Lạm bàn thế sự

 

  * Vũ Ngọc Phương

     Thế sự là một Danh từ Phổ quát toàn bộ đời sống Chính trị, Văn hóa, Kinh tế Nhân loại. Vậy nên chỉ có thể “ Lạm bàn”, khó mà luận cho đầy đủ. Nhưng sự đời thì dù thấp cổ, bé họng người ta vẫn bàn, vẫn cãi, vẫn luận,… Ở Việt Nam hay gặp nhất là các quán nước vỉa hè. Sự “ Lạm bàn” nhiều nhất là từ các tỉnh Thanh, Nghệ ra vùng đồng bằng Sông Hồng. Ấy là vì cái Nôi cổ nhất của Người Việt, sau mới tỏa đi khắp các vùng miền cả Nước Việt, rồi mang ra cả Trời Tây như Châu Âu, như Bắc Mỹ. Cứ đâu nghe bàn thế sự, hỏi ra thì người ấy có gốc gác là Bắc di cư. Người các vùng khác ít bàn hoặc không bàn. Tôi cũng hay ra quán nước được nghe chuyện “Lạm bàn” cũng thời sự xin thuật lại dưới đây cho “ Vui cùng Thế sự vài giây cho thỏa lòng” như câu hát Văn Ông Hoàng Mười cùng bạn đọc.

      Một ngày Xuân muộn, đêm về sáng có lúc se lạnh. Tôi lững thững dựng xe ở góc tường ngõ 260, phố Đội Cấn, Ba đình, Hà Nội để ngồi trà đá quán bà Th, sáng sớm nào hàng nước góc này cũng đông khách ngồi lê buôn chuyện. Còn mấy cái ghế đẩu vứt lỏng chỏng, tôi lựa một ghế dựng lại ngồi gần một ông gầy khô, tóc bạc trắng đang rít ống điếu thuốc lào.

Ông kế bên người thấp, mập đang thao thao:

– Năm nay thế nào Việt Nam thi gì cũng thắng nhiều đấy,…

Người khác chen ngang:

  • Vận Nước đang lên, nhiều người nói thế, … Lúc được là được.

Một tiếng khàn khàn:

  • Ờ nhỉ, cạnh mình thằng Tầu nó cấm dữ thế để Zero Covid mà vẫn bị lây khắp nước, đâu hơn bốn mươi tỉnh thành phố rồi. Ta mở cả mà giờ yên phết!
  • Đấy là miễn dịch cộng đồng, cấm làm sao được Con Virus ấy, nó không cần Căn cước công dân, không cần Hộ chiếu, nơi nào thuận là nó đi,. . . Cứ nghiệm từ mấy quyển sử của ông Ngô sỹ Liên ấy thấy quân Tầu sang đánh chiếm ta rồi bị dịch chết, nhiều đội quân phải bỏ mà về không đánh chác gì.
  • Bác nói đúng đấy. Mấy anh Tây Tầu hay gì gì,… ở các vùng khí hậu thường có một mùa như ôn đới, nhiệt đới thì kháng thể kém nên cứ dịch là lây nhiều, nhiễm nhiều, chết nhiều như thống kê của WHO là Dịch Cúm 1914 – 1918 Châu Âu, Mỹ,… chết hơn 100 triệu. Dịch nào thì mấy anh Tây sống ở vùng ôn đới hay nhiệt đới khí hậu thuần nóng, thuần lạnh kháng thể kém chết nhiều. Đã thế lại thêm nếp cực đoan, gì gì là đẩy đến giới hạn cuối cùng luôn nên càng chết khỏe!

Ông tóc bạc quay sang bảo:

  • Giáo sư Y khoa nói cứ như đúng rồi, mà đúng thật. Cả thế giới có mấy nước khí hậu nhiệt đới, gió mùa nóng ẩm như miền Bắc xuống tận miền Trung nước ta đâu để mà có di truyền kháng thể mạnh, đọc sử thì biết Tây, Tầu sang xâm lược ta phần nhiều bị dịch bệnh, lam sơn, chướng khí ốm, chết lăn ra đấy. Này sao dạo này không thấy bác đi khám chữa bệnh?

Ông Y khoa cười méo mó:

  • Ối dào, có đứa nào mời đâu mà đi. Giờ cái gì cũng xét nghiệm máy hết mới được nhiều tiền chứ cứ khám khám, gõ gõ, nghe nghe như mấy lão già khám Nội khoa thì được mấy đồng? Có lần bệnh nhân còn nói đe tôi là Cụ cứ nắn nắn, sờ sờ thế lỡ phạm quấy rối tình dục sao,… Thôi cho Con ra xét nghiệm City đi.

Ông Kinh tế:

  • Này hỏi ông cái, thằng con trai tôi mới hơn ba mươi mà hay đau gáy, mỏi cổ. Mà đàn ông cứ đau gáy là hỏng cái khoản vợ chồng, đi chữa khắp nơi chụp, chiếu,… Nơi nào cũng bảo thoái hóa đốt sống cổ. Tiêm chỉ đỡ mấy ngày rồi đâu hoàn đấy. Vợ nó nhịn mãi đang đòi ly hôn. Ông có biết mách cho cái.
  • Thoái mới hóa gì, chắc nó ngồi máy tính nhiều cứ vươn cổ ra thì dây thần kinh bị chèn ép là đau thôi. Cấu tạo Con Người ta là hoàn thiện lắm, có mùng thất máy móc không bao giờ bằng được. Này tôi bảo cách nhé, về bảo nó dậy sáng sớm đánh răng rửa mặt sạch rồi nằm ngửa duỗi thẳng người, thở bình thường, hai tay giơ ngang bằng vai, bàn tay mở duỗi thẳng day vào gáy chỗ mềm ấy 100 lần. Khó là phải chăm làm đúng giờ, độ hai tháng đỡ, tập lâu hết hẳn. Còn cứ đi khám nó chụp X Quang đậm đậm, nhạt nhạt thì đứa nào cũng bảo thoái hóa đốt sống,… Giờ chúng nó dậy nhau thế. Xem X Quang không dễ, có phải ai cũng xuất sắc như cái ông Giáo sư Hoàng Đức Kiệt đâu, mà giờ cũng cao tuổi yếu rồi, không ai nghe nữa. Nghe Ông ấy có mà đói nhăn ra.

Anh xe ôm mặc đồng phục bộ đội, áo sờn vai hỏi chòi sang:

  • Các bác bẩu là Vụ dịch Covid vừa rồi cả thế giới phát ốm đấy, báo chí rồi dân mạng thi nhau nói khủng khiếp lắm,… Bi lờ ở ta lại thấy bình thường ít nhắc nữa nà thế lào?

Ông Giáo sư Kinh tế ngắt lời:

–  Chú cứ để Ông bác sỹ nói đã nào.

Ông Y Khoa cười:

–  Thì đấy là dịch mới, cứ cái gì mới là phải quảng cáo, kinh doanh. Bao nhiêu nhà ăn theo kiếm bộn tiền,… Cười. Mà như đến nay chưa có khoa học nào xác nhận là Virus Covid lây thế nào. Hồi đầu năm khoa học Ấn Độ có công bố phát hiện Covid lây qua không khí, thời sự VTV1 cũng có nói nhưng mà chỉ được mấy ngày rồi không nói nữa. Này nhé, cứ công bố khoa học thì khẩu trang bán cho ai? Cái khẩu trang hở cả 4 mặt, mình thở được thì Virus cũng lọt qua được. Kích thước Vius chỉ bằng 1 phần tỷ của 1m thôi. Một Virus chỉ bằng 1/1000 cỡ trung bình của một Vi khuẩn, Vius không quan sát trực tiếp bằng dưới kính hiển vi quang học. Thường Virus có chiều dài 20nm đến 200nm ( Nanômét – viết tắt là nm bằng 1.10-9 m)  1/1,000,000,000. của Mét.

