Cù Tuấn dịch từ The Economist.
Dân thường ở cả hai phe đang góp tiền mua quân nhu quân khí, từ thiết bị công nghệ cao đến những vật dụng cơ bản nhất.
Trong tháng 7 năm 2022, Aerorozvidka, một đơn vị chuyên về thiết bị bay không người lái (drone) của Ukraine, đã ăn mừng việc mua thành công 4 drone DJI Phantom 3 do Trung Quốc sản xuất, với số tiền có được từ một nhà tài trợ người Đức. Nhóm này được thành lập vào năm 2014 sau khi Nga xâm lược miền đông Ukraine và sáp nhập Crưm, do những người dân bình thường lãnh đạo. Món quà trên chỉ là một ví dụ về việc huy động vốn từ cộng đồng trong cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đang diễn ra. Các công dân của cả hai phe đang cung cấp các thiết bị cần thiết cho tiền tuyến. Tác động của những khoản quyên góp này là gì, và cách tiếp cận của hai quốc gia này khác nhau như thế nào?
Các cá nhân đã tham gia tài trợ cho quân đội trong thời kỳ chiến tranh từ hàng thế kỷ trước cho đến nay. Một khối đất sét có các chữ viết được tìm thấy gần Hadrian’s Wall ở miền bắc nước Anh đề cập đến món quà tặng là dép, tất và đồ lót cho những người lính La Mã. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chính phủ Mỹ yêu cầu người dân hãy đan áo ấm cho quân đội. Nhưng bên cạnh những nỗ lực nâng cao tinh thần nhỏ bé như vậy, một số kế hoạch huy động tài trợ từ dân thường đã tỏ ra hiệu quả rõ rệt. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Anh đã đưa ra “Quỹ Spitfire”, khuyến khích các nhóm dân sự quyên góp được 12.600 bảng Anh (490.000 bảng Anh hay 590.000 đô la Mỹ theo thời giá ngày nay) cần thiết để chế tạo máy bay chiến đấu hàng đầu. Những cá nhân đóng góp có thể mua cánh, súng máy hoặc thậm chí là một chiếc đinh tán, với giá sáu pence thời giá lúc đó (hai bảng rưỡi ngày nay) cho mỗi chiếc đinh. Kế hoạch này đã huy động được tổng cộng khoảng 13 triệu bảng Anh – đủ tiền cho hơn 1.000 máy bay (trong tổng số 20.000 chiếc được chế tạo).
Kể từ khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng 2, huy động vốn từ cộng đồng của Ukraine đã tập trung vào các thiết bị công nghệ cao mà Ukraine không thể sản xuất được, đặc biệt là máy ảnh chụp nhiệt và drone. Vào tháng 7, chính phủ Ukraine đã khởi động một sáng kiến quốc tế “Đội quân drone” để gây quỹ và tạo ra các thiết bị phần cứng cho các “drone”. Điều này rất cần thiết: mặc dù Ukraine có một số nhà cung cấp máy bay không người lái trong nước, nhưng nhiều mẫu drone hữu ích không được sản xuất tại đây. DJI, một nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, đã ngừng việc cung cấp sản phẩm của họ sang cả Nga và Ukraine. Các nỗ lực huy động vốn từ cộng đồng tư nhân cũng đã xuất hiện. Kalush Orchestra, ban nhạc đã giành chiến thắng trong cuộc thi Eurovision năm nay, đã bán đấu giá chiếc cúp của họ và quyên góp được 900.000 đô la để mua tặng quân đội 3 chiếc drone PD-2. Các trùm tài phiệt người Ukraine nước ngoài ở Đức được cho là đã tặng quân đội nước này các drone Vector trị giá khoảng 200.000 USD mỗi chiếc.
Những người dân thường cũng đã tài trợ một máy in 3D để chế tạo các bộ phận cho drone và bom đặt trên drone. Các nền tảng truyền thông xã hội đã giúp những nỗ lực này thành công. Bên cạnh lợi ích thiết thực, việc tài trợ này đã nuôi dưỡng ý thức tham gia của những người dân Ukraina vào cuộc chiến, dần dà mở rộng đến các nhà tài trợ ở các quốc gia khác.
