Đăng Phạm / ncls group
Dù hiện nay không còn trên bản đồ thế giới, nhưng thực tế trong Thế chiến thứ 2, đây vẫn là một quốc gia độc lập. Xét tương quan với láng giềng Mông Cổ, Tannu Tuva có lịch sử độc lập khá tương đồng. Tuy nhiên, điều thiếu xót duy nhất của nó là một nền độc lập hoàn toàn, nên Tannu Tuva chỉ được coi là ”phiên bản thiếu” của nước Mông Cổ ngày nay.
1/ Lịch sử hình thành và độc lập của Tuva
Vùng đất tên Tuva ngày nay có diện tích tương đương Hy Lạp hay Uruguay, nhưng dân số chỉ bằng đảo quốc Malta. Dân tộc chính ở đây là người Tuva, một dân tộc gần gũi với người Mông Cổ. Từ thế kỷ 17, cùng với Mông Cổ, Tuva bị nhà Thanh thôn tính và trở thành một phần Trung Hoa.
Cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc bùng nổ, cả Mông Cổ và Tuva đều xuất hiện phong trào độc lập khỏi Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo độc lập của Tuva đã liên hệ với nước Nga của Sa hoàng Nicholas II để thiết lập sự bảo hộ của Nga lên nước này, dù điều này bị chính phủ ở Trung Quốc phản đối. Trong lúc đó, nước láng giềng Mông Cổ đã tuyên bố độc lập. Phải đến năm 1914, Tuva mới có thể thành lập một nhà nước độc lập như Mông Cổ.
Nhưng đến năm 1920, lợi dụng nội chiến Nga và sự sụp đổ của Đế quốc Nga, quân đội của các lãnh chúa Trung Quốc đã đưa quân chiếm lại cả Mông Cổ và Tuva. Chiến tranh sau đó nổ ra giữa cả Hồng quân, Bạch vệ và quân Trung Quốc để giành quyền kiểm soát những vùng đất này. Kết quả là đến năm 1921, cả Mông Cổ và Tuva đều được Hồng quân giải phóng và trở thành các quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, thủ tướng sau đó của Tuva là Donduk Kuular lại là một tu sĩ Phật giáo. Ông định hướng đất nước trở thành một quốc gia Phật giáo, liên hệ chặt chẽ với Mông Cổ, trong khi không để Liên Xô can thiệp quá sâu vào nội bộ. Những chính sách này khiến Liên Xô không ủng hộ Kuular, và năm 1929, họ hỗ trợ một cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Kuular. Chính phủ mới được thành lập, gọi tên nước là ”Cộng hòa nhân dân Tuva”.
Đến lúc này, trong khi nước Mông Cổ được công nhận rộng rãi, thì nền độc lập của Tuva lại chỉ được duy nhất Liên Xô và Mông Cổ thừa nhận. Trung Quốc và các nước khác trên thế giới đều không coi Tuva là một quốc gia, mà chỉ là một chính quyền bù nhìn của Liên Xô. Ngày nay, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa trên đảo Đài Loan vẫn coi Tuva là một phần lãnh thổ thuộc Trung Hoa đại lục.
Trong nhiều bản đồ thế giới thời đó, người ta thể hiện Tuva là một lãnh thổ nằm trong Liên Xô. Nhưng vẫn có một số bản đồ thể hiện nước Tuva độc lập. Trong từ điển chính trị một số nước thời đó, người ta ghi nhận có 3 nước Cộng sản trên thế giới: Liên Xô, Mông Cổ và Tuva!
2/ Thanh trừng trong thập niên 30, vai trò trong thế chiến 2 và sáp nhập vào Liên Xô.
Trong thập niên 30, trùng với thời điểm lãnh đạo của nhà lãnh đạo Stalin ở Liên Xô, ở Mông Cổ và Tuva cùng diễn ra những cuộc thanh trừng tương tự nhưng với quy mô nhỏ hơn ở Liên Xô. Các cuộc thanh trừng ở Mông Cổ và Tuva chủ yếu nhằm vào một số lãnh đạo và chủ yếu là nhằm vào tầng lớp tu sĩ, hay gọi là ”Lạt ma”.
Nhiều đền đài, chùa chiền Phật giáo bị phá hủy. Các nhà sư bị giết hoặc lao động cưỡng bức. Ngoài ra, cũng có một nỗ lực tập thể hóa nông nghiệp giống như ở Liên Xô trong những năm 30s, nhưng ở Tuva và Mông Cổ việc này không được thực hiện triệt để. Vì thế, trong khi nhiều nước Cộng hòa Liên Xô rơi vào nạn đói thảm khốc (như Ukraine, Kazakhstan,…) thì Tuva và Mông Cổ không rơi vào nạn đói và vẫn duy trì nền nông nghiệp du mục.
