Jesse Bryant Wilder
Trần Quang Nghĩa dịch
Chương 22
Lập Thể Khó Hiểu và Tìm Làn Đường Nhanh với trường phái Tương Lai
Trong Chương Này
- Phân loại trường phái Lập thể
- Theo kịp trường phái Tương Lai
- Kiểm tra xem trường phái Tương Lai có phải lâm vào ngõ cụt không
Phái Lập thể và Tương lai (thành lập vào năm 1908 và 1909, theo thứ tự) cách mạng nghệ thuật bằng cách cho thấy cách nhìn chủ thể đồng thời từ nhiều hướng __ một việc mà chưa hề có nghệ sĩ nào thử làm trước đây, trừ Cezanne ở một mức độ nào đó. Nếu bạn có bao giờ bắt gặp hình bóng mình trong gương của một phòng thử đồ có trang bị nhiều tấm gương để bạn có thể nhìn vóc dáng với y phục mình đang mặc thử ở nhiều góc độ khác nhau : trước, sau, trái và phải, bạn sẽ bị mất phương hướng do nhiều hình ảnh của mình bị cắt xén; thế thì bạn đang đi đúng hướng trong việc giải mã những bức tranh của phái Lập thể; họ mô tả các vật thể từ mọi góc cạnh. Phái Tương lai, vốn mê say tốc độ (vẽ nhanh, không phải dùng thuốc lắc!), nén một chuổi chuyển động thành một dáng điệu duy nhất, hoặc một chuổi thời gian thành một khoảnh khắc.
Cả hai phái đều tin tưởng rằng các nghệ sĩ trước đã vẽ những bức tranh giả tạo về cuộc sống bằng cách mô tả nó chỉ từ một góc cạnh, hoặc nhìn thẳng hoặc nhìn nghiêng. Khái niệm cho rằng không có góc nhìn nào có độc quyền về chân lý đang thịnh hành. Vào năm 1905, Albert Einstein xuất bản thuyết tương đối hẹp của ông, phát biểu rằng khung thời gian và không gian dao động tùy thuộc vị trí của người quan sát hay góc nhìn của y. Einstein cũng chứng tỏ rằng năng lượng và vật chất thực ra chỉ là một. Phái Tương lai dựa trên thuyết này bằng cách trộn lẫn chuyển động (năng lượng) và vật chất trong nghệ thuật của họ hoặc bằng cách biến đổi vật chất thành hành động.
Phái Lập Thể: Nhìn Bao Quanh Một Lượt
Lập thể là gì? Đập vỡ một quả trứng và rồi ráp lại những mãnh vỡ trên một bề mặt phẳng. Vây đó bạn đã thực hiện một loại kiến tạo lập thể. Bạn có thể nhìn thấy tất cả mặt của quả trứng ngay đồng thời, và vì vậy mà khó nhận ra quả trứng.
Các nghệ sĩ lập thể đưa nghệ thuật về phía trừu tượng bằng cách đập vỡ thực tại vật lý thành những hình thể hình học, thường là khối lập phương, và rồi sắp xếp lại những khối này __ thường một cách độc lập với những gì chúng biểu thị __ trên một bề mặt phẳng với ít hoặc không có phối cảnh. Một bức tranh Lập thể cho phép bạn nhìn thấy một vật thể từ những góc nhìn khác nhau một cách đồng thời (mọi phía của quả trứng), mặc dù bạn có thể không nhận ra vật thể.
Các nhà Lập thể không chỉ phân mãnh chủ thể chính của bức tranh (quả trứng) __ họ cũng đập vỡ hậu cảnh (chảo chiên, tủ lạnh, hoặc nhà bếp). Khi bạn ráp lại các mãnh vỡ, họ thường trộn lẫn chủ thể và hậu cảnh sao cho các thực tại vật lý này đi vào nhau. Nói cách khác, nếu bạn đập vỡ đồng thời quả trứng và chảo chiên, khi bạn ráp lại chúng, bạn có thể đặt chảo chiên trong trứng thay vì trứng trong chảo.
