Việt Nam thiên sử bi hùng 1945-1975- Bài 8

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 8 : MÊ LỘ

1 ‘Có Đủ Chiến Tranh cho Mọi Người ‘

Một vị tướng vỗ về Trung úy  Don Snider nóng lòng đến Việt Nam, nói, ‘Con trai, sẽ có đủ chiến tranh cho mọi người.’ Snider, sinh năm 1940, ra đời từ một gia đình chăn nuôi gia súc ở Ohio. Anh đã yêu West Point, ‘bởi vì nó đại diện cho các giá trị tôi đã được nuôi dưỡng’, và vào năm 1964 thấy mình huấn luyện và cố vấn các lực lượng đặc biệt Việt Nam. Tất cả người Mỹ phục vụ trong những ngày đó đi do mình chọn, tìm thấy phấn khích cũng như thất vọng.  Snider thực hiện những chiến dịch nhảy dù xuống vùng ba biên giới Việt,  Lào và Cao Miên: ‘Khi tôi nhảy ra khỏi máy bay vào ban đêm  tôi không thể nói cho các bạn biết chúng tôi đang lơ lửng trên xứ nào.’ Họ đáp xuống cánh rừng ba vòm, rồi buộc dây hạ xuống tiếp đất. Anh yêu quý một số đồng đội Mỹ, nhất là một hạ sĩ quan ghê gớm là trung sĩ Zahky. ‘Thật là một cơ hội đặc biệt, đi chiến đấu với những người như thế!’ anh nói một cách thỏa mãn.

Sau những ngày đêm thăm dò lãnh địa kẻ địch,  phần khó khăn là hẹn với trực thăng nhổ cỏ.

Snider không hề kết thân được với binh sĩ dưới quyền, vốn hầu hết là người Nùng – thuộc sắc tộc Trung Quốc: ‘Trong ba đợt tôi thực sự không hề hiểu được họ, không tìm ra ai có thể tin cậy. Họ là lính đánh thuê.  Họ nói,  “Nếu ông trả tiền,  tôi sẽ chiến đấu. “‘ Tuy nhiên,  cuối cùng số tiền trả không đủ.’ Snider hoàn tất bảy sứ mạng trinh sát sâu vào vùng địch trước khi chuyển về vùng đồng bằng để huấn luyện và cầm đầu lực lượng phòng vệ địa phương trên biên giới Cao Miên. Họ đụng độ một số trận phục kích tệ hại trong khi đi tìm kiếm Trung uý Nick Rowe, thuộc Lực lượng Đặc biệt, gốc Texas bị Việt Cộng bắt giữ năm năm rồi. Snider có lần phải vác một thông dịch viên bị thương trên lưng chạy ra khỏi trận địa, với đạn bắn lỗ chỗ trên máy truyền tin của họ: ‘Binh lính Việt đi với tôi không có ý chí chiến đấu.  Tôi nghĩ: nếu đây là cách chúng ta chiến đấu, trận chiến này sẽ không thể có thành quả.’ Vào cuối nhiệm kỳ công tác, ‘tôi không muốn tiếp tục công tác với lực lượng đặc biệt hoặc với người Việt.  Tôi không vỡ mộng vì cuộc chiến – trải nghiệm vừa dạy tôi rằng những gì tôi đã làm thật là vô ích.’

Snider đến mức tin rằng các cố vấn duy nhất có thể thành tựu những điều có giá trị là những người,  không giống như mình, vun đắp mối quan hệ với dân địa phương.  Frank Scotton, sau khi đến Miền Nam, ngồi xe jeep với một tài xế trung sĩ có thói quen vẫy tay và mỉm cười thả ga với mỗi người dân mà họ đi qua. Scotton hỏi tại sao có vẻ khoa trương thế? Trung sĩ trả lời, ‘Nếu em bị bắt, em muốn người Việt nhớ em là người Mỹ lù khù, to xác, thân thiện.’

Xạ thủ tại cửa trực thăng Erik Dietrich quý mến đồng đội Việt Nam của mình, trong đó anh mang nhiều người bị thương ra khỏi trận địa: ‘Họ chết lặng lẽ, đôi khi tôi thấy họ muốn nói một lời tạ lỗi vì những điều bất tiện và phiền toái mà họ gây ra.’ Tuy vậy Dietrich cũng nhìn nhận mình bối rối khi một người lính dù nhỏ con mà anh làm bạn cố nắm lấy tay anh. ‘Lá thư cuối cùng của anh lang thang khắp xứ một thời gian trước khi tìm được tôi: “Một tháng nhớ anh. Em không sao quên được những ngày chúng ta làm việc bên nhau.  Em chúc anh gặp may mắn trong nhiệm vụ.  Và khi chúng ta gặp nhau lại, em sẽ kể cho anh nghe nhiều chuyện hay. “‘

Dietrich suy nghĩ buồn bã sau đó: ‘Chuyện hay đã hứa không bao giờ được kể. Nguyễn Chánh Sự, Võ Văn Có, Nguyễn Hữu Bông. Các em ra sao rồi? Phạm Gia Cầu, chiến binh quả cảm từng tham chiến tại Điện Biên Phủ đi về nam sau khi chia cắt, mà năng lực của anh tôi không hề do dự giao phó sinh mạng của mình, tôi lúc nào cũng cầu nguyện cho anh …’

Vậy mà một số người Mỹ bị xô đẩy đến cảnh tuyệt vọng.  Vào ngày 1 tháng 3 1964 sĩ quan ngoại vụ Doug Ramsey viết thư về nhà cho cha mẹ mình: ‘Cơ cấu chính quyền này đã mục nát đến xương tuỷ, và từ đầu đến chân. Mình kéo một đòn bẩy thì thấy không có dây cáp nối với nó; và nếu mình xoay sở nắm được đầu dây cáp, thì mới thấy đầu dây bên kia cũng không có gì hết … Trừ khi chúng ta muốn xúc tiến một thay đổi cách mạng thực sự, con sợ con phải đồng ý với những người cho rằng chúng ta không có việc gì phải làm ở đó. Nếu chúng ta không thể ban cho nhân dân Việt Nam bất cứ thứ gì tốt hơn một cuộc chiến kéo đài… Nếu chúng ta chỉ nâng đỡ một chế độ phong kiến chắc chắn bị hủy diệt. … chúng ta không thể mong đợi một sự hậu thuẫn thực sự. ‘

Những con người có suy nghĩ như Doug Ramsey lần lượt bực tức trước thất bại của chính sách Mỹ và ghê tởm trước các hành động dã man của người cộng sản – thói tàn bạo của họ xảy ra hàng ngày: ‘bắn vào sân trường có ba binh sĩ Miền Nam giữa 50 em học sinh, hoặc giết hàng chục dân thường trong các tiệm ăn trên đường phố để giết hai người Mỹ; nã súng cối vào thị trấn vô tội vạ để khủng bố; ám sát các giáo viên không vũ trang và sát hại các tù binh đã bị tước vũ khí; giết bạn gái các viên chức chính quyền,  cũng như chính các viên chức đó’. Ramsey kêu gọi chương trình bình định nông thôn phải hoạt động qua các nhóm cố vấn địa phương nhỏ, không ngại bắt chước mô hình các chi bộ cộng sản. Ông và Frank Scotton có lần đến một ấp không báo trước, và bước vào sân một Trưởng Ấp và tìm thấy một nhóm nhỏ những người mặc pijama đen, rõ ràng là người của MTDTGP, đang bàn bạc bên trong.  Họ trừng mắt nhìn hai người mới đến, nhưng không dám có hành động thù địch vì cả hai người Mỹ có vũ trang.  Trưởng Ấp trấn an hai bên rằng nếu người nào lo việc nấy, thì không có gì lộn xộn xảy ra. Nhóm VC cuối cùng nhận ra tính khôi hài của tình hình và chịu cho chụp ảnh. Dù sao khi người Mỹ lái xe đi, họ thở phào vì không có gì xảy ra. Và tỉnh táo chứng kiến sự tự do mà kẻ địch thương lượng công việc ngay giữa ban ngày, chỉ cách Saigon một giờ lái xe về phía tây nam. 

Với tất cả khó khăn và thất vọng Ramsey, như Scotton, vẫn yêu quý cuộc sống. 

Frank Snepp của CIA đến Miền Nam sau đó, nhưng được  đúc cùng một khuôn. Anh là con trai của một cựu đại tá Thủy quân Lục chiến và sau đó là thẩm phán, mối quan hệ giữa cha con không mấy tốt đẹp. Mối gắn kết thân ái nhất trong thời thơ ấu của anh ở North Carolina là với bà vú da đen. Về các khẳng định tốt nhất của anh để được nhận vào CIA sau khi tốt nghiệp Trường Quan Hệ  Quốc Tế của Columbia, anh viết, là ‘huyết thống Aryan, trí lực cỡ câu lạc bộ đồng quê, và một khả năng vô biên về che giấu ý định’. Hai tuần tham gia chuyến công tác đầu tiên với Snepp như một nhân viên tình báo,  chiếc Pilatus Porter chở anh bay trên đồng bằng Cửu Long bị nhiều loạt đạn bắn trúng cánh từ súng nhỏ của cộng quân phía dưới,  và chàng trai 26 tuổi hớn hở,  thì thầm với chính mình, ‘Tôi thích quá! Ôi trời,  tôi thích quá!’ Anh nói sau đó: ‘Đúng là tuyệt vời. Tôi yêu nước Việt và người Việt. . . Tôi tin rằng nếu CIA khai thác được tình báo đúng và đưa nó đến đúng người, chúng ta có thể thực sự tạo ra sự khác biệt cho điều tốt đẹp hơn.’

Harry Williams bắt đầu làm việc với vai trò chuyên viên nghe lén vô tuyến  vào tháng 4 1964, và nhận lấy nhiệm vụ một cách hăng hái: ‘Đây là một cuộc chiến tốt đẹp, một cuộc chiến tuyệt vời.  Chúng ta là những chàng cao bồi. Tôi yêu thích công việc, và cảm thấy Big Minh đóng góp thực sự.  Tôi tin chắc vào sự đúng đắn của chính nghĩa chúng ta, và chúng ta sẽ thắng.’ Anh rời người vợ đang mang bầu Peggy ở lại Mỹ, và thuê một căn hộ ở Sài Gòn. Bởi vì anh có thể nói tiếng Việt,  các hàng xóm gọi anh là ‘ông Tây’. Anh đi nhiều trong xứ tán gẫu với dân địa phương trong một thời gian trước khi đi lang thang trở nên nguy hiểm cho an ninh mình. Một hôm tại một ngôi làng gần Đà Nẵng,  một ông lão thắc mắc hỏi anh,  ‘Tại sao họ giết Kennedy?’ William nhận ra rằng nhiều người Việt có quan niệm là tổng thống Mỹ đang tìm cách giúp đỡ họ, và hồ nghi là cái chết của ông có dính líu đến việc này. Anh quả quyết là tư thế chính trị mặc định của phần đồng dân địa phương là lãnh đạm với cả hai phe, mà chỉ muốn sống an lành.

Người Mỹ nhạy cảm nào ở lại càng lâu  thì họ càng kêu ca về đổi thay xảy ra ở Sài Gòn. Những cây tiêu huyền cao trên đường Tự Do bị chặt đốn, và xe cộ tăng gấp đôi. Già Howard Simpson nói,  ‘Thủ đô thuộc địa ngái ngủ đã trở thành một nơi đô hội thời chiến bẩn thỉu,  chen chúc.’ Cố vấn Đại tá Sid Berry viết: ‘Sài Gòn đã biến đổi ghê gớm … Nó đã trở nên đông đúc, thiếu thẩm mỹ, hào nhoáng, sính thương mại, tham lam,  bẩn thỉu, chát chúa. Nhiều người Mỹ. Quá nhiều người Mỹ. Những người khiến giá cả tăng vọt, lôi cuốn sự rẻ tiền và tính lòe loẹt và sự vô vị.’

Nhịp độ cuộc chiến tăng cao. William thường ăn tối tại  Brasserie, một nhà hàng nhỏ đằng sau rạp chiếu bóng Rex do một phụ nữ lai Pháp tên Helene điều hành. Một đêm tháng 8 khi ông bước vào, bà đến chào ông và nghiêm nghị nói, ‘Ngài nên ăn chỗ khác.’

Và thật đúng, một giờ sau nhà hàng bị đánh bom. Mùa hè đó Williams được điều vào một đội giám sát hoạt động xâm nhập của Miền Bắc trên Đường Mòn Hồ Chí Minh. Họ thiết lập một căn cứ tại Khe Sanh, sát mút phía tây của Khu Phi Quân Sự,  cách biên giới Lào không tới 3 dặm, nơi Đội A thuộc Lực lượng Đặc biệt đã ẩn mình. Nhân sự chủ chốt là các kỹ thuật viên của Tổ hợp Nghiên cứu Đại học Syracuse, một bộ phận do Tình báo Phòng Hải quân thành lập.  Công nghệ của họ có tên là POSSUM: Portable Signal Unscramble Monitoring System (Hệ thống Cầm tay Giám sát Phục hồi Tín hiệu).

Kế hoạch là lắp đặt những thiết bị cảm biến trên Đồi 1701 gần đó.

Một số ít lính Việt xoay sở yêu thích cuộc chiến, trong đó có Nguyễn Văn Út, người đã có 6,000 giờ bay trực thăng.  ‘Tôi thích bay,’ anh nói,  ‘và lấy làm mãn nguyện khi được toại ý mà không gặp lsự cố gì.’ Tuy nhiên,  phần đông đồng đội anh có một quan điểm u ám hơn.  Một buổi sáng tháng 8 1964, Trung uý Phan Nhật Nam thuộc Sư đoàn Dù thứ 7 của Sài Gòn  tiến gần lối vào một boongke tại một ngôi làng hoang vắng.  ‘Có ai dưới đó không?’ một binh sĩ của anh quát lên, rồi quay sang Nam. ‘Trung uý,  để em ném một quả lựu đạn vào.’ Nam, 21 tuổi và đang trải nghiệm cuộc hành quân đầu tiên của mình, bảo anh lính nên bắn một phát từ cây Thompson của mình. 

Việc này khiến một ông lão chầm chậm bước ra, vừa khóc nức nở  vừa mang một bà lão bị thương nặng ở đầu. Ông đặt bà xuống đất rồi váy lạy tứ phương. Nam bị choáng váng trước cảnh tượng, cùng với xác hai VC còn thiếu niên nằm trong cái mương gần đó, những xác chết đầu tiên của kẻ địch anh gặp. Đây là một cộng đồng Công giáo,  và trong nhà thờ của họ anh tìm thấy thêm 5 thi thể nữa  – của hai vợ chồng ghì chặt ba đứa con vào ngực họ, tất cả đều chết do một vụ nổ, cũng như thi thể một bé gái anh bắt gặp gần đó, chiếc áo cánh màu tím phấp phới trong gió. Nam viết: ‘Tôi thấy sững sờ và nghẹt thở, trong nỗi uất hận và sầu khổ vô biên.’

Ngày hôm sau, khi tiểu đoàn anh càn quét một ngôi làng gần như bỏ hoang giữa những phát đạn hạn hữu của kẻ địch,  anh bắt gặp một thiếu nữ trẻ ngồi câm lặng trên nền nhà bằng gạch trong ngôi nhà bị hư hại, tay ôm một giỏ mây: ‘mắt cô nhìn thẳng ra trước, ngơ ngác, trống rỗng’. Cô đứng dậy khi binh lính bước vào và Hiếu, người lính truyền tin,  vượt qua cô đi vào gian bếp bị tàn phá, để tìm thức ăn. Nam hỏi cô gái tại sao còn lẩn quẩn giữa trận địa.  Khi anh vẫy súng lục về phía cô, ‘cô vẫn câm lặng, đôi mắt sững sờ phát ra một lóe khiếp sợ.  Thình lình,  như đang biểu diễn một động tác thể dục,  cô chìa giỏ mây về phía tôi. Trong đó là hai bộ quần áo,  áo cánh và quần, một khăn choàng đầu và một hộp giấy nhỏ buộc chặt bằng dây thun. Khi mở hộp , tôi nhìn thấy hai dây chuyền vàng và một cặp bông tai.  Hiếu lẩm bẩm sau lưng tôi: “Con nhỏ này điên rồi. Nó sợ quá nên phát khùng.” Rồi anh ta bắt gặp dây chuyền vàng lấp lánh.  “Vàng! Phải hơn hai lượng! Lấy đi , trung úy.” Anh ta ra hiệu cho cô gái lùi ra. Cô quay đi và bắt đầu bước ra cửa như một xác không hồn.’

Nam mô tả anh đã gọi cô trở lại và trả lại giỏ ra sao. Bàn tay cô run rẩy dữ dội vì sợ hãi đến nỗi không cầm lấy được, và rồi cô bắt đầu mở nút chiếc áo cánh, trong tiếng khóc nức nở. Chàng thanh niên vô cùng bối rối – cô ta có lẽ đã lý giải anh không thèm tài sản quý giá của cô ắt hẳn anh ta muốn thân xác mình:

‘Cô ta đã trải qua cuộc sống như thế nào mà trong nỗi khiếp sợ lại phải cởi chiếc áo cánh và dâng hiến thân xác mình cho một anh lính đáng tuổi em mình, trong khi nước mắt đầm đìa trên má?’ Nam thuyết phục cô gái đi theo trung đội của mình đến con sông gần đó, chen chúc các con thuyền tam bản chở đầy dân tị nạn ra khỏi trận địa. Dân chúng gọi nhau để nghe ngóng tin tức của nhà cửa và người thân mình. Rồi từ đám đông một tiếng gọi cất lên, ‘Lài! Con đó hả, Lài!’ Đó là một bà lão đã nhận ra người kích động đi theo sau Trung uý Nam.  Cô gái dừng lại ‘như thể cố gắng nhớ lại quá khứ ‘. Rồi cô khóc òa. ‘Mẹ! Mẹ! Nhà mình đã cháy rồi! Nhà mình mất rồi.’ Nam mô tả cô gái đi về phía bờ sông ‘như một người đi trong cơn mê sảng’.

Câu chuyện này xứng đáng được lưu ý trên một vài khía cạnh. Thứ nhất, mặc dù một số đơn vị Miền Nam chịu đựng tai tiếng ghê gớm là cướp bóc và hiếp dâm, thì cũng có những người như Nam, tràn đầy tình cảm với quê hương và người dân nghèo khổ. Nhiều người Mỹ tin rằng ‘Người châu Á không cảm nhận về cái chết theo cách chúng ta’. Sid Berry xúc động trước tính ngoan cường của những binh lính chiến đấu bên cạnh mình: ‘Người thương binh Việt không kêu la hoặc rên rỉ hoặc than thở.  Họ lặng lẽ chịu đựng một cách nhẫn nhục. Tôi chưa hề thấy điều gì như thế. Lòng bạn tan nát khi trông thấy họ – và nhìn họ lặng lẽ ra đi.’

Một phóng viên Anh đi dọc theo một con đê gần Cần Thơ cùng với một hàng lính, một người trong hàng huyên thiên về gia đình mình ở Nha Trang, và mời vị khách đến chơi nhà mình tại đó. Anh lính Việt chỉ một cách thèm thuồng vào đôi giày da của người ngoại quốc: ‘Giày anh, số một.’ Chủ đôi giày nói anh có thể nhận được nó sau cuộc hành quân: ‘Ồ, không.  Anh rất lớn. Tôi nhỏ.’ Ngay giữa cơn mưa như trút, một quả đạn cối đơn độc nổ tung giữa họ, ném người phóng viên Anh xuống đất. Trước nét mặt sửng sốt của anh, không có quả pháo nào dội tiếp. ‘Tay tôi run và tim đập thùm thụp, và tôi nghe một âm thanh người kỳ lạ sát bên tôi; nửa nức nở, nửa thở hổn hển. Một chiếc mũ sắt nằm trên mặt đất như một con ốc biển bị bỏ rơi và gần đó là anh bạn quê Nha Trang mới của tôi. Anh một tay ôm lấy bụng, một tay chống mặt đất  … Mắt anh trợn ngược, và nước mưa đổ tràn trề xuống mặt anh, và tôi thình lình ngửi thấy một mùi kinh khủng.  Tôi mở áo ướt sũng của anh, và thấy bên dưới xương ức của anh không có gì trừ một mớ nhầy nhụa tối đen,  lấp lánh – quần áo bị xé nát ướt đẫm nước mưa,  máu, mật và mọi thứ xổ ra từ bụng dưới bị miểng đạn xé rách toang. Mắt anh nhấp nháy mở ra và anh cau mày nói, ‘Giết tôi đi,’ anh nói yếu ớt. Và chẳng bao lâu sau đó, anh chết.

Các quận trưởng cắt xén khẩu phần gạo của binh sĩ dưới quyền. Cảnh sát trưởng làm giàu nhờ bán giấy phép hoạt động thương mại – điều hành khách sạn, đánh cá, khai thác gỗ. ‘Trong văn hoá gia đình mở rộng  bạn sẽ chắc chắn bị coi là có tội nếu không biết lợi dụng cơ hội trợ giúp gia đình mình,’ Edward Brady nói, người đã trải nhiều năm làm cố vấn. Một vị tướng sẽ long trọng xác nhận ông không hề bán chức, và thật ra ông không làm thế – thay vào đó bà vợ hay nhân tình ông sẽ làm phi vụ đó thay ông: ‘(Các sĩ quan) tự tách mình ra khỏi thực tế đó.  Người Việt tuyệt vời như thế. Họ có khả năng trí óc này là tự  tách ra và tuyên bố mình vô tội. Nguyễn Cao Ky chua chát viết,  ‘Phần đông các sĩ quan cao cấp Việt chỉ bận tâm đến việc làm vui lòng cố vấn Mỹ của họ.’

Giờ sang phe bên kia. Do rạn nứt với Nga,  Mao Trạch Đông bỗng thay đổi giọng điệu, nhìn thấy ưu điểm trong việc tăng cường cuộc chiến của Miền Bắc.  Ông đẩy mạnh đợt viện trợ mới cho Lê Duẩn, và đề nghị hội nghị các người cộng sản Á châu không có Liên Xô.  Các thành viên bộ chính trị bắt đầu phân biệt danh xưng với Trung Quốc là ‘đồng chí’, với Nga  chỉ là ‘bạn’. Căng thẳng ý thức hệ quá chua chát đến nỗi cán bộ Miền Bắc đang làm việc hoặc học tập tại Nga – nhiều người trong số đó là người của Giáp – xin ở lại tị nạn.  Người nước ngoài nhận xét rằng các tác phẩm Nga bị loại ra khỏi các hiệu sách ngoại văn ở Hà Nội. Lê Duẩn dù vậy quay lưng với mưu mô hội nghị của Mao: ông không muốn nhanh chóng chia tay đột ngột với Gấu Nga, vốn có thể cung cấp những vũ khí tinh vi hơn Rồng Tàu. Ông và Lê Đức Thọ cầm đầu một phái đoàn tới Moscow để trấn an người Nga rằng họ sẽ không phá vỡ chính sách toàn cầu về sống chung hoà bình của Xô viết. 

Tại một hội nghị vào tháng 3 1964 ở Hà Nội,  Hồ Chí Minh đưa ra lời yêu cầu cá nhân đáng lưu ý cho tiến trình ôn hòa, nhấn mạnh quyết định của giới lãnh đạo không gửi các quân đoàn chính quy của Quân đội Nhân dân vào nam.  Dù vậy một số lượng ngày càng tăng các cán bộ, cố vấn và chuyên viên khởi hành xuống Đường Mòn, chịu đựng bao gian khổ do sự ngăn chặn của Mỹ thì ít mà do địa hình, thiếu thốn lương thực và tiếp tế thuốc men,  thời tiết và sốt rét thì nhiều. Việt Cộng nhận được mỗi ngày từ Miền Bắc 15 tấn quân nhu bằng đường bộ và đường biển,  để phục vụ một lực lượng ước tính đến 170,000 quân, kể cả 30,000 bộ đội chính quy được triển khai.  Nhóm cuồng tín Miền Bắc và người Miền Nam tại Trung ương Cục Miền Nam vẫn còn cảm thấy cay đắng trước nhận thức hèn nhát của phe cánh Hồ, trong khi Việt Cộng đang hy sinh chiến đấu. 

Việc phát động chiến tranh mà Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thúc giục, giờ đang được dẫn truyền mức độ khẩn trương mới, một quyết tâm không phải đợi đến 20 năm mới thống nhất.  Trong những tuần của mùa xuân 1964 Nghị quyết 9 được ban hành tại Hà Nội, ở Miền Nam các sự cố địa phương do VC ra tay tăng lên 40 phần trăm  và các cuộc công kích lớn hơn tăng đến 75 phần trăm.  Du kích quân bắt đầu áp dụng luật nghĩa vụ của họ, khiến nỗi khổ của dân quê càng tăng lên tại những vùng họ kiểm soát.  Trong một làng tại đồng bằng Cửu Long 300 thanh niên  bỗng thấy mình bị bắt buộc cầm vũ khí cho cách mạng, trong khi chỉ có 80 người phục vụ trong lực lượng Sài Gòn. Tía một anh trai bị bắt đi lính cho VC xỉ vả các cán bộ,  nói, ‘Các anh lúc nào cũng chỉ trích đế quốc, nhưng các anh còn tệ hơn đế quốc. Trả con tôi lại cho tôi.’

David Elliott đã viết: ‘Bạo lực và thủ đoạn là các phương thức chính để lôi kéo các tân binh miễn cưỡng vào một nghĩa vụ mà thanh niên nông thôn đã bắt đầu sợ chẳng khác một bản án tử.’ Trong khi đó thuế suất  của MTDTGP còn cao hơn thuế suất của Sài Gòn, buộc một nông dân trung bình phải nộp ít nhất 20 phần trăm thu hoạch của mình.  Một nông dân, sống trong một ngôi làng trên danh nghĩa thuộc chính quyền Sài Gòn kiểm soát, nói rằng trong năm 1964 mình phải nộp 125 đồng cho chính quyền nhưng nộp đến 900 đồng cho MTDTGP,  từ lợi tức bán xoài 17,000 đồng. Năm sau, tai họa ụp xuống, lợi tức giảm chỉ còn 3,000 đồng,  nhưng người cộng sản vẫn không xiêu lòng thu hết chỉ chừa cho ông 200 đồng. 

Những đơn vị thiện chiến nhất của VC giờ được triển khai ở Cao nguyên Trung phần và khu vực được gọi là Tam giác Sắt, 125 dặm vuông vùng nông thôn dày đặc cây cối cách Sài Gòn 15 dặm về phía bắc. Hầu hết các cuộc hành quân của họ đều tiến hành quy mô đại đội, bởi vì khó tập trung các đơn vị lớn hơn. Tinh thần chiến đấu cao nhất trong binh chủng đặc công – các trung đội chuyên phá hoại. Khi du kích nhắm vào các mục tiêu mềm họ tấn công xe cộ dân sự,  nhất là xe khách, thường với các hậu quả chết người cho hành khách.  Các đơn vị VC ở địa phương và làng xã được chỉ thị thiết lập ‘vành đai hủy diệt chống Mỹ’ để bảo vệ các vùng kiểm soát của cách mạng. 

Một số dân quân – như Địa phương quân và Nghĩa quân – bán vũ khí lấy tiền, và VC ấn định mức giá cả: 2,000 đồng một các-bin M-1; 8 đồng một viên đạn; 20,000 đồng toàn bộ vũ khí trong đồn. Một chỉ huy đồn còn làm tốt hơn, y xuất hiện trong bóng đêm giơ lên khỏi đầu một chiếc đèn bão, nhận 30,000 đồng từ các du kích địa phương. Rồi họ xông qua cổng đồn do y đã mở, khiến binh lính đồn bỏ chạy tán loạn, để lại phía sau 5 người chết và 2 bị thương. 

 Chỉ trừ khi các đơn vị VC đóng quân tại các căn cứ hẻo lánh và an ninh như Đồng Tháp Mười,  hầu hết đều phải chuyển trại mỗi 72 tiếng, lội bộ suốt 18 dặm một ngày trong mùa khô, 15 dặm trong mùa mưa. Họ dễ bị tổn thương nhất khi băng qua quốc lộ. Những dấu chân sình lầy để lại những vết tích tố giác,  do đó các du kích mang theo túi nhựa để bọc vào giày khi vượt qua những điểm nhạy cảm trên quốc lộ. Các chi bộ xã  có nhiệm vụ dự trữ lương thực cho các  đơn vị đóng quân với họ. VC cũng liên tục mất một số quân đào ngũ trong chương trình của Miền Nam gọi là ‘chiêu hồi’, nhưng chính quyền thường đối xử với họ không sao tưởng tượng được.

Chương trình phun thuốc từ máy bay làm trụi lá cây, được đẩy mạnh từ năm 1964, gây khó khăn thực sự cho VC vì đã triệt tiêu màn che tự nhiên của họ; hơn nữa,  trong khi các lực lượng chính quyền tuy thường chịu nhiều thất bại,  đôi khi cũng gặt hái được thành công.  Một hôm trong vùng đồng bằng, Tiểu đoàn 514 huyền thoại của VC chịu đựng một cục diện đảo ngược trong một trận đụng độ với QĐVNCH tại Ấp Bắc, nơi trước đây kế hoạch đầy tham vọng của  John Vann đã phá sản thảm hại. Lần này, năm 1964, VC bị thảm bại, và cũng như Tướng Harkins một năm trước, họ cũng lặp lại trò lừa bịp, nói dối về những gì đã xảy ra. Các cán bộ loan tin  rằng họ đã giết được 100 binh sĩ chính quyền  trong khi chỉ hy sinh 12 người mình. Tuy nhiên,  dân chúng địa phương không chỉ nhìn thấy xác VC rải rác trên con đường gần đó; họ còn nhận ra trong số đó có các con trai mình. Các bậc cha mẹ đi lên xuống tìm kiếm xem thi thể con mình nằm ở đâu,  để họ có thể đào lên và cải táng những người thân yêu trong phần mộ của gia đình. Một cán bộ viết trong hồ sơ của đơn vị, ‘Sau trận đánh Tiểu đoàn 514 bị suy thoái nghiêm trọng.’ Trong một dịp khác ba tiểu đoàn tập trung tấn công vào một sân bay, một lần nữa chịu đựng một cuộc đẩy lui đẫm máu,  và một lần nữa lại ra sức nói dối với dân chúng về những gì xảy ra.

Khoảng cách tín nhiệm này khiến MTDTGP tạm thời giảm đi sự hậu thuẫn của dân chúng địa phương.  Tuy nhiên, cũng không được lâu dài vì một lý do đơn giản: hỏa lực chính quyền thổi bay bất kì cơn gió thiện chí nào. Dân thường chịu nhiều tang tóc và khổ ải từ các vụ không kích và pháo kích bất cẩn hơn cả các chiến binh VC, nhất là nếu họ có đào hầm thì chẳng hề hấn gì. Một nông dân kể với một phỏng vấn viên  RAND: ‘Người Mỹ các ông oanh kích và hủy diệt quá nhiều. Nhưng họ chỉ giết chết dân thường,  chứ không nhiều VC.’ Cán bộ bảo nông dân: ‘Chính quyền sẽ giết chết các bạn cho dù các bạn không chống lại họ, vậy thì các bạn chiến đấu chống lại họ trước khi chết còn hơn.’ Quá nhiều người Miền Nam nhất trí. Trong khi người cộng sản chia sẻ những thất bại trong năm 1964, chủ đề xuyên suốt là họ đạt được tiến bộ và sự hậu thuẫn của quần chúng,  trong khi lực lượng Sài Gòn đánh mất các điều đó.

2 Tránh Né Quyết Định

Tổng thống Lyndon Johnson nói rất lâu sau đó về Việt Nam: ‘Tôi biết ngay từ đầu là tôi sẽ bị đóng đinh dù tôi có động thái nào. Nếu tôi bỏ người phụ nữ mà tôi thành thật yêu – chương trình Xã Hội Vĩ Đại  – để dính líu với cuộc chiến khốn nạn đó tại đầu kia quả địa cầu,  thế nào tôi cũng đánh mất tất cả tại quốc nội  … Nhưng nếu tôi bỏ cuộc chiến đó và để cộng sản nuốt trọn Miền Nam,  thế thì tôi bị xem như một tên hèn nhát và quốc gia tôi sẽ bị xem như một kẻ nhu nhược và chúng ta sẽ hóa ra không thể hoàn thành bất cứ điều gì cho bất cứ ai tại bất cứ nơi đâu trên toàn thể địa cầu.’ Mỗi vị tổng thống đều thừa hưởng một chuồng ngựa từ vị tiền nhiệm  – khởi đầu cưỡi các con ngựa của người khác. Cuộc chiến là điều Johnson ít có thể trả giá nhất. Sự sáng tạo huyền thoại Camelot bắt đầu trong tích tắc khi các viên đạn xuyên vào John F. Kennedy. Bảo đảm đầu tiên mà người kế nhiệm ông đưa ra trước Quốc hội và nhân dân Mỹ là mình sẽ duy trì di sản,  và không thể hứa hẹn điều gì khác được. Dù Johnson hãnh diện là trại chủ Texas chưa gọt dũa; người đàn ông này bị chế giễu vì dùng chữ quê mùa  – ‘Đừng nhổ nước miếng vào súp, chúng ta còn phải ăn nó ‘- vì được cho là thích ăn đậu bắp với đậu đũa; và vì bị chụp ảnh khi xách chú chó săn thỏ lên bằng hai tai, ông bị phàn nàn vì thiếu tinh tế bên cạnh vợ chồng Kennedy và triều đình của mình. Johnson nói nhiều sau đó, trong một cơn ta thán về việc bị người của Kennedy bỏ rơi,  rằng vào năm 1964 ông đã ‘giữ lại 11 tay nuôi bò’ – tức nội các Kennedy.

Gạt sang bên con voi Việt Nam, vị phó tổng thống trước đây là chính trị gia hiệu quả hơn vị chỉ huy thời chiến của con tàu PT-109 (tức Kennedy) nhiều. Tuy nhiên,  mỗi người cần được thoải mái với chính mình. Trong khi Jack Kennedy có thể tạo ra tình đoàn kết,  còn Lyndon Johnson thì không, điều đó dẫn đến giải thích bi kịch của người sau.  Những nhân vật quân sự chóp bu Hoa Kỳ e dè với ông,  ít nhất không phải vì ông hay nói dông dài ra ngoài đề về thành tích phóng đại trong thời thế chiến II.

Không có mệnh lệnh di sản nào buộc vị tổng thống mới đánh bom Miền Bắc,  cũng không có mệnh lệnh gửi nửa triệu binh lính đến Miền Nam.  Tuy nhiên, không thể nghĩ được là trong năm đầu nhậm chức  – năm mở chiến dịch tái tranh cử  – ông lại bảo những người Mỹ đang ở Đông Dương khăn gói về nhà. Không có gì xảy ra sau đó lại không thể tránh được, nhưng mọi thứ xuất phát từ sự kiện 16,000 người đã ở Miền Nam,  bởi vì John F. Kennedy đã cử họ đến đó. Ngay trước khi David Nes lên đường để trở thành tuỳ viên cho trưởng sứ mạng tại Sài Gòn,  tổng tư lệnh của ông bảo ông, ‘Lyndon Johnson sẽ không đi vào lịch sử như một tổng thống để mất Việt Nam. Anh đừng quên điều đó.’

Vào cuối tháng 11 1963 MACV phát động một sáng kiến mới nhằm củng cố sự kiểm soát của chính quyền trong vùng đồng bằng Cửu Long.  Việc này liên quan đến pháo kích mở rộng các vùng nông thôn,  tuyên bố ‘Vùng Pháo Kích Tự Do’, trong đó mọi vật di chuyển đều được xem là thù địch. Làng mạc bị bỏ hoang, và dân cư về nương náu tại các thị trấn tồi tàn dọc theo Quốc lộ 4. Một số nông dân đổi qua ăn mặc quần áo trắng thay vì màu đen truyền thống, bởi vì họ cho rằng các phi công Mỹ xem quần áo đen là đồng phục của quân du kích.  Chính sách gây hấn mới phát huy hiệu quả làm giảm nhuệ khí của  VC, làm xói mòn sự hậu thuẫn của dân chúng đối với họ, và tranh thủ sự trung thành đối với chính quyền Sài Gòn. 

Rồi các vị tướng lĩnh khởi đầu điều gì đó mới mẻ. Big Minh đã tiếp quản đất nước không tới ba tháng, nhưng một số đồng đội ông mất lòng tin ở ông. Người Mỹ cũng vậy. McNamara đến thăm Sài Gòn và khiếp đảm trước tình hình hỗn loạn. Sứ giả Mỹ tin rằng Minh, như Nhu trước đó, đã trở nên quan tâm một cách nguy hiểm đến việc đàm phán với Hà Nội.  Vị tướng cũng hoài nghi về chương trình ấp chiến lược và lợi ích của việc đánh bom. Vào ngày 28 tháng 1 1964, Tướng Nguyễn Khánh 37 tuổi đến Sài Gòn trên chuyến bay Air Vietnam đã định trước,  mặc thường phục, được cho là đi khám nha sĩ. Trong những giờ đầu tiên của ngày 30 ông thay quân phục và lái xe đến bộ tổng tham mưu QĐVNCH với một phụ tá. Khánh có hẹn tại đó với lực lượng nhảy dù và một đồng nghiệp thân cận, Tướng Trần Thiện Khiêm, nhằm tiến hành một cú đảo chính nhằm hạ bệ nhóm của Minh.

Thay vào đó ông thấy tòa nhà tối thui, bèn điện thoại cho Khiêm hỏi sao không có động tĩnh gì. ‘Ồ, chắc tôi đã quên dặn đồng hồ báo thức,’ người đồng mưu ngái ngủ này đáp. ‘Nhưng đừng lo, chúng ta nắm tình hình trong tay.’ Cuộc đảo chính tiến hành trơn tru. Lúc bình minh vị lãnh đạo mới Miền Nam lên đài, loan báo với quốc gia rằng mình đang nắm lấy quyền lực vì Tướng Minh và phe cánh ông ta đang tiến hành cuộc chiến một cách tồi tệ.  Không tốn một viên đạn. Ngài Lou Conein đã báo kế hoạch cho cấp trên, và họ quyết định đồng ý vì họ nhìn nhận tuyên bố của Khánh là Minh đã quá hăng hái trung lập hóa Đông Dương,  một quan điểm không chấp nhận được ở Washington. McNamara và Lodge cho rằng người mới lên là ‘vị tướng có khả năng nhất’. Thành tựu nổi bật nhất của ông trong những ngày đầu chấp chính là việc thủ tiêu Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung, người đã giết Diệm và Nhu. Tên hành hình chuyên nghiệp này chính y cũng bị hành hình một cách chuyên nghiệp, bị ra lệnh quỳ gối trong khu vườn một biệt thự ở Sài Gòn,  rồi lãnh một viên đạn duy nhất sau ót.

Miền Nam và quân đội trở nên hoang mang và mất tinh thần dưới quyền một quân nhân mạnh mẽ nhưng mau chóng yếu ớt đi. Đại sứ Anh Gordon Etherington-Smith cho rằng đáng ra Hoa Kỳ nên ngăn cản cú đảo chính: việc Washington sẵn sàng hạ bệ Big Minh cho thấy việc thống trị Miền Nam giờ có thể ở trong tầm tay của bất kì sĩ quan nào có thể ra lệnh cho một số trung đoàn.

Etherington-Smith gửi về London: ‘Dường như ngày càng chắc chắn rằng ngay chính các phẩm chất khiến Khánh thu hút binh lính Mỹ’ – ‘tính khoác lác và ăn nói lưu loát’ của ông – ‘khiến phần đông dân chúng không ưa.’

Khánh nhanh chóng bắt đầu vận động một cuộc xâm lăng Miền Bắc,  lấy cớ việc để chết chóc và phá hủy chỉ giới hạn ở Miền Nam là không thể chấp nhận được. Ông không phải người duy nhất chủ trương ý nghĩa kỳ quặc này: một số quân nhân và chính trị gia Sài Gòn sau này cũng lập luận rằng họ có thể đã chiến thắng, nếu người Mỹ cho phép họ đánh ra Miền Bắc. Bùi Diễm, cựu đại sứ của Sài Gòn ở Washington,  xác nhận rằng chính nghĩa Miền Nam phải chịu số phận bi đát từ lúc Hoa Kỳ loại bỏ lựa chọn này: người cộng sản có thể nắm chắc thắng lợi cuối cùng chỉ cần họ không bỏ cuộc. Những người lạc quan như thế rất đúng khi cho rằng Hà Nội hưởng được lợi thế quan trọng, bởi vì họ chỉ cần cung cấp ít ỏi là có thể thỏa mãn một cuộc tấn công chủ yếu, trong khi binh lính họ tự do đi khắp nơi qua Lào, Cao Miên  và chẳng bao lâu là Miền Nam.  Nhưng chính quyền Mỹ thể hiện sự sáng suốt khi thề bỏ việc đi quá mức như MacArthur đã vi phạm khi đuổi đến biên giới Bắc Triều và Trung Quốc vào tháng 11 1950. Hơn nữa các tướng lĩnh Sài Gòn tự lừa dối mình khi tưởng rằng không được hỗ trợ QĐVNCH vẫn có thể tiến hành cuộc xâm lược thành công: trong kết cục họ chắc chắn bị đẩy lùi.

Chủ nghĩa phiêu lưu của Khánh làm tồi tệ thêm sự khó chịu vốn đã lấn ất tại Washington. Những người hoạch định chính sách bắt đầu thấy rằng tính lưu loát và niềm nở của ông là các phẩm chất chủ yếu. Ông không được sáng suốt như Tướng Minh đã bị thay thế, với kiến thức ít ỏi về nhân dân mình. Thậm chí những người Mỹ nào chủ trương Miền Nam nên được các tướng lĩnh cai trị giờ cũng ra sức nhận diện một số người mới khôn khéo, hiệu quả,  liêm khiết  – và dễ bảo. Yêu cầu cuối cùng này khó thực hiện,  bởi vì cách duy nhất cho bất kì lãnh đạo Việt nào muốn được lòng dân thì ông phải xa cách với người Mỹ. Khóa sinh sĩ quan 21 tuổi Đoàn Phượng Hải bối rối,  thất vọng,  và đâm ra ngày càng yếm thế trước bốn  lần thay đổi chỉ huy trường võ bị Đà Lạt  trong thời gian anh học ở đó, tiếp sau vụ đảo chính liên tiếp: ‘Chúng tôi các khoá sinh trẻ bắt đầu nhận ra các sĩ quan cao cấp của chúng tôi,  thay vị thấm nhuần tinh thần huynh đệ chi binh,  lại quay ra đấu đá nhau để mưu lợi ích riêng tư, quyền lực, tiếng tăm.’

Trong những tháng đầu tiên sau khi thay đổi tổng thống Mỹ, hầu hết mọi lựa chọn quân sự đều đặt trên bàn tại Washington,  tại sứ quán của Lodga và MACV.  Câu hỏi chủ chốt là: ai là kẻ thù của chúng ta? Mục tiêu đúng đắn cho người Mỹ có thể là lực lượng du kích cộng sản đang chiến đấu ở Miền Nam hay không? Hoặc, thay vào đó,  là Miền Bắc, vốn được xem – nửa đúng, nửa sai – là suối nguồn của cuộc đấu tranh? Các tham mưu trưởng liên quân Mỹ, giờ cầm đầu là Maxwell Taylor, thiên về quan điểm thứ hai.  Trong số này có hai người yếu đuối hoặc ít ra là quá thận trọng  – Tướng Earle Wheeler của  bộ binh và Đô đốc David McDonald của hải quân – và hai người mạnh mẽ, những người ấp ủ một tầm nhìn sáng sủa.  Những người sau này là Tướng Curtis LeMay của Không Lực, người chỉ đạo chiến dịch oanh tạc B-29 1945 xuống nước Nhật,  sát hại nhiều người hơn cả các quả bom nguyên tử,  và Tướng Wallace Greene của binh chủng Thủy quân Lục chiến. Cả hai đều tán thành việc triển khai lực lượng áp đảo,  hoặc không làm gì hết.  LeMay là người chủ trương cực đoan, bị ám ảnh bởi lực lượng không quân chiến lược, tranh luận mỗi tình huống ông tán thành ‘với một giọng nói khàn khàn đôi khi kéo dài như tiếng rú của động cơ ‘, theo lời một đồng nghiệp. Chẳng hạn,  ông cực lực chống đối yêu cầu của binh sĩ  được phép vận hành trực thăng chiến đấu của họ, một hôm cất bỏ điếu xì gà quen gắn chặt trên môi để lên tiếng thách thức thi đấu tay đôi với vị tham mưu trưởng lục quân: ‘Anh lái một chiếc  Huey khốn kiếp đó, còn tôi lái chiếc  F-105, và xem ai sống sót. Tôi sẽ bắn con diều ẻo lả của anh rơi xuống tơi tả trên mặt đất!’ McNamara phán quyết cuộc tranh cãi đặc biệt này về phe lục quân, khiến thái độ xem thường ngài tổng trưởng quốc phòng của LeMay không thuyên giảm. 

Cung cách trầm tĩnh, chuyên nghiệp của Greene tạo cho ông biệt danh ‘Học trò’. Ông không chịu đựng được thói thận trọng bản năng của các chính trị gia,  và thậm chí nhiều hơn với bản chất của chiến tranh có giới hạn, mà tán thành ‘hành động nhanh, dứt khoát,  ấn tượng và nhất quán  … được theo đuổi với sức mạnh phối hợp toàn bộ các tài nguyên Hoa Kỳ’. Như LeMay, ông tin rằng Miền Bắc có thể nhanh chóng bị đánh khuỵu xuống bằng cách phá hủy các thiết chế và hạ tầng của nó. Greene bảo với Lyndon Johnson vào ngày 4 tháng 3 1964 rằng không kích có thể đưa nhanh đến trận xung đột kiểu Triều Tiên,  với nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn cầu: ‘Tuy nhiên, sự kiện cay đắng là chúng ta sắp sửa phải chọn một thế đứng ở đâu đó và cái quyết định mà ông ta sắp sửa phải đưa ra, với tư cách một tổng thống,  là liệu Việt Nam có phải là nơi mà thế đứng này nên được chọn hay không.’

Maxwell Taylor, người giữ chức chủ tịch cho đến tháng 7 được  Wheeler thay thế, thay đổi ý kiến thường đến nỗi sau này ông cho rằng đã chủ trương ít nhất 5 chính sách khác nhau,  tùy theo khẩu vị và ngày tháng. Vị tướng ngày càng tin rằng,  vì đánh bại VC ở Miền Nam là nhiệm vụ khó khăn,  Mỹ nên tập trung vào việc trừng phạt Miền Bắc. Ông vì vậy trở thành người tiêu biểu cho chủ trương dội bom.

Tác động của các tham mưu trưởng lên việc hoạch định chính sách khá giới hạn,  một phần bởi vì các chủ tịch ban tham mưu nối tiếp chuyển tải đến Nhà Trắng các hình thức xoa dịu của các quan điểm của Tham mưu Trưởng Liên Quân,  và một phần bởi vì tổng thống bỏ  thời gian nhiều hơn với các cố vấn dân sự, trong số đó McNamara là nặng kí nhất. Một ảnh hưởng ít được chờ đợi hơn là luật sư và sớm trở thành thẩm phán Tối cao Pháp viện Abe Fortas, người không biết gì về Việt Nam nhưng là cố vấn thân cận nhất của tổng thống, trao đổi với ông gần như mỗi ngày. Những ai nhắm đến việc đổ tội cho các tham mưu trưởng về lựa chọn chính sách 1964-65 dường như sai lầm,  bởi vì tất cả quyết định hòa hay chiến đều tối hậu thuộc chính trị. Thậm chí sau khi trải nghiệm Triều Tiên hầu hết các sĩ quan cao cấp Mỹ đều phơi bày một sự am hiểu không hoàn hảo về giá trị của sự xung đột có giới hạn. Nếu giới quân nhân được phép quyết định lộ trình của biến cố,  họ có thể đã phát lệnh một cuộc leo thang khốc liệt hơn những gì đã thực sự xảy ra.

Vậy mà khía cạnh nổi bật nhất của tranh luận Washington là rằng nó gần như hoàn toàn dồn vào việc xác định mức độ thích hợp để vận dụng sức mạnh,  hơn là xem xét tình huống bằng những giải quyết chính trị. Điểm yếu của Dean Rusk, mặc dù là người có trách nhiệm với các nhà ngoại giao Mỹ, là ông chưa hề bao giờ đặt lòng tin vào ngoại giao. Lyndon Johnson ít khi giao tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài,  và càng ít bị ảnh hưởng hơn bởi các ý kiến của họ.

Trong suốt năm đầu tiên trị vì của ông người đứng đầu thể hiện mình e sợ một cách bệnh hoạn ảnh hưởng của Pháp, tin rằng nhiệt tình của Tổng thống Charles de Gaulle cho sự trung lập hóa Việt Nam phản ánh một khao khát cay nghiệt muốn thấy Hoa Kỳ bị mất mặt. 

Các cường quốc có sở thích đáng ngạc nhiên là ưa giao chiến loại xung đột thích hợp với các phương tiện của mình, hơn là cuộc xung đột mình đang đương đầu. Ở Việt Nam, những người hoạch định chính sách tại Washington cho rằng công nghệ và hỏa lực Mỹ có thể thay thế sự vắng mặt được thừa nhận của cấu trúc chính trị và xã hội có thể thực hiện được. Trung tướng Andrew Goodpaster có lần cảnh báo với  Robert McNamara: ‘Thưa ngài, ngài đang cố lập trình kẻ địch và đó là một điều chúng ta đừng nên bao giờ làm.’ Một tù binh Mỹ bảo với các thẩm vấn viên cộng sản rằng anh nghĩ sự hiện diện của đồng bào mình trong xứ Việt Nam là 10 phần trăm có liên quan đến người Việt, phần còn lại vì quyết tâm ngăn cản Mao Trạch Đông. Nghe thế,  những người bắt anh ngạc nhiên hỏi, ‘vậy sao các anh không đi đánh ông ta ở Trung Quốc? Chúng tôi cũng không thích người Trung Quốc.’

Vào mùa xuân 1964  Walt Rostow, giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao, lặp lại chủ trương của LeMay cho việc vận dụng không lực áp đảo. Không có nghiên cứu đáng tin cậy nào được thực hiện về chi phí và hậu quả; nó chỉ giả định rằng người Miền Bắc sẽ tìm thấy trải nghiệm bị dội bom tàn phá và bị mất tinh thần đủ để họ sửa chữa đường lối của mình. Một số đông sĩ quan cao cấp tán thành đi xa hơn: phái các lực lượng bộ binh vào Lào – để cắt đứt Đường mòn Hồ Chí Minh  – hoặc vào tận Miền Bắc. Cụm từ ‘Bắc tiến’, lặp đi lặp lại trong các cuộc họp và bản ghi nhớ trong thời kỳ tranh luận 1964, chủ trương biện pháp dội bom, hoạt động lén lút,  xâm lăng đại quy mô. Vào tháng 4 Curtis LeMay hỏi Tư lệnh Trưởng Thái Bình Dương phải cần những gì để thắng cuộc chiến. Đô đốc  Harry Felt trả lời rằng Hoa Kỳ ‘sẽ phải tiến ra Bắc một thời gian’. Từ mùa xuân 1964 trở đi McNamara rõ ràng bi quan về Việt Nam.  Thay vì khiến ông phải chủ trương rút quân,  sự bi quan lại thúc đẩy ông từ từ và miễn cưỡng tiến về chủ trương leo thang, cuối cùng là hăng hái nồng nhiệt.  Vào tháng 4 một phóng viên buột miệng nói rằng Thượng nghị sĩ Wayne Morse gọi Việt Nam là ‘cuộc chiến của ‘McNamara’. Vị bộ trưởng quốc phòng đốp chát lại: ‘Tôi không buồn để ý việc nó bị gọi là cuộc chiến của McNamara.  Thật ra tôi hãnh diện được liên kết với nó.’

Các nhà báo bảo thủ như William F. Buckley, Marguerite Higgins,Rowland Evans và Robert Novak khăng khăng đòi chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Joseph Alsop chế nhạo Johnson nhát gan, thốt ra những lời công kích ông đã nhân nhượng.  Vậy mà trong khi tổng thống ắt hẳn sẽ nhận được tên và ná từ những người như thế nếu ông lùi bước, thì cũng có nhiều người trong giới truyền thông hiểu rõ sự rối rắm mà Hoa Kỳ đã dính vào. Vị thế cá nhân của Johnson đủ cao để ông vẫn có thể được tin tưởng nếu ông bảo với nhân dân Mỹ rằng họ đang hậu thuẫn cho phe thua cuộc ở Việt Nam.  Ông ắt hẳn sẽ nhận được sự ủng hộ có ảnh hưởng cho sự thú nhận như thế từ những người như Walter Lippmann, New Republic and the New York Times, vốn đã dự đoán thảm họa nếu quốc gia gửi quân tham chiến. 

Bên trong chính quyền,  từ tháng 5 1964 thứ trưởng George Ball biểu lộ sự bi quan dự cảm. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ có lợi ích sống còn đang lâm nguy, và nói rằng ông không thấy tại sao tấn công Miền Bắc sẽ vực dậy tinh thần của chính quyền Miền Nam. Ông lập luận rằng cuộc chiến là không thể thắng được, cho dù hành pháp gửi đi bao nhiêu quân. Cộng đồng tình báo có chung ý kiến, và cảm thấy lo lắng về sự bền vững của chế độ Khánh. Tại sứ quán Mỹ, sau hai tháng ở Sài Gòn, vào ngày 17 tháng 2 David Nes báo cáo đến Lodge rằng ông tin de Gaulle nói đúng: Hoa Kỳ nên rút lui, hoặc bắt buộc phải leo thang thật cao.  Willard Matthias, một phân tích viên của Ban Đánh Giá Quốc Gia của CIA,  mô tả Việt Cộng là ‘chịu sự chỉ đạo của Hà Nội nhưng phần lớn trông cậy vào tài nguyên của riêng họ’. Ông ta cũng đề xuất một giải pháp chính trị.

Tùy viên Ngũ Giác Đài McNaughton thì tin hoàn toàn vào tính ích kỷ trong mục đích của Hoa Kỳ ở Đông Dương.  Một vài tháng sau ông liệt kê những con số này: ’70 phần trăm sợ mất mặt vì thảm bại (trong tư thế là người bảo hộ) – 20 phần trăm để giữ Miền Nam (và lãnh thổ lân bang) khỏi rơi vào tay Trung Quốc  – 10 phần trăm để cho phép nhân dân Miền Nam hưởng một cuộc sống tự do hơn, tốt đẹp hơn’.

Hiếm có ai ở Washington trong thâm tâm nghi ngờ rằng chính quyền Sài Gòn đang thối rữa,  rằng cuộc chiến đang uể oải. Tuy nhiên, trước khi đến 3 tháng 11, lúc mà nhân dân Mỹ đã khẳng định chọn lựa Lyndon Johnson làm tổng thống của họ, thì tin tức xấu là không thể chấp nhận được: chúng phải được neo giữ lại ở đó. Vào tháng 3 McNamara đến thăm Việt Nam với Max Taylor, và đưa ra lời yểm trợ Tướng Khánh rõ ràng. Chuẩn tướng William DePuy viết thư về nhà từ Sài Gòn: ‘Mọi người ở Washington sẽ sớm đến Việt Nam và sẽ  không còn chỗ nào cho người Việt.  Đó có lẽ là một cách để thắng cuộc chiến.’

Trong bộ tổng tham mưu QĐVNCH, Rufus Phillips bắt gặp một Thiếu tá Việt đang ngồi tại bàn viết chất đống sách. Vị khách hỏi ông ta đang làm gì. ‘Tôi đang giúp viết lại hiến pháp.’ Bên cạnh viên sĩ quan la liệt các sách về hiến pháp của Mỹ và Pháp và phiên bản các hiến pháp Việt Nam trước đây. Tướng Khánh đã giao cho ông nhiệm vụ này, ông ta nói. Một bản thảo được gửi đến sứ quán Mỹ, và được phê chuẩn chấp thuận.  Khánh thông báo cho các tướng đồng đội,  một số bất đồng, rằng đây là điều người Mỹ muốn: do đó được cơ cấu hợp lệ. Rồi hiến pháp mới khiêu khích Phật tử và sinh viên phản đối.  Max Taylor trách Khánh làm mọi chuyện rối lên. Dân chúng phẫn nộ là dễ hiểu: không phải ông đã làm chính xác những gì người chi tiền của mình yêu cầu hay sao?

Rufus Phillips tức tối về khuôn khổ tư duy mà chương hồi này phản ánh: ‘Chúng ta đã thận trọng, khổ nhọc gần 10 năm trời ra sức dựng lên quốc gia mới mong manh này. Rồi chúng ta dẹp bỏ mọi thứ ổn định. Và mỗi lần một ông tướng nổi lên đảo chính,  tất cả người thời trước đều bị đá ra ngoài. Chúng ta để những người nắm quyền lực mà không hiểu thực tế của hoàn cảnh.  Và chúng ta càng dính líu nhiều vào đó để bù trừ cho tình trạng hỗn loạn,  chúng ta càng chiếm quyền lãnh đạo của người Việt.  Chúng ta quả quyết chúng ta sắp sửa đánh thắng cuộc chiến và sau đó sẽ trao đất nước lại cho người Việt.  Đó là phát súng ân huệ dành cho tinh thần dân tộc của người Việt … Và điều này trở thành vấn đề cơ bản mà người cộng sản khai thác.  

Bộ trưởng quốc phòng đệ trình lên tổng thống một báo cáo mà McNamara đã soạn thảo trước khi thăm Sài Gòn,  nói rõ nhận thức của mình về các mục đích của Hoa Kỳ: ‘Chúng ta tìm kiếm một Miền Nam phi Cộng sản độc lập.  Trừ khi chúng ta có thể đạt được mục tiêu này … phần lớn các quốc gia Đông Nam Á chắc chắn sẽ rơi vào ách thống trị của Cộng sản.’ Điều này trở thành cơ sở cho NSAAM288 của Hội đồng An ninh Quốc gia,  nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ. Sau đó hành pháp tiến hành giả định rằng các mục tiêu của nó có thể hoàn thành bằng cách vận dụng sức mạnh quân sự, không cần đếm xỉa tới thái độ của nhân dân Miền Nam. Phẩm chất duy nhất được xem là cần thiết ở một người lãnh đạo Việt xứng đáng được Mỹ hậu thuẫn là ông ta phải thề từ khước việc đàm phán với Hà Nội. 

Phía sau các cánh cửa đóng kín, McNamara sẵn sàng nhìn nhận rằng tình hình ở Việt Nam là ‘một đống lộn xộn’, và rằng một cú đảo chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng cả ông và tổng thống đều bác bỏ sự cố vấn có tính độc đoán, cả từ những người tán thành bỏ rơi Miền Nam, và từ những người nhắm đến việc đặt cược quá mức. Johnson bày tỏ hoài nghi liệu việc đánh bom Hà Nội có đạt được hiệu quả. Trong những tháng đầu của chiến dịch tranh cử 1964, cả hai đều nhấn mạnh sự cam kết của mình đối với chế độ, nhưng không muốn đi quá những bước nhỏ dần dà trong việc xử lý chiến tranh,  để không gây chú ý không mong muốn đối với cử tri. Khi đại sứ Xô viết Anatoly Dobrynin ra mắt tổng thống vào ngày 17 tháng 4, ông ngạc nhiên khi không thấy tổng thống đề cập đến Việt Nam.

Tháng tiếp theo, ở Lào chiến tranh nổi lên, khiến cho Pháp, Ấn, Cao Miên  và Liên bang Xô viết kêu gọi tái triệu tập hội nghị Geneva 1962. Người Mỹ bác bỏ đề nghị,  e rằng việc trung lập hóa Việt Nam sẽ lại trở thành một vấn đề trên bàn hội nghị. Tiếc là nếu họ muốn bước chân ra, thì diễn đàn đó hẳn đã mở ra một cánh cửa. Vào đầu năm tiếp theo Mỹ sẽ chịu quá nhiều thất bại và mất mặt,  cả về quân sự lẫn chính trị,  đến nỗi việc rút quân không tránh khỏi bị thế giới xem là bại trận, không chính quyền nào có thể chấp nhận.  Vào đầu mùa hè 1964, tuy nhiên, vấn đề chưa tồi tệ như thế.

Sự quanh co của bộ trưởng quốc phòng  – theo như các Tổng tham mưu Liên quân nhìn thấy  – đặc biệt làm LeMay và Greene bực tức,  họ cho rằng chỉ kiên trì với chính sách hiện hành sẽ không đủ để xoay chuyển cục diện mà, tất cả các phe phái đều nhất trí, là cộng sản đang thắng thế.  Họ cũng mất kiên nhẫn với chủ tịch Taylor, người mà họ cảm thấy không muốn kể cho tổng thống và McNamara những sự thật phũ phàng mà họ không muốn nghe.  Suốt mùa xuân tâm trạng các tướng lĩnh càng cay đắng hơn. Tùy viên quân sự của Johnson Thiếu tướng Chester Clifton viết vào ngày 27/3: ‘Tôi cảm nhận một tình thế khó khăn có tính tiềm năng  và thậm chí nguy cấp … Các Tham mưu trưởng chia rẽ trầm trọng.’ Greene viết một cách khinh bỉ vào ngày 18/5: ‘Chúng tôi nhìn thấy cả McNamara và Taylor đang đắn đo mò mẫm một lộ trình hành động.’ Greene không chỉ khinh thường bộ trưởng quốc phòng,  mà còn tin rằng các tham mưu trưởng bị ngăn trở hoàn thành vai trò thích đáng của mình,  như là các cố vấn quân sự cho tổng tư lệnh quốc gia. Tuy nhiên,  ông ta và LeMay lúc đó,  và một số sử gia sau đó,  đều thể hiện sự ngây thơ khi không thể nhận ra rằng trong mọi xứ sở vào bất cứ thời nào, thái độ bực tức với các nhà lãnh đạo chính trị là thái độ mặc định của các chiến binh chuyên nghiệp, vốn lúc nào trời cũng phú cho  họ sự kém sáng suốt hơn họ tưởng.

Vào cuối tháng đó, tại Washington vấn đề đã đi rất xa, McNamara thảo luận với các tham mưu trưởng liên quân về khả năng tung bộ binh Mỹ, và cũng uỷ nhiệm ban nghiên cứu các mục tiêu đánh bom ở Miền Bắc,  cho ra bảng danh sách 94 điểm. Được hiểu là một hoặc cả hai biện pháp này sẽ được chấp nhận trừ khi Hà Nội lùi bước: các chuyến bay thám thính chỉ ra rằng việc sử dụng Đường mòn Hồ Chí Minh tăng vọt. Sự hậu thuẫn của Quốc hội được nhìn nhận là cần thiết nếu quyết định dội bom hoặc đem quân đến Miền Nam – một động thái mà bộ trưởng tư pháp Nicholas Katzenbach gọi là ‘tương đương vè chức năng như hành động tuyên chiến’. Vào cuối tháng 5 William Bundy của bộ ngoại giao soạn một nghị quyết trao quyền cho tổng thống điều động lực lượng Hoa Kỳ, nhưng bản nháp của ông chỉ được cất vào ngăn tủ: chưa cần phải đối mặt với ê kíp vụng về của Thượng viện do Mike Mansfield và Wayne Morse cầm đầu. 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống giờ đang bao trùm quốc gia, lời hùng hôn phần lớn đều dành cho hứa hẹn của Johnson về chương trình Xã hội Vĩ Đại hơn là cho Việt Nam.  ‘Kennedy đã yêu cầu hy sinh,  còn Johnson thì hứa hẹn hạnh phúc,’ nhà biên niên về tranh cử tổng thống Theodore White viết trong năm 1965. ‘Thậm chí quả địa cầu run rẩy dường như cũng lắng xuống trong mùa xuân và hạ để cho phép Johnson điều hành các vấn đề đối ngoại từ điều có thể được gọi là một vị thế thoải mái. Việt Nam là vụ khủng hoảng duy nhất, chầm chậm tệ hơn từng tuần  – nhưng tổng thống tạm thời sắp xếp để triệt sản nó về mặt chính trị.’

Dù sao Nhà Trắng cũng quyết định thay máu ở Sài Gòn: cả đại sứ và tư lệnh MACV bị thay thế.  Lodge đã hết sáng kiến,  và hiếm khi đồng tình với Harkins.  Các tên Robert Kennedy, McGeorge Bundy và Robert McNamara được đặt trên bàn cân như là người kế nhiệm tiềm năng trước khi lựa chọn rơi vào Max Taylor, người quân nhân được tổng thống tin cậy nhất.  Taylor được phái đi vào tháng 7 không để làm ngoại giao, mà để điều hành một cuộc chiến thông minh hơn.  Nếu vị tướng không nghiện chức vụ, vị thế, quyền lực,  ở tuổi 62 ông ắt hẳn đã từ khước chiếm một chiếc giường đầy đinh như thế. Khó mà tin được rằng làm sao ông có thể cho rằng nắm lấy trách nhiệm toàn quyền như thế tại một nơi như thế sẽ làm thăng hoa danh tiếng của ông. Dù sao đi nữa, Taylor đã nhận chức đại sứ,  khẳng định quan điểm của những kẻ hoài nghi trong số các đồng đội của ông thời Thế Chiến II, những người nhận định rằng tính tự phụ và khuynh hướng vận động chính trị lén lút rõ ràng vượt quá tài năng và khả năng phán đoán của ông. Vị trí chủ tịch tham mưu trưởng liên quân của ông được giao lại cho Tướng Earle Wheeler. Với Taylor ở Sài Gòn, chắc chắn Wheeler sẽ không hề có được  tiếng nói áp đảo trong việc hoạch định chính sách Việt Nam,  nhưng cá tính yếu ớt của vị chủ tịch mới sẽ sớm hiển hiện. 

Tướng William Westmoreland nhậm chức MACV vào ngày 20/6/1964, nói: ‘Tôi thừa hưởng sự hỗn loạn chính trị này … Giống như cố nuốt trôi mì ý vậy. Harkins được phép về hưu trong danh dự, mặc dù thất bại của ông đặc biệt nghiêm trọng và phán đoán của ông sai sót rõ ràng.

Westmoreland từ đó thường được chế giễu như là ‘trung đoàn trưởng ấn tượng nhất mà Quân đội Hoa Kỳ từng sản sinh’, và khó để nói một cách hợp lý rằng ở Việt Nam ông thể hiện mình là một trong những thuyền trưởng vĩ đại của lịch sử.

Một nhân viên của ông, một Thủy quân Lục Chiến, viết thư gửi về nhà: ‘Ông nắm toàn bộ bức tranh,  nghe thấy rõ những điểm rối rắm nhưng ông để óc tưởng tượng của mình chạy đi mất. Một số kế hoạch của ông thật là điên rồ.’ Westmoreland sau này nói: ‘Tai tôi và tất cả sĩ quan tôi vào thời điểm đó vang vọng bài diễn văn nhậm chức thật xúc động của Kennedy: “Chúng ta sẽ gánh vác bất kì sức nặng nào và đương đầu với bất kì gian khổ nào, nâng đỡ bất kì bạn bè nào,  chống lại bất kì kẻ thù nào,  nhằm đảm bảo sự sống còn và thành tựu của tự do.’  … Chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi đi đến Việt Nam để chiến đấu cho nguyên tắc cao cả đó.’

Tuy nhiên, cái giá của thái độ như thế là trong quá trình theo dõi của Westmoreland tính hiện thực bị loại bỏ, như dưới thời Harkins. Bố già thời Đông Dương Howard Simpson được giữ lại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn vào thời điểm này.  Trong thời gian chuyển tiếp , ông được tham dự hội nghị thượng đỉnh chiến lược Honolulu, có mặt các vai chính McNamara, Rusk, Taylor, Westmoreland và giám đốc CIA John McCone. Simpson ghi nhận một cách khiếp đảm rằng không nhân vật hiện diện nào có kiến thức thực sự về Việt Nam,  và tinh thần của ông càng chùng xuống khi ông theo dõi sự thăng trầm của tiến trình thảo luận: ‘Tôi sớm biết rằng các bài học về lịch sử gần đây không có trong nghị trình.  Người Pháp đã bại trận.  Chúng ta sẽ thắng … Tôi có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra mình đang nghe thuyết trình tại bộ chỉ huy cao cấp Pháp vào năm 1953.’

Simpson không dám nói ra, chỉ biết lắng nghe mà không tin vào tai mình khi các kế hoạch và dự án được giải thích mà ông biết không người Việt nào sẽ chịu thực hiện. Thật ra, còn tệ hơn: binh sĩ và sĩ quan Sài Gòn sẽ chấp nhận chiến thuật quen thuộc của họ là nhất trí với mọi điều,  nhưng không định  làm gì cả. ‘Người Việt bị ném ra bên lề như bọn trẻ không có mặt ở đó. Đối với mọi ý định và mục đích họ có vẻ như những kẻ đứng bên lề trong cuộc đấu tranh cho đất nước mình.’ Điều này là có thật một cách sâu xa, quan trọng một cách sâu xa. Người Mỹ, quá kiêu hãnh vì di sản và tâm thế chống thực dân của mình, có khuynh hướng tiến hành một cuộc chiến chính xác theo phong cách các chính quyền thực dân qua các thời kỳ. Frank Scotton xác định thái độ của một người Mỹ trung bình đối với dân Việt là ‘coi thường sống sượng. Người Mỹ đủ mọi tầng lớp nói đùa về công nghệ Việt Nam được xác định bằng việc gắp một thứ bằng 2 chiếc đũa hoặc mang hai vật bằng một đòn gánh. … Chúng ta là các đồng minh hiểu về nhau quá ít.’

Tại Miền Nam,  lực lượng thường là đủ để giáng cho cộng sản những thảm bại về mặt chiến thuật.  Vậy mà những người Mỹ nhạy cảm như Scotton, Simpson, Vann và Ramsey hiểu ra rằng thắng lợi trên chiến trường thật ra đóng góp ít ỏi đến mức ngạc nhiên. Có lẽ điều mỉa mai trước hết của cuộc chiến,  nhất là đối với những ai đã hy sinh,  là chiến đấu là phần ít quan trọng nhất của nó,  nếu so sánh với mặt trận tranh chấp xã hội và văn hoá giữa Hà Nội và Sài Gòn. Bằng cách giao cho Max Taylor vai trò trung tâm trong sứ mạng Hoa Kỳ, chính quyền Mỹ đã ra lệnh cho một thợ điện sửa chữa một vụ rò rỉ hơi ga chết người, mặc dù Taylor lại sử dụng một nhân vật khác để mô tả về mình: ‘Nhiệm vụ của tôi như nhiệm vụ của một chàng trai Hà Lan với con đê rò rỉ,  anh ta chỉ biết lấy ngón tay cái bịt chặt.’ William DePuy viết cho gia đình mình khi Westmoreland lên nhậm chức: ‘Chúng ta không thể thắng, nhưng chúng ta có lẽ có thể giữ không để thua.’

Mùa hè đó, khi trên khắp trận địa,  những ngày tương đối yên tĩnh tại Sài Gòn khích lệ các cơn lạc quan ở Washington cho rằng các quyết định lớn có thể tạm hoãn. Westmoreland, được Lodge ủng hộ,  bảo với hội nghị ‘tình thế đã xuống đến mức thấp nhất, đang chững lại,  và sẽ bắt đầu chầm chậm đi lên … Sẽ không có sụp đổ ở Miền Nam trừ khi có sự cố dữ dội bất thường xảy ra chẳng hạn một cú đảo chính hoặc ám sát.

Ở Washington, tâm trạng dần dần diều hâu hơn một cách kín đáo nhưng không ngừng tăng lên. McGeorge Bundy, Dean Rusk và John McCone tán thành đem quân đến Việt Nam sau khi bầu cử xong,  mặc dù Rusk tại hội nghị Honolulu nhấn mạnh ‘công luận Mỹ vẫn chưa sẵn sàng tiêu hóa hành động quân sự leo thang’. McNamara vẫn còn e ngại gửi bộ binh, nhưng giờ đây tán thành việc đánh bom Miền Bắc. 

Khi các tham mưu trưởng liên quân gặp nhau tại Nhà Trắng vào ngày 31 tháng 7, Wallace Greene tái xác nhận Hoa Kỳ phải mang chiến tranh đến Miền Bắc để hy vọng đạt được một kết quả khả quan tại Miền Nam. Chính sách hiện thời, người lính Thủy quân Lục chiến cứng rắn nói, ‘vi phạm nguyên tắc quân sự cơ bản, tức là cho phép kẻ địch ưu tiên chọn lựa chiến trường để ta giao tranh.’ Mặc dù tổng thống bảo với các tướng lĩnh là sẽ không có do dự gì về mặt chính trị trong việc tiến hành hoạt động quân sự khẩn cấp,  không ai hiện diện tin lời ông nói: mọi việc, tuyệt đối mọi việc,  sẽ phụ thuộc vào việc giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, giờ chỉ cách không đến 100 ngày.


Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s