Chương 18 : THỜI HƯNG THỊNH CỦA ASSYRIA
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Về phía cuối thế kỷ 10 TCN Assyria đang ở đáy của nó. Các kẻ thù thiếu đoàn kết đã cứu giúp nó khỏi bị hủy diệt nhanh chóng, nhưng sụp đổ kinh tế thì đang cận kề. Nó đã mất hết sở hữu phía tây Tigris, và các huyết mạch sinh tử của nó, những tuyến đường mậu dịch chạy ngang qua Jazirah và xuyên qua các hẻm núi, đều ở trong tay kẻ địch. Đám người thượng thù địch chiếm đóng không chỉ các vị trí cao trên núi Zagros mà còn vùng chân đồi xuống tận bờ thung lũng Tigris, trong khi các bộ tộc Aramaea cắm lều gần như trước cổng Assur. Lãnh thổ của nó không hơn một dải đất hẹp, chưa tới 1600 km dài và 800 km rộng dọc con sông, hầu hết trên bờ trái. Dù bị thu nhỏ, dồn vào góc và phơi mình như thế, Assyria vẫn còn là một quốc gia chắc nịch, vững chãi và lì lợm. Các thành phố chính của nó còn tự do; nó có chiến mã xa, ngựa chiến và vũ khí; binh lính của nó đã nhiều năm được đào luyện trong chiến trận liên miên, là các chiến binh tinh nhuệ nhất trên thế giới; và trên hết, triều đại của nó chưa từng đứt gãy, vương miện được truyền từ đầu người này đến đầu người kia thuộc cùng một gia tộc trong hơn hai thế kỷ. Trong một thời điểm mà vùng Cận Đông chia rẽ và chao đảo không có vương quốc nào khác có thể tự hào đã giành được những đặc quyền như thế: Babylonia một phần bị chiếm đóng và đều đặn bị bọn Aramaea cướp phá; kể từ thắng lợi của Nebuchadrezzar I đối với ‘Hulteludish’ (Hutelutush-Inshushinak), Elam đã biến mất khỏi vũ đài chính trị; Ai Cập, bị cai trị bởi các ông hoàng Lybia trong vùng châu thổ sông Nile và bởi các tăng lữ Amon ở Thebes, gần như là bất lực; bọn xâm lược muộn nhất – người Phrygia ở Anatolia, bọn Medes và Ba Tư ở Iran – vẫn còn xa và tương đối là đối thủ vô hại, và ở Armenia, vương quốc đối thủ chính ở ngày mai, Urartu, vẫn chưa đủ lông đủ cánh. Trong tất cả quốc gia này Assyria, dù bề ngoài không nghi ngờ gì là quốc gia mạnh nhất, và nhiều người ắt đã nghĩ rằng giá mà nó có thể tỉnh dậy và đánh lại, sẽ không muốn đứng thứ hai sau ai cả.
Khai Sinh một Đế Chế
Assyria bừng tỉnh vào 911 TCN. Ông hoàng lên ngôi năm đó Adad-nirâri II (911 – 891 TCN), không xếp vào hạng cừ khôi nhất, và tên ông không được lưu truyền cho hậu thế, như Sargon hay Ashurbanipal. Nhưng ông chính là người đã cởi trói cho Assyria khỏi các đối thủ của mình và vô tình mở ra chương cuối cùng và vẻ vang nhất trong lịch sử vương quốc phía bắc. Cuộc chiến ông khởi phát và đánh thắng, theo quan điểm của ông, là cuộc chiến giải phóng đất nước. Người Aramaea bị đẩy ra khỏi thung lũng Tigris và đánh bật khỏi vùng núi Kashiari (Tûr ‘Abdin, một núi lửa lởm chởm nằm về phía đông Mardin) từ đó họ đe dọa Nineveh. Vài thành phố ở đông Jazirah, đã bị ‘đoạt khỏi tay Assur’, được phục hồi và các tường thành của chúng hoặc bị giật sập hoặc được gia cố để phòng ngự chống phản công. Các chiến dịch khác chứng kiến quân đội Assyria ở Kurdistan, tại đó dân cư bị ‘đốn ngả như rạ’ và bị đẩy lùi trở lại vùng núi. Cuối cùng, Vua Babylon – lúc đó là Shamash-mudammiq, của triều đại 8 – bị tấn công hai lần, bị đánh bại hai lần và mất không chỉ một vùng đất rộng lớn về phía bắc sông Diyala, mà còn mất cả Hit và Zanqu, các thị trấn biên giới trên đoạn giữa Euphrates. Một chiến dịch khác chống lại người kế vị của ông, Nabû-shuma-ukin, rõ ràng ít thành công hơn nhưng kết thúc bằng một hiệp ước bảo đảm nền hòa bình giữa hai vương quốc trong khoảng 80 năm.
Tukulti-Ninurta II (890 – 884 TCN), cũng năng động như vua cha, không sống đủ lâu để mở rộng vương quốc như ý nguyện, nhưng ông tái thiết tường thành Assur ‘từ nền móng đến đỉnh’, và một cuộc chinh phạt vòng quanh tại các quận tây-nam đã được Adad-nirâri tái chinh phục giành được sự tôn kính của người Aramaea định cư tại đó. Khi ông mất biên cương của Assyria bao gồm toàn bộ phía bắc Iraq từ Khabur đến Zagros và từ Nisibin đến Anat và Samarra. Con trai ông, Ashurnasirpal II trẻ tuổi, thừa kế vương quốc đã rộng lớn và hùng mạnh này và đi các bước đầu tiên về hướng biến nó thành một điều chúng ta gọi là một đế chế.
