Iraq cổ đại (Phần 11)

Chương 11 : NGƯỜI AMORITE

aa

Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

aa

Sự thất thủ của Ur vào cuối thiên niên kỷ 3 TCN là một trong các nước ngoặt chính của lịch sử Iraq cổ đại: nó không chỉ rung hồi chuông báo tử cho một triều đại và một đế chế, nó còn đánh dấu sự cáo chung của quốc gia và xã hội Sumer. Can thiệp vào phút cuối cùng, người Elam đã chiếm kinh thành, nhưng sự ly khai của toàn bộ các tỉnh lỵ, cuộc nổi dậy của các quan triều của Ibbi-Sin và cuộc xâm lược của người Amorite là những nguyên nhân chính khiến Sumer thảm bại. Người Elam chẳng bao lâu bị tống khứ khỏi Iraq; người Semite vẫn còn ở lại. Từ đó trở đi họ phải cầm cương chính quyền trong gần 1500 năm.

Thậm chí trước khi Ur bị đánh chiếm, đế chế Sumer đã sụp đổ, và Mesopotamia đã tan tác thành những mảnh các vương quốc lớn nhỏ, quan trọng nhất là vương quốc Isin và Larsa ở phía nam, Assur và Eshnunna ở phía bắc. Trong khoảng gần hai thế kỷ (k. 2000 – 1800 TCN) các vương quốc này đồng tồn tại, mặc dù không hoà binh chút nào, những vương quốc phía nam đánh nhau để giành sở hữu Ur và chủ quyền đối với Sumer và Akkad, những vương quốc phía bắc, giành quyền kiểm soát những tuyến đường thương mại lớn băng qua Thượng Mesopotamia (vùng tây-bắc Iraq, đông-bắc Syria và đông-nam Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, những làn sóng người Semite du cư tiếp tục đổ vào Iraq từ phía tây, dựng lều tận chân núi Zagros hoặc thành lập những vương quốc mới quanh các thị trấn họ đánh chiếm. Những nhà cai trị của một trong các thị trấn này, Babylon, chẳng bao lâu trở nên hùng mạnh đủ cạnh tranh với các láng giềng, và trong nửa đầu thế kỷ 18 TCN Hammurabi thành công trong việc loại trừ các đối thủ và khuất phục toàn bộ vùng Mesopotamia. Đế chế mà ông xây dựng một mình – có thể được gọi là ‘Đế chế Babylonia Cổ’ – sống yểu, nhưng thậm chí sau khi nó sụp đổ Babylon vẫn còn, cùng với đối thủ Assur của nó, là một trong hai cực của lịch sử và văn minh Mesopotamia.

Những nhà cai trị thay thế người Sumer trên sân khấu chính trị hoặc là người Akkad từ Iraq hoặc người Semite phương Tây – ‘Amorite’ theo nghĩa rộng lớn của từ này – từ Syria và sa mạc phía tây. Người trên văn minh cao; người dưới, dân du mục được cho là cục cằn, tiếp thu văn hóa Sumer-Akkad tương đối dễ dàng và nhanh chóng, một phần vì họ đến từ những vùng miền từ lâu chịu ảnh hưởng của nó, và một phần vì ngôn ngữ không gây ra khó khăn nhiều cho họ. Vì họ nói phương ngữ Semitic nên họ chấp nhận viết theo ngôn ngữ Akkadian, và chậm chạp ở phía nam, nhanh hơn ở phía bắc, ngôn ngữ sau này lấn át ngôn ngữ Sumer trong các bảng khắc công cũng như tư. Nhưng cuộc cách mạng ngôn ngữ này không ảnh hưởng nhiều đến những quan niệm tôn giáo, đạo đức và nghệ thuật đang thịnh hành ở Mesopotamia kể từ thời sơ sử. Những người mới đến thờ phụng những vị thần Sumer và các thần thoại và thiên anh hùng ca  Sumer cổ được sao chép, phiên dịch, hoặc phóng tác công phu nói chung không sửa đổi nhiều. Về phần các tạo tác nghệ thuật được sản xuất hiếm hoi  trong thời kỳ này, thực tế không có gì khác biệt với sản phẩm của thời kỳ Ur III đi trước. Nói chung, nền văn minh tạo ra bởi người Sumer sống lâu hơn họ và còn tồn tại qua những năm tháng loạn lạc như nó đã từng tồn tại qua thời kỳ thống trị của người Akkad và sự chinh phục của người Guti.