Ông Y Khoa:

–   Này nhé nói khoa học một tý là cái con Virus không có cấu trúc tế bào chỉ có vỏ Protein và có một trong hai loại gien gồm các chuỗi đơn hoặc chuỗi kép acid nucleic và một vỏ protein bao quanh chỉ có một trong hai loại AND (axit deoxyribonucleic) hoặc ARN(axit ribonucleic). Vì thế khoa học chia ra hai dòng virus RNA và virus DNA. Virus lây lan rất nhiều cách qua các vật trung gian gọi là Vec tơ. Loại Virus RNA biến đổi liên tục mà khoa học gọi là trôi dạt di truyền (gentic drift) khi những base đơn lẻ trong RNA hoặc DNA đột biến thành những base khác. Lây truyền và tốc độ lây truyền bệnh Virus rất phức tạp hiện vẫn đang là sự bí ẩn.Tổ chức Y tế thế giới WHO nói rằng Covid19 phụ thuộc các nhân tố như mật độ dân số, số cá thể nhạy cảm, rồi lại những người không miễn dịch, chất lượng y tế và thời tiết,… Thế thì có người bảo WHO thông tin như thế là chuẩn bị cho khẩu trang, vaccine, … Tôi thì chưa thấy gì xác nhận được chỉ có trong Đại dịch Covid19 xuất hiện trên thế giới cũng như tại Việt Nam có nhiều ca F0 xuất hiện ở nơi rất biệt lập không có liên quan đến nguồn dịch cả. Thế thì Thời tiết và Không khí, chim di cư có thể là yếu tố chính vì có một số dịch Virus trước đã biến mất nay xuất hiện trở lại với độc lực mạnh hơn trước.

Ông Kinh tế:

  • Theo ông thì Virus sống trong môi trường nào?

Ông Y Khoa:

  • Tôi không phải là Chuyên gia Vi trùng học nên chỉ nói lại những kiến thức được học, được giảng dậy thôi. Khoa học thì giảng là có hàng tỷ loài Virus khác nhau sống trong tế bào người, động vật, thực vật. Không phải tất cả các Virus đều gây hại. Như hệ Virus  Bacteriophage là một nhóm virus phổ biến và đa dạng, là dạng thực thể sinh học nhiều nhất trong môi trường nước, vô hại đối với thực vật và động vật. Tôi chỉ nói theo khoa học dậy thế này là cái con Virus ấy là sự sống đầu tiên trên Trái đất, đến giờ cũng vậy, không có Virus thì không có sự sống, như loại Virus Bacteriophage có số lượng nhiều gấp 10 lần số vi khuẩn ở các đại dương, khoảng 250,000,000. Virus Bacteriophage trong 1 mililít nước biển. Virus  Bacteriophage điều hòa hệ sinh thái nước mặn và nước ngọt làm, là quy luật quan trọng nhất trong sự tái chế carbon ở môi trường đại dương làm giảm lượng khí cacbonic trong khí quyển khoảng xấp xỉ 3 tỷ tấn cacbonic mỗi năm. Virus là phương tiện tự nhiên quan trọng để chuyển giao các gen giữa những loài khác nhau góp phần gia tăng đa dạng di truyền và tạo ra sự tiến hóa. Virus vẫn là một trong những nguồn dự trữ đa dạng di truyền lớn nhất mà chưa được khám phá trên Trái Đất,… À mà thôi, sách khoa học về Virus, Vi trùng có hàng triệu triệu quyển, cứ lấy mà đọc. Ở ta trước có ông Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên là đầu Ngành Vi trùng học Việt Nam được giao làm Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ ở cuối vườn hoa Paste ấy. Tiếc là ông ấy mất rồi chứ còn mà nghe ông ấy thì mấy ông Y Tế không phải đi tù.
  • Cứ cho là thế đi, nhưng sao lần này Dịch Covid19 thấy cả Thế giới hoảng hồn,…?

Ông Y Khoa:

  • Tôi thấy tuyên truyền ghê lắm nên đến mình nghe nhiều cũng sợ. Sau một hồi trấn tĩnh lại mới

nhớ là so với một số Đại dịch từ đầu thế kỷ XX đến nay như  Đại dịch Cúm 1918 – 1918 đã giết hại tới 100 triệu . AIDS virus HIV có xuất xứ cận Sahara Châu Phi  được ghi nhận lần đầu vào 5 / 6 /1981 đã giết hại hơn 25 triệu người, nay ước tính khoảng 38,6 triệu người trên toàn thế giới hiện sống với căn bệnh HIV để tiếp tục chết, … Được cái hồi ấy chưa có Intenet, hồi 80 vẫn còn xa xỉ lắm không rộng khắp thế giới nên Mù thông tin lại sống khỏe. Nhưng từ khi có Intrenets mới rộn rạo lên như tin riêng năm 2007, có thêm khoảng 2,7 triệu ca nhiễm HIV mới và có thêm 2 triệu người chết có liên quan tới HIV. Một số bệnh virus cực kỳ nguy hiểm khác thuộc họ Filoviridae. Vi rút Filovirus gây ra bệnh sốt xuất huyết siêu vi, gồm virus Ebola và virus Marburg. Tháng 04/2005 Virus Marburg gây ra ở Angola. Bệnh Vius Ebola cũng gây các đợt bùng phát không liên tục có tỷ lệ tử vong cao vào năm 2014 ở Tây Phi,… Như là Tận thế đến nơi!

Ông chép ngụm nước trà rồi tiếp:

  • Tôi thường đọc các Tạp chí Y khoa thế giới thấy: “Thống kê worldometer.info, đến 6h ngày 22/9/2021 (theo giờ VN), theo WHO toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 230.231.346 ca nhiễm virus COVID-19, trong đó có 4.720.846 ca tử vong ( Tin mới nhất đầu tháng 10/2021 số ca tử vong vượt 5 triệu người). Như vậy, tỷ lệ số ca tử vong chiếm 2,17% so với tỷ lệ mắc bệnh. Nhưng đến ngày 05/05/2022 lại thấy WHO ước tính đại dịch Covid-19 đã gây ra cái chết của gần 15 triệu người trên thế giới, nhiều hơn 13% so với dự kiến ​trong vòng 2 năm.” Thật không hiểu mấy ông WHO này nói số nào đúng,…

Ông Kinh tế chen ngang:

– Kinh doanh hàng nào phải theo “ Chất” của Hàng ấy. Như Hàng tiêu dùng ý lại phải làm cho Dân ham thích mới bán được. Nhưng loại “ Hàng Đặc chủng” như là Y tế, Giáo dục, Vũ khí thì ngược lại làm sao Người Ta sợ, … Càng hoảng lên, loạn lên càng “ Bán” được nhiều.

