Lịch Sử Nghệ Thuật- Phần 7

Untitled

Jesse Bryant Wilder

Trần Quang Nghĩa dịch

Chương 12

Phục Hưng Venise, Gô tích Cuối Kỳ và Phục Hưng ở phía Bắc

 

 Trong Chương Này

  • Về thăm Phục hưng ở Venise
  • Tìm hiểu hội họa Gô-tích thời kỳ cuối
  • Lần theo thời Phục hưng các Xứ Vùng Trũng

Trong chương này, tôi lần theo sự triển khai của thời Phục hưng về phía bắc, đầu tiên đến Venice, rồi đến Đức và các Xứ Vùng Trũng. Tôi cũng khảo sát phong cách Gô-tích thời kỳ cuối ở Flanders.

Đi Thuyền qua thời Phục Hưng ở Venise

Với khoảng một phần tư triệu cư dân, Venice là thành phố phát triển nhanh và là một trong những thành phố lớn nhất thời Phục hưng. Hầu như tất cả việc buôn bán của châu Âu với vùng Cận Đông và Viễn Đông đều đi qua Venice. Thật ra, Venice là thành phố cảng lớn nhất ở châu Âu. Thành phố nhôn nhịp với hàng hóa vùng xa và các con buôn từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Các dân châu Âu liều lĩnh vượt qua dảy núi Alps tiến về nam, trên những chuyến hành hương hay buôn bán, đều dừng lại ở Venice để “nạp nhiên liệu” trước khi đi tiếp đến những nơi khác của nước  Ý. Những nhà du hành này đôi khi kéo theo những tác phẩm nghệ thuật băng qua Alps. Những gia đình có quyền thế ở Venice thường sưu tầm những phong cách mới nhất của Hà lan, Pháp, và Đức.

Venice là tâm điểm nóng bỏng của nghệ thuật. Điều này có nghĩa là một nghệ sĩ Venice như Giovanni Bellini có thể học được các cách tân về sơn dầu của một nghệ sĩ xứ Flanders như Jan van Eyck chỉ đơn giản bằng cách xem xét các bức tranh trôi nổi trên thị trường nghệ thuật hay bằng cách quan sát những nghệ sĩ vãng lai đã làm chủ được các kỹ thuật xứ bắc. Các nghệ sĩ Venice có thế giới tại đầu cọ vẽ của mình, và họ quyết tâm vượt qua các quốc gia khác và các bang Ý khác trong kỹ thuật vẽ sơn dầu và cách sử dụng màu sắc rực rỡ.

Venice mang đến sự thuận lợi khác cho các nghệ sĩ: Nó vững vàng về mặt chính trị trong hơn một ngàn năm__ vững đến nổi hầu hết tài liệu chính thức đều gọi nó là  “Nền Cộng Hòa Trong Sáng Nhất.” Ngày nay, ít người biết rằng Venice có một hình thức đại diện dân chủ lâu đời nhất, liên tục từ khoảng 750 đến 1797 khi Napoleon Bonaparte tiến quân vào và dập tắt mọi thứ. Đúng ra nó không phải là một nền dân chủ hoàn toàn; chỉ có 1,400 người thuộc dòng quý tộc mới có quyền bầu cử. Nhưng Thomas Jefferson và những Quốc Phụ của Hiệp Chủng Quốc đã nghiên cứu Venice thật kỹ để xây dựng một mô hình dân chủ đại diện cho quốc gia mình. Trong thời Phục hưng, hình thức chính quyền này có nghĩa là, mặc dù phần còn lại của nước Ý là một chiến trường đẫm máu cho các bá tước, ông hoàng, và các vua chúa lân bang tranh giành, một nghệ sĩ hay một tác giả thường có thể tìm được một nơi chốn bình yên và một thị trường hấp dẫn ở Venice.

Trong những đoạn tiếp theo, tôi sẽ khảo sát nghệ thuật của Giovanni Bellini, Andrea Mantegna, Giorgione, Titian, Paolo Veronese, và Tintoretto.

Trạm đầu tiên, Bellini

Nếu bạn gọi  Bellini trong một quán ba, người bồi sẽ đem đến cho bạn một thức uống làm từ trái đào trắng và xâm banh Ý. Hổn hợp này có sắc hồng sáng rất đặc biệt. Nó là một sắc thái hồng mà Giovanni Bellini có lần đã trộn trên bảng màu của mình và sơn vào những tuyệt tác như San Zaccaria Altarpiece ở Venice. Còn một ngợi khen cho một họa sĩ Phục hưng nào tốt hơn là các màu sắc do ông pha trộn cách đây 500 năm còn tiếp tục làm say đắm lòng người hôm nay!