Tuy nhiên, việc người Semite tiến vào phía Tây có tác động sâu xa đến cấu trúc chính trị, xã hội và kinh tế của Mesopotamia cổ đại. Việc xứ sở bị phân chia thành các vương quốc xóa sạch những dấu vết của thành bang, và với  thành bang cũng biến mất theo hầu hết những nguyên tắc mà trên đó chúng được thành lập. Con người, đất đai và gia súc về vật chất không còn thuộc về các thần linh, như trong thời sơ sử, hoặc thuộc về đền thờ và nhà vua, như dưới Triều đại Thứ Ba của Ur. Những vương quyền mới chiếm đoạt hoặc tậu những mảnh đất lớn, một phần giao cho các nông dân làm lụng cho Cung điện trong khi phần khác được phân chia cho gia đình họ và triều thần, và các người này đến lượt họ lại cho các nông dân thuê mướn làm tô. Vì vậy xuất hiện một xã hội hỗn hợp những chủ đất và tá điền trung bình hoặc lớn tạo nên đa số dân số. Những đơn vị sản xuất ‘kỹ nghệ’ kế thừa từ Triều đại Thứ Ba của Ur bây giờ nhỏ hơn nhiều, nhưng số hãng xưởng thủ công tăng lên. Mậu dịch nước ngoài giờ nằm trong tay các thương buôn vẫn còn là công nhân viên nhà nước nhưng cũng tự làm thêm riêng cho mình: được tổ chức thành những hiệp hội (karum), họ lao vào những cuộc phiêu lưu thương mại nhiều lợi lộc, chia sẻ vốn, nguy cơ và lãi; họ cũng được lợi nhờ vay mượn nhà nước, mua đồ thanh lý của Cung điện và bán lại với giá cao hơn, và hoạt động cho vay các con nợ kinh niên. Bị tước đoạt khỏi các đặc quyền, các đền thờ trở thành ‘các chủ đất trong số các chủ đất khác, các người đóng thuế trong số các người đóng thuế khác’. Các thầy tế nhận lãnh việc phục vụ thần linh và chăm sóc các nhu cầu tâm linh của dân chúng, trong khi nhà vua trị vì và chăm lo phúc lợi của thần dân, nhưng đời sống kinh tế của đất nước không còn độc quyền – hoặc gần như độc quyền – trong tay họ. Nếu, như trong quá khứ, mỗi vương quốc tự nhận diện mình với vị thần chủ, nếu mỗi quân vương đều tuyên xưng mình cầm vương trượng nhờ ân sủng thần thánh thì quan điểm truyền thống theo đó không ông hoàng nào có thể cai trị Sumer và Akkad trừ khi ông ta được Enlil ở Nippur tuyển cử giờ  đã lỗi thời. Trong khi các vị lugal Sumer đã phải kêu gọi sự giáng phúc của Enlil để biện minh cho sự chinh phục của mình; còn đối với các thủ lĩnh bộ tộc sắt máu đã chiếm đoạt quyền lực bằng lưỡi gươm và không theo luật lệ nào khác hơn luật của kẻ cướp, thì chỉ cần dựa vào thần bản địa là đủ. Vì vậy Nippur đánh mất tầm quan trọng của mình và Enlil đã hết quyền uy đối với vương quyền.

Thời kỳ mở ra với sự sụp đổ của Ur và khép lại với thời trị vì của Hammurabi – gọi là ‘thời kỳ Isin-Larsa’ – đầy ắp những sự kiện. Để làm rõ hơn chúng ta phải xét riêng lẻ Mesopotamia phía bắc và phía nam, bắt đầu với Mesopotamia phía nam.

Isin, Larsa và Babylon

Vương quốc Isin và Larsa được thành lập cách nhau 8 năm, nhưng trong gần một thế kỷ Isin lấn lướt Larsa. Trong khi ông hoàng Amorite của Larsa, Naplânum, phải bằng lòng với một lãnh thổ không hơn một thị trấn là mấy, thì Ishbi-Irra của Isin sở hữu ba trung tâm trọng yếu là Nippur, Uruk và Eridu. Về phía cuối thời trị vì của mình ông bắt giữ quân đồn trú Elam đóng tại Ur và phục hồi thành phố đã đổ vỡ nhưng vẫn còn uy danh. Con trai ông, Shu-ilishu (1984 – 1975 TCN) xoay sở để mang về từ Elam bức tượng Nanna, thần mặt trăng của Ur. Việc Iddin-Dagan (1974 – 1954 TCN) đánh chiếm Sippar mở rộng biên giới của vương quốc từ Vịnh Ba Tư đến kinh tuyến Baghdad; giờ nó mở rộng dọc theo toàn bộ hạ lưu sông Euphrates, mạch máu sống còn của Sumer. Về phần Ishme-Dagan (1953 – 1935 TCN) ông ta tấn công thất bại thành phố Kish tiếng tăm, lúc đó là thủ phủ của một vương quốc độc lập.

Nhớ rằng Ishbi-Irra là một người Akkad ở Mari, và trong tên hai hậu duệ của ông xuất hiện vị thần lớn của thành phố đó, thần lúa mì Dagan. Vậy là những người Semite này tự xem mình là những người kế nghiệp thực sự của các vua Sumer của Ur. Hầu hết họ đều được phong thần, như Shulgi và Amar-Sin, và các thánh thi được sáng tác để ca tụng họ. Họ lấy tước vị ‘Vua xứ Ur, Vua Sumer và Akkad’, phục hồi và làm đẹp cố đô trước đây, tái lập những mối quan hệ thương mại tích cực với  Dilmun, và mỉa mai thay buộc phải phòng thủ vương quốc chống lại những kẻ mà họ chịu ơn, đánh với người Elam, xây dựng pháo đài chống người MAR.TU và áp đặt triều cống lên những bộ tộc du mục của họ. Trên những bảng khắc chính thức từ Isin ngôn ngữ Sumer được độc quyền sử dụng, và cần phải nhấn mạnh rằng thực tiễn thì mọi tác phẩm vĩ đại của văn chương Sumer được tìm thấy trong ‘thư viện” nổi tiếng của Nippur được sáng tác hoặc sao chép trong thời kỳ đó theo yêu cầu của các vị quân vương khao khát văn hóa Sumer. Sumer trong những ngày tháng đó giống như thời đế chế La Mã suy thoái khi mọi thứ đều là thuộc Latinh, trừ các hoàng đế.

