Liberia – Cuộc chiến hoang dại của thế kỷ 21

 1

Đăng Phạm / ncls group

Năm 1997, phái đoàn Liên hợp quốc ở Liberia phải chứng kiến cuộc bầu cử kỳ lạ bậc nhất lịch sử nhân loại. Người dân Liberia đổ xô đi bầu chọn Tổng thống cho người không phải tài năng hay được yêu mến nhất, mà là người họ sợ hãi nhất. Toàn bộ cuộc bầu cử được gói gọn trong khẩu hiệu huyền thoại được người dân truyền nhau: “He killed my ma, he killed my pa, but I will vote for him.” – dịch là ”Ông ấy giết mẹ tôi, ông ấy giết cha tôi, nhưng tôi sẽ bầu cho ông”. ”Ông ấy” được nhắc tới ở đây là Charles Taylor, Tổng thống đắc cử của Liberia năm đó, cũng chính là nhân vật trung tâm của cuộc chiến đẫm máu ở Liberia. Khẩu hiệu ngắn gọn trên đã phần nào phác họa được bối cảnh của cuộc chiến này, một cuộc chiến của những chuyện mà nhân loại sẽ khó có thể bắt gặp ở nơi nào khác trong thế kỷ 21, như chuyện ăn thịt người tưởng chừng của thời nguyên thủy lại diễn ra hàng ngày trước ống kính phóng viên.

Phần 1: Sự trỗi dậy của Charles Taylor và nội chiến Liberia lần 1.

1/ Charles Taylor và nước Liberia.

Nước Liberia nằm ở Tây Phi, bên bờ Đại Tây Dương. Diện tích hơn 100.000km2, dân số hiện tại khoảng 4 triệu người. Đất nước Liberia trước đây nổi tiếng vì 2 chuyện đáng tự hào. Một, họ là nước thứ 2 ở châu Phi giữ được độc lập trước thực dân phương Tây. Thực sự thì nước Liberia được lập nên do những nô lệ da đen từ Mỹ, sau khi được giải phóng khỏi chế độ nô lệ đã quay về châu Phi. Vùng này cũng không có vị trí quan trọng, tài nguyên không nhiều nên ít bị nhòm ngó. Nhưng cũng đừng dựa hết vào chuyện này để phủ nhận công sức giữ độc lập của người Liberia. Họ đã phải nhún nhường, đàm phán căng thẳng cũng như tận dụng vị trí vùng đệm giữa 2 thuộc địa là Freetown (nay là Sierra Leone) của Anh và Bờ Biển Ngà của Pháp, và cuối cùng là cầu viện người Đức để giữ được nền độc lập khỏi sự nhòm ngó của Pháp-Anh. Đổi lại 3/4 thương mại của Liberia do Đức nắm. Nhưng sau khi Đức thua trận năm 1914, Liberia đã hoàn toàn có được tự do và phát triển mạnh mẽ. Trong thế chiến 2, Liberia đứng về phe đồng minh nhưng không tham chiến trận nào. Tuy vậy, họ là đồn điền cao su lớn nhất thế giới cung cấp cho Đồng minh, và sau đó là 1 trong 4 nước Châu Phi duy nhất gia nhập Liên hợp quốc cùng Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia.

Thứ 2, không phải quốc gia hùng mạnh nào, chính Liberia là nước có ngành vận tải biển phát triển với đội tàu cho thuê lớn thứ 2 thế giới trước năm 1990, chiếm 11% số tàu đang đi trên đại dương. Nhưng những điều này đã thành cát bụi theo cuộc nội chiến. Nhưng ít ra, nó cũng để lại cho Liberia một thời kỳ đầy thịnh vượng huy hoàng. Năm 1979, nước này là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất châu Phi, và là một trong những nước trên lục địa châu Phi đủ sức ”tài trợ” cho Tổ chức Châu Phi thống nhất. Thực tế thì phần lớn các nước châu Phi thời đó không đủ để đóng góp như Liberia.

2

Bản đồ xứ Liberia thế kỷ 19

Tuy vậy, do di sản là từ những người Mỹ gốc Phi trở về, chức Tổng thống của Liberia luôn nằm trong tay những người từ Mỹ về này, dù 90% dân số Liberia là thuộc 16 sắc dân bản địa. Tương tự, hầu hết nền kinh tế cũng nằm trong tay những dân cư “gốc Mỹ’’. Đồng đôla Mỹ được dùng rộng rãi như loại tiền tệ thứ 2 của Liberia. Phải đến năm 1980, Samuel Doe, một người dân tộc Krahn mới trở thành Tổng thống bản địa đầu tiên, xóa bỏ ”tính chất Mỹ” trong chính quyền Liberia.

3

Tổng thống Samuel Doe (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger

Tuy nhiên, số phận Tổng thống bản địa đầu tiên đã bị hủy hoại bởi một viên chức tham nhũng. Charles Taylor, một viên chức bộ Tài chính năm 1983 ôm 1 triệu USD tiền tham ô chạy sang Mỹ, nhưng bị chính quyền Liberia nhờ Mỹ bắt giữ được. Trong khi ở tù bang Massachusetts, năm 1985, Charles Taylor cưa song sắt vượt ngục thần kỳ. Bằng một cách nào đó, hắn đã có mặt ở Libya. Lúc đó, chẳng ai ngờ được tay viên chức tham nhũng đó lại có thể dẫn đất nước Liberia đến một kết cục thảm khốc sau này.

2/ Mặt trận Yêu nước Liberia và những hành động trước chiến tranh

Ở Libya, Charles Taylor thuyết phục được Muammar Gaddafi rằng ông sẽ giúp mở rộng ảnh hưởng của Libya vượt qua vành đai Sahel, xuống đến bở Đại Tây Dương. Do đó, Gaddafi đã giúp Charles Taylor tập hợp những người Liberia lưu vong thành lập ”National Patriotic Front of Liberia” – gọi tắt là NPFL – Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia, chuẩn bị về nước lật đổ Samuel Doe.

4

Charles Taylor – lãnh đạo NPFL trong Nội chiến Liberia

Để chuẩn bị cho cuộc chiến, Gaddafi đã chuẩn bị sẵn các căn cứ cho NPFL ém quân xung quanh Liberia, nhất là ở Ghana và Bờ Biển Ngà, những nước mà các lãnh đạo ở đó nhận nhiều tiền viện trợ của Gaddafi. Tuy nhiên, một nơi thực sự quan trọng là Burkina Faso. Và nó cũng gắn với một câu chuyện đau lòng về Thomas Sankara – ”Che Guevara” của châu Phi.

Burkina Faso (trước kia là Thượng Volta), thuộc địa cũ nghèo đói của Pháp. Năm 1983, 4 sĩ quan Cộng sản đứng đầu bởi Thomas Sankara đã lên nắm quyền, tiến hành những cải cách khó tin, thay đổi bộ mặt đất nước. Nhiều chính sách của ông đến ngày nay vẫn còn dấu ấn, như việc trồng 10 triệu cây xanh ngăn Sa mạc Sahara mở rộng xuống Tây Phi. Thomas Sankara trở thành nhà lãnh đạo được yêu mến và kính nể kể cả ở các nước phương Tây, nhưng lại là cái gai trong mắt Gaddafi vì ông từ chối viện trợ của Libya cũng như bất kỳ tổ chức nào. ”Ai cho bạn ăn, sẽ kiểm soát bạn” – câu nói của Thomas.

