Sai lầm của bản luận án về “NGHĨA VỤ CON NGƯỜI” – Bài 3

Bài 3 : SAI NGAY TỪ KHI “ĐẶT VẤN ĐỀ” và “MỞ ĐẦU”

Nguyễn Ngọc Lanh

Xin nhắc lại một ý nêu từ bài trước:

Chỉ cần đọc 4 chữ đầu tiên trong tên luận án “Nghĩa vụ con người…”, và cũng chỉ cần có chút hiểu biết về khải niệm “con người”, nhiều vị sẽ tự thấy rất nản, không còn đủ hứng thú và kiên nhẫn để đọc nốt cái tên luận án (còn những 8 chữ tiếp theo nữa). Hóa ra, khái niệm “con người” mà tác giả luận án sử dụng rất khác đời, nhờ sự can đảm và tự tin hiếm thấy. Nó rất khác với khái niệm chung trong triết học và luật học, đang được sử dụng phổ biến hiện nay.

Ngay ở phần MỞ ĐẦU của luận án (dưới đây sẽ trích 1 đoạn ngắn) tác giả cũng hành xử như vậy khi 4 lần viết ra hai chữ “con người”. Sự khởi đầu đã như vậy, khỏi cần đoán trước kết quả nghiên cứu của luận án sẽ dẫn người đọc tới chỗ miên man không biết dâu là bờ. Mô Phật!

 

Xin nhắc lại điều sơ đẳng (bài trước đã nêu)

a- Khái niệm “con người” ra đời là bước tiến lớn trong tư duy nhân loại. Do vậy khi bàn những đề tài liên quan tới “con người” phải có sự thống nhất về định nghĩa cũng như về nội hàm của từ này. Trên bình diện triết học, khái niệm “con người” ra đời trước hết phân biệt với “con vật”. Đó là khi con người tự ý thức về địa vị chúa tể của mình trong thế giới sống (sinh giới). Chính do vậy, các định nghĩa về “con người” đều hàm ý so sánh với “con vật”. Tiếp theo, là khái niệm “quyền con người” ra đời, rồi được cụ thể hóa tới “quyền cơ bản của con người” là những bước tiến còn xa hơn nữa. Đến đây, vẫn có sự so sánh với con vật. Quyền con người là những quyền chỉ dành con người, để con người trở thành “con người. Khi đứng trước “con người”, con vật chẳng có quyền gì hết. Quyền cơ bản của con người cũng vậy. Nó giúp ta dễ hiểu, dễ nhớ. Và, nếu bị mất đi, “con người” (vẫn có hình dạng bên ngoài là “người”) nhưng – về cơ bản – đang bị đồng loại đối xử như con vật.

Nhắc lại, trong thế giới sinh học, “con người” có mọi quyền khi đứng trước “con vật” (và cỏ cây) mà chẳng cần phải có bất kỳ nghĩa vụ gì với chúng hết. Do vậy, nếu cứ tự ý viết chung chung “nghĩa vụ con người” – như tác giả luận án đã tùy tiện làm, là rất trái logic. Hơn nữa, còn đánh tráo “nghĩa vụ con người” thành “nghĩa vụ công dân” (như trong MỞ ĐẦU luận án) thì… câu hỏi đương nhiên phải là: Đó là do trình độ nhận thức hay do cố ý?. Vẫn còn dịp nhắc lại câu hỏi loại này.

b- Vậy “con người” có nghĩa vụ gì với những “con người” khác?

Đây là những nghĩa vụ chung nhất, với đồng loại, khi những “con người” này chưa đóng vai công dân, hội viên, đoàn viên,,. cũng chưa liên quan tới giới tính, tuổi tác, chủng tộc, quốc tịch… Xin mời độc giả đọc hai bản Tuyên Ngôn về Nghĩa Vụ con người (bài trước đã nêu, kèm theo link) để thấy thế giới quan niệm về “nghĩa vụ con người” khác hẳn với quan niệm của tác giả luận án.

