Người Nhật đã học được gì từ những người phương Tây đầu tiên đến Nhật? (Phần 2)

Trần Thanh Ái

2.3. Về địa lý hàng hải và thiên văn học

Ngay từ năm 1525, người Nhật cũng đã có trong tay bản sao một bản đồ thế giới do người châu Âu vẽ, nghĩa là trước khi người Bồ Đào Nha đến Nhật. H. Nakamura cho biết là khi đến Hàn Châu (Trung Hoa), một tu sĩ Phật giáo tên là Sosetsu đã sao chép một bản đồ thế giới có lẽ do người Bồ Đào Nha vẽ, và đã gửi về cho lãnh chúa Outi Yosioki của vùng Yamaguti ở Nhật (Nakamura H. 1939, tr. 119). Tuy nhiên, thông tin ít ỏi ấy chưa giúp người Nhật nhận ra những điều kỳ diệu mà phương Tây đã làm được vào thời bấy giờ trong lĩnh vực phát kiến địa lý phục vụ cho hàng hải. Do đó không cần phải nói người Nhật đã kinh ngạc đến mức nào khi biết được là người Bồ Đào Nha đã có thể vượt biển trong nhiều tháng trời để đến được vùng Viễn Đông, mang theo nhiều vật dụng mới lạ. Đó là kết quả của hàng loạt tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là thiên văn học mà nhiều nước châu Âu nói chung, và Bồ Đào Nha nói riêng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu từ thế kỷ trước đó. Vì thế, khi truyền đạt cho người Nhật những kiến thức mới mẻ ấy, các nhà truyền giáo đã chinh phục được họ ngay từ những năm đầu đặt chân lên xứ Mặt Trời mọc (Boxer C. R. 1979, tr. 132) chẳng hạn như trái đất hình cầu chớ không phải là một mặt phẳng, vũ trụ mênh mông chớ không phải hình mái vòm như cái chén úp. Tuy nhiên, các kiến thức ấy vẫn nằm trong thuyết địa tâm của Ptolemy, còn thuyết nhật tâm của Copernic thì đang bị phê phán kịch liệt ở châu Âu, và bị cấm vào năm 1613.

Vì nhận thấy người Nhật có tinh thần ham hiểu biết và thiên hướng về suy lý, Francisco Xavier (1506-1652) và Alessandro Valignano (1538-1606) đã quyết định trước tiên là dạy cho họ trật tự và vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, nhằm mục đích hướng họ nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Trời đằng sau thế giới đó. Valignano cũng thấy cần thiết phải dạy cho giáo dân người Nhật các môn học nhân văn, và thế là ông có ý định thành lập trường Sao Paulo ở Funai năm 1580. Ban đầu trường chỉ có một nhóm bảy hay tám học viên trẻ người nước ngoài, họ được dạy ngữ pháp tiếng La-tinh và tiếng Nhật cơ bản cùng với các môn học về nhân văn (Yoshida T. 2004, tr. 153).

Khi nhà truyền giáo Pedro Gomez (1533-1600) vừa mới đến Nhật năm 1583 thì trường cũng bắt đầu dạy môn triết học. Ông được giao nhiệm vụ biên soạn một tài liệu giáo khoa cho môn học này, có lẽ vì ông đã có kinh nghiệm dạy tại trường dòng Tên ở Coimbra (Hiraoka K. 2008, tr. 82). Năm 1593, quyển sách đầu tiên về thiên văn bằng tiếng La-tinh, được Pedro Gomez biên soạn để làm giáo trình trong các chủng viện dòng Tên ở Nhật, mà người ta thường gọi là Compendia (Những bài tóm tắt), trong đó phần đầu được đặt tên là De Sphaera (Về vũ trụ), được biết đến như là tài liệu đầu tiên ở Nhật về thiên văn học phương Tây thời bấy giờ.

Vì vào nửa sau thế kỷ XVI ở châu Âu xảy ra nhiều cuộc tranh luận căng thẳng về thiên văn học sau khi Copernic công bố quyển De revolutionibus orbium coelestium (Về sự chuyển động xoay vòng của các thiên thể), nên các nhà truyền giáo phải biên soạn cẩn thận, để nội dung truyền đạt được mạch lạc và phù hợp với Kinh Thánh (Loureiro L. M. 2004, tr. 57). Hai năm sau đó tài liệu này được dịch sang tiếng Nhật để những người không biết tiếng La-tinh có thể đọc được; bản thảo tiếng Nhật của quyển sách này mới được tìm thấy năm 1995 ở trường Magdalen College, Oxford (Hiraoka R. 2008, tr. 83). Cũng theo tác giả này, từ tài liệu của Pedro Gomez mà vào những thập niên sau đó người ta đã biên soạn thành nhiều quyển tuy có tên khác, nhưng nội dung thì gần như giống nhau, đó là: Nigi ryakusetsu 二儀略説 Nhị nghi lược thuyết (Sơ lược về hai thế giới, Trời và Đất), Tenmon biyou 天文備要 Thiên văn bị yếu (Tóm lược về thiên văn), Kenkon bensetsu 乾坤弁説 Càn khôn biện thuyết (Bàn về Càn Khôn), Nanban unkiron 南蛮運気論 Nam man vận khí luận (Người Nam man bàn về thuyết Vận khí). Những bản chép tay này là những tài liệu đầu tiên bằng tiếng Nhật giới thiệu đầy đủ về thiên văn học phương Tây, và được lưu hành trong giới học thuật Nhật Bản trong suốt thời Edo (1603-1867) ngay cả trong những cuộc đàn áp đạo Thiên Chúa (Hiraoka R. 2005, tr. 100).

