Chương 13 . Cách Mạng Lâm Chiến
Tác giả Orlando Figes
Trần Quang Nghĩa dịch
Lênin coi việc sử dụng khủng bố như một phương tiện đấu tranh giai cấp chống ‘bọn tư sản’
i Vũ Trang Cách Mạng
Đã năm năm từ khi Dmitry Oskin ở Tula lần cuối. Khi đó, vào năm 1913, anh chỉ là một thanh niên nông dân giản dị vừa mới từ vùng quê lên đăng kí làm lính của Sa Hoàng. Giờ đây, vào mùa xuân 1918, anh trở lại thị trấn ấy, là một quân ủy trong quân đội của Trotsky, có nhiệm vụ trui rèn chất thép cho cách mạng.
Những năm chiến tranh và cách mạng đã ưu ái với Oskin. Anh đã lên cấp bậc, nhận được bốn hủy chương Thập tự Thánh George trên đường binh nghiệp, khi thành trì cũ của sĩ quan bị tiêu diệt. Trong năm 1917 vận hội của anh tăng lên khi anh theo về với cánh Tả: anh cởi lên ngọn sóng cách mạng của quân nhân. Lý lịch SR giúp anh lên chỉ huy một trung đoàn, rồi tiếp theo được cử vào Ủy ban Trung ương của Xô-Viết Quân nhân trên Mặt trận Tây-Nam. Vào tháng 10 anh dự Đại hội Xô-Viết Lần Hai với tư cách đại biểu SR – một trong số binh sĩ không tắm rửa tạo nên ‘đám đông màu xám’ đó trong Sảnh Smolny. Vào đầu năm 1918, khi Trotsky bắt đầu xây dựng Hồng Quân, đầu tiên ông quay sang những người NCO, như Oskin, vốn đã được đào tạo nghề binh trong quân đội sa hoàng. Đó là một cuộc hôn nhân thuận tiện giữa tham vọng của con các nông dân và nhu cầu quân sự của chế độ. Như Napoleon đã từng nói, mọi người lính đựng trong túi dết của mình cây gậy thống chế: đó là việc kiến tạo một quân đội cách mạng.
Một trăm dặm về phía nam Moscow, Tula là kho vũ khí của cách mạng. Sau khi Petrograd di tản nó trở thành trung tâm của kỹ nghệ quân nhu Cộng Hòa Xô-Viết. Ở đỉnh cao của Thế Chiến I các hãng xưởng thuê đến 60,000 công nhân, mặc dù lúc Oskin đến, phần lớn hãng xưởng chuyển về vùng quê, chỉ còn ở lại 15,000 người. Quân ủy mới lập văn phòng trong trụ sở Xô-Viết, nằm bên trong Ngân Hàng Nông Nghiệp trước đây. Và như để tạo nên biểu tượng cho một trật tự xã hội mới, nó được bao quanh bởi các nhà máy kim khí.
Hồng Vệ binh địa phương, mà Oskin có nhiệm vụ tái tổ chức, gần như lập nên bởi các công nhân trong năm 1917 để bảo vệ nhà máy chống lại âm mưu phản cách mạng. Sau khi người Bôn-se-vich cướp chính quyền người ta bàn bạc sử dụng nó để thành lập một hình thức ‘quân đội vô sản’ mới hơn là giữ lại tàn tích cũ (và phần đông là nông dân).
Người Bôn-se-vich không thích ý tưởng về một quân đội chính quy. Họ nghĩ quân đội là công cụ được chế độ cũ sử dụng để đàn áp và chống phá cách mạng. Dân quân công nhân sẽ có tính quân bình hơn, và Hồng Vệ binh phải là cơ sở cho một lực lượng như thế. Họ tạo nên những đơn vị Hồng Quân mới, được thành lập bởi sắc lệnh ngày 15/1. Ngoài những chống đối mang tính ý thức hệ về một quân đội chính quy, người Bôn-se-vich cũng có lý do thực tiễn trong việc ưu ái nguyên tắc tình nguyện ở giai đoạn này: sự tan rã của quân đội cũ và sự vắng mặt của bộ máy tuyển mộ khiến họ không có lựa chọn nào khác. Binh sĩ thực thụ duy nhất họ trông cậy là ba lữ đoàn Súng Trường Latvia, 35,000 quân tinh nhuệ, một mình chống đỡ họ khỏi rơi vào thảm bại trong những tháng đầu của chế độ.
Lúc này, khi công nhân đang chạy khỏi các thành phố, lính Đỏ mới tuyển mộ phần lớn là những binh sĩ trước đây, giờ thất nghiệp, và ‘những phần tử ma cà bông, hay dao động’, theo lời của Trotsky, ‘nhan nhản vào lúc này ‘. Ắt hẳn một số họ sẽ hóa ra thích lối sống quân ngũ, hay ít nhất thích nó hơn cuộc sống dân sự thời hậu chiến vất vả. Nhưng phần đông họ không còn nơi nào khác để đi – chiến tranh đã khiến họ mất hết nhà cửa hoặc gia đình. Họ lạc lõng trong những thị trấn như Tula, ở nửa đường giữa Mặt trận và quê nhà từ lâu đã bỏ đi. Nhiều người di cư này đăng kí vào Hồng Vệ binh chỉ vi muốn lãnh một áo choàng đúng chuẩn, và một đôi giày ống, trước khi đào ngũ để bán chúng rồi lại xoay vòng đăng ký lại tại một thị trấn khác.
Tất nhiên, một quân đội như thế quả thực là vô dụng trên chiến trường. Hình ảnh Hồng Vệ binh là một đoàn quân cừ khôi có kỷ luật chỉ là mớ huyền thoại Xô-Viết. Hồng Vệ binh là những phân đội không chính quy, ăn mặc và trang bị vũ khí tạp nham, kỷ luật lỏng lẻo và hay nhậu nhẹt. ‘Tinh thần ủy ban’ của năm 1917 vẫn còn sống trong hàng ngũ họ. Sĩ quan được cử ra và những kế hoạch tác chiến sơ khởi thường được biểu quyết bằng cách giơ tay. Thành quả quân sự thật thảm hại. Những cuộc tấn công được phát động không được trinh sát cẩn thận, thường sử dụng bản đồ của học sinh không hơn. Binh sĩ tác chiến theo kiểu tùy tiện, xà ngầu, thường vỡ trận vì hoảng hốt khi thấy địch bất ngờ xuất hiện. Bị đè bẹp dưới tay quân Đức vào tháng 2 và 3, rồi tiếp theo dưới tay quân Séc trong tháng 5 và 6, khiến Trotsky thấy rõ những phương thức như thế không ăn thua. Với chế độ Xô-Viết bên bờ vực thảm họa, Hồng Quân phải được cải tổ dựa theo khuôn mẫu của quân đội đế chế cũ, với những đơn vị chính quy thay thế những phân đội, xiết chặt kỷ luật trong đội ngũ, sĩ quan chuyên nghiệp và bộ chỉ huy tập trung theo cấp bậc. Cải tổ này là nhiệm vụ của Oskin ở Tula.
Một trong những biện pháp đầu tiên của Trotsky là kêu gọi sự phục vụ của những sĩ quan chế độ cũ. Họ được gọi là những ‘chuyên gia quân sự’ thay vì sĩ quan, và binh lính chế độ cũ giờ được gọi là ‘người phục vụ Hồng Quân’. Khoảng 8,000 sĩ quan chế độ cũ đã tình nguyện đánh cho người Bôn-se-vich. Binh sĩ và các ủy ban của họ, mà cách mạng lập ra trước đây nhằm hạn chế quyền hành các sĩ quan, đón họ với vẻ thù nghịch. Nhưng thiếu thốn các NCO, cũng như cái gọi là Tư lệnh Đỏ, mà việc đào tạo họ chỉ mới bắt đầu, đã đặt nhu cầu quân sự lấn lướt nhiệt tình cách mạng. Giờ Trotsky nhắm tới việc tăng cường nguyên tắc gọi nghĩa vụ tập thể đối với các sĩ quan chế độ cũ, bỏ ngoài tai những lời chống đối của binh sĩ một cách đơn giản nhất là dẹp quách các ủy ban của họ. Vào ngày 29/7 ông ban hành Nhật Lệnh số 228, kêu gọi các cựu sĩ quan trình diện. Đến cuối năm, có tới 22,000 sĩ quan chế độ cũ đã được tuyển mộ; và trong thời gian nội chiến con số tăng lên đến 75,000, không kể các bác sĩ, thầy thuốc thú y và những viên chức khác. Vào phút cuối, ba phần tư số chỉ huy cao cấp trong Hồng Quân được lấy từ sĩ quan chế độ cũ.
Điều gì thúc đẩy các sĩ quan này tham gia? Một số, như Brusilov, người gia nhập Hồng Quân năm 1920, bị thúc đẩy vì bổn phận yêu nước: đất nước, vì tệ hơn hay tốt hơn, đã chọn phe Đỏ, hoặc theo họ dường như là vậy, và bổn phận của họ là phục vụ đất nước. Nhiều người cũng bị thúc đẩy bởi một ý thức đã ăn sâu về nghĩa vụ quân sự: là quân nhân họ sẽ phải phục vụ chính quyền không liên quan gì đến bản chất chính trị của nó. Có thể một số sĩ quan trẻ cũng bị lôi cuốn bởi viễn ảnh sẽ được thăng tiến trong quân đội mới hơn như đã kỳ vọng vào quân đội cũ. Nhưng động lực phổ biến nhất là nhu cầu đơn giản tìm việc làm để sống còn. Hơn nữa trong khủng bố của năm 1918, họ phải tỏ ra hữu dụng đối với chế độ mới có cơ may an toàn. Bởi vì theo một ghi nhớ mà Trotsky gởi đến Lênin, bằng cách sử dụng các sĩ quan chế độ cũ ‘chúng ta giảm tải cho các nhà tù’.* Các sĩ quan được tuyển mộ được các quân ủy như Oskin giám sát gắt gao, và cảnh báo nếu họ có hành động phản bội nào đối với Hồng Quân gia quyến họ sẽ bị liên lụy. ‘Hãy cho bọn phản bội biết rằng’, lệnh đặc biệt ngày 30/9 của Trotsky chỉ rõ, ‘họ phản bội Hồng Quân chính là cùng lúc phản bội lại gia đình mình – cha mẹ, anh , vợ con mình.’
* Thời gian đó (tháng 10 1918) có khoảng 8,000 sĩ quan ngồi làm ‘con tin’ trong các nhà tù Cheka.
Một cơn bão chống đối bùng lên đối với việc tuyển mộ các sĩ quan này. Nhiều binh sĩ coi đó là trở về với trật tự quân sự cũ, và phản bội với Nhật Lệnh Số 1. Họ đặc biệt bất mãn việc áp dụng lương bổng khác biệt theo cấp bậc, việc chào tay bắt buộc, và việc mang các huy hiệu và đồng phục đặc biệt, chưa nói đến khẩu phần và đặc quyền, cho sĩ quan. Các công nhân đảng viên trong quân đội thấy việc này như thách thức với quyền lực của mình, trong khi các NCO và các chỉ huy Đỏ hiềm khích những ‘người có cầu vai vàng’ và sợ rằng họ có thể cản đường tiến của mình.
Những thoái trào về quân sự vào mùa hè nhanh chóng đổ lỗi cho Trotsky về việc sử dụng sĩ quan chế độ cũ. Thất thủ Simbirsk về tay Komuch vào tháng 7 thật ra một phần là do sự nổi loạn của M. A. Muravev, một trung tá trong quân đội sa hoàng và Tư lệnh Mặt trận phía Đông thuộc SR cánh Tả. Trong những tháng sau đó một cuộc vận động có phối hợp được tiến hành nhằm chống lại chính sách của Trotsky. Hai bài viết trên báo đảng Pravda là cơn địa chấn cho mối xung đột này. Sorin, một thành viên của Đảng bộ Moscow, kết án Trotsky ban cho sĩ quan chế độ cũ quá nhiều quyền hành, trong khi xử tội chết những quân ủy một cách bất công khi binh sĩ không chịu tuân lệnh họ. Một quân ủy có tên Panteleev đúng là bị xử bắn theo lệnh của Trotsky sau khi đơn vị của y đã chuồn khỏi trận đánh chiếm Kazan. Vụ án này trở thành một chính nghĩa nổi tiếng cho những ai quyết tâm bảo vệ sự độc lập của đảng và những quân ủy của nó chống lại các chỉ huy. Kamensky, một quân ủy trong quân đoàn của Voroshilov trên Mặt trận phía Nam, tuyên bố trên một bài báo Pravda khác rằng các chỉ huy chế độ cũ hành động như những tên ‘chuyên quyền’, trong khi các quân ủy chỉ có mặt để ‘ký tên trang trí’ vào mệnh lệnh của họ.
Kliment Voroshilov, một chỉ huy Hồng Vệ binh và người Bôn-se-vich lão thành, là nhân vật chủ chốt của nhóm Chống đối Quân sự này. Đặt căn cứ ở Tsaritsyn, Voroshilov từ khước thi hành lệnh của cơ quan tư lệnh trung ương của Trotsky, Hội đồng Quân sự Cách mạng Cộng Hòa (RVSR) và Tư lệnh của nó trên Mặt trận phía Nam, Tướng Sytin thuộc chế độ cũ đóng ở Kozlov. Stalin hậu thuẫn Voroshilov, mặc dù ông ta lúc nào cũng chối là mình thuộc nhóm Chống đối Quân sự. Sự thách thức trực tiếp này với quyền lực của Trotsky từ một đồng chí đảng cao cấp như thế là nguồn gốc những mối tư thù giữa Trotsky và Stalin trong những năm sắp tới.
Trotsky biến những kích bác chính sách của mình thành vấn đề tín nhiệm của đảng đối với ông trong vai trò Dân Uỷ Chiến tranh. Ông yêu cầu các biên tập viên Pravda kiểm duyệt việc in ấn các bài báo của Sorin và Kamensky. Ông cũng yêu cầu triệu hồi Stalin khỏi Mặt trận phía Nam, nơi người gốc tỉnh Georgia này đã bắn vài chục viên chức và gây nhiều thiệt hại dưới vai trò ủy viên đặc biệt về tiếp tế lương thực. Đây là một trò chơi nguy hiểm mà Trotsky nhúng tay vào. Theo quan điểm của ông, toàn bộ mục đích của cách mạng là để thay thế Nhóm Chống đối Quân sự cầm đầu bởi những người Bôn-se-vich được sự hậu thuẫn của hàng ngũ đảng viên mới vào đảng từ năm 1917. Những người này theo chủ nghĩa cộng sản kiểu cơ hội – một chủ nghĩa kết hợp sự phá vỡ hoàn toàn các quyền lực cũ với yêu sách rằng họ, những người Cộng sản, phải được hưởng một vị thứ tương tự về quyền hành và đặc quyền bên trong chế độ mới. Trong mắt họ, tình đồng chí và giai cấp là những tiêu chuẩn cần thiết duy nhất để thăng bậc. Chiến trường sẽ quyết định thắng bại nhờ ‘tinh thần cách mạng’ của các đồng chí và binh lính họ, chứ không phải bởi thứ khoa học đã lỗi thời trong Học viện Quân sự thời sa hoàng.
Cơ sở của việc mất tín nhiệm vào các sĩ quan là nỗi bất mãn có tính bản năng của tầng lớp thấp căm ghét mọi thứ đặc quyền và chống lại trí thức. Cũng cùng thái độ này dành cho những người gọi là ‘chuyên gia tư sản’ được chế độ Xô-Viết thu dụng vào bộ máy hành chính và công nghệ (tức là những công chức chế độ cũ, các nhà quản lý và kỹ thuật gia đã làm việc trước 1917). Nhiều nhà trí thức trong giới lãnh đạo của đảng cũng là mục tiêu của sự thù ghét có tính mị dân này từ các hàng ngũ cấp thấp. Trotsky, Kamenev và Zinoviev, ba đối thủ lớn của Stalin trong thập niên 1920, * đặc biệt hứng chịu nhiều nhất. Dáng dấp Do Thái của họ ắt hẳn có liên quan đến việc này. Phần lớn những người trong nhóm Chống đối Quân sự xuất thân từ những gia đình thấp kém, có trình độ giáo dục không hơn mức sơ cấp. Voroshilov là con một công nhân thời vụ trên đường sắt, và chỉ học được hai năm ở trường. Những ‘con trai của vô sản’ này bất mãn khi buộc phải nghe theo các sĩ quan vốn đã từng hưởng được những đặc quyền của dòng dõi quí tộc và được giáo dục trong Học viện Quân sự. Là những chỉ huy trẻ, phần lớn họ bất mãn vì phải chứng kiến sự xấc xược của Trotsky và cung cách coi mình như ông vua với vai trò cầm đầu Hồng Quân. Ông luôn ‘xa giá’ đến Mặt trận trong toa tàu sang trọng của mình (Trotsky được biết tiếng là một người sành ăn và toa tàu ông trang bị như một khách sạn cao cấp). Các ủy viên của ông ăn mặc đồng phục sạch tươm, mang giày ống da đắt tiền và đính nút vàng sáng chói. Có lẽ tế nhị một chút Trotsky có thể làm hòa với nhóm Chống đối Quân sự. Nhưng ông không thuộc loại người tinh tế – chính ông có lần nhìn nhận rằng mình không được đảng viên ưa thích vì ‘thói quí tộc’ – và tình cao ngạo của ông đã bị nhóm Chống đối Quân sự đả thương khi thách thức vị thế và quyền uy của mình. Trotsky chọn cách giáng trả đúng nơi gây đau đớn nhất, chế giễu kẻ kích bác ông là ‘bọn dốt đặc của đảng’. Những hành động phản bội vặt vãnh của các chuyên gia quân sự, ông tuyên bố, cũng không tệ hại bằng sự thiệt hại ‘toàn bộ những trung đoàn’ vì sự bất tài của những chỉ huy Cộng sản ‘học hành chưa tới đâu, ngay cả đọc bản đồ cũng không biết’.
* Việc Stalin tiến lên đỉnh cao quyền lực một phần cũng nhờ vào việc động viên chủ trương chống thành phần trí thức trong những người Bôn-se-vich Lớn Tuổi (những người đã gia nhập đảng trước 1917) trong hàng ngũ những người Cộng sản. Nhiều đồng minh quan trọng nhất của ông trong thập niên 1920 là những thành viên trước đây trong nhóm Chống đối Quân sự. Voroshilov, chẳng hạn, gia nhập Bộ Chính Trị vào năm 1925.
Mối xung đột âm ỉ suốt mùa đông, cho đến tháng ba 1919, khi với sự xuất hiện của Kolchak trên vùng Volga, Lênin ra lời kêu gọi đoàn kết trong đảng, và một thỏa hiệp tạm thời được quyết tại Đại hội Đảng Lần 8. Việc Trotsky sử dụng các sĩ quan chế độ cũ được hậu thuẫn trên cơ sở nhu cầu quân sự khẩn cấp, nhưng vai trò giám sát của các quân ủy và quyền lực toàn điện của đảng trong quân đội đều phải được tăng cường, song song với việc huấn luyện các Chỉ huy Đỏ cho việc lãnh đạo quân đội trong tương lai. Tuy nhiên, việc này chẳng khác trùm một cái chăn lên vụ tranh cãi. Một loạt các mệnh lệnh trong trong quân đội trở nên rối loạn hơn, với các chỉ huy, quân ủy và các tế bào đảng địa phương tất cả đều tham gia trong một cuộc đấu ba bên giành quyền hành. Hơn nữa, cuộc xung đột giữa Trotsky và Nhóm Chống đối Quân sự xảy ra mùa hè sau, khi Stalin phát động lại cuộc công kích toàn diện vào giới lãnh đạo quân sự.
* * *
Trong mùa hè 1918, với phe Đỏ đối diện với thảm bại từ mọi phía, Cộng Hòa Xô-Viết được tuyên bố là một ‘trại lính độc nhất’. Thiết quân luật được áp đặt lên toàn xứ. RVSR dưới quyền lãnh đạo của Trotsky trở thành cơ quan tối cao của nhà nước; toàn bộ nền kinh tế được điều khớp theo nhu cầu của quân đội; và xứ sở được chia thành ba Mặt trận (Đông, Nam và Bắc), năm Quân Khu và một Vùng Củng Cố ở miền tây. Các nhà lãnh đạo Bôn-se-vich đọc những bài diễn văn hô hào và báo chí đưa ra những tít lớn kêu gọi nhân dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong tình hình khẩn trương này, Trotsky không có lựa chọn nào khác ngoài việc gọi lệnh tổng động viên. Các người tình nguyện quá ít và kém kỷ luật để đương đầu với quân Đức ở vùng Ukraine, quân Anh ở phía bắc, quân Séc ở vùng Volga, quân Nhật ở vùng Viễn Đông và Bạch Vệ ở vùng Don được phe Đồng minh hậu thuẫn. Việc tổng động viên là cải tổ chủ yếu thứ hai của Trotsky, sau việc tuyển mộ sĩ quan chế độ cũ, và cũng là vấn đề gây tranh cãi như vụ đầu tiên.
Trong khi Hồng Vệ binh được xem như một quân đội của giai cấp lao động, việc động viên hàng loạt sẽ tạo ra một quân đội của nông dân. Nhiều người Bôn-se-vich xem nông dân như là một lực lượng xã hội thù địch và xa lạ. Động viên trên qui mô này trong mắt họ không khác gì vũ trang cho kẻ địch. Nó sẽ ‘nông dân hóa’ Hồng Quân và kết thúc sự thống trị của giai cấp lao động trong đó, một cuộc rút lui khỏi các nguyên tắc của đảng. Nhưng lúc đó cách mạng cũng đang rút lui, với phe Đỏ đang trên bờ vực thảm bại. Nếu muốn sống còn, họ không có lựa chọn nào khác ngoài động viên giới nông dân.
Thoạt đầu, phần đông việc động viên được tiến hành tại những thành phố. Trong số 15 lệnh cưỡng bách nghĩa vụ được ban hành giữa tháng 6 và 8, 11 là áp dụng cho các công nhân thành thị. Với số hàng trăm hãng xưởng đóng cửa mỗi tháng, không có vấn đề lớn trong công tác tuyển mộ công nhân vào quân đội: chỉ tính ở Moscow và Petrograd đã được 200,000 người. Các đảng bộ địa phương cũng nhận được 40,000 người của mình.
