Từ nghiên cứu Phù Nam đến phát hiện di chỉ Óc Eo: đóng góp của nhà Hán học Paul Pelliot

3

Trần Thanh Ái

Có lẽ không ngoa khi nói rằng những phát hiện khảo cổ học ở di chỉ Óc Eo từ năm 1944 đã khiến cái tên Phù Nam cũng trở nên nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không có những công trình nghiên cứu từ sách cổ Trung Hoa của các nhà Hán học châu Âu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX về vương quốc cổ này thì có lẽ những tìm tòi khảo cổ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào những phát hiện tự phát, và như thế có lẽ số phận của Óc Eo sẽ khác đi rất nhiều. Lúc ấy, nguy cơ lớn nhất đe dọa không chỉ là sự hủy hoại của thiên nhiên, mà còn đến từ dòng người đang trên đường khai phá vùng đất mới, nhất là do bàn tay của những kẻ tìm vàng và cổ vật.

Ngay từ khi tiếp xúc với Trung Hoa, người châu Âu đã tìm cách khám phá kho tàng sách vở ở đây, và bắt đầu dịch nhiều sách ra một số ngôn ngữ châu Âu. Tài liệu phương Tây đầu tiên nhắc đến nước Phù Nam có lẽ là bộ lịch sử Histoire générale des Huns, des Turcs, des Mogols et des autres Tartares occidentaux của J. de Guignes xuất bản năm 1756, được biên soạn dựa theo cổ sử Trung Hoa. Trong quyển 1 bộ sách này, ông viết rằng Phù Nam là một hòn đảo ở về phía Tây nước Xiêm La (tr. 173). Năm 1777, nhà truyền giáo Moyriac de Mailla dịch từ sách tiếng Hán theo cách phiên âm của ông là Tong-Kien-Kang-Mou, tức Thông Giám Cương mục của Chu Hi sang tiếng Pháp cũng có nói đến Phù Nam, tuy nhiên cả hai tài liệu không gây một ấn tượng nhỏ nào về vương quốc này, do các tác giả chỉ nói lướt qua. Sang thế kỷ XIX bắt đầu xuất hiện nhiều bài viết và sách vở bàn luận chi tiết hơn về vương quốc Phù Nam, nhưng cũng chưa có chuyên khảo nào cả.

Năm 1903 lần lượt ra đời hai bài báo chuyên đề mang cùng tên “Le Fou-nan” của hai nhà Hán học người Pháp: bài của E. Aymonier được công bố trên tạp chí Journal Asiatique số tháng 1-2, còn bài của P. Pelliot được in trong tạp chí Bulletin de l’Ecole francaise d’Extrême-Orient số tháng 4-6. Tuy nhiên, bài viết của Aymonier ít được giới nghiên cứu quan tâm hơn, vì các luận điểm không được rõ ràng, và nhất là thiếu sự phân tích hệ thống, chặt chẽ. Hầu như tất cả bài viết về Phù Nam và văn hóa Óc Eo trong thế kỷ XX và XXI đều trực tiếp hoặc gián tiếp trích dẫn bài viết của P. Pelliot, từ L. Malleret đến G. Coedès, thậm chí Coedès còn trích dẫn Pelliot rất nhiều lần trong các nghiên cứu của ông. M. Vickery gọi bài báo “Le Fou-nan” của ông là “bài báo kinh điển” (Vickery M. 2003, tr. 104), không thể không tham khảo khi nghiên cứu về Phù Nam. Ở Việt Nam, nhiều tác giả trích dịch nguyên văn hoặc lược dịch bài viết của Pelliot mà không ghi nguồn tài liệu rõ ràng, dẫn đến hiện tượng trích dẫn lòng vòng, khiến thông tin bị ngộ nhận, thậm chí bị sai lệch ít nhiều.

Trước khi phân tích chi tiết những phần nói về vị trí địa lý nước Phù Nam trong công trình của Pelliot, chúng tôi sẽ phác họa bức tranh nghiên cứu trong thế kỷ XIX để làm nổi bật những đóng góp quyết định của ông, như một chất xúc tác đối với các nhà khảo cổ học như Malleret phát hiện ra di chỉ Óc Eo sau đó.

  1. Những bài viết về Phù Nam trong thế kỷ XIX

Mở đầu bài viết, Pelliot đã thông báo sơ lược về sự hiện diện của vương quốc Phù Nam trong quá khứ và sự bối rối của các nhà nghiên cứu trong việc xác định vị trí của nó trong đoạn văn sau đây:

“Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII, các sách vở bằng chữ Hán thường nói đến quốc gia được Ấn Độ hóa này, nó dường như là trạm dừng chân bắt buộc giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Vào thế kỷ VII, cái tên này biến mất không để lại dấu vết nào. Từ đó, người Trung Hoa không bao giờ có thể tìm ra manh mối quốc gia này, và các nhà Hán học người thì cho nó ở Bắc kỳ hay Mã Lai, và rồi từ Mã Lai lại chuyển sang Myanmar.” (Pelliot 1903, tr. 248)

Thật vậy, chỉ cần lướt qua những bài viết của các nhà Hán học phương Tây về đất nước Phù Nam trong thế kỷ XIX chúng ta cũng có thể thấy kiến thức mơ hồ của họ về nước này, mà trước hết là về vị trí địa lý. Trong một bài viết năm 1809, F. Wilford cho rằng Phù Nam là một hòn đảo thuộc vương quốc Mã Lai, nằm ở phía Nam Thái Lan:

“Theo sử liệu Trung Hoa, ta thấy có mối giao thương thường xuyên vừa bằng đường biển vừa bằng đường bộ giữa vương quốc Magad’ha và Trung Hoa trong thế kỷ III và IV; và việc buôn bán của họ với một vương quốc nằm trên một hòn đảo được gọi là Phù Nam, ở phía Nam của nước Xiêm. Có lẽ đó là một vương quốc của người Mã Lai, nhưng chúng tôi không thể xác định được vị trí của nó.” (Wilford F. 1809, tr. 61)

Còn J. Klaproth trong một bản đồ vùng Đông Nam Á thời Tam Quốc xuất bản năm 1826 đã đánh dấu “R. de Founan” (vương quốc Phù Nam) bên dưới Pégou (ngày nay thuộc Myanmar), nằm cạnh bờ vịnh Bengal.

1

Vị trí của Phù nam thời Tam Quốc (theo Klaproth J. 1826, bản đồ 8).

Năm 1829, Abel Rémusat trong quyển 1 bộ Nouveaux Mélanges Asiatiques, cho rằng Phù Nam là một tỉnh cũ của Trung Hoa nằm đâu đó ở miền Bắc Việt Nam (Abel Rémusat 1829, tr.77).