Tuy nhiên, vào ngày 15/10/1987, một nhóm lính đánh thuê Liberia bất ngờ chặn đường bắn chết Thomas Sankara trên đường đến phủ Tổng thống. Cái chết của Thomas Sankara đưa Blaise Compaoré – một đồng chí cũ nhưng thân Gaddafi lên nắm quyền tận 30 năm sau. Nhóm lính đánh thuê kia không đâu khác chính là của Charles Taylor. Sự lên ngôi của Blaise Compaoré cũng cho Charles Taylor một hậu phương to lớn, và thêm một lực lượng khoảng 9 vạn lính đánh thuê Burkina Faso theo ông sau này để ”đền ơn”.

Đến năm 1989, gần 100.000 quân của các lực lượng trung thành với NPFL đã tập trung quanh biên giới Bờ Biển Ngà, sẵn sàng tiến vào Liberia lật đổ Samuel Doe.

3/ Nội chiến Liberia lần 1 – Charles Taylor lên làm Tổng thống.

Đêm Giáng sinh – 24/12/1989, hàng trăm nghìn chiến binh của NPFL âm thầm băng qua biên giới Bờ Biển Ngà vào Liberia. Ban đầu, họ được chào đón bởi một số dân tộc như Dan và Mano – những dân tộc có quan hệ gần gũi với nước láng giềng Bờ Biển Ngà. Nhờ đó, việc thâm nhập của NPFL được che giấu khỏi chính phủ Samuel Doe.

Chẳng bao lâu, quân NPFL tiến sâu vào trong lãnh thổ phía Bắc Liberia, nơi nó bắt đầu tàn sát dân tộc Krahn của Tổng thống Samuel Doe. Đến lúc này, chính phủ Samuel Doe mới biết đến sự hiện diện của quân Charles Taylor. Nhưng việc đầu tiên Samuel Doe làm không phải là gửi quân đi ứng phó Charles Taylor, mà là … tàn sát Giáo hội và giáo dân Liberia do cho rằng họ ủng hộ Charles Taylor. Tại một nhà thờ ở thủ đô Liberia, tháng 7 năm 1990, quân chính phủ Liberia nhốt 600 người, chủ yếu phụ nữ và trẻ em Công giáo và thiêu chết.

Lẽ ra quốc tế sẽ ngồi yên nếu không có vụ thảm sát ghê rợn này. Nhưng việc 600 người bị thiêu chết trong một nhà thờ là quá sức chịu đựng với nhiều nước Thiên chúa giáo, vì vậy tháng 8 năm 1990, Nigeria đứng đầu một liên minh các nước châu Phi, xin được gửi quân gìn giữ hòa bình đến Liberia. Tuy nhiên, có lẽ như người ta nói thời điểm đó: ”chẳng ai quan tâm đến một vùng đất không có dầu mỏ”, đề xuất của Nigeria đã bị ngó lơ. Vương quốc Anh – nước đứng đầu Khối thịnh Vượng chung, cũng hứa hẹn nhưng rồi không gửi lực lượng quân sự nào tới. Sau cùng, chỉ có vài nghìn lính Nigeria cùng Ghana đến Liberia bảo vệ cơ quan Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế ở đây.

Trong khi đó, Tổng thống Samuel Doe tỏ ra quá chủ quan với Charles Taylor, nghĩ rằng NPFL chỉ là nhóm lính ô hợp của những dân tộc thiểu số chống đối, mà không hề biết sự chống lưng của Libya phía sau. Sự chủ quan này hại chết Samuel Doe. Tháng 9 năm 1990, khi mà Samuel Doe đang để ý lên phía Bắc chống Charles Taylor, một tướng khác của quân NPFL là Prince Johnson âm thầm mang quân qua ngả Sierra Leone ở phía Tây, đánh úp thủ đô Monrovia. Thủ đô Monrovia choáng váng vì nghĩ phiến quân NPFL còn ở phía Bắc xa xôi, nay lại nã pháo vào trúng phủ Tổng thống. Cả thành phố tán loạn, và sứ quán Mỹ phải sơ tán khẩn cấp, dẫn theo cảnh tượng hàng nghìn dân thường Liberia tràn ngập sứ quán Mỹ tìm đường thoát thân.

Cuộc tấn công của Prince Johnson quá bất ngờ, trong bối cảnh quân chính phủ Liberia đã dồn lên phía Bắc đánh Charles Taylor.

Không có quân bảo vệ, thủ đô Monrovia nhanh chóng bị đánh chiếm. Người dân thủ đô honarg sợ, nhưng nhiều người chọn cách “xoay theo chiều gió” – nghĩa là đứng về phía quân nổi dậy tiến vào thủ đô để không bị làm hại. Nhiều nhóm người dân tự phát cầm vũ khí đi săn lùng tổng thống Samuel Doe. Chính quyền Liberia tan rã nhanh chóng. Ngày 9/9/1990, hòa cùng dòng người bỏ chạy hoảng loạn, Tổng thống Samuel Doe cùng hàng trăm nhân viên chính phủ chạy đến cơ sở của lính gìn giữ hòa bình của lính Nigeria trong thành phố để trốn. Nhưng quân NPFL đã có mặt ở đây trước. Sau khi giết vài lính Nigeria để đe dọa, quân NPFL đã buộc lính Nigeria phải giao Tổng thống Samuel Doe cho họ.

5

“Bạo chúa” Prince Johnson – chỉ huy đánh chiếm thủ đô Monrovia tháng 9/1990

Những việc sau đó đã đi vào lịch sử một cách ”sống động”. Chỉ huy quân NPFL Prince Johnson sắp xếp một buổi quay trực tiếp trên truyền hình quốc gia, phát đi khắp khu vực. Trên sóng truyền hình, người ta thấy Tổng thống Samuel Doe bị lột quần áo, đánh đập, tra khảo dã man. Sau đó, cảnh tượng kinh hoàng diễn ra, khi quân NPFL xẻo một bên tai của Tổng thống. Tiếp đó họ đổ phân và nước tiểu lên người ông để loại bỏ ”ma thuật” – một hình thức mê tín của các dân tộc bản địa châu Phi.

Hàng nghìn người dân Tây Phi không tin vào mắt mình khi nhìn trực tiếp qua truyền hình. Chính phủ nhiều nước phải cắt sóng truyền hình từ Liberia ngày hôm đó để ngăn những hình ảnh ghê rợn này truyền đi. Cuối cùng, sau gần 12 tiếng đồng hồ bị hành hạ, Tổng thống Samuel Doe bị dẫn ra đường, xả một loạt đạn giết chết và quăng xác lên xe tải, kết thúc cuộc đời của Tổng thống bản địa đầu tiên của Liberia. Sau khi hành quyết Tổng thống, NPFL giết nốt 80 tùy tùng của ông, nhưng thả cho toàn bộ lính Nigeria được an toàn.

6

4 / Bất ổn và đấu đá sau năm 1990 (sẽ nói kỹ hơn ở phần sau).