Các nhà thành lập phái Lập thể là George Braque và Pablo Picasso. Bức tranh Lập thể đúng nghĩa đầu tiên là bức Những Ngôi Nhà ở L’Estaque của Braque. Các ngôi nhà hình khối chen chúc trong tranh trông như đá trượt xuống dốc. Bức tranh hầu như không có chiều sâu; những ngôi nhà ở hậu cảnh đơn giản chỉ là mõm đá trượt.
Pablo Picasso
Nghệ thuật của Picasso (1881-1973) thống trị thế kỷ 20, chắc chắn bởi vì nó nhịp bước cùng sự tiến bộ __hoặc giữ vị trí trước nó vài bước. Nghệ thuật của ông trải qua nhiều thời kỳ sau khi ông bắt đầu lân la ở Paris vào cuối thập niên 1890. Khi còn là một thiếu niên, ông đắm mình trong các xu hướng nghệ thuật mới nhất của Paris. Khi vừa qua tuổi 20, ông đã hoạch định ra các xu hướng. Thời kỳ chủ yếu đầu tiên của ông là Thời kỳ Xanh (1901-1904), tiếp thep là Thời kỳ Hồng (1905-1908), Thời kỳ Lập thể Phân tích (1908-1912), và Thời kỳ Lập thể Tổng hợp (1912-1919). Sau đó, Picasso dừng chia các thời kỳ __ nhưng nghệ thuật của ông vẫn tiếp tục tiến hóa.
Thời kỳ đầu tiên của Picasso được gọi là Thời kỳ Xanh vì ông sử dụng những sắc thái khác nhau của màu xanh và mô tả những con người sầu muộn. Người ta nói rằng tại thời điểm đó chính ông cũng rất buồn rầu, vì người bạn thân của ông, Carlos Casagemas đã tự tử vào năm 1901. Hai chàng trai đã đến Paris cùng nhau vào năm 1900. Không lâu sau đó, Casagemas tự bắn mình trong một quán cà phê khi người phụ nữ ông yêu đã ruồng bỏ ông. Picasso vẽ vài tranh tưởng niệm bạn mình, trong đó có bức Cái Chết của Casagemas và Lễ An Táng Casagemas, và sau đó lao vào Thời kỳ Xanh.
Một trong những bức tranh có giá trị trong Thời kỳ này là Cuộc Đời được vẽ năm 1903.
(hình trên). Nó mô tả một cặp tình nhân trẻ hốc hác (cô gái thì khỏa thân, chàng trai gần như khỏa thân) quay mặt đi khỏi người phụ nữ ẳm đứa bé. Người phụ nữ lớn tuổi này nhìn họ; họ không nhìn lại bà. Có lẽ đứa bé là con của họ, hay có thể nó biểu thị một đứa trẻ mà họ muốn có. Cặp này và người phụ nữ đối đầu nhau qua một không gian hình như không có gì xuyên thấu được. Sự trần truồng của cặp tình nhân cho thấy sự yếu đuối bất lực của mình. Y phục người phụ nữ gợi ý sức mạnh của bà. Ở hậu cảnh, hai người phụ nữ khỏa thân cũng dễ bị tổn thương co ro trong tư thế của thai nhi. Một người đàn ông trần truồng cố an ủi một người trong số đó mà không thành công. Người hài lòng duy nhất trong bức tranh là đứa bé, ngủ trong chiếc áo choàng và vòng tay của người phụ nữ lớn tuổi. Các tư thế lặp lại của thai nhi, với sự dễ tổn thương của chúng, và các giai đoạn của cuộc sống biểu thị bởi đứa trẻ, cặp thanh niên, và người phụ nữ lớn tuổi, gợi ý đến các vòng đời và có thể một nhu cầu trở về thời hạnh phúc khi còn là bào thai.
Picasso vẽ người thanh niên gương mặt của bạn mình Casagemas, góp thêm một mức độ ý nghĩa khác cho tác phẩm. Có lẽ lý do người phụ nữ nhìn cặp thanh niên mà họ không chú ý là vì họ không ở cùng một không gian: Bà ta đang nhớ lại quá khứ của mình, trước khi Casagemas tự tử. Các hình vẽ phía sau họ có thể là những mãnh hồi ức của bà trước và sau cái chết Casagemas.
