Iraq cổ đại (Phần 4)

Chương 4 : TỪ LÀNG MẠC ĐẾN THÀNH PHỐ

aa

  Georges Roux

Trần Quang Nghĩa dịch

Câu chuyện về hành trình từ Đồ Đá Mới đến Lịch Sử, từ những xóm làng khiêm nhượng ở chân đồi Zagros đến các thành phố Sumer tương đối rộng và văn minh cao ở thung lũng Tigris-Euphrates phía hạ lưu không thể kể ra với đầy đủ chi tiết vì thông tin của chúng ta, mặc dù  phát triển nhanh chóng, vẫn còn thiếu chính xác và lỗ chỗ. Vậy mà mỗi mô gò tiền sử mới được khai quật, mỗi thành phố vùi lấp được đào xuống tận lớp đất chưa khai phá, khẳng định những gì bốn mươi năm nghiên cứu khảo cổ ở Iraq đã đề xuất: nền văn minh Sumer không hề được làm sẵn từ một xứ bên ngoài không rõ nhập vào Mesopotamia tại một niên đại nào đó được xác định sai lầm. Như mọi nền văn minh – kể cả nền văn minh chúng ta – nó là một sản phẩm pha trộn được định hình bằng khuôn mẫu trong đó những thành tố của nó được đổ vào quá nhiều năm tháng. Giờ đây mỗi thành tố này có thể lần trở về đến một giai đoạn này hay giai đoạn khác của thời tiền sử Iraq, và trong khi một số không nghi ngờ gì nữa được mang lại bởi sự xâm chiếm hoặc sức ảnh hưởng ngoại bang, những thành tố khác có nguồn gốc sâu xa trong quá khứ đến nỗi chúng ta có thể gọi chung là bản địa. Thêm nữa, những cuộc khai quật được tiến hành với tiến độ tăng dần ở Iran, Syria, Palestine và Turkey đồng thời với tại Iraq, đã ném ánh sáng rực rỡ lên mối giao thoa giữa các nền văn hóa  Đồ Đá Mới và Đồ Đồng Đá ở Cận Đông và đã cung cấp đủ dữ liệu đối chiếu và các niên đại các-bon 14 để vẽ lên một thang biên niên thử nghiệm, sơ lược dọc theo sáu phân khúc của thời sơ sử của Mesopotamia:

  • Thời kỳ Hassuna: k. 5800 – 5500 TCN
  • Thời kỳ Samarra: k. 5600 – 5000 TCN
  • Thời kỳ Halaf: k. 5500 – 4500 TCN
  • Thời kỳ Ubaid  (Ubaid 1 và 2 bao gồm): k. 5000 – 3750 TCN
  • Thời kỳ Uruk: k. 3750 – 3150 TCN
  • Thời kỳ Jemdat Nasr: k. 3150 – 2900 TCN

Mỗi thời kỳ này được đặc trưng bởi một tụ họp văn hóa khác biệt và đã được đặt tên theo địa điểm, không cần thiết phải là lớn nhất hoặc thậm chí tiêu biểu nhất, nơi sự tụ họp này được nhận diện đầu tiên.

Như sẽ nhìn thấy, những diện tích mà các nền văn hóa này bao phủ thay đổi từ thời kỳ này đến thời kỳ khác; hơn nữa, các nền văn hóa từ lâu được nghĩ là kế tiếp nhau thì thật ra là đồng thời hoặc ít nhất trùng lắp nhau, và trong mỗi thời kỳ có chỗ cho sự đa dạng của các tiểu văn hóa thú vị có tính vùng miền. Sự phân chia trên đây do đó, phần nào  khiên cưỡng, nhưng chúng cung cấp một khung sườn thuận tiện trên đó làm ăn khớp các thay đổi đã xảy ra trong ba thiên niên kỷ đó khi Mesopotamia mang bầu, có thể nói như thế, với Sumer.

Thời kỳ Hassuna

Loại di chỉ trong thời kỳ này là Mô gò Hassuna, một mô gò thấp cách Mosul 35 km về phía nam, được khai quật vào năm 1943 – 4 bởi Văn phòng Cổ Đại Iraq dưới sự chỉ đạo của Seton Lloyd và Fuad Safar. Tại đó, nằm trên lớp đất chưa khai phá, là đồ gốm thô sơ và các công cụ đá gợi ý một cộng đồng nông nghiệp sống trong các túp lều hoặc lều da, vì không thấy dấu vết nhà ở. Nằm bên trên khu định cư nguyên thủy này, tuy nhiên, là 6 lớp nhà, phát triển lớn hơn và xây cất tốt hơn. Về kích thước, thiết kế và vật liệu xây cất những ngôi nhà này rất giống với các ngôi nhà hiện nay trong những ngôi làng ở miền bắc Iraq. Sáu hoặc bảy phòng được sắp xếp thành hai khối quanh một sân vườn, một khối làm khu sinh hoạt, khối kia làm nhà bếp và nhà kho. Tường được làm bằng bùn nén, nền lót một hỗn hợp đất sét và rơm. Thóc được cất giữ trong những hủ lớn bằng đất sét không nung nhận chìm trong đất sâu đến miệng hủ, và bánh mì được nướng trong những lò vòm giống tanur (thị trấn cổ) hiện đại. Cối giã, lưỡi liềm đá lửa, cuốc đá, con thoi đất sét và những tượng bằng đất sét thô những phụ nữ ngồi  khỏa thân cũng có mặt. Những lọ lớn tìm thấy bên trong nhà chứa xương trẻ em bị bệnh kèm theo những cốc và bình nhỏ và dành để giải khát ở kiếp sau trong khi, khá kỳ lạ, dường như có vẻ tùy tiện khi vứt bỏ các bộ xương người lớn chất đống trong góc một phòng, bị ném vào những hủ đất sét ‘mà không theo nghi thức’ hoặc được chôn cất trong các ngôi mộ mà không có đồ tùy táng như thông thường. Một ít xương sọ được khảo sát thuộc về, như những xương sọ ở Byblos và Jericho, một ‘kiểu dạng răng to của chủng người Địa Trung Hải đầu thon dài’, gợi ý tính thống nhất dân số trong khắp Lưỡi Liềm Màu Mỡ vào thời Đồ Đá Mới.

