chất chính trị quí giá.
Lvov không chỉ là một nhà cách mạng không hứa hẹn: ông cũng là nhà cách mạng miễn cưỡng. Lý tưởng của ông được rút ra từ cuộc Đại Cải cách – ông được sinh ra một cách biểu tượng vào năm 1861 – và, trong lòng ông, ông luôn vẫn là người theo chủ nghĩa quân chủ cấp tiến. Ông tin rằng tầng lớp quí tộc có sứ mệnh phuc vụ vì lợi ích của nhân dân. Kiểu chủ nghĩa dân túy cha con này rất phổ biến trong những người zemstvo. Họ là những công bộc tận tụy và thiện chí, loại người lấp đầy các trang sách của Tolstoy và Chekhov, luôn mơ ước đem văn minh đển vùng quê tối tăm và lạc hậu. Là những đứa con cấp tiến của các địa chủ trước đây sở hữu nông nô, nhiều người trong số họ không nghi ngờ gì nữa, cảm thấy, bằng cách này, họ đang giúp trả lại món nợ đời với nông dân. Một số còn sẵn sàng hi sinh lớn lao. Lvov, chẳng hạn, mỗi năm bỏ ra ba thámg đi khắp làng mạc để thanh tra trường học và tòa án. Ông dùng một phần lợi tức của điền trang Popovka để xây một trường học và dựng một hệ thống nước cải tiến cho các làng gần đó. Dưới sự lãnh đạo của ông trong những năm 1890, zemstvo Tula trở thành một trong những zemstvo tiến bộ nhất trong xứ. Nó xây trường và thư viện; lập bệnh viện và nhà thương điên; xây mới đường xá và cầu cống; cung cấp những dịch vụ thú y và nông nghiệp cho nông dân; đầu tư vào thương mại và công nghiệp địa phương; tài trợ những chương trình bảo hiểm và tín dụng nông thôn; và, theo truyền thống cấp tiến nhất, hoàn thành những khảo sát thống kê đầy tham vọng để chuẩn bị cho những cải cách sâu rộng hơn nữa. Đó là một kiểu mẫu của sứ mạng zemstvo theo chủ nghĩa cấp tiến: thoát khỏi nạn lạc hậu và sự thờ ơ của cuộc sống tỉnh lẻ và thúc đẩy giới nông dân tham gia vào đời sống của quốc gia như những ‘công dân’.
Những hi vọng lạc quan của phe cấp tiến zemstvo, không cần phải nói, là không hề được thực hiện. Trông mong của họ là một công việc quá rộng lớn, hoàn toàn vượt quá năng lực có giới hạn của các zemstvo. Có một số thành tựu đạt được, nhất là trong giáo dục tiểu học, được phản ánh qua sự gia tăng tổng quát của chi tiêu zemstvo từ 15 triệu rúp mỗi năm vào 1868 đến 96 triệu rúp mỗi năm vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, mức chi tiêu tổng thể không phải là cao lắm, nếu xét phạm vi rộng rãi của các nhiệm vụ; và tỷ lệ thuế của địa phương đối với nhà nước (khoảng 15 phần trăm) vẫn còn rất thấp so với hầu hết châu Âu (nơi hơn 50 phần trăm). Hơn nữa, còn một vấn đề nền tảng – một vấn đề làm thất bại mọi dự án của phe cấp tiến – là làm thế nào kéo người nông dân vào hoạt động của zemstvo. Sau cuộc Giải phóng người nông dân được giữ cô lập trong cộng đồng làng xã mà không hưởng được quyền lợi về luật pháp bằng với quí tộc hoặc thậm chí quyền bầu cử các đại biểu trực tiếp vào zemtvo huyện. Họ coi các zemstvo như một định chế của giới quí tộc tỉnh và đóng thuế rất miễn cưỡng.
Nhưng một vấn đề thậm chí vô phương hơn cho các zemstvo là sự chống đối ngày càng lớn mạnh của chính quyền trung ương đối với hoạt động của họ dưới thời hai sa hoàng cuối cùng. Alexander III xem các zemstvo như một nơi nuôi dưỡng nguy hiểm chủ nghĩa cấp tiến. Phần đông các viên chức của họ đồng ý với điều này. Polovtsov, chẳng hạn, nghĩ rằng các zemstvo đã ‘mang vào một chủng hoàn toàn mới thuộc loại đô thị – các nhà văn, bọn cho vay, thư ký, và vân vân – vào vùng quê hoàn toàn xa lạ với người nông dân’. Chính quyền rất quan tâm về 70,000 người làm công chuyên môn của zemstvo – thầy giáo, bác sĩ, chuyên viên thống kê và nhà nông học – được hiểu như Yếu tổ Thứ ba. Tương phản với hai yếu tố đầu tiên của zemstvo (người quản trị và đại biểu được bầu), xuất thân chủ yếu từ giới quí tộc có điền sản, những người có chuyên môn này thường đến từ thành phần nông dân hoặc tầng lớp thấp hơn và điều này khiến chính kiến của họ có phần dân chủ và cực đoan. Khi số lượng của họ tăng lên trong thập niên 1880 và 1890, họ nhắm đến việc mở rộng sứ mạng xã hội của zemstvo. Thật vậy họ biến đổi chúng từ các cơ quan cho giới quí tộc tỉnh thành các cơ quan chủ yếu cho nông dân. Những dự án đầy tham vọng cho công cuộc cải cách nông nghiệp cải thiện sức khỏe và vệ sinh được tiến hành tiếp ngay sau nạn đói kém khủng khiếp đánh vào nông thôn Nga vào đầu thập niên 1890. Những điền chủ cấp tiến như Lvov đi cùng với họ. Nhưng các địa chủ lớn và bảo thủ hơn rất thù ghét việc tăng thuế mà những dự án như thế đòi hỏi – sau hơn một thập niên nông nghiệp thất bát nhiều người trong số họ đang rất ngặt nghèo về tài chính – và mở chiến dịch chống đối Yếu tổ Thứ ba. Họ tìm được một đồng minh hùng mạnh và có sẵn trong Bộ Nội vụ, mà từ khi Alexander bắt đầu trị vì đã mở chiến dịch để cản trở các trào lưu dân chủ trong chính quyền địa phương. Các Bộ trưởng tiếp theo của Bộ Nội vụ và các cảnh sát trưởng mô tả Yếu tổ Thứ ba là bọn cách mạng – ‘bọn khố rách’ nói theo lời của Plehve, Giám đốc Nha Cảnh sát và sau này là Bộ trưởng Nội vụ – đang sử dụng vị trí của họ trong zemtvo để khuấy động giới nông dân.
Đáp ứng lại sức ép của họ, một đạo luật được thông qua vào 1890 gia tăng sự thống trị của quí tộc điền chủ trong các zemstvo bằng cách truất quyền bầu cử của các chủ đất Do thái và gốc nông dân vào các hội đồng này. Nó cũng đưa các hoạt động của zemstvo dưới tầm kiểm soát của một văn phòng mới đặt ở tỉnh, cầm đầu là thống đốc tỉnh và phụ thuộc vào Bộ Nội vụ, được cho quyền phủ quyết rộng rãi về việc chỉ định nhân sự của zemstvo, ngân sách và ấn bản của zemstvo, cũng như hầu hết các quyết định hàng ngày của họ.
Trang bị những quyền lực bao trùm, Bộ và các đặc vụ tỉnh không ngừng ngăn trở hoạt động của zemstvo. Họ áp đặt những giới hạn gắt gạo ngân sách với lý do là một số chi tiêu không cần thiết. Một số cắt giảm này còn vô cùng nhỏ mọn. Zemtvo Perm, chẳng hạn, cấp ngân sách dành cho một chân dung của Bác sĩ Litvinov, giám đốc lâu năm của một bệnh viện tâm thần. Zemstvo Suzdai tương tự cũng bị trừng phạt vì sử dụng 50 rúp từ ngân quỹ dự trữ để giúp chi phí xây dựng thư viện. Cảnh sát cũng phong tỏa các hoạt động của zemstvo. Họ bắt giữ các nhân viên thống kê và nhà nông học gán là ‘bọn cách mạng’ và ngăn họ vào vùng quê. Họ bố ráp các cơ sở của zemstvo – kể cả bệnh viện và trại tâm thần – để lùng sục các ‘nghi can chính tri’. Họ thậm chí bắt giữ các nữ quí tộc dạy các trẻ con nông dân học đọc và viết trong giờ rãnh rỗi của họ.
Những phản cải cách trong thời trị vì của Alexander, trong đó đạo luật 1890 là viên đá đầu tiên, thật ra là một nỗ lực nhằm khôi phục quyền lực chuyên chế xuống chính quyền địa phương. Thống đốc tỉnh, mà quyền lực của ông bao trùm các zemstvo và các bộ phận tỉnh đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều nhờ các phản cải cách, sẽ đóng vai một sa hoàng nhỏ. Với mưu tính tương tự, một chính sách phản cải cách khác là việc đặt ra chức vụ thanh tra điền địa vào năm 1889. Những thanh tra này vẫn còn là các đặc vụ trung tâm của chế độ sa hoàng ở vùng quê cho mãi đến năm 1917, mặc dù sau Cách mạng 1905 quyền lực của họ đã sút giảm một cách đáng kể. Được thống đốc bổ nhiệm và phụ thuộc vào Bô Nội vụ, 2000 thành tra điền địa, phần lớn thuộc tầng lớp quí tộc nhỏ, được ban cho các quyền hành rộng rãi về hành pháp và tư pháp đối với nông dân, vốn coi họ như ‘sa hoàng nhỏ’. Quyền của họ bao gồm quyền bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng làng xã, bãi nhiệm các viên chức nông dân được bầu, và ra quyết định các tranh chấp tư pháp. Cho đến 1904 thậm chí họ còn có thể ra lệnh phạt roi nơi công cộng cho các nông dân có hành vi phạm pháp nhỏ, như (và đây là thường nhất) xâm phạm đất đai quí tộc hoặc không đóng thuế. Thật khó để đánh giá quá đáng tác động tâm lý của hình phạt đánh roi nơi công cộng này – nhiều thập niên sau ngày Giải phóng – đối với tâm thức người nông dân. Nhà văn nông dân Sergei Semenov (1868-1922), mà ta sẽ gặp rất thường trong tác phẩm này, viết rằng các bạn bè nông dân của ông thấy các thanh tra điền địa như thấy lại ‘ thời nông nô đang trở lại, khi các chủ điền làm chúa tể thôn làng’.
Senen Kanatchikov, con một nông dân khác mà chúng ta sẽ gặp lại, cũng cất lên tiếng kêu bắt mãn trước cách đối xử phong kiến đối với nông dân. Một nông dân, đã bị bắt vì không ngã nón chào một thanh tra điền địa trong khi anh ta đang diễn thuyết với dân làng, hỏi Kanachikov: ‘Một nông dân nghèo là cái thá gì đối với quí ông? Tai sao y tệ hơn một con chó. Ít nhất một con chó có thể cắn, còn người nông dân thì khúm núm, sợ sệt và chịu đựng mọi thứ.’
Lo âu trước hình ảnh tác tệ mà các thanh tra điền địa gây ra cho chế độ ở vùng quê, nhiều viên chức hành chính có đầu óc cấp tiến hơn ,- và thậm chí một số người bảo thủ – thúc ép bãi chức họ trong thập niên đầu của thời Nicholas trị vì. Họ chỉ ra trình độ thấp kém của các thanh tra điền địa – thường là những sĩ quan về hưu hoặc con trai bất tài của các quí ông địa phương quá vô dụng để có thể thăng tiến qua nấc thang quan chức bình thường – và cảnh báo rằng thái độ hống hách và sẵn sàng phạt roi của họ có thể kích động nông dân nổi dậy. Nhưng Nicholas không thèm nghe lời nào của họ. Ông coi các thanh tra điền địa như những gia nhân hiệp sĩ đại diện cho quyền lực của mình ở nông thôn. Họ cho phép ông kết nối trực tiếp với nông dân – một kết nối mà bức tường quan liêu đã phong tỏa – và giúp ông thực hiện ước mơ của một nhà nước chuyên chế kiểu Muscovite. Qua quyền lực của họ ông nhắm đến việc phục hưng trật tự xã hội truyền thống, với giới quí tộc địa phương đứng đầu, nhờ đó có thể phản công lại các trào lưu dân chủ của thế giới hiện đại.
Cuộc phản cải cách của thời Alexander là điểm ngoặt quyết định trong lịch sử buổi trước cách mạng. Nó đặt cho chế độ sa hoàng và xã hội Nga vào con đường của mối xung đột dâng cao và, đến một mức nào đó, bùng phát những sự cố xảy ra giữa 1905 và 1917. Phản ứng của giới cầm quyền chống lại các zemstvo – như phản ứng của giới quí tộc nhỏ tinh lỵ chống lại dân chủ mà nó trở nên liên hiệp – cả hai đều có chủ định và đã thành công trong việc loại bỏ quần chúng nhân dân ra khỏi lãnh vực chính trị. Giấc mơ tự do của ‘Con người 1864’ – muốn biến đổi nông dân thành công dân và mở rộng nền tảng của chính quyền địa phương – đã thất bại khi triều đình và các đồng minh của nó quyết khẳng định lại hệ thống gia trưởng xưa cũ, mà đứng đầu là Sa Hoàng, quan lại và các hiệp sĩ, trong đó các nông dân, như trẻ con và bọn man rợ, quá thấp kém để có thể đóng một vai trò tích cực. Sự qua đời của sự nghiệp cấp tiến không hoàn toàn rõ ràng cho đến khi các cải cách của Thủ tướng Stolypin thất bại – mà trên hết là các dự án thành lập một zemstvo cấp phường xã do giới nông dân điều hành – giữa những năm 1906 và 1911. Nhưng kết cục của nó thì đã rõ ràng trước đó rất lâu. Như các nhà tiên phong của họ đã chỉ ra, các zemstvo là các định chế duy nhất có khả năng tạo ra một cơ sở chính trị cho chế độ ở thôn quê. Nếu họ được cho phép đưa nông dân vào hệ thống chính trị địa phương, thể thì có lẽ hố ngăn cách cũ giữa ‘hai nước Nga’ (theo cụm từ nổi tiếng của Herzen), giữa nước Nga viên chức và nước Nga nông dân, ít nhất có thể đã được thu hẹp nếu không muốn nói là được bắt nhịp. Hố ngăn cách này định hình toàn bộ tiến trình của cách mạng. Không có vai vế trong hệ thống cai trị cũ, giới nông dân vào năm 1917 không chần chừ gì mà không đứng lên quét đi toàn bộ nhà nước, từ đó tạo ra một khoảng trống chính trị cho người Bôn-se-vich nắm lấy quyền lực. Chế độ sa hoàng trong ý nghĩa này đã tự tay hủy diệt mình và tạo điều kiện cơ bản cho thắng lợi của chủ nghĩa Bôn-se-vich.
Chương 3. Tàn Tích của một Quân Đội Phong Kiến
‘Tôi xin hứa và tuyên thệ trước Đức Chúa Toàn Năng, trước Thánh Kinh của Người, sẽ phục vụ Ngài, Đức Vua Tối cao, một cách trung thực và trung thành, sẽ tuân phục người trong mọi việc, và sẽ bảo vệ vương triều của người, không tiếc thân thể, cho đến giọt máu cuối cùng.’ Mỗi người lính đều đọc lời tuyên thệ này khi bước vào quân đội hoàng gia. Chính là đối với Sa Hoàng và sự bảo toàn vương triều của ông hơn là đối với nhà nước hoặc thậm chí đối với quốc gia mà người lính phải thề thốt lòng trung thành. Mỗi người lính phải làm mới lại lời tuyên thệ này vào dịp đăng quang của mỗi Sa hoàng mới. Quân đội Nga đích thân thuộc về Sa Hoàng; các sĩ quan và binh sĩ thực tế là tôi tớ của ông.
Nguyên tắc gia trưởng này sống trong quân đội lâu hơn trong bất kỳ định chế nào của nhà nước Nga. Không có gì gần gũi với triều đình Romanov hoặc quan trọng với nó hơn là giới quân sự. Quyền lực của Để chế xây dựng trên nó, và các nhu cầu của quân đội và hải quân luôn chiếm ưu tiên trong việc hoạch định chính sách nhà nước. Tất cả các cải cách quan trọng nhất trong lịch sử Nga đều có động lực từ nhu cầu bắt kịp và cạnh tranh trong chiến tranh với các đối thủ của Đế chế ở tây và nam: các cải cách của Peter Đại để đều được thực hiện trong khoảng các cuộc chiến với Thụy Điển và Ottoman; những cải cách của Alexander II sau cuộc thất bại quân sự ở Crimea.
Triều đình mang đậm nét của phong cách quân sự. Kể từ cuối thế kỷ 18 các sa hoàng đã thành thói quen theo nền nếp quân đội trong gia đình. Hoàng gia được điều hành như một ban tham mưu, với Sa Hoàng là Tổng Tư lệnh, tất cả triều thần được phân chia theo cấp bậc, và các con trai được ghi danh vào đoàn Vệ bình, ngày từ nhỏ phải theo khuôn phép có khi rất gắt gao mà chúng sẽ phải gặp trong môi trường quân đội, để khắc sâu các nguyên tắc kỷ luật và sự phục tùng được coi là những phẩm chất cần thiết để cai trị. Chính Nicholas rất nhiệt tình đối với Vệ binh. Những ký ức đằm thắm nhất của ông là thuộc về thời trai trẻ vô tư khi làm Đại tá trong Trung đoàn Preobrazhenski. Ông rất mê các cuộc diễu hành quân sự và không tiếc chi tiêu các dãi viền vàng cho binh sĩ mình. Thậm chí ông còn phục hồi một số trang trí giống như sân khấu cho các quân phục của các trung đoàn Vệ bình ưu tú mà Alexander III đã bãi bỏ để tiết kiệm. Nicholas thì liên tục thay đổi loạn xạ quân phục các đơn vị ông ưa chuộng – ở đây thêm một nút, ở kìa một núm tua khác – như thế ông còn chơi các binh lính đồ chơi của thời nhỏ. Tất cả con gái của ông, cũng như con trai duy nhất, được ghi tên vào các trung đoàn Vệ bình. Vào những ngày lễ hoặc sinh nhật họ mặc quân phục và tiếp các phái đoàn sĩ quan. Họ xuất hiện tai các cuộc diễu binh và diễn tập, tiễn bình lính lên đường, trao quân kỳ, dự tiệc trung đoàn, lễ kỷ niệm các trận đánh và các nghị lễ khác. Các sĩ quan Vệ bình thuộc Ngự lâm tháp tùng theo ông mọi nơi họ đi, được đổi xử gần như là người của gia đình Romanov. Không nhóm nào khác gần gũi và trung thành với bản thân Sa Hoàng hơn thế.
Nhiều sử gia mô tả quân đội như một thành trì vững chắc của chế độ sa hoàng. Đó cũng là quan điểm của phần đông quan sát viên cho đến cách mạng. Thiếu tá Bọn Tettau của Tống Tham mưu Đức viết vào năm 1903, chẳng hạn, rằng người lính Nga ‘luôn luôn quên mình và trung thành với nhiệm vụ ‘ theo một cách ‘hiếm thấy ở các quân đội nào trên thế giới’. Y làm ‘mọi việc với một quyết tâm’ và luôn luôn ‘khiêm tốn, hài lòng và vui vẻ – cho dù sau khi đã lao động cực nhọc và trong tình trạng thiếu thốn. Nhưng sự thật đã có những căng thẳng đang lớn dần giữa quân đội – trong mọi cấp bậc – và chế độ Romanov.
Đối với các chỉ huy quân đội cội rễ của vấn đề nằm trong thành tích tệ hại của quân đội trong thế kỷ 19, mà nhiều người trong số họ đổ lỗi cho các chính sách của chính quyền. Vụ thất trận tại Crimea (1853-6), tiếp theo là chiến dịch đắt giá chống Thỗ (1877-8), và rồi vụ thất trận nhục nhã trước Nhật – lần đầu tiên một cường quốc Âu châu đã đánh thua một nước Á châu – vào năm 1904-5, khiến quân đội và hải quân mất hết nhuệ khí. Các nguyên nhân của sự yếu kém quân sự của Nga một phần vì kinh tế: các tài nguyên kỹ nghệ không theo kịp các nhiệm vụ quân sự trong một thời đại có sự cạnh tranh gia tăng giữa các đế chế. Nhưng sự thiếu năng lực này cũng có nguồn gốc chính trị: vào cuối thế kỷ 19 quân đội dần dần mất chỗ đứng ở tốp đầu trong ưu tiên chi phí quốc phòng. Việc thua trận Crimea khiến các dịch vụ quân đội mất tiếng và làm nổi bật nhu cầu xoay chuyển các tài nguyên từ quân sự sang hiện đại hoá kinh tế. Bộ trưởng Chiến tranh đánh mất vị trí sủng ái từng giữ được dưới chính quyền Nicholas I (1825-55) và trở nên lu mờ trước Bộ Tài chính và Nội vụ, mà từ thời điểm này trở đi cùng chia nhau phần lớn nhất trong ngân sách nhà nước. Giữa 1881 và 1902 chi phí quân sự giảm từ 30 đến 18 phần trăm.
Mười năm trước Thế chiến I quân đội Nga tiêu tốn cho 57 phần trăm chi phí mỗi người lính so với quân đội Đức, và chỉ 63 phần trăm số với quân đội Áo. Tóm lại, lính Nga ra trận được huấn luyện tồi hơn, được trang bị tệ hơn và được phục vụ kém hơn kẻ thù. Quần đội thiếu tiền đến nỗi phải trông cậy phần lớn vào kinh tế nội bộ để lo ăn và mặc. Bình lính phải tự trồng trọt cây lương thực và cây thuốc lá, và tự sửa chữa quân phục và giày ống của mình. Họ thậm chí kiểm tiền cho đơn vị bằng cách lao động theo mùa trên các trang trại, trong hảng xưởng và hầm mỏ ở gần doanh trại. Nhiều binh sĩ bỏ ra nhiều thời gian trồng trọt hoặc sửa giày hơn là học cách sử dụng súng ống. Bằng cách cắt giảm ngân sách quân sự, chế độ sa hoàng tạo ra một quân đội gồm những nhà nông và thợ chữa giày.
Việc quân đội mất tinh thần cũng có liên hệ đến vai trò dẹp các cuộc chống đối của dân chúng ngay càng tăng. Đế chế Nga bao phủ bởi một mạng lưới các doanh trại. Công việc của chúng là cung ứng sự trợ giúp quân sự nhiều ít cho các thống đốc hoặc cảnh sát để giải quyết bạo loạn. Giữa những năm 1883 và 1903 bình sĩ được phái đi gần 1,500 lần. Các sĩ quan cay đắng phàn nàn là nhiệm vụ cảnh sát này không xứng đáng với phẩm chất của một quân nhân chuyên nghiệp, và rằng nó làm xao nhãng quân đội khỏi mục đích quân sự thích đáng. Họ cũng cảnh báo hiệu quả tác hại mà chắc chắn nó gây ra cho kỷ luật quân đội. Lịch sử đã chứng minh họ đúng. Đại đa số binh lính là nông dân, và tinh thần của họ dao động khi nghe các tin tức nhận được từ làng thôn của mình.
Khi quân đội được triệu tập để dẹp các cuộc nổi dậy của nông dân những năm 1905-06 nhiều đơn vị, nhất là bộ binh nồng cốt là nông dân, không chịu vâng lời và nổi loạn ủng hộ phe cách mạng. Có hơn 400 cuộc nổi dậy giữa mùa thu 1905 và mùa hè. 1906. Quân đội đi tới bờ vực sụp đổ, và phải mất nhiều năm mới phục hồi được kỷ cương.
Nhiều cuộc nổi dậy này là một phần của cuộc đối kháng toàn bộ chống lại các tình trạng quan liêu tràn lan trong quân ngũ. Tolstoy, người từng phục vụ trong quân đội với tư cách sĩ quan trong cuộc chiến Crimea, mô tả họ trong tác phẩm cuối cùng Hadji-Murad. Binh lính nông dân, đặc biệt, chống đối cách thức sĩ quan của họ xưng hô với họ bằng tiếng ‘anh” (tyi) thường dùng cho lũ mèo chó và trẻ con thay vì tiếng ‘anh’ (vyi) lịch sự. Đó là cách xưng hô mà ngày trước các địa chủ sử dụng với các nông nô của mình; và vì phần đông các binh sĩ là con cái của các nông nô thuở trước, lối xưng hô này khiến họ có cảm nghĩ thời phong kiến trước đây vẫn tiếp tục trong quân đội. Việc đầu tiên mà người tân binh khí gia nhập quân ngũ phải làm là học thuộc các cách xưng hô khác nhau đối với sĩ quan cấp trên: ‘Your Honour’ cho tới cấp tá; ‘Your Excellency’ cho cấp tướng; ‘Your Radiance’ cho các sĩ quan có chức tước. Các đại tá và tướng không chỉ phải chào tay mà còn đứng nghiêm quay mặt đi đợi cho sĩ quan đi qua một số bước quí định trước nào đó. Người lính được huấn luyện phải trả lời cho cấp trên theo các cụm từ tôn kính qui định trước: ‘Không có chi, Your Honour’; ‘Hân hạnh phục vụ, Your Exellence.’ Bất kỳ sự lệch lạc nào cũng phải bị trừng phạt. Người lính có thể bị đấm vào mặt, vào mồm bằng bá súng và thậm chí bị đánh roi vì những lỗi sai phạm nhỏ nhặt. Các sĩ quan được phép sử dụng một số cụm từ thóa mạ – như ‘đồ rác rưởi’ và ‘đồ khốn’ – để sĩ nhục bình lính dưới quyền. Thậm chí trong khi rảnh rỗi người lính cũng bị tước đoạt những quyền lợi của một công dân bình thường. Y không thể hút thuốc nơi công cộng, vào tiệm ăn hoặc nhà hát, đi xe điện, hoặc chiếm một chỗ ngồi trong tòa tàu hoả hạng nhất và hạng nhì. Các công viên treo các bảng yết thị : CHÓ VÀ BINH LÍNH KHÔNG ĐƯỢC VÀO. Quyết tâm của binh lính cởi bỏ ‘kiếp nông nô quân ngủ’ này và lấy lại nhân phẩm của một công dân đã trở thành câu chuyện chính yếu của cách mạng.
Không chỉ có bộ binh gốc nông dân mới tham gia nổi dậy sau 1905. Thậm chí một số kỵ binh Cô-giắc – vốn là hình tượng cho lòng trung thành với Sa Hoàng kể từ đầu thế kỷ 19 – cũng gia nhập phe nổi dậy. Người Cô-giắc có một mối bất bình đặc biệt. Từ thế kỷ 16 họ đã phát triển thành một tầng lớp quân nhân ưu tú, mà trong thế kỷ 19 nằm dưới quyền điều khiển của Bộ Chiến tranh. Để trao đổi với việc phục vụ quân sự của mình, người Cô-giắc được ban cho những hợp đồng béo bở về đất đai phì nhiêu – chủ yếu ở biên giới phía nam nơi họ phải bảo vệ (vùng Don và Kuban), và các thảo nguyên phía đông – cũng như sự tự do đáng kể về chính trị cho các cộng đồng tự trị của họ (các yoisko). Tuy nhiên, trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 chi phí trang bị cho kỵ binh cúa chính họ, nào mua yên cương và ngựa chiến, theo như hợp đồng, càng ngày càng trở thành gánh nặng. Nhiều trại chủ Cô-giắc, đã từng chiến đấu trong cơn suy thoái, giờ phải bán một phần gia súc để hoàn thành nghĩa vụ và trang bị cho con trai tham gia. Các voisko càng ngày càng yêu sách nhiều hơn – cả về kinh tế lẫn chính trị – như cái giá cho việc phục vụ quân sự của họ. Họ bắt đầu dâng cao ngọn cờ ‘chủ nghĩa dân tộc Cô-giắc’ – một hình thức nhỏ mọn cục bộ của lòng ái quốc địa phương dựa trên quan niệm về một thượng đẳng sắc tộc của người Cô-giắc đối với giới nông dân Nga, và ký ức về một quá khứ huyền thoại xa xưa khi người Cô-giắc được tự trị qua các hội đồng bô lão xưa kia và các ataman được họ bầu lên.
Cách chính quyền đối xử với quân đội gây bất mãn cho một số tướng lãnh ưu tú trong quân đội Nga. Sự chống đối mạnh nhất đến từ các thế hệ mới của cái gọi là chuyên gia quân sự xuất hiện từ các sĩ quan và Bộ Chiến tranh trong những thập niên cuối cùng của chế độ cũ. Nhiều người trong số họ tốt nghiệp từ các trường quân sự Junker, vừa được mở và khôi phục ngay sau thảm bại Crimea nhằm củng cấp một phương tiện cho con trai các thường dân tiến lên cấp bậc cao hơn. Các sĩ quan võ bị dâng hiến cho sự hiện đại hoá quân đội, họ chỉ trích cay cú các học thuyết quân sự lỗi thời của các học viện ưu tú và của Bộ Tổng Tham mưu. Đối với họ các ưu tiên chính của triều đình hình như là việc bổ nhiệm các quí tộc trung thành với Sa Hoàng, các chức vụ cao tột, và việc đổ tiền vào kỵ binh mà giờ đây trong thời hiện đại phần lớn có tính cách trang trí, biểu diễn. Họ lập luận, ngược lại, rằng phải chú ý nhiều hơn đến các kỹ thuật mới – pháo hạng nặng, súng máy, xe vận tải, thiết kế giao thông hào và không lực – sẽ có vai trò quyết định trong các cuộc chiến sắp đến. Sự căng thẳng về việc hiện đại hoá chính trị của chế độ cũng thấy rõ trong quân đội như trong các định chế khác của chế độ cũ.
Alexei Brusilov (1853-1926) là điền hình của quan điểm chuyên nghiệp mới. Ông có lẽ là vị chỉ huy tài ba nhất mà chế độ cũ sản sinh ra trong những thập niên cuối cùng; vậy mà, sau 1917, ông làm nhiều hơn bất kỳ ai khác mang lại chiến thắng cho người Bôn-se-vich. Vì việc này mà về sau ông ta bị các di dân Nga Trắng bôi nhọ là ‘tên phản bội nước Nga’. Nhưng toàn bộ sự nghiệp phi thường của ông – từ thời gian phục vụ lâu dài dưới vai trò một vị tướng cho quân đội hoàng gia cho đến khi ông là chỉ huy đạo quân Kerensky vào năm 1917 và cuối cùng đến những năm làm cố vấn cao cấp cho Hồng quân – đều hiển dâng cho công cuộc vệ quốc. Trên nhiều phương diện cuộc đời cay đắng của Brusilov, mà chúng ta sẽ lướt qua trong toàn bộ sách này, biếu trưng cho bị kích của giai cấp mình.
Không có gì trong bối cảnh của Brusilov hoặc những năm thời trẻ cho biết trước con đường cách mạng mà ông sẽ bước vào. Thậm chí về thể hinh, với các đặc điểm như cáo xinh đẹp và râu mép duyên dáng, ông có nhân dạng của một vị tướng sa hoàng thế kỷ 19 điển hình. Một người bạn mô tả ông là một ‘người cao trung bình với những đặc điểm khả ái và một cung cách dễ chịu nhưng với một dáng vẻ oai vệ khiến, khi ai nhìn ông, đều cảm thấy quí mến đồng thời cũng sợ sệt’. Brusilov xuất thân từ một gia đình quí tộc Nga lâu đời có truyền thống quân đội. Một ông tổ của ông vào thế kỷ 18 từng nổi danh trong trận đánh cho miền Ukraine chống người Ba Lan – một chiến công mà ông sẽ bắt chước vào năm 1920 – và nhờ việc này gia đình đất phì nhiêu rộng lớn ở vùng Ukraine. Lúc 19 tuổi ông tốt nghiệp trường Corps des Pages, học viện quân ưu ưu tú nhất, nơi các sĩ quan được đào tạo cho Đội Vệ bình Hoàng gia. Ông gia nhập Trung đoàn Dragons of the Tver (Các con rồng vùng Tver) trong miền Caucasus và chiến đấu ở đấy rất nổi danh, được thưởng một số huy chương, trong cuộc chiến chống quân Thổ vào 1877-8, trước khi trở lại St Petersburg và ghi tên vào Trường Hạ Sĩ quan Vệ bình và Kỵ bình Junkers, nơi ông tiến lên để trở thành một trong những chuyên gia về kỵ binh hàng đầu. Không có gì ngạc nhiên, với một nền tảng như thế, bản năng ông hẳn đã chia sẻ những thái độ và thành kiến cơ bản với bạn bè. Ông là một theo chế độ quân chủ, một nhà quốc gia Nga Vĩ đại, một chỉ huy nghiêm khắc với bình sĩ và một gia trưởng trong gia đình. Trên hết, ông là người ngoan đạo, thậm chí thần bí, tin vào Chính thống giáo. Chính nhờ điều này, theo lời vợ ông, đã cho ông sự bình thản và tự tin như huyền thoại ngay cả vào những thời điểm tai họa đang đến gần cho binh lính của mình.
Nhưng quan điểm của Brusilov thoáng hơn và thông minh hơn của những sĩ quan Vệ bình trung bình. Mặc dù xuất thân là một kỵ binh, ông là một trong số ít người nhận ra được ý nghĩa quân sự sút giảm của ngựa trong thời đại chiến tranh cơ giới áp đảo bằng dàn pháo, tàu hoả, điện thoại và vận chuyển cơ giới. ‘Chúng ta quá tải với kỵ binh,’ sau này ông nhớ lại trong hồi ký của mình, ‘ nhất là khi đánh nhau bằng giao thông hào đã thay thế lối đánh lộ thiên.’
Ông tin rằng mọi thứ phải lệ thuộc vào mục tiêu chuẩn bị cho quân đội hoàng gia kiểu chiến tranh hiện đại. Điều này không thể tránh khỏi là phải hi sinh sự thống trị của kỵ binh cổ lỗ, và nếu cần thậm chí quyền lợi của triều đình, cho mục đích cao cả là bảo vệ Tổ quốc Nga. Trong lúc bẩm sinh là một người theo quân chủ, ông đặt quân đội lên trên chính trị, và lòng trung thành của ông với Sa Hoàng sút kém dần khi ông chứng kiến vương triều bị tác hại và hủy hoại bởi lãnh đạo của triều đình.
Sự bất mãn của ông với quân chủ kết thúc vào năm 1917 khi ông giao phó số phận của mình cho cách mạng. Nhưng cội rễ của sự ra đi này bắt nguồn từ những năm 1900, khi, như nhiều quân nhân chuyên nghiệp mới, ông thấy ra là sự thống trị quân đội của triều đình là trở ngại chính cho việc cải cách và hiện đại hoá chuẩn bị cho chiến tranh Âu châu mà, với mỗi năm trôi qua, hình như càng chắc chắn sẽ bùng nổ trên biên giới phía tây nước Nga. Điểm ngoặt quyết định là việc Tham mưu Trưởng không học được bài học về cuộc thất bại thảm khốc trong cuộc chiến Nhật 1904.-1905. Như nhiều sĩ quan, ông bất mãn chua chát cách thức quân đội bị bắt buộc phải lao vào chiến dịch này, cách tổ quốc 6,000 dặm và hoàn toàn không được chuẩn bị trước, bởi một nhóm nhỏ ở triều đình. Cuộc chiến ở Viễn Đông đã đưa đến sự suy sụp của các sức mạnh phòng thủ ở phía tây. Khi vào năm 1909, ông nắm quyền chỉ huy quân đoàn thứ 14 ở miền biên giới Warsaw quyết định, Brusilov chỉ thấy ‘tình trạng hỗn loạn và vô kỷ cương khắp nơi.:
Khi có lệnh động viên không có quân phục hoặc giày ống cho tân binh nhập ngũ, và những xe tải hư hỏng khi vừa cất bánh. Chúng tôi có súng máy, nhưng chỉ có 8 khẩu cho mỗi trung đoàn, và không có dàn kéo, trong trường hợp có chiến tranh phải kéo ra mặt trận bằng xe ngựa thôn quê. Không có dàn pháo howiitzer, và chúng tôi biết rằng đạn được thiếu thốn, cho pháo dã chiến hoặc cho súng trường. Tôi sau đó biết rằng tình trạng bê bối này có ở khắp nơi không chỉ ở Quân đoàn 14. Ngay lúc đó hoàn toàn không thể đánh nhau, cho dù nếu Đức tính đánh chiếm Ba Lan hoặc các tỉnh vùng Baltic.
Rất ít bình lính Nga được huấn luyện về chiến tranh giao thông hào. Các tướng cao cấp vẫn tiếp tục tin rằng kỵ binh sẽ đóng vai trò cốt lõi trong bất kỳ cuộc chiến sắp đến nào, như trong thế kỷ 18. Họ bác bỏ kế hoạch của Brusilov cho binh lính tập trận giả có pháo thật vì sợ tốn kém. Họ quan niệm việc huấn luyện chỉ là cho binh lính đi tới lui diễu hành và diễn tập, trông thì đẹp mắt và cho ta cảm giác kỷ luật và sự chính xác, nhưng để chuẩn bị cho chiến tranh hiện đại thì không có giá trị gì. Brusilov tin tưởng rằng lối tập luyện lạc hậu như thế là do triều đình và nhà vua thống trị bộ Tổng Tham mưu. Bọn người này thậm chí nghĩ rằng tất cả sư đoàn bộ binh có thể được chỉ huy bởi những thằng ngu đần và điên khùng miễn là chúng đã kinh qua các trường quân sự tiếng tăm dành riêng cho bọn quí tộc. Những thái độ như thế này xa lạ với những quân nhân võ bị chuyên nghiệp xuất thân từ trường Junker, và không như các đứa con hoang đàng của Tổng Tham mưu, đã leo lên cấp bậc bằng chính năng lực của mình. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà, như Brusilov, không phải chỉ có ít người họ sau này gia nhập Hồng quân.
Những bất mãn của những quân nhân chuyên nghiệp dần dần bắt buộc họ làm chính trị. Sự ra đời của Duma sau 1905 cho họ một cơ quan qua đó họ có thể biếu lộ sự chống đối của mình với cấp lãnh đạo quân sự của triều đình. Nhiều người tiến bộ hơn trong số họ, như A. A. Polinavov, Phụ tá Bộ trưởng Chiến tranh, gia nhập lực lượng với các chính trị gia cấp tiến ở Duma, như Alexander Gụchkov, mà, trong khi thảo luận về chi tiêu gia tăng cho quân đội và nhất là hải quân, muốn việc này liên kết với cải cách quân sự, bao gồm việc chuyển một số quyền kiểm soát từ triều đình tới Duma và chính quyền. Dần dà những chắc chắn, Sa Hoàng đang đánh mất quyền hành của mình đối với các phần tử tài năng nhất của giới ưu tú trong quân đội. Nicholas ra sức khẳng định lại ảnh hưởng của mình bằng cách bổ nhiệm quan triều trung thành và lịch sự V. A. Sukhomlinov, vào chức vụ Bộ trưởng Chiến tranh vào năm 1908. Trong cuộc khủng hoảng ở bộ tham mưu hải quân vào năm sau ông thực hiện một xô lớn khi bắt ép Duma và chính quyền công nhận quyền kiểm soát độc quyền tư lệnh quân đội. Nhưng lúc ấy đã quá trễ cho vị Sa Hoàng đế giành lại được trái tim và khối óc của những sĩ quan chuyên nghiệp như Brusilov. Họ đã hướng về Duma và tầm nhìn rộng lớn của nó về cải cách để phục hồi sức mạnh cho quân đội yêu quí của mình. Và đây là nguồn gốc của liên minh thời chiến giúp mang lại sự sụp đổ của Sa Hoàng.
Chương 4. Nước Nga Không-Quá-Thiêng Liêng
Chúa ban cho Sa Hoàng Chính thống giáo sức khỏe
Chúa phù trợ Thái tử Mikhail Fedorovich nắm giữ vương triều Muskovite
Và toàn bộ vùng đất Nga thiêng liêng
Theo lời bài hát phố biển, Mikhail Romanov được vua cha Filaret ban phước vào năm 1619 bằng lời cầu nguyện này, sáu năm sau khi lên ngôi vua nước Nga. Huyền thoại về ‘Vùng đất Nga Thiêng liêng’ là ý tưởng nền tảng của vương triều Muskovite khi nó được nhà Romanov phát triển từ đầu thế kỷ 17. Nền tảng của vương triều, như được trình bày trong tuyên truyền của lễ hội 1903, biểu tượng sự thức tỉnh của ý thức quốc gia Nga mới dựa trên Chính thống giáo. Mikhail Romanov, theo truyền thuyết cho biết, đã được toàn thể nhân dân Nga bầu lên tiếp sau cuộc nội chiến và sự can thiệp của Ba Lan trong Thời Kỳ Bất An (1598-1613). ‘Vùng đất Nga Thiêng liêng’ đoàn kết lại sau lưng vương triều Romanov, và Mikhail đã cứu nước Nga Chính thống giáo khỏi Thiên chúa giáo. Từ điểm này trở đi, ý tưởng về ‘Nước Nga thiêng liêng’, về một thành trì bảo vệ Chính thống giáo, đã trở thành huyền thoại chính thức của vương triều.
Không phải là ý tưởng về nước Nga thiêng liêng thiếu cơ sở nhân dân. Các bài dân ca và các thiên anh hùng ca Cô-giắc, đã nói về vùng đất Nga Thiêng liêng ít ra là ngay từ đầu thế kỷ 17. Tự nhiên là Cơ đốc giáo phải trở thành một biểu tượng của sự tự khẳng định nhất quán cho người Slav (tổ tiên người Nga) trên miền đất Eurasia luôn bị bọn Mông Cổ và Tatar xâm chiếm. Là một người Nga phải là người Cơ đốc và là một thành viên của Chính thống giáo.
Nhưng tại nơi mà huyền thoại nhân dân về nước Nga thiêng liêng đã thánh hoá con người và tập tục của họ, thì huyền thoại chính thức thánh hoá nhà nước mà hiện thân là Sa Hoàng. Moscow trở thành ‘La Mã thứ Ba’, kế thừa đi sản của Byzantine, thủ phủ cuối cùng của Chính thống giáo; và nước Nga đã trở thành một ‘vùng đất thiêng liêng’ được Chúa Trời chọn ra để cứu vớt nhân loại. Sứ mạng có tính tiên tri này cho phép các sa hoàng một vai trò tôn giáo độc tôn; để thuyết giảng về Lẽ Thực và chiến đấu với bọn ngoại giáo trên khắp thế giới. Hình ảnh của sa hoàng không chỉ là một vì vua, cũng chết như con người nhưng cai trị bằng thiên mệnh, như trong truyền thống trung cổ Tây phương; ông ta được Chúa Trời tạo dựng như một Chúa Trời trên mặt đất, được ơn trên phong làm nhà cai trị và một ông thánh. Có một truyền thống lâu đời ở Nga là phong thánh cho các hoàng thân đã hi sinh đời mình pro patris et fides (tiếng La Tinh trong nguyên bản, nghĩa là vì tổ quốc và lòng tin, như Michael Cherniavsky đã chứng tỏ trong nghiên cứu tuyệt vời của ông về huyền thoại Nga. Các sa hoàng sử dụng luật Giáo hội, mà không có nhà cai trị Tây phương nào làm, để truy bức các đối thủ chính trị của họ. Toàn bộ nước Nga trở thành một loại tu viện rộng lớn, dưới quyền cai trị của sa hoang-tu viện trưởng, nơi đó tất cả bọn ngoại giáo đều bị nhỗ đến tận gốc.
Chỉ dần dần từ thế kỷ 18 mà nền tảng tôn giáo này của quyền lực sa hoàng mới được thay thế bằng cơ sở thế tục. Peter Đại đế nhắm đến việc cải cách các mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước theo đường hướng tuyệt đối của phương Tây. Trong một nỗ lực bắt Giáo hội phụ thuộc vào nhà nước, việc quản trị nó được chuyển giao từ giáo trưởng sang Hội đồng Tôn giáo Thần thánh, một bộ phận gồm những người ngoài và giáo sĩ do Sa Hoàng bổ nhiệm
Vào thế kỷ 19 đại diện thể tục của nó, Tổng Đại diện, đã đạt tới vị thứ bộ trưởng đối với những vấn đề thuộc giáo hội, có quyền kiểm sát các bổ nhiệm giám mục, giáo dục tôn giáo và hầu hết ngân sách của giáo hội, mặc dù ngoại trừ những vấn đề về học thuyết thần học. Trong đa phần, Hội đồng Tôn giáo Thần thánh vẫn là công cụ trong tay Sa Hoàng. Vì quyền lợi của mình mà Giáo hội ngậm bồ hòn làm ngọt: trong nửa đầu của thế kỷ 18 giáo hội đã mất nhiều đất đai cho nhà nước và giờ phải trông cậy vào đất đai để nuôi sống 100,000 thầy tu và gia đình của họ.* Hơn nữa, sẽ sai khi cho rằng Giáo hội là cơ quan lệ thuộc của nhà nước. Hệ thống sa hoàng nương tựa vào Giáo hội cũng nhiều như Giáo hội trông cậy vào nhà nước: mối quan hệ của họ là lệ thuộc lẫn nhau. Trong một xứ sở nông nghiệp rộng lớn như Nga, nơi đa phần dân số là dốt nát, Giáo hội là vũ khí tuyên truyền chính yếu và là một phương tiện kiểm sát xã hội
* Không giống các giáo sĩ Thiên chúa giáo, các giáo sĩ Chính thống Nga được phép kết hôn. Chỉ có tăng lữ trong tu viện thì không.
Các giáo sĩ được yêu cầu từ bục giảng lên án mọi hình thức bất đồng chính trị và chống đối Sa Hoàng, và báo cáo cho cảnh sát về những phần tử lật đổ bên trong giáo khu, thậm chí nếu họ mới được tin ấy qua lời xưng tội. Họ gồng gánh nhiều bổn phận quản trị lặt vặt: giúp cảnh sát kiểm sát bọn du thủ, đọc những tuyên ngôn hoàng gia và chiếu chỉ; cung cấp cho giới thẩm quyền các thống kê về sinh đẻ, người chết và hôn nhân được đăng kí trong sổ giáo xứ, và vân vân.
Qua 41,000 trường đạo tăng lữ Chính thống giáo cũng được trông cậy sẽ dạy dỗ con cái nông dân lòng trung thành, tôn kính và tuân phục không chỉ Sa Hoàng mà còn các viên chức của họ, cũng như người cao tuổi và người tốt. Sau đây là một đoạn trong sách giáo lý ở trường do Hội đồng Tôn giáo soạn thảo:
Hỏi: Chúng ta biểu lộ lòng kính trọng của chúng ta đối với Sa Hoàng ra sao?
Đáp: 1. Chúng ta nên trung thành hoàn toàn với Sa Hoàng và sẵn sàng hi sinh mạng sống cho ngài
- Chúng ta sẽ hoàn thành không chống đối các mệnh lệnh của ngài và tuân thủ các cấp có thẩm quyền do ngài bổ nhiệm.
- Chúng ta sẽ cầu nguyện cho ngài được sức khỏe và cứu rỗi, và cũng cho tất cả Hoàng tộc.
Hỏi: Chúng ta nghĩ gì về những người vi phạm bổn phận của mình đối với Hoàng thượng?
Đáp: Họ có tội không những trước Hoàng thượng, mà còn trước Chúa Trời.
Lời Chúa nói, ‘Do vậy bất luận ai chống lại quyền lực, là chống lại Chúa Trời.’ (Rom. 13:2)
Về phần mình Giáo hội được ban một vị thứ ưu việt trong trật tự đạo lý của chế độ cũ. Chỉ mình Giáo hội được cho phép vô đạo và được làm công việc truyền bá trong Để chế. Các chính sách Nga hóa của chế độ giúp nâng cao lý tưởng Chính thống giáo: ở Ba Lan và các xứ vùng Baltic, chẳng hạn, 40,0000 giáo dân Thiên chúa và Luther được cải sang đạo Chính thống, dù chỉ trên danh nghĩa, trong thời trị vì của Alexander III. Giáo hội áp dụng một loạt những áp lực hợp pháp chống lại những giáo phái bất đồng, nhất là các Tin hữu Cũ (Old Believer). * Mãi đến năm 1905, vẫn còn là một điều vi phạm cho bất cứ ai trong Giáo hội Chính thống cải sang một đạo khác hoặc công kích trên báo chí Giáo hội. Tất cả sách vở về tôn giáo và triết học phải thông qua sự kiểm duyệt của Giáo hội
* Những Tín Hữu Cũ tẩy chai những cải cách về nghi thức tế lễ của Giáo trưởng Nikon vào những năm 1660 mà chính quyền đã cưỡng bách họ phải tuân theo. Trốn thoát để khỏi bị ngược đãi, phần đông họ đến định cư tại những vùng đất hẻo lánh ở Siberia cho đến ngày nay. Vào đầu thế kỷ 20 ước tính có đến 18 triệu tín hữu cũ. Những giáo phái chủ yếu khác, về tinh thần gần với thuyết Phúc Âm hơn, là phái Stundist (phái Báp tít), phái Dukhobortsy (Các Chiến Binh cho Tinh Thần) và phái Molokane (Những Người Uống Sữa). Họ có khoảng một triệu tín đồ. Nhiều giáo phái này có truyền thống bất đồng cực đoan, nên thường bị nhà nước ngược đãi.