Trong những cuộc vận động đầu tiên này, khi Hồng Quân cần tuyệt vọng những lính tuyển mộ, bằng chứng rốt ráo của lòng tận tụy với đảng được minh chứng bằng tinh thần chiến đấu ngoài Mặt trận. Người Bôn-se-vich luôn tạo cho mình một hình ảnh đặc biệt gân guốc. Họ ăn mặc áo jacket da và tất cả đều mang súng. * Nửa triệu đảng viên tham gia Hồng Quân trong cuộc nội chiến. Trotsky, vốn hay so sánh những chiến sĩ Cộng sản này với những samourai Nhật Bản, bảo đảm là họ được phân phối đều khắp trong mọi đơn vị quân đội. Các đảng viên, nếu không được bổ nhiệm là quân ủy, ắt hẳn được kỳ vọng cầm đầu ở mặt trận. Nhiều người trong số họ chiến đấu với lòng quả cảm tuyệt vọng, không chỉ vì sợ bị địch bắt (và chắc chắn sau đó bị Bạch Vệ tra tấn). Tính can trường của binh sĩ Cộng sản trở thành một phần của huyền thoại nội chiến của phe Đỏ. Sử gia Bôn-se-vich L. N. Kritsman sau đó gọi đây là ‘thời kỳ anh hùng’ của cách mạng. Và từ hình ảnh lãng mạn này – hình ảnh của đảng như một tình đồng chí chiến đấu không sợ tiến lên chinh phục bất kỳ thành trì nào – phát sinh nhiều thái độ cai trị cơ bản của đảng.
* Tất cả đảng viên đều có quyền mang súng. Đó coi như là dấu hiệu của sự bình đẳng có tính đồng chí. Họ chỉ bị giải giới vào năm 1935 – sau vụ ám sát Kirov.
Gọi vào lính giới nông dân là một thành trì còn phải được chinh phục. Năm 1918 chế độ Xô-Viết không có bộ máy quân sự thực sự trong vùng quê. Ít Xô-Viết huyện có ủy ban quân sự, là cơ quan chính có trách nhiệm lo về việc tuyển quân. Thậm chí nếu có, hoạt động của nó thường bị công xã, bộ phận duy nhất có danh sách các nông dân đến tuổi nghĩa vụ, gây trở ngại. Một kiểm kê dân số đầu tiên về quân sự toàn diện đến 1919 mới hoàn thành – điều này có nghĩa trước đó việc tuyển quân thật sự chỉ không hơn một sự kêu gọi có tính tình nguyện. Do đó không có gì ngạc nhiên khi trong số 275,000 nông dân được gọi đầu tiên trong lần tuyển quân vào tháng 6, chỉ có 40,000 người thực sự trình diện.
Có vài lý do tại sao nông dân chống lệnh động viên vào Hồng Quân. Mùa thu hoạch đầu tiên của cách mạng, trùng với thời điểm kêu lính, có tính cấp bách nhất. Việc tuyển mộ và đào ngũ của nông dân trong nội chiến đều dao động tùy theo thời vụ. Nông dân tham gia vào mùa đông, để rồi đào ngũ vào mùa hè. Trong vùng nông nghiệp trung tâm tỉ lệ đào ngũ mỗi tuần vào mùa hè tăng gấp 10 lần so với mùa đông. Khi Hồng Quân lớn mạnh mang tầm vóc quốc gia, những vụ đào ngũ như thế trở nên thường hơn, lên đến 2 triệu trong năm 1919, vì tân binh sợ bị chuyển đi các đơn vị ở xa nông trại của mình.
Trong mùa thu 1918 nhiều công xã kêu gọi hai bên kết thúc nội chiến qua con đường hòa giải. Nhiều người thậm chí tuyên bố mình ‘thuộc cộng hòa trung lập’ và thành lập lực lượng để giữ cho các đạo quân hai phe Đỏ Trắng ở ngoài ‘lãnh thổ độc lập’ của họ. Họ đã chán ngấy chiến tranh. Toàn bộ các tỉnh — Tambov, Riazan’, Tula, Kaluga, Smolensk, Vitebsk, Pskov, Novgorod, Mogilev và thậm chí vài khu vực ở Moscow – đều bị nhận chìm trong những vụ bạo loạn của nông dân chống lại việc bắt lính của Hồng Quân cũng như việc trưng thu. Và nhiệm vụ của các quân ủy là đánh dẹp, khủng bố và hành hình không thương tiếc các người cầm đầu.
Trong những tháng đầu năm 1919 tỉ lệ đầu quân tăng lên đáng kể. Đây là thời kỳ nông nhàn cùng với nỗi sợ phe Bạch Vệ tiến đánh từ vùng Volga và Don, dẫn đến sự mất ruộng đất mà họ đã được hưởng trong cuộc cách mạng, là những nguyên do chính. Nhưng một phần cũng do quyền lực Xô-Viết trong vùng quê được củng cố toàn bộ. Từ 800,000 lính vào tháng giêng, Hồng Quân tăng gấp hai vào cuối tháng 4, đỉnh cao cuộc tiến công của Kolchak ở phía đông. Phần đông những tân binh đến từ vùng Volga, biên giới giữa phe Đỏ và Kolchak, nơi nông dân sợ Bạch Vệ sẽ thắng lợi.
‘Chúng ta đã quyết định sẽ có được quân đội một triệu người vào mùa xuân,’ Lênin tuyên bố vào tháng 10 1918, ‘giờ chúng ta cần một quân đội ba triệu người. Chúng ta có thể có được số đó. Và chúng ta sẽ có nó!’ Và đúng là họ có thật. Hồng Quân tăng đến ba triệu người vào năm 1919, và đến năm triệu vào cuối năm sau. Nhưng mỉa mai thay, sở hữu một số quân đông như thế cũng có nhiều bất cập cho tiềm năng quân sự của chế độ. Bởi vì quân đội tăng nhanh hơn nhiều trong khi kinh tế Xô-Viết suy sụp không thể cung ứng đủ những công cụ của chiến tranh: súng đạn, quân phục, vận tải, xăng dầu, lương thực và thuốc men. Tinh thần và kỷ luật bình sĩ sút giảm theo mức khan hiếm của đồ tiếp tế. Họ đào ngũ hàng ngàn, mang theo với họ vũ khí và quân phục, khiến các tân binh mới tuyển vào phải được tung ngay vào trận mà không kịp huấn luyện đầy đủ, thành ra đến lượt họ còn sẵn sàng đào ngũ nhiều hơn. Hồng Quân bị kẹt vào cái vòng lẩn quẩn của việc gọi lính, tiếp tế thiếu thốn và đào ngũ hàng loạt.
Nếu xét lại, người Bôn-se-vich có thể làm tốt hơn nếu nuôi một đạo quân nhỏ hơn, kỷ luật tốt hơn, trang bị tốt hơn và tiếp tế đầy đủ hơn, không trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế. Như một chỉ huy đã nói với Lênin vào tháng 12 1918: ‘Sẽ thiết thực một ngàn lần hơn nếu chỉ nuôi không hơn một triệu Hồng Quân, nhưng ăn no, mặc ấm và giày vớ đầy đủ, tốt hơn là ba triệu người thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu giày.’ Quân đội như thế, gồm hầu hết là công nhân, sẽ thiện chiến hơn là những nông dân nghĩa vụ chỉ mới biết sử dụng súng sơ sơ và hễ đến mùa gặt là giông về nhà. Trong thực tế, phe Đỏ không có cơ hội đánh thắng phe Trắng, vốn được huấn luyện tốt hơn và có kỷ luật nghiêm minh hơn, trừ khi họ áp đảo quân số gấp bốn lần và đôi khi thậm chí đến mười lần. Với mỗi chiến binh Đỏ thiện chiến trên chiến trường có đến tám đồng đội mà vì thiếu huấn luyện, thiếu quân phục, quân nhu và sức khỏe khiến cho việc triển khai chiến thuật khó lòng thực hiện được. Hơn nữa, một đạo quân nhỏ hơn, nhờ giảm áp lực lên nền kinh tế, nên không dẫn đến những bất cập – trưng thu lương thực gắt gao, áp đặt sức lao động cưỡng bách, và quân sự hoá các hãng xưởng – làm tha hóa công nhân và nông dân với chế độ Xô-Viết. Nói là nói vậy, chứ lúc Lênin điên cuồng cho lệnh gọi lính tới tấp, thì chế độ dường như trên bờ vực thảm bại; và thật dễ hiểu tại sao ông chọn giải pháp quân số cho an toàn.
Nhìn lễ diễu hành trên Quảng trường Đỏ đánh dấu kỷ niệm lần thứ nhất ngày Cách Mạng Tháng Mười, Lênin bổng sốc trước hình ảnh tơi tả của đoàn quân. ‘Nhìn họ xem,’ ông kêu lên, ‘họ bước đi như những bao cát.’ Phần đông đơn vị không có quân phục chuẩn mực, và binh sĩ ăn mặc theo những gì mình vớ được. Nhiều người mặc quân phục của phe Trắng lấy được (mà chính quân phục này lại của người Anh cho). Về phần giày ống da, chỉ có chỉ huy Hồng Quân, quân ủy và kỵ binh mang. Bộ binh nông dân diễu hành mang những đôi giày thô sơ may ở làng quê. Vũ khí cũng không khá gì hơn. Chủ yếu là vấn đề đạn dược: trong khi quân đội cần đến từ 70 đến 90 triệu băng mỗi tháng, xưởng vũ khí ở Tula chỉ sản xuất 20 triệu băng. ‘Có những lúc’, như Trotsky nói, ‘binh lính phải tiết kiệm từng viên đạn, và khi chuyển tàu chở quân nhu tiếp tế không đến kịp toàn bộ sư đoàn phải rút lui.
‘Các đồng chí!’, Trotsky bực dọc cảnh báo trong một buổi hội thảo quân sự năm 1919, ‘mặc dù chúng ta chưa bị Denikin và Kolchak đánh bại, chúng ta có thể bị đánh bại bởi áo choàng hay giày bốt.’ Đúng ra, nếu bị đánh bại, thì Hồng Quân sẽ bị đánh bại bởi bệnh tật và dịch bệnh. Càng ngày càng có nhiều binh lính chết vì bệnh tật hơn vì đánh nhau. Bệnh viêm phổi, dịch cúm, đậu mùa, tiêu chảy, thương hàn và bệnh lậu là những sát thủ chính, nhưng cũng có thêm người chết vì chấy rận, giun sán, kiết lỵ và đau răng.
Trung bình mỗi ngày trong một đơn vị trung bình, 10 đến 15 phần trăm binh sĩ bệnh quá nặng không thể chiến đấu được và bị bỏ lại hậu phương phó cho may rủi. Nhưng một số đơn vị phải giải thể vì tỉ lệ bệnh tật lên đến 80 phần trăm. Điều này đặc biệt đúng trong năm 1920, khi có đến 30 phần trăm Hồng Quân – nghĩa là hơn một triệu lính – bị nhiễm sốt phát ban. Những điều kiện mất vệ sinh của đời sống quân ngũ, nơi xà phòng và nước tắm rửa có khi không có nhiều tuần liền, là những căn nguyên của vấn đề. Nhưng tình trạng thêm trầm trọng do thiếu hụt kinh niên bác sĩ và y tá, thuốc sát trùng giải phẫu, bông và băng và thuốc men. Việc di chuyển Mặt trận tới lui, vốn điển hình của một trận nội chiến, cũng gây khó khăn nếu muốn xây dựng bệnh viện dã chiến đúng cách hoặc tổ chức việc tản thương về hậu cứ. Những nỗi thống khổ mà thương binh phải trải qua thật khó tưởng tượng được. Chính Trotsky, trong dịp thanh sát Mặt trận vào tháng 6 1919, cũng chấn động khi chứng kiến cảnh các thương binh được chữa trị:
Toa tàu đến gần Lisky chở đầy thương binh trong điều kiện kinh khủng. Toa không lót đệm. Nhiều người chen chúc, bị thương và bệnh tật, không mặc quần ảo, chỉ có quần áo lót, từ lâu rồi chưa thay: nhiều người bị nhiễm trùng. Không có nhân viên y tế, không y tá và không ai coi sóc toa tàu. Một chuyến tàu, chứa hơn 400 thương bệnh binh, đỗ ở nhà ga từ sáng sớm đến tối mịt, không người nào được cho ăn. Khó tưởng tượng có gì tội lỗi hơn và đáng hổ thẹn hơn.
Gánh chịu những điều kiện địa ngục như thế, ai có thể kỳ vọng binh sĩ xử sự như những ông thánh. Uống như hũ chìm, cãi cọ và cướp bóc là điều bình thường – và ít nghiêm trọng nhất – của tính vô kỷ luật. Nhưng cũng có báo cáo mỗi ngày về việc bình sĩ không tuân lệnh cấp trên, yêu cầu những điều kiện tiếp tế tốt hơn và được về phép; và thậm chí đe doạ và làm thật những vụ treo cổ các chỉ huy của mình. Những vụ nổi loạn qui mô lớn không phải là hiếm, mà đỉnh cao là những vụ đánh chiếm bộ chỉ huy Mặt trận, bắt giữ và sát hại bộ tham mưu và cử ra các sĩ quan mới. Đối tượng nạn nhân đặc biệt là những sĩ quan và quân ủy ăn chặn đồ tiếp tế, ăn mặc sang trọng mà họ xem là tư sản và Do Thái.
Đào ngũ là cách giải quyết đơn giản nhất thoát khỏi cảnh cùng khổ của binh lính. Hơn một triệu quận đào ngũ khỏi Hồng Quân trong năm 1918, và gần bốn triệu trong năm 1921.
Các quân ủy dùng đủ mọi cách để ngăn chặn tình trạng đào ngũ hàng loạt của nông dân. Họ phái những phân đội vào làng bắt bớ, trừng phạt những gia đình che giấu đào binh, trưng thu lúa gạo, gia súc và bắt dân làng làm con tin, giết các trưởng thôn xúi giục, đốt rụi làng mạc không chịu giao nộp đào binh. Đáp lại các đào binh và dân làng thành lập đội du kích chống lại Hồng Quân. Đôi khi họ tự gọi mình là phe Xanh Lá để phân biệt với phe Trắng và Đỏ. Trong mùa xuân 1919 gần như hậu phương Hồng Quân trên Mặt trận phía Nam và Đông tràn ngập quân Xanh Lá. Trong các tỉnh Tambov, Voronezh, Saratov, Penza, Tula, Orel, Nizhnyi Novgorod, Kaluga, Tver và Riazan’ các băng nông dân, có khi đến vài ngàn người, phá hủy đường sắt, cột điện, cầu cống, cướp phá các kho quân nhu Xô-Viết và phục kích những đơn vị Hồng Quân đi qua. Việc đánh phá và hỗn loạn mà phe Xanh Lá gây ra là một yếu tố nghiêm trọng làm yếu đi Mặt trận Đỏ tại một thời điểm nguy cấp của cuộc nội chiến và dẫn đến sự đột phá của Bạch Vệ.
* * *
Dường như hơi kỳ quặc khi một thanh niên nông dân như Oskin lại thô bạo trong việc đánh dẹp các nông dân nổi dậy tại nơi quê quán của mình. Nhưng điều đó không bất thường chút nào. Hồng Quân có đầy những NCO và quân ủy gốc nông dân như anh. Đó là Trường học của chủ nghĩa Cộng sản của họ – biến đổi họ từ nông dân thành đồng chí. Binh nghiệp luôn là một hình thức vận động hướng thượng và sự biến đổi tâm lý cho giới nông dân. Quân đội mở rộng chân trời cho người nông dân, giúp y làm quen với công nghệ mới và phương pháp tổ chức, và thường dạy y biết đọc biết viết. Trải nghiệm Thế Chiến I của người Nga là một trải nghiệm cách mạng về phương diện này. Phần đông những nông dân bị gọi vào lính, như Oskin, đã được đi học trong thời trường học bùng phát ở nông thôn khoảng 1900 và 1914. Ba trong bốn nông dân đăng kí nghĩa vụ đều khai là biết chữ. Họ lập thành một tổ hợp vốn từ đó xuất hiện một tầng lớp sĩ quan và kỹ thuật viên quân sự mới, thay thế tầng lớp ưu tú cũ đã bị hủy diệt bởi cuộc chiến với Cường Quốc Trung Tâm. Sáu trong mười sinh viên sĩ quan giữa 1914 và 1917 xuất thân từ gia đình nông dân. Đây là những thiếu úy cực đoan, những người như Oskin của năm 1917, cầm đầu cách mạng trong quân đội và được cử vào các ủy ban quân nhân. Bằng cách giáo dục họ, chế độ cũ đã gieo mầm tự phá hủy mình.
Nó cũng tạo ra những bộ binh của chế độ mới. Đã đi lên quá cao trong cấp bậc, thật khó cho những thành niên nông dân này rời cuộc chiến để trở về với cuộc sống buồn tẻ nơi xóm làng. Những kỹ năng và uy tín mới của họ, chưa kể việc tự ý thức phẩm chất của mình, tạo cho họ tham vọng tiến xa hơn. Đối với Oskin, cũng như nhiều nông của thời đại chinh chiến, điều này chỉ có thể là phục vụ chế độ mới. Gia nhập đảng cho họ lối thoát được chào đón ra khỏi thế giới làng quê chật hẹp của ông cha mình, một nước Nga cũ của những tượng thánh và gián. Nó mở cánh cửa vào thế giới mới giữa lòng đô thị của những người ưu tú cai trị đất nước. Hầu hết bộ máy hành chinh, các tỉnh ủy va đồng chí của thập niên 1920, được tuyển ra từ những đứa con trai này của giới nông dân; và đối với phần đông họ cũng như với Oskin, Hồng Quân là con đường đến vinh quang.
Người Bôn-se-vich nhanh chóng nhận ra tiềm năng của Hồng Quân như một trường học cho những nhà hành pháp tương lai. Những bài học cưỡng bách dạy đọc và dạy viết và số học được đưa vào tất cả hàng ngũ ngay từ tháng 4 1918. Số người học đọc trong các doanh trại và trại dã chiến của Hồng Quân nhiều hơn tất cả phần còn lại của đất nước trong những năm đầu của chế độ Xô-Viết. Đến cuối năm 1920, có 3,000 trường Hồng Quân, với hơn 2 triệu cuốn sách. Biểu hiệu đầu tiên của Hồng Quân là hình búa liềm với khẩu súng trường và cuốn sách.
Phần lớn nội dung học tập không tránh khỏi thuộc loại thô sơ nhất của học thuyết tuyên truyền. Nó là hôn phối giữa lý tưởng khai sáng tập thể có tính xã hội và trí thức cũ với yêu cầu học thuyết của chế độ Bôn-se-vich. Sách vỡ lòng và giáo khoa chứa đầy những cảnh từ cuộc sống thường nhật, thân thiết với nông dân, từ đó rút ra những bài học luân lý và chính trị. Đó là những quyển ABC của chủ nghĩa Cộng sản. Dora Elkina nhớ lần đầu bà viết quyến vỡ lòng đầu tiên của chế độ Xô-Viết. Năm 1919 bà được gởi ra Mặt trận phía Nam để dạy binh sĩ học đọc và viết. Mang theo một vài sách của chế độ cũ, bà viết câu đầu tiên lên bảng đen: ‘Masha ăn kasha’. Nhưng binh lính chỉ cười to và la ó. Suýt bật khóc, bà chợt nảy ra ý biến bài học thành cuộc thảo luận chính trị và giải thích cho binh sĩ tại sao họ không thể về nhà với các Masha của mình, và tại sao xứ sở thiếu thốn kasha. Rồi bà quay sang bảng đen và viết: ‘Chúng ta không phải là nô lệ, nô lệ không là chúng ta!’ Đó là một thành tựu vĩ đại trong binh sĩ, đối với họ ý tưởng không phải là nông nô luôn là một lãnh vực quan trọng của cách mạng. Câu diễn tả đơn giản về nhân phẩm này sau đó trở thành nổi tiếng khi là hàng mở đầu của quyển sách tập đọc của bà. Nó được dùng trong các trường tiểu học suốt những thập niên 1920 và 1930. Đối với hàng triệu người Nga, nhiều người giờ còn sống, đó là câu đầu tiên họ học đọc.
Nhà thơ Maykovsky cũng viết và mình họa một quyển vỡ lòng do Ủy ban Khai sáng trong nội chiến đặt hàng. Những truyện tranh giản dị, đậm nét truyền thống Lubok – đã được bán ra hàng triệu bản trong thế kỷ 19 – mang tính châm biếm dân gian, viết theo nhịp của phong cách thơ làng quê chastushka, loại bài hát có vần điệu, và một tính cách khôi hài đả phá mê tín rất hấp dẫn đối với binh sĩ ở chiến hào:
B
Bôn-se-vich săn đuổi bọn burzhoois (tư sản)
Burzhoois chạy có cờ
K
Bò (korovy) khó mà chạy nhanh được
Kerensky từng là Thủ tướng
M
Men-se-vich là những người
Chạy ào tới bên mẹ
Ts
Các bông hoa (tsvety) tỏa thơm ngát về đêm
Sa Hoàng (Tsar) Nicholas yêu chúng rất nhiều
Hồng Quân là vũ đài tuyên truyền chính của người Bôn-se-vich trong thời nội chiến. Nó nhắm rèn luyện binh sĩ theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Bôn-se-vich – để biến đổi họ từ nông dân thành vô sản. Có những câu lạc bộ đọc sách quân đội và những tổ thảo luận, nơi đó những tờ báo mới nhất được đem ra học tập; những buổi hòa nhạc ban đêm và diễn thuyết, nơi những nhân vật Bôn-se-vich xuất hiện; những toa tàu tuyên truyền có thư viện, phòng đọc báo in và thậm chí chiếu phim, đi vòng các Mặt trận; và những nhóm nhạc kịch Hồng Quân chiêu đãi binh sĩ những vở kịch hay bài hát nhằm nâng cao ý nghĩa của quyền lực Xô-Viết và phóng đại những thói ác xấu của kẻ địch.
