Max Hastings
Trần Quang Nghĩa dịch
CHƯƠNG 12: ‘CỐ TÓM LẤY KHÓI
1 Chiến Binh Và Người Trượt Nước
Không hề có một cuộc chiến Việt Nam, mà có đến 50 cuộc chiến khác nhau, tùy theo nơi một người chiến đấu hoặc làm các công việc khác. Đại đội trưởng Andy Finlayson có lần quở trách một hạ sĩ kỹ sư đang làm việc trong cứ điểm của họ vì người của anh ta không chịu đào hoặc ở núp trong hố cá nhân. ‘Chúng tôi không làm chuyện chó chết đó,’ anh NCO bướng bỉnh đáp. ‘Đó là công việc của bộ binh.’ Pháo binh, trừ các lính tiền tiêu ít hứng chịu nguy hiểm như lính bộ. Đại uý Chuck Hood, một người gốc Virginia chỉ huy một dàn trọng pháo, thấy rằng trong khi binh sĩ của ông phải làm việc nặng nhọc trong bụi, bùn, hơi nóng và mưa gió – khi bắn ra tối đa đại pháo 175mm cần thay nòng súng mỗi 300 viên – vấn đề lớn nhất của ông là làm giảm sự buồn chán, ‘cố nghĩ ra điều gì đó khác lạ để họ chú tâm hơn và giữ họ không lui tới các làng địa phương và không lúc nào cũng uống rượu.’ Họ chỉ ở đó đúng một năm, và hầu hết sĩ quan bộ binh chỉ phục vụ 6 tháng với đại đội trước khi chuyển đến vai trò tham mưu. Westmoreland thúc ép gia hạn thời gian công tác nhưng Nhà Trắng bác bỏ. Giới hạn có lẽ cần thiết về phương diện chính trị, nhưng xói mòn về phương diện hoạt động: có ít binh sĩ Mỹ thực sự có kinh nghiệm, trừ một số ‘chung thân’. Có lẽ hai phần ba người lính giải ngũ về nhà xưng mình là cựu quân nhân – được đeo huy chương và nói về các PTSD (Rối loạn Căng thẳng Sau Sang chấn) của mình – đã hứng chịu rủi ro không hơn người quan hệ tình dục bất cẩn hay uống thuốc dỏm.
Các nhân viên yểm trợ, kỹ thuật và hậu cần có thể phục vụ trong các phức hợp căn cứ khổng lồ không hề nhìn thấy người Việt trừ các bà giặt giũ và gái bán bar. Lính dù Gene Woodley gọi Vịnh Cam Ranh là ‘nỗi ngạc nhiên lớn nhất trong đời tôi. Ớ đó có lướt ván. Ở đó có ô tô lái đi chơi. Ở đó có các em ăn mặc hợp thời trang và các anh chàng mặc vét. Tôi nói, “Ê, cái gì đây? Ngon hơn ở nhà.”‘ Chuyên viên ra đa hải quân Dwyte Brown nhất trí: ‘Vịnh Cam Ranh quả là thiên đường, thật đó. Tôi sẽ nói, nếu có đủ đô, tôi sẽ ở lại đó để sống. Tôi được đối xử như vua chúa.’ Brown lên được 40 cân trong thời gian ‘quân dịch’ của anh, với thực đơn hàng ngày là tôm hùm và thịt bò, và trải nhiều thời gian trong phòng kế hoạch ráp nối băng nhạc cho một đại úy, đổi lại được y cho mượn xe jeep. Bên ngoài An Khê Kỵ binh 1 lập trung tâm giải trí của riêng mình trong vùng lân cận, ‘Thành phố Tội lỗi’. Người ta có thể đến cửa hàng Lớp 6 và mua được hai chai rượu gin Gilbey với giá 1.65 đô mỗi chai, và với 5 đến 10 đô cho một em đã được kiểm tra y tế.
Bộ binh da màu Richard Ford nói về một căn cứ khác, ‘Tôi không tin Nha Trang là một bộ phận của Việt Nam bởi vì ở đấy có doanh trại, nước nóng, phòng ăn với ba bữa ăn nóng và máy điều hòa. Nó giống như một khu nghỉ dưỡng trên bãi biển … Họ chơi bóng bầu dục và bóng rỗ. Họ là bọn da trắng. Và điều đó làm tôi ứa gan. Toàn lũ da trắng ở hậu phương.’ Mũ Nồi Xanh trên đảo Phú Quốc chơi trượt nước và lướt ván trong một vịnh ngoài khơi đồng bằng Cửu Long. Một vị khách Tây phương viết về khán giả bản xứ: ‘Lũ trẻ thấy vui thích bì bõm trong nước và ngắm các anh chàng da nâu to con lướt qua phía sau một đầu dây, còn người già thì trừng mắt nhìn và lẩm bẩm. Thậm chí ở Miền Nam tôi chưa hề cảm thấy mình bị căm ghét đến thế vì màu da và kích cỡ của mình.’
Gần như hoàn toàn tuỳ tiện, sắp xếp ai phải đến đâu. Quân y Charlie Shyab đến Miền Nam với ảo tưởng là mình sẽ được ở với những người mà anh đã huấn luyện và có mối dây liên hệ. Tuy nhiên, gần giống như một người thay thế, anh được gửi đến nơi đối đầu với hiểm họa chết chóc giữa những người xa lạ. Trung uý John Wright ló mặt ra khỏi phòng phân công ở Đà Nẵng gương mặt tái mét và cộc lốc bảo một người bạn, ‘Tao tiêu đời ‘: anh bị phái về TQ51/9th, được mệnh danh là ‘xác chết biết đi’ vì kỷ lục thương vong đáng sợ. Khi quân nhân David Rogers kết thúc thời gian thực địa ở bộ binh anh được gửi đến một bệnh viện ở Củ Chi: ‘Bác sĩ và nữ ý tá ở đây đều là sĩ quan, ăn uống và hú hí với nhau. Tôi đã ở trong rừng, và giờ đây thấy mình sống trong thế giới điên khùng này.’
Trung uý Judd Kinne cùng với trung sĩ nhất đại đội đến nhà xác sư đoàn nhận diện thi thể trong một lều Quonset ướp lạnh. Trong khi trung sĩ kiểm tra túi đựng xác để nhận diện anh bất mãn khi thấy nhân viên đang nghe đài và kể truyện khôi hài. Kinne rùng mình suy nghĩ, ‘Mình sẽ không về nhà trong một túi như thế này.’ Phil Caputo cũng có thời gian làm việc trong nhà xác: ‘Nếu tôi đã từng là đặc vụ của tử thần khi làm đại đội trưởng, thì khi làm sĩ quan tham mưu tôi giữ sổ sách của thần chết.’ Tất cả người chết gần như đều giống nhau, anh suy nghĩ, dù trong lúc sống họ trắng, đen hay vàng. Da họ trở nên như sáp, thành ra họ giống một một hình nộm bằng sáp, ‘đồng tử một màu xám tái, miệng há hốc như thể thần chết đã đến bắt đúng lúc họ đang thét lên.’ Khi gương mặt họ vắng mặt không phép, họ được nhận diện bằng hồ sơ nha khoa. Sid Berry than phiền về tinh thần sa sút của sĩ quan tuyên giáo của anh, người cứ khư khư ôm chặt vũ khí và mặc áo chống đạn suốt ngày và đêm: ‘Ông ta luôn miệng nói với mọi người về sự khủng khiếp của chiến tranh; ông ta nhìn đâu cũng thấy VC. Ông ta hỏi riết liệu chúng tôi có nghĩ cuộc chiến sẽ kết thúc vào Giáng Sinh hay không … Chúng tôi không thể chịu được một sứ giả của Chúa lại gieo rắc sự hoảng sợ. Lẽ ra ông ta phải là một người có lòng tin vững vàng và điềm tĩnh’: vị tuyên úy sau đó bị đổi đi.
Những người khác sống hiểm nguy, nhưng khác lạ. Các lực lượng đặc biệt Biệt đội Hành động tại Bản Đôn gần biên giới Cao Miên thường dùng voi để vận chuyển hàng tiếp tế, phủ cờ Mỹ lên lưng voi để làm chệch hướng bom Mỹ. George Bonville, một con người đa cảm, lãng mạn, bâng khuâng ngắm sông nước đồng bằng cạnh doanh trại anh một buổi chiều êm ả và nghĩ, ‘Tại sao người ta phải đánh nhau để giành quyền kiểm soát nơi này? Đây là chốn thiên đường nơi mọi người có đầu óc có thể sinh sống, làm việc và hạnh phúc. Chỉ bọn xấu mới có thể gây chiến tại nơi này – ôi tôi nghĩ mình cũng là một người xấu như họ. Nhưng tôi không khởi xướng ra thảm họa này. Tôi chỉ hy vọng kết thúc nó.’
Một thiếu tá sắp sửa được trở về nhà cảnh báo với Bonville đừng tỏ ra liều lĩnh, bởi vì chính nghĩa không đáng phải hy sinh. Chúng ta đáng ra phải rút dù vào năm 1964, gã hoài nghi tóc muối tiêu này nói: ‘Cứ nhìn quanh đi con trai. Chúng ta đã mất quá nhiều sĩ quan trẻ giỏi ở đây. Tôi đã từng tham gia chiến trường Triều Tiên – nó rất khác, người Nam Hàn gan lỳ và quyết tâm chặn đứng bọn Đỏ và địa hình rất thuận lợi để phòng vệ. Nơi này như cái sàng gạo, với Lào và Cao Miên. Cúi đầu thấp xuống. Nơi này tiêu rồi.’
