Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 3)

QUYỂN SÁCH VỀ CÁC THÁP

Các Vương Quốc Assyria, Babylonia,  và Sumeria

assyrian-winged-man-headed-lion

C.W. Ceram

Nguyên tác tiếng Đức

Trần Quang Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh

của E.B. Garside và Sophie Wilkins

Cha tôi, và cha của cha tôi, đã cắm lều ở đây trước tôi. . . Trong 1200 năm các tín đồ thực sự đã – và, xin ca ngợi Thượng đế! mọi minh triết đều chỉ thuộc về họ – đã định cư tại xứ sở này, và không một ai trong số họ đã nghe nói về một cung điện nằm trong lòng đất. Và kể cả những người đã đi trước họ. Nhưng than ôi! Một người Pháp đã đến đây sau nhiều ngày tìm kiếm, và ông đã bước đến đúng ngay nơi này, và ông lấy ra một cây gậy. . . và giăng một sợi dây ở đây, và giăng sợi dây ở đó. Tại đây, ông nói, là nơi cung điện tọa lạc; ở đó, ông nói, là cổng; và ông chỉ cho chúng tôi bên dưới chân chúng tôi cuộc sống diễn tiến ra sao, mà chúng tôi không biết gì hết. Thật tuyệt vời! tuyệt vời! Có phải nhờ sách vở, nhờ phép thuật, nhờ các nhà tiên tri của ngài, mà ngài đã biết hết những chuyện này? Hãy nói đi, hỡi ngài; hãy bảo tôi biết bí ẩn của sự minh triết của ngài. – Trưởng thôn Abd-er-Rahman nói với Austin Layard     

1

Bản đồ vùng đất giữa hai sông Tigris và Euphrates thời cổ đại

  1. BOTTA TÌM RA NINEVEH

 

Kinh Thánh kể về sự trừng phạt của Chúa Trời dành cho người Do Thái dưới bàn tay của người Assyria, “cây gậy của cơn thịnh nộ,” về Tháp Babel và sự lộng lẫy của Niveveh, về vụ giam cầm 70 năm và về Nebuchadnezza, ngày Phán Xét của Chúa cho thành phố tội lỗi Babylon và chiếc cốc của Cơn Thịnh nộ mà Chúa ra lệnh cho bảy thiên thần đổ xuống vùng đất dọc xong Euphrates. Các nhà tiên tri Isaiah và Jeremiah trút ra những viễn ảnh khủng khiếp về sự tàn phá sẽ giáng xuống “sự huy hoàng của các vương quốc, sự diễm lệ của hoàng thành Chaldee, giống như cách Chúa đã phá hủy Sodom và Gomorrah,” sao cho “các thú dữ trên đảo sẽ kêu gào trong những ngôi nhà hoang liêu và và những con rồng sẽ chơi đùa trong những cung điện kiêu xa của họ” (Isaiah 13-19,22).

            Trong các thế kỷ của niềm tin Cơ đốc những lời lẽ thiêng liêng trong Kinh Thánh không thể công kích được. Phong trào phê phán bắt đầu với thời Khai sáng của thế kỷ 18. Vậy mà thế kỷ 19, khi sự phê phán vốn có trong mọi học thuyết triết lý duy vật đông cứng lại thành một mối hoài nghi bất tận, đồng thời đem đến những chứng cứ về những sự thật lịch sử đã gắn  liền quá phong phú trong Kinh Thánh, mặc dù đã được che phủ bằng nhiều chuyện thiêu dệt sau đó.

Vùng đất giữa sông Euphrates và Tigers bằng phẳng, nhưng đây đó những mô gò bí mật nhô lên khỏi bình nguyên. Những trận bão cát xoay tít quanh những gò đống này, xếp chất đất đen thành những đụn cát thoai thoải dốc, tiếp tục cao dần trong một trăm năm, chỉ được phân tán trong dòng thời gian 500 năm khác. Người Bedouin, thường nghỉ ngơi bên những mô gò này, thả bọn lạc đà ngậm đám cỏ mọc lưa thưa dưới chân gò, không có ý niệm bên dưới ấy có gì. Những tín đồ tin vào Allah, và Mohammed, nhà tiên tri của ngài, họ không biết gì về những đoạn văn trong Kinh Thánh mô tả vùng đất khô cằn của họ. Cần có một câu hỏi, một cảnh báo thật mạnh mẽ, để khởi động lời giải đáp cho những bi ẩn xếp từng lớp dưới những mô gò. Việc này và một cú tấn công của một người Tây phương năng động biết cách sử dụng táo bạo cuốc và xẻng.

            Người được định mệnh giao phó ấn phát xẻng đầu tiên vào lòng đất

sinh ra tại Pháp vào năm 1803. Chỉ đến khi qua tuổi 30 ông mới có ý niệm đôi chút về loại công việc sẽ trở thành sự nghiệp của đời mình. Bởi chính tại thời điểm đó ông, khi đó là thầy thuốc, vừa trở lại từ một chuyến du khảo Ai Cập. Khi đến Cairo ông có mang theo một số hộp trong hành lý của mình. Cảnh sát yêu cầu mở chúng ra. Chúng chứa 12,000 côn trùng, được đính trên những hàng ghim.

            Mười bốn năm sau người thầy thuốc và côn trùng học này đã xuất bản công trình gồm 5 tập về Assyria cho thấy đó là một động lực có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu khoa học về Mesopotamia không kém tác phẩm Description de l’Égypte gồm 24 tập đối với Ai Cập học.

Không đến một thế kỷ sau một cuốn sách xuất hiện ở Đức (như những sách tương tự xuất hiện tại Pháp và Anh) của Giáo sư Bruno Meissner, có tựa Konige Babylons und Assyriens (Các Vị Vua Babylon và Assyria).

            Tầm quan trọng của tác phẩm này ít nhất cũng nằm trong sự đóng góp của nó đối với học thuật, mặc dù nó không chủ định cho mục đích ấy. Mục đích của nó chỉ là báo cáo, cho giới độc giả phổ thông, về những nhà cai trị hưng thịnh cách đây hai đến năm ngàn năm. Ý nghĩa thực sự của quyển sách về quá trình phát triển ngành khảo cổ phức tạp này, và của mọi cuốn sách cùng loại, là ở việc nó có thể được viết ra theo một thể dạng phổ thông. Hãy nghe lời giới thiệu ở đầu sách: “Lối trình bày như thế yêu cầu có được các dữ liệu lịch sử có khả năng đóng góp sắc màu rực rỡ cho hình tượng các ông và các bà vĩ đại này, sao cho họ trở nên sống động đối với chúng ta.”

            Có gì về những dữ liệu lịch sử đó? Không xét đến chất liệu đã được thần bí hóa trong Cưu Ước, sự thật là “Cách đây chưa đầy một thế kỷ, lịch sử Assyria còn là một quyển sách bị niêm phong, và chỉ mới cách đây một vài thập niên các ông vua Babylonia và Assyria đối với chúng ta không gì khác hơn là những cái tên. Làm thế nào, trong một khoảng thời gian quá ngắn sau đó, có thể kể lại lịch sử hai ngàn năm của Mesopotamia, kể cả những nghiên cứu bản tính thực sự của các vì vua?

             Tác phẩm của Meissner, trong số các tác phẩm khác, minh chứng rằng điều này đã trở nên khả dĩ trong đất nước chúng ta. Nó cho thấy chỉ trong một  ít thập kỷ một số nhà khai quật và học giả đam mê, chuyên môn cũng như nghiệp dư, có thể đưa ra ánh sáng một nền văn hóa toàn vẹn. Quyển sách thậm chí còn cung cấp ở phụ lục một bảng niên đại  cho biết, gần như đầy đủ, danh sách các vì vua Mesopotamia. Bảng này được sắp xếp bởi Ernest F. Weidner, một trong những nhà Assyria học lạ kỳ nhất. Trong hai mươi năm Weidner ngồi thu lu như một nhà biên tập hạng hai mờ nhạt trong văn phòng của tờ Berliner Illustrierte Zeitung. Ở đây ông biên tập vài câu chuyện dài nhiều tập và những trò ô chữ. Một hôm người đàn ông nhũn nhặn này rụt rè tiến đến viên chủ bút, xin nghỉ làm ngày mai vì có một chuyện quan trọng cần giải quyết. Tất nhiên là được rồi, viên chủ bút đồng ý mà không thắc mắc đến một giây. Hôm sau Weidner không có mặt tại bàn làm việc, nhưng một phóng viên xông vào văn phòng vẫy một tờ báo cho các đồng nhiệp của ông xem một mục tin đăng trên đó. Nó loan báo Ernst Weidner, người đồng nghiệp tầm thường mà họ đã ngồi kề cận trong bấy nhiêu năm không hề để ý đến, vừa đoạt giải thưởng trong một cuộc thi mà ban giám khảo gồm toàn những học giả tiếng tăm bầu chọn. Trong một thời gian ông đã lặng lẽ xuất bản bên lề những bài báo quan trọng về bảng niên đại  Assyria và biên tập một tập san học thuật quốc tế chỉ phát hành vài trăm bản gởi đến các đại học và các học giả chuyên biệt.

            Văn phòng tờ báo còn xôn xao bàn tán khi nhà Assyria học vừa nổi tiếng xuất hiện – gương mặt bẽn lẽn, nhưng không phải vì mình đã hiện nguyên hình, mà vì mình đã đến trễ cho buổi trao giải thưởng: nó đã được tổ chức long trọng vào ngày hôm trước. Chẳng bao lâu Weidner lại trở lại với góc xó bụi bặm quen thuộc của mình. Ở đó ông làm việc cho đến 1942, khi làn sóng oanh kích của các oanh tạc cơ Đồng minh khiến mọi hoạt động học thuật trong thủ phủ của Đế chế Thứ Ba phải dừng lại, và Weidner được mời làm giáo sư tại Áo.

            Điều đã làm cho sự xuất hiện của những tác phẩm, trong đó có tác phẩm của Meissner, trở thành hiện thực là thắng lợi của trào lưu cổ vũ tính uyên bác phải được xếp ở hàng đầu, chẳng hạn, bảng niên đại đầu tiên của Ai Cập do Lepsius soạn. Ba thế hệ của những kẻ cuồng si quần quật không biết mệt mỏi để cạo đất và thu góp cùng nhau những sự kiện để được tổng hợp trong đó. Những sách này có được nhờ vô số giờ miệt mài trong văn phòng của một lãnh sự quán Pháp ở Mosul, trong công trình nghiên cứu của một giáo viên ở Gottingen, dưới cái nắng thiêu đốt giữa hai sông Tigris và Euphrates, cũng như trong cabin của một chiếc tàu nhỏ trên đó một sĩ quan hải quân Anh ngồi chú mục vào những chữ hình nêm chi chít dưới ngọn đèn lắc lư như quả lắc đồng hồ

            Những gì xuất hiện từ tất cả những công lao khó nhọc này là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất của ngành khảo cổ, chỉ vì vùng đất của những mô gò không hé lộ dấu vết nào của một thời quá khứ vẻ vang. Không có đền thờ và tượng đài để đốt lên nỗ lực khảo cổ, như trên vùng đất cổ điển của Hi Lạp và Ý. Không có kim tự tháp và cột tháp sừng sững trên trời như ở đất Ai Cập, và cũng không có những khối đá cúng tế kể lại câu chuyện câm lặng của những lễ tế đẫm máu trong đất Mexico và rừng rậm Yucatan. Những gương mặt đen đúa của người Bedouin và Kurd không phản ánh chút nào sự vĩ đại của tổ tiên mình. Những truyền thuyết bản địa không vượt quá những năm tháng của triều đại Harun al-Rashid vinh quang [Vị vua kiệt xuất của đế quốc Ả Rập thế kỷ thứ 8, 9.] Những thế kỷ xưa hơn đã chìm vào cõi khói sương mù mịt. Những ngôn ngữ được nói trong vùng đất mô gò không cho thấy mối liên hệ rõ ràng nào với ngôn ngữ đã được nói hàng ngàn năm trước.

            Ngoài các mô gò rải rác trong bình nguyên cát bụi các nhà khảo sát không có gì để bám víu trừ một số mô tả thi ca rút ra từ Kinh Thánh. Ngoài ra còn có những mảnh vỡ đất sét, chi chít những chữ hình nêm mà, một người non nớt trong đoàn lần đầu tiên bắt gặp nói, nó trông như “dấu chân chim đi trên cát ướt,” và nhiều nhà khảo cổ lúc đầu ngỡ là hoa văn trang trí. Vì tất cả những lý lẽ này cuộc chính phục khảo cổ trong đấu trường này thật là đặc biệt đáng nhớ.

Trong Cựu Ước vùng đất ở giữa sông Tigris và sông Euphrates được gọi đơn giản là Aram-naharaim – Syria (đất) giữa hai sông – chữ tương đương trong tiếng Hi Lạp là Mesopotamia. Ở đây tọa lạc các thành phố nổi tiếng trên đó Chúa Trời trong Kinh Thánh đã trút cơn thịnh nộ khủng khiếp của Ngài. Ở đây, tại Nineveh và Babylon, những vì vua đáng sợ cai trị, thờ những vị thần khác ngoài Ngài và do đó phải bị xóa tên khỏi mặt đất.

            Ngày nay nó được gọi là Iraq, và Baghdad là thủ đô của nó. Về phía bắc khu vực được bao bọc bởi Thổ Nhĩ Kỳ, về phía tây bởi Syria và Transjordan được Pháp ủy trị, về phía nam bởi Ả Rập Xê Út và về phía đông bởi Ba Tư, hoặc Iran theo cách dùng ngày nay.

            Hai con sông có tên Tigris và Euphrates, xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nên vùng đất đã thành cái nôi của văn hóa thậm chí vào thuở sông Nile đem lại cuộc sống cho Ai Cập. Chúng chảy từ đông bắc đến đông nam, hợp lưu một đoạn ngắn ở phía trên Basra ngày nay – thời cổ thì không thế – và đổ vào Vịnh Ba Tư.

            Assyria, vùng đất cũ của Assur, vươn dài ở phía bắc dọc theo con sông Tigris chảy xiết. Babylonia, Sumeria và Akkad cổ đại, trải dài ở phía nam giữa sông Euphrates và Tigris xa xuống tận các vùng nước xanh của Vịnh Ba Tư. Trong một bách khoa toàn thư xuất hiện năm 1867, dưới tiêu đề Mesopotamia, ta đọc thấy những dòng chữ sau: “Vùng đất đạt đến cực thịnh dưới thời cai trị của người Assyria và Babylon. Dưới nền cai trị của người Ả Rập nó trở thành lãnh địa của các Khalip [vua Hồi giáo], và một lần nữa lại hưng thịnh. Nhưng với sự xâm nhập của người Seljuk, Tarta, và Thổ, nó bắt đầu suy vong, và hiện giờ một phần đã thành sa mạc không người.”

           Bên ngoài sa mạc Mesopotamia nổi lên những mô gò bí ẩn, có chóp bằng phẳng, với những con dốc nghiêng, thường bị xói mòn, nứt nẻ như loại phô mai sữa trừu phơi khô của người Bedouin. Những mô gò kỳ lạ này đốt lên trí tưởng tượng cho những tâm thức tò mò đến độ chính tại Mesopotamia mà ngành khảo cổ vốn được xem như một nghệ thuật khai quật đã chào đón những thắng lợi ban đầu của nó.

            Khi còn trai trẻ Paul Emile Botta đã đi chu du thế giới. Vào năm 1830 ông phục vụ dưới trướng Mohammed Ali với chức danh thầy thuốc, và trong vai trò này ông cũng tháp tùng ủy ban Ai Cập đến Sennar. Năm 1833 chính phủ Pháp bổ nhiệm ông làm lãnh sự ở Alexandria, từ điểm đó ông làm một chuyến đến Yemen, các kết quả của chuyến đi được ghi chép trong một quyển sách. Năm 1840 ông được chỉ định làm đặc vụ lãnh sự ở Mosul, trên thượng nguồn Tigris. Những buổi chiều, khi trời chạng vạng, ông thường chạy trốn cái nóng ngột ngạt của các cửa hàng tạp hóa và giải khuây bằng cách dạo chơi về miền quê trên lưng ngựa, ở đó ông có thể trông thấy những mô gò lỳ lạ lấm chấm trong khung cảnh ở khắp mọi nơi.

            Công bằng mà nói ông không phải là người đầu tiên chú ý đến hiện tượng mô gò nhô ra này. Những nhà du hành trước đây đã ngờ ngợ có những tàn tích nằm bên dưới chúng. Nhưng Botta chính là người hiện thực những suy đoán này.

            Là một thầy thuốc ông quan tâm đến khoa học tự nhiên và là một nhà ngoại giao ông biết cách khai thác tối đa mối quan hệ xã hội của mình. Hình như, ông không có dáng vẻ gì là một nhà khảo cổ. Điều ông mang đến cho công việc tương lai của mình là một vốn kiến thức về ngôn ngữ bản địa, và một khả năng, vốn được phát huy qua các chuyến đi dài hơi, là thiết lập được những mối quan hệ thân thiết với những người theo đạo của các đấng Tiên Tri. Ông cũng có thể trạng tốt và một năng lực làm việc không giới hạn, mà ngay cả khí hậu chết người của Yemen và vùng bình nguyên đầm lầy sông Nile không hề làm sứt mẻ ông.

            Botta bắt đầu khởi công mà không có kế hoạch nào hoặc giả thuyết cơ bản nào chỉ đường. Chỉ là một hi vọng mơ hồ, trộn lẫn với tính tò mò, đã đưa ông đi tới. Và khi ông thành tựu, không ai ngạc nhiên hơn chính ông.

            Hết chiều này đến chiều khác, sau khi đóng cửa văn phòng, bằng sự kiên trì tuyệt vời ông trinh sát vùng đất quanh Mosul. Ông đi từ nhà này đến nhà khác, từ lều này đến lều khác, lúc nào cũng đặt ra cùng những câu hỏi: Các bạn có đồ cổ nào bán không? Bình cổ? Vò cũ, chẳng hạn? Bạn lấy gạch này ở đâu để xây nhà ngoài này thế? Bạn tìm được những mảnh gốm có những ký tự kỳ lạ này ở đâu ra thế?

            Botta mua lại mọi thứ ông có thể đặt tay đến. Nhưng khi hỏi người bán chỉ nơi xuất xứ của những món cổ này, họ đều nhún vai, giải bày rằng Đức Allah thật vĩ đại, người rải những vật như thế khắp mọi nơi. Ta chỉ cần nhìn là thấy.

            Botta nhận ra là mình không đi đến đâu khi cật vấn những người bản xứ. Ông quyết định thử vận với chiếc xẻng tại mô đất gần nhất dù có kích cỡ nào, mô gò ở Kuyunjik.

            Ta thử nghĩ có ý nghĩa gì khi kiên trì hành động khi hầu như là vô vọng;  có ý nghĩa gì khi không có gì thúc đẩy người đào bới trừ cái khái niệm mơ hồ là mô gò đó có thể chứa trong lòng nó một cái gì đáng bỏ công khai quật; có ý nghĩa gì khi quần quật hết ngày này đến ngày khác, hết tuần này đến tuần khác, tháng này đến tháng khác, mà không tìm thấy vật gì tưởng thưởng nhiều hơn là một ít viên gạch mòn vẹt khắc những kí hiệu không ai đọc được, hoặc một ít thân tượng, bị hư hỏng đến nổi hình dạng ban đầu hoàn toàn không nhận dạng ra được.

            Một năm tròn ròng rã!

            Do đó chắc chúng ta không ngạc nhiên, khi Botta, sau một năm trời làm theo vô số những chỉ dẫn sai lầm của dân chúng, thẳng tay xua đuổi một người Ả Rập nhiều chuyện. Bằng một thứ ngôn ngữ đầy màu sắc, y cho biết có một mô gò chứa mọi thứ mà ông lớn Pháp đang tìm kiếm. Y cứ lải nhải, lải nhải, giọng điệu khẩn khoản, nói là mình đến từ một ngôi làng ở xa, bằng cách nào y đã nghe về câu chuyện tìm kiếm của ông lớn Pháp, y đã yêu quí những người Pháp ra sao và muốn được giúp đỡ họ. Có phải gạch có in những dấu khắc là thứ Botta muốn? Có cả khối như thế tại chỗ y sống ở Khorsabad, ngay gần làng quê của y. Sở dĩ y biết, vì y đã xây lò của mình bằng thứ gạch ấy, và mọi người khác trong làng cũng làm vậy từ lúc nào không nhớ.

            Khi Botta thấy là mình không thể thoát khỏi sự đeo bám của y, ông phái hai nhân công của mình đến địa điểm nói trên, cách đó 9 hoặc 10 dặm.

            Với hành động này Botta cuối cùng đã làm tên tuổi mình thành bất tử trong lịch sử khảo cổ. Lý lịch của người Ả rập này đã bị quên lãng trong dòng chảy của năm tháng. Nhưng Botta vẫn còn được nhớ đến như là người đầu tiên đã phát hiện những tàn tích của một nền văn hóa đã nở hoa trong gần 2,000 năm, và trong hơn 2,500 năm sau ngủ vùi trong lòng đất đen giữa hai con sông, và bị con người quên lãng.

            Một tuần sau một người đưa tin phấn khích trở lại báo cáo cho chủ nhân. Y nói, chỉ mới xúc chiếc xẻng ngay phát đầu tiên thì bức tường đã lộ ra. Những bức tường này, khi cạo bỏ đất cát bám chặt, để lộ ra những điêu khắc rất phong phú. Có nhiều loại tranh vẽ, tranh chạm nổi, những tượng thú bằng đá khủng khiếp.

            Botta vội vã cởi ngựa đến nơi. Một ít giờ sau đó ông ngồi xổm cạnh một hố đào, chăm chú vẽ những hình người kỳ lạ nhất có thể tưởng tượng được – những người có râu, những con thú có cánh, những hình người không giống phong cách thường thấy ở Ai Cập, và chắc chắn không giống bất kỳ điêu khắc nào quen thuộc với mắt người Tây phương. Không lâu sau đó ông cho di chuyển đoàn của mình từ Kuyunjik đến địa điểm mới, bắt tay vào xẻng và cuốc. Và chẳng bao lâu Botta không còn hoài nghi về những gì mình đã phát hiện, nếu không phải là toàn bộ Nineveh, thì chắc chắn cũng là một trong  những cung điện tráng  lệ nhất của vua chúa Assyria.

2.png

Thời khắc đến khi, không còn có thể giữ riêng cho mình sự phát hiện này, ông báo tin về Paris, và từ đó lan khắp thế giới. “Tôi tin rằng,” ông viết với lòng tự hào, và các báo chí chạy những tít lớn về nó, “mình là người đầu tiên phát hiện ra những hình điêu khắc thực sự có thể nhận dạng vào thời kỳ  Nineveh đang cực thịnh.”

           Sự phát hiện ra cung điện Assyria đầu tiên không chỉ là một tin giật gân. Ai Cập đã luôn được coi là cái nôi của văn minh, bởi vì không ở đâu khác trong lịch sử nhân loại có thể truy về quá khứ xa hơn thế. Từ trước đến nay chỉ có Kinh Thánh mới có gì để nói về vùng đất giữa hai sông, và đối với khoa học của thế kỷ 19 Kinh Thánh là một tuyển tập những truyền thuyết. Chứng cứ ít ỏi tìm được trong các tác giả cổ đại được coi là đáng tin cậy hơn nguồn tư liệu Kinh Thánh. Những sự kiện mà các tác giả này đưa ra không phải hoàn toàn không tin được, nhưng chúng thường xung khắc nhau và không thể làm cho khớp với các niên đại trong Kinh Thánh.

            Kết quả là những phát hiện của Botta đã minh chứng rằng một nền văn hóa xưa như văn hóa Ai Cập đã từng phát triển ở Mesopotamia – xưa hơn nếu ta đặt niềm tin vào ghi chép trong Kinh Thánh. Nó đã trỗi dậy trong quyền lực và sự tráng lệ, rồi để chìm, dưới lửa dậy và đao kiếm, trong sự quên lãng.

            Nước Pháp phấn khích vì phát giác của Botta. Sự hỗ trợ được động viên với một qui mô hào phóng nhất để tạo điều kiện cho Botta tiếp tục công trình của mình. Ông khai quật ba năm, từ 1843 đến 1846. Ông chiến đấu với khí hậu, bệnh tật, sự chống đối của người bản xứ, và sự can thiệp của các viên pasha, thống đốc Thổ độc tài của xứ sở. Viên chức tham lam này chỉ ám ảnh một ý nghĩ duy nhất về việc khai quật không mệt mỏi của Botta: người Pháp này chắc chắn là muốn tìm vàng.

            Viên pasha này lôi các nhân công Ả Rập ra không cho làm việc với  Botta, đe dọa họ bằng roi vọt và tù đày để bắt họ nói ra việc mờ ám của Botta. Y cho lính bao vây đồi Khorsabad, y viết những lá thư phàn nàn gởi đến Constantinople. Nhưng Botta không phải là người dễ dàng chịu khuất phục. Kinh nghiệm ngoai giao giờ phát huy tác dụng: ông phản công mưu tính bằng mưu tính. Kết quả là vị pasha phải cho người Pháp giấy phép tiếp tục dự án, nhưng y ngăn cấm ngầm mọi dân bản xứ, bằng đe dọa trừng phạt, không được dính líu gì với người Pháp. Việc đào bới của Botta, y nói, không có gì khác ngoài cái cớ để xây dựng thành lũy nhằm sử dụng để cướp đoạt tự do của người dân Mesopotamia.

            Không nao núng, Botta đẩy nhanh tiến độ của công việc.

3.png

Cung điện được phơi bày, dâng cao lên từ những nền đất. Các nhà khảo cổ vội vã chạy đến nơi khi đọc được báo cáo đầu tiên của Botta về phát hiện của mình nhận ra cấu trúc chính là cung điện của Vua Sargon, cung điện đã được đề cập trong lời tiên tri của Isaiah. Thật ra, nó là một cung điện mùa hè tọa lạc ở ngoại thành Nineveh, một loại Versailles [hoàng cung của vua nước Pháp], một nơi an dưỡng khổng lồ được xây dựng vào năm 709 trước C. N., sau cuộc chinh phục Babylon. Từ bức tường này đến bức tường khác hiện ra từ đống đổ nát, những vườn thượng uyển với các cổng được trang trí phong phú hiện hình, những phòng tiếp tân công cộng, những hành lang, những phòng riêng, một khuê phòng có ba khu, và các tàn tích của một tháp mái bằng.

            Số các tượng điêu khắc và các hình chạm nổi nhiều đến chóng mặt.

 Trong chớp mắt dân tộc Assyria bí ẩn được kéo lên từ vực thẳm của quá khứ. Đây là tranh chạm khắc của họ, những công cụ nội trợ của họ, vũ khí của họ; ở đây chúng có thể được thể hiện trong sinh hoạt gia đình, khi lâm chiến, lúc đi săn.

            Tuy nhiên, những tượng điêu khắc, mà trong nhiều trường hợp đã được chế tạo bằng thạch cao tuyết hoa dễ vỡ, liền tan vỡ dưới mặt trời sa mạc gay gắt sau khi được lấy ra từ lớp bảo vệ của đất và gạch vỡ vụn. Chính phủ Pháp liền phái Eugene Napoleon Flandin đến để hỗ trợ Botta, và ông lập tức đi ngay đến Trung Đông. Flandin là một chuyên viên phác thảo tiếng tăm, đã từng đi theo đoàn khảo cổ khám phá các thực địa ở Ba Tư, và sau đó đã viết nhiều cuốn sách nói về những trải nghiệm của mình, trong đó chứa những bức vẽ tuyệt đẹp về các điêu khắc cổ đại. Flandin đối với Botta cũng như Vivant Denon đối với ủy ban Ai Cập của Napoleon. Nhưng trong khi Denon đã vẽ những kiến trúc bền bĩ, thì Flandin phải ghi lại nhanh chóng những đồ tạo tác đang tan rã dưới mắt mình.

            Botta thành công trong việc tải đi một loạt những tượng điêu khắc trên những chuyến bè. Nhưng sông Tigris, ở đây tại khúc thượng nguồn, dòng sông rộng chảy xiết dữ dội. Các chiếc bè quay tít như con vụ. Chúng lật qua một bên, và bao nhiêu ông thần đá và vua đá của Assyria, vừa mới phục sinh được từ vùng quên lãng, lại thêm một lần chìm mất dạng.

            Botta không nản chí. Ông lại tải chuyến khác xuôi dòng, và lần này hết sức thận trọng có thể được, và chuyến đi này thành công. Tại cửa sông những sản phẩm quý báu của điêu khắc được tải lên tàu viễn dương, và đúng thời hạn những tranh chạm nổi đầu tiên của Assyria đến được bờ biển Âu châu. Một ít tháng sau chúng được triển lãm tại Viện Bảo tàng Louvre.

            Sau Botta một ủy ban gồm 9 nhà khảo cổ cuối cùng đến tiếp tục công việc của ông. Một ủy viên của đoàn là Burnouf, không lâu sẽ là một trong những nhà khảo cổ Pháp quan trọng nhất – một phần tư thế kỳ sau ông trở thành “người bạn uyên bác” thường được nhắc tới của Heinrich Schliemann. Một người khác là một chàng trai Anh có tên Austen Layard, mà tiếng tăm sau này của ông còn vượt xa hơn Botta.

            Nhưng Botta không hề bị quên lãng. Ông là người mở đường vào Assyria, như Belzoni đối với Ai Cập. Như Belzoni, ông là “người đào bới” điên cuồng, một người săn tìm quyết đoán những chiến lợi phẩm cho Louvre. Vai trò của “nhà sưu tập” ở Nineveh, tương ứng với vai trò của Mariette ở Cairo, được chu toàn bởi một lãnh sự Pháp khác, Victor Place. Ghi chép của Botta về Nineveh: Monuments de Nineve découvertes et décrits par Botta, mesurés et dessinés par Flandin [tiếng Pháp, có nghĩa, Các tượng đài ở Nineve được phát hiện và mô tả bởi Botta, đo đạc và vẽ bởi Flandin], được kể là một trong những tác phẩm khảo cổ cổ điển. Hai tập đầu tiên trong năm tập của nó chứa những hình vẽ các tượng điêu khắc và kiến trúc, tập ba và bốn là bộ sưu tập những chữ khắc, và tập năm là phần mô tả.

45

 

  1. GROTEFEND: THẦY GIÁO GIẢI MÃ CHỮ HÌNH NÊM

 

Lịch sử của khoa học cho thấy sự khám phá và ứng dụng thực tế thường cách xa nhau về thời gian. Khi Botta sưu tập, ngoài những tượng điêu khắc, những viên gạch có khắc thứ chữ hình nêm kỳ lạ và sao chép chúng gởi về Paris – bản thân ông không biết đọc chúng thế nào – rải rác khắp Âu châu và vùng Cận Đông có nhiều nhà học giả đã biết được chìa khóa mở ra chữ viết.

