Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 1)

2.png

C.W. Ceram

Nguyên tác tiếng Đức

Trần Quang Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh

của E.B. Garside và Sophie Wilkins

Không có gì gọi là nền nghệ thuật có tính ái quốc hoặc một nền khoa học có tính ái quốc. Cả nghệ thuật và khoa học, như mọi điều cao cả khác, đều thuộc về toàn thế giới và chỉ có thể vun đắp bằng dòng chảy tự do của ảnh hưởng hỗ tương giữa con người đương thời với sự trân trọng không ngừng nghỉ đối với tất cả những gì ta có và hiểu về quá khứ

  • Goethe

Ai, mong muốn thấy được thời đại mình một cách đúng đắn, phải nhìn nó từ một khoảng xa. Xa là bao nhiêu? Thật đơn giản, xa vừa đủ để không nhìn rõ được chiếc mũi của Cleopatra

  • Ortega y Gasset    

Mục Lục

                        I  QUYỂN SÁCH VỀ NHỮNG PHO TƯỢNG

                           Pompeii, Troy, Mycenae, Crete

  1. Nữ Hoàng Naples: Từ Sân Vườn Đến Pompeii
  2. Winckelman: Sự Ra Đời Của Một Ngành Khoa Học
  3. Phút Tạm Dừng: Tại Sao Truy Tìm Quá Khứ
  4. Schliemann (I): Một Thương Gia Khai Quật Vàng xứ Trojan
  5. Schliemann (II): Mặt Nạ Agamemnon
  6. Schliemann (III): Xung Đột với các Học Giả
  7. Schliemann (IV): Mycenae, Tiryns, và Crete
  8. Evans: Crete và quái thú Minotaur

                        II QUYỂN SÁCH VỀ KIM TỰ THÁP

                           Các Đế Chế Ai Cập

  1. Napoleon: Trong Vùng Đất của các Pha-ra-ông
  2. Champollion (I): Bí ẩn của Bia Đá Rosetta
  3. Champollion (II): Tội Phản Quốc và Chữ Tượng Hình
  4. Belzoni, Lepsius, và Mariette: Cuộc Sống ở Ai cập Cổ Đại
  5. Petrie: Lăng Mộ của Amenemhet
  6. Kẻ Trộm Mộ trong Thung Lũng các Vì Vua
  7. Xác Ướp
  8. Carter: Lăng Mộ Tutankhamen
  9. Carter: Lời Nguyền của các Pha-ra-ông

                        III QUYỂN SÁCH VỀ TÒA THÁP

                        Các Vương Quốc Assyria, Babylonia, và Sumeria

  1. Botta tìm ra Nineveh
  2. Grotefend: Thầy Giáo Giải Mã Chữ Hình Nêm
  3. Raelinson: Tự Điển viết trên Đất Sét của Nebuchadnezza
  4. Layard: Tay Nghiệp Dư Qua Mặt Đại Thần
  5. George Smith: Câu Chuyện về Trận Đại Hồng Thủy
  6. Koldewey: Tháp Babel
  7. Woolley: Nền Văn Hóa Cổ Xưa Nhất Thế Giới

                  IV QUYỂN SÁCH VỀ ĐỀN THỜ

                  Các Đế Chế Aztec, Maya, và Toltec

  1. Cortes (I): Kho Báu ở Moctezuma
  2. Cortes (II): Nền Văn Hóa Bị Chặt Đầu
  3. John Lloyd Stephens Mua Một Thành Phố Rừng
  4. Khúc dạo giữa
  5. Bí Ẩn của Các Thành Phố Maya Hoang Phế
  6. Edward Herbert Thompson: Chichen-Itza và Giếng Thiêng
  7. Người Aztec, Maya, và Toltec: Họ Từ Đâu Đến?

                        V QUYỂN SÁCH CHƯA THỂ VIẾT RA

  1. Những Tìm Tòi Mới cho những Đế Chế Cổ

PHẦN MỘT

QUYỂN SÁCH VỀ CÁC PHO TƯỢNG

Pompeii, Troy, Mycenae, Crete

aa.png

  1. NỮ HOÀNG THÀNH NAPLES: TỪ SÂN VƯỜN ĐẾN POMPEII

 Vào năm 1738 Maria Amalia Christine, con gái của Augustus III, Hoàng thân xứ Saxony, kết hôn với Charles xứ Bourbon, Vua của hai xứ Sicily, và chuyển về sống ở thành Naples. Bà hoàng trẻ sinh động, có khuynh hướng yêu nghệ thuật, tìm hiểu về vườn thượng uyển bao la của mình và khám phá ra ở đấy có cả một kho tàng gồm những pho tượng và tác phẩm điêu khắc. Một số tác phẩm này được tình cờ tìm thấy trước khi núi lửa Vesuvius phun lần cuối, và một số khác được khai quật do sáng kiến của một Tướng d’Elboeuf nào đó.

            Vui thích trước vẻ đẹp của các cổ vật này, bà xin ông hoàng cho phép bà tìm thêm những cổ vật khác. Nhà vua đồng ý vì núi Vesuvius đã im tiếng hơn một năm rưỡi sau lần bùng phát dữ dội vào tháng năm 1737.       

            Địa điểm thuận lợi nhất để tiếp tục tìm kiếm là bắt đầu từ chỗ Tướng d’Elboeuf đã kết thúc trên sườn núi lửa. Nhà vua nhờ sự hỗ trợ của Hiệp sĩ Rocco Gioacchino de Alcubierre nào đó, chỉ huy trưởng của Công binh Hoàng gia. Người Tây Ban Nha này tổ chức lực lượng lao động và trang bị công cụ và thuốc nổ. Những khó khăn chồng chất, vì lúc đầu công nhân khai quật phải đào sâu hơn 16 mét lớp dung nham trầm tích cứng như đá. Mở rộng ra ngoài từ một lòng giếng mà d’Elboeuf đã phát hiện, nhóm thợ của Alcubierre đào những lối thông và khoan lỗ đặt thuốc nổ. Cuối cùng các lưỡi cuốc của thợ chạm vào kim loại, khiến nó vang như tiếng chuông. Vật tìm được đầu tiên là ba mảnh của bức tượng bằng đồng to lớn khác thường.

            Giờ đây, cuối cùng, một chuyên gia được mời đến hiện trường. Hầu tước Don Marcello Venuti, nhà nhân văn và thủ thư hoàng gia, giám sát cách xử lý và bố trí các phát hiện mới hơn nữa. Đó là ba điêu khắc bằng đá các nhân vật La Mã mặc áo choàng toga, một số cột có tô màu, và sau đó là những tượng ngựa bằng đồng được khai quật sau đó. Cặp vợ chồng hoàng gia đến tận nơi giám sát cổ vật tìm được. Hầu tước tự mình leo xuống lòng giếng bằng dây thừng, và phát hiện một đoạn cầu thang. Điều này là manh mối giúp ông đoán được loại công trình nào họ đang đào đến. Bảy tuần sau, vào ngày 11/12/1738, họ bắt gặp một dòng chữ khắc cho biết một Rufus nào đó đã xây dựng, bằng túi tiền của mình, “Hí Trường Herculanense.”

            Giờ thì rõ là một thành phố bị chôn vùi đã được phát hiện, vì gần như chắc chắn hí trường là phải nằm cạnh khu dân cư. Nhờ may mắn, hình như d’Elboeuf, người khai quật đầu tiên, đã đụng ngay trung tâm sân khấu. Sân khấu này chứa rãi rác những pho tượng. Đây chỉ là một vị trí trong toàn bộ địa điểm ở đó chắc hẳn có nhiều mảnh điêu khắc chồng chất lên nhau. Dòng chảy dữ dội của dung nham đã đổ ập lên bức tường phía sau sân khấu, đã được trang trí phong phú bằng những tranh chạm nổi, và xô nó ngã đè lên sân khấu. Trong 1700 năm, những pho tượng người bằng đá đã nằm đấy yên lành.

            Dòng chữ khắc cho biết tên thành phố là Herculaneum.

Dung nham, một loại đá nóng chảy, là một hổn hợp các chất khoáng, hóa cứng khi nó nguội thành thủy tinh và những loại đá mới. Thành phố Herculaneum đã bị chôn vùi dưới một lớp dày 15 mét chất liệu này.

            Lapilli, trái lại, tạo thành bởi những mảnh đá núi lửa thủy tinh nhỏ. Khi phun khỏi miệng núi lửa cùng với đám tro bụi trơn nhờn, những mảnh đá nhỏ này rơi xuống như những trận mưa tương đối nhẹ, tạo thành một lớp xốp, không quá cứng có thể đào xới bằng công cụ cầm tay. Pompeii nằm bên dưới lớp chất liệu này, hơn nữa, lại không bị chôn quá sâu như thành phố chị em của nó, Herculaneum.     

            Trong lịch sử, cũng như trong cuộc sống cá nhân, thường xảy ra chuyện lộ trình dễ dàng không chọn lại chọn lộ trình khó khăn, và chọn cách dài nhất thay vì cách ngắn nhất. Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ những nỗ lực khởi đầu của d’Elboeuf ở Herculaneum trước khi những nhát xẻng đầu tiên được thực hiện, cuối cùng đưa đến việc phát hiện ra Pompeii.

            Hiệp sĩ Alcubiere không bằng lòng với kết quả mà d’Elboeuf khai quật được, mặc dù những thu hoạch được gởi đến Charles xứ Bourbon là một bộ sưu tập những cổ vật quý giá hơn bất kỳ bộ sưu tập khác nào trên thế giới vào thời điểm đó. Nhà vua và viên kỹ sư nhất trí là các hoạt động khai quật phải được dời đến những địa điểm do các học giả đã chỉ ra, thay vì đào xới vào chân đống dung nham một cách mò mẫm nhờ may rủi. Các tư liệu xưa cho biết là Pompeii bị tàn phá cùng ngày với thành phố của Hercules.

            Vào ngày 1/4/1748, công cuộc khai quật mới bắt đầu. Vào ngày 6/4 bức bích họa đầu tiên đã được tìm thấy và vào ngày 19/4 thi thể đầu tiên được phát hiện. Nằm sóng soài trên nền phòng là một bộ xương toàn vẹn, với các đồng tiền vàng và bạc lăn khỏi các bàn tay xương xẩu còn vươn ra như cố bấu chặt chúng.

            Nhưng đến đây, thay vì tiếp tục đào bới một cách có hệ thống và đánh giá những gì đã được tìm ra để tiến hành bước tiếp theo, các hố đào lại bị lấp lại. Không ai có khái niệm là chính trung tâm của Pompeii đã bị bỏ qua. Thay vào đó, người ta lại bắt đầu đào những lỗ mới.

            Sau hết, mối quan tâm của cặp vợ chồng hoàng gia chỉ hạn hẹp, thứ nhiệt tình thoáng qua của những tay chơi tài tử có văn hóa. Hơn nữa, Charles không bận tâm nhiều đến tri thức hay thẩm mỹ. Về phần Alcubierre, mối quan tâm duy nhất của ông là làm chủ vấn đề kỷ thuật xây dựng. Mọi người khác có liên can với dự án chỉ đơn giản hi vọng có được một cú may mắn nữa giúp hốt thêm được nhiều vàng bạc. Trong số 24 lao động đào bới vào ngày 6/4, có 12 người là tội phạm. Họ và những bạn lao động khác được trả công thấp kém không thể nào có được một quan điểm khách quan về tiến trình.

            Khu khán giả của hí trường giờ được bốc trần. Nhưng khi không thấy có tượng, vàng, hoặc đồ trang trí thuộc bất kỳ thể loại nào được tìm thấy, địa điểm khai quật lại dời đi chỗ khác. Nếu thêm một chút nhẫn nại nữa họ có thể giàu to. Gần Cổng Hercules họ bắt gặp một biệt phủ mà – không biết dựa vào chứng cứ nào –  được tuyên bố là nhà của Cicero. Trên các bức tường của biệt phủ là những bức bích họa tuyệt vời. Chúng nhanh chóng được cắt ra hoặc sao chép. Sau đó đất cát đào bới lên lại được lấp vào chỗ cũ. Thủ tục khai quật kỳ cục đó càng được đẩy lên cực điểm khi suốt bốn năm ròng rã sau đó khu vực quanh Cività (trước đây là Pompeii) hoàn toàn bị bỏ qua, chỉ vì khai quật tại Herculaneum cho kết quả trước mắt. Tại đó người ta phát hiện được một trong những bảo vật thú vị nhất được biết tới lúc này: biệt phủ chứa thư viện của triết gia Philodemus, “Villa dei Papiri.” [Biệt Phủ Cuộn Sách]           

            Cuối cùng vào năm 1754 các cuộc khai quật lại lần nữa được khởi công ở phía nam Pompeii, và tàn tích các lăng mộ và công trình xây tô cổ đại được phát hiện. Từ lúc đó cho đến tận ngày nay, việc khai quật được tiến hành, gần như là liên tục, trong khu vực Pompeii lẫn Herculaneum.

Thảm họa giáng xuống Pompeii và Herculaneum hóa ra có một ý nghĩa to lớn đối với ngành khảo cổ.

            Vào trung tuần tháng 8 năm 79, núi lửa Vesuvius có dấu hiệu sắp phun trào, nhưng vì núi lửa thường hoạt động, nên lúc đầu không có cảnh báo. Vào trước trưa ngày 24, tuy nhiên, có dấu hiệu rõ ràng về một thảm họa có cường độ chưa từng biết đang thành hình. Đỉnh núi rách toát sau một tiếng nổ long trời. Khói phun vọt cuồn cuộn vào bầu trời, che tối sầm bầu trời. Cơn mưa bọt đá và tro bụi núi lửa bắt đầu rắc xuống, giữa những tiếng đổ sầm khủng khiếp và chớp sáng lóe dữ dội. Chim chóc từ tầng trời chết rơi tòm xuống đất, dân chúng gào thét thoát chạy, muông thú lủi trốn. Trong lúc đó những thác nước đổ ào qua đường phố, không ai biết nó từ trời xuống hay từ dưới đất lên.

            Tai họa dữ dội này giáng xuống hai thành phố Pompeii và Herculaneum vào ngay giờ trưa đầy nắng và bận rộn, hoàn thành đòn phá hủy tòan diện của mình bằng hai cách. Một trận lở bùn-một hỗn hợp tro núi lửa, mưa, và dung nham – đổ xối xả xuống Herculaneum, len lỏi vào các đường phố và ngõ ngách, càng lúc càng dâng cao hơn, và không ngừng gia tăng áp lực. Dòng chảy bao phủ mái nhà, xông vào cửa cái, cửa sổ, và cuối cùng nhấn chìm Herculaneum. Mọi thứ và mọi người không di tản kịp đều bị chôn vùi.

            Tại Pompeii tình hình lại khác. Tại đó không có lũ bùn rác; thảm họa bắt đầu bằng một trận mưa tro rơi nhẹ, quá nhẹ đến nổi người ta có thể phủi bụi tro ra khỏi vai áo. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, lapilli bắt đầu rơi xuống, rồi thỉnh thoảng có những quả bom đá bọt nặng vài kí. Mức độ nguy hiểm chỉ dần dần được phát hiện, và khi nhận ra thì đã quá trễ. Những đám mây hơi lưu huỳnh chìm lắng xuống thành phố. Chúng len lách vào những khe hở, kẻ nứt và dâng lên cuồn cuộn dưới lớp quần áo làm ngạt thở các thị dân, làm họ phải ôm lấy mặt. Nếu họ chạy ra ngoài đường để khỏi chết ngạt, thì một trận lapilli dày đổ ập xuống đuổi họ trở lại vào nhà tìm sự trú ẩn. Các mái nhà sụp đổ, toàn bộ gia đình bị chôn vùi. Một số người trốn tránh được chốc lát. Họ chui rúc cuống cuồng dưới cầu thang hay cửa vòm chừng nửa giờ. Cuối cùng hơi độc cũng tìm đến họ và làm họ chết vì ngạt thở.

            Bốn mươi tám giờ sau mặt trời lại xuất hiện, nhưng lúc đó Pompeii và Herculaneum đã ngừng tồn tại. Toàn bộ khung cảnh trong một vùng rộng 18 km bao quanh đã bị tàn phá. Các đám mây tro được gió mang đến tận Phi châu, Syria, và Ai Cập. Nhưng giờ đây chỉ còn một cột khói mỏng tỏa ra từ miệng núi Vesuvius, làm vấy bẩn vòm trời xanh lồng lộng.

            Gần 1700 năm đã trôi qua. Những thế hệ mới, với các tập quán khác cùng những thể loại kiến thức mới, đẩy lưỡi xẻng vào lòng đất và đem ra những thành phố chết bị quên lãng. Đó như một sự tái sinh, một phép mầu.                     

            Các nhà khảo cổ, quá đam mê với công việc của mình đến độ quên khuấy những cảm xúc thuộc lương tri thông thường, không ngớt ca ngợi loại thảm họa này như là một cú may mắn bất ngờ. Ngay cả Goethe, tác giả những bi kịch bất hủ, với tư cách của một nhà khoa học, nói về Pompeii: “Tôi thật khó biết được có điều gì thú vị hơn. . .” mà không mình biết nói thế là quá chai đá, lạnh lùng. Đúng là thật khó nghĩ ra cách thức nào bảo quản được một thành phố toàn vẹn vì lợi ích cho hậu thế, khác hơn là chộp nó ngay giữa buổi trưa mọi người đang sinh hoạt thường lệ, rồi phong kín nó bên dưới một lớp tro than vĩ đại. Phế tích Pompeii hoàn toàn khác với các phế tích của một thành phố chết một cách tự nhiên qua một quá trình tàn rụi dần. Một cộng đồng đang sinh sống đã bị cây gậy thần chạm đến, và thế là các qui luật của thời gian, của chuyển hóa, của phôi pha, đã mất đi giá trị của chúng.

       Trước cuộc khai quật đầu tiên không có gì còn lại trừ ký ức mờ nhạt về hai thành phố bị chôn vùi. Nhưng khi việc đào bới bắt đầu, dần dần toàn bộ sự kiện bi thảm hiện rõ trong tâm trí mọi người, và các thông tin về thảm họa do các tác giả thời cổ đại viết ra bổng sống lại. Mức độ khủng khiếp của thảm họa được biết đến. Sinh hoạt thường nhật bổng bị cắt đứt đột ngột đến nổi người ta tìm thấy con heo sữa còn được nướng dang dở trong lò, và bánh mì chưa chín tới còn nằm trên xẻng xúc bánh của người thợ bánh mì.

            Chuyện gì xảy ra đối với một cái chết trong ô nhục mà nắm xương khốn khổ này có thể kể cho ta nghe, nắm xương còn mang xiềng xích của kiếp nô lệ. Lớp tro bụi và lapilli rơi rắc càng lúc càng dâng cao, mang một chú chó bị xích lên cùng với nó. Và cuối cùng, khi tro bụi lấp đầy gian phòng, chú chó bị đẩy lên đến tận mái, chết rụi mà cổ còn mang xích.

            Các cuốc xẻng của thợ khai quật phát hiện mọi dạng thảm kịch gia đình, các cảnh tượng mẹ, cha, và con cái bị tóm bắt trong phút tột cùng tuyệt đối. Những bà mẹ được tìm thấy vẫn còn ôm choàng đứa con, cố che chở nó bằng mảnh vải cuối cùng đến khi cả hai đều chết ngạt. Người ta đào lên các ông bà còn ôm chặt của cải quí giá, cố chạy ra đến tận cổng thành, tại đó họ bị quật ngã dưới trận mưa đá, bàn tay còn bấu chặt vàng bạc và đồ quí giá. Tên “Cave canem” bằng đá khảm còn được đọc thấy trên cổng một ngôi nhà tại đó

Bulwer-Lytton đã cho nhân vật Glaucus của ông cư trú trong tác phẩm Những Ngày Cuối Cùng của Pompeii. Tại bậc thềm một ngôi nhà hai phụ nữ trẻ được tìm thấy đang chần chừ trước khi quá trễ, các thi thể nằm sấp lên nhau, và còn vướng víu với đồ đạc quá nặng đang định khiêng vào nhà. Trong một gian phòng phong kín người ta phát hiện ra thi thể một phụ nữ và một con chó. Quan sát kỹ cho thấy đó là một tình huống rợn người. Trong khi bộ xương chó còn nguyên vẹn, bộ xương của người phụ nữ nằm rải rác khắp phòng. Rõ ràng là do đói, bản năng đã khiến con vật phải ăn xác bà chủ của mình. Không xa ngôi nhà này là một ngôi nhà khác tại đó người ta đang tiến hành lễ an táng thì tai ương ập đến. Những khách viếng tang, sau 1700 năm, còn nằm ngổn ngang trên ghế dài quanh chiếc bàn đựng lễ vật ma chay, đang than khóc trong chính lễ tang của chính mình.

            Trong tòa nhà kế bên bảy đứa trẻ bất ngờ trước cái chết khi đang vô tư chơi đùa trong phòng. Trong tòa nhà khác 34 thi thể được tìm thấy, cùng với họ là xác một chú dê, trong cơn hoảng loạn, đã xông vào phòng tìm sự an toàn giữa con người. Không sự can đảm hoặc cái đầu lạnh hoặc sức mạnh thân xác nào có thể giúp kéo dài nổi kinh hoàng của họ lâu hơn. Di hài của một người đàn ông to lớn được tìm thấy. Y đã cố gắng một cách vô vọng bảo vệ cho bà vợ và đứa con trai 14 tuổi đang ra sức chạy trước y. Rõ ràng với một sức tàn cuối cùng y đã cố vực họ dậy, nhưng ngay lúc đó hơi độc đã quật ngã y, và từ từ y khuỵu xuống, nằm ngửa trên mặt đất, vươn dài người ra và trong tư thế đó tro bụi đã chôn vùi y và bảo quản thi thể quá khổ của mình. Những người khai quật đã đổ thạch cao lên chỗ y nằm, nhờ thế đã cố định tư thế một  người Pompeii đã mất.                   

            Từng dảy nhà, Đền thờ Isis, hí trường_tất cả đều vẫn y nguyên như vào cái ngày tháng tám định mệnh ấy. Vẫn còn những bản viết trên bàn làm việc, những cuộn giấy cói còn trong thư viện, những công cụ còn ở trong nhà kho, các bàn chải còn trong buồng tắm. Các bình rượu, chén dĩa còn nằm trên bàn các quán xá, tiền trả được bỏ lại trên bàn của những thực khách vội vã bỏ đi cho những chủ tiệm cũng đã chạy thoát thân. Trên tường quán là những câu thơ tục tỉu, ướt át do những tình nhân viết, cùng những bức họa xinh đẹp trên tường các biệt phủ.

