Mười hai con giáp, nói hoài chưa hết – phần 3

Đỗ Ngọc Giao

05-Aug-2022

3.   Chuyện xưa

3.1.   Nhựt thơ

Nhựt thơ 日書 là một thứ tài liệu ‘mệnh lý học’ (hemerology) dùng để coi ngày tốt ngày xấu, ghi cùng những thứ tài liệu khác trên nhiều tấm thẻ bằng tre/cây ghép lại với nhau, hoặc là một tấm lụa cuốn lại. Thời trào Tần/Hán trước công nguyên (before the common era, viết tắt ‘BCE’), những người đương chức khi chết thì đồ tùy táng trong hòm thường có thêm một tập thẻ như vậy để cho họ qua đời sau nếu vẫn làm chức đó thì lấy mà xài (hình dưới).[1]

Nhựt thơ có ghi những cái ‘list’ 12 con vật như sau, theo thứ tự thời gian từ trái qua phải.1

*FMTA/FMTB:  di chỉ Fangmatan 放馬灘, Cam Túc, mộ chôn một viên quan sau năm 239 BCE, khai quật năm 1986.

*SHDA:             di chỉ Shuihudi 睡虎地, Hồ Bắc, mộ chôn viên quan họ Hỷ喜 lối năm 217 BCE, khai quật năm 1975–1976.

*KJP:                 di chỉ Kongjiapo 孔家坡, Hồ Bắc, mộ chôn viên quan họ Tích 辟 năm 142 BCE, khai quật năm 2000.

*LH:                   Luận hành, trước tác của Vương Sung (27– 97).

Bảng trên cho thấy từ xưa người Tàu đã có ít nhứt 5 cái ‘list’ 12 con vật chớ không phải một cái list ‘chuẩn’ ở LH mà thôi: so với list chuẩn thì ba list FMT giống 9/12 mục và hai list SHD-KJP giống 5/12 mục. Điều lạ là hai list SHD-KJP không phân biệt Thìn với Tỵ, cũng không gắn Thân, Dậu, Tuất với con vật mà gắn lần lượt với ngọc, nước, lửa.

3.2.   Kinh Phật

Nam Bắc trào (386–581) bên Tàu, nói đại khái, gồm những trào vua của người Tàu ở miền nam, thí dụ Lưu Tống, xung đột với những trào vua ở miền bắc do thị tộc T’opa (Thác Bạt) của một nhóm proto-Mongol kêu bằng Hsienpi (Tiên Ty) lập ra, thí dụ Bắc Ngụy. (Vợ của Văn Đế, vua đầu trào Tùy, và mẹ của Cao Tổ, vua đầu trào Đường, đều là con gái của một viên tướng người Hsienpi.[2]) Các trào vua Bắc Ngụy khuếch trương đạo Phật nhằm tạo nên một thứ ‘thần quyền’ (theocratic power) để cai trị dân của họ mà phần lớn là người Tàu theo Khổng giáo.[3]

Phía tây Bắc Ngụy có nước Bắc Lương (397–439) của người Hung Nô, ở đó, một vị tăng người Ấn kêu bằng Dharmakśema (385–433),[4] đã dịch kinh Mahāvaipulya-mahāsaṃnipāta-Sūtra (viết tắt ‘MMS’) sang tiếng Tàu với tựa đề Đại phương đẳng đại tập kinh 大方等大集經. Dưới đây lược trích vài đoạn ở quyển 23 của kinh, lấy theo bổn dịch tiếng Việt đã có sẵn,[5] riêng mấy chỗ gạch dưới thì lấy theo bổn dịch tiếng Tàu của National Taiwan University.[6]

[Phật nói:]

 … Bồ-tát ở cõi này hoặc biến thành rồng, trời, quỷ, a-tu-la,… hoặc biến thành người, súc sanh, chim, thú, để giáo hóa chúng sanh thì không khó. Hiện thân súc sanh để điều phục chúng sanh mới thực là khó …

Trong biển Nam ngoài cõi Diêm-phù-đề có núi lưu ly … trong núi có hang … nơi Bồ-tát ngày xưa từng ở. Hang này rộng 1 do-tuần, cao 6 do-tuần, có một con rắn độc sống trong hang này, tu … theo Thanh văn. Lại có một hang … rộng cao như hang kia, cũng là nơi Bồ-tát ngày xưa từng ở. Trong hang có một con ngựa, tu … theo Thanh văn. Lại có một hang … cao rộng như trên, cũng là nơi ở của Bồ-tát quá khứ, có một con , tu … theo Thanh văn ở trong hang ấy. Thần cây trên núi … và la-sát nữ … từng cung cấp vật dụng cho ba con vật trên.