Cuộc dẫn quân đánh úp thủ đô bất ngờ của Prince Johnson mang lại chiến thắng giòn giã cho quân nổi dậy, tuy nhiên cũng chính nó là nguyên nhân dẫn đến những đấu đá sau khi chiến thắng, mà thực tế đây mới là phần cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong cuộc chiến.

Số là việc đánh úp thủ đô Monrovia thắng lợi làm Prince Johnson thấy mình ”có giá trị” hơn. Vậy là sau khi quân nổi dậy NPFL đón Charles Taylor từ phía Bắc về thủ đô để chuẩn bị làm lãnh đạo mới, Prince Taylor bất ngờ đứng lên phản đối, cho rằng bản thân mình xứng đáng làm Tổng thống hơn. Thế là ông đứng ra thành lặp Mặt trận riêng cho mình, lấy nguyên tên cũ nhưng chỉ thêm chữ ”độc lập” – ”Independent” thành Independent National Patriotic Front of Liberia (INPFL). Vậy đấy, NPFL và INPFL.

Những tranh cãi giữa hai nhóm đối lập nhau trong nội bộ quân nổi dậy khiến tình hình hỗn loạn và người dân Liberia vô cùng bối rối, bởi cả 2 phe đều là từ NPFL ra, không có cách nào phân biệt được. Các dân tộc thiểu số ủng hộ NPLF trước kia ”xin được tránh xa” khỏi xung đột giữa Taylor và Johnson. Lực lượng của 2 bên ở thủ đô ngang bằng nhau, sự ủng hộ của người dân cũng như nhau, nên cuộc chiến có vẻ như bất phân thắng bại.

Giữa lúc đó, Charles Taylor đã tận dụng quân bài bí mật của mình: lính Burkina Faso. Vốn trước kia giúp nhà lãnh đạo Burkina Faso, Blaise Compaoré giết Thomas Sankara để lên ngôi, Charles Taylor được trả ơn bằng hàng chục nghìn lính đánh thuê Burkina Faso sẵn sàng giúp đỡ.

Vì thế, tháng 10 năm 1992, Charles Taylor đã cho hàng chục nghìn lính đánh thuê Burkina Faso tràn vào giúp chống lại quân INPFL của Johnson. Chiến dịch mang tên ”Chiến dịch Bạch tuộc” – ”Operation Octopus”. Chiến dịch thắng lợi nhờ lợi thế quân số, buộc Prince Johnson và INPFL phải chấp nhận từ bỏ tham vọng chính trị.

Nhưng điều đáng nói nằm ở chỗ, sau chiến dịch Bạch tuộc, Charles Taylor đã cho lính Burkina Faso được thỏa sức cướp bóc, giết người, hãm hiếp ở các làng mạc ủng hộ Prince Johnson. Điều này đã dẫn đến các hành động tàn bạo làm chết hàng chục nghìn người trong năm 1992, triệt hạ nhiều làng mạc. Nhiều ngôi làng ở Liberia đã bị xóa sổ trong chiến dịch này, dù trong suốt cuộc chiến chỉ có một trận đánh duy nhất diễn ra. Các hành động chỉ kết thúc khi lính Burkina Faso rút đi.

7

Lực lượng trung thành với Charles Taylor tấn công lực lượng của Prince Johnson năm 1992 trong ‘’Chiến dịch Octopus’’

8

Charles Taylor (đeo kính) – thủ lĩnh NPFL- đang trực tiếp chiến đấu và hỗ trợ một người bị thương trên đường phố.

Với chiến thắng năm 1992, Charles Taylor vươn lên thành nhân vật quyền lực duy nhất ở Liberia. Nhưng ông vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức từ những lực lược chống đối khác sau này. 

Phần 2: Chiến tranh và bạo lực tiếp diễn.

1/Chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo ở Liberia sau năm 1992.

 Với chiến thắng trước Prince Johnson năm 1992, Charles Taylor trở thành nhân vật quyền lực nhất Liberia. Tuy nhiên, cũng vì các hành động tàn bạo khi chống lại Prince Johnson, mà Charles Taylor không được quốc tế công nhận. Vì vậy, đề xuất của Liên hợp quốc năm 1993 là cho Lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia đến Liberia giám sát tình hình đến khi tổ chức bầu cử. Và vẫn như trước, không nhiều nước hứng thú với nhiệm vụ ở quốc gia nghèo đói không có dầu mỏ như Liberia. Và vì vậy nhiệm vụ lần này chủ yếu vẫn do vài nghìn lính Nigeria cùng vài nước Tây Phi (trong một liên minh Tây Phi tên là ECOMOG) đảm nhận.

Lực lượng nhỏ bé này của ECOMOG không đủ để ”hù dọa” Charles Taylor. Và vì vậy, năm 1993 Charles Taylor vẫn tổ chức các cuộc tấn công nhằm giành được quyền lực và được công nhận. Trong năm 1993, mặc dù hết sức tránh lực lượng ECOMOG, quân của Charles Taylor vẫn tấn công dân thường Liberia với mục đích không gì khác là: khủng bố gây nỗi sợ để được thừa nhận.

ECOMOG và Liên Hợp quốc nỗ lực trong tuyệt vọng để bảo vệ dân thường Liberia trong sự ngó lơ của các cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu,… Trong năm 1993, báo cáo 70.000 dân thường Liberia đã thiệt mạng, cùng 1,8 triệu người rơi vào thảm họa nhân đạo với nạn đói và bệnh tật tràn lan, trong khi cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Các tổ chức nhân đạo không thể tới Liberia do lo ngại an ninh, trong khi những nước ECOMOG đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, thì ngoại trừ Nigeria, các nước còn lại như Guinea, Niger, Gambia, Mali, Benin,… đều là các nước nghèo đói có khi còn hơn cả Liberia.

9

Một ‘’đội tử thần’’ của NPFL trung thành với Charles Taylor đang ‘’săn lùng’’ các nhóm đối lập trên đường phố Monrovia năm 1993

10

Lính trẻ em trên đường phố Monrovia – trên bức tường phía xa là dòng chữ ‘’Ready to kill’’ – ‘’sẵn sàng giết người’’.

Đến năm 1994, Charles Taylor đã hết kiên nhẫn, tấn công cả lực lượng ECOMOG. Nhiều nhân viên ECOMOG bị bắt làm con tin, đe dọa nếu họ không rút đi sẽ thảm sát thêm nhiều dân thường Liberia. Không có lựa chọn, tháng 6 năm 1994, ECOMOG chấp nhật kết thúc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Liberia. Trước khi rút đi, ECOMOG cố gắng giàn xếp một thỏa thuận giữa Charles Taylor và các lãnh đạo đối lập khác. Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ở thành phố Akosombo của Benin, và đến cuối năm ký thêm hiệp định khác ở thủ đô Accra của Ghana. Các thỏa thuận là một hy vọng rất mong manh của cộng đồng quốc tế rằng Charles Taylor sẽ dừng các hành động khủng bố dân thường cho đến khi bầu cử diễn ra.