            Chính nhờ một người có văn hóa vào thế kỷ 18, người đầu tiên nhìn thấy nhà bảo tàng rất phong phú này của quá khứ. Thời Phục hưng đã chuẩn bị cho ông cách đánh giá tính thẩm mỹ của những món cổ vật. Nhưng ông cũng ý thức được sức mạnh mới phôi thai của khoa học và nguyện dâng hiến tâm lực cho những dữ kiện hơn là chỉ thỏa mãn bằng cách ngắm nhìn những vật đẹp lạ. Để hoàn thiện cả hai quan điểm này phải cần một con người kết hợp cả hai: tình yêu nghệ thuật cổ đại và tài năng nghiên cứu có hệ thống và óc phê phán. Vào thời điểm công cuộc khai quật ở Pompeii được tiến hành, người đàn ông hội đủ cả hai vai trò này đang làm việc như một người thủ thư cho một bá tước Đức và vào tuổi ba mươi vẫn chưa hoàn thành công trạng nào đáng kể.

12

Tranh tường tại Pompeii

3

Các thi thể nạn nhân trong thảm kịch Pompeii

4

Tàn tích Pompeii

2 . WINCKELMANN: SỰ RA ĐỜI MỘT NGÀNH KHOA HỌC

 Một phác họa danh tiếng vẽ J.J. Winckelman ở La Mã vào năm 1764 cho thấy ông đang ngồi bên một quyển sách mở rộng, tay cầm bút lông ngỗng. Cặp mắt to, đen sáng lấp lánh dưới cặp chân mày trông rất trí thức. Mũi lớn, giống như mũi Bourbon trong bức chân dung này. Miệng và cằm ông tròn trĩnh và mềm mại. Bức chân dung biểu lộ một cá tính học thuật hơn là nghệ thuật.

            Winckelman, con một người thợ giày, sinh vào năm 1717 ở Stendal, một thị trấn nhỏ ở Phổ. Ngay từ nhỏ, ông lang thang khắp vùng quê tìm kiếm những gò đống tiền sử trong khu vực và dụ bạn bè giúp ông đào tìm những cái vạc cổ. Vào năm 1743 ông giữ chức giáo viên phụ tá cao cấp của một trường trung học ở Seehausen.

            Năm 1748 ông tìm được một chân thủ thư cho Bá tước Bunau, gần Dresden, ở Saxony, và rời nước Phổ của Đại Đế Frederic mà không hối tiếc. Ông sớm biết rằng Phổ là một nhà nước độc tài, và trong những năm về sau khi ngoái nhìn lại thời gian sống ở đó, ông thường phát biểu “Ít nhất tôi cảm thấy tình cảnh nô dịch nhiều hơn bất cứ điều gì khác.” Hành trình tương lai của ông thành hình từ lần đổi chỗ này. Ông đặt chân đến miền của những nghệ sĩ tên tuổi, và ở Dresden tìm thấy những bộ sưu tập các cổ vật toàn diện nhất từng tồn tại ở quê nhà Đức của ông. Có cơ hội để nghiên cứu các di vật này đã xua tan mộng ôm ấp đi nước ngoài, chẳng hạn đến Ai Cập. Khi những bài viết của ông bắt đầu xuất hiện, chúng lập tức gây tiếng vang khắp Âu châu. Để có cơ hội làm việc ở Ý, ông cải sang đạo Thiên chúa, nhưng khi thời gian trôi qua, ông trở nên độc lập về tâm linh hơn cả trước khi cải đạo, và về mặt tôn giáo ông không hề giáo điều. La Mã, ông nghĩ, chỉ đáng một lễ Mét đối với mình.

            Năm 1758 ông trở thành thủ thư cho bộ sưu tập cổ vật của Hồng y Albani. Và vào năm 1763 ông được chỉ định là Giám Trưởng mọi cổ vật trong và ngoài La Mã, và với chức vụ này ông đến viếng Pompeii và Herculaneum. Năm 1768 ông bị ám sát.

            Ba công trình dày cộm của Wickkelman đóng góp căn bản cho phần nhập môn các phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu quá khứ. Đó là cuốn Những Bức Thư Ngõ, bàn về những phát hiện tại Herculaneum; kiệt tác của ông, Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ Đại; và Những Di Vật Thời Cổ Đại Chưa Xuất Bản.

            Những khai quật ở Pompeii và Herculaneum vào những năm đầu chỉ có tính cách tùy tiện. Nhưng điều tệ hại hơn tính vô kế hoạch là tính bí mật. Một không khí ngăn cấm mà các nhà cai trị tự tiện tìm cách áp đặt cho những người nước ngoài, hoặc là khách du lịch hay chỉ là những sinh viên ngành khảo cổ, chỉ muốn xin phép đến thăm hai thành phố chết để về kể lại cho thế giới. Ngoại lệ duy nhất mà nhà vua của hai xứ Sicily cấp phép là tay mọt sách có tên Bayard có nhiệm vụ soạn một bản mục lục những cổ vật được tìm thấy. Tay Bayard này lao vào giới thiệu cuốn mục lục này mà không buồn đi đến tận nơi khai quật. Y chỉ biết ghi chép và ghi chép và đến năm 1752 đã soạn được năm tập, tổng cộng gần 2,677 trang, mà vẫn chưa viết ra được những điều cốt lõi. Trong lúc đó y phát tán những báo cáo đầy ác ý nói về hai người đàn ông mới xuất hiện, có dấu hiệu là đã đi thẳng được vào trọng tâm của vấn đề, và ra sức ngăn cản không cho phép họ được thăm di tích.

            Và khi một học giả có thiện ý tìm được cách cầm nắm một vài cổ vật mới khai quật được để xem xét trước, y thường là thiếu chuẩn bị nên dễ dàng sai sót với những học thuyết quanh co như lý thuyết mà Martorelli đưa ra. Học giả người Ý này trứ tác một công trình dày 652 trang để chứng minh, qua sự xem xét một bình mực, rằng người cổ đại không sử dụng cuộn giấy cói, mà là những cuốn sách hình chữ nhật như chúng ta. Và thậm chí khi những cuộn giấy cói của Philodemus nhìn vào ông trừng trừng.

            Cuốn sách khổ lớn đầu tiên về cổ vật ở Pompeii và Herculaneum cuối cùng ra mắt vào năm 1757, do Valetta soạn, và được nhà vua tài trợ đến 12,000 ducat. Trong khi đó Winckelmann bước vào bầu không khí đố kị, mưu mô, và từ chương. Sau vô vàn khó khăn, trong đó ông bị đối xử như một tên do thám, Wickelmann cuối cùng cũng được phép thăm Bảo tàng Hoàng gia. Tuy nhiên, ông bị tuyệt đối ngăn cấm không được phác họa, dù là tối thiểu, những tác phẩm điêu khắc được cất giữ tại đó.

            Trong nổi cay đắng, Winckelmann bổng tìm được một người bạn phần nào có cùng tính khí với ông. Trong tu viện Augustine nơi ông được cho trú ngụ, ông làm quen với Cha Piaggi, mà ông nhận thấy đang mải mê vào một công việc lạ kỳ nhất.

            Khi Biệt phủ Papiri được phát hiện, mỗi người đều vui mừng trước những trước tác cổ đại phong phú tìm được. Nhưng niềm vui sớm phai nhạt vì các cuộn sách bằng giấy cói, khi mở ra, đều nát vụn thành bụi than. Mọi biện pháp đều được thử nghiệm trong nỗ lực giải cứu các cuộn sách. Nhưng không cách nào đạt được kết quả, dù là tối thiểu, cho đến một ngày Cha Piaggi xuất hiện với “một cái khung giống như loại mà các thợ làm tóc giả thường dùng để chải tóc” và tuyên bố là mình có thể mở cuộn sách cổ an toàn bằng công cụ này. Ông được cho phép làm thử, và tại thời điểm mà Winckelmann đến thì ông đã trải qua nhiều năm với công việc nặng nhọc này. Hình như ông tương đối thành công trong việc bảo quản bản thảo, nhưng lại thất bại ảm đạm trong việc xây dựng mối quan hệ với nhà vua và Alcubierre. Theo lời ông, họ không trân trọng ông.

            Khi Winckelmann cúi xuống bên cạnh Cha Piaggi tại bàn làm việc, mục sư cáu giận trút tất cả nổi bực dọc vào mọi việc xảy ra bên ngoài khung cửa sổ. Trong khi đó, với một sự tỉ mỉ đến khó tin, ông mở ra cuộn giấy cói từng ly một bằng công cụ của mình. Ông cằn nhằn về nhà vua, ông phàn nàn về sự lạnh nhạt của đấng quân vương, sự bất tài của các viên chức hoàng gia và đám cộng tác. Khoe với Winckelmann một cuộn bản thảo vừa mới khôi phục, khảo luận về âm nhạc của Philodemus, ông huênh hoang chỉ trích bọn hậu đậu và đố kị, không coi trọng mình.

            Winckelmann càng tỏ ra ủng hộ những lời công kích của Cha Piaggi sau khi giới thẩm quyền tiếp tục từ khước cho phép ông đến viếng khu khai quật. Họ chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu của ông trong viện bảo tàng, mà hơn nữa không cho phép ông sao chép. Ông đút lót cho các viên quản đốc tại nơi khai quật, nhờ đó họ cho ông ngắm nhìn các cổ vật chỗ này chỗ kia. Trong lúc này các vật phẩm được đào lên có tầm quan trọng trong việc khảo sát toàn diện một nền văn hóa cổ đại như văn hóa do Winckelmann quan niệm. Đó là những bức họa và tranh điêu khắc có bản chất tính dục. Vị vua thiển cận, hơi sốc trước một bức tượng miêu tả một thần rừng đang giao cấu với một con dê, bèn cho chở tất cả cổ vật đào được về La Mã và cất vào kho khóa kỹ. Và vì vậy Winckelmann không được nhìn ngắm những tác phẩm có ý nghĩa này.

            Dù gặp những trở ngại này, vào năm 1762, ông cũng cho in được bức thơ ngõ đầu tiên, “Bàn Về những Phát Hiện tại Herculaneum.” Hai năm sau ông lại đến thăm thành phố và Viện Bảo tàng Hoàng gia lần thứ hai, và kết quả là một bài phê phán khác. Cả hai bài viết đều chứa những ám chỉ có tính công kích gay gắt đến trường hợp mà Winckelmann đã nghe Cha Piaggi luận bàn trong căn phòng nhỏ của mình. Khi bản dịch ra Pháp ngữ của bức thư ngõ thứ hai đến được triều đình xứ Naples, một làn sóng căm phẩn nổi lên chống lại nhà học giả Đức, cho là ông đã đáp lại lòng tốt của giới chính quyền cho phép mình làm việc tại Viện Bảo tàng Hoàng gia bằng sự vu khống hèn hạ. Nhưng sự châm chích của Winckelmann là có cơ sở, và sự tức tối của ông là dựa trên một sự bất bình có thực. Vậy mà khía cạnh gây tranh cãi của các bức thư ngõ không còn thích hợp. Giá trị của chúng nằm ở chỗ lần đầu tiên miêu tả cho thế giới một cách rõ ràng và khách quan những cổ vật đào được từ sườn núi Vesuvius.

            Cũng khoảng thời gian ấy kiệt tác của Winckelmann, Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ Đại ra đời. Trong tuyệt tác này ông thành công trong việc tạo dấu ấn về một mức độ chưa từng có về một bộ cổ vật khổng lồ mà từ trước đến nay chỉ được coi thường như là một loại kết tập lỏng lẻo nhất. Quyển sách này được viết mà, theo lời ông tự hào nhận xét, ‘không có một kiểu mẫu’ có trước nào để dựa vào đó. Nó là công trình mở đường trong lối tiếp cận chủ đề về nghệ thuật cổ đại từ một quan điểm có tính phát triển. Winckelmann xây dựng hệ thống của mình từ những vốn liếng nhỏ nhoi mà người cổ đại truyền lại cho hậu thế. Bằng sự nhạy cảm không sai lệch ông dò dẫm đến khi thấu hiểu được một cách căn nguyên, và diễn tả bằng một thứ ngôn từ mạnh mẽ đến nổi giới trí thức Âu châu bị một làn sóng tôn thờ cổ vật cuốn hút theo. Chính sự thất thủ vội vàng này có tầm quan trọng cốt lõi trong việc định hình hướng đi của ngành khảo cổ trong thế kỷ sau đó. Tác phẩm của Winckelmann khích động lòng đam mê truy tìm những vật thể đẹp dù chúng ẩn mình ở bất cứ đâu. Nó minh chứng phương cách hiểu được các nền văn hóa cổ đại qua các đồ tạo tác của chúng; nó thức tỉnh niềm hi vọng phát hiện ra các kho báu mới, đầy ắp những phẩm vật kỳ diệu như Pompeii.

            Với cuốn Monumenti antichi inediti, được xuất bản vào năm 1767, Winckelmann tạo ra một công cụ thực sự cho ngành khoa học mới là khảo cổ. “Không có kiểu mẫu nào”, thì chính ông sẽ trở thành kiểu mẫu. Để giải thích ý nghĩa của điêu khắc Hi Lạp ông lần ra manh mối trong toàn dòng chảy của thần thoại Hi Lạp. Ông cho thấy mình là một thiên tài quí hiếm trong việc rút ra kết luận từ những gợi ý nhỏ nhất. Trước khi ông đến, ngành khảo cổ lúc đó bị ảnh hưởng mạnh mẽ của khuynh hướng ngôn từ và bị sử gia lấn át. Winckelmann đã hoàn toàn thay đổi tính chuẩn mực.

Nhiều quan niệm của Winckelmann là sai lầm, và nhiều kết luận của ông cũng hấp tấp. Hình ảnh của ông về thời cổ đại đều được lý tưởng hóa đến cao độ. Không chỉ có “người như thần thánh” đã từng sống ở Hi Lạp, mà ở đó cũng có người dân bình thường. Mặc dù có thừa chất liệu, nhưng sự tiếp xúc của Winckelmann với các tác phẩm nghệ thuật Hi Lạp hơi bị hạn chế. Phần lớn những gì ông đã xem đều là những bản sao chép có niên đại không xưa hơn thời La Mã, những tác phẩm điêu khắc có màu trắng tinh khôi, bị hàng tỉ giọt mưa và hạt cát thô nhám mài mòn. Người Hi Lạp vốn không tự thể hiện mình dưới những hình thể trắng chói nổi bật trên một phong cảnh tỏa sáng. Những tác phẩm tạo hình của Hi Lạp cổ đại đều được tô màu tươi tắn. Các bức tượng được được nhuộm màu đậm đà với phẩm màu sặc sỡ. Tượng đá của nhân vật nữ được tìm thấy ở Acropolis ở Athen đều nhuốm màu đỏ, xanh lá, xanh lam, và vàng. Rất thường các tượng có đôi môi đỏ, cặp mắt rực sáng làm bằng đá quý, và thậm chí lông mi trông rất giả tạo.

            Và vì thế đóng góp của Winckelmann là việc áp đặt một trật tự tạm thời cho những gì trước đây là một hỗn loạn toàn bộ, bằng cách thay thế, trong giới hạn quyền hạn của mình, sự ức đoán bằng kiến thức thực sự. Sự tiếp cận có hệ thống của ông đã chứng tỏ là có giá trị trong việc cứu vớt những nền văn hóa cổ hơn khỏi rơi vào vực thẵm của thời gian.

Trở về Ý vào năm 1768, Winckelmann dừng chân tại khách sạn ở Trieste, và vô tình quen biết với một tên tội phạm Ý đã vài lần bị kết án tù.

            Chúng ta chỉ có thể giả định là Winckelmann giao thiệp với tên cựu đầu bếp và ma cô này, và thậm chí cùng ăn tối với y trong phòng mình, là vì mối quan tâm khảo cổ của ông đã phần nào bị đánh lừa. Winckelmann, tất nhiên, là một trong những thân chủ quan trọng nhất của khách sạn và lôi kéo được sự chú ý. Ông mặc quần áo sang trọng, ông có phong cách lịch lãm, và thỉnh thoảng cũng thích khoe khoang những đồng tiền vàng mà ông giữ làm kỷ niệm trong lần tiếp kiến với Nữ hoàng Maria Theresa [của Đế chế Habsburg]. Tên Ý, mang cái họ Arcandeli không thích hợp chút nào, trang bị một dây thòng lọng và một dao găm.

            Vụ sát nhân xảy ra vào buổi tối ngày 8/6/1768. Winckelmann, dự tính viết một vài chỉ dẫn cho nhà xuất bản của ông, đã cởi áo ngoài và ngồi vào bàn làm việc. Tên Ý bước vào, ném dây thòng lọng quanh cổ Winckelmann, và xiết mạnh làm ông khuất phục, rồi sau đó lại bồi thêm vài nhát dao.

            Nạn nhân là một người lực lưỡng, tuy bị thương trí mạng, vẫn nỗ lực lết xuống cầu thang. Bộ y phục nhuộm đầy máu và gương mặt xanh mét của ông làm tê liệt đám bồi bàn và tiếp viên đến nổi khi họ hoàn hồn kêu gọi người tiếp cứu thì đã quá trễ, không thể cứu sống một sinh mạng hoi hóp. 

            Nhà học giả kiệt xuất qua đời một vài giờ sau đó. Trên bàn viết của ông còn một tờ giấy trên đó ghi những chữ cuối cùng của ông: “Ta nên _.” Sau hai từ này, tên sát nhân đã làm rơi cây bút lông ngỗng khỏi tay Winckelmann. Và như thế ta đã mất đi một trong những học giả kiệt xuất nhất của thời đại mình, nhà sáng lập một ngành khoa học mới.

            Sau khi ông mất đi công trình của Winckelmann đã ra hoa kết trái. Các con cái của ông, nói một cách hình tượng, nằm rải rác khắp mặt địa cầu. Gần hai trăm năm đã qua kể từ ngày qua đời, vào ngày 9/12, sinh nhật ông, tại các viện khảo cổ lớn của La Mã và Athens, các sinh viên khoa khảo cổ vẫn còn làm lễ tưởng niệm ông.            

5

Chân dung Winckelmann

6

Bìa cuốn Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ Đại

  1. KHÚC TẠM DỪNG: TẠI SAO TRUY TÌM QUÁ KHỨ?

 

Mục đích của quyển sách này là mô tả sự tiến hóa của khảo cổ học; đó là mô tả, mà không lường trước, một tiến trình của sự phát triển, nhằm trả lời những câu hỏi đã tự bộc lộ trong con đường săn tìm tri thức thường nhật.

            Thường thường, trong khi tìm kiếm nguồn gốc của mình, chúng ta lặn lội qua các viện bảo tàng và ngắm nghía các tờ giấy cói hư hoại, ố vàng, những mảnh vụn của các bình gốm, tranh chạm nổi, và các cột đá, tất cả đều được phủ lên bằng những biểu tượng và hình ảnh phi thường gọi là chữ hình nêm hoặc chữ tượng hình. Ta biết rằng có những người có thể đọc ra những kí hiệu này một cách dễ dàng như ta đọc báo và sách viết bằng ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta tự hỏi làm sao phát hiện được những bí ẩn của chữ viết cổ xưa đã ngừng sử dụng ngay từ khi Âu châu chỉ là những cánh rừng nguyên sinh. Chúng ta thắc mắc làm cách nào có thể đọc ra ý nghĩa của những ngôn ngữ đã chết này.

            Ta lần giở qua các trang viết của sử gia. Ta đọc về lịch sử những dân tộc cổ đại mà di sản của họ ta đang mang theo, trong những mảnh vụn ngôn ngữ, trong nhiều tập quán và tục lệ, trong các đồ tạo tác của nền văn hóa chúng ta, và trong dấu vết huyết thống chung mặc dù những dân tộc khác nhau này có thể đã sinh sống trong những vùng miền xa xôi và đã mất hút trong thời cổ đại u ám nhất. Ta đọc về lịch sử của họ không dựa vào truyện kể dân gian hay truyền thuyết, mà dựa vào niên đại và số liệu. Chúng ta học hỏi tên các vì vua, chúng ta tìm hiểu cách họ sống trong thời bình và thời chiến, chúng ta ngắm nhìn họ sinh hoạt trong ngôi nhà và nơi thờ phượng của họ. Chúng ta được học hỏi kinh nghiệm về sự hưng thịnh và suy vong của họ, một nhịp đập văn hóa với những quãng thời gian cố định tính bằng năm, tháng, và ngày. Vậy mà những điều này có thể đã xảy ra khi cách tính thời gian của chúng ta chưa có, trước khi lịch của chúng ta thực sự tồn tại.

            Thế thì những kiến thức của quá khứ này đến từ đâu?

            Nhưng khi mỗi điều đã được nói và làm, có việc gì quan trọng đối với một người ở thế kỷ 20, lái ô tô và lên phi cơ, luôn lo âu về tương lai chứ không phải quá khứ, phải biết ông vua Asyria viết gì cho con trai mình bằng chữ hình nêm, hoặc bản thiết kế của một đền thờ Ai Cập trông ra sao? Đây là một câu hỏi hay ho, và xứng đáng được giải đáp đầy đủ.

            Trong Chương 24 của quyển sách này ý tưởng được phát triển sao cho ta không thể nhìn vào các chữ số trên mặt một chiếc đồng hồ mà không nhớ đến phương pháp tính toán thời gian của người Babylone cổ đại. Điều này chỉ ra rằng bất cứ ai chuyên nghiên cứu về các nền văn hóa cổ không còn có thể được hình dung như một thủy thủ dấn mình vào những vùng nước xa lạ mà không biết mình từ đâu đến và mình sẽ đi về đâu. Mà đúng ra phải là một người hải hành bổng nhiên nhận ra được dòng chảy mình đang dong buồm đi tới, và hành trình từ một quá khứ đã định hình đến một tương lai nhận dạng được. Vâng, thậm chí ông ta có một nhận thức nào đó về tương lai, vì chỉ có khoa học về quá khứ mới có thể cung cấp cho ông ta, trong lịch sử năm ngàn năm của nó, một kiểu mẫu nhờ đó ông ta có thể ngoại suy được tương lai.

            Tất cả chúng ta sống trong di sản của năm ngàn năm lịch sử. Nếu không như thế, chúng ta sẽ không khác gì thổ dân Úc không có lịch sử. Các công nhân xây dựng da trắng có thể chưa từng nghe đến tên Archimedes. Điều này không quan trọng. Điều quan trọng là họ biết sử dụng các định luật vật lý mà Archimedes đã tìm ra.

            Có thể là những nhà trí thức Trung Cổ, tự nhận mình là “nhà nghiên cứu khoa học nhân văn”, hoàn toàn hiểu sai về thời cổ đại Hi Lạp và La Mã. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là nhờ sự can thiệp của họ mà công trạng dĩ vãng và các tiến trình suy tưởng của Hi Lạp và La Mã cổ đại đã trở nên một nguồn động lực cho xã hội. Có lẽ các ông và các bà trên con tàu Mayflower di cư đến Bắc Mỹ vào năm 1620, và các người Tây Ban Nha dưới sự lãnh đạo của Cortes và Pizarro giương buồm đến Trung và Nam Mỹ trong khoảng 1519-1532, có thể hình dung việc bắt đầu một cuộc sống mới trên một vùng đất mới là như thế nào vì các truyền thống và tập quán đã viết sẵn ra cho họ. Hóa ra trong chuyến di cư họ không đánh mất nếp sống cũ của mình, mà lại mang theo nó đi cùng. Đặt chân đến những lục địa mới là những con người mà, trong tư tưởng và cảm xúc, trong tôn giáo và tập tục, trong thái độ đối với các định chế cơ bản của đời sống như tình yêu, hôn nhân, lao động, và bổn phận, đối với các nguyên tắc của thiện và ác, của thần thánh và ma quỉ, đều hợp nhất với quá khứ của họ _ và điều này không cần họ có ý thức hay không.