Ông Y khoa trầm ngâm:

– Thật không hiểu được, khoa học mà so sánh mức độ tử vong dịch Covid lần này chưa gây ra chết nhiều như các đại dịch trước. Mà so mức nguy hiểm thì Covid19 chủng Delta không bằng Cúm gia cầm A / H5N1 mới quay trở lại có tỷ lệ tử vong 50/50 khi nhiễm bệnh. Tâm lý hoảng loạn mới xuất hiện trên toàn thế giới chính từ Thông tin một chiều “ Mốt Mới” thiên về giật gân vì là Cúm A / H5N1 nói mãi nhàm rồi. Giờ tin truyền trên nền Công nghệ IT còn nhanh mạnh hơn tốc độ biến thể Virus Corona Covid19. Các Nhà sản xuất Vaccine kiếm được siêu lợi nhuận khổng lồ mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Anh Xe Ôm nhe hàm răng sỉn khói thuốc lào, cười:

– Ông Giáo sư gì này nói quá đúng, kinh doanh là phải quảng cáo chứ lỵ. Như con đây nếu đứng một mình thì phải góc đường, kiếm cái mũ bảo hiểm Grab đội vào là người ta biết là chạy xe, chứ cứ ngồi quán nước như các ông có mà ế.

Ông Kinh tế gật gù:

– Đúng, đúng,….Đại dịch Covid19 cho thấy sự khuyết tật của hệ thống Y tế thế giới, trình độ, bản lĩnh yếu kém về quản lý của một bộ phận Xã hội. Cách quản lý xã hội phòng chống Dịch Covid19 chưa hợp lý gây ra đình đốn, suy giảm kinh tế, tại một số nước còn gây ra bất ổn, bạo loạn. Thông tin quốc tế có một số nhận định là các biện pháp phòng chống Đại dịch Covid19 xuất phát từ yếu tố Tâm lý hoảng sợ. Trách nhiệm Chính trị và Cơ hội kiếm siêu lợi nhuận của Big Tech ( Các Tập đoàn Công nghệ Thông tin IT) và các Hãng sản xuất Vaccine trên thế giới nhiều hơn là khả năng thực sự chống được Đại dịch Covid19.

Ông Y Khoa:

  • Báo có đăng ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong Saigon ấy có 300 bác sỹ, nhân viên tiêm đầy đủ Vaccine Pfizer, Moderna,… vẫn bị nhiễm Covid. … Đấy là báo Dân trí phát hành ( Phóng viên Hoàng Lê, thứ năm, 23/12/2021 – 10:58). Vừa rồi báo điện tử Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam đăng nguyên văn bài của Mỹ “ Các hãng Vaccine siêu lợi nhuận” của nhà báo Minh Châu (TTXVN/Vietnam+ 09/05/2022 19:07 GMT+7  https://link.gov.vn/RTHLi909 – Người viết ghi chú.), đâu là hãng Pfizer/BioNTech đạt doanh thu trên 17 tỉ USD từ mũi vaccine tăng cường trong khi của hãng Moderna là 10 tỉ USD bằng cả bà con ta. Lại nữa nhóm chuyên gia tại ‘Liên minh Vaccine cho Tất cả mọi người’ cho biết các công ty Pfizer, BioNTech và Moderna đang tính giá bán vaccine cho các chính phủ cao hơn 41 tỷ USD so với chi phí sản xuất bài viết của Hạnh Nguyễn (Vietnam+) 29/07/2021 13:01 GMT+7  https://link.gov.vn/BKfIYx5l ). Ở ta làm đầu tắt, mặt tối vinh dự lắm mới có “8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD năm 2021 là điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, hàng dệt may, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác”TTXVN/Vietnam+ 03/01/2022 06:13 GMT + 7).

 

Ông Kinh tế:

 –    Tôi vừa đọc tin ở báo điện tử Pháp Luật thấy Vi phạm ‘rất nghiêm trọng’ về giá kit test COVID-19 tại Bộ Tài chính” /15/07/2022 /16:27/ Tuyến Phan – (PLO)- Những vi phạm này gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước và nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ủy ban kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa họp kỳ thứ 17, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025.” Kiếm tiền trên dịch bệnh thật vô lương tâm quá!

Ông Y Khoa cười khục khục:

– Có lương tâm đâu mà bảo vô lương tâm,…

 

Anh Xe ôm:

  • Bác nói mà em chóng hết cả mặt, thế ra chạy xe ôm phơi trời được có mấy trăm nghìn thôi. Hầy, mà con vợ em ở quê đã vui uýnh (Quýnh) lên rồi. Hà. Hà

Ông Giáo sư khoa Kinh tế lau kính, mắt hấp háy:

  • Thế ông có biết Đô giờ mấy tiền không?

Anh Xe ôm:

  • Cũng có lần Im (Em) thấy tờ Đô, dưng mà Im có dùng làm gì đâu mà biết.
  • Hì, thế cũng may, giờ 24 K (24,000. đồng) rồi.

Một ông trung niên vừa đỗ xe ô tô Civic tàng vào quán:

  • Bà cho con cốc trà nóng,… Các bác có biết tại sao Đô mới Vàng cao vọt thế không?
  • Thì chiến tranh Nga – Ukaina mà, ai cũng biết còn gì.
  • Thế sao tự nhiên Nga lại oánh Ukaina nhỉ? Trước bọn ấy cùng một Liên Xô với nhau.

Ông nhỏ thó tóc chỗ bạc chỗ vàng thường gọi là “ Cựu Công chức” vẫn ngồi im từ đầu tới giờ cạnh bà hàng nước mới xịch ghế vươn cổ nói nhỏ, mắt hấp háy, vẻ quan trọng:

  • Mỹ đấy,…!
  • Sao lại Mỹ, đấy là hai nước ở Đông Âu kia mà. Mỹ nó cách đấy đến nửa vòng trái đất.
  • Mỹ thật mà, Nó giỏi lắm, Siêu Cường đấy!

Có tiếng sốt ruột:

  • Thế ông phân tích xem tại sao lại Mỹ?
  • A, cái này hơi dài đấy. Trước thì Ukaina có mấy đời Tổng thống đều thân Nga cả. Theo phân tích của tờ Bưu điện Oa sinh Tơn rồi sau là Hãng CNN thì Mỹ cho nhân viên CIA trong vai Ngoại giao sang Ukaina cho tiền một số Nghị sỹ để lật đổ mấy Tổng thống thân Nga. Ấy mà trúng ý dân Ukaina vì đa số muốn về Liên minh Châu Âu gọi là EU ấy, chắc ăn là ra nhập Nato để mà tự vệ trước Anh Nga to xù, năm 2014 đã chiếm mất Crưm của Ukaina rồi.
  • Ờ, chuyện Cá To nuốt Cá Bé vẫn thường mà,…
  • Ấy thế mới có chuyện vì Nga đánh chiếm Crưm lại không tấn luôn cả Odessa mà để hơn 8 năm sau mới lại đánh Ukaina nên khó, tưởng nhanh rồi mắc ở trong ấy. Đấy là sai lầm nghiêm trọng về Tình báo chiến lược, gốc ở chỗ chỉ lo tham nhũng thôi, việc Nước bỏ.
  • Sao Bác nói vòng vo thế, đang bảo là tại Mỹ cơ mà?

–    Từ từ nào. Nếu Ukaina vào Nato thì khác gì con dao nhọn đâm vào đít Nga. Nước Nga thì to nhất thế giới nhưng đường ra biển gần như bị tịt. Này nhé phía Bắc thì mùa đông nước đóng băng. Phía Viễn Đông lại xa tít các trung tâm kinh tế tập trung ở phía Tây nước Nga. Có mỗi đường ra biển Hắc Hải lại thuộc về Ukaina với Thổ Nhĩ Kỳ. Hết chỗ xoay sở.

