Nghiên cứu lịch sử: những mẩu chuyện lạ

Đỗ Ngọc Giao

02-Apr-2024

Ở bài này ta cùng coi lại mấy mẩu chuyện lạ trong việc ‘nghiên cứu lịch sử’ đã công bố năm rồi (2023).

1.     Những bức ‘mật thơ’ trong trí tưởng tượng

Từ nhỏ tôi đã mê truyện trinh thám, hết Mark Twain (1835–1910) bên Tây qua Thế Lữ (1907–1989) và Phạm Cao Củng (1913–2012) bên ta. Ở loại truyện này, đôi khi ta gặp những bức ‘mật thơ’ mang nội dung đã bị codify (mã hóa) mà ai biết hoặc crack được code (mã) thì mới đọc ra.

Để cho độc giả dễ hiểu, tôi kể sơ qua truyện Vụ án những hình người nhảy nhót (The adventure of the dancing men) của Conan Doyle (1859–1930), văn sỹ nổi tiếng người Anh.[1]

Ngày nọ, thám tử Sherlock Holmes nhận được bức thơ vẽ hình như sau.

Người gởi thơ, tên Cubitt, tới gặp Holmes kể rằng năm ngoái ổng đã làm quen, rồi thương và hỏi cưới một cô người Mỹ; cô này, tên Elsie, chịu lấy ổng, miễn là ổng hứa đừng hỏi chuyện quá khứ của cổ. Tháng trước, Elsie nhận thơ bên Mỹ, coi xong dường như lo lắng điều chi. Tuần rồi, ban đêm có ai lén lấy phấn vẽ trên bệ cửa sổ nhà Cubitt những hình người kỳ cục. Ổng bôi đi, kể Elsie nghe; lạ thay, cổ nói nếu có thêm những hình người như vậy thì cho cổ coi. Sáng hôm qua, ổng thấy ai bỏ trong vườn miếng giấy vẽ hình người [như bên trên]. Đưa miếng giấy cho Elsie coi, cổ té xỉu.

Sau đó nửa tháng, Cubitt tới gặp Holmes, đưa cho coi thêm mấy tờ giấy vẽ hình người nhảy nhót, kể rằng có rình thấy một tên trong vườn ban đêm mà chẳng bắt được y. Cubitt nghi chuyện đó dính líu tới vợ mình, nhưng làm lơ, vì đã lỡ hứa.

Qua hai hôm nữa, Holmes nhận thêm một lá thơ vẽ hình người nhảy nhót. Sáng sau, Holmes đi xe lửa xuống làng của Cubitt tính gặp ông này, ai dè tới ga thì nghe dân làng đồn rằng hồi bốn giờ sáng này Elsie đã bắn chồng chết rồi tự bắn mình luôn nhưng may mà chưa chết.

Holmes nhận ra rằng những tờ giấy vẽ hình người nhảy nhót chính là những bức mật thơ, và đã crack được code: mỗi hình người là một con chữ Latin. Nhờ vậy Holmes đọc được hết thảy mấy bức mật thơ, và bức đầu tiên [hình trên] đọc là

AM HERE ABE SLANEY

nghĩa là ‘Abe Slaney đang ở đây’.

Biết rằng Elsie là người Mỹ, Holmes liền đánh điện qua Mỹ hỏi sở cảnh sát New York có biết Slaney là ai chăng, thì họ cho hay Slaney là tên bất lương hung ác bực nhứt ở Chicago. Đọc mấy bức mật thơ tiếp theo, Holmes biết Slaney đang núp ở một nơi trong làng của Cubitt, và y muốn Elsie tới gặp. Holmes bèn mượn tên Elsie viết một bức mật thơ gởi cho Slaney, bằng chính cái code của y, nhắn y tới nhà Cubitt để gặp Elsie. Slaney mắc mưu, tới nhà Cubitt, bị bắt.

Slaney nhận tội. Số là trước kia Elsie có cặp với Slaney, bởi vậy cổ biết hội của y dùng hình người nhảy nhót làm code viết mật thơ. Elsie đã chịu lấy Slaney, nhưng sợ ở tù với y nên cổ trốn qua Anh và lấy Cubitt. Slaney liền theo qua, cuối cùng chính y đã bắn Cubitt, vì ghen tức.

Hết chuyện.

Coi xong, độc giả ắt chẳng bao giờ nghĩ rằng ông bà mình thời xưa cũng biết xài ‘mật thơ’ như trên.

Vậy mà có mấy vị khảo-cứu-gia thời nay tin rằng ông bà mình thời xưa đã biết những điều gì đó mà không dám nói ra, vì bị ai đó đe dọa, nên, cực chẳng đã, ông bà mình phải ghi lại những điều đó thành nhiều bức ‘mật thơ’, để cho con cháu mai sau đọc. Mấy vị đó tin rằng hình vẽ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và hình vẽ trên một bức tranh dân gian Đông Hồ kêu bằng ‘thầy đồ Cóc’ (hình dưới) là hai bức ‘mật thơ’ như vậy.