Sự ưu việt của Isin tiếp tục không bị ngán trở cho đến thời trị vì của Lipit-Ishtar (1934 – 1924 TCN), tác giả Bộ Luật trong đó 43 mục và đoạn mở đầu và kết thúc còn sống sót. Như đương nhiên, bộ luật này phần nhiều giải quyết quyền thừa kế, tài sản, hợp đồng thuê mướn và tình trạng sở hữu nô lệ tư nhân, và do đó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc thú vị nhưng hạn chế vào xã hội lúc đó đang hình thành. Khổ thay, nhà lập pháp hiếu hòa này buớc vào cuộc xung đột với một chiến binh dữ dằn có tên nghe như tiếng trống trận, Gungunum, Vua xứ Larsa. Gungunum đã hành quân vào dãy Zagros vào năm trị vì thứ 8 của mình (1924 TCN), tại đó ông tấn công vương quốc Isin và đánh chiếm Ur, tuyên bố chủ quyền đối với Sumer và Akkad. Một vài năm sau Lagash, Susa và có thể cả Uruk đều rơi vào tay ông. Larsa giờ đây sở hữu phân nửa miền nam Iraq và cửa ngõ đến ‘Biển Hạ (tức Vịnh Ba Tư)’.

Việc để mất thị trấn và hải cảng chủ yếu là một trở ngại trầm trọng đối với Isin và càng trầm trọng thêm khi hoàng tộc mất hút. Lipit-Ishtar – người đã chết vào năm ông đánh mất Ur – được thay thế bằng một kẻ soán ngôi, Ur-Ninurta, mà đến lượt y bị đánh bại và bị giết chết bởi Abi-sare của Larsa. Khoảng 20 năm sau một tên soán ngôi khác tên  Irra-imitti để mất  Nippur vào tay đối thủ của y Sumu-El, và chẳng bao lâu vương quốc của y rút lại chỉ còn Isin và vùng phụ cận. Câu chuyện về cái chết của Irra-imitti và việc kể thừa y đáng được kể ra, bởi vì nó minh họa một định chế Mesopotamia lạ lùng: trong vài trường hợp, khi các điềm triệu cực kỳ ảm đạm và nhà vua khiếp sợ cơn thịnh nộ của thần linh, thì một người thường dân được đặt lên ngôi báu đóng vai ‘vị vua thế thân’, sẽ trị vì trong một khoảng thời gian nào đó rồi sau đó bị đem hành quyết. Và biên niên sử Babylonia mô tả việc này xảy ra thế nào ở Isin.

Biết rằng triều đại không thể kết thúc, Vua Irra-imitti bèn cử thợ làm vườn  Enlil-bâni thế thân ông ngồi lên ngai vàng và đội vương miện lên đầu y. Bất ngờ Irra-imitti chết trong cung vì nuốt vội nước canh đang sôi. Thế là Enlil-bâni đã quen ngồi lên ngôi báu không chịu đi xuống và được lập làm vua.  

Chúng ta phải nói thêm là người làm vườn may mắn được phong thần và xoay sở trị vì 24 năm (1860 – 1837) tại phần lãnh thổ ít ỏi còn lại của vương quốc Isin, trong khi  Nûr-Adad và Sin-idinnam xứ Larsa, xua quân về hướng bắc, chinh phục thành phố này đến thành phố khác. Tuy nhiên, giờ đây, hai đối thủ có một kẻ thù chung trong vùng  đó, Babylon.

Các vua đầu tiên của Isin đã đẩy lùi được người Amorite, nhưng sau khi họ suy thoái kẻ thù một lần nữa ồ ạt vượt sông Euphrates và tràn vào Iraq. Tại Kish, Uruk, Sippar, Marad và những thị trấn khác các thủ lĩnh của chúng tự xưng vương, góp thêm rối ren tinh hình chính trị. Trong năm trị vì đầu tiên của Sumu-El của Larsa (1894 TCN) một trong những thủ lĩnh này, Sumuabum, chọn một thành phố cách Kish một vài dặm về phía tây làm kinh đô, ngay trên bờ trái sông Euphrates, tại ‘cái eo’ của Mesopotamia mà tầm quan trọng của nó đã được nhấn mạnh. Thành phố này đã được một vị ensi cai trị ít nhất dưới Triều đại Thứ Ba của Ur, nhưng chưa hề đóng vai trò nào trong nền chính trị Sumer. Tên của nó trong tiếng Sumer là KÁ.DINGIR.RA, trong tiếng Akkad là Bâb-ilâni, cả hai tên đều có nghĩa ‘Cánh Cổng của Thần Linh’; chúng ta gọi nó, theo tiếng Hy Lạp, là Babylon. Rõ ràng ngay từ đầu các nhà cai trị năng động và khôn ngoan của Babylon quyết tâm mạnh mẽ biến nó không chỉ là một thành phố rộng lớn và giàu có mà còn là kinh đô của toàn xứ sở. Cuộc chiến giữa Isin và Larsa và sự sinh sôi các vương quốc Amorite nhỏ cho họ mọi cái cớ họ cần đến. Họ phải mất gần 60 năm, nhưng với lòng nhẫn nại vô hạn, sử dụng khi thì chính sách ngoại giao khi thì bạo lực, năm vị vua đầu tiên của Triều đại Thứ Nhất Babylon từng mảnh một, chinh phục hoàn toàn xứ Akkad. Họ đang tiến gần đến Nippur, chìa khóa của Sumer, thì họ gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ nhất từ các ông hoàng ngoại bang giờ đang nắm giữ vương quyền ở Larsa.

