Hà Văn Thùy
Trong cuốn sách của mình, học giả Viên Như đưa ra một hệ quy chiếu khác để tìm nguồn gốc người Việt. Đấy là dựa trên hiểu biết sâu sắc về Kinh Dịch, ông giải mã trống đồng Ngọc Lũ để từ đó phát hiện ra Hạ dịch, cuốn Dịch của nhà Hạ bên cạnh Chu dịch cuốn dịch nhà Chu. Cũng từ cuốn Dịch này, ông xác định nhà Hạ là chủ Kinh dịch. Từ chỗ nhận định rằng, người Việt sáng tạo Kinh dịch nên ông cho rằng nhà Hạ là tổ tiên người Việt. Tóm lược đơn giản như thế nhưng trong sách, tác giả trình bày một lượng lớn kiến thức Dịch học, vượt quá tầm hiểu biết của phần lớn học giả đương thời. Vì vậy đề xuất của tác giả về cuốn Hạ dịch mới dừng lại ở mức độ giả thuyết làm việc, chưa được số đông giới nghiên cứu thừa nhận. Rồi dựa trên giả thuyết chưa được chứng minh, ông đề xuất tổ tiên người Việt là nhà Hạ. Lập luận như vậy thường được giới nghiên cứu cho là nhảy hai bước qua miệng vực, chứng tỏ một giả thuyết phiêu lưu.
Vì vấn đề quá mới, với kiến thức vừa sâu vừa rộng, vượt quá tầm hiểu biết của mình nên việc phê bình cuốn sách này không dễ. Do vậy để đánh giá cuốn sách, chúng tôi xin trích dẫn một số dòng trong sách rồi đưa ra bình luận. Trước hết chúng tôi không đề cập quá trình phát hiện Dịch nhà Hạ của tác giả mà chỉ căn cứ vào kết quả cuối cùng của cuốn sách là tìm ra cội nguồn người Việt. Một hệ thống đúng nếu vận hành đưa ra kết quả đúng. Một khi đưa ra kết quả không đúng có nghĩa là hệ thống thất bại.
*
1.Tại trang 26 tác giả viết: Đây chính là Hạ dịch hay dịch nhà Hạ, có nghĩa là Chu dịch chỉ là kinh thượng của Hạ dịch mà thôi; đồng thời qua đó chứng tỏ rằng nhà Chu là con cháu nhà Hạ và là người Lạc Việt
Có đúng nhà Chu là con cháu nhà Hạ? Sử nói rằng, Hạ Vũ được truyền hiền thì con cháu của Đế Khốc phản đối, bị Hạ Vũ đánh đuổi ra phía Tây, sinh ra ông Tắc và ông Tiết là tổ nhà Thương, nhà Chu sau này. Vì vậy không có chuyện nhà Chu là con cháu nhà Hạ. Nhà Chu cũng không thể là người Lạc Việt vì là hậu duệ của Đế Khốc và là dân du mục. Nói đúng hơn, họ thuộc chủng Indonesian mã di truyền O3M122 nhưng khi đi lên Nam Hoàng Hà từ 6.000 đến 7.000 năm trước, lúc này đã thành người Hoa Hạ. Cùng lắm, có thể gọi những dân cư này là gốc Việt mà không thể là Lạc Việt.
- Trang 27: Đây cũng chính là các triều đại sau nhà Chu, tức Tần, Hán tiêu hủy đi vì họ không muốn ai nhắc đến người Bách Việt hay Lạc Việt nữa, sau khi đã diệt chủng người Việt, việc Kinh Hạ được tổ tiên Việt thể hiện trên trống đồng Ngọc Lũ cho ta biết điều đó.
Vào thời Thương, ở Trung Nguyên còn nhiều tiểu quốc hay bộ lạc người Việt. Nhưng sang thời Chu, các tiểu quốc hay bộ lạc người Việt đã hòa đồng thành người nhà Chu. Như vậy tới thời Chu tại Nam Hoàng Hà không còn người Việt. Lịch sử không có tài liệu nào ghi nhận việc diệt chủng người Việt ở thời Tần, Hán. Sử Trung Quốc cũng không hề ghi chép việc người Lạc Việt hay Bách Việt tại Trung Nguyên mà chỉ ghi các tộc Tam Miêu, Man…
Trang 32: Cách đây 6000+năm dân tộc Việt đã sống trên vùng đất Trong Nguồn và Núi Thái, và theo tôi chỉ trở về Nam vào khoảng những năm 270-260 TCN.
