Tác giả Orlando Figes
Trần Quang Nghĩa dịch
PHẦN III
NƯỚC NGA TRONG CÁCH MẠNG (THÁNG HAI 1917-THÁNG BA 1918)
Chương 8
Tháng Hai Quang Vinh
i Quyền Lực của Đường Phố
Mọi chuyện bắt đầu bằng bánh mì. Suốt vài tuần qua các lò bánh mì ở Petrograd đã hết hàng, nhất là trong các khu công nhân, và những hàng dài đợi mua bánh mì bắt đầu xuất hiện. Vấn đề không phải là thiếu hụt đồ tiếp tế. Theo Balk, thống đốc thành phố, có đủ bột mì trong kho để nuôi ăn dân chúng ít nhất trong một tuần khi những gì khởi đầu chỉ là một loạt những vụ bạo loạn bánh mì đã biến thành một cuộc cách mạng. Đúng là cửa hàng không đầy đủ. Đây là thời gian cuối của mùa đông thứ ba trong cuộc chiến và cuộc sống nói chung là khắc khổ. Bánh nho, bánh nhân thịt, bánh ngọt và bánh bít quy không còn được nướng bán. ‘Cửa hàng không còn trưng bày nhiều mặt hàng,’ một người Anh viết thư về nhà vào ngày 13/2 . ‘Nhà hàng không còn làm những ổ bánh cỡ lớn nữa, vì khan hiếm đường.’ Hơn nữa, mùa đông năm nay là mùa đông lạnh nhất mà nước Nga từng trải qua trong vài năm trở lại đây. Ở Petrograd nhiệt độ trung bình tháng hai là âm 15 độ. ‘Ở đây lạnh như ở Lapland,’ Gorky viết cho Ekaterina vào ngày 4. Sương giá và bão tuyết vùng cực đã làm các tuyến đường sắt gần như tê liệt. Hãng xưởng đóng cửa. Hàng ngàn công nhân mất việc đi long nhong trên phố.’
Chính điều này biến vấn đề tiếp tế thành ra cơn khủng hoảng. Vì hệ thống vận tải ngưng trệ, Petrograd lâm vào cảnh cung cấp gián đoạn nhiên liệu và bột mì. Thiếu một trong hai các tiệm bánh buộc lòng phải đóng cửa. Các bà có khi xếp hàng cả đêm đợi mua chỉ được một ổ bánh mì, để đến sáng sớm mới được cho hay là hôm đó tiệm không bán. Sự gián đoạn liên tục trong việc cung cấp bánh mì tất nhiên làm sinh sôi những tin đồn trong các hàng dài người đứng đợi. Người ta kháu nhau ‘các tên đầu cơ và bọn tư bản’- trong không khí thời chiến bài ngoại điều này thường đồng nghĩa với người Đức và Do Thái – đang cố tình đẩy giá lên bằng cách tích trữ hàng. Nhiều người đổ tội cho nhà nước (không phải trên đó chứa đầy bọn Đức sao?) Thậm chí các nhà cấp tiến có học vấn cũng có khuynh hướng nhìn sự thiếu hụt là việc làm xấu ác của một chính quyền phản quốc. Vào ngày 19/2 các giới chức thẩm quyền Petrograd thông báo rằng việc phân phối khẩu phần sẽ bắt đầu từ 1 tháng 3. Tin đồn lan nhanh là sẽ không có bánh mì dự trữ gì hết và những người thất nghiệp sẽ bị bỏ chết đói. Trong cơn hoảng loạn mua sắm xảy ra sau đó các kệ hàng đều bị vét sạch, ẩu đã bùng phát, và một vài tiệm bánh bị đập nát cửa sổ.
Vào thứ năm, 23/2, nhiệt độ ở Petrograd tăng đến âm 5 độ như trong mùa xuân. Thiên hạ ló mặt ra từ các tổ trú đông để thưởng thức nắng ấm và tụ họp săn lùng thực phẩm. Phố Nevsky Prospekt chen cứng người mua hàng. Thời tiết ôn hòa tiếp tục đến 3/3 – là thời điểm chế độ sa hoàng sẽ sụp đổ. Đây không phải là lần đầu tiên mà thời tiết đóng một vai trò quyết định trong lịch sử.
Ngày 23/2 là Ngày Quốc Tế Phụ Nữ, một ngày quan trọng trong lịch xã hội chủ nghĩa, và đến trưa từng đoàn phụ nữ đông đảo bắt đầu tuần hành về phía trung tâm thành phố để phản kháng đòi quyền bình đẳng. Balk mô tả đám đông gồm ‘các bà mệnh phụ, đông hơn là các phụ nữ nông dân, nữ sinh viên và, so với các cuộc biểu tình trước đây, không có nhiều nữ công nhân. Các tấm ảnh cho thấy tâm trạng họ rất hồ hởi khi tuần hành trên phố Nevsky Prospekt.
Nhưng đến chiều thì tâm trạng họ bắt đầu biến chuyển. Các công nhân nữ hãng dệt từ quận Vyborg đã bước ra ngoài nhà máy đình công sáng hôm đó để phản kháng vì tình trạng thiếu hụt bánh mì. Được cánh đàn ông từ các nhà máy kim loại lân cận tiếp sức, họ đi tuần hành về trung tâm thành phố, lôi kéo thêm công nhân từ các hãng xưởng khác trên đường, và trong một số trường hợp lôi kéo cưỡng bách, với những tiếng hò hét ‘Bánh mì!’ và ‘Đả đảo Sa Hoàng!’ Đến chiều tối có đến 100,000 công nhân đã tham gia đình công. Đụng độ với cảnh sát xảy ra khi công nhân cố gắng vượt qua cây cầu Liteiny nối phía Vyborg với trung tâm thành phố. Phần đông công nhân, đã bị đẩy lui, bèn phân tán và đi về nhà, một số ra tay cướp bóc các cửa tiệm trên đường đi. Nhưng còn vài ngàn người băng qua tuyết giá và tiến về phố Nevsky Prospekt, nơi đó họ nhập bọn với đám phụ nữ cùng hô vang ‘Bánh mì!’ Đám đông to nhất đang ở quanh thành phố Duma. Lực lượng Cô-giắc của Balk không thể giải tán họ và thậm chí tỏ vẻ không muốn can thiệp: họ cởi ngựa tiến về phía các phụ nữ, rồi bỗng khựng lại và rút lui. Sau này mới biết hóa ra hầu hết đám Cô-giắc này thuộc lực lượng dự bị không có kinh nghiệm giải quyết biểu tình, và ngựa chưa quen với đường phố. Có người nhận thấy họ không trang bị roi da như thường lệ. Điều này sẽ là một lỗi lầm chết người của giới chức có thẩm quyền. Bởi thấy các lính Cô-giắc tỏ ra e dè các công nhân sẽ thêm táo bạo trong những ngày sắp tới.
Sáng hôm sau mặt trời rực rỡ. Các công nhân tổ chức mít tinh khắp thành phố và, được các nhà kích động xã hội thúc giục, họ quyết tâm tuần hành lần nữa đến trung tâm. Nhiều người trang bị dao, mỏ lết, búa và gậy sắt, một phần để đánh giải vây với đám Cô-giắc và cảnh sát đã được chở đến trong đêm án ngữ đường họ, và một phần để cạy phá và cướp bóc những cửa hàng thực phẩm đầy hàng ở khu buôn bán sầm uất. Họ trông chẳng khác một đoàn quân viễn chính gồm các công nhân đói khát lên đường ra trận. ‘Các đồng chí,’ một kích động viên thúc giục, ‘nếu chúng ta không tìm được một ổ bánh mì theo cách công chính, thì chúng ta sẽ làm mọi thứ: chúng ta sẽ tiến lên và giải quyết việc của mình bằng bạo lực. . . Các đồng chí, hay tự trang bị bằng mọi thứ có thể – đinh ốc, bù loong, gạch đá, và bước ra khỏi nhà máy và bắt đầu đập phá những tiệm đầu tiên chúng ta bắt gặp.’
Đến giữa sáng thì có khoảng 150,000 công nhân đã xuống đường. Họ tiến về phía cây cầu nối khu công nghiệp ngoại ô với trung tâm hành chính thành phố. Một số họ đập vỡ cửa sổ, cướp bóc cửa hiệu và lật ngã các xe điện và xe ngựa. Tại Cầu Liteiny một đám đông 40,000 công nhân Vyborg tràn ngập một phân đội Cô-giắc nhỏ bé, rõ ràng chưa chuẩn bị cho tình thế. ‘Nhưng có ai nói với tôi là cách mạng tới rồi đâu!’, ai đó nghe một cảnh sát kêu lên khi y nhìn thấy một quân đoàn khổng lồ các công nhân đang tiến đến. Trên cầu Troisky các công nhân xông qua hàng rào cảnh sát trên lưng ngựa bằng cách ném đá và băng. Các đám đông cũng hội tụ về phố Nevsky Prospekt. Kỵ binh Cô-giắc không thể giải tán họ: chúng với ngựa băng ngang đường và phóng lên vỉa hè, ép các người biểu tình chạy tứ tán; nhưng khi họ dừng ngựa đám người lại tụ họp và tiến đến binh lính, đưa cho họ bánh mì và gọi đến lấy. Lúc này đám người đã phình to ra với số sinh viên, người bán hàng, thư ký ngân hàng, xà ích, phu nhân và quí ông, những cảm tình viên hoặc chỉ là khán giả. Balk mô tả đám đông trên phố Nevsky Prospekt là ‘những người dân bình thường’. Tâm trạng mọi người như đi lễ hội đường phố, chắc hẳn một phần vì thời tiết đẹp. Một nhân chứng so sánh nó với ‘một gánh xiếc khổng lồ’. Một đám người tập trung trên Quảng trường Znamenskaya. Pho tượng Alexander III cởi ngựa, một tượng đài đáng sợ thể hiện quyền lực của chuyên chính, bị các nhà hùng biện cách mạng chinh phục. Có ít người trong đám đông có thể nghe được họ đang nói gì, nhưng việc đó không quan trọng. Nhân dân hiểu được điều gì họ muốn nghe, và nội việc chiêm ngưỡng hành động phát biểu tự do đầy quả cảm này – được thực hiện ngay trên chóp của tượng đài và ngay trước mặt cảnh sát – cũng đủ để khẳng định trong đầu óc họ là cách mạng đang xảy ra. Tối đó sau khi đám đông đã cuối cùng giải tán, cảnh sát tìm thấy một chữ to tướng được khắc dưới chân tượng đài ‘HÀ MÃ’, biệt danh quen thuộc của bức tượng.
Bạo gan vì không thấy các biện pháp trấn áp tàn độc, ngày hôm sau, thứ bảy 25/2, những đám đông còn lớn hơn nữa xuống đường, thực sự có thể xem là một cuộc tổng đình công. Tất cả nhà máy lớn trong thành phố đều ngừng hoạt động, khi khoảng 200,000 công nhân tham gia biểu tình.Báo chí không phát hành. Xe điện và xe ngựa rất khó tìm. Nhiều nhà hàng và cửa hiệu đóng cửa. Tất cả mọi hạng người đều tham gia cùng với hàng ngũ công nhân hướng về trung tâm thành phố. Balk cho rằng phong trào ‘mang bộ mặt của một cuộc khởi nghĩa’. So với hai ngày trước cuộc biểu tình hôm nay mang hương vị chính trị hơn. Cờ đỏ và băng rôn bắt đầu xuất hiện, và các khẩu hiệu được hô vang, cũng ‘Bánh mì’ nhưng không nhiều bằng ‘Đả đảo Sa Hoàng!’ và ‘Đả đảo Chiến tranh!’, giờ mới là yêu sách chính của họ.
Một lần nữa lại đụng độ với cảnh sát khi đoàn biểu tình cố vượt qua cầu nối ngoại ô và trung tâm thành phố. Tại Cầu Liteiny cảnh sát trưởng Shalfeev đi một bước tuyệt vọng cuối cùng nhằm chặn lại đám đông bằng cách đâm đầu xung phong vào đám người biểu tình. Những người tuần hành giạt sang hai bên cho y qua rồi khép chặt hàng ngũ lại để bao vây Shalfeev. Y cố thoát thân bằng cách vung roi bốn phía. Nhưng người biểu tình xông vào lôi y té xuống ngựa. Một công nhân đập y bằng một khúc gỗ, trong khi một người khác, giật súng lục của y và bắn y một phát vào tim. Không có linh Cô-giắc nào đang bảo vệ cầu dám can thiệp.
Chiến thuật này càng lúc càng trở thành kiểu mẫu – đụng độ dữ dội với cảnh sát kết hợp lấy lòng binh sĩ – khi đám đông chiếm được trung tâm thành phố. Cảnh sát là ‘người của bọn chúng’ – những tên đặc vụ bị thù ghét của chế độ chắc chắn sẽ chiến đấu với họ đến cùng. * Binh sĩ, ngược lại, được coi là ‘phe ta’ – những nông dân và công nhân mặc quân phục – và dân chúng hi vọng, nếu họ được lệnh sử dụng vũ lực đàn áp nhân dân họ chắc hẳn sẽ về phe nhân dân. Một khi điều này là rõ ràng – dựa vào sự ngập ngừng khi binh sĩ giải tán người biểu tình, vào nét biểu cảm trên gương mặt binh sĩ, và vào cái nháy mắt khó hiểu của một người lính với đám đông – thế chủ động sẽ chuyển về phía nhân dân. Đó là khoảnh khắc tâm lý quyết định trong cuộc cách mạng.
* Có tin đồn là Protopopov đã hứa treo thưởng cho mỗi cảnh sát viên 500 rúp với mỗi người biểu tình bị thương.
Trận đánh mang tính biểu tượng đầu tiên của cuộc chiến này nổ ra trên phố Nevsky Prospekt – và kẻ chiến thắng quyết định là nhân dân – vào chiều ngày 25. Một phần đám đông bị một phân đội Cô-giắc chận lại trên đường đi gần Thánh đường Kazan. Nó không xa địa điểm mà 12 năm trước, vào ngày Chủ nhật Đẫm máu 1905, bọn Kỵ Vệ binh đã đàn áp cũng một đoàn người tương tự. Từ hàng ngũ đoàn biểu tình một bé gái xuất hiện, bước chầm chậm về phía bọn Cô-giắc. Mọi người đưa mắt hồi hộp nhìn em trong im lặng: có chắc bọn Cô-giắc không bắn em chứ? Từ dưới tấm khăn choàng cô bé lấy ra một bó hoa hồng đỏ và chìa ra về hướng người sĩ quan. Một khoảng lặng. Bó hoa tượng trưng cho hoà bình lẫn cách mạng. Và rồi, cúi xuống từ lưng ngựa , viên sĩ quan mỉm cười và nhận lấy bó hoa. Thở phào nhẹ nhõm và hân hoan, đoàn người vỡ òa thành tiếng ‘Hoan hô!’ như sấm dậy. Từ lúc này trở đi dân chúng bắt đầu nói về ‘các đồng chí Cô-giắc’, một cụm từ lần đầu nghe hơi lạ tai.
Các sĩ quan càng ngày càng thấy khó khi bắt binh lính mình nghe lệnh. Đại tá Khodnev, một chỉ huy Trung đoàn Dự bị Phần Lan, chua xót phàn nàn về bọn Cô-giắc. Chúng ‘thật hết sức vô kỷ luật và do dự’ và ‘chúng đặc biệt không hành động gì khi đi tuần tra một mình hay với trung đội dưới sự chỉ huy của một trung sĩ hay thiếu úy trẻ. Hơn một lần tôi nghe họ nói: ‘Giờ không phải là 1905. Chúng ta sẽ không mang theo roi. Chúng ta sẽ không hành quân chống lại người của mình, chống lại nhân dân.’ Đúng là vẫn còn một số binh sĩ sẵn sàng – thường do tự ý mình hoặc theo lệnh sĩ quan trẻ vì sợ hãi hoặc bị khiêu khích – dùng đến các biện pháp bạo lực chống lại đám đông. Một trung đội kỵ binh khai hỏa gần một dãy tiệm trên Gostiny Dvor, giết ba và làm bị thương mười người, trong khi gần thành phố Duma chín người biểu tình bị bắn chết. Nhưng một tỉ lệ lớn dần các các binh sĩ hoặc từ chối tuân lệnh khai hỏa, hoặc cố tình bắn phía trên đầu đoàn người trên đường phố. Một số thậm chí tham gia cùng với đoàn biểu tình chống cảnh sát. Trong một tình huống xảy ra trên Quảng trường Znamenskaya lính Cô-giắc can thiệp để giải cứu đám đông khi cảnh sát cởi ngựa, bực tức khi cố sức tịch thu một lá cờ đỏ mà không được, liền xông thẳng tới đám đông đầy vẻ đe doạ. Lính Cô-giắc, kiếm tuốt ra, cởi ngựa xông vào đám người và bắt đầu tấn công đám cảnh sát, khiến chúng phải quay đầu bỏ chạy trước trận mưa đá người biểu tình ném theo. Trong lúc này tên cảnh sát trưởng còn nằm chết trên mặt đường, thi thể mang đầy vết kiếm chém của bọn Cô-giắc và những phát súng lục.
* * *
Thậm chí lúc này, vào chiều tối ngày 25, chính quyền còn có thể làm chủ tình hình, dù cho khí thế của đám đông đang lớn mạnh. Điều quan trọng, như Hội đồng các Bộ trưởng cảm nhận được trong buổi họp nửa đêm, là nên kềm chế tránh xung đột công khai với dân chúng, vì chẳng khác nào đổ dầu vào lửa và có nguy cơ làm binh sĩ đồn trú nổi dậy. Vẫn còn có lý do để cho rằng – hoặc ít ra để hành động trên giả định rằng – cơn thịnh nộ của đoàn biểu tình chủ yếu tập trung vào sự thiếu hụt bánh mì và một khi vấn đề này được giải quyết họ sẽ ngừng phản kháng vì quá mệt mỏi và trở lại làm việc. Trong vài năm qua đã từng xảy ra nhiều vụ nổi loạn do bánh mì, mặc dù lần này nghiêm trọng hơn, nhưng không có lý do nó sẽ kết thúc khác lần trước. Đây chắc chắn là giả định của các nhà lãnh đạo phe xã hội ở thủ đô, Nikolai Sukhanov, có lẽ là người viết hồi ký nổi tiếng nhất của cách mạng, nghĩ rằng đến giờ này chỉ là ‘rối loạn’ – vẫn chưa đến cách mạng.’ Shliapnikov, người Bôn-se-vich hàng đầu ở thủ đô, chế giễu ý kiến cho rằng đây là khởi đầu của cách mạng. ‘Cách mạng là sao?’ ông hỏi trong một buổi họp đảng vào ngày 25. ‘Phát cho mỗi công nhân một cân bánh mì là họ sẽ tịt ngòi ngày.’
