Chương 6 : CÁC THẦN LINH CỦA SUMER
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Dù nguồn gốc thực sự của người Sumer là ai, không hoài nghi gì nền văn minh của họ xuất phát từ thời tiền sử của chính Iraq. Nó phản ảnh tâm trạng và hoàn thành ước nguyện của xã hội nông dân bảo thủ, ổn định luôn tạo thành xương sống của xứ sở ấy; về nguồn cội cùng như bản chất nó là Mesopotamia. Vì lý do đó, văn minh Sumer vẫn sống sót khi người Sumer đã biến mất như một quốc gia vào khoảng 2000 TCN và nó được nhìn nhận và mang theo với một ít điều chỉnh bởi những người Amorite, Kassite, Assyria và Chaldaea, những dân tộc nối tiếp họ lần lượt cai trị vùng Mesopotamia. Nền văn minh Assyria-Babylon của thiên niên kỷ 2 và 1 đó đó về cơ bản không khác với nền văn minh Sumer, và từ bất kỳ góc độ nào tiếp cận chúng, chúng ta gần như lúc nào cũng được đưa về những hình mẫu thuộc Sumer.
Điều này đặc biệt đúng về mặt tin ngưỡng. Trong hơn 3000 năm các vị thần của Sumer đều được dân Sumer lẫn Semite tôn thờ, và trong hơn 3000 năm những ý tưởng tôn giáo được dân Sumer xiển dương đóng một vai trò phi thường trong đời sống công cộng và riêng tư của người Mesopotamia, tạo hình mẫu cho những định chế của họ, tạo nên màu sắc cho những tác phẩm nghệ thuật và văn chương của họ, thẩm thấu mọi hình thức hoạt động từ những chức năng cao nhất của vua chúa đến những nghề nghiệp thường nhật của thần dân. Không có xã hội cổ xưa nào trong đó tin ngưỡng chiếm một vị trí nổi bật đến như thế, bởi vì không có xã hội cổ xưa nào trong đó con người cảm thấy bản thân bị hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của thần linh đến như thế. Sự kiện xã hội Sumer kết tinh quanh các đền thờ có những hệ quả lâu dài và sâu sắc. Về lý thuyết, chẳng hạn, đất đai không hề ngừng thuộc về thần linh, và những quốc vương Assyria hùng mạnh mà đế chế của các ngài vươn xa từ sông Nile đến Biển Caspia là những tôi tớ khiêm cung của vị thần Assur của họ, cũng như thống đốc Lagash, người cai trị một vài dặm vuông của Sumer, là tôi tớ của vị thần Ningirsu của họ. Điều này tất nhiên không có nghĩa là kinh tế và nhiệt huyết con người không đóng vai trò nào trong lịch sử của Iraq cổ đại, như chúng đã làm đối với lịch sử các xứ sở khác; nhưng các động lực tôn giáo không nên bao giờ được quên lãng hoặc coi nhẹ. Như phần giới thiệu đến những thời kỳ lịch sử mà chúng tôi sắp sửa bước vào, một lời mô tả ngắn ngủi về hệ thần và ý tưởng tín ngưỡng của người Sumer chắc chắn không phải lạc lõng.
Hệ thần Sumer
Kiến thức chúng ta về tín ngưỡng và luân lý Mesopotamia rút ra từ các văn bản đa dạng – các thiên hùng ca và thần thoại, nghi thức, thánh ca, lời cầu nguyện, kinh tụng, danh sách các thần, tuyển tập các giới luật, tục ngữ . . . – phần lớn đến từ ba nguồn chính: thư viện tăng đoàn Nippur (trung tâm tôn giáo của Sumer), và các thư viện trong cùng điện và đền thờ của Assur và Nineveh. Một số những văn bản này được viết bằng tiếng Sumer, những văn bản khác thường là bản sao bằng tiếng Assyria hoặc Babylon từ văn bản nguyên gốc Sumer, thậm chí mặc dù, trong ít trường hợp, chúng không có bản đối chiếu trong văn học tôn giáo Sumer được phát hiện từ trước đến giờ. Những niên đại khi chúng được thực sự sáng tác thay đổi từ khoảng 1900 TCN đến những thế kỷ cuối cùng trước Christ, nhưng chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng chúng biểu hiện truyền thống truyền miệng đi ngược trở lại thời kỳ Triều đại Sớm và thậm chí có thể sớm hơn, vì một số các thần Sumer và tình tiết thần thoại có thể nhận ra trên dấu niêm hình ống và vật thể điêu khắc từ các thời kỳ Uruk và Jemdat Nasr. Trước thời kỳ này, thiếu chứng cứ xác thực, nhưng sự tiếp nối không đứt gãy của các truyền thống kiến trúc, việc tái dựng các đền thờ trên nền đền thờ cũ trong cùng một địa điểm thiêng liêng cho thấy ít nhất một số vị thần Sumer đã được thờ cúng ở nam Iraq trong thời kỳ Ubaid.
Hệ thống hóa những ý tưởng tôn giáo và diễn tả chúng như những hệ thống thần thánh và trong các thần thoại chắc chắn là những tiến trình chậm chạp, được tiến hành đồng thời bởi vài ‘trường phái’ các tăng lữ; nhưng phần nào, vào đoạn cuối một thỏa hiệp tổng quát về các nguyên tắc đã đạt được, và trong khi mỗi thành phố giữ lại vị thần bảo hộ và bộ truyền thuyết của họ, toàn xứ thờ phụng một hệ thần chung. Xã hội thần thánh được quan niệm như một bản sao của xã hội con người Sumer và tổ chức đúng theo đó. Trời, đất và âm phủ đều có thần cư ngụ – lúc đầu là hàng trăm nhưng về sau ít hơn do hợp nhất nội bộ nhưng không hề đạt đến chủ nghĩa độc thần. Những vị thần này, như các vị thần Hy Lạp, có hình hài, phẩm chất, khuyết điểm và tham vọng như người phàm, nhưng họ có sức mạnh siêu phàm và quyền năng siêu nhiên và sự bất tử. Hơn nữa, họ tự hiển lộ trong một vầng hào quang chói loà, một ‘sự uy nghi’ làm con người choáng ngợp vì kính sợ và gây cho y cảm xúc không sao diễn tả được khip tiếp cận với thần thánh, vốn là tinh yếu của mọi tôn giáo.