Năm 1839, G. Pauthier khi nói về chuyến đi năm 166 của sứ giả đế chế La Mã đến Trung Hoa qua các nước Phù Nam, Nhật Nam, Giao Chỉ, đã giải thích “扶南 Fou-nan là Pégou thuộc Miến Điện ngày nay.” (Pauthier G. 1839, tr. 281)

Năm 1847, trong một bài viết về các nước trong khu vực Đông Nam Á, S. Julien cho rằng Phù Nam là Xiêm: “Dưới thời nhà Ngô (222-227), Fan-tchen [Phạm Chiên](1) vua nước Phù Nam (Xiêm) gởi một người trong dòng họ tên là Sou-we đi sứ ở Ấn Độ. Khi rời khỏi đất Phù Nam, ông lên thuyền ở cửa sông Teou-keou-li, men theo bờ biển và đến một vịnh lớn nằm ngay hướng Tây Bắc” (Julien S. 1847, tr. 97). Thậm chí khi trích dịch sách Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm vào năm 1866, Julien cũng vẫn còn nghĩ nước Phù Nam là nước Xiêm khi ghi trong một chú thích như sau: “Vùng Đông Ấn Độ phía Đông giáp với một biển lớn; nó là láng giềng của Phù Nam 扶南 (Xiêm) và Lâm Ấp 林邑 (Tsiampa).” (Julien S. 1866, tr. 150)

Năm 1857 khi tìm hiểu về vương quốc Xiêm qua tài liệu cổ Trung Hoa, J. Bowring đã cho rằng Phù Nam nằm ở phía Tây quận Tượng Lâm: “Trong biên niên sử của triều đại Đông Tấn (303-416), nước Xiêm được ám chỉ trước hết cho một nước có tên là Fu-nan hay Fu-nam, nằm khoảng 1.000 dặm ở hướng Tây của Lin [?], là thủ phủ của một quận dưới thời nhà Hán, tên là Siang Lin, nghĩa là “Rừng Voi” [Tượng Lâm] (có lẽ nằm trong nước An Nam hiện nay) trong một vịnh biển rộng” (Bowring J. 1857, tr.70-71). Trong một đoạn khác, Bowring lại nói: “Trong biên niên sử nhà Lin ? (584-622) có nói rằng Phù Nam còn được gọi là Chih-tu (Chik-tu hay Chikdu), nghĩa là Đất Đỏ [Xích Thổ], và phải mất 100 ngày thuyền để đi đến kinh đô nước này.” (Bowring J. 1857, tr. 71)

Năm 1879, A.A. Fauvel cho rằng Phù Nam ở miền Bắc nước ta: khi nhắc lại chuyện ghi trong sách Niên giám Ngoại quốc (222-227) cũng kể lại rằng vua xứ Phù Nam tên là Phạm Chiên có nuôi nhiều cá sấu trong một cái ao. Những kẻ phản nghịch và phạm nhân bị ném xuống đó và nếu không bị ăn thịt thì được công nhận là vô tội. Ông nói thêm “Vương quốc Phù Nam có lẽ là ở Bắc kỳ, nơi mà người ta vẫn còn nhìn thấy cá sấu.” (Fauvel A.A. 1879, tr. 11)

Năm 1881, L. de Rosny cho rằng các chỉ dẫn địa lý về Phù Nam trong sách cổ Trung Hoa vô cùng mơ hồ, nên không thể dựa vào đó mà xác định vị trí của vương quốc này. Vì thế ông đề nghị:

“…nên định vị Phù Nam ở vương quốc Chieng-mai, mà người Trung Hoa sau này gọi là King-mai, và tôi sẽ kéo dài biên giới của nó xuyên qua Lào, về phía Đông Nam cho đến tận trung tâm Campuchia ngày nay, và về phía Tây Bắc đến tận vương quốc Barman [Myanmar]. Ở phía Đông Bắc, tôi sẽ cho nó tiếp giáp với Bắc kỳ ngày nay, và ở phía Nam giáp với bờ Đông của Vịnh Xiêm la.” (Rosny L. de, 1881, tr. 56)

Năm 1894, E. Chavannes khi dịch quyển Đại Đường Tây Vực cầu pháp Cao Tăng truyện của I-Tsing (Nghĩa Tịnh) đến đoạn có liên quan đến Phù Nam, ông có ghi một chú thích cuối trang như sau:

“Một ghi chú trong bản tiếng Hán cho biết rằng ngàn sông nói ở đây là ngàn dòng sông đổ ra biển ở xứ Po-nan 跋南 [Bạt Nam]. Mặt khác, sách Nan-hai…(2) xác nhận rằng xứ Bạt Nam này ngày xưa được gọi là Phù Nam 扶南. Tên gọi này nổi tiếng hơn và cho phép chúng ta xác định đó là nước Xiêm (cf. Hai-kouo-t’ou-tche (3), ch.ix, tr.18a).” (Chavannes E. 1894, tr. 5)

Năm 1896, khi dịch sách của Nghĩa Tịnh, Takakusu cũng chú thích cuối trang “Poh-nan là nước Xiêm, nhưng cũng bao gồm một phần lãnh thổ Campuchia” (tr. 12).

Đến cuối thế kỷ XIX, các nhà Hán học dường như vẫn còn mò mẫm trong bóng đêm để tìm ra manh mối về nước Phù Nam, và có vẻ mọi việc càng thêm rối rắm. Năm 1898 trong một bài báo dài nghiên cứu đường đi hành hương của tu sĩ Nghĩa Tịnh, A. Barth có thảo luận về vị trí của Phù Nam:

“Phù Nam được nhiều người định vị rất khác nhau; người ta đã lần lượt cho nó là xứ Bắc Kỳ, Chiêm Thành, Xiêm, An Nam. Các nhà nghiên cứu Chavannes và Takakusu cho nó là Xiêm, đặc biệt ông Takakusu còn cho nó nằm ở phía Đông nước Xiêm, trong vùng giáp với Campuchia. […] Trong khi chờ đợi nhiều khám phá mới xác nhận các dữ liệu của Nghĩa Tịnh, tôi nghĩ ngay từ bây giờ có thể chấp nhận mà không sợ sai rằng đối với ông ta, Phù Nam là bờ biển Tenasserim và nội địa.” (Barth A. 1898, tr. 274-275)

Cũng với sự mơ hồ như vậy, năm 1900 E. Aymonier bàn về vị trí của Phù Nam trong bộ sách 3 quyển tên là Le Cambodge, trong đó, ở quyển 1 ông có viết như sau:

“Phù Nam hay còn được các nhà chép sử An Nam gọi là Phò Nam, là một nước rộng lớn trải dài từ Bắc kỳ ngày nay (nước Giao Chỉ) đến Xiêm (hay Xích Thổ, Đất Đỏ). […] Nước Phù Nam là tiền thân của nước Campuchia Ấn Độ hóa, chính là nước Tchampa thời sơ khai bao gồm nhiều vùng đất rộng lớn vào đầu công nguyên, và là cái nôi của một nền văn minh rất phát triển…” (tr. 133-134).

Năm 1903, Aymonier công bố chuyên khảo về Phù Nam, nhưng cũng không giúp được gì nhiều trong việc định vị vương quốc này trên bản đồ khu vực. Ông chủ yếu dựa vào Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm do d’Hervey de Saint-Denys dịch sang tiếng Pháp, và quyển Les peuples orientaux connus des anciens Chinois do L. de Rosny biên soạn. Tuy nhiên, điểm tích cực cần phải ghi nhận ở Aymonier, là ông đã nhận thấy ánh sáng leo lét trong mê cung tài liệu rối rắm về Phù Nam: “Dù cho có tù mù và dễ đánh lừa đến đâu chăng nữa, cái kính vạn hoa này cũng sẽ cho ra những kết quả chắc chắn, nếu được khảo sát kỹ càng, được đối chiếu với những thông tin từ những nguồn đã rõ, được tham khảo dè dặt…” (Aymonier E. 1903, tr.111)

Qua lược khảo trên đây, chúng ta dễ dàng thấy là việc xác định vị trí nước Phù Nam của các nhà nghiên cứu thế kỷ XIX còn rất khác nhau, và nhất là họ chỉ đưa ra những phán đoán chưa được chứng minh trong những nghiên cứu tản mạn, chưa có hệ thống. Phải đến khi Pelliot viết chuyên đề về Phù Nam năm 1903 thì người ta mới có được cái nhìn gần với kiến thức ngày nay.

  1. Chuyên khảo của Pelliot về nước Phù Nam

Tài liệu quan trọng nhất của Pelliot viết về Phù Nam là bài “Le Fou-nan” dài 56 trang với chữ cỡ nhỏ, đăng trên tạp chí BEFEO số 3 năm 1903. Sau đó, tác giả còn bổ sung vào chủ đề này bằng nhiều chi tiết mới được trình bày trong một số bài viết khác. Tuy nhiên, chuyên khảo năm 1903 là tài liệu được rất nhiều nhà nghiên cứu sau ông dùng làm kiến thức nền, đặc biệt là họ thường trích dẫn các cổ sử Trung Hoa qua sự tuyển chọn và dịch thuật của ông.