Hơn nữa, có cả một loạt biện pháp xã hội và đạo lý nơi đó ảnh hưởng của Giáo hội vẫn còn thống trị và đôi khi ưu tiên hơn cả các thẩm quyền thế tục. Những trường hợp ngoại tình, loạn luân, thú tính và xúc xiểm được xét xử tại tòa án giáo hội. Nhưng cáo buộc đưa đến những hình phạt hoàn toàn có tính tôn giáo, không muốn nói là trung cổ, như sám hối và giam giữ trong tu viện, vì nhà nước để các vấn đề đó vào tay Giáo hội và không muốn can thiệp vào khung hình phạt. Về ly dị, cũng thế, ảnh hưởng của nhà thờ cũng áp đảo. Cách duy nhất để được ly dị là trên cơ sở ngoại tình qua tòa án tôn giáo, thường là một tiến trình khó khăn và gian khổ.
Những nỗ lực tự do hoá các luật ly dị, và chuyển cách xử lý cho tòa án hình, đã bị Giáo hội chận đứng thành công vào cuối thế kỷ 19, cho thấy Giáo hội càng trở nên giáo điều hơn trong những vấn đề thuộc phạm vi riêng tư và, trong khi ôm giữ cái trật tự gia trưởng lỗi thời nay, đã liên kết đồng minh với hai sa hoàng cuối cùng chống lại thế giới tự do hiện đại. Tóm lại, nước Nga Sa Hoàng hiện giờ cũng còn rất giống nhà nước Chính thống giáo.
Nhưng nó có còn thiêng liêng không? Đó là câu hỏi gây lo lắng cho giới lãnh đạo Giáo hội. Và từ mối quan tâm nầy mà nhiều giáo sĩ Chính thống cấp tiến hơn kêu gọi một cuộc cải cách trong quan hệ giữa Giáo hội-nhà nước trong những thập niên cuối cùng của chế độ cũ. Sau năm 1917 có nhiều người Cơ đốc choáng váng – Brusilov là một ví dụ điển hình – lập luận rằng cách mạng đã xảy ra là do sự sụt giảm của ảnh hưởng Giáo hội.
Tất nhiên đây là một quan điểm quá giản đơn. Nhưng không nghi ngờ gì là cách mạng xã hội có liên hệ mật thiết với sự thể tục hóa của xã hội, và ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào nó. Sự đô thị hóa là nguyên nhân cội rễ. Sự phát triển đô thị bỏ xa tốc độ xây dựng nhà thờ trong đó, kết quả là hàng triệu công nhân, đã bị nhổ rễ khỏi làng mạc và nhà thờ của họ, giờ bắt buộc phải sống trong tình trạng vô thần. Ngoại ô kỹ nghệ của Orekhovo-Zuevo, ngay phía ngoài Moscow, chỉ có một nhà thờ cho 40,000 giáo dân ngay đầu thế kỷ. Iuzovka, thủ phủ mỏ của Donbass, ngày này gọi là Donetsk, chỉ có hai nhà thờ cho 20,000 dân. Nhưng không chỉ là vấn đề gạch ngói. Giáo hội cũng thất bại trong việc tim ra sứ mạng ở đô thị, để rao giảng những vấn đề mới của đời sống đô thị theo cách mà giáo phái Methodism đã làm trong thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh. Các tăng lữ Chính thống giáo cho thấy mình thiếu năng lực tạo ra một tôn giáo thích hợp cho thế giới của những xưởng máy và khu tập thể. Những người có cố gắng, như Cha Gapon, nhà thuyết giáo ở St Petersburg từng dẫn đầu công nhân tuần hành đến Cung điện mùa Đông vào tháng 1 1905, lập tức bị các lãnh đạo bảo thủ Giáo hội chối bỏ, những người vốn không tha thiết gì đến những lời kêu gọi mang tính tôn giáo cho cải cách xã hội.
Quá trình đô thị hóa là một sức ép thêm vào việc thế tục hoá. Các nông dân trẻ ra các thành phố để lại sau lưng họ nền văn hóa truyền khẩu lâu đời của làng xã, trong đó các lão nông và giáo sĩ thống trị, và gia nhập vào một thứ văn hóa đô thị trong đó chữ viết là thống soái và ở đó Giáo hội bắt buộc phải cạnh tranh với các ý thức hệ xã hội mới. Một nông dân tạo được cú nhảy vọt này là Semen Kanatchikov đã đi qua trường công nghiệp và vào hàng ngũ Bôn-se-vich. Trong hồi ức của mình y nhớ lại bằng cách nào mà tiến trình bội giáo của y đã phát triển dần dần trong thập niên 1890 khi y rời làng quê đi Moscow và vào làm ở nhà máy công cụ nơi đảng viên xã hội thường gây rối. Ban đầu, y phần nào e sợ các ‘học viên’ này vì ‘họ không tin Chúa Trời và có thể làm niềm tin tôi lung lấy, và tôi có thể bị dày vò trong địa ngục vĩnh viễn ở thế giới bên kia’. Nhưng y cũng ngưỡng mô họ ‘vì họ quá tự do, quá độc lập, quá am tường về mọi việc, và vì không có ai và không có gì trên mặt đất làm họ phải sợ’. Khi anh chàng hai lúa trở nên tự tin hơn và muốn bắt chước chủ nghĩa cá nhân của họ, y càng chịu ảnh hưởng của họ. Các câu chuyện về các giáo sĩ suy đồi và các trò gian lận về phép lạ bắt đầu lay động ‘các nền tảng đạo lý mà tôi đã sống và lớn lên’. Một công nhân trẻ ‘chứng minh’ với y là Chúa Trời không tạo ra con người bằng thực nghiệm: nếu ta đổ đầy đất vào một hộp và giữ ấm, côn trùng và sâu bọ cuối cùng sẽ xuất hiện. Kiểu khoa học tiền-Darwin thông tục này, thường được tìm thấy trong các tập san cánh tả vào thời đó, tạo ra một tác động mạnh mẽ trong giới công nhân trẻ như Kanatchikov. ‘Giờ tôi thoát khỏi các thành kiến cũ của mình càng lúc càng nhanh hơn,’ y viết lại sau đó. ‘Tôi không còn đi đến cha sứ để xưng tội, không còn đi lễ nhà thờ, và bắt đầu ăn thực phẩm “cấm kỵ” trong các ngày chay Lenten. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài tôi mới bỏ được thói quen làm dấu thánh, nhất là mỗi dịp lễ về quê chơi.’
Còn làng quê thì sao? Đây là nền tảng của ‘Nước Nga Thiêng liêng’, được cho là thành trì của Giáo hội. Tính sùng đạo của nông dân Nga từng là một trong các huyền thoại bền bĩ nhất – cùng với chiều sâu của tâm hồn Nga – trong lịch sử nước Nga. Nhưng trong thực tế nông dân Nga chỉ hướng đến Chính thống giáo chưa hề cao hơn mức nửa vời. Chỉ có một lớp mỏng Cơ đốc giáo phủ bên ngoài nền văn hóa dân gian đa thần cổ xưa. Đúng là bề ngoài nông dân Nga thấy rõ là sùng đạo. Y làm dấu thánh liên tục, xướng tên Chúa Trời trong từng câu nói, đi nhà thờ đều đặn, luôn giữ mình trong ngày chay Lenten, không bao giờ làm việc trong ngày lễ trọng, và thậm chí đi hành hương đến những thánh tích.
Những nhà trí thức gốc Slav, như Dostoevsky và Solzhenitsyn, có thể muốn xem điều này như một dấu hiệu của mối ràng buộc sâu sắc với lòng tin Chính thống giáo. Và cũng chắc chắn đúng là phần đông nông dân coi mình là người Chính thống. Nếu ta bước vào một ngôi làng vào đầu thế kỷ và hỏi dân làng họ là ai, ta chắc chắn nhận được câu trả lời: ‘Chúng tôi là người Chính thống và ở đây’. Nhưng tôn giáo của người nông dân còn xa với Cơ đốc giáo từ chương của giới tăng lữ. Họ pha trộn các giáo phái đa thần và mê tin, ma thuật và bùa chú, với các tín điều Chỉnh thống. Đây là loại tôn giáo kiểu bản xứ của riêng nông dân được tạo hình để phù hợp với cuộc sống nông nghiệp bấp bênh.
Do dốt nát, người nông dân trung bình biết rất ít về Kinh Thánh. Lời Cầu Nguyện của Chúa Trời và Mười Điều Răn họ không biết. Họ chỉ biết mơ hồ những khái niệm về thiên đường và địa ngục, và hi vọng việc họ đi lễ nhà thờ trong suốt cuộc đời sẽ phần nào cứu rõi linh hồn họ. Họ coi Chúa Trời là người bằng xương bằng thịt, chứ không phải linh hồn trừu tượng. Gorky mô tả một nông dân ông gặp trong một ngôi làng gần Kazan, người mà:
Mường tượng Chúa Trời là một ông già to lớn đẹp lão, một bậc thầy khôn ngoan tốt bụng, vốn không dẹp sạch hết cái ác chỉ vì: ‘Ông ấy không thể có mặt ở mọi nơi cùng một lúc, có quá nhiều người sinh ra để làm điều ác. Nhưng ông ta sẽ thành công, anh chờ xem. Nhưng tôi không hiểu Christ gì hết! Theo như tôi biết ông ta hình như làm việc không có mục đích. Có Chúa Trời và thế là đủ. Nhưng giờ thì lại có thêm một người khác! Con trai, họ nói. Nhưng con trai của Chúa Trời có ích gì đâu. Chúa Trời không chết mà, tôi biết điều đó.’
Hình tượng là tiêu điểm của tin ngưỡng người nông dân. Y dõi theo các câu chuyện trong Kinh Thánh từ những hình tượng trong nhà thờ và tin rằng các hình tượng đó có sức mạnh huyền bí. Góc lều người nông dân, nơi y đặt hình tượng của gia đình, như lò sưởi, là một nơi thiêng liêng. Nó là chỗ trú ẩn của linh hồn tổ tiên và che chở gia quyến khỏi quỉ dữ. Bất cứ khi nào người nông dân bước vào hoặc rời khỏi nhà y đều phải dở nón, cúi đầu và làm dấu thánh trước hình tượng chúa. Và vậy mà, như Belinsky chỉ ra cho Gogol, người nông dân cũng tìm được một công dụng khác của vật dụng thiêng liêng này. ‘Anh ta nói về hình tượng thánh: “Nó tiện cho cầu nguyện , và anh có thể dùng nó để đậy nồi.”‘
Người nông dân chia sẻ các thánh của Chính thống giáo theo cách rất đời thực, bổ sung họ với các thần linh của mình liên quan với thế giới nông nghiệp. Nào thần Vlas (thần hộ mạng của gia súc), Frol và Lavr (thần hộ mạng của ngựa), Elijah (thần sấm và mưa), Muchenitsa Paraskeva (thần cây lanh và chỉ sợi), cũng như vô số các thần linh khác – gia đạo, sông, rừng, núi, ao hồ – được các bà mụ, thầy lang, thầy pháp, thầy cắt lễ, thầy nắn xương, gọi về qua bùa chú và cầu nguyện. Người nông dân ai cũng biết mê tín. Họ tin cuộc sống của họ bị ma quỉ quấy phá bằng cách yếm mùa màng và gia súc, làm đàn bà không sinh đẻ, gây ra tai ương và bệnh tật, và mang trở lại lính hồn của người đã chết để ám họ. Bùa chú chỉ có thể trục xuất bởi các thầy tu hoặc những người có năng lực siêu nhiên với sự trợ giúp của hình tượng thánh, nến, cây thuốc và phép giả kim cổ xưa. Đây quả là một thế giới tôn giáo kỳ lạ mà, mặc dù có nhiều cuộc nghiên cứu trong những năm gần đây, chúng ta vẫn chưa có hi vọng hiểu được đầy đủ về nó.
Vị trí của cha giáo xứ, người liên tục sống trên ranh giới luôn xê dịch giữa tôn giáo chính thức của Giáo hội và chủ nghĩa đa thần của giới nông dân, thật là bấp bênh. Nói chung, nông dân không coi trọng các thầy tu của họ nhiều lắm. * Nông dân Nga xem các cha xứ, theo lời một người đương thời, không quá trọng như ‘những nhà hướng dẫn tính thần hoặc cố vấn mà như một tầng lớp các nhà buôn sỉ lẻ các lễ ban phước’. Không thể tự nuôi sống mình bằng những trợ cấp đạm bạc nhận được từ nhà nước, hoặc từ việc canh tác trên mảnh đất nhỏ bé của nhà thờ, các cha xứ trông cậy phần lớn vào việc thu phí các nông dân cho các dịch vụ của họ: 2 rúp cho lễ cưới; một con gà mái để làm phép cho vụ mùa; một vài chai vodka cho lễ tang . . . Cái nghèo cùng cực của nông dân và tính tham lam cố hữu của cha xứ thường khiến cho tiến trình thường kỳ kèo lâu lắc và hực lửa. Các cô dâu nông dân phải chầu chực trong nhà thờ hàng giờ liền, hoặc người vừa quá cố vài ngày mà vẫn chưa được chôn cất, trong lúc nông dân và cha xứ kỳ kèo về giá cả. Những cuộc mặc cả trơ trẽn như thế, mặc dù thường cần thiết, sẽ làm hại đến uy tín của Giáo hội. Trình độ giáo dục thấp kém của nhiều cha sứ, sự thối nát và hay say sưa, thường giao hảo với đám cảnh sát và thói khúm núm trước quí tộc địa phương, tất cả những điều này góp phần làm nông dân coi rẻ họ.
* Khi đó sánh điều này với sự kinh trọng mà nông dân Âu châu theo đạo Thiên chúa dành cho các cha xứ của họ người ta bắt đầu hiểu ra tại sao nước Nga có cách mạng và, cũng nói thêm, nước Tây Ban Nha có cuộc phản cách mạng.
‘Mọi nơi’, một cha xứ thể kỷ 19 viết, ‘từ phòng khách sang trọng nhất đến các túp lều đầy khói thuốc của nông dân, người ta tổ khổ giới cha đạo bằng những lời chế giễu xấu xa nhất, bằng lời lẽ khinh bỉ nặng nề nhất và sự ghê tởm tột cùng.
Điều này thật khó là một cứ điểm để Giáo hội có thể dựa vào đó để bảo vệ đám nông dân tránh khỏi nền văn hóa thể tục quỉ quyệt của thành phố hiện đại. Về cuối thế kỷ 19 một số lớn dần các thầy tu Chính thống giáo mới nhận ra điều này. Họ lo lắng số giáo dân đi lễ nhà thờ sút giảm mà họ đổ lỗi cho sự nổi lên của ‘chủ nghĩa lưu manh’, những trận tấn công dữ dội vào đất đai và những điều ác quấy ở thôn quê. Chính từ mối quan tâm đến việc hướng đạo Cơ đốc cho các nông dân mà càng ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách triệt để Giáo hội. Lần đầu tiên chúng được cất lên bởi những thế hệ những thầy tu cấp tiến xuất thân từ các trường dòng trong những thập niên giữa của thế kỷ. Được giáo dục tốt hơn và có lương tri hơn các người tiền nhiệm, những tu sĩ cấp tiến này lấy cảm hứng từ cuộc Đại Cải cách 1860. Họ bàn về việc phục hưng cuộc sống của giáo xứ và thấm nhuần niềm tin Cơ đốc ‘có ý thức’ vào đầu óc nông dân. Việc này họ nghĩ là có thể làm được bằng cách mang nhà thờ xứ đạo gần hơn với cuộc sống người nông dân: các cha xứ phải có quyền kiểm sát nhà thờ xứ đạo nhiều hơn; và được phép tập trung vào các vấn đề tôn giáo và thôn làng, thay vì chịu những gánh nặng về hành chính vụn vặt. Vào đầu thế kỷ, khi đã rõ là Giáo hội không thể phục hưng nếu không được giải phóng khỏi những nghĩa vụ đối với nhà nước, những yêu sách của giới tăng lữ cấp tiến đã phát triển thành một phong trào rộng khắp đòi cải cách toàn diện mối quan hệ với nhà nước sa hoàng. Phong trào lên cực điểm vào năm 1905 với lời kêu gọi từ nhiều thành phần giáo sĩ thành lập Hội đồng Giáo hội (Sobor) thay cho Hội đồng Tôn giáo Thần thánh. Nhiều người cũng kêu gọi phân tán quyền lực giáo hội từ St Petersburg và các thứ bậc tu viện đến các giáo khu và từ đó đến các giáo xứ. Trong khi là sai lầm khi cho rằng phong trào này là một bộ phận của cách mạng dân chủ 1905, chắc chắn có sự song đôi giữa yêu sách giới tăng lữ đối với giáo hội và yêu sách của phe cấp tiến đòi cải cách xã hội. Như các thành viên zemstvo, các thầy tu cấp tiến muốn tự trị nhiều hơn để họ có thể phục vụ xã hội tốt hơn trong các cộng đồng tôn giáo của mình.
Điều này là quá mức mà các người bảo thủ trong Giáo hội sẵn sàng chịu nhượng bộ. Trong khi họ ủng hộ quan niệm tổng quát về quyền tự trị của Giáo hội, họ không sẵn sàng giương mắt nhìn quyền hành của các giám mục hoặc tăng lữ tu viện yếu đi theo bất cứ cách nào. Họ càng khó chấp nhận hơn Luật Khoan dung Tôn giáo mà Thủ tướng Bá tước Witte đã đề nghị vào năm 1905, khi ông này lập luận rằng việc chấm dứt sự kỳ thị chống lại các tôn giáo khác với Chính thống sẽ không phương hại đến Giáo hội miễn là Giáo hội phải thực hiện những cải cách nhằm làm sống lại đời sống tôn giáo của mình. Các chức sắc cao cấp có thể đùa giỡn đôi chút với các ý tưởng tự trị nóng nảy được các huynh đệ cấp tiến của mình bàn tán, nhưng việc Witte khăng khăng đòi đổi lấy quyền tự trị với sự khoan dung tôn giáo (một chính sách có mục đích chiêu dụ các nhóm thương gia quan trọng trong giới Tín Hữu Cũ và cộng đồng Do Thái) bảo đảm sẽ đẩy họ trở lại vào tay bọn phản động. Sau 1905 họ về phe các tổ chức Cánh Hữu cực đoan và triều đình, như Liên minh các Dân tộc Nga, nhằm chống đối tất cả nỗ lực xa hơn của phe cấp tiến đòi cải cách Giáo hội và mở rộng sự khoan dung tôn giáo. Là đồng mình cũ của Chuyên chế, Chính thống giáo và phe Quốc gia được làm sống lại để chống mối đe dọa của trật tự đạo đức cấp tiến. Sự va chạm ý thức hệ này là một trong những yếu tố quyết định nhất trong việc định hình lịch sử nước Nga giữa 1905 và 1917.
Với giới tăng lữ cấp tiến bị đánh bại, Giáo hội rơi vào tình trạng chia rẽ và yếu ớt cùng cực. Cột trụ ý thức hệ trung tâm của chế độ sa hoàng cuối cùng bất đầu rệu rã. Việc Rasputin nắm lấy quyền lực bên trong Giáo hội là dấu hiệu cuối cùng báo hiệu nó đã mất hết ân sủng. ‘Hội đồng Tôn giáo Thần thánh đã không bao giờ chìm xuống thấp như thế’ một cựu bộ trưởng đã bảo với Đại sứ Pháp như vậy vào tháng Hai 1916. ‘Nếu họ muốn hủy hoại mọi tôn kính đối với tôn giáo, mọi niềm tin tôn giáo, họ không thể làm cách nào tốt hơn. Cuối cùng thì Giáo hội Chính thống còn lại gì? Khi chế độ Sa Hoàng, trong cơn nguy cấp, tìm kiếm sự ủng hộ của nó, sẽ không tìm thấy gì còn lại.
Chương 5. Ngục Tù của các Dân Tộc
Sự sụp đổ của hệ thống sa hoàng, như sự sụp đổ của chế độ tiếp sau nó, liên hệ mật thiết với sự phát triển của các phong trào dân tộc trong những vùng không- Nga của Để chế. Trong trường hợp sa hoàng cũng như trong trường hợp Xô Viết những phong trào này không phải là nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ. Đúng ra là chúng phát triển trong quá trình phản ứng với nó, lúc đầu đưa ra những đề nghị chừng mực cho việc tự trị và rồi, chỉ khi tình trạng bất lực của Nga đã trở nên quá rõ ràng, mới đẳy mạnh yêu sách cho một nền độc lập toàn diện. Nhưng, trong cả hai trường hợp, chế độ cũ đã yếu đi vì sự tăng trưởng của khát vọng dân tộc trong những thập niên suy thoái dần dần đưa đến sự sụp đổ cuối cùng. Từ nhãn quan hậu Xô viết, tất cả điều này hình như hiến nhiên. Ngày nay chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng mạnh đến nỗi chúng ta phải buộc tin rằng nó là, như đã luôn là, một phần của bản chất con người. Nhưng, như Ernest Gellner đã cảnh báo chúng ta, ‘có một quốc gia không phải là thuộc tính gắn liền của nhân loại’. Sự phát triển của ý thức dân tộc tập thể không xảy ra trong hầu hết các nước Đông Âu cho đến những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19. Nó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác liên kết với sự đi lên của xã hội dân sự hiện đại: sự chuyển tiếp từ một xã hội và tổ chức nông nghiệp đến xã hội công nghiệp và đô thị; sự chuyển đổi từ một nền văn hóa quần chúng đến nền văn hóa quốc gia qua sự phát triển dạy học, số đông biết đọc biết viết và giao lưu; dân chúng năng động hơn không chỉ khiến họ có ý thức hơn về sự khác biệt và bất lợi sắc tộc, so sánh với những nhóm dân khác trong một thế giới rộng lớn hơn, mà còn dẫn đến kết quả là con cháu có học tham gia vào việc lãnh đạo quốc gia đang trong phôi thai. Tóm lại, sự thất bại của hệ thống sa hoàng trong việc đương đầu với sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc là một phản ánh khác của sự thất bại của nó khi đương đầu với những thách thức của thế giới hiện đại.
Những phong trào dân tộc này quá mới đến nỗi, thậm chí sau sự nổi dậy của người Ba Lan vào thế kỷ 19, chúng làm chế độ sa hoàng hoàn toàn bất ngờ khi xuất hiện thành một lực lượng chính trị trong cuộc Cách mạng 1905. Cả hai luồng tư tưởng Nga đều không thể xử lý những vấn đề về khái niệm bật lên bởi sự đứng dậy của chủ nghĩa dân tộc. Cả hai phe bảo thủ và cấp tiến đều bị kẹt cứng bởi sự kiện là Nga đã trở thành một Đế chế trước khi trở thành một quốc gia. Đối với phe ủng hộ vương quyền cánh tả những lãnh thổ không-Nga đơn giản chỉ là tài sản của Sa Hoàng. Đế chế Nga bất khả phân, cũng như quyền lực của Sa Hoàng là thiêng liêng. Ngay cả Brusilov, người vào năm 1917, sẽ giao số mệnh của mình cho Cộng hoà, không thể từ bỏ ý tưởng Đế chế Nga, và vì điều này mà ông gia nhập Cộng sản, vì chế độ này được giao phó phải gìn giữ nó. Hơn nữa, vì trong quan điểm của Cánh Hữu Chính thống giáo là nền tảng của quốc gia Nga, người Ukraine và Belorussia không phải là những dân tộc khác biệt mà chỉ là những người Nga ‘Nhỏ’ và ‘Trắng’; vậy mà với cùng lý do đó, người Ba Lan, Hồi giáo và Do Thái không bao giờ có thể bị đồng hóa vào quốc gia Nga hoặc được trao quyền bình đẳng với dân tộc Nga, nhưng phải giữ lại bên trong Đế chế dưới một tình trạng apartheid vĩnh viễn.
Từ đó phe ủng hộ vương quyền không có phương tiện về khái niệm để giải quyết những vấn đề về chủ nghĩa dân tộc: bởi vì thậm chí công nhận giá trị của lời tuyên bố của dân tộc không-Nga cũng sẽ phá hỏng cơ sở chủng tộc của ý thức hệ cai trị của mình. Và phe cấp tiến cũng không thể đối phó với những thách thức của chủ nghĩa dân tộc. Họ lắp ghép vấn đề dân tộc vào cuộc đấu tranh cho quyền tự do dân sự và tôn giáo, tin rằng một khi những quyền này được giải quyết thì vấn đề dân tộc cũng sẽ biến mất. Một số người cấp tiến sẵn sàng bàn về một liên bang Nga trong đó thành phần không-Nga sẽ nhận được một số quyền lợi về tự trị và tự do văn hóa, nhưng không ai chịu sẵn sàng nhượng bộ những khát vọng của các dân tộc không-Nga đến mức đòi cho được một nhà nước độc lập. Ngay cả Hoàng thân Lvov cũng không thể hiểu được tại sao người Ukraine đòi độc lập: theo quan điểm của ông người Ukraine là những nông dân Nga Nhỏ có tập quán riêng và thổ ngữ khác với người Nga Lớn phương bắc.
Chỉ có những đảng xã hội ở Nga là ôm lấy những ý tưởng về quyền tự trị dân tộc và độc lập, cho dù ngay cả họ cũng có khuynh hướng gắn kết vấn đề dân tộc với cuộc đấu tranh dân chủ toàn diện hơn bên trong nước Nga. Nên không có gì ngạc nhiên khi các phong trào giải phóng dân tộc lẽ ra đã tạo thành một phần trung tâm cách mạng như một tổng thể. Thật ra đây là cái cớ để phe Tả truy bức họ: chỉ cần là một người Ba Lan hoặc, thậm chí tệ hơn, một người Do Thái đã là một tên cách mạng. Khía cạnh xã hội này của phong trào dân tộc cần được chú ý. Bởi vì độc giả của thế kỷ 20 vừa qua có thể bị dẫn dụ, trên cơ sở chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và sự đứng lên của chủ nghĩa dân tộc ở Đông Âu, để cho rằng ắt hẳn họ đã phải chống đối với các mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Điều nổi bật về các phong trào dân tộc bên trong Đế chế Nga là các biến thể chính trị thành công nhất của họ gần như luôn luôn có hình thức xã hội chủ nghĩa. Đảng Xã hội Ba Lan của Joseph Pilsudski lãnh đạo phong trào dân tộc ở Ba Lan; Đảng Xã hội trở thành đảng quốc gia của người Phần Lan; phong trào vùng Baltic được lãnh đạo bởi các người theo chủ nghĩa xã hội; Đảng Cách mạng Xã hội là đảng quốc gia dẫn đầu ở Ukraine; đảng Menshevik lãnh đạo phong trào dân tộc Georgia; và những người theo chủ nghĩa xã hội Dashnak cầm đầu Armenia. Một phần bởi vì mối xung đột sắc tộc chủ yếu cũng có khuynh hướng song hành cùng với xung đột xã hội: các nông dân Estonia và Latvia chồng lại các địa chủ và thương nhân Đức; nông dân Ukraine chống lại địa chủ và quản chức Ba Lan hoặc Nga; các công nhân Azeri, hoặc nông dân Georgia, chống lại giới trưởng giả Armenia; người chăn nuôi vùng Kazakh và Kirgjiz chống lại trại chủ Nga vân vân. Các đảng chỉ kêu gọi chủ nghĩa dân tộc mà thôi sẽ tự tước đoạt mình khỏi sự ủng hộ của quần chúng; trong khi những người kết hợp thành công cuộc đấu tranh dân tộc với cuộc đấu tranh xã hội gần như có một sức mạnh dân chủ không thể chặn đứng được. Trong ý nghĩa này đáng được lặp lại rằng đối với các dân tộc là thần dân của Đế chế Sa Hoàng, cũng như của Đế chế Xô Viết, chủ nghĩa dân tộc là một phương tiện giải phóng con người khỏi sự áp bức và thống trị của ngoại bang. Chính Lênin cũng nhận ra điều này khi, nhại lại Marquis de Custine, ông gọi nước. Nga Đế chế là ‘ngục tù của các dân tôc”.
***
Hầu hết các phong trào dân tộc trong Đế chế Sa Hoàng bắt đầu với sự trưởng thành của một chủ nghĩa dân tộc về văn hóa văn học trong những thập niên giữa của thế kỷ 19. Các nhà văn, sinh viên và nghệ sĩ lãng mạn, bị tha hóa bởi cuộc sống đô thị, ra chơi miền quê để giải trí và tìm cảm hứng. Họ lý tưởng hóa phong cách sống giản dị nơi thôn dã và thêm các chủ đề dân gian vào tác phẩm của họ trong cố gắng tạo ra một ‘phong cách dân tộc’từ. Sự chiếm hữu văn hóa bản địa này – gồm những bài dân ca, tập quán địa phương và thổ ngữ, đồ thủ công và y phục – không chỉ là một phong cách thoáng qua cho miền quê. Nó còn là một phần của một dự án rộng lớn hơn bởi tầng lớp trung lưu đô thị thức tỉnh mới: sự sáng tạo một nhóm các biểu tượng sắc tộc làm cơ sở cho tình tự dân tộc và sắc thái của riêng mình. Đây là ‘cộng đồng do họ tưởng tượng’. Giới trí thức thành thị không quan sát cuộc sống nông dân nhiều hơn là sáng tạo lại và thần thoại hóa nó theo ý mình. Văn hoá dân gian nơi vùng quê, mà họ tin là nguồn cội của dân tộc họ, thật ra nhiều khi là sản phẩm của sự tưởng tượng phong phú của họ. Chính các tầng lớp trung lưu thị thành, hơn là nông dân, mới ăn vận y phục dân tộc khi đi lễ nhà thờ, và chứa đầy nhà họ những đồ đạc và bộ đồ ăn có ‘phong cách nông dân’. Chính họ mới là người đổ xô đến các các bảo tàng dân gian và dân tộc học được mở ra trong các thành phố trên khắp Đông Âu khoảng đầu thế kỷ.* Nhưng nếu thay vì đi vào các bảo tàng này họ đi vào làng mạc, để quan sát nền văn hóa dân gian trong môi trường sống bản địa, họ chắc sẽ thấy nó đang biến mất nhanh chóng. Các đồ thủ công xưa đang chết dần trước sự cạnh tranh của công nghiệp giá rẻ. Các nông dân mặc càng nhiều các quần áo sản xuất hàng loạt như các công nhân đô thị, mua cũng loại thực phẩm đựng trong hộp thiếc và chai, những vật dụng, đồ nhà bép và vải vóc sản xuất giống nhau. Chỉ có những tầng lớp trung lưu thành thị mới có thể đủ tiền mua sắm đồ thủ công cổ truyền
* Warsaw thành lập Bảo tàng Dân tộc học đầu tiên vào năm 1888, theo sau bởi Sarạjevo năm 1888, Helsinki 1893, Prague và Lvov 1895, Belgrade 1901, St Petersburg 1902, và Krakov 1905.
Tính trưởng giả thuần túy của kiểu chủ nghĩa dân tộc có thể thấy rõ ràng ở Phần Lan. Phần đất Đại Công tước Phần Lan hưởng nhiều quyền tự trị hơn các phần khác của Đế chế Sa Hoàng vì sau khi chiếm lại từ tay người Thụy Điển vào năm 1808-9 người Nga cũng ban cho người Phần Lan cùng những quyền lợi và đặc quyền mà người Thụy Điển phóng khoáng hơn đã ban cho họ. Những tự do văn hóa này làm trưởng thành một thành phần trí thức bản địa nhỏ nhưng có ý thức dân tộc, lấy cảm hứng từ các thiên anh hùng ca dân gian Phần Lan được xuất bản như Kalevala, và từ thập niên 1860 đã dần dần hợp nhất trong một chiến dịch dân tộc nhằm đặt ngôn ngữ Phần Lan có cùng chỗ đứng với ngôn ngữ Thụy Điển thống của soái từ lâu trong lịch sử
Trong các tỉnh vùng Baltic xuất hiện một phong trào văn hóa tương tự đặt cơ sở trên chiến dịch có quyền sử dụng ngôn ngữ bản địa trong trường và đại học, các ấn bản văn học và cuộc sống chính thức. Nó nhắm chống đối người Nga ít hơn là người Đức (ở Estonia và Latvia) hoặc Ba Lan (ở Lithuania), những dân tộc thống trị những vùng này trước khi bị người Nga chính phục trong thế kỷ 18. Ở đây ngôn ngữ bản địa chỉ còn sống sót trong những vùng hẻo lánh ở thôn quê (những người ưu tú bản địa đã bị đồng hóa vào nền văn hóa ngôn ngữ thống soái). Chúng thực sự không hơn những thổ ngữ nông dân, có liên quan mật thiết nhưng đã biến thể theo từng địa phương, không phải không giống với tiếng Gaelic của người Ái Nhỉ Lan và Tô Cách Lan. Trong thế kỷ 19 các nhà ngôn ngữ học và dân tộc học cũng nhau thu thập và chuẩn hóa những thổ ngữ này dưới dạng chữ viết với văn phạm và chính tả được thiết lập. Mỉa mai thay, cho dù nếu nông dân có thể đọc được ‘chữ dân tộc’ này, hầu hết đều thấy nó khó hiểu, bởi vì hoặc là nó thường dựa trên một thổ ngữ duy nhất trong số các thổ ngữ áp đảo hoặc là được chế tác nhân tạo, một loại Esperanto nông dân, làm từ tất cả các thổ ngữ khác nhau. Dù sao thì việc sáng tạo ra một ngôn ngữ dân tộc mới này, và việc in ấn các tác phẩm văn chương và lịch sử viết bằng thứ tiếng này, cũng giúp khởi phát tiền trình thành lập quốc gia và hiện thực hóa nó, trong các thập niên sắp tới, để giáo dục giới nông dân trong nền văn hóa dân tộc mới xuất hiện này. Ở Estonia những dấu ấn văn hóa của sự phục hưng dân tộc này là những ấn bản tập thơ anh hùng Kalevipoeg của Kreutzwapd vào năm 1857, và việc lập ra trong cùng năm tờ báo bằng tiếng Estonia, Postimees, nhắm vào độc giả nông dân. Ở Latvia cũng có một tờ báo viết bằng ngôn ngữ bản địa, Balss (Tiếng Nói), từ năm 1878, có mục đích, như Hiệp hội Latviala, là nhằm đoàn kết các dân tộc ở hai tỉnh Livonoa và Kurland – lúc đó bao gồm lãnh thổ của Latvia- để lập ra một quốc gia Latvia duy nhất. Cuối cùng, ở Lithuania, từ lâu đã bị người Ba Lan thống trị, một ngôn ngữ viết dân tộc cũng đã được phát triển, trong nửa cuối thế kỷ 19 ( chỉ để chọc giận người Ba Lan nó dựa vào bảng chữ cái Czech) và một nền văn học bản địa bất đầu xuất hiện
Như ở Baltic, cũng như ở Ba Lan thời hậu-phân chia, quốc gia là một ý tưởng chứ chưa phải một nơi chốn. Ba Lan chỉ tồn tại trong tưởng tượng và trong ký ức về một vương quốc Ba Lan lịch sử đã tồn tại trước khi bị thảm bại và bị phân chia ba mảnh và bị sáp nhập vào các cường quốc Đông Âu (Phổ, Áo và Nga) vào cuối thế kỷ 18. Tinh thần của nó được mô tả qua thi ca của Adam Mickiewicz, trong những bài thánh ca ái quốc Thiên chúa giáo, và như một số nhà ái quốc tuyên bố, trong âm nhạc của Chopin.
Chủ nghĩa dân tộc có tính văn hóa này là một niềm an ủi cho dân Ba Lan, và thay thế cho chính trị. Rất ít người tham gia vào đời sống công cộng, càng ít người hơn công khai chống lại Nga. Sự kiểm duyệt và mối nguy hiểm bị bắt bớ luôn rình rập khiến những người có học rút lui vào thế giới của thi ca (như ở Nga, văn học ở Ba Lan được sử dụng như một ẩn dụ về chính trị). Cuộc nổi dậy năm 1830 của người Ba Lan, ngay cả vụ nổi dậy vĩ đại năm 1863, là công trình của một thiếu số người theo chủ nghĩa dân tộc, phần đông là sinh viên, viên chức, giáo sĩ và các chủ đất quí tộc cấp tiến hơn. Không cuộc nổi dậy nào có sự ủng hộ của nông dân, vốn có ít khái niệm mình là người Ba Lan và, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm được nhiều đất hay nhiều tự do từ những quí tộc hơn là đấu tranh cho một lý tưởng do các quí tộc và trí thức lãnh đạo.
Cách diễn tả chủ yếu mang tính văn hóa và đầu tiên này về khát vọng quốc gia không nơi đâu rõ hơn ở Ukraine, không nghi ngờ gì một phần là do trong tất cả dân tộc thần dân của Đế chế người Ukraine thân cận nhất với người Nga về mặt văn hóa. Người Nga gọi Ukraine là ‘Nga Nhỏ’, và cấm viết từ ‘Ukraine’. Kiev, thủ phủ của miền Ukraine, là nơi thành lập Cơ đốc giáo Nga thế kỷ 10. Sự khác biệt văn hóa giữa Nga và Ukraine – chủ yếu về ngôn ngữ, quyền lợi đất đai và tập quán – thực sự chỉ phát triển giữa thể kỷ 13 và 17, khi Tây Ukraine rơi vào ách thống trị của Ba Lan-Lithuania.
Do đó những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine ngừng công việc của mình để khai thác những phân biệt này làm cơ sở cho một nền văn hóa dân tộc riêng biệt. Họ lấy cảm hứng từ phong trào dân tộc Ukraine ở Galicia láng giềng. Là một bộ phận của Đế chế Áo-Hung, Galicia được ban bố những quyền tương đối tự do về tự trị. Việc này đã cho phép người Ukraine xúc tiến sử dụng ngôn ngữ Ukraine trong các trường tiểu học và đời sống công cộng, in bao và sách bằng tiếng bản địa, và thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân gian Ukraine. Galicia trở thành một loại ‘Piedmont của Ukraine’ đối với phần còn lại của phong trào trong phần Ukraine sa hoàng: nơi kích thích tăng trưởng ý thức dân tộc và một ốc đảo của tự do cho các trí thức dân tộc. Lviv, thủ phủ của nó, cũng được người Đức biết dưới tên Lemberg và người Nga gọi là Lvov, là một trung tâm trù phú văn hóa Ukraine. Dù là thần dân của Sa Hoàng, cả nhà soạn nhạc Lysenko và sử gia Hrushevsky đã tìm thấy quốc gia mình ở Galicia. Các nhà trí thức theo chủ nghĩa dân tộc đi tiên phong khai phá ngôn ngữ văn hoc Ukraine vào các thập niên giữa thể kỷ 19 tất cả đều vay mượn những thuật ngữ từ thổ ngữ Galicia, mà họ coi là tiến bộ nhất, mặc dù sau này, khi họ cố mạng những tờ báo và sách vở đến tay nông dân, họ bắt buộc phải dựa vào đặc ngữ dân gian Poltavan, vốn là thổ ngữ của vùng trung tâm Ukraine, nên được hiểu rộng rãi. Những giáo trình chuyên đề của thời phục hưng văn học dân gian được được in bởi Brotherhood of Saints Cyril và Methodius trước khi bị giải tán bởi chính quyền sa hoàng vào năm 1847. Các bài thơ lãng mạn của Taras Shevchenko, đóng vai trò như thì ca Mickiewicz ở Ba Lan trong việc định hình ý thức dân tộc của giới trí thức, là quan trọng nhất trong những công trình này. Các ấn bản bằng tiếng Ukraine tiếp tục xuất hiện, mặc dù có những giới hạn luật pháp. Nhiều ấn bản được in bởi chỉ nhánh Kiev của Hội Địa lý Nga, mà số thành viên có tính dân tộc ngày một gia tăng của nó lao mình vào nghiên cứu văn hóa dân gian, ngôn ngữ và lịch sử Ukraine.
Trong những vùng trên Đế chế không thuộc châu Âu phạm vi văn hóa của các phong trào dân tộc này cất cánh chậm hơn nhiều. Giới trí thức Armenia đã chào mừng việc sa hoàng mở rộng cai trị về nữa phần phía đông đất nước họ sau khi Nga đánh bại Ba Tư vào năm 1827. Giờ họ được một nhà cai trị Cơ đốc che chở họ khỏi bọn người Thổ, và, họ hi vong, sẽ giải phóng phân nửa còn lại của dân số Armenia còn là thần dân của Đế chế Ottoman. Việc bảo vệ văn hóa Armenia vẫn còn tập trung vào Giáo hội Georgia và trường học của nó, mà, ít nhất cho đến chiến dịch Nga hóa vào thập niên 1880, vẫn xếp người Armenia và người Nga là những tin đồ Cơ đốc giáo bạn bè chống lại người Thổ. Ở Georgia láng giềng, ngược lại, ngôn ngữ chứ không phải tôn giáo là chìa khóa tiến đến quá trình nhận diện dân tộc. Giáo hội Georgia, không giống như Armenia, đã trộn lẫn với Chính thống giáo Nga; trong khi hệ thống xã hội Georgia, sản phẩm lịch sử của một loại phong kiến đặc biệt, đã từng, cho dù không hoàn toàn, đồng hóa vào hệ thống bất động sản Nga trong nửa thế kỷ tiếp sau việc sáp nhập của Georgia vào năm 1801. Các nhà quí tộc Georgia, bị sạt nghiệp bởi luật Giải phóng các nông nô của họ vào thập niên 1860, thuộc đa số áp đảo trong giới trí thức. Chủ nghĩa dân tộc của họ mang tính hoài niệm: thì ca lãng mạn của Chavchavadze và Baratashvili than khóc cho sự vĩ đại đã mất của các vương quốc Georgia thời Trung cổ. Cuối cùng, ở Azerbaijan, bị Nga chính phục vào thập niên 1800, sự xuất hiện của ý thức dân tộc phức tạp hơn do có sự thống trị của Islam, có khuynh hướng tiến đến các hình thức siêu quốc gia và phong tỏa sự phát triển nền văn hóa cổ xưa và chữ viết cho số đông. Mỉa mai thay, chính người Nga lại khuyến khích nền văn hóa cổ xưa Azeris phát triển, thúc đẩy những vở kịch của Akhundzada, ‘Moliere của Tatar’, và phổ biến các câu chuyện về nền văn hóa dân gian và ngôn ngữ Azeri, như là một cách làm yếu đi ảnh hưởng của quyền lực Muslim ở phương Nam.
Ở đây, nhiều hơn bất cứ nơi đâu, giới trí thức dân tộc mới nổi tìm thấy khả năng của mình trong việc gây ảnh hưởng tới quần chúng nông dân vốn gặp trở ngại vì trình độ chậm tiến của xã hội. Đây là vấn đề trên khắp Đế chế Sa Hoàng. Bị cô lập trong những khu định cư hẻo lánh của minh, không có trường học hoặc phương tiện liên lạc với thế giới rộng lớn, đại đa số nông dân không có khái niệm về dân tộc mình. Nền văn hóa của họ có tính bản địa bị khống chế bởi truyền thống và chữ nói. Nó chỉ giới hạn trong thế giới nhỏ hẹp: làng mạc và ruộng đồng, nhà thờ xứ đạo, thái ấp của địa chủ và chợ quê. Quá giới hạn đó là một xứ sở xa lạ. Ở Estonia, chẳng hạn, người nông dân tự gọi mình là maarahvas, có nghĩa là ‘dân quê’, trong khi họ biết từ Saks có nghĩa là ông chủ; chỉ trong cuối thế kỷ 19, khi các trí thức Tallinn lan truyền ảnh hưởng của họ xuống đến thôn làng, các từ này mới có thêm một ý nghĩa sắc tộc mới. Tình hình cũng đúng ở Ba Lan. ‘Tôi không biết mình là người Ba Lan cho đến khi bắt đầu đọc báo và sách vở,’ một nông dân vào thập niên 1920 nhớ lại. Dân chúng ở vùng ông, không xa Warsaw ở Vistula, tự cho minh là người Mazuria chứ không phải là Ba Lan.
Ở Belowussia và bắc Ukraine sắc tộc và tôn giáo trộn lẫn nhau nhiều – trong một miền lớn như Cambridgeshire có pha trộn giữa các khu định cư của người Belorussia, Ukraine, Nga, Ba Lan, Do Thái và Lithuania – đến nỗi khó cho bất cứ thứ gì nhiều hơn một hình thức nhận diện sắc tộc bản địa có thể bắt rễ trong ý thức quần chúng. Một nhà ngoại giao Anh – mặc dù không nghi ngờ gì là một quan lớn và do đó phần nào coi thường những tuyên bố của các quốc gia nông nghiệp nhỏ bé như Ukraine – kết luận rằng trường hợp này cho đến tận 1918 vẫn y nguyên
Nếu có ai hỏi người nông dân trung bình ở Ukraine quốc tịch của y là gì thì y sẽ trả lời y là người Hy Lạp Chính thống giáo; nếu bị ép buộc nói mình là người Nga Lớn, người Ba Lan, hoặc Ukraine, y chắc chắn đáp mình là một nông dân; và nếu ta cứ khăng khăng muốn biết y nói ngôn ngữ gì, y sẽ trả lời y nói tiếng địa phương. Nếu ta có thể bắt buộc y nói ra một tên dân tộc đúng nghĩa y sẽ nói mình là ‘russki’ (người Nga, kiểu nói khinh khí), nhưng tuyên bố này khó lòng gây thành kiến đối với câu hỏi về mối quan hệ của dân Ukraine; y đơn giản không nghĩ về một quốc tịch theo một từ quen thuộc với giới trí thức
Một lần nữa, nếu ta cố tìm ra y muốn thuộc nước nào – hoặc muốn được một người Nga Lớn cai trị hoặc một chính quyền Ukraine riêng biệt cai trị – ta có thể thấy rằng theo ý kiến y, chính quyền nào cũng phiền toái, tốt nhất là hãy để yên người nông dân kinh Chúa của mình.
Những hình thức nhận diện địa phương như thế thậm chí còn đáng chú ý hơn trong những vùng dân Hồi miền Caucasus cũng như trong nhiều vùng ở Trung Á ở đó hình thức phong kiến vẫn còn thống soái, dù bên trên có cấu trúc hành chính của sa hoàng.
Thế là rõ ràng tiến trình trình diện cho giới nông dân văn hóa dân tộc mới ra đời nầy, hiện chỉ tập trung ở các thành phố, và muốn họ suy nghĩ theo chuẩn dân tộc, phụ thuộc vào thôn làng của họ có mở cửa ra thế giới hay chưa. Đây là hiện tượng xuyên châu Âu trong nửa sau của thế kỷ 19, như Eugen Weber đã chỉ ra trong tác phẩm tuyệt vời của ông Nông Dân Biến Thành Người Pháp. Nó còn tùy thuộc vào mức độ giáo dục nhà nước trong vùng quê, vào sự trưởng thành của các định chế nông thôn, như hội quán và xã hội, chợ búa và hợp tác xã, các hiệp hội nông dân và các đảng phái có cơ sở là quần chúng, được tích hợp ở tầm mức quốc gia, và vào mức xuyên thấu của đường xá và đường sắt, các dịch vụ bưu chính và điện tín, báo chí và tập san, vào miền quê xa xôi.