Các vị thần của Mesopotamia không có địa vị ngang hàng nhau, nhưng để xếp hạng họ thì không dễ chút nào. Ở cuối bậc thang có lẽ chúng ta sẽ đặt những hồn ma tốt bụng và những quỷ dữ vốn thuộc về ma thuật hơn là tin ngưỡng đúng nghĩa, và ‘thần hộ mệnh’, một dạng thiên thần bảo hộ gắn liền với mỗi người và có chức năng như người trung gian giữa cá nhân và các vị thần cao hơn. Sau đó đến những vị thần nghề khiêm nhượng có trách nhiệm đối với các công cụ như chiếc cày, khuôn làm gạch hoãc chiếc rìu, và đối với các ngành nghề như thợ gốm, thợ đúc, thợ rèn . . . cũng như các vị thần của Tự nhiên giới như thần sông, thần núi, thần chất khoáng, thần cây cỏ, thần muông thú, các vị thần sinh sôi, sinh nở và thuốc men, các vị thần gió và bão tố, thoạt đầu có lẽ nhiều nhất và quan trọng nhất vì họ nhân cách hoá ‘sức sống , những hạt nhân tâm linh trong các hiện tượng, trong ý chí và sức mạnh sinh tồn’, mọi quan niệm đặc trưng của điều gọi là tâm trí sơ khai. Một bước cao hơn sẽ bắt gặp các vị thần của cõi âm, Nergal và Ereshkigal, đứng sánh vai với các vị thần chiến binh như Ninurta. Bên trên họ là các vị thần ở tầng trời, nhất là thần trăng Nanna (người Semite gọi là Sin), kiểm soát thời gian (âm lịch) và ‘biết rõ số phận của mọi người” nhưng trong nhiều cách vẫn giữ bí mật, và thần mặt trời Utu (Shamash), thần công lý sẽ ‘vạch trần người công chính và kẻ xấu ác’ khi ông nhấn chìm thế giới bằng ánh sáng chói loà. Cuối cùng, trên chóp bậc thang tất nhiên ngự trị những nhân vật khống chế trong hệ thần đông đảo Mesopotamia là ba nam thần vĩ đại An, Enlil và Enki.
An (Anu hay Anum trong dân Akkadia) hiện thân của ‘cá tính bao trùm của bầu trời’ mà ngài mang tên, và chiếm ngôi đầu trong hệ thần Sumer’. Vị thần này, với đền thờ chính ở Uruk, xuất thân là quyền lực cao nhất trong vũ trụ, người khai sinh và chúa tể của mọi vị thần. Như một người cha ngài phân xử những hiềm khích giữa họ, và quyết định của ngài, như quyết định của các vì vua, không cho phép kháng cáo. Vậy mà An – ít nhất trong thần thoại Sumer cổ điển – không đóng vai trò quan trọng trong những vấn đề của trần thế và vẫn giữ vẻ xa cách ở trên thượng giới như một nhân vật uy nghi nhưng mờ nhạt. Tại một thời kỳ không được biết và vì một lý do mơ hồ nào đó vị thần bảo hộ cùa thành phố Nippur, Enlil, được nâng lên thứ hạng tối thượng và trở thành theo một nghĩa nào đó vị thần quốc giáo của Sumer. Mãi về sau chính ngài đến lượt bị tước khỏi quyền uy bởi vị thần từ trước đến nay lu mờ của Babylon, Marduk; nhưng Enlil chắc chắn không phải là người lật đổ như Marduk. Tên ngài có nghĩa ‘Chúa Tế Không Gian’, ngoài những điều khác, khơi gợi sự bao la, luân chuyển và sự sống (hơi thở), và Enlil có thể đúng đắn tuyên bố là ‘mãnh lực ở thượng giới’ đã tách mặt đất khỏi bầu trời và từ đó đã sáng tạo ra thế giới. Các nhà thần học của Nippur, tuy nhiên, cũng phong ngài là ông chủ của nhân loại, vua các vì vua. Nếu An còn là biểu hiệu của vương quyền chính Enlil là người chọn lựa bậc trị vì của Sumer và Akkad và ‘đội lên đầu họ vương miện thiêng liêng’. Và như một quân vương tốt sẽ điều hành và giữ gìn trật tự cho vương quốc mình, vị thần không gian sẽ giữ gìn thế giới chỉ bằng một khẩu lệnh của mình:
Không có Enlil, Ngọn Thái Sơn,
Không thành phố nào được xây dựng lên, không khu định cư nào được thành lập,
Không chuồng trại nào được cất, không nơi nhốt cừu nào được dựng,
Không nhà vua nào được cất nhắc, không trưởng tế nào sinh ra…
Các con sông – dòng nước lũ của chúng sẽ không tràn trề,
Cá trong biển sẽ không đẻ trứng trong đầm cỏ tranh
Chim trời sẽ không làm tổ trên rừng,
Trên trời mây trôi sẽ không mang về hơi ẩm,
Cây cỏ, niềm kiêu hãnh của đồng bằng, sẽ không mọc,
Trong ruộng đồng cây lúa sẽ không trổ bông,
Cây mọc trong rừng núi sẽ không đâm trái…