Đồ gốm được phát hiện tại Hassuna đã được phân chia thành hai loại ‘cổ’ và ‘chuẩn’. Đồ gốm cổ trải dài từ tầng Ia, tại đáy mô gò, đến tầng III và được biểu thị bởi (1) các bình cao, tròn hoặc hình trái lê bằng đất sét thô không trang trí; (2) những bát bằng chất liệu tinh tế hơn có màu sắc thay đổi từ da bò đến đen tùy theo phương pháp nung và ‘đánh bóng’ bằng đá hoặc xương, và (3) chén bát và lọ hình cầu có cổ ngắn, thẳng, trang trí sơ sài bằng những kiểu dáng đơn giản (đoạn thẳng, tam giác, gạch chéo) bằng màu đỏ nhạt và cũng được đánh bóng. Đồ gốm chuẩn Hassuna, lấn át trên các tầng IV đến VI, gồm những bát và lọ giống nhau có sơn màu và kiểu dáng rất giống nhau, nhưng màu sơn thì nâu và đầy đặn hơn, trang trí cũng kỹ lưỡng hơn và khéo léo hơn. Một số bình gần như hoàn toàn bao phủ bởi những nét khắc nông, và một số vừa được sơn vừa được khắc.

Trong khi đồ gốm cổ có vài nét chung với đồ gốm tìm được ở những lớp sau nhất ở các di chỉ ở  Thổ Nhĩ Kỳ (Sakçe Gözü, Mersin), Syria (Kerkemish, đồng bằng‘Amuq) và Palestine (Megiddo, Jericho), đồ gốm chuẩn dường như đã phát triển một cách cục bộ và được phân phối qua một vùng tương đối nhỏ ở bắc Iraq. Những mảnh gốm Hassuna có thể nhặt được trên bề mặt của nhiều mô gò chưa được khai quật ở đông và tây Tigris xuống tận Jabal Hamrin, và những mẫu toàn vẹn đã được tìm thấy tại những tầng thấp nhất ở Nineveh, đối diện Mosul, ở Matarrah, phía nam Kirkuk và tại Shimshara trong vùng thung lũng Hạ lưu Zab. Chúng cũng hiện diện trên khắp 13 tầng của mô gò 1 ở Yarim Tepe, gần Mô gò ‘Afar,  liên đới với những tàn tích của các ngôi nhà hình vuông hay tròn, với các công cụ và vũ khí  bằng đá lửa và đá chai, với những mảnh quặng đồnghoặc một ít đồ trang trí bằng đồng và chì, với những tượng nhỏ người ngồi bằng đất sét, và với các đĩa tí hon  bằng đất sét hoặc đá với một vòng neo ở phía lưng, được khắc những kiểu đoạn thẳng hoặc gạch chéo. Những vật thể này, ắt hẳn được đeo trên một vòng cổ, có thể đã được dùng để in như một dấu hiệu sở hữu trên những mảnh đất sét đính trên các nắp giỏ hoặc nút lọ, trong trường hợp đó chúng biểu thị các minh họa sớm nhất của con dấu niêm phong, và con dấu niêm phong là tiền thân của con dấu niêm hình ống, một yếu tố có ý nghĩa của nền văn minh Mesopotamia. Một số tác giả, tuy nhiên, xem chúng, ít nhất trong giai đoạn này, chỉ đơn thuần là bùa hoặc vật trang trí.

Cách Yarim Tepe 48 km về phía nam, tại biên giới của bình nguyên mưa nhiều và sa mạc Jazirah, toạ lạc Umm Dabaghiya, được Diana Kirkbride khai quật giữa 1971 và 1973. Umm Dabaghiya là nơi định cư nhỏ, một địa điểm mậu dịch nơi người du mục từ sa mạc mang lừa rừng và linh dương săn được để lột da, da sống sau đó được gửi đến nơi khác để thuộc. Do đồ gốm có tô màu và thô sơ liên hệ với các tầng cổ ở Hassuna nhưng chắc chắn xưa hơn, di chỉ có những nét tính tế kỳ lạ và rất khác biệt. Chẳng hạn, nền nhà thường được lót bằng những miếng đất sét lớn báo trước sự ra đời của gạch đúc khuôn trong các thời kỳ sau; nền và vách được quét thạch cao một cách kỹ lưỡng và thường được sơn đỏ, và trong một tòa nhà người ta tìm thấy những mảnh vỡ của tranh tường vẽ một cuộc đi săn lừa rừng, một con nhện với trứng của nó và có lẽ những con kền kền đang bay. Vài ngôi nhà chứa những bát bằng thạch cao tuyết hoa được chạm khắc rất đẹp. Chiếm đa số trong các đồ đất sét là bát và lọ với ‘hình trang trí gắn vào’, tức là các tượng nhỏ hình người và thú được gắn lên bình gốm trước khi nung. Những di chỉ khác biểu trưng của tiểu văn hóa Hassunan  là Mô gò  Sotto và Kul Tepe, gần Yarim Tepe, và mô gò 2 tại Tulul ath-Thalathat, trong cùng khu vực Mô gò  ‘Afar. Không bất ngờ đối với những nơi nằm trên đường mậu dịch về hướng tây và tây-bắc, một vài yếu tố của ‘văn hóa Umm Dab’, như nền nhà thạch cao và đầu mũi tên, chỉ đến Syria (Buqras trên Euphrates và thậm chí Ras Shamra và Byblos), trong khi những bức tường đỏ và có vẽ bích hoạ làm nhớ đến Çatal Hüyük cùng thời ở tận Anatolia.