            Điều này đã trở thành trách vụ cao cả của nhà khảo cổ: làm các nguồn cội khô cạn ắm ắp nước trở lại, khiến những gì đã quên lãng lại được nhớ đến, người chết sống lại, và làm sống lại dòng lịch sử ôm ấp chúng ta, dù ta sống ở Brooklin hay Montparnasse, Berlin hoặc Santiago, Athens hoặc Miami. Dòng chảy này là cộng đồng nhân loại rộng lớn của thế giới phương Tây mà trong năm ngàn năm đã tắm gội trong cùng đợt con nước lên xuống, dưới những ngọn cờ khác nhau, nhưng đều được dẫn đường bởi các chòm sao như nhau.

            Về phương diện này ngành khảo cổ là mối quan tâm của mọi người và không thể nào là một ngành khoa học chuyên biệt xa lạ. Khi ta bận bịu với việc khảo cổ, cuộc sống như một tổng thể đã trở thành chủ đề của chúng ta. Vì cuộc sống không chỉ là kế sinh nhai, nhưng là một sự cân bằng trên giao điểm nơi quá khứ và tương lai gặp gỡ.

            Trong các ký sự của mình nhà khảo cổ La Mã Augusto Jandolo kể về việc ông tham gia cùng với cha mở nắp một quan tài của người Etruscan khi còn là một đứa bé. “Việc dời nắp chiếc quách đá không dễ dàng chút nào,” ông viết, “nhưng cuối cùng nó cũng bật lên được và sau đó đẩy lật rơi nặng nề xuống đất. Và rồi một việc xảy ra mà tôi không bao giờ quên được và điều đó sẽ mãi mãi hiện ra trước mắt cho đến lúc chết. Tôi nhìn thấy trong quan tài thi thể của một chiến binh trẻ trong quân phục đầy đủ, với mũ sắt, áo giáp, giáo, khiên, và xà cạp. Nhận ra đây không phải là một bộ xương mà tôi nhìn thấy, mà là một thân thể, đầy đủ tứ chi, và thân mình duỗi ra cứng nhắc như thể chỉ vừa mới đặt trong mộ táng. Hình ảnh này chỉ xuất hiện trong chớp mắt. Sau đó mọi vật bổng tan biến trong ánh sáng hắt ra từ ngọn đuốc. Mũ sắt lăn qua phải, tấm khiên tròn rơi úp lên áo giáp giờ đã sụp xuống, và xà cạp thình lình rơi xuống bẹp ví trên mặt đất, một chiếc bên trái, một chiếc bên phải. Thi thể không bị ai quấy rầy trong hàng thế kỷ, đã thình lình tan biến thành tro bụi khi phơi bày trong không khí . . . một loại bụi vàng óng lơ lững trong không khí và quanh ánh lửa của ngọn đuốc.”

            Trong quan tài được Jandolo mô tả này đã an nghỉ một thành viên của dân tộc Etruscan bí ẩn mà nguồn gốc và dòng dõi đến hôm nay vẫn chưa được xác định. Vậy mà những người phát hiện chỉ có một phút giây ngắn ngủi nhìn thoáng qua thi thể trước khi nó tan rã, không sao phục hồi được. Tại sao? Sự bất cẩn vụng về đã gây ra sự tổn thất không cứu vãn được này.

            Khi những pho tượng đầu tiên được đào lên được từ lớp đất cổ xưa, rất lâu trước sự phát hiện ra Pompeii, đã xuất hiện ở thời điểm đó những người đủ khai trí để nhận ra những yếu tố thẩm mỹ, cũng như những thần tượng thế tục trong các hình thể đá khỏa thân. Thậm chí như thế, thường thường khi chúng được trưng bày trong các cung điện của các ông hoàng và đức hồng y thời Phục hưng và trong biệt phủ của các vị tổng trấn, các ông tướng, và bọn mới phất, chúng chỉ được xem như những món đồ hiếm không hơn không kém, và trở thành mốt sưu tập. Có thể thường xảy ra trường hợp trong các bảo tàng tư nhân thuộc loại này một pho tượng cổ với vẻ đẹp kỳ bí được trưng bày bên cạnh một bào thai khô quắt của một đứa trẻ hai đầu. Sát bên một bức tranh chạm nổi có thể tìm thấy bộ lông của con chim được cho là cháy sáng trên vai của Thánh Francis.

            Đến thế kỷ cuối không có gì ngăn cản được bọn tham lam và dốt nát trục lợi bằng bất kỳ cổ vật nào mà chúng may mắn tìm được, hoặc ngăn họ thôi không gây những tổn hại đáng tiếc trong khi khai thác.

            Trong thế kỷ 16 các lò gạch được vận hành trong Quảng trường La Mã, nơi tụ tập của người La Mã và là khu vực có nhiều  tòa nhà lộng lẫy bao quanh Điện Capitol. Các đền thờ La Mã bị quét sạch để sử dụng lại gạch đá làm vật liệu xây dựng các công trình mới. Các mảnh đá cẩm thạch được các giáo hoàng dùng lại vô tội vạ để trang trí cho các hồ nước của họ. Đền Serapeum ở Alexandria bị thổi tung bằng thuốc súng để lấy đá làm đẹp các chuồng ngựa giống của một giáo hoàng có tên Innocent [nghĩa là “miễn nhiễm, vô tội”: ND]. Trong bốn thế kỷ đại hí trường Colosseum được sử dụng như một mỏ đá. Thậm chí mãi đến năm 1860 mà Giáo hoàng Pius IX còn tiếp tục công việc phá hoại này để có được những vật liệu trang trí rẽ tiền cho dự án xây dựng nhà thờ Thiên chúa giáo.

            Các nhà khảo cổ thế kỷ 19 và 20 chuyên nghiên cứu La Mã cổ đại chỉ còn lại những phế vật để làm việc, trong khi nếu các đền đài còn nguyên vẹn thì công việc của họ sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều.

            Ngay cả nơi không có tay bất tài nào phá hoại vô tội vạ, nơi không có tên trộm nào tìm đến những kho báu ẩn giấu, nơi quá khứ bị chôn vùi không ai chạm đến – và điều này hiếm có biết bao – vẫn còn có những khó khăn nhất định thuộc một dạng khác. Cho dù có được chất liệu hoàn hảo vấn đề giải đoán phải được tính đến.

            Vào năm 1856 một hang động được tìm thấy ở Dusseldorf, trong đó có bộ xương một người đàn ông mà, theo tình trạng địa chất của nơi thực địa, chắc hẳn phải sống trong thời tiền sử xa xăm nhất. Ngày nay ta gọi bộ xương này là người Neanderthal. Tuy nhiên, vào lúc đó, nó được nghĩ là di cốt của một con thú. Chỉ có một Tiến sĩ Fuhlrott nào đó, một giáo viên trung học trong thành phố tỉnh lẽ Elberfeld, giải thích đúng phát hiện này. Giáo sư Mayer của Bonn tuyên bố bộ xương là của một người Cossack bị giết chết vào năm 1814 . Wagner ở Gottingen luôn cho rằng bộ xương là của một ông già Hà Lan; và Pruner-Bey ở Paris cho bộ xương là của một ông già người Celt. Nhà nghiên cứu bệnh học tiếng tăm người Đức, người mà uy tín được công nhận quá vội vàng đã làm chậm bước tiến quá nhiều ngành khoa học, nói rằng đó là bộ xương của một ông già mắc bệnh gút.

            Phải mất 50 năm các nghiên cứu khoa học mới khẳng định được người thầy giáo đã đúng.

            Ví dụ này, tất nhiên, đúng ra thuộc về lãnh vực tiền sử và nhân chủng hơn là khảo cổ học. Một minh họa thích hợp hơn có lẽ là nỗ lực đầu tiên xác định niên đại của tượng điêu khắc tên Laocoon (hình dưới). Winckelmann cho bức tượng thuộc vào thời kỳ Alexander Đại Đế. Các chuyên gia của thể kỷ trước [thế kỷ 19: ND] tin nó là tuyệt tác thuộc trường phái Rhodian, và định niên đại vào khoảng 150 trước Công Nguyên. Nhưng người khác cho rằng nó được trứ tác vào triều đại đầu tiên. Ngày nay chúng ta biết rằng nó thực sự là công trình hợp tác giữa các nhà điêu khắc Agesander, Polydorus, và Athenodorus của trường phái Rhodian, một nhóm nghệ sỹ hưng thịnh vào khoảng thế kỷ cuối cùng trước Christ.

7.png

            Và như thế rõ ràng là ngay cả khi chất liệu được tìm thấy nguyên vẹn, việc giải thích nó cũng khá khó khăn. Càng khó khăn biết bao hơn nữa nếu món tạo tác không biết là thực hay giả!

            Trong tình huống đáng ngờ như thế phải kể đến sai lầm ngớ ngẩn mà Giáo sư Beringer ở Wurzburg là một nạn nhân. Vào năm 1726 giáo sư xuất bản một cuốn sách mang tựa đề Latinh mà tôi không nêu ra đây vì nó chiếm đến một trang rưỡi giấy. Quyển sách kể về những hóa thạch mà Beringer và các sinh viên của ông tìm được trong vùng lân cận Wurzburg. Văn bản mô tả các bông hoa và các con cóc hóa đá, một con nhện đang trong động tác bắt ruồi (nhện và ruồi đều hóa đá); một hình sao, hình bán nguyệt hóa đá, những văn bản có khắc chữ Hebrew, cùng những vật thể kỳ lạ khác. Quyển sách được minh họa phong phú. Người đọc có thể nhìn thấy những vật được mô tả được điêu khắc trên đồng. Tác phẩm này có phạm vi bao quát và có chứa các lời bình phẩm liên tục trong đó các kẻ thù trí thức của giáo sư bị công kích và phản pháo. Quyển sách được độc giả ủng hộ rộng rãi và nhận được nhiều lời tán dương _ cho đến một sự thật ghê gớm được phơi bày. Các học sinh đã bày một trò đùa quái ác với vị giáo sư ngây ngô. Tự làm ở nhà, chúng tỉ mỉ tạo ra những “hóa thạch,” và sau đó chúng chôn các vật này tại nơi chúng biết giáo sư chắc chắn sẽ đào xới.

            Vụ Beringer làm nhớ đến vụ Domenech. Vị tu sĩ người Pháp này vào năm 1860 xuất bản một tác phẩm kỳ lạ được bảo quản tại Thư viện Arsenal ở Paris. Nó chứa đến 228 bản khắc kẽm cho thấy, bằng cách sao chép, những gì tác giả gọi là “manuscit pictographique américaine.” [Bản thảo hình ảnh về Mỹ châu.] Những tranh vẽ được cho là của người Da Đỏ sau đó hóa ra là các tranh vẽ thô kệch của một đứa trẻ sống trong khu định cư Đức ở vùng rừng núi nước Mỹ.

            Ngay cả Winckelmann vĩ đại còn bị lừa- thủ phạm là em của Casanova.

Tên Casanova này, một nghệ sỹ, đã từng tham gia minh họa cho tác phẩm Monumenti antichi của Winckelmann. Casanova vẽ ba bức tranh, một bức mô tả Jupiter và Ganymede *, những bức khác vẽ các nhân vật nữ đang khiêu vũ. Những tranh này y gởi đến Winckelmann, tuyên bố trắng trợn rằng chúng được lấy đi từ các bức tường ở Pompeii. Để khiến câu chuyện của mình đáng tin hơn y tô vẽ thêm những chi tiết lãng mạn. Một sĩ quan đã bí mật lấy cắp những bức tranh từng tấm một. Nguy hiểm chết người, đêm khuya khoắt, các bóng tối của lăng mộ – Casanova thêu dệt. Và Winckelmann hoàn toàn bị mắc bẫy.

            Ông không chỉ tin bức tranh kia là thật, mà còn tin câu chuyện bên lề cũng thật. Trong phần thứ năm của cuốn Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ Đại ông mô tả chính xác bức tranh Ganymede và cho rằng đó là một bức tranh “không giống bức tranh nào đã tìm được trước đây.” Về phương diện này ông không sai lầm chút nào vì, ngoài Casanova, ông là người đầu tiên được nhìn ngắm nó. “Cục cưng của Jupiter,” ông viết, “không nghi ngờ gì nữa là một trong các nhân vật xinh đẹp nhất truyền lại cho chúng ta từ thời cổ đại. Tôi không biết có gì có thể so sánh được với gương mặt của nhân vật này, nó là bản năng của hoan lạc xác thịt, như thể toàn bộ cuộc sống chỉ là một nụ hôn kéo dài.”

            Nếu một học giả quá khắt khe như Winckelmann còn có thể bị lừa, thì ai dám chắc mình có thể thoát được? Trong thời đại chúng ta một nhà khảo cổ Nga đã cho thấy sự giải đoán có thể gây bối rối ra sao. Chỉ với một pho tượng đá hoa tương đối đơn giản từ Herulaneum ông có thể liệt ra chín cách nhận diện khác nhau, tất cả đều đáng tin như nhau.

Nghệ thuật tránh bị lừa, phương pháp xác định tính xác thực, kiểu dáng, và lịch sử của món đồ tạo tác từ tính đa dạng của các dấu hiệu, được gọi là khoa chú giải cổ vật. Các tài liệu viết riêng để thẩm định các cổ vật tìm được chứa đầy trong nhiều thư viện. Ở đó ta có thể truy ra một dòng giải thích đơn lẽ từ nỗ lực ban đầu của Winckelmann đến nhiều suy đoán gây tranh cãi của những học giả hiện đại về cùng một di vật. Nhà khảo cổ là người tìm đường. Với sự sắc sảo trong lối quan sát của một thám tử họ khớp mẫu đá này với mẫu đá kia – thường là theo nghĩa đen – cho đến khi đi đến một kết luận hợp lý và không thể bác bỏ được.

            Công việc của họ có dễ dàng hơn công việc của một nhà tội phạm học không? Họ làm việc với những vật thể chết, không biết phản kháng, không cố ý đánh lạc hướng hoặc để lại những dấu vết ngụy tạo đằng sau. Và, nói không sai, các mẫu đá chết công khai cho mọi người quan sát. Nhưng có bao nhiêu sai sót đã hàm chứa trong chúng? Bao nhiêu lỗi lầm đã phạm phải trong các báo cáo đầu tiên của cổ vật mới tìm thấy? Không có nhà khảo cổ nào có thể xem xét kỹ lưỡng tất cả di vật dưới dạng nguyên gốc, vốn dĩ đang nằm rải rác trên khắp Âu châu và mọi bảo tàng trên thế giới. Ngày nay nhiếp ảnh có thể cung cấp một bản sao chính xác, nhưng thật ra nhiều chất liệu chưa được chụp ảnh. Các bức minh họa chì hoặc mực vẫn còn được sử dụng trong nhiều trường hợp, nhưng chúng có thể bị mô tả sai hoặc nhận thức sai, nhất là khi do các người không am hiểu về thần thoại hoặc khảo cổ.

  • Ganymede là hoàng tử xứ Troy được thần Jupiter (Zeus) yêu thích vì vẽ đẹp tuấn tú phi phàm của mình. Jupiter hóa thành đại bàng, bắt cóc chàng lên đỉnh Olympia.

            Trên nắp một quan tài được bảo quản tại Viện Bảo tàng Louvre ở Paris là một phù điêu mô tả chuyện tình Amor và Psyche trong đó phần cánh tay từ khuỷu đến cổ tay đã mất, nhưng vẫn còn bàn tay phải đang mơn trớn gò má của Psyche. Hai nhà khảo cổ người Pháp xuất bản một tác phẩm trong đó có tranh minh họa phù điêu này mà bàn tay biến thành một bộ râu. Công chúa Psyche mà lại có râu quai nón!

            Mặc dù sự vô lý rõ ràng như thế của bức minh họa, một người Pháp khác, tác giả của cuốn ca-ta-lô, trớ trêu viết: “Nhà điêu khắc sáng tác nên phù điêu này không hiểu rõ chủ đề, bởi vì nàng Psyche của ông, mặc dù vận trang phục phụ nữ, lại có râu.”

            Ở Venice có một bức chạm nổi gồm một chuỗi cảnh liên tiếp, mô tả hai chàng trai dắt hai con bò được thắng cương vào chiếc xe bò, trong xe có một phụ nữ đang đứng. Bức chạm nổi đã được phục chế cách đây khoảng 150 năm. Những nhà giải thích vào thời đó cho rằng tranh trên minh họa cho một câu chuyện của Herodotus. Chuyện kể là Kydippe, nữ trưởng tế đền Hera, có hai con trai, vì không có sẵn bò, nên tự buộc mình vào xe để chở bà vào đền thờ. Nguời mẹ xúc động trước tấm lòng hiếu thảo của hai con trai, bèn cầu xin các thần linh ban cho các con mình hạnh phúc lớn lao nhất mà con người có thể có được. Hera, được sự tán thành khó hiểu của các thần linh khác, khiến các con rơi nhẹ nhàng vào giấc ngủ và không bao giờ tỉnh dậy; vì cái chết êm dịu trong thời trẻ tuổi là ân huệ lớn lao nhất con người có được.

            Bức phù điêu kia đã được phục chế dựa theo câu chuyện này. Hàng rào mắt cáo cạnh chân người phụ nữ được chế thành chiếc xe với một bánh, và một đầu dây thừng nằm trong bàn tay của một thanh niên trở thành cái càng xe. Chi tiết trang trí được tăng cường, đường viền của tranh được phát triển, chiều sâu của hình nổi được khắc sâu. Tất cả kiểu dáng của chi tiết đều dựa vào cách giải thích mới. Bức điêu khắc được định niên đại vào thời điểm phục chế – một cách rất sai lầm. Những gì trước đây chỉ là một hình trang trí thuần túy đã được giả định là một điêu khắc tiêu biểu và được xử lý theo hướng đó. Cái nguyên là đền thờ đã được nhận diện sai lầm là một điện thờ. Truyền thuyết của Herodotus đã được thêm thắt một cách không chính xác theo nhiều cách. Nhận thức tổng thể về tiến trình phục chế là sai. Thật ra, phù điêu đó không hề minh họa câu chuyện nào của Herodotus. Chuyện của Herodotus hoàn toàn do người phục chế “chế” ra tùy tiện. Các căm xe được trang trí theo kiểu dáng chưa hề tồn tại trong thời cổ. Càng xe và ách quanh cổ bò cũng là tùy tiện chế ra. Và chỉ một ví dụ này thôi cũng cho thấy có nhiều sai sót trong phục chế một khi ta đã đi lạc đường.

            Các bài viết của Herodotus là nguồn suối cuồn cuộn những thông tin về các tác phẩm nghệ thuật thời cổ, tác giả và niên đại của chúng. Các tác phẩm của các tác giả cổ đại ở mọi thời kỳ đều là những cột trụ nền tảng của ngành chú giải cổ vật. Vậy mà những nhà khảo cổ vẫn bị chúng dẫn đi sai đường biết bao lần! Bởi vì, sau rốt, không phải các tác giả sáng tạo là người quan tâm một cách đúng đắn đến cái sự thật cao hơn sự thật của thực tại đơn thuần hay sao? Bộ họ không được biện minh trong việc sử dụng dữ kiện lịch sử – và thần thoại, tất nhiên – và trong việc tạo dáng lại theo ngẫu hứng cá nhân để hoàn thiện một hình thể thẩm mỹ hay sao?

            Các tác giả nói dối, độc giả bình thường nói thế. Và nếu chúng ta xem sự phóng túng về nêm luật là việc dối trá, chúng ta phải công nhận rằng các tác giả thời cổ đã “phiêu” quá nhiều so với các tác giả thời sau về phương diện này. Các nhà khảo cổ phải tận lực nhiều để phạt dọn một con đường qua một rừng rậm các dữ kiện do người cổ cung cấp. Chẳng hạn, để xác định niên đại của pho tượng thần Zeus, kiệt tác bằng ngà và vàng của Phidias, điều quan trọng là cần phải biết những nguyên do về cái chết của nhà điêu khắc. Ephorus, Diodorus, Plutarch, và Philochorus tất cả đều đưa ra những lời kể khác nhau. Ông được cho là đã chết trong tù, đã trốn thoát, đã bị hành hình ở Elis, đã chết an bình tại thành phố đó. Cuối cùng thì phiên bản của Philochorus được khẳng định khi một văn bản giấy cói được dịch thuật và xuất bản tại Geneva vào năm 1910.

            Câu chuyện trên cho ta một ý niệm nào đó về những xung đột mà nhà khảo cổ phải đối đầu với cuốc xẻng và nỗ lực suy xét thấu đáo. Nói về các phương pháp cốt lõi của ngành khảo cổ, các cách tiếp cận được công nhận là quan sát, vẽ chi tiết, và mô tả; sự tham chiếu các thần thoại, văn học, các bản khắc, và tiền đồng; cách tiếp cận viện dẫn tương liên, có sự lưu tâm đến các công trình điêu khắc khác, địa điểm, cách sắp xếp vật thể, và thực địa của cổ vật tìm thấy – muốn đi sâu vào tất cả những  vấn đề này sẽ vượt quá khuông khổ của một cuốn sách.

            Lấy ví dụ, chẳng hạn, vật thể trong hình dưới. Trong trường hợp bạn là người thích giải các câu đố, tôi hỏi bạn: Đó là vật gì vậy? – xin nhanh chóng nói thêm là ngay các nhà khảo cổ vẫn chưa nhất trí về câu trả lời.          

8

         Xét theo hình thể bên ngoài, đó là một vật thể bằng đồng có dạng một khối 12 mặt đều, mỗi mặt là một ngũ giác đều. Tại trung tâm mỗi mặt có khoét những lỗ tròn có kích thước khác nhau. Bên trong khối hoàn toàn rỗng, kích thước thay đổi từ 4 đến 11 cm. gần trăm mẫu vật như thế được tìm thấy ở miền bắc dãy núi Alps, cho thấy chúng có nguồn gốc La Mã.

            Người nói đó là một món đồ chơi; người khác cho là hột xúc sắc dùng trong các trò chơi may rủi, lại có kẻ cho đó là một vật mẫu được sử dụng để giảng dạy sự đo lường các vật thể trụ; rồi thì là một vật dụng để cắm nến.

            Vậy đó là vật gì đây?

