PHẦN HAI: QUYỂN SÁCH VỀ CÁC KIM TỰ THÁP- Các Đế Chế Ai Cập
C.W. Ceram
Nguyên tác tiếng Đức
Trần Quang Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh
của E.B. Garside và Sophie Wilkins
Hỡi các binh sĩ! Bốn mươi thế kỷ đang cúi nhìn xuống các bạn!
Napoleon
Những ai xây bằng đá granit, xếp đặt một đại sảnh trong lòng kim tự tháp của họ, và tạo ra vẻ đẹp từ tuyệt tác của họ. . . những bệ đá thờ của họ cũng trống trơn như bệ đá thờ của những kẻ mệt lử, những ai đã chết trên đường đê không để lại người than khóc
Tục ngữ Ai Cập cổ đại
Ôi Thần Mẫu Nut! Hãy trải rộng cánh gió của người che chở tôi như những vì sao vĩnh cữu!
Chữ khắc trên quách của Tutankhamen
- NAPOLEON: TRONG VÙNG ĐẤT CÁC PHA-RA-ÔNG
Napoleon I và Vivant Denon chi phối ngay từ đầu công cuộc khám phá khảo cổ ở Ai Cập. Hoàng đế và nam tước, tướng quân và nghệ sĩ – trên một đoạn đường ngắn ngủi họ đi bên nhau và hiểu nhau rất rõ, mặc dù về bản chất họ không có gì chung. Đối với một người cây bút chỉ được sử dụng để ký quân lệnh, ra chỉ thị, và luật lệ; người kia dùng bút để viết nên những tiểu thuyết dễ dãi, tục tĩu và vẽ ra những tranh chì ngày nay thuộc trong số loại kỳ quái nhất về tranh khiêu dâm.
Vào ngày 17/10/1797, Hiệp ước Hòa bình Campo Formio được ký kết, kết thúc chiến dịch Ý và cho phép Napoleon trở về Paris. “Những ngày tháng lẫy lừng của Napoleon đã qua!” nhà văn Stendhal nói. Ông đã sai. Thực ra thời kỳ lừng lẫy của vĩ nhân đảo Corse chỉ mới bắt đầu. Nhưng trước khi ông càn quét Âu châu ông ôm ấp một dự định hão huyền điên rồ, nhảy ra từ một bộ óc bệnh hoạn.” Bước tới bước lui không ngừng trong một căn phòng nhỏ, héo hon vì tham vọng, trong lòng tự so sánh mình với Alexander, không còn hi vọng về những công trình lớn lao chưa thành tựu, Napoleon viết: Paris đè nặng lên tôi như một chiếc áo khoác bằng chì! Âu châu này của chúng ta là một ổ chuột chũi. Chỉ ở phương Đông, nơi có sáu trăm triệu cư dân đang sống, mới có thể thành lập những đế chế rộng lớn và thực hiện những cuộc cách mạng vĩ đại.”
Vào ngày 19/5/1798 Napoleon giương buồm từ Toulon với một đội chiến thuyền 328 chiếc, chở theo 38,000 người trên boong, gần như bằng với lực lượng mà Alexander đã thống lĩnh khi ông mở chiến dịch miền Đông. Điểm đến là Ai Cập.
Kế hoạch của Pháp xứng tầm với Alexander. Đôi mắt tìm kiếm của Napoleon phóng qua thung lũng sông Nile đến tận báo đảo Ấn Độ mênh mông. Mục tiêu của chiến dịch vượt biển ban đầu là giáng một đòn trí mạng vào một trong các lực lượng phụ trợ chính yếu của Anh, không thể lường được trong cán cân Âu châu. Nelson, đô đốc của hạm đội Anh, trong một tháng trời ròng rã lùng sục vô vọng khắp miền Địa Trung Hải, nhưng không giăng bẫy được lực lượng của Napoleon, mặc dù hai lần các chiến thuyền của Pháp gần như trong tầm mắt.
Vào ngày 2/7 Napoleon bước lên đất Ai Cập. Sau cuộc hành quân trên sa mạc nóng bỏng binh sĩ hoan khoái được tắm táp trong dòng sông Nile. Vào ngày 21/7 Cairo hiện ra trước các cặp mắt binh lính Pháp, một cảnh tượng như trong Một Ngàn Lẻ Một Đêm, với 400 tháp canh và mái vòm đồ sộ của Jami-el-Azhar, thánh đường trung tâm của thành phố. Tương phản gay gắt với kiến trúc trang trí lộng lẫy bằng vàng bạc, phơn phớt trên bầu trời ngọc trai ban mai, ở đó vươn lên, khỏi nền sa mạc khô cằn, in bóng trên các sườn đồi Jebel Mokattam tím xám, là hình bóng của các kiến trúc khổng lồ bằng đá, lạnh lùng, nặng nề, và ngạo nghể. Đó là Kim Tự Tháp Gizeh, một khối hình học hóa đá, một vĩnh cữu câm lặng, những biểu tượng của một thế giới đã chết rất lâu trước khi Hồi giáo ra đời.
Các binh sĩ không có thời gian để há hốc nhìn. Chung quanh họ là những bãi phế tích khổng lồ của một quá khứ đã chết, nhưng Cairo, biểu tượng của tương lai mê hoặc, đang vẫy gọi. Giữa họ và mục tiêu lấp lánh là đoàn quân của các vị tướng Mameluke [đoàn quân gồm những người nô lệ có thế lực rất mạnh trong Ai Cập: ND]. Lực lượng đầy màu sắc này gồm 10,000 kỵ binh thiện chiến, trang bị bằng gươm lưỡi cong lấp lánh, ngồi trên lưng các chiến mã rặc nòi. Viên tư lệnh chính là người trị vì Ai Cập, Maurad. Đồng hành cùng với y là 23 tổng trấn, y cởi một chiến mã lông trắng như thiên nga, dẫn đầu đoàn quân, chiếc áo choàng xanh lấp lánh những viên đá quí. Napoleon đưa tay chỉ vào các kim tự tháp. Ông cổ vũ các binh sĩ của mình, như một tướng lĩnh, một bậc thầy về tâm lý quần chúng, và như một gương mặt Âu châu đối mặt với lịch sử thế giới. “Hỡi binh sĩ,” ông dõng dạc, “bốn mươi thế kỷ đang cúi nhìn xuống các bạn!”
Sự đụng độ thật là khủng khiếp. Sự hùng hỗ của bọn Mameluke không thể hi vọng địch nổi lưỡi lê của Âu châu. Trận đánh trở thành một cuộc tháo chạy đẫm máu. Vào ngày 25/7 Napoleon tiến vào Cairo, và phân nửa đoạn đường hành quân đến Ấn Độ hình như đã được hoàn thành một cách an lành.
Nhưng vào ngày 7/8 xảy ra trận hải chiến tại Abukir. Nelson cuối cùng cũng đã định vị được hạm đội Pháp và ồ ạt tập kích như một thiên thần báo thù. Napoleon bị mắc bẫy. Abukir đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu Ai Cập, mặc dù thực ra nó kéo dài thêm một năm nữa. Trong thời gian này Tướng Desaix đã tràn vào Thượng Ai Cập, và Napoleon đánh thắng một trận trên đất liền tại cùng một địa điểm Abukir nơi hạm đội của ông bị cắt ra từng mảnh. Mặc dù có thắng lợi này, sự gian khổ, đói khát, và dịch bệnh dày vò binh sĩ Pháp. Một số lớn các binh sĩ bị mù mắt vì bệnh dịch mắt Ai Cập.
Vào ngày 19/8/1799 Napoleon bỏ lại quân đội. Vào ngày 25/8, từ thuyền chiến Muiron, ông đưa mắt nhìn bờ biển của đất nước các Pha-ra-ông chìm dần xuống biển phía sau ông.
Cuộc viễn chinh của Napoleon, nhìn từ quan điểm quân sự là dại dột, gây một hiệu quả lâu dài là đánh thức Ai Cập về phương diện chính trị; nhưng cũng phát động việc nghiên cứu khoa học về thời cổ đại vẫn còn tiếp tục đến tận ngày nay. Vì Napoleon đã mang theo 175 “các công dân uyên bác” đến Ai Cập. Các binh sĩ và thủy thủ gọi tổ hợp chất xám này là “những con lừa.” Tổ trí thức mang theo cùng với họ một thư viện lớn chứa gần như mọi quyển sách về xứ sở sông Nile có thể tìm được ở Pháp, và hàng chục thùng công cụ khoa học và dụng cụ đo đạc.
Lần đầu tiên Napoleon cho thấy mình là một người quan tâm đến văn hóa Ai Cập là ở một buổi họp do các nhà khoa học tổ chức, vào mùa xuân năm 1798, trong một khán phòng rộng của Học viện Pháp. Trong khi giải thích về những nhiệm vụ khoa học trong dự án Ai Cập, để nhấn mạnh ông thỉnh thoảng gõ ngón tay vào bìa da của quyển Du Hành trên đất Ả Rập của Niebuhr mà ông cầm trong tay. Một vài ngày sau các nhà thiên văn, hình học, hóa học, khoáng vật học, Đông phương học, kỹ thuật gia, họa sĩ, và thi sĩ cùng xuống thuyền với ông ở Toulon. Và trong số đó có một con người phi thường mà Hoàng hậu hào hiệp đã giới thiệu là một nhà minh họa.
Dominique Vivant Denon là tên đầy đủ của ông. Dưới triều vua Louis XV ông đã là giám sát của bộ sưu tập các ngọc bích cổ, và có tiếng là một người được Pompodour [người tình chính của vua Louis XV: ND] sủng ái. Ở St. Peterburg ông đã từng giữ chức tùy viên sứ quán, và cũng được Catherine, Nữ hoàng Nga, ưa thích. Một con người của thế giới, ưa thích phụ nữ, nghiệp dư về mọi ngành nghệ thuật, có duyên ăn nói, hóm hỉnh, Denon lúc nào cũng xoay sở sống thân thiện với mọi người. Khi là một nhà ngoại giao công tác tại Liên bang Thụy Sĩ, ông thường lui tới Voltaire [một nhà văn kiệt xuất của Pháp: ND ], và đã vẽ nên bức tranh nổi tiếng Ăn Sáng tại Ferney cảnh nhà văn ăn sáng trên giường. Với bức tranh sơn dầu Người Chăn Cừu và Chúa Hài Đồng vẽ theo phong cách Rembrandt, ông được nhận vào Hàn Lâm Viện. Tin tức về sự bùng nổ của Cách mạng Pháp đến tai ông khi ông đang sống ở Florence (Ý), tại đó ông là một nhân vật quen thuộc của các sa lông nghệ thuật thành phố. Ông vội vã về Paris. Từ cuộc sống độc lập và giàu có của một nhà ngoại giao và “gentilhomme ordinaire” [“quý ông bình thường”], ông thấy mình bổng nằm trong danh sách người di dân. Ông chứng kiến nhà cửa và tài sản của mình bị xung công.
Nghèo khổ, bị ruồng bỏ, và phản bội khắp nơi, ông vất vưởng nơi các khu tồi tàn của Paris, kiếm sống lây lất bằng nghề bán tranh mình vẽ. Ông lang thang quanh các chợ, chứng kiến quá nhiều cái đầu lăn long lóc tại Place de Grève, trong đó có đầu một số người bạn, cho đến khi cuối cùng ông tìm được một sự bảo hộ không ngờ đến từ Jacques Louis David, họa sĩ lớn của Cách mạng. Ông được giao công việc chạm khắc những phác họa y phục của David, được dự tính cho việc cách mạng hóa phong cách ăn mặc của Pháp. Công việc này giúp ông chiếm được sự tín nhiệm của “người bất hoại”. Chẳng bao lâu ông được trả lại tài sản, và tên ông được loại ra khỏi danh sách thành phần bị trục xuất. Ông có dịp quen với hoàng hậu Josephine xinh đẹp và tạo được ấn tượng với Napoleon, và được cho tháp tùng trên chuyến viễn chinh Ai Cập.
Ông trở về từ đất nước sông Nile thành một người được trọng vọng và tin cậy. Ông được phong làm tổng giám đốc tất cả bảo tàng viện. Khi Napoleon tiếp tục khẳng định quyền lực của mình trên chiến trường Âu châu, Denon theo đuôi ông sít sao. Ông cuỗm các tác phẩm nghệ thuật nhân danh hoạt động sưu tập, và ông cứ tiếp tục như vậy cho đến khi một ít bức tranh nhạt nhẽo đầu tiên trở thành một trong những món trang trí cao quí nhất của Pháp. Thấy mình thành công cỡ nào khi vẽ vời tranh màu, tranh chì, ông nghĩ mình có thể làm được tương tự trong lãnh vực văn chương. Tại một cuộc họp mặt văn nghệ các văn hữu tranh luận về vấn đề là không thể nào sáng tác một chuyện tình hiện thực mà không sử dụng tình dục. Denon cá rằng mình có thể làm được việc ấy. Trong vòng 24 giờ ông đã hoàn tất Điểm của Ngày Hôm Qua. Tập truyện vừa này đã tìm được cho ông một chỗ đứng trong văn đàn. Những người sành sỏi tuyên bố đó là một tác phẩm tinh tế thuộc thể loại này. Sau đó Balzac [nhà văn lớn của Pháp: ND] cho nó là “một quyển sách giáo dục cho các ông có vợ, và cho giới trẻ một bức tranh tuyệt vời về tập tục của thế kỷ cuối cùng.”
Denon cũng viết Oeuvre Priapique [Tranh Tình Dục], ra mắt năm 1793. Đây là tuyển tập những bức tranh khắc bằng axit, và như tựa sách cho biết, nó trơ trẽn gợi dục. Về phương diện này cũng thú vị khi nhận xét rằng các nhà khảo cổ đã biên khảo về Denon hình như hoàn toàn không hay biết về lãnh vực khiêu dâm trong hoạt động của ông. Mặt khác, thậm chí một sử gia am hiểu về văn hóa như Eduard Fuchs, mà trong cuốn Lịch sử về Hành vi Đạo đức dành trọn một mục để bàn về văn khiêu dâm, rõ ràng là không biết là Denon đã đóng một vai trò quan trọng trong những ngày phôi thai của Ai Cập học.
Con người đa chiều và gây kinh ngạc trong vài phương diện này rõ ràng xứng đáng được hậu thế tưởng nhớ vì một kỳ công duy nhất. Napoleon chinh phục Ai Cập bằng lưỡi lê, và duy trì được một năm ngắn ngủi. Còn Denon chinh phúc vùng đất các Pha-ra-ông bằng cây bút chì của mình và duy trì nó mãi mãi. Chính là qua sức mạnh của đôi mắt và bàn tay thuần thục mà một lần nữa Ai Cập sống lại trong tâm thức của người hiện đại.
Ngay từ lúc cảm nhận lần đầu tiên hơi thở nóng hổi của sa mạc, Denon, con người ẻo lả của các sa lông, bổng bị vực dậy bởi sóng nhiệt tình cuồng si đối với mọi thứ thuộc về Ai Cập. Khi ông lang thang từ phế tích này đến phế tích kia, nhiệt tình này không hề giảm sút.
Ông đi theo đoàn quân của Desaix, và cùng với vị tướng này truy kích quyết liệt Murad, người cầm đầu quân Mameluke đang lủi trốn, qua cảnh hoang tàn của Thượng Ai Cập. Lúc này Denon đã 51 tuổi, đủ tuổi để là cha của Desaix. Vị tướng, cũng như các hàng ngũ sĩ quan, đều ưa thích Denon. Còn đám binh sĩ thì lấy làm lạ trước một người không đếm xỉa gì đến sự quá quắt của khí hậu. Có hôm ông thúc chú ngựa già nhỏ thó của mình vượt rất xa đội tiên phong của đòan quân, đám hậu quân còn lẹt đẹt phía sau. Ông ra khỏi lều từ lúc bình minh, ông phác họa ngay trên đường hành quân và trong doanh trại hàng đêm. Thậm chí khi đang dùng khẩu phần đạm bạc ông cũng để sổ tay hội họa ngay bên cạnh. Có lần, giữa hồi kèn báo động, ông bổng thấy mình xông ngay vào giữa một trận mai phục. Khi binh sĩ phản pháo, Denon cổ vũ họ xông vào cuộc bằng cách vung vẩy xấp giấy vẽ của mình. Rồi, nhận ra rằng một cảnh tượng đáng ghi lại đang phơi bày trước mắt, ông quên cả đạn pháo và hí hoái vẽ.
Cuối cùng ông đụng đầu với chữ tượng hình. Ông hoàn toàn mù trịt về chúng, và không ai trong đoàn quân của Desaix có thể thỏa mãn tính tò mò của ông. Mặc kệ, ông cứ vẽ những gì mình thấy. Và ngay lập tức, con mắt sắc sảo, nếu không muốn nói là bẩm sinh, đã phân biệt ba kiểu tượng hình khác nhau. Chữ tượng hình, ông nhận thấy, hoặc là được khắc chìm, hoặc chạm nổi thấp, hoặc chạm nổi cao. Ở Sakkara ông phác họa Kim Tự Tháp Bậc Thang, và ở Dendera những phế tích khổng lồ của thời kỳ Ai Cập cổ xưa. Không biết mệt mỏi ông vội vàng tới lui giữa các tàn tích tràn lan ở Thebes với 100 cổng, và thất vọng khi lệnh nhổ trại ban ra trước khi ông có thể nắm bắt mọi thứ bằng ngòi bút của mình. Chưởi thề điên tiết, ông cho gọi một số binh sĩ trong đơn vị ông và bảo họ cạo sạch những vết đất bám vào đầu một pho tượng làm ông chú ý. Ông tiếp tục phát họa trong khi đoàn quân đã lên đường từ lâu.
Chiến dịch đầy phiêu lưu cuả Desaix mang ông đến tận Aswan và thác nước đầu tiên của sông Nile. Tại Elephantine, Denon vẽ nhà nguyện duyên dáng với cột chống đỡ của Amenophis III. Bức phác họa tuyệt tác của ông là bức tranh duy nhất của nhà nguyện còn tồn tại, vì vào năm 1822 kiến trúc này bị phá sập. Khi đoàn quân quay trở về nhà, sau thắng lợi ở Sediman và Murad bị tiêu diệt, Nam tước Dominique Vivant Denon, với vô số bức vẽ chì, mang về Pháp một lô chiến lợi phẩm còn lớn hơn số của cải mà binh sĩ cướp bóc được của đoàn quân Mameluke. Tính nhạy cảm của Denon có thể đã bừng cháy vì sự kỳ bí của Ai Cập, nhưng sự phấn khích này không ảnh hưởng đến kỹ năng vẽ chính xác của ông. Cách vẽ của ông hiện thực dưới bàn tay của một nhà điêu khắc già dốc hết tinh lực đến từng chi tiết, không cần biết đến trường phái ấn tượng hay biểu hiện, cũng tỉnh bơ không đếm xỉa gì đến ý nghĩa mang tính chê bai của từ thợ vẽ. Các bức tranh chì của Denon trở thành một nguồn tư liệu vô giá cho ngành khảo cổ đương đại. Chúng cung cấp cơ sở cho một tác phẩm đầy thẩm mỹ trong ngành Ai Cập học, lần đầu tiên thuộc loại này, kiệt tác Mô Tả Ai Cập, trong đó khoa học bừng nở như một nỗ lực trí tuệ có hệ thống.
Trong khi đó ở Cairo Viện Ai Cập được thành lập. Trong lúc Denon bận bịu vẽ, những nghệ sỹ và khoa học gia khác của tổ công tác Napoleon đo đạc, tính đếm, điều nghiên, và thu thập bất cứ thứ gì mà mặt đất Ai Cập dâng hiến. Nội trên mặt đất không thôi, chất liệu bày ra trước tầm mắt bất chợt thừa mứa đến nỗi không còn động lực nào để khai quật. Ngoài những mô hình thạch cao, cả khối bản ghi nhớ đủ mọi loại, bản chép tay, tranh vẽ, và những bộ sưu tập các mẫu vật thú, cây cỏ, và khoáng sản, tổ hợp chất xám của Napoleon còn mang về nước một vài quách đá và 27 mảnh đá có chạm khắc, hầu hết là những mảnh vỡ của tượng đá. Có mặt trong số này là một thạch bia bằng đá bazan đen được mài bóng, chứa những chữ khắc thuộc ba dạng ngôn ngữ. Bảng đá nặng nề này trở nên nổi tiếng với tên Đá Rosetta, chìa khóa mở ra các bí ẩn của Ai Cập.
Nhưng vào tháng 9 năm 1801, khi thất thủ Alexandria vào tay quân Anh, Pháp phải giao nộp toàn bộ cho quân Anh những vùng đất ở Thượng Ai Cập mà họ đã chinh phục, và cùng với chúng là bộ sưu tập của cuộc viễn chinh về thời Ai Cập cổ đại. Tướng Hutchinson đảm nhận việc chuyên chở chúng về Anh. Với sự chỉ thị của vua George III những phẩm vật, tại thời điểm đó là đồ quí hiếm vào bậc nhất, được cất giữ tại Viện Bảo tàng Anh. Một năm ròng nỗ lực của người Pháp đã thành công toi, một năm trong đó một số học giả đã bị mất thị lực vì đại cục. Nhưng rồi người ta nhận ra rằng, không kể sự mất mát của bản gốc vào tay người Anh, tất cả mẫu vật trong bộ sưu tập đều được sao chép sít sao. Như vậy cũng có đủ chất liệu về được Paris cho một thế hệ học giả miệt mài nghiên cứu.
Thành viên đầu tiên trong đoàn thám hiểm sử dụng các vật phẩm này là Denon. Năm 1802 ông cho xuất bản tác phẩm kỳ thú Chuyến Du Hành đến Thượng và Hạ Ai Cập. Đồng thời một Francois Jomard bắt đầu biên soạn công trình to tát của mình, dựa theo các chất liệu mà các khoa học gia trong đoàn thu thập được, và đặc biệt là khối lượng tranh vẽ đồ sộ của Denon. Kiệt tác này, một sự kiện độc nhất trong lịch sử ngành khảo cổ, ngay lập tức tạo nên ấn tượng và lôi kéo sự chú ý của thế giới hiện đại về một nên văn hóa mà từ trước đến nay chỉ một số ít nhà du lịch biết đến, một nền văn hóa xa xăm và bí ẩn, nếu không muốn nói là hoàn toàn bị che giấu, như văn hóa thành Troy.

Một trong những vật phẩm đầu tiên của nghệ thuật Ai Cập, gọi là “Narmer palette,” gồm mặt trước và mặt sau. Nó khoảng 5,000 năm tuổi, và chắc hẳn mô tả chính Menes Đại Đế, người dựng nên triều đại đầu tiên, sau chiến thắng của ông trước kẻ thù từ Hạ Ai Cập.
Tác phẩm Mô Tả Ai Cập của Jomard được xuất bản trong bốn năm từ 1809 đến 1813. Mối quan tâm mà việc xuất bản 24 tập sách này gây ra chỉ có thể so sánh được với việc cho ra đời công trình đầu tiên của Botta về Nineveh và cuốn sách của Schliemann về thành Troy.
Trong thời đại của máy in quay ta không dể dàng đánh giá được ý nghĩa của sự tuyển chọn và biên soạn của Jomard, với nhiều tranh chạm khắc, một số được tô màu, và kỹ thuật đóng sách cao cấp. Bộ sách chỉ đến tay các nhà giàu, và họ gìn giữ như một kho báu kiến thức. Ngày nay, khi mỗi khám phá khoa học quan trọng hầu như lập tức được phổ biến khắp thế giới, hiệu quả được nhân gấp hàng triệu lần qua các phương tiện truyền thông như ảnh chụp, phim ảnh, và âm thanh, sự phấn khích mà các khám phá lớn gây ra đã loãng đi rất nhiều. Một tác phẩm xuất bản theo bén gót một tác phẩm khác, luôn cạnh tranh nhau giành giật sự chú ý, góp phần tạo ra một tiến trình theo đó mỗi người hiểu biết một chút về điều gì đó, nhưng không thực sự hiểu biết điều gì sâu sắc. Vì thế thật không dễ cho cho người hiện đại hiểu được những gì các độc giả đầu tiên của Jomard cảm thấy khi họ cầm lên quyển Mô Tả Ai Cập. Họ thấy trong đó những điều chưa hề được thấy trước đây, họ đọc được những điều mới mẻ tuyệt đỉnh, họ làm quen với một lối sống mà sự tồn tại của nó trước đây chưa hề được ngờ tới. Có nhiều khả năng tán thưởng hơn chính chúng ta, những độc giả đầu tiên này ắt hẳn đã trải nghiệm một cảm xúc choáng ngợp như thể bị đưa về hàng ngàn năm trước.
Vì Ai Cập cổ xưa, cổ hơn bất kỳ nền văn hóa nào khác trong thời điểm đó. Nó đã cổ xưa khi thể thức chính trị của Đế chế La Mã tương lai đang được hình thành qua những buổi họp trên Đồi Capitoline. Nó đã cổ xưa và tàn rụi khi các bộ tộc Đức và Celt ở các cánh rừng bắc Âu còn đang săn bắt gấu. Khi Triều đại Thứ nhất lên nắm quyền, cách đây khoảng 5,000 năm, lịch sử Ai Cập đã được định hình trong dòng thời gian, những thể dạng văn hóa đã tiến hóa trên vùng đất sông Nile. Và khi Triều đại 26 tiêu vong, phải mất thêm 500 năm nữa mới đến kỷ nguyên của chúng ta. Trong 500 năm đó, người Lybia cai trị Ai Cập, rồi người Ethiopia, người Assyria, người Ba Tư, người Hi Lạp, người La Mã – tất cả sự kiện này đều xảy ra trước khi ngôi sao chiếu sáng trên hang đá Bethlehem, nơi Jesus ra đời.
Tất nhiên, những kỳ quan đá của sông Nile đã được một số người biết, nhưng kiến thức của họ ít nhiều chỉ là truyền thuyết. Chỉ một số ít tượng đài Ai Cập đã được chở đến các bảo tàng viện trong những miền đất xa xôi và ra mắt công chúng. Trong thời Napoleon du khách ở La Mã có thể há hốc nhìn các tượng sư tử trên các bậc thang của điện Capitol. Y cũng có thể trông thấy các pho tượng của một số vì vua thời Ptolemy – tức là những tác phẩm về sau này, được hoàn thành trong thời kỳ khi sự tráng lệ của cổ Ai Cập đã được thay thế bằng nét huy hoàng mới của Hi Lạp ở Alexandria. Trong số các tượng đài thực sự tiêu biểu cho thời cổ Ai Cập còn ở La Mã là 12 cột tháp, cộng thêm một số hình chạm nổi trong vườn các hồng y. Thông thường hơn cả là các đồ trang sức hình bọ hung Ai Cập được dân sông Nile coi là linh thiêng. Những con bọ hung này có thời được sử dụng khắp Âu châu như một thứ bùa chú (xem hình), về sau như một món trang sức. Tất cả là vậy.
Và một chút có thể gọi là những chất liệu bác học giàu thông tin xác thực có thể tìm thấy trong các hiệu sách ở Paris; nhưng một bản dịch xuất sắc bộ năm tập của Strabo ra mắt vào năm 1805 cung cấp những luận thuyết đầy uy tín rộng rãi đến với mọi người, vốn trước đây chỉ trong tầm hiểu biết của học giả. Strabo du hành khắp Ai Cập trong thời Hoàng đế La Mã Augustus. Nhiều thông tin có giá trị hơn chứa trong tập sách thứ hai của Hetodotus, nhà du hành tuyệt vời của thời cổ. Nhưng ai đọc Herodotus? Có bao nhiêu người quen thuộc với một nhúm các tham khảo thậm chí còn có tính bí truyền và ít ỏi đối với Ai Cập trong các tác giả cổ?
“Ai che đậy thân mình bằng ánh sáng thay vì quần áo,” nhà Thánh thi nói. Vào buổi sáng sớm mặt trời mọc lên trên bầu trời xanh lạnh, và dong ruổi trên lộ trình của mình, vàng chói lóa, nóng như lửa thiêu, phản chiếu lên sa mạc những sắc nâu sẫm, đỏ son, trắng nhợt. Bóng đổ đen như mực đổ in như cắt trên mặt cát. Và về phía nơi có ánh nắng thừa thải bất tận này, nơi không có thời tiết, không mưa, không tuyết, không sương mù, và không mưa đá, nơi ít khi nghe tiếng rùng rùng của sấm hoặc thấy tiếng chớp lóe của sét – về phía sa mạc này, nơi sấy khô không khí đến tận xương, nơi không hạt mầm nào nảy nở, nơi đất đai không cho hoa trái, bị nghiền nát, dễ vỡ, khi vón cục đều giòn rụm, cuồn cuộn dòng sông Nile hùng vĩ, cha các con sông, ào ạt đổ về. Dòng sông vọt lên từ những chỗ sâu thẳm xa xăm của xứ sở và được nuôi dưỡng bằng những ao hồ và trận mưa nhiệt đới của vùng Sudan xa xôi. Trong mùa lũ lụt nó dâng tràn bờ, đổ nước vào lòng cát, nuốt trọn các miền đất hoang hóa, và phun ra bùn, phù sa tháng bảy. Sông đã làm như vậy hàng ngàn năm qua, mỗi năm dâng cao 52 bộ (chừng 14 mét). Biểu tượng của sự kiện này là nhóm tượng đá ở Vatican trong đó là tượng của 16 đứa trẻ, mỗi đứa biểu thị một En (đơn vị đo chiều dài bằng 113 cm) mực nước lũ. Khi lũ rút đi, sông Nile đã bảo hòa hóa đất đai khô cằn và lớp cát nóng cháy. Khi những lớp nước nâu đã lắng lại, cây xanh bắt đầu nẩy mầm. Mạ non xuất hiện, mang đến mùa bội thu gấp hai và gấp bốn và đem lại “những năm sung túc” nuôi sống dân chúng trong những “năm đói kém”. Mỗi năm là một Ai Cập mới trỗi dậy, “món quà từ sông Nile”, như Herodotus đã mô tả sự kiện cách đây 2,500 năm, giỏ bánh mì của thời cổ đại. Tận La Mã xa xôi hoặc đói kém hoặc ăn uống phủ phê, đều tùy thuộc vào lòng hào phóng của sông Nile.
Trong những thành phố nhiều tháp mọc lên từ những phong cảnh phỏng rộp vì nắng dân chúng thuộc những sắc dân và màu da khác nhau – người Nubian, Berber, Copt, Bedouin, Phi – chen chúc nhau qua những con phố chật hẹp, la hét bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, đón chào một thế giới của những đền thờ đổ mát, những sảnh cột, và lăng mộ.
Trong những cảnh hoang tàng không bóng đổ các kim tự tháp ngẫng đầu. Sáu mươi bảy kim tự tháp đứng trong vùng đất hoang quanh Cairo, dàn hàng quanh “Bãi Thao dượt của Mặt trời,”, là những lăng mộ quái dị của các vì vua. Chỉ một trong số chúng phải cần đến hai triệu rưỡi khối đá để xây dựng, mang đến tận nơi nhờ sức lực của hơn một trăm ngàn nô lệ làm việc quần quật trong hơn 20 năm.
Ở đó Tượng Nhân sư Gizeh nằm thu mình, lớn nhất trong các tượng cùng loại, nửa người, nửa sư tử. Bờm sư tử đã bị hủy hoại, mắt mũi chỉ còn là những lỗ thủng, vì quân Mameluke dùng đầu nó để làm bia tập bắn đại bác. Nhưng tại đó nó đã nằm yên hàng ngàn năm, phủ phục thi gan cùng tuế nguyệt, một khối lượng đá quá đồ sộ đến nỗi Thotmes, mơ ước được lên ngôi báu, đã tìm đủ chỗ để dựng giữa hai bàn chân nó một thạch bia to lớn.
Ở đó cũng sừng sững những cột tháp đầu nhọn nổi bật trên bầu trời trong như pha lê, đứng bảo vệ cổng đền thờ, vinh danh các thần linh và vua chúa. Một số ngón tay đá tuyệt đẹp này chỉ đến 91 bộ (chừng 30 mét) vào bầu trời. Cũng có những thạch mộ và lăng mastaba, các tượng “quan hành chánh địa phương” và tượng các Pha-ra-ông, các quách đá, cột và tháp môn, những bức chạm nổi và tranh vẽ. Những người đã từng cai trị vương quốc cổ xưa này bước vào cõi vĩnh hằng qua những bích họa, trong tư thế cứng nhắc, thở sự vĩ đại vào trong từng cử chỉ, luôn được mô tả với tư thế nghiêng và hướng đến một mục tiêu nào đó. “Cuộc sống của người Ai Cập,” người ta nói, “là một cuộc du hành vào cõi chết.” Nguyên tắc cứu cánh được đề cao quá mạnh trong các phù điêu trên tường đến nỗi một nhà triết học văn hóa hiện đại chỉ ra rằng “con đường” là biểu tượng nền tảng nhất của Ai Cập, có ý nghĩa ngang với “không gian” của Âu châu và “thân thể” của Hi Lạp.
Thực tế mà nói mọi vật thể trong cái nghĩa trang mênh mông này của quá khứ đều che phủ bằng chữ tượng hình. Những chữ tượng hình này gồm những dấu hiệu, hình vẽ, đường viền, gợi ý, tất cả kiểu dạng bí ẩn và bí mật. Tính tượng trưng của hệ thống truyền đạt kỳ lạ này lấy cảm hứng từ người, thú, cây cỏ, trái, dụng cụ cơ học, vải quần áo, vật dụng, vũ khí, dạng hình học, những đoạn dợn sóng và ánh lửa. Chữ tượng hình có đầy trên bức tường các đền thờ, và phòng an táng, trên bia tưởng niệm, quách, thạch bia, trên các pho tượng thần linh và người phàm, trên hộp gỗ và bình gốm. Ngay cả giá để bút mực và gậy chống cũng mang chữ tượng hình. Người Ai Cập hình như thích viết hơn bất cứ dân tộc nào khác. “Nếu có ai ngồi sao chép lại tất cả chữ khắc trong đền thờ Edfu

Mặt tiền đền thờ Edfu ở Aswan
Jomard mở ra thế giới tráng lệ này cho người Âu châu nhanh chóng thức tỉnh trước những kỳ quan của khoa học và kỳ quan của quá khứ. Nhờ Caroline, em gái Napoleon, việc khai quật thành phố Pompeii được thúc đẩy với nhiệt tình mới mẻ. Qua Wickelmann, các học giả học được những kiến thức sơ đảng của khảo cổ học và hăng hái bắt tay vào việc giải mã những bí ẩn của thời cổ đại.
Đành rằng cuốn Mô Tả chứa một gia tài các hình vẽ, bản sao, và bản mô tả, các tác giả không thể giải thích chúng, vì điều đó vượt quá năng lực họ. Khi, thỉnh thoảng, họ thử cố suy đoán, nhưng đều sai. Bởi vì những di vật sắp xếp trong sách chính chúng cũng câm lặng, và vẫn mãi ngoan cố. Thứ tự nào áp đặt lên chúng đều thuần túy trực giác, vì không ai có chút khái niệm phải giải đoán chúng một cách cụ thể và thực nghiệm như thế nào. Chữ tượng hình đơn giản không thể đọc được, cũng như chữ hieratic và demonic, vốn là dạng đơn giản hóa của chữ tượng hình.1 Ngôn ngữ viết hoàn toàn xa lạ với mắt người Âu châu. Cuốn Mô Tả giới thiệu một thế giới hoàn toàn mới mà, đối với những quan hệ nội tại, trật tự tự nhiên và ý nghĩa của nó, là một điều bí ẩn hoàn toàn.
Trong thời của Jomard, người ta tự hỏi có thể còn thiếu một thứ gì đó mới có thể giải được bí ẩn của chữ tượng hình. Nhưng điều này liệu có thể không? De Sacy, nhà Đông phương học lớn, cho rằng “bài toán quá phức tạp, không thể giải được về mặt khoa học.” Trái lại không thể chối cãi được khi một giáo viên Đức vô danh với tên Grotfend ở Gottingen, đã viết một bài báo chỉ ra một cách đúng đắn con đường đi đến việc giải mã chữ viết hình nêm của Persepolis. Phương pháp của ông ta đang cho thấy kết quả. Và trong khi Grotefend có rất ít tư liệu để nghiên cứu, giờ có vô số các bản khắc chữ tượng hình có sẵn để khảo sát. Hơn nữa, một người lính của Napoleon tình cờ tìm thấy một phiến đá bazan đen quí báu. Thậm chí các phóng viên đầu tiên báo cáo về vật tìm thấy này biết ngay rằng Đá Rosetta là chìa khóa để giải bài toàn về chữ tượng hình Ai Cập. Nhưng ai là người biết cách sử dụng bia đá này?
Chẳng bao lâu sau việc khám phá bia đá nổi tiếng một bài báo viết về nó xuất hiện trong tập san Thư Tín Ai Cập, phát hành vào ngày viết theo kiểu Cách mạng: Tháng Fructidor ngày 29, năm thứ VII Cộng Hòa [Fructidor là tên tháng 12 theo lịch thời Cách mạng Pháp: ND]. Bằng một sự tình cờ hiếm có nhất, tờ báo về Ai Cập này có mặt trong ngôi nhà cha mẹ của người đàn ông mà mà, hai mươi năm sau đó, trong một công trình có một không hai của bậc thiên tài, đã thực sự đọc được chữ ghi chép trên bia đá đen và nhờ đó giải đáp được bài toán về chữ tượng hình
1 Chữ Demonic là một dạng đơn giản hóa hoặc phổ biến của chữ viết hieratic, và ngược lại hieratic lại là một dạng thu gọn của chữ tượng hình. Hieratic được sử dụng trong văn bản thế tục hoặc tôn giáo, cho đến khi chữ demonic xuất hiện và trở nên phổ biến, còn hieratic về sau chỉ dành cho các hoạt động tôn giáo.