Tuy nhiên, đó sẽ là một sai lầm nếu nghĩ đế chế Assyria là một kỳ công được lên kế hoạch, một bộ phận được tổ chức hình thành bởi việc xáp nhập có tính toán hết lãnh thổ này đến lãnh thổ khắc, hết tỉnh này đến tỉnh khác vào hạt nhân ban đầu. Các cuộc chiến mà các quân vương Assyria khởi lên hết năm nay đến năm khác và cuối cùng chinh phục phần rộng lớn hơn của Cận Đông, các cuộc chiến này, chứa đầy các niên giám của họ và khiến chúng ta gần như quên những thành tựu khác của họ, có những động lực khác nhau quyện chặt vào nhau. Chắc chắn có thể một số động lực là phòng vệ hoặc các biện pháp ngăn ngừa nhằm bảo vệ, khỏi các kẻ thù xưng bá hoặc tiềm năng, dải binh nguyên hẹp hai bên bờ Tigris tạo thành hạt nhân của Assyria và giữ thông thương cho các tuyến đường mậu dịch sống còn đi ngang qua Jazirah về hướng Syria, vượt qua Taurus và Zagros về phía Anatolia và Iran, và chạy về phía nam dọc theo Tỉgris. Vào cuối thế kỷ 10 TCN, một số tuyến đường này bị các bộ tộc từ thảo nguyên hay vùng núi phong tỏa và tuyến đường khác thì bị người Babylonia ngăn chặn, các nhà cai trị và binh lính của một xứ sở rộng lớn mà người Assyria thèm muốn vì tài nguyên của họ, được tôn kính vì là người nắm giữ truyền thống Sumer-Akkad vĩ đại nhưng cũng cũng gây lo sợ, vì kể từ ngày Narâm-Sin của Akkad các vua phía Nam chưa hề ngừng tuyên bố quyền sở hữu miền Bắc, mà minh chứng là nhiều ‘cuộc chiến biên giới’ họ đã cố tình gây ra. Chiến đấu trên tất cả mặt trận này là cái giá người Assyria phải trả để được tự do chính trị và kinh tế, nhưng nếu họ thắng, thế thì sẽ không có giới hạn cho tham vọng của họ, kể cả đạt được đường đi vào Địa Trung Hải hoặc Vịnh Ba Tư. Phải nhớ rằng Assyria là xứ sở duy nhất của Cận Đông không có ‘cửa sổ’ mở ra biển.
Nhưng nó chưa đủ để người Assyria sống còn: họ phải trở nên giàu có để tài trợ cho những dự án kiến trúc và nông nghiệp lớn, để cung cấp cho các nhà vua và thần linh của mình sự xa hoa mà các ngài xứng đáng được hưởng. Trong hầu hết thiên niên kỷ 2 TCN, Assyria đã có dư thừa điều mình cần trước tiên từ những hoạt động có kết quả của các nhà buôn của họ ở Cappadocia, sau đó từ ‘mậu dịch hoàng gia’ thịnh vượng từ thế kỷ 14 và 15, cho đến khi sự quân bình kinh tế của toàn cõi Phương Đông bị đổ nhào bởi các cuộc xâm lăng lớn xảy ra vào khoảng 1200 TCN. Nhưng từ thời gian đó, các chiến dịch của Tukulti-Ninurta I và Tiglathpileser I đã chứng tỏ các cuộc chinh phạt táo bạo có thể tốn kém bao nhiêu và hữu ích bao nhiêu nếu sở hữu một vùng đất săn rộng lớn, ‘một vùng địa lý qua đó ta có thể đột kích mà không gặp sức kháng cự hiệu quả nào,’ mang lại nhiều chiến lợi phẩm. Chừng nào các xứ sở ngoại bang có thể bị cướp bóc và/hoặc bị thuyết phục phải trả tiền chuộc cho sự độc lập của mình, thể thì không cần phải xáp nhập và cai trị họ trực tiếp.
Ngoài các động lực kinh tế này tất nhiên phải thêm vào tính tham lam và tham vọng của các vì vua Assyria, nổi khao khát đông phương điển hình của họ muốn bao phủ mình bằng vinh quang, muốn coi mình là những bán thần vô địch trước mặt thần dân mình.
Hơn nữa, là đại diện trên mặt đất của vị quốc thần của họ được xem là đứng cao hơn mọi thần linh khác, họ cảm thấy mình có bổn phận áp đặt việc thờ cúng Ashur trên phạm vi toàn thế giới như họ nghĩ. Điều này nói chung chỉ có thể đạt được bằng vũ lực, nhưng điều đó không thành vấn đề vì các kẻ thù của nhà vua tự bản thân cũng là kẻ thù của vị thần và do đó là bọn quỷ dữ xứng đáng bị trừng phạt về bất cứ điều gì chúng đã làm. Do đó, hành động kẻ cướp và tàn sát xảy ra thường xuyên được biện minh bởi ý thức hệ chính trị-tôn giáo của người Assyria; mỗi cuộc chính phạt của họ đều là biện pháp tự vệ, một hành động anh chị nhưng cũng là cuộc thập tự chinh.
Gần như mỗi năm, thường vào mùa xuân, Vua Assyria tập hợp binh lính ‘theo lệnh của Ashur’ và dẫn đầu họ tiến theo các con đường bụi mịt mù của đồng bằng Lưỡng Hà hoặc trên những độc đạo hiểm nghèo của vùng núi Taurus hay Zagros. Vào những ngày đầu các đối thủ của ông trong các vùng đó chỉ là các thủ lĩnh bộ tộc hoặc các ông hoàng địa phương vụn vặt. Một số kháng cự anh dũng, dù hiếm khi thắng lợi; số khác chuồn ra sa mạc hoặc ẩn nấp trên các đỉnh núi khó đi tới; số khác ‘ôm lấy chân’ của chúa tể Ab, dâng quà cáp, hứa hẹn nộp triều cống đều đặn và được tha. Nhưng khốn nạn cho ai không chịu giữ lời! Trong tiến trình của một chiến dịch khác một cuộc chinh phạt trừng phạt sẽ nhắm thẳng vào họ và một cơn bão tố sẽ giáng xuống đất nước họ: kẻ phản nghịch sẽ bị tra tấn, dân chúng bị tàn sát hoặc bắt làm nô lệ, thị trấn và làng mạc bị phóng hỏa, mùa màng bị đốt rụi, cây cối bị nhổ bỏ. Khiếp đảm, các thủ lĩnh vùng lân cận vội vàng chạy đến dâng quà cáp và thề trung thành. Rồi, nhiệm vụ hoàn tất, nặng chĩu của cải, kéo phía sau đám tù binh, đàn gia súc và bầy gà vịt, đoàn quân trở về và giải tán. Để minh họa những gì Assyria đoạt được từ các cuộc chiến này, sau đây là một danh sách tamartu (quà đặc biệt để trưng bày’) do Ashurnasirpal đoạt được trong một quận nhỏ đơn lẻ ở Bit-Zamâni, vùng hiện nay là Diarbakr.