            Sau khi quyển sách này được xuất bản lần đầu tiên, tôi đã nhận được hơn một trăm giải đáp cho câu hỏi này từ những chuyên gia cũng như tay ngang trên khắp thế giới. Lời giải đoán của các chuyên gia có giọng điệu đầy thẩm quyền, mặc dù ý kiến họ cũng xung đột nhau. Giải đáp có vẻ hợp lý nhất – dù chưa được khẳng định – là vật thể chúng ta có ở đây là một loại nhạc cụ.         

  1. SCHLIEMANN (I): THƯƠNG GIA ĐÀO VÀNG THÀNH TROY

 Giờ là đến một câu chuyện thần tiên, câu chuyện của một thằng bé nghèo khó ngay từ lúc bảy tuổi đã mơ tìm lại một thành phố, và ba mươi chín năm sau đã ra đi, trông thấy, và tìm ra không chỉ một thành phố mà còn cả kho báu mà thế giới chưa từng nhìn thấy kể từ khi bọn thực dân Tây Ban Nha cướp bóc Tân Thế giới.

            Chuyện thần tiên này là cuộc đời của Heinrich Schliemann, một trong những nhân cách đáng kinh ngạc nhất không chỉ trong số những nhà khảo cổ mà còn trong số những nhân vật mà mọi ngành khoa học đều đã từng mang ơn.

           

Chuyện bắt đầu như thế này: Một đứa trẻ đứng ngay trước một nấm mồ trong nghĩa địa một ngôi làng nhỏ nơi nó sinh ra, ở bang Mecklenburg, tận miền Bắc Đức. Ngôi mộ này chôn tên yêu quái Hennig. Người ta đồn y đã nướng sống một người chăn cừu, rồi sau đó đá nạn nhân lăn lóc. Sau tội ác đó, người ta đồn rằng mỗi năm bàn chân trái của Hennig, mang chiếc vớ len dài, lại thò ra khỏi mồ như một thân cây kỳ lạ nào đó.

            Đứa trẻ đứng đợi cạnh mộ, nhưng không có chuyện gì xảy ra. Nó đi về nhà và năn nỉ cha đào mộ lên để xem bàn chân năm đó nằm ở đâu.

            Ông cha, một mục sư nghèo,  kể cho con nghe những chuyện ngụ ngôn, chuyện thần tiên, và huyền thoại, trong đó có chuyện về trận đánh nhau giữa các anh hùng của Homer, về Paris và Helen, Achilles và Hector, về cổ thành Troy hùng vĩ, đã bị san bằng và đốt trụi. Trong dịp giáng sinh 1829 ông tặng cho con trai mình cuốn Lịch sử Thế giới Bằng Tranh của Jerre, chứa hình ảnh cảnh Aeneas dắt con trai và cõng người cha già trên lưng khi ông thoát thân khỏi thành Troy đang bốc cháy. Thằng bé nhìn những tường thành đồ sộ và Cổng Thành Scaen. “Thành Troy trông thế này hả cha?” nó hỏi. Người cha gật đầu. “Nhưng tất cả đã mất tích rồi, và không ai biết giờ nó ở đâu, phải không ba?” “Đúng đó con,” người cha trả lời.

            “Nhưng con không tin,” thằng bé, và đó chính là Heinrich Schliemann, nói. “Khi con lớn lên, con sẽ chính mình đi tìm thành Troy và kho báu của nhà vua.”

            Người cha cười lớn.

Lời tiên tri của thằng bé bảy tuổi trở thành sự thật. Và vào tuổi 61, khi đã trở thành một nhà khảo cổ nổi tiếng thế giới, ông vẫn còn là một người nhiệt thành. Trong một dịp tình cờ ghé thăm làng ông cũng thực sự tính đến việc đào mộ tên Hennig. Và trong lời nói đầu của tác phẩm Ithaca ông viết:

            “Khi cha tôi tặng tôi quyển sách về các sự kiện chiến tranh thành Troy và các chuyến phiêu lưu của Odysseus và Agamemnon – đó là món quà Giáng sinh của năm 1832 – tôi không hề nghĩ là sáu mươi sáu năm sau mình sẽ cho ra mắt công chúng một quyển sách về đề tài này. Và làm điều này, hơn nữa, sau khi đã thực sự ngắm nhìn bằng mắt hiện trường của trận chiến và tổ quốc của các vị anh hùng mà Homer đã làm họ bất tử.”

            Những ấn tượng của một đứa bé theo nó suốt đời, nhưng trong Schliemann những ấn tượng chẳng mấy chốc vượt qua những ấn tượng mà các chiến tích cổ xưa do cha mình kể lại gây ra. Việc học của ông chấm dứt ở tuổi mười bốn, sau đó ông được nhận học việc trong ngành tạp hóa tại một thành phố nhỏ Furstenberg. Trong năm năm rưỡi ông bán lẻ cá trích, rượu, sữa, và muối. Ông nghiền khoai tây để chưng cất, và vệ sinh cửa hàng ban đêm. Công việc của ông kéo dài từ năm giờ sáng đến tận khuya.

            Nhưng ông không hề quên những câu chuyện của cha mình. Rồi một hôm một nhân công nhà máy xay đã say xỉn đến cửa hàng ông, la cà quanh quầy, và bằng một giọng sang sảng ngâm nga những vần thơ đầy thống thiết của một người có học quen thói khinh miệt kẻ thấp trí. Schliemann nghe mà mê mẫn mặc dù không hiểu một lời nào cả. Khi ông biết được y đang đọc những vần thơ Iliad của Homer, ông vét một ít đồng xu Đức và mua cho y một chai rượu để y say sưa ngâm những vần thơ ấy một lần nữa.

            Thời trẻ Schliemann cũng trải qua nhiều chuyến phiêu lưu. Năm 1841 ông đến Hamburg và hợp đồng làm bồi trên con tàu đi Venezuela. Sau mười bốn ngày lênh đênh trên biển tàu gặp một cơn bão dữ dội và bị đắm ngoài khơi đảo Texl của người Hà Lan ở Bắc Hải. Ông lội được vào bờ, lết đến bệnh viện, rã rời và rách rưới. Nhờ một người bạn gia đình giới thiệu ông giữ chân chạy giấy trong một văn phòng ở Amsterdam.

            Trong một căn phòng áp mái tồi tàn không lò sưởi ông bắt đầu học ngoại ngữ. Trong hai năm, bằng một phương pháp tự học tuyệt vời, ông đã làm chủ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Ý. “Việc học tập căng thẳng và nghiệt ngã này,” ông nói, “trong vòng một năm đã củng cố ký tính của tôi đến nổi việc học tiếng Hà Lan, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Ý hình như quá dễ dàng. Chỉ cần sáu tuần cho mỗi ngôn ngữ, là tôi có thể nói và viết nó thông thạo.”

            Sau khi được thăng chức giữ sổ sách và thư tín với một công ty Amsterdam khác làm ăn với Nga, vào năm 1844, khi vừa hai mươi hai tuổi, Schliemann bắt đầu học tiếng Nga. Ông nhận ra không ai ở thành phố biết nói thứ tiếng Âu châu khó nhất này. Trợ giảng duy nhất mà ông có thể tìm được là một quyển văn phạm cũ, một cuốn tự điển, và một bản dịch kém cỏi cuốn Telemachus [con trai của Odysseus và người vợ Penelope của ông, những nhân vật trong thần thoại Hy lạp Lạp, đây là phần một trong tác phẩm Odyssey gồm bốn phần của thi hào Homer: ND ].

            Ông thực tập những bài đối thoại tưởng tượng lớn tiếng đến nổi làm phiền những người hàng xóm. Các bức tường rung động khi ông ngâm những vần thơ đã thuộc lòng trong tác phẩm Telemachus. Những khách thuê phòng khác phàn nàn, và hai lần ông phải đổi chỗ trọ mới. Cuối cùng, ông nảy ra sáng kiến tìm cho mình một thính giả khó tính, và thế là ông thuê một tên nhà nghèo với giá bốn quan một tuần. Tên thính giả đáng thương này được yêu cầu ngồi yên trện ghế và nghe những đoạn thơ dài từ tác phẩm Telemachus mà không hiểu mô tê gì cả. Sau sáu tuần miệt mài Schliemann đối thoại trôi chảy với các thương gia người Nga đến Amsterdam tham dự đấu giá thuốc nhuộm chàm.

            Ông thành công trong kinh doanh cũng như trong việc học ngoại ngữ, mặc dù ở đây sự may mắn không nghi ngờ gì nữa đã góp một phần. Nhưng công bình mà nói, Schliemann thuộc một nhóm ít người biết nắm lấy thời cơ mà người nào cũng gặp được không sớm thì muộn trong đời. Con trai một mục sư tỉnh lẽ, người học việc, bồi tàu bị đắm, nhân viên văn phòng – và người biết rành rẽ tám ngoại ngữ – đầu tiên trở thành một nhà buôn nhỏ, rồi, với tốc độ chóng mặt, một thương gia của hoàng gia. Lúc nào ông cũng tìm được con đường ngắn nhất để đạt được thành công về mặt thương mại. Khi chỉ mới hai mươi bốn tuổi, ông đến St. Peterburg làm đại lý cho công ty đã thuê mướn ông. Đó là vào năm 1846. Một năm sau đó ông lập ra doanh nghiệp xuất-nhập khẩu riêng của mình, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

            “Chỉ đến năm 1854 tôi mới có thể học được tiếng Thụy Điển và Ba Lan,” ông viết. Ông đi nhiều, một lần đến Bắc Mỹ vào 1850. Trong năm đó, việc California được sáp nhập vào Mỹ khiến ông tự động trở thành công dân Mỹ. Cũng như nhiều người khác, ông cũng bị cuốn hút vào cơn sốt đổ xô đi tìm vàng. Ông thành lập một ngân hàng để giao dịch vàng. Ông đã là một nhân vật có địa vị vững chắc để được tiếp kiếnTổng thống Hoa Kỳ. “Khoảng bảy giờ tôi được đưa đến thăm Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi bảo ông ta bằng cách nào nổi ao ước được đến thăm đất nước tuyệt vời này và làm quen với người lãnh đạo vĩ đại đã đưa tôi thẳng một đường đến đây từ nước Nga. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của tôi là là bày tỏ niềm kính trọng đối với ông ta, tôi nói. Ông ta tiếp kiến tôi nồng ấm, giới thiệu tôi với vợ và con gái và cha ông ta, và chúng tôi trò chuyện trong suốt một giờ rưỡi.

            Nhưng không lâu sau đó Schliemann suy sụp vì một trận sốt. Cuối cùng, sự khó khăn ông gặp khi làm việc với các thân chủ kỳ quặc và vô pháp ở Mỹ khiến ông quay trở về St. Peterburg. Trong những năm tháng đó ông thật sự là một người tìm vàng, đúng như một trong các nhà viết tiểu sử của ông, Emil Ludwig, mô tả.

            Vậy mà những lá thư của ông viết về thời kỳ này và hai cuốn tự thuật của ông cho thấy ông luôn luôn và ở khắp nơi trong vòng xiết không ngơi nghỉ của giấc mơ thời trẻ là truy tìm và khám phá những khung cảnh xa xôi nơi các người hùng của Homer đã thi triển những kỳ công. Nổi ám ảnh này thậm chí tạo cho ông, một học viên ngoại ngữ tài năng nhất trong thế kỷ mình, một rào cản kỳ lạ đối với tiếng Hi Lạp. Sợ rằng mình có thể rơi vào bùa mê và bỏ luôn việc kinh doanh trước khi tạo dựng được một nền tảng tài chính vững chắc giúp mình tự do theo đuổi được việc tìm kiếm, ông chỉ bắt đầu học tiếng Hi Lạp hiện đại từ năm 1856. Ông hoàn thành việc ấy trong sáu tuần lễ như thông lệ; và trong ba tháng sau đó, ông đã làm chủ được những vi tế trong vần thơ sáu âm tiết của Homer. Làm sao được như thế? “Tôi hoàn toàn thả hồn vào việc học tập Plato đến nổi, nếu ông ta nhận được một lá thư của tôi sáu tuần kể từ bây giờ, chắc chắn là ông ta sẽ hoàn toàn hiểu được.”

            Hai lần trong những năm sau đó ông gần như thực sự bước vào vùng đất mà những bài ca Homer làm cho thiêng liêng. Trong một chuyến đi đến thác nước thứ hai của sông Nile, theo đường Palestine, Syria, và Hi Lạp, vì bị bệnh thình lình mà ông không đến thăm được đảo Ithaca. Trong chuyến đi này ông học tiếng La Tinh và Ả Rập. Nhật ký hành trình của ông được viết bằng ngôn ngữ của đất nước ông đi qua. Vào năm 1864, một lần nữa ông suýt đến thăm khu vực thành Troy, nhưng thay vào đó ông quyết định đi vòng quanh thế giới trong hai năm, và kết quả là một tác phẩm đầu tiên ra đời, viết bằng tiếng Pháp.

            Vào thời gian này ông đã độc lập về tài chính. Người con trai của mục sư từ Mecklenburg đã khởi phát một ý thức kinh doanh kỳ lạ. “Việc làm ăn của tôi đã được Ơn Trên ban phước,” ông nói với giọng tự hào không che giấu, “đến độ vào cuối năm 1863 tôi đã sở hữu những phương tiện vượt quá tham vọng lớn lao nhất của tôi.” Và sau đó ông nói thêm với giọng điệu mà với mọi người khác thì rất là cao ngạo chỉ trừ đối với Heinrish Schliemann: “Giờ tôi sẽ giải nghệ để hoàn toàn chuyên tâm vào những nghiên cứu đã hoàn toàn hút hồn tôi.”

            Vào năm 1868 ông đến Ithaca, qua ngõ Peloponnesus và Troad. Lời giới thiệu quyển Ithaca đề ngày 31/12/1868. Tựa nhỏ của cuốn sách đọc thấy: Điều Tra Khảo Cổ của Heinrich Schliemann.

           Một tấm hình chụp Schliemann trong thời gian ở St. Peterburg cho thấy ông là một quý ông thành đạt mặc áo choàng da thú nặng nề. Trên mặt sau của tấm ảnh này, tấm ảnh ông gởi cho bà vợ của một kiểm lâm mà ông quen biết từ khi bà còn bé, là một hàng chữ đề tặng: “Henry [đúng nguyên văn] Schliemann, nguyên thợ học việc cho Herr Huckstaedt ở Furstenberg; hiện giờ là nhà bán sỉ trong Nghiệp đoàn Hoàng gia ở St. Peterburg, người tự do danh dự kế thừa, Thẩm phán Toà án Thương mại, và giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hoàng gia St. Peterburg.”

            Đây không phải là truyện cổ tích hay sao? Chuyện về một doanh nhân rất thành đạt bổng nhiên đốt sạch mọi chiếc cầu sau lưng mình để biến một giấc mơ thành hiện thực? Chuyện về một người, trang bị vốn kiến thức ít ỏi trừ kiến thức về Homer, đã dám thách thức với ngành khoa học của thời đại mình? Chuyện về một người đọ sức bằng lòng tin của mình với những kẻ hoài nghi và nhà ngữ pháp, thích cuốc và xẻng hơn là lối tiếp cận từ chương?

            Trong thời của Schliemann, Homer được coi là một nhà thơ hát rong huyền thoại của thời tiền sử. Các học giả đặt lòng tin vào những dữ liệu của ông không nhiều hơn vào sự tồn tại của ông. Cho đến mãi về sau khi có người táo bạo phong cho Homer là phóng viên chiến trường đầu tiên của nhân loại, báo cáo của ông về trận công thành của vua Priam được xếp, theo mức độ chính xác lịch sử, cũng ngang với anh hùng ca thời cổ, nếu không muốn nói là bị đẩy xuống lãnh vực tăm tối của thần thoại.

            Bởi vì không phải Iliad bắt đầu bằng câu chuyện thần Apollo bắn những tia sáng gây bệnh tật chết người cho hàng ngũ quân Achaen hay sao? Và không phải chính thần Zeus đã xen vào Cuộc Chiến Thành Troy, và cả nữ thần Hera, bà vợ của ông, cũng đứng về phe quân Hi Lạp chống lại thành Troy hay sao? Và không phải các thần linh hóa thành người phàm, có thể bị thương tích hay sao? Ngay cả thần vệ nữ Aphrodite cũng không miễn nhiễm với một vết đâm của mũi giáo. Thần thoại, anh hùng ca, huyền thoại – đã tỏa sáng dưới tài năng của một trong những thi hào vĩ đại nhất của thế giới!

            Trong Iliad Hi Lạp được mô tả như là một vùng đất có văn hóa phát triển. Vậy mà khi người Hi Lạp xuất hiện trong lịch sử thành văn họ chỉ là một dân tộc đạm bạc và ít người. Vua của họ không hùng mạnh, họ không có đoàn chiến thuyền hùng hậu. Vì thế trong thời Schliemann thật hợp lý để tin rằng Hi Lạp của Homer là thần thoại thuộc thi ca hơn là tin rằng một thời kỳ thuộc Homer có văn hóa rực rỡ lại có trước một thời man rợ trẻ trung mà từ đó, theo sử sách ghi chép, đã ra đời nền văn hóa Hi Lạp cao quý.

            Nhận định này không làm Schliemann nao núng niềm tin và giấc mơ. Ông đọc thơ Homer và cho đó là một thực tế trần trụi. Ông tin tưởng tuyệt đối. Điều này có thực khi ông bốn mươi sáu tuổi cũng như khi ông là một đứa bé, mê hoặc trước bức tranh Aeneas tẩu thoát khỏi thành Troy.

            Khi Schliemann đọc lời mô tả của Homer về chiếc khiên Gorgon của Agamemnon có đai buộc được trang trí hình một con rắn ba đầu, ông công nhận tất cả điều này là tuyệt đối có thật. Chiến mã xa, vũ khí, và vật dụng trong nhà được Homer mô tả từng chi tiết đối với ông là thuộc về Hi Lạp cổ đại. Không lẽ tất cả các bậc anh hùng – Achilles và Patroclus, Hector và Aeneas – và những hoạt cảnh tình bằng hữu, tình yêu, lòng hận thù, và mưu mô chước quỷ, không lẽ tất cả đều là ngụy tạo sao? Schliemann không tin như thế, đối với ông tất cả những con người này, cảnh tượng này đều thực sự xảy ra. Ông biết rằng tất cả người Hi Lạp thời cổ, bao gồm các sử gia kiệt xuất Herodotus và Thucydides, đều công nhận Cuộc Chiến Thành Troy là có thật, và những cái tên lừng danh của nó đều là những con người của lịch sử.

            Mang niềm tin vào Homer trước mắt như một ngọn cờ, ở tuổi bốn mươi sáu nhà triệu phú Heinrich Schliemann xông thẳng đến vương quốc của người Achaean, mà không buồn, trên đường đến đó, khám phá Hi Lạp hiện đại trước. Thật là một điều thú vị mang tính biểu tượng khi người Hi Lạp bản điạ đầu tiên ông quen biết là một người thợ rèn miền Ithaca có vợ được giới thiệu với tên Penelope, và các con trai là Odysseus và Telemachus. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ông phải đã khích động biết bao khi gặp điềm báo thuận lợi này.

            Khó tin nhưng có thật, việc này đã thực sự xảy ra: một người nước ngoài lập dị và giàu có một buổi chiều ngồi tại nơi tụ tập của một ngôi làng và ngâm những vần thơ trong Phần Hai Mươi Ba của bộ Odyssey cho hậu duệ những người đã chết cách đây ba ngàn năm. Không kềm chế được cảm xúc dâng trào, ông ta bật khóc, và cả làng đều khóc theo.

Đa số các học giả đương thời đều tin rằng vị trí của thành Troy xưa – nếu nó thực sự tồn tại – ở gần một ngôi làng nhỏ có tên Bunarbashi. Thôn xóm hẻo lánh này đến nay còn được nhận ra nhờ vào đặc điểm kỳ lạ là mỗi nhà đều có 12 ổ cò trên mái. Tại Bunarbashi có hai con suối, dựa vào đó các nhà khào cổ táo bạo nghiêng về ý kiến cho rằng thành Troy cuối cùng có thể là ở đâu đó quanh đây. Vì trong thơ Homer, ở bài ca 22 của Iliad (câu thơ từ 147 đến 152):

            “. . . Và [họ] đến chỗ hai dòng suối uốn khúc, nơi chúng tụ họp thành con sông nước xoáy Skamandros. Một dòng suối nước nóng ấm, và khói tỏa lên bao quanh chúng tôi như thể từ một lò lửa cháy rực, trong khi dòng suối kia thậm chí trong mùa hè cũng đổ nước lạnh giá như trận mưa đá hoặc tuyết hay băng mà nước tạo thành.

            Với chi phí 45 đồng Schliemann thuê một hướng dẫn viên địa phương và cỡi ngựa không yên đến xem xét vùng đất của giấc mơ thời trẻ. “Tôi phải công nhận,” ông nói, “là mình khó kềm được cảm xúc khi nhìn thấy đồng bằng bao la của Troy trải rộng ra trước mắt tôi, một cảnh tượng đã ám ảnh những giấc mơ thời niên thiếu.”

            Nhưng ấn tượng đầu tiên này đủ thuyết phục ông, vốn tin hoàn toàn vào Homer như đã từng, là Bunarbashia không phải là địa điểm của cổ thành Troy. Vì địa điểm này cách bờ biển đúng ba giờ đi, và Homer mô tả các người hùng của mình có thể đi tới lui vài lần trong ngày giữa các con tàu neo đậu và thành phố bị bao vây. Và đối với Schliemann có vẻ không chắc chắn là một cung điện lại có thể xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ như thế. Địa thế không hợp lý cho một tường thành khổng lồ, và một cổng thành đồ sộ qua đó quân Hi Lạp mưu mẹo có thể xâm nhập trong lòng một con ngựa gỗ.

            Scliemann quan sát những con suối ở Bunarbashi, và ngạc nhiên khi tìm thấy trong khoảng không gian 1650 bộ (chừng 550 mét) không phải hai – con số do Homer mô tả – mà đến 34 con suối. Mà thậm chí, hướng dẫn viên còn nói là mình đếm thiếu. Thực tế có đến 40. Vì lý do đó, người hướng dẫn chợt nhớ, vùng này còn được gọi là “Kirk Gios” – tức là, “Bốn Mươi Con Mắt”.

            Schliemann khảo sát kỹ lưỡng vùng quê qua cuốn Iliad và đọc lại những vần thơ kể lại việc Achilles, “bước chạy thần tốc”, đã đuổi theo Hector ba lần quanh pháo đài Priam, “dưới sự chứng kiến của thần linh từ trên cao nhìn xuống.” Theo hướng dẫn tốt như có thể của Homer, Schliemann đi vòng quanh ngọn đồi. Tại một điểm ông gặp một con dốc cao đến nổi ông phải quay người bò xuống mới qua được. Do đó, theo quan điểm của Schliemann, vì Homer mô tả khung cảnh chính xác như một bản đồ quân sự, chắc chắn nhà thơ phải đề cập đến đoạn dốc này và phải mô tả các người hùng của mình ba lần lăn xuống trong ‘cuộc truy đuổi vội vàng.”

