Chương 13: TRONG THỜI HAMMURABI
Georges Roux
Trần Quang Nghĩa dịch
Dù cho những tình huống chính trị và kinh tế luôn thay đổi có mê hoặc cỡ nào, vẫn có lúc cần phải tạm dừng; có những thời kỳ quá giàu thông tin đến độ sử gia cảm thấy buộc phải tạm gác lại vua chúa và triều đại, vương quốc và đế chế, chiến tranh và sách lược ngoại giao, để khảo sát xã hội trong điều kiện bình thường vốn có. Dân chúng sống ra sao? Họ làm gì trong cuộc sống thường nhật? Đây là những câu hỏi hiện ra tự nhiên trong trí và đáng được trả lời.
Ở Mesopotamia thời của Hammurabi – hay, chính xác hơn, thế kỷ bắt đầu 60 năm trước khi ông lên ngôi (1850 – 1750 TCN, làm tròn số) – là một trong những thời kỳ này. Ở đây nguồn tư liệu của chúng ta, có tính khảo cổ lẫn văn chương, vô cùng dồi dào. Đúng là ta hiểu rất ít về các thành phố thủ phủ của miền nam Iraq: Isin và Larsa vừa bắt đầu tiết lộ những bí ẩn của chúng và 18 năm khai quật tại Babylon chỉ mới cạo sơ bề mặt của di chỉ rộng lớn, chiều cao của tầng nước ngầm đã ngăn trở các nhà khảo cổ Đức đào được sâu hơn bên dưới tầng Tân-Babylon (609 – 539 TCN). Tại khu vực nhỏ nơi những cuộc thăm dò sâu có thể thực hiện được chỉ một ít bảng khắc và mảnh tường vỡ thuộc thời kỳ Triều đại Thứ Nhất được tìm thấy, khoảng 12 mét dưới mặt đất. Nhưng tại những địa điểm khác các nhà khảo cổ gặp may mắn hơn. Những đền đài họ đã khai quật – hoàng cung của Mari, cung điện của các nhà cai trị tại Mô gò Asmar, đền thờ và tư gia ở Ur, đó chỉ nói những thứ quan trọng nhất – có thể không nhiều lắm, nhưng chúng có chất lượng nổi bật. Về phần các văn kiện chữ viết chúng ta thậm chí được cung cấp nhiều hơn, bởi vì không chỉ chúng ta có Bô Luật Hammurabi, mà còn cả thư từ của ông, thư khố ở Mari, Mô gò Shimshara và Mô gò al-Rimah, và nhiều văn bản pháp lý, kinh tế, hành chính, tín ngưỡng và khoa học từ Mari, Larsa, Sippar, Nippur, Ur, Mô gò Harmal và những di chỉ khác; tổng cộng có thể đến 30,000 hoặc 40,000 bảng khắc. Thật ra, có thể nói không quá lời rằng Mesopotamia, 800 năm trước khi có Christ còn được chứng ta biết nhiều hơn bất kỳ xứ sở Âu châu nào cách đây 1000 năm, và về lý thuyết các sử gia có thể rút ra một bức tranh tương đối hoàn chỉnh và chi tiết về xã hội Mesopotamia vào thế kỷ 18 và 19 TCN. Vì điều này sẽ vượt xa biên giới của tác phẩm này, nên chúng tôi chỉ tự giới hạn đến những nét sơ lược thuộc ba lĩnh vực chủ yếu của xã hội này: thần linh trong đền thờ, nhà vua trong cung điện, dân chúng trong ngôi nhà mình.
Thần linh trong đền thờ
Các đền thờ – nhà của thần linh như chúng được gọi – thay đổi kích cỡ và thiết kế. Một số chỉ là những nhà nguyện nhỏ bên đường gồm một khối ngôi nhà và một khoảng sân lộ thiên nhỏ với một bệ thờ và một bục dựng pho tượng thần linh, những đền thờ khác là các tòa nhà rộng lớn hơn tách biệt hay tách biệt nửa chừng, bao gồm vài sân và phòng ốc và cuối cùng, có những phức hợp đền thờ to lớn thờ những vị thần lớn hơn, trong đó cũng có những điện thờ cho những thần nhỏ của gia đạo và tiền tài. Những đền thờ này không còn giữ lại nét giản dị đáng ngưỡng mộ của các đền thờ Sumer ban đầu (xem Chương 4). Qua thời gian chúng đã tăng gia độ phức tạp để kết hợp nhiều dịch vụ của một cộng đồng tôn giáo được tổ chức chặt chẽ. Hơn nữa, thiết kế của chúng phản ánh một trình độ chuyên biệt hóa cao trong việc thờ cúng, và kết quả là cần có sự phân biệt giữa những bộ phận của đền thờ mở ra cho công chúng và những bộ phận dành riêng cho các thầy tế, hoặc có lẽ cho vài thứ hạng thầy tế. Liệu quan niệm cho rằng các đấng thần linh vĩ đại chỉ có thể được tiếp cận theo từng mức độ là do người Sumer phát triển hay do người Semite đưa ra là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và không thể đề cập ở đây.
