Chương 5: MỘT NỀN VĂN MINH RA ĐỜI
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Trong thiên niên kỷ thứ 4 TCN sự phát triển văn hóa đã có thể cảm nhận được trong thời kỳ Ubaid tiến triển với một nhịp bước nhanh hơn và nền văn minh Sumer cuối cùng bừng nở. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra trong nửa phần phía nam của Iraq, phân nửa phía bắc đi theo một lộ trình phần nào khác biệt và lẽo đẽo phía sau trên nhiều phương diện. Trong những năm gần đây người ta quan tâm nhiều hơn nhằm tìm hiểu những nguyên cớ hội tụ đã ban tặng cho miền nam một đặc quyền như thế, và kết quả là một chuỗi quá giản lược, dù có thể tin được, các sự kiện được mô tả bên dưới. Tuy nhiên, độc giả cần cảnh giác tất cả ‘những lý giải’ như thế phần lớn là ức đoán và rằng chúng ta chắc chắn sẽ không bao giờ biết được những gì đã thực sự xảy ra.
Vào giữa thiên niên kỷ 4 TCN khí hậu vùng Cận Đông, vốn ấm và ẩm trong gần 2000 năm, bổng bắt đầu dần dần thay đổi và trở nên càng ngày càng mát mẻ và khô ráo hơn. Canh tác với thủy lợi lúc đó đã cho thấy quá thành công đến nỗi ở nam Iraq dân nhập cư từ đồng bằng và vùng đồi canh tác khô ở bắc Mesopotamia di cư đến thung lũng hạ lưu Euphrates, nơi những cuộc khảo sát khảo cổ trên bề mặt đã nhận ra sự gia tăng đột ngột số những khu định cư kích cỡ làng mạc trong thời kỳ đó. Những ngôi làng mới, như những làng cũ, toạ lạc trên bờ sông, nhưng chúng có khuynh hướng quần tụ quanh những khu định cư thời kỳ Ubaid đó vốn đồng thời là nơi cư ngụ của những vị thần lớn mà tất cả sự phồn thịnh đều phụ thuộc và là trung tâm của các cộng đồng nông nghiệp quy mô. Nhu cầu nuôi ăn một dân số tăng lên nhanh chóng thách thức kỹ năng sáng tạo của con người: chiếc cày được sáng chế, và cùng với xe trượt để kéo thóc, xe bò để chuyên chở hàng hoạt và buồm để đi nhanh hơn trên sông. Những cải tiến kỹ thuật này làm gia tăng sản lượng lương thực đến dư thừa có thể dự trữ, tái phân phối hoặc trao đổi lấy những vật liệu thô và hàng xa xỉ nhập khẩu, trong khi những phát minh khác – như bàn quay thợ gốm và đúc hợp kim đồng – mở ra kỷ nguyên kỹ nghệ.
Việc này tiếp tục 3 hoặc 4 thế kỷ, nhưng về phía cuối thiên niên kỷ những hậu quả của tình trạng khô hạn bắt đầu có thể cảm nhận được ở nam Mesopotamia. Khi sông Euphrates mang nước càng ngày càng ít đi, nhiều sông nhánh của nó khô cạn. Phong cảnh từ lâu thân thiết về mạng lưới con nước hòa nhập và những đầm lầy bát ngát giờ dần được thay thế bằng một phong cảnh mới không khác lắm với hiện giờ: những dãy rặng cọ, cánh đồng và vườn cây ăn quả dọc theo ít dòng nước còn lại và, ở giữa, lốm đốm các thảo nguyên hoặc thậm chí sa mạc. Nhiều ngôi làng biến mất, dân cư của chúng tái nhập bên trong và chung quanh những trung tâm lớn hơn, và nhanh chóng phát triển thành kích thước của thị trấn. Để mở rộng những diện tích đất trồng trọt được hệ thống thủy lợi nhân tạo được phát triển, nhưng nỗ lực chung tay lớn lao cần huy động để đào và duy trì những con kênh lớn và nhu cầu phân phối nước công bằng củng cố một cách đáng kể quyền hành của các thủ lĩnh thị trấn truyền thống, các thầy tu cao cấp. Điều này, cùng với sự khan hiếm đất phì nhiêu, đưa đến sự tập trung quyền lực và của cải vào trong một ít bàn tay và một ít vị trí, đưa đến những tiến bộ kỹ thuật cao hơn, đưa đến những thành quả về kiến trúc và nghệ thuật đáng kể, đưa đến việc phát minh ra chữ viết như một phương tiện ghi chép những thoả thuận, nhưng cũng đưa đến sự xung đột vũ trang. Và, dường như, những thành bang của Sumer cổ đại đã được khai sinh như thế, với những thành phố được gia cố và những lãnh địa được xác định rõ ràng, với một tập đoàn các thầy tu, thư lại, kiến trúc sư, nghệ sĩ, giám sát viên, nhà buôn, thợ thuyền, binh lính và nông dân và những qui luật tin ngưỡng hoặc các thủ lĩnh chiến binh.
