Cù Tuấn dịch từ AP.
KYIV, Ukraine (AP) – Đoạn phim từ thiết bị bay không người lái (drone) khẳng định phần lớn góc nhìn của công chúng về cuộc chiến ở Ukraine: lựu đạn lặng lẽ ném xuống những người lính không biết chuyện gì xảy ra, chuyến bay kỳ dị qua các thành phố hoang vu đã bị ném bom, xe thiết giáp và các căn cứ bị nổ tung với các quả cầu lửa.
Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, drone lại được sử dụng nhiều như ở Ukraine, nơi chúng thường đóng một vai trò rất lớn trong việc xác định ai sẽ sống và ai phải chết. Người Nga và người Ukraine cũng phụ thuộc rất nhiều vào các drone để xác định chính xác vị trí của kẻ thù và hướng dẫn các cuộc tấn công bằng pháo binh mang tính tàn sát.
Nhưng sau nhiều tháng chiến đấu, các phi đội drone của cả hai bên đều đã gần hết sạch và họ đang chạy đua để chế tạo hoặc mua loại drone tiên tiến, có khả năng chống nhiễu, mà có thể mang lại lợi thế quyết định.
Sự cấp bách này được phản ánh qua tiết lộ của Nhà Trắng hôm 11/7 rằng họ có thông tin rằng Iran sẽ gấp rút chuyển “khoảng vài trăm” drone tới viện trợ cho Moscow. Các drone do Iran sản xuất đã thâm nhập hiệu quả vào các hệ thống phòng không của Ả Rập Xê Út và Tiểu vương quốc do Mỹ tài trợ ở Trung Đông.
“Lực lượng drone của Nga có thể vẫn còn khả năng, nhưng đã gần hết. Và người Nga đang tìm cách tận dụng thành tích các drone đã được chứng minh của Iran”, Samuel Bendett, một nhà phân tích tại tổ chức tư vấn quân sự CNA cho biết.
Trong khi đó, Ukraine muốn các phương tiện này “tấn công các cơ sở chỉ huy và kiểm soát của Nga ở một khoảng cách xa đáng kể”, Bendett nói.
Nhu cầu về các mẫu drone bán sẵn vẫn rất cao ở Ukraine, cũng như những nỗ lực sửa đổi drone nghiệp dư để làm cho chúng có khả năng chống nhiễu tốt hơn. Cả hai bên đang huy động vốn từ cộng đồng để thay thế những drone bị tổn thất trên chiến trường.
“Con số drone chúng tôi cần là rất lớn”, một quan chức cấp cao của Ukraine, Yuri Shchygol, nói với các phóng viên hôm 13/7, nêu chi tiết kết quả đầu tiên của một chiến dịch gây quỹ mới có tên “Đội quân drone”. Ông cho biết Ukraine ban đầu đang tìm cách mua 200 drone cấp NATO nhưng yêu cầu thực sự thì nhiều hơn gấp 10 lần.
Các binh sĩ Ukraine ,bị quân Nga áp đảo, đã phàn nàn rằng họ chỉ đơn giản là không có các drone cấp quân sự cần thiết để đánh bại hoạt động gây nhiễu và điều khiển drone bằng sóng vô tuyến của Nga. Các phiên bản dân sự mà hầu hết quân Ukraine sử dụng đều bị phát hiện và bị vô hiệu hóa một cách tương đối dễ dàng. Và không có gì lạ khi pháo binh Nga dội mưa đạn xuống những người điều khiển các drone này trong vòng vài phút sau khi drone bị phát hiện.
So với những tháng đầu chiến tranh, Bendett giờ đây ít thấy bằng chứng về việc drone của quân Nga bị bắn hạ. “Người Ukraine đang rất căng thẳng,” ông nói.
Và quân phòng thủ còn phải gặp các vấn đề khác: Ngôi sao chiến đấu của quân Ukraine trong những tuần đầu chiến tranh, drone thả bom Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được dẫn đường bằng laser, đã trở nên kém hiệu quả hơn khi đối mặt với mật độ phòng thủ điện tử và đường không của Nga ở miền đông Ukraine . Drone này là từng là trọng tâm chính của nhiều video của người Ukraine yêu nước.
“Người Nga đang có vị thế tốt hơn nhiều vì họ điều khiển các drone tầm xa” được thiết kế để né tránh các biện pháp đối phó bằng điện tử, một lãnh đạo đơn vị trinh sát đường không Ukraine gần đây đã nói với các nhà báo của Associated Press bên ngoài Bakhmut, thị trấn gần tiền tuyến.
Trên mặt đất, các đơn vị tác chiến điện tử đông đảo hơn của Nga có thể cắt đứt liên lạc của người điều khiển drone, làm gián đoạn video trực tiếp và ép drone từ trên trời phải lao xuống hoặc buộc nó phải rút lui nếu drone có công nghệ bay trở về nơi nó xuất phát.
Do đó, có nhu cầu về drone tiên tiến có thể hoạt động dù phải chịu nhiễu sóng vô tuyến và nhiễu GPS, đồng thời dựa vào liên lạc vệ tinh và các công nghệ khác để điều khiển và định vị.
Theo Marine Capt.-Lt. Maksym Muzyka, người sáng lập UA Dynamics, hãng sản xuất drone của Ukraine, thì nhu cầu cấp thiết nhất của Ukraine là drone có thể giúp pháo binh tầm xa hơn của phương Tây mới gửi đến có thể đánh các mục tiêu ở xa,
Vào giữa tháng 6, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ ra trong một tweet liệt kê nhiều loại vũ khí mong muốn khác nhau rằng Ukraine cần 1.000 drone nếu muốn kết thúc chiến tranh.
Nguồn cung cấp drone quân sự tầm xa của Nga vượt xa Ukraine, nhưng nguồn cung cấp của Điện Kremlin cũng đang giảm dần. Quân đội Nga cũng đã sử dụng rất nhiều chiếc trực thăng 4 chân giá 2.000 USD – thường được cung cấp bởi thân nhân của binh lính và tình nguyện viên, theo các bài đăng trên mạng xã hội do nhà nghiên cứu drone Faine Greenwood theo dõi.
Một phó thủ tướng Nga, người giám sát các ngành công nghiệp vũ khí của Điện Kremlin đã than thở trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng trước rằng sự phát triển của công nghệ drone trước cuộc chiến đáng tiêc là đã không thể mạnh mẽ hơn. Yuri Borisov cũng cho biết Nga đang đẩy mạnh sản xuất nhiều loại drone “mặc dù không thể thực hiện ngay lập tức”.
Bendett cho biết Nga đã mất khoảng 50 drone mà có số lượng phong phú nhất của mình, Orlan-10, nhưng dường như Nga có rất nhiều drone dạng này.
Một báo cáo mới từ tổ chức nghiên cứu RUSI của Anh cho biết tuổi thọ trung bình hiện tại của một drone Ukraine là khoảng một tuần. Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga đang “gây ra những hạn chế đáng kể trong việc trinh sát chiều sâu của Ukraine” – và Ukraine rất cần những drone sát thủ tìm kiếm radar để có thể tiêu diệt chúng.
Như hiện tại, quân Nga “thường có thể bắn pháo chính xác xuống các mục tiêu (Ukraine) từ ba đến năm phút” sau khi một drone trinh sát xác định được chúng.
Cuộc chiến đã tạo ra một câu chuyện cổ tích về người điều khiển drone dân sự ở tuổi thiếu niên có drone giám sát đã giúp quân đội Ukraine phá hủy một đoàn thiết giáp của Nga đang di chuyển về phía thủ đô Kyiv, ngay trong tuần lễ sau khi Nga xâm lược. Việc vận hành những drone kiểu đó trên tiền tuyến ngày nay là cực kỳ rủi ro.
Một người điều khiển drone của Ukraine với biệt danh Maverick cho biết các đồng nghiệp điều khiển drone của anh thường đi sâu vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Nếu không, máy bay không người lái của họ thiếu tầm nhìn để có thể điều chỉnh hỏa lực của pháo binh Ukraine. Điều đó khiến họ liên tục lọt vào tầm ngắm của pháo binh địch.
Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã vận chuyển tới Ukraine hàng trăm drone, bao gồm một số lượng không xác định những chiếc Switchblade 600 “cảm tử” mang đầu đạn xuyên xe tăng. Chúng có thể bay với tốc độ 70 dặm/giờ và sử dụng trí thông minh nhân tạo để theo dõi mục tiêu. Nhưng phạm vi của chúng có hạn, và chúng chỉ có thể ở trên cao khoảng 40 phút.
Các drone sau đó có khả năng tiếp cận các bãi chứa đạn dược và các sở chỉ huy của Nga dễ hơn. Chúng là 121 drone quân sự tiên tiến được gọi là Phoenix Ghosts mà Mỹ mua cho Ukraine vào tháng 5.
Thông số kỹ thuật của chúng hầu hết là bí mật, nhưng chúng có thể bay trong 6 giờ, phá hủy các phương tiện bọc thép và có camera hồng ngoại cho các nhiệm vụ vào ban đêm, Trung tướng Không quân đã nghỉ hưu David Deptula, thành viên hội đồng quản trị của Aevex Aerospace, nhà sản xuất drone cho biết.
Các drone khác tương tự phù hợp để trinh sát và phát hiện pháo binh bao gồm drone Furia, sản phẩm cây nhà lá vườn của Ukraine, mỗi chiếc có giá 25.000 USD.
Ông Artem Vyunnyk, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất, Athlon Avia, cho biết khoảng 70% trong số khoảng 200 chiếc Furia mà Ukraine mua sau khi Nga bắt đầu chiến tranh vào năm 2014. Ông nói, việc sản xuất đang được tiếp tục tại một nhà máy mới, nhưng chỉ các nhà cung cấp trong nước không thôi thì không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu của quân Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine đã không trả lời các câu hỏi về các drone mà họ tìm kiếm từ các đồng minh. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jessica Maxwell cũng từ chối bình luận về các yêu cầu sử dụng drone của Ukraine.
Nhưng Shchygol, người đứng đầu cơ quan liên lạc đặc biệt của nhà nước Ukraine, đã nói rõ hôm 13/7 rằng các ưu tiên bao gồm drone “cảm tử” và các mẫu drone có khả năng hoạt động trong bức màn chiến tranh điện tử dày đặc của Nga.
Những tên lửa đầu tiên do drone của Mỹ bắn vào kẻ thù là vào năm 2001 nhằm vào Taliban ở Afghanistan. Kể từ đó, drone đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại, bao gồm cả trong cuộc nội chiến Syria và cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt vào năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karbakh.
Sự gia tăng của chúng đã tạo ra cả một ngành công nghiệp dành cho các biện pháp đối phó chống lại drone.
Thiết bị chống drone do các công ty phương Tây cung cấp cho Ukraine bao gồm thiết bị có thể xác định không chỉ vị trí của drone mà còn cả kiểu dáng và thiết bị của nó dựa trên tần số vô tuyến mà nó sử dụng. Sau đó, thiết bị này sẽ biết cách tốt nhất để vô hiệu hóa drone trên.
Trò chơi đuổi bắt giữa mèo và chuột trên lĩnh vực điện từ này phức tạp hơn bao giờ hết khiến Ukraine trở thành trung tâm đổi mới công nghệ quân sự mới nhất trên thế giới.
Thorsten Chmielus, Giám đốc điều hành của công ty Aaronia của Đức, công ty đã đóng góp công nghệ cho các drone Ukraine, cho biết: “Mọi người hiện nay đều muốn có drone, loại thật đặc biệt, không thể cháy và không thể ngăn cản này nọ các kiểu.”
Sự cải tiến quá nhanh chóng dẫn đến cơn ác mộng của anh: “Rốt cuộc mọi người sẽ có hàng đống drone mà không thể bị hạ gục.”