Kinh Dịch, đôi điều chưa biết – Phần 4

Đỗ Ngọc Giao

23-Sep-2022

5.    Bói Dịch

5.1.   Có hai cách hiểu

Bói Dịch gồm hai việc: xủ quẻ và đọc lời quẻ trong Châu Dịch.

Ở thời đồ đồng, người ta hiểu như sau.

  1. Bói Dịch là đi gặp Trời để hỏi những điều mà người phàm không biết.
  2. Vậy, trước hết, nếu muốn Trời cho gặp thì tôi phải tuân theo nghi thức đã định, thí dụ: phải xủ quẻ cách nào, phải cúng dường thứ gì,…
  3. Giả sử tôi xủ ra quẻ Kiền. Vì sao là quẻ Kiền mà không phải quẻ nào khác? đó là quẻ Trời ban để đáp lại câu hỏi của tôi.
  4. Vì sao tôi được Trời trả lời, bằng cách ban cho quẻ này quẻ nọ? Vì tôi là con Trời (thiên tử), đang giữ mạng lịnh của Trời để làm vua trào Châu.
  5. Con dân của vua có được bói Dịch không? Tất nhiên là không. Dù vậy, vua cho phép thuộc hạ (quân tử) bói Dịch thay vua.

(Tới thời trào Hán thì ai cũng có thể bói Dịch nhưng họ vẫn tin quẻ bói là của Trời ban.)

Người thời nay thì tất nhiên hiểu khác.

  1. Giả sử tôi xủ ra quẻ Kiền. Vì sao là quẻ Kiền mà không phải quẻ nào khác? quẻ Kiền chính là lúc này, cái lúc mà tôi xủ quẻ. Lúc khác, tôi xủ ra quẻ khác.
  2. Vì sao lúc này là quẻ này mà lúc khác là quẻ khác? Jung (1875–1961), triết gia người Thụy Sĩ, nói đó là vì một ‘nguyên tắc’ kêu bằng synchronicity (trùng hợp).[1]
  3. Nếu quẻ Kiền là cái lúc mà tôi xủ quẻ, thì quẻ cho biết điều gì? Quẻ cho biết cái bối cảnh (context) mà tôi đang ở, trong lúc đó. Bối cảnh có thể phù hợp hoặc không phù hợp với những việc mà tôi tính làm, trong lúc đó. ‘Lúc đó’ không phải là một tháng hay một năm, mà có thể hiểu là ‘quãng thời gian từ lần bói trước tới lần bói sau’.
  4. Châu Dịch không cắt nghĩa quẻ theo cách hiểu này.
  5. Vậy quẻ Dịch không phải là của Trời ban, nên:
  • bói Dịch không phải là đi gặp Trời để hỏi điều gì hết,
  • ai cũng có thể bói Dịch chớ không phải thiên tử mà thôi,
  • khi bói Dịch không nhứt thiết phải tuân theo nghi thức gì hết.

Trước khi nói rõ việc bói Dịch theo cách hiểu thời nay, chúng tôi xin nhắc đôi điều nếu bạn vẫn muốn bói Dịch theo cách hiểu thời xưa.

  1. Đừng đặt những câu hỏi thí dụ:
  • Tôi có nên lấy cô Nga làm vợ hay chăng?
  • Tôi có nên nghỉ việc đổi sang làm ở công ty XYZ hay chăng?
  • Tôi có nên hùn vốn vô quán nhậu Anh Đào hay chăng?

Bởi vì thời đồ đồng không ai thắc mắc mấy chuyện đó, nên Châu Dịch cũng chẳng có chữ nào trả lời cho mấy câu hỏi đó.

  1. Nếu lời quẻ/hào không có ý nào rõ ràng trả lời cho câu hỏi của bạn, thì bỏ qua, đừng dựa theo lời quẻ mà suy diễn. Ngay cả những ý dường như rõ ràng, thí dụ: ‘kiết’ (lành), ‘hung’ (dữ), ‘vô cữu’ (không lỗi), cũng chưa chắc là trúng cho trường hợp của bạn đâu.

5.2.   Xủ quẻ

Ở phần 3, ta được biết từ cuối thời trào Ân qua trào Châu người ta đã dùng quẻ để bói, mỗi quẻ là một chuỗi gồm những số 1, 5, 6, 7, hoặc 8 ghép với nhau. Tiếc thay, làm sao để xủ ra những quẻ đó thì Châu Dịch chẳng ghi, mà ta cũng chẳng thấy dấu tích của tài liệu nào khác có ghi. Ta cũng chẳng biết khi nào người ta bỏ quẻ số mà chuyển sang quẻ vạch.