Tất cả đền thờ chính ở Mesopotamia có chung một số đặc điểm. Mọi đền thờ đều chứa một sân rộng (kisalmahhu) bao quanh bởi những phòng ốc nhỏ dùng làm nơi nghỉ ngơi, thư viện và lớp học cho các thầy tu, viên chức, xưởng thợ, kho hàng, nhà hầm và chuồng gia súc. Trong những dịp lễ hội lớn các tượng thần linh từ những đền thờ khác được mang về tập hợp trang trọng trong sân này, nhưng vào ngày thường nó mở rộng cho tất cả, và chúng ta phải tưởng tượng nó không là một không gian trống rỗng và lặng ngắt, mà là ở khoảng giữa một nhà tu kín và nơi họp chợ, đầy tiếng ồn ào và dịch chuyển, chen chúc dân chúng và thú vật, tấp nập qua lại những nhân viên đền thờ, những kẻ buôn bán làm ăn với đền thờ và các tin đồ nam nữ thập phương đến dâng lễ cúng và xin được phù hộ hoặc chỉ dạy. Bên kia kisalmahhu là một sân khác, thường nhỏ hơn, với một bệ thờ ngay chính giữa, và cuối cùng, là bản thân đền thờ (ashirtu), tòa nhà mà không có ai trừ các thầy tế được gọi là erib bîti (‘người được bước vào đền thờ’) có quyền đi vào. Đền thờ được chia thành nhiều phòng, phòng này nằm sau phòng kia: tiền sảnh, tiền nội điện và nội điện (nơi chí thánh). Nội điện chứa tượng thần hoặc nữ thần của đền thờ. Thường làm bằng gỗ lót vàng lá, nó đứng trên một bục bên trong một hốc khoét trong bức tường cuối của nội điện. Khi mọi cánh cửa mở ra có thể trông thấy bức tượng tỏa sáng yếu ớt trong góc tranh tối tranh sáng của điện thờ từ vuông sân nhỏ nhưng không từ khoảng sân rộng, vì nó nằm vuông góc với cổng đền, hoặc ẩn mình sau một bức màn, tùy theo thiết kế của đền thờ. Các bình hoa và lọ hương được sắp xếp dưới chân thần, và những chiếc ghế dài thấp bằng gạch đặt quanh nội điện và tiền nội điện dùng để đặt tượng cúng của các tín hữu, cùng với các bia ký của vua và các lễ vật khác nhau. Một áng thờ hai bậc, một bàn cúng thực phẩm thiêng, các chậu nước thanh tẩy, các giá treo các huy hiệu và vũ khí dâng cúng tạo thành phần còn lại của vật dụng đền thờ. Những vật liệu quí hiếm và đắt tiền được sử dụng để xây dựng đền thờ: những thanh rầm tuyết tùng nâng đỡ mái, và cửa được làm bằng loại gỗ quý, thường viền bằng lá đồng. Tượng sư tử, bò mộng, quái vật sư tử đầu chim, thần làm bằng đá, đất sét hay gỗ canh giữ lối vào. Tại góc đền và được chôn bên dưới lớp mặt là những hố gạch chứa ‘đinh’ đồng hay đất sét, chữ khắc hoàng gia và các tượng nhỏ các vị vua đã xây dựng hoặc phục dựng đền. Những ‘chất trầm tích nền móng’ này dùng để chứng thực đây là khu đất thiêng, đánh dấu giới hạn của nó và ngăn không cho quỷ sứ âm ty xâm phạm.
Đền thờ Ishtar-kititum tại Ischâli (thung lũng Diyala). Vào nửa đầu thiên niên kỷ 2 TCN
Mỗi ngày suốt năm ròng các nghi lễ tôn giáo được tiến hành trong đền: không gian rung động tiếng nhạc, tiếng thành thị và tiếng cầu nguyện; bánh mì, bánh ngọt, mật, bơ, hoa quả được bày trên bàn cúng thần; nước thánh, rượu lễ hoặc bia được đổ vào bình; máu chảy trên áng thờ, và khói của thịt nướng trộn lẫn với khói xông của gỗ tuyết tùng, gỗ trắc bá hoặc khói hương tràn ngập điện thờ. Mục tiêu chính của việc thờ cúng là phục vụ các thần linh. Các thần linh được cho là sống cuộc đời vật chất và mỗi ngày phải được tắm rửa, xức dầu, ướp hương, mặc y phục, trang điểm và cúng thực phẩm, việc cung cấp thức ăn đều đặn được bảo đảm bởi ‘lễ vật ấn định’ được nhà vua với vai trò trưởng tế tối cao quy định một lần cho tất cả, và bởi các tổ chức tín hữu. Hơn nữa, một số ngày trong tháng được xem là thiêng liêng hay thuận lợi – những ngày trăng tròn hoặc không trăng, chẳng hạn – được dành cho nghi lễ đặc biệt. Cũng có những nghi lễ thanh tẩy và thánh hóa, và tất nhiên lễ hội Tân Niên tại một số thành phố vào mùa xuân và thu. Nhưng các thầy tế cũng lãnh nhiệm vụ làm trung gian giữa người phàm và thần thánh. Hơn bất kỳ ai khác họ biết cách thích hợp để tiếp cận các vị thần; vì lợi ích của người bệnh, người phiền não, người sám hối tội lỗi họ sẽ dâng cúng lễ vật, cầu kinh và giải bày nổi ai oán, hát thánh thi ban phước lành và đọc kinh sám hối; và vì chỉ mình họ có thể đọc được tương lai bí ẩn, không có vị vua hoặc người thường nào, trong những tình huống đặc biệt, không đến tham vấn họ hoặc nhờ họ xin một điềm triệu. Với mỗi hành động cúng bái này một nghi thức nghiêm nhặt và phức tạp được bày ra. Khởi thủy những kinh cầu và chú nguyện viết bằng chữ Sumer, nhưng dưới Triều đại Babylon Thứ Nhất ngôn ngữ Akkad được phép sử dụng trong đền thờ, vì chúng ta sở hữu, chẳng hạn, văn bản ‘Nghi Thức Bảo Vệ Đền Thờ Kettle-drum’, theo đó người ta nói rằng một kinh cầu nào đó bằng tiếng Sumer nên được thì thầm ‘qua một ống lau sậy’ vào lỗ tai phải của một con bò và bằng tiếng Akkad vào lỗ tai trái của nó.