Trong thời gian này, đáng chú ý là 2 lần thay đổi chữ viết của Tuva. Năm 1930, dưới áp lực của Liên Xô, chính quyền Tuva ra sắc lệnh bỏ hệ chữ viết Mông Cổ để thay bằng chữ viết Latin, trong nỗ lực xóa bỏ ảnh hưởng của truyền thống Mông Cổ lên Tuva. Đến năm 1943, chữ Latin lại bị hủy bỏ và thay bằng chữ Kirin, chữ được dùng ở Liên Xô. Ở Mông Cổ, chữ viết cũng là Kirin. Vì vậy ngày nay, vùng viết chữ Mông Cổ truyền thống nhiều nhất lại là… Nội Mông thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cũng trong năm 1932, Liên Xô bắt Mông Cổ nhường lại một số vùng đất và mỏ muối cho Tuva, tiền đề cho tranh chấp biên giới giữa Nga và Mông Cổ ngày nay. Nó cũng khiến mối quan hệ giữa Tuva và Mông Cổ trở nên căng thẳng trong thời gian đó.
Vào thế chiến thứ 2, quân đội Tuva đã được phát triển nhanh chóng. Từ những năm 30s, do những hành động của Nhật Bản ở Viễn Đông, Tuva đã chuẩn bị một lực lượng phòng vệ sẵn sàng cho chiến tranh. Nhưng vai trò lớn của quân đội Tuva lại nằm ở mặt trận phía Đông thuộc châu Âu.
Ngày 22/6/1941, Đức tấn công Liên Xô thì ngày 25/6/1941, Cộng hòa nhân dân Tuva tuyên chiến với Đức. Từng có lời đùa Hitler đã không đáp lại lời tuyên chiến của Tuva vì ông ta không thể tìm thấy Tuva trên bản đồ ?! Trên thực tế thì Đức đã không tuyên chiến với Tuva.
Trong cuộc chiến này, đất nước Tuva đã cống hiến những gì tinh túy nhất của mình cho Liên bang Xô Viết. Lệnh tổng động viên toàn quốc được đưa ra, hàng chục nghìn thanh niên Tuva đã gia nhập quân đội Liên Xô, lên đường tiến ra mặt trận chống quân Đức. Toàn bộ ngân khố 20 triệu Rúp được hiến tặng cho chính quyền Liên Xô. Họ cũng hỗ trợ Hồng quân 700.000 gia súc, 50.000 con ngựa chiến, 52.000 đôi ván trượt, 10.000 áo khoác mùa đông, 19.000 đôi găng tay, 16.000 đôi ủng và 67.000 tấn len cừu cũng như vài trăm tấn thịt, ngũ cốc, xe đẩy, xe trượt tuyết , đinh ngựa và các hàng hóa khác,… Những sự giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính Tuva trong thế chiến 2 được chính quyền Liên Xô rất cảm phục và ghi nhận, thường xuyên xuất hiện trong việc tuyên truyền cổ động các dân tộc thiểu số trong Liên bang Xô Viết
Vào ngày 7/8/1944, sau khi bàn luận, để đáp ứng nguyện vọng của người dân Tuva, chính quyền Cộng hòa nhân dân Tuva xin được gia nhập Liên bang Xô Viết. Ngày 1/11/1944, nước Cộng hòa nhân dân Tuva giải thể, sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, trở thành nước ”Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết tự trị Tuva” và duy trì vị thế này đến khi Liên Xô tan rã.
3/ Giai đoạn cuối Xô Viết và Tuva ngày nay.
Vào những năm 1990s, khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng, một số phong trào độc lập và dân chủ nổ ra ở Tuva, dẫn theo một làn sóng bạo lực nhằm vào người Nga. Những kẻ cực đoan tấn công làm 168 người Nga thiệt mạng, sau đó phần lớn dân cư gốc Nga đã rời khỏi Tuva.
Sau khi Liên Xô giải thể, Tuva tiếp tục giữ vị thế là nước Cộng hòa trong Liên bang Nga, trở thành nước ”Cộng hòa Tuva” ngày nay, thủ phủ là thành phố Kyzyl. Dân số hiện nay hơn 300.000 người, chủ yếu là người Tuva (chiếm hơn 80%) và người Nga, mặc dù đã có lúc người Nga gấp đôi người Tuva.
Ngày nay, Cộng hòa Tuva vẫn là một trong những khu vực xa xôi khó tiếp cận nhất của Liên bang Nga. Nó cách tuyến đường lớn gần nhất tới 400km. Tuy nhiên, nó cũng có một lượng khoáng sản lớn và tiềm năng du lịch. Thủ phủ Kyzyl của nước Cộng hòa được nhiều người coi là điểm chính giữa của lục địa châu Á.