1

Tòa nhà, đồ gốm, tượng nhỏ, dấu niêm và công cụ đặc trưng của các thời kỳ Hassuna, Halaf và Ubaid.

Thời kỳ Samarra

Tại các tầng cao hơn ở Hassuna, Matarrah, Shimshara và Yarim Tepe đồ gốm Hassuna được pha trộn với, và dần dần được thay thế bởi, một loại gốm hấp dẫn hơn được biết dưới tên gốm Samarra vì đầu tiên được phát hiện vào năm 1912 -14 tại một nghĩa địa bên dưới các ngôi nhà của thành phố trung cổ có tên đó, nổi tiếng với tháp thánh đường Hồi giáo hình xoắn ốc. Trên bề mặt xanh tái, hơi nhám của những đĩa lớn, quanh mép bát có khía, trên cổ hay vai của bình bụng tròn, được tô màu đỏ, nâu đậm hoặc tím, là những hoa văn hình học sắp xếp theo những dãy ngang, ngăn nắp hoặc hình người, chim, cá, hưu, bọ cạp và các thú khác. Các mô típ đều theo quy ước, nhưng cách phân bố của chúng cân bằng một cách hoàn hảo và chúng được xử lý theo cách khiến tạo ra ấn tượng của chuyển động. Những người thiết kế và vẽ những sản phẩm này quả là những nghệ sĩ vĩ đại, và từ lâu được cho rằng họ xuất thân từ Iran, nhưng bây giờ chúng ta biết rằng gốm Samarra có tính bản địa Mesopotamia và thuộc về một nền văn hóa trước giờ chưa ngờ tới vốn đã nảy nở trong vùng thung lũng đoạn giữa Sông Tigris trong nửa sau của thiên niên kỷ thứ 6 TCN.

Nền văn hóa này được các cuộc khai quật Iraq phát hiện vào thập niên 1960 tai Mô gò es-Sawwan, một mô gò thấp nhưng rộng lớn ở bên mạn trái Tigris, chỉ cách Samarra 11 km về phía nam. Dân cư của Mô gò es-Sawwala là những nông dân như các tổ tiên Hassunan của họ và sử dụng những công cụ đá lửa và đá tương tự, nhưng trong một vùng đất hiếm mưa họ là những người đầu tiên thực hiện một dạng sơ khai lối canh tác có thuỷ lợi, sử dụng những trận lũ của Tigris để tưới tiêu cánh đồng và trồng lúa mì, lúa mạch và cây lanh. Sản lượng thu hoạch ắt hẳn dư dùng nếu những tòa nhà lớn trống trơn được tìm thấy tại các tầng khác nhau thực sự là những ‘kho thóc’ như được gợi ý. Khu vực trung tâm của làng được bảo vệ khỏi bọn kẻ cướp bằng đường hào sâu 3 m được nhân đôi bởi một bức tường bùn dày, được gia cố. Các ngôi nhà thì rộng, cách thiết kế giống nhau, với nhiều phòng và khu vườn, và cần chú ý rằng chúng không còn được xây bằng bùn nén, mà bằng gạch bùn lớn, có hình điếu xì gà được  tô đất sét hoặc thạch cao. Một lớp thạch cao mỏng lót lên nền nhà hoặc tường. Ngoài những bình và đĩa thuộc gốm Samarra thô hoặc tinh, những ngôi nhà này chứa những bình đá trong mờ, thanh tú. Những thân thể người lớn, trong tư thế co quắp được bọc trong đệm phủ nhựa đường (bitumen), và thân thể trẻ em đặt trong những bình lớn hoặc bát sâu, được chôn bên dưới nền nhà, và chính từ những ngôi mộ này đưa đến các phát hiện hấp dẫn nhất dưới dạng các tượng nhỏ bằng thạch cao tuyết hoa hoặc đất sét nung những phụ nữ (đôi khi cũng có các ông) quỳ hoặc đứng. Một số tượng đất sét nhỏ có mắt ‘hạt cà phê’ và đầu nhọn rất giống những tượng của thời kỳ Ubaid, trong khi những tượng nhỏ bằng đất sét hoặc đá khác có đôi mắt lớn, mở to cẩn vỏ ốc và nhựa đường và chân mày đen rậm bên trên, làm ta ‘nhớ lại không khỏi kinh ngạc kỹ thuật rất lâu về sau này của người Sumer’. Có thể người Samarra là tổ tiên của người ‘Ubaid’ và thậm chí có thể của người Sumer chăng?

Đến giờ, không có khu định cư nào khác có thể so sánh được với Mô gò  es-Sawwan được khai quật, nhưng ngoài những bản sao hoặc đồ nhập vào ở Baghuz, trên đoạn giữa Sông Euphrates, và Chagar Bazar, ở trung tâm Jazirah, gốm Samarra đã được tìm thấy trong một vùng khả rộng nhưng hạn chế dọc theo thung lũng Tigris, từ Nineveh đến Chia Mami gần Mandali, trên biển giới Iraq-Iran. Tại di chỉ sau, nơi việc thủy lợi bằng kênh đào được tiến hành chúng ta không chỉ tìm thấy những tượng nhỏ giống những tượng nhỏ mắt ‘hạt cà phê’ của Sawwan, mà gốm Samarra dường như đã phát triển một cách bản địa thành những dạng gốm mới (gọi là ‘Choga Mami Transitional’) tương tự như gốm Eridu và Hajji Muhammad ở nam Iraq, chính chúng cũng được xem như những hình thức sơ khai của gốm Ubaid. Sự phát hiện bắt ngờ này có thể bước đầu cung cấp lời giải cho câu hỏi của chúng ta.

