PHẦN BỐN: QUYỂN SÁCH VỀ CÁC ĐỀN THỜ
Các Đế Chế của người Aztec, người Mayas, và người Toltec
C.W. Ceram
Nguyên tác tiếng Đức
Trần Quang Nghĩa dịch từ bản tiếng Anh
của E.B. Garside và Sophie Wilkins
Thành phố hoang vu … Nó nằm trước mắt chúng tôi như một con thuyền tơi tả giữa đại dương, cột buồm gãy đổ, tên tuổi nó bị bôi xóa, thủy thủ đoàn tiêu vong, và không ai còn lại để kể con thuyền từ đâu đến, con thuyền thuộc về ai, hành trình của nó kéo dài bao lâu, hoặc vì sao mà nó bị phá hủy; dân tộc thất lạc của nó chỉ được truy tìm qua sự tương đồng nhận ra được trong cách thiết kế thuyền bè, và, có lẽ, không bao giờ được biết đến.
- John L. Stephens đối mặt với phát hiện đầu tiên của ông
- CORTES (1): KHO BÁU Ở MOCTEZUMA
“Ngay từ vệt sáng yếu ớt đầu tiên của rạng đông, viên tướng Tây Ban Nha đã trở dậy, tập hợp quân lính. Họ vào hàng, lòng rộn rã, dưới những quân kỳ, khi những chiếc kèn thét lên những âm thanh thúc giục lướt qua mặt nước và rừng cây, cho đến khi chúng tan dần thành những tiếng vang xa xa giữa núi non. Những ngọn lửa thiêng trên bàn thờ của vô số những teocalli [tòa tháp cụt], ẩn hiện qua làn sương mù xám xịt buổi sáng, chỉ ra địa điểm của kinh thành, cho đến khi đền thờ, tòa tháp, và lâu đài hiển lộ hoàn toàn trong ánh sáng chói chang của buổi sáng, khi ông bước qua con đầm phá phía đông, đổ dài qua thung lũng xinh đẹp. Đó là ngày 8/11/1519; một ngày đáng nhớ trong lịch sử, như là ngày người Âu châu đầu tiên đặt chân lên kinh thành của Tân Thế giới.”
Đó là lời sử gia thế kỷ 19, W. H. Prescott, mô tả khoảnh khắc lịch sử báo điềm gở khi nhà mạo hiểm Tây Ban Nha Hernando Cortes, với 400 quân Tây Ban Nha, lần đầu tiên trông thấy Mexico, kinh thành của đế chế Aztec.
Khi đạo quân của Cortes – ngoài lính Tây Ban Nha, còn có 6,000 lính hổ trợ bản địa, hầu hết là người Tlascalan, kẻ thù truyền kiếp của Aztec – đã vượt qua con đường đắp cao nối đất liền với với kinh thành trên đảo, họ bước qua một cầu kéo lớn. Không người Tây Ban Nha nào có thể nghi ngại là giờ đây sinh mạng mình nằm trong tay của một ông hoàng mà quyền lực của y được minh chứng một cách hùng hồn không chỉ bằng những đoàn chiến binh vây quanh họ, và những dinh thự to lớn sừng sững trước mắt họ, mà còn bằng tất cả những câu chuyện mà dân bản xứ đã kể họ nghe.
Đoàn quân Tây Ban Nha vẫn rầm rộ tiến lên không chút chần chừ.
Khi họ đến đại lộ chính của thành phố, họ trông thấy tiến về phía mình là một đám rước lung linh gồm những trai tráng trong một đội hình lộng lẫy. Phía sau ba chức sắc cầm các kim trượng quyền uy là chiếc kiệu vàng lắc lư mang trên vai các nhà quí tộc. Màn trướng phủ kiệu được tạo bởi các lông vũ đầy màu sắc có đính lác đác đồ trang sức và viền bằng bạc. Các tay khiêng kiệu quí tộc đi chân trần, bước đi theo nhịp điệu và mắt nhìn xuống đất. Đến một khoảng cách thích hợp, đám rước dừng lại, và từ kiệu bước xuống một người đàn ông mảnh khảnh khoảng 40 tuổi. Nước da của y tái hơn nước da
dân bản xứ bình thường, mái tóc đen láng mướt và không dài lắm, bộ râu lưa thưa. Y mặc áo choàng có thêu ngọc trai và đá quí, dây buộc dưới cằm. Y đi dép bằng vàng, có dây buộc vào mắt cá chân bằng một đai mạ vàng. Khi y tiến về phía trước, dựa trên hai cánh tay của hai tên hầu, các tôi tớ rắc những tấm khăn vải trước mặt y để chân y không lấm đất. Và y đứng đấy, Moctezuma II, Hoàng đế của Aztec, trước mặt Cortés.
Cortés bước xuống lưng ngựa, và cũng dựa vào cánh tay của hai đồng bọn quí tộc, di chuyển để gặp nhà cai trị bản xứ.
Năm mươi năm sau đó Berna; Diaz, một trong những bạn đồng hành của những tên chinh phục Tây Ban Nha, viết về cuộc chạm trán này: “Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh tượng này; sau bấy nhiêu năm nó vẫn còn đậm nét trong trí tôi như thể vừa mới xảy ra hôm qua.”
Khi hai người đàn ông này đứng đối mặt nhau, trao đổi những lời chào đón nghi thức, hai thế giới, hai thời đại lịch sử đang mặt đối mặt.
Lần đầu tiên trong lịch sử những khám phá vĩ đại được kể trong sách này lại xảy ra việc một người từ phương Tây theo Cơ đốc giáo không cần phải phục dựng lại một nền văn hóa phong phú từ những đổ nát mà bắt gặp nó bằng xương bằng thịt. Cortés trước Moctezumat! Như thể Brugsch-Bey đã bất ngờ thấy mình mặt đối mặt với Ramses Đại Đế trong Thung lũng Deir el-Bahri, hoặc như thể Koldewey đã chạm mặt Nebuchadnezzar đang lửng thửng trong Vườn Treo Babylon, và họ có thể đã trao đổi với nhau như thể Cortés với Moctezuma.
Nhưng Cortés là kẻ chinh phục, không phải là nhà khảo cổ. Cái đẹp chỉ là mối quan tâm của y khi nó có thể qui đổi ra vàng, và sự vĩ đại chỉ như một điều gì đó nhờ nó ông ta đo được sự vĩ đại của riêng mình. Ông chỉ quan tâm đến lợi lộc cho mình và cho Đức Vua Hispanic của ông, và trân hết là mở rộng lãnh địa của Thập Giá, nhưng chắc chắn không vì sự tăng trưởng của kiến thức. Chỉ tròn một năm sau khi ông ta gặp Moctezuma lần đầu tiên, Moctezuma qua đời. Không tới một năm nữa, sự huy hoàng của Mexico bị hủy hoại – và không chỉ riêng kinh thành.
Theo lời kể của sử gia văn hóa của thời đại chúng ta, Oswail Spengler: “Đây là ví dụ duy nhất về cái chết thình lình dữ dội của nền văn hóa. Văn hóa này không khô héo dần đi; nó không bị dập tắt hoặc bị ngăn cấm. Nó bị ám sát ngay trong thời huy hoàng bừng nở của nó, bị hủy hoại như một đóa hoa hướng dương bị một kẻ qua đường vô tâm làm đứt lìa.”
Để hiểu chuyện gì đã xảy ra, ta cần nhìn trở lại nhiều năm trước, giờ được goi là Thời Bọn Chinh Phạt Tây Ban Nha, tạo thành một giai đoạn trong lịch sử Cơ đốc giáo nhuộm đỏ bằng lửa và máu, phủ lên bằng bộ áo choàng thầy tu, và vạch ranh bằng lưỡi gươm.
Vào năm 1492 Thuyền trưởng Cristobal Colon người Genoa thuộc Ý, về sau được biết dưới tên Christopher Columbus, trên đường hướng về Ấn Độ, khám phá các đảo Guanahani, Cuba, và Haiti bên ngoài bờ biển Trung Mỹ, và về sau là Dominica, Guadeloupe, Pueeto Rico, Jamaica, và cuối cùng bờ biển phía Tây và Trung Mỹ. Cùng lúc đó Vasco da Gama tìm ra được hải trình
chính xác (nói cách khác gần nhất) đến Ấn Độ, Hojeda và Vespucci và Ferdinand Magellan thám hiểm các bờ biển phía nam của Tân Thế giới. Sau chuyến hải hành của John Cabot và chuyến đi vòng quanh quả đất của Magellan, lục địa châu Mỹ được biết rõ từ Labrador đến Tierra del Fuego. Và khi Nunez de Balboa đường bệ bước vào Thái bình dương với đầy đủ khiêng giáp để chiến hữu nó vĩnh viễn, và Pizarro và Almagro xâm chiếm đế chế Incas – Peru ngày nay – từ bờ biển phía Tây, một bước nhảy vọt đã được thực hiện trong vòng một thời đại duy nhất cho cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất của Âu châu. Khám phá được theo sau bởi thám hiểm, nhưng thám hiểm phải được tiếp nối bằng chinh phục, vì Tân Thế giới là một kho những tài nguyên không thể tưởng tượng được, theo hai nghĩa là mở ra một thị trường mới và là một kho báu đợi người ta đến cướp bóc.
Chính vì viễn cảnh của những báu vật này đã kích thích những nhúm người mở những chuyến mạo hiểm táo tợn trên những con tàu có kích cỡ như những con tàu đi sông ngày nay. Sẽ là bất công khi cho rằng vàng là mục tiêu duy nhất của họ, động cơ tham lam kết hợp với tính liều mạng táo tợn. Bọn người thám hiểm và chinh phục này lên đường không vì quyền lợi của chính mình, mà còn vì Isabella và Ferdinand và sau đó vì Charles V; họ cũng phục vụ giáo hoàng của họ, Alexander VI, mà trong năm 1493, bằng một nét xổ thẳng trên bản đồ, đã chia thế giới làm hai phần gọn ghẽ giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Họ ra đi dưới lá cờ Thánh nữ Đồng trinh vì lợi ích của Đấng Giáo chủ, như những tay truyền giáo chống lại kẻ ngoại đạo, và không có chiếc thuyền nào của họ lại thiếu một cha sứ sẵn sàng cắm cây Thánh giá trên bất kỳ mảnh đất nào họ đến.
Khi các nhà thám hiểm và chinh phục dong buồm đến châu Mỹ, khái niệm về thế giới trở nên có tính toàn cầu lần đầu tiên trong lịch sử. Những tư tưởng, tôn giáo, chính trị, phiêu lưu tất cả đều đóng vai trò của chúng. Một kiến thức mới về các ngôi sao, về địa lý, và kết quả là về hàng hải, đều phục vụ cho mục đích bành trướng chính trị của một đế chế toàn cầu thuộc Âu châu “trên đó mặt trời không bao giờ lặn.” Một niềm tin củng cố thành sự cuồng tín có thể phái đi những kẻ mạo hiệm dưới lá cờ thiêng vì trái tim những tên quí tộc Tây Ban Nha đã mệt mỏi bởi mơ ước và khao khát hành động.
Ngoài những yếu tố tất định cơ bản như thế của lịch sử luôn luôn tồn tại, tất nhiên, những tính khí kỳ quặc của sự kiện vốn thường chứng tỏ có tính quyết định trong việc phát triển khoa học về các nền văn hóa biến mất. Thật vui thích khi nhận xét rằng Hernando Cortés, nhà khám phá vĩ đại nền văn hóa Aztec, dự tính trở thành một luật sư. Đầu tiên ông thử tìm cách thoát khỏi nghề nghiệp đáng ghét này là bằng cách tham gia vào chuyến thám hiểm của Nicolas de Ovando, người kế vị Columbus, nhưng lỡ dịp khi một bức tường cao mà chàng thanh niên cố leo lên để đến phòng ngủ của tình nhân
bổng đổ sụp dưới chân ông và chôn Hernando dưới đống gách vụn của nó. Vết thương khiến chàng Don Juan trai trẻ còn nằm liệt giường khi đoàn thuyền của Ovando giương buồm ra khơi. Chúng ta sẽ không bao giờ biết khúc ngoặt của lịch sử của Tân Thế giới sẽ ra sao, nếu bức tường kia không gây trở ngại cho chàng trai si tình.
Tuy nhiên, ngay cả những người như Cortés đều có thể thay thế được khi thời cơ gọi đến. Chiến dịch trong đó Cortés chiếm Mexico trong bão táp có một không hai trong lịch sử.
Mười sáu năm trước, khi ông 19 tuổi và vừa đổ bộ vào Hispaniola, ông xấc xược bảo thư ký của ngài thống đốc, người đang hiến tặng ông một mảnh đất: “Tối đến để lấy vàng, không phải để cày bừa như một nông dân.” Lúc 24 tuổi ông tham gia vào việc chinh phục Cuba dưới cờ Velasquer, một cách xuất sắc, nhưng lại tham gia vào nhóm chống đối tân thống đốc và bị ném vào ngục. Ông đào thoát, bị bắt lại, rồi lại đào thoát lần nữa; cuối cùng tìm cách hòa giải với thống đốc. Ông định cư trên một lâu đài kiểu Tây phương, lần đầu tiên có mặt ở Cuba, khai thác mỏ vàng, và tích trữ một con số ấn tượng từ 2000 đến 3000 castelllano vàng (mỗi castellanos khoảng 226 gam). Giám mục Las Casas, một trong số ít người bạn của thổ dân ở Tân Thế giới, bình phẩm việc này như sau: “Chỉ có Chúa mới biết số vàng này đã lấy đi bao nhiêu sinh mạng thổ dân, và Người sẽ tính toán việc đó.”
Của cải kiếm được này là một điểm ngoặc cho sự nghiệp của Cortés. Giờ ông có thể mua sắm mọi trang bị chiến đấu cho đội chiến thuyền mà ông được quyền chỉ huy cùng với Velasquer, đích đến cuối cùng là bờ biển của xứ huyền thoại ấy mà các thổ dân đã thêu dệt quá nhiều câu chuyện giật gân. Ở phút chót xảy ra sự bất đồng với ngài thống đốc. Khi Cortés đến Trinidad với đội chiến thuyền mà trong đó ông đã đầu tư tất cả tài sản của mình và của bạn bè vào, Velasquer cố gắng bắt giữ ông. Nhưng vào lúc đó Cortés là người mà toàn thể binh lính đều nhất tề thề đi theo. Họ sẽ nổi loạn nếu vị chỉ huy của mình bị bắt giữ. Vì thế Cortés được phép ra khơi với 11 thuyền, thuyền lớn nhất có trọng tải 100 tấn, dấn thân vào cuộc phiêu lưu kỳ lạ.
Tại thời điểm này toàn bộ lực lượng tấn công mà ông sử dụng để chinh phạt một đất nước mà ông không có khái niệm gì cả – bao gồm 110 thủy thủ, 553 binh sĩ (trong đó có 32 cung thủ và 13 lính ngự lâm), 10 khẩu pháo, 4 súng thần công, và 16 ngựa.
Dưới lá cờ nhung đen có thêu chỉ vàng, và một thập giá đỏ với dòng chữ: “Hởi các bạn, hãy tiến theo Thập giá, vì dưới biểu hiệu này ai có lòng tin thì sẽ chinh phục được,” ông nói trước lực lượng của mình những lời lẽ đã được lưu truyền đến chúng ta, kết thúc như sau:
“Các bạn chỉ có ít người, nhưng quyết tâm thì mạnh mẽ. Nếu các bạn
không nao núng, luôn tin tưởng rằng Đấng Toàn năng, vốn không bao giờ bỏ rơi dân tộc Tây Ban Nha trong cuộc chiến đấu chống lại bọn ngoại giáo, sẽ che chở cho các bạn khi bị kẻ thù bao vây; vì chính nghĩa của các bạn là công chính, và bạn sẽ chiến đấu dưới lá cờ Thập giá. Vậy hãy tiến lên, hăng hái và tin tưởng; hãy biến công trình khởi đầu quá thuận lợi thành một thành quả chói lọi.”
Vào tháng 16/8/1519, ông xuất phát từ một điểm trên bờ biển gần Vera Cruz tương lai để chinh phục Mexico. Ông đã hi vọng mình sẽ đánh nhau với các bộ tộc; giờ thì ông thấy là mình phải đánh bại một đế chế. Ông những tưởng là mình đương đầu với bọn người hoang dã; giờ thì ông đã biết rằng mình đang lâm chiến với một quốc gia có nền văn minh cao. Ông tính mình sẽ bắt gặp những ngôi làng và những khu định cư thôn dã theo cách ông tưởng tượng; thay vào đó, là những thành phố rộng lớn với đền thờ và cung điện nhô cao từ đồng bằng trước mặt ông. Nhưng những đối đầu và cảnh tượng này không làm ông lay động quyết tâm thu phục xứ sở này cho thấy ông là một trong những người chỉ bị hậu thế nguyền rủa khi thất bại.
Ba tháng chinh phạt điên cuồng mà Cortés quét qua thành phố kinh đô của Moctezuma không thể mô tả chi tiết ở đây. Chỉ cần nói rằng Cortés vượt qua trở ngại này đến trở ngại khác do địa thế, khí hậu, và những bệnh lạ lây lan. Ông tiến đánh và thắng nhiều trận trước 30 đến 50 ngàn thổ dân. Tiếng tăm là người vô địch của ông đi trước bước chân ông từ thành phố này đến thành phố khác. Chiến lược của ông phối hợp khoa học quân sự chính xác nhất với hành động tàn sát dã man.Trong khi ông dỡ nhiều chiêu trò chính trị tinh ranh, trả về những sứ giả mà Moctezuma tiếp tục gởi tới với đầy ắp quà cáp, mặt khác ông lại gây chia rẽ các dân tộc chư hầu của Hoàng để để họ kình chống nhau, biến người Tlascalan hôm nay là kẻ thù của ông, hóa thành bạn bè ngày hôm sau. Ông tiến tới có ý đồ cho đến khi những biện pháp nửa vời và vu vơ của Moctezuma mất đi mọi tác dụng ngăn chận cuộc tiến công của ông, và nhà cai trị Aztec, chúa tể tối cao của hơn 100,000 chiến binh, cuối cùng phải khẩn khoản với Cortés xin ông đừng đặt chân đến kinh thành của mình.
Chiến dịch toàn thắng này, chưa có tiền lệ trong lịch sử, hầu như không thể lí giải được. Sức mạnh của Cortés nằm trong tiếng tăm lẫy lừng gần như là thần thoại của ông kết hợp với ưu thế của những chiến thuật quân sự tuân thủ nghiêm nhặt và tài tổ chức của ông. Như một sử gia đã so sánh, nó là một trường hợp khác của Hi Lạp đối kháng với Ba Tư. Nhưng lần này người “Hi Lạp” sở hữu – ngoài kỷ luật – súng trường, những vũ khí chưa từng được biết đến và làm kẻ thù khiếp đảm. Và họ có một thứ khác khiến thổ dân lúc nào cũng hoảng loạn: các chiến mã, những quái thú nổ sấm sét trong mắt bọn người Aztec, khi thấy người ngựa như một và không sao đánh mất nổi kinh sợ mê tín của họ về sinh vật này cho dù sau khi họ đã bắt được một con và một chỉ huy đã phân thây nó thành nhiều mảnh và gởi đi đến mọi thành phố trong lãnh địa.
Cái ngày mà kinh thành bị bọn Tây Ban Nha chiếm đoạt, ngày 8/11/1519, tiến đến gần hơn không sao cưỡng lại được. Thậm chí nó không thể gọi là một cuộc chinh phục; thành phố bị chiếm đóng bởi một kẻ xâm lăng chiến thắng, mà không có kháng cự. Vậy mà việc Cortés khám phá ra, ngay trong kinh thành Mexico, kho báu mà ông đã mơ ước từ khi 19 tuổi, và sự hấp tấp muốn cắm Thập giá trên các đền thờ Aztec, đã mang đến một loạt những rối rắm suýt chút nữa làm tiêu tan mọi thành quả thắng lợi của ông và đồng bọn.
Vào ngày 10/11/1519, ngày thứ ba sau khi Cortés bước vào kinh thành, ông xin phép Moctezuma xây dựng một nhà nguyện trong lâu đài đã cấp cho ông và đồng bọn. Ngay lập tức Moctezuma đồng ý, thậm chí còn gởi đến những thợ thủ công Aztec để trợ giúp một tay.
Tuy nhiên, bọn Tây Ban Nha tự mình trinh sát khu vực. Khi đi qua một phần nề cũ họ chú ý một miếng đắp trên tường tại đó vữa còn mới, và với kinh nghiệm đi trưng thu họ nghi phía sau đó có cửa. Mặc dù họ là những vị khách chỉ tồn tại trên danh nghĩa trong lâu đài hoàng gia, họ không ngần ngại đục thủng bức tường đó. Khi cánh cửa lộ ra, lập tức họ mở ra – và cho gọi Cortés tới.
Ông ta tới nơi, nhìn qua lỗ thủng; và ông liền nhắm mắt lại một lúc. Trước mắt ông là một sảnh chứa đầy những vải vóc lộng lẫy nhất, những đồ trang trí, những đồ dùng quí giá, đồ trang sức đủ loại, bạc và vàng không chỉ có mặt trong những đồ vật chạm trổ tinh xảo mà còn là những thỏi chất đống. Bernal Diaz, người viết biên niên sử, đã nhìn thấy cảnh tượng này qua vai của Cortés, sau đó viết: “Tôi là một thanh niên trẻ, và hình như đối với tôi tất cả của cải của thế gian đều nằm chất đống trong căn phòng đó.”
Họ đang đứng trước kho báu của Moctezuma; kho báu của người cha, được làm giàu thêm bởi công chiếm đoạt của đứa con.
Cortés tiến hành với sự thận trọng phi thường. Ông ra lệnh tô kín bức tường lại lần nữa; bởi vì ông biết rằng mình đang đứng trên bờ vực của miệng núi lửa có thể phun trào bất cứ lúc nào. Xét nguy cơ chống lại đạo quân nhỏ nhoi của người Tây Ban Nha giữa thành phố xa lạ rộng lớn, ước tính 65,000 tòa nhà, chỉ nghĩ đến sự táo tợn của họ cũng đủ làm ta nghẹt thở.
Thật ra, đâu là cơ may của họ khi mang cuộc phiêu lưu này đến thành quả an toàn? Giờ họ đã trông thấy kho báu, làm thế nào họ lấy nó ra khỏi thành phố lớn, ngay dưới mũi của hoàng đế và lực lượng chiến binh đông đảo? Làm thế nào họ có thể cho rằng mình có thể nắm lấy quyền lực của vương quốc này để đảm bảo việc khai thác nó một cách kinh tế, như họ đã có thể làm với các đảo hoang dã của Tân Thế giới?
Như Cortés chứng tỏ, có một và chỉ một cách để nắm lấy quyền lực bên trong kinh đô, mặc dù nó chỉ có thể xảy ra với những kẻ phiêu lưu liều mạng như bọn họ, và chỉ có thể nắm bắt bởi những kẻ chinh phục gan dạ. Cortes đã nhận thức được địa vị thực sự thần thánh của Moctezuma; các thần dân của Hoàng đế sẽ không dám giơ một ngón tay chống lại bất kỳ ai đã khống chế được Hoàng đế. Sau một khoảng cách được tính trước ông ta mời Moctezuma đi vào trong với ông. Sự mời mọc của ông vừa pha lẫn lý lẽ, cầu xin khẩn khoản, và đe dọa (những tên kỵ binh đồ sộ vận giáp và mũ sắt án ngữ ở các cửa) khiến Moctezuma phải nhượng bộ.
Vào buổi tối cùng ngày các Cha Bartolomé Olmedo và Juan Diaz điều hành thánh lễ Mass trong nhà nguyện vừa mới xây. Trong buổi cầu nguyện thành kính này kho báu, mà mổi tên Tây ban Nha đang cầu nguyện đều coi là mình có phần, nằm trong gian phòng tiếp giáp bên trái. Ngồi ở bên phải của nó là người sở hữu nó, một vị Hoàng đế ở ngay giữa lãnh địa của mình, vậy mà tư thế không hơn một con tin nằm dưới quyền sinh sát của một số ít người, để các nhà quí tộc của y vỗ về y hết mức có thể trước vị thế không mấy tương xứng của chúa tể mình. Tất cả bọn Tây Ban Nha, Bernal Diaz nhận xét, xử sự với sự nghiêm trang và thành kính đúng mực trong buổi hành lễ, “một phần vì chính nghi thức, và một phần vì muốn phô trương ảnh hưởng khai sáng của nó lên những người ngoại đạo trầm luân.”
Từ trước đến giờ Cortés nổi tiếng là đã tạo được một chuỗi liên tục các thành tựu, như thế thần may mắn đã mỉm cười với ông trong mỗi chuyến làm ăn. Rồi ba sự kiện liên tiếp theo nhau nhanh chóng thay đổi bức tranh.
Sự hiểu lầm đầu tiên xuất phát từ hàng ngũ chính bọn Tây ban Nha. Một khi Moctezuma đã trở thành tù binh của ông, Cortés thấy không có lý do gì để yên kho báu nằm nguyên đấy. (Nhà cai trị xấu số cố khỏi mất mặt bằng cách nộp toàn bộ kho tàng cho vì Vua Tây Ban Nha xa xôi của Cortés làm quà ra mắt cùng với một lời tuyên thệ trung thành – một cử chỉ không mấy giá trị, xét tình cảnh hiện giờ của y.) Để được định giá thích đáng, Cortés cho mang kho báu ra một đại sảnh. Trị giá tổng cộng của nó theo ước tính của người Tây Ban Nha khoảng 162,000 đồng peso vàng, hay khoảng 6.3 triệu đô-la vào thời giá của thế kỷ 19. Không chắc có nhà cai trị Âu châu nào của thế kỷ 16 có từng thấy một tài sản lớn lao như thế trong kho tàng của mình. Nên không có gì ngạc nhiên khi các tên lính Tây Ban Nha trở nên điên cuồng khi tính trị giá phần mình được chia trong đó.
Nhưng hóa ra Cortés có một kế hoạch chia chác hơi khác. Vì xét cho cùng ông là sứ giả của Đức Vua Tây Ban Nha, nên chắc chắn nhà vua phải nhận được phần chia thích đáng. Và phần của Cortés, người đã cung cấp chiến thuyền, trang bị binh lính, và hiện giờ còn mắc nợ nần ngập đầu phải trả sớm, thì sao? Do đó ông ra lệnh chia chiến lợi phẩm như sau: một phần năm giao cho nhà vua; một phần năm khác thuộc Cortés; phần năm thứ ba cho Velasquer, Thủ hiến của nhà vua; người cần được xoa dịu vì Cortés đã phớt lờ lệnh ông ta và bỏ đi thẳng với toàn bộ số tàu thuyền; phần năm thứ tư làm phần thưởng cho các nhà quí tộc, các pháo thủ, các cung thủ cũng như lực lượng đồn trú để lại giữ nhiệm vụ canh gác bờ biển Vera Cruz. Còn lại phần năm cuối cùng được phân phát cho binh lính đã hoàn thành nhiệm vụ, tính ra 100 pesos vàng mỗi người, một món tiền khá bèo so với những gì họ đã làm được, và số của cải mà mắt họ đã chứng kiến.
Ít tháng sau, một việc nghiêm trọng hơn đã xảy ra. Cortés được một đại úy trong trạm duyên hải báo tin là một đoàn thuyền dưới sự chỉ huy của một gã Narvaez nào đó đã đổ bộ vào Vera Cruz, do Velasquer nổi cơn lôi đình phái đến không vì mục đích nào khác hơn là tước quyền chỉ huy của Cortés và nhốt ông ở Cuba như một phạm nhân vì tội nổi loạn công khai và thâm lạm quyền hành. Chi tiết thông tin thật đáng sợ: Narvaez có 18 chiến thuyền, chở 900 người, trong đó có 80 kỵ binh, 80 lính trang bị súng hỏa mai, 150 cung thù, và bộ binh hạng nặng. Cortés, ngồi trên thùng thuốc súng Mexico, giờ đang đối mặt với một đạo quân của đồng bào mình không chỉ mạnh hơn quân mình gấp bội, mà còn là lực lượng hùng hậu nhất từng diệu võ giương oai ở Tân Thế Giới.
Điều ông làm thực là phi thường. Bất cứ ai cho rằng thắng lợi lẫy lừng của Cortés chỉ là do may mắn, do lì lợm, do sự kiện là các đối thủ của ông chỉ là những thổ dân trang bị nghèo nàm, giờ đây phải xét lại ý kiến của mình. Bời vì Cortés cương quyết ra quân đối địch với Narvaez và đè bẹp y.
Bằng cách nào?
