Kinh Dịch, đôi điều chưa biết – Phần 3

Đỗ Ngọc Giao

09-Sep-2022    

4.    Châu Dịch

Tài liệu trích dẫn: Rutt (1925–2011).[i]

4.1.   Giới thiệu

Kinh Dịch gồm hai phần: ruột là một tài liệu thời đồ đồng kêu bằng ‘Châu Dịch’ [gồm 64 quẻ, lời thoán, lời hào], và vỏ là mười ‘truyện’ có lẽ mới được đắp vô từ thời trào Hán.

Không phải quẻ có trước hết rồi mới tới lời thoán và lời hào, mà ngược lại, thứ xưa nhứt trong Châu Dịch là một số lời hào vốn là châm ngôn, tục ngữ trong dân gian đem qua. Quẻ thì đã có từ thời trào Ân, mỗi quẻ là một chuỗi số chẵn 6/8 và lẻ 1/5/7 xen kẽ (hình 4).

Hình 4

4.2.   Châu Dịch có từ khi nào?

Người ta nhận ra mấy nét văn hóa thời trào Tây Châu (c1045–771 BCE) trong Châu Dịch, mà các tài liệu khác có nói:

  • cướp cô dâu trong đám cưới: quẻ Bí hào 4
  • tiến cử người tài: quẻ Truân hào 1         
  • sát sanh để cúng: quẻ Quan hào 5 và 6
  • cúng (hanh亨): quẻ Tùy
  • cúng tổ: quẻ Cổ
  • thờ tổ: quẻ Tiểu Quá hào 2    
  • tiền vỏ sò (bằng 朋): quẻ Ích hào 2

Người ta cũng nhận ra đôi ba từ ngữ giống nhau ở Châu Dịch và minh văn trên đồ đồng thời các vua trào Châu:

thiên tử quẻ Đại Hữu hào 3 Mục Vương (thế kỷ 10 BCE) trở về sau
chiết thủ (chém đầu) quẻ Ly hào 6 Tuyên Vương (827–787 BCE)
chấp ngôn (bắt chúng) quẻ Sư hào 5 Tuyên Vương

Người ta cũng nhận ra những tên đất và tên người có lẽ lấy từ truyền thuyết dân gian:

  • Vua cúng ở núi Kỳ sơn: quẻ Thăng hào 4
  • Mất cừu ở đất Dị: quẻ Đại Tráng hào 5, quẻ Lữ hào 6
  • Đế Ất gả em: quẻ Thái hào 5, quẻ Quy Muội hào 5
  • Cao Tông đánh xứ Quỷ Phương: quẻ Ký Tế hào 3
  • Chấn đánh xứ Quỷ Phương: quẻ Vị Tế hào 4
  • Con chim [Minh Di] của Cơ Tử: quẻ Minh Di hào 5
  • Khang hầu được thưởng ngựa: quẻ Tấn

Vậy người ta [dè dặt] cho rằng giới bốc sư đã soạn xong Châu Dịch hồi cuối trào Tây Châu (quãng 800 BCE), trong đó ghi chép dữ liệu truyền khẩu đã có từ thời trào Ân (quãng 1300 BCE).

4.3.   Khổng Tử có biết Châu Dịch?

Vì nhiệm vụ của vua từ thời trào Ân qua trào Châu là bói, nên Châu Dịch ắt là tài liệu dành riêng cho vua và có một bổn mà thôi, cất ở hoàng cung trào Châu, hoặc nếu có thêm thì giới bốc sư của vua cũng giữ rịt chớ chẳng truyền ra ngoài. Bởi vậy ngay cả Khổng Tử (551–479 BCE) cũng chưa chắc trông thấy Châu Dịch hoặc biết trong đó nói những gì, mà cũng chưa chắc ông ta có nghe nói tới tài liệu đó hay không.

4.4.   Châu Dịch truyền ra ngoài

Qua thời trào Tần (221–206 BCE) thì bói không còn là việc của vua nữa, có lẽ nhờ vậy mà Châu Dịch được truyền ra ngoài, bằng cách chép lại theo trí nhớ, dùng thứ chữ ‘kim văn’ của trào Tần đặt ra. Bổn kinh ở Mawangdui thời trào Hán là bổn xưa nhứt mà người ta biết, dựa theo bổn kim văn, kế đó là bổn kinh ở viện bảo tàng Thượng Hải, dù vậy cả hai đều không phải là bổn truyền mà ta biết hiện nay.