2

2.1. Dữ liệu phân tích của Pelliot

Khác với nhiều người xem nhẹ giá trị của các nguồn tư liệu cổ Trung Hoa trong việc xác định vị trí của Phù Nam, Pelliot cho rằng đó là nguồn tài liệu duy nhất có nhắc đến tên Phù Nam, nên không thể không dựa vào đó để nghiên cứu về vương quốc cổ này. Vì thế ông đã sưu tập tất cả những tài liệu dù chỉ nhắc qua tên của nó để khảo sát, như ông đã thông báo: “Tôi sẽ giới thiệu tất cả những văn bản có liên quan đến Phù Nam mà tôi có thể tập hợp được” để “cố sắp xếp lại những gì mà các văn bản ấy mách bảo chúng ta” (Pelliot P. 1903, tr. 249). Nhưng ông không sa đà vào mê cung tài liệu, mà chỉ đặc biệt chú ý đến những sách vở được biên soạn trong khoảng thời gian mà “kiến thức trực tiếp về Phù Nam” còn tồn tại, như ông đã giải thích sau khi đã phân tích các ngữ liệu (tr. 285). Chính vì thế mà Pelliot đã không khảo sát các sách xuất bản sau này, như Văn hiến Thông khảo (1307) của Mã Đoan Lâm như Aymonier đã làm, vì cho rằng các tác phẩm đó chỉ sao chép lại các sách đã liệt kê bên trên. Ông chỉ sử dụng các tài liệu đó để đối chiếu các dị bản, và nhất là khi các tài liệu gốc không còn nữa.

2.1.1. Tài liệu Trung Hoa cổ

Pelliot đã khảo sát một cách hệ thống tất cả các tài liệu Trung Hoa nào có đoạn nói về Phù Nam, từ khi tên vương quốc này xuất hiện trong truyền thuyết xa xưa đến các bộ chính sử, cho đến các du ký, v.v. Tổng cộng Pelliot thu thập được 22 tài liệu, thuộc các loại sau đây:

– Chính sử: có các bộ sau đây có nói về xứ Phù Nam: Tam Quốc chí (TL2), Tấn thư (TL3), Tống thư (TL4), Nam Tề thư (TL5), Lương thư (TL6), Tùy thư (TL7), Nam sử (TL8), Tân Đường thư (TL9),

– Sách bách khoa: Cổ kim chú (TL1), Nam Châu dị vật ký (TL14), Nam phương thảo mộc trạng (TL15), Thủy Kinh chú (TL16), Thông điển (TL17), Ngô lịch (TL18),

– Sách du ký: các ghi chép của sứ thần Trung Hoa (TL10), Ngoại quốc truyện (TL11), Lương tứ công tử ký (TL19), Hán Ngụy lục triều bách tam gia tập (TL20) và ghi chép của các nhà sư Trung Hoa (TL21) và Phù Nam (TL22).

– Văn thơ: Tam đô phú của Tả Tư (TL12), Bão Phát tử của đạo sĩ Cát Hồng (TL13),

2.1.2. Các tài liệu đối chiếu

Khi khảo sát các tài liệu Hán văn kể trên, Pelliot đã tham khảo và đối chiếu rất nhiều tài liệu bằng các ngôn ngữ thông dụng phương Tây cũng như bằng Hán văn. Tuy nhiên, vì Pelliot trình bày phần tài liệu tham khảo và trích dẫn theo cách thông dụng của đầu thế kỷ XX, nên người đọc nào muốn có cái nhìn tổng quát thì phải mất nhiều thời gian để tập hợp lại. Theo sự kiểm đếm thủ công của chúng tôi, Pelliot đã tham khảo hơn 40 tài liệu của các tác giả phương Tây, còn thống kê tổng quát của Google cho biết là bài viết của Pelliot đã quy chiếu đến 189 tài liệu các loại.

2.2. Tóm tắt nội dung phân tích tài liệu

Sau đây chúng tôi sẽ điểm lại các tài liệu được ghi từ TL1 đến TL22, tương ứng với các đoạn văn được Pelliot xếp thứ tự bằng số La Mã, từ I đến XXII.

TL1: Pelliot ghi nhận nhiều sách vở Trung Hoa còn ghi chép truyền thuyết là vào năm 1110 trước công nguyên, sứ thần nước Phù Nam đến bái kiến hoàng đế Trung Hoa, nhưng ông nói ngay đó chỉ là huyền thoại. Theo Pelliot, trong số những tài liệu cổ trước công nguyên nói về chuyến đi sứ này, không có tài liệu nào đáng tin cậy, kể cả những tài liệu được tìm thấy vào thế kỷ III được biết đến với tên Trúc thư kỷ niên. Các sách Tiền Hán thư (q. 44 thượng, tr. 6b) và Hậu Hán thư (q. 161, tr.3) cũng có viết về chuyến đi sứ này, nhưng Pelliot quả quyết rằng nó không liên quan đến vương quốc Phù Nam. Theo ông, tài liệu đầu tiên ghi lại sứ thần Phù Nam đến Trung Hoa là cuốn 古今注Cổ Kim chú nhưng tài liệu này đã bị sai lệch nhiều sau những lần sao chép. Một ca khúc được cho là do 張華Trương Hoa (232-300) sáng tác khi nói về nhà Tần có nhắc đến Phù Nam trong đoạn: “Nước Phù Nam dùng nhiều phiên dịch” được Tống thư chép lại trong chương nói về âm nhạc.

TL2: Sách Tam Quốc chí do Trần Thọ biên soạn cuối thế kỷ thứ III. Theo Pelliot, đây là bộ chính sử đầu tiên của Trung Hoa có nhắc đến Phù Nam trong đoạn nói về tiểu sử của Lữ Đại dưới thời vị vương đầu tiên nhà Ngô vào nửa đầu thế kỷ III (quyển 60). Lữ Đại lúc ấy là thứ sử Quảng Đông và Giao Chỉ; đoạn liên quan đến Phù Nam như sau:

“Ông phái các從事 ts’ong-che [tòng sự] đi về phương Nam để truyền bá văn minh của vương quốc (南宣國化) [Nam tuyên quốc hóa], và các vua bên kia biên giới, từ Phù Nam, Lâm Ấp, 堂明 T’ang-ming [Đường Minh] gởi sứ giả mang triều cống.” (Pelliot, tr. 251)

Khi đối chiếu với tài liệu TL.18 và TL10, Pelliot xác định được là việc cử đi sứ về phương Nam này xảy ra vào khoảng 225-230. Khi bài báo đã lên khuôn, ông phát hiện khoảng thời gian này chưa đúng và đính chính ở cuối bài viết là khoảng 245-250 (Pelliot, tr. 303). Ngoài ra ông còn bỏ sót một chi tiết nên bổ sung thêm: ở quyển 47 trang 12b có đoạn viết:

“Vào tháng thứ 12, năm thứ sáu 赤烏tch’e-wou [Xích Ô] (243), vua nước Phù Nam là 范旃Fan Tchan [Phạm Chiên] đã gởi một đoàn sứ giả mang nhạc công và sản vật địa phương sang triều cống.” (Pelliot, tr.303)

TL3. Chính sử đầu tiên dành một đoạn riêng biệt nói về Phù Nam là bộ Tấn thư do Phòng Huyền Linh biên soạn năm 648. Quyển 97 [Liệt truyện 67 tứ di truyện], tr.7b ghi:

“Vương quốc Phù Nam nằm cách nước Lâm Ấp 3.000 lý về phía Tây, trong một vịnh biển lớn. Lãnh thổ trải dài trên 3.000 lý. Có nhiều thành phố có tường lũy bao quanh, nhiều dinh thự và nhà ở.[…] Họ có sách vở, kho sách, và nhiều thứ khác. Chữ viết của họ giống với chữ viết của người Hou [Hồ]. Hôn quan tang tế của họ gần giống với người 林邑Lin-yi [Lâm Ấp]. (Pelliot, tr. 254)

Ngoài đoạn riêng nói về đất nước Phù Nam, Tấn thư còn ghi chép 5 sự kiện bang giao với Phù Nam rải rác trong các quyển của phần Đế kỷ như sau: Phù Nam, Lâm Ấp, 馬韓 Ma-han [Mã Hàn], 康居 K’ang-kiu [Khang Cư]… “gửi sứ mang triều cống” trong các Quyển 3 và Quyển 8.