Nơi phía Tây ngoài cõi Diêm-phù-đề có núi pha lê … Trong núi có hang … cũng cao rộng như trên. Hang này là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con khỉ tu … theo Thanh văn ở đây. Lại có một hang … cao rộng như trên, là nơi ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con tu … theo Thanh văn ở đây. Lại có hang … cao rộng cũng như trên, cũng là chỗ ở của Bồ-tát hồi xưa, trong hang có một con chó tu … theo Thanh văn. Có thần lửa và la-sát nữ … cung cấp vật dụng cho ba con thú này.

Về vùng núi phía Bắc ngoài cõi Diêm-phù-đề có núi bạc … Trong núi có hang … cao rộng như trên, đây là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con heo tu … theo Thanh văn. Lại có hang … cao rộng như trên, cũng là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con chuột tu … theo Thanh văn. Lại có hang … cao rộng như trên, cũng là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con tu … theo Thanh văn. Thần gió … và la-sát nữ … cung cấp vật dụng cho ba con thú kia.

Trong biển phía Đông ngoài cõi Diêm-phù-đề có núi vàng … Trong núi có hang … cao rộng như trên, là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con sư tử tu … theo Thanh văn. Lại có hang … cao rộng như trên, cũng là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con thỏ tu … theo Thanh văn. Lại có hang … cao rộng như trên, là chỗ ở của Bồ-tát quá khứ, hiện có một con rồng tu … theo Thanh văn. Thần nước … và la-sát nữ … cung cấp vật dụng cho ba con thú kia.

Mười hai con thú này ngày đêm thường đi lại trong cõi Diêm-phù-đề, được trời và người cung kính. Sau khi thành tựu công đức, chúng thường phát nguyện rộng lớn nơi chư Phật. Hàng ngày một con thú thường đến thăm mười một con thú, khuyên tu … cứ luân lưu mãi như thế. Ngày 1 tháng 7, con chuột kia đi khắp nơi dạy pháp Thanh văn cho mọi loài mang lốt chuột … Cứ tuần tự như vậy, ngày 13, chuột đến lượt lại ra đi. Cứ thế, mười hai tháng, mười hai năm đều vậy … Như thế cõi này có rất nhiều công đức, dù là súc sanh cũng có thể giáo hóa mọi loài …

Mấy đoạn kinh trên cho biết ý chánh là có 12 vị Bồ-tát đầu thai làm 12 con vật chia nhau đi dạy pháp cho chúng sanh, theo thứ tự thời gian là chuột, bò, sư tử, thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo. Điều lạ là 12 con đó giống hệt cái list chuẩn của người Tàu, trừ con thứ ba là sư tử, mà về sau, Trí Nghĩ 智顗 (538–597), vị tổ thứ 4 của giáo phái Thiên Thai,[7] sửa lại là cọp.[8]

3.3.   Minh văn của người Turk

Người Turk, nay ở 6 nước Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgystan, Turmenistan, Turkiye, Ubekistan, xưa từng lập nên mấy chục cái ‘vương trào’ (dynasty), ‘đế quốc’ (empire), ‘hãn quốc’ (khaganate), ‘nhà nước’ (state),… khắp nơi từ Á sang Âu, mà nổi tiếng hơn hết ắt là đế quốc Ottoman (1299–1923) ở vùng Địa trung Hải. Thời trào Tùy (581–618) và Đường (618–763) bên Tàu, một nhóm người Turk kêu bằng Gokturk (Đột Quyết) đã lập nên hãn quốc Gokturk (552–744) rộng minh mông từ Mãn Châu qua tới biển Caspian,[9] chưa kể mấy trào ở miền bắc xứ Tàu thí dụ Hậu Hán. (Viên tướng chống lại trào Đường, kêu bằng An Lộc Sơn, có cha là người Turk và mẹ là người Sogdian nói tiếng Indo-European.[10])