Hệ Từ là hai ‘truyện’ dường như của nhiều người viết chung hồi đầu trào Hán (c200 BCE). Truyện 1, mục 9, có giải thích quy tắc dùng 49 cọng cỏ để xủ ra những quẻ mà mỗi quẻ là một chuỗi gồm những số 6, 7, 8 hoặc 9 ghép với nhau. Dù vậy, ta không biết quy tắc đó có phải là từ thời trào Châu truyền lại, hay là từ thời trào Châu truyền lại mà tới thời trào Hán thì đã bị tam sao thất bổn hay chăng. Tới thời trào Đường (618–907) Khổng Dĩnh Đạt mới mô tả một cách xủ quẻ dựa theo Hệ Từ, gần giống cái cách do Châu Hy thời trào Tống (960–1279) mô tả, mà sau này được coi là ‘chuẩn’ (xem phụ lục).

Dù vậy, như đã nói ở 5.1, xủ quẻ bằng phương pháp nào cũng được.

5.3.   Ý nghĩa của quẻ

Ni (1925–), học giả người Tàu ở Mỹ,[2] có lập ra một ‘cơ sở dữ liệu’ cho biết bối cảnh của 64 quẻ Dịch, để bạn dùng thử – nói ‘dùng thử’ là vì ‘cơ sở dữ liệu’ đó chưa ai công nhận là trúng với xác xuất bao nhiêu phần trăm.

Dưới đây là bối cảnh của 6 quẻ đầu, vì không thể nêu hết 64 quẻ ra đây.

1.1. Kiền

Thời vận: Nên siêng năng, dưỡng tánh.

Cưới hỏi: Tốt. Cô dâu đẹp cả người và nết. Coi chừng có kẻ gây hiểu lầm.

Nhà cửa: Không êm thắm, nhưng đừng dọn đi nơi khác.

Làm ăn: Mua hàng thì có lợi.

Chờ người: Qua mười ngày thì gặp.

Mất đồ: Đi hướng tây nam hoặc nơi nào có đá và cây thì kiếm ra.

Kẻ trộm: Khó tìm, chúng vô rừng núi núp rồi.

Thưa kiện: Có thể hòa giải.

Thời tiết: Trời hạn, tới mùa thu mới có mưa. Trong ngày, trời ráo đêm mưa.

Du ngoạn: Đừng đi một mình, nên đi chung đoàn.

Bịnh tật: Kiệt sức, hoặc sưng phù (edema). Nếu bịnh nặng thì khó qua.

Mong ước: Đừng gấp. Lùi một bước chẳng sao. Bộp chộp là lỡ dịp. Đàn bà gặp quẻ này coi chừng.

2.2. Khôn

Thời vận: Mọi chuyện từ từ rồi cũng suôn sẻ. Nếu đang làm cho ai thì cực.

Cưới hỏi: Tốt, nhưng đừng gấp.

Nhà cửa: Đang ở chỗ tốt.

Sanh đẻ: Dễ, sanh con trai. Nếu hào 1 động thì nguy cho người mẹ.

Xin việc: Đừng gấp, không thôi mất tiền.

Chức vị: Có thể được cả chức và danh.

Làm ăn: Tốt.

Chờ người: Họ nhắn tin chớ không tới.

Mất đồ: Đi hướng tây bắc tìm được.

Kẻ trộm: Đi hướng tây bắc bắt được.

Thưa kiện: Có tranh chấp trong chuyện thuê mướn. Ráng hòa giải, nếu không, sẽ thua.

Thời tiết: Trời mưa, nhưng trong vòng 12 ngày thì ngày 5 và ngày 6 trời ráo.

Du ngoạn: Nên đi hướng tây, chớ đi hướng bắc hoặc hướng đông.

Bịnh tật: Nặng.

Mong ước: Sẽ thành, nhưng chậm vì có trở ngại.

3.3. Truân

Thời vận: Lúc này nên xả hơi.

Cưới hỏi: Không xứng đôi. Gấp e khó thành.

Nhà cửa: Cần sửa nhà mé bắc hoặc mé đông.

Sanh đẻ: Khó, sanh con trai.

Giúp đỡ: Cứ xin sẽ có người giúp.

Chức vị: Khó được.

Làm ăn: Khó xong.

Kiếm người: Kiếm gấp thì được.

Chờ người: Họ sẽ tới.

Mất đồ: Kiếm ở chỗ cây cỏ rậm rạp sẽ thấy. Quá ba ngày thì hết kiếm ra.

Kẻ trộm: Tìm chúng ở hướng bắc hoặc hướng tây.

Thưa kiện: Do đàn bà gây ra. Từ từ cũng xong.

Thời tiết: Trời đầy mây như sắp có bão.

Du ngoạn: Nên đi hướng bắc hoặc hướng tây.

Bịnh tật: Bị tắc nghẹn đâu đó trong mình, như ngực chẳng hạn. Nếu hào 3 động thì nguy lắm.

Mong ước: Chưa thành. Ráng chờ.