Ngoài ra, quyển 57 [tức Liệt truyện 27] còn chép tiểu sử của Đào Hoàng thứ sử Giao Châu, trong đó có nói đến sự liên minh của Lâm Ấp và Phù Nam để đánh phá Giao Châu. Pelliot phát hiện là chi tiết này cũng được bộ sử nước ta Khâm định Việt sử thông giám cương mục trích dẫn.

TL4. Sách Tống thư (420-478) do Thẩm Ước biên soạn: trong quyển 97 [chương Di man truyện] có đoạn viết:

“Vương quốc Phù Nam trong thời yuan-kia [元嘉Nguyên Gia], 太祖 T’ai-tsou [Tống Thái tổ] năm thứ 11 (434), 12 (435) và năm thứ 15 (438), vua 持黎跋摩Tch’e-li-pa-mo [Trì Lê Bạt Ma] cử một sứ giả mang triều cống” (Pelliot, tr.255)

Cũng trong quyển này, đoạn nói về Lâm Ấp có ghi việc xảy ra năm 431 hay 432 “nước Lâm Ấp muốn đánh phá Giao Châu và mượn quân lính của vua Phù Nam, nhưng bị từ chối”.

Ngoài ra trong Quyển 5 phần Bản kỷ còn có các đoạn ghi chép việc bang giao với Phù Nam vào các năm Nguyên Gia (434, 435, 438) liệt kê các vương quốc Lâm Ấp, Phù Nam, 訶羅單 Ho-lo-tan [Ha La Đan], Triều Tiên, Nhật Bản “gửi sứ thần đến nộp triều cống gồm sản vật địa phương.”

TL5. Sách Nam Tề thư do Tiêu Tử Hiển biên soạn đã dành một đoạn dài để nói về nước Phù Nam. Ngoài đoạn giới thiệu về huyền sử lập quốc, và về phong tục tập quán của dân chúng, Nam Tề thư cho biết vị trí địa lý như sau: “Vương quốc Phù Nam năm ở phía Nam 日南Je-nan [Nhật Nam], trong một vịnh biển Tây đại dương. Bề rộng dài hơn 3.000 lý. Có một con sông lớn chảy từ phía Tây ra biển.” (tr. 256)

Sách này còn nói đến quan hệ giữa Phù Nam với Lâm Ấp và Giao Châu: “Họ thường xuyên bị Lâm Ấp tấn công, và đã không bang giao được với Giao Châu. Vì thế mà sứ giả của họ hiếm khi qua lại với nhau.” (tr.262)

TL6. Sách Lương thư do Diêu Tư Liêm biên soạn. Quyển 54 [Liệt truyện 48 Chư Di truyện] nói về các nước lâng bang, có một đoạn dài dành cho Phù Nam (tr. 2b và 5b), trong đó vị trí địa lý của nó được xác định như sau:

“Vương quốc Phù Nam nằm ở phía Nam quận Nhật Nam, trong một vịnh lớn phía Tây biển, cách Nhật Nam khoảng 7.000 lý, và cách Lâm Ấp khoảng 3.000 lý về phía Tây Bắc. Kinh đô cách biển 500 lý. Có một con sông lớn chảy từ hướng Tây Bắc đổ ra biển ở phía Đông. Vương quốc này rộng hơn 3.000 lý. Mặt đất rất thấp và bằng phẳng. […] Ở biên giới phía Nam, cách hơn 3.000 lý có vương quốc頓遜 Touen-siun [Đốn Tốn] nằm trên một bờ biển hiểm trở. Nước này rộng không quá 1.000 lý. Thành phố cách biển 10 lý. Nước có 5 vua, tất cả đều là thuộc quốc của Phù Nam. Phần lãnh thổ phía Đông của Đốn Tốn giáp với Giao Châu; phần lãnh thổ phía Tây giáp với Thiên Trúc, Parthie và với các vương quốc xa xôi.” (Pelliot, tr. 263)

Ngoài ra trong quyển 2 và 3 phần Bản kỷ có 8 đoạn chép việc bang giao với Phù Nam và các nước trong vùng như vương quốc Phù Nam, Kou-tcha, miền Trung Thiên Trúc, Khoten, Cao Ly… “gởi sứ giả đến nộp cống bằng sản vật địa phương.”

TL7. Sách Tùy thư do Ngụy Trưng biên soạn. Tùy thư không có phần riêng nói về Phù Nam, nhưng lại xuất hiện hai địa danh mới có liên quan đến Phù Nam, đó là赤 Tche-t’ou [Xích Thổ] và 眞臘Tchen-la [Chân Lạp]. Trong quyển 82 có các đoạn như sau: “Xích Thổ là một nhánh từ Phù Nam’ (tr. 2a); “Nước Chân Lạp nằm ở hướng Tây Nam Lâm Ấp; ban đầu đó là một chư hầu của Phù Nam… Họ của nhà vua là Ksatriya; tên là Citrasena; tổ tiên của ông dần dần gây thanh thế cho vương quốc; Citrasena chiếm Phù Nam và thống trị vương quốc này.” (tr. 3a)

TL8. Sách Nam sử do Lý Diên Thọ biên soạn vào thế kỷ VII, ghi chép về giai đoạn 420-589. Trong bộ sử này phần nói về Phù Nam giống với Lương thư.

TL9. Sách Tân Đường thư do Âu Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn vào thế kỷ XI. Trong quyển 222 hạ [Liệt truyện 147 hạ Nam man hạ] (tr. 2a) có đoạn nói về Phù Nam: “Phù Nam cách Nhật Nam 70 lý(4) về phía Nam; mặt đất thấp như ở 擐王Houan wang [Hoàn Vương] (Champa). […] Kinh đô đóng tại 特牧T’ô-mou [Đặc Mục]. Thình lình kinh đô bị Chân Lạp đánh phá, nhà vua phải chạy về phía Nam ở 那弗那 Na-fou-na.” (tr.273-274)

Cũng trong quyển này (tr. 2b) có đoạn nói thêm về nước Chân Lạp chiếm Phù Nam: “Vào đầu thời tcheng-kouan [貞觀 Trinh Quán] (627-649) vua Ksatriya Īçāna chinh phục Phù Nam và chiếm lãnh thổ nước này.”

Mặc dù vương quốc này không còn nữa, nhưng tên Phù Nam vẫn còn được nhắc đến trong quyển 221 thượng khi bộ sử này nói về nước Thiên Trúc: “Đông Ấn giáp với biển, nó nằm ở vùng lân cận với Phù Nam và Lâm Ấp”, và “Ấn Độ có kim cương, gỗ huỳnh đàn, nghệ, dùng để trao đổi với Đại Tần, Phù Nam và Giao Chỉ” (tr.275).