Những hy vọng đó đã được thắp sáng. Trong năm 1995, bạo lực giảm đi ở Liberia, và các tổ chức nhân đạo bắt đầu tiếp cận được Liberia. Tuy nhiên, với tài chính hạn hẹp, các chiến dịch cứu trợ không đủ để giúp toàn bộ người dân Liberia. Hơn 1 triệu người vẫn sống trong tình trạng ”khủng hoảng nhân đạo tồi tệ”, trong khi mối lo chiến tranh vẫn cận kề.

Đến cuối năm 1995, hy vọng hòa bình được mở ra với Liberia: 3 lãnh đạo gồm Charles Taylor, George Boley và Alhaji Kromah đồng ý chuẩn bị cho một cuộc bầu cử vào năm 1996, hứa hẹn mang lại hòa bình và ổn định cho Liberia. Và cũng tiết lộ luôn kết quả bầu cử của 3 ông: Charles Taylor 75%, Boley 1,26%, Kromah 4%.

2/ Vỡ mộng hòa bình – chiến tranh đẫm máu năm 1996.

Năm 1996 – lẽ ra phải trở thành năm bầu cử mang lại hòa bình, cuối cùng trở thành năm đẫm máu nhất của cuộc chiến Liberia.

Chiến sự năm 1996 tập trung chủ yếu ở thủ đô Monrovia, trở thành những tin tức nóng hổi thường xuyên cập nhật từng giờ trên báo chí quốc tế. Những hình ảnh phổ biến nhất về chiến tranh Liberia, có thể nói chủ yếu là lấy từ năm 1996 này.

Trong những ngày năm 1996, không nơi nào xứng đáng với danh từ ”địa ngục” hơn thủ đô Monrovia của Liberia. Dù chỉ là những hình ảnh, thước phim được chuyển qua tin tức của phóng viên, thì điều người ta nhìn thấy trên đó cũng đủ khủng khiếp. Tất cả những gì người ta bắt gặp có thể kể đến là: những đứa trẻ cầm AK chạy quanh đường phố; những con người mà thứ duy nhất họ có không phải là quần áo mà súng trường (tìm ”Tướng mông trần” để biết thêm) những chiến binh bắn súng không khác gì phim hài (ai muốn biết thì xem tư liệu của AP Archive); những xác người chết la liệt đường phố, không vì đạn thì cũng vì đói; những người dân tội nghiệp được sống nhưng với tay chân bị chặt đi; và một vài phóng viên may mắn, đã ghi được những hình ảnh ăn thịt người giữa thế kỷ 21, thậm chí phỏng vấn trực tiếp những kẻ ăn thịt đó – ”tướng mông trần” là một ví dụ.

Chỉ riêng năm 1996 đã cướp đi sinh mạng của 200.000 người Liberia – chiếm 1/3 số người chết trong toàn cuộc chiến. Toàn bộ các tổ chức quốc tế rút hết khỏi Monrovia, để lại một địa ngục cho người dân Liberia gánh chịu và phóng viên ghi lại.

11

Một lính trẻ em trên đường phố Monrovia tháng 4/1996.

12

Trực thăng quân đội Mỹ đang di tản người khỏi sứ quán Mỹ ở Monrovia, không rõ thời gian.

Trong tận cùng của đau khổ, không ai ngờ được mọi chuyện lại được kết thúc bởi một phụ nữ. Cuối năm 1996, Ruth Perry, một phụ nữ được Mỹ và Nigeria ủng hộ đã đứng ra giàn xếp các phe phái kết thúc một năm 1996 đẫm máu của đất nước Liberia. Ruth Perry, được chọn làm Tổng thống tạm thời. Và, đây chính là Tổng thống nữ đầu tiên của toàn bộ châu Phi. Liberia vì thể trở thành nước châu Phi đầu tiên có một phụ nữ làm Tổng thống. Thành tích này sẽ rất tự hào để nói đến, nhưng là nếu không nhìn vào bối cảnh của đất nước Liberia lúc đó.

Theo thỏa thuận được giàn xếp bởi các nước tây Phi, Ruth Perry sẽ làm tổng thống đến tháng 8 năm 1997, khi một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức, và lần này sẽ không bị lỡ hẹn.

13

Ruth Perry – nữ tổng thống ‘’được chỉ định’’ của Liberia năm 1996 để kết thúc nội chiến.

3/ Bầu cử tổng thống năm 1997 và hậu quả cuộc chiến.

Tháng 7 năm 1997, người dân Liberia đi bầu tổng thống. Và như đã nói trước, đây là cuộc bầu cử kỳ lạ có một không hai trong lịch sử. Người dân Liberia đi bầu để chọn một tổng thống, với hy vọng duy nhất không phải là ông sẽ kéo nền kinh tế đi lên hay chăm lo cho người dân, mà là ông sẽ dừng giết chóc.

Với khẩu hiệu nổi tiếng ”Ông ấy giết mẹ tôi, ông ấy giết cha tôi, nhưng tôi bầu cho ông ấy”, người dân Liberia đã bỏ phiếu hầu hết cho Charles Taylor, hy vọng sau khi có được quyền lực, Charles Taylor sẽ ngừng việc khủng bố dân thường như trước đây. Kết quả cuộc bầu cử bất ngờ mà không bất ngờ: 75% phiếu dành cho Charles Taylor, nghĩa là không có ứng viên nào có hy vọng cạnh tranh với một người giành được hơn 3/4 số phiếu.

Với kết quả bầu cử như vậy, Charles Taylor trở thành tổng thống hợp pháp của Liberia, nghĩa là giờ đây cộng đồng quốc tế không thể làm gì ông được nữa.

14

Kết quả bầu cử năm 1997 ở Liberia rất chênh lệch với 3/4 số phiếu cho Charles Taylor.

Cuộc nội chiến Liberia lần 1 kết thúc với việc Charles Taylor lên làm Tổng thống. Cuộc chiến cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người Liberia, chiến hơn 1/5 dân số đất nước khoảng 3 triệu người. Hơn 1 triệu người mất nhà cửa, và 11% dân số sống sót bị mất tay do nạn chặt tay phổ biến trong nội chiến. Đất nước bị phá hủy hoàn toàn và Liberia trở thành nước nghèo đói bậc nhất địa cầu.

Nhưng cuộc chiến Liberia đã không dừng lại trong đất nước này. Với tham vọng của Charles Taylor, cũng như Gaddadi mở rộng ảnh hưởng xuống Tây Phi, cuộc chiến đã mở rộng sang nước láng giềng Sierra Leone nổi tiếng nhiều kim cương, và trở thành cuộc ”Nội chiến Sierra Leone”, được biết tới rộng rãi qua… ”Blood Diamond” của Leonardo DiCaprio. 

15

Nạn nhân bị chặt tay trong nội chiến Liberia.

Phần 3: Nội chiến Liberia lần 2 – Trả giá của tội ác.

1/ Các nhóm kháng chiến và sự thù địch quốc tế chống Charles Taylor.

Xét về dòng thời gian, lẽ ra phần này phải đặt sau ”Nội chiến Sierra Leone”, nhưng để duy trì sự liền mạch nên tiếp tục viết về nội chiến Liberia lần 2.

Sau năm 1997, với thắng lợi bầu cử đưa Charles Taylor lên nắm quyền, những lãnh đạo đối lập của Liberia buộc phải chạy khỏi đất nước để bảo toàn tính mạng. Đa số họ chạy đến Guinea, nước từng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Liberia trước kia.