Năm 1602, linh mục Charles Spinola quan sát được hiện tượng nguyệt thực tại Nagasaki và đưa ra các tính toán về đường kinh tuyến, tạo cơ sở ban đầu cho ngành khoa học bản đồ ở Nhật Bản. Có lẽ dưới sự tác động của Spinola mà tháng 5 năm 1605, người ta lợi dụng cơ hội các quý tộc có mặt đông đủ ở kinh đô để dự lễ tấn phong của Tokugawa Hidetada nối ngôi cha là Tokugawa Ieyasu 徳川家康 (1543–1616), “các nhà truyền giáo thành lập một ‘Viện Hàn lâm’ ở kinh đô và bắt đầu dạy về địa lý, hàng hải, lý thuyết về các hành tinh và triết học tự nhiên về sấm chớp, tuyết phủ…” (Bernard H. 1937, tr. 192).

Năm 1635, Hayashi Kichizaemon, người bị kết tội tử hình năm 1646 vì đã truyền bá đạo Thiên Chúa, đã dịch và phát hành một công trình về thiên văn; đây là tài liệu dịch ra tiếng Nhật thứ hai từ sách phương Tây, trong đó ông tập hợp những gì đã học được từ người Bồ Đào Nha, và đã truyền lại cho học trò của mình là Kobayashi (Kikuchi D. 1915, tr. 58). Nhiều tác giả cho rằng có lẽ đó là quyển Kenkon bensetsu, trong đó trình bày sự tương ứng giữa thế giới vĩ mô và vi mô (Cook H. 2007, tr. 344). Một tác giả khác cho biết có lẽ Hayashi đã tiếp nhận kiến thức về thiên văn từ Sawano Chūan, tên mới của nhà truyền giáo bỏ đạo Christovão Ferreira, và cũng là người dịch sách của Pedro Gomez nói trên ra tiếng Nhật theo mẫu tự La-tinh (romaji), rồi sau đó một thông ngôn ở Nagasaki tên là Nishi Kichibei chuyển sang tiếng Nhật truyền thống (Yajima S. 1964, tr. 342). Mặc dù các hoạt động của các nhà truyền giáo dòng Tên kết thúc vào năm 1614 khi Mạc phủ Tokugawa ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa, nhưng những tài liệu được biên soạn trong thời kỳ này vẫn tồn tại bất chấp các lệnh cấm, và được lan truyền rộng rãi dưới hình thức chép tay suốt các thế kỷ tiếp theo (Hiraoka R. 2022, tr. 98). Trong khi học tập lý thuyết về thiên văn, người Nhật cũng đã tiếp cận với những công cụ của người châu Âu, chẳng hạn như kính viễn vọng: theo nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Nhật Bản Yoshio Mikami thì kính viễn vọng đầu tiên được các nhà truyền giáo dòng Tên đem vào nước Nhật năm 1613, nghĩa là hai năm sau khi nó được biết đến ở Bồ Đào Nha (Leitão F. 2001, tr. 904).

Trong lĩnh vực hàng hải, trước khi người Bồ đến Tanegashima năm 1543, người Nhật ra nước ngoài bằng thuyền mành của người Trung Hoa, vì họ chưa có kỹ thuật đóng thuyền đi biển xa (Yoshihiro Y. 2016, tr. 2). Nhưng sau đó thì có sự tiến bộ rõ rệt: nhà nghiên cứu người Anh C. R. Boxer cho biết rằng ngành hàng hải có một số dấu ấn rõ ràng của người Bồ Đào Nha. Các ngự châu ấn thuyền 御朱印船 thời kỳ đầu của Mạc phủ Tokugawa được trang bị một phần theo thiết kế châu Âu, và vào thời Ieyasu, mọi thuyền buôn đi nước ngoài đều buộc phải có hoa tiêu người Bồ Đào Nha (Boxer C. R. 1931, tr. 72). Tài liệu của người Hà Lan còn ghi lại là từ tháng 11 năm 1609 đến tháng 4 năm 1610, Admiral Fransz Wittert chỉ huy hạm đội 4 chiếc thuyền chiến đã bắt được nhiều thuyền mành Nhật đi buôn ở Manila, trên đó đều có người Bồ Đào Nha được sử dụng làm hoa tiêu “theo lệnh của Tướng quân”, vì người Nhật không tin vào năng lực hải hành của họ (Boxer C. R. 1929, tr. 57).

