PHẦN NĂM: QUYỂN SÁCH CHƯA THỂ VIẾT RA
C.W. Ceram
Nguyên tác tiếng Đức
Trần Quang Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh
của E.B. Garside và Sophie Wilkins
Nếu nhân loại chúng ta muốn cảm nhận sự khiêm cung, chúng ta không cần nhìn lên khoảng không vô tận đầy sao trên đầu. Chúng ta chỉ cần đưa mắt nhìn kỹ vào các nền văn hóa của thế giới đã tồn tại hàng ngàn năm trước chúng ta, đã đạt được những điều vĩ đại trước chúng ta, và đã tiêu vong trước chúng ta.
- NHỮNG TÌM KIẾM MỚI TRONG CÁC ĐẾ CHẾ CŨ
Chúng ta đang ở đoạn cuối của một toàn cảnh những phát hiện khảo cổ vĩ đại, vào đoạn cuối của chuyến hành trình đã dẫn dắt chúng ta qua năm ngàn năm. Vậy mà chủ đề không hề cạn kiệt. Đồng thời sự lựa chọn mà chúng ta đưa ra trong nhiều khám phá khảo cổ được dẫn dắt trên một lộ trình theo một chủ ý xác định. Bằng cách sắp xếp các cuộc khai quật dựa vào vũ đài văn hóa nơi chúng xảy ra, hơn là theo thứ tự thời gian, chúng ta đã hoàn thành qua bốn tập một bức tranh được vẽ ra một cách ngẫu hứng của bốn vùng văn hóa khép kín, bốn vùng văn hóa phát triển quan trọng nhất mà nhân loại biết đến. Trong mối liên hệ này phải nhớ rằng giữa số ít các nền văn hóa vĩ đại và vô số xã hội nguyên thủy trên khắp thế giới tồn tại một sự khác biệt là khác biệt giữa “lịch sử”và sự sinh dưỡng, giữa nhận thức và bản năng, giữa khuôn đúc sáng tạo và sự sinh tồn thụ động.
Bằng “các quyển sách chưa thể viết ra” chúng tôi ám chỉ rằng có ba nền văn hóa được xếp hạng cao trong bậc thang phát triển như những nền văn hóa chúng ta đã khám phá. Những nền văn hóa này là văn hóa Hittite, Ấn, và văn hóa Inca. Tài liệu khảo cổ viết về chúng tuy nhiên vẫn chưa đến được giai đoạn xác định đủ cho phép đúc kết thành “sách” theo quan niệm mà câu chuyện khảo cổ của chúng tôi xây dựng.
Tôi đã cân nhắc chọn ra những nền văn hóa mà việc khám phá ra chúng mang đậm tình tiết lãng mạn. Thật sự chúng ta hầu như biết về Inca nhiều như về Maya; nhưng ở Inca không có một Stephens hoặc một Thompson nào trong số những nhà khảo cổ đã từng làm việc tại vùng Andes. Trái lại, chúng ta cũng biết nhiều về lịch sử văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên ở đây kiến thức của chúng ta rút ra rất ít từ việc khảo cổ; và vì thế rõ ràng tại sao cả hai nền văn hóa này đã không được kể đến.
Trong vài thập niên các vùng Hittite và Thung Lũng Indus đã được khảo sát kỹ càng, và đạt được nhiều thành tựu. “Quyển sách” về chúng, theo đó, một ngày nào đó phải được viết ra. Nhưng có một điều chúng ta phải ghi nhớ trong trí. Cho dù chúng ta có mở rộng bốn tập của chúng ta thêm ba tập nữa, ta cũng không thể nào nói hết mọi nền văn hóa có trình độ phát triển. Đối với một người có học vấn bình thường trong thời đại chúng ta, văn hóa Hi-La, ngoài di sản Cơ đốc-Âu châu, là ảnh hưởng tinh thần duy nhất mà anh ta ý thức được. Vậy mà thậm chí khi chúng ta tìm hiểu về dân tộc Sumer bí ẩn, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng nhiều sức mạnh văn hóa cổ hơn và xa xưa hơn vẫn còn ẩn náu trong phần sâu kín của bản chất chúng ta. Sử gia Anh hiện đại Arnold J. Toynbee nhìn thấy lịch sử nhân loại như một sự cận kề và tiếp nối – hầu hết trong mối quan hệ cha-con – của 21 nền văn hóa.