Mặc dù các nghệ sĩ Phục hưng phải tự mình trộn lấy màu vẽ của mình trên bảng màu, thường là một người giúp việc trong xưởng vẽ phải nghiền các phẩm màu trong cối bằng một cái chày rồi sau đó trộn với dầu hay tempera. Trong thời Phục hưng, các xưởng vẽ của nghệ sĩ trông như một tổ hợp nhỏ. Ngoài các thành viên gần gũi của gia đình, xưởng vẽ còn có nhiều người học vẽ và những người vãng lai thực hiện những công việc khác nhau và phụ giúp trong việc sản xuất đồ mỹ nghệ. Bọn thanh niên thì đảm nhận những công việc nặng nhọc như chà nhám gỗ, nghiền phẩm màu, vệ sinh xưởng, và làm việc lặt vặt. Những người học việc lớn tuổi hơn đôi khi phụ vẽ những phần khác nhau của bức tranh __ vẽ y phục, tô màu hậu cảnh, vân vân. Mục đích là bắt chước phong cách của ông thầy.

Giovanni Bellini (1430-1516) lớn lên trong một gia đình nghệ sĩ, do đó ông được một vị trí đặc quyền trong xưởng vẽ. Cha ông, Jacopo (1400-1470), có giữ những cuốn phác họa tuyệt vời gồm những bức vẽ chì thực sự là những bí mật nghề nghiệp. (Những bức họa này giờ hiện được giữ tại Louvre và British Museum.) Cuốn phác họa chỉ cho những học viên cách thức vẽ các con thú, những phong cảnh thú vị, và phối cảnh đầy thuyết phục.

Sức ép đè nặng lên Giovanni, vì anh ông, Gentile (1429-1507), đã chứng tỏ mình là một họa sĩ tài ba. May mắn thay cho Giovanni __ và cho chúng ta__ khi ông vượt xa tất cả kỳ vọng. Các hình ông vẽ về Đức Mẹ và Chúa Hài đồng là một số trong các hình giống người thật và thân thiết nhất trong suốt lịch sử nghệ thuật. Đức Mẹ của Bellini thường xuất hiện trên các thiếp Giáng sinh và tem. Các bức họa của ông lấp lánh màu sắc rực rỡ kiểu Byzantine mà ông quen nhìn trong các nhà thờ lớn ở Venice.  

 Mặc dù Bellini bắt đầu vẽ bằng tempera trứng, ông thấy chất liệu này quá khô và màu không được nổi. Ông liền chuyển qua dùng kỹ thuật sơn dầu mới được  nghệ sĩ các Xứ Vùng Trũng (ngày nay là các nước Bỉ, Luxembourg, và Hà lan)  sử dụng, và được giới thiệu vào Venice  trong thập niên 1470. Kỹ thuật này cho phép ông vẽ những mẫu nhân vật một cách mềm mại, trộn và trộn lại màu sắc của mình, và tạo ra những hiệu ứng ấm áp của sáng và tối.

Trong Bữa Tiệc của các Thần linh, hiệu ứng lập lòe đề cập ở trên được vẽ trên một hậu cảnh tối của khu rừng hẻo lánh. Chủ đề rút ra từ một quyển sách cổ của Ovid, Bữa Tiệc, mô tả nguồn gốc của các lễ hội La Mã. Bellini minh họa một buổi tiệc do Bacchus, Thần Rượu,  khoản đãi. Tại bữa tiệc, mỹ nữ Lotis, nằm ở góc phải xa của khung vẽ Bellini, đang say ngủ vì uống quá nhiều rượu. Hình cho thấy nhân vật vén váy của nàng chính là Priapus, Thần Dê dâm đãng. Trong chuyện kể khôi hài của Ovid, toan tính của Priapus bị tiếng kêu be be làm cản trở. Lotis tỉnh dậy và xua đuổi Thần Dê.

1

Bellini làm hoạt náo không khí bằng cách tổ chức  những nhân vật dọc theo một đường  bố cục hơi lượn sóng. Người xem cảm thấy sự say sưa của buổi tiệc thôn dã này.

Mantegna và Giorgione

Em gái của Giovanni Bellini, Nicolosia, cưới nghệ sĩ Andrea Mantegna (1431-1506), mở rộng thêm nữa việc kinh doanh nghệ thuật cho gia đình Bellini. Nhưng trong khi nghệ thuật của Giovanni khám phá màu sắc và những đường  bao mềm mại, Mantegna học được mối quan tâm của cha vợ mình là Jacopo Bellini về đường  và phối cảnh. Đối với Mantegna, màu sắc ngồi ở phía sau việc họa chì. 

