Chương 17 : THỜI ĐẠI HỖN LOẠN
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Việc dân chúng Ấn-Âu di chuyển hàng loạt xảy ra trong khu vực đông-nam Âu châu vào thế kỷ 13 TCN không được phân tích và chỉ có thể suy diễn từ các yác động sâu xa mà chúng gây ra ở Hy Lạp và Tây Á. Chắc chắn là do việc các bộ tộc mắn đẻ và hay gây sự đi đến vùng Balkan, mà người Illyria (Hy Lạp cổ đại), đẩy người Thrace-Phrygia vào tận Anatolia, tại đó họ lật đổ vương quốc Hittite không lâu sau 1200 TCN, và đuổi người Doria, Aeolia và Ionia vào bán đảo Hellenic, quần đảo Aegea và các khu vực phía tây của Tiểu Á, tại đó họ tiêu diệt đế chế Mycenae (hoặc Achaea) (cuộc chiến thành Troy, k. 1200 TCN). Bị đánh đuổi bởi hai dòng thác xâm lược này, các cư dân ở bờ biển và quần đảo Aegea, “các Dân vùng Biển’ như người Ai Cập gọi họ, thoát về phương nam dọc theo bờ biển Tiểu Á và Syria và đến đe dọa trước cổng nhà Ai Cập. Rameses III đánh bại họ trên biển cũng như trên bộ (1184 TCN), nhưng một số chiến binh xin vào phục vụ dưới trướng Pha-ra-ông, trong khi số khác lập cư trên duyên hải Canaan. Trong số nhóm người sau này là người Peleset, hay Philistine, những người sau cùng đã đặt tên mình cho xứ sở đó, Palestine. Vào khoảng cùng thời gian một di dân sắc tộc không kém quan trọng khác ít được biết đến bắt đầu đâu đó quanh Biển Caspia. Những dân tộc nói tiếng Ấn-Âu mà chúng ta gọi là người ‘Iran’ tiến vào Iran từ phương bắc, đi theo xấp xỉ cùng một lộ trình với những người nhập cư Ấn-Aryan trước đây. Người Parthava (Parthia) và người Haraiva ở lại trên vùng biên giới của Turkestan và Afghanistan, trong khi người Madai (Medes), Parsua (Ba Tư) và Zikirtu tiến xa hơn về phía tây và chiếm lấy bình nguyên từ Hồ Urmiah đến Isfahan, nhanh chóng nắm quyền kiểm soát đám dân bản địa trang bị thô sơ.
Dòng thác di cư này, liên quan đến vùng Địa Trung Hải và các khu vực trung tâm thuộc Anatolia và Iran, nhưng để yên Iraq. Nhưng nó trùng hợp với một thời kỳ hoạt động nhộn nhịp của người Semite du cư lang thang khắp sa mạc Syria: Sutû, Ahlamû và, trên hết, các liên minh rộng lớn của các bộ tộc Aramaea. Khoảng trống sinh ra ở Syria do sự sụp đổ của đế chế Hittite và tình trạng suy yếu tương đối của Assyria và Babylon khuyến khích người Aramaea xâm chiếm vùng nội địa Syria, rồi vượt Sông Euphrates và xâm nhập càng ngày càng sâu hơn vào Mesopotamia, vừa tiến lên vừa định cư và tạo thành, trên khắp vùng Lưỡi Liềm Màu Mỡ, một mạng lưới các vương quốc, lớn có nhỏ có, áp sát Assur và Babylon trong một vòng vây hẹp dần và gần như nhấn chìm họ. Đồng thời, các nhóm Semite khác, người Israelite (tổ tiên dân Israel hiện nay) đến từ sa mạc Sinai và lợi dụng tình trạng rối loạn ngự trị ở Canaan sau khi Ai Cập đã rút khỏi châu Á, chinh phục một dãy đất rộng hai bên bờ Sông Jordan và xây dựng quê hương của mình. Đen một mức độ nào đó sự phát triển của người Aramaea tại Iraq có thể được theo dõi qua các bảng chữ khắc hoàng gia Assyria, và việc chính phục Canaan của người Israelite qua lời kể trong kinh thánh; nhưng phần còn lại của Cận Đông chìm sâu vào bóng tối hun hút giữa 1200 và 1000 TCN. Các thư khố của Hittite từ
Boghazkoy đột ngột chấm dứt vào khoảng năm 1190 TCN, và có vừa đủ thông tin từ Ai Cập cho chúng ta nhận thức được tình trạng suy đồi của đất nước vĩ đại ấy dưới triều vua Rames cuối cùng và sự chia cắt thành hai vương quốc tranh chấp nhau vào bình minh của thế kỷ 11. Khi ánh sáng xuất hiện trở lại vào khoảng cuối thiên niên kỷ 2 TCN địa lí chính trị vùng Tây Á đã thay đổi một cách sâu sắc: các quận lỵ Aramaea phồn thịnh lên từ Lebanon đến Núi Zagros; những tàn tích của ‘Dân Miền Biển’, Philistine và Zakkalas, chia nhau Canaan với người Israelite; dọc theo bờ biển Lebanon người ‘Phoenicia’ bước vào một thời kỳ thịnh vượng mạnh mẽ, trong khi cực bắc Syria và vùng núi Taurus là dấu ấn của vài vương quốc ‘Tân Hittite’; Ai Cập bị chia cắt và suy yếu; các vị vua lần lượt lên ngôi chóng vánh ở Babylon có ít quyền lực thực sự nhưng ở Assyria một hàng các ông hoàng năng nổ đang tìm cách nới lỏng sự bóp nghẹt của người Aramaea và tái thiết đế chế; và sau dãy Zagros người Medes và Ba Tư đang củng cố mặc dù chưa sẵn sàng đóng vai trò lịch sử. Đây là các dân tộc mà người Assyria sắp sửa gặp gỡ, giao đấu và chinh phục trong cuộc chuyển mình bành trướng vĩ đại của họ vào thiên niên kỷ thứ nhất, và với nó độc giả giờ đây cần được làm quen.