TL10. Các sách du ký về Phù Nam: đầu tiên đó là hai ghi chép của hai sứ giả 康泰 K’ang T’ai [Khang Thái] và 朱應 Chou Ying [Chu Ứng] vào thế kỷ III. Ghi chép của Khang Thái được các sử gia trích dẫn, và nhất là được 酈道元 Li Tao-yuan [Li Đạo Nguyên] trích và in lại trong Thủy kinh chú với tựa là 扶南傳 Fou nan tchouan [Phù Nam truyện] hoặc 扶南記 Fou nan ki [Phù Nam ký]. Ghi chép của Chu Ứng được Tùy thư in lại với tựa Phù Nam dị vật chí. Sách Nam sử cũng in lại với tựa Phù Nam dĩ Nam ký nhưng lại ghi tên tác giả là 朱建安 Tchou kien-ngan [Chu Kiến An]. Ghi chép thứ ba được biên soạn vào thế kỷ thứ V, tựa là Phù Nam ký của Tchou Tche 竺芝,竺枝 [Trúc Chi] thường được trích dẫn trong Thủy Kinh chúThái bình ngự lãm.

Trong số nhiều trích dẫn từ ba tài liệu này, Pelliot nhận thấy chỉ có một ít cung cấp thêm chi tiết mới. Trong Thủy kinh chú (quyển 1 tr.11b) ghi: Phù Nam truyện của Khang Thái viết:

“Ngày xưa vào thời Phạm Chiên, có một người thuộc xứ 嘾楊 T’ang-yang [Đảm Dương] tên là 家翔梨 Kia-siang-li [Gia Tường Lê] từ bên Thiên Trúc đi từng chặng đường một đến xứ Phù Nam để buôn bán. […] Phạm Chiên hỏi ông ta: ‘Nước ông cách đây bao xa? Phải mất bao lâu mới đến được nơi đó?’ Gia Tường Lê trả lời là Ấn Độ cách đây hơn 30.000 lý; đi và về phải mất trọn 3 năm, có khi phải đến 4 năm. Đó là trung tâm của trời và đất.” (tr.277-278)

TL11. Sách Ngoại quốc truyện được Thái bình ngự lãm chép lại 3 đoạn về Phù Nam, trong đó chỉ nói về phong tục tập quán chứ không có các chỉ dẫn địa lý nào.

TL12. Tam đô phú là bài phú về ba kinh đô của Tả Tư (左思) Tso Sseu viết vào thế kỷ III, trong đó có bài phú kinh đô nhà Ngô (222-280). Đây là thời mà Khang Thái đã đi sứ sang Phù Nam, vì thế trong bài phú này Tả Tư có nhắc đến Phù Nam:

“nền văn minh của hoàng đế trải dài tận 烏滸Wou-hou [Ô Hử] và 狼㬻 Lang-houang [Lang Hoang], đến Phù Nam và 西屠 Si-t’ou [Tây Đồ], đến các thủ lĩnh của 儋耳 Tan-eul [Đam Nhĩ], 黑齒Hei-tche [Hắc xỉ], 金鄰Kin-lin [Kim Lân] và 象郡 Siang-kiun [Tượng quận]. […] Qua khỏi Phù Nam có nước Kim Lân, cách Phù Nam hơn 2.000 lý; sản vật của nước này là bạc; dân chúng đông đúc. Họ thích săn to voi và bắt những con còn sống. Voi chết thì lấy ngà. Tượng Quận chính là quận Nhật Nam ngày nay. Còn có quận Tượng Lâm nữa.” (tr. 280-281)

TL13. Sách Bão Phát tử (抱朴子) của Cát Hồng (葛洪), một môn đồ Đạo giáo có ghi lại lời truyền miệng về kim cương của xứ Phù Nam mà Pelliot tìm thấy trong Thái Bình ngự lãm, tuy nhiên không ghi chỉ dẫn địa lý.

TL14. Sách Nam châu dị vật chí (南州異物志) của Vạn Chấn được Thái Bình ngự lãm in lại trong quyển 786, trang 12 có nói:

“Vương quốc Phù Nam cách Lâm Ấp 3.000 lý về hướng Tây, có vua riêng. Các thuộc quốc đều có quan lại riêng; các tả hữu đại thần của nhà vua đều có tên là崑崙K’ouen-louen [Côn Lôn]. Nước Touen-souen(5) cách Phù Nam 3.000 lý. Ban đầu đó là một vương quốc riêng. Một trong những vì vua trước của Phù Nam là 范蔓 Fan-man [Phạm Mạn] rất quả cảm; ông đã chinh phục nước này; ngày nay nó thuộc về Phù Nam.” (tr. 282)

TL15. Sách Nam phương thảo mộc trạng (方草木状) của Kê Hàm. Pelliot ghi nhận rằng tài liệu này nhiều lần nhắc đến Phù Nam:

Quyển thượng (tr.5a): mục từ nói về 諸蔗 chư giá [một loại mía] “Năm Khang Thái thứ sáu (285) vương quốc Phù Nam nộp cống bằng một loại mía, mỗi trượng có 3 lóng.” Quyển trung (tr. 6b): mục từ nói về抱香履 pao-hiang-lu [bão hương lý]. “chúng được sản xuất ở Phù Nam, 大秦 Ta-ts’in [Đại Tần] và nhiều vương quốc khác. Năm thứ sáu Khang Thái (285) Phù Nam nộp cống 100 đôi.” Quyển hạ tr.6a, mục từ nói về 雲丘竹 yun-k’ieou-tchou [vân khâu trúc]: “một lóng cây này làm được một chiếc thuyền. Cây này đến từ Phù Nam. Thật ra ở Bắc kỳ và Quảng Đông Quảng Tây có nhiều loại tre (?) mỗi lóng dài đến 2 trượng(6). Những cây có chu vi từ một đến hai trượng là bình thường.

TL16. Sách Thủy kinh chú (水經注) của Lịch Đạo Nguyên cuối thế kỷ V – đầu thế kỷ VI. Trong sách này có hai đoạn liên quan đến vị trí địa lý của Phù Nam:

– quyển 36 tr.24: liên quan đến vùng đất xưa của Tượng Lâm sau trở thành kinh đô của Lâm Ấp. Thủy Kinh chú xác định ranh giới như sau: “Phía Đông giáp với biển xanh; phía Tây nó trải dài đến 徐狼 Siu-lang [Từ Lang]; phía Nam giáp với Phù Nam; phía Bắc giáp với 九德 Kieou-tô(7) [Cửu Đức].”

– quyển 36 tr. 29: liên quan đến dân man di Từ Lang hay Lang Hoang cư trú ở thượng nguồn sông Lâm Ấp, Lịch Đạo Nguyên mô tả về phương Nam: “Nếu đi xuống, cuối cùng ta đến Phù Nam.”

TL17. Sách Thông điển là một sách bách khoa do Đỗ Hựu biên soạn cuối thế kỷ VIII, quyển 188 tr.14 có một bài viết về vương quốc Phù Nam. Ngoài những điều chép lại từ các tài liệu trước đó có một câu liên quan đến chuyến đi sứ cùa Phù Nam vào thời nhà Tùy (581-618). Thái bình ngự lãm có ghi câu sau đây cho là trích lại từ Tùy thư: “Vào thời nhà Tùy, họ của quốc vương này là 古蘢Kou-long [Cổ Long]. Trong vương quốc nhiều người có họ là Kou-long. Người già khi được hỏi thì nói rằng người 崑崙K’ouen-louen [Côn Lôn] (Mã Lai) không có họ. Tên gọi này là do nói chệch từ chữ K’ouen-louen”. Pelliot còn ghi nhận rằng đoạn trên đây cùng được nhắc lại trong Thái Bình hoàn vũ ký (quyển 176, tr.9b) xuất bản cùng thời với Thái Bình ngự lãm.