Sau thời gian hợp tác với người Bồ Đào Nha, người Nhật cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm về kỹ năng hàng hải, và những hiểu biết ấy đã được đúc kết lại trong quyển Genna kōkaisho 元和航海書 [Nguyên Hòa hàng hải thư], còn được gọi là Genna kōkaiki 元和航海記 [Nguyên Hòa hàng hải ký]. Đó là một tập hợp các kiến thức mà Ikeda Kōun 池田好運 đã học được từ viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha Manoel Gonҫalvez trong cuộc hành trình đến Manila từ năm 1616, như ông đã viết trong chương dẫn nhập (Shapinsky P. D. 2006, tr. 18). Tài liệu này gồm các nội dung như sau: lịch mặt trời (almanac), bảng tính kinh độ và vĩ độ, các phương pháp xác định vĩ độ theo độ cao của mặt trời, các kỹ thuật đọc la bàn và 32 hướng, đo bằng thước góc tư, thước trắc tinh (astrolabe), bản đồ hàng hải tuyến Nagasaki và Macao, Xiêm và Nhật, cách đo độ sâu đáy biển bằng dây dọi, những kiến thức cần thiết cho các nhà hải hành và hoa tiêu, v.v. (Arima S. 1964, tr. 352-353). Tài liệu này cho thấy sự pha trộn liên văn hóa trong nền mậu dịch châu ấn thuyền đã cho ra đời kỹ thuật hàng hải mới, kết hợp giữa Á và Âu, và nhờ đó mà kinh nghiệm hàng hải được mở rộng hơn, như hải đồ Hayashibara và các hải đồ khác (Shapinsky P. D. 2006, tr. 17). Bản chép tay năm 1618 của tài liệu này hiện được lưu giữ ở Đại học Kyoto (Yoshihiro Y. 2016, tr. 2).

Ngoài ra cũng phải kể đến đóng góp của W. Adams, viên hoa tiêu trưởng người Anh của thuyền De Liefde cập vào đảo Kyushu của Nhật năm 1600. Ngoài việc dạy cho người Nhật kỹ thuật đóng thuyền châu Âu, ông còn cho biết là đã phổ biến kiến thức về hình học và toán học dùng trong hàng hải cho Iyeasu, vì mặc dù dân Nhật là những người đi biển rất kiên cường, nhưng họ rất thiếu kỹ thuật đóng tàu tiên tiến và các công cụ đi biển, như trong thư viết năm 1613 gửi về Công ty Đông Ấn (Rundall T. ed., 1850, tr. 71).

2.4. Kỹ thuật chế tác đồng hồ

Về phương diện chế tạo cơ khí, một trong những điều nổi bật trong thế kỷ XVI chính là việc các nhà truyền giáo dòng Tên mang đồng hồ cơ khí phương Tây vào nước Nhật, bởi lẽ thời ấy người Nhật chỉ có đồng hồ nước mà thôi, như ghi chép của Luis Frois năm 1585 (Danford R. K., Gill R. D., and Reff D. T., 2014, tr. 117). Vì thế đồng hồ cơ khí của châu Âu rất được người Nhật ưa chuộng. Do đó, các nhà truyền giáo thường dùng đồng hồ làm quà tặng độc đáo để có cơ hội tiếp cận giới lãnh đạo các nước để mong được thuận lợi trong việc truyền giáo. Francis Xavier là người đầu tiên đã tặng đồng hồ châu Âu cho một lãnh chúa Nhật: tháng 4 năm 1551, khi diện kiến Ōuchi Yoshitaka 大内義隆 (1507-1551) lãnh chúa vùng Suō (nay là Yamaguchi), ông đã tặng nhiều quà phương xa, trong đó có một chiếc đồng hồ cơ khí. Sự kiện này cũng đã được ghi trong quyển Ōuchi Yoshitaka ki 大内義隆記 (Tiểu sử Ōuchi Yoshitaka), xuất bản vào những năm 1779-1819 như sau: “Trong số nhiều quà tặng các loại của khách đến từ Ấn Độ có một dụng cụ chỉ độ dài không đổi của ngày và đêm khi gõ tích tắc suốt 12 giờ, gõ vào một cái chuông theo các giai điệu 5 và 12 âm giai mà không cần phải gảy vào 13 dây đàn koto” (Hiraoka R. 2020, tr. 206). Tiếp đến, các lãnh chúa Oda Nobunaga (năm 1569), Toyotomi Hideyoshi (năm 1591) và Tokugawa Ieyasu (năm 1606) cũng được các sứ giả tặng đồng hồ. Chiếc đồng hồ xưa nhất còn được lưu giữ đến ngày nay là chiếc chạy bằng dây cót mà phó vương Mexico là Luis de Velasco(1) tặng cho Tướng quân Ieyasu vào năm 1611, để cảm tạ về việc người Nhật đã cứu sống hơn 300 thủy thủ trên chiếc thuyền San Francisco bị đắm ngoài khơi bờ biển Iwawada (Chiba) năm 1609. Trên chiếc đồng hồ này có ghi tên người chế tác là Hans de Evalo(2) (người Hà Lan) làm tại Madrid năm 1581.