Ông liều để lại phía sau cho Pedro de Alvarado, một trong các viên đại úy tin cẩn của mình, hai phần ba lực lượng, để canh giữ Mexico và con tin quí báu Moctezuma. Với một phần ba còn lại – 70 binh lính tất cả – ông chuẩn bị lao vào đối địch Narvaez! Trước khi lên đường ông mô tả cho Moctezuma bức tranh trừng phạt sẽ giáng lên đầu những kẻ phản bội trong số thần dân của y khủng khiếp đến nổi nhà cai trị nhu nhược, sợ điều xấu nhất sẽ xảy đến khi bọn Tây Ban Nha trở lại, nên bỏ ngoài tai lời khuyên của cận thần nên nắm bắt thời cơ hi hửu này của mình. Ngược lại Moctezuma lại tìm đủ mọi cách để xoa dịu Cortés, đi tiễn ông ta trên chiếc kiệu (được Alvarado bảo vệ suốt lộ trình) đến tận con đập, tại đó y ôm gã Tây Ban Nha và chúc ông thắng lợi!
Và thế là Cortés cùng đội quân của mình – được tăng cường với các liên quân thổ dân lên đến 266 người – tiến ra vùng đồng bằng Tierra Caliente. Qua cơn mưa nặng hạt xối xả các trinh sát của ông về báo là Narvaez đã đến Cempoalla. Giờ giữa ông và kẻ thù chỉ còn cách nhau một con sông.
Trong lúc này Narvaez, thiếu kinh nghiệm và chiến lược quân sự, đang tiến quân về hướng con sông tính đương đầu với Cortés vào ngay chiều tối hôm đó. Nhưng vì thời tiết quá xấu y đành phải nghe theo lời ta thán của binh sĩ. Tin rằng Cortés sẽ không động binh vào một đêm như thế này, và tin tưởng vào sự ưu việt của vũ khí mình, y rút lui trở lại thị trấn và nghỉ ngơi qua đêm.
Cortés cho binh vượt sông. Lính canh của quân thù bị đánh úp bất ngờ. Vào 15/5/1520, với tiếng thét xung phong “Espiritu Santo!” [Holy Spirit: Đức Thánh Linh], đội quân ít ỏi, thiếu trang bị của ông, với ông ở vị trí tiên phong, tràn vào trại quân của Narvaez chen chúc binh lính và vũ khí.
Cuộc đột kích bất ngờ hoàn toàn thắng lợi. Trong một cuộc giáp chiến đêm ngắn ngủi và hải hùng, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc và đây đó có tiếng thần công phát pháo nhưng chỉ nổ một lần, toàn bộ doanh trại bị đánh chiếm. Narvaez, đang tử thủ từ đỉnh tòa tháp, bị một mũi giáo đâm trúng một mắt. Tiếp theo tiếng hét lên đau đớn của y là tiếng hô hồ hỡi “Chiến thắng!” của Cortés.
Thắng lợi của Cortés là toàn diện khi hầu hết kẻ bị khuất phục đều một mực tuyên thệ sẽ trung thành với ông, và toàn bộ chiến lợi phẩm của kẻ thù gồm súng thần công, súng hỏa mai, và ngựa chiến đều thuộc về ông, biến ông lần đầu tiên trong lịch sử viễn chinh Mexico là người chỉ huy của một lực lượng tác chiến thực sự hùng hậu.
Tuy vậy lực lượng áp đảo này sẽ gặp số phận thảm hại tại nơi mà đám quân ít ỏi được Cortés dẫn dắt đã gặt hái thắng lợi vẻ vang từ trước đến giờ.
- CORTES (II): NỀN VĂN HÓA BỊ CHẶT ĐẦU
Người Tây Ban Nha của thời kỳ chinh phạt tiến theo lá cờ Thập giá và tiếng hô xung phong “Espiritu Santo!” Ở bất cứ nơi đâu họ chiếm được một bàn đạp họ liền cắm ngay Thập giá và vội vàng xây dựng các nhà thờ. Các cha đạo làm lễ xưng tội trước khi các con chiên lao vào trận đánh, tôn vinh các thắng lợi của mình bằng các thánh lễ Mass, và ngay lập tức ra sức cải đạo cho dân bản địa.
Trước khi bước vào vương quốc Aztec, bọn Tây Ban Nha đã giao du với dân bán khai, mà tôn giáo của họ chỉ là thờ các linh vật trong đó sức mạnh thiên nhiên và ma quỉ được tôn thờ. Các nghi lễ và tập quán của phức hợp tôn giáo cốt yếu này dễ dàng bị lay động. Tuy nhiên với người Aztec, tình thế có phần khác. Tín ngưỡng của họ ở cấp độ cao hơn, một “tín ngưỡng có tính văn hóa.” Mặc dù nó dựa trên những khuynh hướng độc thần, đa thần thể hiện trong việc thờ cúng nghiêm nhặt Huitzilopochtli và Quetzalcoatl. Nền văn hóa tồng thể, dưới ảnh hưởng của những kiến thức về niên lịch có tính qui định rộng khắp, đã tạo được một dấu ấn nổi bật như bất kỳ nền văn hóa nào được biểu hiện bằng những tín ngưỡng có tính phổ độ hoặc cứu rổi.
Sai lầm của những nhà chinh phạt Tây Ban Nha và các giáo sĩ của họ là sự kiện họ nhận thức ra điều này quá trễ. Quan điểm của dân Âu châu vào thế kỷ 16 ngăn cản mạnh mẽ bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với những nền văn minh khác biệt với họ. Thái độ thiển cận này, vốn chỉ nhận biết những mức độ cao và thấp trong thang giá trị của họ, chứ không của ai khác, chẳng có chút gì thay đổi khi bọn chinh phạt Tây Ban Nha nhìn thấy ở Mexico những dấu hiệu không lầm lẫn được về một cuộc sống xã hội phát triển cao và rõ ràng khác biệt. Họ làm quen với những phương pháp giáo dục trong một số phương diện cao cấp hơn của chính họ mà vẫn không có ấn tượng. Việc khám phá ra các thầy tu Aztec có kiến thức đáng kinh ngạc về thiên văn học không gây cho họ sự trân trọng nào cả.
Sự tiến bộ về văn minh thuần túy do người Aztec đạt được, chẳng hạn trong việc qui định giao thông, đăng kí-điều tra dân số trong các thành phố, và việc xây dựng các tòa nhà dùng cho mục đích thờ cúng cũng như thế tục, chẳng có tác dụng nào đối với sự quyết đoán của bọn Tây Ban Nha cho rằng mình đang giao thiệp với mọn man rợ phải được cải đạo với bất cứ giá nào. Họ không thấy ra điều gì ngoài những tạo tác của ma quỉ trong thành phố Mexico trù phú, với các đầm phá, đê điều, đường xá, và những đảo nổi đầy hoa.
Khổ thay tôn giáo của người Aztec có một đặc điểm khiến mọi người tránh xa khi gặp nó và không thể không tin vào sự sùng bái ma quỉ của người Aztec. Đó là việc hiến tế người trên diện rộng đến khó tin, một nghi lễ kết thúc bằng việc các thầy tế móc quả tim ra khỏi lồng ngực của nạn nhân. Và có lẽ chỉ những người hiện đại
chúng ta mới có quyền nhắc cho bọn Tây Ban Nha, đang nổi giận trước tập tục này của người Aztec, nhớ rằng Tòa án Dị giáo của chúng cũng thiêu sống từ từ da thịt Tây ban Nha trong những autos-da-fé [phiên tòa xử những người không theo đạo Cơ Đốc, sẽ bị thiêu sống.] Đồng thời cũng phải nhìn nhận rằng nghi lễ này của Aztec có tính tàn bạo vượt quá bất cứ sự kiện thuộc cùng loại từng được biết trên thế giới.
Sự thật thì trình độ đạo đức phát triển cao pha lẫn với tính vô đạo đức man rợ tồn tại trong văn minh Aztec. Chấp nhận cả hai khuynh hướng này vượt quá khả năng của người cuồng tín. Kết quả là bọn Tây Ban Nha bỏ qua sự kiện là dân Aztec, không như các thổ dân mà Columbus, Vespucci, và Cabral đã gặp, chỉ có thể bị sỉ nhục đến điểm tới hạn liên quan đến tôn giáo của họ. Điểm tới hạn này đã đến khi bọn Tây Ban Nha bắt đầu báng bổ các đền thờ và thần linh. Dù sao đi nữa họ tấn kích với một bàn tay tàn nhẫn. Sự chênh lệch cốt lõi giữa bọn Tây Ban Nha và Aztec là sân khấu cho một chuỗi những hành động dữ dội gần như phá hủy thành quả của những chiến tích chính trị và quân sự của Cortés.
Cần ghi nhận là trong số những thành viên của đoàn viễn chinh Cortés không phải các giáo sĩ là những kẻ cuồng tín xấu xa nhất. Cha Juan Diaz và Cha Bartolomé Olmedo, đặc biệt là nhân vật sau này, kềm chế bớt cách cư xử của bộ phận truyền giáo của họ bằng sự thấu hiểu chính trị.
Theo tất cả những báo cáo, chính Cortés, có lẽ bị dẫn dắt bởi tác động vô thức muốn khẳng định những công trạng của mình, là người đầu tiên nỗ lực cải đạo cho Moctezuma. Hoàng đế lễ phép nghe hết lời kêu gọi của người chỉ huy Tây Ban Nha. Tuy nhiên khi nhà chinh phục vĩ đại so sánh một cách đầy ác cảm giữa nghi thức đơn giản và thuần túy của lễ Mass của Cơ đốc giáo với tập tục Aztec ghê tởm của việc hiến tế người, Moctezuma chen ý kiến của mình vào. Theo y việc hiến tế mạng người ít ghê tởm hơn là việc ăn máu và thịt của Thiên Chúa. Chúng ta không biết liệu Cortés có khả năng phản biện lối biện chứng này của y không.
Thậm chí Cortés còn đi xa hơn. Ông xin phép được xem xét một trong các đền thờ lớn tọa lạc ngay trung tâm kinh thành không xa tổng hành dinh của bọn Tây Ban Nha, và sau khi Moctezuma tham vấn với các thầy tế của mình, y miễn cưỡng chấp nhận. Ngay lập tức Cortés leo lên các bậc thang dẫn đến bệ thờ trên tầng chóp của đền. Khi ông đề nghị với Cha Olmedo là teocalli [đền thờ hình tháp cụt] chính là nơi thích hợp nhất để dựng thập giá, người giáo sĩ đã khuyên ông không nên. Họ đi vào trong để xem xét khối ngọc thạch trên đó các nạn nhân bị hiến tế nằm lên và bị tàn sát bằng một con dao đá thủy tinh. Họ trông thấy hình của vị thần Huitzilopochtli, với gương mặt hung bạo, chẳng khác, trong mắt bọn Tây Ban Nha, hình ảnh của quỉ dữ mà các giáo sĩ mô tả. Thần tượng ghê gớm này được ôm chặt trong vòng cuộn của tượng rắn có đính ngọc trai và đá quí. Bernal Diaz, cũng có mặt trong chuyến viếng thăm này, là người đầu tiên nhận ra một cảnh tượng còn ghê gớm hơn. Các bức tường của toàn bộ gian phòng đều dính đầy những lớp nhầy nhụa máu người khô. “Mùi tanh tưởi gớm ghiếc,” Diaz viết, “còn khó chịu hơn cả mùi lò sát sinh ở Castile.” Rồi ông nhìn kỹ vào bệ thờ bằng đá. Trên đó còn ba trái tim người, mà ông tưởng như còn bốc khói và chảy máu.
Bước xuống theo lối cầu thang dài, các người Tây ban Nha, không lâu sau đó, bắt gặp một tòa nhà nằm trên một gò đất. Bước vào và bên trong, họ trông thấy những sọ người của nạn nhân thần Huitzilopochtli được sắp xếp ngăn nắp tận mái. Một người lính ước tính có đến 136 ngàn sọ.
Ngay sau đó, sau giai đoạn thỉnh cầu được tiếp nối bằng giai đoạn ra lệnh cộc lốc kèm theo lời đe dọa, Cortés dời tổng hành dinh của mình vào một trong các tòa tháp. Sau cuộc viếng thăm đầu tiên đến đền thờ ông đã phát biểu về nó một cách thô lỗ và báng bổ với Moctezuma, khiến y bị sốc nhưng ráng giữ yên lặng. Tuy nhiên, lần này Moctezuma khá khích động đến nổi y bảo với bọn Tây Ban Nha là dân y sẽ không thể tha thứ một sự xâm phạm như thế. Cortés, không nhượng bộ, ra lệnh tẩy sạch đền thờ và dựng lên một bệ thờ trên đó có thập giá và hình Đức Mẹ Đồng Trinh. Vàng và trang sức của người Aztec bị lấy đi và các bức tường được trang trí thay thế bằng hoa. Và khi bài tụng ca Te Deum được cất lên lần đầu tiên bởi bọn Tây Ban Nha đang tề tựu trên bậc thang dài và phòng thờ, những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của họ, ví quá xúc động trước chiến thắng của tín ngưỡng mình.
Hành động này là giọt nước làm tràn li đã chứa đầy lòng nhẫn nhục của người dân Aztec.
Xin kể lại câu chuyện một cách vắn tắt. Khi Cortés rời kinh thành trong cuộc viễn chinh chống Narvaez, một nhóm các thầy tế Aztec xin phép tên trung úy của ông ta, Alvarado, cử hành lễ hội thường niên, có tên “Tán tụng Huitzilopochtli,” với các cuộc nhảy múa và bài ca nghi thức, trong sân của Đại Đền (mà một tòa tháp của nó giờ làm nhà nguyện của bọn Tây Ban Nha).
Alvarado chấp thuận với hai điều kiện: người Aztec không được tế sống người và không được mang vũ khí.
Vào ngày tổ chức lễ hội khoảng 600 người Aztec xuất hiện, hầu hết là những thành viên quí tộc bậc cao nhất, không mang vũ khí và ăn vận y phục và mang đồ trang sực đẹp nhất. Trong buổi lễ tiến hành một số đông quân Tây Ban Nha với áo giáp đầy đủ bắt đầu trà trộn với đám đông. Khi lễ hội tiến đến cao trào bọn Tây Ban Nha, theo một mật hiệu đã ấn định trước, vồ lấy những tín đồ không tấc sắt trong tay và tàn sát từng người một. Một nhân chứng kể lại là “mặt sân ngập ngụa máu như nước trong một trận mưa lớn.”
Khi Cortes trở về kinh thành, với một lực lượng đã gia tăng đáng kể sau thắng lợi đối với Narvaez, ông thấy mình như bước vào một thành phố đã thay đổi hoàn toàn. Ngay sau trận tàn sát phản trắc người Aztec vùng dậy nổi loạn, chọn Cuitlahuac, em trai của Moctezuma, làm người cầm đầu họ thay thế vị Hoàng đế hèn yếu bị khống chế, và phong tỏa hoàng cung trong đó Alvarado đã dựng lên chướng ngại vật phòng thủ. Khi Cortés xuất hiện, Alvarado quá đổi mừng rở vì được giải cứu. Nhưng để phá vỡ trận vây hảm của người Aztec Cortés buộc phải bước vào bẫy giăng.
Mỗi cuộc đột phá vòng vây mà Cortés tung ra đều trả giá đắt. Khi ông phá hủy 300 ngôi nhà, người Aztec phá hủy cây cầu và đê điều chặn đường rút lui của ông ra khỏi thành phố. Khi ông đốt rụi Đại Đền, người Aztec tràn vào các công sự với cơn thịnh nộ tăng gấp bội.
Hành vi của Moctezuma trong tình thế này thật khó hiểu. Chiến tích quân sự của y trong quá khứ thật lẫy lừng không thể chối cãi được. Theo như được biết, y đã dự chín trận đánh trong vai trò chủ động. dưới sự cai trị của mình vương quốc Aztec đã vươn đến đỉnh cao quyền lực và huy hoàng. Vậy mà sau khi bọn Tây Ban Nha đến nhà cai trị vĩ đại này hình như quyết định buông bỏ quyền bính. Giờ đây y đến gặp bọn Tây Ban Nha xin nhận lấy vai trò trung gian điều đình với nhân dân của mình. Mặc đầy đủ huy hiệu hoàng đế, y bước lên tường thành và bắt đầu lên tiếng, nhưng bị đám đông ném đá, khiến y bị thương đến chết. Vào ngày 30/6/1520, Moctezuma II chết, một người từng là Hoàng đế vĩ đại của Aztec, cuối cùng trở thành tù nhân của Tây Ban Nha.
Giờ thì bọn Tây ban Nha không còn nắm giữ Moctezuma làm con át chủ bài, tình trạng hiễm nghèo của họ càng trở nên nghiêm trọng. Cortés phải kinh qua một trải nghiệm khốc liệt nhất: noche triste [Đêm U Sầu], như các sách lịch sử gọi thế.
Khi “đêm u sầu” buông xuống, Cortés phát lệnh phá vòng vây. Đây ;là một mệnh lệnh tuyệt vọng, vì chỉ với một nhúm người phải vượt đường máu qua 10,000 các chiến binh khát máu Aztec. Trước khi thực hiện bước cuối cùng này, Cortés cho bày các báu vật của Aztec ra, khinh khỉnh nói: “Hãy lấy thứ gì tùy thích. Nhưng nhớ là đừng mang nặng quá. Kẻ nào vượt qua màn đêm với hành trang nhẹ nhất thì sẽ an toàn nhất.” Một phần năm kho báu được dành riêng cho nhà vua Tây ban Nha để dù Cortés có thất bại cũng được nhà vua khoan hồng và được sống. Phần năm này được mang đi ở giữa hàng quân rút lui.
Các cựu binh của Cortés nghe theo lời khuyên chủ tướng nên chỉ mang theo một ít vàng, trong khi binh lính của Narvaez tha hồ lận lưng của quí. Chúng nhét các thỏi vàng trong dây nịt và phía trên giày ống, chúng quấn các đồ trang sức khắp thân thể, khiến thân hình đâm ra nặng chịt, chỉ đi được nửa giờ chúng đã bị bỏ rơi lại đằng sau toán hậu quân, thở không ra hơi.
Trong nửa giờ đầu của đêm 1/7/1520, bọn Tây ban Nha tháo lui thành công, không bị quân Aztec phát hiện, qua thành phố đang ngủ và đến tận ngoài con đường đắp cao. Tại giao điểm này bổng nghe tiếng quân canh Aztec hét toáng lên báo động, và ngay lập tức các thầy tế nổi trống lớn trong đền thờ
thần chiến tranh. Thế là địa ngục mở toang cửa.
Bằng cách bắc chiếc cầu mang đi được làm dành riêng cho mục đích này, bọn Tây Ban Nha có thể vượt qua được hố thứ nhất do người Aztec cắt ngang con đường đắp cao. Nghe có tiếng vang như tiếng cây cối xào xạc trong mưa gió. Rồi trời đất như bị xé toạc bởi tiếng thét xung phong, trộn lẫn với tiếng khua cuống cuồng của mái chèo. Những trận mưa tên và đá trút xuống lên đầu bọn Tây Ban Nha. Tiếng rú của những binh lính bị thương được đáp trả bằng tiếng hét của người Aztec. Các chiến binh bắt đầu từ bóng đêm xuất hiện leo lên con đường đắp, đánh cận chiến tay đôi với bọn Tây Ban Nha, dùng gậy tày có gắn đá sắc và rắn như sắt.
Chiếc cầu mang theo ở đâu rồi khi bọn tiền quân Tây ban Nha đã đến được đoạn hố cắt thứ hai do người Aztec tạo ra để ngăn trở kẻ thù rút lui? Những tiếng kêu hoảng loạn hỏi vọng người phía sau mới hay hung tin là do quá nhiều người và ngựa đi qua nên các đầu cầu đã lún sâu vào lớp đất mềm và không thể nhấc lên được. Đến lúc này thì kế hoạch lui binh có tổ chức đã nhanh chóng biến thành cuộc tháo chạy hoảng loạn. Đoàn quân đã trở thành một đám hỗn tạp; mạnh ai nấy cố cứu lấy mạng mình. Chạy bộ hoặc lên lưng ngựa bọn Tây Ban Nha phóng qua lòng hồ trong một nỗ lực cuống cuồng để đến bờ bên kia. Hành lí, vũ khí, và cuối cùng vàng bạc tất cả đều bị vứt bỏ và lạc mất trong bóng đêm.
Không một tên Tây Ban Nha nào, thậm chí Cortés – người mà, theo mọi báo cáo, thể hiện những kỳ công của lòng gan dạ – thoát nạn mà không bị thương tích. Khi bình minh ló dạng và tàn dư của lực lượng Tây Ban Nha đã vượt được con đê, người Aztec đã thôi không truy sát kẻ thù mà quay ra thu thập chiến lợi phẩm kết sù. Những ghi chép đương đại về mức độ tổn thất trong trận noche triste không thống nhất với nhau. Theo cách ước tính bảo thủ người Tây Ban Nha mất khoảng một phần ba, các đồng minh Tlascalan của họ mất một phần tư hoặc một phần năm. Tất cả súng trường và thần công đều bị mất, một phần cung, và hầu hết ngựa chiến.
Nhưng như thế cũng chưa hết. Trong tám ngày sau trận noche triste bọn Tây Ban Nha bị đột kích liên tục khi họ cố gắng rút binh an toàn về lãnh địa Tlascalan. Người Tlascalan, đồng minh của họ, là kẻ thù truyền kiếp của Aztec. Họ lui binh rất chậm chạp vì kiệt sức và đói khát. Rồi, vào ngày 8/7/1520, đám quân què quặt, sau khi đã hì hục leo qua con dốc bao quanh thung lũng Otumba, bổng giáp mặt với một cảnh tượng dường như kết thúc số phận của mình.
Xa đến ngút mắt, thung lũng, con đường duy nhất để tẩu thoát, tràn ngập các chiến binh Aztec dàn ngang trong một đội hình chiến đấu tốt hơn những lần họ từng gặp ở Mexico. Đứng đầu những hàng ngũ chĩnh tề bọn Tây Ban Nha có thể nhận ra những tù trưởng, đứng tách riêng ra hàng ngũ. Trong bộ áo khoác lông vũ lung linh họ trông như những con chim rực sáng trên nền áo giáp bằng vải bông trắng như tuyết của chiến binh lâm trận.
Tình hình có vẻ như tuyệt vọng, nhưng bọn Tây Ban Nha không lùi lại. Họ không có lựa chọn nào khác trừ phải tiến về phía trước và giành lấy cơ may không làm nạn nhân bị hiến tế cho các vị thần Aztec. Các tù binh mà chiến binh tóm được thường bị nhốt vào chuồng gỗ và vỗ véo cho đến khi họ trông chấp nhận được đối với thần linh. Do đó, việc duy nhất cần làm đương đầu với cái chết hầu như chắc chắn là cố phá vòng vây qua đám chiến binh Aztec. Không có con đường nào khác.
Và giờ đây, ngay thời khắc hoàn toàn tuyệt vọng – người Aztec được ước tính có đến 200,000 quân số, và bọn Tây Ban Nha chống trả mà không có những vũ khí đã từng đem lại những thắng lợi ban đầu của họ – một phép lạ đã xảy ra.
Binh lính của Cortés xông vào biển người Aztec theo ba nhóm: nhóm chủ lực đánh vào trung tâm; hai nhóm còn lại là một nhúm kỵ binh khoảng 20 người đánh vào hai cánh. Ngay lập tức bọn Tây Ban Nha và các đồng minh Tlascalan bị nuốt chửng. Con đường máu mà hai mươi kỵ binh cày qua kẻ thù bị khép lại phía sau khi chiến binh Aztec bật ra như cỏ trong một luống cày. Cortés, chiến đấu ở hàng đầu, mất ngựa, liền leo lên một con ngựa khác, bị trúng thương ngay đầu, nhưng vẫn chém, đâm và xông tới trước. Bổng ông thoáng thấy, trên một bờ đất hơi cao, một nhóm các chiến binh trang sức lộng lẫy bao quanh một chiếc kiệu ở trung tâm. Trên kiệu ông nhận ra thủ lĩnh chỉ huy toàn bộ lực lượng Aztec, một nhân vật Cihuacu nào đó, rất dễ phân biệt nhờ cây trượng với một lưới vàng làm hiệu kỳ, và một huy hiệu trận chiến dán sau lưng. Thế rồi phép lạ xảy ra, không phải do Mary Đồng Trinh hoặc các thánh thực hiện, mà là phép lạ của Hernan Cortés, một kỳ công xứng đáng được tụng ca bên ánh lửa trại nhiều đời sau. Dù bị thương Cortés vẫn phóng ngựa lao tới, gần như không đợi hai ba cận vệ trung thành nỗ lực bám sát bảo vệ sườn. Họ cùng nhau xông tới, với giáo đâm và kiếm phạt, dẫm đạp lên kẻ thù Aztec, xuyên thẳng qua đội hình chiến binh. Kẻ thù khiếp sợ giạt ra trước sức công kích ác liệt của họ. Trong vài phút Cortés đã xông tới sát tên thủ lĩnh Aztec. Và ông đâm ngọn lao xuyên qua người y. Xé toạc huy hiệu trận chiến của y, ông giơ tay vẫy cao nó cho mọi người nhìn thấy giữa trận chiến đang sôi sục.
Như một phép thuật con sóng đã đổi chiều. Bọn Aztec, khi trông thấy huy hiệu thắng lợi của họ nằm trong tay kẻ chinh phạt, mà theo họ còn mạnh hơn cả các thần linh, hoảng loạn tẩu thoát khỏi chiến trường. Đó là giờ khắc cao tột nhất. Khi Cortés giật được huy hiệu Aztec, Mexico của người bản xứ đã sụp đổ và vương quốc của Moctezuma đã cáo chung.
Sử gia Prescott tóm tắt cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha bằng những lời lẽ sau đây:
“Về khía cạnh đạo lý ta có thể nghĩ ra bất cứ điều gì về cuộc Chinh Phạt Tây Ban Nha, nhưng xét trên phương diện quân sự thì phải công nhận đó là một thành tựu khiến chúng ta phải hoàn toàn kinh ngạc. Việc chỉ một nhóm nhỏ các tay phiêu lưu, với hành lý và trang bị vũ khí xoàng xĩnh, đổ bộ vào các bờ biển của một đế chế hùng mạnh của một chủng tộc hiếu chiến và dữ tợn, thách thức những điều cấm kị lặp đi lặp lại của vương quốc đó, xông vào tận bên trong lãnh thổ; – việc họ làm mà không chút hiểu biết gì về ngôn ngữ của vùng đó, không bản đồ lẫn la bàn hướng dẫn, không tiên liệu những khó khăn sẽ vấp phải, hoàn toàn mù tịt không biết bước tiếp theo sẽ đưa họ vào một quốc gia thù địch hay một sa mạc, cứ lần mò như đi trong đêm tối; và, mặc dù gần như bị áp đảo trong lần gặp đầu tiên với dân bản xứ, vẫn dám dấn bước đến tận kinh thành của đế chế, và, khi đã đến được đó, vẫn liều mạng lao mình vào giữa vòng vây của kẻ thù; – và chẳng những không bị hù dọa bởi cảnh tượng phi thường phô trương quyền lực và văn minh, họ càng tỏ ra quyết tâm hơn trong kế hoạch ban đầu của mình; – việc họ bắt giữ nhà vua, hành hình các quan chức của y trước sự chứng kiến của thần dân y, và, khi bị đánh đuổi ra khỏi cửa, đã gom góp tàn binh, và sau một loạt các cuộc hành quân, đã theo đuổi một chính sách và một sự táo bạo tuyệt kỷ, đã thành công trong việc lật đổ kinh thành, và thiết lập uy quyền trên đất nước kẻ thù; – rằng tất cả những điều này được thực hiện chỉ bởi một nhóm nhỏ các tay phiêu lưu nghèo mạt, là một sự kiện không khác phép mầu là bao, – còn gây xiết bao kinh ngạc hơn cả tiểu thuyết, và không tiền khoáng hậu trong lịch sử.”
Trong những tháng liền ngay sau Trận Otumba, trước khi tan rã, dân tộc Aztec còn trỗi dậy mạnh mẽ xứng đáng với truyền thống của họ là “dân La Mã Mỹ châu.” Sau khi Cuitlahuac chết vì bệnh đậu mùa sau khi trị vì bốn tháng, Cuauhtemoc lên kế vị, là một Hoàng đế trong độ tuổi 25. Y bảo vệ kinh thành của đất nước mình chống lại Cortés, lúc này đã nhận được lực lượng tiếp viện hùng hậu, quá quyết liệt đến nổi bọn Tây Ban Nha chịu những tổn thất dưới tay y lớn hơn bất cứ trận đánh nào trước đây. Nhưng kết cục vẫn không sao tránh khỏi. Cuauhtemoc bị bắt làm tù binh, bị hành hình, và bị treo cổ. Kinh thành bị tàn phá, nhà cửa bị đốt rụi, và các tượng thần bị lật đổ, các kinh đào bị lấp đầy.