Cá tính của thần Enki được hiểu rõ hơn nhưng phức tạp hơn nhiều. Dù ngoài mặt như thế, không chắc tên Sumer của ngài có nghĩa ‘Chúa Tế Mặt Đất’ (en.ki), và các nhà ngôn ngữ học vẫn còn đang bàn cãi về ý nghĩa chính xác của tên Semite của ngài Ra. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì Enki/Ra là vị thần nước ngọt chảy trong sông hồ, lên trong các suối và giếng và mang lại sự sống cho Mesopotamia. Phẩm chất chính của ngài là tính thông minh, ‘đôi tai rộng’ như người Sumer nói, và đây là lý do ngài được tôn kính như người sàng chế mọi thứ kỹ thuật, khoa học, và nghệ thuật và người bảo trợ cho các nhà ma thuật. Hơn nữa, Enki là vị thần gìn giữ những cái me, một từ dường như được sử dụng để chỉ những bí quyết của văn minh Sumer, và cũng đóng một phần trong ‘việc ban phát số mệnh’. Sau khi thể giới được sáng tạo, Enki vận dụng trí thông minh vô song vào các điều luật do Enlil chế định. Một bài thơ dài, gần như siêu thực cho thấy ngài sắp xếp trật tự cho thế giới, mở rộng phước lành của mình không chỉ cho Sumer, chuồng gia súc, ruộng đồng mà còn cho Dilmun, Meluhha và cho những dân du mục của vùng sa mạc Syria-Mesopotamia; biến hình thành một con bò mộng và bơm đầy sông Tigris với ‘nước lấp lánh’ của tinh dịch ngài; giao cho một số vị thần nhỏ đáng tin cậy những nhiệm vụ đặc biệt và cuối cùng trao toàn bộ vũ trụ cho vị thần mặt trời Utu. Kiến trúc sư và kỹ sư bậc thầy này, người tuyên bố rằng mình là ‘tai và trí của toàn bộ đất đai’ cũng là vị thần thân cận và ưa chuộng nhất đối với con người. Cũng chính ngài là người có ý tưởng kiệt xuất tạo ra nhân loại để gánh vác nhiệm vụ của các thần linh, nhưng cũng, như ta sẽ thấy, là người đã cứu vớt nhân loại khỏi trận Đai Hồng Thủy.
Sánh vai với hệ nam thần là một hệ nữ thần gồm những nữ thần đủ mọi cấp bậc. Nhiều người trong số họ chỉ là các bà vợ của thần trong khi một số khác đảm trách những nhiệm vụ đặc biệt. Nổi bật nhất trong số người sau này là nữ thần mẫu Ninhursag (cũng biết dưới tên Ninmah hay Nintu), và Inanna (Ishtar đối với dân Semite) đóng một vai trò chính yếu trong thần thoại Mesopotamia.
Tranh tường tại cung điện thiên niên kỷ 2 ở Mari. Hình trên, nữ thần Ishtar bổ nhiệm Zimri-Lim làm vua xứ Mari bằng cách trao cho ông vương trượng và nhẫn. Hình dưới, hai nữ thần không tên cầm bình phun nước, như một biểu tượng của sự sinh sôi.
Inannna là nữ thần tình dục và do vậy không có chồng lẫn con, nhưng bà làm vui nhiều tình nhân và đều đặn bỏ rơi họ. Mỹ miều và gợi cảm như có thể tưởng tượng và biểu hiện, bà thường hành động thất thường và có những cơn nóng giận bùng phát khiến hiện thân của khoái lạc nhục dục này trở thành một nữ thần chiến tranh.
Theo thời gian, cá tính thứ hai này nâng bà lên thứ hạng của nam thần dẫn đầu binh sĩ vào trận đánh. Dumuzi, vị thần duy nhất bà dường như đã yêu một cách dịu dàng, chắc chắn xuất thân từ việc hợp nhất hai vị thần tiền sử, vì ông vừa là người bảo hộ bày đàn và gia súc vừa là thần của cây cối vốn chết vào mùa hè và sống lại vào mùa xuân. Dân Sumer tin rằng sự sinh sản của gia súc và trồng lại của rau quả ăn được chỉ có thể được bảo đảm bởi một nghi lễ, vào Ngày Năm Mới, trong đó nhà vua, đóng vai trò của thần Dumuzi, tận hưởng một sự hợp nhất hôn phối với Inanna, được một trong các nữ tu của bà đại diện. Các bài thơ tình nơi tình dục lộ liễu hòa lẫn với tình cảm dịu dàng ca tụng ‘Hôn phối Thiêng liêng’ này, trong khi chính nghi thức được mô tả trong một số bài hát hoàng gia, bài hát bộc lộ nhất là một hát cho Iddin-Dagan (1974-1954 TCN), vị vua thứ 3 của triều đại Isin. Một chiếc giường xực nức hương được đặt trong một gian phòng đặc biệt của cung điện và trên đó trải sẵn một tấm phủ giường. Nữ thần đã tắm rửa xong và đã rẩy dầu tuyết tùng ngọt ngào trên nền phòng. Rồi nhà vua đến:
Nhà vua tiến đến tấm thân trinh nguyên của nàng một cách kiêu hãnh,
Ngài tiến đến tấm thân trinh nguyên của Inanna một cách kiêu hãnh,
Ama‘ushumgalanna* nằm xuống cạnh nàng,
Ông mơn trớn tấm thân trinh nguyên của nàng.
Khi Nữ thần đã duổi dài người trên giường, trong tấm thân của ông,
Khi Inanna trinh nguyên đã duổi dài người trên giường, trong tấm thân của ông,
Nàng làm tình với ông trên chiếc giường của mình,
(Nàng nói với) Iddin-Dagan ‘Chàng chính là người ta yêu’.
Sau đó dân chúng, mang quà mừng, được mời vào, củng với ban nhạc, và một buổi yến tiệc được mở ra:
Kinh thành tưng bừng lễ hội, nhà vua thì hoan hỉ,
Dân chúng được một ngày liên hoan no đủ
Tuy nhiên, mối giao tình giữa Inanna và Dumuzi không phải lúc nào cũng hòa hợp, như một văn bản nổi tiếng có tên ‘Inanna đi xuống Âm ty’ trong đó có hai phiên bản đã được bảo quản, một bằng chữ Sumer, một bằng tiếng Assyria. Trong văn bản Sumer Inanna đi xuống ‘miền đất không ngày về’, ném bỏ một phần y phục hay một món nữ trang tại mỗi chặn, để chiếm đoạt lãnh địa u ám này khỏi tay em gái mình Ereshkigal, nữ thần Sumer tương đương với Persephone trong thần thoại Hy Lạp.