Viên quản trị trưởng của đền là shanga, một chức vị cao cấp mà, trong thời Hammurabi, được chính nhà vua bổ nhiệm. Ông ta được một số giám sát viên và thư lại phụ tá có nhiệm vụ vào sổ mọi thứ xuất nhập kho đền thờ và chỉ huy những nhân công hạng thấp, như bảo vệ, lao công vệ sinh và thậm chí thợ cắt tóc. Những ruộng lúa mì và lúa mạch của đền thờ được điều hành bởi các ishakku (tiếng Akkadian là ensi, cho thấy tước hiệu có thời rất danh giá này đã hạ giá thấp cỡ nào), và được nông dân canh tác hoặc đôi khi là công việc lao dịch liên can đến toàn bộ dân chúng trong thị trấn.
Một số lớn các thầy tế được đặc trách các đền thờ chính. Các con trai và cháu nội của thầy tế, họ được nuôi dưỡng trong đền thờ và nhận một nền giáo dục toàn diện trong trường đạo, hoặc bît mummi (nghĩa đen là ‘Ngôi nhà Kiến thức’). Đứng đầu là thầy trưởng tế, hoặc enum (tiếng Akkad của từ Sumer en, ‘đức ông’) và vị urigallum thoạt đầu là người bảo vệ cổng đền nhưng giờ là viên chức chính. Trong số những thành viên chuyên môn của tăng lữ, vị mashshum chuyên đọc bùa chú, vị pashîshum chuyên xức dầu thánh cho thần và bày bàn cúng, vị ramkum lau chùi tượng thần, vị nishakum đổ rượu lễ và vị kâlum niệm thần chú nhưng cũng thi hành những chức năng bí ẩn, là nhân vật quan trọng nhất. Những thầy tế này được sự phụ tá của những người dâng lễ vật (nash patri, ‘người mang gươm’), cùng người xuớng ca và ban nhạc. Mặc dù tham gia vào các nghi lễ tôn giáo, vị ashipum (thầy pháp) không thể được coi là một thầy tế theo nghĩa hẹp của từ này, vì ông chỉ phục vụ cho dân chúng và nhất là người bệnh. Cùng nhận xét cũng áp dụng cho sha’ilum, thầy giải mộng, và thậm chí barûm tức thầy bói toán, một người rất bận bịu và giàu có trong một xã hội nơi mà việc bói toán là một bộ phận của cuộc sống thường nhật. Rủi thay, chúng ta gần như không biết gì về đền thờ các nữ thần. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì các đền thờ nữ thần Ishtar, nữ thần nhục dục, là nơi thờ cúng phóng túng với những bài hát, vũ điệu và động tác do các phụ nữ và các ông giả phụ nữ biểu diễn, cũng như các cuộc hành lạc tập thể. Tại những địa điểm này, có thể khiến ta bị sốc nhưng lại thiêng liêng đối với người Babylon, các ông gọi là assinu, kulu‘u hay kurgarru – tất cả đều là người đồng tính thụ động và một số có thể là người bị hoạn – tham gia cùng các phụ nữ cũng thường được gọi là ‘gái điếm’. Đúng ra, gái điếm thực sự (harmâtu, kezrêtu, shamhâtu), chỉ lảng vảng ngoài đền thờ và lui tới các quán rượu. Chỉ có những phụ nữ được gọi là ‘tín nữ của Ishtar’ (ishtarêtu) mới có thể là một thành viên của nữ tăng lữ.