Về phần việc hệ trọng, một hội nghị tham mưu trưởng Quân đội Nhân Dân tại Sân Rồng nhất trí rằng Mỹ càng đưa nhiều quân tham chiến, họ càng gặp nhiều khó khăn. Chiến lược hiện thời của Hà Nội được khẳng định, theo đó quân đội và dân quân Saigon vẫn là mục tiêu chủ yếu, bởi vì nếu họ sụp đổ, lý do để Washington can thiệp cũng sụp đổ theo. Hà Nội xác định các chỉ tiêu hoành tráng trong năm 1966: 250-300,000 thương vong cho QĐVNCH và 25-30,000 lính Mỹ; phá hủy 1,000 phi cơ; chiếm đóng 80-90 phần trăm vùng nông thôn. Họ ra sức củng cố sức mạnh cộng sản ở Miền Nam – ‘Chiến trường B’ – đến 400,000 du kích quân, 90,000 lực lượng địa phương và 200,000 bộ đội chinh quy.
Chiến sử Việt Nam nhìn nhận các chỉ tiêu như thế là cực kì tham vọng: ‘Kế hoạch đã được tán thành là quá giản lược và không thực tế … không phản ánh đúng năng lực thực sự của chúng ta, và không xét đến đầy đủ tác động của các vụ không kích của địch xuống các đường dây tiếp tế của chúng ta, gây ra những vấn đề nghiêm trọng.’ Các tổ chức hậu cần thì ‘lúng túng và rối loạn … Chất lượng của một số đơn vị gửi ra chiến trường còn thấp.’ Các nhà viết biên niên của Hà Nội cũng thú nhận đã đánh giá thấp năng lực tác chiến của Mỹ và thậm chí của QĐVNCH.
Giới lãnh đạo Quân đội Miền Bắc và Việt Cộng theo đuổi các mục đích song hành nhưng cũng đôi khi xung đột. Có sự căng thẳng giữa người miền Nam với anh em họ ở miền Bắc, mà một số VC chế giễu là bọn ‘ăn rau muống’. Lê Duẩn và các đồng đội trong bộ chính trị của ông hăng hái muốn có các trận quyết đấu đại quân. Giáp chống đối chiến lược này, bởi vì ông cho rằng việc đó khiến Westmoreland có thể tối đa hóa lợi thế hoả lực áp đảo. Việc gửi xuống Miền Nam thêm 15 trung đoàn trong năm 1966 khẳng định sự khống chế đang lên của phe diều hâu, tầm ảnh hưởng của người chiến thắng Điện Biên Phủ giảm xuống. Chính ủy của Việt Cộng tỉnh Long An phân tích các hoạt động tháng giêng 1966 của Lữ đoàn Dù 173 Hoa Kỳ gần sát với Đại tá An của Quân đội Miền Bắc đã phân tích về các hoạt động của Kỵ binh 1 hai tháng trước. Trải nghiệm đầu tiên của các vụ không kích là khủng khiếp, các du kích nói: ‘trực thăng che lấp bầu trời, vần vũ như ruồi, và trong khoảnh khắc ruộng lúa đầy ngập lính Mỹ … Thậm chí ngay khi có một viên đạn bắn ra, thì họ đã gọi không kích và pháo kích bắn nát mọi thứ. Họ xài bom và đạn pháo như thể đây là trận đánh cuối cùng. Binh sĩ ta kết luận rằng lính Mỹ chậm chạp, nhưng có thể kêu gọi yểm trợ một khí tài vô giới hạn.’ Xe tăng và thiết giáp bò qua ruộng lúa như cua bò … cán nát thu hoạch của nông dân’. VC Long An đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công lớn trực diện vào một tiểu đoàn Mỹ trong mùa chiến sự 1966. Sau khi điều nghiên địch, tuy nhiên, họ kết luận rằng việc này vượt quá khả năng của mình. Họ đồng ý đợi thời cơ, nuôi dưỡng lực lượng, duy trì đột kích quy mô nhỏ. Người cộng sản cho là binh lính Mỹ quan sát kém: họ thường không phát hiện địch quá vài mét. Họ sợ mìn và bẫy mìn, một điều dễ hiểu. Họ cũng dễ bị tổn thương những lúc dừng quân.
Trong khi đó ở Washington John McNaughton và Bill Bundy soạn cho Robert McNamara một danh sách các mục tiêu trong năm 1966. Trước tiên là làm tiêu hao kẻ địch nhanh hơn mức độ họ có thể củng cố. Mục tiêu là làm giảm từ 10 đến 50 phần trăm các vùng căn cứ an toàn cộng sản. Họ kêu gọi gia tăng từ 30 đến 50 phần trăm phương tiện đường sắt và đường xá an toàn, và mở rộng quyền kiểm soát của chính quyền Miền Nam đến 50-60 phần trăm dân số.
Vào tháng 2 hai sư đoàn mới từ Miền Bắc di chuyển vào Quảng Trị của Quân đoàn 1. Việc này gây lo sợ cho các tư lệnh đồng minh là địch có thể cắt đứt phần chóp của đất nước, nắm quyền kiểm soát mọi thứ bên kia xương sống đồi núi phía bắc Đà Nẵng. Quân đoàn TQLC Mỹ bỏ gần trọn năm, và thật ra hầu hết thời gian còn lại của cuộc chiến, chiến đấu để ngăn cản điều này. Tranh cãi dữ dội vẫn kéo dài về việc liệu Westmoreland có tung quân vào hoạt động tìm-và-diệt quá nhiều, gây tổn hại cho hoạt động quét-và-giữ. Đại uý
Chuck Reindenlaugh, một cố vấn phục vụ tại Xuân Lộc phía đông Sài Gòn, viết về nhà ngày 30 tháng giêng 1966, mô tả nỗi e sợ điều mà kẻ địch đạt được với chỉ vũ khí nhỏ, súng cối và lòng quả cảm: ‘Nguồn gốc yếu kém của chúng ta bắt rễ trong sự bất lực không thể đồn trú trong mỗi làng, ấp hoặc khu dân cư … Họ tấn công vào nơi lực lượng chúng ta không đóng quân … Tưởng tượng một trận bóng bầu dục trong đó một đội thì mặc đồng phục quy ước, tuân thủ luật chơi. Phe đối thủ, ngược lại, không mặc đồng phục và thật ra cố tình ăn mặc cho giống khán giả. Đội này không chơi theo luật, không chịu chấp nhận đường biên, còi trọng tài, và khi khung thành họ bị ép sát hậu vệ của đội sẽ giấu bóng dưới áo sơ mi và điềm nhiên chạy vào khu khán giả và thách thức bạn tìm ra y. Khuynh hướng của bên kia là hét tướng lên “Bắn hết tụi nó, đốt hết cho tụi nó ra, phá hủy làng giấu bọn VC.”‘ Đó là điều VC hy vọng chúng ta sẽ làm, và việc này khó mà kiềm chế.’
Robert ‘Blowtorch’ Komer – con người năng động có tiếng, trước đây làm việc cho CIA và NSC đạt được chức vị dường như là Cố vấn Đặc biệt về Bình định hóa của Tổng thống, rồi vào tháng 5 1967 trở thành ông trùm của CORDS (Hoạt động Dân sự và Hỗ trợ Phát triển Cách mạng) tại Sài Gòn – luôn chỉ trích tìm-và-diệt, mà ông xem là tổn hại đến việc tranh thủ trái tim và khối óc của dân chúng. Điều chắc chắn là người Việt hiểu ít về những tinh tế trong chiến thuật của Westmoreland, và thật ra cũng không hiểu về ‘loại chiến tranh tốt hơn’ mà người kế vị ông, Creighton Abrams, sau này được cho là đã tiến hành. Nhiều người Mỹ cũng đều hoang mang: một trung uý TQLC bực tức bảo với một phóng viên rằng đánh nhau giống như ‘cố tóm lấy khói – khi bạn mở lòng bàn tay ra thì không có gì cả’. Không tìm được câu trả lời tốt cho vấn đề triển khai quân: không bao giờ và không bao giờ có thể có đủ quân số Mỹ tìm ra kẻ địch trong khi đồng thời bảo vệ được các vùng có dân cư ở Miền Nam.