- 40 chiến mã xa ‘có trang bị yên cương và ngựa’
- 460 ngựa
- 2 ta-lăng bạc, 2 ta-lăng vàng
- 100 ta-lăng chì, 100 ta-lăng đồng
- 300 ta-lăng sắt
- 1,000 bình đồng
- 2,000 chảo, bát và vạc đồng
- 1,000 y phục len và vải lanh nhiều màu sắc
- bàn bằng gỗ thông và ‘ghế dài bằng ngà và vát vàng’ từ cung điện của nhà cai trị
- 2,000 đầu gia súc
- 5,000 cừu
- không kể em gái của nhà cai trị, ‘các cô con gái của giới quý tộc của y với của hồi môn hậu hĩnh’ và 15,000 thần dân Ahlamû-Aramaean ‘bị bắt đi và đưa về Assyria’. Ông hoàng địa phương bị tử hình và một số lượng triều cống được áp đặt cho người kế vị, bao gồm 1,000 cừu, 2,000 gur thóc, 2 mina vàng và 13 mina bạc
Trong cùng chiến dịch Ashurnasirpal thu được quà biếu và chiến lợi phẩm từ không ít hơn 5 xứ sở và 9 thành phố lớn.
Khi năm tháng trôi qua, biên giới đất săn của Assyria càng ngày càng xa hơn.
Phía sau các thành bang lẻ tẻ trong vùng lân cận, các vua của kinh đô Assur tìm các vương quốc lớn rộng và hùng mạnh hơn: Urartu ở Armenia, Medes ở Iran, Elam và Ai Cập. Các cuộc đột kích cướp bóc trở thành cuộc chiến chinh phục. Assyria đã lớn mạnh hơn, nhưng đối thủ của họ cũng lớn hơn và gan lì hơn. Khoảng đường càng xa khiến việc thu nhận đồ triều cống và đánh dẹp các vụ nổi dậy gặp nhiều khó khăn. Tại hầu hết nơi cần phải thay thế người cai trị bản xứ và triều đình của họ bằng các thống đốc và viên chức Assyria và phải mở rộng việc phân chia thành các tỉnh lỵ cho những vùng miền xa lắc này vốn đã thịnh hành tại chính Assyria từ những ngày rất xa xưa. Bằng cách này một đế chế thành hình với bộ máy hành chính khổng lồ, phức tạp và được tổ chức hoàn hảo. Nhưng các mục tiêu ban đầu không hề bị lãng quên, và việc xiết thuế vẫn là nền tảng của chính quyền Assyria. Ắt hẳn các nhà buôn Aramaea và thủy thủ cùng thợ thủ công Phoenicia được lợi đến một mức độ nào đó từ sự thuận lợi và an ninh của việc giao thông trên khắp lãnh thổ rộng lớn này và từ các nhu cầu luôn tăng lên không ngừng của các cung điện Assyria về loại hàng hóa xa xỉ. Chắc chắn một số khu vực lạc hậu hơn cũng nhận được lớp sơn móng của nền văn minh. Nhưng bên ngoài bản thân Assyria – hiện giờ đã bao gồm toàn bộ thảo nguyên giữa Euphrates và Tigris – không có chứng cứ cho thấy những nhà chinh phục phải cố gắng nhiều để truyền bá nền văn hóa tiên tiến của mình, để chăm lo cho sự phát triển kinh tế của các tỉnh lỵ xa xôi và các thành bang vệ tinh, để cải thiện, thậm chí gián tiếp, phúc lợi của dân tộc họ. Sự im lặng trên chủ đề này trong các thư từ hoàng gia tìm được ở Nineveh và ở Nimrud, sự vắng mặt gần như hoàn toàn của các văn bản Assyria ở Syria, Palestine, Armenia và Iran, đặc tính nói chung là nghèo nàn về tầng Assyria trong các di chỉ khai quật tại các xứ sở này, những tham chiếu thường xuyên đến của cải cướp bóc, trận tàn sát và hủy diệt trong niên giám hoàng gia (tuy có thể nói hơi quá), mọi thứ đều chỉ đến một tình trạng bần cùng hoá hoặc, tốt nhất, là tình trạng tù đọng. Người, ngựa, gia súc và cừu được mang về Assyria hàng ngàn, lợi tức hàng năm khổng lồ tính bằng bạc, vàng, đồng, sắt, thóc và hàng hoá tiêu dùng khác được vào sổ chính xác bởi các thư lại hoàng gia, tất cả hàng hoá này đều thường không phải mua mà đoạt lấy bằng bạo lực. Của cải liên tục từ ngoại vi đổ về trung tâm, từ các nước thuộc ‘vùng bảo hộ’ đổ về quê hương Lưỡng Hà. Người Assyria lấy nhiều và cho lại rất ít, kết quả là nếu nhà nước giàu lên thì thần dân nghèo thêm và nổi loạn bùng phát không ngừng. Hệ thống trên đó đế chế được thành lập đã chứa sẵn mầm mống hủy diệt nó.
