Nghi vấn về một bãi cọc vừa được tìm thấy gần sông Bạch Đằng

1

Nguyễn Triệu Đồng

Tháng 12 năm 2019, ngành khảo cổ VN đã tìm thấy một số cọc gỗ ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng (coi hình 1). Phân tích cacbon cho biết niên đại gỗ cọc là từ 1270 đến 1430, tức là trong thời gian của trận thủy chiến lịch sử Bạch Đằng 1288. Xã Liên Khê nằm  bên bờ phải sông Đá Bạc. Tính theo đường sông, từ Liên Khê đến bãi cọc Yên Giang (phát hiện từ năm 1958) ở cửa sông Chanh, chiều dài khoảng 19 km. Đến nay, chúng ta phỏng đoán bãi cọc nơi ghe thuyền Nguyên Mông bị vướng mắc ngày 09/04/1288 là ở trên sông Bạch Đằng, gần cửa sông Chanh, và ở thượng lưu Ghềnh Cốc [1].

Tôi xin phép dưới đây lý giải về sự hiện diện của hai bãi cọc cách xa nhau gần 20 c.s. Vì sự kiện trên nêu lên câu hỏi: trận Bạch Đằng ngày 09/04/1288 đã xảy ra ở đâu? Ngay đầu sông Bạch Đằng hay gần cuối sông Bạch Đằng? Tôi sử dụng hình chụp sông ngòi từ vệ tinh LandSat 7 và 8, cùng địa thế đáy sông Bạch Đằng cho bởi bản đồ hàng hải để minh họa lý giải này. Ngoài ra, kết quả của ngành khảo cổ Nhật Bản về một cuộc đổ bộ thất bại của Mông Cổ ở bờ biển Nagasaki năm 1281 (chỉ 4 năm trước xâm lược Đai Việt lần 2, năm 1285) [2] cho phép ta ước tính kích thước của thuyền Nguyên Mông [3](hình 5) theo các mảnh xác thuyền, mỏ neo tìm lại được. Và cả một loại vũ khí mới được đưa vào sử dụng: lựu đạn vỏ sành sứ (hình 6).

Trước hết, theo sử sách lịch sử và tư liệu văn chương nói về trận Bạch Đằng 1288, ai cũng nói là trên sông Bạch Đằng, chứ không nói là trên sông Đá Bạc. Nhưng cũng có thể thời đó chưa có tên sông Đá Bạc, và dòng sông Bạch Đằng bắt đầu từ đầu sông Đá Bạc hiện nay!

Trương Hán Siêu ( ? – 1354) đã dùng thuyền nhỏ để đi từ Thăng Long đến Bạch Đằng, và kể lại chuyến đi trong phú Bạch Đằng [4]:

Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều:

Đến sông Bạch Đằng, nổi trôi mặc chèo.

Lớp lớp sóng kình muôn dặm,

Xanh xanh đuôi trĩ một màu.

Nước trời một sắc: phong cảnh ba thu.

Qua sự diễn tả này, ta thấy Trương Hán Siêu đã theo sông Đuống (cửa Đại Than ở Thăng Long là chỗ một phần nước sông Hồng chảy vào sông Đuống) đi đến Bình Than ở Lục Đầu Giang (Hinh 1), rồi theo sông Kinh Thầy, Đá Vách, Đá Bạc, để đến chỗ sông Bạch Đằng chuyển hướng 90°, đổi từ Tây Đông sang Bắc Nam: vì chỉ từ điểm nhìn này, với lòng sông rất rộng (khoảng 800 m) và chảy thẳng rất xa (khoảng 8000 m), ta mới thấy ‘sóng kình muôn dặm’ và đường nước trời khó phân biệt ‘nước trời một sắc’. Còn ở đầu sông Đá Bạc, chiều rộng chỉ khoảng 150 m, dòng chẩy lại quanh co, nên chắc không có ‘sóng kình muôn dặm’ và ‘nước trời một sắc’!

Về vị trí Bãi Cọc.