2

Mantegna thích cho thấy hình người trong phối cảnh, đôi khi ông làm co lại một cách đầy kịch tính. Bức Christ Lìa Đời mô tả Jesus nằm ngữa vươn dài người ra như một thây ma trong nhà xác. Hình người được co lại theo phép phối cảnh thành ra người xem nhìn được cận cảnh bàn chân bị đóng đinh của Jesus, như muốn ló ra ngoài khung tranh. Dù bạn theo tôn giáo nào, bức tranh làm ta đau đớn __ và các đường  nét chính xác của Mantegna không làm dịu đi hình ảnh khủng khiếp.

Học trò của Giovanni Bellini, Giorgione (1477-1510), ngược lại, đều diễn tả những gì hiền hòa. Ông đưa hội họa của Venice theo chiều hướng được các họa sĩ theo đuổi trong hàng thế kỷ. Kỹ thuật sfumato của Leonardo da Vinci (vẽ sương khói bao quanh con người và vật thể; xem Chương 11) cũng được Giorgione sử dụng. Ánh sáng ấp áp và sự hiện diện ngời sáng của những nhân vật trong tranh ông khiến họ hình như là một bộ phận tự nhiên của khung cảnh thôn dã mà họ quen thuộc.

3

Một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của Giorgione, Cơn Bão, cho thấy một người đàn bà khỏa thân đang cho con bú trong khi ngồi trên gò gần một dòng suối. Bà nhìn đăm chiêu xa xăm như không biết có sự hiện diện của con mình. Trên bờ suối kia, một chàng thanh niên, đang cầm một cây quyền trượng và ăn vận như là y đến từ một thế giới khác, dừng lại để nhìn bà. Trong hậu cảnh, một cơn bão đang hình thành và một tia chớp lóe trong bầu trời. Nhưng cơn bão tới gần và cái nhìn xa vời của người phụ nữ đều không thể xua tan vẻ quang đãng của bức tranh bí ẩn và đầy tính thi ca này. Bức tranh đã ám ảnh người xem mà không hiểu tại sao.

Nhiều quyển sách đã viết để thử giải thích bức tranh đánh đố này, nhưng không ai tìm ra câu trả lời. Ngay cả Giorgio Vasari, chỉ viết 50 năm sau cái chết của Giorgione,  phải nhận rằng ý nghĩa của một số tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ đã thất lạc. Vasari cũng nói rằng Giorgione chẳng bao lâu sẽ bị lu mờ vì tiếng tăm của một người học trò xuất sắc của ông, Titian. Mà đúng vậy, người nghệ sĩ già đã từng thoáng nghe người ta khen ngợi một phần trong tác phẩm của mình. Điều này chỉ làm ông bực mình hơn vì phần đó ông đã giao cho Titian vẽ.

Kỳ nghỉ Venice của Durer

Khi người vẽ đồ án và làm tranh khắc gỗ vĩ đại  Albrecht Durer (1471-1528) lần đầu tiên thăm Venice vào năm 1494, ông không thể nhịn vẽ chì và vẽ màu nước. Khi ông đến gần Ý, ông vẽ màu nước dảy núi Alps từ cửa sổ xe ngựa. Khi đến Venice, ông quay sang vẽ chì. Các nghệ sĩ Đức trong thời gian đó thường không quen vẽ người mẫu khỏa thân __ nhưng người Ý thì có. Khi Durer gặp gỡ những người bạn Ý vẽ chì người mẫu khỏa thân, ông cũng quay sang vẽ tranh chì khỏa thân. Ông cũng phác họa nhanh những y phục thời trang mà các người đẹp Ý mặc, vẽ ngay trên đường  phố.

4

Một bức vẽ chì của Durer

Durer trải qua một thời gian thú vị trong chuyến đi đầu tiên đến Venice đến nổi ông trở lại Venice vào năm 1506. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Durer trong chuyến đi thứ hai này là Đức Mẹ của những Vòng Hoa Hồng. Được ủy thác vẽ cho nhà tế bần Venice của các thương gia Đức, bức tranh thờ này mô tả những nhân vật duyên dáng ở bên cạnh Đức Mẹ. Tất cả chủ thể đều được vẽ bằng màu ấm áp, đầy đặn với kỹ thuật trộn màu cẩn thận làm ta nhớ đến Bellini (xem hình dưới).

5

Đức Mẹ của những Vòng Hoa Hồng

Hình dưới là một bức tranh màu nước của Durer.