TL18. Ngô lịch (吳曆) nói về đoàn sứ giả đầu tiên đi Trung Hoa, được nhắc lại trong Đồ thư tập thành (圖書集成) quyển 334 Thực hóa điển (食貨典): “theo Ngô lịch, năm thứ tư houang-wou [Hoàng Vũ 黄武] (225), nước Phù Nam và nhiều nước ngoài khác đến dâng ngọc lưu-li.” Đoạn này cũng được đăng lại trong Thái Bình ngự lãm, nhưng ghi khác năm (thời houang-long [Hoàng Long 黃龍] 229-231). Ngoài ra quyển Cách trí kính nguyên (格致鏡原) xuất bản vào thế kỷ XVIII cũng có chép lại đoạn trên (quyển 33, tr.15).

TL19. Sách Lương tứ công tử ký (梁四公子記)

Bộ Thái bình ngự lãm có chép lại một đoạn văn của sách Lương tứ công tử ký trước thế kỷ VI như sau: một chiếc thuyền lớn của Phù Nam đến từ Tây Ấn chở bán một loại gương làm bằng thủy tinh xanh; đường kính đo được 1 bộ 5 đốt, cân nặng 45 cân…”

TL20. Ngô Quân (吳均) (TK VI) có ghi câu sau đây trong Hán Ngụy lục triều bách tam gia tập (漢魏六朝百三家集) về cây mía Phù Nam (tr. 8b): “Cây mía Phù Nam có 3 đốt mỗi trượng (10 bộ). Khi mặt trời lên, nó bé lại, nhưng khi gió mát thổi nó uốn cong”

TL21. Sách Nam Hải ký quy nội pháp truyện (南海寄歸內法傳) của Nghĩa Tịnh đã viết về cuộc hành trình bằng đường biển của mình trên biển Nam từ năm 671-695, trong đó có đoạn như sau: “[Đi từ Chiêm Thành] về phía Tây Nam khoảng 1 tháng sau thì tới xứ 跋南 Pa-nan [Bạt Nam]. Ngày xưa người ta gọi là Phù Nam. […] Đó là mũi đất phía Nam của Janbudvīpa; đó không phải là hòn đảo trên biển.” (tr. 284)

Ngoài ra, trong Đại Đường Tây vực cầu pháp cao tăng truyện của cùng tác giả có nói về các nhà tu hành đi hành hương Ấn Độ, phải băng qua ngàn sông. Trong một chú thích có đoạn: “Vương quốc Pa (hoặc P’i)-nan có cảng ngàn sông.” Trong một đoạn khác, Nghĩa Tịnh kể lại chuyến đi đến Thiên Trúc của các nhà sư Yi-lang義朗 [Nghĩa Lãng], Yi-hiuan 義玄 [Nghĩa Huyền], và 智岸Tche-ngan [Trí Ngạn]: “Khi họ đến Wou-lei (cách Pakhoi một quãng về hướng Tây), họ lên một chiếc thuyền hàng; thuyền họ cheo leo bên vực thẳm; họ vượt muôn nghìn cơn sóng dữ. Họ bang qua nước Phù Nam và cặp thuyền ở xứ 郎迦Lang-kia [Lang Già].”

TL22. Kinh sách Tam Tạng (Tripitaka): trong bộ sách này có đoạn nói về hai nhà sư người Phù Nam sống ở Trung Hoa vào nửa sau thế kỷ V và nửa đầu thế kỷ VI. Người thứ nhất tên là Sanghapāla hay Sanghavarman (僧伽婆羅 Tăng già bà la) tên tiếng Trung Hoa là 衆鎧Chúng Khải hoặc 僧養 Tăng Dưỡng. Vì Sanghapāla biết nhiều thứ tiếng nên từ năm 500 Vũ hoàng đế nhà Lương cho vời về kinh để dịch sách Phật pháp và trong suốt 16 năm sau đó ông làm việc ở 5 nơi, trong đó có nơi được gọi là 扶南Phù Nam quán. Vị tu sĩ thứ hai là 曼陀羅Man Đà La hoặc Mandrasen 曼陀羅仙 Man Đà La Tiên. Ông đến kinh đô nhà Lương vào năm 503, và được lệnh cùng với Tăng Già Bà La dịch sách.

Sau khi khảo sát tất cả tài liệu nói trên, Pelliot đi đến những kết luận quan trọng về vị trí của vương quốc này, làm tiền đề cho những khám phá khảo cổ học mấy chục năm sau đó. Lâm Ấp là điểm mốc chắc chắn để từ đó ông tìm cách xác định vị trí của Phù Nam. Như trong TL3 ghi, vào năm 280, thứ sử Đào Hoàng dâng biểu cho hoàng đế Trung Hoa nói rằng Lâm Ấp “phía Nam giáp với Phù Nam; bộ lạc của họ rất đông; họ kết giao với nhau để hỗ trợ cho nhau”. Rồi TL4 lại ghi khoảng năm 431-432 vua Lâm Ấp cầu viện vua Phù Nam để đánh phá nước An Nam. Hoặc TL5 cho biết vào năm 480, nhà sư Nāgasena vô tình đi lạc vào địa phận của Lâm Ấp, nên buộc phải trở về Phù Nam bằng đường tắt. Rồi TL10 có thông tin Trúc Chi cho biết rằng nước Phù Nam cách Lâm Ấp 4.000 lý, và có thể đi đến đó bằng đường bộ hoặc đường biển. TL16 lại cho biết cuối thế kỷ V – đầu thế kỷ VI, Thủy kinh chú cho biết rằng Lâm Ấp phía Nam giáp với Phù Nam. Thế mà cho đến thế kỷ XVIII chỉ có Chân Lạp và sau này lần lượt là Campuchia và Nam Kỳ lục tỉnh là nước duy nhất vừa ở phía Nam Lâm Ấp vừa có ranh giới chung với Lâm Ấp, và có thể đi đến đó bằng đường bộ và đường thủy. Những thông tin ấy cho phép Pelliot kết luận rằng Phù Nam ở phía Nam Lâm Ấp, có chung ranh giới với Lâm Ấp, do đó chắc chắn rằng Phù Nam nằm ở đồng bằng sông Cửu Long. (Pelliot P. 1903, tr.128)

Pelliot còn đi xa hơn khi suy luận về kinh đô của vương quốc Phù Nam. Các TL5 và TL6 cho biết rằng “có một dòng sông lớn chảy từ Tây hoặc Tây Bắc về hướng Đông đổ ra biển. Tôi nghĩ rằng đó chỉ có thể là sông Mêkong. Hơn nữa, kinh đô nằm cách biển 500 lý, và khoảng cách này được tính từ biển mà không nói đến đường đi, được suy đoán là khoảng cách tính bằng đường thủy.” (Pelliot P. 1903, tr.128)

Ông suy luận rằng khi các nhà hàng hải thời đó chưa biết eo biển Malacca để đi từ Ấn Độ dương sang Trung Hoa, có lẽ họ đã đi qua dãy đất hẹp Kra để đến miền Bắc Việt Nam hay Trung Hoa, và luôn dừng chân ở Phù Nam. Đoàn sứ giả Trung Hoa đến kinh đô Phù Nam vào thế kỷ III đã gặp người Thiên Trúc ở đó; từ đó vua范尋 Phạm Tầm đã đi chinh phục các nước ven biển trong vùng. Đương nhiên là kinh đô này phải nằm trên một dòng sông, và như vậy đó chính là sông Mêkong. Thế mà các cửa sông Mêkong, nếu chấp nhận theo ước tính của Barth (1901) thời ấy các cửa sông chưa lấn xa quá nhiều ra biển, thì đi 500 lý ngược lên thượng lưu dòng sông, tức khoảng 200 km, chúng ta sẽ đến một nơi khoảng giữa Châu Đốc và Phnom Penh, trong một vùng dường như đã từng là một trong những trung tâm cổ xưa nhất của nền văn minh Campuchia. Ở đó có lẽ là Angkor-Baurei (tức Angkor-Borei), một bia ký của tỉnh Battambang cho phép ta xác định khá chắc chắn vị trí của thủ đô đầu tiên của Campuchia cổ Vyādhapura. Sẽ không mấy ngạc nhiên khi người Campuchia thời Chân Lạp, Bhavavarman và các hậu duệ của ông, đã chọn vị trí của kinh đô xưa của vương quốc Phù Nam. Những suy luận này mấy chục năm sau đã được nhà khảo cổ L. Malleret công nhận (Malleret L. 1969, tr. 47).