 Theo bản đồ hàng hải (Hình 2), và bản dồ chiều sâu sông Bạch Đằng, được xây dựng từ bản đồ hàng hải (Hình 3), tôi phỏng đoán Bãi Cọc ở bờ trái sông Bạch Đằng, chổ có độ sâu trung bình là 5m. Xuôi dòng, từ Bãi Cọc đến cửa sông Chanh là 1 km. Từ Bãi Cọc, nhìn sang bờ phải là cửa sông Giá. Đại khái, trên một đoạn Bạch Đằng chảy thẳng dài 4 km trước cửa sông Giá, lòng sông chia đôi: bờ phải là một hố sâu 10 m, bờ trái là một dải có chiều sâu khoảng 5 m. Vì rất khó đóng cọc ở chiều sâu 10 m, nên bãi cọc chỉ có thể ở bờ trái, nơi có chiều sâu 5 m. Cọc dài 4 m, cao 3,5 m kể từ đáy sông (hình 4), và có đỉnh cọc ở dưới mặt nước kể cả khi nước ròng. Một bãi cọc ngầm như vậy đủ sức cản lại loại thuyền có tầm nước (mớn nước) 2m. Ngoài ra, có một bãi cọc ngầm nhỏ hơn, ở cửa sông Chanh, để khóa hẳn cửa sông này (bãi cọc này gần vị trí di tích Yên Giang). Tại một vài chỗ, đầu cọc hơi nhô khỏi mặt nước, thì Vương cho ‘phủ cỏ lên trên’ để che dấu khỏi tai mắt quân địch.

23456

Diễn biến của trận đánh ngày 09/04/1288.

Sau khi mang khoảng 50 vạn quân và 500 chiến thuyền sang nước ta vào cuối năm 1287, đoàn quân Mông Cổ đã thất bại trong việc truy đuổi quân Đại Việt. Vì hai lần bị mất lương thực tiếp tế sau khi đoàn thuyền vận tải của Trương Văn Hổ bị quân ta tiêu diệt, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã quyết định rút quân về nước. Rút lui không phải vì thua trận mà vì thiếu lương thực. Toàn bộ quân Mông Cổ tập trung ở căn cứ Vạn Kiếp (vùng Phả Lại hiện nay). Ngày 09/04/1288, bộ binh và kỵ binh rút theo đường đi Lạng Sơn, dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan. Còn thủy binh, do Ô Mã Nhi lãnh đạo, xuống thuyền trên sông Kinh Thày, hướng về sông Bạch Đằng để ra biển. (coi hình 7)

7

Chiều dài theo đường thủy từ Vạn Kiếp đến cửa sông Bạch Đằng ở Vịnh Hạ Long là 90 km. Với tốc độ trung bình xuôi dòng 10km/giờ, đoàn chiến thuyền sẽ chỉ mất 9 giờ để ra đến biển. Ô Mã Nhi rất quen thuộc với con đường này: lần đầu vì đã dẫn thủy quân đi ngược dòng vào tháng 12 năm 1287 để tập hợp với cánh quân của Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Lần đó quân Mông đang trong thế thắng, vì đã phá tan được hạm đội chặn đường của Trần Khánh Dư ở Vân Đồn. Các lần sau Ô Mã Nhi lại theo đường này để ra vịnh Hạ Long tìm kiếm đoàn thuyền vận lương của Trương Văn Hổ. Không tìm được Trương Văn Hổ, khi trở về, Ô Mã Nhi đã đánh phá đồn trại của quân ta ở Yên Hưng (bờ trái sông Bạch Đằng) để cướp lương thực. Nên lái thuyền Mông Cổ biết rõ là khi xuôi dòng thì đến khoảng giữa cửa sông Giá (bên bờ phải) và cửa sông Chanh (bên bờ trái), thì phải cho thuyền dạt sang bờ phải để tránh Ghềnh Cốc.

Tôi lý giải như sau sự hiện diện của bãi cọc ở xă Liên Khê, đầu sông Đá Bạc.