Nhưng dù có bất kỳ cơ may nào để vãn hồi trật tự vào tối hôm đó thì Sa Hoàng đã phá hỏng. Đã được thông báo tình hình khi đang ở bộ chỉ huy tại Mogilev, ông gởi điện cho Tướng Khabalov, Trưởng Quân khu Petrograd, ra lệnh sử dụng lực lượng quân sự ‘dập tắt những vụ rối loạn ngay ngày mai’. Không thể có minh họa nào tốt hơn về mức độ xa rời thực tại của Sa Hoàng. Cũng không thể có một đảm bảo nào tốt hơn cho một cuộc cách mạng. Công bình mà nói, Nicholas đã bị cố vấn sai lạc. Ông đã rời thủ đô đi Mogilev vào ngày 22/2, sau khi được Protopopov trấn an là không có gì phải lo lắng. Từ lúc đó trở đi cảnh sát và Khabalov đã hạ thấp tính nghiêm trọng của tình hình trong các báo cáo gởi cho Nicholas: thật khó xử cho họ khi nói thẳng là mình không kiểm soát được tình hình. Do đó cũng không trách Sa Hoàng mù mờ về tình hình đang cân bằng một cách êm đẹp, hoặc rủi ro gặp phải nếu dùng vũ lực, khi ông phát ra mệnh lệnh chết người cho Khabalov. Việc của Sa Hoàng là nắm rõ tình hình, còn việc của cố vấn là cung cấp thông tin. Chỉ có Sa Hoàng có quyền ra lệnh tối hậu là sử dụng vũ lực chống dân chúng, và một khi lệnh đã phát ra thì không cố vấn nào có quyền thắc mắc. Nói cách khác, nếu chế độ sụp đổ chỉ vì liên lạc ngưng trệ, thì ta chỉ có thể nói như thế cũng đáng.
Vào sáng chủ nhật 26/2, trung tâm Petrograd đã biến thành một trại lính. Các rào chắn của quân đội và cảnh sát vũ trang đứng án ngữ tại các giao lộ chính và các nhà cao tầng chiến lược; các kỵ binh đi tuần tra qua các đường phố; các sĩ quan liên lạc bằng máy bộ đàm; súng máy được bố trí trên Quảng trường Palace, chỉa hướng về phía Nevsky Prospekt; và ở các phố bên cạnh xe cứu thương quân sự đang chực sẵn. Suốt buổi sáng tình hình thật yên tĩnh: hôm nay chủ nhật người ta hay ngủ nướng. Nhưng khoảng giữa trưa những đám đông khổng lồ các công nhân lại một lần nữa tụ họp ở ngoại ô và tuần hành về hướng trung tâm thành phố. Khi họ tập trung trên phố Nevsky Prospekt, cảnh sát và binh lính khai hỏa vào họ từ nhiều hướng khác nhau. Tại giao điểm Nevsky và Vladimir Prospekt Trung đoàn Semenovsky – từng dẹp tan cuộc nổi dậy Moscow hồi năm 1905 – bắn chết vài người biểu tình. Trên phố Nevsky, gần Gostiny Dvor, một phân đội huấn luyện của Trung đoàn Pavlovsky bắn một phát đạn không nạp chì rồi khai hỏa vào đám đông. Dân chúng chạy tán loạn núp sau các tòa nhà và trong các cửa hàng, rồi lại xuất hiện trở lại một lúc sau đó, ném đá và khối băng vào binh sĩ. Hàng chục người bị thương hoặc bị giết. Sự cố đẫm máu nhất xảy ra trên Quảng trường Znamenskaya, tại đó hơn 50 người bị bắn chết bởi một phân đội huấn luyện Volynsky. Đó là một hành động tàn bạo khủng khiếp. Một sĩ quan, khi thấy bình sĩ trẻ của mình chần chừ không dám bắn vào người biểu tình, liền giật lấy khẩu súng trường của một người lính và bắn điên cuồng vào đám đông. Trong số các thi thể, sau khi được dồn đống quanh tượng đài ‘Hà Mã’, có hai thi thể binh sĩ của trung đoàn đã theo về với nhân dân.
Vụ đổ máu này – ngày Chủ nhật Đẫm máu thứ hai – chứng tỏ một bước ngoặt quyết định. Từ lúc này trở đi những người biểu tình hiểu rằng họ đang dấn thân vào một cuộc tranh đấu sinh tử chống chế độ. Thật nghịch lý, khi giờ đây điều tồi tệ nhất đã xảy ra và một số đông chí của họ đã ngã xuống, thì họ lại ít sợ chết hơn. * Về phần binh lính, họ giờ phải đối mặt giữa hai lựa chọn: nghĩa vụ đạo lý đối với nhân dân và lời tuyên thệ trung thành với Sa Hoàng. Nếu họ theo nhân dân, cuộc cách mạng đại qui mô sẽ bùng phát. Nhưng nếu họ vẫn còn trung thành với Sa Hoàng, thì chế độ sẽ xoay sở sống sót được như vào năm 1905-6.
* Người ta cũng nói như vậy vào năm 1989 sau khi nhà cầm quyền Đông Đức bắn vào đám biểu tình ở Leipzig. Đám đông sợ khi bị đe dọa sẽ đổ máu nhưng gan dạ ngay khi nó xảy ra.
Sau vụ bắn giết trên phố Nevsky Prospekt một đám đông người biểu tình phẫn nộ tràn vào các doanh trại của Trung đoàn Pavlovsky gần Mars Field và hét lớn với binh sĩ là một số lính đang được huấn luyện của họ đã bắn nhân dân. Rõ ràng họ rúng động khi nghe tin này, Đại đội 4 của Pavlovsky quyết định đến Nevsky để can ngăn vụ tàn sát. ‘Họ đang bắn mẹ chúng ta và chị em chúng ta!’ Họ vừa tập họp nổi loạn vừa la lên. Khoảng 100 binh sĩ xông vào kho vũ khí của doanh trại và, lấy ra 30 khẩu, bắt đầu hành quân về hướng Nevsky. Gần như ngay lập tức họ đụng đầu với toán tuần tra cảnh sát cởi ngựa trên bờ kênh Griboyedov. Họ khai hỏa vào bọn chúng, giết chết một cảnh sát, cho đến khi hết sạch đạn. Họ liền quyết định chạy về doanh trại để lôi kéo hết người ra. Còn đám cảnh sát của Khabalov thì đang đợi họ ở đó và, khi trông thấy những binh sĩ nổi dậy đến, chúng liền tước vũ khí và nhốt binh sĩ vào doanh trại. 19 người cầm đầu bị bắt và giam vào Pháo đài Peter và Paul. Họ sẽ là những tù nhân cuối cùng – ít nhất dưới chế độ Sa Hoàng.
Nhưng đến lúc này thì đàn áp là quá muộn. Tất cả những nhà tù ở Nga không thể chứa hết những người cách mạng trên đường phố. Phân đội huấn luyện của Trung đoàn Volynsky dính líu vào vụ bắn người ở Quảng trường Znamenskaya đã, như các đồng chí của họ ở Pavlovsky, trở về doanh trại vào chiều tối nặng chĩu hoài nghi và ân hận về những gì họ đã làm. Một người lính tuyên bố là đã nhận ra mẹ mình trong số những người anh giết. Tất cả những tân binh thanh thiếu niên này xúc động dữ dội trước vụ tàn sát và chàng trung sĩ trẻ của họ, một nông dân kiểu người Oskin có tên Kirpichnikov, không khó khăn lắm để thuyết phục họ phản kháng. ‘Tôi bảo họ’, Kirpichnikov nhớ lại:
Là thà chết trong danh dự còn hơn tiếp tục tuân lệnh bắn vào dân chúng: ‘Cha mẹ ta, anh chị em ta chỉ ăn xin bánh mì’ tôi bảo họ. Chúng ta nở giết họ sao? Các cậu có thấy máu đổ trên mặt đường hôm nay không? Tôi nói chúng tôi không nên đứng vào hàng ngày mai. Tôi sẽ không đi theo lệnh.’ Và, tất cả đồng thanh la lên: ‘Chúng tôi ở lại với trung sĩ!’
Đã thề trung thành với Kirpichnikov, binh sĩ quyết tâm thách thức với sĩ quan chỉ huy của mình khi, một lần nữa, y ra lệnh họ ra quân chống biểu tình vào sáng hôm sau. Ở giai đoạn này binh sĩ không chủ định nổi dậy hoàn toàn, chỉ là phản kháng chưởi thề với các sĩ quan ra lệnh cho họ bắn vào đám đông, và không chịu tuân lệnh. Nhưng khi sĩ quan thấy mình đối mặt với binh sĩ dưới quyền đang nổi giận y liền phạm một sai lầm nghiêm trọng là bỏ đi – và rồi, thậm chí còn tệ hơn, bỏ chạy băng qua sân doanh trại. Cảm nhận được quyền lực của mình đối với y, binh sĩ chĩa mũi súng về phía y, và một người bóp cò bắn y vào lưng. Thế là bổng nhiên các quân nhân đã thành kẻ nổi loạn. Họ chạy tán loạn khắp doanh trại, trong cơn hoảng loạn lẫn nhiệt tình cách mạng, kêu gọi những đồng đội khác tham gia. Tương đối ít người trong doanh trại Volynsky nhập bọn nhưng ở các doanh trại lân cận của Trung đoàn Preobrazhenski, Trung đoàn Lithuania và Tiểu đoàn Công binh 6 thì nhiều hơn. Các trận đánh bùng phát giữa binh lính trung thành và nổi dậy. Quân khởi nghĩa chiến thắng tràn vào các kho vũ khí của trung đoàn, giết vài sĩ quan và tràn ra đường phố hàng nghìn người, tản ra tứ phía, một số ra trung tâm thành phố, một số chạy qua quận Vyborg để vực dậy Trung đoàn Moscow và liên kết với công nhân.
Trong tất cả những cuộc nổi dậy này người nắm vai trò quyết định là các sĩ quan trẻ, hầu hết xuất thân từ giai tầng thấp hơn hoặc có cảm tình với dân chủ. Fedor Linden (1881-1917), một trung sĩ trong Trung đoàn Phần Lan, là điển hình về phương diện này. Anh đóng một vai trò quyết định nhưng không được ca ngợi trong việc làm xoay chiều Cách Mạng Tháng Hai. Cao ráo, tóc nâu và đẹp trai, Linde là con một nhà hóa học Đức và một nông dân Ba Lan lớn lên trên một nông trại nhỏ gần St Petersburg trên Vịnh Phần Lan. Ở đó mẹ ông điều hành một quán trọ nhỏ rất được các nhà cách mạng thủ đô ưa chuộng khi họ muốn tránh sự dòm ngó của cảnh sát. Và nhờ giao du với các các khách trọ mà chàng thanh thiếu niên Linde, vốn bản chất là một người lý tưởng lãng mạn, lần đầu tiên làm quen với hoạt động cách mạng ngầm. Năm 1899 anh ghi tên theo học Khoa Toán Đại học St Petersburg, và ngay lập tức trở thành ánh sáng dẫn đường trong phong trào phản kháng của sinh viên. Trong cuộc Cách Mạng 1905 Linde hoạt động bên cạnh các đảng viên SD tại thủ đô, và tổ chức sinh viên vào các ‘quân đoàn học đường’ để tuyên truyền cho giai cấp lao động. Anh bị bắt và tống vào nhà tù Kresty, và rồi buộc phải sống lưu vong ở châu Âu, trước khi được phép trở về Nga nhờ lệnh ân xá 1913 để chào mừng lễ hội 300 năm.
Năm sau anh bị động viên vào Trung đoàn Phần Lan, tại đó nhờ tài chỉ huy gan dạ anh được đề bạt làm trung sĩ. Chính phẩm chất này đã khiến Linde nổi bật trong cuộc nổi dậy của những ngày tháng hai. Trong một lá thư gởi cho Nokia Sokolov của SR vào mùa xuân 1917, Linde nhớ lại bằng cách nào mình đã thuyết phục được 5,000 binh sĩ thuộc Trung đoàn Preobrazhenski, có doanh trại đóng gần Điện Tauride trong lúc anh lưu tại đó để tham gia cuộc nổi dậy:
Tôi không biết chuyện gì xảy ra với tôi. Tôi đang nằm trên chiếc giường trong doanh trại và đọc một quyển sách của Haldane. Tôi đọc quá say mê đến nỗi không nghe những tiếng gào thét vọng lại từ đường phố. Một viên đạn lạc bắn vỡ cửa kính gần chỗ tôi nằm. . . Bọn Cô-giắc đang bắn vào đám đông không vũ trang, quất người biểu tình bằng roi da, cởi ngựa dẫm đạp lên người bị ngã. Và rồi tôi nhìn thấy một bé gái cố tránh một con ngựa của tên sĩ quan Cô-giắc đang phi về phía em . Em chậm chạp quá. Một cú đánh như trời giáng xuống đầu em quật em ngã xuống chân ngựa. Em hét lên. Đó là một tiếng hét đâm nhói tim, không phải của con người, khiến cái gì đó trong tôi vỡ vụn. Tôi nhảy đến bàn và la lên điên cuồng: ‘Bạn! Bạn! Vạn tuế cách mạng! Vũ trang! Vũ trang! Chúng giết nhân dân vô tội, các anh chị em ơi!’ Sau đó họ nói có điều gì đó trong giọng nói của tôi khiến họ không sao cưỡng lại được lời kêu gọi của tôi. . . Họ đi theo tôi mà không biết đi đâu và nhân danh lý tưởng gì họ đi. . . Tất cả đều tiếp tay với tôi tấn công chống bọn Cô-giắc và cảnh sát. Chúng tôi giết một số bọn chúng. Tụi còn lại rút lui. Đến tối, trận đánh đã kết thúc. Cách mạng đã trở thành một thực tế. . . Và tôi, vâng, tôi trở về với quyển sách của Haldane đêm hôm đó.
* * *
Cuộc nổi dậy của quân đồn trú Petrograd biến những vụ rối loạn của bốn ngày trước đây thành một cuộc cách mạng trọn vẹn. Nhà cầm quyền sa hoàng thực sự mất hết quyền lực quân sự ở thủ đô. ‘Giờ với tôi thì đã rõ’, Balk sau đó viết về ngày 27, ‘là chúng tôi đã mất hết quyền hành.’ Quân đội tràn ngập trên đường phố mạng đến cho quần chúng cách mạng sức mạnh và tính tổ chức quân sự. Thay vì sự phản kháng vô mục đích và mơ hồ họ tập trung vào việc đánh chiếm các mục tiêu chiến lược và đấu tranh vũ trang chống chế độ. Binh sĩ và công nhân sát cánh nhau đánh chiếm Kho Vũ khí, nhờ đó họ vũ trang 40,000 súng trường và 30,000 súng lục, sau đó là đánh chiếm các nhà máy vũ khí lớn, tại đó ít nhất 100,000 súng rơi vào tay họ. Họ chiếm Cục Pháo binh, tổng đài điện thoại và một số ga tàu hỏa. Họ lôi kéo các doanh trại còn lại theo họ nổi dậy (bản thân Linde cầm đầu một đội lính thuộc Trung đoàn Preobrazhenski và Lithuania để kêu gọi Trung đoàn Phần Lan của mình). Nhờ những người lính và sĩ quan như Linde, các dấu hiệu đầu tiên của tính tổ chức thực sự – dựng hàng rào chắn có vũ trang trên cầu và giao lộ quan trọng, chướng ngại vật, điện thoại dã chiến và những cơ cấu chỉ huy – bắt đầu xuất hiện trên đường phố. Nhiều người lính được giao nhiệm vụ bắt giữ – và đôi khi đánh đập hoặc thậm chí giết chết – những sĩ quan chỉ huy của họ. Đây là cuộc cách mạng trong hàng ngũ quân đội.
Nhưng lực lượng nổi dậy giờ tập trung mối quan tâm của mình vào cuộc chiến đường phố đổ máu với đám cảnh sát. Có hàng trăm tên bắn tỉa cảnh sát ẩn nấp trên các sân thượng bằng phẳng của các nhà cao tầng, một số trang bị súng máy, bắn xuống đám đông bên dưới hoặc vào bất cứ ai lấp ló ở cửa sổ những ngôi nhà đối diện. Những tên cảnh sát bắn tỉa khác đã cố thủ trên các tháp chuông nhà thờ, hi vọng rằng dân chúng vì đức tin tôn giáo không dám bắn trả chúng. Bọn bắn tỉa cố tình sử dụng đạn không khói để dân chúng khó đoán đạn bắn ra từ đâu. Thình lình có tiếng súng nổ và đám đông chạy tìm chỗ nấp, để lại một số người chết và bị thương nằm trên đường. Công nhân và quân nhân ‘bắt đầu bắn như điên’ vào các tòa nhà mà họ nghe tiếng súng bắn ra’, Viktor Shklovsky nhớ lại, khi anh dẫn một nhóm chiến binh quần nhau với cảnh sát, nhưng việc này thường phản tác dụng. ‘Bụi bốc lên từ chỗ đạn chúng tôi bắn trúng tường vôi lại tưởng là đạn bắn trả,’ khiến chúng tôi lại bắn loạn xị cả lên. Nhiều người bị giết vì ‘đạn của phe mình’ bật nẩy từ vách nhà hoặc đống đổ nát đang rơi.
Thậm chí kém tác dụng hơn nữa là các ô tô lượn nhanh qua đường phố chất đầy các binh lính vẫy cờ đỏ và bắn loạn xạ vào không trung. Đó là những phương tiện mà đám đông xung công, không cần biết xe của ai. Nhóm Linde điều khiển một xe tải, trên đó họ treo một băng rôn mang dòng chữ: ‘Phi đội Cách Mạng Đầu tiên’. Ngay cả chiếc Rolls Royce của Đại Công tước Gabriel Kontantinovích cũng bị trưng dụng. Những ô tô nhỏ hơn tua tủa lưỡi lê nôm rất lạ mắt. Gorky so sánh chúng với những chú lợn rừng chạy rong. Phần lớn các vụ bắn nhau đều thực hiện từ nhóm ô tô này. Xe chạy vút trên đường, ngừng lại tấp vào các tòa nhà nghi có cảnh sát đang bắn tỉa, thế rồi bắt đầu khai hỏa về hướng mái nhà. Vì các tay bắn tỉa đã ẩn nấp kỹ khi nghe có tiếng xe chạy tới và bóp còi inh ỏi nên cách duy nhất hạ được chúng là leo lên tận mái và đánh trực diện với chúng. Nhiều tên bắn tỉa bị ném xuống mặt đường trước tiếng hoan hô của đám đông bên dưới. Rất nhiều ô tô bị đụng nát vì các tài xế chỉ mới lái lần đầu tiên và lại thường đang say rượu. Đường phố vang dội những tiếng xe đụng, đến chiều thì ứ nghẽn vì các ô tô hư bỏ lại bên lề đường.
Phần lớn bạo lực của quần chúng đánh thẳng vào các cơ sở cảnh sát. Những đám đông vũ trang tấn công các đồn cảnh sát, phóng hỏa các tòa nhà và phá hủy các hồ sơ cảnh sát. Các cơ sở tư pháp cũng là mục tiêu tương tự của đám đông. Họ phóng hỏa các tòa án và đứng nhìn hả hê.
Cuối cùng đám đông trút cơn thịnh nộ lên khám đường. Họ đập sập cổng, mở xà lim, và cùng với tù nhân vừa được giải thoát, phá hủy và phóng hỏa. Việc phá hủy nhà tù có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ đối với quần chúng cách mạng: đó là dấu hiệu báo tin chế độ cũ đã cáo chung, rằng những ngày tự do mong đợi mỏi mòn – ‘không ngục tù và không tội ác’ đang đến.
Không nhà tù nào có tính biểu tượng hơn Pháo đài Peter và Paul. Quần chúng tin rằng pháo đài còn đầy nhóc tù chính trị, các người hùng của cuộc đấu tranh cách mạng đang rên siết trong các xà lim bẩn thỉu và tối tăm, như tuyên truyền của những nhà cách mạng. Cũng có tin đồn (chính Balk nói ra điều này) là pháo đài được sử dụng làm căn cứ quân sự của của chế độ sa hoàng. Vào ngày 28 một đám đông thịnh nộ đe đọa tràn vào ‘Bastille’ này của Nga. Họ mang xe tải chở pháo hạng nặng sẵn sàng phá sập tường đá dày của pháo đài. Viên chỉ huy pháo đài điện thoại cho Duma cầu cứu giúp đỡ, và Shulgin (đại diện Duma) và Skobelev (đại diện Soviet) được phái đến thương lượng với y. Họ quay ra báo cáo nhà tù gần như trống trơn – chỉ trừ có 19 quân nhân nổi loạn của Trung đoàn Pavlovsky bị giam ở đó từ ngày 26 – và đề nghị mời các đại diện cách mạng vào quan sát các xà lim. Nhưng điều này không đủ để thuyết phục đám đông là pháo đài ‘thuộc về cách mạng’. Một số binh sĩ nổi loạn lên án Shulgin là tiếp tay với bọn phản cách mạng. Có đụng độ nhỏ giữa đám đông và lính gác pháo đài. Và rồi cuối cùng, cờ đỏ được kéo lên thành lũy của chế độ cũ.