Đồng hồ do Phó vương Mexico tặng Ieyasu năm 1611, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Kunozan Toshogu Museum. Đồng hồ do Nhật chế tạo vào thế kỷ XVIII, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Paul Dupuy (Toulouse, Pháp)

Khoảng đầu thế kỷ XVII, việc sản xuất đồng hồ cơ khí ở Nhật Bản bắt đầu manh nha trong các trường học thuộc chủng viện dòng Tên ở quận Kyushu. Theo báo cáo thường niên năm 1601-1602, ban đầu một nhà truyền giáo dòng Tên người Ý tên là Giovanni Nicolao (hoặc Cola, 1560-1626), chịu trách nhiệm hướng dẫn cho học viên, và lúc ấy các thợ học việc Nagasaki cũng đã có thể kiếm thu nhập bằng cách tự tay mình chế tạo đồng hồ (Hiraoka R. 2020, tr. 212).

Chiếc đồng hồ mà Fr. Xavier mang vào nước Nhật vào năm 1551 là một đồng hồ cơ khí, vận hành bằng trọng lượng của quả cân; sau đó các thợ thủ công bản xứ dựa vào đó mà chế tác lại rất tinh xảo (Nakayama S. 1969, tr. 123).

Sách Owari-shi 尾張誌 (Vĩ Trương chí) của Masatsugu Fukada 深田正韶 (1773–1850) xuất bản năm 1844 kể lại rằng khi đồng hồ của sứ thần Triều Tiên tặng Ieyasu bị hỏng hóc, người thợ Sukezaemon Tsuda ở Kyoto chẳng những đã sửa được mà còn chế tạo ra một chiếc khác giống như vậy để dâng cho Ieyasu. Thành tích này đã giúp cho ông được tuyển dụng làm thợ chế tạo đồng hồ cho dòng họ Tokugawa ở Owari vào năm 1598. Vì thế Owari-shi tôn vinh ông là người khai sinh ra ngành chế tạo đồng hồ ở Nhật (Yamaguchi M., 2002, tr. 73; Sasaki 2022, tr. 65).

Năm 1607, Rodrigues gặp con của tướng quân Ieyasu là Hidetade, có trợ lý của ông là huynh Paul đi cùng. Sau đó huynh này được yêu cầu ở lại kinh đô để sửa chiếc đồng hồ được Nagasaki gửi tặng. Có lẽ huynh Paul là người Nhật đầu tiên được huấn luyện trong các chủng viện dòng Tên ở Nagasaki để chế tác và sửa chữa đồng hồ cơ khí. Dường như Rodrigues cũng đã từng lo việc bảo trì đồng hồ của Ieyasu (Hashimoto T. 2011, tr. 138-139).

Năm 1614 Mạc phủ ban hành sắc lệnh cấm truyền bá đạo Thiên Chúa, nên các chủng viện và các xưởng huấn luyện kỹ thuật của dòng Tên cũng bị đóng cửa. Tuy nhiên, các học viên vẫn có thể tiếp tục sử dụng tay nghề của họ trong cộng đồng, và dân chúng sẵn sàng bỏ tiền ra mua những sản phẩm của họ (Cullen C. & Hiraoka R. 2019, tr. 236).

Theo R. Hiraoka, kỹ thuật chế tạo đồng hồ của các nhà truyền giáo dòng Tên đã đưa đến việc thành lập xưởng wadokei 和時計 (hồ thời kế), một loại đồng hồ cơ khí hiển thị thời gian theo cách tính cổ truyền, và cái hồ thời kế đầu tiên được chế tạo vào năm 1623, được Tsuda Sukezaemon đem dâng cho Tokugawa Yoshinao, một lãnh chúa vùng Ōwari (Hiraoka R. 2020, tr. 217).

2.5. Kỹ thuật in ấn bằng con chữ rời

Kỹ thuật in ấn bằng con chữ rời được đưa vào Nhật bằng hai nguồn gần như đồng thời: từ các nhà truyền giáo châu Âu và từ đội quân viễn chinh Nhật mang về từ Triều Tiên. Các nhà truyền giáo dòng Tên ở Nhật đã thường xuyên sử dụng kỹ thuật in ấn bằng con chữ rời bằng kim loại từ năm 1590 đến 1614, trong khi các đồng nghiệp của họ ở Trung Hoa vẫn còn sử dụng phương pháp in bằng bảng khắc gỗ để in các tài liệu bằng những ngôn ngữ châu Âu, ngay cả ở Quảng Đông, Bắc Kinh hay Hương Sơn. Giải thích lý do tại sao phải sử dụng kỹ thuật này, Valignano đã viết trong thư đề ngày 1 tháng 12 năm 1587: “Các sách đạo của chúng ta sẽ không thể được đưa vào Nhật một cách bừa bãi, đặc biệt là những quyển bài bác các tư tưởng dị giáo và nhiều lạm dụng khác đôi khi đang thịnh hành trong cộng đồng Thiên Chúa giáo ở châu Âu. Vì lý do ấy mà tôi đã đặt mua một máy in mà tôi đang mang nó về Nhật, để chúng ta có thể in những sách ấy tại Nhật cho phù hợp để lưu hành tại Nhật sau khi đã được kiểm duyệt và gạn lọc trước (Boxer C. R. 1967, tr. 189)

Ngoài việc in ấn các tài liệu truyền giáo, các chủng viện còn tổ chức biên soạn tài liệu ra chữ romaji của Nhật, kể cả dịch sách phương Tây. Ba cuốn sách viết bằng chữ romaji được in vào năm 1592 và 1593 trong các tu viện của dòng Tên trên đảo Amakusa được sử dụng con chữ rời là Heike monogatari 平家物語 (Bình gia Vật ngữ, Truyện kể về Bình gia, năm 1592) kể về cuộc xung đột giữa dòng họ Taira và Minamoto thời Trung cổ, và dị bản Feiqe monogatari, Esopo no fabulas (Ngụ ngôn Aesop, năm 1593) và quyển Qincvxv (Kinkūshū 金句集 Kim cú tập, 1592-1593), một tuyển tập châm ngôn lấy từ sách Trung Hoa cổ.