Ngược với tất cả các điều này là các nadîtu, thường xuất thân từ các gia đình danh giá nhất và có thể lấy chồng nhưng không được phép có con chừng nào họ còn ở lại tu viện (gagû) nơi họ sống chung với cộng đồng. Gắn bó lỏng lẻo với đền thờ, các nadîtu thật ra là những phụ nữ giỏi kinh doanh làm giàu nhờ buôn bán và cho thuê nhà đất. Khi mất tài sản của họ để lại cho cha mẹ hoặc bà con thân thuộc, nhờ đó ngăn không cho tài sản bị phân mảnh qua hôn nhân của các con gái.
Tất cả những người này lập thành một xã hội khép kín có luật lệ, truyền thống và quyền lợi riêng của nó, sống một phần nhờ lợi tức từ ruộng đất đền thờ, một phần từ hoạt động ngân hàng và thương mại và một phần ‘từ áng thờ’, và đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề của nhà nước và trong cuộc sống riêng tư của mỗi người dân Mesopotamia. Vậy mà cái thời đền thờ kiểm soát toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội của đất nước đã qua rồi, vì trung tâm sống còn, trái tim và khối óc của nhà nước, hiện giờ là hoàng cung.
Nhà Vua trong Hoàng cung
Tầm quan trọng được gắn cho hoàng cung (tiếng Sumer là é-gal, Akkad là ekallum, ‘nhà lớn’’) là một đặc điểm nổi bật của thời kỳ Babylon Cổ. Sự tập trung quyền lực trong tay nhà vua, nhu cầu một nền hành chính trung ương, yêu sách cấp thiết của quyền uy đã hội tụ để biến nơi cư ngụ của nhà vua – từ trước đến giờ chỉ là một tòa nhà tương đối khiêm nhường – thành một phức hợp rộng lớn các phòng ốc, phòng tiếp tân, văn phòng, xưởng và nhà kho được bao quanh vì lý do an ninh bởi những bức tường phòng thủ vững chắc. Với dinh thự, lâu đài và nhà khách, hoàng cung đã trở thành một thành phố bên trong một thành phố.
Nói về hoàng cũng không có minh họa nào tốt hơn cung điện ở Mari. Được phát hiện trong một tình trạng bảo quản tuyệt vời, nó nổi bật không chỉ về kích cỡ – 200 x 150 mét và bao phủ một diện tích khoảng 2.5 mẫu – mà còn về thiết kế hài hòa và khéo léo, tính thẩm mỹ của trang trí và chất lượng của công trình. Các nhà khảo cổ đã gọi nó ‘viên ngọc của kiến trúc Đông phương cổ’, và tiếng tăm của nó vang dội trong thời cổ đến nỗi Vua xứ Ugarit, trên bờ biển Syria, không ngần ngại phái con trai đi 600 dặm vào nội địa với.muc đích duy nhất là chiêm ngưỡng ‘ngôi nhà của Zimri-Lim’.
Bức tường ngoài bề thế của hoàng cung (có chỗ dày đến 15 mét), dựng trên nền móng đá và củng cố bằng các tháp canh, chỉ vào được qua cổng duy nhất ở mặt bắc. Băng qua một tiền sảnh có lính canh, một sân nhỏ và một hành lang tối, ta đi vào sân lớn của hoàng cung, một không gian mở thực sự lộng lẫy (1617 mét vuông) tràn ngập ánh mặt trời và được lát thạch cao. Trên mặt đối diện với lối vào ba bậc thang uốn cong diễm lệ dẫn đến một phòng chữ nhật trên cao giờ được lấy làm nhà nguyện của nữ thần Ishtar của Cung điện. Qua một cửa ở bức tường phía tây của ‘hoa viên danh dự’ và một lối đi hình chữ L, các vương tôn công tử, sứ thần, triều thần cao cấp và tân khách quan yếu khác được đưa vào một sân khác , nhỏ hơn nhưng đặc biệt ngăn nắp và đẹp mắt với nền thạch cao trắng cứng và tường phủ kín bích họa, một số được bảo vệ khỏi mưa nắng bằng mái che nhẹ dựng trên những cột gỗ. Những bức họa màu sắc rực rỡ, một phần còn sống sót và hiện giờ là niềm tự hào của các bảo tàng Louvre và Aleppo, mô tả những nghi lễ tôn giáo cấp nhà nước: một con bò mộng được đưa đi hiến tế, nhà vua Mari ‘chạm tay’ nữ thần Ishtar (một nghi thức được tiến hành trong Lễ Tân Niên), dâng đồ cúng và rượu lễ cho nữ thần và những cảnh linh tinh khác. Ở bên kia sân là hai phòng dài, nối tiếp nhau. Phòng đầu chứa một bục có sơn màu và lát thạch cao đã từng dùng làm bệ một bức tượng – có thể là ‘tượng nữ thần với bình hoa’ được tìm thấy gần đó, đầu đã bị chặt và ném xuống đất. Phòng tiếp theo là ngự phòng. Tại một đầu, dựa vào tường, là một bục đã thấp ắt hẳn trước đây đặt một ngai bằng gỗ, trong khi ở đầu kia là một cầu thang dài, hoành tráng dẫn đến một tầng cao nơi chắc chắn từng được dựng những bức tượng các vị tiên vương. Từ một phòng khác bắt đầu một cầu thang dẫn đến phòng ở của nhà vua nằm bên trên một nhóm các nhà kho.