Người Elam, như chúng ta biết quá rõ, không hề để lỡ cơ hội nào để xen vào tình hình Mesopotamia. Vào năm 1834 TCN ngai vàng Larsa đang khiếm khuyết, Silli-Adad đã bị tử trận trong cuộc chiến với Babylon sau một thời gian trị vì ngắn ngủi. Kudur-Mabuk, một viên chức Elam vốn đang kiểm soát các bộ tộc Amorite được định cư giữa Tigris và Zagros, đánh chiếm Larsa và bổ nhiệm một con trai của mình làm vua thành phố đó, bằng lòng với tước vị ‘Quốc Phụ của Amurru’. Đáng để ý là hai con trai của Kudur-Mabuk, Warad-Sin (‘nô lệ của Sin’) và Rim-Sin (‘bò đực của Sin’), những người trị vì lần lượt ở Larsa, mang những tên tiếng Semitic chứ không phải tiếng Elamite. Thậm chí đáng để ý hơn nữa là việc những người nước ngoài mới nhập cư này xử sự trong mọi tình huống như những quân vương Mesopotamia chính cống, xây dựng không ít hơn 9 đền thờ và một tá các đài tưởng niệm quan trọng chỉ riêng trong thành phố Ur. Trong những thời kỳ khác ắt hẳn họ sẽ là những nhà cai trị hiếu hòa như Ur-Nammu, nhưng chừng nào Isin vẫn còn sống và Babylon còn sôi động sẽ không thể có hoà bình ở Sumer. Rim-Sin đánh bại một liên minh nguy hiểm do đối thủ Babylon của ông cầm đầu và vào năm 1794 TCN đánh chiếm Isin thành công, lật đổ cuối cùng kẻ thù lâu đời nhất của Larsa. Hai năm sau, Hammurabi lên ngôi Babylon.

Tại điểm này chúng ta phải rời phương nam một lúc và quay chú ý về phân nửa Iraq phía bắc. Ở đó một lần nữa chứng ta gặp ‘những chiến quốc’ đang cạnh tranh dữ dội, nhưng bối cảnh văn hóa và các động lực chính trị và kinh tế của cuộc xung đột khác nhau rõ ràng,

Eshnunna và Assur

Tọa lạc giữa Tigris và dãy núi Zagros, cách Sông Diyala 16 km về phía đông, Eshnunna (Mô gò Asmar) là một chặn đường dừng chân trên đường từ Thượng Mesopotamia đến Elam, và như thế chịu ảnh hưởng của ba dòng: nó nằm trong vùng ảnh hưởng văn minh Sumer-Akkad, có mối liên hệ mật thiết với các xứ miền bắc – vị thần chủ Tishpak ắt hẳn giống hệt với thần Teshup của người Hurria – và liên kết với Elam bởi những mối ràng buộc mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và văn hóa. Và do đó có lẽ không phải là sự trùng hợp đơn thuần nếu Eshnunna, với Susa, là thành bang đầu tiên ly khai với Ur vào năm thứ hai của Ibbi-Sin (2027 TCN). Theo như chúng ta biết, đoạn đường đến tự do thì nhanh chóng và trơn tru: các nhà cai trị của Eshnunna tự xưng mình là ‘tôi tớ của thần Tishpak’ thay vì ‘tôi tớ của Vua xứ Ur’ và thay thế những tên năm và tháng đang sử dụng trên toàn cõi đế chế Sumer bằng tên địa phương; ở kinh đô đền thờ từng được xây dựng cho Vua Ur Shu-Sin được phong thần bị thế tục hóa, và một cung điện lớn được xây dựng bên cạnh nó; trong văn bản chính thức chữ Akkad thay thế ngôn ngữ Sumer. Những nhà cai trị ban đầu này, tương ứng với các tên Semitic hoặc Elamite, ngay lập tức mở rộng vương quốc của họ vượt xa biên cương ban đầu của nó: với sự trợ giúp của các băng nhóm Amorite họ chiếm toàn bộ thung lũng Hạ lưu Diyala, kế cả trung tâm quan trọng Tutub (Khafaje), và tiến xa về phía bắc tận vùng Kirkuk. Một người trong họ, Bilalama – một người đương thời với vị vua thứ hai của Isin – được một số học giả vinh danh là tác giả của Bộ Luật, được viết bằng tiếng Akkad, đi trước non một thế kỷ số với Bộ Luật của Hammurabi và có nhiều điểm chung với nó. ‘Bộ Luật Eshnunna’, tình cờ, không được tìm thấy ở Mô gò Asmar mà ở Mô gò Harmal, một mô gò nhỏ tại ngoại vi Baghdad, được người Iraq khai quật giữa những năm 1945 và 1949. Mô gò Harmal (Shaduppum cổ đại) là trung tâm hành chính của khu vực canh nông trong vương quốc Eshnunna, và một bản sao bộ luật hoàng triều được cất giữ trong ‘toà hành chính’ để tiện tra cứu. Cũng tại địa điểm này cung cấp một số bảng khắc chữ thú vị, đặc biệt danh sách niên đại và các bài toán.

Thời trị vì của Bilalama được tiếp nối bởi một thời kỳ các thoái trào liên tiếp trong đó Eshnunna bị Vua xứ Dêr (ngày nay là Badrah, cách Mô gò Asmar khoảng 100 km về hướng đông) cướp phá, bị bại trận trong cuộc chiến với nhà cai trị xứ Kish và bị chiếm đoạt gần hết của cải. Nhưng vận số của vương quốc cuối cùng được phục hồi, và vào khoảng 1850 TCN, với sự xuất hiện của ‘người mở mang Eshnunna’, như danh hiệu tự xưng của Ipiq-Adad II, bắt đầu một thời kỳ bành trướng mới đánh dấu bởi việc chiếm đóng Rapiqum trên bờ sông Euphrates (đâu đó gần Ramâdi). Vị trí của thị trấn này rõ ràng chỉ ra rằng nhà vua xứ Eshnunna nhắm tới việc thiết lập một đầu cầu trên sông để kiểm soát một trong những “tuyến đường thiếc’ chính từ bắc và tây hội tụ về phía kinh đô của ông theo hướng chung đến Susa. Những nỗ lực căng thẳng của các người kế nghiệp ông thoạt đầu thành công nhưng cuối cùng họ gặp thất bại vì ba quyền lực chủ yếu khác, Babylon, Larsa và ‘Vương quốc Thượng Mesopotamia’ hùng mạnh, chẳng bao lâu bao vây Eshnunna và lập một rào cản vững chãi ngăn cản tham vọng của các nhà cai trị nó.

