Iraq cổ đại (Phần 12)

Chương 12 : HAMMURABI

aa

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

 Chiến thắng bốn ông hoàng hùng mạnh và thống nhất Mesopotamia tự thân đã là những thành tựu đáng kể đủ để tách biệt Hammurabi là một trong những quân vương Mesopotamia vĩ đại nhất. Nhưng Vua Babylon không chỉ là thủ lĩnh chiến binh lừng lẫy: việc ông xử lý các đối thủ biểu lộ những phẩm chất của một chính khách khôn khéo; Bộ Luật của ông thể hiện một nhiệt tình đối với công lý mà, đến một mức độ lớn, cân bằng với thói trừng trị tàn bạo đáng ghê tởm; những bảng chữ khắc của ông cho thấy sự quan tâm thực sự đối với phúc lợi của thần dân và một niềm tôn trọng sâu sắc đối với truyền thống của một xứ sở vốn, suy cho cùng, xa lạ với chủng tộc mình; những thư của ông chứng tỏ các hậu duệ của một thủ lĩnh Amorite có thể điều hành một vương quốc rộng lớn với cùng mức chăm sóc và quan tâm đến từng chi tiết như nhà cai trị  một thành bang Sumer. Hammurabi nâng cấp Babylon lên bậc một kinh đô chủ yếu và biến thần Marduk thành một trong những bậc thần vĩ đại nhất.

Hơn nữa, thời trị vì kéo dài 42 năm của ông (1792 – 1750 TCN) đánh dấu đỉnh cao của một loạt những thay đổi văn hóa vốn đã khởi đầu từ thế kỷ trước và sẽ kéo dài cho đến khi Triều đại Thứ Nhất của Babylon sụp đổ đột ngột, 155 năm sau khi ông mất. Những thay đổi này ảnh hưởng sâu xa đến nghệ thuật, ngôn ngữ, văn chương và triết lý của người Mesopotamia. Tượng điêu khắc chính thức, trực tiếp xuất thân từ điêu khắc của thời kỳ Akkad và Ur III, vẫn còn đóng băng trong một vẻ đẹp tỉnh táo và mạnh mẽ, nhưng loại nghệ thuật ‘quần chúng’ đã xuất hiện được đặc trưng bởi tính hiện thực và sự hâm mộ tính chuyển động. Nó được thể hiện trong một số bức tượng đồng nhỏ (chẳng hạn một tượng thần vô danh, bốn đầu từ Ischali được diễn tả đang bước đi một cách đáng kinh ngạc), trong một vài bia và điêu khắc đá (một đầu sư tử đang gầm thét, một nữ thần đang ngửi một bông hoa), trong bộ phận của tranh tường tại cung điện ở Mari (một người đang trèo cây hái chà là, một con chim sắp sửa bay đi) và trên hết, trong một số lớn các bảng gạch nung mô tả những cảnh sinh hoạt hàng ngày, như một người thợ mộc đang làm việc, một nông dân ngồi trên con bò u, một chó mẹ đang cho con bú và thậm chí những cặp đang làm tình). Không có ở thời kỳ nào khác mà nghệ thuật Mesopotamia quá sống động và phóng khoáng đến như thế.

1

Thời trị vì của Hammurabi cũng là thời kỳ ngôn ngữ Akkad đạt đến sự hoàn hảo, không chỉ về ngữ pháp – Bộ Luật Hammurabi là khuôn mẫu cổ điển cho các sinh viên ngành Assyria học – mà cũng về những ký tự hình nêm tao nhã và rõ ràng. Từ đó trở đi chỉ được sử dụng trong bảng chữ khắc, thư từ và văn kiện hành chính và luật pháp hoàng triều, ‘Chữ Babylon Cổ”, như nó được gọi, trở thành ngôn ngữ văn học, một loại ngôn ngữ mà ‘độ tươi tắn và khí lực của nó thời đại sau không hề sánh được’. Các thư lại tiếp tục sao chép các văn bản Sumer cổ quan yếu, nhưng phóng tác tự do, thêm hương vị Semitic cho chúng, và cũng sáng tác các tác phẩm nguyên bản. Việc này đưa đến những văn phẩm đáng ngưỡng mộ, chẳng hạn truyền thuyết Etana và Anzu – thần bão tố đã trộm lấy bảng số mệnh của Enlil – thần thoại Atrahasis và thiên sử thi Gilgamesh.