6

Vòng quanh thế kỷ 16 với Titian

Những phụ nữ xinh đẹp của Venice đã lọt vào mắt xanh của Durer được mô tả tốt nhất trên tranh của họa sĩ Titian (1488-1576). Khi ông còn sống, người Venice gọi ông là “vầng thái dương ở giữa những ngôi sao nhỏ.” Ngày nay Titian được coi là họa sĩ nổi tiếng nhất, và có thể vĩ đại nhất của Venice. Bảng màu thế tục, phong phú của ông bao gồm những màu dữ dội, cũng như những màu xanh của bích ngọc mát dịu nhất. Các chân dung của ông mạnh mẽ về tính tâm lý đến nổi mỗi bức hình như là một trang lấy ra từ Shakepeare. Một chân dung của Hoàng đế La Mã Thần Thánh đã kiếm được cho ông một tước hiệu hiệp sĩ, và sau đó Titian được thưởng một dây chuyền vàng to tướng mà ông luôn đeo trong các chân dung tự họa của mình. Các giới quý tộc Tây Ban Nha tranh nhau sưu tập tranh ông, và sau đó các nghệ sĩ Ba-rốc từ Diego Velazquez đến Peter Paul Rubens đều sao chép họa phẩm của ông.

Titian vẽ tranh thờ lớn nhất mà Venice từng chứng kiến, The Assumption of the Virgin, hiện còn đứng trong nhà thờ SantaMaria Gloriosadei Frari. Nhưng tác phẩm của Titian được nhiều người biết đến nhất là bức Venus khỏa thân Venus of Uobino (xem Hình 12-2).   

7

Mark Twain, nhà châm biếm nổi tiếng nhất, kể lại một cách khôi hài, khi ông bước vào Uffizi ở Florence, “bạn tiến đến phòng triển lãm nhỏ nhưng được thăm viếng nhiều nhất __ the Tribune__ và ở đó, dựa vào tường, không có vải hay hoa lá che đậy, bạn có thể bắt gặp một bức tranh bậy bạ nhất,  ghê tởm nhất, tục tỉu nhất mà thế giới từng sở hữu __ bức Venus của Titian. Không phải vì bà ta trần như nhộng và nằm tênh hênh trên giường __ không, mà là do cánh tay và bàn tay trái của bà. Nếu tôi dám cả gan mô tả cử chỉ đó, thế nào độc giả cũng phải hú thét lên __ nhưng đúng là Venus đã nằm đó, để mọi người thỏa sức nhìn hau háu __ và bà ta có quyền nằm đó, vì bà ta là một tác phẩm nghệ thuật, và Nghệ Thuật thì có đặc quyền.” Bàn tay trái của bà đúng là đang bận rộn. Có lẽ Titian có chủ ý tạo ra một biểu tượng sinh sôi của bàn tay đó __ cùng với những yếu tố khác của bức tranh. Tùy ý bạn muốn giải thích sao cũng được.
Venice của Veronese

Vào giữ thế kỷ 16, Phong trào Cải Cách Tin Lành của Martin Luther đã lan rộng phần lớn châu Âu. Những người ủng hộ lên án sự thừa mứa của nhà thờ Cơ đốc giáo và sự buôn thần bán thánh. Họ cổ vũ việc đọc Kinh thánh vì lợi ích của mình chứ không bắt buộc chấp nhận lối giải thích độc đoán của nhà thờ.

Những chống đối như thế dần dần làm Vatican khó chịu. Vào năm 1545, Giáo hoàng Paul III triệu tập các giám mục khắp châu Âu về họp ở bắc Ý,  gọi là Hội đồng Giám Mục Trent.  Tại những buổi họp này, Cơ đốc giáo thông qua những cải cách cho Nhà thờ và cố gắng dập tan những manh mún phản giáo của Luther, Calvin, và những người còn lại.

Hội đồng Giám mục Trent họp đều đặn từ 1545 đến 1563 tại Trent, Ý. Họ thông qua các điều lệ hành vi để uốn nắn lại đạo đức các thầy tu. Họ cũng tuyên bố tầm quan trọng của những hình ảnh tôn giáo, vì người Tin lành phá hủy hình tượng các thánh đã từng được dùng để trang trí nhà thờ. Hội đồng yêu cầu  các nghệ sĩ nên theo đuổi những cảnh tượng chín chắn và xúc cảm hơn trong nghệ thuật để gieo thêm lòng mộ đạo cho người xem.

Trent đúng ra là sân sau của Venice, và không lâu trước khi một chuổi những liên minh chính trị mang Tòa án Dị giáo đến Venice để dập tắt phong trào dị giáo. Tòa án Dị giáo được mật tin là Bữa Ăn Tối Cuối Cùng do Paolo Veronese (1528-1588) vẽ cho một tu viện không mô tả câu chuyện của Cơ đốc một cách nghiêm cẩn và long trọng như lời chỉ dụ của Hội đồng Trent.(Bạn hãy tự kiểm tra bức tranh trong Hình 12-3). Veronese bị lôi đến Tòa án, và họ hỏi ông giải trình những điều bất thường trong tranh ông và những nhân vật khác nhau trong tranh đang làm gì.