            Mặc dù nghe có vẻ khó tin, nhiều năm liền những chuyên gia ngôn ngữ phương Đông này đến một mức độ nào đó đã hiểu được chữ viết của một dân tộc mà sự tồn tại thực sự của họ, trước khi Botta rút ra được chứng cứ về nó, đã chỉ là thuần túy một vấn đề ức đoán. Đúng ra, tại thời điểm mà các tác phẩm của Botta được xuất bản, chữ hình nêm đã được biết đến chính xác 47 năm rồi. Điều ngăn cản sự tiến bộ của việc giải mã là sự thiếu thốn những bảng khắc mới, khác, rõ hơn, và nhiều hơn những bảng mà các học giả đã nhìn thấy từ trước đến giờ. Thông tin thiết yếu đòi hỏi để có thể giải mã được hệ thống chữ viết hình nêm đã thụ đắc được rất lâu trước khi cung điện của Sargon, hoặc của Nineveh được biết tới – địa điểm mà Layard sắp sửa khám phá – vượt quá những gì được kể trong Kinh Thánh. Nhưng sau đóng góp tiên phong của Botta, và không lâu sau đó được mở rộng và làm giàu thêm bởi những phát hiện của Layard gan lì – tự ông đu mình xuống vách của một triền núi bằng dây kéo và ròng rọc để sao chép chữ khắc – chất liệu về Mesopotamia được tích lũy trong một vụ lụt. Các kết quả khai quật tăng lên đáng kể, và những tiến bộ nhanh chóng trong lãnh vực ngôn ngữ học đối chiếu đạt được đã giúp cải thiện lớn lao nghệ thuật giải mã. Trong quá trình của chỉ trong vòng một thập kỷ khối lượng thông tin đa dạng về lịch sử các dân tộc cổ đại của Trung Đông đã khoác một hình thể xác định đến nỗi vào những thập niên 1850 các nhà khảo cổ có thể gắn kết thông tin mới vào lược đồ tổng quát nhanh bằng mức độ nó phát triển.

            Tuy nhiên, người đầu tiên đi một bước quyết định trong hướng giải mã cách viết chữ tượng hình không bị thôi thúc bởi sự tò mò học thuật, cũng như bởi động lực khoa học. Ông ta là một người Đức, vào năm 1802, một thành niên trẻ 27 tuổi giữ công việc phụ giảng trong các trường học ở Gottingen.

Ông thầy giáo này giải mã được mười chữ cái đầu tiên của chữ viết hình nêm đơn giản để thắng trong một vụ cá độ.

Kiến thức về sự tồn tại của chữ hình nêm đi ngược trở lại đến thế kỷ 17, khi nhà du hành Ý Pietro della Valle mang viên gạch đầu tiên có in chữ hình nêm về Âu châu. Trong quyển Văn Kiện Triết Lý vào năm 1693 Aston in hai hàng chữ hình nêm được sao chép bởi một ông Flower nào đó, một đặc vụ ở Ba Tư của Công Ty Đông Ấn. Báo cáo thực sự hứng thú đầu tiên về Mesopotamia – nó đề cập đến đất đai và con người cũng như những chữ khắc và tượng đài – là từ Karsten Niebuhr. Ông phục vụ dưới trướng của Frederic V của Đan Mạch, từ 1760 đến 1767 du lịch qua vùng Cận Đông đồng hành với các học giả khác. Trong khoảng thời gian một năm tất cả thành viên của đoàn du khảo đều qua đời chỉ trừ Niebuhr. Không mất tinh thần, Niebuhr tiếp tục tự mình thám hiểm, và trở lại an lành. Quyển sách Mô Tả các Chuyến Đi ở Ả Rập và các Vùng Phụ Cận  của ông được Napoleon mang theo bên mình trong chuyến viễn chinh Ai Cập.

            Những bản sao chép chữ hình nêm đầu tiên quanh co đến được Âu châu phần lớn được lấy từ một bãi phế tích cách Shirax bảy dặm về hướng đông bắc. Niebuhr nhận diện chính xác đống xà bần khổng lồ này là tàn tích của Persepolis cổ đại. Các tàn tích ở Persepolis thuộc về một nền văn hóa trẻ hơn nền văn hóa do Botta phát hiện vào thập niên 1840, và phần lớn gồm những tàn tích dinh thự các vua Ba Tư Darius và Xerxes, một cung điện rộng lớn do Alexander Đại Đế phá hủy, “trong một lúc quá chén khiến ông không kiềm chế được trí khôn,” như Diodorus nói. Và Clitarchos, cũng nói về bữa yến tiệc đó, nói rằng đó là vì nữ vũ công Athens tên Thais, trong một vũ điệu điên cuồng, đã giật phắt cây đuốc đang cháy và ném nó về phía hàng cột gỗ của cung điện, và rồi Alexander và các bạn đồng hành của ông, lúc đó tất cả đều đang quá chén, bắt chước làm theo. Droysen, trong cuốn lịch sử Hi Lạp của ông, cho rằng câu chuyện này là ‘một giai thoại thêu dệt tài tình, nhưng đánh mất đi sự thật lịch sử.” Các ông hoàng trung cổ Hồi giáo vẫn còn chiếm chỗ trong cung điện vào thời hoàng kim của họ, nhưng khi họ tạ thế các lâu đài xuống cấp và hoàn toàn thành gạch vụn, và địa điểm trở thành khu ăn cỏ của trừu. Những nhà du hành thời xưa viếng thăm phế tích mang về bất cứ thứ gì họ muốn. Hiếm có một bảo tàng nào trên thế giới mà không có những mảnh chạm nổi được trưng bày. Flandin và Coste đã vẽ những tàn tích. Andreas và Stolze chụp ảnh chúng vào năm 1882. Như đấu trường Colosseum ở La Mã, cung điện Darius được sử dụng như một mỏ đá cho những người xây dựng đời sau. Trong suốt thế kỷ cuối cùng mỗi thời đại lại chứng kiến thêm sự hủy hoại tệ hại hơn của phế tích. Từ 1931 đến 1934 một chuyến du khảo do Viện Đông Phương của Đại Học Chicago tổ chức, do Ernst Herzfeld dẫn đầu, tiến hành nghiên cứu có phương pháp lần đầu tiên tại Persepolis và, trong lúc ở đó, đưa ra những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa những di vật còn lại thất thoát.

            Trong vùng Mesopotamia này các nền văn hóa chồng chất lên không giống nơi nào trên thế giới. Sau đây là một chuỗi sự kiện hoàn toàn hiểu được và chỉ nhằm minh họa điều này có nghĩa là gì. Chuyện thế này, một người Ả Rập mang về một số bảng đất sét chi chít những chữ hình nêm cho một nhà khảo cổ tại trụ sở của ông ta ở Baghdad. Trên một bảng đất sét, có lẽ được tìm được trong vùng Behistun, ghi lại một bài diễn văn của Darius, Vua nước Ba Tư.

            Nhà khảo cổ, có trong tay sử ký của Herodotus, kiểm tra những niên đại của Darius và thấy rằng nhà vua ở vào đỉnh cao quyền lực vào khỏang 500 trước C. N., vào thời gian đó ông vừa xây xong thủ phủ của một vương quốc hùng mạnh. Bằng cách khảo sát những bảng khác nhà khảo cổ tìm thấy những gợi ý đưa tới những triều đại kế tiếp, tới những cuộc chiến, sự tàn phá, và những chiến công chết người. Trong quá trình tìm kiếm ông ta có thể bắt gặp một chỉ dẫn đưa ông đến Hammurabi, qua đó ông tiếp xúc với một vương quốc mênh mông khác, lên đến cực thịnh khoảng 1700 trước C. N., hoặc ông có thể bắt gặp cái tên Sennacherib, có nghĩa là một vương quốc thứ ba, vương quốc này hưng thịnh giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 7 trước C. N. Và để đi quanh chu kỳ nhà khảo cổ chỉ cần theo chân người Ả Rập vào đường phố và cùng với y gia nhập một câu lạc bộ những người lắng nghe chịu ngồi xổm như trời trồng quanh một người kể truyện xưa tích cũ chuyên nghiệp, bằng những bài hát ru, một câu chuyện về vua harun al-Rashid, vị khalip tuyệt vời, đã lên đến đỉnh cao quyền lực vào khoảng 800 sau C. N., lúc này  châu đang dưới sự cai trị của Charlemagne.

            Sáu nền văn hóa vĩ đại, thống trị rộng khắp đã nảy nở trong vùng Mesopotamia trong miền giữa Damascus và Shiraz ngày nay, mỗi nền văn hóa để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong thế giới cổ đại. Những nền văn hóa này, tất cả đều dồn nén trong một không gian chật hẹp, cài vào nhau, tô điểm lẫn nhau, vậy mà về cốt lõi là độc lập nhau, cùng nhau trải dài qua thời gian 5 ngàn năm. Năm ngàn năm của lịch sử con người, khi thì đầy những sự kiện khủng khiếp, lúc thì thăng hoa, đã tuôn chảy trên vùng đất giữa hai sông. So sánh với những phức tạp đón chào nhà khảo cổ tại Mesopotamia, thành Troy chín lớp của Schliemann chỉ là một bài toán của người tập sự. Vì trong chín lớp của Troy chỉ có một lớp là có tầm quan trọng thực sự về mặt lịch sử, những lớp còn lại không mấy thú vị. Còn về các lớp văn hóa có tầm quan trọng không lớn ở Mesopotamia, chúng nhiều không đếm được. Một thành phố trong thời kỳ Akkadian, có niên đại đến 3,000 trước C.N., cho thấy có đến năm lớp tàn tích khác nhau, và ở thời điểm này thậm chí Babylon chưa ra đời.

6

Văn bản chữ khắc hình nêm trên một cuộn hình ống. Ở hàng thứ 13 nhà vua tuyên bố thành lập đền thờ: “Thậm chí ở thời điểm này trẫm đã có Emach, đền thờ của Nữ thần Ninmah ở Baqbil, được xây dựng mới.” Bốn hàng cuối cùng là lời cảnh báo cho những tên phá hoại tiềm năng: “Kẻ nào với chủ tâm đầy ác ý phá hoại, bôi xóa, hoặc di chuyển khỏi nơi này sự chứng thực được ấn ký của ta, kẻ đó phải bị tố cáo bởi Ninmaqh trước Bel, Sarrateia, tên tuổi của kẻ đó, hạt giống của kẻ đó trong đất đai, sẽ bị tiêu diệt.”

Hiển nhiên là trong khoảng thời gian quá dài như thế, lời nói và chữ viết, như bao điều khác, phải trải qua những biến đổi khôn lường. Và thậm chí giữa những loại chữ viết hình nêm khác nhau có sự khác biệt lớn hơn giữa các chữ tượng hình thuộc các thời kỳ khác nhau ở Ai Cập, hoặc giữa chữ hieratic và chữ demotic. Những mẫu mà Botta gởi về Paris nom hoàn toàn khác với những mẫu mà Niebuhr mang về nhà từ Persepolis. Tuy nhiên, chuyện xảy ra là những bảng Persepolis, xưa 2, 500 năm, cho ta chìa khóa để giải những dạng chữ viết khác nhau ra đời từ các phế tích của Thung lũng Euphrates và Tigris. (Những ấn bản đầu tiên về việc giải mã chữ hình nêm tất cả đều chỉ liên quan đến dạng chữ Persepolis, không phải là dạng được sử dụng ở Assyria hay Babylonia.)

 

Việc giải mã được chữ hình nêm là công trình thực sự của một thiên tài. Đó là một trong những thành tựu bậc thầy của bộ óc con người, và xếp ngang hàng với những phát minh khoa học vĩ đại nhất.

            Georg Friedrich Grotefend sinh ngày 9/6/1775, tại Munden ở Đức. Ông theo học tại Paedagogium, đầu tiên tại thị trấn quê nhà, sau đó tại Ilefeld, và tiếp theo học ngôn ngữ học ở Gottingen. Năm 1797 ông được làn phụ tá giảng dạy một trường thị xã ở Gottingen, và vào năm 1803 trở thành phụ tá hiệu trưởng, và sau đó hiệu phó, của trường trung học Frankfurt am Main. Năm 1817 ông sáng lập một hội học thuật chuyên nghiên cứu về ngôn ngữ Đức, và vào năm 1821 ông trở thành giám đốc Lyceum ở Hannover. Năm 1849 ông về hưu theo kỳ hạn và vào 15/12/1853 ông qua đời.

            Tuy nhiên, ở tuổi 27, người đàn ông này, vốn có cuộc sống không dính dáng chút xíu nào với sự lông bông và hoang phí, lại ôm ấp một tin tưởng mơ hồ là mình có thể tìm được chìa khóa giải mã được chữ hình nêm. Ý tưởng này đến với ông khi ông được các bạn dẫn ra quán đãi một chầu rượu, vì đã nhận lời thách đố và giải được một số chữ hình nêm. Dữ liệu duy nhất ông có là một số bản sao lu mờ của các chữ khắc thuộc Persepolis. Với lòng háo thắng của tuổi trẻ ông tấn công vào trung tâm của câu đố và thành công giải được bài toán mà những học giả giỏi nhất thời đó đã tuyên bố chịu thua. Vào năm 1802 ông trình bày kết quả khảo sát đầu tiên của mình lên Viện Khoa Học ở Gottingen. Giữa hàng đống những bài viết của ông về ngôn ngữ học sau này, tất cả đều từ lâu chìm vào quên lãng, chỉ trừ cuốn Những Đóng Góp Dẫn Giải về Chữ Viết Hình Nêm của Persepolis nổi trội như một ngọn tháp, vượt thời gian.

            Những gì Grotefend tìm thấy trong nghiên cứu của mình là sau đây:

            Những chữ khắc Persepolis rất đa dạng về tính cách. Trên một số bảng có ba loại chữ khác nhau, viết cạnh nhau trên ba cột riêng biệt. Grotefend, nhà nhân văn, hoàn toàn quen thuộc với lịch sử của nhà cai trị Ba Tư cổ đại ở Persepolis, qua các tác giả Hi Lạp. Ông được biết là Cyrus đã tiêu diệt người Babylonia khoảng năm 540 trước C. N., đóng dấu chấm hết nền văn minh Babylonia và dọn dẹp sân khấu cho vương quốc Ba Tư vĩ đại đầu tiên. Từ sự kiện này Grotefend tin rằng có thể rút ra kết luận là ít nhất một trong các chữ viết trên bảng biểu thị ngôn ngữ của người chinh phục. Theo ý kiến của Grotefend, rất chắc chắn là cột giữ – vì theo tập quán thông thường, những gí quan trọng đều đặt ở cột giữa – là chữ viết Ba Tư cổ. Hơn nữa, một nhóm ký hiệu và một ký hiệu đơn lẻ khác xuất hiện lại rất thường, và theo Grotefend  cho rằng nhóm ký hiệu chỉ từ vua; và ký hiệu đơn lẻ – một dấu hình nêm nghiêng lên trên từ trái qua phải – ông tin là ký hiệu phân chia từ. Những kết luận này được củng cố bởi những phát hiện tương tự trong các bảng khắc khác.

7.png

Đây là khởi đầu của Grotefend, có thể coi là một cái nắm bắt nhẹ vào vấn đề. Cho đến giờ thậm chí ông chưa biết gì về hướng đọc các chữ trong bảng, hoặc từ phải sang trái, trái sang phải, hoặc từ trên xuống dưới, dưới lên trên. Tuy nhiên, ông đủ trẻ để không bị dẫn đi lạc đường bằng những nhận định bên lề và tiếp tục dấn sâu đến nguồn gốc của vấn đề. Champollion không đối diện với một vấn đề quá phức tạp như thế khi ông giải mã chữ tượng hình hai mươi năm trước, vì ông có khối Đá Rosetta.

            Grotefend trước tiên đưa ra giả thuyết là các chữ hình nêm thực sự là một dạng chữ viết chứ không chỉ là một ký tự trang trí. Rồi ông lý luận rằng, dựa vào chứng cứ vắng mặt hoàn toàn những đường cong, những ký tự này không hề để “viết”, mà đúng hơn là để đóng dấu trên một bề mặt nào đó bền chắc, như đất sét chẳng hạn. Ngày nay chúng ta biết rằng cách ghi chép ngôn ngữ này, mặc dù tốn nhiều công sức, nhưng thực ra cũng đủ để điều hành  một hệ thống phức hợp những bang giao chính trị và kinh tế ở Mesopotamia và Ba Tư cổ đại cho đến thời của Alexander Đại Đế. Ngày nay một người thư ký dùng giấy than để đánh máy tạo ra bản sao của hợp đồng giao dịch làm ăn, trong khi đó các thư lại Ba Tư cổ đóng ấn thông điệp trên những bảng đất sét mềm, giữ một bản sao và gởi những bản khác đi. Những bảng đất sét mới làm được nhanh chóng cho vào lò nung để sấy khô.

            Sau đó Grotefend chứng tỏ rằng thường thì các chữ hình nêm được sắp xếp sao cho mũi nhọn của hình nêm hoặc hướng xuống hoặc hướng sang phải. các góc tạo bởi sự gặp nhau giữa hai nêm lúc nào cũng mở ra về phía phải. Manh mối rõ ràng đơn giản này cho ông một ý tưởng về cách thức đọc những chữ khắc. “Phải giữ chúng,” ông viết, “theo cách thức sao cho mũi của hình nêm thẳng đứng quay xuống, và của hình nêm nghiêng quay sang phải, và khe hỡ của các góc cũng hướng sang phải. Nếu làm như thế, ta sẽ thấy rằng không có chữ viết hình nêm nào được viết theo hướng thẳng đứng, nhưng luôn theo hướng nằm ngang, và hơn nữa, các hình người ở bên lề trên các con dấu niêm hoặc trụ lăn không liên can gì đến hướng của chữ viết.” Đồng thời ông kết luận rằng chữ viết được đọc từ trái sang phải, mà không ai trừ người  châu cho là tự nhiên.  

            Tuy nhiên, tất cả những điều này không liên hệ gì nhiều đối với hoạt động thực sự của việc giải mã, tức là tìm ra ý nghĩa của một tài liệu. Bước quyết định vẫn còn nằm phía trước. Chính tại điểm ngoặc này mà Grotefend chứng tỏ được mình là thiên tài. Ngoài những năng lực khác, thiên tài còn phải sở hữu năng lực biến sự phức tạp thành đơn giản, và nhận ra được những nguyên tắc kết cấu toàn bộ. Niềm cảm hứng của Grotefend đơn giản một cách đáng kinh ngạc.

            Ông tự nói với mình, ta có thể giả định là vài kiểu cách trong lối viết tìm thấy trên các đài tưởng niệm – như những mẫu chữ hình nêm ông sử dụng  – hẳn phải giữ nguyên không thay đổi trong một thời kỳ dài. Cụm từ “ Yên nghỉ” được khắc trên bia mộ trong nguyên quán ông cũng đã được sử dụng bởi ông nội của ông và ông cố của ông, và không nghi ngờ gì cũng sẽ được con cháu ông sử dụng và con cháu của con cháu ông. Do đó, bộ không có lý khi giả sử một vài từ giới thiệu hay chào đón hoặc những cụm từ có nghĩa đã được biết trên các đài tưởng niệm Ba Tư Mới cũng có thể được tìm thấy trên Ba Tư Cũ hay sao? Chẳng hạn, bộ không có lý khi các chữ khắc Persepolitan phải bắt đầu bằng cụm từ quen thuộc:

X, vị Vua vĩ đại, Vua của các Vua, Vua của A và B, Con trai của Y, Vua vĩ đại, Vua của các Vua ?

. . . hay sao? Nói cách khác, bộ không chắc là thể thức về triều đại phải là như nhau trong cả ba cột của bảng hay sao? Đề xuất này là một ngoại suy khôn ngoan của giả định cơ bản là một trong những nhóm hình nêm thường lặp đi lặp lại là nhóm chỉ từ vua. Giờ đây, từ đề xuất này những hệ quả tất yếu có thể được rút ra hợp lý: Nếu thể thức có thể áp dụng, từ đầu tiên phải là tên vua. Sau đó tiếp theo là một hình nêm nghiêng, tách nó với từ tiếp theo. Hai từ sau sẽ đến, một từ phải có nghĩa là vua. Và từ quyết định này, vua, có thể được nhận diện nhờ tần số lặp lại của nó.

            Đây chỉ là phác họa sơ sài cách lập luận phức tạp của Grotefend, nhưng không cần nhiều tưởng tượng mới có thể biết được nỗi hân hoan mà chàng Grotefend trẻ tuổi, người giáo viên phụ tá, cảm nhận được khi cuối cùng ông khám phá được tại Gottingen yên ắng, cách xa quê hương chữ hình nêm hàng ngàn dặm trong không gian và ba ngàn năm trong thời gian, rằng giả thuyết của ông là chính xác.            

            Nhận diện được từ vua cho phép ông xác định được ngữ âm của các chữ cái. Sau đó là tên các vì vua. Dựa vào nguồn gốc của các bia khắc ở những đài tưởng niệm do các vua Ba Tư dựng lên, đối chiếu với lịch sử Ba Tư, Grotefend giải đoán được các chữ hình nêm ứng với các tên mà ông đã biết, nhờ đó ông tìm ra ngữ âm của các chữ cái khác. Bên dưới là các mẫu tự hình nêm (hàng đầu) và cách đọc mà Grotefend khám phá (hàng giữa), cùng với cách đọc hiện đại được cải tiến (hàng cuối). 

8.png

Bước đầu đã được thực hiện.

            Những cải tiến tiếp tục sau đó, nhưng phải mất hơn 30 năm nữa mới có thể thực hiện một bước tiến có ý nghĩa cho khoa học giải mã chữ hình nêm. Thành quả đó thuộc về người Pháp Emile Burnouf, và người Đức Christian Lassen, những nghiên cứu của họ được hoàn tất vào 1836.

            Tên tuổi Champollion, người giải mã chữ tượng hình, được biết đến rộng rãi, vậy mà, thật nghịch lí, hình như ít ai nghe nói về Grotefend.  Học thuyết của ông không hề được dạy trong lớp, và nhiều bách khoa toàn thư hiện đại hoặc không hề biết đến ông hoặc chỉ nhắc ông với vài dòng ngắn ngủi trong thư mục. Dù sao đi nữa ông, và chỉ mình ông, phải được vinh danh ưu tiên trong công lao giải thích lịch sử của công cuộc khai quật Mesopotamia.

            Tôi nói ưu tiên vì một người Anh, làm việc độc lập, cũng thành công trong việc giải được bài toán về chữ hình nêm. Những khám phá độc lập này là điển hình của việc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên đóng góp của người Anh cho ngành Assyria học chỉ xuất hiện vào năm 1846, ít lâu sau khi giải đoán của Grotefend được duyệt lại và cải tiến bởi Burnouf và Lassen.

            Dù thế người Anh phải được vinh danh vì vượt xa những người đi trước. Ông thành công trong việc mang chữ viết hình nêm ra khỏi lãnh vực nghiên cứu chuyên môn để đến với các giảng đường đại học, trong việc phát triển những phương pháp giải mã đến một mức độ mà ngôn ngữ gốc có thể được dạy như bất cứ ngôn ngữ nào khác. Chính ông là người đã tạo ra công cụ nhờ đó có thể xử lý một khối lượng dữ liệu văn tự đã chồng chất suốt thế kỷ 19. (Có một trường hợp nguyên một thư viện bảng đất sét được phát hiện. Nhưng đó là một câu chuyện sẽ kể sau.) Để có thể hình dung về mức độ phong phú của dữ liệu nằm ẩn giấu trong khu vực Mesopotamia, quá nhiều bảng chữ hình nêm được thu gom trong chuyến du khảo Mỹ của Volrath ở Nippur giữa 1888 và 1900 đến nổi công việc giải mã chúng và xuất bản các kết quả thậm chí đến ngày nay [tức năm tác giả viết tác phẩm này] vẫn chưa hoàn tất.

910

 

  1. RAWLINSON: TỰ ĐIỂN BẰNG ĐẤT SÉT CỦA NEBUCHADNEZZAR

 

Năm 1837 Thiếu tá Henry Creswicke Rawlinson, khi đó đang công tác trong Bộ Chiến Tranh Ba Tư, được hạ xuống, bằng dây neo và ròng rọc, bề mặt một triền đá cao gần Behistun. Mục đích của ông là sao chép một số chữ khắc đẽo trong đá. Ông là nhà ngoại giao thứ hai kết hợp ngành Assyria học với mối quan tâm trần tục và chính trị chuyên nghiệp.

            Sự nghiệp của Rawlinson có tính phiêu lưu trong khi của Grotefend thì có tính qui ước. Hạt mầm đam mê của ông về Ba Tư Cổ được gieo trong một dịp quen biết tình cờ. Lúc 17 tuổi, Rawlinson là một tân binh trên con tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ. Để bớt tẻ nhạt trong chuyến hành trình nhiều tháng trời, ông biên tập và in một tờ báo trên tàu. Một người hành khách, Sir John Malcolm, Thống đốc Bombay và người Đông phương nổi tiếng, ấn tượng trước nhà biên tập 17 tuổi mới bảnh mắt. Ông lân la trò chuyện với chàng trai, và tự nhiên anh bị thu hút trước mối quan tâm chính yếu của Sir Malcomlm. Thống đốc Bombay là một sinh viên đầy nhiệt huyết của lịch sử Ba Tư, ngôn ngữ, và văn học. Những cuộc trao đổi này đương nhiên ảnh hưởng đến hứng thú bên lề của Rawlinson cho đến cuối đời.

            Sinh năm 1810, Rawlinson bước vào quân ngũ cho Công ty Đông Ấn vào năm 1826, và vào năm 1833 là thiếu tá đương nhiệm ở Ba Tư. Năm 1839 chứng kiến việc ông được tuyển vào làm đặc vụ chính trị ở Kandahar, Afghanistan. Khoảng năm 1843 ông đã trở thành lãnh sự Anh tại Baghdad, và năm 1851 tổng lãnh sự với lon Trung tá. Năm 1856 ông trở về Anh, được bầu vào Nghị viện, và cũng trong năm đó được chỉ định vào ban quản trị Công ty Đông Ấn. Vào năm 1859 ông trở thành Công sứ Anh tại triều đình Ba Tư ở Teheran. Từ 1865 đến 1868 một lần nữa ông là thành viên của Nghị viện.

            Khi ông bắt đầu nghiên cứu chữ viết hình nêm ông sử dụng cùng những bảng mà Burnouf đã làm việc. Một việc đáng kinh ngạc giờ đây xảy ra. Hoàn toàn không hay biết về những đóng góp của Grotefend, Burnouf, và Lassen, ông giải mã, bằng một phương pháp rất giống với phương pháp của Grotedend, tên của ba vị vua Ba Tư trong tiếng Anh là darayawaush (darius), Khshayarsha, và Vishtaspa. Hơn nữa ông giải âm bốn tên khác nữa, và một số từ nữa, mặc dù ông không chắc về chữ cuối cùng. Vào năm 1836 khi ông khám phá ra bài viết của Grotefend, sự đối chiếu cho thấy trong nhiều phương diện có ý nghĩa ông đã làm tốt hơn thầy giáo ở Gottingen. Giờ đây ông cần nhiều bảng chữ hơn, với tên và nhiều tên hơn nữa.

            Từ lúc nào không biết một ngọn núi dốc, hai đỉnh, cheo leo đã chế ngự vùng đất Bagistana, “khung cảnh của các thần linh,” và con đường cổ đại, chạy qua chân núi, từ Hamadan đến Babylon qua lối Kheemansha. Ở đây, khoảng 2,500 năm cách đây, Darius, Vua của dân Ba Tư – Darayawaush, Dorejawosch, Dara, Darab, Dareios là những tên biến thể của ông trong những ngôn ngữ khác nhau – cho người chạm nổi và khắc chữ lên vách đá để tôn vinh cá nhân ông, những kỳ công, và những chiến tích. Đài tưởng niệm này cách nền thung lũng khoảng 160 bộ (khoảng 50 mét).

            Trên một thanh xà đá những hình người lớn được chạm nổi bật mạnh mẽ trên vách đá. Ở đây, trong ánh sáng lấp lánh, Darius Đại Đế được thể hiện dựa người trên cánh cung, bàn chân phải đè lên thân hình phủ phục của Gaumata, tên pháp sư đã kích động vương quốc làm phản. Đứng sau là hai nhà quí tộc, với cung, bao đựng tên, và lao. Trước mặt ông, chân họ bị trói, dây thừng buộc cổ, chín “tên vua dối trá” được điệu đến nằm co ro khuất phục. Ở bên cạnh và bên dưới đài tưởng niệm này là 14 cột khắc chữ, ghi chép, theo ba thứ tiếng, những công trạng của Darius. Grotefend đã nhận ra sự kiện trần trụi là có ba biến thể của chữ viết hình nêm tại Behistun, nhưng tất nhiên thiếu phương tiện nhận diện ra chúng là Ba Tư Cổ, Elamite, và Babylonia. Trong số những ghi chép mà Darius cho lệnh khắc đẽo trên mặt đá cứng để khai sáng cho hậu thế có một thông báo như sau:

           

            Vua Darayawaush ra bố cáo như sau:

            Kẻ nào trong những ngày sắp tới

            Trông thấy bảng khắc này theo lệnh

            Được viết bằng búa trên vách đá

            Kẻ nào trông thấy những gương mặt người ở đây –

            Không được xóa, phá thứ gì.

            Chừng nào bạn cùng con cháu còn sống,

            Hãy giữ gìn chúng không bị ai quấy rối.

                                (Xem hình dưới)     

11.png

Trong lúc này những học giả không xao nhãng. Đặc biệt Oppert người Đức và Hincks người Anh đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Ngôn ngữ học đối chiếu đã chứng tỏ đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng kiến thức càng lúc càng chính xác về Zend và Sanskrit – đúng ra, về toàn bộ họ ngôn ngữ Ấn-Âu – để làm rõ cấu trúc văn phạm của Ba Tư Cổ. Bằng một nỗ lực hợp tác có tầm vóc quốc tế, 60 chữ cái của chữ viết hình nêm Ba Tư Cổ dần dần được nhận diện.

            Tuy nhiên, lúc này Rawlinson và những người khác đã tiến bộ trong việc nghiên cứu bảng chữ Behistun, cung cấp một phạm vi rộng lớn hơn những dữ liệu đã có được từ trước đến giờ. Sự phát hiện của Rawlinson hình như giáng một đòn mạnh mẽ vào hi vọng giải mã được toàn bộ các ngôn ngữ cổ của vùng Trung Đông, đặc biệt các mẫu chữ khắc do Botta sưu tập.

Như chúng ta còn nhớ, bảng chữ Persepolis và Behistun được viết bằng ba ngôn ngữ khác nhau. Grotefend đã bẫy được ý nghĩa nào đó tại một mức độ ít chống đối nhất, tại đó những từ hình nêm sát cận về thời gian với những từ tương ứng trong ngôn ngữ đã biết. Phần dễ tổn thương nhất của bảng chữ, mà Grotefend đã tập trung trên đó, là cột giữa. Thậm chí trước thời Grotefend loại chữ hình nêm tìm thấy ở cột giữa đã được chỉ định là Lớp I.

            Hầu hết vấn đề trong chữ viết ở Lớp I đã được giải quyết, các nhà giải mã quay ra hai loại khác. Vinh danh cho công trình đặt nền móng cho phương pháp giải mã chữ hình nêm thuộc Lớp II thuộc về Niels Westergaard, người Đan Mạch, mà những kết quả của ông đầu tiên được xuất bản ở Copenhague nằm 1854. Và vinh dự cho công trình giải mã Lớp III phải được chia cho hai người là Oooert và Rawlinson, người sau này lúc này đang là tổng lãnh sự ở Baghdad.

            Việc phân tích lớp III nhanh chóng tiết lộ một khám phá gây bối rối. Lớp I là loại chữ viết mẫu tự trong đó, như theo cách viết Âu châu, mỗi kí hiệu tương đương với một âm. Ở chữ loại III thì không thế. Ở đây mỗi kí hiệu đơn lẻ có thể đại diện một âm tiết, có khi trọn một từ. Thận chí cón tệ hơn, có những trường hợp – và chúng càng lúc càng nhiều thêm – trong đó cùng một kí hiệu, hoặc từ đa âm, có khi biểu thị vài âm tiết khác nhau, hoặc thậm chí vài chữ khác nhau. Ngược lại, vài kí hiệu, hoặc từ đồng âm, có thể được dùng để biểu diễn cùng một chữ. Kết quả rõ ràng là khả năng hoán đổi ý nghĩa là qui luật của chữ viết Lớp III. Sự lẫn lộn hoàn toàn ngự trị.

