Vì sao không tìm thấy thành Bình Lỗ?

1522735797.png

                                                                Lê Đắc Chỉnh

                                      (Bài viết nhân kỷ niệm 1038 năm (981-2019) chiến thắng Bình Lỗ)

1 . Đặt vấn đề

Chiến tranh Tống- Việt năm 981 là cuộc đụng đầu lịch sử lớn nhất sau hơn 1000 năm Bắc thuộc giữa nước Việt nhỏ bé ở phương nam với đế quốc hùng mạnh là Đại Tống ở phương bắc. Kết quả là nước nhỏ đã đại thắng.

Trong giai đoạn lịch sử ấy đất nước ta đã sinh ra một Lê Hoàn, một Thập đạo tướng quân. Tài năng đánh giặc của ông được nhà sử học Lê văn Hưu hết lời ca ngợi “dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên” và “người thời Hán, thời Đường cũng không hơn được” [1].

Còn Hưng đạọ vương Trần Quốc Tuấn, vị chỉ huy 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông, trước khi lâm chung cũng không quên căn dặn lại vua Trần Anh Tông là phải học kinh nghiệm của nhà Tiền Lê về việc “xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống” [2].

 Vậy mà đã 1038 năm (981 – 2019) trôi qua các sử gia vẫn chưa làm rõ được chiến công này, ngay cả thành Bình Lỗ ở đâu, hình dáng và tác dụng của nó như thế nào cũng chưa biết. Vướng mắc nằm ở đâu ? Để tìm ra câu trả lời chúng ta cần bắt đầu từ các sử liệu cũ.

2 . Các sử gia đã chép nhầm, chép sai và thay đổi có chủ ý trong sử liệu

Các sử liệu cũ đều có ghi về một trận đánh Tống nổi tiếng vào đầu năm 981, đáng chú ý là Việt sử lược (VSL, thế kỷ XIII), Thiền Uyển tập anh (TUTA, thế kỷ XIV) và Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT, thế kỷ XVII). Tuy nhiên cả 3 tài liệu trên đều xuất hiện sau sự kiện năm 981 từ 3 đến 7 thế kỷ nên không tránh khỏi có một số nhầm lẫn hoặc do chủ ý riêng của người chép sử, đã dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa danh như Lãng SơnLạng Sơn,  giữa: sông Ninhsông Hữu Ninh và  sông Chi Lăng. Những nhầm lẫn, sai sót này đã được giải thích như sau [3]:

Nếu xét ba con sông nêu ở trên, chúng ta có thể phủ nhận: khi xưa không có con sông nào (hay đường bộ nào) có tên như vậy xuyên qua từ Lãng Sơn (Quảng Ninh) hay Lạng Sơn (nơi có ải Chi Lăng) đi về phía Nam. Sách ĐVSKTT (bản mộc khắc năm 1697) do người đời sau sao lại, vì kiêng húy vua đầu của triều đại  Lê Trung Hưng (1533-1789) tên là Lê Duy Ninh, có thể người chép sử đã  đổi  Ninh (寧) thành  Lăng  (稜). Riêng chữ hữu (友) và chữ chi (支) do tự dạng rất giống nhau nên chắc đã bị chép nhầm Hữu thành Chi. Nghĩa là sông Chi Lăng (支稜) ở ĐVSKTT [1] chính là sông Hữu Ninh (友寧) ở TUTA [4]. Vậy là trận quyết chiến chiến lược  năm 981 đã xảy ra ở sông Hữu Ninh chứ không phải ở Chi Lăng.

Nhưng sông Hữu Ninh ở đâu? Theo sách TUTA, ngoài cái tên sông Hữu Ninh tài liệu này còn cho biết thêm 2 địa danh khác, đó là núi Vệ Linh (tức núi Sóc, nay thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và quận Bình Lỗ (theo Nguyễn Vinh Phúc [5] thì chính là dải đất chạy từ núi Sóc đến sông Cà Lồ). Quận Bình Lỗ còn là quê hương của đại sư Khuông Việt [6]. Tại quận này xưa có một con sông chảy qua làng Phù Lỗ, sử liệu cũ ghi là sông Bình Lỗ, còn ngày nay nó chính là sông Cà Lồ. Sông Hữu Ninh chảy qua quận Bình Lỗ, ở khu vực này ngoài sông Cà Lồ không còn con sông nào khác và lớn như thế, nên sông Hữu Ninh chắc là một cái tên khác của sông Cà Lồ.

Sông Cà Lồ nằm ở phía hữu ngạn (tức bên phải) của sông Cầu, mà sông Cà Lồ có tên là Hữu Ninh thì  sông Ninh trong VSL [7] chính là con sông Cầu ngày nay (Hình 1).

1.png

Căn cứ vào bản đồ ngày nay cho thấy chỗ tiếp giáp giữa sông Ninh và sông Hữu Ninh chính là cửa sông Cà Lồ. Còn sông Chi Lăng xuất hiện trong sách ĐVSKTT chắc là do chép nhầm và thay đổi có chủ ý của người chép sử. Tại đây vào đầu năm 981 đã xảy ra một trận đánh lớn  giữa Đại Cồ Việt với Đại Tống.

Cũng do hai chữ Hữu Ninh bị chép thành Chi Lăng nên nhà sử học Trần Trọng Kim cũng bị nhầm lẫn theo và ông đã ghi ngay vào sách VSL như sau:  “Bấy giờ lục quân của bọn Hầu Nhơn Bửu (Nhân Bảo) tiến sang đến Chi Lăng, vua Đại Hành sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo đến chổ hiểm bắt chém đi”[8]. Từ thời điểm đó, mặc dù còn nhiều nghi ngờ,  nhưng các sách bằng tiếng Việt đều ghi Hầu Nhân Bảo bị quân Đại Cồ Việt giết ở trận Chi Lăng.  

3. Thành Bình Lỗ ở đâu, hình dạng và kích thước của nó như thế nào?

Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất, thành Bình Lỗ có vai trò quyết định thắng lợi của Đại Cồ Việt. Vậy thành Bình Lỗ ở đâu ? Có thuyết cho rằng thành Bình Lỗ phải nằm trên các tuyến đường chiến lược quan trọng đi vào Hoa Lư. Vì đối phương coi đó là mục tiêu tấn công số một khi đánh Đại Cồ Việt cho nên thành này phải gần kinh đô Hoa Lư và nằm trên một quãng sông Hồng dài khoảng 30 km từ phía bắc cửa Lềnh (Yên Lệnh, Hà Nam)  kéo dài xuống phía nam cửa Vàng (Giao Thuỷ, Nam Định) [9]. Tuy nhiên các nghiên cứu theo hướng này chưa chỉ ra được vị trí, hình dạng, kích thước và tác dụng cụ thể của nó ra sao. Không những thế thuyết này lại ngược hẳn với chủ trương của Lê Đại Hành, bởi ông không ở Hoa Lư mà ngay từ đầu đã chủ trương đưa toàn bộ lực lượng ra vòng ngoài đánh địch.