Sau đó các sách công cụ dùng để tra cứu cũng được in ấn như Dictionarium Latino-lusitanicum ac Japonicum (Từ điển La-tinh – Bồ Đào Nha – Nhật, 1595), Racuyoxu (Từ điển Trung – Nhật, 1598) và Vocabulario da lingoa de Iapam (Từ vựng tiếng Nhật, 1603–1604) (Orii Y. 2015, tr. 190).

Trang bìa sách Heike monogatari viết bằng chữ romaji, 1592. Trang bìa sách Esopo no fabulas (Ngụ ngôn Aesop) bằng chữ romaji, 1593. Tuyển tập châm ngôn Qincvxv (Kinkūshū 金句集), 1592-1593.

Chỉ trong vòng một thập niên, cả Nhật hoàng lẫn Tướng quân đều thử nghiệm công cụ in ấn mới mẻ này để in sách thế tục bằng tiếng Trung Hoa, và việc này đã đưa việc in ấn thoát khỏi sự chi phối của các học viện Phật giáo. Vào những năm 1620, ở Kyoto đã có nhiều người kinh doanh trong việc in ấn, cho ra đời nhiều sách vừa bằng tiếng Nhật và Trung Hoa, vừa sử dụng cách in con chữ rời lẫn cách in mộc bản. Đến khoảng năm 1650, phần lớn các tác phẩm kinh điển của văn học Nhật đã được in mộc bản, và nhiều sách vở mới được viết ra, khiến ngành in ấn phát triển ồ ạt, và đội ngũ độc giả cũng gia tăng nhanh chóng vào thế kỷ XVII, đặc biệt là trong giới phụ nữ. Vì thế ngành kinh doanh xuất bản sách phát triển nhanh chóng, bắt đầu từ Kyoto lan nhanh qua Edo và Osaka, và đến cuối thế kỷ thì đến gần như tất cả các jōkamachi, tức các thị trấn dưới chân lâu đài (Kornicki P. 2007, tr. 112-113).

Tuy nhiên, từ những năm 1640, việc in ấn bằng con chữ rời dần giảm sút, và kỹ thuật in mộc bản lại thịnh hành cho đến những năm 1880, và đến ngày nay người ta vẫn chưa biết chính xác sự suy giảm ấy bắt nguồn những nguyên nhân nào (Kornicki P. 2007, tr. 112).

2.6. Về kỹ thuật đóng tàu vượt đại dương

Năm 1596, lãnh chúa đảo Shikoku tịch thu chiếc thuyền San Felipe bị chìm ven bờ biển khiến quan hệ giữa Nhật và Tây Ban Nha ở Manila xấu đi. Căng thẳng gia tăng tột độ khi quan nhiếp chính Hideyoshi ra lệnh tử hình 26 người, vì lời tuyên bố trong lúc cao hứng của viên thuyền trưởng Matías de Landecho(3) như đổ dầu vào lửa. Sau khi Hideyoshi chết (tháng 9 năm 1598), Ieyasu Tokugawa muốn xoa dịu các nhà truyền giáo và đồng thời tranh thủ người Tây Ban Nha ở Philippines để phát triển đội thuyền của mình và nghề luyện kim. Vì thế, tháng 12 năm 1598, Ieyasu Tokugawa nhờ các nhà truyền giáo Jerónimo de Jesús thuộc dòng Phan Sinh làm trung gian để xin viên toàn quyền Tây Ban Nha ở Philippines cử kỹ sư đóng thuyền trọng tải lớn galleon và kỹ sư luyện kim đến Nhật (Suzuki H. 2017, tr. 502). Người Tây Ban Nha rất cảnh giác khi nhận được thông tin này, vì đối với họ, an toàn nhất cho quần đảo Philippines là người Nhật không có thuyền đi đại dương, để họ không đe dọa Philippines (Blair E. H. & Robertson J. A. 1904, tr. 251). Vì thế kế hoạch này không thể thực hiện được.