Ashurnasirpal
Với con trai của Tukulti-Ninurta chúng ta bắt gặp một nguyên thủ Assyria vĩ đại đầu tiên của thời kỳ mới. Tham vọng, cự phách, can trường, khoát loát, bạo tàn, quảng đại, Ashurnasirpal II (883 – 859 TCN) sở hữu đến cùng cực mọi phẩm chất và khiếm khuyết của các người kế vị ông, những nhà xây dựng đế chế không khoan nhượng, không hề mệt mõi. Không nụ cười, không thương hại, hầu như không tính nhân đạo trong bức tượng của ông được tìm thấy tại Nimrud và giờ đây nằm trong viện Bảo tàng British, nhưng dáng điệu khô cứng của một nhà độc tài hợm hĩnh, mũi quắp của một con chim săn mồi, cặp mắt nhìn thẳng của một thủ lĩnh đòi sự tuân phục tuyệt đối, và trong bàn tay ông là chiếc chùy và lưỡi giáo cong.
Vừa mới bước lên ngai vàng, không cần đến một nguyên cớ nhỏ nhất, ông đi đánh cướp ngay các xứ vùng đồi phía bắc Mesopotamia. Việc này đưa ông đến tận đất Kutmuhu trong thung lũng Tigris thượng lưu, tại đó ông nhận sự cống nạp của vài ông hoàng bản địa và quà cáp từ người Mushki, hoặc Phrygia, đang nắm giữ tiền đồn trên những sườn dốc phía nam của núi Taurus. Tại đó ông nhận được tin một thành phố chư hầu Aramaea trên hạ lưu sông Khabur đã nổi dậy, thế là ông lập tức tiến quân chinh phạt bọn nổi loạn – một cuộc hành quân ít nhất 300 cây số, vào giữa mùa hè.
‘Đến thành phố Sûru của Bît Halupê ta tiến gần, và nỗi khiếp sợ trước uy thế của Ashur, chúa tể của ta, đã bao trùm lấy chúng. Thủ lĩnh và các bô lão thành phố, để được toàn mạng, vội chạy đến quỳ xuống ôm bàn chân ta, nói, “Sống hay chết xin ngài định đoạt cho vừa ý ngài! Xin hãy làm những gì ngài muốn!… Với con tim quả cảm và với vũ khí đầy phẫn nộ ta tràn vào thành phố. Tất cả bọn nổi loạn đều bị bắt và giao nộp’.
Các chiến dịch sau đó trong thời gian trị vì nhắm vào các vụ nổi dậy khác ở vùng núi tKashiari, ở đất Zamua (vùng đất quanh Suleimaniyah ngày nay) và trên đoạn giữa Sông Euphrates. Sau đó, khi vương quốc yên bình, bước nhảy đầu tiên là tiến đến Syria và Địa Trung Hải, một mục tiêu mà Shamshi-Adad I có lần đã dự tính và không nhà vua Assyria nào có tiếng tăm có thể bỏ qua. Bên kia Khabur và Balikh, trên khúc quanh lớn của Euphrates, toạ lạc vương quốc Aramaea quan trọng của Bît-Adini, Ashurnasirpal xâm lược nó và ‘với địa lôi, trụ húc cửa thành và máy vây hãm’ đánh chiếm Kaprabi (có lẽ Urfa), một thành phố ‘vô cùng hùng mạnh và lơ lửng như mây trên trời’. Nhà cai trị của Bit-Adini, Ahuni, mang cống nạp đến và nộp các con tin vào tay người Assyria: cách thức đã rõ ràng cho cuộc viễn chinh Syria vào năm sau (877 TCN). Niên giám ghi lại rất chi tiết về chiến dịch này, và chúng ta có thể đồng hành nhà vua và quân đội của ông từng bước một, hành quân mỗi ngày đi được khoảng 30 cây số từ Karkemish đến đồng bằng Antioch, băng qua Orontes và cuối cùng, ‘dọc theo sườn núi Lebanon và đến Biển Lớn của đất Amurru’. tại đó, Ashurnasirpal lặp lại thái độ của người tiền nhiệm:
‘Ta lau chùi vũ khí trong biển sâu và tiến hành dâng cừu cúng tế thần linh. Cống vật của duyên hải từ dân cư Tyre, Sidon, Byblos, Mahallata, Maiza, Kaiza, Amurru, và Arvad vốn là một hải đảo giữa biển: vàng, bạc, thiếc, đồng, vật đựng bằng đồng, y phục vải lanh viền nhiều màu sắc, khỉ lớn nhỏ, gỗ mun, gỗ hoàng dương, nanh hải mã – cống vật của chúng ta thu nạp và chúng ôm lấy bàn chân ta.’
Người Assyria quay về nhà qua núi Amanus, tại đó cây cối bị đốn hạ và đưa về Assur làm gỗ, và một bia đá được dựng lên. Bị bất ngờ, các ông hoàng Tân Hittite và Aramaea ở bắc Syria không sẵn sàng để kháng cự. Tuy nhiên, trái với tuyên bố của nhà vua, chiến dịch đắc thắng này không phải là cuộc chinh phục mà chỉ là một vụ cướp bóc khác, một vụ cướp bóc dài ngày đầu tiên của Assyria kể từ thời Tiglathpileser I, 200 năm trước. Thậm chí tại Mesopotamia lãnh thổ mà Ashurnasirpal chiếm đoạt được cũng tương đối nhỏ, và kết quả của thời trị vì là để lót đường cho các vì vua tiếp sau. Các thành lũy như Tushhan về thượng lưu Tigris, Kar-Ashurnasirpal và Nibarti-Ashur ở đoạn giữa Euphrates được dựng lên và đóng quân đồn trú. Vị thế của Assyria ở bắc Iraq được củng cố, các xứ láng giềng gần nhất trong vòng bán nguyệt vùng núi được kể là chư hầu. Toàn bộ Cận Đông biết rằng người Assyria thêm một lần nữa lên đường và run lên vì khiếp sợ.