ĐVSKTT cho biết tháng 7 năm 980 Lê Hoàn mới được Thái hậu Dương Vân Nga và quân sĩ tôn lên làm vua,  ba tháng sau (tháng 10/980) ông đã “tự làm tướng đi chặn giặc”[1]. Cụ thể là “thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu Đông Bắc đất nước” [10]. Còn sách Lĩnh Nam Chích Quái (LNCQ) [11] thì cho biết Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đã “kéo quân tới sông Đồ Lỗ cự địch” (chính là khu vực Đò Lo trên sông Cà Lồ). Tại đây ông đã sai quân sĩ “đóng cọc ngăn sông”[7] và cho “xây thành Bình Lỗ”  nhờ đó  “mà phá được quân Tống” [2].

Như vậy trận quyết chiến chiến lược năm 981 đã xảy ra ở vùng cửa sông Cà Lồ thuộc quận Bình Lỗ,  nơi này rất xa Hoa Lư nhưng lại rất gần Đại La. Thành Bình Lỗ gắn liền với trận Bình Lỗ, nên chắc phải nằm trên bờ con sông Bình Lỗ, tức sông Cà Lồ ngày nay.

Sông Cà Lồ dài nhưng nhỏ hẹp, có nhiều khúc quanh co, trước năm 1920 được nối thông với sông Hồng. Nếu vượt qua được thành Bình Lỗ, quân Tống có thể ra sông Hồng rồi xuôi dòng tiến đánh Đại La. Ngày ấy (năm 980/981) hai bên bờ hạ lưu sông Cà Lồ còn là rừng rậm, lầy lội, dân cư thưa thớt, chỉ có thể di chuyển bằng thuyền bè trên sông và trong các kênh rạch. Sông Cà Lồ nhất là đoạn hạ lưu, trên bản đồ ta thấy có vai trò như một con hào thiên nhiên bảo vệ mặt bắc không chỉ của Đại La mà của cả châu thổ Bắc Bộ.

2.png

Khi Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng mới đem quân đến Lạng Sơn,…[1] thì quân do thám của chúng do Bát tác sứ là Hác Thủ Tuấn chỉ huy đã vào rất sâu nước ta, chúng đã “chia nhau theo lối đường sông đến tận chỗ đất giặc đều khơi (đào) rộng ra”[12]. Qua đó cho thấy thành Bình Lỗ (một công trình đang xây dựng) phải nằm sâu trong nội địa nước ta chứ không ở miền biên ải như Chi Lăng hay ở cửa sông Bạch Đằng.

Trận chiến năm đó được sách LNCQ mô tả như sau: “Đêm sau, (Đại Hành) lại mộng thấy một người dẫn đoàn quỉ áo trắng, từ phía nam Bình Giang (một cách gọi khác của sông Cà Lồ) mà tới, một người dẫn đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt (một khúc sông Cầu) mà lại, cùng xông vào đánh trại giặc”. Nam Bình Giang chính là dải đất bờ nam sông Cà Lồ. Bắc sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu tính từ cửa sông Cà Lồ ngược lên phía Bắc của con sông này.

Theo kết quả khảo sát của chúng tôi [3], [13] ở khu vực gần cửa sông Cà Lồ thì thấy thành Bình Lỗ  nằm ở  bờ nam của con sông này, trên một gò đất cao. Hai bên bờ sông từ cầu Đò Lo ngày nay đến cửa sông Cà Lồ không có nơi nào cao như thế (Hình 1). Gò đất có hình móng chân ngựa, có đường kính khoảng 700 m, 2/3 chu vi được bao bọc bởi dòng sông Cà Lồ, có tọa độ địa lý là 21o23’ vĩ độ Bắc và 105o91’ kinh tuyến Đông, cách cửa sông Cà Lồ ngày nay khoảng 2 km.  Nếu truyền dẫn từ  mốc cao đạc (có độ cao 5 m) ghi trên bản đồ in năm 1927 (thời Pháp, Hình 2) ở gần cửa sông Cà Lồ thì thấy gò đất xưa có thể cao đến 8 m so với mặt nước biển và cao hơn cánh đồng xung quanh khoàng 3 m.

Qua kiểm tra các hố đào (do người dân lấy đất làm gạch tạo thành) cho thấy địa tầng ở đây một phần do chính con người khi xưa, lúc xây đắp tòa thành đã tôn thêm và khơi đào để khúc sông chảy vòng quanh gò đất. Lòng sông Cà Lồ rộng bình quân 50 m, nước không sâu lắm, về mùa xuân chỉ dao động từ 1,0 – 2,5 m. Trong đoạn sông chảy quanh gò đất người dân đã tìm thấy khoảng 20 cọc gỗ kiểu cũ bị vùi sâu khoảng 1,5 m dưới lớp đất của lòng sông.

Khác hẳn với dự đoán của nhiều người nghiên cứu trước đây, thành Bình Lỗ nằm xa Hoa Lư và trên đường tiến về Đại La, nơi này có địa thế hiểm yếu lại nằm sâu trong nội địa, dễ phòng thủ và khó tấn công.

4 . Diễn biến và dấu tích của trận Bình Lỗ

Thành Bình Lỗ không chỉ quan trọng đối với quân Đại Cồ Việt mà chắc chắn cũng được quân Tống chọn là nơi hợp điểm của các cánh quân dưới quyền Hầu Nhân Bảo. Diễn biến của trận đánh Tống năm đó được An Nam Chí Lược (ANCL) [14] ghi cụ thể như sau:

“Mùa thu năm ấy (năm 980), các quân khởi hành, đến tháng 12 phá được hơn vạn quân Giao Chỉ. Qua năm sau (981), vào mùa hạ, lại ở sông Bạch-Đằng chém gần ngàn người, bắt được thuyền 200  chiếc, trú quân tại Ba-Bộ. Chuyển vận sứ là Hầu Nhân Bửu (Bảo) cùng đạo tiền quân tiến sâu vào, bị thất bại luôn. Bọn Toàn Hưng theo đường thủy và đường bộ tới làng Đa La, không gặp Nhân Bảo, bèn trở về Ba Bộ. Lê Hoàn giả đầu hàng để dụ địch, Nhân Bảo bèn trúng kế mà bị hại.”