            Mới đầu không ai biết làm cách gì để vạch một con đường qua đám cỏ rậm đa nghĩa này. Và khi những phát hiện làm vỡ mộng này được xuất bản – nhất là bởi Rawlinson – nổi lên một sự phấn khích trong giới học giả, và một cơn thịnh nộ trong giới nghiệp dư. Các chuyên gia, tất nhiên, không bao giờ nao núng khi luôn cho rằng chữ viết phải đến một lúc nào đó cũng có thể đọc được. Các tay nhà nghề lẫn nghiệp dư lao vào cuộc tranh luận sôi nổi.             Khoảng thời gian này, khi đối với những người thiều thông tin tình trạng rối rắm hình như đến đỉnh điểm, thì tại Kuyunjik, nơi Botta đã khai quật, gần 100 bảng chữ đất sét được tìm thấy một mạch. Những bẳng khắc này, về sau được nhận diện có niên đại khoảng giữa thế kỷ thứ 7 trước C. N., có thể đã được chủ định soạn cho các học giả hậu thế, vì chúng chứa những danh sách dài trong đó những giá trị và ý nghĩa ngữ âm của những ký tự ghi ý và của những ký tự mẫu tự.đối chiếu nhau.

            Đây là một phát hiện quan trọng cực kỳ. Các nhà giải mã giờ đây có trong tay “những cuốn tự điển” để sử dụng! Những danh sách đối chiều hiển nhiên đã giúp những người mới học viết chữ hình nêm lối hình vẽ và lối học vần thời cổ được gian lược hóa thành phiên bản mẫu tự. Dần dần toàn bộ “những cẩm nang hướng dẫn” và “các tự điển” được soạn ra từ các bảng chữ. Cuối cùng một nguyên mẫu của cuốn tự điển bách khoa được phát hiện, chứa hình ảnh các vật thể khác nhau sắp xếp thành hàng, những hình ảnh này nhất là những món được sử dụng trong các nghi thức tôn giáo và luật pháp – đều được gắn tên bằng tiếng Sumer và Semit.

            Dù khám phà này quan trọng như thế, thì vẫn còn rời rạc để có thể tạo thành một chổ bám vững chắc. Chỉ những nhà chuyên môn mới có thể đánh giá được những khó khăn, những con đường vòng và ngõ cụt phải được thám sát nhọc nhằn trước khi các nhà giải mã có thể đọc được bất kỳ chữ khắc hình nêm nào, dù phức tạp hoặc mơ hồ đến đâu.

            Dù vậy, vào năm 1857 ở London xuất hiện tác phẩm Chữ Khắc của Tiglath-Pileser, Vua Assyria, do Rawlinson, Talbot, Dr. Hincks và Oppert dịch thuật. Không thể có một chứng cứ nào thuyết phục hơn về tính chính xác khoa học của các kết quả này, cho dù phải sử dụng nhiều lối tiếp cận khác nhau trên những lộ trình đầy những chướng ngại.

            Ngành Assyria học tiếp tục phát triển nhanh chóng. Mười năm sau quyển văn phạm cơ bản đầu tiên của ngôn ngữ Assyria xuất hiện. Gần đây vô số học viên có thể đọc chữ viết hình nêm. Những bảng khắc chữ không hoàn tất hoặc không hoàn hảo đặt ra những khó khăn duy nhất, và tất nhiên những khiếm khuyết chất liệu không thể tránh khỏi sau ba ngàn năm mưa gió và nắng táp trên mặt đất sét cổ xưa.

12.png

13.png

 

  1. LAYARD: TAY NGHIỆP DƯ QUA MẶT ĐẠI THẦN

 

Vào năm 1854 Lâu Đài Pha Lê London được dời từ Hyde Pard, nơi ba năm qua đã tổ chức cuộc triển lãm thế giới, và đến Sydenham, tại đó nó được tu sửa để trở thành một bảo tàng. Nhờ đó lần đầu tiên dân chúng Tây Âu có được chút hiểu biết về khung cảnh xa hoa và lộng lẫy của những thành phố trong KinhThánh mà các nhà tiên tri thường kết án là tội lỗi và sa đọa. Hai căn phòng Syria Cổ và một mặt tiền cung điện to lớn được tái thiết tại Bảo Tàng Anh mời này. Những cuộc trưng bày cho người xem một ấn tượng choáng ngợp về một lối kiến trúc trước này chỉ biết được qua huyền thoại, Kinh Thánh, và ký sự du lịch lạ lùng viết bởi các tác giả thời cổ.

            Một phòng tiếp tân và phòng hoàng gia cũng được dựng lên. Những sư tử đầu người có cánh và những hình ảnh về Gilgamesh kẻ giết sư tử, “người anh hùng chinh phạt” và “vị chúa đất,” được đưa vào trưng bày. Các bức tường được dựng lại bằng loại đá Babylonia, có sự đa dạng về màu sắc và độ bóng, chưa từng được sử dụng trong kiến trúc ở nơi nào khác. Có những trụ ngạch mô tả bằng hình đắp nổi những cảnh chiến trận hoặc săn bắn xảy ra cách đây 27 thế kỷ vào thời của vị Vua vĩ đại Assurnasirpal (xem hình dưới).

            Người làm nên cuộc triển lãm này là Austen Henry Layard. Vào năm 1839 ông đi đến Mosul, trên bờ sông Tigris, điều kiện của ông chỉ khá hơn kẻ lang thang một chút; nhưng vào lúc mà những phát hiện của ông về văn minh Assyria được triển lãm tại Bảo tàng Anh ở Sydenham, Layard đã trở thành Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Anh quốc.

            Sự nghiệp của Layard rất giống với sự nghiệp của Botta và Rawlinson. Tất cả ba người này đều có chung máu phiêu lưu, và mê say quyền lực; những nhà khoa học có hạng, nhưng vẫn là con người thế tục; có khuynh hướng chính trị và sành sõi trong nghệ thuật sai khiến con người, vậy mà vẫn nhạy cảm trước cái đẹp.     

14.png

Tranh chạm nổi săn sư tử, môn thể thao  của bậc vua chúa ở Nineveh. Con sư tử cái bị thương ngẩng cao đầu trong tiếng gầm thét cuối cùng.

Tranh chạm nổi tại Bắc Cung, Nineveh

15

16.png

Layard là một thành viên trong một gia đình gốc Pháp nhưng định cư ở Anh. Ông sinh tại Paris vào năm 1817. Sau khi trải qua thời trai trẻ ở Ý với thân phụ, vào năm 1833 ông trở lại Anh và bắt đầu học luật. Năm 1839 chứng kiến việc ông lên đường du lịch ở phương Đông. Ông từng sống trong Đại sứ quán Anh ở Constantinople một thời gian, rồi vào năm 1845 bắt đầu khai quật ở Mesopotamia. Năm 1852 và lần nữa vào năm 1861 ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, năm 1868 ông trở thành bộ trưởng công trình công cộng, và vào năm 1869 được bổ làm đại diện chính phủ Anh tại Madrid.

            Khao khát được chiêm ngưỡng phương Đông, thăm viếng Baghdad, Damascus, và Ba Tư xa xôi, đã làm ước mơ thời trẻ của ông thêm màu sắc. Ngay ở tuổi 22 lúc đang còng lưng trên bàn viết trong một văn phòng ngột ngạt của một cố vấn pháp luật ở London, đối diện với một viễn ảnh của một kiếp sống mòn mỏi, đơn điệu và tù túng, với mục tiêu duy nhất là sự nghiệp tư pháp, Layard rũ bỏ những trói buộc và theo đuổi giấc mơ của mình.

            Sự nghiệp của Layard đúng là đối nghịch với sự nghiệp của Schliemann. Ban đầu cả hai đều ôm ấp những hoài bão tuổi trẻ. Schliemann phấn khích khi đọc Homer, còn Layard thì say mê Một Nghìn Một Đêm Lẻ. Tuy nhiên, Schliemann thoạt đầu theo đuổi con đường thành đạt về mặt vật chất, với một tinh thần kỹ luật và có phương pháp. Ông trở thành triệu phú và một người có mối quan hệ rộng khắp. Chỉ khi đó ông mới cho phép mình thực hiện giấc mơ từ lâu đè nén. Tuy nhiên, Layard thì không thể chờ đợi; ông ra đi khi chỉ là một thanh niên nghèo túng tiến vào vùng đất của truyền thuyết. Ở đó ông trải nghiệm thậm chí nhiều hơn truyền thuyết đã hứa hẹn, ở đó ông gặt hái được tiếng tăm và vinh dự, ở đó ông trèo lên nấc thang danh vọng từng bước một. Dù sao, ông có chung một thứ với nhà khảo cổ Đức vĩ đại. Như Schliemann, mà trong gác xép sát mái ở Amsterdam đã tự chuẩn bị để hoàn thành mục tiêu thôi thúc bằng cách học thêm ngoại ngữ, trong thời còn trẻ. Còn Layard tự luyện tập mọi việc mà ông cho là mình sẽ cần đến để có thể chu du tự do trong miền đất của giấc mơ mình. Mối quan tâm của ông thiên về những vấn đề thực tế ngoài phạm vi của nghề luật – cách sử dụng compa và kính lục phân, cách khảo sát địa hình, và những việc tương tự. Ông học tập những phương pháp cứu thương khẩn cấp và cách thức phòng chống bệnh nhiệt đới. Không những thế, ông còn học ít nhiều tiếng Ba Tư và những ngôn ngữ khác được nói ở Iraq và Iran.

            Năm 1839 ông rời bỏ văn phòng ở London và bắt đầu chuyến đi đầu tiên của mình vào Trung Đông. Chẳng bao lâu ông chứng tỏ một năng lực mà chỉ có một số ít đồng nghiệp của ông trong cùng lãnh vực có thể sánh bằng: ông chứng tỏ là mình không chỉ là một nhà khảo cổ lớn, nhưng còn là một tác giả có hạng, một người có thể mô tả những thành tựu của mình bằng những lời văn rực rỡ. Hãy nghe ông kể lại trải nghiệm đầu tiên của ông về Mesopotamia – một phiên bản thu ngắn của nguyên bản:

            “Trong mùa thu 1839 và mùa đông 1840, tôi đã lang thang khắp Tiểu Á và Syria, hiếm khi bỏ qua một địa điểm thiêng liêng nào của truyền thống, hoặc bỏ sót một tàn tích nào mà lịch sử đã thánh hóa. Người đồng hành với tôi cũng tò mò và nhiệt tình không kém tôi. Cả hai chúng tôi đều bất cần tiện nghi và không sợ hiểm nghèo. Chúng tôi cỡi ngựa một mình; kẻ bảo vệ duy nhất là hai cánh tay chúng tôi, một va li cột sau yên là tủ quần áo, và chúng tôi tự chăm sóc ngựa, trừ khi được miễn bổn phận nhờ tính hiếu khách của các cư dân làng Turcoman hoặc của lều trại Ả Rập. Nhờ không bị những xa hoa phù phiếm làm phiền toái, và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến và thành kiến của người khác, chúng tôi sống chan hòa cùng dân chúng. . .

            “Tôi nhìn lại với những cảm xúc hân hoan tri ân với những ngày tháng hạnh phúc đó khi, phơi phới và không âu lo, chúng tôi rời ngôi làng đạm bạc hoặc túp lều rộn rã vào lúc tờ mờ sáng, và la cà tùy thích, không biết đến đường dài và giờ giấc, rồi khi mặt trời xuống thấp bổng thấy mình ở bên dưới một phế tích được người Ả Rập lang thang tạm trú, hoặc không một ngôi làng lụp xụp nào đó còn mang một cái tên nổi tiếng.

            “. . . Giờ tôi cảm thấy một khao khát không cưỡng được là muốn đi sâu vào những miền đất bên kia sông Euphrates, đến những nơi mà lịch sử và truyền thống đã chỉ ra là vùng đất khai sinh minh triết của phương Tây. Phần đông người du lịch, sau một chuyến đi qua những miền đất thường được lui tới của phương Đông, đều có cùng ao ước là vượt con sông lớn, và khám phá những vùng đất được tách biệt trên bản đồ khỏi những phạm vi của Syria bằng một dải đất trơ trụi mênh mông qua Assyria, Babylonia, và Chaldea. Liên kết với những tên này là những quốc gia và thành phố rộng lớn đã chìm trong tăm tối của lịch sử; những phế tích to lớn, trong lòng sa mạc, thách thức, bằng ngay chính vẻ hoang vu và hình thể bất định của chúng, việc mô tả của nhà du hành; những tàn tích của những giống nòi hùng mạnh vẫn còn giong ruổi trên mặt đất; những lời tiên tri đã ứng nghiệm và đang được ứng nghiệm; những bình nguyên mà người Do Thái lẫn Gentile đều coi như cái nôi của dòng giống mình.

            “Tôi rời Aleppo, với người bạn đồng hành, vào ngày 18 tháng 3. Chúng tôi còn đi đây đó như thói quen; mà không cần người hướng dẫn hoặc tôi tớ. Con đường băng qua sa mạc thì lúc nào cũng khó vượt qua được, trừ ra đối với đoàn lữ hành trang bị tốt, và không có điểm nào hứng thú. . . Chúng tôi tiến vào Mosul vào ngày 10/4. Trong lúc dừng chân ngắn ngủi trong thị trấn này chúng tôi ghé thăm những phế tích lừng danh trên bờ đông của con sông, từng được tin là tàn tích của Nineveh. Chúng tôi cũng lên ngựa đi vào sa mạc, và khám phá mô gò Kalah Shergat, một phế tích lớn trên bờ Tigris, vào

khoảng 50 dặm bên dưới chỗ giao lưu với sông Zab. Khi đến đó chúng tôi nghỉ qua đêm tại một ngôi làng Ả Rập nhỏ Hammum Ali, chung quanh đó là những vết tích của một thành phố cổ. Từ đỉnh của một mô đất nhân tạo chúng tôi nhìn xuống một đồng bằng rộng lớn, ngăn cách với chúng tôi bởi con sông. Một hàng các mô gò cao ngất bao chận nó về phía đông, và một hình thể kim tự tháp nhô cao hơn tất cả. Ở xa là dòng sông Zab vẽ một đường mờ nhạt. Vị trí của nó khiến nó được nhận diện dễ dàng. Đây là kim tự tháp mà Xenophon từng mô tà, và gần đó là 10,000 quân đã cắm trại: những phế tích quanh đó là những phế tích mà viên tướng Hi Lạp đã nhìn thấy cách đây 22 thế kỷ, và thậm chí lúc đó đã là một thành phố cổ. Mặc dù Xenophon đã lẫn lộn tên, do một chủng tộc mới phát âm, với cái tên quen tai người Hi Lạp, nên đã gọi nơi đó là Larissa, truyền thống vẫn chỉ đường đến nguồn gốc của thành phố, và, bằng cách quy nền móng của nó cho Nimrod [Nhân vật trong Kinh Thánh, là vua của vùng Shinar (Mesopotamia): ND], và tên này giờ là tên của phế tích, liên kết nó với những dân định cư đầu tiên của tộc người.”

            Lúc này Layard không thể điều nghiên mô gò nặng tính lịch sử này xít xao hơn. Nhưng ông bị mê hoặc bởi cảnh tượng, ông nâng niu ý tưởng về nó như một người keo kiệt mân mê tủ tiền của mình. Lần này và lần khác ông trở lại với ý tưởng đó trong việc mô tả chuyến đi của mình, luôn cố tìm ra những từ mới cho những ấn tượng mà nó tạo ra cho ông.

            “Kalah Shergat,” ông viết, “là. . . một khối không hình thể, rộng lớn, giờ phủ đầy cỏ dại, và hiếm khi biểu lộ dấu vết nào của bàn tay con người trừ khi nơi nào những cơn mưa mùa đông đã vạch ra những khe sâu chạy xuống sườn dốc thẳng đứng và từ đó để lộ ra những gì nằm ở bên dưới.” Và xa hơn, để nhấn mạnh sự khô cằn của khung cảnh khi nó đập vào mắt người lữ hành, ông nói: “Những mái gờ được chạm khắc phong phú hoặc những đầu cột nửa bị che giấu bởi những bụi cỏ xum xuê được thay thế bởi mô gò không hình thể nhô cao như một ngọn đồi từ bình nguyên khô cằn, những mảnh vỡ đồ gốm, và khối lớn gạch xây đôi khi được những cơn mưa mùa đông phơi bày.”

            Mặc dù một thời gian ngắn sau chuyến đi này ông phải quay về, ông không thể bỏ đi mà không ít nhất một lần thỏa mãn tính tò mò của mình. “Có một truyền thống đang thịnh hành trong dân Ả Rập,” ông viết, “là những tượng người kỳ lạ được khắc bằng đá đen vẫn còn hiện diện giữa đống hoang tàn; nhưng chúng tôi tìm kiếm chúng một cách hoài công, trong đó phần lớn trong ngày chúng tôi lao vào việc khảo sát đống đất và gạch vỡ, che phủ một diện tích khá rộng của vùng đất trên bờ phải con sông Tigris.”

            Và ông đúc kết: “Những mô gò đồ sộ của Assyria gây cho tôi một ấn tượng sâu xa, khởi phát suy nghĩ nghiêm túc và hăng hái hơn các đền thờ Balbec hoặc hí viện Iona.”

            Đặc biệt một mô gò xiềng xích sự chú ý của ông. Ông bị thu hút bởi kích cỡ to lớn của nó, và cũng bởi tên của thành phố nằm trong đống phế tích dưới chân nó, thành phố Nimrud (Nimrod). Thành phố có trong Kinh Thánh này, như  ông viết, hình như gắn kết ông chặt chẽ với “cái nôi của chủng người.”

            Cush, như chương 10 của Sáng Thế Ký cho chúng ta biết, là con trai của Ham, cha ông là Noah. Nhân vật Cush này, cùng ba con trai của ông, và các bà vợ của họ, và một đàn thú bắt đầu sinh sôi trên mặt đất sau khi nhân loại đã bị trận đại hồng thủy trừng phạt.           

            Và Cush sinh ra Nimrod: ngài khởi đầu là một người uy lực trên mặt đất.

            Ngài là người thợ săn uy lực trước Chúa: do đó có lời nói rằng,          ngay khi đó Nimrod người thợ săn uy lực trước Chúa.

            Và khởi đầu vương quốc của ngài là Babel, và Erech, và Accad, và Calneh, trong miền Shinar.

           Ra khỏi miền đất đó đi tới Asshur, và xây dựng lên Nineveh, và thành           phố Rehoboth, và Calah,

            Và Resen giữa Nineveh và Calah: cũng là một thành phố lớn tương tự.

             Ngân sách eo hẹp khốn khổ của ông đã hết sạch, Layard không có lựa chọn nào khác ngoại trừ quay lại và đến Constantinople. Tại đó ông làm quen với Ngài Đại sứ Anh, Sir Stratford Canning. Ngày qua ngày Layard kể về những mô gò bí mật gần Mosul, và càng lúc càng khẩn thiết, vì hiện giờ thế giới đã được biết đến những phát hiện của Paul Emile Botta tại Khorsabad. Cách mô tả sống động cùng lòng nhiệt thành không hề suy giảm của Layard không phải là không có tác dụng đối với Ngài Đại sứ, nhưng không thể nói là ông ta kích động. Dù sao đi nữa, năm năm sau chuyến đi đầu tiên của Layard và sau khi Botta đã leo đến đỉnh cao sự nghiệp ở Khorsabad, Sir Stratford mới tặng cho chàng trai nhiệt huyết 28 tuổi món quà 60 bảng Anh. 60 bảng Anh! Còn lâu mới là số tiền dồi dào so với những gì Layard hi vọng thực hiện. Bởi vì kế hoạch của ông vượt xa điều mà Botta đã nỗ lực, mặc dù người Pháp này đã được chính phủ hỗ trợ và hưởng được lợi tức từ một chức vụ ngon ăn ở Mosul.

            Vào 8/11/1845 Layard đi xuôi dòng Tigris trên con thuyền để bắt đầu việc khai quật của mình tại mô gò Nimrud. Lần này không chỉ thiếu thốn về tài chính mới là nguy cơ cho chuyến viễn thám của ông. Năm năm đã trôi qua kể từ chuyến thăm cuối cùng, và trong thời gian này toàn khu vực đã trở nên náo động vì bạo loạn.

Miền đất giữa hai con sông lúc này nằm dưới sự kiểm soát của người Thổ. Một thống đốc mới, tức pasa, đã được bổ nhiệm từ chuyến viếng thăm đầu tiên của Layard. Hình như các phó vương phương Đông quen xem những vùng lãnh thổ mà họ cai trị là những vùng đất để họ lạm dụng, bóc lột cư dân như những con bò sữa.

            Thống đốc mới của Mosul cai trị theo kiểu Á châu đúng điệu. Gã pasa này là một tên khốn kiểu mẫu. Thậm chí dáng dấp bên ngoài cũng thể hiện tính cách đó. Chẳng hạn, gã chỉ có một mắt, và một tai. Gã nhỏ thó, và mập mạp, theo kiểu Đông phương và quỷ quyệt. Để vấn đề tệ hơn nữa, gương mặt của gã đầy sẹo rỗ. Gã có một giọng nói ồm ồm đáng sợ, và cử chỉ thì thô lỗ và cà giật, mắt gã lúc nào cũng ánh lên vẻ ngờ vực, như thể gã chực chờ bị ám hại. Gã cũng là một tên bạo dâm ranh ma, và có biệt tài bày những trò ma quỷ. Một trong những hành động đầu tiên của gã khi vừa nhậm chức là đặt ra sắc thuế răng. Mục đích của nó, theo gã pasha tuyên bố, là đền bù chi phí cho sự bào mòn răng và nhổ răng do ăn phải thực đơn khốn khổ của vùng đất dốt nát này.

            Thuế răng chỉ là mào đầu đỏm đáng của những gì xảy ra tiếp theo. Gã làm cho dân chúng điêu đứng. Phương thức của gã là cướp bóc; các thành phố gã bóc lột, các làng mạc mà gã ngẫu hứng thiêu rụi để nhìn cho sướng mắt cảnh khói lửa bốc cao.

            Chế độ chuyên chế luôn nuôi dưỡng tin đồn, vốn là cơ quan thông tin của người yếu thế. Một hôm một người nào đó ở Mosul loan tin rằng Đấng Allah đã chán ngán với gã pasa này và đang chuẩn bị các biện pháp để hạ bệ gã. Một vài giờ sau nghe phong phanh được câu chuyện, thống đốc bèn có cảm hứng nghĩ ra một mưu mẹo.

            Lần sau khi tên thống đốc đi ra ngoài kinh lý, gã huyên hoang với người khác là mình không được khỏe. Sau đó gã hấp tấp trở về lâu đài, rõ ràng là trong tình trạng suy sụp. Trên đôi cánh của hi vọng tin tức mắt thấy của sự kiện hứng thú này bay đi khắp Mosul. Ít ngày sau đó các cổng lâu đài luôn khép kín. Thế rồi sau đó tiếng than khóc tang tóc của đám cận vệ và thái giám nghe vang vọng từ bên trong lâu đài. Dân chúng, vễnh tai nghe, bắt đầu reo hò lên vì quá vui mừng. “Đấng Allah đáng ca ngợi,” họ gào lên, “tên pasha đã chết!” Vừa hú vừa hét vừa cầu nguyện cho tên độc tài được cho là quá cố sẽ bị đày đến nơi sâu tối nhất của cõi Gehenna [địa ngục của người Do Thái], một đám dân chúng tụ tập trước cổng lâu đài. Thình lình cánh cổng bật mở tung. Đứng đó là tên pasa. Nhỏ thó, mập ú, đáng kinh tỡm. Một miếng đắp che con mắt mù, gương mặt gã như một cái rỗ, nhăn răng đầy ác tâm. . .

            Một cái gật đầu, và bọn lính ùa tới đám dân chúng. Rồi một cuộc trả thù tàn bạo xảy ra. Đầu lăn lóc rơi. Tính bạo dâm của tên pasa cũng quay sang hướng tiền tài. Gã tịch thu tài sản của tất cả người “nổi loạn” còn chút ít của cải trước đây chưa bị bọn tham tàn chính quyền để mắt đến. Gã làm điều này, gã cho biết, là vì các nạn nhân của gã đã “gieo tin đồn phương hại đến chính quyền Thổ.”

            Cuối cùng thì đất nước không thể chịu đựng tình cảnh này hơn được nữa; các bộ tộc sinh sống tại xứ sở sa mạc quanh Mosul nổi loạn. Họ phản kháng theo cách ô hợp tùy tiện của họ. Không có năng lực tổ chức lực lượng đối kháng, họ chỉ biết lấy cướp bóc chống lại cướp bóc. Kết quả là không con đường nào an toàn, không có ngoại nhân nào bảo đảm toàn mạng. Và chính trong cảnh hỗn loạn này mà Layard đặt chân đến Mesopotamia, hi vọng khai quật mô gò vĩ đại của Nimrud.

            Layard nhanh chóng nắm bắt tình hình. Một ít giờ sau khi đến Mosul ông hiểu ra rằng chính sách tốt nhất là giữ kín kế hoạch khảo cổ của mình. Để che đậy ông sắm những khẩu súng trường hạng nặng và một giáo ngắn, nói là mình sẽ đi về thượng nguồn sông để săn heo rừng.

            Một vài ngày sau đó ông thuê ngựa và đi một mình về hướng Nimrud, cũng có nghĩa là về một ngôi làng do bọn Bedouin trộm cắp cư ngụ.

            Giờ thì điều bất ngờ đã xảy ra. Đến chiều thì ông đã chiếm được tình bạn của Awad, viên trưởng thôn là ông trùm trong lãnh thổ bao quanh mô gò Nimrud. Đúng ra, đêm đó khi ông nằm xuống ngủ, ông đã thuê sáu lao động Ả Rập từ trưởng thôn. Hôm sau, Awad hứa, họ sẽ giúp ông tìm ra thứ “nằm trong bụng của ngọn núi” – và với đồng lương khiêm nhượng đẹp lòng cả đôi bên.

            Nhà khám phá 28 tuổi chắc hẳn đã trải qua một đêm không ngủ. Ngày mai sẽ là minh chứng xem ông có may mắn hay không. Ngày mai ư? Không, vài tháng, có thể, bởi vì Botta đã không đào cả một năm trời trước khi gặt hái kết quả hay sao? Nhưng cuối cùng thì trước khi qua 24 giờ Layard đã chạm được các bức tường của hai cung điện Assyria.

            Bình minh vừa ló dạng ông đã rảo trên mô gò. Ở đâu ông cũng thấy những viên đá có khắc chữ. Awad, trưởng tộc Bedouin, chỉ cho người bạn mới kết một góc thạch cao tuyết hoa nhô ra khỏi mặt đất, và như vậy là vị trí đào trước tiên đã được quyết định một cách đơn giản.

            Bảy người đào một đường hào dài trong mô gò. Những phát hiện đầu tiên, sau vài giờ đào xúc, là một số bia thạch cao đã được chôn đứng. Họ cho thấy đó là những bộ phận của trụ ngạch trên một bệ tượng, phần trang trí bên trong lớp bọc của các bức tường cung điện. Sự phong phú của lối trang trí chỉ ra rằng các bức tường chỉ có thể thuộc về một cung điện hoàng gia.

            Ngay lập tức Layard chia nhỏ đám nhân công ít ỏi của mình. Thình lình sợ là mình có thể bỏ qua những vị trí đào triển vọng hơn, và luôn hi vọng gặp được những bức tường hoàn toàn còn nguyên – những bức tường ông đã khai quật trong lần thử thứ nhất cho thấy có dấu hiệu bị lửa nung – ông cắt đặt ba người của ông để làm việc trên phía bên kia của mô gò. Một lần nữa các lưỡi xẻng của họ hình như là chiếc gậy thần. Ngay lập tức ông đụng một bức tường phủ bằng những phiến đá chạm nổi, được ngăn cách bởi một trụ ngạch khắc chữ. Layard đã tìm ra được phần góc của một cung điện thứ hai.

17.png

Cách tốt nhất để mường tượng những phát hiện mà Layard tiếp tục tìm được trong tháng 11/1845 này là lắng nghe chính lời mô tả của của nhà khảo cổ một hình chạm nổi:

            “Chủ đề của phần trên của Số 1 là cảnh đánh trận. Hai chiến mã xa, kéo bởi những tuấn mã phủ khăn trang sức xinh đẹp, mỗi xe chở ba chiến binh; người chính trong cả hai nhóm đều không râu, và hiển nhiên là một hoạn quan. Ông ta mặc bộ giáp hoàn chỉnh và đội mũ sắt nhọn, có tấm đệm che hai tai, phần dưới của khuôn mặt, và cổ. Bàn tay trái, với cánh tay vươn ra, giương cung hết cỡ, kéo dây cung sát mang tai, giữ mũi tên chực chờ buông ra. Một chiến binh thứ hai với dây cương và roi da thúc giục ba chiến mã phi nước đại trên bình nguyên. Chiến binh thứ ba, không đội mũ trận, và với tóc và râu bay xòa, giữ chặt tấm khiêng để bảo vệ cho nhân vật chủ chốt. dưới chân ngựa, và nằm rải rác trong hình chạm nổi, là quân thù bị chinh phục, bị trúng tên của người chinh phục. Tôi sững sờ quan sát vẻ tao nhã và phong phú của hình trang trí, sự phác họa tinh tế và hiện thực của tay chân và cơ bắp, của người và ngựa, và sự am tường nghệ thuật phơi bày trong việc nhóm nhân vật, và bố cục tổng quát.”

            Ngày nay tranh chạm nổi loại này được tìm thấy khắp nơi trong các bảo tàng Âu châu và Mỹ châu. Như một qui luật khách viếng chỉ liếc nhìn qua, rồi đi tiếp. Nhưng những công trình nghệ thuật này thực sự đáng được ngắm nhìn kỹ lưỡng. Chúng quá hiện thực trong từng chi tiết – ít nhất trong một vài thời kỳ – đến nổi việc quan sát hàng chục tác phẩm như thế sẽ cho chúng ta một sự hiểu biết sâu sắc cuộc sống của thời kỳ đó, đặc biệt cuộc sống của những nhà chuyên chế từng là mục tiêu lên án dữ dội của Kinh Thánh.

            Ngày nay, trong thời đại nhiếp ảnh, vô số những hình ảnh ít nhất cho ta một ý tưởng qua loa về những tranh khắc chìm này, và quen thuộc thậm chí với các học sinh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khi Layard nhọc nhằn giữa bụi mù sa mạc trên mô gò Nimrud, không có hình mẫu nào như thế trừ những mẫu do Botta gởi về Paris. Và vì thế chúng là những hình ảnh mới lạ, tuyệt đối mới lạ, những phát hiện gây hứng thú kỳ lạ cho những người lần đầu tiên tìm lại được chúng từ hoang tàn thiên niên kỷ.

            Mesopotamia, ta phải biết, được khám phá lại gần như trong phút chốc. Vào năm 1843 Rawlinson đang ở Baghdad cặm cụi giải mã những bảng khắc chữ Behistun. Cùng năm đó Botta bắt đầu khai quật ở Kuyunjik và Khorsabad, và vào năm 1845 Layard đang đào bới ở Nimrud. Những tiến bộ lớn lao là kết quả của ba năm lao động này. Nội việc giải mã bảng khắc chữ Behistun đã cung cấp nhiều thông tin về các nhà cai trị Persepolis hơn tất cả tác giả thời cổ gộp lại có thể cho ta. Ngày nay không cường điệu chút nào khi nói rằng chúng ta hiểu về lịch sử Assyria và Babylonia, về sự trỗi dậy và suy vong của những thành phố như Babylon và Nineveh, hơn những nhà thông thái thời cổ đại, hơn tất cả sử gia Hi Lạp và La Mã, ở gần chủ đề trước chúng ta khoảng 2,000 năm.