Năm trăm năm chứng kiến những phát triển này đã được phân chia, phần nào khiên cưỡng, bởi những nhà khảo cổ thành ‘thời kỳ Uruk” (khoảng 3750 – 3150 TCN) và ‘thời kỳ Jemdat Nasr’ (khoảng 3150 – 2900 TCN) nhưng cũng có hoài nghi rằng những người có trách nhiệm trong việc đô thị hóa nam Mesopotamia có liên hệ mật thiết với, hoặc đã từng được tiếp thu nền văn hóa Ubaid, bởi vì không thấy có sự đứt đoạn rõ ràng giữa văn hóa Ubaid và văn hóa Uruk và không có dấu tích của sự xâm lăng vũ trang hoặc sự phá hủy. Tại tất cả các địa điểm được khai quật, như Eridu, Uruk và Ur, những đền thờ mới được xây dựng qua những đền thờ cũ, theo cùng một thiết kế và với cùng loại vật liệu, và gốm Uruk khác biệt – loại gốm làm bằng bàn quay, sản xuất hàng loạt, không tô màu nhưng đôi khi được đánh bóng, có màu da bò, xám hoặc đỏ, mà trong một số hình dáng dường như sao chép những bình kim loại được người giàu có sử dụng – dần dần thay thế gốm Ubaid. Về phần các yếu tố khác của nền văn hóa Uruk và Jemdat Nasr (dấu niêm phong hình ống, cách trang trí tường bằng khảm hình nón, chạm khắc và tượng điêu khắc 3D trong các đền thờ trên các nền cao), chúng hoặc thoát thai từ những mẫu Mesopotamia xưa hơn hoặc có thể do sáng tạo của các nghệ sĩ và nhà kiến trúc địa phương. Do đó ở đây chúng ta không phải đối diện với một nền văn minh nhập khẩu làm sẵn, mà với những giai đoạn cuối cùng của một tiến hóa đã bắt đầu với nền tảng của Eridu và thậm chí có thể xưa hơn ở bắc Iraq.
Thời kỷ Uruk
Địa điểm cho tên của nó vào thời kỳ này là Uruk (tên thánh kinh là Erech, tên hiện giờ là Warka), mà tàn tích rộng lớn và ấn tượng của nó nằm trên một khu vực không phải sa mạc ở khoảng nửa đường giữa Baghdad và Basrah, không xa thị trấn nhỏ Samawa. Nó là một trong những địa điểm quan trọng nhất của Cận Đông, không chỉ vì kích cỡ đồ sộ (400 mẫu), mà còn vì được chiếm dụng không đứt đoạn từ thời Ubaid đến Parthia và vì vật liệu khảo cổ và bảng chữ khắc nó ban tặng.
Thành Uruk sinh ra từ sự hợp nhất hai thị trấn cách nhau 800 mét: Kullaba, thờ cúng thần bầu trời An (hay Anu), vị thần tối cao của người Mesopotamia, và E-Anna (‘Ngôi nhà của Thiên đường’), nơi cư ngụ chính của nữ thần tình yêu Inanna (người Semite gọi là Ishtar). Tại trung tâm của E-Anna còn có thể trông thấy những tàn tích của một tháp tầng bằng gạch bùn (ziqqurat) do Vua Sumer là Ur-Nammu (k. 2112 – 2095 TCN) xây dựng bên trên một đền thờ lớn xây trên một nền tảng và có niên đại thời kỳ Jemdat Nasr. Chính trong khu vực này mà các nhà khảo cổ Đức, từ năm 1912 đã đào tại Warka rồi ngưng rồi tiếp tục trong khoảng 50 năm, đã khai quật ít nhất 7 đền thờ kế tiếp chồng lên nhau và các cấu trúc thờ cúng khác nhau có niên đại ở nửa cuối thời kỳ Uruk. Cũng chính tại đó họ đã đào một giếng sâu 20 m đến tận lớp đất chưa khai phá và có được mặt cắt địa tầng của di chỉ, hiển nhiên được thành lập trong thời Ubaid.
Những đền thờ cổ của Uruk về thiết kế rất giống với thời kỳ Ubaid ở Eridu đã được mô tả: mặt tiền được chống đỡ, cella dài bao quanh bởi các phòng nhỏ, cửa ra vào mở ra trên phía cạnh dài minh chứng cho tính dai dẳng của các truyền thống kiến trúc, chắc chắn, cho tin ngưỡng và việc thờ cúng. Ở E-Anna, chúng được sắp xếp từng cặp, một sự kiện khiến Giáo sư H. Lenzen đề xuất rằng chúng được dâng cúng không chỉ Inanna mà còn người yêu của bà thần-sinh sôi Dumuzi. Đặc biệt nổi bật là các tầng thấp nhất với các đền thờ đồ sộ – một trong số đó, được xây dựng trên nền móng đá vôi, đo được 87 nhân 33 mét – và ‘toà nhà khảm’ phi thường. Tòa nhà này gồm một sân rộng vươn ra giữa hai điện thờ, với một cổng vươn cao gồm 8 cột đá bùn đồ sộ, đường kính 3 mét, xếp thành hai hàng. Các bức tường hông của sân, các cột và nền móng cột đều hoàn toàn phủ bằng các kiểu dáng đầy màu sắc những họa tiết hình học tạo bởi mặt đáy khối nón bằng đất sét nung, dài từ 7 đến 10 cm, sơn màu đen, đỏ hay trắng rồi ấn chặt vào lớp vữa thạch cao bùn. Loại trang trí rất hiệu quả và độc đáo này được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ Uruk và Jemdat Nasr, và những khối nón bằng đất sét lỏng lẻo này có thể nhặt được hàng ngàn cái trong phế tích Warka. Màu sắc, khi được bảo quản, đã mất vẻ rực rỡ của nó, nhưng chỉ cần một chút cố gắng cũng có thể tưởng tượng một mặt tiền khảm bằng khối nón sẽ trông thế nào trong ánh nắng rực rỡ đông phương. Gu thẩm mỹ màu sắc này cũng biểu lộ trong việc sử dụng màu sơn tường. Một trong các đền thờ cổ ở E-Anna, gọi là ‘Đền thờ Đỏ’, có tường màu hồng, và ở Mô gò ‘Uqair, cách Baghdad 80 km về phía nam, người Iraq khai quật vào năm 1940 một đền thờ Uruk trang trí bằng bích hoạ mà, khi được phát hiện, ‘rực rỡ như vừa mới được sơn xong’: những hình người, không hư hỏng mấy, tạo thành một đám rước, và hai con báo ngồi xổm đang bảo vệ một ngai vàng của một vị thần không rõ tên. Tất cả ba đền thờ này, cần chú ý, đứng trên những nền móng thấp bằng gạch, như các đền thờ của thời kỳ Ubaid ở Eridu; nhưng theo thời gian nền móng trở nên cao hơn, có khuynh hướng quan trọng về kích cỡ hơn chính tòa nhà. Chắc chắn hơn hết đây chính là nguồn gốc của ziqqurat, tháp tầng trên chóp là điện thờ quá điển hình của nền văn minh Mesopotamia trong thời có sử ký. Sự tiến hóa này được minh họa bởi đền thờ Anu của Uruk, tại đó 6 đền thờ được xây dựng nối tiếp cuối cùng được gom lại trong một nền móng thực sự đồ sộ dâng cao khoảng 15 mét bên trên đồng bằng. Bên trên nền móng này là tàn tích được bảo quản tốt đến kinh ngạc của một điện thờ có niên đại cuối thời kỳ Uruk, được gọi là ‘Đền thờ Trắng (hình dưới)’, và đứng giữa các bức tường này, ngay chính nơi 5000 ngàn năm trước, các trưởng tế thần bầu trời đang hành lễ, thật là một trải nghiệm mà du khách nào cũng khó quên.