Vậy là ANCL cũng chỉ nói về 2 trận đánh lớn đều ở sông Bạch Đằng và tại đoạn sông này Đại Cồ Việt đều thua. Nhất là trận Bạch Đằng 2 (vào mùa hạ), trong trận này quân Tống thu rất nhiều chiến lợi phẩm nhưng sau đó đã “trú quân tại Ba Bộ” và chúng mất liên lạc với toán tiên phong của Hầu Nhân Bảo đến 70 ngày (theo Tống sử). Vậy con đường tiến của quân Tống như thế nào?

Xét về mối quan hệ giữa sông Bạch Đằng với sông Cà Lồ thì thấy sông Cà Lồ là một phụ lưu của sông Cầu, còn sông Cầu lại là phụ lưu của sông Bạch Đằng. Vào cuối mùa xuân, đầu mùa hạ tại các con sông này, nước thường chảy hiền hòa nên quân Tống tiến theo đường thủy không có gì khó khăn.  Tuy nhiên đoạn đường sông này khá dài đến hơn 100 km, cho nên vấn đề đặt ra đối với Lê Đại Hành là phải làm sao dụ được quân Tống đến thành Bình Lỗ để tiêu diệt. Muốn vậy phải giả thua, mà phải thua lớn, nghĩa là vừa đánh vừa chạy đồng thời phải vứt lại thật nhiều vũ khí, áo giáp và thuyền bè, kể cả phải giả hàng giặc,  thì quân Tống mới tin được.

Cho nên trận đại bại của Đại Cồ Việt ngày 28/4/981 (theo Tống sử) có thể chỉ là kế nghi binh “đánh giả hàng” của Lê Đại Hành và nằm trong kế sách dụ Nhân Bảo “đem quân tiến lên trước“[12].  Như vậy rõ ràng quân Tống phải đuổi theo quân Đại Cồ Việt trên một quãng sông rất dài, vượt qua cả sông Lục Đầu (Phả Lại), rồi đuổi tiếp khoảng 60 km sông Cầu nữa mới đến cửa sông Cà Lồ. Sau cuộc hành quân, vừa đánh vừa đuổi theo trên 100 km đường sông, thu nhiều chiến lợi phẩm, quân Tống tất mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi.

Trong lúc chủ tướng “ cùng đạo tiền quân tiến sâu vào” và vượt lên rất nhanh để cố bắt được Lê Đại Hành thì đại quân của chúng phía sau muốn dừng lại nghỉ ngơi để ăn mừng chiến thắng. Trong bối cảnh ấy cho thấy nơi trú quân có tên là Ba Bộ chắc phải nằm ngay bên bờ sông Cầu và không quá xa thành Bình Lỗ.

Cũng do cố đuổi bắt Lê Đại Hành đang thua chạy phía trước, nên Hầu Nhân Bảo đã vào sâu trong sông Hữu Ninh (tức sông Cà Lồ) mà không biết. Đến khi nhìn thấy thành Bình Lỗ và chiến lũy “ngăn sông” chúng muốn rút lui nhưng không được vì khi đó  “đoàn quỉ áo đỏ từ phía bắc sông Như Nguyệt” kịp quay lại bịt kín cửa sông Cà Lồ.

Đạo tiền quân này buộc phải xông lên đánh chiếm thành Bình Lỗ, ngày nay tại chân gò đất cao  còn để lại cái tên Ngòi Ác như một minh chứng của trận chiến ác liệt năm nào. Kết quả là  “quân giặc kinh hãi” và phải “ rút về giữ sông Hữu Ninh“ TUTA [4].  Ngòi Ác ngày nay vẫn còn, là chỗ sông Cà Lồ tách ra thành 2 nhánh tạm gọi là Hữu Ninh 1 và Hữu Ninh 2. Nhánh sông thứ 2 nhỏ hơn, nay đã bị vùi lấp, nhưng còn để lại nhiều dấu tích và chạy dài đến 3 km từ gò đất cao thắng ra sông Cầu ở cuối làng Như Nguyệt ngày nay. Có thể tại con sông này “Nhân Bảo bị giặc vây đánh rất hăng, quân viện đến cứu không kịp, nên Nhân Bảo bị giết chết ở giữa sông “ [15].

Dọc con sông nhỏ này ngày nay còn lưu lại những cái tên như Ngòi Ác, Cầu Cửa Ma, Đầm Lâu, Bờ Xác, Đình Mừng,… như phản ánh lại những chiến công xưa.

Chếch về phía Tây bắc của thành Bình Lỗ, trên bờ bắc sông Cà Lồ, ta thấy có dấu tích của một tòa Thành Phủ (thuộc thôn Ngọc Hà, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn). Người dân ở đây cho biết đó là tòa thành của hai vị Trương Hống, Trương Hát (thời Triệu Việt Vương). Qua đó giải thích vì sao bài thơ Nam quốc sơn hà gắn với Lê Đại Hành [11] luôn có tên của hai vị Trương Hống, Trương Hát và tên 2 con sông Bình Giang (sông Cà Lồ), Như Nguyệt (tức sông Cầu).

Về phía Đông Bắc cửa sông Cà Lồ, bên phía huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) còn có một làng tên là làng Sổ. Các cụ trong làng lý giải, năm 981 trên đường rút chạy qua đây quân Tống đã đốt phá để trả thù, làng bị xóa sổ. Sau này làng được tái lập và đặt tên là làng Sổ. Đến thời Hậu Lê & Nguyễn, làng Sổ được đổi tên thành làng Ba Lỗ. Cái tên Ba Lỗ được lý giải như sau: phía Tây Nam làng là ngã ba sông (cửa sông Cà Lồ) và thành Bình Lỗ. Một tiền nhân lấy chữ Ba của ngã ba sông (nay thường gọi là ngã ba Xà) và chữ Lỗ của thành Bình Lỗ ghép lại thành Ba Lỗ để ghi dấu ấn chiến tích lịch sử thời Tiền Lê, trong đó có công sức của dân làng Sổ.

Trong 3 tài liệu [12], [14] và [15] ta thấy đều ghi lại một chi tiết: “Hầu Nhân Bảo đem quân tiến lên trước” còn Tôn Toàn Hưng rớt lại sau. Khi Lưu Trừng tiến lên tiếp ứng gặp Toàn Hưng, rồi cả hai theo đường thủy “đến làng Đa La” nhưng “không gặp Nhân Bảo, bèn trở về Hoa Bộ” (ANCL thì ghi là Ba Bộ). Hoa Bộ hay Ba Bộ có thể là những cái tên khác của làng Sổ hay Ba Lỗ ngày nay. Khi được tin Nhân Bảo bị giết có thể số quân Tống còn đang trú ở làng Sổ (Hoa Bộ hay Ba Bộ), do không nén nổi tức giận đã tàn sát rất dã man dân làng này để trả thù.