Mexico trở thành một khởi đầu mới cho công cuộc Cơ đốc hóa và thuộc địa hóa tại vùng đất của người Tây Ban Nha. Trong trận vây hãm cuối cùng bọn Tây Ban Nha từ đền thờ trên tòa tháp đã chứng kiến những thầy tế Aztec trên quảng trường bên dưới moi tim từ lồng ngực những đồng bào đã ngã xuống của mình. Giờ đây họ xây nên nhà thờ thuộc học viện lấp lánh ngay trên cùng một địa điểm và dâng hiến nó cho Thánh Francis. Những tòa nhà của thành phố được xây dựng lại. Sau một vài năm 200 gia đình Tây Ba Nha đến định cư tại Mexico City, cùng với khoảng 30,000 thổ dân thuần chủng. Đất đai bao quanh thành phố được phân chia cho các tên thực dân Tây Ban Nha, cưỡng bách chế độ nô lệ lên tất cả dân chúng đã một thời xây dựng nên vương quốc Aztec – và tất nhiên lên tất cả bộ tộc khác bị chinh phạt về sau này. Không bộ tộc nào trừ Tlascalan, mà Cortés mang ơn sâu sắc, được miễn qui luật này, và thậm chí chỉ trong một thời gian.
Sự đi lên bất ngờ của Tây Ban Nha do những lợi ích choáng ngợp mang về cho đất mẹ chỉ vấp phải một khuyết điểm duy nhất: sự phá hủy kho báu của Moctezuma. Chiến lợi phẩm cướp được bị đánh mất trong trận noche triste người Tây Ba Nha hi vọng thu hồi lại khi tái chiếm Mexico City, nhưng tất cả đều tan biến và đến tận hôm nay vẫn chưa tìm lại được. Cortés đã cho tra tấn Cuauhtemoc trước khi treo cổ y, nhưng y vẫn không hé răng. Cortés cũng cho các thợ lặn xục xạo các kênh mương và đầm phá, rà soát đáy bằng bàn chân. Nhưng kết quả không có gì ngoài vô số các ngón chân bị cắt cụt và một ít mảnh trang sức rải rác mà người Aztec đã bỏ sót. Trị giá tổng cộng số báu vật tìm được từ hồ không tới hơn 130,000 castellano vàng, tức chỉ bằng một phần năm trị giá của phần chia định đưa về cho chính quyền Tây Ban Nha. Chắc hẳn bọn chinh phạt Tây Ban Nha đã phải ngậm ngùi khi Cortés nhận được tin báo, trong một lá thư đề ngày 15/5/1522, do viên thuyền trưởng có nhiệm vụ chở kho báu về Tây Ban Nha, cho biết thuyền y đã bị một tàu săn lùng của Pháp bắt giữ. Cuối cùng thì không phải vua Charles I của Tây Ban Nha, mà là vua Francis I của Pháp, là chủ nhân kho báu của dân Aztec trong nổi ngỡ ngàng của ông.
Giờ đây đâu là ý nghĩa của cuộc chinh phạt Tây Ban Nha trong bức tranh tổng thể của những nền văn hóa Trung Mỹ? Việc đã thực sự tồn tại một nền văn hóa đích thực tại Mexico khi Cortés bước vào vùng đất này là chứng cứ hiển nhiên được ghi chép lại. Nhưng chúng ta cũng muốn biết Cortés và đồng bọn Tây Ban Nha của ông có cảm nhận gì về thế giới đã mất này. Tất nhiên, văn hóa Aztec đã chết và tất cả đều bị quên lãng khoảng 80 năm sau khi Cortés đánh gục nó. 1,800,000 dân Aztec, nhiều hơn hoặc ít hơn, hiện vẫn còn sống tại Mexico ngày nay tồn tại như những nông dân Ả rập trong một khoảng trống của lịch sử.
Phản ứng của Cortés đối với nền văn hóa Aztec thật đáng kinh ngạc. Như đa số các nhân chứng đương thời, ông hoàn toàn phớt lờ sự hùng mạnh và ý nghĩa của dân tộc mà ông dày xéo dưới gót giày của mình. Nếu ông không xử sự như thế, ông sẽ phải giảm thiểu rất nhiều những thành tích của mình trong mắt của thế giới đang chứng kiến. Chắc chắn là đầu óc ông không thể nào lãnh hội được ý niệm là thay vì tàn phá một vương quốc man rợ, ông đã “chặt đầu một nền văn hóa như một kẻ qua đường vô tâm làm đứt lìa một đóa hướng dương.” Dù nghe có vẻ kỳ lạ nhưng điều này cũng dễ hiểu vì đó là đặc trưng của một thời kỳ có rất nhiều người viết biên niên ký mà không có sử gia. Thậm chí còn có một hiện tượng đáng kinh ngạc và không tiền khoáng hậu hơn nữa khi kho kiến thức vô cùng chi tiết thuộc về cuộc sống dân Aztec được hoàn thành vào đầu thế kỷ 16 bị phớt lờ và cuối cùng bị hậu thế quên lãng. Thậm chí chính ngành khảo cổ, chỉ mới những năm gần đây, mới dồn dập chú ý đến thế giới Mexico cổ mà nó xứng đáng được biết đến.
Giờ là lúc đặt văn hóa Aztec vào đúng vị trí thích đáng của nó trong phức hợp Mỹ châu. Nó là nên văn hóa đầu tiên được phát hiện, nhưng cũng có những xã hội bản địa khác quan trọng hơn. Vương quốc Aztec thực sự không hơn một phản chiếu văn minh của những nền văn hóa cao hơn và lâu đời hơn.
Vì điều này chúng ta trở lại lần nữa đến mạch chuyện của chúng ta, và đến sự phát hiện lại Trung Mỹ cổ đại. Hai nhân vật quan trọng đáng nhớ trong mối liên hệ này. Nhân vật đầu tiên làm hồi sinh Aztec từ quên lãng; nhân vật thứ hai, lặn lội phạt đường qua rừng rậm Trung Mỹ với một chiếc rựa, cũng làm như thế cho một dân tộc còn xa xưa hơn, vốn đã được các sĩ quan của Cortés gặp gỡ lần đầu tiên. Lần này sự vĩ đại của quá khứ Indian gợi lên một sự trân trọng say mê mà chỉ giới trí thức của thế kỷ 19 mới lãnh hội được.
- JOHN LLOYD STEPHENS MUA MỘT THÀNH PHỐ RỪNG
Trong đầu năm 1839 một buổi sáng một đoàn người đang cưỡi ngựa xuyên qua thung lũng Camotan, dọc biên giới giữa Honduras và Guatemala. Hai người da trắng dẫn đầu; nhóm còn lại là các thổ dân Indian. Nhiệm vụ của họ có tính hòa bình, mặc dù mọi người đều mang theo vũ khí. Nhưng vào cuối ngày vũ khí của họ lẫn sự phản đối cho là mình vô tội không thể tránh cho họ khỏi bị bắt nhốt trong alcaldia, tức “sảnh đường thành phố,” tại một thị trấn nhỏ trong rừng dọc theo đường đi. Tại đó họ bị nhốt, dưới sự canh gác của các binh sĩ say xỉn và cãi vã ồn ào, suốt đêm thỉnh thoảng bắn vài phát súng để gia tăng khí thế.
Đó là sự đón tiếp thiếu thân thiện mà lần đầu tiên cuộc phiêu lưu vĩ đại của nhà khảo cổ John Lloyd Stephens, người phát hiện Maya cổ đại.
Stephens sinh tại Shrewsbury, thuộc tiểu bang Jersey, vào ngày 28/11/1805. Ông học luật trong tám năm, trong khi mối say mê riêng tư lại là đồ cổ, các di vật của mọi dân tộc cổ. Lúc đầu, đơn giản là vì mình hoàn toàn không biết việc các cổ vật chất thành đống ở Trung tâm Mỹ châu, nên Stephens tập trung tìm những tàn tích khảo cổ ở vùng Cận Đông. Ban đầu ông du hành qua Ai Cập, Arabia, và Đất Thánh và năm sau viếng thăm Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ khi đến 33 tuổi và đã xuất bản được hai ký sự du lịch sự chú ý của ông mới hướng về Trung tâm Mỹ châu nhờ một báo cáo tình cờ rơi vào tay ông.
Báo cáo này là bản kê khai liên quan đến số tuyển quân trong nhóm thổ dân được giám sát, vào năm 1836, do một vị đại tá tên Garlindo nào đó viết. Trong báo cáo này Garlindo có đề cập đến việc mình bắt gặp tàn tích của vài tòa nhà kỳ lạ và hiển nhiên là rất cổ tọa lạc trong rừng rậm Yucatan và Trung tâm Mỹ châu.
Stephens rất phấn khích trước báo cáo khô khan này. Đi tìm thêm thông tin, ông bắt gặp tác phẩm của Juarro, sử gia của Guatemala, có nói về một tay Fuentes nào đó. Tên Fuentes tuyên bố rằng trong thời ông – đó là vào khoảng năm 1700 – một phức hợp kiến trúc cổ được bảo quản tốt được tìm thấy trong vùng quanh Copan, ở Honduras. Phức hợp này y gọi là “Gánh Xiếc.”
Dựa vào mớ thông tin ít ỏi này Stephens quyết định tìm ra “Gánh Xiếc”
này. Điều khó tin là ông không tìm hiểu sâu về chủ đề, khi có quá nhiều nguồn tư liệu từ thời kỳ chinh phạt có thể sử dụng được. Nhưng cần nhấn mạnh một lần nữa rằng những phát hiện của những kẻ chinh phạt Tây Ban Nha, chỉ xét những phát hiện liên quan đến các nền văn hóa cổ, tất cả đã biến mất khỏi tâm thức quần chúng. Tất nhiên, Stephens không có cách nào biết rằng một người Mỹ khác, với những hứng thú lịch sử, đang trong tiến trình thu thập tất cả những tư liệu tìm được về một số các dân tộc Indian cổ của vùng Trung Mỹ. Prescott đang thực hiện công trình vĩ đại này ngay cả khi Stephens đang chuẩn bị chuyến đi đến Guatemala, Honduras, và Yucatan. Không rời khỏi bàn viết, Prescott có thể đã cung cấp cho ông nhiều thông tin quí báu, thậm chí có thể bảo ông điều gì ông mong đợi sẽ tìm được. Nhưng Stephens tiếc thay không hay biết gì về điều này.
Nhìn quanh quất để tìm một bạn đồng hành trong số bạn bè cho chuyến đi, Stephens chọn Frederick Catherwood, một thợ vẽ kiến trúc. Khi Stephens và Catherwood đang bận bịu chuẩn bị chuyến đi, một cơ hội xuất hiện dồn tất cả gánh nặng tài chính của chuyến đi vào tay chính phủ Hoa Kỳ. Sau cái chết bất ngờ của viên chánh văn phòng Trung tâm Mỹ châu, Stephens thành công khi vận động cho mình lên thay thế chức vụ, nhờ đó ông củng cố mối quan hệ có được trong sự nghiệp pháp lý của mình, nên quen biết với Martin Van Buren, lúc đó là Tổng Thống Hoa Kỳ. Nhờ đó ông có thể tiến hành chuyến mạo hiểm không chỉ được yểm trợ bằng những lá thư giới thiệu chính thức lẫn riêng tư, mà còn được mang danh hiệu đầy ấn tượng Encargado de los negocios de los Estados Unidos del Norte [tiếng Tây Ban Nha có nghĩa Đặc Trách Sự Vụ Bắc Mỹ].
Nhưng hình như không có giấy tờ nào của ông giúp được ông khi cả đoàn bị cầm tù bởi các tên lục lâm Guatemala bát nháo, say xỉn. Trải nghiệm của Stephens ở Trung tâm Mỹ châu vào năm 1839 tương tự với trải nghiệm của Layard sáu năm sau đó trên bờ sông Tigris ở Mesopotamia. Cả hai đều xông vào những xứ sở sôi sục bạo loạn.
Trong thời kỳ này có ba đảng phái chính trị lớn ở Trung tâm Mỹ châu: đàng của Morazan, nguyên Tổng thống Cộng hòa El Salvador; đảng của Ferrera, lãnh tụ nhóm dân lai Honduras; và đảng của Carrera, lãnh tụ sắc tộc Indian ở Guatamala. Người Indian này, Carrera, cùng với những người đi theo, bị gọi một cách khinh bĩ dưới tên “cachurecos” (“những đồng tiền giả”, đã cầm lấy vũ khí. Một trận đánh đã bùng phát giữa các lực lượng của Morazan và của Ferrera, gần San Salvador. Tướng Morazan đã bị thương nặng, nhưng đã thắng trận, và dân chúng giờ trông mong vào ông tiến quân về Guatemala. Đoàn của John Stephens lên đường dọc theo đường tiến quân sắp rộn rịp này, đúng ngay giữa không khí sôi động.
Miền quê đã bị tàn phá. Các vị tướng hành quân và các thủ lĩnh băng đảng thay phiên chỉ huy việc chuyển quân, hầu hết là những binh lính không chính qui. Cả lính chính qui và không chính qui ra sức cướp bóc nhiều hơn là chiến đấu. Binh lính phần đông là thổ dân Indian và người da đen, số còn lại ít ỏi là lính đánh thuê của Âu châu và bọn đào ngũ trong quân đội Ý của Napoleon. Làng mạc bị vơ vét sạch, dân chúng chết đói. Khi Stephens hỏi mình có thể mua lương thực ở đâu, câu trả lời lúc nào cũng là: “No hay!” – “Ở đây không có đâu!” Đất đai cho ta không thứ gì chỉ nước.
Và chuyện xảy ra là đoàn Stephens tìm được chỗ trú đêm trong “sảnh đường thành phố” của một trong những thị trấn nhỏ dọc theo lộ trình. Viên thị trưởng, mân mê chiếc gậy đầu bọc bạc mà y mang theo như một biểu hiệu của chức vụ, đón tiếp họ với thái độ ngờ vực. Đêm đó, dẫn theo một bọn khoảng 25 người, y xông vào phòng nơi Stephens và đồng bọn đang duỗi chân chuẩn bị qua đêm. Tên chỉ huy bọn lính tráng là một sĩ quan và là một đảng viên Carrera. Trong đoạn mô tả sự kiện này, Stephens gọi y là “quí ông đội mũ da hàng hiệu.” Xảy ra sự xô xát, và một người hầu của Stephens, Augustin, lãnh một vết rựa vào đầu. Vừa ôm đầu, Augustin vừa hét lên: “Bắn chúng đi, giết chúng đi, thưa ngài!” Trong khi đó, dưới ánh sáng chập chờn của một cây thông đang cháy, Stephens đang ra sức trình ra các thư ủy nhiệm của mình. Ông cũng đưa ra chứng từ có dấu niêm phong của Tướng Cascara, Cascara từng là một sĩ quan đào ngũ khỏi quân đoàn Napoleon đang đóng một vai trò nào đó trong xứ sở. Stephens đã mất nhiều công sức mới có được giấy giới thiệu của ông lớn này. Catherwood, về phần mình, hùng hồn phát biểu một bài nghị luận về công pháp quốc tế cho viên thị trưởng bằng tất cả sự tinh tế của tài ngoại giao. Nhưng lời biện giải của Catherwood cũng như các chứng từ của Stephens không gây mảy may ấn tượng nào.
Tình hình đang lúc nguy cấp với ba nòng súng trường chỉa vào Stephens thì một sĩ quan thứ hai thình lình xuất hiện. Y hiển nhiên có chức vụ cao hơn, bởi vì y đội một chiếc mũ da còn chải chuốc bóng láng hơn của tên đầu tiên. Một lần nữa giấy thông hành được trình ra xem xét. Viên sĩ quan ra lệnh cấm bất kỳ việc sử dụng bạo lực nào nữa và đổ hết trách nhiệm cho tên thị trưởng đã giam đoàn khiến y có thể mất chức. Stephens vội vàng thảo một bức thư cho Tướng Cascara và, để tăng thêm ấn tượng, dùng đồng nửa đô-la của Mỹ để ấn dấu vào sáp niêm phong. “Con đại bàng xòe cánh, và những ngôi sao lấp lánh trong ánh đuốc,” ông nói. “Mọi người bu lại ngắm nghía.”
Đoàn của Stephens không ngủ được đêm đó. Các binh lính đã cắm trại ở cửa, rồi cãi vã, la hét ầm ỉ, và uống như hủ chìm. Cuối cùng tên thị trưởng xuất hiện, kéo cả bọn say xỉn đi theo y. Trong tay y là lá thư của Stephens gởi Tướng Cascara – tất nhiên là không hề được gởi đi. Stephens phản ứng dữ dội. Và lạ thay, giọng điệu như ra lệnh lại làm được những gì các thông hành và tài hùng biện của Catherwood không làm được. Tên thị trưởng bèn giao lá thư cho một tên Indian tin cẩn và giục hắn lên đường. Y cũng dẫn các binh lính đi theo y. Stephens chuẩn bị một cuộc chờ đợi lâu dài, nhưng rồi tình hình được giải quyết thuận lợi.
Sáng hôm sau khi mặt trời lên cao tên thị trưởng, giờ đã tỉnh ra, đến bày tỏ sự kính trọng như để chuộc lỗi. Ngay rạng đông các binh lính, sau khi nhận được lệnh mới, bổng nhiên tất cả biệt tăm.
Copan nằm ở Honduras, trên bờ sông mang cùng tên đổ nước vào Motagua, rồi đến lượt chính sông này chảy vào Vịnh Mexico. Cortés đã đặt chân vào vùng này khi ông vào Honduras, hơn một ngàn dặm qua núi và rừng nguyên sinh, để trừng phạt một tên phản bội.
Stephens và Catherwood, cùng các người dẫn đường và khuân vác Indian, sau khi rời ngôi làng giam cầm chẳng bao lâu thì chui vào một xứ sở giữa rừng cây như đang đi giữa biển xanh lá, và họ bắt đầu hiểu ra tại sao quá ít khách du lịch hoặc nhà thám hiểm đã liều lĩnh qua lại chốn này trước đây. “Vòm lá,” Cortés đã viết cách đây 300 năm, “mọc dầy đến nổi che hết ánh sáng khiến binh lính không thấy đường đi.” Các con lừa nước ngập đến bụng trong đầm lầy, và cỏ gai xé rách da thịt của Stephens khi ông bước xuống để trợ giúp các con vật chở nặng. Cái nóng ngột ngạt làm người da trắng ngất xỉu, từng đàn muỗi bay lên từ nơi bùn lầy đe dọa bệnh sốt rét. Nhà du hành Tây Ban Nha Jorge Juan và Ulloa nói cách đây 100 năm về vùng đất trũng nhiệt đới này: “Khí hậu này rút cạn sức mạnh của đàn ông, và giết các phụ nữ trong thời kỳ mang bầu đầu tiên. Bò đực gầy nhom, bò cái mất sữa, và gà vịt ngừng đẻ trứng.” Thiên nhiên vẫn giữ y nguyên như từ thời Cortés và đồng bọn mình.
Nhưng Stephens là loại người bị thu hút bởi những nơi lạ lẫm, cho dù phải gặp những nghịch cảnh. Rừng rậm không chỉ làm nản lòng về mặt thể xác; nó còn có tác dụng tai hại cho thị giác, thính giác, và cảm xúc. Mọi thừ đều lạ lẫm. Mùi phân hủy bốc lên từ chỗ thấp. Cây dái ngựa, huyết mộc, và căm-pichi vây kín lối đi. Những tán lá cây corozo cao đến 13 mét che mất ánh sáng mặt trời. Những ai có cặp mắt nghệ sĩ sẽ no nê với nhiều chủng loại lan rừng mọc dọc theo đường đi. Về chiều tối rừng bổng vang lừng âm thanh. Tiếng khỉ hú hét, kêu khèn khẹt, đám vẹt kêu ùng ục, những tiếng kêu không tên xé toạc không gian, và lác đác những tiếng rên rỉ sâu lắng, rời rạc như của một con vật bị thương.
Stephens và Catherwood nhọc nhằn tiến tới. Bì cào xước đến chảy máu, mình bê bết bùn, mắt nhức nhối, họ vẫn lầm lũi bước đi. Rừng hình như hoang vu, vắng bóng người từ ngày sáng thế. Liệu chuyện những tòa nhà đá ẩn mình trong rừng sâu có thực không?
Stephens là một con người chân thật. Sau này ông thổ lộ là càng đi sâu
vào vương quốc màu xanh lá, ông càng hoài nghi về sứ mạng của mình. “Có lẽ tôi phải nói,” ông viết, “rằng cả hai ngài C và tôi có phần nào ngờ vực, và khi chúng tôi đến Copan, chúng tôi chỉ hi vọng chứ không dám tin chắc mình sẽ tìm được những điều kỳ diệu.”
Nhưng phép lạ thực sự xảy ra.
Tìm được một kiến trúc bằng nề được xây dựng bởi những con người từ lâu biến mất đâu đó trong cánh rừng xa lạ quả là một trải nghiệm thú vị và gợi ra đủ loại câu hỏi, nhưng có người sẽ nói gọi điều đó là phép lạ không hẳn là đúng. Nhưng bạn phải hình dung Stephens trong thực tế trải nghiệm của ông, như một người đã hiểu phân nửa Trung Đông, đã thăm viếng hầu hết tất cả di chỉ khảo cổ trong vùng đất cổ bên kia đại dương. Con người ít hi vọng và không dám trông đợi nhiều này chẳng bao lâu sẽ sững sờ đến không nói nên lời trước cảnh tượng trước mắt, và sau đó khi nhận ra thành quả khảo cổ của mình, ông mới dám tin chắc đó quả là một phép lạ.
Họ dấn đến Rio Copan, nơi họ trải qua một thời gian trong một ngôi làng nhỏ trong rừng để thiết lập mối giao hảo thân tình với các thổ dân đã được cải đạo Thiên chúa và các dân lai trong khu vực. Tiến sâu hơn vào rừng, họ thình lình bắt gặp một bức tường xây bằng các khối đá xếp khít lên nhau, “trong một tình trạng bảo quản tốt.” Một cầu thang dẫn đến một sân thượng, quá lớn đến nổi diện tích của nó khó có thể xác định.
Phát hiện này khiến họ vô cùng phấn khích, nhưng nổi hồ hỡi không che giấu nổi sợ là có thể họ không tìm được gì ngoài những đổ nát của một đồn lũy cổ nào đó của người Tây Ban Nha. Trong khi đó, dưới sự giám sát của Stephens và Catherwood, người dẫn đường Indian dùng rựa chặt phăng đám dây leo phủ kín một vật thể cao. Và khi y kéo đám dây phủ kín ra hết, như thể kéo màn trên sân khấu, trước măt mọi người là một thạch bia đen, một bia đá được điêu khắc tỉ mỉ và sắc sảo. Trong nghệ thuật tạo tác không có thứ gì ở Âu châu và Á đông có thể so sánh được với nó. Tác phẩm điêu khắc như thế này thậm chí chưa hề được ngờ là có mặt trên lục địa Mỹ châu.
Trang trí trên bia đá thật tráng lệ vượt quá sự mô tả. Thạch bia cao khoảng 4 mét, rộng 0.86 mét, và dày 0.88 mét, chi chít những hình người và hình trang trí được khắc chạm. Cao và xám nó đứng nổi bật trên nền xanh lá thẩm đậm của rừng rậm; trong những rãnh khắc còn dấu vết của sắc màu rực rỡ đậm đà từng một lần được sơn trên đó.
Hình một người đàn ông được chạm nổi một cách mạnh mẽ trên mặt trước của thạch bia. Gương mặt của nhân vật này “trông nghiêm nghị, khắc khổ, và rất thích hợp để gieo rắc sự khiếp sợ.” Các bờ cạnh của thạch bia bao phủ bởi những chữ tượng hình, mặt sau được trang trí bằng những hình khắc “không giống thứ gì mà chúng ta đã từng biết trước đây” (xem hình dưới).
Stephens bị mê hoặc; nhưng ông là một nhà khảo cổ đích thực, không dễ dàng sa đà vào những kết luận vội vàng. Lời bình phẩm có mức độ của ông là: “Cảnh tượng của đài tưởng niệm bất ngờ này. . . khiến chúng tôi tin chắc là những vật thể chúng tôi đang tìm kiếm là đầy hứng thú, không chỉ là những tàn tích của một dân tộc bí ẩn, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, chứng tỏ. . . là dân tộc từng chiếm cứ Lục địa Mỹ châu không phải là những người hoang dã.”
Khi ông và Catherwood đi sâu hơn vào trong đám lộn xộn, họ bắt gặp thạch bia thứ hai, thứ ba, thứ tư, và cuối cùng thạch bia thứ 14, mỗi bia lại được tạo tác tinh xảo hơn bia có trước. Cảm xúc của Stephens càng tăng lên, và những phán đoán của ông càng trở nên ít kềm chế hơn. Trong cuốn sách của ông kể về trải nghiệm này ông nhắc độc giả nhớ rằng mình đã chứng kiến những tượng đài của vùng đất sông Nile, và chỉ ra rằng những tác phẩm nghệ thuật như của người Ai Cập không thể được sản sinh trừ khi dưới một nền văn hóa phát triển cao. Vậy mà một số các đồ tạo tác bằng đá trong rừng rậm Copan, ông nói thêm, được làm ra “với các thiết kế tao nhã, và một số có độ tinh xảo bằng với những đài tưởng niệm đẹp nhất của người Ai Cập.”
Vào thời buổi đó những lời này nghe tự phụ. Bức thư mang những tin tức đầu tiên về việc phát hiện của ông khiến bạn bè ông hoài nghi và cười nhạo. Liệu ông có chứng minh được tất cả lời tuyên bố này không?
Chính ông cũng tự hỏi phải bắt đầu từ đâu khi ông bắt đầu suy nghĩ về mức độ của phế tích và sự bất khả xâm phạm của rừng rậm vùi lấp chúng. Trong một lúc ông nhận thấy công việc sắp tiến hành có vẻ như vô vọng. Những tàn tích rải rác qua rừng cây rậm rạp. Để mang ra những vật phẩm giá trị, có thể sử dụng con sông gần đó đổ ra Đại Tây Dương, nhưng khổ thay dòng sông có nhiều thác ghềnh chặn ngang. Khả năng duy nhất là vận chuyển một trong các tượng thần từng bộ phận một, ông nói, và làm khuôn đúc cho những cái khác.
Cuối cùng ông bỏ ý định làm những bản sao bằng thạch cao mà thay bằng các tranh vẽ. Ông thúc giục Catherwood bắt tay vào công việc chuyên nghiệp của mình. Nhưng Catherwood, người từng xuất bản nhiều bức vẽ tuyệt đẹp về các đài tưởng niệm Ai Cập, không mấy nhiệt tình. Là một người cầu toàn ông sờ soạng những gương mặt đá nhăn nhó và lướt những ngón tay của mình dọc theo những chữ tượng hình không thể hiểu nổi và những hình trang trí đã bào mòn vì thời gian. Ông liên tiếp thử nghiệm ánh sáng. Ông lắc đầu qua những bóng đổ chìm sâu trong những hình chạm khắc táo bạo.
Đồng hành cùng một người thợ máy trong làng, một dân lai tên Bruno, Stephens đi càng lúc càng sâu vào trong rừng. Ông tìm gặp thêm những hình người điêu khắc mới, những bức tường mới, cầu thang, và nền đất bằng. Một đài tưởng niệm đã bị xô lệch khỏi bệ của nó bằng những rễ cây to đùng; một tượng đài bị kẹp chặt giữa các cành lá, và gần như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất; một cái khác bị ném dài trên mặt đất, và bị quấn ngã xuống bởi các dây leo to lớn chằng chịt; và một đài đứng thẳng, với bệ thờ trước nó, trong một lùm cây xúm xít quanh nó, hình như muốn che mát và bao bọc nó như một vật thiêng liêng; trong sự tĩnh lặng trang trọng của rừng cây, nó hình như một nổi tiếc thương thần thánh cho một dân tộc đã ngã xuống.”
Khi Stephens trở về trại, ông thông báo cho Catherwood là ông có 50 chủ đề cần sao chép. Nhưng Catherwood, họa sĩ nhiều kinh nghiệm, chần chừ. Ông chỉ ra rằng mình không thể vẽ chính xác dưới những điều kiện nghèo nàn như thế. Phải cần nhiều ánh sáng hơn. Các bóng đổ lẫn lộn với nhau, xóa đi những đường viền.
Họ hoãn lại công việc cho đến sáng hôm sau. Làng sẽ phải cung cấp cho họ nhiều nhân lực. Họ chú ý một người dân lai trông có vẻ thành đạt hơn hầu hết các thổ dân khác. Có thể y sẽ cố vấn cho họ cách tìm sự hổ trợ họ đang cần. Nhưng khi được mời vào người đàn ông da đậm màu này bước khệnh khạng vào trại, và thông báo một tin sửng sốt là y, Don Jose Maria, chính là chủ sở hữu của vùng đất dọc Rio Copan nơi các đài tưởng niệm được tìm thấy.