Nói vắn tắt, những Tuyên Ngôn này ra đời do các cơ quan quốc tế (ví dụ Unesco, Hội đồng Nhân Quyền) ủy nhiệm những người uy tín nhất soạn thảo nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền (1948-1998). Gọi là Tuyên Ngôn, nhưng chưa được chính thức ban hành, mới chỉ để thảo luận và thăm do dư luận chung.

Tình hình chung khi đó là, có những thế lực xuyên tạc và ngăn cản việc thực thi các quyền con người (ghi trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền (1948). Ngoài ra, con người đứng trước tình hình mới về toàn cầu hóa, khí hậu, môi trường, năng lượng… Do vậy, con người phải có những nghĩa vụ mới. Trước hết là bảo vệ tinh thần, ý nghĩa và nội dung Tuyên Ngôn Quyền Con Người, chống lại các “thế lực thù địch. Tiếp theo là đấu tranh thực thi các quyền đó trên diện rộng mà nhiều quốc gia nại ra những cớ để tránh thực thi.. Tiếp nữa là nghĩa vụ đối với khí hậu, môi trường và những vấn đề khác, để tạo ra những điều kiện sống tối ưi cho nhân loại. Điều khoản cuối của các Tuyên Ngôn này là sự đề phòng không thừa, với nội dung là (ý): Không ai được dùng Tuyên Ngôn này (về nghĩa vụ con người) để xâm phạm tinh thần, ý nghĩa và nội dung Tuyên Ngôn Quyền Con Người (1948).

Những nghĩa vụ nêu trong các Tuyên Ngôn kể trên rất khác với “nghĩa vụ” mà tác giả luận án (Vương Tấn Việt, tức nhà sư Thích Chân Quang) đề ra cho người dân nước Việt (và còn muốn đề ra cho công dân toàn cầu). 

Quan điểm xuyên suốt của nhà sư này gói gon trong câu sau đây, khi ông soạn thảo Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người (tiếng Anh, tiếng Việt), để sẽ đệ trình lên tận Liên Hợp Quốc:    – Considering that human beings need the right to life and the pursuit of happiness, there must also be responsibilities commensurate with those rights.      – Xét thấy rằng con người cần có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc nhưng cũng phải có trách nhiệm tương xứng với các quyền đó.Quan điểm này khiến “con người – human being” hết là “con người”.

I. VỀ LÝ THUYẾT: TRA CỨU “CON NGƯỜI” THẾ NÀO và Ở ĐÂU?

  1. Trước hết, phải dựa vào văn bản chính thức

a) Đó chính là bản Tuyên Ngôn phổ quát về quyền CON NGƯỜI do Đại Hội Đồng LHQ ban hành rộng khắp, tới từng hang sâu, ngõ hẻm, nếu ở đó có “con người” đang sống. Mời coi thử, văn bản này quan niệm thế nào về “con người”.

b) May thay! Từ ngữ mà chúng ta muốn tìm hiểu nằm ngay ở Điều 1:

        – “Con người” (tiếng Việt), là human beings (Bản tiếng Anh)

        – và “con người” là êtres humains (bản tiếng Pháp).

  1. Từ ngữ “con người” của tác giả Vương Tấn Việt

Phần cuối của luận án, tác giả Vương Tấn Việt đưa ra một Tuyên Ngôn về Nghĩa vụ Con Người, với mục đích công khai là để cân bằng và cân đối (giữa Quyền và Nghĩa Vụ) với Tuyên Ngôn về Quyền Con Người (do Liên Hợp Quốc ban hành). Để giữ tài sản trí tuệ, tác giả đã dịch sang tiếng Anh bản Tuyên Ngôn của cá nhân mình và đăng ký bản quyền ở nước Đức. Trong bản dịch này, tác giả cũng chuyển ngữ “con người” thành “human being”.

Cần nói ngay ở đây: Cái từ “con người” trong Tuyên Ngôn của tác giả tuy hòa nhập với “con người“ trong văn bản quốc tế, nhưng khi vận dụng nó trong luận án, ngay ở phần MỞ ĐẦU, nó lập tức hết “hòa nhập”. Điều này còn phải nói tiếp.

Xin tóm tắt ở dưới.

Bản Tuyên Ngôn tiếng Anh

Article 1. All human beings are born free and equal in dignity and rights. They are endowed with reason and conscience and should act towards one another in a spirit of brotherhood.