5 . Hãy trả lại thành Bình Lỗ về cho lịch sử của nước Đại Cồ Việt

Từ trận Bình Lỗ đến nay, lịch sử đã trôi đi rất nhanh và rất xa, nhưng dấu tích của tòa thành, âm vang của trận Bình Lỗ vẫn còn đó, trở thành bài học lớn cho các triều đại kế tiếp về sau. Rất tiếc là thành Bình Lỗ đã bị chúng ta bỏ quên và trận Bình Lỗ cũng không được xếp vào hàng “10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam” [16].

3.png

Tiếc thay tòa thành gắn liền với lịch sử tồn vong của nước Việt vẫn đang bị tàn phá (Hình 3), rất mong ngành sử học nước nhà quan tâm cứu giúp.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đại Viêt sử ký bản kỷ toàn thư. Quyển I. Kỷ Nhà Lê. Mục Đại hành hoàng đế.

https://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt06.html

[2]. Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, mục Anh Tông Hoàng Đế, Nxb Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993) hoặc Bản điện tử: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt11.html

[3]. Đi tìm thành Bình Lỗ của nhà nước Đại Cồ Việt.

https://nghiencuulichsu.com/2018/04/03/di-tim-thanh-binh-lo-cua-nha-nuoc-dai-co-viet

[4]. Lê Mạnh Thát: Bản dịch và nghiên cứu về TUTA, mục Đại sư Khuông Việt, trang 21-25, Nxb Tp. HCM năm 1999.  Bản điện tử:

 http://www.thuvienhaiphu.com.vn/datafile1/BE015404.pdf

[5]. Nguyễn Vinh Phúc: Lê Đại Hành và Sóc thiên vương. Bản điện tử:

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=5197.155;wap2

[6] Hoàng Văn Lâu. Đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu. Tạp chí Hán Nôm, số 1 (26) 1996

http://www.phatgiao.vn/bai-viet/di-tim-dia-chi-ngo-chan-luu_800.html

[7] Việt sử lược (VSL thế kỷ XIII). Bản dịch 2005. Tr.61.

[8] Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược.

https://quangduc.com/images/file/oOduVYLd1AgQABwg/viet-nam-su-luoc-tran-trong-kim.pdf

[9] Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981). Luận án tiến sĩ.  1991

http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTkFfqyuMsiO1991.1.1

[10] Chiến tranh Tống – Việt năm 981. Wikipedia

[11]  Lĩnh Nam trích quái (LNCQ). Truyện hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt (Thế kỷ XIV)

https://dotchuoinon.files.wordpress.com/2010/11/linhnamchichquai_march18_2015.pdf

[12] Lý Đào: Tục tư trị thông giám trường biên. q. XXII. Sđd.

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=5197.75;wap2

[13] Bình Lỗ. Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%ACnh_L%E1%BB%97

[14] Lê Tắc: An Nam chí lược. Năm 1335. Nxb. Viện đại học Huế 1961.

https://quangduc.com/images/file/Dujm8bck0AgQAJIu/annam-chiluoc.pdf

[15] Tống sử liệt truyện, Giao Chỉ truyện. Sđđ. q. 488. 

[16]  Tái hiện 10 trận đánh nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

https://vnexpress.net/thoi-su/tai-hien-10-tran-danh-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam-2176693.html

18 thoughts on “Vì sao không tìm thấy thành Bình Lỗ?

  1. Sự thực loại uyển 事實類苑 của Giang Thiếu Ngu 江少虞 thời Nam Tống dẫn Tương Sơn dã lục 湘山野錄 chép về tướng Tống là Hầu Nhân Bảo 侯仁寶:

    詔團練使孫全與將湖南兵三萬,與仁寶南取交州。兵至白藤江,為賊可盡滅,仁寶為交趾所擒,梟首於朱鳶縣,宜然也。Ban chiếu sai Đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng đem ba vạn quân Hồ Nam cùng Hầu Nhân Bảo xuống phía nam đánh lấy Giao Châu. Quân đến sông Bạch Đằng, bị giặc đánh diệt hết, Nhân Bảo bị người Giao Chỉ bắt, chém bêu đầu ở huyện Chu Diên, là đáng đời vậy.
    ____________

    Theo ghi chép này một trong các cánh quân thủy của Tống vào sông Bạch Đằng và bị thua trận, Hầu Nhân Bảo bị chém bêu đầu ở huyện Chu Diên. Vậy thì địa danh Chu Diên có thể là nơi diễn ra trận đánh lớn, nơi này Hầu Nhân Bảo bị bắt chém. Sử Tống ghi thắng ở sông Bạch Đằng rồi tiến đến Hoa Bộ 花, Hoa Bộ là tên bến sông, nơi đây cánh quân bộ của Hầu Nhân Bảo từ Ung Châu sang đóng ở đây để đợi cáng quân thủy từ Khâm Châu-Quảng Châu vào sông Bạch Đằng tiến vào nội địa.

    Thích

    • Tục tư trị thông giám trường biên – Tống kỉ (Nam Tống – Lí Đảo chủ biên)

      – Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm (tuế thứ Canh Thìn, 980) mùa thu tháng sáu:

      太常博士、知邕州侯仁寶,因其父益居洛陽,有大第良田,優游自適,不欲親吏事。其妻,趙普之妹也,普為宰相,仁寶得分司西京。盧多遜與普有隙,因白上以仁寶知邕州。凡九年不得代。仁寶恐因循死嶺外,乃上疏言:「交州主帥被害,其國亂,可以偏師取之,願乘傳詣闕面奏其狀,庶得詳悉。」疏至,上大喜,令馳驛召,未發,多遜遽奏曰:「交阯內擾,此天亡之秋也,朝廷出其不意,用兵襲擊,所謂疾雷不及掩耳。今若先召仁寶,必泄其謀,蠻寇知之,阻山海預為備,則未易取也。不如授仁寶以飛輓之任,因令經度其事,選將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全,易於摧枯拉朽也。」上以為然。
      Thái thường bác sĩ Tri Ung châu là Hầu Nhân Bảo nhân cha hắn là Ích ở Lạc Dương có nhà to ruộng tốt, thích rong chơi tự thỏa ý, không muốn làm việc quan. Vợ hắn là em gái của Triệu Phổ, lúc Phổ còn làm Tể tướng thì Nhân Bảo làm quan ở Tây Kinh. Bấy giờ Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, nhân đó bẩm với nhà vua lấy Nhân Bảo làm Tri Ung châu. Cả thảy chín năm không được thay. Nhân Bảo sợ vì thế chết ở Lĩnh Ngoại, bèn dâng sớ nói: “Chủ soái Giao châu bị hại, nước ấy có loạn, có thể đem quân nơi biên ải đến đánh lấy, xin được thừa thế đến cửa khuyết gặp mặt nhà vua để tấu sự tình mới rõ hết được.” Sớ đến, nhà vua mừng rỡ, sai người đi nhanh gọi về, chưa kịp xuất phát thì Lư Đa Tốn tấu rằng: “Giao Chỉ nội loạn là lúc trời diệt nước ấy vậy. Triều đình xuất binh ra chỗ họ không ngờ đến, dụng binh đánh úp gọi là sét đánh không kịp bịt tai. Nay nếu gọi Nhân Bảo về trước tất lộ mưu ấy, giặc Man biết được sẽ chặn núi biển để phòng bị thì không dễ đánh lấy được. Không bằng trao chức trông coi việc chuyển chở cho Nhân Bảo, nhân đó sai lo liệu việc đánh lấy, rồi chọn tướng phát một hai vạn lính miền Kinh Hồ ruổi dài mà đến đánh, là thế tất vạn toàn, dễ hơn vặt cành khô bẻ củi mục vậy.” Nhà vua lấy làm phải.