Phóng xạ bức tranh Cuộc Đời cho thấy các lớp dưới của bức họa. Picasso đã làm một số điều chỉnh trước khi hoàn tất bức tranh như ta đã thấy. Phóng xạ phát giác là, trong một phiên bản trước, người yêu của Casagemas có bầu. Có thể điều này ám chỉ một sự có thai thực sự hay được mong đợi đã gây ra sự rạn nứt của họ. Ai có thể nói? Cũng lạ là Picasso lúc đầu vẽ mặt mình thay vì gương mặt của Casagemas. Có thể những bí ẩn của một số nghệ sĩ tốt hơn nên được chôn vùi bên dưới những lớp sơn dầu.
Hình 22-1
Cầu nối giữa các bức tranh hiện thực của Picasso và phái Lập thể là bức Các Quý Cô ở Avignon (xem Hình 22-1), được vẽ từ 1908 đến 1909. Trong bức tranh này, Avignon không phải là một thành phố của Pháp mà là một đường phố trong khu đèn đỏ ở Barcelona. Các quý cô là gái bán hoa đối mặt với người xem như là một khách hàng mua vui tiềm năng. Picasso lột mặt nạ và lột y phục của những phụ nữ này, cho ta thấy các bản chất bên trong đồng thời các cấu trúc hình học bên dưới lớp da của họ.
Trong năm 1906 và 1907, Picasso khám phá nghệ thuật Iberian nguyên thủy, chủ nghĩa nguyên thủy của Gauguin qua những bức họa tại Tahiti, và nghệ thuật Phi châu, mà các thủy thủ mang đến Paris từ các thuộc địa của Pháp tại Phi châu. Tất cả những ảnh hưởng này giúp định hình phong cách mới của Picasso, chủ nghĩa Lập thể. Nghệ thuật Phi châu cũng có ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ gốc Paris khác. Nhà phê bình nghệ thuật và thi sĩ Apollinaire (1880-1918) nói rằng các hoạ sĩ Dã thú Andre Derain và Maurice de Vlaminck (xem Chương 21) có ấn tượng sâu sắc với nghệ thuật Phi châu vì nó “thành công trong việc tạo ra những hình người mà không sử dụng bất kỳ yếu tố nhận thức thị giác trực tiếp nảo.”
Nói cách khác, các nghệ sĩ Phi châu giản lược hình người tới những hình dạng nửa-trừu tượng chuyển tải những chi tiết tinh túy nhất về cơ thể và cá tính. Picasso, từng nói rằng “Nghệ thuật là sự loại bỏ những thứ không cần thiết,” cũng có ấn tượng với khía cạnh này của nghệ thuật Phi châu. Ông đã học được một ngôn ngữ thị giác mới từ nó, và ông vận dụng trong suốt sự nghiệp của mình.
Chú ý cách thức các gương mặt (hay đầu) của hai hình người bên phải trong bức Các Quý Cô ở Avignon có vẻ lược giản và gây hấn __nói cách khác, giống các mặt nạ Phi châu. Điều này gợi ý là, với hai nhân vật này, Picasso đã tiến gần hơn đến nền tảng bản năng của bản chất con người. Một cái đầu của họ quật ra sau (giống Regan trong Quỹ Ám).
Lập thể phân tích: Tháo rời ra
George Braque (1882-1963) và Picasso sáng tạo ra Lập thể Phân tích vào năm 1908. Trong Lập thể Phân tích, nghệ sĩ trình bày vật thể theo cách dùng lăng kính sao cho người nhìn có thể nhìn được mọi phía cùng một lúc. Như trong một lăng kính, một số mặt phẳng giao nhau, một số chồng lên nhau, và những mặt phẳng khác đâm xuyên vào nhau. Để đạt được hiệu ứng này, nghệ sĩ tháo rời vật thể và hình người thành những đơn vị hình học, thường là hai hay ba hình thể. Sau đó y làm phẳng dẹt tất cả bề mặt lên một bình diện duy nhất. Cuối cùng, y giản lược cực kỳ bảng màu của mình chỉ còn vài sắc độ của một hay hai màu. Nhìn theo cách khác, nghệ sĩ rút màu sắc và phối cảnh từ những hình dạng tự nhiên để người nhìn có thể tập trung vào những hình dạng đa diện __ nhìn tất cả mặt từ một góc nhìn duy nhất (và không bị màu sắc làm cho phân tâm).
