Chế độ độc tài Idi Amin và Chiến tranh Uganda –Tanzania 1979

Muammar Gaddafi and Idi Amin Dada

Muammar Gaddafi và Idi Amin Dada thăm quân đội Uganda

Long Vũ / ncls group

Chiến tranh Uganda – Tanzania hay Chiến tranh Kagera (Uganda gọi là chiến tranh Giải phóng Kagera) là cuộc chiến giữa Uganda và Tanzania năm 1978-1979, khởi đầu bằng việc quân đội Uganda của tổng thống Idi Amin xâm lược Tanzania tháng 10 năm 1978 với tuyên bố ”giải phóng” đất nước này. Lực lượng của Idi Amin được hỗ trợ đắc lực bởi hàng ngàn binh sĩ được gửi bởi Libya và lính đánh thuê Palestine. Tuy nhiên, kết cục không những không giải phóng được Tanzania, Amin còn bị quân Tanzania đánh đến tận thủ đô Kampala, đồng thời chấm dứt luôn vương triều của ông đã xây dựng, được miêu tả là tàn bạo nhất châu Phi thời điểm đó.

Trước năm 1966, Uganda do thủ tướng Milton Obote lãnh đạo. Đất nước này có hơn 100.000 người gốc Ấn Độ, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Uganda.

Idi Amin, thống lĩnh quân đội và không quân Uganda từ năm 1966, lên nắm quyền kiểm soát đất nước châu Phi này vào năm 1971. Là một bạo chúa và người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ông đã đưa ra một chương trình diệt chủng để thanh tẩy Uganda khỏi các nhóm sắc tộc Lango và Acholi của đất nước. Năm 1972, ông ra lệnh cho mọi người châu Á chưa có quốc tịch Uganda phải rời khỏi đất nước này, và khoảng 60.000 người Ấn Độ và Pakistan đã phải bỏ chạy. Nhóm dân châu Á này là một phần quan trọng của lực lượng lao động, và nền kinh tế Uganda đã hoàn toàn sụp đổ sau khi họ rời đi.

Trong 8 năm cầm quyền từ 1971 đến 1979, Amin đã tàn sát rất nhiều người, không chỉ những kẻ đối lập mà cả những người vô tội không tán thành chính sách độc đoán của ông ta. Các tài liệu nói hơn 500.000 người đã bị giết hại dưới chế độ của Amin. Không có gì ngạc nhiên khi Amin công khai thần phục trùm phát xít Hitler, coi như là thần tượng của ông ta bởi vì có nhiều người Uganda nói đã chứng kiến Amin ném xác người cho cá sấu ăn thịt. Thậm chí có nhân chứng còn tố cáo ông xẻ xác một trong 4 bà vợ của mình và đã có lần “nếm thử” thịt người! Năm 1977, Ủy ban Tư pháp Quốc tế đã kết tội Amin phạm tội ác chống loài người vì năm 1972 ông ta đã đày ải rồi trục xuất người châu Á là con cháu người nhập cư Ấn Độ từ thời thuộc địa của Anh. Với chính sách đẫm máu của mình, Amin biến Uganda thành quốc gia trẻ thứ 2 trên thế giới với 70% dân số dưới 30 tuổi

Amin công khai thần tượng Hitler và cũng vì thế tuyên bố thù địch với người Do Thái. Như một tất yếu, Amin ủng hộ các tay súng quân giải phóng Palestine (PLO), cho các tay súng PLO lưu vong trên lãnh thổ mình. Vì vậy, Uganda dưới thời Amin là nước có đông quân Palestine thứ 3 sau Liban và Libya. Cũng vì điều này, Amin được sự ủng hộ rất lớn từ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Gaddafi đã giúp đỡ Amin rất nhiều về tài chính cũng như quân sự, trong đó có gửi quân trực tiếp đến Uganda để giúp nước này tấn công Tanzania năm 1978. Tuy nhiên, như nhiều người nhận xét, sự tàn bạo của Amin thì Gaddafi không thể có nổi! Idi Amin Dada bị coi là tên hung thần khát máu nhất trong lịch sử Châu Phi giai đoạn hậu thuộc địa, với số người Uganda bị giết bằng trong 8 năm cầm quyền của ông bằng với số người chết trong 1 thế kỉ trước bởi chủ nghĩa thực dân Anh.