      秋七月丁未,以仁寶為交州路水陸轉運使,蘭州團練使孫全興、八作使郝守濬、鞍轡庫使陳欽祚、左監門衛將軍崔亮為邕州路兵馬都部署,寧州刺史劉澄、軍器庫副使賈湜、供奉官閤門祗候王僎為廉州路兵馬都部署,水陸並進討。庚戌,全興等入辭,命引進使梁迥餞行營將士於玉津園。
      Mùa thu tháng bảy ngày đinh mùi, lấy Nhân Bảo làm Giao châu lộ thủy lục chuyển vận sứ, lấy Lan châu đoàn luyện sứ là Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ là Hách Thủ Tuấn, Yên bí khố sứ là Trần Khâm Tộ, Tả giám môn vệ tướng quân là Thôi Lượng làm Ung châu lộ binh mã bộ thự, lấy Thứ sử Ninh châu là Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ là Giả Thực, Cung phụng quan cáp môn chi hậu là Vương Soạn làm Liêm châu lộ binh mã bộ thự, thủy lục cùng đến đánh. Ngày canh tuất, bọn Toàn Hưng vào từ biệt, sai Dẫn tiến sứ là Lương Huýnh mở tiệc khao tướng sĩ hành doanh ở vườn Ngọc Tân.

      – Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ sáu (tuế thứ Tân Tị, 981) mùa xuân tháng ba:

      交州行營言破賊軍萬五千觽於白藤江口,斬首千餘級,獲戰艦二百艘,甲鎧以萬計。於是,侯仁寶率前軍先進,孫全興等頓兵花步七十日以埙劉澄,仁寶屢促之不行。及澄至,并軍由水路抵多羅村,不遇賊,復擅還花步。賊詐降以誘仁寶,仁寶信之,遂為所害。有二敗卒先至邑市,奪民錢,轉運使周渭捕斬之,後至者悉令解甲以入,民乃安。時諸軍冒炎瘴,又多死者,轉運使許仲宣馳奏仁寶戰沒,且乞班師,不待報,即分屯諸州,開庫賞賜,給其醫藥,謂人曰:「若竣報,則此數萬人皆積屍於廣野矣。」乃上章自劾,詔書嘉納之,遣使就劾澄等。會王僎病死,澄與賈湜並戮於邕州市。徵全興等下獄,全興伏誅;陳欽祚、郝守濬,崔亮皆責授團練副使,欽祚慶州,守濬磁州,亮嵐州。贈仁寶工部侍郎,官其二子。
      Giao châu hành doanh tấu là phá năm nghìn tên giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn nghìn thủ cấp, thu hai trăm chiến hạm, cướp đến vạn cái khôi giáp. Do đó Nhân Bảo lĩnh tiên phong đi trước, bọn Tôn Toàn Hưng đóng binh ở bến Hoa Bộ bảy chục ngày để đợi Lưu Trừng, Nhân Bảo nhiều lần đốc thúc, cũng không đi. Kịp lúc Trừng đến (gặp Tôn Toàn Hưng), bèn đem hết quân theo đường thủy đến thôn Đa La, nhưng không gặp giặc, lại tự ý quay về đóng ở bến Hoa Bộ. Giặc trá hàng để dụ Nhân Bảo, Nhân Bảo tin theo, rút cuộc bị hại. Có hai tên lính thua trận chạy về trước đến chợ Ung châu cướp lấy tiền dân, Chuyển vận sứ là Châu Vị bắt chém đi, những kẻ chạy về đến sau phải cởi hết áo giáp để vào, dân mới yên. Bấy giờ chư quân xông viêm chướng phần nhiều bị chết, Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên nhanh chóng tấu về chuyện Nhân Bảo chết trận, cùng xin rút quân. Không đợi chiếu thư đến báo, liền chia quân đóng đồn ở các châu, mở kho cấp phát, trao cho thuốc chữa bệnh, bảo mọi người rằng: “Nếu đợi báo thì mấy vạn người đều phơi thây ở ngoài bãi rộng rồi.” Bèn tự dâng biểu tự hặc tội, nhà vua hạ chiếu khen việc ấy, sai sứ đến xét tội bọn Trừng. Gặp lúc Vương Soạn bệnh chết, Trừng và Giả Thực đều bị chém ở chợ Ung châu. Gọi bọn Toàn Hưng về bỏ ngục, Toàn Hưng chịu tội chết. Trần Khâm Tộ, Hách Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách biếm làm Đoàn luyện phó sứ, Khâm Tộ ở Khánh châu, Thủ Tuấn ở Từ châu, Lượng ở Phong châu. Tặng Nhân Bảo hàm chức Công bộ thị lang, cho hai con trai của hắn làm quan.

      Thích

    • Tống sử – Hầu Nhân Bảo liệt truyện (Nguyên – Thoát Thoát chủ biên)