            Nhân công Ả Rập hàng ngày chứng kiến niềm vui của Layard vỡ òa trước những bia đá tuyết hoa, những hình khắc tô màu, và những viên gạch xứt mẻ cho rằng ông ta không điên thì cũng khùng. Nhưng chừng nào mà ông chủ còn trả lương, thì họ sẵn sàng và hăng hái đào bới. Còn nữa, không người tiên phong nào trong ngành khảo cổ, và Layard không ngoại lệ, luôn được may mắn hoàn thành công việc mà không gặp gián đoạn. Phiêu lưu luôn đi đôi với công việc thực địa, rủi ro đi đôi với khoa học, sự đểu giả với lòng hi sinh vô vị lợi. Dù như thế, Layard vẫn là một người được thần may mắn mỉm cười.

            Một hôm khi các cuộc khai quật đang tiến triển tốt, khi gần như mọi hi vọng, dù cao đến mấy, cũng gần thành hiện thực, và mỗi giây phút đều đáng giá, thì Awad, trưởng thôn Ả Rập và bạn của Layard, gọi ông ra một bên. Trong tay y là một tượng người nhỏ mạ vàng. Với cách nói quanh co và nhiều lời khấn cầu đến Đấng Allah, y nói rõ ý mình là y biết việc gì người Pháp đang thực sự tìm kiếm. Tất nhiên y chúc Layard được nhiều may mắn. Và nếu dưới mô gò kia có vàng, thì thật quá tốt. Tất cả điều y mong mỏi là y được hưởng một ít. Họ – y và Layard – sẽ phải thận trọng. Lũ nhân công ngu ngốc đó không biết thế nào là giữ mồm giữ miệng. Trên hết, không có tin tức gì về những thành tựu của Layard bay đến tai Mohammed Pasa, ở Mosul. Awad dang hai cánh tay thẳng ra để diễn tả tai của vị pasha lớn đến cỡ nào.

            Đúng ra một tên chuyên chế không chỉ có tai lớn, mà còn hàng ngàn tai. Tất cả giác quan của y là tổng số các giác quan của bè lũ phục dịch y một cách mù quáng như một ông thần. Chẳng bao lâu tên pasa bắt đầu biểu lộ quan tâm về những hoạt động của Layard. Một sĩ quan cùng với lính tráng xuất hiện tại chỗ. Viên sĩ quan khám xét các đường hào của Layard và kho chứa cổ vật khai quật được. Hắn nói bóng gió là hắn biết tỏng là đồ vàng thi thoảng xuất hiện. Rồi hắn long trọng giao cho ông tờ lệnh của viên pasa, ngăn cấm tiếp tục khai quật.

            Ta có thể tưởng tượng Layard phản ứng ra sao trước lệnh cấm này. Ông vội vã lên ngựa, phi nước đại đến Mosul, và yêu cầu diện kiến ngay với vị pasa.

            Yêu cầu của ông được chuẩn y. Trong buổi tiếp kiến đó Layard nhận được một bài học về sự lươn lẹo và xảo quyệt lối phương Đông. Tên pasa dơ cao hai bàn tay tỏ vẻ khẩn khoản. Tất nhiên – y sẽ làm hết mọi chuyện để giúp đỡ Layard. Y thích những người Pháp, y ngưỡng mộ họ, tôn trọng họ như một dân tộc, và y cũng muốn kết thân với họ, hôm nay, ngày mai, đến suốt cuộc đời cho đến khi Allah mang y đi. Nhưng, đào bới thực sự là một vấn đề khác. Không thể được. Địa điểm đó, Layard phải hiểu, là một khu vực an táng cổ của dân Hồi. Người Pháp đúng ra phải rà soát chung quanh thật kỹ, thì sẽ bắt gặp những mộ bia. Trong con mắt của mọi tín đồ thực sự Layard, thật buồn khi phải nói, đang phạm tội báng bổ. Các tín đồ sẽ nổi dậy chống lại người ngoại bang trừ khi y phải cẩn trọng hơn. Họ cũng chống lại cả pasa. Nếu điều đó xảy ra, thật là tồi tệ. Pasa không thể đưa tay bảo vệ người bạn của mình ở quá xa.

            Chuyến thăm của Layard thật bẽ mặt và đúng là không đi đến đâu. Một buổi chiều ngồi một mình trước căn lều nhỏ, Layard phải tự nhận là toàn bộ dự án của mình đang có nguy cơ sụp đổ. Trở về sau buổi tiếp kiến với vị pasa, ông leo lên mô gò để kiểm tra những gì y đã nói về các mộ bia có thực không. Và quả là đúng vậy! Mộ bia đầu tiên mà ông tìm thấy – đó là mộ bia biệt lập – đã khơi dậy mối nghi ngờ của ông. Nhưng phải làm gì? Ông còn phân vân không biết phải làm gì tiếp theo khi lên giường ngủ đêm đó. Một sơ suất, ông nghĩ dứt khoát, khi đã không chú ý đến các mộ bia, và đã không thảo luận kỹ càng với vị pasa ông ở lâu đài.

            Và ông phạm thêm một lỗi lầm khác, tiếc là ông không biết được điều đó, khi chui vào dưới chăn trùm kín mít vào đêm thứ hai sau khi ông trở lại Nimrud. Thế là ông bỏ lỡ cơ hội chứng kiến một sự kiện khiến ông có thể ngả giá hay thương lượng với Mohammed Pasa. Đêm đó và đêm trước, nếu ông thức giấc và nghe ngóng, ông đã có thể chứng kiến những hình thể ma quái lướt quanh mô gò Nimrud, đi tới lui từng nhóm, tiếng nghiến chân trên sõi đá. Suốt đêm, trong lúc Layard an giấc, những bóng người lén lút đi từng cặp. Có phải họ là những tên trộm kiểu Ai Cập? Nếu phải, họ muốn tìm kiếm gì? Ở đó không có gì đáng trộm cắp ngoài một số hình chạm khắc trên đá tảng.

            Layard chắc hẳn là một người duyên dáng cực kỳ, một bậc thầy trong nghệ thuật xử lý con người. Sáng hôm thứ ba, bước lên mô gò, ông chạm mặt với tên đại úy đã giao lệnh cấm khai quật, và trao đổi với y. Viên sĩ quan trở nên tin cẩn. Rất riêng tư y thổ lộ với Layard là y và người của y, theo lệnh của pasa, đã quần quật như chó trong hai đêm thu nhặt các mộ bia từ tất cả  nghĩa địa của ngôi làng gần đó để cắm lại trên mô gò Nimrud.

            “Chúng tôi đã phá hủy các ngôi mộ thật của những tín đồ thực để làm những ngôi mộ giả,” viên đại úy nói. “Chúng tôi đã giết chết ngựa và giết chết mình khi khuân chở những tảng đá đáng nguyền rủa này.”

            Trước khi Layard nghĩ ra cách để đối đầu với diễn tiến bất ngờ này, những khó khăn của ông được giải quyết theo một cách hoàn toàn bất ngờ. Không lâu sau lần tiếp chuyện phỉnh phờ với Layard, tên pasa bị tống vào tù. Số phận thường sắp xếp để những tên độc tài chết yểu đã ứng nghiệm với sự ngã ngựa của tên pasa. Chính quyền Thổ triệu hồi y vì những việc làm tác tệ của y. Layard thấy y bị nhốt trong một gian phòng xập xệ, trần nhà dột nước mưa. Tên pasa phàn nàn: “Hôm qua tất cả bọn chó này quì mọp dưới chân tôi.” Và ngước nhìn trần dột nước, y tiếp: “Hôm nay mọi người, mọi thứ, đều đổ ập lên tôi, thậm chí cơn mưa này.”

            Nay tên pasa đã khuất mắt, công việc của Layard tiến hành không còn ai cản trở. Một sáng những thợ đào, tất cả đều kích động và nói líu lo, chạy ùa ra khỏi các đường hào ở phần tây bắc mô gò. Họ vẫy xẻng, họ la hét và múa may, bộc lộ sự sợ hãi pha lẫn vui mừng. “Nhanh lên, ông chủ,” họ kêu to. “Đến nhanh lên, chúng tôi đã tìm thấy Nimrud. Ô, ê, thật tuyệt vời và có thực! Chúng tôi đã thấy ông ta bằng mắt mình.”

            Layard vội vã chạy đến nơi. Hi vọng đẩy nhanh bước chân ông. Không một giây ông tin là dân chúng đã thực sự tìm được một bức tranh vẽ Nimrud. Có phải họ đã phát hiện thêm bức sư tử đầu người phi thường trong đống gạch vụn không? Như những thứ mà Botta đã phát hiện?

            Rồi ông nhìn thấy tấm thân được điêu khắc mạnh mẽ, chiếc đầu khổng lồ của một sư tử có cánh được khắc chạm bằng đá vôi tuyết hoa. “Nó trong tình trạng bảo quản đáng khâm phục,” ông viết. “Nét biểu hiện điềm đạm, nhưng đường bệ, và sự bố trí các chi tiết biểu lộ một tính cách nghệ thuật phóng khoáng và điêu luyện, hiếm khi bắt gặp ở những tác phẩm ở vào một thời kỳ xa lắc như thế.”

            Ngày nay chúng ta biết rằng nhân vật thể hiện một trong bốn vị thần phương vị gắn liền với bốn điểm cốt yếu của compa, tức Đông, Tây, Nam và Bắc. Theo truyền thống Assyria, Marduk được biểu hiện là một bò tót có cánh, Nebo là một con người, Nergal là một sư tử có cánh, và Ninib là một con ó.

            Layard vô cùng xúc động. Sau này ông viết:

            “Tôi thường ngằm hàng giờ những biểu tượng bí ẩn này, và trầm ngâm về ý nghĩa và lịch sử của chúng. Còn có hình thể nào tôn quí hơn có thể thúc giục dân chúng bước vào đền thờ các thần linh của họ? Còn có hình ảnh nào thăng hoa hơn có thể được vay mượn từ thiên nhiên bởi những người khao khát hiện thân các khái niệm về sự minh triết, uy lực, và toàn hiện của một Đấng Tối Cao? Không thể tìm được biểu tượng của tri thức nào tốt hơn cái đầu của con người, biểu tượng của uy lực hơn thân hình sư tử; của sự di chuyển nhanh nhẹn hơn đôi cánh của chim. Những sư tử đầu người có cánh này không phải là những sáng tạo dễ dãi, con đẻ của sự hoang tưởng; mà ý nghĩa của chúng đã được viết lên chúng. Chúng đã gây kính sợ và dạy bảo cho những tộc người đã từng hưng thịnh cách đây 3,000 năm. Qua khung cổng mà chúng canh gác, các vì vua, thầy tế, và chiến binh đã mang đến các lễ vật đến bàn thờ của chúng, rất lâu trước khi sự minh triết của phương Đông đã xâm nhập Hi Lạp, và đã cung cấp cho những thần thoại của nó các biểu tượng từ lâu đã được các tìn đồ Assyria công nhận. Chúng có thể đã được chôn vùi, và sự tồn tại của chúng không được biết tới trước khi thành phố vĩnh hằng được thành lập. Trong 25 thế kỷ chúng đã mất dấu trước mặt con người, và giờ đây chúng lại đứng lên lần nữa trong vẻ đường bệ cổ xưa. Nhưng khung cảnh chung quanh chúng đã biến đổi xiết bao! Vẻ xa hoa và văn minh của một quốc gia cường thịnh đã nhường chỗ cho sự nghèo kiết và dốt nát của một ít bộ tộc bán man rợ. Sự tráng lệ của các đền thờ, và sự giàu có của những thành phố lớn, đã được tiếp nối bằng những phế tích và những đống đổ nát hoang tàn. Bên trên sảnh đường mênh mông nơi họ đang đứng, những đường cày đã kéo qua và cánh đồng bắp giờ đang phe phẩy. Ai Cập có những đài tưởng niệm không cổ hơn và không kém phần tuyệt vời hơn; nhưng chúng vẫn đứng đấy hàng thế kỷ để minh chứng cho  quyền lực và tiếng tăm cổ xưa; trong khi những phế tích trước mắt tôi giờ là chứng tích cho những lời hứa hẹn đáng sợ của Chúa [Zephaniah(ii, 13-15)] như sau:

                       Và người sẽ xòe ra bàn tay hướng về phương bắc, và tàn phá Assyria;        và sẽ biến Nineveh thành nơi hoang vu, và khô cằn như sa mạc.

            Từng đàn bầy sẽ nằm rạp ở đó, những sinh linh của mọi loài. Cú sa             mạc và cú mèo sẽ về đậu trên hàng cột của nó. Tiếng kêu của chúng sẽ                vang vọng qua các cửa ổ, gạch vụn sẽ ngập tràn các khung cửa, những                                                         thanh xà bằng gỗ tuyết tùng sẽ lộ ra.

            Đây là thành phố của chè chén say sưa, sống trong phóng đãng. Nó tự       bảo mình, “Ta là như thế! Và không có ai khác ở bên ta.” Và nó đã trở                    thành chốn hoang tàn như thế, một hang ổ cho thú hoang! Và mọi                                                                       người đi qua đó đều chế giễu và lắc nắm tay của họ.

            Nhiều thế kỷ trôi qua và lời tiên tri này đã được thực hiện; và giờ đây Layard đang mang ra ánh sáng bất cứ thứ gì còn sót lại sau sự kiện thảm khốc đó.

            Tin tức về việc phát hiện, ít hay nhiều làm dân Ả Rập hoảng sợ, lan truyền nhanh chóng. Người Bedouin xa gần đến nơi xem. Trưởng thôn dắt dìu hơn phân nửa số dân làng xuất hiện và chào đón sự kiện bằng một tràng súng trường. Dân Ả Rập leo lên tận hố đào, nhìn ngắm hình ảnh đồ sộ, đã bị bào mòn và cắt khía bởi sự sói mòn của nước trong hàng ngàn năm, rồi giơ hai cánh tay lên và kêu gọi Allah đến chứng giám.

18.png

            Trưởng thôn cần được trấn an khá lâu trước khi bằng lòng mon men bước xuống hố để tự mình ngắm nghía. Y trố mắt, và cuối cùng nói: “Đây không phải do bàn tay người làm, mà của những tên khổng lồ ngoại đạo mà đấng Tiên tri đã nói đến, cao hơn cây chà là cao nhất.”

            Từng điêu khắc này đến điêu khắc khác được mang ra ánh sáng. Trong một thời gian ngắn không ít hơn 13 cặp sư tử và bò có cánh được đem ra khỏi mặt đất. Công trình kiến trúc đường bệ mà Layard dần dần phơi bày ở sườn tây bắc của mô gò Nimrud, một kỳ công đem lại tiếng tăm cho ông vượt xa hơn cả Botta, về sau được nhận diện là cung điện của Vua Assurnasirpal II (trị vì 884-859 trước C. N., theo Weidner), đã từ Assur dời về đây. Như người tiền nhiệm và kế nghiệm của ông, Assurnasirpal đã sống theo phong cách của Nimrud, người, mà theo Thánh Kinh đã nói, “là thợ săn uy lực trước Chúa.” Từ cung điện này Layard lấy được những hình chạm nổi mô tả những con thú được điêu khắc theo phong cách hiện thực mà, khi đã được biết đến khắp Âu châu, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ nghệ sĩ hiện đại. Săn bắn

là hoạt động thường nhật của giới quí tộc Asyyria. Sự kiện này được mô tả trong tất cả tranh chạm nổi và điêu khắc, và được ghi lại trong tất cả bảng khắc chữ. Người Assyria có công viên thú, “những thiên đường,” theo cách nói của họ, là tiền thân các vườn thú của chúng ta. Bên trong khuôn viên rộng lớn được bao bọc những sư tử và từng đàn linh dương tự do sinh sống. Họ tổ chức những cuộc đi săn trong đó thú bị xua đi bằng gậy gộc và săn bắt bằng lưới, một môn thể thao hiếm được biết đến bất cứ đâu trên mặt đất ngày nay.

            Bài toán thử thách nhất của Layard là làm thế nào gởi an toàn một cặp tượng có cánh khổng lồ này về London. Trong chuyến đầu tiên Layard chọn một tượng bò và một tượng sư tử, hai mẫu tương đối nguyên vẹn nhất, cũng là hai tượng nhỏ nhất.

            Để mang được chỉ một tượng bò ra khỏi núi gạch vụn, các nhân công của Layard phải đào một đường hào dài khoảng 30 mét, rộng 5 mét, và sâu đến 7 mét, từ nơi hiện vật được tìm thấy đến ngoài rìa mô gò. Tượng khổng lồ trên trục lăn. Bọn Ả Rập đào với quyết tâm hớn hở; vừa kéo vừa hò reo inh ỏi một cách hào hứng.

            Khi đêm xuống, tại mô gò Nimrud tiếng hò reo và náo động vẫn tiếp tục không hề thuyên giảm. Công việc hoàn tất trong tiếng âm nhạc, nhảy múa, và tiếng chập chả. Đồ sộ và trắng nhạt, tượng bò có cánh nhìn ra ngoài thế giới xa lạ. . .

Sáng hôm sau việc vận chuyển ra bờ sông bắt đầu. Layard viết: “Xe bò đi theo, kéo bởi khoảng 300 người, hét nướng lên hết cả giọng. Đám rước khép lại bằng đám phụ nữ, hò reo động viên các nhân công, trong khi các kỵ mã của Abd-er-Rahman nhảy múa tới lui quanh nhóm người, tay cầm giáo như đánh trận.”

            Sau đó những tượng khổng lồ, những con thú-người có cánh, bắt đầu chuyến đi dài theo dòng sông, sau khoảng 28 thế kỷ bị quên lãng. Trên chiếc bè họ vượt khoảng 600 dặm xuôi dòng Tigris, rồi sau đó thêm 2,000 dặm nữa qua hai đại dương, bằng chiều dài Phi châu (lúc đó Kênh đào Suez vận chưa mở cửa cho đến năm 1869) đến London, ở đó chúng có được một nơi ở mới trong Bảo tàng British.

            Trước khi Layard tạm thời rời hiện trường khai quật, hình như ông đã thực hiện một chuyến khảo sát cuối cùng, với cuốn sổ trong tay. Cuộc khảo sát này được ông ghi chép trong đoạn mô tả khép lại trong cuốn Phế Tích Nineveh:

            “Hãy tưởng tượng cảnh tôi ra khỏi lều gần ngôi làng trong bình nguyên. Khi tiến gần mô gò, không thấy dấu vết nhà cửa nào, chỉ trừ một lều cỏ sậy vách đất, được dựng lên làm chỗ trú ngụ cho các công nhân người Chaldean. Chúng tôi leo lên ngọn đồi nhân tạo này, nhưng vẫn chưa trông thấy phế tích, không một tảng đá nhô ra khỏi mặt đất. Chỉ có một nền bằng phẳng rộng rãi trước mặt chúng tôi, chắc hẳn che phủ bởi một vạt xum xuê lúa mạch, hoặc có thể vàng vọt và nứt nẻ, không một ngọn cây trồng, trừ ra đây đó là một nhúm lưa thưa cây gai. Những đống đen, thấp, bao quanh bởi bụi cây và cỏ khô, một cột khói mỏng bốc lên từ giữa khoảng đó, có thể nhìn thấy đây đó. Đây là những lều của dân Ả Rập; và một vài bà lão khốn khổ đang sờ soạng quanh đó, nhặt nhạnh phân lạc đà hoặc cành khô. Một hoặc hai cô gái, với bước chân vững chải và dáng đi gãy gọn, vừa lên đến đỉnh mô gò, với bình nước trên vai, hoặc một bó cây trên đầu. Bốn bên chúng tôi, rõ ràng là từ dưới lòng đất đi lên, là những hàng dài những con người trông luộm thuộm, với mái tóc rối bù, thân thể chỉ che đậy sơ sài một chiếc áo sơ mi ngắn lỏng thỏng, có người nhảy cỡn, và tất cả đều vội vã tới lui, la hét như kẻ điên. Mỗi người mang giỏ, và khi đi đến bờ mô, hoặc một vị trí nào thuận tiện gần đó, trút đổ đất cát vào đó, làm tung lên một đám bụi mù. Sau đó y trở lại hết sức nhanh, múa may và hét tướng như trước, và vun vẩy chiếc giỏ qua đầu; và lần nữa mất hút trong lòng đất, từ nơi y đã bước ra. Đây là những nhân công được thuê mướn để dọn sạch xà bần ra khỏi phế tích.

            “Chúng tôi sẽ đi xuống đường hào chính, bằng những bậc thang cắt sơ sài trong đất. . . Chúng tôi đi xuống khoảng 6 mét và thình lình thấy mình đứng giữa một cặp sư tử khổng lồ, có cánh và đầu người, tạo thành vòm cổng. . . Trong mê lộ ngầm mà chúng tôi vừa đến, tất cả đều hối hả và lộn xộn. Bọn Ả Rập chạy tới lui khắp hướng; một số mang bình nước cho bạn làm. Người Chaldean hoặc Tiyari, trong y phục sọc rằn và mũ hình nón kỳ lạ, đang bổ cuốc xuống lớp đất lì lợm, làm dậy lên đám bụi dầy đặc sau mỗi nhát cuốc. . .

            “Chúng tôi bước ra giữa những sư tử có cánh, và bước vào tàn tích của đại sảnh. Trên cả hai bên chúng tôi là những tượng có cánh, to sầm; một số có đầu ó, một số hoàn toàn là hình người, và nắm trong tay những biểu tượng bí ẩn. Phía bên trái là một cánh cổng khác, cũng án ngữ bởi các sư tử có cánh. Tuy nhiên, một tượng đã rơi xuống chắn ngang lối vào, và chỉ chừa đủ chỗ để bò qua bên dưới. Bên kia cổng là một tượng người có cánh, và hai bia đá có hình chạm nổi, nhưng chúng đã bị hư hại nhiều đến nỗi chúng tôi khó nhìn ra đề tài điêu khắc. Xa hơn không có dấu vết nào của tường, mặc dù một hào sâu đã được khai thông. . .

            “Chúng tôi bước ra từ đó, và thấy mình trên bờ một khe sâu, về phía bắc của nó, một kim tự tháp cao nhô lên trên cao chúng tôi. Những hình chạm các tù binh mang lễ vật triều cống – bông tai, vòng xuyến, và các chú khỉ – đầy trên tường gần con khe; hai con bò to lớn, và hai tượng người có cánh khoảng cao hơn 4 mét, nằm ngay sát bờ.

            “Vì con khe bao lấy phế tích ở bờ bên này, buộc chúng tôi phải quay về chỗ những con bò màu vàng. Băng qua lối vào mà chúng tạo thành, chúng tôi đi vào một căn phòng rộng bao quanh bởi những tượng người đầu ó: ở cuối phòng là một khung cửa được hai thầy tu hoặc thần linh bảo hộ, và ở trung tâm

một cổng khác có các con bò có cánh canh giữ. Dù quay theo hướng nào, chúng tôi cũng thấy mình ở giữa một tổ hợp phòng: và vì không biết sự phức tạp của thiết kế, chúng tôi lạc ngay trong mê lộ này. Gạch đá xà bần dồn đống thường để lại ngay chính giữa các gian phòng, toàn bộ việc khai quật nhằm tạo ra một số lối đi hẹp, ngăn một bên bằng những bia đá vôi tuyết hoa; và bên kia khép kín bằng một bức tường đất cao trộn lẫn đây đó với các bình lọ vỡ nát hoặc những viên mảnh gạch màu sắc tươi rói. Chúng tôi có thể lang thang qua những hành lang này hàng giờ, khảo sát những hình điêu khắc kỳ diệu, hoặc những chữ khắc ở khắp nơi. Ổ đây chúng tôi bắt gặp hàng dài các ông vua, được thái giám và thầy tế phục dịch – ở đó những hàng tượng người có cánh, mang những cây thông hình nón và những huy hiệu tôn giáo.

            “Những lối vào khác, tạo bởi những sư tử và bò tót có cánh, dẫn chúng tôi vào những gian phòng mới. Trong mỗi phòng là những đồ vật mới mẻ kỳ lạ và gây kinh ngạc. Cuối cùng, uể oải, chúng tôi đi ra từ một dinh thự bị một con hào chôn vùi ở phía bên đối diện với nơi chúng tôi đi vào, và thấy mình một lần nữa bước lên nền đất trơ trụi.”

            Và Layard kết thúc phần mô tả bằng đoạn sau:

            “Chúng tôi nhìn quanh quất (sau khi đã rời Nimrud) nhưng không thấy dấu vết nào của những phế tích kỳ tuyệt như chúng tôi đã chứng kiến, và ngỡ như mình vừa qua một giấc mơ, hoặc vừa nghe kể lại một câu chuyện cổ tích lãng mạn kiểu phương Đông. Người nào đó, sau này có thể dẫm qua vùng đất này khi cỏ dại lại mọc che lấp những phế tích của những cung điện Assyria, có thể ngờ rằng tôi đã kể lại một ảo ảnh  ”

1920

2122

 

  1. GEORGE SMITH: CÂU CHUYỆN VỀ TRẬN ĐẠi HỒNG THỦY

 

Chất liệu mà Layard mang về từ mô gò Nimrud vừa dồi dào vừa tuyệt vời, vượt xa những phát hiện của Botta ở Khorsabad. Trong hào quang của thành công không có gì ngạc nhiên khi ông dám cá cược tăm tiếng của mình bằng một thử thách khác, đối với người ngoài, hình như chắc chắn dẫn đến bế tắc.

            Trong số nhiều mô gò vương vải gạch đá mời mọc những cuộc khai quật mới, Layard chọn mục tiêu tấn công mới của mình là mô gò Kuyunjik, là ngọn đồi mà Botta đã đào suốt một năm mà không có kết quả. Quyết định của Layard không quá nghịch lý như thoạt thấy. Thật ra, nó chứng tỏ là ông đã học được nhiều từ những cuộc khai quật của mình và không phải hoàn toàn trông cậy vào may mắn. Giờ đây ông có thể đánh giá được mức độ hứa hẹn khi nhìn vẻ ngoài của mô gò, rút ra những suy đoán đúng đắn từ những manh mối nhỏ nhất.

            Có một sự công bằng đầy thi vị trong những gì giờ đang xảy đến cho Layard, rất giống với Schliemann, sau khi kết thúc việc khai quật cổ thành Troy, quay sang Cổng Sư Tử ở Mycenae. Vì mọi người đều tưởng rằng thành tích ban đầu của Layard phần lớn là do may mắn. Ông sẽ không bao giờ lặp lại được chính mình, người ta tin như vậy, và chắc chắn khó mà làm tốt hơn kỳ tích ở Nimrud. Vậy mà khi tình hình diễn tiến, những kẻ ngờ vực bắt buộc phải nhận ra rằng Layard đã vượt xa hơn chính mình. Tại Kuyunjik ông hoàn thành được việc thấu suốt sâu xa nhất về quá khứ. Từ mô gò lớn ông mang về những báu vật hiển lộ toàn bộ sắc thái của nền văn hóa Assyria đã mất trong mọi mức độ phong phú của nó.

            Chính vào mùa thu 1849 mà Layard bắt đầu tiến hành trên mô gò Kuyunjik, trên bờ sông Tigris đối diện với Mosul. Ở đây ông tìm thấy một trong những cung điện vĩ đại nhất của Nineveh.

            Trước tiên ông đào một đường thông thẳng đứng vào trong đồi cho đến khi đụng phải một lớp gạch ở độ sâu khoảng 6 mét. Từ vị trí này ông đào

những đường hầm nằm ngang theo những hướng khác nhau và chạm vào một sảnh rộng, và một cổng vào, hai bên có tượng bò có cánh canh gác. Sau bốn tuần làm việc ông đã khai thông chín gian phòng của cung điện Sennacherib (704-681 trước C. N.), một trong những nhà cai trị hùng mạnh nhất và khát máu nhất của vương quốc Assyria.

            Từ bảng chữ khắc này đến bảng chữ khắc khác được phơi bày, cùng những trụ ngạch, điêu khắc, bức tường nguy nga bằng gạch bóng, những chữ hình nêm được khảm trên nền xanh ngọc lam. Màu sắc của những hiện vật thật kỳ tuyệt và lộng lẫy – hầu hết là đen và vàng và xanh thẩm. Hình chạm nổi và điêu khắc cho thấy một kiểu thức biểu hiện mạnh mẽ, sống động lạ thường và về mặt chi tiết mang tính tự nhiên còn vượt xa những vật được tìm thấy trên mô gò Nimrud.

            Từ Kuyunjik ta có được những trụ ngạch tuyệt tác – hiển nhiên có niên đại từ thời trị vì của Assurbanipal – vẽ cảnh sư tử đang sắp chết. Sư tử, bị ghim chặt bằng những ngọn lao, hai chân sau đã tê liệt. Trong nỗi thống khổ hấp hối, nó ngẩng cao đầu và gầm lên tiếng thách thức cuối cùng. Hình chạm nổi này có mãnh lực ghê gớm, đầy ấn tượng như bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cùng loại mà phương Tây biết đến (xem hình dưới).

           23.png

Trước cuộc khái quật của Layard, kiến thức của chúng ta về thành phố đáng sợ Nineveh chỉ dựa vào mô tả của Kinh Thánh, trong ngữ cảnh hạn hẹp mang tính tiên tri trong đó nó luân phiên được ca tụng và nguyền rủa. Nhờ sự phơi bày dung mạo thực sự của thành phố Layard đã dở bỏ tấm màn che của thần thoại trong đó Nineveh đã chờ đợi khắc khoải trong nhiều thế kỷ.

Nineveh được đặt tên theo Nin, nữ thần vĩ đại của Mesopotamia. Đó là một thành phố rất cổ. Vào 1700 trước C. N. Hammurabi, người làm luật Babylonia, đã đề cập đến đền thờ Ishtar quanh nó thành phố được dựng lên. Vậy mà Nineveh vẫn là một cộng đồng tỉnh lẻ, trong khi Assur và Kalah đã trở thành hoàng cung.

            Chính Sennacherib, để tránh xa Assur là nơi trú ngụ của vua cha, mới biến Nineveh thành kinh đô của một vùng đất bao gồm trọn Babylonia và vươn rộng đến tận Syria và Palestine về hướng bắc, và  về hướng đông xa tận đến vùng núi hoang dã của các bộ tộc man rợ hay nổi loạn.

            Nineveh đến đỉnh cao tiếng tăm dưới triều đại Assurbanipal. Khi đó nó là thành phố nơi “các con buôn nhiều hơn số sao trên trời.” Đó là hạt nhân kinh tế và chính trị của miền Mesopotamia, và cũng là trung tâm văn hóa và nghệ thuật, một kiểu La Mã của Assyria. Nhưng trong thời trị vì 7 năm của con trai Assurbanipal là Sin-sharishkun, Kyaxares, Vua của Medes, xuất hiện trước tường thành của Nineveh với một đạo quân được binh sĩ Ba Tư và Babylonia yểm trợ. Y vây hãm thành phố, chiếm nó, và san bằng tường thành và cung điện, không để lại gì ngoài một đống phế tích.

            Sự kiện này xảy ra năm 612 trước C. N., sau khi Nineveh là kinh đô của Assyria chỉ trong 90 năm. Vậy mà biết bao nhiêu việc chắc hẳn đã xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi này mới khiến cho thành phố trở thành một ký ức sống động trong 25 thế kỷ, một biểu tượng lâu dài cho sự vĩ đại đi đôi với nỗi khiếp sợ và thị uy  quyền lực, cho lối sống xa hoa phù phiếm và sự văn minh, cho sự đi lên ngoạn mục và sự sụp đổ tan tành, cho tội lỗi phóng đãng và sự trừng phạt thích đáng!