Vào buổi chiều tối ngày 17 tháng giêng, VC tuyên bố sờ được gáy một nhân vật quan trọng. Trưởng ban bình định hóa tỉnh Doug Ramsey đang đi trên cabin một xe tải giao hàng viện trợ dân sự gần Củ Chi, một chuyến đi mà con gái tỉnh trưởng Việt khăng khăng ngăn ông đừng đi. Thình lình Lô, anh tài xế, la lớn: khoảng 100 mét phía trước lom khom hai người có vũ trang trong sơ mi xanh và quần đen; đầu một người thứ ba nhô lên từ phía sau bờ kè. Ramsey nâng khẩu cacbin AR-15 của mình lên. Tuy nhiên không chắc bọn họ là ai, nên ông không bắn ngay. Trong một giây ông nghĩ mình đã chạy thoát an toàn khỏi một vụ phục kích của VC – vì đúng là phục kích thật. Rồi đạn địch quét qua các bao gạo chất phía sau xe tải, và xe tải bỗng dừng lại: một viên đạn đã xuyên qua chân anh tài xế. Ramsey xoay người và bắn trả khoảng một tá phát đạn. Lô nói xe chết máy. Người Mỹ chửi thề – anh ắt sẽ chửi thề sướng miệng hơn nếu biết gã tài xế sợ quá đã ngừng xe lại. Lô leo xuống xe và đứng giơ tay khỏi đầu, rồi quỳ gối xuống trong tư thế cầu khẩn. Thêm nhiều viên đạn nữa bắn thủng một can xăng 20 lít ngay dưới chân Ramsey, một tia xăng phun ra trúng vào trán ông rồi chảy xuống mắt ông.
Khi ông cố dụi mắt để nhìn cho rõ, thì nghe có tiếng bước chân ngay phía sau xe tải. Ông la lên, bằng tiếng Việt, ‘Tôi đầu hàng!’ Bỏ vũ khí xuống, ông bước ra khỏi xe và giơ tay lên. Biết thế nào cũng chết, một nỗi sợ xiết thắt ruột gan, ông lẩm bẩm, ‘Ôi, trời ơi!’. Nhưng bọn VC phấn khích trước chiến lợi phẩm đến nỗi quên cả giết ông. Họ trẻ măng và vui sướng, nhất là sau khi tịch thu súng cacbin, đồng hồ đeo tay và xấp bạc của Ramsey. Sau khi trói ông bằng dây thừng, chúng thả tự do cho anh tài xế, và dẫn ông đi vào rừng cây, bắt đầu đời tù tội kéo dài 7 năm đáng sợ, có khi bị nhốt trong một lồng tre.
2 Hỏa Lực Không Thân Thiện
Vào tháng 2 1966, khi Lyndon Johnson nghe Kỵ binh 1 đã tiến hành một sứ mạng tìm-và-diệt có tên Chiến dịch Máy Nghiền, tổng thống đích thân can thiệp yêu cầu đổi một mật danh yêm tai hơn. Cánh Trắng, tên mới đổi, tuyên bố đã tiêu diệt được 1,342 tên địch: trong năm đó Kỵ binh ước tính loại được trung bình 10 VC mỗi ngày, và trong năm 1966 MACV thưởng mỗi đơn vị trong xứ mỗi tên địch chết một phí công tác. Tuy nhiên, điều này gần như không đủ bắt kịp với tiến độ tích lũy lực lượng của địch. Vào ngày 5 tháng 2 sĩ quan tham mưu TQLC Đại tá John Chaisson viết thư cho vợ Marguerite ở Maine: ‘Càng nghĩ về cuộc chiến này và những tiền đồn kiên cố này, anh càng nghĩ về chiến tranh biên giới xa xưa với người da đỏ.’
Chaisson viết về ‘tiến độ chậm lụt và nặng nề của công cuộc giải cứu đất nước khỏi móng vuốt của bọn khủng bố VC … Chúng ta có thể phòng thủ các vị trí của chúng ta mãi mãi, nhưng việc này không đưa chúng ta đến đâu.’ Trong vùng núi rừng rậm, một đoàn tuần tra có thể mất một tuần để đi hết 30 dặm.
Vào ngày 9 tháng 3 xảy ra một thất bại gây bối rối khác tại một cứ điểm lực lượng đặc biệt: Bộ đội Miền Bắc tấn công A Shau, cách Huế 30 dặm về phía tây-nam. Nhiều lính trong số 360 không chính quy cuống cuồng bao vây các trực thăng có nhiệm vụ giải cứu 17 cố vấn Mỹ. Các cố vấn phải khai hỏa để ngăn người của mình leo lên trực thăng. Trong cơn hỗn loạn 5 người Mỹ bị giết, và chỉ có phân nửa lính Việt trở lại với nhiệm vụ.
Trung tá TQLC Charles House, người cầm đầu toán giải cứu, được thưởng huy chương Thập tự Hải quân – cùng với lời khiển trách chính thức vì đã tường thuật thẳng thắn với các phóng viên về vụ hỗn loạn.
Vào tháng 4 sĩ quan hành quân của Westmoreland Thiếu tướng William DePuy đảm nhiệm Sư đoàn 1, bảo vệ các đường tiếp cận Sài Gòn từ phía tây-bắc sát Cao Miên. Ông trở thành tư lệnh đội hình sừng sỏ nhất của đất nước, tiến hành những hành động khủng bố không khác đối thủ chống Việt Cộng và các sĩ quan của mình.
Các chiến dịch Abilene, Lexington, Birmingham, El Paso và Amarillo là các vụ càn quét qua vùng quê, được yểm trợ bởi ‘hỏa lực quấy rối’ ban đêm không cần tiền sát – những loạt pháo rời rạc rót trên các đường mòn mà quân địch thường sử dụng, hoặc xuống các khu vực khiến họ không lúc nào được nghỉ ngơi. Trong khi đó vị tướng sàng lọc những phần tử yếu đuối trong giới phụ tá của ông. Một giai thoại u ám lan truyền về ‘chuyến Chinook nửa đêm’ chở các tiểu đoàn trưởng không được mong muốn ra khỏi bộ chỉ huy sư đoàn. Tính khắt khe của ông khiến Tướng Harold Johnson bất mãn, tức giận bảo với ông rằng, ‘Theo tôi, dấu hiệu của một lãnh đạo giỏi thực sự là làm tốt nhất những gì mình có.’ DePuy trả lời một cách bất nhã là tên G-2 bị tống cổ là ‘một sĩ quan mập mạp xốc xếch không có chút phẩm chất của một quân nhân’. Một tên G-5 là một sĩ quan hoàn toàn thiếu năng lực, không sáng kiến, thiếu óc tưởng tượng hoặc động lực. Vô dụng.’ Ông viết về một tiểu đoàn trưởng bị thay thế, ‘Lần đầu tiên tôi nhìn thấy C, tôi nghi ngờ ngay y yếu đuối… Y hoàn toàn mất kiểm soát tiểu đoàn của mình và gánh chịu một số thương vong không cần thiết trong khi không gây tổn thất gì cho VC.’ Năng lượng của DePuy không có gì phải bàn, nhưng cách chỉ huy của ông không tranh thủ được gì cho trái tim và khối óc của người Mỹ lẫn người Việt.
Cố vấn George Bonville cảm thấy sức lực bị bào mòn với nhịp sống thường nhật tại một đơn vị ở phía nam: ‘Thức dậy lúc 3:30 sáng, ăn qua loa vội vã, lên xe đến Mỹ Tho, leo lên xe lội nước tham gia cuộc tấn công bằng cách đổ bộ vào lúc bình minh lên đâu đó dọc con sông Cửu Long – hoặc dồn đống lên các trực thăng Huey chở sâu vào Đồng Tháp Mười – giết/bắt một vài VC, rồi rút ra. Việc này có nghĩa là rút quân thận trọng 6 đến 9 dặm khỏi vùng hành quân dưới cái nóng chảy mỡ, lặn lội qua ruộng lúa, kênh rạch sình lầy chằng chịt tre và dừa nước rồi, nếu may mắn, cuối cùng về đến Chợ Gạo rất muộn … Cơm nhạt nhẽo với thịt gà ta gầy gò và rau củ đóng hộp vô vị đã giết chết khẩu vị của chúng tôi. Lợi răng chúng tôi bắt đầu thụt vào … Chúng tôi cũng bắt đầu trực máy vô tuyến ban đêm – mỗi người hai giờ – vì chúng tôi hiểu rằng chúng tôi mệt nhừ đến nỗi sẽ không nghe tấn công, với tiếng pháo của chúng tôi rì rầm ở xa.’
Khủng bố của VC không hề sụt giảm. Bonville mô tả một chương hồi trong đó Cô Anh, một thư ký đánh máy tại bộ chỉ huy quân khu gần đó, bị bắt đi trong đêm tại nhà cha mẹ mình. Đầu cô bị đập nát bằng bá súng, em trai bị đâm đến chết, khi cô không chịu hợp tác tấn công vào phức hợp của các cố vấn Mỹ. Bonville viết: ‘Cô chừng 20 tuổi, một tín đồ Công giáo ngoan đạo, rất xinh và duyên dáng như một tiểu thơ. Đội của tôi thường ngồi trước cổng nhà mỗi buổi sáng, ngắm nhìn cô bước khoan thai đến chỗ làm trong chiếc áo dài tha thướt với một chiếc dù rất hợp để bảo vệ cho làn da ngọc ngà của mình khỏi ăn nắng. Cô phớt lờ những ánh mắt chằm chằm của họ và bạn không biết liệu cô có không ưa lũ bạch quỷ đang ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô hay không
Cố vấn Mike Sutton cưỡi trực thăng Huey đáp xuống một ấp ở đồng bằng tại đó họ tìm thấy một người bị treo cổ lên cây – trưởng làng, bị phanh thây trong đêm. Vợ ông bị sát hại ít điệu nghệ hơn, còn con trai thì bị hoạn. ‘Tôi nghĩ: “Thật là lũ dã man.” Nhưng rồi sau này tôi biết người Mỹ cũng không thua kém gì.’.