Thời kỳ Halaf

Thời kỳ thứ ba của thời sơ sử Mesopotamia lấy tên của Mô gò Halaf, một mô gò lớn nhìn qua sông Khabur gần làng Ras el-‘Ain, trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Ở đó ngay trước Thế Chiến I, một nhà khảo cổ Đức, Max Freiherr von Oppenheim, bất ngờ bắt gặp một lớp dày đồ gốm được vẽ rất đẹp ngay  sát bên dưới cung điện của nhà cai trị người Aramaea vào thế kỷ 10 TCN. Phát hiện nay chỉ được công bố vào năm 1931. Tại thời điểm này tiền sử Cận Đông ít được biết đến và niên đại của gốm sứ màu của von Oppenheim là đề tài gây nhiều tranh cãi. Nhưng vào những năm tiếp sau những cuộc khai quật của người Anh tại Nineveh, Mô gò Arpachiyah gần Mosul và Mô gò Chagar Bazar, cũng như những cuộc khai quật của người Mỹ tại Tepe Gawra, đặt thời kỳ Halaf vào đúng vị trí biên niên sử của nó và cung cấp một quần hợp đầy đủ các nền văn hóa của nó. Người Nga khai quật tại mô gò 2 ở Yarim Tepe và, gần đây hơn, việc thám hiểm địa tầng học của Arpachiyah bởi Ismail Hijara Iraq cũng như những thăm dò và khai quật một phần vài di chỉ tại lưu vực Harim và thung lũng thượng lưuTigris, đã đóng góp một cách đáng kể vào kiến thức của chúng ta. 

So sánh với những nền văn hóa trước, văn hóa Halaf đưa đến một số nét mới và khác biệt cao. Vùng định cư vẫn còn hình dạng và kích cỡ của ngôi làng, nhưng những con đường lót đá, ít nhất tại Arpachiyah, cho thấy có sự bảo quản có tính thị trấn. Bùn nén hoặc gạch bùn vẫn còn là vật liệu xây dựng chuẩn, nhưng nhà hình chữ nhật có khuynh hướng nhỏ hơn trước trong khi những ngôi nhà tròn gọi là tholoi (số nhiều là tholos) do sự tương đồng với những lăng mộ Mycenae rất lâu sau này trở nên lấn át, Tholoi tại Yarim Tepe thường nhỏ; một số được ngăn thành hai phòng; số khác được bao quanh bởi những phòng chữ nhật hoặc những bức tường đồng tâm bằng bùn nén. Những tholoi ở Arpachiyah, tuy nhiên, là những cấu trúc lớn hơn, lên đến 10 m đường kính; chúng đứng trên nền đá và một số có nối thêm một tiền phòng dài càng giống các lăng mộ Mycenae hơn nữa. Vì chúng đã được xây dựng và tái dựng kỹ lưỡng và vì chúng được phát hiện trống rỗng, từ lâu người ta cho rằng chúng là điện thờ hoặc đền thờ, nhưng những phát hiện ở Yarim Tepe chứng tỏ rõ ràng rằng hầu hết những tholoi đều đơn giản, những ngôi nhà hình tổ ong như thế này còn có thể được tìm gặp quanh Aleppo, ở bắc Syrỉa. Thật ra, tòa nhà duy nhất của thời kỳ này có thể được xem là một điện thờ là một kiến trúc vuông nhỏ với một bệ bằng bùn và một xương sọ bò đặt trên bậc cửa vào, được Mallowan khai quật tại Mô gò Aswad, trên sông Balikh. Tại Arpachiyah người chết được chôn trong hố bên dưới nền nhà hoặc chung quanh tholoi, nhưng cũng có trường hợp chôn tập thể những thi thể mất cả tứ chi như tại Tepe Gawra và việc hỏa táng, có lẽ cho mục đích nghi thức, tại Yarim Tepe.

Không kém thú vị hơn tholoi là một số vật thể nhỏ tìm thấy ở Arpachiyah và nơi khác. Đặc biệt, chúng ám chỉ bùa chú dưới hình thức một ngôi nhà có mái đầu hồi, một đầu bò hoặc một chiếc rìu kép, và ám chỉ những tượng nhỏ bằng đất sét nung chim bồ câu và phụ nữ. Tượng phụ nữ không mới ở Mesopotamia, nhưng giờ đây chúng khác với những mẫu trước đây. Phụ nữ thì thường ngồi xổm hoặc ngồi trên một ghế thấp tròn, hai cánh tay nâng bộ ngực nặng nề. Đầu thu nhỏ thành một cục không ra hình thể, nhưng thân hình thì hiện thực và được bao phủ bằng những vạch và đốm màu có lẽ tượng trưng cho  dấu xâm, trang sức hoặc y phục (hình dưới). Ắt hẳn những tượng nhỏ này là bùa yếm khử sự vô sinh hoặc những tai ách khi sinh nở hơn là ‘Các Thần Mẫu’, như thường được quan niệm.