Người Israelite và người Phoenicia
Chúng ta quá đỗi thân thiết với Kinh Thánh đến nỗi với phần đông chúng ta chỉ cần tóm tắt sơ lược lịch sử ban đầu của người Hebrew (Do Thái cổ). Chúng ta đã biết trong phần trước Abraham và gia quyến ông xuất thân từ Ur ở Sumer đến Hebron ở Canaan, ắt hẳn vào khoảng 1850 TCN, và có lý do để đặt chuyến di cư của Joseph đến Ai Cập vào thời kỳ Hyksôs (1700-1580 TCN). Trong ít nhát 4 thế kỷ những người mà bây giờ xưng mình là ‘Israelite’, sinh sôi và thịnh vượng trong vùng châu thổ Sông Nile, cho đến khi họ bị đuổi khỏi Ai cập bởi vị Pha-ra-ông ‘có trái tim Chúa Trời đã làm chai đá’ – ắt hẳn là Ramesses II (1304-1237) hơn là kẻ kế vị ông Mernephtah. Một người cực kỳ thông minh và có cá tính mạnh mẽ, người cải cách tôn giáo vĩ đại đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Moses đoàn kết người Israelite chung quanh việc thờ cúng một vị Thần duy nhất và phổ quát, dẫn đầu cuộc trường chinh băng qua bán đảo Sinai và mất khi họ đến được bậc thềm của ‘Miền Đất Hứa’. Joshua là người thủ lĩnh tiếp sau của họ, nhưng việc chinh phục Canaan thật ra được hoàn thành bởi cả 12 bộ tộc chiến đấu cho lãnh địa riêng của mỗi bộ tộc dưới quyền các thủ lĩnh được bầu ra hay ‘Phán quan’ và ắt hẳn đã mất ít nhất 100 năm. Sự thành lập vương quốc Israelite dưới thời Saul và các thắng lợi của David (1010-970 TCN) đối với người Philistine, người Canaan và các nhà nước nằm ở phía đông Jordan (Amon, Edom và Moab) tôn phong sự ưu việt của hậu duệ Abraham ở Palestine. Nói thêm về sự vượt trội của phương Đông, thời trị vì của Solomon là một thời kỳ hồ hởi cho quốc gia trẻ này. Lần đầu tiên trong lịch sử Palestine tuân phục một nhà cai trị mà quyền uy mở rộng ‘từ Dan (tại chân núi Hermon) đến Beersheba (trên biên giới Nêgb)’. Jerusalem, trước đây là thị trấn nhỏ, không quan trọng, giờ chiếm địa vị một thủ phủ, và gần 200,000 nhân công – ta được biết như vậy – tham gia xây dựng đền thờ của nó. Quân đội Israelite được trang bị vũ khí sắt và đầy đủ ngựa chiến và chiến mã xa. Từ Ezion-Geber, gần Akaba, các con tàu của Solomon giương buồm xuống Biển Đỏ rồi quay lại từ Ả Rập và Ethiopia chất đầy vàng. Chính nhà vua, mặc dù tính minh triết đã được truyền tụng, cũng sống trong một cung điện lộng lẫy giữa ‘700 bà vợ và 300 phi tần’. Sự xa hoa hoang phí ấy quá sức chịu đựng của một quốc gia nhỏ và kham khổ về phương diện tài chính và đạo đức. Thời trị vì huy hoàng kết thúc trong các cuộc bạo loạn, và sau cái chết của Solomon (931 TCN) vương quốc được chia làm hai phần qua một cuộc phổ thông đầu phiếu: Israel ở phía bắc với Samaria là thủ phủ, Judah ở phía nam, còn bị điều hành từ Jerusalem. Thời kỳ vương quyền thống nhất chỉ kéo dài vỏn vẹn một thế kỷ.
Về phía tây-bắc của Israel người Canaan ở Lebanon và ở duyên hải Syria – ‘người Phoenicia’ như người Hy Lạp sau này gọi họ – thuộc số nạn nhân đầu tiên của cuộc hỗn loạn lớn trong thế kỷ 12. Thành phố giàu có nhất của họ, Ugarit, bị hủy diệt vĩnh viễn bởi Dân Miền Biển, trong khi trung tâm buôn bán gỗ, Byblos, vốn đã bị tàn phá trong các cuộc chiến địa phương trong thời kỳ el-Amarna, đang khánh kiệt trước tình hình suy đồi của thân chủ truyền thống Ai Cập dưới thời trị vì các vua kế vị Ramesses III. Nhưng vào khoảng 1000 TCN tình hình trong khu vực đó bỗng qua một bước ngoặt tốt đẹp hơn. Vì ở vào vị trí nơi các con đường băng qua vùng núi Lebanon đến biển, Arvad (đảo Ruâd), Sidunu (Sidon, hiện nay Saida) và Sûri (Tyre, hiện nay Sûr) đã trở thành những cảng của các vương quốc Aramaea hùng mạnh thuộc trung tâm Syria, và phần cực nam của các thị trấn này, Tyre, hưởng lợi vì tiếp cận với người Israelite, đối tác được họ cung cấp gỗ, thợ thủ công chuyên nghiệp và các thủy thủ. Ba thành phố này nhanh chóng trở nên giàu có nhờ hoạt động mậu dịch này và thành lập những trung tâm mới về chính trị và kinh tế của Phoenicia.