Phòng tiếp kiến và ngự phòng cùng với các phòng ốc liên kế tạo thành trung tâm của hoàng cung. Chung quanh chúng là những khu vực khác nhau. Ở mỗi bên cổng là nhà khách dành cho quan khách và cho lực lượng cận vệ cung điện. Gần gốc tây-bắc của phức hợp là một nhóm phòng và phòng tắm được trang trí tao nhã – một phòng với hai bồn tắm bằng đất nung vẫn còn tại chỗ – mà, cùng với một gian phòng dài chứa từng hàng ghế dài bằng đất sét và từ lâu đã tưởng lầm là một lớp học, tạo thành một phần của bộ phận giờ đây được cho là phòng của hoàng hậu và tùy từng của bà. Xa hơn về phía nam là khu hành chính hoàng cung. Từ hoa viên danh dự một chuỗi các hành lang dài dẫn đến lối vào một nhà nguyện kép – được cho là thờ các nữ thần Anunit và Ishtar – dành riêng cho nhà vua. Phần còn lại gồm 300 lẻ phòng ốc và sân trong hoàng cung dành cho nhà bếp, nhà kho, khu ở của tôi tớ, lò rèn và xưởng đồ gốm.
Một bích hoạ trong hoàng cung ở Mari
Không kém nổi bật với thiết kế là cách xây dựng hoàng cung. Bức tường, cực kỳ dày để an toàn và nhiều chỗ lên cao đến 16 bộ, được đắp bằng gạch bùn lớn trát bằng vài lớp đất sét và vữa. Trong nhiều phòng – nhất là phòng tắm và phòng vệ sinh – một lớp bitumen bảo vệ sàn và phần bên dưới của tường để khởi thấm nước. Không thấy có cửa sổ, và ắt hẳn các phòng nhận ánh sáng hoặc qua cửa ra vào cao và rộng mở ra sân ngoài hoặc qua những lỗ thông trên trần, có thể bịt kín bằng các ‘nút chặn’ bằng đất sét hình nấm. Sự tồn tại của tầng hai, ít nhất tại một số nơi trong cung, được gợi ý bởi tàn tích của các cầu thang. Về phần hệ thống thoát nước, nó hoạt động hiệu quả nhờ những máng bằng gạch lắp dưới nền phòng và các ống dẫn bằng đất sét có trét bitumen đi sâu xuống đất tận 10 mét. Toàn bộ hệ thống thiết kế và lắp đặt quá tài tình đến nỗi một hôm, sau một trận mưa bão dữ dội, nước tràn ào ào vào hố khai quật rút hết chỉ trong một vài giờ, hệ thống thoát nước hoạt động trở lại, một cách hiệu quả nhất, sau 40 thế kỷ không được sử dụng!
- Cổng hoàng cung
- Khu hành chính hoàng cung
- Sân lớn
- Sân có bích họa
- Ngự phòng
- Khu hành chính hoàng cung
- Khu phụ nữ
- Nhà kho bên dưới phòng vua
- Nhà nguyện
- Nhà kho chính
- Khu tôi tớ
Hoàng cung Zimri-Lim tại Mari. Mô hình dựa theo phế tích, Viện Bảo tàng Louvre.
Đồ đạc của cung điện hoặc bị hoả hoạn tàn phá Mari thiêu rụi hoặc chỉ tan thành tro bụi, vì thế chúng ta không biết gì về ngai vàng, bàn ghế hoặc giường ngủ của nhà vua. Tuy nhiên chúng ta biết ít nhiều về thức ăn của ông, nhờ Giáo sư Bottéro gần đây thực hiện một số nghiên cứu, vì ít điều được biết về chủ đề này: thuật nấu ăn của người Babylon. Ông đã có một số khám phá đáng kinh ngạc. Từ thời Hammurabi trở đi (bốn trong năm văn kiện mà chúng ta biết hiện giờ từ 1800 – 1700 TCN), nghệ thuật chuẩn bị thức ăn, tức ‘làm đep nó’, theo cách nói thời đó, đã được hoàn thiện và đầu bếp (nuhatimmum) là một nghệ sĩ lành nghề. Đa dạng món ăn và cách chuẩn bị nó (luộc đôi khi ướp mỡ, hấp, nướng, nướng dưới tro hoặc than hồng), những vật dụng nhà bếp khác nhau được sử dụng, cách thức nêm nếm gia vị để làm tăng hương vị và bày phần ăn đã hoàn tất ra đĩa một cách hấp dẫn.