Toynbee có được con số này vì ông xem văn hóa có nghia là một “xã hội văn minh,” không giống Spengler, nghĩ theo thuật ngữ “phạm trù văn hóa” có qui mô rộng lớn hơn. Chẳng hạn, Toynbee tách biệt xã hội Cơ đốc-Chính thống thành hai lãnh vực khác biệt: Byzantine-Chính thống và Nga-Chính thống. Ông cũng xem văn hóa Nhật-Hàn khác với văn hóa Trung Hoa.
Tác phẩm của Toynbee tựa đề Một Nghiên Cứu Lịch Sử gồm 12 tập đã chứng tỏ là một công trình lịch sử văn hóa có ý nghĩa nhất của những thập niên gần đây. Ngoài những điều khác, tác phẩm này đã cuối cùng chôn vùi một quan niệm mà Spengler đã cổ vũ: cụ thể, ý tưởng về “sự phát triển tiến bộ” vẫn còn được giảng dạy trong trường học. Quan niệm này đã thực sự trở nên không vững chải – chẳng hạn, như trong sơ đồ truyền thống của “Thời Cổ đại-Trung cổ-Phục hưng – Thời Hiện đại.”
Để có một bức tranh thích đáng về các nên văn hóa mà sử gia hiện đại phải xét đến – bao gồm những nền văn hóa mà tôi đã trình bày – chúng ta hãy liệt kê chúng theo cách của Toynbee:
Tây phương
Byzantine-Chính thống
Nga-Chính thống
Ba Tư
Ả Rập
Ấn
Viễn Đông
Hi Lạp
Syria
Đông Indian
Trung Hoa
Nhật-Hàn
Minoan
Sumer
Hittite
Babylonia
Ai Cập
Andes
Mexico
Yucatan
Maya
Thật sự bản kê này, nếu chúng ta nghe theo những ý kiến đầy uy tín khác, phải được tăng lên ít nhất đến 22. Chính Plato đã bảo với chúng ta về nền văn hóa Atlantis đã thất lạc. Kể từ thời Plato đến nay có xấp xỉ 20,000 quyển sách đã viết về chủ đề Atlantis, mặc dù chưa ai có thể chứng minh được sự tồn tại của lục địa này. Và sử gia văn hóa lớn và nhà thám hiểm Phi châu người Đức Leo Frobenius đã luôn hô hào phải thêm một số “nền văn hóa đen” vào danh sách của Toynbee.
Ai dám tuyên bố là các nhà khảo cổ đã đào hết các dấu vết văn hóa? Trên khắp thế giới rải rác những tượng đài, đứng riêng rẻ và đầy bí ẩn, vẫn chưa hiển lộ nền văn hóa đã cưu mang chúng. Những đồ tạo tác được tranh cãi nhiều nhất thuộc loại này là hơn 260 bức tượng bằng hỏa thạch đen trên đảo Easter Island, mà có lần đã được tô điểm với những chiếc mũ rộng vành bằng cùng loại đá, chỉ khác là có màu đo đỏ. Những bức tượng này câm lặng, nhưng có khoảng 20 bảng gỗ phủ những ký hiệu hóa ra là một dạng chữ tượng hình, và nếu ta có thể giải mã chúng những bảng này có thể giải thích câu đố của các bức tượng.
Trong thế kỷ chúng ta [thế kỷ 20] số các khai quật khảo cổ đã tăng từ thập niên này đến thập niên khác, chỉ gián đoạn khi có chiến tranh. Một số nhà nghiên cứu đã cống hiến toàn bộ cuộc đời của mình cho một phức hợp khảo cổ duy nhất. Chẳng hạn nhà khảo cổ Pháp Claude F. A. Schaeffer tập trung vào thị trấn cảng Syria cổ đại, Ugarit; nhà khảo cổ Ý Amedeo Maiuri đào bới ở Pompei trong hơn 40 năm, cho đến 1962 – vậy mà chỉ mới ba phần năm thành phố được khai quật đến giờ. Nhà khảo cổ Đức Kurt Bittel đã đào bới từ 1931 trong thủ đô Hittite cổ đại, Hattusas (hiện nay là Bogazkoy). Sir John Marshall dành trọn cuộc đời cho việc khai quật nền văn hóa Indus. Vào năm 1922 những phát hiện đầu tiên được tiến hành ở Mohenjo-Daro phát hiện chứng cứ của một nền văn hóa phong phú khởi nguồn tận thiên niên kỷ thứ hai trước C. N. Những khai quật của Sir Mortimer Wheeler ở Harappa đem ra ánh sáng, vào năm 1946, những thành lũy cổ đại cho thấy sự tương tự đến kinh ngạc với các công trình quân sự Mesopotamia. Sự mở lại phối hợp của địa điểm Mahenjo-Daro do Đại học Pennsylvania và phòng khảo cổ của nhà nước Pakistan – khởi đầu vào mùa đông 1964-65 trong một phần của kế hoạch ba năm – đã phát hiện nhiều chứng cứ là nền văn minh Harappan, vốn bao quát hơn nhiều so với giả định ban đầu, đã bị phá hủy sau một cơn lũ lụt chứ không phải do xâm lược.