Nửa triệu lính Hồng Quân gia nhập Đảng Bôn-se-vich trong thời nội chiến. Đây là những nhà truyền giáo của cách mạng. Họ mang chủ nghĩa Bôn-se-vich, lý tưởng và phương pháp của nó, trở lại thị trấn và làng quê, tại đó họ tràn ngập vào các cơ quan Xô-Viết trong đầu những thập niên 1920. Toàn bộ bộ máy Xô-Viết do đó được quân sự hoá. Hồng Quân xét như một tổng thể, với chỉ huy tập trung, được xem như một kiểu mẫu cho bộ máy Xô-Viết. Thành tựu của Hồng Quân không ngừng dẫn đến việc vận dụng các phương pháp quân sự lên khắp hệ thống Xô-Viết. Không có gì hình thành nên những thái độ cai trị của người Bôn-se-vich hơn là trải nghiệm của cuộc nội chiến. Hình ảnh và nhân dạng của chế độ Xô-Viết được đặt trên huyền thoại của một trật tự mới sinh ra từ cuộc đấu tranh vũ trang chống cái cũ; và sự tôn sùng nền tảng cuộc nội chiến trở thành một vũ khí tuyên truyền huyền thoại sống còn của chế độ Stalinit, với lời kêu gọi không ngừng nhân dân Xô-Viết hãy biểu lộ cùng một tinh thần anh hùng, cùng tính kỷ luật và cùng lòng hi sinh, như họ đã chứng tỏ trong nội chiến. Thậm chí ngôn ngữ của chế độ Bôn-se-vich, với việc lặp lại không ngớt những từ ‘chiến dịch’, ‘trận đánh’ và ‘Mặt trận’, các từ ‘đội tiên phong’ và ‘chiến sĩ’ cho Chủ nghĩa Xã hội, in dấu vết của chủ nghĩa quân sự này. Chủ nghĩa Bôn-se-vich đi ra từ nội chiến thấy mình là tình huynh đệ thập tự chinh của các đồng chí vũ trang, chính phục nước Nga và thế giới, một tay cầm viết chì đỏ, tay kia cầm khẩu súng.
ii’Kulak’, Bọn Buôn Chuyến và Hộp Quẹt
Vào tháng giêng 1920 Emma Goldman trở về Petrograd mà bà đã biết khi là một cô gái tuổi teen vào thập niên 1880. Trong hơn 30 năm, khi người đảng viên Anarchist sống ở Mỹ, ‘không khi vui tươi của thành phố, vẻ sống động và rực rỡ của nó’ vẫn còn tươi rói trong ký ức của bà. Nhưng Petrograd mà bà bắt gặp trong năm 1920 là một nơi chốn hoàn khác :
Thành phố gần như là hoang tàn, như thể vừa có một trận cuồng phong quét qua. Nhà cửa trông như những lăng mộ cũ suy sụp nằm trong một nghĩa trang bị quên lãng, không người chăm sóc. Đường phố bẩn thỉu và hoang vắng; mọi cuộc sống đã bỏ đi khỏi chúng. Dân số Petrograd trước chiến tranh gần đến hai triệu người; vào năm 1920 nó rút xuống còn 500,000. Dân chúng lang thang như những xác sống; thực phẩm và chất đốt thiếu hụt dần dần làm kiệt quệ thành phố; tử thần ghê gớm đang xiết chặt trái tim nó. Các ông bà và trẻ con tiều tụy bị quất bởi cùng một trận đòn roi, đó là săn lùng một mẫu bánh mì hoặc một thanh củi đốt. Thật là một cảnh tượng xé lòng vào ban ngày, một nỗi uất ức đè nặng về đêm. Sự bất động hoàn toàn của thành phố lớn đang tê liệt. Nó ám ảnh tôi, vẻ thê lương nặng nề đáng sợ này thỉnh thoảng bị phá vỡ bằng một tiếng súng.
Những thành phố lớn ở miền bắc chịu thiệt hại lớn trong cách mạng và nội chiến. Nhà cửa bị tàn phá, thị trấn không khác những thị trấn ma. Petrograd là một trong những nạn nhân chính: việc di tản thủ đô đến Moscow dường như tước đoạt nó mọi sức sống. Gorky, một người Petersburg đến phút cuối cùng, nhìn sự suy tàn của nó như một dấu hiệu nước Nga đang sụp đổ khỏi nền văn minh, sự thoái hóa từ châu Âu thành châu Á. ‘Petrograd đang hấp hối,’ ông viết cho Ekaterina vào năm 1918. ‘Mọi người đang bỏ đi – bằng đôi chân, bằng ngựa, bằng tàu hỏa. Những con ngựa chết nằm lăn ra đường. Lũ chó bu lại ăn thịt. Thành phố bẩn thỉu không thể tin được. Moika và Fontanko ngập ngụa rác rến. Đây là cái chết của nước Nga.’ Zamyatin, trong truyện Hang Động (1922) của ông, mô tả Petrograd thời nội chiến như một khu dân cư thời kỷ nguyên băng hà, nơi cư trú của những người hang động tôn thờ ‘vị thần hang động’ của mình, nấu nướng và sưởi ấm bằng sách vở. Vai chính của câu chuyện, Martin Martinych, người yêu khúc giao hưởng Opus 74 của Scriabin, thoái hóa thành tên ăn trộm gỗ của người hàng xóm.
Đối với những ai còn sống ở thành phố những năm này, ắt hẳn thấy dường như cuộc sống đô thị Nga đang quay về thời tiền sử. Những trung tâm một thời náo nhiệt giờ trở nên hoang vu ma quái. Cửa hàng và khách sạn cửa khóa then cài; hãng xưởng đóng cửa. Không xe cộ qua lại, cỏ dại bắt đầu mọc trên những đường hoang vắng. ‘Petrograd đang biến thành một nghĩa địa,’ Vasilii Vodovozov, một giáo sư già, nhà hoạt động cấp tiến, viết trong nhật ký của mình vào mùa xuân 1919. ‘Nhưng không khí trong sạch như trong một nghĩa trang làng.’ Ngựa biến mất khỏi đường phố, vì chủ chúng không còn nuôi chúng được, và chúng xuất hiện trở lại trong những nồi súp hoặc nồi cà ri. ‘Xúc xích nội chiến’ là một cái tên ưu ái cho món thịt ngựa – hoặc thậm chí tệ hơn (vì không chỉ có ngựa biến mất: nạn đói cũng quét sạch khỏi môi trường đô thị nào chó, mèo và chim chóc, cùng các động vật ở sở thú). Một trong những cảnh tượng đau lòng ở thành phố những năm này là hình ảnh những đứa trẻ gầy guộc kéo xe chở hàng hay chở khách thay ngựa. Thậm chí điện Kremlin còn không thể nuôi ăn lũ ngựa – 20 con đã chết đói- do đó nhân viên phải đi bằng xe kéo tư.
Chuột và gián là hai loài sinh sôi duy nhất. Sự hỏng hóc của nhà kho và hệ thống cống rãnh tạo ra môi trường sinh đẻ cho các loài gặm nhấm. Các hàng rào gỗ biến mất vì dân chúng nhổ lên làm củi đốt. Một ngôi nhà ba tầng bỏ hoang chỉ trong một hai đêm sẽ bị lột sạch chỉ còn trơ phần nề. Ba ngàn ngôi nhà gỗ bị lột sạch riêng ở Petrograd trong 1919-20. Dân chúng vác khung cửa và ván lót tường, ván lót sàn. Toàn bộ cây trong thành phố biển mất khi dân chúng đốn ngã làm gỗ đốt. Trong thành phố Nikolaev ở Ukraine đại lộ trung tâm mất sạch cây cối trong hai ngày tháng giêng 1920 giữa thời gian phe Trắng bỏ đi và phe Đỏ đến. Trong những mùa đông băng giá của thời nội chiến món quà quí nhất người ta có thể trao tặng cho bạn bè là một khúc gỗ. Dân chúng sẵn sàng giết nhau vì nó. Họ đốt đồ đạc của mình, sách vở và thư từ, chỉ để xua cái lạnh đi.
Về phần điều kiện vệ sinh thành phố, nó gần như không thể nào diễn tả được. Ống nước vỡ trong băng giá mùa đông. Dân chúng phải hứng nước từ những giếng bơm trong đường phố, và dùng sân nhà làm nơi vệ sinh. Cầu thang dẫn lên các căn hộ nồng nặc mùi nước tiểu. Không có đèn điện, chỉ được mở hai hay ba giờ trong đêm, người ta phải tự chế loại đèn dầu bằng những chai lọ đựng mở. Họ gọi là nedyshalka (đèn ngộp thở), vì nó xông khói có mùi cay nồng làm viêm cổ họng và phổi và làm đen tường. Không có hệ thống thu gom rác hiệu quả vì thiếu ngựa. Dân chúng đổ rác ra đường và quảng trường. Bệnh dịch vì thế lan truyền: dịch tả, sốt phát ban, kiết lỵ giết hàng ngàn người mỗi năm. Tử suất ở Petrograd ước tính lên đến 80 mỗi ngàn dân vào năm 1919. Nhà xác và nghĩa địa quá tải, và xác chết nằm hàng tháng trời đợi người để chôn cất.
Thực phẩm, vì tính trạng khan hiếm, trở thành tâm điểm của khủng hoảng. ‘Nạn đói ở Petrograd đã bắt đầu,’ Gorky viết vào tháng 6 1918. Hầu như mỗi ngày người ta phải đi thu gom xác chết đã ngã xuống vì kiệt sức trên đường phố.’ Nguồn tiếp tế lương thực cho thành phố xuống dốc. Tiệm bánh đóng cửa. Thậm chí trong thành phố Saratov của vùng Volga, ngay giữa vùng sản xuất lúa gạo sung túc nhất của xứ sở, những hàng người xếp hàng dài để mua bánh mì trước 5 giờ sáng, hai giờ trước khi tiệm bánh mở cửa. Công nhân trung bình tiêu thụ không tới 2,000 calori mỗi ngày – ít hơn phân nửa so với chỉ tiêu dinh dưỡng. So sánh với những năm trước chiến tranh, còn lâu mới là thời hoàng kim, giờ thì y chỉ ăn phân nửa số lượng bánh mì và một phần ba lượng thịt. Giá lương thực tăng vọt, còn lương công nhân không theo kịp. Vào năm 1918 giá trị thực của lương công nhân chỉ bằng 24 phần trăm giá trị năm 1913; và vào cuối năm 1919 giá trị xuống còn 2 phần trăm. Nghiên cứu cho thấy một công nhân trung bình tiêu tốn ba phần tư lợi tức để mua thực phẩm, so với không tới phân nửa trong năm 1913. Nó cũng cho thấy lương chỉ chiếm phân nửa lợi tức của công nhân. Nói cách khác, tập thể công nhân buộc phải sinh nhai bằng những hình thức mưu sinh phụ thêm hoặc qua chợ đen. Lương công nhân chỉ nuôi đủ gia đình ba ngày. Để chi tiêu những ngày còn lại, họ phải bán dần đồ đạc ra chợ đen; chạy ra vùng quê trao đổi với nông dân; dẫn con cái ra đường xin ăn; còn vợ và con gái thì ra phố bán thân. Có ít nhất 30,000 gái mãi dâm trên đường phố Petrograd vào năm 1918, hầu hết là vị thành niên. Nhiều cô trong số đó là ‘con nhà danh giá’. Một nghiên cứu vào đầu thập niên 1920 cho thấy 42 phần trăm gái điếm ở Moscow là từ giới quí tộc hoặc tư sản đã bị hủy hoại bởi cách mạng. Emma Goldman thấy phố Nevsky Prospekt xếp hàng dài những cô gái trẻ xinh ‘bán thân để đổi một ổ bánh mì hoặc một bánh xà phòng hoặc thanh kẹo xô cô la’
Đối với thành phần gọi là ‘người trước đây’, không có công ăn việc làm, không có khẩu phần, việc săn lùng thực phẩm mỗi ngày là việc đau lòng. Từng là mầm chồi cao quí của giới thượng lưu giờ phải bán đi những món quí giá cuối cùng của mình trên đường phố. Tầng lớp béo tốt đã thành gầy còm. Khi được hỏi sống thế nào, họ sẽ nói đùa: ‘Có thể tệ hơn. Ít nhất, tôi đang xoay sở để sụt bớt cân.’ Thậm chí nhà Brusilov cũng thường thiếu ăn, mặc dù những món quà đều đặn gồm bơ, sữa, mật ong và sốt chua được những cựu quân nhân gốc nông dân trung thành thời chiến tranh gởi đến. Năm 1919 Brusilov đồng y nhận một vị trí trong thư khố của Bộ Tham mưu Hồng Quân giám sát việc biên soạn về vai trò của Nga trong Chiến tranh Vĩ Đại. Ông được trả lương 3,500 rúp mỗi tháng, không đủ sống. ‘Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh họ sống,’ một người bạn thân gia đình Brusilov nhớ lại. ‘Bữa ăn chính của họ chỉ độc một đĩa thức ăn, thường chỉ có khoai tây.’
Gorky gánh vác nghĩa vụ cho giới trí thức chết đói. Ông quảng bá nỗi thống khổ tuyệt vọng của họ trong các bài xã luận của tờ báo Novaia zhizri của mình. Giáo sư Gezekhus, nhà vật lý lừng danh, giờ là một ông già 72, nằm trong bệnh viện, ‘bụng trương lên vì đói’, như các nạn nhân trong nạn đói Phi châu. Vera Petrova, một thầy thuốc zemstvo, ‘đang chết mòn vì đói, không ai săn sóc, bẩn thỉu, trong một căn phòng bụi bặm đáng sợ’. Glazunov, nhà soạn nhạc nổi tiếng, đã trở nên ‘gầy rạc và xanh xao’, và sống cùng bà mẹ già trong hai gian phòng không được sưởi ấm ở Petrograd. Khi H. G. Wells đến thăm ông, Glazunov xin ông gởi cho mình giấy trắng để ông có thể viết những sáng tác của mình. Thậm chí Pavlov, khoa học gia duy nhất đoạt giải Nobel của Nga, cũng buộc phải bỏ thời gian trồng cà rốt và khoai tây. Gorky kêu gọi các lãnh đạo Bôn-se-vich những khẩu phần đặc biệt, một căn hộ tốt hơn và những đòi hỏi khác cho những thiên tài đang chết đói này. Lênin chấp nhận hầu hết các yêu cầu của Gorky: lúc nào ông cũng giữ mối thiện cảm đặc biệt với Gorky và, có lẽ hợp lý hơn, vì ông biết ảnh hưởng của nhà văn đối với nước ngoài. Gorky sử dụng điều này để cứu vớt văn hóa Nga cổ nhiều như có thể: ông trở thành nhà quản lý viện bảo tàng tự phong (đôi khi dùng uy tín mình để mua những tác phẩm nghệ thuật với giá rẻ cho mình). Mối đe doạ văn hóa đặt ra cho cách mạng là chủ đề thường xuyên của Gorky. Vào buổi sáng người Bôn-se-vich cướp chính quyền ông cho chạy tít lớn trên tờ Novaia zhizri VĂN HÓA LÂM NGUY! Ông thành lập nơi cư trú cho nhà văn trong ngôi nhà trước đây của Yeliseev, một thương gia giàu có, trên góc phố Nevsky Prospekt và Bolshaia Morskaya. Ban đêm ngôi nhà mũi nhọn trông như một con thuyền, thành ra nó được biết dưới tên ‘con tàu của những tên điên’. Sau đó Gorky dựng lên Nhà Nghệ Sĩ. Ông cũng dựng lên nhà xuất bản của riêng mình, Văn chương Thế giới, để in những tác phẩm cổ điển với ấn bản đại chúng giá rẻ. Văn phòng ông thuê hàng trăm nhà văn, nhà báo, học giả, nhạc sĩ và nghệ sĩ để phiên dịch và biên tập để họ khỏi phải tự mình mưu sinh. Gorky xem đó là một công việc từ thiện hơn là kinh doanh. Và đúng là nhiều nhân vật tên tuổi của nền văn học thế kỷ 20 — Zamyatin, Gumilev, Babel, Chukovsky, Khodasevich, Mandelstam, Shklovsky, Piast, Blok và Zoshchenko — mang ơn ông đã giúp họ sống sót qua những năm đói kém. Mặc dù những năm sau đó nhiều người lên án ông liên hệ mật thiết với phe Bôn-se-vich, họ không biết nhờ mối liên hệ đó họ mới sống sót qua nội chiến.
Gorky biến căn hộ bề thế của mình trên phố Kronversky Prospekt thành nơi tị nạn của những nạn nhân bị bức hại và không một xu dính túi của cuộc nội chiến. So với cái giá lạnh và ẩm thấp mà hầu hết dân chúng sinh sống, thì chốn ấy quả là thiên đường. Viktor Serge mô tả nó là ‘ấm áp như một nhà kính’. Gorky thu gom các ‘bà vợ’ và ’em gái’, ‘con gái’ và ’em trai’, tất cả bọn họ phần nào đều là nạn nhân của khủng bố, mà ông cho phép cư trú trong nhà mình. Quá nhiều người đến với căn hộ của Gorky – lúc đầu đơn giản chỉ đến uống trà và chuyện vãn nhưng rồi ở lại luôn đến vài năm đến nỗi bức vách ngăn căn hộ ông với căn liền kề phải được đập bỏ và hai căn hợp thành một. Nhân tình của Gorky, Moira Budberg (lúc đó còn là Nữ Hầu tước Benckendorff), sống trong một phòng, và lo việc nấu ăn gần như thường xuyên với sự trợ giúp của bạn gái nghệ sĩ Tatlin, sống trong một căn phòng khác. Lúc nào quanh bàn ăn cũng là một bộ sưu tập tạp sắc và thú vị những hạng người. Những nhà văn và nghệ sĩ tiếng tăm chạm vai với những thủy thủ và công nhân mà Gorky nhặt được trên đường phố. H. G. Wells dừng chân tại đó khi ông đến nước Nga vào năm 1920. Shaliapin là người hằng lui tới, và luôn nguyền rủa bọn Bôn-se-vich; các lãnh đạo Bôn-se-vich cũng vậy, Lunacharsky và Krasin, và phó Phòng cơ quan Cheka Petrograd, Gleb Bokii, ắt hẳn đã chạm trán với nhiều nạn nhân của y tại đó. Thậm chí một Đại Công tước trước kia, Gavril Konstantinovich Romanov, cùng với Nữ Đại Công tước trước kia và con chó của bà. Gorky thương hại họ và giải cứu họ khỏi nhà tù Cheka sau khi Gavril lâm bịnh. Cặp vợ chồng sống trên tầng cao nhất, trong một gian phòng chứa nhiều đồ cổ và những bức tượng Phật, và ít khi rời khỏi nhà vì sợ bị bắt. Tại bàn ăn họ ngồi im lặng một cách kiêu kỳ. Bởi vì, như Đại Công tước trước kia sau đó viết, tại bàn ăn của Gorky có những người ‘cười đùa trên nỗi đau khổ của chúng tôi’, và ‘điều đó khiến chúng tôi khó chịu khi sống chung với họ’.
* * *
Tình trạng khủng hoảng lương thực đô thị chủ yếu là vấn đề phân phối và trao đổi hơn là do sản xuất. Hệ thống đường sắt thực sự suy sụp, phần lớn là do khủng hoảng kinh tế và khan hiếm năng lượng triền miên, và không thể đảm đương việc vận chuyển lương thực đến thành phố. Các trạm tu bổ tàu hỏa là một nghĩa địa các đầu máy hư hỏng. Hơn nữa phân nửa đầu máy đang hoạt động cần tu bổ, nhưng các trạm sửa chữa đều hoàn toàn hư hỏng. Vấn đề chính là thiếu phụ tùng thay thế. Công nhân phải tháo phụ tùng còn xài được ở đầu máy hư hỏng để sửa chữa cho một đầu máy khác. Hoạt động đường sắt còn lâm vào cảnh hỗn loạn tệ hại hơn khi từng đám đông người, nào dân thị trấn chết đói, nào binh sĩ bỏ ngũ, nào dân tị nạn từ vùng chiến tranh, tràn ngập mỗi chuyến tàu về quê, nơi họ hi vọng định cư để tránh nạn đói hoặc mua thực phẩm rẻ. Họ hối lộ các nhân viên đường sắt và nhiều toa hàng hóa bị cướp bóc hoặc đổi hướng. Các toa hàng chở đầy thực phẩm từ vùng quê có khi về đến Petrograd và Moscow trống trơn.
Rồi còn việc nông dân không sẵn lòng bán nông sản của mình để lấy tiền mặt vì nạn lạm phát. Nhà nước thu mua với giá cố định từ năm 1916 khiến nông dân rút lui khỏi thị trường. Họ giảm sản lượng, chuyển sang trồng những cây lương thực không bị nhà nước kiểm soát, hoặc giấu sản lượng dư thừa, hoặc tuồn bán ra chợ đen ở thị trấn, có khi để nấu rượu vodka.
Petrograd mất gần ba phần tư dân số từ 1918 đến 1920. Dân số Moscow giảm phân nửa. Dân chúng đua nhau về quê sinh sống. Họ ngồi chen chúc trên toa tàu, bám vào cửa sổ và bộ phanh rất nguy hiểm. Một chuyến tàu rời Petrograd quá tải đến nỗi mất thăng bằng khi qua cầu và rơi xuống sông Neva, nhận chìm hàng trăm hành khách.
Không thiếu những nhà quí tộc bỏ cả sản nghiệp ở thành phố để về quê. Trong đó phải kể đến Tanya Kuzminsky, em vợ của văn hào Tolstoy; nhà Brusilov; nữ thi sĩ Marina Tsvetaeva, Nữ Bá tước Meshcherskaya.
Nhưng chính tầng lớp công nhân mới là thành phần lớn nhất bỏ thành phố chết đói. Mặc dù không ai biết rõ con số chính xác, dường như khoảng một triệu công nhân thất nghiệp vào mùa xuân 1918. Các ngành công nghiệp chiến tranh nhận cú đánh đau đớn nhất, đặc biệt quân nhu và hóa chất, mất gần nửa triệu công nhân. Các ngành kim khí ở Petrograd, đặc biệt, bị tàn phá bởi nạn thiếu hụt chất đốt, nạn giải ngũ và việc di tản thủ đô. Lực lượng lao động của các hãng xưởng này từ một phần tư triệu xuống còn 50,000 người trong sáu tháng đầu năm 1918. Đó là một tai họa cho người Bôn-se-vich. Những cứ điểm một thời hùng mạnh, nhà máy New Lessner và Erickson, mỗi nhà có hơn 7,000 công nhân trong mùa thu 1917, giờ chỉ còn lực lượng khung 200 công nhân vào mùa xuân sau. Trong sáu tháng đầu của chế độ Bôn-se-vich, số đảng viên ở Petrograd từ 50,000 giảm chi còn 13,000. Đảng Bôn-se-vich, theo lời của Shliapnikov, đang trở thành ‘đội tiên phong của một giai cấp không tồn tại’.