Cuối cùng nhưng không phải là ít nhất một loại gốm tô màu rất đáng để ý, loại gốm đẹp nhất từng được sử dụng ở Mesopotamia. Gốm Halaf được làm thủ công bằng đất sét chứa rỉ sắt, đẹp được đánh bóng nhẹ nhàng trong quá trình đốt. Các bình gốm thường có thành rất mỏng, kiểu dáng đa dạng và táo bạo: các bình tròn có cổ rộng và loe, các lọ thấp bè với mép miệng uống cong, những cốc có chân, những bát sâu và rộng có góc cạnh. Lối trang trí có vẻ thiếu hẳn sự chuyển động táo bạo như gốm Samarra, nhưng nó hoàn toàn thích ứng với hình dáng, được tạo tác tỉ mỉ và vui mắt theo kiểu thảm Ba Tư. Trên lớp màu kem hay màu trái đào được ấn, khởi đầu là màu đen và đỏ, về sau đen, đỏ trắng, kiểu dáng đan xen khít khao che phủ hầu hết đồ gốm. Hình tam giác, hình vuông, ca-rô, hình đan chéo, hình vỏ sò và những vòng tròn nhọn là những hoạ tiết ưa chuộng nhất, mặc dù cũng thấy bông hoa, chim đậu, linh dương ngồi và thậm chí một con báo đang nhảy. Đặc trưng hơn hết và có lẽ mang tính biểu tượng tín ngưỡng là hình chiếc rìu kép, ‘hình vuông Maltese’ (một hình vuông có tam giác ở mỗi góc) và hình đầu bò cách điệu.

2

Những mình họa về gốm trang trí ở Mesopotamia thời sơ sử: 1 Đồ Đá Mới (Jarmo); 2 – 3, văn hóa Hassuna (3 là một lọ được khía rạch); 4 – 6, văn hóa Samarra; 7, văn hóa Eridu (Ubaid 1); 8, văn hóa Hajji Muhammad (Ubaid 2); 9–10, văn hóa Halaf; 11–13, văn hóa Ubaid 3 và 4 ; 14–15, văn hóa Nineveh V; 16, văn hóa Jemdat Nasr. Mọi hình vẽ đều không theo cùng một tỉ lệ.

Nhờ phương pháp phân tích kích hoạt neutron gần đây đã chứng minh được đồ gốm hấp dẫn này được sản xuất với số lượng lớn trong vài trung tâm chuyên biệt, như Arpachiyah, Mô gò Brak, Chagar Bazar và Mô gò Halaf, và được xuất khẩu đến những khu định cư đặc biệt từ đó nó dần dần đến được những chỗ xa xôi hơn. Người vận chuyển sản phẩm gốm này (có lẽ trên lưng gia súc hoặc trên những xe trượt do bò kéo) được cho là sẽ chở về những hàng hóa ‘xa xỉ’ như vỏ sò biển, đá quý và đặc biệt đá chai, vốn lấn át tại hầu hết các di chỉ ở Halaf. Người ta cũng đề xuất ý kiến người Halaf cấu thành một ‘xã hội có thứ bậc’ (tức có các địa vị xã hội nhưng không có tính kinh tế) và rằng những trung tâm sản xuất gốm sứ là nơi cư ngụ các thủ lĩnh địa phương. Những dân cư tại những làng tương đối nhỏ này là những trại chủ và người chăn cừu. Họ trồng lúa mì emmer, lúa mì, lúa mì einkorn, lúa mạch, đậu lăng, cây lanh và những rau củ khác và nuôi cừu, dê, heo, gia súc và chó thuần hóa.

Xét từ cách phân bố đồ gốm Halaf chính cống, tại thời điểm mở rộng định cao hạt nhân của nền văn hóa Halaf chiếm một diện tích hình trăng khuyết rộng lớn toạ lạc hoàn toàn trong vùng canh tác khô. Nó trải rộng từ vùng Aleppo đến thung lũng Diyala, bao phủ toàn bộ Jazirah và Assiria tương lai, và nó được bao quanh bởi những miền ngoại vi tại đó gốm sứ này được sao chép hoặc đơn giản được nhập vào; những miền này bao gồm trung tâm đông Anatolia, Cilicia và bắc Syria tận đến bờ biển Địa Trung Hải, lưu vực Harim và các miền ở tây Iran và Transcaucasia.

Trong khi văn hóa Samarra có thể được coi là thoát thai từ văn hóa Hassuna, văn hóa Halaf không có tổ tiên tại vùng Mesopotamia tiền sử. Nó có tính xâm lấn một cách nổi bật và rõ ràng có một số liên hệ với Anatolia (đúng là tất cả hoa văn biểu tượng được trang trí trên gốm Halaf và nhiều đồ tạo tác đã được mô tả khiến nhớ đến những sản phẩm tìm thấy ở những di chỉ Đồ Đá Mới ở Anatolia), nhưng hiện giờ không thể nói chính các hơn. Dù nguồn gốc của người Halaf là ai, không có chứng cứ cho thấy có cuộc xâm phạm tàn bạo; thật ra tất cả những gì chúng ta biết về họ chỉ dấu một quá trình thẩm thấu chậm chạp của những con người hiếu hòa đến lập nghiệp tại các vùng miền có dân cư thưa thớt.

Thời kỳ Ubaid

Giữa 4500 và 4300 TCN vài khu định cư Halaf ở bắc Mesopotamia bị bỏ hoang, trong khi nhiều nơi khác tholoi và đồ gốm trang trí điển hình của văn hóa Halaf được dần dần thay thế bởi những ngôi nhà vuông vức và một loại gốm khác có tên là Ubaid vì nó đầu tiên được tìm thấy trong thập niên 1920 trong những cuộc khai quật một mô gò nhỏ có tên al-‘Ubaid, ở vùng lân cận của thành phố Sumer tiếng tăm Ur. Tên này có ý nghĩa vì nó ám chỉ rằng lần đầu tiên trong thời sơ sử một nền văn hóa đơn lẻ vươn ra từ Jazirah (và thậm chí vượt quá) tận đến châu thổ  Tigris–Euphrates. Thiếu vắng tình trạng đứt gãy giữa các nền văn hóa Halaf và Ubaid đã loại trừ sự kiện người Ubaid từ phía nam đến xâm phạm vùng bắc và trung tâm Iraq, và giả thuyết đáng tin nhất là một sự thẩm thấu hòa bình và việc người Halaf chấp nhận một nền văn hóa của một dân tộc khác sau một thời gian dài tiếp xúc.