Stephens bật cười vì cho rằng những tàn tích trong rừng sao lại có thể thuộc sở hữu của một người nào đó là một điều vô lý. Khi được hỏi tới Don Jose Maria thú nhận rằng y chỉ nghe nói về các tượng thần, chứ chưa hề nhìn tận mắt, Stephens đột ngột ra lệnh đuổi y ra ngoài mà không cho y thời gian chấm dứt câu chuyện.
Tuy nhiên, đêm đó khi miên man suy nghĩ trong lều, Stephens hoàn toàn phân vân. Ai thực sự là người sở hữu những phế tích này? Nửa ngủ nửa thức, ông liền quyết định “tài sản đó phải thuộc về chúng tôi, và, mặc dù chúng tôi không biết khi nào chúng tôi có thể bị đá văng ra ngoài, tôi cương quyết chúng phải thuộc về chúng tôi; và với những viễn cảnh vinh quang khi nhận được những khen tặng của đoàn thể lướt qua trước mắt tôi, tôi quấn chăn quanh mình, và chìm vào giấc ngủ.”
Suốt ngày những tiếng phạt chắc nịch và gọn gàng của rựa vang động cả khu rừng. Những thổ dân cắt khoanh một tá thân cây cùng một lúc, để khi một thân cây ngã xuống, nó sẽ kéo những cây khác ngã xuống theo, cùng với đám chằng chịt những dây leo.
Stephens ngắm nhìn thổ dân khi họ làm việc, lần này đến lần khác tìm kiếm trên gương mặt của họ những dấu vết của năng lực sáng tạo mà tổ tiên họ phải có mới có thể sáng tạo nên những tuyệt tác bằng đá của họ. Năng lực này Stephens cảm thấy hoàn toàn xa lạ với bản chất của mình; một sự thôi thúc bừng lên với vẻ kỳ cục và độc ác, vậy mà tự thể hiện bằng những hình thể bậc thầy. Năng lực tạo tác ngay lập tức hiện rõ khi các hình người hiện ra khỏi tán xanh lá của rừng, nhưng dần dần phát triển trước mắt người xem khi y đứng lại từ một khoảng cách, ngắm nhìn các hình người trong tổng thể của chúng. Nhưng gương mặt của các nhân công Indian hình như hoàn toàn vô cảm và rỗng tuếch đối với Stephens.
Trong khi Catherwood dựng bản vẽ để lợi dụng ánh sáng vừa tạo được sau khi phát quang, một lần nữa Stephens lại đi vào rừng, và tìm thấy những bức tường trên bờ sông. Ông thấy rằng ước tính của mình về chiều cao và diện tích mà bức tường bao quanh lớn hơn ông nghĩ ban đầu. Cây gai và dây leo bao phủ dày đặc lên nó khiến nó như trông một mô gò được phủ lên một tấm chăn xanh lá dày cộm. Khỉ hú và kêu thét khi Stephens và đám dân lai vạch đường qua đám rối bù. “Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy [ở cự ly gần] những bản sao buồn cười của nhân loại này, và với những đài tưởng niệm kỳ lạ bao quanh chúng tôi, chúng hình như là những linh hồn lang thang của chủng tộc đã quá vãng đang canh giữ phế tích của những nơi cư trú trước đây của chúng.”
Stephens hiện giờ thấy rằng mình đã chạm mặt với một kiến trúc hình tháp. Ông vạch đám dây leo chằng chịt, hì hục leo lên cầu thang rộng. Các bậc thang dẫn đi từ vùng bóng tối của bụi cỏ gai lên một tầng cao hơn trong vòm lá trên cao, và còn cao hơn nữa qua chóp ngọn cây gòn đến một nền bằng phẳng cách mặt đất khoảng 30 mét. Stephens bổng thấy chóng mặt. Loại người nào đã tạo dựng ở đây? Họ đã tuyệt tích bao lâu rồi? Họ đã dựng nên tòa tháp này bao nhiêu thế kỷ rồi? Khi nào, và bằng công cụ nào, theo mệnh lệnh của ai, và để vinh danh ai, họ đã sáng tạo ra vô số nhân vật được khắc chạm này? Một điều đã rõ ràng: không có giải thích gì khác hơn là do năng lực sáng tạo của một dân tộc hùng mạnh và đông đảo. Và khi ông chợt nghĩ đến có nhiều những thành phố chết có thể còn ẩn mình trong rừng rậm, ông thấy choáng trước mức độ lớn lao của bài toán khảo cổ. Một ngàn câu hỏi xen lẫn trong đầu óc ông, mà không câu hỏi nào ông có thể trả lời được. Ông nhìn ra qua những chòm cây, màu xám sáng lờ mờ của những bia tưởng niệm ẩn hiện qua những kẻ lá xanh.
“Thành phố thật hoang vu,” ông viết. “… Nó nằm trước mắt chúng tôi như một con thuyền tơi tả giữa đại dương, cột buồm gãy đổ, tên tuổi nó bị bôi xóa, thủy thủ đoàn tiêu vong, và không ai còn lại để kể con thuyền từ đâu đến, con thuyền thuộc về ai, hành trình của nó kéo dài bao lâu, hoặc vì sao mà nó bị phá hủy; dân tộc thất lạc của nó chỉ được truy tìm qua sự tương đồng nhận ra được trong cách thiết kế thuyền bè, và, có lẽ, không bao giờ được biết đến.
Khi ông trở lại để quan sát những thành quả lao động đầu tiên của Catherwood, một cảnh tượng kỳ lạ hiện ra trước mắt ông. Người nghệ sĩ đang đứng trước một thạch bia mà họ đã khám phá. Những tờ giấy vẽ nằm rải rác quanh ông trên mặt đất. Đôi giày ông ngập trong lớp đất mùn mềm, người ông từ đầu đến chân lấm lem bùn đất, mang bao tay và che lưới qua đầu để tránh đàn côn trùng quấy rối, ông đang tập trung làm việc với quyết tâm của một con người muốn chinh phục một khó khăn không mong đợi, được đến đâu hay đến đó. Hình như đây là lần đầu tiên Catherwood đảm nhiệm một việc quá sức mình.
Những hình thể mà ông phải sao chép hoàn toàn khác với những gì ông đã luôn trải nghiệm. Chúng nằm bên ngoài bất kỳ khái niệm tạo hình Âu châu nào hoàn toàn đến nổi cây viết chì của ông trong một lúc đành bất lực. Ông gặp nhiều trở ngại khi thể hiện các tỉ lệ tinh túy. Ông cố thử dùng công cụ phóng ảnh, được sử dụng rộng rãi vào thời đó, nhưng ông thấy không mấy hiệu quả. Cái vật cong cong đó là hình trang trí hay một cái chi người? Đó có phải là con mắt, mặt trời, hay một kí hiệu trừu tượng? Đó có phải cái đầu của một con thú không? Nếu phải, vậy là loại thú nào vậy? Sự tưởng tượng nào đã sinh ra những cái đầu khủng khiếp như thế? Đá đã được biến đổi thành những hình thể tráng lệ không có đối trọng nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. “Tượng thần,” Stephens nói, “hình như thách thức nghệ thuật của anh; hai chú khỉ trên cành cây có vẻ như đang cười nhạo anh.”
Catherwood bền bĩ làm việc từ sớm đến tối, và cuối cùng cũng đến ngày ông hoàn thành một bức vẽ mà ông nghĩ là đúng với chuẩn mực khe khắt ông đề ra. Thật là ấn tượng.
Tại điểm này có một bước phát triển đáng ghi nhận. Với mục tiêu tuyển mộ một lực lượng lao động lớn hơn, Stephens đã lân la làm quen với dân làng. Như quá nhiều nhà thám hiểm trong những tình huống tương tự, ông lấy được cảm tình của thổ dân bằng cách phân phát những thuốc men đơn giản và nhiều lời khuyên hữu ích. Trong một thời gian mọi thứ đều tốt đẹp; rồi thình lình một sự khác biệt nghiêm trọng lù lù hiện ra. Don Jose Maria một lần nữa tự trình diện, và lần này khăng khăng đòi quyền sở hữu của mình. Trao đổi cặn kẻ với tên dân lai này tiết lộ rằng bãi phế tích này thực sự vô nghĩa đối với y, rằng y chưa hề có hứng thú thực sự nào với nó, rằng những tượng thần có thể mất vĩnh viễn mà y chẳng màng tới. Không có gì khác ngoài cái lý do là Stephens chưa hề biết tỏ ra trân trọng y một cách thích đáng như một chủ tài sản, khiến cho y tiếp tục nhũng nhiễu.
Stephens, vốn biết rõ mình cần phải bước đi thận trọng trên một vùng đất bất ổn về chính trị, cảm thấy rằng mình phải tỏ ra thân thiện với dân cư bản địa với bất kỳ giá nào. Giờ thì ông ra một quyết định quan trọng. Lật ngữa các lá bài trên bàn, ông nói: “Ông đòi bao nhiêu cho miếng đất của mình?”
“Tôi không nghĩ là y ngạc nhiên nhiều hơn,” ông viết, “nếu tôi đã hỏi mua bà vợ già khốn khổ của y, bệnh nhân bị phong thấp của chúng tôi, để chữa trị. Y hình như nghi ngờ không biết tôi và y ai là người mất trí. Tài sản hoàn toàn quá vô giá trị đến nổi việc tôi muốn mua nó gieo cho y nổi ngờ vực.”
Để chứng minh là mình muốn mua thực lòng, Stephens cất công trình ra cho y tất cả giấy tờ ủy nhiệm, chứng tỏ mình là một con người có nhân thân không thể bác được, một nhà khoa học đi công tác, và một tùy viên thương mại phục vụ cho Hiệp chủng quốc hùng mạnh và vĩ đại. Một người thông ngôn ở làng có tên Miguel ngập ngừng đọc hết tất cả giấy tờ, trong khi anh chàng Don Jose sốt ruột hết đổi chân này đến chân khác và cuối cùng bảo rằng mình muốn suy nghĩ đôi chút và sẽ trở lại sau.
Vở hài kịch được lặp lại. Miguel đọc tất cả giấy tờ lần thứ hai. Khi không có gì xảy ra, Stephens, thấy rằng việc mua lại thành phố cổ Copan là cách duy nhất để bảo đảm hòa bình vĩnh viễn, kết luận rằng phải cần đến một phương pháp thuyết phục ngoạn mục hơn đối với một tâm tính chốn rừng rú.
Stephens lôi ra chiếc rương và lấy ra đồng phục của tùy viên. Từ lâu ông đã bỏ việc làm ngoại giao ở vùng Trung tâm Mỹ châu vì là công việc tồi, nhưng ít nhất bộ đồng phục vẫn không hoàn toàn làm mồi cho mối và mốc. Trước cặp mắt kinh ngạc của Jose, Stephens long trọng mặc vào chiếc áo khoác. Tất nhiên ông không quên đội chiếc mũ Panama sũng nước mưa, một sơ mi ca rô, và quần chẽn trắng lấm bùn vàng đến đầu gối. Tất nhiên mưa còn lâm râm từ ngọn cây – nó đã xối xả ngay từ sáng sớm – và mặt đất chung quanh đều ngập trong nước. Những tia nắng phản chiếu trên những nút đồng lớn của chiếc áo khoác, làm nổi bật hình con đại bàng trên đó. Dải viền vàng lấp lánh toát ra một không khí quyền uy không phải không có tác dụng thậm chí trong những phần rắc rối của thế giới.
Làm sao Don Jose Maria có thể cự tuyệt trước một cảnh tượng quá thuyết phục như thế? Y nhượng bộ. Và Stephens, trông như, theo lời ông tự nói về mình, “một ông hoàng da đen đang tiếp kiến một đoàn sĩ quan Anh trên bờ biển Phi châu trong chiếc áo khoác quân đội và chiếc mũ lệch,” đã mua được thành phố cổ Copan.
“Độc giả có lẽ tò mò,” Stephens nói, “muốn biết cách thức mua bán các thành phố cổ ở Trung tâm Mỹ châu. Như bất kỳ món hàng khác, chúng được qui định theo nguyên tắc cung cầu của thị trường; nhưng không như nhu yếu phẩm, như bông vải và bột chàm, chúng có giá tùy thời, và tại thời điểm ấy chúng đang ế ẩm. Tôi trả 50 đô-la để mua Copan. Không hề gặp khó khăn về giá cả. Tôi ra giá đó, và Don Jose Maria nghĩ tôi đúng là thằng điên; nếu tôi ra giá cao hơn, y ắt hẳn coi tôi còn tệ hơn thế” (xem hình dưới).
Hiển nhiên một sự kiện quan trọng và tuyệt vời như thế, mặc dù không ai trong làng hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, cần phải được ăn mừng thích hợp. Stephens mở một buổi tiệc chiêu đãi, và toàn thể dân làng đến dự trong trang phục lễ hội, trong đó có cả một nhóm đông các phụ nữ lớn tuổi. Các điếu xì gà được chuyền tay nhau giữa các ông, thuốc lá cho các bà. Các bức vẽ của Catherwood được tán thưởng, và cuối cùng các phế tích và tượng đài được xem xét, khiến Stephens kinh ngạc khi khám phá rà rằng không một dân
làng nào đã từng nhìn thấy các tượng điêu khắc trước đây. Không một ai đã từng tò mò để mở một con đường vào cánh rừng sôi sục quanh địa điểm, thậm chí đến các con của Don Gregorio, người có uy tín nhất trong làng, và những tiều phu gan dạ nhất. Vậy mà những thổ dân thuần chủng này lại thuộc cùng một bộ tộc và nói cùng một thứ tiếng với các nhà điêu khắc đá và các tay xây dựng bậc thầy các tòa tháp, các cầu thang, và sân thượng đã chết từ lâu.
Khi quyển sách của Stephens, Những Sự Kiện Du Lịch ở Trung tâm Mỹ châu, Chiapas, và Yucatan, xuất hiện ở New York vào năm 1842, và không lâu sau đó, các bức vẽ của Catherwood, một cơn bão hào hứng nổi lên. Công luận bàn tán sôi nổi về phát hiện này. Các sử gia bổng thấy cái thế giới mà họ lắp ráp đã rơi lã tã. Những người ngoại đạo sáng chế đủ thứ lý thuyết táo bạo.
Rời Copan, Stephens và Catherwood tiếp tục đến Guatemala, sau đó vào Chiapas và Yucatan. Trên lộ trình của chuyến đi này họ chạm trán nhiều thăng trầm. Dọc đường họ gặp các di chỉ của Maya. Những mô tả các phát hiện của họ nổi lên một đám mây những câu hỏi. Cần gấp rút xem xét lại những nguồn tư liệu Tây Ban Nha. Đề cập xa xưa nhất về dân tộc Maya xuất sắc này được tìm thấy trong những ghi chép liên quan đến những kỳ tích của Hernandez de Cordoba, Francisco de Montejo, và những nhà khám phá và chinh phạt xưa khác ở Yucatan.
Tất cả đều xoay quanh câu hỏi sau: những thổ dân Indian này xuất phát từ đâu? Họ có thuộc về cùng chủng tộc với những người trong thời của Stephens đang còn sống rải rác như những bộ tộc du mục trên khắp lục địa Bắc Mỹ? Nếu thổ dân Maya và Indian Bắc Mỹ là những thành viên có cùng phụ hệ, thế thì bằng cách nào người Maya đã phát triển một nên văn hóa cao đến vậy? Có thể nào tồn tại một xã hội độc nhất trỗi dậy trên lục địa Mỹ châu, hoàn toàn cô lập với dòng chảy văn hóa vĩ đại của Cựu Thế giới?
Giờ thì đến lời giải đoán táo bạo đầu tiên. Một số khăng khăng cho rằng sự tồn tại của nền văn hóa bản địa là không thể nào. Trong một quá khứ xa xôi người Maya hẳn đã di cư đến Trung tâm Mỹ châu từ vùng Viễn Đông cổ đại. Bằng đường nào? Còn phải hỏi, bằng cầu đất đã từng tồn tại ở cực bắc vào thời Đại Hồng Thủy. Và những người khác, sửng sốt trước ý kiến về dân cư của một vùng xích đạo di cư xuống từ vùng Bắc cực, tuyên bố rằng người Maya là những người sống sót từ đảo Atlantis huyền thoại. Vì không có sự giải thích nào thực sự thỏa đáng, tất nhiên còn có trường phái tưởng tượng có-còn-hơn-không khác, tin rằng người Maya là một trong bộ tộc Israel đã thất lạc.
Và bộ không phải một số điêu khắc được phổ biến qua các tranh vẽ của Catherwood cho thấy sự giống nhau đáng kinh ngạc với các tượng của các vị thần Hindu của Ấn giáo? Vâng, người khác nói, nhưng hãy nhìn các tòa tháp xem, chúng nhất định chỉ ra mối liên hệ với Ai Cập. Giờ đây một số điều tra tiết lộ sự kiện là trong ghi chép của người Tây Ban Nha có nói đến những yếu tố Cơ đốc trong thần thoại Maya. Biểu tượng thập giá đã được tìm thấy trong những người Maya. Người Tây Ban Nha cũng nhận xét là người Maya hình như cũng có khái niệm về trận Đại Hồng Thủy. Vị thần Kukulcan của họ hình như đóng vai trò tiên tri. Tất cả những chứng cứ này chỉ đến Vùng Đất Thánh của Trung Đông.
Trong khi cuộc bàn cãi còn sôi nổi, một cuốn sách ra đời được viết bởi một người suốt đời giam mình trong thư viện vùi đầu nghiên cứu, và không hề có một trải nghiệm trực tiếp tí xíu nào đến những miền đất xa xôi. Thật ra, người đàn ông này gần như bị mù. Bất kỳ lộ trình nào ông cắt qua rừng rậm tất yếu là những lộ trình tưởng tượng, bằng công cụ duy nhất là sự sắc bén của trí tuệ ông ta. Và trong khi Stephens đã định vị được vương quốc Maya ở Honduras, Guatemala, và Yucatan, nhà học giả hưu trí này khám phá lại vương quốc Aztec của Moctezuma. Giờ thì kết luận thực sự được đúc kết.
William Hickling Prescott đến từ một trong những gia đình Thanh giáo ở New England. Ông sinh ngày 4/5/1796 ở Salem, Massachusetts, và từ 1811 đến 1814 học luật tại Harvard. Một ít năm sau, trong khi đang có một tương lai đầy hứa hẹn trong ngành luật, Prescott hầu như bị mù, sau khi mất mắt trái trong một tai nạn khi còn là sinh viên ở Harvard vào năm 1813. Việc học tập căng thẳng khiến con mắt còn lại yếu đi nghiêm trọng đến nổi ông phải qua Âu châu chữa trị trong hai năm, nhưng không thành công.
Không thể theo đuổi ngành luật, Prescott, với một sự kiên trì vô bờ, dồn hết năng lực của mình sang việc viết sử. Với sự giúp đỡ của một khung viết chế riêng cho người mù ông viết cuốn Cuộc Chinh Phục Mexico, một sự mô tả nghẹt thở về các cuộc chinh phạt của Cortés và những chuyện khác. Trong quyển sách này những chi tiết nhỏ nhất do những người Tây Ban Nha cùng thời với nhà chinh phạt vĩ đại để lại được đan kết bằng sự cần cù siêu phàm tạo thành một toàn cảnh của vương quốc Aztec trước và sau cuộc chinh phạt. Khi tác phẩm xuất hiện, vào năm 1843, nền văn hóa mới phát hiện của Maya đã có thêm một yếu tố cạnh tranh với nền văn minh Aztec không kém bí ẩn.
Cái trường phái tư tưởng vốn không chút băn khoăn khi đồng nhất những dân cư tiền sử của Trung Tâm Mỹ châu với các bộ tộc thất lạc của Israel chắc hẳn đã cắt nghĩa trót lọt những mâu thuẫn này nếu Prescott không tự cho phép mình tự tiện bổ sung những ghi chú bên lề khiến dấy lên những nghi vấn mới trong khung cảnh Trung Mỹ.
Chẳng hạn, tại một chỗ đang kể chuyện trận noche triste icua Cortés Prescot nhảy sang mô tả một bãi phế tích dọc theo đường tháo chạy của bọn Tây Ban Nha. Giữa đống phế tích những tòa tháp Teotihuacannhô cao, nổi tiếng nhất là tòa tháp thờ mặt trời và mặt trăng, kiến trúc lớn đến nổi có thể so sánh với các lăng mộ hoành tráng của các Pha-ra-ông. Tòa tháp Mặt trời cao gần 58 mét, và chiếm một diện tích hơn 195 mét mỗi cạnh (xem hình dưới).
Đền thờ khổng lồ này tọa lạc trong trung tâm của vương quốc Aztec cách thành phố Mexico không đến một ngày đường, và ngày nay chỉ cần 1 giờ ngồi xe lửa là đến nơi. Tuy nhiên, Prescott không muốn bị đánh lừa bởi việc tòa tháp ở quá gần kinh thành của người Aztec. Căn cứ vào lập luận của mình về truyền thống Indian, ông đưa ra lý thuyết là các tòa tháp đã có mặt ở đó khi người Aztec xâm chiếm khu vực và chinh phục nó. Ông tin rằng một nền văn hóa khác xưa hơn đã có trước cả hai nền văn hóa Maya và Aztec trong Trung tâm Mỹ châu.
“Ý nghĩ nào xâm chiếm tâm trí người du lịch,” ông viết, “… khi dẫm chân trên những tro tàn của bao nhiêu thế hệ những người đã xây dựng nên những công trình đồ sộ này, những công trình đưa chúng ta vào sâu thẳm của thời gian? Nhưng ai là người xây dựng ra chúng? Có phải đó là người Olmec mờ mịt, mà lịch sử của họ, cũng như của những người Titan, đã thất lạc trong sương mù của truyền thuyết? hoặc, như thường được báo cáo, những người Toltec yêu hòa bình và cần cù, mà tất cả điều chúng ta có thể nhặt nhạnh được từ họ chỉ nằm trên các truyền thống không mấy vững chắc. Điều gì đã xảy ra cho những chủng tộc đã xây dựng ra chúng? Có phải họ vẫn ở lại trên mảnh đất, rồi hòa lẫn và gắn kết với chủng tộc Aztec hung bạo đã chinh phục họ? Hay có phải họ đi về phương Nam, và tìm một bình nguyên rộng lớn hơn để truyền bá nền văn minh, như được chứng tỏ bởi đặc điểm của những tàn tích kiến trúc trong những vùng xa xôi của Trung tâm Mỹ châu và Yucatan?
Những suy ngẫm thuộc loại này trút xuống từ mọi phía không chỉ riêng từ Prescott. Trong bất kỳ sự kiện nào, mặt nước bị vẫn đục quá nhiều đến nổi không ai nhìn thấy được. Tuy nhiên, khi Prescott nói rằng “mọi trường hợp đều là một bí ẩn, – qua đó Thời gian đã phủ một tấm màn không thể xuyên thấu,” một bức màn “mà không bàn tay người phàm nào có thể vén lên được,” ông đã có một quan điểm quá bi quan. Những bàn tay phàm trần vẫn còn đào xới đến tận ngày nay và đã soi sáng những gì mà một thế kỷ cách đây chỉ là một câu đố hiểm hóc đến tuyệt vọng. Có mọi lý do để tin rằng ngành khảo cổ cuối cùng cũng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn nữa, dù cho đến giờ vẫn còn còn bó tay.
- KHÚC DẠO GIỮA
Vào năm 1863, đúng 20 năm sau khi cuốn Cuộc Chinh Phục Mexico ra đời, một vị khách tại Thư viện Hoàng gia ở Madrid lục lọi trong thư khố quôc gia tìm thấy một bản thảo vàng úa bởi thời gian rõ ràng là chưa có ai từng đọc đến. Nó ghi năm 1566. Tựa đề Relacion de las cosas de Yucatan [Mối quan hệ của những sự việc ở Yucatan], nó được minh họa bằng một số phác họa kỳ lạ, không thể hiểu được. Tác giả là một ông Diego de Landa nào đó.
Bất kỳ ai cầm bản thảo này lên ắt hẳn sẽ đặt nó xuống ngay, không mở ra, như một số lớn người đã từng làm như thế. Nhưng người đàn ông giờ đang ngắm nhìn nó đã từng là người phát chẩn của đại sứ quán Pháp tại Mexico trong 10 năm, và là cha sứ một ngôi làng Indian tại Rabinal trong miền Salama ở Guatemala từ năm 1855. Phần lớn thời gian ông dồn vào việc nghiên cứu những ngôn ngữ Indian và các di tích của nền văn hóa cổ. Việc vị tu sĩ, cha sứ của thổ dân, và học giả cũng đã cho in một loạt các câu chuyện và tiểu thuyết lịch sử dưới bút hiệu Etienne Charles de Ravensberg xứng đáng được nêu ra đây để cho thấy mức độ rộng rãi các mối quan tâm của ông.
Khi Charles Etienne Brasseur de Bourbourg (1814-74) giữ trong tay cuốn sách nhỏ vàng ố của Diego de Lando và nghiên cứu nó một cách nghiêm túc, một phát hiện quan trọng nhất trong lãnh vực Trung tâm Mỹ châu sắp sửa ra đời.
William Prescott lớn hơn Stephens chín tuổi. Brasseur de Bourbourg thì trẻ hơn chín tuổi. Mặc dù ông trình bày phát hiện ý nghĩa của mình tận đến năm 1863, công trình của ba người này gắn kết với nhau. Stephens đã phát hiện được các đài tưởng niệm của Maya; Prescott đã lắp ráp chúng và lần đầu tiên đã mô tả một giai đoạn liên tục, thậm chí có thể là giai đoạn cuối cùng, của lịch sử Aztec. Và Brasseur de Bourbourg cung cấp chìa khóa đầu tiên, dù là một chìa khóa nhỏ và còn lâu mới mở ra được mọi ổ khóa, đến sự hiểu biết của một loạt những tiết mục trang trí và chữ tượng hình. Nhưng trước khi chúng ta có thể tiến hành lý giải sự quan trọng của phát hiện này, ta cần làm rõ những khó khăn mà các nhà khảo cổ phải đương đầu khi giải bài toán Mỹ châu, khác biệt cơ bản với bất kỳ bài toán nào do Cựu Thế giới đặt ra.
Khi người Trung hoa bắt đầu thiết lập đế chế vào thiên niên kỷ thứ ba trước Christ – sau đế chế tương đương với họ vào thời Đại Hồng Thủy của Kinh Thánh – họ cũng tạo ra nó ở lưu vực hai con sông lớn của họ, Hoàng Hà và Dương Tử. Ở Ấn Độ những vùng định cư xưa nhất được hình thành dọc theo các bờ sông Ấn và sông Hằng. Sau khi người Sumer đã xâm chiếm Mesopotamia, một nền văn hóa Babylonia-Assyria trỗi dậy từ những vùng định cư xưa của họ giữa sông Tigris và Euphrates. Văn hóa của người Ai Cập nẩy nở không chỉ dọc theo sông Nile mà còn cùng với sông Nile. Điều gì các con sông này có ý nghĩa đối với các dân tộc này, thì Biển Agean nhỏ hẹp cũng có ý nghĩa như thế đối với người Hi Lạp cổ đại. Tóm lại, những nền văn hóa lớn của quá khứ đều là những nền văn hóa ven sông nước; các học giả quen xem xét sự hiện diện của một con sông để giả định cho sự trỗi dậy của một nền văn hóa. Vậy mà các nền văn hóa Mỹ châu không dựa trên sông nước. điều này cũng đúng đối với văn hóa Inca trên cao nguyên Peru, giữa nó và các văn hóa Trung tâm Mỹ châu cổ không có liên quan trực tiếp.
Một giả định khác cho sự trỗi dậy của một nền văn hóa luôn luôn được nghĩ là thuộc về một dân tộc thiên về nông nghiệp và chăn nuôi. Người Maya đúng là có làm nông – mặc dù với một khác biệt, như chúng ta sẽ thấy. Nhưng đối với chăn nuôi, thì nền văn hóa của họ là nền văn hóa duy nhất được biết đến không có vật nuôi trong nhà, không có thú chuyên chở, không có xe do thú kéo theo bất cứ loại nào!
Đây không chỉ là điểm cá biệt duy nhất trong trường hợp người Maya. Hầu hết các dân tộc tạo dựng nên các nền văn hóa ở Cựu Thế giới đều đã chết, tuyệt tích không để lại dấu vết, và các ngôn ngữ của họ cùng chết theo họ. Chúng ta phải học lại ngôn ngữ “chết” của họ một cách rất nhọc nhằn qua những qui trình gian khổ và kéo dài của việc giải mã. Nhưng người Maya thì còn sống, hơn một triệu người khỏe mạnh, họ cũng không thay đổi về thể chất, và trong lối sống, trong cách ăn mặc chỉ thay đổi chút ít. Nhà thám hiểm đương đại chỉ cần quay nhìn người hầu Indian của y là chắc chắn có thể nhìn thấy cùng một bộ mặt y vừa mới sao chép từ một hình chạm nổi Maya cổ. Khi tạp chí Life và Illustrated London News vào năm 1947 in các bức ảnh của một cuộc khai quật mới, họ chụp hình một thanh niên và thiếu nữ Maya nhìn nghiêng trên nền hai gương mặt chạm nổi cổ, và trông như thể họ là người mẫu của hình khắc nổi! Và nếu các đầu đá có thể thốt ra lời, chúng sẽ nói cùng thứ ngôn ngữ mà tên hầu Maya hiện nay hỏi xin nhà thám hiểm tiền công của mình.