4

Dựa trên thư tịch cổ, P. Pelliot suy luận rằng Angkor Borei là thủ đô của Phù Nam (Hall K. 1985, tr.75)

Tóm lại, dù cho Pelliot còn có ít nhiều nhầm lẫn, thậm chí sai sót như một số tác giả đã nêu (Wheatley P. 1983; Vickery M. 2003), nhưng công trình của ông đã góp phần to lớn làm sáng tỏ nhiều nghi vấn và điều chỉnh các sai sót của các công trình trước ông, đồng thời xác định được một cách thuyết phục về vị trí địa lý của Phù Nam.

Kết luận

Đại Việt Sử ký toàn thư chỉ một lần nhắc đến nước Phù Nam nhân khi nói về việc Lâm Ấp thường liên kết với họ để đánh phá đất Giao Châu (tr.172). Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cũng vài lần nói về Phù Nam, như Phù Nam, Lâm Ấp và Đường Minh sai sứ dâng cống năm 231 (tr. 131). Nhưng cả hai tài liệu trên cũng chỉ dựa vào sách cổ Trung Hoa mà viết ra, chứ không phải là kiến thức do nhà nho nước ta thủ đắc được từ thực tế. Còn Lê Quý Đôn, người được gọi là bác học nước Nam, chúng tôi đã cố công tìm trong các sách của ông nhưng cũng không thấy nói đến vương quốc này. Và có lẽ ngay cả người Trung Hoa đến thế kỷ XIX cũng chỉ sao chép lại những văn bản tản mạn trước đó, chứ không có nghiên cứu đúng nghĩa nào về Phù Nam.

Ngược lại, khi vừa đặt chân đến vùng Viễn Đông, các nhà Hán học phương Tây đã lao vào nghiên cứu thư khố Trung Hoa, và kể cả khảo sát thực địa để khám phá, rồi cung cấp nhiều kiến thức khoa học cho nhân loại. Pelliot không phải là người đầu tiên nói đến Phù Nam, mà là người tổng hợp rất đầy đủ các ghi chép của người Trung Hoa về vương quốc cổ này. Và không cần nói cũng có thể thấy rằng chính những công trình như thế đã kích thích Malleret tìm đến thực địa đồng bằng sông Cửu Long để từ đó khám phá ra di tích Óc Eo.

Chắc chắn rằng những tài liệu mà Pelliot đã khảo sát không hề xa lạ với các nhà nho Đại Việt. Nhưng họ đã khai thác được gì từ các tài liệu đó để mở mang sự hiểu biết cho dân chúng? Gần như là không có gì cả, ngoài vài lần nhắc đến tên Phù Nam trong chính sử. Chỉ riêng việc này cũng đủ cho thấy tinh thần học tập thụ động của người Việt: cơ hội không thiếu, tài liệu có sẵn, nhưng họ chỉ biết ngụp lặn trong các giáo điều Khổng Mạnh để đỗ đạt và làm quan, hoặc đắm mình trong thơ phú, không chịu mở mang sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Khi từ chối sứ mệnh nâng cao dân trí cho dân tộc mình, họ cũng đồng thời đánh mất cơ hội đóng góp tri thức mới cho nhân loại, một việc mà người phương Tây đã thực hiện xuất sắc từ nhiều thế kỷ gần đây. Sử gia Trần Trọng Kim hoàn toàn có lý khi nhận xét về giới nho sĩ Việt Nam: “Người đi học đã đỗ đạt rồi, tự tin mình là tài giỏi, chỉ vụ lấy cái hoa mỹ bề ngoài để lòe người, chứ không thiết gì đến sự thực học. Tựu trung cũng có người muốn thi đỗ để lấy chút danh phận rồi về ở nhà học thêm hay dạy học. Nhưng đại đa số chỉ mong đỗ để làm quan vì làm quan là có địa vị tôn quý, ngoài ra không có gì hơn nữa.” (Trần Trọng Kim 1971, tr. 250)

Thành tựu về khoa học nói chung, và khoa học xã hội – nhân văn nói riêng của phương Tây không phải là điều ngẫu nhiên: đó là kết quả nối dài của tinh thần nhân văn từ thời Phục Hưng đã kích thích con người tìm hiểu thế giới xung quanh. Đó còn là kết quả của một chuỗi dài đấu tranh để thiết lập vương quốc của lý trí, để làm bệ phóng cho những sáng tạo rực rỡ trong suốt mấy thế kỷ nay. Có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại rằng chỉ có xã hội học hành, trong đó các định chế chính trị xã hội có nhiệm vụ tôn vinh và hỗ trợ tự do học thuật, thì mới có thể giúp dân tộc thăng hoa về mặt trí tuệ, để góp phần khám phá những điều bí ẩn quanh ta.

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay, số tháng 11 và 12 năm 2021)


Tài liệu tham khảo

Aymonier E., 1900. Le Cambodge (quyển 1). Paris: Ernest Leroux, Editeur.

Aymonier E., 1903. Le Founan. T/c Journal Asiatique, 10e série, quyển 1 (1903).

Barth A., 1898. Le Pèlerin chinois I-tsing. T/c Journal des savants. Paris: Imprimerie Nationale.

Bowring J., 1857. The Kingdom and people of Siam. London: John W. Parker and Son, West Strand.

Chavannes E., 1894. Mémoire composé à l’époque de la grande dynastie T’ang…. Paris: Ernest Leroux, Editeur.

Coedes G., 1968. The Indianized States of Southeast Asia. Canberra: National University Press.

Fauvel A.A., 1879. Alligators in China. Tạp chí Journal of the North-China Branch of the Royal Asiatic Society, số 13(1879). Shanghai.

Guignes J. de, 1756. Histoire générale des Huns, des Turcs, des Mogols et des autres Tartares occidentaux. Tome 1. Paris: Chez Desaint & Saillant.

Julien S., 1847. Notices sur les pays et les peuples étrangers, tirées des geographies et des annales chinoises. T/c Journal Asiatique, tháng 8/1847.

Julien S., 1866. Mélange géographique asiatique, quyển 1. Paris: Imprimerie Impériale.

Klaproth J., 1826. Tableaux historiques de l’Asie – Atlas. Paris: A. Schubart Editeur.

Linehan W., 1951. Traces of a Bronze Age Culture Associated with Iron Age Implements in the Regions of Klang and the Tembeling, Malaya. T/c Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, Vol. 24, No. 3 (156).

Malleret L., 1969. Histoire abrégée de l’archéologie indochinoise jusqu’à 1950. T/c Asian Perspectives, XII.

Pauthier G., 1839. Examen méthodique des faits qui concernent le Thien-tchu ou l’Inde. T/c Journal Asiatique, số tháng 9/1839.

Rosny L. de, 1881. Les peuples orientaux connus des anciens Chinois. Paris: Ernest Leroux.

Takakusu J., 1896. A Record of the Buddhist Religion as Practised in India and the Malay Archipelago. Oxford: Clarendon Press.

Trần Trọng Kim, 1971. Việt Nam sử lược, quyển 2. Sài Gòn: Trung tâm Học liệu.

Vickery M., 2003. Funan Reviewed: Deconstructing the Ancients. T/c BEFEO, số 90-91.