Cuối cùng, đây là thời điểm tín ngưỡng cá nhân phát triển, mà chứng cứ là vô số tượng thần đất sét nhỏ hoặc bảng đất sét thờ cúng mô tả những thần linh và quỷ sứ và những lời cầu nguyện cảm động, ‘thư kính gởi thần’, và những buồng nguyện ở góc đường. Nhưng dù họ được dạy rằng ‘Thần bảo hộ Người một cách cá nhân và sâu xa’, người Mesopotamia bắt đầu thắc mắc, ngờ vực và suy ngẫm về những bí ẩn thiêng liêng của Sống và Chết hoặc giữa Thiện và Ác. Được thúc đẩy bởi óc tò mò phi thường về thế giới chung quanh họ, họ chắt lọc và phân loại kiến thức tích lũy được từ các bậc tiền nhân và chính mình, vận dụng trí thông minh và nỗ lực dự đoán tương lai bản thân mình. Từ đó những bản thảo thô sơ đầu tiên của văn chương người homo sapiens đạt đến sự phát triển đầy đủ trong thời Kassite, và sự sinh sôi của nhiều văn bản khoa học đủ mọi loại, kể cả bói toán và mà thuật.

Tất cả những thay đổi này đóng góp lại tạo ra cho nửa đầu thế kỷ 18 TCN một thời kỳ quyết định trong lịch sử Iraq cổ đại, và không nghi ngờ gì nữa nhân vật Hammurabi, nhà chính khách và làm luật xứng đáng được quan tâm đặc biệt.

Nhà Chính Khách

Khi Hammurabi bước lên ngôi ông thừa hưởng từ vua cha Sin-muballit một vương quốc tương đối nhỏ, dài khoảng 150 km và rộng 60 km, đi từ Sippar đến  Marad hoặc, theo thuật ngữ địa hình học hiện đại, từ Fallujah đến Diwaniyah. Bao quanh là những nhà nước lớn hơn và những vị vua hùng mạnh hơn: phía nam hoàn toàn bị thống trị bởi Rim-Sin xứ Larsa người mà hai năm trước đã chiếm Isin và đặt dấu chấm hết cho triều đại kình địch (1794 TCN); về phía bắc chân trời bị chặn lại bởi Vương quốc hùng cường Thượng Mesopotamia; và về phía đông, chỉ vừa qua sông Tigris, là Dadusha, đồng minh với người Elam, còn cai trị ở Eshnunna. Vị Vua Babylon mới không kém quyết tâm hơn tổ tiên mình trong việc mở rộng lãnh thổ, nhưng ông nhẫn nại đợi đến 5 năm trước khi đi bước đầu tiên. Lúc đó, khi ông cảm thấy đã đứng vững trên ngôi báu, ông tấn công theo ba hướng: ông đoạt lấy Isin từ tay Vua Larsa và tiến quân dọc sông Euphrates về phía nam đến tận Uruk (năm thứ 6), mở chiến dịch ở Emutbal, giữa Tigris và dãy Zagros và đánh chiếm chìa khóa mở đến khu vực đó, Malgum (năm thứ 10), và cuối cùng chiếm Rapiqum, thượng lưu Sippar (năm thứ 11). Sau đó, dường như theo biên niên sử của ông trong 20 năm kế tiếp ông dành hết thời gian chỉ để làm đẹp đền thờ và củng cố các thị trấn.