Mối quan hệ giữa Tanzania và Uganda đã bị căng thẳng trong nhiều năm trước khi chiến tranh bắt đầu. Sau khi Amin nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1971, lãnh đạo Tanzania Julius Nyerere đã cho tổng thống bị lật đổ của Uganda, Milton Obote tị nạn ở nước mình. Một năm sau, một cuộc nổi dậy đã được tiến hành ở Uganda nhưng bị đàn áp đẫm máu. Các tài liệu đã cho rằng có đến 100.000 đã chết trong cuộc đàn áp, cùng với hàng trăm nghìn người khác phải chạy trốn sang Tanzania. Trong số này, có cả những binh sĩ không chịu nổi sự tàn bạo của Amin đã đào ngũ sang Tanzania, thành lập Mặt trận Giải phóng Dân tộc Uganda (UNLA). Mối quan hệ giữa Uganda và Tanzania nhanh chóng đạt đến mức thấp nhất mọi thời đại.

Fact: Julius Kambarage Nyerere là một nhà hoạt động chống thực dân, chính khách, và nhà lý luận chính trị Tanzania. Ông là Thủ tướng Tanganyika từ năm 1961 đến 1963 rồi trở thành Tổng thống từ năm 1963 đến 1964, sau đó, ông dẫn dắt nhà nhà nước hậu thân Tanzania với vai trò tổng thống từ năm 1964 tới 1985. Ông là một thành viên sáng lập đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Tanganyika (TANU) và sau đó là thành viên của đảng Chama Cha Mapinduzi. Về tư tưởng là một người theo chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa xã hội, ông đã xây dựng và lan truyền một hệ tư tưởng tên Ujamaa. Tanzania là thành viên của khối XHCN đến năm 1985

Tháng 10 năm 1978, khi những sức ép trong nước tăng lên, Amin đã chỉ đạo mở một cuộc xâm lược Tanzania để chuyển hướng các áp lực từ trong nước lên mối đe dọa mà Amin tự nghĩ ra từ nước láng giềng. Nhưng trước khi khai chiến, Amin đã cho xử bắn 5 tướng quân đội có tư tưởng thận trọng, đã ngăn cản ông gây chiến. Ban đầu Amin tuyên bố chỉ tiến vào Tanzania để dẹp các căn cứ của quân nổi loạn lưu vong, nhưng sau đó đã nói với các tướng lĩnh chuẩn bị chiếm và sáp nhập một phần đất đai của Tanzania. Tuy nhiên khi tuyên chiến ngày 30/10, Amin nói sẽ ”giải phóng” toàn bộ Tanzania. Sở dĩ Amin tự tin như vậy, nhiều người cho là có sự ủng hộ rất lớn của Libya và Palestine. Trước lúc tấn công, quân đội Uganda có 70.000 quân nhưng có đến 200.000 lực lượng dân quân bán vũ trang, cùng với đó là 3000 quân Libya và hàng nghìn tay súng PLO Palestine. Bên cạnh đó, mặc dù Liên Xô không chấp nhận viện trợ vũ khí cho Amin, Uganda vẫn được Libya viện trợ cho vũ khí của Liên Xô trong kho của mình bao gồm trực thăng, xe tăng và tên lửa.

Tuy nhiên, dù trên danh nghĩa tuyên chiến ngày 30/10, trên tế các đơn vị Uganda đã tiến vào Tanzania trước đó, dưới sự chỉ huy của Juma Ali Oka Rokoni, anh rể của Idi Amin, biệt danh Juma “Butabika” (tiếng Uganda có nghĩa là Juma ”điên”). Ông anh rể này đã ”xuất khẩu” sự tàn bạo của Amin sang đất Tanzania bằng cách đốt phá, giết người, hãm hiếp cả quân kháng chiến Uganda lẫn người dân Tanzania. Quân đội của Butabika sau đó chiếm toàn bộ tỉnh Kagera cực tây bắc của Tanzania giáp hồ Victoria. Quân đội Tanzania phải cho phá hủy cầu Kyaka Bridge lớn nhất đất nước để ngăn quân Uganda. Quân đội Uganda ăn mừng bằng cướp bóc, cưỡng hiếp và giết người trong khu vực bị chiếm đóng. Trong khi đó, tại thủ đô Kampala Amin tuyên bố với quốc tế sáp nhập tỉnh Kagera vào Uganda.

Trong tình cảnh đó, tháng 12 năm 1978, tại Dar es Salaam (thủ đô cũ của Tanzania, thủ đô mới là Dodoma), tổng thống Nyerere của Tanzania kêu gọi tổng động viên toàn quốc. Trong một vài tuần, quân đội Tanzania đã được mở rộng từ dưới 40.000 quân lên 100.000 người bao gồm các thành viên của cảnh sát, các nhà tù, và dân quân. Nyerere cũng tuyên bố ủng hộ lớn nhất cho quân kháng chiến Mặt trận Giải phóng Dân tộc Uganda, do các tướng Tito Okello, David Oyite Ojok, Yoweri Museveni, Akena p’Ojok, William Omaria và Ateker Ejalu chỉ huy. Cùng với đó, lãnh đạo Cộng hòa Mozambique Samora Machel cũng tuyên bố ủng hộ Tanzania và gửi tiểu đoàn ưu tú nhất của quân đội Mozambique đến giúp Tanzania.

Tháng 1 năm 1979, Tanzania phản công, bắt đầu bằng việc các dàn phóng tên lửa của Tanzania phóng hết công suất về phía Uganda. Trận pháo kích hiệu quả không ngờ khi quân Uganda tỏ ra thiếu chuyên nghiệp, không phòng bị nên chịu tổn thất nặng và phải rút lui.

Lúc này, cuộc chiến lại phải nhờ vào lực lượng Libya. Lực lượng viễn chinh Libya được trang bị các tăng T-54 và T-55, BTR APC, BM-21 Grad MRL, pháo binh, máy bay chiến đấu MiG-21 và một máy bay ném bom Tu-22. Lực lượng Libya ban đầu chỉ là để chủ yếu hoạt động như một lực lượng hỗ trợ cho Quân đội Uganda. Tuy nhiên, ngay sau khi lực lượng đến Uganda thất bại, binh lính Libya đã tự chiến đấu chống lại người Tanzania trên tuyến đầu. Trong khi người Libya đang chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến để bảo vệ đồng minh của họ, nhiều đơn vị của quân đội Uganda đã sử dụng xe tải chở những tài sản mới cướp từ Tanzania về nước một cách hèn nhát.

Từ ngày 10-12 tháng 3, Trận Lukaya – trận chiến quyết định ở mặt trận Tanzania – xảy ra giữa Quân đội Tanzania và Quân đội Libya cùng với một số đơn vị Quân đội Uganda. Trận chiến bắt đầu khi một cuộc tấn công theo kế hoạch của một đội lữ đoàn Libya với 15 chiếc T-55, hàng chục APC, và BM-21 MRL, nhằm đến Masaka, chạm trán với lực lượng Tanzania tại Lukaya vào ngày 10 tháng 3. Dù quân Libya dành chiến thắng ban đầu, một cuộc phản công của Tanzania vào đêm 11 tháng 3 từ hai hướng, của Lữ đoàn 201 từ phía nam và Lữ đoàn 208 từ phía tây bắc, thành công. Tổng cộng 200 quân Libya bị tiêu diệt, cộng thêm 200 lính đồng minh Uganda. Quân Tanzania thu toàn bộ trang bị, bắt tù binh trong đó có cả vị tướng chỉ huy quân Libya.

Trận chiến ở Lukaya đã loại bỏ hoàn toàn quân Libya, đồng thời triệt tiêu tinh thần của quân Uganda. Quân Tanzania và quân kháng chiến Mặt trận Giải phóng Dân tộc Uganda tiến rất nhanh về phía Tây và tiến vào thủ đô Kampala ngày 11/4/1979. Hai ngày sau, thủ đô được giải phóng, Idi Amin đã bỏ chạy khỏi thủ đô. Nhưng người anh rể Juma Butabika, đã ở lại chiến đấu và bị người dân bắt lại, sau đó bị thiêu chết trong sự phẫn nỗ tột cùng của người dân Uganda.

Quân đội Tanzania sau đó truy kích quân của Amin đến tận ngày 3 tháng 6 sau khi đã đuổi đến tận biên giới Sudan. Quân đội Tanzania vẫn ở Uganda để duy trì hòa bình cho đến cuộc bầu ở nước này diễn ra vài tháng sau đó. Tuy nhiên, sau khi quân Tanzania rút đi, Uganda lại rơi vào nội chiến do tàn dư của chế độ Amin vẫn tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1996, khiến tiếp 300.000 người thiệt mạng. Như vậy trong 25 năm, Uganda mất 800.000 người.

Về phần Amin , hắn phải trả giá bằng việc chạy trốn sang Libya. Tuy nhiên ở đây, dù được lãnh đạo Gaddafi che trở, hắn vẫn bị người dân Libya phản đối dữ dội và đòi trục xuất do lúc này Amin đã là tên tội phạm quân sự khét tiếng thế giới. Đến năm 1980, Libya phải trục xuất Amin. Hắn phải chạy đến Iraq, rồi cuối cùng phải xin sống ẩn dật tại thành phố Jeddah, bên bờ Biển Đỏ của Ả Rập Saudi. Amin chết ngày 16-8 vì bệnh tim mạch và suy thận ở tuổi 78. Gia đình Amin đã xin Chính phủ Uganda cho đưa xác ông ta về chôn cất ở quê nhà. Có tin nói Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã đồng ý nhưng cấm làm rùm beng như đám tang các quan chức cao cấp. John Nagenda, cố vấn của Tổng thống Uganda, nói vì lòng nhân đạo nên cho phép Amin được chôn cất ở quê nhà nhưng nhân dân Uganda không bao giờ quên được những tội ác tày trời của ông ta.


 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s