Kiến trúc quốc nội được biểu thị kém cỏi ở nam Iraq, nhưng chúng ta có thể nhìn thoáng qua nó tại những địa điểm khác ở xa – vì văn hóa Uruk phát triển khắp Mesopotamia và bao phủ gần như cùng một diện tích với văn hóa Ubaid. Gần Erbil, chẳng hạn, tại Mô gò Qalinj Agha, hai khu cư trú lớn phân cách bởi một con đường chính, rộng 2 đến 3 mét, cắt ngang vuông góc bởi các con phố nhỏ hơn, và thiết kế qui chuẩn tương tự có thể tìm thấy tại Habuba Kabira, trên khúc quanh lớn của Sông Euphrates, một thành phố bao phủ một diện tích không quá 22 mẫu và bao quanh bởi một bức tường có các tháp vuông. Ở cả hai nơi những ngôi nhà, được xây cất cẩn thận bởi gạch thuôn, gồm ba tòa nhà mỗi tòa nhà có từ 2 đến 4 phòng rất rộng, chung quanh một sảnh lớn hoặc sân vườn.
Thiết diện biểu đồ quá các lớp cổ thời Uruk (E-Anna). Các đền thờ kế tiếp trên 3 tầng. Chú ý đền thờ ỷen nền tảng (thời kỳ Jemdat Nasr) bên dưới ziqqurat do Ur-Nammu (thời kỳ Ur III) xây dựng và hố kiểm tra với các mẫu đồ gốm, xuống đến tận thời kỳ Ubaid.
Sự hoành tráng của các đền thờ Uruk và khía cạnh gần như là xa hoa của những ngôi nhà tư nhân có khuynh hướng làm bé nhỏ những hình thức nghệ thuật khác. Vậy mà những con dấu niêm của thời kỳ Uruk là những tuyệt tác bé nhỏ. Tại thời điểm đó con dấu niêm của những thời kỳ sớm hơn hầu như hoàn toàn được thay thế bởi dấu niêm hình ống. Đây là một khối ống bằng đá thường hoặc bán quý, có chiều dài thay đổi từ 2.5 đến 8 cm, dày cỡ ngón tay cái hoặc mỏng như viết chì, và có đục một lỗ ở giữa suốt chiều dài, để có thể xâu dây mang nó lên cổ. Trên bề mặt được chạm nổi một hình thiết kế, khi được lăn trên đất sét, có thể in vô giới hạn hình nổi đã được chạm trổ trên ống. Những ống niêm đầu tiên này đã được chế tác rất tinh xảo, và những hình thiết kế – trải dài từ hình thú hoặc cây cỏ đến các cảnh sinh hoạt thường nhật hoặc các đề tài thần thoại – được bố cục và sắp xếp với sự điêu luyện đáng nể. Tuy nhiên, lợi ích của chúng vượt xa giá trị nghệ thuật, vì chúng là những vật thể duy nhất của thời kỳ Uruk còn sống với con người và cho chúng ta một hiểu biết qua loa về nghề nghiệp họ. Chẳng hạn, một ống dấu nêm mô tả một cuộc tàn sát các tù binh cho biết có chiến tranh, trong khi sự xuất hiện thường xuyên của gia súc đi từng đàn, tụ tập trong vòng rào hoặc bị sư tử tấn công gợi lên những mối bận tâm chính của nhà nông. Những nghi lễ được tiến hành bởi các thầy tu trần truồng cũng thường được mô tả. Lần đầu tiên chúng ta có ở đây, ngoài một nghệ thuật về tiểu hoạ, còn là một nguồn thông tin mà tại bất cứ thời kỳ nào cũng chứng tỏ rất hữu ích đối với sử gia về thời Mesopotamia cổ đại.
Hình khắc trên ống niêm phong của thời kỳ Uruk.
Nhưng thời kỳ Uruk chứng kiến một phát minh khác cực kỳ quan trọng hơn cả bánh xe, dấu ống nêm hoặc cách khảm bằng khối nón, một phát minh làm nên một kỷ nguyên có thể so sánh với phát minh nông nghiệp vào thời kỳ Đồ Đá Mới. Chính vào cuối thời kỳ, khoảng 3300 TCN trong các đền thờ cổ E-Anna ở Uruk, mà chữ viết xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng các bảng khắc đất sét những chữ dạng hình ngữ.