Wheatley P., 1983. Nagara and Commandery Origins of the Southeast Asian Urban Traditions. The University of Chicago: Research Paper Nos. 207-208.

Wilford F., 1809. An Essay on the Sacred Isles in the West, with other Essays connected with that work. Tạp chí Asiatic Researches, số 9. London.

Chú thích:

(1) Những chữ trong ngoặc vuông […] trong bài này là do chúng tôi thêm vào để tiện việc tra cứu.

(2) Tên đầy đủ mà Chavannes phiên âm trước đó là Nan-hai-ki-koei-nei-fa-tchoan [南海寄歸内法傳 Nam Hải ký quy nội pháp truyện]

(3) Phiên âm theo lối pinyin là Haiguo tuzhi, chữ Hán là 海國圖志 “Hải quốc đồ chí”.

(4) Pelliot phát hiện ra lỗi in ấn: thay vì 七千 (7.000) lại in thành 七十 (70).

(5) Theo W. Linehan (1951), vương quốc này được phiên âm bằng nhiều tên khác nhau, như Touen-siun, Tien-souen, Touen-souen, Tun-hsun, Tun-sun. Vì thế đó chính là 頓遜 Đốn Tốn đã nói ở trên.

(6) Pelliot nghi là có sự nhầm lẫn với chữ 尺xích (khoảng 37 cm)

(7) Pelliot chú thích là ở khoảng Quảng Bình.

1 thoughts on “Từ nghiên cứu Phù Nam đến phát hiện di chỉ Óc Eo: đóng góp của nhà Hán học Paul Pelliot

  1. ● Óc Eo không phải là kinh đô của vương quốc Phù Nam . Vì trong nhật ký của chuyến đi khảo sát của vị hoàng đế La Mã Alexandros vào năm 326 TCN . Ông đã từng đến nơi đây và chỉ ghi lại trong quyển nhật kýnơi đây là khu đô thị sầm uất chuyên mua bán và trao đổi hàng hoá với thương lái khắp nơi, nhưng nỗi bậc nhất là mặt hàng tơ lụa .
    Trong chuyến đi này ông cũng vào đến tận kinh đô của Vương quốc Campuchia cổ xưa nữa . Nếu xét theo lộ trình thì kinh đô của vương quốc Campuchia khi ấy nằm ở hướng tây tây – bắc của biển Hồ ngày nay ( vì không có bán đồ địa lý của Campuchia cho nên tôi không thể nói chính xác được vị trí của kinh đô này )
    ● Óc Eo ở khu vực Thất Sơn trước thuộc tỉnh Long Châu Hà , còn nay thuộc huyện Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang .
    ● Khi khai quật khu di tích này thì người ta thu được rất nhiều cổ vật của đế quốc La Mã như tiền ( kể cả tiền bằng vàng ) , gốm sứ, bình sứ và rất nhiều món khác nữa . Cho nên các nhà khoa học kết luận là khu đô thị này đã từng giao dịch mua bán với người La Mã rất là lâu đời v v
    Do đó xét theo cách ghi trong nhật ký của vị Đại Đế này thì khu đô thị Óc Eo có thể là thuộc về vương quốc của Campuchia thì đúng hơn . Do đó Óc Eo nhất định là không phải là kinh đô của vương quốc Phù Nam và cũng không có liên quan gì đến vương quốc này nữa. . Hơn nữa từ Óc Eo ra tới ngoài bắc xa ngàn dặm phải qua nhiều con sông lớn, rừng núi hiểm trở v v để mà đánh cướp v v là một điều vô cùng vô lý . Trái lại ở vùng miền nam đất rộng bao la lại không có người sinh sống thì hà cớ gì họ lại đi đi làm một việc nguy hiểm như vậy chứ ? ? ?
    ● Căn cứ theo các sử liệu thì chắc chắn cái nước Phù Nam này là ở rất gần ở khu vực đó mà thôi ! Cụ thể nó là nước củ của nước Chiêm Thành vì thời gian đầu là do người bản địa cư ngụ ở đây lãnh đạo đến đầu thế kỷ thứ VI thì mới có nhóm người ở bên Ấn Độ chạy trốn đến đây định cư . Đến giữa thế kỷ thứ VIII thì họ chiếm đoạt quyền thống trị ở vùng này và lúc bấy giờ mới có tên là nước Chiêm Thành . ● Người Chiêm Thành ngày nay có họ tên như người Việt đó là sau khi xoá bỏ hết các vùng tự trị của người Chiêm Thành vào khoảng năm 1831 vua Minh Mạng mới sát nhập toàn bộ vào nước Việt Nam và dưới sự cai trị của triều đình . Cho nên ông bắt buộc họ sử dụng họ tên và học ngôn ngữ như người Việt , cho nên ngày nay người Chăm mới có các họ như người Việt ( họ Đào, họ Trà họ Phạm họ Đinh , họ Hà v v ) trường hợp này cũng giống như lúc trước ông ban các họ cho người Khome vậy ( họ Thạch, họ Sơn họ Kim, họ Kiên v v ) . Đến đời vua Tự Đức thì ban các họ cho người dân tộc ở Tây Nguyên v v
    Riêng về họ Chế có lẽ là họ của người bản xứ hoặc bị bản địa đồng hoá v v Tôi cũng gặp được một số người mang họ Chế nhưng xét về phương diện tướng diện học thì họ không có nét của chủng người có gốc Ấn Độ cả !
    =》 Do đó cương thổ của nước Phù Nam có thể là từ bờ nam của con sông Gianh trở vào . Nước Chiêm Thành lại chia ra làm nhiều nước nhỏ và có thêm một số nước nhỏ khác ở vùng miền núi , chẳng đến thời vua Tự Đức vẫn còn một số nước nhỏ tự trị như nước Hoả Xá, nước Thủy Xá v v . . .
    ● ngày xưa người ta dùng trượng để làm đơn vị đo đạt và nó có độ dài lớn nhất 1 trượng =3,33m # 1 sào hoặc 1 tầm trâu v v do đó 1 lóng mía dài = 1 trượng là quá láo khoét, hay một lóng trúc dài 2 trượng thì cũng quá láo khoét v v
    =》Tất cả những dữ liệu nêu ra trong bài viết đa phần là không có phù hợp và nó cũng chẳng có liên quan gì đến cái nước Phù Nam ●|●
    ● Ngày xưa những người đi học chủ yếu là học thuộc và hiểu thông các vấn đề ở các sách tứ thư, ngủ kinh, còn các sách khác là hầu như không có . Quanh năm suốt tháng chỉ biết học những thứ ấy để mong thi đỗ v v ngay cả việc nhà điều phó mặc cho vợ cả . Hơn nữa phần đông là nghèo khó thì làm gì được đi đâu để có thêm kiến thức chứ .Những chuyện như thế này thì không có viết hoặc in ra để bán còn những quyển sách sử thì có mấy ai được đọc chứ ? Còn việc đi sang các nước khác thì chẳng khác gì muốn đi lên trời vậy .Hơn nữa cái tên nước Phù Nam này đã bị sửa đổi từ lâu, khi mà đất nước còn bị kẻ thù đô hộ và cũng không có một cuốn sách nào được ghi lại cụ thể, ngay như những ghi chép của bọn cầm quyền cũng không có biết nữa nếu như họ không có ở trên lãnh thổ của Việt Nam . v v
    Do đó ta chê bai họ là ta quá thiển cận, Chẳng có một tí hiểu biết gì hết !
    ●Giả sử có ai đó hỏi tác giả là ở VN hiện nay có tất cả là bao nhiêu xã phường và yêu cầu tác giả kể ra hết các tên thì tác giả có làm được không ? ? ?
    Phú Tiên – TN :06/01/2022

    Thích

Bình luận về bài viết này