Như nhận xét của W. Adams đã dẫn bên trên, cho đến cuối thế kỷ XVI người Nhật chưa thể đóng được thuyền vượt đại dương. Do đó sự xuất hiện của các thủy thủ thuyền De Liefde trên đất Nhật là cơ hội vô cùng quý báu cho Ieyasu để thực hiện tham vọng của mình về phát triển ngành đóng thuyền. Ông cũng không quên việc nâng cao trình độ kỹ thuật trong khai thác các mỏ bạc, và hy vọng rằng đội ngũ nhân viên thuyền De Liefde có thể có nhiều kỹ năng cần thiết (Rogers H. T. 2016, tr. 52). Tuy nhiên chỉ có kiến thức về hàng hải và kỹ thuật đóng thuyền của W. Adams đáp ứng được mong đợi của Ieyasu: năm 1604, Mạc phủ ra lệnh cho Adams và các đồng đội còn sống sót của ông giúp viên Tư lệnh Hải quân Mukai Shogen ở Uraga đóng chiếc thuyền đầu tiên theo kiểu phương Tây tải trọng 80 tấn, dùng để nghiên cứu bờ biển Nhật Bản. Năm 1605, ông cho đóng thêm một chiếc nữa, tải trọng 120 tấn, gần bằng chiếc De Liefde đã đưa W. Adams và đồng đội vượt đại dương đến Nhật. Trong bức thư mở gửi bạn bè và đồng hương viết từ Nhật đề ngày 22 tháng 10 năm 1611, W. Adams nói rằng Tướng quân Tokugawa Ieyasu đi thuyền đến xem chiếc thuyền mới và tỏ vẻ rất hài lòng (Murakami N. & Murakawa K. 1900, tr. 11).

Tranh vẽ cảnh W. Adams đóng chiếc thuyền đầu tiên (Rogers H. T. 2016) Mô hình chiếc thuyền thứ hai của W. Adams (Rogers H. T. 2016)

Qua việc tham gia đóng thuyền cùng với W. Adams, các thợ đến từ Ito, Edo và Uraga đã học được kỹ thuật đóng thuyền phương Tây, và đã truyền kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì thế mà khi chính sách tỏa quốc bị hủy bỏ vào nửa cuối thế kỷ XIX thì ngành đóng tàu thuyền của Nhật cũng phát triển ngay lập tức (Arima S. 1964, tr. 354).

2.7. Tìm cách học phương pháp khai thác mỏ của người Tây Ban Nha

Từ năm 1571, khi Tây Ban Nha đặt chân lên Philippines thì việc mậu dịch quốc tế có sự thay đổi quan trọng, với sự xuất hiện một lượng lớn bạc được dùng làm phương tiện thanh toán. Thế mà vào thời ấy, ở Nhật việc thanh toán trong các giao dịch nội địa, kể cả nộp thuế, có thể được tiến hành bằng cả lúa gạo. Chính vì thế mà nhiếp chính Toyotomi Hideyoshi 豊臣秀吉 (trị vì từ 1585–1598) và sau đó là tướng quân Tokugawa Ieyasu 德川家康 (từ 1603–1616) đã tích cực thúc đẩy việc khai thác mỏ vàng và bạc (Schottenhammer A. 2019, tr. 30). Thế nhưng thời ấy Nhật vẫn còn sử dụng phương pháp haifuki(4) 灰吹銀 (khôi xúy pháp) trong việc khai thác mỏ bạc, là phương pháp thô sơ và kém hiệu quả, trong khi đó người Tây Ban Nha ở Mexico và Peru từ năm 1571 đã sử dụng phương pháp hỗn hợp với thủy ngân, chì và một số chất khác, cho ra năng suất cao hơn hẳn (Kobata A. 1965, tr. 246). Vì thế đối với Ieyasu, việc áp dụng kỹ thuật này vào việc khai thác mỏ bạc có ý nghĩa đặc biệt về mặt kinh tế lẫn chính trị trong việc ổn định đất nước mới vừa thống nhất. Thế nhưng kế hoạch mời gọi người Tây Ban Nha ở Manila vào năm 1598 đã thất bại như đã nói bên trên. Sau đó, cơ hội mới xuất hiện: Ieyasu muốn nhờ tay những người còn sống sót trên thuyền De Liefde để giúp họ áp dụng kỹ thuật mới trong khai thác mỏ (Massarella D. 1990, tr. 79), nhưng họ chỉ có thể giúp ông trong việc đóng thuyền mà thôi.

Cơ hội kế đến là chuyến “viếng thăm không có trong kế hoạch” vào năm 1609 của Rodrigo de Vivero, như cách gọi của M. Cooper: tháng 9 năm 1609 trên đường trở về Mexico sau khi mãn hạn làm toàn quyền Philippines, thuyền San Francisco của ông bị chìm ngoài khơi cảng Iwawada của Nhật Bản. Thế là tướng quân Ieyasu nắm bắt cơ hội để thương lượng với Tây Ban Nha về trao đổi mậu dịch, trong đó có yêu cầu cử sang Nhật 50 thợ khai thác mỏ. Ngay cả khi phía Tây Ban Nha đưa ra điều kiện được tự do truyền đạo, thậm chí rất khắt khe như phải trích 75% sản lượng mỏ khai thác được cho phía Tây Ban Nha, nhưng phía Nhật vẫn “chấp nhận tất cả, trừ điều khoản liên quan đến người Hà Lan” (Vivero y Velasco R. de, 1830, tr. 24), tức là điều khoản yêu cầu Nhật phải trục xuất người Hà Lan khỏi đất nước Nhật Bản. Các dự thảo đã được gửi đến Hội đồng hoàng gia Tây Ban Nha, nhưng chưa kịp được phê chuẩn thì xảy ra vụ trục xuất tín đồ đạo Thiên Chúa năm 1614, khiến kế hoạch hợp tác với người Tây Ban Nha bị dừng lại. Trong bản tường trình của mình, Vivero y Velasco đã vô cùng tiếc nuối “phải chi Hội đồng hoàng gia tích cực hơn thì đã không xảy ra vụ trục xuất ấy”, khiến họ chẳng những không còn hy vọng truyền đạo, mà còn mất cơ hội giao thương với một đất nước mang lại rất nhiều lợi lộc, hơn cả châu Âu và châu Mỹ (Vivero y Velasco R. de, 1830, tr. 25-28).