Điều thuận lợi với những người lưu vong đến ngay sau đó. Những hành động đàn áp của Charles Taylor đã không chấm dứt, ngược lại còn gia tăng sau khi có được quyền lực hợp pháp. Người dân thất vọng với Charles Taylor, đã nổi dậy đánh nhau sống còn với Tổng thống. Nhận thấy tình hình, đầu năm 1999, Liên minh Hòa giải và Dân chủ Liberia – Liberians United for Reconciliation and Democracy (viết tắt là LURD) được thành lập ở miền Bắc Liberia. Ngay sau đó, ở miền Nam Liberia thành lập Phong trào Dân chủ Liberia – Movement for Democracy in Liberia, bằng một cách kỳ diệu nào đó viết tắt là MODEL – người mẫu!

Do lịch sử không gắn với chủ nghĩa thực dân và thuộc địa, Liberia không có quan hệ với các nước phương Tây ngoài nước Mỹ. Vì vậy, các nhóm chống đối Charles Taylor được thành lập không có sự hỗ trợ đáng kể nào của nước ngoài. Tuy nhiên, họ đã chiến đấu ngoan cường chống lại Charles Taylor, và thường xuyên được tuyên truyền, chiến đấu với tinh thần được phổ biến là ”đằng nào cũng chết bởi Charles Taylor, thà chiến đấu chết còn hơn đợi hắn giết”.

16

Một lính trẻ em của LURD, chụp gần sông Po ở thành phố Pomi, Liberia.

Sau đó, các nhóm đối lập này đã được một số nước châu Phi hỗ trợ. Nhấn mạnh là không phải vì bản thân LURD hay MODEL mà các nước châu Phi giúp họ. Điều này xuất phát từ tác nhân bên ngoài, cụ thể là Sierra Leone. Sau khi chứng kiến Charles Taylor hỗ trợ cho quân nổi dậy Sierra Leone gây nên cuộc nội chiến phá vỡ quốc gia ổn định nhất Tây Phi, các nước châu Phi hết sức lo ngại Charles Taylor sẽ làm điều tương tự. Vì vậy, họ đã quyết định lập ra một liên minh đối phó với Charles Taylor. Đứng đầu các quốc gia này là Nigeria, Ghana, và thêm một số nước nghèo hơn ở Tây Phi là Guinea, Benin, Mali,…

17

Tướng Mac Nyoyoko (người Nigeria) của quân gìn giữ hòa bình Tây Phi bắt tay với chỉ huy quân LURD, khoảng năm 2003.

Nhưng giờ đây Charles Taylor đã là Tổng thống được bầu hợp pháp, không có chuyện đưa quân vào bắt được. Nên đầu tiên, liên minh các nước châu Phi thực hiện việc cấm vận Bờ Biển Ngà, quốc gia chống lưng chế độ Charles Taylor, buộc Bờ Biển Ngà phải ngưng hỗ trợ Taylor. Tiếp đó, họ hỗ trợ cho các nhóm đối lập với Charles Taylor, hy vọng sẽ lật đổ hoặc ít nhất là kiềm chế tham vọng của ông.

 

Và rất may mắn cho họ, là Charles Taylor đã sai lầm khi nhúng tay vào Sierra Leone. Liberia không phải thuộc địa, nhưng Sierra Leone là thuộc địa của Anh. Khi cuộc chiến ở Sierra Leone nổ ra, quân đội Anh đã không khoanh tay đứng nhìn như Liberia mà gửi quân đến giúp. Sự can thiệp của Anh đã giúp Sierra Leone đánh bại quân nổi dậy được Liberia hỗ trợ và có được hòa bình sớm hơn nước láng giềng. Chứng kiến sự can thiệp hiệu quả của quân đội Anh, Nigeria đã sử dụng ảnh hưởng trong Khối thịnh vượng chung, thuyết phục nước Anh làm điều tương tự ở Liberia. Dù nước Anh từ chối đưa quân trực tiếp, do Liberia không phải thuộc địa của họ, nhưng họ cam kết ủng hộ Nigeria và các nước Tây Phi trong khối gọi là ECOMOG (đại khái là một liên minh các thuộc đại Tây Phi của Anh). Một hành động thiết thực, là Anh đã đề xuất lệnh trừng phạt quốc tế với Charles Taylor trước quốc tế và được chấp nhận.

2/ Nội chiến Liberia lần 2 và thất bại của Charles Taylor

Ban đầu, Charles Taylor định ra tay trước, bằng cách tấn công qua lãnh thổ Guinea dẹp các căn cứ của quân kháng chiến. Guinea rất nghèo, không thể chống lại các cuộc tấn công này, nên chịu trận. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho Charles Taylor bị căng sức giữa 3 mặt trận ở cả 3 nước: Liberia, Sierra Leone và Guinea, một điều vượt quá khả năng của ông.

Lợi dụng việc Charles Taylor quá căng sức ở Guinea, quân nổi dậy Liberia trong nước tăng cường tấn công từ nhiều hướng khác nhau. Lực lượng của Charles Taylor trong nước bị giàn mỏng, không thể chống lại mà co cụm vào thủ đô Monrovia. Đến năm 2002, tình hình trong nước đã diễn biến có lợi cho quân nổi dậy Liberia, dù thực tế là sự hỗ trợ của nước ngoài rất hạn chế. Thành công và sự tự lực của quân kháng chiến giúp họ có được sự ủng hộ của người dân. Năm 2002, thủ đô Monrovia đã bị bao vây, chủ yếu bởi quân LURD, và Charles Taylor chỉ có thể duy trì tiếp viện cho thủ đô bằng đường biển.

18

Bức ảnh nổi tiếng nhất về cuộc chiến Liberia: anh lính tên Joseph Dou nhảy lên vì sung sướng sau khi bắn súng chống tăng trúng đối phương ngày 20/7/2003.

Đầu năm 2003, tình hình tiếp tục xấu đi với Charles Taylor khi nhóm nổi dậy thứ 2 là MODEL cũng áp sát thủ đô Monrovia. Lúc này Charles Taylor chỉ còn giữ được 1/3 lãnh thổ đất nước, và các đơn vị của ông ở nước ngoài như Sierra Leone và Guinea đã bị chia cắt hoàn toàn với trong nước. Trong bối cảnh đó, một Hội nghị của các nước Tây Phi tháng 6/2003 ở Ghana đã thông qua ý chí của tổ chức này: quyết tâm buộc Charles Taylor rời quyền lực.

Nhận thấy áp lực cả từ trong và ngoài nước, Charles Taylor tháng 7 năm 2003 tuyên bố chấp nhận giải pháp quốc tế, đồng nghĩa có thể chấp nhận rời bỏ quyền lực.

Tuyên bố của Charles Taylor đã được đón nhận. Ngay lập tức các nước Tây Phi gửi hàng nghìn quân đến thủ đô Monrovia bằng đường biển để thiết lập trật tự. Và lần đầu tiên, Hải quân Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Liberia làm nhiệm vụ nhân đạo và giải cứu công dân. Chiến dịch Shinning Express được Hoa Kỳ lặp lại như Chiến tranh Việt Nam, đưa người rời khỏi sứ quán ở Monrovia bằng trực thăng ra biển. Một lực lượng các nước Nam Âu (Ý, Hy Lạp,…) cũng tới Liberia hỗ trợ.