Mike Eiland là một người gốc California gia thế khiêm tốn được trúng tuyển vào West Point. Anh lấy con gái một tướng lĩnh ba ngày sau khi tốt nghiệp, một phần bởi vì vào thời đó một chiếc nhẫn cưới là cách chắc chắn nhất cho phần đông chàng trai bảo đảm mình thuộc giới tính thường quy. Anh trải ba năm làm sĩ quan pháo thủ chán phèo ở Đức trước khi rời bỏ con đường sự nghiệp quy ước này để trở thành một chiến binh. Trong khi được huấn luyện để trở thành một lính Mũ Nồi Xanh – ‘đó là chiếc mũ mát mẻ’ – nỗi lo sợ lớn nhất của anh là chiến tranh chấm dứt trước khi anh tham chiến.
Vào ngày lễ Lao động 1966, với lời dặn dò ngắn ngủi anh được cử chỉ huy một Biệt đội Hành động 12 người tại một căn cứ bờ sông trong vùng cực tây-nam, chỉ cách biên giới Cao Miên một vài dặm: ‘họ chỉ biết ném bỏ chúng tôi xuống giữa một nơi vô danh ‘. Cứ điểm Lực lượng Đặc biệt 5, tọa lạc bên ngoài pháo đài Đồng Tháp Mười của Việt Cộng, đã bị bỏ hoang kể từ khi nó bị đánh chiếm ba lần trước đây. Eiland và người của anh đóng quân trong các biệt thự quanh một nhà máy đường của Pháp, rào kẽm gai quanh khu vực và bắt đầu chiêu mộ chiến binh. Tiến trình này, họ nhận ra, cần phải thương lượng quanh co với các chỉ huy địa phương. Họ thành lập một đại đội từ các tín đồ của giáo phái Hòa Hảo; một đại đội từ các tên đào ngũ và trốn quân dịch; đại đội thứ ba thông qua một thủ lĩnh Khmer Krom đóng tại một ngôi chùa Sài Gòn: ‘Y có thể giao cho anh các chiến binh được huấn luyện bao nhiêu người anh muốn – chỉ là vấn đề giá cả, có khi kèn cựa suốt cả ngày.
Eiland thấy mình gần như chìm đắm trong một hỗn hợp các cảm xúc mới mẻ – sự xanh tươi của mọi thứ; nền văn hoá xa lạ; không khí ngột ngạt và mùi hôi. Đơn vị của ông, khoảng 400 người, bắt đầu tiến hành cuộc tuần tra bốn người, chấm phá bằng các vụ nổ súng có khi kéo đài suốt đêm. Vì khu vực là Vùng Hỏa lực Tự do, bất kỳ người dân nào bị bắt gặp đều được xúc chở về cho chính quyền giam giữ, dán nhãn tị nạn. Binh sĩ, kinh ngạc trước lệnh này của anh, nói: ‘Họ không phải người tị nạn, chỉ vì chúng ta muốn gán ghép họ mà thôi. Phần nhiều chúng bắt cóc họ, một phần do chính sách không để họ che giấu và nuôi ăn kẻ thù.’
Vào đêm 12 tháng 5, khi Biệt đội Hành động đã hoạt động chưa đến nửa tháng, VC địa phương tấn công cứ điểm dữ dội, đạt được yếu tố bất ngờ. Trong bóng đêm gần như không thể xuyên thấu các Mũ Nồi Xanh tiến hành một thế phòng thủ thụ động, khai hỏa các M-14 và M-79 từ các biệt thự của họ, nằm phía sau một con mương thoát nước sâu mà phía tấn công không tìm cách vượt qua. ‘Chúng tôi có thể nghe họ la lớn với nhau: “Tụi Mỹ đâu?” và sùng sục chung quanh. Bóng đêm bị hỏa lực xé nát, không bên nào sở hữu đèn chiếu sáng, và Eiland không đến được ụ pháo. Ít có lính Việt nào thể hiện tinh thần chiến đấu, và người nào cố sức lập tức bị bắn chết ngay. Ai mà nằm sát đất thì yên lành – đó là không làm gì, nói gì, bắn gì.
Khi hừng sáng người Mỹ thấy kẻ địch đã rút, họ đã phá hủy tất cả xe cộ và đánh chìm xe lội nước neo ở bờ sông. Thi thể nằm rải rác khắp nơi, hầu hết là lính phòng thủ.
Eiland choáng váng: ‘Tôi chưa từng thấy nhiều xác đến như thế trước đây, nhất là những xác bị băm nát.’ Thiếu trực thăng tải thương, các y sĩ của ông ráng làm được gì thì làm cho thương binh.
Eiland không hề đặt tin tưởng nhiều vào lực lượng đặc biệt của QĐVNCH mà anh có dịp làm việc chung, và càng ít hơn khi anh thấy rõ là cái đói đấy họ đến chỗ gần như nổi loạn: xếp Việt của họ đã ăn chặn phần gạo của họ. Các người Mỹ quyết định lãnh việc phân phối khẩu phần, khiến các xếp bất mãn vì mất thu nhập. Thế là Eiland và đối tác đường ai nấy đi.
Cuộc sống lính bộ binh thiếu thốn nét hưng phấn hương xa mà Mũ Nồi Xanh có. Đối với Bob Nelson, điều tốt đẹp nhất về cuộc sống quân ngũ là lần đầu tiên trong đời một người da đen như anh không bị kỳ thị sắc tộc: ‘Chúng tôi chăm sóc lẫn nhau.’ Một thành viên Ku Klux Klan (một tổ chức kỳ thị người da đen cực đoan) năng nổ bảo với anh rằng nhận thức của y về người da đen đã biến đổi sau khi ‘người anh em’ dìu anh lùi về băng qua một ruộng lúa khi anh bị tê liệt trong một pha đấu súng. Nelson là con trai một người giúp việc và một người lao động mất khi anh lên sáu. Anh trải qua phần tuổi thơ còn lại với ông bà trên trang trại thuốc lá nhỏ của họ ở South Carolina kỳ thị gắt gao. Anh gia nhập TQLC khi vừa học hết trung học vì anh cần việc làm, và thấy Parris Island (trung tâm huấn luyện TQLC) thật là gian khổ như phần đông tân binh, thậm chí nhiều hơn vì các huấn luyện viên thường gọi mọi tân binh da đen là ‘nigger’ (tiếng có nghĩa ‘da đen’ với vẻ khinh miệt). Anh không bao giờ quên khẩu hiệu lớn tại trung tâm huấn luyện dã chiến của họ ở California: ‘Tập nhìn thẳng vào cái chết, vì bạn sắp đến nơi con người sẽ chết.’ Cái chết của một TQLC, trung sĩ của anh nói, là một ‘cái chết tốt’. Nelson không chắc lắm về chuyện đó, nhưng khi anh gia nhập một tiểu đoàn tại Phú Bài vào tháng 3 1966, anh vui sướng khi thấy làm bồ bịch với
‘Fred Nhà Nông’ người Minnesota mới dễ dàng làm sao; anh cũng hòa thuận với những đồng đội từ Wilmington, Pittsburgh, Chicago. Trong những cuộc hành quân vô tận qua bụi rậm họ rượt bắt nhau để tinh thần không xuống thấp: ‘Ê, tiến lên nào – đi mau – đi mau!’ Là một cầu thủ bóng rổ say mê, một vận động viên đường dài, anh rèn luyện thể lực chăm chỉ để không mất phong độ, và lần đầu tiên trong đời anh thấy tự tin thực sự. ‘Đó là một dấu hiệu của danh dự để tiến lên và tiến lên, không bao giờ bỏ cuộc.’ Vậy mà Nelson tìm thấy có một số điều khó xử trong tâm trí: anh đã lớn lên trong một môi trường sùng đạo, nơi không ai dám lớn tiếng thốt ra từ ‘giết’. Còn trong môi trường mới của mình, ngược lại, mọi người không nói nhiều chuyện gì khác hơn là ‘khử bọn Charlie’.
Họ khiếp sợ trước tác động của hỏa lực hùng hậu của phe mình. Nelson theo dõi các vụ không kích, pháo kích, hỏa lực vũ khí nhỏ tàn phá một sườn đồi, các viên đạn 20mm ngấu nghiến mặt đất. Chúng tôi nghĩ bụng – ôi trời, chúng ta thực sự làm chủ ở đây. Không ai có thể sống qua cơn đạn lửa này!” Các tướng lĩnh cũng cảm nhận như vậy, vậy mà các dải rộng các bất động sản vẫn còn nguyên vẹn không trúng pháo: thậm chí ở giữa cơn bão lửa, một đa số đáng kinh ngạc kẻ địch vẫn sống sót. Reg Edwards làm vui cho trung sĩ trung đội của mình khi bắn một người Việt cho thấy có cầm một quả lựu đạn. Sau đó Edward bị ra lệnh phải lôi thi thể về trại. Anh nói: ‘Cánh tay y rơi ra. Vì thế tôi phải đi trở lại nhặt nó lên. Tôi phải đút cánh tay xuống ống quần ý. Lôi kéo y một đoạn dài thật oải. Và tôi bắt đầu nghĩ ngợi’ … Và thình lình tôi nhận ra rằng anh chàng cũng là người, cũng có một gia đình. Thình lình tôi thấy mình không phải kéo lê một tên gook.’