Ở thung lũng sông Orhon (Mông Cổ) có hai cái lăng của một vị hãn cuối thời hãn quốc Gokturk là Bilge Qaghan (683–734) và em ruột của ông là hoàng tử Kul Tigin (684–731); mỗi lăng chứa nhiều thứ đồ quý và đặc biệt là một cái bia hình trụ bằng cẩm thạch cao hơn 3m ghi minh văn khắp ba mặt bằng một thứ chữ xưa của người Turk [và mặt sau cũng có ghi chữ Tàu].[11] Minh văn trên bia của Kultegin có những dòng thí dụ như sau.[12]

Kultegin chầu Trời ngày 7 năm con cừu. Ngày 27 tháng 9 chúng con làm đám ma cho ngài. Lăng, tượng, tranh và bia của ngài thì chúng con làm xong ngày 27 tháng 7 năm con khỉ. Kultegin hưởng thọ 47 tuổi…

Minh văn trên bia của Bilge có những dòng thí dụ như sau.12

Cha đã chầu Trời ngày 26 tháng 10 năm con chó; chúng con làm đám ma cho cha ngày 27 tháng 5 năm con heo

Dựa theo những tài liệu khác, thí dụ sử Tàu, thì các ‘năm con cừu’, ‘năm con khỉ’, ‘năm con chó’, ‘năm con heo’ nêu trên lần lượt là các năm 731, 732, 734 và 735.

Cũng ở Mông Cổ, người ta đã tìm thấy một khu lăng mộ gần núi Bugut, xây hồi đầu thời hãn quốc Gokturk (551–630), trong đó có một tấm bia sa thạch (sandstone) ghi minh văn ba mặt bằng chữ Sogdian [và mặt sau cũng có ghi chữ Sanskrit], nhắc tới những sự kiện được cho là không sớm hơn năm 572 và không muộn hơn những năm 580, với một sự kiện xảy ra trong năm con thỏ,[13] vậy có lẽ năm ‘con thỏ’ đó là năm 583.

Những minh văn kể trên cho thấy người Turk thời xưa đã từng gọi mỗi năm bằng tên một con vật, theo một cái list dường như cũng giống như cái list của người Tàu. Nhưng người Turk có cách gì để phân biệt những năm ‘con thỏ’ cách nhau 12 năm hay không, chẳng hạn, thì ta chưa rõ.

3.4.   Nhận xét

Tới đây, ta đã biết nhựt thơ của người Tàu và kinh Phật của người Ấn có lẽ là những tài liệu sớm nhứt nhắc tới cái list 12 con vật, nhưng vẫn chưa rõ vài chỗ:

  • vì sao cái list trong kinh Đại phương đẳng đại tập [khi dịch sang tiếng Tàu] thì giống gần như y hệt cái list trong Luận hành: chuyện tình cờ hay là lý do gì khác?
  • người Ấn và ngườiTàu tự họ đặt ra những cái list đó, hay là họ chép lại từ một cái list còn xưa hơn nữa của nhóm người nào khác?

 Ta cũng được biết người Turk từ thế kỷ 6, hoặc trước đó nữa không chừng, đã gọi năm theo tên 12 con vật, nhưng cái list 12 con đó là do họ tự đặt ra hay là mượn của người Tàu thì vẫn chưa rõ.

3.5.   Văn hóa con giáp

Dù người Tàu đã biết 12 con vật từ thê kỷ 3 BCE, nhưng họ không gọi một năm nào đó trong lịch sử là năm ‘con chuột’ mà gọi là năm ‘Giáp Tý đời vua X của trào Y’, chẳng hạn. Còn văn hóa con giáp thì mới có từ thời trào Nam Tề (479–502), với bằng chứng là câu này trong Nam Tề thơ,[14]

 崔慧景属马

nghĩa là ‘Thôi Tuệ Cảnh tuổi con ngựa’. (Dù vậy, theo Wikipedia thì viên tướng họ Thôi đẻ năm 438, tức là năm con cọp.)