Bản tiếng Pháp

Article premier. Tous les êtres humains naissent libres et égaux en dignité et en droits. Ils sont doués de raison et de conscience et doivent agir les uns envers les autres dans un esprit de fraternité.

 

Bản của Vương Tấn Việt (từ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh)

Considering that human beings need the right to life and the pursuit of happiness, there must also be responsibilities commensurate with those rights.

Tóm lại. Muốn hiểu Con Người đúng nghĩa, cứ tra human beings

  1. Vậy, cứ hỏi google bằng cái từ khóa human being…

Nếu đã thống nhất “con người” (tiếng Việt) là đồng nhất với “human being” thì cứ dùng nó mà tra cứu ở google.

a- Dùng từ khóa (key word) human being để hỏi Google, chúng ta thu được 7.740.000.000 (7-8 tỷ) kết quả. Kinh quá. Dẫu sao, sự phổ biến rộng rãi của từ ngữ khiến ý đồ làm sai lạc nghĩa của nó cũng không dễ mà thực hiện. Chỉ cần “khai dân trí” – như cụ Phan Tây Hồ đã dạy từ trăm năm trước.

b- Hãy đặt human being trong ngoặc kép (“human being”) để kết quả tập trung hơn. Tuy nhiên, số kết quả thu được vẫn tới 168.000.000. Khiếp quá.  

c- Vậy, dùng hai từ khóa (“human being” và definition) coi thử. Quả nhiên, kết quả càng tập trung: Đó là 73.200.000.

– Dẫu vẫn quá nhiều kết quả, nhưng chỉ cần xem xét những kết quả sát với định nghĩa nhất, sẽ nhận ra: Nghĩa và nội hàm của human being khá đơn giản và rất thống nhất. Điều thống nhất hàng đầu là trong mọi định nghĩa đều hàm chứa sự khác biệt với động vật.  

Chả là… trong số những “loài người” từng có mặt trên trái đất này (từ triệu năm trước), đến nay chỉ còn duy nhất một loài là Homo sapiens, tách khỏi giới động vật từ khoảng 300 ngàn năm trước. Do vậy, định nghĩa đơn giản nhất về “con người” là: Bất cứ cá thể nào thuộc loài Homo sapiens, hiện đang sống, đều là “con người” (đều xứng đáng được hưởng mọi quyền con người).

Vài kết quả tra cứu: “Con người” là gì?

1) Human being means any member of the species homo sapiens from fertilization until death;

Con người là bất kỳ thành viên nào của loài homo sapiens kể từ khi thụ thai tới khi chết.

2) Human being: a man, woman, or child of the species Homo sapiens, distinguished from other animals by superior mental development, power of articulate speech, and upright stance (theo The Oxford Pocket Dictionary of Current English)

Con người: bất kể tuổi và giới, miễn là thuộc loài Homo sapiens, được phân biệt với các loài động vật khác nhờ sự phát triển trí tuệ vượt trội, khả năng nói rõ ràng và dáng đứng thẳng.

3) Muốn hiểu đầy đủ, xin mời đọc bài rất dài: What a human being is

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3814511/

4) Một bài tiếng Việt, dễ hiểu, thích hợp với trình độ học sinh cấp II.

Xin mời đọc bài: HUMAN BEING LÀ GÌ

II. HIỂU BIẾT THÔNG THƯỜNG về QUYỀN và NGHĨA VỤ

Chỉ một đoạn ngắn trong phần MỞ ĐẦU của luận án, tác giả 4 lần sử dụng từ “con người”, 8 lần dùng “quyền” và 5 lần dùng “nghĩa vụ”. Vấn đề là sự chuẩn mức đến đâu…

Về khái niệm “con người”: Đã nói tạm đủ ở phần trên.

Nay, xin nói về quyền và nghĩa vụ.

  1. Quyền có đi đôi với nghĩa vụ?

Tôi mua một đồ vật, tôi có nghĩa vụ trả tiền cho người bán. Hai bên (phải có hai bên) đã thực thi đầy đủ nghĩa vụ của mình. Tiền đã trao, thì cháo phải múc.