Thủy binh Mông Cổ ở thời điểm đầu tháng 4 năm 1288 là một lực lượng hùng mạnh, với khoảng 400 chiến thuyền, mỗi thuyền chở khoảng 110 chiến binh. Để chặn đánh đoàn thuyền này trên sông, thủy quân của ta không đủ mạnh. Nhất là trên sông rộng như sông Bạch Đằng (rộng 800 m), trên đó 25 thuyền có thể dàn hàng ngang, và có sức công phá của một tập thể. Nên phải chặn đánh ở chỗ sông hẹp, như ở đầu sông Đá Bạc (rộng 200m) để cung nỏ bộ binh trên bờ có thể bắn tới thuyền địch. Kế hoạch này chắc đã bị loại bỏ sau vài sửa soạn ban đầu, vì lý do sau: vị trí mai phục của ta gần căn cứ Vạn Kiếp (43 km bằng đường thủy hay bằng đường bộ, dọc theo bờ bắc các sông Kinh Thày và Đá Vách), nên dễ bị phát hiện. Hơn nữa, nếu cùng ngày đó, Thoát Hoan cũng rút bộ binh về hướng Lạng Sơn, thì vẫn đi chưa xa, nên có thể trở lại tham gia trận đánh.

Cũng có thể quân địch đã có điều nghi hoặc ở khu vực này, nên đã cho thăm dò đường rút một ngày trước khi rút quân (ngày 08/04/1288), và khi một toán thăm dò tiến sâu vào sông Giá, đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt ở Trúc Động.

Như  vậy, bãi cọc Liên Khê nằm trong một kế hoạch chặn đánh đoàn thuyền Mông Nguyên ở ngay đầu sông Đá Bạc. Vì những lý do đã nêu, quân ta đã loại bỏ kế hoạch này, để chọn trận địa mai phục và bãi cọc trên sông Bạch Đằng.

Sáng sớm ngày 09/04, Thoát Hoan cùng bộ binh và kỵ binh rời căn cứ di chuyển về phía Bắc, với tốc độ 5 km/giờ.

Cùng lúc, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và đoàn 400 chiến thuyền chở khoảng 45.000 binh sĩ xuống thuyền và xuôi dòng theo sông Kinh Thày, sông Đá Vách để đến sông Đá Bạc, với tốc độ 10 km/giờ. Trên bờ Bắc có một toán kỵ binh hộ tống để phòng quân ta phục kích. Toán kỵ binh sẽ xuống thuyền khi đoàn thuyền đến sông Đá Bạc.

2.5 giờ sau, thuyền tiên phong đã đến đầu sông Đá Vách. Cánh quân bộ binh của Thoát Hoan đã đi được 13 km.

Sông Đá Vách có chiều rộng 50 m. Nên chỉ có 3 thuyền đi hàng ngang. Nên chắc đã có một phần của hạm đội tiếp tục xuôi Kinh Thày khoảng 9 km, để quay trái trên một nhánh sông nhỏ (rộng 50 m) hướng về Đá Bạc (coi hình 7).

Đến sông Đá Bạc, 5 giờ sau lúc rời doanh trại, toàn thể 400 chiến thuyền Mông Cổ đã được tập trung. Ô Mã Nhi ung dung tiếp tục hành trình.

Ðương khi :

Muôn đội thuyền bày, rừng cờ phấp phới,

Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

Thắng bại chửa phân, Bắc Nam lũy đối.

(Trương Hán Siêu)

Một giờ sau, đoàn thuyền đi đến cuối sông Đá Bạc. Bên bờ trái loang loáng nhiều dòng chảy đưa nước từ vùng Đông Triều vào sông Bạch Đằng, bên bờ phải đã thấy nhấp nhô dãy núi Tràng Kênh, phủ xanh cây rừng:

Chạm mây gươm giáo, xanh von vót

Sóng bạc khi đầy lại lúc vơi.

Mưa tạnh hoa phô vàng mặt đất,

Sương lùa thông réo tiếng vang trời.