Ở Ba Lan, chẳng hạn, sự phát triển của ý thức dân tộc trong quần chúng nông thôn tiếp sau sự truyền bá dạy học nông thôn và các định chế nông thôn như hợp tác xã, và phong trào nông dân đua nhau vào thành phố tăng mạnh. Ở Georgia sự đi lên của chủ nghĩa dân tộc trong đại chúng kết nối với các tiến trình tương tự. Các nông dân Georgia càng ngày càng được tích hợp vào nền kinh tế thị trường, bán cereal, hoa quả, rượu vang và thuốc lá cho các nhà buôn Armenia, trong khi chính Tiflis, từng là thành phố Armenia nổi trội, phát sinh một tầng lớp lao động Georgia từ các nông dân di cư nghèo hơn. Ở Tiflis, cũng như ở Baku, sự thống trị của các thương nhân và kỹ nghệ gia Armenia có tác dụng như một tâm điểm của ý thức giai cấp và dân tộc đang lớn mạnh của các nông dân Azeris đang tràn ngập vào các ngoại ô dầu mỏ của Baku trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ. Trong các vùng Tarts của sông Volga các nguồn gốc của chủ nghĩa dân tộc xuyên- Thổ Nhỉ Kỳ được tìm thấy trong phong trào Jadidist, hô hào nền giáo dục thế tục của quần chúng bản địa chống đối với lối giáo dục ưu tú cổ xưa do các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Khoảng 1900 người Jadidist vùng Volga kiểm soát hơn 1,000 trường tiểu học. Trong khi đó, ở Trường Sư Phạm Kazan và ở Đại học Kazan, có sự đi lên của giới trí thức Tatar bản địa nổi loạn tăng lên, mặc dù chính Kazan chủ yếu là người Nga.
Ở tây Ukraine (Galicia) sự phát triển của ý thức dân tộc của người nông dân đi tay trong tay với sự thành lập một mạng lưới các định chế nông thôn như câu lạc bộ đọc sách, hội tín dụng, hợp tác xã, ban hợp xướng, công ty bảo hiểm, phòng cứu hỏa tinh nguyên và hội thể dục dụng cụ, kết nối với phong trào dân tộc. Tờ báo tiếng Ukraine Baktivshchyna (‘Tổ quốc’) là đại lộ chính dẫn đến thôn làng: nó hấp dẫn độc giả quần chúng nông dân qua việc đề cập sát sườn những vấn đề địa phương, trộn lẫn với cách tuyên truyền tinh tế về lý tưởng dân tộc. Các độc giả của Baktivshchyna, như các thành viên của các câu lạc bộ đọc sách và các tổ chức cơ bản khác của phong trào dân tộc, chủ yếu là loại nông dân ý thức mới – trẻ trung và có học, tiết kiệm và tỉnh táo, và trên hết là cầu tiến – xuất thân từ các trường dòng khoảng đầu thế kỷ. Họ tụ tập trong làng hoạt động phong trào dân tộc, cùng với các tu sĩ địa phương, thầy giáo, dần dần đảm nhiệm chính quyền địa phương từ tay các thị trưởng địa phương và tay sai của họ trong làng (chủ yếu là người Do Thái), phần lớn họ đã được các địa chủ Ba Lan bổ nhiệm. Theo ý nghĩa này phong trào dân tộc hoàn toàn có tính dân chủ: nó mang dân chủ đến làng quê.
Việc đáng kể nhất về phong trào dân tộc Ukraine, cả dưới ách cai trị của Áo và sa hoàng, là nó dựa vào nông dân. Phần đông phong trào dân tộc tập trung tại thị trấn. Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến tháng 11 1917 – cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử đất nước – 71 phần trăm nông dân Ukraine bầu những người theo chủ nghĩa dân tộc. Cuối cùng, tất nhiên, khi đến giai đoạn đấu tranh quyền lực công khai 1917-21, đây sẽ là điểm yếu nền tảng của phong trào dân tộc: lịch sử của hầu hết mọi xứ sở đều cho thấy rằng các nông dân quá yếu kém về chính trị để có thể giữ vững một chế độ cách mạng nếu không có sự ủng hộ của thành thị. Nhưng trong thời kỳ sớm sủa hơn khi mối quan tâm chủ yếu của phong trào dân tộc là tạo nên nền tảng nhân dân, đặc tính nông dân khác biệt này là một nguồn sức mạnh. 90 phần trăm dân số Ukraine sống ở các vùng nông thôn. Các thị trấn của Ukraine đa số là người Nga, Do Thái và Ba Lan,,; và ngay cả số ít người Ukraine sống ở đó , hầu hết là thợ chuyên môn và viên chức, dễ dàng trở nên Nga hoá. Do đó là người Ukraine thực tế là người nông dân. Phong trào dân tộc Ukraine phát triển như một phong trào nông dân chống lại ảnh hưởng của các thị trấn ‘ngoại bang’. Những người dân tộc kích động đổ hết mọi xấu xa mà nông dân gánh chịu khi liên kết với thị trấn- sự áp bức của nhà nước, sự giàu có và đặc quyền của giới quí tộc, thóii tham lam và lươn lẹo của bọn cho vay và con buôn – lên người Nga, người Ba Lan và Do Thái sống ở đó
Họ so sánh phong cách sống giản dị và thuần khiết của làng quê Ukraine với sự sa đọa của thế giới đô thị xa lạ, và khi ảnh hưởng của thế giới này tăng lên, với sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản, của các hàng hóa sản xuất hàng loạt và thời trang đô thị, vào làng mạc Ukraine, họ coi điều này như là mối đe dọa cho ‘nền nếp dân tộc’. Càng ngày các sản phẩm thủ công truyền thống bị gạt sang bên, họ nói, bởi những hàng hóa sản xuất từ nhà máy. Người chủ tiệm lương thiện Ukraine sẽ bị các chủ tiệm Do Thái lươn lẹo loại thải. Phong trào hợp tác, sẽ trở thành xương sống của tổ chức dân tộc Ukraine, được phát triển với mục đích bảo vệ các nông dân giản dị khỏi bị các nhà buôn và bọn cho vay Do Thái bóc lột.
Nhưng sẽ không công bằng khi cho rằng lời kêu gọi nông dân của phe dân tộc chỉ dựa vào thói bài ngoại và lòng căm ghét thị trấn. Cuộc đấu tranh giành đất của nông dân, chẳng hạn, được đan xen với phong trào dân tộc ở Ukraine, nơi ba phần tư chủ đất là Nga hoặc Ba Lan. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc cách mạng nông dân về đất đai bùng phát đầu tiên vào năm 1902 trong những vùng quanh tỉnh Poltava nơi có phong trào dân tộc Ukraine hoạt động mạnh nhất. Phong trào dân tộc ủng hộ và chính trị hoá cuộc xung đột nông dân-điền chủ . Nó kết nối cuộc đấu tranh của một làng riêng rẻ thành phong trào giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Ukraine chống lại tầng lớp điền chủ và viên chức ngoại quốc. Người theo chủ nghĩa dân tộc kết nối việc này như thế nào? Hãy lấy hai ví dụ về tu từ học của họ. Một liên quan đến sự xung đột của nông dân với chủ đất về rừng và đất đồng cỏ. Trong thời kỳ Giải phóng ở Ukraine chủ đất cho rào kín rừng cây và đồng cỏ làm đất riêng của minh, đó đó tước đoạt khỏi người nông dân quyền lợi truyền thống được đi vào những vùng đất này, được cho phép khi còn là nông nô, để lấy củi và cho gia súc gặm cỏ. Bằng cách trợ giúp nông dân trong những cuộc đấu tranh dai dẳng và cây đăng, người theo chủ nghĩa dân tộc có thể lôi kéo họ vào phong trào chính trị rộng lớn hơn của mình.
Nhiều hoạt động văn hóa dân tộc, lãng mạn trong thời kỳ này mang chủ đề của rừng và đồng cỏ như một biểu tượng chủ yếu của đất mẹ: không có gì khuấy động nhiệt tình và cảm xúc của nông dân hơn những điều này. Một ví dụ thứ hai liên quan đến nguyên nhân dẫn đến sự nghèo khó nơi vùng quê. Những người kích động của phong trào giải thích sự nghèo khó của họ trong ngữ cảnh rộng lớn hơn về sự bóc lột bán – thuộc địa người Ukraine. Họ bảo nông dân là hơn phân nửa số thặng dư nông sản của họ được xuất khẩu qua Nga hoặc nước ngoài; và rằng nông dân Ukraine nghèo bởi vì chịu thuế má cao lên hàng hóa của Nga, như dầu lửa, rượu vodka và diêm quẹt, khiến họ bắt buộc phải bán hết phần lớn sản lượng lương thực của mình mới mua đủ số nhu cầu căn bản cho sinh hoạt trong nhà. Người nông dân ắt hẳn sẽ khá hơn trong một Ukraine độc lập. Nghe những lập luận như vậy, người nông dân Ukraine dần dần giải đoán các cuộc tranh đấu kinh tế của mình trong một ngữ cảnh dân tộc rộng lớn hơn- và kết quả là họ đạt được sức mạnh lẫn sự đoàn kết. Một học giả gần đây đã thấy, chẳng hạn, rằng người nông dân sẽ phối hợp chọn lá phiếu của mình trong toàn phường để có thể đánh bại các ứng cử viên Ba Lan-Do Thái hoặc Nga mạnh hơn trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương.
Cuộc đấu tranh dân tộc vì quyền ngôn ngữ cũng là một phong trào giải phóng cho nông dân. Trừ khi nông dân có thể hiếu được ngôn ngữ của chính quyền và triều đình, họ mới tiếp cận trực tiếp được các quyền chính trị hay dân sự. Trừ khi họ có thể học đọc bằng tiếng mẹ đẻ, họ mới có hi vọng cải thiện điều kiện xã hội. Và trừ khi họ có thể hiểu được các cha cố, họ mới có lý do không sợ lính hồn của mình. Sử dụng ngôn ngữ bản địa rộng rãi không chỉ là một nhu cầu mà còn là niềm tự hào và phẩm giá cá nhân đối với người nông dân Ukraine, và điều này tạo cho người theo chủ nghĩa dân tộc một cơ sở sâu xa của sự ủng hộ tình cảm. Như Trotsky sau này nhận biết, khi nhìn lại những sự kiện của năm 1917: ‘Sự thức tỉnh chính trị này của nông dân không thể xảy ra khác hơn là qua ngôn ngữ riêng của họ – với tất cả kết quả theo sau liên quan đến trường học, tòa án, sự tự điều hành. Chống đối việc này là đẩy nông dân trở lại tình trạng không tồn tại.
* * *
Sự đi lên của những phong trào dân tộc này không nhất thiết đã báo hiệu sự cáo chung của Để chế Nga. Thậm chí phong trào mạnh nhất của họ cũng chưa phát động được một phong trào chính trị đông đảo trước thời trị vì của vị Sa Hoàng cuối cùng. Phần đông chúng vẫn chủ yếu giới hạn vào các mục tiêu văn hóa. Không có qui luật lịch sử nào cho rằng chủ nghĩa dân tộc về văn hóa phải tiến hóa thành một phong trào độc lập quốc gia đủ lông đủ cánh chống lại nước Nga. Thật ra đúng là nhiều nhà lãnh đạo phong trào thấy rằng những quyền lợi của xứ sở họ sẽ được lợi nhất khi duy trì liên minh với Nga, cho dù ràng buộc lỏng lẻo hơn và tự trị nhiều hơn. Nhưng ý thức hệ sa hoàng sẽ không cho phép việc tự trị như thế.- khẩu hiệu cai trị của Chuyên chế, Chính thống giáo, và Dân tộc có nghĩa là xáp nhập những dân tộc không-Nga dưới sự thống trị văn hóa của Nga. Hơn bất cứ thứ gì khác, đây chính là chính sách Nga hóa, được theo đuổi không ngừng bởi hai vị sa hoàng cuối cùng, luôn.muốn chính trị hoá các phong trào dân tộc và biến chúng thành kẻ thù của Nga. Vào năm 1905 các đảng dân tộc đã xuất hiện như một lực lượng cách mạng chính yếu trong hầu hết vùng đất biển giới không-Nga. Thất bại trong việc hòa giải với chủ nghĩa dân tộc, chế độ sa hoàng đã tạo ra một công cụ khác để hủy diệt chính mình. Điều tương tự cũng đúng về cách xử lý vụng về của họ về phong trào cấp tiến trước 1905: bằng cách đàn áp cuộc chống đối ôn hòa này đã khiến cho cách mạng xây ra. Ngài John Maynard, vốn là một người Anh viết trong buổi hoàng hôn của Đế chế Anh ăt hẳn ở một vị trí tốt để đánh giá những mối nguy của chủ nghĩa dân tộc trong những xứ thuộc địa, đi xa đến mức cho rằng phân nửa nguyên nhân của Cách mạng Nga nằm ở chính sách của hai vị sa hoàng cuối cùng đối với những thần dân không-Nga của họ.
Không có gì mới trong chính sách Nga hóa. Nó đã luôn là mục tiêu trung tâm của triết lý vương triều là đồng hóa những dân tộc không-Nga vào hệ thống chính trị và văn hóa Nga, để biến họ thành ‘những người Cơ đốc thực sự, những thần dân trung thành và những người Nga tốt’, mặc dù các sa hoàng khác nhau nhấn mạnh khác nhau vào ba nguyên tắc của chính sách. Có một thứ bậc về sắc tộc – song song với thứ bậc xã hội – bên trong hệ thống cai trị của vương triều vốn xếp hạng những dân tộc khác nhau tùy theo mức độ trung thành của họ đối với Sa Hoàng và ban cho mỗi dân tộc một bộ quyền lợi và đặc quyền khác nhau. Ở trên chóp là dân Nga và dân Đức vùng Baltic, hai sắc dân chiếm những vị thứ thống trị trong triều đình và chính quyền lẫn quân đội. Bên dưới họ là dân Ba Lan, Ukraine, Georgia, Armenia, vân vân. Năm triệu dân Do Thái trong Đế chế, đứng cuối thang thứ bậc sắc tộc chịu vô số những hạn chế và cấm đoán ngặt nghèo nhất. Họ là sắc tộc duy nhất bị cấm sở hữu đất đai, vào công vụ hoặc làm sĩ quan trong quân đội; số lượng người được vào cao đẳng hay đại học bị khống chế; và trừ một vài ngoại lệ, người Do Thái bị luật bắt buộc phải sống bên trong 15 tỉnh ở tây Ukraine, Belorussia, Lithuania và Ba Lan, trong khu định cư với rào bao quanh. Đây chẳng khác nào một phiên bản của sa hoàng đối với hệ thống giai cấp Ấn Độ, trong đó dân Do Thái đóng vai trò của giai cấp hạ đẳng.
Khi sự sợ hãi của chính quyền đối với chủ nghĩa dân tộc càng tăng trong cuối thế kỷ 19, chính sách Nga hóa càng được tăng cường. Một nguyên nhân khiến lo lắng là dân Nga đang mất ưu thế về dân số do sự bành trướng lãnh thổ vào châu Á, nhất là, có sinh suất cao và nạn nhân mãn. Thống kê dân số 1897 cho thấy dân Nga chỉ chiếm 44 phần trăm dân số Đế chế và rằng, thậm chí đáng báo động hơn, họ là một trong các nhóm sắc tộc chậm tăng dân số nhất. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, có trách nhiệm định hình các chiến dịch Nga hoá của hai vị sa hoàng cuối cùng, lập luận rằng trong thời buổi chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và cạnh tranh giữa các đế quốc Đế chế Nga cuối cùng cũng sẽ phân rã trừ khi phải làm điều gì đó để duy trì sự thống trị của văn hóa Nga
Tóm lại, họ lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc Nga nên được động viên như một lực lượng chính trị và được củng cố ngay trung tâm hệ thống cai trị của sa hoàng như một đối trọng với các lực ly tâm của các dân tộc không-Nga.
Cùng với việc ngược đãi tôn giáo của họ, việc ngăn cấm ngôn ngữ của các dân tộc không-Nga trong các trường học, văn chương, dấu hiệu đường phố, tòa án, và công sở, là những chính sách Nga hóa rõ ràng và áp bức nhất được chính quyền theo đuổi sau 1881. Việc ngăn cấm ngôn ngữ dân tộc đặc biệt vụng về. Một trong những tác dụng của nó là phong tỏa giới trí thức theo ngôn ngữ dân tộc đang đông lên dọn đường qua hệ thống giáo dục và bộ máy hành chính, sao cho nó được thu hút ngày càng nhiều vào trong lực lượng chống đối cách mạng. Ra sức dập tắt ngôn ngữ dân tộc không chỉ là một chính sách khủng bố và sỉ nhục đối với thành phần không-Nga, mà còn khôi hài nữa. Các sinh viên Ba Lan ở Đại học Warsaw, chẳng hạn, phải chịu sự nhục nhã vô lý khi phải học văn học dân tộc mình bằng bản dịch tiếng Nga. Học sinh trung học có thể bị trục xuất nếu nói tiếng Ba Lan trong ký túc xá, như lãnh tụ Bôn-se-vich, Felix Dzerzhinsky, đã phát hiện ra. Ngay cả Anton Denikin, lãnh tụ tương lai của Bạch vệ, khi là dân Nga trong trường trung học quận Warsaw trong những năm giữa thập niên 1980 được giao nhiệm vụ theo dõi các cuộc trò chuyện của bạn học người Ba Lan, nghĩ rằng chính sách này ‘quá mức khắc nghiệt’ nên lúc nào cũng báo cáo ‘không có gì báo cáo’. Nhưng nếu ngăn cấm các học sinh trung học nói tiếng Ba Lan chỉ là khắc nghiệt (ít nhất họ cũng đã học nói tiếng Nga), nhưng làm điều ấy với phu khuân vác tàu hoả (phần đông họ chưa hề học tiếng Nga, mà với vai trò một ‘công chức’ họ bắt buộc phải nói) là một hành động phi lý độc ác. Đây không chỉ là một hành động điên khùng quan liêu duy nhất. Vào năm 1907 ủy ban y tế ở tỉnh Kiev không cho phép các thông báo y tế về dịch tiêu chảy cấp viết bằng tiếng Ukraine và kết quả là nhiều nông dân, vốn không đọc được chữ Nga, chết vì uống nước nhiễm bệnh.
Trong tất cả các dân tộc không-Nga, dân Do Thái chịu thiệt thòi nhiều nhất từ chủ nghĩa sô vanh Đại Nga này trong những năm cuối cùng của sa hoàng. Người Do Thái bị đổ tội một cách tràn lan, không muốn nói là oan ức, vì tội ám sát Alexander II vào năm 1881. Họ là nạn nhân của hàng trăm vụ tàn sát trên khắp Ukraine trong năm đó. Trái với lời đồn thổi thêu dệt và xưa cũ, không có vụ nào trong số này – và còn nhiều vụ về sau hơn nữa (như ở Kishinev năm 1903 và trên khắp Đế chế vào 1905-6)- từng được chính quyền xúi giục. Thực tình, chính quyền tái lập trật tự rất chậm chạp và rất ít kẻ tàn sát được mang ra xét xử. Nhưng đây không phải là một phần của sự đồng loã, mà đúng ra là do sự kém hiệu quả của chính quyền và thái độ thù địch đối với người Do Thái. Trong thập niên 1880, vào thời điểm khi mà cả Đế chế Đức và Áo đều bắt đầu nới tay với người Do Thái, chế độ sa hoàng lại tiếp tục bổ sung những định chế xiết chặt họ. Hai vị sa hoàng công khai lên tiếng bài Do Thái – cả hai đều kết người Do Thái là mối đe dọa của sự hiện đại hoá đô thị, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội – và bàn bạc về thành kiến chủng tộc trở thành mốt trong các buổi trà dư tửu hậu. Nicholas II, đặc biệt, luôn coi những vụ tàn sát dân Do Thái trong thời trị vì của ông là những hành động ái quốc và trung thành của ‘người dân Nga giản dị và tốt bụng’. Thật ra, tại thời điểm của Vụ Beiliss năm 1911-13, khi một người Do Thái bị kéo qua các toà án Kiev vì bị buộc tội bịa đặt về một vụ giết người hiến tế, Nicholas rõ ràng đã nghĩ đến việc sử dụng phong trào bài Do Thái rộng khắp trong dân chúng, do các nhóm dân tộc cực đoan như Liên minh Dân tộc Nga yêu quí của ông vận động, như một lá cờ đầu tập hợp quần chúng chống lại những kẻ chống đối chế độ đang sụp đổ của ông.
Không mấy ngạc nhiên khi một bộ phận nổi bật và rộng lớn trong phong trào cách mạng sẽ được người Do Thái đóng vai. * Ngay cả Witte, nói ngay sau vụ thảm sát Kishinev năm 1903, cũng buộc phải thừa nhận nếu ‘người Do Thái ‘gồm khoảng 50 phần trăm thành viên trong các đảng cách mạng’ thể thì đó là ‘lỗi của chính quyền chúng ta. Người Do Thái đã bị áp bức quá mức.’ Jewish Bund (Hội kín Do Thái) là đảng Mác xít đầu tiên của Nga, được thành lập vào năm 1897, đến năm 1905 có đến 35,000 thành viên. Nó tuyên bố Do Thái là một ‘quốc gia’ và yêu cầu quyền tự trị dân tộc đầy đủ với tiếng Do Thái là ngôn ngữ chính thức, nằm trong liên bang Nga. Những yêu sách đó bị các nhà Mác-xit Nga bác bỏ (trong đó có Iulii Martov và Leon Trotstky, vốn là gốc Do Thái), vốn đặt quyền lợi giai cấp lên trên quyền lợi dân tộc và, trong bất kỳ trường hợp nào, đều thù địch sâu sắc với chủ nghĩa dân tộc Do Thái của Jewish Bund (Georgii Plekhanov lên án họ là thành viên Zionist sợ say sóng). Kết quả là hai phong trào Mác-xit đi theo hai hướng khác nhau. Cũng có một phong trào Zionist lớn, mà chế độ sa hoàng cho phép phát triển sau những năm đầu của thập niên 1880 vì nó chủ trương việc người Do Thái di cư sau các vụ thảm sát họ, mặc dù nó cũng bị cấm hoạt động vào năm 1903 với cớ là bên trong nước Nga nó có mục đích truyền bá chủ nghĩa dân tộc Do Thái.
* Mặc dù, tất nhiên, không được quên rằng trong khi nhiều người cách mạng là fan Do Thái, tương đối ít người Do Thái làm cách mạng. Đó là lời bịa đặt của bọn chống Do Thái khi cho rằng tất cả người Do Thái đều là Bôn-se-vich. Thật ra, từ cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập hiến năm 1917, phần đông người Do Thái ưa thích phong trào Zionist và các đảng xã hội dân chủ hơn. Như vị Trưởng Giáo Do Thái ở Moscow có lần đề cập, theo cách dí dỏm Do Thái: ‘Bọn Trotsky làm cách mạng còn bọn Bronstein trả tiền.’
Không phải chỉ có người Do Thái mới quay về chủ nghĩa dân tộc để đáp trả cho sự phân biệt đang lớn mạnh chống lại họ ở đầu thế kỷ. Trên khắp Đế chế hiệu quả của chiến dịch Nga hóa là đẩy người không-Nga vào tay các đảng mới chống sa hoàng. Thực tế là toàn bộ dân chúng Phần Lan đã tập hợp vào đảng Thanh niên Phần Lan, Dân chủ Xã hội và Đảng Kháng chiến Tích cực, chống lại sự cai trị áp bức và bắt bớ đi lính, trái với quyền tự trị, sau năm 1899. Trong các tỉnh vùng Baltic dân chúng bản địa theo về đảng Dân chủ Xã hội để bảo vệ những quyền lợi dân tộc của họ chống lại nhà nước sa hoàng. Ở Ba Lan họ hướng đến Đảng Xã hội Ba Lan, chủ trương rằng vấn đề Ba Lan chỉ có thể giải quyết bằng cách kết hợp cách mạng xã hội và dân tộc. Ở Ukraine chính Đảng Ukraine Cách Mạng, thành lập năm 1902, đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc nổi dậy của nông dân vào năm 1902, mặc dù nó mau chóng bị Đảng Dân tộc Ukraine và Dân chủ Xã hội Ukraine qua mặt. Ở Georgia những người Dân chủ Xã hội dẫn dắt cuộc cách mạng dân tộc, vừa chống Nga vừa mang tính xã hội chủ nghĩa, vào năm 1904-6. Ngay cả dân Armenia, vốn luôn trung thành nhất với ông chủ Nga của mình, cũng tập hợp vào Dashnak sau năm 1903 để chống đối sự Nga hóa vác trường học địa phương. Tóm lại, toàn bộ Để chế Nga đã chín mùi cho sự sụp đổ trước Cách mạng 1905. Các dân tộc của nó muốn thoát khỏi thân phận của mình
III Tượng Thánh và Lũ Gián
Chương 1. Một Thể Giới Phân Tán
Một buổi sáng sớm tháng ba 1888 Mikhail Tomas rời Kazan, giương buồm đi 39 dặm xuôi dòng Volga đến tận làng Krasnovidovo. Ở đây ông hi vọng thay đổi số phận người nông dân bằng cách dựng lên một cửa hàng hợp tác. Romas là đảng viên Đảng Dân túy, một thành viên của hội kín Quyền Nhân Dân, vừa mới trở về sau 12 năm tù tội và lưu đày vì tổ chức phong trào nông dân. Siberia vẫn không thay đổi được quan điểm của ông. Ở Krasnovidovo ông ra sức giải cứu dân làng khỏi móng vuốt của bọn nhà buôn địa phương bằng cách bán cho họ những hàng hóa sản xuất rẻ và tổ chức họ vào việc hợp tác với người làm vườn bán trực tiếp hoa quả và rau cải cho Kazan.
Ông dẫn theo Alexei Peshkov, về sau được biết là nhà văn Maxim Gorky (1868-1936), người mà, ở tuổi 20, đã biết dưới tên ‘ông lão’ (Tolstoy có lần đã nói về ông ta hình như ông ta sinh ra đã là một người lớn’). Trong tám năm đầu tiên của mình Gorky đã trải qua nỗi đau của nhân loại nhiều hơn cả những gì Bá tước văn hào chứng kiến trong tám thập niên của đời mình. Gia đình ông nội của ông ở Nizhnyi Novgorod nơi ông được nuôi dưỡng sau khi cha mất, như lời ông mô tả trong Thời Thơ Ấu của Tôi, một thế giới thu nhỏ của nước Nga tỉnh lẻ- một nơi chốn nghèo khó, bất nhân và dịch bệnh, nơi các ông thì nhậu nhẹt còn các bà thì tìm an ủi nơi Chúa Trời.
Lúc lên chín, Gorky đã bị buộc lao động, bươi móc để tìm giẻ rách, xương và móng tay và thỉnh thoảng ăn trộm gỗ trên bờ sông Volga. Rồi mẹ ông cũng mất và ông nội đã đẩy ông ra ngoài thể giới cho ông tự xoay sở. Như vô số những đứa trẻ mồ côi khác, Gorky lang thang khắp các thị trấn kỹ nghệ đang bùng phát bên sông Volga, một thằng nhóc đường phố không giày ăn mặc rách rưới. Ông đã làm nghề rửa bát trên một tàu hơi nước, công nhân bốc dỡ, nhân viên canh gác, phụ sửa giày, kỷ thuật viên tập sự, thợ vẽ biểu tượng, và cuối cùng thợ làm bánh ở Kazan, ở đó Romas đã tìm thấy ông và thương hại cho chàng thanh niên sau khi anh ta đã tính tự sát bằng cách tự bắn vào ngực.
Krasnovidovo năm trên một ngọn đồi dốc nhìn qua sông Volga. Ngay đỉnh đồi là một nhà thờ có mái vòm củ hành màu xanh nhạt, và phía dưới nó là một dãy các túp lều chạy dài về hướng bờ sông. Xa hơn nữa là nhà ăn, nhà tắm và các chuồng gia súc ọp ẹp, và rồi những cánh đồng tối đen ‘dịu dàng trải rộng về phía rặng rừng xanh thẳm ở chân trời’. Đó là một ngôi làng tương đối giàu có. Việc ở ngay sát Kazan đã biến nó thành một trung tâm sản xuất cho thị trường và các chủ nông thành đạt nhất của nó đã đến để hưởng thụ chút ít tiện nghi. Những căn nhà gỗ vững chắc của họ có mái lót ván và được trang trí đầy màu sắc, các chớp cửa bằng gỗ và khung cửa có hoa văn thú vật. Bên trong ta có thể tìm gặp đủ loại đồ đạc do nhà máy sản xuất từ nền công nghiệp đang manh nha.: nồi chảo sắt, ấm trà, màn cửa, kính, khăn trải giường, đèn dầu, đàn phong cầm. . . Chậm mà chắc, như bộ phận còn lại của nông dân Nga Krasnovido đang bị thu hút vào nền kinh tế thị trường.
Điều này là ở trên tuyến đầu của mặt trận của những đảng viên Dẫn túy vì giới nông dân. Trung tâm triết lý của họ là ý tưởng cho rằng những tập quán bình đẳng của cộng đồng nông dân có thể sử dụng như một kiểu mẫu cho việc tái tổ chức xã hội theo đường hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu làng mạc được bảo vệ chống lại sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản, Nga, họ tin tưởng, có thể đi trực tiếp đến về phía Utopia của chủ nghĩa xã hội mà không cần kinh qua ‘giai đoạn tư sản phát triển’ – với tất cả những đặc điểm tiêu cực đi theo – như đã xảy ra ở Tây Âu. Cộng đồng làng mạc cổ xưa sẽ được duy trì như là nền tảng của chủ nghĩa cộng sản Nga.
Đáp ứng với lời kêu gọi của các lãnh tụ Dân túy ‘Đi với Nhân Dân’, hàng ngàn sinh viên cực đoan, trong đó có Mikhail Tomas, đổ xô về vùng quê trong thập niên 1870 trong niềm tin thơ ngây là họ có thể giành được sự ùng hộ của nhân dân vào lý tưởng cách mạng của mình. Tìm trong vùng quê một phản chiếu của những khát vọng lãng mạn của mình, họ tự tin là sẽ tìm thấy trong những nông dân bình thường những người đồng điệu và đồng chí trong cuộc tranh đấu xã hội chủ nghĩa. Một số họ cố ăn mặc và nói năng như nông dân, đồng nhất mình với lối sống giản dị của họ. Một người trong số họ, một người Do Thái, thậm chí còn cải sang Chính thống giáo vì tin rằng việc này sẽ khiến họ gần gũi với ‘tâm hồn nông dân’ hơn. Những quan niệm lãng mạn với làng mạc là một cộng đồng hài hòa và tập thể minh chứng cho những bản tính xã hội cơ bản của nông dân Nga. Trong giới nông dân, một lãnh tụ Dân túy viết, ‘có sự quan tâm đến giá trị của mỗi cá nhân, ít lãnh đạm hơn người láng giềng và để ý hơn với cái nhìn của láng giềng đối với mình. Quan điểm lý tưởng hóa của nhiều thành viên Dân túy về người nông dân đã khiến họ còn đi xa hơn khi cho rằng trong vấn đề tình dục họ đạo đức hơn và kiêng cữ hơn dân đô thị hư đốn. Chẳng hạn họ còn tin rằng tệ nạn mại dâm không hề tồn tại trong giới nông dân (cho dù đã số gái làng chơi ở đô thị đều xuất thân từ gái nhà quê); rằng không có nạn hiếp dâm và tấn công tình dục ở thôn làng (mặc dù ở Nga có tập tục snokhachestvo cho phép gia trưởng trong gia đình được quyền quan hệ tình dục với con dâu khi chồng cô ta vắng mặt); và rằng trong khi bệnh giang mai (vốn đang hoành hành trên khắp nước Nga) ở thành phố là do tình dục bừa bãi, còn ở quê thì lây lan đó sử dụng chén muỗng chung.
Những sứ giả lãng mạn này bị thực tế thôn làng lưng lạc. Phần lớn sinh viên bị nông dân ngờ vực hoặc thù ghét, và chằng mấy chốc bị cảnh sát tóm cổ. Nhìn lại trải nghiệm từ tù tội đến lưu đày, những người Dân túy ôn hòa như Tomas tin rằng vấn đề cơ bản chính là sự cô lập của nông dân ra khỏi phần còn lại của xã hội. Qua hàng thế kỷ dưới chế độ nông nô người bên ngoài mà người nông dân tiếp xúc là các địa chủ và viên chức nhà nước, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ tỏ ra ngờ vực sinh viên kích động. Giờ đây cần phải bỏ ra nhiều năm làm việc kiên nhẫn xây dựng mối quan hệ tín cậy giữa nông dân và giới trí thức Dân túy. Vì thế mà Romas đã đến Krasnovidovo. Nhưng những nỗ lực của ông vô ích. Từ đầu dân làng đã tỏ ra ngờ vực về hợp tác xã Họ không thể hiểu tại sao giá cả ở đó rẻ hơn ở các tiệm bán lẻ khác. Những nông dân khá giả nhất, vốn liên hệ sát với con buôn lâu năm, hăm dọa Tomas và đồng chí ông. Họ nhét đầy thuốc súng vào một khúc gỗ đun, gây ra một vụ nổ nhỏ. Họ đe dọa những nông dân nghèo khi những người này tỏ ra quan tâm đến hợp tác xã; và sát hại một người giúp việc một cách dã man, rồi chặt xác ra từng miếng ném vương vải dọc bờ sông. Cuối cùng, họ nổ tung hợp tác xã (cùng với phân nửa phần còn lại của ngôi làng) bằng cách châm lửa đốt cửa hàng dầu hoả. Kẻ thù của Romas đổ tội cho ông và Gorky là thủ phạm vụ phóng hỏa và kích động nông dân trút cơn căm phẫn lên đầu họ. Nhưng nhóm ‘ngoại giáo’ chống cự và chạy thoát chết.
Romas chấp nhận thất bại một cách triết lý, đổ nguyên cớ do sự dốt nát của dân làng. Ông không chịu từ bỏ niềm tin vào tiềm năng xã hội chủ nghĩa của nông dân và khi 15 năm sau, Gorky gặp ông lần nữa, khi đó ông đã chịu án 10 năm tù biệt xứ đi Siberia lần nữa vì tội tham gia phong trào Dân túy. Nhưng đối với Gorky trái nghiệm là một sự vỡ mộng đắng cay. Nó khiến ông kết luận rằng, tuy có thể là người tốt về phương diện cá nhân, người nông dân bỏ lại tất cả những gì tốt đẹp sau lưng khi họ ‘tụ tập thành một khối xám xịt’:
Một khát khao nào đó giống như loài chó muốn làm vui lòng kẻ mạnh trong làng đã chiếm lĩnh họ, khiến tôi ghé tỡm khi nhìn họ. Họ hú hét với nhau, sẵn sàng ẩu đả – và rồi họ đánh nhau, vì một cớ nhỏ nhặt. Trong những lúc này họ trông rất khủng khiếp và tuồng như có thể phá tan chính cái nhà thờ mà mới chiều hôm trước họ tụ họp khúm núm và tuân phục như những con cừu non trong chuồng.
‘Người hoang dã quí tộc’ mà các thành viên Dân túy đã nhìn thấy trong đám nông dân giản dị giờ đây, như Gorky kết luận, không hơn một ảo giác lãng mạn. Và khi càng ngày trải nghiệm cuộc sống thường nhật của nông dân, ông càng lên án họ là ‘hoang dã và man rợ’ *
* Vào lúc 23 tuổi Gorky bị một nhóm nông dân đánh đập đến bất tỉnh khi ông cố vấn thiệp giúp một phụ nữ bị lột hết quần áo và bị người chồng đánh roi giữa một đám đông đang hủ thét cổ vũ sau khi cô bị bắt quả tang tội ngoại tình.
Những hiểu lầm như thế là một chủ đề thường xuyên trong lịch sử các mối quan hệ giữa người Nga có học và nông dân- ‘Hai người Nga’ , như Herzen có lần gọi họ. Thành viên Dân túy, khòng phải là người duy nhất áp đặt lý tưởng của mình lên nông dân. Đúng ra mọi khuynh hướng xã hội chủ nghĩa Nga đều rơi vào cùng một cạm bẩy. Như Dostoevsky viết:
Chúng ta, những người yêu quí ‘nhân dân’, xem họ như một phần của lý thuyết, và hình như không ai trong chúng ta thực sự thích họ như họ thực sự là mà chỉ như cách chứng ta tưởng tượng họ là. Hơn nữa, nếu dân Nga, tại một thời điểm nào đó trong tương lai, hóa ra không như chúng ta tưởng tượng, thể thì chúng ta, dù đã từng yêu quí họ, sẽ từ bỏ họ không thương tiếc
Lâu trước khi Dân túy bước vào sân khấu, các nhà văn Nga bàn luận về tính ưu việt đạo lý của công xã nông dân ‘cổ xưa’ hơn hẳn các giá trị Tây phương. Một công xã,’ Konstantin Aksakov viết, ‘là cộng đồng dân chúng đã từ bỏ tính vị kỷ của mình, cá tính của mình, và biểu lộ sự đồng thuận của mình; đây là một hành động của tình thương, một hành động Cơ đốc giáo.’ Những phẩm hạnh tương tự được gán cho nông dân bởi các nhà văn lãng mạn vĩ đại của thế kỷ 19. Dostoebsky, chẳng hạn, tuyên bố rằng người nông dân Nga giản dị sống trên bình diện đạo đức cao hơn những công dân lịch lãm là một từ của châu Âu. Người nông dân, ông ta đã viết trong Nhật Ký Nhà Văn, thực sự là một tín đồ Cơ đốc và giỏi chịu đựng. Họ chính là người sẽ ‘chỉ con đường mới, một cách thức mới ra khỏi những khó khăn bế tắc của chúng ta. Bởi vì không phải là St Petersburg mới cuối cùng giải quyết được vận mệnh của nước Nga. . . Ánh sáng và sự cứu rỗi sẽ đến từ bên dưới.’ Tolstoy cũng thấy ở người nông dân một người minh triết bẩm sinh. Chính từ những người nông dân mà Hoàng thân Levin học được cách sống trong cuốn Anna Karenina; cũng như trong Chiến tranh và Hòa bình chính từ Karataev, một nông dân Nga hèn mọn, mà Pierre Bezukhov đã hiểu ra ý nghĩa tình thần của cuộc sống. Tình cách của Karataev – bộp chộp, thẳng thừng và vô tâm – là hình ảnh phản chiếu triết lý đạo đức của Tolstoy. Ông sống hài hòa với thế giới và nhân sinh.
Những góc nhìn lãng mạn về giới nông dân này không ngừng tan biến khi tiếp xúc với thực tế, thường với hậu quả tác hại cho người nhìn. Thành viên Dân túy, mơ mộng nhiều nhất về nông dân, thất vọng nhiều nhất. Nhà văn Gleb Uspensky, một trường hợp bị thảm và cực kỳ nhất, đã hóa điên sau nhiều năm cố hoà hợp quan điểm lãng mạn của mình về người nông dân với thực tại xấu xa của mối quan hệ con người mà ông chứng kiến trong vùng quê
Nhiều nhà văn ‘hiện thực’ của thập niên 1860, mô tả bộ mặt tối tăm của nông thôn, kết cục đều thành kẻ nghiện rượu. Có một nỗi bi quan trong số các tầng lớp có học cấp tiến bất cứ khi nào những sự kiện đen tối của cuộc sống nông dân phá hỏng những hình ảnh lý tưởng hóa của họ về nó.
Hãy chứng kiến cơn bão tranh luận gây bởi chân dung không tô vẽ của cuộc sống làng quê trong Nông Dân của Chekhov (1897), truyện ngắn về một người bồi bàn mắc bệnh ở Moscow cùng vợ trở về làng quê, chỉ để nhận ra rằng gia cảnh nghèo kiết của thân nhân mình bất mãn y vì mang về thêm nhiều miệng ăn cho họ. Hoặc công luận càng nổi giận hơn với sự ra đời của truyện vừa của Bunin Làng Quê (1910), bóc trần mọi khía cạnh tối tăm của cảnh cùng khổ và tàn bạo của nông thôn. ‘Điều làm cho độc giả Nga choáng váng trong tác phẩm này,’ một phê bình gia đương thời viết, ‘không phải là cái nghèo nàn về vật chất hoặc văn hóa của người nông dân mà là sự bế tắc của họ. Nhiều nhất mà người nông dân Nga, như mô tả của Bunin, có thể hoàn thành chỉ là sự ý thức về tính tàn nhẫn vô phương của mình, về con đường cùng của mình.’
Gorky viết về Làng Quê rằng nó bắt xã hội phải suy nghĩ ‘một cách nghiêm túc không phải về người nông dân mà về vấn đề nghiêm trọng là liệu nước Nga có tồn tại hay không tồn tại?’ Điều bí ẩn của người nông dân nằm ngay trung tâm của vấn đề về sự phản tỉnh quốc gia của người Nga. ‘Vấn để Nông Dân’ là điểm khởi đầu của mọi cuộc tranh luận bất tận đó (nó chứa đầy những trang giấy không được đọc rộng rãi trong các cuốn tiểu thuyết thế kỷ 19) về tương lai của chính nước Nga.
Nga vẫn còn là một nước nông nghiệp vào đầu thế kỷ 20: 80 phần trăm dân số là nông dân; và hầu hết những người còn lại có gốc rễ là nông dân. Chỉ cần gãi ngoài da một người Nga ở thành thị bạn sẽ bắt gặp một anh nông dân. Phần đông các công nhân trong các nhà máy hoặc hãng xưởng ở thành phố, tiệm giặt ủi và quán ăn, phòng tắm và cửa hàng, đều là những người ở quê ra hoặc con cháu của những người này, vẫn còn trở lại nông trại của họ vào mùa gặt và gởi tiền về làng cho gia đình. Các tiệm ăn mướn cả một đạo quân đông đúc các bồi bàn gốc nông dân, trong khi nhà các người giàu có đều có đông người giúp việc là nông dân khiến các khách Âu châu phải há hốc miệng
Những người bán dạo trên đường phố hầu hết có gốc nông dân, cũng như các người đánh xe ngựa, , người gác cổng, người đẩy goòng, thợ xây, thợ làm vườn, phu hốt rác, người ăn xin, ăn trộm và gái mại dâm. Các thị trấn và thành phố Nga tất cả đều duy trì cái tính nông dân trong thành phần và cá tính xã hội của chúng. Chỉ cách trung tâm thành phố một ít dặm người ta đã thấy mình đứng giữa rừng cây, nơi có các băng cướp sống trong rừng, nơi đường xá trở nên lầy lội vào mùa xuân, và nơi những dấu hiệu bên ngoài của sự sống trong những thôn xóm hẻo lánh vẫn cơ bản không có gì thay đổi kể từ thời Trung cổ. Vậy mà, mặc dù sống sát bên nông dân, các tầng lớp người thành thị có học vấn gần như không biết gì về thế giới của họ. Nó quá xa xôi và xa lạ như người bản địa Phi châu đối với các nhà cai trị thuộc địa của mình. Và trong sự không hiểu nhau này, trong hố sâu văn hóa chia cách hai người Nga này, nằm sẵn cội rễ của cuộc cách mạng xã hội và số phận bi thảm của nó.
* * *
Tình trạng cô lập của người nông dân khỏi phần còn lại của xã hội được biểu thị gần như ở mọi mức độ – luật pháp, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và địa lý. Nông dân sinh sống trên ba phần tư của một triệu khu định cư thôn quê rải rác trên một phần sáu bề mặt địa cầu. Họ hiếm khi gặp bất cứ điều gì khỏi giới hạn chật hẹp của làng quê và ruộng đồng, nhà thờ xứ đạo, thái ấp của địa chủ và chợ làng. Cộng đồng làng xã là trung tâm của thế giới nhỏ bé tách biệt này. Thật ra, từ mà người nông dân dùng để gọi cộng đồng này là mir cũng có nghĩa trong tiếng Nga là thế giới, hòa bình và vũ trụ. Mir được cai quản bởi bởi một hội đồng lão nông, cùng với công xã điền địa (obhchina), quí định mọi lãnh vực làng xã và sinh hoạt nông nghiệp. Quyền lực tự trị của nó càng được mở rộng bởi luật Giải phóng, khi nó đảm đương hầu hết các chức năng hành chính, cảnh sát và tư pháp của các chủ đất và trở thành đơn vị hành chính thôn làng căn bản (obshchestva) phụ thuộc vào các cơ quan sơ bộ của hành chính nhà nước cấp huyện (volost). Nó kiếm sát việc chuyển nhượng đất đai của địa chủ cho các nông dân trong thời Giải phóng và chịu trách nhiệm tập thể về việc thu đủ tiền mua đất đúng hạn. Trong hai hết nước Nga đất canh tác được quản lý bởi công xã và mỗi vài năm mir sẽ phân phát lại hàng trăm lô đất cho các hộ nông dân tùy theo số lao động và nhân khẩu của mỗi hộ. Nó cũng qui định kiểu canh tác và chăn nuôi chung phù hợp với lối luân canh:* quản lý rừng cây lấy gỗ và đất chăn thả công xã; mướn người trông coi và chăn gia súc; thu thuế; thực hiện việc gọi vào quân ngũ; coi sóc tu bổ đường xá, cầu cống và trụ sở; thành lập việc cứu tế và các chương trình phúc lợi khác; tổ chức hội làng; duy trì trật tự công cộng: làm trọng tài trong những tranh chấp nhỏ và xử kiện theo các tập tục địa phương.
* Vì không có hàng rào giữa các lô đất hoặc cánh đồng nên điều cần thiết là mỗi hộ phải gieo cùng một vụ mùa như nhau vào cùng một thời điểm (nói cách khác quay vòng ba vụ đông/xuân/nghỉ ngơi), nếu không, gia súc thả rông ăn rạ trên lô này sẽ giẫm đạp lên hoa màu của các lô láng giềng.
Mir có thể tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ về sự tương trợ công đồng giữa các nông dân, ràng buộc chặt chẽ với làng xóm và đất đai. Điều này phản ánh trong nhiều tục ngữ của nông dân: ‘Những gì một người lớn không thể chịu được thì mir chịu được’, ‘Không ai lớn hơn mir’; . . . Sự tồn tại của những ràng buộc như thế có thể tìm thấy trong các cộng đồng nông dân ở khắp nơi trên thế giới. Chúng là nhân chứng không hẳn cho ‘chủ nghĩa tập thể tự nhiên’ của nhân dân Nga như các thành viên Dân túy hay các người thân Slav vì yêu quí mà gán cho, mà cho cái lô-gic chức năng của tính tự tổ chức của nông dân cho cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại những thực tại phũ phàng của tự nhiên và kẻ thù bên ngoài, như bọn địa chủ và nhà nước. Thật ra, bên dưới lớp áo choàng của sự tương trợ cộng đồng quan sát được từ bên ngoài, các dân làng chòm xóm vẫn không ngừng tranh chấp với nhau vì lợi ích cá nhân. Làng xóm là một ổ các toan tính, trả đũa, tham lam, bất lương, bần tiện, và đôi khi những hành vi bạo lực ghê tởm giữa xóm giềng với nhau; nó không phải là nơi chốn cho sự hòa hợp cộng đồng mà các nhà trí thức thành thị tưởng tượng ra. Đơn giản chỉ là những lợi ích cá nhân của nông dân thường chỉ có thể hiệu quả nhất khi hoạt động tập thể
Vụ mùa ngắn ngủi ở Nga, từ lúc tuyết tan bắt đầu vụ cày bừa mùa xuân vào tháng tư cho đến tuyết bắt đầu rơi vào tháng 11, khiến cho việc hợp tác lao động là thực sự cần thiết để các hoạt động tuần hoàn chính yếu của nông vụ có thể được hoàn tất nhanh chóng nhờ số đông người.
Đó là lý do tại sao các hộ nông dân truyền thống có khuynh hướng đông người hơn nhiều so với hộ nông dân Âu châu, thường có hơn một tá người với vợ con của hai ba anh em ở chung một mái nhà với cha mẹ.
Các nghiên cứu thống kê đều đề cao những tiện ích kinh tế của hộ đông người (một tỷ lệ cao hơn các lao động nam, đất đai và gia súc trên mỗi đầu người nhiều hơn) và tất cả những điều này sẽ phát huy lợi thế qua lao động hợp tác. Những hộ nông dân ít người được, thường với chỉ một con ngựa và một ít hạt giống và nông cụ, cũng có hình thức hợp tác láng giềng đơn giản của như mượn và cho mượn, hai bên đều có lợi. Cuối cùng, có nhiều dự án quan trọng chỉ có thể thực hiện bởi toàn thể dân làng, như phá rừng và đắp đầm lầy, dựng chuồng trại, xây đường xá cầu cống và những công trình thủy lợi. .