Họ có đủ mọi lý do để khiếp sợ, vì đi trước bước chân của Ashurnasirpal là tiếng tăm thật xứng đáng về thói tàn độc. Các khái niệm nhân đạo trong chiến tranh không được biết rõ vào thời đó, và một ít ví dụ được ghi chép thích đáng được mô tả bằng chữ viết và hình vẽ tại những nơi khác nhau không nghi ngờ gì nữa là cần thiết để kêu gọi sự tôn kính và áp đặt sự tuân phục. Tất cả kẻ chinh phục thời cổ đại (và một số trong thời hiện đại) tiến hành một chính sách khủng bố, và người Assyria cũng không khác. Nhưng Ashurnasirpal qua mặt tất cả bọn họ. Không chỉ có các nhà cai trị nổi loạn và cứng đầu bị hành hinh, lột da và da bị dán lên tường thành của họ, mà trong một số ít trường hợp bất thường các tù binh không vũ khí và thường dân vô tội, cũng bị tra tấn với các trò bạo dâm sành sỏi:
‘Ta dựng một cột trụ dựa vào cổng thành của y và ta lột mọi thủ lĩnh đã nổi loạn, và ta dán khắp mặt cột bằng da của chúng. Một số tên ta bịt kín phần trong cột, một số ta đóng cọc dựng lên cột, và số khác ta trói vào cọc dựng quanh cột. … Ta cắt tay chân các sĩ quan, các viên chức hoàng tộc đã tham gia nổi loạn. . .
‘Nhiều tù binh trong số chúng ta thiêu sống, và nhiều tù binh ta để sống. Một số ta xẻo tai, cắt mũi và ngón tay, nhiều tên bị móc mắt. Ta làm một cột trụ bằng người sống và một cột trụ khác bằng thủ cấp, và ta buộc đầu họ vào thân cây trên khắp thành phố. Nhũng nam thanh niên và thiếu nữ trẻ ta quăng vào lửa.
’20 người ta bắt sống và ta chôn vào trong tường cung diện của y. . .
‘Các chiến binh còn lại ta để chúng chết khát trong sa mạc Euphrates. . . ‘
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những trò tàn độc này thường dành riêng cho các ông hoàng bản địa và quý tộc nào đã tham gia nổi dậy và trái với người Israelite, chẳng hạn, đã tận diệt người Amalekites chỉ vì lý do sắc tộc-văn hóa, người Assyria chưa hề dính líu vào hành động diệt chủng có hệ thống.
Phải công bằng khi bổ sung vào ký ức về Ashurnasirpal những thành tựu đáng ca ngợi khác. Một phần thói khát máu của ông được thoả thuê bằng tài nghệ săn bắn điêu luyện mà các thợ điêu khắc của ông đã làm cho bất tử. Ông có khẳu vị về động vật học và thực vật học và mang về ‘từ các miền ông đã đi qua và núi non ông đã vượt qua’ mọi loại thú dữ, cây và hạt giống để tập thích nghi với khí hậu ở Assyria. Trên hết, ông bị ám ảnh bởi lòng say mê xây dựng, vốn là dấu ấn cho mọi nguyên thủ vĩ đại của Mesopotamia. Không chểnh mảng việc phục hồi truyền thống các đền thờ ở Assur và Nineveh, ông quyết định ngay từ khi lên ngôi xây cất cho mình một cung điện mới cách xa kinh đô cũ. Có phải cuộc xâm lược của người Aramaea đã chứng tỏ rằng Assur, vốn ở trên bờ phải của Tigris, phơi mình một cách hiểm nghèo trước các cuộc tấn công đến từ hướng tây, hay việc di dời chỉ là vì niềm kiêu hãnh mà thôi? Chúng ta không biết, nhưng nếu an ninh là lý do được nhắm đến, địa điểm mà Ashurnasirpal chọn lựa, Kalhu (tên kinh thánh Calah, hiện nay là Nimrud, cách Mosul 35 km về phía nam), là tuyệt hảo về mặt chiến lược, được bảo vệ bởi Tigris về phía tây và bởi Thượng lưu Zab chảy về phía nam cách một khoảng. Shalmaneser I vào thế kỷ 13 TCN đã thành lập một thị trấn ở đó, nhưng từ lâu đã rơi vào cảnh hoang tàn. Hàng ngàn người được cắt đặt làm việc: gò đóng đổ nát được san bằng, và địa điểm xây dựng được mở rộng; một tường thành đồ sộ có tháp canh gia cố được dựng lên, bao quanh một hình chữ nhật có chu vi khoảng 8 km, và một ngọn đồi nửa tự nhiên, nửa nhân tạo ở ngay góc của hình chữ nhật này trở thành vệ thành yểm trợ tháp tầng, vài đền thờ và cung điện hoàng gia.
‘Một cung điện bằng gỗ tuyết tùng, gỗ bách, gỗ cối, gỗ hoàng dương, gỗ dâu tằm, gỗ hồ trăn, gỗ liễu bách, cho cung điện ta và cho niềm khoái lạc vương giả mỗi khi ta ở đó. Các dã thú của núi non và biển cả bằng đá vôi trắng và đá thạch cao tuyết hoa ta tạo phong cách và dựng chúng tại các cổng … Những phiến cửa bằng gỗ tuyết tùng, gỗ bách, gỗ cối, và gỗ dâu tằm ta treo tại cổng; và bạc, vàng, chì, đồng và sắt, chiến lợi phẩm ta đoạt được từ những vùng đất ta đã đặt dưới chân ta, với số lượng lớn, ta chiếm lấy và mang về đây.’