            Một tay cầm đồng hồ và tay kia cầm Homer, ông bước đến con đường chạy giữa nơi được cho là hai ngọn đồi giữ an nguy cho thành Troy, con đường này ngoằn ngoèo qua chân đồi đến bờ biển tại đó đoàn thuyền quân Archaen được cho là neo đậu. Ông cũng diễn lại những hoạt động trong ngày đầu trận đánh trong Cuộc Chiến Thành Troy, được mô tả trong bài hát thứ hai đến thứ bảy của cuốn Iliad. Ông thấy rằng nếu Troy tọa lạc tại Bunarbashi, quân Archaen phải vượt một quãng đường dài ít nhất 52 dặm (hơn 80 km) trong chín giờ đầu của trận đánh.

            Sự vắng mặt hoàn toàn của phế tích càng củng cố mối ngờ vực của ông. Ông thậm chí không bắt gặp một mảnh sành nào. Ở nơi khác, tại Ithaca, mảnh sành được phát hiện với số lượng lớn đến nổi có người nhận xét: “Xét theo các phát hiện trong mộ của các nhà khảo cổ, chắc hẳn người thời cổ phải dành hầu hết thời gian để vá lại các bình nứt bể. Những con người thấp kém như họ, trước khi tuyệt tích, họ đã đập tan tành mọi thứ để bảo đảm để lại những tạo tác tuyệt vời của mình dưới dạng những câu đố ghép hình nhức óc.”

            “Mycenae và Tiryns,“ Schliemann viết vào năm 1868, ‘bị tàn phá cách đây 2,335 năm, nhưng các phế tích vẫn còn vững chắc đến nổi có thể chịu đựng đến 10,000 năm nữa.” Còn thành Troy chỉ bị tàn phá 722 năm sớm hơn, chắc chắn là không thể nào tường thành bề thế theo như Homer mô tả lại có thể mất tích không để lại dấu vết gì. Trong vùng Bunarbashi không có dấu tích gì về phần xây nề cổ xưa.

            Tuy nhiên, những tàn tích thì có đầy ở những nơi khác không xa đó. Thậm chí cặp mắt bình thường cũng không thể bỏ sót chúng ở New Ilium, giờ có tên là Hissarlik – có nghĩa là “Cung điện” – một thị trấn cách Bunarbashi khoảng hai giờ rưỡi về phía bắc và cách bờ biển chỉ một giờ. Hai lần Schliemann khảo sát mõm bằng phẳng của mô đất ở Hissarlik, một khu vực bằng phẳng hình chữ nhật cạnh dài khoảng 769 bộ (chừng 256 mét). Cuộc khảo sát sơ khởi này cho phép ông hi vọng là mình đã định vị được cổ thành Troy.

            Ông bắt đầu đi tìm thêm chứng cứ ở nhiều nơi và khám phá ra có nhiều người khác cũng chia sẻ ý kiến với mình, trong thiểu số đó có Frank Calvert, phó lãnh sự Mỹ, nhưng gốc Anh. Calvert có sở hữu một phần vùng gò Hissarkik và đã xây một biệt thự ở đó. Đã từng khai quật trên vùng đất của mình, nên ông thiên về ý kiến của Schliemann, nhưng chưa hề quan tâm nhiều đến những kết quả của ý tưởng ấy. Học giả người Scotland C. MacLaren và Eckenbrecher, một người Đức, là những tiếng nói khác đã kêu gào vào nơi hoang dã mà không ai nghe.

            Còn những nguồn nước mà Homer đã đề cập, vốn là cột trụ chống đỡ chính trong lý thuyết Bunmarbashi thì sao? Trong một thời gian ngắn Schliemann tỏ ra dao động khi ông không tìm thấy con suối nào ở Hissarki, tương phản gay gắt với 34 con suối mà ông phát hiện thấy ở Bunarbashi. Chính Calvert đã giúp ông vượt qua khó khăn này. Calvert chỉ ra rằng trong vùng núi lửa này ông đã nghe nói về một số con suối nước nóng bổng nhiên khô cạn, rồi một thời gian ngắn sau lại xuất hiện trở lại. Và vì thế Schliemann vô tư ném qua một bên mọi thứ trước đây vốn được các học giả cho là quan trọng. Hơn nữa, cuộc truy đuổi giữa Hector và Achilles đủ đáng tin trong khung cảnh của Hissarki, nơi ngọn đồi có dốc thoai thoải. Đi quanh thành phố ba lần tại Hissarki họ chỉ chạy khoảng chín dặm (chừng 15 km). Kỳ công này, Schliemann nghĩ, không vượt quá năng lực của các chiến binh trong cơn hừng hực của trận huyết đấu đầy hận thù.

            Một lần nữa Schliemann chịu ảnh hưởng của cách suy nghĩ dựa theo phán đoán của người thời cổ hơn là dựa theo ý kiến của các học giả đương thời. Ông nhớ lại cách thức Herodotus đã kể lại là có lần Xerves đến viếng New Ilium để ngắm nhìn phế tích “Pergamos của Priam,” và tại đó đã tế một ngàn gia súc cho nữ thần Minerva. Theo Xenophon, Mindares, vị tướng người Lacedaemonian, cũng làm tương tự. Arrian đã viết rằng Akexander Đại Đế, sau khi dâng lễ tại New Ilium, mang vũ khí theo với mình và ra lệnh cho binh sĩ mang chúng ra chiến trường để được may mắn. Hơn thế nữa, Caesar cũng đã làm nhiều việc cho New Ilium, một phần bởi vì ông ngưỡng mộ Alexander, một phần vì ông tin mình là hậu bối của dân Ilian, cư dân cổ thành Troy.     

            Không lẽ tất cả họ đều bị một giấc mơ dẫn lạc đường? Bị một báo cáo sai lạc vào thời đó?

            Vào cuối chương sách trong đó ông chất đầy các chứng cứ ủng hộ cho quan điểm của mình, Schliemann đột ngột buông bỏ phần lập luận học thuật để ngắm nhìn, và bị hút hồn bởi phong cảnh cổ xưa. Ông viết: “. . . và tôi muốn nói thêm, là người nào vừa đặt chân đến đất Troy này sẽ lập tức ngạc nhiên khi thấy rằng vùng đồi cao quí này của Hissarkik hình như được chính Thiên nhiên dành riêng làm cứ điểm của cổ thành vĩ đại. Nếu được củng cố tốt, địa điểm này sẽ làm chủ toàn bộ đồng bằng Troy. Trong toàn vùng không có cứ điểm nào có được đặc tính như nơi này.

            “Từ Hissarkik nhìn hướng ra ngoài, ta có thể nhìn thấy Ida, từ đỉnh của nó thần Jubiter nhìn xuống thành phố Troy.”

Và bây giờ một người bị ám ảnh bắt đầu vào việc. Tất cả năng lượng đã làm ông trở thành một triệu phú, giờ Schliemann tập trung vào việc thực hiện ước mơ của mình. Ông đổ ra không dè sẻn những phương tiện vật chất và công sức.

            Năm 1869 ông kết hôn với một thiếu nữ Hi Lạp tên Sophia Engastromenos, xinh đẹp như Helen mà ông tưởng tượng. Chẳng bao lâu Sophia cũng say mê với công việc lớn lao và chia sẻ với ông nổi cực nhọc và lo lắng. Ông bắt đầu đào ở Hissarlik vào tháng 4 năm 1870. Vào 1871 ông đào hai tháng, và bốn tháng rưỡi trong hai năm sau đó. Ông thuê 100 nhân công giúp đỡ mình. Lúc nào ông cũng hăng hái không biết mệt là gì. Không có gì có thể làm ông chùn xuống, thậm chí các cơn sốt rét chết người, nước nôi kém vệ sinh và sự cứng đầu của bọn nhân công. Ông thúc đẩy các cấp chính quyền lề mề, ông phớt lờ sự thiếu hiểu biết của các chuyên gia thiển cận luôn chế giễu ông là thằng điên, và còn tệ hơn nữa.

            Đền thờ Athena đã đứng trên thế đất cao nhất của thành phố, và Poseidon cùng Apollo đã xây dựng các tường thành Pergamos – theo lời kể của Homer. Vậy thì đền thờ phải tọa lạc ngay trung tâm gò đất, Schliemann lý luận, và đâu đó trên khu vực bằng phẳng bên dưới sẽ là tường thành mà các thần linh đã xây dựng. Ông đào xới vào gò đất, mạnh dạn đập tan những bức tường mà ông cho là không quan trọng. Ông tìm thấy những vũ khí và vật dụng trong nhà, đồ trang trí và bình lọ, một chứng cứ choáng ngợp về một thành phố hưng thịnh đã từng tọa lạc tại địa điểm này. Và ông cũng tìm được thứ khác nữa, những thứ mà lần đầu tiên khiến tên tuổi Heinrich Schliemann lan truyền khắp thế giới. Dưới các phế tích của New Ilium ông làm lộ ra những phế tích khác, và bên dưới lại còn những phế tích khác. Ngọn đồi như một củ hành khổng lồ, mà ông lột ra lớp này đến lớp khác. Mỗi lớp hình như là một thời kỳ cư trú khác nhau. Nhiều dân số đã sống và chết, thành phố được xây dựng rồi sau đó sụp đổ và bị chôn vùi. Gươm và lửa đã từng gào thét, một nền văn minh đánh đổ một nền văn minh khác, và lần này đến lần khác một thành phố của người sống được dựng lên trên thành phố của người chết.

            Mỗi ngày mang đến một ngạc nhiên mới. Mục tiêu của Schliemann là đi tìm cổ thành Troy của Homer, nhưng khi thời gian trôi qua ông và đám thợ của mình nhận ra không ít hơn bảy thành phố đã bị chôn vùi, rồi thêm hai thành phố nữa; nhìn thoáng qua, chín cái nói lên về những thời kỳ tiền sử mà trước đây chưa từng được biết đến.

            Giờ câu hỏi đặt ra là trong chín thành phố này thành phố nào là Troy của Homer, thành phố của các bậc anh hùng và cuộc chiến thần thánh. Rõ ràng là lớp cuối cùng là thành phố thời tiền sử, cổ nhất trong chuỗi, cổ đến nổi dân cư không biết sử dụng kim loại. Và lớp trên cùng là thời kỳ gần đây nhất, không nghi ngờ gì nữa chứa những tàn tích của New Ilium tại đó Xerxes và Alexander đã làm lễ hiến tế.

            Schliemann vừa đào vừa tìm tòi. Trong các lớp thứ hai và thứ ba kể từ đáy ông tìm thấy dấu vết lửa cháy, tàn tích của bức tường đồ sộ, và phế tích của một cổng thành khổng lồ. Ông tin chắc rằng những bức tường này đã từng bao lấy cung điện vua Priam, và rằng mình đã tìm được Cổng Scaean lừng danh.

            Ông phát hiện những thứ là báu vật trong quan điểm khoa học. Một phần vật liệu này ông cho chở về nhà, một phần ông giao cho các chuyên gia nghiên cứu, chất liệu cung cấp hình ảnh chi tiết về thời kỳ Troy, chân dung của một dân tộc.

            Đó là một khúc khải hoàn của Heinrich Schliemann, và đồng thời của Homer. Ông đã thành công, như một nhà nghiệp dư nhiệt thành, khi chứng tỏ được sự tồn tại thật sự của những gì luôn được coi chỉ là truyền thuyết và thần thoại, điều tưởng tượng của cảm hứng thi ca.

            Một làn sóng phấn khích truyền khắp giới trí thức. Schliemann, với khoảng 300,000 mét khối đất do công nhân đào xới, đã tạo ra được một thứ bùa mê thực sự. Nhưng lúc này, mối quan tâm của ông đã chuyển sang các dự án khác, ông ấn định ngày 15/6/1873 là ngày kết thúc việc khai quật. Vào ngày trước khi mảng đất cuối cùng được lật lên, ông đã tìm thấy một kho báu, một phần thưởng lộng lẫy bằng vàng cho công lao của ông, trước nổi hân hoan của thế giới đang dõi theo.

Việc này xảy ra thật kịch tính. Ngay cả hôm nay, đọc lại khám phá tuyệt vời này vẫn còn làm ta nín thở. Việc xảy ra vào những giờ đầu của một buổi sáng nóng bức. Schliemann cùng vợ đang giám sát việc khai quật. Mặc dù không còn hi vọng tìm được thêm vật gì, dù sao theo thói quen ông vẫn theo dõi sít sao mỗi hoạt động của công nhân. Họ đang ở độ sâu 28 bộ (khoảng 9 mét), ở lớp thấp hơn lớp mà Schliemann cho là cung điện vua Priam. Bổng nhiên, mắt ông nhìn trâng trâng như bị bỏ bùa. Ông bắt đầu hành động như thể đang bị ai sai khiến. Không ai biết được các công nhân có tính trộm vặt sẽ làm gì nếu họ nhìn thấy những gì đã làm mắt Schliemann sửng sốt. Ông nắm lấy cánh tay vợ. “Vàng!” ông thì thào. Bà kinh ngạc nhìn chồng. “Nhanh lên,” ông nói. “Bảo mọi người về nhà ngay lập tức.” Khi thấy bà lắp bắp phản đối, ông giục, “Không nhưng nhị gì hết. Bảo họ cái gì cũng được. Bảo họ hôm nay là sinh nhật của anh, anh vừa chợt nhớ ra, và họ được phép nghỉ đến hết ngày. Nhanh lên, nào nhanh lên!”

            Các công nhân bỏ ra về. “Đem cho anh tấm khăn quấn đầu màu đỏ của em!” Schliemann bảo vợ khi ông nhảy xuống hố đào. Ông dùng dao đào như điên. Từng khối đá lớn, mảnh vụn của thiên niên kỷ, treo lơ lững trên đầu ông, nhưng ông không mảy may chú ý đến nguy hiểm. “Với một tốc độ nhanh nhất có thể tôi moi ra kho báu bằng một con dao lớn,” ông viết. “Tôi làm việc này bằng một nỗ lực vượt bực, và trong tình trạng hiểm nghèo mất mạng như chơi, vì bức tường thành nặng nề mà tôi đang đào bên dưới, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Nhưng trước cảnh tượng có quá nhiều vật vô giá không sao kể xiết tôi trở nên lì lợm, không sợ gì đến hiểm họa.”

            Thấy có lớp óng ánh mềm mại của ngà, nghe có tiếng leng keng của vàng. Cô vợ của Schliemann mở rộng tấm khăn choàng cho ông đổ vào kho báu của vua Priam. Đó là kho báu vàng ròng của một trong những vì vua hùng mạnh nhất thời tiền sử, gom góp bằng máu và nước mắt, đồ trang sức của một dân tộc như thần linh, chôn vùi trong ba ngàn năm cho đến khi được đào lên từ bên dưới bức tường phế tích của bảy vương quốc đã biến mất. Không lúc nào ông không nghĩ là mình đã đã tìm được kho báu của vua Priam. Chỉ đến một thời gian ngắn trước khi ông mất người ta mới chứng minh được

Schliemann đã sai trong lúc quá phấn khích. Cổ thành Troy không nằm trên lớp thứ hai hoặc thứ ba (xem trang. . .). Kho báu thuộc về một vì vua sống trước cả Priam hàng ngàn năm.

            Như những tên ăn trộm vợ chồng Schliemann chuyển số cổ vật đào được đến một túp lều gỗ tại hiện trường, và trải chúng ra trên mặt bàn gỗ thô sơ. Nào là mũ miện, trâm cài, vòng cổ, bản, nút, cuộn và chỉ vàng, và vòng tay. “Rõ ràng là ai đó trong gia đình vua Priam đã vội vã gom góp báu vật trong những hộp nhỏ và mang chúng ra ngoài mà không nhớ rút chìa khóa ra khỏi ổ. Sau đó, ngay tại chân tường thành, y bổng bị giết chết hoặc trực tiếp từ tay kẻ thù hoặc do đạn đá phóng trúng. Kho báu rơi xuống tại chỗ, và hiện giờ bị chôn vùi dưới hai mét tro và đá từ cung điện lân cận.”

            Schliemann, người mơ mộng, lấy một cặp khoen tai và một vòng cổ đeo vào người vợ trẻ, những vật trang sức ba ngàn năm cho phụ nữ Hi Lạp hai mươi tuổi. Ông nhìn chăm chăm vào cô. “Helen!” ông buột miệng kêu lên.

            Ông có phải là tên ăn trộm không? Luật qui định cách phân chia các cổ vật tìm được trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ còn lỏng lẻo, và phần lớn tùy thuộc vào cách giải thích tùy hứng của các viên chức địa phương. Đã hi sinh toàn bộ sự nghiệp cho việc hoàn thành ước mơ, ta khó có thể mong đợi ở Schliemann tính thật thà thái quá tại thời điểm này của trò chơi. Ông quyết tâm bảo quản số cổ vật quí hiếm vàng ròng này cho giới học giả Âu châu thưởng ngoạn. Bảy mươi năm trước, Thomas Bruce, Bá tước Elgin và Kincardine, đã đặt ra một tiền lệ khi ông chủ tâm di chuyển các tác phẩm điêu khắc khỏi Điện Parthenon. Thời đó Athens còn thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Hissarlik trong thời của Schliemann. Bá tước Elgin đã được ban một sắc chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chứa một điều khoản nói rằng “không ai được quyền ngăn trở ông trong việc di chuyển các tượng điêu khắc khỏi Acropolis, hoặc những khối đá có chạm khắc.” Dựa vào điều khoản mạnh mẽ này, Elgin hành động táo bạo. Hai trăm thùng chứa đầy các cổ vật từ Điện Parthenon được chở đến London. Cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu của bộ sưu tập tuyệt đẹp vô đối này kéo dài nhiều năm liền. Những viên đá quí đã tốn của Elgin 72,240 bảng Anh, nhưng tiền đền bù cho công lao ông do Nghị viện phê chuẩn chỉ là 35,000 bảng, chưa tới phân nửa chi phí ông bỏ ra.

            Khi Schliemann lấy được “kho báu của Priam” từ nơi cất giấu của nó, ông cảm thấy là mình đã lên đến đỉnh cao sự nghiệp. Làm sao có được một thành tựu rực rỡ hơn thế được?

9

Họa sĩ vẽ lại cảnh khai quật ở thành Troy

10

Chân dung Schliemann

11

12

13

Một số đồ tạo tác bằng vàng do Schliemann đào được ở Hissarlik

  1. SCHLIEMANN (II): MẶT NẠ CỦA AGAMEMNON

  Một vài cuộc sống trải qua hầu như hoàn toàn trên mức độ cường điệu, những cuộc sống trong đó sự thành công tích tụ quá khó tin đến nổi như không có thực. Điều này đặc biệt đúng với sự nghiệp của Heinrich Schliemann. Các cuộc khai thác của ông nghe như hoang đường. Sự nghiệp khảo cổ của ông có đến ba đỉnh cao, đỉnh đầu tiên là sự phát hiện “kho báu của Priam”, đỉnh thứ hai là việc khám phá ra lăng mộ hoàng gia ở Mycenae.

            Một trong những chương tăm tối và hiểm ác trong lịch sử bán huyền thoại của Hi Lạp cổ đại là câu chuyện đầy xúc động của Pelopidae ở Mycenae, nhất là đoạn nói về sự trở về của Agamemnon và cái chết của ông. Agamemnon xa nhà mười năm, vì tham gia trận bao vây thành Troy, và Aegisthus đã lợi dụng sự vắng mặt của ông.

                                                            Chúng tôi hiện giờ còn

            Xa nhà, chịu đựng bao nổi nhọc nhằn chiến trận

            Trong khi y, chăn êm nệm ấm trong phòng ốc

            Ở Argos, tiếng tăm vì đoàn chiến mã, dùng lời đường mật

            Làm bại hoại hoàng hậu của Agamemnon

            Aegisthus ra lệnh canh chừng người chồng trở về, rồi mai phục với hai mươi người thân tín. Ông mời Agamemnon dự tiệc – “toan tính hành vi bất lương đáng hỗ thẹn” – và “ám toán ông ngay giữa tiệc, như người ta sát sinh bò tại chuồng. Không có bạn bè nào của ông trốn thoát, họ cùng chết theo ông.” Tám năm sau, Orestes, kẻ báo thù hiếu hạnh, xuất hiện để giết chết bà mẹ ngoại tình, Clytemnestra, và Aegisthus, tên sát hại cha mình.

            Nhiều thi sĩ đã dệt nên những bi ca cho chủ đề này. Vở kịch dữ dội nhất của Aeschylus nói về câu chuyện của Agamemnon. Trong thời đại chúng ta Eugene O’Neill và Jean Paul Sartre, hai trong số nhiều người, đã soạn những vở kịch dựa trên câu chuyện của Orestes và gia quyến ông. Ký ức về “vì vua của loài người,” người cai trị vùng Peloponnesus, một trong những nhân vật lịch sử hùng mạnh và giàu có nhất, vẫn mãi mãi tươi xanh trong tâm thức của hậu thế.

            Nói đến Mycenae là nói đến vàng bạc cũng như máu xương. Theo Homer, Troy đã giàu có, nhưng Mycenae còn giàu hơn, và từ hoàng kim là tỉnh từ thường dùng để mô tả đặc tính của thành phố. Say sưa vì đã khám phá kho báu của Priam, Schliemann hăng hay bắt tay tìm kiếm những của cải mới. Và – trái với tưởng tượng của mọi người – ông thực sự làm được điều này. Mycenae nằm “trong góc xa nhất của Argos, vùng đất chăn nuôi ngựa,” nửa đường đến “Isthmus của Corinth.” Nhìn từ phía tây, thành vua trước kia trông như một bãi phế tích, trong đó có tàn tích của những tường thành nặng nề. Đằng sau những phế tích này, lúc đầu lên cao thoai thoải, rồi dốc đứng, là ngọn núi Euboea, trên mõm là Nhà Nguyện của Đấng Tiên tri Elijah.

            Khoảng 170 sau CN nhà du ký Hi Lạp Pausanias viếng thăm địa điểm và mô tả những gì ông thấy. Khi đó phong cảnh còn đông đúc hơn những gì cặp mắt của Schliemann đang chứng kiến. Cho đến giờ công việc khảo cổ tại Mycenae đơn giản hơn ở Troy. Không có nghi vấn gì về địa điểm của thành phố có tên là Mycanae. Cát bụi ngàn năm bao phủ các phế tích, và đàn trừu đang gặm cỏ trên vùng đất các vì vua đã từng ngự trị. Vẫn còn phế tích ở đó để chiêm ngưỡng, là chứng nhân câm lặng cho một thời huy hoàng rực rỡ của quá khứ.

            Cổng Sư Tử, lối vào cung điện chính, đứng cao và mở rộng cho thiên hạ ngắm nhìn. Cũng có thể đi vào được nơi gọi là “các kho báu”, đã từng được cho là các lò nướng bánh mì, mà nổi tiếng nhất là kho báu của Atreus, Pelopid đệ nhất và là cha của Agamemnon. Căn phòng ngầm này cao 50 bộ (khoảng 17 mét), và có dạng hình vòm. Nó được xây dựng bằng những vành đá đồng tâm xếp phẳng, và đậy lên bằng một tảng đá chốt vòm (xem hình dưới).