Chữ viết được sử dụng ở Mesopotamia trong suốt lịch sử và được biết dưới tên ‘chữ hình nêm’ khởi thủy – như tất cả những chữ viết nguyên thủy, quá khứ hay hiện tại – đều là tập hợp những nét vẽ nhỏ, đơn giản hóa, tức là hình ngữ. Những văn bản có sớm nhất ở Uruj và nơi khác đều quá phức tạp để biểu thị nỗ lực đầu tiên do con người làm ra để giữ lại những ý tưởng của mình, và chắc chắn nhất những hình ngữ đầu tiên được khắc lại trên gỗ hoặc vẽ trên da hoặc lá cây, nhưng những phương tiện như thế ắt hẳn đã tan rã từ lâu trong lớp đất ấm ướt bên dưới của Iraq, và những tư liệu duy nhất còn sót lại là các hình ngữ được khắc trên đất sét. Tiến trình viết thật ra rất đơn giản: người thư ký lấy ra một khối đất sét loại tốt, sạch sẽ và tạo hình nó thành một gối phẳng nhỏ vuông vức cạnh vài phân. Rồi, với một đầu thân sậy cắt nghiêng y sẽ vẽ những đoạn để phân chia hai mặt gối thành những ô vuông và lấp đầy những ô với những hình vẽ được cắt khía. ‘Bảng chữ đất sét’ sau đó được nung hoặc phơi khô. Những bảng phơi khô sẽ tan thành bụi khi cầm giữa các ngón tay, nhưng nếu được thu nhặt thận trọng và phơi khô chậm trong bóng râm rồi làm cứng lại trong lò nung chúng sẽ trở nên bất hoại. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng một số chữ cổ được khắc trong đá, lúc đầu với mũi nhọn bằng đồng, sau đó bằng cây đục chuyên dùng.
Theo thời gian chữ viết Mesopotamia dần dần mất đặc điểm hình ngữ. Những ký hiệu được khắc theo hàng ngang hơn là theo ô vuông hay theo cột dọc. Chúng dần nhỏ hơn, chặt chẽ hơn, cứng nhắc hơn, ‘trừu tượng’ hơn, cuối cùng không còn giống những vật thể mà chúng biểu hiện. Những đường ngoằn ngoèo vụng về biến mất và được thay thế bằng những đoạn thẳng, lúc đầu dài bằng nhau, rồi sau đó – khi đầu bút hình lăng trụ ấn sâu vào đất sét trước khi vẽ trên bề mặt – mơ hồ có hình tam giác hoặc hình cái nêm. Đến giữa thiên niên kỷ thứ 3 TCN sự tiến hóa này hoàn tất và chữ viết ‘dạng hình nêm’ thực sự ra đời, mặc dù những thay đổi nhỏ không ngừng xảy ra sau đó, khiến các chuyên gia có thể xác định niên đại một văn bản chắc chắn như các nhà khảo cổ xác định niên đại một mảnh gốm.
Mình họa những thay đổi trong ký tự hình nêm qua nhiều thế kỷ. Bên cạnh âm trị của chúng trong ngôn ngữ Akkad, hầu hết những ký hiệu có một trong vài giá trị ngữ tổ. Như, SHU (tiếng Sumer là bàn tay) có thể được đọc trong tiếng Akkad là qâtu, bàn tay; emûqu, sức mạnh; gamâlu, sự che chở . . .
Những văn bản sớm nhất chúng ta có chắc chắn được viết bằng tiếng Sumer. Ngôn ngữ này phần lớn là đơn âm, cách viết dựa, như tiếng Trung Hoa, trên nguyên tắc: một vật thể hoặc ý tưởng chỉ bằng một âm, một ký hiệu. Những hình ngữ đầu tiên do đó cực kỳ nhiều (hơn 2000). Một số chúng biểu thị những vật thể dễ nhận ra, như các nông cụ, bình, thuyền, đầu thú hoặc các bộ phận trong cơ thể, trong khi số khác có vẻ thuần túy quy ước. Nhưng vì rất khó biểu thị những ý tưởng trừu tượng bằng hình vẽ, một hình ngữ thường được sử dụng cho vài từ và có thể đọc theo nhiều cách. Chẳng hạn, một bàn chân không chỉ có nghĩa là ‘bàn chân’ (phát âm trong tiếng Sumer là du) nhưng cũng có nghĩa là những ý tưởng liên quan đến bàn chân như ‘đứng’ (gub), ‘đi’ (gìn), ‘đến’ hoặc ‘mang’ (tum).
Ngược lại, một số khái niệm hoàn toàn không liên hệ nhưng phát âm như nhau được nhóm lại dưới cùng một ký hiệu. Chẳng hạn ký hiệu cái cung được sử dụng cho ‘mũi tên’ (tỉ), nhưng cũng cho ‘sống’ (ti hay til)… Trong tiếng Sumer cổ điển, cách đọc đúng một ký hiệu thì thường được chỉ rõ hoặc trong văn cảnh hoặc bởi những ký hiệu khác gọi là ‘bổ ngữ âm’, ‘từ hạn định’ hoặc ‘phần tử văn phạm‘; nhưng văn bản cổ không được như vậy. Hơn nữa, những ký hiệu được viết một cách vô trật tự, và một số chúng, chỉ được sử dụng trong thời kỳ xa xưa nhất, sau đó không xài nữa vì thế âm trị của chúng không được biết. Vì những lý do này chúng ta không thể đọc những bảng chữ khắc hình ngữ. Tất cả những gì chúng ta có thể nói là chúng có mọi đặc tính của tư liệu kinh tế (danh sách công nhân, danh sách hàng hóa, biên nhận . . . ) Điều này không có gì ngạc nhiên vì chữ viết được phát minh cho mục đích kế toán. Ngay từ thiên niên kỷ 7, tại vài di chỉ ở Iraq và Iran đã xuất hiện những quả bóng, khối vuông và khối nón nhỏ bằng đất sét nung thoạt tiên được cho là đồ chơi nhưng sau đó được nhìn nhận là các biểu hiệu hoặc ‘viên sỏi (calculi) mà kích cỡ và hình dạng của nó chỉ đơn vị và tiểu đơn vị hoặc những hàng hóa không xác định dùng để trao đổi. Vào khoảng 3500 TCN những calculi này được tìm thấy trong những bao bằng đất sét mang những hình vẽ vật chứa bên trong. Những bảng chữ khắc đơn giản chỉ có số (những đường tròn và đoạn ngắn) cũng được tìm thấy trong những nơi dốt nát như Khafaje, ở thung lũng Diyala, Mô gò Brak và Habuba Kabira. Điều đáng nói là từ những khởi đầu khiêm nhượng như thế chữ viết phát triển ở nam Mesopotamia trong một thời gian tương đối ngắn để trở thành một hệ thống cực kỳ phức tạp được sử dụng để diễn tả mọi hoạt động trí não, kế cả văn chương đồ sộ và đáng ngưỡng mộ.