Chú thích: ‘Gook’ là danh từ khinh miệt mà lính Mỹ tham chiến ở Triều Tiên chỉ người Hàn, và nói rộng ra mọi người châu Á da vàng, trong đó có Việt Nam. Nguồn gốc là lính Mỹ ở Triều Tiên nghe người Hàn nói ‘Miguk’ (tức Mỹ quốc) để chỉ người Mỹ, lính Mỹ tưởng lầm là họ nói ‘Me gook’, nghĩa là ‘Tôi là gook’. Thế là họ gọi người Hàn bằng tên đó luôn.
Frank Scotton viết: ‘Bằng một lập luận quái đản (những người như chúng ta không sống như thú vật; người Việt sống như thú vật: do đó, họ không phải là người), người Việt quá thường bị xem như dưới con người. Chỉ một số ít chiến binh Mỹ nhận ra nét tinh tế của nền văn hoá Việt Nam và quan hệ của nó đối với môi trường mới đưa ra kết luận: “Chính chúng ta mới là gook.”‘
Khi một đứa con phát bệnh nặng và người mẹ quá đỗi lo sợ, bà có thể đốt một bó đuốc và cố mang con mình băng qua cánh đồng đến trạm y tế . . . Có trường hợp đuốc tắt giữa chừng và vô tình một nhóm lính Mỹ phục kích khai hỏa vào gia đình khi họ bước ra từ một ấp đang giao tranh. Người mẹ bị thương còn con trai bị chết. ‘Tôi đang dính líu vào một cuộc chiến địa ngục nào vậy.’
Không chỉ dân Việt là nạn nhân duy nhất của hỏa lực bạn. Trong đội của Bob Nelson có anh chàng xạ thủ súng máy gốc người da đỏ Cherokee: ‘Trời, y yêu khẩu súng của y hết biết – bắn liền tù tì mỗi khi có dịp.’ Một đêm nằm phục kích một bóng người phía trước được quát hỏi mật khẩu, khi y không thể trả lời mật khẩu đủ nhanh, xạ thủ M-60 khai hỏa, chỉ dừng lại khi tiếng nói phía trước thét lên ‘Thủy Quân Lục Chiến đây! Thủy Quân Lục Chiến đây!’ và được nhận diện là đội tuần tra trở về, mà người đi đầu đã lãnh một viên đạn vào hông. George Bonville thất kinh khi những người Miền Nam mà ông đi kèm nằm xuống thử hỏa lực cho dù không có mục tiêu gì nhận diện được. Một buổi sáng trong một cuộc tấn công, ‘chúng tôi bị súng cối nã xuống đám cây phía trước nổ như không kích, phun ra những mảnh vụn tung tóe. Rồi những ‘khẩu 50 khai hỏa, xuyên qua khu rừng không quá rậm rạp, rít qua đầu chúng tôi và bật nẩy vào lớp vỏ cứng của thân dừa. Những viên đạn hết đà rơi lộp độp quanh tôi và một viên đạn lửa nóng xèo xèo bắn tung tóe bùn ngay trước mũi tôi.’ Phóng viên ảnh Đức Horst Faas, người đang tháp tùng trong chiến dịch, nằm chửi thề trước viễn cảnh sắp chết do hỏa lực bạn, và hối thúc Bonville bảo QĐVNCH ngừng bắn. ‘Tụi Mỹ mày ngu ngốc, ‘ ông hét lên, ‘dính vào cuộc chiến chết tiệt này!’ Không chạm trán kẻ địch nào trong buổi sáng dữ dội, ồn ào đó, nhưng vụ chạm trán với Faas cung cấp cho giới truyền thông sự ghê tởm mà Bonville và nhiều binh lính khác cảm thấy.
‘Điều duy nhất họ bảo với chúng tôi về VC là chúng là bọn gook,’ Reg Edwards nói: ‘Họ phải bị giết. Không ai ngồi lại và cho bạn biết bối cảnh văn hoá và lịch sử của họ. Họ là kẻ thù. Giết! Giết! Giết!’ Vào 19:00 đêm 23 tháng 9 1966 một đội tuần tra phục kích TQLC chín người khởi hành từ Đồi 22, tây-bắc Chu Lai. Theo danh nghĩa nó được Trung sĩ Ronald Vogel cầm đầu, nhưng một chiến binh kỳ cựu hung hăng, Binh nhất John Potter, tuyên bố mình nắm quyền chỉ huy: sứ mạng sẽ là một ‘trận đột kích’. Mọi người được lệnh lột bỏ huy hiệu đơn vị, và không xưng với nhau bằng tên. Tại một ấp gần đó họ bắt giữ một nông dân, kết tội anh là VC, và bắt đầu đánh đập anh. Bốn người khác lôi vợ anh ra ngoài túp lều tranh, giật đứa bé ba tuổi ra khỏi tay chị, rồi hiếp dâm chị. Sau đó đội tuần tra bắn chồng chị, con trai, em chồng, và con của em chồng. Potter sau đó ném một quả lựu đạn vào đống thi thể ‘để nó trông tự nhiên hơn’. Cuối cùng nhóm TQLC bắn nạn nhân bị cưỡng hiếp và bỏ mặc cho chết.
Câu chuyện trở nên tồi tệ hơn. Khi nhóm TQLC trở về căn cứ và đại đội trưởng ra lệnh điều tra ‘việc chạm trán với địch’ được báo cáo này, một sĩ quan đi đến hiện trường chỉ đạo nỗ lực che giấu sự thật. Trong quá trình này một đứa trẻ bị thương nặng được phát hiện, Potter liền lấy bá súng đập nó đến chết. Tội ác chỉ bị bại lộ chỉ khi nạn nhân bị hiếp, vốn bị bỏ cho chết, được các dân làng lối xóm phát hiện còn sống và mang đến căn cứ TQLC nhờ chữa trị. Chị thuật lại câu chuyện của mình, và một sĩ quan quân y báo cáo cấp trên ngay lập tức. Potter bị kết án tù 12 năm vì tội giết người và hiếp dâm có dự tính. Sĩ quan chịu trách nhiệm che giấu tội trạng bị loại khỏi Quân đoàn, nhưng tuyên án này bị lật ngược sau vụ chống án. Chỉ có hai thành viên tuần tra khác bị án tù đáng kể.
Reg Edwards sau này bày tỏ sự hối tiếc đã tham gia các vụ đột kích và giết chóc làng mạc bừa bãi. Bob Nelson có lần được lệnh bắn một phát M-79 vào lối vào một boongke. Khi khói tan hết, một người lính khác nhìn vào và quát ra phía sau, ‘Chỉ có một bà và hai đứa con nhỏ,’ chết hết. Sau này Nelson nói với vẻ buồn rầu sâu sắc, ‘Đó là một hình ảnh còn lưu lại trong đầu tôi mà tôi không thể nào xóa khỏi ký ức.’
Emmanuel Holloman gốc Baltimore là một thông dịch viên trải qua hai năm công tác tại Việt Nam có nhiệm vụ phát tiền bồi thường cho người dân: 10 đô hoặc 1,000 đồng cho một căn nhà lá bị phá hủy; 40 đô cho một thi thể, hoặc có khi đến 60 đô vào một ngày may mắn.
Holloman cho rằng người Mỹ da đen như ông có thể kết thân với người Việt tốt hơn người da trắng, vì họ chia sẻ chung một cảm nhận mình cũng là nạn nhân.
Bob Nelson nói: ‘Đôi khi tình hình nghiêm trọng, rồi có lúc không nghiêm trọng, rồi lại hóa ra nghiêm trọng lần nữa ‘ – gần như luôn luôn không báo trước..
3 Bẫy và Bụi Đường
Có đủ thứ bẫy mìn, bẫy mìn, bẫy mìn – loại bẫy mà thế kỷ 21 gọi là IEDs, bẫy mìn ứng biến – và họ mới thù ghét chúng làm sao! Hầu hết được chế từ quân nhu Mỹ vét được: một pháo cối 60mm sẽ cắt đứt một bàn chân, trong khi bom 81mm lấy đi một chân và có khi thêm vài ngón tay và khuỷu tay. Một quả pháo 105mm sẽ lấy đi cả hai chân và thường một cánh tay. Pháo 155mm làm bốc hơi phần bên dưới thắt lưng của nạn nhân sát bên , và gần như chắc chắn giết chết những ai đứng trong vòng 20 mét. Mìn thường đặt từng nhóm, để cái thứ nhất làm què một người, cái tiếp theo làm thương tật ai đến săn sóc người thứ nhất. Binh lính tranh cãi ghê rợn xem chân nào mình sẽ mất trước: hầu hết đều thích hơn nếu giữ được đầu gối và những gì ở phía trên chúng. Có một thời kỳ dài hai tháng một đại đội đơn lẻ TQLC mất đến 57 cái chân vì đạp mìn và bẫy – và theo lời nhận xét u ám của một sĩ quan, tính ra gần mỗi ngày một chân.