Mấy vị cũng tin rằng họ đã biết code để đọc hai bức ‘mật thơ’ đó. Và rồi, sau khi decode, họ công bố rằng hai bức ‘mật thơ’ đó chính là … kinh Dịch.

Kinh Dịch là gì, thì tôi đã có dịp giới thiệu ở loạt bài Kinh Dịch, đôi điều chưa biết.[2],[3],[4],[5]

Chẳng những trống đồng và tranh Đông Hồ, mà nhiều thứ khác nữa, nào truyền thuyết Hồng Bàng, truyền thuyết Rồng Tiên, truyền thuyết Xích Quỷ, hết thảy đều bị mấy vị khảo-cứu-gia biến thành ‘mật thơ’ để decode cho đã.

Chuyện đó, tôi chẳng bàn luận chi: đó là quyền của mấy vị. Hiềm một nỗi, mấy vị chẳng chịu chừa lại bức ‘mật thơ’ nào cho thám tử Lê Phong của Thế Lữ và thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, khiến hai anh thám tử này bị bớt lương vì thiếu việc làm.

Ác thiệt chớ chẳng chơi!

2.     Đắp truyền thuyết cho dày thêm

Vẫn chưa hết chuyện ‘mật thơ’ trên trống đồng Ngọc Lũ.

Số là, chẳng rõ ông bà mình thời xưa khi ghi ‘mật thơ’ trên trống đồng thì để lại bao nhiêu cái code, hay có để lại cái code nào chăng, mà thời nay có vị đọc ‘mật thơ’ ra là kinh Dịch như trên, đàng khác cũng có vị đọc ra là ‘lịch Kiến Tý’. Rồi vị này nới cái trí tưởng tượng rộng thêm chút nữa để cho rằng trào Châu thời đồ đồng bên Tàu đã xài ‘lịch Kiến Tý’ nên vua Hùng Vương [trong truyền thuyết của người Việt] hẳn là ‘hậu duệ’ của vua quan trào Châu.

Cái ‘lịch Kiến Tý’ là gì và trào Châu có xài lịch đó hay chăng, nếu có dịp, ta sẽ tìm hiểu ở một bài khác. Ở đây, ta coi lại chữ ‘hậu duệ’.

Khi bạn nói ông Mít là ‘hậu duệ’ của ông Xoài, thí dụ như vậy đi, thì, theo khoa học thời nay, tôi sẽ hiểu rằng, ít nhứt, ông Mít và ông Xoài phải có một cái single nucleotide polymorphism (viết tắt ‘SNP’) giống nhau trên Y-chromosome của mỗi ông, điều này tôi đã giới thiệu ở một bài khác.[6]

Đàn ông người Việt ngày nay, phần đông, mang một cái SNP kêu bằng M111, marker của Y-haplogroup O1b1a1a1a1a1.[7]

Còn vua quan trào Châu thì có ai lận M111 trong người, hay những cái SNP nào khác, hay chăng?

Chẳng nghe vị nào nói.

Đó chính là ‘đắp truyền thuyết cho dày thêm’. Chưa phủi được lớp bụi nào trên ‘vua Hùng Vương’ thì chớ, mấy vị còn thi nhau đắp thêm nhiều lớp bụi nữa.

Nói tóm lại, để biện minh cho lý luận của mình, mấy vị đã lần lượt làm hai việc lạ:

  • đặt ông bà mình vô một cái bối cảnh kỳ cục hết sức, đó là: bị ai đó hăm dọa rằng ‘tụi bây nói ra là tụi tao giết liền nghe hôn’,
  • gán cho ông bà mình những chuyện mà ông bà mình chẳng bao giờ làm, đó là: viết ‘mật thơ’ trên trống đồng.

Ngoài đời, làm hai việc đó là mắc tội lớn lắm chớ chẳng chơi!

3.     Chuyện hai cái ấn

Năm rồi báo chí (media) loan tin người Việt đã mua lại ấn Hoàng đế chi bửu của trào Nguyễn, để cho nó khỏi bị những kẻ không-phải-người-Việt giành mua. Khúc đầu câu chuyện như sau, theo hồi ký của vua Bảo Đại (1913–1997).[8]

— trích —

Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh đến cung điện. Đó là những người đại diện cho Việt Nam Độc lập Đồng minh, do Hà Nội cử vào. Trần Huy Liệu trưởng phái đoàn là phó chủ tịch của Ủy ban. Đó là một người gầy còm, có hình thái tiều tụy, đeo đôi kiếng đen để che cặp mắt lé, mà người ta lấy làm khó chịu khi phải nhìn lâu. Kẻ đồng hành là Cù Huy Cận trông thực vô nghĩa. Tôi không khỏi thất vọng. Trần Huy Liệu trình tôi một tờ giấy ủy quyền, tên ký lằng nhằng khó đọc, và tuyên bố với một giọng khá trịnh trọng: ‘Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh của Mặt trận Giải phóng đất nước cho chúng tôi vinh dự đến gần Hoàng thượng, để nhận ấn kiếm.’