Bổn truyền xưa nhứt thì được khắc trên bia đá chừng 250 năm sau bổn Mawangdui. Để ‘san định’ kinh sách, từ năm 175, thời Hán Linh Đế, người ta đã cho khắc bảy bộ kinh xưa (trước thời trào Tần) lên 46 tấm bia đá, trong tám năm. Mỗi tấm bia cao 175cm, rộng 90cm, chữ vuông cạnh 2.5cm, có 40 cột, mỗi cột 73 chữ. Bộ bia bị phá năm 190 hồi loạn Đổng Trác, sau đó bị dời đi mấy lần, nên nay đã bể nát và mất gần hết. Riêng kinh Dịch giữ được 1170 chữ, viết kiểu lệ thơ (clerical script), lời kinh lấy theo bổn truyền bằng kim văn của Kinh Phòng (77–37 BCE), học giả trào Hán, với chừng 24500 chữ, gồm cả mười truyện.

4.5.   Châu Dịch trở thành kinh Dịch

Trong quãng 800 năm từ khi có Châu Dịch tới khi có mười truyện, chữ viết đã đổi khác nhiều lắm. Châu Dịch chép bằng một thứ chữ xưa, còn mười truyện thì chép bằng chữ Tàu đời giữa (Middle Chinese). Cách đọc tất nhiên cũng khác. Và còn nhiều thứ khác nữa nảy ra, nào âm/dương, ngũ hành, nào Khổng giáo, Đạo giáo, mà khi chép Châu Dịch người ta không hề biết. Nên tới thời trào Hán chẳng ai còn biết Châu Dịch ban đầu muốn nói những điều gì.

Bởi vậy, cách hiểu Châu Dịch cũng đổi khác luôn. 64 quẻ trở thành cái nguồn từ đó chảy ra siêu-hình-học của Khổng giáo (Confucian metaphysics), lời thoán và lời hào thì bị ‘giảng’ là cái nguồn của một thứ triết học coi dịch (change) nặng hơn thể (being) và coi luân lý (ethics) nặng hơn chiêm bốc (prognostication). Châu Dịch chót hết đã trở thành kinh Dịch, một cuốn sách mà cái vỏ của nó (mười truyện) còn dày hơn cái ruột (64 quẻ) gấp chục lần là ít.

4.6.   Thứ tự xếp quẻ

Thứ tự xếp quẻ trong bổn truyền là 32 cặp quẻ đi lần lượt như vầy: Kiền-Khôn, Truân-Mông, Nhu-Tụng,… Có nhiều điều mà ta chưa biết hoặc sẽ không bao giờ biết:

  • đó có phải là thứ tự xếp quẻ ban đầu, trong bổn gốc ở hoàng cung trào Châu, hay chăng?
  • giới bốc sư có đặt ra quy tắc nào để xếp quẻ khi biên soạn Châu Dịch hay chăng?
  • vì sao bổn kinh ở Mawangdui có lời gần giống bổn truyền mà không xếp quẻ theo thứ tự như bổn truyền?

Ta cũng không biết vì sao Châu Dịch bị chia ra hai phần ‘thượng’ và ‘hạ’ với số quẻ khác nhau. Dù vậy, đó có thể là vì lý do kỹ thuật. Số là thời đó người ta viết trên thẻ tre rồi dùng lạt cột những thẻ tre với nhau để nối lại thành hai ‘quyển’ 卷 có cùng số quẻ, chót hết nối hai quyển thành một quyển, cuốn lại. Nhưng sau này khi mở quyển ra thì bằng cách nào đó mà lạt bị sút ra, làm cho một quyển có số quẻ nhiều hơn quyển kia.

Không có chứng cớ cho thấy thời trào Châu giới bốc sư đã dùng ‘hào động’ khi xủ quẻ. Từ những người viết mười truyện cho tới Vương Bí thời trào Hán hoặc Khổng Dĩnh Đạt thời trào Đường, chẳng ai nhắc tới ‘hào động. Tới thế kỷ 11, Âu Dương Tu mới nhắc tới ‘hào động’.

4.7.   Người ta bói gì ở thời đồ đồng?

David Keightley (1932–2017), học giả người Mỹ, cho biết cái ‘list’ những-thứ-nên-bói ở thời trào Ân như sau:

  • cúng bao nhiêu con gì (kể cả con người)?
  • đem quân đi đánh ở đâu?
  • đi săn ở đâu?
  • viễn cảnh (prospect) ra sao trong mười ngày tới? trong ngày mai? trong đêm mai?
  • thời tiết ra sao?,
  • mùa màng tốt/xấu?
  • bịnh tật ra sao?
  • sanh đẻ ra sao?
  • thấy như vậy như vậy khi ngủ mơ là điềm lành/dữ?
  • nên lập thêm thành mới ở đó?
  • chọn ai làm việc đó?
  • nên nộp cống hay chăng?
  • Tổ sẽ giúp cho việc đó hay chăng?