Một người thoáng thấy dây bẫy phía trước có thể ném một quả lựu đạn về hướng mìn chôn, với hy vọng làm phát nổ gói mìn đã đặt. Mọi người ghét phải xử lý kíp nổ ba chấu trên loại mìn
‘Bouncing Betties’. Kỹ sư tác chiến Harold Bryan có lần xử lý trọn một giờ cho một người của Kỵ binh 1/9th giẫm phải một mìn như thế, nhờ đứng yên nên mìn chưa phát nổ. Chấu đã kẹt trong kẽ đế giày bốt đi rừng của anh, không thể lấy ra được: chỉ cần một chuyển động nhỏ là toi mạng. Bryan liền buộc một đây thừng quanh hông ngưỡi xui xẻo, đầu dây kia cả đội phải giữ lấy kéo căng ở một khoảng cách an toàn khoảng 20 mét, rồi sau một hiệu lệnh cùng giật và kéo mạnh anh ta như tên bắn ra xa 5 mét trước khi mìn nổ. Người giẫm phải mìn chỉ mất gót của chiếc bốt đi rừng, nhưng ít có ai được may mắn như thế, và sau vụ nổ thường có nỗi khao khát muốn tìm ra bọn gook – tức bất kỳ người Việt nào vớ được – để trút cơn căm thù. Khi một quả mìn nổ giữa toán quân của Bob Nelson, sau khi số thương vong được di tản và đoàn tuần tra tiếp tục di chuyển, ‘người dân vội bị chết oan’, theo lời TQLC. ‘Chúng tôi trở nên hung hăng.’ Một tướng lĩnh QĐVNCH nói: ‘Kẻ địch không đối mặt với anh. Nhưng chúng quấy nhiễu anh mỗi đêm khiến anh có cảm tưởng mọi người chung quanh anh đều thù địch. Ai cũng là kẻ thù của anh. Nhưng thực tế cũng chỉ có từng ấy 5, 6 tên VC trở về mỗi đêm. Và chúng gài mìn, đặt chông, gài bẫy … VC làm anh mất tinh thần đến độ anh mất kiên nhẫn và nói, ‘Tôi muốn kết thúc chuyện này cho xong.” Và anh đã rơi vào bẫy của chúng. Anh giết oan dân chúng. ‘
Harold Hunt là một trong năm người con trai của một thợ ô tô da đen tham gia quân đội ngay khi rời trường trung học vào năm 1961, và sau này ít khi hối tiếc việc đó: ‘Không có nhiều bọn tôi quen biết từng đi đâu ra khỏi Detroit trong quãng đời còn lại của họ, còn tôi thì đi khắp nơi.’ Thoạt đầu anh làm xạ thủ cửa trực thăng, trước khi trở về trong tháng 12 1965 để chỉ huy một toán lính của Bộ binh 2/27th. ‘Ngay ngày đầu đã tệ rồi,’ anh nói. ‘Chúng tôi phải đánh vào Củ Chi, tìm cách bám giữ từng tấc đất mà Sư đoàn 25 chịu trách nhiệm.’ Một buổi sáng tháng 4 1966, Hunt đang dẫn đầu toán tuần tra đi qua vùng lau sậy về hướng tiền đồn Ann-Margret thì anh bị thương nhẹ bởi một hoả lực bắn tới. Sau khi anh ném mình nằm xấp xuống đất và bắt đầu bắn trả, anh thấy mình bấu chặt một sợi dây – một dây bẫy. Anh đang vác một máy truyền tin trên lưng, liền trao đổi nhanh với Willie Somers, xạ thủ M-60 của mình: ‘Đây là bom thối hay bộ phận bấm-buông – anh thấy nó không?’ Somers thực ra có thể nhận ra, dù không đến gần, một mìn Claymore tự chế của địch. Hỏa lực giảm dần; bọn VC đã rút đi. Hunt cẩn thận lăn mình qua, đưa lưng về phía cuối của dây bẫy, rồi buông ra. Mìn phát nổ, xé rách phần mặt bên phải , thân người, chân; chiếc máy truyền tin đã cứu mạng anh, hứng hầu hết các mảnh đạn. Anh trải nửa năm sau đó trong bệnh viện quân y tại đó người ta tái tạo lại gương mặt anh, phục hồi chân và bắt anh theo một khóa vật lý trị liệu kéo dài cho đến khi người ta kết luận là anh thích hợp cho các nhiệm vụ giới hạn.
Việt Nam cũng bắt đầu trở nên tồi tệ không kém đối với Bob Nelson trên một chuyến tuần tra một sáng tháng 6 khi một bẫy mìn phát nổ cạnh anh, bắn ra mảnh đạn ghim nhiều chỗ vào người khiến anh phải nằm bệnh viện đã chiến một tuần rồi trở lại căn cứ. Tiếp theo là một loạt giao tranh, lớn nhỏ. Ngày Việt Nam của anh cuối cùng kết thúc vào ngày tháng 10 khi đội trinh sát của anh nghe thấy tiếng nói bên kia hàng dậu và chỉ huy toán la lên, ‘VC!’ Anh nhả hết băng đạn Thompson về phía họ, và lãnh đáp lại một loạt lựu đạn bay tới. Một quả nổ cạnh Nelson, làm nổ quả lựu đạn khói gắn trên đai nịt anh.
Cố gắng tránh bị cay mắt, ngạt thở vì khói anh nắm chặt quả kim loại nóng bỏng để ném nó đi, nhưng thấy bàn tay mình cháy bỏng đau đớn. La hét và chửi thề, anh lăn lộn trong ruộng cho dù giao tranh còn tiếp diễn quanh anh. Khi trận đánh cuối cùng lụi tàn, anh được trực thăng tản thương và được giải ngũ về nhà.
Ai đặt tất cả các bẫy mìn này? Trong khi các chỉ huy Mỹ đều say sưa với việc ‘hạ gục Charlie Cộng’, một sĩ quan cộng sản kể về chuyến đi xuống vùng đồng bằng ‘đich thân chỉ đạo việc tổ chức một vùng sát-Mỹ … Ngày qua ngày các hoạt động này ngày càng phong phú hơn, sáng tạo hơn và năng nổ hơn.’ Người viết nhấn mạnh rằng thường dân địa phương, chứ không phải là du kích, mới là người đặt bẫy mìn: ‘Dân chúng không tự động quyết tâm chống Mỹ, cũng không ai xúi giục họ làm vậy. Chính vì những điều tác tệ mà binh lính Mỹ gây ra đã xác định thái độ của dân chúng. Lúc đầu họ phân phát bánh kẹo, áo thun cho các em bé, tu bổ và cung cấp trang thiết bị cho trường học, khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tuy nhiên, cũng những đơn vị Mỹ ấy pháo kích xóm làng, hủy hoại mùa màng của nhân dân … bắn giết ngươi dân vô tội. Xe khách đông nghẹt hành khách lật xuống kênh rạch sau khi bị quân xa Mỹ ép khỏi đường. Binh sĩ lúc nào cũng đe dọa và hà hiếp người yếu thế và vô tội. Đó là lý do tại sao nông dân, bằng sáng kiến riêng của mình, đã gài mìn và bẫy mìn. Chiến tranh nhân dân … tự mình phát triển.’ Có một phần sự thật trong cách lý giải này của người cộng sản, nhưng chính các đơn vị VC cổ vũ hoạt động sản xuất IED bằng cách tổ chức thu gom các quả bom và đạn pháo chưa nổ để cải biến thành mìn trong các xưởng nhỏ trong làng: các vỏ hộp cá mòi là phổ biến nhất, được nạp đầy thuốc đạn và ngòi nổ.
Đại uý bộ binh Mỹ Ted Fichtl nói rằng mình có được kinh nghiệm tác chiến vì chịu khó lắng nghe các NCO dạn dày ruộng đồng: ‘Chúng ta có thể sống dễ dàng với các trung uý mới ra trận hơn là với các trung sĩ mới ra trận.’ Ông phát hiện tầm quan trọng của việc bắt binh sĩ đào hố cá nhân bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu họ dừng chân, và cưỡng chế kỷ luật ngủ nghỉ: ‘Chúng ta quá thấm nhuần tinh thần nam nhi tưởng mình có thể làm được và cứ thoải mái chợp mắt đây đó. Nhưng chúng ta khám phá ra rằng chuyện không phải đúng như thế – lôgic của chúng ta sẽ lộn xộn. Khả năng phân biệt thực tế tình huống của bạn sẽ tan rã rất nhanh chóng.’ Còn quan trọng hơn nữa, và thường bị bỏ qua, là phải tung ra các nỗ lực cần thiết, không được buông xuôi những giờ ban đêm cho kẻ địch. Fichtl nói: ‘Tôi cho rằng tồn tại một nỗi lo sợ nền tảng trong giới binh sĩ Mỹ là việc hành quân ban đêm … Chính bản thân tôi từng là nạn nhân của việc đó. Nhưng nếu các anh không căng mắt và tai ra trong các cuộc tuần tra và trực tiền đồn, bạn sẽ rất dễ, rất dễ bị tổn thương.’ Đại uý Dan Campbell, một sĩ quan West Point chỉ huy một đại đội lính dù, chia sẻ quan điểm của Fichtl. Anh cho rằng đơn vị mình không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tuần tra đêm, một phần vì họ quá mệt mổi khi bóng tối buông xuống. Ngược lại, Campbell cũng ngạc nhiên khi thấy có người mong muốn – thậm chí hăng hái – đương đầu với những điều khủng khiếp khi thám sát các địa đạo của địch.