Sau khi lực lượng quốc tế đến nơi, ngày 11/8/2003, Tổng thống Charles Taylor tuyên bố từ chức. Ngày 14/8/2003, quân đội Nigeria và một phần quân đội Mỹ tiến vào thủ đô Monrovia qua những cây cầu. Hàng nghìn người dân Monrovia tràn ra đường nhảy múa ăn mừng trong nước mắt, chào đón quân đội Nigeria, nhưng điều này gây ra nỗi lo sập cầu. Quân đội Nigeria tiếp quản thủ đô Monrovia, giải giáp tất cả các nhóm vũ trang. Các đơn vị Liberia ở nước ngoài như Sierra Leone và Guinea cũng được giải giáp tại chỗ.

19

Monrovia tháng 8/2003: người dân thủ đô Monrovia chào đón quân đội Nigeria tiến vào qua một cây cầu vào thành phố.

21

Lính gìn giữ hòa bình Tây Phi chia vui với người dân Liberia khi Tổng thống Taylor từ chức.

22

Người dân thủ đô Monrovia đổ ra chào đón một xuồng cao tốc của quân đội Mỹ chuẩn bị đổ bộ, ngày 18/8/2003.

Ước tính thêm 300.000 người đã chết trong nội chiến Liberia lần 2 từ 1999 đến 2003. Tổng cộng, hơn 1 triệu người trong tổng dân số 3 triệu của Liberia trước chiến tranh, đã chết trong nội chiến.

3/Tị nạn, bắt giữ và xét xử của Charles Taylor.

Tổng thống Liberia sau đó đàm phán trực tiếp với Nigeria – nước ủng hộ những người lật đổ ông, xin được tị nạn chính trị. Ngạc nhiên là Nigeria đồng ý, và tổng thống Charles Taylor được an toàn sang Nigeria, mang theo tài sản và gia đình. Từ đó đến năm 2006, dù nhiều lần được yêu cầu dẫn độ Taylor ra tòa quốc tế, Nigeria luôn bác bỏ. Có tin rằng Charles Taylor đã hối lộ chính phủ Nigeria bằng kim cương – thứ mà ông chiếm được ở Sierra Leone, để đổi lấy việc họ không trao ông cho tòa.

Nhưng 2006, quốc tế đã đe dọa áp đặt trừng phạt nếu Nigeria không giao nộp Charles Taylor. Tổng thống Mỹ Bush thậm chí đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Nigeria, Olusegun Obasanjo, nếu Nigeria không giao Charles Taylor. Nhận thấy nguy cơ bị bắt, Charles Taylor chạy trốn qua biên giới bằng chiếc ô tô Range Rover. Điều này là sai lầm, bởi lính biên phòng Nigeria dễ dàng phân biệt một xe hạng sang trong một đất nước còn nghèo đói. Charles Taylor bị bắt dễ dàng tại cửa khẩu và bị bắt giải thẳng về quê nhà Liberia. Ngày hôm đó, các báo lớn đều đưa tin châm biếm: Charles Taylor bị bắt trên một chiến Range Rover.

Điều hài hước là thực tế Charles Taylor sẽ không chịu hình phạt cho tội ác ông gây ra ở quê nhà. Chính phủ Liberia đã không kiện Charles Taylor bất cứ tội danh nào. Nhưng ông vẫn không thoát. Chính phủ Sierra Leone kiện Charles Taylor vì tội ác do phiến quân của ông chống lưng gây ra. Và Burkina Faso sau này đòi kiện Taylor vì giết nhà lãnh đạo Cộng sản Thomas Sankara của họ năm 1987.

Năm 2012, bất chấp lời kêu gọi kết án tử hình, tòa án Công lý quốc tế ở La Hay (Hà Lan) kết án Charles Taylor 50 năm tù. Chính phủ Sierra Leone tuyên bố rằng bản án ”hoàn toàn không tương xứng”, còn luật sư người Anh của Charles Taylor, Courtenay Griffiths cho rằng nó không công bằng do ”có những cáo buộc nhằm vào Taylor lẽ ra phải dành cho Tổng thống Bush của Mỹ, như tra tấn”.

Trong thời gian xét xử Taylor, năm 2010 vụ bê bối Wikileak bùng nổ đã tiết lộ kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ định dẫn độ Charles Taylor về nhà tù ở Mỹ. Cuối cùng, tòa La Hay đã bác bỏ và Charles Taylor sau đó đã yêu cầu được giam giữ ở Vương Quốc Anh.

 

23

Charles Taylor trước tòa La Hay (Hà Lan) năm 2012. Ông bị kết án 50 năm tù.

4/ Liberia hậu chiến.

Liberia đi vào lịch sử với tư cách nước châu Phi đầu tiên có nữ Tổng thống – Ruth Perry năm 1996, nhưng đó là hành động tuyệt vọng trong bối cảnh nội chiến tàn phá đất nước. Dù vậy, Liberia sau đó vẫn tiếp tục duy trì truyền thống đáng tự hào của họ. Năm 2005, Ellen Johnson Sirleaf, một phụ nữ khác trở thành Tổng thống Liberia, và lần này bà trở thành nữ Tổng thống ĐƯỢC BẦU đầu tiên của châu Phi. Năm 2011, bà được nhận giải Nobel Hòa Bình nhờ nỗ lực hàn gắn đất nước và phát triển phụ nữ.

Và đến năm 2017, huyền thoại bóng đá Geogre Weah đã trở thành tổng thống thứ 23 của Liberia.

24

Ellen Johnson Sirleaf, nữ tổng thống được bầu dân chủ đầu tiên của Liberia.

25

Huyền thoại bóng đá Geogre Weah, tổng thống Liberia năm 2017.

 

Phần 4: Kim cương máu và Nội chiến Sierra Leone

Tác phẩm điện ảnh đình đám ”Kim cương máu” với Leonardo DiCaprio thường được nói là giúp nhiều người biết đến cuộc nội chiến Sierra Leone. Một phần! Bộ phim này đúng là có giá trị nhân đạo, hướng thế giới đến tình trạng khai thác lao động và tài nguyên trong các cuộc xung đột châu Phi. Còn giá trị lịch sử thực sự không cao (dĩ nhiên, vì nó là phim điện ảnh). Cuộc chiến khiến nhiều người biết đến nội chiến Sierra Leone, nhưng điều tai hại là quên hẳn nội chiến Liberia. Sự thật rằng cuộc chiến ở Liberia là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cuộc chiến ở Sierra. Không được phép tách riêng 2 cuộc chiến ra, đó là điều nên biết khi đọc về cuộc chiến Sierra Leone. Quân RUF trong phim thực ra chính là sản phầm của nhà lãnh đạo Liberia Charles Taylor.

1/ Nước Sierra Leone.