Cùng lúc một kênh đào có tênPatti-hegalli (‘dòng nước bội thu’) được đào từ sông Zab với hai mục đích che chở thị trấn nhiều hơn và cung cấp nước cho đồng bằng bao quanh. Các tù nhân từ các vùng đất bị khuất phục được định cư trong kinh đô mới, mà vị thần hộ mệnh của nó, thật ý nghĩa, là thần chiến tranh Ninurta.
Cung điện của Ashurnasirpal tại Nimmrud là một trong những đền dài đầu tiên được khai quật ở Mesopotamia. Giữa những năm 1845 và 1851 Layard làm việc trên phần trung tâm của nó và – trước sự ngỡ ngàng và kính sợ của các nhân công – đào lên một số tượng khổng lồ đầu người mình bò có cánh, sư tử, thần linh và những bia đá chạm nổi và chữ khắc (hình dưới). Một số kho báu này được chở về London và giờ đây là niềm tự hào của Viện Bảo tàng Anh; những đồ tạo tác khác quá nặng không thể chuyển đi được, được chôn lấp lại, để được đào lên một lần nữa sau hơn một thế kỷ bởi các nhà khảo cổ Anh khác.
Chúng ta giờ đây sở hữu thiết kế toàn bộ của cung điện, bao phủ một diện tích hơn 3 mẫu và được phân chia làm 3 phần: các khu vực hành chính (một dãy phòng bảo quanh một sân rộng), khu vực lễ tân với các sảnh tiếp tân mênh mông và phòng chầu và, cuối cùng, nội cung, trong đó có phòng vua, hậu cung, kho hàng và phòng vệ sinh. Trong khu vực lễ tân các cổng chính được các lamussû (tượng đầu người mình bò có cánh) khổng lồ hoặc hộ thần án ngữ hai bên, các bức tường bằng đá bùn được trang trí bằng bích hoạ và viền dọc theo chân tường bằng các bảng khắc chạm nổi, sàn phòng được lát bằng gạch nung có đóng dấu tên nhà vua. Một đặc điểm thú vị của nội cung là sự hiện diện của hệ thống ‘điều hòa’ dưới dạng các khe thông gió cắt vào trong tường để hứng không khí trong lành từ bên trên. Các phiến cửa bằng gỗ quý đã cháy rụi trong trận hoả hoạn hủy diệt Nimrud, như mọi thành phố Assyria khác, vào năm 612 TCN, nhưng một số vật dụng còn sống sót, đặc biệt những pa-nô bằng ngà được chạm trổ tinh xảo, thường được dát vàng, từng được dùng để trang trí đồ đạc hoàng cung. Cũng có vũ khí và các công cụ bằng sắt hay đồng, các bình đất sét và một số bảng khắc chữ. Trong tình trạng hiện giờ, hoàng cung của Ashurnasirpal là nơi cư trú hoàng gia Assyria được bảo quản tốt nhất, và du khách nào đi lang thang qua mê cung phòng ốc và sân vườn này, đi dọc theo các hành lang hẹp này hai bên là các phiến đá to sầm, thình lình chạm trán, trong bóng tối âm u của khung cửa, với một quái vật bằng đá khủng khiếp nào đó, có thể tưởng tượng được cảm xúc ắt hẳn đã tóm lấy những ai đã bước vào toà nhà này để đến gần ‘nhà chăn dắt phi thường không biết sợ đánh trận là gì.’
Thiết kế của Nimrud. 1, Chỗ ở của nhà khảo cổ; 2, đền thờ Nabû; 3, lâu đài của thống đốc thành phố; 4, ‘cung điện bị phóng hỏa’; 5, đường phố; 6, tư gia; 7, toà cao ốc; 8, đền thờ Ishtar; 9, đền thờ Ninurta; 10, tháp tầng; 11, cung điện của Ashurnasirpal với A, cánh nội cung; B, phòng chầu; C, phòng lưu trữ; D, giếng; 12, ‘cung trung tâm’; 13, ‘cung tây-nam’.
Trong số những hiện vật tìm được trong cung điện là một bia rất lớn có hình nhà vua với một dòng chữ khắc dài nhờ đó ta biết được các yến tiệc đi kèm với lễ khánh thành vào 879 TCN. Một siêu đại tiệc – thực đơn của nó được kê chi tiết – được Vua Ashurnasirpal khoản đãi toàn bộ dân chúng thị trấn cũng như các sứ đoàn nước ngoài, tất cả không ít hơn 69,574 thực khách kéo dài 10 ngày. Và câu cuối cùng khiến trong phút chốc chúng ta quên đi các khía cạnh đáng ghét khác của vị quân vương vĩ đại này
‘Dân chúng hạnh phúc của mọi vùng lãnh thổ cùng với dân chúng Kalhy trong 10 ngày ta chiêu đãi, phục rượu, tắm rửa, xức dầu thơm và tôn vinh rồi đưa tiễn họ trở về quê nhà trong thái bình và hoan lạc.’
Shalmaneser III
Liên tục xông pha trên trận địa, khởi binh từ Nineveh hoặc từ một cung điện ở tỉnh lỵ, con trai của Ashurnasirpal, Shalmaneser III (858 – 824 TCN), có vẻ như chỉ trải qua những năm cuối đời ở Kalhu. Vậy mà chính từ thành phố đó và vùng lân cận của nó mà các đài kỷ niệm lừng lẫy nhất của ông xuất hiện. Một trong số đó là “Cột Trụ Đen’ (hình dưới) được Layard phát hiện trong đền thờ Ninurta cách đây hơn một thế kỷ và giờ ở Viện Bảo tàng Anh.