Châu Dịch tất nhiên cũng bói cho những thứ trên, thứ bói nhiều thứ bói ít. Thứ còn sót trong cái list trên mà Châu Dịch có bói, là việc cưới hỏi.

4.8.   Quân tử là ai?

Có mấy ý đặc biệt trong Châu Dịch, thí dụ:

  • Quân tử: tên gọi chung ‘công, hầu, khanh, tướng’ – những người trong nhóm cầm quyền (the ruling class) mà không phải vua hoặc người trong hoàng tộc. Gặp nhiều lần ở những quẻ Kiền, Khôn, Truân, Tiểu Súc, Bĩ,…
  • Thiệp đại xuyên: có nghĩa là ‘[đem quân] lội qua sông lớn [để đi đánh ai đó]’. Gặp 12 lần, ở những quẻ Nhu, Tụng, Đồng Nhơn, Cổ, Đại Súc, Ích, Hoán, Trung Phu, quẻ Khiêm hào 1, quẻ Di hào 5 và 6, quẻ Vị Tế hào 3. Hết thảy đều có lợi, trừ quẻ Tụng và quẻ Di hào 5. ‘Sông lớn’ ở đây không phải là sông Hoàng Hà. Châu Dịch nhắc tới sông Hoàng Hà một lần ở quẻ Thái hào 2, nhưng không hề nhắc tới giang (sông Dương Tử).
  • Hữu phu 侑 俘: có nghĩa là ‘giết tù binh để cúng’. Gặp nhiều lần ở những quẻ Nhu, Tụng, Sư, Tỷ, Quán, Khảm,…

Người ta nhận thấy Châu Dịch nhắc tới con vật nhiều hơn cây cối: ngựa 11 lần, bò 10 lần, heo 10 lần, cừu/dê 7 lần. Điều đó không có nghĩa rằng người thời trào Châu mới biết chăn nuôi chớ chưa biết trồng trọt; mà có nghĩa rằng Châu Dịch là tài liệu dành riêng cho nhóm cầm quyền trào Châu, những kẻ cần nhiều ngựa để kéo xe và nhiều gia súc để cúng. Chuyện hàng ngày của họ là bói coi đem quân đi đánh ở đâu mới có lợi và cúng bao nhiêu gia súc thì Trời/Tổ mới chịu, còn trồng trọt gặt hái là chuyện của người khác. Bởi vậy Châu Dịch hay nhắc tới ngựa và gia súc chớ ít nhắc tới cày bừa, là để đưa ra lời bói dành riêng cho nhóm cầm quyền mà thôi.

Trên một cái đỉnh đồng kêu bằng ‘Tiểu vu đỉnh’ 小盂鼎 đúc hồi đời Châu Khang Vương (thế kỷ 10 BCE) có khắc chừng 400 chữ kim văn mô tả lễ đón viên tướng họ Vu đi đánh xứ Quỷ Phương thắng trận trở về, bắt được 3 soái, 13081 tù binh, hơn 104 ngựa, hơn 130 xe, 355 gia súc và 38 cừu, chưa kể 5049 cái đầu hoặc vành tai trái của quân địch đã bị giết. Nhà vua khen ngợi Vu, tra hỏi 3 viên soái bên địch vì sao dám chống lại trào Châu, rồi chặt đầu họ. Sau đó hết thảy đầu và vành tai của quân địch đều bị thiêu để cúng.

Những con số kể trên ắt là không nhiều tới mức đó, nhưng cũng đủ cho biết vua và quân tử trào Châu là những kẻ man rợ ra sao.

Chuyện đi đánh xứ Quỷ Phương thì có nêu trong Châu Dịch (mục 4.2). Vậy ta đã hiểu con người trong Châu Dịch là ai và họ hay lo chuyện gì. Đó là nhóm cầm quyền trào Châu, và cái chuyện họ lo là làm sao bắt được tù binh và gia súc đem về càng nhiều càng hay để giết hết đem cúng.

Tóm lại, có thể nói Châu Dịch là cuốn ‘cẩm nang’ hướng dẫn cho nhóm người man rợ kêu bằng ‘quân tử’ làm cái chuyện mà họ hay làm hơn hết là cướp bóc giết chóc. Hoặc nói cách khác: cướp bóc giết chóc là cái ‘đạo’ của quân tử trào Châu.