Hội đồng làng xã, hoặc skhod, nơi những quyết định này được đưa ra, được các lão nông tham gia và thường được tiến hành vào những ngày hội làng ngay trên đường quê hoặc cánh đồng, vì ít có làng nào có một trụ sở đủ rộng để chứa hết số nguời dự họp. Không có thủ tục nhất định. Các lão nông ngồi thành từng nhóm, vừa hút thuốc uống rượu vừa thảo luận đủ mọi vấn đề làng xã, cho đến khi một lão làng, tự nảy giờ ngồi lẫn lộn trong đám đông để tìm hiểu chắc chắn ý kiến của các nông dân có vai vế, lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu một loạt các quyết định. Bầu cử được thực hiện bằng cách hô to, hoặc đứng lên từng nhóm, rồi các nghị quyết được thông qua một cách nhất trí, bởi vì khi một ý kiến bị phân chia thì thiểu số phải phục tùng đa số, hoặc theo cách nông dân nói, thì theo ‘ý nguyện của mir’. Các quan sát viên xem sự đồng thuận này là một dấu hiệu của hoà hợp xã hội. Theo lời của Aksakov, công xã biểu lộ ý chí của minh như một ‘hợp xướng đạo lý’.
Nhưng thật ra, việc biểu quyết thường bị khống chế bởi một nhóm nhỏ các gia trưởng già nhất , cũng thường là những nông dân thành đạt nhất, và số còn lại có khuynh hướng nghe theo người cầm đầu của họ. Sự nhất trí của mir không phải là phản ánh của sự hài hòa tự nhiên nào, mà là sự tuân phục được các lão gia trưởng của làng áp đặt từ trên xuống.
Một số quan sát viên về cuộc sống nông thôn (trong đó có người Bôn-se-vich) mô tả những gia trưởng thống trị này là những người ‘kulak’.* Đây là nhóm nông dân ‘giàu có’ và mưu mẹo’, ‘những tư bản nhỏ’, ‘bọn cho vay’, ‘kẻ ăn bám’,’dân anh chị’, mà mọi dân làng đều sợ và lòng tham và tính vị kỷ của họ cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt của công xã. ‘Tại hội đồng làng xã’, một luật gia của đầu thập niên 1990 viết, ‘những người tham dự duy nhất là bọn to mồm và nâng bi nhà giàu. Những nông dân làm việc lương thiện không dự họp, biết rằng sự hiện diện của mình là vô ích.
* Từ ‘kulak’, rút ra từ chữ ‘nắm đấm’, bạn đầu được nông dân sử dụng để phác họa những phần tử bóc lột nông dân (bọn cho vay nặng lãi, bọn cho thuê lại đất đai, bọn trung gian. . .). Một trại chủ giỏi làm ăn, theo cách nhin của họ, không phải là một kulak, cho dù ông ta có thuê mướn nhân công. Người Bôn-se-vich, trái lại, sử dụng sai từ này theo ý Mác-xit để mô tả bất kỳ người nông dân giàu có nào. Họ cho nó đồng nghĩa với ‘tên tư bản’ vì giả định sai lầm là sử dụng lao động thuê mướn trong canh tác nông nghiệp là một hình thức ‘tư bản chủ nghĩa’. Dưới thời Stalin, thuật ngữ ‘kulak’ được sử dụng chống lại giới nông dân tiểu chủ nói chung. Qua tập thể hóa chế độ tiến hành ‘tiêu diệt bọn kulak như một giai cấp’.
Nhưng nói chung việc này cũng là kết quả của việc nhìn người nông dân không đúng những gì họ thực sự là mà vì tìm chứng cứ cho học thuyết trừu tượng nào đó, trong trường hợp này là học thuyết Mác-xit. Những nông dân thống trị trong làng, nói chung, là những lão gia trưởng già nhất, không nhất thiết là những hộ giàu có nhất. Làng Nga cuối thể kỷ 19 vẫn còn giữ lại nhiều đặc điểm của những gì mà các nhà nhân chủng học gọi là ‘xã hội truyền thống’. Mặc dù chủ nghĩa tư bản chắc chắn đã phát triển ở Nga về tổng thể, trừ một vài vùng đặc biệt nó vẫn chưa xâm nhập vào thôn làng, nơi mà thật ra mục đích của công xã là để giới hạn ảnh hưởng của nô. Sự thống trị của các gia trưởng nông dân không phải dựa trên sự bóc lột tư bản mà trên sự kiện là, nói chung, đây vẫn còn là một nền văn hóa truyền khẩu, nơi tập tục của quá khứ truyền xuống các thế hệ, có tác dụng như một kiểu mẫu cho những hoạt động tập thể của thôn làng trong hiện tại và tương lai.: ‘Ông bà ta làm như vầy, chùng ta phải y theo đó.’ Trong kiểu văn hóa này người già lúc nào cũng được coi là người quan trọng nhất trong làng.- họ có nhiều kinh nghiệm canh tác nhất, và hiểu rõ đất đai nhất – và ý kiến của họ thường có tính quyết định. Các bà lão, cũng vậy, được tôn trọng vì điêu luyện trong thủ công, làm thuốc, và ma thuật. Nói chung đây là nền văn hóa bảo tồn. Đúng vậy, như các công trình của nhà nhân chủng học Jack Goody đã chứng tỏ, luôn tồn tại những cách thức trong đó nền văn hóa truyền khẩu có thể sản sinh một tính năng động tự phát: vì không ai biết chắc chắn những gì ông bà mình đã làm, các lão nông có thể tự tiện chế lại truyền thống để phù hợp với nhu cầu thay đổi của họ. Nhưng xét toàn cục các gia trưởng nông dân có mối ngờ vực ăn sâu đối với những ý tưởng đến từ thế giới ngoài sự trải nghiệm của họ. Họ nhắm đến việc gìn giữ truyền thống của làng xã và bảo vệ chúng chống lại sự tiến bộ. ‘Cách sống cũ’ lúc nào cũng được coi là tốt hơn lối sống mới. Họ tin là đã từng có một Utopia (một xã hội hay cộng đồng không tưởng nơi các công dân hưởng được những điều tốt đẹp và hoàn hảo nhất từng mơ ước: ND) của người nông dân trong quá khứ xa xăm, trước khi bọn chủ nông quí tộc và nhà nước áp đặt sự thống trị lên thôn làng.
Tất nhiên, thực sự là có những lực lượng mạnh mẽ hơn đưa đến sự suy thoái của thế giới gia trưởng này. Kinh tế tiền tệ dần dần xâm nhập tận các vùng quê hẻo lánh. Hàng hóa sản xuất ở thành thị đang thay thế đồ thủ công mỹ nghệ. Những kỹ thuật mới đang dần được nông dân cầu tiến sử dụng. Đường sắt, đường bộ, dịch vụ bưu chính và điện tín đang mở cửa thôn làng ra đến thế giới bên ngoài. Bệnh viện và trường học, câu lạc bộ và thư viện đọc sách, chính quyền địa phương và các đảng chính trị, tất cả đang tiến gần hơn đến giới nông dân
Sự phát triển trường ở nông thôn, đặc biệt, đang tạo ra một thế hệ mới các nông dân nam nữ có ý thức – trẻ và có học, tiết kiệm và tỉnh táo, cầu tiến và có cá tính- đang nhắm đến việc lật đổ thế giới thôn làng cũ.
Chúng ta có thể thấy điều ấy trước tiên trong sự phân rã hộ gia trưởng trong cuối thế kỷ 19. Tỷ lệ tách hộ tăng lên nhanh chóng sau Giải phóng. Giữa năm 1861 và 1884 số hộ tách ra tăng từ 82,000 đến 140,000 hộ. Hơn 40 phần trăm số hộ nông dân được tách ra trong những năm này. Kết quả là số nhân khẩu trong mỗi hộ ở vùng trung Nga giảm từ 9.5 xuống 6.8. Các nông dân đang chuyển từ hộ gia đình đông nhân khẩu theo truyền thống sang hộ gia đình hạt nhân hiện đại. Những việc tách hộ như thế không có ý nghĩa mấy về mặt kinh tế – các hộ tách ra có ít gia súc, nông cụ và lao động hơn trước – và đây là mối quan tâm đáng kể đối với chính quyền sa hoàng, vốn chỉ biết thấy là, về khía cạnh luân lý và xã hội cũng như kinh tế, cuộc sống nông dân phụ thuộc vào sự sống còn của gia đình người gia trưởng.
Nhưng chính do khát vọng cá nhân của những nông dân trẻ đã gây áp lực cho sự tách hộ này, cho dù phải trả giá về kinh tế. Các con trai và vợ của người gia trưởng, đã chán ngấy thói độc tài của bậc trưởng thượng, đang ra riêng để tự lập nông trại mới của riêng mình thay vì đợi chờ ông ta chết đi (có khi lúc đó anh ta đã 40 hay 50) để thay thế ông ta cầm đầu. Trại anh có thể nhỏ và thiếu thốn nhưng ít nhất anh đang làm việc cho chính mình. ‘Trong gia đình nhỏ,’ một nông dân trẻ trong thập niên 1880 cho biết, ‘mỗi người làm việc cho chính mình, mỗi người kiểm tiền cho chính mình; nhưng nếu gia đình lớn, thế thì anh ta rốt cục không có gì cho riêng mình.’ Số hộ tách ra nhiều cũng liên quan trực tiếp đến việc lao động thêm bên ngoài để kiểm thêm tiền. Mỗi lần các nông dân trẻ nhận được tiền lương làm thêm bên ngoài, là có sự cãi vã tăng lên giữa y và người gia trưởng. Y không muốn chia sẻ tiền mình làm ra với ngân sách gia đình, thế là y đòi ra riêng. Đó là dấu hiệu của ý thức tăng lên về giá trị bản thân: ‘Tôi kiếm được tiền cho nên tôi tồn tại.’
Trình độ học vấn ngày càng cao của các nông dân trẻ là một nguyên nhân khác của chủ nghĩa cá nhân tăng lên. Tỉ số biết chữ ở Nga tăng từ 21 phần trăm trong dân số Đế chế năm 1897 đến 40 phần trăm trước Thế chiến I. Tỉ số cao nhất ở vùng quê nằm trong số các người trẻ trong những vùng gần sát các thành phố. Chín trong mười các tân binh mới tuyển vào quân đội trong hai tỉnh Petersburg và Moscow vào năm 1904 được cho là biết chữ. Những nông dân trẻ này hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc bùng nổ giáo dục thôn quê trong thập niên cuối cùng của chế độ cũ. Số các trường tiểu học tăng gấp bốn (từ 25,000 lên 100,000) giữa 1878 và 1911; và hơn phân nửa trẻ em nhà quê ở tuổi đến trường (8 đến 11) đều được đi học vào năm 1911.
Sự liên kết giữa trình độ học vấn và cách mạng là một hiện tượng lịch sử được biết rõ. Ba cuộc cách mạng lớn trong lịch sử Âu châu hiện đại – cách mạng Anh, Pháp và Nga – tất cả đều xảy ra trong những xã hội nơi có gần 50 phần trăm dân biết chữ. Các nhà hoạt động địa phương của Cách mạng Nga chủ yếu xuất thân từ thế hệ có học vấn này. Mỉa may thay, trong những nỗ lực muộn màng nhằm giáo dục quần chúng, chế độ sa hoàng đang giúp đào mồ chôn mình.
Học vấn có một hiệu quả sâu xa đến ý thức của dân chúng và cộng đồng. Nó phát huy suy nghĩ trừu tượng và cho phép nông dân làm chủ những kỹ thuật và kỹ năng mới, nhờ đói giúp họ chấp nhận khái niệm về tiến bộ tạo động lực thay đổi thế giới hiện đại. Nó cũng làm yếu đi trật tự do các lão gia trưởng làng xã thiết lập bằng cách phá vỡ các rào cản giữa nó và thế giới bên ngoài, và bằng cách di chuyển quyền lực trong làng cho những ai có thể tiếp cận được chữ viết. Nông dân trẻ và có học trang bị tốt hơn cha ông mình trong việc giải quyết những kỹ thuật nông nghiệp mới của cuối thế kỷ 19; với các phương pháp kế toán trong hệ thống tiền tệ; với các hợp đồng viết tay, các văn tự đất và thỏa thuận vậy mượn; và với toàn bộ thế giới mới về hành chính- từ việc ghi ngày tháng đơn giản, đến việc đọc các văn bản chính thức và những qui định về nghị quyết và thỉnh nguyện làng xã gởi đến cấp chính quyền cao hơn – trong đó họ bước vào sau năm 1861. Vị thế của nông dân trẻ có học vấn lên cao khi thị trường và bộ máy hành chính thấm xuống thôn làng và cộng đồng nông dân trông cậy nhiều hơn vào các lãnh tụ có kỹ năng mà xã hội mới đang yêu cầu.
Chữ viết chia làng xã thành hai nhóm riêng biệt. Thế hệ dốt chữ và già khú đâm ra sợ và nghi ngờ những người học nhiều (‘Mầy đâu có ăn được sách vở’) và ra sức giới hạn hiệu quả bào mòn nền văn hóa truyền thống của thôn làng. Phong cách sống thành thị theo chủ nghĩa cá nhân làm họ lo lắng – các thời trang và kiểu tóc, sự thiếu tôn trọng người lão nông, và những tư tưởng chính trị nguy hiểm – mà người trẻ nhận được qua sách vở. Như một thanh tra các trường dòng – người rõ ràng có cảm tình với mối quan ngại này – viết:
Điều duy nhất quan sát thấy (là kết quả của việc đi học) là mối quan tâm ngày càng cao vào thói ăn diện vô ích và vô vị. Trong nhiều vùng, y phục nông dân bình thường đang được thay thế bằng những phong cách đô thị, làm tiêu hao ngân quỹ còi cõm của nông dân, ngăn cản việc tiêu dùng cho những mặt hữu ích hơn. Mối ràng buộc gia đình, nền tảng chủ yếu của an sinh nhà nước và xã hội, đã bị lung lay dữ dội. Những phàn nàn về việc bất tuân phục đối với cha mẹ và người lớn tuổi xảy ra khắp nơi. Các thanh thiếu niên thường nói năng hỗn láo với các bậc trưởng thượng và thậm chí đánh đập họ; chúng gởi đơn khiếu nại ra tòa án và lôi ra khỏi nhà bất kể đồ đạc nào có thể . Hình như cha mẹ đã mất hết quyền hành đối với con cái của mình.
Ngược lại, các nông dân trẻ hơn – và với sự bùng phát của dân số nông thôn họ mau chóng trở thành đa số (65 phần trăm dân số nông thôn có tuổi dưới 30 vào năm 1897) – đặt giáo dục lên hàng đầu trong danh sách các ưu tiên của mình. Nó là chìa khóa để thăng tiến xã hội
Sự chia cách văn hóa này sẽ là đặc điểm chủ yếu của cách mạng nông dân. Một phần của nó là tiến bộ và cải cách: nó nhắm mang làng quê đến gần hơn với ảnh hưởng của thế giới hiện đại. Nhưng một phần khác của cuộc cách mạng nông dân là chủ nghĩa phục hồi: nó ra sức bảo vệ làng xã truyền thống chống lại những ảnh hưởng này. Chúng ta sẽ thấy bằng cách nào hai lực lượng xung đột này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của một ngôi làng đơn lẻ khi ta quay sang câu chuyện về Sergei Semenov và cuộc cách mạng ở Andreevskoe.
Cho dù những lực lượng cách tân này, cấu trúc cơ bản của chính trị nông dân vẫn còn có tính gia trưởng. Thật ra những người chống đỡ trật tự gia trưởng có thể sử dụng hàng loạt cách kiểm sát xã hội có thể để ngăn chặn làn sóng cách tân. Trong mỗi lãnh vực của cuộc sống nông dân, từ văn hóa vật chất đến tập quán lệ làng của họ, có một sự phù hợp chặt chẽ. Tất cả nông dân đều ăn mặc cùng một loại y phục cơ bản. Thậm chí kiểu tóc họ cũng giống nhau – đàn ông thì rẻ đường ngôi chính giữa và cắt ngắn bên dưới như một cái chén úp, tóc các bà thì thắt bím, cho đến khi có chồng thì vấn khăn. Nông dân trong ngôi làng truyền thống không nhất định phải tự khẳng định mình, như người thành phố thường làm, bởi một phong cách ăn mặc đặc biệt. Họ không bận tâm đến tính riêng tư. Mọi thành viên trong nhà đều ăn chung mâm và ngủ chung trong một phòng. Thiếu không gian riêng tư, không nói đến những nghi thức mắn con, bắt buộc hoạt động tình dục một phần mang tính công khai. Trong một số vùng ở Nga vẫn còn tập tục phá trinh cô dâu trước sự chứng kiến của dân làng; và nếu chú rể tỏ ra bất lực, một người lớn tuổi hơn sẽ thế chỗ y, hoặc bằng ngón tay của người mai mối. Tính e thẹn ít có chỗ đứng trong giới nông dân. Cằu tiêu thì ở nơi lộ thiên. Các bà nông dân thì lúc nào cũng để lộ ngực trần, hoặc để xem xét và mân mê hoặc cho con bú, trong khi nông dân thì hoàn toàn vô ý thức về việc máy mó bộ phận sinh dục của mình. Các bác sĩ thành phố bị sốc trước tập quán thổi vào mắt dính rơm rác để lấy ra, tập quán mớm cơm cho bé miệng qua miệng, và dỗ yên một bé trai đang quấy bằng cách bú vào chim chúng.
Túp lều của nông dân, hình dáng bên ngoài cũng như thiết kế bên trong, đều theo rập khuôn trong suốt cuộc đời họ. Trên khắp nước Nga, thật ra, chỉ có ba loại nhà ở cho nông dân: loại izba miền bắc, hay lều gỗ, với khu sinh hoạt và khu ngoài đều dưới cùng một mái nhà ; loại izba miền nam, với nhà ngoài tách biệt với khu sinh hoạt; và loại khata ở Ukraine, một ngôi nhà riêng biệt làm bằng gỗ hay đất sét, mái lợp tranh. Mỗi lều đều chứa những thành phần cơ bản như nhau : một khu vực bếp, ở đó có lò nấu, trên đó nông dân (dù có nhiều gián) ưa nằm ngủ; một góc ‘đỏ’ * hoặc ‘thiêng liêng’ nơi treo tượng thánh, khách khứa được tiếp ở đây, và gia đình ngồi ăn quanh một bàn quét vôi trắng; một khu vực ngủ, ở đó vào mùa đông thường thấy dê, ngựa và gia súc vùi mình giữa đống rơm rạ bên cạnh con người. Hơi ấm ẩm ướt và mùi động vật, mùi khói đen của đèn dầu, và mùi hăng hắc của khói thuốc lá ở nhà ủ và nông dân cuốn trong giấy báo để hút, phối hợp nhau tạo thành một bầu không khí độc hại và độc đáo. ‘Cửa chính và cửa sổ đều đóng im ỉm và không khí không thể mô tả được,’ một người Quaker Anh viết từ một ngôi làng ở Volga. ‘Tính chất độc hại của nó chỉ có thể nhận ra bằng trải nghiệm.’ Với điều kiện vệ sinh như thế, không có gì ngạc nhiên khi ngay đến cuối thập niên 1900 mà một trên bốn bé sơ sinh ở nông thôn chết trước khi qua một tuổi. Những bé sống sót có thể hi vọng sống trong tình trạng sức khỏe sút kém với tuổi thọ trung bình là 35. Cuộc sống nông thôn Nga thực sự là khốn khổ, tàn nhẫn và ngắn ngủi.
* Từ đỏ trong tiếng Nga là krasnyi có liên hệ với từ krasivyt nghĩa là đẹp, một sự kiện có tính biểu tượng cao cho phong trào cách mạng.
Nó cũng bị bó buộc nghiêm ngặt phải tuân theo tập tục của làng xã. Những người phạm các hành vi bất tuân sẽ chịu các loại hình phạt khác nhau, như nộp tiền phạt, bị trục xuất khỏi làng, hoặc làm nhục nơi công cộng. Dạng làm nhục thông thường nhất là ‘nhạc bạo’, hoặc charivari theo cách gọi ở nam châu Âu, tại đó dân làng tạo cảnh huyên náo bên ngoài người phạm tội cho đến khi y hay ả xuất hiện và đầu thú với đám đông. Sau đó họ sẽ bị mang ra làm nhục công khai hoặc thậm chí chịu phạt hình. Các bà vợ ngoại tình và bọn trộm ngựa chịu những hình phạt tàn khốc nhất. Không phải là hiện tượng bất thường khi những bà vợ phản bội bị lột trần truồng và bị ông chồng đánh roi hoặc cột vào cuối xe ngựa và kéo đi trần truồng khắp làng. Bọn trộm ngựa có thể bị hoạn, đánh đập, đóng dấu bằng sắt nung đỏ, hoặc chém đến chết bằng lưỡi liềm. Có người phạm tội bị móc mắt, bị đóng đinh vào thân thể, chân tay bị chặt đứt, hoặc cọc thọc sâu vào cổ họng. Một hình phạt được ưa chuộng là trói quặp tay chân phạm nhân rồi buộc vào ròng rọc kéo lên cao rồi thả xuống nhiều lần đến khi cột xương sống của y gảy ra và y biến thành đống thịt. Trong một hình thức hành hình khác nạn nhân trần truồng bị bỏ vào trong một bao tải ướt, một cái gối được buộc chặt quanh ngực y, rồi dạ dày y bị đập bằng búa, xúc gỗ và đá cho đến khi các cơ quan nội tạng của y bị nghiền nát mà không để lại dấu vết nào bên ngoài cơ thể.
Thật khó nói tính man rợ này bắt nguồn từ đâu – liệu có phải đó là văn hóa của nông dân Nga, hay do môi trường khắc nghiệt trong đó họ sống. Trong thời gian cách mạng và nội chiến giới nông dân đã phát minh những hình thức giết người và xử giảo còn ghê tởm hơn nữa. Họ cắt xén thân thể nạn nhân, cắt đầu và rút cơ quan nội tạng ra. Cách mạng và nội chiến là những tình thế cực kỳ, và không bảo đảm là bất kỳ ai khác, không kể quốc tịch, sẽ không hành động theo cách tương tự nếu ở trong cùng một hoàn cảnh. Nhưng chắc chắn là đúng khi nói, như Gorky đã làm trong tiểu luận nổi tiếng của ông ‘Về Nông Dân Nga’ (1922), liệu sự thật có phải cách mạng đã làm nảy sinh, theo cách ông nói, ‘sự tàn ác quá mức của nhân dân Nga’? Đây chỉ là sự tàn ác do lịch sử sinh ra. Lâu sau khi chế độ nông nô đã được bãi bỏ các thanh tra điền địa còn sử dụng quyền đánh roi các nông dân phạm những lỗi nhỏ nhặt. Những người cấp tiến cảnh báo rất đúng về tác hại tâm lý của hành động bất nhân này. Một y sĩ , nói tại Hội Y Học Kazan vào năm 1895 rằng nó ‘không chỉ hạ thấp mà còn làm chai cứng và thú tính hóa bản chất con người’. Chekhov, cũng là người hành nghề y, tổ cáo sự hành hạ thể xác, nói thêm rằng ‘nó làm chai đá và hung bạo không chỉ những bị cáo mà còn những người ra tay và những người chứng kiến. Bạo lực và tàn bạo mà chế độ sa hoàng giáng xuống đầu các nông dân đã biến thành bạo lực của nông dân chống chế độ trong cơn trả đũa khủng khiếp của cách mạng.
Nếu thôn làng Nga là một nơi chốn của bạo lực, hộ nông dân còn tệ hại hơn nữa. Hàng thế kỷ nay các ông chồng nông dân đã tự cho mình quyền đánh đập vợ con. Tục ngữ nông thôn Nga có đầy những lời khuyên những hành động bạo lực như thế:
Hãy đánh vợ ngươi bằng cán rìu, cúi xuống xem nó có còn thở không. Nếu còn, nó giả vờ đó và muốn nhận thêm vài cú nữa.’
‘Càng đánh con vợ già, món súp càng đậm đà.’
‘Đập bà xã mềm như chiếc áo lông, thì nhà sẽ hết ồn ào ngay.’
‘Bà vợ chỉ dễ thương có hai lần: khi mang cô ta vào nhà (như một cô dâu) và khi mang bà ta ra nghĩa địa.’
Các tục ngữ dân gian cũng đánh giá cao việc đánh nhau giữa đám mày râu. ‘Đối với một người đã bị đánh đập bạn phải mang đến hai người chưa bị đánh đập, mà chưa chắc đã giải quyết được thỏa thuận.’ Thậm chỉ có những cách ngôn dân gian nói rằng cuộc sống tốt đẹp chỉ hoàn hảo nếu có bạo lực: ‘Ôi cuộc đời vui thú làm sao, chỉ có điều không có ai để đánh.’ Đánh nhau là một thú tiêu khiển của nông dân. Vào dịp Giáng sinh, Lễ Hiện Ra và Lễ Xưng Tội thường xảy ra những vụ ẩu đả có khi chết người giữa các bộ phận khác nhau trong làng, đôi khi giữa hai làng, đàn bà trẻ con cũng tham gia, sau những chầu nhậu tới bến. Những tranh cãi nhỏ nhặt trong làng thường kết thúc bằng đấm đá. ‘Chỉ vì một cái nồi đất bể, đáng giá chừng 12 kô-péch,’ Gorky viết trong thời gian ông sống ở Krasnovidovo, ‘ba gia đình đánh nhau bằng gậy gộc, một bà lão bị gãy tay và một thiếu niên bị nứt sọ. Ẩu đả kiểu này tuần nào cũng xảy ra.’ Đây là một nền văn hóa trong đó sinh mạng bị coi rẻ và, dù giải thích thế nào, nó sẽ đóng một vai trò chủ yếu trong cách mạng.
Nhiều người giải thích bạo lực của nông dân có nguồn gốc là do sự yếu kém của luật pháp và tình trạng vô pháp tràn lan của nhà nước. Luật Giải phóng đã giải phóng các nông nô khỏi sự độc đoán hợp pháo của các địa chủ nhưng không đón nhận họ vào thế giới cai trị bởi luật pháp, bao gồm những thành phần còn lại của xã hội. Bị loại ra khỏi luật pháp thành văn của các tòa án dân sự, các nông dân mới được giải phóng này chịu bó buộc trong một tình trạng apartheid hợp pháp sau năm 1861. Chế độ sa hoàng xem họ là pha tạp giữa bọn hoang dã và trẻ con, và bắt họ phục tùng các quan tòa do các quí tộc địa phương bổ nhiệm. Các quyền hợp pháp của họ hạn chế bởi các tòa án nông thôn, hoạt động trên cơ sở tập tục địa phương. Người nông dân bị tước đoạt nhiều quyền dân sự mà những thành viên các giai tầng khác được hưởng.
Cho đến 1906, họ không có quyền sở hữu phần đất cấp cho mình. Các hạn chế luật pháp đã giới hạn nghiêm nhặt sự tự do đi lại của họ. Nông dân không thể rời bỏ công đồng làng xã khi chưa trả hết phần thuế đóng cho tập thể hay tiền nhượng đất có được từ các quí tộc trong luật Giải phóng. Một họ muốn tách khỏi công xã phải qua một thủ tục hành chinh rườm rà, phải được ít nhất hai phần ba hội đồng làng xã đồng ý, là điều khó đạt được. *
* Ngay cả trong những công xã có hưởng dụng kế thừa (chủ yếu ở miền tây-bắc và Ukraine) nó cũng không dễ dàng hơn. Ở đó các hộ muốn tách ra cũng phải trả hết phần nợ thuế công xã (một nhiệm vụ gần như là không thể đối với đại đa số nông dân) hoặc tim một hộ khác muốn choàng gánh nợ thế cho phần đất của mình. Vì tiền thuế thường vượt xa giá cả đất thuê ở bên ngoài công xã, nên khó tìm được hộ chịu làm việc này.
Thậm chí một nông dân muốn rời làng trong một vài tuần để đi lao động kiếm thêm thu nhập cũng trước tiên phải lấy sổ thông hành nội bộ do các bô lão công xã cấp (vốn hay chống đối việc ra đi này vì sợ làm yếu đi hộ gia trưởng và làm tăng gánh nặng thuế cho phần còn lại của làng). Thống kê chỉ ra rằng việc cấp thông hành rất hạn chế, mặc dù việc công nghiệp hóa và ngành nông nghiệp thương mại rất cần sức lao động di cư đó. Các nông dân vẫn bị trói buộc vào đất đai và, cho dù chế độ nông nô đã bị bãi bỏ, nó vẫn còn sống sót dưới hình thức những qui định ngặt nghèo. Bị tước đoạt tính ý thức và pháp quyền của công dân, không lấy gì ngạc nhiên khi nông dân không coi pháp luật nhà nước và quyền hành ra gì khi lực lượng áp bức họ bị loại bỏ vào năm 1905 và lần nữa vào năm 1917.
* * *
Thật là sai lầm khi cho rằng, như quá nhiều sử gia đã làm, là giới nông dân Nga không có trật tự đạo lý hoặc ý thức hệ gì cả để thay thế cho nhà nước sa hoàng. Richard Pipes, chẳng hạn, trong cuốn lịch sử gần đây về cách mạng, mô tả nông dân như thể là những người dốt nát và sơ khai chỉ có thể đóng vai trò hủy diệt trong cách mạng và do đó đã sẵn sàng để đảng Bôn-se-vich lợi dụng. Vậy mà, như chúng ta sẽ nhìn thấy, trong 1917-18 các nông dân chứng tỏ mình có đủ năng lực tái cấu trúc toàn bộ xã hội nông thôn, từ hệ thống quan hệ ruộng đất và mậu dịch địa phương đến giáo dục và tư pháp, và trong việc làm đó họ thường tỏ ra tinh tế về chính tri, không thể thoát thai từ một khoảng trống đạo lý. Các lý tưởng của cuộc cách mạng nông dân bắt rễ trong một truyền thống lâu đời về ước mơ và triết lý về một Utopia. Qua các tục ngữ dân gian, các truyền thuyết, truyện kể, bài hát và tập tục, một ý thức hệ rõ ràng xuất hiện tự biểu lộ thành những hành động của nông dân trong suốt những năm cách mạng từ 1902 đến 1921. Ý thức hệ đó đã được định hình qua bao thế kỷ chống đối nhà nước sa hoàng. Như Herzen đã nói, quá hàng trăm năm ‘toàn bộ cuộc sống của người nông dân đã là chuỗi chống đối thụ động, câm lặng, lâu dài đối với trật tự đang tồn tại: y đã chịu đựng áp bức, y đã rên siết dưới ách đó; nhưng y chưa bao giờ chấp nhận những gì xảy ra bên ngoài cuộc sống công xã’. Chính trong cuộc đối đầu văn hóa này, theo cách mà người nông dân nhìn thế giới bên ngoài làng xã của y, mà cách mạng đã bắt rễ.
Chúng ta hãy nhìn rõ hơn thế giới quan này của người nông dân phản ánh qua lệ làng. Trái với quan điểm của một số sử gia, lệ làng chứa đựng một bộ bao hàm các quan niệm đạo đức. Nói ngay, chúng không phải lúc nào cũng được áp dụng đồng đều. Các tòa án làng xã thường hoạt động một cách tùy tiện, xử kiện dựa vào uy tín của người khiếu kiện, hoặc vào số tiền hối lộ các thẩm phán được cử, bên nào đút lót nhiều vodka nhất. Tuy thế, giữa tất cả những hỗn loạn này, cũng có thể nhận ra một số khái niệm thực tiễn về công lý, xuất phát từ cuộc sống thường nhật của nông dân, nhiều hay ít cũng kết tinh thành những chuẩn luật pháp phổ quát, dù có những biến thể ở từng vùng.
Đặc biệt, ba ý tưởng luật pháp định hình nên ý thức cách mạng của nông dân. Thứ nhất là khái niệm về quyền sở hữu gia đình. Tài sản của hộ nông dân (gia súc, nông cụ, vụ mùa, nhà cửa và đồ đạc trong nhà, nhưng không kể đất bên dưới) được coi là tài sản chung của gia đình. * Mỗi thành viên của hộ được cho là có quyền bình đẳng sử dụng những tài sản này, kể cả những người chưa ra đời. Người chủ hộ, bol’shak, đúng là có quyền trong việc điều hành nông trại và bố trí các nông cụ. Nhưng lệ làng quí định rõ là ông ta phải hành động với sự đồng ý của các thành viên trưởng thành trong hộ và rằng, khi ông ta mất, ông ta không thể cho ai bất kỳ phần tài sản nào, mà phải để lại làm tài sản chung của hộ dưới quyền một bol’shak mới (thường là con trai trưởng). Nếu vị bol’shak quản lý kém trang trại, hoặc hay say xỉn và bạo lực, công xã có thể thay thế ông ta theo lệ bằng một thành viên khác của hộ. Cách duy nhất phải chia tài sản là khi tách hộ ra thành nhiều hộ nhỏ hơn, tùy theo cách thức mà lệ làng qui định. Trong mọi miền ở Nga việc này qui định rằng tài sản phải được chia trên cơ sở bình đẳng đối với mọi đàn ông trưởng thành, với các điều khoản dành cho người già và phụ nữ chưa chồng. Nguyên tắc sở hữu gia đình và chia phần bình đẳng đã ăn sâu vào văn hóa dân gian Nga. Điều này giúp cắt nghĩa được tại sao các cải cách ruộng đất của Stolypin (1906-17) thất bại, theo đó một điều khoản nhắm đến việc tạo ra một tầng lớp trại chủ tư bản giàu có, bằng cách chuyển tài sản của hộ gia đình thành tài sản riêng của bol’shak, từ do ông có thể giao tài sản cho một hoặc hai con trai của mình. Cuộc cách mạng 1917 đã quét sạch những cải cách này, trở về với các nguyên tắc truyền thống về quyền sở hữu gia đình.
* Ngoại lệ chủ yếu là của hồi môn của vợ và những vật dụng cá nhân khác (như quần áo và đồ dùng trong nhà), được coi như tài sản riêng của cô ta và có thể trao lại cho con gái mình.
Trang trại của hộ gia đình được tổ chức và định hình tùy theo nguyên tắc lao động, đó là khái niệm lệ làng thứ hai. Tư cách thành viên trong hộ được xác định bằng sự tham gia tích cực vào cuộc sống nông trại (hoặc, như cách nói của nông dân, ‘ăn cùng mâm’) hơn là bằng liên hệ huyết thống hoặc họ hàng. Một người ngoài nếu được gia đình chấp nhận cho sống và làm việc trên trang trại thường được coi như một thành viên đầy đủ của hộ với quyền lợi như người cùng huyết thống, trong khi con trai của gia đình nếu bỏ làng đi kiếm sống nơi khác sẽ không được coi như một thành viên của hộ. Sự gắn bó quyền lợi với lao động cũng có thể được nhìn thấy trên đất đai. * Người nông dân tin vào sợi dây nối thiêng liêng giữa đất đai và lao động. Đất đai không thuộc riêng ai trừ Chúa Trời, và không thể mua hay bán. Nhưng mỗi gia đình có quyền sống vào đất đai bằng chính sức lao động của mình, và công xã có mặt để bảo đảm sự phân phối bình đẳng giữa họ. Trên cơ sở này – rằng đất nên ở trong tay người cày cấy – các ông chủ không sở hữu đất đai một cách đúng đắn và những nông dân đói đất được thông cảm khi đấu tranh để giành nó từ họ. Một trận chiến dai dẳng giữa luật thành văn của nhà nước, đặt ra để bảo vệ quyền sở hữu của các địa chủ, và lệ làng của nông dân, được họ sử dụng để bảo vệ quyền xâm phạm các tài sản này.
Theo lệ làng, chẳng hạn, không ai nghĩ là sai khi một người nông dân lấy cắp gỗ trong rừng cây của chủ điền, vì chủ điền có nhiều gỗ hơn họ cần đến và, như một tục ngữ nói, ‘Chúa Trời trồng rừng cho mọi người.’ Nhà nước xếp một loạt những hành động khác nhau vào khung ‘hình tội’ mà lệ làng không đồng ý: xâm phạm và chăn thả gia súc trên đất của địa chủ; hái nấm và quả mọng trong rừng cây của y; hái trái trong vườn hoa quả của y; câu cá trong ao của y, và vân vân. Lệ làng là một công cụ mà người nông dân sử dụng để lật đổ một trật tự luật pháp mà theo quan điểm của họ là nhằm duy trì sự thống trị bất công của địa chủ và địa chủ lớn nhất là nhà nước. Không phải là ngẫu nhiên mà luật đất đai cách mạng 1917-18 dựa vào những nguyên tắc lao động tìm thấy trong lệ làng.
Trong khi sự phân chia tài sản hộ gia đình hoàn toàn bị lệ làng kiểm soát, các luật thừa kế mới của Stolypin nằm trong bộ luật dân sự. Các trường hợp liên quan đến việc thừa kế của nông dân được xử trong các tòa án dân sự (nghĩa là phi-nông dân) – tình huống chủ yếu đầu tiên của giới nông dân đang được tích hợp vào hệ thống luật pháp quốc gia.
Cách tiếp cận chủ quan với luật pháp – xét xử một vụ án tùy thuộc vào vị thế xã hội và kinh tế của hai bên nguyên bị – là lãnh vực đặc biệt thứ ba của lối suy nghĩ luật pháp của nông dân gần giống với cách mạng
Nó phản ảnh quan niệm của những người Bôn-se-vich về ‘công lý cách mạng’, nguyên tắc dẫn đạo của Tòa án Nhân dân 1917-18, theo đó giai cấp của một người được coi là yếu tố quyết định trong quá trình xác định tội phạm của y. Người nông dân xem việc lấy cắp một người giàu, nhất là do một người nghèo, có tội ít hơn nhiều khi lấy cắp một người thiếu thốn. * Theo quan điểm của nông dân thậm chí có thể thông cảm, như chúng ta đã nhìn thấy, khi giết một người có tội nghiêm trọng chống lại cộng đồng. Và sát hại một người lạ ngoài làng rõ ràng không tệ như giết một bạn làng. Tương tự, trong khi lường gat một người xóm giềng bị nông dân lên án là thiếu đạo đức, thì lường gat một điền chủ hoặc một viên chức không bị chế tài gì về luân lý; ‘thói ma lanh’ như thế chỉ là một trong nhiều cách thức đối kháng thụ động mỗi ngày mà nông dân sử dụng để lật đổ một trật tự bất công. Trong ngữ cảnh của xã hội nông thôn cách tiếp cận chủ quan này không phải là không hợp lý vì người nông dân nhìn công lý theo chuẩn mực của những tác dụng thực tiễn trực tiếp lên cộng đồng của mình hơn là theo những chuẩn mực tổng quát hay trừu tượng. Nhưng có khi điều đó dẫn đến những ý tưởng rối rắm khiến người ta hay cho các nông dân là hắc ám. Trong Kẻ Phạm Tội, chẳng hạn, Chekhov kế một câu chuyện có thật về một nông dân được mang ra xét xử vì ăn cắp một bu lông ở đường ray tàu hỏa để làm cục chì cho chiếc cần câu của mình. Y không thể hiểu tại sao mình có tội và ra sức mình oan bằng cách lặp đi lặp lại cách xưng hô ‘tụi tôi’ (tức chỉ các nông dân trong làng y): ‘Hả! Suốt bao năm nay tụi tôi đã gỡ các bu lông này mà, và có Chúa che chở, tự nhiên các ông lại nói về vụ lật tàu, nhiều người chết. Tụi tôi đâu có gỡ hết bu lông đâu – Tụi tôi luôn để lại một số mà. Tụi tôi đâu có hành động thiếu suy nghĩ đâu. Tụi tôi hiểu mà.
* Chẳng hạn, theo lệ làng một nông dân nếu phạm tội cày bừa mảnh ruộng người khác luôn luôn được đền bù cho lao động của y, mặc dù phần thu hoạch lớn hơn thuộc về chủ đất.
Đây là một phần lý do vì sao nông dân không ngần ngại thề dối trước tòa và, thật ra, họ có khuynh hướng thông cảm với kẻ phạm tội bị kêu án. Rất thường thấy nông dân phát lương thực cho đám tù nhân khi họ đi qua làng trên chuyến lưu đày đến Siberia.
Ở đâu, trong cái chủ quan đạo lý này, là nguồn cội của tinh vô chính phủ bẳm sinh của nông dân. Y sống ngoài vòng kềm tỏa của luật pháp nhà nước- và đó là nơi họ chọn để ở lại. Hàng bao thế kỷ sống dưới chế độ nông nô đã nuôi dưỡng trong lòng nông dân một mối ngờ vực sâu xa với mọi dạng quyền lực bên ngoài thôn làng của mình. Cái họ muốn là tự do (volia), một quan niệm dân gian xưa cũ về tự do và tự trị không bị ràng buộc của quyền lực. ‘Trong hàng trăm năm,’ Gorky viết, ‘người nông dân Nga đã mơ về một nhà nước không có quyền ảnh hưởng đến ý nguyện của cá nhân và quyến tự do hành động của y, một nhà nước không có quyền lực đối với con người.’ Giấc mơ dân gian đó sống mãi với những truyện kể có tính lật đổ của Stella Razin và Emelian Pugachev, những tay cách mạng nông dân của thế kỷ 17 và 18, mà hình ảnh huyền thoại của họ còn tiếp tục tận những năm 1900 đã được nông dân chứng kiến bay như những đàn quạ ngang qua sông Volga báo hiệu ngày sắp đến của Utopia. Và cũng có những truyện kể hoang đường không kém về ‘Vương quốc Opona’, đâu đó trên rìa trái đất, nơi các nông dân sống rất hạnh phúc, không bị các quí tộc và nhà nước quấy rầy. Nhiều nhóm nông dân thậm chí lên đường tìm kiếm tận phương bắc xa xôi mong tim gặp thiên đường này
* Điều này có liên hệ đến niềm tin tôn giáo của người nông dân cho rằng nghèo mới là có đức hạnh.
Khi nhà nước cố mở rộng quyền kiểm soát hành chính đến tận vùng quê trong cuối thế kỷ 19, nông dân nhắm đến việc bảo vệ sự tự trị của họ bằng cách phát huy nhiều hình thức phản kháng thụ động tinh tế hơn. Những gì họ làm thực sự là một cấu trúc điều hành kép trong làng xã: một lối điều hành chính thức, mặt quay về phía nhà nước, luôn thụ động và không hiệu quả; và một lối điều hành phi hình thức, mặt quay về phía nông dân, hoàn toàn đối nghịch. Các bô lão và viên chức thu thuế được bầu ra để phục vụ trong các cơ quan nhà nước trong làng xã và quận huyện thì như lời của một viên chức thất vọng, ‘không đáng tin cậy và hài lòng chút nào’, nhiều người trong số họ được cố tình chọn vì bất tài để phá hoại hoạt động của nhà nước. Thậm chí có trường hợp nông dân bầu một tên đần dộn trong làng làm bậc trưởng thượng của họ.
Trong khi đó, trung tâm quyền lực thực sự của nhà nước sa hoàng vẫn nằm trong tay mir, trong hội đồng làng xã đó các lão nông thống trị. Quyền lực của nhà nước sa hoàng chưa hề thực sự xâm nhập thôn làng, và điều này luôn là điểm yếu nền tảng của nó cho tận 1917, khi quyền lực của nhà nước bị bãi bỏ toàn bộ và làng xã có được volia của mình.
Các tầng lớp có học luôn e sợ volia của nông dân sẽ sớm thoái hóa thành tình trạng phóng túng vô chính phủ và báo thù bạo lực chống lại những nhân vật có quyền hành. Belinsky viết vào năm 1837: ‘Nhân dân chúng ta hiểu tự do là volia, và volia cho nhân dân có nghĩa là điều ác. Quốc gia Nga được giải phóng sẽ không hướng đến nghị viện mà sẽ điều hành để các quán được uống rượu, đập cốc, và treo cổ bọn quí tộc, mà tội duy nhất của họ là cạo râu và mặc áo choàng thay vì áo quần kiểu nông dân. Cách mạng, trong rất nhiều cách thức, sẽ hoàn thành lời tiên đoán của Belinsky
Chương 2. Truy Tìm để Xua Đuổi Quá Khứ
Khi là một thiếu nữ trong thập niên 1990 nhà văn Nina Berberova hay quan sát đám nông dân đến tư vấn ông nội mình trong phòng làm việc tại ngôi nhà gia đình gần Tver. ‘Họ thuộc hai loại,’ cô nhớ lại, ‘và theo tôi nhớ thì hoàn toàn khác nhau’:
Một số muzhik (nông dân) trông kín đáo, lich thiệp, có vẻ quan trọng, với mái tóc láng mượt, bụng bự và gương mặt bóng bẩy. Họ ăn mặc chải chuốt với áo sơ mi thêu và quần caftan bằng vải tốt. Đó là những người sau này sẽ được gọi là kulak. Họ đốn gỗ xây nhà mới trong những cánh rừng dày mà chỉ mới đây còn thuộc về ông tôi. Họ bước vào nhà thờ tay cầm các khay đựng tiền cứu tế và đặt nến trước tượng thánh Đức Mẹ Maria Xóa Dịu Nỗi Khổ của Con. Nhưng họ có khổ gì đâu? Ngân hàng Tín dụng Nông Dân cho họ vay. Trong nhà họ, mà tôi thỉnh thoảng đến thăm, có hoa phong lử trên bậc cửa sổ và mùi bánh nho thơm phức trong lò. Các con trai của họ lớn lên thành những thanh niên năng động và đầy tham vọng, bắt đầu cuộc đời mới cho chính mình, và tạo ra một tầng lớp mới phôi thai cho nước Nga.
Những muzhik khác thì mang giày săng đan bàng sợi da, ăn mặc lôi thôi, cúi chào khúm núm, không bao giờ đi quá cửa, và gương mặt trơ lỳ. Họ nhỏ con, và thường nằm dưới mương cạnh các tiệm bán rượu của nhà nước. Các con của họ thì đẹt vì suy dinh dưỡng. Các bà vợ suy kiệt của họ hình như lúc nào cũng đang mang bầu tháng cuối cùng, các bé sơ sinh thì nổi đầy mẩn ngứa, và trong nhà họ, tôi cũng có ghé qua, các cửa sổ bể được nhét giẻ rách bịt lại, còn gia súc và gà mái thì bị nhốt ở một xó. Mùi chua toả ra.
Những khác biệt giữa nông dân giàu và nghèo đã được tranh luận rộng rãi từ những năm 1870, khi toàn bộ vấn đề nghèo khó ở nông thôn đầu tiên gây một cú sốc với công luận Nga. Đối với các nhà Mác-xit và nhiều nhà cấp tiến hiến nhiên là giới nông dân có thể chia thành hai loại riêng biệt – loại những trại chủ tháo vát, loại kia là những người lao động không có đất – khi chủ nghĩa tư bản bắt rễ tại vùng quê của Nga. Nhưng người đảng Dân túy, vốn mơ về một giới nông dân đoàn kết dẫn dắt nước Nga thẳng đến chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tiến trình này đang xảy ra. Mỗi bên trưng ra một thư viện các thống kê để chứng minh hoặc phản chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản đang dẫn đến sự phân rã của giới nông dân, và các sử gia ngày nay còn tranh luận về ý nghĩa của nó.
Đúng là có những bất bình đẳng đang lớn dần giữa khối nông dân giàu nhất và khối nông dân nghèo nhất. Một bên là tầng lớp nhỏ nhưng lớn dần những nông dân tháo vát và giàu có; bên kia là giới nông dân nghèo khổ không ngừng bị bắt buộc phải bỏ nông trại và gia nhập đạo quân làm công ăn lương ở thành phố trong các ngành nông nghiệp, khai mỏ, vận tải và kỹ nghệ. Chàng thanh niên Lênin trong những năm 1890 lên đường để chứng tỏ rằng hai thái cực này là kết quả của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều này chưa hẳn là đúng.
Sự khác biệt chủ yếu trong chuẩn mực sống của nông dân thật ra có tính địa lý. Việc canh tác có tính thương mại đã bắt rễ trên vành đai quanh rìa trung tâm Muscovite cổ xưa của Nga trong thế kỷ 19. Trong những vùng Baltic luật Giải phóng nông nô năm 1817 đã khiến những chủ đất địa phương, có đường đến các thị trường nông sản Tây phương, biến điền trang của mình thành những nông trại kiểu tư bản thuê mướn các lao động ăn lương. Ở tây Ukraine, cũng thế, các quí tộc xây dựng các nông trại củ cải đường rộng lớn. Trong lúc đó, trong miền đất màu mỡ ở nam nước Nga, vùng Kuban và bắc Caucasus một giai tầng các trại chủ đã xuất hiện từ các nông dân và dân Cô-giắc. Ở miền tây Siberia , nơi việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Siberia đã khiến những trại chủ nhỏ trở nên giàu có nhờ sản xuất bột ngũ cốc và sản phẩm sữa cho thị trường. Những vùng này làm tăng mức sống nông dân – phản ảnh trong sức tiêu thụ tăng lên của họ – mà các sử gia gần đây đã phát hiện và sử dụng để bác bỏ tình chính thống lịch sử xưa cũ cho rằng các nông dân đã trở nên bần cùng hóa trước 1917. Thật ra điều xuất hiện là một sự phân kỳ lớn dần trong vị thế kinh tế của giới nông dân giữa các vùng mới và tương đối phồn thịnh chuyên canh tác thương mại ở miền tây, nam và đông, và, ngược lại, vùng nông nghiệp trung tâm xưa cũ đông dân cư, nơi đa số các điền trang toạ lạc, và nơi các phương pháp canh tác lạc hậu không thể giữ lại tất cả nông dân trên ruộng đồng. Không có gì ngẫu nhiên khi sau 1917 những vùng nông nghiệp giàu có hơn trở thành căn cứ vững chắc của phản cách mạng, trong khi vùng trung tâm bần cùng vẫn trung thành với cách mạng.