Napoleon Bonaparte và Vivant Denon

Bức họa nhân sư của Denon

Sông Nile, con sông dài nhất thế giới, phúc thần của Ai Cập

Kim Tự Tháp Bậc Thang Djoser ở Saqqara
- CHAMPOLLION (I): BÍ ẨN CỦA BIA ĐÁ ROSETTA
Khi Tiến sĩ Franz Joseph Gall, nhà não tướng học, đang chu du qua Pháp để quảng bá học thuyết cho rằng có thể dựa vào chỗ gồ trên sọ để biết được cá tính của một người. Trên lộ trình này ông khiến dân chúng kinh ngạc và chế giiễu, khi thì được tôn vinh, lúc thì bị vu khống. Rồi tại một ngôi nhà nào đó ở Paris ông được giới thiệu với một sinh viên trẻ, người ngay lập tức có hứng thú với ông. Theo thói quen nghề nghiệp ông ta liếc nhìn đầu chàng trai trẻ. Ông choáng người trước hình thể của nó. “Ồ,” ông kêu lên, “thật là một thiên tài về ngôn ngữ!” Có thể vị tiến sĩ đã nắm trước được thông tin về chàng thanh niên không chừng, vì tại thời điểm đó chàng trai 16 tuổi này đã làm chủ nửa tá ngôn ngữ Đông phương cũng như tiếng Latinh và Hi Lạp.
Cũng ngạc nhiên không kém là lý lịch nơi sinh quán của Champollion được ghi lại trong một tiểu sử đầy hư cấu vốn được ưa chuộng vào thế kỷ 19. Vì không có chứng cứ để phản biện câu chuyện đầy màu sắc này, nên buộc lòng phải theo đó mà kể ra đây chân dung của một nhân vật gây tranh cãi, người mà ngành khảo cổ chịu ơn rất nhiều.
Trong thị trấn nhỏ Figeac của Pháp, bà vợ của người bán sách Jacques Champollion nằm trên giường, liệt người, không thể cử động được. Khoảng giữa năm 1790 sau khi các bác sĩ thông thường đã đầu hàng, chịu không chữa trị được, Jacques cho mời thuật sĩ Jacqou đến. Thị trấn Figeac tình cờ nằm trong vùng Dauphine, thuộc miền đông-nam nước Pháp, và được biết dưới biệt danh Địa Hạt có Bảy Phép Mầu. Vùng Dauphine là một trong những khu vực đẹp nhất của đất nước, một nơi mà Chúa Trời có thể được kì vọng đặt chân đến. Dân Dauphine thuộc một sắc tộc bảo thủ, cứng cỏi, không dễ gì khích động ra khỏi trạng trạng ù lì, nhưng một khi tỉnh thức, thì họ có thể trở nên cuồng tín dữ dội. Họ theo đạo Thiên chúa và cả tin theo phép lạ và điều huyền bí.
Theo chứng cứ của một vài nguồn tin, nhà thuật sĩ Jacqou đặt người phụ nữ bệnh nặng lên một lớp cây thuốc hơ nóng, và bắt uống rượu vang nóng. Y nói, nếu bà làm theo lời căn dặn của y, bà sẽ mau chóng lành bệnh.
Hơn nữa, trước sự kinh ngạc của gia đình, ông còn tiên đoán bà sẽ hạ sinh một đứa con trai, hiện giờ đang nằm trong bụng bà, sau này sẽ lừng lẫy tiếng tăm và được tưởng nhớ đến qua nhiều thế kỷ.
Vào ngày thứ ba người phụ nữ lâm trọng bệnh ngồi dậy và bước ra khỏi giường. Vào ngày 23/12/1790, lúc hai giờ sáng, Jean Francois Champollion ra đời, người được trao cho số mệnh giải mã chữ tượng hình.
Nếu, theo như lời đồn, các con cái của quỷ có bàn chân hai ngón, thì không có gì ngạc nhiên khi tìm thấy những dấu hiệu ít ỏi về ảnh hưởng tiền sinh sản mà nhà thuật sĩ đã tiên đoán. Khi xem xét hài nhi gia đình phát hiện là giác mạc của nó có màu vàng, một đặc điểm thông thường của các dân tộc phương Đông và hiển nhiên là điều bất thường vào bậc nhất đối với người Âu châu phương Tây. Hơn nữa, nó có sắc da gần như rám nắng, và khung mặt dứt khoát là thuộc phương Đông. Hai mươi năm sau mọi nơi đều biết anh dưới biệt danh “người Ai Cập.”
Jean-Francois Champollion là con trai của Cách mạng Pháp. Nền Cộng hòa được công bố tại Figeac vào tháng 9 năm 1792. Từ tháng 4 năm 1793 là thời kỳ Khủng Bố ngự trị. Gia đình Champollion sống trong ngôi nhà chỉ cách khoảng ba chục bước chân là đến quảng trường Place d’Armes – quảng trường này về sau mang tên thằng bé – nơi trụ cột tự do đã được dựng lên. Những âm thanh mà Jean-Francois còn nhớ mình đã nghe là tiếng âm nhạc ồn ào của bài hát Carmagnole thịnh hành và tiếng khóc than của đám tị nạn tìm sự an toàn khỏi đám đông bị kích động trong ngôi nhà của cha mình, trong đó có vị tu sĩ là gia sư đầu tiên của anh.
Jean-Francois khi mới năm tuổi, theo một nhà viết tiểu sử quá ngưỡng mộ cho biết, đã thành tựu kỳ tích giải mã đầu tiên: em đã tự tìm ra cách đọc bằng cách so sánh danh sách các từ ngữ em đã thuộc lòng với văn bản chữ viết. Chỉ mới vừa lên bảy lần đầu tiên em nghe được cái tên Ai Cập thần bí, một cái tên đối với một đứa trẻ nhạy cảm gợi nhớ đến ảo giác bí ẩn; còn đối với người anh trai lớn hơn em 12 tuổi, Jean-Jacques, là niềm hi vọng được tháp tùng đoàn viễn thám của Napoleon đến miền đất cổ Ai Cập, nhưng rồi tan vỡ vào phút cuối cùng.
Chàng trai trẻ Champollion, theo lời đồn cũng như các chứng cứ được ghi chép, không học hành tốt khi ở Figeac. Để cứu vớt tình trạng này người anh, giờ đã là một nhà ngữ pháp tài năng quan tâm nhiều đến khảo cổ, vào năm 1801 dẫn em đến Grenoble và tự trang trải tiền học cho em mình. Khi vào tuổi 11 Francois nhanh chóng bộc lộ tài năng hiếm có trong tiếng Latinh và Hi Lạp, và bắt đầu dốc toàn lực nghiên cứu tiếng Hebrew với sự thành tựu đáng kinh ngạc, người anh liền quyết định che giấu tài năng của riêng mình để tài năng của thằng em có thể sáng chói rực rỡ hơn. Từ lúc này trở đi anh tự gọi mình là Champollion-Figeac, sau đó chỉ là Figeac. Sự khiêm cung và tin tưởng vào tương lai rạng rỡ của đứa em thật là đáng quý khi nhớ rằng tự anh cũng đã có ít nhiều tiếng tăm.
Cùng năm đó Jean-Baptise Fourier, nhà toán học và vật lý nổi tiếng, có cuộc đàm thoại với đứa bé nhiều biệt tài về ngôn ngữ. Fouriet đã tháp tùng đoàn viễn thám Ai cập và về sau giữ chức thư ký tại Viện Ai Cập ở Cairo. Ông cũng được chính phủ quân sự Pháp ở Ai Cập ủy nhiệm chức trưởng quyền tài phán và là người đề xuất hàng đầu trong ủy ban khoa học. Vào thời điểm này ông là quận trưởng Isere và cư ngụ tại thủ phủ Grenoble, tại đó ông nhanh chóng qui tụ được một số các trí thức tài năng. Trong một lần đi thị sát trường học ông có dịp tranh luận với Francois và ấn tượng với trí thông minh vuợt trội của cậu học trò nhỏ. Sau đó ông mời cậu đến nhà và khoe bộ sưu tập Ai Cập của mình. Chàng thiếu niên có nước da đậm lập tức mê mẩn các cuộn thư tịch giấy cói và các bảng khắc chữ tượng hình trên các bảng đá mà lần đầu tiên mình nhìn thấy. “Có ai đọc được những chữ này chưa?” cậu hỏi. Fourier lắc đầu. “Cháu sẽ làm việc ấy,” Champollion tuyên bố với sự tự tin mạnh mẽ. “Trong vài năm nữa cháu có thể làm được. Khi cháu lớn lên.” Nhiều năm sau cậu thường nhắc đến sự kiện này.
Tức khắc giai thoại này khiến ta nhớ đến một chàng trai khác đã thổ lộ với cha mình: “Con sẽ tìm ra thành Troy.” Cả hai đều biểu lộ một niềm tin sắt đá, một đoan chắc hoang dại. Vậy mà hai giấc mơ thời trẻ của họ đã được thực hiện theo hai cách khác nhau làm sao. Trong khi trọn đời mình Schliemann vẫn mãi là một người tự học; thì Champollion lại không bao giờ lệch khỏi lộ trình giáo dục chính thống đến một phân, cho dù tri thức của ông phát triển với tốc độ mà chẳng mấy chốc bỏ xa các bạn đồng học tít phía sau. Trong khi Schliemann khởi đầu công việc mà không có bất kỳ công cụ kỹ thuật nào, thì Champollion hầu như trang bị cho mình mọi vốn hiểu biết mà thế kỷ có thể mang lại.
Người anh giám sát việc học tập của em. Ông cố gắng kềm chế cơn đói khát kiến thức điên cuồng của cậu, nhưng không thành công. Champollion khám phá mọi lãnh vực ngóc ngách của hiểu biết, nhảy từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Vào tuổi 12 cậu đã trứ tác quyển sách đầu tiên của mình, Truyện các Chú Chó Nổi Tiếng. Nhận thấy sự nghiên cứu lịch sử của mình bị ngán trở bởi sự thiếu vắng các tập san được sắp xếp thứ tự, cậu tự tạo một bảng biên niên sử cho riêng mình mà cậu gọi là “Biên niên sử từ Adam đến Champollion Trẻ.” Khi người anh cả đã lùi bước để nhường ánh đèn vinh quang chỉ rọi sáng Jean-Francois, cậu bé đáp trả sự ca tụng bằng cách tự xưng mình là “Champollion Trẻ”, để nhắc với thiên hạ là còn có một Champollion khác mà cậu noi theo.
Khi lên 13 cậu bắt đầu học chữ Ả Rập, Syria, Chaldean, và cuối cùng chữ Coptic. Về phương diện này, thật ngạc nhiên khi mọi thứ cậu học hay làm, và đúng ra mọi thứ tình cờ lọt vào tay cậu không phải do tìm kiếm, đều phần nào có liên quan đến chủ đề Ai Cập. Bất cứ vấn đề gì cậu chủ tâm giải quyết, đều hình như dẫn dắt cậu đến với một số vấn nạn về Ai Cập. Cậu sử dụng tiếng Trung Hoa cổ để mong tìm ra sự kết nối giữa thứ ngôn ngữ ấy với tiếng Ai Cập Cổ. Cậu nghiên cứu những bản trích văn bản từ các ngôn ngữ Zend, Pahlavi, và Parsi – những tài liệu ngôn ngữ quí hiếm lưu trữ tại Grenoble mà chỉ nhờ Fourier can thiệp mới được phép sử dụng. Đã sử dụng mọi nguồn tư liệu mà mình có thể mó tay vào, vào mùa hè năm 1807, khi mới 17 tuổi, Champollion vẽ nên sơ đồ lịch sử đầu tiên về vương triều Pha-ra-ông.
Sự nỗ lực táo bạo này đáng để trân trọng khi ta biết rằng cậu không có nguồn tư liệu nào để tham khảo khác hơn là Kinh thánh, các văn bản cắt xén của các ngôn ngữ Latinh, Ả Rập, và Hebrew, và những bản đối chiếu với ngôn ngữ Coptic, thứ ngôn ngữ duy nhất cung cấp một đường liên kết với tiếng Ai Cập Cổ. Tiếng Coptic đã thực sự được nói ở Thượng Ai Cập đến tận thế kỷ 17.
Biết Champollion muốn gởi các nghiên cứu đến Paris, ban giảng huấn của trường trung học yêu cầu cậu viết về một đề tài do mình tự chọn. Họ chờ nhận được một bài tiểu luận trung học bình thường; thay vào đó Champollion trình lên nguyên một phác thảo cho cả một cuốn sách có tựa đề: Ai Cập dưới thời các Pha-ra-ông.
Vào tháng 9 năm 1807 cậu đọc phần giới thiệu của công trình dự tính này. Cả ban giảng huấn của trường đã tề tựu để lắng nghe cậu học trò mảnh dẻ này trình bày. Cậu đứng trước mặt họ thẳng người và nghiêm túc, gương mặt bừng sáng với nét đẹp sôi nỗi của thần đồng. Những ý tưởng của cậu tuôn tràn theo từng chuỗi những chủ đề táo bạo, thúc đẩy bằng những luận điểm mạnh mẽ. Các giáo sư bàng hoàng đến nỗi họ bầu chọn cậu tham gia vào hội đồng giảng huấn ngay tại chỗ. Renauldon, hiệu trưởng trường, đứng lên, ôm chấm lấy Champollion. “Khi đồng ý chọn em làm thành viên ban giảng huấn, chúng tôi ghi nhận những thành tựu của em đến giờ phút này,” ông phát biểu. “Nhưng hơn thế nữa chúng tôi kỳ vọng vào những gì em sẽ làm trong tương lai. Chúng tôi đều tin chắc là em sẽ minh chứng cho những kỳ vọng của chúng tôi, và khi em đã tạo nên tên tuổi của mình, đứng quên những người đầu tiên đã nhận ra thiên tài của em.”
Và chỉ qua một đêm Champollion đã nhảy từ vị thế học trò sang vị thế người thầy.
Rời trường học, Champollion ngất ngây vì sướng thỏa. Lúc này cậu đang là một thiếu niên đa cảm, một cá tính mãnh liệt thiên về các tâm trạng bi thương. Trong nhiều lãnh vực cậu đã được công nhận là thiên tài, và sự phát triển trí tuệ sớm của cậu đã được biết nhiều. Về thể trạng cậu cũng già trước tuổi. (Chẳng hạn, khi cậu quyết định kết hôn ngay khi ra trường trung học, đó không phải là trường hợp của tình yêu trẻ con chút nào.) Cậu biết mình đang bước vào một giai đoạn mới của sự nghiệp. Cậu mơ tưởng đến kinh đô ánh sáng Paris, trung tâm của toàn Âu châu, tâm điểm của chính trị và những cuộc phiêu lưu trí thức.
Lúc mà chiếc xe ngựa nặng nề chở hai anh em Champollion đã đi hơn 70 giờ và đang tiến gần đến Paris, Champollion hoàn toàn chìm đắm trong cảnh tượng tưng bừng, lơ lững giữa thực và mộng. Những cuộn giấy cói vàng ố trôi nổi trước mắt cậu, những tiếng nói từ hàng chục ngôn ngữ khác nhau thì thầm vào tai cậu. Cậu nghĩ về Đá Rosetta, một bản sao của nó cậu đã nhìn thấy khi được phép của Fourier. Những chữ tượng hình được khắc sâu trong đá ba san đã ám ảnh những ý tưởng rời rạc và rượt đuổi.
Theo một nguồn đáng tin cậy người ta cho rằng trên hành trình này của hai anh em đến Paris, Champollion thình lình chợt nảy ra những ý tưởng bí mật. Cậu thổ lộ với ông anh dự tính của mình, và giờ đây bất ngờ biết rằng sự thành tựu của niềm hi vọng này sẽ nằm chắc trong tầm tay mình. Đôi mắt đen bổng lấp lánh trên gương mặt lờ mờ khi cậu nói: “Em sẽ giải mã chữ tượng hình. Em biết là mình sẽ làm được.”
Một người có tên Dhautpoul được vinh danh vì đã phát hiện ra Đá Rosetta. Nguồn tin khác cho rằng đó là Bouchard, nhưng một cuộc điều tra kỹ hơn tiết lộ rằng Bouchard chỉ là một viên chức cai quản trực tiếp một đám nhân công đang làm việc tại di tích Pháo đài Rachid; bản thân y không tìm được tảng đá. Pháo đài này – người Pháp đặt tên lại là Pháo đài Julien – tọa lạc cách Rosetta bốn hay năm dặm về phía tây bắc, nằm trên bờ sông Nile. Cũng gã Bouchard này lãnh nhiệm vụ chở phiến đá về Cairo.
Đá Rosetta đúng ra là được một binh sĩ vô danh đào lên. Có thể suy đoán là anh cũng thuộc loại người có học, hay ít nhất đủ lương tri để nhận ra sự quí hiếm và giá trị của thạch bản. Cũng có thể anh ta dốt nát và mê tín, đến độ lầm tưởng những chữ khắc trên bia đá là bùa chú phù thủy, khiến anh cuống cuồng đến độ gây sự chú ý của Bouchard đối với cổ vật.
Đá Rosetta có kích thước cỡ mặt bàn, dài khoảng 115 cm và rộng 72 cm và dày chừng 28 cm. Nó làm bằng đá ba san bóng láng, búa đập không vỡ. Trên một mặt bóng láng là ba cột chữ viết, đã bị hai ngàn năm cát bụi bào mòn một phần. Cột đầu tiên, gồm 14 hàng, là những chữ tượng hình; cột thứ hai, gồm 32 hàng, viết bằng ký tự demonic và cột thứ ba, 54 hàng, viết bằng tiếng Hi Lạp.
Tiếng Hi Lạp! Vậy là có thể đọc được và hiểu được.
Một vị tướng của Napoleon, có thiên hướng Hi Lạp, ngay lập tức đảm trách việc dịch ra cột tiếng Hi Lạp. Ông thấy rằng thông điệp ghi lại một chỉ thị của giới tăng lữ Ai Cập, được ban hành vào 196 trước C. N, ca tụng Ptolemy Epiphanus vì những phúc lợi mà ông đã mang lại.
Cùng với những chiến lợi phẩm khác, bia đá, sau khi Alexandra thất thủ, đã lọt vào tay người Anh và được mang về Bảo tàng London. May thay, trước khi giao nộp, người Pháp đã sao chép văn bản bằng thạch cao, cùng với tất cả những cổ vật khác. Những bản sao này được đưa về Paris. Các học giả quây quần chung quanh và bắt đầu đối chiếu.
Sự sắp xếp văn bản cho thấy ngay ba cột đều mang một ý nghĩa như nhau viết bằng ba thứ tiếng. Tạp chí Thư tín Ai Cập gợi ý đây chính chìa khóa mở các cánh cổng đến vương quốc đã chết, một khả năng có thể “giải đoán Ai Cập qua tiếng Ai Cập.” Một khi các chữ khắc Hi Lạp được dịch ra, chắc sẽ không còn nhiều khó khăn khi bắt cầu nối giữa ký tự tượng hình và chữ viết Hi Lạp.
Các bộ óc kiệt xuất nhất của thời đó lao vào thử thách, ở Anh (sử dụng Đá Rosetta nguyên bản) và cũng ở Đức, ở Ý, và ở Pháp. Nhưng không kết quả. Một người rồi tất cả đều đưa ra những giả định sai lầm. Sai lầm của họ là đọc chữ tượng hình một phần theo những ý niệm chủ quan của Herodotus. Đây là một trong những quan niệm sai lầm điển hình đã kéo dài qua quá trình phát triển lịch sử của nhân loại. Muốn đào sâu vào bí ẩn của chữ viết Ai Cập, phải cần thay đổi quan điểm triệt để kiểu Copernicus [khi ông xem mặt trời mới là trung tâm của thái dương hệ chứ không phải là trái đất như quan điểm của thời cổ và của nhà thờ], phải cần một cảm hứng bùng nổ phá vỡ mọi rào cản của truyền thống].
Người anh, Champollion-Figeac, có người thầy cũ tên là de Sacy sống ở Paris. De Sacy, mặc dù có vẻ ngoài luộm thuộm, lại là một học giả có tiếng tăm quốc tế. Khi Figeac dẫn đứa em, lúc này đã 17 tuổi, đến gặp de Sacy, cậu xử sự như thể trước mặt mình là người ngang hàng. Đúng ra với de Sacy cậu cũng xử sự như với Fourier khi lần đầu mới gặp con người tiếng tăm này ở Grenoble cách đây khoảng sáu năm.
De Sacy có vẻ hơi nghi ngại thần đồng từ tỉnh lẻ. Đã vào tuổi 49, và là nhà lãnh đạo trí thức của thời đại mình, thoạt đầu ông không biết làm gì với chàng thanh niên mới lớn này, người mà, trong bài viết Ai Cập dưới thời các Pha-ra-ông mà ông chỉ mới nhìn vào phần giới thiệu, đã mường tượng một dự án mà ngay chính tác giả cũng công nhận sẽ không hoàn thành được trong thời đại mình. Vậy mà mãi sau này, nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên với Champollion, de Sacy cho biết người thành niên đó đã tạo “một ấn tượng sâu đậm” đối với mình. Và không có gì ngạc nhiên! Cuốn sách trên gần như được hoàn tất vào cuối năm mà hai người gặp nhau. Chàng thanh niên 17 tuổi đã tranh thủ được quyền được công chúng biết tiếng mà bảy năm sau đó cậu sẽ nhận được sự đón chào nồng nhiệt sau khi cuốn sách được xuất bản.
Champollion lao mình vào việc nghiên cứu. Xa lánh hoàn toàn những thú vui của Paris, cậu vùi mình trong các thư viện, chạy từ học viện này đến học viện khác, học tiếng Sanscrit, Ả Rập, và tiếng Ba Tư – “ngôn ngữ Ý của Đông phương,” theo cách mà de Sacy hay gọi một cách thích đáng. Tóm lại, cậu chìm đắm trong mọi ngôn ngữ phương Đông, đặt nền tảng cho một sự hiểu biết tường tận những phát triển đặc thù của chúng. Trong lúc đó cậu viết cho ông anh nhờ kiếm cho mình một quyển văn phạm tiếng Hoa, “chỉ để giải trí,” theo như cậu nói.
Cậu thấu đáo cặn kẽ tiếng Ả Rập đến nỗi cách phát âm của cậu thực sự rất chuẩn. Tại một buổi họp mặt một người Ả Rập chào cậu theo kiểu salamm [kiểu chào cúi thấp và áp bàn tay phải lên trán của Hồi giáo: ND], vì ngỡ cậu là người thuộc chủng tộc mình. Chỉ qua sách vỡ cậu thụ đắc một vốn hiểu biết thấu đáo về Ai Cập đến nỗi nhà du lịch Phi châu nổi tiếng Somini de Manencort, sau một lần chuyện vãn với chàng trai trẻ, đã thốt lên: “Cậu ta am hiểu về những xứ sở mà chúng tôi trao đổi không kém gì tôi!”
Chỉ một năm sau cậu nói và viết tiếng Coptic đã thành thạo đến nỗi – “Tôi nói tiếng Coptic cho tôi nghe,” cậu nói – để thực tập cậu viết nhật ký bằng tiếng Coptic. Việc kỳ lạ này, bốn mươi năm sau, đã gây ra một việc trớ trêu nổi tiếng. Một nhà khoa học Pháp lầm tưởng những bản ghi chép này là những nguyên bản Ai Cập từ thời Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus và viết một bài bình giải về chúng. Việc này cũng tương tự như việc Giáo sư Đức Beringer long trọng tuyên bố một vài đoạn xương cốt mà lũ học trò ở Wurzburd dàn dựng làm trò đùa là những hóa thạch thời cổ đại.
Trong thời gian sống ở Paris Champollion gặp rất nhiều gian nan. Nếu không có lòng hào hiệp và chăm sóc tận tình của ông anh, cậu đã thực sự chết đói. Cậu sống trong một căn phòng chật hẹp tồi tàn gần Bảo tàng Louvre, với số tiền thuê là 18 quan một tháng. Thậm chí số tiền nhỏ nhoi đó cậu cũng không kiếm ra được, cậu viết thư nài nĩ ông anh, than thở là mình đã hết cách, ngay cả giật gấu vá vai cũng không thể. Ông anh trả lời là chắc ông phải cầm cố thư viện của mình trừ khi Francois cắt giảm chi phí. Cắt giảm ư? Cắt thêm nữa ư? Giày cậu đã mòn vẹt, áo sống đã tả tơi. Tình cảnh đã tồi tệ đến mức cậu xấu hỗ khi ló mặt ra đường. Mùa đông đến khắc nghiệt một cách bất thường và cậu ngã bệnh. Khi nằm vùi trong căn phòng ẩm ướt, lạnh lẽo, mầm bệnh đã được gieo, căn bệnh cuối cùng sẽ lấy mạng cậu. Nếu không nhờ hai thành tựu nho nhỏ cậu đã hoàn toàn ngã quỵ vì tuyệt vọng.
Như để làm trầm trọng thêm thảm cảnh của cậu, Hòang đế cần nhiều binh lính hơn và vào năm 1808 ban lệnh động viên tất cả nam thanh niên trên 16 tuổi. Champollian hoảng loạn. Cốt cách yếu đuối của cậu không thể kham nổi sự gắng sức thân xác. Mặc dù có năng lực theo đuổi những hoạt động trí óc nghiệt ngã nhất, cậu luôn rùng mình khi nhìn từng đoàn vệ binh diễu hành, những con tốt trong một cỗ máy san bằng tất cả những khác biệt cá nhân. Há chẳng phải Winckelmann đã chịu thống khổ khi bị quân đội đe dọa nuốt chững hay sao? “Có những ngày,” Francois viết cho Figeac trong não nề, “em gần như phát điên.”
Ông anh, sẵn sàng đưa tay giúp đỡ như bao giờ, vượt bao trở ngại để bảo vệ Champollion. Ông tranh thủ những giúp đỡ của bạn bè, ông thảo đơn thỉnh nguyện, viết vô số bức thư. Kết quả là Champollion cuối cùng cũng có thể tiếp tục nghiên cứu những tử ngữ trong thời chiến đầy náo loạn.
Một vấn đề khác từng chiếm lĩnh tâm trí cậu, giờ đây bắt đầu mê hoặc cậu khiến đôi lúc cậu quên bẳng mối đe dọa có thể bị tuyển mộ vào lính, là việc nghiên cứu Đá Rosetta. Về phương diện này cậu giống Schliemann, người đã hoãn lại việc học chữ Hi Lạp cho đến khi đã tự học nói và viết tất cả những ngôn ngữ Âu châu khác. Như Schliemann với tiếng Hi Lạp, thì Champollion với Đá Rosetta cũng thế. Dù những suy nghĩ của chàng trai trẻ luôn quay về với khối đá bí ẩn, nhưng tận đến bây giờ, cậu vẫn còn chần chờ, biết là mình chưa trang bị đủ kiến thức để giải quyết dứt điểm vấn nạn có tính quyết định đó.
Tuy nhiên, giờ đây, sau khi trông thấy một bản sao chép Đá Rosetta làm tại Anh, cậu bổng nhiên không thể hoàn toàn kềm chế lâu hơn được nữa. Nhưng cậu dằn lòng trong việc đối chiếu khối đá với một văn bản giấy cối nào đó thay vì xông vào việc giải mã thực sự. Nỗ lực đầu tiên của cậu dành cho bia đá đen khiến cậu có thể “tìm thấy một cách độc lập những giá trị đúng đắn cho nguyên một hàng từ.” “Em gởi đến anh giai đoạn đầu tiên để anh xem xét,” cậu viết cho ông anh vào ngày 30/8/1808. Khi đó cậu mới 18 tuổi. Lần đầu tiên người ta có thể cảm nhận được nỗi kiêu hãnh của nhà khám phá trẻ tuổi lấp ló bên dưới sự giải thích nhún nhường điển hình về phương pháp của mình.
Trong khi cậu đã đi được những bước đầu tiên, và biết rằng mình đang đi đúng hướng trên con đường đưa đến thành công và tiếng tăm, không nề hà gian khổ và sự kích bác, thì bổng nhận được một tin làm cậu choáng váng. Tin tức đó chực hủy diệt sự chuẩn bị công phu và niềm hi vọng đang chấp cánh: chữ tượng hình đã được giải mã.
Sau phút choáng váng, cậy lấy lại bình tĩnh. Cậu bước qua đường phố hướng về trường College de France, và đụng đầu với người bạn đã bắn tin cho cậu, cái tin mà y không ngờ đã làm cậu bủn rủn. Champollion mặt xanh mét, lảo đảo, phải vịn vào bạn để khỏi quỵ xuống. Mọi điều cậu sống, suy nghĩ và chịu đói khát vì nó đã tan theo mây khói.
“Chính Alexandre Lenoir,” anh bạn cho biết, “Sách của ông ấy vừa phát hành, chỉ là một cuốn mỏng. Ông ta đặt tựa là Cách Giải Thích Mới. Trong đó ông ta đã giải mã tất cả chữ tượng hình. Hãy nghĩ xem việc đó có nghĩa là gì!”
Đúng vậy, hãy nghĩ xem việc đó có nghĩa là gì!
“Lenoir à?” Champollion hỏi. Cậu lắc đầu, mắt ánh lên một tia hi vọng.
Chỉ mới hôm qua cậu đã gặp Lenoir. Cậu đã quen ông ấy khoảng sáu tháng. Lenoir là một học giả có năng lực, nhưng còn lâu mới là thiên tài. “Không thể nào,” Champollion nói. “Có ai nói với mình chuyện giải mã gì đâu. Thậm chí chính Lenoir cũng không đề cập đến việc ấy.”
“Việc đó làm cậu ngạc nhiên à. Một khám phá vĩ đại như thế ai mà không giữ mồm giữ miệng chứ?
Champollion đột ngột lùi lại. “Tiệm sách ở đâu?” cậu hỏi. Rồi cậu vắt giò lên cổ mà chạy. Với đôi bàn tay run run đếm số tiền bày ra trên mặt quầy bụi bặm. Cuốn sách mỏng của Lenoir rất ít người mua. Rồi cậu chạy nhanh về phòng trọ, ngã người trên ghế nệm dài, và bắt đầu đọc. . .
Trong bếp bà chủ nhà Mecran đang đặt chiếc chảo trên kệ bếp, bổng giật bắn người khi nghe một tiếng hét kinh khiếp từ phòng trọ bay đến. Bà lắng nghe một lúc trong lòng khiếp đảm, rồi chạy vội đến cửa phòng và nhìn vào. Francois Champollion đang nằm trên ghế xôfa, toàn thân rung động từng hồi. Cậu ta đang cười và cười, từng hồi một cách điên cuồng.
Cậu đang có trong tay tác phẩm của Lenoir. Giải mã chữ tượng hình? Ngọn cờ chiến thắng đã được dựng lên quá sớm! Quyển sách của Lenoir chỉ toàn là những điều vô nghĩa, ngụy tạo tùy tiện, một sự pha trộn viễn vông giữa óc tưởng tượng và sự uyên bác lạc lối. Champollion có đủ trình độ để nhận ra điều này.
Đúng là cú đấm thông tin ấy quả là khủng khiếp, và Champollion không bao giờ quên cảm giác ấy. Phản ứng hoảng loạn của cậu chứng tỏ cậu đã sa đà như thế nào vào vấn nạn làm cất tiếng những biểu tượng đã chết ấy. Đêm đó khi mệt nhoài và rơi vào giấc ngủ cậu mộng thấy những giấc mơ hoang dại. Cậu nghe những tiếng nói Ai Cập cất lên từ ảo ảnh. Trong mơ con người thật của cậu bật hiện rõ ràng, không vướng víu với báo chí và những trò tiêu khiển thường nhật, phơi bày một con người bị ám ảnh, điên loạn, bỏ bùa bởi chữ tượng. Giấc mơ của cậu dệt bằng những điềm báo của khải hoàn. Vậy mà còn cả một chục năm ngăn cách cậu với đích đến đó.

Đá Rosetta chìa khóa giải mã chữ tượng hình

Champollion, người làm cho đá biết nói
- CHAMPOLLION (II): TỘI PHẢN QUỐC VÀ CHỮ TƯỢNG HÌNH
Vào lúc 12 tuổi, trong khi đọc Cựu Ước bằng bản gốc, Champollion viết một tiểu luận lập luận rằng một nhà nước cộng hòa là hình thức nhà nước hợp lý duy nhất. Lớn lên giữa những luồng tưởng tượng cách tân dọn đường cho thế kỷ khai sáng và giải phóng những quyền lực của Cách Mạng Pháp, ông cảm nhận nổi đau khi phải sống dưới bóng độc tài đang trở lại, thoạt đầu len lén bằng những chỉ dụ, sắc lệnh và cuối cùng lộ nguyên hình sau khi Napoleon đăng quang ngôi Hoàng đế. Không như anh mình, Champollion không bị nét duyên dáng của Napoleon hút hồn.
Lúc đó chính nhà Ai Cập học Champollion là người, bị thúc đẩy vì tiếng gọi của tự do, đã công phá thành trì Bourbon [triều vua cuối cùng trước Cách Mạng] ở Grenoble, tay vung cao ngọn cờ. Cậu đã xé hoàng kỳ dựng trên tháp thành, và thay bằng lá cờ tam sắc của Cách Mạng, lá cờ mà trong một thập kỷ rưỡi đã tung bay trước khi các quân đoàn Bonaparte càn quét qua Âu châu.
Lần nữa Champollion trở lại Grenoble. Cậu được chỉ định làm giáo viên sử tại đại học kể từ ngày 10/7/1809. Ở tuổi 19, cậu đã đứng ra giảng dạy cho các sinh viên trẻ, trong số đó có nhiều người đã từng cùng với cậu mài đũng quần trên ghế trường trung học chỉ mới cách đây hai năm. Hoàn toàn dễ hiểu khi cậu có nhiều kẻ thù. Hầu như ngay lập tức cậu nhận ra mình bị mắc kẹt trong mạng lưới âm mưu do các giáo sư lớn tuổi bị cậu qua mặt dễ dàng và vô tình xúc phạm giăng ra.
Và vị giáo sư sử trẻ tuổi đấu tranh cho những ý tưởng mới kỳ cục làm sao! Ông quyết liệt bảo vệ quan điểm cho rằng chân lý là lý tưởng cao nhất trong việc nghiên cứu lịch sử, điều đó có nghĩa một sự thật tuyệt đối, không phải là phiên bản của Bonaparte hay Bourbon. Để đạt được lý tưởng này ông đòi hỏi sự tự do tưởng tượng, trong khi lúc này là thời kỳ mà những truy vấn mọi loại đều bị công cụ kiểm sát chính trị cấm đoán và hạn chế. Các sử gia, ông cảm thấy, không nên màng đến những quyền lực hiện hữu. Ông yêu cầu tiếp tục thi hành các quyền tự do đã từng được hô hào từ các mái nhà trong những ngày đầu sôi sục cách mạng, nhưng giờ đây đã bị phản bội triền miên. Cuộc vận động chính trị của Champollion không tránh khỏi gây cho ông những xung đột với những kẻ xu thời. Ông không hề đi chệch ra khỏi những quyết tín của mình, mặc dù rất thường cảm thấy thối chí. Những lúc như thế ông lại kể cho ông anh một tư tưởng có thể trích ra từ tác phẩm Candide của Voltaire [văn hào Pháp có quan điểm cách mạng], nhưng được ông, một nhà Đông phương học, thích trích dẫn từ một thánh thư của phương Đông hơn. “Hãy khiến mảnh đất của bạn trồng trọt được! Trong Zend-Avesta * đã dạy: Biến sáu mẫu đất hoang hóa thành trồng trọt được tốt hơn đánh thắng 24 trận. Ý kiến của em cũng vậy.” Càng kẹt cứng trong chốn học thuật đầy mưu mô, tinh thần sa sút, đồng lương bị cắt xen đến một phần tư bằng những mánh lới nghề nghiệp, ông viết: “Số phận của em đã được định đoạt. Em phải nghèo kiết xác như Diogenes [một triết gia yếm thế của Hi Lạp, nhà sáng lập trường phái Hoài nghi, sống vào thế kỷ thứ 4 trước C. N, khinh bỉ vật chất và tiện nghi cuộc sống, tôn thờ thiên nhiên: ND]. Chắc em phải sắm một cái thùng để cư trú và vải bao để nằm ngủ [giống như Diogenes]. Có thể lúc đó em mới hi vọng tồn tại nhờ tấm lòng rộng lượng nổi tiếng của người Athens [nơi Diogenes cư trú].
Ông viết những bài châm biếm Napoleon. Còn nữa, khi Napoleon cuối cùng mất hết quyền lực, và khi, vào ngày 19/4/1814, quân Liên minh tiến vào Grenoble, Champollion tự hỏi một cách cay đắng liệu một chế độ pháp quyền giờ có thực sự thay thế chính quyền chuyên chế của Bonaparte hay không và nhận thấy là có ít hi vọng trông mong về việc đó.
Mối quan tâm của ông về quyền tự do của chính quyền và khoa học tuy vậy không làm sút giảm nhiệt tình của ông đối với Ai Cập học. Lao động vất vả của ông gặt hái được những thành quả khó tin, mặc dù ông phân tán thì giờ của mình cho quá nhiều chủ đề xa lạ và đôi khi không quan trọng. Ông soạn ra một tự điển tiếng Coptic cho mình sử dụng, và cùng lúc viết những vở kịch để trình diễn trong các buổi họp mặt văn nghệ ở Grenoble. Theo truyền thống Pháp bắt đầu với Peter Abelard trong thế kỷ 12 ông soạn những bài ca chính trị, được dân chúng hát vang trên phố ngay khi mới hoàn tất. Ông cũng tiếp tục công việc chính yếu của mình, là càng lúc càng đào sâu vào thế giới bí ẩn của Ai Cập. Mặc kệ cho tiếng gào thét ngoài đường phố là, “Vive l’Empereur!” [Hoàng đế Muôn Năm, chỉ Napoleon] hay “Vive le Roi! [Đức Vua Muôn Năm, chỉ Bourbon của triều đại trước Cách Mạng], tâm trí của ông không hề tách khỏi mối bận tâm chủ yếu này. Ông viết vô số tiểu luận, ông soạn những phác thảo cho tác phẩm sẽ viết, hết lòng với bất cứ ai tìm đến nhờ giúp đỡ soạn
- Bộ luật của Thánh Hỏa giáo, một tôn giáo thịnh hành ở Ba Tư, ra đời 1,000 năm trước C. N, và bị Hồi giáo tiêu diệt vào thế kỷ thứ 9, có Zoroaster là giáo chủ, và có ảnh hưởng sâm đậm đến Do thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo trong nhiều giáo luật như: độc thần, không thờ ngẫu tượng, tin vào ngày Mạt Thế khi đó con người được phán xét để lên thiên đường hay xuống địa ngục. . .]
những bài luận văn của mình, cố moi óc tìm hiểu các nhu cầu của những sinh viên xoàng xĩnh. Quá nhiều công việc đã bào mòn thần kinh và sức khỏe của ông. Vào tháng 12/1816 ông viết: “Mỗi ngày cuốn tự điển Coptic của em càng dày lên, còn tác giả của nó thì lại gầy đi.” Ông rên rỉ khi thấy mình đã viết đến trang 1069 mà dự án vẫn chưa kết thúc,
Rồi đến Cuộc Chiến 100 ngày [đánh dấu thời gian Napoleon đào thoát khỏi đảo giam cầm Elba đến ngày ông bị phe Liên minh bắt lại, kết thúc số phận của ông], khi Âu châu lần nữa rên siết dưới bàn tay sắt của Napoleon. Chỉ qua một đêm người bị hành hình trở thành kẻ hành hình, người cai trị thành thần dân, nhà vua trở thành dân tị nạn. Chính Champollion cũng quá phấn khích đến nỗi không làm gì được. “Napoleon đã trở lại!” Câu nói trên cửa miệng mọi người. Phản ứng của báo chí Paris đúng là phường tuồng trân tráo. Những tít lớn chạy trên mặt báo, các điểm mốc của sự lừa mị, phản ảnh thái độ trở màu như da cắc kè. “Quái Thú Đã Tẩu Thoát” tiến hóa dần dần thành: “Ma Sói Đã Đổ Bộ ở Cannes”; “Tên Độc Tài Đang ở Lyon”; “Kẻ Soán Ngôi Cách Kinh Đô 60 Giờ”; “Bonaparte Đang Đến Thần Tốc”; “Ngày Mai Napoleon sẽ Vào Kinh Thành”; và cuối cùng là “Đức Hoàng Đế Đang ở Fontainebleau.”
Vào ngày 7/3 Napoleon tiến vào Grenoble, dẫn đầu quân đoàn. Dùng hộp thuốc lá gõ vào cổng thành, ánh đuốc rọi sáng gương mặt ông. Ý thức rất rõ về vai trò bi tráng của mình trong phân cảnh lịch sử này, trong một phút ớn lạnh xương sống Napoleon một mình ưỡn ngực đón khẩu đại bác từ trên thành chỉa vào mình. Từ trên cao, những pháo thủ chạy rối rít. Rồi sau đó tiếng hô vang dậy trời “Hoàng đế Vạn tuế!”, rồi “kẻ phiêu lưu” bước vào, và khi bước ra lại là một hoàng đế.” Đối với Grenoble, trái tim của Dauphine, là cứ điểm hành quân quan trọng nhất phải thắng trên lộ trình trở về khải hoàn của Napoleon.
Figeac, anh của Champollion, trong quá khứ đã từng bộc lộ công khai cảm tình dành cho học thuyết Napoleon. Nay thì nhiệt tình của ông vượt quá giới hạn. Khi Napoleon yêu cầu một thư ký riêng có năng lực, thị trưởng vời Figeac đến. Ông hơi khớp nên xưng trại tên mình thành “Champoléon.” “Đúng là điềm tốt!” Hoàng đế reo lên. “Anh chàng này mang phân nửa tên tôi!” Champollion lúc đó cũng có mặt khi Hoàng đế phỏng vấn ông anh trai. Napoleon hỏi thăm về công việc của chàng giáo sư trẻ và được cho biết về cuốn tự điển và văn phạm Coptic. Hoàng đế rất có ấn tượng về người học giả trẻ măng này. Ông trao đổi với Champollion một lúc lâu. Ngài hứa hẹn với ông sẽ giúp xuất bản tác phẩm Coptic tại Paris. Vẫn chưa thỏa mãn, ngày hôm sau Hoàng đế đến thăm Champollion tại thư viện đại học, tại đó họ lại bàn tiếp về chủ đề nghiên cứu ngôn ngữ của vị giáo sư trẻ.
Hai nhà chinh phục Ai Cập đứng đối diện nhau. Một người đã gồm thâu vùng đất sông Nile trong kế hoạch chinh phục toàn cầu và hi vọng phục hồi nền kinh tế xứ sở ấy bằng một hệ thống thủy lợi đồ sộ. Còn người kia chưa từng đặt chân lên đất Ai Cập, nhưng với cặp mắt của trí tuệ đã nhìn thấy những tàn tích cổ đại một ngàn lần, và cuối cùng có thể vực dậy chúng hồi sinh chỉ bằng quyền năng của tri thức. Óc tưởng tượng đế vương của Napoleon đã phấn chấn sau cuộc gặp gỡ với Champollion mãnh liệt đến nỗi ông tuyên bố tại chỗ quyết định chọn Coptic làm ngôn ngữ Ai Cập chính thức.
Nhưng số phận của Napoleon được đếm từng ngày. Sự sụp đổ của ông cũng đột ngột một cách bi thương như cuộc đào thoát vừa qua của ông. Elba đã là nơi lưu đày; còn bây giờ St. Helena sẽ là một nấm mồ.
Một lần nữa hoàng triều Bourbon lục tục trở về Paris. Họ thiếu kiên quyết, và sự rửa hận của họ cũng tương đối ôn hòa. Nhưng vẫn không tránh khỏi có hàng trăm án tử hình được tuyên. “Sự trừng phạt đổ xuống như cam lồ ban xuống dân Do Thái,” người ta nói như thế vào lúc đó. Figeac có mặt trong số được chọn để bị trả thù, vì ông đã tự lộ mặt khi tháp tùng Napoleon đến Paris. Trong biện pháp chính trị tức khắc khởi phát chống Figeac, không có phân biệt nào vạch ra giữa ông và Champollion, một lầm lẫn mà những người đố kị đầy ác ý với vị giáo sư trẻ ở Grenoble không buồn cải chính. Đề khiến tình hình tồi tệ hơn, Champollion, trong những thời khắc cuối cùng của Cuộc Chiến 100 Ngày, đã không đủ khôn ngoan khi giúp thành lập Liên đoàn Delphinatic, chương trình nhằm xúc tiến quyền tự do trong mọi lãnh vực. Tất nhiên chương trình này giờ đây trở nên bị tình nghi cao độ. Champollion mắt sai lầm chiến thuật nghiêm trọng khi nỗ lực, không thành công, kêu gọi uyên góp 1,000 quan để mua một cuộn văn bản giấy cói Ai Cập.
Khi phe bảo hoàng tiến đến thành Grenoble, Champollion ra trình diện tại tường thành, xin xung phong trấn giữ, hoàn toàn mù tịt đâu là bên ban phát tự do nhiều hơn. Nhưng việc gì đã xảy ra? Ngay lúc mà Tướng Latour bắt đầu pháo kích thành phố, có thể gây thiệt hại cho cho những bản thảo vô giá của Champollion, chàng trai trẻ vội vàng tụt xuống tường thành, quên phứt chính trị và chiến tranh, chạy như bay đến tầng ba của thư viện. Tại đó ông ẩn nấp trong suốt cuộc bắn phá, xách nước và cát để dập lửa, chỉ một mình trơ trọi trong tòa nhà lớn, liều mình cứu lấy các cuộn giấy cói của mình.
Chỉ sau khi bị sa thải ra khỏi đại học vì các hoạt động phản quốc mà cuối cùng Champollion mới có thể thực sự quay về với công việc giải mã chữ tượng hình. Việc sa thải kéo dài một năm rưỡi, tiếp theo là lao dịch khổ sai tại Paris và Grenoble. Rồi tiếp đến bản cáo trạng mới kết tội phản bội nghe phong phanh sắp được tung ra. Vào tháng 7 năm 1821 ông tẩu thoát từ thành phố trong đó ông đã trỗi dậy từ hạng sinh viên thành bậc giáo sư. Một năm sau ông cho xuất bản tác phẩm nổi tiếng Thư cho ngài Dacier về Vấn Đề Bảng Mẫu Tự Của Những Chữ Tượng Hình Thuộc Ngữ Âm. Chuyên khảo này vạch ra những điều cơ bản tiến đến phương pháp giải mã thành công, và gây bàn tán sôi nỗi trong giới quan tâm đến việc giải bí ẩn của kim tự tháp và đền thờ Ai Cập.
Một số các tác giả cổ đại đã đề cập đến chữ tượng hình, và trong thời Trung cổ một số cách giải đoán kỳ cục về chúng đã xuất hiện. Herodotus, Strabo, và Diodorus, tất cả họ đã du hành khắp Ai Cập, cho rằng chữ tượng hình là dạng chữ viết bằng hình không thể hiểu được. Horapollon, vào thế kỷ thứ 4 trước C. N., để lại một bảng mô tả về chữ viết Ai Cập. (ám chỉ những gì viết về Ai Cập của Clement ở Alexandria và Porphyry [hai triết gia lỗi lạc của Hi Lạp vào những thế kỷ đầu Công Nguyên] không hợp lý.) Những bình luận của Horapollon thường sử dụng như xuất phát điểm cho những tác giả về sau vì không có nguồn nào tốt hơn để luận điểm dựa vào. Và Horopollon cho rằng chữ tượng hình là một lối viết bằng hình. Dựa vào quan điểm này mà suốt những thế kỷ sau đó khuynh hướng áp đảo là đi tìm kiếm một ý nghĩa thuần biểu tượng cho những hình đó. Truyền thống này cho phép những người không chuyên môn có thể tùy tiện tưởng tượng ra những ý nghĩa của chúng khiến các học giả điên đầu.
Chỉ cho đến khi Champollion đã giải mã chữ tượng hình ta mới biết Horopollion đã sai lệch đến mức độ nào. Lối viết Ai Cập thực sự đã phát triển vượt xa tính biểu tượng ban đầu, trong đó ba đoạn ngoằn ngoèo tượng trưng cho nước, sơ đồ mặt bằng tượng trưng cho nhà, cờ tượng trưng cho thần linh, và vân vân. Cách giải thích chỉ ý này, khi áp dụng cho những chữ khắc về sau, dẫn đến kết quả hiểu sai nghĩa nghiêm trọng, một số có khi là vô lý.
Athanasius Kircher, tu sĩ dòng Jesuit, nổi tiếng vì chế tạo ra chiếc đèn ma thuật [một loại chiếu hình bằng ống kính và đèn, nhằm phóng hình vẽ lên tường, được chế tạo vào giữa thế kỷ 17], trong khoảng 1650 và 1654 cho xuất bản ở Rome bốn quyển sách chứa “những bản dịch” các chữ tượng hình, trong đó không có bản nào thậm chí khớp sơ sơ với văn bản gốc. Chẳng hạn, nhóm ký hiệu tượng trưng cho từ autocrator, vốn là một tước hiệu dành cho hoàng đế La Mã, theo cách đọc của Kircher thì lại có nghĩa là: “Osiris là đấng sáng tạo ra mọi cây trái và mùa màng bội thu; nhờ quyền năng sinh sản mà Holy Mopta lấy ra từ trời đem xuống lãnh địa của ông.” Mặc dù mắc phải lỗi lầm trọng đại này, Kircher ít nhất thấy trước Champollion và những người khác khi công nhận giá trị của việc nghiên cứu tiếng Coptic, hình thái cổ nhất của ngôn ngữ Hi Lạp – một giá trị mà hàng chục nhà học giả phản đối.
Một trăm năm sau de Guignes, trước mặt các thành viên của Viện Chữ Khắc Paris, công bố một học thuyết, dựa trên sự đối chiếu các hệ thống chữ tượng hình, cho rằng người Trung Hoa là dân thuộc địa của Ai Cập. Tuy thế gần như mỗi sai lầm thuộc loại này đều chứa trong đó một mầm sự thật nào đó. De Guignes, chẳng hạn, đọc đúng tên của Vua Ai Cập “Menes,” mà một đối thủ đổi ra thành “Manouph.” Voltaire, nhà phê phán chua cay nhất của thời đó, nhân đó quay ra công kích các nhà từ nguyên học, “những người coi rẻ nguyên âm và đánh giá thấp phụ âm.” Các sinh viên Anh trong cùng thời kỳ, đảo ngược luận điểm được đề cập trước đây, tuyên bố rằng người Ai Cập xuất xứ từ Trung Quốc!
Ta có thể nghĩ rằng sự phát hiện ra bia đá Rosetta sẽ kết liễu làn sóng ức đoán buông thả, nhưng hình như điều ngược lại đã xảy ra. Cách giải đoán vấn nạn này giờ hình như quá rõ ràng đến nỗi thậm chí những người nghiệp dư cũng bắt đầu tham gia trò chơi. Một người đóng góp vô danh từ Dresden đọc toàn văn bản Hi Lạp ra từng chữ thành những mảnh chữ tượng hình tương đương trên khối Đá Rosetta. Một người Ả Rập có tên Ahmed ibn Abubekr “vén bức màn” che văn bản mà một nhà Đông phương học tên Hammer-Purgstall nghiêm túc chịu không thể phiên dịch được. Một dân Paris vô danh nói rằng y nhận ra Thánh Thi Thứ 100 trong bảng khắc đền thờ tìm được ở Dendera. Tại Geneva xuất hiện bản dịch của chữ khắc tìm thấy trên “cột tháp Pamphylitic,” được cho là một báo cáo về chiến thắng của thiện đối với ác cách Christ 4,000 năm.”
Hết kỳ quặc này đến kỳ quặc khác. Óc tưởng tượng kết hợp với sự kiêu ngạc và ngốc ngếch vượt trội là của bá tước Palin, người tuyên bố rằng y đã nhận ra ý nghĩa của Đá Rosetta ngay khi thoạt nhìn. Dựa vào Horapollon, vào học thuyết của Pythagore, và vào phép thần thông, chỉ trong một đêm Bá tước đã đạt được những kết quả hoàn hảo. Tám ngày sau y trình bày sự giải đoán của mình với công luận, cho rằng nhờ tốc độ đột phá đã “bảo toàn cho mình tránh được những sai lầm chắc chắn phải sinh ra do chiêm nghiệm quá nhiều.”
Champollion ngồi bất động giữa trận pháo hoa này, kiên nhẫn sắp xếp, đối chiếu, thử nghiệm, chầm chậm leo lên ngọn đồi dốc dài . Trong lúc đó một tập sách mô phạm từ tay Tu viện trưởng Tandeau de St. Nicolas cho ông biết là chữ tượng hình không phải là một hệ thống chữ viết gì hết, mà chỉ là một loại hình trang trí. Không nao núng, ngay từ 1815, trong một bức thư bàn về chủ đề Horopollon: “Tác phẩm này được mang tên Hieroglyphica, nhưng nó không chứa sự giải đoán về điều chúng ta hiểu là chữ tượng hình, nhưng mà là những ký hiệu chạm trổ thiêng liêng – đó là, những biểu tượng của người Ai Cập – là những gì hoàn toàn khác biệt với chữ tượng hình thực sự. Quan điểm của tôi đi ngược với ý kiến chung, nhưng chứng cứ tôi viện dẫn cho quan điểm này được tìm thấy trên các đài tưởng niệm Ai Cập. Các chạm khắc thiêng liêng rõ ràng cho thấy những cảnh quan có tính biểu tượng đã được Horapollon đề cập, như con rắn cắn thiên nga, con ó trong tư thế đặc trưng, cơn mưa siêu phàm, người không đầu, chim bồ câu với nhành nguyệt quế, v… v…, nhưng không có gì thuộc tính biểu tượng trong chữ viết tượng hình thực sự.”