* * *
Quần chúng biểu dương một mức độ phi thường về tính tự tổ chức và tình đoàn kết trong suốt mọi hoạt động này. ‘Toàn thể quần chúng đều thấy mình là một bộ phận chống kẻ thù chung – cảnh sát và quân đội,’ Sukhanov viết. ‘Những người hoàn toàn xa lạ đi ngang qua trao đổi với nhau, hỏi thăm và bàn bạc các tin tức, các vụ va chạm với kẻ thù và đường đi nước bước của chúng.’ Tờ London Times cũng tỏ ra ấn tượng. ‘Bản chất tốt đẹp và tinh thần kỷ luật gây sửng sốt, đối với những người không quen thuộc với đặc tính Nga vốn thật thà, của quần chúng có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của Cách Mạng Nga vĩ đại này.’ Dân chúng mang băng tay đỏ, hoặc buộc nơ đỏ trên khuy áo, để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với cách mạng. Không làm thế là ‘phản cách mạng’ và sẽ bị xử đẹp. Các đống lửa được đốt lên khắp thành phố để dân chúng có thể sưởi ấm trong thời gian dài đánh nhau trên đường phố. Các cư dân cung cấp thức ăn cho người cách mạng từ bếp lò của mình, và cho phép họ ngủ trong nhà mình nếu họ muốn. Các chủ quán cà phê và nhà hàng chiêu đãi miễn phí binh sĩ và công nhân, hoặc đặt các thùng bên ngoài cho người đi đường đóng góp nuôi ăn họ. Một tiệm cà phê treo tấm bảng sau đây:
CÁC CÔNG DÂN ANH EM! Để chào mừng những ngày vĩ đại của tự do, bổn tiệm xin chào đón và mời vào bên trong ăn uống thỏa thích.
.Các chủ cửa hàng biến cửa tiệm của mình thành cơ sở cho binh sĩ, và chỗ trú ẩn cho dân chúng khi cảnh sát nổ súng trên phố. Các xà ích tuyên bố chỉ chở các lãnh tụ của cách mạng. Sinh viên và trẻ em thì chạy vặt – các cựu quân nhân cũng tuân theo lệnh của họ. Mọi hạng người đều lao vào phụ giúp bác sĩ chăm sóc thương binh. Như thể mọi người trên đường phố bỗng nhiên đoàn kết nhau bằng một mạng lưới các sợi tơ vô hình; và chính điều này đã củng cố thắng lợi của họ.
Nhà cầm quyền cho rằng quần chúng ắt đã được các đảng xã hội chủ nghĩa tổ chức; nhưng, mặc dù các đảng viên có mặt trong đám đông, các lãnh tụ xã hội hoàn toàn chưa chuẩn bị đảm đương vai trò này và, nếu không muốn nói, là đi theo quần chúng. Đường phố sinh ra các lãnh tụ của nó: các sinh viên, công nhân và hạ sĩ quan, như Linde hay Kirpichnikov, mà tên tuổi của họ, phần nhiều, đều không được sử sách nhắc đến. Trong các tuần đầu tiên sau tháng hai các chân dung của họ được trưng bày trong cửa sổ các tiệm – thường dưới tiêu đề ‘Các Anh Hùng Cách Mạng’. Có chân dung của Kirpichnikov trong các cửa sổ tiệm bách hóa Avantso. Nhưng rồi hình ảnh những lãnh tụ quần chúng dần phôi pha và bị quên lãng.
Sự cố kết phi thường của quần chúng một phần có thể giải thích được bằng địa lý. Khởi đầu, tồn tại một qui luật về không gian-văn hóa được biết rõ từ lâu về những cuộc biểu tình đường phố trong thủ đô với một số các điểm định hướng rõ ràng (chẳng hạn Thánh đường Kazan và Điện Tauride) lui trở lại đến những cuộc biểu tình sinh viên 1899. Các ngoại ô công nghiệp Petrograd, hơn nữa, về địa lý thì tách biệt với khu buôn bán sầm uất của chính quyền bởi một chuỗi các kênh rạch và sông ngòi. Tuần hành vào trung tâm thành phố do đó trở thành một cách biểu lộ tình đoàn kết của giai cấp lao động và sự tự khẳng định mình, một phương tiện cho công nhân tuyên bố đường phố là ‘của họ’. Điều này có thể giúp giải thích một số khía cạnh lạm dụng của quần chúng cách mạng: sự đập phá để ăn mừng và việc hủy hoại các biểu tượng của quyền lực và quyền hành nhà nước, của sự giàu có và đặc quyền; những hành động chế nhạo và xúc phạm, thoá mạ và đe doạ, thường kết thúc bằng những hành động bừa bãi của bạo lực, mà đám đông thực hiện, như thể những chuyện đó là trò giải trí, chống lại bọn nhà giàu và bọn ăn mặc bảnh bao; cách ăn mặc ngược ngạo của binh sĩ (đội mũ ngược, hoặc nghiêng một bên, hoặc mặc áo khoác không gài nút, trái với quy định quân đội l); các bà thì mặc y phục đàn ông (khăn trùm đầu binh sĩ, giày ống và quần ống túm), như thể bằng cách đảo ngược quy tắc ăn mặc theo giới tính họ cũng lật ngược trật tự xã hội; và những hành động tình dục, từ việc hôn hít và sờ mó đến giao hợp, mà dân chúng hành động công khai trên đường phố trong không khí phơi phới những Ngày Tháng Hai
Vậy mà, trái với huyền thoại Xô-Viết, quần chúng rất cách xa với thành phần vô sản thực sự, mặc dù đúng là công nhân dẫn đầu và tham gia phần lớn việc đánh nhau trên đường phố. Balk mô tả những Ngày Tháng Hai là một cuộc vùng dậy toàn bộ của nhân dân. Harold Williams của tờ Daily Chronicle cho rằng các đám đông vào ngày 24 ‘hầu hết là phụ nữ và thiếu niên’ và chỉ ‘một nhúm công nhân’. Robert Wilton của The Times thông tin rằng vào ngày 26 thời tiết tốt đã ‘mang mọi người ra ngoài đường’ và ‘đám đông thuộc mọi lứa tuổi và hoàn cảnh’ đã tìm đường đến Nevsky Prospekt.
Phần đông dân chúng trên đường phố không phải là ‘ cách mạng’ gì hết mà chỉ là những khán giả hoặc loại người dao động giữa hành động và mục kích. Họ sẽ hoan hô khi nhóm binh sĩ phóng xe vọt qua, hoặc khi một tên bắn tỉa bị ném từ sân thượng xuống. Họ sẽ vây quanh người chết và ngựa chết, lúc này còn là điều mới mẻ (chẳng bao lâu họ sẽ quen mắt và sẽ bước qua với sự dửng dưng). Họ sẽ đeo dải băng đỏ, vẫy cờ đỏ và tuyên bố cảm tình với cách mạng. Nhưng họ hiếm khi tham gia chiến đấu, và thường chạy tán loạn khi có tiếng súng nổ. Đây là tâm lý của đám đông, một nhân chứng viết:
Mọi thứ họ chứng kiến đều hấp dẫn và khủng khiếp. Họ nhìn chằm chằm, và họ nhìn chằm chằm, và rồi thình lình – họ bỏ chạy đi. Nhìn kìa, đó là một quí ông ăn mặc đàng hoàng, mập mạp với đôi chân ngắn ngủn, đang đứng ở góc phố. Đám đông thình lình chạy ra phía sau tòa nhà – và ông ta chạy theo họ, nhanh như đôi chân mình cho phép, cái bụng bự của ông phập phồng, và ông rõ ràng hết hơi. Ông chạy một vài thước, quay nhìn lại cảnh tượng một lần nữa, và rồi tiếp tục chạy.
Nhiều khán giả này là trẻ em. Những bé trai khoái trá được chơi với súng nằm rải rác trên mặt đường. Họ đùa nghịch ném các viên đạn vào đống lửa và nhìn chúng nổ tung. Hàng chục người vô tình trúng đạn chết. Stinton Jones, một nhà báo Anh, chứng kiến cảnh tượng sau đây:
Một bé trai khoảng 12 tuổi đã nhặt được một khẩu súng lục tự động và ngồi cùng với một toán binh sĩ sưởi ấm bên đống lửa. Thình lình em táy máy siết cò súng và một anh lính ngã ra chết. Em bé hoảng hốt, càng siết cò và khẩu súng tự động tiếp tục nhả đạn cho đến hết băng đạn 7 viên. Kết quả là ba người lính bị giết chết, và bốn người bị thương.
Từ ngày 27 bản chất của đám đông càng trở nên hắc ám hơn. Yếu tố lính tráng tăng lên đột ngột, cùng với mức độ bạo lực, như là một hệ lụy của sự nổi loạn. Yếu tố tội ác cũng vậy, và mức độ phạm tội cũng tăng lên do cửa các nhà tù đều mở rộng. Cả hai đều có hậu quả, như Jones đã phát biểu:
Là quét sạch khỏi đường phố những công dân nghiêm túc và có khí lực. Các đám đông thể hiện một hình ảnh kỳ lạ, gần như là quái đản. Binh lính, công nhân, sinh viên, du đãng và tội phạm được thả tụ tập thành băng nhóm lang thang vô mục đích, tất cả đều có vũ khí, nhưng thuộc nhiều loại khác lạ. Đây một tên du côn đeo lủng lẳng một thanh kiếm sĩ quan trên áo khoác, một tay cầm khẩu súng trường còn tay kia khẩu súng lục; đó một thằng bé vắt trên vai một con dao thái thịt to khổ. Gần đó là một công nhân trông vụng về với một thanh kiếm sĩ quan trong một tay và tay kia nắm chặt lưỡi lê. Một gã đàn ông có hai súng lục, một người khác một tay cầm súng trường và tay kia máy quét đường xe điện. Một sinh viên có hai súng trường và một băng đạn súng máy quấn quanh bụng bước đi bên cạnh một sinh viên khác thủ một cây gậy cắm lưỡi lê. Một người lính say mèm chỉ có một nòng súng trường, còn bá súng đã gãy văng khi sử dụng để đập cửa hiệu vào cướp bóc. Một doanh nhân điềm tĩnh, vững chãi nắm một khẩu súng trường tổ bố và một băng đạn khủng khiếp.
Khoảng 8,000 tù nhân được phóng thích trong ngày 27, đại đa số là tội phạm hình sự. Chúng có mối quan tâm máu thịt nên cầm đầu trong việc phá hủy các đồn cảnh sát, cùng với hồ sơ lưu trữ, Tòa án, các cơ sở tư pháp và nhà tù. Và chúng là người phải chịu trách nhiệm về nhiều tội ác xảy ra trên đường phố từ lúc này trở đi. ‘Đêm nay thành phố vang dội những tiếng ồn ào nghe kinh khiếp nhất: tiếng cửa sổ vỡ nát, tiếng thét rú, và tiếng đạn bắn,’ Giám đốc Bảo tàng Hermitage viết trong những giờ đầu ngày 28. Băng đảng có vũ trang cướp bóc các cửa hàng và tiệm rượu. Chúng xông vào cơ ngơi của người giàu có, cướp bóc và hãm hiếp. Những khách bộ hành ăn mặc sang trọng bị trấn lột ngay trên phố. Thậm chí mang kính cận và áo cổ cồn trắng cũng đủ để bị chụp mũ là kẻ thù giai cấp. Một giáo sư hồi hưu, đã theo Dân túy gần 50 năm, bước ra phố vào tối ngày 27 để chào mừng ‘thắng lợi của cách mạng’ và ngay lập tức bị đập nát kính đeo mắt và cướp đi chiếc đồng hồ vàng bởi chính ‘nhân dân’ mà ông ta muốn giải phóng. Đây rõ ràng không phải là thắng lợi không có đổ máu của tự do, bình đẳng và huynh đệ mà giới trí thức dân chủ từng mơ ước từ lâu – và sau này họ huyền thoại hóa là ‘Cách Mạng Tháng Hai Quang Vinh’ – mà thực ra trông giống một cuộc nổi loạn của nông dân Nga, ‘vô nghĩa và không thương tiếc, như Puskin đã từng dự đoán nhằm phá hủy tất cả những biểu hiệu của đặc quyền. Ý tưởng cho rằng những Ngày Tháng Hai là ‘cuộc cách mạng không đổ máu’ – và rằng bạo lực của quần chúng thực sự không cất cánh cho đến tháng 10 – là một huyền thoại của phe cấp tiến. Các nhà lãnh tụ phe dân chủ của 1917 cần nó để hợp thức hóa quyền lực mong manh của mình. Thật ra số người bị sát hại bởi đám đông trong tháng hai nhiều hơn trong cú đảo chính tháng 10 của Bôn-se-vich. Cách mạng Tháng Hai ở Helsingford và Kronstadt đặc biệt dữ dội, với hàng trăm sĩ quan hải quân bị các thủy thủ tàn sát một cách tàn bạo. Theo số liệu chính thức của Chính quyền Lâm thời, 1,443 người bị giết hoặc bị thương chỉ tính riêng Petrograd. Nhưng một người bạn của Hoàng thân Lvov bảo với Claude Anet, một nhà báo Pháp, con số thực sự lên đến 1,500 người bị giết và khoáng 6,000 người bị thương.
Gorky có một cái nhìn u ám về toàn cảnh bạo lực và hủy hoại này. Vào ngày 28 Sukhanov thấy ông trong một tâm trạng não nề:
Trong tròn một giờ ông lẩm bẩm càu nhàu về những hỗn loạn, vô trật tự, bừa bãi, về những phô bày sự dốt nát chính trị, về bọn con gái lái xe quanh thành phố, chỉ có Trời mới biết đi đâu và chỉ có Trời mới biết trong xe của ai – và dự đoán phong trào sẽ chắc chắn sụp đổ tan tành cho xứng với thói dã man Á châu của chúng ta.
Đối với Gorky tất cả điều này chỉ là ‘hỗn loạn’ và không phải là cách mạng gì hết. Ngày hôm sau ông viết cho Ekaterina:
Có quá nhiều người gán ghép sai lầm tính chất cách mạng cho một sự kiện không hơn một tình trạng vô kỷ luật và vô tổ chức về phần quần chúng. . . Ở đây có nhiều điều vô lý hơn là bản chất anh hùng. Cướp bóc đã bắt đầu. Chuyện gì đã xảy ra. Anh không biết. . . Nhiều máu đã đổ, hơn rất nhiều máu đã từng đổ ra.
Tất nhiên, những điều này như Sukhanov nhận xét, ‘là cảm nghĩ của một nhà văn’, của con người ghét bạo lực dưới mọi hình thức. Nhiều người ngày nay có thể cũng thiên về việc lên án ‘hành động giết người không cần thiết’ của đám đông. Đó chắc chắn là xu hướng gần đây trong số các sử gia bảo thủ về Cách Mạng Nga lẫn Pháp. Nhưng người ta có thể thích quan điểm của Sukhanov hơn:
rằng sự quá lố, sự ngu ngốc của quần chúng đường phố, sự thô bạo, và tính hèn nhát, tình trạng rối ren, ô tô phóng bừa bãi, bọn con gái – tất cả tệ nạn này chỉ là những việc mà cách mạng không sao tránh được trong bất kỳ trường hợp nào, và không có nó không có gì tương tự xảy ra được ở bất cứ nơi đâu.
Đây không phải là bao che cho bạo lực mà để hiểu nó như là phản ứng không thể tránh khỏi của một dân tộc phẫn nộ và có muốn trả thù. Ta phải công nhận là mọi cuộc cách mạng xã hội do bản chất của nó nhất thiết phải có đổ máu, và lên án nó vì chuyện đó cũng tương tự như bảo rằng mọi hình thức phản kháng xã hội nếu kết thúc trong bạo lực là hoàn toàn sai lầm về mặt đạo lý. Tất nhiên có sự phân biệt cần làm rõ: máu mà nhân dân đổ xuống đường phố khác với máu đổ ra bởi các đảng phái, phong trào, hoặc quân đội, tuyên bố mình hành động nhân danh họ; và nó phải được phân tích và phán xét theo những cách khác nhau.
Bạo lực quần chúng của những Ngày Tháng Hai không được điều phối bởi bất kỳ đảng cách mạng hoặc phong trào nào. Nói chung nó là một phản ứng tự phát trước sự đàn áp đẫm máu của ngày 26, và sự thể hiện mối thù hận đè nén từ lâu của nhân dân. Các biểu tượng của quyền lực chế độ cũ bị phá hủy. Các tượng đài sa hoàng bị đập nát hoặc cắt đầu. Một máy quay phim quay cảnh một nhóm công nhân vừa cười lớn vừa ném chiếc đầu đá của Alexander III vào không trung như một quả bóng. Các đồn cảnh sát, tòa án và nhà tù bị tấn công. Quần chúng đòi món nợ ân oán với các viên chức của chế độ cũ. Cảnh sát bị săn lùng, treo cổ và giết chết một cách tàn nhẫn. Sorokin chứng kiến một toán binh sĩ đánh đập một cảnh sát bằng bá súng lục và đá vào đầu y bằng gót giày. Một tên khác bị ném xuống đường tử cửa sổ tầng bốn, và khi thi thể y đập mạnh xuống mặt đường, bất động, dân chúng xông tới để dẫm đạp lên y và đập y tới tấp bằng gậy.