 Vậy mà, lối 800 năm sau, Châu Dịch bỗng nhiên trở thành một cuốn kinh dạy cho người ta biết cách răn mình (reflective self-analysis) và sống cho phải đạo, mà Nguyễn Hiến Lê gọi là ‘cái đạo của người quân tử’. Thực là trớ trêu!

4.9.   Thảo luận

Nếu bạn tò mò muốn biết Châu Dịch nói gì, mà đọc tới đọc lui mấy lần cũng chẳng hiểu nó nói cái giống gì, thì bạn chớ vội trách mình.

Như đã nêu trên (mục 4.5), ngay cả thời trào Hán trước đây 2000 năm, cũng chẳng ai còn biết Châu Dịch ban đầu muốn nói những điều gì. Thì tới thời nay bạn làm sao hiểu được.

Nào ta thử đọc qua mấy bổn dịch lời quẻ Phong (55) bên dưới để làm thí dụ.

Ngô Tất Tố Hanh thông. Vua đến đấy. Chớ lo. Nên mặt trời giữa.
Nguyễn Hiến Lê Hanh thông. Bậc vương giả tới được. Đừng lo. Nên giữ đạo trung như mặt trời đứng giữa trời.
James Legge Tiến triển. Vua đã được ‘phong’ thì còn gì để lo nghĩ. Cứ như mặt trời giữa trưa.

Progress and development. When a king has reached the point (which the name denotes) there is no occasion to be anxious (through fear of a change). Let him be as the sun at noon.

Richard Wilhelm Thành công. Vua được ‘phong’. Chớ buồn. Cứ như mặt trời giữa trưa.

Success. The king attains abundance. Be not sad. Be like the sun at midday.

Alfred Huang[ii] Hanh thông. Vua tới chỗ này. Cứ như mặt trời giữa trưa.

Prosperous and smooth. The king reaches this point. Be like the sun at noon.

Richard Rutt1 Cúng dường. Vua tới rồi. Chớ lo buồn. Nên cúng gữa trưa.

Sacrifice. The king is present. Do not grieve. Appropriate for the middle of the day.

Đọc xong, bạn có hiểu quẻ Phong muốn nói gì chăng? Người viết bài này chẳng ngại gì mà không thứ thực rằng mình chẳng hiểu gì hết.

Đó là bởi vì hết thảy những vị học giả Tây, Tàu, Việt nói trên đều không thể nào lột được cái ý bên trong lời thoán quẻ Phong ra ngoài. Họ dịch theo nghĩa đen mà thôi, thí dụ Phong là ‘phong phú, xum xê’. (Ở phần 2, ta đã biết Marshall cho rằng Phong là tên gọi một cái thành của quân trào Châu.)

Riêng bổn dịch của Rutt thì ta có thể hiểu được một phần. Đó là quân tử nếu xủ ra quẻ này thì nên cúng dường trong lúc giữa trưa. Mà muốn cúng dường thì quân tử phải có sẵn nhiều tù binh và/hoặc gia súc. Nhược bằng chưa có sẵn thì quân tử phải gấp gấp đem quân đi cướp bóc giết chóc ở đâu đó.

Cứ cho rằng ta hiểu như vậy là trúng đi. Nhưng hiểu như vậy rồi thì bạn sẽ làm gì? Thí dụ bạn muốn dọn nhà, và xủ ra quẻ Phong, thì bạn tính sao? Còn phải hỏi! Bạn sẽ dẹp cái quẻ Phong mắc dịch sang một bên, rồi dọn nhà theo kế hoạch của mình. Vậy thôi.

Và bạn sẽ nói với bạn bè là mình chưa bao giờ tham khảo Châu Dịch, phải không?

Ở phần sau, cũng là phần chót, ta sẽ tìm hiểu thêm chuyện bói Dịch.


[i] The Book of Changes (Zhouyi) trans Richard Rutt (2002).

[ii] Alfred Huang (1998) The complete Iching.

2 thoughts on “Kinh Dịch, đôi điều chưa biết – Phần 3

  1. Mời tác giả xem qua phần blog của tác giả Đặng Quang Nhật, giảng về kinh Dịch Việt. Tây chả thể hiểu nổi về kinh Dịch vì nhìn qua lăng kính chữ Hán, còn Hán cũng khó hiểu nổi dịch vì họ cũng dịch và phiên âm lại từ Việt ngữ. Họ vốn cho rằng Chu là Hán tộc nhưng có lẽ họ đã sai, vì Chu thuộc bách Việt. Nên Chu dịch chỉ dễ hiểu với lăng kính Việt ngữ.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s