Chi tiết trên Bảng Narmer, vào cuối thiên niên kỷ thứ tư trước C. N. Con ó Horus tượng trưng nhà vua, nắm trong tay một vùng đất bị chinh phạt (biểu thị bằng hình ôvan với đầu của một người có râu) kéo bằng sợi dây thừng – ám chỉ sự thần phục. Nhà chinh phạt đứng trên sáu hoa sen nở. Hoa sen nở là kí hiệu chỉ 1,000, như vậy hình này chỉ 6,000 tù binh. Cây lao móc bên dưới chắc chắn chỉ tên của xứ sở. Hình vuông trong đó đầy những đoạn ngoằn ngoèo có thể biểu thị xứ đó tọa lạc trên bờ biển. Cả hai biểu tượng chắc chắn chỉ đến xứ Syria.
Trong những năm này, chữ tượng hình trở thành một khái niệm bao trùm về một chủ nghĩa Epicureanism* thần bí. Mọi loại học thuyết thần bí, chiêm tinh, và chứng quả đều gán cho chúng, thậm chí những ám chỉ về canh nông, thương mại, và quản trị cho cuộc sống thực tiễn. Các trích dẫn Kinh Thánh cũng được tìm thấy trong đó, thậm chí những truyền thuyết trước thời kỳ đại hồng thủy, không kể những trích đoạn của dân tộc Chaldean, Hebrew, và Trung Hoa. “Như thể người Ai Cập,” Champollion nhận xét, “không có gì để diễn tả bằng ngôn ngữ của riêng mình.”
Tất cả những trận công phá vào mục tiêu giải đoán này ít hay nhiều đều dựa vào Horopollion. Chỉ có một con đường giải mã là con đường tránh xa Horapollon. Đó là hướng đi mà Champollion đã chọn.
Những khám phá tri thức vĩ đại ít khi được ấn định thời điểm ra đời chính xác. Chúng là kết quả của những tìm tòi triền miên trong một tiến trình kéo dài nhằm tập trung trí óc vào một vấn đề đơn lẻ. Chúng biểu hiện sự giao thoa giữa tri thức và vô thức, của việc quán sát có mục đích và mơ mộng lang bang. Hiếm khi có một cách giải quyết đạt được một cách chớp nhoáng.
Những phát minh vĩ đại mất đi tính mê hoặc của chúng khi mổ xẻ dưới ánh sáng của quá trình săn tìm. Khi nhìn lại, đối với những ai đã hiểu được nguyên tắc liên quan, những sai lầm chắc hẳn có vẻ hơi khôi hài, những quan điểm sai trái phạm phải là kết quả của sự mù quáng rành rành, và các vấn nạn đều giản đơn. Ngày nay thật khó tưởng tượng Champollion cả gan dám liều lĩnh chống đối với truyền thống Horapollon. Phải nhớ rằng cả những chuyên gia và công chúng hiểu biết đều bám sát Horapollon vì hai lý do nặng kí: Thứ nhất, Horapollon được tôn kính như một người có uy tín thời cổ đại, đúng như tinh thần mà các nhà tư tưởng trung cổ đã tôn kính Aristotle, và như các nhà thần học sau này trân trọng các cha nhà thờ buổi đầu. Thứ hai, dù bản thân họ có khi hoài nghi, họ đơn giản không thể xem chữ tượng hình khác hơn những biểu tượng, những hình được qui ước hóa. Ngay chứng cứ của đôi mắt đã ủng hộ cho luận điểm này. Hơn nữa, Horapollon đã sống một thiên niên kỷ rưỡi gần hơn với thời kỳ cuối cùng của chữ tượng hình, và lợi thế này hình như làm lệch cán cân theo chiều hướng quan điểm của ông, một quan điểm khẳng định những gì mọi người có thể nhìn thấy sờ sờ – những hình, những hình, và nhiều hình hơn nữa.
- Chủ nghĩa Hưởng Lạc, do triết gia Hi Lạp sáng lập vào đầu thế kỷ thứ 4 trước C. N., chủ trương mục tiêu của cuộc sống là tận hưởng những lạc thú cao quý. Để đạt được điều đó con người phải sống giản dị, thụ đắc những kiến thức của nhân loại, và hạn chế những ham muốn. Điều này sẽ đưa đến sự an lạc, không còn sợ hãi, không còn đau khổ thể xác, đây chính là thứ hạnh phúc cao quý nhất của con người.
Chúng ta không thể nói chính xác khi nào điều này xảy ra, nhưng thời điểm mà Champollion lóe lên ý tưởng là các hình trong chữ tượng hình là “những chữ cái” (hoặc, chính xác hơn, “những ký hiệu ngữ âm” – phát biểu
ban đầu của ông là: “không hoàn toàn có tính mẫu tự, mà còn có tính ngữ âm”) ông đã qua một ngả rẽ quyết định tách khỏi Horapollon, và đi theo lộ trình đúng đắn để cuối cùng giải mã thành công. Có thể nói về niềm cảm hứng sau bao nhiêu năm quần quật làm việc hay không? Đây có phải là giây phút hoan lạc của sự đột phá hoàn toàn hay không? Sự thật là lần đầu khi Champollion mân mê với ý tưởng về tính ngữ âm của chữ tượng hình, ông kiên quyết chống lại nó. Thậm chí ông đồng nhất dấu hiệu con rắn có sừng với chữ f và rồi sai lầm khi chống lại ý tưởng về một hệ thống ngữ âm hoàn toàn. Những nhà truy tầm khác, trong số đó có Zoega và Akerblad người Scandinavia, de Sacy người Pháp, và, trên hết Thomas Young người Anh, tất cả đều công nhận là những chữ demotic khắc trên Đá Rosetta là “chữ viết theo mẫu tự”, và, được như thế, hoàn tất được một phần cách giải đoán của bài toán. Nhưng họ không thể vượt quá điểm này. Hoặc là họ bỏ cuộc hoặc quay trở lại. De Sacy tuyên bố là mình đầu hàng hoàn toàn. Các chữ tượng hình, ông nói, vẫn tiếp tục là “Chiếc Rương Thánh Tích * bất khả xâm phạm.”
Thậm chí Thomas Young, người đạt được những kết quả nổi bật trong việc giải mã những chữ demonic khắc trên khối Đá Rosetta, vì lý do là ông đã đọc nó theo lối ngữ âm, điều chỉnh lý thuyết riêng của mình vào năm 1818. Trong việc giải mã chữ tượng hình của từ Ptolemy ông tùy ý chia nhỏ những kí tự thành các mẫu tự, một âm tiết hoặc hai âm tiết.
Từ đây sự khác biệt giữa hai phương pháp và hai kết quả trở nên quá rõ ràng. Một bên là Young, người theo tự nhiên chủ nghĩa. Mặc dù là một thiên tài không thể chối cãi, ông không được học ở trường về ngữ văn. Cách tiếp cận của ông dưới dạng giản đồ. Ông đối chiếu, ông nội suy một cách khôn khéo. Mặc dù ông thực sự chỉ giải mã một vài chữ tượng hình, nhưng sức mạnh trực giác của ông được chứng tỏ qua việc Champollion khẳng định Young đã diễn tả đúng đắn 76 trong danh sách 221 nhóm kí tự, mặc dù ông mù tịt về trị giá ngữ âm của chúng. Tuy nhiên, Champollion đã làm chủ hơn một tá ngôn ngữ cổ. Qua tiếng Coptic ông tiến gần với tinh thần của ngôn ngữ Ai Cập cổ gần hơn Young nhiều. Trong khi Young đoán ra chính xác ý nghĩa của một số ít từ đơn hoặc chữ cái, Champollion nhận ra hệ thống ngôn pháp nằm bên dưới. Ông vượt xa lối giải đoán vụn vặt; ông khiến chữ viết Ai Cập có thể đọc được và dạy được. Có lần ông đã nắm bắt những nguyên tắc cơ bản, ông thấy rằng việc giải mã phải bắt đầu bằng tên các vị vua. Ý tưởng này đã nằm yên trong tiềm thức ông một thời gian dài.
- Chiếc Rương Thành Tích là báu vật của dân Do Thái, bằng gỗ mạ vàng, chứa hai bia đá ghi Mười Điều Răn”, theo truyền thuyết, do Chúa ra lệnh cho Moses làm theo đúng kích cỡ qui định.
Nhưng tại sao bằng tên các vì vua? Chữ khắc trên Đá Rosetta, như đã kể trước đây, là một thông báo viết bằng ba loại chữ viết khác nhau trong đó giới tăng lữ gởi những lời tôn kính đặc biệt đến Vua Ptolemy Epiphanes. Văn bản Hi Lạp có thể đọc một mạch, cho ta nội dung trên đây một cách rõ ràng. Còn trong phần văn bản tượng hình là một nhóm các kí hiệu khép kin trong một khung hình ô van, khung này sẽ được hiểu dưới tên cartouche.
Vì những cartouche này là những kí hiệu duy nhất trong văn bản biểu lộ một sự nhấn mạnh đặc biệt, nên thật hợp lý khi giả định rằng những cartouche này có thể chứa từ Ai Cập chỉ tên vua. Vì tên vua là yếu tố duy nhất trong văn bản có sự khác biệt phẩm chất. Và người ta có thể nghĩ bất cứ ai có mức thông minh trung bình cũng có thể chọn ra những chữ cái của tên Ptolemy (được viết theo lối cổ) và tương kết tám kí hiệu tượng hình với tám chữ cái.
Mọi ý tưởng vĩ đại đều đơn giản khi xét lại. Sự thành tựu của Champollion là ở chỗ ra khỏi truyền thống của Horapollon mà suốt 14 thế kỷ đã che phủ toàn bộ chủ đề về chữ viết Ai Cập, và như thế không phải là một thắng lợi bình thường. Hơn nữa, chỉ nhờ may mắn, lý thuyết của Champollion được khẳng định một cách xuất sắc khi nghiên cứu chữ khắc trên Cột tháp Philae, được nhà khảo cổ Banks mang về Anh năm 1821. Cột này chứa một thông điệp cũng được viết theo lối tượng hình và Hi Lạp, tương tự như Đá Rosetta thứ hai. Và ở đây một lần nữa tên Ptolemy được đóng khung trong một cartouche, và cũng có một nhóm tượng hình khác không quen thuộc mà qua đối chiếu với chữ Hi Lạp ta biết đó là từ Ai Cập chỉ Cleopatra.
Champollion viết lên giấy nhóm kí hiệu cái này bên trên cái kia theo hình thức sau:

Từ hai “cartouche” trên cột tháp Philae đã dọn đường cho Champollion dẫn đến sự giải mã rốt ráo chữ tượng hình.
Hiển nhiên là các kí hiệu thứ hai, thứ tư, và thứ năm trong nhóm tượng hình của từ Cleopatra trùng khớp với kí hiệu thứ tư, thứ ba, và thứ nhất của nhóm tương đương của từ Ptolemy. Nhờ đó chìa khóa giải chữ tượng hình đã được tìm ra – cũng là chìa khóa mở tất cả cánh cửa đóng kín của Ai Cập cổ đại.

Bảng bên trái cho thấy dạng chữ tượng hình đã phát triển cao (cột trái) tiến hóa thành chữ hieratic (cột giữa) rồi thành chữ demonic (cột phải).
Ngày nay chúng ta hiểu được hệ thống cách viết chữ tượng hình thực sự phức tạp đến thế nào. Ngày nay như một điều tự nhiên sinh viên học mọi chi tiết mà Champollion chỉ có thể làm chủ được sau những nỗ lực phi thường. Trong thời ông ngôn ngữ, mặc dù có sự đóng góp của ông cho sự hiểu biết thấu đáo, vẫn còn gây ra những khó khăn lớn, tất nhiên, vì nó chứa đựng nhiều biến thể đã phát sinh trong cuộc hành trình ba ngàn năm. Ngày nay chúng ta biết nhiều về những biến thể này, phân chia tiếng Ai Cập “cổ điển” với tiếng Ai Cập “mới”, và phân chia “mới” với “sau này.” Trước Champollion không ai nhận ra sự phát triển này. Một sự khám phá giúp học giả giải mã một bảng khắc nhưng thất bại khi giải đoán bảng chữ khắc tiếp theo. Khó khăn mà những nhà tiên phong trong khoa nghiên cứu chữ tượng hình là phải nắm bắt một lối chữ viết đang tiến hóa bằng một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ cách đây ba ngàn năm.
Ngày nay khá dễ để phân biệt những kí tự ngữ âm với kí tự chỉ ý và các từ định ngữ, một sự phân chia trong bước đầu định giá chữ tượng hình. Ngày nay chúng ta không còn tức tối khi bảng chữ khắc này đọc từ phải sang trái, bảng khắc kia từ trái qua phải, bảng tiếp theo lại đọc từ trên xuống dưới. Rosellini ở Ý, Leemans ở Hà Lan, de Rouge ở Pháp, Lepsius và Brugsch ở Đức, tất cả họ đều đóng góp từ phát hiện này qua phát hiện khác. Mười ngàn cuộn văn bản giấy cói được mang đến Âu châu, cuối cùng chuyên viên giải mã có thể đọc một núi chữ khắc mới từ các lăng mộ, đài tưởng niệm, và đền thờ một cách dễ dàng. Quyển Văn Phạm Ai Cập của Champollion (Paris, 1836-1841) xuất hiện sau khi ông qua đời. Rồi đến bộ tự điển đầu tiên về ngôn ngữ Cổ Ai Cập, sau đó là những Ghi Chép và Các Đài Tưởng Niệm. Dựa trên những thành quả này và những nghiên cứu về sau, các nhà Ai cập học theo thời gian không những có thể giải mã mà còn viết được chữ Ai Cập Cổ. Tên Nữ hoàng Victoria và Quận công Albert được khắc bằng chữ tượng hình trong Phòng Ai Cập của Cung điện Crystal ở Sydenham. Bảng đề tặng đặt trong khu vườn của Bảo tàng Ai Cập ở Berlin được viết bằng kí tự Cổ Ai Cập. Lepsius gắn trên Kim Tự Tháp Gizeh một bảng khắc trên đó tên của nhà tài trợ chuyến du khảo, Vua Friederich Wilheim IV, được tưởng nhớ bằng chữ Ai Cập cổ đại.
Loại học giả mọt sách không phải lúc nào cũng nhận được sự ưu ái để chứng minh lý thuyết của mình một cách trực tiếp. Thường thậm chí ông ta không có cơ hội được đến những nơi mà hàng thập kỷ ông chỉ lang thang bằng tâm tưởng.
Điều đó xảy ra với Champollion, ông không đủ may mắn để đạt được thêm những thành tựu về khai quật vào những chinh phục thuần lý thuyết của mình. Nhưng ít nhất ông có thể thăm được Ai Cập và mãn nguyện khi kiểm nghiệm tại thực địa những lý thuyết ông đã khám phá trong nghiên cứu riêng tư. Ngay từ thời trẻ Champollion đã nghiên cứu biên niên sử và địa hình của Ai Cập cổ đại. Qua năm tháng, trong lúc ông thành công trong việc xác định không gian và thời gian của một pho tượng hoặc bảng khắc một cách chính xác nhất như có thể bằng những dữ liệu sơ sài như thế, giả thuyết này tiếp nối giả thuyết kia tuôn trào từ dòng thác tưởng tượng của ông. Một lần thực sự được đặt chân trong cảnh quan Ai Cập, Champollion ở trong tình huống không khác gì một nhà động vật học, đã tái tạo một con khủng long từ xương và hóa thạch, bổng thấy mình trở về kỷ Creta mặt giáp mặt với chú khủng long đang gầm thét.
Chuyến du khảo của Champollion, kéo dài từ tháng 7 năm 1828 đến tháng 12 năm 1829, là một hành khúc khải hoàn. Lúc này mọi người ở Ai Cập trừ giới viên chức Pháp đã quên bẳng Champollion từng một lần bị kết tội phản quốc. Dân bản xứ lũ lượt đến xem mặt người có thể “đọc chữ viết trên mặt đá cổ.” Sự đón tiếp nồng hậu của dân Ai Cập gây hứng khởi cho đoàn du khảo đồng cất tiếng hát bài “Marseillaise” [quốc ca Pháp] và “Bài Ca Tự Do” khi long trọng tiếp đón Thống đốc tỉnh Girgeh, Mohammed Bey. Nhóm người Pháp hồ hỡi cũng làm được một số việc. Champollion đi từ phát hiện này đến phát hiện khác, và nhận ra rằng những ý tưởng của mình được khẳng định trên mỗi bước chân. Chỉ cần xem qua là ông có thể xếp loại các thời ký khác nhau của công trình kiến trúc tìm thấy trong phế tích Memphis. Tại Mit Rahina ông phát hiện hai đền thờ và một nghĩa trang. Ở Sakkara – mà một vài năm sau đó sẽ chứng kiến Mariette khai quật được một số lượng các đồ tạo tác – ông khám phá tên vương triều Omnos và nhờ đó định niên đại chính xác là vào thời Ai Cập xa xưa nhất.

Bảng mẫu tự chữ tượng hình (cột trái) đối chiếu với bảng mẫu tự Latinh (cột giữa) và tên các hình đi kèm
Rồi ông có được một sự mãn nguyện ngọt ngào khi chứng minh được lời xác quyết mà sáu năm trước toàn thể ủy ban Ai Cập đã cười nhạo mình. Đoàn thuyền của đội du khảo neo đậu tại Dendera. Trên bờ, ngay tiền cảnh, là những đền thờ Ai Cập uy nghi do nhiều đời vua và nhà chinh phạt kế tiếp nhau xây dựng. Các vì vua của Vương triều 12 trong thời Vương quốc Giữa đã góp phần xây dựng Đền Dendera, cũng như Thotmes III và Ramses Đại Đế, các nhà trị vì hùng mạnh nhất của Vương quốc Mới, cũng như người kế nghiệp Ramses. Các đời vua Ptolemy cũng góp công lao vào việc xây dựng, và sau đó các hoàng đế La Mã, Augustus và Nerva, và cuối cùng Domitian và Trajan, hai nhân vật cuối cùng này được tưởng nhớ vì có công dựng cổng và tường bao.
Các đạo quân của Napoleon, sau hành trình khủng khiếp, tới được Dendera vào ngày 25/5/1799, và họ choáng váng trước cảnh quan của những phế tích. Ở đây, một vài tháng trước đây, Tướng Desaix và và sư đoàn của ông đã dừng cuộc truy kích quân Mameluke để trố mắt nhìn, mê mẩn, trước sự hùng vĩ và lộng lẫy của một vương quốc chết. Nơi đây, cuối cùng, Champollion đang đứng, trước đây đã tường tận mọi chi tiết của cảnh quan qua những ghi chép mô tả, hình vẽ, và các bảng chữ khắc được sao chép. Giờ là đêm Ai Cập lấp lánh, rực rỡ, dưới vầng trăng tròn. Mười lăm thành viên của đoàn du khảo Champollion năn nỉ người lãnh đạo cho họ lên bờ. Thấy không thể từ chối, ông bèn dẫn đầu, và họ cùng nhau xồng xộc vào đền thờ. “người dân Ai Cập có thể tưởng chúng tôi là bọn Bedouin [một sắc dân du mục miền sa mạc hung dữ],” ông viết, “còn người Âu châu sẽ ngỡ là một băng các tu sĩ dòng Carthusian trang bị đến tận răng.”
Vị khách, tham gia trong chuyến đi này, lắp bắp đầy kích động khi kể về chuyện đó: Chúng tôi chạy tán loạn qua một bãi cây kẹ – một cảnh tượng huyền ảo dưới ánh trăng! Rồi chúng tôi đi qua một vạt cỏ cao, bụi cây gai, và những đám cỏ rậm. Quay lại ư? Không, chúng tôi không muốn thế. Tiến tới ư? Nhưng chúng tôi không lần theo hướng nào. Chúng tôi kêu lớn, nhưng đáp lại chỉ nghe tiếng chó sủa xa xa. Rồi chúng tôi trông thấy một gã xác xơ, đang nằm ngủ sau một thân cây. Trang bị một cây gậy, trên người chỉ là đám giẻ rách đen đúa, gã trông chẳng khác con ma.” (Champollion gọi gã là “một xác ướp biết đi.”) Gã bật dậy, sợ chết khiếp, tưởng là mình sắp tiêu đời. . . Vẫn phải đi thêm hai giờ nữa. Và cuối cùng đền thờ hiện ra, tắm trong ánh trăng vàng vọt, một cảnh quan làm chúng tôi ngất ngây. . . Trên đường đi chúng tôi vừa đi vừa hát để đỡ sốt ruột, nhưng giờ đây, trước cửa đền, tràn ngập ánh sáng thần bí – thật ấn tượng biết bao! Sự an bình hoàn hảo và ma thuật bí ẩn ngự trị bên dưới mái cổng với các cột đồ sộ – và bên ngoài ánh trăng chói lòa! Một sự tương phản kỳ lạ và kỳ diệu!
“Sau đó chúng tôi đốt lửa với cỏ khô bên trong khuôn viên đền thờ. Nỗi hân hoan tươi tắn, một nhiệt tình mới bùng phát, như một cơn men ập đến. Giống như một cơn sốt, một cơn điên dại. Mỗi người đều như xuất thần. . . Bức tranh mê mẩn này, tràn đầy ma thuật, là hiện thực – bên dưới mái cổng đền thờ Dendera.”
Còn Champollion báo cáo về trải nghiêm này như thế nào? Những người kia gọi ông là “sư phụ” và giọng điệu mô tả ôn tồn của ông hài hòa với trạng thái siêu việt này. Vậy mà đằng sau những lời nói tỉnh táo ta có thể cảm nhận được một cảm xúc rộn ràng. “Tôi sẽ không cố gắng diễn tả,” ông viết, “ấn tượng mà đền thờ, và đặc biệt mái cổng gây cho chúng tôi. Kích cỡ riêng lẻ của kiến trúc có thể đo được, nhưng hoàn toàn không thể cho ta một ý niệm tổng thể. Với mức độ cao nhất có thể tưởng tượng được đền thờ kết hợp sự diễm lệ và hoành tráng. Chúng tôi dừng lại đó hai giờ, tràn đầy khoái cảm. được gã xác xơ nghèo kiệt hướng dẫn, chúng tôi lang thang qua các hành lang và cố gắng đọc những bảng khắc bên ngoài trong ánh trăng lấp lánh.”
Đây là đền thờ Ai Cập được bảo quản tốt, rộng lớn, lần đầu tiên mà Champollion được nhìn thấy. Những gì ông ghi chép đêm nay, và những lần kế tiếp, cho thấy người đàn ông này phấn chấn xiết bao khi bước vào Ai Cập cổ đại. Trong tưởng tượng, ước mơ, và suy tưởng, ông đã tự chuẩn bị cho cảnh tượng thực tế quá chu đáo đến nỗi không có gì trong đó làm ông ngạc nhiên. Mọi thứ ông chứng kiến hiện giờ khẳng định những gì ông đã cảm thấy. Những hiểu biết sâu sắc không ngờ của ông gây ngạc nhiên cho những người đồng hành có học thức nhưng thiếu nhạy cảm. Hầu hết những thành viên của đoàn du khảo Champollion đều nhìn thấy đền thờ, cổng, cột, và bảng chữ khắc như những hình thể đá chết, những vật tưởng niệm vô hồn của quá khứ. Nhưng đối với người lãnh đạo đoàn, chúng là thành phần và mảnh ghép của một cảnh quan đang sống.
Tất cả thành viên đoàn Champollion đã cắt tóc và đội khăn quấn to đùng, những áo khoác thêu sợi vàng, và ủng màu vàng. Phong cách phục sức kỳ dị này không được Champollion chia sẻ. Nhiều năm rồi ở Grenoble và Paris ông từng được biết dưới tên “người Ai Cập”. Trong chuyến du khảo ông ăn mặc y phục của người bản địa, như thể ông sinh ra trên đất sông Nile. Tất cả bạn bè có thể chứng thực điều này.
Champollion giải đoán và giải mã một cách cần cù trong chuyến đi đến Ai Cập. Cảm hứng ông sôi nổi, đầu óc ông tràn ngập những ý tưởng. Ông biểu lộ hân hoan trước ủy ban: Đây không phải là Đền Isis, như họ khăng khăng, nhưng là Đền Hathor, nữ thần tình yêu. Và liệu đền thờ có “tuyệt đối cổ,” như ủy ban nói? Thực ra kiến trúc có được hình dạng cuối cùng dưới thời các vua Ptolemy, thậm chí sau thời kỳ hoàn thành này những nét chấm phá đã được người La Mã thêm vào. Ấn tượng choáng ngợp mà đền thờ dưới ánh trăng gây ra không ngăn được Champollion nhận ra rằng mặc dù tòa nhà là ‘một tuyệt tác kiến trúc,” nó được phủ lên “bằng điêu khắc có phong cách tệ nhất.” “Chúng ta hãy hi vọng ủy ban sẽ không bị xúc phạm,” ông viết, “nhưng các phù điêu ở Dendera thật là kinh tởm, và không thể là cái gì khác, nếu xét việc chúng nhảy ra từ một thời kỳ suy đồi. Trong thời kỳ này điêu khắc đã bại hoại, trong khi kiến trúc, một nghệ thuật có tính số học và ít bị thay đổi, vẫn còn xứng đáng với các thần linh Ai Cập và sự ngưỡng mộ của các thời đại.”
Champollion mất ba năm sau đó, trong sự tổn thất lớn lao của ngành khoa học mới là Ai Cập học. Lập tức sau cái chết của ông những ý tưởng của ông bị các học giả Anh và Đức công kích. Họ mù quáng bài bác kỹ thuật giải mã của ông là một sản phẩm của trí tưởng tượng, ấy thế mà các kết quả được công nhận rộng khắp. Champollion được cổ vũ nhiệt liệt bởi Richard Lepsius, một người Đức, người mà vào năm 1866 tìm được Chiếu chỉ Canopus viết bằng hai ngôn ngữ. Một sự nghiên cứu sâu rộng của văn bản này bằng tiếng demonic và chữ tượng hình Ai Cập và bằng chữ Hi Lạp đã minh chứng một cách toàn bộ lý thuyết của Champollion. Sir Peter le Page Renouf, trong một bài nói chuyện trước Hội Hoàng gia London vào năm 1896, cuối cùng cũng vinh danh một cách xứng đáng Champollion – 64 năm sau ngày ông qua đời.
Champollion đã giải được câu đố về chữ viết Ai Cập. Tiến trình khai quật kéo dài giờ đây có thể khởi đầu.

Một bảng khắc chữ tượng hình Ai Cập

Phù điêu trên trần đền thờ Dendera

Cột chống đỡ trong sảnh tại đền thờ Dendera
- BELZONI, LEPSIUS, VÀ MARIETTE: CUỘC SỐNG Ở AI CẬP CỔ ĐẠI
Quyển sách này chỉ là bản tóm tắt, đi từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác trong thành tựu khảo cổ. Đúng là không công bình, chẳng hạn, đối với mọi học giả, những người cần cù như kiến, đã phân loại, liệt kê, và đôi lúc đưa ra một giải đoán táo bạo nào đó, một giả thuyết sáng tạo, hoặc nhiệt tình đâm hoa kết trái.
Suốt những thập kỷ tiếp theo công trình giải mã chữ tượng hình của Champollion, những phát hiện vĩ đại về Ai Cập liên kết bốn tên tuổi sau đây: người Ý, Belzoni, nhà sưu tập; người Đức, Lepsius, nhà liệt kê; người Pháp, Mariette, người bảo quản; và người Anh, Petrie, người đo đạc và giải thích.
“Một trong những nhân vật nổi bật nhất trong toàn lịch sử Ai Cập học,” Howard Carter, nhà khảo cổ, gọi Giovanni Battista Belzoni (1778-1823), một thời là một lực sĩ trong một gánh xiếc London. Carter đang nói về cá tính của nhân vật hơn là những thành tựu nghề nghiệp. Như ta biết, các nhà nghiệp dư đã đóng những vai trò quan trọng trong lịch sử khảo cổ; nhưng trong số tất cả những người không chuyên trong lãnh vực này, Belzoni có lẽ là nhân vật gây tò mò nhất.
Belzoni sinh tại Padua, thuộc về một gia đình gốc La Mã, và ngay thời trẻ đã dự tính làm thầy tu. Trước khi được nhận vào hàng giáo phẩm, tuy nhiên, ông bị vướng víu vào những âm mưu chính trị và, để khỏi vào tù, ông trốn chạy đến London. Tại đó, theo một bài báo, ông tìm việc làm trong một nhà hát rẻ tiền với vai trò “người Ý khổng lồ” và “lực sĩ”, cứ mỗi tối trình diễn màn vác trên vai một số người nhiều đến khó tin, đi vòng vòng quanh sân khấu. Trong thời gian này, hiển nhiên không có gì xa lắc khỏi tâm trí ông hơn là việc khảo cổ. Sau đó hình như ông quay ra tìm hiểu về chế tạo máy móc, đặc biệt bánh xe nước sử dụng trên đất nước Ai Cập. Vào năm 1815 ông tuyên bố bánh xe nước của ông sẽ đạt năng suất gấp bốn lần công cụ đang thịnh hành ở bản xứ. Chắc hẳn ông phải là một người kiên trì và khôn khéo, vì cuối cùng ông được cấp phép lắp ráp một mẫu máy của mình trong lâu đài của Mohammed Ali.
Tên Mohammed Ali này là một nhân vật khá nham hiểm, và ở thời điểm đó vừa leo lên được nấc thang đầu tiên của sự nghiệp. Xuất thân từ Albania, Mohammed Ali từng là nhà buôn bán cà phê, rồi thành một vị tướng, và khi Belzoni đến đó y đã có thời gian hoạt động như một phó vương của chính quyền Ai Cập. Sau đó y trở thành nhà cai trị chuyên chính của Ai Cập, và cũng của nhiều bộ phận của Syria và Arabia. Hai lần y đã đánh bại tan tát các đạo quân Anh. Y cũng chịu nhiều tai tiếng vì những vụ thủ tiêu chính trị tàn độc. Một lần y đã giải quyết sự bất hòa với quân Mameluke bằng cách mời 480 thống đốc đến dự tiệc ở Cairo và tàn sát tất cả bọn họ. Mặc dù trong nhiều lãnh vực y là một nhà ủng hộ việc cải cách, Mohammed Ali không có ấn tượng với bánh xe nước của Belzoni. Belzoni không nản chí. Trong lúc này, qua nhà thám hiểm người Đức Burckhardt, ông xoay sở xin được giới thiệu đến tổng lãnh sự Anh ở Ai Cập, một người có tên là Salt. Với Salt ông đưa ra một đề nghị táo bạo là xin phép lãnh việc vận chuyển, từ Luxor đến Alexandria, hai pho tượng ngồi của Vua Amenophis III, hoặc Ramses II, mà ngày nay đang trưng bày tại Bảo tàng Anh.
Năm năm sau đó ông đi sưu tập, mới đầu cho Salt, sau đó cho riêng mình. Ông sưu tập mọi thứ tìm được, từ các trang sức hình bọ hung đến cột tháp. (Một trong những cột tháp của Belzoni rơi khỏi xà lan xuống sông Nile, nhưng sau đó ông trục lên được.) Ông hoạt động trong thời kỳ Ai Cập, đã trở nên khét tiếng là nguồn cung cấp cổ vật lớn nhất trên thế giới, đang bị cướp bóc vô tội vạ. Nhiều cách thức khai thác, tương tự như những cách thức sẽ được sử dụng trong cuộc đổ xô tìm vàng ở California và Úc vài thập kỷ sau đó, được dùng để đào tìm các cổ vật bằng vàng. Không biết vì lý do không có luật lệ qui định hay có quá ít. Hơn một lần sự bất hòa ý kiến được giải quyết bằng súng đạn.
Điều không tránh khỏi là cơn sốt sưu tập cổ vật mà không đếm xỉa gì đến ý nghĩa khảo cổ của chúng gây hủy hoại nhiều hơn là khám phá. Bất luận kiến thức nào tình cờ phát hiện được thì rồi cũng bị những thiệt hại gây ra làm cho tiêu vong. Mặc dù trên đường tìm kiếm Belzoni cũng thu nhặt lõm bõm vài thông tin khảo cổ, nhưng như nhiều người khác thuộc hạng như ông, ông sưu tập bằng búa và kềm. Ông không phiền hà gì, chẳng hạn, đập vỡ những lăng mộ được niêm phong bằng búa nện.
Mặc dù những phương thức hung hăng của Belzoni – những phương thức chắc chắn làm những nhà khảo cổ hiện đại dựng cả tóc gáy – Howard Carter vẫn đánh giá cao ông. Có một lần Howard Carter nhận xét rằng Belzoni xứng đáng được tuyên dương cho công trình khai quật của mình và “phương thức và kỹ thuật tiến hành nó.” Ý kiến này hơi khó hiểu trừ khi chúng ta xét đoán Belzoni trong hoàn cảnh bát nháo của thời đại ông và nhớ là ông là tác giả của một số phát hiện làm nảy sinh một chuỗi thẩm xét đến này vẫn chưa kết thúc.
Vào tháng 10 năm 1817, trong thung lũng Biban el-Muluk, gần Thebes, Belzoni phát hiện, trong số những lăng tẩm khác, lăng tẩm của Sethos (Seti) I, tiền nhiệm của Ramses vĩ đại, và là người chinh phạt Libya, Syria, và Chatti, vùng đất của dân Hittite. Quách trống rỗng hiện giờ được trưng bày tại Bảo tàng Soane ở London. Lăng mộ thực sự trống rỗng hơn ba ngàn năm. Xác ướp đi đâu, Belzoni không khám phá ra. Sự khai quật lăng mộ Sethos mở đầu cho một chuỗi dài những phát hiện quan trọng trong Thung lũng các Vì Vua. Trong nhiều năm trời toàn bộ khu vực đã bị khai quật triệt để, những khám phá lớn nhất đã được thực hiện trong thế kỷ chúng ta [thế kỷ 20].
Sáu tháng sau đó, vào ngày 2/3/1818, người Ý này mở cửa Kim Tự Tháp Gizeh thứ hai, lăng mộ của Chephren, và đi sâu vào phòng an táng hoàng gia. Những điều nghiên sơ khởi của Belzoni phát động công cuộc nghiên cứu các kim tự tháp, những kiến trúc vĩ đại nhất của thế giới cổ đại. Từ bóng tối của tiền sử Ai Cập những dấu vết con người đầu tiên bắt đầu hiện hình, đóng khung trong một không gian hình học rộng lớn.
Belzoni không phải là người đầu tiên đào bới trong Thung lũng các Vì Vua, cũng không phải là người đầu tiên tìm được lối vào một kim tự tháp. Vậy mà dù chỉ là một người săn tìm vàng hơn là săn tìm kiến thức, ít nhất ông là người đầu tiên đưa ra, trong phòng an táng và kim tự tháp tại hai địa điểm khác nhau, những vấn nạn khảo cổ quan trọng chỉ mới được giải quyết thời gian gần đây.
Năm 1820 Belzoni trở về London, và trong Sảnh Ai Cập được dựng lên ở Piccadilly khoảng tám năm trước, ông tổ chức một cuộc triển lãm, nét hấp dẫn chính là quách bằng đá tuyết hoa của Sethos và một mẫu phòng an táng của ông ta. Một ít năm sau đó Belzoni qua đời trên một chuyến thám sát đến Timbuktu. Ngày nay ta có thể tha thứ cho ông vì đã vô lối khắc tên mình lên ngai vàng của Ramses II tại đền thờ Ramesseum tại Thebes, một hành động tạo ra tiền lệ hủy hoại công trình mà nhiều năm sau vô số nhà sưu tầm cổ vật bắt chước như Mr. Brown, Herr Schmidts, và các tên Leblans, từ đó là cái gai trong sườn các nhà khảo cổ.
Belzoni là nhà sưu tập lớn; giờ là lúc cho các nhà liệt kê và sắp xếp bước vào sân khấu, xuất sắc hơn tất cả là Richard Lepsius.
Alexander von Humboldt, nhà du lịch và tự nhiên học, thuyết phục Vua Friedrich Wilhelm IV của Phổ tài trợ hào phóng cho một đoàn du khảo Ai Cập. Richard Lepsius, lúc ấy 31 tuổi, được chọn làm người dẫn đầu. Lepsius (sinh năm 1810, tại Naumburg, Đức) đã theo học môn ngữ pháp và ngôn ngữ đối chiếu. Vào tuổi 32 ông đã trở thành một giảng viên tại Đại học Berlin. Một năm sau ông cầm đầu chuyến đi đến Ai Cập.
Thời khóa ba năm, 1843-5, tạo ra thuận lợi mà không đoàn du khảo nào có được: thời gian. Kiếm nhanh chiến lợi phẩm không phải là mục tiêu; mục đích là liệt kê và tìm hiểu; và thời gian rộng rãi cho phép họ đào xẻng bổ cuốc vào bất kỳ nơi nào có triển vọng. Chỉ riêng Memphis họ bỏ ra đến sáu tháng, và ở Thebes là 7 tháng.