Một số phát hiện phi thường đã lên tít lớn trên báo nhờ tầm ý nghĩa thực sự của chúng hoặc những tình huống giật gân bao quanh chúng. Leonard Woolley, nhà khai quật lớn xứ Ur, đã làm việc tại Alalakh, hiện giờ là Atchana, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 1937 đến 1939, và lần nữa từ 1946 trở đi. Vào năm 1947 ông tuyên bố rằng mình đã tìm gặp ngôi mộ của Vua Yarim-Lim, gần như 4000 năm tuổi. Người Mỹ Nelson Glueck có một sự nghiệp khảo cổ thành công qua việc phát hiện “Mỏ Solomon.” Người Mexico Alberto Ruz đã phá vỡ luận điểm tưởng chừng như bất khả xâm phạm cho rằng, trong khi các kim tự tháp Ai Cập là những lăng mộ hoàng tộc, thì các tòa tháp Mexico chỉ là những trán tường của đền thờ: vào năm 1949 ông tìm thấy mộ của một nhà cai trị trong tòa tháp ở Palenque. Và trong một giếng thiêng dùng để hiến tế, một Cenote của người Maya ở Yucatan, trong đó Edward Herbert Thompson đã leo xuống như một thợ lặn nghiệp dư cách đó một thời đại để vớt lên kho báu vàng, những thợ lặn chuyên nghiệp hiện đại trong thế hệ chúng ta đã đem ra ánh sáng thêm bốn ngàn đồ tạo tác nghệ thuật và thờ cúng trong vòng bốn tháng. Vào năm 1954, nhà khảo cổ Ai Cập Zakaria Goneim thách thức điều tưởng chừng không thể xảy ra bằng cách đào được, gần Sakkara, một tòa tháp bậc thang chưa từng được biết.
Một kỳ công lẫm liệt khác là cuộc khai quật mẫu mực một thị trấn thời đồ đá mới gần Catal Huyuk ở Thổ Nhĩ Kỳ (chắc hẳn một thị trấn thực sự xưa 6000 trước C. N.) bắt đầu vào năm 1958 bởi một người Anh, James Mellaart – sau khi một thành phố cổ đáng kinh ngạc khác đã được khai quật dưới tàn tích của Jericho bởi Kathleen Kenyon và những người khác. Việc định niên đại cuối cùng, cũng như liệu nó có thể gọi là một thị trấn hay một thành phố, vẫn còn đang tranh cãi, là một câu hỏi dành cho các nhà xã hội học trong số các sử gia văn hóa hơn là cho các nhà khảo cổ. Có lẽ cuộc khai quật gần đây ngoạn mục nhất là cuộc khai quật tiến hành trong khoảng thời gian 1963-5 bởi Yigael Yadin, cựu chỉ huy trưởng quân đội Israel và nhà khảo cổ, đã làm lộ ra pháo đài bằng đá Masada trong sa mạc Judaean, nơi, theo sử gia Do Thái vĩ đại Josephus, 960 người Zealot [một bộ tộc Do Thái cổ ] đã tự tử không chịu đầu hàng quân La Mã đang vây hãm.
Tuy nhiên, nhờ một cú ăn may đã dẫn đến việc phát hiện hứng thú nhất và có ý nghĩa nhất trong công cuộc khảo cổ Cơ đốc- phương Tây, và một phát hiện khiến cho các học giả trên toàn thế giới phải dán mình vào bàn giấy thậm chí cho đến bây giờ: những người chăn dê Bedouin vào năm 1947 đã tìm thấy cuộn da viết Hebrew cổ trong một hang động gần Qumran, phía bắc của Biển Chết, bao gồm toàn bộ văn bản Sách của Isaiah. Thêm nhiều phát hiện trong những hang động khác gần đó được bổ sung. Giờ các cuộn văn bản Biển Chết lừng danh thế giới chiếu một ánh sáng hoàn toàn mới vào những gì đang xảy ra trong lãnh vực tôn giáo trước ngày ra đời của Christ. Mỗi phát hiện mới có nghĩa là chúng ta đã mở rộng kiến thức của mình ra nhiều nữa. Đôi khi nó cũng có nghĩa là chúng ta phải duyệt lại những ý kiến tưởng là chân xác. Cách đây vài năm một cuộc tranh luận mới về thành Troy nổ ra. Không phải lối lý giải của Schliemann cũng không phải lý giải của Dorpfeld về việc khảo cổ thành Troy là đúng, điều này đã được xác nhận. Giáo sư người Mỹ Carl William Blegen vào năm 1932 khảo sát lại việc đào xới ở mô gò Hissarlik. Theo kết quả cuộc tìm kiếm này ông bảo lưu ý kiến là không phải lớp VI – như Dorpfeld, trong những năm về sau, đã tuyên bố mạnh mẽ – chứa các tàn tích của thành Troy, mà lớp VIIa, lớp được nhận diện, theo Blegen, thuộc thời kỳ 1200 và 1190 trước C. N.