Trong vùng trung tâm nông nghiệp của Nga có ít dấu hiệu của chủ nghĩa thương mại và sự bất bình đẳng chủ yếu trong mức sống của nông dân có thể được giải thích là do sự khác biệt của chất lượng đất đai hoặc những di sản lịch sử có nguồn gốc tận những ngày tháng còn chế độ nông nô. Vì thế, chẳng hạn, làng xã được thành lập bởi các nông dân định cư trên đất đai nhà nước có chiều hướng giàu nhờ đất hơn những làng của những nông nô trước kia. Kinh tế thị trường rất yếu kém trong những vùng này và hầu hết nông dân tham gia vào hệ thống sản xuất tự nhiên. Họ bán một lượng nông sản nhỏ và có thể một số hàng mỹ nghệ mà họ làm ra trong mùa đông, để trả hết thuế và mua một số vật dụng trong nhà, sau khi sản lượng còn lại tính toán cho đủ tiêu dùng cơ bản của gia đình. Theo khảo sát zemstvo trong thập niên 1880, hai phần ba số hộ nông dân trong tỉnh Tambov thuộc trung tâm nước Nga không thể lo đủ ăn mà không phải vay nợ. ‘Trong làng chúng tôi’, Semenov nhớ lại, ‘chỉ có 5 hay 6 gia đình có thể tự xoay sở cuộc sống trọn năm ròng. Về phần còn lại, một số sống đủ đến lễ Mikhailov (trong tháng 11), một số cho đến Giáng sinh, và một số cho đến lễ Shrovetide, nhưng sau đó họ phải vay tiền để mua lương thực.’ Đó là bi kịch của hàng triệu nông dân mà nợ và thuế đeo đẳng bắt họ phải bán đi bớt nông sản trong mùa thu, khi sản lượng còn nhiều và gia cả hạ, chỉ để mua lại vào mùa xuân đói kém, giá lên ngất ngưởng. Mỗi thị trấn đầy ắp bọn cho vay nặng lãi và con buôn – nông dân gọi họ là kulak – bọn chuyên mua sạch ngũ cốc của nông dân trong mùa thu với giá rẻ, để sáu tháng sau bán lại cho họ với giá gấp đôi.
Lòng tham của họ thật tàn nhẫn, chỉ có thể bắt gặp, theo lời một người đương thời, trong ‘một con người hoàn toàn vô giáo dục đã đi lên từ nghèo khó đến giàu sang và đến nước coi việc làm ra tiền, bằng bất kỳ cách nào, là sự theo đuổi duy nhất mà một người có lý trí nên tận lực.’ Toàn thể dân làng đều mắc nợ bọn kulak này, và nhiều người buộc lòng phải bán bớt đất của mình để trả nợ. Nếu đây là ‘chủ nghĩa tư bản’, như Bôn-se-vich khăng khăng, thì đó là tư bản nguyên thủy.
Số nông dân ‘tư bản’ (những người có thuê dài hạn người lao động ăn lương) chắc chắn không hơn 1 phần trăm. Và sỡ dĩ số đó không nhiều hơn là vì sự tái phân phối có chu kỳ đất phân lô của công xã; và vì những trang trại nông dân giàu nhất, cũng thường có nhiều thành viên nhất, có thói quen phân chia tài sản của mình khi con trai lập gia đình và sẵn sàng ra ở riêng. * Nói cách khác, nông dân không thể trở thành nhà tư bản vì họ hiếm khi bám vào tài sản của mình lâu hơn một thế hệ.
* Vì thế, chẳng hạn, một nghiên cứu ở tỉnh Tula cho thấy 62 phần trăm hộ nông dân với bốn hoặc năm ngựa đã được phân chia tài sản giữa 1899 và 1911, so sánh với chỉ có 23 phần trăm những hộ có 1 ngựa. Các nhà thống kê như A. Và. Chayanov tin rằng chu kỳ đời sống của hộ nông dân đã cắt nghĩa được sự bất bình đẳng kinh tế trong làng xã. Hộ mới tách riêng , gồm cập vợ chồng và một hoặc hai con, thường cho được một lô đất nhỏ và rất ít gia súc. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên và bắt đầu tham gia lao động, hộ có thể tích cóp nhiều đất và gia súc hơn, cho đến khi nó lại tách ra tiếp. Chayanov lập luận rằng những khảo sát thống kê mà các nhà Mác-xit sử dụng để chứng tỏ sự sai biệt kinh tế của giới nông dân thật ra không hơn những bức ảnh chụp nhanh các hộ nông dân ở những giai đoạn khác nhau của chu kỷ đời sống này.
Tình trạng nghèo khổ của nông dân cũng không liên quan nhiều đến việc phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vấn đề cơ bản trong vùng nông nghiệp trung tâm là các tập tục về bình đẳng của giới nông dân không tạo cho họ động lực sản xuất nhiều hơn là sản xuất ra con cái. Sinh suất ở Nga (ở vào khoảng 50 người mỗi 1,000 dân mỗi năm) gần như gấp hai trung bình của châu Âu trong nửa sau của thế kỷ 19, và sinh suất cao nhất nằm trong những vùng đất phát canh của công xã nơi việc giữ đất được ấn định theo số khẩu trong hộ. Sự tăng vọt của dân số nông dân (từ 50 đến 79 triệu trong thời gian 1861-1897) đưa đến hậu quả là thiếu hụt đất đai. Vào đầu thế kỷ 20 7 phần trăm hộ nông dân không có đất cày cấy, trong khi một phần năm chỉ có những mảnh đất nhỏ không đến một desyatina (2.7 mẫu). Điều này có vẻ lạ lùng đối với một đất nước rộng lớn như Nga. Nhưng ở trung tâm nước Nga, nơi hầu hết nông dân sinh sống, mật độ dân số giống như ở phương Tây. Lô đất nông dân trung bình, mức 2.6 desyatina vào năm 1900, ngang ngửa với sở hữu điển hình ở Pháp và Đức. Nhưng nông dân Nga ít thâm canh hơn nhiều, sản lượng thu hoạch xấp xỉ phân nửa mức đạt được trong phần còn lại của châu Âu
Loại cày gỗ nhẹ mà đa số nông dân Nga sử dụng chỉ một ngựa, hoặc một cặp bò kéo, tương tự như loại cày hồi Đế chế La Mã và kém hơn nhiều so với loại cày sắt nặng sử dụng ở châu Âu với đội bốn hay sáu ngựa. Cái liềm tay nhỏ vẫn còn được sử dụng trên hầu hết nông trại ở Nga ngay trước Thế chiến I, trong khi phương Tây đã thay bằng loại liềm lớn hoặc móc gặt lớn hơn nửa thế kỷ trước, đập và sáng đều làm bằng tay, trong khi ở nơi khác đã cơ khí hóa từ lâu. Cách bón phân chuồng, chưa nói tới phân hóa học, đi sau mức chuẩn của châu Âu xa. Và cách luân canh tân tiến, vụ căn bản xen kẽ ngũ cốc, đã được đưa vào châu Âu trong thời kỳ cách mạng nông nghiệp ở thế kỷ 18, vẫn không được người nông dân lạc hậu Nga biết đến.
Dưới những tình trạng như vậy, lại thiếu vốn để cách tân nông trại, cách duy nhất để nông dân nuôi thêm miệng ăn tăng thêm là cày thêm nhiều đất nữa. Cách dễ nhất để đạt được việc này trong hệ thống ba-ruộng là giảm kích cỡ của phần ruộng bỏ hoá – và hàng ngàn làng đã làm việc này. Nhưng về lâu về dài chỉ làm tình thế tệ hơn, vì đất kiệt sức do canh tác quá mức, trong khi đàn gia súc (nguồn phân bón chính) bị giảm sút vì thiếu đất bỏ hoá và đồng cỏ. Vào đầu thế kỷ một phần ba nông dân thậm chí không có ngựa. Để canh tác họ phải thuê ngựa hoặc khom lưng kéo cày. Không có hình ảnh nào buồn hơn mô tả sự nghèo khó cứ đeo bám hàng triệu người nông dân cho bằng hình ảnh người nông dân cùng con trai hì hục kéo lê cày qua ruộng bùn.
Cách giải quyết hấp dẫn nhất đối với cơn đói đất của nông dân có thể nhìn thấy mỗi ngày từ làng quê của họ – dưới hình thức các điền sản của địa chủ. ‘Mỗi một các nông dân’, Hoàng thân Lvov viết, ‘tin tưởng từ tận tâm can mình rằng, một ngày nào đó, sớm hay muộn, đất của địa chủ sẽ thuộc về mình.’ Một phần ba đất canh tác ở Nga do các quí tộc sở hữu trong những năm 1870. Vào năm 1905 tỉ lệ này đã giảm đến 22 phần trăm, chủ yếu là kết quả tậu được trong công xã (phần sở hữu đất của nông dân đã tăng lên trong những năm này từ 58 đến 68 phần trăm). Hơn nữa, trong thời gian này khoàng một phần ba đất của quí tộc nhỏ địa phương được nông dân thuê lại. Nhưng điều này không nên khiến chúng ta nghĩ, như quá nhiều sử gia cảnh hữu đã tuyên bố, rằng không tồn tại vấn đề đất đai. Phần đông nông dân thuê đất từ các quí tộc làm vậy do áp lực đói nghèo hơn là do muốn giàu có: với đà tăng nhanh của dân số họ phải tính đến việc thuê thêm đất để có thế nuôi sống gia đình. Vì lý do nay, họ sẵn sàng trả giá thuê cao hơn giá trị thực của đất. Chính vì lý do nay mà đẩy giá thuê tăng gấp bảy lần.
Tồn tại một kiểu địa lý rõ ràng trong quan hệ về đất đai giữa nông dân-quí tộc nhỏ giúp giải thích được sự phân bố khác biệt của bạo lực nông dân trong thời cách mạng. Cuộc chiến nông dân chống địa chủ, vào năm 1905 lẫn 1917, đều tập trung trong vòng cung các tỉnh quanh rìa phía nam của vùng nông nghiệp trung tâm (từ Samara và Saratov về phía đông-nam, qua Tambov, Vononezh, Kursk, Kharkov, Chernigov, Ekaterinosla , Kherson và Poltava, xa tận Kiev và Podolia ở phía tây-nam. Đây là những miền có đông nông dân và ruộng đất có qui mô lớn của quí tộc. Giá thuê đất cao trong khi lương lậu thì thấp. Đó cũng là.miền đất màu mỡ và mùa màng tương đối dài rất thuận lợi cho việc phát triển lối canh tác thương mại lúa mì, củ cải đường và các loại hoa màu khác thích hợp để cơ khí hóa. Nói cách khác, những nông dân của những vùng chuyển tiếp này bị bắt dính trong cái tệ nhất của mọi giới có thể: giữa hệ thống nông nghiệp tiền-tư bản cổ xưa, và hệ thống canh tác thương mại mới xuất hiện ngoài rìa. Chừng nào mà chủ đất còn tiếp tục cho họ thuê đất, dù với giá cắt cổ, chừng đó họ còn có đường sống sót. Với sự sụt giảm của giá nông sản thế giới giữa 1878 và 1896 hầu hết các chủ đất đều làm như thế. Nhưng rồi giá ngũ cốc tăng vọt, phương tiện chuyên chở rẻ hơn, trước viễn cảnh lợi tức cao, nhiều chủ đất trở lại nông trang mình để biến chúng thành các nông trại thương mại. Giữa 1900 và 1914 lượng đất do chủ đất canh tác tăng lên gần một phần ba, và trong những vùng chuyển tiếp còn nhiều hơn nữa. Ở tỉnh Poltava, chẳng hạn, tỉnh chứng kiến làn sóng bạo loạn thực sự đầu tiên của nông dân vào năm 1902, lượng đất do quí tộc canh tác gần như tăng gấp đôi trong những năm này. Đất trước kia cho nông dân thuê để nuôi sống gia đình giờ đây bị lấy lại, hoặc cho thuê với giá bóc lột hơn. Và xảy ra hiện tượng nông dân trả tiền thuê bằng cách lao động trên điền sản của chủ đất mà nông dân coi như là một hình thức nông nô mới. Hơn nữa, nhiều nông trại thương mại qui mô lớn này được cơ khí hóa bằng cách đưa vào máy gặt và máy đập thành ra nhu cầu lao động nông dân – và do đó thu nhập của nông dân- còn sút giảm hơn nữa. Nhiều gia đình nông dân sống nhờ lao động theo mùa bắt buộc phải rời ruộng đồng.
Trong thập niên cuối cùng của chế độ cũ hàng triệu nông dân dần dần phải bỏ ruộng đồng vì nghèo đói hoặc vì tai ương nào khác, như hoả hoạn hoặc người lao động chính đã chết, mà đối với gia đình nghèo, nợ đến tận cổ, đủ tạo ra sự khác biệt giữa sống sót và thảm họa. Nạn nhậu nhẹt cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến nông dân mắc nợ và sạt nghiệp. Semenov mô tả một tầng lớp lưu linh ở Andreevskoe: ‘Người lớn thì gằy gò và trông bệ rạc; trẻ con thì còi xương, cổ bạnh vì bệnh tràng nhạc, mắt to lấm lét trên gương mặt mét chằng, và bụng ỏng trên đôi chân khẳng khiu.
Một số nông dân nghèo khó này xoay sở bươn chải kiếm sống bằng nghề ngỗng địa phương, như dệt, làm mộc, làm gốm, đóng giày, đốn gỗ và đánh xe. Những người khác di cư đến Siberia, nơi đó có đất cho người đi khai phá. Hơn một triệu nông dân, nhất là từ Ukraine, lên đường trong thập niên tiếp sau nạn đói năm 1891. Nhưng đại đa số gia nhập đoàn quân lao động di dân mà mỗi khi xuân đến lầm lũi lặn lội trên những con đường lầy lội của thôn làng, đi bộ hay xe ngựa, đi theo những con sông tràn trề trên những chiếc thuyền chèo tay tự chế hay tàu hơi nước, và đi băng qua nước Nga bằng tàu hỏa trong những toa không có máy sưởi ấm hoặc bám trên nóc toa tàu. Lực lượng du mục này, khoảng chín triệu người vào đầu thế kỷ, tiến về các khu chợ trong dịp lễ Phục Sinh nơi các ông được thuê cày những thửa ruộng thương mại lớn. Về cuối thu họ được tiếp viện bởi một đạo quân khác cho mùa thu hoạch. Và rồi họ phân tán khắp nước Nga để đi tìm việc làm mùa đông trên những đường ray, bến tàu, hầm mỏ, công trường xây dựng, hảng xưởng, để rồi lập lại toàn bộ chu kỳ vào mùa xuân năm sau.
Sau từng năm, trong thế xác và tâm hồn, các di dân này lại bỏ càng xa làng quê và bị hút về thể giới mới của cuộc cách mạng công nghiệp Nga. Trong nửa thế kỷ cuối cùng của chế độ cũ dân số thành thị của Đế chế tăng gấp bốn lần, từ 7 lên 28 triệu. Phần đông số gia tăng này là do các nông dân tràn vào thành phố tìm kiếm việc làm. Đầu tiên là những nông dân trẻ, nhiều người không hơn một thiếu niên, theo sau là những nông dân đã có vợ, rồi các cô gái chưa chồng, và cuối cùng là các phụ nữ đã có gia đình và trẻ con. Khoảng năm 1914 ba trong bốn người sống ở St Petersburg đăng kí là gốc nông dân, so sánh với không tới một phần ba 50 năm trước. Phân nửa dân số 2.2 triệu người của thành phố đã đến trong vòng 20 năm trước. Tác dụng của khối nông dân khổng lồ tràn vào Moskow còn trầm trọng hơn nữa. Từng đám nông dân tràn vào đường phố, nhiều chợ búa ngoài trời mọc lên (thậm chí ở Quảng trường đỏ cũng có một), những con đường không vỉa hè, những căn nhà gỗ, và gia súc chạy rông quanh các khu ở công nhân, tạo cho nhiều khu vực trong thành phố có dáng dấp nhà quê. Moscow vẫn còn có biệt danh là ‘Làng Lớn’.
* * *
Semen Kanatchikov (1879-1940) chỉ là một trong hàng triệu nông dân đã ra đi từ làng quê ra thành phố trong thời bùng phát công nghiệp những năm 1890. Nhiều năm sau, khi đã là một nhân vật quan trọng trong chính quyền Bôn-se-vich, ông nhớ lại những trải nghiệm trong hồi ký của mình. Ông sinh ra trong một gia đình nòng dân nghèo ở làng Gusevo trong quận Volokolamsk của tỉnh Moscow. Cha òng sinh ra là một nông nô và, mặc dù ông ta đã cố gắng cải thiện sổ phận mình bằng thuê đất, làm nghề và tự học đọc, ông đã sống trên ranh giới của sự nghèo khó như hầu hết nông dân trong quận mình. Mỗi mùa đông ông rời làng đi lao động trong thành phố, để lại người vợ ốm yếu bịnh hoạn, đã mất tất cả chỉ còn 4 trong số 18 đứa con, ở lại để điều hành nông trại. Năm thàng bất mãn đã biến ông thành một người nghiện rượu, và khi say, ông đánh đập vợ con. Vậy mà, như nhiều người Nga, ông pha trộn tật nghiện rượu với lòng kính sợ Chúa Trời; và không muốn gì cho con mình hơn là sẽ trở thành một ‘nông dân tốt’. Chàng trai Kanatchikov không thể chịu nổi cuộc sống. Sau khi mẹ mất sớm, mà ông đổ tội cho cha, ông quyết định thoát ly.
‘Tôi muốn thoát khỏi sự đơn điệu của cuộc sống làng quê càng nhanh càng tốt,’ ông sau đó viết, ‘để thoát khỏi sự độc đoán và giám hộ của cha tôi, để bắt đầu sống một cuộc đời tự lập và độc lập.’ Ông không phải đợi lâu khi cái nghèo bắt buộc cha ông phải chìu theo yêu cầu của ông. Vào tuổi 16 Kanatchikov cuối cùng bỏ làng đi Moscow, tại đó cha ông đã sắp xếp cho ông làm việc tập sự trong xưởng kim loại Gustav List. Ở đó, như hàng ngàn nông dân ra đi khác, ông sẽ bắt đầu xác định mình vừa là còng nhân vừa là đồng chí trong phong trào cách mạng.
Động lực khiến Kanatchikov bỏ làng ra đi có tính điển hình của thời đại mình. Cuộc sống đơn điệu buồn tẻ của làng quê là một gánh nặng đối với người trẻ như ông. Càng khó hơn một khi họ đã học đọc, vì những chuyện về cuộc sống thành thị trong báo chí và tập san càng thôi thúc họ nhận ra những hạn chế của đời mình. Thực sự mọi công việc ở thành phố đều hình như hấp dẫn và mời mọc so với lao động nhọc nhằn nơi đồng áng. ‘Tất cả thanh niên khỏe mạnh và có năng lực đều bỏ làng chúng tôi ra Moscow và nhận bất kỳ việc làm nào họ có thể tìm thấy,’ Semenov nhớ lại. ‘Chúng tôi háo hức đợi đủ lớn để có thể bỏ làng đi Moscow tìm việc gì đó.’
Andreevskoe, làng của Semenov, cũng sát Moscow như Gusevo, và thành phố như thời nam châm đối với đám nông dân trẻ. ‘Sự cận kề của làng chúng tôi với Moscow,’ Semenov viết thư cho bạn vào năm 1888, ‘đã khiến nông dân chúng tôi chán ngấy ruộng đồng. Khao khát một lối sống giao tiếp, một bộ y phục hợp thời trang, chè chén, theo đuổi một cuộc sống thoải mái – tất cả những điều này đè nặng lên tâm trí họ. Họ không còn tha thiết với ruộng nương. Mỗi người đều cố gắng tìm cách giải phóng mình khỏi thôn làng và tìm một kế sinh nhai dễ chịu hơn.
Nỗi khao khát cải thiện địa vị xã hội thường đồng nghĩa với việc bỏ làng tìm kế mưu sinh ngoài nông nghiệp. Trở thành một thư ký hoặc nhân viên cửa hàng được các nông dân xem như là thăng tiến về mặt xã hội. Đặc biệt, đối với các cô nông dân, thấy mình ở cuối thang thứ bậc trong hộ, giờ làm người hầu trong thành phố (công việc thông thường nhất) dâng cho họ một cơ hội sống độc lập và tốt đẹp hơn. Nhiều nhà phê phán xã hội đã ghi nhận khát vọng đó. Một nghiên cứu về học sinh trường làng vào những năm 1900, chẳng hạn, thấy rằng gần nửa số chúng muốn theo đuổi một ‘nghề nghiệp có liên quan đến học vấn’ trong thành phố, trong khi không tới 2 phần trăm muốn nổi gót cha mẹ làm nông dân. ‘Em muốn làm nhân viên cửa hàng’, một học sinh trường làng khẳng định, ‘vì em không muốn lội bộ trong bùn lầy, em muốn ăn mặc sạch sẽ và làm việc như một nhân viên cửa hàng.’ Phụ huynh và các nhà giáo dục đâm ra báo động trước hiện tượng nhiều trẻ em nông dân, đặc biệt, những em biết chữ, không chịu làm công việc nhà nông và cố tỏ ra mình hơn bạn bè khi chưng diện những y phục kệch cỡm của thành thị.
Nếu tham vọng xã hội thường là động lực chính yếu của những nông dân ra thành phố, thông thường hơn, như trong trường hợp của Kanatchikov, đó là việc ra đi không mong đợi vì cái nghèo quẫn bách bắt buộc. Nhưng dù cách nào trải nghiệm của thành thị biển đổi cách suy nghĩ của nông dân – về thể giới, về chính họ, và về cuộc sống thôn làng mà họ bỏ lại sau lưng. Xét tổng thể, nó khiến họ suy nghĩ theo tiêu chuẩn thế tục, hợp lý hơn và nhân văn hơn, mang họ đến gần hơn với giới trí thức xã hội chủ nghĩa, và chối bỏ và thậm chí khinh bỉ văn hóa làng xã, với những mê tín và phong cách tối tăm và lạc hậu. Đó là nước Nga của ‘những tượng thánh và lũ gián’, theo cụm từ của Trotsky, trong khi thành phố, và (đối với nhiều người trong số họ) văn hóa thành thị của phong trào cách mạng , đại diện cho tiến bộ, khai sáng và giải phóng con người. Những tay chân của Đảng Bôn-se-vich được chiêu mộ từ nông dân, như Kanatchikov. Sự ngờ vực và đúng ra là khinh bỉ mà họ biểu lộ đôi với giới nông dân,một khi đã nắm quyền bính, có thể giải thích bằng sự kiện xã hội này. Bởi vì họ liên kết thể giới nông dân tối tăm với quá khứ khốn khổ của họ, và nó là một tác động sống còn của nhân dạng cá tính và giai cấp của riêng họ, cũng như của nghĩa vụ của họ đối với cách mạng, mà thể giới này phải bị thủ tiêu.
Cha Kanatchikov đã sắp xếp một chân tập sự cho ông tai xưởng Gustav List qua một người láng giềng ở Gusevo đã rời làng đến đó làm việc vài năm trước. Phần đông di dân trông cậy vào mối quan hệ như thế để được lập nghiệp trong thành phố. Các nông dân của một làng hay vùng thường thành lập một hội đồng hương để giúp kiểm việc làm hoặc chỗ ở cho đồng hương. Toàn bộ các hảng xưởng và một khu vực trong thành phố thường ‘chiếm đóng’ bởi các nông dân của một địa phương, nhất là nếu họ cùng chia sẻ một ngành nghề đặc biệt nổi tiếng của làng đó, và thường thì các ông chủ xưởng nhờ các hội đó chiêu mộ nhân công cho mình. Ngoại ô kỹ nghệ Sormovo gần Nizhnyi Novgorod, chẳng hạn, nơi một trong những công trình xây dựng lớn nhất nước toạ lạc, tuyển tất cả nhân công của mình từ một vài làng chung quanh, nơi có ngành điêu khắc kim loại thủ công nổi tiếng. Qua những hiệp hội như thế những nông dân làm xa có thể duy trì liên lạc với làng quê của mình. Phần đông họ phụ thêm vào lương thợ bằng cách vẵn bám vào mảnh đất được phân chia trong công xã và trở về làng vào mùa hè để phụ giúp gia đình thu hoạch. Vào thời điểm thu hoạch hãng xưởng bị gián đoạn công việc. * Những nông dân khác đều đặn gởi tiền về nhà phụ giúp gia đình. Bằng cách này họ có thể giữ một chân ở làng, trong khi vị thế kinh tế của họ trong thành phố còn bấp bênh. Thật ra trong vài vùng kỷ nghệ, như vùng Ural và khu mỏ phía nam, các nông dân thường sống trong làng mình, nơi gia đình họ có một lô đất trồng rau, và họ đi tới lui làm việc ở xưởng hay hầm mỏ.
* Theo cuộc khảo sát năm 1881, hơn 90 phần trăm lực lượng công nhân xưởng dệt và 71 phần trăm toàn bộ công nhân kỹ nghệ trở về làng họ trong mùa hè. Tỉ lệ này giảm xuống vào cuối thế kỷ khi lực lượng lao động thành thị ổn định hơn. Nhiều xưởng thích nghi với tình thế bằng cách ngừng hoạt động vào mùa vụ nông nghiệp, hoặc bằng cách di chuyển đến nông thôn. Chính quyền khuyến khích cách sau này, vì sợ tập trung quá lớn giai cấp lao động thành thị. Chỉ 40 phần trăm công nhân kỹ nghệ của Đế chế sống trong các thành phố vào đầu thế kỷ.
Nhiều đi dân này vẫn tiếp tục coi mình là nông dân gốc, và xem công việc hãng xưởng như là một phương tiện kiếm tiền phụ giúp nông trại gia đình. Họ vẫn giữ hình dạng nông dân – mặc bộ y phục bằng vải bông truyền thống tự may hơn là đồ sản xuất bằng máy, tóc vẫn hớt kiểu bát úp và không chịu cạo râu. ‘Họ sống trong những điều kiện bẩn thỉu, chật chội và rất dè sẻn, không dám tiêu xài để tích cóp gởi về gia đình,’ Kanatchikov nhớ lại. ‘Vào ngày lễ thánh họ tham dự lễ mét và thăm viếng đồng hương, và những buổi chuyện trò chỉ xoay quanh ngũ cốc, đất đai, mùa màng và gia súc.’ Khi đã dành dụm đủ tiền họ sẽ quay về làng và mua một miếng đất nhỏ. Tuy nhiên, những người khác, như Kanatchikov, thích trông đợi tương lai mình là công nhân thành thị. Họ xem đất đai mình ở quê như chỗ dựa tạm thời trong khi lo tạo dựng ở thành phố.
Chính nhờ qua một hội đồng hương 15 người mà Kanatchikov tìm được một ‘góc’ phòng trong một ‘ngôi nhà rộng rãi, bốc mùi cư ngụ đủ hạng người cùng khốn’. Mười lăm người cùng phòng mua thức ăn và thuê người nấu ăn cho tập thể. Mỗi ngày vào trưa họ vội vã từ xưởng về nhà để ăn trưa với súp bắp cải- như hồi là nông dân, ‘cùng nồi bằng muỗng gỗ’. Kanatchikov ngủ trên một giường nhỏ với một bạn học việc khác. Góc phòng không cửa sổ của ông bẩn thỉu và đầy rận cháy và mùi hôi của ‘nhân loai’. Nhưng được ở trong một phòng riêng là điều may mắn cho ông. Nhiều công nhân phải ngủ trên những tấm ván làm giường ngay trong nhà xưởng, nơi hàng trăm nam nữ và trẻ em công nhân ngủ chen chúc từng hàng dài, không chăn đệm. Trong những nhà xưởng này, mà Gorky so sánh với ‘chỗ cư trú của người tiền sử’, không có nơi tắm rửa hoặc phương tiện nấu ăn, vì thế công nhân phải đến nhà tắm công cộng và ăn ở bếp ăn tập thể. Có nhiều gia đình sống trong những điều kiện như thế. Họ cố gắng nhiều như có thể để tạo ra chút riêng tư bằng cách giăng màn quanh chỗ ngủ. Những người khác, thậm chí kém may mắn hơn, bắt buộc phải ngủ trong nhà trọ rẻ tiền hoặc ăn ngủ ngay bên cạnh máy móc. Các công nhân chỉ yêu cầu tiện nghi như vậy để khỏi mất nửa phần lương thuê phòng. Các chủ nhà trọ ngăn phòng, hành lang, tầng hầm và nhà bếp để được lợi tối đa. Nhiều người chụp lấy cơ hội vội vã cho xây cất phòng trọ. Mười sáu người sống chung trong một căn hộ trung bình ở St Petersburg, sáu người mỗi phòng, theo một cuộc khảo sát năm 1904. Trong các khu công nhân con số còn cao hơn. Hội đồng thành phố có thể đã giải quyết được nạn khủng hoảng nhà ở bằng cách xây dựng ở ngoại ô và phát triển giao thông giá rẻ, nhưng áp lực từ những chủ đất ở trung tâm đã phong tỏa những dự án như thế.
Như phần đông thành phố kỹ nghệ Nga, St Petersburg đã phát triển một cách tự phát. Hãng xưởng đã được xây dựng ngay trong khu dân cư trung tâm và được phép xả thải nước ô nhiễm do sản xuất ra kênh rạch và sông. Nước sinh hoạt là một nguồn ủ các bệnh thương hàn và tiêu chảy, như con gái Sa Hoàng mắc phải trong dịp lễ 300 năm. Tử suất trong Thành phố các Sa Hoàng này cao nhất trong số các thủ đô châu Âu, kể cả Constantinople, với dịch tiêu chảy mỗi ba năm một lần. Trong khu công nhân không tới một phần ba số căn hộ có phòng vệ sinh hoặc vòi nước máy. Phân đổ đống ở sân sau cho đến khi các xe gỗ đến thu đổ đi vào ban đêm. Nước hứng trong các thùng gỗ lấy từ giếng bơm đường phố hoặc giếng đào và phải nấu sôi mới an toàn sử dụng. Trên khắp thành phố – trên mặt tiền nhà, trong xe điện, và trong hàng trăm nơi công cộng – có treo những thông báo bằng mực đỏ cảnh báo người dân không được uống nước, mặc dù những công nhân khát nước, và nhất là những người từ quê mới ra thành, không chú ý nhiều đến chúng. Không có công trình nào có hiệu quả trong việc cải thiện nước sinh hoạt và hệ thống thoát nước, vốn trở thành một tai tiếng có tầm vóc quốc gia ngay cả sau khi 30,000 người đã chết vì dịch tiêu chảy trong 1908-09. Người ta nghe nói nhiều về việc thiết lập một đường ống đến hồ Pagoda, nhưng dự án vẫn nằm trên bảng vẽ cho tận năm 1917.
Từ ngày đầu tiên của ông tại xưởng máy chàng trai Kanatchikov ý thức rõ ràng về điệu bộ nhà quê vụng về của mình: ‘Những công nhân lành nghề nhìn tôi khinh khi, nhéo tai tôi, kéo tóc tôi, gọi tôi là ‘thằng hai lúa’ và những biệt danh xấu xa khác.’ Những người quí tộc lao động này trở thành những khuôn mẫu mà Kanatchikov bắt chước để đồng hóa mình vào văn hóa giải cấp lao động mới. Ông thèm thuồng phong cách thời trang của ho, với quần dài lai lật úp lên đôi giày bốt da bóng loáng, sơ mi ‘fatasia’ trắng bó trong quần, và cổ áo có viền ren. Họ thơm mùi xà phòng và nước hoa Cologne, chẻ tóc kiểu Ba Lan ( đường ngôi sang một bên không ở ngay chính giữa như nông dân), và vào những ngày chủ nhật ăn diện áo vét và đội mũ quả dưa. Vẻ tự hào mà họ toát ra qua dáng vẻ bề ngoài hình như chuyển tải ‘ý thức về giá trị bản thân’; và chính tính cách này là điều mà Kanatchikov nhắm đạt tới.
Nhưng ngay lúc này, ông thấy mình còn ở bậc dưới cùng của bậc thang giá trị trong xưởng, một công nhân chưa lành nghề, lao động mỗi tuần sáu ngày, từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối, với mức lương chết đói 1.5 rúp một tuần. Cuộc cách mạng kỹ nghệ nở muộn của Nga phụ thuộc vào công nhân giá rẻ từ vùng quê như Kanatchikov. Đây là thuận lợi chính yếu của Nga đối với những cường quốc kỹ nghệ xưa hơn, trong đó lao động có tổ chức đã giúp họ tranh thủ được lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Như Bá tước Witte nói vào năm 1900, công nhân Nga, ‘vốn được nuôi dưỡng trong tập quán đạm bạc của đời sống thôn dã’, nên ‘dễ mãn nguyện’ hơn những nông dân ở châu Âu hoặc châu Mỹ, thành ra ‘trả lương thấp xem như món quà may mắn đối với công nghiệp Nga’. Thật ra, khi hãng xưởng càng ngày càng cơ khí hóa nhiều hơn, các ông chủ thậm chí có thể bốc lột sức lao động còn rẻ hơn của đàn bà và trẻ em. Khoảng năm 1914 phụ nữ đại diện 33 phần trăm lực lượng lao động kỹ nghệ của Nga, so sánh với số 20 phần trăm vào năm 1885, và trong một số ngành nghề, như dệt may và chế biến thực phẩm, nữ công nhân chiếm đa số. Xí nghiệp bào mòn sức khỏe của họ, tạo thêm một gánh nặng, vì nhiều phụ nữ còn có con khóc quấy và ông chồng nghiện rượu. ‘Người ta không thể không chú ý tình trạng già sớm của nữ công nhân nhà máy,’ một bác sĩ cao cấp viết vào năm 1913. ‘Một nữ công nhân 50 tuổi mà nhìn và nghe đã kém, đầu váng, lưng khòm, trông như người 70. Rõ ràng chỉ vì sinh kế quẫn bách mới khiến bà bám vào nhà máy với công việc quá sức mình. Trong khi đó ở phương Tây, các công nhân lớn tuổi có lương hưu, nữ công nhân chúng ta không mong gì hơn là sống tháng ngày còn lại bằng nghề phục vụ nhà xí.’
Chính quyền sa hoàng miễn cưỡng trong việc cải thiện sổ phận của công nhân thông qua luật xí nghiệp. Đây là một trong những sai lầm lớn nhất của nó, bởi vì sự lớn mạnh của một giai cấp lao động bất mãn trong các thành phố sẽ là một trong những nguyên nhân chính cho sự sụp đổ của nó. Một phần của vấn đề là do các tên phản động có ảnh hưởng, như Tổng Đại diện Hội đồng Tôn giáo Thần thánh và cố vấn thân cận của hai sa hoàng cuối cùng, không chịu nhìn nhận tồn tại vấn đề lao động, vì theo quan điểm của họ nước Nga vẫn còn (và nên còn) là một xã hội nông nghiệp. Nói cách khác công nhân nên được đối xử không hơn nông dân. Những người khác sợ rằng thông qua những cải cách như thế chỉ sẽ làm gia tăng sự kỳ vọng của công nhân.
Nhưng mối quan tâm chủ yếu là rằng rất nhiều kỹ nghệ Nga còn nằm trong tay các ông chủ nước ngoài, * và, nếu chi phí lao động tăng lên, họ có thể gom vốn đi nơi khác. Những thắng lợi mà công nhân Anh đạt được những năm 1840, và công nhân Đức trong những năm 1880, vẫn còn ngoài tầm với của công nhân Nga ở đầu thế kỷ. Hai luật xí nghiệp quan trọng nhất – một trong 1885 ngăn cấm sử dụng lao động đàn bà và trẻ em vào ban đêm, và thứ hai năm 1897 giới hạn ngày làm việc 11 giờ rưỡi – phải được giành giật từ chính quyền sau nhiều cuộc đình công lớn. Nhưng thậm chí những cải cách này vẫn còn có những lỗ hổng. Những ngành nghề thủ công nhỏ, vốn chỉ mướn đa số công nhân dưới quê, không được kể vào bộ luật bảo vệ đó.
* Tỉ số cổ phần do người nước ngoài nắm giữ trong các công ty chứng khoán tăng từ 25 phần trăm năm 1890 lên khoảng 40 phần trăm trước Thế chiến I.
Những thanh tra viên, có nhiệm vụ theo dõi việc tuân thủ qui định, thiếu quyền hành chế tài, khiến các ông chủ nhà máy phớt lờ họ một cách trâng tráo. Khu vực làm việc đầy ắp khói độc và thiếu hệ thống thông gió. Sàn nhà máy chật cứng những máy móc nguy hiểm thường gây ra tai nạn. Vậy mà hầu hết các công nhân từ chối quyền hợp pháp được bảo hiểm và, nếu họ mất một mắt hoặc một chi, không hi vọng lãnh nhiều hơn một vài rúp đền bù.
‘Chủ nhà máy là người đề xuất tuyệt đối các qui định trong những năm 1880. Thật ra, bằng cách thuê mướn công nhân bằng hợp đồng riêng, các ông chủ có thể bỏ qua hầu hết phần đông bộ luật lao động của nhà nước. Họ xen vào hợp đồng những điều khoản tước đoạt các quyền lợi hợp pháp của công nhân. Rất lâu sau khi các điều khoản hình phạt này bị xử là vi phạm pháp luật, các công nhân văn còn bị cắt xén lương bổng khi năng xuất thấp, làm hư hỏng hàng và vi phạm những qui định nhỏ nhặt của nhà máy (đôi khi chỉ vì đi vệ sinh trong giờ làm việc). Một số ông chủ còn lục soát công nhân một cách nhục mạ để tìm đồ ăn cắp mỗi khi họ tan ca ra về, trong khi những người khác bị quất roi vì những vị phạm. Chỗ thì cấm công nhân đội mũ, hoặc ăn mặc đẹp khi làm việc, như một cách dạy họ biết vị thế của mình. Hình thức ‘chế độ nông nô’ này khiến công nhân bất mãn sâu sắc vì nó sỉ nhục nhân phẩm của họ. ‘Thậm chí chúng tôi không được đổi xử như một con người,’ một công nhân phàn nàn, ‘mà bị coi là những đồ vật có thể ném bỏ bất cứ lúc nào.’ Một người khác than thở ‘bên ngoài nước Nga ngay cả ngựa còn được nghỉ ngơi. Nhưng số phận công nhân chúng tôi còn tệ hơn cả ngựa.’ Khi họ đã trở nên ý thức về giá trị của mình, những công nhân này đòi hỏi các ông chủ phải tôn trọng họ hơn. Họ muốn được các ông ấy gọi mình bằng từ ‘vyi (anh)’ lịch sự thay vì từ ‘tvi (mày) thân mật), mà trong chế độ nông nô hay dùng. Họ muốn đổi xử như những ‘công dân’. Thường yêu sách được đối xử tôn trọng hơn là vấn đề cơm áo gạo tiền mới làm nổ bùng các cuộc biểu tình và đình công.
Các sử gia đã tìm kiếm ráo riết những cội nguồn của tính chiến đấu trong lao động này. Quí mô của nhà máy, mức độ kỹ năng và trình độ học vấn, sự vận động của lương bổng và giá cả, số năm sống trong thành phố, và ảnh hưởng của giới trí thức cách mạng – tất cả những yếu tố này đã được khảo sát chi li trong vô số chuyên khảo, tất cả đều nhằm giải thích sự cất cánh của cuộc ‘cách mạng công nhân’. Lập luận chủ yếu trong giới sử gia là do các tác dụng của sự đô thị hóa. Một số người lập luận rằng chính các công nhân thành thị hóa nhiều nhất , những người có kỹ năng và học vấn cao, sẽ trở thành mũi xung kích của cách mạng. Nhưng những sử gia khác lập luận rằng những di dân gần đây – những người bị ‘giật phắt khỏi cái cày và ném thẳng vào nhà máy’ như Trotsky có lần nói – có khuynh hướng là những người dữ dội nhất, thường ứng phó môi trường kỹ nghệ thù nghịch mới trong đó họ đang sống bằng những hình thức tự phát của cuộc nổi dậy liên quan đến miền quê.
Giờ thì không nghi ngờ gì nữa các nông dân vào thành thị đã góp thêm yếu tố dễ bốc và hay hung hãn vào giai cấp lao động thành thị. Tình trạng náo loạn lao động trong những thập niên đầu của kỹ nghệ hoá thường dưới hình thức bộc phát bạo lực, như nổi loạn, ẩu đả, cướp phá và phá hỏng máy móc, loại hành động mà người ta có thể chờ đợi ở những nông dân bị đứt rễ nhưng vô tổ chức cố đấu tranh để thích ứng với thế giới thành thị mới và kỷ luật của nhà máy. Một số hình thức bạo lực tiền- kỹ nghệ này trở thành khung cảnh thường xuyên của tình trạng náo loạn lao động. Một ví dụ tốt là trong những cuộc biểu tình hay đình công các công nhân thường có hành động đẩy các ông chủ hãng hay các đốc công lên các xe rùa rồi đổ vào hầm phân hay kênh rạch. Dù sao thì cũng quá xa khi cho rằng những hình thức đối kháng ‘kỹ nghệ’ sơ khai này là nhân tố quyết định của tính chiến đấu lên cao của người lao động. Trong thập niên 1890 những cuộc đình công trở thành hình thức đối kháng chính của công nhân và chúng đòi hỏi một loại tổ chức có kỹ luật mà chỉ những công nhân thành thị hóa nhất, với bậc kỹ năng và học vấn cao nhất, mới có thể đáp ứng được. Trong ngữ cảnh này, các công nhân mới từ quê ra không chắc có thể đóng một vai trò cầm đầu. Đúng ra, họ thường tham gia đình công một cách miễn cưỡng . Với một mảnh đất còn ở làng phòng thân khi phải trở về làng lúc khó khăn, họ ít có khuynh hướng liều lĩnh để đình công, so sánh với những công nhân đã cắt đứt mối dây ràng buộc với thôn làng và chỉ phụ thuộc vào đồng lương nơi nhà máy. Nhóm sau này mới là người đứng ở tuyến đầu của phong trào lao động.
Về phương diện này Nga khác biệt hoàn toàn với châu Âu, nói các công nhân có tay nghề và học vấn cao nhất lại ít có tính thần cách mạng nhất và đang được tích hợp vào phong trào dân chủ rộng lớn hơn. Có ít dấu hiệu về những nhà ‘quí tộc lao động’ ôn hòa như thế xuất hiện ở Nga. Các công nhân xưởng in, với mức lương cao và mốii quan hệ gần gũi với giới trí thức, là các ứng viên tích cực nhất cho một vai trò như thế. Thậm chí họ còn đứng vững chắc phía sau các đảng Mác-xit và Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa. Nếu họ đã có thể phát triển các nghiệp đoàn hợp pháp của riêng ho, thể thì những công nhân này có thể gặt hái đủ thắng lợi từ hiện trạng không cần yêu sách lật đổ nó. Sau đó họ có thể đi theo con đường cải cách ôn hòa mà các phong trào Tây phương đã đi. Nhưng tình hình chính trị Nga đã tự nhiên xô đẩy họ về phía những cực đoan. Không thể phát triển những tổ chức độc lập của riêng mình, họ bắt buộc phải nhờ cậy vào tài lãnh đạo của các hội kín cách mạng. Theo một nghĩa rộng lớn, mónthì chính phong trào cách mạng công nhân được tạo ra bởi chế độ sa hoàng.
Tính chiến đấu không là gì nếu không phải là một tập hợp những thái độ và tình cảm. Và như chuyện đời của Kanatchikov minh họa, cội nguồn của tính chiến đấu của công nhân là thuần túy tâm lý. Cá tính của ông đã thay đổi khi ông thích ứng với lối sống đô thị và đạt được những kỹ năng mới. Làm chủ những kỹ thuật tạo hình chính xác, các công nhân cơ khí ưu tú, chuyên vẽ và đúc những chi tiết máy, cho phép anh ta tự tin vào năng lực của chính mình. Nó cũng cho phép anh ta lãnh được nhiều tiền hơn, khiến anh nhận ra được giá trị của mình hơn. Học đọc và nói với các công nhân khác tạo anh cơ hội tiếp cận những luồng tư tưởng xã lạ và những lý thuyết khoa hoc, như thuyết Darwin và Mác-xit, làm sút giảm lòng tin của anh vào tôn giáo. Nói cách khác, chàng trai Kanatchikov đang tranh đấu để thoát khỏi ảnh hưởng của làng xã. Anh cũng không ưa những thói xấu nông thôn của các bạn cùng căn hộ như thói nhậu nhẹt, hay gây gổ đánh nhau và tục tằng. Anh chuyển sang phòng khác ở một mình, thề không uống thứ gì mạnh hơn trà, và bắt đầu theo nghiêm nhặt một chương trình luyện tập cải tạo bản thân, nhằm xóa bỏ toàn bộ dấu vết gốc gác của một nông dân hèn kém. Anh khao khát tạo ra một hình ảnh mới của một công nhân điện kim triển vọng, sống một cách tự lập và không hủy hoại đời mình trong chai vodka. Anh dành dụm tiền để cắt tóc kiểu Ba Lan và mua cho mình một áo vét đúng mốt và một chiếc lưỡi trai viền nhung, mà các quí tộc lao động ưa mặc. Anh mua một áo khoác, một chiếc đồng hồ bỏ túi, một nón rơm và một đôi giày thời trang, để ăn diện vào những chủ nhật. Với 15 kô-péch, anh mua được sách Tự Học Khiêu Vũ và Phép Xã Giao, dậy anh không được lấy khăn ăn quệt mũi và bảo anh cách thức ăn những món tinh tế như actiso và măng tây, mặc dù, như anh sau này nhìn nhận, anh thậm chí không biết hai thứ này là động vật, thực vật, hay chất khoáng nào đó.
Việc tự học là một khát vọng tự nhiên cho những công nhân tiến bộ muốn tiến lên nấc thang xã hội như Kanatchikov. Nhiều người còn nhắm đến việc cưới vợ thuộc tầng lớp tiểu tư sản và lập ra những công ty nhỏ của riêng mình.
Nhưng trong số những công-nông dân như Kanatchikov, mà sau này sẽ gia nhập Bôn-se-vich, sự kiểu cách bề ngoài này thường biểu lộ một cách quá cực đoan. Sự kiêng khem rượu, chỉ uống trà và dáng dấp chải chuốt và khắc khổ và có tính kỷ luật khiến họ có thể vứt bỏ quá khứ nông dân của mình hoàn toàn. ‘Chúng tôi quan niệm rằng không đảng viên xã hội có ý thức nào được uống vodka,’ một Bôn-se-vich nhớ lại. ‘ Chúng tôi thậm chí lên án việc hút thuốc. Chúng tôi tuyên truyền đạo đức theo nghĩa nghiêm khắc nhất.’ Vì lý do này mà nhiều tay chân của Đảng Bôn-se-vich kiêng cữ những giao du lãng mạn, mặc dù trong trường hợp của Kanatchikov có thể là do sự nhút nhát của anh trước phụ nữ. Những nhà cách mạng công nhân, anh sau này thú nhận, ‘phát huy một thái độ tiêu cực đối với gia đình, đối với hôn nhân, và thậm chí đối với phụ nữ’. Họ tự nhận mình là những con người ‘được chọn lựa’, số phận của họ gắn kếtt hoàn toàn với lý tưởng cách mạng, mà có thể bị hủy hoại ‘nếu tiếp xúc với phụ nữ’. Những nhà vô sản tiên phong này quá câu nệ đến nỗi dân chùn lầm tưởng họ với các thầy tu khổ hạnh dòng Pashkovite. Ngay cả các cảnh sát cũng lúng túng khi được chỉ thị theo dõi những công nhân ‘cách mạng’ chỉ uống nước trà.