Việc ra đời và phát triển của vương quốc Assyria, từ thế kỷ 13 trở đi sẽ đóng một vai trò  ngày càng tăng trong lịch sử Mesopotamia và toàn vùng Cận Đông, đang được dõi theo ở đây. Thành phố đặt tên cho vương quốc này, Assur (hay, chính xác hơn, Ash-shur) nằm tại một vị trí chiến lược xung yếu: được xây dựng trên một ngọn đồi nhìn qua Tigris ngay về phía thượng lưu tại điểm nó chảy vào hẻm núi Fat-ha xuyên qua Jabal Hamrin, có con sông lớn bảo vệ một bên, bên kia bởi kênh đào, và được củng cố vững chắc, nó kiểm soát con đường, từ Sumer hoặc Akkad, đi lên thung lũng Tigris đến Kurdistan hoặc đến Jaziah Upper. Lần lượt Sargon, Narâm-Sin và các vị vua xứ Ur đã chiếm cứ điểm then chốt này, các lai lịch của nó đi ngược trở lại về thời kỳ Triều đại Sớm và có thể còn sớm hơn nữa, và không có chứng cứ cho thấy Assur độc lập trước thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Vậy mà tương tự như Danh sách Vua Sumer ở phía bắc, Danh sách Vua Assyria vĩ đại tìm thấy tại Khorsabad và được A. Poebel phổ biến vào năm 1942, đưa ra một loạt 17 đời vua Assur mà, nếu như chúng ta chỉ căn cứ vào danh sách, hẳn đã sống trong thời Triều đại Sớm. Nhưng ở đây, như trong danh sách Sumer, các triều đại được ghi chép lần lượt có thể thật sự là song hành; thêm nữa, các tài liệu nêu rõ là các vị vua này ‘sống trong lều trại’, có thể nghĩa là họ không thực sự trị vì thành phố Assur mà chỉ là một bộ tộc quan trọng nào đó trong vùng lân cận; và cuối cùng, cần chú ý rằng tên một số vị vua Assyria đầu đời – như Tudia, Ushpia, Sulili hoặc Kikkia – không phải tiếng Semitic lẫn tiếng Sumerian, nhưng thuộc về một giai tầng sắc tộc khác nào đó, có thể là người Hurri.

Sau khi Đế chế Sumer sụp đổ Assur, như bao thành phố khác, trở nên độc lập. Puzur-Ashur I, người ắt hẳn đã trị vì khoảng 2000 TCN, mở ra một dòng vua mới mang những tên Akkad chính cống như Sargon hay Narâm-Sin. Hai người trong số họ, Ilushuma và Erishum I, đã để lại những bảng khắc đề cập đển việc xây dựng đền thờ cho Assur, Adad và Ishtar trong thành phố. Hơn nữa, Ilushuma được biết là đã đột kích vào sâu nam Iraq trong thời trị vì của Ishme-Dagan xứ Isin (1953-1935 TCN). Nhưng người thành lập thực sự một Assyria cường thịnh tương lai có thể là những người Semite phương Tây, những người mà trong những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ 2 đã tràn vào bắc Iraq khi họ tràn vào những vùng phía nam. Halê, thủ lĩnh một bộ tộc Amorite, hạ trại đâu đó giữa Khabur và sông Tigris, các hậu duệ ông được cho là đã biến bắc Mesopotamia (bao gồm cả Assyria) thành một vương quốc rộng lớn, phồn thịnh và hùng cường trong đó người Assyria thực sự đóng một vai trò rất nhỏ.

 Mari và Vương quốc Thượng Mesopotamia

Độc giả chắc nhớ là chúng ta đã rời Mari tại thời điểm  Narâm-Sin  xứ Akkad đã chiếm thị trấn này trên đường đến bắc Syria. Sau đó, khoảng ba thế kỷ Mari bị thống trị bởi các nhà cai trị tự xưng là shakkanakku (‘thống đốc quân sự’, một tước vị thoạt đầu họ nhận từ  các chúa tể người Akkad của họ và tiếp tục sử dụng, mặc dù họ xử sự như vua). Ta biết rất ít về lịch sử Mari trong khoảng thời gian dài này, nhưng những cuộc khai quật gần đây tại địa điểm đã mang ra ánh sáng cung điện của vị shakkanakku – một tòa nhà rộng lớn với các lăng mộ ngầm ấn tượng – và những chữ khắc từ đó có thể lập ra một danh sách các nhà cai trị này theo thứ tự niên đại, từ 2266 đến 1920 TCN, đến đó thì mất dấu của họ.

Khi ánh sáng chiếu rọi Mari lần nữa, chúng ta thấy nó, và phần lớn nhất của bắc Mesopotamia, bị chiếm đóng bởi một nhóm lớn người Amorite gọi là Hana được chia thành hai bộ tộc chính:  Beni-Iamina hay Iaminites (‘con trai của bên phải’, tức phương Nam) và Beni-Sima’al hay Simalites (‘con trai của bên trái, tức phương Bắc). Đa số người Iaminites thuộc thành phần bán du cư ở sa mạc phía tây Mari, nhưng một số dòng họ sống trong làng mạc và thị trấn trên bờ sông Euphrates và Khabur phía hạ lưu. Ngược lại, phần đông người Simalite định cư thành từng nhóm ‘vương quốc’ nhỏ hay trung bình tại vùng gọi là Idamaras, vùng tam giác rất màu mỡ hợp bởi nhiều chi nhánh sông Khabur. Phần phía đông của thung lũng Jazirah và Tigris cũng có các bộ tộc Amorite cư ngụ.