Sau đó, tôi có quyền sở hữu đồ vật nói trên và không còn có nghĩa vụ gì liên quan nữa. Tôi và đồ vật của tôi không phải là “hai bên”…

Quyền không nhất thiết đi đôi với nghĩa vụ. Tôi sở hữu một đồ vật mua bằng tiền của tôi. Tôi có quyền sử dụng nó, tôi cũng có quyền cho, tặng, cho mượn, cho thuê, đổi chác, bán và (thậm chí) vứt và phá hủy nó… mà chẳng ai đòi hỏi tôi về “nghĩa vụ” của tôi với cái đồ vật này.

Tôi sở hữu hai quả thận. Tôi có quyền cho, tặng một quả (để cứu bệnh nhân cần ghép thận). Mọi người đều khen mà chẳng ai nhắc tôi về “nghĩa vụ”: Anh đã có quyền thì anh phải có nghĩa vụ (nào đó)… (như vị sư đã quả quyết).

  1. Nghĩa vụ

“Nghĩa vụ” chỉ đặt ra khi hai (hoặc nhiều) bên cam kết điều gì đó với nhau. Nếu chỉ có một bên, sẽ không có chuyện “nghĩa vụ”. Giữa một con người và vật sở hữu của người dó – không phải là “hai bên cam kết”: do vậy, sẽ không có chuyện “nghĩa vụ” của bên này với bên kia.

Cái thời con người đủ trí khôn để tách khỏi giới động vật, cũng không có chuyện “cam kết” giữa hai bên; vậy, lấy đâu ra “nghĩa vụ con người”?

 

III. VÀI NHẬN XÉT PHẦN “MỞ ĐẦU” CỦA LUẬN ÁN

 

  1. Trích những dòng đầu tiên của phần MỞ ĐẦU luận án.

Sau đó sẽ tách thành 5 câu trích nhỏ hơn, để bàn…

 

 

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài (trích)

Trong lý luận cực kỳ cơ bản của pháp luật, Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề. Nếu con người cho rằng mình có Quyền thụ hưởng (enjoyment) thì cũng đồng nghĩa với việc phải có Nghĩa vụ cống hiến (dedication). Thậm chí, Nghĩa vụ phải đi trước Quyền thì xã hội mới phát triển hợp lý. Con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ hiện ra.

Trên phương diện lý luận pháp luật hiện nay, thế giới đang bị cuốn vào trào lưu đề cao Quyền con người, nhưng rất ít ai biết quan tâm đến Nghĩa vụ mà con người cần thực thi. Sự mất cân bằng này đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy trong buổi lễ nhậm chức năm 1961 từng phát biểu rằng: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn, hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước” (ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country)1 . Hoa Kỳ là một quốc gia luôn cho mình là đi đầu về tự do Nhân quyền, nhưng rồi thực tế cuộc sống đã buộc vị Tổng thống của họ phải bật lên câu nói mang ý nghĩa đề cao Nghĩa vụ, tức là trách nhiệm của công dân, đối với đất nước (hết trích).

 

  1. Tác giả sử dụng từ “con người” theo ý nghĩa nào?

Trong toàn bộ luận án 250 trang, “con người” được tác giả sử dụng không trùng khớp với nội hàm của “human being”, cho dù có một lần tác giả dùng từ này để dịch “con người” sang tiếng Anh. Tuy nhiên, cùng một từ ngữ, dịch đúng và sử dụng đúng là hai chuyện khác nhau.

Ví dụ câu trích dưới đây (là những dòng chữ đầu tiên trong nội dung luận án), thì hai chữ “con người” có thể thay bằng: công dân, người dân, hội viên, anh ta, thằng nọ, chúng nó… Tóm lại, “con người” ở đây không phải là “human being”.

Mời đọc câu trích: Trong lý luận cực kỳ cơ bản của pháp luật, Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề. Nếu con người cho rằng mình có Quyền thụ hưởng thì cũng đồng nghĩa với việc phải có Nghĩa vụ cống hiến.

Có thể nói, tác giả đã cân nhắc rất kỹ để mở đầu luận án bằng câu này. Do vậy, muốn bàn thấu đáo vè nó, có lẽ phải dùng cả một bài dài. Sức mấy mà làm nổi?