Bờ biển Syria-Lebanon đã luôn là điểm hội tụ của châu Âu và châu Á. Vào bình minh của thiên niên kỷ thứ nhất TCN 2000 năm giao lưu thân thiết với người Cretan, Mycenaea và Cypriot, một bên, và với mọi quốc gia trong vùng Cận Đông, bên kia, kết quả là sự phát triển một nền văn minh Phoenicia rực rỡ. Đóng góp chủ yếu của người Phoenicia cho kho tàng văn hóa nhân loại không nghi ngờ gì nữa là việc phát minh bảng chữ cái, mà người Hy Lạp trên khắp châu Âu và người Aramaea trên khắp Tây Á tiếp nhận, dưới các hình thức được điều chỉnh, nơi đó nó cuối cùng thay thế mọi hệ thống chữ viết âm tiết và tượng hình đã có. Niên đại và địa điểm chính xác của phát minh này là các vấn đề gai góc không cần được đụng tới ở đây, dù ngắn gọn, nhưng ít nhất chúng ta nên nhắc đến rằng trong số ba bảng chữ cái được sử dụng đồng thời trên bờ Địa Trung Hải trong phần tư cuối cùng của thiên niên kỷ 2 – bảng chữ cái ‘cổ điển’ và ‘giả-tượng hình của Byblos và bảng chữ cái ‘hình nêm’ của Ras-Shamra (Ugarit) – bảng chữ cái cuối cùng được sử dụng như một nền tảng cho văn chương phong phú và cực kỳ thú vị, mà sự phát hiện ra nó đã mở rộng và điều chỉnh các ý tưởng của chúng ta về tôn giáo và thần thoại Canaan cổ đại. Trong lĩnh vực nghệ thuật người Phoenicia có lẽ không thiên về sáng tạo, nhưng chứng tỏ là các học trò xuất sắc. Lấy cảm hứng từ các nghệ nhân Aegea và Ai Cập, các thợ thủ công của họ không có đối thủ trong vùng Cận Đông, ít nhất là trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Họ ăn vận đẹp, y phục được thêu hoặc nhuộm màu tím vùng Sidon nổi tiếng, chế tác lọ thủy tinh trong suốt, chạm trổ nữ trang tinh tế, điêu khắc ngà voi tinh xảo và là bậc thầy trong tạo tác đồng và gỗ. Xứ sở họ sản xuất, ngoài gỗ, còn có rượu vang và dầu lừng danh. Tất cả những sản vật này tạo thành một chuyến hàng nhẹ, nhưng đáng giá mà người Phoenicia, vốn là những thủy thủ bẩm sinh, giờ có thể tự mang đi ra khắp thế giới, việc Doria xâm chiếm Hy Lạp đã giải phóng biển cả khỏi các ông chủ trước đây, người Mycenae. Chẳng bao lâu người Tyre, Sidon và Arvadite trở thành các lãnh tụ của một phong trào đáng kinh ngạc về sự bành trướng thủy vận và thuộc địa lên đến cao điểm giữa thế kỷ 9 và 6 TCN với sự thành lập Carthage (814 TCN), việc dựng lên nhiều nhà kho ở Malta, Sicily và Tây Ban Nha, và việc thám hiểm bờ biển Đại Tây Dương ở châu Âu và châu Phi.
Người Tân Hittite
Tiến về phía bắc dọc bờ biến Địa Trung Hải chúng ta đến vào vùng cực bắc Syria lãnh địa của dân tộc gọi là ‘Hittite Tượng Hình’ hoặc đơn giản hơn, “Tân-Hittite”. Những thuật ngữ này cần phải được giải thích. Chúng ta biết rằng người Hittite vốn có thủ đô làHatt usas (Boghazköy) sử dụng lối viết tượng hình vay mượn từ Mesopotamia để viết trên bảng đất sét ngôn ngữ Ấn-Âu của họ. Nhưng cùng lúc một lối viết khác được sử dụng ở Tiểu Á để viết trên đá núi hoặc đá hoa các chữ khắc chính thức hoặc tôn giáo. Chữ viết này gồm các hình vẽ hoặc chữ tượng hình không có liên hệ gì với lối viết hình ngữ hoặc lối chữ tượng hình của Ai Cập hay Cretan. Nhiều bảng khắc như thế cũng thấy xuất hiện trong các di chỉ khác nhau của vùng núi Taurus và của bắc Syria liên quan đến các đài kỷ niệm có niên đại từ những thế kỷ đầu thiên niên kỷ 1 TCN, nghĩa là sau khi đế chế Hittite tiêu vong. Việc giải mã chữ Hittite tượng hình bởi các học giả khác nhau – được khẳng định và hoàn thiện nhờ sự phát hiện vào năm 1947 bảng khắc song ngữ Phoenicia-Hittite tại Kara Tepe, ở Cilicia – đã chứng tỏ rằng ngôn ngữ của những bảng khắc này là một biến thể thổ ngữ của tiếng Luwiya, người Luwiya là một dân tộc có liên quan ít nhiều mật thiết với các dân tộc nói tiếng Ấn-Âu đã đi vào Tiểu Á vào đầu thiên niên kỷ 2. Do đó, có vẻ như là trong sự tái phân bố rộng lớn dân cư xảy ra trong thế kỷ 12 người Luwiya, xuất thân từ khu vực tây-nam Tiểu Á, đã đi chuyển, hoặc bị đẩy đi, về phía nam và đông và đã lập cư tại các tỉnh phía nam của đế chế Hittite trước đây, các tỉnh đã được người Phrygia tha cho hoặc được Dân Miền Biển bỏ qua. Nhưng tất nhiên điều này chỉ là ức đoán. Hơn nữa, cần nhấn mạnh rằng không có sự kiện đứt gãy trong việc chuyển giao văn hóa Hittite trong những vùng này, và rằng từ ‘Tân Hittite’ không gì khác hơn là một tên gọi thuận tiện. Ảnh hưởng Hittite mang đến cho Syria bởi Suppiluliumas và các người kế vị ông sống lâu hơn họ gần 500 năm.