Sethos đánh nhau với quân Hittite tại Syria. Hình vẽ này lấy từ đền thờ ở Thebes. Ở một thời điểm nào đó phù điêu này được sơn màu. Belzoni, người tìm ra lăng mộ của Sethos, báo cáo rằng chỉ còn thấy được một vài vệt màu nguyên thủy.
Thành công đầu tiên của Lepsius là việc phát hiện một vài đài tưởng niệm thời Vương quốc Cũ – thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập, thời kỳ xây dựng kim tự tháp, giữa 3200 và 2270 trước C. N. Ông tìm thấy dấu vết và tàn tích của 30 kim tự tháp chưa được biết đến giờ, do đó kéo dài danh sách tổng cộng lên tới 67. Ông cũng khảo sát 130 mastaba, một loại mộ táng mà các nhà khảo cổ trước ông đã không coi trọng. Mastaba là một kiến trúc hình hộp có các cạnh dốc chứa phòng tùy táng và nối liền bằng một đường hầm với phòng an táng ở trong đá nằm bên dưới. Những mastaba này được xây dựng trong thời kỳ Vương quốc Cũ dùng làm lăng mộ cho các nhân vật nổi tiếng. Ở Tell-el-Amarna Lepsius tìm thấy tư liệu cung cấp một sự hiểu biết thấu đáo đầu tiên về tính cách của nhà cải cách tôn giáo lớn Amenophis IV. Ông cũng là người đầu tiên đo đạc trong Thung lũng các Vì Vua. Dưới sự chỉ huy của ông, các bản in đúc các phù điêu trên tường đền thờ và vô số bảng chữ khắc được tiến hành. Lepsius xục xạo xuống đến các thời kỳ tận 4,000 năm trước C.N. Ông là người đầu tiên sắp xếp thứ tự về những gì tìm thấy, người đầu tiên nhìn lịch sử Ai Cập như một toàn cảnh, thấu hiểu các tàn tích như là các sản phẩm cuối cùng của một quá trình tiến hóa.
Kho báu của Bảo tàng Ai Cập ở Berlin là thành quả của chuyến du khảo này của Lepsius. Một dãy tăm tắp các ấn bản, bắt đầu với ấn phẩm gồm 12 bộ sách có tên Các Đài Tưởng Niệm của Ai Cập và Ethiopia và vươn ra đến một khối lượng đồ sộ những chuyên khảo về nhiều đề mục xa lạ, kết quả của công trình nghiên cứu sâu rộng các nguồn tư liệu về Ai Cập học của đoàn du khảo.
Lepsius mất năm 1884 ở tuổi 74. Nhà viết tiểu sử ông, Georg Ebers, một nhà Ai Cập học kiệt xuất, mà những chuyện tình hoa mỹ vào thời Pha-ra-ông của ông được các thiếu nữ lãng mạn say sưa đọc vào buổi giao thời giữa hai thế kỷ, mô tả ông không sai là người sáng lập thực sự của ngành khảo cổ hiện đại. Hai công trình của nhà phân loại vĩ đại đưa ông lên vị trí bất tử trong hậu thế: Biên Niên Sử Ai Cập, được xuất bản năm 1849; và Quyển Sách về các Vì Vua Ai Cập, ra đời một năm sau đó.
Người Ai Cập, như mọi dân tộc cổ đại, khác với tập quán chúng ta ngày nay, không để lại cho ta những sử liệu theo nghĩa hiện đại; họ không có sử gia, cũng không tính toán dòng thời gian từ một mốc cố định qui chiếu nào đó. Thay vào đó họ tính niên đại theo “năm trị vì của vì vua đương thời,” ấn định mốc thời gian của một sự kiện nổi bật nào đó bằng số năm trị vì mà sự kiện xảy ra. Họ biên soạn danh sách các vì vua phân chia thành các triều đại, bắt đầu với vị vua đầu tiên của Triều Đại Thứ Nhất. Niên giám cổ nhất còn lưu lại cho chúng ta, có tên Đá Palermo, có niên đại từ thời Vương quốc Cũ, những mảnh vỡ vụn trêu ngươi; Cuộn Giấy Cói các Vì Vua, cũng trong tình trạng bảo quản tồi tệ, có niên đại từ thời Vương quốc Mới. Việc tái thiết quá khứ Ai Cập tương tự như soạn ra một biên niên sử Âu châu đúng tàm tạm từ các bảng chữ trên tòa nhà công cộng, các văn bản của các cha nhà thờ, và những truyện cổ tích của anh em Grimm. Đó cũng chính là những gì các nhà tiên phong trong ngành Ai Cập học đã thử làm. Chúng ta nên dành cho việc xây dựng một biên niên sử Ai Cập ít nhất một vài dòng ngắn ngủi, nếu chỉ để làm sáng tỏ bằng cách nào các nhà khảo cổ học sử dụng một cách sắc sảo mổi điểm tựa có được để cắm những dấu mốc trong dòng 4,000 năm của trải nghiệm nhân loại. Nỗ lực này thành công đến nỗi ngày nay kiến thức chúng ta về các niên đại Ai Cập chính xác hơn, chẳng hạn, kiến thức của Herodotus, người thực sự đã chu du đến Ai Cập gần 25 thế kỷ trước.
Mặc dù tất cả nguồn tư liệu Ai Cập cổ phải được coi trọng thích đáng, nhưng một mảnh văn bản do thầy tu Ai Cập, nếu có, cho ta điểm mốc lịch sử đầu tiên. Tu sĩ, một ông Manetho nào đó ở Sebennytus, cách Christ 300 năm, hoặc chỉ ngay sau khi Alexander Đại Đế băng hà, và tại lúc nào đó trong thời trị vì của hai vua Ptolemy đầu triều, soạn một quyển sử về Ai Cập bằng tiếng Hi Lạp, có tên Niên Giám Ai Cập, hoặc Lịch Sử Ai Cập. Tác phẩm của Manetho không truyền đến chúng ta nguyên vẹn. Chúng ta biết về ông qua những bản tóm lược tìm thấy trong tác phẩm của Julius Africanus, Eusebius, và Josephus. Maneto chia danh sách dài các Pha-ra-ông mà ông ta biết thành 30 triều đại, cách phân chia tương tự như cách chúng ta dùng hiện này.
- H. Breasted, nhà khảo cổ Mỹ, gọi các niên giàm của Maneto là một “tuyển tập các truyện dân gian ngây ngô.” Sự phán xét phũ phàng này có lẽ cần được giải minh. Chúng ta phải nhớ rằng Maneto không có sử liệu đi trước để hướng dẫn, và còn phải kể đến ba ngàn năm lịch sử đã trôi qua. Ông ta phần nào ở trong tình thế của một sử gia Hi Lạp hiện đại, muốn dựng lại sự kiện Cuộc Chiến Thành Troy mà chỉ được sử dụng truyền thống quốc gia và văn hóa dân gian. Trong vài thập kỷ danh sách của Maneto là nguồn tham khảo cơ bản duy nhất cho nhà khảo cổ sử dụng. (Lúc đó, cũng như bây giờ, khảo cổ học là một thuật ngữ cho sự nghiên cứu tổng quát của thời cổ. Tuy nhiên, các đài tưởng niệm và bảng khắc chữ của Ai Cập đầy dẫy đến nỗi yêu cầu phải tập trung chú ý. Kề từ thời của Lepsius thuật ngữ Ai Cập học đã được sử dụng cho lãnh vực khảo cổ chuyên biệt này, cũng như trong thời gian gần đây hơn thuật ngữ Assyriology (Assyria học) được dùng để chỉ ngành nghiên cứu về thời Mesopotamia cổ đại.) Các học giả có uy tín ở phương Tây đã đi xa hơn Maneto như thế nào được chứng tỏ trong các dãy niên đại viện dẫn sau đây, tính bằng năm, thời điểm Vua Menes thống nhất Ai Cập.
Champollion, 5867 trước C. N.; Lesueur, 5770; Bökh, 5702; Unger, 5613; Mariette, 5004; Brugsch, 4455; Lauth, 4157; Chabas, 4000; Lepsius, 3892; Bunsen, 3623; Eduard Meyer, 3180; Wilkinson, 2320; Palmer, 2224. Gần đây niên đại đã bị đẩy lùi lại lần nữa. Breasted tính niên đại Menes là 3400, Georg Steindorff là 3200, và nghiên cứu mới nhất là 2900.
Càng đi lùi vào quá khứ tất cả niên đại càng trở nên khó xác định. Đối với những giai đoạn gần hơn của lịch sử Ai Cập – chẳng hạn Vương quốc Mới, và Thời kỳ Cuối, thời kỳ vừa khép lại khi Caesar đang mòn mỏi đợi chờ Cleopatra – chúng ta có thể sử dụng cách đối chiếu với niên đại từ Ba Tư, Hebrew, Hi Lạp, và lịch sử Assyria-Babylonia.
Bất ngờ, vào năm 1843, nhiều khả năng mới nhằm kiểm tra thời quá khứ xa xôi qua cách tiếp cận đối chiếu mở ra với sự phát hiện Bản Hoàng Triều tại Karnak, được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia ở Paris. Trên bản khắc là danh sách các vua trị vì Ai Cập từ thời xưa nhất xuống đến Triều đại 18. Một nguồn chủ yếu khác là Bản Hoàng triều ở Sakkara, được tìm thấy trong một lăng mộ, hiện giờ nằm yên tại bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Trên một mặt của bản Sakkara là một bài thánh thi dâng lên Osiris, thần của cõi âm, mặt kia ghi lời cầu nguyện của thư lại, Tunri, dâng lên 58 vì vua, từ Miebis đến Ramses Đại Đế, các tên được sắp thành hai hàng.
Nổi tiếng hơn, tuy nhiên, và thậm chí quan trọng hơn đối với Ai Cập học, là Danh Sách Hoàng Triều ở Abydos. Bảng khắc này, được tìm thấy trong một sảnh của Đền thờ Sethos, mô tả Ramses II và Sethos I, người trước là một thái tử. Họ được chạm khắc trong tư thế cúng tế tổ tiên mình – Chính Sethos nâng cao bình hương – các tổ tiên được liệt kê thành hai hàng, chứa tất cả 76 tên. Bánh mì, bia, thịt trừu, thịt ngỗng, trầm hương, và những vật lễ tạ tất cả đều được ghi lại đầy đủ trên bảng khắc. Danh sách Abydos cung cấp những cơ hội tuyệt vời giúp kiểm tra chéo dòng dõi kế nghiệp của hoàng triều, nhưng không giúp xác định được niên đại chính xác theo kiểu hệ thống lịch hiện tại của chúng ta.
Rải rác khắp mọi nơi trong phế tích của Ai cập cổ đại, tuy nhiên, là những ghi khắc thời gian trị vì của vua này hay vua kia, khoảng thời gian của chiến dịch, thời gian xây dựng đền thờ. . . Bằng cách sử dụng phương pháp gọi là “phép cộng niên niên đại tối thiểu” – đó là, cộng liên tiếp những khoảng thời gian trị vì – bộ xương của lịch sử Ai cập dần dần được ráp liền.
Những niên đại tuyệt đối đầu tiên, tuy nhiên, có thể tính được nhờ dựa vào một sự kiện xưa hơn Ai Cập, xưa hơn lịch sử loài người – đó là sự chuyển động của các vì sao. Người Ai Cập có bộ lịch năm tương ứng với sự thay đổi mùa màng, và đã sử dụng nó không biết từ bao giờ để tiên đoán những thời kỳ lũ lụt của sông Nile, nhờ đó đất đai trồng trọt mới tồn tại. Đó không phải là bộ lịch đầu tiên, như sau này chúng ta sẽ biết, mặc dù, theo Eduard Meyer, nó được sử dụng ít nhất vào khoảng 4241 trước C. N., một niên đại quả là xa lắc. Bộ lịch Ai Cập này là cơ sở cho bộ lịch Julian sử dụng ở La Mã vào 46 trước C. N., hệ thống tính toán thời gian được thế giới Tây phương công nhận và sử dụng cho đến khi được thay bằng bộ lịch Gregorian, 1582 sau C. N. mà ta dùng hiện giờ.
Các nhà khảo cổ quay ra nhờ các nhà toán học và thiên văn học trợ giúp, được họ cung cấp những văn bản cổ, những bản sao các chữ khắc, và bản dịch các tham chiếu bằng chữ tượng hình đối với các sự kiện thiên văn. Bằng cách phân tích các loan báo liên quan đến sự đi lên của sao Thiên lang vào ngày Thut 1 – tức ngày 19/7 – ngày đầu năm mới của Ai Cập, các nhà thiên văn có thể ấn định năm đầu tiên của Triều đại thứ 18 với một độ chính xác nào đó vào năm 1580 trước C.N., tương tự năm bắt đầu Triều đại 12 là năm 2000 trước C.N., với sai số cho phép là ba hay bốn năm.
Từ đó ta có được những điểm qui chiếu cố định nhờ đó xây dựng được biên niên sử. Các thời trị vì đã biết của một loạt các đời vua giờ có thể khớp vào một sơ đồ. Gần đây người ta phát hiện ra rằng những khoảng thời gian mà Manetho gán cho một số triều đại đã được phóng đại quá trớn. Trong bộ khung sườn ba ngàn năm này lịch sử Ai Cập dần dần tiến hóa.
Văn hóa Ai Cập là một văn hóa sông nước. Khi những liên minh chính trị lần đầu tiên được hình thành, Vương quốc phía Bắc nổi lên trong miền Châu thổ, và Vương quốc phía Nam nổi lên giữa Memphis (Cairo) và ngọn thác thứ nhất của sông Nile. Lịch sử thực sự của Ai cập khởi thủy bằng sự sáp nhập hai vương quốc lâu đời này, một sự kiện xảy ra vào khoảng 2900 trước C. N., trong thời trị vì của Vua Menes, thuộc Triều đại Thứ nhất.
Những triều đại tiếp theo, nói cho dễ hiểu, đã gộp lại thành những nhóm lớn hơn, được biết như vương quốc. Các niên đại, nhất là vào thời cổ nhất, hoàn toàn không chính xác và có thể tính lệch vài trăm năm. Các niên đại và sự phân chia cho đến Vương quốc Mới được sử dụng ở đây là theo nhà Ai Cập học Đức Georg Steindorff. Sau đó một sự phân chia khái quát thích hợp sẽ được dùng đến, tại thời điểm tiếp sau các niên đại của Steindorff.
Vương quốc Cũ (2900-2270 trước C. N.) gồm Triều đại Thứ nhất đến Thứ sáu. Đó là thời điểm của sự nẩy mầm văn hóa diệu kỳ, một thời kỳ trong đó những thể loại văn hóa cơ bản, tôn giáo, chữ viết, và cách diễn đạt nghệ thuật Ai cập, bắt đầu có bản sắc. Đó cũng là thời kỳ của các nhà xây dựng kim tự tháp Gizeh, của các vì vua vĩ đại như Cheops, Chephren, và Mycerinus, tất cả họ đều thuộc Triều đại thứ Tư.
Thời kỳ Trung gian Thứ nhất (2270-2100 trước C. N.) bắt đầu sau sự sụp đổ thảm họa của Vương quốc Cũ. Nó có thể coi như giai đoạn chuyển tiếp đưa đến chế độ phong kiến, trong đó một hoàng triều không chính thống ngoi ngóp tại Memphis. Thời kỳ này kéo dài từ Triều đại Thứ 7 đến Thứ 10, gồm tất cả hơn 30 vị vua.
Thời kỳ Vương quốc Giữa (2100-1700 trước C. N.) tiêu biểu một thời kỳ phát triển được thống trị bởi các ông hoàng xứ Thebes, những người đã quét sạch các ông vua gốc Heracleopolitan và một lần nữa thống nhất đất nước. Thời kỳ kéo dài từ Triều đại 11 đến 13. Chúng ta có thể coi thời kỳ này như là một thời kỳ văn hóa rực rỡ thể hiện trong vô số các công trình kiến trúc xuất sắc được hoàn thành dưới bốn triều vua có tên Amenemhet và ba tên Sesostris.
Thời kỳ Trung gian Thứ hai (1700-1555 trước C. N.) là do các nhà vua gốc dân Hyksos cai trị. Tộc Hyksod là dân tộc Semitic (“vua chăn cừu”), đã thôn tính châu thổ sông Nile, chinh phục nó, và thống trị Ai Cập trong một thế kỷ. Cuối cùng họ bị các ông hoàng xứ Thebes đuổi ra khỏi xứ (Triều đại 17). Trước đây người ta cho rằng sự trục xuất dân Hyksos có liên quan đến truyền thuyết trong Kinh Thánh nói về sự xuất hành của con dân Israel. Nhưng giờ đây giả thuyết này đã bị đánh đổ.
Vương quốc Mới (1555-1090 trước C. N.) là thời kỳ của uy danh chính trị, của những Pha-ra-ông chinh phục kiểu Caesar thuộc Triều đại 18 đến 20. Các cuộc chinh phạt của Thotmes III hun đúc nên những quan hệ với vùng Cận Đông. Các dân tộc ngoại bang bị cưỡng bách phải triều cống cho Ai Cập; của cải chất ngất đổ về vùng đất sông Nile. Những tòa nhà lộng lẫy được dựng lên. Amenophis III tạo liên minh với các vua xứ Babylonia và Assyria. Người kế nghiệp ông, Amenophis IV (chồng của Nefertiti), là nhà cải cách tôn giáo vĩ đại, người định thay thế tôn giáo cũ bằng một hình thức tôn thờ mặt trời và vì ký do đó được tự xưng là Ikhnaton – “người mà Aton (thần mặt trời) hài lòng.” Ông
xây dựng một kinh đô mới trong sa mạc, mà ông đặt tên là Tell-el-Amarna, cạnh tranh với Thebes. Nhưng tôn giáo mới sụp đổ trong những cuộc nội chiến và chết theo với nhà vua. Dưới thời cai trị bởi con nuôi của Amenophis, Tutankhamen, cung điện lại trở về Thebes.
Tuy nhiên, Ai Cập lên đến đỉnh cao của quyền lực chính trị dưới thời các Pha-ra-ông của Triều đại 19. Ramses II, về sau được phong là Ramses Đại Đế, trị vì trong 66 năm. Trong thời gian đó, ông đã phóng chiếu sức mạnh toàn năng của mình lên các công trình kiến trúc bề thế – đúng ra là khổng lồ ở Abu, Simbel, Karnak, Luxor, Abydos, và Memphis, và ở Thebes trong đền thờ an táng có tên là Ramesseum.
Sau khi Ramses qua đời tình trạng hỗn loạn xảy ra, nhưng Ramses III đã ổn định được hòa bình và trật tự trong thời trị vì kéo dài 21 năm. Sau đó quyền hành của Ai Cập lại nằm trong tay các thầy tu đền Amen (Amun, Amon) có quyền lực tăng dần.
Thời kỳ Trung gian Thứ Ba (1090-712 trước C. N.) là thời kỳ rối ren và quyền bính luân chuyển. Trong số các vị vua của Triều đại 21 đến 24, Sheshonk I gây hứng thú cho chúng ta vì là người chinh phạt Jerusalem và cuớp phá đền Solomon. Dưới Triều đạio 24, Ai Cập nằm dưới quyền thống trị cua người Etyhopia trong một thời gian ngắn.
Thời kỳ Cuối (712-525 trước C. N) đánh dấu thời kỳ quân Assyria dưới triều Esarhaddon chinh phạt Ai Cập dưới Triều đại 25. Triều đại 26 một lần nữa có thể thống nhất lại đất nước, mặc dù để mất Ethiopia. Liên minh với Hi Lạp kích thích giao thương và trao đổi văn hóa. Vị vua cuối cùng của Triều đại 26, Psamtik (Psammtech) III, bị Vua Ba Tư, Cambyses, đánh bại tại Trận Pelusium. Sau đó Ai Cập trở thành một tỉnh của Ba Tư. Động lực lịch sử và văn hóa Ai Cập thực sự đã tàn tạ vào 525 trước C. N.
Các vua Ba Tư, Cambyses, tức Darius I, và Xerxes I, áp đặt ách cai trị lên Ai Cập (525-332 trước C. N.), và đến thời Darius II thì kết thúc. Trong thời kỳ này văn hóa Ai Cập sống nhờ vào quá khứ, và vùng đất sông Nile trở thành “chiến lợi phẩm của các dân tộc hùng mạnh.”
Thời cai trị Hi-La (332 trước C. N.- 638 sau C. N.) khởi đầu bằng việc chinh phạt Ai Cập của Alexander Đại Đế và sáng lập thành phố Alexandria, trở thành tâm điểm mang đặc tính kinh thành Hi Lạp. Đế chế Alexandria bắt đầu suy thoái, nhưng qua thời Ptolemy III Ai Cập lần nữa trỗi dậy về quyền lực và sự tự trị. Hai thế kỷ trước khi Christ ra đời đất nước lâm vào cảnh tranh giành giữa các hoàng gia Ptolemy. Ai Cập càng ngày càng trôi vào quỹ đạo của La Mã. Dưới các triều các hoàng đế La Mã, quyền tự trị trên danh nghĩa vẫn được giữ nguyên, nhưng trong thực tế đất nước không gì khác hơn là một tỉnh lị La Mã, vựa thóc của Đế chế La Mã, một thuộc địa bị bần cùng hóa một cách thê
thảm bằng sự cướp bóc.
Đạo Cơ đốc bắt rễ rất sớm ở Ai Cập. Từ 640 sau C. N. trở đi, tuy vậy, vùng đất lại hoàn toàn rơi vào tay các calíp (vua Hồi), rồi sau đó thần phục người Thổ Osmanli. Cuối cùng Ai Cập bước vào phức hợp lịch sử thuộc Âu châu dưới sự chinh phạt của Napoleon.
Năm 1850 Auguste Mariette, nhà khảo cổ 30 tuổi người Pháp, leo lên tận đỉnh thành trì Cairo. Vừa mới đặt chân đến Ai Cập, ông nóng lòng muốn chiêm ngưỡng vùng đất mà ông đã nghe nói quá nhiều. Khi ông xoay mình chầm chậm, nhìn ngây ngất khắp bốn phía, một đế chế cổ xưa hiện hình trước đôi mắt của tâm trí ông. Ông nhìn lướt qua những tháp canh mảnh mai kiểu Hồi giáo đến hình hài khổng lồ của các kim tự tháp, vươn ra từ ngoài rìa phía tây của sa mạc. Quá khứ vẫy gọi ông. Và mặc dù ông chỉ dừng chân trong một chuyến công tác ngắn ngủi, những gì ông nhìn thấy đã trở thành định mệnh của ông.
Sinh ra tại Boulogne năm 1821, Mariette đã bắt đầu theo đuổi Ai Cập học từ rất sớm. Năm 1848 ông đã được chỉ định giữ một chân phụ tá trong Bảo tàng Louvre, và chính tại nơi đây ông được ủy nhiệm đến Ai Cập để mua lại các văn bản giấy cói. Tại Ai Cập ông chứng kiến cảnh các cổ vật bị cướp phá, và chẳng bao lâu thấy mình chú tâm đến việc cải thiện tình trạng này nhiều hơn là đi kì kèo với các nhà buôn bán cổ vật. Ông có thể trợ giúp bằng cách nào đây? Các nhà khảo cổ, nhà khai quật, và mọi người khác quanh quẩn khắp nơi trong một cơn thèm khát “”sưu tầm đồ cổ” – đúng ra là ăn trộm những tượng đài và chở đi những báu vật của xứ sở. Người Ai Cập bản địa chính họ cũng tiếp tay cho các hoạt động tai tiếng này. Các phu lao động mà các nhà khảo cổ thuê mướn sẵn sàng đút túi những cổ vật bé tí tìm được để bán lại cho người nước ngoài giúp tăng thu nhập. Sự cướp đoạt tùy hứng này cũng gây tổn hại không thể phục hồi được cho các phế tích. Việc trục lợi vật chất được người ta coi trọng hơn những thành tựu khoa học. Mặc dù có tấm gương của Lepsius về tính kỹ cương trong việc khai quật, nhưng người ta thích kiểu cướp phá cua Belzoni hơn. Mariette, người thực sự chỉ hứng thú trong việc khai quật, biết rằng, nếu không có kế hoạch bảo tồn, tương lai của ngành khảo cổ ở Ai Cập sẽ lâm nguy. Và đúng là vài năm sau đó ông tổ chức những qui chế nhằm kiểm soát vô cùng thành công và dựng lên bảo tàng viện về Ai Cập cổ đại lớn nhất thế giới. Vâng, ông, người thứ ba trong số bốn nhà Ai Cập học kiệt xuất của thế kỷ 19, những người đầu tiên đã hướng đến việc khai quật và khám phá.
Ông không ở Ai Cập rất lâu trước khi nhận ra một sự kiện nổi bật nhất. Các nhân sư bằng đá với nguồn cảm hứng điêu khắc giống hệt nhau được tìm thấy trưng bày trong những khu vườn tráng lệ của các viên chức Ai Cập và phía trước những đền thờ mới hơn ở Alexandra, Cairo, và Gizeh. Mariette là người đầu tiên tự hỏi không biết những nhân sư này có xuất xứ từ đâu.
Vận may đóng một phần quan trọng trong mọi khám phá. Bước qua những tàn tích ở Sakkara, một thị trấn gần Cairo, Mariette bắt gặp một nhân sư, chôn vùi dưới cát chỉ còn ló lên cái đầu, gần kim tự tháp bậc thang đồ sộ được nhận diện là Zoser. Mariette không thể nào là người đầu tiên nhìn thấy vật tạo tác này, nhưng chắc chắn ông là người đầu tiên nhận ra sự giống nhau giữa nó và các nhân sư ở Cairo và Alexandria. Và khi ông tìm thấy trên nó một bảng khắc ghi lại lời tuyên bố gởi đến Apis, con bò thiêng vùng Memphis, mọi điều mà ông đã đọc, đã nghe, đã nhìn về chủ đề này đều được sắp xếp đúng chỗ trong đầu óc ông; ông mường tượng một Đại lộ các Nhân sư bí ẩn đã mất dấu, nhưng đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Tại sao Đại lộ các Nhân sư không thể tọa lạc ngay đây ở Sakkara? Mariette thuê một một bọn Ả Rập, trang bị xẻng cuốc, và bảo họ đào bới. Công lao của họ đã mang ra ánh sáng 141 nhân sư! Ngày nay chúng ta gọi vùng đất mà Mariette khai quật gần Sakkara là Serapeum, hay Serapeion, theo tên của thần Serapis.
Đại lộ các Nhân sư có thời đã nối hai đền thờ. Những đền thờ này Mariette cũng khai quật, và tìm được những đồ tạo tác được nhận diện có tính truyền thống với địa điểm – các lăng mộ của Apis, các bò thiêng. Sự phát hiện này cho ta một hiểu biết thấu đáo hơn trước đây về các thể loại văn hóa Ai Cập nào đó; đó là, về một hình thức tôn thờ xa lạ và đen tối, một hình thức thờ cúng mà ngay cả dân Hi Lạp cổ đại, trong các ký sự du hành của họ, cũng cho là kỳ quái.

Thần bò Apis. Hình tam giác trắng trên trán bò là biểu tượng đánh dấu nó là bò thiêng giữa các bò bình thường.
Chỉ sau này trong lịch sử Ai Cập các vị thần mới mang hình dáng con người. Trong nhận thức tôn giáo xa xưa của miền đất này các thần linh hiện thân trong hình thức các biểu tượng, cây cỏ, và động vật. Nữ thần Hathor là một con bò cái, được tin là cư trú trong thân cây sung dâu; thần Nefertem là hoa sen; nữ thần Neith mang biểu tượng là một lá chắn trên đó gắn hai mũi tên bắt chéo. Tuy nhiên, hầu hết các thần Ai Cập được biểu thị dưới dạng thú. Thần Khnum là một con cừu đực; Horus chim ưng; Thoth cò quắm; Sebek cá sấu; nữ thần Nut, ở Bubastis, con mèo; và nữ thần Buto con rắn.
Không chỉ là những thần thú này, mà bất kỳ những con vật thực sự nào, miễn là chúng hội đủ phẩm chất nào đó, cũng đều được tôn kính. Nổi tiếng nhất trong các con thú thiêng này, đối tượng của một nghi thức thờ cúng trang nghiêm, là con bò thiêng của Memphis, Apis, mà người Ai Cập coi là thị thần của thần Ptah.
Con bò thiêng được tôn thờ như một con thú thật sự. Nó được nuôi trong một ngôi đền và do các tu sĩ chăm sóc. Khi chết nó được ướp chất thơm và chôn cất trọng thể, sau đó một con bò mới với cùng những dấu hiệu sẽ thế chỗ nó. Các nghĩa trang tương xứng với các thần và vua được xây dựng để tống táng những con thú thiêng liêng này. Tại Bubastis và Beni Hasan có nghĩa địa cho mèo, ở Ombos cho cá sấu, ở Ashmunein cho cò quắm, ở Elephantine cho cừu đực. Một số giáo phái thờ cúng thú vật lan truyền khắp xứ và phát triển theo vô số cách biến hóa. Những giáo phái khác thu hẹp ở địa phương, và sau một thời gian bùng phát sẽ tắt ngấm trong tăm tối sau hàng thế kỷ.

Thần Ptah, “thần sáng tạo thế gian”
Mariette đứng trước nơi yên nghỉ của các bò thần Apis. Tại lối vào các phòng ngầm là phòng an táng tương tự như các phòng an táng được xây tại các lối vào các mastaba dùng để chôn cất những nhà quí tộc Ai cập. Một đường hầm dốc dẫn xuống phòng an táng dài tại đó Apis, trong vô số hiện thân, đã được chôn cất trong thời của Ramses Đại Đế và trong hàng trăm năm sau đó. Mariette tìm thấy những di cốt được cất giữ trong những phòng khác nhau sắp xếp dọc một lối đi dài 320 bộ (hơn 97.5 mét). Các cuộc khái quật về sau, cho thấy lăng mộ hoạt động tận các đời vua Ptolemy, tăng chiều dài tổng cộng của hành lang an táng đến 1,120 mét (khoảng 341 mét). Thật là kỷ lục về thờ cúng!
Dưới ánh đuốc chập chờn, các nhân công Ai Cập im thin thít, chỉ dám thì thào khi họ rón rén đi xuống theo sau chân ông một cách sợ sệt, Mariette đi từ phòng an táng này đến phòng an táng tiếp theo. Quách chôn cất xác các bò thiêng được làm bằng đá granit đen và đỏ nặng nề, nguyên khối được cắt ra từ một khối đá duy nhất bóng láng cao xấp xỉ 9.6 bộ (2.9 mét), rộng 6.3 bộ (1.9 mét), và dài 12.8 bộ (3.86 mét). Sức nặng của các khối đá này ước tính khoảng 72 tấn.
Các nắp quách đã bị đẩy ra khỏi nhiều quách. Mariette và các người kế tiếp ông chỉ tìm thấy hai quách còn nguyên vẹn đồ tùy táng bên trong. Phần còn lại đã bị bọn trộm mộ khoắn sạch. Khi nào? Không ai biết câu trả lời. Bọn trộm mộ đều vô danh. Lần này đến lần khác các nhà Ai Cập học, bực bội và nóng giận một cách bất lực, khám phá là các tên trộm mộ đã đến trước họ. Những lớp cát chuyển dịch không ngừng, lướt qua các đền thờ và lăng mộ và thành phố, đã bôi xóa mọi dấu vết phạm tội.
Mariette đã xông vào vùng tối tăm của những nghi thức cúng bái đã thất lạc. Ông được ban đặc quyền – sau thành tựu khai quật của ông tại Edfu, Karnak, và Deir el-Bahri – ngắm nhìn không giới hạn cuộc sống đầy màu sắc và phong phú của Ai Cập cổ đại.
Ngày nay du khách, vừa chui ra từ các lăng mộ của bò thiêng, ngồi nghỉ ngơi trên sân thượng Nhà Mariette, nằm ở bên phải kim tự tháp bậc thang và ở bên trái Serapeum. Ở đó họ vừa nhấm nháp cà phê Ả rập vừa nghe các hướng dẫn viên du lịch ba hoa chuẩn bị cho họ tham quan thế giới hình ảnh.
Gần Serapeum nơi Mariette tìm thấy lăng mộ của một quan lớn và địa chủ quyền hành tên Ti. Lăng mộ của con người giàu có này rất cổ xưa, tương phản với các lăng mộ của các bò thiêng, tại đó các dấu vết của hoạt động con người được tìm thấy có niên đại vào đời các vua Ptolemy tương đối gần đây. Thật ra, công việc tiến hành trên các lăng mộ Apis đã kết thúc quá đột ngột đến nỗi một quách lớn bằng đá granit đen vẫn còn để lại bên trong lối vào thay vì được kéo xuống đường hầm và đặt vào nơi dành sẵn. Lăng mộ của Ti đã hoàn tất ngay sau khi Cheops, Chephren, và Mycerinus xây dựng xong kim tự tháp của mình. Lăng mộ này đặc biệt nhờ sự phong phú của các hình trang trí hiện thực. Mariette khá quen thuộc với phong tục an táng của người Ai Cập cổ đại và đã tưởng chỉ bắt gặp những đồ tùy táng thường lệ, những hình điêu khắc phong phú và trụ ngạch minh họa sinh hoạt cuộc sống bình thường. tất cả những điều này đều hiện diện trong lăng mộ của Ti, nhưng với số lượng to tát không tin được. Những bích họa trên tường của phòng an táng và hành lang có chất lượng vượt xa những gì được phát hiện từ trước đến thời điểm đó về chi tiết được sử dụng để minh họa cuộc sống thường nhật của người quá cố. Người đàn ông giàu có này, Ti, hiển nhiên tuyệt đối coi trọng mọi thứ liên quan đến cuộc sống xã hội và gia đình. Tất cả cá nhân và vật dụng của người tùy tùng đã được đem theo với ông, một cách tượng trưng, vào vùng tăm tối của tử thần. Chính Ti được thể hiện trong một tư thế áp đảo trong mọi tranh khắc nổi, với kích cỡ gấp ba đến bốn lần người thường hoặc nô lệ. Ngay tỉ lệ thể chất của chân dung ông thể hiện quyền năng và ý nghĩa và một cách biệt lớn giữa số phận của ông và những thân phận thấp hèn hơn.
Những tranh tường với chi tiết sắc sảo, đều nét và đầy phong cách và những hình khắc nổi mô tả những hoạt động thực dụng cũng như giải trí của
người nhà giàu. Chúng ta nhìn thấy sợi lanh được xử lý, thợ gặt gặt lúa, lừa kéo xe, đập lúa và sàng gạo. Tiến trình xây dựng thuyền cách đây 4,500 năm được minh họa: cảnh đốn cây; xẻ ván; cảnh sử dụng rìu lưỡi dòm, dùi tay, và đục. Rồi cưa, rìu, và khoan rất được thông dụng. ta cũng chứng kiến cảnh thợ nấu vàng đang làm việc, và quán sát cách thức không khí được thổi vào lò để tạo nhiệt độ cao. Chúng ta phát hiện những người điêu khắc, thợ nề, thợ thuộc da trong những công việc hàng ngày của họ.
Lần nữa và lần nữa chúng ta ấn tượng trước uy quyền mà một viên chức có vị thế như Ti tác động lên các người dưới quyền của mình. Các viên chức trong làng được thể hiện bằng hành động bị dẫn đến nhà quan Ti như đàn cừu để kết toán sổ sách, với các đốc quân lôi cổ những kẻ chậm chạp đi tới. Chúng ta nhìn thấy vô số hàng phụ nữ nông dân dâng quà biếu đến Ti, và từng toán tôi tớ, một số dẫn tới trước các con bò hiến tế, bọn khác đang mổ thịt. Chúng ta thấy Ti đang ngồi tại bàn, cùng với vợ và toàn gia, Ti ra ngoài , Ti du hí với gia quyến tại vùng Châu thổ, và Ti di hành qua một cánh đồng cỏ cói rậm rạp.
Trong thời Marriette các tranh chạm khắc được đánh giá bằng nội dung thể hiện nhiều hơn là bằng các chất lượng thẩm mỹ. Qua chúng ta có thể hiểu được những sắc thái thân thiết của cuộc sống thường nhật của người A Cập cổ đại. Những tranh này không chỉ thể hiện nghề nghiệp của họ, mà còn cách thức họ sinh nhai. Những đài tưởng niệm khác được đưa ra ánh sáng, đã khai thác rộng hơn loại thông tin sự kiện được sử dụng như một mô típ trang trí trên lăng mộ của Ti. Một số di vật này được tìm thấy trong lăng mộ của tễ tướng Ptahhotep, của Mereruka, được khám phá khoảng 40 năm sau. Tất cả những đồ tạo tác này được tìm thấy ở Sakkara. Và thấu hiểu được những kỹ thuật ban sơ nhưng công phu sắc sảo được người Ai Cập phát triển để giải quyết những bài toán xây dựng của thời đại mình khiến cho kỳ công xây dựng các kim tự tháp càng đáng ngưỡng mộ. Về phần Mariette và các người đương thời của ông, biết những gì người Ai Cập sử dụng trong tạo tác càng làm gia tăng sự bí ẩn của kim tự tháp. Thực tế là công nghệ Ai Cập đặt cơ sở trên sự thừa mứa nhân lực. Trong nhiều thập kỷ sau Mariette mọi hình thức ức đoán về các bí quyết mà người Ai cập sử dụng để xây dựng các công trình đồ sộ tiếp tục xuất hiện trên báo chí, trong cẩm nang du lịch, và ngay cả trong các ấn bản kỹ thuật, trong khi thực sự không có bí ẩn nào cả. Nguyên tắc xây dựng của Ai Cập được tiết lộ bởi một người sinh ra tại London vào thời điểm Mariette đang khai quật tại Serapeum.

Đức ông Ti được chở bằng thuyền đáy băng qua một cánh đồng cỏ cói

Tranh chạm nổi cảnh làm nông trong lăng mộ của Ti
Tám năm sau khi Mariete lần đầu tiên ngắm nhìn Ai Cập cổ đại từ trên tường thành Cairo, cuối cùng ông hướng tâm trí vào việc ngay từ đầu ông đã cảm nhận là công việc quan yếu nhất. Ở Bulak ông sáng lập Bảo tàng Ai Cập, và một thời gian sau được quan tổng trấn cử làm giám đốc văn phòng cổ vật Ai Cập và trưởng giám sát của mọi cuộc khái quật.
Năm 1891 Bảo tàng Ai Cập chuyển về Gizeh, và cuối cùng, vào năm 1902, tọa lạc vĩnh viễn tại Cairo, không xa cầu sông Nile do Dourgnon xây dựng theo kiểu giả cổ, là cây cầu đẹp nhất có thể tạo tác nên khi bước sang thế kỷ mới. Bảo tàng trở thành một trạm kiểm soát cũng như một bộ sưu tập thuộc Ai Cập học. Từ đó trở đi bất cứ thứ gì được phát hiện tại Ai Cập, hoặc là tìm thấy tình cờ hoặc đào xới có phương pháp, phải trước tiên đưa tới bảo tàng. Bằng cách này, Mariette, người Pháp và là người ngoại quốc, ngăn được sự cướp phá và buôn bán nội địa các cổ vật mà đúng lý ra phải thuộc về nhân dân Ai cập. Để tỏ lòng biết ơn Ai Cập dựng lên một tượng Mariette đặt ngay trong khuôn viên bảo tàng, và sau khi ông qua đời thi thể ông được đưa về Ai cập, tại đó ông được đặt yên nghỉ trong một quách bằng đá.

Giovanni Battista Belzoni

Richard Lepsius

Auguste Mariette
- PETRIE: LĂNG MỘ CỦA AMENEMHET
Thật ngạc nhiên khi có nhiều nhà khảo cổ là thiên tài. Trong lúc còn là tập sự nghề buôn, Schliemann đã nói được nửa tá ngôn ngữ. Ở tuổi 12 Champollion có thể biện bác một cách thông minh những vấn đề chính trị, và lúc 9 tuổi C. J. Rich đã tạo ra ấn tượng. William Matthew Flinders Petrie, người cuối cùng trong nhóm 4 người vĩ đại đã đặt nền tảng cho Ai Cập học vào thể kỷ 19, người đo đạc và giải đoán, cũng là cậu bé khôn trước tuổi. Cậu được cho biết là đã tỏ ra hứng thú đặc biệt trong việc khai quật Ai Cập ngay từ tuổi lên mười. Ngay ở tuổi niên thiếu cậu đã rèn luyện nguyên tắc đã hướng dẫn cậu suốt cuộc đời: sự tôn thờ và theo đuổi kiến thức mỗi thứ phải được chia sẻ một phần thích đáng, đất cát Ai cập phải được sàng lọc, từng hạt một, không chỉ để tìm những gì che dấu bên dưới lòng đất, mà còn để nhận ra sự vật được sắp xếp thế nào trong khi còn thấy được dưới ánh sáng ban ngày. Báo cáo này về Petrie được in trong một bài báo London vào năm 1892, lúc đó Flinders Petrie được chỉ định là giáo sư toàn phần – khi đó ông 39 tuổi – tại University College.
Không nghi ngờ gì nữa lúc chỉ mới 10 tuổi ông kết hợp niềm say mê cổ sử với một vài môn khác mà sau này góp thêm thuận lợi cho ông. Ông thực nghiệm các môn khoa học tự nhiên và học hóa học không chỉ là do hứng thú nghiệp dư. Ông cũng thành lập một nhóm nghiên cứu về toán học đo đạc, mà các ngành khoa học chính xác đã dựa dẫm vào từ thời Galileo. Và trong khi ông thơ thẩn dạo qua các cửa hàng cổ vật ở London, ông thử nghiệm các lý thuyết của mình vào những vật thể thực sự. Thậm chí khi còn là học sinh ông thường phàn nàn về sự thiếu thốn các công trình cơ bản về khảo cổ học, nhất là Ai Cập học.
Điều gì học viên thiếu, người lớn sẽ cung ứng. Các ấn bản khoa học của Petrie lên đến 90 tập. Bộ LỊch Sử Ai Cập , gồm ba tập (1894-1905), đầy ắp những kết quả nghiên cứu, là tác phẩm báo trước chủ yếu của tất cả công trình về sau. Báo cáo dài của ông Mười Năm Khai Quật Ai Cập, 1881-1891 (xuất bản năm 1892) đến nay đọc còn thấy hấp dẫn. Petrie sinh ngày 3/6/1853, tại London. Ông tiến hành nghiên cứu khảo cổ của mình ở Anh, và xuất bản một quyển sách về Stonehenge, vòng đá thời đồ đồng. Nhưng vào năm 1880 ông đến Ai Cập, và lưu lại ở đó, trừ một số thời gian gián đoạn, trong 46 năm để khai quật.
Petrie tìm ra thị trấn thuộc địa Hi Lạp và trung tâm mua bán Naukratis, và khai quật Đền thờ Ramses từ đống đổ nát tại Nebesheh. Tại Kantara – con đường quân sự quan trọng giữa Ai cập và Syria một thời đã kết thúc tại đó, và tại đó, ngày nay, các phi cơ đáp xuống quảng trường rộng – ông phát hiện một đồn lũy nơi các lính đánh thuê của Psamtik I đã có lần dừng chân đồn trú, và nhận diện nơi này với thị trấn Hi Lạp Daphnae và Tahapanes trong Kinh Thánh. Cuối cùng ông khám phá lại hai tượng sa thạch khổng lồ hình Vua Amenophis III, các pho tượng mà Herodotus đề cập, và lần đầu tiên được nhà học giả Âu châu Pater thành Erfurt nhìn thấy vào năm 1672. Người Hi Lạp gọi các tượng khổng lồ này là Cột Memnon. Khi người mẹ, Eos, mọc lên trên chân trời, đứa con trai, Memnon, than thở và rên rỉ nghe như tiếng người làm khuấy động cõi lòng mọi người lắng nghe. Strabo và Pausanias kể lại huyền thoại này. Mãi về sau (130 sau C. N.) Hadrian [hoàng đế La Mã thế kỷ thứ 2 sau C. N.) cùng với vợ, Sabina, đợi chờ tiếng kêu của Memnon, và cặp vợ chồng đã được tưởng thưởng khi nghe được những âm thanh không thuộc về thế gian này, bóp nghẹt tim họ như chưa từng cảm thấy. Septimius Severus [hoàng đế La Mã cuối thế kỷ thứ 2 sau C. N.] phục chế phần trên của bức tượng bằng những khối sa thạch, và tiếng kêu không còn nữa. Thập chí đến nay không có lời lý giải nào về mặt khoa học nguyên nhân tiếng kêu gào, mà sự tồn tại của nó là không thể nghi ngờ được.

