CHƯƠNG 15
THẤT BẠI TRONG THẮNG LỢI

Tác giả Orlando Figes
Trần Quang Nghĩa dịch
i Đường Tắt đến Chủ Nghĩa Cộng Sản
Sau tất cả những thành tích của mình trong nội chiến Dmitry Oskin được lên nắm quyền chỉ huy Quân đoàn Lao động Số 2 vào tháng 2 1920. Được thành lập từ quân số dư thừa của Quân đoàn Hồng Quân Số 2 sau khi đánh bại Denikin, nó nhận nhiệm vụ phục hồi hệ thống đường ray bị tàn phá trên Mặt trận phía Nam. Thay vì súng trường binh sĩ giờ mang xẻng. ‘Có một cảm giác chung là thấy chương chướng khi không còn dính líu đến việc đánh nhau nữa,’ Oskin sau đó viết. ‘Thật là buồn tẻ cuộc sống bên đường ray.’ Điều an ủi duy nhất của người ủy viên là biết rằng công việc mình làm là cần thiết cho việc phục hồi nền kinh tế sau những hoang tàn gây ra bởi cách mạng và nội chiến. Đường sắt phía nam chở lương thực quan yếu như thóc gạo và dầu cho những thành phố kỹ nghệ phía bắc. Sau nội chiến khoảng 3,000 dặm đường ray bi phá hủy. Nhiều nghĩa địa khổng lồ các đầu máy hư hỏng. Đi từ Balashov đến Voronezh, Os’kin nhận thấy ở đâu cũng có cảnh đổ nát: ‘Nhà ga thì im lìm, hiếm có tàu hỏa chạy qua, ban đêm không đèn điện, chỉ có một cây nến trong phòng điện tín. Nhà ga nửa phần bị sụp đổ, cửa sổ vỡ nát, ở đâu rác rến cũng chất đống.’ Binh lính của Oskin vệ sinh nhà ga, tu sửa đường ray và dựng lại cầu. Các kỹ sư quân cụ sửa lại tàu hỏa. Đến mùa hè đường sắt bắt đầu hoạt động lại và chiến dịch tuyên bố thắng lợi rực rỡ. Người ta bàn tán chuyện sử dụng quân đội để điều hành những bộ phận khác của ngành kinh tế. Trotsky là nhà vô địch về việc quân sự hoá. Theo lệnh ông Quân đoàn Lao động Số 1 đã được tổ chức từ những tàn tích của Quân đoàn Hồng Quân Số 3 vào tháng giêng 1920. Sau khi đánh bại Kolchak, binh lính được giữ lại đơn vị và dàn quân trên ‘mặt trận kinh tế’ – sản xuất lương thực, đốn gỗ và chế tạo những hàng hóa đơn giản, cũng như sửa sang đường ray. Kế hoạch phần nào có tính thực tiễn. Người Bôn-se-vich sợ phải cho giải ngũ binh sĩ giữa cơn khủng hoảng kinh tế. Nếu hàng triệu binh lính thất nghiệp được cho phép tụ tập về thành phố, hoặc gia nhập hàng ngũ những nông dân vỡ mộng, có thể xảy ra một vụ nổi loạn có tầm vóc quốc gia (như vào năm 1921). Hơn nữa, rõ ràng là cần có biện pháp triệt để để phục hồi đường sắt, mà Trotsky là một trong nhiều người đã thấy là chìa khóa để phục hồi xứ sở sau những tàn phá của nội chiến. Vào tháng giêng 1920 ông trở thành Dân Uỷ Vận Tải: đây là chức vụ đầu tiên ông thực sự yêu cầu. Ngoài việc bị bỏ bê thường xuyên, hệ thống đường sắt bị gặm nhấm bởi các viên chức tham nhũng, Nó như con đập bị vỡ trước cơn lũ lụt những bọn buôn chuyến gây ra hỗn loạn. Chủ nghĩa địa phương cục bộ cũng làm tê liệt ngành đường sắt. Mỗi tuyến đường nhánh riêng biệt đều có ủy ban riêng và có hàng tá quyền hành đường sắt khu vực tranh giành nhau đầu máy khan hiếm. Thay vì để mất đầu máy ‘của mình’ cho thẩm quyền nhánh đường tiếp theo họ sẽ tháo đầu máy ra trước khi tàu rời khu vực thẩm quyền của mình, thành ra tàu hỏa sẽ bị dừng lại hàng giờ, đôi khi vài ngày, chờ đầu máy mới được mang đến từ kho của khu vực nhánh đường tiếp theo.
Nhưng ngay tâm điểm những kế hoạch của Trotsky là một tầm nhìn bao quát hơn về việc điều hành toàn bộ xã hội theo mệnh lệnh quân sự. Như nhiều người Bôn-se-vich trong năm 1920, Trotsky hình dung nhà nước như người chỉ huy của xã hội – động viên mọi nguồn lực của nó ăn khớp với Kế Hoạch – như một vị TổngTham mưu chỉ huy quân đội. Ông muốn kinh tế được điều hành bằng kỷ luật và độ chính xác như quân đội. Toàn thế dân chúng đều bị cưỡng bách vào những trung đoàn, lữ đoàn và phân đội lao động như bình sĩ để thực thi những mệnh lệnh sản xuất (được gọi bằng những thuật ngữ quân sự như ‘trận đánh’ và ‘chiến dịch’) trên mặt trận kinh tế. Đây là hình mẫu của nền kinh tế chỉ huy Stalinit. Cả hai đều thúc đẩy bởi quan niệm cho rằng trong một xứ nông nghiệp lạc hậu như Nga sự cưỡng chế của nhà nước có thể được sử dụng để tạo một con đường tắt đến chủ nghĩa Cộng sản, do đó không cần phải trải qua một thời kỳ dài theo hình thức NEP (Chính sáchTân Kinh Tế) để tích lũy tư bản qua thị trường. Cả hai đều dựa trên vọng tưởng hành chính nhằm áp đặt chủ nghĩa Cộng sản bằng sắc lệnh (mặc dù trong mỗi trường hợp kết quả giống với chế độ phong kiến hơn bất cứ thứ gì được tìm thấy trong Marx). Như có lần người Men-se-vich cảnh báo, không thể hoàn tất việc quá độ đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bằng cách sử dụng những phương thức xây dựng nên kim tự tháp.
Sau khi Hồng Quân chiến thắng nội chiến ắt hẳn người Bôn-se-vich muốn coi Hồng Quân là một hình mẫu cho việc tổ chức những hoạt động khác của xã hội. Cụm từ Po voennomy — ‘theo cách của quân đội’ trở thành đồng nghĩa với ‘hiệu năng’ trong kho từ vựng của Bôn-se-vich. Nếu các biện pháp quân sự đã đánh bại được Bạch Vệ, tại sao chúng không thể được sử dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội? Tất cả những gì phải làm là quay quân đội lại để nó hành quân đến mặt trận kinh tế, sao cho mỗi công nhân trở thành một bộ binh trong nền kinh tế kế hoạch. Trotsky đã luôn lập luận rằng các hãng xưởng nên được điều hành theo đường hướng quân sự.* Giờ, trong mùa xuân 1920, ông phác thảo thế giới mới tốt đẹp lao động Cộng sản chủ nghĩa này, nơi những ‘bộ tư lệnh’ của nền kinh tế kế hoạch sẽ ‘phát lệnh ra mặt trận lao động’ và ‘mỗi tối tại bộ tư lệnh hàng ngàn cuộc gọi sẽ kêu vang để báo cáo những thắng lợi trên mặt trận lao động.’ Trotsky lập luận rằng khả năng cưỡng bách lao động của chủ nghĩa xã hội là lợi thế chủ yếu của nó đối với chủ nghĩa tư bản. Những gì nước Nga Xô-Viết thiếu trong phát triển kinh tế sẽ được bù đắp qua sức mạnh cưỡng chế của nhà nước. Thúc đẩy công nhân có hiệu quả hơn là kích thích họ bằng thị trường. Chỗ nào lao động tự do đưa đến đình công và hỗn loạn, kiểm soát thị trường lao động do nhà nước sẽ tạo ra kỷ luật và trật tự. Lập luận này dựa trên quan điểm, mà Trotsky chia sẻ với Lênin, rằng người Nga là những công nhân biếng nhác và xấu nết, rằng họ sẽ không chịu làm việc nếu không bị quất roi. Như vậy là cùng với quan điểm của giới quí tộc trong thời nông nô, một hệ thống mà chế độ Xô-Viết có nhiều điểm chung. Trotsky ca tụng những thành tựu của lao động nô dịch và sử dụng chúng để biện minh cho những kế hoạch kinh tế của mình. Ông phớt lờ những cảnh báo của những người chỉ trích cho rằng sử dụng lao động cưỡng chế sẽ không hiệu quả. ‘Nếu nói vậy mà đúng,’ ông bảo Đại hội các Nghiệp đoàn vào tháng 4 1920, ‘thì các bạn có thể đặt cây thánh giá lên Chủ Nghĩa Xã Hội.’
* Ý tưởng này cũng được diễn tả cùng lúc bởi Gastev và những nhà tiên phong của phong trào Taylor ở nước Nga Xô-Viết (xem các trang sau).
Ngay tâm điểm của ‘chủ nghĩa cộng sản trại lính’ là việc người Bôn-se-vich lo sợ rằng giai cấp công nhân là một lực lượng độc lập và càng lúc càng nổi loạn. Cũng đáng suy nghĩ khi từ thời điểm này người Bôn-se-vich bắt đầu nói về ‘lực lượng lao động’ (rabochaia sila hay gọi tắt là rabsila) thay vì ‘giai cấp lao động’ (rabocbii klass). Sự chuyển dịch ám chỉ ý muốn chuyển công nhân từ một tác nhân hành động của cách mạng thành một đối tượng thụ động của nhà nước đảng trị. Lực lượng lao động không phải là một giai cấp, càng không phải một cách phân loại cá nhân, mà chỉ là đơn giản là một tập thể. Trotsky còn nói các tập thể lao động được tạo thành từ một ‘vật liệu thô nông dân’. Đây là ý tưởng cho rằng nhân lực, còn lâu mới là lực lượng sáng tạo mà Marx đã ca tụng, thật ra không hơn một tiện ích thô mà nhà nước sử dụng để ‘xây dựng chủ nghĩa xã hội’. Chính Gorky đã tiên đoán điều này trong năm 1917 khi ông viết rằng ‘giai cấp lao động đối với Lênin cũng như chất quặng thô đối với người thợ kim loại’. Trải nghiệm trong nội chiến đã không giúp ích gì cho các lãnh đạo Bôn-se-vich trong việc củng cố thêm lòng tin vào giai cấp lao động. Thiếu hụt lương thực đã biến các công nhân thành những con buôn nhỏ lẻ và nông dân bán thời gian, đi đi về về giữa hãng xưởng và nông trại. Giai cấp lao động đã trở thành dân du mục. Kỹ nghệ đâm ra hỗn loạn vì sự vắng mặt thường xuyên của nửa số công nhân trên những chuyến đi buôn chuyến về miền quê trao đổi thực phẩm. Những người thợ trong nhà máy chỉ lo làm những hàng hóa đơn giản dễ đối chác với nông dân. Những kỹ thuật viên lành nghề, do nhu cầu tăng cao, nhảy từ hãng này đến xưởng khác có điều kiện đãi ngộ tốt hơn. Hiệu suất rơi xuống thấp hơn nhiều so với thời trước cách mạng. Thậm chí các nhà máy quân nhu xung yếu gần như ngừng hoạt động. Khi mức sống của công nhân giảm xuống, thì đình công và lãng công tăng lên.
Không có sự kích thích của thị trường, mà họ còn bác bỏ dựa trên cơ sở ý thức hệ, người Bôn-se-vich không có cách gì ảnh hưởng đến công nhân ngoài biện pháp sức mạnh. Họ cố kích thích sản xuất bằng cách tăng lương cao cho những công nhân chủ chốt, thường kết hợp với số sản phẩm làm ra, do đó đi ngược lại với lời hứa hẹn bình đẳng rằng cách mạng sẽ bãi bỏ những khác biệt về lương bổng. Nhưng vì công nhân không thể mua được gì nhiều bằng tiền giấy nên việc này cũng không kích thích họ như mong muốn. Người Bôn-se-vich bèn nghĩ cách trả công bằng thực phẩm hoặc bằng sản phẩm để họ có thể trao đổi với nông dân. Khoảng 1920 đa số công nhân hãng xưởng được trả lương một phần bằng sản phẩm mình làm ra. Thay vì tiền giấy, họ mang về nhà một hộp đinh,một thước vải, để đổi lấy thực phẩm. Rón ra rón rén, thị trường thuở sơ khai cũng từ từ xuất hiện trở lại ngay trung tâm của nền kinh tế kế hoạch. Nếu phong trào tự phát này không bị kiểm soát, hành chính trung ương sẽ mất quyền kiểm soát các tài nguyên đất nước và do đó quyền lực để ảnh hưởng sản xuất. Vì thế thay vì ra sức chặn đứng phong trào, như họ đã thử nhưng thất bại vào năm 1918-19, từ năm 1920 họ thay bằng việc tổ chức những lối chi trả tự nhiên này. Để bảo đảm họ thử nghiệm với các công nhân trong ngành kỹ nghệ quan trọng trước. Đây là cơ bản của việc quân sự hoá kỹ nghệ nặng: các xí nghiệp có tính chiến lược sẽ được đặt thiết quân luật, với kỷ luật quân đội trên dây chuyền lao động và những người vắng mặt thường xuyên sẽ bị bắn vì tội đào ngũ trên ‘mặt trận kỹ nghệ’, bù lại người công nhân sẽ bảo đảm một khẩu phần Hồng Quân. Vào cuối năm 3,000 xí nghiệp, chủ yếu sản xuất quân nhu và kỹ nghệ mỏ, đã được quân sự hoá theo cách này. Trong khi binh sĩ được biến thành công nhân, thì công nhân cũng được biến thành bình sĩ.
Kết hợp với việc này là sự chuyển dời toàn bộ quyền lực trong nhà máy từ ban quản lý tập thể do công nhân một phần cử ra, sang hệ thống quản lý một-người với các nhà quản lý do bộ máy đảng bổ nhiệm. Trotsky biện minh cho điều này bằng cách so sánh nó với sự chuyển đổi từ việc các chỉ huy quân sự được cử ra cho đến việc được bổ nhiệm, tuyên bố rằng đây chính là nguồn cội thắng lợi của Hồng Quân trong nội chiến. Người quản lý mới phải coi mình là chỉ huy một đội quân kỹ nghệ. Ông ta coi quyền của nghiệp đoàn là phiền toái, một cản trở không cần thiết cho kỷ luật và hiệu suất kỹ nghệ, giống như các ủy ban quân nhân đã như thế trong quân đội. Trotsky thậm chí còn đi xa hơn chủ trương xem nghiệp đoàn là một bộ phận phụ thuộc hoàn toàn vào bộ máy nhà nước đảng trị: vì đây là một ‘nhà nước của công nhân’ nên công nhân không còn cần phải có những tổ chức độc lập của riêng họ.
Trong năm 1920 nguyên tắc cưỡng bách lao động được áp dụng trong các lãnh vực khác. Hàng triệu nông dân bị bắt vào những đội lao động đốn cây và vận chuyển gỗ, xây dựng đường xá và đường ray và thu hoạch thóc lúa. Trotsky hình dung toàn xã hội được động viên vào những tập thể lao động, sĩ số sẽ tăng gấp đôi như một quân đội hay dân quân chính quy. Nó giống như chế độ phong kiến quân sự của Bá tước Arakcheyev, Bộ trưởng Chiến tranh của thập niên 1820, người đã thiết lập một mạng lưới các khu vực kết hợp lao động nông nô với quân vụ trên vùng biên cương phía tây nước Nga. Kế hoạch của Trotsky là kế thừa một chuỗi dài các cách quản trị không tưởng thời sa hoàng, ngược về trước đến tận Peter Đại Đế, tất cả đều nhìn vào những phương thức của quân đội để hợp lý hóa những người Nga vô lý, để tập thể hóa những nông dân vô chính phủ, để hàng ngũ hóa họ, huấn luyện họ và hiếp bức họ vì nhu cầu của nhà nước chuyên chế. Oskin, như Trotsky, mong đến ngày khi ‘không thế lực nước ngoài nào dám xâm lược nước Nga vì toàn thể nhân dân của nó đều sẵn sàng, một số ở Mặt trận tay cầm súng, một số trong nhà máy và ruộng đồng, bảo vệ Tổ Quốc. Toàn bộ đất nước là một trại lính.’ Tất cả điều này không gì khác hơn là một giấc mơ hành chính quan liêu. Những đội lao động nông dân, dưới hình thức lao động tập thể, cho thấy là vô hiệu quả một cách cực kỳ. Trung bình, phải mất 50 người cưỡng bách lao động trong một ngày trời mới có thể đốn ngã và xẻ ra gỗ chỉ một cây duy nhất. Đường xá do các đội lao động nghĩa vụ làm ra thì gập ghềnh dợn sóng. Trốn lao động là bình thường đến nỗi trong nhiều khu vực số người tham gia tìm bắt những người bỏ ngũ còn nhiều hơn người tham gia nghĩa vụ. Làng mạc bị chiếm đóng, phải nộp phạt và con tin bị bắn kể cả lãnh đạo Xô-Viết nếu bị nghi là che giấu người đào ngũ bỏ trốn. Hàng ngàn nông dân được gởi vào các trại tập trung lao động, dựng ở mỗi tỉnh gọi là ‘trại cải tạo’ cho những công nhân vi phạm kỷ luật lao động.
Cũng vô hiệu quả là những chiến dịch lao động thứ bảy, subbotniki, khi công nhân và sinh viên bị cưỡng bách làm ‘tình nguyện’ trong những nghĩa vụ xã hội cao quí như vệ sinh khu phố, quảng trường. Trong tuần Ngày Tháng Năm của năm 1920 hơn một triệu dân Moscow tham gia ngày ‘lễ hội lao động’ này. Từ đó trở đi nó trở thành một tiết mục thường xuyên của đời sống Xô-Viết: không chỉ những ngày mà có khi cả tuần được dẹp qua một bên để dân chúng bị gọi đi lao động công ích không nhận thù lao. Người Bôn-se-vich ca ngợi subbotnik là thành quả vượt trội của chủ nghĩa tập thể Xô-Viết. Về chính trị, nó chắc chắn giúp củng cố một ý thức về kỷ cương, một sự rập khuôn và thái độ phục tùng trong dân chúng thành thị. Không ‘tình nguyện’ tham gia subbotnik, suy cho cùng, là mời gọi sự ngờ vực và có thể bị bức hại vì tội ‘phản cách mạng’. Nhưng về hiệu quả kinh tế nó thành tựu rất ít. Giáo sư Vodo-vozov ghi lại cảm tưởng của mình về ngày lao động xã hội chủ nghĩa ở Petrograd vào ngày 1 tháng 5:
Trên quảng trường giữa Cung điện Mùa Đông và Dinh Đô đốc hoạt động nhộn nhịp như bầy ong. Công nhân thật đông, nhiều hơn công việc đòi hỏi: họ đang dọn dẹp các hàng rào sắt và từng đống gạch vụn nằm vương vãi chung quanh gần 18 tháng kể từ khi hàng rào cung điện bị gãy đổ. Rosta (Cục Điện Tín Nga) cuối cùng tuyên bố hàng rào xấu xa đã biến mất. Nhưng không hẳn như vậy: đất đá đã được dẹp sạch nhưng các rào sắt chỉ được chất đống ở góc khuất của quảng trường. Và đến hôm nay vẫn còn đó. Toàn bộ quảng trường vẫn còn bề bộn rác rến.
Một trong những hậu quả của nội chiến là làm đồng tiền mất giá. Trong 1918-19 người Bôn-se-vich phân vân về hai cách giải quyết. Họ có nên duy trì giá trị đồng rúp hoặc bãi bỏ nó? Một mặt họ nhận ra cần tiếp tục in tiền để trả hàng hóa và dịch vụ. Họ cũng biết rằng quần chúng sẽ xét đoán chế độ bằng trị giá đồng bạc. Ngược lại, có một số người Bôn-se-vich cực tả nghĩ rằng nên khuyến khích lạm phát để tiến tới loại bỏ tiền giấy. Họ muốn thay thế hệ thống tiền tệ bằng hệ thống phân phối hàng hóa theo tem phiếu của nhà nước. Họ giả định (một cách sai lầm) là bằng cách bỏ hẳn tiền tệ họ sẽ tự động phá hủy hệ thống thị trường và sau đó là chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời. Nhà kinh tế học Preobrazhensky đề tặng một tác phẩm của ông: ‘Tặng các máy in của Ban Dân Ủy Tài chính – khẩu súng máy bắn tan chế độ tư sản ngay trong xưởng vũ khí của nó, hệ thống tiền tệ’. Vào 1920 các người tả khuynh đã được vừa lòng: giấy bạc được in với tốc độ ào ạt đến nỗi không cần phải bảo vệ nó chi nữa. Kho bạc sử dụng 13,000 công nhân và, thật vô lý, tiêu một phần lớn dự trữ vàng để nhập mực in và giấy dùng để in tiền. Chỉ phí in đồng rúp còn cao hơn giá trị thực của nó. Dịch vụ công, như bưu tín và điện tín, đi lại và điện gia dụng, phải miễn phí vì nhà nước sẽ tốn tiền in nếu tính tiền dịch vụ bằng đồng rúp. Tình hình thật là siêu thực – những đây là Nga mà.
Người Bôn-se-vich cánh tả thấy ở tem phiếu một công cụ thiết lập trật tự Cộng sản. Giai cấp theo khẩu phần xác định vị trí của một người trong thang bậc xã hội mới. Con người được xếp loại dựa theo mức độ hữu ích của y đối với nhà nước. Do đó Hồng Quân, viên chức hành chính, công nhân trọng yếu được cấp khẩu phần loại một (đạm bạc nhưng đầy đủ); những công nhân khác nhận khẩu phần loại hai (chỉ gần đủ); trong khi giới tư sản, ở tận đáy thang bậc, phải cam chịu khẩu phần loại ba (mà, theo cụm từ đáng nhớ của Zinoviev, “vừa đủ bánh mì để không quên mùi vị của nó”). Thật ra vào cuối năm 1920 còn lại quá ít thực phẩm trong các kho lương thực nhà nước đến nỗi những người hưởng khẩu phần loại một cũng chỉ nhận vừa đủ để làm chậm tốc độ chết đói của họ. Hệ thống nhà nước phải nuôi ăn, hay đúng ra nuôi cầm hơi, 30 triệu người. Phần đông dân thành thị trông cậy phần lớn vào các căng tin nơi làm việc, thường suất ăn hàng ngày chỉ là cháo và xương sụn. Trong hầu hết mọi lãnh vực nơi có hệ thống khẩu phần, từ thực phẩm và thuốc lá đến quần áo, chất đốt và sách vở, có điều vô lý là thời gian và công sức bỏ ra để phân phối và chầu chực xếp hàng để lãnh còn nhiều hơn giá trị của món hàng nhận được. Hãng xưởng và văn phòng phải ngừng hoạt động trong thời gian công nhân và viên chức đứng xếp hàng nhận khẩu phần.
Giáo sư ở Petrograd, Vasilii Vodovozov, một nhân vật cấp tiến hàng đầu vào thập niên 1900 và là bạn thời trẻ của Lênin, mô tả một ngày điển hình trong nhật ký của mình. Các độc giả quen thuộc với Liên bang Xô-Viết ắt sẽ thấy các quan sát của ông là thân thiết:
Ngày 3/12/1920
Tôi sẽ mô tả một ngày của tôi – không phải vì những chi tiết vụn vặt thú vị gì mà bởi vì chúng là điển hình cuộc sống gần như của mọi người — ngoại trừ một ít ông trùm.