Từ thế kỷ 10 trở đi một tấm khảm cố kết gồm các vương quốc Tân Hittite bao phủ lãnh thổ giữa dãy Taurus và sông Orontes, tạo thành vùng người Assyria gọi là Hatti – (tỉnh Antioch còn được người Thổ gọi là ‘Hatay’). Bắt đầu từ phía bắc, chúng ta tìm thấy trong trung tâm của vùng núi Taurus khoảng 12 thành bang tạo thành Liên minh Tabal (Tubal trong Kinh thánh) và dọc thượng lưu Euphrates, vương quốc Kummanu, Kummuhu, Gurgum. Xa hơn về phía tây là vùng bình nguyên màu mỡ Cilicia là vương quốc của Vua Ataniya (Adana) ….
Các cuộc khai quật tại Zencirli, Sakçe-Gözü, Karkemish, Mô gò Tayanat và gần đây hơn, Mô gò Kara đã rọi thêm ánh sáng vào nền nghệ thuật và kiến trúc của Tân Hittite và nhờ đó ta hiểu được sức kháng cự mà người Assyria đã gặp phải khi họ cố gắng lật đổ các vương quốc nhỏ nhưng rất hùng mạnh này. Các thị trấn, hình thể hơi tròn, được bảo vệ bởi tường thành kép, đồ sộ: một vòng tường ngoài bao quanh thị trấn thấp hơn và một vòng tường trong bao quanh vệ thành. Cung điện, ngay trung tâm thành phố, thường có lối đi vào sau khi bước qua một lối đi có cột gỗ dựng trên bệ đá khắc hình các sư tử và nhân sư đang ngồi thu mình. Sơ đồ thiết kế thường thuộc loại mà người Assyria gọi là bit hilâni: một chuỗi những phòng hình thuôn, cái này tiếp theo cái kia, cạnh dài của phòng chạy song song với mặt tiền của tòa nhà. Đại lộ dẫn đến vệ thành cũng như mặt tiền của cung điện được trang trí bằng những bảng điêu khắc bằng đá ba-san hoặc đá vôi ốp phần bên dưới của bức tường. Các chủ đề được chọn biểu thị thường nhất là những cảnh săn bắn, các yến tiệc cung đình và binh lính hành quân, thường pha lẫn các chữ tượng hình. Các điêu khắc này phần nhiều thô sơ và không khéo léo, tuy không thiếu tính linh động và sức sống, một số thực ra đạt đến tiêu chuẩn cao của thẩm mỹ hoang dã. Hầu hết các nhà khảo cổ đều nhất trí chúng ta gặp ở đây một phiên bản quê mùa của nghệ thuật Hittite hoà quyện với ảnh hưởng Assyria, Ai Cập và thậm chí Aegea.
Các vương quốc Tân Hittite phồn thịnh từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 8 TCN và lịch sử đầy đủ của chúng sẽ được lộ diện khi tất cả bảng chữ khắc Hittite tượng hình được biên dịch chính xác và được xuất bản.
Giữa 745 và 708 TCN chúng lần lượt rơi vào tay người Assyria và biến mất như các nhà nước độc lập, nhưng trước ngày đó khá lâu một số nhà nước đó đã buông xuôi trước người láng giềng cận kề, người Aramaea.
Người Aramaea
Như thường lệ trong các vấn đề như thế, vấn đề nguồn gốc người Aramaea là một vấn đề rất khó. Ngôn ngữ Aramaea, như Canaan và Hebrew, thuộc nhóm tây-bắc của phương ngữ Semite, nhưng trên nhiều điểm cho thấy có sự tương cận mạnh mẽ với tiếng Ả Rập, có thể gợi ý người Aramaea xuất phát hoặc từng sống ở Ả Rập. Trái lại, có vài lý do để tin rằng quê hương của họ là sa mạc Syria và Lưỡi Liềm Màu Mỡ, và phải nên nhớ rằng ký ức về một mối quan hệ sắc tộc gần gũi, tuy không xác định rõ giữa người Aramaea và người Hebrew (Do Thái cổ) đã được duy trì trong Kinh thánh, trong đó chính Jacob (Israel) đã có lần được miêu tả là một ‘người Aramaea lang thang’. Tại thời kỳ nào mà người Aramaea xuất hiện đầu tiên trong chữ khắc hình nêm là một vấn đề cần phải bàn cãi. Trong các văn bản của người Akkad, thời kỳ Ur III và Babylonia Cổ thỉnh thoảng thường thấy đề cập đến một thành phố Arami và những cá nhân có tên Aramu, nhưng điều này có thể chỉ là sự na ná giọng âm, nên chỉ có hai niên đại cần xem xét: thế kỷ 14 và 12, tùy thuộc vào việc ta chấp nhận loại quan hệ nào giữa người Aramaea và người Ahlamû. Người Ahlamû đầu tiên được đề cập đến trong một bức thư không lành lặn từ el-Amarna ám chỉ đến Vua của Babylon, trong cùng thời kỳ sự hiện diện của họ được minh chứng ở Assyria, tại Nippur và thậm chí tại Dilmun (Bahrain), và chúng ta đã biết trước đây rằng Shalmaneser I đã đánh bại người Hurri và các đồng mình Hittite và Ahlamû của họ ở Jazirah.