Người Việt sống tại Trong Nguồn và Núi Thái khoảng 7000 năm trước. Một bộ phận trở về phía Nam sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế 2698 TCN. Không có tài liệu nói rằng người Việt trở về Nam vào thời Chiến Quốc, khoảng những năm 270-260 TCN. Lúc này, người sống ở đồng bằng miền Trung hoàn toàn là người Trung Quốc mà không có người Việt.
- Trang 48: Quẻ Hoán có nghĩa là lìa xa, trốn đi xa, có lìa xa mới an toàn, mới phát triển, ý nói đến việc từ bỏ vùng đất Trong Nguồn và Núi Thái qua cuộc chia ly giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, thật ra đó là việc từ bỏ Hà Nam về Giao Châu của dân tộc Việt khi bị Tần Thủy Hoàng diệt chủng ở Trung Nguyên, cụ thể, người Việt ở đây là người nhà Chu.
Không hiểu sao tác giả kéo “cuộc chia ly giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ” 2800 năm trước nhập với việc từ bỏ Hà Nam về Giao Châu? Suốt thời Chiến Quốc không có việc con người rời bỏ Hà Nam về Giao Châu. Lịch sử chỉ ghi cuộc di chuyển của 50 vạn quân Tần xuống Nam Dương Tử. Không có việc Tần Thủy Hoàng diệt chủng người Việt ở Trung Nguyên vì lúc này ở Trung Nguyên đều là người Trung Quốc. Cũng không hề có việc diệt chủng ở Trung Nguyên thời Chiến Quốc.
- Trang 146: Với những gì trình bày về cuốn Hạ dịch trên trống đồng Ngọc Lũ minh định rằng câu tục ngữ “1 chạp Giêng 2” mà người Việt dã lưu truyền từ hàng nghìn năm qua, mà ngày nay không mấy ai quan tâm nữa, chính là những gì còn lại của một quá khứ, cái thuở dân tộc Kinh còn ở trên Hoàng Hà và thuở ấy, họ sử dụng lịch Kiến Tý, có nghĩa là nhà Chu chính là người Việt.
Dân tộc Kinh ở Việt Nam chỉ được hình thành vào thế kỷ XIII vì vậy không thể có mặt trên lưu vực Hoàng Hà vào thời Thương, Chu. Việc sử dụng lịch kiến Tý là của người Việt cổ sống trên lưu vực Hoàng Hà, sau này chuyển hóa thành người Chu.
Trang 182: Như ta biết Lạc thư được làm bởi Hạ Vũ, có nghĩa là năm Nhâm Tuất này nằm ở thời Hạ Vũ, tức trước thời điểm 2879 của DVSKTT khoảng 1200 năm.
Tác giả có sự lầm lẫn đáng tiếc. Hạ Vũ làm Lạc Thư chỉ là ở trong truyền thuyết. Nay khảo cổ học xác định rõ, tại di chỉ Lăng Gia Than tỉnh Hồ Bắc 5800 năm trước tìm được Đồ, Thư bằng ngọc. Như vậy Đồ, Thư được làm trước nhà Hạ rất lâu. Nhà Hạ (2207 TCN – 2198 TCN) nên không thể trước thời điểm của DVSKTT 2879 TCN.
- Trang 201: Trong Hùng Vương ngọc phổ viết là Nghĩa Cương, nơi đây là thành trì của người Việt nên còn có tên Việt Trì, thể loại chữ này được sáng tác vào thời Chu, điều này chứng minh rằng những người xây dựng đền Hùng và đặt tên cho các địa danh ở đây trong ý thức vua Hùng là tôn thất nhà Chu.
Vua Hùng xuất hiện khoảng năm 2879 TCN. Trong khi đó nhà Chu tồn tại từ 1046 TCN – 256 TCN. Làm thế nào mà vua Hùng lại là tôn thất nhà Chu?
- Trang 202: Đồng thời Việt Nam sử lược viết: “Cuối đời Chu, Hùng vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay.” Thông tin này phù hợp với đề nghị của tôi, đó là vua Hùng có thể là tôn thất nhà Chu chạy về Nam khi Doanh Chính truy sát.