Cột Memnon hoàn thành năm 1350 trước C. N., cao 18 mét, thờ vua Amenhotep III
Gió gậm nhấm tượng đá khổng lồ qua hàng thế kỷ. Vanslen đã nhìn thấy những phần thấp hơn của ít nhất một trong các tượng đá khổng lồ. Vào thời của Petrie không có gì ngoài tàn tích còn sót lại, đủ số cho ông ước tính được chiều cao của ngai vàng là 38.4 bộ (khoảng 11.68 mét). Chiều dài ngón tay giữa của tượng phía nam là 4.4 bộ (chừng 1.32 mét).
Petrie khai quật trong suốt cuộc đời ông, luôn phân tán những nỗ lực của mình, không giống như Evans, bỏ ra một phần tư thế kỷ chỉ thám sát tại một địa diểm duy nhất ở Knossos. Petrie thực sự là “cạo cát” khắp Ai Cập, và qua đó đi xuyên suốt ba ngàn năm lịch sử. Chuyên môn của Petrie thiên về những đồ tạo tác nhỏ quen thuộc, đặc biệt mọi thứ mà Ai cập dâng tặng dưới hình thức các đồ gốm, tượng nhỏ. . . Trong lãnh vực này, ông là người tiên phong, người đầu tiên đưa vào dòng thời gian của các tượng điêu khắc nhỏ Ai Cập. Đồng thời ông cũng trở thành người có uy tín về những công trình Ai Cập thiêng liêng nhất và to tát nhất, các kim tự tháp sừng sững, biểu tượng của cái chết.
Trong năm 1880 Petrie đến Kim Tự Tháp Gizeh. Sau khi thám sát toàn khu vực ông tìm thấy một mastaba bỏ hoang mà người nào đi trước đã mở được cửa vào, chắc hẳn có ý sử dụng công trình như một nhà kho. Người Âu châu kỳ lạ này bảo với phu khuân vác là ông sẽ vào trú trong lăng mộ, và ngày hôm sau là ngày bắt đầu. Một đèn dầu tỏa khói đứng trên một thùng gỗ, trong góc một bếp dầu đang cháy ro ro. William Flinders Petrie như đang ở nhà. Chiều tối đó, khi bóng đỗ dài và xanh thẩm, một người Anh trần truồng bò qua những tàn tích đến chân đại kim tự tháp, tìm thấy lối vào, và đi vào trong, dáng dấp như một hồn ma trong các gian phòng của người chết, nơi đó không khí nóng và ngột ngạt như trong một chuồng gà nhộn nhịp các bầy gà đang ấp trứng. Sau nửa đêm ông chui ra từ những lòng đất sâu. Đôi mắt cay xè, đầu như búa bổ, mồ hôi đầm đìa như một người vừa thoát ra hỏa lò cháy rực. Tỉnh bơ ông ngồi xổm trước thùng gỗ và sao chép lại những ghi chép ông đã viết bên trong kim tự tháp, các kết quả đo đạc, mặt cắt, độ dốc của hành lang và góc ngoặt. Ông cũng hí hoái ghi lại những giả thuyết đầu tiên của mình.
Giả thuyết ư? Về điều gì? Trong kim tự tháp có bí ẩn gì không? Chúng đã mở toang cửa cho dân chúng nhìn ngắm trong hàng ngàn năm qua. Herodotus đã nhìn chúng sững sờ, và người thời cổ liệt chúng là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Kỳ quan – theo định nghĩa mà họ tránh né giải thích. Hẳn ta không thể không khỏi nghĩ rằng ngay sự tồn tại của kim tự tháp đã đặt ra những câu hỏi choáng váng cho những bộ óc thế kỷ 19, cho những con người của kỹ thuật và của lối tiếp cận hợp lý, cho một thời kỳ hay hoài nghi nhưng ít cảm nhận được tính thiêng liêng của những mục đích siêu việt hay sao?
Kim tự tháp được biết là những lăng mộ, những phòng quách đồ sộ. Nhưng điều gì dưới bầu trời này đã gây cảm hứng cho các Pha-ra-ông xây dựng theo một cách chưa từng có và không hề có nữa? Vào thời Petrie các kim tự tháp Ai Cập được cho là duy nhất. Giờ thì, tất nhiên, Trung Mỹ đã được khám phá về mặt khảo cổ, và những những kiến trúc tương tự như kim tự tháp Ai Cập đã được phát hiện ờ rừng rậm Toltec, mặc dù đây là những đền thờ chứ không phải lăng mộ. Có gì trong tâm trí người Ai Cập khi họ tạo ra những đài tưởng niệm như thể thành trì, khi họ thiết kế những lối vào được che giấu bí mật với cửa giả, và những ngõ cụt chận lại bằng những khối đá granit bất khả xâm phạm? Điều gì đã khiến Cheops đưa một ngọn núi thực sự bằng đá úp lên quách của mình, và một khối hình học chứa 29,500,000 bộ khối [hơn 3,172,000 mét khối] đá vôi? Petrie, quần quật đêm này qua đêm khác trong những hành lang ngập ngụa gạch đá vụn, mù mịt khói bụi và hổn hển vì không khí tù hãm, quyết tâm giải quyết các câu đố của kim tự tháp bằng phương pháp khoa học của thế kỷ mình. Nhiều kết quả của Petrie từ đó đã được chứng thực; và cũng có nhiều điều bị những nghiên cứu sau này bác bỏ. Bất kỳ các con số nào được trưng ra trong văn bản này, chúng đều xuất phát từ những nguồn tư liệu hiện đại. Nhưng giờ khi chúng ta đầu tiên bước theo dấu vết của bọn trộm mộ, những kẻ đã phủ định mọi công lao của các Pha-ra-ông, chúng ta sẽ chọn Petrie làm người hướng dẫn và cố vấn.
Cách nay hơn 4,500 năm một đàn mênh mông các nô lệ trần trụi, nước da đen láng, mũi tẹt, môi trề, và đầu trọc, lũ lượt đi lên từ bờ sông Nile. Chúng bốc mùi dầu ôi và mồ hôi, mùi hành tỏi, và củ cải. Một số thực phẩm trị giá khoảng 2 triệu đô la bỏ ra để nuôi đám công nhân này chỉ riêng trên công trường Kim Tự Tháp Cheops. Họ than thở và kêu la dưới làn roi của bọn giám thị khi quần quật trên con đường lớn trải đá bằng phẳng dẫn từ sông Nile đến công trường xây dựng. Họ rên rỉ khi bị dây thừng cắt siết vào xương cổ khi oằn lưng kéo những khối đá lớn, mỗi khối có kích thước lớn hơn một mét khối, đặt trên những ván trượt, di chuyển chầm chậm trên những con lăn. Giữa tiếng kêu than, tiếng khóc, và cái chết kim tự tháp dần cao lên, tầng này đến tầng khác. Nó tiếp tục lớn lên trong hai mươi năm. Mỗi lần lũ bùn của sông Nile tràn bờ, khiến mọi nông dân phải ngừng công việc, và lực lượng xây dựng lại có thể được thay thế bằng 100,000 nhân công phụ trợ, để Cheops có thể nhận được lăng mộ của mình đúng thời hạn, lăng mộ có tên Echet Chufu, hay Chân trời của Cheops [cũng có tên Giza].
Chỉ sử dụng bàn tay và tấm lưng trần của con người, 2,300,000 khối đá được kéo đến nơi và chồng chất lên nhau. Mỗi cạnh đáy của kim tự tháp dài hơn 736 bộ (hơn 224 mét). Khi khối đá cuối cùng đã vào đúng chỗ, đỉnh của nó vươn đến chiều cao 467 bộ (hơn 142 mét). Mồ của vị Pha-ra-ông này gần như cao ngang với tháp thánh đường St. Stephen ở Vienna, cao hơn nhiều vòm nhà thờ St. Peter ở La Mã, nhà thờ lớn nhất của Thiên chúa giáo. Tất cả nhà thờ St. Paul ở London có thể chứa trọn trong lòng kim tự tháp. Tổng số lượng phần nề, được khai thác từ triền núi đá và lớp đá vôi hai bên bờ sông Nile, chứa 3,277,300 ya khối (khoảng 3 triệu mét khối) vật liệu, chất đống lên một bề mặt có diện tích 64,942 bộ vuông (chừng 6,000 mét vuông).
Ngày nay xe điện số 14 ở Cairo mang du khách gần như đến sát kim tự tháp. Tại đây, ở cuối con đường, người thông ngôn la hét, người đánh lừa, xe lạc đà – mọi người đều tìm kiếm chút tiền típ. Tiếng kêu rên của bọn nô lệ đã im bặt, gió sông Nile đã nuôt chững tiếng roi quất và thổi bay mùi xú uế của mồ hôi con người. Chỉ còn lại đây những công trình kiến tạo khổng lồ. Ngày nay ta có thể leo đến tận đỉnh của Kim Tự Tháp Cheops, lớn nhất và cao nhất trong tất cả, và ở phía nam chúng ta có thể nhìn thấy một nhóm đài tưởng niệm Pha-ra-ông mọc lên từ khoảng xa, các kim tự tháp Abusir, Sakkara, và Dahshur. Và gần đó chúng ta nhìn xuống các kim tự tháp Chephren và Mycerinus, lớn thứ hai và thứ ba theo thứ tự đối với Kim Tự Tháp Cheops, và ở bên trái là Nhân sư. Nhiều nhân sư chỉ là những đống đổ nát. Khối phía trên của Kim Tự Tháp AburAeash, ở phía bắc Gizeh, đã bị bỏ đi gần hết, thành ra ta có thể nhìn xuống phòng an táng, một thời đã bị giấu kín dưới hàng ngàn tấn đá nặng nề. Kim Tự Tháp Hawara và Illahun, được tạo bằng một lõi là đá bên ngoài bọc bằng gạch không nung làm từ đất sét sông Nile, đã bị thời gian hủy hoại. Và còn “kim tự tháp giả” ở Medum – được người Ả Rập gọi là “el Haram el-Kaddab” vì đối với họ nó trông không giống các kim tự tháp khác – dễ bị hư hại nhất đối với các trận tấn công của gió và thời tiết và bão cát, vì kiến trúc này chưa hề được hoàn tất gì hết. Dù thế, nó cũng cao đến 128 bộ (khoảng 39 mét). Các kim tự tháp thuộc về thời các Vương quốc Cũ nhất, và còn được xây dựng trong thời các vua trị vì gốc Ethiopia xứ Meroe. Chỉ nhóm phía bắc tại khu vực Meroe có đến 41 kim tự tháp, chứa giữ thi thể của 34 vua, 5 hoàng hậu, và 2 thế tử. Các lăng mộ dành cho một số ít nhân vật được chọn lựa được những người vô danh viết tên họ bằng đá in lên bầu trời, để thi đua với cõi vĩnh hằng! Có phải tiếng tăm là thứ lưỡi câu đã móc lấy các Pha-ra-ông? Có phải nó là sự thôi thúc khiến họ phải tự thể hiện mình một cách quá trớn? Hay đó chỉ là sự ngạo mạn của người có quyền năng đã đánh mất mọi kềm chế phàm trần?
Ý nghĩa của các kim tự tháp chỉ có thể được nắm bắt bằng phạm trù tín ngưỡng Ai Cập. Sự thối thúc phải xây dựng kim tự tháp đã bắt rễ trong niềm tin Ai Cập nền tảng cho rằng sau cái chết xác thịt linh hồn tiếp tục tồn tại trong cõi vĩnh hằng. Tồn tại một kiếp sau, một cõi bên kia, một miền cách biệt với dương gian. Vùng đất này là nơi cư ngụ của người chết, được cho phép sống trong cõi tâm linh miễn là – và đây là điều cốt lõi – họ vượt qua được tòa Phán xét Cuối cùng trước Phán quan, hiểu được các phép tắc bí truyền, và có thể mang theo với mình những vật dụng thích hợp cho cuộc sống trên phàm trần. Đồ tế nhuyễn sau khi quá vãng tuyệt đối phải bao gồm mọi thứ mà người quá
cố đã sử dụng trong cuộc sống hàng ngày – chẳng hạn, một nơi cư trú thực chất, đồ ăn và thức uống, cũng như tôi tớ, nô lệ, và nhân viên. Nhưng trên hết thân xác phải được bảo đảm không bị hủy hoại, để linh hồn lang thang đây đó – hay ba theo tiếng Ai Cập – tìm được lối về nơi nó đã từng trú ngụ. Hơn nữa, thân xác phải được bảo quản an toàn để cung cấp nơi nương tựa cho thần thức bảo hộ, hay ka, cái sức sống nội sinh của cá nhân. Cái ka này, như cái ba cùng nguồn gốc, có tính bất tử, và vô cùng hữu ích để cung cấp năng lượng cho người quá cố ở thế giới bên kia, nơi đó lúa mì mọc cao đến tám en [đơn vị đo chiều dài Ai Cập, khoảng 110 cm] và phải được gieo và gặt như trên dương thế.
Quan niệm về cuộc sống sau cái chết có hai kết quả liên quan: nghi thức ướp xác và việc xây dựng kim tự tháp. Trên các lục địa khác người Inca, Maori, Jivaro, và các nền văn hóa khác đều phát triển nghệ thuật ướp xác, nhưng chưa ai đạt đến trình độ cao cấp như người Ai Cập. Về phần kim tự tháp, chúng đại diện cho một công cụ phi thường nhằm cung cấp cho cá nhân sự an toàn gấp hai, năm, mười lần chống lại mọi kẻ thù có thể xâm phạm nó hoặc phá rối sự yên nghỉ của nó.
Hàng ngàn mạng sống phải hi sinh trong lao động cưỡng bách để cho các vì vua đã chết sự an toàn vĩnh hằng và cuộc sống vĩnh hằng. Một Pha-ra-ông, người đã bỏ ra 10, 15, 20 năm vào việc xây dựng kim tự tháp, đã rút cạn sức mạnh của nhân dân Ai cập và đè thêm gánh nặng cho con cái họ và co của các con cái họ với những món nợ khổng lồ. Thậm chí sau khi chết ông ta
Còn tiếp tục làm yếu đi nền tài chính của vương quốc, vì cái ka của ông vẫn đòi hỏi những việc cúng tế thường xuyên và phục dịch của thầy tu. Phải cần trưng thu hoa lợi của 12 làng mới đủ cung phụng cho các thầy tu lãnh nhiệm vụ cúng tế vong linh của một Pha-ra-ông.
Sức mạnh của tín ngưỡng lấn át sự xét đoán chính trị hay đạo đức. Các kim tự tháp dành cho Pha-ra-ông – và chỉ cho họ thôi, những người có vai vế thấp hơn phải bằng lòng với các mastaba, và dân thường an phận với các ngôi mộ trong cát. Sự rạch ròi này chính là kết quả của tính ngã mạn phình to, coi mình là trung tâm, một quan điểm trong đó lợi ích của cộng đồng đơn giản bị phớt lờ. Sự thôi thúc phải xây dựng kim tự tháp là hoàn toàn ngược lại với những khát vọng xây dựng những tượng đài kiến trúc vĩ đại của Thiên chúa giáo. Mục đích của các thành đường Thiên chúa là nhằm phục vụ cộng đồng sùng tín. Các tháp bậc thang, hay các ziggurat, của dân tộc Babylonia là các đền thờ thần linh, được sử dụng công cộng như nơi thờ cúng; nhưng các kim tự tháp chỉ phục cho các Pha-ra-ông và không ai khác; thi thể của ông ta, linh hồn của ông ta, và cái ka của ông ta.
Một điều sờ sờ: kích cỡ của đài tưởng niệm do các vì vua Triều đại 4 cách đây 47 thế kỷ vượt xa những tiêu chuẩn mà tín ngưỡng và tôn giáo và tính an toàn đặt ra. Sau này chúng ta sẽ thấy chẳng bao lâu sau thời kỳ này những kim tự tháp có qui mô khủng khiếp như thế bắt đầu lụi tàn, và cuối cùng dừng lại hẳn. Việc này xảy ra trong thời gian các vua như Cheops, Chephren, và Mycerinus trị vì Ai Cập. Những ông vua này không kém chuyên chế hơn các ông vua của Triều đại 4. Thật sự, họ còn thần thánh hơn các ông vua chuyên chế xưa hơn, và, như Sethos I và Ramses II, họ cách biệt với đám nô lệ một khoảng thậm chí còn xa hơn.
Lý do vật chất cho việc ngừng xây những kim tự tháp qui mô là bọn trộm mộ càng ngày càng táo tợn. Thực tế là trong một số ngôi làng dân chúng sống bằng nghề trộm mộ cha truyền con nối qua nhiều thế kỷ; những kẻ đói khát thường xuyên nổi dậy chống lại thiểu số người ăn no mặc ấm thường xuyên. Khi an toàn của người chết không còn được kim tự tháp bảo đảm, những biện pháp bảo vệ mới trở nên cần thiết, và kết quả là những cách xây loại lăng mộ khác.
Nhưng còn một lý do khác, bức bách hơn, không có tính vật chất, cho tình trạng suy thoái việc xây dựng kim tự tháp được gợi ý qua cách tiếp cận hình thái học lịch sử. Từ quan điểm hình thái học, các nền văn hóa đều qua những thời kỳ thăng trầm tương tự nhau. Chẳng hạn, một khi hồn văn hóa được đánh thức, một khuynh hướng tiến tới tôn sùng tưởng niệm hoành tráng lúc nào cũng xuất hiện. Mặc dù có sự khác biệt, vẫn có một mối liên hệ cơ bản liên kết ziggurat của Babylonia, nhà thờ Gôtich-La Mã, và kim tự tháp Ai Cập. Bởi vì tất cả các công trình này đồng nhất với một giai đoạn văn hóa mới khởi phát, trong đó những công trình đồ sộ được dựng lên bằng nguồn năng lượng man rợ hoang phí. Với một sức mạnh không biết giới hạn, một sức mạnh từ các vùng tối tăm của ý thức nảy sinh tĩnh lực học thiết yếu cho kỹ thuật tính toán cấu trúc, và một sức mạnh, qua sự thấu hiểu có được một cách nhọc nhằn, sáng chế ra những cơ chế tối thiết – từ đó sự phun trào văn hóa nổ ra.
Thế kỷ 19, thời đại của tiến bộ kỹ thuật, từ chối nhìn nhận rằng điều này là có thể. Kỹ thuật gia phương Tây khó chấp nhận những công trình đồ sộ như thế có thể được xây dựng mà không sử dụng đến “máy móc,” đến hệ thống ròng rọc, trục quay và cần cẩu. Nhưng sự thúc giục phải đạt đến sự đồ sộ tâm linh đã vượt qua mọi trở lực; số lượng công sức của một nền văn hóa xa xưa đã thành tựu trong các kết quả cuối cùng cũng nhiều như chất lượng của công sức trong nền văn minh về sau.
Kim tự tháp được xây dựng thuần túy bằng sức mạnh của cơ bắp. Các lỗ được khoan vào đá trong các mỏ đá ở vùng núi Mokattam, những gậy gỗ được đút vào lỗ, và chúng nở ra khi thấm nước, làm đá nứt ra. Trên bàn trượt và con lăn khối đá đẽo xong được kéo đến địa điểm. Kim tự tháp lên cao từng lớp một. Các nghiên cứu sinh tiến sĩ về khảo cổ học viết những luận án về vấn đề có chỉ một hay vài bảng thiết kế xây dựng được sử dụng. Lepsius và Petrie đứng ở hai vị trí đối lập nhau trong cuộc tranh cãi này, nhưng khảo cổ hiện đại thiên về quan điểm của Lepsius. Hiển nhiên có vài thiết kế xây dựng, những thay đổi đột ngột buộc phải có những bổ sung nhanh chóng cấp thiết. Người Ai Cập, cách nay 4,700 năm, làm việc với một độ chính xác đến nỗi những sai sót về chiều dài và góc cạnh của họ có thể, như Petrie nói, “che giấu bằng một ngón tay cái.” Họ khớp các khối đá xít xao đến nỗi “không có cây kim hay sợi tóc nào” có thể, cho đến ngày nay, lọt qua được đường giáp mí. Tác giả Ả Rập, Abd al-Latif, nhận xét về điều này trong sự kinh ngạc cách nay 800 năm. Các nhà phê bình chỉ ra là các nhà xây dựng Ai Cập cổ bậc thầy đã tính sai sức đè và sức căng, vì chẳng hạn khi họ tạo ra 5 khoảng trống ở phía trên phòng an táng để làm giảm áp lức đè xuống, trong khi chỉ cần một khoảng trống là đủ. Nhưng những kẻ bới móc này đã quên, trong thời các thanh rầm chữ T được phân tích bằng điện tử của chúng ta, rằng cách đây không lâu chúng ta vẫn quen xây dựng với mức độ an toàn cấp 5, 8, hoặc thậm chí 12.
Các kim tự tháp sẽ đứng vững trong thời gian dài nữa. Kim tự tháp Cheops, chẳng hạn, còn tương đối nguyên vẹn, mặc dù hầu hết lớp bề mặt trang trí bằng đá vôi Makattam tuyệt đẹp đã tróc đi, làm trơ ra đá vôi vàng ố sử dụng trong cấu trúc thô của công trình. Chóp đỉnh cũng đổ sụp xuống, tạo thành một bề mặt vuông bằng phẳng phía trên rộng khoảng ba mét. Nhưng đó chỉ là những hư hỏng do thời gian tàn phá. Đài tưởng niệm của Cheops và những đài khác sẽ chịu được nhiều thiên niên kỷ nữa.
Nhưng đâu rồi những vì vua đã tìm chỗ trú an toàn trong các kim tự tháp, những ngôi nhà yên bình của ka và ba của họ?
Các Pha-ra-ông đã phải nhận được sự công bình đầy thi vị. Sự ngạo mạn của họ chỉ là vô ích. Những người chọn cách an nghỉ trong những mastaba ít khoa trương hơn, hoặc trong các mộ cát thô sơ, đã bị năm tháng đối xử ít phũ phàng hơn những bậc vua chúa đầy quyền bính của Ai Cập. Nhiều căn phòng an táng khiêm nhượng hơn đã sống sót qua sự tàn phá của bọn trộm mộ, nhưng các quách bằng đá granit của Cheops vĩ đại bị đập vỡ và trống rỗng – từ lúc nào ta không thể biết. Vào năm 1818 Belzoni thấy rằng nắp quách của Chephren đã bị đập nát và quách chứa đầy đá vụn vỡ. Khi Đại tá Vyse phát hiện phòng an táng của Mycerinus vào những năm 30 của thế kỷ 20, nắp đã bị lấy đi khỏi chiếc quách làm bằng đá ba-san. Từng mảnh quan tài gỗ bên trong bị vứt đây đó ở phòng bên trên, và cùng với chúng các mảnh xác ướp hoàng gia nằm rải rác trên nền phòng. Quách rồi cũng chìm mất khi con thuyền chở nó về London bị đắm ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha.
Hàng triệu khối đá được sử dụng để che chở các thi thể của các vì vua quá cố. Các lối đi giữa các tường đá, tất cả mưu mẹo thiết kế dùng để đánh lạc hướng bọn xâm nhập cướp bóc, được nghĩ ra. Vì phòng an táng giấu giếm các của báu không thể tưởng tượng được. Nhà vua, dù đã chết, vẫn còn là vua – và nếu cái ka của ông trở lại vào thân thể để sống lại vào thế giới bên kia, hiển nhiên ông ta sẽ cần đến những đồ trang sức, những vật dụng cá nhân và nghi thức lộng lẫy, những vũ khí thân thuộc bằng vàng và kim loại quí, trang trí bằng đá màu xanh, đá quí, và tinh thể đá. Các kim tự tháp có bảo đảm một sự che chở an toàn thực sự không? Có vẻ như là kích cỡ đồ sộ của chúng thu hút bọn xâm nhập thay vì làm chúng khiếp sợ tránh xa. Thật tệ như thể chúng thông báo: “Chú ý, chúng tôi có giấu đồ ở trong này.”
Trong lúc các tên trộm – từ thời xa xưa nhất đến hôm nay – truy tìm các kho báu cất giấu, một số học giả đáng kính trên khắp thế giới đề ra những lý thuyết về một hình thức bí mật khác mà các kiến trúc cổ có thể nắm giữ. Trong cả trăm năm qua cái gọi là “bí ẩn của đại kim tự tháp” đã theo định kỳ lại khơi dậy sự quan tâm của các nhà Ai Cập học, các sử gia của nền văn minh thế giới cũng như người bình dân.
Và không có gì ngạc nhiên – vì bất cứ ở đâu sự hoài nghi tồn tại, ở đây lại có chỗ cho ức đoán, những ức đoán có thể dưới những hình thức của một giả thuyết có lập luận hoặc một chiêm nghiệm buông thả. Giả thuyết thuộc về phương pháp làm việc của bất kỳ ngành khoa học nào; đó là một hình thức chiêm nghiệm hợp pháp rút ra từ những kết quả được thành lập. Mặc dù nó khám phá những khả năng, nó không được coi là loại bỏ được dấu chấm hỏi lởn vởn phía sau chúng. Sự chiêm nghiệm thuần túy, trái lại, không biết đến giới hạn. Các giả định của nó đều theo ý muốn, không được kiểm chứng. Và thường thường các kết luận của nó chỉ là tưởng tượng, như trong cơn mộng du, bước đi trên con đường mờ mịt nhất của siêu hình học, trong cánh rừng tăm tối nhất của chủ nghĩa thần bí, và lạc vào cõi bí ẩn nhất của nhận thức lầm lạc của học thuyết Pythagore. Nguy hiểm hơn hết, chiêm nghiệm phóng túng có thể ẩn nấp trong cái lôgic xuôi tai mà thế kỷ 20 cho là có tính thuyết phục. Những gì tìm được ở Ai Cập, qua thời gian, đã tạo cơ hội cho sự chiêm nghiệm hoang dã đủ mọi kiểu dáng. Sống thọ nhất trong các chiêm nghiệm này là thông điệp của đại kim tự tháp.
Cốt lõi của lập luận là thế này: Đại Kim Tự Tháp Cheops được xây dựng để truyền lại một hệ thống số bí ẩn đã được biết đến từ thời trước. Bí ẩn của các con số, tất nhiên, không đáng được xét đến. Vậy mà những nhà khoa học nghiêm túc từng có những công trình nổi bật trong chuyên ngành của mình thường đâm ra nghiện với ma thuật số Ai Cập.
Đại Kim Tự Tháp Cheops đã từng được gọi là Kinh thánh bằng đá. Chúng ta biết sự giải đoán Kinh thánh có thể gượng gạo làm sao; sự giải đoán bằng Kim Tự Tháp Cheops cũng không kém. Toàn bộ lịch sử nhân loại đã được suy diễn từ mặt bằng thiết kế của cấu trúc, từ mội quan hệ kích thước của lối vào, hành lang, sảnh, và phòng an táng. Trên cơ sở của một lý thuyết lịch sử về kim tự tháp một chuyên gia xác định được năm bắt đầu của thế chiến I là 1913, và các người dễ tin hớn hở chỉ ra là ông ta sai “chỉ một năm.”
Còn nữa, các nhà theo số học thần bí có đủ chất liệu trong tay để có thể nặn ra những kết quả gây bối rối nếu vặn vẹo chúng đủ kiểu. Chẳng hạn, các kim tự tháp được định hướng với bốn điểm chủ yếu của địa bàn. Đường chéo đông bắc-tây nam của Kim Tự Tháp Cheops, nếu kéo dài ra, sẽ trùng khớp hoàn toàn với đường chéo tương tự của Kim Tự Tháp Chephren.
Hầu hết những tuyên bố thuộc dạng này, tuy nhiên, xuất phát từ việc đo đạc sai lầm, hoặc do phóng đại, hoặc do phép nội suy tùy tiện, của những khả năng mà một công trình kiến trúc đồ sộ đã được đo đạc xít sao có thể mang lại. Trong khi đó, kể từ những đo đạc ban đầu của Petrie, những kích thước gần như chính xác đã được gán cho Đại Kim Tự Tháp Cheops. Nhưng thậm chí các phép đo hiện đại đều là xấp xỉ, vì hình dạng gốc của kim tự tháp đã không còn do sự phá hủy của phần chóp đỉnh. Vì lý do bất kỳ sự thần bí Ai Cập về số viện dẫn theo đơn vị centimet hoặc in-xơ thì nhất thiết đều là không đáng tin.
Không khó để có được những kết quả thần bí ngoạn mục nếu các đơn vị đo lường rất nhỏ được áp dụng cho một công trình quá lớn. Nếu nhà thờ Chartes hay Cologne được đo bằng in-xơ, gần như chắc chắn một kiểu kết quả tương tự không ngờ đến với các số có nội dung vũ trụ có thể rút ra được bằng phép cộng, trừ, và nhân thích hợp. Chắc chắn là những lời tuyên bố đến mức cho rằng các người xây dựng kim tự tháp là người đầu tiên khám phá giá trị của số pi là một hành động giải đoán quá trớn thuộc dạng này.
Thậm chí nếu có thể chứng tỏ rằng những người Ai Cập thực sự phóng
chiếu vào các kích thước của kim tự tháp những thông tin toán học và thiên văn quan trọng theo một hình thức mà khoa học không biết cho tận đến thế kỷ 19 và 20, ở đó vẫn không còn lý do nào đọc được những ẩn ý thần bí trong những giá trị số như thế hoặc suy ra từ chúng những lời tiên tri trọng đại. Vào năm 1922 nhà Ai Cập học Đức Ludwig Borchardt xuất bản những phát hiện trong những nghiên cứu của mình về Đại Kim Tự Tháp Cheops, dưới tựa đề: Chống Lại Cách Lý Giải Thần Bí về các Số trên Kim Tự Tháp Cheops, trong đó ông cuối cùng đánh đổ những chuyện thần bí nhảm nhí.
Petrie là một trong những nhà khảo cổ không chịu thua. Bướng bỉnh, cứng cỏi, kiên trì theo đuổi, vào năm 1889 ông đào một đường hầm vào trong một kim tự tháp bằng gạch chưa được nhận diện dọc theo sông Nile, không biết là mình đã đụng vào lăng mộ của Amenemhet III, một trong những nhân vật hiếm có yêu chuộng hòa bình cai trị Ai Cập. không thể tìm được lối vào lăng mộ, Petrie đào chéo góc xuyên thẳng qua phần nề của công trình.
Khi lần đầu ông quyết định tấn công kim tự tháp – nó tọa lạc khoảng 23 giờ trên lưng lừa từ làng Jauwaret el-Makta – ông đã tìm lối vào theo cách thông thường – đó là, trên mặt bắc – và, như quá nhiều nhà khảo cổ khác trước ông, ông không thể thấy lối vào ở mặt đó. Trên mặt phía đông ông cũng không may mắn gì hơn. Thế rồi ông quyết định đào một đường hầm chéo góc vào trong phần nề hơn là phung phí thời gian nhiều hơn nữa.
Quyết định của ông thật đúng đắn, nhưng phương tiện kỹ thuật của ông có giới hạn. Mặc dù ông biết là mình đối mặt với một nhiệm vụ ghê gớm, ông không ngờ mình phải đào xới nhiều tuần liền. Petrie thất vọng não nề khi cuối cùng dở bỏ được khối tường cuối cùng ngăn cách ông với phòng an táng và phát hiện ra là có người khác đã vào đây trước ông. Nhưng các người khác này đã không chút quan tâm đến việc nghiên cứu những điều kỳ tuyệt của thời đại đã qua; mục đích của họ chỉ là cướp bóc. Những nhọc nhằn vắt kiệt sức của Petrie trong cái nóng thiêu đốt của mặt trời Ai Cập, với các công cụ thiếu thốn và một đội nhân công bất đắc dĩ, đã thành công cốc.
Một lần nữa chúng ta gặp phải một thất vọng thường là khi ở cao điểm của nỗ lực khảo cổ, một sự nản chí cùng cực có thể làm tê liệt một người trừ những những kẻ ngoan cường. (Đúng 12 năm sau một thất bại tương tự xảy ra, nhưng lần này, đổi lại, dành cho một người khác, chắc hẳn khiến cho Petrie được an ủi phần nào. Các tay trộm mộ hiện đại đột nhập phòng an táng của Amenophis II, chết khoảng năm 1420 trước C. N., và tìm kiếm kho báu hoàng gia, cắt toạc vải quấn xác ướp. Nhưng rồi họ cũng hoàn toàn bất mãn – chua chát, không nghi ngờ gì, hơn cả Petrie. Những tên trộm đồng nghiệp đã thực hiện công việc ba ngàn năm trước quá tốt đến nỗi không có vật gì còn sót lại để thưởng công cho những nỗ lực đạo tặc.
Cái lỗ mà Petrie đã khoan vào một mặt của kim tự tháp quá hẹp đến nỗi không thể lách hết vai vào được, nhưng ông không thể chờ đợi lỗ được đào rộng ra cho ông chui vào. Ông thòng dây cho một thằng bé Ai Cập cầm nến tụt xuống mái vòm. Ánh nến chập chờn rọi vào hai quách – cả hai đều bị cướp bóc và trống rỗng!
Không còn gì cho Petrie làm trừ việc cố gắng tìm ra lăng mộ của ai. Những khó khăn khác xuất hiện. Nước ngầm đã thấm vào kim tự tháp. Khi cái lỗ đầu tiên đã làm rộng ra đủ cho Petrie chui vào, ông tìm thấy phòng an táng chìm sâu trong nước. Dùng xẻng, ông làm sạch nền phòng từng phân một. cuối cùng ông bắt gặp bình thạch cao tuyết hoa có khắc tên Amenemhet trên đó, và trong phòng thứ hai có vô số đồ tùy táng, tất cả đều mang tên Công chúa Ptahnofru, con gái của Amenemhet III.
Amenemhet III, một vì vua trong Triều đại 12, trị vì, theo Breasted, từ 1849 đến 1801 trước C. N. Gia quyến ông nắm quyền cai trị trong vòng 213 năm. Thời kỳ trong đó Amenemhet III đội hai vương miện của Ai Cập [cho vùng Thượng và Hạ] là một trong thời kỳ hạnh phúc nhất mà xứ sở này chứng kiến. Trong hàng thế kỷ đất nước đã luân phiên bị tàn phá bởi các cuộc chiến chống lại những dân tộc man rợ miền biên giới quấy nhiễu, và bởi xung đột nội bộ giữa chính quyền trung ương và các ông hoàng tỉnh lẻ nổi loạn thường kì. Amenemhet là một con người yêu hòa bình. Vô số dự án xây dựng của ông – trong đó có công trình xây đập cho toàn bộ một hồ nước – phục vụ nhân sinh cũng như mục đích tôn giáo. Những biện pháp xã hội của ông, theo tiêu chuẩn hiện đại, không đáng để nêu ra, nhưng trong khung cảnh của một xã hội có phân chia giai cấp nghiệt ngã và một nền kinh tế nô lệ như Ai Cập chúng thực sự có tính cách mạng.
Người đã làm Hai Vùng Đất xanh tươi hơn sông Nile vĩ đại.
Người đã đem đến sức mạnh cộng hòa cho Hai Vùng Đất.
Người là cuộc sống, làm mát mẽ lỗ mũi.
Kho báu người cho là thực phẩm cho những ai đi theo người;
Người nuôi dưỡng những ai đi thep con đường của người.
Nhà Vua là thực phẩm, và miệng người là sự tăng trưởng.
Chỉ nội việc tìm thấy lăng mộ của vị vua vĩ đại này là một lông chim gắn trên chiếc mũ của Petrie, và về phương diện khảo cổ, ít nhất, các kết quả của ông đã đem lại cho ông sự mãn nguyện nào đó. Vậy mà, về việc khai quật, việc làm của ông còn xa mới là một thành tựu hoàn toàn. Bằng cách nào bọn trộm mộ lục lọi được đường vào lăng mộ? Lối vào kim tự tháp thực sự ở đâu? Có phải bọn trộm mộ đã phát hiện ra cửa vào, mà ông và những nhà nghiên cứu khác không tìm ra được? Bọn trộm hiển nhiên đã giải được bài toàn cấu trúc mà các kiến trúc sư Ai Cập đã thiết kế cho kim tự tháp; Petrie bắt đầu lần lại con đường của bọn trộm mộ.
Việc này đòi hỏi một dự án đào hầm gian nan. Nước ngầm đã dâng cao bên trong kim tự tháp. Đất cát, gạch vụn, và đá vỡ đã trộn lẫn thành một tạp chất dai cứng, dơ dáy. Petrie, con người không biết mệt mỏi, phải trườn qua một số lối đi, bụng ép sát đất, thở khó khăn, mồm và mũi dính đầy bùn đất. Mục đích của ông là tìm lối vào thực sự, và cuối cùng ông đã tìm được. Trái với tất cả kinh nghiệm trước đây và trái với mọi truyền thống Ai Cập, cửa vào lại ở mặt nam! Bằng cách nào đó bọn trộm mộ đã biết được điều này. Petrie kinh ngạc. Có phải bọn trộm thành công chỉ nhờ tài khéo thuần túy, hay đơn giản chỉ bằng sự kiên trì? Petrie quyết tâm kiểm tra thật tỉ mỉ.
Một cách hệ thống ông lần trở lại con đường mà bọn trộm đã sử dụng. Chúng đã đụng đầu với đủ loại chướng ngại vật. Mỗi lần điều này xảy ra với Petrie ông cố đặt mình trong vị trí của bọn trộm và hình dung những gì phải làm nếu ông là họ. Một đôi lần ông buộc phải nhận ra rằng mình không thể giải quyết được tình huống như bọn trộm làm được. Bản năng bí ẩn nào, nếu đó là bản năng, đã dẫn dắt bọn trộm vượt qua vô số bẫy rập, mẹo lừa, và trò lắt léo mà các kiến trúc sư Ai Cập gắn kết vào kim tự tháp? Khi bậc thang đột ngột chấm dứt trong một căn phòng không lối ra, bọn trộm đã nhanh chóng phát hiện là con đường đi tới được trổ trên trần phòng. Nguyên trần phòng là một cửa sập to lớn. Một cách khó nhọc bọn trộm đã phá được cửa vào, không khác các tên cạy tủ sắt ngày nay, từng chút một, khoan qua cánh cửa thép dày của một tủ sắt. Và rồi họ đến đâu? Đến một hành lang chứa đầy các khối đá khổng lồ! Petrie, kỹ thuật gia, có thể đánh giá được công sức vô cùng cực mà bọn trộm bỏ ra để dọn sách một lối đi qua hành lang. Ông cũng có thể hiểu được cảm xúc của họ khi, sau một phen cật lực như thế, một lần nữa chúng lại thấy mình ở trong một gian phòng có cửa ra, và sau khi vượt qua chướng ngại mới này, lại bước vào một căn phòng không lối ra thứ ba. Đến nước này, Petrie đã bắt đầu ngưỡng mộ các tên trộm, khó có thể biết mình phải vinh danh thành tích kiên định của họ vì kiến thức bậc thầy hay vì sức mạnh vô địch. Không cần thắc mắc ta cũng biết họ phải đã đào hàng tuần, hàng tháng, hoặc thậm chí một năm hơn – và trong những điều kiện cực kỳ! Họ phải làm việc trong nỗi sợ liên tục bị phát hiện bởi lính canh, thầy cúng, khách chiêm bái đến dâng lễ vật cho Amenehet vĩ đại.
Hay có phải vậy không? Petrie đã tận mắt mình thấy rõ phải cần sự nhạy bén và kinh nghiệm nhiều thế nào mới vượt qua được những chướng ngại vật mà các kiến trúc sư cổ đại đã cố tình dựng lên để gây bối rối cho kẻ đột nhập và bảo vệ các vì vua của mình. Ông không tin rằng các tay trộm mộ cổ Ai Cập có thể khôn khéo đến mức thành tựu vẻ vang mà không được sự hỗ trợ. Chẳng phải là – các tài liệu Ai Cập đã ủng hộ cho một luận cứ như thế – các tên trộm có sự hỗ trợ của các chuyên gia? Có phải họ đã được lén lút chỉ vẽ, tiếp tay bởi các thầy cúng, lính canh, và những thành viên tham ô của một tầng lớp viên chức đã thoái hóa? Việc này đưa chúng ta đến một đề tài đầy màu sắc của các tay trộm mộ trong lịch sử Ai Cập. Đoạn khởi đầu của nó đã mất hút trong thời cổ; nó tiếp diễn một cách thảm hại trong Thung lũng các Vì Vua; và nó đến cao trào cách đây không lâu, trong một hình thức khá hiện đại của một vụ án hình sự.
- CÁC TAY TRỘM MỘ TRONG THUNG LŨNG CÁC VÌ VUA
Vào đầu năm 1881 một nhà sưu tập nghệ thuật Mỹ giàu có giương buồm trên sông Nile hướng về Luxor, một ngôi làng tọa lạc đối diện với hoàng thành cổ đại của Thebes, nơi ông dự định đến để mua cổ vật. Ông không đi theo đường chính thức tại các bảo tàng, vì ở đó chịu sự giám sát chặt chẽ do ảnh hưởng Mariette, và thích tin tưởng hoàn toàn vào trực giác của mình. Ban đêm ông lui tới những con hẻm tối tăm, những phòng phía sau của các cửa hàng tạp hóa Luxor. Tại đó ông tiếp xúc với một người Ai Cập chuyên bán những món đồ rõ ràng là thật và quí giá.
Phương pháp của người Mỹ này cần bàn thêm một chút ngoài lề. Ngày nay, mọi hướng dẫn viên đều cảnh báo các du khách không nên tham gia vào các vụ mua bán cổ vật ở chợ đen. Đúng là thế – hầu hết cái gọi là cổ vật đều được các tay thợ nhà Ai Cập hiện tại làm giả, hoặc thậm chí nhập từ Âu châu. Các tên hoạt động thị trường đen có đủ muôn hình vạn trạng mánh lới để bắt chước y như thật. Thậm chí những người sành sõi như sử gia nghệ thuật Đức Julius Meier-Graefe còn bị vào tròng. Một lần trong khi đi loanh quanh với một hướng dẫn viên chuyên nghiệp mù tịt về chuyện này, vào thập niên 1920, ông tìm thấy một tượng người nhỏ trong cát. Việc tự mình tìm thấy món đồ thuyết phục ông đây đúng là cổ vật thật. Ông “gạ” người hướng dẫn giữ kín chuyện này và nhét cổ vật dưới lớp áo khi bước vào khách sạn. Rồi, để gắn thêm bệ cho nó, ông mang nó đến một người chuyên môn, và hỏi ý kiến y về món đồ. Y mỉm cười. Và theo lời Julius Meier-Graefe: “Ông ta mời tôi vào phía sau cửa hàng nhỏ của ông, mở một cái chạn ở đó, và chỉ cho tôi bốn năm món y chang, mỗi món đều lắm lem đất cát ngàn năm tuổi. Chúng đến từ Bunzlau (Đức), nhưng ông ta mua chúng từ một đại lý ở Cairo, một người Hi Lạp.”
Ngoài việc làm giả các cổ vật như một nghề nghiệp, các nhà khoa học và học giả phải trông chừng những trò bất ngờ khó chịu do các tay hay đùa cợt bày đặt ra. Việc này minh họa bằng giai thoại sau do nhà văn Pháp hiện đại, Andre malraux, kể lại. Ông từng là ủy viên văn hóa ở Trung Quốc và sau này là trưởng ban tuyên truyền của Tướng De Gaulle. Không có lý do gì phải nghi ngờ về giai thoại này, được kể dưới đây như một truyện lạ và chắc chắn
không nên bắt chước. Vào năm 1925 trong một quán rượu Singapore Malraux tình cờ nói chuyện với một nhà sưu tập Nga được Bảo tàng Boston ủy thác đến đây để mua cổ vật. Sau màn trao đổi xã giao, người Nga bày lên bàn năm tượng voi nhỏ bằng ngà ông vừa mua ở một cửa hàng Ấn: “Bạn thấy không, đây là những chú voi tôi vừa mới mua. Khi chúng tôi khai quật xong, tôi sẽ nhét nó vào các ngôi mộ trước khi chúng tôi lấp đất lại lần nữa. Trong 50 năm tính từ bây giờ, khi những nhà khảo cổ khác đến khai quật và mở hòm ra lại, họ sẽ tìm thấy những thứ này bên trong, và họ sẽ lấy làm hoang mang. . . Tôi khoái làm cho những người đến sau tôi phải vò đầu bứt tai. Trên ngọn tháp ở Angkor-Vat, bạn biết không, tôi khắc một hàng chữ vô cùng khiếm nhã bằng tiếng sanskrit; rồi tôi làm vấy bẩn để nó trông như rất xưa. Một ngày nào đó một gã nào đó biết mọi thứ sẽ giải mã nó. Phải có ai làm chút gì đó cho bọn vênh váo này bỏ ghét. . .”
Trở lại với anh chàng Mỹ của chúng ta: trong khi y có thể là một tên nghiệp dư trong Ai Cập học, y không thiếu tính chuyên nghiệp. Bởi thế, khi y nhìn thấy các món đồ của người Ai Cập, y khá phấn khích, y coi thường một cách trơ trẻn những nghi thức mặc cả phương đông, mua một cuộn giấy cói vì dáng đẹp và bảo quản tốt mà y hiếm khi gặp được. Y giấu nó trong rương và rời Ai Cập mau lẹ, qua mặt hàng rào quan thuế và cảnh sát. Ở Âu châu, các chuyên gia xác nhận rằng y đã vớ được một kho báu quí hiếm. Tình cờ, y cũng đã gây ra một chuỗi sự kiện nổi bật nhất trong đó chính y không đóng vai trò nào thêm nữa.
Nhưng trước khi kể tiếp câu chuyện, ta cần phải trình bày một đôi điều kỳ thú về Thung lũng các Vì Vua.
Thung lũng các Vì Vua, hoặc Lăng mộ các Vì Vua ở Biban el-Muluk, nằm trên bờ tây sông Nile, bên kia sông là Luxor và Karnak, địa điểm của những hàng cột và những đền thờ khổng lồ của Đế chế Mới. Vị trí thung lũng nằm gần vùng mở rộng mà bây giờ là sa mạc nơi đó có thời là nghĩa địa của thành phố Thebes phồn thịnh. Trên bờ tây của sông Nile, trong thời Đế chế Mới, các lăng mộ được cắt ra từ bề mặt triền đá để đón nhận thi thể của các nhà danh giá. Ở đây, cũng vậy, các đền thờ được dâng hiến cho thần Amen (Amun) và đến các vị vua khác nhau (xem hình dưới).