8

Hình 12-3

Các quan tòa đặc biệt tức tối khi nghệ sĩ vẽ hai tên lính gác người Đức ở tận lề phải đang dùng bánh mì với rượu, như thể bọn Tin lành đang điều hành lễ ban thánh thể của họ. Veronese được ra lệnh phải sửa lại bức Bữa Ăn Tối Cuối Cùng của mình. Tòa án còn muốn bôi bỏ con chó ở trước bàn có dáng ngồi thật “chó”. Nghệ sĩ cố bào chữa là con chó, tên lùn, người đàn ông đang chảy máu mũi (đang cầm khăn ở bên trái bức tranh), và hai người lính Đức đều ở tiền cảnh của ảnh __ nói cách khác trong không gian của người xem, chứ không ở trong không gian của Christ. Christ và các đệ tử của mình ngồi bên dưới hàng cột trong một khung cảnh cách biệt với các chi tiết náo nhiệt chung quanh.

Nhưng các quan tòa vẫn khăng khăng buộc ông phải vẽ lại. May thay cho những huynh đệ yêu quý bức tranh và cho những người Venice bất mãn việc La Mã cứ đòi kiểm soát nghệ thuật của họ, nghệ sĩ liền đưa ra một thỏa hiệp khôn khéo. Veronese đơn giản vẽ thêm một ít câu chữ liên quan đến chương thứ năm của Luke trên tay vịn của cầu thang. Luke 5 mô tả bữa ăn tối trong nhà của Levi ở đó Christ dùng bữa với “những thứ dân và những người phạm tội.” Bằng cách đặt lại tên bức tranh là Tiệc Tùng tại Nhà Levi, như vậy là mọi chuyện bát nháo chung quanh Christ đều được đồng ý. Các quan tòa La Mã không thể làm gì, người Venice giữ được bức tranh họ muốn, và chúng ta thừa kế một tuyệt tác đầy màu sắc tôn vinh vẽ tráng lệ của thời Hoàng Kim Venice.

Tintoretto và bản ngã thời Phục hưng

Tintoretto (1518-1594), là đối thủ cạnh tranh chính của Veronese. Tintoretto tuyên bố nghệ thuật của mình kết hợp “kỹ thuật vẽ chì của Michelangelo và màu sắc của Titian.” Việc ông có đạt đến sự hoàn thiện như ông tuyên bố còn là một việc đáng bàn cãi, nhưng không ai có thể không công nhận ông là một trong các ngôi sao của thời Phục hưng ở Venice __ và một người luôn tự đề cao mình thái quá.

9

Thánh George và Con Rồng của Tintoretto phơi bày phong cách kể chuyện sung mãn của ông. St. George là một vị thánh vào thế kỷ 3 được cho là đã giải cứu một bà hoàng hậu Libya thoát chết khỏi một con rồng hung dữ. Sau khi George giết được rồng, nhà vua và toàn bộ dân vùng ấy đều xin cải sang đạo Cơ đốc.  Tranh thờ của Tintoretto là một bố cục kịch tính kéo bạn đi khắp hướng khác nhau khi bạn cố theo dõi hành động xảy ra. Trong tiền cảnh, bà hoàng xinh đẹp chạy về phía bạn,  vừa chạy vừa nhìn ngoái lại qua vai mình. Bạn cũng nhìn qua vai bà, và bạn thấy George trên lưng ngựa trắng, phóng tới đâm con rồng rơi xuống biển. Giữa bà và người hiệp sĩ nằm sóng soài xác một nạn nhân của quái thú. Thân thể của y như kéo dài nối liền hai biến cố. Cách nằm của xác chết bắt chước tư thế của Christ trên thập giá. Nguồn sáng của bức tranh là Thượng đế, phát ra những tia sáng hình ô van trong một màn trình diễn ánh sáng ngoài trái đất. Bệ thờ nhỏ này là một biểu thị của huyền thoại Cơ đốc đầy tinh thần hiệp sĩ. Ngày nay chúng ta có Schwarzenegger trên dĩa DVD;  Venice thời Phục hưng có những bức tranh hành động của Tintoretto.

 Gô-tích Cuối Kỳ và Chủ Nghĩa Tự Nhiên Phương Bắc

Nghệ thuật Gô-tích cuối kỳ, phát triển ở Flanders khoảng 1420, là một chặn đường  dài từ những hình người Gô-tích được kéo dài ra trên Giáo đường  Chartres, được xây dựng giữa những năm 1194 và 1220 (xem Chương 10). Gô-tích Kỳ Cuối chỉ chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật Flemish và có nhiều điểm  chung với thời Phục hưng Ý Sơ Khai (xem Chương 11). Cả hai đều cố gắng mô tả cuộc sống một cách hiện thực, vẽ người trông như người. Sự khác biệt chính yếu giữa nghệ thuật Gô-tích Cuối Kỳ và Phục hưng là các nghệ sĩ Gô-tích Cuối Kỳ không cố làm sống lại văn hóa La-Hy như các nghệ sĩ Phục hưng.

Jan van Eyck: Con át Gô-tích Cuối Kỳ

Jan van Eyck (1395-1441) đôi khi được mệnh danh là “Nhà Sáng Chế Sơn Dầu.” Nhưng các học giả ngày nay biết rằng sơn dầu đã được sử dụng không thành công qua hàng trăm năm trước khi ông ra đời. Chính xác hơn nên gọi ông là “Bậc Thầy của Sơn Dầu,” vì ông làm chủ phương tiện này tốt hơn bất kỳ ai trước ông. Dùng dầu óc chó và những loại dầu khác làm chất trung gian, và để toan khô lại sau mỗi lớp sơn, ông dần dần quét lên đến một tá lớp mỏng tuần tự để tạo chiều sâu cho bức tranh. Với các họa phẩm của van Eyck, lần đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật, bạn thực tình phải đưa tay chạm bức tranh để chắc chắn là ảnh trong tranh là phẳng dẹt và không phải là hình nổi.

Van Eyck xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, và tác phẩm sớm nhất của ông là Ảnh Thờ Ghent (hay Sự Sùng Bái Con Chiên Thần Bí) mà ông và người em Hubert vẽ cho Thánh đường  Thánh Bavo ở Ghent, năm 1432. Cao khoảng 4 mét và rộng 5 mét, Ảnh Thờ Ghent gồm 12 tấm níu chân mọi người dừng lại. Những hình ảnh chói lòa  từ các khung gỗ như hồi chuông đỗ từ một cây đàn ống. Các thánh lũ lượt chào mừng con chiên hy sinh; dàn đồng ca cất tiếng, một phụ nữ xinh đẹp chơi đàn ống trong bức tranh; Mary, Christ, và John the Baptist chủ tọa bệ thờ chẳng khác nhà vua và hoàng hậu; ngay cả Adam và Eve cũng tham dự đứng hai bên lề, khỏa thân. Sau tác phẩm to cỡ này, van Eyck thích vẽ những tranh khổ nhỏ hơn __ thực sự mọi tác phẩm khác của ông đều có kích cỡ khiêm nhường và quen thuộc. Tranh ông giống đời thực hơn và nhiều chi tiết hơn, như thể bạn nhìn qua một cửa sổ nhỏ để chứng kiến sự ảo diệu của chúng.

Một “cửa sổ” như thế ngắm nhìn một cảnh tượng trong nhà là Chân Dung của Giovanni Arnolfini và Vợ (xem Hình 12-4). Người đàn ông trong tranh là Giovanni Arnolfini, một nhà buôn Ý từ Lucca đến, sống phần lớn cuộc đời ở Bruges, Bỉ. Ông ta và vợ ăn mặc chải chuốt, đúng phong cách, nhưng không quá xa hoa. Căn phòng họ đang đứng có một  chiếc giường đắt tiền (như thói quen của dân Flemish), nhưng các bức tường thì không treo thảm đắt giá và nền nhà chỉ là lót gỗ trơn. Ngoài việc buôn bán tơ lụa, các nhà buôn từ Lucca thường nhập cảng cam, chanh từ Tây Ban Nha, và được bán với giá cao. Một trái cam xuất hiện trên bậc cửa sổ và ba trái nữa nằm rải rác ngẫu nhiên trên tủ gỗ gợi ý sự giàu có của cặp đôi này và cũng có thể ám chỉ trái cấm của Vườn Địa Đàng. Thật ra mọi vật trong tranh mang một nghĩa đen và một nghĩa tượng trưng. Gán cho các vật thể một ý nghĩa là chuẩn mực của nghệ thuật Hà lan. Con chó dễ thương giữa hai người, chẳng hạn, là biểu tượng chuẩn của lòng trung thành. Nhưng nó cũng là một giống chó đắt tiền, biểu thị sự giàu có của cặp vợ chồng.

10

11

Hình 12-4

Phục Hưng ở Hà Lan và Đức

Giao thương với Venice, Florence, Rome, và những bang độc lập khác của Ý đã mang nghệ thuật Ý đến  với các xứ phương bắc như Pháp, Đức, và Hà lan. Nhất là khi các nghệ sĩ Phục hưng miền bắc Ý như Leonardo da Vinci và Benvenuto Cellini chuyển đến Pháp để làm việc cho Vua  Francis I, và những nghệ sĩ phương bắc như Durer và Bruegel đã từng học ở Ý, cũng giúp truyền bá tinh thần và phong cách Phục hưng lên phía bắc. Như Phục hưng Ý, sự tái sinh ở các xứ phương bắc đã tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ mô tả cuộc sống thế tục một cách tự nhiên và đầy sáng tạo.

Trong các đoạn sau, tôi tập trung vào những tác phẩm của Hà lan và Đức ở đó tính nhân bản của Phục hưng được đề cao, tạo ra một nhu cầu về tranh chân dung và phong cảnh và nơi mà nhiệt tình tôn giáo lóe lên một số tác phẩm Cơ đốc dữ dội và ruột gan nhất.

Giải mã Bosch

Họa sĩ  Hà lan Hieronymus Bosch (1450-1516) vẽ một số tranh u ám nhất về nhân loại từng được vẽ. Tác phẩm lừng danh nhất của ông là bộ ba tấm mang tên Vườn của những Hoan Lạc Trần Thế. Chỉ cần nhìn một lần vào bức họa này là đủ thuyết phục bạn rằng Bosch là người bi quan cũng như là người mộ đạo. Trong bức tranh này, toàn thế giới như đang mắc kẹt vào vòng đam mê trụy lạc và sắp sửa sa vào địa ngục. Hiển nhiên đối với Bosch, nghe nhạc cũng là tội lỗi. Dù cách ông mô tả địa ngục (khung bên phải) thật đáng sợ, nhưng nó chính là cảnh tượng sáng tạo nhất của Âm ty đã từng được nghĩ ra (xem hình dưới).

12

Vườn Địa Đàng Eden

Trên khung trái, Christ giới thiệu Eve mới vừa tạo ra cho Adam trong Vườn Địa Đàng nơi có những loại động vật đang gặm cỏ một cách yên bình (một số con vật không giống ai). Ở khung giữa, mô tả cuộc sống sau khi Adam và Eve bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, những người trần truồng đang trững giỡn, ve vản, và cỡi ngựa và heo trong cái gì giống như một nhà chứa. Mặc dù khung tranh về những hoan lạc trần thế có chủ ý cảnh báo con người từ bỏ khoái lạc và quay về với Chúa, nhưng hình như chỉ khiến người ta quay vào hơn là bỏ đi. Khung tranh phải cho thấy cái giá con người phải trả cho một cuộc sống chỉ đắm chìm trong khoái lạc giác quan. 

Vườn của những Hoan Lạc Trần Thế  đầy ắp hình ảnh.  Để đọc được tranh này bạn cần sự giúp của những kiểu dạng,  sự song hành, và sự đảo nghịch giữa ba thế giới: Eden, trần gian, và địa ngục. Chú ý rằng phong cảnh bầu trời trong xanh và đồi cỏ của Eden vẫn tiếp tục tận khung tranh giữa, Trần Thế . Cũng có sự tương ứng về mặt địa lý ở địa ngục nữa. Mỗi khung tranh đều có một ao hình ô van (ở địa ngục thì có hình của hầm cầu!). Ngay cả trong thiên đường , cái ao cũng có các loài sinh vật kỳ dị, lai tạp sinh sống: một con độc sừng màu đen, một con cá bay, một sinh vật trông như ngỗng đang chăm chú đọc sách __ tương lai của con người trông rất ảm đạm. Mỗi phong cảnh đều có hồ. Ở Eden, ngỗng bơi trên mặt nước trong; trên trần gian, những con người trần truồng trững giỡn trong một nơi giống như một công viên nước; ở địa ngục, người ta bị nấu sôi trong nồi súp âm ty.

Chú ý ở khung tranh bên trái và giữa đều có những con cú theo dõi con người như một thứ lương tâm nhìn thấy tất cả hay để báo trước ngày phán xét của y.

Chim lướt qua trong mỗi khung tranh: Ở Eden, chúng bay đầy hạnh phúc qua bầu trời xanh. Ở trần thế chúng biến thành những con chim khổng lồ, cắt ngang qua không khí với người có cánh và cá bay và quái vật đầu chim __ những biến thái của tự nhiên. Trong tích thời trung cổ, những mụ phù thủy được tin là làm hỏng tự nhiên bằng cách ăn cắp trứng và tinh trùng của người và các chủng loài khác rồi pha trộn chúng để tạo ra thứ lai tạo quái thai. Mục tiêu của chúng là thay thế Thượng đế và bộ máy hài hòa của tự nhiên bằng sự bất hòa. Ở địa ngục, những con chim đen nhỏ bé bay ra từ hậu môn của một người đàn ông đang bị một con chim khổng lồ nuốt chững. (Những sinh vật lai tạo của Bosch có thể lấy cảm hứng từ những chuyện kỳ quặc thời trung cổ __ xem Chương 10 _  nhưng ông đã đẩy sự kỳ quặc lên một mức độ mới.)