Hình dưới vẽ tượng con giáp ‘cọp’ với vầng lửa, bằng đất sét nung (earthenware), trong mộ ở Sơn Đông, trào Bắc Ngụy (386–534).[15]

Hình dưới là tượng đất sét nung trong mộ ở Hồ Bắc, trào Tùy (581–619), mô tả một người với con giáp ‘khỉ’ của họ, hai đàng thân thiết tới nỗi ta tưởng đâu con người chính là con giáp và con giáp cũng chính là con người!15

Hình dưới là tượng sành tráng men (glazed stoneware) của 3 con giáp như là 3 vị thần trông coi đời người, trong mộ ở Tứ Xuyên, năm 654, trào Đường, từ trái qua phải: rồng, ngựa, dê – có lẽ là những ‘variant’ của 12 vị Bồ-tát trong kinh MMS nêu ở mục 3.2 bên trên.15

Hình dưới là tượng 3 con giáp có mình người, bằng đất sét nung, trong mộ ở Sơn Tây, năm 740, trào Đường, từ trái qua phải: khỉ, gà, heo, mỗi con mang một điệu bộ và nét mặt khác nhau.15

Hình dưới là phù điêu mô tả vị thần trông coi năm ‘ngựa’, trong mộ của Vương Xử Trực (862–922), thời Ngũ Trào.15

Mười hai con giáp về sau cũng được gắn với 12 vị ‘ngươn thần’: hình dưới là tranh giấy vẽ mực, năm 978, trào Bắc Tống, ở Đôn Hoàng, mô tả Thái Tuế ngồi giữa với xung quanh là 12 ngươn thần đội mão mang phù hiệu của 12 con giáp.15

Chót hết, tới trào Minh (thế kỷ 16) thì văn hóa con giáp ắt đã quen thuộc tới nỗi Ngô Thừa Ân mô tả Hầu vương trong Tây du ký như sau,14

獠牙往外生, 就象属螃蟹的, 肉在里面, 骨在外面

nghĩa là ‘Nanh mọc ra ngoài, nó tuổi con cua nên bên ngoài là xương mà bên trong là thịt’, ý nói ngoài mặt dữ dằn mà trong bụng hiền khô.

4.   Phụ lục

Tánh cách của người mang tuổi con chuột, con trâu,…, trong văn hóa con giáp của người Tàu.[16]

con giáp tánh cách hợp với
chuột vui vẻ (cheerful), thẳng thắn (direct), nghĩ bén (sharp instinct) nên biết hoạch định (good strategist), biết làm, nhưng không chịu chờ mà muốn có kết quả liền.

đàn bà thì sáng láng (clever/bright), biết lo chuyện gia đình.

-rồng, khỉ, trâu

-màu xanh (blue)

trâu thiệt thà, cần cù, đáng tin, nhẫn nại, bền bỉ, nghĩ sâu, bướng bỉnh, tức lên thì dữ như trâu điên. -chuột, rắn, gà

-màu đen

cọp không muốn bị ai ràng buộc (independent), dạn dĩ (fearless), gặp chuyện bất bình chẳng tha, vui vẻ, ai cần là giúp, đôi khi bộp chộp nên hư chuyện. -ngựa, chó, heo

-màu xanh (olive)

thỏ biết cư xửi (well-mannered), khoe khoang (show off), muốn là làm tới cùng (strong-willed), yêu con là cho roi cho vọt, không nuông con, không cưng đứa nào hết. -dê, chó, heo

-màu tím

rồng muốn là theo tới cùng, coi trời bằng vung (extremely brave), sao cũng được (broad-minded), dễ tha thứ, có sức thu phục người khác, có tài nhưng phách lối (arrogant), tham lam (overambitious), bốc đồng (impulsive). -chuột, khỉ, gà

-màu cam/vàng

rắn sáng trí (intelligent), điềm đạm (composed), làm gì cũng tính trước, nhắm thẳng đích tiến tới, hay nghi người lạ, nhưng nếu hết nghi thì sẽ là bạn tốt, ưa cái đẹp. -bò, rồng, gà

-màu trắng

ngựa chưa đánh là chưa chịu thua, luôn làm hết sức, lanh trí (quick-witted), thiệt thà, thẳng thắn, sôi nổi (vivacious), dễ chơi nên khi cần là có người giúp, đôi khi bốc đồng (impulsive) tưởng gì cũng dễ. -cọp, dê, chó

-màu vàng (gold)

cừu dễ tủi thân (sensitive), thận trọng (prudent), liêm khiết (upright), bên ngoài yếu đuối chớ bên trong cứng cỏi, không ích kỷ, thấy ai khổ là thương, bi quan, hay lo, trời cho sao chịu vậy, không thích khuôn phép (routine). -thỏ, ngựa, heo

-màu bạc (silver)

khỉ hay giỡn (humorous), khôn (clever), không chịu ngồi yên, dễ mến, không nghe ai khuyên, tới đâu hay đó (carefree), yêu đời, nhiều tài lẻ, nhớ dai, nhớ nhiều, nhưng bị người khác cho là nông cạn, đãng trí. -chuột, rồng,ngựa

-màu vàng

hăng hái (motivated), gặp khó thì tìm cách gỡ, muốn ai cũng để ý tới mình, làm gì cũng kỹ, ít sao lãng, có hai tánh xấu là hợm mình (vanity) và đòi hỏi quá đáng. -bò, ngựa, rắn

-màu đỏ cam

chó không xạo (genuine), ruột để ngoài da, có trách nhiệm, đáng tin, thích chơi đẹp, thấy ai khổ là thương, khó gần nhưng hễ gần thì sẽ là bạn tốt, bên ngoài vui vẻ mà bên trong hay lo, dòm chuyện gì cũng thấy mặt xấu (downside) mà thôi. -cọp, thỏ, ngựa

-màu đỏ

heo tin lòng tốt của người ta, thiệt thà, thích giao du, có lòng nhiệt thành (warmth) và tôn trọng (respect) nên nhiều bạn, nhưng dễ tin nên hay bị gạt. -cừu, thỏ, cọp

-màu hường


[1] Books of fate and popular culture in early China, ed Donald Harper and Marc Kalinowski (2017).

[2] Độc Cô hoàng hậu (Tùy Văn Đế), https://vi.wikipedia.org/wiki/, accessed 05-Aug-2022.

[3] Department of Asian Art. “Period of the Northern and Southern Dynasties (386–581).” In Heilbrunn Timeline of Art History. New York: The Metropolitan Museum of Art, 2000–. http://www.metmuseum.org/toah/hd/nsdy/hd_nsdy.htm (October 2002).

[4] https://alchetron.com/Dharmak%E1%B9%A3ema

[5] http://daitangkinh.org/index.php/60-pdf-mp3/pdf-mp3-tangkinh/pdf-mp3-daitap/382-daitap-saptheo-tap

[6] http://buddhism.lib.ntu.edu.tw/BDLM/sutra/chi_pdf/sutra8/T13n0397.pdf

[7] Zephyr Chan, The Story of Zhanran, Tiantai’s Ninth Patriarch, Buddhistdoor Global, 21 July 2017, https://www.buddhistdoor.net/features/the-story-of-zhanran-tiantais-ninth-patriarch/

[8] Huaiyu Chen (2021) The changing images of zodiac animals in medieval Chinese Buddhist literature, https://nesir.samsun.edu.tr/wp-content/uploads/sites/126/2021/10/CHENH-The-Changing-Images-of-Zodiac-Animals-in-Medieval-Chinese-Buddhist-Literature.pdf

[9] Göktürk Empire, last modified 09-07-2011, https://www.globalsecurity.org/military/world/centralasia/gokturk.htm

[10] Lee Chamney (2012) The An Shi Rebellion and Rejection of the Other in Tang China, 618-763.

[11] https://bitig.kz/?lang=e&mod=1&tid=1

[12] E. Denison Ross and Vilhelm Thomsen, The Orkhon Inscriptions: being a translation of Professor Vilhelm Thomsen’s final Danish rendering, Bulletin of the School of Oriental Studies, University of London, Vol. 5, No. 4 (1930), pp. 861-876 (16 pages)

[13] Sergej G. Kljastornyj and Vladimir A. Livsic, The Sogdian inscription of Bugut revised, Acta Orientalia Academiae Scientiarum Hungaricae, tomus XXVI (1), pp 69–102 (1972).

[14] Jinlin Gao & Yoon-kyoung Joh. Chinese zodiac culture and the rhetorical construction of A shu B, C. Language Research 55-1 (2019) 55-74.

[15] Judy Chungwa Ho, Representing the twelve calendrical animals as beastly, human and hybrid beings in medieval China, in The zoomorphic imagination in Chinese art and culture, ed Jerome Silbergeld, Eugene Y. Wang (2016), https://academic.oup.com/hawaii-scholarship-online/book/30556/chapter-abstract/257970863?redirectedFrom=fulltext

[16] Sanmu Tang (2012) Chinese zodiac animals. ISBN: 978-1-60220-977-0.

Bình luận về bài viết này