Đến chiều, trước hàng nghìn người tụ hội vội vàng trước cửa Ngọ Môn, tôi bận trào phục và đọc bản tuyên ngôn thoái vị, đề ngày 25 tháng 8 năm 1945 dưới đây:

Bản tuyên ngôn được đọc trong sự yên lặng hoàn toàn. Tôi quan sát các khán giả đứng hàng đầu. Tất cả các vẻ mặt đều tỏ vẻ ngạc nhiên cùng cực. Nam và nữ đều ngẩn ngơ. Bản tuyên ngôn thoái vị của tôi như tiếng sét đánh xuống ngang đầu họ. Họ lặng người đi. Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như tự trên mây mà lại. Trong khi tôi hồi cung, đám đông tan rã, không một tiếng kêu.

— hết trích —

Khúc giữa câu chuyện ít ai dè. Ngày 28/2/1952, trong một cái nhà ở Hà Nội, người ta tình cờ tìm thấy ấn Hoàng đế chi bửu và gươm Khải Định niên chế, đó ‘có lẽ … là bảo vật trong khi đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô [thì] đem chôn dấu vào móng tường nhà này,’ sau đó người Pháp làm lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại ngày 8/3/1952 ở Hà Nội, nhưng ông không có mặt trong lễ trao nhận ấn kiếm.[9]

Năm 1953, cựu hoàng nhờ người đem hai món đó sang Pháp trao lại cho hoàng hậu và thái tử.

Ở khúc chót câu chuyện, cựu hoàng qua đời năm 1997, chiếc ấn thuộc về bà vợ chót của ông. Bà này mất năm 2021. Năm 2022, hãng Millon đem ấn Hoàng đế chi bửu bán đấu giá. Chót hết, năm 2023 một người Việt mua lại.[10]

Trong chuyện này, Hoàng đế chi bửu dường như là một cái ấn mà thôi, từ đầu tới cuối.

Bạn hỏi: vậy có gì lạ?

Trong bài viết mà tôi trích lại bên trên của một vị học giả ở đất thần kinh,10 có hai tấm hình như sau.

Bạn coi kỹ đi: cái ấn trong hai tấm hình trên thì giống nhau hay khác nhau?

Khác nhau rõ ràng.

Đó rõ ràng là hai cái ấn khác nhau, dù mang cùng tên.

Xin lưu ý rằng năm 1942, Boudet, một người Pháp, kiểm kê số ấn trong kho hoàng cung, nêu tên 46 cái, phần nhiều là đúc từ thời vua Minh Mạng (1791–1841),[11] trong đó có Hoàng đế chi bửu.

Đó ắt là cái ấn mà vua Bảo Đại đã trao cho Việt Minh (hình bên trái), dù ông chẳng nói rõ là trao ấn gì, trong hồi ký. Ta cũng chẳng có lý do gì mà không tin rằng đó là cái ấn tìm thấy lại năm 1952 và gởi qua Pháp năm 1953.

Vậy cái ấn Hoàng đế chi bửu mà Millon đem bán đấu giá (hình bên phải) năm 2022 là ở đâu ra?

Và cái ấn gởi qua Pháp năm 1953 thì bây giờ ở đâu?

Tóm lại, có thể cho rằng cái ấn mua lại năm 2023 thì không phải là cái ấn mà vua Bảo Đại đem trao năm 1945.

Lạ thiệt chớ chẳng chơi!


[1] https://sherlock-holm.es/stories/pdf/a4/1-sided/danc.pdf

[2] https://nghiencuulichsu.com/2022/08/17/kinh-dich-doi-dieu-chua-biet-phan-1/

[3] https://nghiencuulichsu.com/2022/08/29/kinh-dich-doi-dieu-chua-biet-phan-2/

[4] https://nghiencuulichsu.com/2022/09/11/kinh-dich-doi-dieu-chua-biet-phan-2-2/

[5] https://nghiencuulichsu.com/2022/09/24/kinh-dich-doi-dieu-chua-biet-phan-4/

[6] https://nghiencuulichsu.com/2023/01/03/nguon-goc-nguoi-viet-bai-3/

[7] International Society of Genetic Genealogy. Y-DNA Haplogroup Tree 2019, Version: 15.73, Date: 11 July 2020, http://www.isogg.org/tree/ 02 April 2024.

[8] Bảo Đại. 1980. Le dragon d’Annam, trans Nguyễn Phước tộc (1990).

[9] Đỗ Hoàng Anh. 2018. Ấn kiếm: Hai bảo vật triều Nguyễn từng được tìm thấy ở làng Nghĩa Đô Hà Nội. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

[10] Phan Thanh Hải. 2023. Ấn vàng Hoàng đế chi bảo và sự trở về.

[11] Paul Boudet. Les archives des empereurs d’Annam et l’histoire Annamite. Bulletin des amis du vieux Hue, no 3 (1942).

 

Bình luận về bài viết này