Một ít người say mê với trải nghiệm Việt Nam. Đại đội Dù của Trung uý John Harrison có trung sĩ đáng sợ tên Manfred Fellman người khí còn là một cậu trai vào năm 1945 đã được thưởng Thập tự Sắt khi là thành viên của Wehrmacht (lực lượng vũ trang Đức) phòng thủ Breslau (thành phố Ba Lan do Xô viết bao vây vào cuối thế chiến II). Fellman yêu cầu được đeo huy chương này khi tham chiến ở Việt Nam, nhưng yêu cầu bị bác bỏ bởi một sĩ quan cho rằng, ‘Thử nghĩ xem một người còn sống sót từ trại tập trung Auschwitz sẽ cảm thấy thế nào nếu nhìn thấy nó.’ ‘Fellman thật đặc biệt,’ Harrison nói, vốn là người ngưỡng mộ năng khiếu chiến binh của người Đức, ‘nhưng anh ta luôn bị kỷ luật vì việc chè chén.’ Phi công trực thăng Đại uý Frank Hickey nói, ‘Chúng tôi tận hưởng những gì chúng tôi làm… Chúng tôi luôn thắng … Đối với tôi, chúng tôi luôn luôn thành công. Chúng tôi thường nói với nhau: “Hãy đi tóm Charlie nào!”
Chàng trai nông thôn gốc Arkansas Carlos Norman Hathcock là một siêu thiện xạ tuyên bố đã hạ được 93 tên VC. Phần lớn thời gian anh là một người trầm lặng, nhút nhát, dễ nổi các cơn bạo lực dữ dội, có lần suýt bị tống giam vì đánh nhau với một sĩ quan và nghỉ phép quá hạn. Vào năm 1965 anh thắng giải thưởng tác xạ danh giá nhất Cúp Wimbledon, cự ly 1,000 ya, và vào tháng 3 năm sau ra mặt trận, trước tiên làm quân cảnh, sau đó xạ thủ bắn tỉa của TQLC. ‘Việt Nam thật hợp gu với tôi,’ anh nói sau này. Anh không hề muốn mất thời gian làm việc khác hoặc nghỉ ngơi giải trí. Sau khi giải ngũ anh thấy mình không biết làm gì khác, nên đăng lính lại và trở ra mặt trận. Rồi một buổi sáng xe thiết giáp anh đang đi cán phải mìn. Anh bị bỏng hơn 43 phần trăm cơ thể, và sau khi ra khỏi bệnh viện anh kiểm tra thấy mình không thể bắn tốt như xưa được nữa. Anh tiếp tục nhận công tác huấn luyện xạ thủ, nhưng đâm ra nghiện rượu và dễ bốc hỏa.
Khi Jonathan Polansky, một tân binh được cử đến Dù 101, đến căn cứ hỏa lực mới anh chỉ là một thằng bé gầy guộc chỉ nặng 112 cân anh cảm thấy hơi thất vọng: ‘Tôi được đưa đến trình diện với đại đội trưởng, một người to con mạnh mẽ, râu 8 ngày chưa cạo và tóc nâu rẽ thẳng. Trung sĩ trung đội là gã da đen này. Tôi đâm sợ trước những gã quần áo lôi thôi này. Tôi thì trong bộ quân phục xanh rêu mới tinh, giày thì còn bóng lộn. Tôi trông chỉ chừng 12 tuổi với đầu hói và mũ sắt quá khổ. Và họ nhìn tôi phá lên cười. Tim tôi muốn rớt ra. Tôi không thể nhớ mình cảm thấy bị bắt nạt ra sao, quá yếu đuối, quá vô dụng. Không ai muốn một “quả anh đào”.’ Sau một ngày vô tận leo lên một ngọn núi Polansky đến gặp đại úy của mình và xin được thuyên chuyển khỏi đơn vị, nói, ‘Tôi không làm được.’ Viên sĩ quan cười to và bảo anh đừng lo, anh sẽ làm được. Hôm sau đại đội lại trèo lên một ngọn núi còn cao hơn: ‘Vào cuối ngày, tôi cảm thấy hưng phấn. Tôi cảm thấy mình sẽ sống sót. Vào ngày thứ ba, tôi biết mình sẽ làm được. Tôi không biết thế nào, chỉ biết mình sẽ làm được.’
Trong số một vài thành tích khủng, thành tích phẩm hạnh xứng đáng được ca ngợi.
Shirley Purcell là một y tá kỳ cựu được triệu tập cho nhiệm vụ tích cực vào năm 1966. Anh cô gốc Texas ngăn cô đừng nên đi, nhưng cô tin tưởng vào thiên chức của mình, và nỗ lực thành công để xuống cân mà yêu cầu của công việc đòi hỏi. Tại Biên Hòa giữa các ca cô bỏ nhiều giờ làm việc trong bệnh viện của cô nhi viện, dạy các sơ Việt trong phòng sanh tầm quan trọng của việc mang găng giải phẫu khi đỡ đẻ. Cô gắn bó đặc biệt thân tình với một bé gái 5 tuổi cô gọi là ‘Scamp (Chó con)’, và vì bé mà Purcell sau này phục vụ thêm thời hạn thứ hai ở Việt Nam. Cô rất tự hào về công việc của mình: ‘Tôi thực tình không có ý thức chính trị … nhưng có binh sĩ Mỹ ở đó cần được giúp đỡ.’
Cô đang nghĩ, chẳng hạn, về một lính bộ binh đã đạp phải bẫy mìn: ‘Chàng trai này đã bị xé toạc phân nửa – từ đầu gối lên và từ ngay dưới lồng ngực xuống. Như một miếng thịt hamburger. Tất cả nội tạng đều bị bầm nát, nhưng hai chân còn nằm hoàn hảo trên cáng, và hai cánh tay, bàn tay, ngực trên còn nguyên, và trí óc rất tỉnh táo. Anh ngước nhìn chúng tôi. Cảm xúc lan tỏa khắp nhóm y sĩ, với chàng trai nằm trong phòng cấp cứu đang hấp hối vì tuyệt đối không có gì chúng tôi có thể làm được cho anh, là điều tôi chưa từng trải nghiệm. Tình thế hoàn toàn bất lực và vô vọng. Nỗi khủng khiếp và thất vọng trong mắt các bác sĩ, vì với tất cả điều học được, tất cả những gì chúng tôi có thể trao cho, chúng tôi vẫn không sao trao cho được người đàn ông này một cơ hội.’
Một người lính khác được khiêng vào với nửa đầu bị thổi bay: ‘Anh khoảng 19 tuổi, đây là một vết thương không thể mổ … tôi nhớ mình cố gắng băng đầu anh để bộ não anh không nằm trên cáng. Anh ngước nhìn tôi và hỏi, ‘Này, nó trông thế nào hả chị?’ Tôi phải bảo anh, ‘Nó trông không tốt lắm, nhưng anh sẽ không cô độc.’ Đó thực sự là tất cả những gì chúng tôi có thể trao cho anh – rằng anh sẽ không cô độc.’ Shirley đã từng là người kích bác rượu, nhưng trong câu lạc bộ sĩ quan ở Chu Lai cô bắt đầu sử dụng Screwdrivers (một loại cốc tai gồm vodka pha với nước cam chanh), và ai trách cứ cô được? Sau này, cô không thể gượng xem được MASH (loạt phim truyền hình khôi hài trên TV), bởi vì các ký ức của cô đã áp đặt quyền phủ quyết tiếng cười.
Hai tiểu đoàn Úc đặt căn cứ tại một góc đông nam Việt Nam, phía trên Vũng Tàu, mới đầu thấy mình phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ với một nhân lực tương đối khiêm tốn, và những vạt rừng rộng lớn để tuần tra và càn quét. Trong những tuần lễ đầu kẻ địch hay lẩn tránh, nhưng một cuộc công kích súng cối ban đêm vào giữa tháng 8 1966, làm bị thương 24 người, khiêu khích tiểu đoàn trưởng phái một lực lượng đi trinh sát vùng. Vào chiều ngày 18 tháng 8, trong thời tiết kinh khủng 100 lính Úc đụng độ với một lực lượng VC hùng hậu gần một ngôi làng bị bỏ hoang gần Long Tân, và thấy mình phải quyết đấu một mất một còn. Pháo binh phát huy hiệu quả, nhưng quân nhu cho vũ khí nhẹ cạn dần một cách nguy khốn. Hai trực thăng Úc đương đầu với mưa gió và mây mù để bay tiếp tế khẩn cấp, và khi bộ binh bắt đầu sợ bị sẽ tràn ngập, các xe bọc thép đến nơi mang theo các súng máy .50 và một đại đội tiếp viện. Bọn cộng sản rút lùi, để lại 245 xác chết.