Sự giám sát và xây dựng nghĩa trang to lớn cần sự góp công của nhiều người, nằm dưới quyền chỉ huy của một viên chức có tước là Ông Hoàng miền Tây và Chỉ huy Đội Bảo vệ Nghĩa trang. Quân đồn trú có nhiệm vụ canh gác nghĩa trang sống trong các doanh trại. Lao động thường và nhân công xây dựng chen chúc trong các lều tạm, và theo thời gian phát triển thành làng xóm nhỏ. Trong số lực lượng lao động này là các thợ nề và thợ vẽ, thợ thủ công đủ mọi loại, và kể cả những thợ ướp xác, có nhiệm vụ bảo quản thi thể và gầy dựng ngôi nhà vĩnh hằng cho cái ka.
Sự phát triển này xảy ra, như tôi đã trình bày, trong thời kỳ của Vương quốc Mới, khi những người thống trị hùng mạnh nhất của lịch sử Ai cập đang nắm quyền, các Con Trai của Mặt trời, Ramses I và II. Thời kỳ này được nhận diện bằng Triều đại thứ 18 và 19, và chạy dài từ khoảng 1350 đến 1200 trước C. N. Theo quan điểm của Spengler, đó là thời kỳ tương tự như thời kỳ hiện đại của chúng ta, một thời kỳ của nền “văn minh” hầu như là thuần khiết, mang đặc tính của “chủ nghĩa Caesar”. Theo quan niệm của Spengler về tính đồng thời lịch sử, thời kỳ Ai Cập này, trong đó động lực kiến tạo ngừng tìm cách thể hiện bằng việc xây dựng kim tự tháp và thay vào đó sản sinh ra những cấu trúc phô trương như Karnak, Luxor, và Abydos, tương ứng với thời kỳ Caesar trong lịch sử La Mã, trong đó văn hóa Hi lạp “chuộng sự tưởng niệm” được hấp thu vào “văn hóa thích sự đồ sộ” của La mã. Những ví dụ khác về các giai đoạn lịch sử “đồ sộ” là thời kỳ khi Sennacherib xây dựng lên Niveveh thành một La Mã của Assyria, khi Tần Thủy Hoàng đế cai trị ở Trung Hoa, và khi các đài tưởng niệm vĩ đại của Ấn được dựng lên, sau 1250. Hơn nữa, cũng cùng lực lượng tác động trong thời Ai Cập chuyển giao đến nền văn hóa thích sự đồ sộ đó đang tác động hôm nay giữa những người Tây phương chúng ta đang sống trong thành phố nhà chọc trời New York, trong tàn tích của Berlin, trong London tù hãm, hay trong một Paris kiệt quệ. [Cuốn sách này viết trong thời kỳ sau Thế Chiến II, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1949: ND]
Một sự cải tổ mạnh mẽ mà Vua Thotmes I (1545-1515 trước C. N.) tiến hành đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ xây dựng nhộn nhịp trong Thung lũng các Vì Vua. Thotmes I là một nhân vật quyết đoán trong lịch sử năng động của Ai Cập. Ông ta cũng giữ vai trò có ý nghĩa – mặc dù điều này chưa được chứng minh rốt ráo, và việc chứng mình đòi hỏi nhiều hơn một nỗ lực thuần túy khảo cổ – trong việc thúc đẩy nền văn hóa Ai Cập tiến hóa thành văn minh, một tiến trình điển hình liên quan đến sự tan rã của các truyền thống cũ.
Dù thế nào thì Thotmes là vị vua Ai Cập đầu tiên xây dựng lăng mộ của mình cách xa đền thờ cúng gần một dặm. Và thay vì chôn cất thi thể của mình trong một kim tự tháp lồ lộ và khoa trương, ông đưa ra lời chỉ dẩn chôn giấu nó trong một phòng đá đúc trong vách núi. Việc này đối với người hôm nay có vẻ không mấy quan trọng. Nhưng thực ra quyết định này thể hiện một sự bác bỏ thẳng thừng truyền thống đã kéo dài khoảng 1700 năm.
Bằng cách di chuyển quyết liệt này Thotmes tạo ra những khó khăn không thể lường được cho cái ka của ông và gây rủi ro cho sự tồn tại của ông sau khi chết. Vì khả năng sống được của cái ka ông phụ thuộc vào đồ cúng tế vào những ngày lễ thiêng tiến hành tại đền thờ cúng cách khá xa lăng mộ, nên tất nhiên nó không còn nối kết mật thiết với thi thể mà cái ka được cho là lởn vởn quanh đó. Tuy nhiên, bù lại cho khiếm khuyết này, Thotmes hi vọng có được sự an toàn bất tận mà các tổ tiên của ông không có được vì bọn trộm mộ. Lời chỉ dạy ông dặn lại cho vị kiến trúc sư trưởng, Ineni, là do mối e sợ khủng khiếp là lăng mộ của mình sẽ bị xâm hại. Mặc dù sự suy tàn duy lý và sự thế tục hóa của tôn giáo – Triều đại 21 gồm toàn các ông vua là thầy tu, và trước thời gian đó quyền lực của họ trong vương quốc đã gia tăng nhanh chóng – mối quan tâm về việc xác ướp của ông có thể bị phá hủy vẫn còn là yếu tố ngự trị trong tâm thức của Thotmes. Khoảng đầu Triều đại 18 hiếm có một lăng mộ hoàng tộc nào trong vùng ven Thebes mà không bị bọn trộm viếng thăm. Hiếm có một xác ướp nào không bị xé toạc ít nhất một phần của “áo giáp thần bí,” và như thế bị làm ô uế vĩnh viễn. Theo qui luật bọn cướp mộ không bị tóm, mặc dù thỉnh thoảng chúng có thể bị quấy rầy và bị bắt buộc phải bỏ đi để lại của cướp bóc. Năm trăm năm trước thời trị vì của Thotmes kẻ xâm phạm chui vào lăng mộ bà vợ của Vua Zer đã bị chận lại khi phá vỡ xác ướp của Hoàng hậu và đã vội vàng giấu một cánh tay khô đét vào một hốc trong phòng an táng. Đến năm 1900 nó được một nhà khảo cổ Anh tìm được, còn nguyên vẹn dưới lớp vải bó, và còn đeo vòng tay ngọc lam và thạch anh tím quí báu.
Kiến trúc sư trưởng của Thotmes có tên là Ineni. Chúng ta có thể tưởng tượng cuộc bàn luận giữa nhà chuyên chế và bậc thầy xây dựng của ông. Sau khi quyết định phá bỏ truyền thống, Thotmes chắc hẳn phải biết rằng trừ khi vị trí và việc xây dựng lăng mộ được giữ tuyệt đối bí mật, không có gì bảo đảm là mình thoát khỏi cùng số phần với những vị tiên vương.
Tính tự cao của kiến trúc sư trưởng đã giữ gìn cho chúng ta câu chuyện về cách thức kế hoạch này được thực hiện, bởi vì trên những bức tường của đền thờ cúng của mình Ineni để lại, như một phần của tiểu sử chi tiết, một ghi chép về việc xây dựng lăng mộ trong triền đá đầu tiên này. Một câu trong đó đọc: “Mình tôi giám sát việc xây dựng của lăng mộ triền đá của Đức Vua. Không ai nhìn thấy nó, không ai nghe thấy nó.” Nhưng một nhà khảo cổ hiện đại, Howard Carter, một trong những nhân vật có thẩm quyền tiên phong trên Thung lũng các Vì Vua và trên những yêu cầu vật chất của việc xây dựng lăng mộ ở đó, ước tính số người làm việc cho Ineni. Carter viết: “Có đủ bằng chứng cho thấy có khoảng 100 nhân công biết rõ về những bí ẩn của Vua không hề được cho phép tại đào, và chúng ta hoàn toàn có thể tin chắc là Ineni đã tìm ra một số biện pháp hiệu quả nào đó để bịt miệng họ.” Có thể hiểu được là công việc được thực hiện bởi những tù binh chiến tranh, và sau đó bị tàn sát sau khi công trình hoàn tất.
Việc phá bỏ truyền thống của Thotmes có hoàn thành mục tiêu của nó không? Lăng mộ triền đá của ông là cái đầu tiên trong nhiều lăng mộ được đục đẽo trong Thung lũng các Vì Vua. Trong bức tường đá vôi của một thung lũng cấm địa và lẻ loi nằm bên kia các triền núi phía tây của Thebes ông cho đào một đường hầm dốc theo bản thiết kế được sử dụng trong năm thế kỷ liên tiếp bởi các kiến trúc sư của Pha-ra-ông. Người Hi Lạp, ấn tượng trước lối đi giống như ống sáo dẫn đến ngôi mộ cổ, gọi lăng mộ đá là syringe, vì chúng gợi đến hình ảnh một syrinx, hay ống sáo của người chăn cừu. Strabo, nhà du hành Hi Lạp sống vào thế kỷ cuối cùng trước Christ, mô tả 40 lăng mộ này là đáng đến xem.
Chúng ta không biết Thotmes yên nghỉ được bao lâu. Tuy nhiên chúng ta biết được là nó không quá lâu so với chiều dài của lịch sử Ai Cập. Một ngày đã đến khi xác ướp của ông, cùng với xác ướp của con gái và người thân của ông, được mang ra khỏi triền đá, lần này không phải do bọn trộm mộ, mà bởi các thầy tu như là một cách đề phòng chống lại bọn xâm hại. Các vị vua đã chọn cách cho các ngôi mộ của mình xây dựng sát gần nhau trong các triền đá để công tác canh chừng lăng mộ được tập trung hơn là khi xây cất rải rác như trước đây, nhưng việc trộm mộ vẫn tiếp tục.
Bọn trộm đột nhập vào lăng mộ của Tutankkhamen trong vòng 10 năm đến 15 năm sau cái chết của ông. Mội ít năm sau cái chết của Thotmes IV bọn trộm để lại danh thiếp trong mộ ông bằng cách khắc những dấu hiệu bí ẩn và những chữ lóng của nghề khoét vách trên bức tường. Lăng mộ này bị hư hại quá nhiều đến nỗi một trăm năm sau Horemheb sùng tín trong năm thứ tám của thời trị vì của mình đã ra sắc lệnh cho các viên chức “làm mới lại việc an táng Vua Thotmes IV trong Nơi Cư Trú Cao Quý ở Tây Thebes.”
Bọn trộm mộ hoạt động đến cực điểm trong Triều đại 20. Việc cai trị của Ramses I và II và của Sethos Đệ nhất và Đệ nhị (Seti) đã cáo chung. Chín vì vua tiếp theo, tất cả họ đều lấy tên Ramses, nhưng chỉ hữu danh vô thực. Quyền kiểm soát của họ trên vương quốc yếu ớt và thường xuyên bị đe dọa. Việc hối lộ và tham nhũng đầy dẫy. Các lính bảo vệ nghĩa trang kết bè kết đảng với thầy tu, lực lượng giám sát của khu vực an táng cùng với các thống đốc của khu vực. Thậm chí thị trưởng miền Tây Thebes, viên chức cao cấp nhất trong hệ thống bảo vệ nghĩa trang, cũng bí mật tiếp tay với bọn trộm mộ. Đối với chúng ta hôm nay hình như là điều kỳ lạ khi tìm thấy, trong số những sưu tập giấy cói từ thời kỳ Ramses IX (1142-1123 trước C. N.), một tài liệu liên quan đến một vụ án về tội trộm mộ xảy ra cách đây ba ngàn năm. Trước khi vụ án này xảy ra bọn trộm mộ là những tên nặc danh; giờ đây chúng thình lình có tên tuổi và là những con người có thực.
Peser, thị trưởng Đông Thebes, nghe phong phanh về bọn trộm mộ hoành hành trên bờ tây của sông Nile. Thị trưởng Tây Thebes là một người bị nhiều người tình nghi dính líu. Nhân đó Peser thấy khấp khởi vì có cơ hội làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh với mình trong chức vụ thị trưởng với thống đốc của toàn khu vực Thebes, một ông Khamwese nào đó. (Phần sau đây là báo cáo của Howard Carter về tiến trình, dựa vào tuyển tập của Breasted về Các Ghi Chép Cổ của La Mã.)
Nhưng sự việc bổng trở nên bất lợi cho Peser. Trong việc ông tố cáo Pewero và đồng bọn Peser phạm một sai lầm chiến thuật là ông nêu rõ số chính xác các lăng mộ đã bị xâm hại. Theo lời cáo buộc của ông, 10 lăng mộ hoàng tộc, 4 lăng mộ chứa hài cốt giới tu sĩ, và nhiều lăng mộ khác của tư nhân đã bị mạo phạm. Vài thành viên của ủy ban điều tra chính thức mà Khamwese giờ đây phái qua bên kia sông, kể cả người đang bị buộc tội, có thể liên can đến việc trộm cắp. Thậm chí chính Khamwese cũng có thể bỏ túi chút ít trong vụ này. Và nói theo ngày nay, ủy ban điều tra đã “bị dính chấu”, và thế là báo cáo gian dối của họ đã được dựng lên khi họ chèo thuyền qua sông Nile. Dựa vào những thể thức pháp lỳ, họ tha bổng bị can, bằng cách nói vòng vo và chỉ chú trọng vào những chi tiết không thích hợp.
Ủy ban bác bỏ sự chính xác của đơn kiện với đầy đủ chi tiết của Peser. Họ đình hoản xem xét lời cáo buộc của ông ta viện lẽ rằng trong khi Peser khai có 10 lăng mộ hoàng tộc bị cướp phá, thực sự chỉ có một, và thay vì 4 lăng mộ các tu sĩ, chỉ có 2. Và thật ra gần như tất cả mọi ngôi mộ tư nhân mà Peser đề cập đã bị quấy rầy là sự kiện không thể chối bỏ được, nhưng ủy ban thấy không có lý do chỉ vì chuyện nhỏ này mà lôi một viên chức trọng vọng như Pewero ra tòa. Một ngày sau khi vụ kết tội bị xếp xó, gã Pewero đắc thắng tập họp “các thanh tra, các nhà điều hành nghĩa trang, nhân công, cảnh sát, và tất cả những người phục dịch trong nghĩa trang,” và xúi họ đi thành một đoàn qua bờ đông sông Nile, nói theo ngôn ngữ ngày nay, làm một cuộc “biểu tình tự phát”. Họ tập trung tuần hành quanh khu vực nhà Peser.
Sự kiện này quá sức chịu đựng của thị trưởng Đông Thebes. Peser không thể chịu đựng nỗi sự tủi nhục. Ông đâm ra nổi giận, và trong lúc không kềm chế, ông phạm phải sai lầm thứ hai, gần như là định mệnh. Tranh cãi gay gắt với người cầm đầu biểu tình từ bờ tây qua, trong cơn điên tiết Peser thề, dưới sự nghe được của nhiều nhân chứng, là ông sẽ leo qua đầu của Thống đốc Thebes và chống án lên nhà vua.
Đây chính xác là điều Pewero mong đợi được nghe. Nhanh như có thể, y chạy vội đến Thống đốc Khamwese. Y thông báo với thống đốc là Peser định hành động vượt tuyến, một sự vi phạm trắng trợn với nguyên tắc hành chính. Viên thống đốc nổi cơn lôi đình liền triệu tập một phiên tòa và bắt buộc gã Peser vụng về ngồi cùng với các thẩm phán khác xét xử chính mình. Ông tự thấy mình ở vào một tình huống giở khóc giở cười khi phải tố cáo mình là khai man và tuyên bố chính mình có tội.
Chuyện phạm tội hiện đại một cách kỳ lạ này, với đầy đủ những chi tiết không hề thêm bớt ở đây – đúng ra có thể kể thêm dài dòng về nó – thậm chí “có hậu” mà ít khi tìm được trừ trong các truyên cổ tích.
Hai hay ba năm sau hành động suy đồi này thắng kiện, một băng nhóm tám tên trộm mộ bị bắt. Những tên này, “sau khi bị đánh roi với hình phạt gấp hai lên bàn tay và bàn chân,” đã cung khai. Tên của năm trong số tám tên trộm này đã truyền lại cho chúng ta: thợ cắt đá Hapi, thợ thủ công Iramen, nông dân Amenemheb, người tiếp nước Kemwese, và nô lệ da đen Thenefer. Trong lời cung khai chúng cho biết:
“Chúng tôi mở hòm và những thứ che đậy thi thể. Chúng tôi tìm thấy xác ướp uy nghi của ông vua này. . . Có nhiều vòng cổ bùa chú và đồ trang sức bằng vàng quanh cổ; đầu xác ướp có đeo một mặt nạ bằng vàng; xác ướp uy nghi của nhà vua được phủ vàng khắp nơi. Vải bọc có quấn sợi vàng và bạc, bên ngoài lẫn bên trong; có nạm đá quí khắp nơi. Chúng tôi lột lấy vàng bạc trên xác ướp uy nghi của vị thần này, cùng bùa chú, đồ trang sức đeo trên cổ, và trên các tấm vải liệm. Chúng tôi cũng tìm thấy vợ nhà vua; chúng tôi cũng lột sạch những thứ quí giá trên người bà. Sau đó chúng tôi đốt rụi vải liệm. Chúng tôi lấy đi đồ đạc mà họ mang theo, nào bình vàng, bạc, và đồng. Chúng tôi chia chác của cải lấy được của hai vị thần này thành tám phần.”
Tòa tuyên các bị cáo có tội, và truy ra những cáo buộc trước đây của Peser là có giá trị.
Chuyện xảy ra là vụ án này – và một số vụ khác trong đó bọn tội phạm cũng bị xử thật nặng mãi về sau – cũng không thể ngăn chận tình trạng cướp bóc có hệ thống tại Thung lũng các Vì Vua. Chúng ta biết rằng các tên trộm đã đột nhập vào các lăng mộ của Amenophis III, Seti I và Ramses II. “Thung lũng chắc hẳn phải chứng kiến nhiều cảnh tượng kỳ lạ, và những liều lĩnh táo tợn xảy ra trong đó,” Carter viết. “Ta có thể tưởng tượng những mưu tính hoạch định trước nhiều ngày, những cuộc hẹn bí mật trên triền đá lúc ban đêm, việc đút lót hoặc đánh thuốc các tên lính canh nghĩa trang, và sau đó việc đào bới trong bóng tối, bò trườn xuống các lỗ hẹp vào phòng an táng, cuộc tìm kiếm điên cuồng dưới ánh sáng chập chờn các báu vật có thể mang đi được, và trở về đến nhà lúc bình minh nặng chĩu với đồ trộm được. Chúng ta có thể tưởng tượng những điều này, và cùng lúc chúng ta có thể nhận ra điều này là không thể tránh khỏi. Bằng cách phục sức cho xác ướp những trang sức và đồ tùy táng quí báu và tinh xảo mà ông ta nghĩ xứng đáng với phẩm chất siêu phàm của mình, chính nhà vua đã mời gọi bọn xấu đến phá hủy mình. Sự quyến rũ thật quá lớn.
Của cải vượt quá mức lòng tham nằm ở đó cho bất kỳ ai có thể tìm đến sử dụng, và sớm hay muộn, bọn trộm mộ cũng thắng cuộc.”
Nhưng triều đại 20 không phải chỉ có bọn trộm mộ, những thầy tu phản trắc, và các quan chức biến chất, các quan tòa bại hoại, và bọn ăn trộm tổ chức cao xuất thân từ mọi tầng lớp trong xã hội. Nhưng cũng còn có những tín hữu hiền lương, những con người chính trực luôn tôn kính những vì vua quá cố. Bởi vì ngay cả khi các tên trộm đang trên đường đào tẩu qua những ngõ ngách bí mật, những nhóm nhỏ các người trung tín đang nằm phục kích chúng. Nhu cầu đã thúc đẩy những người sùng tín này sử dụng chiến thuật đột kích, lấy lửa trả lửa. Trong cuộc chiến đáp trả do các thầy tu trung thành và các viên chức thanh liêm phát động chống lại các tổ chức trộm cắp tinh vi, điều thiết thực là phải hoạt động bí mật hơn cả bọn phạm pháp.
Thật thú vị khi tưởng tượng ra cảnh những người bảo vệ truyền thống này, với những trao đổi sôi nổi thì thầm, họ đi vào lăng mộ, giơ ngọn đuốc để ánh sáng của nó chiếu sáng chiếc quách mở rộng, những thân người thập thò vì sợ bị phát hiện. Họ không sợ bọn lính gác được cắt trực tại lăng mộ. Vậy mà chỉ cần một cái liếc mắt của một tên lính gác được đút lót có thể đủ cho bọn trộm biết vị vua nào đang được canh giữ đêm nay và do đó ngoài tầm tay cướp bóc của chúng. Và những người tuần tra trung thành mang đi các thi thể đã được ướp của các vị vua băng hà của họ. Họ di dời các xác ướp từ lăng mộ này đến lăng mộ khác để che chở chúng khỏi các bàn tay phạm thượng. Họ nghe tin những cuộc đột kích mới đang được bọn trộm lên kế hoạch, và đáp trả bằng nhiều cuộc dạ hành hơn nữa. Và các vị vua đã mất, mà xác ướp của họ đáng nhẽ phải được yên nghĩ trong cõi vĩnh hằng, lại phải đi lang thang.
Đột nhiên tình hình thay đổi. Các thầy tu tiến hành các biện pháp bảo vệ giữa ban ngày. Cảnh sát phong tỏa thung lũng. Những hàng dài các khu khuân vác và con vật kéo chuyên chở những áo quan lớn từ các phòng an táng không an toàn đến những địa điểm mới, những chỗ cất giấu mới. lực lượng quân sự tham gia nhiệm vụ – và thêm một lần nữa nhiều nhân chứng phải trả bằng mạng sống của mình để bí mật mới có thể được giữ kín.
Ba lần Ramses III được mang khỏi lăng mộ của mình và được cải táng. Ahmes, Amenophis I, Thotmes II, và thậm chí Ramses Đại Đế được chuyển đến những địa điểm an toàn hơn. Cuối cùng, vì thiếu chỗ giấu khác, tất cả đều được dồn vào một nơi an táng duy nhất.
“Năm 14, tháng ba của mùa thứ hai, ngày 6, Vua Osiris Usermare-Setepnere (Ramses II) được mang đi chôn lần nữa trong lăng mộ của Vua Osiris Memmare Seti I, do Trưởng Tế đền Amen, Paynezem chủ trì.”
Nhưng thậm chí ở đó họ cũng không bảo đảm. Sethos (Seti) I và Ramses II được đặt trong lăng mộ của Hoàng hậu Inhapi. Cuối cùng không ít hơn 30 xác ướp hoàng tộc được xếp chen chúc trong lăng mộ của Amenophis II. Những ông vua khác được nhặt nhạnh vào các thời điểm khác nhau và trong những tình huống rất khác biệt và được mang qua những con đường trên cao nguyên hẻo lánh ra khỏi Thung lũng các Vì Vua. Sau đó họ được đặt trong một lăng mộ đục trong những vách tường đá basan ở Deir el-Bahri. Địa điểm này không xa với đền thờ hoành tráng xây dựng bởi Hoàng hậu Hatshepsut, em gái của Thotmes III, người đồng nhiếp chính với bà.
Ở đây trong ba ngàn năm các xác ướp nằm nghỉ trong yên bình. Hiển nhiên vị trí chính xác của lăng mộ đã thất lạc, cùng một tình huống bất ngờ đã che chở cho lăng mộ Tutankhamen sau khi nó bị cướp bóc sơ sài. Có thể là một cơn mưa bão lớn đã quét sạch mọi dấu vết của lối vào. Để rồi một chuyến đi của nhà sưu tập người Mỹ đến Luxor vào năm 1881 đã dẫn đến việc tiết lộ là ngôi mộ tập thể các vị vua này đã được phát hiện nhờ may mắn sáu năm trước, vào năm 1875.
- XÁC ƯỚP
Thung lũng các Vì Vua ẩn mình trong màn đêm, một cõi u minh không có lịch sử. “Chúng ta phải mường tượng một thung lũng hoang vắng,” Carter viết, “bị ma ám đối với người Ai Cập, những hành lang nhiều hang động bị cướp bóc và trống không, những lối vào nhiều nơi rộng mở, trở thành nhà cho lũ chồn, cú sa mạc, những bầy dơi. Tuy bị cướp bóc, bỏ hoang và đìu hiu, vẻ lãng mạn của các lăng mộ vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Nó vẫn còn là Thung lũng thiêng liêng của các Vì Vua, và đám lính canh và những người tò mò vẫn còn đến thăm viếng. Thật ra một số lăng mộ được tái sử dụng trong thời Osorkon I (khoảng 900 trước C.N.) để chôn cất các thầy tu.”
Một ngàn năm sau chúng ta thấy Thung lũng được cư trú bởi các nhà ẩn sĩ Cơ đốc ngồi thu mình trên các lối đi trong lăng mộ.
“Sự lộng lẫy và niềm kiêu hãnh vương giả đã được thay thế bằng sự nghèo khó khiêm cung. ‘Nơi cư ngụ tôn quí’ của nhà vua đã thu hẹp thành căn phòng nhỏ của nhà ẩn sĩ.”
Và việc này cũng thay đổi. Truyền thống đã giao số phận của Thung lũng làm nhà cho các vị vua và bọn trộm. Vào năm 1743 nhà du hành Anh Richard Pococke cho ta báo cáo hiện đại đầu tiên về tình trạng Thung lũng. Được một trưởng thôn hướng dẫn, ông có thể tham quan 14 lăng mộ mở. (Strabo biết, như chúng tôi đã nói, đến 40; ngày nay có 61 lăng mộ được biết đến.) Nhưng đó không phải là nơi an toàn để viếng thăm. Trong vùng đồi Kurna một băng trộm đang cắm trại. Khi James Bruce ghé thăm Thung lũng 26 năm sau, ông biết tin về những nỗ lực vô ích nhằm đánh đuổi bọn trộm này. “Chúng đều là những tên ngòai vòng pháp luật, nếu bị bắt ở vùng khác có thể bị xử tội chết. Vị thống đốc xưa kia của vùng Girge, không thể chịu được thêm nữa tình trạng vô pháp mà bọn này gây ra, liền ra lệnh binh lính mang theo các bó củi, chiếm lĩnh mặt núi, nơi phần đông bọn trộm đạo này chiếm cứ: ông liền ra lệnh chất củi khô vào hang động của chúng, rồi châm lửa đốt, khiến gần hết bọn chúng đều bị chết ngạt, nhưng rồi sau đó chúng cũng tuyển mộ đủ số và tình hình cũng trở lại như cũ.”
Khi Bruce tính ở lại qua đêm trong phòng mộ của Ramses III, để sao chép những bích họa trên tường, các hướng dẫn viên của ông sợ chết khiếp, vội quăng bỏ đuốc chạy ra ngoài, nguyền rủa. Khi ánh sáng chập chờn rồi tắt hẳn “họ thốt ra những lời điềm báo rợn tóc gáy về những tai họa sẽ giáng xuống sau khi họ đã rời hang!” Sau đó khi Bruce đi xuống Thung lũng trong bóng tối đang buông xuống chỉ với một người phục dịch còn lại, cố gắng lên thuyền của mình đậu trên sông Nile, những tiếng la hét xé toạc màn đêm, và đá từ các triền đá ném xuống. Bruce phải dùng súng còn người phục dịch sử dụng súng bắn bi để đánh đuổi bọn chúng, nhưng khi đến được thuyền ông nhổ neo ngay lập tức, và không bao giờ trở lại thăm viếng lần nữa. Khi “Ủy ban Ai Cập” của Napoleon đến đó 30 năm sau, để thám sát Thung lũng và lăng mộ của nó, họ cũng bị tấn công và thậm chí bị bọn trộm mộ bắn.
Ngày nay Thung lũng thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Một trong những kho báu quí giá từng được lấy lên lòng đất cổ đại chỉ vừa mới được khám phá cách đây 40 năm lẻ. Ngày nay ta có thêm một điểm tham quan khác nơi đó các hướng dẫn du lịch vỗ lưng lừa; các du khách lũ lượt đến từ khu nhà trọ Cook ở Deir el-Bahri, và các tay Ả Rập chèo kéo và om sòm mời gọi bằng thứ tiếng Anh lơ lớ. Và khi nghe một hướng dẫn viên cho biết là “Các lăng mộ quan trọng nhất và lăng mộ của Tutankhamen có thể được tham quan dưới ánh đèn điện ba sáng một tuần,” thấy vừa buồn vừa lố bịch, khi xét đến lịch sử hoành tráng của Thung lũng sông Nile, các vì vua, và các con người ở đó.
Cuộc khai quật vĩ đại nhất được thực hiện ở Thung lũng – làm dấy lên một làn sóng khích động trong thế giới phương Tây chỉ có thể so sánh được với phát hiện khảo cổ trước đây, việc khai quật thành Troy của Schliemann – xảy ra vào năm 1922.
Nhưng một vài thập kỷ trước đây một khám phá cũng tuyệt vời ngang bằng được thực hiện ở Deir el-bahri, trong những tình huống kỳ lạ hơn nhiều.
Khi người Mỹ, người đã mua được một văn bản giấy cói bảo quản tốt ở Luxor, đưa nó cho các chuyên gia ở Âu châu thẩm định thật giả, một người trong số họ hỏi ông cặn kẻ. Người sưu tập hớn hở, cảm thấy an toàn với chiến lợi phẩm của mình trên đất Âu châu, nói năng thoải mái, không cần giữ mồm giữ miệng. Sau đó chuyên gia gởi một bức thư chi tiết đến Cairo, và thế là khởi đầu việc vạch trần một vụ trộm mộ phi thường nhất.
Sau khi nhận được bức thư của chuyên gia tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, Giáo sư Gaston Maspero trở lại với hai lời buộc tội: đầu tiên, đó là bảo tàng của ông thêm một lần nữa có thể đã mất một cổ vật quí báu. Trong sáu năm trước những báu vật quí hiếm có giá trị khoa học to tát trong một vài trường hợp đã bí mật xuất hiện trên thị trường mua bán cổ vật chợ đen. Một số người may mắn mua được, một khi đã ra khỏi Ai Cập an toàn, sẵn sàng mô tả những tình huống mua bán, nhưng không có tên giao dịch nào bị truy tìm ra. Khi thì tên môi giới được mô tả là to lớn. Lần khác y là người Ả Rập, có khi là người da đen, rồi thì là một nông dân Ai Cập kiết xác hay một trưởng thôn giàu sụ. Maspero cũng thắc mắc khi biết rằng món đồ cuối cùng bị tuồn ra khỏi Ai Cập là một đồ tùy táng từ lăng mộ của một Pha-ra-ông thuộc Triều đại 21, mà vị trí của những lăng mộ này vẫn chưa được biết. Ai đã tìm ra được những lăng mộ này?
Duyệt xét lại những món bị tuồn ra khỏi xứ đã được báo cáo cho ông, Giáo sư Maspero tin chắc là chúng phải có xuất xứ từ những lăng mộ của vài vị vua khác nhau. Không lẽ có tên trộm mộ hiện đại có thể phát hiện vài lăng mộ cổ ngay một lần? Maspero thiên về tình huống các tên trộm đã tình cờ vớ được một lăng mộ chung to lớn.
Maspero rất ấn tượng với viễn cảnh mở ra nếu điều ông suy nghĩ là đúng. Phải làm điều gì đó. Cảnh sát Ai Cập đã thất bại. Ông phải tự mình điều tra thôi. Sau vài cuộc tham vấn trong vòng bí mật ông phái một phụ tá trẻ của mình đến Luxor.
Ngay từ lúc anh ta bước lên bờ từ con thuyền sông Nile, viên phụ tá này xử sự như bất cứ người nào trừ ra một nhà khảo cổ. Anh thuê phòng ở khách sạn nơi người Mỹ mua được cuộn giấy cói dừng chân. Ngày đêm anh lượn lờ quanh các cửa hàng tạp hóa, đóng vai một người Âu châu giàu có, túi rủng rỉnh tiền vàng và mua những đồ kỷ niệm linh tinh với giá trên trời. Sau khi trao đổi với các môi giới một cách tin cậy, anh cho họ tiền típ kha khá, nhưng không quá nhiều để có thể gây nghi ngờ. Lần này rồi lần khác anh được giới thiệu các cổ vật được chế tạo trong xứ, nhưng chàng thanh niên không dễ bị lừa, và các nhà môi giới bất hợp pháp cũng đều nhận thấy ngay lập tức. Dần dần họ càng vị nể người lạ mặt này, và càng tin cậy anh ta hơn.
Một hôm một nhà môi giời, ngồi xổm trong khung cửa của cửa tiệm y, ra dấu cho chàng thanh niên đến gần. Anh phụ tá từ Bảo tàng Ai Cập giờ đây đang giữ trong tay một pho tượng nhỏ. Anh cố kềm hãm cảm xúc của mình; ráng che giấu nét biểu lộ trên gương mặt. Anh ngổi xổm kế bên người môi giới và bắt đầu vừa kỳ kèo vừa xoay pho tượng qua lại trong lòng tay. Nhìn vào dòng chữ khắc trên tượng anh biết đó là cổ vật thật ba ngàn năm tuổi, một món đồ tùy táng từ một lăng mộ thuộc Triều đại 21.
Cuộc trả giá kéo dài. Cuối cùng viên phụ tá đồng ý mua pho tượng nhỏ, đồng thời giả vờ không vừa ý. Anh biểu lộ ý muốn tìm một cổ vật lớn hơn và quí báu hơn. Cùng ngày hôm đó anh được giới thiệu với một người Ả Rập cao lớn trong tuổi tráng niên, tự xưng tên là Abd-el-Rasul. Gã Abd-el-Rasul này là gia trưởng của một dòng họ đông đúc. Sau khi chàng trai trẻ kỳ kèo dăm ba ngày, trong thời gian đó anh được cho xem những đồ tùy táng khác có niên đại từ Triều đại 19 đến 20, anh cho bắt gã Ả Rập. Anh tin chắc là mình đã tóm được tên trộm mộ. Có phải thế không?
Abd-el-Rasul và một vài người trong thân quyến được mang đến trước Thống đốc xứ Keneh, tên là Da’ud Pasha, đích thân đứng ra hỏi cung. Một hàng dài vô tận những nhân chứng xuất hiện kêu oan cho bị can. Tất cả dân chúng trong làng nơi Abd-el-Rasul sinh sống đều thề là y vô tội – đúng ra, cả gia tộc y đều vô tội, một gia tộc được công nhận là cư ngụ lâu đời nhất và trọng vọng nhất trong cộng đồng. Viên phụ tá, tin tưởng quyết liệt vào sự đúng đắn của lời cáo buộc của mình chống lại Abd-el-Rasul, đã gởi một bức điện lạc quan đến Cairo. Giờ anh phải đành bất lực nhìn Abd-el-Rasul và đồng bọn được tha bổng vì thiếu chứng cứ. Anh kêu lên các cấp thẩm quyền; nhưng họ đều nhún vai. Anh lên thẳng đến Thống đốc, ông ta nhìn anh trân trân kinh ngạc, và khuyên anh nên nhẫn nại.
Viên phụ tá đợi một ngày, rồi thêm một ngày và ngày nữa. Anh lại đánh điện cho Cairo lần nữa, nhắc lại bức điện tín đầu tiên. Tình trạng mập mờ gậm nhấp làm anh mòn mỏi, cũng như sự kiên nhẫn kiểu Đông phương của ngài thống đốc. Nhưng ngài thống đốc hiểu rõ dân tộc mình.
Howard kể lại một câu chuyện do một trong những nhân công lâu năm nhất kể lại cho ông về trải nghiệm của mình. Khi còn trẻ, y từng bị bắt vì tội ăn trộm và được giải đến trước mặt cũng ngài thống đốc đó. Giáp mặt với Da’ud Pasha có tiếng nghiêm khắc, anh thanh niên sợ chết khiếp. Nỗi sợ hãi tăng gấp đôi khi, thay vì được đưa vào phòng xử thường lệ, anh lại bị dẫn tới phòng riêng của thống đốc. Hôm đó thời tiết rất nóng, và viên quan đang ngâm mình trong bồn tắm lớn bằng sứ.
Da’ud Pasha, theo chuyện kể, nhìn can phạm một lúc lâu. Người tù nhân trẻ tuổi khiếp đảm trước cái nhìn soi mói câm lặng này. “Đôi mắt ông ta xuyên qua người tôi,” y kể lại cho Carter. “Tôi như thấy đầu gối mình tan thành nước đến nơi. Cuối cùng ông lặng lẽ bảo tôi: “Đây là lần đầu tiên cậu xuất hiện trước mặt tôi. Cho cậu tự do. Nhưng cẩn thận đừng đến đây lần thứ hai.” Tôi quá sợ đến nỗi ngay lúc đó tôi đã từ bỏ nghề trộm cắp, và không bao giờ vướng vào rắc rối lần nữa.”
Uy quyền của Da’ud – được tăng cường bằng sự trừng phạt tàn bạo nếu chỉ sự hiện diện không đủ răn đe – đã kết trái, trước sự sững sờ của chàng phụ tá trẻ từ Cairo, giờ đang nằm liệt giường vì sốt. Một tháng sau vụ hỏi cung ban đầu một thân nhân của Abd-el-Rasul và cũng là đồng phạm đến ngài thống đốc và khai ra tất cả. Thống đốc báo tin cho nhà khoa học trẻ về sự tiến triển của vụ án và ra lệnh xử lại. Vụ xử này cho thấy toàn thể làng Kurna, nơi cư ngụ của toàn gia Abd-el-Rasul, là một ổ trộm mộ. Nghề nghiệp này truyền từ cha đến con liên tục chưa hề bị đứt đoạn kể từ thế kỷ 13 đến nay. Một triều đại trộm đạo của một dòng dõi ghê gớm như thế chưa hề được nghe nói đến trước đây hoặc sau này.
Phát hiện lớn nhất mà nhóm Abd-el-Rasul từng thực hiện được là lăng mộ tập thể ở Deir el-Bahri. Sự tình cờ và tính hệ thống đã đóng một phần trong việc tìm ra và cướp bóc lăng mộ này. Sáu năm trước, vào năm 1875, Abd-el-Rasul, chỉ nhờ may mắn, đã phát hiện ra được lối vào được che giấu trong triền đá giữa Thung lũng các Vì Vua và Deir el-Bahri. Leo lên và chui vào một cách khó khăn, Abd-el-Rasul thấy mình ở trong phòng an táng rộng rãi chứa một số xác ướp. Khảo sát sơ khởi tiết lộ một kho báu có thể mang lại một cuộc sống dư dã cho dòng họ y đến suốt đời – nếu bí mật được giữ kín.
Không ai trừ những thành viên đứng đầu của dòng họ Abd-el-Rasul được tiết lộ bí mật. Họ long trọng tuyên thệ sẽ để yên kho báu tại chỗ được tìm thấy, coi như là một tài khoản ngân hàng được “ướp xác” sẽ rút ra tùy theo nhu cầu. Thật khó tin, nhưng bí mật được giữ kín suốt 6 năm, trong thời gian này gia đình trở nên giàu có. Nhưng cuối cùng thì vào ngày 5/7/1881, đại diện của Bảo tàng Cairo do Abd-el-Rasul hướng dẫn đi đến lối vào trên triền đá.
Người đại diện được chọn không phải là Giáo sư Maspero đang bận công tác xa, và mỉa mai thay cũng không phải là viên phụ tá trẻ tuổi có công lao lớn nhất, mà là Emil Brugsch-Bey, em của nhà Ai Cập học nổi danh Heinrich Brugsch, lúc đó là chuyên viên bảo tồn của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Ông đến Luxor để tìm chàng phụ tá trẻ tuổi đang nằm sốt trên giường. Ông cũng đến viếng ngài thống đốc với tư cách ngoại giao. Mọi người đều đồng ý rằng để ngăn ngừa kho báu bị xâm hại, lăng mộ nên giao cho chính quyền tịch thu. Vào buổi sáng ngày 5.7, Emil Brugsch-Bey, đi cùng một phụ tá Ả Rập và Abd-el-Rasul, lên đường đến lăng mộ. Những gì ông sớm trông thấy khiến ông không bao giờ quên được.
Sau một hồi leo trèo cam go, Abd-el-Rasul dừng lại và chỉ tới một lỗ hở đã bị đá che lấp sơ sài. Nó ở một vị trí kín đáo ở ngoài tầm nhìn trực tiếp. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi nó không được ai để mắt đến trong ba ngàn năm.
Abd-el-Rasul lấy cuộn dây thừng khỏi vai xuống, và thòng sợi dây xuống lỗ vào, và bảo Brugsch nên tự mình leo xuống đường hầm. Brugsch không chần chừ. Ông yêu tâm để lại tên tội phạm có vấn đề với người phụ tá Ả Rập tin cậy ở trên miệng hầm. Ông tụt xuống, thả hết tay này đến tay kia, một cách thận trọng, không phải không ý thức là có thể mình là nạn nhân của một trò lừa đảo của một tên trộm khôn khéo. Có thể trong lòng ông cũng hi vọng về một phát hiện kỳ thú, nhưng chắc hẳn ông không hề có chút ý niệm mơ hồ nào về những gì thực sự đang chờ đón ông dưới kia.
Đường hầm sâu khoảng 35 bộ (khoảng 10 mét). Khi đặt chân xuống đáy đường hầm, ông đốt đuốc, di chuyển về phía trước một ít bước và quẹo qua một khúc ngoặt khá gắt – và trước mắt ông là một chiếc quách khổng lồ đầu tiên.
Một trong những quách lớn nhất chỉ vừa qua lối vào ngoài cùng đến đường hầm là thấy. Có một hàng chữ khắc cho biết nó chứa xác ướp của Sethos I, chính là xác ướp mà Belzoni tìm thấy một cách tự mãn vào tháng 10 năm 1817 tại nơi yên nghỉ gốc của vị Pha-ra-ông trong Thung lũng các Vì Vua. Ánh sáng chập chờn của ngọn đuốc phát giác thêm nhiều áo quan, và vô số châu báu theo tập tục an táng của người Ai Cập nằm rải rác trên sàn phòng và áo quan. Brugsch đi xa hơn về phía trong, vừa đi vừa gạt đồ đạc sang một bên. Cuối cùng phòng an táng chính hiện ra, hình như vô tận trong ánh sáng lờ mờ. Các áo quan nằm khắp nơi; một số nắp đã cạy tung, những cái khác còn khép kín. Chung quanh các xác ướp vô số những công cụ và đồ trang trí. Cảnh tượng làm Brugsch nín thở; vì ông đang đứng giữa các thi thể của những nhà cai trị hùng mạnh nhất của thế giới Ai Cập cổ đại.
Đôi khi phải bò trên tay và đầu gối, đôi khi đứng thẳng, Brugsch tìm thấy xác ướp, trong số nhiều xác ướp khác, của Amosis I (1580-1555 trước C. N.), vị Pha-ra-ông đã làm nên tên tuổi vì đã đánh đuổi vì vua cuối cùng tộc man rợ Hyksos, “các vua chăn cừu.” Brugsch cũng phát hiện xác ướp của đời vua Amenophis đầu tiên (1555-1545 trước C. N.), vì vua mà sau này trở thành thần bảo hộ nghĩa trang vùng Thebes. Trong số nhiều vô số kể các áo quan chứa thi thể những vị vua Ai Cập ít tiếng tăm hơn cuối cùng ông tìm thấy các xác ướp của hai vị Pha-ra-ông vĩ đại nhất, mà tên tuổi của họ vang dội qua bao thế kỷ mà không cần có sự trợ giúp của nhà khảo cổ hoặc sử gia. Đến lúc này ông phải ngồi xuống, tay vẫn cầm đuốc, choáng váng vì sự khám phá của mình. Ông đã tìm thấy các thi thể của Thotmes III (1501-1447 trước C. N.) và của Ramses II (1298-1232 trước C. N.) mà tại triều đình của ông, Moses, người đặt ra luật cho dân Do Thái và thế giới phương Tây, được cho là đã trưởng thành. Hai vị Pha-ra-ông này đã cai trị 54 và 66 năm theo thứ tự, trên những đế chế mà họ không chỉ tạo ra mà còn biết cách gìn giữ nguyên vẹn một thời gian dài.
Khi Brugsch, vẫn còn choáng váng và không biết bắt đầu từ đâu, nhìn lướt qua các dòng chữ khắc trên áo quan, cặp mắt ông tình cờ rơi ngay trên câu chuyện về những “xác ướp lang thang” này. Ông bắt đầu mường tượng không biết bao nhiêu đêm các thầy tu nhọc nhằn bảo quản những vị Pha-ra-ông đã chết nầy khỏi bị trộm cắp và xâm hại. Ông nghĩ đến cảnh họ vất vả dời những áo quan từ các lăng mộ nguyên gốc, và vận chuyển chúng, thường ghé qua nhiều trạm dừng, để đến Deir el-Bahri, tại đó họ đặt chúng trong những quách đá mới, cái này sát cái kia. Nhìn thoáng qua ông có thể tưởng như thấy bằng cách nào nỗi sợ hãi và sự hấp tấp tuyệt vọng đã vung chiếc roi da, vì một số áo quan vẫn giữ nguyên tư thế nằm chếch dựa vào tường phòng ở nguyên vị trí khi chúng tình cờ rơi xuống. Sau đó, ở Cairo, với sự xúc động sâu xa ông đọc những thông điệp mà các thầy tế để lại trên vách áo quan – những hành trình của các vị vua Ai Cập quá cố.
Người ta đếm được không dưới 40 thi thể các nhà vua tụ họp tại đây. Bốn mươi xác ướp! Bốn mươi áo quan chứa tàn tích hình hài của những người đã từng thống trị thế giới Ai Cập như các vị thần, và những người trong ba ngàn năm đã yên nghỉ cho đến khi trước tiên một tên trộm, rồi sau đó, Emil Brugsch-Bey, một lần nữa ghé mắt nhìn họ.
Mặc dù với tất cả sự chăm chút nhiêu khê để chuẩn bị cho thi thể của họ vào cõi bất tử, các vị vua Ai Cập thường rất bi quan: “Những ai xây bằng đá granit, xếp đặt một đại sảnh trong lòng kim tự tháp của họ, và tạo ra vẻ đẹp từ tuyệt tác của họ. . . những bệ đá thờ của họ cũng trống trơn như bệ đá thờ của những kẻ mệt lử, những ai đã chết trên đường đê không để lại người than khóc.”
Những nỗi sợ hãi ấy không ngăn cản họ thêm đề phòng trong việc giữ gìn nghiêm cẩn những thi thể của mình. Herodotus mô tả những nghi thức an táng được chuẩn bị cho người chết trong thời gian ông chu du ở Ai Cập (lời trích dẫn sau là từ Howard Carter):