Đó là một khối đá tuyết hoa đen cao hai mét trên chóp là các bậc thang, như một tháp tầng nhỏ. Một dòng chữ khắc dài ghi tóm tắt những cuộc chiến của nhà vua chạy quanh cự thạch, trong khi năm pa-nô điêu khắc trên mỗi mặt mô tả việc nộp cống của các xứ sở khác nhau, trong đó có Israel, mà nhà vua Jehu của nó được mô tả cúi rạp dưới bàn chân của nguyên thủ Assyria. Những cuộc khai quật tiếp theo tại Nimrud đã mang ra ánh sáng một tượng nhà vua đang trong tư thế cầu nguyện, và một toà nhà đồ sộ đứng tại một góc tường thành, được ông cất lên và được các vua kế vị ông sử dụng tận đến khi đế chế sụp đổ. Tòa nhà này, được giới khảo cổ đặt cho biệt danh ‘Pháo đài Shalmaneser’, thật ra là lâu đài của ông cũng như là ekal masharti chứa các bảng chữ khắc, ‘nhà kho lớn’ được dựng lên ‘chứa sắc lệnh quân sự, bảo quản ngựa giống, chiến mã xa, vũ khí, thiết bị chiến tranh, và chiến lợi phẩm của địch đủ loại’. Trong ba sân rộng binh lính được tập họp, được trang bị và thanh sát trước khi đi chiến dịch hàng năm, trong khi các phòng ốc chung quanh sử dụng làm kho vũ khí, kho hàng, chuồng ngựa, phòng ở cho sĩ quan. Cuối cùng, chúng ta có các vật dụng đáng kể có tên ‘các cổng đồng của Balawat’. Chúng được phát hiện năm 1878 bởi phụ tá của Layard là Rassam, không phải ở Nimrud, mà tại Balawat (Imgur-Enlil cổ đại), một mô gò nhỏ cách thành phố vài cây số. Tại đó Ashurnasirpal đã xây dựng một lâu đài ở thôn quê sau này Shalmaneser chiếm dụng, và các cổng chính của lâu đài này được phủ bằng những dải đồng dài, rộng khoảng 25 cm, được chạm nổi, diễn tả hình ảnh về một số cuộc viễn chinh của Shalmaneser; kèm lời chú giải ngắn. Ngoài tầm quan trọng về mặt nghệ thuật và kiến trúc đáng kể, tất cả những đài kỷ niệm này đều là vô giá về mặt thông tin vì chúng cung cấp những điều liên quan đến kỹ thuật quân sự của Assyria vào thế kỷ 9 TCN.
Về số lượng và quy mô của các chiến dịch quân sự của mình Shalmaneser vượt xa vua cha. Trong số 35 năm tại vị 31 năm ông dành cho chiến tranh. Các binh sĩ Assyria phải chính chiến xa hơn trước đây: họ đặt chân đến Armenia, đến Cilicia, đến Palestine, đến trung tâm Taurus và Zagros, đến bờ biển Vịnh Ba Tư. Họ cướp phá các vùng đất mới, vây hãm các thành phố mới, đọ sức mình với các kẻ thù mới. Nhưng vì các kẻ thù này mạnh hơn quân Aramaea xứ Jazirah hoặc các bộ tộc nhỏ của Kurdistan của Iraq, các thắng lợi của Shalmaneser có pha chút thảm bại, và thời trị vì xét chung cho ta ấn tượng của một nhiệm vụ còn dở dang, một nhiệm vụ với nỗ lực phi thường nhưng kết quả thì rất nhỏ bé. Chẳng hạn, về phía bắc, Shalmaneser vượt quá ‘biển Nairi’ (Hồ Van) và đi vào lãnh địa Urartu, một vương quốc vừa mới được thành lập giữa vùng núi cao Armenia. Người Assyria tuyên bố, như mọi khi, thắng lợi hoàn toàn và mô tả hành động cướp bóc vài thị trấn của Vua xứ Urartu, Arame. Nhưng ông thú nhận là Arame đã trốn thoat, và chúng ta biết rằng trong thế kỷ sau Urartu lớn mạnh trở thành địch thủ chính của Assyria. Tương tự, một chuỗi chiến dịch ở phía đông, vào cuối thời trị vì, đã đem Shalmaneser hoặc tổng tư lệnh của ông, turtanu Daiân-Ashur, đến với người Medes và Ba Tư, lúc đó đang định cư quanh Hồ Urmiah. Tại đó một lần nữa trận giao đấu xảy ra ngắn ngũi và ‘thắng lợi’ không có kết quả lâu dài: Medes và Ba Tư thật ra được tự do mặc tình củng cố vị thế của họ ở Iran.
Những nỗ lực lặp lại của Shalmaneser nhằm chinh phục Syria cũng gặp thất bại. Các ông hoàng Tân Hittite và Aramaea mà Ashurnasirpal đã tấn công bất ngờ đã có thời gian tự củng cố, và các cuộc tấn công làm mới lại của Assyria chỉ có tác dụng đoàn kết họ chống lại Assyria. Ba chiến dịch là cần thiết để quét sạch nhà nước của Bit-Adini và để thiết lập đầu cầu trên sông Euphrates. Vào năm 856 TCN Til-Barsip (hiện nay là Mô gò Ahmar), kinh đô của Bit-Adini, bị đánh chiếm, bị người Assyria đến ở và đổi tên lại là Kâr-Shulmanashared, ‘Bến Cảng Shalmaneser’. Trên đỉnh đồi nhìn qua Euphrates một lâu đài được xây dựng, được sử dụng như một căn cứ cho các cuộc hành quân trên mặt trận phía tây. Nhưng cho dù người Assyria tiến quân về hướng Cilicia qua ngõ Amanus hoặc về hướng Damascus qua ngõ Aleppo, họ đều thấy mình đối mặt với một liên minh các nhà cai trị bản địa. Vì vậy vào năm 853 TCN khi Shalmaneser tiến vào đồng bằng trung tâm Syria, các địch thủ của ông, Irhuleni xứ Hama và Adad-idri xứ Damascus (Ben-Hadad II trong Kinh Thánh), nghênh đón ông với các đạo quân yểm trợ do ’12 vị vua vùng duyên hải” tiếp ứng. Để chống lại kẻ xâm lược họ có 62,900 bộ binh, 1,900 kỵ binh, 3,900 chiến mã xa và 1,000 lạc đà do ‘Gindibu, từ Ả Rập’ phái sang. Trận chiến xảy ra ở Karkara (Qarqar) trên Orontes, không xa Hama. Shalmaneser nói:
“Ta tàn sát 14,000 chiến binh của chúng bằng lưỡi gươm. Như Adad, ta giáng cơn hủy diệt xuống đầu chúng … Đồng bằng quá nhỏ không chứa hết xác chúng ngã xuống, phải dùng hết đất vùng quê để chôn xác chúng. Với thi thể chúng làm cầu, ta vượt qua Orontes.’