Khi thấy rõ là kháng cự nữa cũng vô ích, nhiều cảnh sát tìm cách ra trình diện tại Điện Tauride, nơi Duma và Soviet đang ra sức lập lại trật tự, để thà ở tù dưới chế độ mới hơn là mất mạng trên đường phố. Những người khác ra sức tẩu thoát khỏi thủ đô để về tỉnh cho an toàn hơn. Hai cảnh sát lực lưỡng được phát hiện khi đang đi về Ga Phần Lan ăn
mặc y phục phụ nữ. Nhưng khổ người to lớn và cử chỉ lúng túng, nhất là đôi giày ống bên dưới chiếc váy đầm, đã tố cáo họ với đám đông.
ii Những Nhà Cách Mạng Bất Đắc Dĩ
‘Cách mạng bắt gặp chúng ta, các đảng viên, nằm ngủ say, giống như các Trinh Nữ Điên Rồ trong Phúc Âm,’ Sergei Mstislavsky, một lãnh đạo của SR, nhớ lại, vào năm 1922. Tình huống tương tự xảy ra với tất cả đảng cách mạng ở thủ đô. ‘Không lãnh tụ có quyền hành nào có mặt tại chỗ,’ Sukhanov nhớ lại. ‘Tất cả bọn họ đều đang lưu vong, trong khám, hoặc ở nước ngoài.’ Lênin và Martov ở Zurich, Trotsky ở New York, Chernov ở Paris, Tsereteli, Dan và Gots ở Siberia. Cắt đứt khỏi mạch đập của thủ đô, các lãnh tụ không thể ý thức được điều mà Mstislavsky gọi là ‘cơn bão tố đang đến gần với những đợt sóng dâng cao lên của những biến động Tháng Hai’. Đã bỏ trọn đời để mong chờ cách mạng, nhưng khi nó xảy ra thì không nhận ra được. Chính Lênin đã dự đoán trong tháng giêng là ‘chúng ta những người luống tuổi có thể không còn sống để chứng kiến cách mạng tới’. Thậm chí muộn như ngày 26/2, Shliapnikov, người Bôn-se-vich hàng đầu ở Petrograd, đã phát biểu trong một buổi họp các người xã hội tại căn hộ của Kerenky: ‘Không và sẽ không có cách mạng. Chúng ta phải chuẩn bị cho một thời gian dài phản ứng.’ Vắng mặt các lãnh đạo đảng chủ chốt, trọng trách lãnh đạo cách mạng đặt trên vai các lãnh đạo hạng hai. Họ không chỉ xếp hạng hai mà cũng là loại hai. Schliapnikov là một thành viên nghiệp đoàn có kinh nghiệm và là một nhà hoạt động ngầm của đảng. Nhưng với tư cách chính trị gia, theo lời Sukhanov, ông ta ‘hoàn toàn không có năng lực nắm bắt điều cốt lõi’ của tình thế. Những ý tưởng của ông ta là ‘những giải pháp khuôn sáo cũ rích của đảng’. Không có gì hơn để nói về các đảng viên Men-se-vich ở thủ đô. Chkheidze, ‘Papa’ của cách mạng, là một người Georgii dễ thương và có năng lực nhưng ngái ngủ, mà theo lời Sukhanov, không thể nào ‘kém thích hợp hơn để làm một lãnh đạo giai cấp lao động hay đảng, và không hề biết dẫn dắt ai đi đến đâu.’ Skobelev, một đại biểu Duma từ Baku, là một nhà trí thức tỉnh lẻ, có tầm nhìn một thị trấn nhỏ hơn là tầm cỡ quốc gia. Về phần Sukhanov, ông ta ở trên rìa của mọi bè phái, quá dè dặt để đưa ra quan điểm của mình. Như quá nhiều lãnh tụ xã hội chủ nghĩa, ông luôn có khuynh hướng nhìn chính trị như một nhà trí thức hơn là một chính trị gia. Trotsky mô tả ông là ‘một quan sát viên hơn là một chính khách, một nhà báo hơn là một nhà cách mạng, một nhà lý luận hơn là một nhà báo – ông ta có khả năng đứng chầu chực một khái niệm cách mạng chỉ đến khi cần thiết phải biến nó thành hành động’. N. D. Sokolov là một nhân vật vật vờ tương tự, có niềm tin quá mơ hồ để có thể thích hợp với bất kỳ đảng nào. Ngài luật sư để râu, với kính cặp mũi, sẽ thích hợp trong một thư viện hoặc giảng đường hơn là trong quần chúng cách mạng. Cuối cùng thì những đảng viên SR cũng không khá hơn gì trong vai trò lãnh đạo trong thủ đô. Mstislavsky và Filipovsky thấy mình là những nhân vật gần gũi nhất với ‘bên quân sự’ mà Xô-Viết có (Mstislavsky chỉ là một nhân viên thư viện tại Học viện Quân sự nhưng Filipovsky là một kỹ sư hải quân) bị ném vào vị trí lãnh đạo mà họ không hề thích hợp do tính khí hoặc tài năng. Zenzinov là một kẻ làm thuê cho cách mạng. Con về phần Kerensky – vâng, mời bạn đọc bên dưới.
Những nhà lãnh đạo hạng hai này chạy theo những sự kiện trong những Ngày Tháng Hai. Họ điện thoại từ căn hộ này đến căn hộ khác cố tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra trên đường phố. Căn hộ của Gorky trên phố Kronversky được dùng làm trạm giao liên. Các lãnh đạo sẽ tụ tập ở đó để chia sẻ những ấn tượng của họ và mở cuộc điều tra. Chính Gorky cũng có những đường dây liên lạc khắp Petrograd. Chỉ đến ngày 27 khi cách mạng đã trở thành sự thật, các lãnh đạo đảng mới chồm lên hành động và nắm quyền lãnh đạo cuộc nổi dậy trên đường phố. Đó là một minh họa cổ điển của ‘Chúng ta là lãnh đạo, vì thế chúng ta phải theo đuôi họ.’
Mọi thứ đều tập trung vào Điện Tauride, nơi hội họp của Duma và thành trì của dân chủ. Vào trưa ngày 27 một đám đông 25,000 người – nhiều người trong số đó là lính từ các doanh trại Preobrazhenski và Volynsky gần đó – đã tế tựu trước điện. Họ đang đi tìm các nhà lãnh đạo chính trị. Những người đầu tiên xuất hiện là Men-se-vich
Khrustalev-Nosar (Chủ tịch Xô-Viết Petrograd 1905), và Gvozdev và Bogdanov (lãnh đạo của Nhóm Công Nhân), được một đám đông vừa phóng thích họ từ nhà tù Kresty, hộ tống. Tại điện họ gặp Chkheidze, Skobelev và Kerensky, và rồi tuyên bố với đám đông bên ngoài là một ‘Uỷ ban Điều hành Lâm thời của Xô-Viết Đại biểu Công nhân’ đã được thành lập. Họ kêu gọi các công nhân hãy cử ra và gởi các đại biểu của mình đến tham dự hội đồng đầu tiên của Xô-Viết sẽ hợp vào chiều tối hôm đó. Lời kêu gọi được in trên bản tin đặc biệt đầu tiên của Izvestiia, tờ báo duy nhất phát hành ngày hôm đó, và được lưu hành rộng rãi trên phố.
Mặc dù tên gọi, nhưng có rất ít đại biểu công nhân trong số 50 đại biểu đi bầu và 200 quan sát viên ngồi chật kín trong Phòng 12 mù mịt khói thuốc của Điện Tauride trong phiên họp lộn xộn đầu tiên của Xô-Viết. Phần đông công nhân còn ở trên đường phố và hoặc đang say xỉn hoặc hoàn toàn mù tịt về sự hiện diện của Xô-Viết. Những vị trí của họ trong phòng phần nhiều bị các trí thức xã hội chủ nghĩa chiếm chỗ. Sokolov nắm giữ chức chủ tịch sơ khởi của buổi họp, tức thì tiến hành thành lap Ủy ban Điều hành gồm 6 Men-se-vich, 2 Bôn-se-vich, 2 SR và 5 trí thức không đảng phái. Nó không phải là một bộ phận có tính dân chủ nhiều lắm mà chỉ là một bộ phận tự chỉ định gồm những đảng xã hội khác nhau và rồi trình lên Xô-Viết. Ngày hôm sau, khi 600 đại biểu Xô-Viết được công nhân và binh sĩ Petrograd cử ra, thêm hai đại diện từ mỗi đảng xã hội chính – Trudovik, Xã hội Chủ nghĩa Nhân Dân, SR, Bund, Men-se-vich, nhóm Liên Quận * và Bôn-se-vich – được bổ sung vào Ủy ban Điều hành. Hiệu quả để củng cố cánh hữu của nó, những người chống đối nhiều nhất đến việc chiếm quyền. Tiếng nói của công nhân, vốn có thể yêu sách được nắm quyền, không được nghe. Không có đến một đại biểu duy nhất của nhà máy trong ban Điều hành Xô-Viết – ngay trong một bộ phận được cho là đại diện cho giai cấp lao động.
* Nhóm Liên Quận, hoặc Mezhraionka, là một bè phái cánh tả của Dân chủ Xã hội ở Petrograd. Nó ủng hộ sự hợp nhất hai cánh Men-se-vich và Bôn-se-vich của đảng. Trotsky và Lunacharsky thuộc nhóm đó cho đến mùa hè 1917, khi họ gia nhập Bôn-se-vich.
Chkheidze được bổ nhiệm Chủ tịch với Skobelev và Kerensky Phó Chủ tịch. Nhưng thực sự không có trật tự trong buổi họp. Các thành viên trong ban Điều hành mỗi phút lại có người kêu ra đón tiếp các đại biểu bên ngoài sảnh. Buổi họp luôn bị gián đoạn vì ‘những thông báo khẩn’ hoặc ‘báo cáo khẩn’. Đủ mọi nhóm không được cử đại diện – viên chức bưu điện thoại và điện tín, các nhân viên zemstvo, đại diện bác sĩ và giáo viên – yêu cầu được tham gia và thỉnh thoảng muốn vào để tuyên bố lòng trung thành với Xô-Viết. Rồi những đại biểu quân nhân, yêu cầu được nói trên diễn đàn để đọc báo cáo và được chào đón nồng nhiệt. Đứng trên ghế, súng trường trên tay, họ phát biểu những lời giản dị về những gì đã xảy ra trong lực lượng đồn trú của họ và tuyên bố lòng trung thành của trung đoàn với Xô-Viết. Cử tọa phấn chấn, cứ sau mỗi lời tuyên bố là vổ tay như sấm dậy, đến nỗi đồng loạt nhất trí, không cần lấy phiếu biểu quyết như thông lệ, thành lập một Xô-Viết đoàn kết từ đây được gọi là Xô-Viết Công Nhân và Đại Biểu Quân Nhân Petrograd.
Đối với ai muốn một Xô-Viết công nhân thực sự thì đây là nụ hôn cuối cùng của thần chết. Được tổ chức thành trung đội và đại đội, nên binh sĩ có thuận lợi hơn công nhân trong việc cử ra các đại diện vào Xô-Viết. Hơn nữa, thường thường hóa ra một trung đội vài chục người cử một đại diện của mình lại ngang bằng với một hãng xưởng với vài ngàn công nhân. Các thủ tục bầu bán không được kiểm soát thực sự. Màu xanh của đồng phục công nhân mất hút trong biển đồng phục xám khi phiên họp phối hợp đầu tiên của Xô-Viết họp tại Sảnh Catherine vào tối ngày 28. Trong số 3,000 đại biểu, hơn hai phần ba là quân nhân – trong khi trong thành phố số công nhân đông gấp binh sĩ đến ba đến bốn lần. Sự kiện phần đông quân nhân là nông dân có thể giải thích cho tình trạng lộn xộn của các phiên họp đầu tiên này, cùng với những rối rắm của những sự kiện.
‘Một cuộc họp toàn thể! Bất kỳ ai muốn phát biểu cứ đứng dậy và nói những gì y muốn,’ một đại biểu mô tả phiên họp thứ nhất. Không có chương trình nghị sự chính thức, không biên bản hoặc thủ tục cho việc ra nghị quyết trong Xô-Viết. Mọi quyết định được đi đến qua cuộc bàn luận công khai, với những diễn giả đứng ở những khu vực khác nhau của sảnh cùng cất tiếng một lúc, và các nghị quyết được thông qua bởi sự hoan hô tập thể, giống như tại hội đồng làng xã. Vì một bộ phận như thế không có năng lực thiết kế nên chẳng bao lâu nó chỉ có vai trò thuần túy tượng trưng, với những quyết định thực sự được thực hiện bởi ban Điều hành và các buổi họp kín của đảng xã hội mà phần đông các thành viên của nó thuộc về. Các công nhân và binh sĩ những người làm nên cách mạng thật sự đã đánh mất tiếng nói chính trị của họ vào tay các nhà trí thức xã hội, từng tuyên bố mình nói nhân danh họ.
Trong lúc đó, ở cánh phải của Điện Tauride các thành viên Duma của Khối Tiến bộ và Hội đồng Trưởng lão đang họp để xem có nên nghe lệnh của Sa Hoàng vào đêm qua là phải tạm đình hoãn Duma, hay là nên thách thức nó và tự đặt mình vào vai trò lãnh đạo phong trào cách mạng. Các người cực đoan và xã hội, mà phát ngôn nhân là Kerensky, thúc giục đi theo phương hướng thứ hai. Nhưng những thành viên Duma ôn hòa hơn, và không ai qua được Miliukov, người hành động như là ‘ông chủ của họ’ rõ ràng khiếp vía trước cảnh tượng của quần chúng. Từ bên trong Điện tiếng ồn ào của đám đông càng lúc càng điếc tai và lúc nào cũng như đe doạ. Trong một lúc những người ôn hòa này tính bài câu giờ bằng cách nấp sau các quyển sách dày cộm của luật hiến pháp. Thật là bất hợp pháp, họ lên lớp, để lật đổ quyền lực của Sa Hoàng bằng cách lập một nội các theo sáng kiến của mình, nhưng có thể đánh điện cho nhà vua yêu cầu được cho phép làm thế. Theo một ý nghĩa hoàn toàn hợp pháp có một lô-gic nào đó cho lợi lập luận ở: đám đông trên đường phố không có thẩm quyền giao quyền lực vai tay Duma và bất cứ chính quyền nào được hình thành trên cơ sở đó sẽ thiếu tính hợp thức hóa. Nhưng những điểm tế nhị hợp pháp như thế khó thành vấn đề lúc này. Suy cho cùng, đây là cách mạng; và mọi cuộc cách mạng, do bản chất của chúng, đều là bất hợp pháp. Quyền lực thực sự – quyền lực của bạo lực – đang nằm trong đường phố và từ chối không công nhận sự kiện này của người ôn hòa Duma là một hành động hèn nhát và thiển cận. Không nghi ngờ gì họ sợ rằng nếu họ nắm lấy quyền lực, quần chúng sẽ áp đặt lên họ một chương trình cải cách và hoà bình theo đường hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, họ bắt đắc dĩ mới tự đặt mình ở vai trò đứng đầu chính quyền cách mạng, cho dù một cuộc cách mạng đã vừa mới xảy ra. Ròdzianko, Chủ tịch Duma, và, theo chính lời ông, ‘người mập nhất nước Nga’, vẫn còn nói theo luận điệu của một ‘chính quyền được sự tin cậy của quần chúng’ (mà có thể nghĩa là một chính quyền được Sa Hoàng bổ nhiệm) hơn là một chính quyền của nhân dân hay của Duma.
Vào buổi chiều, tuy nhiên, khi ở cánh trái của điện Xô-Viết Petrograd xuất hiện như một đối thủ cạnh tranh giành quyền lực, 12 thành viên Duma từ Khối Tiến bộ, cùng với Kerensky và Chkheidze, thận trọng buớc thêm một bước về hướng giành lấy quyền hành. Họ tự lập ra ‘Uỷ ban Thành viên Duma vì việc Vãn hồi Trật tự ở Thủ đó và Thành lập Quan hệ với Cá nhân và Định chế’. Chiều dài của cái tên đã tiết lộ sự rụt rè của các ý định của họ. Đây là một bộ phận’tư nhân’ của các thành viên Duma được lập ra để giúp ‘vãn hội trật tự’ ở thủ đô, chứ không phải một cơ quan của Duma để giành quyền lực. Chỉ đến tối đêm đó, khi toàn thể Xô-Viết họp và báo cáo gởi đến cho biết thủ đô đang chìm sâu hơn nữa vào tình trạng vô chính phủ, thì những nhà cách mạng bất đắc dĩ này, sau khi đã thất bại trong một nỗ lực cuối cùng là nhằm thuyết phục Đại Công tước Mikhail lên nắm chuyên chính, mới cuối cùng nắm lấy thể thượng phong và tự tuyên bố là cầm quyền. Đơn giản là không có cách nào khác – trừ quyền lực của Xô-Viết.
Thế là, vào ngày 28/2, hai trung tâm quyền lực tranh chấp nhau đã xuất hiện: bên cánh phải của Điện Tauride là Ủy ban Tạm thời của Duma, có liên hệ gần gũi nhất với quyền lực chính thức nhưng không có quyền hành trên đường phố; trong khi bên cánh trái là Xô-Viết, có liên hệ gần gũi nhất với quyền lực đường phố nhưng không có quyền hành chính thức.
* * *
Trong lúc đó, vẫn còn có một số trận phải chiến đấu. Mặc dù đám đông đã chiếm phần lớn thành phố, vẫn còn có nguy cơ việc Thiếu tướng Khabalov có thể đè bẹp cuộc nổi dậy với lực lượng tiếp viện từ Mặt trận, như Sa Hoàng đã ra lệnh vào ngày 27. ‘Theo tiêu chuẩn quân sự qui ước’, Mstislavsky nhớ lại, ‘tình thế của chúng tôi hoàn toàn thảm họa. Chúng tôi không có pháo lẫn súng máy: cũng không có sĩ quan chỉ huy, cũng không có liên lạc dã chiến,’ và nếu Khabalov tấn công với đạo quân có kỷ luật, ‘cơ may của chúng tôi chẳng khác tuyết tan trong hoả ngục.’ Mọi thứ phụ thuộc vào tinh thần chiến đấu của binh sĩ nổi dậy và chịu nghe lệnh của Xô-Viết. Nhiều người lính hình như không mấy quan tâm đến việc chiến đấu cho Xô-Viết hơn là ‘tham gia với nhân dân’ và say sưa. Shklovsky, người được cắt đặt nhiệm vụ canh gác các nhà ga tàu, thấy không thể nào ra lệnh cho binh sĩ đi vào Petrograd để thi hành những nhiệm vụ phòng vệ dù là cơ bản nhất. Toàn bộ binh lính canh gác Ga Nikolaevsky, nơi những chuyến tàu trọng yếu từ Moscow đến, gồm một sinh viên một tay và một cựu sĩ quan hải quân trong quân phục hình như thiếu úy’. Tại Điện Tauride tình hình có vẻ tốt hơn đôi chút. Cung điện diễm lệ của Đại đế Catherine giờ đã biến thành một bộ chỉ huy quân đội của Petrograd Đỏ. Xô-Viết thành lập một Quân Ủy, ban hành mệnh lệnh cho các lữ đoàn đặc biệt đóng tại các điểm chiến lược trong thành phố. Hàng trăm linh đã cắm lều trong các hành lang của Điện Tauride đợi lệnh để phòng thủ pháo đài này của cách mạng. Linde, đã bỏ xuống quyển sách của Haldane, đảm nhận việc chỉ huy đội phòng vệ tại các cổng. Đã được Trung đoàn Phần Lan cử làm đại diện trong Xô-Viết, anh có thêm lý do để phòng thủ cung điện với khẩu súng trong tay. Đây là một nhà chính trị mới được vũ trang. Thực phẩm và súng được chất đống trong phòng và hành lang cung điện. Ngay giữa Sảnh Tròn là một máy khâu: không ai biết nó đến được đây bằng cách nào, và dùng để làm gì. Chẳng lẽ có ai tinh đến kế hoạch một trận chiến lâu dài nên cần có nó để khâu vá quân phục binh sĩ. Nabokov mô tả cảnh tượng bên trong cung điện: a
Binh lính, binh lính, và nhiều binh lính thêm nữa, với gương mặt mệt mỏi, đờ đẫn; mọi chỗ đều là dấu hiệu của một trại ứng phó, rác rến, đệm rơm; không khí nồng nặc như mùi sương mù dày đặc, có mùi giầy ống, quân phục, mồ hôi của linh tráng; từ đâu đó chúng ta có thể nghe rõ tiếng nói cuồng nhiệt của các nhà hùng biện đang diễn thuyết trước một cuộc họp ở Sảnh Catherine – mọi nơi đều chen chúc và xô đẩy náo động.