Hôm nay tôi thức dậy lúc 9 giờ sáng. Không cần phải thức sớm hơn vì trời còn tối và điện thì không có. Hiện giờ đang khan hiếm năng lượng. Tôi không có người làm (lý do là một chuyện khác) và phải pha trà, chăm sóc bà vợ đang bịnh (cúm Tây Ban Nha) và lấy củi cho lò sưởi. Tôi uống chút cà phê (làm từ lúa mạch) không sữa không đường, tất nhiên, và ăn một lát bánh mì từ một ổ đã mua hai tuần trước với giá 1,500 rúp. Dù sao cũng còn một ít bơ, và về phương diện này tôi cũng khá hơn nhiều người. Đến 11 giờ tôi đã sẵn sàng đi ra ngoài. Nhưng sau một bữa điểm tâm như thế tôi hãy còn đói và quyết định ăn trong căng tin dành cho người ăn chay. Chỗ đó đắt thấy sợ nhưng là nơi duy nhất ở Petrograd tôi biết người ta có thể ăn tương đối dễ dàng và không cần đăng ký hoặc giấy phép của một ủy viên nào đó. Hoá ra hôm nay căng tin này đóng cửa, và chỉ mở một tiếng sau. Vì thế tôi đi tiếp đến Đại học Petrograd Số 3. Đại học giờ này cũng đóng cửa nhưng nhà ăn của nó còn mở và tôi đã có tên đăng ký ăn ở đó. Tôi hi vọng kiếm được gì đó để cho tôi và bà xã. Nhưng tôi không gặp may: một hàng dài người xếp hàng đợi ăn, người nào cũng bực dọc và rầu rĩ in trên nét mặt vì hàng không thấy chuyển động. Có vấn đề gì sao? Lò nấu đã hư và phải ngưng phục vụ ít nhất một giờ.
Bất kỳ ai đọc bài này trong tương lai xa xôi ắt hẳn cho rằng những người này đang chờ đợi dự một tiệc chiêu đãi thịnh soạn. Nhưng toàn bộ bữa ăn chỉ là một đĩa duy nhất – thường là súp loãng với khoai tây hoặc bắp cải. Không có vấn đề thịt thà. Chỉ một ít kẻ có đặc quyền mới được thịt – tức những người phục vụ bếp.
Tôi quyết định bỏ đi và hoãn ăn cho đến khi xong việc. Lúc 1 giờ trưa xe điện vẫn chưa đến vì thế tôi quay lại căng tin: vẫn không có thức ăn và triển vọng ít nhất nửa tiếng nữa. Không có lựa chọn nào khác hơn là đi làm việc với cái bụng rỗng.
Tại Cầu Nikolaev tôi cuối cùng bắt được xe điện số 4. Nhưng không có điện trên đường dây và xe điện ngừng lại. Tôi còn chưa hiểu điều này. Tất cả xe điện đã dừng nhưng tại sao chúng ra ga khi biết rằng không đủ nhiên liệu để hoàn tất lộ trình? Hành khách vẫn ngồi yên đó – một số cuối cùng bỏ cuộc và bước xuống lội bộ đến chỗ làm, trong khi người khác vẫn ngồi đó với tính kiên nhẫn kiểu Sisyph. Hai giờ sau tôi thấy xe điện chạy lại nhưng đến 5 giờ chiều thì lại ngừng toàn bộ.
Lúc 2 giờ tôi đã đến thư khố bằng cách lội bộ. Tôi ở lại đó nửa giờ rồi đi tiếp đến Đại học, nơi đó thường có khẩu phần súp bắp cải phục vụ lúc 3 giờ chiều. Cho ai tôi không biết. Có lẽ cho giáo sư – cũng đáng công đến thử. Nhưng một lần nữa tôi không gặp may: hóa ra bắp cải chưa về tới, phải đến mai. Và không phục vụ cho giáo sư mà chỉ cho sinh viên.
Tôi cũng biết được không có khẩu phần bánh mì trong một tuần: một số người nói rằng bánh mì đã phân phát hết cho những quan Cộng sản điều hành ủy ban.
Từ Đại học tôi lội bộ về nhà, thăm chừng bà xã, làm những việc cần thiết và trở lại căng tin bán đồ chay hi vọng có gì ăn. Lại không gặp may: tất cả thức ăn đã hết sạch và phải đợi ít nhất một giờ nữa. Tôi quyết định không đợi mà đi đến nhà bạn Vvedensky hỏi họ có xếp hàng ở đó lát nữa không. Từ đó tôi đi về nhà. Và lần này tôi gặp cái may mắn đầu tiên trong ngày: khu tôi có điện (Petrograd được chia thành nhiều khu luân phiên có điện về chiều). Như vậy tôi có được một giờ quí báu để đọc sách – giờ đầu tiên trong ngày không phải chạy đôn chạy đáo tìm thức ăn, bánh mì, hay cải bắp, hay nhặt gỗ sưởi. Lúc 6 giờ tôi đến nhà Vvedensky để ăn (cuối cùng), và trở về để ghi lại những dòng này. Chín giờ trời đã tối. May mắn thay một người bạn gia đình đến để chăm nom vợ tôi vào buổi tối, cho tôi thêm chút thời gian quí báu. Sau chín giờ tôi đốt một ngọn nến, bắt binh trà lên, uống trà với bà xã, và đến 11 giờ thì đi ngủ.
Chìa khóa mở cửa Thiên đường Cộng sản là việc kiểm soát lượng thực phẩm: không có nó chính quyền không có phương tiện để kiểm soát kinh tế và xã hội. Người Bôn-se-vich đau đớn biết một sự thật là chế độ của họ nằm trong tay giới nông dân hận thù. Những nông trại nhỏ của họ sản xuất ra ít lương thực cho thị trường, và trong tình hình hiện tại, khi không có hàng hóa tiêu thụ để bán và lượng lương thực dư thừa bị nhà nước trưng thu, các nông trại càng sản xuất cầm chừng và dựa vào quan hệ tự cung tự cấp của làng xã. Thiếu hàng hóa để trao đổi với nông dân, người Bôn-se-vich quay sang sử dụng sức mạnh thô bạo trong ‘trận chiến thóc gạo’, phái binh lính tới để tịch thu lương thực của họ và làm bùng phát cuộc nổi dậy nông dân khắp vùng quê. Đây là một cuộc nội chiến khác được che giấu. Mặc dù người Bôn-se-vich ngoài miệng thì ca tụng hệ thống nông dân tiểu chủ đã được thánh hóa bằng Sắc lệnh Ruộng đất, trong thâm tâm họ tin rằng tương lai của nền nông nghiệp Xô-Viết nằm trong các nông trang tập thể khống lồ và nông trang Xô-Viết, sản xuất lương thực trực tiếp cho nhà nước. Người nông dân rắc rối – với bản năng chiếm hữu nhỏ nhen, óc mê tín và bám víu với truyền thống – sẽ bị tiêu diệt bởi những nông trại xã hội chủ nghĩa này vì tất cả những người làm việc trong đó sẽ được coi là công nhân. Miliutin mơ về ‘những hãng xưởng nông nghiệp sản xuất thóc, thịt, sữa và thức ăn gia súc, sẽ giải phóng trật tự xã hội chủ nghĩa khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào những nông trại tiểu chủ’. Ở đây một lần nữa người Bôn-se-vich bị cuốn theo giấc mơ một thiên đường viễn vông, tin rằng họ có thể tạo ra chủ nghĩa xã hội bằng sắc lệnh. Bản chất người nông dân Nga vốn thận trọng: phải mất hàng thập niên giáo dục nhẹ nhàng, mình họa bằng những chứng cứ thực địa nhìn thấy được, mới có thể thuyết phục họ rằng canh tác qui mô lớn với kỹ thuật hiện đại và đội lao động tập thể là thực sự có lợi thế hơn để họ có thể dám chia tay với truyền thống – trại gia đình, công xã và làng – đã từng nuôi sống cha và ông họ. Vậy mà vào tháng 2 1919 người Bôn-se-vich thông qua Đạo Luật về Tổ Chức Đất Đai Xã Hội Chủ Nghĩa mà, ngay một cú, tuyên bố rằng tất cả lối làm nông hiện giờ đều ‘lỗi thời’. Tất cả đất không canh tác trước đây thuộc giới quí tộc giờ được giao về cho nông trang tập thể mới, khiến giới nông dân rất bực bội, vì việc chiếm điền trang của quí tộc được họ xem là thành tựu thiêng liêng của cách mạng. Vào tháng 12 1920 có hơn 16,000 nông trang tập thể và nông trang nhà nước với gần 10 triệu mẫu đất và một triệu nhân công – nhiều người là di dân thị trấn. Cái lớn nhất, sovkhozy, do nhà nước thành lập, có hơn 100,000 mẫu; trong khi cái nhỏ nhất, kolkhozy, do các tập thể nông dân địa phương lập ra, có khi ít hơn 50 mẫu.
Nhiều nông trang tập thể lớn hơn thấy mình như một mô hình nhỏ của một lối sống cộng đồng thực nghiệm. Các gia đình đóng góp tài sản và ngủ chung trong các phòng ngủ tập thể. Người ta ăn và làm việc theo từng đội tập thể. Các bà cũng làm những công việc đồng áng nặng nhọc cùng các ông, và những nhà trẻ được dựng lên cho trẻ con. Không có việc thực hành tôn giáo. Lối sống như đô thị, theo mẫu các acten trong nhà máy, góp phần làm tha hóa giới nông dân địa phương, vốn tin rằng trong nông trang trại tập thể không chỉ có đất và công cụ được chia sẻ mà các bà vợ và con gái cũng thế; rằng mọi người ngủ với nhau dưới cùng một tấm chăn rộng.
Thậm chí gây bức xúc hơn nữa đối với nông dân là việc hầu hết nông trang tập thể đều do những người chả biết gì về nông nghiệp điều hành. Các sovkhozy hầu hết gồm các công nhân thất nghiệp đã thoát khỏi thị trấn; còn các kolkhozy thì gồm những người làm thuê không đất, thợ thủ công nông thôn, và những nông dân mạt rệp, mà vì tai ương, nhậu nhẹt, hoặc lười nhác, không thể ngóc đầu lên được. Các buổi họp nông dân tràn ngập những lời kêu ca về cách thức tệ hại điều hành nông trang. ‘Họ có đất nhưng lại không biết làm ruộng,’ các nông dân TamBov phàn nàn. Thậm chí các người Bôn-se-vich cũng thú nhận là các nông trang tập thể đã trở thành ‘nơi tị nạn cho bọn lè phè’. Mặc dù được miễn nộp thuế lương thực và nhà nước tài trợ công cụ và gia súc, rất ít nông trang tập thể điều hành có lời, nếu không muốn nói là lỗ nặng. Không tới một phần ba lợi tức toàn phần của họ được lấy ra từ sản lượng của ho, số còn lại chủ yếu đến từ nhà nước. Một số nông trang tập thể hoạt động tệ hại đến nỗi họ phải cưỡng bách nông dân địa phương vào làm nghĩa vụ lao động trên nông trang. Các nông dân cho đây là một hình thức nông nô mới và vũ trang chống lại nông trang tập thể. Phân nửa họ bị hủy diệt trong các trận chiến nông dân vào năm 1921.
* * *
Không chỉ có giới nông dân mới nổi dậy chống lại những thực nghiệm Cộng sản này. Trong kỹ nghệ chính sách quân sự hoá cũng khiến bùng phát các vụ đình công và lãng công của công nhân. Các chính sách nhằm xiết chặt kỷ luật chỉ khiến tình trạng vô kỷ luật tăng lên. Ba phần tư các hãng xưởng Nga bị dính vào các cuộc đình công trong sáu tháng đầu năm 1920. Mặc dù bị đe đọa bắt bớ và xử bắn, các công nhân trong thành phố khắp cả nước tuần hành và hô vang thách thức, ‘Đả đảo Ủy viên!’ Có một tâm trạng chung là phẫn nộ khi, kết thúc nội chiến đã lâu, người Bôn-se-vich vẫn còn dai dẳng với các chính sách thời chiến đối với giai cấp công nhân. Như thể toàn bộ hệ thống kỹ nghệ đã bị kẹt trong một tình trạng nguy kịch thường trực, rằng thậm chí ngay cả trong thời bình nó cũng đặt trên nền tảng chiến tranh, và rằng tình trạng này được sử dụng để bóc lột và đàn áp giai cấp công nhân.
Bên trong đảng chính sách của Trotsky cũng gặp nhiều chống đối lớn dần từ hàng ngũ đảng. Ông đổ tội cho nghiệp đoàn đường sắt đã gây ra hỗn loạn trên đường sắt, và độc đoán thay thế nó bằng nghiệp đoàn vận tải chung phụ thuộc vào bộ máy nhà nước. Quyết định này làm các lãnh đạo nghiệp đoàn nổi nóng, xem đó như là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm triệt hạ tất cả quyền nghiệp đoàn độc lập. Cuộc tranh cãi về vai trò của nghiệp đoàn đã nổi lên từ đầu năm 1919. Cương lĩnh Đảng năm đó đã đề ra ý tưởng là các nghiệp đoàn nên quản lý trực tiếp nền kinh tế kỹ nghệ – nhưng chỉ khi giai cấp lao động đã được giáo dục cho công việc này. Từ giờ đến đó, vai trò của các nghiệp đoàn bị hạn chế vào các lãnh vực giáo dục công nhân và kỷ luật lao động. Khi khuynh hướng quản lý một-người vẫn đang được nhắm đến, một số lớn dần các lãnh đạo nghiệp đoàn lưu ý rằng lời hứa cho nghiệp đoàn quản lý trực tiếp đang bị trì hoãn đến một tương lai xa vời. Họ xoay sở để đánh bại những nỗ lực của lãnh đạo đảng muốn áp đặt nguyên tắc quản lý một-người tại Đại hội Nghiệp Đoàn Lần 3 vào tháng giêng 1920. Tại Đại hội Đảng Lần 9 vào tháng 4 họ bắt buộc giới lãnh đạo hoà giải và chấp nhận chia sẻ việc bổ nhiệm quản lý để đổi lấy việc họ chấp nhận nguyên tắc.
Cán cân thăng bằng mong manh này – giữa nghiệp đoàn và nhà nước đảng trị – bị làm đảo lộn bởi các kế hoạch của Trotsky, đưa ra vào mùa hè 1920, nhằm biến đổi các nghiệp đoàn vận tải thành một nhánh của bộ máy hành chính nhà nước. Toàn bộ nguyên tắc của quyền tự trị nghiệp đoàn bị lâm nguy. Không chỉ có các lãnh đạo nghiệp đoàn chống đối Trotsky; nhiều lãnh đạo đảng cũng hậu thuẫn họ. Zinoviev, một đối thủ của Trotsky, lên án ‘các phương pháp cảnh sát đàn áp công nhân’ của ông. Shliapnikov — được Kollontai tiếp tay vào tháng giêng- thành lập cái gọi là nhóm Công nhân Chống đối để bảo vệ quyền lợi của nghiệp đoàn và, tổng quát hơn, để phản kháng sự lan tràn của ‘bệnh hành chính quan liêu’ mà họ cho đã bóp nghẹt ‘tính sáng tạo tự phát’ của giai cấp công nhân. Nhóm Chống đối Công nhân được hậu thuẫn rộng rãi của nghiệp đoàn, nhất là từ ngành luyện kim, trong đó tình tương trợ giai cấp ăn sâu nhất. Nó cất tiếng nói giai cấp đến lòng căm thù đối với các quản lý hãng xưởng và viên chức hành chính, mà công nhân tố cáo là ‘giai cấp cai trị mới’ và ‘tư sản mới’. Nhiều tình cảm này cũng được biểu lộ bởi một nhân tố chống đối chủ yếu khác trong đảng, nhóm Tập trung Dân chủ. Nhóm này gồm phần đông là những người Bôn-se-vich trí thức chống đối tính tập trung hành chính của đảng và việc làm tiêu vong các Xô-Viết vốn là những cơ quan cai trị trực tiếp của công nhân. Một số đồng chí cực đoan hơn ở Moscow, nơi căn cứ của họ mạnh nhất, thậm chí còn mở cửa các ban điều hành đảng bộ quận cho hàng ngũ đảng viên đến tim hiểu trong một nỗ lực nâng cao tính glasnost (công khai) trong chính quyền địa phương. Đây là lần đầu tiên từ nổi tiếng này được sử dụng.
Hai luồng tranh cãi nảy – về nghiệp đoàn và nhà nước đảng trị – trộn lẫn vào nhau và phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn bộ trong mùa thu 1920. Tại Hội nghị Đảng Đặc biệt vào tháng 9 hai phe chống đối kết hợp lại để cùng áp lực thông qua một loạt các nghị quyết mà mục tiêu là nhằm nâng cao tính dân chủ và công khai trong đảng: mọi cuộc họp đảng đều công khai đối với hàng ngũ đảng; những cơ quan đảng thấp hơn phải có tiếng nói nhiều hơn trong việc bổ nhiệm các viên chức cao cấp; và các cơ quan cao hơn phải có trách nhiệm trước hàng ngũ đảng viên. Từ thắng lợi này các phe chống đối mạnh dạn chuẩn bị mặt trận các nghiệp đoàn. Tại Đại hội Nghiệp Đoàn Lần 5 Trotsky thách đấu khi đề nghị là mọi viên chức nghiệp đoàn phải do nhà nước bổ nhiệm. Hành động này làm nổ ra xung đột gay gắt trong nội bộ đảng, một bên là Trotsky dấn tới việc trộn lẫn ngay lập tức, và nếu cần, cưỡng chế các nghiệp đoàn vào bộ máy nhà nước, còn bên kia phe chống đối chiến đấu bằng tay và răng cho sự độc lập của nghiệp đoàn. Lênin ủng hộ mục tiêu của Trotsky nhưng chủ trương một cách tiếp cận hòa hoãn hơn về hướng cơ cấu nó để tránh sự rạn nứt hủy hoại chế độ. ‘Nếu đảng tranh cãi với các nghiệp đoàn,’ Lênin cảnh báo, ‘thế thì chắc chắn sẽ là kết thúc của quyền lực Xô-Viết.’ Ủy ban Trung ương chia rẽ một cách trầm trọng về vấn đề, và trong ba tháng sau đó cuộc xung đột càng gầm thét trên báo đảng khi mỗi phe đều động viên sự hậu thuẫn cho trận đánh quyết định chắc chắn sẽ xảy ra trong Đại hội Đảng Lần 10 tháng ba sau. Với chính quyền khủng hoảng triền miên, và toàn bộ xứ sở bị nhận chìm trong nội loạn và đình công, nước Nga đang trên bờ vực của một cuộc cách mạng mới.
ii Kỹ Sư của Tâm Hồn
Vào tháng 10 1919, theo giai thoại, Lênin bí mật đến thăm phòng thí nghiệm của nhà sinh lý học vĩ đại I. P. Pavlov để xem liệu công trình của ông về phản xạ có điều kiện của bộ não có thể giúp người Bôn-se-vich điều khiển được hành vi của con người hay không. ‘Tôi muốn dân chúng Nga rập theo mô thức suy nghĩ và hành động của người Cộng sản,’ Lênin giải thích. ‘Có quá nhiều chủ nghĩa cá nhân trong quá khứ ở nước Nga. Chủ nghĩa Cộng sản không dung nạp những khuynh hướng cá nhân. Chúng rất có hại. Chúng can thiệp vào các kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi phải hủy diệt chủ nghĩa cá nhân.’ Pavlov sửng sốt. Lênin hình như muốn ông làm cho con người những gì ông đã làm cho chó. ‘Có phải ý ngài muốn chuẩn hóa dân chúng Nga? Khiến họ xử sự như nhau không?’ ‘Chính xác’, Lênin đáp. ‘Con người có thể được chỉnh sửa. Con người có thể làm theo những gì chúng ta muốn’.
Dù chuyện này có thực hay không, nó minh họa một sự thật khái quát: mục tiêu tối hậu của hệ thống Cộng sản là biến đổi bản chất con người. Nó cũng là mục tiêu được các chế độ được gọi là toàn trị khác trong thời kỳ giữa hai thế chiến chia sẻ. Thời kỳ này, suy cho cùng, là thời đại của chủ nghĩa lạc quan không tưởng về tiềm năng của khoa học nhằm thay đổi cuộc sống con người và, một cách nghịch lý, cũng là một thời đại của hoài nghi và phân vân sâu sắc về giá trị của nhân sinh sau khi Thế Chiến I kết thúc. Như một trong những nhà tiên phong về phong trào ưu sinh ở Đức Quốc xã phát biểu vào năm 1920, ‘Dường như thể chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi trong nhận thức về bản chất con người. . . Do những yêu sách khủng khiếp của cuộc chiến chúng ta buộc phải gán những giá trị cho cuộc sống cá nhân khác hơn ngày trước.’ Nhưng cũng có sự khác biệt quan trọng giữa cương lĩnh xây dựng con người Cộng sản với kỹ thuật xây dựng con người Quốc xã. Cương lĩnh Bôn-se-vich dựa trên những lý tưởng của Khai sáng – nó bắt nguồn từ Kant cũng nhiều như Marx – điều khiến các nhà cấp tiến Tây phương, thậm chí trong thời đại của chủ nghĩa hậu hiện đại, có cảm tình với nó, hay ít nhất bắt chúng ta cố gắng tìm hiểu nó, cho dù chúng ta không chia sẻ các mục tiêu chính trị của nó; trong khi Quốc xã nỗ lực ‘cải tạo nhân loại’, hoặc qua kỹ thuật ưu sinh hoặc qua diệt chủng, nhổ vào mặt phong trào Khai sáng và chỉ chất chứa trong lòng chúng ta sự ghê tởm. Khái niệm sáng tạo ra một mẫu người mới qua khai sáng quần chúng đã luôn là sứ mệnh có tính tiên tri của giới trí thức Nga thế kỷ 19, từ đó người Bôn-se-vich xuất hiện. Triết học Mác-Xít cũng dạy rằng bản chất con người là sản phẩm của tiến trình phát triển lịch sử và do đó có thể biến đổi bằng cách mạng. Chủ nghĩa duy vật khoa học của Darwin và Huxley, đã đạt đến vị thế của một tôn giáo trong giới trí thức Nga thời Lênin còn trẻ, cũng góp phần tạo nên quan điểm cho rằng con người được xác định bởi thế giới họ sống trong đó. Do đó người Bôn-se-vich đi đến kết luận rằng cuộc cách mạng của họ, với sự giúp đỡ của khoa học, có thể tạo ra một mẫu người mới.
Lênin và Pavlov đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ảnh hưởng của Ivan Sechenov (1829—1905), nhà sinh lý học đã bảo vệ quan điểm cho rằng bộ não là một bộ máy cơ điện đáp ứng với kích thích bên ngoài. Quyến sách của ông, Phản Xạ của Bộ Não (1863), có ảnh hưởng lớn đối với Chernyshevsky, và do đó đối với Lênin, cũng như điểm xuất phát cho lý thuyết của Pavlov về phản xạ có điều kiện. Đây là chỗ mà khoa học và xã hội học gặp nhau. Mặc dù Pavlov công khai chỉ trích cách mạng và thường hăm dọa đi di cư, ông được người Bôn-se-vich bảo trợ. * Sau hai năm trồng cà rốt tự túc, Pavlov được ban thưởng một khẩu phần cao cấp và một căn hộ rộng rãi ở Moscow. Dù khan hiếm giấy thường trực, các bài viết của ông được xuất bản vào năm 1921. Lênin xem các công trình của Pavlov là ‘đặc biệt có ý nghĩa’ đối với cách mạng. Bukharin gọi nó là ‘một vũ khí từ kho quân nhu của chủ nghĩa duy vật’. Thậm chí Trotsky, người thường đứng xa chính sách văn hóa, cũng tỏ ra hứng thú với tâm thần học, đánh bóng đoạn văn trữ tình về khả năng tái tạo con người sau đây:
Con người là ai? Y không khi nào là một sinh vật hài hòa và hoàn thiện. Không, y còn là một sinh vật rất thô kệch. Con người, như một động vật, không tiến hóa theo kế hoạch mà theo tự phát, và tích chứa nhiều nghịch lý. Vấn đề là làm thế nào giáo dục và điều chỉnh, làm thế nào cải tạo và hoàn thiện việc xây dựng con người về thể chất và tinh thần, là một bài toán lớn chỉ có thể được quan niệm trên cơ sở của Chủ nghĩa Xã hội. Chúng ta có thể xây dựng một tuyến đường sắt xuyên qua sa mạc Sahara, chúng ta có thể xây dựng tháp Eiffel và nói chuyện trực tiếp với New York, nhưng chúng ta chắc chắn không thể cải tiến con người. Không, chúng ta có thể! Để sản sinh ra một ‘một phiên bản tiên tiến’ của con người – đó là nhiệm vụ tương lai của chủ nghĩa Cộng sản. Và để làm điều đó trước tiên chúng ta phải tìm hiểu cặn kẽ về con người, cơ thể của y, sinh lý của y và phần sinh lý mà ta gọi là tâm lý của y. Còn người phải nhìn lại chính mình và xem mình là một thứ nguyên liệu thô, hoặc nhiều nhất là một sản phẩm chỉ mới chế tạo được phân nửa, và nói, ‘Cuối cùng, con người tinh khôn ơi, tôi sẽ cải tiến anh.’