14

Mặt cắt ngang và mặt bằng của “Kho báu Atreus”

Schliemann thấy rằng một vài tác giả thời cổ đã định vị các ngôi mộ của Agamemnon và các huynh đệ bị tàn sát của ông tại Mycenae. Vị trí thành lũy thì khá rõ ràng, nhưng các ngôi mộ là một vấn đề hoàn toàn khác. Schliemann đã tìm ra Troy bằng cách dựa vào Homer của ông. Trong tình huống này thì ông dựa vào một đoạn văn của Pausanias, mà ông tuyên bố các nhà khảo cổ biên dịch sai và hiểu lầm. Đến tận thời điểm đó, có ý kiến – được hai chuyên gia vĩ đại nhất thời đó là Dodwell, người Anh, và Curtius, người Đức, ủng hộ – cho rằng Pausanias đã mô tả các ngôi mộ nằm ngoài tường thành lũy Mycenae, nhưng Schliemann vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng chúng phải ở bên trong tường thành. Ông đã trình bày ý kiến này trong cuốn Ithaca của mình, vẫn duy trì khynh hướng coi trọng các bài viết của người xưa hơn các suy tính khoa học. Trong bất kỳ sự kiện nào, sự chiêm nghiệm, theo ông, là không thích hợp. Ông đi tới và đào bới, và chẳng mấy chốc sự khai quật của ông cho thấy là ông đi đúng đường.

            “Tôi bắt đầu công việc lớn lao vào ngày 7/8/1876, với 63 nhân công. . . Kể từ 19/8 tôi tiếp tục đào xới với 125 lao động và bốn xe bò, tính trung bình, và công việc tiến triển khá tốt.”

            Thật ra, di vật quan trọng tìm thấy, sau khi ông đã phát hiện một số lớn các bình, là một cấu trúc tròn, làm bằng một hàng đôi các phiến đá dựng đứng. Schlienmann tin ngay rằng hình tròn đá này là ghế dành cho các bô lão thành lũy Mycenae ngồi trong quảng trường trong khi hội họp, bàn bạc và phán xử. Tại đây, ông tin, sứ giả của Euripides đã đứng ở đấy – như được ghi lại trong vở Electra [vở kịch do kịch tác gia thời cổ Hi Lạp viết về bi kịch Agamemnon: ND] – hô hào dân chúng đến quảng trường.

            “Những bằng hữu có học vấn” đã khẳng định quan điểm của ông. Mới đây ông bắt gặp câu văn này trong ghi chép của Pausanias, liên quan đến, chắc chắn như thế, một quảng trường khác: “Tại đây họ xây dựng nơi hội họp của nghị viện, theo cách mà các nấm mồ của các anh hùng sẽ nằm ngay trung tâm của nơi hội họp.” Sau đó, ông biết với sự chắc chắn của người mộng du đã từng dẫn dắt ông một cách an toàn qua sáu lớp thành phố để đến “kho báu vua Priam” rằng mình đang đứng trên ngôi mộ của Agamemnon.

            Và khi, mau chóng sau đó, ông tìm được tám bia đá, bốn bia các hình chạm nổi còn nguyên vẹn, mối ngờ vực cuối cùng của ông biến mất, và với nó, là tất cả sự thận trọng học thuật. “Thật ra, tôi không chần chừ một phút nào,” ông viết, “để thông báo ngay tôi đã tìm được các ngôi mộ mà Pausanias, theo truyền thống, đã gán cho Atreus, cho Agamemnon, vua giữa loài người, cho người đánh xe ngựa của ông, Eurymedon, và cho Cassandra và người hầu của bà.”

            Trong khi đó công việc tại các kho báu gần Cổng Sư Tử tiến triển chậm chạp. Các khối lượng đồ sộ đá vụn gây khó khăn cho việc khai quật. Nhưng ở

đây, cũng vậy, niềm tin huyền bí của Schliemann không hề chao đảo. “Tôi tin chắc,” ông viết, “về giá trị tuyệt đối của truyền thống nói rằng những cấu trúc bí mật này được sử dụng làm nơi cất giữ báu vật của các vì vua thái cổ.” Những tạo tác đầu tiên tìm được, lấy ra từ đống đổ nát mà ông chất qua một bên để tìm một lối vào, có hình dạng tinh tế, thủ công tinh xảo, và chất liệu cao cấp  vượt trội những loại tương tự tìm thấy ở Troy. Có những mảnh trụ ngạch, bình có trang trí, các tượng đất nung nữ thần Hera, những khuôn đá dành để đúc các vật dụng trang trí, (“hiển nhiên bằng vàng và bạc”), cũng như những đồ dùng bằng đất sét tráng men, đá quý, và hột chuỗi.

            Số lượng của công việc tiến hành trong dự án được đề cập trong quan sát sau đây của Schliemann: “Đến giờ này thì tiến độ khai quật đúng kế hoạch, không ở đâu tôi tìm thấy đống đổ nát chất sâu hơn 26 bộ (khoảng 9 mét) và chiều sâu tột cùng chỉ gần bức tường cong. Từ điểm đó đá lên cao nhanh chóng, và xa hơn dọc theo chỗ tận cùng của đống đá vụn nó lại giảm xuống đáng kể, trong khoảng ít hơn 13 bộ (khoảng 4 mét) đến xấp xỉ 20 bộ (khoảng 7 mét) bề dày.”

Nhưng nỗ lực đã được đền bù.

            Việc phát hiện ra ngôi mộ đầu tiên được ghi lại trong nhật ký của Schliemann ngày 6/12/1876. Ngôi mộ được mở ra một cách thận trọng. Trong 25 ngày, Sophia, người cộng sự không biết mệt mỏi, thám sát mặt đất bằng các ngón tay và dao bỏ túi. Cuối cùng năm ngôi mộ nữa được tìm thấy, trong đó có tất cả 15 bộ xương. Ngay lập tức Schliemann gởi điện cho vua Hi Lạp:

            “Tôi lấy làm vô cùng vui sướng thông báo với Hoàng thượng tôi đã phát hiện ra những ngôi mộ, mà theo truyền thống, là những ngôi mộ của Agamemnon, Cassandra, Eurymelon, và các chiến hữu của ông ta, đều bị tàn sát trong buổi tiệc do Clytemnestra và tình nhân của bà, Aegisthus tổ chức.”

            Hết bộ xương này đến bộ xương khác lộ diện, xương của bậc anh hùng đã chiến đấu trước thành Troy, đã bị hậu thế liệt vào địa hạt truyền thuyết. . Khó có thể tưởng tượng cảm xúc của Schliemann khi ông nhìn vào gương mặt họ, đã bị ăn mòn bởi thời gian, nhưng vẫn còn nhận ra được qua những hố mắt sâu hoắm, xương mũi đã mất, xương hàm méo xệch trong một nụ cười bí ẩn khủng khiếp như thể nhớ lại những giây phút cuối cùng. Da thịt còn bám víu trong một số bộ xương.

            Schliemann không mảy may ngờ vực về những phát hiện của mình. “Các thi thể được che đậy bằng vàng bạc và đồ trang sức,” ông viết. Làm sao những món đồ quý giá đó có thể được tùy táng với người dân bình thường, ông tự hỏi. Ông cũng tìm thấy những vũ khí quý báu, hình như đặt dưới mộ để người chết có thể sử dụng trong những tình thế bất ngờ ở cõi âm u. Schliemann nhận ra những dấu vết cho thấy các thi thể đã được thiêu cháy vội vàng. Có vẻ bọn tống táng không có nhiều thời gian đợi cho lửa cháy hết trước khi lấp đá sỏi và đất lấp vùi các nạn nhân cháy xém. Điều này chứng tỏ sự hấp tấp của bọn sát nhân muốn vội vàng phi tang tội ác của mình. Đúng là các thi thể cũng được chôn cùng với những lễ vật tùy táng và trang phục, nhưng hành động này có thể được giải thích là do ảnh hưởng của tập tục. Về phần ngôi mộ, như ta có thể tưởng tượng, rất sơ sài, không tương xứng với vị thế của người quá cố, do sự hận thù đã khiến thành như vậy. Người xưa đã không nói những người bị ám hại bị “ném như những xác động vật thối tha vào những hố huyệt khốn khổ đó sao?                         

            Schliemann nhờ các nguồn thẩm quyền thân thích, các tác giả thời cổ,  củng cố sự nhận diện của mình về các ngôi mộ. Ông trích dẫn Agamemnon của Aeschylus, Electra của Sophocles, Orestes của Euripides. Ông đơn giản không nghĩ đến việc truy cứu tính chính xác trong các quan điểm của ông. Tuy nhiên, giờ đây, ta biết là giả thuyết của ông đã sai. Đúng là ông đã tìm ra những ngôi mộ vua chúa dưới quảng trường Mycenae; tuy nhiên chúng không phải là mộ của Agamemnon và các chiến hữu, mà của những người chắc chắn đã sống khoảng bốn trăm năm trước họ.

            Sự sai lệch thực sự không thành vấn đề. Điều quan trọng là Schliemann đã đạt được một bước thứ hai vĩ đại trong thế giới thất lạc của thời tiền sử. Lần nữa ông đã chứng minh Homer xứng đáng được gọi là một sử gia. Ông đã khai quật được những kho báu –  những kho báu theo đúng nghĩa của khảo cổ học cũng như ý nghĩa vật chất – cung cấp những hiểu biết sâu hơn vào ma trận của văn hóa chúng ta. “Đó là một thế giới hoàn toàn mới, chưa được biết tới,” Schliemann viết, “mà tôi đang phát hiện ra cho ngành khảo cổ.”

            Schliemann là một người hãnh tiến, nhưng không hề xấc xược hoặc coi thường người khác. Thậm chí ở đỉnh cao của sự nghiệp, khi ông thường trao đổi thư từ với các vua chúa và bộ trưởng, ông vẫn tỏ ra quan tâm đến những khía cạnh nhỏ nhặt của công việc. Ông có thể nổi nóng vì một hành động bất công đối với những người dưới quyền mà ông yêu mến hoặc tin cậy. Điển hình là trường hợp khi Hoàng đế Brazil, trong số nhiều người khác, đến thăm Mycenae. Khi ra về Hoàng đế tặng cho ông cảnh sát trưởng Leonardos số tiền keo kiệt là 40 franc để phân phát cho đám cảnh sát. Viên cảnh sát trưởng luôn trung thành với Schliemann, vì thế Schliemann rất bực bội khi nghe cánh cảnh sát truyền tai nhau là Leonardo thực sự đã nhận đến 1,000 quan và bỏ vào túi riêng phần còn lại. Khi Leonardo, vì bị tố cáo hành vi mà mình không vi phạm, bị cách chức, Schliemann liền hành động. Ngay lập tức ông gởi một điện tín đến Bộ trưởng Nội vụ Hi Lạp: “Nể tình tôi đã làm giàu cho Hi Lạp nhiều trăm triệu đồng, tôi khẩn cầu ngài tha thứ cho bạn tôi là cảnh sát Leonardos ở Nauplion và cho phục chức anh ta trở lại vị trí cũ. Thành thật biết ơn, Schliemann.” Khi không nhận được hồi âm ngay, ông gởi tiếp bức điện thứ hai: “Tôi thề là cảnh sát Leonardo là nhân viên lương thiện và có năng lực. Lời tố cáo chỉ là vu khống. Tôi bảo đảm là anh ta chỉ nhận được 40 franc. Tôi yêu cầu sự công bình.” Và hơn nửa, ông làm một việc quá mức ngông cuồng. Ông gởi một bức điện cho Hoàng đế Brazil, trong lúc ấy đang đáp xuống Cairo. Bức điện viết:

            “Trước khi rời Nauplion, Hoàng thượng đã tặng cho cảnh sát trưởng Leonardo 40 franc để phân phát cho anh em cảnh sát. Thị trưởng, vì rắp tâm muốn làm mất uy tín anh ta, nên tuyên bố anh ta đã nhận được 1,000 franc từ ngài. Leonardo đã bị cách chức và bị đuổi việc và thần gặp nhiều khó khăn giải cứu anh ta khỏi chốn tù tội. Vì đã quen biết anh ta hơn mười năm là một người lương thiện nhất trên đời nên thần mạn phép xin Hoàng thượng nhân danh sự thật và lòng nhân hậu điện báo cho thần, nói rõ số tiền mà Hoàng thượng đã trao tặng cho Leonardo, 40 franc hay nhiều hơn.”

            Heinrich Schliemann, nhà khảo cổ, nhân danh công lý, đã đặt Hoàng đế Brazil vào thế khó xử là phải công khai sự keo kiệt của mình. Nhưng nhờ đó cảnh sát trưởng Leonardo được cứu.

Di vật bằng vàng mà Schliemann tìm được có giá trị lớn lao, và chỉ bị vượt qua mặt về mức sang trọng cho đến khi Carnavon và Carter khai quật ở Ai Cập. “tất cả viện bảo tàng trên thế giới họp lại,” Schliemann nói, “không nhiều bằng một phần năm kho báu này.”

            Trong số năm ngôi mộ, ở ngôi mộ đầu tiên ông tìm thấy trên ba bộ xương có năm vòng đội đầu bằng vàng ròng, các mảnh vàng lá hình nguyệt quế, và các thập tự vàng. Trong một ngôi mộ khác, chứa tàn tích của ba phụ nữ, ông thu thập không ít hơn 701 lá vàng dày, có hình thú, hoa, bướm, và con mực. Ngoài ra ông còn tìm thấy những mảnh trang trí bằng vàng hình sư tử và các con thú khác, các chiến binh tham gia chiến trận. Có những mảnh đá quý in hình sư tử đầu chim, hưu nằm nghĩ, và các thiếu nữ với chim bồ câu. Một bộ xương đội vương miện bằng vàng, trên vành có đính 36 lá vàng. Chiếc đầu mang vương miện gần như đã tan biến thành bụi. Trong một ngôi mộ khác là một bộ xương đã tiêu hoại gần hết chỉ còn một mảnh xương sọ dính với một vòng đội đầu tuyệt đẹp.

            Quan trọng hơn hết thảy, ông tìm thấy một vài mặt nạ vàng và giáp che ngực mà, theo truyền thống, được sử dụng để sắm sửa cho các vì vua qua đời nhằm che chở họ chống lại những ảnh hưởng thâm độc sau khi chết. Quì gối, bên cạnh là bà vợ khom mình sẵn sàng trợ giúp, Schliemann cạo đi các lớp đất sét bọc năm thi thể trong ngôi mộ thứ tư. Sau một vài giờ phơi nhiễm trong không khí các đầu của bộ xương tan rã thành bụi. Nhưng các mặt nạ vàng lấp lánh vẫn giữ nguyên hình dáng của họ, mỗi mặt nạ biểu thị hoàn toàn những nét đặc tả cá tính, “quá khác biệt hoàn toàn với các kiểu chân dung thần linh hoặc anh hùng được lý tưởng hóa đến nổi, không cần bàn cãi, chúng chính là bản sao gươngmặt thật của người qua đời.”

            Những buổi chiều, khi ngày làm việc đã qua và bóng đêm đang len lỏi vào vệ thành Mycenae, Schliemann cho đốt lửa “lần đầu tiên trong 2,344 năm.” Những đám lửa canh phòng – làm nhớ đến những đám lửa đã từng cảnh báo cho Clytemnestra và nhân tình của bà, Aegisthus, là Agamemnon đã về đến nơi, nhưng lần này chúng dùng để xua các tên trộm đạo khỏi các kho báu lớn nhất từng được lấy ra khỏi các ngôi mộ những vì vua tạ thế.             

15

Hiện trường khai quật ở Mycenae

1617

Kho tàng của Atreus ở Cổng Sư Tử Mycenae

  1. SCHLIEMANN (III): XUNG ĐỘT VỚI CÁC HỌC GIẢ

 Đợt khai quật thứ ba của Schliemann không phát hiện ra vàng bạc được chôn giấu gì thêm. Tuy nhiên ông đưa ra ánh sáng một lâu đài cổ ở Tiryns. Những phát hiện của Schliemann ở đây, cùng với những gì ông khai quật được ở Mycenae, và một thập kỷ sau Arthur Evans khai quật thêm ở Crete, làm xuất hiện bức tranh đầu tiên về nền văn hóa Minoan tiền sử của thế giới, đã một thời thống trị vùng duyên hải Địa Trung Hải.

            Nhưng có một điều cần nói về tình hình của Schliemann trong thời đại ông. Khi đó như bây giờ, nhà tiên phong trong bất kỳ lãnh vực nào cũng thấy mình nằm giữa hai lằn đạn của công luận và các chuyên gia. Các báo cáo của Schliemann gởi đến giới độc giả rất khác với khi Winckelmann truyền đạt các thông tin. Người trí thức của thế kỷ 18 viết cho thành phần ưu tú, một số ít được chọn, hoặc sở hữu các sưu tập ở bảo tàng hoặc, hoặc là những thành viên triều đình được phép đến đó. Thế giới đặc quyền nhỏ hẹp này đã choáng váng khi Pompeii được phát hiện, và phấn khích khi nghe tin thậm chí một bức tượng đơn lẻ đào được. Nhưng mối quan tâm của nó không bao giờ vượt quá giới hạn của sự thẩm mỹ tao nhã. Ảnh hưởng của Winckelmann rất rộng, nhưng chỉ bởi vì các thi sĩ và nhà văn tự cho mình là người trung gian đã loan truyền nó từ phạm vi chọn lọc của giới quí tộc có văn hóa đến mọi tầng lớp và mọi nơi trong thời đại ông.

            Schliemann không có trung gian. Ông đi trực tiếp đến với công luận. Ông xuất bản mọi phát hiện của mình, chính mình là người thưởng ngoạn chúng nhiều nhất. Các lá thư của ông đi khắp thế giới; các bài viết của ông xuất hiện trên mọi tờ báo. Schliemann chắc hẳn sử dụng hiệu quả các phương tiện như phát thanh, phim ảnh, và truyền hình nếu những phương tiện này tồn tại trong thời ông. Các phát hiện của ông tại địa điểm thành Troy gây sôi nổi không chỉ trong giới trí thức mà ở khắp nơi. Sự mô tả của Winckelmann về các bức tượng đã hấp dẫn giới nghệ sĩ cũng như giới thưởng ngoạn. Những đồ tạo tác bằng vàng mà Schliemann tìm ra kích động cả một thời đại của những nhà xây dựng đế chế kỹ nghệ đang tận hưởng làn sóng thịnh vượng, những nhà doanh nghiệp đã vạch ra con đường riêng của mình và mối đồng cảm tự nhiên và lương tri của họ đặt họ vào phe của những người không chuyên có tinh thần khai phá “tự tạo” chống lại những kẻ bảo thủ của các định chế học thuật có thể quay lưng lại với mình.

            Nói về các báo cáo đăng báo của Schliemann vào năm 1873, một giám đốc bảo tàng viết một ít năm sau đó: “Tại thời điểm của các báo cáo giới học giả cũng như công luận đều phấn khích, sôi nổi. Mọi nơi, trong nhà và trên đường phố, trong tàu hỏa và xe ngựa, người ta đều nói về Troy. Dân chúng vô cùng sửng sốt và thắc mắc.”

            Nếu Winckelmann, theo như lời của Herder, cho chúng ta thấy “sự bí ẩn của Hi Lạp từ xa xưa”, thì Schliemann giờ đây phơi bày tiền sử của họ. Ông dám mang khảo cổ từ dưới cây đèn dầu của các học giả ra mặt trời trên bầu trời Hi Lạp, để giải quyết vấn đề thành Troy bằng chiếc xẻng của mình. Chỉ với một bước ông di chuyển từ cấm địa của môn ngữ pháp cổ điển đến tận cuộc sống của thời tiền sử, tình cờ mở rộng và làm giàu một ngành học thuật bằng quà tặng của cuộc sống đó.

            Nhịp độ mà cuộc cách mạng này hoàn thành, những thành tựu đỉnh cao của ông, hình ảnh mập mờ của Schliemann – không hẳn là một doanh nhân, không hẳn là một học giả, và vậy mà thành công xuất sắc về cả hai mặt – và không khí “săn tìm tai tiếng” trong các ấn bản của ông tất cả đều gây sốc cho giới học giả, nhất là giới học giả Đức. Mức độ của sự quấy rầy có thể được đo bằng sự kiện là có đến 90 ấn phẩm về Troy và Homer bị các học giả công kích trong những năm Schliemann hoạt động. Mục tiêu chủ yếu của bài đả kích này là tính nghiệp dư của ông. Trong lịch sử những khai quật khảo cổ chúng ta bắt gặp, lần này và lần khác, những trường hợp các nhà khảo cổ kinh viện gây khổ sở cho các người đứng ngoài cuộc vì bị thách thức khi muốn tạo ra động lực cho một bước nhảy vọt tươi mới vào vùng chưa được biết đến. Vì trận tấn công vào Schliemann được thực hiện “trên nguyên tắc,” ta cần phải nói và kể ra vài lời liên quan tại đây. Trước tiên, hãy để một triết gia khá bực tức, mở đầu:

            “Bọn nghiệp dư, bọn nghiệp dư!- là những người theo đuổi một ngành khoa học hoặc nghệ thuật vì tình yêu và niềm vui mà nó đem lại, bị những người theo đuổi chỉ vì lợi lộc khinh thị, vì những người này chỉ vui sướng trong tiền bạc do công việc đem lại. Sự khinh thị của họ dựa trên sự tin chắc hèn hạ là không ai dốc hết sức một cách nghiêm túc cho bất cứ việc gì nếu y không bị nhu cầu, khao khát, hoặc tham lam thúc đẩy. Công luận nói chung có cùng cách nhìn và cùng ý kiến: từ đó công luận tôn trọng toàn tâm toàn ý giới “nhà nghề” và không tin cậy những người nghiệp dư. Nhưng sự thật là đối với người nghiệp dư chủ thể là một cứu cánh trong tự thân, trong khi đối với giới

chuyên môn nó chỉ là phương tiện đạt đến cứu cánh. Nhưng chỉ người nào quan tâm đến tự thân điều gì đó, yêu thích điều đó và làm điều đó vì tình yêu, người đó mới làm việc đó trong sự nghiêm túc hoàn toàn. Sự thành tựu cao nhất luôn luôn là sự thành tựu của những hạng người như vậy, chứ không phải của bọn làm thuê chỉ phục vụ vì tiền công.

            Giáo sư Wihelm Dorpfeld, cộng tác viên, cố vấn, và bạn của Schliemann, một trong số rất ít nhà chuyên môn mà nước Đức đặt bên cạnh ông, viết khá muộn vào năm 1932: “Vậy mà ông không hề hiểu được sự khinh bỉ và nhạo báng mà một số học giả, đặc biệt những nhà ngữ pháp Đức, viết về công trình của ông tại Troy và Ithaca. Tôi cũng tìm thấy sự nhạo báng tương tự này, mà một số các học giả tiếng tăm sau đó đã ban bố cho việc khai quật của riêng tôi cũng tại những địa điểm của Homer, luôn luôn đáng tiếc và không chỉ phi lý, mà còn thực sự hoàn toàn không khoa học.”