Gương mặt trong Chân Dung Ambroise Vollard (xem hình dưới) của Picasso trông như những mãnh kính nâu vỡ nát. Thân hình của người đàn ông là những mãnh vỡ, mặc dù hầu hết gương mặt rạn nứt của ông đều nhận ra được.
Công việc của người xem là nhặt những mãnh vụn và tái tạo lại chúng theo sự tưởng tượng của mình. Nhưng bạn thử nhìn vào hình dạng phân mãnh của người đàn ông, và bạn nhận ra rằng không ai có thể ráp Ambroise Vollard lại nguyên xi được hết. Thật ra, dưới hình thức này y trông thú vị hơn. Picasso và Braque sau đó loại bỏ hoàn toàn sự mô tả trong Lập thể Phân tích. Braque nói, ”Chỉ có một điều duy nhất có giá trị trong nghệ thuật: điều bạn không thể giải thích được.,”
Một việc có thể coi là khuyết điểm của Lập thể Phân tích là nghệ sĩ đã giới hạn triệt để các công cụ diễn tả của mình (màu sắc,hình dạng, phối cảnh) để chuyên vào một lãnh vực duy nhất của hiện thực mà, cho đến thời điểm đó, đã bị mọi người lờ đi.
Vì Braque và Picasso làm việc với cùng một hộp công cụ hạn chế của phương tiện diễn tả, phần nhiều tác phẩm của họ trong thời kỳ này không thể phân biệt được. Nếu không có chữ ký, khó mà biết được bức nào của Braque, bức nào của Picasso.
Lập thể tổng hợp: Ghép mọi thứ với nhau
Braque và Picasso sáng tạo ra một phiên bản Lập thể mới, gọi là Lập thể Tổng hợp, vào năm 1912. Thay vì tháo rời các vật thể, họ ghép các thứ lại với nhau để tạo ra một tổng thể bán-trình bày.
Phong cách Lập thể mới này bắt đầu bằng sự sáng chế nghệ thuật cắt dán của Picasso. Trong bức dán đầu tiên của mình, Tĩnh Vật với Ghế Mây (hình dưới), ông dán những mãnh giấy (có vẽ hình thể Lập thể trên đó) lên một tấm vãi dầu được in kiểu dạng mây bện ghế. Khung bức tranh là một sợi dây thừng quấn quanh khung vẽ. Lấy cảm hứng từ tác phẩm này, Braque sáng chế ra một biến thể gọi là dán giấy trong đó các vật thể hoặc chất liệu dẹt thường được cắt để biểu thị một vật thể rồi dán vào tranh. Chẳng hạn, nếu một trong các phần tử là một cây lược dùng để biểu thị tóc người, nó còn trông giống cây lược cho dù nó được cắt theo hình thể của tóc. Nói cách khác, nó sẽ tham dự vào ảo giác của nghệ sĩ tạo bởi sự cắt dán, trong khi vẫn giữ lại hiện thực của nó là một cây lược.
Cả Picasso lẫn Braque đều mở rộng bảng màu và nhóm hình dạng của họ trong giai đoạn này của lập thể. Họ cũng tiếp tục vận dụng phối cảnh. Bằng cách đặt chồng những vật thể, họ tạo cho tác phẩm của mình một chiều sâu như điêu khắc. Nhưng thay vì mắt bạn chìm vào khung toan (vải vẽ) về phía điểm mất hút (điểm biến mất), như trong hội họa cổ điển, tính chất 3D ở đây hiện ra ngoài tác phẩm về hướng người xem. Đôi khi họ tạo ra tính 3D của tác phẩm hình như đối nghịch với tính trình bày bằng cách thêm bóng đổ theo những chiều hướng khác nhau bằng viết chì và than.