      仁寶以蔭遷太子中允,即趙普妹婿。盧多遜與普有隙,普罷相,即以仁寶知邕州。州之右江生毒藥樹,宣化縣人常采貨之。仁寶以聞,詔盡伐去。九年不代。太平興國中,上言陳取交州之策,太宗大喜,令馳驛召歸。多遜遽奏曰:「若召仁寶,其謀必泄,蠻夷增備,未易取也。不如授仁寶飛輓之任,且經度之,別遣偏將發荊湖士卒一二萬人,長驅而往,勢必萬全。」帝以為然。遂以仁寶為交州水陸計度轉運使。前軍發,遇賊鋒甚盛,援兵不繼,遇害死江中。太宗聞之,甚悼惜,特贈工部侍郎,錄其子延齡、延世並為齋郎。延齡至殿中丞。延世至太子中舍。Nhân Bảo được tập ấm làm Thái tử trung doãn, là em rể của Triệu Phổ. Lư Đa Tốn có hiềm khích với Phổ, khi Phổ bị bãi chức Tể tướng, liền lấy Nhân Bảo làm Tri Ung châu. Miền Hữu Giang của châu ấy có mọc cây thuốc độc, người huyện Tuyên Hóa thường hái đem bán. Nhân Bảo tấu việc này lên, nhà vua hạ chiếu sai chặt hết. Chín năm làm quan ở đấy không được thay. Giữa những năm Thái Bình Hưng Quốc, dâng biểu bày kế đánh lấy Giao châu, Thái Tông mừng lắm, sai người đi nhanh đến gọi về, Lư Đa Tốn tấu rằng: “Nếu gọi Nhân Bảo về tất lộ mưu ấy, Man Di tăng phòng bị thì không dễ đánh lấy. Không bằng trao chức coi việc vận chuyển cho Nhân Bảo, lại sai hãy lo liệu việc đánh lấy, sai riêng một tướng ngoài biên phát một hai vạn lính miền Kinh Hồ ruổi dài mà đến, là thế vạn toàn.” Nhà vua cho là phải, bèn lấy Nhân Bảo làm Giao châu thủy lục kế độ chuyển vận sứ. Tiền quân đi trước, gặp tiên phong giặc rất mạnh, viện binh lại không đến, bị hại chết ở giữa sông. Thái Tông nghe tin, rất lấy làm thương tiếc, tặng chức Công bộ thị lang, cho con hắn là Diên Linh-Diên Thế đều làm Trai lang. Diên Linh làm đến Điện trung thừa, Diên Thế làm đến Thái tử trung xá.

      ______________

      Dựa theo các tư liệu ghi chép vậy là Hầu Nhân Bảo-Tôn Toàn Hưng theo đường bộ từ Ung châu kéo vào Hoa Bộ. Tôn Toàn Hưng dừng ở Hoa Bộ 70 ngày đợi cánh thủy quân của Lưu Trừng, còn Hầu Nhân Bảo tiền phong đi trước, sau đó Nhân Bảo đốc thúc luôn nhưng Toàn Hưng cũng không đi (bấy giờ cũng Lưu Trừng đến Hoa Bộ, bèn cùng Toàn Hưng theo đường thủy đến thôn Đa La không gặp quân Lê Hoàn, lại tự ý rút về Hoa Bộ), Nhân Bảo lẻ loi mà viện binh của Toàn Hưng-Lưu Trừng không đến, bị Lê Hoàn dụ vào trận địa, bị chết trận giữa sông huyện Chu Diên.

      Thích

  2. Xin cám ơn góp ý của Bạn. Biết rằng đến nay nhiều nguồn tin khảng định thành Bình lỗ nằm ở gần cửa sông Cà Lồ. Bài thơ Nam quốc sơn hà thời Lê Đại Hành cũng phát tích từ đây, như vậy chắc trận Bình Lỗ cũng xảy ra ở khu vực này. Tại đây hiện nay có một dòng họ đông đảo là hậu duệ của Hoàng đế Lê Trung Tông (Con thứ 3 của vua Lê Đại Hành, có gia phả ghi rõ). Theo Lê Trung Tông (Tiền Lê). Wikipedia thi con Lê Trung Tông là Lê Long Diên và vợ là Phạm Thị Duyên. Trong gia phả có ghi rõ với 3 câu chữ Hán, tạm dịch ra hán nôm là: “Tỵ Long Đĩnh chi hiểm họa, Di quyến thuộc vu Vũ Bình Khẩu, Ẩn tích mai danh nhi lập nghiệp” nghĩa là “Tránh cái hiểm họa Long Đĩnh, Chuyển gia quyến về cửa sông Cà Lồ, Giấu tung tích mà lập nghiệp”. Nghĩa là dòng họ này đã về đây từ sau biến cố Hoa Lư năm 1005. Có thể do phải ẩn tích mai danh nên Lê Long Diên được đổi thành Chu Diên và sau này (thời Nam Tống – 1127 đến 1279) địa phương mà triều đình nhà Tiên Lê chạy trốn về đây được các học giả người Nam Tống gọi là huyện Chu Diên chăng ?. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=914377975438906&set=pcb.562335764220208&type=3&theater&ifg=1. Lịch sử đã quá xa, tư liệu có hạn, xin vài câu mạo muội trao đổi cùng với Ban.

    Thích

    • Không phải, tôi nhầm không có huyện Vũ Bình ở đây. Vũ Bình Khẩu , trong 3 chữ này theo tôi là lấy từ chữ Vũ Ninh (tên cũ của vùng Bắc Ninh có từ xa xưa, làng này ở cửa sông Cà Lồ nhưng thuộc tỉnh Bắc Ninh), chữ Bình lấy từ Bình Giang (tên cũ của sông Cà Lồ), Khẩu là cửa. Sở dĩ có thêm chữ Vũ là vậy.

      Thích

    • Không phải, tôi nhầm không có huyện Vũ Bình ở đây. Vũ Bình Khẩu , trong 3 chữ này theo tôi là lấy từ chữ Vũ Ninh (tên cũ của vùng Bắc Ninh có từ xa xưa, làng này ở cửa sông Cà Lồ nhưng thuộc tỉnh Bắc Ninh), chữ Bình lấy từ Bình Giang (tên cũ của sông Cà Lồ), Khẩu là cửa. Sở dĩ có thêm chữ Vũ là vậy.

      Thích

  3. Huyện Chu Diên là huyện thuộc quận Giao Chỉ thời Hán và huyện thuộc Giao châu (An Nam đô hộ phủ) thời Đường và cũng rất có thể vẫn tồn tại đến thời Đinh và Tiền Lê vào lúc Lê Hoàn chống quân Tống.

    Giao châu (thuộc An Nam đô hộ phủ) thời Đường cũng có huyện Vũ Bình (武平縣縣) tức quận Vũ Bình thời Đông Ngô. Chẳng lẽ cửa sông Cà Lồ ở huyện này cho nên gia phả mới gọi là Vũ Bình khẩu (武平口)/cửa Vũ Bình.

    Thích

    • Như vậy Chu Diên và Vũ Bình là địa danh có từ xa xưa. Cửa sông Cà Lồ (có tên là Vũ Bình khẩu) chắc thuộc huyện Vũ Bình xưa. Hầu Nhân Bảo bị bêu đầu ở chợ thuộc huyện Chu Diên. Vậy huyện Chu Diên xưa chắc bao gồm cả khu vực từ Cổ Loa đến cửa sông Cà Lồ. Thông tin này thật là quý, sẽ làm rõ dần diễn biến của trận Bình Lỗ. Xin cám ơn Bạn.