Nam Iraq đã từng có người cư trú rất lâu trước thời điểm giữa thiên niên kỷ thứ 5 được minh chứng vào năm 1946 – 9 bởi những cuộc khai quật tiến hành tại Eridun (Abu Shahrain, cách Ur 19 km về phía tây – nam). Những tàn tích tại Eridu giờ được đánh dấu bằng những mô gò thấp và những đụn cát bao quanh một ‘ziqqurat’, tức tháp-tầng, đổ nát nhiều, được Amar-Sin, vua Vương triều 3 của Ur (2046-2038), xây dựng, nhưng dưới một góc của ziqqurat Seton Lloyd và Fuad Safar phát hiện được một dãy ấn tượng gồm 17 đền thờ xây cất chồng lên nhau trong những thời kỳ sơ sử. Cái thấp nhất và có sớm nhất  trong số các đền thờ này (tầng XVII – XV) là những tòa nhà nhỏ, một phòng chứa bệ thờ, bàn cúng lễ vật và một bình gốm chất lượng cao (gốm Eridu) trang trí bằng những họa tiết hình học tinh vi, thường trang nhã, màu nâu xẩm và cho thấy sự gần gũi với gốm chuyển tiếp Choga  Mami.

Tàn tích được bảo quản kém của các đền thờ tầng XIV – XII cho ta loại gốm hơi khác đặc trưng bởi những hoạ tiết chen chúc và lối trang trí bằng đất sét nhão, giống hệt với đồ gốm tìm thấy vào năm 1937 – 9 bởi các nhà khảo cổ Đức tại Qal‘at Hajji Muhammad, gần Uruk. Đồ gốm Hajji Muhammad này, như nó được gọi, cũng có mặt tại những di chỉ khác ở nam Iraq, nhất là tại Ras el ‘Amiya, cách Kish 8 km về phía bắc, tại đó, cần chú ý rằng những mảnh tường nhà, bình đất sét và những vật dụng khác nằm chôn vùi  (cũng như tại chính  Qal‘at Hajji Muhammad) dưới vài mét đất bồi và được tình cờ phát hiện. Cuối cùng, các đền thờ XI đến VI, nói chung được bảo quản tốt, chứa  nhiều mẫu gốm Ubaid chuẩn , trong khi các đền thờ VI – I có thể được xác định niên đại vào những giai đoạn sớm của thời kỳ Uruk. Vì gốm Eridu, và Hajji Muhammad liên hệ mật thiết đến gốm Ubaid thời kỳ đầu và cuối, bốn loại này giờ thường được gọi Ubaid 1, 2, 3 và 4 theo thứ tự.

Gần đây hơn, một phát hiện gây sửng sốt do các nhà khảo cổ Pháp tiến hành tại một di chỉ tên Mô gò el- ’Oueili khi đang đào tại thành phố Larsa gần đó. Ouelli là một mô gò tương đối nhỏ một phần nhô lên một phần nằm dưới  mức hiện thời của đồng bằng bao quanh, và nó có lợi điểm là hoàn toàn thuộc văn hóa Ubaid. Hai cuộc thăm dò sâu tiến hành vào năm 1981 và 1983 theo thứ tự khiến các nhà thám hiểm có thể phân chia nó thành 20 tầng chiếm dụng. Các tầng trên cùng  (1 đến 8) chứa gốm Ubaid 4, 3 and 2, và các mẫu gốm Ubaid 1 (Eridu) thu được từ tầng 8 đến 11. Nhưng vẫn chưa hết như đã tưởng, bởi vì nằm bên dưới những tầng này còn có không ít hơn 8 tầng nữa (12 đến 19) chứa thứ gốm (tạm thời được xếp loại Tiền-Ubaid hay Ubaid 0) từ trước đến nay chưa được biết nhưng tương cận với gốm Samarra, trong khi những viên gạch bùn hình điếu xì gà của một bức tường ở tầng 12 khiến nhớ đến những viên gạch được tìm thấy tại Mô gò es-Sawwan. Hơn nữa, bên dưới tầng 20 (trong mạch nước ngầm do đó không thể thám sát được) những tầng chiếm dụng khác có thể được nhìn thấy lờ mờ, và không ai biết được những nguồn cội của ngôi làng Nam Mesopotamia  khiêm nhường này sẽ đi lùi xa đến đâu trong thiên niên kỷ thứ 6.

Vậy là rõ ràng, đại bộ phận nam Mesopotamia đã bị chiếm dụng lâu trước  thời kỳ Ubaid có lẽ hợp lý là bởi những người có liên hệ với dân Samarra vốn, nên nhớ, đã sáng chế ra lối canh tác có thuỷ lợi ở vùng đoạn giữa sông Tigris và trong miền Mandali. Hơn nữa, trong khi sự phát triển kiến trúc tiếp diễn có thể được  theo dõi trong khắp những đền thờ chồng chất ở Eridu, không có sự đứt đoạn về phong cách hoặc kỹ thuật làm gốm. Gốm Ubaid – theo như những chuyên gia cho chúng ta biết – thoát thai từ gốm Hajji Muhammad, gốm này lại thoát thai từ gốm Eridu, đến lượt nó có vẻ lại thoát thai từ, hoặc ít nhất chia sẻ chung các tổ tiên với, gốm Samarra. Một kết luận khác, không thể lẫn tránh, rút ra từ các đền thờ Eridu  là rằng những truyền thống tin ngưỡng giống nhau được truyền xuống từ thế kỷ này qua thế kỷ khác tại cùng một vị trí từ khoảng giữa thiên niên kỷ 6 TCN cho đến thời kỳ có lịch sử, và từ những phát hiện tương đối gần đây về hai điện thờ Ubaid gần ‘Đền Thờ Trắng’ của Thần Anu tại Uruk (xem Chương 5). Như vậy là càng đào sâu, chúng ta càng tìm thấy văn minh Sumer bắt rễ rất sâu vào quá khứ.