* * *
Chính qua những người bạn uống trà của mình mà chàng trai Kanatchikov lần đầu tham gia vào các hội kín chuyên đọc và nghiên cứu những luận văn về chủ nghĩa xã hội và giáo dục công nhân. Vào những ngày đầu hầu hết những hội kín này do các sinh viên Dân túy tổ chức, nhưng vào cuối những năm 1890, khi Kanatchikov chuyển đến St Petersburg và gia nhập hội kín tại đó, đảng Mác-xit đang điều hành tổ chức. Đối với anh, cũng như với nhiều công nhân ‘giác ngộ’ khác, tính hấp dẫn của hội kín là nó mở cánh cửa cho anh vào một thế giới hiểu biết mới.
Qua nó anh được giới thiệu đến những tác phẩm của Pushkin và Nekrasov, đến những cuốn sách về khoa học, lịch sử, toán số và văn phạm, đến nhà hát và những buổi hòa nhạc nghiêm túc, cũng như đến những chuyên khảo nổi tiếng của người Mác-xit đương đại.
Tất cả gây cho anh cảm tưởng là mình được nâng lên một tầm văn hóa mới cao hơn phần đông công nhân chỉ biết tiêu khiển trong các quán ba. Nhưng anh và các đồng chí vẫn còn thấy không thoải mái khi giao lưu với các tầng lớp trung lưu cấp tiến đang tài trợ cho các nhóm của họ. Thỉnh thoảng, như Kanatchikov nhớ lại, họ được mang ra ‘trưng bày’ tại những ngôi nhà tiểu tư sản hợp thời trang:
Người dẫn đạo trí thức của chúng tôi sẽ giới thiệu chúng tôi với giọng sang sảng, gằn mạnh từng lời: ‘những công nhân giác ngộ’. Rồi chúng tôi được chiêu đãi tiệc trà và đủ loại bánh trái mà chúng tôi không dám động đến sợ phải cư xử vụng về. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với những người cấp tiến đó rất căng thẳng. Họ sẽ cật vấn chúng tôi về sách này sách nọ mà chúng tôi đã đọc, hỏi chúng tôi về điều kiện sống của quần chúng công nhân, hỏi chúng tôi nghĩ gì, liệu chúng tôi có quan tâm đến hiến pháp hay không. Một số người hỏi chúng tôi đã đọc Mác chưa. Bất kỳ điều ngu ngốc nào chúng tôi thốt ra cũng được đón nhận bằng sự tán thành hạ cố.
Khi chia tay với các buổi họp mặt này, Kanatchikov và các bạn đều thở phào nhẹ nhõm và cười to về sự thiếu hiểu biết của chủ nhà về cuộc sống của họ. Trong khi ngoài mặt họ đồng ý với các cố vấn sinh viên là các người cấp tiến có thể hữu ích cho lý tưởng cách mạng, ‘một dạng thù nghịch họ, một cảm giác ngờ vực họ, đang dần lớn mạnh trong chúng tôi’. Chính xác là do những ngờ vực này, các công nhân nhận thức được rằng những khát vọng của riêng họ không giống những khát vọng của người cấp tiến, và từ đó đưa đến sự đổ vỡ nhanh chóng của Chính phủ Lâm thời vào 1917.
Quan niệm của Kanatchikov về chủ nghĩa xã hội vô cùng mềm dẻo trong thời kỳ này. Và cũng đúng như vậy đối với phần đông công nhân. Họ thấy khó mà nuốt những ý tưởng trừu tượng và phức tạp, nhưng rất dễ tiếp thu những tuyên truyền dưới dạng những câu chuyện đơn giản đề cập đến những thói bóc lột công nhân trong cuộc sống thường nhật của họ. Các câu chuyện của Gorky rất phổ biến. Kể từ khi ra khỏi Krasnovidovo, ông đã lang thang khắp xứ sở làm nhiều công việc tạm bợ khác nhau, cho đến khi ông gặp được nhà văn và nhà phê bình V G. Korolenko, khuyến khích ông viết văn. Vào giữa thập niên 1890 Gorky đã trở nên nổi tiếng trên khắp nước, nhà văn thực sự đầu tiên xuất hiện từ khu ổ chuột của người lao động nhập cư, bọn vô giá cư và những tên ăn trộm, được mô tả rất sống động với lòng trắc ẩn trong các câu chuyện của mình. Ăn mặc như một công nhân giản dị, với hàm râu quặp và gương mặt chằn chịt vết hằn sâu, Gorky được đón nhận như một hiện tượng trong các phòng khách của giới trí thức cực đoan. Các công nhân có thể nhận ra chính mình trong các truyện ngắn của ông, vì chúng lấy chất liệu từ cuộc sống thường nhật của họ và, như nghệ danh của nhà văn, nắm bắt tinh thần quật khởi và thách thức của họ (gorkii nghĩa là ‘cay đắng’ trong tiếng Nga). Hơn nữa, tình cảm của ông dành cho giới còng nhân thành thị, và sự chán ghét của ông đối với nước Nga nông nghiệp lạc hậu của quá khứ, cho những công nhân như Kanatchikov, người đang ra sức bứt thoảt khỏi cội rễ của mình, một bộ giá trị và lý tưởng đạo đức mới. Trong một đoạn văn nổi tiếng trong cuốn Thời Thơ Ấu của Tôi (1913), chẳng hạn, Gorky tự hỏi tại sao mình đã ghi lại tất cả những sự kiện tàn nhẫn và khổ đau đầy ắp những năm tháng đầu đời ông; và ông đã cho một câu trả lời hẳn nhiều công nhân, như Kanatchikov, phải rất cảm thông:
Khi tôi cố nhớ lại những trò ghê tởm xấu xa đó trong cuộc sống rừng rú đó vừa nước Nga, có lúc tôi thấy mình tự hỏi: có đáng phải ghi chép lại không? Và với sự xác quyết mạnh mẽ hơn tôi trả lời là có, bởi vì đó là sự thật thực sự ghê tởm và cho tới tận ngày nay nó còn giá trị. Nó là sự thật phải được thấu hiểu tận cội nguồn, để khi xé vụn nó ra nó mới có thể hoàn toàn xóa sạch khỏi ký ức, khỏi tâm hồn con người, khỏi cuộc đời tủi hổ và áp bức của chúng ta.
Tất cả nhân vật của các truyện ông được phân chia ra tốt và xấu – cả hai được xác định bằng chuẩn mực của giai cấp xã hội của họ – không có nhiều sắc thái xám và biến thể. Chủ nghĩa tuyệt đối đạo đức này cũng mời gọi giai cấp công nhân đang lên và sự giác ngộ cách mạng của họ. Nhưng, có lẽ trên hết, chính tinh thần nổi loạn trong lối viết của Gorky đã khiến tác phẩm ông gây hứng khởi như thế. ‘Chim Báo Bão’ (1895), khúc tụng ca người hùng cách mạng lãng mạn, biểu tượng dưới hình thức một con chim ưng soải cánh trên sóng nước sủi bọt, trở thành bài đảng ca cách mạng và được lưu truyền trong bí mật dưới hàng trăm bản sao được in, đánh máy và chép tay. Như phần đông công nhân, Kanatchikov đã thuộc lòng nó:
Chim báo bão gan lì, cho dù anh có chết đi
Nhưng trong bài ngợi ca tính thần dũng cảm và bất khuất,
Anh sống mãi như một tấm gương soi,
Một lời hiệu triệu kiêu hãnh – xông tới tự do và ánh sáng!
Các công nhân cũng thích đọc truyện kể về cuộc đấu tranh giải phóng được ngưỡng mộ trong những vùng đất xa lạ. ‘Cho dù là dân Albigense đánh với Tòa án Dị giáo, người Garibaldia, hoặc người quốc gia Bun-ga-ria, chúng tôi đều coi họ như anh em,’ Kanatchikov viết. Không cần biết những người hùng nước ngoài này chiến đấu trong những trận đánh khác với chúng tôi, vì người công nhân nhanh chóng diễn giải những câu chuyện này theo ngữ cảnh Nga. Thật ra vì chế độ kiểm duyệt văn chương đối với những nhà cách mạng lịch sử trong nước, như Pugachev hoặc Decembrist, nên buộc lòng họ phải tìm cảm hứng từ nước ngoài. Theo truyền thống Nga xưa tốt đẹp hay đọc giữa các hàng chữ họ chụp lấy cuộc đấu tranh của dân Hà Lan chống lại Toà Dị Giáo như một kiểu mẫu thúc giục về tình thần và tổ chức họ đang cần trong cuộc tranh đấu của mình chống cảnh sát. Chính nội dung cảm động của các câu chuyện, cách mô tả lãng mạn của cuộc nổi dậy như một cuộc chiến đấu cho tự do và công lý, khiến niềm hứng khởi của họ dâng cao. Qua những câu chuyện này, Kanatchikov viết, ‘chúng tôi học được ý nghĩa của lòng vị tha, sức mạnh của hi sinh nhân danh điều tốt đẹp’. Bằng cách đồng nhất mình với các người
hùng gan dạ giải phóng nhân loại khắp mọi nơi, họ bắt đầu hướng sang cách mạng.
Sự hấp dẫn đặc biệt của chủ nghĩa Mác-xit thoát thai từ tầm quan trọng nó gán cho vai trò của giai cấp công nhân và tư tưởng tiến bộ. Các tập san Mác-xit của cuối những năm 1890, lần đầu tiên hấp dẫn một số lớn công nhân như Kanatchikov đến với lý tưởng, nhấn mạnh các bài học về khủng hoảng đói kém năm 1891: rằng các nông dân đã bị kết án tử với sự phát triển của kinh tế; rằng họ là tàn tích của quá khứ lạc hậu của nước Nga sẽ bị kỹ nghệ quét sạch; và rằng niềm tin của người Dân túy vào công xã (mà nhiều công-nông dân còn bám vào) không còn giữ lại được. Chỉ có chủ nghĩa Mác-xit mới có thể giải thích với công nhân tại sao cha mẹ nông dân của họ đã phải nghèo khó, và tại sao họ bị buộc ra thành thị. Do đó tồn tại một mắc xích liên kết giữa việc Kanatchikov đi theo chủ nghĩa Mác-xit đề cao công nghiệp hóa và tiến bộ với việc ông chối bỏ về mặt tâm lý quá khứ nông dân của mình. Như nhiều công nhân từ quê ra, Kanatchikov tìm thấy ‘thi ca’ trong tiếng ồn và khói bụi cua nhà máy. Đối với các công nhân như anh chủ nghĩa Mác-xít xuất hiện như một khoa học hiện đại giải thích được bằng những thuật ngữ đen-trắng giản dị tại sao thế giới của họ có kết cấu như hiện giờ, và nó có thể được thay đổi ra sao.
Nhiều người lập luận rằng chủ nghĩa Mác-xit hoạt động như một tôn giáo, ít ra ở hình thức phổ quát. Nhìn các công nhân như Kanatchikov tin tưởng một cách thành khẩn rằng những lời dạy của Marx là một khoa học; và cho rằng niềm tin của họ đơn thuần chỉ là một dạng niềm tin tôn giáo là điều bất công đối với họ.
Tuy nhiên có một vẻ giáo điều rõ ràng toát ra từ phong thái của nhiều công nhân như thế, dễ bị lầm tưởng là những tín đồ thuần thành. Nó biểu lộ trong thái độ kẻ cả mà nhiều công nhân, đã lên được tầm cao kiến thức Mác-xit, đối xử với những người chưa lên được bậc thang đó. Một ‘đồng chí’, chẳng hạn, xấc xược bảo một viên cảnh sát, đang tiến hành bắt giữ y, là hắn là một ‘thằng điên’ vì ‘chưa hề đọc Marx’ và ‘không thậm chí hiểu chính trị và kinh tế là gi’. Tính giáo điều này là nguyên nhân khiến các công nhân hiếm khi xem xét những tư tưởng chính trị khác, mà ít ra có thể khiến họ dè dặt hay hoài nghi về chủ nghĩa Mác. Nhưng nó cũng có nguồn gốc trong cách thức phần đông các nông dân được giáo dục về triết lý. Khi người lớn học những gì các đứa trẻ được dạy bình thường ở trường, họ thường thấy khó tiến bộ để vượt quá những ý tưởng trừu tượng đơn giản nhất. Những ý tưởng này có khuynh hướng nằm sâu trong tiềm thức họ, khiến họ phản kháng lại việc tiếp thụ kiến thức tiếp theo ở mức độ tinh tế hơn. Họ nhìn thế giới theo chuẩn mực đen-trắng vì việc học tập nông cạn không cho phép họ nhìn những sắc màu khác. Chủ nghĩa Mác có cùng tác dụng đối với các công nhân như Kanatchikov. Nó cho họ một lời giải đơn giản về những vấn đề của chủ nghĩa tư bản và sự lạc hậu mà không yêu cầu họ suy nghĩ độc lập.
Đối với một công nhân dâng hiến đời mình cho phong trào lao động lật đổ là mời gọi sự ngược đã của chế độ. Một khi cảnh sát địa phương biết được động tĩnh của họ họ lập tức bị sa thái khỏi nhà máy vi tội gây rối. Nhưng bởi vì ở đâu cũng cần các lao động tay nghề cao nên những công nhân như Kanatchikov sau đó cũng dễ dàng tìm được việc làm. Họ chạy từ nhà máy này đến hãng xưởng khác, tố chức hội kín bất hợp pháp gồm những công nhân đấu tranh, cho đến khi cảnh sát lùng sục tóm được và lần nữa họ lại di chuyển. Đối mặt với cuộc sống luôn trốn chạy, những người đấu tranh thiếu kiên cường ắt hẳn sẽ quay về chốn nương náu an toàn ở làng quê. Nhưng đối với những công nhân như Kanatchikov điều ấy là không thể nghĩ đến. Giải pháp duy nhất là giá nhập phong trào cách mạng hoạt động bí mật. Tình đồng chí mà họ tìm thấy ở đó phần nào đền bù cho sự thoát ly mà nhiều người hẳn đã cảm thấy khi họ di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn khác. Tổ chức đảng trở thành ‘gia đình nhà và tổ ấm’ của công nhân’, như Kanatchikov đã nói. ‘Các đồng chí chiến đấu’ của anh thay chỗ của ‘anh chị em, cha và me’. Hơn nữa, thuộc về cộng đồng bí mật này cũng có cái hấp dẫn lãng mạn riêng của nó , như một đảng viên Bôn-se-vich khác giải thích: ‘Mối hiểm nguy bị bắt bớ luôn rình rập, tính bí mật của các buổi họp và nhận thức được rằng mình không còn là một hạt cát, không chỉ là một công nhân khác, mà là thành viên của một tổ chức nguy hiểm và đe doạ đến chính quyền và bọn giàu có – tất cả những điều này quả là mới mẻ và hứng thú.
Cái nhận thức mình thuộc về đảng và là một bộ phận của một sứ mạng lịch sử hoạt động như chất hoà tan cho sự phân chia xã hội giữa giới trí thức Mác-xit và công nhân. Lúc ban đầu, tình đồng chí còn mạnh hơn tính giai cấp. Rồi dần dần mối quan hệ giữa hai bên xuất hiện sự căng thẳng và hoài nghi. Các công nhân bắt đầu tự tổ chức. Các cuộc đình công giữa thập niên 1890 là bước đột phá thực sự đầu tiên của phong trào lao động độc lập. Phần nhiều đều được lãnh đạo bởi các công nhân chuyên môn, mặc dù giới trí thức Mác-xit trong Đảng Dân chủ Xã hội đóng một vai trò phụ quan trọng trong việc tuyên truyền khiến cuộc đình công mở rộng và hiệu quả. Ở giai đoạn này người Mác-xit còn đi theo đường lối vận động quần chúng cho cuộc đình công. Nhưng về phía cuối thập kỷ nhiều người bắt đầu cho rằng phong trào lao động, với mục tiêu nhỏ hẹp là những giải pháp bánh mì – bơ, không đủ mạnh để lật đổ chế độ sa hoàng. Họ đòi một phong trào chính trị rộng rãi hơn trong đó kỷ luật và tính tổ chức các người Dân chủ Xã hội, chứ không phải chính công nhân, mới lãnh vai trò chính. Đây là nguồn gốc của mối xung đột giữa các mục tiêu kinh tế của phong trào lao động và tham vọng chính trị của giới trí thức cách mạng, một mối xung đột sẽ chia rẽ toàn bộ phong trào Mác-xit ở Nga.
Với một chân trong nhà máy và chân kia trong hội kín cách mạng, Kanatchikov giờ đây phải chọn một. Vào ngày trước của Cách Mạng 1905, như chúng ta biết được từ câu nói tự hào cuối cùng trong nhật ký của anh, anh rời khỏi nhà máy và trở thành một ‘nhà cách mạng chuyên nghiệp bị’ toàn thời gian trong Đảng Bôn-se-vich.
IV Mực Đỏ
Chương 1. Bên Trong Thành Lũy
Tại cửa sông Neva, đối diện trực tiếp với Cung điện Mùa Đông, là Pháo đài Peter và Paul. Được Đại đế Peter xây dựng vào năm 1703 làm pháo đài chống lại hạm đội Thụy Điển, đó là công trình xây dựng đầu tiên ở St Petersburg, và trong một vài năm từng là thủ đô của Đế chế rộng lớn của ông. Đến lúc phần còn lại của thành phố đã được xây dựng xong – trên xương máu của các nông nô – thành lũy trên đảo không còn là trung tâm cai trị của sa hoàng, nhưng nó vẫn tiếp tục là biểu tượng của quyền lực đáng sợ. Lăng mộ của các sa hoàng được giữ trong thánh đường, chóp xoáy vàng của nó vươn thẳng như một cây kim bên trên trung tâm thủ đô. Và bên trong những bức tường kiên cố và bên dưới những tòa tháp của pháo đài che dấu nhà ngục chính trị ô nhục nhất của chế độ. Danh sách những tù nhân của nó đọc như một bảng liệt kê danh dự tên những phong trào cách mạng và cực đoan của Nga: Radishchev, Decembrist, Petrashevsky, Kropotkin, Chermyshevskg, Bakunin, Tkachev, Nechaev, Dân túy và Mác-xit; các công nhân và sinh viên – tất cả họ đều bị đầy ải trong những xà lim tối tăm và ẩm thấp. Trong hai thế kỷ làm nhà ngục không một tù nhân nào có thể trốn thoát khỏi pháo đài, trừ dưới một hình thức giải thoát khác là tự tử và hoá điên.
Ngục ‘Bastille của Nga’ [Bastille: nhà ngục nổi tiếng bị nhân dân Pháp nổi dậy đánh chiếm, là biểu tượng của Cách Mạng 1789, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế: ND] không chỉ giam giữ những tên lật đổ nguy hiểm; nó còn nắm bắt trí tưởng tượng của dân chúng. Những bài ca và khúc ba lát dân gian mô tả pháo đài như một địa ngục trần gian. Vô số các truyền thuyết kể về những trò tra tấn tù nhân, và họ mòn mỏi trong ngục thất tối tăm đầy chí rận; hoặc hoá điên giữaì không gian lặng tanh như một nấm mồ.
Những câu chuyện kể về các tù nhân bị nhốt trong những xà lim quá nhỏ đến nỗi không thể đứng thẳng hoặc nằm dài mà phải cuộn tròn như quả bóng; sau một thời gian thân thể họ méo mó và biến dạng. Có những câu chuyện về những trò hành hình bí ẩn, về những tù nhân bị buộc phải đào mồ chôn mình trên mặt sông băng giá giữa đêm khuya rồi ngay sau đó bị dìm chết dưới lớp băng tuyết. Trong trí óc của người dân bình thường pháo đài đã trở thành một biểu tượng gớm ghiêc của chế độ độc đoán họ đang sống, một biểu tượng của nỗi khiếp sợ và kiếp giam cầm, và việc nó nằm ngay trung tâm St Petersburg, nơi dân chúng qua lại hàng ngày, càng khiến nó thêm khủng khiếp.
Thật ra, những điều kiện trong ngục thất không tệ như dân chúng tưởng. So sánh với những điều kiện mà các chế độ độc tài của thế kỷ 20 dành cho các nạn nhân của chúng, pháo đài chẳng khác nào một khách sạn tiện nghi. Phần đông các tù nhân lãnh được thực phẩm và thuốc lá, sách vở và giấy viết, và có thể nhận thư từ người nhà. Các đảng viên Bôn-se-vich, Nikolai Bauman, thậm chí được phép đọc Tư bản luận của Marx trong thời gian ở tù. Một vài tác phẩm kinh điển của văn chương Nga được sáng tác trong chốn im lặng của xà lim này, bao gồm Người Hùng Bé Nhỏ của Dostoevsky, vở kịch Những Đứa Con của Mặt Trời của Gorky, và tiểu thuyết Phải Làm Gì của Chernyshevsky, sẽ trở thành văn học hạt giống của phong trào cách mạng. * Hình ảnh mà dân chúng gán cho nhà tù – nhốt đầy ắp với hàng vạn tù nhân dài hạn – không thể nào xa với sự thật hơn. Không bao giờ có hơn 100 tù nhân vào bất cứ thời điểm nào, và sau năm 1908 không bao giờ có hơn 30. Ít người ở lâu quá 1 tháng khoảng đó trước khi được chuyển về trại giam tỉnh lỵ. Vào tháng hai 1917, khi pháo đài bị cuối cùng bị nhân dân chiếm được, thực tế phũ phàng khi chỉ giải phóng võn vẹn 19 tù nhân (tất cả đều là những lính tráng nổi dậy bị bắt giam chỉ một vài ngày trước) không được phép loan truyền vì sự kiện này đã được mô tả là Thắng lợi của Tự do trước Độc tài.
* Tiểu thuyết của Chernyshevsky được in ra trong khi ông nằm trong nhà tù Peter và Paul – để rồi sau đó bị tịch thu.
Sự bóp méo sự thật về pháo đài là một khía cạnh sống còn của trò ma quỉ của người cách mạng. Nếu chế độ sa hoàng được mô tả là tàn bạo và áp bức, hiểm độc và tùy tiện trong quyền lực trừng phạt, thì pháo đài là biểu tượng hoàn hảo cho những tội ác này. Trong nửa sau của thế kỷ 19, khi trong thực tế nó trở nên nhân từ hơn, chế độ giam giữ của nó được mô tả trong những bài viết của cựu tù với những sự khủng khiếp bị phóng đại quá mức. Các hồi ký về ngục tù trong các thập niên cuối cùng của chế độ cũ có khuynh hướng mô tả dã man, và những câu chuyện này làm dân chúng no nê trước những thánh tử đạo cách mạng. Như Gorky đã giải bày, khi có lần được hỏi tại sao ông từ chối thêm hồi kỷ của mình vào chồng tư liệu đó. ‘Mỗi người Nga nào từng ngồi tù, nếu chỉ cần một tháng bị tội làm chính trị, hoặc bị lưu đày một năm, đều thấy mình có nghĩa vụ thiêng liêng là ban tặng cho nước Nga hồi ký của y về những gì y đã trải qua.’
Đối với những người chỉ trích Pháo đài Peter và Paul là mô hình thu nhỏ của hệ thống sa hoàng. Nước Nga, Hầu tước Custine nhận xét sau khi đi thăm pháo đài vào năm 1830, cũng chính là một nhà tù; một nhà tù mà kích thước rộng lớn của nó chỉ làm nó trông đáng sợ hơn’. Cấu trúc căn bản của nhà nước cảnh sát sa hoàng đã được xây dựng dưới thời Nicholas I sau vụ nổi dậy của nhóm Decembrist (một phong trào cách mạng bí mật Nga lên cao điểm thành cuộc nổi dậy bất thành tại St Petersburg vào ngày 26 tháng 12 năm 1825, nên có tên Decembre là tháng 12:ND) vào 1825 khi một nhóm các nhà quí tộc cấp tiến đã âm mưu – như lời Pushkin – ‘giữa tiếng kèn clarinet và rượu xâm banh’- thiết lập một hiến pháp cho vương quốc sau khi Alexander mất. Nicholas ban hành những sắc luật bao quát- bao gồm những điều khoản mới về kiểm duyệt vào năm 1826 (duy nhất ở châu Âu vào thời điểm đó) bắt buộc mọi ấn bản phải qua kiểm duyệt mới được phép in.
Cục Ba, hoặc mật vụ, được thành lập năm đó, có quyền – và đây lại là điều duy nhất ở châu Âu – giam giữ và thậm chí đày đi Siberia bất kỳ ai bị nghi ngờ ‘phạm tội chính trị’. Không có quốc gia nào khác trên thế giới có đến hai loại cảnh sát – một để bảo vệ quyền lợi của nhà nước, và cái kia để bảo vệ dân chúng.
Nhưng chỉ đến cuối thế kỷ 19, với sự ra đời của điện tín và điện thoại, bộ máy cảnh sát mới hoạt động thực sự hiệu quả. Cơ quan Okhrana, đảm nhận chức năng của Cục Ba vào năm 1881, tiến hành một loại chiến tranh bí mật, sử dụng những quyền hành đặc biệt bên ngoài luật pháp nhằm dập tắt cách mạng. Nó cử hàng ngàn mật vụ và người săn tin, nhiều người trong số đó chui vào hàng ngũ cách mạng, báo cáo những điều kiện của nhà máy, đại học, quân đội và các cơ quan nhà nước. Người gác cổng nộp báo cáo hàng ngày cho cảnh sát. Hàng trăm viên chức được thuê làm việc trong ‘Văn phòng Đen’ để đọc những bức thư đã bị chận lại. ‘Toàn bộ St Petersburg đều biết thư từ của họ bị cảnh sát đọc,’ Nữ Bá tước Vorontsova phàn nàn với Nicholas ll. Có cả một danh sách dài những hoạt động – từ việc tổ chức buổi hòa nhạc hoặc mở tiệm đến tư vấn những công trình của Darwin – mà ngay cả công dân quyền quí nhất cũng phải xin giấy phép cảnh sát. Thật ra, từ quan điểm cá nhân, có thể nói rằng sự khác biệt lớn nhất giữa Nga và phương Tây, cả dưới thời Sa Hoàng và Cộng sản, là rằng ở Tây Âu các công dân thường được tự do làm những gì họ thích miễn là các hoạt động đó không bị nhà nước ngăn cấm, trong khi nhân dân Nga không được tự do làm gì hết trừ khi nhà nước cho phép đặc biệt để làm việc đó. Không thần dân nào của Sa Hoàng, dù ở cấp bậc hay tầng lớp nào, có thể ngủ yên trên giường mà không sợ nhà mình bị lục soát còn mình thì bị bắt bớ.
Trận chiến triền miên này với nhà nước cảnh sát phát sinh một trạng thái tâm lý đặc biệt cho đối thủ của nó. Người ta có thể vạch một đường thẳng từ tính nghiêm khắc của pháp luật sa hoàng đến chủ nghĩa khủng bố của những người cách mạng và đúng ra đến nhà nước cảnh sát của người Bôn-sê-vich. Như Flaubert từng nói, ‘bên trong mỗi người cách mạng đều có một cảnh sát’. Felix Dzerzhinskt (1877-1926), cha đẻ của Cheka, là một trường hợp điển hình. Vào năm 1917 y đã trải qua giai đoạn tốt đẹp nhất của cuộc đời trong nhà giam và chốn lưu đày, trong đó ba năm cuối cùng ở nhà tù Orel, đầy tai tiếng với trò tra tấn bạo dâm, nơi đó, là người cầm đầu cuộc đình công tuyệt thực, y bị tách riêng để tra khảo (thân thể y nghe đồn là đầy sẹo). Sau khi nắm được quyền hành, y sao chép nhiều trò tra khảo này trong thời Khủng Bố Đỏ. Vậy mà Dzerzhinsky chỉ là một trong nhiều người săn trộm thành người bắt trộm. Vào năm 1917, trung bình các nhà hoạt động của Đảng Bôn-se-vich ở gần 4 năm trong nhà tù sa hoàng hoặc bị lưu đày; còn Men-se-vich thì gần 5 năm. Nhà tù đã trui rèn những người cách mạng, chuẩn bị cho họ vào trận tranh đấu, cho họ một lý do để căm thù chế độ và tìm cách trả thù những đại diện của nó. Kanatchikov, đã trải qua vài năm trong tù, tuyên bố rằng đối với các công nhân Bôn-se-vich như ông nhà giam có tác dụng như một dạng ‘chọn lọc tự nhiên’: ‘người yếu tinh thần rời bỏ cách mạng, và thường thường bỏ mạng, nhưng kẻ mạnh và kiên cường thì được tôi luyện và sẵn sàng cho các trận đánh sắp tới’. Nhiều năm sau đó, vào năm 1924, Kanatchikov nghe tin quan tòa đã xử ông đi tù vào 1910 đã bị người Bôn-se-vich bắn chết, ông thổ lộ, ‘Khi biết được tin này, tôi hài lòng vô cùng’.
Bào chữa cho bạo lực nhân danh cách mạng không chỉ có người cách mạng làm vậy. Trong số những người ưu tú có một học phái tổng quát về chủ nghĩa cách mạng. Trí thức Nga là một trạng thái tâm thức hơn là một tầng lớp: theo định nghĩa nó chỉ một lập trường chống đối cực đoan và không thỏa hiệp với chế độ sa hoàng, và một mong muốn dự phần vào trong cuộc chiến đấu nhằm lật đổ nó. Lịch sử của phong trào cách mạng là lịch sử của giới trí thức. Hầu hết các nhà lãnh tụ cách mạng là những tri thức hàng đầu và tiền phong. Đầu óc họ đầy ắp văn chương và lịch sử Âu châu, nhất là lịch sử Cách mạng Pháp của 1789 và 1848. ‘Tôi nghi’, Lydia Dan, một Men-se-vich, nhớ lại, ‘rằng là con người chúng tôi từ sách vở mà ra hơn là từ cuộc sống thực tế.’ Không có nhóm trí thức nào khác tạo tác động lớn lao như thế cho thế kỷ 20.
Những người tự cho mình trí thức (sinh viên, nhà văn, người chuyên môn …) có một bộ xử thế đặc biệt, và chia sẻ những chuẩn mực về quần áo và ngôn ngữ, những quan niệm về danh dự và tình đồng chí, không kể những sa lông và quán cà phê, hội quán và câu lạc bô, báo chí và tập san, khiến họ đứng riêng thành một dạng tiểu văn hóa khỏi phần còn lại của xã hội đặc quyền mà từ đó phần đông họ xuất thân. Nhiều người trong số họ thậm chí chia sẻ một dáng dấp riêng – luộm thuộm, tóc dài, để râu và đeo kính cận – trở thành một nhãn hiệu của phái cánh tả và phe cách mạng trên toàn thế giới. * Triết gia Nikolai Berdyaev có lần so sánh giới trí thức Nga với một ‘phẩm trật tu viện’ hoặc ‘giáo phái’, và trạng thái tâm lý của họ có nhiều điểm giống Cơ đốc giáo. Chẳng hạn, xét sự chối bỏ của họ về trật tự đang tồn tại xem nó là tội lỗi và bại hoại; hoặc sự đề cao mình là công chính, là cứu rỗi của nhân loại, hoặc đúng ra niềm tin gần như thần bí vào sự tồn tại của một chân lý tối thượng. Giới trí thức cực đoan có một sự tôn kính sùng bái những giáo điều cách mạng. Ariadna Tyrkova-Williams nhớ lại, chẳng hạn, cách nào trong những năm 1880 cô em gái mới thành niên của bà ‘quen giấu một tác phẩm thi ca cách mạng trong nhà thờ, để trong lúc những người khác đọc Kinh thánh, cô ta đọc những lời kêu gọi nổi dậy và khủng bố.’
* Cha của Lydia Dan có tài bông đùa những người cực đoan này. Thanh nam, ông nói, không cắt tóc viện lý do không có thì giờ: còn thanh nữ cắt tóc ngắn để tiết kiệm thời gian. Các cô đi vào đại học vì đây là dấu hiệu của tiến bộ: còn các cậu bỏ học cũng bởi vì như thế mới tiến bộ.
Truyền thống cực đoan này bắt nguồn từ nhóm Decembrist. Việc họ bị hành hình năm 1826 khiến họ trở thành những thánh tử đạo đầu tiên của ‘phong trào’. Những thế hệ trẻ hơn lấy đó làm nguồn cảm hứng lãng mạn. Từ điểm đó trở đi – và đây chính là cái nôi của trường phái phản kháng – đã hình thành khuynh hướng cho các con của các quí tộc tránh xa sự nghiệp liên quan đến Công vụ ‘theo nguyên tắc’. Được coi như là hành vi phản bội khi để bị sự dụng như một công cụ trực tiếp cho một chính quyền áp bức không thương tiếc mọi tư tưởng khai sáng. Việc chống đối đổ máu với nhà nước sa hoàng và tất cả các viên chức của nó, tuy nhỏ bé, là một vấn đề danh dự. Xét câu chuyện của Anatoly Dubois, một sinh viên Đại học St Petersburg vào năm 1902, khi từ chối (trên nguyên tắc) bắt tay với một trung sĩ cảnh sát. Người này, sau khi làm thủ tục đăng ký địa chỉ mới cho anh, liền vui vẻ trò chuyện, sau đó chìa tay cho anh bắt trước khi ra về. Một báo cáo của cảnh sát được gởi đến hiệu trưởng Đại học và Dubois bị trục xuất – chỉ để tham gia phong trào cách mạng và bị bắt năm 1903. Đó là một ví dụ điển hình về một nhà nước cảnh sát sa hoàng, vì một hành động áp bức ngu ngốc, đã đẩy một người bất đồng trung lưu về với hoạt động bí mật, nơi sẽ sản sinh truyền thống khủng bố (câu chuyện của Lênin cũng tương tự như vậy). Giới trí thức cực đoan khinh bỉ bác bỏ bất kỳ hành động hóa giải nào với chế độ, chỉ có đấu tranh bạo lực mới kết thúc nó. Chủ nghĩa cấp tiến được lên án là biện pháp nửa vời yếu đuối. Luật pháp bị khinh lờn vì là công cụ của nhà nước: về mặt đạo lý nó được xem là thấp kém hơn cả tập quán cổ xưa của nông dân và lợi ích của công lý xã hội – cho nên vì phạm luật pháp là có thể hiểu được. Đây là nền tảng đạo lý lung lay của tình cảm cách mạng đã xiết chặt tâm trí của tầng lớp trung lưu có học thức trong cuối thế kỷ 19. Vera Figner, một nhân vật khủng bố, nói về ‘trường phái bom và súng’ trong đó ‘sát nhân và giá treo cổ khoác một nét duyên dáng thu hút’. Bên trong nội bộ của giới trí thức có cảm tình với bọn khủng bố được xem là ‘có khẩu vị tốt’ và nhiều công dân giàu có tặng nhiều số tiền lớn cho chúng.
Ta không thể hiểu được thái độ cực đoan chính trị này nếu không xét đến tình trạng cô lập về văn hóa của giới trí thức Nga. Nhóm nhỏ ưu tú này tách biệt với nước Nga chính thức do chính trị và với nước Nga nông dân do trình độ. Cả hai hố ngăn cách đều không thể bắt nhịp cầu. Nhưng, có lẽ, thậm chí còn quan trọng hơn, nó bị cắt đứt khỏi nền văn hóa Âu châu mà nó muốn bắt chước. Kết quả, như Isaiah Berlin đã lập luận một cách sáng giá, là rằng những ý tưởng nhập khẩu từ phương Tây (như hầu hết mọi ý tưởng Nga đều như vậy) có khuynh hướng trở nên đông cứng thành những giáo điều trừu tượng một khi được giới trí thức Nga đón nhận.
Trong khi ở châu Âu những ý tưởng mới buộc phải cọ sát với những học thuyết và trào lưu khác, kết quả là người ta thiên về chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh trước những lời xác quyết đối với một chân lý tuyệt đối, và một bầu không khí theo chủ nghĩa đa số phát huy, thì ở Nga tồn tại một khoảng trống văn hóa. Chế độ kiểm duyệt ngăn cấm mọi hình thức biểu hiện chính trị, thành ra khi những ý tưởng được đưa vào đó chúng dễ dàng khoác vẻ học thuyết thiêng liêng, một loại thuốc trị bá bệnh của thế giới, mà không cần cật vấn hoặc thử nghiệm trong thực tế. Một mốt trí thức Âu châu sẽ loan truyền qua St Petersburg hết đợt này đến đợt khác – chủ nghĩa Hegel vào những năm 1840, chủ nghĩa Darwin vào những năm 1860, chủ nghĩa Mác vào những năm 1890 – và mỗi học thuyết đều được xem như chân lý tối thượng. Có nhiều điều làm chúng ta trân trọng trong sự tìm kiếm lạ lùng của người Nga về những cái tuyệt đối – như đam mê những tư tưởng lớn tạo cho văn chương Nga thể kỷ 19 một tính cách và sức sống độc đáo – và vậy mà bên dưới chủ nghĩa lý tưởng là một tính cách giáo dục quấy rầy, một chủ nghĩa giáo điều đạo đức và bất dung, mà theo cách riêng của nó cũng có hại như chế độ kiểm duyệt mà nó chống đối. Khăng khăng cho rằng những ý tưởng của mình là chìa khóa mở đến tương lai của thế giới, rằng vận mệnh của nhân loại nằm trên thành quả của trận chiến học thuyết, giới trí thức Nga chia thế giới thành các lực lượng ‘tiến bộ’ và ‘phản động’, bạn và thù của chính nghĩa nhân dân, không để lại chỗ trống ở giữa cho những người hoài nghi. Đây là nguồn gốc của thế giới quan chuyên chế. Mặc dù không ai thích nhìn nhận điều đó, nhưng giữa Lênin và Tolstoy có nhiều điểm chung.
Mặc cảm tội lỗi là niềm cảm hứng tâm lý của cách mạng. Gần như tất cả các nhà trí thức cực đoan này đều ý thức sâu sắc về sự giàu có và đặc quyền của mình. ‘Chúng tôi đã bổng nhận ra’, nhà tư tưởng cực đoan Nikolai Mikhailovsky viết, ‘rằng sự giác ngộ của chúng tôi về chân lý phổ quát chỉ có thể trả được bằng cái giá của nỗi đau khổ lâu đời của nhân dân. Chúng tôi là kẻ mắc nợ nhân dân và món nợ này đè nặng lên lương tri chúng tôi.’ Là con cái của những quí tộc được các tôi tớ nông nô nuôi dưỡng từ bé trên điền trang, nhiều người trong số họ mang một mặc cảm tội lỗi bản thân đặc biệt, bởi vì, như Marc Raeff đã chỉ ra, những ‘thiếu gia’ này thường được cho phép đối xử thậm tệ đối với các bà vú hay tôi tớ nông nô của mình (mà công việc chính của họ là chơi đùa với chúng). * Về sau trong cuộc sống những quí tộc mặc cảm này sẽ tìm cách trả lại món nợ của mình cho ‘nhân dân’ bằng cách phục vụ họ trong cách mạng. Họ nghĩ chỉ có việc mang giải phóng lại cho họ thì tội lỗi nguyên thủy của họ – tội sinh ra trong đặc quyền – mới được cứu rỗi. Văn chương Nga thế kỷ 19 bị thống trị bởi chủ đề sám hối cho tội lỗi này. Lấy ví dụ, chẳng hạn, Hoàng thân Levin trong tác phẩm Anna Karenina, lao động bên cạnh các nông dân trong đồng ruộng và ước mơ mang cho họ lợi tức của nông trại như một hành động ‘cách mạng không đổ máu’: ‘thay sự nghèo khó bằng sự giàu có và hạnh phúc cho tất cả; thay cho hận thù bằng sự hòa hợp và mối dây quan tâm chung’.
* Những bà vú và tôi tớ nông dân này thậm chí không được gọi bằng tên riêng của mình mà bằng những tên gọi thú cưng như Masha hoặc Vanka. Như vậy ngay sự công nhận cơ bản nhất của cá nhân họ cũng bị khước từ.
Bước đầu tiên tiến tới sự thỏa hiệp này là đắm mình vào cuộc sống thường nhật của nhân dân. Mối quan tâm lãng mạn trong văn hóa dân gian quét qua châu Âu trong thế kỷ 19 không nơi đâu cảm thấy thật thấm thía hơn là ở trong giới trí thức Nga. Như Blok viết (điểm một chút mỉa mai) vào năm 1908:
Bọn trí thức nhét đầy kệ sách của họ các tuyển tập dân ca, thiên anh hùng ca, truyền thuyết, bùa chú, niệm khúc Nga; họ nghiên cứu thần thoại, nghi thức cưới xin và an táng Nga; họ khóc than cho nhân dân; đi đến với nhân dân; lòng chứa đầy hi vọng; rơi vào nỗi tuyệt vọng; thậm chí họ hi sinh cả mạng sống của mình, đối mặt với án tử hoặc chết đói vì chính nghĩa của nhân dân
Ngã quị trước mặc cảm tội lỗi, người trí thức tôn thờ thánh tượng nhân dân. Họ tin tưởng một cách sâu xa sứ mạng phục vụ nhân dân, giống như cha ông quí tộc của họ tin vào việc phục vụ nhà nước vương triều. Và theo thế giới quan về ‘điều tốt đẹp của nhân dân’ là mối quan tâm cao nhất, những nguyên tắc khác như luật pháp hoặc đạo lý đều là phụ. Đây chính là nguyên nhân phát sinh ra châm ngôn của người cách mạng là bất kỳ phương tiện nào cũng tốt nếu ích lợi cho cách mạng
Đối với nhiều nhà cách mạng quí tộc này, sự hấp dẫn chủ yếu của ‘chính nghĩa’ không nằm nhiều trong sự hài lòng mà họ có thể rút ra từ việc nhìn thấy cuộc sống hàng ngày của nhân dân khá hơn, cho bằng trong việc tìm kiếm lãng mạn của bản thân một cảm giác ‘toàn vẹn’ có thể khiến cuộc đời họ có ý nghĩa hơn và không còn tha hóa với thế giới. Đây chắc chắn là trường hợp của Mikhail Bakunin, cha đẻ của Chủ nghĩa Vô Chính phủ của Nga, như Aileen Kelly đã chỉ ra quá xuất sắc trong tiểu sử của ông do bà chấp bút. Theo lời bà, chính nhu cầu bản thân muốn ‘nhận diện với một thực thể mang tính tập thể có ý nghia’ đã khiến nhà quí tộc giàu có này thăng hoa cái bản ngã của mình thành khái niệm trừu tượng của chính nghĩa nhân dân.
Về phần nghĩa vụ đối với ‘nhân dân’, nó thật là trừu tượng. Họ yêu Con Người nhưng không chắc có yêu ai cụ thể. M. V. Petrashevsky, lý thuyết gia về Utopia, tóm tắt điều đó khi tuyên bố: ‘không thể tìm được điều gì trong người nữ lẫn người nam xứng đáng để tôi gắn bó, tôi mới quay ra dâng hiến đời mình phục vụ nhân loai’. Trong cái trừu tượng lý tưởng hóa này của ‘nhân dân’ không có chút xíu nào sự khinh khỉnh mà giới quí tộc thường có đối với tập quán của người dân bình thường. Làm sao có thể giải thích khác đi những thái độ độc đoán của nhà cách mạng như Bakunin, Speshnev, Tkachev, Plekhanov và Lênin, nếu không phải là do nguồn gốc quí tộc của họ? Như thể họ nhìn nhân dân như là tác nhân của học thuyết trừu tượng hơn là những con người bằng xương bằng thịt đang đau khổ.
Mỉa mai thay, lợi ích của ‘chính nghĩa’ đôi khi có nghĩa là điều kiện của nhân dân phải khốc hại hơn, để mang đến đại hoạ cuối cùng. ‘Càng tệ hơn, càng tốt hơn,’ như Chernyshevsky thường nói (có nghĩa là sự việc càng tệ hơn, càng tốt hơn cho cách mạng). Ông ta đã ủng hộ, chẳng hạn, việc giải phóng nông nô không có đất cày vào năm 1861 trên lý do việc này sẽ sinh ra ‘một thảm họa tức thì’ *. Tình trạng dửng dưng trước điều kiện sống của dân chúng là nguồn gốc của thói độc đoán mà cách mạng hay mắc phải. Các nhà lãnh tụ của nó nhắm đến việc giải phóng ‘nhân dân’ dựa trên những khái niệm trừu tượng về Chân lý và Công lý của riêng họ. Nhưng nếu nhân dân không muốn được dẫn dắt theo hướng đó, hoặc trở nên quá hỗn loạn không thể điều khiển được, thì họ sẽ bị cưỡng bách được tự do.
* Đó là một học thuyết mà Lênin noi theo. Trong nạn đói kém 1891 ông chống đối ý tưởng cứu trợ nhân đạo viện cớ rằng nạn đói sẽ đẩy hàng triệu nông dân quẫn bách rời bỏ thành thị và gia nhập hàng ngũ những người vô sản: điều này sẽ đẩy cách mạng tiến lên một bước gần hơn.
* * *
Văn chương nước Nga hiện đại luôn luôn là người đại diện cho chính trị. Không ở nơi nào câu ngạn ngữ của Shelley – rằng ‘ thi nhân là các nhà làm luật không chính thức của thế giới’ – quá thích hợp một cách bi thảm như ở nước Nga. Vắng bóng các nhà chính trị đáng tin cẩn, công chúng Nga nhìn sang các nhà văn như các nhà lãnh đạo về đạo lý trong cuộc chiến chống lại chuyên chế. ‘Đó là lý do tại sao’, Vissarion Belinsky viết cho Gogol vào năm 1847, ‘quá nhiều chú ý được dành cho mỗi khuynh hướng văn học cấp tiến, ngay cả trong trường hợp vô tài bất tướng, và tại sao tiếng tăm của các nhà văn lớn sút giảm nhanh chóng khi họ vào làm việc cho nhà nước. ‘ Trong suốt thế kỷ 18 và 19 giới trí thức đã định hình cho những nguyên tác và qui ước xã hội theo các hình mẫu văn học và các bài học đạo lý mà các nhà phê bình văn học đúc kết từ chúng.
Ngành phê bình văn học, do Belinsky thành lập, có mục đích chuyển tải những tư tưởng chính trị, mặc dù theo ngôn ngữ kiểu ngụ ngôn cần phải đọc cẩn thận giữa các hàng chữ. Tất cả các lý thuyết gia cách mạng ban đầu (Herzen, Belinsky, Dobroliubov, Chernyshevsky) đều chủ yếu viết văn. Chính qua các tạp chí văn của thập niên. 1850, như Tiếng Chuông của Herzen và Người Đương Thời của Chernyshevsky, pha trộn văn chương với phê phán xã hội, mà những tư tưởng cơ bản của phong trào cách mạng được giới thiệu rộng rãi với quần chúng độc giả. Không nền văn hóa nào khác gắn kết vị thế như vậy với tập san có tính trí thức cao. Những tạp chí văn học ‘khó nuốt’ này được đọc và bàn luận gần như trên toàn bộ tầng lớp người có học. Không có tình trạng nào giống như thế ở phương Tây, nơi tự do diễn đạt khiến ai cũng thờ ơ với chính trị.
Từ Belinsky trở đi, sứ mạng tự gánh vác của văn học Nga là đồng thời có tính xã hội lẫn giáo dục; làm nổi bật những lực lượng vận động của xã hội và dẫn dắt nhân dân hướng đến một cuộc sống dân chủ và mới mẻ. Không nền văn học nào khác chú trọng đến tiểu thuyết xã hội đến như thế: nó thống trị văn đàn từ thập niên 1840 và Người Nghèo của Dostoevsky đến thập niên 1900 và Người Mẹ của Gorky. (Quyển sau này đến lượt trở thành khuôn mẫu cho sự tái sinh tiểu thuyết xã hội dưới phiên bản Xô Viết của Hiện thực Xã hội chủ nghĩa.) Như một hình thức giáo huấn đạo lý, tiểu thuyết xã hội gần như luôn luôn chứa một ‘người hùng tích cực’ hiện thân cho các phẩm chất của Con Người Mới. Một nghĩa vụ đối với chính nghĩa nhân dân, thường phải chịu hi sinh lớn lao, là một thuộc tính tinh túy của những người hùng giả tưởng như thế. Những nhân vật quan tâm đển tính thẩm mỹ, hoặc chỉ theo đuổi những việc không liên quan gì với chính nghĩa, là những người thừa thãi, xa lạ với xã hội.