  1. Kết luận

Như đã trình bày ở trên, ngay từ những thập niên đầu tiếp xúc với người châu Âu, người Nhật đã dũng cảm nhận ra sự thua kém của đất nước mình trên nhiều phương diện, nhất là phương diện kỹ thuật. Vì thế họ đã không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để tiếp cận nền khoa học và kỹ thuật phương Tây, thậm chí có cả việc một số lãnh chúa và nho sĩ chấp nhận theo đạo Thiên Chúa để có cơ hội tiếp xúc với tri thức mới do các nhà truyền giáo nắm giữ. Chính tinh thần ham hiểu biết đó đã giúp người Nhật nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa họ với các nước phương Tây, mặc dù từ năm 1639 Mạc phủ đã áp dụng chính sách tỏa quốc hơn hai thế kỷ, khiến họ chỉ còn tiếp xúc được vài nước mà thôi. Đó chính là nền tảng vững chắc giúp phong trào canh tân dưới thời Minh Trị làm nên những bước đột phá thần kỳ của Nhật Bản thời hiện đại.


(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 3 năm 2024)

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

Arima S. 1964. The Western Influence on Japanese Military Science, Shipbuilding, and Navigation. Tạp chí Monumenta Nipponica, Vol. 19, No. 3-4.

Bernard H. 1937. Le Père Matthieu Ricci et la Société Chinoise de son temps (1552-1610), Tome 2. Tientsin: Hautes Etudes.

Blair E. H. & Robertson J. A. 1904. The Philippine Islands 1493-1898, Vol. 15. Cleveland (Ohio): The Arthur H. Clark Company.

Boxer C. R. 1929. The Affair of the “Madre de Deus”. London: Kegan Paul, Trench, Trubner & Co. Ltd.

Boxer C. R. 1931. Notes on Early European Military Influence in Japan. Trong Boxer C. R.: Dutch Merchants and Mariners in Asia 1602-1795.

Boxer C. R. 1967. The Christian Century in Japan 1549-1650. Berkeley & Los Angeles: University of California Press.

Boxer C. R. 1979. Some aspects of Portuguese influence in Japan, 1542-1640. Trong Papers on Portuguese, Dutch and Jesuit Influences in 16th and 17th-Century Japan. Washington D.C.: University Publications of America, Inc.

Cook J. H. 2007. Matters of exchange. New Haven & London: Yale University Press.

Crasset J. 1689. Histoire de l’Eglise du Japon, Tome 2. Paris: Chez Estienne Michallet.

Cullen C. & Hiraoka R. 2019. The Geneva Sphere: An Astronomical Model from Seventeenth-Century Japan. Tạp chí Technology and Culture, Vol. 60, No. 1 (January 2019).

Danford R. K., Gill R. D., and Reff D. T., 2014. The First European Description of Japan, 1585: A Critical English-Language Edition of Striking Contrasts in the Customs of Europe and Japan by Luis Frois, S.J. London and New York: Routledge.

Hashimoto T. 2011. The Adoption and Adaptation of Mechanical Clocks in Japan. Trong F. Günergun & D. Raina 2011, Science between Europe and Asia. Dordrecht, Heidelberg, London, New York: Springer Science+Business Media B.V.

Hiraoka R. 2005. Jesuit Cosmological Textbook in ‘the Christian century’ Japan: De sphaera of Pedro Gomez (Part I). Tạp chí Sources and Commentaries in Exact Sciences (SCIAMVS), số 6.

Hiraoka R. 2008. The Transmission of Western Cosmology to 16th Century Japan. Trong Saraiva L. & Jami C. 2008: The Jesuits, the Padroado and East Asian Science (1552–1773). New Jersey, London: World Scientific.

Hiraoka R. 2020. Jesuits and Western Clock in Japan’s “Christian Century” (1549–c.1650). Tạp chí Journal of Jesuit Studies, 7(2).

Hiraoka R. 2022. Deciphering Aristotle with Chinese Medical Cosmology: Nanban Unkiron and the Reception of Jesuit Cosmology in Early Modern Japan. Trong Mak B. M. & Huntington E. 2022. Overlapping Cosmologies in Asia. Leiden & Boston: Brill.

Kikuchi K. 1915. The Introduction of Western Learning into Japan. Tạp chí The Rice Institute Pamphlet, Vol. 2, October 1915. Houston (Texas): The Rice Institute.