Vào thế kỷ sau họ cắt đường đi từ Babylon đến Hattusas, và Tukulti-Ninurta I (1244 – 1208 B.C.) tuyên bố rằng mình đã chinh phục Mari, Hana và Rapiqum trên Sông Euphrates và ‘vùng núi của người Ahlamû’. Do đó chúng ta đối đầu với một liên minh các bộ tộc gây rối hoạt động trong vùng sa mạc Syria, dọc theo Sông Euphrates và quanh Vịnh Ba Tư, ít nhất là vào thế kỷ 14 TCN. Nhưng một bảng khắc của Tiglathpileser I (1115-1077 TCN) lần đầu tiên có nói đến ‘Ahlamû-Aramaeans’ (Ahlamé Armaia), và từ đó trở đi người Ahlamû nhanh chóng mất dạng khỏi các niên giám của người Assyria và được thay thế bằng người Aramaea (Aramû, Arimi). Trong văn bản vừa trích dẫn từ Armaia ‘có liên quan đến sắc tộc’, và cụm từ có thể được dịch là ‘(Những người trong bọn) Ahlamû (mà thuộc) sắc tộc Aramaea‘, trong trường hợp này chúng ta có quyền xem người Aramaea là một thành tố quan trọng vào lúc đó khống chế trong các bộ tộc Ahlamû. Tuy nhiên có thể hai dân tộc không có gì chung, nhưng hoạt động trong cùng khu vực và được các viên chức Mesopotamia xem như nhau và cùng là bọn người sa mạc đáng ghét.
Trong bất kỳ trường hợp nào, có thể chắc chắn rằng người Aramaea lập cư ở Syria ngay từ thế kỷ 11 TCN. Chúng ta đọc trong Kinh thánh rằng Saul, David và Solomon giao chiến với các vương quốc Aramaea nằm ngang qua biên giới phía bắc của Israel: Aram-Sôbah ở Beq’a, Aram-Bêt-Rehob và Aram-Ma‘akah quanh Núi Hermon, Geshur ở Hauran, và nhà nước sẽ sớm thống trị tất cả bọn họ: Damascus (Dimashqa, Dammesheq). Xa hơn về phía bắc người Aramaea sở hữu Hama trên Sông Orontes và sớm đủ mạnh để tách ra khỏi khối Tân Hittite. Trong thế kỷ 10 và 9 họ chính phục Sam’al (Zencirli), vùng Aleppo họ đặt tên lại là Bit-Agushi, và Til-Barsip, và trở thành thị trấn chính của Bît-Adini. Chỉ có bình nguyên Antioch (Pattina) và Karkemish là vẫn còn là Hittite trên đất Syria. Đồng thời người Aramaea xâm chiếm thảo nguyên ở về phía đông Euphrates, tại đó họ định cư đông đến nỗi toàn vùng trở nên được biết dưới tên Aram Naharaim, ‘Aram của các sông’. Một trong các vương quốc sớm nhất ở Mesopotamia là Bit-Bahiâni, chọn địa điểm di chỉ Mô gò Halaf làm kinh đô bị bỏ hoang từ thời sơ sử và hiện nay là Guzana. Sự phát triển của Aramaea ở Mesopotamia sẽ được mô tả sau này. Còn hiện giờ chúng tôi chỉ muốn lôi kéo sự chú ý đến các tên của vương quốc Aramaea, thường cấu thành bởi từ bît(u), ‘nhà’, theo sau là tên tổ tiên. Tuy có sự tương tự hiển nhiên với cụm từ ‘Nhà Hanover’, ‘Nhà Windsor’ và vân vân, ở đây chúng ta bắt gặp một cách thức diễn tả quyền sở hữu đất đai một cách bộ tộc điển hình: nhà nước, ‘vương quốc’ đều là lãnh thổ chung quanh lều rạp (hoặc nhà) của thủ lĩnh và tất cả bà con thủ lĩnh tạo thành thị tộc.
Dù là nhà buôn, nông dân, bọn chăn cừu, binh sĩ hoặc băng đảng, người Aramaea đều xuất thân từ bọn du cư và không đóng góp gì cho các nền văn minh Cận Đông. Dù tôn giáo tổ tiên họ là gì, từ các chữ khắc cũng như tên riêng của họ có vẻ như là họ tôn thờ các thần linh Sumer-Akkad và Canaan, như Hadad (Adad), thần bão tố, El, vị thần tối cao của Canaan, Sin, Ishtar (mà họ gọi là ‘Attar), nữ thần Phoenicia ‘Anat (‘Atta) và các thần khác.