Rủi thay, Inanna thất bại; nàng bị xử tội chết , rồi sống lại nhờ thần Enki, nhưng không được phép quay về trần gian trừ khi tìm được một người thay thế. Sau một chuyến đi dài săn tìm một nạn nhân tiềm năng, nàng chọn không ai khác hơn là người tình sủng ái của mình. Dumuzi nhanh chóng bị quỷ dữ bắt đi đến Âm ty, trước nỗi buồn khổ của em gái chàng, nữ thần cây nho Geshtin-anna. Cuối cùng, Inanna xúc động vì lời khóc than cua Dumuzi: nàng quyết định chàng sẽ phải sống nửa năm dưới âm phủ, và Geshtin-anna sống nửa năm còn lại. (Do đó mỗi năm 6 tháng hoa lá xanh tươi ứng với thời gian Dumuzi ở trên mặt đất, và 6 tháng còn lại cây lá héo úa, trơ cành khô).
Nghi thức Hôn phối Thiêng liêng chắc hẳn có nguồn gốc ở Uruk, nhưng nó cũng được tiến hành tại những thành phố khác, ít nhất cho đến cuối triều đại Isin (1794). Sau niên đại này, Dumuzi xuống cấp thành một vị thần tương đối thấp bậc hơn, mặc dù có một tháng mang tên ngài dưới dạng chữ Semite Tammuz, và còn mang tên đó trong thế giới Ả Rập. Vào những thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ 1 TCN, tuy nhiên, việc thờ cúng Tammuz hồi sinh ở Levant. Một vị thần cây trái ít nhiều giống với thần Osiris của Ai Cập, ngài trở nên adon (‘Chúa Tể’), hay Adonis mà mỗi năm đều chết và được than khóc ở Jerusalem, Byblos, Cyprus và sau đó thậm chí ở La Mã. Trong một huyền thoại Hy Lạp, Persephone và Aphrodite cãi cọ nhau giành sự sủng ái của một vị thần đẹp trai đến nỗi Zeus phải can thiệp và phán xử rằng Adonis phải chìa sẻ thời gian cho hai nữ thần xinh đẹp. Do đó, thần thoại Sumer xưa về việc Inanna xuống địa ngục đã không bị quên lãng hoàn toàn: bóp méo chút đỉnh nhưng còn nhận ra được, nó đã truyền đến Biển Aegea qua một kênh nào đó ta không biết, cũng như một số thần thoại và truyền thuyết Mesopotamia.
Truyện về Sáng Thế
Người Mesopotamia tưởng tượng mặt đất là một đĩa dẹt phẳng bao quanh bởi một rìa núi cao và trôi nổi trên một đại dương nước ngọt, gọi là abzu hay apsû. Nằm bên trên dãy núi này và tách rời khỏi mặt đất bằng lớp không khí (lil) là bầu trời bao quanh nó là những tinh tú. Một bán cầu tương tự nằm bên dưới mặt đất tạo thành Âm ty nơi các cô hồn sinh sống. Cuối cùng, toàn bộ vũ trụ (anki: trời-đất) nổi như một quả bóng khổng lồ trong một đại dương nước mặn vô tận, vô thủy, sơ khai. Chính mặt đất không chứa cái gì khác ngoài Mesopotamia và trung tâm kế bên cho người Babylon hay ắt hẳn, Nippur cho người Sumer.
Cách người Sumer quan niệm về thế giới. Mặt đất là một đĩa dẹt bao quanh bởi một đại dương; phía trên cao và bên dưới là những bán cầu của bầu trời (nơi cư ngụ của thần linh) và địa phủ cai trị bởi các vị thần đặc biệt. Toàn bộ thế giới nổi trên một đại dương nguyên thủy.
Thế giới do ai tạo ra và tạo ra như thế nào? Các đáp án thay đổi, không nghi ngờ gì, vì chúng được hình thành từ những truyền thống khác nhau. Một truyền thuyết phát biểu rằng Anu đã sáng tạo ra thượng giới và Enki tạo ra apsu, nơi cư trú của ngài. Một truyền thuyết khác cho rằng vũ trụ được tạo ra bởi một đại hội đồng các thần linh và một truyền thuyết khác chỉ gán sự sáng thế vào tay bốn vị thần lớn cùng hợp tác. Lời chú nguyện đầu tiên trong bùa chú chống ‘sâu bọ’ gây bệnh đau răng nói rằng An tạo ra bầu trời, bầu trời tạo ra mặt đất, đến lượt mặt đất tạo ra sông suối, sông suối tạo ra kênh rạch, kênh rạch tạo ra đầm lầy và đầm lầy tạo ra sâu bọ. Đoạn văn này nghe như một bài hát ru và có lẽ không được coi là nghiêm túc lắm. Thú vị hơn là một phiên bản từ thành phố Sippar, theo đó vị thần vĩ đại Marduk của Babylon đã ‘xây dựng một nền móng bằng lau sậy (hay một chiếc bè) trên mặt nước, rồi tạo ra bụi và đổ nó chung quanh nền móng’, bởi vì đây chính là cách mà những người Ả Rập đầm lầy ở nam Iraq tạo nên những hòn đảo nhân tạo trên đó họ xây cất các túp lều bằng lau sậy. Nói chung người Sumer tin rằng đại dương nguyên thủy, được nhân cách hóa bởi nữ thần Nammu, đã một mình sinh ra một bầu trời đực và mặt đất cái giao hợp nhau một cách thân thiết. Kết quả của việc hợp nhất, thần không gian Enlil, đã tách biệt bầu trời khỏi mặt đất, và cùng với mặt đất đã sinh ra mọi sinh vật sống. Lý thuyết cho ràn đại dương là yếu tố nguyên thủy từ đó vũ trụ được sinh ra, rằng dáng vẻ của vũ trụ đã thoát thai từ sự chia tách cưỡng chế của bầu trời khỏi mặt đất bởi một lực lượng thứ ba thường được Sumer, Babylonia và Assyria chấp nhận, và tạo thành cơ sở cho cậu chuyện sáng thế hoàn bị và chi tiết nhất mà chúng ta sở hữu: trường ca Babylonia vĩ đại có tên Enuma elish, từ câu mở đầu, ‘Khi tận trên cao. . ‘ Nhưng sáng thế ký của Babylonia còn có những ám chỉ triết lý sâu rộng hơn; nó mô tả sự sáng thế không như một khởi đầu mà như một kết thúc, không như một hành động vu vơ, vô cớ của một vị thần mà như hậu quả của một trận chiến vũ trụ, trận chiến đấu nền tảng và bất tận giữa hai bản thể của thiên nhiên: Thiện và Ác, Trật tự và Hỗn độn.