            Ngày nay chúng ta biết được sự thật. Ngày nay chúng ta biết đủ, qua những nỗ lực kết hơp của người khai quật và giải mã, về cuộc đời của Sennacherib và Assurbanipal – và cũng về những người đến trước và đi sau họ – để nói rằng:

            Nineveh khắc sâu vào tâm thức nhân loại gần như với tính hiếu sát, cướp bóc, trấn áp, và cưỡng bức những người yếu đuối; bằng chiến tranh và mọi hình thức bạo lực; bằng những hành động đẫm máu của các nhà cai trị kềm kẹp nhân dân bằng khủng bố và thường bị những tên tàn độc hơn họ thủ tiêu.

            Sennacherib là người đầu tiên trong những tên Caesar nửa điên dại – một người đi trước Nero, không phải trước Julius – ngồi trên ngai vàng của thủ phủ đầu tiên. Vì Nineveh là La Mã của Assyria: siêu đô thị, thành phố của những lâu đài rộng lớn, quảng trường, đại lộ, của những thành quả kỹ thuật chưa từng có. Là hình mẫu của nền văn minh đô thị, nó điển hình được cai trị bởi một người ưu tú, hoặc quyền lực của nó đặt cơ sở trên dòng dõi quí tộc, gia thế, chủng tộc, tiền tài, bạo lực, hoặc một kết hợp những thứ này. Nhưng nó cũng là thành phố của một khối lượng xám xịt bị nhấn chìm của những người bị tước quyền công dân, bị quất roi để bắt phải tuân phục mù quáng, mặc dù đôi khi thi thoảng họ được cho ảo tưởng về tự do bằng những khẩu hiệu, chẳng hạn công việc của họ là để làm điều tốt cho mọi người, những cuộc chiến họ tham giá là vì nhân dân, và vân vân. Họ là một khối sôi sục, lên xuống như sóng cả mỗi 20 năm giữa những thái cực của những cuộc nổi dậy xã hội và sự cam chịu mù quáng, bị bịt mắt, sẵn sàng bị tàn sát như đàn trừu. Trong một thành phố như thế ta tìm thấy, thường thường, một ban bệ thần thánh, nhiều thần được nhập từ những chốn xa xôi, ý nghĩa và chức năng sáng tạo nguyên thủy đã từ lâu bị đánh mất. Ở đây chính trị là mánh lới dối trá thường xuyên.

            Nineveh là một thành phố như thế.

            Nó có thể thấy được từ rất xa, mặt tiền các lâu đài lấp lánh của nó phản chiếu trong làn nước sông Tigris. Nó được bao bọc bởi tường thành ngoài cùng, rồi đến Đại Tường Thành, mà vẻ sáng lóa kinh khiếp của nó đánh gục kẻ thù. Bức tường này dựng trên một nền đá nhẵn. Nó dày 40 viên gạch và cao 100 viên, theo thứ tự là 9.75 m và 23 m. Mười lăm cổng bắt qua tường thành này. Mộ hào bao quanh nó, rộng khoảng 33 m và một cầu đá bắc qua đến Cổng Chính, một kiến trúc kỳ diệu của thời ấy.

            Trên bờ phía tây tọa lạc một lâu đài chưa từng thấy ở đâu, là nơi phô trương của Sennacherib. Như Augustus biến La Mã bằng gạch của ông thành La Mã bằng đá, và như Hitler muốn bố trí các “trục” của ông băng chéo góc qua Berlin, ông đã giật sập các tòa nhà củ nào cản trở qui hoạch xây dựng  mới của ông.

            Cơn điên cuồng xây dựng lên đến đỉnh điểm tại sảnh yến tiệc của thần linh ở Assur. Đền thờ đứng trên một nền rộng khoảng 17,000 mét vuông đá bằng phẳng. Các lỗ được khoan trong đá khắp chung quanh đền thờ; sau đó chúng được nối bằng các kênh ngầm, và tất cả chúng được bao phủ bằng đất sét vữa.

            Ông ta bắt đầu việc cai trị của mình bằng cách dựng lên dòng dõi được nâng cấp cho mình, bắt đầu với Sargon, cha ông, người mà ông không thừa nhận mà tự nhận mình thuộc dòng dõi từ các vì vua trước trận đại hồng thủy, các á thần như Adapa và Gilgamesh. Trong lãnh vực này ông cũng đi trước các Caesar La Mã bắt thần dân tôn thờ mình như những vị thần, và cũng đi trước các nhà độc tài đương đại mà sự thần thánh hóa bản thân họ chỉ hơi ít lộ liễu hơn mà thôi.

            “Sennacherib có một cá tính khác thường trong mọi phương diện. Ông ta là người xuất chúng yêu thích các môn thể thao, nghệ thuật, khoa học, và nhất là các lãnh vực kỹ thuật. Nhưng tất cả các ưu điểm nổi trội này đều bị hủy bỏ bởi tính khí nóng nảy, ngang ngạnh của ông, sai khiến ông đâm đầu theo đuổi mục tiêu của mình bất chấp sự khả thi của nó. Vì điều này mà ông là hình ảnh đối nghịch với một chính khách giỏi,” Meissner nói.

            Chiến tranh là cốt tủy trong chính quyền của Sennacherib. Ông tấn công Babylon, ông xua quân chống lại người Kassi, vào năm 701 trước C. N ông phát động chiến tranh chống Tyre, Sidon, Ashkelon, và Ekron, chống lại Hezekiah ở Judah, mà quân sư của ông chính là nhà tiên tri Isaiah. Ông khoác lác đã chiếm được 46 thành và vô số làng mạc trong đất của người Do Thái. Nhưng tại Jerusalem ông gặp trận Waterloo [trận chiến quyết định tại đó Napoleon bị đánh tan tác bởi liên minh giữa quân Anh quân Phổ, kết liễu cuộc đời binh nghiệp của Napoleon: ND]. Theo lời của Isaiah:

            “Bởi nên Chúa phán như thế này về vua của dân Asyyria, Ngài sẽ không cần bước chân vào thành phố này, không cần bắn một mũi tên nào, không cần mang khiêng đứng trước nó, không cần đắp ụ cao chống lại nó. . . Rồi thiên thần xuất hiện trong doanh trại quân Assyria, vỗ cánh 100 lần, 80 lần, và 5,000 lần: và rồi khi họ đứng dậy vào buổi sáng, nhìn kìa, tất cả bọn họ đều là những xác chết.”

            Đúng ra, chính bệnh dịch (ngày nay được biết là bệnh dịch nhiệt đới) đã đánh bại đội quân của Sennacherib. Sau cuộc đột kích Palestine ông tiến hành các cuộc viễn chinh xa đến tận Armenia. Ông lại giao chiến nhiều lần với Babylonia, một đất nước không chịu khuất phục trước các thống đốc chuyên chế của Sennacherib. Sử dụng một đội chiến thuyền, ông liều lĩnh đi đến tận Vịnh Ba Tư, từ đó đoàn quân ông tràn vào vùng quê như “đàn châu chấu.” Các biên niên sử của ông về các chiến công này được phóng đại, và bịa đặt thêm nhiều chi tiết. Thật ra, những ghi chép của Sennnacherib khiến ta nhớ lại hình ảnh điển hình của một tên độc tài khua môi múa mỏ những lời dối trá trước đám đông, dân chúng cũng như quân nhân, tự tin rằng chúng sẽ bị nuốt chững [Có lẽ tác giả ám chỉ Hitler: ND]. Thật không dễ chịu cho chúng ta những người hiện đại khi một nhà khảo cổ tìm được một bảng đất sét trong phế tích Babylon trên đó có dòng chữ khắc: “Hãy nhìn quanh nhà ngươi, có thấy mọi người đều là những thằng ngu.” Sự lặp lại thường xuyên giữa quá khứ và hiện tại là điều có thực. 

            Sennacherib lên đến giới hạn của bạo ngược khi, vào năm 689 trước C. N., ông rắp tâm xóa sổ xứ Babylon phản nghịch khỏi mặt đất. Xua quân vào thành phố, ông tàn sát dân chúng từng người một, cho đến khi thây người chết làm nghẽn cả đường phố. Nhà ở của dân chúng bị phá hủy một cách có hệ thống. Đền thờ Esagila nhiều tầng tháp được vật ngã xuống Kênh Arachtu. Cuối cùng nước được dẫn vào thành phố, đường xá, quảng trường, và nhà cửa đều bị nhấn chìm trong cơn lũ nhân tạo. Thậm chí đến lúc đó cơn say máu của Sennacherib vẫn chưa nguôi. Ông muốn thành phố mất hút, ít nhất một cách biểu tượng, khỏi ánh mắt của nhân loại. Để đạt mục đích này, ông cho thuyền chở đất của Babylonia mang đến Tilmun, tại đó đất được rải xuống khắp tứ phương.

            Lúc này thì cơn hung tàn của ông đã lắng xuống, ông quay ra bận bịu với công việc nội tình. Để làm vừa lòng người sủng ái của mình, Nakiya, ông tấn phong cho con trai thứ của mình là Esarhaddon làm thế tử Assyria, và cưỡng bách các lời sấm truyền phải tán thành sự lựa chọn này. Ông triệu tập một hội đồng đại biểu, gồm các anh của Esarhaddon, các nhà quí tộc và quan chức của Assyria, và một số đại biểu nhân dân. Được yêu cầu có tán thành kế hoạch của Sennacherib hay không, họ đều nhất trí hô to “Nhất trí!” Tuy thế, các người anh, bí mật phục hồi truyền thống kế vị ngai vàng, vào cuối 681 trước C. N. hành thích cha mình khi ông đang cầu nguyện thần linh tại ngôi đền ở Nineveh và giết chết ông. Thế là Sennacherib hết đời.

           Đây là một chương trong câu chuyện đẫm máu mà Layard đã mở ra bằng chiếc xẻng của mình. Ông đã thêm thắt một chi tiết cho câu chuyện, khi trong cung điện của Sennacherib, ông phát hiện hai phòng ốc, hiển nhiên đã được bổ sung vào giờ chót, có chức năng của một thư viện.

            Việc sử dụng từ thư viện để mô tả hai phòng này không có gì thái quá, thậm chí theo tiêu chuẩn hiện đại; bởi vì kho tàng thông tin được Layard phát hiện tại đây gồm gần 30 ngàn “quyển sách.” Một thư viện những bảng khắc bằng đất sét!

            Assurbanipal (688-626 trước C. N.), nối ngôi nhờ ảnh hưởng của bà nội Nakiya, người sủng ái một thời của Sennacherib, có tính khí hoàn toàn đối nghịch với nhà độc tài.   Những ghi chép về ông, mặc dù cũng phô diễn sự tự đắc như các vị vua tiền nhiệm, nói lên những tình cảm yêu chuộng hòa bình và nói chung phản ảnh khuynh hướng thiên về cuộc sống an bình của Assurbanipal. Từ sự kiện này ta không được suy diễn là Assurbanipal không tham gia chiến tranh. Các em ông – một người là thầy trưởng tế của thần mặt trăng, được ghi nhớ vì cái tên quá dài của ông, Assur-etil-shameirssiti-uballitsu, viết tắt là Assur-ballit – gây cho Assurbanipal nhiều chuyện đau đầu. Shamash-shum-ukin, người em được chỉ định là Vua xứ Babylon, gây nhiều rắc rối cho ông nhất. Y đánh phá Vua của Elamites, và sau khi chinh phạt Babylon – nó đã được tái thiết – thay vì làm cỏ như Sennacherib đã từng làm, y đơn giản di dời vào đó và cai trị. Trong thời gian hai năm vây hãm Babylon một thị trường chợ đen nổi lên, một triệu chứng của sự bất ổn kinh tế thường cho một cách sai lầm là chỉ có trong thời hiện đại. Ba sila (khoảng 2.25 cân) lúa giá một shekel (khoảng 8.4 gam) bạc. Bình thường số bạc này mua được ít nhất 60 lần số lúa trên.

            Assurbanipal nhận được bài tán tụng thi vị chưa từng được ban cho Sennacherib, như sau:

             Những vũ khí của quân thù dấy loạn đều yên nghỉ,

            Những chiến mã xa đã tháo ngựa, buông cương,

            Những lao sắc họ đã xếp vào kho,

            Và dây cung đã chùng;

            Những hoạt động bạo lực đã bị dẹp bỏ,

            Trong nhóm người gây chiến chống lại kẻ địch của mình.

            Trong nhà và ngoài ngõ

            Không ai lấy đi của cải của bạn bè bằng sức mạnh;

            Bên trong toàn bộ xứ sở

            Không ai làm hại người anh em của mình.

            Ai một mình lên đường

            Vẫn an toàn và bình yên trên những dặm đường xa.

            Khắp nơi mọi chốn thanh bình ngự trị,

            Bốn phương trời đều như chất dầu tốt nhất.

            Assurbanipal tạo ra tên tuổi của mình sống mãi cùng năm tháng bằng cách sáng lập thư viện lừng danh của ông, “để ông có gì để đọc.” Sự phát hiện những bảng chữ khắc này là kỳ tích khai quật vĩ đại cuối cùng của Layard. Sau thành công này ông truyền đuốc cho người khác, rồi trở về nước Anh, và bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.

            Thư viện của Assurbanipal cung cấp một chìa khóa mở đến sự hiểu biết về toàn bộ nền văn minh Assyria-Babylonia. Bộ sưu tập tất nhiên được sắp xếp theo một hệ thống minh bạch. Nhà Vua có được một phần các bảng khắc từ những nguồn tư liệu riêng, nhưng đại bộ phận là những bản sao từ những bảng gốc nằm rải rác khắp tỉnh lị trong lãnh thổ của ông. Ông phái Shadanu, một cận thần ông, đến Babylon với căn dặn sau:

            “Ngày mà khanh nhận được thư trẫm, hãy mang theo Shuma, em của y, Bel-etir, Apla, và các nghệ nhân của Borsippa mà khanh biết, và thu gom tất cả những bảng khắc, có bao nhiêu trong nhà họ lấy hết, và cũng như thế đối với Đền Ezida.”

            Và ông kết thúc lệnh mình như sau:

            “Tìm kiếm và mang về cho trẫm những bảng khắc quí giá mà ở Assyria chưa có bản sao. Trẫm đã vừa chỉ dụ cho người coi sóc đền và thị trưởng Borsippa là khanh, Shadanu, phải cất giữ các bảng khắc trong nhà kho, và rằng không ai được quyền từ khước giao nộp bẳng khắc cho khanh. Nếu khanh nghe tin có bất kỳ bảng khắc nào hoặc văn bản nghi thức nào thích hợp cho triều đình, thì khanh hãy sục sạo, chiếm được nó, và mang về đây.”

            Một đội các học giả và “nghệ nhân viết chữ” được Assurbanipal sử dụng. Nhờ sự hỗ trợ của họ ông gom góp được một thư viện chứa toàn bộ kiến thức của thời đại mình. Hầu hết sách đều viết về các thuật thần chú, chiêm tinh, và điều hành nghi thức. Nhưng cũng có một số sách về các công trình y học – chắc chắn là chỉ loáng thoáng, phần lớn là nhuốm màu ma thuật – cũng như các tác phẩm về triết lý, thiên văn, toán học, và ngữ học.

            Thư viện cũng chứa danh sách các đời vua, những tóm tắt lịch sử, những chỉ dụ hoàng gia có bản chất chính trị, và thậm chí văn học thi ca, bao gồm những truyện thần thoại-anh hùng ca, bài hát, và thần ca.

            Trong số những bảng khắc thuần túy “văn chương” có những ghi chép về thiên sử thi vĩ đại đầu tiên của lịch sử thế giới, truyện dân gian về Gilgamesh cao đẹp và kinh khủng, nửa thần, nửa người. Sử thi Gilgamesh là tác phẩm có ý nghĩa nhất của nền văn minh Mesopotamia.

            Những bảng khắc đặc biệt này không phải được Layard phát hiện. Chúng được phát hiện bởi một người, chỉ không lâu trước đây, đã được giải thoát nhờ một cuộc viễn chinh giải cứu sau hai năm tù tội cơ cực ở Abyssinia.

            Hormuzd Rassam, tác giả của phát hiện này, là một phụ tá của Layard. Khi Layard từ bỏ khảo cổ để theo nghiệp ngoại giao, Rassam được bổ nhiệm bởi Bảo tàng British để tiếp tục công việc của người chủ.

            Rassam sinh năm 1826 ở Mosul, trên sông Tigris. Năm 1847 ông bắt đầu theo học ở Oxford và năm 1854 được thuê làm thông dịch viên tại tòa công sứ Anh tại Aden. Một thời gian ngắn sau đó, mặc dù chỉ mới 30 tuổi, ông được bổ nhiệm làm tùy viên công sứ. Năm 1864 ông đi đến triều đình Vua Theodore của Abyssinia dưới tư cách một sứ giả ngoại giao. Nhà chuyên chế Theodore, một kẻ thống trị đen có khái niệm rất rõ về đặc quyền vua chúa, cho bắt Rassam và giữ lại. Sứ giả kém may mắn trải hai năm trong các nhà tù Abyssitia trước khi ông được đội viễn chinh của Napier giải thoát. Một thời gian ngắn sau ông bắt đầu khai quật ở Nineveh.

            Rassam gần như cũng gặt hái được thành công như Layard đã từng. Nhưng ông thiếu hai lợi thế nổi trội mà Layard sở hữu. Ông không được may mắn là người đầu tiên có mặt tại thực địa và những phát hiện của ông không tuyệt vời như của Layard. Ông cũng không có khả năng của một nhà ngoại giao có triển vọng để có thể mô tả những trải nghiệm khảo cổ bằng một phong cách duyên dáng, đầy màu sắc.

            Rassam đào một nơi gọi là Balawat cách Nimrud khoảng 8 dặm về phía bắc. Ở đây ông khai quật không chỉ được một đền thờ do Assurnasirpal xây dựng, mà còn tàn tích của một thành phố bậc thang. Trong số nhiều cổng ông tìm được một cổng cao khoảng 7 mét, chắn bằng cánh cửa đôi bằng đồng. Đây là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại các cánh cửa theo nghĩa hiện đại trong cung điện Mesopotamia. Chính tại nơi đây ông phát hiện được sử thi Gilgamesh.

            Toàn bộ ý nghĩa của công trình này, vốn mang lại sự thấu hiểu soi sáng vào bình minh của tinh thần nhân loại, chỉ hiểu được một cách thích đáng nhiều năm sau khi nó được phát hiện. Ngày nay mỗi tác phẩm về lịch sử văn chương thế giới đều đề cập đến nó đâu đó ngay từ đầu sách. Tuy nhiên các nhà văn học sử hiện đại không coi trọng nhiều đến Sử thi Gilgamesh. Họ chỉ kể 10 hoặc 12 hàng, gọi tác phẩm đó là “suối nguồn của sự thi,” và thế là hết. Thực sự chính toàn bộ tác phẩm sẽ hướng dẫn ta trở lại ngay cái nôi của nhân loại, và đắp thêm thịt cho bộ xương của những tổ tiên xa xôi nhất của chúng ta. Việc lần theo Sử thi Gilgamesh đi đến những nguồn cội cổ xưa được hoàn thành bởi một người qua đời chỉ bốn năm sau khi hoàn tất công việc và cái tên bình thường của ông chỉ được nhắc đến một cách bất công ở những lời bình phẩm bên lề và các cước chú trong đa số những câu chuyện về khảo cổ.

            Người đàn ông này là George Smith, một nhà khảo cổ nghiệp dư khác, và là thợ khắc giấy bạc chuyên nghiệp, sinh ngày 26/3/1840 ở Chelsea, London. Ban đêm Smith tự học trong căn phòng nhỏ những ấn phẩm đầu tiên về Assyria một cách mê say. Vào tuổi 26 ông viết một số những bình phẩm nhỏ về những chữ cái hình nêm còn đang tranh cãi. Những tiểu luận này do nhà khắc giấy bạc vô danh gây nhiều chú ý cho giới chuyên môn. Một vài năm sau đó ông được phong làm phụ tá trong bộ phận Ai Cập-Assyria của Bảo tàng British. Khi ông mất sớm, vào năm 1876, ở tuổi 36, ông đã xuất bản một tá sách và liên kết tên tuổi mình với những khám phá có ý nghĩa.

            Vào năm 1872 thợ khắc giấy bạc xưa kia giờ đang chúi mũi vào những bảng khắc mà Hormuzd Rassam đã gởi về Bảo tàng, cố gắng giải mã chúng. Tại thời điểm này không ai biết rằng tồn tại một tác phẩm văn học Assyria-Babylonia xứng đáng được xếp vào hàng kiệt tác với những tác phẩm trong thời đại anh hùng sau này. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Smith không hứng thú lắm với chất lượng văn học của những bảng khắc. Về cơ bản, Smith hiển nhiên là một người khá buồn cười với những tập quán thuần túy học thuật, không có chút gì thi vị. Ông bị thu hút bởi nội dung của câu chuyện, bởi “điều gì” hơn là “thế nào” của huyền thoại. Ông càng đi sâu vào việc giải mã, ông càng phấn khích và càng nôn nóng muốn biết câu chuyện kết thúc ra sao.

            Dần dần Smith gỡ ra những kỳ công của Gilgamesh người hùng. Ông đọc về nhân vật của rừng, Enkidu, được ả điếm của một thầy tu đưa vào thành phố để khuất phục Gilgamesh người khiêm cung. Nhưng trận chiến dữ dội của các anh hùng kết thúc hòa. Gilgamesh và Enkidu trở thành bạn và, cùng với nhau, hoàn thành nhiều kỳ công cao quí. Họ giết Khumbaba, kẻ cai trị kinh khiếp của rừng tuyết tùng, và thậm chí thách thức chính các thần linh khi họ xúc phạm đến Ishtar, người đã dâng hiến tình yêu mình cho Gilamesh.

            Cặm cuội dịch không ngừng, Smith đọc được, càng lúc càng vào sâu, việc Enkiku chết vì một căn bệnh đáng sợ như thế nào, Gilgamesh than khóc ông ra sao, và để tránh một số phận tương tự, đã lên đường tìm sự bất tử. Trong những chuyến lang bạt, ông gặp gỡ Ut-napishtim, tổ tiên khởi thủy của nhân loại. Nhân vật Ut-napishtim này và gia đình ông, khi các thần linh trừng phạt thảm khốc chủng người xấu xa, là những người sống sót duy nhất sau thảm họa. Sau đó các thần linh đã biến họ thành bất tử.

            Sau đó Ut-napishtim kể lại cho Gilgamesh toàn bộ câu chuyện về cuộc giải thoát kỳ lạ của mình. Smith đọc huyền thoại Ut-napishtim một cách say sưa. Sau sự phấn khích ban đầu ông dần dần tin chắc rằng mình đã gặp được một phát hiện nổi bật, và nhận ra có nhiều chỗ gián đoạn trong đường dây câu chuyện của các bảng khắc Rassam. Ông nhận ra rằng phần tinh túy nhất của câu chuyện hoan toàn thiếu mất – đó là, phần kết luận.

            Những gì Smith đã đọc về Sử thi Gilgamesh làm ông rất băn khoăn. Ông cũng không thể giữ kín về những phát hiện của mình, mặc dù tiết lộ chuyện đó chắc hẳn sẽ làm rúng động nước Anh thời Victoria vốn bị trói buộc với Kinh Thánh. Sau đó một tờ báo lớn đã cứu giúp George Smith. Tờ Daily Telegraph ở London thông báo rằng một số tiền 1,000 bảng sẽ được trao cho ai đi đến Kuyunjik, tìm ra được những bảng khắc chữ Gilgamesh còn thiếu, và mang chúng về Anh.

            George Smith đứng ra lãnh thách đố này. Ông vượt hàng ngàn dặm chia cách London với Mesopotamia, và ở đó tấn công vào đống xà bần khủng Kuyunjik để tìm kiếm những bảng khắc còn thiếu. Nhiện vụ của Smith như đáy bể mò kim.

            Và một lần nữa xuất hiện một trong những kỳ tích trong lịch sử khảo cổ. Smith đã thực sự tìm ra những phần còn thiếu của Sử thi Gilgamesh.

            Ông mang về nhà 384 bảng đất sét rời, trong số đó có phần còn thiếu của câu chuyện Utnapishtim gây tranh cãi. Câu chuyện này là một biến thể của huyền thoại Kinh Thánh về trận Đại Hồng Thủy. Tất nhiên, trong truyện dân gian có rất nhiều chuyện về lụt lội, nhưng câu chuyện này liên quan đến chính trận lụt về sau được mô tả trong Sáng Thế Ký. Thật ra, Ut-napishtim không ai khác hơn là Noah! Sau đây là đoạn văn trong Gilgamesh liên quan đến Ut-napishtim. Vị thần thân hữu Ea, người bảo hộ Ut-napishtim, trong một giấc mơ đã tiết lộ cho ông về dự tính trừng phạt của chúa. Ông liền xây cho mình một con thuyền lớn.

            Tôi chất lên thuyền tất cả những gì tôi có, toàn bộ thu hoạch của cuộc          sống

            Tôi đẩy lên thuyền tất cả gia đình tôi và họ hàng tôi,

            Các dã thú của rừng, gia súc của đồng, thợ thủ công, tôi chất tất cả họ         lên thuyền.

            Tôi bước vào thuyền và đóng cửa. . .

            Khi bình minh vừa ló dạng,

            Từ các tầng trời một đám mây đen nổi lên. . .

            Tất cả cái gì rực rỡ đều trở nên tối đen,

            Không ai nhìn thấy được ai,

            Những thiên sứ không còn nhận ra nhau được

            Các thần linh khiếp sợ trận lũ lụt,

            Họ trốn chạy, họ leo lên tầng trời của thần Anu,

            Họ thu mình sát tường như một con chó, và nằm xuống. . .

            Trong suốt sáu ngày đêm. . .

            Gió và lụt vần vũ, bão tố khuất phục đất đai.

            Khi ngày thứ bảy ló dạng, giông bão đã lắng xuống, trận lũ

            Sau khi đã lâm chiến như một đạo quân;

            Biển cả đã im, gió dữ đã lắng, cơn lũ đã ngừng.

            Tôi ngắm nhìn biển cả, giờ đã lặng tiếng,

            Và tất cả nhân loại đã hóa thành bùn!

            Đầm lầy vượt qua cả mái nhà!…

            Tôi ngắm nhìn thế giới, chân trời của biển cả;

            Và từ xa một hòn đảo xuất hiện;

            Và con thuyền chạm vào Núi Nitsir,

            Núi Nitsir giữ yên con thuyền không cho nó lắc lư. . .

            Khi ngày thứ bảy đến,

            Tôi thả đi một chim bồ câu;

            Nó bay đi, con bồ câu đó, rồi nó bay về.

            Tôi thả đi một con chim nhạn;    

           Nó bay đi, con nhạn đó, rồi nó bay về,

            Vì không có đất liền, nó bay về.

            Tôi thả đi một con quạ;

            Nó bay đi, con quạ đó, và nó thấy nước đã rút;

            Nó ăn, nó bắn nước tung tóe, nó kêu vang, nó không bay về.

            Không thể phủ nhận sự thật là bản nguyên gốc của huyền thoại Kính Thánh về trận Đại Hồng Thủy đã được tìm thấy. Câu chuyện Ut-napishtim cho thấy không chỉ là sự tương đồng tổng quát của câu chuyện Noah và con thuyền lớn. Những chi tiết đặc trưng đã được lặp lại, chẳng hạn sự thả chim bồ câu và quạ.

            Văn bản này bằng chữ hình nên từ Sử thi Gilgamesh đặt ra một câu hỏi gây bối rối cho thời đại của Smith: Có phải Kinh Thánh không còn là nguồn sử liệu lâu đời nhất mà chúng ta có?

            Một lần nữa sự nghiên cứu bằng xẻng đã tạo một bước nhảy lớn vào quá khứ. Lần này, những lãnh vực mới tự lộ diện: Có phải câu chuyện Ut-napishtim chỉ là sự khẳng định huyền thoại Kinh Thánh bằng một huyền thoại cổ xưa hơn? Liệu mọi chuyện mà Kinh Thánh kể về vùng đất trù phú, bí ẩn này giữa các con sông không chỉ được coi như là một huyền thoại suốt ? Nếu tất cả những thứ gọi là huyền thoại này dựa trên sự thực thì sao? Có thể câu chuyện Đại Hồng Thủy, chẳng hạn, đã dựa vào một sự kiện có thực trong lịch sử hay không? Và lịch sử Mesopotamia đi ngược về thời điểm thực sự xưa đến thế nào?

            Điều hình như là một bức tường không thể xuyên thấu, một sự khuất lấp hoàn toàn của lịch sử, vừa được tiết lộ như một bức màn sẵn sàng được vén lên cho ta thấy cảnh tượng của những thế giới cổ đại chưa hề ngờ đến.

            Ít năm sau phát hiện của George Smith một lần nữa một người Pháp, cũng là một viên chức sứ quán, Ernest de Sarzec, người mà vào năm 1880 đào được trong lòng cát ở Telloh (Lagash) một bức tượng có phong cách chưa hề nhìn thấy ở Mesopotamia. Mặc dù không có liên hệ trong phong cách với những vật tìm thấy trước đây, nó cổ hơn và lạ thường hơn nhiều, một minh họa về một hình thức nghệ thuật sớm nhất từ thuở non nớt của văn hóa nhân loại. Nó trông cổ xưa hơn nghệ thuật Ai Cập nhiều, vốn được xem là nền nền nghệ thuật cổ xưa nhất từ trước đến giờ.

            Sự phát hiện về những dân tộc và nền văn hóa nguyên thủy này là thành quả của một giả thuyết cực kỳ táo bạo của các học giả, và được khẳng định một cách xuất sắc bởi phát hiện tình cờ của Sarzec.

             Một thời gian sau, khoảng đầu thế kỷ mới, một nhà khảo cổ người Đức bắt đầu khai quật Tháp Babel.

242526

  1. KOLDEWEY: THÁP BABEL

 

Robert Koldewey sinh năm 1855 ở Blankenburg, Đức. Ông học kiến trúc, khảo cổ, và lịch sử nghệ thuật ở Berlin, Munich, và Vienna. Trước khi được 30 tuổi ông khai quật tại Assos và trên đảo Lesbos. Vào năm 1887 ông đào ở Babylonia tại Surgul và El-Hibba, sau đó ở Syria, miền nam Ý, và Sicily, và lần nữa tại Syria vào năm 1894.

            Từ năm 40 đến 43 tuổi ông được thuê, không lấy gì làm sung sướng, làm giáo viên trường kiến trúc Gorlitz; rồi vào năm 1898, ở tuổi 43, ông bắt đầu khai quật Babylon.

            Koldewey là một người bất thường, và trong đôi mắt của những đồng nghiệp là một loại khoa học gia đáng ngờ. Tình yêu lớn nhất của ông dành cho khảo cổ khiến ông bỏ qua nguyên tắc là những gì mình tìm được phải được các chuyên gia ướp tẩm theo một phong cách khô khan, chết cứng hoàn toàn xa lạ với bản chất sôi động của ông. Ông luôn dễ bị xao xuyến trước cái duyên dáng của khung cảnh chung quanh và hàng ngàn việc hứng thú xảy ra mỗi ngày, và nhiệt tình khảo cổ của ông không hề cản trở mình luôn chú tâm một cách sâu sát đến đất đai và con người bất cứ nơi đâu ông đặt chân đến. Không gì có thể chặn lại dòng suối khôi hài của ông.