Hơn nữa, vẫn còn vài ổ kháng cự cứng đầu trong thủ đô: trong Cung điện Mùa Đông, trong trụ sở Bộ Tổng Tham mưu, tại dinh Đô đốc và tại Khách sạn Astoria. Một số trận đụng độ đẫm máu nhất trong cách mạng xảy ra trong khách sạn vào ngày 28. Khách sạn chen chúc các sĩ quan cao cấp và gia đình họ và, khi những tên bắn tỉa núp trên mái bắn xuống đám đông bên dưới, các binh sĩ cách mạng mang đến ba súng máy trên xe bọc sắt và bắt đầu khai hỏa qua các khung cửa sổ. Trong khi đó, quần chúng vũ trang tràn vào tòa nhà, đập phá nội thất sang trọng, cướp lấy các kho rượu vang và lục soát các phòng lùng sục ‘những tên phản cách mạng’. Vài chục sĩ quan bị bắn hoặc đâm bằng lưỡi lê. Giữa giá đèn treo và kính đổ nát trong tiền sảnh xảy ra trận giao chiến ác liệt, và cuối cùng, theo một nhân chứng, ‘cánh cửa quay hoạt động trong vũng máu’.
* * *
Mục tiêu chính của các lãnh đạo trong Điện Tauride – cả ở cánh trái và cánh phải – là vãn hồi trật tự trong đường phố. Có nguy cơ thực sự của việc cách mạng thoái hóa thành tình trạng vô chính phủ. Hàng ngàn các công nhân và binh lính say sưa rảo khắp thành phố cướp bóc, xông vào cửa hàng, đánh đập và trấn lột hành khách đi đường. Cuộc đấu tranh cách mạng chống cảnh sát và sĩ quan quân đội đang dần biến thành bạo lực và trả thù không kềm chế được. ‘Trừ khi tất cả những việc này kết thúc,’ một đại biểu Xô-Viết cảnh báo, ‘cách mạng sẽ kết thúc trong thảm bại và ô nhục.’
Một lý do để quan tâm là việc câu lưu các bộ trưởng và viên chức của Sa Hoàng được tiến hành trong trật tự và an toàn. Vào tối ngày 27 Hội đồng Bộ trưởng họp phiên cuối cùng ở Điện Marinsky và chính thức nộp đơn từ chức lên Sa Hoàng. Tại một thời điểm giữa buổi họp đèn vụt tắt khiến mọi người tưởng cách mạng chuẩn bị xông vào. Thật ra đó chỉ là một vụ cúp điện và khi điện có trở lại sau vài phút, người ta thấy có vài bộ trưởng đang chui vào gầm bàn nấp. Dù sao thì nỗi khiếp đảm của họ không phải vô cớ. Khoảng 4,000 viên chức chính quyền đã bị đám đông bắt giữ vào nhà Ngày Tháng Hai, và số phận của họ không có ai cũng thèm muốn. Ủy ban Tạm thời Duma ra lệnh bắt giữ tất cả các cựu bộ trưởng và quan chức cao cấp, và giải đến Duma ‘vì công lý’, một phần cũng cứu giúp họ khỏi rơi vào tay ‘luật rừng’ khủng khiếp. Họ cho rằng sẽ thích hợp và có tính biểu tượng là Shcheglovitov, Bộ trưởng Tư pháp trước đây, phải là người đầu tiên được quần chúng giải đến Điện Tauride. Tại đó y được Kerensky tiếp, người chẳng bao lâu sẽ nhận chức Bộ trưởng Tư pháp của y. Ông báo cho tù nhân: ‘Ivan Grigorievich Shcheglovitov, ông đã bị bắt! Mạng sống của ông đang lâm nguy!’ Và rồi nói tiếp với giọng mỉa mai: ‘Hãy biết Duma không làm ai đổ máu.’ một vài cựu bộ trưởng thậm chí ra trình diện với Duma còn hơn phải đánh liều bị đám đông tóm được. Protopopov là một trong số này. Y cố tự cứu bằng cách trưng ra chứng cứ chống Sa Hoàng và, khi việc này thất bại, òa lên kêu khóc thảm thiết. Sukhomlinov, cựu Bộ trưởng Chiến tranh, đến vào ngày 1 tháng 3 với đội cận vệ có trang bị hộ tống, khiến binh sĩ kích động như điên. Người ta phải can ngăn họ mãi họ mới không hành quyết y ngay tại chỗ, mà chỉ xé phăng cầu vai của y như một hành động phế truất trật tự quân đội cũ.’
Tất cả những quan chức bị hạ bệ này được nhốt trong Khu Bộ trưởng của Điện Tauride và sau đó được chuyển về Pháo đài Peter và Paul để thẩm vấn và giam giữ. Để tạo một hành động châm biếm nhỏ nhưng mang tính biểu tượng lớn, cách mạng giao việc giải các bộ trưởng đến Peter và Paul cho Viktor Zenzinov, người đã từng là tù nhân tại đó. Ông nhớ lại cái cảm xúc rất kỳ lạ khi ông, giờ đây đã là một viên chức chính quyền, bước đến cổng nhà giam với Shcheglovitov, từng là Bộ trưởng Tư pháp, nhưng giờ là tù chính trị:
Chúng tôi lái xe qua cổng, quẹo một đôi lần, rồi đi bên dưới vòm cung và dừng lại trước cửa. Cũng đúng những lính gác từng đứng đó từ bảy năm trước như tôi còn nhớ. Rồi bước ra gặp chúng tôi – tôi không còn tin vào mắt mình – là Đại úy Ivanishin, chính là Đại úy Ivanishin của 7 năm trước đã chỉ huy Pháo đài Trubetskoi, nơi giam cầm các tù nhân biệt giam và nơi tôi bị giữ dưới quyền y và bị nhốt trong một xà lim đá ẩm ướt trong sáu tháng vào năm 1910. . . Giờ thì y xử sự rất lễ phép với tôi. Tôi không nghi ngờ gì là y nhận ra tôi ngay lập tức, cũng như tôi nhận ngay ra y, nhưng không biểu lộ gì.
Do yêu cầu của Zenzinov, Kerensky ra lệnh loại bỏ Ivanishin. Nhưng lệnh không được thi hành. Chỉ sau này, khoảng vài tuần sau, khi Ivanishin bị buộc tội nhận hối lộ từ các bộ trưởng bị giam giữ, y mới cuối cùng bị bãi chức.
Một lý do quan tâm thứ hai trong Điện Tauride là làm cách nào ra lệnh cho binh sĩ quay về doanh trại. Đây là việc cốt lõi để vãn hồi trật tự. Vào ngày 28 Quân Ủy – giờ nằm dưới quyền chỉ huy của Ủy ban Tạm thời. – ra lệnh cho binh sĩ nổi dậy quay về doanh trại và tuân hành các sĩ quan của mình. Nhưng binh lính sợ rằng mình sẽ bị trừng trị vì tội tham gia nổi loạn, nên yêu cầu đảm bảo sự an toàn của mình trước khi họ quay về. Nhiều người không tin Ủy ban Tạm thời – một số còn gọi họ ‘phản cách mạng’ vì họ hậu thuẫn các sĩ quan và quay ra Xô-Viết để được che chở. Kết quả là Điều Lệnh Số 1, có lẽ là văn kiện có ý nghĩa nhất được thảo ra như một thành quả của Cách Mạng Tháng Hai. Đó là một danh sách các yêu sách và điều kiện của binh sĩ để quay về doanh trại. Nó cung cấp cơ sở cho việc thành lập ủy ban của quân đội như một đối trọng dân chủ với quyền hành của các sĩ quan. Theo đó binh lính chỉ nhìn nhận quyền hành của Xô-Viết Petrograd, và những mệnh lệnh của Quân ủy Duma chỉ được thi hành nếu chúng không đi ngược với mệnh lệnh của Xô Viết. Khi không làm nhiệm vụ, binh sĩ có thể hưởng thụ những quyền lợi như các công dân, bao gồm quyền không chào các sĩ quan của mình. Cách đối xử thô bạo của sĩ quan đối với binh lính, bao gồm việc sử dụng lối xưng hô ‘mày’ ,(tyi), cho trẻ con và nông nô, từ giờ sẽ bị ngăn cấm vì như thế là sỉ nhục binh sĩ. Cách xưng hô bề trên như ‘Your Excellency’ và ‘Your Honour’, mà người lính nông dân bất mãn coi như là tàn tích của thời nông nô, sẽ được thay thế bằng hình thức xưng hô mới có tính dân chủ, như ‘Ngài Thiếu tướng’, ‘Ngài Đại tá’.
Điều lệnh Số 1 là một sáng tạo được mọi người ủng hộ theo đúng nghĩa của từ này. Sukhanov theo dõi khi Sokolov ngồi tại bàn:
Bao quanh bốn phía là các binh lính, người ngồi, người đứng, người dựa vào bàn, vừa đọc cho chép vừa đề nghị với Sokolov những gì anh nên viết. . . Không có nghị trình hoặc bàn cãi dưới mọi hình thức, mọi người đều nói và hoàn toàn đắm mình vào công việc, đúc kết ý kiến tập thể mà không cần biểu quyết gì. . . Khi công việc kết thúc họ đặt đầu đề lên tờ giấy: ‘Điều Lệnh Số 1’.
Sau vài phút Điều Lệnh được đọc trước Xô-Viết, rồi trong phiên họp tại Sảnh Catherine và được nhất trí thông qua dưới tiếng vỗ tay như sấm của binh sĩ. Văn kiện quan trọng này, làm nhiều hơn thứ gì khác để hủy diệt kỷ luật quân đội, và từ đó theo một nghĩa mang người Bôn-se-vich đến quyền hành, chỉ mất ít phút để thông qua.
***
Trong khi các nhà lãnh đạo Xô-Viết muốn vãn hồi trật tự, phần đông họ không có dự định tiếm quyền. Cơ sở của chiến lược họ là làm áp lực cho các lãnh đạo Duma thành lập một ‘chính quyền tư sản’. Từ đó xảy đến điều mà Trotsky sau này gọi là ‘nghịch lý’ của Tháng Hai: một cách mạng được làm ở đường phố kết cục cho ra một chính quyền được lập trong phòng khách. Đây là một kiểu lặp đi lặp lại trong nền chính trị 1917: có vài lúc (tháng 2, tháng 4, tháng 7 và 9) khi những nhà lãnh đạo Xô-Viết có thể đã nắm quyền lực, rồi khi quần chúng ào ra đường đòi hỏi họ làm điều ấy, thì họ lại tránh né khỏi trách nhiệm chính quyền. Bằng cách này họ đã để lỡ cơ hội biến cách mạng dưới hình thức dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Người Bôn-se-vich thu hoạch tất cả chiến lợi phẩm.
Chúng ta giải thích sự thất thu chính trị này cách nào đây? Trong khung cảnh của Tháng Hai, vốn quyết định nhiều hệ lụy chính trị sau này, có ba mạch lập luận chính.
Thứ nhất là vấn đề về học thuyết đảng. Cả Men-se-vich và SR đều bám sát vào niềm tin là trong một xứ sở nông nghiệp lạc hậu như Nga nên có một ‘cuộc cách mạng tư sản’ ( nghĩa là một thời kỳ dài của chủ nghĩa tư bản và dân chủ) trước khi xã hội Nga, đặc biệt giai cấp lao động, đủ tiến bộ để chuyển tiếp sang một trật tự xã hội chủ nghĩa. Như Plekhanov từng một lần chỉ ra, không có đủ lượng men vô sản trong bột mì nông dân Nga để có thể làm ra bánh mì xã hội chủ nghĩa. Trong trường hợp Men-se-vich niềm tin vào cách mạng hai giai đoạn này thoát thai từ học thuyết Mác; còn trong trường hợp SR nó lại đi theo Men-se-vich. Niềm tin còn dựa vào hai giả định xa hơn, đều có nghĩa trừu tượng nhưng sụp đổ khi áp dụng cho thế giới thực. Đó là tình huống cố áp đặt các học thuyết Tây phương của thế kỷ 19 vào thực tế xã nước Nga thế kỷ 20. Có một điều, người ta cho rằng giới nông dân (và tỉnh lỵ nói chung) không hậu thuẫn cho một chính quyền xã hội chủ nghĩa trong các thành phố bởi vì họ quá gắn bó với cái mà Men-se-vich gọi là những quan niệm ‘tiểu tư sản’ về tài sản nhỏ. Kết quả là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đô thị sẽ bị bỏ chết đói, như Công xã Paris, hoặc, tệ hơn, sẽ bị đập tan bởi cuộc phản cách mạng nông dân, như Bender hay các quân đội hoàng gia Âu châu của năm 1849. Nhưng về lý lẽ, thật ra giới nông dân thậm chí còn nôn nóng cho một cuộc cách mạng xã hội hơn cả công nhân nữa. Tất cả điều họ muốn là ruộng đất và, nếu ‘chủ nghĩa xã hội’ có nghĩa là giao đất đai cho nông dân, thể thì họ là ‘những người xã hội chủ nghĩa’. Điều này có nghĩa, như các người SR hẳn đã biết, là người nông dân sẽ không tham gia một cuộc phản cách mạng chừng nào mà việc đó kéo theo – gần như chắc chắn như vậy ở Nga – sự phục hồi đất đai cho bọn quí tộc tỉnh lỵ. Người ta cũng cho rằng quần chúng thì quá dốt nát và thiếu kinh nghiệm để điều hành nhiệm vụ của chính quyền, và rằng cho đến khi khiếm khuyết này được khắc phục thì còn cần khẩn thiết đến sự lãnh đạo của các tầng lớp có học vấn. Các Xô-Viết, là những cơ quan dựa vào giai cấp, có thể đóng vai trò trong chính quyền địa phương nhưng họ thiếu phương tiện để điều hành nhà nước. Điều cần bây giờ, nhằm chuẩn cho sự chuyển tiếp đến chủ nghĩa xã hội, là quần chúng được rèn luyện qua môi trường dân chủ – mà đặc biệt đối với công nhân, nghĩa là theo gương các phong trào lao động Âu châu – và việc này chỉ có thể hoàn thành trong khuôn khổ cấp tiến của một nền tự do chính trị. Nhưng điều này cũng là áp đặt một kiểu mẫu của phương Tây vào một nước mà nền tảng cho việc ấy còn thiếu. ‘Dân chủ trực tiếp’ của các Xô-Viết gần gũi hơn với trải nghiệm của quần chúng Nga – nó khiến nhớ lại về công xã nông thôn – và nó có thể được sử dụng như điểm xuất phát cho một hình thức mới mẻ và khác biệt của một trật tự dân chủ, một hình thức phân tán hơn nền dân chủ cấp tiến phương Tây, miễn là các Xô-Viết phối hợp phần nào với những bộ phận đại diện rộng lớn hơn (chẳng hạn duma thành phố, các zemstvo và Hội đồng Lập hiến) trong một khuôn khổ chính trị quốc gia.
Không nghi ngờ gì nữa sự gắn bó với học thuyết này của các lãnh đạo Xô-Viết một phần là do họ còn mù tịt về chính sự. Các lãnh đạo tư sản có nhiều năm kinh nghiệm về vấn đề lập pháp, hoặc trong Duma hoặc trong các zemstvo. Nhưng các nhà xã hội chủ nghĩa không có kinh nghiệm thực tế về hoạt động của chính quyền, chỉ có những năm dài vô vọng chống đối về chính trị bán hợp pháp và hoạt động bí mật. Hơn nữa, các lãnh đạo đảng còn đang lưu vong, nó có thể được coi là phạm thượng nếu họ nắm lấy quyền lực. Nhưng điều này có thực sự phải cản trở như thế không? Sau tất cả những trao đổi của họ về ‘nguyên tắc’ và ‘ý thức hệ’, cuối cùng thì chính bản năng và tính khí của họ đã kềm hãm các lãnh đạo Xô-Viết chiếm lấy quyền lực. Họ đã trải bao thời gian đấu tranh thù nghịch với chính quyền đến nỗi nhiều người không thể thình lình trở thành- hoặc thậm chí tự cho mình- là chính khách. Họ bám sát vào thói quen và văn hóa của hoạt động cách mạng bí mật, thích chống đối với chính quyền hơn.
Thứ hai, các lãnh đạo Xô-Viết sợ rằng một cuộc phản cách mạng, thậm chí nội chiến, có thể xảy ra do họ chiếm lấy quyền bính. Tình hình cực kỳ chuyển biến; hiện chưa rõ là Tổng Tham mưu Alexeev và các tư lệnh Mặt trận có thi hành lệnh của Sa Hoàng dẹp tan cách mạng ở thủ đô; cũng chưa rõ liệu cách mạng có lan ra đến các tỉnh lỵ và các lực lượng ngoài Mặt trận. Khi sự việc diễn tiến, cho thấy ngay là các lãnh đạo Xô-Viết đã đánh giá quá mức mối nguy cơ thực sự của một vụ phản cách mạng. Gần như ngay lập tức Alexeev cho đình hoãn chiến dịch đánh dẹp cách mạng ở thủ đô như dự tính vì ông được trấn an là các lãnh đạo Duma chứ không phải các người xã hội sẽ nắm quyền, và một phần bởi vì ông biết rằng sử dụng quân đội cho việc này có thể gặp nguy cơ phản loạn lan ra đến binh sĩ ở Mặt trận. Hơn nữa, không mất nhiều thời gian để cách mạng lan đến Căn cứ Hải quân Kronstadt, một vài doanh trại ở phía bắc và chính Moscow. Trong vòng ít ngày chế độ sẽ sụp đổ, cùng với nó là bộ máy chính quyền tỉnh lỵ, trong khi quân đội và Giáo hội sẽ đồng thời tuyên bố ủng hộ cách mạng. Tất nhiên chưa có điều nào rõ ràng vào ngày 1 tháng 3. Tốc độ sự kiện diễn biến khiến mọi người kinh ngạc. Như Iurii Steklov, một lãnh đạo Xô-Viết, giải thích vào tháng 4 1917:
Vào thời điểm thỏa thuận này (thành lập Chính quyền Lâm thời) được xem xét, tình hình chưa có gì rõ ràng hoặc là cách mạng đã thắng lợi, hoặc là dưới một hình thức dân chủ – cách mạng hoặc dưới hình thức tư sản-ôn hòa. Đồng chí các anh, những người không ở Petrograd đây, không trải nghiệm được cơn sốt cách mạng này, sẽ không thể tưởng tượng được chúng tôi sống ra sao. . . Chúng tôi hồi hộp từng phút một không biết là chúng (binh lính trung thành với Sa Hoàng) sẽ đến khi nào.
Chắc hẳn là đúng khi cho rằng trong việc đánh giá tình hình các nhà lãnh đạo Xô-Viết một lần nữa tự cho phép mình chịu nhiều ảnh hưởng của trải nghiệm thế kỷ 19 ở châu Âu. Tất cả nhà xã hội chủ nghĩa đều thấm nhuần lịch sử các cuộc cách mạng Âu châu. Họ lý giải các sự kiện 1905 và 1917 theo chuẩn mực của 1789, 1848 và 1871, và điều này khiến họ tin rằng một cuộc phản cách mạng sẽ tiếp nối không thể tránh khỏi.
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Xô-Viết thậm chí không chắc chắn về quyền hành của mình đối với quần chúng trên đường phố. Họ bị sốc trước bạo lực và hận thù, hành động cướp bóc và đập phá vô chính phủ do đám đông thế hiện trong những Ngày Tháng Hai. Họ sợ rằng nếu mình tóm lấy quyền lực, rằng nếu tự mình trở thành chính quyền, tất cả cơn phẫn nộ này có thể quay ra chĩa vào họ.