Chuỗi ngắn ngủi các hoạt động quân sự này xâm phạm các lãnh thổ của Larsa và Eshnunna và chắc chắn gây ra những hiềm thù to tát với Rim-Sin và Ibal-pi-El II, người mà vào năm 1779 TCN đã kế vị  Dadusha, nhưng chúng ta không có cách nào biết được họ có đáp trả không và đáp trả bằng cách nào. Về phần người Assyria, ắt hẳn họ vui mừng vì ‘nhân vật ở Eshnunna’ đã muối mặt nếu họ không bận bịu với những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Gần đây được xác lập là  cả  Samsi-Addu và  Iasmah-Adad đều chết, có lẽ trong một trận đánh, vào năm 1776 TCN (muộn hơn khoảng 5 năm theo ước tính trước đây), để Mari rộng mở cho Zimri-Lim, một người con trai (hoặc có thể chỉ là một thân nhân gần) của Iahdun-Lim. Tuy nhiên, Ishme-Dagan, vẫn còn làm chủ Ekallâtum và Assyria. Nhiệm vụ cấp bách nhất của Zimri-Lim là khẳng định quyền hành mình đối với một vương quốc nhỏ hơn trước đây và đang bắt đầu tan rã, và để làm điều này ông sử dụng hoặc lực lượng hoặc chính sách ngoại giao sắc sảo: ông đè bẹp một vụ nổi dậy của người Iaminites trong vùng thung lũng hạ lưu Khabur và triệu tập các ông hoàng xứ Idamaras và vùng  Sinjar đến dự một buổi họp tại đó ông thuyết phục họ công nhận mình là ‘chúa tế và cha’ của họ’. Hơn nữa, ông gả vài cô con gái mình cho một số các chư hầu. Chính sách đối ngoại của Zimri-Lim nhằm mục đích bảo đảm hòa bình bất cứ nơi đâu có thể, đồng thời làm nản chí mọi vụ công kích. Từ đầu thời trị vì, ông kết liên minh với Vua Iamhad và sau đó cưới con gái ông ta Shibtu. Ông cũng dâng cúng một bức tượng đến Adad, thần bảo hộ của Aleppo, và đi xa đến tận Ugarit, trên bờ biển Syria, vì những mục đích không được biết trừ mục đích hòa bình. Chống lại Eshnunna, kẻ thù truyền thống phương đông, ông ra sức sử dụng người Elam làm tấm bình phong. Được sự hỗ trợ của binh lính từ Mari và Babylon, người Elam thành công trong việc đánh chiếm thành phố  được phòng thủ vững chắc Eshnunna. Rủi thay, thắng lợi này khiến nhà cai trị Elam nổi lòng tham, cho nên vào năm sau, ông đem hai đạo quân vào Mesopotamia: một cánh tiến đánh Babylon, cánh kia tiến đánh Ekallâtum. Hammurabi đánh bại đạo quân thứ nhất tại Hiritum (một địa điểm vẫn chưa được xác định), nhưng Ekallâtum, Shubat-Enlil và các thị trấn khác thuộc đông bắc Jazirah bị chiếm đóng, làm dấy lên những bất ổn và bạo loạn trong những vương quốc này. Vào năm 1771 TCN, Ibal-pî-El xứ Eshnunna, người kế vị năng động của Dadusha, đáp trả với cùng một chiến lược gọng kìm: một đạo quân trong thung lũng Tigris, một đạo quân khác dọc theo sông Euphrates. Ekallâtum bị đánh chiếm thêm một lần nữa nhưng Mari còn chừa ra. Theo sau một trận đánh giằng co trong vùng Sinjar, Ibal-pi-El chọn lựa hòa giải và cuối cùng buộc Zimri-Lim ký kết một hiệp ước công nhận sự vượt trội của mình. Tuy nhiên, bọn Eshnunna vừa ra đi thì các chư hầu của Vua xứ Mari đã tái tục sự thần phục đối với ông.

Việc điều quân của các nhà cai trị Eshnunna và Elam cũng  được theo dõi với cùng mức độ lo âu bởi người bạn thân nhất của Zimri-Lim, Hammu-rabi. Vì Mari và Babylon chế ngự toàn bộ con sông Euphrates, hai nhà cai trị có thể đạt được mọi thứ bằng cách nối tay nhau. Sứ giả của Zimri-Lim tại triều đình Babylon báo cáo cho ông mọi vấn đề hệ trong của vương quốc đó, và ngược lại các đặc sứ Babylon thông tin cho Hammurabi mọi tín tức họ nghe được ở Mari, ‘dịch vụ tình báo’ song phương này dường như hoạt động dưới sự biết rõ và tán thành của cả hai nhà vua. Hai quân vương cho mượn binh sĩ lẫn nhau -binh lính của Zimri-Lim hỗ trợ Hammurabi khi ông này hủy diệt vương quốc đối thủ Larsa – và hai bên giúp đỡ nhau trong những công việc lớn nhỏ như những láng giềng tốt có thể mơ ước. Nhưng dưới ánh sáng của những sự kiện xảy ra sau này thái độ Hammurabi có lẽ quan tâm hơn bản chất thực sự, và có lẽ ông chỉ lợi dụng đồng minh của mình để củng cố quyền lực của mình. Từng miếng một những văn bản trong thư khố lộ diện chân dung một nhà chính trị nhẫn nại và xảo quyệt biết quan sát nhiều hơn hành động và biết chờ đợi thời cơ chín mùi để ra tay với thắng lợi chắc chắn.