  • Vẫn chưa rõ Mỹ ở chỗ nào, ừ thì nó xui Ukaina vào Nato đi thì cũng mới có một chuyện,…

 –  Đã bảo Mỹ là Siêu Cường mà lỵ. Truyền đời là Mỹ rất thù nước nào cạnh tranh vị thế Siêu Cường. Hồi những năm 60 của thế kỷ XX, Nhật cũng phát triển mạnh kinh tế chỉ sau có Mỹ nên khi ấy Mỹ mới có chính sách kiềm chế Nhật. Anh Nhật rất tài giỏi, kiên cường nhưng lại bị yếu thế là lương thực, nguyên liệu không có nên Mỹ mới giao cho Nhật và Hàn tham gia gia công hậu cần cho Mỹ và các nước Đồng minh trong chiến tranh Việt Nam. Đến khi Nhật suy thoái, lụn bại thì Mỹ lại đầu tư vực dậy. Như Liên minh Châu Âu – EU ấy, về tiềm lực kinh tế, khoa học kỹ thuật cao thực là hơn Mỹ khi đồng tiền  Ơ rô (EUR) phát hành rộng, Tổng thống Iraq Saddam Hussein dự định loại đồng Dollars Mỹ ra khỏi thanh toán quốc tế, bắt đầu thực hiện thanh toán mua bán dầu khí bằng đồng Eur. Nhưng Mỹ không lộ ra âm mưu ấy mà lấy việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2 tháng 8 năm 1990 để mở đầu cho Chiến tranh Vùng Vịnh còn gọi là Chiến tranh vịnh Ba Tư hay Chiến dịch Bão táp Sa mạcnăm 1991 giữa Iraq và Liên minh gần 38 quốc gia do Mỹ lãnh đạo và được Liên Hợp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait. Quan hệ Mỹ – Iraq từ đồng minh chuyển sang thù địch khi Iraq thực hiện cuộc tiến quân chiến lược Kuwait – một đồng minh của Mỹ.Trong  một thập kỷ sau đó, Mỹ mới cùng với Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Iraq, khiến kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Bài này giờ lại áp dụng cho Nga, vẫn hiệu nghiệm.

       Sau khi Iraq suy yếu, Vào tháng 3 / 2003, Mỹ cùng với các đồng minh là Vương quốc AnhBa LanÚcTây Ban NhaĐan Mạch và Ý đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc xâm lược Iraq với chiến dịch được gọi là Chiến tranh Iraq hay Chiến dịch Đất nước Iraq Tự do theo cách gọi của Chính phủ Hoa KỳChiến tranh diễn ra tại Iraq từ ngày 20/3/2003 đến ngày 18/12 /2011 giữa một bên là Lực lượng Đa Quốc gia do Mỹ dẫn đầu với một bên là chính quyền Saddam Hussein, sau đó là các lực lượng nổi dậy. Lực lượng Đa Quốc gia đã lật đổ chính quyền của Saddam Hussein. Quân đội Iraq đã bại trận hoàn toàn, và thủ đô Bagdad được giải phóng ngày 9/4 /2003. Ngày 13/12/2006 đã bắt được Saddam Hussein rồi bị Chính phủ Iraq thân Mỹ hành hình treo cổ vào lúc 6g sáng ngày 30/12/2006 đúng kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha tại một trụ sở cũ của cơ quan tình báo quân đội ở Kazimiyah, khu vực có đông người Shiite sinh sống tại Baghdad – Các số liệu chi tiết được bổ sung trong bài để đọc giả dễ đối chiếu.

Ông Giáo sư Y khoa sốt sắng:

  • Ông nói nhanh lên, diễn giải mãi.

  – Đây nhé, số liệu do các Hãng Thông tấn Phương Tây cung cấp và cả của Nga nữa tính từ ngày 24/02/2022 khi Nga tấn công Ukaina đến nay ở Nga lạm phát 17%, hàng trăm hãng kinh doanh lớn nước ngoài rút khỏi Nga, Nghị viện Nga đang nghiên cứu ban hành Chính sách kinh tế thời chiến, . Binh lính Nga được trả lương gần 3,000. USD một tháng nhưng phải lấy tiền đó mua súng, đạn, trang bị quân tư trang nên thời kỳ đầu đánh với quân Ukaina đã bỏ nguyên 212 xe tăng, xe bọc thép rút chạy để quân Ukaina lấy mất. Bộ Quốc phòng Anh thông báo đến trung tuần tháng 6/2022 Nga đã mất 1/3 lực lượng bộ binh nên Tổng thống Putin phải ký ban hành tăng tuổi gia nhập quân đội lên đến 65 tuổi. Cả thế giới đều nói Nga là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukaina. Vì tham nhũng trong quân đội Nga rất nghiêm trọng nên các Tướng Lĩnh Nga phải dùng điện thoại cá nhân liên lạc trên mặt trận làm lộ vị trí nên bị chết đến 15 người,…

– Lúc đầu ông nói Mỹ ghét nước nào vượt mặt Mỹ, thế tình hình chiến sự Nga – Ukaina đã tác động thế nào đến Châu Âu?

– Hiện nay lần đầu tiên sau 20 năm đồng Euro là tiền chung Châu Âu phát hành lần đầu tiên ngày 01/01/2002 tại phiên giao dịch ngày 5/7/2022, đồng euro rớt giá khoảng 1,5% so với đồng USD, giao dịch ở mức 1,02181 USD/euro. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ giá đồng Euro đã giảm 8% so với đồng USD. Khi đồng USD tăng giá thì Mỹ sẽ thu về lợi nhuận khổng lồ của cả thế giới. Mỹ đã lôi kéo được hơn 40 nước tham gia lệnh trừng phạt và cấm vận Nga trên các lĩnh vực tài chính, công nghệ cao. Tương lai gần Nga sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng, khó mà cạnh tranh với Mỹ và EU. Nga hiện đang có một nguy cơ tiềm ẩn sẽ mất một phần vùng Viễn Đông vào tay Trung Quốc, theo thông tin chưa đầy đủ tại Vùng Viễn Đông của Nga hiện có gần 2,5 triệu người Trung Quốc làm ăn sinh sống. Viễn Đông của Nga có nhiều mỏ khoáng sản quý, trữ lượng lớn. Riêng Mỹ đã viện trợ cho Ukaina hơn 40 tỷ USD,…Thành ra Châu Âu và Ukaina thành Con nợ của Mỹ phải cung cấp cho Mỹ nhiều thứ Mỹ cần như kỹ thuật cao, vị trí địa chính trị.

–  Theo như ông phân tích thì Nga hay Ukaina sẽ thắng?

– Ukaina đang thực hiện một cuộc chiến tranh tiêu hao, kéo dài, lại được Mỹ và Phương Tây viện trợ nên khả năng nhiều sẽ có lợi thế để ép Nga trên bàn đàm phán. Đến nay Nga đã phải rút quân khỏi đảo Rắn – Một vị trí chiến lược khống chế cả vùng cửa ngõ của biển Hắc Hải. Sau khi kết thúc chiến sự với tình thế hiện nay toàn bộ Liên minh Châu Âu và Ukaina sẽ phụ thuộc vào Mỹ, tôn Mỹ làm sư phụ,… Mỹ đứng ngoài “ Tọa sơn quan Hổ đấu”, Ha, Ha.

Ông Giáo sư Kinh tế nóng mặt:

  • Đấy là chuyện ở tận Đông Âu giữa Nga – Ukaina với Mỹ và Liên minh Châu Âu. Sao giờ mọi thứ tăng giá hết, nhiều tổ chức Quốc tế kêu ầm lên là khủng hoảng lương thực, năng lượng toàn cầu. Như Việt Nam mình mới thoát ra được Covid 19 cũng bị ảnh hưởng. Thế là thế nào?

Ông “ Cựu Công chức” cười:

  • Những Nước Lớn họ Tài ở chỗ ấy. Dầu khí của Nga chiếm có 10% tổng sản lượng dầu khí thế giới nên đây là thời cơ cho Mỹ, Trung Đông và các Hãng Dầu khí biển Bắc tăng giá kiếm bộn tiền. Nga cũng tìm cách thoát hiểm bằng cách xuất khẩu dầu khí sang Trung quốc, Ấn độ,… Nhưng không có đường ống dẫn nên phải dùng tầu, oto,… rất khó khăn. Này nhé, cơ chế chính trị của Mỹ có khả năng tự điều chỉnh những sai lầm, Mỹ tự xưng là Thế giới Tự do, mà tự do thật. Ngay như bầu cử tranh giành rất ác liệt vậy mà từ khi có Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ đến giờ chưa thấy có Nghị sỹ nào làm gián điệp cho Liên Xô, cho Nga, cho Tầu cả,… Thế nên Nó Siêu Cường, thống thị Thế giới đấy.
  • Này nhé, sản lượng lúa mỳ thế gưới xem nhé, thống kê của FAO (Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc) cuối năm 2021 về 10 nước sản xuất Lúa Mỳ hàng đầu thế giới là:

1/ Trung Quốc 125 triệu tấn/1 năm,

2/ Ấn Độ 94,3 triệu tấn/1 năm,

3/ Mỹ 61,6 triệu tấn/1 năm,

4/ Pháp 40 triệu tấn/1 năm,

5/ Nga 37 triệu tấn / 1 năm,

6/ Autralia 30 triệu tấn/ 1 năm.

7/ Canada 27,1 triệu tấn/ 1 năm,

8/ Pakistan 23,6 triệu tấn năm.

9/ Đức 22,5 triệu tấn/1 năm,

10/ Thổ Nhĩ Kỳ 20,3 triệu tấn /1 năm.

Cũng theo thông tin quốc tế, Nga hay Ukaina cũng chỉ xuất khẩu lúa mỳ, dầu,… cho một số nước Châu Phi, Nam Mỹ thôi. Nhưng giờ tất cả Mỹ, EU, FAO thì cũng là Mỹ đã gào lên “Khủng hoảng lương thực thế giới” để mà tăng giá, để mà gây sức ép có cớ đưa thêm vũ khí cho Ukaina tấn đánh giải phóng vùng ven biển Hắc Hải “Nhốt Gấu Nga” lại, … Khổ! Rất tiếc có không ít nhà báo ta lại cứ nói là “ Khủng hoảng lương thực ngũ cốc” thành ra tự “Ta nát Ta” làm bà con sợ mà tăng giá. Gì cũng tăng.

  • Hà, Hà,… Mỗi Người sao không thấy tăng nhỉ? Thấy báo đăng mấy cô Mỹ Nữ bán thân có hai, ba triệu. Trước thấy nói cả mấy nghìn Đô, cả trăm triệu.
  • Tiền sau dịch Covid hiếm mà, nhất là bà con vét tiền cạp quần mua que Kit Tets của Tầu in sản xuất ở Hàn Quốc, Pháp, Đức,… đến 75k (75,000.đ), hơn 100K (100,000.đ) , Cúm cũng hai vạch, … mà nhỏ nước cam cũng 2 vạch. Mấy ông “ Chủ trương” đi tù cả, báo điện tử Pháp Luật vừa đăng,…
  • Này, thế còn báo chí trong ngoài nước cứ nói ầm ầm nhân chiến Nga – Ukaina là Trung Quốc tấn công Đài Loan. Thấy tình hình căng lắm, bao nhiêu lượt chiếc máy bay Trung quốc xâm nhập vùng nhận diện ANZ của Đài Loan, rồi các quan chức Mỹ đến Đài Loan, rồi Mỹ kéo đồng minh và Trung Quốc cũng tập trận liên hồi ở Biển Đông. Sắp đánh nhau to rồi! Nhiều người nói Chiến tranh Thế giới 3 ở Biển Đông đấy,…!
  • Thế ông tin mấy thứ ấy a? Trung Quốc mà đánh chiếm được Đài Loan đã chiếm lâu rồi không đợi đến bây giờ. Hồi mới cải cách 1980, Đặng Tiểu Bình có phương châm: “ Giấu mình chờ thời. Giữ vững trận địa. Bình tĩnh quan sát. Quyết không đi đầu” đã tạo đà cho Trung Quốc phát triển nhanh như vậy. Thời Tập Cận Bình – Một Nhà lãnh đạo xuất sắc đã đưa Kinh tế Trung Quốc lên hàng thứ 2 chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, nội tình bên trong Trung Quốc có nhiều bất ổn như Tây Tạng, Tân Cương, nợ Chính Phủ hơn 5,000 tỷ USD, có đến 400 triệu người còn ở mức nghèo. Hệ thống quân sự quốc phòng Trung Quốc rất lớn nhưng chưa qua thực chiến. Nếu so Hệ thống Kinh tế Kỹ thuật thì Nhật bản có quy mô lớn gấp 10 lần Trung Quốc. Trung Quốc làm căng với Đài Loan để thăm dò Mỹ, Nhật, Hàn và các đồng minh với lại kích động tinh thần dân tộc Đại Hán thôi chứ đánh Đài Loan thiệt hơn là kệ nó thế,…Mới thế mà Mỹ và bao nhiêu nước Phương Tây, Ấn Độ, Autralia,… Đã kéo bè vào khống chế Trung Quốc. Lợi to vẫn là Mỹ có cớ tăng Ngân sách Quốc phòng lên 900 tỷ USD thời gian tới, tha hồ phát minh chế tạo vũ khí mới, cũ thì lại xuất khẩu vô kể tiền, không đánh nhau thì bán cho ai?

       Cần nhất của anh Tầu là khống chế Biển Đông. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua biển Đông. Nằm ở trung tâm biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới – Trích tài liệu tham khảo kèm theo để bạn đọc dễ theo dõi. Vì thế âm mưu chiến lược của Trung Quốc là làm sao chiếm hết khu Quần đảo Trường Sa là cách duy nhất để khống chế nhiều nước lớn, phát triển cao trên thế giới bằng sự kiểm soát Biển Đông.

Chợt cái chõng tre hàng nước rung “kịch” đụng đầu gối một ông vừa đứng lên:

  • Để đấy, xấu hay nói tốt, dốt hay nói chữ.

Bà hàng nước:

  • Thế ông không uống nữa a”.

Người đàn ông xe ôm trạc trung niên, đen đúa, da bọc gồ ghề theo hình xương mặt nãy giờ ngôi yên, đi ra, lát sau quay về, chưa ngồi xuống đã chửi:

  • Mẹ nó,… chạy một cuốc gần ba con phố được có hơn 50K (50,000.đ),

Cầm chén nước rót ra từ nãy vẫn còn nóng. Sự đi về của ông xe ôm không khác gì Quan Công trong Tam Quốc Diễn nghĩa chém Hoa Hùng về chén rượu Tào Tháo rót mời vẫn còn nóng.

Ngoài đường, ngoài chợ có thói quen câu chửi thay lời chào, hỏi. Ở Nam bộ, người ta nhiều khi hay: “ Đù Má,…”, lâu rồi quen, không nghe cũng buồn.

Một cơn gió dạt dào qua hàng bao nhiêu cây Xà Cừ cổ thụ tung lá vàng xuống đường ngõ gồ ghề.

  • Ông về nghỉ rồi, tiếc nhỉ. Sao ông có nhiều thông tin thế?
  • Ồ, tôi ngày trước cùng làm giúp việc cho ông Hà Nghiệp, Trợ lý của Tổng Bí Thư Đỗ Mười. Nhà tôi lại ở cũng gần nhà Ông Nghiệp ở đầu ngõ Vạn Bảo rẽ vào, giờ lại gọi là ngõ 19 Liễu Giai ấy. Hồi những năm 90 thế kỷ trước, khu này còn hoang vắng lắm, có mấy nhà chia lô bên tay phải ngõ đi từ Vạn Bảo vào. Bên trái là dẫy 2 tầng toàn nhà công vụ sau mới chia lại thành nhà ở cho các ông Cấp cao đấy. Giờ cũng còn vài ông ở lại. Trước cửa nhà ông Hà Nghiệp bên kia ngõ là ông Phan văn Khải còn gọi là Ông Sáu Nhỏ để phân biệt với Ông Sáu Lớn Võ Văn Kiệt. Ngày nào mua được lòng lợn là chúng tôi tập trung lại nhà ông Hà Nghiệp đánh chén. Thường chỉ có Ông Hà Nghiệp, Ông Phan Văn Khải, Ông Trần Đức Nguyên và tôi là thằng nhỏ nhất nhanh tay, nhanh chân hay được các Ông ấy sai vặt.

      Có lần đã tối hè nóng, hai cái quạt tai voi chạy vù vù,… Chợt thấy Ông Đỗ Mười bước vào cửa gọi: “ Nghiệp, Nghiệp,…”. Nhìn lên thấy “ Cụ Mười” tóc bạc trắng chải ngược ra sau gáy, áo trắng cộc tay có hai túi to đựng kính, bút lồm cồm ở vạt bỏ ngoài, quần ghi thụng gấu Lờ vê, chân dép nhựa. Chưa kịp chào Cụ đã cười bảo: “ Ăn gì vui nhỉ,…” rồi cúi xuống nhón một miếng cổ hũ, khen: “ Ngon đấy”. Có vài lần bữa nhắm có thêm ông Vũ Quốc Tuấn và Việt Phương (Trần Quang Huy) cùng ngồi. Ông Nghiệp kể chuyện có lần đi chuyên cơ cùng ông Đỗ Mười sang Lào. Ông Mười hỏi: “ Sao Lào nghèo thế?”. Ông Hà Nghiệp trả lời: “ Vì Lào không có giáo sư”. Ông Mười lại hỏi: “ Sao ta cũng nghèo thế?”, Ông Nghiệp nói: “ Vì ta nhiều giáo sư”. Câu chuyện có thật này đượm nỗi xót xa. Sau được truyền miệng nhiều người rồi lại đến tai Ông Đỗ Mười, nghe kể lại, Ông nói giọng khàn khàn buồn bã: “ Ừ, …! Lại thằng Nghiệp kể chứ gì ”.

  • Giờ ông thấy Ta thế nào?
  • May là nhờ Trời Vận Nước đang lên, lại có Ông Lãnh đạo Cao Nhất vừa chống diệt giặc Nội Xâm, vừa phát tích được cơ đồ đấy. Dân người ta bảo là Ông ấy gần bằng được Cụ Hồ!
  • Ông bảo có hết tham nhũng không?
  • Sao lại hỏi thế? Phòng chống Tham Nhũng Tiêu cực là để trừ diệt bọn Đại Gian, Đại Ác,… Làm gương kẻ khác để rồi thì thức tỉnh con người về Nhân Cách. Chứ Tham Nhũng, Tiêu cực là Ác, là Đêm đen, như Âm – Dương ấy. Không có Ác làm sao có Thiện, không có Xấu làm sao biết Tốt, hạn chế là xuất sắc nhất lịch sử rồi. Như anh ấy, mệt vẫn cố chạy xe đưa khách,… Không tham thì cơ chế cũ này lương công chức làm sao có được nhà lầu, xe hơi,…!
  • À mà thôi, con chạy khách đây, … Ông nói hay nhưng khó khó thế nào ấy.

Mặt Trời đã lên rọi những tia sáng qua ngọn cây xà cừ cổ thụ. Cả đám  đứng dậy ra về mỗi người một ngả mang theo tâm trạng nao nao.

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2022

Tham khảo


THÔNG BÁO CỦA FAO

 

Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2021 sẽ đạt kỷ lục 800 triệu tấn     (gồm cả gạo), tăng 1,1% so với năm 2020.Nguồn VINANET/VITIC 07:35′ – 11/10/2021

 

Tuy nhiên, sản lượng sẽ vẫn thấp hơn nhu cầu tiêu thụ dự kiến trong năm 2021/22, dẫn đến lượng hàng tồn kho trên thế giới giảm. Dự báo, năm 2021/22 sản lượng lúa mì và ngũ cốc thô tăng, góp phần làm tăng sản lượng ngũ cốc toàn cầu lên 12,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với dự báo trong tháng 9. Dự báo sản lượng lúa mì thế giới đạt 776,7 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với dự báo tháng 9 và ngang bằng với sản lượng năm 2020, tăng chủ yếu ở một số nước Đông Âu do thời tiết vụ mùa thuận lợi, như ở Ukraine tăng.

Dự báo sản lượng lúa mì của Australia, Canada cũng tăng do thời tiết tốt, năng suất cao. Ngược lại, dự báo sản lượng lúa mì của Nga giảm so với dự báo trước đó, do thời tiết khô hạn.

Dự báo sản lượng ngũ cốc thô toàn cầu năm 2021 tăng 4,3 triệu tấn so với dự báo trong tháng 9, đạt mức 1 504 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2020, chủ yếu do sản lượng lúa mạch và hạt bo bo tăng ở Australia, dự báo sản lượng lúa mạch toàn cầu tăng 1,9 triệu tấn so với dự báo trước, lên 149,3 triệu, mặc dù vẫn giảm 6,7% so với năm 2020. Tương tự, dự báo về sản lượng hạt bo bo thế giới năm 2021 đạt 65,2 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm 2020, chủ yếu tăng diện tích ở Mỹ.

Dự báo về sản lượng ngô toàn cầu không thay đổi so với dự báo trước, đạt mức 1 192 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước, tăng chủ yếu ở Mỹ và giảm ở EU do thời tiết khô hạn, năng suất giảm.

Dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2021 đã được tăng thêm 617.000 tấn so với dự báo trước, lên 520 triệu tấn, tăng 1,3% so với mức cao kỷ lục năm 2020, tăng chủ yếu ở Ấn Độ, tuy nhiên sản lượng của Trung Quốc và Thái Lan cũng tăng do tình hình hạn hán và lũ lụt giảm.

Ngược lại, sản lượng của Pakistan và Mali giảm do việc trồng trọt thiếu nước tưới, sản lượng tại Mỹ cũng giảm.

Dự báo tiêu thụ ngũ cốc thế giới năm 2021/22 đạt 2 811 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với dự báo trong tháng 9 và tăng 49 triệu tấn (1,8%) so với năm 2020/21.

Dự báo về tiêu thụ lúa mì đã được nâng lên 1,6 triệu tấn so với dự báo trước đó lên mức kỷ lục 779 triệu tấn, vượt qua mức ước tính 2020/21 là 2,4% (18,6 triệu tấn).

Mặc dù ngành thực phẩm tiêu thụ phần lớn trong tổng lượng tiêu thụ lúa mì, dự kiến năm 2021/22 sử dụng lúa mì làm thức ăn tăng 6,4%, đặc biệt là ở Trung Quốc, Mỹ, EU và Vương quốc Anh, do nhu cầu tăng và giá ngũ cốc thô cao.

Dự báo, tổng mức tiêu thụ ngũ cốc thô trong năm 2021/22 đạt 1 513 triệu tấn, tăng 2,1 triệu tấn so với dự báo trong tháng 9/2021 và tăng 1,4% (20,6 triệu tấn) so với mức ước tính năm 2020/21; trong đó tiêu thụ ngô trong năm 2021/22 đã được dự báo tăng lên 1,5 triệu tấn, lên 1.197 triệu tấn, tăng 2% (tương đương 23,5 triệu tấn) so với mức năm 2020/21.

Dự báo tiêu thụ hạt bo bo năm 2021/22 sẽ tăng 3,1% tương đương 2 triệu tấn, tiêu thụ lúa mạch giảm 1,6% tức giảm 2,5 triệu tấn so với mức kỷ lục năm 2020/21 do dự báo giá thức ăn chăn nuôi giảm và nhu cầu ở Bắc Mỹ và Châu Âu giảm.

FAO hạ dự báo tiêu thụ gạo thế giới năm 2021/22 gần 1 triệu tấn so với dự báo tháng 9/2021 xuống còn 520 triệu tấn, nhưng vẫn tăng 1,8% so với năm 2020/21, trong đó gạo sử dụng làm lượng thực tăng 1,6%, gạo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tăng 10,4%.

Dự báo dự trữ ngũ cốc thế giới vào cuối niên vụ 2022 tăng thêm 8,9 triệu tấn so với dự báo tháng trước lên 817 triệu tấn, nhưng vẫn giảm 3 triệu tấn (0,4%) so với đầu niên vụ.

Dự báo lượng dự trữ cuối kỳ tăng dẫn đến tiêu thụ ngũ cốc năm 2021/22 tăng 28,4%, giảm nhẹ so với mức tăng 29,2% của năm 2020/21.

Tồn kho lúa mì toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 0,9% (2,6 triệu tấn) so với đầu niên vụ xuống 284 triệu tấn, giảm chủ yếu ở Canada, Liên bang Nga và Mỹ do sản lượng dự đoán giảm.

Dự báo dự trữ ngũ cốc thô thế giới tăng thêm 7,1 triệu tấn, chủ yếu do dự trữ ngô tăng ở Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên dự trữ ngũ cốc thô thế giới trong năm 2021/22 vẫn giảm nhẹ 0,4% (1,5 triệu tấn) so với năm trước do tồn kho lúa mạch thế giới giảm do sản lượng toàn cầu giảm.

Ngược lại, dự trữ ngô thế giới năm 2021/22 đạt 288 triệu tấn, tăng nhẹ 1% từ mức thấp nhất trong 6 năm qua đạt được trong năm 2020/2021, chủ yếu tăng ở các nước xuất khẩu gạo (đặc biệt là Ấn Độ), dự trữ gạo toàn cầu vào cuối niên vụ 2021/22 tăng 1,1 triệu tấn so với mức đầu vụ, lên mức kỷ lục mới là 187 triệu tấn.

BIỂN ĐÔNG

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và biển Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á.

Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực. Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là tuyến đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Mỗi ngày có khoảng từ 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên.Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai-Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz). Nạn cướp biển và khủng bố trên biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công của lực lượng khủng bố vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10-2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa-chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, việc biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua biển Đông. Nằm ở trung tâm biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới.

Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của châu Á có hai điểm trọng yếu: Điểm thứ nhất là eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia). Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của các nước Đông Nam Á và Bắc Á phải đi qua. (Ba eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Blombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hóa giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn). Điểm trọng yếu thứ hai là vùng biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đô la). Nếu khủng hoảng nổ ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

TRẦN NAM TIẾN(Trích “Hoàng Sa – Trường Sa: Hỏi và đáp”, NXB Trẻ năm 2011)

 

 Biện pháp thứ nhất là kéo dài tuổi đăng lính. Theo một đạo luật được tổng thống Vladimir Putin ký ban hành ngày 28/05, độ tuổi tối đa có thể đăng lính được nâng từ 40 lên thành 50 tuổi, thậm chí cho nam giới đến 65 tuổi. Cùng lúc, Matxcơva tăng hơn gấp đôi lương cho các đội quân Nga, lên thành 170.000 rúp/tháng (tương đương với 2.840 euro), cao hơn ba lần so với mức lương trung bình ở Nga. Ấy là chưa tính đến các khoản tiền thưởng khác tùy vào hiệu quả trên chiến trường. Các hợp đồng nghĩa vụ quân sự 3 tháng được ký nhiều hơn so với thời hạn thông thường 3 năm.

Ngày 20/07/2022, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) thẩm định đã có khoảng 15.000 lính Nga chết ở Ukraina và khoảng 45.000 người bị thương. Nhưng theo bộ tư lệnh Ukraina, con số này trên thực tế cao hơn gấp đôi, tức là có đến 37.000 người chết, còn bộ Quốc Phòng Anh đưa ra con số từ 16.000 đến 20.000 người chết trên tổng số 230.000 lính Nga tham chiến ở Ukraina từ ngày 24/02.

Trong mọi trường hợp, số lính Nga chết tại Ukraina đã vượt tổng số quân Liên Xô chết tại Afghanistan trong 10 năm tham chiến (15.000 người) vào thập niên 1980. Giám đốc CIA William Burns nêu « tổng thiệt hại nặng nề » cho quân đội Nga và có thể cảm nhận được trên chiến trường. Ngay sau khi Nga chiếm được tỉnh Luhansk, đích thân tổng thống Vladimir Putin tuyên bố những đơn vị đã tham gia đợt tấn công cần được « nghỉ ngơi » để « phục hồi năng lực chiến đấu ».

Ngày 09/07, Trung tâm chống tin giả của Ukraina, trực thuộc Hội Đồng An Ninh và Quốc Phòng Quốc Gia, đăng một thông tin trên mạng Telegram : « Nhiều trung tâm việc làm cấp vùng ở Liên bang Nga đăng tuyển hơn 22.000 vị trí quân nhân theo hợp đồng », trong số đó có nhiều lính bắn tỉa tinh nhuệ, lính pháo binh và sĩ quan huấn luyện. Theo trang superjob.ru, đứng đầu trong lĩnh vực tìm việc làm ở Nga, ngoài những công việc có mức lương thông thường, còn có rất nhiều thông báo tuyển dụng đề xuất mức lương hàng tháng lên đến 200.000 rúp (khoảng 3.200 euro) cùng với nhiều khoản phụ cấp xã hội khác.

Một ví dụ được RFI nêu lên là trang tìm kiếm việc làm của vùng Khabarovsk đăng tuyển 356 việc làm cho đơn vị n°51460, trong đó có lữ đoàn 64 súng trường cơ giới, bị tình nghi gây tội ác chiến tranh ở Bucha, gần Kiev, dù Nga vẫn bác bỏ những cáo buộc trên.

Giao mỗi vùng thành lập một tiểu đoàn tình nguyện viên

Một thông tin khác được blogger người Nga về quân sự Maksim Fomin viết trên mạng Telegram hôm 13/07 cho thấy Matxcơva đang tăng tốc tuyển lính tình nguyện : « Huy động tình nguyện viên ở Nga (…) Mỗi vùng thành lập các đơn vị và gửi ra chiến trường ». Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiều vùng không ngại dùng đến biện pháp phi pháp, ví dụ Cộng hòa Tchetchnia cưỡng ép nhiều người có tiền án tham gia « đội quân tình nguyện » ở Ukraina.

Trả lời RFI ngày 21/07, ông Alexandre Tcherkassov, chủ tịch Hội đồng hành chính của Trung tâm Nhân quyền Memorial (bị giải thể cách đây 4 tháng), cho biết : « Cảnh sát Tchetchnia bắt những người trước đây dính trong vài vụ án và đề xuất : Anh có thể trở thành lính tình nguyện, có thể trả tiền hoặc phải đi tù ». Ít nhất có 15 « tình nguyện viên tiềm năng » được đưa đến sở cảnh sát Grozny vào nửa sau tháng Sáu.

Biện pháp này tiếp tục được tiến hành trong tháng Bẩy, vì đây là mục tiêu được lãnh đạo Cộng hòa Tchetchnia Ramzan Kadyrov nghiêm túc thực hiện. Ông Alexandre Tcherkassov giải thích : « Ở mỗi vùng, người ta thành lập một tiểu đoàn tình nguyện viên. Riêng Tchetchenia có đến 4 tiểu đoàn như vậy. Ramzan Kadyrov thường xuyên cho thấy ông là người đầu tiên tham gia cuộc chiến này, trong mọi khuôn khổ ».

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), chiến dịch tuyển tình nguyện viên bắt đầu từ tháng Sáu, đã được tăng tốc trong tháng Bẩy. 85 vùng và khu vực tự trị của Liên bang Nga phải thành lập các tiểu đoàn khoảng 400 người từ 18-60 tuổi, sau đó sẽ được đưa vào các đơn vị bộ binh cơ động, hải quân hoặc truyền thông và hậu cần. Họ được lĩnh lương hàng tháng từ 220.000 đến 350.000 rúp (khoảng 3.800 đến 6.000 euro). Dù không nêu rõ tân binh có bị đưa ra chiến trường Ukraina hay không, nhưng « tất cả những đề xuất việc làm này cho thấy quân đội không có đủ người. Một phần do những tổn thất về nhân mạng hoặc những thương tật, nhưng cũng do nhiều người rời quân ngũ. Tất cả những vấn đề đó gây khó khăn cho việc tuyển quân », theo nhận định với RFI của chuyên gia về quân sự Pavel Luzin tại Saint-Peterburg.

Cụ thể, chuyên gia Kirill Martynov, nhà phân tích của tổ chức Conflict Intelligence Team, được các nhà điều tra độc lập Nga ở Ukraina hành lập, cho biết : « Theo dữ liệu của chúng tôi, từ 20% đến 40% quân nhân hợp đồng từ Ukraina trở về đã từ chối trở lại chiến trường. Con số này là rất lớn, thậm chí nhiều hơn cả tổn thất quân sự trên thực địa ».

Một thông tin ngày 12/07 của bộ Quốc Phòng Anh nêu nhiều trường hợp « tuyển quân trong các nhà tù Nga cho công ty quân sự tư nhân Wagner ». Và « nếu thông tin này được xác nhận thì có thể cho thấy những khó khăn thay thế số nạn nhân lớn ». Ba ngày trước đó, trang web bảo vệ nhân quyền Nga gulagu.net báo động về việc « khoảng 300 tù nhân » được tuyển dụng trong một nhà tù ở Adygea (phía bắc Kavkaz), nơi giam giữ nhiều cựu nhân viên lực lượng an ninh. 

Từ cuối tháng Sáu, tổ chức phi chính phủ Gulagu.net nhận được vài chục tin nhắn về việc công ty tư nhân Wagner tuyển lính đánh thuê trong các nhà tù Tver, Riazan, Smolensk, Voronezh và Lipetsk ở thành phố Saint-Peterburg. « Người ta nói đến khoảng 200 tù nhân đã được đưa đến Rostov trên sông Đông », theo ông Vladimir Ossetchkine, đứng đầu tổ chức Gulagu, đang tị nạn tại Pháp.

« Tình hình ở mỗi nhà tù không giống nhau : ở một số nhà tù, có khoảng 20-30 người tình nguyện, nhưng chúng tôi cũng được thông báo con số không tưởng là 300 tù nhân muốn đi chiến đấu ». Những tù nhân không có kinh nghiệm quân sự được giao nhiệm vụ dò phá mìn hoặc tái thiết những vùng quân Nga chiếm đóng. Còn những người từng phục vụ quân ngũ được lĩnh lương khoảng 200.000 rúp (khoảng 3.200 euro) và được giảm án nếu cam kết ở lại Ukraina 6 tháng.

Chuyên gia Vincent Tourret phân tích : « Việc thiếu người đang đặt ra những vấn đề lớn cho việc triển khai chiến thuật. Ví dụ Nga thiếu bộ binh để bảo vệ xe tăng và như vậy sẽ dễ bị tấn công khi bị Ukraina phục kích và điều này cũng phần nào giải thích cho tỉ lệ thiệt hại lớn trong số những xe bọc thép. Điều này cũng hạn chế khả năng của Nga chiếm thêm các vùng đất mới, trong khi các khu vực đã chiếm được cũng cần người để bình định và như vậy không thể điều những người này ra chiến trường ».

Những yếu tố trên phần nào kiềm chế bớt phát biểu hùng hồn của tổng thống Putin hôm 07/07 khi ông khẳng định Nga « còn chưa bắt đầu những việc nghiêm túc » ở Ukraina. Để bổ sung cho lực lượng ngày càng bị phân tán, chủ nhân điện Kremlin hiện vẫn chưa ra lệnh tổng động viên, vì làm như thế sẽ giống như thất bại trong cuộc chiến mà Nga vẫn gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Và đáng nói hơn, tổng thống Nga công nhận « đang có chiến tranh ».

Cuối cùng, « ngoài rủi ro chính trị đối với một quyết định như vậy, việc tổng động viên có lẽ còn gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga hiện đang thiếu nhân lực », theo nhà nghiên cứu Yohann Michel, chuyên về các vấn đề quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). « Hơn nữa cũng không có gì bảo đảm là quân đội Nga có đủ nhân lực, đặc biệt là sĩ quan, để quản lý và huấn luyện những người được huy động ».

(Theo L’ExpressRFIJDD)

_____________________________________________________________________________

 

* Hiện là Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân tài Việt Nam

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s