* Không thể không bị cám dỗ để đi đến kết luận rằng Pavlov chính là mục tiêu châm biếm của nhà văn Bulgakov trong vở kịch Trái Tim Chó (1925), trong đó nhà khoa học thực nghiệm lừng danh thế giới, vốn khinh miệt người Bôn-se-vich, nhưng chấp nhận sự bảo trợ của họ, cấy ghép bộ não và cơ quan sinh dục của chó cho một con người.
Người Xô-Viết Mới, được mô tả trong các tiểu thuyết viễn tưởng và luận văn ngắn về Utopia (thiên đường Cộng sản được người Cộng sản ảo tưởng là mình nhất định sẽ tạo ra được trên thế gian: ND) bùng nổ trong thời gian cách mạng, là một Prometheus (theo thần thoại Hy Lạp, là người ăn cắp lửa mà thần Zeus giấu để trả lai cho con người: ND) của thời đại cơ khí. Y là một sinh vật có lý trí, có kỷ luật và thích sống tập thể chỉ vì lợi ích của điều cao cả, như tế bào trong một cơ thể sống. Y không suy nghĩ theo phạm trù cá nhân ‘tôi’ mà theo phạm trù tập thể ‘chúng ta’. Trong hai tiểu thuyết khoa học hư cấu Sao Đỏ (1908); và Kỹ Sư Menni (1913), triết gia Bôn-se-vich Alexander Bogdanov mô tả một xã hội Utopia trên sao Hỏa đâu đó vào thế kỷ 23. Mọi vết tích của cá nhân đã bị loại bỏ trong ‘xã hội Sao Hoả-Mác’ này: mọi công việc đều tự động hóa và được điều hành bởi máy tính; mọi người đều mặc như nhau không phân biệt giới tính và sống trong căn hộ như nhau; các trẻ em được nuôi dưỡng theo những quần thể đặc biệt; không có quốc gia riêng và mọi người đều nói cùng một thứ tiếng như tiếng Esperanto. Tại một chỗ trong cuốn Kỹ Sư Menni, vai chính, một nhà vật lý sao Hỏa, so sánh sứ mạng của giới tư sản trên trái đất là ‘tạo ra một cá thể người’, với nhiệm vụ của giới vô sản trên sao Hỏa là ‘góp nhặt các nguyên tử này’ của xã hội và ‘hợp nhất chúng thành một cơ thể người thông minh đơn lẻ”.
Lý tưởng giải phóng cá nhân qua tập thể là nền tảng đối với giới trí thức cách mạng Nga. ‘Không “tôi”mà là “chúng ta” – đây là cơ sở để giải phóng cá nhân,’ Gorky đã biết vào năm 1908. ‘Rồi cuối cùng con người sẽ cảm thấy mình là hiện thân của tất cả tài sản trên thế giới, của tất cả cái đẹp của thế gian, của tất cả trải nghiệm của nhân loại, và về tinh thần bình đẳng với tất cả anh em mình.’ Đối với Gorky, sự thức tỉnh của tinh thần tập thể này cơ bản là nhiệm vụ nhân văn: ông thường so sánh nó với tinh thần công dân của chủ nghĩa Khai sáng. Nước Nga đã lỡ cuộc cách mạng văn hóa đó. Hàng thế kỷ dưới chế độ nông nô và ách cai trị sa hoàng, theo quan điểm của ông, một ‘dân tộc trì trệ và nô lệ’, thụ động và phản kháng với ảnh hưởng của sự tiến bộ, dễ bùng phát loại bạo lực hủy diệt, nếu không bị nhà nước cưỡng bách thì không thể làm được công việc xây dựng có tầm cỡ quốc gia. Người Nga, tóm lại, là nekulturnyi, tức ‘kém văn minh’: họ thiếu văn hóa để là những công dân tích cực. Nhiệm vụ của cuộc cách mạng văn hóa, mà cuộc cách mạng chính trị và xã hội phụ thuộc vào đó, là vun trồng ý thức công dân này. Theo lời Gorky, đó là việc ‘kích hoạt nhân dân Nga đi theo con đường của phương Tây’ và để giải phóng họ thoát khỏi lịch sử thời man rợ và ù lì Á châu lâu dài của họ’.
Vào năm 1909 Gorky, Bogdanov và Lunacharsky đã lập một ngôi trường cho công nhân Nga tại khu nghỉ dưỡng của nhà văn trên đảo Capri. 13 công nhân (một người trong họ là cảnh sát chìm) được lén lút chở lậu ra khỏi Nga và bắt ngồi học những bài giảng khô khan về lịch sử chủ nghĩa xã hội và văn chương Tây phương. Giải trí ngoại khóa duy nhất là tham quan các bảo tàng nghệ thuật ở Naples do Lunacharsky hướng dẫn. Bologna là nơi gặp gỡ cho trường công nhân thứ hai vào năm 1910. Mục đích của thực tập này là tạo ra một nhóm các nhà xã hội chủ nghĩa vô sản có ý thức – một loại ‘trí thức thuộc giai cấp lao động’ – sau này sẽ gieo rắc kiến thức của họ cho công nhân và theo đó bảo đảm rằng phong trào cách mạng sẽ tạo ra được cách mạng văn hóa của riêng họ. Những người thành lập trường họp thành nhóm Vpered (Tiên Tiến) và ngay lập tức gặp xung đột gay gắt với Lênin. Quan niệm của nhóm Vpered về cách mạng cơ bản có tính Men-se-vich theo nghĩa họ thấy thành công của nó phụ thuộc vào sự phát triển hữu cơ của văn hóa giai cấp lao động. Lênin, trái lại, coi thường tiềm năng của công nhân như là một lực lượng văn hóa độc lập và nhấn mạnh vai trò của họ chỉ là những cán bộ có kỷ luật phục vụ đảng. Nhóm Vpered cũng tuyên bố rằng kiến thức, và đặc biệt là công nghệ, là những lực lượng tác động của lịch sử theo một cách mà Marx đã không hình dung được, và giai cấp xã hội được phân loại bởi mức sở hữu kiến thức hơn là bởi tài sản. Do đó giai cấp lao động được giải phóng không chỉ bởi kiểm soát phương tiện sản xuất, phân phối và trao đổi, mà còn bởi một cuộc cách mạng văn hóa đồng bộ ban cho họ sức mạnh kiến thức. Từ đó là nghĩa vụ của họ đối với sự khai sáng của giai cấp lao động. Cuối cùng, và thậm chí hơi kỳ quặc, nhóm Vpered lập luận rằng chủ nghĩa Mác nên được xem như một hình thức tôn giáo – trong đó tình nhân loại là Chúa Trời và tính tập thể là Thánh Linh. Gorky đề cao chủ đề nhân văn này trong tiểu thuyết Xưng Tội (1908) của ông, trong đó nhân vật chính Matvei tìm gặp chúa trời của mình qua tình đồng chí với đồng bào mình.
Sau 1917, khi những người Bôn-se-vich bận bịu với những vấn đề thúc bách hơn, chính sách văn hóa giao lại cho những người thuộc nhóm Vpered trước đây trong đảng. Lunacharsky trở thành Dân Uỷ Khai sáng – một chức vụ phản ánh cảm hứng cách mạng văn hóa mà nó đặt làm mục tiêu – và chịu trách nhiệm về mặt giáo dục và nghệ thuật. Bogdanov dẫn đầu tổ chức Proletkult, thành lập năm 1917 để phát triển văn hóa vô sản. Qua những câu lạc bộ và studio của nhà máy, mà vào năm 1919 có đến 80,000 thành viên, nó tổ chức những nhóm kịch nghiệp dư, ban hợp xướng, ban nhạc, và các lớp nghệ thuật, nhóm sáng tác văn và thi đấu thể thao cho công nhân. Ở Moscow có trường Đại học Vô Sản và bộ Bách khoa Xã hội Chủ nghĩa, mà việc xuất bản giao cho Bogdanov giám sát để chuẩn bị cho nền văn minh vô sản tương lai, cũng như, theo quan điểm ông, bộ Bách khoa của Diderot đã từng là một nỗ lực của giới tư sản đang lên của Pháp ở thế kỷ 18 chuẩn bị cho cuộc cách mạng văn hóa của họ.
Cũng như với các trường Capri và Bologna, giới trí thức Proletkult bảo trợ công nhân họ nhắm đến để bồi dưỡng văn hóa. Chủ trương cơ bản của Proletkult là giai cấp lao động phải tự phát triển nền văn hóa của riêng mình; vậy mà ở đây giới trí thức làm thay cho họ. Hơn nữa, ‘văn hóa vô sản’ mà họ nuôi dưỡng ít hợp với khẩu vị thực sự của công nhân như hài kịch và vodka, mà giới trí thức thường khinh miệt cho là hạ cấp. Họ đã lý tưởng hóa người công nhân bắt phải là những gì họ nhắm đến: không hư hỏng vì chủ nghĩa cá nhân của tư sản; có tính tập thể trong cách sống và tinh thần tự rèn luyện; quan tâm đến khoa học và thể thao; nói tóm lại là những người tiên phong của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được giới trí thức tưởng tượng.
* * *
Cách mạng 1917 đến giữa khoảng thời gian được gọi là Thời Đại Bạc của nước Nga, ba thập niên đầu tiên của thế kỷ này khi trường phái tiên phong đâm hoa kết trái trong mọi ngành nghệ thuật. Nhiều nhà văn và nghệ sĩ kiệt xuất nhất của xứ sở tham gia vào Proletkult và những thử thách văn hóa Xô-Viết khác trong và sau thời nội chiến. Belyi, Gumilev, Mayakovsky và Khodasevich dạy các lớp làm thơ; Stanislavsky, Meyerhold và Eisenstein dựng vở ‘Cách Mạng Tháng Mười’ trên sân khấu’ ; Tatlin, Rodchenko, El Lissitsky và Malevich tiên phong trong nghệ thuật thị giác; trong khi Chagall thậm chí trở thành Ủy viên Nghệ Thuật trong thị trấn quê hương Vitebsk của ông và sau đó dạy vẽ cho viện mồ côi ở Moscow. Mối liên minh giữa ủy viên và nghệ sĩ một phần sinh ra từ nguyên tắc chung, rằng nghệ thuật có một vai trò quan trọng trong xã hội, một sứ mạng giao tiếp với quần chúng; và chối bỏ nghệ thuật tư sản cũ. Nhưng nó cũng là cuộc hôn phối của tính thuận tiện. Qua những dè dặt ban đầu, sợ đánh mất tính độc lập nghệ thuật cần thiết, những chiến sĩ văn hóa này sớm thấy cái lợi khi được Bôn-se-vich bảo trợ cho nghệ thuật tiên phong, chưa nói đến khẩu phần đặc biệt và vật liệu làm nghề mà họ rất cần đến trong thời buổi ngặt nghèo này. Gorky là nhân vật trung tâm ở đây – hoạt động như một nhà bảo trợ Xô-Viết cho các nghệ sĩ và như một người đại diện nghệ sĩ đối với các Xô-Viết. Vào tháng 9 1918 ông đồng y hợp tác với ủy ban của Lunacharsky trong những thỏa thuận với giới nghệ thuật và khoa học. Về phần mình, Lunacharsky làm hết sức để hậu thuẫn những thách thức khác nhau mà Gorky gặp phải trong việc ‘cứu vớt văn hóa Nga’, mặc dù Lênin bực mình với những ‘vấn đề vặt vãnh như thế’, từ nhà xuất bản Văn Chương Thế Giới, nơi qui tụ nhiều trí thức mạt rệp, đến Ủy Ban Bảo Tồn Công trình và Đài Kỷ Niệm Lịch Sử. Lunacharsky phần nàn rằng Gorky đã ‘hoàn toàn theo phe trí thức, đứng về phía họ trong tiếng càu nhàu, ngờ vực và khiếp đảm trước viễn cảnh những đồ vật quí giá bị những cú đấm của cách mạng hủy hoại’. Phái hư vô chủ nghĩa của phong trào tiên phong đặc biệt hứng thú với chủ nghĩa Bôn-se-vich, đã mang lại cho mình niềm hoan lạc khi ra tay phá hủy thế giới cũ. Các thi sĩ thuộc trường phái Tương Lai, như Maykovsky chẳng hạn, thực sự quì mọp dưới chân người Bôn-se-vich, xem họ như đồng minh trong cuộc chiến chống ‘nghệ thuật tư sản’. (Nhóm Tương Lai ở Ý cũng hậu thuẫn bọn Phát xít vì lý do tương tự). Bên trong phong trào Proletkult, phái Tương Lai theo đuổi đường hướng đập phá thánh tượng khiến Lênin (một người bảo thủ về những vấn đề văn hóa) thịnh nộ và làm bối rối Bogdanov và Lunacharsky. ‘Đã lên lúc bắn như mưa vào các viện bảo tàng,’ Maykovsky viết. Ông phế truất các tác phẩm cổ điển như là ‘thứ rác rến thẩm mỹ cũ’. Kirilov, nhà thơ Proletkult, viết:
Nhân danh ngày mai chúng ta sẽ đốt rụi Raphael, phá hủy Bảo tàng viện, chà đạp các bông hoa Nghệ thuật.
Điều này gần như là thói vênh váo trí thức, thái độ phá hoại văn hóa của những nhà văn hạng hai mà những hành động xốc nổi vượt xa tài năng của mình.
Có lần Stalin mô tả nhà văn là ‘kỹ sư của tâm hồn’. Những nghệ sĩ tiên phong được xem là những người biến đổi vĩ đại bản chất con người trong những năm đầu của chế độ Bôn-se-vich. Nhiều người trong số họ chia sẻ lý tưởng xã hội chủ nghĩa nhằm biến tính thần có tính tập thể nhiều hơn. Họ bác bỏ những theo đuổi mang tính cá nhân của nghệ thuật ‘tư sản’ của thế kỷ 19, và tin tưởng rằng họ có thể huấn luyện tâm trí con người biết nhìn thế giới theo một cách khác qua những hình thức diễn tả nghệ thuật có tính tân thời. Chẳng hạn, việc dựng phim, với hiệu quả cắt xén và ghép liên tiếp những hình ảnh rời rạc nhưng có liên hệ nhau, được cho là sẽ tạo nên hiệu ứng xúc cảm tích lũy nơi người xem. Eisenstein, người sử dụng kỹ thuật này trong ba bộ phim tuyên truyền vĩ đại của ông vào thập niên 1920, Đình Công, Chiến Hạm Potamkin và Tháng Mười, khai thác toàn bộ kỹ thuật đó. Người ta đua nhau ồn ào bàn luận về ‘cách mạng tâm linh’ được cho là do điện ảnh mang lại. Ngôn ngữ nghệ thuật tân thời vượt trội này, như tâm lý học về con người hiện đại, dựa vào ‘những đường thẳng và góc gắt’ và ‘mãnh lực của máy móc’.
Là những nhà tiên phong của cuộc ‘cách mạng tâm linh’, các nghệ sĩ tiên phong theo đuổi những hình thức thực nghiệm khác nhau. Lúc này nghệ thuật không bị kiểm duyệt – người Bôn-se-vich đang có nhiều việc cấp bách hơn phải làm – và đó là thời kỳ tương đối tự do. Từ đó nảy sinh một nghịch lý khi trong một nhà nước cảnh sát lại bùng nổ nghệ thuật. Nhiều thành tựu nghệ thuật Xô-Viết ban đầu này có giá trị thực sự và lâu bền như những tác phẩm tiên phong của nền nghệ thuật hiện đại, phá vỡ những rào cản của truyền thống. Những người thuộc trường phái Kiến Tạo, đặc biệt những nghệ sĩ như Rodchenko, Malevich và Tatlin, tạo nên một tác động to lớn đến phong cách tân thời. Điều này không thể nói với nghệ thuật Phát xít, hoặc với những gì gọi là nghệ thuật dưới thời Stalin, những vật hào nhoáng kiểu tượng đài nghiêm nghị nặng tính Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa.
Trong âm nhạc, chẳng hạn, có những ban nhạc không có nhạc trưởng điều khiển (lúc tập dượt lẫn lúc trình diễn), nhận mình đi tiên phong theo lối sống xã hội chủ nghĩa dựa trên bình đẳng và thành tựu con người qua lao động tập thể tự do. Có phong trào gồm ‘những ban nhạc trong nhà máy’ sử dụng tiếng còi tầm’, tiếng tua-bin và còi hụ làm nhạc cụ, hoặc tạo ra những âm thanh mới bằng phương tiện điện tử, được nhiều người cho rằng sẽ tạo ra một thẩm mỹ âm nhạc mới gần gũi hơn với tâm linh người công nhân. Shostakovich góp thêm trò vui bằng cách thêm âm thanh của tiếng còi nhà máy ngay cao trào bản Hòa Tấu Thứ Hai của ông (‘Tặng Tháng Mười’). Cũng lập dị là việc đặt tên lại các vở opera nổi tiếng và thêm lời mới để có vẻ ‘xã hội chủ nghĩa’ hơn: chẳng hạn vở Tosca trở thành Trận Đánh vì Công Xã; Les Huguenot thành Nhóm Decembrist; trong khi vở Cuộc đời vì Sa Hoàng của Ginkacải biên thành Búa và Liềm.
Có những thử nghiệm tương tự nhằm đem sân khấu đến gần hơn với quần chúng bằng cách lấy chúng ra khỏi khung cảnh quen thuộc có tính ‘tư sản’ và dựng chúng trên đường phố, nhà máy và doanh trại. Mục tiêu là phá bỏ ngăn cách giữa kịch sĩ và khán giả, làm mờ nhòe đường phân ranh chia cách sân khấu với thực tại. Tất cả điều này là bắt chước theo những kỹ thuật sân khấu thực nghiệm của Đức do Max Reinhardt đi đầu, sau này hoàn thiện bởi Brecht. Bằng cách khuyến khích khán giả cất tiếng nói phản ứng với vở kịch, Meyerhold và những đạo diễn Xô-Viết khác nhắm đến việc gán ghép cảm xúc vào trong những ngụ ngôn didactic của cách mạng. Những vở kịch mới đề cao cuộc đấu tranh cách mạng cả trên qui mô quốc gia lẫn qui mô cuộc sống riêng tư của con người. Các nhân vật là những biểu tượng bằng giấy bìa thô sơ – những nhà tư bản tham lam với mũ nồi, những giáo sĩ quỷ quái với bộ râu kiểu Rasputin và những công nhân giản dị lương thiện. Mục đích chính của những vở kịch này là khuấy động mối căm thù tập thể chống lại ‘kẻ thù’ của cách mạng và qua đó tập kết nhân dân sau lưng chế độ. Trong một vở như thế, Bạn Có Nghe Không, Moscow?, doEisenstein dàn dựng vào năm 1924, làm dấy lên những cảm xúc ở hồi kết mạnh mẽ đến nỗi, khi các công nhân Đức đang ào ạt tấn công căn cứ của bọn Phát xít, cả khán giả cũng tính tham gia theo. Mỗi tên Đức bị giết chết được hoan hô cuồng nhiệt. Một khán giả thậm chí rút súng định bắn một diễn viên đang đóng vai một gái làng chơi Phát xít, nhưng khán giả bên cạnh lôi y về thực tại.
Một ví dụ ngoạn mục nhất của sân khấu cách mạng là vở Xông Vào Cung Điện Mùa Đông, dàn dựng vào năm 1920 để chào mừng lễ kỷ niệm lần thứ ba cuộc nổi dậy tháng 10. Đường phố Petrograd, nơi kịch tính cách mạng năm 1917 đã diễn ra, giờ được biến thành một sân khấu. Những cảnh chủ chốt được diễn lại trên ba sân khấu lớn trên Quảng trường Cung điện. Cung điện Mùa Đông cũng là một phần của cảnh trí với một số cửa sổ được bật sáng lần lượt để phô diễn những cảnh khác nhau bên trong. Chiếc tuần dương Aurora cũng đóng một vai chính, khai hỏa khẩu đại bác hạng nặng của nó từ sông Neva để báo hiệu lệnh tấn công vào cung điện, giống như nó đã làm trong đêm lịch sử. Dàn diễn viên 10,000 người, chắc hẳn còn nhiều hơn so với số người thực sự tham gia cuộc nổi dậy. Ước tính có 100,000 khán giả theo dõi vở kịch từ Quảng trường Cung điện. Họ cười to khi thấy hình nhân của Kerensky và hoan hô điên cuồng khi diễn viên quần chúng ào ạt tiến vào cung điện. Đây là khởi điểm của huyền thoại Tháng Mười Vĩ Đại – một huyền thoại mà Eisenstein lộng giả thành chân bằng bộ phim tài liệu Tháng Mười (1927). Những ảnh tĩnh trong bộ phim này vẫn còn được in lại trong các sách, ở Nga lẫn phương Tây, tưởng như những ảnh chụp thật của cách mạng.
Nghệ thuật cũng mang ra đường phố. Những nghệ sĩ Kiến Tạo bàn về việc mang nghệ thuật ra khỏi các bảo tàng và đi vào cuộc sống thường nhật. Nhiều người trong số họ, như Rodchenko and Malevich, tập trung nỗ lực vào việc thiết kế y phục, đồ đạc, văn phòng và hãng xưởng, nhấn mạnh vào điều họ gọi là ‘phong cách kỹ nghệ’ – những thiết kế đơn giản với các màu cơ bản, các dạng hình học và đường thẳng, tất cả những điều này họ cho rằng sẽ giải phóng con người đồng thời khiến họ biết lý lẽ hơn. Họ tuyên bố mục đích của mình là ‘tái kiến tạo không chỉ vật thể, mà còn toàn bộ cách thức bên trong đời sống.’ Vài hoạ sĩ và nhà điêu khắc tiên phong hàng đầu, như Chagall và Tatlin, xắn tay vào loại ‘nghệ thuật kích động’ – trang trí tòa nhà và xe cộ hoặc thiết kế các áp phích cho nhiều ngày lễ cách mạng, như Ngày 1 Tháng 5 hoặc Ngày Cách Mạng, khi toàn thể nhân dân được cho là đồng lòng thể hiện công khai niềm vui và cảm xúc tập thể. Thị trấn thường được sơn đỏ (đôi khi cả cây cối). Qua những bức tượng và tượng đài họ nhắm biến đường phố thành một Bảo tàng của Cách Mạng, thành một biểu tượng sống của quyền lực và sự vẻ vang của chế độ thậm chí gây ấn tượng đến những người dốt nát. Không có gì mới trong những hành động tự phong thánh như thế của nhà nước: chế độ sa hoàng cũng từng làm vậy. Và đúng là mỉa mai khi đài kỷ niệm bên ngoài Kremlin do nhà Romanov dựng lên để chào mừng lễ kỷ niệm 300 năm trị vìcủa họ vào năm 1913 vẫn còn giữ lại theo lệnh Lenin.
Chữ khắc thời sa hoàng được thay bằng tên các ông tổ xã hội chủ nghĩa tận thế kỷ 16, bao gồm
Thomas More, Campanella và Winstanley.