Koch A. 2020. Diplomatic Devices: The Social Lives of Foreign Timepieces in Late Sixteenth- and Early Seventeenth-Century Japan. Tạp chí KronoScope Vol. 20 Issue 1.

Kornicki P. 2007. The Book beyond the West: Japan, Korea, and Vietnam.  Eliot S. & Rose J. 2007 (eds.): A Companion to the History of the Book. Massachusetts, Oxford: Blackwell Publishing Ltd.

Leitão, H. 2001. Galileo’s Telescopic Observations in Portugal. Trong José Montesinos & Carlos Solís Santos (Eds.): Largo Campo di Filosofare. Eurosymposium Galileo. Tenerife: Fundación Canaria Orotava de Historia de la Ciencia.

Loureiro L. M. 2004. Jesuit textual strategies in Japan between 1549 and 1582. Tạp chí Bulletin of Portuguese – Japanese Studies, No 8 (june 2004).

Massarella D. 1990. A world elsewhere: Europe’s encounter with Japan in the sixteenth and Seventeenth centuries. New Haven & London: Yale University.

Murakami N. & Murakawa K. 1900. Letters Written by the English Residents in Japan. Tokyo: The Sankosha.

Nakamura H. 1939. Les Cartes du Japon qui servaient de modèle aux cartographes européens au début des relations de l’Occident avec le Japon. Tạp chí Monumenta Nipponica, Vol. 2, No. 1.

Nakayama S. 1969. A history of Japanese astronomy – Chinese background and Western impact. Cambridge, MA: Harvard University Press.

Rogers H. T. 2016. Anjin – The Life and Times of Samurai William Adams, 1564–1620 as seen through Japanese Eyes. Folkestone: Rennaisance Books.

Rundall T. (ed.) 1850. Memorial of the Empire of Japan in the XVI and XVII Centuries. New York: Burt Franklin, Publisher.

Sasaki K. 2022. Section Four: Japan. Trong Turner A., Nye J. & Betts J. eds., A General History of Horology. Oxford: Oxford University Press.

Schottenhammer A. 2019. Major “International” Currencies of China and Japan: The Use of Copper Coins, Silver Ingots and Paper Money. Trong S. Serels, G. Campbell (eds.), Currencies of the Indian Ocean World. Switzerland: Springer Nature Switzerland AG.

Shapinsky P. D. 2006. Polyvocal Portolans: Nautical Charts and Hybrid Maritime Cultures In Early Modern East Asia. Tạp chí Early Modern Japan, Vol. 14 (January 2006).

Suzuki K. 2017. Uraga Port between Manila and Acapulco. Trong Proceedings of the 3rd Asia-Pacific Regional Conference on Underwater Cultural Heritage, hội thảo tổ chức tại Hong Kong từ ngày 27/11/2017 đến ngày 2/12/2017.

Vivero y Velasco R. de, 1830. Relation inédite d’un Voyage au Japon par Don Rodrigo de Vivero y Velasco. Tạp chí Revue des deux Mondes, Tome 2 Avril 1830.

Yajima S. 1964. The European Influence on Physical Sciences in Japan. Tạp chí Monumenta Nipponica, Vol. 19, No. 3/4 (1964).

Yamaguchi M., 2002. Karakuri: The Ludic Relationship between Man and Machine in Tokugawa Japan. Trong J. Hendry & M. Raveri (ed.). Japan at Play The ludic and the logic of power. London and New York: Routledge.

Yoshida T. 2004. A Japanese Reaction to Aristotelian Cosmology. Trong Luis Saraiva (ed.): History of Mathematical Sciences: Portugal and East Asia II. New Jersey, London, Singapore: World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd.

Yoshihiro Y. 2016. Introduction of European Art of Navigation into Japan, sixteenth to eighteenth century. Báo cáo tại Hội nghị Seventh IMEHA International Congress of Maritime History tổ chức tại Đại học Murdoch (Perth, Australia) ngày 27 tháng 6 năm 2016.

Chú thích:

(1) Tên đầy đủ của Phó vương thứ 9 của Mexico là Luis de Velasco 1st Marquess of Salinas del Río Pisuerga, nhưng nhiều tài liệu chỉ ghi là Luis de Velasco, khiến người đọc dễ nhầm với cha ông là Luis de Velasco y Ruiz de Alarcón (1511-1564), cũng thường được viết ngắn gọn là Luis de Velasco, phó vương thứ hai của Mexico.

(2) Năm 2013 các chuyên gia châu Âu đã thực hiện giám định bằng tia X và đã phát hiện ra rằng thật ra đồng hồ này được một người thợ Hà Lan khác, tên là Nicolas van Troestenberch, làm ở Bỉ năm 1573 (Koch A. 2020, tr. 86).

(3) Một số tài liệu nói Matías de Landecho là hoa tiêu trưởng của chiếc San Felipe, và tuyên bố rằng chiến thuật của người Tây Ban Nha là nhà truyền giáo đi trước và quân đội đến sau (Crasset J. 1689, tr. 24) như đã từng làm ở châu Mỹ và Philippines. Một số tài liệu khác cho là vụ này liên quan đến một hoa tiêu khác, tên là Francisco de Olandia.

(4) Một số tài liệu viết là haibuki.

Bình luận về bài viết này