Fernand Leger: Lập thể cho đại chúng
Leger (1881-1955), một hoạ sĩ, một nhà ấn bản, nhà làm phim, làm gốm, và thiết kế sân khấu, đã mở rộng bảng màu của Lập thể (như Juan Gris đã làm), phát triển khả năng biểu hiện của nó. Năm 1911, Leger cùng với Duchamp, Appolinaire, Delaunay, Picabia, và những người khác thành lập phong trào Lập thể nhánh gọi là Nhóm Puteaux (cũng thường gọi là Orphism), lấy tên theo một vùng ngoại ô của Paris nơi nhóm hội họp.
Loại Lập thể của Leger khác nhiều so với Lập thể của Picasso và Braque. Không chỉ ông dùng nhiều màu hơn, mà còn sử dụng các đường cong và hình dạng 3D như hình trụ. Đặc biệt ông thích những màu cơ bản chói chang, mà ông dùng để nhấn mạnh những sự kiện xung khắc gay gắt của cuộc sống thường nhật. Ông nói, “Những tương phản hình ảnh được dùng theo cách thuần khiết nhất là . . . cơ bản cấu trúc của các bức tranh hiện đại.”
Trong Thế chiến I, phong cách của Leger tiến hóa. Ông bị gọi vào lính nơi đó ông nói mình học tập cách đánh giá con người. Trong khi cố gắng không bị nhiễm độc khí, ông ký họa và vẽ những gì mình nhìn thấy chung quanh (ông cũng minh họa cuộc chiến dưới giao thông hào trong khi làm nhiệm vụ). Leger cảm thấy nghệ thuật đã bỏ quên những con người bình thường và chỉ hấp dẫn giới trí thức. Vì thế ông tạo ra Lập thể cho quần chúng bình dân, thứ Lập thể phản ánh cuộc sống thực sự trong khi vẫn vinh danh thời đại máy móc, mà ông hy vọng sẽ cải thiện thân phận cho tầng lớp lao động. Quán sát của Leger về các binh lính trong Thế chiến I đang chơi bài để giết thời gian tạo cảm hứng cho bức Những Người Chơi Bài. Các binh sĩ trong bức tranh trông như những người mày bị tháo rời đang chơi bài bên trong một bộ máy. Điều này được chủ tâm là một lời khen tặng, gợi ý con người cũng hiệu năng như máy móc.
Leger sử dụng sự tương tác phi thường của những góc cạnh trong bức tranh trong khi làm tương phản những tứ chi hình ống với hậu cảnh như trong xưởng máy gồm những hình thể vuông vàng và đỏ. Ông dùng màu xanh lá cây để hài hòa với màu vàng và xung đột với màu đỏ. Mặc dù có dáng vẻ như rô-bô, bức tranh của Leger không xua đuổi tình cảm. Những người cơ khí vẫn có cá tính. Bạn có thể nhìn thấy “gương mặt bài poker “ của người chơi ở bên phải: Y có dáng tự tin nhưng buồn chán khi dựa chiếc cằm mình lên bàn tay trái (một điếu thuộc giữa các ngón tay), trong khi xòe ra tay bày mà y tin là tay bài thắng của mình. Đối thủ của y cứng mình và nhìn tay bài y để xem mình có thể xoay chuyển tình thế hay không. Bên dưới là tác phẩm Khỏa Thân Trong Rừng của Leger.
Trường phái Tương Lai: Nghệ Thuật Phá Vỡ Giới Hạn Tốc Độ
Phái Tương lai giới thiệu hai đặc điểm mới vào nghệ thuật: sự nén chuyển động và sự đi sâu vào nhau nhiều hơn của chủ thể và hậu cảnh. Cho dù những nhà nhiếp ảnh đầu tiên như Muybridge đã chụp những chuổi ảnh người và vật đang chuyển động, phái Tương lai vẫn mô tả người và máy chuyển động ở nhiều thời khắc trong cùng một bức hình. Bạn có thể nói họ lấy một chuổi chuyển động và nén chúng thành một ảnh duy nhất.