Xa như người ta biết, không có thực nghiệm nghệ thuật tiên phong nào thực sự có tác dụng trong việc biến cải trái tim và khối óc. Các nghệ sĩ cánh Tả đã tin rằng mình đang tạo ra một khuynh hướng thẩm mỹ mới cho quần chúng, nhưng họ chỉ tạo ra thẩm mỹ tân thời cho chính mình, mặc dù trong thẩm mỹ đó ‘quần chúng’ là biểu tượng cho lý tưởng của họ. Khẩu vị nghệ thuật của công nhân và nông dân cơ bản là bảo thủ. Thật ra khó đánh giá cao tính bảo thủ của nông dân trong những vấn đề nghệ thuật: khi đoàn Ba Lê Bolshoi đi lưu diễn các tỉnh lỵ trong năm 1920 các nông dân nghe nói là đã bị ‘sốc dữ khi thấy tay chân trần của các nghệ sĩ dẫn múa, và bất mãn bỏ ra về.’ Những hình ảnh không giống thật trong nghệ thuật tân thời xa lạ với một dân tộc mà trình độ quen biết với nghệ thuật chỉ giới hạn trên các tượng thánh. Khi trang trí các đường phố Vitebsk cho lễ Tháng Mười đầu tiên, Chagall được các viên chức Cộng sản cật vấn: ‘Tại sao các con bò lại xanh và nhà cửa bay bổng lên trời, tại sao thế? Có gì liên hệ tới Marx và Engels không?’ Khảo sát thói quen đọc sách quần chúng trong thập niên 1920 cho thấy công nhân và nông dân tiếp tục thích đọc truyện trinh thám và lãng mạn thuộc loại họ đã đọc trước cách mạng hơn là văn chương của phái tiên phong. Cũng không thành công là loại âm nhạc mới. Tại một ‘buổi hòa nhạc trong nhà máy’ tiếng ồn ào điếc tai từ các còi tầm và còi hụ khiến các công nhân không nhận ra được giai điệu của bài Quốc Tế Ca. Các phòng hoà nhạc và sân khấu đầy nghẹt những người vô sản mới giàu lên của chế độ Bôn-se-vich. Nhà hát Bolshoi ở Moscow mỗi đêm đều vương vãi vỏ hạt hướng dương mà họ vừa xem vừa nhai – vậy mà họ đến để nghe Glinka và Tchaikovsky. Khi nói về vấn đề khẩu vị nghệ thuật, không có gì mà các công nhân được giáo dục nửa vời muốn nhiều hơn là bắt chước giới tư sản.
* * *
Cùng với những hình thức nghệ thuật mới ‘các nhà mơ mộng’ của cách mạng ra sức thể nghiệm những hình thức mới về lối sống xã hội. Điều này cũng được giả định là sẽ biến đổi bản chất của con người. Hay, chính xác hơn, là giới phụ nữ.
Việc giải phóng phụ nữ là một lãnh vực quan trọng của cuộc sống tập thể, như được những nhà nữ quyền hàng đầu trong đảng – Kollontai, Armand và Balabanoff, hình dung.
Những nhà ăn, phòng giặt giũ và nhà trẻ ở công xã sẽ giải phóng phụ nữ khỏi những công việc nhà nặng nhọc và khiến họ có thể đóng một vai trò tích cực trong cách mạng. ‘Phụ Nữ Nga, Hãy Ném Đi Nồi và Chảo!’ là khẩu hiệu của một áp phích Xô-Viết. Sự tan rã dần dần của gia đình ‘tư sản’ qua những cải cách cấp tiến về luật hôn nhân, ly dị và phá thai được kỳ vọng là sẽ giải phóng phụ nữ khỏi ách độc tài của các ông chồng. Phòng Phụ Nữ thuộc Ủy ban Trung ương được thành lập vào năm 1919, có nhiệm vụ ‘đổi mới hình ảnh phụ nữ’ bằng cách động viên họ vào công tác chính trị địa phương và tuyên truyền giáo dục. Kollontai, người đứng đầu bộ phận này sau khi Armand qua đời vào 1920, cũng chủ trương cách mạng tình dục để giải phóng phụ nữ. Bà giảng về ‘tự do luyến ái’ hay ‘bạn tình’ giữa đàn ông và đàn bà như hai đối tác bình đẳng, đó đó giải phóng phụ nữ khỏi ràng buộc của hôn nhân và cả hai giới tính khỏi gánh nặng của hôn nhân một vợ một chồng. Đó là triết lý mà bà thực hiện chính mình với một loạt những ông chồng và người tình, trong đó có Dybenkp, chàng thủy thủ Bôn-se-vich nhỏ hơn bà 17 tuổi mà bà lấy vào năm 1917, và theo lời người ta nói, Nhà Vua Thuỵ Điển, mà bà theo đuổi khi làm Đại sứ Xô-Viết (đại sứ phụ nữ đầu tiên) ở Stockholm trong thập niên 1930.
Là Dân Uỷ Phúc Lợi Xã Hội Kollontai cố tạo ra điều kiện cho việc hài hòa tình dục mới này. Nhiều nỗ lực được thực hiện để dẹp bỏ nạn mãi dâm và tăng cường công tác chăm sóc trẻ em, dù thu được ít kết quả vì nội chiến. Khổ thay, một số ủy viên địa phương không hiểu được tầm quan trọng của chính sách Kollontai. Ở Saratov, chẳng hạn, phòng phúc lợi tỉnh ban hành một ‘Sắc Lệnh Quốc Hữu Hóa Phụ Nữ’: nó bãi bỏ hôn nhân và và cho phép đàn ông giải tỏa ham muốn tình dục trong các nhà thổ được cấp phép hoạt động. Các phụ tá của Kollontai dựng nên ‘Văn Phòng Luyến Ái’ ở Vladimir và ra thông báo yêu cầu tất cả các phụ nữ chưa lập gia đình tuổi từ 18 đến 50 đăng ký để chọn bạn tình. Thông báo cũng nói rằng mọi phụ nữ trên 18 đều là ‘tài sản của nhà nước’ và cho đàn ông quyến được chọn lựa một phụ nữ đã đăng ký, cho dù không có sự đồng ý của người này, để gây giống ‘vì lợi ích của nhà nước’.
Ít có công việc nào của Kollontai được thực sự hiểu rõ. Trong khi quan điểm của bà về cách mạng tình dục có tính lý tưởng về nhiều mặt, bà được nhiều người xem là khuyến khích sự phóng đãng về tình dục và phóng túng về đạo đức đang quét qua nước Nga sau 1917. Chính Lênin không có thời gian cho những vấn đề như thế, vốn là người thận trọng, ông kết án cái gọi là thuyết ‘ly nước’ về vấn đề tình dục là phi-Mác-Xit. Kollontai được cho là đã phát biểu rằng trong xã hội Cộng sản việc thỏa mãn ham muốn tình dục nên cởi mở như uống một ly nước. ‘Chắc chắn,’ ông viết, ‘khát thì phải uống. Nhưng liệu một người bình thường có nằm xuống dưới cống rãnh và uống nước đó hay không? Ngay chính các phụ nữ còn nghi ngờ việc giải phóng tình dục, đặc biệt ở miền quê, nơi truyền thống gia trưởng còn mạnh. Nhiều phụ nữ sợ rằng các nhà trẻ công sẽ lấy mất con mình và biến chúng thành những trẻ mồ côi của nhà nước. Họ phàn nàn các luật ly dị quá dễ dãi của năm 1918 chỉ tạo điều kiện dễ dàng cho bọn đàn ông đùn đẩy trách nhiệm cho các bà vợ và con cái mình. Và thống kê chứng tỏ điều đó. Vào những năm đầu thập niên 1920 tỉ lệ ly dị ở Nga đã lên cao nhất châu Âu – 26 lần cao hơn giới tư sản Âu châu. Các phụ nữ thuộc giai cấp lao động bất mãn mạnh mẽ với tình dục tự do được Kollontai rao giảng, xem đó (không phải không có lý) như cấp phép cho người đàn ông đối xử tàn tệ với phụ nữ. Họ trân trọng truyền thống về hôn nhân đã ăn sâu trong nếp sống nông dân, như một hộ có kinh tế chia sẻ và phân chia lao động theo giới tính để nuôi dưỡng gia đình.
Không chỉ trong vấn đề giới tính mà Lênin phản đối sự thực nghiệm. Trong những vấn đề nghệ thuật ông cũng bảo thủ như bất kỳ một nhà tư sản thế kỷ 19 nào. Lênin không có thời gian cho nghệ thuật tiên phong. Ông cho rằng những bức tượng cách mạng của họ là một sự ‘chế giễu và bóp méo truyền thống xã hội chủ nghĩa – một bức tượng nhô ra mô tả Marx đứng trên đầu bốn con voi và sùi bọt mép – và ông cũng gạt đi bài thơ nổi tiếng, ‘150,000,000′, vì có quá nhiều ‘sự phi lý, ngu ngốc xấc xược và hợm hĩnh’. (Nhiều độc giả có thể đồng ý). Khi nội chiến đã qua Lenin xem xét lại kỹ càng hơn về công việc của Proletkult – và quyết định đóng cửa nó. Vào mùa thu 1920 trợ cấp cho nó bị cắt giảm sâu, Bogdanov bị loại khỏi vị trí lãnh đạo, và Lênin phát động một cuộc công kích các nguyên tắc cơ bản của nó. Lãnh đạo Bôn-se-vich nổi cáu vì khuynh hướng bài trừ thánh tượng của Proletkult, thích đề cao nhu cầu xây dựng trên những thành tựu văn hóa của quá khứ, và ông nhìn thấy sự tự trị của nó như một mối đe doạ chính trị đang lớn dần. Ông xem nó là ‘một phe phái Bogdanov’. Proletkult ắt hẳn có dính líu với Nhóm Công nhân Chống đối, đề cao chủ trương lật đổ bá quyền văn hóa tư sản, như vẫn còn biểu lộ trong việc thuê mướn các ‘chuyên gia tư sản’. Theo quan điểm của Lênin, đóng cửa Proletkult là một khía cạnh tích hợp trong giai đoạn chuyển tiếp đến NEP (Chính sách Tân Kinh Tế). Trong khi NEP là khoảng lặng trong lãnh vực kinh tế thì việc ngưng chiến với ‘nghệ thuật tư sản’ là khoảng lặng trong lãnh vực văn hóa. Cả hai đều xuất phát từ việc nhìn nhận rằng trong một đất nước lạc hậu như Nga những thành tựu của nền văn minh cũ phải được duy trì như một nền tảng trên đó xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa. Không có đường tắt đến chủ nghĩa Cộng sản.
Lênin viết nhiều vào thời kỳ này về nhu cầu của một ‘cuộc cách mạng văn hóa’. Không chỉ sáng tạo ra một Nhà nước Công nhân, ông lập luận, mà còn cần phải sáng tạo ra những điều kiện văn hóa cho thời kỳ quá độ lâu dài đến chủ nghĩa xã hội. Những gì ông nhấn mạnh trong quan niệm của mình về cách mạng văn hóa không phải là nền nghệ thuật và văn học vô sản mà là khoa học và kỹ thuật vô sản. Trong khi Proletkult nhìn vào nghệ thuật như một phương tiện để giải phóng con người, Lênin nhìn vào khoa học như một phương tiện để cải tạo con người – biến con người thành những ‘bánh răng’ của nhà nước. Ông muốn những công nhân Nga ‘xấu’ và ‘vô học’ được ‘học tập trong nền văn hóa của chủ nghĩa tư bản’ – để trở thành những công nhân có kỹ năng và có kỷ luật và gởi con trai của họ đến các trường cao đẳng kỹ thuật – sao cho đất nước có thể thoát khỏi tình trạng lạc hậu trong thời kỳ quá độ đến chủ nghĩa xã hội. Bôn-se-vich không là gì nếu không phải là một chiến lược hiện đại hoá.
Việc đề cao nhu cầu đào tạo khoa học ngắn hạn được phản ánh trong việc cải tổ giáo dục trong 1920 – 1. Người Bôn-se-vich xem giáo dục như một kênh chính yếu để cải tạo con người: qua trường học và các đội đoàn Cộng sản dành cho thiếu nhi và thiếu niên (đội Tiền phong và Đoàn Thanh niên Komsomol) họ sẽ truyền bá cho thế hệ sau lối sống tập thể mới. Như Lilina Zinoviev, một trong những nhà tiên phong về đào tạo Xô-Viết, tuyên bố trong một Đại hội Giáo dục Công cộng vào năm 1918:
Chúng ta sẽ đào tạo thế hệ trẻ thành thế hệ những người Cộng sản. Trẻ em, như sáp mềm, rất dễ uốn nắn và chúng nên được đúc khuôn thành những người Cộng sản tốt. . . Chúng ta phải cứu vớt trẻ em khỏi ảnh hưởng độc hại của đời sống gia đình. . . Chúng ta phải quốc hữu hóa chúng. Ngay từ những ngày đầu trong cuộc sống thơ trẻ của chúng, chúng phải tìm thấy mình dưới ánh hưởng tốt đẹp của các trường học Cộng sản. Chúng sẽ được học ABC về chủ nghĩa Cộng sản. .. Buộc người mẹ giao con cái họ cho Nhà nước Xô-Viết – đó à nhiệm vụ của chúng ta.
Kiểu mẫu cơ bản của trường học Xô-Viết là Trường Lao động Thống nhất. Được thành lập năm 1918, nó được thiết kế để mọi trẻ hưởng được một nền giáo dục phổ cập và miễn phí lên đến 14 tuổi. Tuy nhiên, những khó khăn thực tế khiến chỉ có một số ít trường như thế được thành lập. Trong 1920 một số nhà lãnh đạo Bôn-se-vich và nghiệp đoàn bắt đầu kêu gọi một hệ thống hẹp hơn các trường nghề đào tạo từ nhỏ. Chịu ảnh hưởng bởi các kế hoạch quân sự hoá của Trotsky, họ nhấn mạnh nhu cầu gắn kết hệ thống giáo dục với yêu sách của kinh tế: các ngành kỹ nghệ Nga cần các kỹ thuật viên chuyên môn và đó là nhiệm vụ của trường nghề. Lunacharsky chống đối những lời kêu gọi này, xem đó là lời mời mọc để không thừa nhận những mục tiêu nhân văn của cuộc cách mạng mà ông đã đấu tranh kể từ những ngày Vpered. Đã nắm được quyền lực nhân danh công nhân, người Bôn-se-vich, ông lập luận, có nghĩa vụ phải giáo dục con cái họ đến mức độ của người trí thức, sao cho họ trở thành ‘người làm chủ kỹ nghệ’. Chỉ dạy chúng biết đọc biết viết là không đủ trước khi biến chúng thành người học nghề. Điều này sẽ tạo ra sự phân chia giai cấp giống như trong chủ nghĩa tư bản, nền văn hóa cũ gồm Chủ và Tớ được chia cách bởi quyền lực về kiến thức. Nhờ những nỗ lực của Lunacharsky, những nguyên tắc bách khoa của 1918 được cơ bản giữ lại. Nhưng trong thực tế có chủ trương ngày càng lớn mạnh về việc đào tạo nghề trong đó trẻ em, nhất là những trẻ mồ côi do nhà nước chăm sóc, bị buộc vào học nghề trong các hãng xưởng ngay từ tuổi lên 9 và 10.
Việc Lênin bảo trợ cho ý tưởng về phương pháp Taylor đi song hành với khuynh hướng này. Ông đã từ lâu chào đón học thuyết ‘quản lý khoa học’ của người kỹ sư Mỹ F. W. Taylor – sử dụng những nghiên cứu thời gian – di chuyển để chia nhỏ và tự động hóa những hoạt động kỹ nghệ – như một phương tiện lên khuôn lại tâm thức của công nhân, khiến y trở thành một con người có kỷ luật và từ đó định hình lại toàn bộ xã hội theo các đường hướng cơ giới. Lênin khuyến khích tôn sùng học thuyết Taylor đang nảy nở ở Nga lúc đó. Những phương pháp khoa học của Taylor và Henry Ford được coi là chìa khóa mở đến một tương lai tươi sáng và thịnh vượng. Thậm chí những làng mạc xa xôi cũng biết đến tên Ford (một số người nghĩ ông là một vị thánh nào đó hướng dẫn công việc cho Lênin và Trotsky). Alexei Gastev (1882—1941), kỹ sư và nhà thơ Bôn-se-vich, vận dụng những nguyên tắc của Taylor đến tối đa. Là người đứng đầu Viện Lao động Trung ương, thành lập năm 1920, ông tiến hành những thực nghiệm để huấn luyện công nhân sao cho họ sẽ thao tác chính xác như máy móc. Hàng trăm người thực tập viên ăn mặc giống hệt nhau sẽ bước thành hàng đến ghế dài, và lệnh được ban ra bởi những tiếng vù vù phát ra từ máy. Công nhân được huấn luyện cách thao tác gõ búa chính xác bằng cách nắm tay vào một chiếc búa gắn vào và di chuyển bởi máy búa để sau nửa giờ họ thao tác đồng bộ theo nhịp điệu được cơ khí hóa. Tiến trình này được lập lại với thao tác đục, dũa và những kỹ năng cơ bản khác. Theo thú nhận của ông, nhiệm vụ của Gastev, là biến công nhân thành một loại ‘rô bô người’ . Vì Gastev coi máy móc ưu việt hơn con người, ông cho rằng việc này sẽ biểu thị một con người được cải tiến. Đúng ra ông nhìn thấy điều này như một bước lô-gic tiếp theo trong sự tiến hóa của con người. Gastev hình dung một thế giới mới đẹp đẽ nơi con người được thay thế bởi ‘các đơn vị vô sản’ mất hết cá tính đến nỗi không cần đặt tên. Thay vào đó họ sẽ được phân loại bằng những ký hiệu như A, B, C, hay 325, 075, 0, vân vân’. Những ô-tô-mát này sẽ giống như máy, ‘ không có khả năng suy nghĩ độc lập’, và sẽ biết vâng lời những người điều khiển. ‘Một chủ nghĩa tập thể cơ khí hóa’ sẽ ‘thay chỗ cho cá tính con người trong tâm lý học vô sản’. Sẽ không còn nhu cầu cho tình cảm, và linh hồn con người sẽ không còn có thể đo lường được ‘bằng một tiếng hét hay một nụ cười mà bởi một áp kế hoặc tốc độ kế’.
Việc Gastev hình dung một xã hội cơ khí hóa không phải là điều tưởng tượng khi nhàn rỗi. Ông tin rằng nó đang lấp ló ở góc đường. ABC về Chủ Nghĩa Cộng Sản, do Bukharin và Preobrazhenski chấp bút vào năm 1919, tuyên bố rằng một thế giới mới với con người và tập quán mới, trong đó mọi việc đều được tính toán chính xác, sẽ hình thành.
* * *
Cuộc chiến chống tôn giáo đóng một vai trò xung yếu trong trận đánh vì tâm hồn nhân dân này. Người Bôn-se-vich coi tôn giáo là một dấu hiệu lạc hậu (‘thuốc phiện của quần chúng’) và Giáo hội là đối thủ tranh giành quyền lực với mình. Đặc biệt, họ xem tôn giáo của nông dân như một vực thẳm ngăn cách giữa những lý tưởng Khai sáng của họ với giới nông dân ‘tăm tối’ ở vùng quê, một loại quần chúng họ không thể hiểu rõ hoặc hi vọng có thể biến cải.
Cho đến 1921 cuộc chiến chống tôn giáo chỉ chiến đấu bằng hình thức tuyên truyền. Người Bôn-se-vich cổ vũ làn sóng quần chúng chống giáo hội đã quét qua đất đai của Giáo hội vào năm 1917. Sắc lệnh Phân tách Giáo hội và Nhà nước vào tháng giêng 1918 có mục đích đặt số phận giáo sĩ vào tay nông dân địa phương bằng cách lấy đi quyền sở hữu tài sản của họ – từ lúc đó các cơ sở nhà thờ được thuê mướn từ các Xô-Viết- phải nộp tiền cho các dịch vụ tôn giáo. Việc dạy tôn giáo trong nhà trường cũng bị cấm hẳn. Tuyên truyền Bôn-se-vich chế giễu giới giáo sĩ là những ký sinh trùng béo tốt sống bám trên lưng các nông dân và âm mưu mang Sa Hoàng trở lại. Hầu hết các báo tỉnh đều có chuyên mục về các hoạt động ‘phản cách mạng’ của các giáo sĩ địa phương, mặc dù thực ra phần đông các giáo sĩ tại giáo xứ hoặc đã đi mất hoặc đã bị cuộc cách mạng nông dân đuổi cổ. Không cần phải nói, nhà tù Cheka nhốt đầy các thầy tu.
Mục tiêu của tuyên truyền Bôn-se-vich là thay thế việc tôn thờ Chúa Trời bằng sự tôn kính nhà nước, thay thế những tượng thánh bằng các biểu tượng cách mạng. Chủ nghĩa Cộng sản là một tôn giáo mới, Lênin và Trotsky là các giáo trưởng mới. Theo nghĩa này cuộc chiến chống tôn giáo của Bôn-se-vich đi một bước xa hơn các chiến dịch phi cơ đốc giáo hóa của Jacobin: mục tiêu của nó không chỉ là phá hủy tôn giáo mà còn chiếm hữu quyền lực của nó cho nhà nước.
Một mặt là đường lối tuyên truyền đập phá thánh tượng của người Bôn-se-vich. Các phép lạ Cơ đốc được vạch trần chỉ là các huyền thoại. Những áo quan được cho là gìn giữ thánh tích ‘bất hoại’ của các vị thánh Nga được mở nắp ra và được phát hiện là chỉ chứa những bộ xương khô trơ trọi hoặc, trong vài trường hợp, những hình nhân bằng sáp. Những ‘tượng thánh biết khóc’ được cho thấy là được vận hành bằng những chai cao su nặn ra ‘nước mắt’ khi nông dân cầu nguyện. Những gắn bó của nông dân đối với lý giải mê tín và tôn giáo được chế nhạo là điên khùng: những vụ thất mùa và dịch bệnh có thể tránh được bằng khoa học khí tượng và nông học hơn là cầu nguyện và làm lễ trên đồng ruộng. ‘Mẫu đất Vô thần được canh tác cạnh ‘mẫu đất Chúa Trời’ – mẫu đất trước được bón phân hóa học, mẫu đất sau bằng nước thánh – để chứng minh luận điểm. Các nông dân được cho ngồi lên phi cơ để họ có thể tự mình thấy là không có thiên thần hay thượng đế trên bầu trời. Phần đông các báo chí địa phương đều có các mục đặc biệt về loại ‘vô thần khoa học này’. Hàng trăm tập san và những câu chuyện vô thần dược xuất bản. Văn chương và âm nhạc có chủ đề tôn giáo đều bị dẹp bỏ. Các tác phẩm của Plato, Kant, Schopenhauer, Nietzsche và Tolstoy bị cấm trên cơ sở này. Cũng như
Requiem của Mozart, và gần như toàn bộ tác phẩm của Bach và Vespers của Rachmaninov. Rồi có những nhóm nghiên cứu và lớp đêm dạy về ‘khoa học’ vô thần này. Một Hiệp hội Chiến binh Vô thần được thành lập vào năm 1921 có tờ báo quốc gia riêng và hàng trăm chi nhánh địa phương, tổ chức những buổi ‘tranh luận’ với giới giáo sĩ về vấn đề: ‘Chúa Trời Có Tồn Tại Không?’ Những buổi tranh luận này thường được dàn dựng với sự có mặt của một giáo sĩ, đến phút cuối sẽ tuyên bố ông ta đã tỉnh ngộ và tin là Chúa Trời không tồn tại và kêu gọi nhà cầm quyền Xô-Viết tha thứ cho lỗi lầm của mình. Các giáo sĩ này ắt hẳn đã nhừ đòn trong các nhà tù Cheka, hoặc đã bị hăm he tống vào tù, nếu không diễn theo đúng kịch bản. Dù vậy, không phải lúc nào phe Vô thần cũng bảo đảm thắng lợi. Có lần trong một buổi tranh luận giáo sĩ hỏi kẻ Vô thần ai đã tạo ra thế giới tự nhiên. Khi họ trả lời rằng Tự nhiên tự sinh ra qua quá trình tiến hóa, khán giả nông dân oà lên cười hô hố, vì thấy giải thích quá khôi hài, và lần đó giáo sĩ được tuyên bố chiến thắng.