Thời kỳ Jemdat Nasr
Năm 1925 một đồ gốm đặc biệt gồm, chủ yếu, những lọ dày lớn trang trí những họa tiết hình học và tự nhiên bằng màu đỏ và/hoặc đen vẽ trực tiếp trên đất sét màu da bò được phát hiện ở Jemdat Nasr, giữa Baghdad và Babylon. Sau đó, ‘gốm Jemdat Nasr’ được tìm thấy, thường thường với số lượng nhỏ, trên những di chỉ Mesopotamia khác và được coi như dấu ấn của một thời kỳ văn hóa đi trước liền thời có sử ký, gọi là ‘thời kỳ Jemdat Nasr‘. Tuy nhiên cần phải nhớ rằng giữa những yếu tố văn hóa của thời kỳ đó và những yếu tố văn hóa của thời kỳ Uruk không có sự khác biệt cơ bản, trừ các biến thể đơn giản trong phong cách và chất lượng. Những tàn tích kiến trúc hiếm hoi nhưng đủ để chứng minh sự vắng mặt của các thay đổi gay gắt trong thiết kế và trang trí đền thờ, mặc dù giờ điểm nhấn nằm trên nền móng của chúng, và lối trang trí khảm bằng khối nón thường được áp dụng trên những pa-nô thay vì che phủ khắp các bức tường. Con dấu nêm hình ống chứa cùng những cảnh tượng tín ngưỡng lẫn thế tục, mặc dù chúng có khuynh hướng trở nên sáo mòn và có tính quy ước. Chữ viết càng ngày càng được sử dụng, nhưng hình ngữ ít hơn, ít ‘hiện thực’ hơn và thường dùng cho âm trị của chúng mà thôi. Phần lớn gốm cũng y hệt như gốm Uruk giản dị và ‘gốm Jemdat Nasr’ hiếm hoi, có lẽ từ cảm hứng của người Iran, dường như biểu thị không gì hơn là một thời trang bản địa thoáng qua. Xét chung, điêu khắc có lẽ là đóng góp độc đáo duy nhất của thời kỳ mới đối với sự tiến bộ của nghệ thuật.
Gần như bị bỏ quên từ thời kỳ Samarra, điều khắc thình lình tái xuất, ngay lập tức vươn đến mức độ hoàn thiện cao và được vận dụng một cách đam mê đến đa dạng đối tượng. Sư tử tấn công bò rừng, người hùng khống chế sư tử, lợn rừng quạu quọ, đám cừu hiền hòa được chạm khắc hoặc điêu khắc 3D trên các bình và bát đá, các khay, trên bảng treo tường và trên lưng các con dấu nêm hiểm hoi còn sống sót. Từ thời gian đó cũng có nhiều tượng nhỏ do tín đồ dâng cúng để cầu xin, và những bia ký đá Bazan khá thô sơ được tìm thấy ở Warka, mô tả hai người đàn ông có râu giết sư tử bằng lao và tên, là tổ tiên được biết xưa nhất của các cảnh săn bắn nổi tiếng của người Assyria. Nếu không phải tất cả cảnh này lúc nào cũng có chất lượng tuyệt hảo, thì hai món – cả hai đều được tìm thấy ở Uruk – chưa tìm được đối thủ cạnh tranh trên toàn thế giới vào thời kỳ đó. Một món là một bình thạch cao tuyết hoa cao một mét được khắc nổi với kỹ năng điêu luyện, mô tả nữ thần Inanna đón nhận quà từ một viên chức cao cấp, có lẽ thầy tế, thủ lĩnh hoặc thậm chí một vị thần. Bình này đã được xem là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị của thời cổ, bởi vì nó đã được sửa chữa bằng các kẹp kim loại (hình dưới trên). Tuyệt tác khác là tượng mặt gần như bằng người thật của một phụ nữ bằng đá. Đôi mắt rất tiếc là bị mất, nhưng gương mặt được điêu khắc với sự pha trộn của tính hiện thực và cảm xúc hiếm được tìm thấy trước thời kỳ cổ điển của nền điêu khắc Hy Lạp (hình bên phải).
Tiến bộ trong kỹ thuật, thành tựu trong nghệ thuật, chữ viết, tất cả những điều này là minh chứng cho một nền văn minh đã đủ chín mùi có thể được gọi mà không đắn đo là ‘văn mình Sumer’ vì chắc chắn là những bảng khắc từ Jemdat Nasr và các tầng đương thời ở Ur và Mô gò ‘Uqair đều được viết bằng ngôn ngữ đó. Sinh ra và nuôi dưỡng ở nam Iraq, nền văn minh này toả sáng trên khắp vùng Cận Đông và tác động một tầm ảnh hưởng sâu rộng lên các nền văn hóa đông phương khác. Chúng ta không thể không cho rằng chữ viết trên đất sét ‘Sơ-Elamite’ vốn vẫn chưa được giải mã, cũng xuất hiện khoảng thời gian này tại Elam (tây-nam Ba Tư) gần đó, cũng lấy cảm hứng từ chữ Sumer cổ hoặc được phát minh bởi một dân tộc có liên hệ với người Sumer, nhưng thật khó biết hơn nữa qua kênh nào và trong tình huống nào mà Ai Cập vay mượn Mesopotamia. Vậy mà những ngôi mộ tiền sử muộn ở Naqadah đã mang lại những con dấu niêm hình ống điển hình Jemdat Nasr, và chính vật thể này đã được người Ai Cập công nhận và khắc nó cùng với các thiết kế truyền thống của mình và, không có những bảng đất sét để lăn con niêm trên đó, sử dụng nó hàng thế kỷ như một loại bùa chú. Tương tự, những mô-tip Mesopotamia ưa chuộng, như những cảnh săn bắn, sư tử ăn thịt gia súc hoặc những quái thú với cổ dài, quấn xoắn được các điêu khắc gia Ai Cập sao chép cũng như các kiến trúc sư Ai Cập của Triều đại Thứ Nhất đã xây dựng các lăng mộ hoàng gia với các mặt tiền thụt vào như các đền thờ Mesopotamia. Thật ra, một vài nhà có uy tín tin tưởng rằng các hình ngữ Sumer đi trước chữ tượng hình sớm nhất của Ai Cập và có thể đã tạo cảm hứng cho những người sáng tạo ra nó. Ảnh hưởng một chiều này càng đáng chú ý hơn, vì những mối tiếp xúc giữa hai tiêu điểm văn minh lớn trong vùng Cận Đông đã luôn hiếm thấy và hời hợt một cách đáng kinh ngạc trong suốt lịch sử cổ đại.