Nước Sierra Leone nằm ngay cạnh nước Liberia, diện tích khoảng 70.000km2, dân số khoảng 8 triệu người. Nước này thực ra bị chia thành 2 phần khác nhau khá xa. Phần lớn đất nước không hoàn toàn là thuộc địa, mà chỉ là xứ bảo hộ của Anh. Xứ thuộc địa duy nhất mang một cái tên rất mỉa mai – Cảng Freetown (thị trấn tự do) – nhưng những gì bến cảng này làm là…buôn bán nô lệ sầm uất nhất Đại Tây Dương. Chính vì vậy mà tồn tại sự khác nhau giữa Freetown và phần còn lại của đất nước. Trong khi Freetown là nơi tập trung mọi tinh hoa của chế độ cai trị từ Anh, thì phần còn lại của Sierra Leone gần như vẫn như thời tiền thuộc địa, nơi các bộ lạc nguyên thủy địa phương thống trị

So với nước láng giềng Liberia, Sierra Leone đối lập khá nhiều. Diện tích Liberia gấp rưỡi Sierra Leone (110.000 so với 70.000). Nhưng dân số Sierra Leone gấp 3, năm 1980 khoảng 7 triệu so với Liberia khoảng 2 triệu. Dù ngay sát nhau, nhưng thành phần dân tộc 2 nước rất ít liên hệ. Và cuối vùng, trong khi Liberia nghèo tài nguyên (nên mới không bị xâm lược), thì Sierra Leone ngập tràn kim cương (một trong những nước nhiều kim cương nhất thế giới), vàng, bauxite, rutile, sắt,… Nói tóm lại, trong khi Liberia đất rộng, người thưa, nghèo tài nguyên, … thì Sierra Leone là đất chật, người đông nhưng ngồi trên đống vàng.

Tuy vậy, hậu quả của sự quản lý yếu kém, nền kinh tế của Sierra Leone rất kém dù chính trị rất ổn định. Suốt lịch sử Sierra Leone không trải qua bất cứ đảo chính nào, là nước ổn định nhất Tây Phi. Nhưng tham nhũng và nghèo đói rất phổ biến, ngược hẳn với láng giềng Liberia. Vì vậy, chưa cần đến khi nội chiến bùng nổ và DiCapiro làm ”Kim cương máu”, người ta đã gán cho Sierra Leone ”lời nguyền tài nguyên” (Resource curse) – chỉ những nước giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo. Sierra Leone trở thành nước tiêu biểu hàng đầu để ví dụ khi thuật ngữ ”căn bệnh Hà Lan” được đưa ra.

Khi nội chiến ở láng giềng Liberia bùng nổ, Sierra đã hứng thêm hàng trăm nghìn người tị nạn tràn qua, làm tồi tệ thêm tình hình.

26

2/ RUF và nội chiến Sierra Leone.

Năm 1991, sau khi giành chiến thắng ban đầu trong nội chiến Liberia, lãnh đạo Charles Taylor mở rộng tham vọng của mình sang nước láng giềng Sierra Leone. Sở dĩ ông chọn Sierra Leone mà không phải nước khác là vì những lý do đã nói trên: đất nhỏ, dân đông nhưng nghèo, lại giàu tài nguyên,… Vì vậy năm 1991, Mặt trận thống nhất Cách mạng, gọi tắt là RUF được Charles Taylor đỡ đầu thành lập, do một người Sierra Leone là Foday Sankoh đứng đầu, hoàn toàn là tay sai.

278

Foday Sankoh – thủ lĩnh RUF trong nội chiến Sierra Leone

Ngoài ra, RUF còn được hưởng lợi từ tham vọng của Muammar Gaddafi và việc Liên Xô sụp đổ. Gaddafi thì hỗ trợ Charles Taylor nên liên đới luôn qua Sierra Leone. Còn tại sao lại có Liên Xô ở đây thì nói luôn ở đây Sierra Leone là một trong những nơi đầu tiên mà kho vũ khí khổng lồ của quân đội Liên Xô được giải phóng. Hàng đống vũ khí hiện đại của quân đội Liên Xô, sau khi liên bang sụp đổ, không có người kiểm soát đã rơi vào tay các nhóm mafia Nga. Và Sierra Leone, với những nhóm phiến quân nắm các mỏ kim cương là nơi không thể tuyệt vời hơn để mafia Nga bán vũ khí. Vì vậy không ngạc nhiên khi mà phiến quân Sierra Leone từng sở hữu cả … trực thăng Mi-24. Còn lại những AK, RPG mới tinh không hiếm trong nội chiến Sierra Leone. Khi nói đến việc này, không thể không nhắc tới ”lái buôn thần chết” người Nga Viktor Bout, người buôn vũ khí khắp châu Phi thách thức tình báo Mỹ. Người ta đồn rằng chính Viktor Bout đã lái trực thăng Mi-24 đến Sierra Leona giao cho quân nổi dậy.

Kể từ khi bắt đầu nổi dậy năm 1991, RUF không có vẻ gì là chiến đấu giỏi. Nhưng họ hưởng lợi từ sự tham nhũng tràn lan trong chính phủ Sierra Leone, không ngoại trừ quân đội. Điều này khiến quân đội chính phủ Sierra Leone, dù trang bị không kém hiện đại, lại được cả quân đội Anh huấn luyện, vẫn không đánh bại được RUF. Khi các mỏ kim cương rơi vào tay quân nổi dậy, tình hình chuyển biến xấu đi khi nhiều binh lính chính phủ không được trả lương đã đào ngũ sang quân nổi dậy để được trả bằng kim cương. Vì vậy từ năm 1991 đến 1993, dù không thắng nhiều nhưng RUF vẫn kiểm soát các vùng đất quan trọng với mỏ kim cương giàu có nhất của Sierra Leone. Ở những nơi bị chiếm đóng, RUF thường xuyên bắt trẻ em làm việc trong các mỏ kim cương với điều kiện vô cùng tồi tệ, không được trả lương và vì vậy họ trở nên rất giàu, còn dân chúng thì nghèo đói và chết dần. Những điều này, phần nào ”Kim cương máu” cũng thể hiện.

Năm 1995, tình hình xấu như vậy, nhưng chính phủ Sierra Leone lại gặp may. Số là ở Nam Phi, có một công ty chuyên cung cấp lính đánh thuê tên là Executive Outcomes, nổi tiếng với các đơn vị khét tiếng tàn bạo và thiện chiến. Khi chế độ phân biệt chủng tộc sụp đổ năm 1994 và các cuộc chiến ở Angola cũng kết thúc, Executive Outcomes đứng trước nguy cơ phá sản. Tức thì, chính phủ Sierra Leone đưa ra đề nghị trả 1,8 triệu USD 1 tháng để Executive Outcomes cung cấp 3000 lính đánh thuê Nam Phi đến Sierra Leone chiến đấu. Executive Outcomes nhận lời ngay lập tức.

Sự có mặt của lính đánh thuê Executive Outcomes thay đổi 180 độ cuộc chiến Sierra Leone. Chỉ trong vòng 7 tháng, những chiến binh thiện chiến của Nam Phi dễ dàng đánh bại những tay súng da đen không được huấn luyện. Tháng 4 năm 1996, lính đánh thuê Nam Phi dễ dàng đánh sập thủ phủ của quân RUF ở thành phố Bo, lớn thứ 2 đất nước Sierra Leone. Trước đó quân chính phủ suốt 5 năm không thể tiếp cận thành phố chứ chưa nói đến đánh chiếm.