Vua Hùng thời kỳ này đã trị vì nhiều đời tại Việt Trì nên không thể có chuyện là tôn thất nhà Chu chạy về Nam do bị Doanh Chính truy sát. Cũng không hề có việc truy sát nào của Tần Thủy Hoàng với tôn thất nhà Chu.
Trang 206: Theo tôi An Dương Vương trong truyện Kim Quy chỉ là tên gọi khác của vua Hùng mà thôi, bởi vì sau khi bị Triệu Đà xưng vương, ta có thấy vua Hùng nào xuất hiện để đòi lại quyền lực đâu mà ngày nay người Việt vẫn nói rằng mình là con cháu vua Hùng, vậy con cháu An Dương Vương đâu? Không lẽ An Dương Vương một mình mà lấy được giang sơn của vua Hùng Sao?
An Dương Vương là nhân vật lịch sử có thật, người nước Ba Thục, chiến thắng tướng Đồ Thư, đem lại độc lập cho Âu Lạc. Triều đại An Dương Vương ngắn chỉ khoảng nửa thế kỷ. Thêm nữa, là người Ba Thục nên tuy có công với dân Việt nhưng ân nghĩa chưa thể bền lâu. Vì vậy, người Việt tri ân với vua Hùng.
Trang 213 : Họ Hồng Bàng là con cháu nhà Hạ. Với đoạn kết này, tổ tiên đã nhấn mạnh vào Kinh nhà Hạ: Nhân-Cấn của Hạ dịch, từ đó sinh ra người Việt, dân tộc đã đúc kết âm dương thành hệ thống, đại diện là kinh dịch.
Đoạn này không chỉ mâu thuẫn mà còn sai lầm. Họ Hồng Bàng ra đời khoảng 3000 năm TCN. Nhà Hạ xuất hiện năm 2207 TCN. Làm sao họ Hồng Bàng lại là con cháu nhà Hạ?
Trang 232: Với thông tin về hai cuốn Kinh dịch gọi chung là Hạ dịch và chữ Nho trên trống đồng Ngọc Lũ cho thấy rằng những người làm ra trống đồng có nguồn gốc từ Trung Nguyên, và Kinh Dịch cũng như chữ Nho là văn hóa của họ, mà những người làm ra trống Ngọc Lũ là tổ tiên người Việt, có nghĩa là người Việt ngày nay chính là người nhà Chu chạy về phương Nam khi bị Doanh Chính truy sát.
Một tam đoạn luận khập khễnh. Vế 1: “…những người làm ra trống đồng có nguồn gốc từ Trung Nguyên và Kinh Dịch cũng như chữ Nho là văn hóa của họ.”
Vế 2. “ những người làm ra trống Ngọc lũ là tổ tiên người Việt.”
Vế 3: “có nghĩa là người Việt ngày nay chính là người nhà Chu chạy về phương Nam khi bị Doanh Chính truy sát.”
Thứ nhất: Có đúng những người làm ra trống đồng có nguồn gốc từ Trung Nguyên? Không phải vậy! Họ là người Việt bản địa Mường, Dao, Tày, Thái… sống ở trung du Bắc Bộ và cao nguyên miền Trung, hoàn toàn không phải người nhà Chu nhập cư. Nếu là người nhập cư 200 năm trước như tác giả đề xuất, họ đã không thể có chiều sâu văn hóa Việt như vậy.
Thứ hai: Có phải “Những người làm ra trống Ngọc Lũ là tổ tiên người Việt.” Trống Ngọc Lũ ra đời khoảng 200 năm TCN. Nếu ông Viên Như đúng có nghĩa là, tổ tiên người Việt chỉ ra đời khoảng 200 năm trước? Hoàn toàn trái với thực tế, tổ tiên người Việt có mặt trên đất này 70.000 năm trước.
Thứ ba: người Việt là người nhà Chu chạy về khi bị Tần Thủy Hoàng truy sát. Đây là ý tưởng không thực tế. Hoàn toàn không có chuyện người nhà Chu chạy về phương Nam và cũng không có chuyện Doanh Chính truy sát người nhà Chu.