“Khi một người đàn ông có địa vị qua đời, ngay lập tức các phụ nữ trong gia đình bôi vôi lên đầu y, và đôi khi thậm chí trét bùn lên mặt; rồi sau đó, để thi thể nằm trong nhà, bước ra khỏi nhà và lang thang trong thành phố, với áo buộc bằng một dải băng, bụng để trần, vừa đi vừa đấm thình thịch vào ngực mình. Tất cả các bà thân thích đều tham dự cùng họ và hành động tương tự. Các ông, cũng buộc thắt y phục, và đấm ngực thùm thụp. Sau khi nghi thức này đã xong, thi thể được mang đến nơi tẩm ướp.”
Không thể tách rời khỏi chủ đề tống táng hoàng gia và trộm đạo là tiến trình ướp xác. Từ mummy (xác ướp) có vài nghĩa. Theo sự khảo sát của nhà du hành Ả Rập thế kỷ 12 Abd al-Latif, “mummy” là một dược liệu giá rẻ. Mumiya, hay mumiyai, là một từ Ả Rập, và theo nghĩa mà Abd al-Latif dùng có nghĩa là nhựa đường (hắc ín). Ở những nơi mà chất hắc ín rỉ ra từ đá, như ở núi Mummy Mountain, ở Derabgerd, xứ Ba Tư. Khi Abd al-Latif nói mummy ông có ý chỉ một hổn hợp của hắc ín và nhựa thơm. Đến tận thế kỷ 16 và 17 – đúng ra, thậm chí cách đây 100 năm – vẫn còn bán sôi động thứ thuốc bào chế gọi là “mummy,” một chất thuốc dùng để trị xương gãy và thương tích. Mummy cũng có nghĩa là lông và tóc cắt ra từ những người đang sống. Những thành phần này, về mặt ma thuật, được sử dụng làm bùa chú và trừ tà. Ngày nay từ mummy gần như luôn có nghĩa xác ướp, đặc biệt những thi thể được bảo quản theo kiểu Ai Cập cổ đại. Cần phân biệt giữa các xác ướp tự nhiên và nhân tạo. Các xác ướp tự nhiên là các xác ướp được giữ gìn không bị phân hủy nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn là do cách xử lý hóa học đặc biệt.
Các thi thể trong tu viện Capuchin ở Palermo, trong tu viện ở nhà thờ St. Bernard, trong hầm chì tại Thánh đường Bremen, và trong lâu đài Quedlinburg tất cả đều là những xác ướp tự nhiên. Sự phân biệt giữa tự nhiên và nhân tạo vẫn còn giữ đến ngày nay, nhưng cuộc nghiên cứu sâu rộng của Elliot Smith, và việc phân tích xác ướp Tutankhamen của Douglas E. Derry, đã minh chứng rằng chính thời tiết luôn khô ráo của khu vực sông Nile, và sự vắng mặt của các vi khuẩn trong cát và không khí, gần như là tác nhân tạo nên tình trạng tuyệt vời của việc bảo quản các xác ướp Ai Cập, hơn là các chất liệu được sử dụng trong tiến trình ướp xác. Các xác ướp đã được đào lên nguyên vẹn từ các ngôi mộ cát, mặc dù không bỏ trong quan tài và không móc bỏ bộ nội tạng. Các thi thể từ lòng đất, người ta nghiệm ra là, đã chịu đựng được sự tàn phá của thời gian chẳng khác, có khi còn tốt hơn, những xác được xử lý cẩn thận. Một số xác được ướp đã thối rửa, hoặc đông lại thành những khối không ra hình thù gì, dù đã được ướp thừa mứa nhựa, hắc ín, và dầu nhựa thơm, không kể – như được mô tả trong Văn bản Giấy cói Rhind – “nước từ Elephantine, muối từ Eileithyiaspolis, và sữa từ thành phố Kim.”
Trong thế kỷ 19 người ta phần đông tin rằng người Ai Cập sở hữu một kiến thức hóa học bí mật. Thậm chí đến ngày nay không có ghi chép toàn bộ và tuyệt đối xác thực nào về tiến trình ướp xác đã được tìm ra. Nhưng ít nhất, giờ đây chúng ta biết rằng cách xử lý hóa học có ít hiệu quả bảo quản cũng như các lời cầu khẩn thần bí hoặc tôn giáo. Cũng vậy, chúng ta phải xét đến sự kiện là trong quá trình thiên nên kỷ nghệ thuật ướp xác trải qua nhiều thay đổi.
Mariette nhận xét là các xác ướp ở Memphis, vốn thuộc về thời kỳ xưa hơn, màu gần như đen, hóa vôi, và dễ vỡ. Các mẫu thời kỳ sau ở Thebes có màu hơi vàng ố, phủ lớp sáng óng ánh, và thường mềm dẻo, cho thấy tính không nhất quán không thể lý giải chỉ bằng sự khác biệt về thời gian.
Herodotus báo cáo là có ba phương pháp ướp xác, phương pháp thứ nhất mắc gấp ba phương pháp thứ hai, phương pháp thứ ba – phương pháp dùng cho các viên chức cấp thấp – là rẻ nhất. (Nông dân bình thường không ướp xác gì hết. Y chỉ đơn giản để mặc thi thể mình cho thời tiết khô của Ai Cập xử lý.)
Trong thời kỳ xa xưa nhất các thợ ướp xác chỉ có thể bảo quản phần bên ngoài của thi thể. Về sau người ta tìm được cách thức giữ cho da khỏi nhăn nhúm, nhờ đó người ngày nay có thể tìm được những xác ướp mà đắc điểm cá nhân có thể nhận diện được.
Các thi thể thường được xử lý theo cách thức sau: Trước tiên bộ não được rút ra hết ra qua lỗ mũi bằng móc sắt. Sau đó lồng ngực được mở toạc bằng dao đá, và nội tạng được móc sạch. Một phương pháp khác là rút nội tạng ra hết qua hậu môn. Sau đó nội tạng được giữ trong các bình gọi là “bình canopic,” hay các bình đất lớn. Trái tim được lấy đi và thay thế bằng một tượng bọ hung đá. Sau đó thi thể được rửa sạch và ngâm hơn một tháng trong nước muối. Cuối cùng xác được làm khô – một tiến trình mà, theo vài tư liệu, kéo dài trong 70 ngày.
Thi thể ngâm tẩm sau đó được an táng trong vài áo quan gỗ lồng vào nhau và có hình dáng thân người, và những áo quan sau đó được đặt vào trong một quách bằng đá. Thi thể được đặt trong áo quan trong cùng có tư thế nằm nghiêng. Các bàn tay được xếp bắt chéo lên ngực hoặc bụng hoặc thậm chí để xuôi hai bên hông. Tóc thường được cắt ngắn, mặc dù các bà tóc thường cho phép để dài, sau khi được uốn cho đẹp. Còn lông ở hạ bộ được cạo sạch.
Để bảo quản cho thi thể không bị các chất hủy hoại xâm nhập, các lỗ trên cơ thể được bị kín bằng vôi, cát, nhựa, mạt cưa, viên vải lanh. . . với các chất thơm, có khi dùng củ hành, được trộn vào các nút bịt. Ngực các bà được đệm thêm. Sau đó đến giai đoạn buồn tẻ là quấn bọc thi thể bằng các tấm vải lanh hoặc băng vải. Lớp vải quấn, theo thời gian, sẽ thấm hoàn toàn các chất keo dính được đổ đầy ngập nhiều đến nỗi các nhà khảo cổ phải vô cùng khó nhọc mới tháo bỏ hết được. Các tay trộm, mà mục đích duy nhất là lấy hết đồ trang sức đắt giá giấu trong lớp vải bọc, đơn giản chỉ việc cắt chép qua lớp vải, rồi xé toạc ra.
Vào năm 1898 Loret, tổng giám đốc quản trị cổ vật, mở lăng mộ Amenophis II. Ông cũng tìm được “những xác ướp lang thang,” cụ thể, 13 xác ướp hoàng tộc đã được gom góp cực nhọc để các thầy tu bảo quản dưới Triều đại 21, làm việc nhiều giờ liền trong bóng tối. Nhưng Loret không tìm được báu vật có thể so sánh với báu vật mà Brugsch đã tìm được chỉ vài năm trước đây. Trong khi bản thân các xác ướp không bị xâm phạm – Amenophis vẫn nằm yên trong quách – mọi thứ khác đều đã bị lấy cắp. Nhưng chỉ một hoặc hai năm sau khi Sir William Garstin cho người xây tường bọc kín lăng mộ lần nữa, để các vì vua qua đời được yên nghỉ, các tay trộm mộ hiện đại đột nhập vào, lôi Amenophis ra khỏi áo quan và phá hoại nghiêm trọng xác ướp. Chắc chắn họ đã ăn chia với đám lính gác, như hầu hết các tay trộm từ ngàn năm nay. Điều đó càng chứng minh rằng Brugsch đã làm rất tốt khi dọn sạch lăng mộ tập thể mà ông đã tìm thấy; nếu không ra tay vì sợ thất kính sẽ gây ra, như lúc nào cũng thế, những hậu quả nghiêm trọng.
Trở lại Emil Brugsch-Bey, khi ông leo trở lên đường hầm chật hẹp đó, để lại 40 vị vua qua đời đằng sau, ông suy nghĩ rất nhiều về những cách thức và phương tiện nhằm bảo đảm chúng được an toàn. Nếu để nguyên như thế sẽ mời gọi bọn cướp bóc. Nhưng để dọn sạch và vận chuyển đến Cairo thì phải cần rất nhiều nhân công – và phải thuê mướn họ ở tận Kurna, hang ổ của bọn trộm Abd-el-Rasul! Lúc mà Brugsch đến yết kiến vị thống đốc lần nữa, ông đã quyết định làm việc này, bất chấp những nguy cơ có thể gặp phải. Sáng hôm sau ông đã trở lại đường hầm, với ba trăm nông dân. Ông ra lệnh phong
tỏa khu vực. Với người phụ tá Ai Cập trung thành ông tuyển chọn một nhóm nhỏ hình như có vẻ đáng tin cậy hơn những người khác. Trong khi nhóm này lo những công việc nặng nhọc – hóa ra là nâng một số vật dụng nặng nhất phải cần đến 16 người – chuyển những món đồ giá trị lên mặt đất từng món một, ghi chép nó, và sắp xếp ngay ngắn với những món còn lại ở chân đồi. Công việc này phải mất 48 giờ. Howard Carter đã bình phẩm ngắn gọn: “Ngày nay chúng ta không làm quá nhanh đến như vậy!” Sự vội vàng này hóa ra là dư thừa, bởi vì tàu hơi nước đi Cairo đến trễ vài ngày. Brugsch-Bey ra lệnh đóng gói các xác ướp, che phủ các áo quan, và chở về Luxor. Phải đến 14/7 chúng mới lên tàu.
Nhưng rồi Brugsch chứng kiến một sự kiện gây ấn tượng cho các nhà khoa học dạn dày thậm chí nhiều hơn sự phát hiện các báu vật. Bởi vì cảnh tượng ông chứng kiến khi con tàu hơi nước chầm chậm đi trên dòng sông Nile ảnh hưởng không chỉ giới khoa học mà còn những con người còn giữ được lòng tôn kính.
Tin tức về kiện hàng mà con tàu hơi nước đang vận chuyển đã lan truyền như đám cháy rừng qua mọi làng mạc dọc theo bờ sông Nile và xa hơn trong nội địa. Và điều đó cho thấy rõ ràng là niềm tin mà người Ai Cập cổ đại cho các vị vua của mình là thần thánh vẫn chưa chết hẳn. Đứng trên boong tàu, Brugsch nhìn thấy hàng trăm nông dân cùng với vợ con hộ tống con tàu dọc theo bờ sông từ Luxor trở xuống, đám người mới nối tiếp đám người cũ bị bỏ lại sau khi họ di chuyển theo đến tận Qift và Qena, tại khúc quanh rộng của sông Nile. Các ông bắn súng để tiển đưa các Pha-ra-ông qua đời của họ, trong
khi các bà ném đất sét và bụi lên mặt và người mình và chà cát lên ngực. Những tiếng than khóc đi theo con tàu có thể nghe được từ khoảng xa. Đó là một đám rước kỳ diệu, tự phát, không tô chuốt, tràn đầy xúc động trong nỗi tiếc thương.
Brugsch khó thể chịu được khi nhìn cảnh tượng này vội quay mặt đi. Hành động ông làm liệu có đúng không? Có phải trong mắt của những con người đang than khóc ai oán, đang đấm ngực tiếc thương, thì chính ông cũng không khá hơn gì một người trộm mộ, chỉ là một trong số những người xâm phạm đến nơi yên nghỉ thiêng liêng đã qua hàng ngàn năm? Có đủ để công nhận là ông đang phục vụ cho lý tưởng của khoa học?
Nhiều năm sau, Howard Carter đã đưa ra câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi rối rắm này. Về sự kiện quanh ngôi mộ của Amenophis, ông nhận xét:
Một vấn đề đạo đức chúng ta có thể rút ra từ sự kiện này, và chúng ta tán tụng nó cho dù các nhà phê bình tố cáo chúng ta là kẻ phá hủy di tích khi lấy các cổ vật đi khỏi các lăng mộ. Bằng cách chuyển các cổ vật đến các bảo tàng chúng ta thực sự bảo đảm chúng được an toàn: để lại nguyên trạng, sớm hay muộn, sẽ không sao tránh được trở thành miếng mồi ngon cho bọn trộm cắp, và như thế mọi chuyện sẽ kết thúc.”
Khi Brugsch về đến Cairo, ông làm giàu không chỉ cho một viện bảo tàng mà còn cho toàn thế giới bằng chứng cứ của một sự vĩ đại và huy hoàng không thể phục hồi được đã từng là một phần của nó.
- CARTER: LĂNG MỘ CỦA TUTANKHAMEN
Năm 1902 Theodore Davis, một người Mỹ, được phép của chính quyền Ai Cập tiến hành khai quật trong Thung lũng các Vì Vua. Tại đó ông đào trong 12 mùa đông dài. Davis phát hiện những lăng mộ giá trị như lăng mộ của Thotmes IV, của Siptah, và của Horemheb. Ông cũng tìm thấy xác ướp và áo quan của “nhà vua dị giáo” vĩ đại, Amenophis IV, mà cái tên khác của ông, Ikhnaton, như là nhà cải cách tôn giáo mà trong một thời gian giới thiệu sự tôn thờ mặt trời để thay thế cho hình thức tôn giáo truyền thống Ai Cập. Amenophis được nhớ đến vì đã nói: “Đĩa mặt trời đã mãn nguyện,” và vì tượng bán thân có màu sắc tươi đẹp của bà vợ ông, Nefertiti, tác phẩm nổi tiếng của nền điêu khắc Ai Cập (hình dưới)
Vào năm đầu tiên của Thế Chiến I, Davis nhượng quyền lại cho Lord Carnarvon và Howard Carter, và với sự kiện này bắt đầu cuộc khai quật quan trọng nhất trên Ai Cập. Câu chuyện về dự án này, theo lời kể sau này của em gái Carnarvon trong phác họa về cuộc sống của anh mình, “khởi đầu như cây đèn thần của Aladdin và kết thúc như trường thiên Hi Lạp Nemesis.
Sự khám phá lăng mộ Tutankhamen thể hiện đỉnh cao thành tựu trong nỗ lực khảo cổ. Nó chẳng khác nào một cột mốc trong vỡ kịch khảo cổ, một vỡ kịch trong đó chất liệu chủ đề được Winckelmann và một chuỗi dài những người hệ thống hóa, phương pháp hóa, và chuyên biệt hóa. Những thắt nút gai góc đầu tiên trong một mạng lưới hành động phát triển được Champollion, Grotefend, và Rawlinson buộc chặt. Các nhà khảo cổ đi sau đẩy nhanh hành động và nhận được những tràng pháo tay cho buổi trình diễn giữa-sân khấu là Mariette, Lepsius, và Petrie ở Ai Cập, Botta và Layard ở Mesopotamia, và Stephens và Thompson ở Yucatan. Hành động dâng đến cao trào nghẹt thở bằng những khám phá của Schliemann và Evans, người ở Troy, kẻ ở Knossos, và những khám phá của Koldewey và Woolley ở Babylon và Ur, quê hương của Abraham. Schliemann là kẻ nghiệp dư vĩ đại cuối cùng. Vào thời gian mà Lord Carnarvon và Carter xuất hiện trên sân khấu, toàn bộ những đoàn chuyên gia đang làm việc cật lực ở Knossos và Babylon và những địa điểm cổ đại khác.
Các nhà nước, ông hoàng, những người Mæcenases giàu có, các đại học tiếng tăm, các viện khảo cổ, và các tư nhân có đủ phương tiện từ khắp nơi trên thế giới đều gởi các đoàn khảo sát trang bị hiện đại đến mọi xó xỉnh của thế giới đồ cổ. Nhưng sự khám phá lăng mộ Tutankamen đã tổng kết trên một qui mô hoành tráng mọi thứ trước đây chỉ là những thành tựu phân tán. Sự thắng lợi này là một thắng lợi của phương pháp khoa học. Công trình của Layard đã bị những trò ngu ngốc mê tín ngăn trở, và công trình của Evans thì do sự đố kỵ chức vụ, nhưng tất cả những khó khăn như thế đều được gạt bỏ trong chuyến khảo sát của Carnarvon-Carter nhờ sự ủng hộ đầy thiện chí của chính quyền Ai Cập. Sự đố kỵ nghề nghiệp đã làm tổn thương đến tiếng tăm của Rawlinson và khiến cuộc sống của Schliemann trở thành địa ngục giờ được thay bằng sự hợp tác quốc tế và sự hỗ trợ sẵn lòng từ nhiều lãnh vực khoa học đa dạng. Giai đoạn tiên phong của ngành khảo cổ đã kết thúc. Howard Carter là một học trò của Petrie và như thế có mối tiếp cận với truyền thống cũ hơn. Tuy nhiên, dưới sự bảo hộ của ông ngành Ai Cập học hoàn toàn không còn là một vung xẻng tùy tiện trên một thực địa mù tịt mà trở thành một thể loại tiến trình khảo sát văn hóa, đánh dấu bằng sự bám chặt nghiêm nhặt đến phương pháp.
Vậy mà vì ông không hề đánh mất niềm cảm hứng và một cảm nhận cho một tổng thể, mà Carter có thể khai thác tối đa sự chính xác và kỹ cương khoa học. Chính nhờ sự kết hợp của sự chu toàn nhỏ nhặt và bao quát đã khiến Carter trở thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử khảo cổ. Ông khẳng định mình thuộc một nhóm được tuyển chọn mà mối quan tâm chủ yếu là giải quyết những bí ẩn văn hóa.
Lord Carnarvon là một nhân cách không thể sản sinh từ nơi nào khác hơn từ Anh quốc, một sự pha trộn giữa tinh thần thể thao và hứng thú sưu tập, một quý ông và một nhà du lịch thế giới, một nhà hiện thực trong hành động và lãng mạn trong cảm xúc. Khi còn là một sinh viên tại Trinity College ở Cambridge, ông móc tiền túi của mình ra trả để phục hồi vẻ đẹp nguyên gốc của ván ốp chân tường trong phòng ông, qua thời gian đã méo mó, bong tróc và phai màu. Ngay từ trẻ, ông đã tới lui các tiệm đồ cổ, và sau đó trở thành một người sưu tập nhiệt tình các tranh khắc và tranh chì. Cùng lúc đó, ông cũng năng lui tới các trường đua ngựa, một tay thiện xạ nhờ siêng năng tập luyện, và cũng là một tay đua thuyền buồm tiếng tăm. Ở tuổi 23, lúc đó ông đã có một tài sản kha khá, ông giương buồm đi khắp thế giới. Chiếc ô tô thứ ba được cấp phép ở Anh là của ông, và lái xe tốc độ trở thành niềm đam mê của ông. Chính đam mê điên cuồng này đã tạo nên một bước ngoặt quyết định cho đời ông. Khoảng năm 1900 ô tô ông lái thả ga lật nhào trên đường đến Bad Langenschwalbach và ông bị thương nặng. Suốt khỏang đời còn lại ông luôn bị khó thở, một chứng bệnh khiến ông không thể sống ở Anh trong mùa đông. Vì lý do này, vào năm 1903 lần đầu tiên ông đến Ai Cập để tìm một khí hậu ấm áp và trong thời gian đó ông thăm viếng các nơi khai quật của một vài đoàn khảo cổ.
Ngay lập tức ông tìm thấy trong khảo cổ một cơ hội để kết hợp hứng thú sưu tập objets d’art [tiếng Pháp, nghĩa là đồ mỹ thuật] và niềm vui trong may rủi có tính thể thao. Năm 1906 ông bắt đầu tự mình khai quật. Mùa đông đó, biết mình không đủ kiến thức ngành nghề, ông đến Giáo sự Maspero nhờ cố vấn. Maspero giới thiệu ông với chàng trai trẻ Howard Carter làm phụ tá khảo cổ.
Sự hợp tác này sẽ minh chứng một kết quả hạnh phúc phi thường. Howard Carter có thể cung ứng mọi chất lượng mà Lord Carnarvon thiếu. Ông là học giả có kiến thức thấu đáo, trước khi trở thành người giám sát dài hạn mọi cuộc đào bới của Lord Carnarvon, đã có kinh nghiệm đáng kể với Petrie và Davis. Đồng thời ông không có vẻ gì là một nhà sưu tập chân phương những kiến thức, mặc dù một số nhà phê bình phàn nàn là ông thông thái rởm. Về phương diện thực tế ông là con người tháo vát, và khi đụng đến những việc đòi hỏi nghị lực và thách thức, không ai qua mặt được ông. Điều này được minh chứng trong biến cố mạo hiểm xảy ra trong năm 1916.
Vào thời gian đó Carter đang nghỉ phép ngắn hạn ở Luxor. Một hôm các trưởng lão trong làng đến gặp ông trong tình trạng hoang mang và van nài ông giúp đỡ. Chiến tranh bắt đầu được cảm nhận thậm chí ngay ở Luxor, và bộ máy hành chính, kể cả lực lượng cảnh sát, đã bị cắt giảm đáng kể. Kết quả là các hậu duệ táo tợn của Abd-el-Rasul hoành hành trở lại trong nghề trộm mộ.
Một bọn trộm mộ Ai Cập đã làm ăn trên bờ tây của ngọn núi bên kia Thung lũng các Vì Vua. Một băng cạnh tranh khác, nghe tin này, đã trang bị vũ khí hòng ra sức cưỡng bách bọn kia chia của trộm được. Việc gì xảy ra sau đó như trong phim.
Hai băng đảng xông vào đánh nhau một trận ra trò. Băng trộm mộ đầu tiên bị đập tơi tả và bị đuổi ra khỏi thực địa, nhưng vẫn còn có nguy cơ nổ ra một trận đổ máu tiếp theo. Carter quyết định can thiệp.
“Lúc đó đã chiều tối,” ông viết lại sau đó, “vì thế tôi vội vã tập hợp một ít nhân công của mình đã thoát khỏi nghĩa vụ quân sự, và với những vật dụng cần thiết lên đường đến hiện trường, một chuyến đi trong đó phải leo lên những ngọn đồi Kurna cao đến 1,800 bộ (khoảng 600 mét) dưới ánh trăng. Chúng tôi đến nơi lúc nửa đêm, và người hướng dẫn chỉ cho tôi thấy đầu mút một sợi dây thừng đang lơ lửng trên bề mặt của triền đá. Lắng tai, chúng tôi có thể nghe rõ bọn trộm đang sôi nổi hành nghề, vì thế trước tiên tôi cắt đứt sợi dây thừng, do đó cắt đứt phương tiện tẩu thoát của chúng, và rồi, dùng một sợi dây thừng bền chắc của mình, tôi đu người xuống triền đá. Trèo xuống một sợi thừng ngay giửa đêm khuya, vào tận hang ổ của bọn trộm mộ cần cù, là
một trò tiêu khiển ít ra không thiếu hứng thú. Có 8 tên đang hành sự, và khi tôi đến được đáy đường hầm thì chúng thật sự hoảng hốt. Tôi cho chúng lựa chọn hoặc tẩu thoát bằng sợi thừng của tôi, hoặc ở lại mà không có phương tiện thoát ra, và cuối cùng chúng hiểu được lý lẻ và ra đi. Tôi ở lại lăng mộ suốt đêm hôm đó. . . “
Lord Carnarvon và Howard Carter lao vào công việc. Chỉ cho đến mùa thu 1917, họ mới có thể tiến hành trên một qui mô hứa hẹn thành công. Và rồi một điều gì đó thường được trải nghiệm trong khảo cổ tình cờ xảy ra. Chỉ do may mắn thuần túy ngay lần thử đầu tiên khu vực nhỏ trong Thung lũng các Vì Vua nơi được cho phép khai quật được giám sát để khỏi bị tấn công. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, những rối rắm bên ngoài làm dự án dừng lại. Những cân nhắc phê phán, những trù trừ, ngờ vực, và, trên hết, trò mách nước lão luyện làm chậm trễ – đúng ra, gần như ngăn cản – sự thành công.
Về phương diện này ta nhớ lại Cavaliere Alcubierre, người Neapolitan, vào ngày 6/4/1748, nhờ một cú ăn may tương tự, đụng ngay chóc trung tâm của Pompeii, nhưng trong nỗi phấn khích muốn đào một địa điểm mới và tốt hơn đã lấp lại những khai quật ban đầu để thám sát nơi khác trước đã. Chỉ vài năm sau đó ông mới biết là địa điểm đầu tiên là địa điểm chính xác để tiến hành.
Carnarvon và Carter nhìn xuống Thung lũng các Vì Vua. Hàng tá những người khác đã đào ở đó trước họ, nhưng không ai trong số những người đi trước để lại các bản vẽ chính xác hoặc thậm chí những phác thảo thô sơ để hướng dẫn những người khảo sát tương lai. Hàng đống đá vụn lổm ngổm khắp nơi, khiến vùng thung lũng trông như cảnh tượng trên mặt trăng. Trong số những đống đá vụn, như cổng mỏ, là các lối vào của lăng mộ đã được khai thác. Phương án khai mở khả dĩ là đào một cách có hệ thống xuống vĩa đá. Carter đề nghị khai quật trong một khu vực tam giác bao bọc bởi các lăng mộ của Ramses II, Merneptah, và Ramses VI. Ông tuyên bố: “Chúng tôi có những mối hi vọng rõ ràng là sẽ tìm được lăng mộ của một vị vua cụ thể, và vị vua đó là Tu.ankh.Amen.”
Đúng một trăm năm trước, Belzoni, sau khi mở cửa lăng mộ Ramses I, Sethos I, và của Eje và Mentuherkhepesh, đã viết: “Xét theo những khám phá gần đây của tôi, tôi có ý kiến vững chắc là trong Thung lũng Biban el-Muluk không còn lăng mộ nào ngoài những lăng mộ ta đã biết ngày nay. Bởi vì, trước khi rời nơi này, tôi đã nỗ lực hết sức trong khả năng giới hạn của mình cố tìm một lăng mộ khác, nhưng không thành công. Và, chứng cứ còn lớn hơn, độc lập với những nghiên cứu riêng của mình, sau khi tôi rời bỏ nơi này Ngài Salt, lãnh sự Anh, đến khai quật ở đó trong bốn tháng để tìm một lăng mộ khác, nhưng hoài công.” Hai mươi bảy năm sau Belzoni – đó là, vào năm 1844 – chuyến khảo sát hùng hậu của người Phổ đi vào Thung lũng các Vì Vua và đo đạc một cách chi tiết toàn bộ khu vực. Khi họ rút đi, người lãnh đạo của họ, Richard Lepsius, cũng có ý kiến là mọi thứ gì đáng tìm thì đã tìm hết. Việc này không ngăn cản Loret, không lâu trước thế kỷ mới, đi tìm thêm lăng mộ, và Davis còn tìm được những lăng mộ khác ngay sau Loret. Nhưng giờ đây mọi hạt cát trong Thung lũng, hình như thế, đã bị sàng sẫy ba lần và đổ đi. Khi Maspero, giám đốc của phòng cổ vật Ai Cập, ký tên nhượng quyền cho Lord Carnarvon, ông nói rất thẳng thắn là ông coi khu vực ấy đã cạn kiệt và khảo sát thêm nữa chỉ là phí thời gian. Thung lũng, theo ý kiến chuyên môn của ông, đơn giản là không còn gì để dâng tặng.
Thế thì điều gì, mặc dù với tất cả những lời khuyên gây nản chí, đã cho Carter hi vọng tìm được không chỉ một lăng mộ cổ bất kỳ, mà là một lăng mộ cụ thể? Bản thân ông biết rõ những gì Davis phát hiện được, và trong bộ sưu tập của Davis có một cốc sứ mang tên Tutankhamen. Chiếc cốc này Davis tìm thấy ẩn dưới một tảng đá. Trong cùng địa điểm này Davis cũng phát hiện được một lăng mộ đá nhỏ, và trong lăng một hộp gỗ vỡ nát đựng một lá vàng cũng mang tên Tutankhamen. Davis cũng phạm sai lần khi vội vã kết luận là lăng mộ đá là lăng mộ của Tutankhamen. Carter, tuy nhiên, lại nghĩ khác, và sự hoài nghi của ông được củng cố khi một phát hiện thứ ba của Davis không được nhận diện một cách thích đáng. Phát hiện thứ ba này gồm vài mẩu gốm rõ ràng không có giá trị và một bọc vải lanh, giấu đi trong những bình gốm lớn, miệng có niêm phong và những chữ khắc kiểu hieratic trên vai bình. Khảo sát lần thứ hai, được tiến hành tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, cho thấy là chắc chắn các bình và vật chứa bên trong là chất liệu tống táng đã được sử dụng trong nghi thức an táng Tutankhamen. Hơn nữa, sau này Davis tìm được các niêm phong bằng đất sét có tên Tutankhamen trong lăng mộ của Ikhnaton, vị Vua dị giáo.
Tất cả chứng cứ này chỉ đến một kết luận là có sự tồn tại của lăng mộ Tutankhamen. Có vẻ như là Carter đã được biện minh ngay từ đầu khi cho rằng, dù hầu hết đều nghi ngờ, lăng mộ phải nằm đâu đó ngay giữa Thung lũng, rất chắc chắn là ở gần địa điểm các phát hiện của Davis. Nhưng khi các tác nhân bào mòn và phá hủy của ba ngàn năm được xét đến, viễn ảnh không hoàn toàn tươi sáng. Trong ba ngàn năm này những đồ vật trong vô số các lăng mộ đã bị bọn cướp mộ và các thầy tu di dời. Mặt khác trong những ngày đầu các nghiên cứu khảo cổ thường được quản lý kém cỏi, và không thể biết được việc này đã gây nên tổn thất gì. Bốn di vật chứng tích của Carter là một số mảnh lá vàng, một cốc sứ, một ít bình gốm, và vài niêm phong bằng đất sét. Đặt hi vọng vào chứng cứ mỏng manh như thế với một niềm tin tích cực dựa theo bản năng sẽ tìm được lăng mộ Tutankhamen thật ra đang nhắm bắn vào một mục tiêu ở xa nhất.
Một khi Carnarvon và Carter đã xắn tay vào việc khai quật, chỉ trong một mùa đông họ đã dọn sạch bên trong khu vực tam giác một phần lớn các lớp bên trên gồm những đống đá vụn và đào đến chân lăng mộ của Ramses VI. “Ở đây chúng tôi gặp một chuỗi những căn lều của công nhân, được xây dựng trên những khối đá lửa, loại đá này trong Thung lũng thường cho biết ở gần đấy phải có lăng mộ.
Những gì diễn tiến sau đó cực kì phấn khích, được dõi nhìn trong khung cảnh của một vở kịch Tutankhamen. Vì nếu cố gắng mở rộng khu khai quật ra nữa theo hướng dự phóng sẽ phong tỏa mất lối vào lăng mộ Ramses, một địa điểm rất quen thuộc với du khách, công việc phải dừng lại cho đến khi có thể tiến hành mà không bị cản trở. Việc khai quật được tiếp tục vào mùa đông 1919-20, và ở lối vào lăng mộ Ramses VI một trầm tích nhỏ nhưng quan trọng về mặt khảo cổ chứa các chất liệu tống táng được đào thấy. “Đây là mức tiếp cận gần nhất với một phát hiện thực sự mà đến giờ chúng tôi thực hiện được ở Thung lũng,” Carter nhận xét.
Họ giờ đã khai quật khắp khu tam giác chỉ trừ chỗ dựng lều của công nhân. Một lần nữa họ để chỗ cuối cùng này không đụng đến, vì sợ các khách viếng gặp bất tiện, và chuyển đến một địa điểm khác. Trong một thung lũng nhỏ bên cạnh nơi tọa lạc lăng mộ của Thotmes III, họ đào thêm hai mùa đông nữa, không tìm thấy thứ gì giá trị.
Giờ họ dừng lại đánh giá và cân nhắc dự tính quan trọng là chuyển đến một địa điểm hoàn toàn mới, vì sau vài năm nỗ lực chỉ đưa lại một thành quả tương đối nhỏ. Chỉ có nơi dựng lều của công nhân và khối đá lửa là chưa được khảo sát, địa điểm này, như tôi đã nói, là ở chân đế lăng mộ của Ramses VI. Sau nhiều do dự và vài lần đảo lộn kế hoạch họ quyết định là đoàn sẽ dành thêm một mùa đông cuối cùng cho Thung lũng các Vì Vua.
Lần này Carter đến làm việc tại địa điểm mà đáng lẽ ông nên tập trung sáu năm trước. Các lều của công nhân chỉ vừa được dở bỏ và phần đất bên dưới được dọn sạch thì ông chạm mặt với lối vào của lăng mộ Tutankhamen, người giàu nhất Ai Cập. “Sự bất ngờ đầy kịch tính của phát hiện ban đầu,” Carter viết, “khiến tôi choáng váng, và những tháng tiếp theo đầy ắp tình huống đến nỗi tôi hiếm có thời gian để mà suy nghĩ.”
Vào ngày 3/11/1922 – lúc này Lord Carnarvon đang ở London – Carter bắt đầu phá dở các lều của công nhân. Sáng hôm sau một bậc thang cắt trong đá được phát hiện nằm bên dưới chiếc lều thứ nhất. Vào chiều ngày 5/11 đá vụn đã dọn sạch vừa đủ để không còn nghi ngờ gì lối vào lăng mộ đã hiện ra.
Nhưng cũng có thể đây là một lăng mộ chưa hoàn tất, một lăng mộ có thể đã chưa hề được sử dụng. Và nếu lăng mộ có chứa một xác ướp, nó có thể, như quá nhiều lăng mộ khác, đã bị cướp bóc. Và có thể, để hoàn thành danh sách những khả năng đáng bi quan, xác ướp vẫn còn đó, nhưng không là gì ngoại trừ là lăng mộ của một viên chức cao cấp hay của một thầy tế nào đó.
Công việc được thúc giục khẩn trương, sự phấn khích của Carter lên cao khi ngày trôi qua. Từng bậc một hiện ra khỏi đống đá vỡ vụn, và khi đêm Ai Cập thình lình ập đến, bậc thang thứ 12 xuất hiện, lộ ra “phần trên của một khung cửa, bị phong tỏa, có trát vôi, và bị niêm phong. Một khung cửa bị niêm phong – đúng thực là vậy, rồi sao đây!. . . Đó là giây phút hồi hộp cho một nhà khai quật.”
Carter khám xét dấu niêm phong và thấy đúng là dấu niêm của nghĩa trang hoàng gia. Dấu niêm hoàng gia là chứng cứ rõ ràng là người có chức phận rất cao nằm bên trong nó. Vì các lều của công nhân nằm trực tiếp bên trên lối vào, cho thấy hiển nhiên là ít nhất từ Triều đại 20 lăng mộ đã chưa hề bị cướp bóc. Và khi Carter, người run lên vì chấn động, khoan một lỗ vào cửa đá “đủ rộng để đút vào một cây đuốc điện,” ông phát hiện là hành lang phía sau cửa chất đầy đá lớn và đá vụn – một bảo đảm thêm nữa là những biện pháp bảo vệ công phu đã được xử lý cho lăng mộ.
Để lại những người tin cậy nhất bảo vệ lăng mộ, Carter cởi lừa xuống Thung lũng dưới ánh trăng, cố chống lại cám dỗ đang dâng tràn: “Bất kỳ thứ gì, chính xác là bất kỳ thứ gì, cũng có thể nằm ở lối đi sau khung cửa, và mình cần phải bình tĩnh để không được phá vỡ khung cửa, mà phải khảo sát đây đó,” ông viết, mô tả cảm nghĩ của mình sau khi đã nhìn qua lỗ khoan. Giờ đây thêm một lần nữa, khi con lừa đang đi nước kiệu đưa ông về nhà, ông dằn vặt bởi khao khát, bởi nóng vội, bởi tiếng nói bên trong báo ông là mình đang trên lằn ranh của những khám phá vô bờ. Vậy mà con người này, cuối cùng thực hiện được phát hiện vĩ đại của mình sau sáu năm vất vả vô vọng, vẫn còn đủ tự chủ để che đậy lăng mộ và chờ đợi người tài trợ và người bạn của mình, Lord Carnarvon, đến nơi trước khi tiến hành khám phá.
Vào sáng ngày 6/11 Carter gởi bức điện sau đây tới Lord Carnarvon: “Cuối cùng cũng đã phát hiện tuyệt vời ở thung lũng; một lăng mộ nguy nga còn nguyên niêm phong; đã đậy lại chờ anh về; chúc mừng.” Vào ngày 8/11 ông nhận được hai phúc đáp từ Carnarvon: “Có thể đến sớm”; và “Dự tính đến Alexandria ngày 20.”
Vào ngày 23 Lord Carnarvon, đi cùng con gái, đến Luxor. Trong hơn hai tuần lễ Carter chờ đợi trong mõi mòn, luôn canh chừng cẩn thận lối vào lăng mộ được che kín. Hai ngày sau khi phát hiện ra các bậc thang ông đã đón nhận được thư chúc mừng gởi đến tới tấp. Nhưng chúc mừng chính xác là cho điều gì? Có gì trong lăng mộ? Lúc này Carter không thể nói trước. Nếu ông chỉ đào sâu thêm một vài phân, ông sẽ có thể bắt gặp chính dấu niêm phong không lầm lẫn được của chính Tutankhamen. “Nếu biết được. . . tôi sẽ đã dọn sạch tiếp,” Carter nói, “và đã có thể ngủ ngon nhiều đêm mà không phải trằn trọc phân vân.”
Vào chiều ngày 24/11 các công nhân đã xúc sạch đống đá vụn trên những bậc thang cuối cùng. Carter đi xuống 16 bậc và đứng trước cửa đã được niêm phong. Giờ ông có thể ngắm dấu ấn rõ ràng trên con niêm của Tutankhamen. Và ông biết ngay – theo kinh nghiệm điển hình của nhà Ai Cập học – là có người khác đã đến đây trước ông. Tại đây, bọn trộm đã hành nghề. “Giờ thì toàn bộ cánh cửa đã xuất hiện ra ánh sáng,” Carter nói, “có thể phân biệt được một sự kiện trước giờ thoát khỏi sự chú ý – đó là đã có hai lần mở liên tiếp và đóng lại một phần của bề mặt cửa: hơn nữa, việc niêm phong được phát hiện trước đây, hình chó rừng với chín tù nhân [dấu niêm nghĩa trang], đã được thực hiện tại những phần được đóng lại, trong khi những dấu niêm của Tut.ankh.Amen che phần không đụng chạm đến của khung cửa, đó là những dấu nêm đã được gắn bảo vệ trong lăng mộ ngay lúc ban đầu. Thế thì lăng mộ không tuyệt đối nguyên vẹn, như chúng tôi đã hi vọng. Bọn cướp mộ đã đột nhập, và đột nhập nhiều hơn một lần – từ chứng cứ của những căn lều bên trên, bọn cướp vào thời không lâu hơn thời cai trị của Ramses IV – nhưng chứng cứ chúng đã không vơ vét sạch nằm ở chổ lăng mộ đã được niêm phong lại.”
Nhưng còn nhiều tiết lộ hơn dành sẵn cho Carter. Sự bối rối và ngờ vực của ông tăng dần. Khi ông đã cho phát quang sạch hết đống đá vỡ phong tỏa cầu thang, ông tìm thấy những bình gốm và hộp gỗ, các hộp gỗ có tên Ikhnaton, Sakeres, và Tutankhamen khắc trên đó, cũng có một con bọ hung thuộc về Thotmes III, và một miếng khác khắc tên Amenophis III. Có phải tất cả cái tên này có nghĩa, ngược với mọi kì vọng, đây là ngôi mộ chung chứ không riêng lẻ chăng?
Chỉ có thể biết chắc chắn sau khi mở cửa lăng mộ. Những ngày sau đó việc này được tiến hành. Lần đầu tiên khi nhìn qua lỗ khoan lối đi bên trong tắc nghẻn vì xà bần. Xà bần này gồm hai loại đá có thể phân biệt rõ ràng. Lối vào rộng bằng vai do bọn trộm mộ cắt ra đã được chặn kín bởi loại đá lửa đen.
Sau vài ngày quần quật nhóm khai quật, đã tiến sâu 32 bộ (gần 10 mét) vào trong lối đi, thấy mình bị một cửa thứ hai chận lại. Dấu ấn trên con nêm hoàng gia của Tutankhamen và con nêm nghĩa trang cũng có trên cửa này, nhưng cũng có dấu vết kẻ đột nhập đã đột nhập qua chốt chặn thứ hai này.
Dựa vào suy luận về sự giống nhau trong sự bố trí của nơi cất giấu Ikhnaton được tìm thấy gần đấy, ở thời điểm này Carnarvon và Carter dễ tin rằng họ đang giáp mặt với một lăng mộ tập thể, và không phải là lăng mộ nguyên gốc của một ông vua Ai Cập. Và có gì nhiều nhặng gì đâu để kì vọng trong một chỗ cất giấu, nhất là chỗ cất giấu đã được bọn trộm viếng thăm?
Trong một lúc, hi vọng của họ tắt ngấm. Tuy vậy, căng thẳng lại càng tăng lên nữa khi đá xà bần được dọn sạch khỏi cửa thứ hai. “Giây phút quyết định đã đến,” Carter nói, “Với bàn tay run run tôi phá một lỗ nhỏ ở góc trên trái khung cửa.”
Lấy một que sắt dò, Carter thọc qua cửa và thấy trống rỗng ở phía bên kia. Ông đốt nến để bảo đảm chống khói độc. Rồi lỗ được mở rộng ra.
Mọi người quan tâm đến dự án giờ chen chúc chung quanh. Lord Carnarvon, con gái ông, Phu nhân Evelyn, và Callender, nhà Ai Cập học, đã vội vã đến hỗ trợ khi đầu tiên nhận được những tin tức về phát hiện này, đều đưa mắt nhìn. Căng thẳng Carter đốt một que diêm, châm ngọn nến, và đưa nến về phía lỗ hở. Khi đầu ông ghé vào lỗ mở – ông run rẩy thực sự với kì vọng và tò mò – không khí ấm áp thoát ra từ căn phòng bên kia cửa khiến ngọn nến lóe sáng. Trong một lúc, Carter, cặp mắt dán chặt vào lỗ hở và ánh nến đốt sáng bên trong, không thể nhận ra vật gì. Rồi, khi mắt ông đã dần dần quen với ánh sáng chập chờn, ông phân biệt rõ những hình thể, rồi những bóng của chúng, rồi những màu sắc đầu tiên. Không một âm thanh thoát ra từ cửa miệng ông; ông như hóa câm. Những người khác đợi như thể đến vô cùng. Cuối cùng Carnarvon không thể kiên nhẫn thêm được nữa, hỏi dồn: “Anh thấy được gì đó?”
Carter, chầm chậm quay đầu, giọng run run: “Có, những thứ quá tuyệt vời.”
“Chắc chắn trước đây trong toàn bộ lịch sử khai quật chưa từng có một cảnh tượng phi phàm đến thế hiện ra trong ánh sáng ngọn đuốc trước mắt chúng tôi.” Carter đã viết như thế, thông báo cảnh tượng hiển lộ trước mắt đoàn khai quật, khi lần lượt từng người ghé mắt nhìn vào lỗ. Khi cửa được thực sự mở ra, vào ngày 17, sự mô tả của ông cho thấy nó không cường điệu chút nào. Ánh sáng ngọn đèn điện mạnh di chuyển lật bật qua những trường kỷ bằng vàng, một ngai vàng nạm vàng; mà ánh sáng phản chiếu mềm mại của nó làm nổi bật hai pho tượng đen lớn, những bình thạch cao tuyết hoa, và bệ thờ kỳ lạ. Bóng đen của những đầu thú kỳ cục in trên tường. Một con rắn bằng vàng thò đầu ra khung cửa mở của một trong các bệ thờ. Hai pho tượng vua chúa đối mặt nhau như các tên lính canh, “vận váy vàng, giày vàng, trang bị rìu và gậy, trên trán là rắn hổ mang bảo hộ.”
Giữa tất cả những sự lộng lẫy này, một sự thừa mứa mà mắt không sao thu hết được trong một cái nhìn duy nhất, thêm một lần nữa họ nhận ra những dấu vết của sự đột nhập. Tại cửa có một bình vại chứa vữa đến nửa bình, và gần đó một chiếc đèn đã hóa đen. Có dấu tay trên bề mặt từng một lần được sơn mới, và trên bậc cửa một vòng hoa còn ném lại khi ai đó bỏ đi.
Quá nhiều cảm xúc làm họ chết lặng, phải một lúc trước khi Carter và Carnarvon giật mình nhận ra không có quách không có xác ướp trong bảo tàng báu vật này. Câu hỏi là liệu họ đang giáp mặt với một lăng mộ hoàng gia hay một chỗ cất giấu lại một lần nữa hiện ra trong trí óc họ