Người hùng nhất trong số những người hùng tích cực này là Rakhmetev trong tiểu thuyết dễ sợ của Chernyshevsky Phải Làm Gì (1862). Người khổng lồ bằng đá nguyên khối này, được sử dụng như một hình mẫu cho toàn bộ thế hệ những người cách mạng (trong đó có Lênin), chối bỏ tất cả lạc thú cuộc sống để trui rèn ý chí của siêu nhân và biến mình thành chai đá với gian khổ mà con đường cách mạng sắp đển sẽ tạo ra. Y thuần khiết và khổ hạnh: có lần y thậm chí nằm ngủ trên giường đinh để dập tắt những thôi thúc tình dục. Y tập luyện thể lực bằng thể dục dụng cụ và nâng tạ. Y không ăn gì trừ thịt sống. Y huấn luyện đầu óc theo cách tương tự, đọc ‘chỉ những điều tinh yếu (chính trị và khoa học) suốt ngày đêm không ngừng cho đến khi đã hấp thụ túi khôn của nhân loại. Chỉ lúc đó người hùng cách mạng mới lên đường thực hiện sứ mạng ‘làm việc vì lợi ích của nhân dân’. Không có gì làm y đi lệch chính nghĩa, không thậm chí sự săn sóc say đắm của một góa phụ trẻ đẹp, mà y chối từ. Cuộc sống của y nghiêm nhặt và kỷ luật: răm rắp như kim đồng hồ, với nhiều thời gian đọc sách mỗi ngày, thời gian rèn luyện thân thể và vân vân. Vậy mà (và đây là thông điệp của câu chuyện) chỉ qua sự dâng hiến vị tha như thế Con Người Mới mới có thể vượt qua sự tồn tại tha hóa của con người thừa thãi khi xưa. Y tìm được sự cứu rỗi qua chính trị.
Cho phép tác phẩm này được xuất bản là một trong những lỗi lầm lớn nhất mà chế độ kiểm duyệt sa hoàng phạm phải: bởi vì nó biến nhiều người đến với lý tưởng cách mạng hơn tất cả tác phẩm của Marx và Engels gộp lại (chính Marx cũng học tiếng Nga để đọc nó). Plekhanov, ‘người sáng lập chủ nghĩa Mác-xit Nga’, nói rằng từ quyến tiểu thuyết đó ‘chúng tôi rút ra được sức mạnh và niềm tin đạo đức về một tương lai tốt đẹp hơn’. Lý thuyết gia cách mạng Tkachev gọi nó là ‘thánh kinh’ của phong trào; Kropotkin ‘lá cờ của tuổi trẻ Nga’. Một người cách mạng trẻ của những năm 1860 tuyên bố rằng chỉ có ba vĩ nhân trong lịch sử : Jesus Christ, Thánh Paul và Chernyshevsky. Lênin, mà lối sống khắc khổ có nét tương đồng với Rakhmetev, đọc tiểu thuyết đến năm lần trong một mùa hè. Ông sau này nhìn nhận rằng nó rất quan trọng trong việc đưa ông đến phong trào cách mạng. Nó hoàn toàn định hình lại con người tôi,’ ông bảo với Valentinov vào năm 1904. ‘Đây là một quyển sách làm thay đổi người đọc đến suốt đời.’
Tầm quan trọng của Chernyshevsky, theo quan điểm của Lênin, là rằng ông ta ‘không chỉ chứng tỏ rằng mỗi con người thực sự lương thiện và suy nghĩ chín chắn phải là con người cách mạng, những cũng – và đây là giá trị lớn nhất của ông – về cách người cách mạng phải như thế nào. Rakhmetev, với ý chí siêu phàm và hiến dâng vị tha cho chính nghĩa, là hình mẫu hoàn hảo của Bôn-se-vich.
Người hùng của Chernyshevsky cũng là niềm cảm hứng cho các sinh viên theo chủ nghĩa hư vô của thập niên 1860. Lối sống khắc khổ, niềm tin vào khoa học, và chối bỏ trật tự đạo lý cũ hấp dẫn họ. ‘Chủ nghĩa hư vô’ của họ dẫn đến sự nổi loạn chống lại sự đua đòi nghệ thuật kiểu tài tử của thời đại cha mình (những người trên dưới 40); một chủ nghĩa vị lợi có tính chiến đấu, chủ nghĩa duy vật và niềm tin vào tiến bộ bằng cách áp dụng những phương pháp khoa học; và sự cật vấn toàn diện về mọi thẩm quyền, đạo đức và tôn giáo, được thể hiện trong nhiệt tình cách mạng muốn phá hủy. Dmitry Pisarev, một trong những thần tượng của sinh viên những năm 1860, xúi giục những người theo y đập đồ tất cả các định chế, viện cớ là bất cứ thứ gì sụp đổ từ cú đánh của họ đều không đáng gìn giữ. Như cách Bakunin nói, vì nước Nga mục nát tận lõi, phá hủy nó là một ‘thôi thúc sáng tạo’.
Đây là những người trẻ tuổi thịnh nộ của thời đại mình. Nhiều người trong số họ xuất thân từ gia đình tương đối khiêm tốn – con trai của mục sư, như Chernyshevsky, hoặc có nguồn gốc xã hội pha trộn – thành ra nhận thức của họ về sự vô dụng của nước Nga được củng cố thêm bằng cảm nhận về sự nghèo hèn của bản thân.
Chernyshevsky, chẳng hạn, thường biểu lộ sự căm ghét và xấu hổ cho tình trạng lạc hậu của tỉnh Saratov nơi mình lớn lên. ‘Sẽ tốt nếu,’ có lần ông viết, ‘không ra đời ở đâu hết hơn là sinh ra là một người Nga.’ Có một truyền thống lâu đời trong giới trí thức Nga là căm ghét quốc gia mình, bắt nguồn từ sự kiện họ bị cắt đứt khỏi quần chúng và luôn muốn đi theo trào lưu tây phương.
Lớp trẻ náo động này tìm gặp một tấm gương khác phản chiếu thái độ của mình qua Bazarov, người hùng trẻ tuổi của tiểu thuyết Cha và Con của Turgenev (1862). Turgenev đã định phác họa y như một tranh biếm họa kỳ quái của những người theo thuyết hư vô, mà ông coi là vật chất tầm thường, trơn tuột về đạo đức và tầm phào về nghệ thuật, mặc dù sau này ông giả vờ khác đi. Có sự giống nhau ngạc nhiên giữa Bazarov và thần tượng sinh viên Pisarev. Vực thẳm hiểu lầm giữa cha và con trong đời thực sâu đến nỗii những người trẻ tuổi cực đoan coi lỗi lầm của mình là đức hạnh và đón nhận Bazarov như người lý tưởng của mình.
Tuyên ngôn của các Jacobin (Jacobin: một phong trào chính trị hùng mạnh lên nắm quyền cai trị nước Pháp sau Cách Mạng 1789, với chính sách khủng bố ác liệt những đối thủ chính trị: ND) vị thành niên này được viết bởi Zaichnevsky, một người kích động sinh viên, vào năm 1862. Nó ủng hộ cướp chính quyền bằng bạo lực do một nhóm nhỏ nhưng có tổ chức các đồng mưu, tiếp sau là thành lập một chế độ độc tài cách mạng để thực hiện việc chuyển đổi xã hội chủ nghĩa và tận diệt mọi kẻ thù, kể cả bọn dân chủ và bắt kỳ phe phái xã hội nào chống đối. Tuyên ngôn có thể đã mình họa những gì Bôn-se-vich thực sự làm (họ sau đó tuyên bố Zaichnevsky là người của mình). Nó lên kế hoạch quốc hữu hóa đất đai và công nghiệp, đưa tất cả trẻ em dưới sự chăm sóc của nhà nước, và hoạch định bầu cử một hội đồng lập hiến nhằm bảo đảm phe chính quyền sẽ thắng. Đây sẽ là một ‘cuộc cách mạng đổ máu’ nhưng, như Zaichnevsky tuyên bố, ‘chúng ta không sợ điều đó, thậm chí cho dù cả một con sông máu sẽ chảy và nhiều người vô tội sẽ chết’. Trong một trong những đoạn văn ớn lạnh nhất của cách mạng, ông cân nhắc chi phí:
Sớm, rất sớm thôi, ngày ấy sẽ đến khi chúng ta trải ra lá cờ vĩ đại của tương lai, lá cờ đỏ, và với tiếng hét lớn ‘Vạn Tuế Cộng Hòa Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Nga!’ chúng ta sẽ tiến về Cung điện Mùa Đông để tiêu diệt tất cả bọn chúng. Có thể là chúng ta chỉ phải giết gia đình hoàng tộc, tức chỉ độ 100 người; nhưng cũng có thể xảy ra việc, và điều này chắc chắn hơn, toàn bộ triều đình sẽ đoàn kết như một sau lưng Sa Hoàng, vì đối với chúng đây là vấn đề sống chét. Nếu điều này xảy ra, thế thì với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của mình, vào sự ủng hộ của nhân dân, và vào tương lai huy hoàng của nước Nga – vốn được số mệnh giao phó là nước đầu tiên thực hiện thắng lợi của chủ nghĩa xã hội – chúng ta sẽ cùng hét lên: ‘Giương rìu lên!’ và chúng ta sẽ giết chết toàn bộ triều đình mà không thương tiếc. Chúng ta sẽ giết chúng trên quảng trường , nếu lũ lợn bẩn thỉu cả gan bén mảng tới đó; giết chúng trong cung điện của chúng, giết chúng trong ngõ hẹp của thị trấn; giết chúng trong đại lộ của thủ đô; giết chúng trong làng mạc. Nhớ rằng: ai không theo ta là kẻ thù của chúng ta, và mọi phương tiện đều có thể sử dụng để hủy diệt kẻ thù.
Tình thần khủng bố và thù địch mới này thậm chí còn nặng hơn trong các bài viết của Sergei Nechaev. Lênin đánh giá cao chúng nhu một thuyết âm mưu cách mạng. Sinh năm 1847 trong một gia đình nông nô, Nẹchaev là nhà lý thuyết cách mạng đầu tiên ở Nga xuất thân từ giai cấp thấp hơn trí thức. Bị đẩy vào nhà máy từ năm lên 9, ông tự học đọc và viết và rồi được chấp nhận, vào năm 1866, làm người hướng dẫn tôn giáo. Vào những năm cuối thập niên 1860 ông chuyên tuyên truyền trong giới sinh viên và công nhân St Petersburg phần nhiều về chủ đề trả thù giai cấp. ‘Nechaev’, Vera Zasullich, một người Dân túy sau này vào phe Men-se-vich, viết, ‘không phải là sản phẩm của môi trường trí thức chúng ta. Ông ta xa lạ với nó. Không phải từ ý tưởng được nhào nặn trong việc tiếp xúc với môi trường này, mà là từ sự thù hằn cháy bỏng, và không chỉ thù hằn đối với chính quyền . . .mà ông chống lại toàn xã hội, tất cả giai tầng có học vấn, tất cả những quí ông, giàu hay nghèo, bảo thủ và cực đoan.’ Tóm lại , òng là một Bôn-se-vich trước những Bôn-se-vich.
Nechaev được biết đến chủ yếu nhờ cuốn Cẩm Nang Cách Mạng, do ông hoặc có thể cùng với Bakunin cộng tác vào năm 1869. Hai mươi sáu đề mục của nó đề ra những nguyên tắc của nhà cách mạng chuyên nghiệp, có thể đã được sử dụng làm lời tuyên thệ Bôn-se-vich. Tinh thần chiến đấu của đảng này mắc nợ với Nechaev cũng nhiều như với Marx. Kỷ luật thép và lòng tận tụy là chủ đề xuyên suốt của Cẩm nang. Thông điệp cốt lõi của nó chỉ có ‘phương pháp Sa Hoàng’ – tức phương pháp của nhà nước cảnh sát – mới có thể đánh bại chế độ sa hoàng. Mục đầu tiên đọc thấy:
Người cách mạng là một con người tận tụy. Y không có cảm xúc cá nhân, không có những vấn đề riêng tư, không tình cảm, không ràng buộc, không tài sản, và không tên. Mọi điều trong y đều hướng về một gắn kết độc quyền, một ý tưởng duy nhất và một nhiệt tình duy nhất – cách mạng.
Chối bỏ mọi giá trị đạo đức, người cách mạng phải sẵn sàng ‘để hủy diệt bất cứ ai cản đường’. Y phải trui rèn để chịu đựng mọi đau khổ: Tất cả những cảm xúc dịu dàng và mềm yếu của gia đình, bè bạn và tình yêu, tất cả lòng biết ơn và danh dự, phải bị dập tắt, và thay vào đó phải là nhiệt tình lạnh giá và tập trung cho công việc của cách mạng.’ Người cách mạng phải liên kết với các thành viên của xã hội phù hợp với mục đích được chỉ ra trong cách mạng. Chẳng hạn, nhóm cầm đầu cai trị phải bị ‘hành hình không trì hoãn’; người giàu bị lợi dụng cho lợi ích của chính nghĩa; và người dân chủ được đàm phán và sử dụng để tạo ra hỗn loạn. Thậm chí những đồng chí đảng viên cấp thấp cũng được xem như là ‘những phần quỹ chung của vốn cách mạng’ mà mỗi lãnh tụ có thể tiêu pha ‘theo ý ông ta’.
Một đồng chí chứng tỏ mình đã hết xài là Ivan Ivanov. Cùng với ba bạn đồng mưu của mình Nechaev sát hại y sau khi y không chịu thực hiện mệnh lệnh độc đoán của Nechaev là người cầm đầu nhóm sinh viên cách mạng. Tính nhẫn tâm của vụ sát nhân, mà Dostoevsky sử dụng trong Kẻ Bị Ám như cơ sở cho cảnh giết người của Shatov,* đua tới một cảm xúc ghê tởm về đạo lý rộng khắp, ngay cả trong phe xã hội chủ nghĩa. Bakunin , (người trước đây hướng dẫn cho Nechaev) viết cho một người bạn ở London vào năm 1870, tám tháng sau vụ giết Ivanov, cảnh báo ông ta không được giúp đỡ những người tị nạn Nga.
* Dostoevsky, vốn là một thành viên của nhóm cách mạng Petrashevsky vào những năm 1850, sử dụng tiểu thuyết này để công kích những người cách mạng, nhất là phe hư vô chủ nghĩa. Petr Verkhoven-sky, nhân vật trung tâm của truyện, rõ ràng dựa vào Nechaev. Tại một điểm trong tiểu thuyết y nói rằng giết một triệu người trong cuộc đấu tranh chống chế độ chuyên chế cũng không hề chi vì trong quá trình 100 năm bọn chúng sẽ giết nhiều người hơn.
- không dừng tay vào bất cứ việc gì. . . Vô cùng ấn tượng trước sự đàn áp của cảnh sát đã phá hủy tổ chức bí mật ở Nga, ông đi đến kết luận là nếu phải thành lập một tổ chức vững mạnh ông sẽ dựa vào những nguyên tắc của Machiavelli và khẩu hiệu của người Jesuit: ‘Bạo lực cho thân xác, dối trá cho tâm hồn!’ Chân lý, sự tin cậy lẫn nhau, tình tương trợ – những điều này chỉ có thể tồn tại trong một tá đồng chí tạo nên nội điện của Xã Hội. Tất cả những gì còn lại không khác hơn một công cụ mù quáng, mà một tá người này được quyền sử dụng. Được phép, thật ra là có nghĩa vụ, lừa gạt họ, làm hại họ, và lấy cướp họ; ngay cả được phép cho lệnh giết họ.
Cảnh sát cuối cùng sờ gáy được Nechaev. Năm 1872 y bị bắt ở Hà Lan và dẫn độ về Nga, tại đó y bị biệt giam trong Pháo đài Peter và Paul. Không ai nghe tin về y nữa – y được cho là đã chết – cho đến tám năm sau một nhóm khủng bố bất ngờ nhận được một bức thư từ y chứa một kế hoạch trốn thoát. Chỉ bởi cá tính mạnh mẽ của mình Nechaev đã chiêu dụ được các lính canh và đã thành lập được tế bào cách mạng bí mật ngay trong nhà giam của pháo đài. Những lính canh này đã tuồn ra ngoài bức thư. Sau đó, khi họ bị mang ra xét xử, họ chọn vào tù chứ nhất định không khai ra người lãnh tụ của mình. Nhưng đối với Nechaev như vậy là quá muộn (y chết trong pháo đài vào năm sau). Từ khi y bị tù tình hình đã thay đổi và một tín điều mới, chủ nghĩa dân tộc, đã quay lưng khỏi chiến thuật đột kích chớp nhoáng và bắt đầu tìm đến lối tuyên truyền quần chúng và giáo dục như một phương tiện châm ngòi cho một cuộc cách mạng xã hội.
Chủ nghĩa Dân túy là một tập hợp những tình cảm và thái độ hơn là một học thuyết. Tại ngay cốt lõi là sự ngưỡng mộ của giới trí thức đối với người dân bình thường, và một niềm tin vào sự minh triết và từ tâm của họ. Sự tôn sùng được diễn đạt trong văn chương cũng như trong chính trị và học thuyết xã hội. Mặc dù thuật ngữ chỉ thực sự được sử dụng từ những năm 1870 trở đi, ba nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Dân túy – sự ưu việt của tự do và dân chủ, sự lý tưởng hóa giới nông dân và niềm tin vào con đường đi đến chủ nghĩa xã hội có tính chất bản địa và khác biệt với phương Tây – là điều thông thường với truyền thống lâu dài của tư tưởng Nga bắt đầu từ những năm 1840 với người yêu nước Nga cực đoan và Herzen và lên đỉnh điểm nửa thế kỷ sau đó với sự thành lập của Đảng Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa.
Vỡ mộng với châu Âu tiểu tư sản sau sự thất bại của Cách mạng 1848, Herzen đặt hết hi vọng của mình vào nước Nga nông dân – nước Nga Trẻ, như ông gọi như thế – để dẫn đường đến chủ nghĩa xã hội. Công xã nông dân là người gánh vác sứ mạng tiên tri này. Herzen nhìn thấy nó như nơi ký thác bất hoại của nền tự do Nga cổ xưa, một biểu tượng hữu cơ của điều kiện thực sự của nó trước sự áp đặt của nhà nước sa hoàng và nền văn minh ‘Đức’ của nó. Đây tất nhiên là tầm nhìn lãng mạn: nó bắt nguồn từ nỗi khát khao một cuộc sống huynh đệ giản dị, không bị ô nhiễm bởi văn minh hiện đại, và cũng từ một niềm tin vào ‘con người hoang dã cao quí’, đã từng gây cảm hứng cho các nhà trí thức từ thời Rousseau. Công xã, Herzen lập luận, đã chứa đựng những tư tưởng xã hội chủ nghĩa mà phần còn lại của châu Âu – châu Âu Cũ (và ‘đang hấp hối’) – còn đang nỗ lực hướng tới. Đó là dân chủ và bình đẳng, dựa trên sự phân chia ruộng đất, nó nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng và hòa hợp xã hội giữa nông dân với nhau; và qua những tập quán cổ xưa của nó nó diễn đạt một nhận thức về công lý xã hội và đạo lý sâu sắc hơn truyền thống pháp luật của phương Tây, dựa trên sự bảo vệ tài sản tư nhân. Công xã, nói tóm lại, trao cho nước Nga cơ hội đi trực tiếp đến chủ nghĩa xã hội mà không cần kinh qua những hậu quả đau đớn của chủ nghĩa tư bản.
Lý thuyết của Herzen về cách mạng rút lại đến một mệnh đề trung tâm: vì nguồn gốc của mọi tự do là ở nhân dân, và nguồn gốc của mọi áp bức là ở nhà nước sa hoàng, nước Nga chỉ có thể được giải phóng qua một cuộc cách mạng xã hội thực sự. Đây sẽ là một cuộc cách mạng dân chủ, một cuộc cách mạng đến từ bên dưới và dựa vào ý chí của nhân dân
Nó sẽ phải là cuộc cách mạng toàn diện, một cuộc cách mạng nhằm lật đổ nền văn minh xa lạ là nền tảng của hệ thống sa hoàng, vì người dân Nga đã chịu quá nhiều áp bức để có thể hai lòng với những ‘tự do nửa vời’ của các cải cách chính trị
Điều này đưa ra những ám chỉ quan trọng cho các phương thức tiến hành cách mạng; và chính ở chỗ này Herzen để lại dấu ấn của mình cho phong trào Dân túy sau này. Không thiểu số nào có quyền ép buộc những tư tưởng trừu tượng lên nhân dân. Không bàn luận nữa về những âm mưu và cướp chính quyền – chỉ chấm dứt trong độc tài và khủng bố. Thay vi phá sập những bức tường nhà ngục sa hoàng chỉ cần ‘giao cho chúng một chức năng mới, như thế một dự án cho một nhà tù có thể được sử dụng cho một cuộc sinh tồn tự do’. Phương thức dân chủ duy nhất của cách mạng là giáo dục và tuyên truyền để giúp đỡ nhân dân hiểu được lợi ích thiết thực nhất của họ và chuẩn bị cho họ dần dần đảm nhiệm quyền hành.
Lý tưởng này nghe có vẻ dân chủ, nhưng nó gây ra một vấn đề vô cùng nan giải cho những người Dân túy (và sau đó cho những người Mác-xit). Nếu cách mạng đến từ chính nhân dân thế thì những nhà lãnh đạo cách mạng nên làm gì khi nhân dân tẳy chai cách mạng? Làm gì nếu nhân dân muốn bảo thủ? Hoặc nếu công nhân quan tâm nhiều đến việc chia sẻ các lợi ích của chủ nghĩa tư bản hơn là lật đổ nó? Tất cả các đảng cách mạng – lúc này không ai có nhiều hơn vài trăm đảng viên – đều không thể nhất trí trước các vấn nạn này. Trong phe Dân túy có những người như Plekhanov và Pavel Axelrod, lập luận rằng không có cách nào khác trừ ra phải đợi chờ đến khi giáo dục và tuyên truyền đã chuẩn bị đầy đủ cho phong trào xã hội rộng lớn. Nếu không, cách mạng không thể mang tiếng là dân chủ và chắc chắn sẽ kết thúc thành một chế độ độc tài mới. Phe Men-se-vich trong Đảng Dân chủ Xã hội sau đó tán thành cùng nguyên tắc trên. Nhưng, trái lại, những người Dân túy như Tkachev lập luận rằng nếu cứ đợi vô hạn định một cuộc cách mạng xã hội, và trong lúc đó kết án mọi hình thức nổi dậy và khủng bố của đội tiên phong ưu tú, là liều lĩnh cho phép trật tự sa hoàng sẽ ổn định qua sự tiến triển của chủ nghĩa tư bản. Chỉ có cướp chính quyền trước tiên và thiết lập một hình thức chuyên chính cách mạng mới có thể nắm bắt những điều kiện chính trị cần thiết để chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Ý tưởng này có người đi theo trong Đảng Dân chủ Xã hội: nó trở thành nguyên tắc dẫn đạo của lý thuyết cách mạng của Lênin.
Đây là vấn nạn mà phê Dân túy đương đầu sau sự sụp đổ của phong trào ‘Đến với Nhân Dân’. Trong ‘mùa hệ điên dại’ 1874 hàng ngàn sinh viên rời bỏ giảng đường để ‘đến với nhân dân’. Không được tổ chức đàng hoàng, mặc dù nhiều sứ giả này thuộc về nhóm của Lavrov và Chaikovsky, vốn tín tưởng vào sự mở rộng tuyên truyền đến nông dân để chuẩn bị cho cuộc cách mạng không thể tránh được. Ăn mặc như nông dân hoặc người buôn bán nhỏ, những chàng trai trẻ say mê lý tưởng này tràn vào miền quê với mục tiêu ‘phục vụ nhân dân’ bằng cách dạy họ đọc viết, bằng cách làm những việc lao động thấp kém và giúp họ hiểu được nguyên nhân nỗi cơ cực của mình. Mặc cảm tội lỗi và sự khao khát hiến dâng đóng một vai trò lớn trong vở kịch nhiệt tình cách mạng này. Các sinh viên ý thức sâu sắc với nhu cầu trả lại ‘món nợ với nhân dân’. Họ ôm ấp ý tưởng chung sống với nông dân và chia sẻ nỗi khổ của họ. Họ sẵn sàng chịu liều mắc bịnh tiêu chảy, hoặc bị bắt và bỏ tù. Một số thậm chí chào đón ý tưởng trở thành thánh tử đạo ‘cho nhân dân’: nó sẽ biến họ thành anh hùng. ‘Bạn phải rửa nồi và nhổ lông gà,’ sinh viên Mariana đã được dặn dò như thế trong tiểu thuyết Dỡ Đất của Turgenev. ‘Và biết đâu nhờ thế bạn sẽ cứu được đất nước mình.’ Người nông dân, tuy nhiên, tiếp các thập tự chinh non choẹt này với nỗi ngờ vực và thù nghịch. Họ thấy kiểu cách thành thị và lý thuyết của chúng quá lạ lẫm; và trong khi họ không hiểu nội dung tuyên truyền, họ biết là nó nguy hiểm. ‘Chủ nghĩa xã hội’, một người Dân túy sau đó viết, ‘đổ vào tai người nông dân như đổ nước lên lá môn (nguyên văn như ‘ném đậu vào bức tường’: ND). Họ nghe chúng tôi nói như nghe mục sư giảng – một cách kính trọng nhưng không có tác dụng nhỏ nhất nào với suy nghĩ hay hành động của họ.’ Phần đông các sinh viên cực đoan cuối cùng bị cảnh sát tóm hết, nhiều người bị nông dân địa phương chỉ điểm.
Trải nghiệm như gáo nước lạnh tạt vào mặt này khiến các người Dân túy vỡ mộng và quay lưng với việc tuyên truyền và cách mạng xã hội. “Chúng tôi không thể thay đổi lối suy nghĩ của thậm chí một trong sáu trăm nông dân, nói chỉ đến một trong sáu mươi,’ Stepniak viết cho Lavrov năm 1876. ‘Mọi người đang bắt đầu nhận ra yêu cầu tổ chức. . . Một cuộc nổi dậy phải được tổ chức.’ Kết cục là một cấu trúc đảng tập trung hơn được ra đời. Nó mang tên Đất đai và Tự đó (Zemlia i Volia), được lập ra năm đó, quay lưng với hình thức tuyên truyền công khai sang âm mưu bí mật và hoạt động chính trị. Vào ngày 6 tháng 12 năm 1876 đảng tổ chức một cuộc biểu tình quần chúng đầu tiên trong lịch sử nước Nga.
Bánh xe đã quay trọn một vòng: đã từ bỏ chủ nghĩa Jacobin trong việc ủng hộ cách mạng xã hội, phe Dân túy quay đến các phương pháp âm mưu Jacobin, chủ nghĩa khủng bố và đảo chính nhân danh nhân dân. Những bài viết của Petr Tkachev đánh dấu một bước ngoặt quyết định. Chúng tạo thành một cầu nối giữa truyền thống Jacobin của Nechaev, truyền thống Dân túy cổ điển của Đất đai và Tự do, và truyền thống Mác-xit của Lênin. Nhà lãnh tụ Bôn-se-vich mắc nợ với Tkachev nhiều hơn bất kỳ lý thuyết gia Nga nào khác. Sinh năm 1844 trong một gia đình quí tộc nhỏ, Tkachev đã trải qua vài năm trong Pháo đài Peter và Paul sau khi bị bắt vì vai trò của mình trong các cuộc bãi khóa của sinh viên năm 1861. Trong những năm cuối cùng của thập niên 1860 ông đã bị Nechaev hớp hồn – kết quả là ông ở thêm một thời hạn nữa trong tù, sau đó bị lưu đày đi Hà Lan. Chính tại đây ông tiếp thu, mặc dù sơ sài, xã hội học của Marx, đưa ông tách khỏi Dân túy. Giữa những năm 1870 ông viết bài chỉ trích dữ dội phong trào ‘Đến với Nhân Dân’ . Ông tuyên bố tuyên truyền không thể mang lại cách mạng vì những luật lệ tiến bộ xã hội (mà cả Nga, cũng như phần còn lại của châu Âu, đều phụ thuộc vào) có nghĩa là các nông dân giàu luôn ủng hộ chế độ. Ông lập luận thay vào đó mình sẽ chiếm chính quyền bằng đội tiên phong cách mạng, rồi sau đó dựng lên chế độ độc tài và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội
Tkachev tuyên bố rằng thời điểm đã chín mùi để lật đổ chính quyền, ra tay càng sớm càng tốt, vì hiện giờ chưa có lực lượng xã hội thực sự nào sẵn sàng đứng về phe của chính quyền nhưng sẽ có không lâu nữa khi chủ nghĩa tư bản và tiểu tư sản đã phát triển. Trong đoạn văn mà Lênin sẽ nhắc lại vào tháng 10 1917, Tkachev cắt cao tiếng thét xung phong: ‘Đây là lý do tại sao chúng ta không thể đợi. Đây là lý do tại sao chúng ta tuyên bố rằng một cuộc cách mạng là cần thiết, và cần thiết tức thì, ngay đúng lúc này. Chúng ta không được phép chần chừ thêm. Bây giờ – hoặc sẽ sớm nữa thôi sẽ là không bao giờ! Để tiến hành cú đảo chính này Tkachev chỉ rõ là phải do một đảng ưu tú và biết mưu tính, và, như quân đội, có tính kỷ luật và tập trung cao. Điều này Lênin cũng nghe theo ông ta.
Tuy nhiên, nếu trở về với phương pháp Jacobin, có nghĩa là Dân túy, cũng như người tiền nhiệm của họ, bắt buộc phải tham gia vào một cuộc chiến vô vọng chống lại nhà nước cảnh sát sa hoàng. Một vòng tròn lẩn quẩn bắt đầu bằng việc cảnh sát gia tăng sức ép và Dân túy khủng bố đáp trả. Điểm ngoặt xảy ra vào năm 1878, khi Vera Zasulich, một trong nhóm người lãnh đạo Đất đai và Tự do, bắn và làm bị thương Tướng F. F. Trepov, Thống đốc St Petersburg, để đáp trả việc ông phạt roi một tù nhân sinh viên vì người này – trong một cử chỉ thách thức điển hình – đã không chịu dỡ nón chào trước sự hiện diện của ngài Thống đốc. Zasulich được giới trí thức cấp tiến chào đón như một thánh tử đạo vì công lý, và được miễn tội trước tòa án cấp tiến. Đây là dấu hiệu của một làn sóng khủng bố, mà mục tiêu là làm yếu đi chế độ chuyên chế và cưỡng chế những nhượng bộ về chính trị. Hai thống đốc tỉnh bị ám sát. Sau cuộc mưu sát Sa Hoàng thất bại, trong đó có một quả bom đặt trên toa tàu hỏa hoàng gia và một vụ nổ lớn trong Cùng điện Mùa Đông. Cuối cùng vào ngày 1 tháng 3 1881, khi Alexander đang đi xe ngựa qua St Petersburg, ông bị giết vì một quả bom.
Cảm giác ghê tởm lan rộng ngay trong giới cách mạng trước làn sóng khủng bố này đưa đến sự rạn nứt trong Đất đai và Tự do. Một nhánh, tự gọi tên là Nguyện vọng Nhân dân (Narodnaia Volia) tán thành ý tưởng của Tkachev và vẫn trung thành với chiến thuật khủng bố đưa đến cướp chính quyền. Được thành lập vào năm 1879, nhóm này tiến hành ám sát Sa Hoàng. Nhiều người chóp bu bị bắt sau đó – một số bị hành hình – trong cuộc đàn áp tiếp sau vụ ám sát. Nhưng chiến dịch khủng bố đã khởi xướng được tiến hành bởi vài nhóm khác nhỏ hơn trong thập niên 1880. Một nhóm trong đó có anh trai của Lenin, Alexander Ulianov, bị tử hình sau khi âm mưu ám sát Alexander III bất thành vào lễ kỷ niệm lần thứ 6 ngày mất của vua cha. Mục đích đặt ra cho chiến dịch là làm mất ổn định nhà nước và cung cấp một ngòi nổ cho cuộc nổi dậy toàn dân. Nhưng ngay lập tức nó thoái hóa – như bao nhiêu trò khủng bố khác – thành bạo lực vì bạo lực. Người ta ước tính có đến 17,000 người thương vong bởi bọn khủng bố trong 20 năm cuối cùng của chế độ sa hoàng – nhiều hơn năm lần số người bị giết trong 25 năm loạn lạc ở Bắc Ireland. Một số vụ khủng bố thuộc bạo lực hình sự vì lợi lộc cá nhân. Tất cả các đảng cách mạng đều tự trang trải chi phí một phần bằng tiền trộm cướp (mà chúng gọi bằng mỹ từ là ‘sung công’), chủ yếu từ các ngân hàng và tàu hoả, trong đó không ít kẻ xoáy một phần bỏ vào túi riêng. Những điều này không thấm thía gì với hậu quả chất chồng sau những năm giết chóc biến họ thành những con người chai đá, dửng dưng trước nạn nhân của lý tưởng họ.
Nhánh cạnh tranh với Đất đai và Tự do tự gọi mình là Phần Chia Đen – một từ nông dân nói về cuộc cách mạng đất đai. Nó được thành lập vào năm 1880 bởi ba ngọn đuốc dẫn đầu tương lai của Đảng Dân chủ Xã hội – Piekhanov, Axelrod và Zarulich – tất cả đều đi theo chủ nghĩa Mác-xit trong những năm đầu thập niên 1880. Họ khuớc từ việc sử dụng bạo lực, tuyên bố rằng nó sẽ dẫn đến thất bại và làn sóng đàn áp mới.
Họ lập luận rằng chỉ có cách mạng xã hội, xuất phát từ chính nhân dân, mới có thể thành công mà vẫn dân chủ. Thất bại sau vụ ám sát Alexander mong có được những nhượng bộ chính trị hình như chứng mình được sự đúng đắn của lời tuyên bố đầu tiên của họ; trong khi sự trưởng thành của giai cáp công nhân thành thị cho họ cơ sở mới để hi vọng vào tuyến bố thứ hai. Đây là khởi đầu thực sự của phong trào Mác-xit ở nước Nga.
Chương 2. Marx đến nước Nga
Vào tháng Ba, 1872 một tác phẩm dày cộm về kinh tế chính trị, viết bằng tiếng Đức, nằm trên bàn của viên chức kiểm duyệt sa hoàng. Tác giả của nó nổi tiếng về những học thuyết chủ nghĩa xã hội và tất cả những sách trước đây của ông đều bị cấm. Nhà xuất bản không có quyền kỳ vọng một số phận khác đi cho tác phẩm mới này. Đó là cuốn sách phê phán không thỏa hiệp về hệ thống nhà máy hiện đại và, mặc dù luật kiểm duyệt đã được giải phóng vào năm 1865, vẫn còn có lệnh cấm bất kỳ tác phẩm nào trình bày ‘những học thuyết độc hại về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản’, hoặc kích động ‘hận thù giai cấp’. Luật lệ mới cũng đủ nghiêm nhặt để cấm những bộ sách nguy hiểm như Đạo Đức Học của Spinoza, Leviathan của Hobbes, Triết Lý Lịch Sử của Voltaire và Lịch Sử Luân Lý Âu Châu. Vậy mà kiệt tác Đức này – 674 trang chi chit những phân tích thống kê – được xem là thâm thúy và khó nuốt để có thể gây bạo loạn. ‘Có thể phát biểu chắc chắn là,’ viên chức kiểm duyệt thứ nhất kết luận, ‘rất ít người Nga đọc nó, và càng ít người hơn có thể hiểu được nó.’ Hơn nữa, viên chức thứ hai thêm vào, vì tác giả kích bác hệ thống nhà máy Anh, việc phê phán của ông ta không thể ứng dụng được ở Nga, nơi ‘sự bóc lột của tư bản’ mà ông ta đề cập chưa hề được trải nghiệm. Không viên chức kiểm duyệt nào thấy cần thiết phải cấm in ‘tác phẩm thuần túy khoa học’ này.
Vậy là Tư Bản Luận của Marx được phát hành ở Nga. Đây là bản in nước ngoài đầu tiên của quyển sách, chỉ năm năm sau khi ấn bản gốc Hamburg và 15 năm trước khi bản tiếng Anh được in ra. Trái với kỳ vọng của mọi người, của tác giả, cũng như của người kiểm duyệt, nó đưa đến cách mạng ở Nga sớm hơn ở bất kỳ xã hội Tây phương nào mà cuốn sách nói tới.
Các viên chức kiểm duyệt nhà nước sớm biết ngay lỗi lầm của mình. Mười tháng sau đó họ trả thù Nikolai Poliakov, nhà xuất bản Nga đầu tiên của Marx, bằng cách đưa ông ra tòa xét xử vì ấn bản ‘có tính lật đổ’ tiếp theo của ông, một tuyến tập truyện ngắn của Diderot, bị tịch thu và thiêu hủy bởi cảnh sát, rút giấy phép hoạt động. Nhưng đã quá muộn. Tư Bản Luận là một cú hít tức thì. Ấn bản đầu tiên với 3,000 bản được bán sạch chỉ trong một năm (bản tiếng Đức gồm 1,000 bản phải mất năm năm mới bán hết). Chính Marx cũng biết tin ở Nga kiệt tác của mình được. ‘đọc và trân trọng hơn bất kỳ ở đâu khác’. Phe yêu nước Nga và Dân túy đều chào đón quyến sách như một vụ vạch trần những điều khủng khiếp của hệ thống tư bản Tây phương, mà họ không muốn Nga rơi vào. Xã hội học và sử quan của Marx, chưa cần nói tới chính trị của ông, lan truyền như một trận đại hồng thủy trong những năm cuối của thập niên 1870. Lúc này sinh viên nào không là người Mác-xit là không hợp thời. ‘Những ngày đó không ai dám hó hé một tiếng chống Karl Marx’ một người cấp tiến phàn nàn, ‘nếu không muốn các thanh niên ngưỡng mộ ông trút xuống cơn thịnh nô.’
Sau khi phong trào ‘Đến với Nhân Dân’ sụp đổ, với việc lý tưởng hóa sai lầm người nông dân Nga, thông điệp Mác-xit hình như là một sự cứu rỗi đối với giới trí thức cực đoan. Tất cả hi vọng của họ cho một cuộc cách mạng xã hội giờ chuyển vào tay giai cấp công nhân nhà máy. Rõ ràng ý tưởng về phong trào cách mạng nông dân không còn triển vọng gì; và từ những năm 1880 những hoạt động trong giới nông dân được các người Mác-xit mô tả là những ‘thành tích nhỏ nhoi’ (tức là loại hoạt động từ thiện được các quí tộc nhỏ và các zemstvo ủng hộ). Nạn đói năm 1891 hình như làm nổi bật sự lạc hậu của giới nông dân. Nó chứng tỏ là họ bị két án tử, vừa như cá nhân vừa như giai cấp, dưới bánh xe của sự phát triển kinh tế. Nông dân chỉ còn là tàn tích của quá khứ man rợ của nước Nga, sẽ không thể tránh khỏi cảnh bị quét đi bởi sự tiến bộ của nền công nghiệp.
Sự chậm tiến về văn hóa của nó được tượng trưng bởi các câu chuyện kể rằng trong thời kỳ dịch tả hoành hành, các nông dân đói kém tấn công chính các bác sĩ đến chích ngừa cho mình vì họ nghĩ thuốc chích là một loại thuốc độc. Trong thập niên 1890 ấn bản khoa học xã hội nở rộ – toàn bộ thư viện chất đầy những sách thống kê được in ra trong năm; mục đích là tìm nguyên nhân nạn đói theo qui luật phát triển kinh tế của Mác-xit.
Bản chất ‘khoa học’ của học thuyết Mác làm say sưa các bộ óc cực đoan Nga, vốn thiên về chủ nghĩa duy lý và duy vật của những năm 1860. Biện chứng lịch sử của Mác hình như đóng góp cho xã hội những gì Darwin làm cho nhân loại: cung cấp một học thuyết có lý về sự phát triển tiến hóa. Nó rất ‘nghiêm túc’ và ‘khách quan’, một hệ thống bao quát nhằm giải thích thế giới xã hội. Trong ý nghĩa này nó là câu trả lời cho việc truy tìm đặc trưng Nga về một kiến thức có tính tuyệt đối. Chủ nghĩa Mác, hơn nữa, có tính lạc quan. Nó chứng minh là tiến bộ nằm trong công nghiệp, rằng có ý nghĩa trong sự hỗn loạn của lịch sử, và rằng qua giai cấp lao động, qua sự nỗ lực có ý thức của nhân loại, chủ nghĩa xã hội sẽ trở thành cứu cánh của lịch sử. Thông điệp này có sức lôi cuốn đặc biệt với giới trí thức Nga, vốn nhận thức đau đớn về sự lạc hậu của xứ sở mình, vì nó ám chỉ rằng nước Nga sẽ không tránh khỏi phải rơi vào tình trạng như các nước phát triển Tây phương – đặc biệt, nước Đức, mà Đảng Dân chủ Xã hội của nó là hình mẫu cho phần còn lại của phong trào Mác-xit ở châu Âu.
Niềm tin của phe Dân túy vào ‘con đường riêng biệt’ của Nga, hình như chỉ ký thác nó cho hình thái nông dân vĩnh cửu, do đó có thể bị bỏ qua một bên vì quá lãng mạn và thiếu tính khoa học. Ý nghĩ cho rằng Mác-xit có thể mang nước Nga đến gần hơn phương Tây có lẽ là điểm hấp dẫn chính của nó. Chủ nghĩa Mác được xem như một ‘con đường của lý trí’, theo lời của Lydia Dan, rọi sáng con đường đi đến hiện đại, sự khai sáng và văn minh. Như Valentinov, một cựu binh khác của phong trào Mác-xit, nhớ lại vào thập niên 1950:
Chúng tôi tóm lấy chủ nghĩa Mác vì chúng tôi bị thu hút bởi tính lạc quan kinh tế và xã hội học của nó, niềm tin mạnh mẽ của nó, được yểm trợ bởi dữ liệu và số liệu, rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, bằng cách làm băng hoại và xói mòn nền tảng của xã hội cũ, đang tạo ra những lực lượng xã hội mới (trong đó có chúng tôi) chắc chắn sẽ quét sạch chế độ chuyên chính cùng với những sự ghê tởm của nó. Với tính lạc quan của tuổi trẻ chúng tôi đang tìm kiếm một công thức đưa đến hi vọng, và chúng tôi tìm thấy nó trong chủ nghĩa Mác. Chúng tôi cũng bị hấp dẫn bởi bản chất Âu châu của nó. Chủ nghĩa Mác đến từ châu Âu. Nó không bốc mùi mốc meo của rong rêu xó nhà và chốn tỉnh lẻ, mà tươi mới, và hấp dẫn. Chủ nghĩa Mác đưa ra một lời hứa là chúng tôi sẽ không dừng lại như một nước bán châu Á, mà sẽ trở thành một phần của châu Âu với nền văn hóa, định chế và thuộc tính của một hệ thống chính trị tự do. Phương Tây là ngọn đèn dẫn đường của nó.
Petre Strive, một trong những lý thuyết gia Mác-xit hàng đầu, nói rằng mình đã kết học thuyết vì nó đưa ra một ‘lời giải khoa học’ cho bài toán kép của nước Nga về vấn đề giải phóng khỏi ách chuyên chế và tình trạng lạc hậu đói nghèo. Những lời nói nổi tiếng của ông trong năm 1894 – Không, chúng ta hãy nhìn nhận chúng ta kém văn hóa và ghi tên vào học trường của chủ nghĩa tư bản’- trở thành một trong những khẩu hiệu của phong trào. Lênin đã nhắc lại lời ấy vào năm 1921. Đây có lẽ, như Leo Haimson đã đề nghị, là nguồn gốc có tính trí thức của tính hấp dẫn của phong trào đối với người Do Thái. * Trong khi Dân túy đưa ra một tầm nhìn cỗ lỗ về nước Nga nông dân- một đất nước với nạn tàn sát và kỳ thị với người Do Thái – chủ nghĩa Mác đưa ra một tầm nhìn hiện đại và Âu châu. Nó hứa hẹn đồng hoá người Do Thái vào phong trào giải phóng con người nói chung – không chỉ giải phóng giới nông dân – dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa quốc tế.
* Người Do Thái đóng một vai trò nổi bật trong phong trào Dân chủ Xã hội, cung cấp nhiều nhà lãnh đạo quan trọng nhất của nó (Axelrod, Deich, Martov, Trotsky, Kamenev và Ziroviev, chỉ kể một ít). Vào năm 1905 Đảng Dân chủ Xã hội ở Nga có 8400 đảng viên. The Bund, trái lại, đảng các công nhân Do Thái của the Pale, có 35,000 thành viên.
Cho đến giữa thập niên 1890 còn khó để phân biệt giữa người Dân túy và người Mác-xit ở Nga. Thậm chí cảnh sát (thường rành rẽ về những vấn đề như thế) đôi khi lầm lẫn. Người Dân túy chấp nhận xã hội học của Mác, biên dịch và phát hành các tác phẩm của ông, và, trong những năm cuối cùng của đời mình, thậm chí nhận được sự ủng hộ của chính Marx. Người Mác-xit cũng vay mượn cách tu từ và chiến thuật của người Dân túy và, ít nhất, bên trong nước Nga, nếu không.muốn nói là ở chốn lưu đày, bắt buộc phải lao động bên cạnh họ. Lực lượng bí mật của cách mạng không đủ lớn để họ đi riêng rẽ; họ bắt buộc phải chia sẻ máy in và làm việc cùng nhau trong các nhà máy hoặc hội quán. Giữa các nhóm công nhân khác nhau sự hợp tác rất trôi chảy – Giải Phóng Lao Động của Plekhanov, Bộ Phận Công Nhân của Ý Nguyện Nhân Dân, Nhóm Công Nhân do sinh viên tổ chức, Đảng Mác-xit Ba Lan và những tập họp đầu tiên của người Dân chủ Xã hội – tất cả đều phối hợp những phần tử từ Marx và Dân túy trong tuyên truyền của họ.
Đây là ngữ cảnh trong đó chàng thanh niên Lênin, hay Ulianov, như lúc đó ông được biết,* buớc vào vũ đài chính trị cách mạng. Trái với huyền thoại Xô Viết, cho rằng Lênin đã là lý thuyết gia Mác-xit sừng sỏ ngay từ khi quấn tả, nhà lãnh tụ Cách mạng Bôn-se-vich đến với chính trị khá muộn. Ở tuổi 16 ông còn sùng đạo và tỏ ra không quan tâm đến chính trị gì cả. Văn học Hy-La và văn chương là bộ môn nghiên cứu chính tại trường trung học ở Simbirsk. Tại đó, do một trớ trêu của lịch sử, hiệu trưởng trường Lênin là Fedor Kerensky, ông thân của đối thủ chính của ông vào 1917. Trong năm cuối cùng của Lênin ở trường trung học (1887) Kerensky viết một báo cáo về nhà Bôn-se-vich tương lai mô tả ông là một học sinh gương mẫu, không bao giờ nêu ‘lý do để bắt mãn, bằng lời nói hay bằng hành động, với các người có thẩm quyền ở trường’. Việc này ông cho là nhờ được nuôi dưỡng trong gia đình đạo đức. ‘Tôn giáo và kỷ luật ‘, hiệu trưởng viết, ‘là cơ sở cho việc nuôi dưỡng này, thành quả là điều có thể thấy rõ trong hạnh kiểm của Ulianov.’ Đến lúc đó không có gì báo trước Lênin sắp sửa trở thành một nhà cách mạng; trái lại, tất cả đều chỉ ra rằng rồi thì ông sẽ đi theo bước chân thân phụ và tạo nên sự nghiệp đáng nể trọng bộ máy của chế độ.
* Bí danh và biệt hiệu ‘Lenin’ có thể xuất phát từ Sông Lena ở Siberia. Lênin đầu tiên dùng nó vào năm 1901.