Tất cả điều này hình như vô cùng hữu ích cho các học giả – nhưng thật ra không mấy ích lợi. Bởi vì thậm chí văn hóa Maya – không như mọi nền văn hóa Cựu Thế giới – chỉ mới tàn rụi không phải 2,000 hay 3,000 năm, mà chỉ cách đây 450 năm, chúng ta vẫn có ít khởi điểm giúp nghiên cứu toàn diện hơn trong mọi trường hợp khác.
Vốn hiểu biết của chúng ta về Babylon và Ai Cập, về các dân tộc cổ đại của Á châu, Tiểu Á, Hi Lạp, đến được với chúng ta một cách liên tục qua nhiều thế kỷ và ngay từ lúc bắt đầu. Thật ra hầu hết đã bị thất lạc, nhưng nhiều truyền thống truyền khẩu và bút kí vẫn được bảo quản. Trong khi chúng đã chết cách đây rất lâu, ngay cả trong khi chết chúng vẫn truyền lại những gì chúng sáng tạo cho hậu thế, và chúng chết từ từ qua một thời gian dài. Nhưng các nền văn hóa Trung tâm Mỹ châu đã bị, như chúng ta đã nói, “chặt đầu.” Theo sau đám binh lính trên lưng ngựa và kiếm trong tay, là các giáo sĩ cùng với các giàn hỏa thiêu ra tro tất cả ghi chép và hình ảnh có thể kể cho ta biết nhiều về các nền văn hóa ấy. Don Juan de Zumarraga, vị giám mục đầu tiên của Mexico, phá hủy mọi mảnh chữ viết mà y có thể tìm thấy trong một giàn hỏa thiêu khổng lồ; những giám mục và tu sĩ khác đều bắt chước theo y; các binh lính, không kém nhiệt tình, tận diệt mọi thứ còn sót lại. Khi Lord Kings vào năm 1848 hoàn tất bộ sưu tập của ông về những thư tịch còn lại về Aztec cổ, không có mảnh nào xuất xứ từ Tây ban Nha được tìm thấy. Tất cả tài liệu về Mayan từ thời tiền- chinh phạt chỉ có đúng ba bản thảo còn sót lại cho chúng ta.
Một trở ngại khác cho việc truy tìm kiến thức trong trường hợp này là những vất vả của việc thám hiểm trực tiếp. Trong lúc các nhà khảo cổ ở Ý và Hi Lạp thấy mình đi lại trong các xứ sở văn minh, và nhà thám hiểm Ai Cập ít nhất cũng được làm việc trong vùng có khí hậu lành mạnh nhất, thì người ra đi tìm kiếm những dấu tích mới của người Maya và Aztec trong thế kỷ vừa qua [thế kỷ 19] đã phơi mình trong một khí hậu quỷ quái, cách biệt mọi tiện nghi và phương tiện văn minh. Đến tận hôm nay, khi những năm thuộc thập niên 1960 đang sắp kết thúc, vẫn chưa có tuyến đường cho du khách dẫn đến một trong những điểm tham quan quan trọng nhất, Tikal ở Guatemala, nơi đó những đoàn từ Đại học Pennsylvania dưới sự cầm đầu của William Coe đang khai quật và nghiên cứu hơn 300 công trình xây dựng qua một thập kỷ. Ngày nay, tuy nhiên, họ có thể bay đến đó trong vòng một giờ từ Guatemala và nghỉ chân tại Jungle Lodge tiện nghi.
Việc thám hiểm Trung tâm Mỷ châu vấp phải ba khó khăn: trước tiên, những vấn đề độc nhất mà đặc điểm của những nền văn hóa này đặt ra; thứ hai, sự nghèo nàn về dữ liệu làm căn bản cho sự đối chiếu và kết luận cần thiết; và thứ ba, đào xới và khai quật khó khăn vì thực địa cứng rắn.
Do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi Maya và Aztec, chẳng bao lâu sau khi được phát hiện quá xuất sắc bởi Stephens và Prescott, một lần nữa lại rơi khỏi sự háo hức của công chúng; và cũng không ngạc nhiên khi những kiến thức có được quanh đi quẩn lại chỉ nằm trong tay một số rất ít học giả trong suốt bốn thập kỷ. Trong khi vẫn có nhiều vun bồi nhỏ cho kho kiến thức
này, không có phát hiện nào thực sự có nghĩa xảy ra giữ những năm 1840 và 1880. Thậm chí phát hiện của Brasseur de Bourbourg ở Madrid chỉ khuấy động được mối quan tâm của một vài nhà chuyên môn.
Tác phẩm của Diego de Landa, trong 300 năm bị hờ hững, lại là chìa khóa mở ra ít nhất một phần ý nghĩa của một ít tài liệu và đài tưởng niệm Maya hiện còn. Nhưng có quá ít tài liệu, đá, tranh chạm nổi, hoặc điêu khắc để vận dụng chìa khóa này xem nó có giá gì không.
- BÍ MẬT CỦA CÁC THÀNH PHỐ MAYA HOANG PHẾ
Những đường thẳng kẻ từ Chichen-Itza, ở bắc Yucatan, nam đến Copan ở Honduras, và từ Tikal và Ixkun, ở Guatamala, tây đến Palenque ở Chiapas, bao lấy vùng đất thuộc văn hóa Maya. Đây chính là lãnh thổ mà người Anh Alfred Percival Maudslay thám hiểm giữa những năm 1881 và 1894, gần 40 năm sau Stephens.
Mauslay thành tựu nhiều hơn Stephens. Chức năng của ông là lót đường cho một chương trình thám hiểm được theo đuổi một cách có hệ thống. Trong quá trình gồm 7 chuyến đi thám hiểm vào rừng rậm ông thu thập một số lớn dữ liệu. Ông thực hiện nhiều bức vẽ về kiến trúc của Maya, những tác phẩm điêu khắc nguyên bản, và nhiều vật đúc thạch cao lão luyện và những bản in đúc của những tranh chạm nổi và chữ khắc. Bộ sưu tập của ông đến Anh, và sau đó được chuyển từ Victoria và Bảo tàng Albert vào Bảo tàng British. Đến khi Bộ Sưu tập Maudslay được cho phép sử dụng để nghiên cứu, các học giả được dịp tiếp cận chất liệu nguyên gốc đa dạng để xác định thời đại và nguồn gốc văn hóa.
Giai đoạn khảo cổ ở Trung tâm Mỹ châu mang chúng ta trở lại bản thảo có tựa đề Relacion de las cosas de Yucatan, được trứ tác vào nằm 1566 bởi Diego de Landa (1524-79), Giám mục của Yucatan, và được khám phá trong Thư viện Hoàng gia Madrid vào năm 1863. Giám mục ắt hẳn là một người trong đó sự thôi thúc tôn giáo và trí thức xung đột nhau. Diego de Landa, đóng vai trò một con chiên trung thành của Chúa Trời, sưu tập tất cả những tài liệu về Maya trong tầm tay mình rồi thiêu đốt như thế chúng là tác phẩm của quỷ dữ. Nhưng con người Diego de Landa khác không cưỡng nổi sự cám dỗ vun trồng mối quen biết với một trong những ông hoàng Maya còn sót lại và ghi lại những câu chuyện ông và những người khác đã nghe về các thần linh Maya và các trận đánh. Không chỉ Diego de Landa hành động như một người ghi chép cho những chuyện ngàn một đêm lẻ của Maya; ông cũng thực hiện những phác họa của những chữ tượng hình được sử dụng để chỉ ngày và tháng.
Dù thú vị, nhưng ta có thể hỏi, những thông tin như thế có giá trị gì đặc biệt? Nhờ một ít phác họa này từ bàn tay của Diego de Landa, hình trang trí có tính tượng hình kỳ cục của các tượng đài Maya bổng có được sức sống và ý nghĩa đối với các nhà khảo cổ của những thế hệ sau này.
Với các bức vẽ của Giám mục de Landa như những chất liệu tham khảo, và trang bị những am hiểu mới chiếm lĩnh được về chữ tượng hình Maya mà những bức vẽ này góp phần đáng kể, các nhà khảo cổ đứng trước các đền thờ, cầu thang, cột đá, và trụ ngạch và thấy:
Là khắp nơi trong nền nghệ thuật Maya này, trong các tòa nhà xây cao lên tầng này đến tầng khác trong rừng rậm không cần sự hỗ trợ con vật kéo hoặc xe thồ, trong những điêu khắc được tạo tác trong đá với các công cụ bằng đá, không có một hình trang trí hoặc chạm nổi, hình vật hoặc hình người, nào mà không có liên hệ trực tiếp đến một niên đại đặc biệt nào đó. Không có sắp xếp nào là tùy hứng, ngẫu nhiên; tính thẩm mỹ của người Maya dựa trên nền tảng toán học. Những sự lặp lại tưởng chừng vô nghĩa và những gián đoạn đột ngột trong việc tạo hình các gương mặt đá ghê rợn có vẻ sinh ra do nhu cầu biểu thị một con số nào đó hoặc một sự xen vào có sự liên hệ đến
ngày tháng cụ thể. Khi hình trang trí trên rầm của Cầu thang Tượng hình ở Copan được lặp lại khoảng 15 lần, chính là để biểu thị số năm nhuần đã trôi qua. Sự tương quan ngày tháng giữa nghệ thuật Maya và kiến trúc là nét độc đáo. Và khi các nghiên cứu soi kỹ hơn vào các bí ẩn ngày tháng – những học giả dành cả đời mình chỉ chuyên nghiên cứu lịch Maya – ta càng kinh ngạc hơn: Lịch Maya là lịch tốt nhất trên thế giới.
Nó được lập ra khác với các lịch mà ta quen thuộc; và đồng thời lại chính xác hơn. Không kể những điểm tinh tế khác nhau mà thậm chí đến ngày nay chưa giải thích được, cấu trúc của lịch Maya nói nôm na như sau: Nó gồm một chuỗi 20 ký tự hoặc hình tượng khác nhau làm hậu tố cho các con số từ 1 đến 13. Các số và tên ngày hợp lại, cho ta một chuỗi 260 trong bộ tzolkin, hay bộ đếm ngày. Bộ tzpolkin này là niên lịch thiêng liêng, khác biệt với niên lịch thật sự. Niên lịch thật sự – đó là lịch tương ứng với sự chuyển động của mặt trời – chia thành 18 tháng, mỗi tháng có một hình tượng, và mỗi hình tượng có 20 ngày, bổ sung một tháng thứ 19, tháng này có 5 ngày. Ở Maya niên lịch 365 ngày này được gọi là haab. Sự rối rắm giữa lịch thiêng với niên lịch – tức giữa tzolkin và haab – đưa đến cái mà trong tiếng Anh được gọi là chu kỳ lịch. Chu kỳ lịch này là thời kỳ đòi hỏi để có sự trùng hợp của một ngày đặc biệt trong một hệ thống và một ngày đặc biệt trong hệ thống khác trở lại. Thời kì này trải dài 18,980 ngày, hay 52 năm, mỗi năm có 365 ngày. Chu kỳ lịch, như chúng ta sẽ thấy, có tầm quan trọng cực kỳ trong đời sống người Maya. Cuối cùng, người Maya cũng dùng một “chuỗi khởi đầu,” hay hệ lịch tính dài căn cứ vào một ngày được chọn tùy ý làm điểm khởi đầu của lịch. Điểm khởi đầu của biên niên Maya là “4 Ahau, 8 Cumhu,” tương ứng với, nếu chúng ta dám thận trọng so sánh, với cách thức ta sử dụng năm sinh của Jesus Christ làm năm khởi điểm. Phải luôn ghi nhớ là sự tương tự ở đây thuần túy có tính chức năng và không ám chỉ sự tương ứng về thời gian.
Bằng các hệ thống tính ngày tháng cài nhau này, một phương pháp quá phức tạp và phát triển cao đến nổi mô tả chi tiết của họ phải mất cả cuốn sách, người Maya đạt đến sự chính xác về niên lịch vượt trội hơn bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới. Đó là điều sai lầm khi cho rằng lịch của chúng ta đang sử dụng ngày nay là cách giải quyết tốt nhất bài toán theo dấu thời gian. Tất cả có thể nói về lịch này là đó là một cự cải tiến trực hệ qua nhiều đời lịch có trước. Vào năm 238 trước C. N. , Ptolemy III chĩnh sửa lịch củ của người Ai Cập; Julius Cesar công nhận lịch đã cải tiến này, được gọi là lịch Julian, cho đến tận 1582. Sau đó nó được thay thế bởi lịch Gregorian, do Giáo Hoàng Gregory XIII chĩnh sửa tiếp. Nếu chúng ta so sánh chiều dài của một năm trong các hệ lịch khác nhau này với hệ lịch tuyệt đối được xác định bằng thiên văn, chúng ta nhận ra là lịch Maya cho ta sự xấp xỉ tốt nhất. Một năm theo
Lịch Julian có
|
365.250,000 ngày |
Lịch Gregorian có
|
365.242,500 ngày |
Lịch Maya có
|
365.242,129 ngày |
Lịch thiên văn có
|
365.242,198 ngày |
Và vậy mà dân tộc Maya, mặc dù có thể thực hiện những quan sát thiên văn chính xác và xử lý toán học khá phức tạp, trong các lãnh vực khác lại nó lại sa đà vào hình thức tồi tệ nhất của chủ nghĩa thần bí. Đã tạo được bộ lịch tốt nhất trên thế giới, những người Maya duy lý này lại trở thành nô lệ của nó.
Ba thế hệ những nhà khảo cổ đã nhọc nhằn tháo gỡ những bí ẩn của các hệ lịch Maya. Nỗ lực này khởi phát từ những cố gắng đầu tiên giải thích tài liệu của Landa về người Maya. Những thành tựu bước đầu đạt được nhờ sử dụng bộ sưu tập Maudslay, và công trình còn tiếp tục đến tận hôm nay. Nhiều tên tuổi nổi bật đã được nhận diện từ công trình dịch các tài liệu tượng hình của người Maya, bao gồm bản dịch về nội dung niên lịch. Trong số những tên tuổi này có E. W. Forstemann, một người Đức từ trong ra ngoài, là người đầu tiên viết một dẫn giải về Codex Dresden sis; và Eduard Seler, từng là giáo viên, sau đó đứng đầu Bảo tàng Berlin Volkerkunde, mà tác phẩm Luận Thuyết của ông là một trong những nguồn tài liệu phong phú nhất về Maya và Aztec. Những gương mặt quan trọng khác trong lãnh vực khảo cổ và giải mã Trung Mỹ là E. H. Thompson, F. T. Goodman, Franz Boas, P. Preuss, Oliver G. Ricketson, Jr., Walter Lehmann, Chrarles P. Bowditch, và William Coe. Chúng ta cũng không quên công lao của vô số người khác đã liều lĩnh lặn lội trong rừng sâu nhằm sao chép các bảng chữ khắc và cặm cụi nghiên cứu việc giải mã hoặc sắp xếp trật tự những chi tiết lỏng lẻo. Ngành khoa học về các nền văn hóa Mỹ châu là một thành tựu có tính hợp tác. Bước khó khăn tột cùng từ niên lịch đến biên niên đại được hoàn thành nhờ một nỗ lực tập thể.
Tri thức về niên lịch của người Maya không chỉ là một cứu cánh tự thân. Nó có tính khả dụng xã hội, và nó phục vụ cho mục đích thẩm mỹ. Những gương mặt ghê gớm dùng làm những ký hiệu tượng hình cho tên các tháng, ngày, và thời kỳ nằm rải rác khắp các mặt tiền, cột, trụ ngạch, và cầu thang của các đền thờ và cung điện. Mỗi tòa nhà như thể có ngày sinh đóng dấu trên trán. Các nhà khảo cổ phải hiểu rõ những chữ tượng hình này để nhóm các công trình cua người Maya theo đúng thứ tự niên đại và xác định những thay đổi phong cách từ nhóm này đến nhóm khác – nói tóm lại, để tái lập lịch sử Maya.
Tái lập lịch sử gì?
Lịch sử, đúng như vậy, của dân tộc Maya. Câu trả lời trông có vẻ là tự thân hiển nhiên, vậy mà câu hỏi không hoàn toàn chuẩn mực như thoạt đầu có vẻ như vậy. Vì tất cả những dữ liệu có trong tay các nhà khảo cổ đều nằm bên trong khung lịch sử Maya và không nơi nào khác. Các niên đại Maya, nói cách khác, không biểu lộ một sự tương quan nào với cách thức tính thời gian của riêng chúng ta. Theo quan điểm này, vấn đề tái lập lịch sử Maya là điều không dễ dàng, vì lịch sử nào không có liên quan đến lịch sử khác là điều vô nghĩa.
Ngành khảo cổ học đối mặt với một bài toán chưa từng được biết tới trong các nền văn hóa thế giới cổ đại dưới một hình thức khó khăn như thế. Để dễ hiểu hơn khó khăn cốt lõi này, chúng ta hãy tưởng tượng một sự tương đồng thuộc Âu châu với tình huống Maya. Hãy giả định nước Anh chưa hề liên kết về lịch sử với Lục địa và cách tính niên đại của Anh không dựa vào năm sinh của Christ, mà lại dựa vào một điểm qui chiếu tùy ý nào đó không được biết. Mọi việc trong các ghi chép biên niên của Anh được tính bằng điểm qui chiếu không được biết này. Thế thì các sử gia Lục địa thình lình khám phá ra nước Anh. Họ nhận ra rõ ràng mối liên hệ lịch sử giữa Richard Can Trường [Vua nước Anh từ 1189 đến khi băng hà] và Nữ hoàng Victoria [Nữ hoàng Anh từ năm 1837 đến khi từ trần]. Tuy nhiên, vì thiếu điểm qui chiếu cố định chung cho cách tính thời gian của Lục địa và Anh, họ không biết liệu Richard Can Trường có sống đồng thời với Charlemagne [Vua nước Pháp từ 768 và La Mã Thần Thánh từ 800], hoặc Nữ hoàng Victoria với Lucrezia Borgia [nữ quý tộc Ý 1480-1519] của nước Pháp hay không.
Sự tương đồng này đúc kết một cách chính xác bài toán Maya. Chẳng hạn, các nhà khảo cổ có thể cho biết các tòa nhà Copan xưa hơn các tòa nhà Quirigua bao nhiêu năm. Nhưng muốn xác định ở thế kỷ nào tính theo lịch Cơ Đốc hai thành phố này được xây dựng, thì họ hoàn toàn mù tịt.
Rõ ràng nhiệm vụ tiếp theo là nhằm thiết lập mối tương quan giữa biên niên sử của Maya với biên niên sử của chính chúng ta. Nhưng khi đạt được tiến bộ trong chiều hướng này, các niên đại càng lúc càng chính xác lại đưa ra ánh sáng một bài toán khác, việc này dẫn đến một trong các sự kiện bí ẩn nhất
trong lịch sử của một dân tộc vĩ đại – bí ẩn về các thành phố bị bỏ hoang.
Trong thế kỷ vừa qua [thế kỷ 19] cuốn Các Quyển sách của Chilam Balam được tìm thấy trong những nơi khác nhau ở Yucatan. Những sách này là các biên niên sử của Maya từ thời kỳ hậu chinh phạt, đầy màu sắc và đầy ắp những câu chuyện về những mưu đồ chính trị, và có giá trị ở chỗ chúng rút ra, ít nhất là một phần, từ nhiều tư liệu Maya xưa hơn.
Bản thảo quan trọng nhất trong bộ sưu tập này được tìm thấy vào những năm 1860 ở Chumayel, và lọt vào tay của Giám mục Crescensio Carillo y Ancona, một sử gia. Sau đó Đại học Pensylvania phát hành bản sao của bản thảo. Khi giám mục mất, bản thảo đi đến Thư viện Cepeda ở Merida. Và tại đó, vào năm 1916, nó tuyệt tích không để lại dấu vết. Khác với số phận chìm nổi của bản gốc, bản sao của nó vẫn được bảo quản, và quyển sách là một bảo vật. Nó được viết bằng ngôn ngữ Maya đã được chuyển tải, dưới ảnh hưởng Tây ban Nha, thành ký tự Latinh. Nhưng khổ thay các thầy tế Maya, khi họ dùng các ký tự Latinh để diễn tả âm tiết Maya, họ không để ý đến việc chấm câu và tách rời từ. Một số từ Maya bị cắt đứt, những từ khác bị hợp nhất, thiếu những tiền tố và hậu tố thích đáng, thành những từ quái đản. Thêm nữa, một vài âm Maya không có tương đương trong tiếng Tây Ban Nha đã được biểu thị bằng những phối hợp các mẫu tự Latinh mà giá trị thanh âm chính xác của chúng đã bị mất. Sự giải mã Các Quyển sách của Chilam Balam rõ ràng là một công việc gian khổ, lại thêm phần phức tạp vì nội dung thần bí của nó.
Sự phát hiện những sách này, tuy được đánh giá cao theo vì chức ít những chất liệu tương quan, lại nảy sinh thêm những khó khăn khi phương pháp tính thời gian trong đó hoàn toàn không được biết trong vương quốc Maya cổ xưa. Đây là phương pháp “đếm katun,” được các sinh viên ngành Maya gọi là “đếm ngắn,” ngược với phương pháp “chuỗi ban đầu,” hay “đếm dài.” Mặc dù những nghiên cứu nhanh chóng thiết lập sự kiện là cách “đếm katun” chỉ là sự đơn giản hóa cách “đếm dài,” rõ rằng là một sự tương quan sẽ phải tìm ra không chỉ giữa cách “đếm dài” và cách tính niên đại kiểu Công nguyên, mà cũng giữa cả hai cách trên với cách “đếm katun.”
Tuy nhiên viễn cảnh khó chịu này được giảm bớt, ở một mức độ nào đó, khi người ta dần dần nhận ra rằng công sức bỏ ra để xác định được mối tương quan ba-cách đem lại nhiều thông tin về thời kỳ cuối cùng trong lịch sử Maya. Dần dần một bức tranh thành hình, có sức sống, và thực sự có thể định được niên đại. Trong khi mọi điều trước đây chúng ta biết về Maya cổ quả là lạ lẫm và xa xăm, đóng cứng trong các đài tưởng niệm, thì ít nhất mảnh lịch sử cuối cùng này cũng giống như bất kỳ mảnh nào khác – đó là, một loạt nối tiếp những cuộc đột kích, chiến trận, phản trắc, và cách mạng. Nói cách khác, nó điển hình mang tính nhân loại.
Chúng ta nghe về các dòng họ Xiu và Itza, đấu đá nhau để giành quyền thống trị nhân dân. Trong Các Quyển Sách của Chilam Balam chúng ta biết về thời huy hoàng của Chchen-Itza, thủ phủ, và về các tòa nhà công cộng, mà khi so sánh về kích cỡ và phong cách với những thành phố cổ hơn của Yucatan ở phía nam, cho thấy một ảnh hưởng xa lạ một cách lạ lùng. Chúng ta cũng biết được về Uxmal, nơi các tòa nhà có một nét đơn giản lạ thường, đặc điểm của những gì có thể gọi là thời phục hưng về kiến trúc của người Maya (xem hình dưới), và của Mayapan, trong đó đồng thời các phong cách trước và sau đều được tìm thấy.
Chúng ta được cho biết về một liên minh các thành phố, bao gồm Mayapan, Chichen-Itza, và Uxmal, gọi là Liên minh Mayapan, bị dẫn dụ vào chỗ suy tàn. Các quân đội của Chichen-Itza họp nhau để gây chiến chống lại các lực lượng của Mayapan. Lãnh đạo quân đội Mayapan, Hunac Ceel, sử dụng các lính đánh thuê Toltec từ các quân đồn trú Mexican đóng ở Xicalanco. Chichen-Itza bị chinh phục. Các ông hoàng của nó được mang về triều đình Mayapan làm con tin và sau đó được dựng làm phó nhiếp chính. Nhưng lực lượng tấn công của Liên minh khi đó đã suy yếu mãi mãi. Vào năm 1441 những phần tử bị áp bức nổi dậy, do Triều đại Xiu của Uxmal cầm đầu. Mayaban bị chiếm, và Liên minh hoàn toàn sụp đổ, cùng với nó là vương quốc Maya. Tuy nhiên người Xiu thành lập một thành phố khác, tên là Mani, có nghĩa “việc đã thành tựu” theo ngôn ngữ của Maya. Khi người Tây Ban Nha đến, Mani rơi vào tay Cortes dễ dàng hơn Mexico City.
Những hiểu biết mới về quá khứ Maya – đó là, vào giai đoạn Tân Đế chế của lịch sử Maya – thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng ta không được tưởng tượng là các kết quả có được từ Các Quyển Sách Chilam Balam mở ra theo một biên niên sử có trật tự. Một phần lớn công sức phải bỏ ra trước khi các sự kiện lịch sử có thể được sắp xếp trong mối quan hệ thực sự theo chính đề và phản đề. Chiêm nghiệm Các Quyển Sách của Chilam Balam, nhà khảo cổ sử dụng một sự kiện lạ lùng nào đó được mang ra ánh sáng bởi các cuộc khai quật của một đồng nghiệp 30 năm trước, kết hợp với một sự kiện khác được khám phá 10 năm trước bởi một chuyên gia về ngôn ngữ Maya, và sự tương quan giữa hai sự kiện cho ta các kết quả đạt được nhờ một nhà tượng hình về niên lịch. Trong nghiên cứu thực sự sự khám phá về nên văn hóa này chưa hề được tiến hành từng bước và có tính tuần tự. Ngược lại bức tranh dần dần được hình thành bằng cách lắp ghép những chi tiết đây đó tùy theo tình hình khảo cổ.
Chính theo cách chắp từng miếng mà bức tranh toàn diện của thời kỳ chuyển tiếp văn hóa độc đáo này đạt được sự phong phú tột đỉnh. Nhưng thậm chí ngày nay lịch sử Maya vẫn còn phải được lý giải một cách rõ ràng bất chấp mọi thử thách.
Thuật ngữ “Tân Đế chế,” ngược với “Cựu Đế chế,” vừa mới được sử dụng, và ở đây tôi đã nói trước một bước. Nhưng giờ thì chúng ta đã biết một ít về Mayapan, Chichen-Itza, và Uxmal, những thành phố quan yếu nhất của Tân Đế chế, tôi mạo muội chơi một trò hỏi-đáp với các bậc thầy về bảng niên đại Maya.
Tại sao ông gọi những khu định cư ở bắc Yucatan là “Tân Đế chế’?
Họ trả lời: Vì những khu định cư này được thành lập rất muộn trong lịch sử Maya, khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ 7 và thứ 10; và vì Tân Đế chế này trong mọi cách thức diễn tả điển hình – trong kiến trúc, điêu khắc, và tính ngày tháng – rõ ràng khác biệt với Cựu Đế chế.
Nhưng “các khu định cư” có ý nghĩa gì trong trường hợp này? Thường thì một hình thức quyền lực mới thoát thai từ một hình thức củ hơn, có phải không?
Họ trả lời: Trường hợp này lệch khỏi chuẩn mực thông thường là Tân Đế chế thực sự tọa lạc trong vùng rừng nguyên sinh. Nghĩa là, những thành phố hoàn toàn mới được thành lập. Cựu Đế chế thì tọa lạc trong phần phía nam của bán đảo Yucatan, thuộc Honduras, Guatemala, và các bang Chiapas và Tabasco của Mexico ngày nay.
Thế thì có phải chúng ta phải hiểu là Tân Đế chế bị thuộc địa hóa bởi các người tiên phong từ Cựu Đế chế hay không?
Họ trả lời: Không, không hẳn. Toàn bộ dân tộc Maya đều góp tay trong công cuộc xây dựng Tân Đế chế.
Có phải ông muốn nói là vào một ngày toàn thể dân tộc Maya đã bỏ rơi đế chế được thiết kế xinh đẹp này, gồm tất cả những thành phố đã được thiết lập vững chải và xây dựng một đế chế mới ở phía bắc, giữa cánh rừng nguyên sinh?
Và các nhà khảo cổ lần này mỉm cười khi họ đáp: Chính xác chúng tôi có ý đó. Chúng tôi biết rằng điều này nghe có vẻ đáng ngờ, nhưng đúng là như thế. Ví dụ . . .