Úc mất 18 người bị giết. Họ thắng thế, nhưng biết rằng mình đã ở trên bờ thảm họa, một phần bởi vì lực lượng không đủ túc số để đương đầu với quân địch hùng mạnh trên một lãnh địa mà phe Cộng coi là của mình. Trong những năm tháng sau đó Úc và Tân Tây Lan tạo được tiếng tăm là những bộ binh đáng nễ.
Cùng với sứ mạng tìm-và-diệt, luôn có các trận không kích không ngừng nghỉ xuống vùng hoang dã mà Việt Cộng hay lẩn trốn.
Chiến dịch Trail Dust (Bụi Đường), làm rụng lá trên các đường mòn xâm nhập, bắt đầu vào năm 1961. Vào tháng 7 1965 thuốc diệt thảm thực vật được thả xuống ngay trung tâm Miền Nam, nơi các đám mây hoá học trôi về các vườn trái cây gần Biên Hòa và Lái Thiêu, với các hậu quả thảm khốc cho mùa vụ xoài, mãng cầu, mít và dứa. Gần như qua một đêm, trái cây rụng hết, lá hóa nâu trên hàng ngàn cây cao su.
Dân địa phương lắc đầu hoang mang, không hiểu nguyên nhân gây ra tai họa thiên nhiên này. Khi sự thật được phơi bày, các nông dân không mấy tin vào lời trấn an là hậu quả của Chất Da Cam sẽ mất tác dụng sau một năm. Một đại tá Miền Nam nhận xét rằng việc dân chúng phẫn nộ và than phiền do việc làm trụi lá gây ra quanh vùng dân cư đã ‘lấn át các chiến tích quân sự’. Dù sao ông cũng nhìn nhận thuốc trụi lá rất hiệu quả trong việc triệt tuyến đường liên lạc trong rừng của quân địch, nhất là trong các đầm lầy ngập mặn dọc sông Sài Gòn.
Chương trình lên cao điểm vào năm 1968-69; tất cả, gần 20 triệu ga-long chất trụi lá, hơn phân nửa số đó có chứa chất dioxin, được rải xuống khắp Đông Dương. Việc này vẫn còn là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong thời hậu chiến: không thể tránh một cảm giác ghê tởm về sự phá hủy có hệ thống môi trường thiên nhiên để phục vụ cho các mục tiêu chiến thuật. Thật khó mà nghi ngờ là một số người Việt, và có lẽ cả người Mỹ, gánh chịu những hậu quả bệnh tật từ Chất Da Cam. Dù sao đi nữa cũng cần thận trọng về những lời tuyên bố cực đoan trong thế kỷ 21 của Hà Nội, và của một số bộ phận Mỹ, rằng hàng trăm ngàn người trong thời chiến gánh chịu tổn hại lâu dài – sinh quái thai, ung thư và các bệnh gớm ghiếc khác.
Chiến sử chính thức của Hà Nội đưa ra con số hai triệu người dân bị di chứng Chất Da Cam. Vậy mà để con người chịu tổn hại nghiêm trọng họ phải cần tiếp xúc lâu dài và nặng với dioxin, trên một mức độ tương đối ít người gặp phải. Một cựu binh Miền Nam gần đây lưu ý rằng mình và các đồng đội thường xuyên sử dụng chất làm trụi lá, phun xịt nó từ các bình xịt tay, mà không thấy ảnh hưởng gì. Anh gợi ý là các nông dân Việt vốn có tiếng hay sử dụng bừa bãi chất diệt cỏ có thể đã gây tổn hại cho sức khỏe mình như Chất Da Cam đã làm.
Dù là gì, Thẩm phán Úc Philip Evatt bỏ ra hai năm trong thập niên 1980 khảo sát chứng cứ về tác hại của Chất Da Cam đối với đồng bào mình đã từng phục vụ tại Việt Nam, và trình bày một báo cáo gồm 9 quyển dày 2,760 trang, kết luận chất siêu dẫn hoá học ‘Không có tội ‘. Một cố vấn khoa học của Uỷ ban Hoàng gia nói với vẻ thẳng thừng điển hình của Úc: ‘Phần lớn vấn đề gây lo lắng cho cựu binh sau Chiến tranh Việt Nam không do Chất Da Cam: chúng chỉ do đây là một cuộc chiến đẫm máu đáng sợ.’
Evatt cho rằng thuốc lá, rượu và căng thẳng hậu sang chấn mới là các nguyên nhân chính thuyết phục nhất và rộng rãi nhất gây ra các khó khăn cho cựu binh. Một nhà sử học không buộc phải đưa ra lời tuyên án cho Chất Da Cam khi đối mặt với các số lượng cạnh tranh các chứng cứ đối nghịch. Chất làm trụi lá rõ ràng là một công cụ ghê tởm, nhưng điều đó không thể cho phép cần phải nhìn nhận các tuyên bố cực đoan về những tác hại nó gây ra cho con người tiếp xúc với nó.
Gần như mỗi tuần lễ trong năm 1965 đều chứng kiến một hành động như hành động xảy ra một buổi sáng tháng 9, cách Sài Gòn 60 dặm về phía bắc. Lúc 9:00 Bộ binh 2/18th tiến về phía bắc theo Đường 13 giữa Lộc Ninh và đồn điền cao su Michelin, nơi được biết có lực lượng VC hùng hậu đóng quân. Quân Mỹ sử dụng xe bọc thép, có xe tăng yểm trợ. Đại đội trưởng C 27 tuổi Ted Fichtl nói: ‘Chúng tôi biết mình chường mặt ra làm mồi nhữ… Nhưng tin tưởng vào khả năng phát động nó và hoàn thành nó rất cao … Chúng tôi biết rằng lực lượng còn lại của tiểu đoàn, lữ đoàn và sư đoàn đang sẵn sàng ứng chiến, chỉ đợi điều đó xảy ra, và ơn trời nó xảy ra.’
Họ gặp một cơn bão hỏa lực từ các ổ phục kích từ cả hai bên đường, vũ khí nhẹ, súng cối, súng không giật: ‘Thật là vô cùng ác liệt; rất, rất chính xác và hiệu quả … Chúng tôi mất nhiều người và tản thương ngay lập tức. ‘ Đại đội C của Fichtl ngã ngựa được súng phun lửa và súng máy hạng nặng yểm trợ, nhưng thấy mình gặp rắc rối nghiêm trọng hơn các chỉ huy đã tiên liệu. Cuộc quyết đấu kéo dài hết giờ này sang giờ khác: các các xe cơ giới không bị hư hại rút ra khỏi vùng giao tranh. Tiểu đoàn trưởng đi bộ đến gặp Fichtl, và ra lệnh anh rút về để chuyển đến yểm trợ Đại đội A, đang trong tình cảnh tuyệt vọng. Viên đại úy không còn sức thể hiện sự thương cảm đối với đồng đội. Anh chống chế là mình đã mất nửa quân số: hãy gọi người khác thay thế. ‘Đại tá nói, “Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là Đại đội A cần được tiếp viện. Chuyển đi.”‘
Fichtl nói: ‘Đại tá buộc chúng tôi làm vậy chỉ bằng quyền chỉ huy.’ Trận đánh tiếp tục năm giờ nữa, ngang một tiền tuyến 800 ya, với quân du kích và quân Mỹ đôi khi trao đổi hỏa lực chỉ cách nhau trong vòng 20 ya: sĩ quan điều hành và một trung đội trưởng của Fichtl thuộc số người ngã xuống. Tinh thần Đại đội C lên cao khi họ thấy phần còn lại của tiểu đoàn được trực thăng vận đến cách địch 3 dặm về phía sau: ‘Thật là tuyệt khi thấy trực thăng tiến vào … Ngay lập tức bạn có thể thấy rằng sự chú tâm của VC bị phân tán giữa những gì xảy ra phía trước và những gì có thể xảy ra phía sau họ.’
Người Mỹ buộc phải tản thương bằng quân xa, vì trực thăng tản thương – ‘máy quét bụi’, như chúng thường được gọi – không thể đáp xuống qua màn hỏa lực ác liệt. Khi cuối cùng trận đánh kết thúc và quân địch rút đi, khoảng 14:00, Fichtl kiểm tra quân số đại đội giảm chỉ còn 66 người còn đủ khả năng chiến đấu, và phải mất nhiều tuần mới được bổ sung đầy đủ túc số. Anh không bao giờ quên cú sốc mình nhận được khi nghe một sĩ quan tham mưu sư đoàn báo cáo trên máy vô tuyến số địch chết cao gấp ba lần con số mà binh sĩ tham chiến đã báo với anh.
Năm 1966 chứng kiến các trận đánh như trận mà 2/18th tham dự. Trong đa số áp đảo trường hợp, cho dù Cộng quân mất nhiều người hơn quân Mỹ, họ ít khi nhìn nhận mình thất trận. Đây là năm mà Westmoreland phát hiện ra rằng ‘bọn Charly khó lòng, nếu không muốn nói là không bao giờ, chịu bỏ cuộc. Và chỉ cần trụ lại trên võ đài, họ được xem như đã làm thất bại ý chí của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Creighton Abrams
TQLC tấn công
Đây là cảnh người cộng sản dựng lại nhưng mô tả sống động chiến trường mà hai bên đều hiểu rõ tại những vùng sông nước Miền Nam
.