            Nhà khảo cổ uyên bác này cũng thích sáng tác những vần thơ ca ngợi niềm vui sống. Ông cũng viết vô số bức thư mà nhiều nhà học giả nghiêm cẩn coi thường, nghĩ là không ngang tầm với nghề nghiệp khảo cổ. Ông viết về một chuyến đi Ý theo kiểu này:

            “Ngoài việc đào bới, không có gì xảy ra ở Selinus [ở Sicily]. Tuy nhiên, có một thời điểm, con quỷ bổng nổi cơn thịnh nộ trong những vùng đất này. . . Xa đến hút tầm mắt, bờ biển uốn khúc lấp lánh cây trái trên đồng, vườn cây ăn quả, vườn nho. Và tất cả sự giàu có này đều thuộc về dân Hi Lạp ở Selinus, mà trong hai thế kỷ đã hưởng thụ trong thanh bình và thông hiểu lẫn nhau. Tình hình này tiếp diễn cho đến khoảng 409, khi đó, như một kết quả của việc tranh cãi với người láng giềng Elymi ở Segesta, người Carthage bước vào sân khấu. Hannibal Gisgon, chủ tướng của quân Carthage, ra lệnh thúc trụ phá tường thành của quân Selinus đang khiếp sợ. Đây là một hành động bực tức về phần Hannibal, vì chỉ mới gần đây người Selinus đã chiến đấu về phe của Carthage. Hannibal đã phá vỡ tường thành thiếu phòng bị, và sau một trận chiến đấu khủng khiếp chín ngày trên đường phố, trong đó cả phụ nữ của Selinus cũng tham chiến quyết liệt, 16,000 người chết chất đống trên các đại lộ. Quân Carthage man rợ đã cướp bóc và tràn vào những chốn linh thiêng, thắt lưng của chúng vắt đầy những bàn tay bị cắt lìa và những chiến lợi phẩm khác. Từ lúc này trở đi Selinus không bao giờ gượng dậy được đến tận hôm nay. Vì sự kiện này loài thỏ phóng tự do khắp nơi qua đường phố. Và cũng vì điều này, chúng tôi mới có được thịt thỏ trong bữa ăn chiều. Những chú thỏ này do Ngài Gioffre bắn được và nướng cho chúng tôi thưởng thức khi chúng tôi gột rửa thân thể bụi bặm vì khai quật trong những cơn sóng dồn vập của biển cả không bao giờ yên nghỉ.”

Khi Nineveh được nâng lên hàng thủ đô và bắt đầu nổi tiếng trong lịch sử Mesopotamia, thành phố Babylon đã là một kinh đô trong 13 thế kỷ. Thật ra nó đã lên đến đỉnh cao của quyền lực và của sự hống hách khoảng 1,000 năm trước, dưới thời Hammurabiu, người ban luật.

            Khi Nineveh bị hủy diệt, nó bị hủy diệt đến mức độ toàn bộ khiến Lucian [kịch tác gia châm biếm thời Hi Lạp cổ đại, trong tác phẩm Đối Thoại với Người Chết] phải cho nhân vật Mercury của ông ta nó với Charon: “Kẻ đưa đò giỏi giang của ta, Nineveh bị hủy diệt quá hoàn toàn đến độ ta không thể nói giờ nó tọa lạc ở đâu, vì không còn một dấu vết gì của nó để lại.” Đối với Babylon thì không thế, vì nó được tái thiết sau khi bị san bằng. Tướng Nabopolassar tạo ra một đế chế Babylonia mới và biến Babylon thành kinh đô của nó. Con trai ông, Nebuchadnezzar II, một lần nữa dẫn dắt người Babylon đến những đỉnh cao vinh quang và quyền lực. Kinh đô sống lâu hơn Nineveh 73 năm trước khi sụp đổ vào tay của Cyrus, người Ba Tư.

27.png

Mặt cắt ngang của bức tường củng cố phần phía bắc của thành nam của kinh thành Babylon. Ở trên tường thành giữa trong ba tường thành có vẽ một chiến binh để lấy tỉ lệ. A1 và A3: Tường thành của Nabopolassar; G1: Tường thành của lăng mộ Imgur-Bel; SL : Tường thành Gạch phía Nam; S: Tường thành của Sargon

Vào năm 1899 khi Koldewey ấn lưỡi xẻng vào bờ đông của mô gò Kasr, thành lũy Babylon, không giống như Botta và Layard, nói chung ông khá quen thuộc với lịch sử bị chôn vùi dưới những đống xà bần cao ngất. Những cuộc khai quật ở Khorsabad, Nimrud, và Kuyujik và, trên hết, thư viện khổng lồ của Assurbanipal đã cung cấp một lượng thông tin đáng kể về các dân tộc và nhà cai trị vùng đồng bằng giữa hai con sông. Babylon nào đã xuất hiện từ cuộc khai quật của Koldewey: Babylon nguyên thủy của Hammurabi, Vua thứ 11 của triều đại Amurru, hoặc một Babylon trẻ hơn, được tái thiết sau sự hủy diệt đáng sợ dưới bàn tay của Sennacherib?

            Koldewey biết vào tháng 1 năm 1898, mặc dù vấn đề chưa được chính thức quyết định, là ông sẽ được ủy nhiệm việc giám sát các cuộc khai quật Babylon. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, ông chỉ mới rà soát một số mô gò đá vụn. Trong thời gian này ông gởi một báo cáo về Babylon đến các giám đốc của Bảo tàng Hoàng gia ở Berlin. “Trong bất kỳ trường hợp nào,” ông viết cho họ từ Baghdad, “chủ yếu là những công trình từ thời Nebuchadnezzar sẽ được tìm thấy ở đó” (đó là, ở Kasr). Có phải ông đã đặt tầm nhắm của mình quá cao? Khi quyết định ủy nhiệm cuối cùng đến nỗi hân hoan của ông đã làm vơi đi sự ngờ vực này. Và giờ đây những cổ vật phong phú được tìm thấy đã bóp chết mọi ngờ vực còn sót lại.

            Vào tháng 5/4/1899 ông viết: “Tôi đã đào 14 ngày, và toàn bộ hoạt động là một thành công hoàn toàn.” Vật ông chạm đến đầu tiên là tường thành khổng lồ của Babylon. Dọc theo tường thành ông tìm thấy vô số mảnh vỡ hình chạm nổi – răng, đuôi, móng vuốt, và mắt của sư tử; bàn chân, râu, mắt của con người; chân của một loài động vật có xương mảnh khảnh, chắc chắn là một linh dương, và răng chạm nổi của heo rừng. Dọc theo một vạt tường thành chỉ dài 25.6 bộ (khoảng 7.8 mét) ông tìm được 1,000 mảnh vỡ. Vì ông ước tính chiều dài tổng cộng của bức phù điêu là 960 bộ (khoảng 291 mét), ông viết trong cùng bức thư trên là: :Tôi đang đếm khoảng 37,000 mảnh vỡ.”

            Chúng ta phải cảm ơn Herodotus về việc mô tả sinh động Babylon, ông và Ctesias, thầy thuốc của Artaxerxes II. Kỳ quan lớn nhất của Babylon mà cả hai sử gia này báo cáo chính là tường thành. Kích thước mà Herodotus gán cho công trình trong hai ngàn năm nay được cho là lối cường điệu thông thường mà các nhà du hành chuyên nghiệp ngày xưa hay áp dụng. Theo Herodotus, bề mặt tường thành ghép lại đủ rộng cho hai chiến mã xa qua lại ngược chiều nhau, mỗi xe có bốn ngựa kéo.

            Koldeway không mất nhiều thời gian để tìm ra tường thành nổi tiếng này. Việc đào xới vô cùng khó khăn, đất cứng hơn nhiều so với bất kỳ vùng khai quật nào trên thế giới. Trong khi những chỗ khác trên mô gò Kasr các đống xà bần chỉ nằm ở độ sâu 6, 9, và lên đến 19 bộ, thì ở tường thành xà bần chất đống cao đến 38 bộ (khoảng 11.5 m), và vài nơi đến 77 bộ (khoảng 23.4 m) hoặc sâu hơn nữa. Tất cả lớp che phủ bị nén chặt này phải được dời đi. Trong hơn một thập niên rưỡi Koldewey miệt mài đào xới với một lực lượng hơn 200 nhân công.

            Kỳ công đầu tiên của ông đã minh chứng việc mô tả về tường thành Babylon của Herodotus đã không hề quá đáng. (Nhận xét là các minh chứng loại này ta gặp khá thường. Schliemann đã chứng tỏ có nhiều sự thật trong Homer và Pausanias; Evans đã chứng minh rằng phần cốt lõi của sự thật trong huyền thoại Minotaur; và Layard chứng tỏ một vài mô tả trong Kinh Thánh  đúng là có thật.)

28.png

Mặt bằng của một ngôi nhà của dân Babylon. Sự phân bố răng cưa ở mặt trước có từ thời sử dụng xà gỗ, những phần nhô ra có tác dụng chống đỡ của đầu thanh rầm. Đặc điểm kiến trúc này, mặc dù không còn ý nghĩa thực dụng, vẫn tiếp tục trong thời xây dựng rầm đá.

Koldewey làm lộ ra một tường thành dày 22.4 bộ (khoảng 6.8 mét), làm bằng gạch thường. Sau đó, 38.4 bộ (11.7 mét) phía ngoài nó là một bức tường gạch khác, dày 25 bộ (7.6 mét). Rồi còn có một bức tường bằng gạch nung vốn được lót ở mặt trong của  bờ hào thành lũy, bức tường dày 12 bộ (khoảng 3.6 mét). Trong những thời điểm nguy cấp, hào được cho ngập nước.

            Không gian giữa các bức tường rõ ràng là được lấp đầy đất lên đến rìa của tường ngoài, do đó tạo thành một lối đi đủ rộng để bốn ngựa có thể sánh vai đi qua. Các quân phòng thủ tuần hành quanh tường thành, và mỗi 160 bộ (khoảng 49 mét) có một tháp canh. Koledewey ước tính tường thành phía trong có 360 tháp canh, và theo Ctesias có 250 tháp canh trên tường thành ngoài.

            Koldewey đã khai quật thành lũy đồ sộ nhất mà thế giới từng biết. Các bức tường cho thấy Babylon đã từng là thành phố lớn nhất vùng Trung Đông, thậm chí lớn hơn Nineveh. Thật ra, nếu ta nghĩ về thành phố theo quan điểm trung cổ là “một nơi cư trú có tường thành bao bọc,” Babylon, thậm chí cho đến hôm nay, là thành phố lớn nhất trong số các thành phố thuộc loại này.

            “Ta dựng nên một bức tường đồ sộ để bao bọc Babylon ở miền đông,” Nebuchadnezza. “Ta cho đào hào; và xây những dốc đứng dưới chân bằng nhựa đường và gạch nun. Tại bờ hào ta xây dựng một tường thành vững chắc cao như một ngọn đồi. Ta mở các cổng rộng và đóng kín bằng các cửa gỗ tuyết tùng bọc đồng. Sao cho các kẻ thù, có ý đồ xấu, sẽ không thể đe dọa thành trì Babylon, ta đã bao quanh nó bằng những dòng nước cuồn cuộn như sóng của biển cả tràn vào đất liền. Đường đi của chúng như đường đi của biển lớn, những con nước của muối mặn. Để không có kẻ nào có thể vượt xuyên qua hào, ta đã chất đống đất cạnh nó, và bao quanh nó bằng những bức tường gạch. Thành trì này được ta củng cố một cách đầy mưu trí, và biến thành phố Babylon thành một pháo đài.”

            Thành lũy Babylon đáng lẽ là một nơi bất khả xâm phạm đối với mọi loại hình công phá được biết đến vào thời điểm đó. Nhưng sự thật lịch sử đã cho biết rằng Babylon đã bị tiến chiếm. Chỉ có một lối giải thích duy nhất: kẻ thù tấn kích từ bên trong, không phải từ bên ngoài. Kẻ thù không ngừng đe dọa, việc nội chính của thành phố luôn trong tình trạng rối loạn, và luôn tồn tại đạo quân thứ năm (tức thành phần nội ứng) sẵn sàng mở cửa cho kẻ thù đến giải phóng. Trong tình hình này thì dẫu có pháo đài kiên cố đến mấy cuối cùng cũng phải thất thủ.

            Vâng, Koldewey đã tìm thấy thành Babylon của Nebuchadnezzar. Đó là Nebuchadnezzar, người mà Daniel ca tụng là “vua của các vì vua” và “người đứng đầu các thần,” đã bắt đầu việc tái thiết thành phố trên một qui mô khủng: việc phục dựng lại Đền Emach trên đỉnh pháo đài, và các đền thờ có tên E-sagila và Ninurta, và Đền Ishtar cổ hơn ở Merkes. Ông cũng phục dựng các tường thành của Kênh Arachtu và xây dựng cầu đá đầu tiên qua sông Euphrates. Ông đào Kênh Libil-higalla, hoàn tất việc xây dựng Thành Nam và các lâu đài của nó, và trang trí Cổng Ishtar với những hình chạm nổi thú vật có

tráng men màu vui mắt.

            Trong khi các người tiền nhiệm của Nebuchadnezzar đã sử dụng gạch phơi nắng, nhanh chóng xuống cấp vì gió và thời tiết, ông thường dùng gạch nung đúng cách, đặc biệt cho những công trình phòng vệ. Nếu những kiến trúc Mesopotamia chỉ để lại những vết tích ít ỏi ngoài những đống xà bần to lớn, lý do là vì chúng được làm bằng những vật liệu dễ hư hỏng. Những tòa nhà của Nebuchadnezzar, tuy nhiên, vốn được cất bằng những vật liệu bền chắc hơn, cũng chịu chung số phận. Nhưng trong trường hợp này chúng bị hủy hoại, qua nhiều thế kỷ, bởi những dân địa phương lấy gạch để xây cất nhà cửa của mình, tương tự như những đền thờ của La Mã ngoại giáo bị làm cỏ trong Thời Trung cổ để xây dựng những công trình Cơ đốc giáo. Thành phố hiện đại Hilleh và vài ngôi làng lân cận được xây bằng gạch của Nebuchadnezzar. Dấu ấn của nhà Vua có thể thấy được trên chúng. Thậm chí một con đập hiện đại làm lệch hướng dòng nước sông Euphrates vào Kênh Hindiyye chủ yếu được xây dựng bằng cùng những viên gạch mà dân Babylon cổ đã từng dẫm lên. Biết đâu tại một thời điểm trong tương lai khi con đập rơi vào tình trạng bỏ phế, những người khai quật có thể lầm lẫn khi cho rằng mình đã chạm vào một công trình khác của Nebuchadnezzar.

            Thành lũy Babylon chứa một phức hợp tổng thể của các lâu đài, bao phủ một diện tích đáng kể. Nebuchadnezzar lúc nào cũng xây dựng thêm những kiến trúc mới, bởi vì những gì đã được xây dựng, theo ý kiến ông, “không xứng đáng với phẩm chất hoàng gia.” Với mức trang trí dư thừa, những hình chạm nổi trên gạch sáng lấp lánh và tráng men rực rỡ, Thành lũy có thể tuyên bố thực sự là một kỳ quan của thế giới, một kỳ tích của sự lộng lẫy man rợ, lạ lùng, nguội lạnh. Nebuchadnezzar, hơn nữa, tuyên bố rằng ông ta đã xây dựng toàn bộ công trình trong vòng 15 ngày, một phát biểu được chấp nhận dễ dãi trong nhiều thế kỷ.

            Thuộc nhóm này ba công trình được Koldewey phát hiện có mối hứng thú đặc biệt: một khu vuờn, một tháp, và một đường phố.  

            Một hôm ở góc đông bắc của Thành Nam Koldewey tìm thấy một cấu trúc hình vòm mà ông nhận ra ngay là một điều gì đó khác thường, mà cho đến ngày hôm nay vẫn còn được coi là độc nhất. Trước hết, đây là những không gian hầm đầu tiên được khám phá tại Babil, phần cổ nhất của kinh thành. Thứ hai, chúng là những mẫu đầu tiên về kiến trúc hình vòm từng xuất hiện trong kiến trúc Babylon. Thứ ba, trong số những phế tích này có một cái giếng, xây dưới dạng một đường hầm bộ ba. Sau nhiều suy nghĩ, mặc dù thậm chí không tuyệt đối chắc chắn, Koldewey nhận diện đường hầm bộ ba là một giếng có gàu kéo mà vào khởi thủy đã được trang bị một hệ thống bơm nước bằng xích để cung cấp nguồn nước liên tục, giờ hiển nhiên đã biến mất từ lâu. Thứ tư, đá đã được sử dụng khi xây dựng cổng vòm, cùng với gạch thông thường. Trên  khắp Babylon chỉ có một nơi khác có lối xây dựng bằng đá; tọa lạc tại tường bắc của Kasr.

            Xét về những đặc điểm của lối kiến trúc lạ kỳ này, Koldewey mường tượng một lối thiết kế xây dựng và kỹ thuật đẹp khác thường trong thời đại ấy. Rõ ràng các cổng vòm là nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó.

            Koldewey đoán ra cấu trúc vòm này là gì. Trong toàn bộ thông tin liên quan đến Babylon, quá các tác giả Josephhuc, Diodorus, Ctesias, và Strabo và trong các bảng khắc chữ hình nêm liên quan đến “thành phố tội lỗi” này được giải mã từ trước đến giờ, chỉ có hai lần đề cập, một cách dứt khoát, về sự sử dụng đá. Một chỉ đến tường bắc của Kasr – nơi Koldewey đã tìm thấy đá – chỗ khác là “Vườn Treo Semiramis.”

29.png

Mặt cắt qua những khung vòm mà, theo Koldewey tin chắc là được sử dụng để nâng đỡ “Vườn Treo Semiramis (hoặc Babylon).”

Có phải Koldewey đã khám phá ra chúng, những vườn lấp lánh đó, tiếng tăm qua nhiều thời đại về tính chất kỳ vĩ, được xếp trong Bảy Kỳ Quan Thế Giới, và gắn kết từ thời xa xưa với cái tên Semiramis huyền thoại?

            Niềm tin trực giác của Koldewey rằng Vườn Treo Babylon thực sự đã được tìm thấy gây ra những khoảnh khắc sôi động trong công trường khái quật. Mọi người liên can đến công việc đều tranh luận sôi nổi, khi đào cũng như khi nghỉ tay. Mọi người trông chờ đến lúc khi bí ẩn nghìn năm sẽ được làm sáng tỏ.

            Koldewey lần nữa khảo sát mọi thư tịch cổ. Ông cân nhắc từng câu, từng hàng, từng chữ, thậm chí định mon men đến lãnh vực ngữ văn học. cuối cùng ông cảm thấy là đã đủ để bảo vệ công bố của mình. Vâng, những cổng vòm hẳn là trụ nâng đỡ “Vườn Treo.” Giếng, một sự cách tân châu âu thời đó, đã được xây dựng để cung cấp nước cho hoa lá.

            Nhưng giờ thì tính kỳ quan của cấu trúc đã sút giảm, những công trình

trang trí đã rơi rụng. Nếu nhận diện của Koldewey là đúng thì những Vườn Treo này còn lại gì? Chúng đã từng hoành tráng, chắc chắn như vậy, một sự bố trí đường bệ trên mái của một tòa nhà được thiết kế khéo léo, và chắc chắn là một phép lạ kỹ thuật của thời đó. Dù vậy chẳng phải hơi vô nghĩa khi so sánh chúng với những kiến trúc khác của Babylon mà người Hi Lạp chưa từng nghĩ đến việc xếp vào hàng kỳ quan của thế giới?

            Hơn nữa, mọi thông tin của chúng ta về Semiramis huyền thoại đều có vấn đề. Hầu hết nó đến từ Ctesias, nhân vật có tiếng là có tài bịa đặt. Theo Ctesias, công trình bề thế ở Behistun do Darius xây dựng biểu thị Semiramis bị 100 cận vệ bao quanh. Theo Diodorus, Semiramis, sau khi bị bỏ rơi từ khi còn bé, được các bồ câu nuôi dưỡng, lớn  lên cưới một cố vấn hoàng gia, và sau đó bị nhà Vua bắt đi khỏi tay người chồng, vận một y phục “không biểu lộ bà là nam hay nữ,” và cuối cùng, sau khi trao lại vương quyền cho con trai mình, liền bay khỏi cung điện dưới dạng một chim bồ câu, và dưới hình thể ấy bà bước ngay vào cõi bất tử.

Trong Sáng Thế ký xi, 3-4, Tháp Babel được kể như sau:

            “Rồi họ bảo nhau: “Nào! Chúng ta hãy làm gạch và nung trong lửa”. Thế là họ dùng gạch thay cho đá và lấy nhựa đen làm vữa. Họ còn nói:            “Nào! Chúng ta hãy xây cho mình một cái thành và một cái tháp có đỉnh cao đến tận trời, chúng ta hãy làm rạng danh mình để sau này không bị phân tán khắp mặt đất”.

             Koldewey thực sự chỉ khai quật được phần nền rộng lớn của Tháp, dù sao thì cũng đã từng tồn tại, như được mô tả trong Kinh Thánh. Kiến trúc nguyên thủy đã bị cào bằng ngay từ thời trị vì của Hammurabi, và vào một thời điểm sau này một cái tháp khác đã được xây dựng để tưởng niệm tháp đầu tiên. Nabapolassar để lại những dòng chữ này để nhắc nhở chúng ta: “Vào thời điểm đó Marduk ra lệnh cho ta xây dựng Tháp Babel, qua thời gian đã suy yếu đi và sụp đỗ không sửa chữa được; ông ra lệnh ta phải đặt nền móng của nó vững chắc trên ngực của địa ngục, trong khi đỉnh tháp phải vươn đến tận tầng trời.” Nebuchadnezzar, con trai của Nabopolassar, bổ sung lời tuyên bố này với lời lẽ sau: “Dưới bàn tay tôi, đỉnh của Etemenanki sẽ được nâng cao, để sánh vai với tầng trời.” [Etemenanki có nghĩa là Ngôi Nhà có Nền Tảng của Trời và Đất, tức Tháp Babel]

30

Tháp bậc thang Etemenanki ở Babylon, các khu đền thờ, và cầu bắc qua sông Euphrates. Một công trình phục dựng.

Tháp ban đầu được xây cao trên một chuỗi nền bậc thang rộng lớn. Herodotus mô tả chuỗi có tám tầng bề thế, cái trên hơi nhỏ hơn cái dưới. Tầng trên cùng làm nền cho một đền thờ nhìn bao quát khắp khu vực. (Đúng ra chỉ có bảy tầng nền.)

            Đáy Tháp có cạnh dài 288 bộ (khoảng 88 mét), chiều cao của tháp cùng đền thờ trên cùng cũng là 288 bộ. Tầng một cao 105.6 bộ (khoảng 32 mét), tầng hai 57.6 bộ (khoảng 19.6 mét); tầng 3, 4, 5, và 6 đều cao 19.2 bộ (khoảng 5.8 mét); và trên cùng là Đền Marduk cao 48 bộ (khoảng 14.6 mét). Đền dùng để thờ cúng vị thần quan trọng nhất trong hệ thần Babylon. Các bức tường của đền thờ được lát vàng và trang trí bằng những đá tráng men màu xanh nhạt, lấp lánh trong nắng, đón chào đôi mắt của du khách từ xa.

            “Nhưng tất cả những lời mô tả bằng văn từ này có là gì khi so sánh với ấn tượng trực tiếp mà phế tích đem lại, dù chúng đã bị hư hỏng nặng?” Koldewey viết. “Khối lượng khổng lồ của Tháp, mà người Do Thái trong Cựu Ước xem như là biểu tượng của sự ngạo mạn của con người, đặt giữa những lâu đài kiêu căng của các thầy tu, những nhà kho thênh thang, và vô số khoảng không gian kỳ lạ – các bức tường trắng, các cổng đồng, những pháo đài bao quanh đầy hăm dọa với cổng vào cao rộng và một rừng gồm 1,000 tháp – tất cả những kiến trúc này chắc hẳn đã tạo ra một ấn tượng choáng ngợp của sự vĩ đại,  quyền lực, và sự dư dật ít khi được thấy ở nơi khác trong vương quốc Babylon hùng mạnh.”

            Mỗi thành phố lớn ở Babylon đều có tháp bậc thang của nó, nhưng không có tháp nào sánh được với Tháp Babel. Năm mươi tám triệu viên gạch đã được đưa vào sử dụng để xây dựng Tháp, và toàn bộ khung cảnh đã bị lấn áp bởi khối tháp bậc thang này.

            Tháp Babel là do bọn nô lệ xây dựng. Ở đây, cũng như tại công trường xây kim tự tháp ở Ai Cập, các giám thị quất roi chan chát. Tuy nhiên, trong một lãnh vực, tình hình có một khác biệt cơ bản. Một vì vua Ai Cập xây dựng kim tự tháp của mình trong khoảng thời gian của một đời vua, vì mục đích vị kỷ là để cất giữ xác ướp và ka của mình; còn các tháp bậc thang được xây dựng qua nhiều thời các nhà cai trị: những gì người ông bắt đầu, người cháu vẫn còn sẽ thực hiện. Khi các kim tự tháp Ai Cập xuống cấp, hoặc khi chúng bị xâm nhập và cướp bóc, không có ai ra tay phục hồi hoặc thay thế các báu vật bị mất cắp trong phòng an táng; nhưng các tháp của Babylon thì luôn được phục hồi và điểm tô lại nhiều lần.

            Vì các nhà cai trị góp tay vào việc xây dựng các tháp chính là đang xây dựng cho mọi người, chứ không phải cho riêng mình. Các tháp bậc thang là các đền thờ công cộng, mục tiêu của các đám rước gồm hàng ngàn người hành lễ để vinh danh Marduk, vị thần vĩ đại nhất. Thật là một cảnh tượng uy nghi biết bao khi tín đồ tuần hành lũ lượt trên thành phố! Đền thờ bên dưới dành cho vị thần nửa người nửa thú, làm bằng vàng ròng, an tọa trên một ngai vàng đặt cạnh một chiếc bàn lớn cũng bằng vàng ròng và có thanh gác chân cũng bằng vàng. Theo mô tả tìm thấy trong tác phẩm của Herodotus, trọng lượng toàn phần của bức tượng và đồ trang sức lên đến 800 ta-lăng – 800 ta-lăng vàng ròng, trị giá xấp xỉ 24,000,000 đôla tại thời giá hiện thời. Trong ngôi nhà của một thày tế người ta tìm thấy một con vịt đá, trên đó có khắc chữ “đúng một ta-lăng”. Nó cân nặng đúng 29.68 kí. Nếu Herodotus nói đúng sự thật thì bức tượng Marduk và đồ trang trí nặng khoảng 23,700 kí. Và bằng vàng ròng!

            Thật là một cảnh tượng uy nghi khi đám rước leo lên các bậc thang bằng đá tảng dẫn đến tầng một cao 32 mét! Trong khi đó đoàn thầy tế chắc hẳn đã đến giữa bậc thang của tầng ba, từ đó họ tiếp tục theo những cầu thang phụ bí ẩn để đến đỉnh Tháp, nơi đặt bàn thờ Marduk.

            Mái đền bằng gạch men bóng xanh thẩm sáng lấp lánh ở trên cùng. Herodotus trông thấy đền thờ vào khoảng năm 458 trước C. N.; đó là, khoảng 150 năm sau khi toàn bộ khu tháp bậc thang được hoàn thành, còn trong giai đoạn tu sửa chỉn chu. Không như đền hạ, đền thượng không có tượng vàng. Trong đền thượng chỉ có đặt một ghế trường kỷ lớn, “được trang trí tuyệt đẹp” để các nhân vật chức cao vọng trọng của Mesopotamia, cũng như Hi Lạp và La Mã ngồi dựa lưng trong khi dùng bữa. Gần ghế trường kỷ là một bàn có mạ vàng. Chốn linh thiêng bậc nhất này không mở cửa cho dân thường, bởi vì

trong đó chính Marduk bay lượn, và người phàm không thể kham nổi cái nhìn quắc mắc của thần. Không ai trừ một phụ nữ được chọn lựa để sống ở đấy, để hầu hạ cho vị thần tận hưởng khoái lạc theo sở thích của ngài. “Họ nói rằng,” Herodotus cẩn thận ghi chú, “chính vị thần thăm viếng đền và nằm nghỉ trên trường kỷ – nhưng điều này hình như đối với tôi là không đáng tin.”

            Chiếm khoảng không gian được tường bao bọc bên dưới Tháp là những tòa nhà nơi khách hành hương từ những địa phương xa xôi được tạm trú trong thời gian chuẩn bị đám rước lễ. Trong cùng khu vực này cũng tọa lạc những ngôi nhà dành cho các thầy tế của Marduk. Là những người phục dịch cho thần linh phong vương cho các vì vua Babylon, nên họ nắm giữ nhiều quyền lực.

              Tukulti-Ninurta, Sargon, Sennacherib, và Assurbanipal ồ ạt tấn công Babylon và phá hủy đền Marduk, Etemenanki, Tháp babel.

            Nabopolassar và Nebuchanezzar tái thiết Tháp. Rồi, rất lâu sau khi Nebuchadnezzar chết, vào năm 539 trước C. N., thành phố lại bị Cyrus, vua Ba Tư, chinh phạt. Ông là người đầu tiên giữ yên cho khu tháp. Là người có đầu óc trẻ trung hơn, ông bị mê hoặc bởi sự đồ sộ của kiến trúc đến nổi ông không những không xuống tay phá hủy Tháp, mà còn cho xây lên ngôi mộ ông đài tưởng niệm có kiểu dáng của tháp bậc thang thu nhỏ.

            Dù sao đi nữa, thì cuối cùng Tháp cũng bị phá sụp đỗ. Xerxes, vua ba Tư, biến nó thành đống gạch đá vụn, một đống phế tích mà Alexander Đại Đế đến thăm trên bước đường chinh phạt đến Ấn Độ. Alexander, cũng như Cyrus, đều bị cảnh tượng ấy thu hút. Trong hai tháng ông cắt ra 10,000 người lo việc dọn sạch gạch vụn, và có lúc xua cả đạo quân bắt tay vào việc, bỏ ra, theo báo cáo của Strabo, khoảng 600,000 ngày công cho công trình thu dọn này.

            Hai mươi hai thế kỷ sau một học giả Tây phương đứng tại cùng một địa điểm. Không như Alexander, ông đang tìm kiếm kiến thức, không phải tiếng tăm, và dưới quyền ông chỉ là 250 người chứ không phải 10,000 người. Vậy mà trong tám năm trời quần quật không ngừng nghỉ ông đã bỏ ra 800,000 ngày công để mở rộng công cuộc phục dựng. Qua nỗ lực của Koldewey Babylon được phục hồi xấp xỉ bằng với tỉ lệ ban đầu của nó – một phức hợp kiến trúc không tiền khoáng hậu.

Người cổ đại đã nghĩ về Vườn Treo như một trong những kỳ quan của thế giới, và thậm chí hôm nay Tháp Babel còn được nhớ đến như một biểu tượng thực sự của tính tự phụ của con người. Giờ đây Koldewey khai quật một bộ phận khác của thành phố, đã được biết đến qua những bảng khắc, nhưng vẫn còn nằm ngoài phạm vi hiểu biết trực tiếp.

            Koldewey khai quật chỉ một đường phố trong khu vực này, nhưng đường phố này hóa ra là đường phố hoành tráng nhất của thế giới cổ đại, lớn hơn bất kỳ đường phố La Mã nào, có lẽ lớn hơn bất kỳ đại lộ nào của thời hiện

đại, nếu mức độ hoành tráng không phải đo bằng chiều dài của nó. Công năng chủ yếu của đường phố không phải để điều tiết giao thông hàng ngày, mà để phục vụ làm con đường hành lễ dâng cúng chúa trời Marduk, khi ngài được cả dân chúng của thành phố tôn thờ, kể cả Nebuchanezzar, tại Tháp Babel.