Mstislavsky tuyên bố rằng ‘từ những giờ đầu tiên của cách mạng’ đại đa số các lãnh đạo Xô-Viết đều đoàn kết với các thành viên của Ủy ban Tạm thời ‘do một đặc điểm duy nhất chi phối mọi điều khác: đó là nỗi sợ hãi đám đông’:
Ôi, họ sợ đám đông làm sao! Khi tôi nhìn ‘các nhà xã hội’ của chúng ta nói chuyện với đám đông . . . tôi có thể cảm nhận được nỗi sợ hãi đến nôn mửa của họ. . . Tôi cảm thấy họ run rẩy bên trong, và nỗ lực của ý chí để tiếp tục nhìn thẳng vào những con mắt mở to, đầy tin tưởng của công nhân và binh sĩ chen chúc chung quanh họ. Gần đây mới ngày hôm qua, là những người đại diện và lãnh đạo của quần chúng lao động này, các nhà xã hội nghị viện yêu hòa bình còn có thể thốt ra những lời khủng khiếp nhất ‘nhân danh giai cấp vô sản’ mà không hề chớp mắt. Tuy nhiên giờ chuyện đã khác đi khi giới vô sản bằng xương bằng thịt này bất ngờ xuất hiện tại đây, trong toàn bộ quyền lực của xương thịt rã rời và máu huyết nổi loạn. Và khi bản chất thực sự cốt yếu của quyền lực này, vốn có đầy đủ năng lực sáng tạo và phá hủy, bổng hiển hiện ngay cả với những quan sát viên vô cảm nhất, thì gần như bất giác, những đôi môi tái nhợt của các lãnh đạo bắt đầu thốt lên những lời nói về hoà bình và hoà giải thay cho lời hô hào của ngày hôm qua. Họ sợ – và ai có thể trách họ được?
Thật ra là ai? Và nỗi sợ này cũng là triệu chứng của căn bệnh nhút nhát khi nói đến trách nhiệm của quyền lực. Đó là một sự rút lui khỏi sự quản lý nhà nước. Những năm sau đó Tsereteli cho rằng những nhà lãnh đạo Xô-Viết trong Tháng Hai đã xử sự như trẻ con và vô trách nhiệm. Nhiều người trong số họ chào đón hệ thống quyền lực kép – nguồn gốc của những yếu kém ăn sâu vào nền chính trị nước Nga 1917 – vì nó đặt họ vào một vị trí tốt. Họ được cho quyền lực mà không chịu trách nhiệm; trong khi Chính quyền Lâm thời chịu trách nhiệm mà không có quyền lực.
Đối với đa số nhà lãnh đạo Xô-Viết có một nhân tố đặc biệt khiến cho việc thương thảo một chính quyền Duma là một vấn đề cực kỳ cấp bách. Vào ngày 1 tháng 3 thiểu số cánh tả của ban Điều hành Xô-Viết (3 Bôn-se-vich, 2 SR tả khuynh và 1 thành viên của nhóm Liên Quận) yêu cầu thành lập một ‘chính quyền cách mạng lâm thời’ dựa trên các Xô-Viết. Nghị quyết này được Ủy ban Bôn-se-vich ở quận Vyborg ủng hộ, người vô sản nhất ở Petrograd. Do đó có mối nguy cơ thực sự là, trừ khi đa số Xô-Viết áp đặt một chính quyền lên các nhà lãnh đạo Duma, đường phố có thể áp đặt một chính quyền lên họ.
Đến khoảng nửa đêm ngày 1 tháng 3 một phái đoàn Xô-Viết (Sukhanov, Chkheidze, Sokolov và Steklov) băng từ cánh trái qua sang cánh phải của Điện Tauride để bắt đầu thương thảo cho một chính quyền với Ủy ban Tạm thời của Duma. ‘Ở đây không có hỗn loạn và rối rắm như ở chúng tôi,’ Sukhanov nhớ lại, ‘nhưng dù sao căn phòng cũng rất bề bộn: khói thuốc mù mịt, bẩn thỉu, với đầu thuốc lá, chai lọ, và ly bẩn vương vãi khắp nơi. Cũng có vô số đĩa trống lẫn còn đựng thực ăn thừa đủ mọi món, khiến mắt chúng tôi lấp lánh và miệng nhỏ dãi.’ Sukhanov và Miliukov, ‘ông chủ của cánh phải’, gần như giành nói hết. Ngài Rodzianko đồ sộ, Chủ tịch Duma, ngồi hờn dỗi trong một góc nhâm nhi sô-đa. Cả Lvov và Kerensky, vị Thủ tướng đầu tiên và cuối cùng của Chính quyền Lâm thời theo thứ tự, không nói một lời nào về việc lập chính quyền.
Cả hai bên Duma và Xô-Viết đều ngạc nhiên một cách thú vị trước quan điểm chung giữa họ. Mỗi bên đến để chuẩn bị đấu đá một trận lớn. Nhưng thật ra chỉ có một điểm xung khắc thực sự. Miliukov muốn duy trì chế độ quân chủ, với Alexis làm Sa Hoàng và Đại Công tước giữ quyền Nhiếp chính. Chkheidze chỉ ra rằng ý tưởng này ‘không những không thể chấp nhận được, mà còn không tưởng, xét đến mối hận thù mà quần chúng nhân dân dành cho vương quyền.’ Nhưng Miliukov không đẩy xa hơn quan điểm của mình vì ông biết nó sẽ không được các lãnh đạo Duma còn lại hậu thuẫn. Và cuối cùng mọi người đồng ý sẽ hoãn quyết định về hình thức chính thể cho đến khi triệu tập Hội đồng Lập hiến. Ngoài chuyện này ra không có mấy việc cần bàn luận. Mọi người đều nhất trí cần kíp phải vãn hồi trật tự, và thành lập một chính quyền Duma.
Tiến trình thương thảo được hoàn tất vào đầu giờ sáng. ‘Nhóm tư sản’, theo cách gọi của Sukhanov, sẽ được giao việc lập ra một chính quyền ‘dựa trên quan điểm là việc này phải theo sát tình hình chính và phù hợp với lợi ích của cách mạng’. Nhưng Xô-Viết, ‘với tư cách là một cơ quan duy nhất nắm giữ bất kỳ quyền lực thực sự nào’, đặt ra những nguyên tắc sau đây như những điều kiện cho sự hậu thuẫn của họ:
1 ăn xá ngày lập tức tất cả tù chính trị;
2 bạn bố ngay lập tức quyền tự do ngôn ngữ, báo chí và hội họp;
3 bãi bỏ ngay lập tức mọi hạn chế dựa trên giai cấp, tôn giáo và dân tộc;
4 chuẩn bị ngay lập tức việc triệu tập Hội đồng Lập hiến, được bầu ra theo phương thức đầu phiếu phổ thông, trực tiếp, kín và bình đẳng, để xác định hình thức chính quyền và hiến pháp của xứ sở;
5 bãi bỏ tất cả bộ phận cảnh sát và thay bằng lực lượng dân quân với các sĩ quan được cử ra có trách nhiệm với các cơ quan của chính quyền tự trị địa phương;
6 việc cử ra các cơ quan này dựa vào kết quả bầu cử phổ thông, trực tiếp, kín và bình đẳng!
7 bảo đảm là các đơn vị quân sự đã tham gia cách mạng không bị tước vũ khí hoặc đưa ra Mặt trận;
8 công nhận những quyền dân sự đầy đủ cho các quân nhân không làm nhiệm vụ.
Không thấy đề cập đến hai biện pháp cơ bản (chiến tranh và ruộng đất), là chỗ mà những mục tiêu của các nhà lãnh đạo Xô-Viết và Duma đụng chạm nhau. Nếu biết về sau hai vấn đề này sẽ gây ra những xung đột chính trị gay gắt (dẫn đến sự sụp đổ của ba nội các đầu tiên), thì đây quả là một lỗi lầm nghiêm trọng.
Thế thì đây chính là khuôn khổ của hệ thống quyền lực kép. Xô-Viết sẽ hậu thuẫn Chính quyền Lâm thời chừng nào mà nó theo sát các nguyên tắc Xô-Viết này; và nó hoạt động như một ‘người theo dõi’ chính quyền để bảo đảm nó không đi sai hướng. Hiệu quả là làm tê liệt Chính quyền Lâm thời. Vì nó không thể làm gì nếu không được Xô-Viết ủng hộ. Vậy mà đồng thời các điều kiện của Xô-Viết tạo ra một không khí tự do không kiểm soát đến nỗi dân chúng kêu gọi một chính quyền mạnh tay hơn. Như cách nói của Lênin, Nga đã trở thành một ‘đất nước tự do nhất thế giới’ – và ông là người đầu tiên lợi dụng điều đó.
***
Nội các mới được Miliukov chọn ra vào ngày 2 tháng 3, và loan tin trên mặt báo vào ngày hôm sau, cùng với lời kêu gọi của Xô-Viết đến với ‘các đồng chí và công dân!’ hãy giữ gìn trật tự và ủng hộ chính quyền. Đối với các đám đông bên ngoài Điện Tauride tên các nhà cai trị mới của họ gần như không ai biết. Tất cả họ đều xuất thân từ tầng lớp ưu tú giàu có. Phần đông họ đã từng được điền tên vào những chức vụ bộ trưởng khác nhau được tin cậy do các phe chống đối cấp tiến đề nghị từ 1915. Tám trong số 12 người là đại biểu Duma thứ Tư (và thêm 2 người thuộc các Duma trước); 7 người là thành viên của Zemgor tức Ủy ban Kỹ nghệ Chiến tranh; trong khi 6 thuộc các phe Masonic,* mà vai trò chính xác của họ trong Cách Mạng Tháng Hai từ lâu đã là chủ đề nghiên cứu lịch sử nhưng thiếu dữ kiện cụ thể.
* Lvov, Kerensky, Nekrasov, Tereshchenko, Konovalov và Guchkov.
Hoàng thân Lvov, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, có đủ tư cách trên mọi khía cạnh. Công tác thời chiến trong các zemstvo của ông đã giành được sự tôn trọng rộng khắp trong các tầng lớp học vấn cấp tiến. Ông trở thành một nhân vật quốc gia thực sự và điều này ít nhất cho chính quyền cái cớ là dựa vào một điều gì đó rộng lớn hơn Duma. Hơn nữa, Lvov là một người giỏi làm việc tập thể, một người có các khả năng thực tiễn và không dính líu nhiều đến các đảng phái, điều này thể hiện tinh thần liên minh mà chính quyền tuyên bố đại diện. Đây không phải là chính quyền của bất kỳ một đảng nào – nó gồm những phần tử từ Octobrist đến SR – nhưng là một chính quyền cứu quốc. Khía cạnh không đáng phái này, kết hợp với tính khí mềm mỏng, khiến Lvov trở thành nhân vật lý tưởng để hòa giải giữa những người môi giới quyền lực trong nội các của mình — Miliukov và Kerensky — những người chắc chắn sẽ tranh chấp nhau và làm nứt rạn chính quyền ngay từ đầu. Mỗi người họ đều sẵn sàng chấp nhận Lvov, nếu chỉ để ngăn người kia trở thành Thủ tướng. Vậy mà khi tên của Lvov được thông báo cho quần chúng, một số người hét lên: ‘Giai cấp đặc quyền!’ Một người lính quát: ‘Như vậy tất cả việc chúng ta làm là trao đổi một sa hoàng đế lấy một hoàng thân sao?:
Tên Tereshchenko, tân Bộ trưởng Tài chính, được đám đông chào đón bằng một tràng cười nhạo báng. ‘Ai là gã Tereshchenko này vậy?’ dân chúng thắc mắc. Vâng họ có thể thắc mắc. Ngay cả báo chí biết rất ít về ông. Tất cả điều họ có thể nói là ông ta xuất thân từ Ukraine, một triệu phú 29 tuổi. Shingarev, Bộ trưởng Nông nghiệp, cũng đi lên từ một bối cảnh mù mờ. Một bác sĩ tỉnh lẻ và một thành viên Duma thuộc đảng Kadet, thậm chí người bạn thân nhất của ông cũng buộc phải công nhận ông ta chỉ trội hơn một người tầm thường tử tế một chút. Cũng không ai biết nhiều hơn về Konovalov (Thương mại và Công nghiệp), Nekrasov (Giao thông) hoặc Manuilov (Giáo dục), mặc dù Guchkov (Chiến tranh và Hải quân) và Miliukov (Ngoại giao) chắc chắn là tên tuổi người nhà và hình như, lúc đầu được mọi người tán thưởng.
Chỉ có cái tên Kerensky, một người xã hội chủ nghĩa trong nội các, đón nhận sự tán thưởng của đám đông. ‘Tập thể binh sĩ’, Stankevich nhớ lại, ‘cảm nhận rằng Kerensky chính là bộ trưởng ‘của họ.’ Là Phó Chủ tịch của ban Điều hành Xô-Viết, đáng ra ông không nên nhận – và thậm chí yêu cầu – chức vị Bộ trưởng Tư pháp. Vì chính sách chính thức của Xô-Viết là không bước vào chính quyền. Chkheidze đã từ chối chức vị Bộ trưởng Lao động. Nhưng Kerensky đã có chủ tâm trở thành bộ trưởng. Trẻ tuổi và đầy tham vọng (ông mới 35), Kerensky luôn ấp ủ ước mơ vĩ đại, và không thể bỏ qua cơ hội này. Trong suốt những ngày vừa qua ông là nhân vật chủ chốt phía sau các sự kiện. Chỉ có ông là thuộc đồng thời ban Điều hành Xô-Viết và Ủy ban Tạm thời Duma. Ông chạy qua lại hai cánh của Điện Tauride, tự biến mình là người cần thiết cho cả hai. Nhưng dễ thấy tình cảm của ông đặt ở nơi đâu: phần lớn thời gian ông dành cho cánh phải, và hiếm lần qua Xô-Viết chỉ để đọc một bài diễn văn hùng hồn nào đó về ‘cách mạng của nhân dân’. Chưa khi nào ông liều lĩnh ra đường phố. Mặc dù tự phong mình là nhà xã hội, Kerensky thật ra là một nhà tư sản cực đoan, một đại biểu Duma và một luật sư dân chủ, ăn mặc như một ‘người của quần chúng’. Chính thức ông thuộc Đảng Trudovik. Sau này khi thấy cần, ông gia nhập Đảng SR. Nhưng tận trong tâm can ông không phải là nhà xã hội. Ở Duma ông luôn mặc một áo vét với áo sơ mi cổ cồn. Nhưng khi ông nói ở Xô-Viết ông lột cổ áo ra và cởi áo vét để nôm có vẻ ‘vô sản’ hơn. Ông không phải là người cách mạng. Ông là người, mà theo cách nói của Trotsky, chỉ ‘chầu chực Cách Mạng’.
Ngay sau 2 giờ chiều ngày 2 tháng 3 Kerensky bước vào Xô-Viết để đọc một bài diễn văn có lẽ là quan trọng nhất đời mình. Ông cần hội đồng ưng thuận cho quyết định của mình, chỉ mới đưa ra sáng hôm đó mà chưa được tán thành trước, là chấp nhận Bộ Tư pháp. ‘Các đồng chí! Các bạn có tin tưởng ở tôi không?’ ông hỏi với giọng điệu mang hơi hướng kịch trường. ‘Chúng tôi tin, chúng tôi tin!’ các đại biểu hô to. ‘Tôi xin nói, thưa các đồng chí, với cả linh hồn tôi, từ tận đáy lòng tôi, và nếu cần chứng minh điều này, nếu các bạn không tin tưởng tôi, thế thì tôi sẽ sẵn sàng chết.’ Một cơn sóng cảm xúc lướt qua khán phòng. Rồi tiếng vỗ tay rào rào dâng lên, kéo dài từ các đại biểu đồng loạt đứng dậy. Nắm bắt cơ hội này Kerensky tuyên bố là mình có bổn phận phải nhận lấy chức vụ này, vì các bộ trưởng sa hoàng ‘đang ở trong tay tôi và tôi không thể để chúng tẩu thoát được’. Ông bảo họ rằng ‘hành động đầu tiên’ của minh dưới tư cách bộ trưởng tư pháp là đã phóng thích tất cả tù chính trị và sắp xếp lễ tiếp đón các người hùng trở về thủ đô. Các đại biểu hết sức xúc động và đón nhận tin này bằng tiếng hoan hô vang dậy. Rồi Kerensky quay sang hỏi họ có tán thành quyết định tham gia chính quyền của mình không, sẽ xin từ nhiệm khỏi Xô-Viết nếu câu trả lời là không. Nhưng có tiếng hét cuồng nhiệt ‘Chúng tôi có!Chúng tôi có!’ và, không cần bỏ phiếu hình thức, các hành động của ông được chấp thuận. Đó là một cú diễn xuất xuất thần. Kerensky giờ đã là chính trị gia duy nhất có vai vế ở trong chính quyền lẫn Xô-Viết. Ông là nhà lãnh đạo của nhân dân không thể chối cải được.
Giờ là khởi đầu của hành động tôn sùng Kerensky. Tiếng tăm của ông thật là to lớn. ‘Chỉ có một cái tên có thể đoàn kết được mọi người’, Gippius viết vào ngày 1 tháng 3, ‘và đó là cái tên Kerensky.’ Trong những tuần lễ đầu của cách mạng những công nhân trong nhà xưởng, những thủy thủ trên tàu và binh sĩ trong doanh trại đều hỏi cùng một câu hỏi, ‘Alexander Fedorovich phải nói gì đây?’, và lúc nào câu trả lời cũng trở thành lời cuối cùng trong bất kỳ vấn đề tranh cãi nào. Kerensky là con cưng của giới trí thức dân chủ. ‘Chúng tôi yêu quí Kerensky,’ Gippius nhớ lại. ‘Có điều gì đó sống động, điều gì đó hồn nhiên và trẻ thơ trong con người ông.’ Với gương mặt trẻ trung và xanh tái, cặp mắt sáng rực và dáng điệu năng nổ, ông là một hình ảnh hoàn hảo của phe cực đoan sinh viên.
Sự tôn sùng gần như phổ biến này không thể lý giải bằng tiêu chuẩn các phẩm chất qui ước của một chính trị gia. Kerensky không có nhiều phẩm chất này. Sự nghiệp của ông ở Duma đã không mấy xuất sắc: ông thiếu tầm vóc của Miliukov và phong cách của Maklakov hoặc Fedor Rodichev. Và còn có những luật sư khác có đủ tư cách trở thành Bộ trưởng Tư pháp hơn ông. Nhưng Kerensky là người lý tưởng cho Tháng Hai. Như Gippius nói, ‘Ông là một người đúng tại một ví tri đúng.’ Có một điều, Kerensky là một nhà hùng biện lớn – không phải chỉ trong khung cảnh nghị viện, đòi hỏi phải có tài hùng biện lẫn tri thức, mà theo nghĩa là có thể động viên quần chúng. Các bài nói chuyện của ông rất dữ dội và đầy xúc cảm. Chúng không liên hệ đến những chính sách chi ly mà đến những nguyên tắc đạo đức và giá trị tinh thần. Chúng nghe như lời giảng của giáo sĩ hơn là mệnh lệnh của một chính trị gia. Trong thời trẻ Kerensky từng muốn trở thành một kịch sĩ. Những bài diễn văn của ông chứa đầy những thống thiết kịch tính, những cử chỉ sân khấu và ngay cả những cơn ngây ngất tại những điểm cao trào của bài diễn văn. Kerensky là hiện thân cho tình đoàn kết quốc gia, cho sự phục sinh nhân dân, mà Cách Mạng Tháng Hai hướng đến. Ông được gọi là ‘thi sĩ của tự do’, ‘trái tim của đất nước’, ‘tinh thần của dân tộc’, ‘vị cứu tinh của tổ quốc’ và ‘tình yêu đầu tiên của cách mạng’.