Giờ họ trình ra cho chúng ta một chuỗi những niên đại. Và chúng ta phải nhớ, về phương diện này, người Maya đã phát triển một bộ lịch tốt nhất thế giới và trở thành nô lệ cho hệ tính ngày tháng của mình. Tóm lại, người Maya không dựng cao các kiến trúc của họ chỉ vì tiện dụng hoặc nghệ thuật, mà một phần cũng vì chính lịch họ bắt buộc họ phải làm thế. Mỗi năm, mười, hoặc hai mươi năm họ lại xây cất một công trình mới, được họ cung cấp năm sinh một cách thích đáng. Thường thì họ xây dựng một tòa tháp khác quanh một tháp đã có nếu một cái mới xen vào cần phải được tưởng niệm. Họ thực hiện điều này hàng trăm năm với một sự qui cũ không chê vào đâu được, như các niên đại đục đẽo trên đá cho thấy. Chỉ trong những dịp thảm họa hoặc di dân hoạt động ấn định theo lịch trình này mới bị đứt đoạn.
Theo đó, khi chúng ta nhìn thấy hoạt động xây cất trong một thành phố bị gián đoạn tại một niên đại nào đó, và được tiếp tục lại xấp xỉ cùng niên đại trong một thành phố khác, ta chỉ có thể suy ra rằng dân số của thành phố đầu tiên thình lình rời bỏ nơi ở và định cư nơi khác.
Một sự kiện cục bộ thuộc loại này, mặc dù nó có thể nảy sinh một loạt những câu hỏi, ở bất kỳ mức độ nào cũng có thể được lý giải. Khoảng 610 sau C. N., tuy nhiên, một điều gì đó xảy ra trong vương quốc Maya hình như thách thức một lý giải hợp lý. Bởi vì vào thời điểm này toàn dân chúng, những cư dân thành phố, khăn gói lên đường và bỏ hoang thành phố đầy tiện nghi, những đường phố và quảng tường thân thiết, đền thờ và cung điện, rồi di dân đến một xứ sở hoang dã xa hơn về phương bắc. Không một người ly hương nào từng quay trở lại. Những thành phố hoang phế này suy sụp, rừng bò vào đường phố, cây cối mọc qua các bậc thang và ngưỡng cửa, hạt mầm của rừng nảy mầm trong nhúm đất ở các kẻ nứt của vách đá, và khi các dây leo lớn lên, chúng chẻ toạc các khối đá. Không còn ai dẫm lên vỉa hè của các vuông sân hay leo lên các bậc thang dẫn đến tòa tháp.
Giả sử lấy một quốc gia hiện đại như nước Pháp, với một ngàn năm lịch sử đằng sau nó, thình lình di chuyển toàn bộ đến Morocco: ta phải tưởng tượng dân chúng lũ lượt từng đoàn ra khỏi Paris, Marseilles, Toulouse, Bordeaux, Lyons, Nantes, đi theo những con đường dài bụi bặm, cuối cùng đến được vùng đất ven biển xa xôi – chỉ để bắt đầu xây cất những bản sao các thành phố bị bỏ hoang của họ, với nhà thờ và lâu đài, tại nơi ở mới. Ta sẽ thấy hành động như thế vô cùng khó hiểu. Khi sự thật lịch sử về sự kiện này của người Maya đã được thiết lập, nhiều lý giải xuất hiện vồn vập. Lý giải tự nhiên nhất là bọn xâm lược đã đuổi họ đi. Nhưng ai có thể là những kẻ xâm lược này? Người Maya lúc đó đang ở đỉnh cao của sự phát triển xã hội và có quân lực vượt trội hơn bất kỳ kẻ lân bang nào. Lý giải này cũng không hợp lý vì không tồn tại dấu vết nào của sự xâm nhập ngoại bang trong các thành phố bị bỏ hoang.
Có phải sự di dân gây ra do thảm họa tự nhiên? Nhưng ở đây một lần nữa chúng ta phải hỏi đâu là dấu vết nó phải chắc chắn để lại, và hơn nữa, loại thảm họa nào có thể khiến toàn bộ dân tộc ra đi xây dựng một vương quốc mới thay vì trở về nhà tái thiết sau khi thảm họa đã qua.
Có thể là do một bệnh dịch trầm trọng nào chăng? Không có chỉ dấu cho thấy dân số Maya bị tổn thất nặng nề trước khi cuộc ra đi bắt đầu; ngược lại, dân số đã xây dựng nên những thành phố mới như Chichen-Itza rất đông đúc.
Có phải do khí hậu thình lình thay đổi khiến sự sinh tồn bất khả? Không, khoảng cách đường chim bay từ trung tâm Cựu Đế chế và trung tâm của Tân Đế chế chỉ là 240 dặm. Bất kỳ sự thay đổi khí hậu nào – và không hề có vết tích nào về một biến cố như thế – đủ khốc liệt để làm sụp đổ hoàn toàn toàn bộ xã hội thì chắc chắn cũng gây ảnh hưởng ở những nơi cách xa đó 240 dặm.
Còn có lý giải nào khác?
Điều xảy ra là câu trả lời đúng đắn đã được tìm ra chỉ trong những năm gần đây. Nó có vẻ thuyết phục hơn các lý giải khác, vì ngày càng nhiều nhà khảo cổ bênh vực nó. Thuyết này được Sylvanus Griswold Morley, một người Mỹ, đưa ra và bảo vệ một cách ấn tượng. Để nắm được cội rễ của lý giải này chúng ta phải nhìn vào lịch sử và cấu trúc xã hội của dân tộc Maya.
Chúng ta giả định, vì thuận lợi cho việc tóm tắt, mà cũng vì thực tế các niên đại đề nghị một sự phân chia thuộc dạng này, rằng cái gọi là Cựu Đế chế của Maya gồm ba giai đoạn.
CỰU ĐẾ CHẾ
Cựu Đế chế, dựa theo sự tương ứng được S. G. Morley giả định giữa các niên đại xây dựng của Maya và niên đại Công nguyên, kéo dài từ một thời điểm không định được niên đại đến 610 sau C. N.
THỜI KỲ ĐẦU từ thời điểm không biết đến 374 sau C. N. thành phố cổ xưa nhất là Uaxactun (không có thành phố nào xưa hơn được tìm thấy), nằm trên biên giới phía bắc của vùng Guatemala ngày nay. Tikal và Naranjo xuất hiện không xa Uaxactun. Trong khi đó, ở Honduras ngày nay, Copan được thành lập, sau đó là Piedras Negras trên bờ sông Usumacinta.
THỜI KỲ GIỮA kéo dài từ 374 sau C. N. đến 472 sau C. N. Trong thế kỷ này Palenque được thành lập. Thành phố này nằm trên biên giới giữa Chiapas và Tabasco, và cũng trên biên giới thời gian giữa các thời kỳ đầu và giữa. Thường nó được nhận diện trong Thời Kỳ Đầu. Sau đó Menche được xây dựng ở Chiapas, và cuối cùng Quirigua ở Guatemala.
THỜI KỲ VĨ ĐẠI kéo dài từ 472 sau C. N. đến 610 sau C. N. Trong những năm này các thành phố Seibal, Ixkun, Flores, và Benque Viejo được xây dựng. Vào cuối Thời Kỳ Vĩ Đại cuộc di dân bắt đầu.
Nếu chúng ta khảo sát vùng địa lý nơi các thành phố của Cựu Đế chế tọa lạc, chúng ta thấy rằng nó tạo thành một tam giác, mà ba đỉnh là Uaxactun, Palenque, và Copan. Chúng ta cũng thấy các thành phố Tikal, Naranjo, và Piedras Negras nằm dọc theo các cạnh của tam giác hoặc bên trong tam giác. Và bây giờ ta thấy là các thành phố được thành lập sau rốt, và có tuổi thọ ngắn nhất (trừ một ngoại lệ duy nhất là Benque Viejo) tất cả đều nằm hẳn bên trong tam giác, đó là thành phố Seibal, Ixkun, và Flores.
Những vị trí đưa ra ánh sáng một trong những hiện tượng lịch sử bất ngờ nhất ghi chép được. Người Maya có thể là dân tộc duy nhất trên thế giới mà vương quốc của họ, hoặc không gian sống của họ, phát triển theo cách hướng tâm hơn là ly tâm.
Phức hợp Maya là một đế quốc phình to về phía trung tâm, một tiến trình phát triển bắt đầu từ các chi và kết thúc ở trái tim. Đế chế không bị áp chế bởi các lực lượng ngoại bang, vì không có lực lượng chính trị nào vượt trội Maya. Tiến trình này đảo ngược mọi trải nghiệm lô-gic và lịch sử, và điều này xảy ra mà không có tác động của các lực lượng bên ngoài.
Người Maya là một dân tộc thành thị trong nghĩa hẹp mà mọi dân tộc Âu châu đã là những cư dân thành phố trong 500 năm qua. Về cơ bản, mọi chủ quyền, mọi văn hóa, mọi hoạt động tinh thần, và mọi nền giáo dưỡng tốt đều xuất thần từ các thị trấn. Vậy mà các thành phố, Maya hay Âu châu, sẽ không thể tồn tại được nếu không có các nhà nông cung cấp cho họ cây trái của đất đai, và nhất là việc cung cấp nhu yếu phẩm, trong trường hợp của người Maya là ngô. Ngô cung ứng nguồn dinh dưỡng cho các giai cấp thống trị trong các thành phố Maya. Toàn bộ nền văn hóa được nuôi sống bằng loại ngũ cốc tuyệt vời này. Việc trồng ngộ thậm chí tạo ra những khoảng trống phát quang nơi nền văn hóa Maya được triển khai, vì các thành phố được xây dựng trên vùng đất đã bị đốt rụi để làm ruộng ngô.
Nhưng cấu trúc xã hội Maya đầy dẫy những tương phản sâu sắc hơn bất cứ thứ gì mà chúng ta biết, mặc dù sự phụ thuộc của thành thị vào nông nghiệp khiến ta có khuynh hướng nghĩ sự chênh lệch giai cấp hình như được san bằng. Có thể hiểu rõ kiểu thành thị Maya bằng cách đối chiếu một thành phố Maya với một thành phố Âu châu ngày nay. Thành phố hiện đại là một cấu trúc trong đó sự tương phản xã hội, đến một mức độ đáng kể, không nhận thấy được từ bên ngoài. Và mặc dù có những tương phản ngoại vi sâu sắc, chúng được làm dịu đi bằng cả tá giai tầng trung gian và bằng vô số mối quan hệ lẫn nhau và những chuyển tiếp kết nối những tình huống tương phản sâu sắc. Những thứ bậc xã hội trong một thành phố Maya, trái lại, nổi bật rõ ràng. Các lâu đài của giới quyền quí và đền thờ các thầy tu được xây dựng hầu hết trên nền đất cao, và có tường thành bao bọc vững chắc như một pháo đài. Thật ra, chúng chắc hẳn đã được sử dụng cho những mục đích quân sự. Chung quanh thành phố đá chen chúc những túp lều gỗ lợp tranh của dân thường. Không có các cơ ngơi của thứ bậc xã hội trung gian. Người Maya được chia thành giai cấp thống trị ngày càng teo tóp và một khối lượng ngày càng đông đảo của dân bị trị.
Sự cách biệt giữa hai giai cấp gần như lớn không thể tưởng được. Một giai cấp trưởng giả trung lưu hoàn toàn vắng mặt trong cơ cấu Maya. Giới quí tộc có đặc quyền tuyệt đối. Họ tự gọi mình là almehenob – nghĩa là, “những người có cha có mẹ,” tức những người có quyền khoác loác về gia thế mình. Giai cấp quí tộc này bao gồm halac uinicil, tức những nhà cai trị Maya hoặc các ông hoàng kế thừa. Chữ halac uinicil nghĩa là “người đàn ông đích thực.” Giai cấp tăng lữ cũng là một bộ phận của giai cấp thống trị và các thành viên của nó được tuyển mộ từ giới quí tộc. Dân thường làm khổ sai cho một thiểu cố “có cha có mẹ.” Nhà nông nộp một phần ba lương thực mình thu hoạch được cho giới quí tộc, một phần ba cho giới tăng lữ, và chỉ giữ lại được một phần ba cho mình. (Cần nhớ là trong mối liên hệ này là thuế thập phân thời trung cổ trong đó tá điền phải nộp một phần mười sản lượng cho các lãnh chúa được coi là bóc lột và cuối cùng dẫn đến cuộc cách mạng xã hội.) Giữa mùa gieo hạt và thu hoạch nông dân xuất hiện với bọn nô lệ để tham gia việc xây dựng. Các khối đá được kéo đến công trường mà không có xe bò hoặc vật kéo. Các điêu khắc và hình chạm nổi phi thường được đục đẽo chỉ bằng những công cụ bằng đá; sắt, đồng chưa được biết đến. Vậy mà thành quả mà các nghệ nhân Maya đạt được không hề thua kém, nếu không nói là hơn hẳn, các thành quả mà các thợ xây dựng kim tự tháp Ai Cập đạt được.
Tổ chức xã hội mang tính áp bức như thế, không hề thay đổi trong suốt ngàn năm – mang trong nó những mầm mống của suy thoái. Không có chất men nào thấm vào giai cấp cai trị từ bên dưới; không có sự trao đổi kinh nghiệm. Những đầu óc sắc sảo của các bác học Maya mãi lo bận bịu với việc nghiên cứu các vì sao. Các thầy tu thì quên cúi xuống nhìn đất ruộng từ đó, cuối cùng họ sẽ hút lấy sức mạnh của mình. Các nhà lãnh đạo Maya sao lãng việc phát minh ra những phương thức giải quyết thảm trạng xã hội đang treo lơ lững. Mặc dù có những thành tựu nghệ thuật và kỹ thuật ấn tượng, người Maya không biết chế tác công cụ quan trọng nhất, mà cũng đơn giản nhất : chiếc cày. Khiếm khuyết này chỉ có thể giải thích bằng sự ngạo mạn trí thức đến khó tin của những nhà quí tộc và giới tăng lữ.
Trong suốt toàn bộ lịch sử của họ, nông nghiệp ở Maya vẫn giữ nguyên mức độ sơ khai không đâu có. Hệ thống canh tác, vẫn còn thực hành đa phần theo cùng hình thức tận đến hôm nay, được gọi là trồng trọt du canh. Cây rừng và bụi cỏ được đốn chặt, phơi khô, rồi đốt ngay trước khi mùa mưa tới. Ngô được trồng bằng cách sử dụng một que để chọc lỗ vào mặt đất, rồi bỏ vài hạt mầm vào mỗi lỗ. Sau khi cánh đồng đã kiệt quệ, nông dân lại di chuyển đến chỗ khác và phát quang. Không có phân hóa học để sử dụng mà chỉ có phân tự nhiên tìm được gần những nơi định cư, và đất kiệt quệ phải bị bỏ hoang một thời gian dài để dưỡng sức lại mọc xum xuê cỏ hoang, sau đó nó lại được đốt để phát hoang làm phân trước khi có thể trồng trọt lại được.
Và bây giờ chúng ta đến gần nguyên do thực sự tại sao người Maya phải bắt buộc bỏ hoang thành phố sau quãng thời gian dừng lại ngắn ngủi như thế.
Vốn đất trồng trọt được tất nhiên sẽ trở nên cạn kiệt. Thời kỳ bỏ hoang cần thiết để đất ruộng dương sức cứ tăng lên mãi. Kết quả là các nông dân càng ngày càng phải đi xa hơn vào rừng tìm kiếm đất rừng thích hợp để phát hoang trồng trọt, và càng lúc càng xa các thành phố để hoàn thành nhiệm vụ nuôi dưỡng các cư dân của chúng. Một vành đai rộng những đồng cỏ kiệt quệ và cháy đen xuất hiện giữa vùng đất trồng trọt được với các thành phố. Nền văn hóa vĩ đại của Cựu Đế chế Maya sụp đổ khi nền tảng nông nghiệp từ từ biểu lộ sự xuống cấp. Mặc dù một nền văn hóa có thể tồn tại nếu không có kỹ thuật, nhưng không có nền văn hóa nào sống được nếu thiếu cái cày. Nạn đói cuối cùng đã bắt buộc người Maya phải di dân, sau đó các thành phố hoàn toàn bị bao vây và cuối cùng nối liền với những vùng đồng cỏ khô héo.
Và thế là dân chúng ra đi, bỏ lại các thành phố và vùng đất hoang hóa sau lưng. Trong lúc Tân Đế chế dần dần nên hình nên dáng ở phương bắc, rừng rậm chầm chậm bò vào các đền thờ và lâu đài hoang phế. Đất ruộng bỏ hoang lại trở thành rừng, và cây xanh bắt đầu mọc trùm qua các tòa nhà, che kín chúng khỏi tầm nhìn trong một ngàn năm. Đó là cách lý giải bí ẩn của những thành phố bị bỏ hoang.
- EDWARD HERBERT THOMPSON: CHICHEN-ITZA VÀ GIẾNG THIÊNG
Trăng tròn tỏa sáng trên cánh rừng. Chỉ dẫn theo một người dẫn đường Indian, nhà thám hiểm và khảo cổ người Mỹ Edward Herbert Thompson – 1300 năm sau khi khi người Maya đã rời bỏ các thành phố của mình và lập xứ sở mới tận phương bắc – cỡi ngựa qua Tân Đế chế mà họ đã xây dựng cho mình, và rồi sụp đổ sau sự xâm lược của bọn Tây Ban Nha. Ông đang đi tìm Chichen-Itza, thành phố lớn nhất, đẹp nhất, hùng mạnh nhất, và hoành tráng nhất trong mọi thành phố Maya. Ngựa và người đều mệt nhoài trên hành trình. Thompson cúi gục đầu vì kiệt sức, và mỗi lần ngựa ông sẩy chân ông gần như rớt khỏi yên. Thình lình người dẫn đường hét lên với ông. Thompson giật nảy mình. Ông nhìn lên và trông thấy một vùng đất thần tiên.
Vượt khỏi chòm cây là một mô gò, cao và dốc, và trên đỉnh mô gò là một đền thờ, tắm mình trong ánh trăng lạnh lẽo. Trong cái tĩnh mịch của đêm nó vươn cao qua khỏi chòm cây như điện Parthenon [kiến trúc nổi tiếng của người Hi Lạp: ND] của kinh thành Maya. Càng đến gần nó hình như cao lớn thêm ra. Người dẫn đường Indian bước xuống ngựa, tháo yên cương, và trải tấm chăn ngủ qua đêm. Thompson không thể rời mắt khỏi kiến trúc vĩ đại trước mặt. Khi người dẫn đường chuẩn bị chỗ ngủ cho ông, ông nhảy xuống ngựa và đi bộ. Các bậc thang dốc chằng chịt cỏ dại và bụi cây, và từng phần bị sụp đổ, dẫn từ mặt đất đến đền thờ. Thompson đã quá quen thuộc với loại kiến trúc này, một dạng tòa tháp. Ông cũng thân thiết với chức năng của kim tự tháp như đã được biết đến ở Ai Cập. Nhưng phiên bản này của người Maya không phải là một lăng mộ, như Kim Tự Tháp Gizeh. Ở bên ngoài nó nhắc nhớ đến các ziggurat [tòa tháp hình chóp cụt], nhưng có mức độ lớn hơn ziggurat Babylone, hình như gồm toàn chất đá nâng đỡ những bậc thang đồ sộ càng lúc càng dâng cao hơn, về phía các đền thần mặt trời và mặt trăng.
Thompson leo lên các bậc thang. Ông nhìn các hình trang trí, những hình chạm nổi. Đứng trên chóp đỉnh, gần 30 mét vươn khỏi rừng rậm, ông quan sát khung cảnh. Ông đếm một – hai – ba – nửa tá những tòa nhà nằm rải rác, nửa ẩn mình trong bóng tối, nửa được chiếu sáng lờ mờ bởi ánh trăng phản chiếu mặt đá.
Vậy Chichen-Itza là đây. Từ một địa vị ban đầu là trạm tiền tiêu khi chuyến ra đi vĩ đại bắt đầu về phương bắc, nó đã trở thành một thủ phủ sáng chói, trái tim của Tân Đế chế. Lần này đến lần khác trong một ít ngày sau đó Thompson leo lên các phế tích cổ xưa. “Tôi đứng trên mái của ngôi đền này một buổi sáng,” ông viết, “khi những tia nắng đầu tiên của mặt trời nhuộm đỏ chân trời xa xa. Sự tĩnh lặng của buổi bình minh thật sâu xa. Tiếng động của đêm đã ngừng bặt, và tiếng động của ngày mới vẫn chưa bắt đầu. Bầu trời trên cao và mặt đất bên dưới hình như đang nín thở ngóng đợi một điều gì đó. Rồi mặt trời lừng lững đi lên, ngày bừng sáng rực rỡ, và ngay lập tức cả vũ trụ cất tiếng hát ngân nga. Chim chóc trong vòm cây và sâu bọ trên mặt đất cùng hát bài Tụng Ca trang trọng. Chính thiên nhiên đã dạy cho con người nguyên thủy tôn thờ mặt trời và y vẫn còn mãi mãi nghe theo lời răn dạy cổ xưa.”
Thompson đứng chết lặng tại chỗ, và mê mẫn. Rừng già tan chảy trước cái nhìn trân trân của ông. Không gian bao la mở rộng, những đám rước lễ diễu hành đến tòa tháp, nhạc trỗ lên, các cung điện tràn ngập tiệc tùng, đền thờ ngân nga kinh cầu. Ông cố nhận ra chi tiết trong cánh rừng bạt ngàn. Bổng thình lình ông không còn sửng sốt nữa. Bức màn tưởng tượng đột nhiên đổ sầm, hình ảnh quá khứ biến mất. Nhà khảo cổ đã nhận ra nhiệm vụ của mình. Bởi vì ngoài đó trong màu xanh của rừng rậm ông có thể phân biệt một lối đi hẹp, lờ mờ hiện ra trong ánh sáng yếu ớt, một lối đi có thể dẫn đến bí ẩn phấn khích nhất của Chichen-Itza: Giếng Thiêng.
Thompson thử thời vận vào tính chính xác của các báo cáo Diego Landa. Trong một tập sách do vị giám mục này viết ông khám phá ra câu chuyện về Giếng Thiêng, “Cenote (phễu tiêu nước)” của Chichen-Itza. Dựa vào ghi chép của ông về các truyện cổ Maya, de Landa mô tả cách thức, trong những dịp hạn hán hoặc thảm họa, các đám rước gồm các thầy tu và dân chúng đi đến Giếng Thiêng để xoa dịu cơn thịnh nộ của thần linh đang cư ngụ dưới lòng giếng. Những tín hữu dâng lễ vật để làm thần linh nguôi giận, trong đó có các trinh nữ xinh đẹp và các tù binh trai trẻ. Sau những nghi thức trang trọng các trinh nữ, de Landa nói, bị ném xuống giếng, giếng sâu đến nổi không có nạn nhân nào trồi lại lên mặt nước.
Con đường của các trinh nữ Maya là một lối đi chỉ đưa đến cái chết trong cái phễu tiêu nước Cenote khủng khiếp. Họ tiến đến bờ giếng trong trang phục lộng lẫy; rồi tiếng kêu tắt ngấm của họ vang dội trên thành giếng khi họ chạm vào mặt nước tởm lợm.
Nhưng còn có gì khác ngoài câu chuyện của Diego de Landa? Đó là một tập tục, ông nói, ném những lễ vật quí báu sau khi các nạn nhân đã hi sinh – vật dụng nhà bếp, trang sức, vàng. Thompson đã biết rằng “nếu vùng đất này đã từng có vàng, phần lớn nhất của nó phải có mặt trong lòng Giếng.” Thường thường mô tả này đã bị coi như là một truyện cổ là lạ với nhiều lời lẽ hoa mỹ nhưng hiếm khi có thật. Nhưng Thompston chấp nhận nó là một chân lý như phúc âm. Ông tin tưởng, và trở nên quả quyết phải chứng minh điều ông tin là có thật. Khi ông nhìn xuống lối đi dẫn đến Giếng Hiến Tế từ trên tòa tháp, ông chưa biết hết những nổi cực khổ mà mình phải gánh chịu trước khi đạt được mục đích.
Khi Thompson đi đến giếng lần thứ hai nhiều năm sau đó, ông đã là một người đi rừng thành thạo. Ông đã xục xạo hết chiều dài của Yucatan từ bắc đến nam, cặp mắt ông đã được mài sắc cho nhiệm vụ nhìn thấu những bí ẩn cổ xưa. Khắp nơi chung quanh ông là những cấu trúc hoành tráng, mời gọi được khám phá, đặt ra một thách đố tuyệt vời cho bất cứ nhà khảo cổ nào. Nhưng thay vào đó Thompson lại quay đến giếng, một hố tối đen đầy nước nhầy nhụa, đá, và những mảnh gỗ vụn của bao nhiêu thời đại. Thậm chí nếu câu chuyện của Diego de Landa có thật, liệu có triển vọng sẽ tìm ra trong cái lỗ tối như mực, hôi hám kho báu mà các thầy tế đã cho là ném xuống sau khi tế sống các nạn nhân?
Làm cách nào thăm dò đáy giếng? Thompson đưa ra câu trả lời mạo hiểm: bằng cách sử dụng dụng cụ lặn.
Trở về Mỹ để dự một hội thảo khoa học, Thompson bắt đầu quyên tiền cho dự án của mình. Cuối cùng ông đạt được những gì mình muốn, mặc dù ai lắng nghe ông trình bày kế hoạch đều nghĩ là ông điên. “Không ai,” ông báo cáo là họ đã nói, “có thể đi xuống đáy giếng khi chưa biết mực nước giếng sâu thế nào và có thể hi vọng sống sót khi trồi lên. Nếu ngài muốn tự tử, tại sao không tìm một cách khác dễ chịu hơn?” Nhưng Thompson đã cân nhắc lợi và hại, và thể hiện quyết tâm.
“Bước tiếp theo của tôi là đi đến Boston và học lặn,” ông viết. “Thầy dạy tôi là Thuyền trưởng Ephraim Nickerson. Dưới sự huấn luyện kiên nhẫn và chuyên nghiệp của ông, tôi dần dần trở thành một tay thợ lặn kha khá, nhưng không thể nào là một thợ hoàn hảo, như sau này tôi sẽ biết. Bước đi tiếp theo của tôi là thiết kế một cần cẩu, hệ thống puli và bàn nạo vét dùng dây thép lẫn dây thừng cao khoảng 10 mét. Tất cả vật liệu này được lên tàu và giao đến nơi sau khi đặt hàng.”
Cuối cùng ông trở lại giếng. Bề rộng giếng tại điểm xa nhất là khoảng 57 mét. Với dây dọi thăm dò ông xác định được chiều sâu của nước giếng nhờn nhợn xấp xỉ 24 mét. Ông đẽo những khối gỗ thành hình người, buộc dây thừng, và ném chúng vào lòng giếng ra xa như ông ước tính khi các trinh nữ bị các thầy tế ném hiến tế làm các cô dâu cho thần giếng gớm ghiếc dưới kia. Bằng cách đo dây thừng sau khi được kéo vào, ông có thể xác lập được khoảng cách lớn nhất mà các thiếu nữ có thể đã bị quăng xuống. Ý tưởng rất đơn giản: để định vị việc tìm kiếm ở đáy giếng. Sau khi xác định như thế, Thompson bắt đầu việc vét đáy giếng quanh vị trí đó.
“Tôi ngờ rằng,” ông viết, “là không ai có thể biết được cảm giác phấn khích của tôi như thế nào khi, với năm người đàn ông, bàn nạo vét bằng thép mở ra được vung từ bờ giếng đến vị trí đã xác định, và đi xuống lòng nước tối tăm, bất động, rồi chìm xuống êm ái trên đáy giếng và bắt đầu cuộc thăm dò. Một ít phút chờ đợi cho hàm răng nhọn của bàn nạo cắn chặt vào lớp bùn đáy giếng, và rồi nhân công bắt đầu quay tay máy để kéo lên khỏi mặt nước gánh nặng thu được.
“Nước, từ trước đến giờ bất động như một tấm gương xanh rêu, bắt đầu náo động và sủi bọt quanh sợi dây cáp và tiếp tục như vậy rất lâu sau khi gàu múc với cái hàm thép bấu chặt của nó, đã ra khỏi mặt nước, chầm chậm nhưng chắc chắn, lên đến tận mép giếng. Lắc lư quanh cần cẩu, máng vét cuối cùng trút trên bệ một đống bùn đen, gỗ lá vụn mục nát, cành cây gãy, và những mảnh vụn khác; rồi nó vung trở lại và lơ lững, sẵn sàng cho một cú vét tiếp theo . . . Có lần nó mang lên trọn một thân cây, bị kẹp chặt giữa các răng của máng vét, một thân cây nguyên vẹn như thể vừa mới bị giật đổ xuống giếng trong cơn bão hôm qua. Hôm đó là thứ bảy. Đến thứ hai thân cây đã biến mất và trên đống đá mà máng vét đã trút nó xuống chỉ còn lại những hàng thớ cây, bao quanh là một vết đen của tro than. Lần khác máng vét mang lên bộ xương của một con báo đốm và của một con hưu, chứng cứ câm lặng của một bi kịch rừng thẳm.”