Thậm chí dễ nhận diện hơn gốm Halaf là gốm Ubaid, dấu hiệu xác nhận của thời kỳ đó, vốn kém tao nhã và kém bắt mắt hơn nhiều. Đất sét, thường được nung già lửa, có màu sắc thay đổi từ màu da bò đến xanh lá. Màu sơn thì mờ, nâu xám hoặc xanh đen còn trang trí thì hạn chế như một quy luật chỉ tại một số bộ phận của sản phẩm. Mặc dù đôi khi hình cây cỏ, động vật và những đường cong dài rộng không phải là thiếu duyên dáng, nhưng sự đơn điệu của các mô-tip thông thường (tam giác, sọc vằn, những dãy gạch chéo, những đường cong uốn lượn hoặc đứt đoạn) bộc lộ tính thiếu óc tưởng tượng. Vậy mà hàng thì đẹp, một số mẫu dường như được làm trên bàn xoay chậm, và vòi cùng quay đôi xuất hiện lần đầu tiên. Trong số những dạng đặc trưng nhất có bát hình chuông, một lọ có quai như giỏ xách, một bát màu kem có miệng đổ và một bình hình hạt đậu có đáy bằng và một vòi dài hình ống. Với một ít biệt lệ (Kish, chẳng hạn), đồ gốm này được tìm thấy trên khắp các di chỉ ở nam Iraq và tại nhiều di chỉ ở bắc Mesopotamia, nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa bắc và nam trong các yếu tố khác của sự hội tụ văn hóa Ubaid.

Cụm từ ‘đất sét và nước’ sẽ định tính  một cách thích hợp nền văn hóa Ubaid ở phía nam Iraq. Vì đá hiếm hoi trong phần này của xứ sở, nó chỉ được sử dụng hạn chế cho những công cụ nặng và một số ít vật trang trí. Tất cả đồ vật khác, kể cả ‘cối nghiền, lưỡi hái, con thoi, đá căng khung cửi, đá neo lưới, đạn bắn ná và thậm chí các loại rìu và dao, đều làm bằng đất sét nung. Loại tượng nhỏ bằng đất sét được gọi sai là ‘Nữ thần Mẫu’ – hình một phụ nữ mảnh mai, đứng có đầu như thằn lằn đội một cuộn tóc làm bằng nhựa đường và đôi mắt ‘hạt cà phê’ làm nhớ đến cặp mắt ở Mô gò es-Sawwan và Choga Mami – rất phổ biến, và cũng có tượng nhỏ các ông. Một số nhà là những cấu trúc mong manh bằng đệm  lau sậy được chống đỡ bằng các cột gỗ và đôi khi có tô đất sét, như có thể nhìn thấy quanh miền Basrah hiện nay, nhưng bùn nén hoặc gạch bùn được sử dụng rộng rãi cho những tòa nhà tiện nghi hơn. Những đền thờ thời Ubaid ở Eridu làm bằng những viên gạch bùn lớn ấn vào trong vữa đất sét và gồm một gian giữa hình thuôn dài tức cella được bao quanh bởi những phòng nhỏ nhô ra phía trước tại bốn góc. Tại một đầu của cella, dựa vào tường, là một bệ thấp đã từng đỡ một bức tượng thần, trong khi ở đầu kia là một bệ thờ bằng gạch. Bên ngoài bức tường được trang trí bằng những trụ đỡ cạn và các hốc bắt ánh sáng và phá vỡ sự đơn điệu của công trình nề có quét thạch cao. Chúng ta cũng cần chú ý là những đền thờ này được xây cao lên trên một nền móng bằng gạch bùn có khuynh hướng ngày càng rộng hơn và cao hơn, báo trước những ziqqurats  của những thời kỳ sau.

Thực tế là mù tịt trong nhiều năm, lối kiến trúc cổ xưa của thời kỳ Ubaid giờ đây được minh họa rõ nét tại vùng Mesopotamia hạ lưu và tại vùng lưu vực Hamrim. Tại những tầng Ubaid muộn, phía trên tại Mô gò el’Oueili, chẳng hạn, những nhà khảo cổ Pháp đã phát hiện những tàn tích của vài ngôi nhà lớn bằng gạch bùn được xây cất kỹ lưỡng cách xa nhau bởi những khoảng không gian lộ thiên. Một trong các ngôi nhà này nổi bật ở điểm bên trong và chung quanh nó là hàng chục lỗ hổng nhỏ, nông và vuông giữa những bức tường mỏng, gây thắc mắc nhưng có thể lý giải ắt hẳn là hạ tầng nền của các kho thóc. Ngôi làng nằm trên vùng đất bằng phẳng ngang dọc những dòng suối và một phần đầm lầy. Dân làng trồng lúa mạch, cây chà là và những cây cỏ thực phẩm khác; họ chăn nuôi gần như chỉ bò u và lợn chuyên ăn cây lá mọc dưới nước, và họ cắt lau sậy bằng liềm đất sét nung để làm phên dậu. Sự có mặt của đá chai và nhựa đường cho thấy tồn tại việc trao đổi hàng hóa đường dài đến một mức độ nào đó.