Cuối cùng, vào năm trị vì thứ 29 thời cơ này đã đến – có lẽ sớm hơn Hammurabi đã hy vọng, theo phiên bản của ông về các sự kiện, Babylon bị liên minh Elam, Guti, Assyria và dân Eshnunna tấn công:

Nhà lãnh đạo được Marduk yêu quý, sau khi đã đánh bại quân đội mà Elam… Subartu, Gutium, Eshnunna và Malgum đã chiêu tập đông đảo, nhờ mãnh lực hùng mạnh của các thần linh vĩ đại củng cố nền móng của Sumer và Akkad. (Năm thứ 30.)

Năm sau (1763 TCN) Hammurabi phản công và, ‘được một điềm triệu cổ vũ’, tấn công Larsa. Rim-Sin – mà ông khinh khi gọi là ‘Vua của Emutbal’, Emutbal là quê hương của dòng họ Rim-Sin – đã bị lật đổ sau 60 năm trị vì, thời gian dài nhất trong biên niên Mesopotamia.

Vào năm 31 một liên minh mới gồm những kẻ thù như truớc được thành lập. Người ‘anh hùng’ không chỉ ‘lật đổ quân đội của họ’ mà còn tiến quận ‘dọc bờ sông Tigris’ đến tận ‘biên giới Subartu’. Nói ẩn tàng, đây là đoạn kết của Eshnunna.

Giờ là chủ nhân của Mesopotamia nam và trung tâm, Hammurabi không phải là người chịu dừng lại ở đó. Những đế chế lớn của Akkad và Ur ắt hẳn nằm ở trong trí ông khi ông quyết định tấn công người bạn cũ Zimri-Lim; kết tội vì đã không về phe Hammurabi trong cuộc chiến chống Eshnunna.

Mari và Malgum ngài lật đổ trong trận đánh và buộc Mari và … cũng một vài thành phố khác của Subartu bằng một thỏa ước thân thiện (chịu nghe) mệnh lệnh của ông. (Năm 32).

Những lời cuối cùng này dường như chỉ ra rằng Zimri-Lim không mất ngôi nhưng biến thành chư hầu của Hammurabi. Hai năm sau, tuy nhiên, binh lính Babylon được phái đến Mari, có lẽ để dập tắt một cuộc nổi dậy. Lần này tường thành bị dỡ bỏ, cung điện xinh đẹp của Zimri-Lim bị cướp bóc và thiêu hủy, và kinh đô to lớn của vùng Trung Euphrates bị biến thành nơi đổ nát (1761 TCN).

Cuối cùng, trong những năm trị vì 36 và 38 Hammurabi ‘lật đổ quân đội xứ Subartu (Assyria)’ và ‘đánh bại mọi kẻ thù xa đến tận xứ Subartu’. Cách đối xử nào dành cho Assur chúng ta không biết. Phần nào đó triều đại Assyria xoay sở để tồn tại được, nhưng sự thống trị của Assyria tại bắc Iraq đã đến hồi kết thúc.

Như vậy trong 10 năm tất cả trừ một trong 5 vương quốc Mesopotamia đã lần lượt biến mất, và Mesopotamia giờ thành một quốc gia đơn lẻ dưới sự cai trị của Babylon. Quyền lực của Hammurabi vươn xa tới đâu thì thật khó nói. Một bia đá với chữ khắc của ông được nói là được tìm thấy gần Diarbakr, ở miền đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Elam và Syria vẫn còn độc lập. Trong những ngày đó họ là những xứ sở hùng mạnh hơn và khuất phục họ cần tốn nhiều thời gian và lực lượng hơn mà Hammurabi không có đủ. Nhà vua Babylon tự xưng ‘Nhà Vua hùng mạnh, Vua của Babylon, Vua của toàn xứ Amurru’, Vua của Sumer và Akkad, Vua của Bốn Cõi Thế Giới’ nhưng, rất khôn ngoan, ông không muốn ra sức thử nắm quyền kiểm soát thực sự ‘Vũ Trụ’.