      Thích

      • Xin nhắc thêm là huyện Chu Diên và huyện Vũ Bình đều thuộc Giao châu thời Đường. Vị trí cụ thể hai huyện ấy không rõ, nhưng một số sách địa lý chép huyện Vũ Bình là quận Vũ Bình thời Đông Ngô đánh người Phù Nghiêm Di để đặt ra, cũng thuộc huyện Phong Khê (kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương) thời Đông Hán, cho nên huyện Vũ Bình thời Đường có thể bao gồm cả đất Cổ Loa trong đó. Sách dã lục thời Nam Tống chép Hầu Nhân Bảo bị bêu đầu ở huyện Chu Diên, suy ra trận địa ở huyện Chu Diên hoặc không xa huyện Chu Diên là mấy. Hoặc giả hai huyện Chu Diên và Vũ Bình kề nhau.

        Thích

      • Ô không, tôi nhầm huyện Vũ Bình với huyện Bình Đạo rồi. Huyện Bình Đạo cũng thuộc Giao châu thời Đường mới là huyện Phong Khê (kinh đô Cổ Loa) thời Đông Hán.

        Tam quốc chí- Ngô thư – Tam tự chủ truyện (Tấn – Trần Thọ soạn): 建衡三年,分交阯為新昌郡。諸將破扶嚴,置武平郡。Năm Kiến Hành thứ ba (năm 271), chia quận Giao Chỉ đặt ra quận Tân Xương. Các tướng (bọn Đào Hoàng-Ngu Dĩ) phá đất Phù Nghiêm, đặt ra quận Vũ Bình.

        Tống thư – Địa lí chí: (Tiêu Lương – Thẩm Ước soạn)武平太守,吳孫皓建衡三年討扶嚴夷,以其地立。領 縣六。戶一千四百九十。Thái thú Vũ Bình, thời vua Ngô là Tôn Hạo năm Kiến Hành thứ ba (năm 271) đánh người Phù Nghiêm Di, lấy đất ấy đặt thành quận, lĩnh sáu huyện, (thời nhà Lưu Tống) có 1.490 hộ.

        Cựu Đường thư – Địa lí chí (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn):平道漢封溪縣地,南齊置昌國縣。《南越志》:交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。Huyện Bình Đạo vốn là huyện Phong Khê thời Hán, nhà Nam Tề đặt ra huyện Xương Quốc. Nam Việt chí chép: Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ. Ngày trước có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá gọi là Hùng hầu. Sau đó vua Thục đem ba vạn quân đánh diệt Hùng Vương đi, vua Thục cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo. Thành vua có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà ở thành Phiên Ngu phát binh đánh vua. Vua có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt, Triệu Đà bèn hòa với vua, lại sai con là Thủy làm tin. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thì phá đi. Kịp khi quân Việt đến bèn giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.

        Thích

  4. Lĩnh Ngoại đại đáp – An Nam quốc (Nam Tống – Châu Khứ Phi soạn): 自欽西南舟行一日,至其永安州,由玉山大盤寨過永泰、萬春,卽至其國都,不過五日。自邕州左江永平寨,南行入其境机榔縣,過烏皮,桃花二小江,至湳定江亦名富良江,凡四日至其國都,乃郭逵師所出也。又自太平寨東南行,過丹特羅江,入其諒州,六日至其國都。若自右江温潤寨入其國則迂矣。Từ Khâm châu đi thuyền về phía tây nam một ngày đến châu Vĩnh An nước ấy, rồi theo trại Đại Bàn huyện Ngọc Sơn qua các huyện Vĩnh Thái-Vạn Xuân thì đến kinh đô nước ấy, không quá năm ngày là đến. Từ trại Vĩnh Bình miền Tả Giang thuộc Ung châu đi về phía nam đến huyện Cơ Lang của nước ấy, qua hai con sông nhỏ là Ô Bì-Đào Hoa, đến sông Nậm Định, cũng có tên là sông Phú Lương, cả thảy bốn ngày thì đến kinh đô nước ấy, là con đường mà Quách Qùy xuất phát vậy. Lại từ trại Thái Bình đi về phía đông nam, đi thuyền qua sông Đặc La vào Lạng châu của nước ấy, sáu ngày là đến kinh đô nước ấy. Nếu từ trại Ôn Nhuận miền Hữu Giang vào nước ấy thì xa hơn.

    ________________________

    Đây là miêu tả con đường vào nước Giao Chỉ/Đại Việt thời Nam Tống, có thể không khác lắm thời Lê Hoàn chống Tống. Suy đoán cánh quân bộ do Tri Ung châu là Hầu Nhân Bảo thống lĩnh xuất phát từ Ung châu cũng không khác gì cánh quân của chủ soái Quách Qùy thời Lí Thường Kiệt chống Tống lắm. Cho nên chiến trường Lê Hoàn chống Tống ở sông Cà Lồ gần bờ sông Như Nguyệt là chính xác. Tức là nói cánh quân thủy của Tống do bọn Tôn Toàn Hưng vào sông Bạch Đằng là khá thuận lợi, rồi vào nội địa đến trận địa ở bờ sông Cà Lồ.

    Thích

      • Theo như các sách tôi đã dẫn thì Hầu Nhân Bảo chết trận ở giữa sông và bêu đầu ở huyện Chu Diên (朱鳶縣), có thể chỗ sông ấy cũng thuộc huyện này. Tiếc là địa danh xưa duyên cách thay đổi chẳng tõ chỗ nào.

        Thích

      • Có vẻ huyện Chu Diên (朱鳶縣) và sông Chu Diên (朱鳶江) nằm trên con đường quan trọng mà quân xâm lược từ ngoài biển đi vào Giao châu. Trong lịch sử từng có 4 lần được chép đến:

        – Nguyên Hòa quận huyện đồ chí (Đường – Lí Cát Phủ chủ biên):
        朱鳶縣,上。東南至府五十里。本漢舊縣,屬交趾郡,至隋不改。武德四年於此置鳶州,貞觀元年廢,縣屬交州。朱鳶江,北去縣一里。後漢馬援南征,鑄銅船於此,揚排然火,炙船頭令赤,以燋湧浪及殺巨鱗橫海之類。Huyện Chu Diên, hạng thượng (trong hạng thượng – trung – hạ). Phía đông nam đến (Đô hộ) phủ năm chục dặm. Vốn là huyện cũ thuộc quận Giao Chỉ thời Hán, đến thời Tùy không đổi. Năm Vũ Đức thứ tư, ở đây đặt ra Diên châu, năm Trinh Quan thứ tư lại bỏ, trả về thuộc Giao châu. Có sông Chu Diên, cách huyện một dặm về phía bắc, người thời Hậu Hán là Mã Viện nam chinh, đúc thuyền đồng ở đây, mài rèn trong lửa đốt cho mui thuyền nhọn có màu đỏ để vượt biển rẽ sóng và giết cá lớn.