Phân nửa quãng đường giữa cực nam và cực bắc của Iraq là vùng lưu vực Hamrin nơi có đến 12 khu định cư Ubaid đã được thám sát. Trong số đó, Mô gò Madhhur, được một đoàn tham hiểm Anh khai quật vào năm 1977 – 80, có tầm hứng thú đặc biệt vì nó chứa ‘một trong những tòa nhà tiền sử được bảo quản tốt nhất từng đảo được ở Mesopotamia’. Đây là ngôi nhà tương đối nhỏ xây trên ‘thiết kế ba bên’ đặc trưng của mọi tòa nhà chính của thời kỳ Ubaid (kể cả đền thờ), với một sảnh hình chữ thập ở trung tâm và những phòng nhỏ ở hai bên. Tường còn cao hơn 6 bộ, và cửa chính và cửa sổ vẫn hoàn toàn có thể thấy được. Một đường dốc trong một phòng gợi ý có tầng trên, nhưng điều này không thể xác định được. Nhà đã bị phá hủy do hoả hoạn, nhờ đó bảo quản được hầu hết đồ đạc của nó, kể cả đồ gốm tại chỗ và về cơ bản cùng những nông cụ và đồ vật gia dụng như ở nơi khác trong thời buổi đó, với hàng ngàn đạn ná bằng đất sét, nhưng không có liềm bằng đất sét nung.

Nếu bây giờ chúng ta quay sang phía bắc, chúng ta đối mặt với một bức tranh phần nào hơi khác. Nhà ở bằng lau sậy không được biết đến và mọi ngôi nhà đều xây bằng gạch. Đá thường được sử dụng và những dấu niêm bằng đá, rất hiếm ở phía nam, ở đây thì lại có nhiều; chúng có thiết kế thẳng, và cũng biểu thị hình thú và người được sắp xếp theo những gì có thể được xem là những cảnh thần thoại hoặc vũ điệu nghi thức. Tại Tepe Gawra, di chỉ quan trọng nhất vào thời kỳ đó tại bắc Iraq, ba đền thờ lớn có tường sơn cấu thành một ‘vệ thành’ quy mô ở tầng XIII sánh ngang hàng với các đền thờ Eridu, nhưng hai tholoi bộc lộ tính giữ gìn dai dẳng các truyền thống bản địa, cũng như những tượng nhỏ phụ nữ ngồi có sơn màu kiểu Halaf. Quan trọng hơn, có lẽ, là những tập quán an táng thi rất khác với ở phương nam. Tại Eridu, trong một nghĩa trang lớn bên ngoài khu định cư, người lớn và trẻ em đều nằm ngửa trên lớp mảnh sành trong những ngôi mộ khoét xếp hàng và được phủ bằng gạch bùn. Tại Gawra chỉ có một trường hợp mai táng kiểu đó; tất cả những ngôi mộ khác chỉ là những hố đơn giản quây quần quanh ngôi nhà, và thi thể nằm, vươn dài, nghiêng một bên; còn trẻ con thì chôn vào hũ. Điều này ám chỉ những người theo văn hóa Ubaid chiếm thiểu số ở phía bắc. Bị vượt trội nhưng không bị loại trừ, những hậu duệ của ‘người Halaf’ chắc chắn vẫn còn hợp thành một phần lớn dân số, trong khi phía nam hoàn toàn là ‘người Ubaid’. Trong chương sau chúng ta sẽ thấy bằng cách nào khoảng hở giữa giữa bắc và nam dần dần rộng ra và bằng cách nào người phương nam tiến lên dẫn đầu trong cuộc hành trình đến văn minh.

Những khác biệt này, tuy nổi bật, về cơ bản không làm thay đổi tính thống nhất của văn hóa Ubaid. Hoặc nhập vào từ tây-nam Iran hoặc, như càng ngày càng chắc chắn, phát triển có tính bản địa, nền văn hóa này – kéo dài ít nhất 1000 năm – trải dài trên khắp những miền đất trồng trọt được của đồng bằng Mesopotamia với ngoại lệ đáng kể là vùng thung lũng ở đoạn giữa Euphrates và hạ lưu  Tigris. Những dãy núi cao nhất của Taurus và Zagros đánh dấu giới hạn của nó, nhưng các dãy núi, các con sông hay thậm chí biển cả không thể nào là một vật cản không vượt qua được cho hoạt động giao lưu thương mại. Thực tiễn và mức độ của công cuộc mậu dịch này được minh chứng bằng sự có mặt của đá chai tại nhiều di chỉ ở nam Iraq và của vàng và amazonite (một loại đá bán quý chỉ tìm được ở Ấn) tại Ur, cũng như bởi sự có mặt của gốm Ubaid không lầm lẫn được tại Ras Shamra, trên bờ biển Syria, và trên bờ biển Ả Rập của Vịnh. Ở nam Mesopotamia các khu định cư Ubaid toạ lạc dọc theo sông Euphrates và các nhánh của nó và giao thông với nhau bằng đường thủy, như được minh họa bởi những mẫu thuyền bằng đất sét tìm thấy ở Eridu và Ur. Hầu hết chúng là làng mạc, nhưng có những trung tâm lớn hơn từ đó sau này sẽ vươn lên thành những thành phố chính của Sumer cổ đại. Vậy mà có một sự kiện khác đưa ra một ám chỉ rộng lớn  hơn: trong số tất cả tòa nhà trong thời kỳ Ubaid, đền thờ luôn là tòa nhà lớn nhất và xây đẹp nhất. Do đó có vẻ như những thành phố tương lai của Sumer sẽ không lớn lên quanh một cung điện hoặc lâu đài, mà là quanh một điện thờ, và không phải vô lý khi nghĩ rằng đền thờ đã là trục trung tâm quanh đó những hoạt động kinh tế và xã hội xoay quanh. Ở giai đoạn này sẽ là táo bạo khi nói về ‘người Sumer’, nhưng có một lý do mạnh mẽ để tin rằng thời kỳ Ubaid biểu trưng giai đoạn đầu tiên trong tiến trình phát triển nền văn minh Sumer.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s