Enuma elish là một trường thi viết trên 7 bảng khắc được sáng tác khởi thủy trong thời kỳ Babylonia (bắt đầu thiên niên kỷ 2 TCN, mặc dù tất cả bản sao chép được tìm thấy từ trước đến nay được viết trong thiên niên kỷ 1 TCN. Trong hầu hết các bản sao vai chính là Marduk, vị thần bảo hộ của Babylon, nhưng một phiên bản của Assyria thay tên Marduk bằng tên Ashur, vị thần quốc giáo của Assyria. Ngược lại, Marduk có lần được gọi trong bài thơ là ‘Enlil của các vị thần’, và như chúng ta biết Marduk đã lật đổ thứ bậc và quyền lực của vị thần Enlil của Sumer, chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng vai chính của trường ca khởi thủy là Enlil, như thuyết nguồn gốc vũ trụ của Sumer đã đề cập.
Người kể truyện thần thoại Mesopotamia lấy cảm hứng từ trong xứ sở của mình. Nếu chúng ta đứng trong một buổi sáng mù sương gần bờ biển Iraq hiện nay, tại cửa biển Shatt-el-‘Arab, chúng ta thấy gì? Những tầng mây thấp lơ lửng ở chân trời; những vũng nước ngọt lớn rỉ ra từ mạch nước ngầm hay còn đọng lại từ những trận lũ của sông hòa lẫn tự do với nước mặn của Vịnh Ba Tư; những vùng đất thấp sình lầy bình thường tạo nên cảnh vật chỉ nhìn rõ không hơn một vài bộ; mọi thứ quanh ta biển, trời và đất hòa quyện trong một sự hỗn độn âm u, sũng nước. Đây là cách mà các tác giả của bài thơ, ắt hẳn đã thường chứng kiến cảnh tượng như thế, tưởng tượng ra khởi thủy của thế giới. Khi chưa có gì có tên, nghĩa là chưa có gì được sinh ra, họ viết, Apsu (nước ngọt), Tiamat (nước mặn) và Mummy (mây) cùng nhau hợp thành một bộ phận đơn lẻ hỗn tạp:
Enuma elish la nabû shamamu…
Khi trên cao trời chưa được đặt tên,
Mặt đất vững chắc chưa ai gọi tên,
Không có gì ngoài Apsu nguyên thủy, kẻ sẽ sinh ra chúng.
(Và) Mummu (và?) Tiamat, người có thể sinh sản mọi thứ
Những nguồn nước của họ trộn lẫn thành một bộ phận đơn lẻ;
Không lều tranh nào được đệm, không đất đầm lầy nào xuất hiện;
Khi chưa có vị thần nào ra đời,
Không gọi được bằng tên, số phận của chúng chưa được xác định –
Thế rồi đến lúc các vị thần được hình thành bên trong chúng
Trong khung cảnh đã được mô tả ở trên những dải đất lớn hơn ló ra từ sương mù khi mặt trời mọc lên, và chẳng bao lâu một đường cắt ngang chia tách bầu trời khỏi mặt nước và chia tách nước với mặt đất. Như vậy theo thần thoại những vị thần đầu tiên xuất hiện từ cõi hỗn độn là Lahmu và Lahamu, đại diện cho đất bồi; rồi đến Anshar and Kishar, những chân trời sinh đôi của trời và đất. Anshar and Kishar sinh ra Anu, và đến lượt Anu sinh ra Ea (Enki). Cùng lúc đó, hoặc một thời gian ngắn sau đó, một số các vị thần kém vai vế hơn được Apsu và Tiamat sinh ra, nhưng bài thơ không nói gì đến các vị thần này trừ việc họ quậy tưng và ồn ào. Họ ‘gây rối trong bụng của Tiamat’ và quấy rầy cha mẹ họ nhiều đến nỗi cha mẹ họ quyết định trừ khử họ. Khi nghe kế hoạch này các vị thần lớn Lahmu và Lahamu, Anshar và Kishar, Anu và Ea bị sốc và sửng sốt: ‘họ không nói nên lời’, ắt hẳn nghĩ rằng niềm hân hoan của Sự Sống được ưa chuộng hơn sự yên bình của Sự Rối Loạn vô sinh. Tuy nhiên, ‘Ea người khôn ngoan’ ngay lập tức tìm ra một phương cách để phá hỏng kế hoạch ác tâm ấy. Ngài ‘chế tác và dựng lên một mưu kế bậc thầy: ngài phóng thần chú đến Mummy và làm y tê liệt; tương tự Apsu bị thổi vào giấc ngủ mê và bị tàn sát. Sau chiến thắng kép này Ra trở về đền thờ của mình , giờ được xây dựng trên vực thẳm của suối nước ngọt (apsû) và cùng với vợ Damkina sinh ra một con trai, Marduk, người sở hữu những phẩm chất siêu việt:
Tứ chi ngài hoàn hảo quá sức tưởng tượng…
Không thể hiểu được, thật khó hình dung.