Và cứ thế công việc tiếp tục, ngày này qua ngày khác. Máng vét làm tan vỡ mặt nước với một đống bùn sình nhớp nhúa, lẫn đá vụn và cành cây, với bộ xương một con thú, chắc trong một cơn hạn hán nào đó, ngửi thấy mùi nước của Giếng Thiêng, đã mò đến uống và chết đuối. Mặt trời làm da người rám nắng, mùi xú uế của chất thải bốc lên từ nước và những đống bùn chồng chất đã đổ xuống càng lúc càng cao lên quanh miệng giếng. (xem hình dưới).
“Tôi bắt đầu nôn nóng vào ban ngày còn ban đêm thì không ngủ được,” Thompson nói. “ ‘Có phải là,’ tôi tự hỏi, ‘tôi đã khiến bạn bè tiêu tốn tài sàn vào việc này và tự làm trò cười cho thiên hạ chỉ để chứng minh những truyền thống này chỉ là truyện bịa đặt cổ xưa, những truyện không có thể nào có thực hay chăng?’ “
Rồi một hôm Thompson vớt lên được những cục vàng vọt như nhựa, kỳ lạ, mà ông bới ra từ đống bùn. Ông ngửi chúng, thậm chí nếm chúng. Ông hồ hởi hơ nóng cục nhựa; một mùi thơm mê mẫn tràn ngập không khí. Thompson đã tìm được chất trầm Maya từ đáy giếng, chất nhựa thơm được đốt trong lể hiến tế.
Điều này có chứng minh là Thompson đi đúng đường hay không? Hai miếng nhựa thiêng nhỏ – chúng có thể chiết khấu cho hàng núi bùn sình nhầy nhụa? đối với phần đông chúng không chứng tỏ điều gì một cách chính xác, nhưng hiệu quả của chúng đối với Thompson như một tia lửa điện. Óc tưởng tượng của ông cất cánh. “Đêm đó lần đầu tiên sau nhiều tuần,” ông viết, “tôi mới đánh được một giấc ngủ dài ngon lành.”
Và Thompson chiến thắng. Món này đến món khác của kho báu được chờ đợi từ lâu bước ra ánh sáng. Những công cụ và đồ trang trí, bình lọ và mũi giáo, những con dao đá xanh lục và bát ngọc thạch được mang lên từ đáy giếng. Và mới nhất là một bộ xương người được tìm thấy. Diego de Landa đã kể sự thật.
Trước khi Thompson đến “phần kỳ quái nhất của công việc kỳ quái,” tình cờ ông khám phá ý nghĩa của một truyền thống Maya cổ. Diego de Landa, giám mục, người chỉ đường ông đến giếng, nhưng chính Don Diego Sarmiento de Figueroa, quan thị trưởng Madrid vào năm 1579, đã hướng sự chú ý của Thompson đến các nghi thức hiến tế liên hệ với Giếng Thiêng. Theo ghi chép của Figueroa, mà lúc đầu Thompson nghĩ là quá tối nghĩa đến độ không sao hiểu được:
“Vua chúa và các quan lớn của vùng đất này có tục lệ, sau 60 ngày tiết dục và tiết thực, vào lúc bình minh sẽ đến miệng Cenote và ném xuống đó những phụ nữ Indian thuộc về họ, và bảo họ khẩn cầu cho các ông chủ của mình một năm thuận lợi đúng như chủ mong cầu.
“Các bà, bị ném xuống mà không bị trói, rơi tòm xuống nước trong âm thanh uyên náo. Đến trưa ai còn có thể kêu gào sẽ được kéo lên bằng dây thừng. Sau khi các bà lên bờ, phân nửa đã chết, lửa được đốt lên quanh họ và và nhựa copan được đốt trước mặt họ. Khi họ lấy lại bình tỉnh, họ bảo rằng dưới đó có rất nhiều người thuộc chủng tộc mình, đàn ông lẫn đàn bà, đón chào họ đến. Khi họ cố ngẩng đầu nhìn chúng, những cú đấm nặng nề giáng xuống đầu họ, và khi đầu họ chìm sâu xuống nước họ hình như nhìn thấy nhiều hố sâu, vực sâu, và chúng đáp lại các thắc mắc của họ liên quan đến vận hạn trong năm dành cho các ông chủ của mình.”
Câu chuyện này, bề ngoài chỉ là những giai thoại, nhưng gây cho Thompson, vốn luôn nhạy cảm về nhân tố lịch sử, nhiều giờ bối rối. Tuy nhiên, một hôm, ông đang ngồi trên một xà lan nhỏ được hạ thấp trong giếng để sử dụng cho công tác lặn. Xà lan được neo dưới phần nhô ra của vách đá trên bờ giếng khoảng 18 mét, dưới vị trí cần cẩu được dựng lên. Nhìn qua mũi xà lan xuống nước, Thompson phát hiện một điều khiến ông giật mình. “Đó là chìa khóa,” ông nói, “của câu chuyện về các bà đưa tin trong truyền thuyết cổ.”
“Nước của Giếng Hiến Tế,” ông tiếp tục giải thích, “có màu sậm và đục, sắc thái luôn thay đổi từ nâu đến xanh ngọc và thậm chí có màu đỏ như máu, như tôi sẽ mô tả sau, nhưng nó luôn luôn đục đến nổi nó phản chiếu ánh sáng như một tấm gương soi hơn là làm chệch hướng ánh sáng như thủy tinh.
“Nhìn qua mép xà lan và xuống mặt nước, tôi có thể nhìn thấy, như thể nhìn xuống xuyên qua chiều sâu lòng nước, ‘nhiều hố sâu, vực sâu.’ Chúng thực tế là những hình phản chiếu của chỗ lồi lõm sâu hoắm trên bờ vách đá ở ngay phía trên tôi.
“Khi họ lấy lại bình tỉnh, các bà đã bảo rằng: ‘ Dưới đó có rất nhiều người thuộc chủng tộc mình, và chúng trả lời các thắc mắc của họ.’ Khi tôi tiếp tục nhìn trân trân vào chỗ tối tăm sâu hoắm nầy, tôi cũng nhìn thấy nhiều người của chủng tộc họ, và họ cũng đáp lại. Họ chính là những cái đầu và những phần cơ thể của các nhân công của tôi, đang nhoài người qua bờ giếng để quan sát cần cẩu. Trong khi họ trao đổi, âm thanh trầm nặng của tiếng nói họ, hướng về phía mặt nước, chạm mặt nước và hướng chệch lên trên đến tai tôi thành những lời nghe êm ái trong tiếng thổ ngữ, nhưng vẫn nghe rõ được. Toàn bộ điều xảy ra là phần lý giải của truyền thuyết xưa đã phát triển rõ ràng như chi tiết của một âm bản nhiếp ảnh.
“Các thổ dân trong vùng đã từ lâu xác quyết rằng đôi khi nước trong Giếng Thiêng biến thành máu. Chúng tôi nhận thấy rằng màu xanh lá mà nước thỉnh thoảng phơi bày được gây ra do sự tăng trưởng của loại vi tảo; màu nâu thường thấy gây bởi lá mục; và một số hoa và vỏ hạt, có màu đỏ máu, đôi khi khiến cho mặt nước có dáng dấp của máu vón cục.
“Tôi đề cập đến những phát hiện này để chứng tỏ rằng tại sao tôi đã hóa ra tin rằng những truyền thống thực sự đều có cơ sở sự thật và có thể luôn luôn được giải thích bằng một quán sát đủ tỉ mỉ những điều kiện.”
Phần khó khăn nhất của dự án vẫn chưa đến, nhưng Thompson giờ đây đạt được một thành tựu khiến những thành tựu trước đây của ông đều bị xếp xó. Khi máng vét đi xuống lần nữa và lần nữa, không hề mang lên cái gì nhiều ngoài một ít đá cuội, Thompson thấy là đã đến lúc phải tìm bằng tay những vật thể mà hàm răng máng vét đã để vuột ra.
“Nicolas, một thợ lặn Hi Lạp mà tôi đã hợp đồng,” Thompson viết, “đến từ Bahamas nơi y đang mò bọt biển. Y mang theo một phụ tá, cũng người Hi Lạp, và chúng tôi chuẩn bị ngay lập tức cho cuộc thám sát dưới nước.
“Trước tiên chúng tôi mang máy bơm vào thuyền, và hai người Hi Lạp dạy một nhóm thổ dân được chọn cách thức sử dụng máy bơm cho không khí thổi liên tục vào ống nối, duy trì mạng sống của chúng tôi, và cách thức đọc và trả lời những dấu hiệu từ bên dưới gởi lên. Khi họ nhận thấy nhóm người đã am hiểu tường tận, chúng tôi sẵn sàng lặn xuống.
“Chúng tôi mặc quần áo lặn không thấm nước với chiếc mũ đồng nặng hơn 13 kí, kính che mắt dày cộm, van không khí gắn ở mang tai, chuỗi hạt bằng chì nặng khoảng phân nửa chiếc mũ đồng và giày bản rộng có đế sắt dày. Với ống nói, vòi khí, và dây an toàn được điều chỉnh cẩn thận, tôi khệnh khạng, với sự trợ giúp của một phụ tá, tiến đến chiếc thang nối một đầu thuyền dẫn xuống nước.
“Khi tôi bước lên bậc thang thứ nhất, cả đội lần lượt bắt tay tôi và trở lại máy bơm, chờ đợi dấu hiệu. Không khó khăn để nhận ra ý nghĩ của họ. Họ đang chào tạm biệt tôi lần cuối cùng, không trông mong gì gặp tôi lần nữa. Rồi buông tay khỏi thang, tôi chìm như một bao chì, để lại sau tôi một chuỗi bong bóng màu bạc.
“Trong ba mét đầu tiên lặn xuống, các tia sáng thay đổi từ vàng đến xanh lá và rồi thành màu tím đen. Sau đó tôi thấy mình trong vùng tối như mực. Những cơn đau nhói bắn qua tai tôi, vì khí áp tăng lên. Khi tôi nuốt và mở van hơi trong mũ sắt một tiếng rít phù thoát ra từ mỗi tai và rồi cơn đau ngừng hẳn. Tiến trình này lặp lại vài lần trước khi tôi đứng được trên đáy giếng. Tôi ghi nhận một cảm giác khác trên đường đi xuống. Tôi cảm thấy như thể tôi đang mau chóng mất cân cho đến khi, lúc đứng trên đầu dẹt của một cột đá lớn đã rơi xuống từ đền thờ đã sụp đổ trên kia, tôi gần như không còn trọng lượng nào cả. Tôi tưởng mình là một bong bóng hơn là một con người có trọng tải nặng.
“Tôi cũng cảm thấy một sự phấn khích kỳ lạ khi nhận ra mình là sinh vật đầu tiên đã từng đến được chốn này mà vẫn còn sống và hi vọng ra khỏi đây nhưng chưa chết. Rồi người thợ lặn Hi Lạp tiến đến sau tôi và chúng tôi bắt tay nhau.
“Tôi mang theo mình một đèn pin và điện thoại chống nước, nhưng cả hai tôi đã vứt bỏ sau lần xuống đầu tiên. Đèn pin chống nước rất hữu ích trong vùng nước trong cũng như nước đục. Nhưng môi trường chúng tôi đang làm việc không phải nước cũng không phải bùn, mà là phối hợp của cả hai, bị khuấy ngầu lên bởi việc cào bới của máng vét. Đó là một hổn hợp như cháo và không có tia sáng nào yếu ớt từ đèn có thể xuyên thấu. Vì thế chúng tôi phải làm việc trong bóng tối hoàn toàn; vậy mà, sau một thời gian ngắn, chúng tôi không hề thấy mảy mai nào bất tiện; nhưng các vòng xoắn ở đầu ngón tay chúng tôi hình như không chỉ phân biệt được các vật thể bằng việc sờ mó, mà còn thực sự giúp đỡ trong việc phân biệt màu sắc.
“Điện thoại chống thấm không ích lợi gì mấy và sớm được để qua một bên. Liên lạc bằng ống nói và dây an toàn dễ dàng hơn và thậm chí nhanh hơn điện thoại. Có một điều kỳ lạ khác mà tôi chưa hề nghe các thợ lặn đề cập đến. Nicolas và tôi nhận thấy rằng ở chiều sâu chúng tôi đang làm việc, từ 18 mét đến 24 mét, chúng tôi có thể ngồi xuống và cọ mũi với nhau – mũi của các nón đồng – và khi đó có thể nói với nhau nghe rõ. Tiếng nói của chúng tôi nghe phẳng dẹt và thiếu sức sống như thể đến từ một nơi xa xôi nào đó, nhưng tôi có thể đưa ra những chỉ dẫn và có thể nghe tiếng y đáp lại rất rõ ràng.
“Sự mất trọng lượng dưới nước lạ lẫm gây cho tôi những rủi ro buồn cười trước khi có thể làm quen với nó. Để đi từ nơi này đến nơi khác dưới đáy giếng, tôi chỉ phải đứng lên và đẩy chân trên nền đáy bằng đá. Ngay lập tức tôi bật tới như một hỏa tiển, bắn qua vùng cháo bùn và thường đáp xuống gần một mét qua khỏi chỗ mình muốn đến.
“Giếng, nói nôm na, có hình ô van, đường kính dài nhất khoảng 57 mét. Khoảng cách từ mặt đất đến mặt nước thay đổi từ 20 mét đến 24 mét. Chiều sâu tổng cộng của lớp bùn và nước ước tính khoảng 20 mét, lớp bùn lắng trên đáy giếng khoảng 9 mét, đủ chắc để nâng đỡ những cành cây và thậm chí rễ cây cỡ lớn. Khoảng 5 mét của chất lắng này quá nén chặc đến nổi có thể giữ yên những tảng đá lớn, cột đá và đá xây tường đổ xuống. Trong lớp bùn cát này máng vét đã cạp sạch cho đến khi còn để lại điều chúng tôi gọi là ‘vùng màu mỡ” với một bức tường bùn thẳng đứng cứng như đá ở đáy giếng và cao hơn 5 mét. Trên bức tường những tảng đá có hình thù và kích cỡ khác nhau dán chặt vào, như nho khô bám vào lớp bánh ngọt.
“Hãy tưởng tượng chúng tôi, tìm kiếm trong bóng đen, với các bức tường bùn bao quanh, khám phá những kẻ nứt và khe rãnh của lớp đáy đá vôi tìm kiếm những vật thể mà chiếc máng vét đã không mang lên được. Kết quả là một kho lớn gồm những biểu tượng hình người chạm trên đá ngọc và khắc chìm trên các đĩa vàng và đồng, các khối nhựa copan lớn và các hạt nhỏ nhựa thơm, nhiều xương cốt, một số phi tiêu có đầu bằng đá nhọn, đá chai; và một số y phục cổ. Tất cả những món này đều có giá trị khảo cổ thực sự. Những vật thể bằng vàng ròng cũng được tìm thấy, có khi đúc, có khi khắc chìm hay chạm nổi, nhưng khá ít và tương đối không quan trọng. Hầu hết các món đồ gọi là bằng vàng thật ra chỉ là hợp kim bậc thấp, có nhiều đồng hơn vàng. Điều mang đến cho chúng trị giá chủ yếu là những hình người có tính biểu tượng chạm khắc trên chúng.
“Hầu hết những vật thể được vớt lên đều là những mảnh bể. Chắc hẳn đó là những món tế để tạ ơn được đập bể trước khi ném xuống giếng, như một hành động có tính nghi thức được các thầy tế thi hành. Đập vỡ luôn luôn phải giữ nguyên đầu và các đặc điểm của hình người biểu hiện trên đĩa vàng hay bảng ngọc thạch đều phải giữ nguyên vẹn. Chúng ta có lý do để tin rằng những mắt dây chuyền ngọc thạch, đĩa vàng, và những đồ trang trí khác bằng kim loại hay đá khi được đập vỡ được xem là đã bị giết chết. Ta biết rằng những chủng tộc văn minh cổ đại Mỹ châu tin tưởng, cũng như tổ tiên còn cổ xưa hơn ở miền Bắc Á và người Mông Cổ vẫn còn tin tưởng đến tận ngày nay, rằng ngọc thạch và những vật thiêng liêng khác đều có đời sống. Theo đó những vật trang trí này bị đập vỡ hoặc “bị giết chết” để các linh hồn của chúng có thể phục vụ như đồ trang điểm cho người đưa tin, nhờ đó linh hồn của họ sẽ được tô điểm khi xuất hiện trước Hunal Ku, Thần Tối Cao Độc Nhất trên Tầng Trời.”
Khi báo cáo của Thompson về những vật tìm thấy ở Giếng Thiêng đến được công luận, thế giới vễnh tai lên nghe. Tình huống của cuộc tìm kiếm quá bất thường, vật báu được mang lên an toàn khỏi lòng giếng tối tăm quá phong phú đến nổi toàn bộ công cuộc truy tìm lôi kéo sự chú ý. Vậy mà giá trị thực tế của vật chất chỉ là điều quan tâm thứ yếu.
“Giá trị bằng tiền bạc của các vật thể vớt được từ Giếng Thiêng với quá nhiều gian khổ và phí tổn đến nổi, thực tình mà nói, là điều vô nghĩa,” Thompson viết. “Nhưng giá trị của một vật đều có tính tương đối. Sử gia nghiên cứu sâu vào quá khứ như người kỹ sư đào sâu vào lòng đất, và với cùng lý do, là để bảo đảm tương lai. Có thể nhận thức được là một số những vật thể này đã khắc sâu trên bề mặt chúng, hiện thân bằng những biểu tượng, những ý tưởng và niềm tin đi ngược lại bao nhiêu thời đại trở về những nguồn cội nguyên thủy của những dân tộc này trong vùng đất bên kia biển cả. Để giúp chứng tỏ được điều đó xứng đáng với công sức của một đời người.”
Như thế, giá trị của kho báu Chichen-Itza trong thời đại chúng ta chỉ bị vượt quá bởi kho báu của Tutankhamen. Vàng của Pha-ra-ông đã được tìm thấy chôn vùi cùng với một xác ướp, đặt yên nghỉ trong một lăng mộ nguy nga. Nhưng vàng của Cenote lại được kéo lên từ giữa nắm xương tàn của những trinh nữ đã bị quăng ném vào cõi vĩnh hằng bởi các thầy tế hung bạo để làm vật hiến tế cho các vị thần hung tàn. Có cô gái nào đã lôi theo một thầy tế cùng với mình xuống lòng giếng không? Trong số nhiều xương sọ của phụ nữ Thompson tìm thấy xương sọ của một người đàn ông, một xương sọ có phần trán nhô ra của một người già. Một thầy tế chăng?
Khi Thompson chết, vào năm 1935, ông không có lý do gì để hối tiếc cuộc đời mình sống, mặc dù chính ông đã nói rằng mình đã phung phí tài sản vào việc nghiên cứu người Maya cổ. Trong 24 năm mà ông phục vụ dưới tư cách lãnh sự Mỹ ở Yucatan, và trong gần 50 năm đào bới khảo cổ, ông ít khi có mặt ở văn phòng. Ông lùng sục khắp rừng già và sống cùng với các thổ dân Indian, thật sự chia sẻ số phận của họ, ăn thực phẩm của họ, ngủ trong lều với họ, nói ngôn ngữ của họ. Một vết thương nhiễm trùng khiến một chân ông bị què, và lặn hụp xuống Giếng Thiêng khiến thính giác của ông bị giảm sút kinh niên. Công trình của ông biểu lộ một đam mê nồng cháy. Những báo cáo đầu tiên của ông lúc nào cũng cường điệu hết mức. Có lần, khi ông tìm thấy một vài ngôi mộ vô cùng bề thế trong một tòa tháp, và sau đó lăng mộ chính trong đá nằm bên dưới nền của tòa tháp, ông nghĩ mình đã khám phá được nơi yên nghỉ cuối cùng của Kukulcan, bậc đại sư đầu tiên theo truyền thuyết của dân tộc Maya. Tìm thấy những vật trang trí quí báu bằng ngọc chuyển sắc đã được khai thác ở mỏ cách xa Yucatan, ông lập tức tái lập lý thuyết nguồn gốc Atlantis của người Maya, mặc dù bấy giờ ông đã là một nhà khảo cổ có kinh nghiệm. Nhưng không phải nhiệt huyết là việc cần thiết hay sao? Làm thế nào còn có thể hoài nghi khập khiểng nếu có niềm hân hoan của một người tràn đầy hi vọng?
Trong khi đó những cuộc khai quật rầm rộ đã được tiến hành ở Yucatan, Chiapas, và Guatemala. Gần đây hơn máy bay đã chứng tỏ là công cụ hữu ích trong việc thám sát địa hình hiểm trở này. Đại tá Charles Lindebergh là người đầu tiên đã chụp những bức ảnh từ trên không xuống về một nền văn minh tóc đã hoa râm khi Cortes khám phá Tân Thế Giới. Vào năm 1930 P. C. Madeira, Jr, và J. A. Mason bay qua cánh rừng nguyên sinh của Trung Mỹ, và từ trên không đã chụp được và vẽ bản đồ các vùng định cư trong rừng của người Maya chưa từng ai biết đến.
Gần đây nhất, vào năm 1947, một đoàn thám hiểm được phái đến Bonampak ở Chiapas. Những khám phá được thực hiện đã bổ sung một cách có ý nghĩa những tặng vật đã rất phong phú của quá khứ. Đoàn được Liên Hiệp Công Ty Rau Quả tài trợ về tài chính và Viện Carnegie ở Washington yểm trợ về chuyên môn. Đoàn được Giles Greville Healey dẫn đầu. Trong một thời gian ngắn 11 đền thờ xinh đẹp của thời kỳ Cựu Đế chế được tìm thấy, có niên đại vào những năm ngay trước cuộc di cư lớn, và một vài thạch bia, trong đó có thạch bia lớn gấp hai những thạch bia tìm được trước đây. Thạch bia này cao khoảng 5.8 mét và bao phủ bởi các hình chạm khắc. Nhưng điều tuyệt vời nhất được Healey mang ra ánh sáng là các tranh tường. Từng có lần được tô màu đỏ, vàng, vàng đất, xanh lá, và xanh lam rực rỡ được các phương tiện kỹ thuật phát hiện, mô tả các chiến binh, vua chúa, và thầy tu trong các y phục nghi lễ trang trọng. Các tranh loại này chỉ được tìm thấy trước đây ở Chichen-Itza trong Đền Thờ các Chiến Binh.
Địa điểm khảo cổ Maya tập trung nhất là Chichen-Itza, thủ phủ của Maya. Khách du lịch ngày nay có dịp chiêm ngưỡng một cảnh tượng hoàn toàn khác với cảnh tượng mà cặp mắt Thompson đã từng ngắm trong đêm sáng trăng đó. Rừng giờ đã được phát quang quanh khu phế tich, cho phép chúng vươn cao tự do và gọn ghẽ trong khoảng không rông mở. Các du khách đến bằng xe buýt trên những con đường trước đây được phát quang bằng dao rựa. Họ ngắm nhìn Đền Thờ các Chiến Binh, với hàng cột chống ở phía tây bắc, ngay bên trong là đầu các bậc thang dốc dẫn đến nền bằng phẳng ở trên cùng của toà tháp. Họ trông thấy một đài quan sát lớn, một cấu trúc tròn với các khung cửa sổ được xếp đặt sao cho tập trung con mắt theo một đường nhắm thiên văn nào đó. Họ nhởn nhơ qua các sân bóng, sân rộng nhất nằm về phía bắc của thành phố dài 165 mét và rộng 68 mét. Tại đây các thanh thiếu niên Maya chơi một trò chơi phần nào giống bóng rỗ. Và cuối cùng họ đến “Castillo,” tháp lớn nhất trong các tháp. Các bậc thang đi qua 8 tầng của kiến trúc, và tầng trên cùng có Đền Thờ Kukulcan, Rắn Thần có Lông Vũ (xem hình dưới).
Ta sẽ choáng ngợp khi nhìn tận sát những gương mặt đá khủng khiếp, đầu rắn quái dị, các vị thần kỳ quái, các con báo đốm gầm thét. Và ta sẽ giật mình một lần nữa khi khám phá ra rằng mỗi biểu tượng, hình ảnh, và tranh chạm nổi đều có liên quan đến một con số thiên văn nào đó. Hai dấu chữ thập trên chân mày của đầu rắn; một móng vuốt báo đốm ở tai của thần Kukulcan; một hình dạng giống như cánh cổng; một chuỗi các vỏ ốc; một kiểu dạng bậc thang lặp đi lặp lại – tất cả các hình tượng đều biểu diễn con số và thời gian. Không nơi đâu trên thế giới có hai phạm trù cặp đôi này với những hình thể biểu hiện nghệ thuật gây kinh hãi.
Du khách thâm trầm sẽ nhìn quanh tìm kiếm một vài dấu hiệu của sự sống trong nghệ thuật trang trí, ít nhất là các mô típ hoa lá. Và, xem kìa, y khám phá ra rằng toàn bộ phận tráng lệ của các công trình tạo hình do người Maya sáng tạo lại ít ỏi đáng kinh ngạc các kiểu dạng hoa lá, mặc dù cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào cây ngô và quanh họ là vùng thực vật sum suê và tươi tốt nhất. Trong 800 chủng loài xương rồng trong miền, không có loài nào được sử dụng là hoạ tiết trang trí và chỉ một số ít trong vô số loài hoa được biểu thị trong đá. Gần đây một hình trang trí năm mảnh đã được nhận diện là loại hoa của cây Bombax aquaticum, một loại cây mọc nửa dưới nước và được coi là một của hiếm trong nghệ thuật Maya. Thậm chí các cột trong kiến trúc Maya cũng biểu thị thân hình đứng thẳng của các con rắn gớm ghiếc với lưỡi thè ra (xem hình dưới), trong khi ở các công trình kiến trúc nơi khác trên thế giới thân cây vươn cao thường là cảm hứng thông dụng.
Hai trong số những cột này được tìm thấy trước Đền Thờ các Chiến Binh. Đầu rắn có sừng nằm sát mặt đất, miệng há rộng, với thân hình vươn một quãng ngắn trên mặt đất, rồi dựng lên cao thẳng đứng để chống đỡ mái đền. Cột rắn có lông vũ và toàn bộ Đền Thờ các Chiến Binh – thật ra, hầu hết mọi công trình kiến trúc ở Chchen-Itza- thuyết phục các nhà khảo cổ là họ đang gặp ở đây một phong cách kiến trúc đặc biệt. Mô típ tổng quát của Chichen-Itza không hòa hợp hoàn toàn với phong cách Tân Đế chế, tuy có thể phân biệt với phong cách của Cựu Đế chế. Một vài đặc điểm khiến nó tách biệt với kiến trúc của Copan và Palenque, Piedras Negras và Uaxactun. Một cuộc khảo sát qui mô về các đồ tạo tác ở Chichen-Itza được thực hiện. Các nhà khảo cổ kiểm tra và đối chiếu, ở đây một đường, ở đó một hình người trang trí, đây một mặt nạ nghi lễ, đó một hình tượng xen vào giữa. Họ kết luận rằng các bàn tay xa lạ đã tham gia vào công trình ở Chichen-Itza. Có những dấu hiệu xác định chứng tỏ có sự hiện diện của ý tưởng và kỹ thuật ngoại bang.
Nhưng ảnh hưởng xâm nhập này đến từ đâu? Các nhà khảo cổ quay sự chú ý của mình đến trung tâm Mexico, mặc dù không đến nền kiến trúc của đế chế Aztec, một đế chế trẻ hơn Maya nhiều, mà đến những tòa nhà đã cổ khi người Aztec xâm lăng Mexico.
Bộ không có chứng cứ lịch sử nào, không hướng dẫn nào như Diego de Landa, có thể dẫn dắt đến sự hiểu biết về sự kiện đáng kinh ngạc là nền văn hóa Maya hùng mạnh đã từng có lần nhượng bộ trước ảnh hưởng ngoại bang sao? Bộ không có ai ít nhất có thể cho một gợi ý về các nguồn gốc của những “kiến trúc sư” vĩ đại này từ bên ngoài vương quốc Maya sao?
Có một người mà gợi ý của ông về nghịch lý này đã được biết đến từ lâu, nhưng chưa hề bao giờ gây được sự chú ý nghiêm túc. Ông là một ông hoàng Aztec, Ixtlilxochitl – một người hoàn toàn gây ngạc nhiên.