4.4. Mông

Thời vận: Còn phải làm lụng vất vả.

Cưới hỏi: Khó thành.

Nhà cửa: Nên ở gần núi có nước.

Sanh đẻ: Dễ.

Giúp đỡ: Từ từ sẽ có người giúp.

Chức vị: Nếu được lên chức sẽ gặp may.

Làm ăn: Muốn sớm đạt mục tiêu thì khó.

Kiếm người: Khó, vì họ không ở một chỗ.

Chờ người: Có trục trặc nên họ tới trễ.

Mất đồ: Đồ giấu trong một căn nhà, một cái mồ, hay một miếng vườn nào đó.

Kẻ trộm: Khó tìm.

Thưa kiện: Chuyện do kẻ khác gây ra, nhưng rồi cũng được giải quyết như ý.

Thời tiết: Trời mưa.

Du ngoạn: Nguy. Sẽ mất tiền, hoặc mất nhiều hơn nữa.

Bịnh tật: Có thể mắc bịnh nội khoa thí dụ tiêu chảy. Khó trị dứt liền.

Mong ước: Lâu thành, có khó khăn.

5.5. Nhu

Thời vận: Chưa tới. Cứ làm sẽ gặp rắc rối.

Cưới hỏi: Khó thành. Song le, nếu hào 1 hoặc hào 4 động, sẽ thành.

Nhà cửa: Lúc này hay lục đục.

Sanh đẻ: Dễ, sanh con gái,

Giúp đỡ: Được người giúp sẽ có lợi.

Chức vị: Chi nhiều tiền nhưng không lên chức.

Làm ăn: Chậm, vì có xích mích.

Kiếm người: Họ đang ở gần, sẽ gặp sớm.

Chờ người: Họ sẽ tới trễ hoặc chẳng tới.

Kẻ trộm: Chúng đang núp ở nhà người quen về hướng bắc, sẽ bắt được.

Thời tiết: Trời mưa năm bảy ngày liền rồi tạnh.

Du ngoạn: Tốt. Sẽ gặp người giúp và có chuyện vui.

Bịnh tật: Nhức đầu, ói mửa, say rượu.

Mong ước: Trước mắt khó thành.

6.6. Tụng

Thời vận: Sẽ có khó chịu, lo lắng.

Cưới hỏi: Vợ chồng hay xích mích. Song le, có người khuyên bảo nên rồi cũng êm.

Nhà cửa: Nên dọn nhà đi nơi khác cho khỏi lục đục.

Sanh đẻ: Sanh con trai,

Giúp đỡ: Xin giúp cho người khác thì được chớ giúp cho mình thì không.

Chức vị: Muốn gấp thì chưa được.

Làm ăn: Ban đầu suôn sẻ, về sau trục trặc.

Kiếm người: Không nên kiếm họ, sẽ có xích mích.

Chờ người: Họ sẽ không tới.

Mất đồ: Kiếm gần nơi bạn ở.

Kẻ trộm: Chúng núp ở hướng bắc, nhưng có ai chỉ chỗ mới bắt được chúng.

Thưa kiện: Không nên.

Thời tiết: Trời mưa, nhưng trong ba ngày sẽ ráo.

Du ngoạn: Coi chừng xích mích với bạn đồng hành. Không nên đi.

Bịnh tật: Khó trị. Có thể là đau tim, đau bao tử, hoặc đau bụng dưới.

Mong ước: Khó thành.

Phụ lục. Xủ quẻ bằng 49 cọng cỏ.

Tài liệu trích dẫn: Rutt.[3]

Thời nay dùng cây đũa (hoặc nhang). Cần 50 cây. Bỏ bớt 1 cây, rồi làm theo 5 bước như sau.

Bước 1 (bắt đầu với 49 cây đũa):

  1. chia bó đũa ra hai nhóm A và B, một cách ngẫu nhiên;
  2. lấy 1 cây bên B bỏ vô khay (số đũa của A và B còn lại 48);
  3. đếm số đũa bên A, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia hết thì coi như dư 4;
  4. đếm số đũa bên B, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia hết thì coi như dư 4.

Vì 48 cây đũa chia hết cho 4, nên:

  • nếu bên A dư 1, thì bên B dư 3 (khỏi cần đếm),
  • nếu bên A dư 2, thì bên B dư 2 (khỏi cần đếm),,
  • nếu bên A dư 3, thì bên B dư 1 (khỏi cần đếm),,
  • nếu bên A dư 4, thì bên B cũng dư 4 (khỏi cần đếm).

Số đũa dư bỏ vô khay sẽ là 4+1=5 hoặc 8+1=9.

Số đũa còn lại của A và B sẽ là 49−5=44 hoặc 49−9=40. Gom lại một bó.