Mặt khác là tuyên truyền của người Bôn-se-vich đề cao chủ nghĩa Cộng sản như một tôn giáo mới. Các lễ hội, nghi thức và các biểu tượng của một nhà nước Cộng sản được rập khuôn một cách có ý thức theo đối thủ Cơ đốc giáo mà họ nhắm thay thế. Lễ hội Xô-Viết được lên thời biểu cùng ngày với các lễ hội tôn giáo xưa: có Giáng Sinh và Phục Sinh Komsomol; Ngày Điện Lực rơi vào ngày Lễ Elijah; Lễ Rừng vào ngày Chủ nhật Ba Ngôi. Lễ Lao động và Ngày Cách Mạng nặng tính biểu tượng tôn giáo: tuần hành vũ trang đi qua Kremlin, trung tâm của Chính thống giáo, rõ ràng làm nhớ lại đám rước tôn giáo ngày trước, chỉ có điều thánh giá thay bằng súng trường. Sự tôn thờ Lênin, tưng bừng trong nội chiến, biến ông thành một ông thánh. Ngay chính biểu tượng của nhà nước Cộng sản, Sao Đỏ, cũng mang nặng ý nghĩa tiên tri và tôn giáo bắt rễ sâu xa trong dân gian Nga.
Một tờ rơi Hồng Quân vào năm 1918 giải thích cho binh lính tại sao Sao Đỏ xuất hiện trên cờ Xô-Viết và quân phục của họ. Có lần một trinh nữ xinh đẹp có tên Pravda (Sự Thật) xuất hiện. Cô có một ngôi sao đỏ đang cháy trên trán đốt sáng toàn thế gian và đem đến sự thật, công lý và hạnh phúc. Một hôm ngôi sao đỏ bị Krivda (Giả Trá) ăn cắp vì y muốn mang bóng tối và cái ác đến thế gian. Từ đó là thời kỳ thống trị của Krivda. Trong lúc đó, Pravda kêu gọi dân chúng lấy lại ngôi sao cho cô để ‘trả lại ánh sáng chân lý cho thế gian’. Một thanh niên tốt chinh phục được Krivda và phe đảng của bà ta và trả lại ngôi sao đỏ cho Pravda, thế là các lực lượng hắc ám bỏ chạy khỏi ánh sáng như cú và dơi’, và ‘một lần nữa dân chúng sống theo sự thật’. Vì thế Sao Đỏ của Hồng Quân là ngôi sao của Pravda. Và những người phục vụ cho Hồng Quân là những chàng trai quả cảm đang giao đấu với Krivda và bè lũ xấu ác của ả để sự thật sẽ thống trị thế gian và những người bị Kridva áp bức và xâm hại, mọi nông dân và công nhân nghèo, sẽ sống trong hạnh phúc và tự do.
Trong cuộc sống riêng tư,cũng như nơi công cộng, các nghi thức tôn giáo đều bị Bôn-se-vich hóa. Thay vì được rửa tội trong nhà thờ các trẻ sơ sinh được ‘làm lễ Tháng Mười’. Cha mẹ tham dự những nghi lễ nở rộ lên trong những năm đầu thập niên 1920 này hứa sẽ nuôi dạy con cái theo tinh thần của chủ nghĩa Cộng sản; chân dung Lênin thời bé được trao tặng làm quà ; và bài Quốc Tế Ca được hát vang lên. Những tên được chọn đặt cho các bé sơ sinh – có khi người lớn cũng đổi tên theo – rút ra từ biên niên của cách mạng: Marx; Engelina; Rosa (theo Rosa Luxemburg); Vladlen, Ninel, Ilich and Ilina (tên viết tắt, tên tục, tên hoán đổi của Lenin); Marlen (ghép Marx và Lenin); Melor (ghép Marx, Engels, Lenin và October Revolution: Cách mạng Tháng Mười); Pravda; Barrikada; Fevral (February: Tháng Hai); Oktiabrina (October: Tháng Mười); Revoliutsiia (Revolution: Cách mạng); Parizhkommuna (Paris Commune: Công xã Paris); Molot (búa); Serpina (liềm); Dazmir (Vạn Tuế Cách Mạng Thế Giới); Diktatura (Chuyên Chính); và Terrora (Khủng Bố). Đám cưới Đỏ cũng là một nghi thức Bôn-se-vich khác, phổ biến trong giới đoàn viên Komsomol. Chúng thường được tổ chức trong nhà máy hoặc câu lạc bộ địa phương. Thay vì đối diện với bàn thờ Chúa họ đứng trước chân dung của Lênin. Họ tuyên thệ trung thành với nhau và với các nguyên tắc của chủ nghĩa Cộng sản. Trong tiểu thuyết châm biếm Đám Cưới Chó (1925), Brykin đã chế ra lời thề như thế. ‘Hai bạn có hứa,’ một viên chức hỏi, ‘đi theo con đường của chủ nghĩa Cộng sản một cách quả cảm khi hai bạn giờ đang đương đầu với nhà thờ và tập quán của tổ tiên không? Hai bạn có sẵn sàng dạy con cái phục vụ cho Đội Thiếu nhi Tiền Phong, giáo dục chúng, giới thiệu chúng những phương pháp canh tác khoa học, và đấu tranh cho lý tưởng cách mạng thế giới không? Rồi nhân danh lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí Vladimir Ilich Lênin, tôi tuyên bố Hôn Lễ Đỏ đã hoàn tất.’ Cuối cùng là Tang lễ Đỏ, chủ yếu dành cho các người hùng Bôn-se-vich, noi theo những truyền thống an táng của phong trào cách mạng – với vệ binh danh dự, áo quan đặt lên bệ cao phủ vải đỏ, bài hát truy điệu ‘Anh Nằm Xuống’, những điếu văn và loạt súng tiễn đưa – đầu tiên được sử dụng trong đám tang Bauman, thánh tử đạo đầu tiên của người Bôn-se-vich, vào năm 1905.
Từ 1921 cuộc chiến chống tôn giáo chuyển từ lời nói và nghi thức sang việc đóng cửa nhà thờ và xử bắn các giáo sĩ. Lênin xúi giục sự đàn áp khủng bố hoàn toàn không nguyên cớ này. Ngoài Học viện Khoa học, Giáo hội là định chế quốc gia duy nhất còn lại nằm ngoài sự kiểm soát của đảng. Ba năm tuyên truyền vẫn không phá hủy được nó – về nhiều mặt nội chiến càng làm dân chúng càng quay về với tôn giáo nhiều hơn – vì thế quay ra tấn công nó trực tiếp. Nạn đói 1921-2 cho ông cái cớ ông cần. Mặc dù Giáo hội đã tích cực tham gia công tác cứu trợ nạn đói, tự nguyện bán những món đồ quí giá không thờ cúng để mua lương thực từ nước ngoài, Lênin tìm được một cách để kết tội Giáo hội đã ích kỷ quay lưng lại với cuộc khủng hoảng. Ông ra lệnh Giáo hội giao nộp những bảo vật thiêng liêng để bán, mặc dù ông dư biết họ sẽ không tuân lệnh (sử dụng những thánh vật vào những mục đích thế tục là báng bổ). Sự thách thức này khiến Giáo hội bị ghép tội là ‘kẻ thù của nhân dân’. Để tập kết quần chúng chống lại Giáo hội báo chí điên cuồng kêu gọi tất cả bảo vật của Giáo hội phải được bán để giúp nạn nhân của trận đói: Biến Chúa Trời thành Bánh Mì!’ là khẩu hiệu gây xúc cảm. Trong một nỗ lực cuối cùng để ngăn cướp bóc nhà thờ, Giáo trưởng Tikhon đề nghị nộp số tiền có giá trị tương đương với những báu vật qua việc đóng góp tình nguyện và bán ra những đồ vật khác; nhưng đề xuất của ông không được chấp nhận. Lênin không quan tâm đến tiền bạc; ông chỉ muốn có cớ để tấn công Giáo hội.
Vào ngày 26/2/1922 một sắc lệnh được gởi đến các Xô-Viết địa phương chỉ thị cho họ loại bỏ khỏi nhà thờ những vật quí giá, kế cả những vật được sử dụng trong việc thờ cúng tôn giáo. Sắc lệnh tuyên bố rằng việc bán những thứ đó là cần thiết để cứu trợ nạn đói; nhưng số tiền đó không mấy được sử dụng cho mục đích này. Những băng nhóm vũ trang moi ruột các nhà thờ địa phương, mạng đi những thánh tượng và thánh giá, cốc rượu lễ, mũ tế, thậm chí các trướng thờ đã vỡ nát. Tại nhiều nơi những đám đông nổi giận trang bị vũ khí để bảo vệ nhà thờ của họ. Một số nơi họ được tu sĩ cầm đầu, chỗ khác họ đấu tranh tự phát. Các biên bản cho biết có 1,414 vụ xung đột đổ máu trong thời gian 1922-3. Hầu hết những vụ này hoàn toàn một chiều. Binh sĩ với súng máy chống ông già bà cả trang bị chỉa, xẻng và súng trường rỉ sét: 7,100 tu sĩ bị giết, trong đó có gần 3,500 sơ, những chỉ có một nhúm binh lính Xô-Viết chết. Một vụ va chạm như thế ở thị trấn dệt may Shuya, cách Moscow 200 dặm về phía đông-bắc, vào tháng 3 1922, thúc đẩy Lênin ban hành mật lệnh tận diệt giới giáo sĩ. Sự kiện này thuộc loại điển hình: vào chủ nhật 12/3 các tin đồ đánh nhau với các viên chức Xô-Viết khi chúng đến bố ráp nhà thờ địa phương; chúng rút lui để trở lại ba ngày sau đem theo binh lính và súng máy, xung đột xảy ra và có vài người bị bắn chết. Bộ Chính trị, khi đó Lênin vắng mặt, bỏ phiếu hoãn lại việc tịch thu. Nhưng Lênin, nghe tin về sự kiện ở Shuya, liền ra lệnh ngược lại bằng điện thoại từ nơi nghỉ dưỡng của mình ở vùng quê Gorki với chỉ thị là tối mật. Ghi nhớ này, lần đầu được in ra chi tiết bởi cục xuất bản Xô-Viết vào năm 1990 phơi bày nét tàn bạo trong bản chất của Lênin. Nó phá vỡ hình ảnh ‘dịu dàng’ của Lênin trong những năm cuối đời của ông trước đây thường được các sử gia khuynh tả ở phương Tây muốn chúng ta tin rằng thập niên 1920 là thời kỳ đầy hi vọng về một ‘nền dân chủ Xô-Viết’ trước khi chủ nghĩa Stalinit tấn công. Lênin lập luận rằng những sự kiện ở Shuya nên được khai thác để liên kết giới thầy tu với bọn Black Hundreds, để hủy diệt Giáo hội ‘trong nhiều thập kỉ’, và để ‘bảo đảm chúng ta có số vốn trị giá vài trăm triệu đồng rúp vàng. . . nhằm thực hiện những công trình nhà nước nói chung và trong việc tái thiết kinh tế đặc biệt’.
Lênin kết luận:
Tôi đã đi đến kết luận chắc chắn là bây giờ chúng ta phải tiến hành cuộc chiến không khoan nhượng và kiên quyết chống bọn Black Hundreds đội lốt thầy tu và đàn áp sức kháng cự với một mức tàn bạo để chúng không thể quên đến hàng thập kỷ sắp tới. . . Chúng ta xoay xở bắn được càng nhiều bọn tư sản và giáo sĩ càng tốt.
Gần đây đã ước tính có đến 8,000 người bị hành quyết trong chiến dịch tàn nhẫn này chỉ riêng trong năm 1922. Giáo trưởng Tikhon tuyên bố biết khoảng 10,000 giáo sĩ bị ở tù hoặc lưu đày, trong đó có 100 giám mục. Chỉ sau 1925, dưới sức ép từ các đối tác thương mại Tây phương của Nga mà sự bức hại mới tạm thời chấm dứt.
Theo Gorky, người Bôn-se-vich cố tính sử dụng người Do Thái trong hàng ngũ của họ để thực hiện việc tịch biên tài sản nhà thờ. Ông tố cáo họ cố tình khuấy động chủ nghĩa bài Do Thái để lái cơn thịnh nộ của cộng đồng Cơ đốc ra khỏi họ. Trong vài thị trấn, như Smolensk và Viatka, thực sự xảy ra những vụ bức hại người Do Thái theo sau sự tịch biên tài sản nhà thờ. Trong khi đó, người Bôn-se-vich đóng cửa các nhà thờ Do Thái như một phần chiến dịch chống tôn giáo của họ. Nhà thờ đầu tiên bị đóng là ở quê nhà Vitebsk của Chagall vào tháng 4 1921. Giới thẩm quyền Xô-Viết tuyên bố rằng 6 trong 80 nhà thờ Do Thái cần tịch thu để biến thành trường dành cho trẻ Do Thái. Người Do Thái nhanh chóng chiếm các nhà thờ được ra lệnh đóng cửa để làm nơi cầu nguyện. Nhưng nhà cầm quyền cho binh lính đuổi họ ra, đập vỡ cửa sổ, đồng thanh ‘Giết Do Thái!’ và trong cuộc xô xát giết chết vài giáo dân. Không có nhà thờ bị tịch thu nào được sử dụng làm trường học như đã nói: một trở thành đại học Cộng sản; vài nhà thờ thành câu lạc bộ công nhân; thậm chí một thành xưởng giày. Nhiều nhà thờ tiếp tục bị đóng cửa ở Minsk, Gomel, Odessa và Kharkov. Tổng cộng có đến 800 nhà thờ Do Thái bị người Cộng sản đóng cửa giữa những năm 1921 và 1925. Theo lời của Gorki, trong hàng ngũ cấp thấp đầy những ‘người theo chủ nghĩa quốc gia Nga cũ, lũ côn đồ, bọn ma cà bông, vốn khinh miệt và sợ hãi người Do Thái’. Những năm đầu của NEP, chứng kiến sự bùng phát hình thức buôn bán qui mô nhỏ thuộc lãnh vực mà người Do Thái thống trị lâu đời, củng cố thêm chủ nghĩa bài Do Thái này. Đặc biệt, đối với những người Bôn-se-vich, thật bực mình khi thấy các nhà buôn ‘Do Thái’ ‘chiếm quyền kiểm soát’ Moscow. Trong nội chiến những’kẻ đầu cơ’ này sẽ bị bắt giữ; giờ họ sống tốt hơn các hàng ngũ đảng, trong khi phân nửa các công nhân Nga bị thất nghiệp. Dường như đối với họ cách mạng đang rút lui cả về lãnh vực giai cấp lẫn các mặt trận sắc tộc. Về phương diện này nhiều người Bôn-se-vich hung hăng hơn bắt đầu lý giải, như Marx đã từng làm, rằng người Do Thái như một một nhóm xã hội đồng nghĩa với chủ nghĩa tư bản – rằng mọi nhà buôn đều cơ bản là Do Thái. Những ý tưởng như thế rất thịnh hành trong chiến dịch Bôn-se-vich chống Do Thái cất cánh vào năm 1921.
* * *
Sự bức hại tôn giáo của người Bôn-se-vich không làm yếu đi nhu cầu xài ‘thuốc phiện’ trong tâm trí quần chúng. Mặc dù thập niên 1920 chứng kiến sự xuống dốc của tôn giáo, nhất là trong đám thanh niên nông thôn đã đi học hoặc bỏ quê ra thành phố, ắt hẳn điều này ít do những nỗ lực của người Bôn-se-vich hơn là do những khuynh hướng thế tục hóa của đời sống hiện đại. Nó vẫn xảy ra trong bất kỳ tình huống nào trong hàng thập kỷ qua. Thật ra, nếu có gì đó, thì chính những biện pháp áp bức của người Bôn-se-vich đã tạo ra những tác dụng ngược lại – là tập kết những tín đồ quanh tôn giáo của họ. Mặc dù có sự phân tách Giáo hội và nhà nước, giới giáo sĩ địa phương tiếp tục được hậu thuẫn bởi tiền quyên góp tình nguyện của giáo dân cũng như tiền phí dịch vụ và tiền cho công xã thuê đất. Ngay cả những người không còn tin vào tôn giáo với đức tin không lay chuyển như trước cũng thường tiếp tục không chỉ để hành lễ mà còn gắn bó mạnh mẽ với những nghi thức của nó. Những lễ Tháng Mười cho trẻ sơ sinh và Hôn Lễ Đỏ không dẹp bỏ được lễ nghi tôn giáo tương ứng. Dân chúng tiếp tục chôn cất người thân hơn là hoả táng họ, dù khan hiếm quan tài và mộ địa và nhà nước miễn phí tiền hoả thiêu, vì, theo lời một viên chức nhà xác, ‘người Nga vẫn còn quá tín ngưỡng hoặc mê tín để bỏ đi truyền thống an táng theo Chính thống giáo’.
Như trong tôn giáo, trong lãnh vực văn hóa và xã hội cũng vậy, nỗ lực của người Bôn-se-vich nhằm ‘tạo ra thế giới mới và con người mới’ sụp đổ trên nền tảng của thực tế. Theo nhiều mặt nó chỉ là một giấc mơ không tưởng – một trong những giấc mơ đầy tham vọng nhất trong lịch sử – khi tin rằng bản chất con người có thể thay đổi chỉ đơn giản bằng cách thay đổi môi trường xã hội con người sống trong đó. Còn người không thể biến đổi hoàn toàn dễ dàng như thế: bản chất con người biến chuyển chậm hơn ý thức hệ hoặc xã hội cai trị. Đây có lẽ là bài học luân lý lâu bền độc nhất của Cách Mạng Nga – vì nó thực ra là bài học của lịch sử khủng khiếp trong thế kỷ này.
iii Chủ Nghĩa Bôn-se-vich Rút Lui
Thư của Sergei Semenov:
Andreevskoe, ngày 31/1/1921
Anna thân mến,
Cuộc sống trong làng đã trở nên không thể chịu đựng được nữa rồi. Đúng, chúng ta dễ chịu hơn các nông dân trong phần còn lại của Nga. Trưng thu thực phẩm hoặc nghĩa vụ lao động vẫn thực sự chưa ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng hàng ngày chúng ta vẫn phải chịu đựng nạn trộm cắp, ngu xuẩn và bất lương do bọn cầm quyền Xô-Viết địa phương gây ra khiến cuộc sống bình thường không thể có được. Những người lao động, mà tất cả những việc này được thực thi nhân danh họ, không còn hậu thuẫn chế độ mới. Anh sẽ không viết thư khiếu nại gởi đến Kamenev (Chủ tịch Xô-Viết Moscow) nữa. Như tục ngữ có câu, ‘Không có gì tệ hơn một người điếc không chịu lắng nghe.’
Dù chiến tranh đã kết thúc và mọi lời hứa hẹn sẽ đem đất nước đứng lên, nhân dân ta không tin tưởng chính quyền hiện thời có thể đảm đương được. Họ đã chán ngấy và thịnh nộ, họ cảm thấy bị áp bức ăn tươi nuốt sống nhiều đến nỗi không thể suy nghĩ tích cực và thấy được lối thoát ra khỏi tình trạng này. Nhiều người vô vọng vì Wrangel và người Ba Lan bị đánh bại – và vậy mà không ai muốn nhìn nhận câu trả lời cho những vấn đề của chúng ta không nằm trong việc thay đổi từ bên ngoài mà từ việc thay đổi cách chúng ta sống.
Cảm xúc thịnh nộ và vô vọng mà bức thư Semenov bày tỏ được nông dân khắp nước Nga chia sẻ. Tất cả lý tưởng của cuộc cách mạng nông dân đã bị chế độ Bôn-se-vich hủy diệt. Các Xô-Viết nông dân năm 1917, đến một mức độ lớn lao đã thực hiện lý tưởng volia xưa, về quyền tự do và tự trị của thôn làng, giờ đã bị người Cộng sản thu tóm. Những gì trước đây là những cơ quan tự trị của nông dân giờ trở thành các cơ quan hành chính của nhà nước. Cách mạng ruộng đất, vốn mục tiêu biến nông dân thành tiểu chủ, giờ bị đe doạ trở thành nông trang tập thể. Các điền trang của giới quí tộc mà nông dân nghĩ sẽ thuộc về mình giờ được chuyển giao nhà nước. Và loại nhà nước nào thế? Không phải loại nhà nước giúp nông dân khấm khá lên. Đó là loại nhà nước lấy đi các con trai và ngựa của họ cho quân đội, loại nhà nước kéo dài những tai ách của nội chiến, loại nhà nước cưỡng bách họ vào các đội lao động và cướp bóc của họ lương thực. ‘Tự do mà cách mạng đem lại đã bị chế độ mới lấy đi,’ một nông dân phàn nàn với một nhà báo nước ngoài vào tháng giêng 1921. ‘Cuộc sống làng quê giờ không khác gì thời sa hoàng.’
Vào năm 1921 phần đông nông dân Nga đã đến bờ vực của một nạn đói khủng khiếp. Trong khi cuộc khủng hoảng lương thực của 1921-2 bị trực tiếp gây ra bởi hạn hán và sương giá nặng, những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất rõ ràng là những vùng đã chịu đựng nhiều nhất nạn trưng thu thời 1918-21. Trong tỉnh Samara, chẳng hạn, vùng đói kém nhất, số lượng thóc bị trưng thu trong 1919 – 1920 vượt hơn sản lượng thu hoạch dư thừa 30 phần trăm với kết quả là hộ nông dân trung bình mất đi 118 kí lương thực, thức ăn gia súc và thóc giống từ kho lương thực cơ bản. Trong những điều kiện khốc liệt của năm 1921 đây thường là vấn đề giữa sống và chết. Ở huyện Balashov của tỉnh Saratov kế bên, nơi đội quân sát nhân đi thu thuế lương thực của Cheremukhin, số lượng trưng thu thóc thậm chí vượt tổng lượng thu hoạch đến nỗi nông dân bắt buộc phải lấy thóc dự trữ từ nhiều năm trước ra đóng và vào mùa thu 1920, theo lời một viên chức, ‘không còn lại thóc giống để gieo trồng.’ Trên khắp vùng sản xuất thóc lúa của Nga người Bôn-se-vich đã cố tính đặt mức trưng thu lương thực cao hơn sản lượng dư thừa ước tính viện cớ rằng nông dân thường cất giấu một phần số lượng dư thừa của mình. Cũng trên cơ sở này các phân đội trưng thu đã tịch thu bừa bãi bất kể thứ lương thực nào họ tim được trong nhà kho, thường bắn những nông dân kháng cự, kết tội họ là ‘kulak’. Trong 1920, khi những dấu hiệu của khủng hoảng lương thực đang đến gần, các viên chức lương thực tỉnh khẩn khoản xin Trung ương dừng trưng thu quá khốc hại. ‘Đơn giản là không còn thóc gạo để tịch thu,’ một viên chức từ vùng Volga Đức kêu cứu vào tháng 9 1920. Vậy mà Moscow vẫn ép buộc thêm. Trong vùng này 42 phần trăm lượng thu hoạch còm cõi bị tịch thu và chở về phía bắc đang kêu đói.
Làng mạc bị lục soát, trẻ em bị bắt làm con tin, nông dân bị phạt roi và tra tấn để chắt bóp cho ra những hạt gạo cuối cùng ít ỏi của họ.