            Công trình trên đường phố hành lễ chắc hẳn tiếp tục không gián đoạn trong 43 năm trị vì của Nebuchadnezzar. Nebuchadnezzar mô tả nguồn gốc và mục đích sử dụng của Đường Hành Lễ theo cách sau:

“Aibur-shabu, đường phố ở Babylon, ta đắp cao con đường hành lễ đấng thần linh vĩ đại Marduk bằng đá Turminabanda và Shadu, và liên kết nó với những bộ phận mà cha ta đã xây dựng, và biến nó thành con đường chói lọi.”

            Chính xác là như vậy: Đường Hành Lễ đấng Marduk. Đồng thời nó được tích hợp với công tác phòng thủ thành phố. Vì đường phố được xây dựng theo dạng một con mương khổng lồ; mắt không thể lang thang qua trái hoặc qua phải một cách tự do. Cả hai bên đường đều được chận sâu bằng các bức tường kinh khủng, cao 22.4 bộ (khoảng 6.8 mét). Vì Cung Đường Thiêng của Babylon chạy từ bức tường thành ngoài đến Cổng Ishtar, tạo ra lối vào chủ yếu đến Thành lũy bên trong của Babylon, bất kỳ kẻ thù nào muốn tấn công ồ ạt cổng thành phải tiếp cận nó bằng con đường trũng này – khi đó con đường trở thành một bẫy tử thần.

3132

Các niêm phong bằng gạch của Nebuchadnezzar. Văn bản được lặp lại trên mỗi viên gạch trong số 1 triệu viên gạch được sử dụng  để xây dựng các công trình hoàng gia. Văn bản viết:

“Nebuchadnezzar, Vua của Babylon, người bảo hộ  E-Sagila và Egida, con trai của Nabopolassar, Vua của Babylon.”

Hiệu ứng gây nản chí mà hẽm đá này gây ra cho mọi kẻ thù chắc hẳn đã được đẩy lên cao bằng đoàn tuần hành của 120 sư tử, mỗi con dài hơn 2 mét, tô điểm bức tường bằng những hình chạm nổi tráng men đầy màu sắc, như đang bước tới kẻ thù. Trong dáng điệu uy dũng chúng hiên ngang đi suốt chiều dài của trụ ngạch dưới chân tường – mồm há ra nhe răng – với bộ da trắng hoặc vàng, chiếc bờm vàng hoặc đỏ, trên một nền gạch men xanh thẩm hoặc nhạt. Đại lộ có chiều rộng 73.6 bộ (khoảng 22.4 mét).

33.png

Đến giờ này phế tích tường thành của Cổng Ishtar, vài nơi cao đến 40 bộ (khoảng 13 mét), là cảnh quan ấn tượng nhất Babylon còn để lại. Chúng một thời đã là hai nhà cổng to lớn, mỗi nhà có hai tháp nhô ra. Người ta nhìn đâu cũng bị lóa mắt trước những hình ảnh nhiều màu sắc của những con thú thiêng được chạm khắc trên tường – khoảng 575 con cả thảy theo ước tính của Koldewey. Chủ nhân đáng sợ này, với những màu sắc rực rỡ trên một nền xanh, chắc hẳn đã làm mê và gây sự kính sợ cho bất kỳ ai tiến gần đến cổng thành uy hiếp dinh thự hoàng gia.

            Đó không phải là sư tử, được đồng nhất hóa với chính nữ thần, được sử dụng để tô điểm Cổng Ishtar, mà là con bò tót, linh thiêng đối với Ramman (hoặc Adad), thần khí tượng, và thần Sirrush, hình tượng rồng rắn linh thiêng đối với Marduk, bản thân là chúa tể các thần. Sirrush có bốn chân dài, hai bàn chân sau có móng vuốt. Chiếc cổ dài có vảy của linh vật này kết thúc bằng một cái đầu rắn dẹt, mắt mở lớn với sừng thẳng đứng và chiếc lưỡi chẻ thè ra. Đó là con rồng Babylon.

            Một lần nữa một sự thật trong Thánh Kinh đã được giải phóng khỏi những lớp bao bọc của huyền thoại. Khi nhà tiên tri Daniel được Yahweh (Chúa của dân Do Thái) giải cứu một cách kỳ diệu trong hang sư tử của Babel, ông đã phục vụ cho Nebuchadnezzar để minh chứng cho sự bất lực của thần rồng chống lại vị thần của mình, “vị Thần sống,” (ý nói Jesus) của thiên niên kỷ tương lai.

            Dân số Babylon suy giảm và nó bắt đầu suy thoái dưới ách cai trị của người Parthia. Các lâu đài lớn bắt đầu rơi vào tình trạng hoang phế. Trong thời kỳ Sassanid 226-636 sau C. N., dân chúng còn sống trên những tàn tích của các cung điện cổ. Vào thời Trung Cổ thuộc Ả Rập không gì còn có mặt tại Babylon trừ các túp lều, một tình trạng còn tiếp tục cho đến thế kỷ thứ 12 của thời đại chúng ta.

3435

Ngày nay đôi mắt chúng ta quét qua một Babylon vừa được Koldewey đánh thức trở lại, quét qua phế tích, những mảnh vỡ lấp lánh, những tàn tích của một thời huy hoàng. Đâu là những lời của nhà tiên tri Jeremiah?

            “Do đó thú hoang của sa mạc cùng thú hoang của đảo sẽ đến đây cư trú, và cú cũng đến trú ngụ trong đó: và không còn có ai sinh sống ở đó nữa từ thời đại này đến thời đại khác.”

36

37

38.png

Bảng với văn bản hình nêm bên trái. Hình chạm nổi này được giả định, với thẩm quyền cao nhất, là hình Vua Baliddin của Babylon (khoảng 700 trước C. N.) với thần chủ Marduk.

Ở phần trên cùng ta có thể nhìn thấy “rồng Babylon,” tức “Sirrush.” 

 

 

  1. WOOLLEY: NỀN VĂN HÓA CỔ NHẤT THẾ GIỚI

 

Có bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng thói mê tín buộc chúng ta phải quay về khi bước ra cửa gặp một con mèo đen chạy ngang qua là bắt nguồn từ dân tộc Babylon cổ? Họ có chợt nghĩ khi chúng ta nhìn mặt đồng hồ có 12 khoảng chia, khi chúng ta mua 60 trứng gà, khi chúng ta nhìn lên các vì sao để đọc vận số của mình theo cách chúng di chuyển và giao hội?

            Chúng ta nên được nhắc nhở như thế, vì một phần lối suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta xuất phát từ Babylon. Chính xác hơn: từ vùng Babylonia, như một thực thể địa lý, mặc dù không nhất thiết từ những người Babylonia.

            Khi chúng ta biết được nhiều hơn về lịch sử nhân loại, thời điểm đến khi chúng ta bắt đầu cảm nhận được hơi thở yếu ớt của sự vĩnh cữu thoảng đến chúng ta băng qua khoảng cách xa xăm của năm tháng. Chúng ta bắt đầu thấy được những chứng cứ lờ mờ về những trải nghiệm của một bộ phận nhỏ nhân loại trong năm ngàn năm đã thực sự bị đánh mất. Chúng ta cũng thấy rằng thường những gì được xem là tốt giờ được xem là xấu, những gì từng là chân lý giờ chỉ là sai lầm. Mặc kệ, những sức mạnh của quá khứ vẫn còn sống tiếp và ảnh hưởng của chúng vẫn tác động đến chúng ta, mặc dù chúng ta có thể không biết điều này. Thật đáng sợ khi nhận biết ý nghĩa sâu xa nhất của việc là một con người: đó là, nhận biết rằng hết thảy chúng ta đều được gắn chặt vào dòng chảy của thời đại, mà di sản tư tưởng và cảm xúc của nó chúng ta bắt buộc phải mang theo với mình. Phần đông chúng ta không hề hay biết về tầm quan trọng của di sản này mà chỉ riêng con người là loài động vật duy nhất mang theo qua thời gian. Và hiếm khi chúng ta có khái niệm làm cách nào sử dụng tối đa gánh nặng mà mình được nhận.

            Thật là một trải nghiệm bất ngờ cho các nhà khảo cổ khi, có thể nói sau từng nhát xẻng, họ tìm thấy dữ kiện mới cho thấy nhiều biết bao những suy nghĩ và cảm nhận của họ đều đã được suy nghĩ và cảm nhận ở Babylon. Nhưng những người khai quật còn choáng váng hơn nữa khi chứng cứ chồng chất cho thấy nền văn hóa Babylon đã được thừa hưởng từ một dân tộc cổ xưa hơn người Babylonia Xê-mit, thật ra còn cổ hơn người Ai Cập

39.png

Vào năm 1946 học giả người Mỹ Samuel Noah Kramer bắt đầu cho xuất bản những tài liệu dịch thuật của mình mà dân tộc này còn lưu lại trên những bảng đất sét. Vào năm 1956, sau 26 năm miệt mài giải mã, ông xuất bản tác phẩm của mình, với đề tựa mạnh dạn Lịch Sử Bắt Đầu từ Sumer. Trong quyển sách này ông trình bày kết quả những nghiên cứu của mình, gác bỏ những hành trang học thuật, thành một câu chuyện cởi mở. Và ông kể chuyện ấy một cách dí dỏm. Ông liệt kê không ít hơn 27 “cái đầu tiên” về mặt lịch sử được khám phá hay hoàn thành hay được ghi chép bởi dân tộc này, và ông cũng không ngần ngại sử dụng những thuật ngữ hiện đại nhất để gọi tên chúng, như sau:

  1. Những trường học đầu tiên.
  2. Ca “Xu nịnh” đầu tiên.
  3. Ca “Thanh thiếu niên phạm pháp” đầu tiên.
  4. “Cuộc chiến Cân não” đầu tiên
  5. Quốc hội Lưỡng Viện đầu tiên.
  6. Sử gia đầu tiên.
  7. Ca giảm thuế đầu tiên
  8. Bộ luật “Moses” đầu tiên.
  9. Tiền lệ pháp lý đầu tiên.
  10. Bộ dược điển đầu tiên.
  11. Bộ “Niên giám nông nghiệp” đầu tiên.
  12. Thực nghiệm đầu tiên về làm vườn cây bóng mát.
  13. Thuyết nguồn gốc vũ trụ và vũ trụ học đầu tiên.
  14. Những tư tưởng luân lý đầu tiên.
  15. “Nghề nghiệp” đầu tiên.
  16. Những thành ngữ và tục ngữ đầu tiên.
  17. Những chuyện ngụ ngôn súc vật đầu tiên.
  18. Những tranh luận văn chương đầu tiên.
  19. Những chuyện tương tự như Kinh Thánh đầu tiên.
  20. Nhân vật Noah đầu tiên.
  21. Chuyện Phục sinh đầu tiên.
  22. Thánh George đầu tiên.
  23. Những câu chuyện Gilgamesh: Ca vay mượn văn đầu tiên.
  24. Sử thi: Thời đại anh hùng đầu tiên.
  25. Tình ca đầu tiên.
  26. Mục lục thư viện đầu tiên.
  27. Hòa bình và hòa điệu thế giới: Thời hoàng kim đầu tiên của nhân loại.

 

            Khi đọc danh sách này, người ta có thể ngờ là đây là tình huống của một người quá nhiệt thành đến nổi gán ghép những thuật ngữ hiện đại cho những sự kiện xã hội xảy ra cách đây hàng ngàn năm dưới những vùng trời khác nhau. Nhưng khi người ta tự mình đọc bản dịch xuất sắc của Kramer, họ thực sự nín thở. Chẳng hạn,nổi sầu muộn của người cha dành cho đứa con trai hư hỏng của mình, và về tuổi trẻ nói chung đang đi theo bọn xấu, được ghi lại trên 17 bảng đất sét cách đây 3,700 năm (nhưng nhiều thế kỷ xưa hơn nữa dưới dạng nguyên bản) đọc chẳng khác những lời thốt ra giữa hai cha con thời nay của một người hàng xóm kế bên. Văn bản bắt đầu với câu hỏi của người cha: “Con định đi đâu?” Trả lời: “Con không đi đâu hết!”

            Việc khám phá ra sự tồn tại của những chủng tộc cổ xưa hơn này là một trong những thành tựu chói lọi nhất của tri thức con người. Nó tiến hóa tình cờ từ những suy diễn của những nhà giải mã chữ hình nêm. Sự tồn tại của những dân tộc bí ẩn này được ngoại suy.

Một trong những kỳ tích lớn nhất của thiên văn học là dự đoán được chính xác một hành tinh nào đó, đến giờ chưa được đặt tên và chưa hề nhìn được bằng mắt người, sẽ xuất hiện tại một vị trí nào đó trong bầu trời ở một thời điểm nào đó, đi theo một lộ trình vạch sẵn,  sự kiện nào thực sự xảy ra.

            Và một việc gì đó cùng loại xảy ra khi một nhà hóa học Nga, nhận ra  một trật tự được che giấu trong những nguyên tố đã được phát hiện cho đến lúc đó, sắp xếp chúng một cách có hệ thống trong một bảng, và dựa trên các lỗ hổng trong bảng ông đã dự đoán sự tồn tại của những nguyên tố chưa biết [Đây nói đến bảng tuần hoàn hóa học Mendelev].

            Cũng như thế, trong lãnh vực nhân chủng học, khi trên cơ sở thuần túy lý thuyết, Haeckel thiết lập một hình thức trung gian giữa loài vượn và homo sapiens (chủng người), mà ông đặt tên là Pithecanthropus. “Mắc xích thiếu,”  Pithecanthropus này thực sự được Eugene Dubois tìm thấy vào năm 1892 trên đảo Java, và cho thấy một sự phù hợp sâu sát về chi tiết với thiết kế của Haeckel.

            Khi những chuyên gia về chữ hình nêm, sau khi những khó khăn trong việc giải mã đã được những người kế tục Rawlinson giải quyết, giờ có thể tập trung vào những câu hỏi đặc biệt như là nguồn gốc của các ký tự, các quan hệ ngữ học. . ., những nghiên cứu của họ trong những chiều hướng khác nhau dẫn họ đến lý thuyết sau đây:

            Những nghĩa đa chiều của nhóm chữ hình nêm Babylonia và Assyria không thể được giải thích aus sich selber – đó là, một cách riêng biệt. Hệ thống viết phức tạp như thế, sự pha trộn các chữ viết lối hình vẽ, theo âm tiết, và theo thứ tự mẫu tự như thế không thể nào phát triển một cách tự phát khi người Babylon bổng nhiên xuất hiện trong tuyến đầu của lịch sử. Chữ viết của người Babylonia chắc hẳn phải được truyền xuống từ một thời kỳ xa xưa hơn. Dựa vào kết quả của hàng trăm những phân tích ngữ học tích lũy, một ý tưởng hình thành cho rằng chữ viết hình nêm không phải do người Babylonia Xê-mit và Assyria sáng chế, nhưng đúng ra do một dân tộc khác, một dân tộc chắc chắn không phải dòng Xê-mit, mà là một dân tộc vùng cao ở miền đông. Đến lúc này, tuy nhiên, sự tồn tại thực sự của một dân tộc như thế chưa hề được chứng minh nhiều hơn một phát hiện đơn lẻ.

            Đây là một giải thuyết táo bạo. Nhưng khi thời gian trôi qua, những nhà khảo cổ và chuyên gia ngôn ngữ càng lúc càng tin chắc vào giá trị của nó đến nổi họ thậm chí đi quá xa khi cho dân tộc giả định này một cái tên, mặc dù chưa có một bảng khắc nào từng được tìm thấy để làm chứng cứ cụ thể. Một số gọi tên những người đi trước người Babylonia là người Akkadia; một số khác, đặc biệt một người Đức gốc Pháp là Jules Oppert gọi họ là người Sumer, và cái tên này dính chết luôn. Cả hai tên đều được rút ra từ tước hiệu của nhà cai trị xưa nhất được biết đến của phần đất phía nam Mesopotamia, tự nhận mình là “Vua của người Sumer và Akkad.”

            Đây là sự tiến hóa của lý thuyết, rút gọn đến phần tinh túy của nó. Và như các hành tinh, các nguyên tố, và Pithecanthropus được tìm thấy một cách đúng lúc, những dấu vết của dân tộc bí ẩn đã trao tặng hệ thống chữ viết cho người Babylonia và Assyria cuối cùng đã được đem ra ánh sáng. Di sản này có phải chỉ có chữ viết thôi hay không? Điều này hình như không chắc chắn chút nào. Và không lâu sau đó người ta khám phá ra rằng văn hóa Sumer tỏa bóng xuống gần như mọi thứ ở Babylon và Nineveh.

            Sự kiện một lần nữa mang ta trở lại Ernest de Sarzec, viên chức lãnh sự Pháp đã được đề cập trước đây, một nhà khảo cổ “bên lề” khác. Trước khi de Sarzec đến Mesopotamia ông hoàn toàn không biết gì về các vấn đề và thủ tục khai quật khảo cổ. Tuy nhiên, tính tò mò của ông bị đánh động trước những phế tích và mô gò của vùng đất nằm giữa hai sông, như Botta đã từng khoảng 40 năm trước. Nhưng ông có được cú ăn may của người chơi đầu tiên với những nỗ lực cầu may đầu tiên, tìm được tại nền một mô gò ở Telloh một bức tượng thuộc một loại chưa từng biết đến. Ông tiếp tục đào bới, tìm thấy những bảng khắc chữ, và cuối cùng chạm được những dấu vết đầu tiên của người Sumer như được “dự đoán”.

            Tác phẩm quí giá nhất mà de Sarzec, cùng với những món đồ giá trị khá, được mang xuống tàu chở về Paris và Bảo tàng Louvre là một bức tượng bằng đá diorit cứng của tổng trấn tỉnh lị, hoặc thầy trưởng tế Gudea. Nó được điêu khắc theo một phong cách chưa từng biết là có tồn tại trước đây ở Mesopotamia. Chắc chắn về phương diện thẩm mỷ nó liên hệ đến những vật được tìm thấy khác, nhưng đồng thời nó cổ hơn và kỳ lạ hơn. Tạo tác này đã gây biết bao nhiêu phấn khích trong giới khảo cổ! Thậm chí những nhà Assyria học cũng phải nhìn nhận một số mảnh đá mới được phát hiện có niên đại đến 4,000 và 3,000 trước C. N., thuộc bề một nền văn hóa cổ hơn cả Ai Cập (xem hình bên).

40.png

DeSarzec đào trong bốn năm, từ 1877 đến 1881. Từ 1888 đến 1900 những người Mỹ Hilprecht, Peters, Haynes, và Fisher khai quật ở Nippur và Fara. Từ 1912 đến 1913 nhóm Deutsche Orient Gesellschaft làm việc ở Erech, và sau đó, vào năm 1928, đảm nhiệm những cuộc khai quật mới. Vào năm 1931 một đoàn khảo cổ do Trường Nghiên Cứu Phương Đông của Mỹ tài trợ đào bới dưới sự chỉ huy của Erich F. Schmidt, lần nữa tại Fara.

41.png

Những toà nhà đồ sộ được phát hiện, những tháp bậc thang được nhận ra là đặc điểm xác định của đền thờ. Những bảng khắc được tìm thấy khiến ta có thể lần ngược lịch sử của thế giới Mesopotamia lùi về tận thuở bình minh của lịch sử. Sự phát hiện của thế giới cổ đại này có tầm quan trọng trong việc tìm hiểu Babylonia giống như sự khám phá ra văn hóa Crete-Mycenae đối với sự tìm hiểu thời Hi Lạp cổ.

            Tuy nhiên có một sự khác biệt; văn hóa Sumer đi ngược thời gian xa hơn. Hình như sự khởi thủy của nó trùng hợp với những thời đại được mô tả trong Sáng Thế Ký. Có người cho rằng người Sumer có thể là giống người cư trú trên mặt đất sau cơn đại hồng thủy thanh trừng đã quét sạch toàn thể nhân loại chỉ trừ Noah và họ hàng ông.

            Không phải sử thi về á thần Gilgamesh, được George Smith ở Bảo tàng British chắp vá lại từ hàng triệu mảnh vỡ trên mô gò Kuyunjik, ghi chép về một trận lụt hay sao?

            Trong những năm 20 của thế kỷ này (thế kỷ 20) nhà khảo cổ Anh Leonard Woolley bắt đầu đào tại khu vực Ur vùng Chaldean trong Kinh Thánh, ngôi nhà của Abraham. Cuối cùng thì Woolley có thể chứng tỏ rằng trận đại hồng thủy trong Sử thi Gilgamesh và Kinh Thánh là một, và hơn nữa, Đại Hồng Thủy là một sự thật lịch sử.

            Lịch sử Mesopotamia không phải một câu chuyện mạch lạc, chẳng hạn như lịch sử Ai Cập. Nó có một vài nét giống với dòng chảy của văn hóa Hi-La. Trong phức hợp này một dân tộc kỳ lạ từ xa đến và dựng lên những pháo đài thuộc nền văn hóa của riêng họ ở Tiryns và Mycenae, mà theo thời gian bị giày xéo bởi người Achaea và Doria tràn từ phương bắc. Sau nhiều thế kỷ cho và nhận tiến hóa thành nền văn hóa Hi Lạp. Tương tự như thế, người Sumer từ bên ngoài di chuyển vào vùng châu thổ của sông Euphrates và Tigris, mang theo với họ một nền văn hóa trưởng thành, một hệ thống chữ viết, và một bộ luật. Sau đó họ cũng bị nhổ tận gốc bởi những người man rợ qua thời gian vài thế kỷ. Trên đó Babylonia lớn lên từ miền đất nhiều phân bón là xác người và hưng thịnh tại nơi mà các vương quốc Sumer và Akkad đã từng một lần đứng đó.

            Kinh Thánh không kể về sự hổn loạn của các thứ tiếng nói tại Tháp Babel hay sao? Ở Babylon thật ra có hai ngôn ngữ chính thức, tiếng Sumer và Xê-mit, mặc dù theo dòng thời gian tiếng Sumer chỉ còn được sử dụng trong những vấn đề tế lễ và pháp lý. Thế rồi những làn sóng người Amorite, Aramaea, Elamite, và Kassite mang đến những ngôn ngữ mới, và sau đó người Lulubaea, Mitanni, và Hittite giới thiệu phương ngữ của họ vào Assyria.

            Người cai trị đầu tiên thành công trong việc thống nhất một phần lớn Mesopotamia dưới quyền trượng của mình – một lãnh thổ chạy từ Elam đến Núi Taurus – là Sargon I (2360-2305 trước C. N.). Truyền thuyết về sự ra đời của ông khiến ta nhớ lại Cyrus, Romulus, Krishna, Moses, và Perseus. Mẹ ông, một trinh nữ, đặt ông vào một thùng gỗ, niêm lại bằng hắc ín, và thả trôi theo suối. Akki, người sáng tạo các vùng nước, dạy dỗ thằng bé bị bỏ rơi thành người làm vườn, và sau đó nữ thần Ishtar phong ông làm vua. Trong một thời gian dài người ta tin rằng nhân vật Sargon không hề tồn tại. Ngày nay có dữ kiện cho thấy Sargon thực sự có thực và có một tầm ảnh hưởng lịch sử đáng nhớ.

            Triều đại của ông kéo dài 100 năm, rồi sụp đổ. Dân miền núi hiếu chiến, đặc biệt người Gutian, tàn phá đất đai. Những vương quốc thành bang tranh giành quyền lực. Các ông vua tăng lữ khác nhau như Ur-Bau và Gudea đoạt được ảnh hưởng lớn mạnh trong một thời gian ở vùng Ur và Laghash. Dù có những xáo trộn về chính trị, nghệ thuật và kỹ thuật vẫn phát triển từ di sản Sumer và đạt đến một mức năng động còn vang dội qua bốn ngàn năm lịch sử.

42.png

Chính Hammurabi của Babylon (khoảng 1800 trước C. N. hoặc thậm chí sau đó một lúc) là người đã thống nhất lãnh thổ qua một chuỗi những cú đảo chính thành một xứ sở và một nền văn hóa có bản lĩnh nắm quyền lãnh đạo vùng Mesopotamia. Hammurabi không chỉ là một chiến binh đơn giản. Một khi được ngồi trên ngai vàng, ông đủ kiên nhẫn để đợi 25 năm cho đến khi người xóm giềng và kẻ thù của ông, Rim-Sin của Larsa, đã lớn tuổi nên dễ dàng bị đánh bại. Hammurabi cũng là người làm luật vĩ đại đầu tiên của lịch sử. “Để người mạnh không còn hiếp đáp được kẻ yếu, và góa phụ và cô nhi được đối xử đúng đắn, ở Babylon, thậm chí trong Đền E-sagila. . . ông cho viết những lời cao quí của mình lên thạch bia, và thạch bia này được đặt trước một pho tượng của ông là vì vua của công lý.” (Thậm chí trước thời của Hammurabi đã có những bộ luật thô sơ. Các vua Isin và vua Shulgi của xứ Ur của Triều đại 3 đã đặt ra những sắc luật cố định. Và khi, vào năm 1947, nhà khảo cổ người Mỹ Francis Steele ráp lại bốn mảnh hình nêm được tìm thấy ở Nippur, ông thấy rằng mình đã khám phá ra một phần của bộ luật của Vua Lipitishtar.) Đóng góp lớn lao của Vua Hammurabi, tuy nhiên, là việc kết hợp lệ làng với đạo lý truyền thống thành một bộ luật toàn diện gần 300 điều khoản. Bộ luật này chứng tỏ là có ảnh hưởng tích cực đến hành vi của nhân dân rất lâu sau khi vương quốc Babylon đã tan rã.

            Tác động mạnh mẽ đưa đến sự thống nhất làm kiệt quệ các năng lực sáng tạo của văn minh Sumer-Babylonia trong một thời gian dài sau đó.  Quyền lực chính trị của khu vực trở nên phân mảnh cao độ; tính bá quyền về kinh tế, mà dưới thời Kadashman-Enlil I và Bunarbashi II đã mở rộng đến tận Ai Cập, bắt đầu suy thoái. Thậm chí khi sự đô hộ của ngoại bang Kassite đã bị bẽ gảy, người Aramaean Bedouin, và Assyria từ phía bắc ào ạt tràn xuống, trong lúc này ngăn trở mọi cơ hội tái thiết một “vương quốc” mới.

            Và một lần nữa chúng ta nhìn thấy sự phát triển tương đồng đáng kinh ngạc giữa các nền văn hóa Assyria-Babylonia và Hi-La. Quyền lực chính trị của Athens, tôn giáo, nghệ thuật, và đời sống trí thức của nó, tan vụn và được hấp thu vào nền văn minh vật chất và kỹ thuật của La Mã đang khởi nghiệp. Chính xác theo cùng một cách văn hóa của Babylonia và kinh thành nổi tiếng của nó, Babylon, được tái sinh như “nền văn minh” tại Assyria phong phú một cách mới mẻ và tại Nineveh, một thành phố có mối quan hệ với Babylon như La Mã đối với Athens.

            Tukulti-Ninurta I (khoảng 1250 trước C. N.) là người Assyria đầu tiên bắt vua Babylonia làm tù binh. Dưới triều Tiglath-Pileser I (khoảng 1100 trước C. N.), Assyria trở thành một  quyền lực bậc nhất nhưng thiếu ổn định đến nổi người Aramaea du cư không chỉ chiếm được nó bất ngờ, mà còn định cư vĩnh viễn trên lãnh thổ Assyria. Vương quốc mới không trỗi dậy lần nữa cho mãi đến thời cai trị của Assurnasirpal (885-859 trước C. N.) và Salmanassar IV (781-772 trước C. N.), trong những khoảng thời gian trị vì các đoàn quân Assyria càn lướt đến tận bờ biển Địa Trung Hải, chinh phục toàn bộ Syria, và bắt các thành phố Phoenicia phải triều cống. Kinh thành Kalah của Assyria mang ơn Assurnasirpal đã xây một cung điện nguy nga cho nó, và Nineveh với Đền Ishtar. Semiramis (Shammuramat) cai trị trong bốn năm. Con trai ông, Adadnirari III (810-782 trước C. N.) cố đưa các thần linh của Babylonia vào Assyria. Nhưng chỉ đến thời cai trị của Tiglath-Pileser III (là nhân vật Pul trong Kinh Thánh), kẻ tiếm quyền đầy tháo vát, Assyria mới đạt được quyền thống trị thế giới và có thể hành động tùy thích. Dưới triều vua này (745-727 trước C. N.) biên giới của vương quốc Assyria mở rộng từ Địa Trung Hải đến tận Vịnh Ba Tư. Armenia và Ba Tư bị xâm chiếm và từ đó những dân tộc cứng đầu phải lần lượt chịu chung số phận. Damascus cũng bị khuất phục, và một bộ phận lớn ở bắc Israel cũng nằm dưới ách bá quyền của Assyria.

            Rải rác trong số những nhà cai trị được đề cập trên đây còn nhiều nhà cai trị khác ít quan trọng hơn. Tên tuổi và niên đại của họ được biết đến, nhưng họ không đáng được kể ra trong bài khảo sát ngắn ngủi này.

            Vị Vua tiếp theo đáng được nói tới là Sargon II (722-705 trước C. N.), người chinh phục dân Hittite ở Karkemish. Dưới thời cai trị của ông Assyria đạt được thành tựu có lẽ là lớn nhất về mức độ cố kết chính trị trong lịch sử của nó. Sargon II là cha của Sennacherib (705-681 trước C. N.), kẻ phá hủy điên loạn thành Babylon, và là ông nội của Esarhaddon (680-669 trước C. N.), người tái thiết Babylon, chinh phạt người Cimmeria phía bắc, và vào năm 671 trước C. N. chiếm Memphis của Ai Cập, cướp bóc đem về chất đầy các kho tàng của Nineveh. Và cuối cùng là Assurbanipal (668-626 trước C. N.), chít của Sargon, đánh mất quyền triều cống của Ai Cập cho Pha-ra-ông Psammetich (Psamtik) I, nhưng bằng âm mưu ráo riết đã buộc em mình, Saosduchin, Vua xứ Babylon, phải tự tử. Ở Nineveh, Assurbanipal thành lập thư viện lớn nhất vào thời cổ đại xa xưa, một nơi lưu trữ kiến thức mà chỉ có thư viện Alexandria do Alexander Đại Đế sáng lập là vượt qua được về qui mô. Assurbanipal, mặc dù nhiều lần viễn chinh đánh dẹp, chủ yếu được nhớ đến như một vị vua yêu chuộng hòa bình.

            Trong số những vì vua tiếp sau Assurbanipal, Sin-shar-ishkun (625-606 trước C. N.) lưu danh lịch sử là nhà cai trị để mất quyền kiểm soát vương quốc Assyria. Ông không thể đương đầu với những cuộc công kích ngày càng dữ dội của người Medes và vì nhu nhược đã trao quyền nắm giữ quân đội cho Nabopolassar, người Chaldean, lại là kẻ phản trắc. Khi quân Medes cuối cùng ào ạt tràn qua các đường phố của Nineveh, Sin-shar-ishkun phải tự vẫn, cùng với các bà vợ, trong ngọn lửa của thành phố đang bốc cháy, và phá hủy kho tàng của ông. (Theo Diodorus, mà Ctesias trích lại, kho tàng của Sin-shar-ishkun gồm 150 giường vàng và cũng bằng số ấy những chiếc bàn bằng vàng, cùng 10 triệu ta-lăng vàng, 100 triệu ta-lăng bạc, và vô số y phục vua chúa quí báu.)