        龍編縣,中下。西北至府四十五里。本漢縣,屬交趾郡。立縣之始,蛟龍盤編於江津之間,因以為瑞,而名縣也。武德四年於此置龍州,貞觀元年州廢,縣屬交州。朱鳶江,在縣北,即楪榆水之一源也。盧循之寇交州也,刺史杜慧度率軍水步,晨出南津,以火箭攻之,燒其船艦,一時潰散,循亦中矢,赴水而死。Huyện Long Biên, hạng trung hạ. Phía tây bắc đến phủ bốn mươi lăm dặm. Vốn là huyện thuộc quận Giao Chỉ thời Hán. Vào thời mới lập huyện, có giao long cuộn tròn ở giữa bờ sông, nhân đó cho là điềm lành mà đặt tên huyện như thế. Năm Vũ Đức thứ tư, ở đây đặt ra Long châu, năm Trinh Quan đầu tiên thì bỏ châu, trả huyện về thuộc Giao châu. Có sông Chu Diên ở phía bắc huyện, tức là nguồn của sông Diệp Du vậy. Vào lúc Lư Tuần (thời Tấn) vào cướp Giao châu, Thứ sử là Đỗ Tuệ Độ đem quân thủy bộ sáng sớm xuất phát từ bờ nam bắn tên lửa chặn đánh, đốt thuyền hạm của Lư Tuần, một lúc thì tan vỡ, Tuần cũng trúng tên, nhảy xuống sông chết.

        – Tư trị thông giám – Lương kỉ (Tống – Tư Mã Quang chủ biên):
        上遣交州刺史楊㬓討李賁,以陳霸先為司馬;命定州刺史蕭勃會㬓於西江。勃知軍士憚遠役,因詭說留㬓。㬓集諸將問計,霸先曰:「交趾叛換,罪由宗室,遂使溷亂數州,逋誅累歲。定州欲偷安目前,不顧大計。節下奉辭伐罪,當死生以之。豈可逗橈不進,長寇沮衆也!」遂勒兵先發。㬓以霸先為前鋒。至交州,賁帥衆三萬拒之,敗於朱鳶,又敗於蘇歷江口。賁奔嘉寧城,諸軍進圍之。(Lương Vũ Đế, năm Đại Đồng thứ mười một, 545) nhà vua sai Thứ sử Giao châu là Dương Phiếu đánh Lí Bôn, lấy Trần Bá Tiên làm Tư mã, sai Thứ sử Định châu là Tiêu Bột hội với Phiếu ở Tây Giang, Bột biết quân sĩ sợ đi xa, nhân đó nói lời khuyên Phiếu ở lại. Phiếu họp các tướng hỏi kế, Bá Tiên nói: “Giao Chỉ phản loạn là lỗi ở tông thất, mới khiến cho mấy châu (Giao-Ái-Đức) ứ loạn, đánh dẹp nhiều năm. Định châu (Tiêu Bột) chỉ muốn yên ổn một lúc mà không nghĩ kế lớn. Tiết hạ (Dương Phiếu) vâng mệnh đánh kẻ có tội, nên sống chết làm đi, sao lại chần chừ không tiến, khiến cho giặc cướp lâu hơn!” Rồi xua quân đi trước, Phiếu lấy Bá Tiên làm tiền phong. Đến Giao châu, Bôn đem ba vạn quân chống lại, thua ở huyện Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch. Bôn chạy về thành Gia Ninh, chư quân đến vây thành ấy.

        – Giao Chỉ tổng chí (Minh – Địa phương quan chủ biên): 高正平, 唐代宗時人,初為武定校尉,以兵援張伯儀於龍編,破崑崙、闍婆軍於朱鳶,拜為都護。 Cao Chính Bình là người thời Đường Đại Tông. Lúc đầu làm Hiệu úy Vũ Định, đem binh giúp (Kinh lược sứ) Trương Bá Nghi ở huyện Long Biên, phá quân Côn Lôn-Chà Bà ở huyện Chu Diên, bái làm Đô hộ.

        ________________

        Qua các ghi chép trên có thể thấy sông Chu Diên là một nguồn của sông Hồng, tức sông Cầu, sông này chảy qua huyện Long Biên và huyện Chu Diên. Là nơi quân xâm lược thường ghé qua để vào nội địa, rất có thể tướng thời Tống là Hầu Nhân Bảo đến đây.

        Thích

  5. Đại Việt sử ký toàn thư có 2 lần quan trọng nhắc đến huyện Chu Diên, lần đầu ghi là quê của Thi Sách (Chồng Bà Trưng), khoảng huyện Đan Phượng ngày nay. Lần thứ hai ghi là quê của Triệu Túc (Bố Triệu Quang Phục) và cho là khoảng gần đầm Dạ Trạch (trong vùng Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên). Cái tên huyện Chu Diên đã thay đổi theo thời gian. Theo tôi nó có sớm nhất từ thời Đông Hán (Hai bà Trưng), tức là gắn với quê của Thi Sách. Còn Triệu Túc từ nơi khác theo về với Lý Bí, sau nay con ông là Triều Quang Phục thành danh ở Đầm Dạ Trạch và làm vua. Có lẽ cái tên Chu Diên được di chuyển từ nơi khác đến và được gắn với Hải Dương và Hưng Yên từ đó cho nên ngày nay hai tỉnh này nhận cái tên huyện này về cho tỉnh mình. Vấn đề ở đây là Hầu Nhân Bảo bị bêu đầu ở đâu trong 2 nơi này? Nếu ở Đan Phượng thì nơi đây gần đầu nguồn sông Nhuệ (nối với sông Hồng). Bên kia sông Hồng là đầu nguồn sông Cà Lồ rồi. Rất có thể sau khi chặt được đầu Hầu Nhân Bảo, đám binh sĩ có nhiệm vụ mang về vùng Trung Tâm gặp chỉ huy cao hơn để báo cáo, cho dân xem thắng lợi và lĩnh thưởng. Nơi này nằm trên đường hành quân tiến lên phía Bắc của đại quân do Lê Đại Hành chỉ huy. Có thể lý giải thêm như vậy để làm rõ những phân tích của bạn. Còn nếu mang đầu Hầu Nhân Bảo xuôi dòng về vùng Phả Lại để đến huyện Chu Diên của vùng (Hải Dương, Hưng Yên) lúc đó nguy hiểm hơn vì chiến sữ vẫn đang diễn ra, có nhiều quân Tống ở đó, dễ bị chúng cướp lại cái thủ cấp này.

    Thích

  6. Pingback: Trận Bình Lỗ đã diễn ra như thế nào? | Nghiên Cứu Lịch Sử

  7. Pingback: Chiến dịch Bình Lỗ & Trận đại phá quân Tống trên sông Hữu Ninh | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s