Trong Tuyên Ngôn Trường Phái Tương lai đầu tiên (xuất bản trên một tờ báo ở Paris Le Figaro vào 20/2/1909, nhà sáng lập nhóm, thi sỹ Ý Filippo Tommaso Marinetti (1876-1944), nói, “Chúng tôi tuyên bố là sự tráng lệ của thế giới đã được làm giàu thêm bằng một vẻ đạp mới: vẻ đạp của tốc độ . . . Mọi chủ thể trước đây được sử dụng [trong nghệ thuật] phải được lướt đi để biểu diễn cuộc sống quay cuồng của thép, của niềm kiêu hảnh, của cơn sốt và của tốc độ.”
Tuyên ngôn phái Tương lai nhiều hơn là sự say đắm__ đó là tiếng la thét loan báo rằng sự cố thủ xưa cũ phải nhường chỗ cho đạo quân tiên phong. Những người Tương lai tuyên bố,
Chúng tôi muốn đập phá bảo tàng và thư viện . . . Bảo tàng ư, đó là nghĩa địa! Đúng là những nhân dạng như nhau khi được sắp xếp bên nhau những thi thể ghê tỡm không hiểu biết nhau . . . Muốn thăm viếng mỗi năm một lần, như ta thường đi thăm mồ mã của những người thân đã chết mỗi năm một lần, thế thì chúng tôi cho phép! Chúng tôi ngay cả có thể tưởng tượng ra việc đặt những bó hoa bên dưới bức Gioconda [Mona Lisa] mỗi năm một lần!
Marinetti chẳng bao lâu lôi kéo được những người khác đến với phong trào: Boccioni (hoạ sĩ và điêu khắc gia), Carra (hoạ sĩ và nhà văn). Năm 1910, phái Tương lai xuất bản Tuyên Ngôn Kỹ thuật của Hội Họa Phái Tương lai:
Mọi việc thay đổi một cách nhanh chóng. Một hình bóng không bao giờ bất động trước mắt ta, mà liên tục xuất hiện rồi mất đi. Do sự lưu lại của một hình ảnh trên võng mạc, những vật thể chuyển động liên tục nhân đôi chúng . . . Do đó một con ngựa phi không phải có bốn chân mà là hai mươi chân.
Không chỉ nhà Tương lai nén một chuổi chuyển động vào một khung hình duy nhất, mà cũng minh họa sự tương tác giữa người và môi trường bằng cách trộn lẫn y vào vùng chung quanh mình và ngược lại:
Thân thể đi vào ghế sofa chúng ta đang ngồi, đường biên chia cắt thân thể con người với vùng xung quanh đã đứt đoạn. Địa lý trở thành một phần của nhân dạng. Nếu có ai nói một cách kiêu hãnh, ”Tôi là người New York, “ thế thì Tòa nhà Empire State và Chrysler xuyên qua đầu y và các đường xe điện chạy qua thân thể y.
Thêm vào đó, nhóm Tương lai muốn công chúng là người tham gia tích cực trong việc cắt dán cuộc sống của mình, muốn họ ngồi vào bức tranh của mình hơn là xem chúng từ bên ngoài như những du khách thăm bảo tàng.
Sự thiết kế tranh từ trước đến giờ đều thuộc truyền thống một cách điên khùng. Các hoạ sĩ cho chúng ta thấy những vật thể và nhân vật đặt phía trước mắt mình. Chúng ta từ đây về sau sẽ đặt người xem ở trung tâm bức tranh.
Để tẩy sạch thế giới khỏi những gì họ xem là khủng long của nghệ thuật và văn hóa xưa cũ, người Tương lai ủng hộ chiến tranh. “Chúng ta muốn vinh danh chiến tranh,” Marinetti viết, ”phương thuốc duy nhất cho thế giới.” Năm 1918, Marinetti thành lập đảng chính trị Tương lai, nằm bên trong Đảng Phát xít của Mussolini vào năm 1919.