Cũng không có tính độc đáo trong lĩnh vực các ngành nghệ thuật, người Aramaea đi theo các truyền thống của các xứ mà họ định cư. Vua Damascus, chẳng hạn, sử dụng các thợ điêu khắc và chạm trổ ngà voi Phoenicia, và Sam‘al dưới các chủ nhân mới của nó vẫn duy trì mọi đặc điểm của một thành phố Tân Hittite. Các cuộc khai quật khảo cổ ở Mô gò Halaf-Guzana đã mang ra ánh sáng cung điện của Kapara, một nhà cai trị Aramaea ắt hẳn sống vào đầu thế kỷ 9. Đó là một tòa nhà kiểu bît hilani, trang trí các bảng điêu khắc dọc theo chân tường có lẽ còn thô kệch hơn các hinh điêu khắc đương thời ở bắc Syria, và với các bức tượng trông lạ kỳ, gần như bệnh hoạn mà, khi phân tích, thể hiện sự pha trộn các ảnh hưởng của Mesopotamia, Hittite và Hurri, như được kỳ vọng tại một khu vực – thung lũng Khabur – nơi hội tụ của ba nền văn hóa.
Vậy mà người Aramaea hoang sơ này hưởng được đặc quyền áp đặt ngôn ngữ mình lên toàn bộ Cận Đông. Họ có được điều ấy một phần chỉ vì nhờ họ đông dân hơn, một phần nhờ họ nhìn nhận, thay vì lối viết hình nêm cồng kềnh, bảng chữ cái Phoenicia được điều chỉnh nhẹ nhàng, và mang theo khắp nơi với họ lối viết đơn giản, thực tiễn của tương lai. Ngay từ thế kỷ 8 TCN ở Syria ngôn ngữ và cách viết Aramaea (hay Aramaic) cạnh tranh với ngôn ngữ và cách viết Akkad, và sau đó dần dần lan khắp phương Đông. Khoảng 500 TCN, khi các nhà vua Achamenid (Ba Tư) tìm một tiếng nói mà mọi thần dân đều có thể hiểu được, họ chọn tiếng Aramaic, và nó trở thành ngôn ngữ quốc tế trong đế chế rộng lớn của họ. Vào lúc thời kỳ tiền Cơ đốc đã khép lại tiếng Sumer và thậm chí Hebrew đã là những tử ngữ, tiếng Akkad đang chết và tiếng Hy Lạp, được các nhà chinh phục Macedonia đưa vào, hầu hết được sử dụng cho những mục đích chính thức, nhưng tiếng Aramaic – thứ tiếng mà Jesus nói – vẫn ngự trị mà không bị thách thức là một phương ngữ chung của mọi dân tộc vùng Cận Đông và duy trì như thế cho đến cuộc xâm lăng của người Ả Rập (thế kỷ 7 SCN). Chính chữ Ả Rập cũng thoát thai từ dạng ngoằn ngoèo của chữ Aramaic, như tất cả bảng chữ cái hiện tại và quá khứ được sử dụng ở châu Á. Hơn nữa, trong thế kỷ 6 SCN ngôn ngữ Aramaic khai sinh ở bắc Mesopotamia một nền văn chương Syria cực kỳ phong phú mà các nhà truyền đạo Nestorian (Giáo hội Cơ đốc phương Đông) mang đến tận Mông Cổ, và tiếng Syria đã sống sót như ngôn ngữ tế lễ của vài Giáo hội Đông phương. Thật ra, các phương ngữ Aramaic vẫn còn được nói tại một vài khu vực vùng Cận Đông, đặc biệt trong các cộng đồng Cơ đốc ở bắc Iraq. Ít có ngôn ngữ nào trên thế giới có thể nhận được một truyền thống lâu dài và liên tục đến như vậy.
Nhưng đã đến lúc chúng ta phải quay về chủ đề của mình, Iraq, mà chúng ta đã gác lại vào đoạn cuối của triều đại Kassite, trước Christ gần 1200 năm.
Thời Đại Tăm Tối của Mesopotamia
Sau thắng lợi trước người Kassite người Elam không chiếm Babylon được lâu, hoặc bởi vì các việc chinh phục các vùng đất bao la ở phía tây Iran đã ngốn hết năng lượng của họ hoặc bởi vì họ đã cảm thấy sự hiện diện của các dân tộc Medes và Ba Tư mới đến như một lưỡi dao ở sau lưng mình. Dù gì đi nữa, quân đồn trú Elam rút lui hoặc bị đẩy lui, và các ông hoàng nguyên quán ở Isin thành lập Triều đại Babylon Thứ Tư, cũng được gọi là ‘Triều đại Isin Thứ Hai’. Chẳng bao lâu các vị vua mới đủ mạnh để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Assyria, và khi Elam chìm vào cảnh rối loạn sau thời trị vì rực rỡ của Shilak-Inshushinak, Nebuchadrezzar I (k. 1124 – 1103 TCN) của Babylon, tấn công xứ sở đó. Chiến dịch đầu tiên gặp thất bại – quân Elam truy đuổi và ta chạy dài trước mặt họ; ta ngồi xuống trên giường khóc than’ – nhưng một tướng soái của Elam, Shitti-Marduk đào ngũ và chiến đấu bên cạnh Babylon. Ông tiến hành chiến dịch thứ hai và thắng lợi lừng lẫy. Ký sự cuộc chiến, được viết trên bìa đá phong tặng Shitti-Marduk các đặc quyền như phần thưởng cho kỳ công cứu viện của ông, là một trong những ghi chép quân sự có tính thi ca nhiều nhất của thời cổ đại.
Từ Dêr, thành phố thiêng của Anu, ông (Vua Babylon) nhảy một bước 30 dặm đôi. Vào tháng Tammuz (tháng 7 – tháng 8) ông xuất quân. Các lưỡi cuốc nóng như lửa; đá trải trên đường đi nóng như lò than; lòng suối không có nước và mọi giếng đều khô cạn; các chiến mã mạnh mẽ nhất phải dừng chân và các người hùng trẻ tuổi phải lảo đảo. Vậy mà ông cứ đi, vị vua được thần linh giao phó thiên mệnh và phù trợ; ông tiến lên, Nebuchadrezzar người không có đối thủ …
Trận đánh xảy ra trên bờ sông Ulaia (Karun):
Dưới sự chỉ huy của Ishtar và Adad, các vị thần chiến tranh, Hulteludish, Vua Elam, trốn chạy và biệt tăm vĩnh viễn, và Vua Nebuchadrezzar vươn mình chiến thắng: ông đánh chiếm Elam và cướp bóc kho báu của nó.
Trong số chiến lợi phẩm có tượng Marduk, đã được người Elam đưa về vào cuối triều đại Kassite. Việc này ban cho Nebuchadrezzar một vòng hào quang huy hoàng, và có lẽ khiến Marduk lên đến chóp đỉnh của hệ thần Mesopotamia, nhưng thắng lợi của ông không tạo ra kết quả chính trị lâu dài. Elam thực sự không bị chinh phạt, và các vua kế vị Nebuchadrezzar phải chiến đấu không vì giành lấy lãnh thổ ngoại bang mà vì bảo vệ vương quốc mình chống lại đối thủ lâu đời: Assyria.
Dù có khủng hoảng nghiêm trọng về quyền kế vị và sự đánh mất tạm thời các tỉnh miền đông của họ cho Shilak-Inshushinak, thế kỷ 11 nói chung đối với người Assyria là một thời kỳ hưng thịnh. Ashur-dân I, ‘người tóc đã nhuộm muối tiêu và sống rất thọ’, và Ashur-rêsh-ishi, cả hai đều là người đương thời với các vị vua đầu tiên của Triều đại Babylon Thứ Tư, nhận triều cống từ Sutû, chặn đứng người Ahlamû, đánh thắng người Babylonia một vài trận và bỏ nhiều công sức tu bổ cung điện và đền thờ ở kinh đô họ. Nhưng vào cuối thế kỷ bão tố nổi lên khắp bốn phương, và có thể đã hủy diệt Assyria nếu không nhờ năng lượng không hề cạn kiệt của hai hoặc ba quân vương Assyria vĩ đại kể từ thời Shamshi-Adad: Tiglathpileser I (1115 – 1077 TCN). Về phía bắc người Mushki – có lẽ có liên hệ với người Phrygia – đã vượt qua dãy Taurus với 20,000 quân và đang tiến xuống thung lũng Tigris theo hướng Nineveh; về phía đông các bộ tộc Zagros thù địch; về phía tây người Aramaea – giờ lần đầu tiên được đề cập – củng cố lực lượng dọc Sông Euphrates và đã bắt đầu vuợt sông; và về phía nam Marduk-nadin-ahhê, Vua Babylon, đã đánh chiếm Ekallatum, mở rộng biên cương của mình đến Hạ lưu Zab, chỉ cách thành phố Assur 30 km. Tiglathpileser trước hết tiến đánh Mushki và tàn sát họ và các đồng minh. Rồi, lo lắng phải giữ vững biên cương phía bắc, ông đi lên ‘những ngọn đồi cao chót vót và đến đỉnh các ngọn núi dốc của vùng Nairi, xâm nhập vào Armenia và dựng lên ‘hình ảnh’ mình tại Malazgird, xa bên kia Hồ Van, trong khi một đạo quân của ông trừng trị các vùng đất Musri và Qummani tại chân dãy núi Taurus. Quân Aramaea bị đẩy lùi qua bên kia Sông Euphrates và bị truy đuổi đến tận căn cứ của họ ở Jabal Bishri, phía tây Deir-ez-Zor, nhưng sa mạc Syria tràn ngập kẻ thù lì lợm mới này:
‘Hai mươi tám lần,’ nhà vua nói, ‘ta chiến đấu với bọn Ahlamû-Aramaeans; (có lần) ta thậm chí vượt sông Euphrates hai lần trong một năm. Ta đánh bại chúng khỏi Tadmar (Tidmur, Palmyra), nằm trong xứ Amurru, Anat, nằm trong xứ Suhu, xa tận Rapiqu, nằm ở Kar-Duniash (Babylonia). Ta mang của cải của chúng làm chiến lợi phẩm về thị trấn Assur của ta.’
Ắt hẳn trong tiến trình của các chiến dịch này mà Tiglath-pileser ‘chinh phục’ Syria và đến tận bờ biển Phoenicia, tại đó ông nhận triều cống của Arvad, Byblos và Sidon. Cuối cùng, đến thắng lợi trong cuộc chiến chống Babylon:
‘Ta hành quân chống Kar-Duniash… Ta đánh chiếm các cung điện Babylon thuộc về Marduk-nadin-ahhê, Vua xứ Kar-Duniash. Ta thiêu rụi chúng trong lửa đỏ. Những của cải trong cung điện ta mang đi hết. Lần thứ hai, ta bố trí một phòng tuyến chiến mã xa chống Marduk-nadin-ahhê, Vua của Kar-Duniash, và ta đánh tan y.’