2

Tranh chạm nổi Hammurabi đặt tại Quốc hội Hoa Kỳ

3

Babylon dưới thời Hammurabi

Người Làm Luật

Trong khi hoàn thành công cuộc thống nhất Mesopotamia bằng vũ lực, Hammurabi thi hành một loạt biện pháp hành chính, xã hội và tín ngưỡng hướng tới việc tập trung trong tay mình và những người kế vị chính quyền của một quốc gia hợp thành bởi vài nhóm sắc tộc và công khai với vô số luật lệ và tập quán, tính phức tạp của hệ thần linh và duy trì những truyền thống và sắc thái địa phương. Những vấn đề nội vụ được nhà vua xử lý với cùng sự pha trộn giữa tính nghiêm khắc và khoan dung như cách ông đã sử dụng quá thành công trong việc đối ngoại. Một tập sao lục những văn thư trao đổi giữa Hammurabi và hai viên chức cao cấp cư ngụ tại Larsa cho thấy họ chịu sự kiểm soát rất nghiêm nhặt từ hoàng triều. Trái lại, người Babylon có thể có ảo tưởng về quyền tự trị bởi vì trong mỗi thành phố cơ quan hành chính có nhiệm vụ xét xử những vụ án nhỏ, thu thuế và xử lý những vấn đề địa phương thuần túy được lập thành bởi viên thị trưởng (rabiânum), các Trưởng lão, hội đồng các công dân giàu có và uy tín và ‘phòng thương mại’ (kârum). Nhưng những nhiệm vụ quan trọng hơn (quản lý tài sản hoàng gia, giám sát việc các tài nguyên vùng miền được khai thác thích đáng) được thi hành bởi các viên chức do nhà vua bổ nhiệm và các thanh tra triều đình giám sát. Binh lính đồn trú tại các thị trấn lớn nơi họ hành xử như lực lượng cảnh sát, quân đội trừ bị và người bảo vệ lực lượng lao động tham gia công trình công cộng; đám binh sĩ này đătj dưới quyền chỉ huy một sĩ quan cao cấp gọi là ‘thanh tra người Amorite’ (wâkil amurri). Một ‘thanh tra nhà buôn’ (wâkil tamkari) đại diện nhà vua tại những buổi họp kârum. Vào giữa thời trị vì của mình, nhà vua tiến một bước xa hơn về hướng chuyên chế: ông mở rộng quyền kiểm soát đối với các thẩm phán của đền thờ, những người mà từ đó trở đi tự xưng trên con dấu niêm của mình là ‘tôi tớ của Hammurabi’ thay vì theo truyền thống là ‘tôi tớ của một vị thần nào đó’.

Để hợp pháp hóa vương triều của mình và để tước bỏ bất kỳ sự xưng vương nào trong tương lai đối với Sumer và Akkad, Hammurabi phong cho thần Marduk – từ trước đến giờ chỉ là vị thần hạng ba – một thứ bậc cao trong hệ thần; nhưng ông tế nhị tuyên bố rằng thứ bậc này đã được thần Anu và Enlil ban cho và rằng ông, Hammurabi, đã được ‘triệu đến bởi cả đại thần linh để ‘vun đắp phúc lợi nhân dân’. Ngoan ngoãn tuân phục thánh ý, các thầy tế sắp xếp lại gia phả các thần, ban cho Marduk các phẩm chất của các vị thần khác. Vậy là về nền tảng các tin ngưỡng Sumer-Akkad cũ không hề thay đổi. Khắp nơi, kể cả ở Nippur, các đền thờ được xây dựng lại, tu bổ hoặc làm đẹp theo truyền thống hoàng triều Mesopotamia thực sự, bất kỳ động thái nào có thể làm tổn thương đến cảm xúc tín ngưỡng của nhân dân đều được thận trọng tránh xa.

Bộ Luật lừng danh của Hammurabi được Hammurabi ban hành

Để công lý được vươn ra khắp đất nước

Để hủy diệt những kẻ xấu ác,

Để kẻ mạnh không còn có thể hiếp đáp người yếu đuối,

Không còn có thể xem là ‘bộ luật cổ xưa nhất trên thế giới’ – chúng ta giờ đây sở hữu những văn kiện tương tự từ thời trị vì của Ur-Nammu, Lipit-Ishtar và Bilalama, không kể những ‘cải cách’ của Urukagina – nhưng nó vẫn còn là bộ luật đầy đủ nhất và xứng đáng được nói thêm. Tuy nhiên, cần được nhấn mạnh rằng rằng từ ‘Bộ Luật’ phần nào có thể gây lầm lẫn, vì chúng ta có ở đây không phải là một cải cách luật pháp toàn bộ, cũng không phải một tập hợp đầy đủ những điều khoản luật pháp được phân loại hợp lý, chẳng hạn như Bộ Định Chế của Justinian hoặc Bộ Dân Luật Napoleon. Đúng ra, người Mesopotamia chưa hề được cai trị dựa theo bất kỳ hệ thống nào khác hơn là ‘luật phổ thông’, được truyền từ đời vua này đến đời vua khác và thỉnh thoảng được điều chỉnh cho thích hợp với những điều kiện xã hội và kinh tế thịnh hành tại một thời điểm nào đó. Một trong hành động đầu tiên của một nhà cai trị, ít ra kể từ Urukagina, là ‘chỉ dụ Mêsharum’, một từ có thể dịch ra là ‘công lý’, nhưng trong ngữ cảnh này còn chứa thêm một số điều khác, chẳng hạn miễn giảm nợ và nghĩa vụ và định giá các mặt hàng thiết yếu – một biện pháp hiệu quả để điều tiết nền kinh tế của xứ sở. Chẳng hạn, đó là điều muốn nói trong chỉ tiêu của năm thứ hai trị vì của Hammurabi: ‘ông thiết lập công lý trong xứ’, và một minh họa tốt cho động thái Mêsharum’ còn sót lại trong ‘chỉ dụ’ của Vua Ammisaduqa, một trong vị vua kế vị Hammurabi, được in vào cuối thập niên 1950 (xem Chương 15). Trong tất cả những vấn đề khác vị tân vương chỉ việc áp dụng những luật lệ của những người tiền nhiệm của ông, nhờ đó đảm bảo được tính liên tục trong truyền thống mà, trong lĩnh vực này cũng như trong lĩnh vực khác, là một trong những đặc điểm chủ yếu của nền văn minh Mesopotamia. Tuy nhiên, trong quá trình trị vì, những thay đổi xã hội và kinh tế xảy ra đòi hỏi luật lệ phải được điều chỉnh phù hợp, và nhà vua tuyên bố những bản án cho một số tình huống chưa thấy có tiền lệ. Những quyết định này của nhà vua được ghi lại đầy đủ và cuối cùng được kết tập lại để các quan tòa tra cứu và tham khảo trong những thế hệ sau, tạo thành cái gọi là ‘Bộ Luật’, và chúng ta sở hữu một vài bản sao như thế của Bộ Luật Hammurabi trên bảng đất sét, viết từ thời kỳ Babylon Cổ đến thời Triều đại Chaldean (thế kỷ 6 TCN).

4

Về phía cuối thời trị vì của mình Hammurabi ra lệnh cho khắc những nghị quyết hoàng triều trên những bia đá dựng trong đền thờ, mang chứng tích rằng nhà vua đã thi hành chức năng trọng yếu của ‘vị vua của công lý’ một cách mãn nguyện và đã hành động theo tấm lòng của các đấng thần linh. Một trong những bia ký này, được tìm thấy trong một tình trạng bảo quản tuyệt hảo, chẳng khác nào một tác phẩm nghệ thuật nổi bật (hình trên). Được dựng khởi thủy trong đền thờ thần Shamash tại Sìppar, nó được  người Elam đưa về Susa như một chiến lợi phẩm vào thế kỷ 12 TCN, được người Pháp phát hiện tại đó vào năm 1901 và chở về Bảo tàng Louvre. Đó là một bia đá cao tám bộ bằng đá ba-san mài bóng, có hình thuôn. Ở phần trên tạc một cảnh mô tả Hammurabi trong tư thế cầu nguyện đối mặt với một vị thần – Marduk hoặc Shamash, thần mặt trời và thần công lý – ngồi trên ngai vàng. Phần còn lại của bia đá, mặt trước và mặt sau, bao phủ những cột văn bản được chạm đẹp đẽ và viết trong ngôn ngữ Babylon thuần khiết nhất. Sau phần mở đầu dài liệt kê những công đức của nhà vua, là ít nhất 282 điều luật liên hệ đến những tội khác nhau, trong lĩnh vực mậu dịch và thương mại, hôn nhân, gia đình và tài sản, phí và nghĩa vụ của chuyên viên, những vấn đề pháp lý liên hệ đến nông nghiệp, lương và bậc lương, và việc mua bán nô lệ. Cuối cùng, một đoạn kết dài kêu gọi thần thánh trừng trị  chống lại bất kỳ ai bôi xóa đài lăng hoặc sửa đổi ‘những điều luật công minh mà Hammurabi, vị vua tài năng, đã thiết lập’.

Dựa vào Bộ Luật và những văn kiện khác xã hội Babylon được chia thành ba giai tầng: người tự do (awêlu), mushkênu và nô lệ (wardu). Từ mushkênum, ở đây không dịch, có nghĩa ‘người bình dân’, ‘nông nô’ hoặc ‘người nghèo’, nhưng thật ra dường như nó chỉ loại nhân viên nhà nước hoặc quân nhân nhận lấy một số nghĩa vụ và hạn chế nào đó để đổi lấy một vài đặc quyền. Người nô lệ được chiêu mộ một phần trong số các tù binh và thân quyến họ, một phần trong số những người tự do nghèo khổ tự bán mình hoặc con cái mình cho chủ nợ. Bị cạo trọc đầu và đánh dấu, họ coi như tài sản của chủ nhân, và những hình phạt nghiêm khắc được cảnh báo cho những ai tiếp tay hoặc chứa chấp những nô lệ bỏ trốn. Tuy vậy những điều kiện của họ không nổi vô vọng như chúng ta nghĩ: họ có thể được trả tự do hoặc được chủ nhân nhận làm con nuôi, như dưới Triều đại Thứ Ba của Ur, ít nhất một số họ có được tài sản hoặc thậm chí cưới được các con gái của người tự do (§§ 175 – 6). Phí và các hình phạt thay đổi tùy theo điều kiện xã hội. Chẳng hạn, chi phí của một ca mổ cứu sống ấn định ở giá 10 shekels bạc cho một người mushkênum và 2 shekels cho một nô lệ (§§ 215 – 17). Tương tự, ‘nếu một người đã đâm vào mắt của người awêlum, nạn nhân được quyền đâm lại vào mắt y’, nhưng ‘nếu một người đã đâm vào mắt hoặc làm gãy xương người mushkênum, y chỉ phải trả một mina bạc’, và trong trường hợp người nô lệ,  chỉ phải trả phân nửa giá trị của y (§§ 196, 198, 199). Sự bồi thường bằng hiện vật hoặc tiền bạc, vốn cấu thành cơ sở của hệ thống hình luật Sumer, giờ đây một phần được thay thế bằng tử hình, tùng xẻo hoặc hình phạt thể chất, và khi nạn nhân hoặc  nguyên đơn là người tự do Luật Trả Đũa thường được áp dụng, thậm chí nếu tội phạm không cố ý. Chẳng hạn:

Nếu một người giải phẫu tiến hành một ca mổ nặng cho một awêlum bằng một lưỡi trích đồng và gây ra tử vong cho bệnh nhân này . .   y sẽ bị cắt cụt bàn tay

 Nếu một kiến trúc sư xây nhà cho một awêlum nhưng không làm chắc chắn và nếu nhà đó sập đổ và gây ra tử vong cho chủ nhà, kiến trúc sư đó phải chịu tội chết (§ 229).

 Nếu gây ra tử vong cho một nô lệ của người chủ, y sẽ phải đền nô lệ bằng nô lệ cho người chủ nhà (§ 231).