Trang 234: Việc Kinh hạ bị thất truyền và chữ Nho thành chữ Hán cho thấy rằng ngày ấy nhà Hán đã có một chính sách xóa bỏ các loại hình văn hóa thuộc nhà Chu, một triều đại của người Việt, qua đó làm cho người Việt về sau không thể biết được nguồn gốc của mình, ngoài Kinh hạ, nhà Hán còn thay đổi cả nguồn gốc Phật giáo Trung Hoa, có nghĩa là Phật giáo đã truyền vào Trung Hoa từ thời nhà Chu
Đây là ý tưởng hoàn toàn bịa đặt. Nhà Hán không hề xóa bỏ văn hóa nhà Chu. Nhà Chu là nhà Chu hoàn toàn không phải triều đại của người Việt.
Trang 235: Sùng Bá Cổn, cha Hạ Vũ, là Phục Hy
Không thể nào hiểu được điều này. Là cha của Hạ Vũ vậy Bá Cổn phải ra đời khoảng 2207 năm TCN. Trong khi đó ông Viên Như từng biết mộ Phục Hy thị ở Dốc Tây Thủy Hà Nam 6500 năm TCN. Làm sao mà sinh ra Hạ Vũ năm 2207 TCN.
NHẬN ĐỊNH
Tìm về nguồn gốc dân tộc là vấn đề thời thượng. Ông Viên Như vạch một đường đi riêng độc đáo. Dựa vào kiến thức Dịch học và chữ Nho của mình, ông giải mã trống đồng Ngọc Lũ. Từ đó ông khám phá ra Dịch nhà Hạ. Lại do khẳng định người Việt là chủ nhân kinh Dịch nên ông đưa ra kết luận quan trọng: người Việt là di duệ của nhà Hạ.
Một phương pháp nếu đúng phải được chứng nghiệm trong thực tế. Nhưng ở đây, khi áp dụng lịch nhà Hạ để tìm nguồn gốc người Việt, tác giả Viên Như cố tình “chế tác” các tư liệu lịch sử cho phù hợp quan điểm của mình. Xác quyết người Việt là chủ Kinh Dịch nên khi “khám phá” ra Hạ dịch ông buộc người Việt phải là hậu duệ nhà Hạ. Nhưng hậu duệ nhà Hạ phải sống ở Trung Nguyên nên buộc ông phải đưa người Việt lên sống ở lưu vực Hoàng Hà từ 6000 năm trước. Để hoàn thành kịch bản “người Việt đúc trống ở phương Nam,” ông lại một lần nữa “sáng tạo” lịch sử, dựng lên sự kiện Tần Thủy Hoàng truy sát người Việt ở Trung Nguyên, khiến họ phải chạy về Việt Nam khoảng 200 năm TCN rồi đúc trống Ngọc Lũ.
Phải chăng không tự biết mình có thể uyên bác về Nho về Dịch nhưng lơ mơ về khảo cổ, nhân chủng học và hoàn toàn mù tịt về di truyền mà do đam mê lại nhảy vào công việc không phải chuyên môn của mình. Có lẽ ông không biết lời cảnh báo nghiêm khắc của Jared Diamond, Giáo sư Đại học California: “Những gì thuộc về con người mà chưa được di truyền học xác nhận thì không đáng tin!”
Trong số những người đua tranh tìm cội nguồn qua di truyền học thì ở Việt Nam, chúng tôi là người khai mở đầu tiên, năm 2004. Trong 18 năm qua đã cho xuất bản hơn chục cuốn sách, trong đó có ba cuốn tiếng Anh in và phát hành trên amazon (Rewriting Chinese History; The Formation Process of the Origin and Culture of The Viet People; Out of Vietnam Explore in The World). Trong những cuốn sách đó, những vấn đề cơ bản về cội nguồn và văn hóa Việt đã được giải quyết, đi trước thế giới hơn 15 năm. Thực tế cho thấy, xuất phát từ châu Phi, chúng tôi đã hoàn thành công việc, về Sài Gòn nghỉ khỏe. Trong khi đó các học giả hàng đầu thế giới chưa tìm được đường ra khỏi châu Phi và đang lạc trong mê lộ vì cho rằng con người ra khỏi châu Phi 72.000 năm trước và theo hai con đường phía Bắc và phía Nam.
Một câu hỏi: con người và thế giới có cần đến bấy nhiêu thời gian và công sức để đẩy cánh cửa đã mở?!
Sài Gòn 28.12.2022