            Sự không tin cậy của giới chuyên môn đối với người ngoài cuộc thành công là sự không tin cậy của bọn xoàng đối với thiên tài. Người có cuộc sống chỉn chu nhìn bằng nửa con mắt kẻ lang thang trên những con đường không ai dẫm tới, không được bảo đảm mà, theo lời của Martin Luther, “đã không trông mong vào điều gì ở thế gian này.” Và bọn xoàng hay chiếm đa số và, thường thường, nắm lấy quyền hành.

            Dù ta lùi lại trong lịch sử khoa học xa cỡ nào đi nữa, hình như có một số vô cùng lớn các khám phá vĩ đại được thực hiện bởi các nhà nghiệp dư, kẻ tài tử, người ngoài lề – những người tự học được thôi thúc bởi một ý tưởng ám ảnh, không được trang bị cái phanh của việc học tập chuyên nghiệp và miếng da che mắt của những người chuyên môn, thế nên họ có thể nhảy qua những rào cản được truyền thống kinh viện dựng lên.

            Otto von Guericke, nhà vậy lý Đức vĩ đại nhất của thế kỷ 17, nghề gốc là một luật gia. Denis Papin, nhà tiên phong trong công cuộc phát triển máy hơi nước vào thế kỷ 18, là một người hành nghề y. Benjamin Franklin, con một người thợ làm xà phòng, thậm chí không có bằng trung học, nói chi đến đại học, nhưng đã trở thành không chỉ là một chính khách kiệt xuất mà còn là nhà khoa học tiếng tăm. Luigi Galvani, người phát minh ra điện, là một nhân viên nghề y khác, nhờ khiếm khuyết kiến thức trong lãnh vực nghiên cứu mà khám phá ra điện. Joseph von Fraunhofer, tác giả những công trình xuất sắc về quang phổ, không biết đọc biết viết trước khi được 14 tuổi. Michael Faraday là con một người thợ rèn, một thợ học nghề đóng sách, và hầu như hoàn toàn tự học. Julius Robert Mayer, người khám phá ra định luật bảo toàn năng lượng, là một thầy thuốc, chứ không phải nhà vật lý. Một thầy thuốc khác, Herman L.

  1. von Helmholtz, xuất bản công trình đầu tiên về cùng chủ đề ở tuổi 26.

George, Bá tước miền Buffon, một nhà toán học và vật lý học, xuất bản công trình có ý nghĩa nhất của ông trong ngành địa chất học. Người xây dựng điện báo đầu tiên là một giáo sư giải phẫu, Thomas Sommering. Samuel Morse là một họa sĩ, cũng như Louis Daguerre; vậy mà người trước thì tạo ra bảng chữ cái cho điện báo, người sau phát minh nhiếp ảnh. Những người cuồng si tạo ra khinh khí cầu điều khiển được, Ferdinand Count Zeppelin, Gross, và Parseval, là những sĩ quan không có qua trường lớp kỹ thuật nào. Danh sách thì dài vô tận. Nếu các công trình của những người này bị cắt bỏ khỏi sự phát triển của các ngành khoa học, toàn bộ cấu trúc sẽ sụp đổ. Vậy mà tất cả họ, trong thời đại mình, phải chịu đựng sự khinh thị và nhạo báng của các chuyên gia.

            Khảo cổ học, với những ngành khoa học phụ trợ của nó, có riêng bảng danh sách những người nghiệp dư như thế. William Jones, người đầu tiên thực hiện những bản dịch thành công từ tiếng Sanskrit, không phải là người phương Đông, mà là thẩm phán cao cấp ở Bengal. Grotefend, người đầu tiên giải mã chữ hình nêm, là một nhà ngữ pháp cổ điển; người kế tục ông, Rawlinson, là một sĩ quan quân đội và một lãnh tụ chính trị. Một bác sĩ y khoa, Thomas Young, khai phá những bước đầu tiên trên hành trình dài giải mã chữ tượng hình Ai Cập. Và người hoàn tất công trình này, Champollion, là một giáo sư sử. Humann, người khai quật Pergamon, là một kỹ sư tàu hỏa.

            Không ai muốn tranh cãi những gì mà giới chuyên môn cống hiến. Thế thì, nếu kết quả ở phút cuối cùng mới là đáng kể, miễn là các phương tiện sử dụng cho cứu cánh đó không thể chê trách được, không phải là chúng ta phải biết ơn đến những kẻ “ngoài cuộc” hay sao?

Schliemann đúng là có những hành động sai sót nghiêm trọng trong những lần khai quật đầu tiên. Ông giật sập các cấu trúc cổ mà lẽ ra phải bảo quản; ông phá hoại những bức tường có thể đem lại những manh mối quan trọng. Nhưng Eduard Meyer, sử gia lớn của Đức có ý kiến về chuyện này: “Phương pháp không khoa học của Schliemann nhằm đi đến trực tiếp nền gốc của di tích hóa ra có lợi cho khoa học. Một cách khai quật có tính hệ thống hơn có thể khó lòng xuyên qua đến các địa tầng xưa hơn bên trong ngọn đồi đó, và như thế nền văn hóa Troy sẽ không được ta biết đến.

            Tất nhiên, thật là đáng tiếc khi hầu hết tất cả những giải thích và việc tính niên đại ban đầu của ông đều sai lầm. Nhưng khi Columbus khám phá châu Mỹ ông cho là mình đã đến Ấn độ – vậy mà sai sót của ông hình như không làm giảm bớt giá trị của thành tựu thực sự của ông.

            Và không nghi ngờ gì trong khoảng thời gian giữa thời điểm ông tấn  công gò đống Hissarlik như một đứa trẻ đập món đồ chơi bằng búa và thời  điểm ông khai quật ở Mycenae và Tiryns, Schliemann đã trưởng thành nhiều trong phương pháp khảo cổ. Cả Dorpfeld và Evans đều xác nhận điều này.

            Dù vậy, như Winckelmann bị nước Phổ quấy rầy, Schliemann cũng không nhận được sự trân trọng của đất nước mình. Mặc dù chứng cứ cuộc khai quật sờ sờ trước mắt của toàn thế giới, một học giả có tên Forchhammer xuất bản, đến tận 1888, một ấn bản thứ hai của cuốn Iliad Dẫn Giải. Trong đó ông ta trình bày quan điểm cho rằng cuộc chiến thành Troy là một ẩn dụ thi ca về những con sóng xung đột giữa biển và sông, của sương mù và mưa gió trong bình nguyên vùng Troy. Schliemann luôn luôn phản kháng lại. Khi một ông Thiếu tá Boetticher, một thằng điên cáu kỉnh và một đối thủ to mồm của Schliemann, tố cáo ông đã phá hủy những tàn tích của tường thành cổ, có thể chỉ ra giả thuyết của Schliemann là sai lầm, ông liền mời y đến Hissarlik bằng tiền riêng của mình. Các chuyên gia có mặt tại cuộc gặp đó khẳng định quan điểm của Schlienmann và Dorpfend. Tên thiếu tá nhìn soi mói quanh quất, với bộ mặt lầm lì khó ưa, rồi đi thẳng về nhà và tuyên bố là “cái gọi là thành Troy” không hơn một nhà thiêu xác cổ rộng lớn. Ngay sau đó Schliemann mời một phái đoàn gồm các nhà học giả quốc tế đến ngọn đồi của ông trong lần đào thứ tư vào năm 1890. Ông dựng những căn lều gỗ trên các ngọn đồi bao quanh thung lũng Scamandros để chứa 14 học giả đến từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức (trong đó có Virchow).  Choáng ngợp trước các chứng cứ, tất cả họ đều khẳng định tất cả những gì Schliemann và Dorpfeld đã nói.

            Schliemann cuối cùng có được một bộ sưu tập vô giá. Theo chúc thư của ông nó sẽ đi đến viện bảo tàng quốc gia của đất nước mà “tôi phải yêu quí và trân trọng.” Mới đầu ông nhắm đến chính phủ Hi Lạp, rồi đến Pháp. Với một nam tước Nga ở St. Peterburg ông viết vào năm 1876: “Cách đây một vài năm, khi tôi được hỏi giá cả bộ sưu tập thành Troy của tôi, tôi ra giá 80,000 bảng Anh. Nhưng vì tôi đã trải qua 20 năm cuộc đời ở St. Peterburg, tất cả tình cảm tôi đều dành cho nước Nga, và tôi thực lòng muốn bộ sưu tập của mình đến đó, do đó tôi chỉ yêu cẩu 50,000 bảng Anh từ chính quyền Nga và sẽ sẵn sàng chấp nhận, nếu cần, hạ giá thấp xuống còn 40,000 bảng. . . “

            Tuy nhiên, tình yêu thực sự và được biểu lộ công khai thuộc về nước Anh, nơi ông tìm thấy sự đáp ứng nồng nhiệt nhất, nơi các cột báo The Times luôn đón nhận bài viết của ông, trong khi không có nhà xuất bản Đức nào ngó ngàng đến, nơi thậm chí ngài Thủ tướng, Gladstone, đã viết lời nói đầu cho quyển  sách về Mycenae của ông, như trước đây A. H. Sayce tiếng tăm ở Oxford đã làm với tác phẩm của ông về thành Troy.

            Nhưng, tuy vậy, cuối cùng thì các sưu tập của ông cũng đi đến Berlin, “để được sở hữu và lưu giữ tại đó vĩnh viễn và toàn bộ” bởi một người, mỉa mải thay, cũng là một nhà khảo cổ nghiệp dư, thầy thuốc vĩ đại Virchow, người  thành công trong việc giúp Schliemann được phong làm thành viên danh dự của Hội Nhân Chủng Học và cuối cùng công dân danh dự của Berlin, cùng với Bismarck và Moltke.

            Schliemann đã từng bắt buộc phải che dấu và canh giữ các kho báu của mình, như một tên ăn trộm, khỏi sự chôm chỉa của các viên chức nhà nước. Sau nhiều chuyến di dời quanh co, những mẫu quan trọng trong bộ sưu tập thành Troy cuối cùng đã về đến bảo tàng tiền sử Đức. Ở đó chúng nằm yên bao thập kỷ, sống sót qua một cuộc chiến lớn. Thậm chí sau những trận oanh tạc trong thế chiến hai, một phần của bộ sưu tập vẫn còn nguyên và được mang đến những nơi an toàn. “Kho báu vua Priam” đầu tiên đi thẳng đến Ngân hàng Nhà nước Phổ để được an toàn, rồi sau đó chuyển đến hầm tránh bom ở Sở Thú Berlin. Cả hai nơi này đều bị phá hủy. Hầu hết đồ tạo tác bằng gốm được đưa đến Schonebeck trên bờ sông Elbe, đến Lâu đài Petruschen gần Breslan, và đến Lâu đài Lebus ở Đông Đức.

            Ở Schonebeck không còn món nào tồn tại. Còn ở Petruschen không ai nghe nói gì cả – vùng đó bây giờ thuộc chủ quyền Ba Lan. Lâu đài Lebus bị cướp bóc vào cuối cuộc chiến, và sau đó chính quyền Đông Đức ra lệnh giật sập tàn tích. Sau đó có người rỉ tai về số đồ gốm xưa cần được cứu vớt tại Lebus và tin đồn về đến Berlin. Khi một nữ học giả xin được phép đến thăm Lebus, bà nhận thấy chính quyền địa phương không hợp tác. Sau đó bà mua 50 cân kẹo, rồi dùng số kẹo này dụ dỗ các đứa trẻ mang cho mình bất kỳ mảnh đồ gốm nào chúng tìm được. Mặc dù thậm chí các đứa trẻ nhanh chóng học được cách đập vỡ các bình gốm còn nguyên để có thể đổi ra kẹo nhiều hơn với nhiều mảnh vỡ riêng lẻ, một ít đồ tạo tác chưa bị hư hại cũng xuất hiện ra ánh sáng – từ những ngôi nhà mà người dân địa phương đã đưa vào sử dụng trong sinh hoạt những bình, dĩa, vại mà người cổ thành Troy và bậc vua chúa dòng dõi Atrides đã dùng để ăn và uống.

            Và rồi sau đó bà còn biết một điều tệ hơn thế nhiều. Những người sống sót trong vụ thất trận của Đức ở Lebus không biết tí gì về giá trị của những chiếc thùng gỗ chứa đầy các đồ gốm này. Khi cuộc sống mới bắt đầu trở lại với làng quê, vào một dịp đám cưới, chẳng hạn, các thanh niên đi thẳng đến lâu đài, chất đầy xe rùa với các vạc và bình rượu cổ Hi Lạp, những báu vật không thể thay thế được mà Schliemann tìm ra, và với tiếng hò hét vui tươi cuồng nhiệt họ thi nhau đập vỡ chúng trên bậc thềm nhà của cặp uyên ương mới cưới để chúc họ may mắn!

            Bằng cách này nhiều phần của Troy cổ xưa lại một lần nữa bị phá hủy vào năm 1945, và các mảnh vụn một lần nữa được thu thập với sự trợ giúp của hàng chục cân kẹo khác.                   

  1. SCHLIEMANN (IV): MYCENAE, TIRYNS, VÀ CRETE

 

Vào năm 1876, vào tuổi 54, Schliemann  đẩy nhát xẻng đầu tiên trên vùng đất ở Mycenae, và trong khoảng thời gian 1878-9 với sự giúp sức của Virchow, ông đào lần thứ hai ở Troy. Năm 1880, tại Orchomenos, “thành phố vàng thứ ba” của Schliemann, ông phát hiện ra Kho báu của Minya. Trong 1882, với Dorpfeld, ông đào lần thứ ba ở Troad và hai năm sau đó bắt đầu khai quật ở Tiryns.

            Thêm một lần nữa các kiểu dạng quen thuộc phơi bày: cấu trúc nề ở thành lũy tại Tiryns, lộ ra trước mắt, cho thấy một trận hỏa hoạn lớn đã vôi hóa các tảng đá và biến các đất sét kết dính chúng thành gạch. Các nhà khảo cổ cho rằng những tường thành là tàn tích trung cổ, và hướng dẫn viên du lịch bảo Schliemann rằng không có gì đáng xem ở Tiryns.

            Schliemann thích dựa vào các người Hi Lạp cổ đại. Ông bắt đầu đào với sự hưng phấn đến nổi ông tàn phá vườn cây carum của một nông dân ở Kophinion và phải đền bù 275 franc tiền thiệt hại.

            Tiryns được cho là nơi ra đời của Heracles (tức Hercules). Tường thành Cyclopean của nó được xem là một kỳ công thời cổ và được Pausanias xếp ngang hàng với kim tự tháp Ai Cập. Proetus, vua huyền thoại của Tiryns, được cho là đã nhờ cậy 7 tên Cyclop [người khổng lồ một mắt trong thần thoại Hi Lạp] đến xây dựng tường thành này. Về sau chúng được bắt chước khắp mọi nơi, đặc biệt ở Mycenae, đến nổi Euripides gọi đây là “vùng đất của Cyclop.”

            Schliemann tiếp tục đào xới và khám phá ra các tường móng của một cung điện có qui mô vượt xa bất cứ cung điện nào có từ trước, cho ta một cảm giác kính sợ đối với dân tộc tiền sử đã xây dựng nên và các vì vua đã cư ngụ ở đây.

            Ở đó dần dần xuất hiện dáng vấp bên ngoài của một thành lũy trên đỉnh của một vách đá vôi lởm chởm. Tường thành xây dựng bằng các khối đá đồ sộ, được đẽo bằng búa, có khối dài đến 3.3 mét, rộng đến 1 mét. Phía bên dưới và bên ngoài, nơi bố trí phòng sinh hoạt, nhà kho, chuồng ngựa . . . tường thành dày từ 9 đến 11 mét, nhưng phía trên nơi người cai trị sống tường dày đến 14 mét và dâng cao đến 21 mét hay hơn nữa. Thật là một cảnh tượng hùng vĩ và hoành tráng khi tưởng tượng cảnh các chiến binh với trang bị xáp chiến rầm rộ qua lại bên trong tường thành. Cho đến thời điểm đó, không ai biết gì về thiết kế của một cung điện kiểu Homer như thế, không có gì để lại về hoàng thành của Menelaus, Odyssey, hoặc những nhà cai trị khác; thậm chí những tàn tích của thành Troy, thành lũy của Priam, không cho ta ý tưởng gì về thiết kế.

            Ở đây lần đầu tiên nhát xẻng đưa ra ánh sáng những kiểu dáng bố trí của một cung điện cổ đại thực sự, với tường thành chống đỡ bằng cột trụ và phòng ốc, phòng chầu với bệ thờ, phòng họp trang nghiêm có cổng và tiền phòng, và thậm chí phòng tắm – sàn phòng là một mặt đá vôi nguyên khối nặng khoảng 25 tấn – tại đó các người hùng của Homer đã tắm rửa và xức dầu. Nhờ nhát cuốc của Schliemann mà những cảnh tượng thân thuộc từ tác phẩm Odyssey, như cảnh quy cố hương của người anh hùng lắm mưu mẹo, cảnh chè chén say sưa của bọn theo đuổi Penelope, cảnh tắm máu trong đại sảnh, thêm phần hiện thực sống động.

            Nhưng còn có điều thú vị hơn – các đặc điểm của đồ gốm và các bích họa. Schliemann ngay lập tức nhận ra chúng tương tự các đồ gốm, vại, bình mà ông tìm thấy ở Mycenae, và cho thấy mối liên hệ của chúng với những di vật mà các nhà khảo cổ khác tìm thấy ở Asine, Nauplia Eleusis, và các đảo, nổi bật nhất là đảo Crete. Trong phế tích ở Mycenae ông đã tìm thấy một trứng đà điểu, mà lúc đầu ông tưởng lầm là một bình thạch cao, khiến ta nghĩ ngay đến Ai Cập. Ở đây ông tìm được hai bình có “hoa văn hình học”, được cho là do người Phoenicia mang đến triều đình Thotmes III xưa đến 1600 trước Công Nguyên.

            Vì thế ông bắt đầu tìm chứng cứ để củng cố giả thuyết mình đã phát hiện những dấu vết của một nền văn hóa phức hợp có nguồn gốc Á châu và Phi châu, một nền văn hóa thật ra đã trải rộng trên toàn bờ biển phía đông Hi Lạp, ôm trọn hầu hết các đảo, nhưng chắc chắn trung tâm văn hóa này đặt tại đảo Crete. Bây giờ chúng ta gọi nền văn minh này là văn minh Minoan-Mycenaen. Schliemann đã tìm ra những vết tích đầu tiên của nó. Việc khám phá thực sự còn đợi những người khác.

Tất cả phòng ốc của cung điện đều được quét sơn trắng. Mọi bức tường đều được trang trí bằng bích họa cao ngang tầm mắt, thường viền bằng một dải xanh lam và vàng, chia tường thành hai phần theo chiều ngang.

            Một trong các bích họa này nổi bật một cách khác thường. Trên nên đất màu xanh lam nó vẽ hình một con bò tót mạnh bạo, có đốm đỏ, hất đuôi lên

trời, và con mắt tròn xoe trông rất hung dữ. Trên lưng bò một người đàn ông trong tư thế nhún nhảy của một vũ công, một bàn tay nắm lấy sừng bò.

            Trong quyển sách của Schliemann viết về Tiryns ông kể cho tiến sĩ Fabricius nào đó: “. . .  ta có thể nghĩ người đàn ông trên lưng bò tót là một người cỡi bò không cần yên cương hoặc một người chuyên thuần hóa bò, đang biểu diễn kỹ thuật điêu luyện của mình bằng cách phóng lên lưng bò tót đang lao nhanh, giống như những tay thuần hóa ngựa chứng được mô tả trong Iliad nhảy từ lưng con ngựa này sang con ngựa khác trong nhóm bốn ngựa đang phi nước đại bên cạnh nhau.” Cách giải thích này, mà vào thời điểm đó Schliemann rõ ràng không có gì để nói thêm, là không hoàn toàn. Nếu Schliemann bỏ ra thì giờ đến Crete như ông từng ao ước, ông chắc hẳn sẽ tìm thấy ở đó nhiều ý tưởng liên quan đến bích họa này của ông sẽ được khẳng định, và sự nghiệp đời ông sẽ thêm thành tựu.

            Dự định khai quật của Schliemann trên Crete, đặc biệt tại Krosnos, chiếm trọn tâm trí ông cho đến cuối đời. Tại đó có rất nhiều tàn tích đổ nát, ông nghĩ, chắc hẳn có nhiều điều để khám phá. Một năm trước khi mất ông viết: “Tôi muốn kết thúc sự nghiệp của mình bằng một công trình lớn: khai quật cung điện cổ đại, tiền sử tại Knossos, trên đảo Crete, mà tôi tin mình đã khám phá cách đây ba năm.”

            Nhưng quá nhiều trở ngại đã cản đường ông. Ông đã xoay sở xin được phép từ Thống đốc đảo Crete, nhưng người chủ sở hữu của địa điểm khai quật không muốn có ai chọc mũi vào, và yêu câu một giá tiền vô lý là 100,000 franc cho khu đất trên. Schliemann kỳ kèo và cuối cùng giá xuống còn 40,000 franc. Nhưng khi ông trở lại sau một chuyến đi để chốt lại thỏa thuận, ông nhận thấy khu vực đã bị đo đạc lại khác so với hợp đồng ban đầu, chỉ để lại cho ông 888 cây ô liu thay vì 2,500 cây. Ông liền rút lại việc mua đất. Đây là lần đầu tiên ý thức làm ăn của ông đã làm nguội lạnh nhiệt tình khảo cổ của mình. Ông đã đổ vào một đống tiền của trong công cuộc khai quật – vậy mà, chỉ vì 1612 cây ô liu, ông đá đánh mất cơ hội tìm được chìa khóa giải đáp khúc mắc tiền sử mà công việc khám phá của ông đã đặt ra nhưng vẫn còn xa mới giải đáp được.

            Năm 1890, tử thần đã giật chiếc xẻng khỏi tay ông và chôn cất chính người khai quật vĩ đại.

            Schliemann dự định về nhà với vợ và các con để đón mừng Giáng sinh. Ông bị một căn bệnh ở tai dày vò. Nhưng, bận bịu suy tính những kế hoạch mới, ông chỉ thăm khám với một số bác sĩ hạng xoàng trên đường qua nước Ý. Tất nhiên họ trấn an ông. Nhưng vào ngày Giáng sinh ông ngã xuống trên đường phố ở Naples và trong khi còn giữ được tỉnh táo, ông không nói được. Những người qua đường thương tình mang nhà triệu phú đến bệnh viện,

nhưng bị từ chối. Tại trạm cảnh sát, nơi ông được mang đến sau đó, họ tìm thấy trong túi áo ông địa chỉ của một bác sĩ, và gọi ông ta đến nơi. Bác sĩ liền nhận ngay ra ông và gọi một xe ngựa chở ông. Những khách bộ hành tò mò nhìn xuống người đàn ông đột quỵ nằm trên đất trong trang phục giản dị, trông có vẻ nghèo khó, và một người lên tiếng hỏi bác sĩ ai sẽ trả tiền xe. “Tại sao,” bác sĩ la lên, “ông ta giàu có mà!” đoạn thọc vào túi của người bị nạn, rút ra một nắm đầy vàng.