Góp thêm vào các kỳ tích quân sự này, Vua Assyria tiến hành các hoạt động săn bắn, toàn thú săn lớn: bốn bò rừng ‘hùng hỗ và có kích cỡ khủng’ bị thịt tại xứ Mitanni, mười ‘voi đực to sầm’ trong xứ Harran và trong khu vực Sông Khabur‘, 120 sư tử bị tàn sát bởi bộ binh, 800 sư tự bị hạ từ chiến mã xa và thậm chí một kỳ lân biển ‘mà họ gọi hải mã’ bị giết trên biến Địa Trung Hải gần Arvad.
Tuy nhiên, việc Tiglathpileser bị ám sát là dấu chấm hết cho thời kỳ vinh quang này. Làn sóng xâm lăng đang lên cao của Aramaea, những nỗ lực ngăn chặn tuyệt vọng của Assyria, sự suy thoái không sao cứu vãn được của Babylon, Sumer và Akkad mở rộng cửa cho người Sutû và người Aramaea, các cuộc ngoại chiến, nội chiến, lũ lụt, đói kém, đó là bức tranh bi thương của Iraq trong các thế kỷ 10 và 9. Nếu từng có một thời đại rối rắm và vô trật tự, hỗn loạn và khốn khổ, một thời đại tối tăm lại càng tăm tối hơn do sự nghèo nàn của tư liệu chúng ta, thì đó là khoảng thời gian 166 năm trôi qua giữa cái chết của Tiglathpileser I (1077 TCN) và việc xuất hiện Adad-nirâri II (911 TCN).
Qua những niên giám manh mún của các vua Assyria chúng ta có thể lần theo một phác lược phát triển của Aramaea ở bắc Mesopotamia. Dưới triều vua Ashur-bêl-kala (1074 – 1057 TCN) họ còn trên bờ phải của Euphrates, nhưng 50 năm sau họ đã vượt sông và tiến xa tận Khabur. Một ít thập niên sau, trong thời trị vì của Tiglathpileser II (967 – 935 TCN), chúng ta bắt gặp họ quanh Nisibin nửa đường giữa Khabur và Tigris. Ashur-dân II (934 – 912 TCN) cố gắng đẩy lui họ trở lại và tuyên bố thành công lớn, nhưng rõ ràng từ các niên giám của Adad-nirâri II và các người kế vị ông (xem chương sau) rằng vào bình minh của thế kỷ 9 người Aramaea đã định cư đông đúc trên khắp thảo nguyên Jazirah: tồn tại các vương quốc Aramaea trên Euphrates (Bit-Adini) và trên Khabur (Bit-Bahiâni, Bît-Hadipé), và các bộ tộc Aramaea hùng mạnh chiếm núi Tûr ‘Abdîn, bắc Nisibin, và bờ sông Tigris. Bị kẹp giữa người du cư và người vùng cao, Assyria có nguy cơ bị ngạt thở.
Ở Babylon tình hình thậm chí còn tệ hơn, như các biên niên sử cổ chỉ rõ. Dưới triều bốn vua kế vị Nebuchadrezzar, Adad-apal-iddina (1067 – 1046 TCN), người Sûtu cướp bóc và phá hủy một trong các điện thờ vĩ đại nhất của Akkad: đền thờ Shamash ở Sippar – một sự kiện ắt hẳn đã tạo cảm hứng cho thi phẩm vĩ đại về chiến tranh và hủy diệt của Babylonia được biết dưới tên Thiên Hùng Ca Erra. Giữa 1024 và 978 TCN Babylon có 7 đời vua chia nhau ba triều đại. Triều đại đầu tiên (Babylon V) được một người Kassite sinh tại Biển-Đất thành lập: triều đại thứ hai (Bit-Bazi), ắt hẳn bởi một người Aramaea; thứ ba , bởi một quân nhân, cũng sinh tại Biển-Đất nhưng mang tên xứ Elam. Dưới thời Nabû-mukin-apli (977 – 942 TCN), vị vua đầu tiên của Babylon VIII, mọi loại điềm xấu đều xuất hiện và ‘người Aramaea trở nên thù nghịch’. Họ cắt đứt kinh thành khỏi vùng ngoại ô, với kết quả là trong vài năm liên tiếp Lễ hội Tân Niên (buộc các tượng thần phải di chuyển tự do đi đến và ra khỏi Babylon)’. không thể tổ chức được: ‘Bêl (Marduk) không rời khỏi còn Nabû không đến được (từ Barsippa đến Babylon)’.)’. Các quân vương sau đây đối với chúng ta không hơn những cái tên trong danh sách, nhưng chắc chắn là trong thời kỳ mờ mịt này mà một số bộ tộc Aramaea được biết đến từ các văn bản khắc chữ Assyria về sau này – Litaû, Puqudû, Gambulû – định cư giữa hạ lưu Tigris và biên giới Elam, và rằng người Kaldû (Chaldeans) xâm lăng lãnh thổ Sumer. Lúc ấy không ai có thể tưởng tượng rằng 300 năm sau người Kaldû sẽ dâng hiến cho Babylon một trong các quân vương vĩ đại nhất của họ, Nebuchadrezzar thứ hai. Nhưng trong khoảng cách ngắn ngủi đó đế chế Assyria đã lớn mạnh, lên đến tột đỉnh rồi sụp đổ.