Các định chế, tâm lý, và thậm chí ngôn ngữ của dân chủ vẫn chưa bắt rễ trong vùng đất chính trị trinh nguyên của nước Nga. Phần đông dân chúng còn quan niệm chính trị theo hạn mức của vương quyền. Suy cho cùng, đây là miền đất của các Sa Hoàng. Thậm chí trước khi Nicholas thoái vị, nhân dân Nga đã có vị Sa Hoàng mới của mình
iii Nicholas Phế Đế
Nhật Ký của Sa Hoàng, 26 tháng 2 1917
Lúc 10 giờ tôi đi dự lễ Mét. Các báo cáo đến đúng lúc. Có nhiều người ở bàn dùng điểm tâm, kế cả mọi người nước ngoài. Viết thư cho Alix và đi tản bộ gần nhà nguyện ở bên đường Bobrisky. Thời tiết đẹp và sương giá. Sau tiệc trà tôi đọc sách và trao đổi với Thương nghĩ sĩ Tregubov cho đến bữa ăn tối. Chơi đô-mi-nô vào buổi tối.
Trong khi Petrograd chìm trong hỗn loạn và vương quốc đang loạng choạng trên bờ vực sụp đổ, Nicholas vẫn thản nhiên với những sinh hoạt thường nhật tại Stavka. Ở đó, theo lời một cận thần, ‘ngày này đến ngày khác trôi qua như hai giọt nước.’ Xét theo những thư từ của ông, ông quan tâm đến việc hai cô con gái bị bệnh sởi hơn là những báo cáo mới nhất về vụ nổi dậy ở thủ đô gởi về. Đúng là Khabalov không báo cho ông biết về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Nhưng nếu có, liệu có gì khác không? Chưa chắc. Vào sáng ngày 27 một bức điện từ Chủ tịch Duma gởi đến thông báo cho Sa Hoàng về tình hình thực sự và khẩn khoản xin ông ‘hãy hành động ngay lập tức’ vì ngày mai là quá muộn’. Nicholas liếc nhìn thông điệp rồi quay sang Bá tước Fredericks, kêu lên: ‘Lão Rodzianko mập này lại viết cho tôi đủ thứ chuyện vô lý, mà tôi không buồn trả lời.’
Kế từ khi Rasputin chết đi, Nicholas đã quay lưng khỏi thủ đô và rút lui vào những hoạt động thường nhật yên bình ở Stavka và cuộc sống gia đình ở Tsarskoe Selo. Hơn bao giờ hết ông sống trong một thế giới mộng ảo của riêng mình, xúm xít chung quanh là các nịnh thần. Trong những tuần cuối cùng của vương triều nhiều cố vấn khuyên ông hãy bổ nhiệm một chính quyền mới được tín cậy có trách nhiệm với Duma. Nhưng không có lời nào xuyên thấu được bức tường vô hình của sự lãnh đạm mà ông dựng lên bao quanh mình. Vậy mà bên dưới dáng vẻ trầm tĩnh này, rõ ràng nội tâm ông đang khủng hoảng sâu sắc. Kokovtsov, người không gặp Sa Hoàng nhiều năm liền, không nhận ra ông vào đầu tháng 2. Y tin rằng ông ‘đang trên bờ vực sụp đổ tinh thần’. Paleologue cũng sốc trước gương mặt tiều tụy và trầm trọng của Sa Hoàng bởi ánh mắt nhìn xa xăm, những ý nghĩ đâu đâu và tính cách bí ẩn và mơ hồ của ông.’ Điều đó làm viên Đại sứ Pháp khẳng định rằng Nicholas II đang đắm chìm và bị khống chế bởi những sự kiện đến nỗi ông mất cả lòng tin vào sứ mạng hoặc công việc của mình, và rằng nói cho đúng ông đã thoái vị từ bên trong và giờ cam chịu đón nhận thảm họa’. Như thể cuộc khủng hoảng nội tâm của ông là do nhận thức được rằng con đường chuyên chế 22 năm qua đã cuối cùng đến hồi kết thúc. Toàn bộ cuộc sống ông dành cho việc duy trì chuyên chế, và giờ biết mình không thể giữ lại nó được, nên ông đầu hàng số phận.
Vào tối ngày 27 tin tức về cuộc nổi dậy ở Petrograd cuối cùng đến tai Sa Hoàng. Ông ra lệnh Tướng Ivanov, giờ được bố nhiệm thay thế Khabalov làm tư lệnh Quân khu Petrograd, chỉ huy một đạo quân trừng phạt đến thủ đô và thiết lập một tình trạng độc tài ở đó. Còn Nicholas khỏi hành đi Tsarskoe Selo bằng tàu hỏa ngay đêm đó, bỏ ngoài tai lời chống đối của Alexeev cho rằng việc đó chỉ cản trở cuộc phản cách mạng và có thể nguy hiểm đến tính mạng của ông. Giờ hình như mối quan tâm duy nhất của ông là đoàn tụ với vợ và con. Chuyến tàu hoàng gia không đi trực tiếp về hướng bắc vì binh lính của Ivanov đang tiến dọc theo con đường này mà phải quay một vòng lớn về hướng đông, đến Malaya Vishera, cách thủ đô khoảng 125 dặm về hướng đông nam, vào bình minh ngày 1 tháng 3. Ở đó tàu không đi hơn được vì đường phía trước đã bị quân cách mạng chiếm giữ, vì thế tàu phải hướng về tây đến Pskov, lúc 7 giờ tối ngày 1 tháng 3. Vì sắp xếp vội vàng nên không có cuộc đón tiếp Sa Hoàng theo nghi thức tại thị trấn nơi số mệnh buộc ông phải từ bỏ ngôi vua. Tướng Rudzky, Tư lệnh Mặt trận phương Bắc, đến muộn gặp ông ở ga tàu.
Lần này, tuy nhiên, có vài việc xảy ra làm cản trở kế hoạch phản cách mạng. Có một việc, các lực lượng trung thành còn lại cuối cùng trong thủ đô đã thất bại một cách khó hiểu trong việc tổ chức phản công. Tướng Khabalov rõ ràng là đã thiếu dũng khí chiến đấu và gần như không làm gì, mặc dù có nhiều việc y có thể làm được. Từ dinh Đô đốc, nơi ông và tùy tùng cố thủ, có một con đường đi thẳng đến ba nhà ga tàu hỏa chính (ga Baltic, Warsaw và Nikolaevsky): các binh sĩ trung thành, được Mặt trận tiếp viện, có thể theo đường này đột kích. Nhưng Khabalov chưa hề nghĩ đến điều đó. Nhâm nhi cô-nhắc để tay khỏi run, y chỉ biết viết thông cáo trong đó tuyên bố một việc hiển nhiên – là thành phố đang bị vây hãm. Nhưng không ai có đủ can đảm, nói chi có cọ và hồ, để dán thông báo trên đường phố. Thay vào đó những tờ rơi được ném ra ngoài cửa sổ của dinh Đô đốc, và hầu hết rơi trở lại vào sân bên dưới. Những nỗ lực của binh lính Khabalov nhằm bắt liên lạc với lực lượng trung thành trong những khu vực khác ở trung tâm thành phố kết thúc một cách buồn cười tương tự. Một phân đội liều lĩnh tìm đường đi qua Cung điện Mùa Đông – chỉ để bị viên chỉ huy cung điện nổi cáu ra lệnh quay lại khi thấy giày bốt của họ vấy bẩn nền nhà mới chùi bóng loáng. Sau này mới biết chính Đại Công tước Mikhail, người đang ở trong cung khi đó, đã ra lệnh cho binh sĩ quay lại vì ông sợ họ có thể làm hư hỏng đồ sứ của ông. Và vì thế ông đánh mất Đế chế! Mất tinh thần và bị bỏ đói vài ngày, hầu hết binh sĩ chạy về phía nhân dân hơn là quay về dinh Đô đốc.
Có một diễn biến thứ hai khiến việc tiến hành chống cách mạng bị thất bại vào ngày 1 tháng 3. Đạo quân của Ivanov đã đến Tsarskoe Selo và biết rằng cuộc nổi dậy đã lan đến Vệ binh Hoàng gia, đang đồn trú ở đó. Một số bộ phận binh lính của Ivanov cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu bất mãn, trả lời cáu kỉnh khi Hoàng hậu tiếp chuyện trong một lần duyệt binh. Trong khi đó ở Petrograd, Ủy ban Tạm thời đã ra nghị quyết là Nicholas phải thoái vị. Sáng sớm ngày 2 tháng 3, Guchkov và Shulgin khỏi hành đi Pskov với chỉ thị là áp đặt lệnh thoái vị và bảo đảm Luật Truyền Ngôi cho Alexei làm Sa Hoàng và Đại Công tước Mikhail làm Nhiếp chính. Rodzianko, trong lúc này, vẫn còn hi vọng thuyết phục được Sa Hoàng nhượng bộ, bị ngăn cản không cho đi vì lệnh phong tỏa các tuyến tàu hỏa.
Nhưng diễn biến quan trọng nhất là quyết định của Tướng Alexeev, với tư cách quyền Tư lệnh Trưởng, ra lệnh dừng cuộc hành quân phản cách mạng. Một trong những lý do cho quyết định sinh tử này là vì Rodzianko đã bảo đảm với ông vào ngày 1 tháng 3 là các lãnh đạo Duma, chứ không phải Xô-Viết, sẽ thành lập chính quyền mới ở Petrograd. Chính Alexeev đã từng là một đồng loã trong âm mưu đảo chính cung đình của Khối Tiến bộ. Về bản thân ông tin cậy Rodzianko, và hình như còn tin tưởng phe cấp tiến có thể còn sẵn sàng thỏa thuận một giải pháp chính trị nhằm giữ lại cơ sở vương quyền của Nga. Nhưng có một động lực khác làm Alexeev đổi ý: ông sợ rằng nếu quân đội được sử dụng để tấn công thủ đô cách mạng, nó có thể bị cuốn theo cơn lốc nổi dậy, dẫn đến thảm bại cuộc chiến với Đức. Vào ngày 1 tháng 3 trong các lực lượng đồn trú phía bắc, có vài cuộc nổi dậy xảy ra, và có nguy cơ lây lan đến các đơn vị ở Mặt trận. Ông muốn cô lập binh sĩ tiền tuyến khỏi Petrograd Đỏ hơn là đem họ đến đó để có nguy cơ rơi vào ảnh hưởng của cách mạng. Vào ngày 1 tháng 3 Alexeev ra lệnh cho Tướng Ivanov dừng cuộc hành quân về Petrograd. Ông điện cho Sa Hoàng xin ông ta hãy để Duma thành lập một chính quyền nhằm vãn hồi trật tự. ‘Một cuộc cách mạng lan rộng khắp nước Nga’, ông cảnh báo như biết trước, ‘sẽ có nghĩa kết thúc cuộc chiến trong ô nhục. Người ta không thể đòi hỏi binh sĩ chiến đấu khí ở hậu phương có cách mạng.’
Quân vụ đã luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim Nicholas, và giờ đây chính các chỉ huy quân sự lại khuyến cáo ông thoái vị. Nếu vào sáng ngày 1 tháng 3 Alexeev nhận định việc bổ nhiệm một chính quyền Duma là đủ để giữ yên thủ đô, thì vào sáng ngày 2 tháng 3 ông cho rằng chỉ có việc Sa Hoàng thoái vị mới cần thiết. Trong những giờ đầu của buổi sáng, trong lúc Nicholas trằn trọc trên giường, không sao ngủ được, thì ở Petrograd Tướng Rudzky trao đổi với Rodzianko qua máy điện báo và biết được tin là tình hình hỗn loạn ở thủ đô nghiêm trọng đến mức chỉ có việc thoái vị mới vỗ yên được quần chúng. Alexeev sửng sốt vì những gì mình đọc trên bản ghi chép cuộc nói chuyện của họ. Lúc 9 giờ sáng, ông điện cho Pskov ra lệnh đánh thức Sa Hoàng ngay lập tức – ‘bỏ qua các phép tắc – và thông báo với ông ta về nội dung cuộc trao đổi Ruzsky-Rodzianko. Bây giờ đối với Sa Hoàng và các tướng lãnh ở Stavka là Nicholas không có lựa chọn nào khác ngoại trừ nghe theo lời khuyên của Rodzianko. Nhưng ông biết tánh Sa Hoàng đủ rõ để hiểu rằng ông ta sẽ không đồng ý thoái vị nếu không có các tướng lãnh hàng đầu thúc giục. Ông bèn gởi điện cho các Tư lệnh Mặt trận trong đó ông tóm tắt tình hình, và yêu cầu họ trả lời với Pskov theo phương hướng của mình là Nicholas nên bước xuống vì con trai để cứu lấy quân đội, cuộc chiến, quốc gia và vương triều
Lúc 10 giờ sáng Ruzsky đến toa tàu của Sa Hoàng và trao cho ông bản ghi chép cuộc đàm thoại với Rodzianko. Nicholas đọc, đứng lên và nhìn ra ngoài cửa sổ. Một khoảng im lặng đáng sợ. Cuối cùng, ông quay lại bàn viết, và lặng lẽ nhắc lại là ông luôn tin rằng ‘ông sinh ra để gánh chịu tai ương’. Tối hôm trước, khi nằm trên giường, ông sực nhận ra rằng nhượng bộ bây giờ đã quá muộn. ‘Nếu cần phải thoái vị vì điều tốt đẹp cho nước Nga, thì tôi sẵn sàng làm việc đó,’ ông nói. ‘Nhưng tôi sợ nhân dân sẽ không hiểu được điều đó.’ Ít phút sau điện tín của Alexeev đến. Ruzsky đọc lớn cho Sa Hoàng và đề nghị hoãn lại các quyết định cho đến khi nghe ý kiến các tư lệnh. Nicholas hoãn lại để ăn trưa. Ông có thể làm được việc gì khác? Ông là người của thói quen.
Khoảng hai giờ rưỡi điện tín từ các tư lệnh đã về và Ruzsky được triệu tập đến toa tàu Hoàng đế. Nicholas hút thuốc không ngừng khi đọc các điện tín. Tất cả họ đều đồng ý với Alexeev về việc cần thiết phải thoái vị. Brusilov, người từ lâu cho rằng Sa Hoàng đã gây tổn hại cho quân đội, tuyên bố thẳng thừng rằng giờ đây đó là cách duy nhất để vãn hồi trật tự ở hậu phương và tiếp tục cuộc chiến. Đại Công tước Nikolai ‘quì gối’ van xin cháu mình hay từ bỏ ngôi vương. Khi ông đã đọc hết Nicholas hỏi ý kiến của ba tướng lãnh kề cận trên toa tàu. Cũng câu trả lời như vậy. Im lặng một lúc, Nicholas mới cất tiếng. ‘Trẫm đã quyết định. Trẫm đã quyết định thoái vị để nhường ngôi cho Alexei con trai.’ Ông làm dấu thánh, các vị tướng cũng làm dấu thánh, và rồi ông rút lui vào phòng ngủ.
Nhiều người ở bên ông trên toa tàu hoàng gia rất ngạc nhiên trước sự dửng dưng kỳ lạ của Sa Hoàng trong suốt thử thách này. Đến phút cuối ông còn giữ được kiểu cách lịch sự cứng nhắc không chê được. Đã ra quyết định thoái vị, ông đi tản bộ giấc chiều và xuất hiện trên toa ăn như thường lệ để uống trà giấc tối. Không nói một lời nào về sự kiện xảy ra trong ngày. Các quần thần vẫn tiếp tục trò chuyện lặt vặt về thời tiết, trong khi người hầu vẫn đồng phục đi quanh bàn châm trà như không có chuyện gì xảy ra. ‘Sa Hoàng’ngồi bình thản và trầm tĩnh,’ một phụ tá nhớ lại. ‘Ông ta cứ tiếp tục nói chuyện và chỉ có cặp mắt của ông, đượm buồn, ra chiều suy tư và đăm đăm nhìn xa xăm, và những cử chỉ bồn chồn khi ông rút điếu thuốc, mới bộc lộ một nội tâm rối bời.
Sự thật của vấn đề là việc ông thoái vị ắt hẳn cũng trút được gánh nặng cho ông. Đêm đó chắc Nicholas sẽ ngủ ngon hơn sau một thời gian dài mất ngủ. Khi còn trẻ, ông chưa từng thực sự muốn làm Sa Hoàng. Cuộc sống vui thú của một sĩ quan Vệ binh trẻ tuổi, tiếp theo là những ngày tháng êm ấm bên gia đình của một quí tộc địa chủ, là điều ông ưa thích hơn. Nhưng khi số mệnh đặt ông lên ngôi vua ông thề sẽ giữ vững và truyền lại cho con trai mình những quyền lực chuyên chế mà ông đã thừa hưởng từ người cha ông yêu quí và kính sợ. Ông gắn bó với lời thề đăng quang này với tâm thế thiển cận cố chấp như thể ông sợ Chúa Trời (hoặc bà vợ) sẽ trừng phạt mình nếu mình không thể cai trị như Ivan Khủng khiếp (Sa Hoàng đầu tiên của Đế chế Nga, nổi tiếng vì cai trị hà khắc và rất nóng tính. Trong một cơn nổi giận ông đã ra tay giết chết con trai trưởng và là người sẽ kế vị mình: ND). Chừng nào ông còn là Sa Hoàng không có gì khiến ông đi sai hướng này. Trong 22 năm ông đã phớt lờ những bài học của lịch sử, cũng như những lời khẩn khoản của vô vàn cố vấn, tất cả đều nói lên sự thật là cách duy nhất để cứu lấy ngôi vua là chấp thuận một chính quyền có trách nhiệm với nhân dân. Động lực của ông lúc nào cũng như một: ‘lương tâm’ của ông ngăn cấm ông làm thế. Thậm chí muộn như vào tháng giêng 1917, khi Đại Công tước Pavel, trong một nước đi tuyệt vọng cuối cùng để tránh khỏi thảm họa, thúc giục ông nhượng bộ một nội các Duma, Nicholas trả lời: ‘Tôi đã tuyên thệ vì Chuyên Chế trong ngày lễ đăng quang và tôi phải trao lại lời tuyên thệ nguyên vẹn này cho con trai tôi.’ Theo một cách nào đó, ông ắt hẳn thấy thoái vị dễ hơn là biến thành một vị vua lập hiến. Đó là bi kịch của Nicholas.
Trong suốt thời gian này mối quan tâm chính của Nicholas là đoàn tụ với gia đình mình. ‘Trong tâm tưởng anh chỉ có em bên cạnh,’ ông viết cho Alexandra vào ngày 28 tháng 2. Chính điều này dẫn đến một bước ngoặt kỳ lạ cuối cùng trong câu chuyện thoái vị của ông. Vào chiều tối ngày 2 tháng 3, trong khi đang đợi Guchkov và Shulgin từ thủ đô đến, Nicholas cho gọi Giáo sư Fedorov, bác sĩ triều đình để hỏi về triển vọng hồi phục của con trai mình. Sa Hoàng bảo ông về lời tiên đoán của Rasputin rằng Alexei sẽ lành bệnh khi đến 13 tuổi, và do mỉa mai của số phận, cậu sẽ đến tuổi ấy vào năm 1917. Federov bác bỏ mối hi vọng hão: không có cách chữa trị y học cho bệnh của Alexei và cậu không thể sống lâu. Ông ta cũng tỏ ra hoài nghi về việc Sa Hoàng được phép ở cùng với con trai một khi ông từ bỏ ngôi vua, vì chắc chắn ông sẽ bị lưu đày. Khi nghe điều này, Nicholas quyết định thoái vị không chỉ ông mà cả con ông để nhường ngôi cho người em trai, Đại Công tước Mikhail. ‘Tôi không thể sống xa nó,’ ông bảo Guchkov và Shulgin khi họ đến nơi. ‘Trẫm hi vọng các khanh sẽ hiểu cho cảm xúc của một người cha.’
Theo luật việc này hoàn toàn vô giá trị. Luật Truyền Ngôi nói rõ là ngôi vua nước Nga ‘không phải là tài sản riêng của Hoàng đế lẫn di sản của ông ta để tùy ý sử dụng theo ý muốn của mình’, mà phải tự động truyền xuống cho con trai trưởng. Để khiến vấn đề tệ hơn, Mikhail đã tự mình bị loại khỏi ngôi vua theo luật định vì đã kết hôn với một người thường dân đã từng ly dị trước đây. Nhưng Guchkov và Shulgin giờ chỉ quan tâm đến việc Sa Hoàng thoái vị hơn tính chặt chẽ hợp pháp; và để hoàn tất việc này họ sẵn sàng nhượng bộ nguyện vọng của ông. Tuyên Cáo Thoái Vị, mà Nicholas thảo ra trong toa tàu tối hôm đó, hoàn toàn bất hợp pháp. Sau này nó được tuyên bố như một cái cớ để phục hồi ông. Nhưng lúc này nó không hơn một tờ chấp thuận cho quyền làm cha của ông.
Tin tức về sự thoái vị của Sa Hoàng đến Tsarskoe Selo vào ngày hôm sau. Đại Công tước Pavel được giao nhiệm vụ thông báo cho Hoàng hậu, vì không ai trong số tùy tùng của bà có can đảm làm việc ấy. Ông ta tìm thấy bà đang ở cùng lũ trẻ, trong y phục một y tá. Sau khi ông cho bà hay tin ‘Hoàng hậu bủn rủn và cúi gục đầu xuống, như thể đang cầu nguyện’. Với một giọng nói điềm tĩnh bà giải thích cho ông ta là chồng mình lúc nào ‘cũng muốn thoái vị hơn là bẻ gãy lời thề lúc đăng quang’. Rồi bà bật khóc.
* * *
Đám đông bên ngoài Điện Tauride nghe thông báo Nicholas thoái vị nhường ngôi cho Đại Công tước Mikhail với phẫn nộ bùng nổ. Sảnh Catherine nghe rõ tiếng la hét từ đường phố vọng vào ‘Cộng hòa Vạn Tuế!’ và ‘Đả đảo Vương triều!’ Khi Guchkov từ Pskov trở về ông đắc thắng đến dự mít tinh các công nhân đường sắt để bảo với họ những gì đã xảy ra. Kết thúc bài diễn văn với lời hô hào ‘Vạn Tuế Hoàng Đế Mikhail!’, ngay lập tức ông bị công nhân bắt và hăm dọa bị hành hình. Trong khắp thủ đô đám đông tấn công những người ủng hộ và các biểu tượng của vương triều. Binh lính rầm rộ kéo đến Điện Tauride yêu cầu lật đổ vương triều. Bên trong điện Miliukov còn tiếp tục bảo vệ việc tồn tại của nó theo đúng luật. Điều cốt yếu, giáo sư lập luận, là duy trì vương triều như một biểu tượng của nhà nước. Bởi vì như vậy mới mang lại tính hợp thức hóa và sự tiếp nối lịch sử cho việc chuyển giao quyền lực. Tâm trạng của quần chúng rõ ràng không muốn vương triều sống lại. Đám đông sẽ không cam chịu một Sa Hoàng mới, và nếu ai đó áp đặt rối loạn lại sẽ nổ ra, và có thể dẫn đến nội chiến. Các bộ trưởng cộng hòa, do Kerensky và Nekrasov cầm đầu, cuối cùng đã tìm được lối ra. Chính quyền Lâm thời quyết định thuyết phục Đại Công tước từ khước ngôi vua và như thế triều đại sẽ kết thúc.
Không cần thuyết phục nhiều. Mikhail là một con người nhút nhát và bình dị, không quan tâm nhiều đến chính trị, và thậm chí kém thông minh hơn ông anh. Trong tình thế khác có thể ông ta là một vị vua lập hiến tốt, tuy hơi tầm thường, giống như vua nước Anh, George V, anh em họ của ông. Nhưng vụ nổi loạn ở thủ đô, mà đích thân ông chứng kiến, khiến ông hết ham quyền hành.
Ông gặp các nhà lãnh đạo của Chính quyền Lâm thời vào ngày 3 tháng 3 tại nơi cư ngụ của Quận chúa Putiatina, không xa Cung điện Mùa Đông, nơi ông lẫn tránh trong thời gian cách mạng. Lvov và Kerensky trình bày trước quan điểm của đa số trong chính quyền là nếu Mikhail chấp nhận lên ngôi sẽ gây ra một cuộc nổi dậy dữ dội, dẫn đến nội chiến. Miliukov không đồng ý, tuyên bố rằng chỉ có vương triều được nhân dân nhìn nhận như là một biểu tượng của quyền hành mới cứu được đất nước khỏi hỗn loạn. ‘Chính quyền Lâm thời một mình thôi, không có một vương triều,’ ông lập luận, ‘chỉ là một con thuyền chưa từng ra khơi sẽ bị nhận chìm trong đại dương của nhân dân nỗi dậy.’ Tất cả điều này khiến Đại Công tước khá lúng túng. Ông yêu cầu cho ông một giờ để bàn bạc riêng với Rodzianko. Mối quan tâm chủ yếu của ông, theo Rodzianko, là liệu Duma có thể bảo đảm cho sự an toàn của ông nếu ông trở thành một Sa Hoàng. Khi Rodzianko trả lời điều đó là không thể, ông cuối cùng quyết định và, trở lại buổi họp, thông báo là mình đã quyết định từ chối ngôi vua. Đôi mắt ông đẫm lệ. Kerensky, mừng quá đến quên cả ý tứ, chạy vội đến Đại Công tước, nắm chặt bàn tay ông ta, khen ngợi rối rít bằng những lời lẽ sau đây: ‘Thưa ngài, ngài đã hành động cao thượng như một người yêu nước. Từ giờ trở đi, tôi cảm thấy có bổn phận báo việc này cho mọi người đều biết và sẽ bảo vệ ngài.’
Hai luật gia, Nabokov và Nolde, được mời đến nơi ở của Putiatina để soạn thảo tuyên cáo thoái vị. Văn kiện lịch sử này, kết thúc 300 năm triều đại Romanov, được họ viết ra trên bàn viết học sinh trong phòng học cô con gái của Putiatina, rồi sao lại trong cuốn vở học của em. Đến 6 giờ chiều văn kiện đã hoàn tất. Mikhail ký tên dưới sự hiện diện của các bộ trưởng và Rodzianko. Sau đó ông quay sang ôm chầm lấy Hoàng thân Lvov và chúc ông ta may mắn trong chức vụ Thủ tướng nước Nga mới.
* * *
Sự kiện kết thúc chế độ quân chủ được hân hoan chào mừng trên khắp Đế chế Nga. Những đám đông say sưa tụ họp đông đảo trên các đường phố Petrograd và Moscow. Cờ đỏ được kéo lên trên các mái nhà, được treo trên các cửa sổ mỗi dinh thự. Ở Helsingfor, Kiev, Tiflis và những thủ phủ không-Nga khác, nơi sự hạ bệ của Sa Hoàng đồng nghĩa với dân tộc được giải phóng, cờ dân tộc thường được treo bên cạnh. Hiểm có thị trấn nào, dù nhỏ đến đâu, mà không ăn mừng cách mạng với những đám rước tưng bừng, những bài diễn văn yêu nước và hát vang bài Marseillaise. Konstantin Paustovsky nhớ lại cái đêm khi thị trấn nhỏ ngáy ngủ của ông, Yefremov ở tỉnh Tula, lần đầu tiên nghe tin cách mạng.
Lúc đó là một giờ sáng, thời điểm Yefremov thường đang ngon giấc. Thình lình, có tiếng một hồi chuông nhà thờ ngắn vang lên. Rồi một hồi chuông khác, và một hồi thứ ba. Hồi chuông càng lúc càng nhanh hơn và rộn rã hơn, âm thanh của nó vang động khắp thị trấn, và rồi ngay sau đó chuông của mọi nhà thờ nằm ngoài thị trấn cũng vang lên.
Đèn mọi nhà đều bật sáng. Dân chúng tràn ra đường. Những người, dù xa lạ, cũng ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở. Tiếng còi tàu hân hoan, trang trọng từ nhà ga rúc tới. Đâu đó dưới một con phố vẳng tiếng hát, mới đầu lặng lẽ, sau đó lớn dần lên, tiếng hát bài Marseillaise:
Hỡi các bạo chúa run lập cập, ngươi đã tận số rồi,
Giờ ngươi bị thù ghét bởi bạn lẫn thù!
Tiếng kèn đồng của một ban nhạc hòa theo tiếng người hát trong một hợp xướng.
Các binh sĩ dưới chiến hào cũng ngất ngây vui sướng, dù những lộn xộn xảy ra khi lúc đầu các sĩ quan cố dấu nhẹm tin tức từ thủ đô lan đến. Cờ đỏ được kéo lên trên chiến hào và những dải băng đỏ được buộc vào xe tải, xe kéo pháo và ngựa. Binh lính diễu hành mừng cách mạng trong tiếng kèn của ban nhạc chơi bài Marseillaise, họ ném tung mũ lên không. Trên các tàu chiến cũng có những cảm xúc vỡ òa như vậy. Cờ đỏ được kéo lên tàu chiến như ‘một biểu hiệu’, theo lời của các thủy thủ Helsingfor, ‘của tự do và tình đoàn kết của chúng ta’.
Ở vùng quê tin thoái vị lắng xuống chậm hơn. Một số các làng mặc hẻo lánh chỉ biết những sự kiện xảy ra ở thủ đô tận cuối tháng ba, và ở một vài nơi như ở tỉnh Kazan và Mogilev, nơi lực lượng sa hoàng còn áp đảo, chỉ đến tháng tư. Nhiều nông dân lúc đầu bối rối trước tin Sa Hoàng bị hạ bệ. ‘Nhà thờ đầy các nông dân kêu khóc,’ một nhân chứng nhớ lại.'”Chuyện gì sẽ xảy đến cho chúng ta?” họ cứ lặp đi lặp lại – Chúng mang Sa Hoàng đi khỏi chúng ta rồi ư?” ‘ Một số nông dân lớn tuổi tôn kính Sa Hoàng như thần thánh và xem việc hạ bệ ông ta như là hành động chống lại tôn giáo – một sự kiện được nhiều giáo sĩ lợi dụng trong các kích động phản cách mạng. Thậm chí trong số những công nhân quê mùa việc lật đổ Sa Hoàng đôi khi được xem là tội lỗi với Chúa Trời, sẽ bị trừng phạt.
Dân làng lúc đầu thì thầm trao đổi về ‘các biến cố lớn’ ở thủ đô. Chỉ đến khi các thanh tra điền địa và cảnh sát dần dần bị cách chức trong tháng 3 và 4, nông dân mới an tâm là mình không bị túm nếu nói ra ý nghĩ chống đối Sa Hoàng của mình. Một cuộc khảo sát đo Duma thực hiện trong ba tháng đầu của cách mạng dựa vào báo cáo của các viên chức tỉnh lỵ tóm tắt n
Huyền thoại cho rằng nông dân Nga tận trung với Sa Hoàng và họ ‘không thể sống’ thiếu ông đã bị phá vỡ bởi niềm hân hoan và nhẹ nhõm cùng khắp của nông dân khi nhận ra rằng thực tế mình có thể sống mà không có ông ta. Giờ nông dân nói: ‘Sa Hoàng đã tự hạ bệ mình và đem đến tai ách cho chúng tôi.’
Một khi nỗi lo sợ ban đầu đã dỡ bỏ, người nông dân chào mừng cách mạng. Họ ôm lấy nhau mừng rỡ. Mọi người ăn diện quần áo mới như trong ngày đại lễ. Lễ hội mở ra tưng bừng và kéo dài đến ba ngày. Đối với nhiều nông dân, cách mạng như một sự kiện thiêng liêng, và những người ngã xuống vì tự do của nhân dân được tôn sùng như các thánh thời nay. Họ tỏ chức những lễ cầu nguyện trong nhà thờ và quyên tiền cứu giúp gia đình các liệt sĩ đã hi sinh trong những Ngày Tháng Hai.
Cách Mạng Tháng Hai, về bản chất, là một cuộc cách mạng chống thể chế quân chủ. Nền dân chủ mới khai sinh khẳng định mình bằng sự phủ định hoá mọi thứ thuộc về chế độ cũ. Những dấu hiệu và biểu tượng của vương quyền đều bị phá hủy trên toàn quốc trong những ngày sau đó. Quần chúng Petrograd kéo xuống các tượng đại bàng hai đầu thuộc hoàng gia treo nhiều trên các dinh thự, gỡ bỏ những biếu hiệu trên các cửa sổ trưng bày ở cửa hàng và đường phố; đập nát các tượng sa hoàng; lôi xuống các chân dung sa hoàng khỏi các công sở (trong đó có bức tranh nổi tiếng của Repin vẽ Nicholas II treo trước diễn đàn của Điện Tauride) rồi đem chất đống trên đường phố và phóng hỏa. Ở Moscow bức tượng đồ sộ của Alexander III được công nhân dùng dây thừng và mìn giật sập.
Cuộc cách mạng biểu tượng này cũng thể hiện trên bình diện cá nhân. Binh lính ném bỏ các huy chương mà mình khó khăn lắm mới kiểm được. Hàng trăm người có họ như Romanov và Nemets (tiếng Đức) hoặc Rasputin làm đơn lên chính quyền xin được đổi họ.
Cách mạng kéo theo cơn bùng phát in ấn các tập san, bưu ảnh, kịch, phim có nội dung chống sa hoàng, khi luật kiểm duyệt bị dỡ bỏ. Đặc biệt, các đặc san là phố biển nhất, một số có lượng phát hành lên tới hàng triệu bản. Tất cả đều khai thác những tin đồn những năm chiến tranh: chuyện Hoàng hậu làm việc cho Đức; chuyện bà ta là người tình của Raspustin; chuyện Sa Hoàng đã giao ngôi vua cho tên ‘quỷ vương’ này, và vân vân. Phần đông các tựa đề đều gợi dục – Bí Mật Vương Triều Romanov; Những Ngày Khoái Lạc của Rasputin! Những Đêm Thác Loạn của Rasputin. . . Sự khai thác quá mức sự bại hoại của triều đình vô tình đóng một vai trò quan trọng trong tuyên truyền đả phá huyền thoại Sa Hoàng là ông vua thần thánh. Nó tạo ra hình ảnh phổ biến của vương triều như một vương quốc của bóng tối và băng hoại, giúp trừ khử mưu toan phục hồi đế chế và đập tan lực lượng phản cách mạng trong những năm sắp đến.
Thế đấy, về chính trị, nền quân chủ đã chết. Tất cả các định chế chính yếu hậu thuẫn nó – bộ máy hành chính, cảnh sát, quân đội và Giáo hội – đều sụp đổ qua một đêm. Các tư lệnh quân đội vội vã tuyên bố trung thành với Chính quyền Lâm thời. Giáo hội bị sụp đổ do cách mạng nội bộ.
Ở vùng quê phong trào chống giáo hội rất mạnh: cộng đồng làng xã tịch thu đất của nhà thờ, đuổi các cha sứ khỏi giáo khu và từ chối nộp tiền cho các giáo vụ. Nhiều giáo sĩ để được an toàn giao số phận mình cho cách mạng, trong khi số còn lại lao vào phòng thủ. Hội đồng Tôn giáo Thần thánh, thanh lọc mọi dấu vết của Rasputin, kêu gọi giới tu sĩ ủng hộ chính quyền mới. Tự do tôn giáo được đưa vào. Các trường dòng được chuyển cho nhà nước quản lý. Và chính quyền chuẩn bị việc tách Giáo hội ra khỏi nhà nước. Gần như ở khắp nơi chính quyền tỉnh lỵ đồng loạt sụp đổ như các quân bài đô-mi-nô mà hiếm khi cần đến sự can thiệp của lực lượng quân đội. Quần chúng chỉ đơn giản xuống đường; các thống đốc, không có phương tiện quân sự đánh dẹp, đành phải từ chức; và ủy ban công dân tự tuyên bố nắm quyền. Ở Moscow chỉ cần không hơn hai ngày biểu tình trên đường phố là chế độ sụp đổ. Chế độ cảnh sát cũng sụp đổ tương tự – cảnh sát được thay bằng lực lượng dân quân chỉ trong một đêm.
Nhưng nếu thể chế quân chủ đã chết về mặt chính trị, thì nó vẫn còn sống theo một ý nghĩa rộng rãi hơn. Đại đa số nông dân còn nghĩ về chính trị theo chuẩn vương triều. Họ quan niệm nhà nước là hiện thân trong đấng quân vương, và phóng chiếu lý tưởng của cách mạng lên ‘một vì vua nông dân’, hoặc một người giải phóng nào đó có quyền uy đã đến để trao cho họ mảnh đất thân thương và tự do. Đây chính là nguồn gốc mà họ tôn sùng Kerensky, Kormlov và Lênin, để lấp vào khoảng trống của Sa Hoàng đã bỏ lại. George Buchanan, Đại sứ Anh, đã ghi nhận tâm thức chuộng vua chúa này trong những ngày đầu cách mạng, khi một người lính nói với ông: Vâng, chúng tôi cần một nền cộng hòa, nhưng đứng đầu phải là một Sa Hoàng tốt.’ Frank Holder ghi nhận điều hiểu lầm tương tự trong nhật ký của ông đề ngày 7/3: ‘Có chuyện kể về những người lính nói rằng họ muốn một nền cộng hòa như của Anh, hoặc một nền cộng hòa có Sa Hoàng. Một người lính nói anh ta muốn bầu một Tổng thống và khi được hỏi, “Anh tính bầu cho ai?” anh trả lời, “Sa Hoàng.”‘
Đây là ‘tuần trăng mật’ của cách mạng. Nhân dân yêu ‘Tháng Hai’. Cách mạng được hình dung như một sự đổi mới tinh thần, một phục sinh đạo lý của nhân dân. Nhiều người so sánh cách mạng với ngày lễ Phục Sinh. Dân chúng trên đường phố cùng nhau ca ngợi cách mạng bằng lời chúc phúc dành cho Phục Sinh: ‘Chúa đã sống lại!’. Chế độ sa hoàng được cho là đại diện của cái ác và tội lỗi; nó đã chia cắt con người thành kẻ giàu người nghèo; nhưng với sự sụp đổ của nó, xã hội sẽ được tổ chức lại trên cơ sở của niềm tin Cơ đốc. Nhiều nhà trí thức giờ đây tuyên bố rằng nhân dân Nga sẽ học cách sống với nhau trong một cộng đồng tinh thần đại đồng, vượt qua những khác biệt giai cấp và đảng phái.
Cách mạng cũng được hình dung như một tiến trình thức tỉnh dân tộc và ái quốc. Nhân dân đã đứng lên, và từ cuộc cách mạng dân tộc này nước Nga đã nhận được một chính quyền dân tộc thực sự, có thể đoàn kết sau lưng nó để đánh bại giặc ngoại xâm.
Những lý tưởng này được Hoàng thân Lvov diễn tả trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với báo chí. ‘Tôi tin tưởng’, ông nói, ‘vào sự năng động và khôn ngoan của nhân dân vĩ đại của chúng ta, như đã được thể hiện trong cuộc nổi dậy toàn quốc lật đổ chế độ cũ. Nó được thể hiện trong nỗ lực chung để thiết lập tự do và bảo vệ nó chống thù trong giặc ngoài. Tôi tin tưởng vào tấm lòng vĩ đại của nhân dân Nga, tràn ngập tình yêu thương người láng giềng, và tôi tin rằng đó là nền tảng của tự do, công lý, và chân lý của chúng ta.’ Những kỳ vọng to lớn này sẽ sớm bị đổ vỡ tan tành.
Pingback: Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 | Nghiên Cứu Lịch Sử