Các tôi tớ của Zimri-Lim nấu những món thịt khác nhau (thịt bò, thịt trừu, thịt dê, thịt nai và thịt linh dương), các loại cá, chim, gà vịt, hầu hết nướng hoặc chiên, nhưng cũng hầm trong nồi đất hoặc đun lửa riu bằng nồi đồng, kết hợp với nước sốt gia vị đậm đà với mùi tỏi chủ lực, rau củ chuẩn bị kỹ lưỡng, súp, các loại phô mai khác nhau, hoa quả tươi hay khô hoặc ướp đường, bánh ngọt thơm ngon với đủ cỡ và hình dáng, và tất cả đều được tọng xuống cùng bia có chất lượng khác nhau, và rượu vang từ Syria. Vì không có chỉ dẫn chính xác về thời gian và nhiệt độ nấu nướng, và vì chúng ta không hiểu ý nghĩa của một số tên thức ăn bằng tiếng Akkad, nên ta không thể chế biến các món ăn này hiện giờ; có khi một số mùi vị có thể gây sốc choi khứu giác của người đời nay. Dù sao thì Ẩm thực Cao cấp này chắc chắn là tổ tiên nghệ thuật nấu nướng của người Thổ và Ả Rập ngày nay, là một minh chứng khác cho mức độ cao mà nền văn minh Mesopotamia đã đạt đến ngay đầu thiên niên kỷ 2.
Trong lúc hoàng cung Mari minh họa môi trường sống của nhà vua, thì các bảng khắc được phát hiện trong các phòng ốc khác nhau của cung điện cũng vậy – cũng như thư từ của Hammurabi được phát hiện tại các thành phố khác – cho chúng ta một bức tranh rõ ràng về hoạt động thường nhật của họ. Có lẽ sự kiện nổi bật nhất xuất hiện từ những văn kiện này là mối quan tâm của nhà vua trong những vấn đề của vương quốc. Các thống đốc tỉnh lỵ, chỉ huy quân đội, sứ thần tại các triều đình nước ngoài, các quan chức các cấp và thậm chí các dân thường thường viết cho nhà vua của họ, thông tin cho ông về những gì đang xảy ra trong lĩnh vực hoạt động của minh và xin được chỉ dạy. Đáp lại nhà vua xuống lệnh, cổ vũ, quy trách nhiệm, trừng phạt hoặc hỏi thêm thông tin. Một dòng chảy thường xuyên các thư tín được các người đưa tin có hộ tống mang vào đem ra cửa cung. Những vấn đề ngoại giao và quân sự, những công việc về công lý và công cộng tất nhiên chiếm phần lớn lượng thư từ nhà nước này và chúng ta thấy, chẳng hạn, Hammurabi can thiệp vào Larsa, giờ là thủ phủ của các tỉnh lỵ phía nam của ông, để tuyên bố những phán quyết pháp lý, bổ nhiệm quan chức, triệu tập viên chức đến triều đình và ra lệnh đào hoặc vét kênh rạch. Tương tự, Iasmah-Adad và Zimri-Lim ra chỉ dụ về việc kiểm kê dân du cư và động viên bình lính và trao đổi quà cáp và thăm hỏi các ‘anh em’ hoàng gia. Nhưng những vấn đề nhỏ nhất cũng có khi đề cập đến, như một ít minh họa được chọn lựa ngẫu nhiên sau đây. Các cô con gái của Iahdun-Lim, bị bắt giữ tại Mari bởi tên soán ngôi người Assyria tên Iasmah-Adad, giờ đã trưởng thành; Shamshi-Addu viết thư cho con trai y đề nghị gởi họ đến cung điện của ông ở Shubat-Enlil, để họ được học âm nhạc. Các chiến mã xa làm tại Mari có chất lượng tốt hơn làm tại Ekall-tum; Ishme-Dagan nhờ em trai mình gởi cho ông một ít, cùng với các thợ mộc lành nghề. Ở Terqa châu chấu xuất hiện, và thống đốc thành phố đó gửi nhiều giỏ châu chấu đến chủ nhân Zimri-Lim của mình, và ông này, như người Ả Rập hiện đại, trân trọng món ăn khoái khẩu này. Lại ở Terga một người đàn ông có một giấc mơ kỳ lạ, báo điềm gỡ cả thị trấn đều bàn tán; nhà vua sẽ rất thích thú được nghe. Một Iaqqim-Addu nào đó, thống đốc tỉnh Sagaratim, đã bắt được một con sư tử; y đã nhốt nó vào một cũi gỗ và chở đến cho Zimri-Lim. Gần Mari người ta tìm thấy thi thể bị phân thây của một đứa trẻ; Bahdi-Lim, tổng quản hoàng cung, bảo đảm với nhà vua sẽ mở cuộc điều tra ngay lập tức. Một hầu gái của hoàng cung đã trốn thoát và chuồn từ Assur đến Mari; Shamshi-Addu yêu cầu con trai ông bắt trả cô ta về. Một phụ nữ bị đày đến Nahur, gần Harran, khổ sở và van xin Zimri-Lim: ‘Xin hoàng thượng xuống lệnh tha cho kẻ này được trở về nhìn lại gương mặt của Chủ nhân mình, mà tôi rất nhớ nhung.’ Và cứ thế, hết bảng khắc này đến bảng khắc khác, với phong cách giản dị, thật thà khác xa với giọng điệu trang trọng của một bảng khắc hành chính. Đây là cơ hội hiếm có cho phép chúng ta thực sự như sống giữa những con người này, thông hiểu những tình cảnh và chia sẻ những lo âu của họ. Đồng thời chúng ta nhận ra nghệ thuật viết chữ đã phổ biến biết bao, số thợ viết muớn nhiều biết bao, văn phòng hoàng gia hiệu quả biết bao, nhà vua và các nhân viên của ông bận bịu và tận tụy biết bao. Không có gì chuyển tải một ấn tượng mạnh mẽ hơn là đi ngược thời gian về thăm lại cung điện Mari và ngắm nhìn những nội dung trong thư khố lưu trữ.