Đối với ngành khảo cổ nói chung, tiến bộ quan trọng nhất kể từ Thế Chiến II là vài tiến bộ trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Hai ngành điều tra, khảo cổ trên không và khảo cổ đại dương, trước đây mới chỉ được thử nghiệm sơ khởi, nay đã tiến vượt bậc gần như qua một đêm. Kể từ khi Paul Kosock sử dụng không ảnh chụp vùng Andes, phương pháp này nghiễm nhiên được sử dụng như một biện pháp chuẩn bị trong việc lên kế hoạch khai quật, nhất là loại khai quật qui mô lớn trong đó việc thám không đã giúp định vị được những vùng rộng lớn rất khó xâm nhập bằng đường bộ. Ngoài ra không ảnh phát hiện được những dấu vết của các công trình cổ bên dưới mặt đất, bằng cách ghi nhận những biến đổi tinh tế trong lớp đất che phủ và màu sắc của đất.
Khi một nhóm thợ lặn săn bọt biển trên bờ biển Hi Lạp vào cuối thế kỷ thỉnh thoảng vớt được một bình cổ hai quai Hi Lạp từ “Bảo tàng Xanh”, thế là việc này mở màn cho một ngành khảo cổ dưới nước có hệ thống khởi đầu là người Pháp Jacques-Yves Cousteau, nhà sáng chế thiết bị lặn hiện đại. Vật gì có thể ẩn dấu bên trong hàng trăm con thuyền đắm nằm dài dọc bờ biển Địa Trung Hải vẫn còn vượt quá dự đoán.
Một lần nữa chính một người ngoài cuộc đã cách mạng hóa ngành khảo cổ hiện đại, lần này bằng phương tiện kỹ thuật và vật lý. Người kỹ sư và nhà tư bản công nghiệp Ý tên Carlo Mautilio Lerici áp dụng những phương pháp địa vật lý, từ trước chỉ được dùng để tìm dầu hoặc nước trong sa mạc và vùng núi, giờ cho việc thám hiểm khảo cổ. Ông bắt đầu với khu an táng cổ rộng lớn của người Etruscan phía bắc La Mã, định vị được hàng trăm phòng an táng ngầm dưới đất trong thời gian ngắn nhất với các công cụ tinh xảo của mình. Một trong những công cụ này là một máy khoan đặc biệt cho phép khoan qua các lớp đất ngầm phía trên phòng an táng, để một “kính tiềm vọng” có thể được hạ xuống vào phòng an táng. Bằng phương pháp này ta có thể khám phá bên trong bằng hình ảnh trước khi khai quật – do đó tiết kiệm nhiều thời gian và công sức nếu gặp một phòng an táng rỗng không. Lerici có thể được gọi là một Schliemann khác; như nhà khai quật thành Troy, ông đầu tiên làm giàu trong công nghiệp, rồi khi đến đỉnh cao sự nghiệp quay ra toàn tâm toàn ý với ngành khảo cổ và đầu tư một số tiền lớn vào đó. Vào năm 1964, sau chỉ một thập niên làm việc, ông thông báo phát hiện ra 5,250 ngôi mộ Etruscan mới chỉ ở Cerveteri và Tarquinia mà thôi!
Tuy nhiên, chính từ Mỹ, mà hai hỗ trợ khoa học có ý nghĩa nhất đối với ngành khảo cổ hiện đại đã đến: những đóng góp từ vật lý và sinh học nguyên tử theo thứ tự. Chúng mang đến sự thành tựu của giấc mơ xưa nhất của ngành khảo cổ, khả năng xác định niên đại chính xác.
Vào năm 1948 người Mỹ Willard F. Libby phát minh được phương pháp xác định niên đại bằng cacbon-phóng xạ. Nó dựa trên sự kiện là tỉ lệ phân rã chất đồng vị phóng xạ tìm thấy trong mọi chất hữu cơ, cacbon 14, được biết tới. Những di vật từ các ngôi mộ trước các thời kỳ có những văn bản được ghi chép giờ có thể được xác định niên đại bằng “đồng hồ thời gian” của Libby.