29

Một đơn vị lính đánh thuê Nam Phi ở Sierre Leone.

30

Một nhóm ‘’ KAMAJOS’’ (nghĩa là ‘’thợ săn) trung thành với Tổng thống Kabbah chống RUF đổ ra đường ăn mừng ở thành phố Bo – thủ phủ phiến quân RUF sau khi RUF bị lính đánh thuê Nam Phi đánh đuổi khỏi thành phố tháng 4/1996.

Với thất bại ở thủ phủ Bo, tháng 11/1996, RUF phải cay đắng ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Abidjan, Bờ Biển Ngà với tư cách là bên thua cuộc. Mọi công sức họ gây dựng trong 5 năm chiến đấu với chính phủ Sierra Leone, nay bị một nhóm lính đánh thuê Nam Phi phá sạch trong 7 tháng.

3/ RUF bội ước, tổng thống bỏ chạy – Nội chiến tiếp tục.

Tuy nhiên, chính phủ Sierra Leone ngủ quên trên chiến thắng, mà thực chất là hết tiền trả cho lính đánh thuê của Executive Outcomes. Năm 1997, Executive Outcomes rút quân về Nam Phi, và một năm sau (1998) thì phá sản và giải tán.

Trong bối cảnh đó, RUF đã thừa cơ nối lại nổi dậy, xé bỏ hiệp ước hòa bình. Nhận thấy không còn lính đánh thuê, ngày càng nhiều binh lính Sierra Leone phản bội và đầu quân cho RUF. Khi con số binh sĩ đào ngũ lên cao, họ tự tập hợp nhau và tự đặt cái tên ”Hội đồng vũ trang cách mạng” – Armed Forces Revolutionary Council, gọi tắt AFRC. AFRC trên thực kế tuyên bố liên minh với RUF chống lại chính phủ. Năm 1997, AFRC tuyên bố tự cho mình là chính phủ mới của Sierra Leone. Thấy bị quân đội phản bội, tổng thống Sierre Leone, Ahmad Tejan Kabbah bỏ chạy sang Guinea tị nạn, tạo điều kiện cho AFRC chiếm lấy quyền lực không tốn một viên đạn. RUF từ đó cũng được tuyên bố là hợp pháp và trở lại chính trường.

31

Tướng Johnny Paul Koroma (ngồi) – đào ngũ và thành lập lực lượng quân nhân AFRC tiếm quyền năm 1998, thiết lập chính quyền quân sự ở Sierra Leone.

Nhưng sự tiếm quyền của AFRC và sự bỏ chạy hèn nhát của tổng thống Kabbah đã làm người dân Sierra Leone tức giận. Sau khi AFRC chiếm quyền, liên tục các liên đoàn sinh viên, nhà báo, phụ nữ,… của Sierra Leone biểu tình phản đối từ tháng này qua tháng khác, kéo dài nhiều năm. Đôi khi các cuộc biểu tình kết thúc đẫm máu khi quân đội nổ súng làm hàng trăm người chết, nhưng nó không dập tắt được sự phản kháng. Các hành vi tàn bạo với người biểu tình làm các nước châu Phi xung quanh tức giận, chỉ trích chính quyền quân sự của Sierra Leone. Và điều tai hại là nó làm chính phủ Anh để ý đến Sierra Leone – trên danh nghĩa là thuộc địa cũ của Anh trong khối Thịnh Vượng chung, và quân đội Anh có quyền can thiệp khi được yêu cầu.

Và điều này thực sự đã xảy ra. Sau khi được các nước châu Phi yêu cầu can thiệp, quân đội Anh quyết định đây cũng là cơ hội để họ thử sức quân đội đã lâu không chiến đấu của mình. Trước đó, quân đội Nga đã có mặt ở Sierra Leone, là nước châu Âu đầu tiên có mặt trong nhiệm vụ hòa bình ở Sierra Leone. Tháng 7 năm 2000, quân đội Anh quyết định kéo Ấn Độ, Nepal vào một cuộc ”tập trận” ở Sierra Leone với tên ”Chiến dịch Khukri”.

Chiến dịch trên thực tế chỉ có ý nghĩa với quân đội Ấn Độ, khi lần đầu tiên họ chiến đấu xa như vậy. Màn trình diễn của họ khá ấn tượng: chỉ có một lính Ấn Độ thiệt mạng và tiêu diệt hàng trăm tay súng phiến quân RUF, giải cứu một tiểu đoàn lính Gurkha Nepal. Quân Ấn Độ sau đó được người dân Sierra Leone chào đón, và dựng tượng đài tưởng niệm chiến thắng ở thành phố Daru.

Khiếp sợ trước sức mạnh của quân đội Anh can thiệp và nản lòng trước sự phản đối của người dân, chính quyền quân sự Sierra Leone chịu đầu hàng. Năm 2002, họ trả lại quyền lực cho Tổng thống Kabbah. Ngày 18/1/2002, tổng thống Kabbah tuyên bố Nội chiến Sierra Leone kết thúc.

4/ Hậu quả và ảnh hưởng chiến tranh.

Thiệt hại nhân mạng của chiến tranh Sierra Leone không quá thảm khốc: 50.000 người chết so với gần 1 triệu ở nước láng giềng Liberia. Sau chiến tranh, tổng thống Kabbah đã ân xá cho toàn bộ quân nổi dậy, chỉ xét xử 3 thủ lĩnh cao nhất của RUF. Nhờ vậy mà vết thương chiến tranh lành nhanh chóng. Nhưng những hậu quả kinh tế về nhân đạo vẫn ám ảnh người dân Sierra Leone đến tận ngày nay. Giống như Liberia, Sierra Leone cũng có nạn chặt tay trong nội chiến, làm phần lớn dân số mất đi khả năng lao động.

Chiến tranh Sierra Leone gắn chặt với cuộc chiến ở nước láng giềng Liberia. Nó cũng góp phần làm quân Liberia của Charles Taylor phải căng sức trên nhiều mặt trận, dẫn đến thất bại của ông trong cuộc nội chiến lần 2.

Và điều có vẻ buồn cười nhất, là trong khi không phải hứng chịu tội ác lớn nhất của Charles Taylor (chỉ có 50.000 người chết), Sierra Leone lại là nước đưa Charles Taylor ra tòa. Cụ thể, trong khi ở quê nhà Liberia chính phủ đã tha cho Charles Taylor, thì Sierra Leone lại kiện Charles Taylor vì chống lưng cho tội ác của RUF trong chiến tranh. Và điều này khiến Charles Taylor chịu 50 năm tù.

Cuối cùng, cuộc nội chiến Sierra Leone, cùng gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn sử dụng lính và lao động trẻ em trong các cuộc xung đột, điều trước đây ít được chú ý. Việc này, ”Kim cương máu” làm khá tốt.


 

Tài liệu tham khảo:

-Kho tư liệu AP Archive

-Phim tài liệu: Living in Emergency: Stories of Doctors Without Borders

-Phim tài liệu: Cannibal Warlords of Liberia

-Military Interventions in Sierra Leone: Lessons From a Failed State (Larry J. Woods).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s