Vào khoảng năm 1830 TCN, một thủ lĩnh‘Simalite’ có tên  Iaggid-Lim thành lập mối quan hệ thân hữu với một người Amorite khác, Ilâ-kabkâbu, trị vì một vương quốc nhỏ Ekallâtum, một thị trấn vẫn chưa được nhận diện trên bờ sông đoạn giữa sông  Tigris. Hai thủ lĩnh trao đổi ‘những lời thề trang trọng’, nhưng vì một lý do nào đó không được nói ra tình  bạn của họ bị cắt đứt. Ilâ-kabkâbu tấn công Iaggid-Lim, phá hủy pháo đài của y và bắt sống con trai y là  Iahdun-Lim. Một ít năm sau vua xứ Ekallâtum chết, để lại ngôi báu cho một trong hai con trai của ông, Samsi-Addu (dạng Amorite của tiếng Akkad Shamshi-Adad). Chúng ta không biết khi nào Iaggid-Lim qua đời, cũng không biết khi nào con trai ông được phóng thích, nhưng khoảng 1820 Iahdun-Lim chiếm lấy Mari và tự xưng là ‘vua xứ Mari và xứ sở của người Hana’, muốn nói vùng lưu vực Khabur. Tiếng tăm của thành phố cổ, sự giàu có của nó nhờ là trạm mậu dịch chính yếu giữa Syria và Babylon và, có lẽ, ‘tính thu hút’ của vị vua mới đã khiến ông có thể ban bố một hình thức bảo hộ nào đó lên nhiều thành bang nhỏ độc lập ở Jazirah. Iahdun-Lim tái dựng tường thành Mari và vùng lân cận Terga, mở ra các kênh đào, thành lập một thị trấn mang tên mình và dựng lên một đền thờ thần mặt trời Shamash. Ông cũng lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự và kinh tế tại bắc Syria, đến tận Địa Trung Hải. Trên một bảng khắc dài lập lại trên 9 viên gạch lớn được dùng làm chất lóng nền móng cho đền thờ của Shamash, ông nói rằng ông dâng lễ vật cho ‘Đại dương’, cho binh lính của mình tắm trong đó và đem nhiều cây cối ra khỏi vùng núi cao, rồi áp đặt triều cống cho những xứ dọc theo bờ biển. Việc này ắt hẳn khiến cho các thủ lĩnh của những bộ tộc Amorite khác lo sợ, bởi vì có đến ba thủ lĩnh trong số tấn công ông trong cùng một năm và, không có gì ngạc nhiên, Sumu-Ebuh, Vua xứ Iamhad (vùng Aleppo) và chúa tể của bắc Syria, mà lãnh thổ đã bị xâm lược và cướp bóc, gửi quân hậu thuẫn. Trong cùng một bảng khắc Iahdun-Lim tuyên bố đã đánh bại tất cả họ.

Trong khi đó, trên bờ đông của Jazirah một loạt những sự kiện trọng đại đã xảy ra. Ngay sau khi Samsi-Addu lên ngôi Ekallâtum, Narâm-Sin, vua xứ Eshnunna vốn đã kế vị Ibiq-Adad, đem quân vượt Sông Diyala vào thung lũng Tigris, đánh chiếm Ekallâtum và những thị trấn khác xa hơn về phía bắc, và chiếm đóng thung lũng Euphrates đến tận vùng phụ cận Mari. Samsi-Addu tẩu thoát và ẩn nấp tại Babylon từ đó sau một thời gian  ông trở lại để tái chính phục kinh đô của mình (k. 1815 TCN). Năm năm sau, ông giải phóng Assur. Năm 1800 TCN hoặc khoảng đó Iahdun-Lim, vốn đã đánh bại Samsi-Addu tại Nagar, bị con trai (?) và người kế vị mình Sumu-Iaman ám sát. Y lên trị vì chỉ được hai năm thì bị kẻ dưới trướng sát hại. Việc này cho Samsi-Addu một cơ hội đánh chiếm Mari mà không cần bắn một mũi tên và đặt con trai thứ của mình  Iasmah-Addu cai quản thị trấn và lãnh thổ của nó (k. 1796). Năm năm trước, ông đã bổ nhiệm một người con trai khác, Ishme-Dagan, làm phó vương Ekallâtum. Về phần mình, ông dường như  đã di chuyển từ nơi này đến nơi khác; về phía cuối thời trị vì, ông cư ngụ tại thị trấn 3000 năm tuổi  Shehna mà ông đổi tên là Subat-Enlil, giờ được nhận diện một cách xác định là Mô gò Leilan, một mô gò lớn giữa hai nhánh sông phía đông của Khabur. Con trai của  Ilâ-kabkâbu đã thiết lập vững chắc quyền lực của mình trên hai cột trụ: sông Tigris và Euphrates.