13

Trần Thế

Trái cây ở vườn địa đàng xuất hiện lại trong trần thế dưới hình thức một vườn táo nơi con người có thể hái ăn thoải mái. Những trái dâu, anh đào  khổng lồ là những đặc điểm dễ nhận ra nhất ở khung tranh giữa, gợi ý nhân loại chỉ sống cho khoái lạc hơn bất cứ thứ gì khác. Chú ý là con người và chim trao cho nhau trái cây như con rắn đã làm trong Eden. Những lai tạp tương lai được gợi ý bằng những trộn lẫn giữa các loài và hình ảnh một ông ve vản con cú__mặc dù con cú có vẻ lạnh nhạt trước sự tiến tới của y.

Trong địa ngục, khoái lạc biến thành nổi đau. Hố bốc lửa được chia thành những vũ đài hành hình khác nhau ứng với mỗi loại khoái lạc trên trần thế: vũ đài cờ bạc, ”phòng” âm nhạc, bồn cầu __ một lỗ trong địa ngục nơi một người nôn mữa vào, một người khác bài tiết ra tiền vàng (hiển nhiên vì ở trần thế y nuốt quá nhiều tiền bạc), và một  con chim ăn thịt người đang bài tiết ra những thây người chưa tiêu hóa hết. Trong những vũ đài khác, các con vật hành hạ và bỏ vào bao những người đi săn đã săn mồi chúng ở trần thế (người đi săn trở thành kẻ bị săn), và những “nhân cách hóa” thú tính của dục vọng mơn trớn những ké háu ăn và bọn dâm dục.

14

Địa Ngục

Trong các “phòng” nhạc các nhạc sĩ và những người thưởng thức âm nhạc bị trừng phạt vì chỉ muốn khoái lỗ tai mà quên cầu nguyện. Những cây đàn luýt và sáo của họ trở thành công cụ hành hình: Một người bị đóng đinh trên chiếc đàn hạc, một người khác bi một người lùn đâm xiên qua khi y không ngừng quay nhạc từ một chiếc đàn quay quá khổ.

Giải mã tính biểu tượng tối tăm của Grunewald                                

Họa sĩ Đức Matthias Grunewald (1470-1528) mô tả cảm xúc mãnh liệt, thường rất dữ dội hiệu quả hơn bất kỳ một nghệ sĩ Phục hưng nào khác. Những họa phẩm u ám của Chúa Chịu Đóng Đinh mô tả nổi khủng khiếp của cái chết của Christ với tính hiện thực sống động.

Tác phẩm mãnh liệt nhất về chủ đề này là The Passion được treo trên bệ thờ ở Isenheim, được vẽ cho Tu viện St. Anthony ở Isenheim,  Alsace, giữa những năm 1510 và 1515. Bức trái cho thấy Thánh Sebastian bắn tên xuyên người; tranh bên phải mô tả Thánh Anthony nhu mì;  tranh dưới cùng, Christ trong mộ, bên ông là hai bà Mary và Joseph than khóc.

15

Nhưng chính bức tranh giữa là kịch tính nhất, nắm bắt sự chú ý của người xem không thể quay mặt đi. Thân thể bầm dập của của Christ treo thõng xuống nặng nề khiến tay ngang của thập giá cũng cong oằn. Những ngón tay duỗi ra như cạo vào bầu trời, và các cơ bắp căng ra trong nổi thống khổ. Chiếc áo thụng màu đỏ sáng của John the Baptist bên phải và Tông đồ John bên trái vang vọng màu của máu chảy từ vết thương trên ngực Christ.  Thân xác của Christ đã bắt đầu cứng đờ, đóng băng nổi thống khổ cuối cùng mà Jesus phải chịu đựng, được Grunewald mô tả với sự hiện thực nhẫn tâm.   

Tác phẩm khủng khiếp nhất của Grunewald là Sự Cám Dỗ của Thánh Anthony, vẽ trong khoảng 1510 đến 1515. Theo Thánh Athanasius, tác giả Cuộc Đời Thánh Anthony, khi Anthony rút lui vào sa mạc để sống cuộc đời một kẻ khổ hạnh, các quỷ sứ xâm hại, bao vây ông bằng những trò cám dỗ bẩn thỉu. Trong Sự Cám Dỗ của Thánh Anthony, Grunewald mô tả một bầy quỷ quái đãn hành hạ vị thánh. Các màu sắc cơ bản sống động mà Grunbewald sử dụng làm tăng tính bi kịch của sự kiện.

16

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s