Ít bất ngờ hơn, mặc dù không kém nổi bật, là ảnh hưởng của Sumer đối với bắc Syria. Đến giờ ta biết rất ít về việc định cư đầu tiên tại Ebla, nhưng khi thành phố lớn đó phồn vinh, vào thiên niên kỷ 3, rất nhiều kiến trúc và nghệ thuật của nó có hương vị Sumer đậm đà, và thư viện của cung điện hoàng gia chứa cả các văn bản bằng tiếng Sumer và Semite trong lối viết chữ hình nêm tiêu chuẩn, gợi ý có những mối tiếp xúc mật thiết trước đây với nam Iraq. Tương tự có thể nói về Mari, ở đoạn giữa sông Euphrates, nơi nghệ thuật và chữ viết trong thời kỳ Triều đại Đầu thuần túy là chữ Sumer, mặc dù ở đây một lần nữa dân tộc là Semite. Hơn nữa, việc tìm thấy con dấu niêm hình ống của Mesopotamia ở Iran (Susa, Tepe Sialk, Tepe Hissar), cũng như ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ali_ar, Troy), Lebanon và Palestine, và sự phát hiện loại gốm Jemdat Nasr điển hình ở Oman là chứng cứ cho những mối liên hệ thương mại phát triển giữa hạ Mesopotamia và các xứ láng giềng. Khá kỳ lạ, trong chính Mesopotamia nền văn minh Sumer cổ vẫn duy trì khép kín trong một thời gian dài chỉ ở nửa phần phía nam của đất nước. Trong khi những dấu vết về nền văn hóa Uruk gần như hiện diện khắp mọi nơi, những dấu vết của văn hóa Jemdat Nasr chỉ hạn chế tại một số địa điểm, được nghĩ là những thuộc địa của Sumer, như Mô gò Brak, ở lưu vực Khabur, và Grai Resh, trong miền Sinjar, nơi những đền thờ trên nền móng với lối khảm khối nón bằng đất sét và và những tượng nhỏ kiểu phương nam – một số nhìn chằm chằm, số khác có hình dáng kính cận (hình dưới) – được tìm thấy trong cuối thập niên 1930, hoặc một lần nữa Mô gò Asmar và Khafaje, trong thung lũng Diyala, nơi những cuộc thăm dò mang ra ánh sáng gốm, tượng điêu khắc, con dấu nêm hình ống và bảng chữ khắc đất sét Jemdat Nasr. Do đó có vẻ như là, vì lý do không rõ nào đó, phần lớn Jazirah và toàn bộ thung lũng Tigris thượng lưu vô cảm với sự phát triển văn hóa đã xảy ra khoảng 300 km về phía nam. Địa điểm quan trọng duy nhất trong xứ Assyria tương lai vào thời gian đó là Tepe Gawra; vậy mà trong suốt thời kỳ Uruk và Jemdat Nasr các cư dân ở Tepe Gawra chiến đấu bằng rìu và ná, tiếp tục sử dụng con dấu niêm động thay vì lăn, làm đồ gốm bằng tay và không biết viết, mặc dù họ đi xe ngựa bốn bánh và chôn các thủ lĩnh của mình với số của cải tùy táng không kém ở phương nam vào thời điểm đó. ‘Văn hóa Gawra’ cuối cùng thay thế bởi ‘văn hóa Nineveh 5’ (tầng 5 khi thăm dò sâu ở Nineveh) đặc trưng bởi gốm sứ cổ khía hoặc sơn, làm bằng bàn xoay, khá hấp dẫn và bởi vũ khí và con dấu kiểu Sumer. Nhưng vào thời điểm đó Sumer đã đi vào lịch sử, và toàn bộ thời kỳ Triều đại Đầu (k. 2900 – 2334 TCN) đã trôi qua trước khi văn kiện viết đầu tiên xuất hiện tại phương bắc theo gót chân những nhà chính phục Akkad.
Khoảng hở mở ra vào cuối thiên niên kỷ 4 giữa bắc và nam không hề hoàn toàn được lấp đầy trong lịch sử cổ đại. Sau người Akkad, lần lượt kế tục các vua Sumer của Triều đại 3 ở Ur và Hammurabi ở Babylon nắm quyền thống trị Tigris Thượng và vùng đồi Kurdistan. Vậy mà từ những bảng khắc của họ người ta nảy ra ấn tượng rằng những khu vực này được xem là phần nào thuộc ngoại bang và văn hóa lạc hậu. Cuộc đánh phá của người Hittite vào Babylon (1595 TCN) và thời kỳ bán-vô chính phủ lâu dài theo sau sự đô hộ của người Kassite đặt dấu chấm hết cho sự ưu việt chính trị của phương nam. Miền bắc trả hận và các vua của Assur và Nineveh cai trị khắp vùng Mesopotamia. Nhưng người Babylon không hề tự nguyện chấp nhận nhà nước của các ‘tên man rợ’ này và nhiều lần đứng lên hòng lật đổ ách cai trị, trong khi chính những quân vương Assyria hùng mạnh, cho người đi sưu tầm ráo riết những văn bản của người Sumer và đều đặn tham gia Lễ hội Năm Mới tại Babylon, như để tỏ lòng biết ơn của mình đối với nền văn minh cổ đáng kính.