Nhiệm vụ đầu tiên của Samsi-Addu là chiếm được, bằng ngoại giao hoặc bạo lực, sự khuất phục của nhiều ông hoàng người Hana và củng cố uy quyền của mình đối với cư dân vùng Mesopotamia phía Bắc, tức Thượng. Hầu như chắc chắn vào thời gian đó Nineveh, từ trước đến giờ là một thành bang độc lập, bị biến thành công cụ của Assur. Xa như chúng có thể được tái dựng, các biên giới của vương quốc mới, tại thời mở rộng nhất của nó xấp xỉ theo đúng biên giới Syria-Thổ-Iraq bây giờ từ khúc ngoặt lớn của Euphrates đến cực bắc Iraq hiện nay, chạy dọc theo sông xuống vùng phụ cận của Ramadi và, ở phía đông, đi men chân dãy núi Zagros để đến sông Diyala. Theo thuật ngữ hiện đại, chúng ôm trọn phân nửa phía bắc của Iraq và vùng xuyên sông Euphrates của Syria. Lãnh thổ rộng lớn này đã từng, và còn thường được gọi là ‘Assyria’ hay ‘Đế chế Assyria Thứ Nhất’, nhưng nó nên được gọi là ‘Vương quốc Thượng Mesopotamia’, bởi vì, như nhà Assyria học người Đan Mạch phát biểu vắn tắt: Đế chế của ‘Shamshi-Adad’ không bắt nguồn trong, và không được xây dựng trên nhân dân và quyền lực của thành bang Assur’. Ngoài ra, mặc dù Samsi-Addu có mặt (dưới tên Shamshi-Adad) trên Danh sách Vua Assyria, ông ta thật ra là một người tiếm ngôi, sau đó bị truyền thống Assyria tẩy chai.

Trong toàn bộ lịch sử của Iraq cổ đại ít có thời kỳ nào có nhiều thông tin như thời trị vì của Samsi-Addu và các con trai ông. Hơn nữa, tài liệu của chúng ta không chỉ lấy từ các bảng khắc chính thức thông thường, mà còn từ những tư liệu chính xác và đáng tin cậy nhất mà một sứ giả có thể kỳ vọng: những thư từ trao đổi giữa ba ông hoàng và giữa Iasmah-Adad với các nhà cai trị khác, và những báo cáo từ các quan chức khác nhau gởi cho chủ nhân mình; xét chung, có hơn 5000 bảng khắc tạo thành một bộ phận trong thư khố hoàng triều được tìm thấy trong cung điện Mari. Tuy những bảng thư này thường không ghi ngày tháng nên vì vậy khó sắp xếp theo thứ tự thời gian, chúng rọi nguồn ánh sáng vô giá vào hoạt động thường nhật của triều đình và vào mối quan hệ giữa các chính quyền Assur, Mari và Ekallâtum và các dân tộc, vương quốc và bộ tộc khác nhau bao quanh họ. Ngoài ra – và điều này không phải là điểm thú vị ít nhất của họ – họ cho ta một chân dung đạo đức chân thật của ba nhà cai trị. Lần đầu tiên chúng ta gặp gỡ không chỉ tên tuổi mà còn con người thật với những phẩm chất và khiếm khuyết của họ: Ishme-Dagan, một chiến binh bẩm sinh như thân sinh mình, luôn sẵn sàng ra trận và tự hào thông báo chiến tích của minh cho người em – ‘Tại Shimanahe chúng ta đã chiến đấu và anh đã lấy được toàn bộ xử sở. Vui lên nhé!’ – nhưng đôi khi lo lắng cho người em:

Đừng viết cho nhà vua. Vùng quê anh đang dừng chân gần kinh đô hơn. Những điều em muốn viết cho nhà vua, hãy viết cho anh, để anh có thể cố vấn…

Iasmah-Adad xứ Mari, trái lại, dễ bảo, ngoan ngoãn, nhưng biếng nhác, lè phè, nhút nhát:

Con vẫn còn như một đứa trẻ, thân phụ ông viết, cằm thì không có râu, và thậm chí đến giờ, tuổi đã lớn, con vẫn chưa xây dựng ‘gia thất’…

 

Hoặc thêm nữa:

Trong khi ở đây anh con đang giáng cho địch những thảm bại, thì ở đó, còn nằm ngả ngớn giữa bọn phụ nữ. Vậy thì giờ đây, khi con đem quân đến Qatanum, hãy tỏ ra là một người đàn ông! Khi anh con đang gầy dựng nên tên tuổi mình, con cũng vậy, trong xứ sở này, hãy gầy dựng tên tuổi cho chính con!

Và cuối cùng, Samsi-Addu người cha, khôn ngoan, mưu trí, chi ly, đôi khi khôi hài, người cố vấn, quở mắng hoặc khen ngợi con trai mình và giữ Mari dưới sự kiểm soát rất nghiêm nhặt.

Vương quốc của Samsi-Addu được tổ chức chặt chẽ hơn vương quốc của người tiền nhiệm ông. Nó được chia thành các tỉnh lỵ với, trong những thành phố chính, các thống đốc được các viên chức chuyên môn phụ tá và được nhà vua, các con ông và các thanh tra triều đình giám sát. 

 Iasmah-Adad sống trong cung điện Iahdun-Lim mà ông đã tiếp nhận còn nguyên vẹn (một bản kiểm kê thậm chí đã được lập ra nhân dịp đó). Các thư lại của vương quốc sử dụng ngôn ngữ Babylon Cổ thuần khiết nhất được đưa vào bởi Iahdun-Lim để thay thế phương ngữ Mari cổ có liên hệ lỏng lẻo với ngôn ngữ Ebla.