Việc gây quỹ này cũng có nhiều hình thức sáng tạo (và rùng rợn) hơn. Một trang web, SignMyRocket(.)com, cho phép các nhà tài trợ khắc tên của họ trên một quả đạn pháo sau đó sẽ được bắn vào các binh sĩ Nga. Số tiền khiêm tốn 150 đô la sẽ giúp bạn có một quả đạn pháo 155mm tiêu chuẩn được phóng từ một trong những loại pháo M777 do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Nếu bạn chịu chi nhiều hơn một chút, 2.000 đô la, thì tên của bạn sẽ xuất hiện trên một quả lựu đạn được thả từ máy bay không người lái Mavic 3. “Chúng tôi đảm bảo rằng [lựu đạn] ghi tên của bạn sẽ hạ được một tên lính,” trang web này nói chắc như đinh đóng cột. “Những người lính sẽ làm lại việc thả lựu đạn cho đến khi họ có được một video tấn công thành công [để gửi cho bạn].” Những nhà hảo tâm chi tiền mạnh nhất thậm chí có thể in tên của họ trên tháp pháo của xe tăng T-72. “Chiếc xe tăng có tên của bạn trên đó sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược,” trang web này hứa hẹn. Những người sáng lập của trang này hiện đang khuyến khích những người ủng hộ mua thiết bị bảo vệ tai cho các binh sĩ Ukraine, những người đang bị mất thính giác khi chiến đấu do đạn pháo, thông qua một danh sách hàng hóa mong muốn mua của Amazon.
Huy động vốn từ cộng đồng của Nga trông bề ngoài khá giống với huy động vốn của cộng đồng Ukraina: các bức ảnh trên mạng xã hội thường chụp drone và máy ảnh nhiệt hoàn toàn mới. Nhưng quân đội Nga cũng thiếu những thứ cần thiết. Buda-Shirap Batuyev, một nghị sĩ Cộng sản liên minh với đảng của Vladimir Putin, nói với các hãng tin địa phương rằng ông đã tham dự đám tang của những người lính trẻ, mà đơn vị của họ bơ vơ như “những chú mèo con mù” vì quân đội không cấp đủ thiết bị cần thiết.
Các nhóm dân sự, thường do các bà mẹ của các binh lính thành lập, đang gửi hỗ trợ cho tiền tuyến – bao gồm các vật dụng cơ bản như kem đánh răng, tất và bình xịt chống côn trùng. Ít nhất có mười nhóm trên Telegram, một nền tảng truyền thông xã hội, mỗi nhóm đã có hàng nghìn thành viên. Trong những tháng gần đây, các nhóm này cũng bắt đầu cung cấp áo giáp và radio. Bộ máy quân sự cồng kềnh chậm chạp của Nga được chấp nhận như một thực tế của cuộc sống; Ban lãnh đạo quân đội đã nói lời khen ngợi những nhóm “mẹ người lính” này vì sự giúp đỡ của họ.
Các nỗ lực huy động vốn từ cộng đồng của Ukraine có quy mô nhỏ hơn hẳn so với các chương trình của chính phủ. Ngân sách quân sự của đất nước này vào năm 2021 là khoảng 6 tỷ đô la Mỹ; Riêng Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 20 tỷ đô la Mỹ. Nhưng việc huy động từ dân chúng này đang giúp duy trì sự quan tâm đến cuộc chiến ở nước ngoài và đưa thiết bị công nghệ cao đến tiền tuyến một cách nhanh chóng. Về phía Nga, huy động vốn từ cộng đồng là một chất kết dính giải quyết những vấn đề cơ bản hơn. Chi tiêu quân sự Nga có cung cấp xe tăng và pháo binh trông thật đẹp mắt trong các cuộc duyệt binh, nhưng lại khiến các binh sĩ thiếu hụt những đồ thiết yếu khiến các bà mẹ họ phải lo lắng. Giờ đây các bà mẹ của những binh sĩ này sẽ phải nỗ lực để cung cấp chúng cho các đứa con của mình.