            Đây có phải là điểm cáo chung của lịch sử Assyria-Babylon? Babylon nằm dưới sự cai trị của kẻ tiếm quyền là tên tướng phản bội Nabopolassar. Ông ta dọn đường cho con trai vĩ đại của mình, Nebuchadnezzar II (604-562 trước C. N.), người sẽ trở thành một “Caesar” của vùng Mesopotamia.

            Quyền lực và huy hoàng giờ đây mở ra trên Babylon không còn mang tính bản xứ; truyền thống của thành phố cổ tỏa gốc rễ theo một chiều hướng mới. Nền tảng Babylon đã bị làm đổ vỡ bởi sự xâm nhập của Nineveh của Assyria. Mặc dù Babylon mới hiển nhiên cảm nhận được sức ảnh hưởng của những tập quán, tôn giáo, và hình thức xã hội cũ, nhưng thật ra những cái mới hấp thu không hoàn toàn chữa lành được những rạn nứt của truyền thống xưa hơn. Vương quốc Babylon Mới, như tên ta gọi nó ngày nay, là một nền văn minh suy đồi được xây dựng trên nền tảng một nền văn hóa cũ. Rất nhiều bia tưởng niệm ghi chép những thành tựu kỹ thuật của Nebuchadnezzar – kênh đào, những khu vườn, các con đập, và vô số dinh cơ để sử dụng vào việc thiêng liêng hoặc thế tục.

            Thường ở đỉnh cao của bất kỳ nền văn minh nào cũng xuất hiện những dấu hiệu của mầm mống suy thoái . Sáu năm sau khi Nebuchadnezzar qua đời triều đại bị quét sạch trong một vụ cách mạng cung đình. Nhà cai trị cuối cùng, là Nabunaid (Nabonidus)(555-539 trước C. N.). Ông ta bị đốt ra tro trong cuộc tấn công ồ ạt của quân Ba Tư vào kinh thành, sau khi những tên nội ứng phản trắc đã dâng kinh thành vào tay Cyrus.

            Chính trong thời cai trị của Nebuchadnezzar mà văn hóa Mesopotamia đã thở hơi thở cuối cùng.

Năm 1911 bà Winifred Fontana, vợ của lãnh sự Anh, tiếp ba nhà khảo cổ làm khách tại nhà bà. Đó là David Hogarth, T. E. Lawrence, và Leonard Woolley.

            Winifred Fontana, những năm sau này khi được hỏi về ấn tượng của bà lúc đó, chịu ảnh hưởng bởi tiếng tăm lúc đó của Lawrence, đã trả lời: “Chính Lawrence là người liên tục làm tôi chú ý.” Một người Syria, cũng là khách mời tại nhà lãnh sự lại có ý kiến ngược lại. “Thật là một hình ảnh tương phản giữa chàng thanh niên Lawrence trẻ tuổi này với ngài Woolley, một nhân vật của thế giới, và là một quí ông hoàn hảo.”

            Nhiều năm sau đó, vào năm 1927 và 1928, lúc đó ông đã 47 tuổi, quí ông hoàn hảo này bắt đầu khai quật tại địa điểm thành phố Ur, ngôi nhà huyền thoại của tổ phụ Abraham trên bờ sông Euphrates. Chẳng bao lâu ông đã bắt gặp những tàn tích phong phú bất thường được nhận diện là của dân tộc Sumeria. Tại đó ông đã phát hiện “các ngôi mộ hoàng gia của Ur,” và trong nhà mộ tìm thấy những báu vật khảo cổ. Quan trọng hơn những tạo tác tìm được bằng vàng là sự kiện ông đã gia tăng vốn hiểu biết của chúng ta về tiền sử Babylonia đến một mức độ là phân khúc xưa nhất của văn hóa nhân loại này thể hiện một sức sống và màu sắc chân thực (xem hình dưới)

43.png

Trong số nhiều món tìm được có  hai tác phẩm đặc biệt đáng chú ý: mũ miện của một hoàng hậu Sumer, và hình khảm gọi là “chuẩn của Ur” (hình dưới). Tuy nhiên có ý nghĩa nhất cho kiến thức của trải nghiệm văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại là một phát hiện khẳng định tính lịch sử của một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh. Cuối cùng, Woolley còn một phát hiện khác, và phát hiện này đặc biệt kinh khủng, lần đầu tiên rọi ánh sáng vào những tập quán an táng cách đây 5,000 ngàn năm chưa từng được biết đến.

44.png

Woolley mở những đường hào thông thường trong mô gò ở Ur, một việc làm sơ khởi của gần như bất kỳ cuộc khảo sát hiện trường nào. Ở chiều sâu 38 bộ (khoảng 11.5 mét) ông bắt gặp một lớp tro, gạch nát, mảnh đất sét, và xà bần. Những cư dân ở Ur đã dùng xẻn dọn sạch các ngôi mộ của những nhà cai trị của mình nằm trong lớp mảnh vụn. Trong mộ của Hoàng hậu Shub-ad ông tìm thấy một loạt những đồ an táng phong phú, bao gồm chum vàng và hai mẫu thuyền Euphrates, một bằng đồng, một bằng bạc, mỗi mẫu dài gần 2 bộ khoảng 6 tấc). Chính trong ngôi mộ này mà chiếc mũ miện nói trên được tìm thấy. Trên bộ tóc giả bện dày là ba vòng hoa bằng đá quí xanh da trời và nâu vàng. Bên dưới vòng hoa thấp nhất trong ba vòng hoa lủng lẳng các vòng vàng, từ vòng hoa giữa là các lá sồi vàng, và vòng hoa cuối cùng có đính những lá liễu và hoa bằng vàng, những hoa cuối cùng này ở trong vị thế đứng thẳng. Phía trên, được ghim vào lớp tóc giả, là chiếc lược, trang trí với hoa bằng vàng cẩn đá quí xanh da trời. Những vòng xoắn ốc bằng vàng trang trí thái dương của người mang, và những bông tai vàng nặng nề hình bán nguyệt buông xuống dái tai của Hoàng hậu.

          Tác phẩm này cho ta một hiểu biết tường tận về các chuẩn mực thẩm mỹ và nghệ thuật tạo tác kim loại quí đã phát triển như thế nào cách đây hơn 4,000 năm. Trong số những đồ trang sức quí giá tìm được trong các ngôi mộ hoàng gia ở Ur có một số mẫu mà nhà Cartier (nhà trang sức hàng đầu của Pháp) sẽ không xấu hổ khi rao bán.

            Hình khảm gọi là “chuẩn Ur” là một vật tìm thấy chứa nhiều thông tin. Woolley định niên đại 3500 trước C. N.; chuẩn mực này gồm hai bảng hình chữ nhật dài khoảng 22 in-xơ và rộng 11 in-xơ (56 x 28 cm), với hai phần kéo dài hình tam giác. Chắc hẳn chúng được vác mang đi trong các cuộc diễn hành và đám rước. Từng hàng những hình người nhỏ nhắn làm bằng xà cừ và vỏ ngọc trai, cẩn đá quí màu xanh trên một nền gỗ. Mặc dù không sao sánh được với các bích họa Ai Cập giàu chi tiết trong lăng mộ của tay địa chủ nổi tiếng Ti, từ đó Mariette biết được quá nhiều về cuộc sống tại Ai Cập cổ đại, chuẩn Ur dù sao đi nữa cũng cống hiến cho Woolley rất nhiều sự kiện về Ur và xã hội của nó cách đây 5,000 năm.

45.png

Trước tiên là cảnh tiệc tùng (cho ta thông tin về quần áo và đồ dùng); rồi những tôi tớ và nông dân mang thú nuôi (cho thấy gia súc nào được nuôi dưỡng); một đoàn tù binh; một hàng chiến binh (trang bị vũ khí và áo giáp); và cuối cùng một số chiến mã xa, chứng tỏ quân Sumer là người, vào cuối thiên niên kỷ thứ tư trước C. N., đã đầu tiên đem chiến mã xa xung trận – chính bằng binh chủng mới này mà những đế chế rộng lớn từ Babylonia, Assyria, Ba Tư đến Macedonia tất cả đều được liên kết và rồi lần lượt tan rã.

            Rồi Woolley có một khám phá dựng tóc gáy: các lăng mộ hoàng gia của Ur đều chứa những tàn tích của các thi thể khác ngoài Vua và Hoàng hậu, những tàn tích của một lễ hiến tế trên diện rộng. Trong một phòng mộ là xác các lính cận vệ, nhận diện nhờ các mũ đồng và giáo nằm cạnh các bộ xương của họ. Ở cuối một gian phòng là chín cung nữ, vẫn còn mang những mũ miện tinh xảo bằng vàng chắc hẳn được sử dụng trong các nghi lễ an táng của hoàng gia. Tại lối vào là hai chiếc xe bò nặng nề – trong lòng xe là xương cốt của người đánh xe, và cạnh bộ xương bò là bộ xương của những người giữ bò.

            Trong lăng mộ của Hoàng hậu Shub-ad Wooley tìm thấy những cung nữ nằm theo hai hàng song song. Ở cuối một hàng là bộ xương của một người đàn ông – đó là nghệ sĩ đàn hạc của cung đình; xương cánh tay còn vắt qua nhạc cụ đã vỡ, đầu cây đàn làm bằng vàng và đá quí màu lam, mà rõ ràng là y đã ôm chặt ngay cả khi chết. Tại áo quan của Hoàng hậu nằm co ro những thi thể của hai thị nữ, một người nằm trên đầu người kia ở dưới chân.

            Chỉ có một lối giải thích cho tất cả sự kiện này: ở đây chắc chắn nhất là lễ hiến tế các người còn sống. Woolley đã khám phá một cảnh tượng hiến tế người có kế hoạch, chắc hẳn được các thầy tế thực hiện chủ ý khẳng định tính thần thánh của nhà Vua họ.

            Woolley rút ra kết luận ra sao về những vật tìm thấy này? “Không có văn bản nào được ghi lại,” ông viết, “ám chỉ về việc hiến tế người thuộc kiểu này, cũng không có nhà khảo cổ nào phát hiện những vết tích của tập quán như thế hoặc bất kỳ sự kiện nào như thế xảy ra trong thời gian về sau; nó phải được lý giải là do sự thần thánh hóa các vì vua đầu tiên, ta có thể nói rằng trong thời kỳ lịch sử thậm chí những vị thần cao trọng hơn cũng không đòi hỏi nghi thức như thế: sự biệt tích của nó có thể là luận cứ cho thấy các nhà mồ xứ Ur là thuộc về thời cổ đại tối cao.”

            Woolley bồn chồn muốn tiến thêm một bước gần hơn đến quá khứ xa xăm này của Sumer. Giờ đây ông tiến hành đào bới một cách có hệ thống ở một độ sâu hơn. Xấp xỉ ở độ cao 40 bộ (khoảng 12 mét) ông gặp một lớp đất sét. Địa tầng này hoàn toàn vắng bóng các mảnh gốm vỡ hoặc xà bần, và có bề dày không ít hơn 8.2 bộ (khoảng 2.5 mét).

            Rõ ràng là Woolley đã tìm được một trầm tích phù sa, mà chỉ các nhà địa chất có thể lý giải tốt nhất. Để lắng một lớp trầm tích đất sét dày 8.2 bộ (khoảng 2.5 mét), ở một thời điểm nào đó một trận đại hồng thủy chắc đã nhấn chìm vùng Sumer. Ta có thể hình dung toàn bộ vùng châu thổ chìm trong những trận mưa kéo dài, trong khi những cơn sóng cao khủng khiếp và gió từ biển thổi vào đã giữ lại con nước của cửa sông Euphrates. Tóm lại, như được ghi lại trong chương 7 của Sáng Thế Ký, nước tràn qua đồi và thung lũng, và “trong ngày đó tất cả nước ngầm của lòng đất đều phun lên, và các cửa sổ của tầng trời được mở toang. Và trận mưa đỗ ập xuống mặt đất ròng rã 40 ngày đêm. . . Và nước lũ thống trị mặt đất trong 150 ngày.”

            Woolley sẵn sàng đạt đến một suy diễn kỳ diệu. Khi ông xét đến sự  tượng ứng giữa câu chuyện trong Kinh Thánh và Sử thi Gilgamesh lâu đời hơn nhiều, khi ông tham khảo danh sách các vị vua Sumer (cơn hồng thủy đến; và sau khi lũ đi, các triều vua sắp xếp theo niên đại xa gần), và, hơn nữa, khi ông xét đến việc các truyền thuyết cổ và chuyện kể trong Kinh Thánh xảy ra thường đến thế nào), đã được minh chứng bằng việc khai quật Mesopotamia, ông không thể nào không tin được là lớp trầm tích phù sa là kết quả của không gì khác hơn là trận Đại hồng thủy của Sáng Thế Ký.

            Tất nhiên, trận lũ thực sự này, vốn là nguyên nhân của huyền thoại Đại Hồng Thủy, không tận diệt toàn nhân loại trừ Noah và gia quyến ông. Nó chắc hẳn chỉ là một trận lũ lớn bất thường trong số những cơn lũ đặc trưng ở bản địa mà theo chu kỳ nhận chìm vùng châu thổ Euphrates-Tigris.

            Woolley định niên đại những gì ông phát hiện trong các lăng mộ của Ur là thuộc thế thứ 40 trước C. N. Trước khi có sự khám phá này kiến thức của chúng ta về thời kỳ này chỉ giới hạn ở các truyền thuyết và huyền thoại. Woolley đã mang thời kỳ sớm sủa này vào dòng liên tục của lịch sử. Sau này ông thậm chí thành công trong việc chứng minh bằng tư liệu sự tồn tại của những vì vua của thời kỳ đó – một trong những vì vua cổ xưa nhất của nhân loại.

            Sự tồn tại của những người Sumer khởi nguyên chỉ là giả định dựa trên cở sở của những suy luận khoa học. Ngày nay sự tồn tại của họ không còn là điều ngờ vực; quá nhiều sản phẩm về nghệ thuật và đồ thủ công của họ đã được trưng bày trong bảo tàng của chúng ta. Thực tế chúng ta vẫn còn chưa hiểu gì về nguồn gốc của họ, và vì thế một lần nữa phải ngoại suy theo cách tốt nhất có thể.

            Một sự kiện vượt qua mối hoài nghi: người Sumer, chủng người tóc đen, không thuộc dòng Xê-mit – mà trong bảng khắc ghi là “đầu đen”- là chủng người cuối cùng tràn về vùng châu thổ mênh mông của Tigris và Euphrates. Trước khi họ đến đấy khu vực đã được hai bộ tộc Xê-mit, chắc chắn là khác nhau, định cư. Nhưng người Sumer mang theo với họ một nền văn hóa cao hơn, một số yếu tố cơ bản của nó đã phát triển đến hình thể cuối cùng, và họ áp đặt lên người Xê-mit man rợ.

            Nguyên quán của người Sumer ở đâu? Khảo cổ học chưa trả lời được câu hỏi này.

            Ngôn ngữ Sumer có phần nào giống với tiếng Thỗ cổ đại. Đó là tất cả những gì ta biết về họ, và mọi thứ khác chỉ là giả thuyết. Dân tộc có thói quen biểu thị các thần linh của mình đứng trên núi, và cầu nguyện cho họ từ những nơi cao ráo, và vì thế nên xây những đồi nhân tạo, hoặc các tháp bậc thang, trên những bình nguyên của vùng đất họ định cư, hình như không thể xuất thân từ những xứ bằng phẳng. Phải chăng họ xuất phát từ cao nguyên thuộc Iran, hay từ cao nguyên Á châu thậm chí xa hơn về phía đông và bắc? Khả năng này được củng cố bởi sự kiện là các tòa nhà Sumer xưa nhất được khai quật ở Mesopotamia được xây dựng bằng gỗ, vốn bình thường phát triển trong những vùng cao nguyên dày đặc rừng cây.

            Vậy mà điều này cũng chưa chắc chắn; bởi vì giả thuyết này mâu thuẫn với một số truyền thuyết Sumer cổ, kể chuyện một dân tộc dấn bước vào vùng Mesopotamia từ phía biển. Và có một vài chỉ dấu ủng hộ giả thuyết nguồn gốc biển cả này.

                        Sau một nghiên cứu sâu rộng, Sir Arthur Keith kết luận rằng: “người ta còn có thể lần ra người Sume cổ về hướng đông trong số dân cư Afghanistan và Baluchistan, cho đến tận Thung lũng Indus, cách Mesopotamia chừng 1500 dặm.”

46.png

Kết luận trên mới vừa được công bố thì những tàn tích của một nền văn hóa phát triển cao được phát hiện trong tiến trình khai quật ở Thung lũng Ondus. Trong số những đồ tạo tác được phát hiện tại địa điểm này, đặc biệt gây hứng thú là một số con niêm hình chữ nhật, đồng nhất về hình dáng,  phong cách in ấn, và những chữ khắc với những con niêm tìm thấy ở Sumer.

            Vậy mà nghi vấn về nguồn gốc của người “đầu đen” bí ẩn này vẫn còn để ngõ. Chúng ta phải kiên nhẫn, nếu xét đến đến tính cổ xưa của nguồn gốc họ được biểu thị bằng số ít ỏi những chứng cứ ta tìm được. Nếu chúng ta xét thêm đến cái gọi là danh sách các vì vua, thời đại tiền sử từ đó họ khởi phát còn lùi xa hơn nữa.

Tất cả việc định niên đại của thời Babylon đều liên quan đến một sự kiện nổi bật nào đó xảy ra trong những năm ở quá khứ. Việc ấn định niên đại đầu tiên của quá khứ xảy ra trong triều đại đầu tiên của Isin (khoảng 2100 trước C. N.). Danh sách vua lùi trở lại đến thời kỳ sớm sủa này; dù giản lược chúng vẫn là những bảng quí giá về mặt khảo cổ. Cũng có danh sách khác, một phiên bản danh sách vua chi tiết hơn, rất gần đây hơn (từ thế kỷ thứ 3 đến thứ 4 trước C. N.), do một thấy tế Babylon viết ra bằng chữ Hi Lạp.

            Theo các danh sách này, lịch sử người Sumer bắt đầu từ việc con người được sinh ra. Kinh Thánh kể cho chúng ta là giữa Adam và Trận Đại Hồng Thủy có mười “tổ phụ hùng mạnh tuổi tác rất cao.” Người Sumer cũng nói về “những vị vua khởi thủy” của họ, cũng 10 người. Các tổ phụ người Israel thổi phòng tuổi thọ quá mức. Adam, sinh đứa con trai đầu lòng ở tuổi 130, được cho là sống thọ hơn 800 năm. Tuổi thọ của Methuselah cũng trở thành một trò cười. Vậy mà tuổi thọ của những người Sumer cổ, dựa theo truyền thuyết của họ, lại vượt xa những con số này: theo một truyện kể, chỉ tám ông vua tổ tiên, tổng cộng thời gian trị vì của họ đã là 241,200 năm; theo một truyền thuyết khác, ghi danh sách 10 vị vua, trị vì tổng cộng hơn 456,000 năm.

            Rồi đến Trận Đại Hồng Thủy. Con cháu của Noah lập ra chủng người mới. Các vì vua của thời kỳ này được lên danh sách trong biên niên sử Babylonia viết khoảng 2100 trước C. N. như những nhân vật lịch sử có thật. Tuy nhiên, vì một số những vì vua được nêu tên được đồng nhất với các thần linh hoặc á thần trong những truyền thuyết đương đại, và triều đại thứ nhất sau Trận Đại Hồng Thủy, gồm 23 vị vua, được cho là đã trị vì tổng cộng 24,510 năm, ba tháng, và ba ngày rưỡi, không có gì ngạc nhiên khi những nhà khảo cổ Âu châu không sao xem chúng là nghiêm túc, nhất là vì không một tư liệu nào khẳng định một tên hoàng gia nào sớm hơn triều đại thứ 8 đã được tìm thấy trước thế kỷ 20.

            Nhưng khi Woolley chứng kiến nền văn hóa cổ nhất được biết đến bước ra ánh sáng từng lớp một, ông bắt đầu đặt ra một giá trị mới cho danh sách vua cũ. Tình huồng của ông bây giờ phần nào giống với tình huống của Schliemann đối với Homer và Pausanias. Như người nghiệp dư vĩ đại đó, nhà khảo cổ chuyên nghiệp cũng may mắn có một phát hiện giúp khẳng định niềm tin mới của mình.

            Tại một mô gò al-Ubaid, gần Ur trong xứ Chaldea, Woolley khám phá một đền thờ dâng cho nữ thần mẹ Nin-Khursag. Kiến trúc này có trang bị cầu thang, tầng bậc, tiền sảnh, và các cột gỗ ốp đồng. Nó cũng chứa những hình khảm phong phú, mô tà sư tử và hưu. Đó là một trong những tác phẩm kiến tạo xưa nhất trện thế giới trong đó kích cỡ đáng kể kết hợp với việc xử lý nghệ thuật. Trong những vật thể khác, một số quí giá, một số tầm thường, Woolley tìm được một hạt chuỗi vàng.

            Và trên hạt này có một chữ khắc cho Woolley một thông tin đầu tiên của ông về người xây dựng ra đền thờ. Cái tên A-anni-padda được viết ra rõ ràng từng vần một.

            Rồi Woolley tìm được một bệ nền bằng đá vôi, với một chữ khắc hình nêm trên đó khẳng định người dâng cúng đền thờ là “A-anni-padda, Vua xứ Ur, con trai của Mes-anni-padda, Vua xứ Ur.”

            Mes-anni-padda xuất hiện trong danh sách là người thành lập triều đại thứ ba sau Trận Đại Hồng Thủy, đó là, đứng đầu triều đại đầu tiên của Ur. Như vậy một trong những vị vua được cho là huyền thoại đã chứng tỏ là một nhân vật lịch sử.

            Chương này nói về các cuộc khai quật Sumer bắt đầu bằng việc đề cập đến tục mê tín con mèo đen, số 60, và mặt đồng hồ được chia thành 12 khoảng là điều quen thuộc với người Mesopotamia cổ và với chúng ta. Một đường dây dẫn trực tiếp từ nguời Sumer qua bao thế kỷ đến với chúng ta, mặc dù tại một số nơi bị làm gián đoạn một cách đầy màu sắc bởi những nền văn hóa đã sống và chết trong những thời kỳ quá độ. Năng lực sáng tạo của văn hóa Sumer thật phi thường, ảnh hưởng của nó để lại một dấu ấn bất cứ nơi nào nó chạm đến. Văn hóa Babylon và Nineveh nở rộ rực rỡ từ hạt mầm Sumer.

            Bộ luật Hammurabi, được ghi chép trên các thạch bia lớn tìm được ở Susa, không có gì khác hơn là một sự mở rộng, theo kết quả một nghiên cứu, của những nguyên tắc pháp lý căn bản và tập quán của Sumer cổ. Điều đáng kinh ngạc từ bộ luật này theo quan điểm hiện đại là cách thức nó được chi phối bởi một khái niệm nhất quán và rõ ràng của khái niệm tội lỗi. Cách tiếp cận thuần túy pháp lý được nhấn mạnh bao quát, với sự bãi bỏ hợp lý của những cân nhắc tôn giáo. Chẳng hạn, tập quán trả nợ máu (mối thù truyền từ đời này đến đời sau giữa các dòng họ], vốn là một đặc điểm của mọi nền văn hóa về sau và tiếp tục đóng một vai trò không gián đoạn trong một số bộ phận Âu châu tận thế kỷ này, tất cả đều bị bãi bỏ trong Bộ Luật Hammurabi. Nhà nước – và đây là lãnh vực hiện đại nhất của bộ luật được ghi khắc trên thạch bia Susa – thay thế cá nhân làm người trả thù cho sự bất công. Công lý thì nghiêm khắc, và nhiều hình phạt thể xác tàn bạo được nêu ra trong bộ luật cho thấy những dấu ấn của tính chuyên chế phương Đông. Không sao cả, giọng điệu khách quan của Bộ luật Hammurabi đặt ra một gương mẫu được phản chiếu trong các bộ luật của La Mã và Napoleon.

            Trình độ y học của Babylonia, vốn song hành chặt chẽ với ma thuật – xuất phát từ Sumer. Babylonia mở những trường y khoa do nhà nước tài trợ. Trong nhiều trường hợp nghề thuốc được qui định bởi những sắc luật tôn giáo. Trong những tình huống khác các thầy thuốc có trách nhiệm đối với nhà nước. Thật ra, Bộ Luật Hammurabi cũng có những khoản qui định đặc biệt về đạo đức nghề thuốc. Chẳng hạn, điều khoản 218 qui định hình phạt đối với một số hành vi chữa trị sai trái như sau: “Nếu một thầy thuốc mổ cho một bệnh nhân bị thương trầm trọng bằng một lưỡi trích bằng đồng và gây tử vong cho y, hoặc mở một áp xe trong mắt với một lưỡi trích đồng và làm hỏng mắt y, thấy thuốc sẽ bị chặt đứt ngón tay.” Các thần linh và các nghi thức của người Sumer, vốn tôn thờ các vì sao, thường được nhận ra dưới một tên khác và được ngụy trang với chút thay đổi ở Babylonia và Assyria, và thậm chí ở Athens và La Mã trong thời đại về sau.

Kiến thức về bầu trời và cách chuyển động các vì sao tiến đến một trình độ của một khoa học chính xác ở Babylonia. Thiên văn học Babylonia cung cấp cơ sở cho một bức tranh thiên văn, một bộ lịch, và một hệ thống tính giờ. Các đài thờ trên tháp bậc thang là những đài quan sát cũng như là bàn thờ. Các thầy tu Babylonia tính toàn chuyển động của sao Thủy chính xác hơn cả Hipparchus hoặc Ptolemy. Thật ra, họ thành công trong việc xác định được chu kỳ của mặt trăng chỉ sai biệt 4 giây so với con số đựa ra bởi phương tiện kỹ thuật tinh xảo nhất.

            Toán học Babylonia thoát thai từ sự tích hợp hệ lục phân của người Sumer và hệ thập phân của người Xê-mit. Những khó khăn thực tế trong việc tính toán phát sinh từ việc giao thoa này sẽ tránh được nhờ sử dụng các bảng tính – những cây thước trượt cổ. Mặc dù hình thức số học cồng kềnh người Babylonia có thể biểu diễn những số có giá trị đến kinh ngạc. Trong lãnh vực này, hãy nhớ rằng những con số lớn chỉ được ý niệm tương đối gần đây trong thế giới phương Tây. Người Hi Lạp, chẳng hạn, vốn được chúng ta coi trọng về thành tựu toán học-thiên văn, vẫn còn cho con số 10,000 là một “số quá lớn, không đếm được.” Chỉ đến thế kỷ 19 khái niệm 1 triệu mới trở nên thông thường ở phương Tây. Ngược lại, một văn bản chữ hình nêm được tìm thấy trên mô gò Kuyunjik ghi lại một chuỗi số mà kết quả cuối cùng của nó trong hệ thập phân của chúng ta là 195,955,200,000,000. Nói cách khác, đó là một con số chỉ xuất hiện lần nữa trong phạm vi tính toán cho đến thời của Descartes và Leibniz.

            Vậy mà toán học Babylonia thì chắc chắn tiêm nhiễm các kiến thức chiêm tinh và bói toán. Phần ít mong muốn nhất của di sản Sumer và Babylonia là sự mê tín lan tràn, một khuynh hướng coi những sự vật hoặc sự kiện nhỏ nhoi nhất mang một ý nghĩa ma thuật. Đôi khi mối bận tâm về ma thuật trở thành một dạng điên dại về tôn giáo, đưa đến những thể hiện đáng ngại qua những phương thức phép thuật.

            Woolley, mà công trình của ông cung cấp cho ta nhiều kiến thức về những “người đầu đen” bí ẩn, kể một ví dụ có tính kiến trúc để minh họa ảnh hưởng bền bĩ của Sumer.

            “Khung vòm trong xây dựng không được Âu châu biết đến cho tới khi có những cuộc chinh phạt của Alexander, khi đó các kiến trúc sư Hi Lạp hăng hái bám lấy đặc điểm cách tân này và họ, sau đó là người la Mã, giới thiệu đến thế giới phương tây điều được coi là yếu tố khác biệt trong kiến trúc. Giờ đây, khung vòm là nét thông thường trong lối xây dựng của Babylonia. Nebuchadnezzar sử dụng nó rất thường ở Babylon khi ông tái thiết nó vào 600 trước C. N.; ở Ur còn tồn tại một khung vòm trong một đền thờ Kuri-Galzu, vua Babylon khoảng 1400 trước C. N.; trong những tư gia của các công dân Sumer ở Ur vào 2000 trước C. N. khung cửa vào được xây theo kiểu khung vòm; một ống cống kiểu vòm ở Nippur chắc hẳn có niên đại xưa hơn; những khung vòm đúng nghĩa làm mái cho các lăng mộ hoàng gia ở Ur giờ mang lại kiến thức về nguyên tắc xây dựng cho bốn hoặc năm trăm năm khác. Rõ ràng đây là một đường dây lưu truyền đến thế giới hiện đại từ bình minh lịch sử Sumer.

            Và Woolley đúc kết phần trình bày của mình như sau: “Nếu nỗ lực của con người được xét đoán chỉ bằng những thành tựu, thì người Sumer, nếu kể đến niên đại và hoàn cảnh, phải được xếp vào một vị trí rất vinh dự dù không hẳn là ưu việt; nếu xét đoán bằng sức ảnh hưởng của nó lên lịch sử nhân loại, họ xứng đáng chiếm vị thứ cao hơn. Văn minh của họ, vốn đã rực sáng khi thế giới lúc đó vẫn còn đang trong thời man rợ nguyên thủy, mang bản chất của cứu cánh đầu tiên. Chúng ta đã trưởng thành vượt quá giai đoạn khi mọi ngành nghệ thuật đều lần dấu về Hi Lạp, và Hi Lạp được xem là bật dậy, như nữ thần Pallas, lớn mạnh từ bộ não của thần Zeus; chúng ta đã biết được bằng cách nào đóa hoa thiên tài đó đã hút nhựa từ Lydia và Hittite, từ Phoenica và Crete, từ Babylon và Ai Cập. Nhưng nguồn cội bắt nguồn xa hơn nữa; phía sau tất cả những điều này là Sumer.”

            Đã đồng hành với các nhà khảo cổ trong việc lần theo hành trình con người trở về vùng đất giữa hai con sông, vùng đất của Trận Đại Hồng Thủy và các vì vua xứ Ur, chúng ta bắt đầu cảm nhận hơi thở mát mẻ của thiên niên kỷ phấp phới quanh ta. Và đã nhìn thấy những gì đã làm, đã sống, và đã chết, theo cách tốt lẫn xấu cách đây hơn 5000 năm, chúng ta buộc lòng phải  nhìn nhận rằng hàng ngàn năm qua chỉ như một ngày trong con sông thời gian của vũ trụ.

            Đến giờ này chúng ta chỉ giới hạn những khám phá khảo cổ trong những vùng địa lý ít nhiêu bên trong phạm vi Địa Trung Hải. Giờ chúng ta sẽ thực hiện một bước nhảy vọt – về phương diện địa lý, nếu không muốn nói  cũng về phương diện thời gian – vào một vùng đất khác. Chúng ta sẽ để những người mang cuốc xẻng dẫn dắt mình vào một thế giới chỉ mới chết đi trong vài thế kỷ, nhưng vẫn còn xa lạ với chúng ta, man rợ hơn và trong nhiều phương diện khủng khiếp hơn và khó hiểu hơn bất kỳ thế giới cổ đại nào mà chúng ta đã từng biết từ trước đến nay. Nói tóm lại, chúng ta sẽ di chuyển tiếp vào rừng rậm của người Yucatan và cao nguyên Mexico.

4748

 

One thought on “Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 3)

  1. Pingback: Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s