Đôi khi nghe có vẻ tàn ác đối với tâm thức người văn minh, Bô Luật Hammurabi, trong nhiều điều luật của nó, theo sát một cách đáng ngạc nhiên với quan niệm hiện đại của chúng ta về công lý. Đặc biệt, các điều luật liên quan đến gia đình và tài sản thể hiện một nỗ lực đáng kể để bảo vệ đàn bà và trẻ em khỏi bị đối xử tùy tiện, nghèo khổ và bị bỏ rơi, và nếu bị hình phạt trong tình huống cực nặng, thì có thể được xem xét khoan dung hoặc tình huống giảm khinh. Tội ngoại tình của người vợ sẽ phải tội chết, nhưng người chồng có thể tha thứ cho vợ mình và nhà vua khoan hồng cho người tình của bà ta, do đó có thể cứu họ khỏi ‘bị trói chặt cùng nhau và ném xuống sông’. (§ 129). Vợ một tù nhân, khi chồng vắng mặt, đã ‘đi vào nhà một người đàn ông khác’ không phạm tội nếu bà làm vậy vì ‘nhà không có gì ăn’ (§ 134). Người chồng có thể ly dị vợ mình mà không cần giao tài sản gì cho cô ta nếu cô ta xử sự tồi (§ 141), nhưng nếu y ly dị vợ chỉ vì cô ta không sinh con trai cho y, ‘y phải chia cho cô ta tiền bạc tương ứng với giá trị quà cưới của cô và sẽ tính đến số tiền hồi môn có mang theo khi về nhà chồng’ (§ 138). Chồng của một phụ nữ bị bệnh có thể cưới một phụ nữ khác, nhưng phải cho cô vợ cũ ở lại ‘chừng nào cô còn sống’ (§ 148). Khi một người đàn ông mất thì tài sản ông được chia cho các con trai, nhưng người vợ góa được hưởng  quyền hoa lợi của tài sản này (§ 171) và có thể tự do sử dụng bất kỳ ‘ruộng đất, nhà cửa hoặc động sản’ mà người chồng có thể đã cho bà (§ 150). Khi một phụ nữ mất thì của hồi môn của cô ta không phải trả về cho cha cô, mà phải giao cho con trai cô (§ 162). Những sắp xếp tương tự bảo vệ các con trai của ‘người vợ đầu’ khỏi những con trai của ‘gái-nô lệ’ hoặc thê thiếp và bảo đảm quyền lợi của đứa trẻ chống lại việc bị tước quyền thừa kế không chính đáng (§ 168).

Một điểm khác thuộc quan tâm chung trong Bộ Luật là việc tham chiếu thường xuyên đến định chế gọi là ilkum (§§ 26 – 41). Rõ ràng, những người thuộc một số ngành nghề nào đó, như rêdum (cảnh sát),  ba’irum (thủy thủ) hoặc nash biltim (người mang vật triều cống) nhận được từ nhà vua bắp, đất đai, cừu và gia súc để đổi lấy một số nghĩa vụ nào đó, dễ hiểu nhất là nghĩa vụ quân sự. Thái ấp (ilkum) được phong như thế luôn được xem là tài sản cá nhân của người nhận lãnh đến suốt đời và được chia cho người thừa kế của ông sau khi ông chết. Nó không thể bị bán hoặc gán cho vợ hoặc con gái, mặc dù có thể được sử dụng để trả tiền chuộc nếu ông bị bắt khi phục vụ cho nhà vua, hoặc có thể bị tịch thu giao cho người khác nếu ông ta từ chối hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đào ngũ. Thế là rõ ràng, việc phong cho ilkum không phải là phần thưởng đơn giản cho những công trạng đối với nhà vua, nhưng là một biện pháp ắt hẳn được chính Hammurabi đưa ra nhằm trói chặt điền thổ với một số thần dân của ông và tạo ra mối dây gắn bó giữa họ với nhà vua tương tự với mối ràng buộc phong kiến, ở châu Âu trung cổ, giữa lãnh chúa với người tâm phúc.

Và như thế, rất ngắn ngủi, là một số đặc điểm nổi bật của Bô Luật tiếng tăm này. Có thể kém độc đáo hơn được nghĩ, nhưng nó vẫn là duy nhất vì độ dài, tính tao nhã và chính xác của phong cách và vì ánh sáng mà nó rọi vào xã hội sơ khai, nhưng vẫn có trình độ văn minh cao của thời kỳ đó. Được soạn trong những năm cuối đời của Hammurabi, nó đã đăng quang cho thời trị vì lâu dài và thành tựu của ông. Nhìn vào thành tựu này, Vua Babylon có thể tự hào tuyên bố:

Ta nhổ tận gốc mọi  kẻ thù phía trên và bên dưới;

 Ta khiến chiến tranh kết thúc;

 Ta xiển dương phúc lợi của đất đai;

 Ta vỗ yên giấc ngủ của nhân dân tại nơi mình cư ngụ;

 Ta không để cho ai gieo khiếp sợ cho họ.

 Các thần linh kêu gọi ta

 Vì thế ta phải trở thành người chăn dắt tốt bụng cầm cây vương trượng công chính;

 Cái bóng nhân từ của ta đổ dài trên thành phố ta.

 Ta cưu mang nhân dân vùng đất Sumer và Akkad trong lòng ta;

 Họ thịnh vương dưới sự che chở của ta;

 Ta đã trị vì họ trong thái bình;

 Ta đã chăn dắt họ trong quyền lực mình.

 


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s