Ilya Ul’ianov, cha của Lenin, là một quí ông cấp tiến điển hình thuộc loại mà con cái của họ sẽ khinh bỉ. Không có cơ sở cho huyền thoại, do Nadezhda Krupskaya đề xướng vào năm 1938, rằng ông đã tạo ra ảnh hưởng cách mạng cho con cái mình. Anna Ulianov, em gái của Lênin, nhớ là cha mình là người sùng đạo, rất khâm phục các cải cách của Alexander II vào thập niên 1860, và ông thấy mình có bổn phận phải bảo vệ con cái khỏi rơi vào chủ nghĩa cực đoan
Ông là Thanh tra Sư Phạm của tỉnh Simbirsk, một chức vụ quan trọng theo nguyên tắc được người khác xưng hô là ‘your Exellency’. Bối cảnh quí tộc này gây nhiều bối rối cho các nhà viết tiểu sử Xô Viết. Họ chọn cách căn cứ vào nguồn gốc khiêm tốn hơn của ông nộii ông, Nikolai Ulianov, con trai của một nông nô đã từng làm thợ may trong thị trấn Astrakhan ở hạ lưu sông Volga. Nhưng ở đây cũng có vấn đề: Nikolai có một phần huyết thống Kalmyk, và vợ ông hoàn toàn thuộc dòng Kalmyk (gương mặt của Lênin rõ ràng có đặc điểm Mông Cổ), và điều này thật bất tiện cho chế độ Stalinist chuyên tẩn mẩn với ‘thương hiệu’ nhà xô vanh Nga Vĩ Đại. Dòng dõi bên ngoại của Lênin còn rắc rối hơn nữa. Maria Alexandro, mẹ của Lenin, là con gái của Alexander Blank, một người Do Thái được rửa tội đi lên để trở thành một bác sĩ giàu có và điền chủ ở Kazan. Ông là con trai của Moishe Blank, một thương nhân Do Thái từ Volhynia đã kết hôn với một phụ nữ Thụy Điển tên Anna Ostedt. Tổ tiên gốc Do Thái của Lênin luôn bị giới thẩm quyền Xô Viết giấu giếm, dù có lời kêu nài của Anna Ulianova, trong một bức thư gởi Stalin vào năm 1932, đề nghị là ‘sự kiện này có thể được sử dụng để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái.’Tuyệt đối không để lộ một lời nào về bức thư này!’ là mệnh lệnh vô điều kiện của Stalin. Alexander Blank kết hôn với Anna Groschopf, con gái của một gia đình theo đạo Tin Lành từ Đức và với tài sản vừa kiếm được này lao vào một sự nghiệp y khoa nổi bật, đi lên trở thành một bác sĩ cảnh sát và thanh tra y khoa tại một trong những nhà máy vũ khí lớn nhất nước. Vào năm 1847, đã lên tới chức Cố vấn Quốc gia, ông về hưu ở Kokushkino và tự khai lý lịch là một nhà quí tộc.
Tiền sử sắc tộc phi-Nga của Lênin – Mông Cổ, Do Thái, Thụy Điển và Đức – có thể phần nào giải thích lý do ông thường tỏ ra khinh bỉ nước Nga và dân Nga, mặc dù để kết luận, như Dmitry Volkogonov đã làm, rằng ‘chính sách tàn bạo’ của Lênin đối với nhân dân Nga là xuất phát từ nguồn gốc ‘ngoại bang’ của ông là hoàn toàn không có căn cứ (ta có thể nói tương tự về dòng dõi cũng ‘ngoại bang’ của Romanov). Ông thường sử dụng cụm từ ‘bọn Nga ngu ngốc’. Ông phàn nàn rằng người Nga ‘quá mềm yếu’ để làm cách mạng. Và thật ra nhiều nhiệm vụ hệ trọng nhất của cách mạng đã được giao phó cho những đồng chí không phải gốc Nga (đặc biệt gốc Latvia và Do Thái). Vậy mà thật là nghịch lý – và tính cách của Lênin đầy những nghịch lý – trên nhiều phương diện ông luôn là một quí tộc Nga điển hình. Ông thích điền trang Blank, nơi ông sống một thời gian dài thời trẻ. Khi còn trẻ ông thường tự hào mô tả mình là ‘con một địa chủ’. Có lần ông ký tên trước mặt cảnh sát là ‘Quí tộc Truyền thừa Vladimir Ulianov’. Trong cuộc sống riêng tư Lênin là hình ảnh thu nhỏ của một điền chủ vô tâm mà chính quyền của ông sẽ có ngày hủy diệt. Vào năm 1891, ngay lúc cao điểm nạn đói, ông kiện những nông dân láng giềng của mình vì tội gây thiệt hại cho điền sản gia đình. Và trong khi ông lên án trong các bài viết ban đầu của mình các hành xử ‘kiểu tư bản điền chủ’, chính ông lại sống thoải mái trên lợi tức của nó, hưởng gần như tất cả lợi tức của mình từ tiền cho thuê và tiền lãi nhờ việc bán điền trang của mẹ.
Bối cảnh quí tộc của Lênin là một chìa khóa mở ra cá tính trấn áp của ông. Đây là điều gì đó mà các nhà viết tiểu sử ông thường phớt lờ. Valentinov, người sống với Lênin ở Geneva trong năm 1904, nhớ lại bằng cách nào ông tìm thấy một nguồn gốc bị che giấu và hiếm có của tình cảm trong con người nhà lãnh tụ Bôn-se-vich. Đã đọc Quá Khứ và những Tư Tưởng của Tôi của Herzen, một tác phẩm thường tô chuốt tính trữ tình về miền quê nước Nga, Valentinov bổng đâm ra nhớ điền trang gia đình từ lâu bị bỏ phế ở tỉnh Tambov. Ông bảo Lênin về những cảm xúc này và thấy ông ta cũng xúc động. Lênin bắt đầu hỏi thăm ông về cách bố trí những luống hoa, nhưng cuộc trò chuyện của hai bị đồng chí Olminsky, tự nảy giờ đã nghe lời tâm sự của Valentinov, cắt ngang: ‘Này, này, hãy lắng nghe con trai địa chủ đang buông xuôi kia!’
Theo Valentinov, Lênin vặn lại Olminsky:
Này, còn mình thì sao, nếu cũng như thế? Mình cũng từng sống trên một điền trang của ông nội. Theo một nghĩa nào đó, mình cũng là con cháu của một điền chủ quí tộc. Việc đó đã xảy ra nhiều năm rồi , nhưng mình vẫn chưa quên những điều thú vị của cuộc sống điền trang. Mình chưa quên cây cối ở đó và bông hoa ở đó. Vậy thì cứ tiếp tục, có chết cũng mặc. Mình còn nhớ đã từng chơi đùa vui thú biết bao quanh những đống rơm, mặc dù không làm ra chúng, mình đã ăn dâu và quả mâm xôi ngon lành ra sao , mặc dù mình không trồng ra chúng, và mình đã từng uống sữa tươi ngon ra sao, mặc dù mình không hề vắt sữa. Vậy là mình . . . không xứng đáng được gọi là một người cách mạng sao?
Không phải chỉ có cảm xúc của Lênin đã bắt rễ từ quá khứ quí tộc của ông. Nhiều thái độ chính trị của ông cũng vậy: dáng vẻ giáo điều và cử chỉ khống chế; tính bất dung mọi hình thức phê phán từ cấp dưới; và khuynh hướng nhìn quần chúng không hơn một chất liệu người cần thiết cho các kế sách cách mạng của mình. Như Gorky đã nói điều này vào năm 1917, ‘Lenin là một “lãnh tụ” và là một quí tộc Nga, không phải không có vài nét tâm lý của giai cấp đã biến mất này, và do đó ông xét mình làm đúng khi tiến hành những thử nghiệm tàn nhẫn biết tất sẽ thất bại.
Tất nhiên, trong khi quá dễ dàng để áp đặt Lênin của năm 1917 lên Lênin của những năm đầu thập niên 1890, rõ ràng là nhiều đặc tính mà sau này ông sẽ biếu lộ khi có trong tay quyền lực đã có thể nhìn thấy được ở giai đoạn sớm sủa này. Chứng cứ, chẳng hạn, là thái độ dửng dưng của Lênin trước nỗi khổ cua nông dân trong nạn đói 1891 – ý kiến của ông là không cứu trợ để gia tốc khủng hoảng có lợi cho cách mạng. Ba mươi năm sau ông cũng chứng tỏ cùng sự lạnh nhạt như thế trước nỗi đau khổ của họ – mà bây giờ ông đang trong tư thế để lợi dụng cho mục tiêu chính trị – trong nạn đói 1921.
Cuộc sống ấm êm của nhà Ulianov ngưng đột ngột vào năm 1887, khi ông anh của Lênin Alexander bị hành hình vì tội mưu sát Sa Hoàng bất thành. Alexander thường được nghĩ là người có tài nhất trong các con cái gia đình Ulianov, người mà chác chắn sẽ để lại dấu ấn trên thế giới. Trong khi anh chàng Vladimir có khí chất dữ dằn và độc ác – anh thường nói dối và gian lận khi chơi cờ – Alexander thì đàng hoàng và tốt bụng, nghiêm túc và cần cù. Vào năm 1883 ông vào Đại học St Petersburg để học ngành khoa học và hình như đã chọn trở thành nhà sinh học. Nhưng sau cái chết bất ngờ của thân sinh, vào năm 1886, Alexander bổng rơi vào nhóm các sinh viên khủng bố tự bắt chước phe Ý Nguyện Nhân Dân. Tất cả bọn họ đều là con cái các địa chủ, và nhiều người trong số họ là Ba Lan, mỉa may thay trong đó có Josepb Pilsudsky, người sau này sẽ trở thành kẻ cai trị Ba Lan và là đối thủ chính của chế độ Lênin. Họ âm mưu làm nổ tung chiếc xe ngựa của Sa Hoàng vào ngày 1 tháng 3 năm 1887, ngày kỷ niệm lần thứ sáu Alexander II bị ám sát, lúc đó sẽ có một đám rước từ Cung điện Mùa Đông đến buổi cầu kinh đặc biệt tưởng niệm tại Thánh đường St Isaac. Alexander sử dụng kiến thức khoa học của mình để thiết kế và chế tạo bom. Nhưng âm mưu bị cảnh sát phát hiện và anh cùng đồng bọn bị bắt (một người trong nhóm kích một quả bom do Alexander chế tạo khi họ bên trong sở cảnh sát nhưng quả bom nhà làm không phát nổ). 72 đồng phạm bị nhốt vào Pháo đài Peter và Paul – 15 người trong số bị đem ra xét xử.
Alexander, một trong những người cầm đầu, biết rằng số phận mình đã an bài, và từ vị trí của bị cáo anh đã lên tiếng phát biểu hùng hồn biện hộ cho việc sử dụng hành động khủng bố của mình. Anh và bốn đồng bọn bị hành hình.
Có truyền thuyết rằng khi nghe tin anh mình bị xử tội chết Lenin nói với em gái Maria; ‘Không, chúng tôi sẽ không đi theo con đường đó, con đường của chúng tôi phải rất khác.’ Câu đó ẩm chỉ là lúc đó Lênin đã dâng hiến cho lý tưởng Mác – từ ‘chúng tôi’ trong câu nói – với sự bác bỏ con đường khủng bố. Nhưng điều này là vô lý. Maria lúc đó mới 9 tuổi và khó có thể nhớ chính xác những lời đã nghe khi bà tuyên bố việc này vào năm 1924. Và trong khi đúng thực là việc Alexander bị xử tử là chất xúc tác cho việc Lênin dấn thân vào phong trào cách mạng, khuynh hướng ban đầu của ông là, như của ông anh, hướng về truyền thống của Ý Nguyện Nhân Dân. Chủ nghĩa Mác của Lenin, phát triển dần dần sau năm 1889, vẫn thấm đượm tinh thần Jacobin của phe khủng bố và niềm tin của họ vào tầm quan trọng bao trùm của việc chiếm láy quyền lực.
Vào năm 1887 Lênin ghi tên làm sinh viên luật tại Đại học Kazan. Tại đó, là em của một thánh tử đạo cách mạng, ông được lôi kéo vào một nhóm bí mật khác hoạt động theo cương lĩnh của Ý Nguyện Nhân Dân. Phần đông nhóm bị bắt giữ tháng 12 đó trong cuộc biểu tình sinh viên. Lênin bị tách riêng ra để kêu án, không nghi ngờ gì là do tên họ ông, và, cùng với 39 người khác, bị đuổi khỏi đại học. Sự kiện này đã cuối cùng kết thúc cơ hội thành công đối với sự nghiệp của ông trong trật tự xã hội đương đại, và thật hợp lý để cho rằng phần nhiều mối hiềm thù của ông đối với trật tự mới xuất phát từ trải nghiệm bị chối bỏ. Lênin không là gì ngoài tham vọng. Đã thất bại tạo ra tiếng tăm cho mình làm một luật sư, giờ ông bắt đầu xông tới để trở thành một đối thủ cách mạng của pháp luật. Cho đến năm 1890, khi được nhận lại vào kỳ thi luật, ông sống cuộc sống của một điền chủ nhàn hạ trên điền trang của mẹ mình ở Kokushkino. Ông đọc luật, cố gắng không thành công để điều hành trang trại của mình (mà mẹ ông đã tậu cho ông với hi vọng ông sẽ làm tốt), và đắm chìm trong những cuốn sách cực đoan.
(Nghĩ cũng lạ, với lý lịch quá tệ như vậy, chế độ sa hoàng vẫn cho ông vào Đại học luật, vẫn cho mẹ ông mua và giữ lại đất, và thậm chí cho ông học lại. Để rồi ông sẽ hủy diệt nó để dựng lên một chế độ chắc chắn là không hề tử tế đến như vậy. Có lẽ ta gọi điều đó là khả năng rút kinh nghiệm của Lênin: ND).
Chernyshevsky là tình yêu đầu tiên và lớn nhất của ông. Chính qua việc nghiền ngẫm tác phẩm của ông mà Lênin chuyển thành nhà cách mạng – lâu trước khi ông đọc tác phẩm nào của Marx. Thật ra, vào lúc mà ông đến với chủ nghĩa Mác, Lênin đã trang bị trước với những tư tưởng không chỉ của Chernyshevsky nhưng cũng của Tkachev và Ý Nguyện Nhân Dân, và chính điều này tạo ra sự khác biệt trong việc tiếp cận kiểu Lênin đối với Marx. Tất cả những thành tố chủ chốt trong học thuyết Lênin – nhấn mạnh nhu cầu cho một đội tiên phong cách mạng có kỷ luật; niềm tin rằng hành động (yếu tố chủ quan) có thể làm thay đổi tiến trình khách quan của lịch sử (và đặc biệt việc chiếm bộ máy nhà nước có thể đưa đến cách mạng xã hội); việc ông bênh vực các biện pháp độc đoán Jacobin; việc ông khinh bỉ bọn cấp tiến và dân chủ (và thật ra những người xã hội chủ nghĩa thỏa hiệp với họ) – tất cả những điều này xuất phát không nhiều từ Marx bằng từ truyền thống cách mạng Nga.
Lenin sử dụng các tư tưởng của Chernyshevsky, Nechaev, Tkachev và Ý Nguyện Nhân Dân để tiêm một liều thuốc chính trị âm mưu đặc trưng Nga vào biện chứng Mác, vốn mang tính thụ động – bằng lòng chờ đợi cách mạng chín mùi hơn là hăng hái làm nó xảy ra bằng hành động chính trị. Không phải chủ nghĩa Mác biên Lênin thành nhà cách mạng mà chính Lênin biến chủ nghĩa Mác thành cách mạng.
Dần dần, giữa những năm 1889 và 1804, Lênin di chuyển về xu hướng chủ đạo Mác-xit. Nhưng chỉ tạm thời. Thoạt đầu, như nhiều nhà cách mạng tỉnh lẻ, ông chỉ thêm vào xã hội học của Marx chiến thuật nổi dậy của Ý Nguyện Nhân Dân. Mục tiêu của phong trào cách mạng vẫn còn là cướp chính quyền nhưng vũ đài cho cuộc chiến đấu này phải chuyển từ giới nông dân sang giai cấp công nhân. Rồi, trong tác phẩm chủ yếu đầu tiên của ông được xuất bản, Sự Phát Triển Chủ Nghĩa Tư Bản Nga (1893), ông gọt đẽo những bài học của Marx – rằng giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản là tiền đề cần thiết trước khi tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa – với ý thích của riêng mình đối với một cuộc cách mạng như thế trong tương lai gần qua tiền đề kỳ khôi (nếu không muốn nói là ngớ ngẩn) rằng nước Nga nông dân đã ở trong cơn quằn quại của chủ nghĩa tư bản, xếp không dưới một phần năm hộ nông dân là ‘tư bản’ và hơn phân nửa nông dân là ‘vô sản’. Đây chính là Tkachev ăn mặc như Marx. Chỉ sau khi đến St Petersburg vào mùa thu 1893 mà Lênin mới có được quan điểm Mác-xit chuẩn mực – quan điểm cho rằng nước Nga chỉ mới ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản và để đến giai đoạn chín mùi cần phải có phong trào dân chủ đoàn kết công nhân với tiểu tư sản trong cuộc chiến đấu chống chuyên chế. Không cần bàn đến đảo chính hay khủng bố. Chỉ sau khi thiết lập được ‘nền dân chủ tiểu tư sản’, cho phép tự do ngôn luận và hội họp đối với các tổ chức công nhân thì giai đoạn thứ hai và xã hội chủ nghĩa của cách mạng mới có thể bắt đầu.
Ảnh hưởng của Plekhanov cực kỳ lớn ở đây. Chính ông là người đầu tiên vạch ra chiến lược cách mạng hai giai đoạn này. Với nó những người Mác-xit Nga cuối cùng đã có câu trả lời cho bài toán làm cách nào để lập ra một xã hội hậu-tư bản trong một xã hội tiền-tư bản. Sau nhiều năm gieo rắc khủng bố không có kết quả, nó cho họ cơ sở để tin rằng trong khi từ bỏ việc cướp chính quyền – mà, như Plekhanov đã chỉ ra, chỉ có thể dẫn đến ‘sự độc tài dưới hình thức Cộng sản’ – họ còn có thể tiến lên đến chủ nghĩa xã hội. Lênin, trong lời lẽ của mình, ‘đâm ra yêu quí’ Plekhanov, cũng như tất cả người Mác-xit ở St Petersburg. Mặc dù Plekhanov đang bị lưu đày, những tác phẩm của ông đã khiến ông trở thành lãnh tụ và bậc thầy không chối cãi của họ. Không có người Mác-xit Nga nào khác có được một chỗ đứng cao tột như thế trong phong trào Âu châu. Trước tác tiếng tăm nhất của ông năm 1895 – một lý giải giản dị hóa đến kinh ngạc về thể giới quan Mác-xit được xuất bản dưới bút hiệu Beltov và, như Tư Bản Luận của Marx, lách được qua hàng rào kiểm duyệt Nga nhờ tựa đề lạ lẫm Về Vấn Đề Phát Triển một Quan Điểm Lịch Sử Nhất Nguyên – ‘biến người ta thành người Mác-xit qua một đêm’. Ông là đấng Moses của tín đồ Mác-xit. Các tác phẩm của ông, theo lời Potresov, mang ‘mười điều răn của chủ nghĩa
Mác xuống núi Sinai và trao chúng cho giới trẻ Nga’.
Lúc đầu, Lênin tạo một ấn tượng không tốt đối với người Mác-xit ở St Petersburg. Nhiều người trong số họ không ưa nhân vật thấp người và chắc nịch này với cái đầu hói hình quả trứng, đôi mắt nhỏ sáng rực, tiếng cười chế nhạo khô khốc, cử chỉ đường đột, sống sượng. Lênin là ma mới và dáng dấp ‘tỉnh lẻ’ mốc meo của ông không ấn tượng chút nào.
Ngay lần gặp đầu Potresov mô tả ông là ‘một nhà buôn trung niên điển hình từ tỉnh lỵ Yaroslavl nào đó ở miền bắc’. * Nhưng qua sự tận tụy hết mình và tính tự kỷ luật, lô-gic đanh thép và đầu óc thực tiễn, Lênin nhanh chóng trở thành một lãnh tụ thiên tài – một con người sinh ra để hành động – trong giới trí thức St Petersburg. Nhiều người cho rằng ông là người tử tế – Lênin có thể duyên dáng khi muốn và ông hầu như tử tế khi giao tiếp cá nhân với đồng chí- và không ít người yêu thương ông. Một trong số những người này là vợ tương lai của ông, Nadezhda Krupskaya, mà Lênin gặp trong công tác tuyên truyền khoảng thời gian này ở St Petersburg.
* Các nhà buôn ở Yaroslav nổi tiếng từ thời Trung Cổ vì tính mánh lới trong việc làm ăn..
Mục tiêu tuyên truyền của họ là giáo dục một đội tiên phong các công nhân ‘giác ngộ’ – những Bebel (Ferdinand August Bebel là nhà chính trị xã hội Đức, một trong những nhà sáng lập Đảng Công Nhân Dân chủ Xã hội của Đức vào năm 1869: ND) của Nga như Kanatchikov, sẽ tổ chức giai cấp công nhân cho cuộc cách mạng đang đến. Nhưng giáo dục không nhất thiết khiến người công nhân có tính thần cách mạng. Trái lại, như Kanatchikov vừa khám phá, hầu hết những công nhân có học và có kỹ năng có khuynh hướng cải thiện số phận của họ trong hệ thống tư bản hơn là tìm cách lật đổ nó. Có sự căng thẳng tăng lên giữa những quan tâm chủ yếu kinh tế của các công nhân với những mục tiêu chính trị của các nhà hoạt động và trí thức sẽ lãnh đạo họ. Những người Mác-xit đó đối mặt với cùng vấn nạn mà người Dân túy đã đương đầu liên quan đến giới nông dân sau những năm giữa thập niên 1870: họ phải làm gì khi quần chúng không chịu đáp ứng với lời hiệu triệu của họ? Trong khi người Dân túy đã bị đẩy tới chủ nghĩa khủng bố bị cô lập, thì người Mác-xit tìm ra một giải pháp tạm thời cho bài toán này bằng cách chuyển từ tuyên truyền sang vận động quần chúng * như một phương thức tổ chức – và trong quá trình đó chính trị hoá – giai cấp công nhân qua các cuộc đấu tranh lao động đặc biệt. Chiến lược mới được mở đầu với các cuộc đình công ở Vilno vào năm 1893, tại đó các nhà trí thức Mác-xit, thay vì thuyết giảng cho các công nhân Do Thái, họ tham gia vào các cuộc đình công và thậm chí học tiếng Do Thái để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Hai người trong Dân chủ Xã hội Wilno, Arkadii Kremer và Yuli Martov, giải thích chiến lược của họ trong một cẩm nang có tầm ảnh hưởng lớn, Bàn về Vận Động Quần Chúng, viết năm 1895: qua việc tham gia của họ trong các cuộc đình công có tổ chức, các công nhân sẽ học được cách đánh giá nhu cầu cho một chiến dịch chính trị rộng lớn hơn, một chiến dịch do Dân chủ Xã hội cầm đầu, vì giới thẩm quyền sa hoàng không dung thứ cho một phong trào nghiệp đoàn hợp pháp. Ở St Petersburg kế hoạch mới được Liên minh Đấu Tranh Giải Phóng Giai Cấp Lao Động đảm nhiệm. Nó được tổ chức vào năm 1895 bởi một nhóm nhỏ các nhà trí thức Mác-xit, tên nghe rất kêu nhưng chết yểu. Martov và Lênin nổi bật trong nhóm, và đều bị bắt gần như ngay lập tức.
* Đối với người Mác-xit của thập niên 1890 ‘tuyên truyền’ có nghĩa là giáo dục dần dần các công nhân từng nhóm nhỏ với mục đích tiêm nhiễm họ vốn hiểu biết tổng quát về phong trào và giác ngộ giai cấp. ‘Vận động’ có nghĩa là một chiến dịch quần chúng về những biện pháp chính trị và lao động đặc biệt.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động tại chỗ của nó có thể được vinh danh với cuộc đình công xưởng dệt qui mô nhưng không thành công vào năm 1896, khi hơn 30,000 công nhân bước ra chống đối.
Sau một năm trong tù Lênin bị kêu án ba năm lưu đày ở Siberia. (1896-1900). Không giống ‘bọn làm chính trị’ dưới chế độ mà ông sau này gằy dựng, Lênin được phép sống tương đối dễ chịu. Vì ‘lý do sức khỏe’ ông được phép chọn nơi mình lưu đày, và ông chọn một ngôi làng hẻo lánh có tên Shushenskoe ở vùng Minusinsk phía nam, vốn có khí hậu không quá khác nghiệt. Ông mang theo vài thùng sách và thậm chí một khẩu súng săn, và giữ liên lạc thường xuyên với các đồng chí của mình. Để có thể mang theo Krupskaya ông đồng ý kết hôn với bà. Đám cưới được cử hành tại một nhà thờ, vì chính quyền không công nhận hôn nhân dân sự, mặc dù hai người chưa bao giờ để cập đến sự kiện này trong tác phẩm của họ.
Trong thời gian Lênin bị lưu đày phong trào công nhân ở Nga càng ngày càng bị lấn át bởi một xu thế mới của ‘Chủ nghĩa kinh tế’. Những người phái Kinh tế chỉ ủng hộ những mục tiêu thuần túy kinh tế. Mục đích của họ là cải thiện mức sống của công nhân ngay trong hệ thống tư bản hơn là tìm cách phá hủy nó. Thoạt đầu, chính công nhân và những người hoạt động tại chỗ trong nhà máy đưa ra quan điểm này. Họ tin rằng nên để yên cho công nhân giải quyết vấn đề của họ, không cần sự lèo lái của các trí thức xã hội chủ nghĩa. Nhưng càng ngày ý tưởng này cũng được những người gọi là Mác-xit hợp pháp nhìn nhận. Kuskova và Struve, những lãnh đạo nổi tiếng nhất của họ, là những lý thuyết gia xuất sắc. Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Xét Lại vào thời điểm đó đang gây chấn động phong trào công nhân Đức, cũng như bởi những tư tưởng tân-Kant, họ nhắm đến việc thách thức nhiều học thuyết cơ bản của Mác. Như Bernstein, họ bác bỏ ý kiến chủ nghĩa tư bản đang đưa đến điều kiện sống tệ hơn của công nhân. Ngược lại, chủ nghĩa tư bản có thể hòa giải với chủ nghĩa xã hội dưới hệ thống dân chủ. Cả hai có thể cuối cùng gặp nhau. Điều này có nghĩa các công nhân nên tập trung những nỗ lực của mình nhằm cải cách hơn là cách mạng. Họ nên hoạt động trong vòng luật pháp, hợp tác với tiểu tư sản hơn là tổ chức bí mật hoặc gây xung đột bạo lực với nó.
Đối với Plekhanov và những người theo ông ở Nga, chủ nghĩa Kinh tế, như bọn dị giáo của Bernstein, tiêu biểu cho sự phản bội nghĩa vụ của phong trào Mác-xit đối với cách mạng. Thay vì chủ nghĩa xã hội cách mạng, nó đe đọa xây dựng một phiên bản tiến hoá. Thay vì ‘chuyên chính vô sản’ sẽ có nên dân chủ nghị viện. Có lẽ ở Đức, nơi người Dân chủ Xã hội giờ đây có thể làm việc bên trong Reichstag (Nghị viện Đức), sự điều tiết mới này có tính lô-gic nào đó. Nhưng ở Nga không có lối thoát như thế – thật ra Sa Hoàng mới đã khẳng định mình sẽ xiết chặt nền chuyên chính – và vì thế chiến lược của cách mạng phải được duy trì dưới bất cứ giá nào.
Nhu cầu này hình như càng khẩn cấp hơn bao giờ khi mà chính trị Nga phát triển nhanh chóng trong những năm cuối thập niên 1890. Ngay sau cuộc khủng hoảng nạn đói, khiến xã hội bị chính trị hoá, chủ nghĩa Tân Dân túy, Chủ nghĩa Cấp tiến Zemstvo và chủ nghĩa Mác Hợp pháp gặp nhau, và cùng nhau phát động phong trào quốc gia cải cách hiến pháp. Nếu phong trào này được cho phép lớn mạnh và tranh thủ được sự ủng hộ của công nông, nó sẽ có thể làm cách mạng đình trệ trong ít nhất một thế hệ – và có thể mãi mãi – trong khi đẩy lùi người Mác-xit cách mạng ra bên lề chính trị.
Lenin đang bị lưu đày nổi cơn thịnh nộ trước tin ‘bọn dị giáo’. Krupskaya nhớ lại, vào năm 1899, sau khi đọc tác phẩm của Kuskova và Kautsky, Lênin trở nên ủ rũ và xuống cân và mất ngủ. Cuộc đấu tranh ý thức hệ trở thành một khủng hoảng cá nhân trầm trọng đối với ông. Ông đã ôm chầm lấy chủ nghĩa Mác như một con đường vững chắc nhất đến cách mạng – một cuộc cách mạng mà một số người sẽ cho rằng ông tìm thấy ở đó sự gia tăng quyền lực và bản ngã của mình. Vậy mà đây chính là chủ nghĩa Mác bị tước bỏ tất cả ý nghĩa cách mạng của nó và biến thành không gì hơn là hình thái nhợt nhạt của chủ nghĩa cấp tiến xã hội mà chắc hẳn cha ông sẽ tán thành. Lênin dẫn đầu cuộc công kích chủ nghĩa Kinh tế với một mức độ dữ dội mà sau này trở thành thương hiệu của tài năng tu từ học của ông. Chiến thuật của nó, ông lập luận, sẽ hủy diệt cách mạng và chủ nghĩa xã hội, vốn chỉ có thể thành tựu dưới sự lãnh đạo tập trung của một đảng tiền phong có kỷ luật trong khuôn khổ của Ý Nguyện Nhân Dân
Quan điểm của Lênin vào thời điểm đó được chia sẻ bởi nhiều nhà Mác-xit Nga – những người tự gọi mình là ‘Người Làm Chính trị’. Họ hướng đến việc tổ chức một đảng tập trung sẽ nắm quyền lãnh đạo các phong trào công nhân và lái nó về hướng các cứu cánh chính trị. * ‘Trong tiềm thức,’ Lydia Dan nhớ lại ‘nhiều người trong chúng tôi liên hệ một đảng như thế với cái mà Ý Nguyện Nhân Dân từng là.’ Mặc dù họ ngưỡng mộ Dân chủ Xã hội Đức, nhưng hình như không thể xây dựng một đảng dân chủ công khai như thế trong điều kiện bất hợp pháp của nước Nga. Nếu muốn đánh bại một nhà nước cảnh sát, đảng cũng phải tập quyền và có kỷ luật. Nó phải là tấm gương soi nhà nước sa hoàng. Cách nhanh nhất để xây dựng một đảng như thế là dựa trên sự điều hành một tờ báo bí mật , mà theo lời của Lydia Dan , ‘có thể vừa là bộ máy vận động tập thể vừa là bộ máy tổ chức tập thể.’ Và thế là Iskra (Tia Lửa) ra đời do Lenin lập ra cùng với Martov vào năm 1900 khi ông trở về sau khi hết hạn lưu đày. Tên tờ báo vang dội lời của thi sĩ Decembrist xuất hiện trên đầu cột báo: ‘Từ tia lửa này sẽ bùng lên một đám cháy lớn.’ Iskra không chỉ là một nguồn tin tức mà là bộ chỉ huy của Dân chủ Xã hội trong cuộc chiến đấu ý thức hệ của họ chống lại phe Kinh tế. Bạn biên tập của nó – Plekhanov, Axelrod và Zasulich ở Geneva; Lênin, Potresov và Martov giờ đang ở Munich – thật ra là ủy ban trung ương đầu tiên của đảng. Được in ở Munich, rồi London và Geneva , sau đó tuồn vào Nga bởi một mạng lưới các đặc vụ tạo thành hạt nhân của tổ chức đảng trong những năm sắp tới
* Đại Hội Thứ Nhất của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Nga được tổ chức vào năm 1898. Thời điểm thành lập này trong lịch sử của đảng, mà 19 năm sau sẽ đứng lên cai trị một quốc gia lớn nhất thế giới, chỉ có không hơn 9 nhà xã hội chủ nghĩa tham dự! Họ bí mật gặp nhau tại thành phố Minsk, thông qua một tuyên bố về mục tiêu Mác-xit chuẩn mực, và rồi, gần như không sót một người, tất cả đều bị cảnh sát bắt.
Trong trận bút chiến chống phe Kinh tế Lênin cho ra một kim chỉ nam sẽ trở thành sách vỡ lòng của đảng mình trong cuộc cách mạng 1917 và văn bản thành lập chủ nghĩa Lênin quốc tế. Hoàn toàn thích hợp khi nó mang tựa đề Phải Làm Gì của tiểu thuyết nổi tiếng của Chernyshevsky. Bởi vì nhà cách mạng chuyên nghiệp được Lênin phác họa trong những trang sách này rất giống với nhân vật Rakhmetev, người chiến sĩ kỷ luật, quên mình của chính nghĩa nhân dân; trong khi sự đề cao của ông về một đảng tập trung và kỷ luật chặt chẽ là tiếng vọng từ truyền thống Jacobin của Nga mà Chernyshevsky là niềm vinh dự của nó. Văn phong dữ dội của Lênin, rồi sẽ được mọi nhà độc tài vĩ đại nhất của thế kỷ 20 bắt chước, xuất hiện lần đầu tiên trong Phải Làm Gì? Nó mang một nhịp điệu khiêu chiến, quát tháo, một bạo lực và quyết đoán điên cuồng, với động tác và lời thoá mạ theo nhịp độ chồng chất, và các đối thủ túm tụm lại bởi phép cải dung (Thưa Quí Ngài Bernstein, Martynob, …). Đây là một đoạn văn điển hình trong phần mở đầu, trong đó Lênin vạch ra chiến tuyến giữa phe Iskra và phe Berstein’:
Ai không cố ý nhắm mắt không thể không thấy rằng trào lưu ‘nguy kịch’ mới trong chủ nghĩa xã hội không có gì khác hơn là một biến dạng mới của chủ nghĩa cơ hội. Và nếu ta xét đoán con người, không phải bằng y phục hào nhoáng họ mặc hoặc bằng lời kêu gọi huênh hoang mà họ tự cất tiếng, mà bằng những hành động của họ và bằng những gì họ thực sự bảo vệ, thật rõ ràng là ‘tự do phê phán’ có nghĩa là tự do cho một xu thế mang tính cơ hội trong Dân chủ Xã hội, tự do cải đảng Dân chủ Xã hội thành một đảng dân chủ cải lương, tự do đem vào nhà tư tưởng tiểu tư sản và các phần tử tiểu tư sản vào chủ nghĩa xã hội.
‘Tự do’ là một từ trọng đại nhưng dưới lá cờ của tự do làm công nghiệp các cuộc chiến cướp bóc nhất đang tiến hành, dưới lá cờ tự do lao động, người lao động bị cướp bóc. Cách sử dụng hiện đại của từ ‘tự do phê phán’ cũng chứa đựng cùng những sai lầm tự thân ấy. Những ai thực sự tin tưởng rằng mình đã đạt được tiến bộ trong khoa học sẽ không đòi hỏi tự do cho quan điểm mới để tiếp tục đi song song với quan điểm cũ, mà là thay thế quan điểm mới bằng quan điểm cũ. Tiếng kêu được nghe thấy hôm nay, ‘Vạn Tuế tự do phê phán’, làm ta nhớ lại mạnh mẽ chuyện ngụ ngôn về cái thùng rỗng.
Chúng ta một nhóm người đoàn kết đang lên đường trên một lộ trình gian nan và nguy hiểm, nắm chặt tay nhau. Chúng ta bị kẻ thù bao vây tứ phía, và chúng ta phải tiến lên gần như liên tục dưới tầm đạn lửa của chúng. Chúng ta đã kết hợp, bằng một quyết định được chấp nhận tự nguyện, vì mục đích đấu tranh với kẻ thù, và không rút lui vào đầm lầy kề bên, mà những cư dân nơi đó, ngày từ lúc bắt đầu, đã khiển trách chúng ta đã tự chia tách thành một nhóm riêng biệt và chọn con đường chiến đấu thay vì con đường hòa giải. Và bây giờ một số người trong chúng ta bắt đầu kêu lên: Chúng ta hãy bước vào đầm lầy! Và khi chúng ta bắt đầu lãng nhục chúng, chúng vặn lại: Các anh lạc hậu quá rồi. Bộ các anh không thấy xấu hổ khi không cho phép chúng tôi mời các anh đi trên một con đường tốt đẹp hơn sao! Ồ, vâng, thưa quí anh! Quí anh được phép không chỉ mời chúng tôi, mà còn được đi đến bất cứ nơi đâu các anh muốn, cho dù bước xuống đầm lầy. Thật ra, chúng tôi nghĩ rằng đầm lầy là nơi thích hợp cho các anh, và chúng tôi sẵn sàng phụ giúp các anh đến đó. Nhưng hãy để chúng tôi rảnh tay, đừng bấu víu chúng tôi và đừng bôi nhọ mỹ từ tự do, bởi vì chúng tôi cũng được tự do đi đến nơi đâu chúng tôi muốn, tự do chiến đấu không chỉ chống lại đầm lầy, mà còn chống lại những ai đang quay đi về phía đầm lầy!
Khi đầu tiên xuất hiện, vào tháng Ba 1902, kim chỉ nam của Lênin hình như nói lên quan điểm chung của nhóm Tia Lửa. Tất cả họ đều muốn một đảng tập trung: điều này hình như tối cần thiết trong một nhà nước cảnh sát như Nga. Những ám chỉ về tính độc đoán của Phải Làm Gì? – rằng các hàng ngũ của đảng sẽ phải bắt buộc tuân phục, theo kiểu quân đội, các mệnh lệnh của cấp chỉ huy – vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. ‘Không ai trong chúng tôi có thể tưởng tượng’, Lydia Dan nhớ lại, ‘rằng có một đảng lại có thể bắt bớ các thành viên của mình. Người ta nghĩ rằng hoặc tin chắc rằng nếu một đảng thực sự tập trung, mỗi thành viên tất nhiên sẽ tuân theo những chỉ dẫn hoặc chỉ thị.’
Chỉ đến Đại hội Đảng Lần Hai họp ở Brussels vào năm sau, mà những ám chỉ trong cuốn kim chỉ nam của Lênin mới bắt đầu xuất hiện. Kết quả là một sự chia rẽ trong đảng và đưa đến sự thành lập hai phe Dân chủ Xã hội riêng biệt – phe Bôn-se-vich và phê Men-se-vich. Nguyên nhân trực tiếp của sự rạn nứt này hình như thực sự nhỏ nhoi. Thậm chí những người trong đảng lúc đầu cũng không nhận ra tầm quan trọng lịch sử của việc này về sau. Nó liên quan đến việc phát biểu chính xác Mục Một của Điều lệ Đảng, trong đó tính cách đảng viên được xác định. Lênin muốn đảng viên chỉ nên giới hạn cho những người tham gia một trong nhiều tổ chức đảng; trong khi Martov, dù vẫn nhận ra nhu cầu có một hạt nhân gồm những đảng viên hoạt động có kỷ luật, muốn bất kỳ ai công nhận Cương lĩnh Đảng và đồng ý tuân thủ sự lãnh đạo đều được chấp nhận vào đảng. Bên dưới bề mặt tranh cãi ngôn từ này là hai quan điểm đối nghịch nhau về vai trò của đảng. Một mặt, Lênin đề nghị một đảng tập trung và bí mật gồm những nhà cách mạng chuyên nghiệp theo truyền thống Ý Nguyện Nhân Dân. Ông ngờ vực sâu sắc tiềm năng cách mạng của quần chúng, mà ông tin rằng, nếu thiếu sự lãnh đạo của một đảng ưu tú tiên phong, sẽ không thể tránh khỏi sự chia rẽ do những biện pháp bánh mì-bơ của phe Kinh tế. ‘Giác ngộ Xã hội chủ nghĩa’, ông đã viết trong Phải Làm Gì, ‘không thể tồn tại trong đám công nhân. Điều này chỉ có thể đưa vào từ bên ngoài.’ Sự không tin cậy ở tính dân chủ này sẽ tạo thành cơ sở của cách tiếp cận tập trung của Lênin đối với nghiệp đoàn, các Xô Viết và tất cả những tổ chức dựa vào quần chúng khác sau năm 1917. Theo quan điểm này, quần chúng không gì khác hơn là những công cụ của đảng. Một đảng tập trung này đã được các nhà phê phán Lênin chỉ ra là sẽ dẫn đến sự chuyên quyền. Chủ nghĩa xã hội , theo quan điểm của họ, không thể đạt được nếu không có dân chủ, nên cần phải có một đảng dựa vào quần chúng đi lên trực tiếp từ văn hóa và ý thức của tầng lớp lao động.
Quan điểm của Martov đối với Mục Một lúc đầu được 28 phiếu chống 23. Nhưng hai phe ủng hộ nó – phái đoàn Bundist 5 người (đã bị khước từ yêu cầu được tự trị bên trong đảng) theo sau là 2 người phe Kinh tế (vốn đã bị nhóm Tia Lửa đánh bại) – sau đó bước ra khỏi Đại hội, để lại cho Lênin một đa số mỏng manh 23 số chống 21. Chính trên cơ sở này mà phe của ông được mang tên thánh là ‘Bôn-se-vich’ (phe Đa số) và đối thủ của họ là ‘Men-se-vich’ (phe Thiểu số).
Khi nhìn lại mới thấy rõ là phe Men-se-vich thật là dại khi cho phép nhìn nhận tên hiệu này. Nó ám ảnh họ với một hình ảnh trầm kha của một phe thiểu số, gây bất lợi nghiêm trọng trong cuộc cạnh tranh với phe Bôn-se-vich.
Lênin nắm lấy cơ hội này để minh định quyền lãnh đạo Ủy ban Trung ương và tổ chức của nó, Iskra, bằng cách loại ra ba cựu binh Men-se-vich – Zasulich, Axelrod và Potresov – khỏi ban biên tập. Các thủ đoạn của Lênin làm sự chia rẽ của hai phe thêm căng cứng. Sự va chạm lúc đầu phần nhiều là do cá tính, phong cách và cảm xúc hơn là sự khác biệt ý thức hệ. Phe Men-se-vich nổi giận vì cách đối xử thô bạo của Lênin đối với ba biên tập viên bị đuổi – ông gọi họ là ‘các thành viên kém năng suất nhất’ của Tia Lửa – và để thể hiện sự đoàn kết với họ Martov giờ cũng từ chối tiếp tay với Lênin và Plekhanov trong ban biên tập mới. Họ lên án Lênin muốn trở thành nhà độc tài của đảng – có người đùa là ông nên sắm cho mình một cây gậy chỉ huy như các tư lệnh quân đội thường dùng để truyền kỷ luật cho binh sĩ – và bắt đầu đâu lưng để bảo vệ tính dân chủ trong đảng. Tính khi bướng bỉnh, không chịu làm hòa với phe Men-se-vich (sự khác biệt, mà ông nhìn nhận, về bản chất không có gì quan trọng’), và khi bị khiêu khích, ông sẵn sàng nhìn nhận cần phải có một nhà độc tài trong đảng để kỷ luật ‘những phần tử dao động trong nội bộ chúng ta’, tất cả những điều đó chỉ gia tăng căng thẳng tình cảm. Buổi họp đổ vỡ biến thành cãi cọ vung vít, bên này đổ tội bên kia gây chuyện, phản bội nhau. Người ta theo phe trên cơ sở những cảm xúc bị tổn thương và sân hạn và những mối ràng buộc của lòng trung thành. Lydia Dan nhớ là mình về phe Martov không hẳn là vì bà nghĩ ông ta đúng mà bởi vì :
Tôi cảm thấy mình phải ủng hộ ông ấy. Và nhiều người khác cũng vậy. Martov hoàn toàn không thích hợp để làm lãnh tụ. Nhưng ông có nét duyên dễ thu hút người ta. Thường khó giải thích tại sao họ đi theo ông. Chính ông đã nói, ‘Tôi có năng khiếu đáng bực mình là được nhiều người ưa thích.’ Và, tất nhiên, nếu có điều gì đó như sự rạn nứt xảy ra, Martov sẽ rất lịch sự, tôn trọng danh dự, trong khi Lênin . . . vâng, ảnh hưởng của Lênin rất lớn, nhưng vẫn còn . . . Về phần mình, thật bi đát để nói rằng tất cả tình cảm của tôi đều dồn cho Lênin (vốn rất đáng kể) đều dựa vào sự hiểu lầm.
Trong vài năm những khác biệt chính trị chớm nở giữa phe Men-se-vich và Bôn-se-vich tiếp tục được che giấu dưới những yếu tố cá nhân. Chắc chắn một phần vì hai phe phải sống chung với nhau – đôi khi theo nghĩa đen – trong các cộng đồng lưu đày nhỏ, thành ra những tranh cãi của họ về học thuyết của đảng thường đâm ra lẫn lộn với những cãi cọ về tiền bạc và người yêu. Nhưng cá tính của Lênin là vấn đề cốt lõi. Người Bôn-se-vich được xác định bằng lời cam kết cá nhân nguyện trung thành với ông; còn Men-se-vich, mặc dù ở một mức độ kém hơn, chống đối với ông. Valentinov, khi đến Geneva năm 1904, bị sốc trước ‘bầu không khí tôn sùng Lênin mà những người tự nhận mình là Bôn-se-vich đã tạo ra’ ở đó. Lênin củng cố sự chia rẽ này bằng cách công kích dữ dội phe Men-se-vich trong cuốn Một Bước Tới, Hai Bước Lùi (1904). Giờ đây ông gọi họ là ‘phường phản bội’ với lý tưởng Mác. Thậm chí không một đại biểu Bôn-se-vich nào được phép nói chuyện với các lãnh đạo Men-se-vich mà không được sự đồng ý trước của ông.
Chỉ một cách từ từ, trong và sau1905, mà sự khác biệt giữa hai phe mới nổi bật lên về mặt chính trị. Thật ra trong một thời gian dài (cho mãi đến tận 1918) hàng ngũ Dân chủ Xã hội, đặc biệt về phía Men-se-vich, cũng cố gắng vá víu sự đoàn kết trong đảng. Nhất là ở các tỉnh lỵ, nơi lực lượng đảng đơn giản là quá nhỏ để có thể tranh chấp nội bộ. Ở đây họ tiếp tục làm việc bên nhau trong các tổ chức Dân chủ Xã hội thống nhất. Nhưng dần dần, khi đảng bắt buộc phải đương đầu với những vấn nạn chính trị thực sự, trong Cách Mạng 1905 và rồi trong thời kỳ Duma, hai phe tự phân chia ranh giới về mặt ý thức hệ khác biệt, các chiến lược và chiến thuật, và phong cách lẫn văn hóa chính trị khác nhau.
Men-se-vich vẫn duy trì là một phong trào lỏng lẻo – có tinh thần cao, nhưng kỷ luật thấp. Không có một lãnh tụ Men-se-vich thực sự, theo đúng nghĩa như của Bôn-se-vích, và thật ra không cần phải có lãnh tụ là một phần của ý thức hệ Men-se-vich. Chỉ dần dần và miễn cưỡng người Men-se-vich bị lôi kéo về kiểu một cấu trúc đảng nặng tính hình thức mà đối thủ Bôn-se-vich của nó đã làm ngay từ đầu. Tinh thần của nó vẫn giữ nguyên là tinh thần của tình thân hữu và phe nhóm thân thiện của những năm 1890, mà Lênin chế giễu là ‘tình trạng lè phè của những ngày chân ướt chân ráo đến với phong trào’. Nhưng người Men-se-vich thực sự có tính dân chủ, cả về mặt chính sách lẫn thành phần, hơn người Bôn-se-vich. Họ có khuynh hướng lôi kéo nhiều tầng lớp dân chúng – nhiều người không phải gốc Nga, nhất là Do Thái và Georgia, nhiều công nhân thuộc ngành nghề khác nhau, người buôn bán nhỏ, các thành viên trí thức – trong khi những người theo phe Bôn-se-vich thiếu tính đa dạng hơn (đa số là các công nhân và nông dân mất gốc rễ của Đại Nga). Thành phần xã hội mở rộng này có thể một phần lý giải tai sao người Men-se-vich có khuynh hướng hoà giải và thoả hiệp với phe tiểu tư sản cấp tiến. Đây chắc chắn là sự khác biệt chính yếu giữa họ và Bôn-se-vich, mà, dưới sự dẫn đạo của Lênin, càng ngày càng tỏ ra chống đối không khoan nhượng với dân chủ. Vậy mà sự phân ranh này – dù liên hệ nhiều đến sự khác biệt xã hội – thật ra chủ yếu là khác biệt về đạo lý. Người Men-se-vich bẩm sinh dân chủ, nên hành động của họ trong vai trò cách mạng ít nhiều có tính cân nhắc về mặt đạo lý. Điều này không đúng đối với người Bôn-se-vich. Họ giản dị hơn và trẻ tuổi hơn, những công nông hiếu chiến như Kanatchikov; làm hơn là nghĩ ngợi. Họ bị tài lãnh đạo có kỷ cương và cứng rắn của Lênin thu hút, cùng với khẩu hiệu giản dị, và niềm tin của ông vào hành động tức thì phá vỡ chế độ sa hoàng hơn là ngồi đợi, như người Men-se-vich khuyên răn, bởi vì nó sẽ bị sói mòn bởi chủ nghĩa tư bản. Đây, trên tất cả, là điều mà Lênin dâng tặng họ: ý tưởng rằng một điều gì đó có thể được thực hiện.
(còn tiếp)
Pingback: 50 sự kiện bạn cần biết về Lịch Sử Thế Giới- Phần 8 | Nghiên Cứu Lịch Sử