Ngài có 4 mắt, 4 tai;
Khi mấp máy môi lửa phun ra.
Bốn cơ quan thính giác đều to lớn,
Và các con mắt, cũng đến bốn, dò xét mọi vật.
Ngài là vị thần cao lớn nhất trong các vị thần, tầm vóc của ngài vượt trội;
Tứ chi ngài đồ sộ, ngài cao vượt trội.
Trong khi đó, Tiamat vẫn còn sống và tự do. Điên lên vì cuồng nộ, bà tuyên chiến với các vị thần. Bà tạo ra một số rồng hung dữ và quái thú mãng xà ‘răng nhọn, nanh bất dung, máu là thuốc độc’, và cắt đặt một trong những con trai của bà, Kingu, đứng đầu đạo quân gớm ghiếc. Các vị thần khiếp đảm. Anshar ‘đấm ngực và cắn môi’ trong nỗi phiền muộn, và tuyên bố Kingu phải chịu tội chết. Nhưng ai sẽ làm việc này? Hết vị thần này đến vị thần khác đều khước từ chiến đấu. Cuối cùng, Marduk chịu lãnh nhiệm vụ với một điều kiện: ngài phải được làm vua của họ. ‘Triệu tập hội đồng,’ ngài nói, ‘tuyên bố định mệnh ta là tối thượng, hãy để mệnh lệnh của ta, chứ không phải của các ngươi, quyết định số phận chúng ta.’ Các vị thần không có giải pháp nào khác trừ phải đồng ý. Họ gặp nhau trong một buổi yến tiệc, và hơi chếnh choáng, họ ban cho Marduk những quyền năng và huy hiệu hoàng gia. Marduk lựa chọn vũ khí: cánh cung, tầm sét, bão tố, gió bốn phương, địa võng. Ngài vận trang phục là ‘áo giáp khủng bố, một áo choàng hào quang đáng sợ’, và cưỡi lên chiến mã xa bão tố đơn thân phóng tới chiến đấu với lực lượng Hỗn độn. Chỉ mới nhìn thấy ngài, đạo quân quỷ sứ liền tan rã hàng ngũ; Kingu, thủ lĩnh của chúng, bị bắt. Về phần Tiamat, bà bị Marduk bắt vào lưới địa võng và, khi bà mở miệng, ngài lập tức thổi bốn luồng gió vào bụng bà. Rồi ngài đâm vào tim bằng mũi tên, đập vỡ đầu bà bằng chiếc chùy của mình, và cuối cùng chẻ toác thân thể của bà ra như chẻ một con ốc. Phân nửa thi thể bà ‘ngài dựng lên và và kéo căng thành bầu trời’, phân nửa còn lại ngài đặt xuống dưới làm mặt đất.
Sau thắng lợi Marduk ổn định lại trật tự trong vũ trụ. Sau khi đã cố định đường đi của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trong bầu trời mới, ngài quyết định tạo ra nhân loại:
Ta sẽ tạo ra một người hoang dã (lullu), ‘người’ là tên của y.
Đúng như vậy, người hoang dã ta sẽ tạo ra.
Hắn sẽ được giao nhiệm vụ phục tùng các vị thần
Để họ có thể nghĩ ngơi!
Theo lời khuyên của Ea Kingu bị hành hình, và từ máu huyết của mình Marduk và cha mình tạo hình con người đầu tiên. Sau đó Marduk phân chia các vị thần thành hai nhóm: 300 thần cư ngụ trên thượng giới, 300 sống trên mặt đất bên cạnh con người. Như một phần thưởng cho thắng lợi của mình các vị thần xây cho Marduk một đền thờ nguy nga ở Babylon, Esagila, và, tề tựu cùng nhau trong một yến tiệc long trọng khác, họ ‘tuyên bố 50 danh hiệu của ngài’.
Chuyện nghe có vẻ trẻ con, nhưng nó chứa ý nghĩa hệ trọng của người Babylonia. Đối với tâm thức tín ngưỡng sâu nặng nó đưa ra ‘lời giải thích’ phi lí nhưng dù sao cũng chấp nhận được về vũ trụ. Ngoài ra, nó mô tả cách thức thế giới có được hình thể được viện dẫn; nó dạy tốt điều răn con người phải là tôi tớ của thần linh; nó giải thích sự hiểm ác bẩm sinh của nhân loại, sinh ra do máu huyết của Kingu xấu ác; nó cũng minh chứng cho những quyền năng siêu phàm của Marduk (gốc là Enlil) bằng hành động được tuyển cử và kỳ tích hiển hách anh hùng. Nhưng, trên hết, như cuộc Hôn phối Thiêng liêng, nó có một phẩm chất ma thuật hùng mạnh. Nếu mỗi năm trong gần 2000 năm Enuma elish được các tăng lữ Babylon kể lại vào ngày thứ tư của Lễ Năm Mới đó là bởi vì người Babylonia cảm thấy rằng cuộc chiến đấu vũ trụ vĩ đại không bao giờ thực sự kết thúc và rằng các lực lượng của Hỗn độn luôn sẵn sàng thách thức Trật tự đã được các thần linh thiết lập.
Sự Sống, Cái Chết và Số phận
Sự giao thương giữa người và thần linh, cũng như sự giao thương giữa những con người với nhau, đều có mức độ của nó. Nếu Vua Babylon trực tiếp nghe lệnh của Marduk thì nông dân Babylon tiếp xúc mật thiết với Ashnan, vị thần lúa mạch, hay Shumuqan, thần gia súc, hơn với Anu hoặc Enlil. Ngoài ra, có đủ các vị thần để chăm lo mọi sự kiện quan trọng của cuộc sống; bất cứ khi nào cần đến, chỉ cần cầu khẩn và dâng cúng chà là là lấy lòng được Gula, nữ thần sinh nở, hoặc Pasaq, thần bảo hộ khách du hành. Trong trường hợp nguy cấp, các vị thần vai vế hơn có thể được tiếp cận qua giới tăng lữ hoặc trực tiếp hơn, qua vai trò của thần bản mệnh của mình.