Những công nhân chuồn ra vùng quê ắt hẳn là những công nhân đã đến thành phố sinh sống gần đây nhất – nhất là những phụ nữ đến trong thời kỳ bùng phát công nghiệp của Thế Chiến I – và do đó có mối dây ràng buộc còn thân thiết với làng quê. Đó là những công nhân không tay nghề và bán-nông thôn – chắc chắn là những người bị chủ cho nghỉ việc đầu tiên – thành ra những công nhân còn lại trong thành phố có khuynh hướng chuyên môn hơn là vô sản (nói cách khác là những người sinh ra ở thành phố và không có họ hàng thân thiết ở miền quê). Đây chính là đám công nhân sẽ cầm đầu đình công và phản kháng chống người Bôn-se-vich vào năm 1918.
Không chỉ có nạn công nhân bỏ đi mà còn có hiện tượng dân thành phố ra vùng quê đi buôn chuyến, làm hỗn loạn hệ thống vận tải. Hàng triệu người thành thị, đủ mọi giai tầng, sống nhờ vào việc buôn bán nhỏ lẻ này. Họ rời thành phố, cắp theo các túi quần áo và đồ đạc trong nhà để ra chợ quê bán hoặc đổi chác lấy nông phẩm, rồi mang nông phẩm trở lại thành phố. Tàu hỏa tê liệt vì đạo quân buôn chuyến này. Ga Orel, một ga trung chuyển chính trên tuyến đường xuống miền nam, có 3,000 dân buôn chuyến lên mỗi ngày. Nhiều người trong số đó có mang theo vũ khí khống chế nhân viên hoả xa, khiến chính quyền địa phương cũng bất lực. Những nơi đến phổ biến nhất là các tỉnh Tambov, Kursk, Kazan, Simbirsk và Saratov, bị xâm lăng mỗi tháng chừng 100,000 người.
Gần như mọi công nhân đều làm thêm nghề buôn chuyến để tăng thêm lợi tức mới đủ nuôi sống gia đình. Nhiều người ăn cắp những công cụ, xăng dầu và sắt vụn tại hãng xưởng họ làm. Những người khác chế tạo những sản phẩm thô sơ trong hãng xưởng của họ để trao đổi lấy nông phẩm của nông dân. Bếp dầu, dao bấm và hộp quẹt là mặt hàng thông dụng nhất. Những đế giày cũng được làm từ băng chuyền; cây cấm nến làm từ ống sắt; rìu và cày từ các thanh sắt.
Không hiếm các ủy ban nhà máy chấp nhận hoặc ít nhất làm ngơ cho những hành động quá đáng này. Nhiều ủy ban đánh bóng cho Sắc lệnh về Quyền Kiểm Soát Công nhân, coi nó như cho phép công nhân được chia sản phẩm làm ra như nông dân chia ruộng đất của quí tộc. Kỹ nghệ liền bị ngưng trệ vì hầu hết công nhân bỏ hết thời gian lo sản xuất những món hàng chợ đen này rồi chạy ùa ra vùng quê để trao đổi lương thực. Trung bình một ngày trong một xưởng trung bình 30 phần trăm lực lượng lao động vắng mặt. Trong một số nhà máy kim khí tỉ số vắng mặt có khi lên đến 80 phần trăm.
Nhiều hãng xưởng và thậm chí một số Xô-Viết quận hoặc thành phố tổ chức lối buôn chuyến trên phạm vi tập thể. Không nhờ hình thức buôn chuyến này, kỹ nghệ sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Hãng xưởng hoặc Xô-Viết phải móc nối với một ngôi làng hoặc Xô-Viết nông thôn để thương lượng việc trao đổi một số sản phẩm lấy nông sản tương đương. Một toán công nhân sau đó sẽ được phái đi để hoàn tất việc trao đổi. Dù cố gắng, người Bôn-se-vich bất lực không thể ngăn chặn loại buôn chuyến tập thể này. Tiền mặt không được sử dụng trong những hoạt động loại này. Ở Kaluga, chẳng hạn, một thước vải đổi được một cân bơ, hoặc hai cân đậu; một cân xà phòng đổi được hai cân hạt kê; và một đôi giày bốt một bao khoai tây. Bột mì là kim bản vị của hệ thống đổi chác thời trung cổ này: một cân có giá 30 cân dầu lửa, hoặc 3 cân thuốc lá, hoặc một áo choàng mùa đông.
Việc hợp tác đã phát triển trong chiến tranh như một phương tiện thương mại chủ yếu giữa thị trấn và thôn quê. Vào năm 1918, họ tuyên bố đã phục vụ nhu cầu của 100 triệu người tiêu thụ (70 phần trăm dân số). Người nông dân đối tác, qua trao đổi nông sản, cũng có được những công cụ tiên tiến, phân hóa học, tín dụng và được cố vấn về những kỹ thuật canh tác mới nhất.
* * *
Nếu không quá thù nghịch với thị trường, người Bôn-se-vich có thể đã sử dụng hệ thống trao đổi tập thể này để giúp nuôi sống thành phố và tiếp tế cho kỹ nghệ. Dù sơ khai và rối loạn, nó còn hiệu quả hơn biện pháp độc quyền cung cấp lương thực của nhà nước, bắt đầu được đưa vào từ tháng 5 1918 như là nền tảng của nền kinh tế kế hoạch của họ. Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến, như tên gọi của hệ thống này, về nhiều phương diện là hình mẫu của kinh tế Stalinit. Nó nhắm đến việc bãi bỏ mọi buôn bán tư nhân, tối đa hóa quyền kiểm soát phân phối và thị trường lao động của nhà nước, quốc hữu hóa tất cả ngành công nghiệp qui mô lớn, nông nghiệp tập thể, và ở đỉnh cao năm 1920 thay thế hệ thống tiền tệ bằng hệ thống toàn diện chia khẩu phần nhà nước.
Nguồn gốc của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến, từ lâu đã là đề tài tranh luận gay gắt giữa các sử gia. Đối với các sử gia cánh Tả nó thực sự chỉ là một đáp ứng thực tiễn đối với những yêu sách quân sự của nội chiến; trong khi đối với những người cánh Hữu nó được rút ra trực tiếp từ ý thức hệ Lêninnit. Theo quan điểm tả khuynh, Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến không hơn một sự lệch hướng tạm thời khỏi nền kinh tế hỗn hợp mà Lênin đã vạch ra trong mùa xuân 1918 và ông sẽ quay trở lại trong Chính sách Tân Kinh tế năm 1921. Điều này ám chỉ rằng chủ nghĩa xã hội thân-thị trường hay ‘mềm’ được người Bôn-se-vich theo đuổi trong hai thời kỳ này là bộ mặt thực của chủ nghĩa Lênin đối lại với chủ nghĩa xã hội chống-thị trường hay ‘cứng’ của thời kỳ Cộng sản Thời Chiến và thời kỳ Stalinit.
Như vậy ‘chủ nghĩa Lêninnit’ tán thành những cải tổ của Gorbachev. Tuy nhiên, theo quan điểm cánh Hữu, ‘chủ nghĩa xã hội cứng’ của nội chiến lấy cảm hứng trực tiếp từ những nguyên tắc trung ương tập quyền ngay trung tâm ý thức hệ cách mạng của Lênin. Người Bôn-se-vich, trong tính toán này, chấp nhận Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến như một phương tiện để đưa vào chủ nghĩa xã hội bằng sắc lệnh, và chỉ nhượng bộ với thị trường khi họ buộc phải làm thế. Do đó có một sự tiến bộ hợp lý, một sự liên tục lịch sử, giữa cương lĩnh của Lênin 1902, Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến và kinh tế kế hoạch kiểu Stalin.
Trong khi chủ nghĩa thực dụng và ý thức hệ đều là những nhân tố thích hợp, không có nhân tố nào đủ để giải thích về đường lối trong đó nền kinh tế kế hoạch đầu tiên của thế giới được tổ chức.
Lập luận theo chủ nghĩa thực tiễn có những sai sót nền tảng. Là một đáp ứng thuần túy thực tiễn cho những hỗn loạn vào mùa xuân, Độc Quyền Lúa Gạo vào tháng 5 1918 – yếu tố chủ yếu đầu tiên của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến – gây ra thảm họa. Những nỗ lực vô lý và vô ích của nó nhằm dẹp bỏ thị trường chỉ tạo thêm hỗn loạn, khi hàng ngàn quân ủy và tài nguyên nhà nước được tung vào cuộc chiến chống việc buôn bán tự do. Trên cơ sở thuần túy thực tiễn, tốt hơn nên duy trì thị trường hơn là cố dập tắt nó, như Lênin đã nhận ra vào năm 1921. Và thật ra tại những thời điểm khủng hoảng trong suốt thời nội chiến người Bôn-se-vich buộc lòng phải dỡ bỏ việc ngăn cấm buôn bán tự do vì nhận ra hệ thống phân phối nhà nước không thể nuôi ăn thành phố, dù việc này đi ngược với học thuyết của họ.
Còn về lập luận cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến là một đáp ứng đối với những yêu sách của nội chiến thì sao? Chắc chắn, người Bôn-se-vich, như tất cả những chính quyền thời chiến ở châu Âu trong thời gian đó, đang ra sức kiểm soát kinh tế để phục vụ chiến tranh (nhiều cương lĩnh kinh tế Bôn-se-vich được lấy theo mô hình kinh tế thời chiến của Đức). Nhưng Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến không chỉ là cách đáp ứng với nội chiến; nó cũng là một phương tiện để tiến hành nội chiến. Nội chiến không chỉ đánh nhau trên các chiến trường – đây là khía cạnh nền tảng của chiến lược cách mạng Bôn-se-vich – nó cũng được chiến đấu trên cái mà họ gọi là ‘mặt trận nội bộ’, trong xã hội và kinh tế, qua những chính sách của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến. Trừ khi ta nhận ra sự kiện nền tảng này – rằng những chính sách của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến được người Bôn-se-vich xem như một công cụ của cuộc đấu tranh chống các kẻ thù ‘nội bộ’ – ta không thể giải thích tại sao những chính sách này được giữ nguyên trong hơn một năm sau khi phe Bạch Vệ đã bị đánh bại.
Lập luận cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến lấy cảm hứng từ ý thức hệ cũng không đủ. Chắc chắn, người Bôn-se-vich đều đoàn kết bởi một niềm tin nền tảng về khả năng cưỡng bách của nhà nước nhằm tạo ra sự chuyển tiếp đến chủ nghĩa xã hội trong một xứ nông nghiệp chậm tiến như Nga. Đây là tinh túy ý thức hệ của họ. Họ cũng chia sẻ sự ngờ vực đã cắm rễ ăn sâu về thị trường được khẳng định là mang tính ý thức hệ. Các nhà xã hội chủ nghĩa nước ngoài bị sốc khi thấy người Bôn-se-vich căm thù sâu sắc với thương mại tự do. Người Bôn-se-vich không chỉ muốn điều tiết thị trường – như các nhà xã hội chủ nghĩa và phần lớn chính quyền thời chiến Âu châu đã làm – mà họ còn muốn tiêu diệt nó. ‘Càng nhiều thị trường càng ít chú nghĩa xã hội, càng nhiều chủ nghĩa xã hội càng ít thị trường’, đó là tín điều của họ. Nền kinh tế chính trị thiển cận này ắt hẳn là hệ quả của trải nghiệm cuộc sống riêng của người Bôn-se-vich. Hầu hết hàng ngũ đảng là con cái nông dân và công nhân, những người trẻ như Kanatchikov, đã chịu đựng những điều tồi tệ nhất của cảnh cùng quẫn nông thôn cũng như thành thị. Marx đã dạy họ đấy là hậu quả của ‘chủ nghĩa tư bản’. Họ nhìn thấy tác động của thị trường như một biểu hiện đơn giản của sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí buôn bán sơ khai kiểu buôn chuyến, theo quan điểm của họ, nếu không được chế tài, sẽ dẫn đến sự sống lại của hệ thống tư bản. Mặc dù đa số áp đảo những người buôn chuyến hoạt động vì mưu sinh hơn là kiếm lời, người Bôn-se-vich mô tả họ là những ‘kẻ đầu cơ’, ‘bọn trục lợi’ và ‘ký sinh trùng’. Tất cả những tệ nạn xã hội của thời hậu chiến, từ nạn thất nghiệp đến mãi dâm, đều đổ xuống đầu họ do tác động của thị trường.
Tuy nhiên, không thể nói rằng ý thức hệ nhà nước chỉ huy và chống đối thị trường triệt để này đã được thể hiện trong một chiến lược kinh tế rõ ràng trước khi đưa vào Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến. Đúng ra, người Bôn-se-vich chia rẽ sâu sắc về chính sách kinh tế trong năm 1918. Trong khi những người Cộng sản cánh Tả muốn lập tức tiến đến việc bãi bỏ hệ thống tư bản, Lênin nói về việc sử dụng các phương pháp tư bản để tái thiết nền kinh tế. Những chia rẽ này được chà láng lại nhiều lần trong suốt những năm nội chiến – nhất là về chính sách tài khóa và việc sử dụng các nhà quản lý ‘tư sản’ – sao cho những chính sách của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến phải bị chặt nhỏ và thay đổi theo lợi ích của tình đoàn kết trong đảng. Từ đó, trong khi các sử gia cánh hữu có thể nghĩ về Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến như một cương lĩnh nguyên khối tích hợp với ý thức hệ Bôn-se-vich, phần nhiều điều đó thực ra là ứng biến.
Việc đưa ra Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến thực chất là một đáp ứng chính trị cho cuộc khủng hoảng thành thị vào năm 1918. Trong mùa xuân đó người Bôn-se-vich bị ám ảnh bởi tấm gương Công xã Paris. Họ không ngừng so sánh tình trạng của mình với tình trạng của những người cách mạng Paris của năm 1871, và xem xét chính sách của mình dưới ánh sáng của mối tương đồng lịch sử, cố gắng tìm cách liệu mình có thể cứu được những người cách mạng Pháp khỏi thảm bại. Người Bôn-se-vich biết quá rõ rằng cơ sở quyền lực của mình, giống như người Công xã Pháp, chỉ tập trung ở các thành phố lớn, và rằng họ đang đối mặt với thảm họa bị bao vây bởi giới nông dân thù địch mà họ không có hàng hóa để đổi lấy lương thực. Họ tin rằng, trừ khi họ mở rộng quyền lực ra vùng quê và phát động một cuộc thập tự chinh chống bọn ‘tích trữ lúa gạo’, cuộc cách mạng thành thị của họ, như của Công xã Paris, sẽ bị nạn đói hủy diệt. Việc công nhân từ thành phố chạy về vùng quê và những vụ đình công và phản kháng của họ chống sự khan hiếm lương thực được coi như là những dấu hiệu đầu tiên của sự sụp đổ. Điều cốt lõi, theo suy nghĩ của người Bôn-se-vich, là chiếm đoạt lúa gạo của nông dân bằng vũ lực, ngăn chặn sự hỗn loạn của việc buôn chuyến và nắm chắc kỹ nghệ, nếu họ muốn tránh thảm họa chắc chắn.
* * *
Khi Trotsky bênh vực việc áp dụng độc quyền thóc gạo tại một hội đồng Xô-Viết ngày 4/6, ông bị thính giả la ó. Các SR cánh Tả công kích ông ‘phát động nội chiến chống nông dân’. Vào ngày 9/5 thật ra chính quyền đã tuyên bố rằng tất cả thóc gạo dư thừa của nông dân từ đây sẽ là tài sản của nhà nước. Giờ đây họ phái quân đội vũ trang để trưng thu thóc gạo bằng vũ lực; và cơ quan tuyên truyền cần làm rõ nhận định đây là ‘cuộc chiến thóc gạo’. Chính Trotsky đã nói tại buổi họp ngày 4/6: ‘Đảng ta vì nội chiến! Nội chiến phải tiến hành vì thóc gạo. Chúng ta những người Xô-Viết sẵn sàng chiến đấu!’ Ngay lúc đó một đại biểu hét lớn: Vạn Tuế nội chiến!’ Ắt hẳn y chỉ nói đùa. Nhưng Trotsky quay sang y và đáp lại một cách nghiêm túc: ‘Vâng, vạn tuế nội chiến! Nội chiến vì quyền lợi trẻ em, người già, công nhân và Hồng Quân, nội chiến nhân danh cuộc đấu tranh trực tiếp, không khoan nhượng chống lại bọn phản cách mạng.’
Đối với Lênin và phần đông những người theo ông, nội chiến là một giai đoạn sống còn trong bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào. ‘Nội chiến cũng như chiến tranh giai cấp,’ một lãnh đạo Bôn-se-vich ở Baku tuyên bố. ‘Chúng ta ủng hộ nội chiến, không phải vì chúng ta khát máu, mà vì không có đấu tranh bọn áp bức sẽ không buông bỏ những đặc quyền của họ cho nhân dân.’ Theo Bôn-se-vich, một cuộc nội chiến chỉ là hình thức đấu tranh giai cấp dữ dội. Theo quan điểm họ, không có sự khác biệt thực sự giữa xung đột quân sự và xung đột xã hội trong mỗi thị trấn và làng mạc.
Và như thế, theo quan điểm Lênin, nội chiến phải được chào đón như là một giai đoạn cần thiết của cách mạng. Ông luôn lập luận rằng nội chiến đã được khởi phát bởi các lực lượng của cánh Hữu trong mùa hè 1917, và rằng việc chiếm đoạt quyền lực của người Bôn-se-vich nên được xem là tham gia cuộc đấu tranh vũ trang của phe vô sản; những xung đột giai cấp của cách mạng không thể giải quyết bằng biện pháp chính trị. Nước Nga đã phân chia thành hai phe thù địch nhau – ‘chuyên chính quân sự’ và ‘Chuyên chính Vô Sản’ – và vấn đề là phe nào sẽ thắng. Tất cả chính sách của Lênin, từ việc cướp quyền tháng 10 đến đóng cửa Quốc hội Lập hiến và Hiệp ước Brest-Litovsk, có thể được xem (và đã được phe chống đối xem) là sự xúi giục nội chiến có tính toán. Ắt hẳn Lênin tin rằng hi vọng tốt nhất để phát triển quyền lực bé nhỏ của đảng ông là tiến hành một cuộc nội chiến. Thật ra ông thường nhấn mạnh rằng lý do tại sao Công xã Paris bị thảm bại là vì họ không thể phát động nội chiến. Những tác dụng của mối xung đột như thế đều dự đoán được – sự phân cực của đất nước thành hai lực lượng ‘cách mạng’ và ‘phản cách mạng’, sự mở rộng quyền lực quân sự và chính trị của nhà nước, và việc sử dụng khủng bố để đàn áp bất đồng chính kiến – và tất cả đều được Lênin coi là cần thiết để củng cố chuyên chính. Tất nhiên Lênin không thể biết trước được qui mô đầy đủ của cuộc nội chiến sẽ diễn tiến vào mùa thu sau – vào tháng 4 1918 ông thậm chí tuyên bố rằng nội chiến đã thắng lợi – và, nếu biết trước,có thể ông đã nghĩ lại có nên dùng nội chiến để phát triển chế độ của mình không.
‘Cuộc chiến thóc gạo’, trận nội chiến chống nông thôn của người Bôn-se-vich, bắt rễ sâu trong sự bất tín nhiệm nền tảng đối với giới nông dân. Là những người Mác-xít, họ luôn coi giới nông dân là thứ gì đó giống như đáng khinh. ‘Vô chính phủ’, ‘lạc hậu’, ‘phản cách mạng’ – là những nhãn hiệu họ gán cho giới nông dân. Người nông dân quá dốt nát và mê tín, quá ràng buộc với nước Nga cũ, để có thể có vai trò trong việc xây dựng một xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Họ quá ‘tiểu-tư sản’ (Ôi tội lỗi ghê tởm nhất đối với Mác-xit), quá đắm chìm trong những nguyên tắc và tập quán tư hữu và buôn bán tự do, để có thể trở thành đồng chí. Thái độ khinh thị giới nông dân này thường nổi bật trong số những công nhân Bôn-se-vich có gốc nông dân – những Kanatchikov của đảng – vốn từ khi còn trẻ đã chạy trốn khỏi cảnh nghèo túng và cuộc sống thôn làng chán ngấy, khỏi sự áp bức của các thầy tu, khỏi bạo lực của các ông bố sâu rượu, để lang thang khắp thành phố tìm kiếm việc làm. Đối với họ thành phố là một thế giới tiến bộ và cơ hội, mà biểu tượng là trường học và công nghệ, trong khi làng quê là đại diện của mọi thứ tệ hại – chậm tiến, nghèo đói và mê tín ngu dốt – mà họ muốn quét sạch hết. Và qua văn hóa vô sản của các thành phố, lần đầu tiên họ được dẫn đến chủ nghĩa Bôn-se-vich, họ nhắm đến việc hủy diệt quá khứ nông dân của mình.
Học thuyết Mác-xít đưa ra tính thích đáng giả khoa học đối với lòng thù địch giới nông dân này. Các ‘qui luật’ phát triển lịch sử của nó ‘chứng minh’ rằng giới nông dân chắc chắn sẽ tận diệt. Sự xâm nhập của thị trường và mối quan hệ chủ nghĩa tư bản vào vùng quê sẽ không tránh khỏi dẫn tới việc phân chia giai cấp trong giới nông dân. Lênin đã chứng tỏ rằng làng quê đang phân chia thành hai giai cấp thù địch nhau – những nông dân nghèo, được cho là đồng minh của vô sản, và ‘kulak’, tức ‘các trại chủ tư bản’, được coi là kẻ thù của nó – và giản đồ này trở thành kim chỉ nam cho chính sách Bôn-se-vich ở vùng quê. Thật ra sự phân tích chỉ thuần túy tưởng tượng: số các tư bản nông dân thật ra rất nhỏ – chắc chắn không đủ để lập thành một ‘giai cấp’. Thậm chí số hộ nông dân có thuê lao động trả lương đều đặn chiếm ít hơn 2 phần trăm trước cách mạng và suy giảm đáng kể vào năm 1917. Trong đại đa số làng tất cả điều phân biệt người nông dân giàu nhất với người nông dân nghèo nhất thường chỉ là sở hữu thêm một con ngựa hay một con bò, hoặc nhà gạch và nhà gỗ, có nền nhà cao hoặc nền sát đất.