(Trần Minh Tông)[5]

Đột nhiên, một số thuyền Đại Việt ẩn nấp từ bờ trái xuất hiện và dàn trận để chặn đường quân Nguyên. Quân Nguyện Mông đã mấy tháng nay truy lùng quân Việt mà không có kết quả, nay phải ấm ức rút về vì cạn lương thực. Nên càng hăm hở xông trận. Một trận hỗn chiến vang động cả vùng sông nước: tiếng hò hét của ba quân giữa tên bay vi vút. Và cả tiếng nổ chát chúa của lựu đạn (năm 1281, quân Mông đã sử dụng vũ khí này khi xâm lăng Nhật Bản – Hình 6). Thuyền Việt số ít, bị bao vây tứ phía, đã phải lùi dần và cuối cùng tháo chạy. Quân Mông say men chiến thắng, Ô Mã Nhi đã ra lệnh toàn hạm đội truy kích. Lúc đó thủy triều đã bắt đầu rút, thuyền Việt nhanh chóng mất dạng sau khúc sông quanh. Thuyền Mông lao theo, và vượt qua khúc sông quanh ….

Tiếng pháo lệnh bỗng nổ rền hai bờ sông. Bên bờ phải thuyền Việt đẩy bè lửa cố áp vào hông thuyền Mông Cổ. Còn bên bờ trái, mưa tên rơi xuống những thuyền Mông Cổ đang bị dạt gần bờ. Quân Mông Cổ dạn dày trận mạc cũng biết lúc này mới là lúc quyết chiến:

Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ:

                        Bầu trời đất chừ sắp hoại..

                        (Trương Hán Siêu)

Qua một lúc bất ngờ hoảng loạn, quân Mông Cổ đã chấn chỉnh được hàng ngũ: trước hết vì số thuyền chiến Đại Việt cùng cỡ vớI thuyền Mông Cổ rất ít, số thuyền nhỏ hơn, thấp hơn thì nhiều nhưng lại dễ chống đỡ vì là mục tiêu dễ dàng cho mũi tên, ngọn lao, lựu đạn từ trên cao phóng xuống. Chỗ này sông lại vừa rộng, vừa chảy thẳng nên thuyền Nguyên Mông dễ sắp xếp để vừa đánh vừa rút: bên cánh phải thì chống đỡ các thuyền lớn nhỏ, bẻ lửa của Đại Việt, còn bên cánh trái thì chỉ cần giữ thuyền đủ xa bờ để tránh những mũi tên bắn từ bờ. Vừa đánh vừa rút, lại nhờ triều xuống nước chảy xiết, chẳng mấy chốc thuyền phe Bắc, phe Nam đã trôi 4 km từ khúc sông quanh đến cửa sông Giá (coi hình 8).

8

Lái thuyền Mông Cổ thấy cửa sông Giá thì chuẩn bị tạt sang bờ phải, để tránh Ghềnh Cốc trước mặt. Thì chợt nghe tiếng cọt kẹt dưới nước: thuyền của họ như có bàn tay vô hình níu kéo lại, lắc lư nghiêng ngả và không điều khiển nổi. Những thuyền phía sau theo đà đâm vào những chiếc đang xoay ngang phía trước. Tiếng la hét hoảng loạn vang lên trên sông rộng.

Trương Hán Siêu đã tìm gặp các bô lão sinh sống ở ven sông :

Bên sông các bô lão, hỏi ý ta sở cầu.

Có kẻ gậy lê chống trước, có người thuyền nhẹ bơi sau.

Vái ta mà thưa rằng :

Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng, nhị Thánh bắt Ô Mã;

Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô Chúa phá Hoằng Thao

Bạch Đằng Giang Phú không nói đến bãi cọc.

Giữa lúc địch đang hoảng loạn tìm cách tháo gỡ thuyền vướng mắc, thì thuyền nhỏ quân ta đã áp sát thuyền địch : quân ta nhảy lên sàn thuyền địch. Một số thuyền địch từ phía sau tìm đường lẩn trốn bằng cách men theo bờ trái và chạy vào sông Chanh, thì cũng bị vướng mắc vào bãi cọc ở cửa sông này.

9

Trên sông Bạch Đằng, một trận hỗn chiến tàn khốc. Máu quân ta, máu quân địch đổ xuông. Chan hòa một vùng rộng sông nước.

Non sông kim cổ hai lần dậy,

Hồ Việt hơn thua, một thoáng thôi.