Vấn đề Sumer
Ai là người Sumer này, mà tên tuổi của họ lần đầu tiên đã được phát âm và sẽ là người chuẩn bị chiếm lấy sân khấu lịch sử cho hàng ngàn năm sau? Họ có biểu thị một lớp dân tộc cổ đại trong Mesopotamia tiền sử, hay ho đến từ một xứ sở khác, và nếu thế, họ đến khi nào và từ đâu? Vấn đề quan trọng này đã được tranh luận hết lần này đến lần khác kể từ khi những di tích của nền văn minh Sumer được đưa ra ánh sáng cách đây một thế kỷ, và vẫn còn đó với chúng ta. Những phát hiện gần đây nhất, chẳng những không cho ta câu trả lời, mà thậm chí làm câu hỏi thêm khó trả lời, nhưng ít ra chúng đã cung cấp những lập luận mới mẻ và vững chắc cho một cuộc tranh luận cũ và chính trong ánh sáng mới này mà ‘vấn đề Sumer’ nên được xem xét.
Chữ người ‘Sumer’ xuất xứ từ tên cổ của bộ phận phía nam của Iraq: Sumer hay, chính xác hơn, Shumer, thường được viết trong văn bản hình nêm với các ký hiệu KI.EN.GI. Từ khởi đầu của thời kỳ sử ký ba nhóm sắc tộc sống chan hòa trong vùng đó: người Sumer, chiếm đa số tại vùng cực nam từ khoảng Nippur (gần Diwaniyah) đến Vịnh, người Semite, chiếm đa số trong khu vực trung tâm Mesopotamia (vùng gọi là Akkad sau năm 1400 TCN) và một thiểu số nhỏ, phân tán có nguồn gốc không rõ khiến không thể gán cho bất kỳ nhãn hiệu nào. Từ quan điểm của sử gia hiện đại, đường ranh giữa ba thành tố này của dân số lịch sử đầu tiên của Mesopotamia không mang tính chính trị hoặc văn hóa mà thuộc phạm trù ngôn ngữ. Tất cả họ đều có cùng những định chế; tất cả họ đều chia sẻ lối sống, kỹ thuật, truyền thống nghệ thuật, tín ngưỡng, nói tóm lại nền văn minh vốn đã xuất phát ở cực nam và được gán một cách đúng đắn cho người Sumer. Tiêu chí đáng tin cậy duy nhất theo đó chúng ta có thể chia tách và nhận diện ba dân tộc này do đó là ngôn ngữ của họ. Theo nghĩa nghiêm nhặt, tên gọi ‘người Sumer’ nên được coi như có nghĩa ‘người nói tiếng Sumer’ và không có gì khác; tương tự, ‘người Semite’ là người nói thổ ngữ Semitic, và thật ra chúng ta không biết đến sự tồn tại của nhóm sắc tộc thứ ba nếu không có ít tên người và địa danh xa lạ, không phải Sumer lẫn Semite xuất hiện đây đó trong các văn bản cổ. Điều này tình cờ giải thích tại sao mọi nỗ lực nhằm xác định và đánh giá mối quan hệ giữa người Sumer và Semite trong những lãnh vực khác hơn là ngôn ngữ đều gặp thất bại. Một điểm khác cần được làm rõ: không có cái gọi là “chủng tộc’ Sumer theo nghĩa khoa học cũng như thông thường. Các xương sọ từ những ngôi mộ Sumer đã được khảo sát hoặc dài và hẹp hoặc ngắn và cho thấy có sự pha trộn của các chủng Armenoid và Mediterranean, chủng sau phần nào lấn át hơn. Về các đặc điểm thể chất được mô tả trên các đài tưởng niệm, chúng phần nhiều mang tính quy ước và do đó không có giá trị thực sự. Mũi lớn, có thịt, mắt ti, cổ bạnh và chỏm đầu dẹt từ lâu được coi là điển hình của người Sumer cũng có ở những bức tượng cá nhân mang tên Semite chính cống được tìm thấy tại những khu vực gần như độc chiếm của người Semite ở Marì, trong khi những chân dung hiện thực hơn, như của Gudea, thống đốc người Sumer ở Sumerian Lagash, cho thấy một cái mũi ngắn, thẳng và một cái đầu dài.
Một mình ngôn ngữ học thường là một tiêu chí tốt về mối quan hệ sắc tộc. Chẳng hạn, người Hy Lạp, người Hittite và người Indo-Aryans, mặc dù phân tán trên một vùng đất rộng, có liên hệ với nhau qua ngôn ngữ Ấn-Âu mà họ nói và ắt hẳn đến từ một tổ quốc chung ở đông nam Âu châu. Nhưng trong trường hợp ngôn ngữ Sumer thì không giúp ích được gì. Ngôn ngữ Sumer có tính ‘chấp dính’ nghĩa là nó được tạo thành bởi những thán từ bằng lời nói được điều chỉnh hoặc liên kết với nhau bằng phần chêm các định tố ngữ pháp. Như thế, nó thuộc cùng loại với nhiều phương ngữ được nói từ Hungary tới Polynesia, mặc dù nó không giống mật thiết với bất kỳ ngôn ngữ nào đã biết, chết hay sống. Văn chương Sumer trình bày trước chúng ta một bức tranh của một dân tộc rất thông minh, cần cù, giỏi biện bác và sùng tín, nhưng không cho ta manh mối nào về nguồn gốc của họ. Thần thoại và truyền thuyết Sumer gần như lúc nào cũng vẽ trên một bối cảnh sông nước và đầm lầy, lau sậy, bách liễu và cọ – một bối cảnh nam Iraq điển hình – như thế người Sumer luôn từng sống trong xứ sở đó, và không có gì trong họ chỉ thị rõ ràng một quốc tổ khác với Mesopotamia.