Vậy mà Hama lẫn Damascus không thành phố nào bị chiếm, và chiến dịch kết thúc lãng xẹt với một chuyến đi chơi ngắn trên Địa Trung Hải. Bốn, năm và tám năm sau các cuộc viễn chính khác được hướng về Hama chỉ với một phần thắng lợi. Nhiều thị trấn và làng mạc bị đánh chiếm, cướp bóc và đốt rụi, nhưng không có thành phố lớn. Vào năm 841 TCN Damascus lại bị tấn công một lần nữa. Cơ họi rất thuận lợi, Adad-idri đã bị mưu sát và Hazael, ‘đứa con hoang’, thế chỗ. Hazael bị đánh bại tại trận chiến trên núi Daniel (Hermon), nhưng tử thủ trong kinh đô. Tất cả việc Shalmaneser làm được là hủy hoại các vườn cây ăn trái và vườn nhà bao quanh Damascus như chúng bao quanh ngày nay và cướp phá bình nguyên trù phú của Hauran. Sau đó ông lên đường đến bờ biển, và trên Núi Carmel nhận đồ cống nạp của Tyre, Sidon và Iaura mâr Humri (Jehu, còn trai của Omri), Vua Israel, nhân vật kinh thánh đầu tiên xuất hiện trong bảng khắc chữ hình nêm. Sau một toan tính cuối cùng chinh phục Damascus vào năm 838 TCN người Assyria thú nhận mình thất bại khi để yên Syria cho đến cuối thời trị vì của mình.
Ở Babylonia Shalmaneser may mắn hơn, mặc dù tại đây một lần nữa ông cũng không thể khai thác được thắng lợi của mình và để vuột mất cơ hội đang đến tận tay. Quá yếu không thể tấn công Assyria và quá mạnh để bị họ tấn công, các vị vua Triều đại 8 của Babylon từ trước đến nay đã xoay sở được tự do. Thậm chí Ashurnasirpal đã bỏ qua vương quốc phía nam, cho phép vua Nabû-apal-iddina (887 – 855 TCN) đương thời có thời gian tu bổ một số thiệt hại do quân Aramarae và Sutû gây ra trong ‘thời kỳ hỗn loạn’. Nhưng vào năm 850 TCN thù hận bùng nổ giữa Vua Marduk-zakir-shumi và em trai mình được người Aramaea chống lưng. Babylon kêu cứu với người Assyria. Shalmaneser đánh bại bọn phản loạn, tiến vào Babylon, ‘nơi kết nối giữa trời và đất, nơi cư ngụ của sự sống’, dâng cúng vật hiến tế ở trong đền thờ Marduk, Esagila, cũng như trong các điện thờ ở Kutha và Barsippa, và đối xử với dân chúng của thành phố thiêng đó với lòng tốt bụng cực kỳ:
Đối với dân chúng Babylon và Barsippa, những người được bảo hộ, những con người tự do của các thần linh vĩ đại, ông chuẩn bị một bữa tiệc, chiêu đãi họ rượu thịt, ông mặc cho họ các trang phục rực rỡ màu sắc và tặng họ quà.
Rồi, tiến xa hơn về nam vào vùng đất cổ của Sumer giờ bị người Chaldaea (Kaldû) chiếm đóng, ông tiến đánh ào ạt và đuổi kẻ thù của Babylon ‘đến tận bờ biển mà chúng gọi là Biển Đắng Cay (nâr marratu)’, tức Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, toàn bộ vấn đề chỉ là cuộc hành quân cảnh sát. Marduk-zakir-shumi thề trung thành với người bảo hộ mình nhưng vẫn yên vị trên ngôi vua. Sự thống nhất Mesopotamia dưới quyền cai trị của Assyria có thể đã thành tựu không mấy khó khăn. Nhưng vì lý do không được nói ra – ắt hẳn vì ông quá dính sâu vào phía bắc và tây – Shalmaneser chỉ giành được quyền bá chủ trên danh nghĩa, và tất cả điều Assyria nhận được là một số lãnh thổ và hai thị trấn biên giới phía nam. Diyala ở phía nam, Euphrates ở phía tây, dãy núi ở phía bắc và đông giờ đánh dấu ranh giới của nó. Nó thuần túy vẫn còn là vương quốc bắc Mesopotamia, và đế chế còn phải được chinh phục.
Đoạn kết của thời trị vì lâu dài của Shalmaneser trở nên đen tối vì các bất ổn nội bộ cực kỳ nghiêm trọng. Một đứa con trai ông, Ashurdaninaplu, làm loạn cùng với 27 thành phố đi theo, trong đó có Assur, Nineveh, Arba’il (Erbil) và Arrapha (Kirkuk). Vị vua già, lúc đó hiếm khi rời cung điện ở Nimrud, giao phó việc dẹp loạn cho một con trai khác, Shamshi-Adad, và trong bốn năm Assyria chịu cảnh tai ương của nội chiến. Cuộc chiến còn gầm thét khi Shalmaneser mất và Shamshi-Adad V lên ngôi (824 TCN). Với vị tân vương bắt đầu một thời kỳ đình đốn của Assyria kéo dài gần một thế kỷ.