Dân chúng trong ngôi nhà mình
Giờ chúng ta chỉ còn xem xét cách thức dân chúng bình thường trong các thị trấn Mesopotamia, những awêlum, sinh sống cách nay gần 4000 năm. Muốn được thế chúng ta phải đi khoảng 900 cây số ngược dòng Euphrates, từ Mari đến thành phố lớn Ur. Ở đó một lần nữa những tàn tích kiến trúc cùng với văn bản cho chúng ta gần như mọi thông tin mong muốn. 8,000 mét vuông đường phố và tư gia do Sir Leonard Woolley khai quật vào 1930-1 được bảo tồn quá tuyệt đến nỗi thậm chí giờ đây, sau bao năm phơi minh dưới gió mưa, chúng vẫn gợi lại quá khứ với một sự sống động chỉ có thể tìm thấy trong đống đổ nát ở Pompeii và Hercula-neum.
Bùn lầy vào mùa đông, bụi bặm vào mùa hè, dơ bẩn vì rác rến từ nhà ném ra và không hề được gom dọn, đường phố không có gì là hấp dẫn. Chúng lượn vòng không theo thiết kế gì giữa những khối nhà cửa chen chúc: những mặt tiền trống trơn, không cửa sổ đôi khi có các cửa ra vào nhỏ xuyên qua. Tuy nhiên, đây đó các cửa tiệm nhỏ hợp lại thành chợ ngay giữa các khu phố tạo thành nét chấm phá vui mắt trong khung cảnh khắc khổ. Như cửa hiệu của một khu chợ Đông phương hiện đại, chúng gồm một gian hàng mở rộng ra đường phố, và một hoặc vài phòng sau để chất hàng. Họ bán gì ở đây chúng ta không biết: đồ gốm, có thể, công cụ, quần áo, thực phẩm? Hoặc chúng là cửa hiệu cắt tóc, sửa giày, may quần áo và giặt giũ như cửa hiệu mà việc cãi cọ với một khách hàng đã được kể lại trong một bảng khắc ở Bảo tàng Anh được tìm thấy ở Ur. Cách khoảng là lửa đỏ cháy rực của một lò luyện trong một xưởng rèn tối tăm, quầy gạch của một ‘nhà hàng’ nơi ta có thể mua và ăn từ những bát gốm củ hành, dưa leo, cá chiên hoặc một lát thịt nướng ngon lành, hoặc một nhà nguyện nhỏ được thông báo bằng những tượng nhỏ đất nung treo hai bên cửa vào. Bước vào sân, đặt một nắm chà là hay bao bột lên áng thờ và khẩn cầu với thần linh đang mỉm cười trong một hốc chỉ mất một ít phút mà có được phước lành lâu dài.
Xe cộ đi lại rất ít trên đường phố: vì đường quá hẹp cho một xe ngựa hay bò và thậm chí một chú lừa đang mang một khối hàng hoá cồng kềnh trên lưng cũng cản trở lưu thông. Tôi tớ đi chợ, người khuân nước, kẻ bán hàng rong tránh ánh nắng và thu mình dưới bóng râm của bức tường, nhưng vào lúc sáng sớm hoặc chiều xuống một nhà văn đường phố hoặc một người hát rong ngâm nga ‘Gilgamesh’ sẽ thu hút một nhóm nhỏ kẻ ngưỡng mộ quanh y tại các ngã tư đường, trong khi hai ba lần mỗi ngày đám trẻ ồn ào tràn xuống lòng đường trên đường đến trường hay về nhà.
Nếu chúng ta đẩy cánh cửa và bước vào một ngôi nhà một điều ngạc nhiên thú vị đang chờ đợi ta, bởi vì bên trong rất mát mẻ, dễ chịu và rộng hơn ta tưởng khi nhìn từ bên ngoài. Đã rửa sạch chân ngoài hiên nhỏ, chúng ta băng qua một khoảng sân trung tâm và nhận ra rằng nó được lát gạch và một ống thoát thẳng đứng đi xuống đất mở ra ở giữa sân, để sân có thể xả sạch và không bị ngập trong mùa mưa. Mọi phía bao quanh chúng ta đều là nhà. Các bức tường đều trét thạch cao và quét vôi trắng, nhưng chúng ta biết rằng phần trên của chúng làm bằng gạch bùn và phần dưới bằng gạch nung được xây cẩn thận và trét dính bằng vữa đất sét. Một ban công rộng một mét được chống đỡ bằng cột gỗ chạy quanh sân, chia tòa nhà thành hai tầng: tầng trên là nơi sinh sống của gia chủ và gia đình y, trong khi tầng trệt dành cho tôi tớ và khách viếng. Chúng ta nhận ra bếp, xưởng và nhà kho, phòng vệ sinh, và đặc điểm truyền thống của mọi nơi cư ngụ Đông phương: phòng chữ nhật dài nơi khách khứa được chiêu đãi và ngủ qua đêm, ‘diwan’. Đồ đạc trong nhà, giờ tất nhiên đã biến mất, thường gồm một ít bàn ghế, tủ và giường và một số thảm và gối.