            Suốt đêm ròng Schliemann chiến đấu giành giựt sự sống, vẩn còn tỉnh táo. Rồi ông ra đi.

            Khi thi thể ông được mang về Athens, Vua và Thái tử Hi Lạp, các đại diện ngoại giao của các cường quốc ngoại bang, ngoại trưởng Hi Lạp, và những người đứng đầu tất cả các viện khoa học Hi Lạp đến để đưa tiễn ông. Một bức tượng Homer nhìn xuống người yêu quí nồng nhiệt mọi điều thuộc về Hi Lạp, người đã làm giàu kho kiến thức Hi Lạp thời cổ trong một ngàn năm. Bên cạnh áo quan là vợ và hai đứa con của ông.

            Chúng có tên Andromache và Agamemnon.          

18

Tái thiết các bậc thang của cung điện phía nam tại Knossos

Cung điện của Minos không giống thành lũy đối với dân đi biển trong thời kỳ đó khi họ dong buồm vào hải cảnh của Knossos. Họ nhìn thấy nó như một kỳ quan trên bờ biển. Các cột đều trắng như vôi, các bức tường có trang trí của nó chói sáng dưới ánh mặt trời xứ Crete nóng bỏng. Đó là viên ngọc quí  miền biển phô trương sự giàu có và ưu việt của Crete từ mọi mặt lấp lánh.

            Evans phát hiện, trong số những điều khác, những kho dầu của Knossos. Trong đó là những hàng dài những vật dụng đựng dầu như các vại lớn, những bình có trang trí phong phú theo phong cách đã được biết đến từ Tiryns. Evans chịu khó đo lường dung lượng của các kho dầu này, và ước tính khoảng 19,000 ga lông (khoảng 76,000 lít). Và đây chỉ là số dầu cung cấp cho một cung điện đơn lẻ.

            Ai là những người hưởng lợi từ sự giàu sụ này?

            Gần đây Evans khám phá ra là những vật dụng mình tìm được không xuất xứ từ cùng một thời kỳ. Các bức tường thuộc về những thời đại khác nhau, đồ gốm, đồ sứ, và tranh vẽ cho thấy một phong cách đa dạng. Sau khi khảo sát tỉ mỉ về đồ tạo tác Evans có thể, ông tin tưởng, phân biệt được những thời kỳ khác nhau của tổng thể văn hóa. . Ông chia lịch sử Crete ra làm ba phần: thời kỳ Minoan Đầu từ 3,000 đến 2,000 trước Công Nguyên; thời kỳ Minoan Giữa, kéo dài cho đến 1600 trước Công Nguyên; và thời kỳ Minoan Cuối, ngắn nhất trong ba thời kỳ, kéo dài cho đến khoảng 1250 trước Công Nguyên. Evans tìm thấy các dấu vết có người cư trú trước cả thời kỳ đầu xa xưa nhất, thật ra, có niên đại tận thời đồ đá, khi con người chưa biết sử dụng kim loại và vật dụng được tạo tác hoàn toàn bằng đá. Ông gán một thời điểm 10,000 năm cho những dấu vết tiền sử này, nhưng sau đó các nhà nghiên cứu rút số đó xuống còn 5,000 năm.

19

Nữ thần của thời kỳ Minoan Đầu với hình sư tử. Vết khắc của một cái vòng triện ở Knossos (khoảng 1,500 trước C.N)

Làm thế nào những niên đại này xác định được? Làm sao có thể sắp xếp được các thời kỳ như thế?

            Trong mỗi thời đại Evans tìm những vật dụng có xuất xứ ngoại quốc, đặc biệt đồ gốm và đồ sứ từ Ai Cập thuộc vào những thời Pha-ra-ông đã được xác định niên đại chính xác. Ông đặt tên thời kỳ chuyển tiếp từ Minoan Giữa đến Minoan Cuối – đó là, những thập kỷ khoảng 1,600 trước Công Nguyên là thời hoàng kim của Crete. Chính trong thời kỳ này, hiển nhiên, một Minos đã từng sống, người chỉ huy hạm đội và thống trị biển cả. Chính thời kỳ khi vẻ lộng lẫy và xa hoa phát sinh do một phúc lợi kinh tế lên cao. Sự tôn thờ cái đẹp đang là mốt thịnh hành. Các bích họa cho thấy những thanh niên thơ thẩn qua cánh đồng, hái hoa nghệ tây, rồi cắm vào các bình Kamares [loại bình gốm có màu sắc tươi tắn, đạt đỉnh cao tinh xảo vào khoảng 2,000 trước C. N], và các thiếu nữ lững thững qua những cánh đồng hoa loa kèn. Trong thời chuyển tiếp này tính thẩm mỹ của Minoan đang trên điểm biến thành một sự phô trương đơn thuần. Các tranh màu, từ trước đến giờ chỉ là những hình thể qui ước kết chặt mạnh mẽ, giờ cho thấy một khuynh hướng bùng nổ màu sắc dữ dội. Sự xa hoa đang trở thành một cân nhắc chủ yếu trong các đồ dùng trong nhà, quan trọng không kém tính lợi ích của chúng. Phong cách quần áo không còn được chi phối bằng nhu cầu che chở chống lại thời tiết và sự kín đáo. Trên mỗi bàn tay tính khí thất thường của một tầng lớp rỗi rãi lịch lãm có những yêu sách mới.

            Không có gì ngạc nhiên khi Evans sử dụng từ hiện đại để mô tả những gì ông thấy. Cung điện của Minos rộng lớn như điện Buckingham. Kiến trúc đồ sộ có cả hầm chứa nước thải và những phòng tắm xa hoa, hệ thống thông gió, ống dẫn nước ngầm, và máng đỗ rác. Nhưng tính hiện đại thậm chí còn ấn tượng hơn trong chính con người, trong cử chỉ của họ, trong cách họ ăn mặc, và thời trang.

20

“Vũ công bò tót.” Hình khắc trên một viên ngọc từ Crete.

Vào đầu thời kỳ Minoan Giữa các bà còn đội mũ có chóp cao, mặc áo dài có hình vẽ tươi tắn, xẻ đằng trước và buộc chặt bằng nịt. Cổ ở phần trên của áo cao và cứng, và phía trước bộ ngực để trần (xem hình dưới).

            Tại cao điểm trong lịch sử Crete y phục truyền thống này trở nên tao nhã hơn. Sự sắp xếp giản dị trước đây phát triển thành phần thân áo trên được bó chặt với tay áo. Mông được bó sát, như để khoe đường cong của cơ thể táo bạo như có thể, và bộ ngực giờ cũng được phơi trần, nhô cao hơn và đỏm đáng hơn. Váy buông dài với những nếp gấp có trang trí rực rỡ, bao phủ bằng những thiết kế cho thấy những đồi cây với hình hoa sen nở cách điệu. Phủ lên bộ váy là một tạp dề tươi sáng. Mũ chóp cao bây giờ trở thành một loại mũ cát.

21.png

            Trong số những tranh vẽ Evans tìm thấy, có các tranh, như lời ông, có “một sức thu hút thần bí mà ngay cả các công nhân không được học hành cũng cảm nhận được,” một trong số đó, đặc biệt quen thuộc là bức vũ công-bò tót (xem hình bìa trước).

            Vũ công ư? Người biểu diễn ư? Như Schliemann đã nghĩ như thế khi ông phát hiện những tranh tương tự ở Tiryns mặc dù trong địa phận xa xôi đó không có gì để nhắc ông nhớ đến các huyền thoại xứ Crete tập trung vào bò tót, lễ hiến tế, và máu khổ đau trong các đền thờ.

            Về phần Evans, ông đang đứng ngay trên vùng đất mà Minos trị vì, vì Vua với Minotaur, quái thú bò tót. Và huyền thoại kể về những cảnh tượng tối tăm này của quá khứ.

            Minos, Vua xứ Knossos, Crete, và toàn bộ vùng Aegean, phái con trai mình, Androgeus, đến lục địa để tham gia thi đấu thể thao ở Vận hội Athens. Là người cường tráng hơn mọi vận động viên Hi Lạp, Androgeus cứ luôn chiến thắng. Vì ganh ghét, anh bị Aegeus, Vua xứ Athens, mưu sát. Người cha phẫn nộ xua chiến thuyền đến Athens, tấn chiếm thành phố như bão táp, và áp đặt một sự bồi thường đáng sợ. Dân Athens được lệnh mỗi chín năm một lần phải nộp bảy nam thanh niên và bảy trinh nữ trẻ đẹp để hiến tế cho quái thú Minos. Khi chuẩn bị lần thứ ba bổn phận chuộc tội, Theseus, con trai của Aegeus, gần đây vừa mới trở về sau một chuyến đi với nhiều kỳ tích anh hùng, tự nguyện dong buồm cùng với các nạn nhân đến Crete nộp mình, để tìm cách giết quái thú.

            Vượt qua biển Cretian thuyền dong buồm lao tới

            Mũi thuyền lướt sóng.  Cùng với Theseus ra đi

            Là bảy cặp thanh niên Ionic.

             Con thuyền giương cánh buồm đen khi đi, và nếu trở về thành công trong sứ mạng sẽ đổi thành cánh buồm trắng. Ariadne, con gái của Minos, khi trông thấy Theseus gặp hiểm nguy, đem lòng yêu thương chàng. Nàng giao cho Theseus một thanh gươm để đấu cùng quái thú, và một cuộn chỉ len để giúp chàng ra khỏi Mê cung, đầu cuộn chỉ kia nàng nắm giữ, khi Theseus xông vào tìm quái thú Minotaur. Sau một trận đấu dữ dội, Theseus giết được quái thú. Lần theo cuộn len, chàng ra khỏi mê lộ và vội vã cùng với Ariadne và đồng bọn trốn thoát về Athens. Trong lúc quá phấn khích vì chạy thoát được, Theseus quên bẳng việc thay cánh buồm trắng như đã thỏa thuận trước. Aegeus, cha chàng, khi trông thấy cánh buồm đen, ngỡ con trai mình đã chết, liền ném mình xuống biển tự tử.

            Huyền thoại này có lý giải được bí ẩn của tranh vũ công-bò tót hay không? Hai gái và một trai cho thấy đang chơi đùa với bò tót. Nhưng thực sự họ có phải chơi đùa không? Đây có thể là hình diễn tả sự hiến tế cho Minotaur? Và bộ không phải quái thú đơn giản chỉ là một con bò tót to sầm của vua Minos?

            Khi truyền thuyết được đối chiếu kỹ hơn với thực tế của việc khai quật, những điểm gây tranh cãi xuất hiện. Sự kiện tồn tại một mê cung thực sự cho thấy rằng truyền thuyết có chứa một phần sự thật. Có thể giả định là chiến thắng của Theseus đối với Minotaur trong truyền thuyết là một biểu tượng của người chinh phạt đến từ đất liền và tàn phá cung điện của Minos. Tuy nhiên, có vẻ không chắc chắn là một hành động trả thù cá nhân đối với Minos lại có thể đưa đến sự phá hủy của vương quốc Cretan.

            Vậy mà không có nghi ngờ gì là vương quốc của Crete đã bị quét sạch. Nó bị tận diệt một cách toàn bộ và bất ngờ đến nổi rõ ràng chính những kẻ phá hủy không có thời gian để nhìn hay nghe bất cứ điều gì về văn hóa Minoan. Tai họa cũng hoàn toàn như ba ngàn năm sau đã giáng xuống vương quốc của Moctezuma mà thủ phạm là một nhúm người Tây Ban Nha. Tóm lại, không có gì sau đó còn lưu lại trừ ra tàn tích và những tảng đá chết, không thể lên tiếng.

            Nền văn minh xuất xứ từ đâu, và lý do mà nó biến mất? Sự ra đời và sụp đổ của người xứ Crete đến hôm nay vẫn còn là một vấn đề khảo cổ hóc búa nhất, là mối quan tâm hàng đầu của mọi người nghiên cứu tiền sử.

            Theo Homer, có năm dân tộc với ngôn ngữ khác nhau sống trên đảo. Theo Herodotus, Minos không phải là người Hi Lạp, trong khi Thucydites khăng khăng như vậy. Evans, hơn bất kỳ người nào khác, đã đào sâu vào những bí ẩn này, tin rằng văn hóa Cretan có nguồn gốc Phi châu-Libya. Eduard Meyer, sử gia uyên thâm về thời cổ đại, bằng lòng với nhận xét là chắc chắn nó không phát tích từ Tiểu Á. Dorpfeld, đồng sự lâu năm của Schliemann, vào năm 1932, đã là một ông già tám mươi, cầm dùi cui chống lại học thuyết của Evans. Dorpfeld giữ quan điểm cho rằng nghệ thuật Cretan-Mycenaen xuất xứ từ Phoenicia và không phát triển tại bản địa đảo Crete, như Evans tuyên bố.

                        Đâu rồi cuộn len của nàng Ariadne sẽ dẫn dắt ta ra khỏi mê cung của sự ức đoán này?

22

Dĩa này vẫn còn là điều bí ẩn. Thậm chí sau thời Ventris, nó vẫn chưa giải mã được

Chữ viết Minoan có thể một ngày nào đó cung cấp cho ta manh mối. Nhớ rằng mục đích ban đầu của Evans ở Crete là nghiên cứu chữ viết Minoan. Khoảng 1894 ông đã mô tả được những kí tự Cretan đầu tiên. Khi năm tháng trôi qua ông phát hiện vô số những bảng ghi chữ tượng hình. Ở Knossos ông tìm được hai ngàn bản đất sét nhỏ chi chít những biểu tượng của hệ thống chữ viết gồm những nét thẳng. “Bạn trí thức” của Schliemann, Émile Burnouf, khi bàn về những chữ viết trên các bình gốm Hi Lạp, có lần nói: “Các biểu tượng không phải Hi Lạp, cũng không phải Sanskrit, cũng không phải  Phoenicia, cũng không phải. . . cũng không phải . . .” Hình thức phủ định này là điều duy nhất ta biết về chữ viết Minoan. Vào năm 1910 nhà Ai Cập học Erman có được một chút hi vọng giải được câu đố. “Các bản ghi chép Cretan này vẫn chưa được giải mã,” ông viết, “nhưng ít nhất chúng ta thấy được vấn đề rõ ràng hơn nhiều.” Trong một tác phẩm toàn diện nhất về các dạng chữ viết thời cổ, DieSchrift của Hans Jensen, xuất bản vào năm 1935, tác giả phát biểu thẳng thừng: “Việc giải mã chữ Cretan hoàn toàn còn trong tình trạng phôi thai, và chúng ta vẫn còn mù mờ về bản chất thực sự của nó.”

            Kết cục của vương quốc Cretan là một điều bí ẩn cũng đen tối như bí ẩn của chữ viết Minoan. Có nhiều lý thuyết táo bạo về chủ đề này, Evans chẳng hạn, tin rằng Crete bị tàn phá trong ba lần khác nhau. Hai lần cung điện được tái thiết, nhưng lần thứ ba nó không đứng lên được nữa.

            Nếu chúng ta có thể lướt qua lịch sử của thời kỳ xa lắc này từ một quan điểm rộng rãi hơn, chúng ta nhận thấy rằng từng đoàn dân Achaean da trắng giạt xuống Hi Lạp từ vùng sông Danube hoặc có thể từ miền nam nước Nga. Những người du cư này chiếm lấy những thành lũy của những sắc dân da đậm màu hơn và phá hủy Mycenae và Tiryns. Có thể cũng sắc dân man rợ này đã mở rộng cuộc xâm lăng và vươn ra qua biển cả và sau đó đã kết thúc vùng Crete tiền sử. Một thời gian sau đó chúng ta thấy những chiến dịch mới,

do người Dorian phát động, và kết quả là đến lượt người Achaean bị đè bẹp. Người Dorian mang theo mình thậm chí ít vốn văn hóa hơn cả người Achaean. Trong khi người Achaean dù cướp bóc nhưng ít nhất biết cách gìn giữ và sử dụng chiến lợi phẩm của mình, một chủng tộc đáng được tưởng nhớ trong bài ca Homer, thì người Dorian là những kẻ phá hoại thô bạo, chuyên đập nát mọi thứ họ mó đến. Tuy nhiên, từ bọn họ nhảy ra một Hi Lạp mới.

            Đây chỉ là ý kiến của một trường phái tư tưởng nói về Crete. Còn các trường phái khác nói gì?

Evans phát hiện chứng cứ gợi ý là cung điện, tâm điểm của đời sống Minoan, có thể bị tàn phá bằng sự can thiệp địa chất hơn là do con người. Pompeii là một ví dụ cổ điển của hiện tượng như thế. Trong các phòng ốc của Cung điện Minoan Evans tìm thấy những dấu vết của cái chết đột ngột tương tự như những dấu vết đầu tiên được d’Elboeuf và Venuti tìm thấy tại chân núi Vesuvius. Các công cụ bị bỏ lại nằm rải rác, có những vật dụng nghệ thuật hay gia dụng còn làm dang dở, và chứng cứ về hoạt động nội trợ thình lình ngưng lại.

            Dựa trên những phát hiện này Evans hình thành giả thuyết mà sau đó được khẳng định một cách ấn tượng. Vào ngày 26/6/1926, vào lúc 9:45 tối, Evans đang nằm trên giường đọc sách, thình lình không báo trước mặt đất rung động dữ dội, xô lắc ông qua lại. Giường ông lắc lư, tường nhà rúng động, vật dụng rơi hết xuống nền nhà; nước đổ ra khỏi xô; mặt đất phát ra những âm thanh như tiếng thở dài, rồi sau đó tiếng rên rỉ, rồi gấm rống kỳ quái, nghe như quái thú Minotaur, con bò tót huyền thoại, đang sống lại. Khi mặt đất đã ngừng chấn động, Evans nhảy ra khỏi giường và chạy đến cung điện. Công trình tái thiết của ông đã chịu đựng được cơn địa chấn, vì nhiều năm qua ông đã thiết kế những cột thép và dàn chống bất cứ ở đâu có thể. Nhưng khắp các làng quê trong khu vực, xa đến tận thủ phủ Kandia, cơn địa chấn đã gây cơn tàn phá ghê gớm.

            Thậm chí trước khi sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên được minh chứng, người ta đã xác định được là Crete là một trong những vùng có hoạt động địa chấn sôi nổi nhất  Âu châu. Nhưng trải nghiệm của Evans chắc chắn củng cố thêm quan điểm của ông. Cách đây nhiều thế kỷ mặt đất đã rung chuyển, khiến các đài tưởng niệm bị rách toạt và đổ sập xuống. Không có gì ngoài một cơn địa chấn rất mạnh, ông khẳng định, có thể là tác giả của một cuộc hủy diệt quá hoàn toàn đến nổi suốt các thiên niên kỷ sau đó không có gì ngoài những túp lều tồi tàn đứng trên phế tích của cung điện Minos.

            Đã đủ cho Evans. Phần đông các nhà khảo cổ không đồng ý với cách giải thích của ông. Một ngày nào đó bí ẩn sẽ được làm sáng tỏ. Xét về bất kỳ phương diện nào, Evans đã có thể xác định được kiểu dạng văn hóa mà Schliemann cả tin là người đầu tiên đã nghi ngờ khi ông khám phá các tro tàn ở Mycenae. Cả hai người đều là những nhà tiên phong, mở ra con đường cho giai đoạn nghiên cứu hiện thời, có thể thành công gỡ rối cuộn chỉ len của  Ariadne.

Đoạn văn trên được viết vào năm 1949. Giữa năm 1950 có tin nói rằng Ernst Sittig, giáo sư tại Đại học Tubingen đã giải được bài toán mà học giả Phần Lan Sundwall đã miệt mài trong bốn mươi năm, theo chân là Bossert người Đức, Meriggy người Ý, Hrozny người Tiệp (người đã giải mã được chữ tượng hình Hittite từ Bogazkoy), và Alice Kober ở New York, đã phát biểu một cách cam chịu, vào năm 1948, là “một ngôn ngữ không được biết, viết bằng ký tự không được biết, không thể giải mã được.”

            Rõ ràng một thắng lợi lớn lao đã được hoàn thành. Sittig là nhà ngữ pháp đầu tiên kiên trì ứng dụng nghệ thuật (và khoa học) vào việc giải mã các mật mã quân sự, dựa trên những nghiên cứu về tần số thống kê, đã được hoàn thiện trong thời gian giữa hai thế chiến. Ông tin là mình đã giải mã được 11 ký hiệu, và sau đó, đến 30 ký hiệu trong chữ viết Cretan gọi là chữ viết dạng đoạn B.

            Một bước phát triển thứ hai đạt được vào năm 1953, khi một bản đất sét được Blegen đào được ở Pylos lọt vào tay của một người Anh, Michael Ventris. Nó chứa một nhóm biểu tượng mà Sittig chưa hề nhìn thấy, và Ventris kiệt xuất, một người “ngoại đạo” khác có thể đọc là tiếng Hi Lạp không thể chối cãi được. Điều này vô hiệu hóa một bộ phận công trình giải đoán của Sittig: chỉ 3 trong số 30 cách đọc của ông là đúng đắn. Và như thế bắt đầu một nỗ lực mới mà chắc chắn tiếp tục một thời gian dài. Trong khi ngữ học cổ đại đang tiến gần đến phần giải quyết cuối cùng của vấn đề, một vấn đề còn quan trọng hơn nhiều đã xuất hiện đối đầu với chúng ta liên quan đến toàn bộ lịch sử cổ đại. Tại sao ngôn ngử của người Hi Lạp, một dân tộc còn xa mới đạt được đến trình độ phát triển cao vào thời đó, lại được viết bằng chữ viết Cretan trên đảo Crete, trung tâm của một nền văn hóa cấp tiến, độc lập, vào khoảng 600 năm trước Homer? Có phải hai ngôn ngữ này tồn tại song hành? Có thể toàn bộ biên niên sử của chúng ta về Hi Lạp thuở sơ khai toàn là sai lầm? Có phải Homer cũng đang hóa ra có vấn đề?         

Các bích họa vẽ phụ nữ Crete, khoảng 1,600 trước C.N trong thời hoàng kim của nền văn hóa Cretan-Mycenaean

25

Mô hình cung điện Minoan tại Knossos được tái dựng

26

Một trong nhiều bức tranh bò tót, tương tự với tranh mà Evans tìm thấy ở Knossos và trước ông là Scliemann ở Tiryns


Bình luận về bài viết này