Các nông dân mà người Bôn-se-vich phân loại là ‘kulak’ thường không hơn những bô lão cầm đầu trong làng. Đây chính là những tên Maliutin của Nga, những bô lão râu bạc như lão nông ở Andreevskoe ngán chặn đường cải cách của Semenov. Đúng, đây thường là những trại chủ giàu nhất, mà những nông dân khác trong làng thường mắc nợ, hoặc cho mượn ngựa hay mượn tiền. Nhưng điều này không làm họ thành ‘kulak’ trong mắt nông dân – và thậm chí Semenov, vốn có đủ lý do để khinh khí y, cũng chưa hề gọi y là ‘kulak’. Nhiều người nông dân ngước nhìn các lão nông này vừa sợ hãi vừa kính trọng. Là những nông dân thành đạt nhất, họ thường được xem là người cầm đầu tất nhiên của cộng đồng. Những Xô-Viết nông dân đầu tiên thường cầm đầu bởi những lão nông này.
Người Bôn-se-vich đã ủng hộ miệng với các Xô-Viết nông dân trong những tháng đầu của chế độ họ. Điều này có thể giúp họ trung lập hóa nông dân trong cuộc đấu tranh của mình giành quyền lực ở thành phố. Nhưng kết quả là quyền lực Xô-Viết ở vùng quê đã bị phân tán – điều khiến việc trưng thu lương thực và bắt lính từ giới nông dân càng khó khăn hơn. Các Xô-Viết nông dân tất nhiên bảo vệ những lợi ích kinh tế của dân làng. Họ ra sức phong tỏa việc xuất thóc gạo ra thành phố hoặc ít nhất yêu cầu một giá thu mua đủ cao để cho phép họ mua lại hàng hóa họ cần từ thành phố. Khi khủng hoảng lương thực ở thành thị sâu sắc thêm, người Bôn-se-vich không ngừng đổ tội cho những tên gọi là ‘kulak tích trữ’. Cơ quan tuyên truyền của họ mô tả tên kulak điển hình là một tên tư bản béo tốt và tham lam chuyên đầu cơ trên cái đói của công nhân thành thị. Bọn ‘kulak’ chiếm vị trí bên cạnh tư sản như là ‘kẻ nội thù’ của cách mạng. Đối với Bôn-se-vich, ‘kulak’ là người hiến tế, một phương tiện để trút cơn thịnh nộ của công nhân lên làng ‘phản cách mạng’ hơn là lên chính mình. Người Bôn-se-vich giờ đây tuyên bố rằng Xô-Viết nông dân bị bọn ‘kulak’ thống trị và điều hành trong liên minh với SR để làm cách mạng tiêu tùng vì chết đói. Điều này là sai lầm – và Lênin biết rõ điều đó. Những Xô-Viết nông thôn, ông biết rõ, thường là những cơ quan nông dân. Họ chỉ đặt lợi ích của mình trước lợi ích của thành phố. Nhưng cái huyền thoại ‘kulak đình công thóc gạo’ cho đảng ông cái cớ cần thiết để phát động nội chiến chống giới nông dân. Lênin ra lệnh tấn công trong một diễn văn nảy lửa trong mùa hè 1918:
Bọn kulak là những kẻ thù điên dại của chính quyền Xô-Viết. . . Những tên hủt máu này đã làm giàu trên sự đói kém của nhân dân. . . Những con nhện này đã béo lên trên thân xác của nông dân bị hủy hoại vì chiến tranh, trên nỗi khổ của công nhân. Nhưng con đỉa này đã hút máu nhân dân lao động và giàu có hơn lên khi các công nhân trong thành phố và nhà máy chết đói. . . Hãy đấu tranh không khoan nhượng với bọn kulak! Hãy giết tất cả bọn chúng!
Đội Quân Lương Thực cầm đầu cuộc tấn công vào bọn ‘kulak tích trữ’. Các phân đội trưng thu có vũ trang được ban quyền để chiếm đóng làng mạc và tịch thu thóc gạo dư thừa của nông dân bằng vũ lực. Trước khi rời thành phố, họ đứng chụp ảnh, như một đoàn quân chuẩn bị ra chiến trường. Thành phần các đạo quân 76,000 người này rất phức tạp. Các nhà cầm quyền địa phương coi về lương thực dự trữ luôn than phiền đội quân lương ‘có phẩm chất kém và vô kỷ luật’, rằng họ ‘thi hành hoạt động mà không có kế hoạch gì hết’, rằng họ ‘thường có hành động áp bức nông dân’, và tịch thu không chỉ thóc gạo thặng dư mà còn thóc giống dự trữ, tài sản cá nhân, súng và vodka. Theo lời một ủy viên tỉnh,việc làm của họ không khác gì ‘ăn cướp có tổ chức’.
ó lúc,’ Tsiurupa, Dân Ủy Tiếp Tế, viết, ‘đội quân lương bắt chước những phương thức của cảnh sát thời sa hoàng.’ Đôi khi họ chiếm làng và tra tấn nông dân một cách tàn bạo cho đến khi lấy được số lương thực và tài sản yêu cầu. ‘Các biện pháp sách nhiễu khiến nhớ lại các tòa dị giáo thời trung cổ,’ một viên chức ở Yelets bảo cáo, ‘ họ ra lệnh nông dân lột áo và quì gối trên sàn nhà, rồi quất roi và đánh đập, có khi đến chết.’ Một ủy viên ở tỉnh Ufa bị sốc khi báo cáo sự việc sau đây. Ông đi vào túp lều của một phụ nữ nông dân, mà dường như chạy trốn không kịp khi tưởng lầm đội công tác của ông là đội quân lương thực đến làng. Cô bắt đầu la hét và ghi chặt đứa con trai nhỏ. ‘Chặt chém tôi chết đi nhưng đừng giết con tôi,’ cô ta kêu khóc. Người ủy viên cố trấn an cô ta, nói rằng không sao đâu. Nghe thế, cô trả lời: ‘Tôi tưởng các ông sắp sửa giết tôi. Tôi không biết là cũng có người Bôn-se-vich lại không giết nông dân.’ Trong quận Borisoglebsk của tỉnh Tambov – một căn cứ địa tương lai của cuộc nổi dậy Antonov (xem chương sau) – có một tên cầm đầu đội dã man tên Margolin, ăn cắp bữa bãi tài sản nông dân, và hiếp dâm vợ của họ hoặc lấy đi ngựa khi họ không thể nộp nghĩa vụ. Nhiều nông dân phải mua thóc từ tỉnh lân cận hoặc đành nộp cả thóc giống. Một tên độc tài khác có tên Cheremukhin, biến những ngôi làng phía nam Balashov, ngay phía sau Mặt trận Đỏ chống bọn Denikin, thành thái ấp riêng trụy lạc của mình.
Phần đông nông dân cố giấu giếm những bao thóc giống quí giá khỏi cặp mắt đội quân lương. Các bao bột mì được chôn dưới nền nhà, ở tít phía trên kho, sâu trong rừng và ngầm dưới đất. Đội quân lương thì cho rằng mọi nông dân đều làm thế và đó là lượng thóc dư thừa, trong khi sự thật đó cho là lương thực tiêu dùng và thóc giống. Thế là một ‘trận chiến thóc gạo’ bắt đầu, trong đó đội quân lương dùng biện pháp khủng bố để vắt kiệt thóc gạo và nông dân phản ứng lại bằng kháng cự thụ động rồi quật khởi. Trong tháng 7 và 8 có hơn 200 vụ nổi dậy chống lại đội quân lương. Người Bôn-se-vich ra sức gắn nhãn họ là ‘vụ nổi dậy của kulak SR’; nhưng thật ra đó chỉ là những vụ nổi loạn trong làng, trong đó những nông dân nghèo nhất (mà việc trưng thu làm họ chết đói) thường đóng vai trò quyết định. Những vụ nổi dậy này thường dữ dội và tự phát, thường phản ứng trước hành động tàn bạo của bọn quân lương. Trong một ngôi làng thuộc tỉnh Samara, nơi đội quân lương đã cướp bóc và giết hại một số dân làng, nông dân đứng lên trả thù dã man. Một đêm tháng 11, họ chặt đầu 12 tên binh lương khi họ đang ngủ trong văn phòng rồi treo đầu của chúng lên cột dựng ở cổng làng để cảnh cáo đội quân lương khác. Ba tuần sau Hồng Quân pháo kích vào làng và, khi dân làng đều chạy trốn hết vào rừngq, họ đốt rụi làng.
Trong làng những Ủy ban Nông dân Nghèo (Kombedy) mới thành lập có nhiệm vụ hỗ trợ các đội quân lương. Lênin thông báo việc thành lập kombedy, ngày 11/6, ngay lúc vùng quê tiến vào Cách Mạng Xã Hội. Đây là Tháng Mười của nông dân, khi ‘vô sản nông thôn’ tham gia ‘cuộc đấu tranh giai cấp’ chống bọn ‘kulak’, ‘bọn tư sản nông thôn’. Bằng cách hỗ trợ đội quân lương tịch thu thóc gạo, kombedy tạo ra sự ‘biến đối về mặt xã hội’ của làng xã, thay thế các ‘Xô-Viết kulak’ và hoàn thành việc truất hữu tài sản ‘kulak’, như ruộng đất và gia súc dư thừa. Như Sverdlov nói, mục tiêu là để ‘chia cắt làng thành hai giai cấp chiến đấu nhau’ và ‘thổi bùng ngọn lửa nội chiến như trong thành thị’. Và sự sống còn của chế độ Xô-Viết ở vùng quê phụ thuộc vào việc đó.
Kombedy thất bại thảm hại trong việc đốt lên ‘cuộc đấu tranh giai cấp’ trong làng quê. Đây là lúc học thuyết Mác-xít sụp đổ dưới sức nặng của thực tế nông dân. Phần đông làng xã đều cho mình là cộng đồng làm nông hợp bởi những thành viên có họ hàng nhau: họ thường gọi mình là ‘gia đình nông dân’. Đây là ý tưởng nền tảng (nếu không muốn nói là thực tế) của cộng đồng nông dân. Bởi vậy, họ tỏ ra thù ghét với đề nghị lập nên một bộ phận tách biệt cho nông dân nghèo. Bộ họ không có các Xô-Viết rồi sao? Phần nhiều các công xã không thể cử ra kombedy, giao nó cho những người hoạt động bên ngoài, hoặc dựng nên một kombedy mà mọi nông dân đều gia nhập trên cơ sở, như họ thường phát biểu, nông dân ai cũng nghèo như nhau. Trong trường hợp này, kombedy không khác gì Xô-Viết. Việc tổ chức các kombedy riêng lẻ chỉ dẫn đến những căng thẳng không cần thiết giữa các công dân trong cùng một công xã. Các người Bôn-se-vich không thể tách bạch nông dân theo hướng giai cấp. Nông dân nghèo không những không ý thức mình là ‘vô sản’ mà còn không nghĩ người láng giềng giàu hơn là ‘tư sản’. Tất cả đều coi mình là người cùng làng và xem những toan tính chia rẽ họ của người Bôn-se-vich với sự ngờ vực và thù ghét.
Vì thế tại nhiều nơi kombedy được dựng lên bởi những phần tử bên ngoài công xã. Họ không phải là nông dân nghèo mà là các thị dân di cư và binh lính, thợ thủ công không có đất và người lao động không thuộc công xã. Một nghiên cứu 800 kombedy ở tỉnh Tambov cho thấy không tới phân nửa thành viên của chúng ở mức huyện đã từng làm nông; 30 phần trăm là binh lính. Trong những làng bán-kỹ nghệ ở miền bắc những thành phần xã hội này có thể là ‘người nội bộ’; những ở vùng nông nghiệp phía nam họ là người ngoài làng. Cắt đứt khỏi công xã nông thôn, trên đó chính quyền nông thôn đều phải phụ thuộc, họ không thể thực thi nhiệm vụ mà không sử dụng đến bạo lực. Họ tịch thu tài sản cá nhân, bắt bớ vô tội vạ, phá hoại nhà thờ và thường khủng bố nông dân. Họ giống một mafia địa phương hơn là một cơ quan của nhà nước Xô-Viết. Trong một huyện ở tỉnh Saratov, chẳng hạn, kombedy ở đó do anh em nhà Druzhaev điều hành với sự hợp tác của cảnh sát trưởng địa phương, đồng chí Varlamov. Họ rảo khắp làng, tống tiền, tịch thu súng ống và vodka. Gia súc cũng bị tịch thu và giao nộp cho bọn tay sai trong đám ‘nông dân nghèo’. Tình trạng khủng bố này kéo dài trong sáu tháng. Dân làng thỉnh nguyện ‘đồng chí Lênin’ hi vọng sớm kết thúc việc đó. Dân chúng bắt đầu rầm rì cuộc sống thời Sa Hoàng tốt hơn bây giờ.
Cũng với đội quân lương, các kombedy thổi bùng làn sóng nông dân nổi dậy. Lên cao điểm vào tháng 11, đỉnh của ‘trận chiến thóc gạo’ lẫn đợt động viên chính đầu tiên vào Hồng Quân. Toàn thể các huyện của tỉnh Tambov, Tula và Riazan bị các băng nhóm nông dân trang bị súng ống và chĩa ba nuốt trọn. Ở nơi khác những vụ nổi dậy lác đác hơn nhưng không kém phần quyết liệt. Nông dân thắt cổ và giết chết các thành viên kombedy, người Bôn-se-vich địa phương và lãnh đạo các Xô-Viết. Ủy viên Trung ương Bôn-se-vich Smidovich, người được phái đến Tula để điều tra vụ nổi dậy, kết luận vào tháng 11 là ‘các nông dân bắt đầu cảm thấy như thể bị cai trị tùy tiện bởi một tập đoàn xa lạ các ông trùm; họ không còn tin vào lời hứa hẹn của Quyền lực Xô-Viết và chỉ thấy những điều xấu xa xuất phát từ đó’.
Tại Đại hội Xô-Viết Lần 6 vào tháng 11 Lênin kêu gọi dẹp bỏ kombedy. Đây là khởi đầu của một chính sách mới, được tán thành bởi Đại hội Đảng Lần 8 tháng ba năm sau, nhằm cải thiện mối quan hệ với giới nông dân. Việc này xác nhận rằng kombedy đã, như lời Lênin, tiến hành một ‘trận chiến khinh suất hủy hoại lợi ích của nông dân’. Toàn bộ nỗ lực nhằm phân chia làng mạc thành hai giai cấp thù địch nhau ông nhìn nhận là sai lầm, và giờ phải bị loại bỏ. Nhưng chắc chắn đã quá muộn cho người Bôn-se-vich hàn gắn lại mối quan hệ với giới nông dân.
Một ít tuần sau, vào tháng giêng 1919, kombedy được lệnh hủy bỏ, người Bôn-se-vich cũng thay đổi chiến thuật trong ‘trận chiến thóc gạo’. Việc trưng thu mùa thu hoạch 1918, đầu tiên được quyền lực Xô-Viết thực hiện, không gì khác hơn là thảm họa. Đến cuối năm chỉ một phần năm chỉ tiêu được trưng thu. Tất nhiên người Bôn-se-vich đổ lỗi cho bọn ‘kulak’; nhưng thật ra lỗi là do sự yếu kém của hạ tầng thu mua của họ. Đội quân lương không có phương tiện kế toán lượng thu hoạch. Còn kombedy thì theo đuổi những lợi ích địa phương thay vì trung ương, đôi khi giữ thóc gạo cho riêng mình. Các kho dự trữ quá tải vì thiếu nhiên liệu vận chuyển. Hệ thống đường sắt lại rối loạn nên thóc gạo không đến được thị trấn. Cải cách tháng giêng, được hiểu dưới tên Nghĩa Vụ Lương Thực, đã được dự định để củng cố hệ thống. Nó khác với độc quyền thóc gạo vào tháng 5 1918 ở hai khía cạnh. Thứ nhất, trong khi độc quyền thóc gạo chỉ giới hạn ở ngũ cốc, tất cả những thực phẩm chủ yếu, bao gồm gia súc và rau củ đều là đối tượng của nghĩa vụ lương thực. Và thứ hai, trong khi quota của độc quyền thóc gạo được ấn định bởi các cơ quan thực phẩm địa phương tùy theo sản lượng thu hoạch, quota của nghĩa vụ lương thực thì ấn định từ trên xuống, bởi trung ương, dựa theo nhu cầu toàn bộ và sau đó được các cấp thẩm quyền tỉnh chia ra cho từng địa phương. Đáng lý nghĩa vụ phải khớp với sản lượng thặng dư của nông dân, đằng này nghĩa vụ càng ngày vượt quá khả năng đóng góp của nông dân. Các đội quân lương chỉ đơn giản nhận chỉ thị phải trưng thu đủ số lượng bằng vũ lực, thậm chí lấy đi lượng lương thực sinh tồn hay thóc giống quí giá. Bây giờ một nhà kho trống rỗng của nông dân được mặc định là dấu hiệu của một ‘kulak’ giấu giếm lương thực.
Và như thế khi cuộc nội chiến đi đến cao điểm trong mùa xuân 1919, ‘trận chiến thóc gạo’ cũng đến cao điểm điên cuồng của nó. Nó trở thành trận chiến sống và chết giữa người Bôn-se-vich và giới nông dân.
* * *
Dập tắt nạn buôn chuyến là yếu tố cuối cùng trong ‘trận chiến thóc gạo’ của người Bôn-se-vich. Các đội quân này được thành lập để cảnh sát đường bộ và đường sắt. Họ được lệnh tích thu tất cả lương thực mà hành khách mang vào thành phố, chỉ chừa lại cho họ số lượng hợp pháp là 1.5 pud. Tàu hỏa bị bắt dừng lại để lục soát, hành khách bị đuổi xuống và mở bao hành lý. Họ xử sự không khác băng cướp, tịch thu tiền bạc, y trang và thức uống của hành khách. Bọn mật vụ Cheka tiến hành vqcác cuộc bố ráp tương tự trên thị trường thành thị, đuổi dân buôn chuyến ra khỏi vùng quê.
Và tất cả những việc này là vô ích. Không thể dẹp bỏ thị trường, cũng như Vua Canute không thể đẩy lùi nước biển. Trong suốt thời kỳ Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến các tàu hỏa tiếp tục đầy ắp dân buôn chuyến (hối lộ nhân viên đường sắt quá dễ). Chính Lênin cũng biết rằng ít nhất phân nửa lương thực đến được thị trấn là do dân buôn chuyến mang vào; và có lúc con số còn cao hơn. Người Bôn-se-vich không có nhiều lựa chọn trừ ra phải chịu đựng việc buôn bán tư nhân này, nếu không công nhân sẽ chết đói. Đúng ra chính sách của họ đối với dân buôn chuyến dao động: ở những thời điểm nguy cấp của nội chiến, khi họ cần đường sắt cho quân đội, họ sẽ siết chặt và cấm tất cả việc vận chuyển hành khách; nhưng vào thời điểm khác dân buôn được tiếp tục hành nghề ít bị cản trở. Chính sách Bôn-se-vich với thị trường đô thị cũng linh động. Cheka thỉnh thoảng ra quân truy quét, tịch thu hàng hóa và bắt bớ người buôn bán, sau đó thị trường lắng xuống một vài ngày, rồi đâu cũng vào đấy.
Trong suốt mùa xuân 1918 người Bôn-se-vich đã tiến đến việc quốc hữu hóa các ngành kỹ nghệ. Áp đặt các nhà quản lý riêng của mình vào các nhà máy dường như là cách duy nhất để ngăn chặn sự hỗn loạn gây ra do Sắc lệnh về Quyền Kiểm Soát của Công Nhân ngày 14/11. Sắc lệnh này cho phép các ủy ban và nghiệp đoàn nhà máy lập ra một ban quản lý phối hợp có quyền kiểm soát hãng xưởng, đã giúp người Bôn-se-vich tranh thủ được sự hậu thuẫn của nhiều công nhân, và giáng một đòn vào các chủ nhân xí nghiệp trong cuộc đấu tranh của chế độ giành quyền kiểm soát tư bản kỹ nghệ. Nhưng hệ quả kinh tế của chính sách đã là thảm họa. Các bộ phận công nhân kiểm soát nhà máy chỉ bầu cho mình được lên lương kết sù, làm lạm phát nóng lên. Họ cũng thi hành một chiến dịch khủng bố và bạo lực mang tính phá hoại, thường kích động do hận thù, chống lại các người quản lý và kỹ thuật viên cũ, khiến việc quản lý sản xuất bị đình đốn. Các bộ phận công nhân đã làm rất ít để ngăn sự sụt giảm kỷ luật lao động và tình trạng trộm cắp công cụ và vật tư để chế tạo hộp quẹt máy và những hàng hóa khác cho bọn buôn chuyến.
Thậm chí còn trầm trọng hơn, các ủy ban và nghiệp đoàn nhà máy còn trở thành một phần của phong trào công nhân chống đối chế độ độc tài Bôn-se-vich đang càng ngày càng lớn mạnh. Giai cấp lao động vẫn hung hăng như năm 1917 – có điều là giờ đây cơn thịnh nộ của họ chĩa vào đảng đang cai trị nhân danh họ. Các vụ đình công và phản kháng của công nhân nhận chìm những khu vực công nghiệp lớn của đất nước, kế cả những căn cứ Bôn-se-vich trước đây ở Petrograd và Moscow, trong mùa xuân 1918. Phần lớn nỗi bất mãn là vấn đề cơm áo gạo tiền. Công nhân phàn nàn bánh mì khan hiếm và luôn sợ mất việc; họ ghê tởm cái gọi là Nhà Nước của Công Nhân lại chả làm gì để cải thiện cuộc sống họ. Theo Gorky, ‘nhiều công nhân phun nước bọt khi nghe nhắc đến tên Bôn-se-vich’. Thái độ độc địa này được đúc kết hùng hồn nhất bằng khẩu hiệu bất đầu xuất hiện trên các bức tường thành phố: ‘Đả đảo Lênin và thịt ngựa! Cho chúng tôi Sa Hoàng và thịt heo!’ Những người có ý thức chính trị, nhất là những người đã từng hoạt động cho SR hoặc Men-se-vich đứng ra thành lập một phong trào phản kháng, Hội đồng Đặc biệt các Đại biểu Xí nghiệp và Nhà máy, đến lúc này là mối đe doạ mạnh mẽ nhất mà người Bôn-se-vich từng đối đầu với giai cấp lao động.
Hội đồng là phong trào quần chúng công nhân. Được thành lập vào tháng ba, số thành viên lên đến vài trăm ngàn người ở đỉnh cao ảnh hưởng vào tháng sáu. Những người Men-se-vich và SR đóng một vai trò nổi bật trong việc lãnh đạo ở tầm vóc quốc gia, còn các nhà hoạt động địa phương sẽ đi đầu trong các hội đồng xí nghiệp.
Vào tháng 4 1918, Lênin đã đi đến quan điểm là ngành kỹ nghệ phải đặt dưới quyền kiểm soát của nhà nước, thay cho quyền kiểm soát của công nhân qua ban quản lý phối hợp như trước kia. Lần này ông chủ trương lối quản lý truyền thống (quản lý một người) có năng lực vãn hồi kỷ luật lao động. Trong bài ‘Những Nhiệm Vụ Trước Mắt của Chính Quyền Xô-Viết’, Lênin yêu cầu cuộc tiến công của giai cấp lao động chống hệ thống kỹ nghệ tư bản nên dừng lại vì lợi ích rộng lớn hơn của việc tái cấu trúc nền kinh tế. Sự lành nghề của các nhà quản lý ‘tư sản’ phải được cơ cấu vào bộ máy vi lợi ích của nhà nước. Cần phải trả cho các nhà quản lý này một mức lương cao, và phục hồi quyền hành của họ trong nhà máy. Vì giai cấp lao động chưa được đào tạo cho nhiệm vụ quản lý. Lý tưởng bình đẳng phải tạm thời hi sinh cho tình hiệu quả.
Từ điểm này trở đi người Bôn-se-vich bắt đầu cổ vũ tiến trình quốc hữu hóa, cương lĩnh thứ hai của Chủ nghĩa Cộng sản Thời Chiến sau cương lĩnh về trận chiến chống thị trường.
Việc thay đổi chính sách rõ ràng là do mối đe doạ ngày càng tăng từ giai cấp lao động. Cách dễ dàng nhất để chặn đứng các tổ chức nhà máy hoạt động như một kênh hậu thuẫn cho phong trào chống đối của công nhân là đặt họ dưới mệnh lệnh của trung ương. Sắc lệnh Sovnarkom ngày 28/6, theo đó mọi ngành kỹ nghệ qui mô lớn đều bị quốc hữu hóa, đến đúng ba ngày trước cuộc tổng đình công ở Petrograd do Hội đồng Đặc biệt kêu gọi, nhằm chống lại chế độ Bôn-se-vich. Mặc dù sắc lệnh đã được chuẩn bị vài tuần trước, ắt hẳn việc canh thời điểm ban hành là do nhu cầu ngăn ngừa cuộc đình công này.
Kế từ ngày 9/5, khi cơ quan mật vụ Cheka khai hỏa vào đám công nhân biểu tình ở ngoại ô Kolpino của Petrograd, đã bùng phát cơn lốc đình công và phản kháng của công nhân, ngành kỹ nghệ gần như tê liệt, và trong những thành phố được phép bầu cử tự do vào ban quản lý, người Men-se-vich và SR đã tràn ngập ban quản lý. Tóm lại, có vẻ như nếu cuộc đình công Petrograd xảy ra, nó có thể dễ dàng biến thành một tổng đình công quốc gia, và đưa đến việc sụp đổ của chế độ. Đây cũng là thời điểm nguy cấp của nội chiến, với quân đội Séc và người SR đang xây dựng căn cứ quyền lực trên vùng Volga và những cuộc nổi dậy tràn lan ở hậu phương phe Đỏ. Dân Uỷ Báo chí Bôn-se-vich, Volodarsky, bị một người SR ám sát vào ngày 20/6. Lãnh đạo Bôn-se-vich sợ rằng việc này có thể là phần mở đầu cho một cú đảo chính bởi người Men-se-vich và SR. Họ nghĩ cần phải đặt hãng xưởng dưới quyền kiểm soát của nhà nước thì cuộc tổng đình công trong căn cứ quyền lực còn lại của họ sẽ như rắn mất đầu.
Sắc lệnh Quốc hữu hóa chuyển quyền quản lý xí nghiệp từ tổ chức công nhân về bộ máy đảng. Các ông trùm của đảng sẽ sử dụng nó để hăm dọa đuổi việc công nhân nếu họ tham gia đình công như đã lên kế hoạch. Các người tổ chức đình công bị bắt giữ – nhất là những ai có liên quan với SR và Men-se-vich – và hàng chục người bị xử bắn với tội danh ‘phản cách mạng’. Không có gì ngạc nhiên, với sự hù doạ này, rất ít công nhân dám xuống đường đình công. Người Bôn-se-vich đạt thắng lợi hoàn toàn: Hội đồng Đặc biệt bị đặt ngoài vòng pháp luật, các người cầm đầu của nó bị cầm tù và nghiệp đoàn bất đồng chính kiến bị thanh trừng. Người Men-se-vich và SR giờ bị trục xuất khỏi các Xô-Viết, được kết án ‘phản cách mạng’, và phải hoạt động ngầm. Tờ báo chống đối cuối cùng bị đóng cửa. Thậm chí tờ Novaia zhizri của Gorky, đã giúp tổ chức cuộc đình công Petrograd và thường tuyên bố ủng hộ Hội đồng Đặc biệt,cuối cùng bị đóng cửa vào ngày 16/7. ‘Chúng ta đang hướng đến một cuộc nội chiến toàn diện,’ một Gorky thất vọng viết cho Ekaterina, ‘và dường như đó là một cuộc chiến man rợ. . . Ôi, giờ sống ở Nga mới gay go làm sao! Tất cả chúng ta đều quá ngu ngốc – ngu ngốc một cách không thể tưởng tượng được.’
iii Sắc Màu của Máu
Dường như là kỳ lạ, Lênin chỉ trở nên có tên tuổi và hình ảnh ông có mặt trong hộ gia đình Nga vào tháng 9, 1918 – và chỉ bởi vì ông suýt chết. Trong 10 tháng đầu cai trị, ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Những phát đạn bắn vào xe ông vào ngày Năm Mới đã khiến nhà lãnh đạo của cách mạng thế giới lo sợ cho sinh mạng của mình; và sau đó ông ít khi ra khỏi khu vực được canh phòng nghiêm nhặt trong Smolny hay Kremlin. ‘Thậm chí không ai biết mặt Lênin,’ Krupskaya viết về những tuần lễ đầu của năm mới này. Buổi tối ông thường dạo quanh Smolny và không ai nhận ra ông, vì còn chưa có chân dung của ông.’*
* Chân dung chính thức đầu tiên của ông chỉ xuất hiện vào tháng giêng 1918.
Tất cả điều đó đã thay đổi vào ngày 30/8, Lênin đã đến Xưởng Mikhelson ở ngoại ô phía nam Moscow để đọc diễn thuyết nhằm kêu gọi công nhân cần phải bảo vệ cách mạng, như thói quen của những nhà lãnh đạo Bôn-se-vich vào những buổi chiều thứ sáu. Vào sáng sớm ngày hôm đó ông được tin Uritsky, ông trùm của cơ quan mật vụ Cheka Petrograd, đã bị một người SR, Leonid Kanegiser, ám sát chết. Gia đình Lênin khuyên ông hoãn lại chuyến đi; nhưng Lênin lần này cứ khăng khăng. Khi ông rời xưởng, một phụ nữ có tên Fanny Kaplan chen qua đám đông, bước đến gần và bắn ông ba phát. Lênin ngã xuống đất trong khi các cận vệ đuổi theo kẻ sát nhân. Lúc ông được mang về đến Kremlin, dường như ông đang hấp hối. Một viên đạn ghim vào cổ làm ông chảy máu lênh láng. Máu đã đi vào một lá phổi. (Nhưng ông cũng không quên hỏi các bác sĩ có đúng là người Bôn-se-vich không.) Trong một ít ngày sau sinh mạng ông thập tử nhất sinh. Nhưng rồi ông bắt đầu hồi phục và đến ngày 25/9 được tuyên bố qua khỏi và có thể đi tịnh dưỡng với Krupskaya ở Gorki, một ngôi làng ở bên ngoài Moscow, nơi một dinh thự đã bị xung công dành riêng cho ông.
Việc hồi phục nhanh chóng của ông được tuyên bố là một phép lạ trên mặt báo Bôn-se-vich. Ông được tung hô như một nhân vật giống Giêsu, được ban cho quyền lực siêu phàm, không ngại hi sinh mạng sống mình vì lợi ích của nhân dân. Bukharin, chủ biên tập báo Pravda, tuyên bố một cách hoang đường rằng Lênin đã từ khước cứu chữa sau khi bị bắn và, ‘với lá phổi bị thủng vẫn còn ra máu, đã trở về làm việc ngay để bảo đảm ‘đầu tàu’ của cách mạng không ngừng nghỉ. Zinoviev, trong một tập san phát hành cho quần chúng, ca tụng Lênin là con trai của nông dân đã ‘làm nên cách mạng’: ‘Người đã được chọn trong số hàng triệu người. Người là vị lãnh tụ do ân sủng của Chúa Trời. Những lãnh tụ như thế 500 năm mới có một lần trong lịch sử nhân loại’ Hàng chục lời ca tụng khác xuất hiện trên mặt báo trong những tuần sau vụ ám sát. Các công nhân được loan tin là chỉ quan tâm mỗi một việc: rằng ‘vị lãnh tụ của họ’ sẽ hồi phục. Chân dung in trên áp phích bắt đầu xuất hiện trên đường phố. Ông cũng xuất hiện lần đầu tiên trong một cuốn phim tài liệu, Vladimir Ilich đi dạo trong Kremlin, được chiếu khắp Moscow mùa thu đó để xua tan tin đồn ông đã bị giết chết. Đó là khởi đầu cho việc tôn sùng Lênin – một sự tôn sùng được người Bôn-se-vich thiết kế, tất nhiên là ngược với ý muốn của Lênin,* để xiển dương người lãnh tụ của họ như là vị ‘Sa Hoàng của nhân dân’.
* Theo Bonch-Bruevich, Lênin không tán thành sự tôn sùng (ý thức hệ Mác-xit phủ định vai trò của bất kỳ cá nhân nào trong lịch sử) và ra lệnh phanh lại khi ông phục hồi).
Sự tôn sùng khiến nhớ lại theo một số cách nào đó sự tôn sùng cổ xưa vị Sa Hoàng thần thánh. Nó ngược trở lên về thời trung cổ với việc phong thánh cho những ông hoàng sớm bị giết chết khi phục vụ nước Nga. Nhưng việc tôn sùng Lênin mới mẻ theo ý nghĩa là nó tiếp thêm vào danh sách những vị lãnh tụ chống Sa Hoàng đã đi vào truyền thuyết dân gian, như Stenka Razin hoặc Emelian Pugachev, * những người cũng được ban cho quyền lực siêu phàm. Ở đây có sự pha trộn giữa niềm tin Cơ đốc nông dân với thần thoại đa thần mà từ lâu đã liên kết cách mạng với sự theo đuổi sự thật và công lý (Pravda) trong ý thức quần chúng. Trong việc tôn sùng Lênin các nhạc trưởng chỉ huy có ý thức chủ đề này. ‘Lênin không thể bị giết chết’, một nhà viết tiểu sử của ông viết vào ngày 1/9, ‘vi Lênin đứng lên chống áp bức. Chừng nào giới vô sản còn sống thì Lênin còn sống.’ Do đó Lênin là đấng Giêsu của giai cấp công nhân. Một nhà tuyên truyền còn tuyên bố rằng đó là nhờ vào ‘ý nguyện của vô sản’ đã can thiệp một cách mầu nhiệm, như là cây thánh giá hoặc một chiếc nút, đã làm lệch viên đạn do Kaplan bắn ra tránh cho ông vết tử thương. Các bài thơ được in ra mô tả ông như một thánh tử đạo được Chúa Trời phái xuống để chịu khổ đau cho kẻ nghèo khó.
* Stenka Razin, là một thủ lĩnh Cô-dắc cầm đầu cuộc nổi dậy chống giới quí tộc và chính quyền sa hoàng ở miền nam nước Nga vào 1670-1671. Pugachev cũng là vị ataman của Cô-dắc vùng Yaik nổi dậy chống ách cai trị của Catherine Đại Đế (1773-1774).
Người đến với chúng ta, để làm vơi đi
Nỗi dày vò nhức nhối,
Người đến với chúng ta như nhà lãnh tụ, để tiêu diệt
Kẻ thù của phong trào công nhân.
Chúng ta sẽ không quên nỗi thống khổ,
Mà người, hỡi lãnh tụ, đã gánh chịu cho chúng ta.
Người là biểu tượng thánh tử đạo. . .
Một cuốn tiểu sử Lênin cho công nhân được vội vã phát hành sau vụ nổ súng. Với cái tít làm một lần nữa ta liên tưởng tới việc tôn sùng Mao và Stalin.
Nhà Lãnh Tụ Vĩ Đại của Cách Mạng Công Nhân mô tả Lênin là siêu thông minh, siêu nhân, được mọi công nhân yêu mến. Một tập san tương tự được soạn cho nông dân, Nhà Lãnh Tụ của Nông Dân Nghèo, V.L Ul’ianov-Lenin, được in ra đến 100,000 bản. Nó đọc nghe như quyển Đời các Thánh, quyển sách được giới nông dân yêu thích. Mọi loại huyền thoại về Lênin, chiến binh cho chân lý và công lý, bắt đầu lưu hành trong giới nông dân. Những bức ảnh của ông xuất hiện lần đầu tiên tận các làng mạc hẻo lánh. Chúng thường đặt tại những ‘góc đỏ’, ‘điểm thiêng liêng’ bên trong các căn lều nông dân nơi các thánh tượng và chân dung Sa Hoàng từng được trưng ra.
Kẻ ám sát hụt Lênin, Fanny Kaplan, là một phụ nữ Do Thái trẻ và là đảng viên Anarchist trước đây đã cải sang SR. Bà khai với Cheka là mình đơn thân bày mưu ám sát. Bà nói Lênin đã phản bội cách mạng, và nếu để ‘ông sống lâu hơn, ông chỉ đình hoãn lý tưởng xã hội chủ nghĩa hàng thập kỷ nữa’. Kaplan bị nhốt chung xà lim ở trụ sở Lubianka của Cheka với nhà ngoại giao Anh, Bruce Lockhart, cũng bị bắt vì nghi có dính líu với âm mưu. Ông mô tả cảnh bà bước vào xà lim:
Bà ăn vận đồ đen. Tóc bà đen, và đôi mắt bà, nhìn trân trân, thâm quầng bên dưới. Mặt không sắc, đường nét đặc trưng Do Thái, không thu hút chút nào. Bà có thể ở độ tuổi từ 20 đến 35. Chúng tôi đoán đó chính là Kaplan. Ắt hẳn người Bôn-se-vich hi vọng bà sẽ nhận diện vài người trong chúng tôi.
Nhưng bà không làm gì cả. Sau đó không bao lâu bà bị giải về Kremlin, tại đó chắc chắn bà bị tra tấn trước khi bị hành quyết (và thi thể bà bị thủ tiêu không để lại dấu vết) vào ngày 3/9. Theo Angelica Balabanoff, người sẽ sớm trở thành Bí thư Comintern, Krupskaya khóc khi nghĩ rằng Kaplan là người cách mạng đầu tiên bị giết bởi chính quyền cách mạng. Người ta tự hỏi liệu bà khóc bao nhiêu cho đủ với hàng ngàn người cách mạng khác chẳng bao lâu sẽ bị giết để trả thù cho vết thương của chồng mình.
Mặc dù Kaplan luôn chối, ngay lập tức bà bị kết tội làm việc cho SR và các Cường quốc Tây phương.* Đó là một ‘chứng cứ’ khác trong học thuyết hoang tưởng cho rằng chế độ lúc nào cũng nằm trong vòng vây của kẻ thù; và rằng, nếu muốn sống còn, phải phát động một cuộc nội chiến chống lại chúng. Báo chí Bôn-se-vich kêu gọi giáng trả tập thể. Đã gióng trống ca tụng điên cuồng nhà lãnh tụ Bôn-se-vich, giờ nhiệt tình đó quay sang bày tỏ lòng căm thù dữ dội với kẻ thù. Tờ Krasnaia đưa ra giọng điệu vào ngày 1/9:
Không dung thứ, chúng ta sẽ giết hàng trăm kẻ thù của chúng ta. Dù cho hàng ngàn, hãy cho chúng chết chìm trong biển máu của chúng. Vì máu của Lênin và Uritsky sẽ có trận lũ máu của bọn tư sản – càng nhiều máu càng tốt.
* Sau này tại phiên tòa xét xử SR vào năm 1922 phát hiện rằng Kaplan đã được Tổ chức Tác chiến SR chiêu mộ. Đó là một nhóm khủng bố hoạt động ngầm không có liên hệ chính thức với Ủy ban Trung ương SR (mà phần đông đều chuyển về Samara vào tháng 8, 1918) nhưng được sự hậu thuẫn của một vài thành viên của nó (chẳng hạn Gót) còn ở lại Moscow. Tổ chức Tác chiến ám sát Dân Uỷ Volodarsky vào ngày 20/6. Tổ chức đó cũng lên kế hoạch ám sát Trotsky khi ông trên đường đến Mặt trận phía Đông; nhưng ông làm hỏng kế hoạch khi đổi tàu hỏa vào phút cuối.
Peters, phó chỉ huy Cheka, tố cáo phát súng mà Kaplan bắn vào Lênin là đòn tấn công vào giai cấp lao động và kêu gọi công nhân ‘đập nát quái thú nhiều đầu phản cách mạng’ bằng cách tiến hành khủng bố tập thể. Dân Uỷ Nội vụ ra lệnh các Xô-Viết ‘bắt giữ tất cả bọn SR ngay lập tức’ và bắt ‘con tin’ hàng loạt từ giới ‘tư sản và sĩ quan’: họ sẽ bị hành hình ngay ‘chỉ cần chống đối ít nhất’. Đó là dấu hiệu mở màn của Khủng Bố Đỏ.
* * *
Khủng Bố Đỏ không xảy ra bất ngờ. Nó được bao hàm trong chế độ ngay từ đầu. Khi Kamenev và người của ông đã cảnh báo đảng vào tháng 10, việc cướp chính quyền của Lênin chắc chắn sẽ dẫn đến việc cai trị bằng khủng bố và tiêu diệt dân chủ. Người Bôn-se-vich buộc phải sử dụng khủng bố ngày càng tăng để làm câm lặng những chỉ trích chính trị và đàn áp một xã hội mà họ không thể kiểm soát bằng biện pháp nào khác. Lênin luôn nhìn nhận sự cần thiết phải sử dụng khủng bố để ‘bảo vệ cách mạng’. Nó là một vũ khí trong ‘nội chiến’. Tất nhiên ông thận trọng đứng xa khỏi các định chế Khủng Bố – chẳng hạn để người khác ký tên vào bản án tử – và điều này giúp củng cố thêm huyền thoại Lênin là ‘Sa Hoàng’ hiền từ tử tế, không có dính líu gì đến hành động tàn ác của mật vụ mình. Nhưng ở hậu trường Lênin là một chiến binh kiên cường của Khủng Bố Đỏ. Vào ngày 26/10/1917 Đại hội Xô-Viết Lần Hai đã thông qua một nghị quyết hủy bỏ án tử hình do Kamenev đề nghị. Lênin vắng mặt trong phiên họp và, khi được cho biết chuyện này, ông vô cùng bực tức:
Vô lý, làm sao anh có thể làm cách mạng mà không có đội hành quyết được? Bộ anh tưởng có thể loại bỏ kẻ thù của chúng ta chỉ bằng cách tự tước vũ khí mình? Còn có phương tiện nào khác để khống chế sao? Nhà tù à? Ai mà gán ý nghĩa cho chuyện này ngay giữa nội chiến?
Lênin coi việc sử dụng khủng bố như một phương tiện đấu tranh giai cấp chống ‘bọn tư sản’. Ngay từ đầu, ông đã cổ vũ việc khủng bố tập thể do các tầng lớp thấp chống giới giàu có và đặc quyền qua khẩu hiệu ‘Cướp bóc bọn cướp bóc!’ Chúng ta phải cổ vũ năng lượng và bản chất phổ biến của khủng bố,’ ông viết vào tháng 6 sau đó. Như ta đã biết trong Chương II, sự khủng bố tập thể này đã đã tranh thủ cho người Bôn-se-vich sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong giới người nghèo vốn lấy làm hả hê khi nhìn thấy người giàu có và quyền thế ngã quỵ bất kể điều đó có làm thay đổi số phận của mình hay không. Hệ thống Cheka lúc đầu được hình thành theo sáng kiến địa phương của khủng bố tập thể này.
Từ ngày thành lập vào tháng 11 1917, Cheka đã có những bước tiến nhảy vọt. Khi nó dời về trụ sở đầu tiên ở Petrograd, Cheka chỉ là một cơ quan nhỏ. Dzerzhinsky, ông trùm của nó, mang tất cả hồ sơ trong valy xách theo. Nhưng vào cuối tháng ba, khi chính quyền chuyển về Moscow và Cheka đóng trụ sở tại tòa nhà Lubianka gớm ghiếc (trước đây là công ty Bảo hiểm Lloyd), số nhân viên của nó lên đến 600, và đến 1,000 vào tháng 6, không kể lực lượng an ninh. Các phòng Cheka ở tỉnh thì chậm phát triển hơn; những gần như tất cả các tỉnh và hầu hết quận đều có chi nhánh Cheka vào tháng 9, khi ở trên xuống lệnh phát động Khủng Bố Đỏ.
Cheka là một nhà nước bên trong một nhà nước. Ít có lãnh vực nào trong đời sống Xô-Viết, từ cuộc đấu tranh chống phản cách mạng đến cấp phép nuôi chó, mà cơ quan này không mó tay vào. Ngay từ đầu nó hoạt động ngoài pháp luật. Dân Uỷ Tư pháp tranh đấu một cách vô ích để đặt nó dưới quyền quản lý của tư pháp. Một tiếng gõ cửa giữa đêm, thẩm vấn và tống giam không cần lệnh, tra tấn và hành quyết không xét xử – đây là những phương pháp của Cheka. Theo lời của một người thành lập nó:
Cheka không phải là một ủy ban điều tra, một tòa án. Nó là cơ quan chiến đấu trên mặt trận nội bộ của cuộc nội chiến. . . Nó không xét xử, nó trừng trị. Nó không tha thứ, nó tiêu diệt những ai bị bắt ở phía bên kia chiến lũy.
Trong những tháng đầu Bôn-se-vich nắm quyền Cheka không khát máu như sau này. Một nguồn tư liệu đếm được 884 vụ hành quyết liệt kê trên báo chí giữa tháng 12 và 7. Sự hiện diện của các phần tử SR cánh Tả – vốn đã tham gia Cheka vào tháng 1 và vẫn ở lại đó ngay cả sau khi họ tự chức khỏi Sovnarkom (nội các) vào tháng 3 – có ảnh hưởng rất hạn chế.
Trong giai đoạn phôi thai này việc bắt bớ thường tùy tiện. Điều này xuất phát từ bản chất hỗn loạn của nhà nước cảnh sát mới thành lập; gần như mọi người đều có thể bị bắt nếu có ai tố cáo hoặc theo hứng của các ông trùm Cheka địa phương. Mọi hạng người ở đầy các phòng giam Cheka trong những tháng đầu này. Hoàng thân Lvov, bị Cheka bắt ở Ekaterinburg, mô tả bạn tù của ông vào tháng hai như là ‘một đám người tạp sắc’, từ hoàng thân đến giáo sĩ đến những nông dân bình thường. Thậm chí em họ của Lênin, Viktor Ardashev, bị bắt rồi bị bắn bởi Cheka Ekaterinburg vào tháng giêng 1918. Lãnh đạo Bôn-se-vich chỉ phát hiện việc này vài tháng sau đó, khi ông ra lệnh một nhân viên gởi lời hỏi thăm đến Ardashev và được báo cho hay là đã chết. Hình như ông rất yêu mến người em họ này. Nhưng tình cảm không được đền đáp. Ardashev là một đảng viên Kadet tiếng tăm ở
Ekaterinburg và đã tổ chức vụ đình công của công chức chống lại chính quyền Lênin.
* * *
Hai dấu ấn nổi cộm trong sự phát triển của Khủng Bố: vụ nổi dậy của SR cánh Tả và vụ giết hại gia đình hoàng gia.
Vụ nổi dậy của SR cánh Tả là một trong những sự kiện khôi hài nhất trong lịch sử cách mạng. Nó đúc kết tính ngây thơ của SR cánh Tả. Điểm nổi bật là tại thời điểm quyết định này các SR cánh Tả có thể đã lật đổ được chế độ Bôn-se-vich: chỉ có điều dường như thắng lợi không có mặt trong kế hoạch của họ. Đây không phải là cú đảo chính nhưng – không khác vụ nổi dậy vào tháng 7 1917 của Bôn-se-vich – là một hành động tự sát của phản kháng nhằm kích động quần chúng chống chế độ. Không lúc nào người SR cánh Tả nghĩ đến việc nắm lấy quyền lực. Họ chỉ ‘chơi đùa’ với cách mạng.
Những lý tưởng đã mang SR cánh Tả vào Sovnarkom trong tháng 12 thì vào tháng 6 sau đó dường như đến bước hiểm nghèo. Tự do của các Xô-Viết đã bị chuyên chế bóp nghẹt. Lợi ích của nông dân đã bị giẫm đạp bằng độc quyền thóc gạo và kombedy. Các quyền con người đều đi xuống cống rãnh, cùng với quan niệm điên rồ của SR cánh Tả cho rằng, bằng cách cùng tham gia với người Bôn-se-vich trong chính quyền, họ có thể hạn chế sự lạm dụng quyền lực của chúng. Nhưng nỗi bất mãn lớn nhất của họ là Hiệp ước Brest-Litovsk. Như những người Cộng sản cánh Tả, những SR cánh Tả tin rằng hiệp ước đã biến Nga thành chư hầu của Đế Chế Đức, và rằng nó đã dập tắt hi vọng duy nhất để truyền bá chủ nghĩa xã hội sang phương Tây qua một cuộc chiến cách mạng chống bọn đế quốc. Do việc ký hiệp ước, người SR cánh Tả lên án người Bôn-se-vich là bọn phản bội với cách mạng, và từ chức khỏi Sovnarkom, dù họ còn ở lại ban Điều hành Xô-Viết và, mỉa may thay, ở lại Cheka. Bá tước Mirbach, Đại sứ Đức, đến vào nửa cuối tháng 4 để nối lại quan hệ ngoại giao giữa Berlin và Moscow,* trở thành một mục tiêu của nhóm khủng bố SR cánh Tả, muốn ra tay để phá vỡ hiệp ước.
Chiến dịch chống đối ồn ào của họ lên đến đỉnh điểm tại Đại hội Xô-Viết Lần Năm, khai mạc tại Nhà hát Bolshoi ngày 4/7. Người SR cánh Tả tham dự với một đoàn đại biểu lớn. Họ đại diện cho quần chúng đã hậu thuẫn ‘cách mạng Xô-Viết’ nhưng cảm thấy bị Xô-Viết phản bội. Kamkov và Spiridonova, hai lãnh đạo chính của đảng, tố cáo các chính sách của Bôn-se-vich. Đứng đầu danh sách là ‘nền hòa bình nhục nhã’, mà họ cho rằng đã bán đứng công nhân và nông dân Ukraine cho đế quốc Đức. Họ thề sẽ làm lại chiến tranh cách mạng và giơ cao nắm đấm về phía lô hoàng gia, biểu tượng cho vị trí của Bá tước Mirbach.
Hai ngày sau ông ta bị ám sát. Hành động khủng bố này nhằm phá vỡ hòa bình bằng cách xúi giục Đức tấn công Nga. Nó cũng nhằm mục đích làm bùng phát cuộc nổi dậy quần chúng chống lại chế độ. Quyết định ám sát Mirbach đã được SR vạch ra vào tối ngày 4, sau phiên họp đầu tiên của Đại hội khi rõ ràng là họ không thể chiếm đa số cần thiết để tạo ra thay đổi trong những chính sách thân Đức và chống nông dân của chính quyền. Một động thái bất tín nhiệm người Bôn-se-vich của SR đã bị đánh bại, và người SR cánh Tả đã bỏ ra ngoài Đại hội. Spiridonova — dù là một phụ nữ dáng dấp nho nhã chưa hề nghĩ đến biện pháp khủng bố – lại chính là đạo diễn của vụ mưu sát Mirbach. Bà tuyển mộ Yakov Bliumkin, một nhân viên Cheka thuộc SR cánh Tả hoạt động trong công tác phản gián chống người Đức, và nhiếp ảnh gia của ông, Nikolai Andreev. Vào chiều ngày 6 họ sắp xếp một cuộc gặp mặt với viên Đại sứ viện cớ thảo luận trường hợp của một Bá tước Robert Mirbach, được cho là một người thân của ông ta, bị bắt vì nghi ngờ là do thám. Sau vài lời trao đổi ngắn ngủi, các nhân viên Cheka rút súng và khai hỏa. Họ bắn hụt và Mirbach tẩu thoát. Nhưng Bliumkin ném theo một quả bom, gây vết thương chết người. Hai người đàn ông tẩu thoát qua cửa sổ, Bliumkin bị một viên đạn trúng chân, và phóng đến một ô tô đang đợi về Doanh trại Pokrovsky của Phân đội Tác chiến thuộc cơ quan Cheka, do Dmitrii Popov, một thành viên SR tiếng tăm khác, chỉ huy. Cheka đã trở thành bộ chỉ huy của cuộc nổi dậy. Lênin ngay lập tức được mời tới Sứ quán Đức để xin lỗi về vụ ám sát. Trước đây trong lịch sử ngoại giao thế giới chưa hề có một người đứng đầu nhà nước nào bị mất thể diện như thế.
Tối đó Dzerzhinsky đi đến Doanh trại Pokrovsky và yêu cầu Barrack Bliumkin và Andreev ra nộp mình. Nhưng thay vào đó Phân đội Tác chiến Cheka quay ra bắt giữ y và tuyên bố về phe nổi dậy. Những người nổi dậy chiếm trụ sở Cheka ở Lubianka, bắt giữ Latsis, người thay thế tạm thời cho Dzerzhinsky. Đây không phải là cuộc nổi dậy đường phố mà là đảo chính cung đình bên trong Cheka: nó xảy ra nhờ vào sự chểnh mảng không đặc trưng của người Bôn-se-vich. Sự tình là những người SR đã được cho phép 7 ghế trong 20 ghế của Ủy ban Cheka. Dzerzhinsky đã bổ nhiệm Alexandrovich thuộc SR cánh Tả làm phó cho mình và cho phép ông ta xây dựng Phân đội Tác chiến như một đơn vị của riêng SR. Vào tối ngày 6 Alexandrovich – theo Spiridonova không biết gì về vụ mưu sát Mirbach và chỉ tham gia cuộc nổi dậy của SR cánh tả vào ngày 6 – nắm quyền chỉ huy binh lính nổi dậy.
* Nước Nga Xô-Viết lập sứ quán ngoại giao đầu tiên của nó ở Berlin vào thời điểm này.
Vào lúc này đúng là không có gì ngăn cản người SR cánh Tả lên cướp chính quyền. Họ có 2,000 quân trang bị tốt ở thủ đô so với ,
700 binh lính trung thành với chế độ. Lực lượng Tay Súng Latvia, những binh sĩ thiện chiến duy nhất trong thủ đô mà người Bôn-se-vich có thể trông cậy, đang bận ăn lễ Thánh John tại Sân Khodynka – nơi xảy ra thảm nạn trong ngày lễ đăng quang của vị Sa Hoàng cuối cùng vào năm 1896 – ở ngoại vi thủ đô. Quân Latvia không thể trở lại thủ đô vì sương mù, mưa như trút và có dông bão. Lênin trong tình trạng hoảng hốt: như Kerensky vào tháng 10, ông không có bình lính để bảo vệ chế độ mình. Vatsetis, chỉ huy người Latvia có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền, nhớ là mình được triệu tập vào Kremlin sau nửa đêm, tại đó ‘không khí như ở Mặt trận đang lâm chiến’. Câu hỏi đầu tiên của Lênin dành cho ông là: ‘Đồng chí, chúng ta có thể cầm cự đến sáng được không?’
Nhưng người SR cánh Tả không thấy có biểu lộ gì muốn tận dụng lợi thế quân sự. Họ không quan tâm đến việc cướp chính quyền hơn là kêu gọi sự nổi dậy của quần chúng để cưỡng bách người Bôn-se-vich thay đổi chính sách của mình. Người SR không nghĩ đến việc vụ nổi dậy này sẽ kết thúc như thế nào: họ bằng lòng để việc đó cho ‘tính sáng tạo cách mạng của quần chúng’. Họ là những ‘thi nhân của cách mạng’ và, như mọi thi nhân, trong tận thâm tâm họ đều là những người vô chính phủ. Tại mỗi thời kỳ trong mối quan hệ với người Bôn-se-vich, người SR cánh Tả đều bị chúng chơi khăm; và thậm chí bây giờ, khi chúng ở dưới tay sinh sát của họ, họ lại đánh mất thế của người ở kèo trên. Thay vì tiến về Kremlin, các lãnh đạo SR cánh Tả đi đến Nhà hát Bolshoi, nơi Đại hội Xô-Viết đang nhóm họp. Spiridonova phát biểu một bài diễn văn nảy lửa tố cáo chế độ Bôn-se-vich. Trong khi bà thao thao bất tuyệt lực lượng an ninh tại đại hội bao vây nhà hát và chận kín các lối ra vào. Các đại biểu Bôn-se-vich được phép ra về nhưng những người khác bị bắt giữ. Những người SR đã lọt vào bẫy.
Khuya đêm đó người Bôn-se-vich chiếm lại Lubianka. Rồi, vào đầu giờ sáng, các lực lượng của Vatsetis trấn áp Phân đội Tác chiến ở Doanh trại Pokrovsky. Vatsetis được người Bôn-se-vich trao phần thưởng hậu hĩnh 10,000 rúp và quyền Tư lệnh Mặt trận phía Đông; vào tháng 9 được giao quyền chỉ huy Hồng Quân. Nhưng ông ta đánh bại người SR thì ít mà chính người SR tự đánh bại mình thì nhiều. Như đồng chí của họ Steinberg đã chỉ ra, họ bị đánh bại ‘không phải bởi vì các lãnh đạo của họ không đủ quả cảm, nhưng bởi vì mục đích của họ không hề là lật đổ chính quyền’.
Vài trăm kẻ nổi dậy bị bắt giữ. Alexandrovich và 12 lãnh đạo khác thuộc Phân đội Tác chiến bị hành quyết không xét xử vào ngày 7. Hầu hết những lãnh đạo SR khác bị tống giam và ra tòa vào tháng 11, khi, xét thời tiết tại thời điểm đó,họ nhận được những bản án khoan dung đặc biệt (một số người Bôn-se-vich không muốn trừng phạt họ gì hết) và thật ra sau đó được khoan hồng. Spiridonova được kêu án tù một năm, và sau đó khoan hồng, chỉ để bị bắt lại vào tháng hai 1919, được tuyên bố là mắc bịnh tâm thần và bị quản thúc trong doanh trại Kremlin. Nhưng chẳng bao lâu bà trốn thoát, nhờ lấy lòng đám lính gác. Bliumkin cũng xoay sở trốn thoát được và sau đó gia nhập đảng Bôn-se-vich. Đảng SR cánh Tả coi như kết thúc đầu cuộc nổi dậy tháng 7 bất thành. Những nhà hoạt động của nó buộc phải chạy khỏi các Xô-Viết và chui vào bí mật. Hàng trăm người bị tống giam hoặc hành hình. Những người khác – vốn không tán thành cuộc nổi dậy – ly khai và lập một đảng mới mang tên Người Cộng Sản Cách Mạng. Loại bỏ được SR cánh Tả, nhóm duy nhất hoạt động như bộ hãm cho những hành động vô pháp của Cheka, một làn sóng khủng bố mới bắt đầu. Mỉa mai thay, chỉ vì được tham gia vào Cheka, người SR cánh Tả lại trở thành những nạn nhân đầu tiên của nó.
* * *
Sau khi thoái vị vào tháng 3 1917, Nikolai Romanov (tên được gọi bây giờ) đã được quản thúc tại nhà (đúng ra tại cung) cùng với gia quyến và đoàn tùy tùng tại Tsarskoe Selo. Ngoài việc bị hạn chế di chuyển, họ không bị tước đoạt gì nhiều: chi phí ngất ngưởng dành để nuôi ăn ở tất cả được giữ kín với báo chí e rằng nếu biết sẽ gây ra phẫn nộ trong công chúng. Cuộc sống trong những tháng này không khác một buổi họp mặt gia đình kéo dài – chỉ khác là khách khứa bị bó buộc ở trong phòng riêng, và thay vì đi săn bắn bình thường phải giới hạn việc vui chơi chỉ còn được tản bộ quanh khu vườn dưới sự giám sát của cảnh vệ.
Nicholas không tỏ dấu hiệu gì hối tiếc quyền hành. Xét theo nhật ký của ông, đây là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong toàn bộ cuộc đời ông. Cất khỏi gánh nặng của việc trị vì luôn khiến ông khổ sở, ông được tự do theo đuổi phong cách sống trưởng giả riêng tư mà ông hằng ao ước. Kerensky, người đến thăm vị Sa Hoàng cũ vài lần tại Tsarskoe Selo (Hoàng hậu luôn gọi sai tên ông là Kedrinsky), sau đó viết rằng ‘mọi người nhìn thấy ông trong cảnh giam cầm này đều nhất trí rằng Nicholas II nói chung dường như rất vui tính và có vẻ hưởng thụ lối sống mới của mình. Như thể một gánh nặng đã nhắc khỏi đôi vai ông và giờ ông vô cùng thư thái.’ Nicholas II tiêu khiển những ngày tháng êm ả này với gia đình bằng trò đô-mi-nô, đọc nhau nghe cuốn Bá Tước Monte Cristo, làm vườn, chèo thuyền, đánh quần vợt và cầu nguyện. Ông chưa hề ngủ ngon đến thế.
Giai đoạn đầu của quản thúc chấm dứt vào giữa tháng 8, khi gia đình hoàng gia được di tản đến thị trấn Tobolsk trên miền Siberia. Kerensky quan tâm đến an nguy của họ. Luôn có mối nguy hiểm chực chờ là một đám đông phẫn nộ có thể xông vào cung điện và tấn công vị cựu Sa Hoàng đế trả thù: đã từng có chuyện đó xảy ra vào tháng ba do một nhóm binh sĩ từ Petrograd. Mối nguy hiểm này dường như tăng lên sau những Ngày Tháng Bảy. Thoạt đầu đã có dự định chuyển Sa Hoàng và gia đình ông sang nước Anh, ở đó vua George V, anh em họ với Nicholas, đã mời ông vào tháng ba. Nhưng Xô-Viết Petrograd chống đối quyết liệt ý kiến này, nhấn mạnh rằng vị cựu Sa Hoàng nên bị tống vào Pháo đài Peter và Paul. Hơn nữa, George rút lại lời mời vì sợ làm Đảng Lao động bất mãn, mặc dù chuyện này một thời gian dài bị dòng họ Windsor hổ thẹn giấu nhẹm.* Thay vào đó người ta quyết định chuyển họ đến Tobolsk, một vùng tỉnh lỵ hoang vắng xa tầm ảnh hưởng của cách mạng. Tại đó họ tiếp tục sinh sống tương đối tiện nghi trong ngôi nhà của vị thống đốc trước đây. Ngoài số tùy tùng đông đảo các ông các bà, hoàng gia còn đem theo hai người hầu trai, sáu tớ gái, mười người chạy việc, ba đầu bếp, bốn phụ bếp, một quản gia, một phục vụ rượu, một y tá, một thư ký, một thợ cắt tóc và hai chó cưng.
* Việc hoàng gia Anh từ chối thăm nước Nga trong 75 năm sau đó để phản đối việc sát hại gia đình Romanov vì vậy đối với nhiều độc giả hành động này dường như chứa một số lượng lớn thói đạo đức giả điển hình Anh.
Tình trạng trước đây của hoàng gia rẻ sang một bước ngoặt tồi tệ hơn trong những tháng đầu năm 1918. Họ nhận ra điều đó trong cách cư xử thô lỗ hơn của lính canh, việc di chuyển bị hạn chế nghiêm ngặt hơn và những xa xỉ biến mất, như bơ và cà phê, mà từ trước đến giờ họ dùng thoải mái. Những biến đổi có liên quan với diễn biến trong thành phố kỹ nghệ Ekaterinburg gần đó. Đại hội Xô-Viết vùng Ural nhóm họp vào tháng hai đã bầu ra một chủ tịch đoàn người Bôn-se-vich do Fillip Goloshchekin đứng đầu. Y là một đảng viên Bôn-se-vich lâu năm và là bạn của Sverdlov. Người Bôn-se-vich Ekaterinburg nổi tiếng là hung hăng. Họ căm ghét cảnh tiện nghi tương đối mà Sa Hoàng đang hưởng thụ và quyết định đòi được giao quyền quản lý họ – một số muốn cầm tù, số khác muốn hành hình.
Goloshchekin van nài Sverdlov để y trông coi Sa Hoàng, tuyên bố rằng ở Tobolsk mối nguy hiểm lớn hơn là ông ta có thể trốn thoát. Có nhiều tin đồn về các mưu tính khác nhau của người bảo hoàng – một số có thực, một số tưởng tượng, và một số bịa đặt – nhằm giải cứu hoàng gia. Sverdlov không từ chối – những người Bôn-se-vich vùng Ural không phải loại tắc trách – nhưng thật ra đang có một kế hoạch bí mật, do Ủy ban Trung ương dự định, sẽ đem Sa Hoàng trở lại Moscow, tại đó Trotsky sắp xếp một phiên tòa trọng thể có tính trình diễn, theo kiểu cách mạng Pháp xử vua Louis XVI, mà ông ta đóng vai công tố chính. Trotsky đề nghị:
Một phiên tòa công khai sẽ vạch trần toàn bộ hình ảnh về cách cai trị (chính sách nông dân, lao động, dân tộc, văn hóa, hai cuộc chiến . . . ). Diễn tiến của phiên tòa sẽ được truyền thanh trên toàn quốc qua đài; trong làng xã biên bản về tiến trình của phiên xử sẽ được đọc và bình giải mỗi ngày.
Với kế hoạch này trong đầu, đầu tháng 4 Sverdlov ra lệnh cho ủy viên Vasilii Yakovlev đưa Nicholas, nếu có thể, cùng toàn bộ gia đình trở lại Moscow còn sống. * Yakovlev được căn dặn hãy đi qua Ekaterinburg để không khêu gợi sự ngờ vực của người Bôn-se-vich ở đó, vì nếu phát hiện ra sứ mạng thực sự của ông, họ có thể bắt cóc và hành quyết Sa Hoàng. Thật ra, vào tháng 4 Xô-Viết vùng Ural đã thông qua một nghị quyết về việc đó; và Zaslavsky, một trong những ủy viên Ekaterinburg, chuẩn bị một cuộc phục kích để bắt cóc Sa Hoàng. ‘Chúng ta không nên phí thời gian cho nhà Romanov thêm nữa,’ Zaslavsky nói với Yakovlev khi y đến Tobolsk, ‘chúng ta nên kết thúc chuyện này cho rồi.
* Chỉ mới gần đây vai trò của Yakovlev mới được vén màn bí mật. Trước đây có hai lập luận nói y làm việc cho người Bôn-se-vich và nói y là đặc vụ bí mật của phe Trắng lên kế hoạch để giải cứu hoàng gia. Giờ đây chứng cứ mới đặt lại vai trò của y chính là đặc vụ của Moscow không thể chối cãi, mặc dù sự thật là vào tháng 7, trong lúc đang chỉ huy Quân đoàn 2 Hồng Quân trên Mặt trận phía Đông, ông đào thoát qua Bạch Vệ (xem Radzinsky, Vị Sa Hoàng Cuối Cùng, chương II).
Chuyến đi từ Tobolsk đến Ekaterinburg đầy bất trắc. Tuyết mùa xuân bắt đầu tan, làm ngập lụt đường xá; và Thái tử, gần đây chứng bệnh Hemophilia của cậu đã trở lại, khiến cậu suy yếu không mang đi được. Yakovlev
được lệnh Moscow để hoàng gia ở lại chỉ mang cựu Sa Hoàng đi thôi. Nhưng Hoàng hậu Alexandra không muốn tách rời Nicholas,* và cuối cùng hai người khởi hành cùng nhau, trừ bốn đứa con (sẽ đi sau), trong một xe ngựa không mui về hướng Tiumen, ga tàu gần nhất, cách đó 170 dặm. Trên đường họ đi băng qua Pokrovskoe, làng quê của Raspustin. Alexandra ghi trong nhật ký của bà: ‘đứng lâu trước ngôi nhà của bạn chúng tôi, nhìn thấy gia đình ông và bạn bè đang nhìn chúng tôi từ khung cửa sổ’.
* Đôi vợ chồng hoàng gia sợ cựu hoàng bị dẫn đến Moscow để buộc ký vào Hiệp ước Brest-Litovsk. Sự kiện họ cho rằng người Bôn-se-vich cần hoặc muốn chữ ký của ông là dấu hiệu cho thấy họ đã xa rời thực tế chính trị biết bao (xem Wilton, Những Ngày Cuối Cùng của dòng họ Romanov, 206).
Khi họ đã leo lên tàu ở Tiumen, Yakovlev bổng đâm ra ngờ vực những người Bôn-se-vich địa phương. Ông đã nghe tin một phân đội kỵ binh đang lên kế hoạch tấn công tàu trên đường đến Ekaterinburg và bắt cóc hàng hóa hoàng gia – ‘hàng hóa’, là mật danh chỉ vợ chồng Sa Hoàng đế liên lạc với Moscow. Vì thế ông đi đường vòng qua Omsk về hướng đông. Việc này càng củng cố thêm mối nghi ngờ của những người Bôn-se-vich Ekaterinburg là ông đang toan tính giải cứu Sa Hoàng, có thể mang ông ta đến Nhật Bản. Một trận chiến điện tín tiếp theo sau, với hai bên Yakovlev và Goloshchekin thúc giục Sverdlov cho mình toàn quyền kiểm soát cựu Sa Hoàng. Sverdlov lần này nhượng bộ Goloshchekin, ra lệnh cho Yakovlev quay lại và hướng về Ekaterinburg. Dường như Goloshchekin bảo đảm rằng cặp vợ chồng sẽ không bị làm hại, khiến Sverdlov bị thuyết phục nên nghe theo ý vị lãnh đạo đảng có thế lực. ‘Đã đi đến thỏa thuận với người Ural,’ Sverdlov điện cho Yakovlev. ‘Họ đã có biện pháp và đưa ra bảo đảm.’ Yakovlev đồng ý nhưng cảnh báo như biết trước rằng, nếu chở Sa Hoàng đến Ekaterinburg, ông ta chắc chắn sẽ không rời chỗ ấy mà còn sống.
Hai vợ chồng đến Ekaterinburg vào ngày 30 tháng 4 (toàn bộ phần còn lại của hoàng gia đến sau vào ngày 23/5). Ở ga họ chạm trán với một đám đông thịnh nộ và bị nhốt vào một ngôi nhà trắng rộng lớn mới trưng dụng ngày hôm trước của một doanh nhân nghỉ hưu Nikolai Ipatev. Người Bôn-se-vich gọi nó là Nhà Đặc Nhiệm – và chính tại đây nhà Romanov sẽ chết. Chế độ trong nhà rất nghiêm nhặt và phũ phàng. Một hàng rào lớn được dựng quanh để ngăn cản không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sau đó cửa sổ cũng bị sơn phủ. Linh gác rất thù hằn. Họ tò tò đi theo Hoàng hậu và các cô gái đến tận phòng vệ sinh; viết nguệch ngoạc những lời tục tĩu lên vách; và tịch thu đồ cá nhân của tù nhân, cất trong nhà kho tại vườn. Trừ những bữa ăn, các tù nhân bị nhốt trong phòng riêng. Để giết thì giờ, Nicholas, lần đầu tiên trong đời, đọc Chiến Tranh và Hòa Bình.
Chính trong tuần đầu tiên của tháng 7 mà quyết định hành quyết tất cả nhà Romanov được đưa ra. Cho đến tận lúc sụp đổ sau cùng, chế độ Xô-Viết luôn khăng khăng cho rằng việc tàn sát là do một mình ngươi Bôn-se-vich ở Ekaterinburg thực hiện. Nhưng chứng cứ xuất hiện trong thư khố từ lúc đó cho kết luận rằng lệnh đến từ giới lãnh đạo đảng ở Moscow. Thật ra việc này đã được phương Tây biết từ một ghi chép trong nhật ký của Trotsky vào năm 1935 trong đó ông nhớ lại một cuộc trao đổi ngắn ngủi với Sverdlov sau vụ tàn sát:
Nói chuyện với Sverdlov, tôi hỏi tình cờ, ‘Ờ mà nè, Sa Hoàng ra sao rồi?’ ‘Xong rồi,’ ông trả lời. ‘Ông ta đã bị bắn.’ ‘Còn gia quyến thì sao?’ ‘Cũng đi theo y.’ Tất và à?’ Tôi hỏi, rõ ràng với chút ngạc nhiên. ‘Tất cả, tại sao?’ Sverdlov đáp lại và đợi phản ứng của tôi. Tôi không trả lời. ‘Ai ra quyết định?’ tôi cật vấn. ‘Chúng tôi quyết định ở đây. Ilich (Lênin) cho rằng chúng ta không nên để cho bọn Trắng một ngọn cờ vẫy gọi, nhất là trong tình hình khó khăn này.’ Tôi không hỏi gì thêm nữa và xem vấn đề như đã khép lại.
Chứng cứ mới từ văn khố chỉ điền thêm vào những chi tiết. Goloshchekin đến Moscow vào cuối tháng 6 để dự Đại hội Xô-Viết Lần Năm. Quan điểm của y là nhà Romanov phải chết thì ai cũng biết. Tiếp theo là tham vấn với Lênin và ý kiến này được chấp nhận trên nguyên tắc mà không ấn định ngày giờ nhất định. Vào ngày 16/7 Goloshchekin, đã trở lại Ekaterinburg, gởi một điện tín mã hóa đến Sverdlov và Lênin qua Zinoviev báo tin là việc hành hình phải được thi hành ngay không đình hoãn ‘vì tình hình quân sự’. Quân đoàn Séc đã bao vây thành phố và, chỉ với vài trăm Hồng Vệ binh dưới tay, người Bôn-se-vich địa phương thấy có ít cơ may di tản thành công gia đình hoàng gia. Sau đó cùng ngày, Moscow khẳng định qua Perm rằng việc hành quyết cứ tiến hành ngay. Lời khẳng định có thể đã đi trực tiếp từ chính Lênin.
Tại sao người Bôn-se-vich đổi ý và tiến hành việc tàn sát, đảo ngược ý định trước đó là đem Nicholas ra tòa ở Moscow? Những nhận định quân sự ắt hẳn đúng là thực, trái với những gì nhiều sử gia có thể đã nói. Quân Séc đã chiếm được Ekaterinburg vào ngày 25/7, tám ngày sau vụ tàn sát; nhưng họ có thể dễ dàng đánh chiếm sớm hơn một vài ngày, vì thành phố bị bao vây và họ có quân số đông hơn phe Đỏ. Nhưng không chắc họ, hay bất kỳ phe Trắng nào, lại muốn lấy một nhân vật tai tiếng và tệ hại như Nicholas làm ‘ngọn cờ vẫy gọi’ của họ. Một Sa Hoàng tử đạo hữu ích hơn một Sa Hoàng sống nhưng đã chết về phương diện chính trị. Cả Denikin và Kolchak đều đủ thông minh để biết rằng việc phục hồi vương triều không còn là vấn đề sau năm 1917, mặc dù cả hai đều có cố vấn là những người bảo hoàng. Có lẽ người Bôn-se-vich không hiểu điều này. Có lẽ họ là nạn nhân của lời tuyên truyền của chính họ là phe Trắng ai cũng bảo hoàng.
Nhưng cho dù như thế, không nghi ngờ rằng việc mưu sát cũng được thi hành vì những nguyên do khác. Các lãnh đạo đảng vào giai đoạn này có ý kiến khác về việc liệu có nên đem Sa Hoàng ra xét xử hay không. Không phải là sợ có thể tìm ra chứng cứ cho thấy vị cựu Sa Hoàng vô tội. Trotsky là bậc thầy về xét xử chính trị, như ông đã chứng tỏ trong phiên xét xử mình vào năm 1906, và ắt hẳn với lập luận sắc nén, ông dễ dàng thuyết phục rằng Nicholas, với trọng trách trị vì, phải gánh chịu trách nhiệm cho những tội lỗi của chế độ mình. Cũng không phải sợ vị cựu Sa Hoàng được luật pháp cho phép nhờ những luật sư tài năng biện hộ cho mình: những người Nga có tài tương đương với Malesherbes và de Seze – những luật sư của vua Louis XVI trong phiên tòa xét xử ông – đều đã bị tống vào tù trong thời gian này. Nguyên do lại là vấn đề nền tảng hơn – một vấn đề mà Saint-Just từng đưa ra chống lại việc xét xử Louis – đó là đưa một ông vua đã bị phế truất ra trước vành móng ngựa là giả định trước có khả năng là ông ta vô tội. Và trong trường hợp đó chính tính hợp pháp đạo lý của cách mạng trở thành vấn đề. Mang Nicholas ra xét xử cũng là mang người Bôn-se-vich ra xét xử. Sự thừa nhận điều này là điểm tại đó họ đi qua từ lãnh vực luật pháp vào lãnh vực khủng bố. Cuối cùng nó không phải là vấn đề chứng tỏ vị cựu Sa Hoàng có tội – suy cho cùng, như Saint-Just đã nói, ‘không ai trị vì mà vô tội’ – nhưng là vấn đề loại bỏ ông ta như một đối tác cạnh tranh về tính hợp pháp. Nicholas phải chết để quyền lực Xô-Viết có thể sống.
Vào ngày 4/7 Cheka địa phương đã choàng lấy trách nhiệm canh giữ nhà Romanov tại ngôi nhà của Ipatev. Yakov Yurovsky, ông trùm Cheka địa phương, cầm đầu đội hành quyết. Em y nói y ‘thích trấn áp dân chúng’. Kẻ giết Sa Hoàng cũng là một người Do Thái – một sự kiện mà người Do Thái phải trả quá trong tương lai. Vào đêm ra tay, 16-17 tháng 7, khoảng 1.30 sáng, Yurovsky đánh thức bác sĩ của Sa Hoàng và ra lệnh ông đánh thức tất cả tù nhân. Lúc 2 giờ sáng tất cả 11 người họ được dẫn xuống cầu thang đến tầng hầm. Nicholas ẳm Thái tử, theo sau là Hoàng hậu và các cô con gái, bác sĩ của Sa Hoàng và phần còn lại của đoàn tùy tùng. Công chúa Anastasia ôm theo con chó cưng. Theo lời yêu cầu của họ, hai chiếc ghế được mang vào cho Hoàng hậu và Alexis, vẫn còn đang dưỡng sức trong lần xuất huyết gần đây. Không ai hình như biết điều gì sắp xảy ra: họ được thông báo là có bắn nhau trong thành phố cho nên phải xuống hầm cho an toàn. Sau vài phút, Yurovsky bước vào phòng với đội hành quyết – sáu người Hung, thường được mô tả là người Latvia, và năm người Nga. Mỗi người được phân công bắn một nạn nhân cụ thể, nhưng khi họ bước vào phòng hóa ra họ không đứng đối diện đúng người và căn phòng thì quá nhỏ, khiến kẻ sát nhân và nạn nhân gần như đứng sát vào nhau, nên cần phải thay đổi: chính điều này phần nào gây ra sự lộn xộn sau đó. Yurovsky đọc lệnh hành quyết nhà Romanov. Nicholas yêu cầu y lặp lại: lời nói cuối cùng của ông là ‘Gì thế? Gì thế?’ Rồi súng bắt đầu nổ. Yurovsky bắn Nicholas sát sườn bằng súng Colt. Hoàng hậu cũng chết ngay lập tức. Những viên đạn bay rít khắp phòng, khói bốc mù mịt. Khi việc khai hỏa kết thúc, chỉ mất một phút, Alexis vẫn còn sống nằm trên vũng máu: Yurovsky kết liễu bằng hai viên đạn vào đầu cậu. Anastasia, cũng có dấu hiệu còn sống, bị đâm vài nhát bằng lưỡi lê.
Dựa vào tất cả những chứng cứ được đem ra anh sáng, không thể cho rằng có ai còn sống qua trận tàn sát này.* Sau đó thi thể được chở trong một xe goòng và trút xuống một vài nơi trong đường hầm mỏ than gần đó. Nhưng rồi đường hầm này hóa ra quá nông không thể che giấu được thi thể nên ngày hôm sau chúng được chuyển đi. Nhưng trên đường đi đến một số mỏ sâu hơn xe goòng bị lún trong bùn và thế là quyết định chôn xác xuống đất. Axit sunfurit được đổ lên mặt thi thể để che dấu nhân dạng lỡ có người phát hiện thi thể. Việc này chứng tỏ là không cần thiết – và không hiệu quả. Những ngôi mộ chỉ được phát hiện sau khi chế độ Xô-Viết sụp đổ. Nhưng vào lúc này, phân tích DNA bộ hài cốt, được mang về Anh vào năm 1992, đủ thiết lập bằng chứng vượt qua mọi nghi ngờ là chúng thuộc về nhà Romanov.
* Kẻ sống sót duy nhất có lẽ là con chó cưng tên Joy (niềm vui).
Tin tức về vụ hành quyết đến với Lênin ngày hôm sau trong phiên họp nội các. Các Dân Ủy đang tham gia thảo luận chi tiết về một sắc lệnh bảo vệ sức khỏe thì Sverdlov bước vào báo tin. Thông báo ngắn ngủi về cái chết của Sa Hoàng được đón nhận bằng sự im lặng của khán phòng. Rồi Lênin nói: ‘ Giờ chúng ta đọc lại bản nháp sắc lệnh từng mục một.’
Thông báo chính thức xuất hiện trên báo Izvestiia ngày 19/7. Nó chỉ đề cập đến cái chết của cựu Sa Hoàng, tuyên bố rằng ‘vợ và con trai của Nicholas Romanov đã được gởi đến một nơi an toàn’. Người Bôn-se-vich, hình như, không dám thừa nhận mình đã sát hại những trẻ em và tôi tớ – tất cả họ, suy cho cùng, đều là những người vô tội – e rằng nhi bay sẽ đánh mất tình cảm của quần chúng. Nhưng thật ra phản ứng của dân chúng trầm lắng hơn nhiều. ‘Dân chúng Moscow đón nhận tin tức với sự lãnh đạm đáng kinh ngạc,’ Lọckhart nhận xét. Tin đồn là toàn bộ gia đình đã bị giết không gợi lên nhiều cảm xúc. Lời nói dối chỉ được tiết lộ vào năm 1926, khi cuốn sách của Sokolov được xuất bản ở Paris, Vụ Sát Hại Hoàng Gia, dựa trên cuộc điều tra của một ủy ban do Kolchak lập ra, khiến nó không còn giữ kín được. Nhưng lúc này truyền thuyết đã lan truyền cho rằng không phải tất cả nhà Romanov đều đã chết. Và ngành xuất bản ăn nên làm ra nhờ những cuốn sách khai thác những tình tiết bịa đặt. Tất cả điều này chỉ nhằm chứng tỏ rằng hư cấu chứ không phải lịch sử đẻ ra lợi nhuận và tiền bạc nhiều hơn.
Tại sao vụ sát hại nhà Romanov mang một ý nghĩa như thế trong lịch sử cách mạng? Có thể cho rằng họ chỉ là một số ít cá nhân, trong khi cách mạng liên quan đến hàng triệu người. Đây là lập luận của những sử gia Mác-xit, có khuynh hướng xem sự kiện này chỉ là một cảnh rất phụ của toàn vở diễn cách mạng. E. H. Carr, chẳng hạn, viết về sự kiện này không hơn một câu đơn lẻ trong bộ lịch sử ba tập của ông về lịch sử cách mạng. Nhưng như thế là đã bỏ sót ý nghĩa sâu xa hơn về vụ sát hại. Đó là lời tuyên cáo của Khủng Bố. Đó là lời phát biểu rằng từ rày trở đi cá nhân không có nghĩa lý gì trong nội chiến. Trotsky có lần đã nói: ‘Chúng ta phải chấm dứt một lần cho tất cả thói ba hoa rao giảng về sự thiêng liêng của mạng sống con người.’ Và đó cũng chính là điều mà Cheka đã làm. Không lâu sau vụ sát hại Dzerzhinsky bảo với báo chí:
Cheka là thành trì bảo vệ cách mạng như Hồng Quân; như trong nội chiến Hồng Quân không thể dừng lại để tự hỏi liệu mình có thể làm hại đến những cá nhân cụ thể nào không, mà chỉ phải chu toàn điều duy nhất là thắng lợi của cách mạng trước bọn tư sản, Cheka cũng vậy, nó phải bảo vệ cách mạng và chinh phục kẻ thù cho dù có khi lưỡi gươm của nó rơi xuống đầu những người vô tội.
Người Bôn-se-vich ám hại những người khác trong dòng họ Romanov sau vụ hành hình Sa Hoàng. Sáu thành viên hoàng tộc bị tàn sát vào đêm hôm sau tại Alapaevsk ở vùng bắc Ural. Cái chết của họ, theo một nghĩa nào đó, chỉ là một phần nhỏ trong Khủng Bố Đỏ.
Chính trong thời Lênin, chứ không phải Stalin, mà Nga trở thành một nhà nước cảnh sát rộng lớn. Cheka có hạ tầng khủng, từ ủy ban về nhà cửa đến trại tập trung, sử dụng hơn một phần tư triệu nhân viên. Trong thời nội chiến chính chúng là người đã bảo đảm sự sống còn của chế độ trên cái gọi là ‘mặt trận nội bộ’. Khủng bố trở thành một yếu tố tích hợp của hệ thống Bôn-se-vich trong thời nội chiến. Không ai biết đích xác con số người bị Cheka bức hại và bị giết chết trong những năm tháng này. Nhưng chắc chắn lên tới vài trăm ngàn, nếu kể cả những người trong các trại tập trung và nhà tù cũng như những người bị hành hình hoặc bị giết bởi các binh sĩ Cheka trong những vụ đàn áp đình công và nổi dậy. Mặc dù không ai biết được con số chính xác, nhưng có thể có nhiều người bị Cheka tàn sát hơn là bị chết trong các trận giao tranh nội chiến.
Theo chú thích tại Bảo tàng Trung ương các lực lượng vũ trang Nga:
Đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên Hồng quân Công-Nông là các chuyên gia quân sự của Quân đội Nga cũ (военспецы). Trong quân đội năm 1917 có khoảng 150 ngàn tướng lĩnh và sĩ quan, nếu cộng thêm quân nhân chuyên nghiệp và bác sĩ quân y thì là 250 ngàn người. Quyết định về việc thu nhận số lượng lớn vào phục vụ Hồng quân các tướng lĩnh sĩ quan chế độ cũ được Hội đồng Dân ủy chấp thuận vào ngày 19/3/1918. Nghị định (декрет) ngày 29/7/1918 xem họ là bị động viên bắt buộc. Tính đến khi kết thúc Nội chiến trong RKKA đã động viên 48,5 ngàn tướng lĩnh sĩ quan, 10,3 ngàn quân nhân chuyên nghiệp, 14 bác sĩ quân y chế độ cũ. Tổng cộng gần 73 ngàn người. Năm 1918 các chuyên gia quân sự chiếm 75 % thành phần chỉ huy của RKKA. Về sau, với việc học sinh tốt nghiệp các trường quân sự và các khóa huấn luyện cấp tốc gia nhập hàng ngũ chỉ huy Hồng quân, phần trăm chuyên gia quân sự (cũ) thu hẹp lại. Năm 1920 họ chiếm 42 % tổng số chỉ huy. Từ số tốt nghiệp Học viện Tham mưu cấp tướng, bao gồm các khóa huấn luyện cấp tốc 1916-1919, đã có 2837 người tham gia hoạt động chiến đấu. Trong số họ, phục vụ trong RKKA chiếm khoảng 40 %, còn trong Bạch vệ khoảng 46 %, phần còn lại tham gia các quân đội dân tộc chủ nghĩa. Trong hải quân khi bắt đầu Nội chiến có 8 ngàn sĩ quan và binh lính. Trong số này chuyển sang Hải quân Đỏ là 6,5 ngàn người. Trong Bạch vệ thời kỳ Nội chiến có khoảng 110-130 ngàn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và bác sĩ quân y (bao gồm cả số ra trường trong thời gian Nội chiến). Trong số đó khoảng 70-90 ngàn phục vụ trong Quân đội miền nam Nga, khoảng 30 ngàn – tại PDQ Đông và 10 ngàn tại các mặt trận còn lại. Chưa đầy 30 ngàn trong các quân đội dân tộc chủ nghĩa.
//Cách mạng và Nội chiến tại Nga: 1917-1923. Bách khoa toàn thư. Tập 4. 2008. tr. 153. Ganin A.V. Có bao nhiêu chuyên gia quân sự// Lịch sử dạy trong trường phổ thông. Số 9. 2016. tr 26-30.
ThíchThích
Pingback: Bi kịch của một dân tộc: Cách Mạng Nga 1897- 1921 | Nghiên Cứu Lịch Sử