Bước 2 (bắt đầu với 44 hoặc 40 cây đũa):

  1. chia bó đũa ra hai nhóm A và B, một cách ngẫu nhiên;
  2. lấy 1 cây bên B bỏ vô khay (số đũa của A và B còn lại 43 hoặc 39);
  3. đếm số đũa bên A, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia hết thì coi như dư 4;
  4. đếm số đũa bên B, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia hết thì coi như dư 4.

Vì 43 hoặc 39 cây đũa chia cho 4 đều dư 3, nên:

  • nếu bên A dư 1, thì bên B dư 2 (khỏi cần đếm),
  • nếu bên A dư 2, thì bên B dư 1 (khỏi cần đếm),,
  • nếu bên A dư 3, thì bên B dư 4 (khỏi cần đếm),,
  • nếu bên A dư 4, thì bên B dư 3 (khỏi cần đếm).

Số đũa dư bỏ vô khay sẽ là 3+1=4 hoặc 7+1=8.

Số đũa còn lại của A và B sẽ là 44−4=40, 44−8=40−4=36 hoặc 40−8=32. Gom lại một bó.

Bước 3 (bắt đầu với 40, 36 hoặc 32 cây đũa):

  1. chia bó đũa ra hai nhóm A và B, một cách ngẫu nhiên;
  2. lấy 1 cây bên B bỏ vô khay (số đũa của A và B còn lại 39, 35 hoặc 31);
  3. đếm số đũa bên A, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia chẵn thì coi như dư 4;
  4. đếm số đũa bên B, chia cho 4, dư bao nhiêu (1, 2, 3) bỏ vô khay, nếu chia chẵn thì coi như dư 4.

Vì 39, 35 hoặc 31 cây đũa chia cho 4 đều dư 3, nên:

  • nếu bên A dư 1, thì bên B dư 2 (khỏi cần đếm),
  • nếu bên A dư 2, thì bên B dư 1 (khỏi cần đếm),
  • nếu bên A dư 3, thì bên B dư 4 (khỏi cần đếm),
  • nếu bên A dư 4, thì bên B dư 3 (khỏi cần đếm).

Số đũa dư bỏ vô khay sẽ là 3+1=4 hoặc 7+1=8.

Số đũa còn lại của A và B sẽ là 40−4=36, 40−8=36−4=32, 36−8=32−4=28 hoặc 32−8=24.

Bước 4: Đếm tổng số đũa còn lại của A và B rồi chia cho 4 để được những ‘tượng số’ 9, 8, 7 hoặc 6.

Bước 5: Đổi tượng số ra hào:

  • 9: hào dương-động
  • 8: hào âm-tĩnh
  • 7: hào dương-tĩnh
  • 6: hào âm-động

Vậy là xong hào 1. Ta lặp lại 5 bước để được các hào 2, 3, 4, 5, 6 (đếm từ dưới lên trên) và chót hết được một quẻ thí dụ:

  • Kiền 6 hào tĩnh: 7-7-7-7-7-7
  • Kiền 1 hào động: 7-9-7-7-7-7
  • Thái 6 hào tĩnh: 7-7-7-8-8-8
  • Thái 1 hào động: 7-7-7-8-8-6

Lưu ý rằng xác suất của 4 loại hào thì khác nhau (Hacker[4]):

  • hào âm-tĩnh: 7/16
  • hào dương-tĩnh: 5/16
  • hào dương-động: 3/16
  • hào âm-động: 1/16

Xác suất (%) để được những quẻ khác nhau là như hình 5.

hình 5 (‘–’ nghĩa là ‘nhỏ lắm, không đáng kể’)

Hình 5 cho thấy:

  • xác suất để được quẻ không có hào dộng là 17.76%, quẻ có 1 hào động là 35.57%, quẻ có 1 hoặc 2 hào động là 65.21%, quẻ có 3 hào động trở lên là 16.82%,…
  • xác suất để được quẻ có 2 hào dương hoặc 2 hào âm là 46.80%, quẻ có 1 hào khác 5 hào kia là 18.64%, quẻ có 6 hào giống nhau là 3.18%,…
  • xác suất để được quẻ Kiền với 1 hào động là 0.33%, quẻ Khôn với 1 hào động là 0.60%, quẻ Thái với 1 hào động là 11.40%,…

Song le, xác suất để được một hào dương hoặc hào âm, không cần biết nó động hay tĩnh, thì như nhau, đều là 8/16=1/2, và mọi quẻ đều có xác suất như nhau là 1/64.


[1] Carl Gustav Jung (1949) I Ching foreword, © Dan Baruth 1999.

[2] Hua Ching Ni (1983) The book of changes and the unchanging truth.

[3] The Book of Changes (Zhouyi) trans Richard Rutt (2002).

[4] Edward A. Hacker (1993) The I Ching handbook: A practical guide to personal and logical perspectives from the ancient Chinese book of changes.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s