Thoạt đầu nông dân tự vệ bằng những vũ khí thông thường của kẻ yếu: kháng cự thụ động và lẫn trốn. Họ chôn giấu lương thực dưới đất, cho gia súc ăn, hoặc biến nó thành rượu hơn là để mất vào tay người Bôn-se-vich. Họ cũng bắt đầu cầm lấy vũ khí trong những vụ nổi dậy địa phương lác đác và rồi tần suất, kích cỡ và bạo lực của các cuộc vùng lên ngày càng tăng. Hai ngàn binh lính trưng thu bị các nông dân căm giận giết chết trong năm 1918, năm 1919 con số tăng lên gần 5,000; và trong năm 1920 đến hơn 8,000. Đến mùa thu 1920 toàn đất nước lan tràn cuộc chiến nông dân. Quân đoàn nông dân của Makhno, vẫn còn 15,000 người sau khi Wrangel thảm bại, dong ruổi khắp thảo nguyên Ukraine và, cùng với vô số băng nhóm địa phương khác, thành công trong việc làm tê liệt hạ tầng cấu trúc Xô-Viết nông thôn tận đến hè 1921. Trong tỉnh Tambov ở trung tâm nước Nga phiến quân Antonov thực sự được toàn thể nông dân ủng hộ: quyền lực Xô-Viết ngừng tồn tại ở đó giữa mùa thu 1920 và hè 1921. Ở các tỉnh Voronezh, Saratov, Samara, Simbirsk và Penza lực lượng nông dân nổi dậy tuy nhỏ hơn nhưng không kém phần hủy diệt gây tổn thất và kềm chế quyền lực Bôn-se-vich đến các thị trấn. Hàng trăm băng đảng nhỏ khống chế vùng thảo nguyên giữa Ufa và Biển Caspian. Trong vùng Don và Kuban người Cô-dắc và nông dân cuối cùng đoàn kết lại bởi mối căm thù chung đối với bọn Bôn-se-vich. Quân đoàn nổi dậy của vùng núi non Caucassus lên đến hơn 30,000 người. Ở Belorussia nông dân được những người theo chủ nghĩa dân tộc dẫn dắt kiểm soát hầu hết miền quê và buộc những Xô-Viết ở Minsk và Smolensk phải di tản. Đến giờ những cuộc khởi nghĩa lớn nhất (mặc dù ít được nghiên cứu nhất) bùng phát ở tây Siberia: toàn bộ Tiumen, Omsk, Cheliabinsk, Tobolsk, Ekaterinburg và Tomsk, cùng với hầu hết những thị trấn chính, đều rơi vào tay nông dân nổi dậy, lên đến 60,000 người có vũ trang, và hiển nhiên toàn bộ hạ tầng cấu trúc Xô-Viết bị tê liệt trong suốt sáu tháng của năm 1921. Cách Kremlin không tới 50 dặm, không xa Andreevskoe của Semenov, có những làng người Bôn-se-vich không dám một mình đi qua vì sợ dân làng đánh đuổi.
Điều nổi bật về các vụ nông dân nổi dậy này là họ chia sẻ nhiều nét chung, mặc dù họ cách nhau xa lắc và hoàn cảnh chúng xảy ra khác nhau.
Hầu hết những vụ nổi dậy lớn đều khởi phát từ năm 1920 với qui mô nhỏ chống lại việc trưng thu lương thực, rồi vì những người Cộng sản địa phương xử lý bất tài và thường tàn nhẫn mà chẳng mấy chốc bùng phát lên và lan rộng thành cuộc chiến nông dân qui mô lớn. Cuộc nổi dậy ở Tambov là điển hình. Nó đã bắt đầu vào tháng 8 1920 từ ngôi làng Kamenka khi một phân đội trưng thu đến thu thuế thực phẩm sau mùa thu hoạch. Với mức trưng thu 11 triệu pud cho toàn tỉnh rõ ràng là quá cao. Ngay cả Lênin trong tháng 9 cũng tự hỏi ‘có nên cắt giảm không’. Mùa thu hoạch 1920 đã rất nghèo nàn và nếu nông dân phải nộp thuế đầy đủ họ chỉ còn lại một pud thóc mỗi người, tức chỉ bằng 10 phần trăm nhu cầu bình thường gồm lương thực, thóc giống và thực phẩm gia súc của họ. Trong tháng 10 đã xảy ra nổi loạn do đói. Vào tháng giêng, theo lời của người Bôn-se-vich Antonov-Ovseenko, được phái xuống để giúp dẹp loạn, ‘phân nữa nông dân đang chết đói’. Các nông dân Kamenka tương đối giàu có – nghĩa là họ chết đói chậm hơn những người còn lại – và lượng nộp đánh vào họ tăng lên. Họ không chịu nộp thêm, giết vài thành viên của đội trưng thu, và vũ trang súng ống và nông cụ đẩy lùi lực lượng tiếp viện từ Tambov đến. Những ngôi làng gần đó tham gia cuộc nổi dậy và một quân đội thô sơ được thành lập ngay sau đó. Nó chiến đấu dưới lá Hồng Kỳ – giữ lại những biếu tượng của cách mạng là một khía cạnh quan trọng của những cuộc nổi dậy này – và được dẫn dắt bởi người hùng SR nông dân, Grigori Plezhnikov, người đã tổ chức cuộc chiến chống lại các điền trang quí tộc vào năm 1905 và 1917. Trong khi đó, một mạng lưới các Hiệp hội Nông dân (STK) bắt đầu xuất hiện trong làng quê – thường do các SR địa phương tổ chức – nhằm thay thế các Xô-Viết và giúp hỗ trợ lương thực cho quân nổi dậy. Hơn 50 người Cộng sản bị giết chết.
Tóc độ nổi dậy lan tràn nhanh khiến người Bôn-se-vich ở Tambov trở tay không kịp. Xô-Viết và bộ máy đảng ở tỉnh đã trở nên quá yếu. Người ta bỏ đảng hàng loạt – nhiều người trong số đó là cựu SR liền quay ra tham gia phe nổi dậy. Vì có cuộc chiến với người Ba Lan nên trong doanh trại chỉ còn 3,000 Hồng Quân tàng tàng và một cây súng máy. Quân nổi dậy lợi dụng sự yếu kém này liền hành quân về thủ phủ tỉnh. Hàng ngàn nông dân tiếp sức thêm khi họ đến gần Tambob. Người Bôn-se-vich một phen hoảng kinh. Nhưng quân tiếp viện đã đến đẩy lùi phe nổi dậy và tiến hành một chiến dịch khủng bố khắp làng mạc. Vài căn cứ địa của phe nổi dậy bị thiêu rụi, toàn bộ gia súc bị tịch thu, và hàng trăm nông dân bị hành hình. Nhưng điều này chỉ như đổ dầu vào lửa. ‘Toàn bộ nông dân trốn vào rừng vì sợ hãi và gia nhập nổi dậy,’ một cán bộ Cộng sản địa phương báo cáo. ‘Thậm chí những nông dân trước đây trung thành với chúng ta không còn gì để mất và giao số phận của mình cho phe nổi dậy.’ Từ Kirsanov nổi dậy chẳng bao lâu lan khắp nửa tỉnh phía nam Tambov và một phần Saratov, Voronezh và Penza sát bên. Tại thời khắc này nhà hoạt động SR cánh Tả Alexander Antonov đảm đương vai trò lãnh đạo lực lượng nổi dậy, gầy dựng đến cuối năm 1920 trở thành điều mà Lênin sau này nhìn nhận là mối đe doạ lớn nhất mà chế độ mới từng đương đầu.
Tuyên truyền Xô-Viết mô tả những người nổi dậy nông dân là bọn kulak. Nhưng chứng cứ cho thấy trái lại họ cơ bản chỉ là những nông dân bình thường, trang bị những nông cụ như chỉa, rìu, cuốc, xẻng. Nhưng lực lượng được tiếp tay bởi những bình lính đào ngũ từ cuộc nội chiến và thường là những người cầm đầu. Ở tỉnh Tambov có 110,000 đào binh, 60,000 trong số lẫn quất trong những khu vực có rừng cây quanh Kirsanov, ngay trước thời gian vụ nổi dậy diễn ra. Nhiều người nổi dậy là những thanh niên nghèo xơ – phần đông dưới 25 tuổi. Đoàn quân nông dân nổi dậy của Popov ở tỉnh Saratov được mô tả là ‘ăn mặc rách rưới’, trừ một số tươm tất là do mặc đồ ăn cắp. Những băng nhóm ở vùng thảo nguyên Orenburg, theo lời của Đảng Buguruslan, tạo nên bởi:
những người hoàn toàn ly tán vì nghèo đói. Những kulak’ giúp đỡ băng nhóm về vật chất nhưng tự họ đứng lên cầm vũ khí thì rất hiếm. Băng nhóm chiêu mộ người hậu thuẫn họ rất dễ dàng. Khẩu hiệu ‘Sát Cộng! Đập Nát Nông Trang Tập Thể!’ rất phổ biến trong giới nông dân tầng lớp thấp bị chà đạp và lạc hậu nhất.
Không thể tránh khỏi hiện tượng có những phần tử tội phạm len lỏi vào hàng ngũ, lợi dụng để cướp bóc và hãm hiếp phụ nữ, một nhân tố sau đó được người Bôn-se-vich sử dụng để chia rẽ người nổi dậy với dân chúng địa phương.
Sức mạnh của quân nổi dậy có được nhờ mối liên hệ gắn bó với làng: điều này khiến họ có thể tiến hành những kiểu hành quân du kích gây bối rối cho các chỉ huy Hồng Quân. Điều mà người Mỹ sau này học được ở Việt Nam – rằng quân đội chính quy, cho dù có trang bị đến tận răng, vẫn không đủ để đánh lại quân đội nông dân được hậu thuẫn mạnh mẽ – người Nga khám phá vào năm 1921 (và khám phá lại 60 năm sau ở Afghanistan). Lực lượng nổi dậy được tổ chức trên cơ sở nhóm dân quân với mỗi làng phụ trách việc động viên, nuôi ăn và trang bị cho nhóm của mình. Ở Tambov và những khu vực phía tây Siberia nhóm STK, vốn liên hệ mật thiết với công xã làng, thực thi những chức năng này. Ở nơi khác do chính công xã đảm đương. Giáo hội và những người SR địa phương, nhất là những người bên cánh tả của đảng, cũng giúp tổ chức những vụ nổi dậy trong một số vùng, mặc dù vai trò chính xác của SR trong việc lãnh đạo còn bao trùm trong màn bí mật.
Với sự giúp đỡ của dân chúng địa phương, quân nổi dậy, theo lời của Antonov-Ovseenko, ‘hiếm khi tổn thất, gần như vô hình, và có thể nói là có mặt ở mọi nơi’. Nông dân có thể trở thành lính, và lính thành nông dân, vào bất cứ lúc nào. Dân làng là tai mắt của quân nổi dậy – phụ nữ, trẻ em, thậm chí kẻ ăn xin đều có thể làm do thám – và mọi nơi Hồng Quân đều có thể bị phục kích. Còn quân nổi dậy, khi bị quân Đỏ săn đuổi, bổng thình lình biến mất – hoặc là nhờ lẫn lộn trong dân chúng, hoặc được dân chúng cho mượn ngựa khỏe vọt đi quân đỏ không thể truy đuổi. Nơi Hồng Quân có thể đi chuyển 30 dặm một ngày quân nổi dậy có thể vượt đến 100 dặm. Việc quen thuộc địa hình địa phương khiến họ có thể đi chuyển rồi tấn công về đêm. Tính cơ động cực kỳ này bổ khuyết cho sự thiếu hụt pháo. Thay vì giao tranh trực tiếp với Hồng Quân ở chỗ trống trải, họ rút về vùng đồi rừng hẻo lánh đợi đúng lúc đột kích bất ngờ trước khi rút chạy khiến kẻ địch không kịp trở tay phản kích. Chiến lược của họ luôn là phòng thủ: họ không có mục đích tiến về Moscow – thậm chí phần nhiều không tấn công cả thị trấn – mà chỉ cắt đứt khỏi tầm ảnh hưởng của họ. Họ giật sập cầu, đốn ngã cột điện thoại và kéo bứt đường ray để làm tê liệt Hồng Quân. Thật khó để đương đầu với những chiến thuật như thế, nhất là vì không có chỉ huy Hồng Quân nào đã từng gặp loại hình chiến tranh như vậy. Những đơn vị nhỏ phái đến để dẹp nổi dậy đều gần như bị đánh bại – Tukhachevsky nói ‘họ đến chỉ để trang bị vũ khí cho phe nổi dậy’ – và chẳng mấy chốc họ mất tinh thần. Nhiều quân Đỏ thậm chí quay về phe nổi dậy.
Mục tiêu và ý thức hệ của phe nổi dậy đều đồng nhất một cách nổi bật và phản ánh những khát vọng chung của cuộc cách mạng nông dân trên khắp nước Nga và Ukraine. Tất cả cuộc nổi dậy đều nhắm đến tái lập quyền tự trị nông dân những năm 1917-18. Phần đông biểu lộ điều này bằng khẩu hiệu ‘Quyền Lực Xô-Viết không Cộng Sản!’ hoặc những biến thể tương tự. Cũng ý tưởng đó nhưng đôi khi thể hiện lầm lẫn: ‘Vạn Tuế Lênin! Đả Đảo Trotsky!’ hay ‘Vạn Tuế Bôn-se-vich! Cộng Sản Chết Đi!’ Nhiều người nông dân tưởng rằng Bôn-se-vich và Cộng sản là hai đảng riêng biệt: việc đổi tên đảng vào tháng hai 1918 vẫn chưa tuyên truyền đến những thôn làng hẻo lánh. Nông dân tưởng rằng Lênin và Bôn-se-vich đã mang hòa bình đến cho họ, rằng họ là người cho phép nông dân tịch thu ruộng đất của quí tộc, cho phép bán lương thực tự do ra thị trường và điều hành các công xã qua những Xô-Viết do họ bầu ra. Trái lại, họ tưởng rằng Trotsky và Cộng sản đã đem lại nội chiến, đã lấy đi ruộng đất của quí tộc và sử dụng chúng làm nông trang tập thể, đã dập tắt buôn bán tự do bằng cách trưng thu và đã lật đổ các Xô-Viết địa phương của họ.
Qua khẩu hiệu của quyền lực Xô-Viết, những nông dân nổi loạn ắt hẳn cũng một phần muốn tìm kiếm hình thức ‘hợp pháp’ cho cuộc phản kháng của mình. Đôi khi họ gọi những cơ quan trong lực lượng mình là ‘Xô-Viết’. Tất cả phong trào nông dân đều thù địch với Bạch Vệ – và điều có ý nghĩa là không có phong trào nào thực sự cất cánh trước khi Bạch Vệ bại trận. Nhiều lãnh tụ nổi dậy (như Makhno, Sapozhkov, Mironov, Serov, Vakhulin, Maslakov và Kolesov) đã từng chiến đấu bên phe Đỏ chống Bạch Vệ, và thường có nhiều chiến công. Những người khác từng là những viên chức Xô-Viết. Antonov đã từng là Cảnh sát Trưởng Xô-Viết trong huyện Kirsanov cho đến mùa hè 1918, khi, như những người SR cánh Tả còn lại, ông đã ly khai với Bôn-se-vich và biến huyện thành thành trì nổi dậy. Sapozhkov, người cầm đầu nông dân nổi dậy của huyện Novouzensk thuộc tỉnh Samara trong mùa hè 1920, trước đây là Chủ tịch Xô-Viết Novouzensk, một người hùng phòng vệ chống quân Cô-dắc và là lãnh tụ lực lượng bí mật chống Komuch. Piatakov, một lãnh tụ nông dân nổi dậy ở tỉnh Saratov lân cận, đã từng là ủy viên cung ứng Xô-Viết. Voronovich, một lãnh đạo nổi dậy ở vùng Caucassus, đã giữ chức Chủ tịch Xô-Viết Liga năm 1917. Ông từng tham gia cuộc phòng thủ Petrograd chống Kornilov.
Các nông dân thường gọi cuộc nổi dậy của mình là một cuộc ‘cách mạng’ – và đó chính là điều họ nhắm tới. Như trong 1917, nhiều hạ tầng kiến trúc nhà nước nông thôn bị dẹp qua một bên bởi một làn sóng thần thịnh nộ mang tính hủy diệt của nông dân. Đây là một cuộc chiến trả thù dã man chống lại chế độ Cộng sản. Hàng ngàn người Bôn-se-vich bị tàn sát nhẫn tâm. Nhiều người là nạn nhân của những trò tra tấn ghê tởm (và có tính biểu tượng): tai, lưỡi và mắt bị cắt đi; tứ chi, đầu và bộ phận sinh dục bị cắt đứt; dạ dày bị phanh ra và tọng vào đầy thóc; thánh giá bị đóng dấu bằng sắt nung lên trán và ngực; những người Cộng sản bị đóng đinh trên cây, bị thiêu sống, bị trấn nước dưới băng giá, bị chôn đến cổ và để cho chó và chuột ăn, trong khi đám đông nông dân đứng nhìn và hò hét. Các văn phòng Xô-Viết và đảng ủy bị cướp phá. Các trạm cảnh sát và tòa án nông thôn bị đốt rụi. Các trường Xô-Viết và trung tâm tuyên truyền bị đập phá. Về phần nông trang tập thể, đa số bị phá hủy và các nông cụ và gia súc được phân phối lại cho các nông dân địa phương. Điều tương tự xảy ra với các trạm trưng thu thóc, nhà mày xay lúa, hãng cất rượu, xưởng nấu bia và lò bánh mì của các Xô-Viết. Sau khi phe nổi dậy đã đánh chiếm các cơ sở trên, đám đông khổng lồ dân chúng kéo đến chở sạch lương thực đã trưng thu về lại làng mình. Việc lấy lại tài sản trả lại cho dân chúng cũng là hành động ‘cướp bóc kẻ cướp bóc’, giúp củng cố sự hậu thuẫn của nông dân cho lực lượng nổi dậy. Nhưng không phải cuộc nổi dậy nào cũng có tính Robin Hoods (một nhân vật chuyên đánh cướp tài sản người quí tộc, quyền thế để chia lại cho nhân dân nghèo bị áp bức:ND) như thế. Việc cướp bóc thuần túy cũng đóng một vai trò. Hầu hết quân nổi dậy chận cướp tàu hỏa. Trong vùng Donbass những vụ chận cướp như thế được bảo là ‘xảy ra cơm bữa’ trong mùa xuân 1921. Đột kích các thị trấn, và thỉnh thoảng các trại chủ, cũng là nguồn cung ứng thông thường khác của phe nổi dậy.
Vào tháng 3,1921 quyền lực Xô-Viết trong nhiều vùng quê đã thực sự ngừng tồn tại. Các tổ chức Bôn-se-vich tỉnh lỵ gởi những bức điện khẩn cấp về Moscow báo cáo họ bất lực trong việc kháng cự lại phe nổi loạn và kêu gọi tiếp viện khẩn cấp. Việc chuyên chở thóc gạo đến các thành phố gần như bị tắc nghẽn trong vùng căn cứ nổi dậy. Khi khủng hoảng lương thực sâu sắc hơn và ngày càng nhiều công nhân đình công, giờ đã rõ ràng người Bôn-se-vich đang đối mặt với một tình thế cách mạng. Lênin cũng hoảng hốt: mỗi ngày ông dội xuống các chi huy Đỏ địa phương những yêu sách dữ dội đánh dẹp nhanh như có thể những vụ nổi dậy bằng bất kỳ biện pháp nào. Các cuộc chiến nông dân, ông bảo trong phiên khai mạc Đại hội Đảng Lần 10, ‘nguy hiểm hơn cả bọn Denikin, Yudenich và Kolchak gọp lại’. Cùng với những vụ đình công và cuộc nổi dậy Kronstadt vào tháng 3, chúng buộc Đại hội phải cuối cùng bãi bỏ những chính sách Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến bị dân chúng căm ghét và phục hồi việc buôn bán tự do dưới NEP (Chính sách Kinh tế Mới). Đó là một nước đi tuyệt vọng nhằm chặn đứng làn sóng cách mạng quần chúng. Đã đánh bại Bạch Vệ, vốn được hậu thuẫn với không ít hơn tám cường quốc Đồng minh, người Bôn-se-vich bây giờ đầu hàng giới nông dân.
* * *
Làn sóng đình công của công nhân quét qua đất nước Nga trong tháng hai 1921 có tính cách mạng không kém vụ nổi dậy nông dân. Nếu xét những trừng phạt mà người đình công có thể gánh chịu (sa thải lập tức và bị tù, thậm chí hành hình), thì tham gia biểu tình trong năm 1921 là một hành động quả cảm, một hành động thách thức. Trong khi những vụ đình công trước đây là một phương tiện để trả giá với chế độ, thì những vụ đình công 1921 là một nước đi cuối cùng tuyệt vọng để lật đổ nó.
‘Hỡi công nhân, các bạn không có gì để mất trừ xiềng xích trói buộc bạn!’ Lời hô hào của Marx chưa bao giờ đúng hơn. Các nhà máy quân sự hoá đã nuôi không đủ ăn giai cấp lao động. Không đủ lương thực để kích thích công nhân, người Bôn-se-vich chỉ biết trông cậy vào việc cưỡng bách. Công nhân bị tước đoạt khẩu phần còm cõi, bị tống giam, thậm chí bị bắn, nếu hãng xưởng của họ không đạt được chỉ tiêu đề ra. Với thu hoạch nghèo nàn, nông dân càng ngày càng ngần ngại nộp tô, các kho dự trữ lương thực trong thành phố co lại thấp đến mức nguy cấp vào mùa đông 1920—I. Vận tải bị cắt đứt vì đường ngập tuyết càng làm tình hình tồi tệ hơn. Vào ngày 22/1 khẩu phần bánh mì bị cắt giảm một phần ba trong vài thành phố kỹ nghệ, kế cả Moscow và Petrograd. Thậm chí những công nhân có đặc quyền nhất cũng chỉ được 1,000 calorie mỗi ngày. Hàng trăm hãng xưởng trên khắp đất nước buộc phải đóng cửa vì khan hiếm nhiên liệu. Người Men-se-vich Fedor Dan trông thấy những công nhân và binh sĩ chết đói đi xin ăn trong các đường phố Petrograd. Phụ nữ xếp hàng suốt đêm chỉ để mua một ổ bánh mì. Cảnh này làm nhớ lại tình hình ngày trước Cách Mạng Tháng Hai.
Moscow là nơi đầu tiên bùng phát. Một loạt các cuộc mít tình của công nhân kêu gọi chấm dứt đặc quyền của người Cộng sản, phục hồi quyền buôn bán và đi lại tự do (nghĩa là có quyền đi về vùng quê và trao đổi với nông dân), các quyền tự do dân sự và Quốc hội Lập hiến. Cờ trắng được treo trong nhà máy như một dấu hiệu truyền thống của việc công nhân phản kháng. Thợ in Moscow dẫn đầu: họ đã tổ chức một vụ phản kháng tương tự vào tháng 5 1920 và cả hai lực lượng Men-se-vich lẫn SR đều hùng hậu trong hiệp hội của họ. Người Bôn-se-vich cử ‘thuyết khách’ đến để xoa dịu tình hình, nhưng họ bị cật vấn dữ dội. Vào ngày 21/2 hàng ngàn công nhân tràn ra đường đình công. Những người biểu tình tuần hành qua đường phố quận Khamovniki. Binh lính được cử tới, sau khi cố gắng giải tán đám đông không được, liền được lệnh xông vào. Nhưng, như vào tháng 2 1917, binh sĩ từ chối nổ súng vào đám đông và những phân đội Cộng sản đặc biệt (ChON) được phái tới, bắn chết vài công nhân. Ngay hôm sau những đám công nhân thậm chí lớn hơn xuất hiện trên đường phố. Họ tuần hành đến các doanh trại ở Khamovniki và kêu gọi binh sĩ ra ngoài, nhưng binh sĩ khóa cổng im ỉm và các phân đội Cộng sản đặc biệt lần nữa đến giải tán bằng vũ lực. Vào ngày 23/2, khi 10,000 công nhân biểu tình trên đường phố, thiết quân lực được ban hành trong thủ đô.