Chỉ riêng cái mệnh đề khởi đầu của toàn bộ luận án: Trong lý luận cực kỳ cơ bản của pháp luật, Quyền và Nghĩa vụ là hai mặt của một vấn đề. Câu rất ngắn, gọn, rất đơn nghĩa (không thể hiểu sai) được tác giả khẳng định như chân lý – vững như “đinh đóng cột”). Do vậy, người đọc có thể dự đoán một điều (cũng chắc như “đinh đóng cột”): Tác giả muốn thuyết phục rằng… cần quàng lên cổ “con người” thêm nhiều “nghĩa vụ” nữa. Xin nói nốt: Quàng lên cố bằng Pháp Luật. Đố đứa nào cưỡng nổi.

  1. Nghĩa vụ là trồng lúa, Quyền là ăn cơm, Vậy “Con người” phải thực thi nghĩa vụ trước… thì mới sinh ra quyền – để mà hưởng?

Câu trích: Con người phải trồng lúa rồi mới có gạo để nấu cơm ăn. Nếu chỉ đòi hỏi phải có cơm, Quyền được ăn cơm là Quyền hiển nhiên, rồi ai cũng ngồi đó chờ cơm thì chẳng bao lâu kho gạo sẽ cạn. Mọi người phải đi gieo trồng lúa trước đã, rồi Quyền được ăn cơm sẽ hiện ra.

Chẳng cần bàn chuyện “con người” (ở câu trích trên) có thể thay bằng “nông dân” hoặc gì gì gì khác. Ở trên đã bàn rồi. Chỉ xin nhấn mạnh: Đây là ví dụ “chắc nịch” được tác giả tuyển chọn để đưa vào phần MỞ ĐẦU của luận án, đặng thuyết phục Hội Đồng chấm luận án (và toàn dân ta, có chúng ta trong đó) rằng “nghĩa vụ cần đi trước quyền”. Duy có điều, sao chỉ có nhõn một bên (người trồng lúa) mà lại phát sinh “nghĩa vụ”? Chả lẽ, đây là sáng tạo của luận án?

  1. Có thật hiện nay 2/3 dân số toàn cầu đang thừa thãi “quyền con người”? Do vậy, phải nhấn mạnh “nghĩa vụ”? Khốn nỗi “rất ít ai biết quan tâm đến nghĩa vụ”, trừ tác giả… Xin đọc câu trích dưới.

Câu trích 3: Trên phương diện lý luận pháp luật hiện nay, thế giới đang bị cuốn vào trào lưu đề cao Quyền con người, nhưng rất ít ai biết quan tâm đến Nghĩa vụ mà con người cần thực thi. Sự mất cân bằng này đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

  1. a) Có tới 2/3 dân thế giới sống ở các nước “đang” phát triển. Nhiều chính phủ của các nước này bị cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc hạch sách về thực thi quyền con người. Và nay đang phải trả lời theo định kỳ về sự tiến bộ trong thực thi. Xin mời tác giả cung cấp thêm thông tin.
  1. Câu dưới đây, người nói ở cương vị Nhà Nước, còn người nghe ở cương vị công dân. Cả hai bên chẳng dính dáng gì tới “con người – human being” sất.

Câu trích 4: Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy trong buổi lễ nhậm chức năm 1961 từng phát biểu rằng: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì được cho các bạn, hãy hỏi các bạn có thể làm gì cho đất nước” (ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country)

 

  1. Câu trích dưới đây có định đánh tráo “con người” với “công dân”?

Mời bạn đọc cho ý kiến

Câu trích 5: Hoa Kỳ là một quốc gia luôn cho mình là đi đầu về tự do Nhân quyền, nhưng rồi thực tế cuộc sống đã buộc vị Tổng thống của họ phải bật lên câu nói mang ý nghĩa đề cao Nghĩa vụ, tức là trách nhiệm của công dân, đối với đất nước.

Các đoạn trích nói trên chỉ là nửa trang đầu của luận án dài tới 250 trang. Sức mấy mà đọc cho hết và bàn cho hết những trang còn lại?


Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s