Nhưng việc định niên đại lý hóa như thế không thể chính xác đến từng năm; nó luôn luôn được cộng hay trừ một sai số tăng lên với tuổi thọ của vật thể. Một người Mỹ khác, Andrew E. Douglass, nhà vật lý và thiên văn, trong vài thập niên đã phát triển một phương pháp khác mà giờ đây trong ít năm mang đến một mức độ chính xác cao bởi một nhóm tại Đại học Arizona: phương pháp định niên đại bằng vòng sinh trưởng của cây. Số và đặc tính của vòng sinh trưởng hàng năm trong cây cối, gốc cây, thậm chí những tàn tích bị cacbon hóa của cây cối, cung cấp một loại lịch thiên nhiên từ đó những niên đại hàng năm chính xác có thể đọc được. Vì có thể tìm được một sự chồng chéo lên nhau khi các vòng hàng năm của cây cối có tuổi thọ khác nhau được so sánh, ta có thể đi trở lùi vào quá khứ từ cây này đến cây khác, ở bất cứ nơi đâu những tàn tích cây cối được tìm thấy trong phế tích và các ngôi mộ.
Do đó ta có thể đi lùi vào những thế kỷ xa xưa của thời đại chúng ta trong việc nghiên cứu những phế tích thời tiền-Columbia ở Bắc Mỹ. Cái gọi là bảng niên đại “chảy thành dòng” – không có sự liên kết đến bất kỳ niên đại cố định nào của bảng niên đại chúng ta – chẳng hạn việc xác định xem liệu vật này già hơn hay trẻ hơn một năm so với vật khác, có thể tìm ra bằng phương pháp này trong toàn bộ thiên niên kỷ và sẽ là vật hỗ trợ vô giá trong việc khẳng định hoặc bác bỏ những niên đại tương ứng đã được xác lập trong thế giới cũ của chúng ta.
Tất cả những kỹ thuật mới này không chỉ cải tiến chất lượng của nghiên cứu khảo cổ nhưng cũng gia tăng đáng kể số lượng các kết quả của nó. Trước đây số chuyến khảo cổ thực địa tại bất cứ thời điểm nào có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay chỉ riêng Đại học Pennsylvania đang giám sát nhiều hơn 20 chuyến khảo sát hàng năm. Thật ra, sự tích lũy các chất liệu trong một số vùng quá lớn – lao động khoa học trong việc phân loại và lý giải không đuổi theo kịp. Rất thường những chất liệu mới được khai quật – và đây là một nguy hiểm mới – có khuynh hướng luồn lách vào các viện bảo tàng, và lại bị chôn lại ở đó ngay lập tức.
Nhưng ánh sáng của sự công khai được đổ tràn vào những theo đuổi vốn bí truyền của các nhà khảo cổ đã có ít nhất một kết quả được chào đón. Nhân loại, vốn trước đây hoàn toàn bị tấn công tới tấp hàng ngày bởi những sự kiện đương đại và mối đe dọa của tương lai, đã học cách tò mò về quá khứ và thậm chí mê say nó. Sự trân trọng mới mẻ này đã tự thể hiện bằng một phản ứng dữ dội không ai ngờ tới khi các kỹ thuật viên thông báo rằng họ đang lên kế hoạch xây dựng con đập ở Ai Cập mà hậu quả là – rủi thay! – một ít các đài tưởng niệm xưa hoàn toàn bị nhận chìm. Liên quan chủ yếu là công trình đá đồ sộ Abu Simbel và khoảng 100 công trình khác; chúng chỉ vô tình thuộc vào số những công trình nghệ thuật xưa nhất và có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại. Sự phản đối nổi lên trên khắp thế giới văn minh. Từ những tổ chức lớn nhất đến những lớp học nhỏ nhất những chiến dịch quyên góp được phát động. UNESCO can thiệp, và hơn 20 quốc gia liên hiệp lại để giải cứu Abu Simbel.
Còn gì để nói thêm nữa?
Những khai quật đang tiến hành trên khắp thế giới. Bởi vì chúng ta cần hiểu rõ quá khứ 5000 năm để làm chủ hàng trăm năm sau.
Tác phẩm này được viết vào năm 1949. Vào năm 1951 và 1953 tác giả tham gia vào hai cuộc khai quật ở miền đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Từ đó ông viết thêm quyển: Bí Ẩn của người Hittite: Sự Phát Hiện Đế Chế Cổ Đại (xuất bản 1958).
Pingback: Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử