Cù Tuấn dịch từ Wall Street Journal.
Ukraine đang có nhiều hệ thống vũ khí phức tạp mà giữa chúng không có nhiều điểm chung với nhau.
Các vũ khí phương Tây hiện đang hoạt động tích cực trong trận chiến tại Ukraine. Nhưng việc đưa chúng vào hoạt động ở tiền tuyến đang khiến quân đội Ukraine phải đau đầu.
Các quan chức Ukraine đã mô tả vũ khí của phương Tây là thiết yếu trong nỗ lực xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống lại Nga, cuộc chiến đang diễn ra trong những tháng gần đây đang ngày càng giúp quân Ukraine giành lại nhiều lãnh thổ – và họ muốn nhiều hơn thế. Cho đến gần đây, Ukraine vẫn phụ thuộc vào các loại vũ khí hạng nặng được chế tạo hoặc có nguồn gốc từ các hệ thống từ thời Liên Xô, trong khi quân Nga có trang bị tốt hơn với số lượng lớn hơn nhiều.
Các loại vũ khí hiện đại và hiệu quả hơn của phương Tây, đặc biệt là các loại pháo tầm xa, hiện đã được đưa vào cuộc chiến. Các loại pháo này đã tạo ra sự khác biệt, cho phép Ukraine tấn công chính xác vào các bãi chứa đạn dược quan trọng, cơ sở hạ tầng phòng không và các trung tâm chỉ huy nằm sâu phía sau phòng tuyến. Việc Ukraine pháo kích chúng đang làm gián đoạn cuộc tấn công của Nga.
Nhưng việc tiếp nhận thiết bị mới này, được đưa vào từ các nước phương Tây khác nhau, để quân đội Ukraine có thể sử dụng được đang là một thách thức nghiêm trọng.
“Cách tiếp cận hiện tại là mỗi quốc gia trao tặng Ukraine một cơ số súng khác nhau, đã nhanh chóng biến thành cơn ác mộng hậu cần cho các lực lượng Ukraine với mỗi khẩu đội pháo yêu cầu một kiểu đào tạo, bảo trì và hậu cần riêng biệt”, Học viện Quân đội Hoàng gia ở London cho biết.
Các loại pháo phương Tây đang được quân đội Ukraine tiếp thu bao gồm pháo kéo M777 của Mỹ, Úc và Canada, và các loại pháo tự hành như Caesar của Pháp và Panzerhaubitze 2000, hoặc PzH 2000 của Đức – cũng như M109 của Mỹ và AHS Krab từ Ba Lan.
Jack Watling, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Không có hệ thống nào trong số này có nhiều điểm chung với nhau… Đáng lẽ ra đạn dược của chúng nên có thể hoán đổi cho nhau, v.v. Nhưng thực tế không phải vậy”, Jack Watling, cho biết một phần dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức quân đội và tình báo Ukraine.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã cố gắng tiêu chuẩn hóa các thiết bị như đạn dược – theo các thỏa thuận tiêu chuẩn hóa được gọi là Stanags – để nó có thể hoán đổi cho nhau giữa các quốc gia và hưởng lợi từ quy mô sản xuất kinh tế. Nhưng những nỗ lực tiêu chuẩn hóa này vẫn còn rất hạn chế.
NATO có hơn 1.000 Stanags, với các tiêu chuẩn quân sự chung cho các quy trình và vật liệu nhưng tùy thuộc vào mỗi đồng minh để quyết định thực hiện cái nào. Một quan chức NATO chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng trước trong việc giúp đỡ Ukraine trong quá trình chuyển đổi từ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí hiện đại của NATO.
Ukraine đã được cung cấp không chỉ có các loại vũ khí khác nhau. Quân đội nước này cũng phải học cách xử lý và bảo trì các loại vũ khí của phương Tây, vốn phức tạp hơn để vận hành và bảo trì so với những vũ khí mà họ đang sử dụng cho đến nay. Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp cho biết: “Khi bạn chuyển đổi sang các vũ khí không có nguồn gốc từ Liên Xô, bạn bắt đầu phải đối phó với rất nhiều thứ mà trước đây chưa từng có”.
“Rất nhiều thứ ở Ukraine là di sản — những chiếc xe 40 năm tuổi mà bạn sửa chữa bằng búa và cờ lê, dùng lực mạnh, dầu mỡ bôi trơn và cầu nguyện. Còn bây giờ thì cách mà một thợ cơ khí sửa chữa một chiếc ô tô tiêu dùng hiện đại đã khác đi — sửa xe với một chiếc máy tính cầm tay mà bạn dùng để kết nối với các cảm biến bên trong xe.” ông nói.
Trung tướng Ben Hodges, một cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Châu Âu, hiện đang làm việc cho Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết sự phức tạp là một sự đánh đổi để đạt được hiệu suất tốt hơn. Ông nói: “Để đạt được mức năng lực cao hơn mà các hệ thống của phương Tây đang có, với độ phức tạp vượt xa, liên quan đến thủy lực, thiết bị điện tử, của các hệ thống vũ khí cũng như đạn dược để đạt được độ chính xác và tầm bắn xa hơn”.
Theo ông Watling, đây là danh sách chưa đầy đủ về các vấn đề Ukraine phải đối mặt trong việc xử lý các hệ thống pháo khác nhau.
Một số pháo có hệ thống cỡ nòng 39 và một số pháo là hệ thống cỡ nòng 52, khiến chúng có những phạm vi hoạt động khác nhau. Các loại pháo này có các phụ tùng thay thế và các yêu cầu bảo trì khác nhau, các cơ chế tải đạn khác nhau và yêu cầu các loại đạn khác nhau. Các loại pháo này có thể sử dụng máy tính độc quyền của riêng họ, dẫn đến các vấn đề về truyền dữ liệu và một số máy tính có lõi phần cứng độc quyền. Cần các lớp đào tạo khác nhau để vận hành và bảo trì hệ thống cũng như các chuỗi cung ứng khác nhau cho phụ tùng dự trữ của pháo.
Bởi vì một số hệ thống pháo này được cung cấp chỉ với số lượng nhỏ, không có đủ pháo để luân chuyển tại tuyến đầu để bảo trì và do đó khi pháo bị hỏng thì buộc phải kéo pháo về để sửa chữa. Nhiều loại pháo với các khả năng khác nhau cũng tạo ra thách thức cho các hệ thống chỉ huy và điều khiển và chỉ huy chiến trường tại Ukraine.
Ông Boston cho biết một vấn đề khác là phụ tùng. Với vũ khí từ thời Liên Xô, người Ukraine có thể xẻ thịt các thiết bị cũ hoặc không còn sử dụng để lấy phụ tùng sửa chữa. Ông nói: “Không có phụ tùng nào ngoài những gì quân Ukraine đã nhận được”.
Một số hệ thống pháo hiện đang được Ukraine vận hành có độ khó cao đặc biệt, đặc biệt là khẩu PzH 2000 của Đức rất mạnh mẽ và có năng lực sát thương, nhưng loại pháo này có những yêu cầu rất khắt khe về vận hành. Quân đội Ukraine cần khoảng 40 ngày huấn luyện để vận hành và bảo trì hệ thống. Với trọng lượng 57 tấn, PzH 2000 cũng nặng hơn hầu hết các thiết bị có nguồn gốc từ Liên Xô, có nghĩa là một số cây cầu sẽ không đủ chắc chắn để chịu trọng lượng của nó, điều này có khả năng làm phức tạp hành trình đưa loại pháo này vào chiến trường.
Với chỉ 12 hệ thống pháo này được Đức và Hà Lan gửi tới Ukraine, vấn đề về vận chuyển hiện tại chưa nhiều. Nhưng khối lượng sẽ là một yếu tố nếu các quốc gia phương Tây bắt đầu gửi xe tăng chiến đấu của họ tới Ukraine, do các xe tăng này nặng tới 60 tấn – mặc dù điều đó có vẻ khó xảy ra vào lúc này.
Không nhà phân tích phương Tây nào lập luận rằng Ukraine sẽ tốt hơn nếu không có những hệ thống vũ khí mới này. Nhưng ông Watling tin rằng những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine nên rút ra bài học về các vũ khí chuyển tới trong tương lai, chẳng hạn như xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh, đồng thời cố gắng hạn chế số lượng các hệ thống vũ khí khác nhau được chuyển tới.