Do đó chúng ta buộc phải quay trở lại với khảo cổ học, đó là nói về các yếu tố chất liệu của nền văn minh Sumer. Câu hỏi ở đây là: nhóm nào trong các nhóm sắc tộc khác nhau chịu trách nhiệm cho các nền văn hóa sơ sử kế tiếp nhau ở Mesopotamia có thể được nhận diện là dân tộc nói tiếng Sumer của lịch sử? Hỏi theo cách này vấn đề tất nhiên không thể giải đáp được, vì chúng ta không biết ngôn ngữ nào được nói ở Mesopotamia trước thời kỳ Uruk. Dù giải đáp thế nào chỉ có thể là chung chung, theo trực giác hoặc chỉ là phỏng đoán. Về vấn nạn này các học giả nói chung phân làm hai nhóm: đối với một số người Sumer đến Mesopotamia trong thời kỳ Uruk; đối với số khác họ đã ở đó trong thời kỳ Ubaid là muộn nhất. Chúng ta không thể bước vào đây để bàn cãi chi tiết, nhưng bản thân chúng tôi hơi nghiêng về giả thuyết thứ hai. Đúng, chữ viết Sumer xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thời kỳ Uruk, nhưng điều này không ám chỉ rằng ngôn ngữ Sumer không được nói trước đó. Còn nữa, trong văn chương Mesopotamia cổ đại những địa danh không phải thuộc Sumer lẫn thuộc Semite, nhưng chúng có cần thiết biểu thị những dấu vết của một dân số độc nhất và cổ xưa hơn không? Còn phần sự thay đổi về phong cách gốm đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Uruk, chúng ta đã thấy rằng chắc chắn nhờ vào sự sản xuất đại trà hơn là sự xâm lấn hoặc ảnh hưởng của ngoại bang. Thật ra, trong mọi lĩnh vực văn hóa Uruk xuất hiện như sự phát triển các điều kiện đã tồn tại trong thời kỳ Ubaid. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu chúng ta giả định rằng người Sumer là người xâm lăng thế thì họ đến từ đâu? Một số tác giả đã hướng nguồn gốc của họ đến những xứ miền núi ở về phía đông của Mesopotamia nơi họ đến bằng đường bộ hay biển, trong khi các tác giả khác tin rằng họ đến từ Anatolia đi xuống theo Sông Euphrates đến cửa sông của nó; nhưng các lập luận hỗ trợ cho giả thuyết này không mấy thuyết phục. Hơn nữa, kể từ Thế Chiến II nhiều cuộc khai quật khảo cổ đã được tiến hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Baluchistan, Afghanistan và Trung Á, và không cuộc khai quật nào phát hiện điều gì giống như, cho dù mơ hồ, văn hóa Uruk và Jemdat Nasr; và chúng cũng không mang lại bất kỳ bảng chữ khắc nào được viết bằng tiếng Sumer vốn tất nhiên sẽ là chứng cứ quyết định duy nhất. Trong những trường hợp này, tại sao không quay sang chính Mesopotamia?
Trong Chương 4 đã chứng tỏ rằng nhiều yếu tố chất liệu của nền văn minh Sumer – nhà bằng gạch bùn, tường có tô màu và bích họa, bình đá và tượng nhỏ, tượng người đất sét, dấu niêm, nghề đúc kim loại và thậm chí lối canh tác có thủy lợi – phát sinh ở bắc Iraq trong thiên niên kỷ thứ 6 và 5 TCN, và những cuộc khai quật tại Choga Mami đã thiết lập một liên kết xác định giữa văn hóa Samarra và văn hóa Eridu và Hajji Muhammad phần nào đồng thời, giờ được nhìn nhận như những giai đoạn sớm của nền văn hóa Ubaid. Để đánh đồng người Samarra với người Sumer, hoặc thậm chí người Ubaid, dựa trên cơ sở duy nhất là đồ gốm của họ và những tượng nhỏ phi thường sẽ là sự hấp tấp không chấp nhận được, nhưng không mấy hoài nghi rằng những người định cư đầu tiên ở nam Mesopotamia theo cách nào đó có liên hệ với, hoặc ít nhất chịu ảnh hưởng bởi, những người láng giềng của họ. Và người Samara, ngược lại, có thể đã là hậu duệ của những nhà nông Đồ Đá Mới ở Hassuna hoặc Umm Dabaghiya. Do đó chúng ta càng cố đẩy lùi các giới hạn của vấn đề chúng ta, vấn đề càng mỏng dần rồi biến mất trong sương khói của tiền sử. Người ta thậm chí bị xiêu lòng để tự hỏi liệu có phải thực ra không có vấn đề gì hết không. Như tất cả chúng ta, người Sumer là một pha trộn các chủng tộc và ắt hẳn các dân tộc; văn minh của họ, như của chúng ta, là một hỗn hợp các yếu tố bản địa và ngoại bang; ngôn ngữ của họ thuộc về một nhóm ngôn ngữ đủ rộng đã bao trùm toàn bộ Tây Á và nhiều hơn nữa. Do đó họ có thể biểu thị một chi nhánh dân số chiếm dụng phần lớn hơn của vùng Cận Đông trong thời Đồ Đá Mới và Đồ Đồng Đá. Nói cách khác, họ có thể đã ‘luôn’ ở Iraq và đây là tất cả điều chúng ta có thể nói. Như một trong các nhà đông phương học lừng lẫy nhất đã phát biểu: ‘Vấn đề được bàn luận nhiều về nguồn gốc người Sumer có thể biến thành cuộc săn đuổi một điều huyễn hoặc.’