Các vấn đề nội bộ chủ yếu mà các thống đốc, phó vương và, khi cần chính nhà vua phái đối mặt, thuộc hai loại: một bên, các vụ tranh chấp, bất hòa và thậm chí chiến tranh giữa các nhà cai trị nhỏ nhen của Thượng Mesopotamia (nhất là trong vùng Idamaras và Jabal Sinjar), vốn có thể giải quyết bởi trọng tài, và thỉnh thoảng những vụ nổi dậy phải được đè bẹp; bên kia, thái độ ngang ngạnh của một số dòng họ bán du cư  trong vùng lân cận Mari, và đặc biệt người Iaminite, lúc nào cũng chực đi cướp bóc, trốn tránh sự kiểm soát, lẫn tránh công cuộc kiểm kê dân số và chiêu mộ lính của triều đình, và thậm chí đôi khi tiếp tay với bọn ngoại bang xâm lược, đó là chưa kể bọn Sutû, những băng đảng cướp bẩm sinh luôn tấn công đoàn xe và cướp phá toàn bộ khu vực. Ở Ekallâtum, Ishme-Dagan phải rất thường chiến đấu chống bọn Turukkû ở khu vực hiện giờ là Kurdistan, bọn người đáng sợ hơn cả bọn Lullubi và Guti trước kia, đột kích suốt đến tận vùng Idamaras giàu có.

Mối quan hệ giữa vương quốc Thượng Mesopotamia và nước láng giềng thay đổi theo thời gian và tình huống. Iamhad (Aleppo), vương quốc rộng lớn nhất ở phía tây có thái độ thù nghịch, chủ yếu bởi vì Samsi-Addu hậu thuẫn Qatna và thậm chí gởi quân đến đó  trong một vụ xung đột kéo dài giữa thành bang nhỏ hơn này và Aleppo. Cuộc hôn nhân giữa Iasmah-Adad với con gái của Vua Qatna chỉ làm tăng thêm mối thù địch với nhà vua Aleppo, nhưng đến giờ vẫn chưa có chứng cứ cho thấy chiến tranh bùng nổ giữa hai cường quốc chính. Ngược lại, Iasmah-Adad còn hưởng thụ mối quan hệ tuyệt hảo với, chẳng hạn,  Karkemish mà vị vua của nó  Aplahanda gởi tặng ‘tuyệt hảo tửu’, thức ăn ngon, y phục và trang sức đẹp cho ‘người anh em’ của mình, ban cho ông độc quyền khai thác một số mỏ đồng trong lãnh thổ của mình và sẵn sàng cho ông ‘bất cứ thứ gì ông muốn’. 

Tình hình ở phía Đông thì rất khác, tại đó các nhà vua xứ Eshnunna tha thiết muốn mở rộng bờ cõi của mình, cả về phía bắc trong ‘hành lang’ giữa sông Tigris và dãy Zagros theo hướng Assur và Ekallâtum, và về phía tây dọc sông Euphrates về hướng Mari. Biên niên sử ở đây vẫn không chắc chắn. Giả định rằng Narâm-Sin rút quân khỏi phần giữa sông Euphrates khi Samsi-Addu chinh phục vùng Thượng Mesopotamia, thù địch trong vùng đó chắc chắn tiếp diễn hoặc bởi ông hoặc bởi người kế vị ông Dadusha, gây ra hoảng loạn ở Mari, vì Iasmah-Adad viết cho em mình ‘hãy nhanh chóng gửi nhiều binh cho anh, khoảng đường dài lắm’. Rồi chúng ta có một bảng khắc của  Samsi-Addu, cho thấy dường như đã cố gắng, không mấy thành công, đánh bật quân Eshnunaeans khỏi thị trấn chiến lược Qabra kiểm soát đường đi đến Hạ lưu Zab, đến từ phía nam. Trong bảng khắc này, nhà vua nói rằng ông ‘vượt qua sông Zab, đến đất Qabra cướp bóc, tàn phá mùa màng tại đó, đánh chiếm các thành phố vững chắc trong miền Urbêl (Erbil) và thiết lập những đạo quân đồn trú khắp nơi’. Tại một thời điểm vẫn chưa được xác định, cuộc tấn công Eshnunna bị chặn lại, và một hiệp ước hòa bình được hai bên hiếu chiến ký kết. Một bia đá Dadusha mới tìm được gần đây nhưng chưa phổ biến đầy đủ thiên về hậu thuẫn giả thuyết của một liên minh giữa người Eshnunna và nhà vua Mesopotamia phía bắc hùng mạnh. Bảng khắc này, được cho là đã được viết một năm trước khi Dadusha qua đời, mô tả một cuộc chiến chống lại một ông Bunnu-Eshtar, Vua xứ Urbêl, và phát biểu một cách kỳ lạ rằng  Dadusha đã bỏ rơi lãnh thổ chinh phục được  cho Samsi-Addu, ‘Vua xứ Ekallâtum’.

Cuối cùng, chúng ta đến Babylon, nước láng giềng hùng mạnh thứ ba của Assyria. Với Babylon mối quan hệ lạnh nhạt nhưng lịch sự, vì FSin-muballit (1812 – 1793 TCN.) lẫn Hammurabi (1792-1750 TCN.) – đều là người đương thời với Samsi-Addu – cả hai đều chưa hướng tham vọng của mình về phía bắc. Do đó Shamshi-Adad gửi đến cho Hammurabi những bảng khắc được sao chép lại theo yêu cầu của ông ta, và Iasmah-Adad đưa trả lại cho Babylon đoàn người ngựa đã bị giữ lại ở Mari và một tù binh Turrukû đã trốn thoát và tìm cách trú ẩn trong thành phố đó. Chỉ trong một bức thư mà chúng ta đã cảm thấy một bóng đen của nỗi âu lo: rõ ràng  Iasmah-Adad đã được thông tin về một vài kế hoạch không thân thiện của ‘nhân vật Babylon’, nhưng sau khi điều tra một viên chức của ông đã trấn an ông:

Hiện giờ, chúa công có thể yên tâm, bởi vì nhân vật ở Babylon sẽ không bao giờ làm hại đến chúa công.

 Khoảng 30 năm sau, tuy nhiên, Hammurabi sẽ đánh chiếm và tàn phá Mari.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s