Trong khi đó, đình công lan đến Petrograd. Nhiều hãng xưởng tụ tập phản kháng vào ngày 22. Như ở Moscow, kêu gọi chấm dứt khẩu phần đặc biệt cho người Cộng sản, phục hồi buôn bán và đi lại tự do, và, dưới sự chỉ đạo của SR và Men-se-vich, bầu cử Xô-Viết tự do trở lại và Quốc hội Lập hiến. Qua ba ngày sau đó hàng ngàn công nhân lại bước ra đình công. Tất cả nhà máy kim khí lớn nhất – Putilov, Trubochny, Baltic và Obukhovsky — đều gia nhập phong trào, cùng với hầu hết bến cảng và ụ tàu. Trên phố Nevsky Prospekt và Vasilevsky Island xảy ra những vụ va chạm giữa người biểu tình và binh lính. Một số binh sĩ bắn vào người biểu tình, giết chết và làm bị thương ít nhất 30 người. Nhưng có đến vài ngàn lính, trong đó có Trung đoàn Izmailovsky và Phần Lan, đi về phe quần chúng. Thậm chí những thủy thủ của tàu tuần dương Aurora, biểu tượng nổi của quyền lực Bôn-se-vich, đang neo đậu trong thành phố để tu bổ mùa đông, cũng tách bến tham gia biểu tình.
Không cần phải thiên tài mới biết nhận ra đây chính là tình thế mà, cách đây đúng bốn năm, đã bùng nổ cuộc nổi dậy của lực lượng đồn trú Petrograd dẫn đến sự sụp đổ của chế độ sa hoàng. Người Bôn-se-vich khiếp sợ một cuộc nổi dậy khác và làm mọi việc có thể để giữ binh sĩ ở lại doanh trại. Thậm chí họ lấy đi giày của binh sĩ, lấy cớ sẽ thay thế giày mới, để ngăn binh sĩ ra ngoài theo phe biểu tình. Thành phố đặt dưới tình trạng thiết quân luật vào ngày 25. Tất cả quyền hành đều tập trung vào Ủy ban Phòng Vệ đặc biệt do Zinoviev đứng đầu. Ông trùm đảng kêu gọi một cách điên cuồng các công nhân hãy trở lại làm việc và hứa sẽ cải thiện điều kiện kinh tế. Trong khi đó Cheka đang bắt giữ hàng trăm người đình công – cùng với hầu hết những người Men-se-vich và SR cầm đầu trong thành phố – trong khi đó hàng ngàn người khác bị cấm cửa vào hãng xưởng và do đó mất khẩu phần lương thực của mình. Tất cả những điều này càng làm tình hình đình công trầm trọng thêm. Công nhân giờ kêu gọi công khai lật đổ chế độ Bôn-se-vich. Vào ngày 27/2, kỷ niệm lần thứ 4 ngày cách mạng, những tuyên bố sau đây xuất hiện trên đường phố. Nó là lời kêu gọi cho một cuộc cách mạng mới:
Điều đầu tiên công nhân và nông dân cần là tự do. Họ không muốn sống theo sắc lệnh của người Bôn-se-vich. Họ muốn làm chủ vận mệnh của mình.
Chúng tôi yêu cầu thả tự do cho tất cả những nhà xã hội chủ nghĩa và công nhân không đảng phái bị bắt; bãi bỏ thiết quân luật; tự do ngôn luận, báo chí, và hội họp cho tất cả người lao động; bầu cử tự do các ủy ban hãng xưởng, nghiệp đoàn và các Xô-Viết.
Kêu gọi mít tinh, thông qua các nghị quyết, gởi các đại biểu đến các cấp thẩm quyền, trình bày cho hiểu rõ các yêu sách của bạn.
Cùng ngày nổi dậy lan qua Vịnh Phần Lan đến căn cứ hải quân Kronstadt: một cuộc cách mạng thực sự giờ tiến thêm một bước gần hơn. Năm 1917 Trotsky đã gọi các thủy thủ Kronstadt là ‘niềm tự hào và vinh quang của cách mạng Nga’. Họ là những người đầu tiên kêu gọi quyền lực Xô-Viết, và họ đóng một vai trò chủ chốt trong các sự kiện của Tháng Mười. Vậy mà Kronstadt đã luôn là một thành trì gây rắc rối cho chủ nghĩa tối đa cách mạng. Những thủy thủ Kronstadt theo Anarchist cũng nhiều như Bôn-se-vich. Điều họ thực sự muốn là một Cộng Hòa Xô-Viết Kronstadt độc lập – một loại phiên bản công xã Paris dành cho đảo – ngược với một nhà nước trung ương tập quyền. Cho đến mùa hè 1918 Xô-Viết Kronstadt được điều hành bởi một liên minh rộng rãi của tất cả đảng cực tả. Ban chấp hành của nó được tuyển chọn dựa trên năng lực hơn là đảng phái, và chịu trách nhiệm nghiêm nhặt với các Xô-Viết được bầu ra trên căn cứ hải quân. Tính dân chủ như thế người Bôn-se-vich không chịu được. Họ thanh lọc khỏi Xô-Viết tất cả đảng viên khác và biến nó thành một cơ quan hành chính của nhà nước. Các thủy thủ chẳng mấy chốc tỏ ra bất mãn. Mặc dù họ chiến đấu cho phe Đỏ trong cuộc phòng thủ Petrograd vào tháng 10 1919, họ chỉ làm thế để đánh bại Bạch Vệ, mà họ xem là xấu ác hơn người Bôn-se-vich. Một khi nội chiến đã qua các thủy thủ quay cơn thịnh nộ chĩa vào phe Đỏ. Họ lên án cách đối xử nông dân. Nhiều thủy thủ xuất thân từ vùng quê – phần lớn là Ukraine và Tambov – và thấy sốc khi biết tin tức ở đó khi được phép về thăm nhà. ‘Nông trại nhà chúng tôi là nông trại bình thường,’ một thành viên của thủy thủ đoàn Petropavlovsk vào tháng 11 1920 sau khi hay tin con bò của gia đình đã bị trưng thu; ‘vậy mà khi tôi và ông anh trở về nhà sau khi phục vụ cộng hòa Xô-Viết người ta cười nhạo báng nông trại tan hoang của chúng tôi và hỏi: “Tụi mầy phục vụ ai vậy? Cộng hòa Xô-Viết đã cho mầy cái gì nào?” ‘ Lối sống phong kiến của các ông trùm Cộng sản là một nguyên do khác để dâng cao nỗi bất mãn trong số thủy thủ lẫn hàng ngũ đảng viên. Raskolnikov, lãnh đạo Bôn-se-vich ở Kronstadt năm 1917, trở lại căn cứ vào năm 1920 để nhận chức Chỉ hủy Trưởng mới Hạm đội Baltic và sống ở đó như một ông chúa đất với một cô vợ mỹ miều, là ủy viên Bôn-se-vich Larissa Reissner, với đầy đủ bộ sậu nào tiệc tùng, ô tô có tài xế riêng và tôi tớ. Reissner thậm chí còn có tủ quần áo được trưng thu cho bà từ giới quí tộc thượng lưu. Phân nửa đảng viên Bôn-se-vich ở Kronstadt vỡ mộng liền xé bỏ thẻ đảng trong nửa năm cuối 1920.
Khi tin tức về những cuộc đình công ở Petrograd đến tai các thủy thủ Petrograd họ gởi một phái đoàn đến thành phố để báo cáo về diễn biến tình hình. Khi họ trở lại, vào ngày 28/2, thủy thủ đoàn ở Petropavlovsk, căn cứ địa trước đây của Bôn-se-vich, phất cờ nổi dậy với lời tuyên bố kêu gọi bầu cử Xô-Viết tự do, tự do ngôn luận, báo chí và hội họp (mặc dù chỉ cho công nhân và nông dân, các đảng cánh tả và nghiệp đoàn), khẩu phần như nhau cho mọi người lao động’, và ‘tự do cho nông dân cày bừa theo ý mình’ miễn là họ không thuê lao động. Trong khi các nghị quyết của công nhân kêu gọi triệu hồi Quốc hội Lập hiến, các thủy thủ vẫn giữ lập trường chống đối điều này. Chính một nhóm thủy thủ Kronstadt theo Anarchist đã cưỡng bách dẹp bỏ Quốc hội Lập hiến vào tháng giêng 1918. Hơn nữa, không giống cuộc nổi dậy nông dân, mà khẩu hiệu là ‘Xô-Viết không có người Cộng sản!’, họ thậm chí sẵn sàng chấp nhận người Bôn-se-vich trong liên minh này miễn là họ nhìn nhận các nguyên tắc dân chủ của Xô-Viết và bãi bỏ chuyên chính. Điều này giúp giải thích tại sao – độc nhất trong các vụ nổi dậy 1921 – hơn phân nửa hàng ngũ Bôn-se-vich ở Kronstadt tình nguyện theo phe nổi dậy.
Bối rối vì mất căn cứ trước đây, người Bôn-se-vich ra sức tuyên bố rằng cuộc nổi dậy Kronstadt không giống như vụ nổi dậy năm 1917, rằng những thủy thủ vô sản tốt nhất đã hi sinh trong nội chiến và được thay thế bằng ‘những oắt con nông dân trong đồng phục thủy thủ và đem từ làng chúng những thái độ vô chính phủ và tiểu tư sản về đây. Vậy mà, như Israel Getzler đã chứng tỏ, thực sự đây là trường hợp những người Bôn-se-vich bị chính những đứa con được họ yêu quí nhất ruồng bỏ. Những người nổi dậy Kronstadt của năm 1921 về cơ bản chính là những thủy thủ của năm 1917. Đa số các người cầm đầu của họ là những thủy thủ kỳ cựu của Hạm đội Kronstadt. Một số ho, như Anatolii Lamanov, lý thuyết gia chính của cuộc nổi dậy, đã từng là những thành viên nổi tiếng của Xô-Viết Kronstadt vào 1917-18. Trên hai con tàu chính tham gia nổi dậy, Petropavlovsk và Sevastopol, 94 phần trăm thủy thủ đoàn vào lính trước 1918. Trong nhân sự, cũng như trong ý thức hệ, cuộc nổi dậy chính là sự trở lại của những ngày cách mạng 1917.
Cơn thịnh nộ và phấn khích cách mạng đổ tràn ra đường phố vào ngày ⅓. Một cuộc mít tinh tập thể trên Quảng trường Mỏ Neo có 15,000 người tham dự, gần một phần ba dân số Kronstadt, thông qua một nghị quyết kêu gọi bầu lại Xô-Viết. Kalinin, được phái xuống để xoa dịu thủy thủ, bị vặn vẹo thô bạo, trong khi Kuzmin, một ủy viên Bôn-se-vich của hạm đội, bị la ó đuổi xuống khán đài. Ngay hôm sau 300 đại biểu từ những con tàu và ụ tàu khác nhau hop lại để bầu ra một Xô-Viết mới. Được báo động là có tin đồn các lính vệ binh Cộng sản chuẩn bị tràn vào cuộc mít tinh, các đại biểu quay ra chọn một Ủy ban Cách mạng năm người, vội vã xắn tay tổ chức phương kế phòng ngự đảo. Tình thần tuy cơ ứng biến của cách mạng đã trở lại.
Mặc dù tin đồn này hóa ra là sai, người Bôn-se-vich ở Petrograd thực sự đang chuẩn bị dẹp tan vụ nổi dậy. Họ không thể đợi nó tự tắt dần. Những cuộc nổi dậy ở các thành phố khác, như Kazan và Nizhnyi Novgorod, đã lấy cảm hứng từ nó. Vịnh Phần Lan tuy đang đóng băng, nhưng tuyết sắp sửa tan, lúc đó toàn thể hạm đội có thể tự do di chuyển, vịnh sẽ trở thành căn cứ bất khả xâm phạm. Vào ngày ⅔ thiết quân luật được áp đặt trên toàn Petrograd. Binh lính và pháo được tập trung dọc theo bờ biển đối diện Kronstadt. Như trong cuộc phòng thủ Petrograd chống Bạch Vệ, Trotsky được phái đến kinh đô cũ để chỉ huy tác chiến. Ông đến ngày 5/3 và ra lệnh những người nổi dậy đầu hàng ngay lập tức. Trong một tối hậu thư nghe như do một thống đốc tỉnh lỵ gởi cho các nông dân nổi loạn, ông cảnh cáo rằng những kẻ nổi dậy sẽ ‘bị bắn như những con gà gô’ nếu họ không đầu hàng trong vòng 24 giờ. Trotsky ra lệnh bắt giam thân nhân thủy thủ sống ở Petrograd làm con tin. Khi người cầm đầu Cheka ở Petrograd nhấn mạnh rằng cuộc nổi dậy là ‘tự phát’, Trotstky đánh điện về Moscow cách chức y.
Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 7/3. Trong suốt một ngày các pháo hạng nặng rót vào pháo đài từ bờ biển tây-bắc. Đó là ngày Ngày Phụ Nữ và giữa tiếng đạn pháo nổ đài Kronstadt vẫn phát ra những lời chúc mừng các phụ nữ trên thế giới. Alexander Berkman có thể nghe được tiếng ì ầm của pháo cách đó 20 dặm trên phố Nevsky Prospekt. Người Anarchist Mỹ, mà niềm tin vào cách mạng bổng nhiên sống lại nhờ cuộc nổi dậy, ghi lại trong nhật ký của mình lúc 6 giờ chiều ngày hôm đó: ‘Kronstadt đã bị tấn công! Những ngày hấp hối và pháo kích. Lòng tôi tê dại vì tuyệt vọng; một cái gì đó đã chết trong tôi.’ Mục đích của cuộc pháo kích là để chuẩn bị cho việc tấn công bằng bộ binh xông qua lớp băng giá. Binh sĩ phải chạy vượt qua một dãi băng năm dặm trống trải một cách hãi hùng trước mũi súng của các thuyền và đồn Kronstadt. Tinh thần binh sĩ mới vào nghĩa vụ xuống rất thấp và Tukhachevsky, người chỉ huy cuộc tấn công, phải gài những bình sĩ an ninh Cộng sản vào trong đơn vị và súng máy Cheka dí vào lưng họ để xua họ tiến lên. Họ tiến về phía trước vào sáng sớm hôm sau: một cơn bão tuyết che chắn họ và một số binh sĩ hàng đầu được phát áo choàng trắng. Tuy nhiên cuộc tấn công kết thúc trong thảm họa. Các pháo hạng nặng của phe nổi dậy tạo ra những kênh nước trong lớp băng, khiến nhiều binh sĩ tấn công, bị bão tuyết làm choá mắt, chạy rớt tòm xuống biển nước lạnh giá và chết đuối. Hai ngàn lính bị bắn ngã như rạ bởi súng máy từ những đồn đóng phía ngoài. Bão tuyết tan, vén ra chiếc màn sương giá phơi bày một vùng băng tuyết mênh mông vương vãi những thi thể.
Trong khi đó, giữa cuộc giao tranh, người nổi dậy bắt đầu tiến hành hoạt động ‘cách mạng’ của họ. Đây là một cộng hòa được hình thành dưới đạn lửa. Trong 18 ngày cai trị sôi nổi (1 – 18/3) Ủy ban Cách mạng Kronstadt giải thể bộ máy Cộng sản, tổ chức bầu lại các nghiệp đoàn và chuẩn bị bầu lại Xô-Viết. Vào ngày 8/3 tờ báo Izvestiia của họ in ra bài phát biểu ‘Chúng ta chiến đấu vì điều gì’. Đây là một tài liệu xúc động của cuộc khởi nghĩa nhằm đúc kết cho các thủy thủ – và thật ra cho toàn thể nhân dân Nga – những lệch lạc mà người Bôn-se-vich đã gây ra cho cách mạng:
Bằng cách tiến hành Cách Mạng Tháng Mười giai cấp lao động đã hi vọng hoàn tất việc giải phóng. Nhưng kết quả đã là một sự nô lệ hoá con người thậm chí lớn lao hơn nữa. Quyền lực của vương triều, với bộ máy cảnh sát và mặt vụ, đã rơi vào tay những người Cộng sản lật đổ, mang đến cho nhân dân không phải tự do mà là nỗi khiếp sợ triền miên sẽ bị Cheka tra tấn, những nỗi hãi hùng vượt xa thời cảnh sát trị sa hoàng. . . Biểu tượng quang vinh của nhà nước của người lao động – liềm và búa – thật ra đã bị người Cộng sản thay thế bằng lưỡi lê và cửa sổ có chấn song, mà chúng dùng để bảo đảm cuộc sống yên tĩnh và an nhàn cho bộ máy hành chính mới, các ủy viên Cộng sản và các viên chức. Nhưng điều tệ hại nhất và tội lỗi nhất trong tất cả là sự nô lệ đạo đức mà người Cộng sản cũng đưa vào: chúng đã thọc tay vào thế giới nội tâm của nhân dân lao động, bắt buộc họ suy nghĩ theo cách chúng muốn. Qua việc nhà nước kiểm soát các nghiệp đoàn chúng đã xiềng xích các công nhân vào máy móc để lao động không còn là một nguồn vui mà là một hình thức nô lệ mới. Đối với sự phản kháng của nông dân, được biểu thị bằng những cuộc nổi dậy tự phát, và những cuộc nổi dậy của công nhân, mà điều kiện sống của họ đã bắt buộc họ phải đình công, chúng đã trả lời bằng hành hình và đổ máu hàng loạt vượt qua ngay cả những vị tướng thời sa hoàng. Nước Nga của những người lao động, những người đầu tiên giơ cao ngọn cờ đỏ giải phóng, được tắm bằng máu.
Đây là bối cảnh trong đó Đại hội Đảng Lần 10 nhóm họp ở Moscow vào ngày 8/3. Hai vấn đề sinh tử đối đầu ban lãnh đạo: đánh bại Nhóm Công nhân Chống đối – và ở một mức độ kém hơn nhóm Tập trung Dân chủ – với hai nghị quyết bất đồng của họ về nghiệp đoàn và tính dân chủ trong đảng; và nghị quyết về khủng hoảng cách mạng trong nước.
Lênin, như lúc nào cũng vậy trong những tình huống như thế, đang trong cơn nổi giận. Ông sẽ không từ bỏ việc gì để bảo đảm đánh bại nhóm Công nhân Chống đối. Kollontai là mục tiêu phỉ báng cá nhân. Trong cuộc thảo luận ông dùng việc Shliapnikov và Kollontai được biết đã từng là người yêu để chế giễu lập luận của họ về tình tương trợ vô sản. ‘Vâng, cảm ơn Chúa,’ ông nói giữa tiếng cười rộ của mọi người, ‘chúng ta biết rằng Đồng chí Kollontai và Đồng chí Shliapnikov là một “giai cấp thống nhất”.’ Lênin thêm lời vu khống vào đòn châm biếm độc địa, kết án nhóm Công nhân Chống đối là một ‘lệch lạc công đoàn’ và kết án nhóm đã chia sẻ những lý tưởng của bọn nổi dậy Kronstadt và bọn công nhân đình công. Tất nhiên điều này là sai lầm: trong khi cả hai nhóm nổi dậy đều chủ trương lật đổ chuyên chính Bôn-se-vich, nhóm Công nhân Chống đối chỉ muốn cải tạo nó. Nhưng phân biệt thì khó hơn làm lập lờ. Trong không khí hoảng sợ – mà Lênin tiếp tay để tạo ra bằng những lời cảnh báo liên tục là quyền lực Xô-Viết có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào – những đại biểu Xô-Viết quá run sợ để có thể cật vấn lời buộc tội của Lênin. Họ hậu thuẫn lời lừa mị của ông rằng sự đoàn kết nghiêm nhặt trong đảng là mệnh lệnh và rằng dung thứ những phe phái chống đối chỉ làm lợi cho kẻ thù.
‘Nền Tảng 10’, như nghị quyết được biết dưới tên đó, đưa ra một hoà giải được chào đón giữa tính trung ương siêu tập quyền của Trotsky và ‘chủ nghĩa công đoàn’ của nhóm Công nhân Chống đối, kết quả là phục hồi vị trí của Đại hội Đảng Lần 9 theo đó nhà nước sẽ tiếp tục điều hành kỹ nghệ qua hệ thống Quản Lý Một Người và tham vấn nghiệp đoàn về những bổ nhiệm chức vụ quản lý. Những chiến thuật của Lênin khiến thắng lợi được bảo đảm. Hai nghị quyết của ông lên án nhóm Công nhân Chống đối nhận được đa số áp đảo, chỉ có 30 trong số 694 đại biểu Đại hội bỏ phiếu chống.
Giờ đây Lênin củng cố thắng lợi của mình bằng một trong những quyết định hệ trọng nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản – bãi bỏ phe phái bất đồng trong đảng. Nghị quyết bí mật này được Đại hội thông qua ngày 16/3, đặt ra ngoài vòng pháp luật bất kỳ phe phái nào trong đảng độc lập với Ủy ban Trung ương. Với hai phần ba số phiếu của Ủy ban Trung ương và Ủy ban Kiểm tra những phe phái như thế có thể bị khai trừ ra khỏi đảng. Từ giờ trở di, Ủy ban Trung ương sẽ cai trị đảng trên cùng đường hướng chuyên chính như đáng cai trị đất nước; không ai có thể thách thức quyết định của nó mà không có nguy cơ bị kết tội bè phái. Việc Stalin lên nắm quyền là một sản phẩm của lệnh cấm này. Ông ta sử dụng cùng chiến thuật để chống Trotsky và Bukharin như Lênin đã dùng để chống nhóm Công nhân Chống đối. Thật ra chính vì để cưỡng bách việc bãi bỏ bè phái và tiến hành thanh trừng nhóm Công nhân Chống đối mà Lênin lập ra chức vụ Tổng Bí thư Đảng, với Stalin là ‘Gensek’ đầu tiên, vào tháng 4 1922. Đến Đại hội Đảng Lần 12 việc thanh trừng này được hoàn tất – khi uy thế của Stalin lên cao trong Ủy ban Trung ương. Shliapnikov và Kollontai, mặc dù thoát được nỗi nhục bị khai trừ khỏi đảng, đều được phái đi lưu vong dưới hình thức công tác ngoại giao – người đầu tiên đi Paris, người sau đi Stockholm. Những người ủng hộ nhóm Công nhân Chống đối bị loại ra khỏi đảng và những chức vụ trong nghiệp đoàn. Hầu hết đều bị phiền nhiễu, một số bị tống giam, gần như tất cả sau đó đều bị xử bắn trong chiến dịch khủng bố của Stalin. Shliapnikov bị ám sát vào năm 1937.
Không kém quan trọng với lệnh cấm cấu kết bè phái là nghị quyết lịch sử thứ hai của Đại hội Đảng Lần 10, việc thay thế trưng thu lương thực bằng đánh thuế. Việc này đặt nền tảng cho NEP bằng cách cho phép nông dân, sau khi đã đóng thuế, có thể bán phần còn lại của sản lượng dư thừa như họ muốn, kể cả ở thị trường tự do. Đó là một nỗ lực để kích thích sản xuất: lượng thuế 45 phần trăm thấp hơn mức thu tô 1920 (sau đó được giảm xuống tỉ số tiêu chuẩn 10 phần trăm lượng thu hoạch); có tính đến việc hạ thuế suất cho những nông dân tăng gia sản xuất và nâng cao năng suất; nông dân có trách nhiệm cá nhân đối với thuế của mình, do đó bãi bỏ trách nhiệm tập thể của công xã; và thành lập quỹ tài trợ đặc biệt về hàng hoá tiêu thụ và công cụ để trao đổi với những nông dân có năng suất cao nhất. Lenin, dường như, đang tiến về hướng ‘giải quyết mới’ này với nông dân trong vài tuần lễ. Một báo cáo về cuộc nổi dậy của Antonov, được Bukharin nộp cho Bộ Chính trị vào ngày 2/2 sau chuyến đi của ông đến Tambov, đã làm rõ vấn đề là không thể tiếp tục chính sách trưng thu khi nhìn vào sức mạnh chống đối của giới nông dân với họ ở đó cũng như trong nhiều tỉnh khác. Chắc chắn là việc đưa ra đúng lúc hình thức thuế là do nhu cầu cấp thiết cần phải xoa dịu cuộc chiến của nông dân, mà Lênin sợ hơn bọn Bạch Vệ.