Chan chúa dòng sông, ngầu bóng xế,

Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi

(Trần Minh Tông)

Và :

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

(Giang Văn Minh)[6]

Sử viết : Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết duối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả. Ta bắt được 400 chiếc thuyền. Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ dâng lên Thượng Hoàng. Thượng Hoàng sai dẫn lên thuyền ngự, cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ.[7]

Lời kết.

Hai nâm sau chiến thắng Bạch Đằng, (năm 1290, Canh Dần), sách sử còn ghi [7]:

« Đói to. 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá 1 quan tiền.

Xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh. »

Năm sau 1291 (Tân Mão) sử lại ghi : « Năm này lại đói to. Ngoài đường nhiều người chết đói »

Năm sau 1292 (Nhâm Thìn) sử ghi : » Xuống chiếu rằng những người mua dân lương thiện làm nô tỳ thì phải cho chuộc lại ; ruộng đất, nhà cửa không theo luật này. Vì là nạn đói hai năm Canh Dần và Tân Mão, nhiều người chết. »

Như vậy trong hai năm liên tiếp 1290, 1291 có đói to. Năm đầu tiên thì còn thấy nói phát chẩn với gạo công. Năm thứ hai thì không có việc phát chẩn, chắc vì kho công đã rỗng. Nhiều người đã phải bán ruộng, bán con.

Mãi đến năm 1292, mới có dấu hiệu hồi sinh. Con đă bán đi có thể được chuộc lại (nhưng ruộng nhà thì không).

Khi đọc sử, thường thì trước khi thấy ghi ‘đói to’, ta thấy ghi ‘nước to, vỡ tràn…’ hay ’hạn hán, đại hạn’. Nhưng từ sau trận Bạch Đằng 1288 đến 1292, không thấy ghi các thiên tai trên. Nên tôi nghĩ lý do là vì lúc đó ruộng vườn, nương rẫy đã thiếu vắng bàn tay cần cù của người nông dân.

        Bờ lau xào xạc : bến lách đìu hiu.

        Sông chìm giáo gẫy: gò đầy xương khô.

        Buồn vì cảnh thảm: đứng lặng giờ lâu.

        Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

        Mà nay dấu vết luống còn lưu.

        (Trương Hán Siêu)

Và 12 năm sau trận Bạch Đằng, năm 1300, khi vua Trần Anh Tông đến thăm Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên giường bệnh và hỏi kế sách nếu chẳng may giặc phương Bắc lại sang xâm lược, thì lời căn dặn cuối cùng của Vương là:

…. Vả lại, phải tự lúc bình, thì khoan thư sức dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy “     


               Tài liệu tham khảo

1] Lịch Sử Việt Nam, Ủy Ban Khao Học Xã Hội, NXBKHXH, Hà Nội 1971. Tập I, trg 210

[2] archaeology.jp/sites/2012/takashima.htm

[3] The Design and Recreation of a 17th Century Taiwanese Junk: A Preliminary Report. Jeng-Horn Cheng. Department of Systems and Naval Mechatronic Engineering, National Cheng Kung University, Tainan 70101, Taiwan

[4] Bạch Đằng Giang Phú. Trương Hán Siêu. Thơ Văn Lý Trần, NXBKHXH, Hà Nội, 1989. Tập II, trg 737. Thơ chữ Hán, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến và Bùi Văn Nguyên.

[5] Bạch Đằng Giang. Trần Minh Tông. Thơ Văn Lý Trần, NXBKHXH, Hà Nội,1989. Tập II, trg 797. Thơ chữ Hán, bản dịch Đoàn Phượng Bình-Nam Trân.

[6] Giang Văn Minh. Năm 1637, dưới thời vua Lê Thần Tông, Giang Văn Minh được cử làm chánh sứ sang Tàu. Năm 1639, trong một lễ tiếp kiến, vua Minh ra câu đối sau cho Giang Văn Minh:

Đồng trụ chí kim đài dĩ lục’. Giang Văn Minh đã đáp lại bằng câu: ‘Đằng Giang tự cổ huyết do hồng’. Vua Minh nổi giận, ra lệnh sát hại sứ thần, bất chấp luật lệ bang giao.

[7] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam. NXBKHXH, Hà Nội, 1993. Tập II, trg 62 và 67.