Người Sumer, Babylon và Assyria ngước nhìn các thần linh của mình như tôi tớ ngước nhìn những ông chủ tốt bụng của họ; với sự tuân phục và kính sợ, nhưng cũng với sự ngưỡng mộ và tình yêu. Đối với vua chúa cũng như với dân thường, phục tùng mệnh lệnh thần thánh là phẩm chất cao nhất, vì phục vụ thần linh là phận sự khẩn thiết nhất. Trong khi tổ chức những lễ hội khác nhau và tiến hành những nghi thức thờ cúng là nhiệm vụ các thầy tu, bổn phận của mỗi công dân là gửi lễ vật cúng đến đền thờ, tham dự các nghi lễ tôn giáo chính, chăm sóc người chết, cầu nguyện và sám hối, và tuân thủ những giới luật và giới cấm đánh dấu gần như mỗi giai đoạn trong cuộc đời của y. Một người có ý thức ‘kính sợ thần linh’ và tuân theo nghiêm nhặt những lời giáo huấn của các ngài. Làm khác đi không chỉ điên rồ mà còn là tội lỗi, và tội lỗi – như mọi người biết – sẽ giáng xuống đầu y những đòn trừng phạt khủng khiếp nhất. Nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng tin ngưỡng cửa người Mesopotamia là một vấn đề thuần túy hình thức, khi các bài thánh thi và lời cầu nguyện hiển lộ những cảm xúc tinh tế nhất và phát ra xúc động chân thực. Người Mesopotamia đặt trọn niềm tin vào các thần linh của mình; họ tin cậy các ngài như con cái tin cậy cha mẹ, họ nói với các ngài như với ‘đấng sinh thành thực sự của mình’, những người có khi bị xúc phạm và trừng phạt, nhưng cũng có thể nguôi giận và tha thứ.
Lễ vật, đồ hiến tế và sự tuân thủ giáo điều không phải tất cả mọi thứ mà các vị thần Mesopotamia yêu cầu từ các tin đồ của mình. ‘Làm lòng họ bừng bừng vì rượu lễ, làm họ hân hoan vì những bữa ăn thịnh soạn’ chắc chắn là xứng đáng làm, nhưng không đủ. Những ân sủng của các vị thần sẽ đi đến những ai sống ‘đời tốt đẹp’, đó là những cha mẹ tốt, những đứa con trai tốt, những láng giềng tốt, những công dân tốt, và những ai thực hành những phẩm hạnh được đánh giá cao như hiện giờ: lòng từ và lòng trắc ẩn, tính chính trực và thành thật, công minh, tôn trọng pháp luật và trật tự đã được chế định. Mỗi ngày nhớ lễ bái thần linh, một ‘Huấn Từ Minh Triết’ của Babylon đã dạy, nhưng cũng:
Đối với kẻ yếu thế hãy thể hiện lòng từ,
Đừng nhục mạ kẻ thấp hèn,
Làm việc từ thiện, phục vụ mỗi ngày …
Đừng buông lời thoá mạ, chỉ nói lời tốt đẹp,
Không thốt điều ác độc, chỉ nói tốt về người khác…
Để tưởng thưởng cho sự kính tín và hành vi đạo đức các thần linh sẽ hỗ trợ và phù hộ con người trong nguy nan, an ủi y trong buồn khổ và hoạn nạn, mang lại sức khỏe, địa vị xã hội vinh hiển, tài sản, con cái đông đúc, tuổi thọ, hạnh phúc. Đây có thể không phải là một lý tưởng cao quý đối với các chuẩn mực Cơ đốc, nhưng người Sumer và Babylon hài lòng với những điều đó, bởi vì họ là những con người thực tế, chân đạp đất biết yêu thương và hưởng thụ cuộc sống hơn mọi thứ khác. Sống mãi mãi là ước mơ lớn nhất của họ, và một số thần thoại của họ – đặc biệt Adapa và tập thơ Gilgames (xem chương sau) – nhắm tới việc giải thích tại sao con người bị khước từ đặc quyền bất tử. Nhưng chỉ có các thần linh là bất tử. Với con người cái chết là không tránh khỏi và phải chấp nhận số phận:
Chỉ các thần linh là sống mãi mãi dưới ánh mặt trời,
Còn nhân loại, ngày sống của họ đã được đếm.
Những gì họ thành tựu sẽ như gió thoảng.
Chuyện gì xảy ra sau khi chết? Hàng ngàn ngôi mộ với đồ an táng minh chứng cho niềm tin vào kiếp sau nơi người chết mang theo mình những vật sở hữu quý giá nhất và nhận lãnh thức ăn và nước uống từ người sống. Nhưng các chi tiết như thế của thuyết mạt thế Mesopotamia chúng ta có thể trích ra từ thần thoại ‘Chuyện Inanna đi xuống Âm ty hoặc tập thơ Gilgames ít ỏi và thường đối nghịch nhau. ‘Miền đất không đường về’ là một vùng rộng mênh mông đâu đó dưới lòng đất nơi trị vì bởi Ereshkigal và chồng bà Nergal, thần chiến tranh và dịch bệnh, bao quanh bởi một số thần và quân bảo vệ. Để đến được cung điện các cô hồn phái lên đò qua sông, như trong Hades (địa ngục trong thần thoại Hy Lạp), và trút bỏ quần áo. Sau đó, họ sống một cuộc đời u ám và đói khổ tại một nơi:
Bụi bặm là thức ăn, đất sét là lương thực của họ,
Nơi đó họ không thấy được ánh sáng và cư trú giữa bóng tối,
Nơi họ ăn mặc như chim với quần áo là cánh,
Nơi đó bụi bặm phủ đầy trên cửa và then cài.