- AZTEC, MAYA, VÀ TOLTEC: HỌ TỪ ĐÂU ĐẾN
“Fernando de Alva Ixtlilxochitl, làm ăn phát đạt vào đầu thế kỷ 16,” Prescott viết, “là một thổ dân vùng Tezcuco, và hậu duệ trực tiếp từ các quốc chủ của vương quốc đó. . . Ông được chọn làm thông ngôn cho phó vương nhờ được giới thiệu là người am hiểu chữ tượng hình cổ, và có kiến thức về các ngôn ngữ Mexico và Tây Ban Nha… Ông thường say mê nghe kể về các truyền thống và những báo cáo có thể làm giật mình giới phê bình đầy hoài nghi của thời nay. Trong các bài viết của ông có dáng dấp của sự thật và sự giản dị, có thể thuyết phục được người đọc, dù có khi phạm sai lầm, thì đó cũng chỉ là sự thiên vị có thể chấp nhận được cho dân tộc mình. Và chắc hắn sự thiên vị này có thể thông cảm khi ông là hậu duệ của một dòng dõi kiêu hãnh, đã bị xén hết những huy hoàng cổ xưa, và được an ủi bằng những cảm xúc được sống lại khi viết về thời của tổ tiên mình. Biên niên sử ban đầu của ông – dù không có bản thảo nào được in ra – đã được các tác giả Tây Ban Nha nghiên cứu cần mẫn. . . và tiếng tăm của ông không nghi ngờ gì nữa đã bị mất mát qua việc này.”
Những học giả khác thể hiện những quan điểm khe khắt hơn. Ông bị coi không gì khác hơn là một người kể chuyện xưa đầy lãng mạn, một dạng truyện giân dan của thổ dân. Họ không mảy may tin vào ghi chép đầy màu sắc của ông về quá khứ của dân tộc mình. Và quả thật một vài phát biểu của Ixtlilxochitl khó nuốt trôi – đúng ra là thực sự khó tin. Hai sinh viên quan trọng nhất của ngành khảo cổ Mexico, Eduard Seler và Walter Lehmann, là những người đầu tiên ca ngợi biên niên sử Tezcucan đã kể ra nhiều sự kiện có thực hơn bất kỳ ai đã ngờ vực, dù có muộn màng.
Trong lịch sử khảo cổ, chúng ta thường nhiều lần bắt gặp những tình huống trong đó việc thu thập những dữ liệu mới đe dọa lật đổ bức tranh lịch sử đã tạo dựng một cách khó khăn và đã được công nhận. Cũng vậy, chúng ta đã từng chứng kiến, và rất thường, nguy cơ này đã được đối phó bằng cách phớt lờ những sự kiện mới hoặc đơn giản là thận trọng né tránh chúng. Bởi vì trong nghiên cứu khoa học cũng như trong các lãnh vực khác luôn có khuynh hướng bảo thủ và tự vệ.
Ixtlilxochitl là ông hoàng thổ dân đã được rửa tội, một người có học vấn cao, am tường về các lễ nghi tôn giáo của người Indian Mexico. Khi các cuộc chiến trong thời kỳ chinh phạt đã qua, ông bắt đầu phác họa lịch sử của dân tộc mình. Ông áp tai mình sát vào những đôi môi của truyền thống. Lịch sử của ông (mà những thế hệ sau đó không thèm tin cậy) trở về đến những thời đại nguyên thủy xám xịt khi thành phố Tula (Tollan trong bang Hidalgo của Mexico hiện nay) được thành lập bởi dân tộc Toltec. Ixtlilxochitl kể những câu chuyện vĩ đại về những người Toltec này. Họ đã biết viết, ông khăng khăng, và biết tính toán, biết làm lịch, biết xây dựng đền đài và cung điện. Các nhà cai trị Tula cũng nổi tiếng về sự thông thái. Bộ luật của họ rất công minh, tôn giáo họ ôn hòa và không mang tính tàn bạo của những thời đại sau này. Đế chế của họ, theo Ixtlilxochitl, kéo dài 500 năm. Rồi thì đói kém đến, nội chiến xảy ra, và cung đình xâu xé. Một dân tộc khác, người Chchimec, đứng lên nắm lấy quyền bính. Những người Toltec sống sót di dân trước tiên đến Tabasco, sau đó đến Yucatan.
Đáng chú ý là người đầu tiên – ông là người Pháp – đánh giá cao biên niên sử của Ixtlilxochitl bằng một phát hiện thực sự thậm chí không thành công trong việc đem lại tín nhiệm cho sử gia Indian này trong giới khảo cổ nói chung. Trước tiên, không nhà khảo cổ có tiếng tăm nào tin rằng có sự tồn tại của thành phố Tula, quá nổi bật trong các bài viết của ông hoàng Indian. Ixtlilxochitl viết khá đúng sự thật về Tula của mình, nhưng không hiểu sao, ông ta hoàn toàn bị phớt lờ một cách lạnh nhạt. Một số nhà phê bình còn cho rằng Tula và Thule thần thoại có phần nào liên quan. Thậm chí một thị trấn nhỏ Tula có thực bằng xương bằng thịt ở phía bắc Mexico City cũng không tạo ra ấn tượng gì, bởi vì trong vùng lân cận của Tula không thấy có phế tích nào được đề cập trong các truyền thuyết mà Ixtlilxochitl ghi chép. Thậm chí khi người Pháp Desire Charnay trong hành trình săn lùng kho báu vào thập niên 1880 tìm thấy vết tích của một tòa tháp tại Tula de Allende, giới khảo cổ vẫn không thèm chú ý đến báo cáo của ông.
Không cho đến Thế chiến II, tại một thời điểm hầu như toàn bộ phần còn lại của thế giới đang bận bịu phá hủy những công trình đương đại, các nhà khảo cổ Mexico mới bắt đầu khai quật các di chỉ Toltec cổ đại.
Và xem kìa.
Vào năm 1940 toàn bộ giới khảo cổ của thế giới phải cúi đầu trước Ông Hoàng Ixtlilxochitl! Như thế giới đã từng quy phục tương tự trước Homer của Schliemann, hoặc trước Kinh Thánh của Layard. Các nhà khảo cổ sửng sốt khi tìm được Tula cổ đại, thành phố đầu tiên của người Toltec! Trước đây họ đã tìm thấy các Tòa Tháp Mặt trời và Mặt trăng. Họ đã khám phá những hình chạm nổi và tượng điêu khắc được bảo quản tốt dưới một thước đất và xà bần.
Do đó lần lượt và mau chóng những đồ tạo tác của “nền văn hóa bên
dưới các nền văn hóa” của Toltec được đem ra ánh sáng. Thật sự các cư dân Mexico City đã sống vài trăm năm nay ngay chính giữa các toà tháp này mà không hề biết đến sự hiện diện của chúng. Họ đi bên cạnh chúng trên đường ra ruộng. Khi rảnh rang họ uống một ngụm rượu thùa, thứ rượu giết người làm bằng cây thùa mà chính dân tộc Toltec đã từng ủ men khi xưa. Ta có thể nói rằng tất cả việc mà dân chúng Mexico City và vùng phụ cận phải làm là đi theo cái mũi của họ và đụng vào một tòa tháp.
Sự khám phá các tòa tháp Toltec tiến hành với một nhịp độ nhanh chóng điển hình của một cuộc thăm dò khảo cổ một khi đã được phát động đúng cách. Trong ba thập niên khai quật kết quả gây xúc động nhất đã nở hoa. Vào năm 1925 các nhà khảo cổ phát hiện Tòa Xà Tháp tại biên giới tây bắc của Mexico City tìm thấy rằng họ không chỉ có được một tòa tháp. Mà tất cả 8 tòa – một củ hành bằng đá, có thể nói như thế, lớp vỏ này nằm gọn trong lớp vỏ kia. Các dữ liệu về niên lịch phát giác rằng chắc chắn mỗi 52 năm một lớp khác được xây thêm vào tòa tháp. Một chút số học cho thấy nội cấu trúc này thôi đã mất hơn 400 năm để hoàn thành. Trừ tòa nhà đền thờ phía Tây, không có một dự án kiến trúc đơn lẻ nào ở bất cứ nơi đâu kéo dài lâu đến thế. Ở chính giữa Mexico City các nhà khảo cổ đào các tàn tích của đền thờ lớn dựng trên chóp tòa tháp, cái mà Cortes đã phá hủy, và thực sự đã tìm được những bức tường nền móng. Sau đó các nhà khai quật hồ hỡi kéo ra ngoài thành phố, đến nơi mà ngày nay là San Juan Teotihuacan, cách đó khoảng 31 dặm. Tại đây tọa lạc hiện trường tòa tháp lớn nhất, phế tích nguy nga nhất nền văn hóa Toltec cổ, thành phố “nơi thần linh được khẩn cầu.” (Đó là nghĩa của từ Teotihuacan. Chú ý có điều kỳ lạ là từ teo cũng giống như từ Hi Lạp cổ nghỉa là “thần linh.” Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là chưa có giải đoán nào được rút ra tại sao có sự trùng hợp về ngữ âm này.) Phần đã được phơi bày của hiện trường phế tích này giờ đây phủ một diện tích 7.6 dặm vuông – và đó chỉ là một phần nhỏ của hiện trường được mở ra. Đây là thành phố mà người Toltec, trước khi họ chạy về phương nam, hình như đã phủ một lớp đất dày non một mét – một biện pháp dư thừa cũng làm kinh ngạc không kém các công trình kiến trúc của họ. Phần lớn hơn của các tòa tháp – chúng là những tòa tháp bậc thang với bậc thang đặc trưng – cao 128 bộ (khoảng 39 mét).
Eduard Seler là người đầu tiên mô tả tòa tháp pháo đài của Xochicalco, cách thủ đô Mexico 50 dặm về phía nam. Các cuộc khai quật được tiến hành tại Cholula, nơi Cortés phạm một trong những hành vi phản bội tồi tệ nhất. Làm việc bên trong tòa tháp lớn nhất – tòa tháp từng chiếm một diện tích rộng lớn hơn cả Kim Tự Tháp Cheops – các nhà khai quật làm lộ ra những lối thông như mê lộ dài năm phần tám dặm. Sau đó cuộc tìm kiếm di chuyển xa hơn về phía nam. Vào năm 1931 Alfonco Caso, một người Mexico, do nhà nước ủy nhiệm, đào tại Monte Alban ở Oaxaca – và điều mà hầu như mọi nhà khai quật đều mơ ước thầm lặng đã xảy đến. Alfonso Caso bắt gặp một kho báu – kho báu của Monte Alban.
“Có nơi nào khác trên mặt đất,” Egon Erwin Kisch, một nhà báo nổi tiếng trong thời đại chúng ta, hỏi, “được chôn kín quá hoàn toàn trong bóng tối và câm lặng ngay trước những nghi vấn của chúng ta? Cảm xúc nào dâng tràn trong chúng ta, sự mê đắm hay bối rối?” Và rồi ông hỏi thẳng vào những lý do của mối xung đột cảm xúc này. “Có phải cái phức hợp không gian, những đường nét của nó gợi một viễn cảnh của vô hạn? Hay có phải chính các tòa tháp, có dáng dấp của bậc thang đường bệ dẫn lên đến những cảnh giới của tầng trời? Hoặc có phải sân đền thờ – nhờ vào năng lực tưởng tượng của chúng ta – có thể chứa đầy hàng ngàn tín đồ Indian đang thành khẩn cầu nguyện? Hay có phải đài quan sát, với các lỗ ngắm đục trong tường cho ta một đường ngắm dọc theo đường phương vị của kinh tuyến? Hay đó là cảnh tượng của đấu trường mà người Âu châu chưa hề xây dựng kể từ thời La Mã cổ đại cho đến thế kỷ 20, gồm 120 bậc dốc cao những chỗ ngồi bằng đá?
“Hay đó là hệ thống,” ông tiếp tục, “sắp xếp hàng trăm ngôi mộ sao cho không mộ nào quấy rầy mộ lân cận, một bố trí hợp lý của nghĩa trang? Có phải có thể là những hình khảm, những bích họa với hình người, phong cảnh, biểu tượng, và chữ tượng hình? Hay những bình đất sét, những bát hiến tế có nét cong cao quí, những bình táng có dạng thẳng hình học, có 4 chân, và trong mổi chân có một quả chuông nhỏ sẽ kêu lên leng keng báo động khi có ai đến định cuỗm chúng đi?
“Hoặc đó là kỹ thuật trang trí?. . .
“Có ai tưởng tượng được ‘những người hoang dã’ có thể đánh bóng thủy tinh- đá bằng kỹ thuật chính xác đến vậy, hoặc ráp những chuỗi hạt bằng vàng và đá quí thành 20 hàng tạo nên 854 thành phần cấu thành được chạm trổ và bằng nhau chính xác như toán học? Một trâm cài khắc hình một kỵ sĩ của thần chết mà chính Lucas Cranach [nhà khắc gỗ bậc thầy của triều đình thế kỷ 16: ND] cũng chưa chắc thể hiện lẫm liệt hơn. Những khoen tai hình như đan bằng nước mắt và gai nhọn. Mũ tiara – xứng đáng cho giáo hoàng đội. Những vòng nhẫn làm tăng vẻ đẹp của móng tay. Những vòng xuyến và băng tay chạm nổi đầy đặn, những kim gài áo choàng, và móc gài làm bằng ngọc thạch, ngọc lam, ngọc trai, hổ phách, san hô, đá vỏ chai, nanh báo đốm, xương, và vỏ trai. Một mặt nạ bằng vàng mà má và mũi của nó được điêu khắc một hình kỷ niệm làm bằng da người. Những chiếc quạt tạo tác từ lông vũ của chim đuôi seo – vật mà hoàng hậu Byzantine, hoàng hậu Ấn Độ, nữ tỷ phú Mỹ sở hữu món đáng yêu như thê trong suốt cuộc đời thì nhiều người Indian này giữ bên cạnh họ thậm chí khi xuống mồ?”
“Câu hỏi, không gì trừ các câu hỏi về Monte Alban,” là phần dẫn đầu chương sách mà Kisch nói về Mexico. Nhưng có phải không chỉ Monte Alban mới gọi mời những nghi vấn?
Chúng ta phải nhìn nhận rằng đến ngày hôm nay chúng ta chẳng biết tí gì về các nhà xây dựng bậc thầy của thời đại tiền Aztec. Chẳng biết tí gì cũng ám chỉ, trong trường hợp này, chúng ta chịu gánh nặng của nhiều thông tin giả hiệu. Mexico và Yucatan là vùng đất rừng; và khi nhà khảo cổ bắt đầu lý giải về người Toltec, ông ta lạc lối trong những cánh rừng này. Thật sự ta hiểu được bao nhiêu?
Những điều hiểu được đã khẳng định: các nền văn hóa Aztec, Maya, và Toltec đều có liên quan mật thiết với nhau. Tất cả ba xã hội này đều xây dựng các tòa tháp, với các bậc thang dẫn lên các thần mặt trời và mặt trăng. Tất cả các tòa tháp này, mà chúng ta biết hôm nay, đều tọa lạc theo những đường nhắm thiên văn và được xây dựng dựa theo lịch. Oliver G. Rickertson, một người Mỹ, là người đầu tiên chứng minh điều này, vào năm 1928, bằng cách sử dụng chứng cứ được tìm thấy trên một tòa tháp Maya ở Uaxactun. Ngày nay chúng ta có thêm những minh chứng về tập tục này trong những thời đại sau đó từ Chichen-Itza, và cho những thời đại cổ xưa hơn từ Monte Alban. Tất cả những dân tộc này sống dưới thanh kiếm Damocles * của các chu kỳ niên lịch của họ, chẳng hạn khi họ tin rằng thế giới kết thúc mỗi 52 năm. Quyền hành của giới tăng lữ phụ thuộc vào sự công nhận đại trà những ý tưởng đó. Chỉ mình các thầy tu mới có thể tránh được các đe dọa của tai ương. Phương tiện mà họ sử dụng để làm điều này theo thời gian càng trở nên khốc liệt hơn – nghĩa là, tàn nhẫn hơn – và cuối cùng biến tướng thành lễ hiến tế mạng người đáng sợ và lễ hội Xipec Totec, thần đất và mùa xuân, mà để vinh danh họ các thầy tế đã lột da người sống.
Mối liên hệ mật thiết giữa Aztec, Maya, và Toltec xuất hiện một lần nữa trong các vị thần của họ, trong lãnh vực này có thể so sánh với các hệ thận của Hi Lạp và La Mã. Một trong các vị thần Aztec-Toltec chính là Quetzalcoatl vĩ đại và minh triết, thần được gọi là Kukumatz ở Guatemala, và Kukulcan ở
- Thành ngữ chỉ mối nguy đang chực chờ rớt xuống đầu. Dựa theo giai thoại, Damocles hay tán tụng nhà vua Dionysius của mình, cho rằng ông là một người hạnh phúc nhất vì có quyền hành tuyệt đỉnh và sống giữa của cải và sự phục tùng. Để đáp lại, nhà vua đề nghị đổi địa vị với Damocles trong một ngày để Damocles có thể nếm trải trực tiếp cái hạnh phúc như y khao khát. Damocles hồ hỡi chấp nhận đề nghị của nhà vua. Damocles ngồi vào ngai vàng bao quanh mọi thứ xa hoa, nhưng Vua Dionysius, người trong thời cai trị của mình đã tạo ra rất nhiều kẻ thù, cho người treo một thanh gươm lơ lững ở phía trên ngai vàng chỉ bằng một sợi lông ngựa nhằm tạo ra cảm giác làm vua là như thế nào: dù có nhiều của cải, nhưng lúc nào cũng trông chừng trong lo âu và sợ sệt những nguy cơ đang rình rập. Damocles cuối cùng van xin nhà vua cho phép y “nghỉ chơi” vì y không còn muốn hạnh phúc kiểu đó, nhận ra rằng càng nhiều của cải và nhiều quyền lực thì càng nhiều hiểm nguy sẽ theo chân.
Yucatan. Hình tượng của ngài, mãng xà có lông vũ, được tìm thấy trên cả những công trình Indian cổ xưa nhất và gần đây nhất. Thậm chí phong cách sống đã từng – và hiện còn – rất giống nhau giữa các dân tộc Indian Trung Mỹ. Và, mặc dù ngôn ngữ của họ có nhiều, tất cả chúng đều thuộc về – nếu chúng ta chỉ xét những bộ tộc văn minh – một hoặc hai nhóm ngôn ngữ rộng lớn.
Một khi mà mối quan hệ họ hàng căn bản này đã được thiết lập (gần đây một số lượng gần như không thể tính được các chi tiết đã được thu thập) nghi vấn về những mối liên hệ bên ngoài nổi lên, về những mối tiếp xúc xô đẩy nhau giữa các dân tộc này khi chúng va chạm và hòa quyện nhau – tóm lại, nghi vấn về lịch sử của chúng. Ở đây, đến tận giai đoạn xa xưa nhất, chúng ta đang mò mẫm trong bóng tối. Mặc dù có được nghiên cứu tận tường, và mang lại mối tương quan rất chính xác về bộ lịch Maya với bộ lịch của chúng ta, chúng ta còn thiếu những điểm qui chiếu cố định. Rừng rậm mà chúng ta khai quang khỏi những tòa tháp và lâu đài của Mỹ châu tiền sử làm lộ ra vô số tàn tích kiến trúc, nhưng vẫn chưa bày ra tầm nhìn toàn cảnh về quá khứ. Chúng ta tìm thấy những niên đại, nhưng không tìm thấy lịch sử. Chúng ta có thể thêu dệt các giả thuyết, nhưng những sự kiện minh chứng là không đủ.
Một số các nhà điều tra, dựa ý kiến của họ vào những dấu hiệu có tính đa dạng, tin rằng Đại Tháp ở Mexico City được dân Toltec xây dựng vào thế kỷ thứ 4 của kỷ nguyên chúng ta.
Giờ đây, một vài các tòa tháp này tọa lạc tại những địa điểm khác nhau từ Tula đến Monte Alban đang được bàn cãi, vậy mà một trong những tòa tháp quan trọng nhất vẫn chưa được đề cập đến. Đó là Tháp Cuicuilco, đứng trên một mô gò cao 6.8 mét, tọa lạc tại biên giới phía nam của Mexico City. Tháp Cuicuilco vươn cao khỏi khung cảnh kỳ quái của cảnh giới đá sắc thẩm. Tại một thời điểm các ngọn núi lửa Ajusco và Xitli (có thể chỉ có núi sau) phun trào. Vị thần bên trong tòa tháp rõ ràng là tắc trách không đổi chiều dòng chảy của dung nham tràn ngập tòa tháp, khiến phân nửa tòa tháp bị nhấn chìm trong đống dung nham sôi sùng sục. Các nhà khảo cổ điều tra hiện tượng này mời gọi các đồng nghiệp từ các ngành khác, các nhà địa chất, để nhờ sự trợ giúp. Họ thắc mắc không biết dung nham bao nhiêu tuổi. Các nhà địa chất, không biết rằng câu trả lời của họ sẽ làm nghiêng lệch bức tranh của thế giới, trả lời: “tám ngàn năm.” Từ đó chúng ta đã biết rằng trả lời của họ là sai, vì các phương pháp xác định niên đại của các nhà địa chất không đủ chính xác khi đo những khoảng thời gian tương đối ngắn.
Giờ chúng ta giả định, mặc dù không có chứng cứ tuyệt đối, là các người Indian Mỹ châu là hậu duệ của các bộ tộc Mông Cổ đến đây bằng thuyền hoặc bằng cầu đất nối Siberia đến Alaska và từ đó tràn xuống bờ biển đến các vùng có vĩ độ thấp của lục địa. Giả định có sự tồn tại của một nhóm tổ tiên di cư, thế thì người Toltec xuất phát cụ thể từ đâu và vì sao người Toltec đáng ra phải là dân tộc duy nhất từ Alaska đến Panama có khả năng chế tạo ra những công cụ tinh xảo tạo dấu ấn cho nền văn hóa của họ, là điều chúng ta không biết.
Thật ra, thậm chí chúng ta không biết chính xác liệu có phải thực sự người Toltec xác lập ra nền tảng văn hóa ở Trung Mỹ. Chúng ta có thể hỏi người Zapotec, hay người Olmec, những dân tộc mà vết tích xã hội của họ có thể được tìm thấy trên khắp Mexico, đã đóng vai trò gì trong lịch sử? Nếu chúng ta xưng danh văn hóa Toltec là tiên phong của các nền văn hóa Maya và Aztec, chúng ta đang sử dụng Toltec như một nhãn hiệu chung cho tất cả những người sáng tạo nên nền văn hóa Trung Mỹ. Từ Toltec có thể không có nghĩa gì ngoài “người xây dựng bậc thầy.”
Để làm minh bạch mổi tương tác của ba đế chế vĩ đại Indian, chúng ta có thể được xác minh khi mạo muội nêu ra một sự tương đồng giữa các nền văn hóa Trung Mỹ và Cựu Thế giới được đề cập trong một trong các tác phẩm về Mexico của nhà khảo cổ Đức Theodor-Wilhelm Danzel: “Đôi khi để đặc điểm hóa văn hóa Aztec, phân biệt với văn hóa Maya,” ông nói, “những sự tương đồng với Cựu Thế giới đã được viện dẫn, trong đó văn hóa Aztec được so sánh với văn hóa La Mã, và văn hóa Maya với văn hóa Hi Lạp. Những tương đồng này, nói chung, là thích hợp. Người Maya thật ra là một dân tộc (như người Hi Lạp) bị chia tách ra thành nhiều cộng đồng, luôn tranh chấp nhau, và tạo thành liên minh tạm thời chỉ khi cần thiết phải chống lại một kẻ thù chung. Nhưng cho dù người Maya không nổi bật như một quyền lực chính trị, thì họ có được tiếng tăm nhờ vào những thành tựu nổi bật của họ về kiến trúc, điêu khắc, thiên văn, và toán học.
“Người Aztec, trái lại,” ông tiếp tục, “là loại người hiếu chiến, tạo dựng đế chế của mình trên những đổ nát của một dân tộc khác (người Toltec) không đủ sức đương đầu với sức tiến công của kẻ thù. Người Toltec, nếu chúng ta
so sánh xa hơn, sẽ xếp ngang với người Etruscan.”
Chúng ta có thể rút ra một sự tương đồng khác nữa. Liên quan đến chức năng lịch sử người Toltec tương tự với người Sumer đầy sáng tạo. Trong sự tương đồng này, thì người Maya trở thành người Babylonia, người được hưởng hoa hồng của các phát minh siêu đẳng của người Sumer để xây dựng một đế chế văn hóa của riêng mình. Và người Aztec, trong ngữ cảnh này, nhắc ta nhớ đến dân Assyria hiếu chiến, sử dụng trí tuệ cao tột của họ cho mục đích quyền lực thuần túy. Thực hiện việc đối chiếu song song xa hơn nữa, Mexico City, “bị chặt đầu” ở thời điểm đạt đỉnh cao tăm tiếng bởi bọn Tây Ban Nha, có thể so sánh với Nineveh đầy kiêu hãnh, thủ phủ của Assyria, vốn cũng trải một số phận tương tự dưới bàn tay của người Medes.
Cả hai sự tương đồng, tuy nhiên, không tạo được dấu ấn trong một lãnh vực. Chúng không cho manh mối về nghi vấn tại sao người Toltec, lâu sau khi đế chế của riêng họ sụp đổ, bổng thình lình chuồn đi và xâm nhập Tân Đế chế của người Maya, nơi họ để lại dấu ấn tại thành phố Chichen-Itza. Không có sự tương đồng về điều này trong lịch sử cổ đại. Nhưng liệu một điều như thế đã thực sự xảy ra? Mọi thứ thật ra có thể đã hoàn toàn khác. Có một huyền thoại Mexico gợi ý về một chuỗi lịch sử khác, một huyền thoại trong đó thậm chí việc xâm chiếm của bọn Tây Ban Nha cũng được dự báo trước trong ngôn ngữ thần thoại.
Huyền hoại kể rằng thần Quetzalcoatl đến từ “Vùng Đất Mặt Trời Mọc.” Ngài mặc một áo choàng trắng và để râu; ngài dạy dân chúng thủ công và phong tục và định ra những luật lệ công minh. Ngài thành lập một đế chế trong đó các bông ngô dài như chiều cao con người, và quả nang của bông vải đủ màu sắc mọc trên cây bông vải. Nhưng vì một lý do nào đó ông phải rời bỏ đế chế của mình. Ngài lấy lại luật lệ, chữ viết, các bài hát, và bỏ đi theo con đường mà ngài đã đến. Ở Cholula ông nán lại, và tại đó một lần nữa ngài hiến tặng dân chúng những phúc lợi của sự minh triết của mình. Rồi ngài dấn bước về phía bờ biển, tại đó ngài bắt đầu khóc than, và cuối cùng hi sinh thân mình vào ngọn lửa, qua đó trái tim ngài trở thành ngôi sao mai. Người khác cho rằng ngài lên thuyền và du hành trở lại vùng đất nơi người xuất phát, băng qua biển cả. Nhưng tất cả huyền thoại về Quetzalcoatl đều đồng loạt nhất trí rằng ngài hứa sẽ quay trở lại.
Trong lịch sử chúng ta thường bắt gặp trường hợp một hạt giống của một huyền thoại bổng có giá trị lịch sử đến nổi chúng ta không được coi thường cho rằng câu chuyện này chỉ là một sáng tạo thi ca, tuy thoạt nhìn có vẻ huyển hoặc. Chúng ta không thể nghĩ áo choàng trắng là ám chỉ một người da trắng sao?
Nhất là Quetzalcoatl được mô tả là để râu, trong khi thói để râu trong người Indian thì cực kỳ hiếm thấy.
Người ta đã gợi ý là Quetzalcoatl thực sự là một nhà truyền giáo từ một đất nước xa xôi và vô danh nào đó. Giả thuyết cho rằng ông ta có thể là một nhà truyền giáo Cơ đốc xa xưa nào đó thuộc thế kỷ thứ 6 đã hoàn toàn bị bác bỏ. Không cần phải tốn thì giờ với giả thuyết là ông ta có thể là chính tông đồ Thomas. Những người mong tìm cách sử dụng huyền thoại của Quetzalcoatl như một cách thức củng cố cho khái niệm là văn hóa Maya được người Atlantis sáng lập – một giả thuyết từng nảy nở trong đầu chàng trai trẻ Thompson – khó có thể hi vọng được ủng hộ. Giả thuyết Atlantis tuyệt đối không có chút cơ may mang tính khoa học nào.
Đơn giản là còn nhiều điều chúng ta vẫn chưa biết.
Chúng ta chỉ biết điều này: khi người Tây Ban Nha lần đầu tiên đến Mexico người Aztec ngờ họ là “những vị thần trắng từ phương đông” của truyền thuyết kể lại rằng vị thần trắng này có râu và hứa hẹn sẽ trở về. Nhưng oái oăm thay những đại biểu này của nền văn minh Âu châu đã không hành xử như hậu duệ của Quetzalcoatl, là người rao dạy đạo lý và công lý.
Pingback: Thần linh, mồ mã và học giả- Câu chuyện khảo cổ (Phần 1) | Nghiên Cứu Lịch Sử