Sợ rằng các đại biểu sẽ bác bỏ việc đánh thuế như một hình thức phục hồi chủ nghĩa tư bản, Lênin ra sức hạn chế việc thảo luận về nó bằng cách hoãn lại việc đưa ra nghị quyết cho đến 15/3, ngày áp chót của Đại hội, lúc đó nhiều đại biểu đã bỏ ra Mặt trận Kronstadt.
Ông nhấn mạnh rằng đánh thuế bằng nông sản là nhu cầu khẩn cấp để dập tắt cuộc nổi dậy nông dân và xây dựng một liên minh mới với nông dân, dựa trên thị trường. Quyền lực Xô-Viết không thể sống sót nếu không có nó, vì thất bại trong việc dấy lên phong trào cách mạng công nhân ở phương Tây không cho giới vô sản một đồng minh nào khác. Các chính sách của nội chiến đã là một giấc mơ không tưởng – không thể nào xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ bằng sắc lệnh hành chính – và trong một nước nông nghiệp lạc hậu như Nga không có cách nào khác để phục hồi kinh tế sau những đổ nát của năm tháng chiến tranh, nói gì tích lũy vốn để tiến lên chủ nghĩa xã hội, hơn là qua thị trường. Ông trấn an nỗi e sợ việc phục hồi buôn bán tư nhân sẽ đưa Nga trở lại chủ nghĩa tư bản: đây là thị trường đã bị xã hội chủ nghĩa hóa. Các tầng lớp tư bản ở Nga, kể cả bọn kulak, đã bị cách mạng hủy diệt. Chiến thuật của Lênin rõ ràng là có kết quả. Bài diễn văn của ông kéo dài gần ba giờ và khi mà ông ngồi xuống hầu hết đại biểu đều hoặc là quá uể oải hoặc không dám tham gia tranh luận về học thuyết sâu xa. Trong khi ở những vấn đề khác có khi đến 250 người phát biểu, ở đây chỉ có 4 ngoài Lênin, và không có ai phê phán gì nghiêm trọng. Thế là chính sách của thập niên 1920 được thông qua gần như không cần phải thảo luận gì. Thời đại mà Đại hội Đảng sắp xếp và chỉ đạo tất cả đã đến.
Trong khi đó người Bôn-se-vich tập trung sự chú ý vào việc đánh dẹp các vụ nổi dậy của quần chúng. Vào ngày 10/3 300 đại biểu tại Đại hội Đảng Lần 10 tình nguyện chiến đấu tại Mặt trận Kronstadt sau khi nghe Trotsky báo cáo về tình hình u ám tại đó. Hồ hởi chứng tỏ lòng trung thành của mình, các thành viên của nhóm Công nhân Phản kháng là những người đầu tiên bước lên trước. Các đại biểu đến Petrograd ngày hôm sau mang theo tín tức về thuế nông sản mới được thông qua để vực dậy tinh thần binh sĩ. Lúc này, các vụ đình công ở Petrograd đã xẹp dần: bắt bớ và nhượng bộ – kể cả một lời hứa của Zinoviev ngày từ 27/2 sẽ phục hồi buôn bán tự do – đủ sức làm họ tan rã. Các vụ đình công ở Moscow cũng có kết quả tương tự. Vào ngày 16/3 cuộc tấn công cuối cùng vào pháo đài Kronstadt bắt đầu. Sau vài ngày pháo kích nặng nề từ bờ biển và oanh tạc từ trên không, 50,000 quân thiện chiến tiến lên qua lớp băng giá trong những giờ đầu tiên của ngày mới khi trời còn tối. Trận đánh tiếp diễn ác liệt trong 18 tiếng. Nhưng đến nửa đêm ngày 17 quân nổi dậy đã bị đánh bại và hầu hết thủy thủ đầu hàng. Hơn 10,000 Hồng Quân bị tiêu diệt, kế cả 15 đại biểu của Đại hội Đảng Lần 10 đã tham gia cuộc tấn công. Khi trận đánh đã kết thúc chính quyền Helsingfors (Phần Lan) yêu cầu Moscow vớt hết xác lên bờ vì sợ chúng trôi giạt lên bãi biển Phần Lan và sinh ra một thảm họa môi trường khi tuyết tan.
Sáng hôm sau hàng trăm tù binh từ căn cứ Kronstadt bị giải qua Petrograd trên đường đến nhà tù. Gần trung tâm họ thấy một nhóm công nhân đang vác các bao khoai tây trên lưng. ‘Đồ phản bội!’ các thủy thủ la lên, ‘chúng mày đã bán mạng chúng tao lấy khoai tây Cộng sản. Ngày mai chúng mày sẽ có thịt chúng tao để ăn với khoai tây.’ Khuya đêm đó 500 quân nổi dậy bị bắn mà không cần xét xử theo lệnh của Zinoviev: đội hành quyết không chịu thi hành lệnh này nên một phân đội đoàn viên Komsomol được lệnh xử bắn thủy thủ. Một số người nổi dậy chạy đến căn hộ của Gorky và kể với ông về vụ hành quyết. Gorky nổi giận – như nhiều nhà xã hội chủ nghĩa ông đã hậu thuẫn cuộc nổi dậy ngay từ đầu – và ngay lập tức gọi Lênin để phàn nàn. Nhà lãnh tụ Bôn-se-vich ra lệnh cho Zinoviev giải thích những hành động của mình trước một buổi họp đảng trong căn hộ của Gorky. Nhưng tại buổi họp Zinoviev bổng lên cơn tim (Gorky sau đó tuyên bố đó là giả) và kết quả là ông ta chỉ bị phê bình nhẹ nhàng cho một hành động mà, trong bất kỳ trường hợp nào, Lênin ắt hẳn tán thành. Trong những tháng tiếp theo hơn 2,000 quân nổi dậy nữa bị hành quyết, gần như tất cả không được đưa ra xét xử, trong khi hàng trăm người khác theo lệnh Lenin được đưa đến Solovki, trại tập trung lớn đầu tiên của Xô-Viết trên một hòn đảo ở Biển Trắng, tại đó họ chết từ từ vì đói khát, bệnh tật và kiệt quệ. Khoảng 8,000 quân nổi dậy Kronstadt trốn thoát được chạy qua băng tuyết đến Phần Lan, nơi họ được quản thúc và cho lao động công cộng. Một số sau đó trở lại Nga vì có lời hứa sẽ ân xá – để rồi bị xử bắn hoặc đưa đến trại tập trung.
Vụ dập tắt cuộc nổi dậy Kronstadt làm tiêu tan hi vọng cho những người theo chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Không thể có chứng cứ nào xác đáng hơn cho thấy người Bôn-se-vich đã biến thành những kẻ độc tài. Alexander Berkman, với sợi dây tơ cuối cùng của niềm tin vào người Bôn-se-vich đã đứt đoạn, đi lang thang trong tuyệt vọng khắp đường phố Petrograd – đường phố nơi cách mạng đã được khai sinh và nơi giờ đây nó đã chết. Vào ngày 18/3 ông ghi chú mỉa mai cay đắng trong nhật ký của mình: ‘Bọn chiến thắng đang ăn mừng lễ kỷ niệm Công xã 1871. Trotsky và Zinoviev tố cáo Thiers và Gallifet tội tàn sát những người nổi dậy Paris.’
Bạo lực quân sự và khủng bố không thương tiếc cũng là chìa khóa cho cuộc dập tắt những cuộc nổi dậy chính của nông dân, mặc dù trong một vài nơi như vùng Volga nạn đói kém và kiệt quệ đã làm việc đó thay thế. Bước ngoặt đến vào đầu hè, khi người Bôn-se-vich xét lại chiến lược quân sự của mình: thay vì phái những phân đội nhỏ để đánh quân nổi dậy họ ào ạt tràn vào các khu vực nổi dậy và phát động một chiến dịch khủng bố tập thể chống lại dân làng ủng hộ phe nổi dậy trong khi ra sức thuyết phục những người khác bằng tuyên truyền. Chiến lược mới đầu tiên được áp dụng tại tỉnh Tambov, nơi Tukhachevsky, vừa mới gặt hái thắng lợi chống Kronstadt, được phái đến vào tháng 4 để đánh dẹp cuộc nổi dậy của Antonov. Tại đỉnh cao của chiến dịch vào tháng 6 những vùng nổi dậy bị chiếm đóng bởi một lực lượng hơn 100,000 người, hầu hết là binh lính thiện chiến từ các đơn vị an ninh Cộng sản và Komsomol, cùng với vài trăm trọng pháo và xe bọc thép. Máy bay cũng được sử dụng để lần theo đường đi nước bước của băng nhóm và ném bom và thả truyền đơn xuống căn cứ nổi dậy. Khí độc cũng được dùng để ‘xông ngạt cho băng nhóm chui ra khỏi rừng’. Qua các tay chỉ điểm, quân nổi dậy và gia đình họ bị tách ra để bắt giữ làm con tin và bị tống giam trong những trại tập trung được xây dựng đặc biệt: vào cuối tháng 6 có 50,000 nông dân trong trại Tambov, trong đó có 1,000 trẻ em. Không phải là bất thường khi toàn bộ dân làng bị nhốt và sau đó bị xử bắn hoặc đày biệt xứ đến tận Vùng Cực nếu quân nổi dậy không đầu hàng. Đôi khi làng nổi dậy chỉ đơn giản bị đốt rụi. Chỉ trong một làng của quận Tambov – và thậm chí không phải là căn cứ nổi dậy gì đặc biệt – 154 nông dân bị bắn, 227 gia đình bị bắt làm con tin, 17 nhà bị đốt rụi và 46 nhà bị giật sập hoặc chuyển cho người chỉ điểm. Tổng cộng, người ta ước tính 100,000 người đã bị tống giam hoặc đày biệt xứ và 15,000 bị bắn trong thời gian đánh dẹp nổi dậy.
Cùng với chiếc gậy lớn là một củ cà rốt nhỏ để dụ dỗ nông dân từ bỏ việc hậu thuẫn phe nổi dậy. Làng nào có thông qua một nghị quyết lên án các ‘băng cướp’ được tưởng thưởng muối và hàng hóa sản xuất. Cũng có lệnh khoan hồng cho người nổi dậy, mặc dù những người khờ đại nghe lời ra đầu hàng, có khoảng 6,000 người tất cả, gần như toàn bộ bị vào tù hoặc bị bắn. Cuối cùng là bộ máy tuyên truyền ra rả về lợi ích của NEP và thuế nông sản sắp ban hành.
Đến cuối hè 1921, trong khi nhiều vùng quê bị nạn đói kém giáng xuống, hầu hết các vụ nổi dậy nông dân đã bị đánh bại về mặt quân sự. Quân của Antonov bị tiêu diệt vào tháng 6, mặc dù ông trốn thoát được và với một lực lượng du kích nhỏ tiếp tục quấy phá chế độ Xô-Viết ở vùng Tambov tận mùa hè sau. Cuối cùng ông bị săn lùng và bị Cheka giết chết. Ở tây Siberia, vùng Don và Kuban tất cả trừ những băng nhóm nông dân đã bị tiêu diệt vào cuối tháng 7, mặc dù sự đối kháng của nông dân chống chế độ Xô-Viết tiếp tục với qui mô nhỏ hơn – và theo những cách thức thụ động hơn – cho đến tận 1923. Về phần Makhno, ông từ bỏ chiến đấu vào tháng 8 1921 và chuồn đến Romania với số tùy tùng còn lại, mặc dù căn cứ của ông ở vùng đông-nam Ukraine tiếp tục là vùng nổi dậy trong vài năm nữa. Đối với nhiều người Ukraine Makhno vẫn là người hùng dân gian (những bài hát về ông tại các đám cưới và buổi họp mặt vẫn được ưa chuộng đến những năm 1950). Còn các bà mẹ thì dùng Bố Makhno làm ông ba bị để hù doạ các bé sơ sinh hay khóc quấy không chịu ngủ.
Người Men-se-vich và SR cũng bị đàn áp cùng với dân nổi dậy, lấy cớ đã xúi giục và lãnh đạo họ, điều cũng có phần đúng. Khoảng 5,000 người ‘phản cách mạng’ Men-se-vich tất cả bị bắt trong năm 1921, và việc xét xử qua loa các lãnh đạo SR vào năm sau, khi toàn bộ đảng đều bị lên án là ‘kẻ thù của nhân dân’.
* * *
NEP (Chính sách Kinh tế Mới) lúc đầu được coi là một sự rút lui tạm thời. ‘Chúng ta đang nhượng bộ về mặt kinh tế để tránh nhượng bộ về mặt chính trị,’ Bukharin nói với Comintern vào tháng 7. ‘NEP chỉ là sự đi lệch tạm thời, một cuộc rút lui chiến thuật, một sự rửa sạch đất đai để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lao động mới có tính quyết định chống lại đội tiên phong của chủ nghĩa tư bản quốc tế,’ Zinoviev nói thêm vào tháng 12. Lênin cũng nhìn thấy điều đó. NEP chỉ là ‘một hiệp ước Brest-Litovsk nông dân’, lùi một bước để tiến hai bước. Nhưng, không giống nhiều lãnh đạo đảng khác, Lênin nghĩ rằng thời kỳ rút lui chắc chắn khá lâu dài – ông nói mơ hồ là ‘không ngắn hơn một thập kỷ và có thể lâu hơn’ – để không chỉ là bầy binh bố trận mà còn đúc lại khuôn mẫu cách mạng. NEP, ông nhắc lại cho đảng vào tháng 5, phải được chấp nhận “một cách nghiêm túc và trong một thời gian dài” – chúng ta phải xác định rõ điều này trong đầu chúng ta và ghi nhớ kỹ, bởi vì lan truyền tin đồn là đây chỉ là chính sách ngoài miệng, nói cách khác một hình thức lừa mị chính trị chỉ thi hành cho lúc này. Điều này là không đúng.
Như Lênin nhìn nhận, NEP không chỉ là một nhượng bộ tạm thời với thị trường để đất nước đứng vững trên đôi chân. Nó còn là một nỗ lực có tính nền tảng dù hơi bất cập để xác định lại vai trò của chủ nghĩa xã hội trong một nước nông nghiệp lạc hậu nơi ‘cách mạng tư sản’ chưa hoàn tất, phần lớn là do cuộc đảo chính 1917 của đảng ông. Chỉ ‘trong những nước tư bản phát triển’ mới có thể ‘chuyển giao ngay lập tức đến chủ nghĩa xã hội’, Lênin đã bảo trong Đại hội Đảng Lần 10. Nước Nga Xô-Viết do đó phải đương đầu với nhiệm vụ ‘xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng bàn tay tư sản’, đặt cơ sở chủ nghĩa xã hội trên thị trường. Tất nhiên Lênin vẫn đầy hoài nghi: có lúc ông biểu lộ sự sợ hãi là chế độ sẽ bị nhấn chìm trong biển cả của chủ nghĩa tư bản nông dân tủn mủn. Nhưng về nét chính ông nhìn thấy thị trường – được điều tiết bởi nhà nước và được xã hội hóa dần dần qua hợp tác xã – là con đường duy nhất đến chủ nghĩa xã hội. Trong khi cho đến giờ này những người Bôn-se-vich vẫn sống bằng châm ngôn ‘Càng ít thị trường càng nhiều chủ nghĩa xã hội’, Lênin đang tiến tới khẩu hiệu ‘Càng nhiều thị trường càng nhiều chủ nghĩa xã hội’.
Nhưng, như con báo đốm, người Bôn-se-vich không thể dễ dàng bôi xóa được nỗi ngờ vực đã ăn sâu về việc buôn bán tư nhân. Ngay cả Bukharin, người sau này trở thành kẻ bảo vệ chính cho NEP, chỉ dần dần mặn mà với nó trong khoảng thời gian 1921-3. Nhiều hàng ngũ Bôn-se-vich nhìn thấy trong sự bùng phát hoạt động buôn bán tư nhân hành động phản bội cách mạng. Chỉ cách đây vài tháng, những gì bị kết án là tội ác chống cách mạng thì giờ được ủng hộ và khuyến khích. Hơn nữa, một khi cửa đã mở cho thị trường khó lòng mà ngăn lại trận lũ buôn bán tư nhân tràn về ngay sau bốn năm thiếu thốn. Vào năm 1921 toàn bộ dân chúng đều ăn mặc chắp vá, nấu ăn bằng nồi niêu gãy gọng, uống bằng cốc nứt. Ai cũng cần đồ mới. Dân chúng dựng các xạp hàng ngoài đường phố để bàn hoặc trao đổi những đồ đạc trong nhà, rộn rịp như họ làm ngày nay trong hầu hết thành phố ở Nga; chợ đen nở rộ; trong khi hiện tượng ‘buôn chuyến’ tới lui vùng quê một lần nữa bùng phát. Được luật mới trong năm 1921 -2 cho phép, các tiệm cà phê, cửa hàng và nhà hàng, hộp đêm và nhà thổ, bệnh viện và phòng khám, tiết kiệm và tin dụng, thậm chí tiệm sản xuất qui mô nhỏ cũng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Nhưng nhà quan sát nước ngoài sửng sốt trước sự lột xác quá bất ngờ. Moscow và Petrograd, những thành phố nghĩa địa trong thời nội chiến, bổng thình lình choàng tỉnh dậy, với những người buôn bán tấp nập, xe cộ nhộn nhịp và những bảng hiệu rực rỡ tràn ngập đường phố như thuở trước cách mạng. ‘NEP biến Moscow thành một chốn thị trường rộng lớn,’ Emma Goldman nhớ lại:
Hàng quán mọc lên qua đêm, chồng chất những món cao cấp mà nước Nga không nhìn mặt nhiều năm rồi. Những số lượng lớn bơ, phô mai và thịt bày ra bán; bánh ngọt, trái cây quí, và kẹo đủ mọi loại đợi người mua. Đàn ông, đàn bà và trẻ con với gương mặt méo xệch, ánh mắt thèm thuồng đứng nhìn trân trân vào cửa sổ bày hàng và tranh luận về phép lạ: cái gì mới hôm qua còn được xem là xúc phạm ghê gớm mà bây giờ lồ lộ trước mắt họ dưới hình thức công khai và hợp pháp’.

Hồng Quân tấn công Căn cứ Hải quân Kronstadt nổi dậy, 16/3/1921.

Cuộc nổi dậy nông dân (phe Xanh Lá) tấn công một tàu chở thóc trưng thu, tháng 2 1921.

Các ủy viên Bôn-se-vich thanh sát tình trạng thất thu ở vùng Volga, 1921. Khủng hoảng phần lớn là do việc trưng thu quá mức của người Bôn-se-vich

Nạn nhân của cuộc khủng hoảng; một nghĩa trang đã qua tải ở huyện Buzuluk, 1921.

Kẻ ăn thịt người với nạn nhân của chúng, tỉnh Samara

Những trẻ mồ côi ở Saratov săn tim thức ăn thừa tại một bãi rác.

Những trẻ mồ côi đủ tuổi để được chui rèn chính trị. Thiếu niên trẻ này, đang phát biểu từ một tàu hỏa mang tên Cách Mạng Tháng Mười chuyên dùng cho tuyên truyền lưu động, là Bí thư Đoàn Komsomol Tula.

Trẻ mồ côi cũng là những binh sĩ tốt: một đơn vị Hồng Quân ở Turkestan, 1920

Cuộc chiến chống tôn giáo: Hồng Quân tịch thu những món đồ quí giá từ Tu viện Semenov ở Moscow, 1923.

Cách mạng mở rộng về phía đông. Hồng Quân đến Bukhara và giải thích ý nghĩa của quyền lực Xô-Viết cho những thần dân trước đây của Tiểu vương, tháng 9 1920.

Hai ủy viên Bôn-se-vich của vùng Viễn Đông.

Lênin sắp chết, bên cạnh là một bác sĩ và em gái Maria Uliannova, trong mùa hè 1923. Lúc bức ảnh này được chụp, Stalin đã nắm chắc quyền hành tối cao
Nhưng những người nghèo đói này có thể mua được những mặt hàng như thế không? Đó là nỗi sợ của hàng ngũ Bôn-se-vich. Dường như đối với họ sự bùng phát buôn bán tư nhân không tránh khỏi sẽ dẫn đến hố ngăn cách càng sâu hơn giữa giàu và nghèo. ‘Những thanh niên Cộng sản trẻ chúng tôi đã lớn lên với niềm tin rằng tiền bạc phải được dẹp bỏ vĩnh viễn,’ một Bôn-se-vich trong thập niên 1940 nhớ lại. ‘Nếu tiền xuất hiện trở lại, không phải người giàu cũng xuất hiện trở lại sao? Không phải rồi chúng ta sẽ trôi tuột xuống chủ nghĩa tư bản sao? Chúng tôi tự đặt ra những câu hỏi này mà lòng rất lo âu.’ Những mối hoài nghi như thế càng mạnh lên khi nạn thất nghiệp trong hai năm đầu của NEP tăng lên bất ngờ. Trong khi những người thất nghiệp này sống bằng đường dây xếp hàng lãnh bánh mì thì người nông dân béo tốt ra và giàu lên. ‘Chúng tôi làm cách mạng vì điều này sao?’ một người Bôn-se-vich hỏi Emma Goldman. Có một cảm xúc lan truyền trong giới công nhân, phát biểu rõ ràng nhất bởi nhóm Công nhân Chống đối, rằng NEP đang hi sinh lợi ích giai cấp cho giới nông dân, rằng bọn kulak đang được cải tạo và được cho phép làm giàu trên nỗi khổ của công nhân. Trong năm 1921-2 có 10,000 công nhân Bôn-se-vich xé bỏ thẻ đảng với lòng kinh tởm đối với NEP: họ gọi nó là Bóc Lột Vô Sản Kiểu Mới
Phần nhiều cơn thịnh nộ trút xuống đầu lớp người phò NEP, tầng lớp trọc phú mới giàu lên nhanh chóng gồm những người buôn bán tư nhân đông đúc lên trong những năm 20 của Nga. Điều đó dường như không thể tránh khỏi sau bảy năm chiến tranh và thiếu thốn, một hiện tượng thường thấy trong thời hậu chiến, chẳng hạn bọn ‘spiv’ ở Anh sau 1945, hoặc bọn gọi là ‘mafia’ ở Nga trong thời kỳ hậu-Xô-Viết. Đúng, nông dân được khuyến khích bán nông sản của mình cho nhà nước và hợp tác xã bằng cách lấy lại hàng hóa sản xuất giá rẻ. Nhưng cho đến khi hệ thống xã hội hóa bắt đầu vận hành trơn tru (cho đến giữa thập niên 1920) nó vẫn dễ hơn và lợi hơn khi bán nông sản cho bọn phò NEP. Nếu một số mặt hàng hoàn toàn khan hiếm bọn trục lợi này sẵn sàng săn tìm nó cho bằng được – chắc chắn bởi vì chúng đã hối lộ các viên chức chính quyền. Rượu lậu, he-rô-in và cô-cain – chúng bán mọi thứ. Bọn phò NEP là một biểu tượng biết đi của chủ nghĩa tư bản xấu xa và mới mẻ này. Chúng sắm sửa cho vợ và bồ hột xoàn và áo lông, ngồi trong những ô tô nhập khẩu to đùng, ngáy ngủ trong các nhà hát, hò hát trong các nhà hàng, khoe khoang những món tiền đã ném ra trong các vụ cá độ đua ngựa và casino. Những thói hợm hĩnh và tiêu xài phung phí của bọn trọc phú mới này, đặt trong bối cảnh đói khổ và nghèo mạt của những năm tháng này, làm dấy lên nỗi bất mãn đắng cay lan rộng trong đám dân thường, đặc biệt giới công nhân, luôn tưởng rằng cách mạng đáng ra phải tiêu diệt những bất công như thế.
Nước Nga trong thập niên 1920 vẫn duy trì là một xã hội lâm chiến với chính nó – đầy những căng thẳng xã hội chưa được giải quyết và nỗi bất mãn nằm ngay dưới lớp mặt ngoài. Trong ý nghĩa này, di sản sâu xa nhất của cách mạng là việc nó không thể loại trừ những bất công đã khai sinh ra nó lúc ban đầu.
.
Pingback: Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 | Nghiên Cứu Lịch Sử