Trong những đoạn sau, tôi xem xét tác phẩm của hai nhà Tương lai vĩ đại nhất, Boccioni và Severini.
Umberto Boccionni
Boccionni (1882-1916), hoạ sĩ và điêu khắc gia, được xem là nghệ sĩ vĩ đại nhất của phái Tương lai. Một trong những tác phẩm của ông minh họa ý tưởng của việc trộn lẫn con người với môi trường xung quanh của y là bức Đường Phố Đi Vào Nhà, vẽ năm 1911. Trong tác phẩm này, một phụ nữ đang nhìn qua một ban công vào cảnh đường phố sôi động hấp thu hoạt động phố phường bà nhìn thấy: Đường
phố bên dưới leo lên ban công và cắt qua thân bà; những con ngựa đỏ phi nước đại trên đường phóng qua thân thể đầy ý thức của bà. Những căn hộ chung quanh thấm qua căn hộ của bà. Những tòa nhà ở xa hơn bên kia đường phố dựa vào nhau, chia sẻ chung các bức tường. Năng lượng quay cuồng của cuộc sống thành phố lây nhiễm mỗi người và mỗi vật.
Một trong những tác phẩm lùng danh nhất của ông là điêu khắc Những Hình Dạng Duy Nhất của sự Liên Tục Không Gian (xem Hình 22-2). Tượng đồng của một người đang chạy như người máy là lý tưởng của phái Tương lai: một con người với động lực và tốc độ của một cỗ máy. Nhân vật trông như một lai tạo giữa sức mạnh và hành động trong một hình dạng duy nhất. Bức tượng cũng khiến ta nhớ lại viên cảnh sát bằng kim loại lõng trong Terminator II (1990) trong một lần tan chảy. Y tan chảy, tái hợp lại, và chuyển mau lẹ đến khoảnh khắc tiếp theo tất cả cùng một lúc.
Những Hình Dạng Duy Nhất của Sự Liên Tục Không Gian vẫn mang tính tương lai ngay hôm nay như lúc được trưng bày năm 1913, năm Boccioni tạo ra nó. Chuyển những ý tưởng của hội họa Tương lai vào điêu khắc, Boccioni trong Tuyên Ngôn Kỹ Thuật của Điêu Khắc Tương Lai, “Chúng ta hãy xé toạc thân thể và hãy ôm trọn môi trường vào bên trong.”
Gino Severini
Severini (1883-1966) là một trong những nghệ sĩ căn nghuyên nhất của phái Tương lai. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phái Lập thể, những khung vẽ hình học chen chúc một cách đặc trưng với những hoạt động đan chéo nhau như thể thể hiện cuộc sống dưới mọi góc cạnh. Ông có khuynh hướng sử dụng những màu tương cận để trộn lẫn những hình dạng khác nhau, và những màu phụ để gợi ý những hành động kịch tính. Chẳng hạn, trong bức Toa Xe Chữ Thập Đỏ Đi Ngang qua Làng (hình dưới) toa xe Chữ Thập Đỏ được cách điệu hóa hú còi qua những ngôi nhà và các sườn đồi. Phong cảnh những ngọn đồi cắt thành hình tam giác, những thân cây được cách điệu hóa, và những tòa nhà hình thẳng có dạng thon thon như toa xe lửa, như thể chúng được thiết kế để thích hợp với tốc độ.
Trong Đại Lộ (xem hình dưới) Severini trộn lẫn những bộ hành vào trong cảnh đô thị họ đang tới lui, trong khi vẫn giữ một điều gì đó về những cá tính hơi phổ quát của người bộ hành. Cảnh vật xinh đẹp này trông như tấm mền bông bán-trừu tượng của khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên núi. Nhưng như những tác phẩm Tương lai khác, ấn tượng tổng thể là người nghệ sĩ đã nắm bắt ý thức phân mãnh của con người về sinh môi quanh mình. Một số tác phẩm của Severini có thể gọi là chủ nghĩa Tương lai Lập thể.