Vậy mà từ các nguồn tư liệu khác chúng ta biết rằng mặt trời chiếu sáng cõi âm trên hành trình nó đi vòng quanh mặt đất, và rằng thần mặt trời Utu đưa ra lời phán xét người chết, sao cho họ không hẳn bị đối xử với sự khắc nghiệt như nhau. Dường như quan niệm của người Sumer về địa ngục cũng mơ hồ như của chúng ta, và rằng một phần lớn văn chương này chỉ là sự thêu dệt thi ca trên một chủ đề lỏng lẻo.
Tuy nhiên, cái chết không phải là mối quan tâm chính yếu của người Mesopotamia. Như chúng ta, họ cũng chia sẻ bệnh tật, nghèo khó, phiền não và buồn bực, và như chúng ta, họ tự hỏi: làm sao tất cả điều này có thể xảy ra khi thần linh cai trị thế giới? Làm thế nào Ác thắng được Thiện? Để chắc ăn, thường có thể đổ tội cho chính con người. Mạng lưới luật lệ và răn đe vây chặt y quá khắt khe đến nỗi phạm tội và xúc phạm đến thần linh là điều dễ làm nhất. Vậy mà có những trường hợp những người không chê trách vào đầu được lại bị trừng phạt, khi các thần linh dường như hành xử theo cách thật khó hiểu. Một bài thơ gọi là Ludlul bêl nemeqi hay Babylonian Job ‘Người Đau Khổ Công Chính’ mô tả cảm xúc của một người, đã từng quý tộc, giàu có và khỏe mạnh, luôn tôn thờ các thần linh, giờ bỗng khánh tận, bị mọi người ghét bỏ, bị những bệnh tật khủng khiếp nhất hành hạ. Dù cuối cùng thần Marduk cũng rủ lòng thương hại ông và cứu sống ông; nhưng con người này đã có thời gian để ngờ vực về sự minh triết của Thượng giới. Ông cay đắng kêu lên:
Ai biết được ý chí của thần linh trên thượng giới?
Ai hiểu rõ kế hoạch của các thần ở âm ty?
Đến đâu để người phàm học được cách thức của thần linh?
Người mới hôm qua còn sống thì hôm nay đã chết rồi.
Mới phút trước sầu thảm, bổng thình lình hớn hở.
Lúc thì người ta ca hát hân hoan,
Lúc khác lại khóc than như tay khóc mướn.. .
Những điều này khiến ta kinh hãi; khiến ta không sao hiểu được.
Bản sao chép Ludlul bêl nemeqi ở Nineveh, thế kỷ 7 TCN.
Nhưng cái gọi là ‘tính yếm thế’ của người Babylon không chỉ là một bùng phát tạm thời của sự tuyệt vọng. Nó về bản chất mang tính siêu hình, không phải thuộc phạm trù đạo đức, và nó có nguồn gốc trong những điều kiện tự nhiên chi phối tại chính Mesopotamia. Thung lũng Tigris-Euphrates là một xứ có nhiều biến đổi dữ dội và khó lường. Cũng những con sông mang lại sự sống có thể đem đến thảm họa. Mùa đông có khi quá lạnh hoặc không mưa, mùa hè gió quá khô chà là không chín được. Một trận mưa rào đột ngột trong phút chốc có thể biến một đồng bằng bụi khô khốc thành một biển bùn, và vào một ngày đẹp trời một cơn bão cát có thể thình lình làm tối trời và thổi trận tàn phá.
Đương đầu với những biểu dương của các lực lượng siêu nhiên này, người Mesopotamia cảm thấy bối rối và bất lực. Họ đâm ra lo lắng, sợ hãi. Họ tin rằng không có gì là vững bền. Sự sống của họ, của gia đình họ, mua màng và gia súc, nhịp điệu và mức độ của lũ sông, tuần hoàn của mùa và thật ra ngay chính sự tồn tại của vũ trụ lúc nào cũng lâm nguy. Nếu vũ trụ không quay về với hỗn loạn, nếu trật tự thế giới phần nào được duy trì, nếu nhân loại sống còn, nếu sự sống lại trở về với đồng ruộng sau cái nóng cháy bỏng của mùa hè, nếu mặt trăng và mặt trời và tinh tú vẫn còn tiếp tục quay trên bầu trời, thì đó là do ý muốn của thần linh. Nhưng quyết định thiêng liêng không chỉ được cất lên một lần cho tất cả tại nguồn cội của vạn vật; nó phải được lập đi lập lại lần này đến lần khác, đặc biệt tại đầu năm mới, ngay trước cái mùa hè đông phương khủng khiếp đó khi thiên nhiên dường như đã chết và tương lai có vẻ như còn mù mờ. Điều duy nhất mà con người có thể làm trong những tình huống nguy cấp này là thúc giục quyết định của thần linh và bảo đảm thiện chí của các ngài bằng cách tiến hành những nghi lễ có từ lâu đời nhằm ổn định duy trì trật tự, làm sống lại thiên nhiên và sự thường hằng của cuộc sống. Vì vậy mỗi độ xuân về, một nghi lễ rầm rộ và đầy xúc động sẽ xảy ra trong nhiều thành phố và nhất là ở Babylon: Lễ hội Năm Mới hay akitu, kết hợp câu chuyện vĩ đại của Sáng Thế và tái định chế hàng năm vị thế nhà vua, mà đỉnh cao là việc hội tụ các thần linh long trọng ‘ban chỉ thị Thiên Mệnh’ (xem Chương 24). Chỉ khi đó nhà vua mới trở lại ngai vàng của mình, người chăn cừu trở lại bầy đàn của mình, và nông dân trở về với ruộng đồng. Dân Mesopotamia được yên dạ: thế giới sẽ sống thêm một năm nữa.