Một tư gia ở Ur trong nửa đầu thiên niên kỷ 2 TCN. Nhận xét rằng phòng cầu nguyện nằm phía trên phần mộ gia đình ở bên trái tranh.
Mô tả trên đây, có giá trị cho phần đông ngôi nhà trong thời kỳ Isin-Larsa và Babylon Cổ ở Ur, sẽ nghe có vẻ quen thuộc với những ai đã từng đến thăm vùng Cận Đông. Nó cũng đúng từng chữ một chỗ bất kỳ ngôi nhà Ả Rập kiểu cổ nào, như những ngôi nhà có thể nhìn thấy hiện nay trong một vài khu vực ở Aleppo, Damascus hay Baghdad. Các vương quốc và đế chế đã biến mất, ngôn ngữ và tôn giáo đã thay đổi, nhiều tập quán không còn được sử dụng, vậy mà loại nhà này vẫn giữ nguyên trong hàng ngàn năm đơn giản chỉ vì nó thích hợp nhất với khí hậu của vùng đó và với lối sống của dân chúng. Nhưng những ngôi nhà Babylon có thứ gì đó không còn tồn tại: phía sau tòa nhà là một khoảng sân dài hẹp, một phần lộ thiên một phần có mái hiên che. Mái bảo vệ một áng thờ bằng gạch và một cột có khoét rảnh trên đó đặt những pho tượng nhỏ của các thần hộ gia, những vị thần rất đỗi thân thiết với tấm lòng người Babylon. Tại phần lộ thiên của sân, bên dưới lớp gạch lát, là một lăng mộ có mái vòm nơi mọi thành viên trong gia đình được lần lượt ăn táng, trừ các trẻ nhỏ được chôn trong các bình gốm đặt trong hoặc quanh phòng nguyện trong nhà. Do đó việc thờ cúng các thần linh hộ mạng và thờ cúng tổ tiên gắn bó với nhau bên trong đất nhà. Người quá cố không còn được chôn cất ngoài nghĩa địa ở xa thị trấn như ngày trước, mà tiếp tục tham dự vào đời sống của gia đình.
Những vật dụng và bảng khắc được tìm thấy trong nhà ném ánh sáng quí giá vào nghề nghiệp của chủ nhân. Chẳng hạn, chúng ta biết hiệu trưởng một trường tư được gọi là Igmil-Sin và ông ta dạy viết, tôn giáo, lịch sử và toán. Những văn bản khác được tìm thấy tại những nơi khác cung cấp nhiều thông tin thú vị và đôi khi vui thích về thời khóa biểu, công việc thực sự, tinh thần tranh đua, thành tích, lần trốn học và bị phạt roi của những thư lại tương lai, và một số hộ thậm chí tiết lộ sự kiện rằng có một số phụ huynh quá hăng hái muốn thấy con trai mình được điểm tốt hơn không ngần ngại hối lộ thầy giáo. Mặc dù chúng ta khó có thể tin rằng bảng ngữ pháp Sumer-Akkad được tìm thấy trong xưởng rèn của Gimil-Ningishzida, người thợ đúc đồng, là sở hữu của chính ông, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu Ea-nâsir người buôn đồng và tay đầu cơ xui xẻo ở ‘Số 1, Phố Cổ’ lâm vào cảnh nào để phải bán một phần ngôi nhà mình cho người láng giềng. Tất cả những người này đều là những công dân khiêm tốn, tầng lớp trung bình, và từ kích cỡ, cách xây dựng và tiện nghi của ngôi nhà, có vẻ như là mức sống của họ khá cao. Tuy thế nếu một số người trở nên phát đạt, thì có người khác phải gần như tán gia bại sản. Sự luân chuyển của quyền lực và tài sản từ phía nam đến phần trung tâm Iraq dưới thời Hammurabi, kết hợp với với việc hạn chế buôn bán đường biển trong vùng Vịnh, ắt hẳn ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến những lái buôn giàu có xứ Ur. Tuy vậy thành phố của họ không còn đổi chủ như đã từng xảy ra quá thường trong thời tranh chấp giữa Isin và Larsa. Giờ đây Mesopotamia đã thống nhất dưới một vương triều hùng mạnh và được tôn trọng, và đối với nhiều thần dân của Hammurabi tương lai có thể còn đầy hứa hẹn. Nhưng thời kỳ hòa bình và ổn định này cũng ngắn ngủi: 10, 20 năm là nhiều nhất. Thế hệ sau sẽ phải đối mặt với các cuộc chiến mới và chứng kiến sự khởi đầu của những đổi thay khốc liệt ảnh hưởng không chỉ đến Mesopotamia mà còn đến toàn cõi Cận Đông.