          Số liệu địa hình, thủy văn.

  1. Thủy triều ở Hòn Dấu (20°41’N, 106°49’ E). Tổng Cục Khí Tượng Thủy Văn, Bảng Thủy Triều 2001. NXB Thống Kê. Hà Nội 1999.
  2. Hình vệ tinh LandSat 7 và 8 được lấy từ trang web: https://glovis.usgs.gov
  3. Địa hình đo dạc bởi chương trình SRTM 2000, và lấy từ trang web:

          http://dwtkns.com/srtm30m/

  1. Bản đồ Sông Bạch Đằng của NGA (Chart 93626), 1996.
  2. QuanTum GIS (QGIS) để đọc các hình vệ tinh LandSat. https://qgis.org/en/site/
  3. MatLab để tạo địa hình đáy sông Bạch Đằng từ bản đồ hàng hải. https://fr.mathworks.com/

4 thoughts on “Nghi vấn về một bãi cọc vừa được tìm thấy gần sông Bạch Đằng

  1. Rất cám ơn tác giả. Trang NCLS giúp tôi cực nhiều trong việc đọc lịch sử nước nhà.
    Tác giả chu đáo,logic khi liên kết các thông tin địa lí,kĩ thuật,sử sách…Một việc rất cần đối với khoa học lịch sử.
    Tôi xin bổ xung : Các bản đồ tác giả dùng là thực trạng địa lí hiện nay. Cách đây 500-600 trăm năm chắc chắn sẽ khác nhiều…:: Biển ăn vào bờ xa hơn,sông sâu hơn..vì phù sa ..đang bồi đắp. ..Bây giờ qua hàng trăm năm..với lượng phù sa hơn 150 triệu tấn/năm của ( trước khi có các đập thủy điện )của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chuyển ra vịnh Bắc Bộ…cho dù phía Bạch Đằng nhận được ít hơn ..Nhưng lại là vùng sụt lún liên tục.Xin tác giả lưu ý liên kết – minh giải hiện tượng này với lịch sử vùng đất này.

    Thích


    • Pháp, ngày 10/06/2021
      Chào anh Phan Huy Quỳnh.
      Tôi có phần tin tưởng là lòng sông Bạch Đằng đã không thay đổi mấy từ 1288 đến nay. Với những lý do sau:
      – dựa vào lịch sử: Ngô Quyền đã vận dụng bãi cọc để đánh quân Nam Hán năm 938. Mãi 350 năm sau, Trần Quốc Tuân lại dùng cùng chiến thuật để đánh Mông cổ. Cùng chiến thuật thì chắc chắn có cùng địa lợi, địa thế.
      – dựa vào sách sử: Đ.V.S.K.T.T. có ghi lại các hiện tượng thủy văn xã hội như lũ lụt, vỡ đê. Tôi không thấy sách này ghi lại trận lũ lụt nào đặc biệt quan trọng, để có thể thay đổi lòng sông của một con sông lớn như sông B.Đ.
      – dựa theo kinh nghiệm cá nhân. Tôi có dịp tính toán sông Hương trước lũ 1999.
      Sau cơn lũ thế kỷ này, tôi có dịp đi đo đạc trên sông. Lòng sông chỉ có vài thay đổi nhỏ như cồn cát di chuyển từ bờ phải sang bở trái. Sông Hương là con sông cỡ trung bình.
      Chúc anh sức khỏe
      N.T.Đồng

      Thích

  2. 1. Cái sự tranh giành bãi cọc Bạch Đằng này chứng tỏ bọn THỰC DÂN CŨ rất cao siêu trong mục CHIA ĐỂ TRỊ
    2. Gần đây lại đến lượt Phú Yên, Khánh Hòa đã đấu võ mồm và võ lực chỉ vì một cái vịnh thôi đấy, nó có phải là hậu quả của việc CHIA ĐỂ TRỊ của cái đám THỰC DÂN MỚI hay không?
    3. Hê… híc. hê…hê…..híc….híc….

    Thích

  3. Pingback: Khả năng còn di tích chiến thắng Bạch Đằng 1288 ? | Nghiên Cứu Lịch Sử

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s