Nhìn khắp bức tường kỹ lưỡng hơn, họ phát hiện có một cửa bị niêm phong thứ ba giữa hai pho tượng lính canh. Vào ngày 27 của tháng, với sự hỗ trợ của những bóng đèn điện mạnh do Callender thiết lập, họ thám sát cửa niêm phong. Họ tìm thấy một lỗ nhỏ đã được khoét ở gần đáy, sau đó được trét kín và niêm lại. Hiển nhiên bọn trộm mộ đã xâm nhập qua khỏi tiền phòng, là tên họ đặt cho gian phòng đầu tiên của lăng mộ. Có gì trong gian phòng hoặc lối đi bên kia? Nếu có một xác ướp bên kia cửa, nó có còn nguyên chưa ai đụng tới? Tình hình vẫn bao trùm trong màn bí mật. Về bản chất nó không giống bất kỳ trải nghiệm nào có trước; nó cũng đặt ra vấn đề tại sao bọn trộm đã trải qua bao khó khăn đột nhập qua cửa thứ ba mà không tẩu thoát với của cải quí báu kề tận tay. Điều gì xảy ra với họ khiến họ dửng dưng với đống vàng khối nằm ở tiền phòng.
Khi Carter đã tìm hiểu kho báu vật đáng kinh ngạc này, ông nhận ra rằng những đồ tạo tác ở tiền phòng có giá trị về mặt thẩm mỹ lẫn lịch sử, vượt quá trị giá tự thân của quí kim được sử dụng với số lượng lớn trong tạo tác. Thông tin gì những vật câm lặng này mang lại cho ngành khảo cổ? Có vô số thứ gốc Ai Cập có tính hữu dụng thực tiễn và văn hóa cũng như có tính xa hoa, mà chỉ cần mỗi một thứ trong đó cũng có thể coi là một phần thưởng hậu hĩnh cho cuộc đào bới nhọc nhằn trọn một mùa đông. Chúng tiết lộ nền nghệ thuật Ai Cập của một thời kỳ nào đó có sức sống và mãnh lực đến nỗi chỉ cần nhìn sơ qua cũng đủ thuyết phục Carter rằng một nghiên cứu chi tiết của bộ sưu tập sẽ “đưa đến một sự điều chỉnh, nếu không muốn nói một cuộc cách mạng toàn diện, của mọi ý tưởng cũ kỹ của chúng ta.”
Không lâu trước khi một khám phá khác được thực hiện. Người nào đó, nhìn bên dưới một trong ba ghế trường kỷ lớn, tìm thấy một lỗ hổng. Ông ta gọi những người khác đến cùng bò với ông, mang theo một chiếc đèn điện. Giờ thì họ đang nhìn vào bên trong một gian phòng nhỏ bên hông, hoặc phòng phụ, nhỏ hơn tiền phòng, chất đầy mọi loại vật liệu, những thứ đồ dùng cũng như trang trí. Kẻ trộm, sau khi viếng thăm, đã không màng sắp xếp cho ngăn nắp gian phòng này, cũng như tiền phòng. Kẻ trộm lục lọi nơi này đã “tiến hành công việc của mình hoàn toàn như một trận động đất.” Những kẻ xâm nhập đã xáo trộn bát nháo mọi thứ. Rõ ràng là chúng đã ném những đồ vật ở phòng phụ vương vải khắp tiền phòng, làm hư hỏng một vài thứ. Nhưng rõ ràng là chúng chỉ lấy đi rất ít, thậm chí không lấy những món vừa lòng bàn tay khi đã vượt qua cửa thứ hai. Họ có bị phát giác trong khi hành sự hay không?
Sự phát hiện phòng phụ tạo một hiệu quả tỉnh táo. Đến tận thời điểm này tình hình đã được cảm nhận trong một sự phấn khích tuôn tràn, khiến cho cảm nhận về toàn thể đâm ra bối rối. Giờ thì các nhà điều tra có thể điềm tỉnh hơn, họ biết rằng những báu vật còn tuyệt vời hơn có thể đang chờ họ phía sau cửa thứ ba bị niêm phong. Họ cũng nhận thấy một nhiệm vụ khoa học phi thường đang đối đầu họ, một nhiệm vụ đòi hỏi tổ chức và nhân lực qui mô. Những phát hiện đã được thực hiện, không kể những phát hiện sắp tới, có thể không bao giờ được giải quyết xong trong chỉ một mùa đông.
- CARTER: LỜI NGUYỀN CỦA CÁC PHA-RA-ÔNG
Carnarvon và Carter quyết định lấp kín lăng mộ vừa khai quật. Carter thấy rất rõ là dưới bất kỳ trường hợp nào ông cũng không thể lao vào công việc di dời các đồ vật chứa trong tiền phòng và phòng phụ. Gác lại nhu cầu ghi chép chính xác những vị trí chính xác của tất cả đồ vật – để xác định những điểm qui chiếu tạm thời và những điểm qui chiếu khác – Carter nhận thấy rằng nhiều món ở trong tình trạng hư hỏng và cần phải được xử lý bảo quản trước, hoặc ngay sau khi, được di dời. Với mục đích này cần sắp xếp trong một kho dự trữ lớn các chất liệu bảo quản và đóng gói. Cần đến sự cố vấn chuyên môn để tìm ra phương thức tiến hành tốt nhất, và một phòng thí nghiệm ngay thực địa để tiến hành những phân tích tại chỗ. Sự phân loại của các phát hiện hoành tráng tự thân đòi hỏi sự chuẩn bị có tổ chức nghiêm nhặt. Những biện pháp cần tiến hành vượt khỏi tầm tay những phương tiện có sẵn. Carnarvon sẽ phải đi về Anh, và Carter ít nhất đến Cairo. Vào 3/12 lối vào lăng mộ được phong tỏa bằng cách lấp kín, một động tác cho thấy Carter còn nghĩ là hành động trộm mộ vẫn còn là một yếu tố phải tính đến. Chỉ đến khi ông đã niêm phong lăng mộ và phân công Callender canh gác Carter mới thấy yên tâm. Và ngay lập tức sau khi đến Cairo, ông ra lệnh làm một cánh cửa thép nặng nề để che chắn cửa tiền phòng bên trong.
Từ lúc lăng mộ được phát hiện, vô số lời ngỏ muốn hỗ trợ từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Các chuyên viên ngoài ngành sau đó đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao sự toàn diện và mức chính xác của cuộc khai quật Ai Cập mẫu mực nhất. A.M. Lythgoe, quản lý của phòng Ai Cập trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, gởi đến Carter nhà nhiếp ảnh Mỹ Harry Burton cho ông sử dụng. Ông cũng gởi chuyên viên vẽ đồ án Hall và Hauser, cũng như A. C. Macedonia, giám đốc phòng khai quật bảo tàng tại các kim tự tháp của Lisht. Ở Cairo, A. Lucas, giám đốc phòng hóa học của chính phủ Ai Cập, sắp sửa nghỉ phép ba tháng trước khi về hưu, cũng ngưng để đi đến phụ giúp Carter. Tiến sĩ Alan gardiner đảm nhiệm phần xử lý các chữ khắc, và Giáo sư James H. Breasted của Đại học Chicago vội vã đến nơi để giúp một tay trong việc xác định ý nghĩa lịch sử của các dấu niêm trên cửa.
Sau đó – vào ngày 11/11/1925 – Tiến sĩ Saleh Bey Hamdi và Douglas E. Derry, giáo sư giải phẫu tại Đại học Ai cập, bắt đầu khảo sát xác ướp. A. Lucas soan một bài nghiên cứu khá toàn diện về “Hóa Học của Lăng Mộ, những điều đặc biệt xảy ra với kim loại, chất khoáng, chất béo, phẩm màu, nguyên liệu dệt và những thứ tương tự.” P. E. Newberry phân tích các vòng hoa tìm thấy trong áo quan của Tutankhamen và xác định các giống hoa có mặt gần 3,300 năm trước. Ông ta có thể phát biểu rằng Tutankhamen được an táng giữa cuối tháng 4 và trung tuần tháng 5, vì ông hiểu rằng những loại hoa như picris và xạ cúc lam chỉ nở vào thời gian này.
Vào ngày 16/12 lăng mộ được mở lại, vào ngày 18/12 nhiếp ảnh gia Burton chụp những bức ảnh đầu tiên trong tiền phòng, và vào ngày 27/12 vật đầu tiên được mang ra khỏi lăng mộ.
Muốn cầu toàn phải mất nhiều thời gian. Công việc trong lăng mộ Tutankhamen kéo dài vài mùa. Ở đây tôi chỉ bàn về những cao điểm trong báo cáo đầy màu sắc của Howard Carter. Chỉ một vài vật tuyệt đẹp sẽ được đề cập ở đây; chẳng hạn, chiếc rương gỗ có vẽ hình từ tiền phòng (hình dưới), là minh chứng cho một trong những báu vật vĩ đại nhất của nghệ thuật Ai Cập. Nó được bao hoàn toàn bằng lớp gesso mỏng, hoặc thạch cao, và được vẽ cả bốn mặt bằng những hình trang trí đáng yêu, trong đó cách sử dụng đầy xúc cảm của màu sắc được kết hợp với sự điêu luyện tinh xảo trong nét vẽ. Chi tiết những cảnh săn bắn và đánh trận được mô tả trên rương được bố cục với một sự tinh tế mà, như Carter nói, “vượt xa mọi thứ cùng loại mà Ai cập từng sản sinh ra.” Rương gỗ trang trí này chứa đầy những đồ tạo tác đa dạng. Điển hình trong cách tiếp cận toàn diện của Carter là sự kiện ông bỏ ra ba tuần nỗ lực cần cù mới giải quyết xong rương gỗ này.
Cũng ấn tượng không kém là ba trường kỷ hình thú, từ trước đến giờ chưa hề được tìm thấy. Ghế đầu tiên có hình sư tử (hình dưới trái), thứ hai hình bò, và thứ ba hình một con thú hổn hợp, nửa tê giác, nửa cá sấu. Tất cả ba ghế đúng nghĩa là nằm lổng chổng lẫn lộn với những món quí giá khác, chen chúc quanh chúng và ở trên chúng là đủ loại khí giới, đồ trang sức, và các mảnh vải. Phía dưới ghế trường kỷ là một ngai vàng (hình dưới phải) mà mới nhìn qua khiến cho Carter thốt lên “mà không do dự” đó là “món đồ đẹp nhất chưa hề được tìm thấy ở Ai Cập.”
Cuối cùng phải đề cập đến bốn chiến mã xa, lớn đến nỗi các trục phải cưa ra làm hai mới đặt được vào trong lăng mộ (hình dưới). Bọn trộm, hơn nữa, đã tháo rời các bộ phận bỏ vương vải khắp nơi. Bốn xe đều được phủ vàng hoàn toàn. Từng phân một đều được trang trí những hình chạm nổi và những cảnh trí được gõ vào lớp vàng mạ hoặc được những hình trang trí cẩn đá hoặc kính màu.
Vào ngày 13/5 ba mươi bốn thùng hàng nặng được chất lên các xe hàng nhỏ và kéo đi trên đường sắt mang đi được, một quãng năm dặm rưỡi đến xà lan hơi nước đang đợi trên bờ sông Nile. Các báu vật được mang đi khỏi lăng mộ theo cùng một con đường mà chúng đã đến, theo một nghi thức long trọng ba ngàn năm trước. Bảy ngày sau chúng có mặt tại Cairo.
Vào trung tuần tháng hai tiền phòng đã được dọn sạch. Không gian được chuẩn bị cho một giai đoạn của dự án mà mọi người đang mong ngóng rất nóng lòng: Việc mở cửa niêm phong giữa hai tượng lính canh. Câu hỏi là không biết gian phòng đằng sau đó có chứa một xác ướp hay không sẽ sớm được trả lời. Vào ngày thứ sáu 17/2, khi khoảng 20 người được đặc quyền chứng kiến cảnh mở niêm phong tề tựu trong tiền phòng, nổi phấn khích dâng cao. Vậy mà không có ai ở đó đoán trước được những gì mình gặp hai giờ sau đó. Sau những phát hiện xuất trần các báu vật thật khó để có ý niệm là còn có những báu vật khác quan trọng và có giá trị nhiều hơn nữa sẽ được đưa ra ánh sáng.
Các quan khách – những nhà khảo cổ và quan chức Ai Cập – yên vị trên dãy ghế xếp xít xao. Một sự yên lặng đông cứng bao trùm khán giả khi Carter bước lên chiếc bục mới đóng để thuận tiện cho việc phá cửa niêm phong.
Carter cẩn thận cạy ra lớp đá trét trên cùng. Việc này mất khá nhiều thời gian, vì phải tỉ mỉ, luôn có nguy cơ các viên đá lỏng lẻo rơi xuống phía bên trong, có thể gây hư hỏng cho báu vật nằm phía bên kia cửa. Ông cũng cố gắng tối đa để giữ gìn hình dấu niêm phong vì nó có giá trị cao về mặt khoa học. Ông kể lại, khi đã làm được một lỗ mở nhỏ, là “cái cám dỗ muốn dừng lại và ghé mắt nhìn vào trong từng giây phút một thật khó cưỡng được xiết bao.”
Mace và Callender giờ bước đến phụ Carter một tay. Tiếng thì thầm đè nén nổi lên khi Carter, khoảng 10 phút sau, cầm chiếc đèn pin và thọc qua lỗ hở.
Ông không thể nhìn thấy gì trừ một bức tường sáng chói. Lia chiếc đèn khắp hướng, ông vẫn không thể thấy gì ngoài bức tường. Hiển nhiên là bức tường đã án ngử toàn bộ lối vào căn phòng bên kia cửa. Carter đang nhìn vào một bức tường bằng vàng khối.
Nhanh như có thể, ông dở bỏ thêm nhiều khối đá nữa. Bây giờ thì các khán giả đều có thể nhìn thấy cái lấp lánh của vàng. Khi hết khối đá này đến khối đá kia được lấy ra, “chúng tôi có thể, như bị điện giật,” ông viết, “cảm nhận cơn phấn khích chạy khắp số người đang mục kích phía sau chướng ngại vật.” Carter, Mace, và Callender đồng thời biết bức tường thực sự là gì. Giờ thì họ mặt đối mặt với lối vào phòng an táng. Cái mà họ trông thấy như một bức tường chính là một bề mặt của một phòng thờ rộng một cách khác thường, và tất nhiên đắt giá kinh khủng. Rồi một phút tạm dừng làm thần kinh mọi người như căng ra vì có những hột chuỗi rơi vương vải trên nền phòng do bọn trộm đánh rơi. Trong khi mọi người cựa quậy sốt ruột trên những chiếc ghế cứng, Carter cúi xuống nhặt từng hột với một sự cẩn trọng vô bờ của một nhà khảo cổ thực sự, luôn tỉ mỉ trân trọng những thứ nhỏ nhặt nhất, dù ông biết rằng mình đang trên miệng của một khám phá kinh khủng.
Bây giờ người ta nhận ra ngay phòng an táng ở thấp hơn tiền phòng khoảng 1 mét. Carter cầm đèn pin và hạ thấp người xuống qua lỗ thông. Vâng, ông đang đứng cạnh một phòng thờ lớn. Kích thước quá lớn đến nỗi nó như chiếm gần hết phòng an táng. Carter thông báo là lối đi giữa phòng an táng và phòng thờ chỉ rộng độ 15.35 in-xơ (chừng 40 phân). Phải đi qua lối đi hẹp này thật cẩn thận, vì khắp nơi vương vải đồ tùy táng.
Lord Carnarvon và M. Pierre Lacau, tổng giám đốc dịch vụ cổ vật ở Cairo, là người đầu tiên theo chân vào bên trong phòng an táng. Họ đứng như trời trồng trước sự lộng lẫy của cảnh tượng trước mắt. Họ đo phòng thờ hai lần, để kiểm tra chéo, cho thấy kích thước 17 x 11 x 9 bộ cao [518 x 335 x 274 cm]. Nó hoàn toàn được phủ bằng vàng, và trên các mặt có khảm những panô bằng sứ xanh rực rỡ, thể hiện những biểu tượng ma thuật nhằm mục đích che chở người chết.
Câu hỏi giờ đây làm mọi người thắc mắc là: bọn trộm có thời giờ để đột nhập vào phòng thờ hay không? Chúng có tìm được xác ướp và xâm hại nó không? Carter khám phá là các cửa gấp ở mặt phía đông của phòng thờ được cài then, nhưng không có niêm phong. Với bàn tay run run ông kéo then cửa và lại bắt gặp một cặp cửa gấp khác, cũng cài then nhưng có niêm phong. Cửa này dẫn đến một phòng thờ thứ hai được dựng bên trong phòng thờ thứ nhất.
Cả ba người đều thở phào khoan khoái. Mỗi phòng mở ra từ trước đến giờ đều lộ ra những dấu vết xâm nhập, nhưng ở đây, tại cột mốc quyết định nhất của lăng mộ, họ nhất định là người đầu tiên. Họ sẽ có được xác ướp còn nguyên vẹn, chính xác như khi được an táng hơn ba ngàn năm trước.
Họ đóng cửa phòng thờ “nhẹ nhàng như có thể.” Họ đã chú ý tấm áo bào bằng vải lanh, có dát lấm tấm trang kim và ố vàng vì thời gian, rủ xuống từ phía trên phòng thờ. “Tấm vải bào cho chúng tôi biết là mình đang đứng trước mặt một vị vua đã mất của thời quá vãng.” Trong một lúc, họ thấy như mình là kẻ xâm nhập. Họ đi đến đầu kia của phòng an táng. Tại đó họ tìm thấy một cửa thấp, dẫn đến một phòng khác hơi nhỏ. Từ chính giữa phòng này, đối diện với khung cửa, một chiếc tủ có hình dạng điện thờ bằng vàng tỏa sáng, vá bao quanh nó, đứng riêng lẻ, là bốn nữ thần bảo hộ, với phong thái duyên dáng, chân thật, và chan chứa lòng trắc ẩn, nét thành khẩn hiện lên gương mặt, đến nỗi “khiến ta cảm thấy như mình mang tội báng bổ khi nhìn họ. . . Tôi không hỗ thẹn gì khi phải thú nhận,” Carter nói, “là cổ họng mình tự nhiên nghẹn lại.”
Chầm chậm Carter, Carnarvon, và Lacau lùi lại đi qua phòng thờ bằng vàng và bước vào tiền phòng để nhường cho những người khác lần lượt vào xem. “Đứng trong tiền phòng, cảm giác thật kỳ lạ khi chúng tôi nhìn vào gương mặt họ, từng người một, vừa chui ra từ cửa. Cặp mắt mỗi người ánh lên một vẻ bối rối, sững sờ, lần lượt giơ hai tay ra trước mặt mình, một cử chỉ vô thức diễn tả sự bất lực của ngôn từ trước những kỳ quan vừa chứng kiến.”
Khoảng năm giớ chiều hôm đó, ba giờ sau khi bước vào lăng mộ, họ chui lên mặt đất. Khi họ quay lại vào sáng sớm, “ngay chính Thung lũng hình như đã thay đổi đối với chúng tôi và mang một nét gì đó thân quen hơn.”
Khảo sát những kho báu khảo cổ siêu hạng này lại mất thêm vài mùa nữa. Rủi thay, mùa đông đầu tiên trôi qua với rất ít thành tựu, vì Lord Carnarvon đã qua đời, và không biết biện pháp gia hạn nhượng quyền khai thác của chính quyền Ai Cập sẽ thay đổi ra sao, và cách thức phân chia tài sản khai quật được. Cuối cùng vụ việc được giao lại cho một ủy ban quốc tế, và sau rốt thành công khi đi đến một điều chỉnh thỏa đáng. Công việc tiếp tục tiến hành. Vào mùa đông 1926-27 những bước quan trọng nhất sau đó được thực hiện – đó là, việc khai mở thực sự phòng thờ mạ vàng, sự chia tách khó nhọc những áo quan quí báu khác nhau, và việc nghiên cứu sơ khởi nhưng thận trọng xác ướp của Tutankhamen sau khi được tìm thấy.
Giai đoạn này của dự án, mặc dù nó cung cấp ít ngạc nhiên cho công chúng đói cảm xúc, là mối quan tâm chính của ngành Ai Cập học, và cũng có một cao trào đầy kịch tính của riêng nó. Đỉnh cao hứng thú này xảy ra khi những nhà khảo sát, lần đầu tiên kể từ lúc nhà vua được mang đi khuất mắt khỏi thế gian 33 thế kỷ trước, được nhìn vào nhân dạng của vì vua quá vãng.
Công việc mở đầu bằng việc dở bỏ bức tường gạch ngăn tiền phòng với phòng an táng, và sau đó phòng thờ bằng vàng thứ nhất được tháo rời ra. Bên trong phòng thờ này, họ tìm thấy phòng thờ thứ hai, rồi thứ ba.
Carter có mọi lý do để tin rằng chính chiếc quách đá nằm bên trong phòng thờ thứ ba. “Thật là một thời khắc phấn khích trong nhiệm vụ gian khổ của chúng tôi không dễ gì quên được,” ông viết, khi ông tiến hành việc mở phòng thờ thứ ba. “Với nỗi phấn khích kìm nén tôi thận trọng cắt dây buộc, gở con niêm quí báu đó, kéo chốt cửa, và mở các cánh cửa thì phát hiện phòng thờ thứ tư, giống về lối thiết kế và thậm chí trình độ thủ công còn rực rỡ hơn phòng thờ cuối cùng. . . Một giây phút không sao diễn tả được cho một nhà khảo cổ! Cái gì nằm bên trong phòng thờ thứ tư? Với sự căng thẳng lên đến cao độ tôi kéo lui các chốt của các cánh cửa cuối cùng không niêm phong; chúng chầm chậm mở tung, và kìa ở đó, choáng đầy ắp không gian bên trong. . . là chiếc quách bằng đá quaczit vàng khổng lồ, nguyên vẹn, như thể những bàn tay sùng tín vừa nhấc khỏi nó.” Thật là một cảnh tượng tráng lệ không thể nào quên được, vẻ tráng lệ càng tăng lên với ánh vàng lấp lánh trên các phòng thờ! Một nữ thần mở rộng hai cánh tay và đôi cánh qua phần chân của chiếc quách, “như để xua đuổi kẻ xâm nhập.” Ông đứng đấy kính sợ trước biểu tượng hùng hồn này.
Chỉ nội việc tháo rời phòng thờ khỏi phòng an táng đã chiếm mất 84 ngày trời làm việc chân tay cực nhọc. Bốn phòng thờ tất cả gồm khoảng tám mươi lẻ bộ phận – mỗi bộ phận đều nặng, khó cầm nắm, và rất dễ vỡ.
Như thường lệ, không có gì hoàn hảo trăm phần trăm. Carter, người cầu toàn, không ngừng cằn nhằn – sau khoảng thời gian ba ngàn năm – các công nhân đã ráp các phòng thờ. Trong khi ông trầm trồ kỹ năng bậc thầy của các thợ thủ công đã tạo tác nên những bộ phận của phòng thờ và thán phục họ vì đã cẩn thận ghi trên các bộ phận các số và vị trí để việc tháo ráp được dễ dàng, thì ông rất bực mình với các thợ đã ráp các phòng thờ này.
“Nhưng mặt khác,” ông viết, “có chứng cứ cho thấy lễ tang được tổ chức vội vã, và những công nhân lo những nghi thức cuối cùng này không hề là những người tỉ mỉ. Đúng là họ cũng đã đặt các bộ phận quanh chiếc quách nhưng đã đảo lộn thứ tự của các mặt, ngược với những chỉ dẫn viêt trên các bộ phận khác nhau, kết quả là, khi chúng được dựng lên, các cửa phòng thờ
hướng về phía đông thay vì phía tây, các chân vách hướng về tây thay vì đông, và các panô cũng lệch vị trí. Nhưng chưa hết, còn có những dấu vết cẩu thả khác. Một vài chỗ trên vách phòng đã bị đập mạnh không ngại làm hỏng các hình nổi trang trí trên lớp mạ vàng. Có những vết lõm sâu do một dụng cụ giống như búa đập lên thấy rõ trên lớp vàng mạ, một vài phần trên bề mặt thực sự bị gõ văng ra, và các công nhân cũng không buồn dọn sạch các mảnh gỗ rơi xuống.”
Vào ngày 3/2 các nhà khai quật cuối cùng có thể nhìn hoàn toàn thoải mái chiếc quách. Đó là một tuyệt phẩm, làm bằng một khối đá quaczit vàng đẹp nhất duy nhất. Nó đo được 89.8 bộ dài, 4.8 bộ rộng, và 4.8 bộ cao [tức 268 cm x 146 cm x 146 cm.] Nắp quách được làm đá granit hồng.
Khi dụng cụ nâng chiếc nắp quách nặng nề – nó cân nặng hơn 600 kí – bắt đầu rít lên dưới tải trọng đang dâng lên, một lần nữa nhóm khán giả gồm những gương mặt tiếng tăm chăm chăm nhìn. Ngay cái nhìn đầu tiên vào bên trong quách đã làm mọi người thất vọng: không có gì để nhìn ngoài một đống bùi nhùi quấn bằng vải lanh. Nhưng khi bỏ hết những thứ này ra khỏi quách, áo quan liền hiện ra, một khải thị quá ấn tượng.
Nhưng chưa thấy thi thể nhà vua. Việc đầu tiên hiện ra là một hình nhân bằng vàng của nhà vua trẻ tuổi trên nắp của áo quan hình người. Vàng lấp lánh rực rỡ như vừa mới từ lò nấu lấy ra. Đầu và tay được đúc nổi, nhưng phần còn lại được chạm chìm với nhiều chi tiết trang trí. Hai bàn tay bắt chéo nắm giữ huy hiệu Gậy Móc và Cây Néo, khảm bằng gốm xanh. Mặt bằng vàng ròng, mắt làm bằng vôi khoáng và đá vỏ chai, lông mày và mí mắt làm bằng đá quí xanh lam (hình dưới).
Có cái gì đó khác biệt trên áo quan gây xúc động mạnh cho Carter và bạn hữu còn hơn cả hình nhân. Carter mô tả điều này như sau: “. . . nhưng có lẽ điều cảm động nhất bởi tính đơn giản có tính nhân văn là vòng hoa nhỏ” quanh các biểu tượng trên trán, “món quà vĩnh biệt của hoàng hậu góa bụa trẻ tuổi tặng chồng mình. . . Giữa tất cả sự lộng lẫy vương giả đó, sự tráng lệ hoàng gia – những ánh vàng lấp lánh khắp nơi – không có gì đẹp bằng một vài đóa hoa khô héo này, vẫn còn giữ lại một chút màu phai nhạt. Chúng nói với ta ba ngàn ba trăm năm chỉ là một thời gian ngắn ngủi, như Hôm Qua và Ngày Mai. Đúng ra, nét chấm phá nhỏ nhoi của thiên nhiên đó khiến cho thời cổ đại và nền văn minh hiện đại của chúng ta thành ruột thịt.”
Trên nắp của áo quan thứ hai – có ba áo quan tất cả, cái này lồng trong cái kia – là một hình nhân của vị Pha-ra-ông trẻ trong bộ lễ phục, trang trí phong phú theo phong cách Osirian. Áo quan thứ ba dày khoảng 0.5 cm làm hoàn toàn làm bằng vàng ròng, góp phần làm nặng thêm chiếc quách. Chỉ ngay giá trị tự thân của nó cũng thật là to lớn.
Thông tin thú vị này lập tức bị nhạt đi khi người ta phát hiện ra một chất như keo dính, đã được ghi nhận trước, bám chặt vào phần trang trí của áo quan thứ hai. Giờ đây mới thấy toàn bộ không gian giữa các áo quan thứ hai và thứ ba đã chứa đầy chất lỏng giờ đã thành một khối cứng chắc. Giờ các chuyên viên khảo sát bắt đầu lo lắng không biết số lượng sử dụng quá phóng túng chất dầu nhựa ướp có thể gây hư hại cho xác ướp hay không.
Ngay lập tức Lucas đảm nhiệm việc phân tích chất dầu. Một loại chất lỏng, hoặc gần như lỏng, hẳn đã được sử dụng, những chất liệu cơ bản có chứa chất béo và nhựa thông, cùng với hắc ín có nguồn gốc gỗ. Căng thẳng lại tiếp tục dâng cao; giây phút quyết định cuối cùng đã đến.
Một số mộng vàng được tháo ra, rồi nắp chiếc áo quan cuối cùng được nâng lên bằng những tay nắm bằng vàng, và xác ướp hiện ra. Trước mắt là thi thể của Tutankhamen, sau sáu năm trời lao nhọc tìm kiếm.
“Ở những lúc như thế,” Carter nói, “cảm xúc không thể diễn tả bằng lời, vì chúng quá phức tạp và xao xuyến.”
Nhưng ai là vị Pha-ra-ông này, vị Tutankhamen này? Kỳ lạ làm sao, với tất cả sự lộng lẫy của lễ an táng, Tutankhamen chỉ là một ông vua ít được biết đến. Ông ta mất ở tuổi 18. Chắc chắn ông ta là con rễ của Ikhnaton, “vị vua dị giáo,” và cũng chắc chắn là em một cha khác mẹ với Ikhnaton. Tuổi trẻ của Tutankhamen trải qua trong buổi giao thời của cải cách tôn giáo mà cha vợ tôn thờ Aton của ông phát động. Việc ông trở lại đạo gốc của thần Amen minh chứng qua việc ông đổi tên, từ tên gốc Tutankh-Aton sang Tutankh-Amen. Chúng ta biết rằng thời trị vì của ông là thời kỳ chính trị rối ren. Có những bức tranh cho thấy Tutankhamen đá các tù binh, cũng như bắn chết hàng hàng kẻ thù. Nhưng không có gì chắc chắn là ông đã thực sự đích thân ra chiến trường. Chúng ta thậm chí không biết chính xác quãng thời gian trị vì của ông, chỉ biết là nó có niên đại đâu đó khoảng 1350 trước C. N. Ngai vàng vào tay ông thông qua người vợ, Anches-en-Amen, mà ông cưới khi còn rất trẻ, và chân dung của bà cho thấy bà là một phụ nữ có nét đẹp mê hồn.
Qua những bức tranh và hình chạm nổi tìm thấy trong ngôi mộ ông, và nhiều đồ dùng cá nhân hằng ngày, chúng ta nhận được một cảm nhận thú vị về cá tính của Tutankhamen. Nhưng ta không biết gì về các thành tích cai trị của ông, cách thức ông điều hành đất nước như một nhà cai trị. Có vẻ an toàn khi giả định rằng không nhiều thành tựu có ý nghĩa mà một vị vua chết ở tuổi 18 có thể làm được. Chắc chắn Carter nói đúng khi cho rằng hành động nổi bật duy nhất trong cuộc đời Tutankhamen là việc ông mất và được chôn cất.
Tuy nhiên, nếu vị Pha-ra-ông 18 tuổi này được an táng với sự long trọng và tráng lệ vượt quá sự tưởng tượng của người phương Tây chúng ta, thế thì các báu vật trong lăng mộ của Ramses Đại Đế và Sethos I sẽ như thế nào đây? Biết bao báu vật không tưởng tượng được hẳn đã qua tay các tên trộm các lăng mộ hoàng gia trong Thung lũng các Vì Vua, trong dòng thời gian nhiều thế kỷ.
Diện mạo của xác ướp vị Pha-ra-ông vừa lộng lẫy vừa kinh khủng. Phần lớn chất nhựa thơm ướp xác đã tràn ngập thi thể được quấn bó chặt, và chất keo dình này đã làm cứng, nhuộm đen, và gắn chặt vải liệm vào thi thể.
Tương phản với khối không có hình thù, đen bóng của xác ướp là mặt nạ bằng vàng che phủ đầu và vai của nhà vua, ánh vàng vương giả lấp lánh rạng ngời. Chiếc mặt nạ an táng không dính đến chất nhựa ướp, cũng như bàn chân của xác ướp.
Sau một vài lần thử không thành công, áo quan thứ hai bằng gỗ được tách ra khỏi áo quan thứ ba bằng vàng lồng vào trong nó, bằng một tiến trình đun nóng đến 932o F (tức 500o C). Vàng được che chở bằng một lớp kẻm sau khi xác ướp được dời đi.
Bước tiếp theo là khảo sát xác ướp, xác ướp duy nhất trong Thung lũng, theo như chúng ta được biết, vẫn được giữ nguyên trong suốt 33 thế kỷ. Việc khảo sát mang ra ánh sáng một sự kiện được Carter bình phẩm như sau: “Ở đây chúng ta gặp một tình huống mỉa mai đôi khi chờ đợi việc nghiên cứu. Bọn trộm mộ kéo thi thể của các Pha-ra-ông ra khỏi lớp vải liệm bó chặt để tìm đồ trang sức giấu bên trong, hoặc các thầy tế thành kính đã giấu họ để tránh bị xâm hại tiếp tục, ít nhất cũng gìn giữ được các di thể hoàng tộc khỏi sự tác hại của các phản ứng hóa học do chất nhựa ướp gây ra trước khi có thời gian ăn mòn.” Các xác ướp thường bị tổn hại khi bị cướp – trừ khi những tên trộm là các thầy tế – nhưng dù sao đi nữa, chúng vẫn còn lưu lại trong tình trạng tốt hơn nhiều so với xác ướp của Tutankhamen. Đúng ra, sự hư hòng của thi thể là điểm bất mãn duy nhất trong lăng mộ.
Vào ngày 11/11, lúc 9:45 sáng, Tiến sĩ Derry, nhà phẫu thuật, cắt một vết đầu tiên trên lớp vải lanh bên ngoài cùng bó chặt xác ướp. Trừ mặt và chân, không bị dính chất nhựa ướp, xác ướp ở trong tình trạng đáng sợ. Việc oxit hóa các chất nhựa của hổn hợp đã tạo ra phản ứng cháy tự phát, quá mạnh đến nổi không chỉ lớp vải quấn bị cháy thành than. Lớp vỏ như hắc ín quá cứng đến nỗi trong một vài chỗ, chẳng hạn bên dưới chân và mông, cần phải đục đẽo ra.
Một phát hiện đáng kinh ngạc là một chiếc gối dựa đầu có tác dụng bùa chú đặt bên dưới vòng đệm băng quanh đầu một cách khéo léo như bàn tay nhà phẫu thuật. Bùa không có vẻ gì như cách thông thường. Và giấu bên trong lớp vải lanh quấn bó xác ướp là đủ loại “áo giáp ma thuật” – bùa chú, biểu tượng, và ký hiệu ma thuật. Nhưng chiếc gối dựa đầu được chế tạo từ sắt nguyên chất, thay vì khoáng chất hematit như thường lệ. Đây là đồ tạo tác bằng sắt nguyên chất đầu tiên được tìm thấy trong ngành Ai cập học.
Phải vô cùng cẩn thận khi tháo dở lớp vải lanh quấn bó từ thi thể cháy đen của vị Pha-ra-ông trẻ tuổi. Chỉ cần đầu cọ lông chồn chạm nhẹ là tàn tích của các mô thối rữa vỡ nát ra. Sau đó gương mặt của vị vua trẻ tuổi được phơi bày trước mắt; theo lời Carter: “. . . một vẻ mặt thanh thản, điềm tĩnh, một vẻ mặt của một thanh niên trẻ.” “Gương mặt,” chúng ta được biết, “có vẻ thanh tú và lịch lãm, các đặc điểm gương mặt cân xứng, nhất là cặp môi nổi bật.”
143 món trang sức đủ loại được phát hiện bên trong lớp vải quấn xác ướp. Trong số 33 trang giấy mà Carter dùng để mô tả việc khám nghiệm xác ướp, hơn phân nửa chỉ để liệt kê các món quí giá tìm thấy trong lớp vải bó. Vị Pha-ra-ông 18 tuổi thực sự được bó chặt trong nhiều lớp vàng và đá quí.
Trong một chuyên khảo đặc biệt mà Tiến sĩ Derry sau đó mô tả quá trình khám nghiệm xác ướp từ góc độ giải phẫu. Ông truyên bố rằng với một xác tín cao giữa Ikhnaton và Tutankhamen có mối quan hệ cha-con, một sự kiện có ý nghĩa phi thường về mặt minh họa những điều kiện chính trị và vương triều tại thời điểm suy tàn của Triều đại 18.
Sau đó Derry tiếp tục ghi chép một khảo sát, rất hứng thú về mặt văn hóa: cụ thể, là nghệ thuật biểu hiện ngay từ buổi đầu của Đế chế Mới nghiêng mạnh về chủ nghĩa hiện thực . “Gương mặt của Tutankhamen trên mặt nạ an táng bằng vàng mô tả ông là một thanh niên quí phái và thanh tú,” Derry nói. “Những ai có được đặc quyền nhìn thấy gương mặt thực sự khi mặt nạ được gỡ ra có thể làm chứng cho tài năng của người nghệ sĩ Triều đại 18 đã thể hiện quá trung thành những đặc điểm của gương mặt, và lưu lại cho hậu thế, bằng chất kim loại bất hoại, một chân dung xinh đẹp của vị vua trẻ.”
Derry cũng có thể ước tính sít sao tuổi của nhà vua, mà lịch sử không cho biết. Từ góc độ giải phẫu học, ông xác định tuổi của Tutankhamen là đâu đó giữa 17 và 18, chắc chắn 18 là xấp xỉ gần nhất.
Đến đây câu chuyện của một công cuộc khai quật thực sự lăng mộ của Tutankhamen kết thúc vì phòng phụ và phòng kho báu nhỏ không cung cấp thêm hứng thú nào.
Tuy nhiên, còn một lãnh vực khác cần làm rõ: “lời nguyền của các Pha-ra-ông.” Hơn 20 người ít nhiều liên quan đến việc mở niêm phong lăng mộ lừng lẫy này đã chết trong những trường hợp bí ẩn.
Trong hai trăm năm, ít hay nhiều, của ngành khảo cổ, không có phát giác nào về thế giới cổ đại được dân chúng biết đến nhiều nhất như lăng mộ Tutankhamen. Không phải không nhờ đến kỹ thuật in quay, máy ảnh, và công nghệ truyền thanh tiếp tay quảng bá sự kiện. Thế giới trước tiên cho thấy mối quan tâm của họ bằng những thư điện khen ngợi, chúc mừng. Sau đó các phóng viên bắt đầu rộn rịp lui tới thực địa. Gần đây bắt đầu gởi đến những thư phê phán, chỉ trích. Một số phàn nàn chua chát về hành động họ cho là sỉ nhục người đã khuất. Những thư khác trình bày những phương pháp đào mộ được cấp giấy phép. Mùa đông đầu tiên mỗi ngày có đến 10 hoặc 15 bức thư kỳ quặc gởi tới.
Rồi du khách bắt đầu lũ lượt đến. Trong ba tháng của năm 1926, khi công luận lên cao, có đến 12,300 du khách đến thăm lăng mộ. Cũng có 270 đơn xin được khảo sát các báu vật tìm được và làm việc trong phòng lab.
Chính xác thì bằng cách nào huyền thoại về “lời nguyền của các Pha-ra-ông” được dựng lên không thể truy cứu được. Trong suốt thập kỷ 1930, dù sao đi nữa, đề tài này được xáo đi xáo lại nhiều lần trong giới báo chí. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là có nhiều cơ sở cho câu chuyện đó hơn là về thuật chiêm tinh đặt căn cứ vào Đại Kim Tự Tháp Cheops, hoặc về “lúa mì xác ướp” lấy được từ các lăng mộ Ai Cập, mà theo đồn đại là vẫn còn giữ được khả năng nảy mầm sau khoảng thời gian hai hay ba ngàn năm. Huyền thoại lúa mì này đã được dễ tin quá rộng rãi đến nỗi thậm chí ngày nay các hướng dẫn viên du lịch kiếm được thêm chút tiền típ bằng cách lo cho các thân chủ của họ tìm được “lúa mì xác ướp” trong các kẻ hở phần nề của các lăng mộ hoàng gia.
“Lời nguyền của các Pha-ra-ông” không gì khác hơn là chuyện tán gẫu thuộc loại khá kinh dị, cũng khoảng ngang cơ với “lời nguyền của Viên Kim Cương Hi Vọng” và “lời nguyền của các thầy tu Lacroma” ít nổi tiếng hơn. Nếu có sự cố đơn lẻ nào làm khởi lên huyền thoại về “lời nguyền của các Pha-ra-ông” chắc chắn đó là do cái chết bất ngờ của Lord Carnarvon. Khi ông mất, vào ngày 6/4/1923, sau ba tuần chiến đấu với cơn bạo bệnh do một vết muỗi chích, người ta bắt đầu bàn tán về sự trừng phạt đến từ cõi âm giáng lên kẻ báng bổ thần linh.
Những tít lớn như “Pha-ra-ông báo thù” bắt đầu xuất hiện, với những tiêu đề nhỏ hơn thông báo một “Nạn Nhân Mới của Lời Nguyền Tutankhamen’. . . “Nạn Nhân Thứ Hai,” và vân vân. Cái chết của nạn nhân thứ 19 được loan tin như sau: “Hôm nay Lord Westbury 78 tuổi đã nhảy từ cửa sổ của căn hộ trên tầng 7 của ông ở London và tử vong ngay lập tức. Con trai của Lord Westbury, người trước đây là thư ký của Howard Carter, nhà khảo cổ đã khai quật lăng mộ Tutankhamen, đã được phát hiện nằm chết trong căn hộ của ông tháng 11 vừa qua, mặc dù khi ông đi ngủ ông vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt. Nguyên nhân chính xác của cái chết chưa hề được xác định.” “Một cơn rùng mình chạy khắp nước Anh. . .” một nhà báo khác viết Archibald Douglas Reid mất khi ông chuẩn bị chụp X-quang cho một xác ướp. Sau đó nhà Ai Cập học Arthur Weigall được xếp hạng là nạn nhân thứ 21 trong lời nguyền Pha-ra- ông khi ông chết vì “một cơn sốt không rõ nguồn gốc.”
Sau đó bạn cùng nhóm với Carter, A. C. Mace, chết, một người từng làm việc năng nổ trong lăng mộ. Tuy nhiên, các nguồn tin đã giấu nhẹm sự kiện là Mace đã bệnh trong một thời gian dài và vẫn phụ giúp Carter dù sức khỏe sút kém vì cơn bệnh mãn tính. Thật ra, ông đã phải bỏ dở công việc trước khi dự án hoàn thành.
Sau đó, khi em cùng cha khác mẹ với Lord Carnarvon, Aubrey Hernert, mất vì những nguyên nhân tự nhiên, một số báo chí vẫn cố lắp ghép sự ra đi của ông vào khuôn khổ của Huyền thoại Lời nguyền. Khi Phu nhân Elizabeth Carnarvon mất vào tháng 2 năm 1929, Howard Carter là người duy nhất trong đội ngũ còn sống sót.
“Tử thần sẽ tìm đến trên chóp cánh bay vút kẻ nào dám quấy rầy sự an nghỉ của Pha-ra-ông” – đó là một trong nhiều biến thể của lời nguyền Pha-ra-ông thường được cho là có ghi khắc trên lăng mộ.
Khi báo chí loan tin một người đàn ông có tên Carter sống ở Hoa Kỳ, đã trở thành nạn nhân cuối cùng của Pha-ra-ông theo một cách thức bí ẩn nào đó, hình như đoan chắc cho lập luận là Tutankhamen đã thực sự ra tay báo thù, rõ ràng là từ gia quyến của chính người cầm đầu hành động xúc phạm rồi dần đến chính ông ta. Đến đây, những nhà khảo cổ nghiêm túc đã thấy trò đùa đã đi quá xa và đưa ra lời phản kháng.
Chính Carter cố gắng dập tắt làn sóng đồn thổi. “Cảm nhận của nhà Ai Cập học,” ông nói “. . . không phải là sợ hãi, mà là tôn kính và kính sợ. Nó hoàn toàn ngược với những mê tín điên rồ đã quá phổ biến trong số những người nhạy cảm muốn tìm “sự phấn khích tâm linh.” Ông lên án “những câu chuyện nực cười” về sự báo thù của Tutankhamen chỉ là “một loại văn chương giải trí.” Rồi ông đi cụ thể đến những bài báo cho rằng bước qua ngưỡng cửa lăng mộ cũng dễ gặp nguy hiểm – thậm chí khoa học đã chứng minh điều ấy là sai. Ông hăng hái chỉ ra rằng khoa học đã xác nhận sự vắng mặt các tác nhân vi khuẩn trong lăng mộ. Bên trong đã được kiểm tra tình trạng nhiễm độc và đưa ra kết luận là an toàn cho sức khỏe. Giọng điệu ông trở nên chua chát vào cuối bài phản kháng: “. . . trong một số phương diện,” ông nói, “sự tiến bộ đạo đức của chúng ta ít thấy rõ ràng như nhiều người tử tế thường lầm tưởng.”
Để thêm phần quảng bá, vào năm 1933 nhà Ai Cập học người Đức Giáo sư Georg Steindorff phát hành một thỉnh nguyện thư về đề tài lời nguyền Pha-ra-ông, trong đó ông chịu khó truy cứu những nguồn tin báo chí và những báo cáo khác. Ông xác định được sự thật người có tên Carter chết ở Mỹ không có gì chung với nhà khảo cổ Carter trừ cái tên. Ông cũng tìm ra không ai thuộc dòng họ Westbury có mối liên hệ dù là ít nhất, trực tiếp hoặc gián tiếp, với lăng mộ, với việc di dời di vật của nó, hoặc xác ướp. Sau khi chất đống những chứng cứ về việc không liên quan, ông rút ra kết luận xác đáng hơn tất cả: “lời nguyền của các Pha-ra-ông” đơn giản là không tồn tại. Không có lời gì như thế được thốt ra hoặc ghi khắc lại.
Theo dòng quan điểm của Steindorff, Carter viết: “Xét trong mối liên quan với sự sống, lời nguyền thuộc loại này không có chỗ đứng trong nghi thức Ai Cập. Trái lại, chúng tôi luôn bày tỏ ước muốn tốt đẹp cho người đã khuất.”
Rõ ràng người ta đã hiểu sai lệch ý nghĩa của một số công thức bảo hộ của những lời khẩn cầu được thấy ghi khắc trên các ma nơ canh ma thuật để lại trong phòng an táng và cho chúng là lời nguyền. Những công thức này chỉ có chủ đích để “xô đuổi kẻ thù của Osiris (người quá cố) trong bất kỳ hình thù nào hắn đến.” Nhiều chuyến du khảo đã khai quật ở Ai Cập sau vụ phát hiện lăng mộ Tutankhamen. Trong các năm 1939, 1940, và 1946 Giáo sư Pierre Montet đã tìm ra một tổ hợp hoàn chỉnh của các lăng mộ hoàng gia của Triều đại 21 và 22. Trong các hành lang ngầm dài hơn 3,000 bộ (hơn 900 mét) đục đẽo trong đá, Giáo sư Sami Gabra phát hiện những chốn thiêng liêng của giáo phái Ibis và vô số các mộ thú thiêng. Vua Ai Cập Farouk tài trợ một chuyến đi truy tìm dấu vết thời cổ đại của quốc gia ông, và những nơi an táng có niên đại từ thiên niên kỷ thứ hai và thứ ba trước C. N. đã được phát hiện. Vào năm 1941 Tiến sĩ Ahmad Badawi và Tiến sĩ Mustapha El-Amir bắt gặp một thạch bia vinh danh Amenophis II, và một lăng mộ chưa bị quấy phá của Hoàng tử Sheshonk, với nhiều đồ trang sức lộng lẫy.
Thanks người post. bài viết rất hay!
ThíchThích
Pingback: Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử