Ukraine trước sự đe dọa của Liên bang Nga

55

Mộng ước của Tổng Thống Liên Bang Nga Vladimir Putin là khôi phục lại sức mạnh của Liên Bang Xô Viết và có không ít người Nga cũng có ảo tưởng đó.

Năm 1999 Tổng Thống Nga Boris Yeltsin từ chức. Vladimir Putin lên thay quyền Tổng Thống và Putin bắt đầu xây dựng bộ máy độc tài từ đó để thực hiện giấc mộng bá quyền như Trung Cộng ở Á Châu.

Hai năm sau khi Vladimir Putin lên nắm quyền. Khủng bố Al-Qaeda tấn công lục địa Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tổng Thống Mỹ George W. Bush tuyên chiến và gởi quân đến đánh chiếm Afghanistan rồi Iraq. Tổng Thống Nga Vladimir Putin thấy được sức mạnh và sự quyết tâm của Hoa Kỳ và đồng minh nên mai phục xây dựng binh lực chờ ngày trả mối thù cho Liên Bang Xô Viết.

Cũng trong thời gian này Putin đã phối hợp quân sự và tình báo đánh tan kháng chiến quân Chechen mà cựu TT Boris Yeltsin đã không làm được. Ghi chú: kháng chiến quân Chechen muốn Cộng Hòa Chechnya ly khai khỏi Liên Bang Nga. Và Putin quyết tâm không để một nước chư hầu nào vuột khỏi tầm tay của mình.

Năm 2009 Vladimir Putin đánh chiếm một phần Cộng Hòa Georgia chỉ vì quốc gia này ly khai khỏi Liên Bang Xô Viết và muốn gia nhập khối NATO giống Ukraine hiện nay. TT George W. Bush và khối NATO có vẻ nhượng bộ và kết quả là một phần của Georgia vẫn còn nằm trong tay của Liên Bang Nga hiện nay.

Sau khi TT Goerge W Bush mãn nhiệm kỳ vào năm 2009, TT Barack Obama lên nắm quyền. Về đối ngoại TT Obama cho áp dụng chính sách “lãnh đạo (thế giới) từ sau lưng”, rất nổi tiếng mà ai cũng nhớ. Ngài Tổng Thống đã thực hiện lời hứa “rút quân” rất được ăn khách trong các cuộc bầu cử. Chiêu bài này đã có từ thời TT Richard Nixon khiến ông Tổng Thống “Nghe Lén” này đã tái đắc cử long trời lở đất (landslide) ở nhiệm kỳ hai.

Chính sách lãnh đạo co vòi núp sau lưng đồng minh và rút quân ồ ạt vô trách nhiệm của TT Obama khiến khủng bố sanh sôi nảy nở trở lại khắp nơi và hàng ngàn người đã bị quân khủng bố hành quyết man rợ như thời Trung Cổ.

Ngài Obama ra lịnh quân đội Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Iraq năm 2011 và Afghanistan cuối năm 2014. Vladimir Putin quan sát các diễn biến co cụm của Hoa Kỳ và thấy đã đến lúc ra tay. Tháng 3 năm 2014 Putin xua quân nuốt chửng bán đảo Crimea ở phía Nam của Ukraine. Hoa Kỳ và khối NATO chỉ phản đối cho lấy lệ rồi thôi.

Năm 2014 phiến quân thân Nga ở tỉnh Donetsk phía đông giáp giới với Liên Bang Nga bùng nổ. Họ muốn tách ra khỏi Ukraine và Vladimir Putin đứng phía sau giựt dây cuộc nổi loạn này. TT Obama có gởi quân viện “không sát thương” cho quân đội Ukraine như xe cứu thương, áo giáp, máy truyền tin v.v.

Năm 2017 TT Donald Trump lên nắm quyền và cũng với chiêu bài “rút quân” vì “nước Mỹ là trên hết” nghe rất êm dịu và bùi tai. Rất nhiều người ngây thơ tin rằng khi co cụm rút quân về Mỹ nằm trùm mền trong nhà, thì những tên độc tài và Cộng Sản sẽ để yên cho “nước Mỹ là trên hết”. Tuy nhiên, Donald Trump hơi khác TT Obama là ông ta cho phép các Tướng Lãnh Mỹ có toàn quyền sử dụng tối đa hỏa lực ở mặt trận, còn Obama thì không.

Ngày 07 tháng 02 năm 2018, lính đánh thuê Nga phối hợp với quân của chế độ độc tài Syria – Bashar al-Assad, điều động bộ binh có thiết giáp yểm trợ tấn công một căn cứ do khoảng 30 Biệt Kích Mỹ (Spec Ops) và một số kháng chiến quân Kurds trấn giữ ở tỉnh Deir ez-Zor. Đây là địa điểm chiến lược có nhiều mỏ dầu nên Nga, Iran và phe Bashar al-Assad rất muốn chiếm đoạt.

Hoa Kỳ đã huy động tối đa hỏa lực gồm có pháo đài bay B-52, máy bay tàng hình F-22, chiến đấu cơ F-15, C-130 gunship trang bị đại bác 105 ly, trực thăng võ trang và các giàn phóng hỏa tiễn của pháo binh Thủy Quân Lục Chiến. Sau 4 giờ giao tranh, có từ 200 đến 300 lính đánh thuê Nga bỏ xác tại trận. Phía Biệt Kích Mỹ vô sự. Phía kháng chiến quân Kurds có một người bị thương.

Ngoài trận địa chiến ở Deir ez-Zor mà quân Nga bị thiệt hại nặng. Đây cũng là lần đầu tiên lính Mỹ trực tiếp giết nhiều người Nga như vậy. Chính quyền Donald Trump còn cung cấp võ khí sát thương như hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin và súng bắn tỉa M-107 12.7 mm cho quân đội Ukraine. Sự quyết tâm sử dụng võ lực để bảo vệ quyền lợi của Mỹ và đồng minh đã làm Vladimir Putin đắn đo khi muốn xâm lăng những quốc có liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ.

Ghi chú: hỏa tiễn FGM-148 Javelin tối tân hơn hỏa tiễn TOW, vì sau khi bắn xạ thủ có thể xuống hầm núp hay di chuyển tới vị trí khác (fire and forget), vì hệ thống khóa mục tiêu sẽ tự động điều chỉnh hỏa tiễn bay tới gần xe tăng rồi vọt lên cao xong mổ xuống nóc xe. FGM-148 Javelin còn có thể dùng để bắn hạ trực thăng bay ở cao độ thấp.

Tương tự như Hoa Kỳ đã cung cấp hỏa tiễn cầm tay FIM-92 Stinger cho kháng chiến quân A Phú Hãn vào thập niên 80 đã biến nơi đây thành nghĩa địa của hàng ngàn máy bay của quân xâm lược Liên Xô. Và hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin sẽ biến Ukraine thành chốn vĩnh hằng cho thiết giáp Nga.

Khi TT Joe Biden chấp chánh tháng 01 năm 2021, Vladimir Putin quan sát cảnh quân đội Hoa Kỳ rút quân như bị ma đuổi, bỏ rơi luôn cả đồng minh NATO đang tham chiến ở đó. Hàng trăm công dân Mỹ cũng bị bỏ rơi lại cho khủng bố Taliban.

Ở phi trường Kabul, quân khủng bố IS đánh bom giết chết 13 quân nhân Mỹ. Ngài Joe Biden nghiến răng tuyên bố nảy lửa là “sẽ săn đuổi và bắt chúng phải trả giá”. Hỏng thấy quân khủng bố nào trả giá mà chỉ thấy một đại gia đình người Afghan làm việc cho người Mỹ chuẩn bị di tản qua Mỹ bị máy bay “drone” của Hoa Kỳ phóng hỏa tiễn diệt tăng giết gọn. Giờ cũng chìm xuồng luôn rồi, hỏng nghe nói săn khủng bố đã giết 13 lính Mỹ nữa.

Putin cũng quan sát cảnh biên giới Hoa Kỳ được chính quyền Joe Biden mở toan cho bá tánh thập phương khắp thế giới ùa vào nước Mỹ. Vladimir Putin là cựu sỹ quan tình báo KGB thông minh và biết khai thác những điểm yếu của đối phương. Putin biết TT Joe Biden nhát cáy sợ chết chóc, đã hỏng dám ra lịnh giết trùm khủng bố Osama Bin Laden. Trùm độc tài Vladimir còn biết rất rõ ngài Joe Biden phản chiến sẵn sàng bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam cách đây nửa thế kỷ, như Afghanistan hồi năm ngoái.

Không riêng gì trùm độc tài Vladimir Putin, trùm Cộng Sản của China là Xi Jinping cũng muốn thử nội công của ngài Joe Biden. Hai ông trùm này chia vùng để quánh. Xi Jinping gia tăng các chuyến bay vi phạm không phận của Đài Loan và ì ra hỏng tôn trọng những cam kết giai đoạn một của hiệp ước giao thương đã ký kết với chính quyền Donald Trump mà ngài Joe Biden cũng đã công nhận.

Ông trùm Bắc Hàn Kim Jong-un cũng thừa nước đục thả câu, bắn thử hỏa tiễn liên miên. Ông ấy bắn 7 trái vào tháng giêng này và khoe có một trái “siêu thanh” (hypersonic missile). Năm ngoái 2021 ổng đã nã 6 trái. Iran thì chảnh chọe hỏng chịu nhượng bộ chương trình chế bom nguyên tử dù ngài Joe Biden đã xuống nước quay lại đàm phán trực tiếp. Khủng bố IS ở Syria thì đang bắt đầu xuất hiện trở lại. Các hoạt động chống Mỹ gia tăng như trăm hoa đang đua nở vì chiêu bài rút quân ngây thơ của mấy ông Tổng Thống Mỹ.

Tin tức mới nhứt biết có khoảng trên 100 ngàn lính Nga chia ra ba mũi dùi chính bao vây Ukraine. Các mũi chính từ hướng Đông Bắc – Đông Nam, mũi phụ từ bán đảo Crimea phía Nam. Một mũi phụ khác từ Belarus hướng Bắc. Belarus là đồng minh thân tín của Liên Bang Nga và biên giới chỉ cách thủ phủ Kyiv của Ukraine khoảng 60 dặm, trong tầm của hỏa tiễn pháo binh.

Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ cho biết các đơn vị quân y, bịnh viện dã chiến và máu dự trữ cho thương binh Nga đã được bố trí ở biên giới. Tướng lãnh Mỹ tiên đoán lính Nga phải đợi vài tuần nữa cho bớt tuyết thì các đơn vị cơ giới thiết kỵ mới di chuyển dễ dàng để tấn công. Tướng lãnh Hoa Kỳ không nghĩ lính Nga sẽ đánh tới thủ đô Kyiv mà chỉ đánh chiếm một phần của Ukraine mà thôi vì thiệt hại nhân mạng của lính Nga sẽ vô cùng cao nếu đánh vào các thành phố lớn. Người Ukraine sẽ không ngồi yên để lính Nga chiếm đất nước họ.

Theo sự phân tích trên thì Vladimir Putin có hai lựa chọn. Một là vượt biên giới tấn công nếu Hoa Kỳ và khối NATO nhu nhược. Hai là án binh bất động nếu Hoa Kỳ và khối NATO làm dữ. Còn phe đồng minh NATO chỉ có một lựa chọn là sẵn sàng chiến đấu nếu muốn sống. Án binh bất động nhu nhược là bật đèn xanh cho Putin xâm lăng Ukraine.

Các quốc gia trong khối NATO đã sốt sắng giúp Ukraine phương tiện phòng thủ. Những quốc gia nhỏ xíu vùng Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania có cùng biên giới với Liên Bang Nga và đã từng bị Liên Xô thôn tính nửa thế kỷ nên giờ rất ý thức hăng hái tiếp tế súng đạn cho Ukraine.

Những quốc gia Tây Âu khác như Pháp, Đan Mạch, Anh Quốc v.v. tích cực gởi chiến hạm và chiến đấu cơ đến các quốc gia Đông Âu gần Ukraine như Romania. Đặc biệt Hòa Lan (Netherlands) gởi hai báu vật của mình là máy bay tàng hình F-35 đến Bulgaria cho gần để sẵn sàng yểm trợ Ukraine.

Duy có Cộng Hòa Đức là quốc gia xuất cảng võ khí sát thương khắp thế giới thì từ chối tiếp tế súng đạn cho Ukraine bởi vì đã lỡ lệ thuộc vào ống dẫn dầu từ Liên Bang Nga. Chọc giận Soái Ca Vladimir Putin, ổng vặn tắt ống dẫn dầu thì dân Đức chết cóng liền. Thôi im lặng nhu mì cho lành.

Vladimir Putin đe dọa xơi tái Ukraine vì quốc gia này muốn giỡn mặt ông trùm đòi gia nhập NATO. Nếu Vladimir Putin tấn công Ukraine thì chiến tranh sẽ xảy ra. Khi lính Nga ùa vào Ukraine thì khó mà trục xuất và những nơi bị chiếm sẽ trở thành Liên Bang Nga, giống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Khi Ukraine bị nuốt chửng, Xi Jinping của China sẽ bắt chước Vladimir coi thường con cọp giấy Hoa Kỳ mà tấn công Đài Loan, Bắc Hàn và Iran sẽ làm bom nguyên tử đe dọa lân bang đồng minh của Hoa Kỳ, khủng bố Hồi Giáo sẽ tung hoành tìm dân Mỹ để giết. Thế giới khi ấy sẽ là một con đê bị bể.

Hy vọng, cuối cùng TT Joe Biden cũng có được những quyết định đúng đắn đáng khen, tức là cứng rắn phủ quyết đòi hỏi kiểu tống tiền “blackmail” của Vladimir Putin, là cấm không cho Ukraine gia nhập khối NATO. Nếu lão Joe Biden làm đúng thì phải công tâm mà khích lệ. Không cực đoan cục bộ đảng phái mong cho lão tiếp tục nhu nhược hèn nhát để có lý do chỉ trích và kết quả là dân tộc Ukraine sẽ bị Liên Bang Nga đô hộ thêm một lần nữa. Người Mỹ vốn đoàn kết khi quyền lợi quốc gia bị đe dọa.

Chính quyền Joe Biden đang tiếp tế đạn dược và hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin cho Ukraine, như chính quyền Donald Trump đã làm, và hứa hẹn sẽ gởi 8500 binh sỹ Hoa Kỳ đến các quốc gia Đông Âu trong khối NATO để trấn an đồng minh Âu Châu. Nếu không quyết tâm bảo vệ Âu Châu thì Đài Loan sẽ là quốc gia kế tiếp rơi vào vòng tay của China.

Cả Đài Loan và Ukraine không phải là đồng minh của Hoa Kỳ và đâu có ký các hiệp ước để được Hoa Kỳ bảo vệ. Nhưng cả hai quốc gia này là biểu tượng của nền tự do dân chủ. Dân tộc của hai quốc gia này muốn được tự do. Nếu bỏ rơi họ thì đạo đức và lý tưởng tự do của Hoa Kỳ không còn nữa.

Cuối cùng, các quan điểm “rút quân” để mị dân kiếm phiếu, hoặc chuyển quân về Á Châu vì Tàu Cộng nguy hiểm hơn, là ngớ ngẩn. Bởi vì kẻ thù của Hoa Kỳ ở khắp mọi nơi, chúng hợp tác chia vùng để đánh Mỹ. Tất cả vết rạn nứt trên con đê dù lớn hay nhỏ đều quan trọng như nhau.

Bài học rút quân và “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam của TT Richard Nixon vẫn còn đó. Kết quả rút quân bỏ rơi đồng minh, là ba dân tộc Đông Dương bị nhuộm đỏ. Kéo theo nhiều dân tộc khác ở Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh, A Phú Hãn rơi vào quỷ đạo Cộng Sản Liên Xô ở hai thập niên 70 và 80.

Đó là chưa kể sai lầm là Hoa Kỳ đã nuôi dưỡng con rồng China cho lớn khôn để nó hóa thành con khủng long biết phun lửa vào đầu người đã nuôi nó. Cho đến khi TT Ronald Reagan với các chính sách bung ra giúp các dân tộc bị trị kháng chiến chống chủ nghĩa Cộng Sản và xây dựng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, đã dẫn đến sự sụp đổ của đế quốc Liên Xô.

Người Mỹ có câu châm ngôn rất hay là “Tự Do Không Miễn Phí” (Freedom Not Free). Đúng vậy, nếu chúng ta co cụm sợ đổ máu ở những nước xa xôi hỏng biết nằm ở đâu trên bản đồ như Ukraine, Đài Loan, Afghanistan v.v. thì con cháu của người Mỹ sẽ đổ máu ngay chính trên đất nước họ ở ngày mai.

Cre: Bong Lau

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s